Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 17/09/2020
Ngày cập nhật 17/09/2020
TIN NÓNG
 

1.  Công trình cao tầng ở Huế 2 lần bị xử phạt vẫn ngang nhiên xây dựng không phép

Nhận thấy việc tổ chức thi công công trình vi phạm đã hơn 5 tháng nhưng chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép sửa chữa, cải tạo của cơ quan có thẩm quyền nên Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị UBND TP Huế tiếp tục kiểm tra, rà soát, xử lý công trình xây dựng vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Sáng 16/9, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Thanh tra Sở vừa ban hành văn bản gửi UBND TP Huế về việc kiểm tra, xử lý công trình thi công tại số 15 Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ có nhiều vi phạm về xây dựng.

Theo Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện quyết định số 76/2018/QĐ-UBND ngày 29/12/2018 về việc ban hành quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 27/3/2020, Thanh tra Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND phường Vỹ Dạ tiến hành kiểm tra công trình sửa chữa, cải tạo tại số 15 Phạm Văn Đồng (phường Vỹ Dạ, TP Huế) do ông Trương Đình Đạt làm chủ đầu tư.

Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện công trình của ông Đạt theo hiện trạng cũ đã có sẵn trước đây gồm 1 tầng hầm, 5 tầng nổi và phần tum thang sân thượng. Dù không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn cho đơn vị thi công sửa chữa, cải tạo thêm tầng 6, tầng 7 với diện tích mỗi tầng 82,5 m2 và phần tum thang sân thượng thuộc tầng 7.

Với những vi phạm trên, ngày 3/4/2020, UBND TP Huế đã ban hành quyết định số 1784/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính số tiền 25 triệu đồng đối với ông Trương Đình Đạt do xây dựng cải tạo thêm tầng 6 không có giấy phép xây dựng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc dừng thi công xây dựng công trình vi phạm, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính phải lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng.

Tiếp đó, ngày 4/5/2020, UBND TP Huế ban hành thêm quyết định số 2239/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính số tiền 37,5 triệu đồng đối với chủ đầu tư công trình trên do xây dựng cải tạo thêm tầng 7 và tum thang sân thượng tầng 7 không có giấy phép xây dựng; áp dụng tình tiết tăng nặng vì tiếp tục thực hiện hành vi phạm. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công xây dựng công trình vi phạm, lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng.

Tuy nhiên, đến ngày 10/9, qua kiểm tra Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện chủ đầu tư công trình vẫn tiếp tục triển khai thi công xây dựng phần vi phạm nói trên.

Nhận thấy việc tổ chức thi công công trình vi phạm đã hơn 5 tháng nhưng chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép sửa chữa, cải tạo của cơ quan có thẩm quyền; Đội quản lý đô thị và UBND phường Vỹ Dạ chưa có biện pháp ngăn chặn theo quy định của UBND TP Huế. Vì thế, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đã  đề nghị UBND TP Huế tiếp tục kiểm tra, rà soát, đối chiếu lại quy hoạch và xử lý công trình xây dựng vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Đến sáng 16/9, công trình xây dựng này vẫn đang được tiếp tục thi công bất chấp các vi phạm về xây dựng. (cand.com.vn 16/9)

 
 
 

2.  Giảm thiểu rủi ro lên xuống xe thang máy bay

Ngày 16-9, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro hành khách tự ngã trong quá trình lên, xuống xe thang máy bay.

Theo đó, ACV yêu cầu các đơn vị cảng phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật xe thang đúng tiêu chuẩn an toàn, sàn xe thang khô ráo, sạch sẽ trước khi phục vụ, tuân thủ quy định về khoảng cách tiếp cận giữa xe thang và máy bay. Trong quá trình hành khách lên xuống máy bay bằng xe thang, tiếp viên và nhân viên phục vụ mặt đất phải có mặt để quan sát, phối hợp hỗ trợ cho đến khi không còn hành khách trên xe thang...

Trước đó, trên chuyến bay VN1379 tối 15-6 từ Thừa Thiên - Huế về TPHCM, 1 nữ hành khách đã ngã và tử vong khi xuống máy bay. Hồi giữa tháng 8, một hành khách khác cũng bị ngã và bị thương nhẹ khi xuống xe thang tại sân bay Thọ Xuân. (sggp.org.vn 17/9)

 
 
 

3.  Hai lần bị xử phạt, khách sạn cao tầng tại Huế ‘trồi’ thêm công trình không phép

Sau hai lần bị phạt tiền, buộc dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng, tại khách sạn Hạnh Đạt (TP Huế) tiếp tục tái phạm thi công không phép.

Đến chiều 16/9, công trình xây dựng trái phép tại khách sạn Hạnh Đạt (số 15 đường Phạm Văn Đồng, TP Huế) vẫn tiếp diễn thi công bất chấp các văn bản buộc ngưng thi công trước đó của chính quyền thành phố.

Theo nguồn thông tin của PV, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh TT-Huế vừa ban hành văn bản gửi UBND TP Huế về việc kiểm tra, xử lý công trình thi công tại số 15 Phạm Văn Đồng, phường Vĩ Dạ có nhiều vi phạm về xây dựng.

Hai lần bị xử phạt, khách sạn cao tầng tại Huế ‘trồi’ thêm công trình không phép - ảnh 1 Khách sạn Hạnh Đạt là công trình nằm trong khu vực bị khống chế về chiều cao do liên quan đến cầu đường bộ Vĩ Dạ, thuộc tuyến Quốc lộ 49. Nhưng quy định khống chế chiều cao này hiện bị phớt lờ.

Trước đó, vào ngày 27/3/2020, Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với UBND phường Vĩ Dạ tiến hành kiểm tra công trình sửa chữa, cải tạo tại số 15 Phạm Văn Đồng (phường Vĩ Dạ, TP Huế) do ông Trương Đình Đạt làm chủ đầu tư.

Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện công trình của ông Đạt theo hiện trạng cũ đã có sẵn trước đây gồm 1 tầng hầm, 5 tầng nổi và phần tum thang sân thượng. Dù không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, nhưng chủ đầu tư vẫn thuê đơn vị thi công sửa chữa, cải tạo thêm tầng 6, tầng 7 với diện tích mỗi tầng 82,5 m2 và phần tum thang sân thượng thuộc tầng 7.

Hai lần bị xử phạt, khách sạn cao tầng tại Huế ‘trồi’ thêm công trình không phép - ảnh 2 Dù hai lần bị xử phạt, nhưng chủ đầu tư khách sạn Hạnh Đạt tỏ ra "nhờn thuốc".

Với những vi phạm trên, ngày 3/4/2020, UBND TP Huế đã xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng đối với ông Trương Đình Đạt; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc dừng thi công tại công trình vi phạm. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, chủ công trình phải lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng.

Tiếp đó, ngày 4/5/2020, UBND TP Huế ban hành thêm quyết định số 2239/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính số tiền 37,5 triệu đồng đối với chủ đầu tư công trình trên do xây dựng cải tạo thêm tầng 7 và tum thang sân thượng tầng 7 không có giấy phép xây dựng; áp dụng tình tiết tăng nặng vì tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm. UBND TP Huế còn yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công xây dựng công trình vi phạm, lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng.

Hai lần bị xử phạt, khách sạn cao tầng tại Huế ‘trồi’ thêm công trình không phép - ảnh 3 Dư luận đặt nghi vấn, việc xây dựng công trình trái phép kéo dài gần nửa năm không được khắc phục tại khách sạn Hạnh Đạt liệu có ai chống lưng đằng sau?

Tuy nhiên, đến ngày 10/9, qua kiểm tra, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh TT-Huế phát hiện chủ đầu tư công trình vẫn tiếp tục triển khai thi công xây dựng tại phần vi phạm nói trên.

Nhận thấy việc tổ chức thi công công trình vi phạm đã hơn 5 tháng nhưng chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép sửa chữa, cải tạo của cơ quan có thẩm quyền, Đội Quản lý Đô thị TP Huế và UBND phường Vĩ Dạ chưa có biện pháp ngăn chặn theo quy định của UBND TP Huế, Thanh tra Sở Xây dựng đã đề nghị UBND TP Huế tiếp tục kiểm tra, rà soát, đối chiếu lại quy hoạch và xử lý công trình xây dựng vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Hai lần bị xử phạt, khách sạn cao tầng tại Huế ‘trồi’ thêm công trình không phép - ảnh 4 Hoạt động thi công diễn ra bình thường như không hề có vi phạm gì vào chiều 16/9, trước sự ngó lơ của chính quyền phường Vĩ Dạ và lực lượng chức năng TP Huế.

Được biết, khách sạn Hạnh Đạt là công trình nằm trong khu vực bị khống chế về chiều cao do liên quan đến cầu đường bộ Vĩ Dạ, thuộc tuyến Quốc lộ 49. Hiện, quy định khống chế về chiều cao công trình cạnh cầu đường bộ thuộc tuyến đường quốc gia này đang bị phớt lờ. (tienphong.vn 16/9)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Thừa Thiên Huế: Chủ động ứng phó với bão số 5

Video (quochoitv.vn 16/9)

 
 
 

2.  Bão số 5 giật cấp 13, Thừa Thiên - Huế dự báo hứng chịu mưa rất lớn

Theo dự báo, tỉnh Thừa Thiên - Huế là địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bão số 5, trong đó sẽ hứng chịu đợt mưa rất lớn.

Chiều 16.9. đoàn công tác của Tổng cục Phòng chống thiên tai đã có buổi làm việc nhanh với tỉnh Thừa Thiên - Huế để cập nhật tình hình phòng chống, ứng phó bão số 5 (bão Noul) tại địa phương này.

Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết dự báo bão số 5 giật cấp 13 sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng vào ngày 18.9.

Theo dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 5, từ chiều ngày 17.9 đến ngày 19.9 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi rất mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 150 - 300 mm, có nơi trên 400 mm.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển sử dụng phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn, liên lạc đài trực canh để thông báo cho 176 phương tiện/1.350 lao động đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, gió mạnh để chủ động cập bờ phòng tránh.

Đối với mực nước các hồ thủy điện lúc 7 giờ ngày 16.9, hiện mực nước các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp và đảm bảo an toàn, sẵn sàng, chuẩn bị đón lũ.

Đại diện Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục thực hiện nghiêm công điện của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ; tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển về nơi tránh trú, ứng phó bão an toàn với bão số 5. (thanhnien.vn 16/9)

 
 
 

3.  Báo Thừa Thiên Huế đoạt giải Nhất Giải báo chí Toàn quốc về phòng chống thiên tai

Thông tin chính thức từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), tại Giải báo chí Toàn quốc về phòng chống thiên tai lần thứ nhất-2019, tác phẩm “20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học còn mãi”, nhóm tác giả Ngô Phú Giang, Hoàng Hải Triều, Phan Hoàng Thành, Lê Xuân Thọ, Lê Quang Thiều của Báo Thừa Thiên Huê đã xuất sắc giành giải Nhất, loại hình báo điện tử.

Giải báo chí Toàn quốc về PCTT do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và một số cơ quan liên quan tổ chức nhằm ghi nhận, tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp thiết thực đối với công tác thông tin tuyên truyền về PCTT. Giải lần này có 35 tác phẩm được trao giải, bao gồm 2 giải Nhất, 7 giải Nhì, 10 giải Ba, 13 giải KK,  2 tác phẩm đạt giải “Câu chuyện tác động mạnh mẽ”, “Hình ảnh ấn tượng” và 1 giải tập thể. Giải Nhất có mức tiền thưởng 40.000.000 đồng.

Trước đó, Báo Thừa Thiên Huế là một trong ba đơn vị (cùng với Báo Quân đội Nhân dân, Báo Bắc Giang) được trao giải tập thể Giải báo chí viết về ngành Giao thông vận tải lần thứ nhất, năm 2019-2020;

Một thông tin khác, tác phẩm “Dân vận nhìn từ Hương Thủy: Khó vạn lần dân liệu cũng xong” của tác giả Võ Đại Nhân đã được vào chung khảo Giải báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017- 2020. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Báo Thừa Thiên Huế có tác phẩm lọt vào vòng chung khảo giải báo chí quan trọng này. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
 

4.  Thừa Thiên – Huế: Lập tổ công tác để thu hồi hàng trăm ha đất rừng bị người dân xâm lấn

Kết quả kiểm tra, rà soát tại tiểu khu 165 và tiểu khu 168, xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) có trên 380ha đang bị người dân lấn chiếm trong thời gian dài.

Khu vực khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy thực hiện từ năm 2020, với tổng diện tích khoảng hơn 1.000ha từ nguồn vốn thuộc Dự án 661 của Chính phủ. Trong đó, bao gồm diện tích đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy và diện tích đất rừng do UBND xã Dương Hòa quản lý. Thời gian thực hiện dự án 10 năm, từ năm 2000 - 2010 và thời gian xảy ra tình trạng lấn chiếm rừng từ năm 2003 - 2013.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy, tổng diện tích đất rừng bị người dân xâm lấn hơn 380ha, thuộc tiểu khu 165 và tiểu khu 168. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 100 hộ dân đã lấn chiếm diện tích trên.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy cho biết: Diện tích khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh kết hợp rừng trồng bổ sung loại 2 gồm: Ươi, trám, trâm, sao đen, nhội… được trồng theo đám, ven khe… ở tiểu khu 168, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy.

Toàn bộ diện tích khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh trước đây nằm ở vùng sâu, vùng xa… chưa có điều kiện chăm sóc trồng rừng. Hiện một số diện tích nằm dưới lòng hồ Tả Trạch, phần còn lại đang bị người dân xã Dương Hòa lấn chiếm trồng rừng trên diện tích khoanh nuôi.

Diện tích rừng trồng Dự án 661 nằm tiếp giáp, xen kẽ với đất được xã Dương Hòa giao đất sản xuất cho các hộ gia đình. Thời gian đó, một số hộ dân đang thiếu đất sản xuất, thường xuyên phát lấn chiếm những diện tích giáp ranh đất trồng rừng của dự án thuộc diện tích băng chừa, trừ bỏ, đai xanh, đường lô… theo thiết kế rừng trước đây. Lâu ngày trở thành đất trồng khiến người dân cố tình vào lấn chiếm để trồng rừng.

Ông Nguyễn Văn Tiến thừa nhận: Trước đây, công tác quản lý bảo vệ rừng chưa chú trọng trong công tác xử lý khiến người dân lấn chiếm đất để trồng rừng. Công tác quản lý còn buông lỏng dẫn đến tình trạng lấn chiếm trong một thời gian dài.

Ông Hoàng Phước Toàn - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy cho biết: UBND thị xã Hương Thủy đã thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát việc lấn chiếm đất lâm nghiệp tại tiểu khu 165 và tiểu khu 168, xã Dương Hòa. Tổ công tác có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, đo đạc và lập biên bản hiện trường những trường hợp lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp tại các tiểu khu trên; Có trách nhiệm báo cáo tình hình và tham mưu phương án xử lý các trường hợp vi phạm cho ban chỉ đạo; Tuyên truyền cho người dân biết, khi chuẩn bị khai thác rừng phải khai báo với địa phường và có trách nhiệm trả lại rừng khi khai thác xong, chứ không được trồng mới. (baoxaydung.com.vn 16/9)

 
 
 

5.  Kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão

Ngày 16/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão an toàn.

Theo đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thông báo cho 176 phương tiện/1.350 lao động trên địa bàn đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) mạnh lên thành bão để chủ động phòng tránh.

Toàn tỉnh có 717 phương tiện tàu thuyền khai thác biển. Trong đó, có 420 tàu xa bờ, 228 tàu cỡ trung, 69 tàu cỡ nhỏ. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đã đóng mới 40 chiếc tàu khai thác thuỷ sản có công suất từ 400 CV đến dưới 1.000 CV (theo Nghị định 67) và trên 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá.

Hiện, trên địa bàn có các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão như Cảng cá Thuận An, Cảng cá Tư Hiền, Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên phục vụ neo đậu các phương tiện tàu thuyền.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới đã vào Biển Đông, mạnh lên thành bão số 5. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
 

6.  Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khen thưởng cán bộ, chiến sĩ phá thành công chuyên án lớn về ma túy

Chiều 16/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đã khen thưởng và chúc mừng chiến công của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh sau khi phá thành công chuyên án 119D, thu giữ trên 3kg ma túy tổng hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ biểu dương và đánh giá cao tinh thần dũng cảm, kiên quyết tấn công tội phạm của cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và các đơn vị có liên quan. Việc Công an tỉnh liên tục phá nhiều chuyên án liên quan đến tội phạm ma túy trong thời gian gần đây.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 3 cá nhân đạt thành tích xuất sắc và thưởng 50 triệu đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ mong muốn, thời gian tới, Công an tỉnh cần làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tội phạm ma túy, nhất là tập trung công tác phòng ngừa. Qua đó, góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự trong mọi tình huống, nhất là trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh COVID -19 của lực lượng công an toàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuẩn bị phương án để ứng phó, làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.  

Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, động viên thường xuyên, sâu sát, kịp thời của cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ và lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trong tỉnh đã giúp lực lượng Công an tỉnh. Công an tỉnh hứa tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, ra sức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. (cand.com.vn 16/9, baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
 

7.  Phó Thủ tướng: Không được chủ quan mà cần chủ động ứng phó bão số 5

Ngày 16/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương để chủ động ứng phó với diễn biến áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão (cơn bão quốc tế có tên Noul) và mưa lũ sau bão.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đêm ngày 15/9, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 5. Trong 48 đến 72  giờ tới, ngày 18 và 19/9, bão số 5 sẽ mạnh lên khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng với cấp 11 đến 12, giật cấp 13, rủi ro thiên tai cấp độ 4.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Do đây là cơn bão rất lớn, dự kiến lại đổ bộ vào đất liền cùng lúc với triều cường nên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cần cần hết sức cảnh giác, không được chủ quan. Các địa phương cần chủ động rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, nhà yếu không bảo đảm an toàn. Theo dự kiến, sẽ phải di dời khoảng 500.000 cư dân nằm trong diện rủi ro khi bão đổ bộ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Các địa phương tiếp tục phối hợp với lực lượng biên phòng và ngành thủy sản, ngành giao thông rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi, kể cả các tàu vận tải, tàu du lịch để hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn”.

Các địa phương cũng cần tổ chức hỗ trợ người dân di dời, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu: “Phải bảo vệ, gia cố đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.  Lên phương án cụ thể để bảo vệ công trình, khu du lịch, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các công trình đang thi công, khu vực khai thác khoáng sản”.

Đối với miền núi, trung du, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu hoặc đã đầy nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành Trung ương để phối hợp cùng các địa phương sẵn sàng ứng phó khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phải theo dõi, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin về diễn biến bão, mưa lũ đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ; thường xuyên cập nhật, công bố vùng nguy hiểm trên biển để hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện vận tải chủ động phòng tránh; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát phương án, chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực bão đổ bộ và an toàn giao thông.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện vận tải; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố, bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông chính.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, gia cố và triển khai các biện pháp bảo vệ, giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, thủy sản; bảo vệ hồ đập thủy lợi, đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển xung yếu.

Bộ Công Thương chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với vận hành an toàn các hồ đập thủy điện, hệ thống điện và các công trình của ngành, đặc biệt là vận hành liên hồ chứa; bảo đảm an toàn điện, nếu bị mất điện cần nhanh chóng khắc phục.

Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các công trình cao tầng.

Bộ Ngoại giao theo dõi, chủ động liên hệ với các nước trong khu vực để giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão bảo đảm an toàn, phối hợp tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó bão.

Theo VPCP (baothuathienhue.vn 17/9)

 
 
 

8.  Khi cán bộ nữ làm lãnh đạo địa phương

Thành quả mọi mặt của xã Quảng Thành (Quảng Điền) hôm nay có sự góp sức của nữ Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thị Dạ Thảo.

Năm 2014, bà Nguyễn Thị Dạ Thảo được đề bạt, giữ chức Phó Chủ tịch (PCT) UBND xã Quảng Thành, phụ trách văn hóa-xã hội và được cơ cấu vào Ban thường vụ (BTV) Đảng ủy xã.

Bà Thảo thông tin, các nhiệm kỳ trước, cấp huyện nói chung, ở Quảng Thành nói riêng, số lượng cán bộ nữ tham gia vào BTV rất ít; đặc biệt thường cơ cấu PCT UBND xã phụ trách kinh tế vào BTV, nhưng tại Quảng Thành hồi đó (năm 2014) đã ưu tiên, cơ cấu PCT UBND xã phụ trách văn hóa- xã hội vào BTV. Quảng Thành cũng là xã đầu tiên của huyện có PCT UBND xã phụ trách văn hóa-xã hội vào BTV và sớm triển khai chủ trương, chính sách ưu tiên cán bộ nữ làm lãnh đạo địa phương. Từ thời điểm này trở đi, ở xã Quảng Thành, tỷ lệ cán bộ nữ cơ cấu vào BTV cao nhất toàn huyện.

Trước đại hội Đảng bộ xã Quảng Thành nhiệm kỳ 2020-2025, bà Thảo được đề bạt giữ chức vụ Quyền Chủ tịch UBND xã và sau đại hội được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Bà Thảo tâm sự: “Mặc dù đây là niềm tự hào của bản thân, gia đình và cả lực lượng phụ nữ của địa phương, nhưng cũng nhiều áp lực với một nữ cán bộ lãnh đạo. Tôi luôn ý thức phấn đấu, nỗ lực, làm thế nào để xứng đáng vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội, cũng như chức trách, nhiệm vụ được giao. “Muốn trị quốc phải tề gia”, tôi luôn phải sắp xếp ổn thỏa việc gia đình mới có thể cáng đáng tốt công việc xã hội, đáp ứng sự kỳ vọng, mong mỏi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.

Bà Thảo chia sẻ, là cán bộ nữ lãnh đạo, lại khá trẻ nên bản thân luôn nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức cách mạng nhằm giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội, công tác chuyên môn. Với cán bộ nữ lãnh đạo, nhất là Bí thư Đảng ủy xã cũng gặp khó khăn nhất định khi đưa ra những chủ trương, chính sách liên quan nhiều đối tượng, nhiều thành phần kinh tế, xã hội...

Trong công tác tổ chức cán bộ, khi đề bạt, bố trí cán bộ nữ chức vụ cao hơn, chức vụ lãnh đạo, bà Thảo luôn nhìn nhận một cách sâu sắc, tinh tế, thấy được điểm mạnh của cán bộ nữ đó để phát huy, bố trí công việc đúng sở trường; đồng thời thấy rõ những điểm yếu để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh chỉ đạo.

Khi bão, lũ, dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, đối với cán bộ nữ tại địa phương thường ưu tiên ở cơ quan, thậm chí ở nhà, nhưng với nữ lãnh đạo thì phải xông pha. Khi nghe áp thấp nhiệt đới, bão lụt, bà Thảo gần như túc trực tại cơ quan 24/24 giờ để điều hành, chỉ đạo ứng phó. Trong hai đợt dịch COVID-19, bà Thảo trực chiến tại cơ quan, kể cả thứ 7, chủ nhật, có lúc 8-9 giờ tối mới về nhà. Tuy nhiên theo bà Thảo, cán bộ lãnh đạo là nữ luôn cần có hậu phương vững chắc, chồng con tin tưởng, ủng hộ, quan tâm tạo điều kiện.

Đặc thù ở Quảng Thành cũng như nhiều địa phương ở Quảng Điền có thế mạnh trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm, với lực lượng lao động nữ là chính. Vì vậy, trong chỉ đạo, điều hành sản xuất rau nói riêng, kinh tế - xã hội của địa phương nói chung, bà Thảo luôn triển khai lồng ghép giới, ưu tiên nữ; trong thực hiện các chương trình, dự án, tập huấn các mô hình sản xuất, kinh doanh... luôn huy động lực lượng nữ tham gia từ 50-60%. Từ đó tạo sự bình đẳng giới, tạo điều kiện phát huy vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm toàn xã Quảng Thành đạt 9,29%. So với đầu nhiệm kỳ, đến nay quy mô giá trị sản xuất tăng gấp 1,42 lần; tiểu thủ công nghiệp - xây dựng tăng gấp 1,57 lần; dịch vụ tăng gấp 1,53 lần; nông lâm ngư nghiệp tăng gấp 1,1 lần. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đến nay chỉ còn 2-3%, thu nhập bình quân đầu người gần 36 triệu đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương được đầu tư khá đồng bộ, cơ bản hoàn thiện - theo hướng hiện đại; từng bước chỉnh trang, phát triển đô thị. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
 

9.  Huế: Bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão số 5

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên-Huế yêu cầu tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi; tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão.

Chiều 16/9, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết vừa có Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban ngành trên địa bàn chủ động ứng phó với cơn bão số 5.

Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá; tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ.

Chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra kho tàng, nhà xưởng, pa nô, áp phích, hệ thống các cột ăng ten, công sở, di tích văn hóa; giằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây; cảnh báo các lều trại, khu vực nuôi trồng thủy sản trên đầm phá; đảm bảo an toàn lưới điện, thông thông tin liên lạc… Chủ động phương án chống úng bảo vệ hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản chưa thu hoạch.

“Kiểm tra phương án sơ tán dân vùng ven biển, vùng có nguy cơ nước dâng do bão, lũ quét, sạt lở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông ven suối; vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn và đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19”, Công điện nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, rà soát, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

“Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông, các hồ chứa nước; đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang thi công có phương án khơi thông dòng chảy; phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công. Bố trí biển báo, lực lượng ứng trực, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.

Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du”, Công điện yêu cầu. (baogiaothong.vn 16/9)

 
 
 

10.  Đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai

Chủ động kế hoạch và các phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, đồng thời đẩy mạnh lồng ghép tuyên truyền cho ngư dân chủ động phòng tránh, Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh) đã chuẩn bị sẵn sàng trước mùa mưa bão năm nay.

Tuyên truyền đón đầu

Một tháng trở lại đây, sự có mặt của cán bộ, chiến sĩ thuộc tổ tuần tra của Hải đội 2 ở các cảng cá, bến neo đậu tàu thuyền trở nên quen thuộc với ngư dân tại đây. Nhằm giúp bà con ngư dân có kiến thức chủ động phòng tránh thiên tai, năm nay, Hải đội 2 tập trung đẩy mạnh khâu tuyên truyền ngay từ đầu mùa mưa bão. Ngoài kết nối, vận động nâng cao nhận thức của người dân, đơn vị đã cấp phát miễn phí bản đồ theo dõi đường đi của bão và áp thấp nhiệt đới.

Theo thông tin của Hải đội 2, khi kết hợp với hệ thống thông tin liên lạc trên tàu, đơn vị có thể hỗ trợ ngư dân trên biển chủ động theo dõi tình hình thời tiết trên biển và xác định hướng di chuyển để tránh bão, áp thấp nhiệt đới, hạn chế thiệt hại khi có mưa bão xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Tấn, một chủ tàu đánh cá tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) chia sẻ, bản đồ theo dõi bão được cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 cấp phát và hướng dẫn cách sử dụng lần này là công cụ đắc lực hỗ trợ ngư dân trên biển, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần. Các anh luôn là “địa chỉ tin cậy” của ngư dân trên biển, đồng hành cùng tàu thuyền từ khâu thông tin liên lạc cho đến tìm kiếm cứu nạn.

Thiếu tá Lê Văn Hải, Hải đội trưởng Hải đội 2 cho biết, công tác tuyên truyền, vận động ngư dân  trong mùa mưa bão được đơn vị triển khai linh hoạt mọi lúc, mọi nơi từ trên thuyền cho đến tại cửa biển. Hiện đa phần các phương tiện tàu thuyền đã được trang cấp hệ thống bộ đàm liên lạc và định vị hiện đại nên việc sử dụng bản đồ theo dõi bão sẽ dễ dàng hơn và mang lại hiệu quả cao.

Sẵn sàng ứng cứu

Không chỉ chú trọng khâu tuyên truyền vận động, Hải đội 2 còn thực hiện kế hoạch tăng cường công tác huấn luyện thể lực và các phương pháp cứu đuối nước; đồng thời, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Xác định công tác cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt của đơn vị, mỗi cá nhân luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng xông pha vào những nơi nguy hiểm nhất để cứu giúp người dân. Bên cạnh đó, Hải đội 2 còn tăng cường bảo dưỡng, bảo quản phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn và lên phương án cụ thể đối với mọi loại tình huống thực tế để sẵn sàng cơ động ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ trên biển, Hải đội 2 còn phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An và chính quyền địa phương nơi địa bàn đóng quân chủ động các phương án, kế hoạch hỗ trợ các hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ vào đất liền.

“Để thực tốt công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, quan trọng nhất là vẫn là thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; trong đó, ngư dân và các tổ tàu thuyền liên kết trên biển đóng vai trò trung tâm. Trên cơ sở đó, đơn vị đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao ý thức và kiến thức về phòng, chống thiên tai cho các đối tượng trên để chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra trên biển”, Thiếu tá Lê Văn Hải đúc rút kinh nghiệm. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
 

11.  Kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão

Ngày 16/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão an toàn.

Theo đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thông báo cho 176 phương tiện/1.350 lao động trên địa bàn đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) mạnh lên thành bão để chủ động phòng tránh.

Toàn tỉnh có 717 phương tiện tàu thuyền khai thác biển. Trong đó, có 420 tàu xa bờ, 228 tàu cỡ trung, 69 tàu cỡ nhỏ. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đã đóng mới 40 chiếc tàu khai thác thuỷ sản có công suất từ 400 CV đến dưới 1.000 CV (theo Nghị định 67) và trên 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá.

Hiện, trên địa bàn có các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão như Cảng cá Thuận An, Cảng cá Tư Hiền, Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên phục vụ neo đậu các phương tiện tàu thuyền.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới đã vào Biển Đông, mạnh lên thành bão số 5. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
LAO ĐỘNG
 

1.  Thừa Thiên Huế: Hợp tác đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Chiều ngày 15/9/2020, Trung tâm dịch vụ việc làm và Trung tâm công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Ký biên bản hợp tác về đào tạo nghề cho người lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Theo lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế, sau khi ký kết, hai đơn vị sẽ tổ chức tư vấn, đào tạo, giới thiệu việc làm cho người lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở về công nghệ thông tin. Trước mắt, việc đào tạo sẽ ưu tiên các đối tượng lao động bảo hiểm thất nghiệp, nhằm giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp và sớm trở lại thị tường lao động.

 

Được biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 9.000 lao động thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và do các nguyên nhân khác.

Liên quan việc tăng cường hỗ trợ thông tin cho người lao động, tới đây, 2 đơn vị nói trên cũng sẽ phối hợp tổ chức Ngày hội tuyển sinh đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngày hội hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo người lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn Thừa Thiên Huế và các doanh nghiệp tham gia.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó xác định mục tiêu cụ thể đến hết năm 2020 là đào tạo và huy động hơn 2.000 nhân lực công nghệ thông tin làm việc tại Huế; phấn đấu đến năm 2025 đạt 10.000 lao động trong lĩnh vực này phục vụ phát triển công nghiệp phần mềm.

Kế hoạch nói trên của Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhằm xây dựng và thực hiện được giải pháp, chiến lược phối hợp đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin giữa nhà nước, cơ sở đào tạo, thị trường lao động cho tỉnh một cách hiệu quả, bền vững và lâu dài; đồng thời thu hút, kêu gọi doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cùng tham gia hợp tác, đầu tư tại tỉnh. (baodansinh.vn 16/9)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết dự thảo đề án "Phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc giai đoạn 2020 - 2025" (do Sở VH-TT xây dựng) vừa được UBND tỉnh đưa ra thảo luận với các sở, ngành, địa phương, đơn vị nghệ thuật.

Trong đó có 6 nội dung liên quan đến ca Huế: nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng; xây dựng và phát triển không gian biểu diễn; thiết lập, phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm; xây dựng các sản phẩm bổ trợ; tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá; đầu tư cơ sở hạ tầng, các giải pháp thực hiện. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, yêu cầu xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng đồng thời phải hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách và thị trường.

Ca Huế là hình thức sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân cố đô Huế, đã được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại chất lượng ca Huế phục vụ du lịch trên sông Hương vẫn còn bát nháo, chưa đảm bảo chuẩn mực. (thanhnien.vn 17/9)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Đào tạo an toàn bức xạ trong y tế và công nghiệp

Sáng 16/9, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân (ATBXHN), thuộc Cục ATBXHN tổ chức khai mạc khóa "Đào tạo ATBX trong y tế, công nghiệp" cho hơn 80 cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật phụ trách lĩnh vực ATBX trong các cơ sở y tế và tổ chức, đơn vị có hoạt động ATBXHN trên địa bàn tỉnh.

Khóa đào tạo diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 16 đến 18/9), các cán bộ quản lý, phụ trách ATBX sẽ nắm bắt được kiến thức về ATBXHN; các quy định cho phòng đặt máy, thiết kế che chắn an toàn, các thiết bị cảnh báo bức xạ; các kỹ năng trang bị bảo hộ cho nhân viên bức xạ, công tác kiểm tra, bảo duỡng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ; cách sử dụng thiết bị điều khiển hạt nhân trong công  nghiệp, thiết bị chiếu và thiết bị phân tích sử dụng nguồn bức xạ; đào tạo an toàn bức xạ trong X-quang chẩn đoán y tế. Các học viên còn được cập nhật, trao đổi các quy định pháp luật ATBXHN và một số nét chính về Nghị định 07/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nhân tạo...

Dự kiến tại khóa học này, giảng viên đặt ra những tình huống dựa trên những khó khăn, vướng mắc thực tế mà học viên gặp phải tại cơ quan, đơn vị; giúp cho các học viên nâng cao kỹ năng, phát huy tối đa kiến thức được học, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Cuối khóa đào tạo, các học viên phải tham gia đánh giá kết quả học tập và được cấp giấy chứng nhận đào tạo nếu đạt yêu cầu theo đúng quy định. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
 

2.  Sinh viên Đại học Huế học tập trung từ 21/9

Ngày 16/9, thông tin từ Đại học (ĐH) Huế cho biết đã có kế hoạch tổ chức học tập trung cho sinh viên.

Cụ thể, sinh viên các cơ sở đào tạo của ĐH Huế sẽ chính thức học tập trung từ ngày 21/9. Riêng sinh viên các trường: ĐH Sư phạm, ĐH Khoa học và ĐH Kinh tế (thuộc ĐH Huế) sẽ học tập trung từ ngày 28/9.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, trước ảnh hưởng dịch COVID-19, trong thời gian qua, để đảm bảo tiến độ năm học 2020 - 2021, hầu hết các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo thuộc ĐH Huế đã triển khai đào tạo bằng hình thức trực tuyến. Để tổ chức đào tạo tập trung trở lại, ĐH Huế cũng đã có chỉ đạo các đơn vị chủ động các phương án, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch... (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
Y TẾ
 

1.  Người từ Đà Nẵng ra Huế khai báo y tế ra sao?

Người dân từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên – Huế được lực lượng chức năng hướng dẫn khai báo y tế trực tuyến ngay tại chốt, quy trình không quá 5 phút/người.

Theo đó, tất cả công dân từ Đà Nẵng đến Huế đều được đo thân nhiệt, kiểm tra việc đăng ký thông tin cá nhân tại website tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao. Người dân không cần xét nghiệm RT-PCR cũng như phải cách ly bắt buộc

Với các trường hợp chưa khai báo qua mạng, lực lượng chức năng, tình nguyện viên sẽ hướng dẫn kê khai ngay tại chốt. Khai báo y tế qua mạng không quá phức tạp, nhưng đa số người dân chưa quen. Mỗi người mất không quá 5 phút để khai báo, hoàn thành thủ tục tại chốt kiểm soát.

Không có điện thoại di động để khai báo trực tuyến, ông Nguyễn Văn Chót (trú huyện Tiên Phước, Quảng Nam) được các tình nguyện viên hỗ trợ khai báo qua hệ thống máy tính đặt ngay tại chốt. "Nghe tin ra Huế không phải cách ly tập trung, tôi liền đưa con gái ra thành phố để thuê trọ, nhập học đại học" – ông Chót phấn khởi.

Theo ghi nhận, hầu hết các trường hợp từ vùng dịch đến Huế sáng 16-9 đều nhằm mục đích nhập học và chữa bệnh, khá ít trường hợp đến Huế để du lịch. Người dân chủ yếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân, các tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng khá vắng khách.

Trước đó,  ngày 15-9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết vừa ra thông báo nới lỏng một số biện pháp kiểm soát người từ Đà Nẵng về Huế bắt đầu từ ngày 16-9.

Theo đó, người từ Đà Nẵng về Huế phải khai báo y tế, đăng ký trước qua mạng và được sự phê duyệt của chính quyền địa phương. Kết quả khai báo này người dân tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đăng ký (nếu chưa khai báo qua mạng thì có thể khai tại chốt kiểm soát đóng ở khu vực thị trấn Lăng Cô, Huế). (nld.com.vn 16/9)

 
 
 

2.  Ảnh: Ngày đầu nới lỏng kiểm soát, người dân nườm nượp từ Đà Nẵng đổ ra Huế

Người và xe ùn ùn đổ ra Huế trong ngày đầu UBND tỉnh này thực hiện nới lỏng một số biện pháp kiểm soát người đến từ TP Đà Nẵng.

Hôm nay (16/9), ngày đầu tiên tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện nới lỏng một số biện pháp kiểm soát người từ Đà Nẵng về Huế.

Theo đó, bỏ quy định người từ Đà Nẵng ra Huế phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính, chỉ phải khai báo y tế, đăng ký trước qua mạng và được sự phê duyệt của chính quyền địa phương. Nếu chưa khai báo qua mạng thì người dân có thể khai tại chốt kiểm soát đóng tại khu vực thị trấn Lăng Cô.

Bà Lê Thị Sang (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, bà rất mừng khi biết được thông tin người từ Đà Nẵng đã được phép ra tỉnh Thừa Thiên - Huế.

“Cháu tôi từ Huế vào Đà Nẵng thăm ông bà nhưng bị mắc kẹt. Mấy hôm nay gia đình rất lo lắng vì không biết làm sao cho các cháu ra lại Huế để nhập học. Hôm nay được chính quyền cho phép nên chúng tôi đưa ra Huế đi học”, bà Sang cho biết.

Chị Nguyễn Thị Đào (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi chờ ngày này rất lâu. Tôi từ Đà Nẵng ra Huế để chữa bệnh. Dịch bệnh, ai cũng lo ngại nên tôi nghĩ việc khai báo y tế là rất cần thiết và đúng đắn”.

Anh Nguyễn Chư (trú Thanh Khê) cho biết, anh vào Đà Nẵng làm nghề sửa xe máy, đã mấy tháng không ra quê ở Quảng Điền vì ngại bị cách ly theo quy định của chính quyền địa phươg.

“Hôm nay Thừa Thiên-Huế nới lỏng kiểm soát người đến từ Đà Nẵng nên tôi cùng gia đình ra quê. Dự tính nghỉ ngơi, thăm ông bà rồi đầu tuần tới vào lại Đà Nẵng làm việc. Chính quyền Huế nới lỏng kiểm soát là kịp thời, bởi nếu theo quy định cũ, chúng tôi phải có giấy xét nghiệm âm tính thì rất khó khăn vì không có kinh phí để làm xét nghiệm”, anh Chư cho biết.

Theo các nhân viên làm việc tại Trạm Kiểm soát dịch Lăng Cô, hôm nay lượng người từ Đà Nẵng ra Huế khá đông, chủ yếu là người về thăm nhà, sinh viên đi học, một số đi chữa bệnh.

“Tỉnh Thừa Thiên-Huế nới lỏng kiểm soát nên người Đà Nẵng ra khá đông, chúng tôi phải làm việc liên tục từ sáng đến giờ. Hầu hết người dân đều thực hiện nghiêm việc do thân nhiệt, khai báo y tế. Hôm nay đang là giữa tuần, dự tính vài ngày tới, nhất là chiều thứ sáu và sáng thứ bảy lượng người sẽ còn đông hơn nhiều”, một nhân viên cho biết. (vtc.vn 16/9)

 
 
 

3.  Bệnh viện Trung ương Huế cứu kịp thời nhiều ca bệnh khó qua hội chẩn, tư vấn khám bệnh từ xa

Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa thuộc bệnh viện Trung ương Huế vừa tổ chức buổi hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa cùng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình).

Buổi hội chẩn với sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều chuyên ngành từ đầu cầu bệnh viện Trung ương Huế, cũng như các bác sĩ từ các đầu cầu có ca bệnh.

Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đã phân tích các dữ kiện lâm sàng, cận lâm sàng, diễn tiến bệnh, đáp ứng điều trị của các bệnh nhân hội chẩn, từ đó thống nhất chẩn đoán và đưa ra giải pháp điều trị tối ưu cho các ca bệnh khó.

Trong đó, bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã phản hồi về kết quả điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị L. (85 tuổi). Đây là bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, thể trạng suy kiệt, bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đưa ra hội chẩn vào ngày 10/9.

Ngay sau khi hội chẩn, bệnh viện Trung ương Huế đã cử kíp bác sĩ phẫu thuật và gây mê đến hỗ trợ bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Kíp phẫu phẫu đã quyết định sử dụng phương pháp kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng, với can thiệp xâm nhập tối thiểu, nhưng hiệu quả tối ưu, nhằm giảm gánh nặng hậu phẫu cho bệnh nhân. Kết quả phẫu thuật rất tốt và hiện bệnh nhân đã dần bình phục.

Một trường hợp khác cũng được báo cáo trong buổi hội chẩn,đó là trường hợp sản phụ Trần Thị T. (Sinh năm 1990, trú tại tỉnh Quảng Bình), thai 35 tuần, dọa sinh non. Sản phụ có hội chứng tăng đông máu, nguy cơ tắc mạch máu hiếm gặp,  nguy hiểm tính mạng hai mẹ con.

Trường hợp này được bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đưa ra hội chẩn với bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 1/9. Sản phụ này có tiền sử sảy thai 2 lần và đã được khâu eo cổ tử cung, lần này được thụ tinh trong ống nghiệm.

Sau hội chẩn, sản phụ được chuyển đến khoa Sản của bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục theo dõi, điều trị vào lúc thai được 36 tuần 4 ngày. Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành hội chẩn liên khoa và quyết định mổ lấy thai chủ động vào sáng 16/9, lúc thai được 37 tuần 1 ngày. Hiện tại, sức khỏe mẹ con sản phụ đều ổn định.

Đề án khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) được Bộ Y tế triển khai ban hành kèm Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương, người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. (baophapluat.vn 17/9)

 
 
 

4.  Phong Điền: 350 người tham gia hiến máu tình nguyện

Trong 2 ngày 15,16/9, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Phong Điền phối hợp với Trung tâm Huyết học Truyền máu - Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức hiến máu tình nguyện đợt V năm 2020. Hoạt động này thu hút hơn 350 cán bộ, giáo viên, lực lượng vũ trang, tăng ni phật tử... tham gia.

Với thông điệp  “Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”, người tham gia hiến máu được khám sàng lọc, xét nghiệm máu, đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe. Sau khám và tiếp nhận, Trung tâm Huyết học Truyền máu - Bệnh viện Trung ương Huế thu được 304 đơn vị máu.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, Ban tổ chức đã bố trí rửa tay sát khuẩn, tiến hành đo thân nhiệt, bên cạnh đó sắp xếp khoảng cách an toàn các bộ phận khám sàng lọc, xét nghiệm máu, tiếp nhận máu...

Từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện vận động được hơn 1.500 người đăng ký tham gia, trong đó có 900 lượt người trực tiếp hiến máu, vượt chỉ tiêu giao của tỉnh giao, góp phần cấp cứu sống và điều trị kịp thời cho nhiều bệnh nhân. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
 

5.  Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ từ xa, điều trị thành công nhiều ca bệnh

Chiều 16/9, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên – Huế) cho biết vừa mổ lấy thai thành công cho một sản phụ (30 tuổi, trú ở tỉnh Quảng Bình).

Hiện nay, sức khỏe sản phụ và bé gái sơ sinh đều ổn định. Đây là một trong số những trường hợp được Bệnh viện Trung ương Huế hội chẩn, tư vấn từ xa vào ngày 1/9 vừa qua.

Được biết, người phụ nữ này mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm, thai khoảng 35 tuần dọa sinh non và mắc hội chứng tăng động; được Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) chọn hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 1/9. Sản phụ từng có tiền sử sẩy thai hai lần và được khâu eo cổ tử cung.

Sau hội chẩn trực tuyến, sản phụ được chuyển đến Khoa Sản, Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục theo dõi điều trị vào lúc thai được 36 tuần 4 ngày. Lúc nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo, tim phổi chưa phát hiện bất thường; tim thai 140l/p, thai nhi phát triển trong tử cung, Doppler thai nằm trong giới hạn bình thường.

Quá trình điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt tại phòng Sinh, Khoa Sản và làm các xét nghiệm chẩn đoán. Đơn vị đã tiến hành hội chẩn liên khoa Phụ sản - Huyết học lâm sàng - Nội tim mạch - Ngoại tim mạch - Nhi sơ sinh và quyết định mổ lấy thai chủ động cho thai phụ vào sáng 16/9. Lúc này, thai đã được 37 tuần 1 ngày. Bé gái sơ sinh được sinh ra khỏe mạnh, nặng 3kg.

Một trường hợp khác được điều trị thành công dưới sự hỗ trợ và hội chẩn trực tuyến của Bệnh viện Trung ương Huế là một nữ bệnh nhân (85 tuổi, trú tỉnh Hà Tĩnh). Bệnh nhân có nhiều bệnh nền, thể trạng suy kiệt, bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái.

Ngày 10/9, bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đưa ra hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Trung ương Huế.

Sau khi hội chẩn, Bệnh viện Trung ương Huế đã cử kíp bác sỹ phẫu thuật và gây mê đến hỗ trợ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Kíp phẫu thuật đã quyết định sử dụng phương pháp kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng với can thiệp xâm nhập tối thiểu nhưng hiệu quả tối ưu, nhằm giảm gánh nặng hậu phẫu cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật được thực hiện lần đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Kết quả phẫu thuật rất tốt và sức khỏe bệnh nhân đang dần bình phục. Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị đã đưa các hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa vào thực hiện thường quy hằng tuần nhằm duy trì, phát huy hiệu quả của Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế. Các hoạt động này có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn dịch COVID-19.

Việc triển khai thực hiện tốt hoạt động khám, chữa bệnh từ xa sẽ phát huy được hiệu quả khám, chữa bệnh cho người dân; giúp người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, đặc biệt là các bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa trên khắp cả nước. Song song đó, hoạt động góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Hoạt động đào tạo trực tuyến được Bệnh viện Trung ương Huế chú trọng, góp phần nâng cao năng lực lực lượng cán bộ y tế tuyến dưới; tăng hiệu quả khám, chữa bệnh và giúp cho người bệnh được hưởng dịch vụ y tế tốt hơn tại các cơ sở y tế tuyến dưới.

Thời gian qua, là bệnh viện tuyến cuối, tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh khó, đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế thường xuyên kết nối, thảo luận với các chuyên gia quốc tế để hội chẩn trực tuyến. Qua đó, các bác sỹ đơn vị tiếp cận, tiếp thu được những kỹ thuật y học phức tạp, tiên tiến nhất thế giới. (baotintuc.vn 16/9)

 
 
 

6.  Cứu sống mẹ bầu bị chứng tăng đông máu hiếm gặp

Chị T. được chuyển vào viện khi đang mang thai tuần thứ 37 và được chẩn đoán mắc chứng tăng đông máu hiếm gặp, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của hai mẹ con.

Chiều 16-9, tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết bệnh viện vừa thực hiện ca mổ lấy thai thành công, cứu sống hai mẹ con sản phụ gặp chứng tăng đông máu hiếm gặp.

Trước đó, chị Trần Thị T. (trú tỉnh Quảng Bình) được chuyển vào bệnh viện trong tình trạng có dấu hiệu sắp sinh non, có hội chứng tăng đông máu, nguy cơ tắc mạch máu hiếm gặp.

Chị T. trước đó bị sẩy thai hai lần và lần này được thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu không can thiệp kịp thời, rất có thể triệu chứng này sẽ gây nguy hiểm tính mạng của cả mẹ và bé.

Qua thăm khám, các bác sĩ quyết định sẽ mổ lấy thai chủ động cho chị T. vào sáng 16-9. Ca mổ sau đó đã thành công, hiện sức khỏe của mẹ và bé đã ổn định. Bé gái nặng hơn 3kg.

Theo Bệnh viện Trung ương Huế, hội chứng tăng đông máu là một nhóm bệnh mà trong đó quá trình đông máu diễn ra không bình thường, dẫn đến sự hình thành bất thường của cục máu đông trong lòng mạch của người mắc bệnh.

Với mẹ bầu, hội chứng này có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe và trong những trường hợp nghiêm trọng, hội chứng tăng đông máu còn gây tử vong cho cả mẹ và con. (tuoitre.vn 16/9)

 
 
 

7.  Bác sĩ vượt hơn 300 km từ Huế ra Hà Tĩnh cứu cụ bà 85 tuổi nhiều bệnh nền

Một kíp y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đi hơn 300 km ra Hà Tĩnh cứu chữa cho cụ bà 85 tuổi bị gãy chân, thể trạng suy kiệt và mang nhiều bệnh nền.

Ngày 16/9, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức chương trình hội chẩn và đào tạo trực tuyến cùng các Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh; Quảng Trị; Quảng Ngãi và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.

Trong hội chẩn lần này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh phản hồi về kết quả điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị L. (85 tuổi). Đây là bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, thể trạng suy kiệt, bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái. Người bệnh được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đưa ra hội chẩn ngày 10/9.

Bệnh viện Trung ương Huế cử kíp bác sĩ phẫu thuật và gây mê vượt hơn 300 km đến hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Kíp phẫu thuật sử dụng phương pháp kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng, với can thiệp xâm nhập tối thiểu nhưng hiệu quả tối ưu, nhằm giảm gánh nặng hậu phẫu cho bệnh nhân. Đây cũng là kỹ thuật được thực hiện lần đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Kết quả tốt và bệnh nhân đang dần bình phục.

Trường hợp thứ hai cũng được xử trí tốt và được báo cáo phản hồi trong buổi hội chẩn là sản phụ 30 tuổi, thai 35 tuần dọa sinh non, có hội chứng tăng đông được Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đưa ra hội chẩn với Bệnh viện Trung ương Huế ngày 1/9. Sản phụ này có tiền sử sẩy thai 2 lần và được khâu eo cổ tử cung, lần này được thụ tinh trong ống nghiệm.

Sau hội chẩn, sản phụ được chuyển khoa Sản, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục theo dõi điều trị vào lúc thai được 36 tuần 4 ngày. Tiếp đó, bệnh viện hội chẩn liên khoa Phụ Sản - Huyết học lâm sàng - Nội Tim mạch - Ngoại Tim mạch - Nhi sơ sinh và quyết định mổ lấy thai chủ động vào sáng 16/10 lúc thai được 37 tuần 1 ngày. Hiện sức khoẻ của sản phụ và cháu bé đều ổn định.

    Đề án Khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) được Bộ Y tế triển khai ban hành kèm Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với mục tiêu được xác định là: "Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng và Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức Lễ khai trương Trung tâm Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa vào ngày 1/9/2020 và ngay sau đó đưa các hoạt động Telehealth vào thực hiện thường quy hàng tuần nhằm duy trì, phát huy hiệu quả của đề án. (vtc.vn 16/9)

 
 
 

8.  Giảm dần kiểm soát tại các chốt, tăng cường quản lý tại địa phương

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 sáng 16/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nhấn mạnh, tinh thần chung là phải chuyển trạng thái, cách thức quản lý phù hợp trong tình hình mới theo hướng “giảm dần kiểm soát tại các chốt, tăng cường quản lý tại địa phương”.

Để đảm bảo yêu cầu vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và cũng để đáp ứng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của nhiều người dân, doanh nghiệp, từ hôm nay - 16/9/2020, Thừa Thiên Huế mở cửa cho người từ vùng có dịch tự do trở về nhà và đến để học tập, giao thương mà không qua cách ly bắt buộc và không đòi hỏi có xét nghiệm PCR âm tính.

Chỉ riêng trong đêm 15/9 và rạng sáng ngày 16/9 đã có 1.720 người đăng ký đến Thừa Thiên Huế từ Đà Nẵng. Ban Chỉ đạo rất mong mọi người mới trở về, hoặc đến Thừa Thiên Huế vì cộng đồng mà chủ động tự giác cách ly, hạn chế đến những nơi đông người.

Cho đến ngày 25/9/2020, nếu không có phát sinh ca nhiễm cộng đồng nào từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam thì chúng ta mới có thể trở lại các sinh hoạt gần như bình thường.

So với nhiều tỉnh trong khu vực miền Trung, Thừa Thiên Huế đang có độ mở giãn cách phòng chống dịch thuộc diện rất cao. Hầu hết các hoạt động đã và đang cho mở cửa trở lại. Vì thế, trong những ngày tới sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm vô cùng cao nếu có ca nhiễm mới.

Đề nghị các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tập trung đông người. Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng; rửa tay thường xuyên... Đây là thời điểm quan trọng quyết định chúng ta có vượt qua đợt dịch này hay không, yêu cầu mọi người dân tiếp tục nêu cao cách giác, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát công dân trên địa bàn, thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không chủ quan lơ là, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch.

Hiện tỉnh đã khôi phục vận tải hành khách từ Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và ngược lại, do vậy Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị quản lý bến xe khách trực tiếp kiểm tra việc thực hiện an toàn phòng chống dịch COVID-19 trên phương tiện và hành khách, nếu thực hiện đầy đủ thì mới cho phép phương tiện xuất bến. Các doanh nghiệp, hợp tác xã được yêu cầu kiểm tra an toàn phòng chống dịch trên phương tiện trước khi đưa phương tiện vào khai thác. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
THỂ THAO
 

1.  Khán giả có thể vào sân Tự Do cổ vũ cho CLB bóng đá Huế

Chiều 16/9, ông Trần Quang Sang – Trưởng đoàn Đoàn bóng đá Huế thông tin, UBND tỉnh đã cho phép tổ chức các trận đấu còn lại trong khuôn khổ giải hạng Nhất quốc gia 2020 trên sân Tự Do, đồng thời, đồng ý mở cửa đón khán giả vào sân theo dõi.

Theo đó, sau chuyến làm khách ở vòng 10 trên sân An Giang vào 25/9 tới, CLB bóng đá Huế sẽ kết thúc giai đoạn 1 giải hạng Nhất quốc gia năm nay bằng cuộc đón tiếp CLB Bình Phước ở vòng 11 trên sân nhà vào ngày 30/9.

“Để đón khán giả vào sân theo dõi cổ vũ, BTC sẽ mở cửa hai khán đài A và B, đồng thời, cử lực lượng thực hiện đo thân nhiệt và yêu cầu khán giả rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi vào sân như ở đợt bùng phát COVID – 19 đầu tiên”, ông Sang cho biết.

Sau vòng 9, An Giang đang có 15 điểm, tạm đứng thứ 5, hơn CLB bóng đá Huế 3 điểm và xếp trên 1 bậc. Trong khi đó, với vị trí thứ 7, Bình Phước đang bám ngay sau đội chủ sân Tự Do. Cuộc chiến với Bình Phước ở vòng cuối sẽ quyết định đến việc CLB Bóng đá Huế có đạt được mục tiêu nằm trong nhóm A giai đoạn 1 mùa bóng này hay không.

“Ở 2 vòng đấu tới, nếu giành được 3 điểm thì CLB Bóng đá Huế sẽ hoàn thành mục tiêu của mình. Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm đạt được điểm số cao hơn, ví như cầm hòa An Giang và đánh bại Bình Phước”, HLV CLB Bóng đá Huế - Nguyễn Đức Dũng nói.

Khi kết thúc giai đoạn 1, theo lịch dự kiến, các trận đấu ở giai đoạn 2 của 6 đội bóng nhóm A sẽ khởi tranh từ ngày 6 – 31/10 để tìm ra chủ nhân của chiếc vé tham dự V– League mùa sau. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
 

1.  Huế lập Ban chỉ đạo xây Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh của tỉnh. Trưởng Ban chỉ đạo là Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ.

Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh.

Bên cạnh Trưởng ban là Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, Ban chỉ đạo này còn có Phó Trưởng ban thường trực là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định và Phó Trưởng ban là Giám đốc Sở TT&TT. Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn có 17 Ủy viên là lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và Chủ tịch UBND TP. Huế.

Một trong những nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, dịch vụ đô thị thông minh.

Ban chỉ đạo cũng có các nhiệm vụ như: Giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn và địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính phủ số, chuyển đổi số và dịch vụ đô thị thông minh; Cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và dịch vụ đô thị thông minh thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh...

Ban chỉ đạo Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế do Trưởng ban điều hành toàn diện hoạt động. Tổ giúp việc Ban chỉ đạo được đặt tại Sở TT&TT, do Giám đốc Sở làm Tổ trưởng và các Phó Tổ trưởng gồm Phó Giám đốc các sở: Công Thương, Tài chính, KH&ĐT và UBND TP. Huế.

Thừa Thiên Huế hiện nằm trong nhóm không nhiều địa phương đã có chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh mình, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030 vào đầu tháng 6/2020.

Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế xác định rõ tầm nhìn: “Đến năm 2030 Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thiện mô hình chính quyền số, xã hội số. Đô thị thông minh trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội; kinh tế số trở thành phương thức cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Là nền tảng động lực để phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng”.

Tiếp đó, để đảm bảo phù hợp với chương trình chuyển đổi số của tỉnh cũng như Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, ngày 10/8/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh phiên bản 2.0.

Trong nội dung báo cáo Thủ tướng tại sự kiện khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia được tổ chức ngày 19/8, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư cạnh tranh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua ứng dụng CNTT, tạo đột phá trong chuyển đổi số.

Theo ông Thọ, phương châm Thừa Thiên Huế hướng tới là “4 không 1 có”, bao gồm: làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không dùng tiền mặt và luôn luôn có câu hỏi thông tin, dữ liệu được tiếp cận đã được số hóa chưa.

Trước Thừa Thiên Huế, một số tỉnh, thành phố khác cũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử theo Quyết định 701 ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh như: Bến Tre, Cao Bằng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Hà Nam, Ninh Thuận, Long An, Lạng Sơn. (vietnamnet.vn 16/9)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Huế kỳ vọng đón khách Nhật, Hàn dịp cuối năm

Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Thừa Thiên - Huế. Tỉnh này đang nỗ lực để phục hồi các tour, tuyến quan trọng.

Trao đổi với Zing, ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, cho biết tỉnh đã chịu nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến lượng khách quốc tế.

"Nếu không dính dịch bệnh, dịp cuối năm là cao điểm của thị trường khách quốc tế đến Huế. Nhóm khách Tây Âu chiếm số lượng đông nhất. Tuy nhiên, trong năm nay, con số này dự kiến rất ít.

Chúng tôi hy vọng việc mở lại 6 đường bay quốc tế tới đây sẽ giúp ngành du lịch Thừa Thiên - Huế dần được đón và phục vụ phần nào khách đến từ các thị trường này, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào", ông Minh chia sẻ.

Hiện tại, đối tượng khách đến Huế chủ yếu là khách nội địa, nội tỉnh. Nhóm này thường đi ít người hoặc theo gia đình vào dịp cuối tuần.

Phía Sở Du lịch nhận định đợt dịch thứ hai đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhóm khách đi theo tuyến Huế - Đà Nẵng - Hội An (Quảng Nam). Đây là một trong những đối tượng khách trọng tâm với ngành du lịch Huế.

"Dịch bùng phát khiến việc du lịch ở hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam không thể hoạt động. Lượng khách đến miền Trung thường đi theo tuyến này. Đợt bùng dịch vừa rồi đã gây tác động xấu đến nhóm khách tới du lịch Huế", ông Minh nói.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Minh nhấn mạnh sự kết hợp du lịch của 3 địa phương trên được đánh giá là một trong những mô hình tốt nhất cả nước.

Đại diện Sở Du lịch cho biết từ khi đợt dịch thứ hai bùng phát, các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ còn 80 cơ sở lưu trú đang mở cửa. Với việc dịch bệnh đang được khống chế như hiện nay, Sở Du lịch hy vọng các cơ sở lưu trú sẽ dần đi vào hoạt động kinh doanh trở lại.

Để hỗ trợ những cơ sở lưu trú phục hồi sau dịch, ông Minh chia sẻ Sở đã tham mưu đề án kích cầu và tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay, Sở vẫn đang tập trung giúp đỡ các đơn vị này về xúc tiến, quảng bá với tần suất cao trên những trang mạng xã hội có lượt theo dõi lớn.

Ngày 15/9, Văn phòng Chính Phủ phát thông báo kết luận của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại cuộc họp về việc nối lại đường bay thương mại quốc tế giữa Việt Nam và một số đối tác.

Theo thông báo kết luận từ cuộc họp, việc mở lại đường bay quốc tế được thực hiện từ 15/9 đến Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc). Từ 22/9, mở thêm các đường bay Việt Nam - Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam - Lào (Vientiane).

Tần suất bay không quá 2 chuyến/tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác (số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế. (zingnews.vn 16/9)

 
 
 

2.  Cơ hội từ hoa cỏ

Hàng năm, du khách lặn lội đường xa đến Tây Bắc, đôi khi chỉ để được check-in, ghi lại những tấm hình đẹp bên những cánh đồng tam giác mạch. Vậy nên, Huế cũng hoàn toàn có thể làm du lịch từ hoa cỏ.

Những ngày này, vào các trang mạng, người xem không khỏi ngỡ ngàng trước một vẻ đẹp khác của Huế.

Có rất nhiều tấm ảnh đẹp, thơ mộng, lãng mạn về những thảm hoa cỏ trắng muốt ở Đại Nội. Các công trình di tích hiện ra mới lạ với sự tô điểm của các thảm hoa.

Bước chân vào cửa Thượng Tứ, tường thành cổ kính hiện ra cùng màu hoa cỏ, mang lại vẻ đẹp yên bình cho Đại Nội. Dưới ánh nắng ban mai, hoa cỏ ánh màu mặt trời, phảng phất trong gió, gợi cảm xúc trong lành, dịu dàng.

Trên Thượng Thành, ở những nơi nhà cửa đã được giải tỏa, tràn ngập màu trắng của hoa. Những buổi sáng cuối tuần, nhiều bạn trẻ tìm đến, lưu lại những tấm ảnh đẹp giữa màu hoa. Không chỉ các bạn trẻ, nhiều người đã lớn tuổi cũng tranh thủ mặc áo dài, check-in trên những thảm hoa cỏ ngút mắt, trông xa như những đám mây lớn bồng bềnh trên Kinh thành Huế.

Cách đây vài năm, chúng tôi đã từ Huế, thực hiện chuyến du lịch đến huyện Mộc Châu của tỉnh Sơn La. Sản phẩm du lịch ở huyện miền núi này không có gì nhiều, ngoài những đồi chè và những vườn tam giác mạch, hoa mơ, hoa mận...

Dẫu vậy, chuyến du lịch dù phải qua chặng đường dài di chuyển, đã đem lại cho du khách những trải nghiệm hồn nhiên, trong lành khó quên khi được hòa vào thiên nhiên, cây cỏ.

Hàng năm, không ít du khách vượt đường xa đến Tây Bắc, đôi khi chỉ để được chiêm ngắm di sản ruộng bậc thang, đẹp như tranh vẽ. Hay lên Sapa để được ngắm tuyết. Hoặc đến Nhật Bản để được ngắm hoa anh đào...

Với Huế, người viết trộm nghĩ, hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn vào mỗi mùa thu với sản phẩm hoa cỏ ở Thượng Thành.

Hệ thống thành quách cổ kính bao quanh Đại Nội - cố cung triều Nguyễn ở Huế - cùng với dự án di dân ở đây được triển khai đang trả lại không gian xưa cho Thượng Thành.

Có lẽ, không cần đầu tư ở đây những sản phẩm mới cầu kỳ. Cứ để cho Thượng Thành rộng lớn hồn nhiên với vẻ đẹp hoang sơ, mát lành, lay động của hoa cỏ. Để du khách đến đây được thả mình vào thiên nhiên, chụp ảnh, check-in sau khi thăm viếng lăng tẩm, đình chùa, mua sắm... Chắc hẳn, Huế sẽ thu hút từ vẻ đẹp độc đáo, nguyên sơ ngay giữa lòng thành phố.

Ở đó, người ta được trở về với vẻ đẹp làng quê ngay giữa lòng thành phố. Trở về ký ức tuổi thơ cùng những mùa hoa cỏ mà với không ít người, đã trở nên xa xôi, quá vãng, không dễ gì gặp lại. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
DOANH NGHIỆP
 

1.  Công ty CP Xi măng Đồng Lâm: Chăm lo người lao động

Ngoài chế độ lương, thưởng hợp lý, Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (Công ty Đồng Lâm) luôn đồng hành, chia sẻ; tạo nhiều sân chơi bổ ích cho người lao động (NLĐ).

Sau nhiều năm đi vào hoạt động, đến nay sản phẩm xi măng Đồng Lâm là  thương hiệu quen thuộc với khách hàng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với hệ thống phân phối trải dài từ Quảng Bình đến Khánh Hòa.

Là đơn vị sản xuất kinh doanh quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, Công ty Đồng Lâm hiện có 504 cán bộ, công nhân viên lao động; trong đó gồm 34 lao động nữ, chủ yếu làm việc ở các bộ phận hành chính, nhân sự, kế toán và kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Dù số lượng lao động lớn, nhưng đến nay tỷ lệ nghỉ việc tại Công ty Đồng Lâm chỉ chiếm khoảng 4,4% (số liệu tính đến tháng 8/2020), một con số khá “khiêm tốn” so với những đơn vị có số lượng nhân công lao động lớn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Nhung, lao động nữ làm việc tại phòng thí nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm của công ty, cho biết, tại phòng có 12 lao động nữ, chủ yếu người địa phương, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tính chất cơ lý hóa của nguyên vật liệu, thành phẩm và bán thành phẩm. Công việc đối với lao động nữ không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi được đào tạo về chuyên môn tối thiểu từ trung cấp trở lên đối với các chuyên ngành thí nghiệm, vật lý và hóa học.

“Từ khi được tiếp nhận vào làm việc đến nay, công ty luôn được tạo điều kiện môi trường làm việc tốt nhất với mức thu nhập bình quân luôn đảm bảo ngang bằng, hoặc cao hơn mặt bằng chung của người lao động cùng lĩnh vực, môi trường làm việc. Ngoài lương thưởng, công ty luôn chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân viên nhằm gắn kết lâu dài”, chị Nhung bày tỏ.

Bà Trần Thị Thu Hoa, Giám đốc Nhân sự Công ty Đồng Lâm khẳng định, để giữ chân NLĐ, ngoài chế độ lương, thưởng từ mức khá trở lên, đơn vị luôn nỗ lực tạo môi trường làm việc thân thiện, thoáng mát và hỗ trợ NLĐ cả vật chất lẫn tinh thần.

Theo đó, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống để NLĐ yên tâm công tác, công ty đã đưa ra nhiều chính sách về lương, thưởng phù hợp.

Cụ thể, ngoài tiền lương theo thỏa thuận, công ty đã áp dụng các chính sách như thưởng thâm niên đối với lao động có thời gian công tác tại đơn vị từ 2 năm trở lên; thưởng chuyên cần (căn cứ theo ngày làm việc) áp dụng cho toàn thể cán bộ công nhân viên; thưởng theo hiệu quả công việc áp dụng cho các cán bộ công nhân viên có thành tích xuất sắc trong tháng.

Được biết, NLĐ được công ty hỗ trợ cơm ca với định mức 23 nghìn đồng/suất cơm. Giá trị bữa ăn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, sức khỏe cho người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc của mình. Chế độ dinh dưỡng bữa ăn cho NLĐ luôn đảm bảo, được Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm và Sở Y tế kiểm tra, xác nhận, đánh giá cao. Tham gia giám sát chế độ dinh dưỡng bữa ăn còn có các tổ chức công đoàn, hành chính, phòng y tế của công ty. Các công đoạn từ đầu vào, chế biến, lưu mẫu thực phẩm đều thực hiện theo quy định.

Ngoài ra, công ty còn áp dụng cho các loại phụ cấp như phụ cấp nhà ở, phụ cấp xăng xe, phụ cấp độc hại…

Một trong những “điểm nhấn” của Công ty Đồng Lâm trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và đảm bảo quyền lợi tối đa cho NLĐ là luôn tuân thủ việc tham gia bảo hiểm bắt buộc cho NLĐ, đồng thời trích đóng đầy đủ và đúng hạn phí bảo hiểm phát sinh hàng tháng nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ cho NLĐ.

Bên cạnh tham gia đầy đủ các khoản BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật, Công ty Đồng Lâm còn tham gia bảo hiểm tai nạn 24/24 cho toàn thể cán bộ công nhân viên đơn vị, với mức bồi thường cao nhất là 30 tháng lương theo hợp đồng lao động.

Bà Trần Thị Thu Hoa, Giám đốc Nhân sự Công ty Đồng Lâm chia sẻ, ngoài lương thưởng, tạo môi trường làm việc thuận lợi, an toàn, chăm lo đời sống tinh thần cho NLĐ cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Hằng năm, công ty tổ chức du lịch cho toàn thể cán bộ công nhân viên (thời gian 2 ngày) để NLĐ có thời gian vui chơi, gắn kết tập thể và tái tạo sức lao động.

Công ty Đồng Lâm cũng phối hợp với công đoàn cơ sở thực hiện các chương trình vui chơi và các dịp lễ, tết, tổ chức các trò thể thao thường niên để NLĐ có điều kiện tham gia vui chơi, gắn kết sau thời gian làm việc. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Mưu sinh nơi đầu sóng

Nhiều ngư dân đánh cược với sóng to gió lớn, bám biển để mưu sinh...

Tại vựa thu mua hải sản ở cảng Thuận An, chúng tôi gặp thuyền trưởng tàu số hiệu TTH 90666TS quê ở xã Lộc Trì (Phú Lộc) đang đốc thúc các thành viên chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Đôi tay thoăn thoắt chuyển từng khay đá vào buồng chứa, anh tranh thủ kể cho tôi nghe. Thời tiết biển động nhẹ đánh cá có hơn, mình đi từ vùng biển Quảng Nam, Sa Huỳnh, Bình Định rồi lại về bán cá, có khi bán ở những chỗ khác vì sợ về không kịp, cá mất độ tươi.

Nghề đi biển khó tránh khỏi rủi ro, thế nhưng chính sự chủ quan trước mối đe dọa của thiên nhiên hay vì miếng cơm manh áo, bà con ngư dân đều bất chấp tất cả để ra khơi, bám biển kiếm sống. Trước khi có gió bão hay áp thấp nhiệt đới, nhiều tàu cố đánh bắt thêm, đến khi biển động mạnh mới tăng tốc để vào bờ tìm chỗ tránh gió bão mạnh. Không ít trường hợp ngư dân không xử lý kịp tình huống nên có những sự việc đáng tiếc xảy ra, nhẹ thì lật tàu, mất ngư lưới cụ, nặng thì đôi khi đánh đổi mạng sống của mình.

Khó khăn là thế, nhưng bà con ngư dân vẫn gắn bó gần hết đời mình với biển để kiếm sống. Gần 4 giờ 30 phút, trời bắt đầu rạng sáng, phía chân mây xuất hiện màu ửng đỏ báo hiệu một ngày mới đang dần đến. Thời khắc này khu vực cảng cá Thuận An bắt đầu nhộn nhịp các đoàn tàu cập bến, kẻ bán người mua cười nói rôm rả.

Gặp anh Dũng, thuyền trưởng tàu cá TTH 90333TS, sau bảy ngày rong ruổi tìm luồng cá, thu về được hơn 1 tấn cá các loại, bán được là 30 triệu đồng, trừ hết mọi chi phí ra khơi là 8 triệu đồng, còn lại chủ tàu hưởng 60%, 40% còn lại chia đều cho 10 thành viên. Như vậy sau tuần lễ, quằn mình trước sóng gió giông tố mỗi ngư dân có thu nhập gần 1 triệu đồng.

“Nguồn cá gần bờ ngày càng ít nên khi đánh bắt phải đi rất xa, mỗi chuyến đi đầu tư nhiều thứ, có đôi khi cầm sổ đỏ thế chấp, vay mượn anh em trong nhà mới chuẩn bị đủ, sửa chữa lại tàu, khi về có lúc lời, có lúc lỗ, thậm chí còn lỗ nặng là đằng khác”, anh Dũng kể.

Với niềm hy vọng sửa chữa, thay tàu, nhiều ngư dân mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ thép, trang bị phương tiện đánh bắt theo Nghị định 67 nhằm vươn khơi xa… thế nhưng hoạt động này còn nhiều vướng mắc, chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều ngư dân không có tiền để sửa chữa, đành để tàu cá nằm phơi mưa nắng.

Dù đã mệt nhoài vì thiếu ngủ, cạn sức vì sóng gió, những ngư dân vẫn hòa mình vào công việc chuẩn bị cho chuyến ra khơi ngày mai. Dù những chuyến ra khơi có gặp khó khăn như thế nào, họ vẫn tiếp tục vươn khơi, bám biển, đó không chỉ công việc để mưu sinh mà còn là tình yêu bao la với biển. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
 

2.  Đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án đô thị xanh

Đến 30/9 sẽ giải ngân 63 tỷ đồng và đến 31/11/2020 sẽ giải ngân hết nguồn vốn dự án (DA) đô thị xanh là không hề dễ.

Tỷ lệ giải ngân thấp

Gặp khó khăn từ vật liệu đến giải phóng mặt bằng (GPMB), thủ tục… khiến tỷ lệ giải ngân DA chương trình phát triển các đô thị loại II, DA thành phần ở Thừa Thiên Huế (dự án đô thị xanh) vẫn ở mức rất thấp.

DA đô thị xanh được triển khai trên địa bàn 3 tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên Huế có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược trong việc giải quyết tình trạng ngập lụt, vệ sinh môi trường, nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy đầu tư sản xuất trên địa bàn các tỉnh.

Tại Thừa Thiên Huế, DA thành phần (bên mời thầu) do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng trong nước được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng vào tháng 4/2016 với tổng mức đầu tư 1.617 tỷ đồng (VNĐ), tương đương 72,52 triệu (USD) với ba hợp phần chính.

Hợp phần 1 tập trung đầu tư phục vụ công tác phòng chống ngập lụt và vệ sinh môi trường; hợp phần 2 tập trung phát triển hệ thống giao thông; hợp phần 3 tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện DA.

DA có thời gian thực hiện trong vòng 5 năm (2020 - 2025), với 7 gói thầu xây lắp lớn và 13 gói thầu tư vấn.

Theo kế hoạch vốn năm 2020, DA sẽ giải ngân 240 tỷ đồng, trong đó, vốn cấp phát từ Trung ương 129 tỷ đồng, vốn vay lại 110 tỷ đồng. Đến cuối tháng 8, DA đã trao thầu cho 4 gói thầu, gồm 3 gói xây lắp và 1 gói tư vấn giám sát với tổng vốn 271 tỷ đồng, đang thương thảo 1 gói xây lắp giá trị 89 tỷ đồng, đã giải ngân 6 tỷ đồng, đạt 3% kế hoạch.

Đại diện Sở KH&ĐT thông tin, có rất nhiều nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân DA chậm. Một trong số đó xuất phát từ việc đây là DA ODA, nên quy trình rút vốn qua nhiều cơ quan kiểm soát, mỗi DA sẽ phải theo một quy định riêng, khi rút đợt vốn mới phải làm thủ tục hoàn vốn đợt trước, phải xây dựng kế hoạch chi tiêu cho từng đợt rút vốn… Do đó, mất nhiều thời gian trong triển khai các thủ tục, các nhà thầu lần đầu thực hiện DA ODA nên còn lúng túng, hồ sơ nghiệm thu đệ trình chưa đúng quy định nên quá trình hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu đợt 1 khá dài.

DA này trải rộng trên địa bàn các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và thành phố Huế, số hộ bị ảnh hưởng khá lớn (2.329 hộ trong đó có 202 hộ tái định cư). Trong khi năm 2020, hai thị xã này đang tập trung GPMB cho nhiều DA lớn như: DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn và đường dây 500kv mạch 2...; thành phố Huế đang tập trung nhân lực cho DA di dời dân cư, GPMB tại khu vực Thượng Thành nên công tác GPMB của DA còn chậm.

Do tình hình dịch COVID-19 nên các đơn vị thi công không thể huy động đủ nhân lực và máy móc để phục vụ thi công.

Theo Ban Quản lý DA, trong năm 2020, DA các đô thị xanh, tiểu DA Thừa Thiên Huế cần 426.181m3 đất san lấp. Tuy nhiên, năm 2020 trên địa bàn Thừa Thiên Huế đồng loạt triển khai nhiều công trình trọng điểm cần nguồn đất san lấp lớn.

Cụ thể, trong năm 2020, DA đường Cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần khoảng 2,5 triệu m3 đất san lấp, DA nhà ga T2 sân bay Phú Bài cần khoảng 1 triệu m3 đất san lấp, DA hạ tầng 6 khu định cư còn lại trong tổng số 8 khu định cư ở phía Bắc Hương Sơ rộng khoảng 10ha cũng cần thêm vài triệu m3 đất san lấp...

Dự báo, tổng nhu cầu các công trình trọng điểm dự kiến cần khoảng 10 triệu m3 đất san lấp. Trong khi khả năng cung cấp đất làm vật liệu san lấp hiện nay trên địa bàn chỉ khoảng 1 triệu m3/năm... dẫn đến việc thiếu nguồn đất san lấp phục vụ DA.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ DA, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ rà soát các thủ tục liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài; nhất là các quy định về giải ngân nguồn vốn. Công tác nghiệm thu cũng được giám sát, hướng dẫn, giúp nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, nhờ vậy DA đã hoàn thành giải ngân thanh toán đợt 1.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở KH&ĐT thông tin, sở cũng tập trung giải quyết các vướng mắc trong GPMB, ký thêm hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế để đẩy nhanh tiến độ GPMB, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Trước tình hình nhu cầu đất đắp tăng đột biến nhằm đáp ứng tiến độ các DA trọng điểm, tỉnh đang tổ chức lựa chọn cấp phép khai thác đất san lấp tại các vị trí đã được phê duyệt. Đồng thời, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 10 vị trí trên địa bàn tỉnh.

Với trữ lượng các khu vực khai thác mới, nguồn cung đất làm vật liệu san lấp sẽ đi vào ổn định, giúp đảm bảo tiến độ DA nói riêng và các DA trọng điểm khác nói chung.

Sở cũng có công văn gửi các mỏ đất về việc cung cấp thông tin trữ lượng đất san lấp của các mỏ đất trên địa bàn, giúp nhà thầu nắm thông tin về nguồn vật liệu san lấp phục vụ quá trình đầu tư xây dựng. (baothuathienhue.vn 17/9)

 
 
 

3.  Thừa Thiên Huế: Xây dựng các KCN xanh, sạch, thân thiện môi trường

Mục tiêu trong 5 năm tới của Thừa Thiên Huế là xây dựng các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) xanh, sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc thù địa phương, hướng đến xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương...

Phát triển đồng bộ các KCN

Theo quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế quy hoạch phát triển 6 KCN với diện tích khoảng 2.393,47 ha, bao gồm KCN Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh. Ngoài ra, quy hoạch phát triển 2 KKT, trong đó, KCN thuộc KKT Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc) có diện tích khoảng 570ha, KCN Hương Lâm thuộc KKT cửa khẩu A Đớt (huyện A Lưới) có diện tích khoảng 140 ha.

Hiện, KCN Phú Bài giai đoạn I, II, diện tích khoảng 185 ha được cấp phép đầu tư cho Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư (CĐT) HTKT, thu hút được 48 dự án (DA) và tỷ lệ lấp đầy KCN khoảng 98%. Khu B và Khu B mở rộng KCN Phong Điền, diện tích khoảng 147 ha, đã cấp phép đầu tư cho Công ty CP Prime Thiên Phúc làm CĐT hạ tầng; KCN La Sơn có diện tích khoảng 120ha, được cấp phép đầu tư cho Công ty TNHH Vitto làm CĐT hạ tầng, hiện đã thu hút 3 DA, với diện tích 27ha, thuộc ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến cát, tỷ lệ lấp đầy KCN khoảng 37%.

Nhiều KCN mới ở Huế đang dần hình thành với nhiều dự án đầu tư

Ngoài ra, các KCN đã cấp phép đầu tư DA cho nhà đầu tư HTKT, nhưng chưa thành lập KCN gồm Phú Bài giai đoạn 4, đợt 1 có diện tích khoảng 85 ha; Phong Điền mở rộng, diện tích khoảng 284 ha, đã cấp phép cho Tổng công ty Viglacera - CTCP làm CĐT hạ tầng; KCN Tứ Hạ, diện tích khoảng 37,6 ha, đã cấp phép cho Công ty CP Hello Quốc tế Việt Nam. Các KCN chưa cấp phép đầu tư DA cho nhà đầu tư HTKT gồm: KCN Phú Bài giai đoạn 3 và 4, đợt 2 có diện tích khoảng 460 ha; Khu A KCN Phong Điền, diện tích khoảng 150 ha; KCN La Sơn, diện tích còn lại chưa cấp phép đầu tư DA hạ tầng khoảng 180 ha; KCN Tứ Hạ, diện tích còn lại chưa cấp phép đầu tư hạ tầng KCN khoảng 213 ha đang kêu gọi đầu tư DA sản xuất, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN để phát triển đồng bộ KCN. Hiện KCN Phú Đa, diện tích quy hoạch là 250 ha; trong đó, đã cấp phép đầu tư 10 DA, diện tích sử dụng đất khoảng 36 ha, phần diện tích còn lại khoảng 180 ha đang kêu gọi đầu tư DA sản xuất, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN để phát triển đồng bộ KCN; KCN Quảng Vinh, diện tích quy hoạch là 150 ha, chưa thu hút DA đầu tư, đang kêu gọi đầu tư DA sản xuất, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN để phát triển đồng bộ KCN.

Đối với KKT Chân Mây - Lăng Cô đến nay đã thu hút được 47 DA với vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 79.300 tỷ đồng. Cùng với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bao gồm Bến số 2, số 3; các tuyến đường nội thị, đường ven đầm Lập An, cuối năm 2020 sẽ hoàn thành hệ thống đê chắn sóng giai đoạn 1 dài 450m/750m ở khu vực Cảng Chân Mây; qua đó tăng thời gian khai thác của cảng nước sâu này trong năm mà không phải phụ thuộc vào những yếu tố bất lợi của thời tiết như mưa bão…

KCN xanh, sạch, thân thiện môi trường

Ban Quản lý KKT, CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, mục tiêu từ nay đến năm 2025 là kêu gọi và cấp phép đầu tư DA kinh doanh kết cấu hạ tầng tại các KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng, như KCN Phú Đa, Quảng Vinh, La Sơn, Tứ Hạ, Phú Bài giai đoạn III và IV đợt 2. Tỷ lệ các KCN được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt 100%; phấn đấu tỷ lệ lấp đầy KCN tỉnh bình quân trên 50%.

Dự kiến, nguồn lực triển khai đầu tư phát triển HTKT các KCN, KKT đến năm 2025 trên 5.116 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021- 2025, trong đó ngân sách Trung ương trên 2.718 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 257 tỷ đồng và trái phiếu Chính phủ hoặc ODA là 2.140 tỷ đồng.

Để hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Ban quản lý KKT, CN tỉnh và các ngành, địa phương phải chuẩn bị các điều kiện tốt nhất; chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng một cách đồng bộ tại các KKT, KCN để đón đầu các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên việc thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh cũng cần phải có sự chọn lọc, không phải vì mục tiêu thu hút nhiều DA mà đánh đổi môi trường hay thu hút những DA có nguy cơ ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao…

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, chúng ta đang hướng đến xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, vì vậy phải hướng tới xây dựng các KCN tại Thừa Thiên Huế có giá trị gia tăng cao, là những KCN xanh, KCN sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc thù địa phương. (baotainguyenmoitruong.vn 16/9)

 
 
 

4.  Thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Phát triển Đại học (ĐH) Huế trở thành ĐH Quốc gia theo định hướng nghiên cứu, ĐH Huế đang không ngừng thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đồng thời thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Tiềm năng thương mại hóa

Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế đang quản lý hơn 100 sản phẩm khoa học và công nghệ (KHCN) của ĐH Huế, trong đó nhiều sản phẩm KHCN có khả năng thương mại và phát triển thành doanh nghiệp KHCN. “Những sản phẩm nổi bật có thể kể đến như: Sản phẩm HU-GANTOMIX (sản phẩm làm thức ăn bổ sung trong nuôi trồng thủy sản); chế phẩm BioFAT - chất bổ dưỡng trong chăn nuôi; sản phẩm giống nấm vân chi dược liệu…  Những sản phẩm KHCN có khả năng thương mại hóa đa phần là những công trình nghiên cứu của các bộ, giảng viên. Đáng nói, có không ít sản phẩm nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên gắn với sân chơi khởi nghiệp để thương mại hóa”, TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế thông tin.

Những năm gần đây, ĐH Huế tập trung xây dựng nguồn lực phát triển KHCN, tạo sản phẩm có tính ứng dụng cao, phục vụ phát triển xã hội. Đại diện ĐH Huế cho biết, trong giai đoạn 2015 – 2020, các sản phẩm nghiên cứu đã được chuyển giao hoặc có tiềm năng chuyển giao, thương mại hóa, đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) có chuyển biến tích cực, trong đó có 11 sản phẩm được đăng ký quyền SHTT, 9 sản phẩm được chuyển giao, thương mại hóa…

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Cúc, Trưởng phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế - Viện Công nghệ Sinh học ĐH Huế, cùng với những đề tài nghiên cứu các cấp, một số cán bộ, nhà khoa học của viện cũng đã có các nghiên cứu liên quan đến giống cây trồng và đã thực hiện chuyển giao. Dự kiến cuối năm 2020, các nghiên cứu thuộc chương trình Công nghệ sinh học của Bộ Giáo dục và Đạo tạo giao cho Viện sẽ có các sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa.

Điều đáng mừng là khi thương mại hóa, không ít sản phẩm từ các công trình nghiên cứu được thị trường đón nhận với nhiều tín hiệu tích cực. Theo đại diệnTrường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế, từ năm 2016 đến nay, nhiều sản phẩm, hướng nghiên cứu về công nghệ thực phẩm và bảo quản sau thu hoạch do các nhà khoa học tại trường nghiên cứu đã thương mại hóa và được thị trường đón nhận, tìm mua. Đầu ra không chỉ ở thị trường nhỏ lẻ, một số sản phẩm như măng muối chua hay tinh bột nghệ… cũng đã được chuyển giao chuyển giao công nghệ cho các công ty, đơn vị, doanh nghiệp.

Tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học

Tại trường ĐH, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học không kém phần quan trọng so với nhiệm vụ đào tạo. ĐH Huế đang nỗ lực xây dựng và phát triển thành ĐH Quốc gia theo định hướng nghiên cứu. Vì thế, thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng. Nhìn từ thực tế, nguồn thu từ hoạt động KHCN trong giai đoạn vừa qua mới chỉ chiếm 5 – 10% tổng nguồn thu của ĐH Huế. Điều này đòi hỏi, ĐH Huế cần tiếp tục có những giải pháp thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, tìm nguồn thu từ KHCN.

Thực ra, tình hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các trường ĐH ở Việt Nam còn thiếu hiệu quả là điểm chung. Theo nhiều chuyên gia trong nước, đội ngũ giảng viên vẫn có thói quen nghiên cứu để công bố mà chưa lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, nhu cầu thị trường. Ở cấp trường, công nghệ dừng lại ở phòng thí nghiệm nên rủi ro cao khi triển khai ứng dụng. Về phía ngược lại, các doanh nghiệp mua công nghệ của nước ngoài vì tâm lý sính ngoại và còn thiếu niềm tin vào kết quả nghiên cứu của các trường. Có một số lỗ hổng cần phải lấp đầy trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, trong đó có lỗ hổng thương mại hoá (cơ chế định giá và hợp tác chuyển giao); và lỗ hổng thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (vấn đề SHTT và truyền thông).

Theo đại diện Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế ĐH Huế, những vấn đề liên quan đến KHCN được ĐH Huế nghiên cứu kỹ và cũng đặt ra không ít giải pháp. Trong đó, cùng với chính sách khen thưởng cho các nhà khoa học nhất là những tác giả có bài báo có chỉ số trích dẫn cao có sức tác động và hiệu quả thì ĐH Huế cũng có những cơ chế ưu tiên, hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu có sản phẩm chuyển giao, thương mại hóa. “ĐH Huế đang hoàn thiện cơ chế quản lý KHCN theo hướng coi trọng quản lý dựa trên sản phẩm đầu ra; tinh giản thủ tục, tăng cường năng lực điều phối; phân công phân cấp hợp lý, đồng thời đổi mới cơ chế tài chính trên cơ sở hiệu quả thực hiện, thực hiện khoán chi đến sản phẩm KHCN cuối cùng. Đồng thời, ĐH Huế cũng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, tăng cường thực hiện SHTT và chuyển giao công nghệ, gắn nghiên cứu với hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, đại diện lãnh đạo ĐH Huế thông tin.

Theo TS. Hoàng Kim Toản, ĐH Huế đặt mục tiêu để tập thể cố gắng, trong đó, giai đoạn 2020 - 2025 phấn đấu mỗi năm có 20 - 25 công nghệ/sản phẩm KHCN được chuyển giao/thương mại có nguồn thu. Sau đó, giai đoạn 2025 - 2030 mỗi năm có 35 - 40 có công nghệ/sản phẩm KHCN được chuyển giao/thương mại có nguồn thu. Bên cạnh đó, ĐH Huế cũng nỗ lực để sớm thành lập được Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển KHCN ĐH Huế (HU-Holdings). (baothuathienhue.vn 17/9)

 
 
 

5.  Trao tặng con giống, vật tư xây dựng giúp đỡ người dân nghèo Hồng Thủy

Ngày 16/9, ba đơn vị, gồm: Công an tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh và Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế tổ chức lễ bàn giao con giống, vật tư xây dựng nhà bếp, nhà vệ sinh theo kế hoạch giúp đỡ xã Hồng Thuỷ (huyện A Lưới) giảm nghèo năm 2020.

Tại đây, các đơn vị đã trao tặng dê giống cho 18 hộ gia đình trị giá 216 triệu đồng và kinh phí hỗ trợ xây nhà bếp, nhà vệ sinh cho 18 hộ gia đình trị giá 270 triệu đồng. Tổng kinh phí chương trình đợt này là 486 triệu đồng.

Ngoài hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân, nhằm cùng với xã phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, từ năm 2017 đến nay, 3 đơn vị đã tích cực vận động xã hội hoá, kêu gọi các mạnh thường quân cũng như bố trí lực lượng triển khai rất nhiều hạng mục công trình phục vụ người dân như: làm đường bê tông dân sinh, đường điện chiếu sáng, sân thi đấu thể thao, khu vui chơi cho thiếu nhi cùng hàng trăm lượt tặng quà hỗ trợ cho người dân xã Hồng Thuỷ...  (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
VỆ SINH - AN TOÀN THỰC PHẨM
 

1.  QLTT Thừa Thiên Huế: Tăng cường kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu

Để góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu năm 2020, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu năm 2020.

Tết Trung thu hằng năm là dịp nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, các mặt hàng đồ chơi trẻ em tăng mạnh. Vì vậy, nếu không có các biện pháp kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) chặt chẽ thì nguy cơ các loại sản phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường trong dịp này là rất lớn.

Theo đó, dịp Tết Trung thu năm nay, Cục QLTT Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các đội QLTT tổ chức bám sát địa bàn. Cụ thể, nắm bắt tình hình các phương tiện vận chuyển, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em, thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm tự phát, hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm, các đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội để bán hàng online.

Trong đợt này, các đội QLTT sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng gồm: Nguyên liệu làm bánh trung thu (nhân bánh làm sẵn, mứt bí, hạt dưa, lạp xường, nước đường, mỡ, trứng muối, hạt điều...); bánh trung thu giá rẻ, bánh nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm, kẹo, sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột và các mặt hàng đồ chơi trẻ em.

Đề xuất kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, hàng nhái, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và sử dụng nguyên liệu không đảm bảo an toàn thực phẩm...

Các đội QLTT Thừa Thiên Huế sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng gồm: Nguyên liệu làm bánh trung thu (nhân bánh làm sẵn, mứt bí, hạt dưa, lạp xường, nước đường, mỡ, trứng muối, hạt điều...)

Sau dịp Tết Trung thu, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm thực phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng được bán giảm giá, khuyến mại hoặc tái sử dụng lưu thông trên thị trường, nhất là được bán tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Thông qua hoạt động kiểm tra, các đội QLTT sẽ tăng cường tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa nhằm đảm bảo một mùa Trung thu an toàn, lành mạnh.

Ông Nguyễn Như Nhân - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: Công tác kiểm tra, kiểm soát, thị trường dịp Tết Trung thu phải tuân thủ các quy định của pháp luật, tuân thủ quy trình nghiệp vụ, đúng nội dung, mục đích và hiệu quả thiết thực; không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp và không cản trở lưu thông hàng hóa trên thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu năm 2020. (congthuong.vn 16/9)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.662.173
Truy cập hiện tại 284