Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 02/03/2021
Ngày cập nhật 02/03/2021
TIN NÓNG
 

1.  An cư nơi núi lở - Bài 1: Làng chạy

Chưa có năm nào miền Trung phải đối diện với những thảm họa sạt lở núi, lũ quét khốc liệt như năm 2020. Rừng núi xưa vốn là mái nhà xanh của vạn vật thì nay lại trở nên hung hãn, chực chờ sạt lở. Đã đến lúc cần phải rà soát, nhận diện lại tất cả những bất cập, bất thường ở khu vực miền núi các tỉnh miền Trung để giải thành công bài toán an cư cho người dân miền núi. Nhóm PV Báo SGGP có cuộc trở lại những điểm sạt lở núi ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Bình Định… để đi tìm lời giải hợp lý và bền vững của nan đề này.

Những cuộc di dân lập làng tự phát của người dân miền núi đã để lại hàng loạt ngôi làng “cóc”, làng “nhảy dù” nằm chơ vơ giữa những cánh rừng, ven suối. Áp lực sinh kế buộc các buôn làng phải phát rừng làm nương rẫy, tác động mạnh và làm suy giảm hệ sinh thái rừng. Rừng mất, đất đai cằn cỗi kèm theo các dự án, công trình ồ ạt xẻ rừng, cắt núi dẫn đến hệ quả là nạn sạt lở núi, lũ quét hủy diệt những ngôi làng...

Làng… nhảy dù

Ngồi tựa cửa Nhà Làng của người Giẻ Triêng, đôi mắt của ông Hồ Văn Ngòi (72 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) buồn bã khi nhớ lại trận sạt lở núi kinh hoàng vùi dập hàng chục nhà dân xuống dòng Đăk Mét hồi tháng 10-2020.

Ông Ngòi hồi tưởng lại tháng ngày “du mục”, đói khổ của cộng đồng người Giẻ Triêng ở Phước Thành. Ngày ấy, thung lũng Thoơlơn là một vùng rừng núi rậm rì, cây rừng cổ thụ ôm ấp che chở chim muông, thảm thực vật, sinh vật dưới tán rừng. “Bà con Giẻ Triêng vốn là tộc người cá tính, tự lập luôn cho mình là duy nhất. Tuy nhiên, sau đó do các già làng, trưởng bản không chấp nhận nên cuộc đổi danh phận không thành, các hộ dân sống tiếp thời “ăn lông ở lỗ” giữa thung lũng Thoơlơn...”, ông Ngòi kể.

Qua sơn phận các huyện Nam Trà My, Tây Giang (Quảng Nam), khắp nơi bản làng, nhà dân đều nằm lọt thỏm giữa những đồi núi chênh vênh. Cư dân của xã Trà Leng (Nam Trà My) nằm rời rạc thành từng cụm dưới chân núi bên dòng sông Leng ngổn ngang đất đá, xác rừng.

Hồi ức vụ lở núi ở nóc Ông Đề đã vơi đi, nắng ấm trở lại, bản làng Trà Leng gượng dậy hồi sinh. Làng Aur, xã A Vương (Tây Giang) chỉ có hơn 20 nóc nhà nằm tít sâu giữa rừng già vẫn chưa hết nỗi lo sạt lở, lũ quét. Già Bh′ling Trên (làng Aur) kể lại thời đoạn di cư vòng tròn của làng Aur ở tận Pà Xuông (xã Ba, huyện Đông Giang bây giờ) trên các nẻo rừng giáp ranh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Người làng Aur dời làng rất… ngẫu hứng.

Có khi vì một giai thoại nào đó hoặc sau vụ cháy rừng, bệnh tật, con thú quấy phá là quyết định dời đi. Ngày tháng lang bạt khắp các vùng rừng núi từ Đông Giang qua đến mạn Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) để lại hàng loạt ngôi làng nhỏ chỉ vài chục hộ bên rừng. “Làng chạy vòng quanh sau núi rừng hoang lạc trong khoảng vài chục năm, rồi cũng dắt díu nhau về lại núi cũ”, già Trên nhớ lại.

Thôn Ra Pân (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) vẫn còn nguyên vết sạt lở đất chảy thành sông từ núi Pa Ray kéo dài xuống sông Rin, khoảng 7km. Đứng bên miệng núi sạt lở, ông Đinh Hân (60 tuổi, ở thôn Ra Pân) kể ra bức tranh tổng thể về lịch sử của những bản làng người Cadong bên dòng nước Rin.

Trước kia, bản làng của các xã Sơn Long, Sơn Bua (huyện Sơn Tây) - vùng tam giác các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Nam, đều ở rải rác trên núi rừng, đầu nguồn suối. Đó là giai đoạn núi nơi đây bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, chất độc dioxin. Sau giải phóng, các bản làng trên núi bắt đầu được chính quyền quy hoạch, tập trung lại. Nhưng sự nghèo khó dẫn dắt bản làng Cadong tiếp tục bước vào giai đoạn “nhảy dù” mới.

Hiểm họa bủa vây

Hệ quả của thời kỳ “nhảy dù” là chuỗi ngày sống thấp thỏm lo sạt lở, lũ quét bên núi, làm việc không hiệu quả dẫn đến nguy cơ nghèo đói. Những vụ sạt lở ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi vào năm 2020 là minh chứng cho giai đoạn sạt lở, lũ quét gia tăng ở miền núi Trung bộ. Ông Hồ Văn Ngòi thừa nhận, những bản làng nằm rải rác trên các triền núi, ven rừng, ven suối không chỉ trực diện hứng chịu thiên tai, sạt lở, lũ quét mà còn chịu nhiều áp lực sinh kế, nghèo đói.

Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long (huyện Sơn Tây), đưa chúng tôi đi thăm 56 hộ dân “gánh” làng chạy thoát sau vụ sạt lở đất ở núi Pa Ray. Các hộ được bố trí tạm thời trong 2 vùng đất bằng phẳng sau trụ sở UBND xã Sơn Long để chờ bố trí nơi ở mới.

Nhìn ra sông Rin, ông Vượt vẫn còn ám ảnh trận sạt lở núi kinh hoàng vào đêm 10 và rạng sáng 11-11-2020 khiến 3 nhà dân bị vùi lấp, nhiều người dân bị thương, 56 hộ dân may mắn “gánh nhà” bỏ chạy kịp thời khỏi núi. Lở núi cướp đi toàn bộ đất sản xuất của 56 hộ dân Ra Pân khiến cho 50 hộ trắng tay, tái nghèo…

Tương tự, vụ sạt lở núi, lũ quét hồi cuối tháng 10-2020 đã “xóa sổ” toàn bộ khu dân cư Mang Rin, thôn Mang He (xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây), trở thành nỗi ám ảnh cho người Cadong nơi đây. Dân làng bắt đầu sợ rừng, sợ núi, sống trong tâm thế sẵn sàng tháo chạy mỗi khi có mưa rừng. Ông Đinh Minh Tôn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua nói, hiện tại toàn xã có 117 hộ dân/450 khẩu buộc phải bóc tách, dời khẩn cấp ra khỏi rừng núi…

Ngước mặt lên nhìn núi Phú Gia sừng sững đang xuất hiện hàng chục vết sạt lở, ông Ngô Trữ (thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) lo lắng: “Giờ cả làng dưới chân núi cứ nghe có đài báo mưa là dắt díu nhau chạy tìm chỗ trú ẩn”.

Theo ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, núi Phú Gia xuất hiện rất nhiều vết nứt gãy dài trên 200m, bề ngang 1,5m. Nguyên nhân là do các đơn vị khai thác đất, đá trước đã đào phá núi để thi công đường ra cảng Chân Mây làm đứt chân núi…

Câu chuyện của trên 2.000 hộ dân ở xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) lại càng trớ trêu hơn nhiều. Bởi địa bàn xã nằm ở thế mắc kẹt, lọt thỏm giữa cái lòng chảo một bên là sông suối, bên còn lại đồi núi cao hiểm trở, không biết dời đi đâu vào mùa lũ. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim Đinh Mun thở dài nói, xã có 2.000 hộ dân nhưng có đến 1.800 hộ là nằm trong vùng mất an toàn, nguy cơ sạt lở, lũ quét rất cao.

 “Thực tế, với địa hình Vĩnh Kim thì không biết phải quy hoạch dân, dời đi đâu bây giờ. Bởi địa thế Vĩnh Kim độc đạo, đồi núi hiểm trở, không tìm nổi một rẻo đất bằng phẳng làm vệ tinh để quy hoạch làng”, ông Mun nói.

Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, trăn trở, việc người dân ở rải rác thành những ngôi làng “treo”, làng “cóc” siêu nhỏ khắp các núi rừng càng tạo ra nhiều áp lực cho địa phương. Không chỉ thiên tai sạt lở mà các chỉ tiêu nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống dân sinh người dân cùng các dự án xóa đói giảm nghèo không thể thực hiện tốt được. Còn việc quy hoạch tập trung bà con trên núi cũng rất khó. Bởi với địa hình rừng núi như Sơn Long để lập một khu tập trung dân có quy mô lớn là rất khó. Muốn có mặt bằng chỉ còn cách hạ những ngọt đồi mồ côi xuống, nhưng chi phí đầu tư sẽ rất lớn, phải ở tầm của tỉnh và Trung ương quyết được. (sggp.org.vn 01/3)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Kinh nghiệm từ đại hội phụ nữ cấp cơ sở

Sau khi chỉ đạo tổ chức thành công đại hội điểm cấp cơ sở, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh nhanh chóng đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo chung cho các đơn vị cơ sở khác trong toàn tỉnh.

Đại hội đại biểu Phụ nữ cấp cơ sở dự kiến hoàn thành trước ngày 30/5/2021, cấp huyện và tương đương hoàn thành trước 30/8/2021 và Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh sẽ diễn ra trong quý IV/2021.

Tổ chức thành công đại hội điểm cấp cơ sở

Được chuẩn bị kỹ lưỡng, Đại hội đại biểu Hội LHPN xã Lộc Trì lần thứ XII, nhiệm kỳ 2021-2026- đơn vị được Hội LHPN tỉnh chọn thực hiện đại hội điểm cấp cơ sở đã thành công tốt đẹp. Qua đại hội cho thấy, công tác chuẩn bị đảm bảo công phu, chu đáo. Đại hội diễn ra trang trọng, nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo nguyên tắc, đầy đủ nội dung theo đúng tinh thần Kế hoạch số 888 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về chỉ đạo đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị số 51 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo đại hội đại biểu phụ nữ các cấp và Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Điểm nổi bật của Đại hội đại biểu Phụ nữ xã Lộc Trì là báo cáo chính trị đã đánh giá đúng kết quả hoạt động của Hội, những đóng góp tích cực của phụ nữ trong nhiệm kỳ qua; vai trò nòng cốt của các cấp hội trong công tác vận động phụ nữ, thể hiện tính đại diện cho phụ nữ, là cầu nối giữa phụ nữ với Đảng, Nhà nước và ngược lại.

Báo cáo đã nêu rõ hạn chế, yếu kém, nguyên nhân chủ quan, khách quan và bài học kinh nghiệm; đồng thời, xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trong nhiệm kỳ tới sát với thực tiễn địa phương, được các đại biểu đồng tình nhất trí...

Công tác nhân sự để bầu ban chấp hành tại đại hội và bầu ban thường vụ, các chức danh chủ chốt của hội đều được quan tâm chỉ đạo thực hiện đảm bảo đúng quy trình, dân chủ, công khai, chặt chẽ, đạt kết quả cao.

Theo bà Ngô Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, đại hội điểm ở xã Lộc Trì được triển khai chặt chẽ, bám sát sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy và hội cấp trên theo đúng quy trình và tiến độ. Qua đó, đã phát huy tinh thần trách nhiệm của tổ chức hội, cán bộ, hội viên phụ nữ cơ sở.

Những kinh nghiệm

Bà Ngô Thị Ánh Tuyết cũng cho hay, ngay sau khi rút kinh nghiệm tại đại hội điểm Hội LHPN xã Lộc Trì, Hội LHPN tỉnh đã đánh giá rút kinh nghiệm những ưu điểm và những hạn chế, tồn tại, ban hành văn bản tới các huyện, thị xã, thành phố để tiếp tục tập trung chỉ đạo tổ chức thành công đại hội phụ nữ cấp cơ sở và đại hội điểm cấp huyện thời gian tới. Trong đó nhấn mạnh, báo cáo chính trị cần xác định mục tiêu của từng cơ sở, đồng thời đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính khả thi và các biện pháp thực hiện quyết liệt. Nội dung của báo cáo cần bám sát tình hình địa phương, đơn vị, gắn với các chỉ tiêu, phương hướng của cấp trên có liên quan đến địa phương, đơn vị mình. Đồng thời, cần đánh giá sâu kết quả nhiệm kỳ 2016-2021, nhất là phải chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân chủ quan.

Ngoài ra, cần tiếp thu đầy đủ những vấn đề mới, chủ trương mới, chỉ tiêu mới trong dự thảo văn kiện đại hội đại biểu phụ nữ cấp trên trực tiếp vào trong dự thảo văn kiện của cấp cơ sở. Các tham luận cần chú ý tập trung nêu những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua và những giải pháp trong thời gian tới, giải pháp cần sâu sát thực tế.

Qua việc rút kinh nghiệm từ đại hội điểm ở xã Lộc Trì, các huyện, thị, thành hội cũng đã chọn các đơn vị để tổ chức đại hội điểm ở cấp cơ sở. Riêng Hội LHPN huyện Phú Lộc được Hội LHPN tỉnh chọn để tổ chức đại hội điểm cấp trên cơ sở trong toàn tỉnh.

Chị Cái Diệu Trang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lộc cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi được Tỉnh hội tin tưởng chọn là đơn vị để vừa thực hiện đại hội điểm cấp cơ sở vừa đại hội điểm cấp trên cơ sở. Hội LHPN huyện Phú Lộc đã chỉ đạo đại hội cấp cơ sở và chuẩn bị công tác chuẩn bị đại hội đại biểu phụ nữ huyện vào tháng 5 tới”. Theo chị Cái Diệu Trang, trong nhiệm kỳ tới, Hội LHPN huyện Phú Lộc sẽ tập trung quan tâm đến công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Đồng thời, tập trung tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ…

Để chuẩn bị tốt cho đại hội phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ chuyên trách Hội LHPN tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ cơ quan chuyên trách Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố, chủ tịch hội phụ nữ các đơn vị trực thuộc và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Hướng dẫn công tác tuyên truyền đại hội và phát động phong trào thi đua chào mừng đại hội phụ nữ các cấp; hướng dẫn công tác nhân sự; tăng cường việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ để làm căn cứ xây dựng phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhất là gắn với nhiệm vụ chính trị cũng như nghị quyết đại hội Đảng các cấp ở địa phương. (baothuathienhue.vn 02/3)

 
 
 

2.  Thừa Thiên Huế sẽ thành thành phố trực thuộc Trung ương

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2021 phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030. Theo danh mục đô thị thực hiện phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 241/QĐ-TTg, dự kiến tỉnh Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, dự kiến phân loại giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Huế mở rộng là đô thị loại I; đô thị Phong Điền (huyện Phong Điền dự kiến thành lập thị xã) là đô thị loại IV; các đô thị mới: Lộc Thủy, Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Vinh Hiền, Vinh Hưng, huyện Phú Lộc; Thanh Hà, huyện Quảng Điền; Phú Mỹ, huyện Phú Vang đạt loại V. Dự kiến phân loại giai đoạn 2026 – 2030 các đô thị mới: Hồng Vân, Lâm Đớt, huyện A Lưới đạt loại V.

Tại quyết định trên, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện phân loại đô thị theo kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030; rà soát công tác quy hoạch đô thị, hướng dẫn các địa phương lập đề án phân loại đô thị; tổ chức thực hiện thẩm định, công nhận loại đô thị hoặc thẩm định trình cấp có thẩm quyền công nhận loại đô thị theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong quá trình thực hiện, định kỳ kiểm tra, rà soát, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tích hợp kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 trong quá trình tổ chức lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị quốc gia bảo đảm phát triển hệ thống đô thị toàn quốc thống nhất qua các thời kỳ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức rà soát, thực hiện phân loại đô thị trên địa bàn đáp ứng quy định của pháp luật về phân loại đô thị và Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030. (baothuathienhue.vn 01/3)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Chàng trai miền Nam mê mẩn chế tác phục sức triều Nguyễn

Sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, Trần Quang Minh Tân đã rời quê hương đến cố đô Huế để theo đuổi đam phê phục chế, mô phỏng những phụ kiện, trang sức cổ từ thời nhà Nguyễn.

Tốt nghiệp chuyên ngành xã hội học, từng có thời gian kinh doanh, đồng thời tìm hiểu, nghiên cứu cổ phục triều Nguyễn từ năm 2013, anh bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực mô phỏng chế tác phụ kiện, phục sức đầu năm 2020.

Chia sẻ cơ duyên đến với lĩnh vực này, anh Minh Tân cho biết những năm trở lại đây, phong trào tìm hiểu và diện cổ phục dần phổ biến trở lại. Bên cạnh những kiểu áo dài cổ tinh tế, các bạn trẻ cũng quan tâm hơn đến trang sức, phụ kiện.

"Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn mơ hồ giữa việc cái nào là phục sức của Việt, cái nào là của Trung Quốc. Dù biết trong câu chuyện văn hóa, sự giao thoa giữa các nước đồng văn là dễ hiểu, mình thấy rằng phục sức của cha ông ta rất tinh tế, trang nhã nên mong muốn phổ biến để các bạn có thể mặc trang phục đúng hơn. Mình hi vọng phong trào mặc cổ phục sẽ phổ biến hơn nữa" - anh Tân nói.

Những mặt hàng anh đang làm chủ yếu là trang sức như bông tai, các loại kim bài, kim khánh, thẻ bài, phụ kiện trên áo dài ngũ thân… Mỗi sản phẩm đều đòi hỏi sự công phu, chính xác của người làm, từ công đoạn đối chiếu tài liệu, hiện vật cổ, cho đến nghiên cứu chất liệu mô phỏng để giống bản chính từ 80% và không đánh mất đi tính chất, giá trị ban đầu. Muốn có được nguyên bản, anh thường sưu tầm và đấu giá, tận tay cảm nhận đường nét và màu sắc để công việc chế tác, mô phỏng chuẩn xác hơn.

Trong tương lai, anh Tân mong muốn mở showroom để nhân rộng ngành nghề này, kết hợp với nhiều tiền bối đam mê thời trang cổ triều Nguyễn để tiếp tục nghiên cứu, làm ra nhiều sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao để phục vụ trào lưu mê cổ phục của bạn trẻ Việt. (tuoitre.vn 01/3)

 
 
 

2.  Huế vận động trồng mai vàng trước ngõ mỗi cơ quan, nhà dân

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phát động phong trào “Mai vàng trước ngõ” để vận động các cơ quan, người dân trồng cây mai vàng xứ Huế trước ngõ công sở, nhà ở.

Chiều 1-3, ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết thông tin trên.

Theo ông Thọ, phong trào "Mai vàng trước ngõ" sẽ vận động các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và nhà dân trồng ít nhất 1 - 2 cây mai vàng xứ Huế trước cửa sân nhà.

Đến độ xuân về, những cây mai này sẽ bung hoa nở vàng rực rất đẹp. Cộng thêm mùi hương tỏa ra ngào ngạt, thanh khiết sẽ khiến vùng đất cố đô trở thành một điểm đến du lịch độc đáo.

Đây là phong trào nhằm khẳng định vị thế của cây mai vàng xứ Huế trên vùng đất cố đô và muốn biến Huế trở thành thành phố của hoàng mai. Đây cũng là một phần trong việc thực hiện đề án xây dựng "Huế - thành phố 4 mùa hoa" được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra trước đó.

Ông Thọ cho biết trước mắt các cơ quan thuộc UBND tỉnh sẽ trồng ít nhất 2 cây hoa mai trong khu vực trụ sở cơ quan. Sau đó tỉnh sẽ vận động người dân mỗi nhà trồng ít nhất một cây hoa mai trước sân.

Trước đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã gây dựng 2 con đường hoàng mai trước Đại nội Huế. Đây là khu vực được rất đông du khách, đặc biệt là các bạn trẻ lui tới chụp hình mỗi độ tết đến xuân về. (tuoitre.vn 01/3)

 
 
 

3.  Huế vận động cán bộ và người dân mặc áo dài truyền thống

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Huế vừa có văn bản kêu gọi, vận động cán bộ và các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng và thực hiện nhiều hoạt động trong tháng 3.2021, “Tháng hành động” của Thành ủy TP Huế. Đây là tháng có nhiều ngày lễ kỷ niệm quan trọng, như Ngày quốc tế Phụ nữ (8.3), ngày Giải phóng Huế (26.3) và ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3)…

Cụ thể, Thành ủy TP Huế đề nghị toàn thể bộ cán bộ và người dân cùng tham gia hưởng ứng tích cực, ra quân thực hiện ngày Chủ nhật xanh (7.3) trên toàn thành phố; xây dựng hình ảnh của các cơ quan, đơn vị trong phong trào ngày Chủ nhật xanh.

Đáng chú ý, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Huế cũng vận động, khuyến khích mọi người tích cực hưởng ứng việc mặc áo dài truyền thống trong suốt tháng 3 và xem đây là “Tháng Áo dài”. Qua đó, nhằm góp phần phát huy giá trị truyền thống của áo dài Việt Nam và làm cho Huế đẹp hơn. Trước đó, từ tháng 9.2020 đến nay, cán bộ khối văn phòng của Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên vẫn thực hiện và duy trì nét đẹp mặc áo dài truyền thống đến công sở vào thứ Hai đầu tiên của mỗi tháng. Địa phương này cũng đang nỗ lực xây dựng hình ảnh và thương hiệu Áo dài Huế, hướng đến một “Huế - Kinh đô Áo dài”. (baovanhoa.vn 01/3)

 
 
 

4.  Quyên góp sách cho tủ sách Huế

Đó là chủ đề mà Trường THCS Chu Văn An (TP Huế) phát động quyên góp sách năm học 2020 - 2021 và triển khai thực hiện Đề án thiết lập và phát triển tủ sách Huế được tổ chức vào sáng 1/3.

Tại lễ phát động, các em quyên góp nhiều loại sách bao gồm sách tham khảo của các môn học, sách rèn luyện kĩ năng, từ điển, các danh tác quốc tế… và đặc biệt là sách về lịch sử, phong cảnh, kiến trúc của Huế.

Cô giáo Lê Thị Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho hay: Chúng tôi hy vọng các em sẽ hứng thú với văn hóa Huế, giữ gìn văn hóa đọc trong học đường; cũng như tăng vốn tài liệu cho thư viện, tạo điều kiện cho học sinh có thêm nhiều đầu sách để trau dồi thêm kiến thức; ủng hộ sách vở hỗ trợ các trường vùng khó khăn. Trường THCS Chu Văn An dự kiến sẽ thiết kế và thành lập, bố trí 3 tủ sách Huế di động trong sân trường để thầy cô và học sinh có thể đọc và cùng nhau chia sẻ những kiến thức bổ ích.

Đây là một trong những trường học đầu tiên hưởng ứng Ngày sách Việt Nam trong hệ thống trường học. (baothuathienhue.vn 01/3)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Phao di động hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn

Chứng kiến nỗi gian lao khi người dân oằn mình trong những cơn lũ dữ, Phan Thị Thúy Hiền và Phan Thị Thùy Dương, đôi nữ sinh Trường THPT Vinh Lộc (Phú Lộc) đã tạo nên thiết bị phao di động hỗ trợ cứu hộ cứu nạn.

Thúy Hiền kể: “Nhà em ở xã Giang Hải, khi nước lên em và gia đình phải chạy lụt, tìm nơi tránh trú. Ban ngày đỡ hơn, nhưng năm ngoái là lúc nửa đêm, vô cùng nguy hiểm. Vì thế chẳng riêng em mà rất nhiều người vô cùng lo lắng khi lũ về”.

Thế là Thúy Hiền và Thùy Dương cùng nhau lên ý tưởng và sáng tạo nên thiết bị phao di động. Đôi học trò đầm phá mong muốn áp dụng công nghệ để phục vụ cho việc tìm kiếm, cứu nạn. Không chỉ phải nhỏ gọn, dễ dàng lắp đặt và sử dụng, thiết bị còn phải tiếp cận nhanh nhất đến người bị nạn.

Qua nhiều lần thử nghiệm, phao di động của Thúy Hiền và Thùy Dương ra đời. Sản phẩm được kết cấu bởi bộ khung, động cơ và các tính năng bổ trợ. Tổng khối lượng của thiết bị xấp xỉ 9kg, tích hợp cả camera, bộ nhận tín hiệu điều khiển, đèn led.... Thúy Hiền phân tích: “Khi thời tiết chuyển biến xấu, camera giúp người điều khiển nhìn và xác định đúng hướng người bị nạn. Định vị GPS giúp truy cập nhanh vị trí người bị nạn, đèn led thích ứng với công tác cứu hộ, cứu nạn trong đêm tối cũng như giúp người bị nạn nhận biết phao ứng cứu đang đến”. Với việc sử dụng bộ điều khiển từ xa, người cứu hộ, cứu nạn sẽ không gặp phải hiểm nguy như những cuộc giải cứu thông thường.

Khi xảy ra sự cố, người điều khiển sẽ cho thiết bị hoạt động, điều khiển phao di chuyển về phía người bị nạn. Người bị nạn sẽ bám vào phao và nhấn nút SOS để gửi tọa độ vị trí. Sau khi người bị nạn đã bám chắc vào phao thì người điều khiển sẽ điều khiển phao lai dắt, đưa người bị nạn đến nơi an toàn.

Thạc sĩ Lâm Thị Quỳnh Tiên, giáo viên hướng dẫn đề tài cho biết: “Thiết bị phao di động có kích thước gọn, không chiếm diện tích lớn khi sử dụng cho tàu thuyền. Hơn nữa, sản phẩm có động cơ. Qua các đợt thử nghiệm, thiết bị có thể tải 50kg với vận tốc 5km/h. Công năng của áo phao và thuyền cứu sinh đã được tích hợp vào một sản phẩm”.

Với sự linh hoạt, gọn, dễ dàng lắp ráp và tìm kiếm phụ tùng, thiết bị phao di động hỗ trợ cứu hộ cứu nạn rất phù hợp để trang bị cho cá nhân khi hoạt động trên nước hoặc lực lượng cứu hộ cứu nạn. Thúy Hiền và Thùy Dương cho hay, bộ phận điều khiển cũng như cách thức điều khiển thiết bị tương đối đơn giản, phù hợp mọi đối tượng. Tuy nhiên, đôi nữ sinh đến từ vùng quê ven chân sóng vẫn mong muốn cải tiến thiết bị để đạt được hiệu quả vận hành và cứu người tối ưu nhất.

Phan Thị Thúy Hiền nói: “Dù phao đạt độ an toàn và hoạt động ổn định, các tính năng vận hành chính xác nhưng chúng em vẫn muốn cải tiến hơn nữa. Đầu tiên là về chất liệu khung để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bị nạn cũng như bảo vệ tốt các thiết bị bổ trợ bên trong. Kế đến là động cơ, đây là bộ phận quan trọng bởi tình huống cứu nạn có thể diễn ra cả trong lũ dữ hay sóng to gió lớn”.

Với đường bờ biển dài và sông ngòi chằng chịt nên hàng năm, nhiều địa phương phải gánh chịu nhiều thiệt hại do bão, lũ. Đa phần các trang thiết bị được dự phòng hay các trang thiết bị trực tiếp hỗ trợ cứu nạn còn khá đơn giản. Người tham gia cứu hộ cũng dễ gặp nguy hiểm do điều kiện phức tạp. Vì thế, thiết bị phao di động hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn của Phan Thị Thúy Hiền và Phan Thị Thùy Dương là sản phẩm có ý tưởng sáng tạo, tích hợp, giúp người cứu hộ chủ động tìm và lai dắt người bị nạn đến nơi an toàn. Thiết bị đã đạt giải Nhì lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí – điện tử tại Cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2020 – 2021. (baothuathienhue.vn 01/3)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Giám sát chặt việc chọn sách giáo khoa mới lớp 2 và lớp 6

Tháng 3 là thời gian quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa mới ở lớp 2 và lớp 6. Sau năm đầu tiên thực hiện sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới với không ít tranh cãi, việc lựa chọn SGK cho năm học tới được dư luận quan tâm.

Giao quyền cho UBND tỉnh chọn SGK

SGK lớp 2 của 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm 32 cuốn, cùng SGK môn tự chọn tiếng Anh; 40 SGK lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Đối với lớp 2, mỗi môn tiếng Việt, toán, đạo đức, tự nhiên và xã hội, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm đều có 3 SGK được phê duyệt; môn tự chọn tiếng Anh có 8 SGK.

Đối với lớp 6, mỗi môn ngữ văn, toán, tiếng Anh, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp có 3 SGK; môn tin học có 2 cuốn và tiếng Anh có 8 SGK được phê duyệt. Các SGK có tên trong danh mục được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT) phê duyệt thuộc 4 đơn vị xuất bản, gồm: NXB Giáo dục VN, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP. HCM và NXB ĐH Quốc gia TP. HCM.

Theo Luật Giáo dục 2019, từ năm học 2021 -2022, việc chọn SGK sẽ giao quyền cho UBND cấp tỉnh thay vì cấp trường như với SGK lớp 1. Việc thay đổi chủ thể quyết định chọn SGK cho năm học tới cũng đặt ra những vấn đề, nhất là sau những lùm xùm về chất lượng của một số cuốn SGK lớp 1. Xuất phát từ thực tế, năm trước các trường đã chọn SGK này nhưng năm tới tỉnh sẽ chọn SGK khác liệu có ảnh hưởng gì đến việc dạy và học của các trường không?

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD& ĐT cho biết: Nếu trường nào có nhu cầu lựa chọn lại SGK lớp 1 thì gửi đề nghị lên UBND tỉnh để lựa chọn lại theo quy định của Thông tư 25. Còn về việc năm nay trường chọn SGK này, sang năm tỉnh chọn SGK khác, đã có quy định cấu trúc bài học trong SGK mới, bao gồm 4 thành phần cơ bản: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, và vận dụng. Các SGK đều phải đảm bảo yêu cầu này. Bởi vậy, học sinh khi học sách này, sau đó có chuyển sang học sách khác, cũng không gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong thông tư hướng dẫn của Bộ có những quy định mang tính chuyển tiếp và kế thừa để việc chọn SGK dù của UBND cấp tỉnh cũng sẽ không phủ nhận việc chọn SGK của cấp trường trước đó, chứ không có thay đổi đột ngột.

Đã chọn giáo viên dạy theo SGK mới

Thông tư 25 quy định hội đồng lựa chọn do UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK. Mỗi môn học của một cấp học thành lập 1 hội đồng, số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và GV đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó. Chủ tịch Hội đồng là giám đốc hoặc phó giám đốc sở GD& ĐT.

Căn cứ vào kết quả lựa chọn SGK của các hội đồng do sở GD& ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương. UBND tỉnh sẽ đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục SGK được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương; chỉ đạo Sở GD&ĐT thông báo danh mục SGK được phê duyệt đến các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương chậm nhất 5 tháng trước thời điểm bắt đầu năm học mới.

Việc lựa chọn SGK phải trên nguyên tắc: cơ sở hội đồng xem xét là các biên bản, đề xuất của các giáo viên trực tiếp giảng dạy. Điều này đảm bảo cho giáo viên được lựa chọn SGK phù hợp nhất cho chính người trực tiếp sử dụng. Trong quy trình lựa chọn SGK, phải rất coi trọng quá trình trải nghiệm dạy học trên lớp. Do đó, phải có bước quan trọng là mỗi cuốn SGK cần có phân công giáo viên dạy một số bài trước khi đề xuất lựa chọn.

Thừa Thiên Huế đã hoàn tất chọn giáo viên dạy lớp 2, 6 theo chương trình, SGK mới. Công tác lựa chọn SGK cũng được chuẩn bị, triển khai thực hiện chu đáo; sẵn sàng các phương án trong điều kiện dịch bệnh.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân, sở đã phối hợp với các NXB để giáo viên tiếp cận với SGK được phê duyệt; tập huấn về SGK mới bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến tùy theo tình hình. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ tiến hành theo hình thức trực tiếp, cùng với các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ chuyển sang hình thức NXB gửi link giới thiệu sách đến từng đơn vị, nhà trường; giới thiệu SGK trực tuyến. (baothuathienhue.vn 02/3)

 
 
 

2.  Giữ sĩ số lớp học sau tết

Học sinh nghỉ học sau tết vẫn còn xảy ra ở Thừa Thiên Huế; tuy nhiên, đã giảm nhiều nhờ công tác vận động, hỗ trợ học sinh nghèo kịp thời của các địa phương.

Chừng 5 - 7 năm trước, nhiều giáo viên chủ nhiệm bồn chồn âu lo khi ra tết khi học sinh lại bỏ học để “Nam tiến”. Mỗi khi học sinh “kéo dài ngày xuân”, giáo viên lại vất vả vận động đến lớp cũng như bồi dưỡng lại kiến thức sau khi các em trở lại trường. Có khá nhiều lý do, nhưng chung quy vẫn là do học sinh có học lực yếu, trung bình theo bố mẹ, người thân ngược xuôi mưu sinh. Một số em hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn. Một số em nghỉ học đi làm để kiếm tiền tiêu xài hoặc phụ giúp gia đình.

Đáng mừng là sau kỳ nghỉ tết này, tại Trường tiểu học Thượng Quảng (Nam Đông), học sinh đến trường đông đủ. Trường có đến 70% học sinh là con em đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trước đây, nhiều em sớm trở thành lao động trong nhà do sức học yếu. Phụ huynh thường làm nghề cạo mủ cao su và thợ nề nên đi làm xa hoặc đi sớm về muộn nên việc đưa đón con gặp khó khăn.

Đã có thời gian, giáo viên cứ thấp thỏm không yên khi các em nghỉ học sau tết. Thế nên, giáo viên đứng lớp đã nghĩ ra cách mỗi khi học sinh không đến đủ, họ sẽ báo cho phòng giáo vụ. Ở đây, từ bảo vệ, giáo viên bộ môn đến hiệu trưởng, những người không đứng lớp sẵn sàng đến từng nhà để chở các em đến lớp. “Có em, bố mẹ có ý định cho nghỉ học vì học yếu hoặc theo người thân vào Nam, ra Bắc để  giúp việc gia đình. Giáo viên chủ nhiệm đã can thiệp kịp thời nên vận động các em quay lại lớp học”, thầy giáo Đặng Xuân Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thượng Quảng cho hay.

Huyện A Lưới hiện có 48 cơ sở giáo dục với khoảng 12.000 học sinh các cấp; trong đó, hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, như Tà Ôi, Pa Kô, Cơ Tu, Vân Kiều… Giáo viên đã liên hệ với  già làng, trưởng bản, nhắc nhở các em đến lớp nên xóa dần tình trạng học sinh bỏ học.

Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới cho biết, nhiều trường quyên góp cho quỹ “Giúp bạn nghèo” giúp các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo bà Hương, “do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc quan tâm đến con em mình chưa thấu đáo. Một số gia đình khoán trắng việc học tập cho nhà trường, thế nên giáo viên phải chủ động về tận gia đình học sinh để kêu gọi các em đến trường".

Có rất nhiều cách làm hay của các trường để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Đối với những học sinh học yếu có nguy cơ bỏ học, cần sớm giúp đỡ kịp thời, thầy cô nên tập hợp các em lại để phụ đạo xóa yếu cho các em ngay từ đầu năm học. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được các tổ tư vấn tâm lý học đường trong trường học có kế hoạch giúp đỡ bằng việc kêu gọi các nhà hảo tâm đỡ đầu. Hàng tuần, tổ tư vấn mời những em có nguy cơ bỏ học đến động viên, hỏi thăm và phối hợp với các đoàn thể để giúp sức học sinh nghèo.

Công tác chủ nhiệm lớp được làm tốt, giáo viên nắm chắc tư tưởng, hoàn cảnh của từng em học sinh; từ đó, có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ, ngăn ngừa việc bỏ học nên tình trạng bỏ học. Thầy giáo Nguyễn Vinh Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Điền (TX. Hương Trà) cho biết: Hiện, có 4 học sinh đang có ý định bỏ học để đi làm ăn, phụ giúp gia đình. Lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà để tìm hiểu hoàn cảnh, động viên, vận động gia đình, thuyết phục học sinh không bỏ học.

Hiếm có trường hợp nào nghỉ học vì kinh tế gia đình khó khăn. Khẳng định của lãnh đạo ngành giáo dục ở các huyện, thị xã và thành phố hoàn toàn có cơ sở. Các họ tộc ở các địa phương có quỹ khuyến học, khuyến tài để sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn để giúp các em đến lớp. Đặc biệt trong các đợt bão lụt vừa qua,  ngành giáo dục phát động các tổ chức, cá nhân huy động sách vở, áo quần... giúp học sinh ở các xã miền núi, xã bãi ngang, ven biển… để các em bớt lo toan với gánh nặng gia đình. (baothuathienhue.vn 01/3)

 
 
Y TẾ
 

1.  Sẵn sàng các kịch bản cho giai đoạn tiếp theo

Sáng 1/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh tổ chức họp trực tuyến với các sở ngành, địa phương, các xã phường để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, sẵn sàng các kịch bản cho giai đoạn tiếp theo. Các UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Phương và Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh -  Nguyễn Văn Phương cho biết, tuy tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát tốt, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng trước tình hình dịch bệnh các địa phương khác trên cả nước vẫn còn phức tạp, nhất là thời điểm học sinh, sinh viên quay trở lại học tập tại các trường nên các biện pháp phòng chống dịch phải được triển khai hiệu quả, hạn chế sai sót ở mức thấp nhất.

Về các giải pháp phòng chống dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết tỉnh sẽ có điều chỉnh một số chính sách phù hợp hơn, sát thực tế hơn trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế.

Duy trì, củng cố hệ thống camera và các công cụ công nghệ phục vụ cho việc kiểm tra, khai báo y tế tại các chốt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các phương tiện vận tải đón, trả hành khách không đúng nơi quy định. Ngoài việc kiểm soát tốt người ngoại tỉnh vào Thừa Thiên Huế thì xét nghiệm, tầm soát là phương án hữu hiệu nhất ngăn chặn dịch xâm nhập địa bàn. Trong đó, chú trọng các lực lượng tuyến đầu, lực lượng thường xuyên tiếp xúc với dân.

Đến nay, dữ liệu của Thừa Thiên Huế và dữ liệu của Bộ Y tế đã liên thông. Do đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai đặt bảng QR (mã thông tin phản hồi) tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý; các cơ sở kinh doanh, bắt buộc khách hàng phải quét mã QR khi đến các nhà hàng, quán ăn. Phối hợp với các đơn vị triển khai Hệ thống quản lý lưu trú cho các loại hình cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh; phổ biến Hệ thống quản lý lưu trú đến tất cả các loại hình cơ sở lưu trú trên địa bàn.

Sở Y tế phải chủ động mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch đầy đủ, việc mua sắm phải đảm bảo đúng quy định của nhà nước. Tiếp tục mở rộng tầm soát, xét nghiệp PCR đối với các đối tượng có yếu tố dịch tể. Các đơn vị phối hợp sớm triển khai tập huấn, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương cẩm nang hướng dẫn Bộ quy tắc ứng xử trong phòng dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. (baothuathienhue.vn 01/3)

 
 
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
 

1.  Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học công nghệ của cả nước

Đó là mục tiêu mà hội thảo do Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào chiều 1/3, nhằm tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng bổ sung hoàn thiện đề án "Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước giai đoạn 2021-2030". Tham dự và chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Xác định từ lợi thế, tiềm năng

Thừa Thiên Huế được biết đến và được thừa nhận là một trung tâm y tế chuyên sâu với Bệnh viện (BV) Trung ương Huế có nguồn lực KHCN dồi dào, được xếp vào diện chuẩn. Đến nay, Thừa Thiên Huế có hệ thống các trường đại học, cao đẳng và các viện, phân viện, trung tâm nghiên cứu, chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Điều này cho thấy số lượng GS, PGS, TS tham gia nghiên cứu, sáng kiến nhiều đề tài KHCN phong phú, có giá trị ứng dụng vào đời sống thực tế. Giai đoạn 2011-2020 đã có 133 nhiệm vụ triển khai và 115 nhiệm vụ được nghiệm thu; trong đó có 80 kết quả nhiệm vụ được ứng dụng thực tế, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội không chỉ ở địa phương mà khu vực miền Trung phát triển.

Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN, gần đây hoạt động KH&CN trên địa bàn phát triển tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Trình độ KHCN trong lĩnh vực y học, khám chữa bệnh từng bước tiến kịp hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều công nghệ

Kinh tế Thừa Thiên Huế đã phát triển khá toàn diện và liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trong những nhiệm kỳ gần đây. Cơ cấu kinh tế có chuyển dịch tích cực, tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp tăng nhanh so với mục tiêu kế hoạch đề ra; đặc biệt cơ cấu trong nội bộ các ngành có bước thay đổi đáng kể theo hướng phát huy các lợi thế so sánh của địa phương.

"Đang đứng ở thứ hạng nào"?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVI đề ra mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tiếp tục là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, du lịch, KH-CN, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo các ngành đa lĩnh vực chất lượng cao”. Hiện nay Sở KHCN đang tập trung xây dựng đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH-CN của cả nước giai đoạn 2021-2030".

GS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh cho rằng, Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện trở thành một trung tâm KH&CN, bởi từ những yếu tố tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là nguồn nhân lực, trí thức. Nhưng xem ra, đây là nhiệm vụ khó khăn, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh nhà và sự ủng hộ vào cuộc của các ngành, trong đó vai trò của lãnh đạo tỉnh có những bước đột phá về cơ chế chính sách giữ chân người tài.

PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, nguyên Giám đốc Đại học Huế, để sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN của cả nước phải phân kỳ, có lộ trình. Dõi theo quá trình phát triển của ngành KH&CN vừa qua sẽ thấy Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm lực về nguồn nhân lực nhưng các nhà chuyên môn, khoa học ở địa phương chưa sống được bằng KH&CN. Phải chăng Thừa Thiên Huế còn hạn chế về cơ sở vật chất, cơ chế chính sách chưa cởi mở...? Để trở thành trung tâm KH&CN, đòi hỏi Thừa Thiên Huế phải có sự đột phá; trong đó không chỉ cơ chế chính sách mà phải chú trọng tính đặc thù riêng có ở địa phương và phát triển chuyên sâu các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như du lịch, y tế, khoa học xã hội nhân văn... Bên cạnh đó, phải tăng cường hợp tác quốc tế để kết nối các thương hiệu mạnh, nguồn nhân lực quốc tế. 

Theo nhiều giáo sư, tiến sĩ đến từ Đại học Huế và Trường Đại học Y Dược Huế, để Thừa Thiên Huế là trung tâm KH&CN, trước hết phải thay đổi toàn diện, cần có sự thống nhất không chỉ là người lãnh đạo mà của cả người dân. Phải đào tạo các nhà khoa học và nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là phải có sự kết nối liên thông Đại học Huế, BV Trung ương Huế và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trung dài hạn... Thông qua nội dung đào tạo, phải xây dựng chương trình hành động ký kết, hợp tác để có cơ hội hội nhập KH&CN xa hơn…

Ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ý kiến tham gia của các nhà khoa học. Qua đây, nhìn nhận ngành KH&CN Thừa Thiên Huế hiện nay đang đứng ở thứ hạng nào trong khu vực và cả nước, đề ra các nhiệm vụ giải pháp phù hợp nhằm khai thác lợi tiềm năng thế mạnh, đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước giai đoạn 2021-2030.

TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN cho hay: Hiện nay, cả tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực để đưa Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương thì vai trò của các nhà khoa học càng có ý nghĩa quan trọng. Việc nghiên cứu các giải pháp KHCN tiên tiếni; triển khai áp dụng vào đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh trong tất cả lĩnh vực là phương pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất, để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng; góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị ngày 10/12/2019. (baothuathienhue.vn 01/3)

 
 
 

2.  Kêu gọi người dân toàn tỉnh cài Hue-S, Huế muốn đẩy nhanh chuyển đổi số

Ngoài hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai cài đặt ứng dụng Hue-S cho toàn dân trong tỉnh cũng để mỗi người hình thành thói quen sử dụng công nghệ, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Gần 48% người dân Huế có smartphone đã cài ứng dụng Hue-S

Hue-S là ứng dụng trên nền di động đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tích hợp, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh. Ứng dụng được kết nối đồng bộ với Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh.

Hiện tại, trên ứng dụng Hue-S, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa vào vận hành nhiều dịch vụ đô thị thông minh cho người dân như: dịch vụ phản ánh hiện trường, dịch vụ thông tin cảnh báo, dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera; dịch vụ giám sát hồ đập, môi trường, dịch vụ giám sát tàu cá.

Thực tiễn vận hành các dịch vụ đô thị thông minh trên ứng dụng Hue-S đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, cũng như gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với hoạt động của chính quyền.

Để hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, thời gian gần đây, bên cạnh việc cùng với các địa phương khác trong cả nước tính cực tuyên truyền, vận động người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bổ sung chức năng quản lý dịch bệnh Covid-19 bằng mã QR trên Hue-S.

Theo thống kê, với Bluezone - ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19, đến chiều ngày 18/2, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 237.393 lượt tải và cài đặt ứng dụng Bluezone, đạt tỷ lệ 21,03% dân số, xếp thứ 12 trên toàn quốc.

Với Hue-S, đến nay đã có trên 350.000 người dân trên địa bàn cài đặt và sử dụng ứng dụng, chiếm hơn 31% dân số và chiếm gần 48% người dùng smartphone của tỉnh.

Góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ vừa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai cài đặt ứng dụng Hue-S cho toàn dân.

Việc này, theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, là nhằm triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người dân; đồng thời vừa có tính lâu dài để hình thành thói quen của người dân sử dụng công nghệ, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế quán triệt nghiêm tục các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị, địa phương, tuyệt đối không lơ là trong phòng dịch.

Thủ trưởng các cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế cũng được yêu cầu phải thường xuyên duy trì 5K, đồng thời chỉ đạo các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị, địa phương cài đặt ứng dụng Hue-S, triển khai giải pháp quét QR (mã thông tin phản hồi). Đây là là tiêu chí bắt buộc trong đánh giá mức độ an toàn phòng dịch tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, những đơn vị liên quan huy động tối đa lực lượng đi từng ngõ, gõ từng nhà để thông báo, rà soát, hướng dẫn và cài đặt ứng dụng Hue-S cho tất cả người dân có điện thoại thông minh.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai đặt bảng mã QR tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý; chỉ đạo các công ty, doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh điện thoại di động hỗ trợ cài đặt ứng dụng Hue-S cho người mua.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có chỉ đạo cụ thể với các cơ quan, đơn vị khác trong tỉnh như: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở GD&ĐT, Sở TT&TT, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp… về việc triển khai cài đặt ứng dụng Hue-S cho toàn bộ người dân trong tỉnh.

Theo đó, ngoài việc triển khai cài đặt ứng dụng Hue-S cho toàn thể đoàn viên thanh niên các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế còn có trách nhiệm chỉ đạo các cấp đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã thực hiện phong trào tình nguyện hỗ trợ các địa phương cài đặt Hue-S cho người dân có smartphone, đồng thời phát động toàn dân thừa Thiên Huế cài đặt Hue-S.

Sở TT&TT Thừa Thiên Huế có trách nhiệm kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, các lực lượng trong việc triển khai cài đặt Hue-S. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp giám sát cán bộ, công chức, viên chức thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng Hue-S trên cơ sở dữ liệu quản lý số cán bộ, công chức, viên chức; cung cấp cho Sở Nội vụ số liệu để đánh giá việc thi đua, chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. (vietnamnet.vn 01/3)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Tiếp tục giảm 50% phí tham quan di tích tại Cố đô Huế

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 14, HĐND tỉnh khóa VII vừa diễn ra ngày 26-2, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc đề nghị cho phép tiếp tục giảm phí tham quan tại các điểm di tích lịch sử văn hóa thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Theo đó, xem xét giảm 50% phí tham quan đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành đưa khách tham quan các khu di sản văn hóa Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế từ ngày 1-3 đến 31-8-2021. Sau thời điểm 31-8-2021, tùy tình hình thực tế, nếu thấy cần thiết, giao UBND tỉnh quyết định việc tiếp tục kéo dài thời gian giảm 50% phí tham quan đến hết năm 2021.( cadn.com.vn 01/3)

 
 
 

2.  Khách du lịch quốc tế tháng 2 ước đạt gần 11.000 lượt người

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, khác với nhiều năm trước, dù tháng 2 có kỳ nghỉ tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày và là tháng lễ hội của mùa xuân nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khách nội địa giảm, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2-2021 ước tính đạt gần 11.000 lượt người, giảm 38,3% so với tháng trước và giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước.

Do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 28,7 nghìn lượt người, giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều địa phương ghi nhận mức doanh thu giảm rõ rệt. Cụ thể như: TP HCM giảm 14,1%; Bà Rịa- Vũng Tàu giảm 15,9%; Đà Nẵng giảm 16,1%, Hà Nội giảm 7,6%; Hải Dương giảm 7,8%... so với cùng kỳ năm trước.

Riêng với lĩnh vực du lịch lữ hành, doanh thu trong 2 tháng qua ước tính chỉ đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, giảm tới 62,1% so với cùng kỳ năm trước. Những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 và có mức doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ như Hà Nội giảm 47,7%; Đà Nẵng giảm 67,7%; TPHCM giảm 69,2%; Thừa Thiên- Huế giảm 73,3%; Hải Dương giảm 89,4%...

Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, năm 2021 sẽ là một năm tiếp tục khó khăn đối với ngành du lịch. Mặc dù thời gian qua ngành đã đề xuất nhiều chính sách và doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch đã thực hưởng những hỗ trợ như miễn, giảm tiền điện, thuế đất, phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế… Tuy nhiên, những hỗ trợ này không nhiều, chưa thiết thực, nhiều chính sách chưa thực sự đến được doanh nghiệp, người lao động ngành kinh doanh này.

Theo thống kê sơ bộ, tại thời điểm này đã có hơn 500 doanh nghiệp lữ hành không thể tiếp tục hoạt động, xin thu hồi giấy phép. 90%- 95% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động, công suất buồng phòng khách sạn chỉ còn 10%-20%.

Theo lãnh đạo Tổng Cục Du lịch, lực lượng lao động trong ngành đang có sự dịch chuyển lớn sang ngành khác mà phải mất 5-7 năm mới có thể hồi phục như năm 2019. Thị trường thay đổi, nhu cầu, thị hiếu của khách, xu hướng du lịch cũng thay đổi nên cách làm du lịch không còn cách nào khác cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Nhận định những khó khăn của ngành Du lịch sẽ phải đối mặt, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, ngành cần tính toán kỹ, lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2021 và kế hoạch dài hạn cho 5 năm tới. Ngoài các nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện như việc đưa Quỹ hỗ trợ phát triển đi vào hoạt động, cơ cấu lại ngành Du lịch, sản phẩm du lịch, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, chuyển đổi số trong phát triển du lịch.

Thứ trưởng đề nghị Tổng Cục Du lịch tham mưu cho lãnh đạo Bộ về kế hoạch làm việc với các địa phương về phát triển du lịch. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với tỉnh Ninh Bình và các địa phương liên quan tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021; phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch nhân dịp Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games vào cuối năm 2021; tăng cường liên kết với 2 địa phương đầu tàu du lịch là Hà Nội và TPHCM để thúc đẩy triển khai các thỏa thuận liên kết hợp tác giữa 2 địa phương này với các địa phương trong cả nước. (sggp.org.vn 01/3)

 
 
GIAO THÔNG - VẬN TẢI
 

1.  Vận hành an toàn, thông suốt hầm Hải Vân 2

Từ khi đưa hạng mục hầm đường bộ Hải Vân 2 thuộc Dự án (DA) đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả vào sử dụng đã giải quyết tình trạng quá tải ở hầm Hải Vân 1, đáp ứng nhu cầu di chuyển của phương tiện khi lưu thông một chiều mỗi ống hầm, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Hầm đường bộ Hải Vân 2 mở cửa hoạt động (từ ngày 11/1/2021), các phương tiện lưu thông hai hướng Bắc - Nam qua hầm thông suốt. Những lợi ích về mặt thời gian di chuyển, nhiên liệu, độ an toàn cho người tham gia giao thông khá lớn.

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả-chủ đầu tư DA cho biết: Lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông qua hầm Hải Vân những ngày qua khá lớn, nhất là trong dịp Tết Tân Sửu. Bình quân mỗi ngày có khoảng 11.000 đến gần 14.000 lượt xe qua hầm. Do vận hành cả 2 ống hầm nên đã giảm được áp lực giao thông trên toàn tuyến. Tình trạng ùn tắc giao thông không còn, tầm nhìn trong hầm thông thoáng trung bình từ 85% đến hơn 95%, vận tốc trung bình của các xe tăng khoảng từ 45km/h lên 65km/h.

Theo đơn vị quản lý vận hành hầm Hải Vân, thời gian trung bình các phương tiện qua hầm giảm từ khoảng 15 phút xuống chỉ còn khoảng 6 phút, giảm tai nạn và không còn xảy ra các tình huống gây ùn tắc kéo dài để lực lượng chức năng phải phân luồng điều tiết giao thông một làn như trước đây.

Anh Vi Văn Quang, tài xế xe đường dài chia sẻ, trước đây để đi qua hầm Hải vân 1, nhất là trước, trong và sau dịp lễ tết, các ngày cuối tuần nhà xe lo nhất là sợ tắc đường, ùn ứ giao thông, nay chỉ mất hơn 5 phút đồng hồ để đi qua hầm Hải Vân.

Khi lưu thông qua hầm Hải Vân 2, hành khách cũng cảm thấy an toàn hơn khi được lưu thông trong 1 ống hầm mới sạch đẹp, nhiều trang thiết bị hiện đại, đặc biệt được lực lượng cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy tiếp cận hỗ trợ kịp thời khi có sự cố phương tiện hoặc số trường hợp cần được trợ giúp.

Đơn vị quản lý vận hành đã trang bị nhiều phương tiện chuyên dụng như xe cứu hoả 2 đầu, xe cứu hộ, xe y tế lưu động… hành khách cảm thấy yên tâm khi lưu thông qua mỗi chiều 2 ống hầm so với trước đây, giảm nguy cơ tai nạn giao thông khi phải lưu thông 2 chiều trên cả tuyến đường dẫn và bên trong hầm cũ (Hải Vân 1).

Theo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, việc đưa hầm Hải Vân 2 vào hoạt động trong dịp Tết Tân Sửu cho đến nay đã giảm được áp lực giao thông trên toàn tuyến bao gồm đường dẫn và trong hầm. Khi các phương tiện được lưu thông 2 làn trong mỗi ống hầm và trên tuyến đường dẫn, tình trạng ùn tắc giao thông do các phương tiện chạy chậm đã không còn, tầm nhìn thông thoáng, thời gian trung bình qua hầm giảm khoảng 50%. Đặc biệt, không có các tình huống gây ùn tắc kéo dài, các tình huống phải phân luồng để điều tiết giao thông một làn như trước đây khi lưu thông 2 chiều trong 1 ống hầm không còn nữa.

Khi lưu thông 2 hầm 1 chiều còn giảm thiểu hẳn các tai nạn khi ùn tắc nối đuôi nhau trong hầm dẫn đến va chạm nếu không giữ đúng khoảng cách. Theo thống kê của đơn vị quản lý vận hành hầm Hải Vân, trong khoảng thời gian trước, trong và sau tết (20 ngày), đã có 90.774 lượt xe qua hầm Hải Vân 2.

Đồng thời, việc đưa hầm Hải Vân 2 vào vận hành cũng đã giúp cho dịch vụ vận chuyển người và xe máy lưu thông qua hầm tiện ích và hiệu quả hơn. Số lượng người dân đi xe gắn máy sử dụng dịch vụ trung chuyển qua hầm tăng lên, giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông khi phải điều khiến xe gắn máy đi qua đường đèo như trước đây.

Bộ GTVT đánh giá việc vận hành Hải Vân 2 sẽ đảm bảo năng lực vận hành, khai thác hầm Hải Vân, đặc biệt trước đà tăng trưởng lưu lượng phương tiện 10% - 15%/năm, ngăn ngừa tình trạng quá tải ở ống hầm Hải Vân 1 trước đây; đồng thời đồng bộ quy mô 4 làn xe trên toàn tuyến quốc lộ 1.

Ông Ngọ Trường Nam thông tin, thời gian qua, việc giải quyết các vướng mắc về tài chính của tổng thể DA đã và đang được cơ quan Nhà nước đưa ra phương án cụ thể, dứt điểm. Nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (thuộc Tập đoàn Đèo Cả) đang tiếp tục khắc phục khó khăn, đảm bảo vận hành liên tục 2 ống hầm trong thời gian tới phục vụ nhu cầu người dân.

Hạng mục hầm Hải Vân 2 thuộc DA hầm đường bộ Đèo Cả được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT. Hạng mục hầm Hải Vân được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tiến hành nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 đã hoàn thành từ tháng 8/2017. Giai đoạn 2, hầm Hải Vân 2 với chiều dài toàn tuyến 12,4 km, chiều dài hầm là 6,2km được thiết kế với chiều rộng 9,7m; bao gồm 2 làn xe rộng 7m; đường bộ hành và bảo dưỡng rộng 1m; dải an toàn 1,5 m; đường dẫn phía Bắc dài khoảng 1,7 km; đường dẫn phía Nam dài 4km. (baothuathienhue.vn 02/3)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Bắt giam nguyên Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Huế

Trưa 1/3, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Hồ Trí Quý, nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Huế

Ông Quý bị khởi tố, bắt giam vì hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc cấp đất sai quy định tại phường Thủy Xuân (TP. Huế).

Liên quan đến vụ việc trên, cơ quan công an cũng đã khởi tố, bắt giam gồm: Nguyễn Văn Hòa (SN 1970), trú tại phường Thủy Xuân - nguyên Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân; Hoàng Khánh Huy, trú tại 27/52, đường Thánh Gióng, phường Thuận Lộc (TP. Huế) nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Huế; Dương Văn Quỳnh (SN 1984), trú tại phường An Tây - nguyên là nhân viên hợp đồng phụ trách địa chính phường Thủy Xuân; Nguyễn Lê Mạnh Hiền (SN 1983), trú tại phường Thủy Xuân (TP. Huế) - nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Huế; Hà Xuân Dẫn (SN 1964), trú tại phường Hương Chữ - nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Huế và Hoàng Thiện Tín (SN 1987), trú tại phường Hương An (TX. Hương Trà) - chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Huế.

Điều tra cho thấy, năm 2015, UBND phường Thủy Xuân (TP. Huế) có nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của bà Nguyễn Thị Cẩn (SN 1934), trú tại huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) tại 2 thửa đất số 51 và 52, tờ bản đồ số 12 (địa chỉ tổ 19, khu vực 5, phường Thủy Xuân) với diện tích lần lượt là 2.259,1m2 và 1.613,3m2, loại đất ở tại đô thị, không thu tiền sử dụng đất.

Nhóm đối tượng trên sau khi tiếp nhận hồ sơ của bà Cẩn đã không xác minh, thẩm định độ chính xác, tính pháp lý, chưa làm đầy đủ, hết trách nhiệm của mình đã duyệt hồ sơ và trình lên UBND TP. Huế ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho bà Cẩn tại 2 thửa đất nói trên.

Trên thực tế, bà Nguyễn Thị Cẩn không có nhà ở, không trực tiếp sử dụng đất trên thửa số 51 và 52 tính từ năm 1968 đến nay, không nộp thuế, không kê khai đăng ký qua các lần đo đạc, không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, không làm ăn sinh sống tại địa phương.

Sự thiếu trách nhiệm trong công tác của nhóm đối tượng trên đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước bước đầu xác định gần 4 tỷ đồng.

Trước đó, như Thừa Thiên Huế Online đưa tin, cơ quan chức năng TP. Huế nhận được đơn thư của người dân ở phường Thủy Xuân về việc một diện tích đất của đình làng Dương Xuân Hạ từng được giao cho UBND phường Thủy Xuân quản lý nhưng không hiểu vì sao phường lại lập hồ sơ thủ tục để cá nhân được cấp “sổ đỏ”, rồi sau đó phân lô bán nền.

Sau khi vào cuộc, cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Lãnh đạo UBND TP. Huế thống nhất và Thanh tra TP. Huế đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Công an TP. Huế để điều tra xử lý. (baothuathienhue.vn 01/3)

 
 
 

2.  Tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp

Chiều 1/3, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) 2 tháng đầu năm 2021 và đề ra kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 và quý 2/2021 với các ban, ngành đơn vị liên quan cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.

Bổ sung hạng mục chỉ giới, phân làn để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường ở huyện Phú Vang

Trong 2 tháng đầu năm 2021, dù các ban ngành đơn vị chức năng và các địa phương phối hợp tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát nhưng tình hình vi phạm TTATGT trên địa bàn vẫn phức tạp, nhất là phương tiện ô tô và mô tô. Qua thanh kiểm tra đã phát hiện 7.851 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 6,68 tỷ đồng, tước GPLX 582 trường hợp, tạm giữ 1.583 phương tiện. Trong thời gian này, toàn tỉnh đã  xảy ra 54 vụ, làm chết 31 người, bị thương 38 người, thiệt hại tài sản hơn 273 triệu đồng; trong đó, TNĐB xảy ra 51 vụ, làm chết 29 người, bị thương 36 người; TNĐS xảy ra 3 vụ, làm chết 2 người, bị thương 2 người. So với 2 tháng đầu năm 2020, tăng 4 vụ, tăng 7 người chết, giảm 4 người bị thương; trong đó TNĐB tăng 2 vụ, tăng 6 người chết, giảm 6 người bị thương; TNĐS tăng 2 vụ, tăng 1 người chết, tăng 2 người bị thương...

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu do người tham gia giao thông không làm chủ tay lái, đi không đúng phần đường, thiếu chú ý quan sát, vi phạm tốc độ... Các địa phương để xảy ra số vụ TNGT nhiều trên địa bàn tỉnh, như huyện Phú Lộc, TP. Huế, thị xã Hương Thủy... 

Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Phương cho rằng, hiện nay số phương tiện tham gia giao thông gia tăng nhanh, bên cạnh đó ý thức người dân vẫn chưa được nâng cao mà phần lớn tập trung chủ yếu vào đối tượng thanh thiếu niên dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông vẫn còn tăng so với cùng kỳ.

Để đảm bảo TTATGT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo đảm TTATGT với quyết tâm cao, như xử lý dứt điểm các điểm đen giao thông, đầu tư khắc phục cơ sở hạ tầng đồng bộ... Ngoài ra ngành chức năng cần nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, hiệu quả xử lý vi phạm về TTATGT; trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luậtvề TTATGT, trật tự đô thị; xây dựng văn hóa giao thông “đã uống rượu bia thì không lái xe”... (baothuathienhue.vn 01/3)

 
 
 

3.  Vì sao nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Huế bị bắt giam?

Nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Huế bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan vụ cấp đất sai quy định tại phường Thủy Xuân.

Ông Hồ Trí Quý - nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Huế là đối tượng thứ 7 bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ cấp đất sai quy định tại phường Thủy Xuân, tính đến thời điểm này. Ảnh: P.A

Trưa 1/3, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Hồ Trí Quý (SN 1979, trú phường Vỹ Dạ, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ông Hồ Trí Quý nguyên là Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Huế - bị bắt tạm giam để điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vụ việc cấp đất sai quy định tại phường Thủy Xuân (TP. Huế).

Liên quan vụ việc trên, tháng 11/2020, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Khánh Huy (SN 1972, trú tại đường Thánh Gióng, phường Thuận Lộc, TP Huế) về “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Hoàng Khánh Huy nguyên là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Huế.

Trước đó, đầu tháng 11/2020, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến vụ đất đai trên, gồm: Nguyễn Văn Hòa (SN 1970), nguyên Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân - TP. Huế; Dương Văn Quỳnh (SN 1984), nguyên là nhân viên hợp đồng phụ trách địa chính phường Thủy Xuân; Nguyễn Lê Mạnh Hiền (SN 1983), nhân viên Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP. Huế; Hà Xuân Dẫn (SN 1964), nhân viên Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP. Huế và Hoàng Thiện Tín (SN 1987) - chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Huế.

Liên quan đến vụ việc trên, như Báo Giao thông đã đưa tin, năm 2015, UBND phường Thủy Xuân nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của bà Nguyễn Thị Cẩn (SN 1934, trú tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) tại 2 thửa đất số 51 và 52, tờ bản đồ số 12 tại tổ 19 (khu vực 5, phường Thủy Xuân, TP. Huế) với diện tích lần lượt là 2.259,1m2 và 1.613,3m2, loại đất ở tại đô thị, không thu tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận hồ sơ của bà Cẩn, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trưởng TP Huế Hoàng Khánh Huy, nguyên Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân Nguyễn Văn Hòa và các đối tượng: Dương Văn Quỳnh, Nguyễn Lê Mạnh Hiền, Hà Xuân Dẫn và Hoàng Thiện Tín đã không xác minh, thẩm định độ chính xác, tính pháp lý, chưa làm đầy đủ, hết trách nhiệm của mình đã duyệt hồ sơ và trình lên UBND TP. Huế ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho bà Cẩn tại 2 thửa đất nói trên.

Trên thực tế, bà Nguyễn Thị Cẩn không có nhà ở, không trực tiếp sử dụng đất trên thửa số 51 và 52 tính từ năm 1968 đến nay, không nộp thuế, không kê khai đăng ký qua các lần đo đạc, không có hộ khẩu thường trú tại địa phương; không làm ăn sinh sống tại địa phương.

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 100 Luật đất đai năm 2013 và Khoản 1, Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Cẩn là không đủ điều kiện và không đúng đối tượng theo quy định của pháp luât.

Việc thiếu trách nhiệm của nhóm đối tượng trên đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, bước đầu xác định gần 4 tỷ đồng.

Như vậy, liên quan vụ việc trên, đến thời điểm này đã có 7 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam. (baogiaothong.vn 01/3)

 
 
 

4.  Bắt 3 đối tượng đua xe trái phép

Chiều 1/3, Công an TX. Hương Trà vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng thường xuyên đua xe trái phép.

Lực lượng CSGT mở rộng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng thường xuyên đua xe trái phép

Trước đó, tại Km 816 +350 QL 1A, đoạn qua phường Hương Chữ (TX. Hương Trà), công an địa phương này phát hiện 3 đối tượng đua xe trái phép, nên tiến hành bắt giữ khẩn cấp.

Đó là Lê Văn Tân (SN 2000, trú tại TP. Huế); Nguyễn Văn Bình (SN 1999) và Nguyễn Văn Thắng (SN 1999 - cùng trú tại huyện Phú Vang. Đây là những đối tượng thường xuyên tụ tập, tổ chức đua xe trái phép, gây mất an toàn giao thông.

Lợi dụng đêm tối, các đối tượng liên hệ với nhau qua tin nhắn facebook, sau đó tụ tập tại Đại Nội Huế rồi chạy xe với tốc độ cao ra QL 1A đoạn thuộc phường Hương Chữ đua xe trái phép.

Quá trình đua xe, các đối tượng còn dùng điện thoại quay video để lưu giữ. Công an thị xã Hương Trà đã lập biên bản vi phạm hành chính và tiếp tục điều tra mở rộng.

Căn cứ theo khoản 2, Điều 34, mục 6 Nghị định 100 của Chính phủ ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi đua xe trái phép sẽ bị xử phạt từ 7 đến 8 triệu đồng; áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện. (baothuathienhue.vn 01/3)

 
 
 

5.  Xử lý nhiều vụ việc liên quan đánh bạc

Chủ động bám, nắm địa bàn, nhiều vụ việc liên quan đến đánh bạc và tổ chức đánh bạc được lực lượng công an phát hiện, xử lý.

Gần đây, Công an TX. Hương Trà xóa thành công một tụ điểm, bắt quả tang 10 đối tượng đánh bạc dưới hình thức xóc dĩa tại khu vực Năm Bàu, thôn Định Môn, xã Hương Thọ. Tiếp đó, Công an TX. Hương Trà phát hiện tại quán café H. T. N, thuộc phường Tứ Hạ có 6 đối tượng đang đánh bạc. Công an huyện Quảng Điền cũng đã bắt quả tang 4 đối tượng có hành vi đánh bạc trú tại xã Quảng An. Công an TP. Huế phá đường dây đánh bạc dưới hình thức lô đề với số tiền 300 triệu đồng.

Gần đây nhất, Công an tỉnh chỉ đạo phá thành công chuyên án lớn liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng công nghệ cao. Theo đó, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phát hiện nhóm đối tượng có hành vi sử dụng mạng Internet để thực hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đánh bạc, tổ chức đánh bạc”, bắt giữ 13 đối tượng…

Thực tế cho thấy, các vụ đánh bạc xảy ra trên địa bàn tỉnh mà lực lượng công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ không lớn, nhưng âm ỉ, gây bức xúc trong quần chúng Nhân dân. Trò cờ bạc cũng muôn hình vạn trạng, nhóm thì xóc đĩa, chơi ba cây, nhóm đánh tiến lên, tá lả; số khác thì chơi lô, chơi đề, chơi chọi gà cá cược. Trẻ em thì ham mê trò chơi điện tử, bi-a ăn tiền.

 “Nếu phát hiện các đối tượng tổ chức đánh bạc dù lớn hay nhỏ, chúng tôi đều cương quyết xử lý, không để trở thành vấn nạn lưu cữu”, Thượng tá Nguyễn Việt Phương, Trưởng Công an TX. Hương Trà cương quyết.

 “Mỗi cá nhân phải có ý thức chấp hành pháp luật, khi phát hiện nơi tổ chức đánh bạc, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời triệt phá và bắt giữ”, một người dân đề xuất ý kiến trước vấn nạn cờ bạc.

Mới đây, khi triển khai chương trình công tác năm 2021, Ban Chỉ huy Công an TP. Huế nói riêng và công an các đơn vị, địa phương trực thuộc Công an tỉnh nói chung đều xác định: Tập trung đánh mạnh vào vấn nạn cờ bạc. Ngoài sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ thì, lực lượng công an cơ sở thường xuyên bám, nắm địa bàn, sát cánh cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người dân kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các “ổ cờ bạc”.

Thời điểm sau Tết Nguyên đán, lại là lúc dịch COVID - 19 diễn biến ngày càng phức tạp, nên có không ít người rảnh rỗi, nhất là lớp trẻ. Vì vậy, việc tụ tập tổ chức cờ bạc rất dễ xảy ra.

 “Đêm đêm, lực lượng công an cùng với các lực lượng chức năng khác tổ chức tuần tra, khép kín địa bàn, để chấn chỉnh tình trạng cờ bạc, lô đề gây bức xúc trong xã hội, nguy hiểm cho cộng đồng. Cả tỉnh đã và đang nỗ lực đề phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 thì vấn đề này cần phải được quan tâm nhiều hơn. Chúng tôi vừa xử lý nghiêm các đối tượng đánh bạc, tổ chức đánh bạc vừa nghiêm cấm việc tụ tập đông người, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh”, Thượng tá Nguyễn Viết Hoàng, Trưởng Công an TP. Huế cho biết.

 “Cùng với việc kiên quyết đấu tranh với loại tệ nạn này, Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân cần nâng cao nhận thức, từng bước loại bỏ tệ nạn cờ bạc ra khỏi đời sống xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều đó, ngoài trách nhiệm của mình, chúng tôi rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức quần chúng và Nhân dân”, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định. (baothuathienhue.vn 01/3)

 
 
 

6.  Huế: Tiết lộ bất ngờ về nam thanh niên xin công an cho "làm phép"

Mới đây, trên mạng xã hội Facebook ở Thừa Thiên - Huế xuất hiện một clip ghi lại cảnh 1 nam thanh niên ở trần, mặc quần dài, trên người có các hình xăm đang ngồi trong một con hẻm huộc phường Kim Long, TP.Huế với các biểu hiện không được bình thường.

Trong đoạn clip kể trên, khi lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường và yêu cầu nam thanh niên về phường để làm việc thì người này liền nói "mấy anh nói thì em nghe.....đừng đánh em là được, đánh em là em hiện hữu, cho em nghỉ một xíu để em thở, em đang luyện công mà".

Tiếp đó, khi một cán bộ công an trong tổ công tác tiếp tục yêu cầu nam thanh niên lên phường làm việc thì người này bảo, "để con làm phép đã, rồi chú làm gì làm nhưng mà lên không được đánh con, nửa tiếng phải thả con về không thôi con đập đầu con chết, con nói được là làm được".

Điều đáng nói, chỉ trong một thời gian ngắn, clip này đã thu hút hàng nghìn lượt like, bình luận và chia sẻ. Trong số đó, nhiều Facebooker cho rằng, nam thanh niên trong clip rất có khả năng đã sử dụng ma túy khiến cho người này có những biểu hiện nghi bị ngáo đá, ngoài ra các Facebooker còn đưa ra đề nghị mong cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý nam thanh niên trong clip để tránh gây ảnh hưởng cho những người xung quanh.

Trước những thông tin trên, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã liên hệ với lãnh của UBND phường Kim Long để xác minh, làm rõ một số vấn đề trong vụ việc này. Trao đổi với PV, ông Phan Vĩnh Duy Mãn, Chủ tịch UBND phường Kim Long cho biết, vụ việc kể trên xảy ra trên địa bàn và ông đã nắm được thông tin.

Theo ông Mãn, nam thanh niên xuất hiện trong clip có tên là Nguyễn Văn Thương (SN 1990), trú đường Nguyễn Phúc Lan, trước đây, đối tượng có sử dụng ma túy đá, cỏ Mỹ đến nay thì bị tâm thần. Bình thường đối tượng hiền, không quậy phá hàng xóm, gia đình của đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

"Đối tượng từng được đưa vào bệnh viện tâm thần nhưng không đủ tiêu chuẩn, bởi lẽ, muốn đưa vào bệnh viện tâm thần ở dạng chữa bệnh còn liên quan đến điều kiện kinh tế. Hiện tại, đối tượng này đã được đưa về gia đình để quản lý, riêng địa phương và công an nắm bắt và theo dõi nếu có hành vi vi phạm thì cùng phối hợp xử lý", ông Mãn nhấn mạnh. (nguoiduatin.vn 01/3)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Thừa Thiên Huế: Phát triển sản phẩm OCOP từ sự đặc trưng, ưu thế riêng

Thừa Thiên Huế phấn đấu ít nhất 100 sản phẩm được hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa theo tiêu chí sản phẩm OCOP (20 sản phẩm/năm); Phát triển từ 2 - 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; 100% sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa tham gia Chu trình OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cấp huyện, tỉnh;…

Chương trình OCOP đạt được những kết quả tích cực ban đầu

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương vừa làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về một số định hướng thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hồ Vang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, triển khai chu trình OCOP các cấp, từ năm 2019 đến 2020, có 34 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình với 36 sản phẩm, hầu hết là các sản phẩm đã có.

Các nhóm sản phẩm thuộc các ngành: Thực phẩm 25 sản phẩm, Đồ uống 4 sản phẩm, Thảo dược 2 sản phẩm, Thủ công mỹ nghệ trang trí 4 sản phẩm, Vải, may mặc 1 sản phẩm. 100% sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng tại cấp huyện, tỉnh.

Đến nay, Tỉnh đã có quyết định phê duyệt, công nhận cho 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 06 sản phẩm 4 sao và 19 sản phẩm 3 sao. So với mục tiêu Tỉnh đề ra trong giai đoạn 2019-2020 đã vượt kế hoạch, về cả sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và sản phẩm phấn đấu 4-5 sao.

Về chủ thể tham gia Chương trình, có 21/34 (62%) chủ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác; số lượng doanh nghiệp là 2/34 chủ thể kinh tế, hộ đăng ký kinh doanh là 11/34 chủ thể. 100% các chủ thể được củng cố, kiện toàn khi tham gia Chương trình OCOP.

Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm OCOP, có 3 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác đã được thành lập với mục đích huy động sức mạnh cộng đồng tham gia, liên kết phát triển. Các chủ thể kinh tế là hợp tác xã được đánh giá, phân hạng cao. Cụ thể 5/6 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao đều là hợp tác xã, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh gồm Bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá của HTX Mây tre đan Bao La; Trà rau má Quảng Thọ của HTX NN Quảng Thọ II; Khăn choàng dèng Nhâm của HTX Thổ cẩm xã Nhâm; Gạo hữu cơ An Lỗ của HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp An Lỗ; Chuối già lùn A Lưới của HTX SX và KD nông sản an toàn.

Ông Hồ Vang nhấn mạnh, với những thành quả bước đầu giai đoạn 2018-2020, giai đoạn 2021-2025 là thời kỳ tập trung sâu Chương trình với quan điểm Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế dựa trên những giá trị truyền thống, tri thức bản địa địa phương. Phấn đấu ít nhất 100 sản phẩm được hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa theo tiêu chí sản phẩm OCOP (20 sản phẩm/năm); Phát triển từ 2 - 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; 100% sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa tham gia Chu trình OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cấp huyện, tỉnh;…

Xây dựng mô hình “Xã thông minh”

Liên quan đến việc khảo sát một số mô hình xây dựng Mô hình thí điểm xã thông minh của Đoàn công tác, ông Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) cho biết, hiện nay HUECIT đang triển khai thực hiện xây dựng mô hình kiến trúc “Xã thông minh” trên 3 thành phần chính: Chính quyền điện tử (Chính quyền số) - Xã hội số - Kinh tế số.

 “Xã thông minh” được thực hiện thông qua 2 giai đoạn, gồm: Nông thôn thông minh (giai đoạn 1); Nông nghiệp thông minh (giai đoạn 2). Trong đó, Nông thôn thông minh hướng đến mục tiêu hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số, hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã “thông minh hơn”. Đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn. Nông nghiệp thông minh hướng đến mục tiêu ứng dụng KHCN để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng Internet.

Theo ông Hoàng Bảo Hùng, để thực hiện các mục tiêu nêu trên, các đơn vị sẽ tập trung vào việc xây dựng bộ tiêu chí về “Xã thông minh” và cơ chế vận hành “Xã thông minh”; Hoàn thiện Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số; Xây dựng các Hệ thống thông tin tích hợp phục vụ Xã hội số; Xây dựng mô hình hợp tác xã số và từng bước triển khai một số dịch vụ Kinh tế số.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế và Đoàn công tác cũng tiến hành thạo luận một số nội dung liên quan đến định hướng phát triển các sản phẩm gắn với văn hóa du lịch của Cố đô Huế; sản phẩm du lịch nông thôn; nâng cao năng lực cho các hợp tác xã; xuất tiến thương mại sản phẩm OCOP;…

Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho rằng, hiện nay nguồn kinh phí bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đã dự kiến nguồn. Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được chọn làm chỉ đạo điểm trong việc xây dựng Chương trình OCOP, do vậy chúng tôi yêu cầu phía địa phương đề xuất rõ nhu cầu, tiếp tục triển khai các sản phẩm chỉ đạo điểm trong năm 2021, để Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương xem xét bố trí kế hoạch trong năm nay.

 “Quan điểm Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo trung ương rất quan tâm đến 3 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo OCOP do vậy, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hình thành đề án, sớm được các cấp ngành phê duyệt để được bố trí vốn trung hạn của chương trình năm 2022. Đối với Chương trình OCOP địa phương cần đẩy mạnh được trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mới gắn với lợi thế của Huế phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Để chương trình OCOP có sự khác biệt thì phát triển sản phẩm OCOP phải từ sự đặc trưng để tạo ra ưu thế của Huế; đồng thời phải phát huy giá trị nội sinh, phát triển cộng đồng là cốt lõi”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đối với nội dung xã nông thôn mới thông minh, ông Nguyễn Minh Tiến khẳng định Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương sẽ đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí và có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ. Riêng chương trình chuyển đổi số, nông thôn mới thông minh sẽ có nội dung và hướng dẫn cụ thể nhưng trước mắt sẽ triển khai thí điểm ở một số địa phương. (baotainguyenmoitruong.vn 01/3, congthuong.vn 01/3)

 
 
 

2.  Cố đô Huế khởi sắc từ những dự án thiết thực

Thông qua các dự án chỉnh trang không gian đôi bờ sông Hương; di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế; chỉnh trang vỉa hè, các tuyến đường, lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng cùng với các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Dòng Hương trong xanh”, “Thành phố 4 mùa hoa”… đã tạo sự đổi thay cho diện mạo Cố đô Huế, giúp người dân thay đổi nhận thức, cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Huế cho biết, trong năm 2020, TP Huế đã triển khai nhiều dự án chỉnh trang đô thị. Các tuyến đường chính như Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Lê Quý Đôn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Lý Thường Kiệt… đều được chỉnh trang toàn diện từ nguồn vốn kết dư của dự án cải thiện môi trường nước thành phố, tạo diện mạo cho đô thị trung tâm.

Đáng chú ý, dự án chỉnh trang hai bờ sông Hương với điểm nhấn là hoàn thiện mạng lưới kết nối đường đi bộ ở đôi bờ Nam và Bắc đã hình thành không gian công cộng, thu hút đông đảo người dân và du khách đến vui chơi, tham quan. Ngoài ra, TP Huế cũng đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch cục bộ các vị trí thuộc đồ án quy hoạch khu trung tâm phía Nam TP; khu vực nhà thi đấu tỉnh thuộc quy hoạch chi tiết trục đường Bà Triệu; quy hoạch khu làng nghề Thủy Xuân và khu vực bãi bồi Lương Quán; khu vực di tích Hổ Quyền - Voi Ré, phường Thủy Biều…

Theo ông Hoàng Hải Minh, Chủ tịch UBND TP Huế, thời gian qua, lãnh đạo TP đã chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, khẩn trương hoàn thành các dự án trọng điểm nâng cấp và phát triển đô thị Huế. Trong đó, dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ, TP Huế để di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế được chú trọng và hiện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng từ khu vực 1 đến khu vực 7. Các công việc, hạng mục tiếp theo thuộc dự án lịch sử này đang được đẩy nhanh tiến độ, sớm di dời các hộ dân thuộc dự án ra khỏi khu vực I Kinh thành Huế để ổn định cuộc sống về lâu dài, trả lại mặt bằng, cảnh quan cho di tích.

Cùng với đó, lực lượng Công an TP Huế đã ra quân, phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai chấn chỉnh, lập lại trật tự đô thị, TTATGT, nhờ thế đã tạo sự khởi sắc cho bộ mặt đô thị Huế, làm thay đổi nhận thức và hành động bảo vệ môi trường trong cộng đồng.   

Ông Hoàng Hải Minh trao đổi thêm, trong năm 2021, TP Huế đề ra và thực hiện 5 chương trình, 7 dự án trọng điểm nhằm thay đổi khang trang diện mạo đô thị. TP Huế sẽ phối hợp triển khai hoàn thành đề án địa giới hành chính để mở rộng TP và thành lập các phường thuộc TP Huế theo quy hoạch trước năm 2022; tập trung hoàn thiện các quy hoạch phát triển, nâng cấp đô thị Huế, phát triển trục cảnh quan sông Hương làm trục chính phát triển đô thị hướng biển; quy hoạch lại không gian đô thị trung tâm trên cơ sở bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển; giữa gìn giữ và phát huy các giá trị di sản và phát triển các khu vực TP Huế mở rộng.

Phối hợp triển khai dự án xây dựng hạ tầng đô thị loại II (Green city) do ADB tài trợ; dự án xây dựng TP Huế văn hóa và du lịch thông minh do KOICA tài trợ giai đoạn 2021-2023 với kinh phí 13 triệu USD. Tất cả các dự án đều hướng đến mục tiêu xây dựng TP Huế trở thành hạt nhân của đô thị di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường, đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên-Huế, xứng đáng là đô thị loại I.

TP Huế sẽ tiếp tục huy động sức dân, phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý thức trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị bằng những hành động cụ thể để giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, chỉnh trang nhà ở, đường phố, khu dân cư, xây dựng các tuyến phố văn minh, tạo lực đẩy đưa TP ngày càng phát triển, gắn với lợi ích thiết thực của nhân dân... (cand.com.vn 02/3)

 
 
 

3.  Quảng Điền gặp khó trước vụ mía thất bát

Vụ mía năm 2020-2021, huyện Quảng Điền đưa vào trồng 30 ha mía Cẩm Tân. Mưa lũ, rét hại kéo dài từ cuối năm trước đến đầu năm nay làm mía bị chết, thiệt hại gần như hoàn toàn, ước trên 5 tỷ đồng.

Gia đình chị Đoàn Thị Bích Vân ở thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú trồng 4 sào (với diện tích 2.000m2) mía Cẩm Tân. Vừa xuống giống vài tháng thì mưa lũ xảy ra, kéo dài, gây ngập úng hoàn toàn. Sau lũ, gia đình chị đấu úng, cố gắng khôi phục, chăm bón nhưng mía chậm phát triển, sau đó chết dần, thiệt hại gần như hoàn toàn.

Chị Vân chia sẻ: Từ khi xuống giống, kể cả sau khắc phục lũ, gia đình chị đẩy mạnh chăm sóc theo kinh nghiệm và đúng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông với kỳ vọng được mùa, được giá. Nhưng bao nhiêu công sức chăm sóc, cũng như chi phí phân bón đều bị dòng lũ cuốn trôi, mưa rét gây hại hoàn toàn.

Bình quân mỗi năm gia đình chị Vân có nguồn thu nhập từ trồng mía 55-60 triệu đồng. Nhưng vụ mía năm nay gần như mất trắng. Mía chết, không có nguồn chi phí đời sống đã đành, chị Vân cũng như nhiều nông dân đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do nguồn giống và chi phí phân bón để tái sản xuất.

Hộ anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Hà Cảng trồng 3 sào mía (với diện tích 1.500m2). Nếu như không gặp lũ lụt, mưa rét thì gia đình có nguồn thu nhập hơn 50 triệu đồng. Số tiền này phục vụ nuôi con ăn học, chi phí đời sống và tái sản xuất. Giờ đây, vụ mía mất trắng nên gia đình anh Hùng đang gặp rất nhiều khó khăn, không có điều kiện nuôi con ăn học và kinh phí mua giống, phân bón cho vụ mới.

Ông Phan Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú nan giải: Toàn xã gieo trồng hơn 30 ha mía đều bị chết; trong đó gần 25 ha thiệt hại gần như hoàn toàn. Nhìn những ruộng mía khô héo của người dân, chúng tôi cảm thấy chạnh lòng trước những thiệt hại nặng nề. Trong điều kiện sản xuất bình thường, không bị thiệt hại, ước tính bình quân mỗi ha mía cho thu hoạch trên 200-250 triệu đồng/vụ.

Nếu chăm sóc đúng theo quy trình, kỹ thuật, không ảnh hưởng thiên tai thì thời điểm trước Tết Nguyên đán, những cánh đồng mía này sẽ được thương lái từ TP. Huế và các tỉnh lân cận đến thu mua. Nhưng vụ này thiệt hại hoàn toàn. Không chỉ thiệt hại, thua lỗ, vấn đề chính quyền địa phương cũng như người dân nan giải lúc này là thiếu nguồn giống mía tái sản xuất, khi nguồn lực của người dân gần như cạn kiệt do thiệt hại trong các đợt lũ cuối năm vừa qua.

Theo ông Phong, chính quyền địa phương đang triển khai kế hoạch chuyển đổi những diện tích mía chết, thiếu giống sang trồng lạc; hỗ trợ bà con chăm sóc, bảo vệ một số diện tích đảm bảo dinh dưỡng, chất lượng, đọt mía đủ mạnh để làm giống trồng vụ tiếp theo. Đến thời điểm này, bà con đã tiến hành dọn vệ sinh, làm đất, dự kiến trồng mới khoảng 15 ha mía và tiếp tục cố gắng trồng thêm một số diện tích có thể. Số diện tích còn lại sẽ chuyển đổi sang trồng lạc và cây rau màu do thiếu giống.

UBND xã đã làm việc với UBMTTQVN huyện Quảng Điền, thống kê kịp thời, triển khai công tác hỗ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại để ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương mong rằng, nguồn kinh phí hỗ trợ cần kịp thời đến với người dân để có điều kiện khôi phục sản xuất, kịp thời vụ.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Lê Văn Lự cho rằng, cây mía đã từng thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, giá thấp nhưng chưa bao giờ thiệt hại nặng như vụ mía vừa qua. Toàn huyện trồng hơn 35 ha, tập trung giống mía Cẩm Tân ở xã Quảng Phú khoảng 30 ha, còn lại rải rác ở các địa phương. Lũ lụt cuối năm vừa qua, rét đậm rét hại kéo dài khiến các diện tích mía hư hỏng gần như hoàn toàn, ước thiệt hại trên 5 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp với chính quyền địa phương kiến nghị các cấp, ngành sớm hỗ trợ kinh phí thiệt hại cho người dân từ nguồn dự phòng khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. (baothuathienhue.vn 01/3)

 
 
 

4.  Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Huế thông báo bán xe ô tô 47 chỗ ngồi

Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Huế thông báo bán 04 xe ô tô 47 chỗ ngồi.

1. Thông tin xe:

   a. Hiệu xe:  THACO

    b. Sản xuất năm: 2015

-        Xe 75B-008.63;

-        Xe 75B-009.56;

-        Xe 75B-010.64

-        Xe 75B- 008.63

2. Địa điểm xem xe:

Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Huế

Số 45 Lê Lợi, Phường Phú Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế

3. Giá khởi điểm:  1.300.528.482 đồng/chiếc xe (Giá chưa bao gồm thuế VAT)

Cá nhân, tổ chức quan tâm xem xe và đấu giá, đồng thời gửi văn bản chấp thuận bằng bì thư kín gửi về Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Huế theo địa chỉ: Số 45 Lê Lợi, phường Phú Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế (ghi rõ: Đấu giá xe 47 chỗ).

Mọi thông tin cần liên lạc xin gọi đến:

- Phòng HCNS Công ty; Số điện thoại: 0234.3956688/3956699 (Gặp cô Quyên)

- Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền – KTT Công ty; Số điện thoại: 0919073075. (baothuathienhue.vn 01/3)

 
 
 

5.  Văn phòng Điều phối NTM Trung ương khảo sát mô hình “Xã thông minh” tại TT- Huế

Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương khảo sát việc triển khai mô hình “Xã thông minh” và khảo sát cơ sở sản xuất OCOP tại Thừa Thiên Huế.

Ngày 1/3, theo tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, vào ngày 28/2, Đoàn công tác do ông Nguyễn Minh Tiến- Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh về một số định hướng thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.  

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2019 đến 2020, ở tỉnh có 34 chủ thể đăng ký tham gia với 36 sản phẩm, hầu hết là các sản phẩm đã có. Đến nay, tỉnh đã có quyết định phê duyệt, công nhận cho 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 6 sản phẩm 4 sao và 19 sản phẩm 3 sao. So với mục tiêu tỉnh đề ra trong giai đoạn 2019-2020, đã vượt kế hoạch về cả sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và sản phẩm phấn đấu 4-5 sao.

Về chủ thể tham gia chương trình, có 21/34 (62%) chủ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác; số lượng doanh nghiệp là 2/34 chủ thể kinh tế; hộ đăng ký kinh doanh 11/34 chủ thể. 100% các chủ thể được củng cố, kiện toàn khi tham gia Chương trình OCOP. Các chủ thể kinh tế là hợp tác xã được đánh giá, phân hạng cao. Cụ thể, 5/6 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao đều là hợp tác xã.

Về việc khảo sát xây dựng mô hình thí điểm "Xã thông minh" của đoàn công tác, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) cho biết, hiện  Trung tâm đang triển khai thực hiện xây dựng mô hình kiến trúc "Xã thông minh" trên 3 thành phần chính, gồm Chính quyền điện tử- Xã hội số - Kinh tế số. 

"Xã thông minh" được thực hiện thông qua 2 giai đoạn, gồm: Nông thôn thông minh (giai đoạn 1), nông nghiệp thông minh (giai đoạn 2). Trong đó, nông thôn thông minh hướng đến mục tiêu hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số, hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã "thông minh hơn", đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn. Nông nghiệp thông minh hướng đến mục tiêu ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng Internet.

Theo ông Hoàng Bảo Hùng- Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, để thực hiện các mục tiêu nêu trên, các đơn vị ở tỉnh sẽ tập trung vào việc xây dựng bộ tiêu chí về "Xã thông minh" và cơ chế vận hành "Xã thông minh"; hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số; xây dựng các hệ thống thông tin tích hợp phục vụ xã hội số; xây dựng mô hình hợp tác xã số và từng bước triển khai một số dịch vụ kinh tế số.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho biết, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được chọn làm chỉ đạo điểm trong việc xây dựng Chương trình OCOP. Ông Tiến đề nghị tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ hình thành đề án, sớm được các cấp ngành phê duyệt để được bố trí vốn trung hạn của chương trình năm 2022. Theo ông Tiến, địa phương cần tạo ra những sản phẩm mới gắn với lợi thế của Huế phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đối với nội dung "Xã thông minh", ông Nguyễn Minh Tiến cho hay, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương sẽ đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí và có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Trong ngày 28/2, Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã đi khảo sát việc triển khai mô hình "Xã thông minh" tại xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), khảo sát cơ sở sản xuất OCOP tại Hợp tác xã Mây tre đan Bao La và cơ sở sản xuất hương sạch Tân Nguyên. (etime.danviet.vn 01/3)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.694.370
Truy cập hiện tại 416