Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 15/09/2020
Ngày cập nhật 17/09/2020
TIN NÓNG
 

1.  Huế liệu có đang 'ngăn sông cấm chợ' đối với người đến từ Đà Nẵng?

Nhiều người dân ở TP Đà Nẵng cho rằng tỉnh Thừa Thiên Huế đang có những quy định quá cứng nhắc trong phòng dịch COVID-19, vì hạn chế việc đi lại của người dân đến từ vùng chưa công bố hết dịch gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương.

Chiều 14-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đình Bách, phó chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khẳng định tỉnh này đang tuân thủ đúng chủ trương phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ.

Ông Bách cho biết Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế đã họp và có thông báo dự kiến sẽ dỡ bỏ giãn cách với người dân đến từ 3 tỉnh chưa công bố hết dịch gồm Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương với điều kiện cả 3 địa phương trên trong vòng 28 ngày không xuất hiện ca nhiễm mới.

Cụ thể từ ngày 15-9 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Quảng Nam, đối với người từ Đà Nẵng dự kiến sau ngày 24-9 và người từ Hải Dương sau 30-9. Ông Bách nói rằng mốc thời gian 28 ngày trên được căn cứ theo Quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Bách nói rằng hiện nay cả 3 tỉnh thành trên vẫn chưa công bố hết dịch nên vẫn cần phải có những biện pháp kiểm soát y tế đối với người từ 3 tỉnh trên khi đến Huế.

"Người từ Đà Nẵng vẫn có thể ra Huế nếu có việc cấp thiết và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ mà không phải cách ly tập trung. Một số tỉnh thành khác hiện vẫn áp dụng quy định cách ly 14 ngày đối với người trở về từ vùng dịch." ông Bách nói.

Trước đó, Thừa Thiên Huế đã gỡ bỏ lệnh hạn chế đối với người đến từ vùng có dịch là Quảng Trị, Đắk Lắk và Quảng Ngãi. Ông Bách nói rằng việc gỡ bỏ hạn chế các tỉnh trên được căn cứ vào mốc thời gian phát hiện và cách ly ca bệnh nhiễm COVID-19 cuối cùng ngoài cộng đồng.

Trả lời câu hỏi rằng Huế bắt buộc người, xe cộ từ vùng dịch đến Huế phải đăng ký qua mạng và được sự đồng ý của chính quyền địa như vậy có phải đang "ngăn sông cấm chợ", trái với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì ông Bách khẳng định "tỉnh Thừa Thiên Huế đang tuân thủ đúng chủ trương phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ".

"Huế vẫn đang làm tốt công tác phòng chống dịch và đến thời điểm hiện tại Huế vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng.

Tỉnh cũng không ngăn sông cấm chợ, tất cả người và phương tiện từ các tỉnh thành không có dịch đều đến Huế đều không bị ngăn cấm, riêng người và phương tiện từ vùng đang có dịch thì được kiểm soát theo hướng dẫn của tỉnh" - ông Bách nói. (tuoitre.vn 14/9)

 
 
 

2.  Nỗi lo cháy rừng cảnh quan tại thành phố Huế

Video (http://quochoitv.vn 14/9)

 
 
 

3.  Xe trá hình lại lộng hành vượt chốt y tế, chở khách Đà Nẵng ra Huế

Mặc Huế quy định kiểm soát người từ Đà Nẵng ra, hàng loạt xe trá hình vẫn lộng hành, vô tư chở khách không khai báo y tế ra Huế.

Vô tư chở khách trá hình, vượt chốt khai báo y tế

Nhiều ngày làm khách trên chuyến xe trá hình tuyến Đà Nẵng - Huế, PV ghi nhận hoạt động loại xe này đang nở rộ ngay trong cao điểm kiểm soát dịch Covid-19. Mặc Huế ra quy định siết người từ Đà Nẵng về, xe trá hình ngang nhiên rao thông tin nhận khách trên mạng xã hội Facebook, bày cách qua chốt kiểm soát y tế để ra vào Huế dễ dàng...

Trưa 14/9, từ số điện thoại đăng tải trên mạng, PV điện thoại và được phía đầu dây hướng dẫn chờ đón xe BKS 43B-042.23. Hơn 12h cùng ngày (14/9), tài xế xe 43B-042.23 đón khách trung tâm Đà Nẵng rồi trực chỉ chạy thẳng về phía hầm Hải Vân. Lúc này trên xe 10 chỗ đã đầy ghế ngồi. Chiếc xe cứ thế vô tư qua hầm Hải Vân, gặp chốt khai bao y tế tại khu vực Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), anh tài xế dặn hành khách an tâm, rồi mở cửa chạy lại chốt khai báo. Chừng 2-3 phút mọi việc đã hoàn thành. Quan sát của PV, không hề có bất kỳ nhân viên y tế hay cơ quan chức năng nào lên kiểm đếm người trên xe, hay đối chiếu danh sách, lấy lời khai y tế.

Thấy bất thường, chúng tôi điện báo Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT, Công an Thừa Thiên-Huế) để tổ chức Tổ TTKS đón lõng, xử lý phương tiện. Khoảng 13h ngày 14/9, Đại úy Trần Hải Dương, Trạm trưởng trạm CSGT Phú Lộc chỉ đạo tổ TTKS, đón lõng xe 43B-042.23 khi vừa lưu thông đến Km 882+700 QL1, thuộc địa phận xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc).

Kết quả kiểm tra cho thấy, xe Limousine BKS 43B - 042.23 phù hiệu hợp đồng du lịch nhưng tài xế Trần Xuân Phúc (SN 1990, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) gom khách lẻ, chở hành khách không có tên trong hợp đồng...

"Xe hợp đồng nhưng lại thiếu thông tin về hành khách, vi phạm quy định điều kiện xe hợp đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 của Huế, những xe này không hiểu sao vẫn qua các chốt khai báo y tế khi cần có thông tin, lịch trình của khách. Đơn vị báo cáo vụ việc lên ngành chức năng, y tế để tiếp tục các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm", lãnh đạo Trạm CSGT Phú Lộc nói.

Tỉnh quy định chặt, “xe hợp đồng” vẫn ung dung… “lách chốt”

Tương tự, nhiều ngày qua, PV đi trên xe hợp đồng 7 chỗ BKS 75 (Thừa Thiên- Huế), 43 (Đà Nẵng)... vô tư nhận khách chở từ Đà Nẵng ra Huế. Nhiều nhà xe hướng dẫn hành khách trên xe phải qua xe trung chuyển nếu chốt kiểm soát y tế làm gắt, hoặc bày cách xuống dọc đường để không bị cách ly khi đến TP.Huế.

Vấn nạn xe trá hình không chỉ làm mất trật tự vận tải, bất bình đẳng kinh doanh vận tải hành khách mà còn tiềm ẩn nhiều mối họa phòng chống dịch Covid-19 trong cộng động. Ngay đầu mùa dịch bùng phát lần này, dù bị cấm hoạt động nhưng nhiều vụ xe trá hình vô tư chở khách từ Đà Nẵng ra Huế. Đến ngày 7/9 vừa qua, khi Bộ GTVT khôi phục hoạt động vận tải đi/đến Đà Nẵng, xe trá hình tiếp tục hoạt động rầm rộ, chở khách qua chốt kiểm soát y tế, không tuân thủ quy định xét nghiệm, cách ly tập trung của Huế...

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc chở khách từ Đà Nẵng ra Huế không khai báo y tế, cách ly tập trung là sai quy định. Với quy định hiện hành của Thừa Thiên - Huế, khi công dân từ Đà Nẵng ra Huế phải đăng ký khai báo y tế qua mạng. Nếu được phê duyệt, các công dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính trong vòng 72 giờ khi đến các chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thời gian lưu trú tại Thừa Thiên - Huế tối đa là đến thời điểm hết hạn 72 giờ tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Trường hợp nếu công dân có nhu cầu cấp thiết muốn tiếp tục ở lại tỉnh Thừa Thiên - Huế thì phải tiếp tục lấy lại mẫu để xét nghiệm chậm nhất 12 giờ trước khi kết thúc thời hạn 72 giờ của lần xét nghiệm PCR trước đó; kinh phí lấy mẫu và xét nghiệm công dân chịu trách nhiệm chi trả; đồng thời công dân phải đăng ký lại tại địa chỉ trên.

Quy định chặt chẽ là vậy, tuy nhiên, không ít trường hợp xe trá hình vẫn vô tư chở khách từ Đà Nẵng ra Huế không đảm bảo quy định khai báo y tế, ngang nhiên vượt chốt trạm y tế để trốn cách ly tập trung.

Đại diện Đội xe buýt Huế cho hay, thực hiện quy định của địa phương, xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại phải tiếp tục ngưng hoạt động, nhưng các xe hợp đồng, taxi vẫn được chạy... Điều này khiến vấn nạn xe trá hình trên tuyến càng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan Covid-19 trong cộng đồng, do các xe trá hình không tuân thủ quy định về danh sách hành khách, lịch trình, khai báo y tế...

Khi nào Thừa Thiên - Huế dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Đà Nẵng?

Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngày 14/9, tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả trong thời gian qua, sẽ dỡ bỏ giãn cách đối với những địa phương qua 28 ngày không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới theo Quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, người từ Đà Nẵng dự kiến sau ngày 24/9 và người từ Hải Dương sau 30/9 nếu các địa phương này không phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 mới. Các chốt kiểm soát y tế, kiểm tra liên ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác chốt chặn cho đến khi có thông báo mới.

Quy định là vậy, nhưng thực tế các chốt kiểm soát y tế của Huế còn lỏng lẻo, để lọt hàng loạt xe trá hình vô tư chở khách từ Đà Nẵng ra Huế, không cần đăng ký khai báo y tế, cách ly tập trung... (baogiaothong.vn 14/9)

 
 
 

4.  Thừa Thiên Huế có “ngăn sông cấm chợ”?

Tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn thực hiện một số quy định hết sức máy móc đối với người đến từ Đà Nẵng gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều người cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tự “ngăn sông cấm chợ”.

Ngày 13/9, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị thuộc bộ và Sở Giao thông Vận tải 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dỡ bỏ quy định giãn cách trên các phương tiện vận tải hành khách xuất phát từ Đà Nẵng. Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn thực hiện một số quy định hết sức máy móc đối với người đến từ Đà Nẵng gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều người cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tự “ngăn sông cấm chợ”.

Văn bản của Bộ Giao thông Vận tải về dỡ bỏ quy định giãn cách trên các phương tiện vận tải hành khách xuất phát từ Đà Nẵng nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 ngày 11/9/2020, căn cứ tình hình dịch Covid-19 về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, Bộ GTVT yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải hành khách xuất phát từ Đà Nẵng (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy...) từ 14h chiều 13/9. Văn phòng Chính phủ cũng vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 11/9.

Thủ tướng "Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương. Không yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với người đến từ địa phương đã hết dịch trong cộng đồng; chỉ xét nghiệm đối với người có biểu hiện ho, sốt".

Thế nhưng cho đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn thực hiện kiểm soát theo văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ngày 7/9 đối với người từ các vùng có dịch gồm TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Hải Dương đến Thừa Thiên Huế với mục đích cá nhân. Theo văn bản này, người từ 3 địa phương vừa nêu vào tỉnh Thừa Thiên Huế phải đăng ký khai báo y tế người, phương tiện ra/vào tỉnh Thừa Thiên Huế tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được xem xét, phê duyệt; trường hợp vướng mắc thì liên lạc về tổng đài 19001075 để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Sau khi được phê duyệt vào Thừa Thiên Huế, người dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV- 2 bằng phương pháp Realtime-PCR cho kết quả âm tính trong vòng 72h khi đến các chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh. Thời gian lưu trú tại Thừa Thiên Huế tối đa là đến thời điểm hết hạn 72 giờ tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR. Trường hợp nếu công dân có nhu cầu cấp thiết muốn tiếp tục ở lại tỉnh Thừa Thiên Huế thì phải tiếp tục lấy lại mẫu để xét nghiệm chậm nhất 12h trước khi kết thúc thời hạn 72h của lần xét nghiệm PCR trước đó. Kinh phí lấy mẫu và xét nghiệm công dân chịu trách nhiệm chi trả và phải đăng ký lại tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao.

Về việc này, ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giải thích, các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương chưa qua 28 ngày không có bệnh nhân mới mắc Covid-19. Vì vậy, có thể từ ngày 15/9 tỉnh Thừa Thiên Huế mới dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Quảng Nam đến tỉnh Thừa Thiên Huế nếu hết ngày 14/9 Quảng Nam qua 28 ngày không phát hiện trường hợp mắc bệnh mới. Đối với người từ Đà Nẵng thì phải sau 24/9 và đối với người từ Hải Dương thì sau 30/9 mới được dỡ bỏ kiểm soát nếu các địa phương này không phát hiện trường hợp mắc mới Covid-19.

Ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: đối với các các trường hợp đến từ vùng dịch cố tình không thực hiện các quy định phòng dịch của tỉnh sẽ thực hiện cách ly có thu phí.

"Tất cả các địa phương đã có dịch bệnh lưu hành thì căn cứ vào ca bệnh cuối cùng của địa phương đó, để xác định thời gian công bố hết dịch theo Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian không phát thêm ca bệnh mới là 28 ngày; và từ đó, chúng ta tính ra ngày chúng ta sẽ dỡ bỏ tất cả các điều khoản. Cụ thể như Đà Nẵng là ca 1040 là ca cuối cùng được phát hiện, ca này được xác định dương tính từ ngày 28/8. Như vậy chúng ta cộng thêm 28 ngày, tính từ ngày 28/8 sẽ dỡ bỏ các điều kiện ràng buộc. Lúc đó thì Đà Nẵng đủ điều kiện công bố hết dịch"- ông Hoàng Văn Đức cho biết.

Anh Nguyễn Văn Th., nhà ở đường Điện Biên Phủ, thành phố Huế làm việc tại TP Đà Nẵng cho biết, vợ anh sinh con đã gần 1 tháng rưỡi nay nhưng anh chỉ thấy mặt con qua mạng. Nay, TP Đà Nẵng đã hết dịch ngoài cộng đồng, anh muốn về thăm vợ con nhưng tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu phải đăng ký xin phép rất nhiêu khê. Sau khi thực hiện thủ tục đăng ký, người có nhu cầu vào Huế phải chờ Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh cho phép. Khi được đồng ý cho vào thì người đó phải đi xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR. Sau khi trình báo kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV -2 cá nhân đó chỉ được về Huế trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm chứ không phải kể từ khi được trả kết quả.

Anh Th. băn khoăn 2 điều, thứ nhất là Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Đà Nẵng không làm dịch vụ xét nghiệm. Thứ hai, khi đến cơ sở y tế tư nhân làm xét nghiệm không biết có được chấp nhận hay không. Nếu được chấp nhận thì thời gian lấy mẫu, nhận kết quả đã hết 1 ngày. Vì vậy, nếu được vào Huế trong vòng 72 giờ thì thời gian thực tế chỉ còn 48 tiếng. Nếu ở lại quá thời gian này phải tiếp tục xét nghiệm và chi phí do cá nhân tự chi trả. Anh Nguyễn Văn Th. cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế quá máy móc khi ban hành những quy định hết sức ngặt nghèo, chặn đứng người dân từ Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương khi có việc thật sự cần thiết phải đến Huế.

"Hiện nay, Đà Nẵng đã rất lâu rồi không xuất hiện ca mắc Covid-19 mới. Tuy nhiên, người Đà Nẵng muốn ra Huế thì theo quy định của tỉnh Thừa Thiên Huế là phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 tiếng tính từ khi lấy mẫu. Việc này rất khó khăn và gây phiền hà cho người dân từ Đà Nẵng ra Huế, ảnh hưởng rất lớn cho việc kinh doanh, làm ăn cũng như học tập khi có nhu cầu tới Huế"- anh Th. chia sẻ.

Ông Hồ Minh Đương, ở thị trấn A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ông có con được tuyển thẳng vào trường Đại học FPT, đóng ở quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Lần đầu con đi xa nhà, gia đình muốn đưa cháu vào nhập học để sắp xếp nơi ăn ở, chỗ học tập nhưng vướng phải quy định, khi vào Đà Nẵng trở ra phải cách ly 14 ngày. Ông Hồ Minh Đương băn khoăn, chính quy định này khiến gia đình không “tiến thoái lưỡng nan”:

 "Trường có thông báo ngày 19/9 học sinh phải nhập học. Tuy nhiên theo quy định của tỉnh ở Huế vào Đà Nẵng thì được nhưng khi quay ra phải chịu cách ly 14 ngày. Cho nên việc đưa cháu đi nhập học là khó khăn. Cháu phải tự túc vào. Chơi kiểu đóng cửa ngay cả từ Huế lên A Lưới cũng phải qua trạm kê khai tất tần tật."- ông Đương nói.

Khó khăn nhất hiện nay là hàng nghìn sinh viên nhà ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam hết kỳ nghỉ hè, hết dịch trong cộng đồng đã 17 ngày nhưng không thể ra Huế, đến trường học tập trở lại. Nhiếu sinh viên phải học qua mạng.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 11/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các cấp ủy, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Không yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với người đến từ địa phương đã hết dịch trong cộng đồng; chỉ xét nghiệm đối với người có biểu hiện ho, sốt. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Vậy các quy định của tỉnh Thừa Thiên Huế mà theo nhiều người đó là kiểu “ngăn sông cấm chợ” có đi ngược với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không?./. (vov.vn 14/9)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Cuối tuần này, miền Trung đón bão

Từ đầu năm 2020 đến nay mới có 4 cơn bão trên Biển Đông, chủ yếu là bão nhỏ hoặc không đổ bộ đất liền Việt Nam. Tuy nhiên, vào cuối tuần này, một cơn bão dự báo sẽ đổ vào miền Trung nước ta.

Dự báo cơn bão sắp tới có thể đạt cấp 9-11 và đổ bộ vào Bắc Trung bộ gây mưa rất lớn cho Trung bộ và Bắc bộ

Theo thông tin từ các chuyên gia dự báo bão và theo các mô hình cảnh báo thiên tai ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hiện ở phía Đông ngoài khơi Philippines đang hình thành một vùng thấp đang phát triển thành áp thấp nhiệt đới.

Sau khi vượt qua Philippines vào Biển Đông, do nhiệt độ bề mặt biển hiện đang ấm (nhiệt độ 29°C - 30°C) nên dự báo áp thấp nhiệt đới này sẽ phát triển thành cơn bão số 5 trên Biển Đông.

Các mô hình cho biết, xác xuất áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão là 80%, vận tốc có thể đạt khoảng 15km/giờ, khu vực bão đổ bộ là miền Trung.

Áp thấp nhiệt đới (hoặc bão) này sẽ gây mưa to ở miền Trung. Cùng lúc, không khí lạnh sẽ gây ra một đợt mưa diện rộng ở miền Bắc còn gió mùa Tây Nam bị kích hoạt bởi bão sẽ gây ra mưa diện rộng ở Tây Nam bộ và Tây Nguyên.

Ở miền Bắc, trong 10 ngày tới, sẽ có hai đợt gió mùa Đông Bắc gây mưa và dông lốc, sét. Đợt 1 từ đêm ngày 17-9 đến ngày 18-9. Đợt 2 từ khoảng ngày 22-9 đến ngày 23-9. Không khí lạnh về sẽ làm thời tiết miền Bắc chuyển mát hơn.

Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia nhận định, từ nửa cuối tháng 9 đến hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam.

Trong đó nửa cuối tháng 9 có khả năng cao tại khu vực Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ chịu ảnh hưởng của 1 cơn bão (hoặc áp thấp nhiệt đới).

Trong các tháng tới, cần tiếp tục đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: gió mạnh trên biển do tác động gió mùa Tây Nam trong tháng 9-2020 ở Nam bộ; các cơn dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa vào tháng 10 và 11; các đợt gió mùa Đông Bắc do không khí lạnh gây ra vào các tháng chính của mùa đông năm 2020-2021. Đề phòng các đợt mưa lớn, đặc biệt lớn dồn dập và kéo dài ở Trung bộ trong các tháng 10 và 11-2020. (sggp.org.vn 15/9)

 
 
 

2.  Đô thị Hương Trà trong “thành phố mới”

Gần 10 năm sau ngày “lên” thị xã, Hương Trà đã có những bước chuyển rõ nét. Tới đây, 6/15 xã, phường của địa phương sẽ sáp nhập vào TP. Huế theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, diện mạo đô thị Hương Trà hứa hẹn đổi thay mạnh mẽ.

Từ hạ tầng đô thị

Những năm qua, Hương Trà tập trung quy hoạch, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng để vừa phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đồng thời chỉnh trang bộ mặt đô thị.

Nhiều công trình kết cấu hạ tầng có tính đột phá được triển khai, tạo điểm nhấn cho thị xã như dự án (DA) nâng cấp, mở rộng QL1A qua thị xã, DA xây dựng cầu Hữu Trạch, DA đường du lịch cụm điểm di tích lăng Minh Mạng - lăng Gia Long…

Đến nay, tỷ lệ đô thị hoá của thị xã đạt 75%, kết cấu hạ tầng KT-XH khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ, từ các cơ sở giáo dục, trạm y tế đến các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở.

Trong đề xuất mô hình Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc TP. Trung ương, có 13 xã, phường, thị trấn của các huyện, thị xã sẽ được sáp nhập vào TP. Huế. Riêng Hương Trà gồm các xã, phường: Hương Hồ, Hương Thọ, Hương An, Hương Vinh, Hương Phong và Hải Dương. Chuyển giao 6 đơn vị hành chính, “lõi” đô thị Hương Trà sẽ tập trung ở khu vực trung tâm và các xã miền núi.

Chủ tịch UBND TX. Hương Trà Hà Văn Tuấn thông tin, theo lộ trình, từ nay đến 2025, thị xã phấn đấu đưa 3 xã “lên” phường là Hương Vinh, Hương Toàn và Bình Tiến. Hiện, tỉnh đang cho lập chủ trương đầu tư để đảm bảo tiêu chí đô thị cho 3 địa phương. UBND thị xã cũng đang rà soát các tiêu chí đô thị để lập thủ tục đầu tư trình tỉnh phê duyệt.

Ngoài việc nâng dần tỷ lệ dân số đô thị hoá, “với 9 xã phường còn lại, địa phương sẽ lựa chọn mô hình đô thị hoá hợp lý, đáp ứng tiêu chí xanh-sạch-đẹp”, ông Tuấn cho hay. Đồng thời, tiến hành chỉnh trang khu trung tâm các phường xã đảm bảo các tiêu chí đô thị và từng bước hình thành “mạng liên kết không gian xanh toàn cụm đô thị trung tâm”. Để tạo cảnh quan, hệ thống công viên dọc bờ sông Bồ và sông Hương sẽ được xây dựng.

Một loạt các công trình, DA hạ tầng giao thông được lên kế hoạch đưa vào đầu tư giai đoạn 2021-2025, như tuyến đường và điện chiếu sáng dọc sông Bồ từ Tứ Hạ đến Hương Toàn để phát triển vùng phía đông; thực hiện chỉnh trang diện mạo đô thị trên trục QL1A từ Tứ Hạ đến Hương Chữ. Đầu tư hệ thống điện chiếu sáng dọc QL49 từ cầu Tuần đến Bình Tiến để phát triển vùng núi. Mở rộng tuyến Tỉnh lộ 16 đến đường tránh để phân luồng lại giao thông đô thị và các tuyến đường ngang nối từ QL1A vào trung tâm các phường, xã: đường Thanh Lương (Hương Xuân), đường Hà Công (Hương Chữ), đường 19-5, Tỉnh lộ 8A (từ Hương Xuân về Quảng Thọ).

Đến thế mạnh công nghiệp

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu yêu cầu Hương Trà xây dựng thị xã xứng tầm đô thị động lực, là trung tâm dịch vụ - công nghiệp quan trọng phía bắc của tỉnh. Trong đó, xác định công nghiệp là khâu đột phá.

Trong định hướng phát triển KT-XH, Hương Trà sẽ phát huy mạnh mẽ hơn chức năng đô thị phía bắc của tỉnh, tạo động lực mới cho sự phát triển, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá cho vùng, tỉnh và tạo điều kiện phát triển KT-XH.

Đến nay, ngoài KCN Tứ Hạ đang đầu tư hạ tầng, cụm CN Tứ Hạ đã lấp đầy (58ha) và đang đề xuất mở rộng lên 75ha, thị xã cũng xin hình thành cụm CN tại thôn Thọ Bình (xã Bình Thành) để phát triển các lĩnh vực chế biến gỗ nhằm phát huy diện tích rừng trồng của Hương Trà, A Lưới.

Công nghiệp vật liệu xây dựng cũng là thế mạnh của thị xã. Hiện, Hương Trà có nhiều mỏ đất, đá ở Hương Vân, Hương Xuân, Hương An, Hương Chữ cung cấp cho thị trường sản lượng lớn đất đá chất lượng.

Nhờ lợi thế về đất đai, khí hậu, gần thành phố, thời gian tới, Hương Trà ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch chất lượng cao từ các vùng trồng lúa, rau màu ở đồng bằng và mở rộng vùng trồng cây ăn quả ở các xã vùng gò đồi.

Theo Chủ tịch UBND thị xã, do thu hẹp quy mô, diện tích và không còn lợi thế về phát triển du lịch, Hương Trà sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị và ưu tiên các lĩnh vực tạo được công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời, với những tiềm năng, lợi thế của địa phương, thị xã sẽ tiếp tục phát triển KT-XH có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp hài hòa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để đảm bảo phát triển bền vững. (baothuathienhue.vn 14/9)

 
 
 

3.  Thừa Thiên Huế: Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2020-2025

Nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp và phát huy vai trò, trách nhiệm của mặt trận, các đoàn thể trong công tác phòng chống thiên tai, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành quyết định kèm theo kế hoạch chi tiết về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh giai đoạn 2020-2025.

Thừa Thiên Huế nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á với nền nhiệt cao, chịu ảnh hưởng của các hiện tượng EL Nino và La Nina nên phải hứng chịu thời tiết cực đoan như bão, lụt, dông lốc, sạt trượt đất, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng...

Thống kê cho thấy, tổng thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra ở Thừa Thiên Huế từ 1999 đến 2018 là 518 người chết với 9.306 tỷ đồng, trung bình mỗi năm có khoảng 18 người chết và 332 tỷ đồng bị thiệt hại. Từ năm 2009 đến nay, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở Huế diễn biến phức tạp.

Hiện có hơn 64km/ 1.056 km bờ sông đang bị sạt lở nặng, tập trung chủ yếu các sông như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu..., ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn hộ dân, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, các công trình, giao thông đi lại. Hơn 10/127 km bờ biển bị sạt lở nặng tập trung các khu vực như Phong Hải (huyện Phong Điền); Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền); Hải Dương (thị xã Hương Trà); Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên(Phú Vang); Vinh Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc) đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.000 hộ.

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xác định công tác phòng, chống thiên tai phải xem là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; phải được thường xuyên quan tâm thực hiện có hiệu quả; Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội. Phòng, chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro tổng hợp theo lưu vực, liên vùng, liên ngành; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình phải đánh giá đầy đủ các tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, nông thôn mới. Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, theo hướng đa mục tiêu; khôi phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống.

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế về phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai mà Việt Nam tham gia.

Trên cơ sở đó, Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đạt được trong giai đoạn là: 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên toàn tỉnh được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn; 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở đảm bảo an toàn.

Nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là đê điều, hồ đập, khu neo đậu tránh trú bão, đảm bảo an toàn với tần suất thiết kế và thích ứng với các tác động mới của thiên tai. Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo của thiên tai. Chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực dân cư tập trung và trọng điểm về kinh tế xã hội; 100% các khu vực ngầm tràn thường xuyên bị ngập sâu được lắp đặt các thiết bị cảnh báo.

Để thực hiện đạt các mục tiêu nêu trên, kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, gồm: Về thể chế, chính sách; tổ chức, bộ máy; cơ sở hạ tầng; thông tin, truyền thông, đào tạo; nguồn lực tài chính;  khoa học công nghệ; giải pháp phòng chống thiên tai. Kết hợp các giải pháp công trình và giải pháp phi công trình đối với lũ lụt, bão, lốc tố, lũ quét, nước biển dâng, lũ lụt và động đất, sóng thần.

Kèm theo đó là Kế hoạch ứng phó gồm: về công tác di dời dân; Thiết lập hệ thống thông tin liên lạc khẩn cấp; Triển khai công tác đảm bảo y tế; Tổ chức quản lý tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản, hoạt động vận tải hành khách; Bảo đảm an toàn công trình hồ chứa nước;  Cung cấp nước sạch cho dân cư; Phương án ứng phó với thiên tai; Tổ chức ứng phó theo các cấp độ rủi ro thiên tai.

Được biết, nhờ nguồn vốn từ Quỹ khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), trong năm qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng 230 căn nhà phòng chống lụt bão cho dân nghèo và dự kiến sẽ xây thêm 200 căn trong năm 2020. (baotainguyenmoitruong.vn 15/9)

 
 
 

4.  Sẵn sàng phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”

Cùng với huấn luyện, diễn tập các phương án sát với tình hình thực tế, trước mùa bão lũ năm nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã phân chia địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng thiên tai với các cấp độ khác nhau để các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”.

Chủ động ở vùng xung yếu

Theo chân Đại tá Nguyễn Văn Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trong chuyến kiểm tra công tác triển khai kế hoạch PCTT-TKCN ở một số đơn vị biên phòng, chúng tôi có dịp quan sát các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An (Phú Vang) huấn luyện tình huống khẩn cấp di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm do ảnh hưởng bão lớn sắp xảy ra.

Trung tá Lê Khắc Giáp, Đồn trưởng Đồn BPCK cảng Thuận An cho biết: “Đơn vị đã triển khai kế hoạch đảm bảo cơ động sẵn sàng ứng phó trước tình huống thiên tai lớn xảy ra trên địa bàn, với phương châm “3 trước” là chủ động phòng chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện vật tư chuẩn bị trước và “4 tại chỗ” là lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ. Ngoài huấn luyện theo kế hoạch được cấp trên phê duyệt, đơn vị tăng cường bổ sung thời lượng huấn luyện chuyên ngành về công tác cứu hộ để cán bộ, chiến sĩ thuần thục khi làm nhiệm vụ...”.

Do địa bàn Đồn BPCK cảng Thuận An quản lý có địa hình phức tạp, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở, ngập sâu khi sóng biển dâng cao, gây chia cắt và nguy hiểm đến tính mạng, tài sản Nhân dân, nên ngoài việc huấn luyện thuần thục các phương pháp ứng cứu, di dời dân, đơn vị còn thành lập các đội thường trực bám trụ tại các địa bàn xung yếu như Phú Thuận, Phú Hải... để kịp thời giúp dân khi có tình huống xảy ra.

Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức phòng tránh bão lũ cũng được đơn vị chú trọng thực hiện, bởi phương tiện tàu thuyền là tài sản lớn của ngư dân, khiến họ khó lòng rời bỏ để di dời.

Anh Ngô Đức Sương ở thôn An Dương, xã Phú Thuận (Phú Vang) cho hay: Cán bộ vận động quần chúng của Đồn BPCK cảng Thuận An tích cực phối hợp với địa phương tuyên truyền Nhân dân nâng cao ý thức về mức độ ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, xác định rõ khu vực triều cường, sóng biển dâng cao, sự tàn phá của sức gió... để bà con chấp hành kế hoạch di dời và lệnh cấm biển khi có tình huống xảy ra.

Khác với tuyến biển, do yếu tố địa hình, nhiều địa bàn của tuyến biên giới đất liền ở huyện A Lưới thường có nguy cơ bị lũ quét đột ngột, cuốn trôi nhà cửa, chia cắt, cô lập địa bàn khi bão lũ xảy ra. Do đó, các đơn vị biên phòng tuyến núi lựa chọn phương án diễn tập theo đặc điểm tình hình địa phương và huy động đông đảo người dân trên địa bàn cùng tham gia để nâng cao hiệu quả. Yêu cầu cấp thiết là công tác rà soát, kiểm tra các khu dân cư trong vùng xung yếu để có những giải pháp kịp thời. Các đồn biên phòng chủ động tham mưu địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi cần thiết để di chuyển người dân. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương tổ chức diễn tập phòng, chống bão lũ phù hợp với đặc thù địa bàn nơi đơn vị đóng quân.

Cứu dân là mệnh lệnh chiến đấu cao nhất

Theo Đại tá Nguyễn Văn Hòa, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu đúng và đánh giá được mức độ ảnh hưởng, tàn phá của bão lũ, cũng như việc chấp hành nghiêm công tác di dời là vấn đề rất quan trọng. Do đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần việc cứu dân trong thiên tai, bão lũ là mệnh lệnh chiến đấu cao nhất.

Để chủ động ứng phó với mọi diễn biến xấu do mưa lũ có thể xảy ra, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã bổ sung các phương án phân chia địa bàn có khả năng ảnh hưởng với các cấp độ khác nhau. Cụ thể như khu vực dự kiến ngập lụt sâu, triều cường; khu vực dự kiến xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất; khu vực có thể xảy ra giông, lốc và khu vực có khả năng xảy ra tai nạn cho tàu cá...Đây là căn cứ quan trọng để cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chú trọng đến các đơn vị phụ trách những địa bàn trọng điểm như: Hồng Vân, Hồng Thủy, A Roàng (A Lưới); Hải Dương (Hương Trà); Thuận An, Phú Thuận (Phú Vang); Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lăng Cô (Phú Lộc); thường xuyên tăng cường công tác tuần tra khu vực nguy cơ sạt lở cao, kiểm soát người và phương tiện hoạt động trên vùng biển, duy trì quân số, phương tiện để sẵn sàng di dời dân ở vùng xung yếu đến nơi an toàn và tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai 75% quân số bám trụ các địa bàn, bố trí 2 tàu tuần tra và 3 ca nô 240CV của Hải đội 2 thường trực sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống; bố trí gần 10 ca nô ở các Đồn Biên phòng Phong Hải, Đồn BPCK cảng Thuận An, Đồn Biên phòng Vinh Hiền, Đồn BPCK cảng Chân Mây và Đồn Biên phòng Lăng Cô để chủ động thực hiện nhiệm vụ trên đầm phá và vùng biển thuộc địa bàn các đơn vị quản lý. (baothuathienhue.vn 15/9)

 
 
 

5.  Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 14/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1402/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Nguyễn Thanh Bình, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phong Điền.

Trước đó, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 11, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII diễn ra ngày 28/8 đã tiến hành bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016- 2021.

Với 100% đại biểu bỏ phiếu đồng ý tại kỳ họp, ông Nguyễn Thanh Bình, Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy Phong Điền được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2016- 2021.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Thanh Bình và các Ủy viên UBND tỉnh vừa được bầu bổ sung.

Ông Nguyễn Thanh Bình sinh ngày 8/10/1974; quê quán: Xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; Chuyên môn: Thạc sĩ quan hệ quốc tế; Chính trị: Cao cấp.

Trước khi được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Bình từng giữ các chức vụ: Giám đốc Sở Ngoại vụ, Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Phong Điền./. (toquoc.vn 14/9)

 
 
LAO ĐỘNG
 

1.  Kết nối việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19

Sáng 14/9, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế tổ chức tư vấn, chuyển đổi nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hoạt động lần này có sự tham gia tư vấn của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và 6 doanh trên địa bàn thành phố.

Chỉ tính riêng các doanh nghiệp đã cung cấp gần 250 vị trí việc làm tuyển dụng với nhiều ngành nghề trên các lĩnh vực như: may mặc (Công ty CP May xuất khẩu), cơ khí (Công ty CP Cơ khí Phú Xuân), bảo vệ (Công ty TNHH MTV Dịch vụ Bảo vệ Trường Sơn), dịch vụ (Công ty CP Du lịch Huế)…

Chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp diễn ra trong sáng 14/9 đã thu hút hằng trăm lượt đoàn viên, người lao động tham gia, nộp hồ sơ ứng tuyển tại các đơn vị để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế Hoàng Thị Như Thanh cho biết, hoạt động tư vấn nhằm tạo cầu nối, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị mất việc gặp gỡ các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng. (baothuathienhue.vn 14/9)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Ngắm nữ sinh Huế được đặc cách vào chung khảo Hoa hậu Việt Nam

Võ Thị Ý Nhi tân Hoa khôi sinh viên Đại học Huế được đặc cách vào chung khảo Hoa hậu Việt Nam 2020 khu vực miền Nam. Ý Nhi được khen là vẻ đẹp chuẩn con gái Huế.

Ảnh (plo.vn 14/9)

 
 
 

2.  Nghệ thuật bất tận từ sen của chàng họa sỹ trẻ xứ Huế

Họa sỹ trẻ xứ Huế Nguyễn Thanh Thảo (sinh năm 1988) đã tạo ra rất nhiều những sản phẩm độc đáo khác nhau từ sen khiến du khách thích thú. (Ảnh vietnamplus.vn 14/9)

 
 
 

3.  Huế: Không dùng ngân sách nhà nước trong triển khai mặc áo dài nam nơi công sở

Trước những ý kiến cho rằng, việc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến khích người lao động mặc áo dài vào 1 ngày trong tháng sẽ phát sinh chi phí không cần thiết, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thừa Huế khẳng định, kinh phí may áo dài không lấy từ nguồn kinh phí nhà nước mà nhận được sự hỗ trợ của các nhà may và lãnh đạo Sở bỏ tiền túi để góp thêm cho chi phí mua vải. Vì thế, không có sự lãng phí nào ở đây cả.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, mỗi bộ áo dài ngũ thân của nam giới có chi phí khoảng 800.000 đồng, áo dài của nữ giới thì chi phí thấp hơn. Nhưng cơ sở may đo đã hỗ trợ thiết kế và công may, nên chỉ tốn chi phí cho mua vải. Và chính ông đã chủ động bỏ tiền cá nhân để hỗ trợ anh em chi phí này.

“Việc mặc áo dài vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng, Sở chỉ khuyến khích chứ không có bất cứ văn bản nào bắt buộc cán bộ phải mặc áo dài. Khi chúng tôi đưa ra ý kiến về việc cả nam và nữ văn phòng mặc áo dài cố định trong 1 ngày, đã nhận được sự hưởng ứng của người lao đông. Do vậy, chúng tôi đã bắt tay ngay vào thực hiện", ông Hải nói.

Ông Phan Thanh Hải cho biết thêm, tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, xây dựng Đô thị di sản trên nền tảng phát huy giá trị di sản văn hóa và bản sắc văn hóa Huế.

Tỉnh cũng đang xây dựng đề án “Kinh đô Áo dài Việt Nam”, mà thời gian qua đã có nhiều sự kiện, hoạt động để phục hồi áo dài truyền thống như: Hành hương tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng, những người được xem là sáng tạo và phát triển áo dài Việt như “quốc phục”; Vận động các cán bộ viên chức, giáo viên, học sinh sinh viên (nữ giới)… mang áo dài truyền thống đến cơ quan công sở, trường học.

Trong khi áo dài nữ dễ dàng được chấp nhận tại công sở, trường học thì áo dài nam khi đưa vào thực tế lại khó khăn hơn trước định kiến cho rằng, nam giới không phù hợp khi khoác lên mình tà áo dài quê hương. Tuy nhiên, các nhà thiết kế thời trang và các nhà nghiên cứu đã lên tiếng ủng hộ cách làm này của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế vì cha ông ta từng mặc áo dài ngũ thân và đây là một hoạt động hướng về truyền thồng.

Hơn thế, đàn ông các nước như Scotland, Mianmar còn mặc váy thì chiếc áo dài ngũ thân dành cho nam giới của Việt Nam xem ra vẫn còn nam tính và mạnh mẽ hơn nhiều. Đây cũng chính là cách phản biện hiệu quả nhất mà mọi người đều nhìn thấy và tin tưởng, hoạt động của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế là đúng đắn và hiệu quả nhằm thực hiện đề án xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài, góp phần phát triển kinh tế du lịch địa phương. (anninhthudo.vn 14/9)

 
 
 

4.  Nam công chức Sở Văn hóa Thừa Thiên - Huế mặc áo dài đi làm: Kiên định góp sức đề án Kinh đô áo dài

Ngày 7/9/2020, nam giới khối văn phòng Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế đã mặc áo dài ngũ thân truyền thống, mang khăn đóng và đi giày Tây tới cơ quan làm việc và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Bắt buộc mặc ngày thứ Hai đầu tiên mỗi tháng

Áo dài ngũ thân ở nam giới ra đời tại Huế từ năm 1744, thời Nguyễn đã đưa lên làm quốc phục, nghĩa là đã hoàn chỉnh và có hàng trăm năm lịch sử. Áo dài ngũ thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và một thân con (nhỏ nhất, nằm trong) tượng trưng cho người mặc.

Áo luôn có 5 cúc cài thể hiện đạo lý của người đàn ông nhân - nghĩa - lễ - trí - tín, nên có ý nghĩa phải tự răn mình cần giữ tư cách đàng hoàng, sống đúng đạo lý người quân tử. Từ thời vua Khải Định đã có sự kết hợp mang giày Tây với áo ngũ thân.

Cách đây hơn một tháng, các cán bộ Sở VH-TT tỉnh cùng đăng ký đặt may đồng bộ áo dài truyền thống. Trong đó, nữ chọn áo dài màu tím; phía dưới mặt trước có họa tiết hoa sen làm nổi bật nét duyên dáng, nhẹ nhàng. Cán bộ nam thì đặt may áo dài ngũ thân nền áo màu xanh đậm, quần trắng. Họ còn mang tấm thẻ bài mô phỏng theo kiểu xưa với 4 chữ nho “Nguyên Phong Chấp Sự” tức là giữ gìn phong tục xưa.

Theo lãnh đạo Sở, ngành văn hóa sẽ duy trì đều đặn hoạt động này vào các ngày thứ Hai đầu tiên mỗi tháng, nhưng không áp dụng với những người thường đi ra ngoài làm việc. Đây cũng là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị; qua đó “truyền cảm hứng” cho nhiều đơn vị khác cùng thực hiện.

Những hình ảnh này sau đó đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến phản đối phân tích, áo dài đã là quá khứ, lạc hậu, lỗi thời; mặc đi làm sẽ không hợp và bất tiện. Ngoài ra, may bộ áo dài ngũ thân sẽ tốn kém, gây lãng phí. Đồng thời, mặc áo dài ngũ thân sẽ kềnh càng, nặng nề, không thoải mái. Trang phục công sở đã được Nhà nước quy định từ lâu, việc Sở VH-TT tỉnh “đẻ” thêm quy định mới này là không phù hợp.

Một số ý kiến được nêu ra như: “Trời nóng thế sao mặc áo dài đi làm”; “Công chức đi làm mặc áo ngũ thân giống như liền anh đi hát quan họ”; “Mặc áo dài mà đi giày Tây, sao không đi guốc mộc?”, “Rảnh quá, công sở chứ đâu phải chỗ hát chèo, hát bội, cải lương”, “Như họp họ tộc”...

Theo góp ý của ông Đào Quang Cơ (nguyên chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế); khi đội khăn đóng dễ bị rơi rớt, xiêu vẹo, đội lâu làm bó đầu. Ngoài ra, công chức mặc áo dài khăn đóng, ngực lại đeo dạng kim bài, nhìn chẳng khác gì các quan thời phong kiến; nên bỏ.

“Vấn đề là làm sao thiết kế áo dài này phù hợp hơn với bối cảnh xã hội hiện tại, cân nhắc kỹ hơn nữa việc mặc khi nào, ở đâu, với ai? Việc xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài, cần có sự chung tay, chung sức của mọi người.

Khôi phục việc nam giới mặc áo dài là đúng nhưng phải có lộ trình làm điểm; đồng thời cho triển khai nam giới mặc áo dài tại khối văn phòng liên quan đến nhiệm vụ văn hóa, giáo dục, du lịch nhưng không nhất thiết phải kèm khăn đóng, đeo kim bài. Khi nhân dân đồng thuận, sẽ lan tỏa trở thành phong trào trong quần chúng”, ông Cơ nêu ý kiến.

Sở Nội vụ: “Mặc áo dài đến công sở là không sai”

Theo Sở Nội vụ Thừa Thiên - Huế, nếu xét theo Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước (ban hành kèm theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng), việc mặc áo dài đến công sở cho cả nam và nữ cán bộ đều không sai.

Ngoài ra, trước khi thống nhất chọn ngày mặc áo dài, Sở VH-TT đã họp bàn, lấy ý kiến của toàn thể cán bộ, chứ không phải kiểu tự đặt ra “luật”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên GĐ Sở VH-TT tỉnh, người đã nhiều năm nghiên cứu về áo dài truyền thống Huế, cho rằng, việc làm của Sở VH-TT rất đáng khuyến khích. Đây không phải là bộ trang phục làm việc hằng ngày của công chức nhà nước mà là lễ phục trong dịp lễ, được mặc trong ngày làm lễ chào cờ đầu tiên của tháng.

“Họ mặc áo dài vào ngày lễ là trang trọng, mặc để quảng bá và khẳng định bản sắc văn hóa. Còn những ngày khác, họ vẫn mặc áo quần bình thường để làm việc. Không thể so sánh bộ áo dài này với áo dài của các diễn viên hát chèo, tuồng trên sân khấu được. Đây là bộ lễ phục rất đẹp, rất trang nghiêm, đúng truyền thống”, ông Hoa nhận xét.

TS Phan Thanh Hải  (GĐ Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế) cho hay Sở đang lắng nghe tất cả ý kiến từ phía dư luận. Với cá nhân ông, áo ngũ thân nam giới có thể mặc bất cứ lúc nào vì tà ngắn, quần hai ống, cho phép đi giày Tây... tạo hình ảnh rất trang nghiêm, kín đáo, phù hợp với môi trường công sở.

Việc nam cán bộ, công chức ngành văn hóa tiên phong mặc áo dài vào ngày thứ hai đầu tháng, các ngày lễ truyền thống của ngành, các lễ hội... là cần thiết nhằm khuyến khích cộng đồng phục hồi di sản này.

“Có thể lúc đầu, ý tưởng này sẽ vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Việc phụ nữ mặc lại áo dài cách đây vài chục năm cũng thế thôi nhưng rồi dần dần cộng đồng sẽ chấp nhận. Sử dụng trang phục truyền thống, hướng tới hình thành một bộ quốc phục là mong muốn của các nhà nghiên cứu và quản lý văn hoá. So với các tỉnh thành khác, Huế là nơi phù hợp nhất để thực hiện việc này khi đây là TP di sản, một trong những nơi được xem là nguồn gốc của áo dài ngũ thân truyền thống”, ông Hải nói.

Ông Hải chia sẻ, áo dài ngũ thân từng được các thế hệ trước đây mặc hàng ngày. Sở sẽ mạnh dạn đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn may áo dài ngũ thân để mặc trong các dịp lễ, các sự kiện quan trọng của địa phương. Đồng thời kiến nghị HĐND tỉnh (với khoảng 50 đại biểu) cũng nêu gương mặc áo dài ngũ thân tại các kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra trong năm.

“Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng khi đi tiên phong thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn kiên định mục tiêu thực hiện đề án Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam. Đây là một đề án dài hơi, không chỉ nhằm phục hưng một truyền thống văn hóa, một di sản của cố đô Huế mà còn góp phần thiết thực để hỗ trợ ngành du lịch dịch vụ phát triển.

Chúng tôi xem đây là một hành động đúng đắn và thiết thực để triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, mà mục tiêu là xây dựng Cố đô Huế thành một đô thị di sản đặc thù, TP trực thuộc TW trên nền tảng của văn hóa, di sản và bản sắc vùng đất Huế”, ông Hải mong muốn.

“Mỗi bộ áo dài ngũ thân của nam giới có chi phí khoảng 800.000 đồng, áo dài của nữ giới thì chi phí thấp hơn. Cơ sở may đo đã hỗ trợ thiết kế và công may, nên chỉ tốn chi phí cho mua vải. Tôi cũng đã chủ động bỏ tiền cá nhân để hỗ trợ anh em một phần chi phí này. Hoàn toàn không sử dụng một đồng nào của ngân sách”, ông Hải thông tin. (baophapluat.vn 15/9)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  “Cùng em đến trường”

Đến nay, hơn 28 nghìn quyển vở, gần 4.400 bộ sách giáo khoa và hàng nghìn dụng cụ học tập khác đã được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh chuyển đến các học sinh khó khăn trước thềm năm học mới, thông qua chương trình “Cùng em đến trường”.

Sẻ chia khó khăn

Cuối tháng 8 vừa qua, chúng tôi có dịp theo chân chương trình “Cùng em đến trường” đến với các em học sinh vùng sâu, vùng xa huyện Nam Đông. Dừng chân tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Nam Đông, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Khoa Hoài Hương đã động viên, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ 50 suất quà gồm sách, vở và dụng cụ học tập cho các học sinh ngoại trú đến từ một số xã vùng cao.

Cầm trên tay chồng vở mới nhận, em Pa Vô Xang Sane (xã Thượng Lộ), học sinh lớp 9 tại trường hồ hở kể, hằng năm em đều tận dụng các trang chưa dùng của tập vở cũ đóng lại thành quyển để đỡ phần nào chi phí. Số vở nhận được em dự định dùng một nửa, một nửa còn lại chia cho người em đang học tiểu học.

Không riêng địa bàn Nam Đông, trước thềm năm học 2020 - 2021, chương trình “Cùng em đến trường” đã hỗ trợ hàng nghìn suất quà cho các em học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn tỉnh thông qua hình thức vận động, quyên góp từ đoàn viên và các nhà hảo tâm, đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, nhiều trường hợp là con em đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Anh Nguyễn Văn Cường, đoàn viên Nghiệp đoàn Xích lô - xe thồ thành phố Huế chia sẻ, hai đợt dịch khiến thu nhập của anh em trong nghề giảm sút, điều kiện kinh tế ngày càng khó khăn. Phần quà gồm sách giáo khoa, tập vở và đồng phục dành cho con gái đang học trung học phổ thông giúp gia đình anh vơi bớt nỗi lo cho con trước năm học mới.

Công đoàn Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh là đơn vị có nhiều người lao động gặp nhiều khó khăn do thu nhập bị giảm sút bởi ảnh hưởng dịch bệnh. Trước tình hình đó, các đơn vị khác như: Công đoàn Giáo dục tỉnh, Công đoàn ngành Y tế, LĐLĐ TP. Huế, Công đoàn Viên chức đã “chia lửa” cùng Công đoàn Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh bằng việc phối hợp hỗ trợ hơn 2.500 quyển vở, 400 bộ sách giáo khoa và nhiều đồ dùng học tập, đồng phục… cho các đoàn viên, công nhân lao động tại các công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc. Ngoài ra, gần 500 quyển sách giáo khoa cũng được chuyển đến các thư viện trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn huyện Phú Lộc, nơi có đông con em công nhân lao động học tập.

Đồng hành

Theo thông tin từ LĐLĐ tỉnh, các cấp công đoàn đã đồng loạt phát động chương trình “Cùng em đến trường” và nhận được sự chung tay hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đoàn viên trên địa bàn tỉnh với hơn 28.000 quyển vở, gần 4.400 bộ sách giáo khoa cũ và mới từ lớp 2 đến lớp 12, 8.000 dụng cụ học tập các loại và hơn 600 bộ áo quần đồng phục…Chương trình đã có sự sẻ chia giữa các công đoàn cấp trên cơ sở nhằm hỗ trợ các đơn vị có đông công nhân lao động, nhưng hạn chế trong công tác vận động như: Công đoàn khu kinh tế - công nghiệp tỉnh, LĐLĐ huyện Nam Đông và A Lưới.

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh chia sẻ, với phương châm “Cũ người mới ta”, “Thừa cho đi, thiếu nhận lại”, chương trình “Cùng em đến trường” kêu gọi quyên góp tập vở, sách cũ, đồng phục đã qua sử dụng và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đoàn viên, người lao động.

Sau khi tiếp nhận, sách cũ được đóng thành từng bộ theo khối lớp, tương tự với đồng phục đã qua sử dụng sẽ mang đi giặt, ủi sạch sẽ và phân loại theo chiều cao, cân nặng, đảm bảo các phần quà đến đúng địa chỉ cần giúp đỡ, tránh lãng phí.

“Chương trình đã khẳng định được vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao động, đặc biệt là khi dịch COVID - 19 ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống. Thời gian tới, các cấp công đoàn tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn”, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương cho biết thêm. (baothuathienhue.vn 14/9)

 
 
 

2.  Đầu tư hạ tầng cho năm học mới

Năm học 2020-2021, ngành giáo dục và đào tạo (GD& ĐT) TP. Huế đưa vào sử dụng 56 phòng học và các phòng chức năng, đồng thời đầu tư thêm 122 tỷ đồng xây mới và sửa chữa phòng học với mục đích tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Năm học 2020- 2021, trên địa bàn TP. Huế có 104 trường thuộc ba cấp học, trong đó mầm non có 46 trường, tiểu học 34 trường và bậc THCS có 24 trường. Các trường cơ bản đủ phòng học đáp ứng nhiệm vụ dạy và học, tuy nhiên vẫn còn một số trường do thiếu lớp học nên không đủ điều kiện học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, có một số lớp học đã xuống cấp, nên phải đầu tư xây mới, sửa chữa mới bảo đảm công tác dạy và học cho năm học mới.

Từ tháng 9/2020, Trường tiểu học Quang Trung đưa vào sử dụng 12 phòng học mới, nâng tổng số phòng học toàn trường lên 35 phòng, cơ bản đủ phòng học đáp ứng nhu cầu học sinh học 2 buổi/ngày.

Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung Nguyễn Thế Sinh, hiện nhà trường có 6 phòng học ở khu vực tầng 3 do xây dựng từ lâu nên giờ xuống cấp, hư hỏng không đảm bảo an toàn cho việc dạy và học nên trường đang niêm phong, chờ kinh phí đầu tư.

Đầu năm học, các trường học đã đưa vào sử dụng 56 phòng học, 4 phòng chức năng, 4 phòng bếp với tổng mức đầu tư hơn 69 tỷ đồng, đồng thời đầu tư thêm 11,5 tỷ đồng sửa chữa phòng học, nhà vệ sinh và các công trình phụ trợ khác. Ngoài ra, thành phố đã cấp ngân sách cho các trường đã đầu tư 12,7 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, phục vụ công tác dạy học và bán trú; đặc biệt là trang cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học và sách giáo khóa cho khối 1 với tổng kinh phí 15 tỷ đồng.

Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó chú trọng năng lực và kỹ năng thực hành, năm học này thành phố huy động nguồn lực đầu tư xây dựng phòng học, trang thiết bị dạy học. Hiện, có 13 dự án xây mới phòng học, phòng chức năng đã và đang triển khai với tổng kinh phí 122 tỷ đồng. Trong đó, có 7 công trình cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng, như Trường mầm non Kim Long, Phú Cát, Trường tiểu học Thuận Thành, Quang Trung, Trần Quốc Toản; 6 công trình khởi công năm 2020 và dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối học kỳ I năm học 2020-2021, như Trường tiểu học Xuân Phú, Ngự Bình, Trường mầm non Thuận Hòa, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Du, Trần Phú.

Phó Trưởng phòng GD& ĐT TP. Huế, ông Lâm Thủy thông tin, năm học 2020- 2021, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và dạy ở cả 3 cấp học, thành phố quan tâm điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng dạy lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Từ đầu năm 2020, phòng đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên dạy lớp 1, trang cấp trang thiết bị và đồ dùng dạy học, đầu tư thêm phòng học tại các trường tiểu học để 100% học sinh lớp 1 đều được học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, trang bị đầy đủ sách giáo khoa, tài liệu bổ trợ cho lớp 1, nếu phụ huynh nào có hoàn cảnh khó khăn không thể mua sách giáo khoa lớp 1, nhà trường sẽ cho mượn bộ sách dùng chung đảm bảo 100% học sinh vào lớp 1 học tập tốt. (baothuathienhue.vn 15/9)

 
 
 

3.  Đại học Huế công bố điểm sàn đại học năm 2020

Điểm sàn của nhiều ngành học thuộc các trường đại học thành viên Đại học Huế đều có sự thay đổi, tăng từ 1-3 điểm.

Ngày 13/9, Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế cho biết, đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2020 (điểm sàn).

Theo đó, điểm sàn các ngành năm nay thuộc các trường/khoa thành viên trực thuộc Đại học Huế nằm ở mức từ 14 - 20 điểm. So với năm 2019 thì điểm sàn năm nay tăng từ 1-3 điểm.

Cụ thể, các ngành ở Trường Đại học Nông Lâm có mức điểm sàn tăng khá mạnh so với năm ngoái, với mức điểm từ 15 - 19 điểm.

Đối với Trường Đại học Nghệ thuật, điểm sàn các ngành được công bố lần này có cùng mức 15 điểm.

Trường Đại học Khoa học có mức điểm sàn các ngành từ 15 - 16 điểm. Riêng các ngành thuộc Khoa Du lịch có điểm sàn từ 16 - 20 điểm.

Hai ngành của Trường Đại học Luật có mức điểm sàn là 16 điểm. Hầu hết các ngành của Trường Đại học Ngoại ngữ có mức điểm sàn từ 14 - 15,5 điểm. Mức điểm sàn các ngành thuộc Trường Đại học Kinh tế từ 15 - 17 điểm.

Khoa Kỹ thuật và Công nghệ thông báo tuyển sinh bốn ngành với mức điểm sàn dao động từ 16 - 17 điểm.

Ngành Quan hệ Quốc tế thuộc Khoa Quốc tế có mức điểm sàn là 17 điểm. Các ngành thuộc Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị có cùng mức điểm sàn là 14 điểm.

Riêng các ngành thuộc khối ngành sức khỏe (và có chứng chỉ hành nghề) và sư phạm (đào tạo giáo viên) do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điểm sàn. Còn ngành Y tế công cộng (Trường Đại học Y Dược) có mức điểm sàn 16.

Các ngành gồm: Hệ thống thông tin, Tâm lý học giáo dục, Vật lý (đào tạo theo chương trình tiên tiến) của Trường Đại học Sư phạm có cùng mức điểm sàn là 15 điểm. (giaoduc.net.vn 14/9)

 
 
XÂY DỰNG
 

1.  TT Huế bảo tồn phố cổ Bao Vinh: Muộn còn hơn không

Từ một khu phố cổ nổi tiếng với những ngôi nhà có kiến trúc truyền thống độc đáo, hiện Bao Vinh chỉ còn vỏn vẹn chưa đầy 15 công trình. Nhiều ngôi nhà mới, hiện đại mọc lên đã phá vỡ diện mạo cảnh quan của một không gian cổ kính.

Dù đã được quy hoạch trong suốt hơn 20 năm qua, nhưng đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế mới bắt tay thực hiện kế hoạch chỉnh trang, bảo tồn công trình này. Tuy có muộn, nhưng vẫn còn hơn không làm gì.

Chỉnh trang không gian phố cổ

Những công trình kiến trúc xưa ở Bao Vinh có nhiều nét tương đồng với nhà cổ Hội An. Đó là những nếp nhà kiểu phố chợ, sườn gỗ và lợp mái ngói thấp, phần lớn được xây dựng từ thời Nguyễn. Riêng dãy nhà dọc dòng Hương Giang có kiến trúc kiểu nhà tứ giác, mặt nhà quay ra hướng sông.

Đầu năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ 10 tỉ đồng để triển khai thực hiện đề án bảo tồn nhà cổ và đồ án thiết kế đô thị khu vực này. Ông Trương Đắc Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà cho biết, chính quyền địa phương và các ngành chức năng vừa tiến hành khảo sát để chuẩn bị cho công tác chỉnh trang, bảo tồn giai đoạn I. Dự kiến sẽ giải tỏa 48 nhà dân dọc sông Hương, chỉ giữ lại 7 nhà tứ giác; cùng với đó sẽ xây dựng, chỉnh trang các bến thuyền để đón du khách đến tham quan bằng đường thủy. Chính quyền địa phương cũng kiến nghị thêm việc thực hiện sửa chữa, chỉnh trang đình làng Bao Vinh là “cửa ngõ” lối vào phố cổ.

“Việc chỉnh trang cảnh quan là kế hoạch giai đoạn I, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn trong tương lai. Qua đó, sẽ góp phần phát huy giá trị của không gian phố cổ, xây dựng sản phẩm du lịch và tour tuyến đến với Bao Vinh”, ông Giàu chia sẻ. Theo đại diện xã Hương Vinh, việc chỉnh trang sẽ tính toán kế hoạch xây dựng các bãi đỗ xe, nhằm hướng đến việc xây dựng mạng lưới giao thông hài hòa, hạn chế các phương tiện đi vào khu vực phố cổ. Trong kế hoạch đề án “Ngày hội Áo dài Huế” của tỉnh Thừa Thiên Huế, khu phố cổ Bao Vinh được chọn là địa điểm để triển khai chương trình Áo dài trong sinh hoạt đời thường, với việc tái hiện các hoạt động sinh hoạt, mua bán, trao đổi hàng hóa, thưởng thức ẩm thực dân gian…

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian còn lại của năm 2020 không nhiều nên chính quyền địa phương và các ngành tập trung rà soát, đánh giá hiện trạng để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế về bảo tồn và phát huy giá trị đô thị phố cổ Bao Vinh. Đồng thời, lập dự án giải tỏa các hộ dân lấn chiếm dọc bờ sông Hương.

Xây dựng đề án bảo tồn nhà cổ

Thông qua chính sách của đề án “Phát huy giá trị nhà vườn Huế”, công tác bảo tồn nhà vườn tại TP Huế và bảo tồn, phát huy nhà rường ở làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền) thời gian qua đã được thực hiện khá bài bản, thuận lợi và bước đầu có những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, những ngôi nhà cổ tại Bao Vinh lại không có trong danh mục được hỗ trợ của đề án này. Trong khi đó, số lượng nhà cổ có lối kiến trúc đặc trưng nơi đây hầu hết đã bị hư hại và xuống cấp nghiêm trọng; nhiều nhà buộc phải tháo dỡ để xây mới nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo thống kê của UBND xã Hương Vinh, tính đến nay Bao Vinh chỉ còn hơn chục ngôi nhà cổ, nhưng phần lớn đều trong tình trạng bị hư hại. Vào năm 2008, có nguồn quỹ của Thượng nghị viện Pháp hỗ trợ trùng tu 3 ngôi nhà, còn lại nhà nào hư hỏng thì chủ hộ tự sửa chữa theo từng hạng mục. Việc sửa chữa kiểu tạm thời, chắp vá này đã ít nhiều khiến cho cấu trúc các công trình nhà cổ không đồng nhất và làm mất đi giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc sắc vốn có.

Ông Nguyễn Ngọc Trác (68 tuổi), chủ căn nhà cổ ở 55 Bao Vinh cho biết, căn nhà này có từ thời ông nội của ông, giờ đã qua 5 thế hệ, vì muốn gìn giữ “di sản” của tổ tiên nên ông không muốn tháo dỡ để xây mới. Thế nhưng do nhà có hệ sườn gỗ nên qua thời gian đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Hư hại phần nào ông sửa chữa phần đó chứ không có đủ kinh phí thực hiện trùng tu toàn bộ. Nếu bây giờ mà tháo ra thì mức độ hư hỏng lên đến 50% cấu kiện của toàn bộ căn nhà. “Hai vợ chồng già chúng tôi sống ở đây cùng mấy đứa cháu ngoại, con cái thì đi làm ăn xa cả. Chúng tôi rất mong muốn chính quyền địa phương nhanh chóng có các chính sách để hỗ trợ người dân có nhà cổ ở Bao Vinh trùng tu, bảo tồn và giữ gìn di sản của ông cha”, ông Trác bày tỏ mong muốn.

Gia đình ông Lê Quang Chất, 73 tuổi, ngụ tại 105 Bao Vinh thì may mắn hơn khi là một trong những hộ dân được hỗ trợ tu bổ nhà cổ từ Thượng nghị viện Pháp vào năm 2008. Ông Chất cho rằng: Công trình nhà cổ ở Bao Vinh chính là “hồn cốt” của phố cổ đất Cố đô, nhưng suốt nhiều năm qua không được quan tâm nên cứ mai một dần. Bây giờ, tỉnh cần nhanh chóng xem xét hỗ trợ người dân trong công tác bảo tồn, dù có muộn nhưng còn hơn không làm gì.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã chỉ đạo Sở KH&ĐT phối hợp với UBND thị xã Hương Trà lập đề án về bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ ở Bao Vinh. Do các nhà cổ ở đây có thiết kế khác so với nhà vườn Huế, nên việc lập đề án có những nét riêng. Trong đó, ngoài việc xác định khối lượng công việc, cần nghiên cứu kỹ các chính sách để hỗ trợ, phát huy giá trị nhà cổ, hỗ trợ sinh kế cho người dân nơi đây. (baovanhoa.vn 14/9)

 
 
Y TẾ
 

1.  Huế chưa dỡ bỏ kiểm soát người đến từ Đà Nẵng

Những địa phương qua 28 ngày không phát sinh thêm ca nhiễm mới sẽ được dỡ bỏ kiểm soát khi đến tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngày 14-9, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh này nhấn mạnh, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhất là khi Việt Nam mở cửa trở lại trong thời gian tới.

Tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả trong thời gian qua, sẽ dỡ bỏ giãn cách đối với những địa phương qua 28 ngày không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới.

Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh dự kiến, từ ngày 15-9 tỉnh sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Quảng Nam, đối với người từ Đà Nẵng dự kiến sau ngày 24-9 và người từ Hải Dương sau 30-9 nếu các địa phương này không phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 mới.

Ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu, các chốt kiểm soát y tế, kiểm tra liên ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác chốt chặn cho đến khi có thông báo mới; đồng thời, nâng cao cảnh giác, không được chủ quan lơ là.

Bên cạnh đó, tiếp tục xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động chuẩn bị các kịch bản, ứng phó các tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ em, người yếu thế.

Ông Phan Ngọc Thọ, chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương hoàn chỉnh các bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch, xem đây là cẩm nang, công cụ quản lý để giám sát dịch tễ trên lĩnh vực của mình. Trong đó cần chú trọng đến tính pháp lý, tính khoa học, tính thực tiễn… đảm bảo các điều kiện an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ban Chỉ đạo tỉnh cũng chỉ đạo Đại học Huế, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh này có phương án tiếp nhận hơn 400 du học sinh Lào về Huế học tập đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng chống dịch; đồng thời, có kế hoạch tổ chức đón tiếp các sinh viên trở lại trường. (plo.vn 14/9)

 
 
 

2.  Thừa Thiên - Huế dỡ bỏ kiểm soát đối với công dân và phương tiện từ tỉnh Quảng Nam

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định dỡ bỏ một số hạn chế khu vực kiểm soát công dân về từ vùng có dịch.

Theo đó, từ 00h00 ngày 15/9/2020, Thừa Thiên - Huế dỡ bỏ kiểm soát người và phương tiện từ tỉnh Quảng Nam vào tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tất cả các trường hợp công dân đến Thừa Thiên - Huế phải đăng và khai báo y tế theo quy định.

Công dân từ Quảng Nam khi đăng ký vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế phải cam kết không dừng, đỗ tại bất cứ địa điểm nào từ các vùng có dịch và trong vòng 14 ngày trước đó không đến vùng có dịch.

Việc tiếp nhận người, phương tiện từ các vùng có dịch (chưa qua 28 ngày) đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và theo các hướng dẫn của cơ quan chức năng. (baodansinh.vn 15/9)

 
 
 

3.  Vì sao Huế chưa dỡ bỏ kiểm soát người đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam

Ông Nguyễn Đình Bách cho biết, dự kiến từ ngày 15/9, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Quảng Nam đến tỉnh nếu hết ngày 14/9 Quảng Nam qua 28 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm bệnh mới theo quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trước những thông tin liên quan đến sự việc tỉnh Thừa Thiên Huế chưa dỡ bỏ kiểm soát người đến từ TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, chiều 14/9, ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do đến nay TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Hải Dương vẫn chưa phải là các địa phương hết dịch COVID-19. Bộ Y tế và các tỉnh thành vẫn chưa công bố hết dịch tại những địa phương này.

Mặt khác, căn cứ theo quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Hải Dương cũng chưa qua 28 ngày không có bệnh nhân mới mắc COVID-19.

Ông Nguyễn Đình Bách cho biết, dự kiến từ ngày 15/9, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Quảng Nam đến tỉnh nếu hết ngày 14/9 Quảng Nam qua 28 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm bệnh mới theo quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với người từ TP Đà Nẵng, thời gian dự kiến là sau 24/9 và người từ Hải Dương sau 30/9 nếu các địa phương này không phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 mới.

Trước đó, vào ngày 7/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng dịch COVID-19 khi người từ các vùng có dịch gồm Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương đến Thừa Thiên Huế với mục đích cá nhân. Theo văn bản này, người từ vùng có dịch COVID-19 vào tỉnh Thừa Thiên Huế phải đăng ký khai báo y tế người, phương tiện ra/vào tỉnh Thừa Thiên Huế tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được xem xét, phê duyệt; trường hợp vướng mắc thì liên lạc về tổng đài 19001075 để được hướng dẫn, hỗ trợ. Sau khi được phê duyệt vào Thừa Thiên Huế, người dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV- 2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính trong vòng 72h khi đến các chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh này.

Người dân từ vùng dịch đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn phải khai báo y tế và được đưa đi cách ly tập trung theo đúng quy định phòng chống dịch COVID-19.

Cùng ngày, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học Huế cho biết, 463 lưu học sinh Lào sau khi trở lại Huế để học sẽ được cách ly tập trung tại trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (T3A, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang).

Theo kế hoạch, các lưu học sinh sẽ nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay (tỉnh Quảng Trị). Thời gian nhập cảnh dự kiến trong 3 đợt, trong đó đợt 1 tại cửa khẩu quốc tế La Lay vào ngày 21/9, số lượng khoảng 150 người; đợt 2 tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vào ngày 22/9, khoảng 150 người và đợt 3 tại cửa khẩu quốc tế La Lay ngày 23/9, khoảng 163 người.

Sau khi hết thời gian cách ly tập trung, các lưu học sinh Lào sẽ tiếp tục được giám sát y tế thêm 14 ngày tại các khu ký túc xá thuộc trường cao đẳng Sư phạm tỉnh Thừa Thiên Huế và ký túc xá thuộc Đại học Huế. (cand.com.vn 14/9)

 
 
 

4.  Thừa Thiên - Huế tiếp tục hạn chế người đến từ Đà Nẵng, Hải Dương

Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Thừa Thiên - Huế cho biết sẽ tiếp tục hạn chế người dân đến từ vùng dịch ở Đà Nẵng, Hải Dương.

Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết liên quan đến việc kiểm soát y tế đối với những công dân đến Huế từ vùng dịch, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 sáng 14.9, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh này, kết luận tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả trong thời gian qua, sẽ dỡ bỏ giãn cách đối với những địa phương qua 28 ngày không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới.

Dự kiến ngày mai (15.9) sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Quảng Nam đến Huế. Đối với người đến từ Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế dự kiến dỡ bỏ hạn chế sau ngày 24.9 và người từ Hải Dương từ sau 30.9, nếu các địa phương này không phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 mới.

Cho đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa phát hiện người nhiễm Covid-19 trong đợt bùng phát dịch thứ 2. Hiện các chốt kiểm soát dịch chính trên tuyến QL1A qua địa bàn tỉnh vẫn trực 24/24. (thanhnien.vn 14/9)

 
 
 

5.  Từ Kiên Giang lặn lội ra Huế ghép tủy, bệnh nhi được cứu sống

Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công ca ghép tủy thứ 4, cứu sống bệnh nhi ung thư ở Kiên Giang.

Ngày 14.9, Bệnh viện Trung ương Huế đã làm thủ tục ra viện cho bệnh nhi là cháu T.N.T.Q (8 tuổi, ngụ xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), mắc bệnh u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, sau khi được ghép tủy 15 ngày đã phục hồi tốt.

Cháu Q. sau khi xuất viện, sẽ tiếp tục về nhà uống thuốc. Sau đó, cháu sẽ vào viện trở lại để lên kế hoạch xạ trị vào giường khối u tồn dư, và uống thuốc miễn dịch retino-acid trong vòng 6 tháng.

Trước đó, cháu Q. nhập viện và được chẩn đoán u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Sau khi nhập viện, Ban giám đốc bệnh viện đã chủ trì buổi hội chẩn đa chuyên khoa để chỉ đạo kế hoạch ghép tủy cho cháu, chứ không dừng lại ở việc xạ trị. Vì với phương pháp ghép tế bào gốc, sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn cho cháu.

Tại bệnh viện, cháu Q được tiến hành điều trị tiếp 3 vòng hóa chất, các y bác sĩ đã tiến hành thu hoạch tế bào gốc và chuyển mổ bóc được 90% khối u, bảo tồn được cả hai thận. Sau đó, cháu Q. được tiến hành dùng hóa chất liều cao và ghép tủy.

Ca ghép tủy được thực hiện với sự chỉ đạo trực tiếp của Ban giám đốc bệnh viện, sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của nhiều trung tâm: Trung tâm Nhi khoa, Trung tâm Huyết học truyền máu, Trung tâm Ung bướu, Khoa Ngoại nhi cấp cứu bụng, các khoa cận lâm sàng: huyết học, sinh hóa, vi sinh, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng....

Đây là ca ghép tủy thứ 4 được thực hiện thành công để chữa trị ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế.

"Từ Kiên Giang xa xôi đến Huế là một nơi lạ, nhưng giờ đã trở thành một nơi thân thương, nơi sinh ra cháu lần thứ hai. Mặc dù dịch bệnh Covid-19, nhưng các y, bác sĩ vẫn không ngần ngại thực hiện ghép tủy cho cháu trong thời buổi khó khăn này", mẹ cháu bé xúc động chia sẻ.

Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, kết quả này là bước ngoặt để Bệnh viện Trung ương Huế tự tin tiếp tục thực hiện nhiều ca ghép tủy tự thân tiếp theo để mang lại sự sống cho các bệnh nhi". Trước đó, bệnh nhân đã được điều trị hóa chất theo phác đồ nguy cơ cao tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). (thanhnien.vn 14/9)

 
 
 

6.  Ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi thứ 4 thành công

Các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi thứ 4.

Với căn bệnh này, bệnh nhân phải điều trị hóa chất liều cao kèm ghép tế bào gốc tự thân mới có thể sống được.

Sau 15 ngày ghép, các dòng tế bào máu đã được phục hồi, sức khỏe bệnh nhân tốt trở lại, Tú Q. chính thức được xuất viện và tiếp tục uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Sau đó,  sẽ  lên kế hoạch xạ trị  khối u tồn dư, uống thuốc miễn dịch retino-acid trong vòng 6 tháng. 

Trước đó, ngày 8/1/2020, sau khi được điều trị hóa chất theo phác đồ nguy cơ cao tại bệnh viện Nhi Đồng 2, Tú Q. được chuyển đến Bệnh Viện Trung ương Huế để xạ trị và thực hiện ghép tủy.

Tại đây, bệnh nhi này được tiến hành điều trị tiếp 3 vòng hóa chất, sau đó thu hoạch tế bào gốc và chuyển mổ bóc được 90% khối u, bảo tồn được cả hai thận. Sau đó, được tiến hành dùng hóa chất liều cao và ghép tế bào gốc trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thành công với ca ghép tủy thứ tư không chỉ là niềm vui cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và đội ngũ thầy thuốc mà  một lần nữa khẳng định vị thế của bệnh viện Trung ương Huế trong nền y học nước nhà. (nhandan.com.vn 14/9, baothuathienhue.vn 15/9)

 
 
 

7.  Khi nào Huế sẽ dỡ bỏ hạn chế người đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam?

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương này sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với những địa phương qua 28 ngày không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới theo Quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trước sự quan tâm của nhiều người dân về việc vì sao tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế vẫn chưa dỡ bỏ hạn chế người dân từ TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đến địa phương, ngày 14/9, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh này cho hay, dự kiến từ ngày 15/9 sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với người dân đến từ Quảng Nam.

Việc dỡ bỏ hạn chế dự kiến cũng được thực hiện đối với người dân đến từ TP Đà Nẵng sau ngày 24/9 và đối với người dân đến từ Hải Dương sau ngày 30/9 nếu các địa phương này không phát hiện thêm các trường hợp nhiễm Covid-19 mới.

Theo lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, lý do hiện tại địa phương này chưa thực hiện dỡ bỏ hạn chế là do đến nay TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Hải Dương vẫn chưa phải là các địa phương hết dịch Covid-19. Bộ Y tế và các tỉnh thành vẫn chưa công bố hết dịch tại những địa phương này.

Mặt khác, căn cứ theo quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Hải Dương cũng chưa qua 28 ngày không có bệnh nhân mới mắc Covid-19.

Trước đó, vào ngày 7/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng dịch Covid-19 khi người từ các vùng có dịch gồm Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương đến Thừa Thiên Huế với mục đích cá nhân.

Theo văn bản này, người từ vùng có dịch COVID-19 vào tỉnh Thừa Thiên Huế phải đăng ký khai báo y tế người, phương tiện ra/vào tỉnh Thừa Thiên Huế tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được xem xét, phê duyệt; trường hợp vướng mắc thì liên lạc về tổng đài 19001075 để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Sau khi được phê duyệt vào Thừa Thiên Huế, người dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV- 2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính trong vòng 72h khi đến các chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh này.

Được biết, cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo có phương án tiếp nhận hơn 400 du học sinh Lào về Huế học tập. Theo kế hoạch, các du học sinh sẽ nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay (tỉnh Quảng Trị).

Thời gian nhập cảnh dự kiến trong 3 đợt, trong đó đợt 1 tại cửa khẩu quốc tế La Lay vào ngày 21/9, số lượng khoảng 150 người; đợt 2 tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vào ngày 22/9, khoảng 150 người và đợt 3 tại cửa khẩu quốc tế La Lay ngày 23/9, khoảng 163 người.

Sau khi đến Huế, các du học sinh Lào sẽ được cách ly tập trung tại trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (T3A, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang). Khi hết thời gian cách ly tập trung, sẽ tiếp tục được giám sát y tế thêm 14 ngày tại các khu ký túc xá thuộc trường cao đẳng Sư phạm tỉnh Thừa Thiên Huế và ký túc xá thuộc Đại học Huế./. (toquoc.vn 14/9)

 
 
 

8.  Từ 0h ngày 15/9, người từ Quảng Nam đến Huế phải cam kết gì?

Công dân từ Quảng Nam khi đăng ký vào Huế phải cam kết không dừng đỗ tại vùng có dịch và trong vòng 14 ngày trước đó không đến vùng có dịch.

Tối 14/9, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trên cơ sở nội dung cuộc họp ngày 14/9 và ý kiến của các chuyên gia y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh quyết định dỡ bỏ một số hạn chế khu vực kiểm soát công dân về từ vùng có dịch.

Cụ thể, tất cả các trường hợp công dân đến Thừa Thiên - Huế phải đăng ký và khai báo y tế theo quy định. Từ 0h ngày 15/9, dỡ bỏ kiểm soát người và phương tiện từ tỉnh Quảng Nam vào tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Công dân từ tỉnh Quảng Nam khi đăng ký vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế phải cam kết không dừng, đỗ tại bất cứ địa điểm nào từ các vùng có dịch và trong vòng 14 ngày trước đó không đến vùng có dịch.

Việc tiếp nhận người, phương tiện từ các vùng có dịch (chưa qua 28 ngày) đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục thực hiện theo các Thông báo số 143 ngày 12/8, Thông báo số 145 ngày 14/8, Thông báo ngày 18/8, Thông báo số 166 ngày 31/8 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh và Hướng dẫn số 163 ngày 27/8, Hướng dẫn số 172 ngày 7/9/2020 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và Công văn số 7186 ngày 11/8/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Như vậy, hiện nay, người từ Đà Nẵng muốn đến Huế vẫn phải đăng ký qua mạng, xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ khi đến các chốt kiểm tra liên ngành… theo quy định trước đó của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cụ thể, theo Thông báo số 172/HD-BCĐ ngày 7/9 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế hướng dẫn các biện pháp phòng dịch khi công dân từ vùng có dịch đến Thừa Thiên - Huế với mục đích cá nhân. Đối với công dân từ vùng có dịch vào tỉnh Thừa Thiên - Huế phải đăng ký khai báo y tế người, phương tiện ra/vào tỉnh Thừa Thiên - Huế tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được xem xét, phê duyệt.

Sau khi được phê duyệt vào Thừa Thiên - Huế, các công dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính trong vòng 72 giờ khi đến các Chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thời gian lưu trú tại Thừa Thiên - Huế tối đa là đến thời điểm hết hạn 72 giờ tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Trường hợp nếu công dân có nhu cầu cấp thiết muốn tiếp tục ở lại tỉnh Thừa Thiên - Huế thì phải tiếp tục lấy lại mẫu để xét nghiệm chậm nhất 12 giờ trước khi kết thúc thời hạn 72 giờ của lần xét nghiệm PCR trước đó; kinh phí lấy mẫu và xét nghiệm công dân chịu trách nhiệm chi trả, đồng thời công dân phải đăng ký lại tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao.

Liên quan đến quy định trên, nhất là người về quê có hoàn cảnh khó khăn, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, lâu nay công dân Thừa Thiên - Huế về quê (25.000 người) đều được xét nghiệm miễn phí.

Hiện, người dân Thừa Thiên - Huế về đăng ký và được duyệt (trung bình mỗi ngày 150-200 người) vẫn được xét nghiệm và cách ly miễn phí. Chỉ người ngoại tỉnh từ vùng còn dịch đến vì lý do cá nhân, hoặc người trốn các chốt kiểm tra y tế không khai báo mới phải xét nghiệm PCR trả phí. (baogiaothong.vn 14/9)

 
 
 

9.  Dự kiến từ 15/9/2020, dỡ bỏ giãn cách đối với người Quảng Nam đến Huế

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 sáng 14/9, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, đến nay Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương vẫn chưa phải là các địa phương hết dịch COVID, Bộ Y tế và ngay cả các tỉnh, thành này chưa công bố hết dịch tại địa phương. Do đó, tỉnh cũng xem xét, có quyết sách mới đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 gắn với phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đến nay các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương vẫn chưa phải là các địa phương hết dịch COVID-19. Bộ Y tế và ngay cả các tỉnh, thành này chưa công bố hết dịch tại địa phương. Mặt khác, căn cứ theo Quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương cũng chưa qua 28 ngày không có bệnh nhân mới mắc COVID-19.

Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng chống COVD-19 tỉnh dự kiến, có thể từ ngày 15/9, tỉnh sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Quảng Nam đến tỉnh nếu hết ngày 14/9 Quảng Nam qua 28 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm bệnh mới theo Quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với người từ Đà Nẵng dự kiến sau 24/9 và người từ Hải Dương sau 30/9 sẽ được dỡ bỏ kiểm soát nếu các địa phương này không phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 mới.

Trước đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng dịch COVID-19 khi người từ các vùng có dịch gồm Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương đến Thừa Thiên Huế với mục đích cá nhân.

Theo văn bản này, người từ vùng có dịch Covid-19 vào tỉnh Thừa Thiên Huế phải đăng ký khai báo y tế người, phương tiện ra/vào tỉnh Thừa Thiên Huế tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được xem xét, phê duyệt; trường hợp vướng mắc thì liên lạc về tổng đài 19001075 để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương hoàn chỉnh các bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch, xem đây là cẩm nang, công cụ quản lý để giám sát dịch tễ trên lĩnh vực của mình. Trong đó cần chú trọng đến tính pháp lý, tính khoa học, tính thực tiễn… thoả mãn các điều kiện an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh trước tình hình mới. Phải đề phòng trong mọi tình huống, sẵn sàng đón "làn sóng" thứ 3 của dịch, khi yêu cầu thì có ngay.

Ban Chỉ đạo tỉnh cũng chỉ đạo Đại học Huế, Sở Giáo dục và đào tạo có phương án tiếp nhận hơn 400 du học sinh Lào về Huế học tập đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng chống dịch; đồng thời, có kế hoạch tổ chức đón tiếp đại trà sinh viên học tập trở lại. (baothuathienhue.vn 14/9)

 
 
 

10.  Thừa Thiên – Huế: Dỡ bỏ giãn cách đối với những địa phương qua 28 ngày

Ngày 14/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, sẽ dỡ bỏ giãn cách đối với những địa phương qua 28 ngày không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới, theo Quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh dự kiến, từ ngày 15/9 tỉnh sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Quảng Nam, đối với người từ Đà Nẵng dự kiến sau ngày 24/9 và người từ Hải Dương sau 30/9 nếu các địa phương này không phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 mới. Các chốt kiểm soát y tế, kiểm tra liên ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác chốt chặn cho đến khi có thông báo mới; đồng thời, nâng cao cảnh giác, không được chủ quan lơ là.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động chuẩn bị các kịch bản, ứng phó các tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ em, người yếu thế.

Chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương hoàn chỉnh các bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch, xem đây là cẩm nang, công cụ quản lý để giám sát dịch tễ trên lĩnh vực của mình. Trong đó, cần chú trọng đến tính pháp lý, tính khoa học, tính thực tiễn… đảm bảo các điều kiện an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. “Bộ tiêu chí phải đánh giá được, định lượng được khả năng của các đơn vị hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Để nhà nước, chủ doanh nghiệp và khách hàng thấy yên tâm khi các đơn vị, cơ sở hoạt động trở lại.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo có phương án tiếp nhận hơn 400 du học sinh Lào về Huế học tập đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng chống dịch; đồng thời, có kế hoạch tổ chức đón tiếp đại trà sinh viên học tập trở lại. (baoxaydung.com.vn 14/9)

 
 
 

11.  Cách ly 14 ngày với hơn 400 học sinh Lào trở lại Huế

463 lưu học sinh Lào sau khi trở lại Huế nhập học sẽ được cách ly tập trung tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế).

Sáng 14/9 PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Phó giám đốc Đại học Huế cho biết, 463 lưu học sinh Lào sau khi trở lại Huế để học sẽ được cách ly tập trung tại Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – T3A, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang.

Theo kế hoạch, các lưu học sinh sẽ nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay (Quảng Trị). Thời gian nhập cảnh dự kiến trong 3 đợt: đợt 1 tại cửa khẩu quốc tế La Lay vào ngày 21/9, số lượng dự kiến khoảng 150 người; đợt 2 tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vào ngày 22/9, dự kiến số lượng khoảng 150 người; đợt 3 tại cửa khẩu quốc tế La Lay vào ngày 23/9, số lượng dự kiến khoảng 163 người.

Sau khi hết thời gian cách ly tập trung, các lưu học sinh Lào sẽ tiếp tục được giám sát y tế thêm 14 ngày tại các khu ký túc xá thuộc Trường cao đẳng Sư phạm tỉnh và ký túc xá Trường Bia thuộc Đại học Huế.

Lý giải nguyên nhân vì sao đến nay Thừa Thiên – Huế chưa dỡ bỏ kiểm soát người đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, ông Nguyễn Đình Bách - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, do đến nay các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương vẫn chưa phải là các địa phương hết dịch COVID-19. Bộ Y tế và ngay cả các tỉnh thành này chưa công bố hết dịch tại địa phương.

Mặt khác, căn cứ theo Quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương cũng chưa qua 28 ngày không có bệnh nhân mới mắc COVID-19.

Theo ông Nguyễn Đình Bách, dự kiến, có thể từ ngày 15/9 tỉnh sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Quảng Nam đến tỉnh nếu hết ngày 14/9 Quảng Nam không phát hiện trường hợp nhiễm bệnh mới - nghĩa là đã qua 28 ngày công có thêm người mắc COVID-19 - theo Quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với người từ Đà Nẵng, thời gian dự kiến là sau 24/9 và người từ Hải Dương sau 30/9 nếu các địa phương này không phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 mới.

Trước đó, vào ngày 7/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng dịch COVID-19 khi người từ các vùng có dịch gồm Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương đến Thừa Thiên - Huế với mục đích cá nhân.

Theo văn bản này, người từ vùng có dịch COVID-19 vào tỉnh Thừa Thiên - Huế phải đăng ký khai báo y tế người, phương tiện ra/vào tỉnh Thừa Thiên- Huế tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được xem xét, phê duyệt; trường hợp vướng mắc thì liên lạc về tổng đài 19001075 để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Sau khi được phê duyệt vào Thừa Thiên - Huế, người dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV- 2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính trong vòng 72 giờ khi đến các chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh này. (phunuonline.com.vn 14/9)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Có “blue map”, du khách an tâm đi du lịch Huế

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, ngành đang gấp rút xây dựng “blue map” (bản đồ du lịch an toàn), để khẳng định các điểm đến của Huế an toàn và sẵn sàng phục vụ khách du lịch.

Bản đồ du lịch an toàn

Thời gian qua, nhất là từ thời điểm tuần cuối cùng của tháng 8 đến nay, du lịch Huế đã có dấu hiệu “khởi sắc” trở lại. Cụ thể, các điểm nghỉ dưỡng đã có khách lưu trú, từ 30 - 90 lượt khách/đêm. Các điểm vui chơi giải trí cũng đã đón đến hàng trăm lượt khách, như trong ngày Quốc khánh, Alba Thanh Tân (Phong Điền) đón được 300 lượt khách, Khu du lịch YesHue Eco (Nam Đông) đón 287 lượt khách. Đặc biệt, các điểm đến thuộc di sản đón khoảng 4.000 lượt khách trong ngày lễ 2/9 khi các điểm được mở cửa miễn phí.

Theo Sở Du lịch, để gia tăng nhu cầu đi du lịch nhiều hơn nữa của du khách trong thời gian tới, ngành du lịch buộc phải có những động thái mạnh mẽ hơn để khẳng định cho du khách biết các điểm đến của Huế hiện nay đã thật sự an toàn và đủ điều kiện, tiêu chí về phòng chống dịch, đón khách đến vui chơi, khám phá, nghỉ dưỡng.

Ông Lê Hữu Minh khẳng định: “Trong nhiều giải pháp được triển khai trong tình hình mới, sở đang gấp rút xây dựng “blue map”. Theo đó, bản đồ sẽ liệt kê tất cả các điểm đến hấp dẫn mà đảm bảo các yếu tố an toàn, kết hợp với tính năng hỗ trợ chỉ đường, hình thức di chuyển… Bản đồ này được kết hợp với ứng dụng Bluezone được Chính phủ khuyên dùng. Bản đồ như một thông báo chính thức của ngành du lịch rằng: Huế an toàn”.

Triển khai bản đồ du lịch an toàn rất cần thiết, nhất là khi Huế đang tập trung các giải pháp hồi phục ngành du lịch. Thời gian qua, nhiều địa phương và doanh nghiệp trong nước đã triển khai bản đồ và cho thấy hiệu quả bước đầu. Chẳng hạn như Vietravel, doanh nghiệp này đã nhanh chóng xây dựng các bản đồ du lịch an toàn tại các địa phương khi dịch bệnh có bước kiểm soát tốt từ giữa tháng 8/2020. Bản đồ này giúp doanh nghiệp tổng hợp thông tin chính xác, tin cậy cho du khách nhận ra điểm đến yêu thích.

Đại diện Vietravel chi nhánh Huế thông tin, dựa trên những hướng dẫn của ngành du lịch, công ty đã hình thành bản đồ và mở bán tour “khám phá Huế - vùng đất kinh kỳ”. Theo đó, điểm đến an toàn được công ty lựa chọn để xây dựng các tour là TP. Huế, Nam Đông, A Lưới, Vườn quốc gia Bạch Mã, đầm phá Tam Giang. Thời gian đến, khi Sở Du lịch mở rộng các điểm đến an toàn, công ty sẽ dựa vào đó để xây dựng thêm các tour tuyến, tăng tính đa dạng.

Tập trung kích cầu từ giữa tháng 9

Ông Lê Hữu Minh khẳng định, trong tình hình mới khi dịch bệnh dần được kiểm soát, đòi hỏi phải có sự rà soát, đánh giá và thay đổi một số chi tiết trong bộ tiêu chí điểm đến an toàn mà Huế đã ban hành trước đó. Vì nếu áp dụng như cũ sẽ có nhiều vấn đề chưa phù hợp và các điểm đến khó đáp ứng được. Hiện nay, sở đã sửa đổi lại bộ tiêu chí an toàn và đang trình UBND tỉnh thẩm định và thông qua.

 “Từ bộ tiêu chí này, sẽ hình thành thang điểm. Sở Du lịch sẽ phối hợp với các ngành liên quan thành lập hội đồng đánh giá, thẩm định và tiến hành khảo sát tất cả các điểm đến. Chỉ những điểm đến, cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện mới được cấp chứng nhận đủ an toàn, cũng như chính thức đưa vào “blue map”. Đây cũng là điều kiện đủ để các điểm đến phục vụ khách”, ông Lê Hữu Minh cho hay.

Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết thêm, song song với việc xây dựng điểm đến an toàn bằng bản đồ, sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh để ban hành kế hoạch “người Huế đi du lịch Huế”. Cùng với đó, sở giao Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh hình thành các gói kích cầu mới. Tất cả đang triển khai và dự kiến vào giữa tháng 9 sẽ đồng loạt đưa vào khai thác để thu hút khách từ nay đến cuối năm và có thể sang năm 2021.

Gần đây, Huế bắt đầu khai thác một số điểm đến mới, làm tăng tính hấp dẫn cho Huế hơn. Một số điểm, nhất là các điểm phục vụ miễn phí, lượng khách đến khá đông, nhưng cho thấy thiếu sự giãn cách và khách cũng không đi từng nhóm nhỏ theo khuyến cáo. Các điểm thiếu các bảng biển có cảnh báo, hay hướng dẫn. Do đó, các cơ quan quản lý cũng cần có sự tính toán hợp lý trong việc phục vụ khách, nếu không, sự chủ quan có thể khiến các điểm đến “trở tay không kịp”. (baothuathienhue.vn 14/9)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Lập biên bản xử lý 382 học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Chiều 14/9, thượng tá Lê Viết Phương, Phó Trưởng Công an TP. Huế cho biết, đó là con số trong đợt cao điểm ra quân quân tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là đối với các em học sinh, sinh viên.

Công an TP. Huế đã lập biên bản xử lý 382 trường hợp liên quan đến các em học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Chỉ trong những ngày đầu ra quân, lực lượng nghiệp vụ Công an TP. Huế đã phát hiện các em học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhưng vẫn cố tình điều khiển; điều khiển xe máy điện, xe đạp điện vi phạm các lỗi như: không đội mũ bảo hiểm, chạy hàng ngang, chở ba; lạng lách, đánh võng; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông…

Tính đến thời điểm này, Công an TP. Huế đã lập biên bản xử lý 382 trường hợp liên quan đến học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phạt tiền gần 300 triệu đồng. Trong đó, có 87 trường hợp các em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện.

Những trường hợp vi phạm này, Công an TP. Huế sẽ tập hợp danh sách để gửi về các trường, nhằm phối hợp cùng phụ huynh có biện pháp quản lý giáo dục. (baothuathienhue.vn 15/9)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Phát triển bền vững kinh tế biển, đầm phá

Kinh tế biển và đầm phá đang chuyển biến theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái.

An toàn, hiệu quả

Gương mặt ngư dân Hà Văn Thở (thị trấn Thuận An, Phú Vang) lộ rõ niềm vui sau chuyến biển dài hơn 10 ngày, thuyền đầy cá.

“Trong khi nghề đánh bắt gần bờ gặp khó khăn vì nguồn lợi hải sản ngày càng khan hiếm, đòi hỏi tàu công suất lớn vươn khơi, bám biển dài ngày an toàn, hiệu quả. Nghị định 67 ra đời, ngư dân vay vốn cải hoán, đóng tàu công suất lớn, tạo động lực, sinh khí mới cho nghề đánh bắt xa bờ (ĐBXB)”, ông Thở bày tỏ.

Từ những năm đầu hạ thủy chiếc tàu “67” đến nay, gia đình ông Trần Văn Đoàn từng bước ổn định cuộc sống. Hiệu quả từ chiếc tàu công suất lớn trên 800 CV, mỗi chuyến đánh bắt lãi từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng trở lên, không chỉ giúp gia đình ông trả nợ vay ngân hàng mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu.

Ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang đánh giá, ngoài tàu “67”, trên địa bàn huyện còn nhiều ngư dân đầu tư cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn từ nguồn vốn tự có đều hoạt động hiệu quả. Tàu công suất lớn từ 400 CV trở lên giúp ngư dân mạnh dạn vươn khơi, bám biển từ 10 ngày đến nửa tháng. Với thời gian đánh bắt dài ngày, tạo cơ hội cho ngư dân thăm dò, chờ gặp luồng cá lớn để đánh bắt, vươn tới vùng biển lớn, Trường Sa, Hoàng Sa. Với tổng số tàu, thuyền toàn huyện 1.365 chiếc, năm 2019 đạt sản lượng 29.405 tấn, tăng 3 ngàn tấn so với năm 2015. Năm 2020, sản lượng đánh bắt thủy hải sản toàn huyện ước đạt 30 ngàn tấn.

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền xác định, nuôi trồng thủy sản (NTTS) là mũi nhọn phát triển kinh tế, xã hội của huyện. 5 năm trở lại đây, Quảng Điền đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng nuôi, hoàn thành việc tách đê, khơi thông thủy đạo dọc theo tuyến đê ngăn mặn tây phá Tam Giang; hoàn thành quy hoạch chi tiết vùng nuôi tại xã Quảng An, Quảng Thành… Hằng năm, toàn huyện ổn định diện tích thả nuôi 644,9 ha thủy sản nước lợ và 1.016 lồng cá trên phá và ven sông. Các địa phương từng bước đưa các đối tượng mới, giá trị kinh tế cao vào nuôi, nhận rộng các mô hình nuôi cá đặc sản ở vùng nước lợ như cá nâu, cá dìa, cá kình, cá chẽm… lãi bình quân 80-100 triệu đồng/ha.

Kết hợp du lịch

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, 5 năm qua, tỉnh đã định hướng, đầu tư lớn cho hoạt động khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển và đầm phá. Các công trình hạ tầng giao thông, bến cảng, âu thuyền được nâng cấp và đang triển khai xây dựng Cảng cá Thuận An loại 1, từng bước đáp ứng nhu cầu đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản trước yêu cầu mới.

Nghị định 67 của Chính phủ ra đời đến nay đã có 45 chiếc tàu ĐBXB công suất lớn được đóng mới, nâng tổng số tàu ĐBXB toàn tỉnh lên khoảng 450 chiếc, 1.943 thuyền khai thác gần bờ và hơn 3.500 thuyền máy khai thác vùng sông, đầm phá. Sản lượng khai thác thủy, hải sản năm 2019 đạt gần 42 ngàn tấn, cao hơn khoảng 3 ngàn tấn so với năm 2015; năm 2020 ước đạt 43 ngàn tấn.

Dịch vụ hậu cầu phát triển mạnh, điển hình tại thị trấn Thuận An đã thành lập Hiệp hội Dịch vụ hậu cần nghề cá, một cách làm sáng tạo, bám sát yêu cầu thực tế, xu hướng ĐBXB. Các tàu có nhiệm vụ phân công, luân phiên cung ứng các dịch vụ xăng dầu, lương thực, nhu yếu phẩm, thu mua hải sản cho các tàu ĐBXB, các vùng biển xa, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Đến nay, riêng ở Thuận An có 25 tàu hậu cần công suất lớn từ 400 CV đến 800 CV, mỗi tàu tạo việc làm cho 10 - 15 lao động.

Các địa phương ven biển đã xây dựng, hình thành hơn 330 cơ sở chế biến thủy hải sản với sản lượng hằng năm đạt khoảng 1,5 triệu lít nước mắm, 1,5 tấn mắm và hơn 100 tấn thủy sản khô... Nghề biển đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hơn 10 ngàn hộ gia đình với hơn 21 ngàn lao động.

Các địa phương đầu tư, sắp xếp, tổ chức lại sản xuất NTTS theo hướng tập trung chuyên canh, sản xuất hàng hóa; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai một cách đồng bộ, mở rộng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề ven biển và đầm phá gắn với bảo vệ môi trường… Ngoài diện tích NTTS trên đầm phá Tam Giang khoảng 4.000 ha, tỉnh đầu tư khai thác, sử dụng 1.500 ha mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ tự nhiên để NTTS. Vùng cát ven biển có hơn 550 ha nuôi tôm chân trắng, thu nhập khoảng 2.500 tỷ đồng/năm. Năm 2020, sản lượng NTTS toàn tỉnh ước đạt trên 24 ngàn tấn, cao hơn 9 ngàn tấn so với năm 2015.

Việc thành lập 23 khu bảo vệ thủy sản và trồng 126 ha rừng ngập mặn tạo bãi giống, bãi đẻ giúp nguồn lợi thủy sản ngày càng phục hồi, sinh sôi. Hàng vạn ngư dân vùng đầm phá có nguồn thu nhập ổn định, mỗi tháng 6-10 triệu đồng/hộ từ đánh bắt thủy sản trên vùng đầm phá.

Du lịch đầm phá, ven biển đang được tỉnh đầu tư, đẩy mạnh khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, phấn đấu xây dựng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái trọng điểm. Du lịch đầm phá, ven biển Quảng Điền, Đầm Chuồn, biển Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh (Phú Vang), Lăng Cô, Lộc Bình (Phú Lộc)… hình thành và phát triển. Các hoạt động, dịch vụ du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều ngư dân vùng đầm phá, ven biển.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thu hút nhiều dự án (DA) du lịch, một số DA có nguồn đầu tư lớn đến hàng ngàn tỷ đồng. DA Laguna có mức đầu tư lên đến 2 tỷ USD, xây dựng số phòng lưu trú khoảng 5.000 phòng và đưa vào khai thác casino sau năm 2020. Một số DA du lịch đã đi vào hoạt động, như khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải; khởi công khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Cảng Chân Mây được đầu tư mở rộng bến số 2,3, nâng cao năng lực vận chuyển hành khách và hàng hóa… (baothuathienhue.vn 15/9)

 
 
 

2.  Hợp tác nuôi tôm an toàn

Theo TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, nuôi tôm chân trắng (NTCT) trên cát ven biển theo hướng công nghiệp, công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học, tạo ra sản phẩm an toàn là hướng đi tất yếu.

Ứng phó biến đổi khí hậu

Ông Nguyễn Huy ở xã Điền Hương trao đổi, khó khăn lâu nay trong NTCT trên cát là dịch bệnh do môi trường không đảm bảo, đầu ra sản phẩm bấp bênh. Trong khi biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp thì người dân hầu như chưa nắm bắt, chưa được hỗ trợ các kỹ năng, kỹ thuật và kinh nghiệm ứng phó, xử lý khi gặp thời tiết xấu.

Phần lớn các hộ nuôi đều chưa tuân thủ quy hoạch, quy định nuôi tôm an toàn. Các hộ nuôi chỉ quan tâm đầu tư xây dựng ao nuôi, không có ao lắng. Nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi, hoặc xả thải ra môi trường đều chưa qua xử lý, dễ xảy ra các loại dịch bệnh, lây lan diện rộng. Hầu hết các ao nuôi không có lưới che, chắn an toàn nên tôm dễ xảy ra dịch bệnh do chim, các loại động vật mang từ môi trường bên ngoài và các ao nuôi khác xâm nhập.

Ông Nguyễn Hải Đăng ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải thừa nhận, lâu nay, các hộ nuôi đều sử dụng thuốc kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng. Sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không đạt kích cỡ nên chủ yếu tiêu thụ nội địa, giá không cao.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, ông Nguyễn Đăng Thành thông tin, hướng đến NTCT trên cát ven biển an toàn, huyện Phong Điền đang tiến hành kiểm tra, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất. Các ban ngành phối hợp với các địa phương rà soát hệ thống ao hồ toàn vùng Ngũ Điền, yêu cầu các hộ nuôi phải xây dựng ao xử lý nước thải, hệ thống cấp thoát nước đảm bảo an toàn. Các hộ không tuân thủ sẽ có chế tài xử phạt theo quy định. Đối với các công trình hạ tầng thủy lợi, điện, nước…đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao, nguồn vốn lớn sẽ được huyện huy động, tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng.

Ngành thủy sản đang phối hợp với các ban ngành, địa phương và người dân triển khai các mô hình thí điểm nuôi tôm công nghệ cao ở vùng cát Ngũ Điền.

Mới đây, mô hình nuôi tôm bằng ao tròn, công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học thí điểm tại Điền Hương, cho thấy phù hợp với điều kiện sản xuất tại vùng cát ven biển. Đây mới chỉ là thành công bước đầu, ngành thủy sản, các hộ nuôi đang tiếp tục thí điểm thêm một vài vụ nhằm đánh giá, phân tích những ưu điểm cụ thể trước khi nhân rộng mô hình.

Liên kết theo “chuỗi giá trị”

Theo Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu, ngoài yếu tố dịch bệnh, trở lực lớn lâu nay là đầu ra sản phẩm bấp bênh. Tại vùng cát Ngũ Điền chỉ duy nhất một đại lý thu mua tôm, sự độc quyền của đại lý này dẫn đến tình trạng ép giá. Nhiều vụ tuy đạt sản lượng cao nhưng các hộ lãi rất thấp, thậm chí chỉ hòa vốn.

Hướng đến nuôi tôm chuyên nghiệp, việc thành lập các HTX có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật, xử lý dịch bệnh và tổ chức bao tiêu sản phẩm cho người dân là điều cần thiết. UBND huyện Phong Điền thành lập HTX nuôi tôm Phong Hải cách đây 7 năm. Quá trình hoạt động, HTX bộc lộ yếu kém về mọi mặt, từ trình độ, năng lực cán bộ quản lý, điều hành đến tiềm lực tài chính… nên đã ngừng hoạt động.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn khẳng định, Liên minh HTX có trách nhiệm hỗ trợ các địa phương thành lập HTX theo quy định của Luật HTX năm 2012; tư vấn, định hướng các nội dung, phương thức hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Các HTX sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách của Nhà nước như hỗ trợ kinh phí thành lập, đào tạo nguồn nhân lực, vay vốn ưu đãi phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh…

Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền thông tin, cùng với thành lập, củng cố HTX nuôi trồng thủy sản, huyện Phong Điền đang xúc tiến hợp tác với Công ty CP hỗ trợ người dân hướng đến mô hình nuôi tôm chuyên nghiệp, gắn với bao tiêu sản phẩm.

Công ty CP bày tỏ sự thiện chí, sẵn sàng hợp tác, với điều kiện người dân, chính quyền địa phương tuân thủ các quy trình kỹ thuật, quy định của công ty trong quá trình nuôi. Các hộ nuôi tuyệt đối tuân thủ quy trình nuôi tôm an toàn, không sử dụng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng, hóa chất; phải sử dụng nguồn giống, thức ăn, thuốc men và các trang thiết bị do công ty cung cấp, tôm nuôi đảm bảo kích cỡ theo quy định…

Mục tiêu, chiến lược của huyện Phong Điền là hướng đến mô hình NTCT trên cát ven biển theo hướng công nghiệp, đảm bảo chất lượng, an toàn, xuất khẩu. Theo quy hoạch, diện tích NTCT trên cát ven biển khoảng 900 ha, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Kế hoạch trước mắt của huyện sẽ liên kết với Công ty CP cùng với một số hộ dân tổ chức xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn, khép kín theo “chuỗi giá trị” thí điểm. Sau khi mô hình thành công sẽ tiến hành vận động các hộ từng bước nhân rộng trên toàn địa bàn vùng Ngũ Điền. (baothuathienhue.vn 14/9)

 
 
 

3.  Thừa Thiên Huế: Đường ven biển sẽ là động lực để phát triển kinh tế biển, đầm phá

Thừa Thiên Huế có bờ biển dài 128km, trong đó hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kéo dài 68km, rộng 1- 10km, tổng diện tích mặt nước 216km2, là đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ kết nối các tỉnh trong khu vực ven biển miền Trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch của địa phương.

Gần 6.500 tỷ đồng xây dựng đường ven biển

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), tuyến đường bộ ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc có tổng chiều dài 127km, trong đó có một số đoạn trùng với tuyến QL49B nên tổng chiều dài toàn tuyến hiện còn 85km, tổng mức đầu tư dự kiến 6.480 tỷ đồng. Trong đó, riêng cầu mới xây dựng vượt cửa biển Thuận An (nối xã Hải Dương với thị trấn Thuận An) có chiều dài 1,5km với kinh phí dự kiến 1.200 tỷ đồng.

Liên quan việc bố trí nguồn vốn đầu tư tuyến đường ven biển, đại diện Bộ GTVT cho biết, theo quy định, tuyến đường ven biển đi trùng với quốc lộ thuộc thẩm quyền đầu tư của Bộ GTVT, tuyến đường ven biển đi trùng với tỉnh lộ thuộc thẩm quyền đầu tư của địa phương. Đến nay, tuyến đường ven biển qua Thừa Thiên Huế đi trùng với quốc lộ 49B đã cơ bản được Bộ GTVT đầu tư phù hợp theo quy hoạch. Đối với các tuyến đường ven biển đi trùng với tỉnh lộ, UBND tỉnh đang phối hợp các bộ, ngành để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn để làm cơ sở triển khai.

Ngày 12/9, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã có chuyến khảo sát, kiểm tra thực địa tuyến dự án đường ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc. Theo ông Thọ, việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm kết nối các tỉnh trong khu vực ven biển miền Trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và du lịch.

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai các nhiệm vụ về xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An, tạo quỹ đất 2 bên tuyến đường ven biển; khẩn trương lập quy hoạch mở rộng không gian 2 bên đường; lên phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Phát triển kinh tế biển bền vững

Với việc đầu tư xây dựng đường ven biển, Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước. Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế - kinh tế biển và đầm phá trên địa bàn tỉnh chưa bao giờ được khai thác mạnh mẽ như hiện nay. Thành quả có được như hôm nay bắt đầu từ những chủ trương của tỉnh, đầu tư đúng hướng để phát triển kinh tế biển.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu đề ra là đưa Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước, kinh tế biển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh; phấn đấu đạt các chỉ tiêu về phát triển bền vững kinh tế biển theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa xã hội, phát triển con người của cộng đồng dân cư ven biển, đầm phá. Củng cố, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên vùng biển và khu vực ven biển của tỉnh.

Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế biển, đầm phá giữ vai trò trọng yếu. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quy định của Chính phủ. Phát triển mạnh về khai thác, chế biến sản phẩm từ biển; các ngành dịch vụ biển, đầm phá. Kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển, đầm phá. 100% số xã ven biển, đầm phá đạt chuẩn gắn với nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%; 100% dân số được sử dụng nước sạch. (congthuong.vn 14/9)

 
 
 

4.  Cần 6.480 tỷ đồng làm tuyến đường ven biển Thừa Thiên Huế

Tuyến đường bộ ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) có tổng chiều dài 127km, trong đó có một số đoạn trùng với tuyến QL49B nên tổng chiều dài toàn tuyến hiện còn 85km, tổng mức đầu tư dự kiến 6.480 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ vừa chuyến khảo sát, kiểm tra thực địa tuyến dự án đường ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc. Đây sẽ là tuyến đường chiến lược và động lực để phát triển kinh tế biển và đầm phá trong thời gian tới, kết nối tuyến miền Trung và quốc gia.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên Huế, tuyến đường bộ ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc có tổng chiều dài 127km, trong đó có một số đoạn trùng với tuyến QL49B nên tổng chiều dài toàn tuyến hiện còn 85km, tổng mức đầu tư dự kiến 6.480 tỷ đồng.

Riêng cầu mới xây dựng vượt cửa biển Thuận An (nối xã Hải Dương với thị trấn Thuận An) có chiều dài 1,5km với kinh phí dự kiến 1.200 tỷ đồng.

Về việc bố trí nguồn vốn đầu tư tuyến đường ven biển này, theo quy định, tuyến đường ven biển đi trùng với quốc lộ thuộc thẩm quyền đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường ven biển đi trùng với tỉnh lộ thuộc thẩm quyền đầu tư của địa phương.

Đến nay, tuyến đường ven biển qua Thừa Thiên Huế đi trùng với Quốc lộ 49B đã cơ bản được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư phù hợp theo quy hoạch. Đối với các tuyến đường ven biển đi trùng với tỉnh lộ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang phối hợp các bộ, ngành để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn để làm cơ sở triển khai.

Sau khi khảo sát tuyến và kiểm tra hiện trường vị trí dự kiến xây dựng cầu vượt của biển Thuận An, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển nhằm kết nối các tỉnh trong khu vực ven biển miền Trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai các nhiệm vụ về xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An, tạo quỹ đất 2 bên tuyến đường ven biển; khẩn trương lập quy hoạch mở rộng không gian 2 bên đường; lên phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư. (vietnamfinance.vn 14/9)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.692.005
Truy cập hiện tại 159