Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 08/08/2020
Ngày cập nhật 10/08/2020

Điểm tin báo chí liên qua đến tỉnh Thừa Thiên Huế

TIN NÓNG
 

1.  Nợ quá hạn và bài toán thất thu thuế

Nợ quá hạn đang ảnh hưởng rất lớn đến công tác thu ngân sách, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục Thuế tỉnh đã công khai 500 lượt DN nợ thuế, với số tiền trên 157 tỷ đồng.

Nợ “khó đòi” chiếm 47%

Khởi công từ năm 2007, dự án (DA) khu ĐTM Đông Nam Thủy An có tổng mức đầu tư hơn 220 tỷ đồng trên diện tích hơn 251.956m², do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Số 8 (CIC8) làm chủ đầu tư. DA bao gồm nhiều hạng mục như: khu dân cư mới ĐNTA, khu biệt thự, nhà vườn, chung cư, khách sạn, cao ốc văn phòng. Sau nhiều năm "án binh bất động" vì nợ nần, tháng 4/2019, DA được chuyển nhượng cho Công ty TNHH Đầu tư thương mại Minh Linh (gọi tắt là Công ty Minh Linh).

Tuy nhiên đến thời điểm bàn giao, CIC8 chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung cho tỉnh theo cơ chế tài chính được duyệt, bao gồm nộp bổ sung tiền sử dụng đất do giảm quy mô đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật DA khi điều chỉnh quy hoạch 1/500. Nộp bổ sung tiền sử dụng đất, thuê đất đối với phần đất ở chung cư thương mại trên diện tích khoảng 17.043m2. Nợ kéo dài khiến đơn vị tiếp nhận rất khó khăn trong việc trả nợ.

Cuối năm 2019, Cục Thuế tỉnh đã thông báo số tiền thuế, tiền phạt, tiền nộp chậm đối với 2 khoản thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng của CIC8 mà Công ty Minh Linh phải nộp thay.

Những khoản nợ kéo dài như CIC8 không phải là hiếm, bởi còn có một số doanh nghiệp (DN) ý thức tuân thủ về thực hiện nghĩa vụ ngân sách với nhà nước chưa cao, chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài... dẫn đến nợ thuế ngày càng tăng dù cơ quan thuế thường xuyên đôn đốc cũng như thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Ngoại lệ vẫn có một số do các DA đang phải giải quyết vướng mắc như: chờ giải phóng mặt bằng, đền bù, tranh chấp, chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác, chưa đi vào khai thác nên chưa có khả năng nộp tiền thuế. Theo quy định, cơ quan thuế vẫn phải tính ghi nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Số liệu từ Cục Thuế tỉnh, tính đến thời điểm 30/6/2020, tổng số tiền nợ thuế do ngành thuế quản lý là: 576.728 triệu đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nợ không có khả năng thu hồi là 270.838 triệu đồng, chiếm 47% trên tổng nợ. Tỷ lệ tổng nợ/tổng thu ngân sách là 15%, trong đó tỷ lệ nợ có khả năng thu/tổng thu ngân sách đến 30/6/2020 là 8%.

Ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chia sẻ, nợ thuế 6 tháng đầu năm 2020 tăng lên, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều DN thiệt hại lớn, gặp khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh những DN có khó khăn thực sự trong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn có những DN không có ý thức thực hiện nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước, chây ỳ nợ tiền thuế, không nộp thuế đúng hạn.

Bài toán chống thất thu thuế

Để giảm tỷ lệ nợ đọng thuế đến 31/12/2020 xuống dưới ngưỡng 5% tổng thu ngân sách theo yêu cầu của Chính phủ đặt ra không ít thách thức đối với ngành thuế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều bất lợi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như hiện nay.

Ông Hà Văn Khoa thông tin, toàn ngành thuế đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời cho ngân sách và hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh. Ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã giao chỉ tiêu thu nợ và giảm nợ cho từng chi cục thuế để lập kế hoạch thu nợ theo tháng, quý và giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, công chức quản lý nợ; gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ.

Đồng thời liên tục đánh giá, phân tích và nắm chắc được đối tượng nợ, diễn biến nợ thuế để thực hiện đúng các bước trong quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành có liên quan trong công tác thu nợ thuế; kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính thuế theo luật định đối với các trường hợp cố tình trốn tránh, dây dưa nợ thuế.

Theo ông Khoa, thời gian tới, Cục Thuế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để thu hồi nợ thuế đối với các DN cố tình chây ì không nộp thuế. Theo đó, cơ quan thuế công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các DN trên địa bàn có số thuế nợ đọng lớn, chây ì không nộp thuế; thực hiện các biện pháp đôn đốc, tiến tới áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy trình, quy định.

Đối với các trường hợp đã cưỡng chế hóa đơn nhưng không hiệu quả, Cục Thuế tỉnh sẽ tiến hành các bước xác minh thông tin để áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo (kê biên tài sản, thu tiền từ bên thứ 3 và cuối cùng là kiến nghị với Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy phép kinh doanh của DN).

Nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế và tính công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, chống thất thu ngân sách nhà nước, Cục Thuế tỉnh thực hiện công khai thông tin người nộp thuế đã cưỡng chế và người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng còn nợ thuế trên website ngành thuế và các phương tiện truyền thông đại chúng. (baothuathienhue.vn 07/8)

 
 
 

2.  Giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở chốt kiểm soát y tế số 4

Ngoài lý do người dân, tài xế không đăng ký lưu trú tại Thừa Thiên Huế trước 17h, sự phối hợp chưa đồng bộ của một số bộ phận, địa phương vào thời điểm từ khoảng 0h - sáng cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm trễ, gây tắc nghẽn tại chốt kiểm soát y tế số 4.

Từ khoảng 0h - 4h sáng luôn diễn ra tình trạng ùn ứ tại chốt số 4 cũ

Đến thời điểm này, trên địa bàn Hương Thủy vẫn chưa có ca dương tính với COVID-19. Bên cạnh các lực lượng vẫn trực chiến 24/24, liên tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, TX. Hương Thủy cũng đã dời địa điểm chốt kiểm soát số 4 đến địa bàn huyện Phú Lộc ở vị trí “độc đạo” nhằm không để tình trạng “né” chốt diễn ra, cũng như hoàn thành Khung (T) cách ly dân sự tại Ký túc xá Trường CĐ nghề Thừa Thiên Huế cùng phương án thành lập các T cách ly dân sự dự phòng khác.

Tuy nhiên, để các công tác liên quan đến phòng, chống lây nhiễm COVID-19 đạt hiệu quả cao, TX. Hương Thủy mong muốn không lập lại tình trạng ùn ứ người Huế trở về các địa phương tại chốt kiểm soát y tế số 4 cũ mấy ngày qua.

Từ khi tái khởi động chốt kiểm soát y tế số 4 (cũ) cho đến sáng 7/8, có một thực tế là “đầu xuôi nhưng đuôi chưa lọt”. Hàng ngày, lượng người và phương tiện dừng để kiểm tra y tế tại chốt này không quá dồn dập, nhưng đến tầm 0h – 4h sáng lại diễn ra tình trạng ùn ứ tại chốt này. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải ở khâu kiểm tra, kiểm soát của chốt số 4.

Theo ông Nguyễn Thanh Minh – Chủ tịch UBND TX. Hương Thuỷ, thời điểm 0h – 4h sáng có nhiều xe khách, xe tải vào địa bàn. Mặc dù công tác tại chốt được kiểm soát tốt nhưng vẫn xảy ra trường hợp người dân các địa phương chờ đợi tiếp nhận quá lâu, dẫn đến tắc nghẽn, khiến công tác khai báo, kiểm soát dịch tễ gặp nhiều khó khăn.

Qua quan sát, có không ít trường hợp phương tiện, người dân đến chốt số 4 đã hoàn tất mọi quy trình khai báo, kiểm tra y tế… nhưng phải ngồi vật vờ chờ 3 - 4 tiếng đồng hồ, có khi phải đến sáng hôm sau mới được địa phương tiếp nhận đồng ý.

 “Sau khi hoàn tất mọi thủ tục khai báo đúng quy định, sau 3 tiếng chờ đợi tôi vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ phía địa phương tiếp nhận”, anh N. T. T. - người Phú Vang từ TP. Hồ Chí Minh trở về chia sẻ lúc 5h sáng 6/8.

Do người dân ngồi chờ đợi quá lâu; đồng thời, để giảm tải cho chốt số 4, không ít người có trách nhiệm của lực lượng phòng, chống COVID-19 TX. Hương Thủy nhiều lần liên lạc với các địa phương nhanh chóng tiếp nhận công dân, nhưng mọi chuyện không được cải thiện là mấy.

"Cũng do đợi quá lâu nên có tài xế gây mất trật tự, điều khiển xe ngáng đường không cho xe sau lên và thậm chí, bỏ 2 hành khách người Phú Vang lại chốt số 4 (do 2 hành khách này chưa có thông báo đồng ý từ phía địa phương tiếp nhận)", một thành viên trong BCĐ phòng, chống COVID-19 thông tin.

Theo ông Nguyễn Đắc Tập - Phó Chủ tịch TX. Hương Thuỷ, nguyên nhân xảy ra tình trạng tắc nghẽn vào ban đêm một phần do người dân, tài xế về từ vùng dịch không đăng ký lưu trú tại Thừa Thiên Huế trước 17h chiều, khi xe đến chốt kiểm dịch mới khai báo y tế và đăng ký lưu trú đã dẫn đến tình trạng phê duyệt chậm, gây tắc nghẽn. Mặt khác, sự phối hợp chưa đồng bộ của một số bộ phận, địa phương tiếp nhận với chốt số 4 vào thời điểm từ khoảng 0h – sáng cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm trễ, gây tắc nghẽn.

 “Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh đẩy mạnh truyền thông để thông báo đến người dân thời gian đăng ký lưu trú, theo tôi, cần huy động, bố trí thêm nhân lực, chia thêm ca trực, nhất là thời điểm từ khoảng 0h đến sáng mai ở các bộ phận phê duyệt, tiếp nhận cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận, địa phương với chốt kiểm soát y tế số 4”, ông Tập đề nghị. (baothuathienhue.vn 07/8)

 
 
 

3.  Thừa Thiên-Huế thiếu đất san nền tại các dự án lớn

Liên quan lĩnh vực xây dựng hạ tầng, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang triển khai nhiều dự án lớn khiến nhu cầu đất san lấp tăng đột biến.

Hiện toàn tỉnh đang có 14 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp với diện tích 83,37ha, tổng trữ lượng khai thác 6,6 triệu m3, công suất khai thác 710.000m3/năm; và 10 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp thác từ đất tầng phủ mỏ đá, khoáng sản phát sinh dôi dư từ dự án thi công công trình, tổng khối lượng 349.374m3.

Theo phản ánh của các đơn vị thi công các gói công trình thuộc các dự án lớn, thực tế các mỏ đất san lấp được tỉnh cấp phép không thể đáp ứng đủ công suất, dẫn đến tình trạng trộm đất san lấp trong các điểm mỏ, khu vực cải tạo trang trại, gây ô nhiễm môi trường, Nhà nước thất thu tài nguyên.

Theo BQLDA đường Hồ Chí Minh, thiếu đất đắp nền đang là một trong những trở lực trong việc thi công mặt đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Tại gói thầu số 4, 5, 6 qua địa bàn huyện Phong Điền, các đơn vị thi công đang gặp khó trong tìm nguồn đất đầu vào từ các mỏ. 

“Khảo sát cho thấy chiều sâu các mỏ hiện tại các địa phương chỉ được phép lấy từ 1,5-2m, công suất các mỏ khoảng 50.000m3/năm, đã được cấp phép khai thác thời gian dài trước đó, trong khi chỉ tính riêng gói thầu số 5 và 6 cần khối lượng đất đắp nền khoảng 2 triệu m3, nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu của dự án”, ông Nguyễn Vũ Quý, PGĐ BQLDA đường Hồ Chí Minh nói.

Tình trạng tương tự xảy ra tại dự án mở rộng nhà ga T2 sân bay Phú Bài (cần khoảng 1 triệu m3 trong năm 2020), Khu hành chính tập trung tỉnh (tại khu đô thị mới An Vân Dương, cần khoảng 300 nghìn m3), hạ tầng 6/8 khu định cư ở phía Bắc Hương Sơ thuộc đề án di dời dân cư khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế rộng khoảng 10ha cũng cần thêm vài triệu m3 đất san lấp...

Mới đây, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp nhằm phục vụ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn và nâng cấp nhà ga T2 sân bay Phú Bài.

Sau khi xin ý kiến Bộ TN&MT, tỉnh cũng thống nhất phương thức nâng công suất khai thác đất làm vật liệu san lấp tại các mỏ đã được cấp phép; đề xuất hướng dẫn thủ tục vừa cấp phép thăm dò, vừa khai thác với một số khu vực khai thác đất san lấp...

Theo ông Nguyễn Mạnh Đại Lân, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên (Sở TN&MT), trường hợp các dự án phát sinh mới có nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp thì chủ đầu tư phải cung cấp thông tin trong giai đoạn nghiên cứu, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án về nhu cầu đất san lấp, gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT để có cơ sở phân bổ hoặc quy hoạch bổ sung. (baophapluat.vn 08/8)

 
 
 

4.  Sở GTVT Thừa Thiên Huế giải trình về việc bất chấp chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh

Ngày 31/7/2020 Báo Nhà báo và Công luận có đăng bài: “Thừa Thiên Huế: Bất chấp chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn tổ chức thi sát hạch lái xe giữa mùa dịch”. Sau khi báo đăng UBND tỉnh đã có Công văn chỉ đạo Sở GTVT giải trình sự việc.

Cụ thể, ngày 04/8/2020 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký Công văn số 6902/UBND-CTTĐT giao Sở GTVT kiểm tra vấn đề báo Nhà báo và Công luận phản ánh và báo cáo kết quả lên UBND tỉnh trước ngày 15/8/2020.

Theo đó, ngày 7/8/2020 ông Lê Công Diễn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký báo cáo Số: 1298 /SGTVT-QLĐTSH&NL giải trình về việc Bất chấp chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, Sở GTVT vẫn tổ chức thi sát hạch lái xe giữa mùa dịch như sau:

Trong ngày 31/7/2020 Sở GTVT có tổ chức kỳ sát hạch lái xe mô tô hạng A1 tại Trường Cao đẳng Giao thông Huế với số lượng 325 học viên.

Đây là kỳ sát hạch được Trường Cao đẳng Giao thông Huế đào tạo thời gian trước ngày 28/7/2020 và được Sở GTVT ra Quyết định tổ chức kỳ sát hạch ngày 30/7/2020.

Ông Diễn thừa nhận vì đây là kỳ sát hạch cuối của bộ đề cũ, số lượng học viên tương đối đông và thời tiết nắng nóng nên trong quá trình làm việc có một số cán bộ phục vụ kỳ sát hạch lơ là không chịu đeo khẩu trang. Có một số học viên sau khi thực hiện xong bài thi chưa kịp đeo hoặc quên đeo khẩu trang theo đúng quy định như bài báo phản ánh.

Trong báo báo ông Diễn phân trần thêm, sau thời gian dài do dịch bệnh, hiện lượng học viên có nhu cầu học và cấp giấy phép lái xe rất đông, nhất là sắp tới khi Đại học Huế tuyển sinh năm học 2020-2021 thì nhu cầu càng lớn và quá tải cho các Cơ sở đào tạo, ngay cả hiện nay đối với học lái xe ôtô nếu đăng ký bây giờ phải đến giữa năm 2021 mới được bố trí lịch học.

Đây là khóa thi cuối cùng trong đợt này, trước đó ban lãnh đạo Sở cũng đã bàn và thống nhất dừng tất cả các khóa thi từ 1/8/2020 và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Ngày 2/8 Sau khi báo Nhà báo và Công luận phản ánh ông Lê Công Diễn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký thông báo Số: 1257/SGTVT-QLĐTSH gửi các Cơ sở đào tạo lái xe và các Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Đề nghị tạm dừng sát hạch lái xe ô tô, mô tô và không tổ chức tốt nghiệp cuối khóa cho học viên của các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 1/8/2020 cho đến khi thông báo mới. Để phòng chống dịch Cvid-19.

Như đã phản ánh trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhân dân và chính quyền các cấp tại Thừa Thiên Huế đang áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh thì Sở Giao thông Vận tải lại ngang nhiên tổ chức thi sát hạch lái xe cho 325 học viên mà không có các biện pháp phòng dịch.

Cụ thể, sáng ngày 31/7, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế đã bất chấp chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thành lập Hội đồng Sát hạch tổ chức sát hạch lớp mô tô hạng A1 cho 325 học viên tại Trường Cao đẳng Giao thông Huế.

Đặc biệt, trong quá trình thi sát hạch có rất đông học viên đến dự thi nhưng không có biện pháp ngăn ngừa, phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều cán bộ sát hạch không đeo khẩu trang, không có dung dịch sát khuẩn để cho học viên rửa tay và số lượng người tham gia vượt nhiều lần so với chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế. (congluan.vn 08/8)

 
 
 

5.  Nỗi oan của đoàn nghệ sĩ mắc kẹt vì Covid ở Huế

Liên tục một số ngày gần đây, nhiều người dân thôn La Khê Trẹm, xã Hương Thọ, TX Hương Trà, Thừa Thiên – Huế điện thoại phản ánh lên Chủ tịch UBND tỉnh cũng như VPĐD Báo PLVN khu vực Bình Trị Thiên về việc “một đoàn văn nghệ đông người, khả nghi đến từ vùng dịch Đà Nẵng tới trú nhiều ngày ở đây. Chúng tôi lo lắng sợ bị lây nhiễm Covid-19 từ nhóm người này”.

Trong đơn phản ánh còn nêu: “Vì sự an nguy của bà con nên chúng tôi đề nghị các cấp làm rõ vấn đề trên. Nếu dân chúng tôi bị nhiễm thì như thế nào, ai chịu trách nhiệm? Tình hình dịch bùng phát biết ai nhiễm ai không mà đoàn người này về được đây?”.

Trước các ý kiến khẩn thiết như trên, phóng viên đi thực tế, xác minh thông tin. Qua tìm hiểu, đoàn văn nghệ trên thuộc Cty TNHH MTV Mai Sông Hương (có trụ sở ở phường Phú Hội, TP Huế). Trước đó, ngày 21/7/2020, đoàn đã có biên bản hợp đồng tổ chức “Ca nhạc vui chơi giải trí có thưởng” với Chủ tịch UBND xã Hương Thọ. Theo thỏa thuận, đơn vị này được phép tổ chức văn nghệ tại sân bóng thuộc thôn La Khê Trẹm từ ngày 30/7/2020 đến 6/8/2020.

Không ai ngờ diễn biến của dịch Covid-19 quá nhanh, nên chương trình không thực hiện được, còn nhóm nghệ sĩ và nhân viên “mắc kẹt” luôn ở đây. Do không hiểu nguồn cơn sự việc, một số người dân địa phương đã lo lắng, đặc biệt là “sợ bị lây Covid-19”.

Ông Nguyễn Hương Bình (63 tuổi, nơi đăng ký thường trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, Phó đoàn) cho biết toàn đoàn có 20 người, chủ yếu là người Huế, hai người Đồng Nai. Ông và vợ có hộ khẩu Đà Nẵng nhưng quê quán ở Huế.

“Mười năm trở lại đây, đoàn chúng tôi chỉ hoạt động tại địa phương Thừa Thiên – Huế chứ không hề lưu diễn ra tỉnh bạn. Chúng tôi không đi từ vùng dịch tới đây. Hiện tại phần lớn nghệ sĩ và nhân viên đều đã về quê, chỉ còn lại số ít trông giữ hàng hóa, đồ nghề. Những vật dụng cồng kềnh này chưa thể chuyển đi nơi khác được vì dịch bệnh như thế này, chẳng có nơi nào “nhận” chúng tôi cả”, ông Bình thở dài.

Ông Bình trưng ra các lịch trình, các hợp đồng của đoàn với các địa phương mới diễn để chứng minh đoàn không đến từ vùng dịch

Để chứng minh rõ ràng thêm, ông Bình cho phóng viên tiếp cận các lịch trình, các hợp đồng của đoàn với các địa phương mới diễn: Từ 9-13/7 đoàn lưu diễn ở Hương Hồ, thị xã Hương Trà; sau đó nghỉ tại chỗ. Từ 21-26/7 chương trình tổ chức ở phường Hương Long (TP Huế).

Xác nhận sự thật như những gì ông Bình trình bày, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ, ông Nguyễn Văn Quý cho hay địa phương cũng như công an đã xác minh lịch trình những thành viên trong đoàn Mai Sông Hương. Kết quả cho thấy từ tháng 7 đến nay đoàn không hề vào Quảng Nam hay Đà Nẵng. Từ ngày 21/7, ông Bình, Phó đoàn lên xã xin phép tổ chức chương trình “Ca nhạc vui chơi giải trí có thưởng. Thời gian đó chưa có dịch nên vị Chủ tịch xã đồng ý.

“Vì dịch bệnh phức tạp nên tôi cũng mong đoàn di chuyển đi nơi khác, thậm chí bỏ tiền túi ra tặng 1 triệu đồng để lo cho họ đi. Thế nhưng họ trình bày chưa biết đi về đâu, vì vậy địa phương phải làm hồ sơ cho họ lưu trú 4 người ở lại giữ tài sản. Tôi mong rằng người dân khi hiểu toàn bộ câu chuyện hãy thông cảm cho họ, đừng quá nặng nề. Một lần nữa, tôi khẳng định họ không hề đến từ vùng dịch”, Chủ tịch xã nói.

Về phía những người nghệ sĩ, dù khó khăn nhưng tinh thần vẫn lạc quan, tươi sáng. “Một số người dân tại Hương Thọ vì thấy giọng chúng tôi lạ nên họ lo sợ dịch bệnh. Nhưng phần lớn người dân sống rất tốt với chúng tôi; cho cắm điện, nước, thậm chí cho cả gạo, thức ăn. Hôm trước, có anh còn tặng đoàn nguyên cả con gà rồi động viên, thăm hỏi. Thật là ấm cúng, đầy tình người”, anh Nguyễn Văn Vinh (33 tuổi, nhân viên trong đoàn) cho hay. Ông Bình, Phó đoàn thì nói: “Covid-19 như một phép thử, thử bản lĩnh của đoàn chúng tôi”. (baophapluat.vn 08/8)

 
 
 

6.  Kêu gọi tiêu thụ vịt cho nông dân

Hội Nông dân tỉnh (HND tỉnh) kêu gọi trước mắt mua ủng hộ để “giải cứu” 6.000 con vịt bơ siêu nạc tại trang trại của hội viên Hoàng Thị Liên ở thôn Bắc Triều Vịnh (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) nhằm chia sẻ với nông dân trong giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Ngày 7/8, HND tỉnh cho biết, đã có văn bản gửi đến các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn TP. Huế về việc giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong giai đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, trang trại của chị Hoàng Thị Liên tại thôn Bắc Triều Vinh hiện có khoảng 6.000 con vịt bơ siêu nạc đã quá thời gian xuất chuồng nhưng các đầu mối thu mua không nhập hàng.

Chị Hoàng Thị Liên, chủ trang trại cho biết, số vịt trên chủ yếu phục vụ cho các nhà hàng tại TP. Đà Nẵng và các tỉnh lận cận nhưng không tiêu thụ được, mỗi con bình quân nặng 2,7- 3kg, giá bán một con vịt còn sống là 100.000 đồng. Hiện vịt đã làm xong ship hàng tận nơi tại khu vực TP. Huế giá 120.000 đồng (chưa tính phí ship hàng).

Cũng theo HND tỉnh, quá trình chăn nuôi, hộ dân đã đăng ký xuất xứ nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hộ sản xuất cam kết trong khâu chế biến sản phẩm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm được kiểm dịch trước khi đưa đến người tiêu dùng. 

Ông Trần Văn Lập, Phó Chủ tịch HND tỉnh thông tin, được sự đồng ý Thường trực Tỉnh ủy, HND tỉnh triển khai kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. HND tỉnh kêu gọi, lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, các đơn vị doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP. Huế quan tâm động viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cùng tham gia giải cứu một số mặt hàng nông sản của nông dân trong thời điểm dịch bệnh COVID-19.

Trước mắt mua ủng hộ để “giải cứu” 6.000 con vịt bơ siêu nạc tại trang trại của hội viên Hoàng Thị Liên. Thông tin kết nối tiêu thụ nông sản có trên Website của HND tỉnh và trên trang facebook.com/nongdanthuathienhue- trang Fanpage chính thức của HND tỉnh.

Được biết, hiện nay tổng đàn đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh có gần 4 triệu con, tăng 31,4% (trong đó đàn gà 3.249 nghìn con, tăng 47,2%). Đàn gia cầm tăng do người chăn nuôi chuyển đổi từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm. (baothuathienhue.vn 07/8)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Thừa Thiên Huế cử 40 bác sĩ, điều dưỡng vào tâm dịch Đà Nẵng

Thừa Thiên Huế cử 20 bác sĩ, 20 điều dưỡng chi viện cho cho Đà Nẵng phòng chống dịch.

Ngày 7-8, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy cùng ông Phan Ngọc Thọ Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chủ trì cuộc họp giao ban phòng chống dịch COVID-19.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nghiên cứu giải pháp để hỗ trợ về nhân lực, vật lực...cho Đà Nẵng phòng chống dịch bệnh. Trước mắt, quyết định cử đoàn công tác của tỉnh gồm 20 bác sĩ và 20 điều dưỡng chi viện cho cho Đà Nẵng phòng chống dịch.

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp truy vết người trở về từ vùng dịch và mở rộng diện xét nghiệm PCR với trường hợp nghi ngờ, xử lý nghiêm các đối tượng không chấp hành biện pháp cách ly.

Theo Bộ Y tế vừa công bố sáng nay thì hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng đã xuất hiện ca nhiễm dương tính với COVID-19, như vậy Thừa Thiên - Huế đang nằm giữa 2 địa phương có dịch là Đà Nẵng và Quảng Trị.

Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, là địa bàn lân cận, nhân dân của Thừa Thiên Huế và hai địa phương nói trên có mối quan hệ hợp tác, làm ăn, thăm thân nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là rất lớn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chủ tịch UBND tỉnh này, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường và phát huy hoạt động các chốt kiểm soát dịch bệnh ở phía Bắc của tỉnh, kiên định với 5 nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch.

Đến thời điểm này, Thừa Thiên - Huế chưa có ca nhiễm COVID-19 nào. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2) đang tiếp nhận điều trị cho 19 trường hợp là bệnh nhân được chuyển từ Đà Nẵng, Quảng Nam ra. (plo.vn 07/8; zingnews.vn 07/8; tienphong.vn 07/8; vietnamplus.vn 07/8; nguoiduatin.vn 07/8)

 
 
 

2.  Quản lý chặt người từ phía Bắc vào

Sau khi có thông tin, tỉnh Quảng Trị có 2 ca mắc COVID-19 là bệnh nhân 749 ở xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Linh) và bệnh nhân 750 ở phường Đông Lễ (TP Đông Hà), UBND huyện Phong Điền đã chỉ đạo các chốt tăng cường kiểm tra, kiểm soát y tế tất cả các phương tiện và người từ các tỉnh phía Bắc vào địa bàn.

Đến nay, trên địa bàn huyện có tất cả 7 chốt kiểm soát y tế. Trong đó, có 3 chốt do tỉnh lập, 4 chốt do huyện lập. 2 chốt ở trên Quốc lộ 1A (địa bàn xã Phong Thu) có chức năng kiểm soát y tế tất cả người  đi trên xe khách, xe máy, xe con, xe thô sơ 2 bánh và 3 bánh; chốt trên Quốc lộ 1A (địa bàn thị trấn) có chức năng kiểm soát người đi trên xe tải. 4 chốt còn lại trên Quốc lộ 49B (xã Phong Hòa, xã Điền Hương) và 1 chốt trên tỉnh lộ 22, thuộc xã Điền Hương và 1 chốt trên địa bàn xã Phong Bình có chức năng kiểm soát tất cả người và phương tiện vào địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Bình, Quyền Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, ngay từ ngày 6/8, trên địa bàn huyện đã kích hoạt thêm 2 chốt kiểm soát y tế để kiểm tra tất cả các phương tiện vào Huế, nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19. Ngoài việc tăng cường công tác kiểm soát tại các chốt kiểm soát y tế, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát tất cả các đối tượng liên quan đến 2 bệnh nhân người Quảng Trị. Song song đó, huyện đang hoàn thiện khu vệ sinh dã chiến tại khu cách ly tập trung ở Bệnh viện Đa khoa Điền Hải, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của huyện để đưa vào hoạt động trong ngày 11/8 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

“Huyện đã làm việc với hệ thống chính trị các xã giáp ranh với tỉnh Quảng Trị, như: Phong Thu, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Điền Hương, Phong Mỹ để thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh và hành trình đi lại của các ca bệnh của tỉnh Quảng Trị theo khuyến cáo của Bộ Y tế; đồng thời thông báo rộng rãi để bà con nhân dân biết khi tiếp xúc với những người từ Quảng Trị về hoặc giao thương buôn bán qua lại với Quảng Trị”.  Ông Bình khẳng định.

Tính đến nay, Phong Điền có 20 người cách ly tại Trung tâm Y tế Phong Điền. 7 người đã đủ 14 ngày và được xét nghiệm PCR đều âm tính. Huyện đã test nhanh 1.900/1.900 người đi từ các vùng dịch về, kết quả tất cả đều âm tính. Hiện nay, 1.400 người đang được cách ly tại nhà…

* Xử phạt vi phạm hành chính 21 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Hoạt động này được UBND các phường trên địa bàn TP. Huế triển khai trong ngày 6/8 nhằm thực hiệm nghiêm các quy định phòng dịch COVID-19.

Trong ngày, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các khu vực công cộng, chợ và nơi tập trung đông người để kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp không đeo khẩu trang, trong đó phường Thủy Xuân đã xử phạt 14 trường hợp, Phú Hậu 2, Kim Long 2, Phú Cát 3. Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã tiến hành lập biên bản nhắc nhở đối với cơ sở kinh doanh và các chợ vi phạm về các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn các phường An Đông, Phước Vĩnh, Trường An.

Tính đến tối 6/8, trên địa bàn TP. Huế có 286 F1; số lượng F2 là 1.056; F3 gồm 478 và đối tượng theo dõi sức khỏe trên 4.300. Khu cách ly Hương Sơ đã tiếp nhận 174 công dân từ vùng có dịch và các phường, riêng ngày 6/8 tiếp nhận 15 công dân. 

Tính đến tối 6/8, thành phố đã lấy 9.430 mẫu xét nghiệm cho các đối tượng F1, F2, F3 và nhóm đối tượng người đi về từ vùng dịch từ ngày 10/7 được theo dõi; trong đó xét nghiệm nhanh 8.576 mẫu, kết quả xét nghiệm nhanh âm tính là 8.399 mẫu, số mẫu còn lại đang tiếp tục xét nghiệm; xét nghiệm PCR 216 mẫu, kết quả xét nghiệm PCR âm tính là 70 mẫu, số mẫu còn lại đang tiếp tục xét nghiệm.

* Ngày 7/8, Huyện đoàn A Lưới cho biết, lực lượng đoàn thanh niên phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn đang tăng cường đến từng nhà hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone và tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone

Do một số người dân còn hạn chế trong quá trình sử dụng công nghệ, các lực lượng chức năng tại A Lưới đã phân công lực lượng đi từng nhà, từng thôn bản để cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng Bluezone, đồng thời tiếp tục triển khai nắm thông tin các hộ có người đi về từ vùng dịch, gồm những người đã về và chuẩn bị về, những người dân địa phương đang ở vùng có dịch có nhu cầu và không có nhu cầu về quê tại A Lưới, những khó khăn cần hỗ trợ…

Các lực lượng chức năng cũng tuyên truyền người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và phát tặng khẩu trang miễn phí cho người dân. (baothuathienhue.vn 07/8)

 
 
 

3.  Chủ tịch Thừa Thiên-Huế: Đừng vì lợi ích nhỏ mà chở khách trái phép vào Huế

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhắc nhở lái xe đừng vì lợi ích nhỏ, một nguồn thu nhỏ mà che giấu, chở thêm hành khách trái phép vào Huế

Sáng 07/8, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có buổi đi kiểm tra, thăm, động viên lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh.

Chủ tịch Thừa Thiên - Huế yêu cầu các chốt thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm tra, kiểm soát tất cả người và phương tiện gồm xe ô tô, xe gắn máy kể cả người đi xe đạp và đi bộ; đưa đi cách ly tập trung ngay người dân Huế trở về từ vùng có dịch.

Tại chốt kiểm tra số 5 đóng tại huyện Phú Lộc ông Phan Ngọc Thọ đánh giá cao các lực lượng thực hiện nghiêm túc việc chốt, trực 24/24h.

Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế, mặc dù lưu lượng người và phương tiện hàng ngày đi qua các chốt rất đông nhưng lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt phối hợp tốt để dừng, kiểm tra người và phương tiện, đo thân nhiệt và khai báo y tế, lịch sử đi lại của hành khách, đồng thời đưa các trường hợp người Huế trở về từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến các khu cách ly tập trung.

Khi nói chuyện với các tài xế đang khai báo y tế và làm thủ tục vận chuyển hàng vào địa phận Thừa Thiên - Huế tại chốt số 6, ông Phan Ngọc Thọ đề nghị các lái xe chở hàng hết sức thông cảm với các biện pháp của tỉnh đang áp dụng. Đây là giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây vào địa bàn tỉnh.

“Đừng vì lợi ích nhỏ, một nguồn thu nhỏ mà che giấu, chở thêm hành khách trái phép vào Huế. Với mục tiêu bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp này”- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhắc nhở các lái xe.

Nhằm hạn chế thấp nhất việc bỏ sót các trường hợp vào địa bàn mà không khai báo tại chốt kiểm soát, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo dịch chuyển chốt kiểm soát y tế số 4 tại ngã 3 Nguyễn Tất Thành – Đặng Tràm (phường Phú Bài – thị xã Hương Thủy) về ngã 3 Quốc lộ 1A - đường Nguyễn Văn Đạt (thị trấn Lăng Cô – huyện Phú Lộc), "khóa chặt" người và phương tiện từ phía Nam đến và đi qua Huế.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị các điểm chốt chặn thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát người dân vào tỉnh, bố trí lực lượng 24/24, tăng cường lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên tuyến quốc lộ.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức kiểm soát khoa học, đảm bảo giao thông thông suốt trên toàn tuyến, đồng thời đảm bảo điều kiện sinh hoạt thuận lợi, hậu cần cho lực lượng làm nhiệm vụ; ngành y tế đảm bảo trang thiết bị để các chốt hoạt động được thường xuyên liên tục.

Kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch bệnh tại Ga Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu UBND TP Huế chủ trì, phối hợp với Ga Huế chỉ đạo lực lượng chức năng ngăn chặn tất cả các lối ra của Ga Huế để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hành khách, nếu phát hiện người từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi phải thực hiện cách ly ngay tại các cơ sở cách ly tập trung sau khi xuống Ga Huế.

Ông Phan Ngọc Thọ cũng yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phải tuyệt đối cẩn trọng, thực hiện đúng các biện pháp bảo hộ y tế để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra nhắc nhở tuyên truyền tất cả người dân, phương tiện trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch trong thời gian tới. (vtc.vn 07/8)

 
 
 

4.  Quảng Trị tạm dừng vận chuyển hành khách đi Huế và Quảng Nam

Việc Quảng Trị thông báo tạm dừng vận chuyển hành khách liên tỉnh từ địa phương đi Huế, Quảng Nam và ngược lại nhằm tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, không để lây lan ra cộng đồng.

Ngày 7/8, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị đã có văn bản hỏa tốc về việc tạm dừng vận chuyển khách liên tỉnh Quảng Trị đi Thừa Thiên Huế và ngược lại, Quảng Nam và ngược lại. Văn bản này được gửi đến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Quản lý Bến xe khách tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông vận tải.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị thông báo kể từ 18h ngày 7/8, tạm dừng toàn bộ hoạt động của các phương tiện vận chuyển hành khách đi từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế và ngược lại; Quảng Trị đến Quảng Nam và ngược lại (bao gồm tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi) cho đến khi có thông báo mới.

Trường hợp phương tiện đang trên đường về nơi đăng ký kinh doanh khi văn bản này có hiệu lực thì tiếp tục cho di chuyển. Tuy nhiên, tài xế và doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định về phòng dịch Covid-19 của Bộ Y tế và chính quyền địa phương.

Được biết, Quảng Trị là địa phương có 2 trường hợp nhiễm Covid-19 vừa được Bộ Y tế công bố trong sáng cùng ngày./. (toquoc.vn 08/8; nongnghiep.vn 07/8; vtc.vn 07/8; zingnews.vn 07/8)

 
 
 

5.  Huế: Mở rộng diện xét nghiệm PCR đối với người qua những điểm có dịch

- Những người đi qua các điểm có dịch được Bộ Y tế công bố và những người được xác định là F1 sẽ được mở rộng xét nghiệm PCR ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngày 7-8, trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thiên Huế, đã chỉ đạo mở rộng diện xét nghiệm PCR với trường hợp nghi ngờ, xử lý nghiêm các đối tượng không chấp hành biện pháp cách ly.

Theo ông Thọ, Bộ Y tế vừa công bố 2 ca bệnh dương tính COVID-19 ở tỉnh Quảng Trị. Như vậy, Thừa Thiên Huế đang nằm giữa 2 địa phương có dịch là Đà Nẵng và Quảng Trị.

Ông Thọ yêu cầu tiếp tục tăng cường và phát huy hoạt động các chốt kiểm soát dịch bệnh ở phía bắc (huyện Phong Điền) và phía nam (huyện Phú Lộc) của tỉnh, kiên định với 5 nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các địa phương tăng cường kiểm tra tất cả các trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường biển, cảng hàng không; kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở...

Ông Nguyễn Đình Bách, phó chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết sắp tới tỉnh sẽ mở rộng diện xét nghiệm PCR đối với những người được xác định là F1 (tiếp xúc gần với F0) và những người đi qua điểm có dịch được Bộ Y tế công bố. (tuoitre.vn 07/8; thanhnien.vn 07/8)

 
 
 

6.  Thừa Thiên - Huế: Khuyến khích người dân tố giác người trốn tránh phòng dịch Covid-19

Tỉnh Thừa Thiên – Huế khuyến khích người dân tố giác những người từ vùng dịch Covdi-19 về không khai báo tại chốt kiểm soát, biểu hiện trốn tránh phòng dịch.

Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đến ngày 6.8, trên địa bàn tỉnh không phát hiện trường hợp nào dương tính với Covid-19. Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 trường hợp dương tính Covid-19 đang được điều trị tại Bênh viện T.Ư Huế cơ sở 2 (bệnh nhân từ Đà Nẵng, Quảng Nam chuyển đến). Đến nay có 2.131 trường hợp được lực lượng phòng chống dịch của tỉnh tổ chức cách ly y tế tập trung.

Đáng chú ý, ngày 6.8, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã phát đi công văn hỏa tốc nhắc nhở các đơn vị, địa phương về tình trạng nhiều công dân từ các vùng có dịch trở về địa phương không được kiểm soát, khai báo tại các chốt vẫn còn xảy ra. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để thực trạng này.

UBND tỉnh chỉ đạo việc khuyến khích vận động người dân chủ động phát hiện, tổ giác (với mục tiêu bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng); các địa phương cần bố trí cán bộ tiếp nhận thông tin từ người dân phản ánh và có phương án xử lý sớm để sớm ngàn chặn, truy vết yếu tố nguy cơ dịch bệnh kịp thời.

Trong ngày 6.8, các chốt kiểm tra y tế liên ngành trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đã kiểm tra 3.598 phương tiện ô tô và xe máy với 5.920 lượt người. Lực lượng liên ngành tại các chốt kiểm soát túc trực 24/24 vừa hỗ trợ công dân của tỉnh trở về đi cách ly tập trung, vừa chốt chặn, kiểm soát chặt những người cố tình vượt chốt, đi về từ vùng dịch không khai báo, có dấu hiệu trốn tránh phòng chống dịch bệnh Covid-19. (thanhnien.vn 07/8)

 
 
 

7.  Thừa Thiên – Huế: Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải tuyệt đối an toàn

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 12.576 thí sinh đăng ký dự thi, được bố trí tại 35 điểm thi, với 554 phòng thi. Tất cả các điểm thi đã được phun khử khuẩn, bố trí nhân viên đo thân nhiệt cho cán bộ làm công tác coi thi và thí sinh… đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên – Huế cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, toàn tỉnh có 12.576 thí sinh đăng ký dự thi, được bố trí tại 35 điểm thi, với 554 phòng thi. Các thí sinh được tập trung thi tại các trường mà các em đang theo học. Sở đã chuẩn bị thêm 35 điểm thi dự phòng tại các Trường THCS gần các điểm thi. Tại các điểm thi, trường sẽ đưa tất cả các phòng còn lại làm phòng dự phòng nhằm ứng phó khi phát hiện thí sinh có dấu hiệu ho, sốt thì lập tức được đưa ra phòng thi riêng để cách ly.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chỉ khác với các năm trước là học sinh phải đeo khẩu trang khi đi thi; đo thân nhiệt trước khi vào phòng thi; tổ chức giãn cách từ 1 - 1,5m đảm bảo không lây chéo khi có tình huống xấu xảy ra.

Kiểm tra tình hình chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo để xây dựng kế hoạch triển khai công tác y tế, phòng, chống dịch Covid-19 cho kỳ thi đảm bảo an toàn tuyệt đối để cho thí sinh làm bài được tốt.

Ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu, đối với các điểm thi, cần tiến hành vệ sinh môi trường trong khuôn viên và xung quanh các điểm thi đảm bảo an toàn, sạch sẽ; phun khử khuẩn toàn bộ các điểm thi trước khi diễn ra kỳ thi; bố trí nhân viên đo thân nhiệt cho cán bộ làm công tác thi và thí sinh, khi phát hiện có người bị sốt, ho, khó thở phải xử lý kịp thời theo quy định.

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh như nơi rửa tay, nước sạch, xà phòng, dung dịch sát khuẩn có cồn, thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng, phòng thi dự phòng, phòng y tế... đảm bảo có đủ thuốc, trang thiết bị thiết yếu. Các phòng thi phải thông thoáng, đảm bảo giãn cách cho thí sinh.

Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch như rửa tay với nước sạch và xà phòng, đeo khẩu trang đúng cách, tránh tụ tập đông người trước và sau khi thi; giữ khoảng cách phù hợp khi làm nhiệm vụ... Trong quá trình thi, nếu phát hiện thí sinh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, khó thở... báo ngay cho cán bộ y tế trực tại điểm thi. Quá trình vận chuyển, bàn giao đề thi từ địa điểm in sao đề thi đến các điểm thi. Việc vận chuyển đề thi và bài thi có sự phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và lực lượng công an, đảm bảo tính bảo mật và an toàn tuyệt đối...

Ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên – Huế lưu ý: Đối với phụ huynh, học sinh, các thầy cô giáo, cán bộ được phân công tham gia kỳ thi phải cần có tinh thần sẵn sàng, bình tĩnh nhưng không chủ quan để tiến hành tốt kỳ thi trong bối cảnh Covid-19. Các em phải tự tin để vượt qua khó khăn, tránh hoang mang làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng bài thi. (baoxaydung.com.vn 07/8)

 
 
 

8.  Thừa Thiên – Huế công bố giá thu phí cách ly tại cơ sở du lịch

Có 3 cơ sở lưu trú du lịch ở Thừa Thiên - Huế mở cửa phục vụ người đến cách ly tập trung với mức phí từ 500.000 đồng đến 1,8 triệu đồng/ngày

Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày 7-8 đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế liên quan đến đề xuất cơ sở lưu trú du lịch phục vụ cách ly phòng chống dịch bệnh Covid-19 có thu phí.

Theo đó, có 3 cơ sở thực hiện mô hình này, tổng cộng 107 phòng với công suất tối đa 208 người. Cụ thể tại khách sạn nghỉ dưỡng Sun and Sea tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang có giá phòng mỗi ngày loại 1 là 1,5 triệu đồng/người, 1,8 triệu đồng/2 người; loại 2 có mức giá 1 triệu đồng/người, 1,2 triệu đồng/2 người.

Trung tâm Điều dưỡng Người có công ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc có giá 600.000  đến 800.000 đồng/người/ngày. Khách sạn Điện Biên tại TP Huế có giá 500.000 đồng/người/ngày, 700.000 đồng/2 người/ngày.

Tại cuộc họp giao ban phòng chống dịch Covid-19 ngày 7-8, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã giao ngành y tế tỉnh này nghiên cứu cử đoàn công tác gồm 20 bác sĩ, 20 điều dưỡng chi viện cho cho Đà Nẵng phòng chống dịch.

Hiện Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đang liên hệ với Sở Y tế TP Đà Nẵng để thống nhất về lĩnh vực Đà Nẵng cần, sau đó lên danh sách đoàn công tác.

Trong 3 cơ sở trên thì chỉ có Sun and Sea đã tính giá tiền phòng bao gồm suất ăn sáng, các cơ sở còn lại người bị cách ly đặt theo yêu cầu từ thực đơn hàng ngày. Riêng 2 bữa ăn chính mỗi ngày, các cơ sở lưu trú đều có phục vụ, thức ăn được lưu mẫu, giá 200.000  đến 250.000 đồng/ngày/người; riêng khách sạn Sun & Sea từ 250.000 đến 500.000/ngày/người.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết người cách ly có nhu cầu đến ở tại các cơ sở này sẽ có đơn đề nghị gửi đơn vị đang quản lý cách ly tập trung để xin ý kiến Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế xem xét.

Những người này phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR lần 1 âm tính mới cho phép được chuyển qua cách ly tự trả phí. Tại các điểm này cũng có lực lượng an ninh bảo vệ 2 vòng, cùng với cán bộ y tế túc trực. Riêng đối với khách sạn Điện Biên, do nằm ở trung tâm TP Huế nên theo ông Phúc, chỉ bố trí những dãy phòng nằm cách biệt với khu vực

Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngoài các cơ sở y tế, địa phương này hiện có 9 địa điểm cách ly y tế tập trung không thu tiền. Đến nay đã tổ chức cách ly y tế tập trung 2.131 trường hợp, gần 10.145 trường hợp cách ly bắt buộc tại nhà và nơi lưu trú, khuyến cáo tự cách ly tại nhà và nơi lưu trú gần 11.000 trường hợp. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thực hiện xét nghiệm 25.827 mẫu, đã có kết quả 23.797 mẫu và tất cả đều âm tính. (nld.com.vn 07/8; toquoc.vn 08/8; baogiaothong.vn 07/8)

 
 
 

9.  Cần sớm thành lập tổ kiểm soát y tế tại Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài

Chiều 7/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đã đi kiểm tra, thăm, tặng quà động viên các chiến sĩ, bác sĩ, đoàn viên thanh niên đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát y tế dọc tuyến đường Quốc lộ 1A trên địa bàn huyện Phong Điền và bàn phương án thành lập chốt kiểm soát y tế tại Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài.

Tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch trên Quốc lộ 1A trên địa bàn huyện Phong Điền, mỗi ca chốt kiểm soát y tế được bố trí từ 5 - 10 người làm nhiệm vụ. Đây chính là một trong những chốt đóng vài trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các “cửa ngõ” của tỉnh. Trung bình một ngày chốt này rà soát, phân loại hàng trăm lượt người và phương tiện lưu thông vào địa bàn tỉnh.

Qua kiểm tra, nắm bắt tình hình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của từng bác sĩ, đoàn viên thanh niên, chiến sĩ tại các chốt kiểm soát y tế trong những ngày vừa qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tuy tỉnh chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chính vì vậy, các lực lượng làm nhiệm vụ tuyệt đối không được chủ quan, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua lại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chính quyền địa phương tăng cường nhân lực tại các chốt để hỗ trợ giúp người dân kê khai y tế và các nhiệm vụ được phân công. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền thực hiện công tác quản lý phương tiện vận tải ra vào Thừa Thiên Huế và khai báo y tế trước qua mạng trên các kênh thông tin đại chúng.

Dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đã tặng quà động viên cho các cán bộ, tình nguyện viên tại các chốt kiểm soát y tế.

Tại Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, sau khi làm việc với lãnh đạo đơn vị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đề nghị Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài nghiên cứu, phối hợp với Sở Y tế thành lập tổ kiếm soát y tế tại cảng nhằm sàng lọc, quản lý địa điểm lưu trú của hành khách để khi phát sinh dịch bệnh, lực lượng chức năng có thể kịp thời khoanh vùng, truy vết, ngăn chặn lây lan trong cộng đồng. (baothuathienhue.vn 07/8)

 
 
 

10.  Huế ráo riết truy vết diện rộng tìm người tiếp xúc hai bệnh nhân 684 và 749

Hai bệnh nhân 684 và 749 vừa được công bố mắc COVID-19 từng đến Huế, đặc biệt là bệnh nhân 684 đã đi rất nhiều nơi từ TP Huế đến các huyện, thị xã; khiến công tác truy vết ngời tiếp xúc bệnh nhân của lực lượng chức năng địa phương phải thực hiện trên phạm vi rộng, với tinh thần khẩn trương, ráo riết.

Sáng 7/8, Ban truyền thông thuộc Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh TT-Huế phát đi Thông báo khẩn số 02 liên quan đến lịch trình di chuyển của bệnh nhân 684 và 749 mắc COVID-19. Đây là 2 bệnh nhân đã có lộ trình di chuyển đến Huế.

Theo đó, đối với bệnh nhân 684 (ở Đà Nẵng), ngày 21/7/2020, vào lúc 06h30, người này từ Đà Nẵng ra Huế, tại sân bay Phú Bài (thị xã Hương Thủy).

Đến 10h30, đến Phòng phát sóng truyền hình VTV8 tại Huế. 11h30 đến khách sạn Parkview (09 Ngô Quyền, phường Vĩnh Ninh, TP Huế). 12h00, ăn trưa tại khách sạn Parkview. 14h00, đến Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh TT-Huế. 17h30, ăn tối tại Cồn Tè, vùng ven TP Huế. 20h00, về lại khách sạn Parkview.

Ngày 22/7/2020, vào lúc 09h00, bệnh nhân 684 từng đến Trung tâm Thông tin Văn hoá Thể thao huyện Phú Lộc. 09h30, đến UBND huyện Phú Lộc. 11h30, ăn trưa tại quán Gái Đẳng tại Đá Bạc (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc). 14h00, về nghỉ tại khách sạn Parkview. 17h30, ăn tối tại Nhà hàng nổi Sông Hương (TP Huế). 20h00, chở hai người bạn ra sân bay Phú Bài. 22h00, ghé ăn phở ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, không nhớ rõ địa chỉ quán) rồi về lại Đà Nẵng.

Đối với bệnh nhân 749 (ở Quảng Trị, lúc 6h30 ngày 18/7/2020, bệnh nhân đón xe từ Đà Nẵng ra Huế, sau đó đến làm răng tại Phòng khám Nha khoa Pháp - Việt (đường Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh, TP Huế). Ăn trưa tại quán cơm Liễu (Hai Bà Trung, TP Huế). Sau đó, người này được bạn chở bằng xe máy ra Quảng Trị.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh TT-Huế, hiện các Đội phản ứng nhanh của tỉnh đang tích cực truy vết người tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc ca bệnh 684 và 749 đã từng đến tại Huế.

Để thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, cơ quan chức năng tỉnh TT-Huế hiện đề nghị tất cả những người đã từng đến các địa điểm nêu trên, với thời điểm tương ứng, khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để khai báo y tế và được hướng dẫn những bước xử lý tiếp theo. (tienphong.vn 07/8; vtc.vn 07/8; plo.vn 07/8; thanhnien.vn 07/8)

 
 
 

11.  Địa phương, ngành nào không thực hiện tốt phòng chống dịch sẽ bị xử lý nghiêm

Đảm bảo người và phương tiện đến địa bàn phải được kiểm soát chặt chẽ và khai báo y tế; mở rộng diện xét nghiệm PCR với đối tượng nghi ngờ; tập trung cách ly và xử lý nghiêm vi phạm cách ly; địa phương nào, ngành nào không có trách nhiệm, không thực hiện tốt chủ trương phòng chống dịch sẽ được kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, là những chỉ đạo mới từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 7/8 khi tình hình lây nhiễm ra cộng đồng có nhiều diễn biến phức tạp.

Kiểm soát nghiêm, khai báo chặt chẽ

Sáng sớm 7/8, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đi kiểm tra, thăm, động viên lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao các lực lượng thực hiện nghiêm túc việc chốt, trực 24/24h. Các chốt hoạt động tích cực, góp phần trong việc ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh thời gian qua. Mặc dù lưu lượng người và phương tiện hàng ngày đi qua các chốt rất đông nhưng lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt đã phối hợp tốt để tiến hành dừng, kiểm tra, đo thân nhiệt và khai báo y tế, lịch sử đi lại của hành khách, đồng thời đưa các trường hợp trở về từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến các khu cách ly tập trung.

Nói chuyện với các tài xế đang khai báo y tế và làm thủ tục vận chuyển hàng vào địa phận Thừa Thiên Huế tại chốt số 6, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị các lái xe chở hàng hết sức thông cảm với các biện pháp của tỉnh đang áp dụng. Đây là giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây dịch bệnh vào địa bàn tỉnh. “Đừng vì một lợi ích nhỏ, một nguồn thu nhỏ mà che giấu, chở thêm hành khách trái phép vào Huế. Với mục tiêu bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp này” - Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở các lái xe.

Nhằm hạn chế thấp nhất việc bỏ sót các trường hợp hợp vào địa bàn mà không đi qua và khai báo tại chốt kiểm soát, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo dịch chuyển chốt kiểm soát y tế tại thị xã Hương Thủy về ngã 3 phía bắc đèo Phú Gia huyện Phú Lộc nhằm "khóa chặt" người và phương tiện từ phía Nam đến và đi qua Huế. “Tất cả phương tiện đi qua Thừa Thiên Huế phải được kiểm soát chặt chẽ, đó là giải pháp quan trọng để hạn chế việc lây lan dịch bệnh vào địa bàn vào lúc này”. Yêu cầu các chốt thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm tra, kiểm soát tất cả người và phương tiện gồm xe ô tô, xe gắn máy kể cả người đi xe đạp và đi bộ; đưa đi cách ly tập trung ngay người dân Huế trở về từ vùng có dịch.

Đồng thời, đề nghị các điểm chốt chặn thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát người dân vào tỉnh, bố trí lực lượng 24/24, tăng cường lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên tuyến Quốc lộ. Công an tỉnh tổ chức kiểm soát khoa học, đảm bảo giao thông thông suốt trên toàn tuyến đồng thời đảm bảo điều kiện sinh hoạt thuận lợi cho lực lượng làm nhiệm vụ; ngành y tế đảm bảo trang thiết bị để các chốt hoạt động thường xuyên liên tục.

Kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch bệnh tại Ga Huế, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND TP. Huế chủ trì, phối hợp với Ga Huế chỉ đạo lực lượng chức năng ngăn chặn tất cả các lối ra của Ga Huế để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hành khách, nếu phát hiện người từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi phải thực hiện cách ly ngay tại các cơ sở cách ly tập trung sau khi xuống Ga Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phải tuyệt đối cẩn trọng, thực hiện đúng các biện pháp bảo hộ y tế để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra nhắc nhở tuyên truyền tất cả người dân, phương tiện trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Cách ly, mở rộng diện xét nghiệm PCR

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 sáng 7/8 với sự tham gia của UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp truy vết cách ly đối tượng trở về từ vùng dịch và mở rộng diện xét nghiệm PCR với đối tượng nghi ngờ. Nhấn mạnh tinh thần quyết liệt, không được chủ quan, lơ là, “địa phương nào, ngành nào không có trách nhiệm, không thực hiện tốt chủ trương phòng chống dịch sẽ bị xử lý nghiêm khắc”.

Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các đơn vị, địa phương, các lực lượng tham gia đã tích cực cố gắng, nỗ lực trong thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường rà soát, chốt chặn, tầm soát, truy vết, cách ly, xét nghiệm đồng bộ, thường xuyên, liên tục;  kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực; trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế... làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của tỉnh.

Hiện tại, số lượng người dân ở tại thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang có nhu cầu trở về địa phương rất lớn, tạo áp lực cho các địa phương trong việc tiếp nhận, cách ly và bảo đảm các điều kiện khác, do đó, các địa phương phải tính toán kỹ, căn cứ định mức phân bổ và nhu cầu cấp thiết của từng trường hợp để xem xét phê duyệt; đồng thời, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tất cả các công dân trở về tại địa phương.

Do dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát lần hai nên cuộc sống của người dân đang gặp nhiều khó khăn, nhất là người nghèo, người khuyết tật, lao động tự do... Vì vậy, các địa phương cần lưu ý, có chính sách an sinh xã hội tại địa phương kịp thời.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị nghiên cứu giải pháp để hỗ trợ nguồn lực cho Đà Nẵng phòng chống dịch bệnh. Trước mắt sẵn sàng hỗ trợ đợt 1 gồm 20 bác sĩ và 20 điều dưỡng viên cho Đà Nẵng phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương  tăng cường kiểm tra tất cả các trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường biển, cảng hàng không; kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở...(baothuathienhue.vn 07/8)

 
 
 

12.  Thừa Thiên Huế đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa phòng chống dịch

Ngày 7/8, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có lượng hàng hóa dự trữ đảm bảo cung ứng cho thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Theo Sở Công thương Thừa Thiên Huế, hiện nay một số doanh nghiệp có lượng hàng dự trữ lớn như Công ty Lương thực Thừa Thiên Huế trên 100 tấn gạo, Công ty CP Tân Long - Chi nhánh Huế khoảng 100 tấn gạo, Công ty TNHH TM Hoàng Đạt khoảng 50 tấn mỳ ăn liền, Công ty TNHH TM Thái Đông Anh khoảng trên 60 tấn mỳ ăn liền, trên 200.000 lít dầu ăn các loại.

Bên cạnh đó, các siêu thị, trung tâm thương mại cũng đã tăng cường kết nối với các kho dự trữ. Cụ thể siêu thị Coop mart Huế tổ chức dự trữ lượng hàng hoá nhiều hơn 50% so với bình thường; Siêu thị Big C dự trữ hơn 30% so với bình thường, gồm 15 tấn gạo, 22 tấn mỳ ăn liền, 25.000 lon đồ hộp các loại; 35.000 lít dầu ăn…; Công ty CP Thương mại Đông Ba dự trữ 57.000 lon đồ hộp các loại và có kế hoạch cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 lon mỗi ngày; Công ty Dệt may Huế có khoảng 100.000 cái khẩu trang vải kháng khuẩn…

Ngoài ra tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống trên địa bàn…đều có kế hoạch tổ chức dự trữ hàng hoá nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu mua sắm,tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, Sở Công thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các ban ngành cương quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp doanh nghiệp, đơn vị găm hàng, đầu cơ tích trữ, không niêm yết giá và bán giá cao so với giá niêm yết.

Hiện, sức mua hàng hoá tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên huế diễn ra bình thường, không đột biến, không xảy ra hiện tượng người dân đổ xô mua tích trữ hàng hoá, giá cả các mặt hàng thiết yếu nhìn chung ổn định. (congthuong.vn 07/8)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Xây dựng Thành phố di sản & những kỳ vọng đột phá - Kỳ 3: Nắm bắt thời cơ “vàng”

- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định: Nếu Thừa Thiên Huế được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên những tiêu chí về đô thị di sản thì sẽ thuận lợi trong việc tạo cho Huế một vị thế ngang tầm với 5 đô thị trực thuộc Trung ương hiện nay và ngang tầm với vị thế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hơn hết, cuộc sống của người dân, đối tượng được xem là trung tâm của Thành phố di sản sẽ thay đổi...

Huế “chuyển mình”

Chưa thể hoàn hảo nhưng đến Huế bây giờ, nhiều du khách tỏ ra thích thú và cảm nhận được những điều tốt đẹp về Huế. Nếu không nói đến cuộc di dân Thượng Thành lịch sử, hơn một năm qua, hầu như không có một dự án thật lớn được triển khai tại Huế. Song, người dân lẫn du khách vẫn cảm nhận được một Huế chuyển mình. Dù là nhỏ thôi nhưng lời nhận xét về Huế của anh Trần Đức (TP. Hồ Chí Minh) có hàm ý rộng lớn: “Các bạn không còn “bảo thủ”, người Huế bây giờ tự giác hơn nhiều. Tôi thấy đường phố sạch đẹp và biết rằng đằng sau đó có một phong trào nhặt rác được triển khai trong toàn dân có hiệu ứng tích cực”.

Huế không chỉ có “Ngày Chủ nhật xanh” như lời anh Đức đề cập, Huế biết chăm chút cho dòng Hương với màu xanh trong và đường đi bộ dọc đôi bờ, chăm chút cho công viên, chăm chút ngay trong từng công sở, mỗi ngôi nhà… Những thứ tưởng chừng rất nhỏ nhưng tác dụng là rất lớn.

Cuộc di dân Thượng Thành lịch sử dù không phải là yếu tố cốt lõi để Huế hướng tới mục tiêu Thành phố di sản, nhưng nó lại có giá trị rất lớn, trước hết là khôi phục giá trị Kinh thành. Nhắc đến yếu tố này, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa bảo, Việt Nam hay có mặc cảm về tầm vóc của những di tích, nghĩa là nước ta chưa có một di tích lịch sử nào vĩ đại, mang tầm quốc tế, song nếu cuộc di dân này thành công, thì Kinh thành Huế sẽ lộ ra là một công trình kiến trúc tầm cỡ thế giới. Công trình này có chu vi kéo dài hơn 11km, dày 22m, kiến trúc bằng gạch 3 tầng có hệ thống 404 pháo nhãn, thủy quan, đường vận binh, quan tượng đài, kỳ đài… vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn.

Kinh thành Huế là giá trị lịch sử còn cuộc di dân này còn mang lại nhiều giá trị thực tại hơn. Người dân có nơi ở mới với sinh kế ổn định. Nếu như trước đây, gieo neo, tạm bợ trên bờ thành họ chẳng biết kiếm sống bằng nghề gì ngoài cửu vạn, làm thuê. Nhưng bây giờ, ở khu tái định cư Hương Sơ (TP. Huế), nhiều hàng quán mọc lên, dịch vụ do người dân cung ứng. Nói vậy để thấy năng lực của họ đã thoát ra khỏi sự kìm hãm.

Không hề quá lời khi nói rằng Nghị quyết 54 khiến Huế chuyển động nhanh. Sự chuyển động ngay trong bộ máy của lãnh đạo các cấp chính quyền, người dân và cả những người làm kinh tế. Nhiều dự án khởi nghiệp của người Huế dựa trên nền tàng di sản; Huế S, Đô thị thông minh… không chỉ làm thay đổi diện mạo Huế, mà còn góp phần hình thành nên những ý thức tích cực của người dân Cố đô.

Có thể bây giờ, nhiều người dân vẫn chưa thật tường tận về sự khác biệt của một Thành phố di sản trực thuộc Trung ương trong tương lai sẽ hình thành, nhưng mục tiêu đó chính là động lực để phát triển. “Nếu vẫn là tỉnh Thừa Thiên Huế thì động lực phát triển sẽ rất yếu và thế mạnh về văn hóa và di sản sẽ bị giậm chân tại chỗ. Công nhận Thành phố di sản cho Huế không chỉ gò bó trong di sản mà tạo thế phát triển trong tình hình mới. Ngày xưa Huế mang những giá trị truyền thống, nhưng bây giờ phải là trung tâm văn hóa sáng tạo về học thuật, công nghệ, du lịch… Từ văn hóa di sản tạo ra thế phát triển, nắm lấy thời cơ vàng”, ông Hoa chia sẻ.

Tạo thế và lực

Với danh hiệu thành phố văn hóa ASEAN, thành phố du lịch sạch ASEAN, thành phố Festival... để khẳng định vị thế trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam, cần có cơ chế, chính sách về khai thác thế mạnh đô thị di sản. Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng trung tâm khoa học công nghệ đủ mạnh, dịch vụ y tế chuyên sâu, thu hút nhân tài… thì phát triển du lịch bền vững vẫn là ngành kinh tế trọng điểm. Tất nhiên, sự phát triển của du lịch có mối quan hệ mật thiết với những chính sách phát triển đô thị.

Trong một bài tham luận tại hội thảo xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch – Tổng cục Du lịch đưa ra một con số giật mình: Lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế chỉ bẳng 1/3 Hà Nội, 1/4 TP. Hồ Chí Minh, bằng 60-70% so với Đà Nẵng hay Khánh Hòa, đặc biệt giá trị tổng thu từ khách du lịch cũng dừng ở mức rất thấp. “Chúng ta không nên so sánh với chính mình qua từng năm mà cần so sánh với các tỉnh, thành bạn vốn nghèo hơn về văn hóa và di sản. Từ đó tìm ra cái mới, đột phá hơn trong tương lai”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân bày tỏ quan điểm.

Theo Tổng cục Du lịch, Thừa Thiên Huế có đủ tiềm năng để trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Song, sự phát triển của du lịch có mối liên hệ mật thiết với chính sách phát triển đô thị. Việc làm rõ bản sắc của đô thị Huế để chính xác “điểm cạnh tranh” là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và tính hấp dẫn lâu dài của điểm đến. Ngoài ra, cần có những giải pháp để thu hút thị trường mới, phát triển sản phẩm mới nhưng phải thận trọng, phù hợp đồng thời tăng cường tính liên kết du lịch và ứng dụng hơn nữa các giải pháp về công nghệ.

Với Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, một trong những mục tiêu trước mắt quan trọng của Thừa Thiên Huế là hoàn thành mở rộng TP. Huế theo quy hoạch trước năm 2022.

Theo đề án quy hoạch, TP. Huế sẽ được mở rộng và hoàn thiện theo trục không gian sông Hương kết nối từ núi đến biển. Vùng lõi đô thị di sản sẽ được giảm áp lực bởi sự phát triển của các tiểu đô thị hai bên bờ sông Hương. Xung quang trung tâm TP. Huế là bốn vùng đô thị phụ trợ là Tứ Hạ, Hương Thủy, Thuận An, Bình Điền.

“Việc quy hoạch đô thị Huế là xác định các vùng phát triển đặc trưng. Nếu như ở thượng nguồn sông Hương có giá trị cảnh quan; khu vực trung tâm có Kinh thành,  khu phố lịch sử, khu phố mới; hạ nguồn có các làng cổ, làng nghề... Từ đó xác định được yếu tố đặc trưng, tiến hành đầu tư. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề nguồn vốn. Bây giờ khi đã triển khai thì cần có một cơ chế giám sát chặt chẽ, phía tỉnh cũng đang nỗ lực cho vấn đề này. Có những bản quy hoạch dù rất tối ưu nhưng yếu tố nguồn lực là quyết định”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Đặng Minh Nam nói.

Việc phát triển đô thị và công tác bảo tồn muôn thuở đều có những mâu thuẫn. Ở Huế, đó là mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa trầm lắng với sự năng động đổi mới sáng tạo. Thuyết phục Quốc hội không phải việc đơn giản. Vấn đề không dừng lại ở việc xây dựng nội dung tốt mà phải tìm thế và lực đủ tốt. Và nếu, một khi được Trung ương công nhận là Thành phố di sản thì cần có nhiều hơn nữa những đề án cụ thể để đạt được hiệu quả phù hợp tiêu chí, điều đó nhằm phát huy giá trị cho di sản mà không gây ra khủng hoảng mới cho đô thị mở rộng trong tương lai. (baothuathienhue.vn 07/8)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Huế: Không lệnh cấm, nhà hàng, quán sá sầm uất tự đóng cửa phòng dịch

Mặc dù chưa có lệnh cấm nhưng nhiều nhà hàng ăn uống, quán cà phê… trên các phố sầm uất  ở TP Huế đã chủ động tự nguyện đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19.

Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu các khách sạn, trung tâm tổ chức sự kiện không tổ chức tiệc cưới, liên hoan, tiệc mừng… bắt đầu từ 0h ngày 3/8; các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán nước giải khát khu tập luyện thể thao phải thực hiện giãn cách xã hội mỗi bàn tối đa không quá 4 người, bàn cách bàn tối thiểu 2m và bố trí nước rửa tay sát khuẩn…

Mặc dù chưa có thông báo cấm các hoạt động kinh doanh buôn bán để phòng, chống Covid-19, tuy nhiên, nhiều nhà hàng ăn uống, cà phê, buôn bán nhỏ lẻ… trên địa bàn TP Huế đã chủ động tự nguyện đóng cửa hoặc bán “ship về tận nhà”…, đồng thời thực hiện yêu cầu giữ khoảng cách khi vào quán.

Theo ghi nhận của PV trong ngày 6/8 trên các con đường sầm uất nhất của TP Huế như Hùng Vương, Phan Đăng Lưu, Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, các cơ sở kinh doanh đều để sẵn nước rửa tay sát khuẩn trước cửa, nhiều quán khuyến khích khách hàng mua đồ ăn thức uống mang về hoặc quán sẽ ship tận nhà.

Do thực hiện phòng chống dịch, khách thưa thớt hơn, nhiều nhà hàng, quán cà phê treo bảng thông báo “tạm đóng cửa vì sức khỏe cộng đồng”, “giảm 15% mang về”, “quán tạm đóng cửa để phòng, chống Covid-19”…

Theo Cơ quan Công an TP Huế, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP Huế) cũng đang triển khai phối hợp với công an các phường tăng cường công tác kiểm tra nhắc nhở thường xuyên tại các chợ, cơ sở kinh doanh buôn bán hàng nhu yếu phẩm như nhà thuốc, quầy kinh doanh lương thực, thực phẩm… yêu cầu không được tăng giá. Đồng thời, lực lượng chức năng yêu cầu chủ các cơ sở kinh doanh ký cam kết không lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng hóa, đầu cơ tăng giá…(infonet.vietnamnet.vn 07/8)

 
 
 

2.  Khánh thành và bàn giao công trình “Sân chơi cho em”

Chiều 7/8, Thành đoàn Huế tổ chức khánh thành và bàn giao công trình “Sân chơi cho em”. Công trình được xây dựng trên trục đường Mai Khắc Đôn, phường Kim Long.

Sau gần 3 tháng thi công, công trình đã hoàn thiện với nhiều hạng mục, đáp ứng nhu cầu vui chơi cho trẻ em như xích đu, bập bênh, cầu thăng bằng, xà đơn, xà kép và bồn hoa… Tổng trị giá của công trình là 40 triệu đồng, được quyên góp vận động từ đoàn viên thanh niên, các liên đội trên địa bàn thành phố.

Công trình khánh thành tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, đồng thời giúp các em thiếu nhi phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Đây cùng là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ TP. Huế lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của tuổi trẻ Huế. (baothuathienhue.vn 07/8)

 
 
 

3.  Thừa Thiên Huế đảm bảo cấp điện an toàn phục vụ kỳ thi THPT năm 2020

- Chiều ngày 7/8, ông Nguyễn Đại Phúc - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) cho hay, đơn vị này đã có sự chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định phục vụ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 diễn ra trên địa bàn.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Trung, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy phục vụ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, PC Điện lực Thừa Thiên Huế đã lập phương thức vận hành cấp điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 tại Thừa Thiên Huế diễn ra từ ngày 8/8 đến ngày 10/8, trong đó thời gian ra sao in đề thi từ ngày 28/7 đến 10/8, thời gian chấm thi từ ngày 11/8 đến 27/8. PC Thừa Thiên Huế đã lập phương thức vận hành cấp điện để đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn, nhất là trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.

Cụ thể, đối với phương thức vận hành bình thường, PC Thừa Thiên Huế thực hiện phương thức vận hành theo kết lưới cơ bản lưới điện tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020, đảm bảo ổn định cấp điện cho toàn bộ phụ tải có liên quan đến địa điểm tổ chức ra đề thi, in sao đề thi, hội đồng thi và chấm thi.

Trong thời gian tổ chức kỳ thi, PC Thừa Thiên Huế dừng tất cả các công tác trên lưới điện có ảnh hưởng đến cung cấp điện các địa điểm phục vụ kỳ thi (từ 18/7 đến 20/7 và từ 8/8 đến 10/8), trừ những trường hợp cắt điện để thực hiện xử lý sự cố. Ngoài ra, PC Thừa Thiên Huế bố trí máy phát điện lưu động 550kVA dự phòng nguồn tại trường THCS Nguyễn Tri Phương.

Bên cạnh đó, PC Thừa Thiên Huế tăng cường kiểm tra đảm bảo hệ thống bảo vệ rơ le, hệ thống điều khiển tại các TBA nguồn làm việc tin cậy; phối hợp với các đơn vị Điện lực tiến hành kiểm tra các thiết bị trên lưới điện phân phối đảm bảo đường truyền thông các điểm nút SCADA, điều khiển xa hoạt động tốt, phân công các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra phát quang, vệ sinh, xử lý tiếp xúc các đường dây 22kV, 35kV, 110kV và các trạm biến áp phụ tải, đồng thời bố trí các nhóm trực tăng cường xử lý sự cố, sửa chữa điện trong các ngày diễn ra kỳ thi.

"PC Thừa Thiên Huế quyết tâm cấp điện an toàn, ổn định, góp phần vào thành công trong việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 trên địa bàn, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp hiện nay", ông Phúc cho hay.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 12.576 thí sinh đăng ký dự thi, được bố trí tại 35 điểm thi với gần 600 phòng thi. Các điểm thi được đặt tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo hợp lí và tạo thuận lợi nhất cho việc dự thi của thí sinh./. (toquoc.vn 08/8)

 
 
 

4.  Gỡ khó trong công tác phát triển đoàn viên công đoàn

Phát triển đoàn viên và công đoàn cơ sở (CĐCS) đang là thách thức lớn với các cấp công đoàn tỉnh do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, cắt giảm lao động bởi ảnh hưởng của dịch COVID - 19.

Gặp khó tại khối doanh nghiệp ngoài nhà nước

Là một trong những đơn vị được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên và CĐCS lớn, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh chỉ thành lập mới được 1 CĐCS, với 71 đoàn viên; nâng tổng số CĐCS hiện có lên 27 đơn vị.

Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh Lê Thái Thành Tài cho biết, con số thành lập mới chỉ là “muối bỏ biển” so với chỉ tiêu thành lập 12 CĐCS với 2.500 đoàn viên trong năm 2020. Đó là chưa kể đến con số hơn 1.400 lao động bị cắt giảm tại các doanh nghiệp thuộc đơn vị trong 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng dịch COVID - 19 kéo dài.

Theo ông Tài, việc vận động doanh nghiệp thành lập CĐCS trong thời điểm hiện tại là vô vùng khó khăn. Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của Ban Quản lý Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh để rà soát các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn và lồng ghép tuyên truyền, vận động để thành lập.

Tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2020 do LĐLĐ tỉnh tổ chức, nhiều công đoàn cấp trên cơ sở trên địa bàn tỉnh cũng chia sẻ các khó khăn trong công tác phát triển đoàn viên, CĐCS như: LĐLĐ TX. Hương Thủy, LĐLĐ huyện Phú Lộc, LĐLĐ TP. Huế…

Theo đại diện LĐLĐ huyện Phú Lộc, ngay từ đầu năm, đơn vị đã lên danh sách và lập kế hoạch thành lập một số CĐCS. Bước đầu khảo sát và làm việc với các doanh nghiệp đã tạo được sự đồng thuận, nhưng đến nay chưa thể tiếp cận lại do một số đơn vị dừng hoạt động, hoặc hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Tương tự, để khắc phục khó khăn trước mắt, LĐLĐ huyện Phú Vang đã phối hợp với chính quyền địa phương tiếp cận các doanh nghiệp trên địa bàn huyện để vận động thành lập CĐCS. Đa phần các doanh nghiệp đều đồng ý và sẽ triển khai trong thời gian tới khi tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. LĐLĐ huyện đã phân công cán bộ phụ trách các đơn vị cụ thể để tiếp xúc, theo sát nắm tình hình.

Sâu sát, đồng hành với cơ sở

Việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, hạn chế chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19 tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, đời sống của công nhân lao động (CNLĐ) gặp nhiều khó khăn.

Tính đến hết tháng 6/2020, các cấp công đoàn trực thuộc đã tuyên truyền, vận động kết nạp được 772 đoàn viên, đạt 16,8% so với chỉ tiêu phân bổ 4.600 đoàn viên và thành lập mới 19 CĐCS, đạt  38,3% so với chỉ tiêu phân bổ 47 CĐCS.

Thời gian qua, thực hiện Chương trình phát triển đoàn viên nhiệm kỳ 2018-2023 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh tiếp tục triển khai các nội dung theo Chương trình hành động số 05 về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS nhiệm kỳ 2018-2023 đến các cấp công đoàn trực thuộc.

Để tháo gỡ khó khăn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp với các cơ quan liên quan nắm tình hình doanh nghiệp, CNLĐ; tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Thực hiện công tác nắm số liệu ở các cơ quan liên quan để phục vụ công tác phân bổ, giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS năm 2020 ở các cấp công đoàn. Hướng dẫn, đôn đốc các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên năm 2020...

Song hành cùng đó, LĐLĐ tỉnh cũng đề nghị xem xét giảm các chỉ tiêu trong năm 2020 như: chỉ tiêu về kết nạp đoàn viên, thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua tài khoản thẻ, tổ chức Tháng Công nhân tại CĐCS trong doanh nghiệp do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19.

Tại hội nghị sơ kết hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm 2020, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Khoa Hoài Hương yêu cầu các cấp công đoàn bám sát các chỉ tiêu được giao để chủ động lên kế hoạch, phương án hoạt động phù hợp trong tình hình hiện nay. Đồng thời, tăng cường về cơ sở nắm tình hình thực tế, số liệu cụ thể. Thời gian tới, cả hệ thống công đoàn sẽ chung tay vào cuộc, nỗ lực quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu về phát triển đoàn viên và CĐCS. (baothuathienhue.vn 08/8)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Tạo điều kiện cho thí sinh vùng dịch

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến một số địa phương chưa thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020 trong đợt 1, Đại học (ĐH) Huế đưa ra phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thí sinh vùng dịch.

Dành chỉ tiêu cho thí sinh vùng dịch

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, trong đợt 1 (ngày 8 – 10/8), các thí sinh tại TP. Đà Nẵng và một số địa phương đang thực hiện cách ly xã hội chưa thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 và sẽ lùi thời gian tổ chức kỳ thi vào thời điểm thích hợp khi dịch COVID-19 được kiểm soát, bảo đảm an toàn cho công tác tổ chức thi. “Việc lùi thời gian kỳ thi dẫn đến những lo ngại của thí sinh về xét tuyển ĐH và nhập học. Ngày 6/8, ĐH Huế đã đưa ra phương án và thông báo đến thí sinh về việc dành chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho thí sinh các tỉnh đang giãn cách xã hội thi vào đợt 2. Đây cũng phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH”, ông Hào khẳng định.

Để đảm bảo quyền lợi thí sinh, ĐH Huế và các cơ sở đào tạo sẽ xem xét phân bổ chỉ tiêu hợp lý và xét tuyển riêng cho các thí sinh chưa tham dự kỳ thi trong ngày 8 – 10/8 do dịch COVID-19 dựa trên tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh thuộc địa phương (vùng dịch) so với tổng số nguyện vọng ĐKXT của thí sinh trên cả nước vào đơn vị đào tạo năm 2020. ĐH Huế và các trường cũng sẽ căn cứ tỷ lệ thí sinh trúng tuyển của địa phương so với số lượng thí sinh trúng tuyển trên cả nước vào trường năm 2019 và tỷ lệ thí sinh trúng tuyển của địa phương so với số lượng nguyện vọng ĐKXT của địa phương vào trường trong năm 2019. “Dựa vào những căn cứ trên, ĐH Huế rà soát, tính toán lại chỉ tiêu cụ thể, dự kiến có thể dành khoảng 10% chỉ tiêu cho thí sinh các địa phương ở vùng dịch. Chỉ tiêu có thể khác nhau theo từng trường, từng ngành”, đại diện Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế thông tin.

Cùng với việc dành chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ĐH Huế cũng tạo điều kiện cho các thí sinh trong kỳ thi năng khiếu. Theo TS. Nguyễn Công Hào, ngoài đợt thi năng khiếu 14 - 16/8, ĐH Huế dự kiến tổ chức thêm đợt thi thứ 2 cho một số thí sinh vùng dịch chưa thể tham gia kỳ thi. Thời điểm tổ chức đợt thi bổ sung tùy thuộc vào tình hình dịch COVID-19 ổn định và ĐH Huế sẽ có thông báo đến thí sinh trước kỳ thi này.

Đảm bảo công tác xét tuyển và đào tạo

Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, chắc chắn thí sinh vùng dịch sẽ phải tham gia đợt xét tuyển và các thủ tục nhập học muộn hơn so với các thí sinh đã thi trong đợt 1. Tuy nhiên, công tác xét tuyển và các yếu tố liên quan cũng sẽ đảm bảo đúng quy trình.

Sau khi thí sinh có kết quả kỳ thi, ĐH Huế cùng các cơ sở đào tạo mới tiến hành xét tuyển và làm các thủ tục, như: gửi giấy báo trúng tuyển, xác nhận nhập học, làm thủ tục nhập học. Thời gian tổ chức các hoạt động được bố trí hợp lý phù hợp với tình hình dịch bệnh và thời gian của năm học. ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho rằng, với số lượng thí sinh ít so với tổng chỉ tiêu, tiến độ thời gian làm công tác xét tuyển khả năng sẽ nhanh hơn.

Đáng chú ý, công tác đào tạo tuy muộn hơn so với các thí sinh đợt đầu nhưng có thể linh hoạt, đảm bảo thí sinh vẫn học tập và tốt nghiệp đúng thời hạn. PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế phân tích: “Tùy tình hình nhập học của thí sinh liên quan đến dịch COVID-19, trường có thể bố trí kế hoạch đào tạo. Nếu thí sinh nhập học không quá muộn so với đợt đầu, có thể tổ chức để họ cùng học chung lớp và giảng viên sẽ lên phương án bổ sung kiến thức còn thiếu trước đó. Nếu nhập học quá muộn so với đợt đầu, sẽ bố trí lớp riêng. Nếu học cùng đợt sẽ thi chung, còn trong trường hợp học khác đợt sẽ tổ chức đợt thi sau và có thể lập hội đồng thi riêng. Hình thức đào tạo tín chỉ có thể linh hoạt sắp xếp. Ngoài ra, giữa các năm học có 3 tháng hè, có thể giải quyết để đảm bảo thời gian đào tạo và sinh viên tốt nghiệp đúng theo khung thời gian chung”. (baothuathienhue.vn 08/8)

 
 
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
 

1.  Hiểu về xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR

Trong lúc tình hình dịch tễ của dịch bệnh COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp, việc thông tin về một số trường hợp sau khi xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính khiến người dân lo lắng và hoang mang. Tuy nhiên, đó không phải là kết quả để khẳng định một ca bệnh COVID-19.

Để phát hiện một người có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không, hiện nay Thừa Thiên Huế đang thực hiện 2 loại xét nghiệm, gồm: xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể trong máu (xét nghiệm nhanh).

Ưu điểm của xét nghiệm PCR là có thể phát hiện người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở những giai đoạn rất sớm, kể từ khi người bệnh chưa biểu hiện bệnh. Đây là xét nghiệm rất có giá trị được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là xét nghiệm dùng để chẩn đoán một người có đang bị nhiễm bệnh hay không. Tuy nhiên, chỉ có những cơ sở y tế có phòng xét nghiệm được trang bị đủ phương tiện cần thiết, nhân viên được đào tạo chuyên sâu mới thực hiện được. Mặt khác, xét nghiệm PCR thường tốn kém và mất nhiều thời gian hơn, nên việc thực hiện xét nghiệm này cho tất cả đối tượng nghi nhiễm là điều không hề dễ dàng và cần có thời gian.

Đối với một trường hợp cụ thể, kết quả xét nghiệm PCR do cơ sở y tế có đủ chức năng thực hiện khẳng định dương tính, Bộ Y tế công bố thì người đó mới được xác định là ca bệnh COVID-19. Hiện tại, tất cả các xét nghiệm PCR để khẳng định một trường hợp âm hay dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn Thừa Thiên Huế đều do Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện.

Tuy không có giá trị khẳng định như xét nghiệm PCR, nhưng xét nghiệm nhanh đang phát huy ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Xung quanh việc sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh để loại trừ những trường hợp nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2, vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất giữa các địa phương áp dụng. Riêng với Thừa Thiên Huế, xét nghiệm nhanh COVID-19 chính là phương pháp giúp phát hiện nhanh những trường hợp nghi ngờ, giúp cơ sở y tế dễ dàng kiểm soát và có phương án phòng dịch kịp thời.

Theo BS. Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, xét nghiệm nhanh là phương pháp tìm kháng thể nên có thể trước đó người được xét nghiệm đã từng nhiễm một loại virus nào đó khiến cơ thể sinh ra kháng thể khá tương đồng với kháng thể chống SARS-CoV-2. Vì vậy, cho ra kết quả dương tính (trường hợp này gọi là dương tính giả). Tuy nhiên tỉ lệ này rất thấp. Do vậy, xét nghiệm nhanh chỉ là phương pháp phân loại người có nguy cơ nhiễm chứ không phải khẳng định.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế tiếp tục khẩn trương triển khai việc xét nghiệm nhanh với những người đi từ vùng dịch về, hoặc có tiếp xúc với người bị bệnh. Tuy không có giá trị khẳng định, nhưng để đảm bảo an toàn dịch tễ, những trường hợp xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính hoặc nghi ngờ F0 thì các cơ quan chức năng triển khai các phương pháp xử lý như “trường hợp F0”. Quá trình này nhiều khi khiến người dân hoang mang.

Trong trường hợp nơi làm việc hoặc nơi ở gặp tình huống này, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng mà cần bình tĩnh và hợp tác tốt với các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn phòng dịch.  (baothuathienhue.vn 07/8)

 
 
MÔI TRƯỜNG
 

1.  Chưa ngăn được ô nhiễm trong chăn nuôi

Nhiều biện pháp đã được ngành chăn nuôi nghiên cứu đề xuất áp dụng, cũng như các quy định liên quan, song do thiếu quan tâm đầu tư, quản lý chặt chẽ, nên ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn vẫn tiếp diễn.

Cần yêu cầu và giám sát các hộ nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường để hạn chế ô nhiễm trong chăn nuôi

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có tổng đàn lợn khoảng 105.560 con; trâu, bò khoảng 46.400 con và tổng đàn gia cầm khoảng 3.620 nghìn con. Tuy các con nuôi đều giảm so với cùng kỳ, trong đó, lợn giảm gần 34% và các con nuôi khác giảm từ 0,4-1,9%, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ tại các khu vực chăn nuôi vẫn xảy ra, chủ yếu từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ, lẻ của các hộ gia đình, cá nhân.

Qua các đợt kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân trên là do các hộ nuôi không đầu tư các công trình xử lý môi trường, chuồng trại không đảm bảo khoảng cách với nhà dân nên tình trạng ô nhiễm mùi hôi, nước thải thường xuyên xảy ra, mặc dù đã được tuyên truyền, khuyến cáo chăn nuôi theo phương thức an toàn, bài bản.

Mặt khác, do công tác quy hoạch chưa đồng bộ, sát với thực tế, một số địa phương chưa có cơ sở, điều kiện thực hiện việc di dời các cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình nằm xen kẽ trong khu dân cư, nên vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường và khiếu nại kéo dài của người dân.

Thời gian qua, ngành chăn nuôi đã xây dựng các giải pháp, biện pháp để hạn chế ô nhiễm trong chăn nuôi. Trong đó, việc quy hoạch và giám sát quy hoạch cả tổng thể và chi tiết chăn nuôi theo từng huyện, cho từng chủng loại gia súc, gia cầm, với số lượng phù hợp để không quá tải gây ô nhiễm môi trường là biện pháp quan trọng có tầm chiến lược. Kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi là áp dụng các phương pháp lý học, hóa học và sinh học, như: hệ thống khí sinh học biogas, men sinh học, đệm lót sinh học, công nghệ ép tách phân và các công trình “mềm” như trồng cây xanh, hồ sinh học...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành quy định nhằm đảm bảo môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm đối với quy mô trang trại, công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống, giải pháp xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường trong quá trình chăn nuôi trước khi thải ra môi trường. Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hóa chất hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp và trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định pháp luật thú y hiện hành.

Nước thải phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng hệ thống riêng; đồng thời phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành trước khi thải ra môi trường.

Cũng theo quy định của UBND tỉnh, cơ sở chăn nuôi từ 1.000m2 trở lên phải cách khu dân cư tối thiểu 500m, cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ hơn 1.000m2 phải cách khu dân cư tối thiểu 300 m.

Trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay, phát triển chăn nuôi vẫn là sinh kế quan trọng của người nông dân. Vấn đề đặt ra là phát triển chăn nuôi nhưng phải bền vững để hạn chế tối đa mức độ gây ô nhiễm và bảo vệ được môi trường sinh thái. Nhất là khi mật độ dân cư ngày càng dày đặc, nhà sát nhà, nếu không có biện pháp mạnh và vẫn để tồn tại ô nhiễm chăn nuôi trong khu dân cư sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống, cảnh quan xung quanh và dễ phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm. (baothuathienhue.vn 07/8)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Khống chế hỏa hoạn cách đường băng chính sân bay Phú Bài khoảng 100m

Sau khoảng 5 tiếng đồng hồ dập lửa, vụ hỏa hoạn chiều 7/8 gần đường băng chính sân bay Phú Bài đã được khống chế.

Khoảng 17h15, hỏa hoạn bất ngờ bùng phát dữ dội ở khoảnh rừng tái sinh chừng 3ha trên địa bàn xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy), sát hàng rào bảo vệ sân bay Phú Bài và cách đường băng chính của sân bay khoảng 100m.

Sau khi nhận được tin báo, 2 xe chữa cháy cùng 30 chiến sĩ của lực lượng PCCC Công an tỉnh có măt tại hiện trường, phối hợp với khoảng 40 người của lực lượng sân bay Phú Bài, chính quyền xã Thủy Tân, xã Thủy Phù và phường Phú Bài (TX. Hương Thủy) tham gia ứng cứu.

Để tiếp cận hiện trường, ông Lê Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Bài cho biết, lực lượng tham gia chữa cháy đã phải yêu cầu mở cửa số 2 của sân bay để xe chữa cháy vào trong sân bay.

 “Do hàng rào quá cao, lực lượng chữa cháy đã phải cắt hàng rào để xe chữa cháy tiến sát hiện trường hỏa hoạn. Nhưng khi cắt xong, khoảng cách vẫn còn xa và không có nguồn nước nên lực lượng tham gia chữa cháy đã phải dập lửa bằng sức người. Đến khoảng 21h, đám cháy mới được khống chế”, ông Bình thông tin.

Hiện lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn. (baothuathienhue.vn 08/8)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Hỗ trợ hơn 600 triệu đồng cho chủ cơ sở nuôi tôm bằng ao tròn

UBND tỉnh vừa có quyết định hỗ trợ hơn 600 triệu đồng cho ông Đặng Phước Hoàng, chủ cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, bằng chế phẩm sinh học trên ao tròn ở Ngũ Điền. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết vào ngày 7/8.

Chính sách hỗ trợ trên theo Quyết định 32/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh.

Cơ sở để được hỗ trợ theo quy định là dự án nuôi tôm này bằng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế, có nhiều triển vọng để nhân rộng trên địa bàn vùng cát Ngũ Điền và trên địa bàn tỉnh.

Mỗi năm, chủ cơ sở này nuôi 3 vụ (3.000m2/vụ), tổng sản lượng bình quân 27 tấn, tổng doanh thu 4,9 tỷ đồng, lãi khoảng 1,7 tỷ đồng. Sản phẩm được tiêu thụ thông qua nhà máy đông lạnh của Công ty CP tại Phong Điền và các thương lái trong, ngoài tỉnh. Dự án giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động và 3-5 lao động thời vụ tại địa phương, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Việc sử dụng công nghệ 3C trong nuôi tôm thẻ chân trắng còn có nhiều ưu điểm, như tạo ra sản phẩm 3 sạch (tôm sạch - nước sạch - đáy ao sạch). Đồng thời, quá trình nuôi tôm hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng; tiết kiệm chi phí (thức ăn, vi sinh, nước thay, nhân công, điện…); chủ động mùa vụ, nguồn giống; hạn chế dịch bệnh EMS trong 30 ngày đầu; xác định được tỷ lệ sống chính xác; rút ngắn thời gian nuôi, tăng mùa vụ (3-4 vụ/năm); tôm có kích cỡ lớn...(baothuathienhue.vn 07/8)

 
 
 

2.  Tạo mô hình, tăng thu nhập cho người nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) của hội viên nông dân (HVND) từng bước được nâng cao, tăng thu nhập. Nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu từ những mô hình hiệu quả, trở thành gương điển hình.

Quỹ hỗ trợ nông dân giúp nông dân thôn Buồng Tằm, xã Dương Hòa, TX. Hương Thủy đầu tư hệ thống tưới tự động cho thanh trà

Từ những mô hình

Tháng 2/2020, từ nguồn Quỹ HTND, anh Võ Trần Tuấn Kiệt (trú Tổ 10, khu vực Lương Quán, phường Thủy Biều, TP. Huế) được vay 100 triệu đồng để đầu tư mở rộng, phát triển vườn thanh trà. Từ nguồn vốn này, anh Kiệt đầu tư hệ thống nước tưới tự động với các béc phun, tưới từ ngọn và mở rộng diện tích vườn, mua thêm phân bón cải tạo vườn.

 “Thanh trà Thủy Biều nổi tiếng thơm ngon nhưng nhiều năm nay, các vườn cây cũng đã bắt đầu lão hóa. Để tái tạo vườn, trồng mới diện tích thanh trà, cũng như mua sắm trang thiết bị, hệ thống tưới khoa học, nông dân rất cần vốn để đầu tư. Nhờ nguồn vốn từ Quỹ HTND mà gia đình đã cải tạo được vườn thanh trà, cho năng suất cao”, anh Kiệt cho biết.

Với nguồn kinh phí có được, gia đình anh Kiệt tiếp tục phát triển đàn gà thịt gần 100 con ngay trong vườn thanh trà. Thời tiết thuận lợi cùng với sự đầu tư chăm sóc, năm nay vườn thanh trà của gia đình anh rất sai quả, chất lượng quả hơn hẳn các năm.

Nhiều năm nay, thanh trà Dương Hòa (Hương Thủy) cũng đã được biết đến nhiều trên thị trường nhờ vào việc quy hoạch và đầu tư bài bản, nâng cao chất lượng sản phẩm của địa phương cũng như nhiều hộ nông dân. Vườn thanh trà xanh tốt, sai trĩu quả của các HVND ở xã Dương Hòa cũng là một trong những dự án (DA) đầu tư hiệu quả từ nguồn Quỹ HTND.

DA với 12 hộ vay, để đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt (tưới từ ngọn) cho cây thanh trà. Đến nay, các hộ dân đã phát triển được diện tích vườn thanh trà của mình và cho thu nhập ổn định. Đặc biệt năng suất, chất lượng quả thanh trà ngày một nâng lên rõ rệt.

Tại xã Vinh Mỹ (Phú Lộc), từ nguồn Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh cũng đã giải ngân 400 triệu đồng cho 7 hộ vay, để phát triển mô hình nuôi cá lóc đầu nhím. Qua kiểm tra, DA hiện đang phát triển tốt, các hộ vay tăng thêm thu nhập từ 30- 40 triệu đồng/năm.

Ngoài mô hình nuôi cá lóc đầu nhím, Hội Nông dân tỉnh giải ngân thêm 500 triệu đồng, phát triển mô hình nuôi cá chình thương phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho 10 lao động trên địa bàn xã.

Tiếp tục “đồng hành”

Đầu năm 2020, Quỹ HTND tỉnh được cấp ngân sách 2 tỷ đồng và có 6/9 huyện, thị xã được cấp với số tiền 800 triệu đồng, nâng tổng số vốn hiện nay đang quản lý lên gần 31 tỷ đồng.

Ông Phan Xuân Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc Quỹ HTND đánh giá, từ nguồn vốn này, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai 84 DA, cho 675 hộ HVND vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất. Đa số các mô hình sản xuất của hội viên đạt kết quả khả quan, giúp cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu.

Theo Hội Nông dân tỉnh, đối với chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến hết tháng 4/2020, hội nông dân các cấp hiện đang quản lý 725 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng số tiền 823,9 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn đạt thấp, chỉ 0,04%.

Chương trình thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 164 tổ vay vốn, với tổng số tiền 183,4 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn 0,21%. Các địa phương đã thực hiện tốt và đúng chức năng ủy thác, ủy nhiệm, thực hiện đúng các quy định đã cam kết với ngân hàng. Nhiều hộ vay đã phát huy được hiệu quả nguồn vốn, vươn lên làm giàu, trở thành nông dân SXKD giỏi.

Ông Phan Xuân Nam cho rằng, mục đích của Quỹ HTND là xây dựng các mô hình. Và cũng chính từ các mô hình này, ngoài phát triển kinh tế, để các cấp hội nâng cao thông tin tuyên truyền đến bà con nông dân. Thành công và hiệu quả từ việc cho vay vốn từ Quỹ HTND góp phần tuyên truyền đến HVND các mô hình hay, mô hình có hiệu quả để nhân rộng, góp phần tích cực, giúp hội viên gắn bó hơn với tổ chức hội.

Khó khăn hiện nay là việc giới hạn về nguồn quỹ. Thực tế, nhu cầu về vốn của người nông dân vẫn còn quá lớn. Đặc biệt là các hộ làm trang trại, các hộ chăn nuôi cần số tiền lớn hơn, mới có thể phát triển tốt sản xuất. Đó là chưa kể đến thời hạn cho vay ngắn, bà con nông dân rất khó quay vòng vốn. Cùng với đó là ảnh hưởng từ dịch COVID-19, khiến nhiều DA gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, bà con khó trả nợ gốc đúng hạn. (baothuathienhue.vn 07/8)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.666.489
Truy cập hiện tại 260