Tìm kiếm tin tức
Sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lũ
Ngày cập nhật 04/04/2022
Ngày 1/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương về tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Trung và các biện pháp khắc phục. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương và các Sở, ban ngành liên quan.
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
 
 

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của không khí lạnh và vùng áp thấp, các tỉnh Trung Bộ từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã có mưa to từ 100-200mm. Từ chiều 1/4, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Trị đến Cà Mau gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 4-6m...

Tại địa bàn tỉnh, mưa lớn đã làm ngập cục bộ tại một số địa phương như Nam Đông, Hương Thủy; lốc xoáy gây thiệt hại 30 ngôi nhà, lật chìm 7 ghe thuyền ở xã Vinh Hiền (Phú Lộc). Đến chiều 1/4, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ bước đầu đã triển khai hoàn thành.

Sáng 1/4, có 9 phương tiện/50 lao động ra cửa biển. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã kêu gọi vào đậu ở cảng Sa Kỳ-Quãng Ngãi 5 phương tiện/32 lao động, ở Cù Lao Chàm 4 phương tiện/18 lao động.

Công ty TNHHNN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế phối hợp với các địa phương có phương án vận hành các công trình thuỷ lợi, cống qua đê để bảo vệ diện tích sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản, các địa phương hướng dẫn người dân gia cố, đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển.

Tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương khẳng định, đối với đợt mưa lũ lần này, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện các nội dung tại Công văn số 171/VPTT ngày 30/3 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT về ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, đã kịp thời có các công lệnh yêu cầu điều tiết vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi Hương Điền, A Lưới, A lin B1 nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai phương án chủ động ứng phó mưa lũ. Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, "huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất".

Khẩn trương tiêu nước, nước rút đến đâu thu hoạch lúa đến đấy. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân.

Ứng trực thường xuyên, bảo đảm vận hành an toàn, linh hoạt, hiệu quả các hồ đập. Đây là cơ hội tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, nhưng Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh nguyên tắc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ đập.

Các địa phương không được chủ quan, bám sát các dự báo, chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo để triển khai tiếp các giải pháp.

Khẩn trương căn cứ vào tình hình thực tế, các quy định hiện hành để hỗ trợ kinh phí cho người dân khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống. Tinh thần là làm kịp thời, chính xác, không để xảy ra tiêu cực, Phó Thủ tướng nêu rõ, "phải thật công tâm, khách quan".

Trước tình hình thời tiết bất thường này, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tổng thể.

Phó Thủ tướng nhất trí thành lập các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đến 2 tỉnh có thiệt hại lớn nhất để trực tiếp nắm tình hình, hỗ trợ các địa phương và đề xuất thêm các giải pháp.

 

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.690.735
Truy cập hiện tại 78