Tìm kiếm tin tức
Hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5/6
Ngày cập nhật 04/06/2018

Bài tuyên truyền hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5/6

 Thưa bà con và các bạn thân mến!

Hiện nay, môi trường là vấn đề nóng của toàn nhân loại. Sự biến đổi khí hậu có xu hướng ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo hơn, các hiện tượng mưa bão, lũ quét, hạn hán kéo dài xảy ra thất thường, suy thoái nguồn tài nguyên đất, nước, suy giàm nguồn tài nguyên rừng và ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng… Con người đã tác động quá nhiều đến môi trường, khai thác đến mức cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thải nhiều hóa chất độc hại làm cho môi trường không còn có khả năng tự phân hủy.

Nhằm kêu gọi mọi người chung tay thực hiện những  hành động thiết thực để bảo vệ môi trường thiên nhiên, Đại Hội đồng Liên hợp quốc sáng lập Ngày Môi trường thế giới vào năm 1972, đánh dấu ngày khai mạc Hội nghị Stockholm về Môi trường và Con người (05/6/1972). Đây cũng là ngày Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ra đời.

Việt Nam tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới từ năm 1982. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức trọng thể ngày lễ này ở tất cả các tỉnh thành trên phạm vi cả nước.

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay là: “Sống hài hòa với thiên nhiên” nhằm kêu gọi, khuyến khích cộng đồng gắn bó hữu cơ với thiên nhiên, từ đó cảm nhận vẻ đẹp cũng như tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống; đồng thời chia sẻ, tiếp nối lời kêu gọi bảo vệ Trái đất, bảo vệ mối quan hệ hài hòa và bền vững giữa con người và thiên nhiên.

UBND xã Quảng An xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 trên địa bàn xã với mục đích: nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng dân cư. Tạo nên sự đồng bộ toàn dân chung tay bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trên địa bàn xã. Từ đó, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên. Vận động các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng dân cư cùng tham gia trồng cây xanh, vệ sinh môi trường, tái sử dụng và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ đó, thay đổi rõ nét ý thức và hành động bảo vệ môi trường của người dân.

Tài nguyên thiên nhiên là một dạng của cải đặc biệt. Khác với các dạng của cải khác, chúng ta không phải sản xuất ra tài nguyên mà chỉ đơn thuần khai thác để dùng. Với những tài nguyên không tái tạo được như xăng, khí gas, than đá, khi chúng ta khai thác cạn kiệt thì đồng nghĩa với chúng ta sẽ không còn loại tài nguyên đó để khai thác và để phát triển buộc chúng ta phải nhập khẩu khoáng sản từ các nước khác. Nước là nguồn tài nguyên tái tạo được và là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người trên trái đất. Việc đáp ứng nhu cầu về nước đảm bảo cả về chất lượng và số lượng là điều kiện quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững. Ở Việt Nam mặc dù tại các hộ gia đình lượng nước tiêu dùng tương đối thấp, tuy nhiên, sự gia tăng dân số và nhu cầu sử dụng nước đã vượt xa những tác động của công nghệ và thói quen tiết kiệm nước sạch của người dân. Nước còn là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa. Nước phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu của ngành nông nghiệp và có vai trò chủ đạo trong những thành tựu về sản xuất lúa gạo ở Việt Nam. Nước cũng góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam trong điều kiện nhu cầu về năng lượng gia tăng, năm 2010 thủy điện đã đóng góp khoảng 40% tổng sản lượng điện toàn quốc.

Tuy nhiên, tài nguyên nước cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước như: Tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vẫn tiếp tục gia tăng trong khi cơ chế kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm từ những hóa chất, thuốc bảo vệ thực và các chất thải chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường gây nên sự ô nhiễm nguồn nước vô cùng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, tác động của chất thải thực phẩm không chỉ là vấn đề tài chính. Về mặt môi trường, chất thải thực phẩm dẫn đến sử dụng lãng phí các chất hóa học như phân bón và thuốc trừ sâu, tốn nhiều nhiên liệu hơn cho việc vận chuyển và sử dụng thực phẩm đã hỏng, tăng nguy cơ gây hiệu ứng nhà kính. Lượng lớn thức ăn dư thừa mang tới bãi rác cũng góp phần đáng kể vào việc nóng lên của trái đất, đây cũng là một trong những nguyên nhân của quá trình biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Vì vậy, chúng ta hãy phân loại rác ngay tại nguồn để tái chế, tái sử dụng để tận dụng những sản phẩm cũ của gia đình, giảm lượng rác thả ra môi trường, tiết kiệm chi phí cho gia đình và hạn chế khai thác tài nguyên.

Để quản lý và sử dụng tài nguyên một cách bền vững, bảo vệ môi trường Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng các chương trình và kế hoạch để lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để người dân hiểu trách nhiệm bảo vệ môi trường là của toàn đảng, toàn dân và bảo vệ môi trường hôm nay chính là bảo vệ cuộc sống cho thế hệ mai sau.

Duy Nam

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.762.572
Truy cập hiện tại 296