Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 18/11/2020
Ngày cập nhật 18/11/2020
TIN NÓNG
 

1.  Yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật phải báo cáo trung thực

Chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật nói "đã tuân thủ một phần công điện phòng chống thiên tai của các cấp trung ương đến địa phương", tuy nhiên câu trả lời này đã vấp phải phải sự phản ứng của lãnh đạo UBND huyện Nam Đông.

Chiều 17-11, đoàn công tác của Bộ Công thương đã đến thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) để làm việc với chủ đầu tư.

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Khoa (tổng giám đốc Công ty CP đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật) cho biết một phần đã tuân thủ các công văn chỉ đạo phòng chống thiên tai của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên sau khi nhận được công điện, để đảm bảo công tác an toàn cho công trình, công ty đã chủ động đóng cửa xả để giảm lưu lượng nước về hạ du phục vụ việc nạo vét lòng hồ và đưa người, vật tư lên phục vụ công việc trên.

Ông Khoa cũng nói rằng sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu mở 5 cửa xả nước, công ty đã chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên cách trả lời này đã bị ông Trần Quốc Phụng, chủ tịch UBND huyện Nam Đông, phản ứng gay gắt. Ông Phụng yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật phải trung thực.

Theo ông Lê Thanh Hồ, phó chủ tịch UBND huyện Nam Đông, địa phương có đủ bằng chứng thủy điện này liên tục tích nước trái phép và không chấp hành chỉ đạo mở 5 cửa van đập. Ông Hồ nói rằng lực lượng công an huyện phải băng đường rừng để vào khu vực thủy điện chụp ảnh, quay phim làm bằng chứng về việc thủy điện Thượng Nhật không mở 5 cửa cả nước.

"Ngày 29-10, cao trình trong lòng hồ chứa là 110,5m trong khi công điện yêu cầu xả về cao trình 104 và đều mở hết 5 cửa. Ngày 16-11, lực lượng công an vào kiểm tra thì thủy điện chỉ xả 1 cửa và nước ở cao trình 109mm" - ông Hồ nói.

Tại buổi làm việc, ông Tô Xuân Bảo - phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) - cho rằng chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã báo cáo chưa đầy đủ và chưa tuân thủ các chỉ đạo của các cấp trong việc phòng chống thiên tai. Đoàn công tác yêu cầu chủ đầu tư này cung cấp thêm các giấy tờ, văn bản liên quan đến thiết kế lòng hồ, vận hành thủy điện... để trong ngày 18-11 sẽ tiếp tục làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, đưa ra các quyết định xử lý hành vi vi phạm của thủy điện Thượng Nhật. (tuoitre.vn 17/11)

 
 
 

2.  Công ty điện lực ngừng mua điện của thủy điện Thượng Nhật

Ngày 17-11, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết đã ngừng mua điện của nhà máy thủy điện Thượng Nhật theo yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

EVNCPC cho biết ngay khi nhận được công điện khẩn của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 14-11 về việc đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du nhà máy thủy điện Thượng Nhật, tổng công ty này đã ngừng huy động công suất, sản lượng nhà máy này.

Đồng thời EVNCPC đề nghị Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung VN (chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật), nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh.

EVNCPC cho biết sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ngưng thực hiện mua bán điện trong trường hợp chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật không chấp hành quy định của pháp luật trong công tác phòng chống bão lụt.

Trước đó, thủy điện Thượng Nhật đã nhiều lần tích nước trái phép, không chấp hành chỉ đạo chống bão của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau đó công an tỉnh phải cử lực lượng lên giám sát tại công trình thủy điện này.

Ngày 16-11, Bộ Công thương đã lập đoàn kiểm tra công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại thủy điện Thượng Nhật.

Nhà máy thủy điện Thượng Nhật có công suất 11MW, xây dựng tại xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế. Hiện thủy điện này vẫn chưa được phép tích nước vận hành. (tuoitre.vn 17/11)

 
 
 

3.  Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra Thủy điện Thượng Nhật

Ngày 16-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 2988/QĐ-BCT về việc thành lập Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình Thủy điện Thượng Nhật, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đoàn do ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, làm Trưởng đoàn cùng đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực và đại diện Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhiệm vụ của Đoàn công tác là kiểm tra hiện trường tại công trình Thủy điện Thượng Nhật sau các đợt bão, lũ vừa qua; kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý an toàn hồ, đập; công tác phòng chống thiên tai và việc tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan quản lý về công tác vận hành hồ, đập trong đợt bão, lũ vừa qua; xử lý hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các giải pháp xử lý các vi phạm trong công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai đối với các vi phạm theo thẩm quyền.

Thời gian kiểm tra từ ngày 17/11/2020 và báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương kết quả sau khi kết thúc đợt kiểm tra.

Trước đó, thông báo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam, Chủ đầu tư dự án Thủy điện Thượng Nhật không tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc vận hành hồ chứa khi chưa được UBND tỉnh đồng ý cho tích nước vận hành phát điện.

Theo thông tin từ Tuoitre, ngày 17/11, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết đã ngừng mua điện của nhà máy thủy điện Thượng Nhật theo yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. (baothuathienhue.vn 17/11)

 
 
 

4.  TT - Huế: Bèo tây theo nước tràn lên và ùn ứ tại đồng ruộng

Trong đợt bão lụt vừa qua, một lượng lớn bèo tây đã trôi theo nước tràn lên bao phủ hàng trăm hecta đồng ruộng ở huyện Quảng Điền. Người dân tại đây đang tiến hành xử lý bèo tây để kịp sản xuất vụ đông – xuân năm 2020 - 2021.

Ông Việt (31 tuổi, trú tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) cho biết, hơn 2 sào ruộng trồng ớt và các loại cây rau màu của anh đã bị bèo tây bao phủ hoàn toàn. Giờ đây, không chỉ mất trắng số rau màu chuẩn bị được thu hoạch, gia đình ông Việt còn phải tốn thêm nhân công để thu dọn số bèo tây nói trên.

Vì số lượng bèo quá nhiều, anh Việt phải nhờ người anh rễ từ Quảng Nam ra để hỗ trợ. Ông Ý (51 tuổi, anh rễ của ông Việt) nói: “Bèo tây trôi dạt vào ruộng và ùn ứ lại dày đặc. Không phải chỉ riêng ruộng của em tôi mà quanh đây đều bị vậy. Giờ chúng tôi chỉ biết gom chúng lại cho gọn gàng đã rồi tính sau chứ bèo nhiều như thế này cũng chẳng biết xử lý chúng như thế nào”.

Theo ông Quý (51 tuổi, trú tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền), gia đình ông có 7 sào ruộng bị bèo tây bao phủ. Không chỉ vậy, cả cánh đồng Đội 1, thôn Tháp Nhuận, xã Quảng Lợi và một số vùng xung quanh cũng trong tình cảnh tương tự. Số lượng bèo tây xuất hiện ở đây từ sau cơn bão số 9 và lần đầu tiên ông Quý thấy chúng nhiều đến vậy.

Phải họp dân để đưa ra phương án xử lý

Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi Hồ Lành cho biết, đến nay, địa phương thống kê được 142 ha đồng ruộng bị ùn ứ bèo tây. Trước tình hình đó, một mặt địa phương báo cáo với các cấp, ngành để xin ý kiến, mặt khác tiến hành họp bàn với người dân để thống nhất phương án xử lý cho kịp thời điểm sản xuất vụ đông – xuân năm 2020 – 2021.

Phó chủ tịch UBND xã Quảng Thái Phạm Công Phước cho hay, địa phương có khoảng 30 ha đồng ruộng bị ùn ứ bèo tây sau các đợt bão lụt vừa qua. Trong đó, diện tích người dân thường sản xuất rau màu chiếm khoảng gần 30 ha. Xã Quảng Thái dự kiến phun 1.000 lít dung dịch vi sinh trực tiếp lên bèo tây, tuy nhiên thời gian vừa qua xuất hiện mưa bão nhiều ngày nên chưa thực hiện được.

Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền Ngô Văn Dinh cho biết, sau khi nắm được tình hình đơn vị đã tham mưu với huyện cho máy về đánh nát bèo tây ngay tại ruộng và sau đó người dân sẽ tự mua vôi về rải.

“Ban đầu cũng có ý kiến là sử dụng thuốc diệt cỏ để diệt bèo tây, tuy nhiên, phương án này không được lựa chọn vì sợ ảnh hưởng đến môi trường”, ông Dinh nói thêm.

Được biết, trước khi dùng máy đánh nát bèo tây ngay tại ruộng các địa phương đã kêu gọi người dân đi nhặt rác, các loại chai, lọ (đặc biệt đồ sản xuất từ thủy tinh)… lẫn lộn trong bèo tây.

Lên phương án hỗ trợ người dân xử lý bèo tây trên đồng ruộng

Thông tin từ xã Quảng Thái và Quảng Lợi được biết, các địa phương này đều đã báo cáo với các cấp, các ngành và đề xuất UBND huyện Quảng Điền có phương án hỗ trợ cho người nông dân trong vấn đề xử lý bèo tây trên đồng ruộng.

Theo thông tin từ Ngô Văn Dinh, huyện Quảng Điền đang lên phương án dự kiến hỗ trợ người dân xử lý bèo tây với mức 70.000 đồng/1 sào.

Được biết Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng sẽ cử cán bộ về các địa phương này để hỗ trợ, hướng dẫn người dân xử lý bèo tây.

Người dân lo ngại khi xử lý bèo tây bằng cách đánh nát chúng ngay tại ruộng

Trao đổi về vấn đề xử lý bèo tây bằng cách dùng máy đánh tan chúng ngay tại ruộng, có ý kiến cho rằng giải pháp này không thực sự an toàn. Bởi lẽ, với khối lượng bèo tây dày đặc nên việc nhặt rác mà đặc biệt là đồ làm bằng thủy tinh sẽ không triệt để. Do đó, nếu đồ làm bằng thủy tinh nói trên còn sót lại và chúng bị máy đánh nát sau đó ẩn xuống dưới bùn thì sẽ nguy hiểm cho người dân sau này khi đi làm ruộng.

Một vấn đề khác đang được quan tâm là, xử lý bèo tây bằng cách đánh nát chúng trên ruộng như vậy liệu rằng có gây ô nhiễm môi trường hay không? Phía UBND xã Quảng Thái, Quảng Lợi và Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thông huyện Quảng Điền đều cho rằng việc không ảnh hưởng đến môi trường. Hoặc, nếu có thì cũng phải chịu vì số lượng bèo tây quá nhiều.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, phải xử lý nhanh vì nếu xác bèo tây còn tươi bị đánh nát như vậy mà phân hủy chậm sẽ dễ bị ngộ độc hữu cơ. (kinhtenongthon.vn 17/11)

 
 
TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG
 

1.  Thừa Thiên - Huế làm gì để cứu cây xà cừ cổ thụ bị bão số 13 quật đổ?

Cơ quan chức năng ở Thừa Thiên - Huế huy động hơn 30 người cùng các phương tiện, máy móc trồng lại cây xà cừ cổ thụ bị bão quật đổ.

Ngay sau khi họp chuyên môn và tham vấn các chuyên gia, Trung tâm công viên cây xanh Huế huy động hơn 30 người cùng xe cẩu, máy móc để đưa cây xà cừ cổ thụ bị bão số 13 quật đổ trồng lại tại công viên ven sông Hương, cách vị trí cũ 20m về hướng bờ sông.

Cùng với việc trồng lại cây ở vị trí mới, các công nhân của Trung tâm Công viên cây xanh Huế cũng bôi thuốc vào các điểm thân, cành bị cắt để chống thối rửa và nhiễm trùng. Các kỹ thuật viên chăm sóc cây cũng làm các biện pháp kỹ thuật ở hố rễ để đảm bảo cây có thể phát triển.

Nhiều người dân Thừa Thiên - Huế theo dõi và vui mừng khi cây xà cừ cổ thụ được trồng lại sau một ngày bị ngã đổ. Nhiều người đến xem, livestream lên mạng xã hội, trong đó có không ít các chuyên gia, nhà văn hóa Huế.

Trước đó, sáng 15/11 khi bão số 13 quét ngang qua Thừa Thiên - Huế khiến cây xà cừ cổ thụ được đánh số 13 nằm trên vỉa hè đường Lê Duẩn (gần cầu Phú Xuân, đối diện Bến xe du lịch Nguyễn Hoàng) bị đánh bật gốc.

Nhiều người dân ở Thừa Thiên - Huế bày tỏ sự tiếc nuối sau khi cây xà cừ bị bão quật đổ. Theo họ, đây là cây xà cừ cổ thụ, có dáng khá đẹp khiến nhiều người ấn tượng khi đến Thừa Thiên - Huế.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế, bão số 13 không gây thiệt hại về người nhưng khiến 4.687 nhà  bị tốc mái. Nhiều trường học bị tốc mái, hàng rào bị sập, đồ chơi bị hư hỏng. 90 ha rừng trồng bị đổ gãy  và 198 cây xanh đường phố bị đổ. 15 tàu, thuyền của ngư dân bị chìm.

Do ảnh hưởng của bão số 13 triều cường, sóng lớn, nước dâng do bão đã làm cho bờ biển Thừa Thiên Huế tiếp tục bị xói lở nặng với chiều dài hơn 14 km tập trung ở các đoạn xung yếu: đoạn qua xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền, huyện Phú Lộc tiếp tục bị xói lở dài hơn 4,0 km sâu vào 7÷10m làm hư hỏng đường tỉnh lộ 21 và các hộ dân, mất rừng phòng hộ, khả năng mở cửa biển mới rất cao.

Xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) dài hơn 3,0 km tiếp tục bị xói lở nặng sâu vào 7÷10m ảnh hưởng các hộ dân, mất rừng phòng hộ; xã Phú Diên tiếp tục bị xói lở hơn 2 km; xã Phú Hải, huyện Phú Vang tiếp tục bị xói lở khoảng 1,5 km.

Xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) tiếp tục bị xói lở khoảng 0,5 km; xã Phong Hải, đoạn qua xã Phong Hòa thuộc huyện Phong Điền,  tiếp tục bị sạt lở bờ biển dài 3,0 km chiều sâu xói lở từ  5 ÷10m ảnh hưởng các hộ dân, mất rừng phòng hộ; xã Điền Hòa, Phong Điền (trong đó vị trí xung yếu gần khu dân cư là 200m).

Tuyến kè chống sạt lở bờ biển qua xã Giang Hải vừa thi công xong bị hư hỏng nặng với chiều dài 300 m; đoạn kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua thôn An Dương, xã Phú Thuận , huyện Phú Vang đang xây dựng bị hư hỏng khoảng 100m .

Sông Hương đoạn qua xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) tiếp tục bị sạt lở với chiều dài khoảng 500 m; sông Bồ bị sạt lở nặng đoạn qua thôn Bồ Điền (Phong An, huyện Phong Điền) bị sạt lở 150 m, sâu 5 m; khu vực phường Hương Vân, phường Hương Văn (thị xã Hương Trà) sạt lở hơn 2,0 km; đoạn qua xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) sạt lở hơn 2,0 km, đoạn qua xã Quảng An bị sạt lở nặng 1,0 km, đoạn qua sông Diên Hồng thị trấn Sịa bị sạt lở nặng hơn 1,5 km.

Sông Thượng Nhật bị sạt lở nặng hơn 1,0 km; đoạn bờ sông Khe Tre sạt lở hơn 500m, sông Tà Rình, huyện A Lưới bị sạt lở nặng hơn 1,0 km; sông Ô Lâu bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 2,0 km các đoạn qua thị trấn Phong Thu, xã Phong Hòa, xã Phong Bình.

UBND xã Phong An cho di dời 02 hộ, 9 khẩu để phòng chống sạt lở bờ sông, UBND huyện Phong Điền huy động 50 người dân, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, vật tư, rọ đá, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã xuất 1 cuộn vải lọc để tiếp tục xử khẩn cấp. (vtc.vn 17/11)

 
 
 

2.  Tăng cường quản lý hệ thống cây xanh đô thị

Địa bàn thành phố Huế đang hiện hữu trên 300 loài cây xanh, bao gồm cây bóng mát và cây cảnh. Sự đa dạng loài này đã tạo nên bộ mặt thực vật đặc thù cho thành phố Huế.

Từ lâu, Huế được mệnh danh là thành phố xanh. Tuy nhiên, điều không ai mong muốn đã xảy ra là sau thiên tai và nhân tai lặp đi lặp lại, nhiều cây xanh đường phố bị gãy đổ, nghiêng ngả hoặc chết đứng đã được trồng thay thế một cách tuỳ tiện, không chọn lọc.

Kết quả là hiện nay, nhiều đường phố có hai hàng cây xanh hỗn loài. Một số đường phố hiện hữu cả chục loài cây đan xen hỗn độn, trong đó có cả cây tạp có tên trong danh mục cấm hoặc hạn chế trồng. Một vài loài cây bóng mát rụng lá theo mùa, thân cành dễ bong tước, gãy đổ khi gặp gió lớn nhưng dễ nhân giống nên được trồng rộng rãi thiếu chọn lọc…

Do hệ thống cây xanh đô thị Huế được hình thành và phát triển theo lịch sử xây dựng và phát triển đô thị Huế nên cây xanh ở Huế rất đa dạng về độ tuổi là lẽ tất yếu. Điều đáng quan tâm là thực trạng trên một đường phố hiện hữu hai hàng cây xanh đủ độ tuổi, từ cây cổ thụ đến cây trung niên và cả mới trồng. Chúng được bố trí đan xen một cách vô cảm đã tạo ra một cảnh tượng không đẹp mắt. Một số vỉa hè đường phố đang hiện hữu hai hàng cây không đồng dạng, cây cao/cây thấp, cây mập/cây gầy, cây đứng/cây nghiêng… trông rất nhếch nhác.

Huế đang hiện hữu nhiều cá thể cây cổ thụ đạt tiêu chuẩn “Cây di sản Việt Nam” nhưng các cấp quản lý chưa quan tâm bảo tồn, mặc cho năm tháng mưa bão, ngập lụt hoành hành hoặc mặc cho người dân tác động tiêu cực. Thực tế, nhiều năm qua đã có quá nhiều cây cổ thụ có giá trị về sinh thái môi trường và sinh thái nhân văn đã phải lìa đời do thiên tai và nhân tai.

Dù Thông tư 20/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định cụ thể về quy cách trồng cây xanh trên vỉa hè đường phố, nhưng thực tế cho thấy cây xanh ở nhiều đường phố trong thành phố Huế đã được trồng không theo quy định, tạo nên một bức tranh nhiều kiểu. Từ đó ảnh hưởng sự sinh trưởng của cây xanh và làm cho vỉa hè không thông thoáng.

Việc chăm sóc cây xanh hiện nay chủ yếu là cắt tỉa cành nhánh, hạ độ cao tán cây với mục đích phòng tránh gió bão, chưa quan tâm việc cắt tỉa tạo tán nhằm tôn tạo cảnh quan và kích thích cây sinh trưởng phát triển, đồng thời chưa thấy chăm sóc bảo vệ phòng tránh cây bị xâm hại bởi sinh vật đeo bám, sinh vật xâm nhập làm thối cành, rỗng ruột và các nhân tai gây tổn thương làm giảm tuổi thọ cây hoặc bức tử cây. Do chưa được xây dựng vỉa hè hoặc có vỉa hè hẹp (< 3m) nên khá nhiều đường phố ở nội đô thành phố Huế chưa có cây xanh. Đây là một hạn chế không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường và tôn tạo cảnh quan.

Việc chỉnh trang, trồng mới để phát triển hệ thống cây xanh đô thị theo chiều hướng tích cực và bền vững là bức thiết. Để cảnh quan thành phố ngày càng đẹp hơn, góp phần tích cực vào việc xây dựng và bảo tồn một thành phố di sản đặc thù thì không thể không nghĩ tới kế hoạch chỉnh trang, phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp kỹ thuật khả thi như sau: Triệt hạ cây tạp (cây ngoài quy hoạch, cây cấm trồng, cây do người dân hoặc cơ quan trồng tự phát…) trên các tuyến đường phố và chọn loài thích hợp để trồng thay thế.

Tái quy hoạch, di dời cây xanh đường phố cho đúng quy cách. Tái quy hoạch, trồng thay thế, trồng bổ sung cho các công viên, điểm xanh. Trồng mới cho những tuyến đường chưa có cây xanh. Đặc biệt, những tuyến đường có vỉa hè hẹp (< 3 m) nên trồng cây theo phương thức trồng treo để tránh tình trạng cây phát triển choán vỉa hè, rễ cây xâm hại công trình ngầm kỹ thuật hoặc cây không sinh trưởng phát triển bình thường do rễ không có đất để phát triển và tán cây bị che sáng.

Trồng thay thế và trồng mới cây xanh cho hai bờ sông Hương, bờ sông Đông Ba, bờ kênh Ngự Hà, bờ Hộ thành hào… Đây là giải pháp thiết thực, vừa tôn tạo hai bờ sông Hương, các bờ kênh vừa hạn chế sạt lở. Cần đẩy mạnh công tác bảo tồn cây lịch sử và cây di sản.

Huế sở hữu một Quần thể di tích đồ sộ và nhiều điểm văn hoá. Ở đó đang tồn tại nhiều cây gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển thành phố, nhiều cây mang đậm dấu ấn về văn hoá. Trong số đó, có nhiều cây có tuổi đời trên cả trăm năm đạt tiêu chuẩn được công nhận “Cây di sản Việt Nam”. Bảo tồn cây lịch sử và cây di sản sẽ tăng tính bảo tồn sinh thái nhân văn, góp phần rất lớn vào tính đặc thù cho thành phố Huế.

Nghiên cứu di thực thêm nhiều loài hoa thích hợp để trồng và phát triển trên các công viên, sân vườn công sở, khách sạn, nhà nghỉ, homestay… để góp phần thực hiện chủ trương “Huế - thành phố bốn mùa hoa” của UBND tỉnh.

Thiết nghĩ, cũng cần có những giải pháp hành chính sau đây: Tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò của cây xanh, hạn chế tối đa việc tác động tiêu cực vào cây xanh đô thị, tiến tới chung tay cùng chính quyền địa phương bảo vệ cây xanh trên các vỉa hè, công viên, điểm xanh.

UBND tỉnh cần sớm xây dựng quy định quản lý và chế tài các phần tử có hành động tác động tiêu cực vào cây xanh, bức tử cây xanh vì mục địch lợi ích cá nhân.

UBND thành phố cần có chỉ thị cho Trung tâm Công viên cây xanh Huế lập kế hoạch tái quy hoạch vườn ươm cây xanh theo hướng bền vững, chú ý đến việc chọn lọc chủng loại, chất lượng cây gieo ươm, xuất vườn chứ không phải chỉ chú ý đến số lượng. Đồng thời, UBND thành phố nên có phương án để đẩy nhanh tiến độ thực thi dự án “Chỉnh trang cây xanh đô thị” đã được thai nghén từ những năm 2015 -2018. (baothuathienhue.vn 18/11)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Thừa Thiên Huế thông tuyến trở lại đường 71 vào Thủy điện Rào Trăng 3

Chiều tối nay (17/11), UBND tỉnh Thừa Thiên huế cho biết, tuyến đường độc đạo 71 đi vào Thủy điện Rào Trăng 3 đã thông suốt.

Đây là điều kiện thuận lợi để ngày 18/11 các phương tiện máy móc và lực lượng cứu hộ sẽ tiến vào hiện trường triển khai nhiệm vụ tìm kiếm 12 công nhân đang mất tích.

Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 13, tuyến đường 71 từ xã Phong Xuân, huyện Phong Điền đi đến Thủy điện Rào Trăng 4 đã xuất hiện 5 điểm sạt lở, cản trở việc di chuyển lên Thủy điện Rào Trăng 3.

Trong ngày 17/11, tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi, ngành Giao thông - Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động nhiều phương tiện máy móc và nhân lực khắc phục các điểm sạt lở này. Để đảm bảo an toàn trong quá trình tìm kiếm thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu lực lượng cứu hộ nắm chắc tình hình thời tiết, bố trí người trực canh gác đề phòng mực nước suối dâng lên bất ngờ./. (vov.vn 17/11)

 
 
 

2.  Ngày hội của dân

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID - 19 và mưa bão liên tục nên Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên toàn tỉnh được tổ chức với tiêu chí tinh gọn, đảm bảo đầy đủ ý nghĩa và lan tỏa tinh thần “Lá lành đùm lá rách” trong bà con Nhân dân.

Thắm tình đoàn kết

Giữa tháng 11 vừa qua, chúng tôi có dịp cùng lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đến chung vui với chính quyền và người dân thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải (huyện Phú Lộc) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thôn Mỹ Cảnh vừa được sáp nhập từ 2 thôn của xã Vinh Giang cũ và vinh dự được Mặt trận tỉnh chọn làm điểm để tổ chức ngày hội như một minh chứng cho tinh thần đoàn kết của người dân nơi đây.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, Ngày hội Đại đoàn kết tại thôn Mỹ Cảnh không tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian như thường niên mà tập trung vào các hoạt động ôn lại truyền thống vẻ vang 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Đồng thời, đánh giá kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; trao quyết định công nhận gia đình văn hoá và biểu dương những tập thể, cá nhân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, 10 suất học bổng trị giá 500 nghìn đồng/suất của Mặt trận tỉnh và 80 suất học bổng, trị giá 200 nghìn đồng/suất của địa phương cũng được trao cho các học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập.

Ông Trần Văn Đoài, người dân thôn Mỹ Cảnh chia sẻ, tuy ngày hội không phong phú các hoạt động và sôi động như mọi năm, nhưng quan trọng nhất là thắt chặt được tinh thần đoàn kết của bà con. Đây là dịp để mọi người cùng nhìn lại một năm đầy biến động với nhiều thách thức và khơi dậy tinh thần giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau vượt qua khó khăn, sớm ổn định lại cuộc sống.

Không riêng xã Giang Hải, nhiều khu dân cư ở TP. Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang… cũng đồng loạt tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều hoạt động thiết thực, tập trung vào công tác an sinh xã hội và đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID - 19.

Đi vào chiều sâu

Theo đánh giá của Ủy ban MTTQVN tỉnh, những năm gần đây, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ngày càng được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ngày hội được tổ chức trang trọng, nội dung phong phú, sinh động, nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, có trách nhiệm, xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, cùng tiến bộ.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa, cũng là dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu, vui chơi, giải trí, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, cùng nhau đoàn kết xây dựng khu dân cư vững mạnh. Qua đó, mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân ngày càng thắt chặt hơn; thể hiện rõ tính chất là ngày hội biểu dương lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tính riêng năm 2019, toàn tỉnh có 1.214/1.214 khu dân cư tổ chức Ngày hội với hơn 290.000 người tham dự. Qua đó, đã biểu dương, khen thưởng 640 tập thể và 8.204 cá nhân. Tại các điểm tổ chức ngày hội, Mặt trận các cấp đã tặng hơn 2.000 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh nghèo vượt khó với tổng trị giá khoảng 610 triệu đồng.

Ông Nguyễn Nam Tiến, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết, trong điều kiện cả nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19, Thừa Thiên Huế vừa thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra, vì vậy, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay lại càng có ý nghĩa.

Ngày hội được tổ chức với tiêu chí tinh gọn, đảm bảo đầy đủ ý nghĩa và tạo không khí thi đua sôi nổi, động viên tinh thần, cổ vũ Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

“Ngày hội đã tập hợp, đoàn kết Nhân dân ở các khu dân cư, tạo thành sức mạnh to lớn góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Ngày hội cũng là dịp để ghi nhận kết quả của cộng đồng dân cư và biểu dương những tập thể, hộ gia đình, các cá nhân có nhiều thành tích trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2020”, ông Nguyễn Nam Tiến khẳng định. (baothuathienhue.vn 18/11)

 
 
 

3.  Tuyến đường độc đạo vào Thủy điện Rào Trăng 3 đã được thông suốt

Chiều tối 17/11, Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tuyến đường độc đạo 71 đi vào Thủy điện Rào Trăng 3 đã được thông suốt.

Đây là điều kiện thuận lợi để ngày 18/11, cơ quan chức năng đưa các phương tiện máy móc và lực lượng cứu hộ tiến vào hiện trường, tìm kiếm 12 công nhân đang mất tích.

Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 13, tuyến đường 71 từ xã Phong Xuân, huyện Phong Điền đi đến Thủy điện Rào Trăng 4 đã xuất hiện khoảng 5 điểm sạt lở, cản trở việc di chuyển lên Thủy điện Rào Trăng 3. Trong ngày 17/11, tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi, ngành giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên – Huế đã huy động nhiều phương tiện máy móc và nhân lực khắc phục các điểm sạt lở này.

Theo Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong ngày 18/11, các lực lượng cứu hộ sẽ tiếp tục sử dụng máy múc để đào đất nắn dòng suối Rào Trăng, tạo dòng chảy mới nhằm phục vụ cho công tác tìm kiếm ở dưới lòng suối. Nhiệm vụ nắn dòng suối Rào Trăng đã hoàn thành được khoảng 60% khối lượng công việc, lực lượng thi công đang sử dụng rọ đá, bao đựng đất và bạt chống thấm để nắn dòng chảy của suối.

Để đảm bảo an toàn trong quá trình tìm kiếm, thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu lực lượng cứu hộ nắm chắc tình hình thời tiết, bố trí người trực canh gác đề phòng mực nước suối dâng lên bất ngờ. Theo Báo Tin tức (bienphong.com.vn 17/11)

 
 
 

4.  Biết ơn hồ Tả Trạch

Tuy người ta không nói ra, nhưng tui biết dân quê tui họ cảm ơn cái hồ Tả Trạch ghê lắm...

Hơi có tuổi chút là xương cốt bắt đầu làm mình làm mẩy, hết đau lưng đến nhức mỏi vai gáy, đỡ nhức mỏi vai gáy lại chạy sang khớp gối khớp tay. Với thứ này phải trường kỳ kháng chiến, tây y không được khuyến khích lắm nên tôi theo lời khuyên tìm đến với đông y.

Đang quá trình chữa trị thì xảy ra lũ lụt. Lũ lụt dữ dội, kinh hoàng. Tin loan đỉnh lũ có nơi vượt cả đỉnh lũ lịch sử tháng 11/1999! Thiệt hại nhân mạng, tài sản gây chấn động người dân cả nước…

Nằm cho lương y châm cứu trong những ngày mưa gió, câu chuyện giữa tôi với ông không gì khác là xoay quanh bão lụt. Từ chuyện lũ ngâm, đường phá, núi lở, rừng thưa cho đến chuyện đói kém, cứu trợ... Câu chuyện cứ nối nhau, nói hoài không hết. Bỗng dưng, vị lương y bảo: “Quê tôi ở miệt Thủy Bằng, Hương Thọ. Tuy người ta không nói ra, nhưng tui biết dân quê tui họ cảm ơn cái hồ Tả Trạch ghê lắm”.

Sở dĩ vị lương y nói thế là vì năm 1999, cơn lũ lịch sử đã gần như nhấn chìm cả làng ông. Ông bảo, năm ấy, suýt nữa thì bố ông thiệt mạng. Lũ lên nhanh và cao quá, cụ không trở tay kịp, bị nước “ép” lên tới nóc nhà. May mà vớ được cái rựa, cụ đã phá mái thoát ra, được người con chèo thuyền đến cứu. Nghe ông kể, tôi biết ông không hề nói ngoa, bởi sau cơn lũ tháng 11/1999, tôi từng theo đưa tin đoàn của Thủ tướng Phan Văn Khải lên thăm Thủy Bằng, Hương Thọ. Tại đây, chính Thủ tướng cũng sửng sốt khi tận mắt chứng kiến những rác rều do lũ cuốn về vẫn còn vướng lại trên các ngọn tre, trên đầu các cột điện. Dấu tích cho thấy đỉnh lũ ở đây khủng khiếp đến thế nào. Vậy nhưng năm nay, mưa dữ dội và kéo dài đến như thế, cơ quan chức năng và báo chí loan tin nhiều nơi đỉnh lũ vượt mốc lũ lịch sử năm 1999, song vùng Thủy Bằng, Hương Thọ quê ông, lụt mới chỉ mấp mé hai bên vệ đường. Đó là nhờ có hồ Tả Trạch điều tiết - ông khẳng định.

Hồ Tả Trạch có dung tích hơn 500 triệu m3. Là công trình hồ chứa quy mô lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế và đứng hàng thứ hai ở miền Trung, sau hồ Cửa Đạt ở Thanh Hóa. Công trình này được đặt ra từ rất lâu, là khao khát của nhiều cán bộ lãnh đạo và người dân Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, do quy mô kéo theo kinh phí rất lớn, nên việc triển khai không hề dễ dàng trong điều kiện ngân sách đất nước chưa được dồi dào. Sau cơn lũ lịch sử 1999, việc xây dựng công trình này được đặt ra cấp thiết hơn.

Đầu tháng 12/1999, đồng chí Võ Văn Kiệt, cố vấn BCHTW Đảng đến thăm Huế, lúc này một cơn lũ mới với cường suất không nhỏ đang đổ về, mặc dù tuổi đã gần 80, nhưng đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn quyết định xuống ca nô, đội mưa, vượt lũ lên thượng nguồn, thị sát nơi dự kiến sẽ xây dựng công trình.

Với sự quan tâm của Trung ương, sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, ngày 26/11/2005, tại địa phận xã Dương Hòa (Hương Thủy), công trình hồ Tả Trạch được phát lệnh khởi công. Với diện tích lưu vực 717 km2, dung tích 509,8 triệu m3...

Công trình hồ Tả Trạch có chức năng chính là chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương; cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, nước tưới cho gần 35.000 ha đất canh tác vùng đồng bằng, đồng thời cung ứng một lượng nước ngọt lớn cho hạ lưu sông Hương để đẩy mặn, cải thiện môi trường vùng đầm phá phục vụ nuôi trồng thủy sản. Khi cần thiết, công trình này còn phát điện với công suất 18.000 kW, sản xuất lượng điện trung bình hằng năm 60 triệu kWh. “Hồ Tả Trạch không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn ý nghĩa rất lớn về xã hội, môi trường nên không cho phép chúng ta sơ sẩy một chút nào về mặt chất lượng.” – Phó Thủ tướng Vũ Khoan thay mặt Chính phủ đã đặc biệt quán triệt như thế trước khi chính thức phát lệnh khởi công.

Công trình hoàn tất và đi vào vận hành, lũ lụt vùng hạ du giảm đi thấy rõ. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, từ khi tích nước hồ Tả Trạch đã phát huy tác dụng đắc lực, hàng năm cắt ít nhất 1-2 trận lũ lớn trên báo động 3 cho Huế. Và đến đợt lũ lụt lịch sử tháng 10/2020 vừa rồi, dân vùng hạ du, mà đặc biệt như vùng Thủy Bằng, Hương Thọ mới thực sự cảm nhận được giá trị to lớn ấy. Người ta cũng ước tính, nếu đợt lũ vừa rồi không có hồ Tả Trạch, mực nước ở Huế đã có thể sẽ cao hơn gần cả mét…

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến các vị lãnh đạo tiền bối, nhớ hình ảnh đồng chí Võ Văn Kiệt đội mưa vượt lũ, bất chấp sức khỏe, tuổi tác, bất chấp đường dốc trơn trượt, quyết leo lên đỉnh một ngọn đồi để tận mắt quan sát địa thế nơi dự kiến sẽ phóng tuyến đập chính; nhớ hình ảnh đồng chí Phan Văn Khải hiền lành, ánh mắt đầy chia sẻ, xót xa khi phải chứng kiến những tổn thất to lớn của người dân sau cơn lũ dữ… Có lẽ bây giờ, biết công trình mà mình từng thao thức, tâm huyết phát huy hiệu quả, nơi thế giới người hiền, hẳn các Ông cũng ngậm cười thanh thản…(baothuathienhue.vn 17/11)

 
 
 

5.  Người gắn kết Mặt trận ở cơ sở

Với vai trò Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) phường Tây Lộc (TP. Huế), chị Lê Cẩm Tú là người kết nối, hướng dẫn 15 Ban công tác Mặt trận (CTMT) tổ dân phố tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh, trật tự đô thị hiệu quả.

Tâm huyết với công việc

Những ngày đầu tháng 11, Mặt trận phường Tây Lộc bận rộn chuẩn bị cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư. Tôi tìm gặp Chủ tịch Mặt trận phường cũng là lúc chị đang họp bàn cùng các Trưởng ban CTMT về kế hoạch tổ chức, chương trình, cách thức tổ chức ngày hội sao cho hiệu quả.

Chị Lê Cẩm Tú cho biết, năm nay đơn vị được Mặt trận tỉnh chọn làm điểm Ngày hội Đại đoàn kết tại đình làng Tây Lộc nên công tác chuẩn bị, tổ chức càng được chú trọng hơn. Với khối lượng công việc lớn, đơn vị lại khuyết chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường, nhưng nhờ sự giúp sức, hỗ trợ nhiệt tình của các thành viên Ban CTMT tổ dân phố mới có thể hoàn thành tốt công việc.

Hơn 10 năm gắn bó với công tác Mặt trận, điều chị Lê Cẩm Tú tâm đắc nhất là xây dựng được hệ thống Ban CTMT ở các tổ dân phố với các thành viên có tinh thần trách nhiệm cao và phối hợp ăn ý trong hoạt động. Nhiều trưởng ban CTMT có bề dày cống hiến hàng chục năm, cũng có người mới đảm nhận vị trí chưa thạo việc, nhưng tất cả đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau để hoạt động ngày càng hiệu quả.

Chính sự đồng thuận, đồng lòng trong hoạt động mà 15 Ban CTMT phường Tây Lộc liên tục gặt hái được nhiều thành tích trong những năm qua. Nổi bật, trong công tác xây dựng nếp sống đô thị, các tổ dân phố đều đăng ký các tuyến đường tự quản làm mẫu từ năm 2017 và thực hiện chế độ báo cáo mỗi tháng về các trường hợp không chấp hành để nhắc nhở, vận động. Hay việc vận động đốt, rải vàng mã đúng nơi quy định, đến nay hầu hết các hộ gia đình đều tuân thủ nghiêm ngặt và có thùng đốt riêng.

“Hạt nhân” gắn kết

Chị Tú cho rằng, bản thân có phần may mắn khi được làm việc với nhiều Trưởng ban CTMT nhiệt huyết và tận tâm. Trong quá trình làm việc, chị cũng học hỏi được nhiều từ những người đi trước, nhất là kinh nghiệm trong công tác dân vận.

Theo chị Tú, điều quan trọng nhất để gắn kết một tập thể chính là tạo được sự đồng thuận giữa các thành viên. Mỗi khi triển khai các hoạt động, chị đều tổ chức họp bàn, lấy ý kiến góp ý để tạo sự thống nhất, từ đó cả tập thể cùng chung sức quyết tâm thực hiện. Điển hình là việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo xây dựng văn minh đô thị”, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thống nhất chọn ngày Chủ nhật thứ ba mỗi tháng làm ngày hưởng ứng ra quân tổng dọn vệ sinh, trả lại hè phố thông thoáng.

Ngoài ra, 15 Ban CTMT còn là cầu nối trong công tác hòa giải mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp giữa người dân. Mỗi khi xảy ra khiếu kiện, tổ hòa giải sẽ phối hợp giải quyết theo hướng tuyên truyền, vận động mềm dẻo để người dân đồng thuận.

“Chế độ khen thưởng, phê bình minh bạch, rõ ràng cũng là động lực để các Ban CTMT nỗ lực phấn đấu. Tại các buổi họp, tôi thường phân tích các điểm tốt của mỗi đơn vị để mọi người cùng học hỏi và phê bình những điểm chưa tốt để rút kinh nghiệm”, chị Lê Cẩm Tú chia sẻ.

Bà Mai Thị Ngọc Bình, Trưởng ban CTMT tổ dân phố 3, phường Tây Lộc nhận xét, chị Tú là “hạt nhân” gắn kết các Ban CTMT. Mỗi khi gặp khó khăn, vướng mắc, chị luôn là người đứng ra hỗ trợ, hướng dẫn mọi người tháo gỡ. Luôn hòa nhã, thân thiện trong cuộc sống, nhưng khi vào công việc chị Tú lại là người chỉn chu, tâm huyết và quyết liệt, nhờ đó mà hoạt động của các Ban CTMT ngày càng hiệu quả, đi vào nề nếp.

Chị Lê Cẩm Tú là một trong 90 cá nhân được Ủy ban MTTQVN tỉnh tặng Bằng khen tại hội nghị tuyên dương cán bộ Mặt trận các cấp tiêu biểu giai đoạn 2015 - 2020 cuối tháng 10 vừa qua. (baothuathienhue.vn 17/11)

 
 
 

6.  Tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở

Sau Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở, các cấp ủy nhanh chóng triển khai công việc theo quy định để sớm đưa nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Trong đó, có việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng và nhân sự nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Chủ động sắp xếp, kiện toàn

Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy Huế tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

“Đối với chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết định phân công, bổ nhiệm chức vụ Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; thống nhất điều động, bổ nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Huyện ủy, Trưởng phòng Tư pháp huyện, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện. Trên cơ sở đề án nhân sự Đại hội Đảng đối với cấp cơ sở của các xã, thị trấn, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phê duyệt, sắp xếp, củng cố, kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn đang còn khuyết. Thường trực Huyện ủy cũng đã thống nhất nhân sự bầu chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân các xã: Phú Thượng, Phú Mậu, Vinh Thanh; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Lương; Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị trấn Phú Đa và xã Vinh Thanh”, Bí thư Huyện ủy Phú Vang La Phúc Thành cho biết.

Bí thư Thị ủy Hương Trà Nguyễn Tài Tuệ chia sẻ: “Ngoài kịp thời giải quyết các chế độ chính sách và làm tốt công tác tư tưởng đối với 9 đồng chí cấp ủy viên cơ sở không tái cử, chúng tôi còn tập trung chỉ đạo cơ sở tiến hành quy trình bổ sung nhân sự còn thiếu đối với các chức danh chủ chốt ở Đảng bộ các phường, xã. Đó là, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND xã Hải Dương; Chủ tịch UBND xã Hương Phong; Phó Chủ tịch UBND xã Hương Toàn; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Tứ Hạ; Phó Chủ tịch HĐND phường Hương Văn; Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Thành”…

Sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống

Thời gian qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn đã về làm việc với các Đảng bộ, chính quyền các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Điều mà Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy quan tâm nhất chính là việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

“Hầu hết các Đảng bộ cấp trên cơ sở đã chú trọng công tác sắp xếp, kiện toàn bộ máy và nhân sự sau đại hội. Việc thực hiện bố trí, sắp xếp, phân công cấp ủy viên theo đúng phương án nhân sự đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Điều quan trọng là kịp thời quan tâm, giải quyết chế độ, chính sách và làm tốt công tác tư tưởng đối với các đồng chí cấp ủy viên cơ sở không tái cử theo quy định”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn đánh giá.

Ở Đảng bộ huyện Phong Điền, cùng với việc tiến hành phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, kiện toàn chức danh trưởng các ban Đảng; điều động, bổ nhiệm một số chức danh trưởng, phó các ban, ngành, cơ quan cấp huyện thì các đảng bộ xã, thị trấn cũng được Ban Thường vụ Huyện ủy kịp thời kiện toàn các chức danh cán bộ chủ chốt.

“Với tinh thần chủ động, đối với những xã định hướng sẽ sáp nhập khi huyện lên thị xã, đến nay, chúng tôi đã bố trí chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã ở 4 xã: Phong Thu, Điền Hương, Điền Môn và Điền Hòa. Hiện nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã và đang thực hiện quy trình để xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để kiện toàn bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện. Đồng thời, xin chủ trương để kiện toàn chức danh Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam cấp huyện vì Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy hiện đang kiêm nhiệm chức danh này”, Bí thư Huyện ủy Phong Điền Võ Văn Vui cho biết.

Nhiệm vụ trong thời gian tới hết sức nặng nề, đòi hỏi các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung lãnh, chỉ đạo, nhất là các giải pháp trong chỉ đạo điều hành nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra của năm 2020, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn khẳng định: “Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp; chuẩn bị nhân sự và các điều kiện liên quan đến công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2016. Điều quan trọng là không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ xã, huyện đến tỉnh có tâm, có tầm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Nhân dân”.

“Thường trực, Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy Huế cần tập trung lãnh, chỉ đạo xây dựng thật chắc đội ngũ cán bộ thôn, xã, phường, thị trấn để nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Đây là bộ phận gần dân, sát dân nhất, là lực lượng nòng cốt, đi đầu khi có những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Muốn vậy, cần có sự lựa chọn cán bộ tinh, gọn, có nghiệp vụ thực sự, hiểu và gần dân để xây dựng lực lượng này ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần phân công từng người, từng công việc cụ thể để chủ động trong thực hiện nghị quyết và sớm đưa nghị quyết của các đảng bộ cấp trên cơ sở, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn lưu ý. (baothuathienhue.vn 17/11)

 
 
 

7.  Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam

Tối 17/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP. Huế tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.

Tham dự lễ kỷ niệm có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương-Nguyễn Khoa Điềm; UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh-Nguyễn Nam Tiến; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế-Phan Thiên Định; TUV, Chủ tịch UBND TP. Huế-Hoàng Hải Minh và lãnh đạo các cơ quan, ban ngành.

Cách đây tròn 90 năm, ngày 18/11/1930, Mặt trận Dân tộc thống nhất được thành lập. Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã sáng lập và lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đưa dân tộc ta từ cảnh đời nô lệ, đứng lên giành lại quyền làm người và làm chủ đất nước, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Huế-Phan Thiên Định nhấn mạnh, đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước; là một trong những bài học lớn của cách mạng nước ta. Để tăng cường và phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập và lãnh đạo tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - là nơi tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với vai trò và ý nghĩa quan trọng đó, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định đề nghị các cấp ủy Đảng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc và về MTTQVN, nhất là thực hiện tốt chính sách đối với từng giai cấp, thành phần như công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, doanh nhân, dân tộc, tôn giáo và kiều bào ta ở nước ngoài. Mặt trận và đoàn thể các cấp cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đối ngoại nhân dân, sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đi vào cuộc sống.

Dịp này, Ủy ban MTTQVN tỉnh trao quà hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt cho Ủy ban MTTQVN TP. Huế; 2 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được nhận giấy khen. (baothuathienhue.vn 18/11)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Người vào vai Trịnh Công Sơn tuổi trung niên là nghệ sĩ gạo cội, quen thuộc với công chúng

Sau 10 năm kể từ phim “Long thành cầm giả ca”, Trần Lực tái xuất màn bạc trong phim điện ảnh về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Mới nhất, ê-kíp bộ phim "Em và Trịnh" vừa công bố NSƯT Trần Lực sẽ đảm nhận vai Trịnh Công Sơn giai đoạn tuổi trung niên.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ: “Đây là một vai diễn đòi hỏi diễn xuất tốt, phải nói được tiếng Huế, phải biết đàn, hát, vì thế càng khó để tìm một diễn viên đáp ứng được hết những yêu cầu trên”. Đoàn làm phim đã ráo riết tìm kiếm không chỉ trong nước mà cả các Việt kiều sống ở nước ngoài, đi dự các buổi hòa nhạc để phát hiện những gương mặt nghệ sĩ có ngoại hình giống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mời về thử vai.

Mặc dù tên tuổi lớn nhưng NSƯT Trần Lực trong ngoại hình mạnh mẽ, tóc ngắn, nói giọng Bắc… xuất hiện ở buổi đầu casting có vẻ không khớp vai. Nhưng ở nam diễn viên gạo cội này có tố chất đặc biệt khiến đạo diễn Nhật Linh cảm thấy tò mò.

Nghệ sĩ Trần Lực sinh ra trong một gia đình dòng dõi về nghệ thuật. Anh không chỉ giỏi về diễn xuất mà còn chơi được tất cả các loại nhạc cụ, lướt đàn piano điệu nghệ và có giọng hát rất hay.

Quá yêu thích vai Trịnh Công Sơn, Trần Lực đồng ý với một tháng thử thách để hóa thân vào nhân vật. Anh học nói tiếng Huế, tiếng Pháp, nghiên cứu thần thái, phong cách ăn nói, đi đứng… của nhạc sĩ họ Trịnh. Không những thế, anh còn thực hiện chế độ ăn kiêng đặc biệt, giảm tới 10 kg, nuôi tóc dài…

Xuất hiện trở lại trước đoàn phim và gia đình cố nhạc sĩ, Trần Lực như “lột xác”. Trong trang phục, cặp kính, mái tóc giống Trịnh Công Sơn, Trần Lực nói giọng Huế, đàn và hát khiến mọi người sững sờ.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh kể lại: “Đến nhạc sĩ Đức Trí vốn từng làm việc rất nhiều với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn bất ngờ khi anh Lực cất tiếng hát: “Cứ như thấy chú Sơn trước mặt”. Anh Trần Lực không chỉ là một diễn viên chuyên nghiệp, anh còn có tâm hồn nghệ sĩ để đem vào cho nhân vật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một đời sống”.

Với NSƯT Trần Lực, đây là vai diễn bước ngoặt, rất khác biệt so với các vai mà anh từng diễn. “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quá nổi tiếng. Âm nhạc và con người của Trịnh Công Sơn đã đi vào đời sống của dân Việt. Nhưng càng khó, nhiều thách thức tôi càng thích.

Được hóa thân thành Trịnh Công Sơn, tôi sẽ được sống những với những niềm vui, nỗi buồn, những được - mất của người nhạc sĩ tài ba mà mình ngưỡng mộ. Đây là nhân vật tuyệt vời, là vai diễn tuyệt vời mà tôi đã chờ đợi hơn chục năm nay”, nghệ sĩ Trần Lực chia sẻ.

Đặc biệt, nam diễn viên gạo cội hào hứng và tràn đầy năng lượng khi được làm việc cùng với dàn diễn viên tươi tắn, trẻ trung trong "Em và Trịnh", bộ phim có màu thời gian hoài niệm nhưng lại đầy chất thanh xuân.

NSƯT Trần Lực (sinh năm 1963), quê Hải Phong, là một diễn viên và đạo diễn điện ảnh. Anh sinh ra trong gia đình có nhiều người thành công trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trần Lực ghi dấu ấn với nhiều bộ phim như Anh chỉ có mình em, Hoa ban đỏ, Mẹ chồng tôi, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông,...

Bộ phim “Em và Trịnh” được bấm máy vào đầu tháng 11, dự kiến ra mắt tháng 12/2021 - nhân dịp 20 năm giỗ Trịnh Công Sơn.( tienphong.vn 17/11)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Các tôn giáo chung tay vì hạnh phúc của cộng đồng

Là đất nước có nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, trong những năm qua, triết lý nhân sinh “tốt đời đẹp đạo” luôn động viên đồng bào các tôn giáo và nhân dân Việt Nam sống trong mái nhà chung Mặt trận. Vì vậy, mái nhà Mặt trận luôn ấm áp tình nghĩa đồng bào.

Mái nhà ấy luôn rộng mở với bất cứ ai là con dân nước Việt có chung một mục tiêu, khát vọng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên tinh thần đó, các tổ chức tôn giáo đều có những đóng góp sôi nổi trong các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận khởi xướng nhằm đem lại những giá trị lợi ích vì hạnh phúc của cộng đồng và sẵn sàng chia sẻ khó khăn chung của xã hội.

Nêu cao vai trò của tôn giáo trong bảo vệ môi trường

Hà Nội là trung tâm kinh tế của cả nước. Hà Nội cũng là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Việc này kéo theo nhiều sức ép trong việc bảo vệ môi trường. Trước thực trạng đó, các tổ chức tôn giáo đã đưa ra các biện pháp chung tay bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu bằng những việc làm cụ thể nhất.

Để giảm thiểu tác động tới môi trường, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường ký kết với 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố để huy động sự tham gia của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, từ 3 mô hình điểm cấp thành phố, đến nay 30/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai thêm nhiều mô hình bảo vệ môi trường, môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các cơ sở thờ tự; vận động các tín đồ tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên…

Là địa phương có diện tích trồng rau lớn nhất huyện Mê Linh (hơn 250ha), trước đây, nhiều người dân ở xã Tiền Phong có thói quen vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật ngay tại ruộng. Để thay đổi thói quen xấu này, Thượng tọa Thích Chiếu Tạng, trụ trì chùa Trung Hậu (huyện Mê Linh) đã kiên trì tuyên truyền cho phật tử hiểu rõ hành vi trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Nhà chùa còn gương mẫu trồng nhiều cây xanh, lắp đặt hơn 30 thùng rác để giữ gìn cảnh quan môi trường. Nhờ đó, ý thức người dân trong bảo vệ môi trường đã được nâng lên một bước đáng kể.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Trưởng ban Trị sự GHPG Hà Nội cho biết, từ nhiều năm nay Giáo hội đã đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào chương trình Phật sự hàng năm để triển khai đến toàn thể tăng, ni, phật tử. Một trong những đơn vị làm tốt các hoạt động này, điển hình như Ban Trị sự GHPG Việt Nam quận Hai Bà Trưng, Tây Hồ và huyện Sóc Sơn đã vận động nhân dân giảm đốt vàng mã. Các xã, thị trấn của huyện Phú Xuyên trồng các tuyến đường hoa. Người dân huyện Mê Linh đặt các thùng rác ở khu dân cư. Bà con nhân dân huyện Đông Anh vận động nhân dân thực hiện hỏa táng đạt 86,3%… nên ý thức người dân trong bảo vệ môi trường được nâng lên một bước đáng kể.

Nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, từ nhiều năm nay Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê Su Ky Tô xác định việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mỗi tín đồ. Do đó, Giáo hội luôn chú trọng tuyên truyền đến từng cá nhân, từng lớp học, từng nhóm sinh hoạt của các tín hữu.

Ông Hoàng Văn Tùng, Trưởng ban Điều phối Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê Su Ky Tô cho biết, trong mỗi nhà hội Giáo hội đều có các thùng rác tái chế và rác hữu cơ được đặt trước cửa ra vào; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động về cách ứng xử nơi công cộng cũng như có ý thức trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xung quanh… nên ý thức của các tín hữu trong bảo vệ môi trường có sự thay đổi cơ bản.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, với phương châm gắn đạo với đời, MTTQ thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tín đồ tôn giáo tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước.

“Để hoạt động này hiệu quả hơn nữa, Mặt trận các cấp cần thực hiện công khai, dân chủ về chính sách dân tộc, tôn giáo. Cán bộ Mặt trận cần tăng cường gặp gỡ, thăm hỏi, động viên các chức sắc, chức việc, người tiêu biểu trong tôn giáo; thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo, người dân tộc thiểu số” - bà Lan Hương chia sẻ.

Lan tỏa những mô hình điểm

Thời gian qua, các tôn giáo ở các tỉnh, thành phía Nam cũng rất tích cực tham gia  chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Kết quả đã xuất nhiều cách làm hay, nhiều mô hình điểm, có sức lan tỏa lớn đến cộng đồng.

Thượng tọa Thích Duy Trấn - Trụ trì Chùa Liên Hoa (phường 8, quận 11, TP HCM) cho biết, ngay từ khi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 11 và Phòng Tài nguyên - Môi trường quận phát động Chương trình “Tôn giáo cùng chung tay tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, Tăng chúng và Phật tử chùa đã tham gia quét dọn vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, tuyến hẻm, khai thông cống rãnh, trồng thêm cây xanh trên địa bàn phường 8, dưới sự tham gia, trực tiếp hướng dẫn của Thượng tọa. Công việc này được triển khai hơn 4 năm qua và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của Phật tử và người dân.

“Lúc đầu khởi việc, tôi đi vận động bà con, họ nói không tham gia vì cho rằng đó là chuyện của Nhà nước. Nhưng tôi vẫn cứ làm, và kết quả thật bất ngờ, chỉ sau hơn 4 tuần, số lượng người tham gia tăng lên 20 người, rồi 30 người và đến nay đều đặn có khoảng 40 – 60 người. Trong số đó có những người đến từ các quận, phường khác” - Thượng tọa Thích Duy Trấn chia sẻ.

Công việc của đội dọn vệ sinh bắt đầu từ lúc 5h sáng chủ nhật, kết thúc lúc 6h, đi qua 10 tuyến đường thuộc khu phố 1, khu phố 2 và khoảng một nửa khu phố 3 thuộc phường 8, quận 11. “Trước đây vào tối thứ 7 người dân hay ăn nhậu ngoài vỉa hè, họ xả thức ăn, lon bia, khắp nơi, gây ô nhiễm. Nhưng từ khi thấy tôi và bà con đi dọn vệ sinh, tình trạng xả bừa bãi đó không còn nữa. Tôi rất vui vì từ việc làm của đội mà ý thức bảo vệ môi trường của người dân ở đây cũng được nâng lên” - Thượng tọa Thích Duy Trấn khẳng định.

Một hoạt động mang ý nghĩa nữa của chùa Liên Hoa là từ ngày 30/6/1998, Thượng tọa trụ trì chùa yêu cầu tất cả mọi người đến đây không nên đốt nhang, vàng mã, bởi việc này gây tốn kém và làm ảnh hưởng tới môi trường.

Thời gian đầu, quyết định này đã không nhận được sự ủng hộ của bà con vì việc này đã thành thói quen tâm linh. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện cùng với sự nỗ lực kiên trì vận động của các thầy trong chùa, bà con đã đồng thuận nghe theo. 20 năm qua, chính nhờ việc không đốt vàng mã mà chùa đã tiết kiệm được khoản kinh phí là 18 tỷ đồng để ủng hộ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt.

Thành phố Cần Thơ cũng đã tổ chức triển khai đến các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành ở tất cả cơ sở thờ tự và tín đồ của tôn giáo; phát động đăng ký mô hình điểm; tổ chức nhiều buổi lễ phóng sinh thả cá về môi trường. Đồng thời, trồng cây xanh, vệ sinh cảnh quan môi trường tại các tự viện, nhà thờ, thánh thất, thánh tịnh, nhà ở; xây dựng lò đốt rác, bếp ăn không khói; trang bị thùng rác, thu gom và xử lý rác thải trong sinh hoạt hàng ngày đúng nơi quy định; hạn chế khói nhang khi lễ Phật; thành lập Đội Phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn.

Trong khi đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức phát động BVMT và ứng phó với BĐKH cho cộng đồng tôn giáo tại Tổ đình Long Khánh và Giáo xứ Gò Thị nhân ngày Môi trường thế giới. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 12/12 huyện, thành phố đăng ký xây dựng mô hình điểm tôn giáo tham gia bảo BVMT, ứng phó với BĐKH. Nhiều mô hình được đánh giá hoạt động hiệu quả được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp ghi nhận đánh giá cao như: Mô hình “Tuyến đường không rác của Giáo xứ Thánh Mẫu; mô hình “Khu dân cư an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” của Giáo xứ Lạc Viên; “Khu dân cư đoàn kết bảo vệ môi trường” của Hội thánh Tin Lành cơ đốc Phục Lâm; “Khu dân cư an toàn - sáng - xanh  - sạch - đẹp” của Hội thánh Tin Lành Cơ đốc Phục lâm huyện Đức Trọng.

Địa chỉ tin cậy của người nghèo

Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức (8/180 Phan Bội Châu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là đơn vị y tế từ thiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, được xây dựng trong khuôn viên chùa Hải Đức vào năm 2003. Từ đó đến nay, Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức đã duy trì hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trong suốt hơn 15 năm qua.

Đại đức, ThS, Bác sĩ Thích Tâm Quang, Phó Giám đốc điều hành Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức cho biết, năm 2003 với chủ trương trả lại nguyên vẹn cho Quốc tự Diệu Đế, được sự giúp đỡ về mặt bằng từ quý chư tăng chùa Hải Đức và sự hỗ trợ về kinh phí xây dựng, trang thiết bị y tế khám chữa bệnh từ các tăng ni, phật tử, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, Tuệ Tĩnh đường Hải Đức đã xây dựng và chính thức đi vào hoạt động từ 2004 cho đến nay.

Phòng khám cũng nhận được sự hợp tác không chỉ của những bác sĩ, y tá, điều dưỡng là những quý tăng ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, còn có sự chung tay góp sức của cả những cán bộ ngành y đã nghỉ hưu hay đang công tác với trình độ chuyên môn giỏi.

“Hầu hết, các y, bác sĩ, lương y làm việc tại Phòng khám đều là những người đã nghỉ công tác hay làm các công việc khác nên họ không nhận lương tại Phòng khám. Những cán bộ ở đây luôn làm việc với y đức của người thầy thuốc, tận tâm với người bệnh là “phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật” - Đại đức Thích Tâm Quang chia sẻ.

Bà Trần Thị Lài (71 tuổi, trú tại thành phố Huế) cho biết, do nhà ở gần Phòng khám, tuổi cao nên mỗi khi có ốm đau bà thường xuyên đến đây để khám và bốc thuốc về uống.

“Ngoài việc được miễn phí khi khám bệnh, các bác sĩ, sư thầy, sư cô ở đây đều rất ân cần, tận tình với người bệnh. Thật sự tôi cảm thấy rất an tâm khi đến đây điều trị bởi cơ sở vật chất hiện đại, các y, bác sĩ đều là những có chuyên môn giỏi và rất tận tâm” - bà Lài chia sẻ.

Với tinh thần “Người thầy thuốc từ thiện của Phật giáo”, các y, bác sĩ, lương y của Tuệ Tĩnh đường Hải Đức luôn hết lòng phục vụ bệnh nhân để góp phần đem lại sự bình an cho những bệnh nhân nghèo.

Theo Đại đức Thích Tâm Quang, trung bình mỗi năm, Phòng khám đã khám và chữa bệnh cho hơn 50.000 lượt bệnh nhân, chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh với chi phí hơn 3 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, đối với những người thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, những người đang sinh sống tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, người đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 70 tuổi sẽ được hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí hoàn toàn.

Riêng đối với những bệnh nhân là người có điều kiện, phòng khám sẽ tiến hành thu một phần phí từ các bệnh nhân này để tạo nguồn thu, phục vụ lại cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Đối với công tác thiện nguyện, trong tháng 10 vừa qua khi tình hình lũ lụt tại các tỉnh miền Trung diễn biến phức tạp, các cán bộ và tình nguyện viên của Phòng khám phối hợp với Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Hải Đức đã tổ chức nhiều chuyến đi đến với người dân vùng bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ gây ra tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Với tinh thần đem lại hạnh phúc cho cộng đồng, chia sẻ những khó khăn chung của xã hội, Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức những năm qua đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế và các tỉnh miền Trung.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban MTTQ Việt Nam và Sở Tài nguyên - Môi trường các tỉnh, thành phố hoàn thiện việc ký kết Chương trình phối hợp với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã ký kết Chương trình. Cũng theo ông Thanh, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã lồng ghép đưa Chương trình phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH vào Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” của UBTƯ MTTQ Việt Nam và thông qua kế hoạch dành nguồn lực từ chương trình này để hỗ trợ xây dựng được hàng chục mô hình điểm thuộc nhiều tôn giáo tại các địa phương. (daidoanket.vn 17/11)

 
 
 

2.  Thừa Thiên - Huế: Đã hỗ trợ 99,6% các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết tính đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành chi trả hỗ trợ cho 134.197 người thuộc các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với số tiền 148,321 tỉ đồng.

Trong đó có 133.748 người lao động (NLĐ) chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hộ kinh doanh; NLĐ làm việc không giao kết HĐLĐ. Tổng kinh phí chi trả 147,84 tỉ đồng.

Đối với việc chi hỗ trợ nhóm NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương, tỉnh đã tiếp nhận 774 hồ sơ lao động của 14 doanh nghiệp (DN). Sau khi thẩm định, chỉ có 2 DN với 264 lượt lao động đủ điều kiện hỗ trợ 475,2 triệu đồng theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg; còn lại 12 DN không đủ điều kiện hỗ trợ do có doanh thu, tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm 31-3-2020 lớn hơn số phải trả cho NLĐ. Tính đến thời điểm này, công tác hỗ trợ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại tỉnh đạt 99,6%. (nld.com.vn 18/11)

 
 
 

3.  Tặng 10.000 chiếc áo ấm cho học sinh vùng lũ Thừa Thiên Huế

Nhằm chia sẻ khó khăn với người dân miền Trung đang chịu ảnh hưởng bởi những trận bão lụt vừa qua, Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Kỹ Thuật Á Châu, Công ty CP Cơ Điện Lạnh Đại Việt phối hợp với đoàn văn nghệ sĩ tổ chức chương trình “Tấm áo nghĩa tình miền Trung” hỗ trợ cho các trường học bị ảnh hưởng do mưa lũ.

Dịp này, thông qua ngành giáo dục các địa phương trên địa bàn tỉnh TT- Huế đoàn đã gửi tặng 10.000 chiếc áo ấm cho các em học sinh vùng lũ

Tại tỉnh TT- Huế đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và trao tặng hơn 1.300 áo ấm cho các em học sinh các trường THCS Nguyễn Xuân Thưởng  và THSC Đặng Vinh (thị xã Hương Trà). Và tặng mủ bảo hiểm cho giáo viên, máy lọc nước cho các trường học trên.

Dịp này, thông qua ngành giáo dục các địa phương trên địa bàn tỉnh TT- Huế, đoàn đã gửi tặng 10.000 chiếc áo ấm, hơn 100 chiếc mủ bảo hiểm và 4 máy lọc nước cho học sinh, giáo viên của 22 trường học ở các huyện: Phong Điền, Phú Vang, A Lưới, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.

Đây là những phần quà của Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Kỹ Thuật Á Châu cùng các đơn vị đồng tài trợ kêu gọi các mạnh thường quân và toàn thể cán bộ nhân viên công ty đóng góp, ủng hộ để góp phần giúp đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Thầy Đoàn Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh TT- Huế cảm ơn đoàn hỗ trợ đã kịp thời đến ủng hộ các em học sinh trên địa bàn tỉnh. Đây là những món quà động viên tinh thần các thầy cô giáo cũng như các em học sinh sớm vượt qua tình hình hình khó khăn do thiên tai gây ra để tiếp tục nỗ lực dạy và học tập tốt.

Trước đó, vào ngày 13/11, trong khuôn khổ chương trình “Tấm áo nghĩa tình miền Trung", Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Kỹ Thuật Á Châu phối hợp với các đơn vị tài trợ đã trao tặng gần 12.000 chiếc áo ấm cho các em học sinh và hàng chục máy lọc nước, mũ bảo hiểm cho các thầy, cô giáo tại tỉnh Hà Tĩnh; với tổng trị giá 1,2 tỷ đồng.

Được biết, chương trình “Tấm áo nghĩa tình miền Trung” được thực hiện ở các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, với 56.000 chiếc áo ấm tặng các em học sinh chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt. (baophapluat.vn 17/11)

 
 
 

4.  Thừa Thiên - Huế: Triển khai kế hoạch rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2020

Chiều 17/11, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch, tập huấn hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm xác định, lập danh sách, phân loại chính xác, đầy đủ số liệu, thông tin cơ bản về hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều để có cơ sở xây dựng kế hoạch, giải pháp giả nghèo và thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội trong năm 2021.

Theo bà Nguyệt, việc tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đúng quy trình và bộ công cụ quy định tại các thông tư, kế hoạch và dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp; giám sát của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và có sự tham gia của người dân, nhằm xác định đúng đối tượng.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải phản ánh đúng thực trạng đời sống của dân dân, tuyệt đối không bỏ sót hộ nghèo, hộ cận nghèo; không chạy theo thành tích làm sai lệch thực trạng nghèo của địa phương.

Đối tượng rà soát là toàn bộ gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2019 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, do UBND xã, phường, thị trấn đang quản lý. Một số hộ không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng có đơn đề nghị rà soát hoặc địa phương chủ động phát hiện thấy gia đình gặp khó khăn, biến cố rủi ro trong năm có khả năng rơi vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Phạm vi rà soát thực hiện tại 145 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Để xác định đối tượng hộ nghèo, cận nghèo năm 2020, các cơ quan liên quan sẽ tiến hành đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy trình.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê, báo cáo số liệu cụ thể các gia đình có nhà cửa bị thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ gây ra thời gian qua. Đây là cơ sở để ngành lao động, thương binh và xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, trình Trung ương phê duyệt chính sách hỗ trợ các gia đình theo quy định hiện hành.

Theo Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên - Huế, thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên đại bàn tỉnh được thực hiện lồng ghép với nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống nhân dân từng bước cải thiện, nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân giảm 0,94%/năm. Dự ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế giảm còn 3,67%.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 5, bão số 9, đặc biệt từ ngày 6/10 đến ngày 22/10 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có mưa rất to trên diện rộng đã gây ra một đợt lũ đặc biệt lớn xảy ra diện rộng gây thiệt hại đặc biệt lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân. Tổng giá trị thiệt hại của 3 đợt thiên tai là hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong 2 ngày 14, 15/11/2020, Thừa Thiên - Huế tiếp tục hứng chịu nhiều thiệt hại do bão số 13 gây ra, nhất là vùng ven biển với 6 nhà dân bị sập, 4.687 nhà tốc mái; nhiều công trình dân sinh, mô hình sinh kế bị thiệt hại.

Việc khắc phục hậu quả lũ bão cần tiến hành trong thời gian rất dài và nguồn lực để thực hiện rất lớn, vượt ngoài khả năng cân đối của địa phương. Do tính cấp thiết, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề nghị Trung ương ưu tiên hỗ trợ khẩn cấp để tỉnh thực hiện các đường dân sinh, sinh kế cho người dân. (baodansinh.vn 17/11)

 
 
 

5.  TT - Huế: FAO hỗ trợ 1.500 người dân khắc phục hậu quả bão lụt

Dự kiến, FAO sẽ phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế để triển khai chương trình cứu trợ cho 1.500 hộ gia đình ở huyện Phong Điền, Quảng Điền khắc phục khó khăn trước mắt về lương thực.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, chiều ngày 16/11, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác Cơ quan Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam do ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam làm trưởng đoàn về chương trình hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp dành cho các hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế trong tháng 10 vừa qua.

Theo đó, tổ chức FAO dự kiến sẽ xây dựng chương trình hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp tương đương 587.000 USD cho phục hồi an ninh lương thực ở 03 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Trong đó, tại Thừa Thiên - Huế, FAO sẽ hỗ trợ cho 1.500 hộ gia đình ở huyện Phong Điền, Quảng Điền khắc phục khó khăn trước mắt về lương thực thông qua hình thức cấp tiền mặt với tổng số tiền là 2,7 tỷ đồng. Các đối tượng được hỗ trợ sẽ dựa trên các tiêu chuẩn do FAO đưa ra. Dự kiến, FAO sẽ phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế để triển khai chương trình cứu trợ trên địa bàn tỉnh.

Qua buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cảm ơn chương trình hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp dành cho các hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế trong tháng 10 vừa qua của FAO.

Đồng thời, giao Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với các Sở, ban ngành, UBND huyện Quảng Điền và Phong điền xây dựng kế hoạch tiếp nhận, triển khai và tổ chức giám sát quá trình cấp phát tiền cứu trợ; đảm bảo công khai, lựa chọn đúng đối tượng được hưởng lợi.

Ông Nguyễn Thanh Bình mong muốn FAO hỗ trợ người dân vào việc tái sản xuất sau bão, phục hồi sinh kế cho người dân; hiện chính quyền địa phương đã hỗ trợ lương thực cho người dân, đảm bảo ăn no, mặc ấm. Đồng thời, đề nghị FAO nghiên cứu tiếp tục mở rộng chương trình hỗ trợ người dân tại các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thừa Thiên - Huế bị mất sinh kế do bão lũ, đặc biệt là về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và nông cụ… (kinhtenongthon.vn 17/11)

 
 
 

6.  Nhiều văn nghệ sĩ tham gia "Chung tay mang hơi ấm cho Miền Trung ruột thịt" tại TT- Huế

TT- HUẾ- Ngày 16-11, Đoàn thiện nguyện "Tấm áo nghĩa tình Miền Trung" do các danh hài Chí Tài, ca sĩ Quách Beem, MC Thanh Bạch, siêu mẫu Già Thanh Vũ, diễn viên Hiếu Hiền, nhóm Mắt Ngọc, đại diện Ban biên tập Nhà báo Công Luận và đại diện các nhà tài trợ khác đã đến Trường Trung học cơ sở Đặng Vinh và Trường THCS Nguyễn Xuân Thưởng (thị xã Hương Trà , tỉnh TT Huế ) để trao tặng những chiếc áo ấm, mũ bảo hiểm, bình nước nóng lạnh cho học sinh và nhà trường.

Ngoài ra, do thời tiết không được thuận lợi, đoàn đã nhờ Phòng GD&ĐT thị xã Hương Trà chuyển đến cho các em học sinh các Trường THCS: Nguyễn  Khoa Đăng, Hoàng Kim Hoán, Nguyễn Khoa Thuyên. Tổng số áo được chương trình "Tấm áo nghĩa tình Miền Trung" trao lần này trên 2.500 áo ấm và hàng ngàn chiếc mũ bảo hiểm, bình nước nóng lạnh. (cadn.com.vn 17/11)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Thầy trò vùng lũ Thừa Thiên Huế gặp mặt gọn nhẹ, ấm cúng nhân dịp 20/11

Người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sẽ điều chỉnh thời gian dạy bù trong cả năm học để không gây áp lực cho học sinh và thầy cô giáo sau 6 cơn bão và lũ đi qua.

Tại các huyện vùng trũng ở tỉnh Thừa Thiên Huế, bão lũ dồn dập, nước vẫn chưa rút hết, thầy trò lại tiếp tục đến trường. Con đường đến lớp của học sinh vùng trũng thấp như các huyện Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà... giờ thêm gian nan. Các em vượt khó để tới trường mang theo niềm vui, khích lệ thầy và trò cùng vượt qua khó khăn bão lũ.

Hơn một tháng phải hứng chịu 6 trận bão lũ liên tiếp, nước ngập sâu trong trường hơn 1 mét, gấn 300 học sinh trường Tiểu học số 1 xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế phải nghỉ học.

Cô Đoàn Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng trường này cho biết, sân trường vẫn còn ngập nước học sinh chưa thể đến trường. Mưa lũ kéo dài hơn 1 tháng nay cũng là thời gian trường bị ngập lụt. Lũ rút dần, thầy cô giáo tranh thủ dọn dẹp để đón học sinh trở lại trường. Sắp tới ngày 20/11, quá nửa thời gian của một học kỳ nhưng bão lũ kéo dài, việc dạy học bị ảnh hưởng quá nhiều.

“Mọi năm nhà trường vẫn tổ chức kỷ niệm và có mời một số giáo viên về hưu tới để họ thăm lại trường lớp giao lưu cùng các thầy cô ở nhà trường, nhưng với tình hình này khả năng ngày 20-11 nếu như điều kiện cho phép thì thầy cô tập trung sinh hoạt nhỏ, một vài hình ảnh để kỷ niệm thôi, còn tổ chức rất là khó. Chắc là hẹn vào mùa sau!”, cô Đoàn Thị Ngọc Lan lo lắng.

Ở vùng rốn lũ như huyện Quảng Điền, chuyện dạy và học trong mùa mưa bão thật gian nan. Nhiều lúc đang học giữa chừng, nước lũ lên nhanh, trường vội vàng cho nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh. Từ đầu tháng 10 đến nay, học sinh huyện Quảng Điền đã phải nghỉ 6 đợt để tránh lũ. Hết lũ, qua bão, thầy và trò lại chạy đua cho kịp chương trình học.

Thầy Lê Anh Dũng, Trường Trung học cơ sở Đặng Dung, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Địa bàn là vùng trũng, các em ngập lụt và ướt sách vở khá nhiều. Nhà trường đã liên hệ các địa chỉ và đã trao tặng cho những em thiệt hại sau lũ, hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, cũng phối hợp các mạnh thường quân có hỗ trợ rất là nhiều suất, trị giá bằng tiền, mỗi suất như vậy là 500.000 đồng, mang tính động viên. Những em nào bị ướt sách vở, nhà trường cũng cung cấp kịp thời”.

Lũ chồng lũ, bão chồng bão kéo dài hơn cả tháng, đến hôm nay, học sinh ở vùng rốn lũ các huyện Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa thể đi học trở lại. Tại huyện Quảng Điền, 45/45 trường học đều bị ngập sâu từ 0,3m đến 1,2m. Gần 20 ngàn học sinh nơi đây phải nghỉ học hơn cả tháng, chương trình dạy học bị chậm theo.

Ông Nguyễn Thái Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Quảng Điền cho biết: Khó khăn của ngành giáo dục hiện nay nhiều trường học vẫn chưa thể dạy học trở lại.

“Trong thời gian bão lụt và để chuẩn bị cho kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam cũng sắp đến, thì trong tình hình lũ lụt như vậy, chúng tôi đã chỉ đạo cho các trường tiến hành buổi lễ kỉ niệm ngày 20/11 chỉ gói gọn, buổi lễ gọn nhẹ ở trong trường, không tổ chức các hoạt động vui chơi như trước đây nữa, để đảm bảo thời gian tập trung cho công tác dạy bù và đảm bảo chương trình cho các em”, ông Hiệp nói.

Lo ngại hơn là sau mỗi trận lũ bão, nhiều học sinh nghèo tay trắng trở lại trường học bởi sách, vở, bút mực đều bị nước lũ cuốn trôi, hư hỏng. Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Mưa bão cả tháng qua đã gây nhiều thiệt hại đối với người dân và ngành giáo dục, sau cơn bão 13 vừa qua, 34 điểm trường hư hỏng, nhiều trường bị tốc mái khá nặng.

Hiện đã có nhiều trường ở vùng lũ học sinh nghỉ học quá dài ngày, nhiều trường nghỉ hơn 1 tháng, tháng rưỡi. Từ đó, việc tổ chức dạy bù cho các em là hết sức khó khăn.

 “Trong 20/11 năm nay, chúng tôi động viên với đội ngũ giáo viên toàn ngành vượt qua khó khăn và tiết kiệm thời gian để tổ chức dạy học cho các em học sinh. Chúng tôi chỉ đạo cho các trường học sau thời gian dạy ở lớp, chúng ta tổ chức gặp mặt trong nội bộ, ôn lại ngày truyền thống của mình hết sức đơn giản và ý nghĩa để nhắc nhau hoàn thành công việc, động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Tân cho hay.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế sẽ điều chỉnh thời gian dạy bù trong cả năm học để không gây áp lực cho học sinh và thầy cô giáo./. (vov.vn 18/11)

 
 
 

2.  Ngành giáo dục xin… không nhận hoa, quà dịp 20/11

Trước tình hình khó khăn chung của tỉnh do hậu quả của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai bão lũ vì thế Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh xin phép không nhận hoa, quà chúc mừng như mọi năm.

Năm 2020 là năm mà toàn tỉnh nói chung và ngành giáo dục gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh và thiên tai. Trong ảnh, đoàn Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: P.T

Ngày 17/11, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, giám đốc sở này đã ban hành công văn đề nghị không tặng, hoa quà nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Theo sở, năm nay là một năm toàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai vì thế thay vì tặng hoa, quà đơn vị xin nhận tình cảm của các cơ quan đơn vị bằng thiệp chúc mừng điện tử tại email sgddt@thuathienhue.gov.vn hoặc vanphong.sothuathienhue@moet.edu.vn.

Với ngành giáo dục, đó cũng là món quà ý nghĩa đối với đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý, lãnh đạo và chuyên viên, nhân viên trong toàn ngành. (baothuathienhue.vn 17/11)

 
 
 

3.  Nỗi niềm giáo viên mầm non

Nước lũ dâng lên nhanh khiến giáo viên các trường mầm non không kịp trở tay, đồ dùng, thiết bị phục vụ dạy và học của cô trò bị hư hỏng và cuốn trôi.

Lúc mưa lụt ầm ầm, tôi nhận được tin nhắn của Hoa, một giáo viên dạy mầm non ở huyện Phong Điền, rằng em lo quá, mưa gió kiểu ni đồ dùng học tập của bọn trẻ sợ không còn. Trước khi lũ về, toàn bộ đồ dùng dạy học, đồ chơi, truyện tranh của trẻ đã được kê lên để phòng mưa ngập. Nhưng do nước lên quá nhanh, trường chỉ có dãy nhà cấp bốn nên không thể chống lại mưa lũ.

Lời an ủi của tôi không làm em nguôi ngoai bởi mới hôm trước thôi, cô, trò và cả phụ huynh nữa, góp công sức, vật liệu để làm rất đồ chơi cho các bé học theo chủ đề, chủ điểm. Cả cái phòng học xinh như trong thế giới cổ tích của bọn nhỏ rồi sẽ loang lổ, hư hỏng sau khi nước rút. Trẻ không có đồ chơi, cô giáo không có dụng cụ dạy học sẽ rất chán chị ạ. Tôi đọc qua tin nhắn nhưng vẫn cảm nhận được Hoa buồn đến mức nào.

Do ảnh hưởng của bão, mưa to kéo dài đã khiến các lớp học bị ngập sâu cả mét, hỏng các góc học tập và một số đồ chơi trong lớp và ngoài trời. Vì lực lượng mỏng, công tác vệ sinh trường lớp sau lũ ở các trường mẫu giáo gặp rất nhiều khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Huy, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hương Trà, toàn thị xã có 17 trường mầm non trên địa bàn thiệt hại hơn 5 tỷ đồng, chủ yếu là sập tường rào, đồ điện gia dụng và đồ dùng phục vụ bán trú. Thế nên, có nhiều trường chưa tổ chức bán trú sau khi học sinh đi học trở lại.

Chưa về kịp để xem vườn rau của cô và trò Trường mầm non Sao Mai 1 (Quảng Điền) thì nay đã tan hoang. Cô Đặng Thị Kiều, Hiệu trưởng tiếc rẻ: Vườn rau của bé có đến hàng chục loại cây, cả giàn bầu, giàn bí rất đẹp mắt là nơi để cô và cháu khám phá hàng ngày. Chừ vườn tược không còn chi, đồ chơi ngoài trời cũng hư hỏng, truyện tranh cũng bị thấm ướt hết nên kế hoạch vui chơi ngoài trời của các cháu cũng phải thay đổi.

Lo nhất vẫn là nhiều trường thấp trũng, tủ bàn ghế, chăn màn đều bị cuốn trôi. Nhiều trường quạt máy, máy lọc nước, tủ lạnh, bếp ga.. cũng tan tành sau lũ. Những nhà quản lý ở bậc mầm non âu lo khi chén bát, ly tách, khăn mặt, dày dép... để phục vụ bán trú nay đã không còn. Nhà trường không biết lấy nguồn kinh phí ở đâu để mà xoay xở. Vận động phụ huynh đóng góp để mua đồ dùng cho các em trong lúc này, quả rất khó khăn.

Người đứng đầu của ngành giáo dục đã không khuyến khích phương án này. Thay vào đó, Sở GD&ĐT kêu gọi các nhà hảo tâm, tổng lực các nguồn hỗ trợ đưa về các trường mầm non. Chưa kể, các hỗ trợ về máy móc, cơ sở vật chất, sơ bộ mỗi em ở các vùng lũ sẽ phải mua sắm lại đồ dùng cá nhân khoảng 150.000 đồng/em để phục vụ bán trú. Khó khăn mấy cũng tìm cách khắc phục để đảm bảo sức khỏe cho học sinh ở lại bán trú. Đó là quyết tâm của ngành giáo dục và cũng là giúp phụ huynh yên tâm để gửi trẻ đến trường.

Không đơn độc trong việc khắc phục hậu quả sau bão lụt, chính quyền địa phương, phụ huynh cùng đồng hành với giáo viên mầm non. Nhiều người đem đến hạt giống, cây con để làm lại vườn rau cho các bé; đem các nguyên liệu cũng như phụ giúp cô làm đồ chơi cho trẻ. Những cuốn truyện tranh, những đồ chơi trong lớp đã được các nhà hảo tâm tiếp sức, để các em được phát triển thể chất, trí tuệ đúng độ tuổi. (baothuathienhue.vn 18/11)

 
 
 

4.  Tuyên dương 19 cá nhân, tập thể trong phong trào học tập suốt đời

Sáng 17/11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 281 của Thủ tướng Chính phủ và biểu dương các điển hình tiêu biểu trong phong trào học tập suốt đời giai đoạn 2016-2020.

Sau 5 năm thực hiện quyết định số 281 của Thủ tướng Chính phủ, ở cấp huyện đã có sự tập trung cao hơn trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và xây dựng xã hội học tập. Số lượng đăng ký “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp cơ sở tăng dần hằng năm.

Ngoài những điển hình nuôi dạy con học tập tốt, nhiều dòng họ xây dựng mô hình học tập, dòng họ học tập, tạo chuyển biến trong đời sống vật chất và văn hóa của cộng đồng dòng họ. Đồng thời, xuất hiện một số mô hình tổ chức tốt việc huy động các thiết chế phục vụ cho việc học tập của người lớn tuổi ngoài các hoạt động ở Trung tâm học tập cộng đồng.  

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, đánh giá cao kết quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội, cộng đồng học tập của tỉnh trong 5 năm qua. Đồng thời yêu cầu Hội Khuyến học tỉnh cần tiếp tục, giữ vững, củng cố phát huy kết quả để phong trào khuyến học, khuyến tài từ tỉnh đến cơ sở phát triển mạnh mẽ, rộng khắp; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời; xây dựng công dân học tập, cộng đồng học tập, xây dựng tổ chức hội khuyến học các cấp vững mạnh với nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, hiệu quả.

Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức cần có những hoạt động cụ thể, thiết thực hơn để hỗ trợ trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, góp phần phát triển mạnh mẽ phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh.

Dịp này, Trung ương hội Khuyến học trao tặng 4 Cờ thi đua xuất sắc và 10 bằng khen; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 9 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào học tập suốt đời giai đoạn 2016-2020. (baothuathienhue.vn 17/11)

 
 
 

5.  Cần hơn nữa sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình

Răn đe, dạy dỗ học sinh bằng cách dùng thước kẻ nhôm đánh vào tay học sinh, cô giáo N.N.M.N (chủ nhiệm lớp 1/2, Trường tiểu học Trần Quốc Toản, TP. Huế) đã bị Hội đồng kỷ luật trường này ra quyết định khiển trách...

Mức kỷ luật là phù hợp

Liên quan đến vấn đề này, cô N. thừa nhận có đánh cháu Q. bằng thước kẻ nhôm (trong bộ đồ dùng dạy học) tại tiết học trải nghiệm 2 vào chiều 30/10 (thứ 6). Sau khi sự việc xảy ra, cô đã về nhà cháu Q. để xin lỗi. Tại các buổi họp cũng như bản kiểm điểm, cô giáo đã thừa nhận sai phạm của mình và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của nhà trường.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 31/10, gia đình cháu Q. đã gửi đơn kiến nghị nhà trường xem xét và xử lý cô N. vì hành vi đánh học sinh. Sau khi nhận được đơn kiến nghị của phụ huynh, nhà trường đã yêu cầu cô N. viết bản kiểm điểm, tường trình sự việc. Ngày 2/11, nhà trường đã tổ chức buổi làm việc với Ban đại diện hội cha mẹ học sinh lớp 1/2; đồng thời trực tiếp vào lớp 1/2 hỏi toàn thể học sinh của lớp.

Ông Dương Quang Nam, Hiệu trưởng Trường TH Trần Quốc Toản cho biết, hành vi đánh học sinh của cô N. là sai, vi phạm đạo đức người giáo viên. Sau khi làm việc với các bên liên quan, họp toàn thể Hội đồng xử lý kỷ luật nhà trường, ngày 2/11, Trường TH Trần Quốc Toản đã ra Quyết định số 10/QĐKL-TQT ngày 2/11/2020 xử lý kỷ luật cô giáo N. với hình thức khiển trách.

Ông Lâm Thủy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP. Huế cho biết, hành vi đánh học sinh của cô N. là vi phạm lần đầu, tính chất chưa nghiêm trọng (gia đình xác nhận vết thương cháu Q. chỉ ở ngoài da) nên quyết định xử lý kỷ luật đối với cô N. là phù hợp. Nếu cô N. tái phạm sẽ áp dụng với mức xử lý nặng hơn. Qua đây, phòng tiếp tục chỉ đạo các trường quán triệt đến tất cả đội ngũ giáo viên toàn ngành không được thực hiện hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của học sinh. Nếu ai vi phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm theo Luật Công chức, viên chức.

Đôi điều quanh vụ việc

Được biết, vào trưa 2/11, Trường TH Trần Quốc Toản có tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của phụ huynh học sinh lớp 1/2. Đã có 27 phụ huynh tham gia buổi họp và nêu lên ý kiến. Đa số phụ huynh nhận xét cô N. có phẩm chất đạo đức tốt; nắm bắt được những điểm yếu, điểm mạnh của từng học sinh để phát huy và dạy dỗ; giao tiếp rất hòa đồng, biết lắng nghe ý kiến của phụ huynh học sinh với tinh thần cầu thị, chia sẻ. Phụ huynh trong lớp rất yên tâm khi giao con em mình cho cô giáo. Đồng thời, yêu cầu cô N. cần nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với sự việc nói trên.

Trong cuộc họp giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/2 và phụ huynh cháu Q. với sự tham gia của lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP. Huế vào ngày 5/11, cô N. đã một lần nữa xin lỗi phụ huynh và cháu Q. về hành động sai sót của mình trong quá trình giáo dục và đồng ý chi trả tất cả các khoản chi phí mà phụ huynh điều trị cho cháu Q.

Thầy Lâm Thủy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP. Huế cho rằng, vụ việc xảy ra không chỉ cô N. xin lỗi phụ huynh em Q. mà hiệu trưởng nhà trường cũng đã xin lỗi. Ông Thủy cũng đã đại diện Phòng GD&ĐT, xin lỗi gia đình trong cuộc họp vì giáo viên của ngành vi phạm. Ngoài ra, phụ huynh em Q. có nguyện vọng chuyển trường cho em Q. về Trường TH Trường An, nhà trường và phòng giáo dục cũng đã hoàn tất hồ sơ chuyển trường theo nguyện vọng.

Trẻ em lớp 1 tâm sinh lý nói chung còn hiếu động, chưa chú tâm vào việc học nên giai đoạn này rất cần sự dạy dỗ, uốn nắn đúng cách và có phương pháp phù hợp của giáo viên, nhà trường và gia đình. (baothuathienhue.vn 17/11)

 
 
PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
 

1.  Huy động 100 cán bộ chiến sĩ dọn rác sau bão số 13

Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Phú Lộc cử gần 100 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng dân quân địa phương ra quân tổng dọn, thu gom rác tại đường vào tổ dân phố (TDP) Đồng Dương thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc sau cơn bão số 13.

Ông Trần Quốc Tuấn, người dân TDP Đồng Dương cho biết: Gần 300 hộ giáo dân sống trong khu vực này đa số đều bị ảnh hưởng của bão. Có gia đình thì bị tốc mái, nhà thì hư hỏng tàu, thuyền nên bão tan ai cũng tập trung khắc phục hậu quả. May có lực lượng quân đội huyện, bộ đội biên phòng về giúp dân “giải phóng” con đường rác, để người dân đi lại thuận tiện như trước.

Ước tính hàng trăm tấn cát, rác từ biển được sóng đánh vào bờ. Để xử lý rác và cát Ban CHQS huyện Phú Lộc phải huy động thêm nhiều phương tiện như xe múc, xe ủi, xe  tải lớn…

Thiếu tá Lê Đức, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phú Lộc cho biết: Sau hai ngày cật lực, khẩn trương thu gom rác, cát đến nay chúng tôi đã hoàn thành gần 70% công việc, dự tính ngày mai rác sẽ được xử lý xong, con đường sẽ được trở lại nguyên trạng. Sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục làm sạch bờ biển, vệ sinh, xử lý môi trường giúp người dân, tránh xảy ra dịch bệnh. (baothuathienhue.vn 17/11)

 
 
 

2.  Ứng phó bão Vamco khi "vết thương" chưa lành

Chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục chưa xong thiệt hại từ cơn bão số 9 thì bão số 13 ập vào. Người dân và chính quyền đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ như thế nào? Phương án phòng, chống bão theo kinh nghiệm dân gian; phòng, chống bão cộng đồng là bài học cho các địa phương khác.

Giờ G, dự đoán

Lúc 12 giờ trưa ngày 14-11, đường phố ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… trở nên vắng vẻ trước lệnh “cấm ra đường từ lúc 12 giờ để phòng, chống bão số 13”. Ngoài mặt hàng rau, thịt được nhiều người tranh thủ mua, thì băng keo dính để dán cửa kính, chống mảnh vỡ vụn cũng được các hộ gia đình chú ý. Theo dự báo thì bão số 13 sẽ quét từ tỉnh Quảng Ngãi cho đến tỉnh Quảng Bình. Trưa 14-11, một người dân ở địa bàn huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tới lúc này thì bước sóng ở các bãi san hô chưa cao, nên khả năng chỉ bị ảnh hưởng nhẹ và bão sẽ ra Thừa Thiên Huế. Những người già sống ở làng chài có kinh nghiệm dân gian là nhìn sóng va đập vào dải san hô trước lúc bão vào cũng dự đoán chính xác được mức độ ảnh hưởng của bão.

Nhà cửa của nhiều người dân ở các tỉnh miền Trung vừa kịp khắc phục sau bão số 9, một số nhà bị thiệt hại nặng chưa kịp sửa chữa, vì các cơn bão sau tiếp tục ập vào. Những nơi nào thực sự được xem như vết thương hở, có thể tiếp tục phát sinh “bệnh”? Theo kinh nghiệm quan sát của tôi, đối với các huyện miền núi, vùng có nguy cơ sạt lở cao, giờ G chính thức bắt đầu sau khi cơn bão lắng xuống. Còn ở miền xuôi, giờ G là thời điểm chính quyền cấm người dân ra đường.

Ông Lê Ngọc Hà, 60 tuổi, người dân tộc Ca Dong ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam chỉ cho tôi những cây cổ thụ đổ gục, những rừng keo tràm trên núi ngã rạp rồi phân tích nguyên nhân sạt lở núi theo kinh nghiệm dân gian: “bão lay cây, xoay gốc cây liên tục, sau đó mưa lớn và nước ngấm vào lòng núi, không trượt trên bề mặt, cả túi nước và bùn đó từ từ ục xuống chứ không phải nguyên nhân báo đăng”.

"Mặc áo" cho nhà

Chính quyền khuyến cáo người dân phòng, chống bão số 13 thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, nhắn tin SMS, Zalo. Tuy nhiên, người dân ở miền Trung thì đã "lên dây cót” phòng, chống bão từ thời điểm bão số 9, nên đã góp phần giảm bớt thiệt hại. Ở nhiều địa phương ven biển, người dân vẫn để nguyên dây neo nóc nhà, bao cát, cây chốt cửa, bắt vít lên mái tôn.

Tại vùng biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, chiều 13-11, nhiều người dân lấy “bửu bối” phòng, chống bão ra để phòng, chống cơn bão mạnh. Ông Huỳnh Ngọc Hùng và vợ buộc dây, lôi tấm lưới phủ lên mái nhà. Đây là loại lưới cước có màu xanh, mắt lưới nhỏ, sợi lớn, giống như lưới ngư dân thường đánh giã cào. Lưới được phủ kín trên nóc nhà, buộc thắt nút và kéo vít xuống mặt đất. Các điểm như viền mái, góc mái đều được thắt nút dây. Ông Hùng cho biết “cột như ri thì bão đi sao cũng ổn hết”. Sau bão tôi trở lại và chứng kiến ngôi nhà không hề sứt mẻ, trong khi những nhà xung quanh đều bay mái tôn, tốc ngói.

Một số gia đình khác thì phủ lưới trũ, là loại lưới chuyên đánh bắt ruốc biển (nhỏ như que tăm), có mắt lưới rất nhỏ. Lưới kéo căng ở các góc và cũng ghim chặt xuống đất. Sau bão, tôi quay trở lại để xem hiệu quả phòng, chống bão theo cách của người dân và cũng đều ghi nhận là khá tốt, không có một viên ngói nào bay. Bà con cho biết “thời trước chưa phủ lưới thì nghe tiếng gió rất to, tôn phập phồng, nhấp nhô muốn bay, còn khi phủ lưới thì mái nhà không bị ảnh hưởng gì”.

Miền núi là vùng nhạy cảm với sạt lở núi. Trước khi bão số 13 đổ bộ, BĐBP Quảng Nam và các lực lượng tham gia tìm kiếm người mất tích ở 2 xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) và xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) đã tạm dừng lại. Lực lượng tìm kiếm đã có kinh nghiệm hơn trong việc “nhìn núi” đoán sạt lở. Đó là chú ý vào những dòng suối chảy ra từ khe núi, nơi nào có dòng suối đục ngầu bùn đất thì đó là nơi nước đang “khoét” núi, những khu vực đó rất dễ đổ sập cả mảng núi.

Mặc dù chính quyền và người dân đã lên dây cót phòng, chống bão nhưng cũng có những nơi thì phải phó mặc cho thiên nhiên. Đó là những khu dân cư ven biển sau bão số 9 bị sóng xâm thực, bào mòn, hạ thấp bờ biển và sóng tiến rất sâu về hướng đất liền. Ở các khu vực như bờ biển thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), thôn An Cường (xã Bình Hải, Quảng Ngãi), người dân đều đã tạm rời bỏ nhà cửa trước khi bão tới.

Sơ tán hay tìm chỗ?

Sáng 13-11-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai với các địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Định để ứng phó với bão số 13. Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương nằm trong phạm vi ảnh hưởng của bão số 13 phải rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú bảo đảm an toàn; đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và thuyền viên ở nơi neo đậu tránh trú bão.

Xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế bị sóng biển xâm thực, sau bão sóng lấn vào khu dân cư khoảng 20m. Một số thanh niên đã trụ lại trong các ngôi nhà kiên cố để phối hợp với lực lượng BĐBP và chính quyền địa phương bảo vệ tài sản của nhân dân. Ảnh: Văn Chương

Tuy nhiên, trong bão số 13, có 17 tàu thuyền bị bão đánh chìm, hoặc đẩy lên cạn và tập trung nhiều nhất là tại cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế. Kinh nghiệm neo tàu chống bão được nhiều ngư dân chia sẻ: khi bão ập vào thì liên tục đảo gió, nếu neo tàu không tính tới lúc gió thổi ngược thì tàu dễ bị đâm va và chìm tại chỗ; tiếp nữa là hệ thống thoát nước trên tàu phải đảm bảo, vì mưa trút xuống boong tàu, nếu trên tàu để vương vãi giẻ rách, lưới vụn thì những vật dụng này sẽ trôi và lấp lỗ thoát nước bên hông tàu dẫn đến nước mưa tràn buồng máy và chìm tàu.

Bão số 13 (Vamco) đã làm 19 người bị thương, 6 ngôi nhà bị sập, 5.755 nhà bị hư hỏng, tốc mái. Bão số 13 cũng làm 17 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng tại nơi neo đậu...

Chính quyền địa phương và BĐBP các tỉnh đã sơ tán hơn 320.000 người dân đến nơi an toàn trước khi bão số 13 đổ bộ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu hết cụm từ “nơi an toàn”, cho rằng là phải “bốc” người đi. Nhưng thực tiễn thì ngược lại. Trong đêm 14-11, nhiều thanh niên tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến khu vực hàng quán nằm dọc bờ biển để giúp người dân vận chuyển toàn bộ đồ đạc. Đến 1 giờ sáng ngày 15-11, những thanh niên này đã di tản về những ngôi nhà dân được xây dựng kiên cố gần đó để tránh bão. Ở nhiều địa phương tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, người dân cũng tổ chức “tìm chỗ” ngay tại làng chài để khi cần thì chạy đi hỗ trợ lực lượng BĐBP phòng, chống bão. (bienphong.com.vn 17/11)

 
 
Y TẾ
 

1.  “Sâu y lý - giàu y đức - giỏi y thuật”

Đảm nhiệm hai trọng trách lớn “trồng người” và cứu người, Trường đại học (ĐH) Y Dược, ĐH Huế đã và đang phát triển đội ngũ thầy giáo - thầy thuốc để làm tốt công tác chuyên môn, đáp ứng nhu cầu mô hình Trường - Viện.

PGS.TS. Nguyễn Khoa Hùng, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế cho biết, nhà trường đã áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên. Giai đoạn 2015 – 2020, Trường ĐH Y Dược Huế tổ chức đào tạo trong và ngoài nước 179 thạc sĩ, 24 tiến sĩ và 4 bác sĩ chuyên khoa II. Cũng trong thời gian này, 839 lượt cán bộ đã được cử tham dự các hội thảo, hội nghị thế giới và khu vực. Một lượng lớn cán bộ đi học tập dài hạn sau đại học ở nước ngoài, tập trung ở khối Đông Á, châu Âu, Hoa Kỳ và Úc.

“Việc thúc đẩy hoạt động đào tạo lớp cán bộ trẻ cũng góp phần gây dựng nên thế hệ kế cận chất lượng. Từ đó kế thừa và phát huy những thành tựu của đội ngũ cán bộ, giảng viên đi trước”, đại diện nhà trường thông tin. Năm năm qua, nhà trường đã tuyển dụng 347 viên chức và hợp đồng lao động. Đa số ứng viên là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc. Vì thế, cơ cấu đội ngũ giảng viên không chỉ hợp lý, được bổ sung thường xuyên mà ngày càng trẻ hóa. Hợp lực với lực lượng giảng viên thỉnh giảng trong nước và nước ngoài thúc đẩy chất lượng đào tạo chuyên môn.

Không ngoài kỳ vọng, chất lượng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của nhà trường ngày càng nâng cao. Trong số 439 giảng viên có 58 giáo sư, phó giáo sư. Đội ngũ tiến sĩ có 127 người, 194 thạc sĩ, 58 giảng viên cao cấp, 59 giảng viên chính, 8 bác sĩ CK cấp II và 3 bác sĩ CK cấp I.

Đội ngũ giảng viên – bác sĩ của Trường ĐH Y Dược Huế đã đáp ứng kịp thời nhu cầu giảng dạy, khám chữa bệnh. Tính đến tháng 5/2020, nguồn nhân lực chất lượng của nhà trường đã vận hành hiệu quả 1 bệnh viện thực hành công lập hạng I, 7 phòng chức năng, 7 khoa với 23 bộ môn (chưa kể bộ môn trực thuộc khoa), 2 trung tâm và 3 viện nghiên cứu trực thuộc; đưa Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu khu vực miền Trung, Tây Nguyên về số lượng dịch vụ kỹ thuật được áp dụng trong khám, chữa bệnh của tất cả các chuyên khoa.

Quy mô khám chữa bệnh của bệnh viện đã tăng từ 1,2 - 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng số bệnh nhân vào điều trị nội trú tăng 1,2 lần, phẫu thuật tăng 1,3 lần. Với những nỗ lực và thành tựu, đội ngũ giảng viên – bác sĩ Trường ĐH Y Dược Huế đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 2 cá nhân, 17 Nhà giáo Ưu tú, 2 Thầy thuốc Nhân dân và 32 Thầy thuốc Ưu tú.

Thời gian tới, Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế định hướng xây dựng nhà trường theo mô hình Trường - Viện cấp quốc gia. Phát huy nguồn lực chung trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành tựu y học trong khám chữa bệnh. PGS.TS. Nguyễn Khoa Hùng nhấn mạnh: “Nhà trường luôn khuyến khích cán bộ nâng cao chất lượng học vấn. Theo kế hoạch phấn đấu đến 2025, đội ngũ cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm 80%, trong đó từ 25-30% có học vị tiến sĩ; từ 14 đến 16% có học hàm giáo sư, phó giáo sư”.

Những chỉ tiêu phấn đấu trên sẽ góp phần nâng tầm, phát triển Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế trở thành cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Đồng thời từng bước phát triển Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế trở thành bệnh viện thực hành đạt các tiêu chuẩn khu vực Đông Nam Á, tiệm cận chuẩn chất lượng quốc tế. (baothuathienhue.vn 17/11)

 
 
 

2.  Báo động tình trạng bệnh 'vi khuẩn ăn thịt người' gia tăng sau bão lũ

Ngày 17/11, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong mùa bão lũ kéo dài tại các tỉnh miền Trung từ đầu tháng 10 đến nay đã khiến số lượt bệnh nhân mắc bệnh Whitmore hay còn được biết đến với tên gọi "vi khuẩn ăn thịt người" nhập viện tăng đột biến.

Theo bệnh viện Trung ương Huế, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 28 ca bệnh. Trong số các bệnh nhân nhập viện có đến 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Số còn lại đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy.. thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nhiều bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng... dẫn đến việc điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, Melioidosis còn gọi là bệnh Whitmore, do trực khuẩn gram âm Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm.

 "Vi khuẩn ăn thịt người" còn được quan tâm đến như là một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học. Melioidosis có nhiều điểm tương đồng với một bệnh ở loài ngựa, lây qua người từ gia súc bị nhiễm bệnh.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế từ 2014-2019, đơn vị tiếp nhận khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán Whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với Burkholderia Pseudomallei ); từ tháng 1-2020 đến tháng 9-2020 có 11 bệnh nhân.

Trong khi đó, từ tháng 10/2020 đến nay bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận 28 bệnh nhân, điều này cho thấy số ca bệnh Whitmore tăng đột biến trong thời gian gần đây có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hằng năm và đặc biệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei.

Bác sĩ CKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh Whitmore hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, điều trị bằng các loại kháng sinh đặc hiệu.

Những trường hợp tử vong thường do bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.

“Sau bão lũ, sẽ có rất nhiều vi sinh vật, chất thải… theo dòng nước tràn ra gây ô nhiễm môi trường, người dân phải đối mặt với rất nhiều bệnh lý truyền nhiễm tiềm ẩn; vì vậy xử lý môi trường ô nhiễm, đảm bảo nguồn nước sạch… và chăm sóc khỏe người dân sau lũ là hết sức quan trọng và cấp thiết”, Bác sĩ Hương cho hay. (daidoanket.vn 17/11)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Khám phá những ngôi trường có lịch sử đặc biệt ở xứ Huế

Trường Quốc Học Huế, trường nữ sinh Đồng Khánh, trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba... là những ngôi trường ở xứ Huế đã ươm mầm cho nhiều gương mặt ưu tú trong lịch sử đất nước. (Ảnh kienthuc.net.vn 18/11)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Vươn khơi sau bão

Bão dồn lũ dập đã qua, thời tiết miền Trung nắng đẹp trở lại. Bà con ngư dân các tỉnh miền Trung lo sửa chữa, tu bổ tàu thuyền và ngư cụ, chuẩn bị vươn khơi sau thời gian dài nằm bờ.

Vượt khó bám biển

Tại các cảng cá Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Tam Quan, Đề Gi, Quy Nhơn (Bình Định), Đông Tác (Phú Yên), bà con ngư dân hối hả vượt sóng ra khơi. Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Cảng cá Quy Nhơn cho biết, đến sáng 17-11 đã có gần 300 tàu cá của bà con ngư dân địa phương làm thủ tục xuất cảng.

Đang bốc đá lên tàu, ngư dân Trần Ngọc Mênh (53 tuổi, ở xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) chia sẻ: “Nhà cửa bị gió bão đánh bay mái nhưng tôi chỉ tạm khắc phục để còn tranh thủ đưa tàu vươn khơi. Tôi đầu tư 150 triệu đồng để mua sắm, chuẩn bị đầy đủ dầu, đá và các nhu yếu phẩm, lương thực cần thiết với hy vọng vớt vát vài chuyến biển cuối năm để có cái tết đầy đủ”. Theo ông Mênh, ngư dân câu cá ngừ đại dương ở Hoài Nhơn có 2 ngư trường đánh bắt chính. Từ tháng 2 đến tháng 7 đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa; tháng 7 đến cuối tháng 1 năm sau đánh bắt ở ngư trường Trường Sa.

Cùng thời điểm, nhiều tàu cá khác từ vùng biển Trường Sa cập cảng. Ngư dân Cao Văn Hải (xã Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn) trên tàu BĐ 97871 TS vừa từ biển Trường Sa cập cảng cá Quy Nhơn cho biết, chưa có chuyến biển nào đi dài ngày như chuyến này, trễ ngày về mất 15 ngày. “Bão chồng bão, cứ 4-5 ngày lại xuất hiện 1 cơn bão, nối nhau đổ vào khủng khiếp quá. Tàu tôi cứ ăn rồi đi chạy bão, né bão, tránh trú khắp nơi khó khăn lắm”, anh Hải nói.

Khu vực ven biển Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị là 2 địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nề bởi bão số 13 nhưng bà con ngư dân vẫn nỗ lực vượt khó để vươn khơi. Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), cho biết, bão số 13 làm 11 con tàu của địa phương bị mắc cạn hoặc chìm. Để sớm vươn khơi sau bão, địa phương đã đề nghị Hải đội 2 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp cùng chính quyền địa phương và bà con ngư dân khơi thông vị trí các con tàu mắc cạn.

Còn đó những âu lo

Khi ngư dân đánh bắt xa bờ chuẩn bị vươn khơi thì bà con ngư dân đánh bắt gần bờ cũng liên tục trúng mẻ cá lớn. Đi dọc các làng biển Trung Lương, Nhơn Lý, Nhơn Hải (Bình Định) trở vào Xuân Hải (Phú Yên), nhiều ngư dân cho biết liên tục trúng mẻ cá hố, cá sòng. “Có tàu trúng đậm mẻ cá thu đến 30 triệu đồng chỉ trong 1 ngày đánh bắt. Mùa biển động, việc đánh bắt tuy hơi nguy hiểm nhưng thu nhập cao. Nhiều chủ tàu không gặp được đàn cá lớn cũng kiếm được năm bảy trăm ngàn đồng, vừa đạt ngày công”, ông Phạm Hữu Công (TP Quy Nhơn) cho biết.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều thuận lợi. Tại cảng Đề Gi (Bình Định), từ sau sự cố hàng loạt tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 (NĐ-67) bị hư hỏng, đến nay vẫn còn kéo dài chuỗi ngày khốn khó của các chủ tàu. Khó khăn nhất là bão chồng bão trên Biển Đông buộc họ phải chạy bão, đánh bắt thua lỗ. Ngư dân Lê Văn Thải (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) than: “Gần 2 tháng nay, bão chồng bão trên biển khiến tàu phải nằm bờ. Tôi đang vay tiền ngân hàng đóng tàu vỏ thép, trả lãi 15 triệu đồng/tháng. Vừa rồi cứ 3 ngày bão lại vào, làm ăn không được, nợ mới chồng nợ cũ khiến chúng tôi rất khốn đốn”.

Còn ngư dân Thái Văn Duyệt, chủ tàu vỏ thép BĐ 99160-TS, nói: “Mỗi chuyến biển phí tổn từ 300 đến 400 triệu đồng mà ra khơi gặp bão làm ăn không được, lỗ nặng lắm. Nợ ngân hàng còn rất nhiều nhưng cứ phải tạm gác lại chưa thể trả được”.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, không chỉ bão dồn, lũ dập gây khó khăn, phía các công ty bảo hiểm thấy nhiều rủi ro cũng ngừng bán bảo hiểm tàu cá. Bị công ty bảo hiểm “bỏ rơi”, ngân hàng “nhốt tàu”, các ngư dân ở Bình Định và mới đây là Quảng Ngãi càng lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, khó khăn chồng chất…(sggp.org.vn 18/11)

 
 
 

2.  Vay vốn tái sản xuất sau lũ

Hơn 500 hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở TP. Huế đã và đang được tiếp cận kịp thời nguồn vốn vay hơn 20 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) sau đợt mưa lũ vừa qua.

Từ đầu năm đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh liên tục gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh, thiên tai, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là đợt mưa lũ lịch sử kéo dài xảy ra diện rộng tháng 10 vừa qua.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP. Huế, đợt mưa lũ tháng 10 đã làm 51.904 hộ trên địa bàn bị ảnh hưởng, trong đó 51.607 nhà bị ngập nước. Ước tính thiệt hại về mặt kinh tế đối với người dân trên địa bàn thành phố khoảng 19,3 tỷ đồng.

Sau đợt mưa lũ, cuộc sống nhiều hộ dân gặp nhiều khó khăn do bị thiệt hại nặng về tài sản, khó khăn tái sản xuất… Để kịp thời tạo điều kiện cho người dân có vốn phát triển, sản xuất kinh doanh, NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương các phường trên địa bàn thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn TP. Huế rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đủ điều kiện để bình xét cho vay nhằm phát triển kinh tế, ổn định thu nhập và cuộc sống cho người dân.

Cũng như nhiều hộ thuộc đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP. Huế, hộ gia đình chị Hoàng Thị Kim Khẩn (tổ 4, phường Phú Bình) được bình xét cho vay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay dành cho hộ nghèo để phát triển kinh tế. Từ số tiền đó, chị đã mở cửa hàng buôn bán đồ ăn. Nhờ “tích tiểu thành đại”, chị đã trả được số tiền vay và chuyển từ hộ nghèo lên hộ cận nghèo. Sau đó, gia đình chị tiếp tục vay vốn hộ cận nghèo với số tiền vay 30 triệu đồng. Đầu năm 2020, gia đình chị đã thoát cận nghèo, trả hết nợ tại NHCSXH và chị đã tích lũy được tiền gửi tiết kiệm tại đây với số tiền là 24 triệu đồng. Sau lũ, cuộc sống khó khăn, hộ gia đình chị tiếp tục được NHCSXH tạo điều kiện vay vốn để tái thiết sản xuất.

Hộ gia đình chị Hoàng Thị Kim Khẩn là một trong hàng trăm hộ thuộc các đối tượng chính sách trên địa bàn TP. Huế được tiếp cận kịp thời nguồn vốn từ NHCSXH đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống sau lũ.

Hiện nay, với 7 chương trình tín dụng, dư nợ ở TP. Huế hơn 300 tỷ đồng với hơn 11 nghìn hộ đang còn dư nợ. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế, phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân sau đợt lũ lịch sử vừa qua, NHCSXH dự kiến với nguồn vốn thu hồi quay vòng và nguồn vốn bổ sung mới từ Trung ương, trong tháng 11, TP. Huế sẽ tổ chức giải ngân hơn 20 tỷ đồng cho hơn 500 hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các địa bàn bị thiệt hại nặng như Hương Sơ, An Hòa, Phú Hậu, Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Thành, Thuận Hòa Phú Bình, Phú Cát…

Đến ngày 12/11, NHCSXH đã giải ngân được 12,5 tỷ đồng cho 265 hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên các địa bàn các phường An Hòa, Thuận Thành, Hương Sơ, Thủy Biều, Phú Bình, An Tây, Phú Hậu, Thuận Hòa, Phú Thuận, Phú Nhuận. Số tiền còn lại hơn 9 tỷ đồng, NHCSXH tiếp tục giải ngân đến các hộ vay trên địa bàn phường Thuận Lộc, Tây Lộc, Phú Cát, Phú Hiệp, Xuân Phú, Vỹ Dạ, Hương Long, Kim Long.

Ông Văn Đức Thọ, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh đánh giá: Tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua luôn kịp thời đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đã tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt hộ gia đình tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các hộ dân được tiếp cận nguồn vốn kịp thời nhằm tái thiết sản xuất sau lũ. (baothuathienhue.vn 17/11)

 
 
 

3.  Nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê kè phục vụ sản xuất

Sau các trận mưa lũ liên tiếp, hệ thống thủy lợi, đê kè biển, đầm phá xuống cấp, bồi lắng, hư hỏng nghiêm trọng.

Xuống cấp nhiều nơi

Theo Công ty TNHH NN MTV QLKTCT thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi), các trận mưa lũ liên tiếp từ tháng 10/2020 đến nay làm các công trình thủy lợi từ miền núi đến đồng bằng hư hỏng, xuống cấp nhiều điểm với tổng giá trị thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Tại huyện miền núi A Lưới, với khoảng 80 công trình thủy lợi lớn nhỏ đã được đầu tư nhiều năm, qua nhiều giai đoạn sử dụng nên đã xuống cấp. Các trận mưa lũ liên tiếp với đặc điểm địa hình núi dốc, lượng nước chảy lớn đã làm nhiều công trình xuống cấp, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Tại hồ A Lá, đất đồi phía bờ tả của vai tràn bị sạt lở kéo theo cây cối lấp vào phần đuôi tràn và vai trái tràn bị thấm. Công trình Khu tái định cư Hồng Thượng, hệ thống ống dẫn nước bị hỏng, cầu Máng bị trôi; đập Pa Lanh 2, đập Kim Sơn xã Trung Sơn thượng lưu bị đất cát bồi lấp và trôi rọ thép sân tiêu năng và các công trình đập LiLeng xã Hồng Thủy; đập Ka Cú; đập Tà Riềng 2; đập Ru Khen... hệ thống đầu mối và kênh tưới bị hư hỏng nặng.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới thông tin, đợt mưa lũ vừa qua đã làm hư hại 58/80 công trình toàn huyện, về lâu dài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Để phục vụ sản xuất trước mắt, các xã huy động nhân lực, cho tiến hành sửa chữa, khắc phục một số công trình nhỏ. Đối với các công trình lớn, hư hỏng nặng địa phương đang đề xuất kinh phí để sửa chữa.

Ở khu vực đồng bằng, hồ Khe Ngang (TX. Hương Trà) cũng bị sạt lở vách núi phía bờ tả tràn phía thượng lưu (dài 30m, rộng 10m), mái đá thượng lưu tràn chính bờ tả bị lún sụt 5m2, mái hạ lưu đập chính bị xói lở, lún sụt 4 vị trí ở chân đập và 3 điểm thân đập. Đường quản lý công trình tràn chính đoạn cống ngầm bị hư hỏng nặng; kênh chính và kênh cấp một cũng bị hư hỏng 180m.

Các trạm bơm tại huyện Quảng Điền - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hệ thống kênh mương cũng hư hỏng nặng. Các trạm bơm Hạ Lang, Hạ Cảng, Lai Hà, Vinh Phú đều hư hỏng, xuống cấp sau  mưa lũ.

Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty Thủy lợi thông tin, mưa lũ đã làm hư hỏng, xuống cấp nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh do công ty quản lý với giá trị ước thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng. Hiện đơn vị đang tập trung khắc phục một số công trình đáp ứng nhu cầu sản xuất trước mắt. Về lâu dài, đơn vị đang đề xuất kinh phí để xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình lớn xuống cấp.

Từng bước đầu tư

Hệ thống đê kè biển, sông, đầm phá ở một số địa phương cũng bị xuống cấp, sạt trượt sau mưa lũ đang cần được khắc phục.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trong các năm qua bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn tỉnh đã đầu tư khoảng 71km kè bờ sông góp phần ổn định được cuộc sống người dân, bảo vệ đất đai, cây cối, hoa màu và một số công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn toàn tỉnh.

Các địa phương cũng đã tiến hành nạo vét các sông, hói tiêu úng và thoát lũ cho các công trình thủy lợi như hói Hiền Lương (Phong Điền); hói Phát Lát, sông Đông Ba, sông Kẻ Vạn, sông Ngự Hà và sông An Hoà (TP. Huế); sông Cầu Hai (Phú Lộc); hệ thống tiêu thoát lũ vùng Quảng Vinh, thị trấn Sịa (Quảng Điền), với tổng mức đầu tư 176,3 tỷ đồng. Đồng thời, đã xây dựng hoàn thành các cống thoát lũ, ngăn mặn trên đê, trên sông như cống Hà Đồ, cống Công Trường 1, cống Truồi 2, cống Phú Mỹ 2.

Đặc biệt, hệ thống tiêu úng An Sơn Bổn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng, công trình có nhiệm vụ ngăn lũ tiểu mãn, lũ sớm cho khoảng 1.056 ha lúa và kết hợp giao thông nội đồng, góp phần cải thiện sinh kế giảm nghèo và tăng nguồn thu nhập cho khoảng 35.500 người dân và vùng lân cận.

Ngoài ra, hệ thống đê bao trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nâng cấp khoảng 60 km với kinh phí ước 200 tỷ đồng; đầu tư xây mới và nâng cấp khoảng 40 trạm bơm điện ước kinh phí khoảng 180 tỷ đồng. Hiện nay, các hệ thống các trạm bơm đảm bảo phục vụ tưới, tiêu cho nông nghiệp. Hệ thống kênh mương nội đồng đã đầu tư được 1.180km, ước kinh phí khoảng 420 tỷ đồng. Việc đầu tư kiên cố hóa các tuyến kênh đã làm chủ động được nguồn nước tưới tiêu, tiết kiệm nguồn nước tưới, giảm chi phí trong quá trình vận hành khai thác.

Theo Quyết định 58/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình củng cố nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, Thừa Thiên Huế có tổng chiều dài được phê duyệt là 181km. Từ năm 2006 đến nay, bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương mới đầu tư được 73,09km đê (với 41 cống các loại) với tổng mức đầu tư hơn 341 tỷ đồng, còn lại 107,91km đê và 133 cống chưa được đầu tư, nâng cấp.

Công trình chống sạt lở bờ biển và ổn định các cửa biển cũng  được chú trọng đầu tư với các dự án (DA) như chỉnh trị cửa biển Thuận An giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 161 tỷ đồng đến nay đã bàn giao đưa vào sử dụng, giai đoạn 2 đang tiếp tục nghiên cứu; DA xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển khu vực Hải Dương (Hương Trà) với tổng mức đầu tư 48,9 tỷ đồng đã hoàn thành và đang phát huy tốt hiệu quả; các DA khác như ổn định cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc) đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch; DA kè chống sạt lở bờ biển khu vực Phú Thuận (Phú Vang) với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.

    UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNT, Chính phủ hỗ trợ kinh phí đầu tư một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh như xây dựng hồ chứa nước Thủy Cam với kinh phí khoảng 550 tỷ đồng; nâng cấp sửa chữa đập ngăn mặn Thảo Long đã xuống cấp, hư hỏng nặng với kinh phí khoảng 198 tỷ đồng; nâng cấp sửa chữa đập ngăn mặn Cửa Lác để phục vụ nước cho 5.225 ha với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp sửa chữa 8 hồ chứa nước với kinh phí khoảng 80 tỷ đồng và cho chủ trương nghiên cứu lập DA xây dựng hồ chứa nước Ô Lâu Thượng với kinh phí 987 tỷ đồng… (baothuathienhue.vn 18/11)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.639.201
Truy cập hiện tại 664