Tìm kiếm tin tức
Phát huy truyền thống 46 năm qua, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày cập nhật 23/03/2021

Ngày 05/03/1975, tiếng súng tiến công của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên khắp chiến trường Thừa Thiên Huế, chính thức mở màn chiến dịch giải phóng. Chiến dịch mùa xuân năm 1975 giải phóng Thừa Thiên Huế diễn ra trong 02 đợt, đợt 1 từ ngày 5-14/3, đợt 2 từ ngày 21-26/3. Cuộc tiến công và nỗi dậy của quân và dân ta trên chiến trường Trị Thiên Huế ở đợt đầu là đòn đánh phủ đầu, phối hợp với mặt trận Tây Nguyên đã đẩy quân địch vào thế bị động lúng túng, không phán đoán được ý đồ chiến lược của ta. Khi toàn bộ quân ngụy ở Tây Nguyên bắt đầu rút chạy, chính quyền đầu não của ngụy ở Sài Gòn cam kết với binh lính sẽ bảo vệ Huế đến cùng, bằng mọi giá.

Trong đợt tiến công lần hai, từ 03 hướng Bắc, Tây và Nam, các lực lượng vũ trang quân khu Trị Thiên và Quân đoàn II liên tục tiến công, đập tan các tuyến phòng thủ của địch trên tuyến giáp ranh, hình thành thế chia cách, bao vây gọng kìm ép sát Huế. Với sự phối hợp sức mạnh tiến công thần tốc của bộ đội chủ lực cùng với các đội vũ trang, chính trị, biệt động ở địa phương, nhân dân Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng nỗi dậy làm chủ chiến trường.

Sáng ngày 26/03/1975, lá cờ giải phóng chính thức tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Qua 02 đợt tấn công và nỗi dậy, quân và dân Thừa Thiên Huế đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân, thu hồi toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của chúng. Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã được quân ủy Trung ương điện khen "Việc đánh chiếm và giải phóng thành phố Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho nhân dân cả nước nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm một bước hết sức nghiêm trọng. Các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước".

Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng đã cổ vũ mạnh mẽ đối với quân và dân cả nước. Đây là thắng lợi lớn nhất, rực rỡ nhất của quân và dân tỉnh nhà trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với thắng lợi oanh liệt đó, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía bắc Quân khu I và Vùng 1 chiến thuật; giáng một đòn mạnh vào âm mưu co cụm chiến lược của địch ở ven biển miền Trung, đẩy quân ngụy vào thế khốn đốn, suy sụp không gì cứu vãn nỗi; tạo điều kiện và làm hậu phương vững chắc cho các đơn vị chủ lực tiến vào Đà Nẵng và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất tổ quốc.

46 năm qua, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thân của nhân dân vùng sâu, vùng xa được nâng lên rõ rệt, Thừa Thiên Huế đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn nhất cả nước.

Nhìn lại chặng đường 46 năm qua sau ngày giải phóng, diện mạo kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế có những thay đổi to lớn từ một tỉnh nghèo nay trở thành một cực phát triển năng động của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Năm 2020,  tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng, tương đương 2.120 USD, tăng 5%. Thu ngân sách Nhà nước đạt 8.455 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 24.450 tỷ đồng, tăng 7,9%. Hạ tầng giao thông du lịch triển khai với nhiều dự án trọng điểm. Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Có 60/97 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,05%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,67%. Thừa Thiên Huế  tiếp tục khẳng định là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước, với trụ cột là bệnh viện Trung ương Huế…Với thế và lực mới, chắc chắn Thừa Thiên Huế  sẽ phát triển bằng chính tiềm năng to lớn và nội lực mạnh mẽ của mình trong thời gian tới.

Cùng với đó, Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế  đến năm 2030, tầm nhìn 2045” đang khơi dậy mạnh mẽ hơn những tiềm năng, lợi thế riêng có của Thừa Thiên Huế. Với mục tiêu quan trọng là tiếp tục nâng cao hơn nữa đời sống và hạnh phúc của nhân dân, Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.776.046
Truy cập hiện tại 54