Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 24/11/2020
Ngày cập nhật 24/11/2020
TIN NÓNG
 

1.  Dừng hay tiếp tục dự án thủy điện Rào Trăng 3?

TP - Rào Trăng 3 là dự án thủy điện từng xảy ra nhiều thiệt hại về người gắn với yếu tố thiên tai. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu dừng mọi hoạt động xây dựng tại đây để khắc phục hậu quả. Là khu vực nguy hiểm về sạt trượt, vấn đề đặt ra hiện nay là liệu có tiếp tục triển khai hay dừng hẳn dự án Rào Trăng 3?

Năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ tại tỉnh này. Theo đó, trong số 8 thủy điện ưu tiên đầu tư, có 4 thủy điện (trong đó có dự án Rào Trăng 3) được định vị tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền thuộc 2 huyện Phong Điền và A Lưới (Thừa Thiên - Huế).

Bốn thủy điện được bố trí xây dựng trên một đoạn sông dài khoảng 30km thuộc thượng nguồn sông Bồ, theo dạng bậc thang. Trong vòng 5 năm trở lại đây, 4 thủy điện thuộc Khu BTTN Phong Điền được triển khai xây dựng.

Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn (trụ sở tại Quảng Bình) được cấp phép xây dựng thuỷ điện Rào Trăng 3 vào năm 2008. Sau một thời gian triển khai thi công, công trình thủy điện Rào Trăng 3 đã hoàn thành hơn 95% các hạng mục xây dựng. Trước khi xảy ra vụ sạt lở thảm khốc, các dự án thủy điện bậc thang trong Khu BTTN Phong Điền (trong đó có Rào Trăng 3) từng nhận được cảnh báo về những tác động tiêu cực liên quan môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và nguy cơ cao về sạt trượt đất, lở núi.

Để làm 4 dự án thủy điện trong Khu BTTN Phong Điền, hơn 100ha rừng (phần lớn là rừng nghèo) buộc phải chuyển đổi mục đích. Trong các năm 2016 và 2017, đã có hơn 63ha rừng bị chặt hạ. Chỉ tính riêng việc xây dựng 2 dự án thủy điện A Lin B2 và Rào Trăng 3, Khu BTTN Phong Điền đã mất gần 30ha rừng tự nhiên.

Còn theo thông tin từ TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, vào năm 2019, đơn vị từng tiến hành điều tra và cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại khu vực Rào Trăng. Giữa năm 2020, trước khi xảy ra trượt đất ở Rào Trăng 3, cảnh báo của TS Hòa cùng các đồng sự đã được chuyển cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên - Huế.

Dừng hay tiếp tục?

Đầu tháng 11/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định (ông Định nay là Bí thư Thành ủy Huế - PV) ban hành công văn về việc khắc phục hậu quả, kiểm tra, đánh giá sự cố sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3. Theo đó, yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 ngưng toàn bộ hoạt động xây dựng tại công trình; phối hợp đơn vị chức năng để tìm kiếm người mất tích; thực hiện chế độ hỗ trợ, giải quyết chế độ chính sách cho người bị nạn. Các Sở Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải triển khai các công việc kiểm tra, giám định sự cố.

Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế phải có văn bản đề nghị Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) hỗ trợ việc kiểm tra, đánh giá cụ thể mức độ an toàn đối với nhà máy nói riêng và toàn bộ dự án thủy điện Rào Trăng 3 theo đúng quy định hiện hành.

Đến nay, theo tìm hiểu của phóng viên, văn bản đề nghị của Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế đã được gửi đi.

Vấn đề đặt ra hiện nay đối với Rào Trăng 3 là dừng hẳn hay tiếp tục triển khai để hoàn thiện, đưa vào vận hành, khai thác công trình dự án?

Liên quan vấn đề này, trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Thiên Định nói: Qua thực địa, khả năng tiếp diễn sạt lở quanh khu vực Rào Trăng 3 là rất lớn, do đó cần đánh giá lại một cách tổng thể. Theo ông Định, việc đánh giá này bao gồm công trình đã thi công trước đó có bảo đảm an toàn để tồn tại sau khi xuất hiện sự cố sạt lở, từ đó để tiếp tục triển khai các công việc thi công khác quanh khu vực; khả năng sạt lở có thể tái diễn nếu tiếp tục thi công, hoặc khi đưa nhà máy đi vào vận hành; các giải pháp xử lý để đảm bảo an toàn…

“Việc triển khai thi công tiếp chỉ được tiến hành khi các vấn đề trên được làm rõ và yếu tố an toàn được khẳng định. Để làm những công việc này, cần các chuyên gia về xây dựng, địa chất... có kinh nghiệm, do đó cần xin thêm sự hỗ trợ của Bộ Công Thương về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý”, ông Phan Thiên Định nói.

Còn theo ý kiến của ông Lê Văn Hoa, đại diện chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3, trong thời gian tạm ngưng thi công, chủ đầu tư và cơ quan chức năng sẽ mời các nhà khoa học, chuyên gia, đơn vị chuyên môn đánh giá lại tính an toàn về xây dựng công trình tại thủy điện này. (tienphong.vn 24/11)

 
 
 

2.  Viết tiếp bài "Vì tiền hay có ai chống lưng?”: Đề nghị thu hồi các giấy phép hoạt động của thủy điện Thượng Nhật

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có các văn bản gửi Bộ Công thương và Bộ TN&MT liên quan đến việc xử lý các vi phạm của thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông).

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực xem xét thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực hoạt động phát điện đã cấp cho Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam. Đồng thời, tỉnh này cũng đề nghị Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ công thương) xem xét xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật khi không thực hiện quan trắc quy định tại điểm c, Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; và hành vi vi phạm hành chính vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có văn bản gửi Bộ TN&MT đề nghị chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước xem xét tước quyền sử dụng giấy phép hoặc thu hồi giấy phép khai thác sử dụng mặt nước đã cấp cho Công CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam. Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Việt Cường, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh đang củng cố hồ sơ để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư dự án thủy điện Thương Nhật theo biên bản mà Sở TN&MT đã lập. Cụ thể, doanh nghiệp này vi phạm không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa, đập dâng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác, quy định tại điểm a, Khoản 9, Điều 13 Nghị định 36/2020/NĐ-CP. Mức xử phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm hành chính này là 500 triệu đồng.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đầu tháng 1.2020, tỉnh này đã cho phép Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam, chủ đầu tự dự án thủy điện Thượng Nhật tích nước hồ chứa giai đoạn 1 đến cao trình mực nước dâng bình thường 116m. Thời hạn tích nước trong vòng 90 ngày để thực hiện kiểm tra thấm, chạy thử, thí nghiệm hiệu chỉnh, hoàn thiện các hạng mục phía hạ lưu của nhà máy thủy điện… Hết thời hạn nói trên, UBND tỉnh đã có văn bản 2616/UBND-CT ngày 31.3.2020 chưa cho phép tích nước vận hành chính thức nhà máy thủy điện và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành việc khắc phục, nên chưa đủ điều kiện để tỉnh xem xét cho tích nước. Đặc biệt trong mùa mưa lũ vừa qua, thủy điện này đã nhiều lần không nghiêm túc chấp hành chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai của UBND tỉnh.

Trước đó Văn Hóa có nhiều tin, bài phản ánh về sự “coi thường” tính mạng, tài sản của người dân khi thủy điện Thượng Nhật đã nhiều lần “chống lệnh” UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, và đặt thẳng câu hỏi: Thủy điện Thượng Nhật vì tiền hay có ai “chống lưng”? (baovanhoa.vn 23/11)

 
 
TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG
 

1.  Thừa Thiên Huế: Rừng trồng gỗ lớn góp phần bảo vệ môi trường

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn (RGL) có chứng chỉ FSC không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 311.206 ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên 211.373 ha, rừng trồng 99.833 ha, song RGL mới chỉ khoảng 9.000 ha. Độ che phủ rừng toàn tỉnh đến nay khoảng 57,4%. Điều này cho thấy tiềm năng và lợi thế sản xuất, kinh doanh rừng trồng, đặc biệt là RGL gắn với chứng chỉ rừng bền vững FSC trên địa bàn tỉnh rất lớn.

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã thành lập 19 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững (HTXLNBV) với 393 hộ thành viên với khoảng 2.669,36 ha rừng tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC.

Giám đốc HTXLNBV Hòa Lộc (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) - Hồ Đa Thê nhận thấy, tiềm năng, lợi thế để sản xuất, kinh doanh (SXKD) rừng trồng, đặc biệt là RGL gắn với chứng chỉ rừng bền vững FSC trên địa bàn tỉnh rất lớn. Đây không chỉ là cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó bão lũ đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

HTXLNBV Hòa Lộc là đơn vị đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức sản xuất trồng RGL có chứng chỉ FSC. HTX đã đầu tư nhà xưởng, thiết bị máy móc chế biến gỗ, diện tích xây dựng 700m2 với giá trị 1,2 tỷ đồng. Ngoài vốn góp của thành viên 690 triệu đồng, HTX còn huy động vay của một số thành viên khoảng 2 tỷ đồng đầu tư hoạt động SXKD và dịch vụ. Doanh thu năm 2019 của HTX đạt 2,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 410 triệu đồng. Nguồn vốn từ lợi nhuận, các thành viên thống nhất bổ sung vào nguồn vốn đầu tư mở rộng SXKD.

Ông Hồ Đức Lăng, thành viên HTX Hòa Lộc cho biết, với 40 ha rừng trồng sản xuất, lúc còn trồng rừng gỗ dăm, khi đến thời kỳ thu hoạch, ông thường bị thương lái ép giá nên giá trị và hiệu quả kinh tế rừng trồng không cao. Sau khi trở thành thành viên của HTX Hòa Lộc, ông Lăng quyết định chuyển 40 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, đã được cấp chứng chỉ FSC.

“Sau khi chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC với cây giống chất lượng cao và thân thiện môi trường, đến nay 40 ha rừng FSC của gia đình cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/ha. Điều quan trọng là không còn tình trạng lái buôn ép giá nhờ có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”, ông Lăng chia sẻ.

Ông Võ Văn Dự - Chủ tịch Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh (FOSDA) đánh giá, trồng RGL, quản lý rừng bền vững góp phần bảo tồn tính đa dạng sinh học, duy trì các chức năng hệ sinh thái và tính toàn vẹn, ổn định hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu. Đồng thời, đảm bảo môi trường xanh, bồi bổ và bảo vệ đất đai, nguồn nước, lưu giữ các bon, hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn.

Mục tiêu của tỉnh đến cuối năm 2020 xây dựng 16 ngàn ha RGL, tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ FSC, sử dụng giống lâm nghiệp thân thiện với môi trường với diện tích 9.000 ha. Trở ngại lớn trong quá trình thực hiện trồng RGL có thể thấy từ nhiều nguyên nhân, do chu kỳ thu hoạch dài (từ 7 năm trở lên) nên nhiều hộ không có khả năng tài chính duy trì; việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc RGL chưa đầy đủ làm hạn chế đến năng suất, chất lượng gỗ, rủi ro thiên tai...

“Một trong những xu hướng phát triển kinh tế rừng, quản lý đất lâm nghiệp bền vững, con đường tích tụ ruộng đất thích hợp để hình thành vùng nguyên liệu tập trung là hình thành các HTXLNBV theo chuỗi giá trị, mà các xã viên là các lâm hộ có quy mô sản xuất với mức hạn điền nhỏ. Việc đẩy mạnh thành lập HTXLNBV tại các địa phương, tiến đến hình thành liên hiệp các HTXLNBV là hướng đi tất yếu, phù hợp với xu thế hội nhập. FOSDA đang phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp đầu tư, hỗ trợ thành lập mới, tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTXLNBV. Đồng thời, đầu tư sản xuất nguồn giống chất lượng, thân thiện với môi trường đáp ứng nhu cầu trồng RGL trên địa bàn tỉnh”, ông Dự nói. (baotainguyenmoitruong.vn 23/11)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Cận cảnh ‘công trường đặc biệt’ tại Rào Trăng 3 - nơi phát hiện thi thể vùi dưới sông suối

Một thi thể nghi là công nhân thủy điện Rào Trăng 3 bị vùi lấp do sạt lở đất vừa được lực lượng chức năng tìm thấy dưới lòng sông suối, tại khu vực khoanh vùng tìm kiếm cứu nạn trong giai đoạn 3. Nơi đây được xem là một “công trường đặc biệt”.

Khu vực tìm kiếm, cứu nạn trong giai đoạn 3 là một đoạn sông Rào Trăng (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, TT-Huế) đã được rút cạn nước bằng việc ngăn đập, chuyển dòng sang tuyến mới từ phía thượng lưu. Còn ở thượng nguồn, thủy điện A Lin B1 cũng nhận được chỉ đạo ngưng phát điện, xả nước về bên dưới từ 2 ngày nay để phục vụ công tác ngăn dòng, tìm kiếm nạn nhân mất tích ở khu vực Rào Trăng 3.

Theo Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế, việc tìm thấy thi thể thứ 6 dưới lòng sông suối liên quan sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 đã cho thấy việc ngăn đập, chặn dòng, chỉnh chuyển nước sang luồng tuyến mới của sông Rào Trăng bước đầu đã phát huy tác dụng.

Hôm nay, 23/11, công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích dưới lòng sông Rào Trăng tiếp tục được triển khai.

Như vậy, sau 28 ngày miệt mài cứu hộ, tìm kiếm của lực lượng quân đội, công an, biên phòng, giao thông vận tải, dân sự…, có thêm một thi thể nghi là công nhân thủy điện Rào Trăng 3 được phát hiện. Kết quả này thắp lên hy vọng cho nhiều người nhà các nạn nhân sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 hiện vẫn ngày đêm mong ngóng sớm tìm được thân nhân mất tích.

Hiện vẫn còn 11 nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở đất tại nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 chưa được tìm thấy. (tienphong.vn 23/11)

 
 
 

2.  “Cú hích” từ phong trào thi đua

“Phong trào thi đua thực sự trở thành động lực thúc đẩy phụ nữ vượt qua khó khăn, phát huy tài năng, sáng tạo, đức tính cần cù, chịu khó, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao vai trò, vị trí người phụ nữ trên mọi lĩnh vực”, Phó Chủ tịch Thường trực LHPN tỉnh Lê Thị Hồng Thanh khẳng định.

Động lực

Thành lập được 2 hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh nông sản, đặc sản A Lưới và 1 tổ liên kết dệt Zèng, Hội LHPN huyện A Lưới trở thành điểm sáng trong phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”.

Chị Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện A Lưới cho biết, cách đây 3 năm, khi Hội LHPN tỉnh phát động mỗi huyện, thị, thành phố thành lập được ít nhất một tổ hợp tác hoặc tổ liên kết sản xuất, làm nền tảng tiến tới thành lập HTX do phụ nữ làm chủ, tại lễ ký kết thi đua, chị thực sự lo lắng. Bởi, hội viên A Lưới đa phần là phụ nữ dân tộc thiểu số, quen với lối canh tác manh mún, truyền thống, trình độ tiếp nhận ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thấp. Bản thân cán bộ hội còn thiếu kinh nghiệm chuyên môn để hướng dẫn hội viên trong sản xuất… Song chính chỉ tiêu thi đua đó đã tạo “cú hích” để  các chị quyết tâm thực hiện.

Sau nhiều trăn trở, các chị đã nảy ra ý tưởng tận dụng thế mạnh riêng của địa phương là nông sản, đặc sản vùng núi. Các chị phân công nhau tìm đến từng hộ có khả năng đáp ứng được yêu cầu, kiên trì phân tích cái hay, cái lợi để xây dựng được tổ liên kết sản xuất nông sản, đặc sản an toàn ban đầu. Rồi nỗ lực kết nối nhằm hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí từ các chuyên gia, các dự án để nâng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường vào hệ thống siêu thị…

Hội đủ điều kiện, Hội LHPN A Lưới tự tin phát triển các tổ hợp tác thành 2 HTX là “Nông sản sạch, an toàn” và “Sản xuất và kinh doanh nấm, ổi hữu cơ ”, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương. “Dịch COVID-19, rồi thiên tai liên tiếp xảy ra, để ổn định và mở rộng sản xuất, thử thách, khó khăn vẫn đang trước mắt, song chị em chúng tôi sẽ xem đó là động lực để từng bước vượt qua”, chị Tường tin tưởng.

Theo chị Lê Thị Hồng Thanh, việc xây dựng các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất kinh tế do phụ nữ quản lý là cách làm giúp hội viên phụ nữ phát huy thế mạnh của địa phương, vừa làm giàu cho bản thân vừa tạo việc làm cho các hội viên khác, đồng thời cũng là cách tạo tính liên kết trong sản xuất phù hợp với xu thế hiện nay. Để tạo động lực, Hội LHPN tỉnh đã đưa vào chỉ tiêu thi đua hàng năm. Trước khi giao chỉ tiêu về cơ sở, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ làm điểm 9 tổ liên kết sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm sạch, an toàn, thân thiện môi trường.

Mỗi mô hình được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng. Trong quá trình xây dựng, hội nghiêm túc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Đến nay, các cấp hội trong toàn tỉnh thành lập được 4 HTX, 76 tổ liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, vượt chỉ tiêu đề ra.

Tạo điểm nhấn

Tạo điểm nhấn làm nổi bật kết quả các tiêu chí đã ký kết  là “bí quyết” giúp Hội LHPN TP. Huế 3 năm liên tiếp được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen. Chẳng hạn, để tạo điểm nhấn khi thực hiện quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, Hội LHPN TP. Huế đã xây dựng và ra mắt mô hình “Phụ nữ Huế đồng hành cùng sắc tím”. Qua đó, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ đồng loạt mang trang phục áo dài truyền thống màu tím vào thứ 2 tuần đầu tiên của tháng và vào dịp các hoạt động lớn của hội. Hiện, mô hình này được Hội LHPN tỉnh áp dụng, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Năm năm qua, các cấp hội không ngừng sáng tạo, xây dựng những mô hình hay, phù hợp với thế mạnh địa phương, đơn vị để thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra. Các cấp Hội có gần 500 tập thể, 830 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được nhận bằng khen các cấp. Riêng năm 2017, Hội LHPN tỉnh vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và của UBND tỉnh.

Mục tiêu của Hội LHPN tỉnh đề ra trong thời gian tới là cụ thể hóa các chỉ tiêu theo hướng rõ số lượng, rõ cách thức triển khai, kết quả thi đua phải gắn với địa chỉ cụ thể, tập trung thực hiện các chỉ tiêu khó như: phụ nữ tham gia giám sát, phản biện xã hội; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường... Đồng thời, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo không khí cổ vũ các tập thể, cá nhân phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ công tác hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương. (baothuathienhue.vn 24/11)

 
 
 

3.  Ảnh: Tiếp tục tìm kiếm người mất tích ở lòng sông Rào Trăng

VOV.VN - Hôm nay (23/11) lực lượng quân đội, công an và công nhân của thủy điện Rào Trăng 3 tiếp tục tìm kiếm người mất tích tại thuỷ điện Rào Trăng 3 tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh vov.vn 23/11)

 
 
 

4.  Cử tri Thừa Thiên – Huế kiến nghị nhiều vấn đề về an sinh xã hội, phát triển kinh tế

Chiều 23/11, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tại huyện Phong Điền.

Sau khi nghe Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế thông báo tóm tắt những kết quả của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, cử tri huyện Phong Điền bày tỏ vui mừng và đánh giá cao trước kết quả của kỳ họp; đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, phát triển kinh tế tại địa phương, trong đó nhiều cử tri mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục hỗ trợ người dân bị thiệt hại sau bão lũ, sớm ổn định cuộc sống.

Cử tri xã Phong An, huyện Phong Điền bày tỏ, do ảnh hưởng của các đợt bão lũ vừa qua, tình hình sạt lở bờ sông Bồ, đoạn qua xã Phong An diễn biến phức tạp, với chiều dài hơn 650m, nhiều nơi ăn sâu vào nhà dân hơn 10m, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cũng như vật liệu gia cố tạm thời các điểm sạt lở. Về lâu dài, cử tri xã Phong An kiến nghị các cấp chính quyền bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các tuyến kè vững chắc để người dân an tâm sinh sống và sản xuất.

Cử tri thị trấn Phong Điền kiến nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ nguồn giống cây trồng, vật nuôi để nông dân sớm khôi phục sản xuất; xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là ở các địa bàn có cao su bị gãy đổ do các cơn bão. Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc bờ biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng, cần có giải pháp đầu tư xây dựng các tuyến đê, kè kiên cố; khắc phục hệ thống kênh mương thủy lợi bị thiệt hại do mưa bão chuẩn bị để sản xuất vụ Đông Xuân; đầu tư sửa chữa tuyến tỉnh lộ 17; các tuyến đường lâm sơn; xây dựng trạm bơm nước mặn để phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng ven biển xã Phong Hải; ngân hàng có chính sách khoanh nợ để bà con trồng cao su tái sản xuất và chuyển đổi cây trồng...

Thay mặt UBND huyện Phong Điền, ông Hoàng Văn Thái - quyền Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đã giải trình một số kiến nghị, đề xuất của các cử tri về các vấn đề thuộc trách nhiệm của huyện. Đối với vấn đề sạt lở bờ sông và xâm thực biển, thời gian qua, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tổ chức gia cố khẩn cấp tại các điểm sạt lở, xâm thực; cắm biển báo cảnh báo, thực hiện di dời tạm thời dân cư nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Về lâu dài, cần thiết phải xây dựng các tuyến kè kiên cố, tuy nhiên điều này vượt quá khả năng nguồn lực địa phương. Địa phương cũng đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng kè kiên cố, đồng thời có chính sách di dân tái định cư để đảm bảo an toàn cho người dân.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ sâu sắc với những thiệt hại, mất mát về người và tài sản mà nhân dân và chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế nói chung, huyện Phong Điền nói riêng phải gánh chịu trong những đợt lũ chồng lũ, bão chồng bão vừa qua. Bộ trưởng tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phong Điền sẽ nỗ lực cố gắng khắc phục mọi khó khăn, khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống; công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 có thêm kết quả...

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, đối với những vấn đề mà cử tri đã kiến nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tiếp thu và tổng hợp để trình các cơ quan có thẩm quyền và Quốc hội. Bộ trưởng đề nghị, các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiệt hại do bão lũ; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để người dân tái sản xuất; nghiên cứu tìm hướng đi để phát triển cây cao su ở vùng gò đồi bền vững, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai... (baotintuc.vn 23/11)

 
 
 

5.  Người chỉ huy trẻ

“Năng động, nhiệt huyết, dứt khoát và luôn hết mình vì công việc” là nhận xét của cán bộ, nhân viên khi nhắc đến Trung tá Trần Phương Nam, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6, Bộ CHQS tỉnh.

Là một cán bộ đã trải qua nhiều cương vị công tác từ cơ sở, Trung tá Trần Phương Nam có 3 năm được đào tạo chỉ huy tham mưu cấp Trung đoàn, Sư đoàn kết hợp lớp thạc sĩ tại Học viện các lực lượng vũ trang Liên bang Nga từ năm 2015 – 2018. Sau khi hoàn thành khóa học, anh về công tác tại Bộ CHQS tỉnh.

Ngay từ khi đảm nhận trọng trách trên cương vị mới, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6, Trung tá Trần Phương Nam cùng với Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đã đề ra nhiều quyết sách quan trọng. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi dua để xây dựng mối gắn bó, đoàn kết nội bộ trong toàn cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh công tác chính quy, quản lý kỷ luật. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Không chỉ đề ra nhiều giải pháp trong công tác huấn luyện, Trung tá Nam còn thường xuyên, liên tục bám nắm thao trường, bám nắm đơn vị trực tiếp chỉ đạo công tác huấn luyện một cách chặt chẽ.

Với phương châm sai đâu sửa đó, huấn luyện đến đâu chắc đến đó, chất lượng huấn luyện trong toàn Trung đoàn không ngừng được nâng lên rõ rệt. Trong năm 2020 kết quả kiểm tra huấn luyện tại chức cho sĩ quan, QNCN trong toàn Trung đoàn 100% đạt yêu cầu; trong đó 96,7% khá, giỏi. Kiểm tra huấn luyện chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2020, 100% các khoa mục đạt khá, giỏi (trong đó bắn súng đạt khá, ném lựu đạn và đánh thuốc nổ đạt giỏi tỷ lệ khá, giỏi đạt 86,1%).

Thượng tá Dương Văn Hoàn, Chính ủy Trung đoàn 6 cho biết: Trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn, Trung tá Nam luôn có nhiều giải pháp hay, cách làm sáng tạo hiệu quả trong công việc, đặc biệt là trong công tác huấn luyện; luôn vui vẻ, hòa nhã và quan tâm sâu sát đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị.

Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, Trung đoàn 6 được phân công đảm nhận nhiều công việc từ chuẩn bị khu cách ly, đón công dân về thực hiện cách ly đến phục vụ hậu cần trong quá trình cách ly và dọn dẹp các điểm tiếp nhận sau khi các công dân hoàn thành thời gian cách ly.

Tất cả những nơi có mặt của bộ đội thì đều có dấu chân của người Trung đoàn trưởng trẻ tuổi. Anh không chỉ kịp thời nhắc nhở, chỉ đạo cấp dưới mà còn động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Trong thiên tai bão lụt, anh và những người lính của mình luôn có mặt khắp nơi để giúp đỡ Nhân dân phòng, chống thiên tai.

Với phong thái giản dị, luôn hướng lòng, thấu hiểu cấp dưới, Trung tá Trần Phương Nam luôn tạo được sự gần gũi đối với toàn thể anh em cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị.

Với anh, niềm vui của cán bộ, chiến sĩ cũng là niềm vui của mình. Dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo của người chỉ huy trẻ, Trung đoàn 6 là một tập thể gắn kết, thống nhất, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Với những thành tích của mình trong năm 2020, Trung đoàn 6 đã được Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh để nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tặng cờ thi đua xuất sắc, riêng cá nhân đồng chí Trung đoàn trưởng được đề nghị Chiến sĩ thi đua. (baothuathienhue.vn 23/11)

 
 
 

6.  Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho lực lượng vũ trang và nhân dân Lào

Ngày 23-11, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức trao hỗ trợ nhu yếu phẩm cho lực lượng vũ trang và nhân dân các bản tiếp giáp thuộc hai tỉnh Salavan và Sekong, Lào.

Tại cửa khẩu A Đớt - Tà Vàng và Hồng Vân - Cô Tài, đoàn công tác đã trao 9 tấn gạo và các nhu yếu phẩm như: Mì tôm, muối, dầu ăn, nước mắm, thịt hộp và một số vật tư y tế cho Đại đội Bảo vệ biên giới 511, 531; Đồn công an Tà Vàng, Cô Tài và nhân dân bản Ka Lô, Sê Sáp, Cô Tài, thuộc 2 tỉnh Salavan và Sekong.

Trong đợt mưa bão kéo dài thời gian qua, các địa bàn tiếp giáp thuộc 2 tỉnh Salavan và Sekong, Lào cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, giao thông tê liệt nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới cho biết: Mặc dù huyện A Lưới hiện đang còn nhiều khó khăn, tuy nhiên phía bạn cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa bão, nên huyện đã huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ lực lượng vũ trang và nhân dân của Lào ở khu vực giáp biên với huyện A Lưới vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. (bienphong.com.vn 23/11)

 
 
 

7.  Vụ sạt lở tại Rào Trăng: Tìm thấy vật dụng, quần áo công nhân dưới lòng sông

Cuối ngày 23/11 vẫn chưa tìm thêm được nạn nhân nào. Lực lượng chức năng chỉ tìm thấy áo quần, vật dụng của công nhân dưới lòng sông Rào Trăng.

Chiều 23/11, thời tiết liên tục có mưa lớn nhiều đợt nhưng cán bộ, chiến sĩ, lực lượng cứu nạn, cứu hộ vẫn quyết tâm bám hiện trường để đào bới khu vực lòng sông Rào Trăng tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.

Ngày 23/11, lực lượng CNCH thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quân khu 4, Công an tỉnh phối hợp cùng các đơn vị tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm 11 nạn nhân còn mất tích sau vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền).

Theo Dân trí cho biết, dự báo trong những ngày tới có mưa vừa, mưa to và rất to, nên Ban chỉ đạo cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 đã huy động tổng lực lực lượng, phương tiện để tìm kiếm các nạn nhân.

Với phương châm khẩn trương nhất, hiệu quả nhất, song phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia cứu nạn, Ban chỉ đạo đã huy động 6 máy múc, 4 máy hút nước công suất lớn và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng và các lực lượng khác tổ chức tìm kiếm theo nhiều hướng, nhiều khu vực.

Cụ thể, các lực lượng đã tìm kiếm theo hướng từ bờ sông lên; hướng theo bờ sống xuống; hướng từ hiện trường sạt lở xuống bờ sông, trong đó tập trung đào và tìm kiếm khu vực dưới lòng sông.

Qua một ngày tìm kiếm, đến cuối giờ chiều nay, các lực lượng vẫn không tìm thấy thêm nạn nhân nào. Tuy nhiên trong quá trình tìm kiếm, lực lượng đã phát hiện được một số hiện vật như: áo, quần, gối, chiếu, màn, phản, giường sắt cá nhân; trụ nhà, tường nhà, kèo nhà, sắt thép xây dựng và một số phương tiện máy móc cơ giới…

Trong những ngày tới, với quyết tâm cao nhất, các lực lượng sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác tìm kiếm, tranh thủ thời tiết thuận lợi tận dụng từng giờ, từng phút để tìm kiếm 11 nạn nhân đang còn mất tích. (daidoanket.vn 24/11)

 
 
 

8.  Tiếp tục nỗ lực tìm kiếm 11 nạn nhân còn lại tại Rào Trăng 3

Ngày 23-11, các lực lượng cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm 11 nạn nhân mất tích còn lại dưới lòng sông Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), tuy nhiên vẫn chưa tìm thấy thêm một nạn nhân nào.

Theo dự báo trong những ngày tới khả năng có mưa vừa, mưa to, nên Ban Chỉ đạo cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 đã huy động tổng lực lực lượng, phương tiện để tìm kiếm các nạn nhân với phương châm khẩn trương nhất, hiệu quả nhất, song phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia cứu nạn.

Ban Chỉ đạo đã huy động 6 máy múc, 4 máy hút nước công suất lớn và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng và các lực lượng khác tổ chức tìm kiếm theo nhiều hướng, nhiều khu vực, trong đó tập trung tìm kiếm khu vực dưới lòng sông.

Qua một ngày tìm kiếm, các lực lượng vẫn chưa tìm thấy được thêm một nạn nhân nào.

Trong những ngày tới với quyết tâm cao nhất các lực lượng sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác tìm kiếm để tìm 11 nạn nhân còn lại. (bienphong.com.vn 24/11)

 
 
 

9.  Gấp rút tìm kiếm các nạn nhân còn lại tại Thủy điện Rào Trăng 3

Ngày 23/11, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích dưới lòng suối Rào Trăng (Thừa Thiên - Huế) tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Sử dụng phương pháp đảo ngói, các lực lượng cứu hộ chia thành 2 mũi: một mũi từ phía thượng lưu về hạ lưu và một mũi theo hướng ngược lại để tìm kiếm các nạn nhân. (Ảnh baotintuc.vn 23/11)

 
 
LAO ĐỘNG
 

1.  Phụ nữ Huế với nghề truyền thống

Là chủ đề của hoạt động trưng bày theo chuyên đề doTrung tâm Văn hóa -Thông tin và Thể thao TP. Huế tổ chức sáng 23/11 nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Tham dự lễ khai mạc có ông Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh ủy, Bí Thành ủy Huế cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể, các nghệ nhân, nhân sĩ trí thức, các nhà nghiên cứu văn hóa Huế.

Với hơn 100 tư liệu, hình ảnh và 40 hiện vật, việc trưng bày đã giới thiệu vai trò của phụ nữ Huế với nghề truyền thống; quảng bá rộng rãi đến công chúng những nét độc đáo của nghề truyền thống Huế thông qua việc giới thiệu khái quát các công đoạn, sản phẩm của nghề chằm nón lá Huế, nghề thêu và nghề làm phấn nụ. Ngoài ra, có không gian thao diễn nghề để khách tham quan cùng tương tác với một số công đoạn tạo ra thành phẩm nghề truyền thống.

Trưng bày chuyên đề “Phụ nữ Huế với nghề truyền thống” nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của người phụ nữ Huế trong việc bảo tồn và phát huy tinh hoa nghề thủ công truyền thống nói chung, nghề thêu, chằm nón và làm phấn nụ nói riêng. Qua đó, nâng cao giá trị và vai trò của các sản phẩm thủ công truyền thống, đặc biệt là các sản phẩm do người phụ nữ Huế làm ra.

 Trưng bày sẽ diễn ra đến hết ngày 22/1/2021. (baothuathienhue.vn 23/11)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Thừa Thiên-Huế: Nỗ lực bảo tồn Quần thể di tích Cố đô Huế

Tồn tại 143 năm, triều Nguyễn để lại trên mảnh đất Huế một khối lượng di sản khổng lồ gồm hệ thống thành quách, lăng tẩm, đền đài với nhiều loại hình kiến trúc gỗ độc đáo về giá trị lịch sử, văn hóa.

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc bảo tồn di sản Cố đô Huế gắn liền với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những đợt bão lũ kéo dài vừa qua, nhiều điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đứng trước nguy cơ hư hại, xuống cấp.

Quần thể di tích Cố đô Huế có 29 điểm di tích nằm rải rác trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế) với gần 500 hạng mục công trình chủ yếu làm từ gỗ.

Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thời gian qua, với sự hỗ trợ của UNESCO, các tổ chức quốc tế, cơ quan ở Trung ương và tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng người dân địa phương, di sản đã bước qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp để chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.

Trải qua các đợt bão lũ lịch sử vừa qua, dù đã được bảo vệ chu đáo nhưng với sức tàn phá nặng nề của thiên tai, nhiều điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.

Nhiều điểm di tích bị nước lũ tràn vào và ngập sâu như di tích Nghinh Lương Đình, Cung An Định, Lầu Tàng Thơ… Các cổng vào khu Hoàng cung Huế nước dâng ngập sâu đến một mét.

Ngoài ra, nhiều di tích khác dọc sông Hương cũng bị nước lũ tràn gây ngập nặng các đường đi, vùng đệm như Lăng Gia Long, Lăng Thiệu Trị… Việc bị ngâm nước lâu khiến cho tuổi thọ của các công trình bị ảnh hưởng. Ngoài ra, mùa mưa kéo dài, lượng mưa trung bình năm cao, nhất là có những đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày cũng khiến cho mái ngói bị thấm dột, tích nước làm tăng tải trọng mái, các cấu kiện gỗ cũng bị thấm nước, mục ruỗng, mối mọt dẫn đến nguy cơ sụp đổ cao hơn.

Ông Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết, hầu hết các công trình nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế đều làm bằng gỗ và đã trải qua tuổi đời khá lâu.

Vào mùa mưa bão, trung tâm có phương án chủ động phòng, chống thiên tai và bảo vệ các điểm di tích. Trung tâm tiến hành khảo sát và tổ chức giằng chống, gia cố những công trình có hiện tượng xuống cấp. Trung tâm chủ động cắt tỉa, giằng chống những cây xanh có nguy cơ đổ vào công trình.

Về lâu dài, trung tâm cũng tăng cường sức chống chịu cho hệ thống cây xanh bằng các phương pháp kỹ thuật, xử lý tầm gửi...; đồng thời, thực hiện phương châm "4 tại chỗ," bảo quản tốt nhất tài sản, tài liệu, trang thiết bị cơ quan trong mùa mưa bão.

Trung tâm luôn sẵn sàng thực hiện phương châm “nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó” để hạn chế sự hư hại của công trình cũng như trả lại cảnh quan môi trường sạch đẹp cho di tích.

Đặc biệt, trong những ngày bão lũ, trung tâm luôn phân công lực lượng túc trực suốt ngày đêm và chuẩn bị các phương tiện cơ giới, máy móc để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Trung tâm cũng thường xuyên tiến hành các biện pháp xử lý mối mọt cho các công trình.

Hiện nay, có 11 dự án trùng tu, bảo tồn di tích với nhiều hạng mục khác nhau đang được thực hiện tại các điểm di tích. Khi nhận được thông báo có mưa lớn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các đơn vị thi công đã thực hiện các biện pháp che chắn và có phương án bảo vệ các công trình di tích đang trùng tu cũng như các điểm di tích nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung (Viện Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng), cho biết đối với việc thi công các công trình ở các điểm di tích, đơn vị đặc biệt quan tâm đến sự an toàn cho di sản, công trình và con người tại các công trình.

Đơn vị thành lập các tổ phòng, chống bão lũ tại các công trường nhằm chuẩn bị các phương án và lường trước những mối nguy hại với di sản để đề ra giải pháp ứng phó.

Đối với các công trình kiến trúc gỗ trong Quần thể di tích Cố đô Huế có liên kết mộng, liên kết giằng rất yếu thì khi thi công đơn vị đưa vào các biện pháp kỹ thuật để tăng khả năng chống chịu với mưa bão của công trình; đồng thời tiến hành giằng chống, che chắn tránh tình trạng sập đổ di tích, đảm bảo an toàn cho di sản cũng như con người.

Tồn tại 143 năm, triều Nguyễn đã để lại trên mảnh đất xứ Huế một khối lượng di sản khổng lồ bao gồm hệ thống thành quách, lăng tẩm, đền đài với nhiều loại hình kiến trúc gỗ độc đáo cả về giá trị lịch sử và văn hóa.

Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như số lượng công trình di tích cần được bảo tồn, tu bổ, phục hồi lớn; diễn biến thời tiết cực đoan... đòi hỏi nhiều biện pháp căn cơ hơn để bảo vệ di tích trong giai đoạn hiện nay, nhất là huy động có hiệu quả sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng vào công cuộc bảo tồn và phát huy di sản./. (vietnamplus.vn 23/11)

 
 
 

2.  Chế tác phục sức triều Nguyễn

Những chiếc kim khánh, kim bội, thẻ bài, bội tinh, nón, mũ... đều được Trần Quang Minh Tân làm thủ công (Video baothuathienhue.vn 23/11)

 
 
 

3.  Tránh hình thức, lãng phí trong xây dựng nhà văn hóa

Đây là vấn đề được đặt ra tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế trung tâm văn hóa, nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh” do Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tổ chức chiều 23/11.

Hiện nay, hệ thống trung tâm văn hóa, nhà văn hóa đang tồn tại nhiều bất cập trong công tác xây dựng và tổ chức hoạt động. Nhiều thiết chế văn hóa với diện tích, quy mô khá lớn được xây mới nhưng không phát huy hiệu quả, hoặc không được sử dụng đúng mục đích.

Một số địa phương có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng cấp xã, thôn nhưng cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị lỗi thời, thiếu thốn, không đáp ứng yêu cầu hoạt động. Trong khi đó, ở một số nơi khác, nhà văn hóa vẫn chưa được xây dựng.

Để triển khai tốt việc xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa ở cơ sở, cần có sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo các cấp ở địa phương, thể hiện bằng chương trình, hành động cụ thể, như: quy hoạch quỹ đất xây dựng, đầu tư kinh phí, đào tạo nguồn nhân lực.

Một thiết chế văn hóa được xem là hoàn chỉnh khi nó có đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị chuyên ngành, con người, cách tổ chức, hoạt động... Nếu chỉ chạy theo xây dựng cơ sở vật chất đơn thuần sẽ là hình thức, lãng phí. (baothuathienhue.vn 23/11)

 
 
 

4.  Trình diễn Nhã nhạc và múa cung đình trong Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, ngày 23/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức trình diễn Nhã nhạc và múa cung đình tại sân Điện Thái Hòa.

Giới thiệu đến du khách giá trị di sản văn hóa phi vật thể của triều Nguyễn, diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã trình diễn các tiết mục: Tam luân cửu chuyển, Trình tường, Ngũ đối thượng, Phú lục địch, múa kiếm, múa lân, múa chén...

Đây là những bài bản, điệu múa thuộc âm nhạc cung đình Huế, vốn được phục vụ trong đời sống, sinh hoạt của chốn hoàng cung, được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế nghiên cứu bảo tồn, phát huy.

Sau thời gian vắng khách do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thiên tai bão lũ, điều vui là lượng khách đến tham quan Quần thể Di tích Cố đô Huế đang có dấu hiệu tăng trở lại, nhất là vào dịp cuối tuần, mỗi ngày đón khoảng 1.000-1.200 khách. Việc tổ chức các hoạt động biểu diễn này nhằm kích cầu, tạo không khí sôi động cho khu di sản. (baothuathienhue.vn 23/11)

 
 
 

5.  Biến tấu của món Huế ở Sài Gòn

Trong hành trình “dạo chơi” đến vùng đất mới, những món ăn Huế đã có nhiều biến tấu, pha trộn giữa công thức nấu nguyên bản và việc gia giảm nguyên liệu cho phù hợp với khẩu vị người dân địa phương, tạo nên sự mới lạ, cả về hương vị lẫn hình thức của món ăn.

Hồi mới vào Sài Gòn, tôi bị choáng ngợp bởi những tô bún bò to “bự chảng”, những dĩa bánh bèo dày cộm hay những tô bún hến ngập tràn bún. Dần dần, tôi hiểu rằng ẩm thực Huế đi xa đã có những thay đổi, hòa nhập với dòng ẩm thực đa dạng, sôi động của chốn Sài thành.

Sự thay đổi đáng kể đến đầu tiên có lẽ là món bún bò Huế trứ danh. Đi khắp đường phố Sài Gòn sẽ thấy nhan nhản những quán bún bò Huế, nhưng đa phần đã có “thêm thắt” trong hương vị và nguyên liệu chế biến. Nước bún trong này thường ngọt hơn và bớt đi vị đậm đà của ruốc, sả đặc trưng. Kế đến nữa, người Sài Gòn thích ăn sợi bún to và dai hơn, trong khi ở Huế, bún bò dùng sợi bún nhỏ và mềm. Ngay cả rau sống ăn kèm cũng đã mang nhiều khác biệt, bún bò Huế của người Huế thì ăn kèm với một số loại rau sống như rau thơm, rau cải con, xà lách, bắp chuối xắt nhỏ và giá. Còn ở Sài Gòn, như phần lớn các món ăn nước ở đây, bún bò ăn cùng các loại rau như húng quế, ngò gai, bắp chuối xắt, rau muống chẻ…

Người Huế vốn “ăn hương, mặc hoa”, món ăn lúc nào cũng be bé, thanh cảnh, nên mỗi cuộc dạo chơi có thể thưởng thức tận năm, bảy món khác nhau. Nhưng ở Sài Gòn, món gì cũng đựng trong tô, chén to gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi ngoài Huế. Với các món bánh Huế, ví dụ như bánh bèo chén sẽ có phần dày hơn, trong khi bánh bèo Huế mỏng tang, mềm mịn, không chú trọng vào việc ăn no mà chỉ ăn theo kiểu thưởng thức. Một điểm nữa là, do nhịp sống hối hả, ở Sài Gòn tìm được rất ít quán bánh bèo chén sắp trong mâm, thường bánh béo đã được lấy sẵn ra dĩa, tiện dụng và tiết kiệm thời gian cho thực khách.

Tương tự, cơm hến và bún hến ngoài Huế thường là một tô nhỏ cầm vừa bàn tay, có tỉ lệ xấp xỉ 1:1 giữa môn bào (trộn thêm một số loại rau) và cơm (hoặc bún). Nếu muốn ăn no phải ăn hai, ba tô, người “rộng bụng” có thể xơi tận năm tô mới vừa. Ngược lại, ở Sài Gòn tô bún hến to hơn và ngồn ngộn những bún, môn và rau ít hơn, chỉ ăn một tô cũng đủ lưng bụng.

Người Huế đặc biệt chú trọng “lấy lòng” thị giác trước khi ăn nên tô bún bò hay bún hến thường có màu sắc cam đỏ nổi bật, điểm xuyết bằng màu xanh, trắng thanh nhã của rau, hành đẹp mắt. Các món Huế ở Sài Gòn thường màu sắc nhẹ nhàng hơn, không có váng dầu đậm màu và nổi bật như ở Huế. Nguyên do cũng có lẽ bởi người Huế chuộng cái vị cay nồng của ớt trong mỗi món ăn.

Bàn về nước chấm cũng là một câu chuyện dài. Cầu kỳ và tinh tế trong ăn uống thể hiện qua việc với mỗi món bánh, người Huế sẽ dùng một loại nước chấm khác nhau. Cùng là bánh lọc, nhưng bánh lọc trần thì dùng nước mắm loãng pha ngọt hoặc xì dầu nấu ngọt, thêm ớt rim Huế cay cay. Còn với bánh lọc gói, điều “bất di bất dịch” phải là nước mắm ruốc mặn và nhất định là ớt xanh cay nồng dằm trong đó. Lý do không chỉ nằm ở vị cay của trái ớt mà đây còn là sự cân bằng trong màu sắc của món ăn, chiếc bánh lọc trong veo để lộ màu đỏ của con tôm nên chén nước mắm phải có màu xanh của ớt mới gọi là hài hòa, bắt mắt. Tương tự, với bánh bèo, bánh nậm hay bánh đúc cũng có những loại nước chấm khác nhau, đem lại sự cân bằng của vị giác, thị giác khi ăn. Tuy nhiên, bánh Huế ở Sài Gòn không phải hàng quán nào cũng có được sự “kỹ tính” như thế, nhiều lúc bánh lọc gói vẫn được chấm cùng nước mắm ngọt, vị cay của nước chấm cũng bớt đi ít nhiều theo khẩu vị của thực khách.

Thực ra, để bàn về việc món Huế ở đâu ngon hơn là điều khó nói được. Bởi lẽ ngon hay không ngon vốn không có một chuẩn mực nhất định mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như khẩu vị vùng miền, tình cảm của thực khách đối với địa phương mình sinh sống. Mặt khác, chính món Huế ở Huế cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, đổi thay trong việc chọn nguyên liệu và cách chế biến. Ví như ngày xưa, sợi bún trong bún bò là loại bún Vân Cù sợi to, dai vừa phải thì bây giờ, đa số quán bún bò ở Huế chuộng dùng sợi bún nhỏ hơn. Nhưng nhìn chung, với người Huế xa quê, không gì vui hơn là tìm được một quán ăn Huế giữ được mùi vị, hồn cốt và cả tinh thần của món Huế, bởi đó không chỉ là giây phút thưởng thức ẩm thực đơn thuần mà còn như được tìm về với cố hương. Và còn gì bằng như được “lạc” về Huế khi nghe giọng chủ quán, thực khách nói “mô, tê, răng, rứa” đầy trìu mến, thân thương. (baothuathienhue.vn 23/11)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Thượng toạ Thích Thanh Quyết trao 2 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung

Ngày 23/11, Thượng toạ Thích Thanh Quyết - Đại biểu quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã trao 2 tỷ đồng ủng hộ bà con vùng lũ của các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Đây là số tiền do chư Tăng, Ni, Phật tử, nhà hảo tâm của các tỉnh: Quảng Ninh, Sơn La, Hà Nam, Bắc Kạn và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ.

Tại Quảng Bình, đoàn từ thiện trao số tiền 160 triệu đồng cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh xây dựng 2 nhà phao chống lũ; trao 840 triệu đồng cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị xây dựng 3 điểm trường mầm non, tiểu học thuộc các huyện: Hướng Hoá, Đắkrông; trao cho các cơ sở giáo dục số tiền gần 1 tỷ đồng cho các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Tại buổi trao quà, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã cảm ơn sự quan tâm của bà con, Phật tử và Chư tăng, Ni sinh đối với đồng bào miền Trung, đặc biệt là học sinh vùng lũ Quảng Trị.

Sau khi tiếp nhận số tiền từ thiện, Sở sẽ phân bổ về phòng giáo dục 2 huyện Đắkrông, Hướng Hoá để xây mới, sữa chữa 3 điểm trường mầm non, tiểu học; đồng thời sẽ giám sát, chỉ đạo các công trình đạt tiến độ, chất lượng để kịp phục vụ cho công tác dạy và học trên địa bàn.

Thượng toạ Thích Thanh Quyết cho biết, với tinh thần từ bi của nhà Phật lo cho mọi người cũng chính là lo cho mình, tất cả Phật tử, người dân, đều là những người con Phật, đều có thiện tâm, phật tâm. Những Tăng, Ni, đều ý thức được trách nhiệm và bổn phận để lo cho những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống.

“Chứng kiến những khó khăn, mất mát của bà con vùng lũ, chúng tôi xem đây là trách nhiệm cao cả, là phải chung tay giúp đỡ bà con bằng vật chất lẫn tinh thần. Qua đó lan toả ra xã hội để mọi người ý thức được trách nhiệm với cộng đồng”, Thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết cũng cho rằng, là một thầy giáo, chức sắc quản lý giáo dục, ông thấu hiểu nỗi khó khăn vất vả, thiếu thốn vật chất của thầy cô giáo và học sinh nơi vùng lũ đi qua. Mong rằng, những món quà bé nhỏ giúp các em có một cơ sở vật chất trường lớp khang trang hơn phục vụ cho việc dạy và học để được “sưởi ấm” khi mùa đông lạnh giá đang đến gần. (daidoanket.vn 23/11)

 
 
 

2.  Hỗ trợ người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên-Huế sớm ổn định sau bão lũ

Thừa Thiên-Huế là một trong những địa bàn của dự án "Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật" do USAID tài trợ và ACDC thực hiện.

Thấu hiểu những bất lợi về cơ thể và hạn chế tiếp cận của người khuyết tật đối với công tác cứu hộ trong thảm họa, ngày 23/11, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) và Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp tổ chức hỗ trợ khẩn cấp cho người khuyết tật bị ảnh hưởng bão lụt tại huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế). Đây là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề do bão, lũ vừa qua.

Từ tháng 9/2020 đến nay, Thừa Thiên-Huế liên tiếp gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề do thiên tai gây nên. Dù đã có sự quan tâm, giúp đỡ lớn từ Trung ương, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân nhưng cuộc sống của người dân, đặc biệt là khoảng 30.000 người khuyết tật của tỉnh sau những cơn bão, lũ vẫn chưa thể hồi phục.

Mỗi phần quà của USAID và ACDC trao đi là sự động viên quý giá giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế tái thiết cuộc sống sau những cơn bão, lũ nặng nề.

Thừa Thiên-Huế là một trong những địa bàn của dự án "Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật" do USAID tài trợ và ACDC thực hiện.

Các phần quà hỗ trợ bao gồm một số đồ dùng sinh hoạt và thức ăn đã được trao đến tay 160 gia đình người khuyết tật sống trên địa bàn huyện Phú Vang.

"Tôi rất phấn khởi khi được sự quan tâm kịp thời của các nhà tài trợ. Những vật dụng này rất thiết thực và có ý nghĩa lớn đối với gia đình tôi khi bão lụt vừa qua đã làm hư hỏng rất nhiều đồ dùng trong nhà," bà Phan Thị Nếp, người khuyết tật sống neo đơn tại thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang cho biết.

Các đơn vị hỗ trợ cũng đến thăm hỏi, động viên trực tiếp 35 trường hợp người khuyết tật đặc biệt khó khăn, chịu ảnh hưởng lớn do thiên tai trên địa bàn huyện.

Đến thăm hoàn cảnh bà Hồ Thị Gần, người khuyết tật trí tuệ, bị câm bẩm sinh, sống neo đơn trong một căn nhà cấp 4 xập xệ tại thị trấn Phú Đa, Đoàn hỗ trợ đã trao tặng quà và lắp đặt, hướng dẫn sử dụng bình lọc nước cho gia đình.

Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn sau bão lụt của bà Gần, Giám đốc ACDC Nguyễn Thị Lan Anh mong muốn bà Gần sẽ được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Các phần quà tuy không lớn nhưng một phần nào đó giúp bà Gần sớm ổn định được cuộc sống sau các đợt thiên tai, địch họa.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, đơn vị đã phối hợp các đối tác, chủ động thu thập thông tin về người khuyết tật sống trên địa bàn Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng bão lụt để thực hiện việc cứu trợ khẩn cấp. Dự kiến từ ngày 23-26/11, đơn vị cùng USAID sẽ trao tặng 650 suất quà cho các hộ gia đình có người khuyết tật thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà (Thừa Thiên-Huế); tặng 140 bình lọc nước cho các hoàn cảnh khuyết tật đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, các đơn vị cũng hỗ trợ 120 bộ sách giáo khoa và 120 bộ bàn ghế cho 2 trường học bị thiệt hại nặng nhất có học sinh khuyết tật theo học tại Thừa Thiên-Huế vào ngày 27/11.

"Những món quà này là sự sẻ chia, ủng hộ, giúp đỡ từ người dân Hoa Kỳ đến các đối tượng yếu thế, khuyết tật Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong các đợt bão lụt liên tiếp thời gian qua. Thời gian tới, USAID sẽ nỗ lực hơn nữa, góp phần tăng cường chất lượng cuộc sống của người dân Việt nói chung và cộng đồng người khuyết tật Việt Nam nói riêng," bà Lê Thị Thúy Hương, đại diện USAID tham gia hoạt động cho hay.

Năm 2019, Thừa Thiên-Huế tiếp nhận dự án viện trợ không hoàn lại "Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật" giai đoạn 2018-2021 do USAID tài trợ thông qua ACDC với tổng vốn gần 6 tỷ đồng.

Thời gian qua, dự án đã tăng cường việc thực hiện các chính sách cho người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên-Huế trong vấn đề y tế cũng như tiếp cận vật lý, qua đó chia sẻ niềm tin và nâng cao vị thế của họ trong cộng đồng./. (vietnamplus.vn 24/11)

 
 
 

3.  Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ ĐH Huế 12,92 tỷ đồng khắc phục thiệt hại do bão lụt

Ngày 23/11, thông tin từ Đại học (ĐH) Huế cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã hỗ trợ cho ĐH Huế 12,92 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do bão lụt gây ra.

Theo đại diện ĐH Huế, cơn bão số 5 và các trận lũ trong tháng 10 đã gây nhiều thiệt hại cho tỉnh nói chung và ĐH Huế nói riêng. Đối với ĐH Huế, nhiều công trình, cơ sở vật chất bị thiệt hại nặng không thể phục vụ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu. ĐH Huế đã có Công văn số 1738/ĐHH-KHTCCSVC ngày 2/11/2020 gửi Bộ GD&ĐT đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục cơ sở vật chất bị thiệt hại do bão lũ và được Bộ cấp kinh phí hỗ trợ khắc phục bão lũ là 12,92 tỷ đồng.

Với kinh phí trên, Bộ hỗ trợ các trường ĐH thành viên, Viện Công nghệ sinh học và Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị là 9,5 tỷ đồng; Cơ quan ĐH Huế (bao gồm Văn phòng, các Khoa và các đơn vị trực thuộc ĐH Huế) 3,42 tỷ đồng. (baothuathienhue.vn 23/11)

 
 
 

4.  Trao 650 suất quà và 140 bình lọc nước cho người khuyết tật bị ảnh hưởng bão lụt

Sáng 23/11, tại các trụ sở UBND: thị trấn Phú Đa, xã Phú Mỹ và xã Phú Dương (huyện Phú Vang), từ nguồn hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, huyện Phú Vang và chính quyền 12 xã, thị trấn thuộc huyện Phú Vang tiến hành trao 160 suất quà và 35 bình lọc nước cho hộ gia đình người khuyết tật (NKT).

Đại diện USAID, ACDC trao quà và bình lọc nước cho gia đình bà Hồ Thị Gừng, người khuyết tật ở TDP Đức Lam Trung, thị trấn Phú Đa (Phú Vang)

Đây là chương trình trao tặng quà khẩn cấp nhằm hỗ trợ cho những hộ gia đình NKT có hoàn cảnh đặc biệt khắc phục những khó khăn do bão lụt, sớm ổn định cuộc sống.

Theo kế hoạch, từ ngày 23/11 đến 27/11, USAID, ACDC phối hợp với chính quyền các địa phương, đơn vị tổ chức chương trình trao tặng 650 suất quà và 140 bình lọc nước cho 650 hộ gia đình NKT có hoàn cảnh khó khăn tại 4 huyện, thị xã: Phú Vang, TX. Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền.

Mỗi suất quà tặng gồm: bộ chăn màn ấm, đèn pin, dầu ăn, nước mắm, thức ăn khô, soong, chén đũa, xà phòng, xô, cây lau nhà... Đối với những gia đình NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ACDC trực tiếp đến trao quà tại nhà và tặng thêm bình lọc nước để đảm bảo cho NKT, người thân trong gia đình sử dụng nước sạch.

Ngoài ra, chương trình còn trao tặng 120 bộ sách giáo khoa và 120 bộ bàn ghế cho Trường tiểu học Quảng Thọ (Quảng Điền) và Trường tiểu học Phong Chương 1 (Phong Điền). (baothuathienhue.vn 23/11)

 
 
 

5.  LG chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ với các hoạt động thiết thực

Chỉ trong hai tháng 10 và 11 vừa qua, miền Trung đã phải hứng chịu liên tiếp các cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp cùng các trận lũ chồng lũ, gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Chung tay cùng đồng bào cả nước hướng về miền Trung, bên cạnh tổ chức nhiều chuyến từ thiện đến trao quà và tiền mặt tới nhiều người dân vùng lũ thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, LG còn triển khai hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng các sản phẩm điện tử LG dành cho người dân tại 6 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề vì bão lũ: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Chương trình gồm 2 hoạt động chính:

Các sản phẩm điện tử LG được chương trình tiếp nhận sửa chữa cần là sản phẩm được sản xuất trong khoảng từ năm 2018 đến 2020 (căn cứ trên số serial của sản phẩm) và bị hư hỏng vì mưa bão, lũ lụt. Trong khuôn khổ chương trình này, LG chỉ tiếp nhận hỗ trợ sản phẩm LG từ người tiêu dùng (không tiếp nhận sản phẩm từ Đại lý, Khách hàng Doanh nghiệp).

Ông Nguyễn Tuấn Bình, Giám đốc Bảo hành Công ty điện tử LG cho biết: “Sau trận bão lũ lịch sử vừa qua, chúng ta có thể thấy người dân tại các khu vực Miền Trung phải gánh chịu quá nhiều thiệt hại về người và của, các thiết bị điện tử gia dụng của các hộ gia đình như tủ lạnh, TV, máy giặt… đều ngấm nước và bị hỏng. LG hi vọng với hoạt động tình nghĩa và thiết thực này sẽ góp phần hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn và nhanh chóng ổn định cuộc sống”.

Thông tin chi tiết chương trình: Thông tin chi tiết chương trình: https://www.lg.com/vn/tro-giup/thong-bao-chi- tiet/VNNTC20201111150881?keyword=&currentPage=1(tienphong.vn 23/11)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  THỪA THIÊN HUẾ: TIẾP SỨC CHO HỌC SINH, SINH VIÊN VÙNG LŨ

(Video quochoitv.vn 23/11)

 
 
 

2.  Thầy giáo trẻ dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi quốc gia

Đằng sau thành công của đội tuyển vật lý Trường trung học phổ thông (THPT) chuyên Quốc Học Huế là bóng hình của một nhà giáo còn rất trẻ - thầy giáo Lê Quốc Anh.

Sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị, thầy giáo Lê Quốc Anh (sinh năm 1985) theo chân bố mẹ đi kinh tế mới trên Nam Đông (Thừa Thiên Huế) và học cấp 2, cấp 3 tại đó. Từ vùng quê mới ấy, thầy  chọn nghề giáo. Năm 2008, thầy tốt nghiệp loại giỏi Khoa Vật lý, Trường đại học Sư phạm Huế và là một trong rất ít sinh viên trẻ ra trường được tuyển thẳng về Trường THPT chuyên Quốc Học.

Khởi đầu như vậy, nhưng khi đứng trên bục giảng, trước những học sinh ưu tú của tỉnh, thầy nhiều lần cảm thấy kiến thức của bản thân chưa đáp ứng được mong chờ của học trò trường chuyên.

Thầy Quốc Anh nhớ lại: “Mình chuẩn bị rất kỹ cho từng tiết giảng, nhiều khi nghĩ giáo án của bản thân đã rất công phu nhưng khi đối diện với giờ giảng với khao khát học hỏi của các em, mình lại cảm thấy chưa đủ”.

Đã có lúc thầy cảm thấy thất vọng về chính mình, nhưng may mắn là thầy chưa từng có ý nghĩ từ bỏ. Tự nhận còn non kém, thầy đã chọn “đi học lại”, bằng việc xin các thầy cô trong tổ Lý để được dự hầu hết các buổi dạy họ. Đây là những buổi học thầy tự thấy mình gặt hái được quá nhiều, không chỉ học hỏi được kinh nghiệm sư phạm của đồng nghiệp đi trước một cách “trực tuyến” mà còn củng cố lại kiến thức, nên hiệu quả, chất lượng của những “buổi học” này với thầy thật sự có ý nghĩa.

Năm 2012, lần đầu tiên làm chủ nhiệm, tưởng đây là con đường ngắn hơn để gần gũi học sinh, thế nhưng làm chủ nhiệm cũng khiến thầy Quốc Anh phải chịu áp lực khi ngoài chuyên môn còn phải quan tâm sâu đến tâm tư tình cảm học sinh. Với tấm lòng thành, thầy hoà mình vào cuộc sống của học sinh. Mỗi em có một hoàn cảnh riêng, vui buồn ngoài đời và niềm say mê học tập của các em được thầy “cập nhật” bằng tấm lòng vị tha và cả cảm phục. Chính từ trong cuộc sống ấy thầy đã tìm ra những “hạt giống” tốt nhất cho đội tuyển học sinh giỏi (HSG) của lớp và cùng các em lao vào nhiệm vụ của học sinh  trường chuyên. Không phụ lòng thầy và sự quan tâm của nhà trường, gia đình, lớp chuyên Lý là một gia đình chăm chỉ và quyết tâm.

Năm 2014, lớp chuyên Lý vỡ oà niềm vui khi ba bạn của lớp đạt huy chương vàng trong thi kỳ thi khu vực Duyên hải Bắc bộ. Thành tích không dừng lại, trong ba năm 2017-2020 đội tuyển đã đem về nhiều thành tích cao, tạo được ấn tượng mạnh khi 100% thành viên đạt giải. Em Lê Công Minh Hiếu được đại diện Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Vật lý châu  Á lần thứ 20 - năm 2019, tổ chức tại Australia và đoạt huy chương đồng; cặp sinh đôi Tống Phước Thanh Bình - Tống Phước Thanh An cùng giành giải nhất kỳ thi HSG Quốc gia.

Năm học 2019-2020 đội tuyển vật lý đạt 2 giải nhất, 1 nhì, 1 khuyến khích ở cấp Quốc gia, cả 4 em vào vòng 2. Nhiều học sinh của mình đạt giải cao, nhưng thầy giáo Quốc Anh dường như chỉ nói về khả năng thiên bẩm, về sự chăm chỉ, cần cù của các em và sự bồi dưỡng của các thầy cô trong đội tuyển, còn riêng mình thầy bảo, bản thân chỉ tác động khi thấy các em thiếu tự tin.

Thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học Huế tự hào: “Không những đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy, bồi dưỡng HSG, thầy Quốc Anh còn đạt được nhiều thành tích tốt trong các cuộc thi của giáo viên như giải nhất và tiết dạy hay nhất tại “Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh”, giải nhì cuộc thi “Thiết kế bài giảng E-learning”, được cấp giấy chứng nhận là quan sát viên kỳ thi Olympic Vật lý châu Á… là chiến  sĩ thi đua cấp tỉnh và là người trẻ luôn đi đầu trong các công tác Đoàn trường”.

Trên “sân chơi” môn vật lý, thầy giáo Lê Quốc Anh được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khen ngợi, ngày 14 - 15/11 vừa qua, thầy đã tham dự lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2020 tổ chức tại Hà Nội. (baothuathienhue.vn 23/11)

 
 
PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
 

1.  Nhà chống lũ giúp hàng nghìn hộ dân ở Thừa Thiên Huế trú ẩn an toàn

Trong đợt bão lũ kéo dài nhiều ngày qua, hàng nghìn hộ dân ở những vùng thấp trũng của tỉnh Thừa Thiên Huế không phải sơ tán hay di chuyển đến nơi khác nhờ dự án nhà chống lũ.

Thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung và sự hỗ trợ của dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam (GCF), tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt 3.906 hộ, đến nay đã có 2.280 hộ xây dựng hoàn thành.

Những ngôi nhà phòng tránh lụt bão được thiết kế với diện tích sàn 10m2 tối thiểu, các kết cấu chính như móng, khung, sàn, mái xây dựng kiên cố, móng bê tông cốt thép… có gác lửng (tầng 2). Khi mưa bão gây ngập sâu, người dân không phải đi sơ tán hoặc sang nhà hàng xóm trú tạm như trước mà có thể yên tâm ở trong nhà an toàn; đồ đạc trong nhà cũng được chuyển lên gác lửng tránh hư hỏng do nước lụt.

Trong đợt mưa lũ khủng khiếp vừa qua, nhiều khu vực thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã bị nhấn chìm, hàng trăm nghìn người đã phải đi sơ tán đến nơi cao ráo, an toàn cùng với đó là hàng nghìn ngôi nhà và tài sản khác cũng hư hại nghiêm trọng. Tuy nhiên trong thời điểm này hàng nghìn ngôi nhà phòng tránh lụt bão được Nhà nước hỗ trợ xây dựng cho hộ nghèo, hộ khó khăn ở những vùng hay có lũ lụt đã phát huy hiệu quả.

Anh Lê Văn Hiền (trú thôn Phú Lương A, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, vừa qua nước ngập úng hơn 1m và kéo dài 10 ngày mới rút nhưng cả nhà cùng đồ đạc chuyển lên gác lửng nên không phải chạy sang nhà hàng xóm trú tạm.

Theo anh Hiền, gia đình anh thuộc đối tượng được Nhà nước hỗ trợ một số tiền để xây nhà phòng tránh lụt bão. Vợ chồng đã góp thêm một khoản nên xây dựng được một căn nhà nhỏ. Dù căn nhà không được đẹp nhưng giờ đây khi mưa lũ tới cả nhà đã có thể yên tâm lên gác lửng ở.

“Trong trận lụt lần thứ hai ở Thừa Thiên Huế, nước dâng rất nhanh mà mẹ tôi không thể đi lại nhanh nên phải bế mẹ lên gác. Mấy đứa con cùng bà ở trên gác được 4 ngày an toàn”, anh Hiền cho biết.

Bà Hoàng Thị Lém (82 tuổi, trú thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng được Nhà nước hỗ trợ xây dựng căn nhà chống lụt nằm sát con sông Bồ. Dù nhà chưa hoàn thiện nhưng có gác lửng nên gia đình con cháu rất yên tâm mỗi khi nước dâng cao, không phải hối hả chạy lụt như trước đây.

“Vừa rồi nước ngập không cao lắm nhưng đồ đạc trong nhà đã được chuyển lên gác lửng hết, tránh nước ngập”, con trai của bà Lém chia sẻ.

Trao đổi với báo Gia đình Việt Nam, ông Hồ Ngọc Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) cho biết, ở địa phương có 478 hộ đã hoàn thành nhà phòng tránh lụt.

“Sau khi bão lũ đi qua, huyện đã tổ chức đi kiểm tra móng, khung, mái nhà,... để đánh giá mức độ an toàn. Hầu hết các nhà phòng chống lụt bão vững chắc, đảm bảo cho người dân an cư mùa lũ”, ông Tuấn cho biết. (giadinhvietnam.com 23/11)

 
 
XÂY DỰNG
 

1.  Kiến trúc độc đáo ít biết của 3 lăng tẩm ở cố đô Huế

Thuộc quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), 3 lăng tẩm nổi tiếng này thể hiện được phong cách kiến trúc riêng đặc sắc, thu hút du khách cả trong và ngoài nước. ( Ảnh kienthuc.net.vn 23/11)

 
 
Y TẾ
 

1.  Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ kỹ thuật để kiểm soát Whitmore

Trước tình hình bệnh Whitmore diễn biến phức tạp ở khu vực miền Trung, đặc biệt là sau các đợt bão lụt liên tiếp xảy ra, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ hỗ trợ kỹ thuật các Sở Y tế và các bệnh viện nếu có nhu cầu. Sự hỗ trợ này có thể thực hiện trực tiếp hoặc qua hệ thống Tư vấn Khám chữa bệnh từ xa (Health Center).

Từ đầu tháng 10 đến ngày 19/11/2020, số lượng bệnh nhân xét nghiệm dương tính với Whitmore nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế tăng gấp nhiều lần so với cả năm. Nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng rất nặng; trong đó, gần 50% trường hợp cần phải hồi sức tích cực và đã có trường hợp tử vong.

Để các Sở Y tế và các bệnh viện trong khu vực kịp thời nắm bắt và chủ động trong việc thu dung điều trị bệnh nhân Whitmore, Bệnh viện Trung ương Huế đã thông báo danh sách bệnh nhân về các địa phương. Ngoài Thừa Thiên Huế, các tỉnh có bệnh nhân Whitmore đã được ghi nhận là Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Trong đó, gần 50% bệnh nhân sống ở Thừa Thiên Huế.

Việc này sẽ hỗ trợ Sở Y tế các địa phương quản lý và theo dõi, tạo điều kiện cho bệnh nhân tái khám điều trị đủ liệu trình. Đặc biệt lưu ý khi bệnh nhân xuất viện phải tư vấn kỹ việc điều trị duy trì tại nhà đúng quy định và kịp thời chuyển tuyến trên khi bệnh tiến triển nặng.

Theo Bệnh viện Trung ương Huế, sau khi bệnh viện gửi công văn 1921/BVH ngày 19/11/2020 thông báo tình hình bệnh Whitmore, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị và Trung tâm Y tế huyện Phú Vang liên hệ lấy thông tin đầy đủ về địa chỉ của các bệnh nhân Whitmore có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cũng liên hệ để Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn đối với loại bệnh này.

Bệnh Whitmore do trực khuẩn gram âm Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. Bệnh Whitmore chưa có vaccine dự phòng, nhưng người dân hoàn toàn có thể tránh và được điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. (baothuathienhue.vn 23/11)

 
 
 

2.  Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ

Sáng 23/11, tại Trung tâm y tế huyện A Lưới, Ban Quân dân y tỉnh tổ chức giao ban Quân dân y đợt 2 năm 2020.

Tại buổi giao ban, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông báo tình hình dịch bệnh trong nước, của tỉnh trong thời gian qua cho hơn 50 cán bộ Quân y, vận động quần chúng thuộc 4 Đồn biên phòng và các trạm y tế đóng quân trên địa bàn huyện A Lưới.

Theo đó, sau đợt lụt kéo dài tại tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, địa bàn huyện A Lưới nói riêng, tình hình ô nhiễm môi trường sau lũ đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh thường gặp như: Tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, thương hàn, đau mắt đỏ…

Để bảo vệ sức khoẻ cho người dân sau lũ, Ban Quân dân y tỉnh cập nhập một số kiến thức về chương trình y tế dự phòng; cấp vật tư y tế, hoá chất cho các đơn vị để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Đồng thời, yêu cầu cách trạm Quân dân y kết hợp, trạm xá trên địa bàn huyện A Lưới cần khẩn trương triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước, duy trì tốt các hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân.

Đối với cán bộ vận động quần chúng thuộc các đồn biên phòng cần vận động, tuyên truyền cho người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, rửa tay thường xuyên, đặc biệt là tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. (baothuathienhue.vn 23/11)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Hơn 200 doanh nghiệp miền Trung kích cầu du lịch lần 2

Hơn 200 doanh nghiệp du lịch 3 tỉnh thành gồm Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đã đăng ký tham gia chương trình kích cầu du lịch lần thứ 2 ngày 25-11 với nhiều gói ưu đãi hấp dẫn du khách dịp Giáng sinh và năm mới 2021.

 Sở Du lịch TP Đà Nẵng vừa cho biết đã có hơn 200 doanh nghiệp 3 tỉnh thành: Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đăng ký tham gia chương trình kích cầu du lịch lần 2.

Theo đó, các gói kích cầu du lịch 3 tỉnh miền Trung sẽ được công bố vào ngày 25-11 với chủ đề: Một điểm đến nhiều trải nghiệm.

Các gói kích cầu được xây dựng tối ưu cho khách hàng là người dân địa phương và du khách cả nước với nhiều sản phẩm, dịch vụ thú vị cùng nhiều ưu đãi.

Ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết trong tuần này ngành du lịch các tỉnh miền Trung sẽ chứng kiến nhiều hoạt động nhộn nhịp.

Trong đó, ngoài sự kiện công bố chương trình kích cầu du lịch 3 tỉnh miền Trung lần 2 thì hiệp hội sẽ tổ chức đoàn hơn 100 doanh nghiệp lữ hành cả nước về Đà Nẵng khảo sát thị trường, xây dựng sản phẩm để phục vụ du khách.

Ngoài ra, một sự kiện lớn diễn ra ngày 28-11 tới là diễn đàn phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với sự tham gia của lãnh đạo và doanh nghiệp du lịch các tỉnh, bàn kế hoạch khôi phục và kích cầu thị trường du lịch khu vực.

"Cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng và miền Trung đang rất mong chờ thị trường phục hồi để mở cửa đón khách trở lại. Hiện tại đã có 30-40% doanh nghiệp dịch vụ mở cửa trở lại phục vụ du khách. Nếu tình hình khả quan, những tháng cuối năm chúng tôi dự kiến lượng khách sẽ tăng trưởng đạt mức 60-70% so với cùng kỳ các năm" - ông Dũng cho biết. (tuoitre.vn 23/11)

 
 
MÔI TRƯỜNG
 

1.  Xử lý số lợn chết từ hố chôn trôi ra sông Hương

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh yêu cầu chủ lò mổ tập trung Bãi Dâu (phường Phú Hậu, TP. Huế) vận chuyển số lợn chết trôi ra sông Hương đến địa bàn tiêu hủy và tiêu độc khử trùng trong khu vực.

Ngày 20/11, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra khu vực khuôn viên lò mổ tập trung Bãi Dâu và lập biên bản hiện trạng xử lý lợn chết tại lò mổ này.

Theo biên bản, ông Hồ Đức Bình, chủ lò mổ tập trung Bãi Dâu thừa nhận, ngày 13/10 vừa qua, do mưa lũ, các tuyến đường bị nước ngập, không thể vận chuyển lợn đi tiêu hủy được nên ông đã chôn 9 con lợn chết trong khuôn viên lò mổ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa lũ, khu vực chôn bị sạt lở, rửa trôi đất khiến số lợn nói trên bị phân hủy, trôi ra khu vực sông Hương, gây ảnh hưởng môi trường xung quanh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã yêu cầu chủ lò mổ xử lý số lợn chết lợn chết trên, liên hệ với bãi chôn lấp của Công ty TNHH MTV Môi trườngvà Công trình đô thị tỉnh để chôn lấp theo quy định và tiến hành tiêu độc khử trùng trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, sau khi yêu cầu ông Hồ Đức Bình xử lý số lợn chết để đảm bảo môi trường, đơn vị sẽ làm việc với chủ lò mổ này, củng cố hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính.  (baothuathienhue.vn 20/11)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Thừa Thiên Huế: Phụ huynh tố cô giáo dùng thước nhôm đánh trẻ bầm tím người

Một cô giáo dạy tiểu học bị gia đình học sinh tố có hành vi dùng thước nhôm đánh khiến trẻ bầm tím người. Phụ huynh cho rằng, trẻ thường xuyên bị đánh, bạo hành trong một thời gian dài.

Ngày 20/11, báo GD&TĐ nhận được đơn thư phản ánh của anh Nguyễn Đình Quý (SN 1984, trú tại phường Thuận Thành, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) về việc con trai anh là cháu Nguyễn Đình Minh Quang (SN 2014, học sinh lớp ½ trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP. Huế) bị cô giáo chủ nhiệm là cô Ngô Ngọc Mỹ Nhung bạo hành dẫn đến cháu Quang bị bầm tím phần cánh tay.

Theo đơn thư phản ánh, vụ việc được gia đình anh Quý phát hiện vào ngày 30/10. Cụ thể, trong quá trình thay quần áo cho cháu Quang, anh Quý phát hiện trên hai cánh tay cháu có xuất hiện nhiều vết bầm tím.

Sau khi được hỏi, cháu Quang cho biết ở lớp thường hay bị cô Nhung phạt và đánh bằng thước. “Các vết bầm tím có vết đã gần tan, có vết đã tan, vết còn bầm đậm, vết đã ngả sang màu đen, vết còn in hằn dấu thước màu đỏ cho thấy việc cô Nhung thường xuyên sử dụng thước đánh cháu Quang là có căn cứ”, đơn thư trình bày.

Theo anh Quý, sự việc thường xuyên bị cô Nhung bạo hành đã tác động sâu sắc đến tâm lý của cháu Quang dẫn đến biểu hiện cháu thường hay ức chế, cáu gắt, sợ đến lớp 1/2 và đồng thời rất sợ cô Nhung.

“Những việc làm của cô Nhung đối với cháu Minh Quang đã vi phạm nghiêm trọng về quyền trẻ em. Đặc biệt, cô Nhung là giáo viên bậc tiểu học, biết rõ các quy định của luật trẻ em, biết rõ các quy định của Bộ GD&ĐT ban hành khi giảng dạy học sinh cấp 1… nhưng cô Nhung lại vi phạm đồng thời tỏ ra không hối hận hoặc nhận lỗi trong việc bạo hành con chúng tôi”, anh Quý trình bày trong đơn.

Không những thế, theo thông tin gia đình anh Quý chia sẻ, trước sự việc trên, gia đình anh đã nhiều lần gửi đơn thư tố cáo hành vi của cô Nhung đến Phòng GD&ĐT TP. Huế và Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng vụ việc chỉ được giải quyết một cách qua loa.

Sau khi sự việc xảy ra, gia đình anh Quý đã thông báo vụ việc tới Ban giám hiệu trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Tiếp nhận sự việc, Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu cô Nhung viết bản tường trình lại sự việc.

Trong bản tường trình, cô Nhung cho biết sự việc xảy ra vào buổi chiều ngày 30/10 trong tiết học Hoạt động trải nghiệm 2. Theo đó, vào tiết học trên, khi cô Nhung đang hướng dẫn cho cả lớp đóng vai và xử lý tình huống giả định thì cháu Quang không chú ý nghe cô giáo hướng dẫn mà lấy đồ chơi ra chơi đồng thời chọc phá, nói chuyện khiến các bạn khác không tập trung học tập.

Trước sự viêc đó, cô Nhung tường trình có đứng trên bục giảng nhắc nhở nhưng cháu Quang không để ý buộc cô Nhung phải xuống tận bàn để nhắc nhở cháu. “Tuy vậy, được một lúc, cháu lại tiếp tục loay hoay nghịch phá nên tôi lại đến tận bàn và yêu cầu cháu Quang phải đứng dậy tại chỗ”, tường trình của cô Nhung nêu.

Tiếp đó, khi cô Nhung quay lên bục giảng thì tiếp tục nhận được phản ánh của học sinh về việc bị cháu Quang trêu chọc dẫn đến không học bài được. Bản tường trình thể hiện: “Sau nhiều lần nhắc nhở mà cháu không nghe, tôi yêu cầu cháu đưa tay ra và định dùng thước đang dạy khẽ nhẹ vào lòng bàn tay cháu để răn đe. Theo phản xạ, cháu khoanh 2 tay lại rồi hất cây thước ra nên cây thước đã đụng vào cánh tay trái của cháu”.

Chiều ngày 20/11, trao đổi với PV, đại diện Phòng GD&ĐT TP. Huế cho biết đơn vị này có nắm được thông tin về vụ việc và đã chỉ đạo nhà trường họp bàn và đưa ra hình thức xử lý kỷ luật với cô giáo Ngô Ngọc Mỹ Nhung.

Liên quan đến vụ việc, được biết, phía trường Tiểu học Trần Quốc Toản đã họp và quyết định đưa ra hình thức kỷ luật “Khiển trách” đối với cô giáo Ngô Ngọc Mỹ Nhung. Quyết định do ông Dương Quang Nam, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản ký vào ngày 2/11. (giaoducthoidai.vn 23/11)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Thiếu “sân chơi”, đầu bếp Huế khó có cơ hội phát triển

Huế đang trong quá trình xây dựng thương hiệu “Kinh đô ẩm thực”, nhưng lại thiếu các cuộc thi, sân chơi, diễn dàn, nơi để các đầu bếp học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề và quan trọng hơn có thể nâng tầm tên tuổi trong “giới” đầu bếp Việt và thế giới.

Hiếm có cơ hội thể hiện tài năng

Đã hơn 10 năm, Huế không còn tổ chức cuộc thi nào về ẩm thực, cũng hiếm khi có tổ chức những diễn đàn, điểm hẹn để giới đầu bếp gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Đầu bếp ở Huế lâu nay thường chỉ đứng sau cánh cửa nhà bếp khách sạn, nhà hàng, nấu những món ăn phục vụ khách mà chưa có cơ hội đứng trên những sân khấu để trình diễn bộ môn “nghệ thuật” nấu ăn như ở những đồng nghiệp ở nhiều địa phương khác.

Đầu bếp Nguyễn Tuấn Anh (Khách sạn Imperial Huế) cho biết, nhiều người bạn của anh ở các tỉnh, thành có thế mạnh về du lịch thường xuyên tham dự các cuộc thi, các sự lớn, có người tham dự các cuộc thi do các đài truyền hình tổ chức, thỉnh thoảng được mời hướng dẫn nấu ăn trên truyền hình… Do đó, bạn của anh có rất nhiều cơ hội để thể hiện tài năng của mình. Ở Huế có rất nhiều đầu bếp, bếp trưởng giỏi ở các khách sạn, nhà hàng, được những người trong giới đánh giá, song cơ hội để đầu bếp Huế “vươn ra biển lớn” thật sự hiếm hoi.

Không chỉ thiếu các cuộc thi, những diễn đàn, những buổi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, truyền và giữ lửa đam mê, giúp các đầu bếp trẻ học hỏi những “bí kíp” từ các thế hệ đầu bếp đi trước, những nghệ nhân ít ỏi còn lại về món ăn cung đình. Một đầu bếp trẻ cho biết, dù được học ở trường và đã tích lũy kinh nghiệm trong 10 năm làm bếp, nhưng để khẳng định nấu và trang trí một bữa ăn cung đình đạt chuẩn là điều chưa thể làm được.

Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019, trong khuôn khổ lễ hội ẩm thực diễn ra buổi giao lưu giữa các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, đầu bếp, trong đó có sự tham gia những nghệ nhân rất nổi tiếng, như Mai Thị Trà, Hồ Đắc Thiếu Anh, Tôn Nữ Thị Hà… Tại cuộc giao lưu, những nghệ nhân này cũng tự tay chế biến, trình diễn những món ăn cầu kỳ, công phu mà không dễ để các đầu bếp trẻ có dịp học hỏi trước đó.

Theo ông Lê Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, không thể phủ nhận, nhờ những cuộc giao lưu như thế, những đầu bếp trẻ học hỏi thêm rất nhiều kinh nghiệm. Nhưng sau buổi giao lưu đó đến nay đã gần 2 năm, chưa có thêm một lần gặp gỡ như thế.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh cho biết, đã có văn bản quyết định thành lập Hội Đầu bếp trực thuộc Hội Lưu trú, nhưng vì lý do chủ quan và khách quan mà đến nay vẫn chưa có chủ tịch hội. Vì vậy, chưa có sự liên kết, hỗ trợ đầu bếp trong hoạt động nghề nghiệp, nhằm nâng tầm thương hiệu đầu bếp ở Huế.

Thành tố quan trọng của “Kinh đô ẩm thực”

Trước đây, tôi từng viết bài về món cơm muối nổi tiếng của xứ Huế, nhưng phải “đỏ mắt” để tìm được người am hiểu và từng tham gia nấu một mâm cơm muối. Nếu không được gìn giữ, truyền dạy và phát huy, những món ăn đặc trưng cũng sẽ hao mòn với độ tuổi và số lượng các nghệ nhân còn lại ở Huế.

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, thời điểm cách đây 10 - 15 năm, giới đầu bếp ở Huế rất được nhiều nơi biết đến. Nhiều đầu bếp được các khách sạn trong nước săn đón đến làm việc. Thời điểm đó, Huế định kỳ hàng năm tổ chức các cuộc thi nâng cao chất lượng tay nghề. Sau đó, các đầu bếp có cơ hội thể hiện tài năng ở các cuộc thi lớn hơn mang tầm quốc gia, quốc tế. Nhưng từ khi Sở Du lịch sáp nhập thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (năm 2008) và sau này tách lại thành Sở Du lịch (năm 2016) đến nay chưa thể tổ chức một cuộc thi nào về ẩm thực. Đó có thể là lý do khiến lĩnh vực đầu bếp ở Huế bị chìm xuống và “lép vế” so với các địa phương khác như hiện nay.

Theo ông Sanh, tổ chức một cuộc thi về ẩm thực là rất cần thiết, nhưng với nguồn lực hiện có, không dễ để tổ chức một cuộc thi về nấu ăn có quy mô. Do đó, khả năng khi xây dựng thương hiệu “Kinh đô ẩm thực”, thì việc tổ chức sẽ thuận lợi hơn.

Ở chiều ngược lại, yếu tố cũng cần được mổ xẻ, nhìn nhận lại từ phía doanh nghiệp, những đơn vị đang quản lý, sử dụng các đầu bếp. Đó là việc doanh nghiệp không muốn để đầu bếp của doanh nghiệp đi thi. Nguyên nhân không chỉ dừng lại ở kinh phí tham dự, nguyên vật liệu tốn kém mà khi đi thi sẽ giúp đầu bếp nâng chuẩn chất lượng nghề. Theo quy định, đối với các thí sinh được đạt giải phải được nâng mức lương, thậm chí khi đã nổi tiếng còn dễ bị thu hút, mất đầu bếp giỏi từ các khách sạn khác.

Dù lý do gì đi chăng nữa, Huế cũng đang nỗ lực  xây dựng “Kinh đô ẩm thực”. Thế nên, chế biến món ăn cần được nâng lên thành bộ môn “nghệ thuật”, và đầu bếp là những nghệ sĩ. Hơn thế, đội ngũ đầu bếp, các nghệ nhân giỏi, nổi tiếng là một yếu tố quan trọng để giúp Huế xây dựng, khẳng định là “Kinh đô ẩm thực” và phát huy thương hiệu đó. Vì vậy, nếu phân tích hai khía cạnh có đội ngũ đầu bếp mạnh trước, hay khi thành “Kinh đô ẩm thực” mới bắt đầu xây dựng đội ngũ đầu bếp, thì thiết nghĩ phải xây dựng đội ngũ đầu bếp trước, đó là “bột” rồi mới giúp Huế “gột nên hồ”. (baothuathienhue.vn 24/11)

 
 
 

2.  Cục thuế tỉnh Thừa Thiên Huế: 11 tháng đầu năm thu ngân sách 7.004,4 tỷ đồng

Ngày 23/11, ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã có buổi làm việc với Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình thu ngân sách 11 tháng đầu năm và triển khai biện pháp quản lý thuế tháng cuối năm 2020.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hà Văn Khoa – Cục trưởng Cục Thuế Thừa Thiên Huế cho biết: Kết quả thu đến 20/11/2020 trên địa bàn là 7.004,4 tỷ đồng, bằng 98,9% so với dự toán, bằng 98% so với thực hiện cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Thu nội địa trừ tiền sử dụng đất, xổ số, cổ tức và LNCL là 5.078,6 tỷ đồng, bằng 81,9% so với dự toán, bằng 89,8% so với cùng kỳ năm 2019.

 Trên cơ sở diễn biến thu 11 tháng Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá khả năng thu nội địa năm 2020 ước thu 7.462 tỷ đồng, đạt 105,4% so với dự toán, bằng 94,3% so với thực hiện năm 2019.

 Trong đó: Thu nội địa không kể tiền SDĐ, xổ số, cổ tức và LNCL ước thu 5.489 tỷ đồng, bằng 88,5% so với dự toán, bằng 87,9% so thực hiện năm 2019.

 Cục thuế tỉnh Thừa Thiên Huế: 11 tháng đầu năm thu ngân sách 7.004,4 tỷ đồng

 Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Hà Văn Khoa cho biết năm 2020 triển khai nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng gặp rất nhiều khó khăn do bùng phát dịch bệnh Covid-19 từ ngày 23/01 và đầu tháng 7/2020 dịch Covid-19 tái bùng phát và bão lụt xảy ra liên tục từ tháng 9/2020 đã ảnh hưởng hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế, một số ngành nghề do dịch bệnh đã phải ngừng nghĩ, hoạt động cầm chừng, một số ngành nghề kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thực hiện nhiệm vụ thu trên địa bàn.  

 Trước tình hình đó, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế đã bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người nộp thuế về các chính sách gia hạn, giãn, giảm về thuế và tiền thuê đất của Chính phủ; đồng thời tăng cường công tác quản lý, khai thác nguồn thu, chống nợ đọng và thất thu ngân sách, quyết tâm phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu NSNN của năm 2020 ở mức cao nhất.

 Ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng biểu dương kết quả thu trong 11 tháng đầu năm 2020 của Cục Thuế Thừa thiên Huế đã đạt 98,9%, cao hơn so với trung bình trung của cả nước, công tác quản lý thuế của Cục Thuế Thừa Thiên Huế đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ, Tổng cục Thuế cũng như Tỉnh ủy, UBND.

 Tuy nhiên, Tổng cục trưởng cũng lưu ý Cục Thuế Thừa Thiên Huế cần rà soát doanh nghiệp trên địa bàn để đảm bảo thực hiện tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế mới. Tổng cục trưởng đề nghị Cục Thuế tiếp tục tập trung nguồn lực, khắc phục ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 để thực hiện tốt công tác quản lý thuế, công tác quản lý nợ thuế, thanh tra kiểm tra, tiên phong trong áp dụng điện tử trong quản lý thuế, tăng cường quản lý thuế với Hộ kinh doanh, làm tốt công tác UNT thuế, đẩy mạnh quản lý thuế bằng biện pháp điện tử để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (Trao đổi điện tử, chữ ký điện tử...) trong điều kiện tinh giảm biên chế, giảm đầu mối lãnh đạo Chi cục nhưng vẫn phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NNT trong việc thực hiện thủ tục hành chính thuế, phấn đấu từ nay đến cuối năm hoàn thành vượt kế hoạch thu NSNN năm 2020. (doanhnhanvn.vn 24/11)

 
 
 

3.  Nông thôn mới nâng cao trong tầm tay Quảng Phước

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã Quảng Phước (Quảng Điền) đạt trên 30,5 triệu đồng/năm; hộ nghèo chỉ còn khoảng 4%; kết cấu hạ tầng cơ bản hoàn thiện... là cơ sở xây dựng hoàn thành nông thôn mới nâng cao (NTMNC) trước năm 2025.

Hướng đến hạ tầng hiện đại

Từ khi chính quyền địa phương tổ chức các cuộc họp dân, tuyên truyền, ông Trần Văn Sơn ở xã Quảng Phước hiểu rõ về chủ trương, mục tiêu xây dựng NTMNC. Đó là phải giữ vững thành quả và nâng cao chất lượng NTM, thu nhập và đời sống người dân vươn tầm cao mới.

Sau những ngày đón nhận bằng đạt chuẩn NTM, ông Sơn cùng với người dân địa phương tiếp tục trồng cây xanh hai bên trường, trong khu dân cư, trồng cây ăn quả trong vườn nhà, trồng chè tàu và các loại cây xanh phù hợp làm bờ tường rào quanh nhà; ra quân vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, vớt bèo, rác trên các sông, đầm phá.

Bà Nguyễn Thị Quyệt, Phó Bí thư Chi bộ thôn Hà Đồ - Phước Lập cho biết, từ khi triển khai chủ trương xây dựng NTMNC, người dân được thôn, xã định hướng, vận động xây dựng nhà ở phù hợp với quy hoạch chung, đồng bộ, kết hợp phòng chống bão, lũ. Các công trình trên đất như bờ tường, cổng nhà… sẽ hạn chế tối đa xây dựng bằng bê tông, thay vào đó là các vật liệu phù hợp, cây xanh tạo cảnh quan môi trường, xanh-sạch-đẹp.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phước, bà Phan Thị Châu thông tin, trên cơ sở nền tảng, phát huy thành quả NTM, xã Quảng Phước xây dựng NTMNC theo hướng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại. Các tuyến đường không chỉ bê tông, thảm nhựa mà còn được nâng cấp, mở rộng, đảm bảo ô tô giao thông hai chiều.

Nâng cao thu nhập

Bà Phạm Thị Hằng ở thôn Thủ Lễ nhận thức, muốn xây dựng NTMNC, người dân phải xóa bỏ tập quán sản xuất truyền thống lạc hậu, chuyển sang đầu tư các mô hình kinh tế mới, có giá trị kinh tế cao hơn.

Bà Hằng đã mạnh dạn tham gia trồng lúa cánh đồng mẫu lớn, gieo cấy các giống chất lượng cao. Các vụ gần đây, bình quân mỗi ha lúa cánh đồng mẫu không chỉ đạt năng suất cao trên dưới 70 tạ mà còn nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho bà Hằng và các hộ dân.

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phước, ông Hồ Đăng Minh chia sẻ, trong định hướng xây dựng xã NTMNC, xã từng bước chuyển sang trồng lúa cánh đồng mẫu lớn theo chuỗi giá trị (từ liên kết sản xuất, tiêu thụ đến chế biến sản phẩm chất lượng cao). Những cánh đồng lúa kém hiệu quả, nhiễm mặn sẽ chuyển sang nuôi trồng thủy sản, hoặc trồng cây phù hợp.

Nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường vùng đầm phá. Ngoài mô hình nuôi tôm sú, xã khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển sang mô hình nuôi xen ghép (tôm-cua-cá), bình quân mỗi ha thu nhập 150-200 triệu đồng. Xã tranh thủ các nguồn lực, chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, đảm bảo cho nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng đầm phá.

Ông Hồ Đăng Minh cho hay, Quảng Phước cần sự hỗ trợ, đầu tư nguồn lực kinh phí kịp thời để xây dựng kết cấu hạ tầng, mô hình sản xuất, kinh doanh. Theo quy định tiêu chí vườn mẫu, mỗi vườn có diện tích tối thiểu 500m2; nhưng do điều kiện địa hình, sản xuất tại xã Quảng Phước chủ yếu trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh dịch vụ… nên số mô hình kinh tế vườn rất thấp, không có quỹ đất để thực hiện, mở rộng vườn kiểu mẫu theo quy định theo tiêu chí NTMNC. Cần có cơ chế đặc thù về mô hình kinh tế vườn kiểu mẫu đối với Quảng Phước (không xây dựng vườn kiểu mẫu). (baothuathienhue.vn 23/11)

 
 
 

4.  Sản xuất “xanh”, doanh nghiệp rộng đường xuất khẩu

Để hạn chế khai thác cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và lượng chất thải phát sinh lớn, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra hàng loạt rào cản thương mại nhằm thực hiện nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, có nhiều nước hiện đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Điều này đã buộc doanh nghiệp Việt phải “chuyển mình” để thích ứng và duy trì thị phần xuất khẩu.

Tăng thị phần xuất khẩu, phải sản xuất xanh

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong 3 năm qua, hội đã gấp rút triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp thành viên. Theo đó, các doanh nghiệp phải giảm chất thải phát sinh, thay đổi thói quen và công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo…

Vitas đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững”. Dự án này thúc đẩy cải thiện chất lượng nguồn nước và sử dụng năng lượng bền vững. Đồng thời, hỗ trợ được nhiều hơn cho các khu công nghiệp trong việc tiếp cận gói “tín dụng xanh” để đầu tư khu công nghiệp dành riêng cho ngành dệt may.

Trước đó, hiệp hội ngành gỗ cũng đã ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ theo hướng phát triển bền vững, kiên quyết không sử dụng nguồn gỗ bất hợp pháp; đồng thời chính thức cho ra mắt Quỹ “Việt Nam xanh”.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) chia sẻ, trung bình kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 12,5 tỷ USD/năm. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Các thị trường này đều có quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc gỗ, tính hợp pháp của gỗ. Người tiêu dùng tại các thị trường này không chấp nhận các sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, đặc biệt là các loài gỗ nhiệt đới, gỗ quý. Đây cũng là cách mà các nước này tuân thủ những quy định liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn. Do vậy, để duy trì được thị phần xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu gỗ là khai thác từ rừng trồng.

Ở góc độ khác, việc cam kết xanh cũng nhằm thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã ký liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm Công ước về Buôn bán quốc tế đối với các loài nguy cấp (CITES) và Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT.

Liên quan đến lĩnh vực này, bà Hoàng Thị Thanh Nga thuộc WWF cho rằng, đây chỉ là hai trong số các ngành sản xuất của Việt Nam phải tuân thủ cam kết bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội nhằm hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, không phát sinh chất thải, không gây ô nhiễm môi trường.

Cũng theo bà Nga, không chỉ riêng những cam kết môi trường mà Việt Nam đã ký kết, trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… ngoài những cam kết về đầu tư, thương mại hàng hóa, dịch vụ, thì môi trường hay phát triển bền vững là những nội dung không thể thiếu.

Liên minh xanh chi phối chuỗi cung ứng toàn cầu

Ở góc độ khác, theo kết quả điều tra của Bộ TN-MT, kinh tế phát triển trong những năm qua đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện có đến 80% lượng nước ngọt của hệ thống sông kênh rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tại những con sông vốn là nguồn cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người dân như sông Hồng, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Hương… nhiều chất thải đã vượt ngưỡng cho phép. Lượng chất thải rắn cũng không ngừng gia tăng trong khi công nghệ xử lý còn lạc hậu. Trung bình mỗi năm môi trường Việt Nam tiếp nhận khoảng 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt, lượng rác thải tăng 10% - 15%/năm. Tại khu vực siêu đô thị như TPHCM, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt và tỷ lệ tăng hàng năm là 12%.

Việt Nam hiện nằm trong tốp 10 nước có lượng rác thải nhựa ra môi trường lớn nhất thế giới. Việc áp dụng kinh tế tuần hoàn không những giảm chất thải phát sinh mà còn giúp chuyển đổi rác thải thành nguồn nguyên liệu sản xuất, chấm dứt tình trạng đưa rác thải ra môi trường. Và để làm được việc này không chỉ dựa vào cơ quan chức năng trong việc tăng hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải phát sinh nói chung mà ngay từ khâu sản xuất của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân cần áp dụng biện pháp kinh tế tuần hoàn.

“Về phía Chính phủ, cần tạo điều kiện và thiết lập các quy chuẩn để thúc đẩy hợp tác. Lộ trình hệ thống quản lý rác thải nhựa nói riêng, chất thải nói chung cần có khuôn khổ cụ thể và quy trình rõ ràng. Các cơ quan quản lý cần chủ động giải quyết vấn đề trong xuyên suốt chuỗi giá trị, từ việc sửa đổi cấu trúc thuế đến đưa ra các đặc quyền thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh tái chế và quản lý rác thải. Cần áp dụng công nghệ để quản lý tài nguyên nhằm đạt hiệu quả tối đa và giảm thiểu lãng phí nguyên liệu. Ngoài ra, có thể đưa ra các đặc quyền về thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường hoặc tái chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, nhấn mạnh.

Kinh tế tuần hoàn (tiếng Anh: circular economy) là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thống tuần hoàn áp dụng quy trình tái sử dụng (Reuse) thông qua chia sẻ (Sharing), sửa chữa (Repair), tân trang (Refurbishment), tái sản xuất (Remanufacturing) và tái chế (Recycling) nhằm tạo ra các vòng lặp kín (close-loops) cho tài nguyên, nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải. (baothuathienhue.vn 23/11)

 
 
 

5.  Cần 350 tỷ đồng xây kè chống sạt lở bờ sông

Các đợt lũ liên tiếp với cường suất lớn, đỉnh lũ cao trong tháng 10/2020 làm tình trạng sạt lở bờ các con sông Hương, sông Bồ diễn tiến phức tạp.

Chỉ gia cố tạm thời

Ông Ngô Huệ ở thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) nan giải, mùa lũ năm nào bờ sông cũng bị sạt lở, ngày càng tiến sát vào tuyến đường dân sinh, khu dân cư. Nặng nhất là các đợt bão, lũ vừa qua gây sạt lở đoạn qua thôn Hạ Lang với chiều dài hơn 200m, sâu 30 mét, bờ sông chỉ còn còn cách đường liên thôn 1-2m. Một thời, bờ sông cách khu dân cư đến gần 100m.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, ông Phạm Văn Lợi lo lắng khi bờ sông Bồ dọc thôn Hạ Lang bị sạt lở ăn sâu gần sát tuyến đường thôn. Nếu bờ sông tiếp tục sạt lở, nguy cơ cuốn trôi tuyến đường ven sông, đe dọa khu dân cư.

Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Quảng Điền, ông Ngô Văn Dinh thông tin, các đợt lũ kéo dài từ ngày 6/10 đến nay làm sạt lở bờ sông Bồ, qua địa bàn huyện Quảng Điền với chiều dài 2,5km, tập trung chủ yếu ở xã Quảng Phú. Kè sông Bồ tuyến qua thôn Phú Lương B, xã Quảng An bị sạt lở nặng. Tuyến đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ, đoạn qua xã Quảng Phú dù được xây dựng kiên cố nhưng vẫn bị sạt lở mái tại nhiều vị trí với chiều dài khoảng 300m.

Bão, lũ lớn còn làm bờ sông Bồ, đoạn qua thôn Bồ Điền, xã Phong An (Phong Điền) bị sạt lở dài 150m, sâu 5m. Xã Phong An phải di dời khẩn cấp 2 hộ, 9 nhân khẩu tránh lũ. Huyện Phong Điền huy động hàng trăm người dân, lực lượng xung kích và vật tư, rọ đá, vải lọc xử khẩn cấp, gia cố nhằm hạn chế sạt lở bờ sông.

Ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An cho rằng, với cường độ lũ lớn như vừa rồi khó tránh khỏi tình trạng sạt lở bờ sông Bồ, dù trước lũ đã huy động Nhân dân gia cố chống sạt lở. Mưa lũ khiến bờ sông Bồ qua địa bàn xã bị sạt lở chiều dài 500m, sâu gần 20m, ảnh hưởng trực tiếp đến 32 hộ dân với 143 nhân khẩu. Đoạn bờ sông Bồ qua thôn Phò Ninh cũng có nguy cơ sạt lở.

Các đợt bão lũ vừa qua cũng làm bờ sông Hương, đoạn qua xã Hương Thọ (TX. Hương Trà) bị sạt lở với chiều dài khoảng 100m, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Cần xử lý khẩn cấp

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Trần Quốc Thắng đánh giá, đợt mưa lũ đặc biệt lớn từ ngày 6/10 đến 15/11 gây ngập sâu trên diện rộng, thiệt hại lớn đến tài sản của Nhân dân và các công trình hạ tầng. Ngoài hệ thống đê bao, công trình thủy lợi, bờ sông Bồ, sông Diên Hồng bị sạt lở nặng cần phải xử lý khẩn cấp, đảm bảo đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Qua kiểm tra, khảo sát bước đầu, bờ sông Bồ, đoạn đi qua thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú bị sạt lở dài khoảng 200m, ước kinh phí xử lý, khắc phục khẩn cấp khoảng 3 tỷ đồng. Bờ hữu sông Diên Hồng, đoạn từ cầu Văn Thánh đến cống Hà Đồ, thị trấn Sịa dài khoảng 250m bị sạt lở, hư hỏng, ước kinh phí xử lý, khắc phục 2 tỷ đồng.

“Trong điều kiện kinh phí của huyện còn rất hạn chế, gặp khó khăn trong huy động nguồn lực, đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy lợi tỉnh quan tâm xem xét, sớm hỗ trợ kinh phí xử lý khẩn cấp, kịp thời các đoạn bờ sông sạt lở”, ông Thắng đề nghị.

Trước mắt, các địa phương đã bố trí rào chắn, tiêu vè, biển báo tại các điểm sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông qua các khu vực sạt lở. Đồng thời, thống kê số hộ nằm trong vùng ảnh hưởng, nguy hiểm do sạt lở, có kế hoạch sơ tán, di dời trong mùa bão, lũ.

Ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An cho rằng, gia cố bằng bao tải cát, rọ đá chỉ là giải pháp khắc phục tạm thời trong mùa lũ năm nay. Về lâu dài, xã kiến nghị huyện, tỉnh, Trung ương hỗ trợ kinh phí xây kè kiên cố chống sạt lở bờ sông qua địa bàn thôn Bồ Điền và Phò Ninh.

Theo khảo sát bước đầu của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, hiện có khoảng 10 điểm bờ sông sạt lở nặng, ảnh hưởng trực tiếp, đe dọa tính mạng, đời sống củ Nhân dân, cần được xây kè kiên cố. Tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí, sớm đầu tư xử lý, xây kè kiên cố chống sạt lở bờ sông nhằm đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống của Nhân dân.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, toàn tỉnh có khoảng 25km bờ sông bị sạt, gồm bờ sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu cần xây dựng kè khẩn cấp với kinh phí trên 350 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã phê duyệt, triển khai một số dự án (DA) chống sạt lở bờ sông, như DA kiên cố bờ sông Bồ, đoạn qua các xã Phong An, Phong Sơn (Phong Điền); các phường Hương Vân, Tứ Hạ, Hương Xuân, xã Hương Toàn (TX. Hương Trà); DA chống sạt lở bờ sông Hương, đoạn qua phường Hương Hồ, xã Hương Thọ (TX. Hương Trà) và xã Thủy Bằng (TX. Hương Thủy). (baothuathienhue.vn 24/11)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.640.586
Truy cập hiện tại 492