Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 16/09/2020
Ngày cập nhật 17/09/2020
TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG
 

1.  TT - Huế: Ngày Chủ nhật xanh trên đồng ruộng

Hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh, xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã phát động người dân tham gia thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.

UBND xã Phong Sơn cho biết, hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh, địa phương đã phát động người dân tham gia thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng (13/9). Hoạt động thu hút được gần 1.000 cán bộ, đoàn viên và người dân tham gia.

Hoạt động nhằm hướng đến thay đổi thói quen, ý thức của người dân, góp phần cải thiện môi trường sống, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trên địa bàn và bảo vệ môi trường nông thôn qua đó bảo vệ sức khỏe bản thân.

Sau lễ phát động, người tham gia được chia thành nhiều tổ đi thu gom rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng; đồng thời, vớt rác, nhặt các loại bao bì, phế liệu tập kết về một khu vực và vận chuyển đến nơi tập kết rác để xử lý theo quy định.

Chủ tịch UBND xã Phong Sơn Trịnh Xuân Nhân cho biết, để công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng hiệu quả hơn, thời gian tới, địa phương huy động nguồn lực để xây dựng các bể chứa theo đúng quy định và đảm bảo đủ số lượng; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

“Phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng từ đó nhằm nâng nhận thức và hành động trong bà con nông dân, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, xây dựng môi trường Nông thôn mới sạch, đẹp”, ông Nhân chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình cho biết, đến nay 16 xã, thị trấn của địa phương đã được bố trí sọt, bể đựng rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng. (kinhtenongthon.vn 15/9)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Xây dựng đề án tiền khả thi khu đô thị ĐH tỉnh Thừa Thiên Huế

Sáng nay (15/9), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ và Ban Giám đốc ĐH Huế.

Kết quả GD-ĐT tốt ở tất cả các cấp học

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: Toàn tỉnh có 369/573 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Tỉnh đã huy động 98% trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp. 100% trẻ em dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt, 100% trẻ em khuyết tật hòa nhập.

Tỷ lệ học sinh học tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 87,7 %. Riêng với lớp 1, 100% học sinh được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, với 35 tiết/tuần.

Chất lượng giáo dục đại trà phát triển, đạt kết quả tốt ở tất cả các cấp học. Có 52/75 học sinh đạt giải Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, với 3 giải Nhất, 13 giải Nhì, 18 giải Ba và 18 giải Khuyến khích. Có 7 học sinh vào vòng 2 để thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Châu Á Thái Bình Dương và Quốc tế.

Toàn ngành có hơn 15.000 cán bộ, giáo viên mầm non, phổ thông. Trong đó, chất lượng trình độ đào tạo trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2009 đạt tỷ lệ 80% (đối với giáo viên mầm non); tiểu học đạt tỷ lệ 98.4%; THCS đạt tỷ lệ 91.6% và THPT đạt tỷ lệ 30.7%.

Toàn tỉnh hiện có trên 6.200 phòng học; số phòng học kiên cố là hơn 4.600 phòng, đạt tỷ lệ 74,4%. Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,74.

Báo cáo về một số định hướng phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia, PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc ĐH Huế cho biết, mục tiêu của ĐH Huế là phát huy hiệu quả nguồn lực chất lượng, phát triển theo hướng quản trị hệ thống ĐH, thành ĐH Quốc gia theo định hướng nghiên cứu:

Xây dựng Mô hình “Trường – Viện” cấp quốc gia có ứng dụng công nghệ cao, đạt chuẩn quốc tế; Trường ĐH Sư phạm trọng điểm quốc gia; Viện Công nghệ sinh học thành Trung tâm Công nghệ cấp quốc gia và hạt nhân Trung tâm nghiên cứu khoa học. Đến năm 2025, ĐH Huế xếp ở tốp 3 các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam, tốp 300 châu Á và 1.000 thế giới.

Rà soát đề án trở thành ĐH quốc gia

Trước đề xuất ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đề nghị, ĐH Huế cần xây dựng đề án có sức thuyết phục các bộ ngành, trước khi trình Chính phủ.

Đồng thời nghiên cứu các mô hình ĐH của thế giới. Cùng với đó, xem lại thế mạnh của mình là gì để quyết tâm xây dựng và phát triển theo thế mạnh đã có.

Thứ trưởng cho rằng, cần có cơ chế, tạo đột phát để ĐH Huế phát triển, chẳng hạn như cơ chế về xã hội hóa và phát triển đô thị ĐH.

Ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đối với sự nghiệp GDĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Dù còn nhiều khó khăn nhưng địa phương đã chủ động khắc phục và đạt được nhiều kết quả khả quan, từ mầm non cho đến giáo dục phổ thông và ĐH.

Bộ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm, giải quyết một số công việc như: Chú trọng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, trước mắt là đối với lớp 1.

Tỉnh cần xây dựng đề án tổng thể về đội ngũ nhà giáo, đề án về cơ sở vật chất. Riêng đối với hai huyện miền núi, cần rà soát cụ thể để có kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng GDĐT ở địa phương này.

Việc dồn dịch điểm trường cần theo hướng tinh gọn, hiệu quả và chất lượng. Những vùng thuận lợi, có điều kiện cần mạnh dạn huy động từ các nguồn lực xã hội. Riêng với ĐH Huế, Bộ trưởng đề nghị, cần rà soát đề án phát triển thành ĐH quốc gia, trong đó quan trọng nhất là thực lực.

Đồng thời rà soát lại cơ cấu ngành nghề gắn với thực tiễn, đào tạo theo hướng “đặt hàng”. Theo Bộ trưởng, ĐH Huế phát triển theo định hướng nghiên cứu là tốt nhưng phải thiết thực, khả thi.

Ngoài ra, ĐH Huế cần tham mưu và cùng với tỉnh xây dựng đề án tiền khả thi khu đô thị ĐH và đề án tổng thể phát triển ĐH Huế. Về việc tiếp nhận Trường cao đẳng Y tế Huế vào Trường ĐH Y dược (ĐH Huế).

Bộ trưởng cho biết, Bộ đồng ý về mặt chủ trương, nhưng phải tuân thủ theo quy định và quy chuẩn của Nhà nước.

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế và ĐH Huế tập trung xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho địa phương giai đoạn 2021- 2025, định hướng năm 2030. Trong đề án này, cần xây dựng cơ sở dữ liệu, nhu cầu về số lượng, cơ cấu nguồn nhân lực. (giaoducthoidai.vn 15/9)

 
 
 

2.  Bí thư huyện Phong Điền làm Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Nguyễn Thanh Bình, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phong Điền vừa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngày 14/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1402/QĐ-TTg, ngày 14/9/2020 phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Thanh Bình, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phong Điền.

Ông Nguyễn Thanh Bình sinh ngày 8/10/1974, quê quán xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Bình có trình độ chuyên môn Thạc sĩ Quan hệ quốc tế, trình độ lý luận chính trị cao cấp.

Trước khi trở thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ông Bình từng kinh qua các chức vụ, như: Giám đốc Sở Ngoại vụ, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Phong Điền. (giaoducthoidai.vn 15/9)

 
 
 

3.  Chuẩn bị thật tốt để có một kỳ đại hội thành công

Qua nghiên cứu nội dung bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về chuẩn bị thật tốt Đại hội XIII của Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã bày tỏ sự hưởng ứng, nhất trí cao và kỳ vọng vào một kỳ đại hội thành công, là tiền đề quan trọng đưa đất nước không ngừng phát triển.

Công tác xây dựng Đảng đặc biệt được chú trọng

Bà Nguyễn Thị Bình, cán bộ hưu trí trú tại xã Phong Thu (Phong Điền) chia sẻ: “Chỉ xét về tiêu đề của bài viết: "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã toát lên được tinh thần quyết tâm vượt qua khó khăn để giành những thắng lợi mới trong một giai đoạn mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức với rất nhiều vấn đề mới đặt ra. Vì vậy, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn tỉnh đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Đảng”.

Năm bài học kinh nghiệm đã được đúc rút từ những nhiệm kỳ trước mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ trong bài viết cũng chính là những giải pháp quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết hơn nữa, cố gắng hơn nữa, cùng nhau hành động, khắc phục những tồn tại, khó khăn, hạn chế trong thời gian tới; để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh hành động mạnh mẽ, vươn lên trong nhiệm kỳ tới.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Thượng (Phú Vang), bà Nguyễn Thị Bích Thủy cho hay: "Cá nhân tôi nhận thấy, sau hơn 30 năm đất nước đổi mới, chưa bao giờ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lại được chú trọng như hiện nay. Tôi rất đồng tình với quan điểm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ về bài học kinh nghiệm thứ nhất. Đó là, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại lời Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Vì vậy, người đứng đầu Đảng, Nhà nước xác định và căn dặn: “Do đó, công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".

Với trách nhiệm của mình, bà Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, sẽ cùng tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phú Thượng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, lãnh đạo xây dựng Đảng bộ xã thực sự “Trong sạch, vững mạnh”, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực thực sự

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, trong mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước bao giờ cũng luôn xác định “lấy dân làm gốc". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Rất đồng tình với quan điểm đó, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn khẳng định: “Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của Nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với Nhân dân; dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và sự tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên".

Ông Phan Xuân Toàn thông tin thêm: Thời gian qua, ngành tổ chức xây dựng Đảng trong toàn tỉnh rất nỗ lực trong việc tham mưu cho cấp ủy các cấp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Do vậy, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng không ngừng được nâng cao. Các đảng bộ, chi bộ cơ sở đã khẳng định rõ vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị; thường xuyên giữ mối liên hệ gắn bó mật thiết với quần chúng Nhân dân. Tuy nhiên, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục bám, nắm cơ sở và gần dân, sát dân hơn nữa để tiếp tục có nhiều chuyển biến trong thời gian tới”.

“Không chỉ phổ biến, tuyên truyền mà bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được quán triệt, triển khai thực hiện trong tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh. Bài học “lấy dân làm gốc”, “người dân là chủ thể của đổi mới” luôn được Đảng bộ tỉnh xác định trong quá trình lãnh, chỉ đạo, điều hành của mình. Trong dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng vậy, Đảng bộ tỉnh luôn lấy mục tiêu, quyết tâm nâng cao đời sống Nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4%. Để đạt được kết quả đó, ngoài nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, thì xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực thực sự được Đảng bộ tỉnh chú trọng trong nhiệm kỳ này. Cán bộ, đảng viên phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà khẳng định. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
 

4.  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao về báo cáo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh

Chiều 15/9, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác chuẩn bị văn kiện và nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc. Cùng làm việc còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các bộ, ban, ngành liên quan.

Đoàn Thừa Thiên Huế gồm có: UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn.

Chuẩn bị chu đáo, công phu

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, đến nay, có 600/600 tổ chức cơ sở Đảng và 16/16 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã đại hội xong. Công tác chuẩn bị văn kiện và nhân sự về Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã cơ bản hoàn thành. Cơ cấu dự thảo Báo cáo chính trị gồm 2 phần. Đó là đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới là xây dựng Đảng bộ và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc, an ninh được đảm bảo vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Ngoài đề ra các chỉ tiêu chủ yếu, văn kiện đề ra 6 chương trình trọng điểm, 13 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp đột phá chiến lược. Văn kiện cũng đã nghiêm túc kiểm điểm về sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bên cạnh những ưu điểm, văn kiện cũng đã chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế; nêu rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan và rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trên tất cả các lĩnh vực.

Về công tác nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới dự kiến 50 đồng chí; Ban Thường vụ 15 đồng chí; UBKT Tỉnh ủy 11 đồng chí; Đoàn đại biểu đi dự Đại hội XIII của Đảng gồm 18 đồng chí. Kiến nghị tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục cho bố trí 3 Phó Bí thư Tỉnh ủy để tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở và chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới…

Cần phấn đấu, quyết tâm cao hơn nữa

Tại hội nghị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các bộ, ban, ngành Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 hoàn chỉnh, đạt kết quả cao hơn, nhất là những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới và công tác xây dựng Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã đồng tình, nhất trí cao với những đề xuất của tỉnh tại buổi làm việc.

“Cần nêu bật truyền thống, con người xứ Huế; sự nỗ lực của người dân từ miền xuối đến miền ngược, các đồng bào dân tộc thiểu số để bổ sung vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh. Cần đánh giá sâu hơn sự tiên phong, sự đoàn kết trong công tác lãnh, chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng. Những đề xuất về nhân sự của tỉnh sẽ sớm báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu ý kiến.

Kết luận tại buổi làm việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao về báo cáo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh. Báo cáo văn kiện đã bám sát Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Văn kiện Đại hội thể hiện công phu, cầu thị, trách nhiệm, thể hiện được nhiều điểm nhấn. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao phong trào bảo vệ môi trường của tỉnh và việc di dời dân cư vùng Thượng Thành thời gian qua. Tỉnh là địa phương đi đầu trong công nghệ thông tin; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng đạt được những kết quả quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra, gợi mở thêm nhiều vấn đề để Đảng bộ tỉnh quan tâm. Đó là quy mô kinh tế nhỏ, tốc độ tăng trưởng chưa cao; một số chỉ tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ chưa đạt. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít; các ngành du lịch, dịch vụ chưa phát triển đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tỉnh cần quan tâm hơn nữa việc thu hút đầu tư, nhất là phát triển các loại hình doanh nghiệp. Quản lý khai thác các giá trị di sản chưa cao; đời sống người dân vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gợi mở, trong văn kiện Đại hội cần đánh giá những mặt mạnh, rút ra những bài học kinh nghiệm; điểm nghẽn của Thừa Thiên Huế là gì để tập trung giải quyết trên cơ sở xây dựng kịch bản, phương án thực hiện. Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới mà văn kiện đã nêu. Thừa Thiên Huế phải là trung tâm, nơi hội tụ tiềm năng thế mạnh của khu vực miền Trung.

Muốn vậy, cần phải nỗ lực phấn đấu rất lớn, quyết tâm cao mới thực hiện được. Đây là trách nhiệm lớn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân toàn tỉnh. Về các giải pháp cần lưu ý việc bảo tồn phải đi trước một bước. Thừa Thiên Huế cần năng động, sáng tạo hơn nữa; chú ý đến vấn đề quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, sản xuất, phát triển vùng; có những kết nối các di sản với các địa phương.

Tỉnh cần tiếp tục chú ý về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; không để bị động, bất ngờ. Thừa Thiên Huế phải có nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh. Văn kiện đại hội cần tiếp tục tiếp thu tối đa các ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại buổi làm việc này để xây dựng, xây dựng chương trình hành động sớm đưa nghị quyết vào thực tế cuộc sống. Nhân sự Đại hội được tỉnh chuẩn bị nghiêm túc. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng tình với đề án đã xây dựng, nhưng cần phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tiếp thu các ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các bộ, ban, ngành để hoàn chỉnh văn kiện, báo cáo kiểm điểm; nỗ lực cố gắng để tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 thành công tốt đẹp. Dự kiến Đại hội Đảng bộ tỉnh diễn ra trong 3 ngày (15, 16, 17/10). (baothuathienhue.vn 15/9)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Nghệ thuật bất tận từ sen của chàng họa sỹ trẻ xứ Huế

Họa sỹ trẻ xứ Huế Nguyễn Thanh Thảo đã sáng tạo ra chiếc nón và 16 sản phẩm độc đáo khác từ sen khiến du khách thập phương thích thú, đón nhận.

Những năm gần đây, ngoài chiếc nón lá dừa, lá cọ…, hình ảnh người phụ nữ Việt bên chiếc nón lá sen đã không còn xa lạ với mọi người.

Chiếc nón lá sen ấy là sáng tạo từ họa sỹ trẻ xứ Huế Nguyễn Thanh Thảo (sinh năm 1988). Ngoài nón lá sen, chàng họa sỹ này còn sử dụng sen làm nguồn cảm hứng sáng tạo ra 16 sản phẩm độc đáo khác nhau, được du khách thập phương thích thú, đón nhận.

Từ những năm tháng còn trên giảng đường Đại học Nghệ thuật Huế (Thừa Thiên – Huế), chàng sinh viên Nguyễn Thanh Thảo đã quen với việc nghiên cứu các loại lá cây tự nhiên.

Vì vậy, khi bắt đầu khởi nghiệp, không bất ngờ khi chàng trai trẻ này lựa chọn chất liệu lá sen thân thuộc để tạo nên chiếc nón bài thơ đặc trưng của vùng đất cố đô.

"Cây sen từ lâu đã đi vào đời sống, mạch nguồn cảm hứng thi ca của người dân xứ Huế. Sen thanh cao, mộc mạc nhưng cũng rất đỗi bất khuất, kiên cường; sen xuất hiện trong kiến trúc cũng như ẩm thực văn hóa nơi đây. Vì vậy, tôi chọn sen và muốn lưu giữ, phát triển nó trong mọi tác phẩm của mình khi bắt đầu lập nghiệp" – anh Nguyễn Thanh Thảo cho biết.

Nằm trong Thành nội Huế cổ kính, Làng nghề khởi nghiệp (số 34 đường Xuân 68) của họa sỹ trẻ Nguyễn Thanh Thảo càng toát lên nét đẹp truyền thống bằng không gian nghệ thuật pha trộn giữa sen tươi và các sản phẩm sáng tạo từ nó. Bên cạnh các chum, vại trồng sen mộc mạc quanh khuôn viên làng nghề, điểm nhấn của nơi đây là gian phòng trưng bày đa dạng các tác phẩm nghệ thuật từ sen.

Trong không gian trưng bày của làng nghề, các bức tranh 3D được tạo nên từ hoa, lá và gương sen khô toát lên vẻ đẹp thanh tao, giản dị của loài quốc hoa này. Những nụ sen e ấp, cánh hoa chụm vào ôm lấy đài sen hay những bông hoa sen nở rộ trên bức tranh như vẽ lại nét đẹp người con gái Việt qua từng giai đoạn dậy thì.

Lá sen nở rộ, xanh mướt nâng đỡ sắc hoa vàng, trắng, hồng của sen tạo nên những bức tranh sinh động. Mỗi bức tranh của chàng họa sỹ trẻ xứ Huế trong không gian này lại mang một ý nghĩa, thông điệp nghệ thuật khác biệt nhưng đều xoay quanh những nét đẹp truyền thống của người dân Việt.

Bên cạnh nghệ thuật trừu tượng từ sen, các sản phẩm mang tính ứng dụng được trưng bày trong không gian Làng nghề cũng thu hút nhiều sự chú ý từ các du khách khi đến đây.

Bước vào gian phòng trưng bày, ấn tượng đầu tiên của chị Hoàng Thị Như Loan (trú tỉnh Thừa Thiên – Huế) là không gian ấm cúng được tạo nên từ ánh sáng chiếc đèn nón sen hắt lên, chiếu sáng hàng loạt các mẫu túi xách, lọ hoa, rèm cửa, nệm… được sáng tạo, trang trí bằng lá sen.

"Giống như dấu vân tay của con người, mỗi lá sen cũng có những đường gân, nếp lá riêng biệt. Do đó, mỗi sản phẩm nghệ thuật tạo ra đều là độc bản" - Họa sỹ Nguyễn Thanh Thảo chia sẻ.

Mùa hoa sen bắt đầu chớm nở cũng là lúc lá sen được thu hái về để trang trí, tạo nên các sản phẩm như nón lá, túi xách, tranh… Lá sen được xử lý cẩn thận qua các bước ủ nước javel, phơi khô và ủi để loại  các ký sinh trùng, tạo tính dẻo dai cho lá trước khi được đem đi chế tác, tạo thành phẩm.

Việc xử lý phải đảm bảo giữ được hình dáng đường gân tự nhiên trên mỗi chiếc lá. Quá trình xử lý kéo dài từ 7-10 ngày này chính là chìa khóa tạo nên tính thẩm mỹ, độc đáo và bền bỉ cho tất cả các sản phẩm của họa sỹ trẻ Nguyễn Thanh Thảo.

Nón lá sen là sản phẩm chủ đạo của Làng nghề khởi nghiệp, được du khách thập phương yêu mến hơn cả. Mới đây, anh Nguyễn Thanh Thảo còn tạo ra những chiếc nón lá sen "xuyên sáng" với 5 sắc màu: xanh, vàng, đỏ, hồng và trắng phù hợp với đa dạng các mẫu áo dài, trang phục cách tân của người phụ nữ Việt. Các nón lá còn có thể gấp lại được, khắc phục được nhược điểm cồng kềnh xưa nay của nón lá Việt Nam.

Chị Huỳnh Thị Trang (du khách Đà Nẵng) cho biết, chị và nhóm bạn đã nghiên cứu kỹ và lựa chọn nón lá sen để đồng hành trong chuyến du lịch Thái Lan vừa qua. Khoác trên mình chiếc nón truyền thống đặc sắc từ sen khiến chị rất hãnh diện, tự hào trên mảnh đất nước bạn.

Khi nón lá sen được anh Thảo "thai nghén" cũng là lúc làng nghề làm nón Đốc Sơ (thành phố Huế, Thừa Thiên – Huế) có cơ hội được khai sinh mạnh mẽ trở lại sau thời gian dài nón lá truyền thống bị mai một.

"Ban đầu khi Thảo đưa lá sen về đây và nói với tôi làm thành chiếc nón, tôi đã rất sững sờ. Nhưng với kinh nghiệm chằm nón lâu năm, tôi cũng cố gắng thử sức và hoàn thành chiếc nón lá sen với thành quả rất ưng ý" – Chị Hồ Thị Phận (thôn Đốc Sơ, phường An Hòa, thành phố Huế, Thừa Thiên – Huế) cho hay.

Theo những chị thợ làm nón tại thôn Đốc Sơ, các thao tác làm nón lá sen tương tự như nón lá truyền thống, bao gồm các công đoạn: bắt vành, xay lá, chằm cước, đột đầu, nứt nón, đánh quai và kết xoàn. Nhưng vì yêu cầu cao về thẩm mỹ, đảm bảo giữ được những nếp gân lá tự nhiên nên mỗi ngày mỗi chị chỉ có thể hoàn thiện được một chiếc nón lá sen.

Những năm gần đây, nón lá sen xuất hiện và bán chạy nhiều trên thị trường, đặc biệt vào các mùa xuân, hạ. Nhờ đó, công việc và thu nhập của các chị em làng nghề làm nón Đốc Sơ cũng ổn định hơn. Các chị biết phân công công việc, người chuyên bắt vành, người chằm cước… cứ thế mỗi ngày 40-50 chiếc nón lá sen được hoàn thiện dưới bàn tay tài năng của các chị.

Qua các đợt dịch trong năm 2020, họa sỹ Nguyễn Thanh Thảo đã giành nhiều thời gian nghiên cứu, sáng tạo nhiều sản phẩm khác từ sen.

Đặc biệt, chàng họa sỹ trẻ này còn khai thác, tận dụng phụ phẩm (thân, lá sen khô héo) tưởng chừng như bỏ đi của sen, làm hương nhang thân thiện môi trường, an toàn với người dùng.

Sản phẩm có màu xanh và hương thơm đặc trưng của sen khi thắp lên. Hay các mẫu túi xách mang sắc xanh của lá sen được nhiều khách hàng nữ thích thú và bán chạy trên các trang mạng buôn bán trực tuyến.

"Với đặc tính giòn, dễ vụn nát nên xưa nay sen chỉ thường xuất hiện trong nghệ thuật khó có thể sáng tạo thành sản phẩm ứng dụng… nhưng tôi sẽ còn tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo nhiều sản phẩm hơn nữa để hình ảnh sen được sống mãi trong nghệ thuật, cuộc sống của người dân Việt" - Họa sỹ Thanh Thảo bộc bạch./. (bnews.vn 15/9)

 
 
 

2.  Khám phá Huế qua bộ ảnh vui nhộn

Ảnh (vnexpress.net 15/9)

 
 
 

3.  Mặc rồi hãy phán

Để ý thì thấy nhất nhất mọi thứ trong đời sống hàng ngày, chúng ta đều theo Tây. Ở nhà Tây, nghe nhạc (theo điệu thức của) Tây, tóc ngắn kiểu Tây, giầy Tây, quần cũng Tây… Nhìn ra các nước quanh vùng từ Nhật, Hàn tới Ấn Độ, Việt Nam xem ra chịu khó Âu hóa triệt để hơn cả, từ chữ viết tới trang phục. Giờ nói đến áo nghĩa là áo Tây rồi nên lại phải có những định ngữ như “áo dài nam truyền thống” để nói về một trang phục của ông cha ngày xưa.

Nhân dịp Sở VH&TT Thừa Thiên-Huế có sáng kiến cho nam viên chức mặc áo dài để chào cờ vào sáng thứ Hai đầu mỗi tháng và ngày lễ, nhiều người mới biết về khái niệm “áo ngũ thân”- kiểu áo thịnh hành nhiều thế kỷ trước, thầy thợ đều mặc. Vậy nên không ngạc nhiên là quy định của một cơ quan địa phương nhưng lại nhận được khắp nơi hưởng ứng rôm rả đến thế.

Mặc dù số ý kiến tích cực có thể là áp đảo (theo cuộc điều tra của một tờ báo thì có tới gần 4.000 người cho rằng nên mặc để giữ gìn văn hóa truyền thống trong khi số ý kiến cho rằng bất tiện chỉ hơn 1.800), nhưng những ý kiến phản đối bao giờ cũng nổi bật hơn. Người đồng tình gật đầu cái là thôi. Còn người phản đối thì có vô vàn lý lẽ, cách diễn đạt từ nghiêm trang tới hài hước. Nào là mặc áo dài bí bức, vướng víu, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, không phù hợp với các hoạt động ở công sở. Lại có ý kiến cho rằng như thế là dựng lại “bóng ma” của thời phong kiến mà Khổng giáo là một đại diện.

Áo ngũ thân gồm hai thân trước và hai thân sau may liền thành hai vạt tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, thân con nép bên trong là bản thân người mặc thể hiện sự khiêm cung. Bảy lớp khăn đội đầu tương ứng 7 vía của người nam được xếp thành hình chữ Nhân hoặc chữ Nhất… Áo cài 5 cúc tượng trưng cho Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín- những đức tính mà thời nay chắc chắn vẫn đáng hoan nghênh. Các cụ để ý không dùng cúc vải giống xường xám Trung Quốc mà chơi các chất liệu ngọc, gỗ hay bạc.

Dù có để ý đến những chi tiết biểu tượng đó hay không thì mặc áo dài vẫn tạo nên một không khí hoài cổ, mà “lỗi” không phải do cái áo mà do đã lâu chúng ta không mặc nó. Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách thì trang phục Tây hay Ta cũng sẽ có những sự tiện và bất tiện. Chẳng qua một khi đã quen thì chúng ta khắc phục và bỏ qua, còn định kiến thì sẽ “ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”. Ông cho rằng chúng ta đã bỏ mặc áo dài truyền thống là do thay đổi về ý thức hệ (cái ý thức cho rằng áo dài gắn với phong kiến, cổ hủ, lạc hậu) chứ không phải do bất tiện hay mất thẩm mỹ của thứ trang phục mà cha ông ta phải mất nhiều đời mới tạo tác ra.

Áo dài đã tôn lên những nét đẹp riêng của phụ nữ Việt Nam mà phụ nữ phương Tây dù đẹp đến mấy mặc vào cũng không thể có. Bản thân người viết chưa có dịp mặc áo ngũ thân nhưng mỗi khi mặc áo dài biểu diễn, áo dài thiết kế vẫn cảm thấy trang trọng và tôn được cái dáng không lấy gì làm chuẩn của mình. Chính ra mặc áo vest còn khó cử động hơn áo dài. Còn lối bỏ áo sơ-mi trong quần vào mùa hè cũng chỉ hợp với phòng lạnh mà thôi. Nói chung thời nay tự do ăn mặc miễn đảm bảo lịch sự nơi công cộng. Nên nếu có gì bất tiện hãy để cho những người mặc áo dài tự cảm nhận. Bất tiện quá đương nhiên họ phải bỏ.

Còn nếu người Huế “cam chịu” mặc áo dài để tạo thêm một nét văn hóa đất thần kinh cho khách thập phương đến ngắm thì cũng tốt mà. Một cách phát triển du lịch, khôi phục nghề truyền thống hay đấy chứ! (tienphong.vn 16/9)

 
 
 

4.  Cơm trái dừa- Món ăn cung đình Huế

Muốn làm thứ cơm này phải dùng loại gạo ngon nấu với nước dừa nạo. Cơm sau khi nấu chín được trộn với thập cẩm như lạp xường, tôm, đậu petit-pois, thịt heo và chả Huế.

Trước khi ăn dùng trái dừa xiêm (dừa nạo) vạt miệng đổ nước ra (nước dùng để nấu cơm), cho cơm thập cẩm trộn sẵn vào trái dừa. Sau đó đem hấp cách thủy, cho nóng lên, khói bốc nghi ngút. Khi ăn dùng nĩa, xúc trực tiếp vào trái dừa, ăn với nước chấm tương ớt. Khi hấp cách thủy, cơm dừa vẫn để nguyên trong trái dừa, nhằm làm tăng độ thơm và cả chất béo của cơm.

Trong cung đình, cơm trái dừa được hấp cách thủy bằng loại dừa xiêm có trái thật nhỏ, chứa khoảng 1 bát cơm nhỏ. Khi món ăn này ra khỏi cung đình, trở thành phổ biến, người ta chọn trái dừa xiêm lớn hơn vì ngoài mục đích thưởng thức ra, còn dùng để ăn cho đủ no.

Cơm trái dừa được nêm nếm vừa ăn trước khi đem đi hấp, do đó khi ăn không phải dùng thêm nước chấm. Ngoài ra nếu khách không muốn ăn cơm dừa thập cẩm, có thể yêu cầu tiệm cho vào cơm những món ăn mà mình ưa thích như lạp xường, tôm, thịt heo hoặc chả Huế.

Ăn từng muỗng nhỏ, nhai chậm rãi để thưởng thức được mùi vị của món ăn cung đình này. Nó có mùi thơm của nước dừa xiêm, ngọt, béo, hạt cơm bóng mượt. Cái thú khi ăn cơm trái dừa là ăn trực tiếp trên trái dừa, không phải ăn bằng chén. Với trái dừa xinh xắn trắng ngà, mùi thơm của dừa hòa quyện cùng làn khói bốc lên làm cho tất cả các giác quan đều hưởng trọn vẹn hương vị của món ăn. (petrotimes.vn 15/9)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Thúc đẩy bình đẳng giới

Khi nhận thức của hệ thống chính trị, xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ về vai trò, vị trí của phụ nữ và công tác phụ nữ được nâng lên thì vị thế của họ ngày càng có cơ hội được khẳng định.

Còn chênh lệch về giới trong các vị trí

Là cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) của tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) trong thời gian qua đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG), nâng cao vị thế, sự tiến bộ của phụ nữ, tăng cường phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý và cơ quan dân cử cho nhiều thành viên Ban VSTBCPN cấp tỉnh, cấp huyện và lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác BĐG cấp huyện, xã trên địa bàn. Một số mô hình thí điểm liên quan đến dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về BĐG, vai trò nữ giới đã được triển khai ở một số địa phương miền núi, vùng ven biển, đầm phá.

Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH, đội ngũ cán bộ nữ trên địa bàn đang phát triển về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí chủ chốt, trọng trách trong lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội trong những năm gần đây tăng lên. Kết quả này là nhờ các cấp, các ngành, địa phương ngày càng nhận thức được vai trò, ý nghĩa của công tác BĐG và VSTBCPN đối với sự phát triển của địa phương, đã quan tâm chính sách, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Tuy vậy, tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý vẫn còn thấp so với quy định của Trung ương, chưa tương xứng với tiềm năng của lực lượng nữ trong tỉnh.

Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 ở cấp tỉnh chiếm 17,4%, cấp huyện 16,04%, cấp xã 20,67%. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở cấp tỉnh chiếm 13,2%, cấp huyện 23,45%, cấp xã 23,4%. Riêng nữ tham gia đại biểu Quốc hội và lãnh đạo chủ chốt tại UBND cấp tỉnh đều "trắng" tỷ lệ.

Nhiều ý kiến phân tích, do những đặc điểm tâm sinh lý về giới, nên tự bản thân phụ nữ gặp những bất lợi hơn so với nam giới. Chẳng hạn như ít người thích tham gia các lớp đào tạo dài ngày và xa nhà. Một số cán bộ nữ còn an phận, chưa thực sự có ý chí cầu tiến, vươn lên, nên gây khó khăn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ.

Bên cạnh đó, tại một số cấp ủy Đảng, người đứng đầu đơn vị chưa đặt công tác phụ nữ ngang tầm với vai trò, vị trí và yêu cầu trong thời kỳ mới, chưa đưa công tác quy hoạch cán bộ nữ thành chiến lược lâu dài, nên tỷ lệ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị còn thấp. Tất nhiên, một phần còn có lý do chủ quan về trình độ, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Một số cán bộ trẻ được chuẩn hoá nhưng ít kinh nghiệm, uy tín chưa cao.

Nâng cao vị thế của phụ nữ

Từ khi Luật BĐG được thực thi đã góp phần quan trọng thúc đẩy BĐG trong các lĩnh vực, nâng cao vị thế và phát huy vai trò của phụ nữ, nhất là sự tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực chính trị. Nhiều đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ của đơn vị mình. Trong đó đề ra các chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cụ thể, có ưu tiên đối với cán bộ công, viên chức nữ và có những hình thức học tập phù hợp để phụ nữ tham gia. Cùng với đó là tăng cường thực hiện quyền bình đẳng đối với phụ nữ trong chăm sóc sức khỏe để đảm bảo vừa thực hiện tốt chức năng sinh con, nuôi dạy con, đồng thời tham gia tích cực, thuận lợi công tác chính trị, xã hội.

Để thúc đẩy BĐG và làm tốt công tác phụ nữ trong tình hình mới, nhiều ý kiến đề xuất cần căn cứ vào tiêu chuẩn, hiệu quả công việc khi đánh giá, quy hoạch, sử dụng cán bộ nữ và xem xét về khả năng và triển vọng của chị em. Cùng với việc tin tưởng giao nhiệm vụ, động viên kịp thời, cần chú trọng công tác giáo dục về giới cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ nữ nói riêng để chị em có ý thức phấn đấu, tham gia tích cực, bình đẳng vào các công việc chung.

Chuyển biến tích cực ban đầu trong thực hiện công tác này là tỷ lệ nữ quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 ở các cấp đều tăng từ 3,5- 8% so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, tỷ lệ nữ quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ tới ở cấp tỉnh chiếm 21,55%, cấp huyện 19,58% và cấp xã 28,34%.

Tín nhiệm này sẽ củng cố sự tự tin, ý thức tự vươn lên của phụ nữ, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ nữ, góp phần nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, đại biểu Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
 

2.  Những đối tượng được miễn, giảm học phí trong năm học 2020-2021

Video (baothuathienhue.vn 15/9)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Học viện Phật giáo VN tại Huế thi tuyển sinh đợt 2

Sáng nay, 15-9, tại Học viện Phật giáo VN tại Huế (cơ sở 2, thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, phường An Tây, TP.Huế), Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo VN tại Huế tổ chức kỳ tuyển sinh đợt 2 khóa XI (2020-2024).

Trước khi chính thức diễn ra môn thi đầu tiên, HT.Thích Hải Ấn, Viện trưởng cùng chư tôn đức Hội đồng Tuyển sinh đã khuyến tấn Tăng Ni thí sinh.

“Dù các Tăng Ni sinh cư trú tại vùng có tâm dịch nhưng vẫn hoàn thành các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh để tham gia kỳ thi. Chúc các Tăng Ni sinh tự tin để hoàn thành tốt kỳ thi”, HT.Thích Quang Nhuận, Giám sát Hội đồng Tuyển sinh nói.

Được biết, các thí sinh trước khi trở về Huế đều phải đăng ký khai báo y tế và hoàn thành đầy đủ các thủ tục lưu trú tại Huế.

Sáng nay, các thí sinh thi đợt 2 làm thủ tục và bắt đầu thi môn Phật pháp; 13g30 chiều thi môn Ngoại ngữ và sáng mai, 16-9 sẽ thi môn Văn học Việt Nam.

Như Giác Ngộ đã đưa tin, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo VN tại Huế tổ chức kỳ thi tuyển sinh Cử nhân Phật học khóa XI (2020 - 2024) đã xét duyệt 206 hồ sơ của các Tăng Ni thí sinh toàn quốc đủ tiêu chuẩn theo quy định, được tham dự kỳ thi.

Do dịch Covid-19 nên Học viện tổ chức 2 đợt thi. Kỳ tuyển sinh đợt 1 diễn ra ngày 21-8, có 101 Tăng Ni trúng tuyển. Đợt 2 có 76 hồ sơ đủ điều kiện tham gia dự thi. (giacngo.vn 15/9)

 
 
 

2.  Phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia

UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã kết luận như vậy khi làm việc với UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ và lãnh đạo Đại học Huế ngày 15/9 về sự phát triển của Đại học Huế trong thời gian tới.

Tiềm năng

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng các vụ, cục của bộ về một số tình hình giáo dục và đào tạo của tỉnh đầu năm học 2020 – 2021. Trong đó, nhấn mạnh đến công tác phổ cập giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; chấp lượng giáo dục các cấp bậc học; cơ sở, chất lượng đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất; công tác chỉ đạo đổi mới giáo dục của tỉnh; những tồn tại, khó khăn, hạn chế…

“Sau 11 năm thực hiện Kết luận 48 – KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 và phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, Đại học Huế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực công tác. Hiện Đại học Huế có 142 ngành đào tạo đại học; 92 ngành đào tạo thạc sĩ và 56 ngành đào tạo tiến sĩ. Số lượng công bố khoa học của Đại học Huế đăng trên các ấn phẩm khoa học quốc tế uy tính thuộc danh mục ISI (hay WoS) và danh mục Scopus tăng nhanh”, Giám đốc Đại học Huế Nguyễn Quang Linh khẳng định.

Nhiều vấn đề đã được bàn thảo tại buổi làm việc. Bên cạnh nêu bật những kết quả đã đạt được của Đại học Huế trong thời gian qua thì nhiều kiến nghị, đề xuất cũng được đề cập. Giám đốc Đại học Huế Nguyễn Quang Linh kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Ban xây dựng đề án phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia của Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết số 83/NQ – CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ.

Với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề xuất: “Ngoài quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất và điều kiện để Đại học Huế phát triển thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đầu tư Trường Quốc học Huế là một trong ba trường chất lượng cao của cả nước. Đầu tư nguồn vốn phát triển cơ sở vật chất trường lớp cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Bộ cần có chủ trương xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, trường học xanh, trường học thông minh và lấy Huế làm mô hình mẫu theo Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ”. 

Để làm rõ hơn sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định: “Một trong những sự kiện nổi bật của tỉnh vừa qua là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54. Nghị quyết này có nhiều nội dung lớn liên quan đến Đại học Huế. Do vậy, vị trí, vai trò của Đại học Huế không thể tách rời trong quá trình phát triển của tỉnh”.

Cần những bước đi vững chắc

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự lãnh, chỉ đạo của tỉnh trong thời gian qua về sự phát triển của Đại học Huế. Thời gian tới, Đại học Huế cần tiến hành rà soát lại đề án để sớm trở thành Đại học Quốc gia.

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là tên gọi mà là thực lực của Đại học Huế là gì. Đại học Huế cần xây dựng để trở thành khu đô thị đại học với những bước đi căn cơ, vững chắc. Tỉnh và Đại học Huế cần xây dựng đề án đào tạo theo hướng phát triển nguồn nhân lực, nhất là những lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh doanh, văn hóa văn nghệ, sư phạm… Sau buổi làm việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm ban hành kết luận liên quan đến những vấn đề đã trao đổi để sớm triển khai thực hiện Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.

Những kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng tình và làm rõ hơn thêm một số vấn đề. Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Kết luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi làm việc với Đại học Huế. Trong đó khẳng định và thống nhất, phát triển Đại học Huế theo định hướng nghiên cứu, trên cơ sở tự chủ đại học. Đồng ý chủ trương Đại học Huế xây dựng đề án sắp xếp Trường cao đẳng Y tế Thừa Thiên Huế vào Trường đại học Y dược. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để thực hiện dự án giải phóng mặt bằng xây dựng Đại học Huế… (baothuathienhue.vn 15/9)

 
 
 

3.  Học phí ngành y tăng đến đâu?

Với mức dao động từ vài chục đến vài trăm triệu/năm, ngành y đang là ngành có mức học phí cao nhất. Tuy nhiên, liệu mức học phí này đã dừng hay còn tăng nữa và tăng đến đâu?

Trường công vài chục triệu mỗi năm…

Cách đây không lâu, dư luận ồn ào khi Trường ĐH Y dược TPHCM tăng học phí “chóng mặt” từ mức 14- 15 triệu lên đến 30- 70 triệu đồng tùy ngành sau khi tự chủ.

Theo đó, với những sinh viên nhập học từ 2019 trở về trước, mức học phí áp dụng cho sinh viên ĐH hệ chính quy là: 1.430.000 đồng/tháng x 10 tháng/năm học, tức 14,3 triệu đồng/năm học.

Tuy nhiên, với niên khóa 2020- 2021, Trường ĐH Y dược TPHCM công bố mức học phí trong đề án tuyển sinh với mức tăng “chóng mặt” . Cụ thể, ngành Dinh dưỡng và Y tế cộng đồng có mức đào tạo thấp nhất với 30 triệu đồng/năm/ sinh viên, tiếp theo là ngành Y học dự phòng, Điều dưỡng, Dược học… có mức học phí dao động từ 38- 50 triệu đồng; ngành Y khoa có mức học phí 68 triệu đồng và cao nhất là ngành Răng Hàm Mặt với mức 70 triệu đồng.

Đề án tuyển sinh của trường cũng đưa ra mức tăng học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng 10%. Lấy ví dụ sinh viên học ngành Răng - Hàm - Mặt, sinh viên học năm thứ nhất sẽ đóng 70 triệu đồng/năm, năm thứ hai là 77 triệu đồng/năm, năm thứ 3 là 84,7 triệu đồng, năm thứ 4 là 93,1 triệu đồng, năm thứ 5 là 102,4 triệu đồng và năm học thứ 6 là 112,6 triệu đồng.

Với tổng thời gian học 6 năm, một sinh viên ngành Răng - Hàm - Mặt sẽ phải đóng khoảng 540 triệu đồng học phí. Tương tự, với sinh viên Y khoa với mức 68 triệu đồng năm thứ nhất, tổng học phí sau 6 năm là 524 triệu đồng. Nhà trường cho rằng, từ năm 2020 Trường thực hiện tự chủ nên phải tăng học phí, những năm trước học phí thấp là nhờ có kinh phí nhà nước rót thêm vào…

Không thua kém ĐH Y dược TPHCM là Khoa Y - ĐH Quốc gia TPHCM. Cụ thể, học phí ngành y khoa là 60 triệu đồng/năm, ngành dược là 55 triệu đồng và ngành răng-hàm-mặt là 88 triệu đồng. Dự kiến, học phí cho những ngành này ở kỳ tuyển sinh năm 2021 sẽ tăng lên lần lượt là 65 triệu, 60,5 triệu và 96,8 triệu đồng.

Đứng thứ ba trong khối trường y công lập là Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Theo đó, trường này cũng đã đề xuất UBND TPHCM tăng học phí từ mức 13 triệu đồng/ năm/ sinh viên lên mức 30 triệu đồng song chưa được phê duyệt… Trường ĐH Y Dược Cần Thơ có mức học phí bình quân tối đa là 24,6 triệu đồng/năm cho chương trình đại trà.

Trong khi đó, các trường y, dược công lập còn lại như Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Y Thái Bình, Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên, Khoa Y Dược - ĐH Đà Nẵng, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Trường ĐH Y Dược - ĐH Huế… vẫn đang có mức học phí tương đối thấp với mức 1,43 triệu đồng/tháng, tương đương 14,3 triệu đồng/năm.

…đến trường tư thục vài trăm triệu đồng mỗi năm!

So với các trường công lập thì hiện có khá ít trường tư thục được cho phép đào tạo ngành y dược và học phí chênh lệch cũng khá lớn.

Theo công bố của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, mức học phí ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt tại Trường này là 82,5 triệu đồng/ kỳ cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt và 99 triệu đồng/ kỳ với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Với thời gian đào tạo 6 năm, tổng học phí cho việc đào tạo 1 bác sĩ ở trường này tương đương với 990 triệu đồng cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt; 1 tỉ 188 triệu đồng đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.

Đứng ngay sau Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng là Trường ĐH Văn Lang. Theo đó, học phí ngành Răng-hàm-mặt của trường này là 4.480.000 đồng/tín chỉ. Chương trình đào tạo ngành này là 6 năm với 221 tín chỉ, tương đương với 990 triệu đồng. Tương tự, ngành Dược học phí là 1.790.000 đồng/tín chỉ, đào tạo trong 5 năm với 168 tín chỉ, tương đương hơn 300 triệu đồng/ khóa; ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học có mức học phí là 1.520.000 đồng/tín chỉ, tổng chương trình đào tạo 132 tín chỉ, tương đương hơn 200 triệu đồng/ khóa và  ngành điều dưỡng là 1.380.000 đồng/tín chỉ với 131 tín chỉ là hơn 180 triệu đồng…

Trường ĐH Tân Tạo (Long An) năm 2020-2021 cũng ở mức cao đưa ra mứa học phí ngành Y đa khoa khá cao với 150 triệu đồng/năm. Mức học phí này được trường cam kết duy trì trong suốt 6 năm đào tạo.

Dù là trường ngoài công lập được cấp phép đào tạo khối ngành sức khỏe song học phí Trường ĐH Nguyễn Tất Thành khá thấp. Theo đó, mức học phí của nhóm ngành sức khỏe khóa 2020 sẽ dao động từ 1-1,4 triệu đồng/tín chỉ đối với môn cơ sở; và từ 1-2,9 triệu đồng/tín chỉ đối với môn chuyên ngành; 660.000 đồng/tín chỉ đối với môn cơ bản. Riêng ngành y khoa, học phí sẽ dao động từ 20-26 triệu đồng/học kỳ.

Được biết, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang tuyển sinh 7 ngành thuộc khối sức khỏe gồm: y khoa, y học dự phòng, dược học, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm, kỹ thuật y sinh, vật lý y khoa. (tienphong.vn 15/9)

 
 
 

4.  TT-Huế: Nhiều ngành có điểm sàn tăng khá cao so với năm 2019

Ngày 14-9, tin từ Hội đồng Tuyển sinh Đại học (ĐH) Huế cho biết vừa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2020 (điểm sàn).

Theo đó, điểm sàn các ngành năm nay ở mức từ 14 - 20 điểm. Nhiều ngành của ĐH Huế có điểm sàn tăng từ 1 đến 3 điểm so với mức điểm sàn năm 2019. Hai ngành Trường ĐH Luật có mức điểm sàn là 16 điểm. Nhiều ngành của Trường ĐH Ngoại ngữ có mức điểm sàn từ 14 - 15,5 điểm. Các ngành Trường ĐH Kinh tế có điểm sàn từ 15 - 17 điểm. Các ngành ở Trường ĐH Nông lâm có mức điểm sàn từ 15-19 điểm, tăng khá mạnh so với năm ngoái. Trường ĐH Nghệ thuật có điểm sàn các ngành cùng mức 15 điểm... Trong khi đó, các ngành thuộc khối ngành sức khỏe (và có chứng chỉ hành nghề) và sư phạm (đào tạo giáo viên) do Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn. (cadn.com.vn 15/9)

 
 
 

5.  Chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện

Năm học 2020- 2021, ngành giáo dục và đào tạo (GD & ĐT) TP. Huế chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện (GDTD), quan tâm đến giáo dục đạo đức lối sống, thể chất và thẩm mỹ, đồng thời tạo môi trường cho học sinh tự học và sáng tạo để phát triển toàn diện.

Phát triển khả năng sáng tạo

Hiện nay, hệ thống trường lớp công lập, ngoài công lập các cấp học trên địa bàn TP. Huế khá ổn định và phát triển, đảm bảo nhu cầu học tập cho mọi lứa tuổi. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các cháu mầm non ngày càng tốt hơn; chất lượng giáo dục tiểu học và THCS tiếp tục nâng cao. Hằng năm, có khoảng 1.500 em đạt học sinh giỏi cấp thành phố, tỉnh, quốc gia, quốc tế; có 99,9% học sinh tiểu học được đánh giá về sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất từ đạt trở lên; 99,9% học sinh THCS xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên, trong đó loại tốt, khá đạt 99,7%.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, những năm qua, ngành GD & ĐT thành phố chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, đồng thời vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời. Để đạt được mục tiêu GDTD, kết hợp chặt chẽ 5 mặt giáo dục về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và lao động. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, cần phải nâng cao chất lượng hoạt động GDTD.

Theo Trưởng phòng GD & ĐT TP. Huế Nguyễn Thuận, trong 5 năm qua (2015- 2020), phòng đã thực hiện tốt công tác huy động, duy trì số lượng, phát triển mạng lưới trường lớp; quy mô phát triển số lượng trường lớp, học sinh ở các cấp học được củng cố duy trì và phát triển; hệ thống trường lớp công lập các cấp học ổn định, tỷ lệ học 2 buổi/ngày nâng cao. Công tác xây dựng đội ngũ giáo viên luôn được chú trọng, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm thiết bị dạy học hiện đại nâng tỷ lệ học 2 buổi/ngày và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tạo thuận lợi để thực hiện GDTD.

Hiện, chất lượng GDTD tiếp tục được giữ vững và phát triển. Các trường tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trật tự giao thông và rèn luyện thể chất, thẩm mỹ cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục trên lớp và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; thực hiện dạy học lồng ghép các chương trình về giáo dục môi trường, an toàn giao thông, quyền và bổn phận trẻ em, phòng chống HIV/AIDS-ma túy học đường…

Các hoạt động giáo dục thể chất, thẩm mỹ, văn hóa văn nghệ, hoạt động trải nghiệm luôn được các trường học coi trọng, tạo thuận lợi cho học sinh tham gia đạt kết quả cao như: hội thi “Rung chuông vàng” về an toàn giao thông, hội thi Vẽ tranh trên máy tính, hoạt động “Không gian sắc màu tuổi thơ”… Ngoài ra, các trường tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, như: kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu, kỹ năng bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn nước sạch, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại trẻ em...

Giải pháp

Để đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng GDTD, Phòng GD&ĐT kiến nghị thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa theo lộ trình nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện, đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất- thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu GDTD và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới. Hiện, một số trường không đạt quy chuẩn và thiếu về cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn, phòng đa năng và sân chơi bãi tập.

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh, thành phố tiếp tục thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT”. Tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục ở bậc mầm non, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh; vừa nâng cao chất lượng GDTD, đồng thời, coi trọng giáo dục mũi nhọn ở cấp tiểu học và THCS để phát triển năng khiếu cho học sinh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài ở bậc phổ thông; nâng cao tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh có thành tích cao.

Giữ vững và nâng cao chất lượng GDTD ở các bậc học, cấp học, thành phố tập trung nâng cao chất lượng hoạt động GDTD, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức, hiểu biết về phát triển toàn diện theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh; bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức hoạt động GDTD cho cán bộ quản lý và giáo viên.

Đối với cán bộ quản lý, mỗi giáo viên phải có năng lực xây dựng kế hoạch, năng lực huy động các nguồn lực để tổ chức tốt các hoạt động GDTD; đối với giáo viên, phải có năng lực vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để phát triển năng lực học sinh, năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm và năng lực hướng dẫn học sinh tự học. Các trường học phải đổi mới công tác đánh giá hoạt động GDTD, bao gồm đổi mới trong đánh giá giảng dạy của giáo viên theo chủ đề tích hợp, đánh giá việc tổ chức thực hiện một chủ đề hoạt động trải nghiệm của giáo viên và đánh giá chất lượng hoạt động giáo dục toàn diện của một trường học.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GDTD đó là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, quản lý và khai thác cơ sở vật chất - kỹ thuật trường học, thiết bị trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, lớp học 2 buổi/ngày phục vụ cho hoạt động giáo dục toàn diện. Mặt khác, phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội theo hướng xã hội hóa để nâng cao chất lượng GDTD. (baothuathienhue.vn 15/9)

 
 
Y TẾ
 

1.  Thừa Thiên Huế: Dỡ bỏ hạn chế công dân trở về từ vùng dịch

Video (quochoitv.vn 15/9)

 
 
 

2.  Từ 16-9 người từ Đà Nẵng đến Huế không bị cách ly tập trung

Công dân từ Đà Nẵng vào tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ cần tự khai báo đăng ký và chịu trách nhiệm về thông tin đăng ký, không cần xét nghiệm PCR và không bị cách ly bắt buộc.

Ngày 15-9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, vừa có thông báo về một số biện pháp kiểm soát người về từ Đà Nẵng.

Cụ thể, từ 0 giờ ngày 16-9, công dân đi từ Đà Nẵng vào Thừa Thiên – Huế chỉ cần đăng ký tại trang web tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được phê duyệt và chịu trách nhiệm về thông tin đăng ký, không cần xét nghiệm PCR và không bị cách ly bắt buộc.

Trong trường hợp nếu chưa khai báo trước qua mạng thì kê khai tại Chốt kiểm tra liên ngành của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sau đó, công dân từ TP Đà Nẵng đến Thừa Thiên - Huế và trở về lại Đà Nẵng trong ngày thì phải tự theo dõi sức khỏe; đối với người lưu trú tại Thừa Thiên -  Huế trong 3 ngày thì phải khai báo y tế tại địa phương và theo dõi sức khỏe; đối với người lưu trú trên 3 ngày thì phải khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe, tự cách ly tại nơi cư trú đến ngày 25-9.

Sau đó, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “5K” gồm: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế tại nơi lưu trú. Đặc biệt, hạn chế tiếp xúc với người địa phương, nghiêm cấp việc tham gia các sự kiện đông người, không đến các tụ điểm đông người như khu vui chơi giải trí,...

Nếu phát hiện một trong các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở, đau họng,… phải khai báo với cơ sở y tế. (plo.vn 15/9)

 
 
 

3.  Người từ Đà Nẵng vào Huế từ ngày 16-9 chỉ cần khai báo y tế

Người đến từ vùng dịch Đà Nẵng chỉ cần đăng ký và khai báo, không cần phải có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính trong 72 giờ như quy định cũ.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 15-9 đã ban hành văn bản hướng dẫn một số biện pháp kiểm soát công dân về từ vùng có dịch.

Theo đó, từ ngày 16-9, người đi từ TP Đà Nẵng muốn vào tỉnh Thừa Thiên -Huế chỉ cần lên trang website https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để đăng ký và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin.

Người dân xuất trình kết quả phê duyệt tại chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cũng tại chốt này, nếu chưa khai báo trước qua mạng thì tiến hành kê khai.

Khi vào tỉnh Thừa Thiên – Huế, họ phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "5K" gồm khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế tại nơi lưu trú. Đặc biệt hạn chế tối đa tiếp xúc với người địa phương; nghiêm cấm việc tham gia các sự kiện tụ tập đông người; không đến các tụ điểm đông người như khu vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường, karaoke, massage, rạp chiếu phim, quán game online….

Nếu phát hiện thấy một trong các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở, đau họng... phải báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.

Ngoài ra, người từ TP Đà Nẵng khi vào tỉnh Thừa Thiên - Huế và trở về phải tự theo dõi sức khoẻ; lưu trú trong thời hạn 3 ngày phải khai báo y tế và tự theo dõi sức khoẻ; lưu trú trên 3 ngày phải khai báo y tế, tự theo dõi sức khoẻ, tự cách ly tại nơi cư trú đến ngày 25/9/2020 (trường hợp TP Đà Nẵng không phát sinh ca mắc Covid-19 mới).

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên- Huế yêu cầu các cơ sở lưu trú chỉ được tiếp nhận người đến từ vùng có dịch khi đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19; thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của du khách, kịp thời báo cáo cơ sở y tế gần nhất nếu có du khách có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở, đau họng...

Trường hợp người từ Thừa Thiên - Huế vào TP Đà Nẵng công tác, học tập, thăm thân… khi trở về phải đăng ký tại địa chỉ trên để được phê duyệt. Đồng thời hạn chế tham gia các sự kiện tụ tập đông người, tự theo dõi sức khoẻ; nếu phát hiện thấy một trong các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở, đau họng... phải báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn. (nld.com.vn 15/9)

 
 
 

4.  Từ 16/9/2020, công dân về từ Đà Nẵng không cần xét nghiệm PCR

Ngày 15/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh có văn bản hướng dẫn một số biện pháp kiểm soát công dân về từ vùng có dịch.

Theo đó, từ ngày 16/9/2020, công dân đi từ thành phố Đà Nẵng vào tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành đăng ký tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được phê duyệt cho phép và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đăng ký.

Xuất trình kết quả phê duyệt tại Chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh Thừa Thiên Huế. Trường hợp vướng mắc, đề nghị liên lạc về tổng đài 19001075 để được hướng dẫn, hỗ trợ. Nếu chưa khai báo trước qua mạng thì tiến hành kê khai  tại Chốt kiểm tra.

Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "5K", gồm: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế tại nơi lưu trú. Đặc biệt hạn chế tối đa tiếp xúc với người địa phương; nghiêm cấm việc tham gia các sự kiện tụ tập đông người; không đến các tụ điểm đông người như khu vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường, karaoke, massage, rạp chiếu phim, quán game online….

Nếu phát hiện thấy một trong các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở, đau họng... phải báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.

Ngoài việc thực hiện đầy đủ các nội dung trên, công dân từ thành phố Đà Nẵng khi vào tỉnh Thừa Thiên Huế và trở về phải tự theo dõi sức khoẻ; lưu trú trong thời hạn 3 ngày phải khai báo y tế và tự theo dõi sức khoẻ.; lưu trú trên 3 ngày phải khai báo y tế, tự theo dõi sức khoẻ, tự cách ly tại nơi cư trú đến ngày 25/9/2020 (trường hợp thành phố Đà Nẵng không phát sinh ca mắc COVID-19 mới).

Yêu cầu các cơ sở lưu trú chỉ được tiếp nhận người đến từ vùng có dịch khi đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19; thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của du khách, kịp thời báo cáo cơ sở y tế gần nhất nếu có du khách có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở, đau họng...

Trường hợp người từ Thừa Thiên Huế vào thành phố Đà Nẵng công tác, học tập, thăm thân… khi trở về Thừa Thiên Huế phải đăng ký tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được phê duyệt (qua mạng). Đồng thời hạn chế tham gia các sự kiện tụ tập đông người, tự theo dõi sức khoẻ; nếu phát hiện thấy một trong các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở, đau họng... phải báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.  (baothuathienhue.vn 15/9)

 
 
 

5.  Huế nới lỏng hạn chế đối với công dân Đà Nẵng từ 0h ngày 16/9

Từ 0h ngày 16/9/2020, công dân từ TP Đà Nẵng đến Thừa Thiên Huế phải tiến hành đăng ký khai báo y tế qua mạng để được phê duyệt cho phép và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đăng ký.

Ngày 15/9, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có thông báo về việc thực hiện một số biện pháp kiểm soát người và phương tiện từ TP Đà Nẵng đến tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, từ 0h ngày 16/9/2020, công dân từ TP Đà Nẵng đến Thừa Thiên Huế phải tiến hành đăng ký tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được phê duyệt cho phép và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đăng ký.

Khi đến các Chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh Thừa Thiên Huế, công dân phải xuất trình kết quả phê duyệt. Trong tường hợp vướng mắc, có thể liên lạc về Tổng đài 19001075 để được hướng dẫn, hỗ trợ. Nếu chưa khai báo trước qua mạng thì công dân tiến hành khai báo tại Chốt kiểm tra (có lực lượng hướng dẫn).

Cùng với đó, khi vào địa bàn Thừa Thiên Huế, công dân thực hiện nghiêm túc "5K" gồm: Khẩu trang, khử trùng, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế tại nơi lưu trú. Đặc biệt hạn chế tối đa tiếp xúc với người địa phương. Nghiêm cấm việc tham gia các sự kiện tập trung đông người. Không đến các tụ điểm đông người như khu vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường, karaoke, massage, rạp chiếu phim, quán game online…

Nếu phát hiện thấy một trong các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở, đau họng… thì phải khai báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.

Ngoài thực hiện các nội dung kể trên, công dân từ TP Đà Nẵng khi vào tỉnh Thừa Thiên Huế và trở về phải tự theo dõi sức khỏe trong ngày; Lưu trú trong thời hạn 3 ngày phải khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe; Lưu trú trên 3 ngày phải tự theo dõi sức khỏe, tự cách ly tại nơi cư trú đến ngày 25/9 (trong trường hợp TP Đà Nẵng không phát sinh thêm các ca nhiễm mới).

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các cơ sở lưu trú chỉ được tiếp nhận người đến từ vùng dịch khi đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19; thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe du khách, kịp thời báo cáo cơ sở y tế gần nhất nếu có du khách có triệu chứng nghi ngờ.

Trường hợp người từ Thừa Thiên Huế vào TP Đà Nẵng công tác, học tập, thăm thân… khi trở về địa phương cũng phải đăng ký tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được phê duyệt (qua mạng). Đồng thời hạn chế các sự kiện tập trung đông người, tự theo dõi sức khỏe…/. (toquoc.vn 15/9)

 
 
 

6.  Từ 16-9: người Đà Nẵng ra Huế không phải xét nghiệm PCR, ở quá 3 ngày phải tự cách ly

Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có thông báo nới lỏng một số biện pháp kiểm soát người từ TP Đà Nẵng về Huế kể từ ngày 16-9.

Sáng 15-9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết vừa ra thông báo nới lỏng một số biện pháp kiểm soát người từ Đà Nẵng về Huế bắt đầu từ ngày 16-9.

Theo đó, người từ Đà Nẵng về Huế phải khai báo y tế, đăng ký trước qua mạng và được sự phê duyệt của chính quyền địa phương. Kết quả khai báo này người dân tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đăng ký (nếu chưa khai báo qua mạng thì có thể khai tại chốt kiểm soát đóng ở khu vực thị trấn Lăng Cô, Huế).

Người từ Đà Nẵng ra Huế được khuyến nghị hạn chế tiếp xúc với người địa phương, bị cấm tham gia các sự kiện tập trung đông người; không đến các điểm đông người như khu vui chơi, quán bar, karaoke...

Ngoài ra, người từ Đà Nẵng khi ở Huế được đi lại và phải tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 3 ngày. Quá thời gian trên mà chưa rời Huế thì người dân phải tự cách ly tại nơi cư trú đến 25-9 (trường hợp Đà Nẵng không phát sinh ca nhiễm COVID-19 mới).

Quy định này không còn bắt buộc người từ Đà Nẵng ra Huế phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính như trước nữa.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã gỡ bỏ kiểm soát đối với người và xe cộ đi từ tỉnh Quảng Nam từ 15-9 với điều kiện xe và người đi đến Huế cam kết không dừng, đỗ bất cứ điểm nào ở vùng có dịch (Đà Nẵng). (tuoitre.vn 15/9)

 
 
 

7.  Huế dỡ bỏ quy định cách ly tập trung người từ Đà Nẵng

Trưa 15/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết vừa có Thông báo hỏa tốc số 176/TB-BCĐ về một số biện pháp kiểm soát công dân về từ vùng có dịch.

Theo đó, từ 0h ngày 16/9 thực hiện một số biện pháp kiểm soát người và phương tiện từ TP. Đà Nẵng vào tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cụ thể, công dân từ TP Đà Nẵng vào địa bàn Thừa Thiên - Huế tiến hành đăng ký tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được phê duyệt cho phép và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đăng ký.

Xuất trình kết quả phê duyệt tại Chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trường hợp vướng mắc, liên lạc về tổng đài 19001075 để được hướng dẫn, hỗ trợ. Nếu chưa khai báo trước qua mạng thì tiến hành kê khai tại Chốt kiểm tra (có lực lượng hướng dẫn).

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “5K” gồm: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế tại nơi lưu trú. Đặc biệt, hạn chế tối đa tiếp xúc với người địa phương; nghiêm cấm việc tham gia các sự kiện tụ tập đông người; không đến các tụ điểm đông người như khu vui chơi giải trí, quá bar, vũ trường, karaoke, massage, rạp chiếu phim, quán game online…

“Nếu phát hiện thấy một trong các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở, đau họng… phải báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn”, Thông báo nhấn mạnh.

Đáng chú ý, ngoài việc thực hiện đầy đủ các nội dung trên, công dân từ TP Đà Nẵng khi vào tỉnh Thừa Thiên – Huế và trở về trong ngày- tự theo dõi sức khỏe; lưu trú trong thời hạn 3 ngày- khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe; lưu trú trên 3 ngày- khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe, tự cách ly tại nơi cư trú đến ngày 25/9/2020 (trường hợp TP Đà Nẵng không phát sinh ca mắc Covid-19 mới).

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu các cơ sở lưu trú chỉ được tiếp nhận người đến từ vùng có dịch khi đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về phòng chống dịch, kịp thời khai báo nếu có du khách có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở, đau họng…

Trường hợp người từ Thừa Thiên – Huế vào TP Đà Nẵng công tác, học tập, thăm thân… khi trở về Thừa Thiên – Huế phải đăng ký tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được phê duyệt (qua mạng).

Đồng thời hạn chế tham gia các sự kiện tụ tập đông người, tự theo dõi sức khỏe. Nếu phát hiện thấy một trong các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở, đau họng… phải báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.

Công dân từ vùng có dịch trở về đến cửa ngõ QL1 phía Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế được xe ô tô chở đến khu cách ly tập trung - Ảnh chụp ngày 24/8

Như vậy, từ 0h ngày 16/9, công dân đi từ TP Đà Nẵng vào tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ cần tự khai báo đăng ký và chịu trách nhiệm về thông tin đăng ký, không cần phải xét nghiệm PCR và không bị cách ly bắt buộc. (baogiaothong.vn 15/9)

 
 
 

8.  Khôi phục vận tải hành khách từ Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và ngược lại

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành công văn về việc khôi phục vận tải hành khách từ Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và ngược lại, bắt đầu từ 0 giờ ngày 16/9.

Theo đó, khôi phục toàn bộ hoạt động vận tải hành khách từ Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và ngược lại, bao gồm tuyến cố định, hợp đồng, du lịch, taxi kể từ 0 giờ ngày 16/9. Các doanh nghiệp, Hợp tác xã khai thác các tuyến phải thực hiện nghiêm túc về an toàn phòng chống dịch của phương tiện và người lái.

Các đơn vị quản lý bến xe trực tiếp kiểm tra việc thực hiện an toàn phòng chống dịch Covid-19 trên phương tiện và khách hàng, nếu đáp ứng đủ thì mới cho phép phương tiện xuất bến. Các doanh nghiệp, Hợp tác xã kiểm tra toàn phòng chống dịch trên phương tiện trước khi đưa phương tiện vào khai thác.

Đối với công dân đi từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành đăng ký tại địa chỉ: https//tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để phê duyệt cho phép và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đăng ký. Xuất trình kết quả phê duyệt tại chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh Thừa Thiên Huế.

 Nếu không khai báo trước qua mạng thì tiến hành kê khai tại chốt kiểm tra. Công dân Đà Nẵng đến Huế thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “5K" gồm: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế tại nơi lưu trú. Đặc biệt, hạn chế tối đa tiếp xúc với người địa phương; nghiêm cấm việc tham gia các sự kiện tụ tập đông người; không đến các tụ điểm đông người như: khu vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường, karaoke, massage, rạp chiếu phim, quán game online…

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Xí nghiệp Bến xe phía Nam Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Hiện tại, chúng tôi đã thông báo đến các chủ xe qua các doanh nghiệp vận tải. Theo đó, doanh nghiệp vận tải sẽ tiến hành cung cấp lệnh vận chuyển cho các đầu xe và một số yêu cầu theo thông báo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh, yêu cầu các xe, các phương tiện trang bị đầy đủ như nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế… để các doanh nghiệp phổ biến lại cho các xã viên để thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo”./. (/vov.vn 15/9)

 
 
 

9.  Thừa Thiên-Huế dỡ bỏ kiểm soát người và phương tiện về từ Quảng Nam

Từ 0h ngày 15/9, Thừa Thiên-Huế dỡ bỏ kiểm soát người và phương tiện từ tỉnh Quảng Nam vào tỉnh. Tuy nhiên, công dân từ Quảng Nam khi đăng ký vào Thừa Thiên-Huế cam kết không dừng, đỗ tại bất cứ địa điểm nào từ các vùng có dịch và trong 14 ngày trước đó không đến vùng có dịch.

Trong đó đáng lưu ý nhất là từ 0h ngày 15/9, Thừa Thiên-Huế dỡ bỏ kiểm soát người và phương tiện từ tỉnh Quảng Nam vào tỉnh. Tuy nhiên, công dân từ Quảng Nam khi đăng ký vào Thừa Thiên-Huế cam kết không dừng, đỗ tại bất cứ địa điểm nào từ các vùng có dịch và trong 14 ngày trước đó không đến vùng có dịch.

Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu tất cả các công dân đến tỉnh phải đăng và khai báo y tế theo quy định. Việc tiếp nhận người, phương tiện từ các vùng có dịch (chưa qua 28 ngày) đến Thừa Thiên-Huế tiếp tục thực hiện theo các thông báo số 143, 145, 166, hướng dẫn số 163, 172 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và và công văn số 7186 của UBND tỉnh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế dự kiến, sau khi dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Quảng Nam, tỉnh sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Đà Nẵng sau 24/9 và người từ Hải Dương sau ngày 30/9 nếu các địa phương này không phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 mới.

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 vào sáng 14/9, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, tỉnh vẫn duy trì các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả trong thời gian qua, sẽ dỡ bỏ giãn cách đối với những địa phương qua 28 ngày không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới theo Quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các chốt kiểm soát y tế, kiểm tra liên ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác chốt chặn cho đến khi có thông báo mới, đồng thời, nâng cao cảnh giác, không được chủ quan lơ là. Bên cạnh đó, tiếp tục xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động chuẩn bị các kịch bản, ứng phó các tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ em, người yếu thế.

Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương hoàn chỉnh các bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch, xem đây là cẩm nang, công cụ quản lý để giám sát dịch tễ trên lĩnh vực của mình. 

Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng chỉ đạo Đại học Huế, Sở GD&ĐT có phương án tiếp nhận hơn 400 du học sinh Lào về Huế học tập đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng chống dịch, đồng thời, có kế hoạch tổ chức đón tiếp đại trà sinh viên học tập trở lại. (baochinhphu.vn 15/9)

 
 
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
 

1.  Hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ

Khoa học và công nghệ (KHCN) đã có những hỗ trợ thiết thực, góp phần vào sự phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX).

Nâng cao giá trị kinh tế

Bà Nguyễn Thị Ướt ở xã Phú Lương (Phú Vang) nhận thấy, mô hình trồng nấm tại địa phương ngày càng phát triển, hàng ngày thu hoạch một lượng lớn sản phẩm. Có lúc sản phẩm không thể tiêu thụ hết trong ngày buộc người dân dự trữ, chờ dịp bán ra thị trường. Các loại nấm thường chứa nhiều vitamin, dự trữ dài ngày dễ bị phân hủy, biến đổi chất khi ở nhiệt độ cao, ẩm mốc, làm giảm chất lượng, sản lượng.

Mới đây, HTX NN Phú Lương 1 được Sở KHCN hỗ trợ thiết bị sấy lạnh bằng bơm nhiệt phục vụ sấy nấm linh chi và các loại nấm dùng để ăn. Máy sấy áp dụng công nghệ sấy lạnh phục vụ sấy các loại nấm nguyên liệu, giúp bảo toàn tính chất sản phẩm trong điều kiện nhiệt độ cao. Từ khi có máy sấy, HTX Phú Lương 1 tiếp tục được Sở KHCN hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, sản xuất một số loại nấm dược liệu, nấm ăn như mộc nhĩ, nấm sò, nấm xích chi.

Giám đốc HTX NN Phú Lương 1, ông Nguyễn Thụ cho rằng, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất tạo cơ hội cho địa phương đa dạng các mô hình trồng nấm, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế. Toàn xã có khoảng 650 hộ trồng nấm với 1.200 vòm, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng chục tấn nấm thương phẩm (trong đó khoảng một tấn nấm linh chi, mộc nhĩ, xích chi) với doanh thu trên dưới 10 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hoài, chủ vườn thanh trà ở Thủy Biều (TP. Huế), một thời rất trăn trở trước tình trạng các loại thanh trà nhiều nơi khác chất lượng thấp trà trộn, thậm chí mạo danh sản phẩm Thủy Biều, làm giảm uy tín, giá trị sản phẩm của địa phương. Từ khi có nhãn hiệu tập thể (NHTT), thanh trà Thủy Biều đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đứng vững trên thị trường.

Ông Hoàng Trọng Dị, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thủy Biều thông tin, từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận NHTT “Thanh trà Huế”, sản phẩm thanh trà Thủy Biều thật sự tiêu thụ mạnh, có giá trị kinh tế cao. Trên địa bàn Thủy Biều có khoảng 900 hộ trồng thanh trà với diện tích 145ha, chiếm gần 50% diện tích thanh trà toàn tỉnh, bình quân mỗi năm thu nhập hơn 30 tỷ đồng.

Các chương trình, dự án KHCN còn duy trì hoạt động giới thiệu, quảng bá loại trái cây đặc sản này thông qua các kênh phân phối, đưa nhãn hiệu “Thanh trà Huế” đến người tiêu dùng trong cả nước. Đến nay, NHTT “Thanh trà Huế” được mở rộng đến phường Hương Văn với nhãn hiệu “Thanh trà Huế - Hương Văn”, địa bàn Phong Thu với nhãn hiệu “Thanh trà Huế - Phong Thu”… Điều này tạo điều kiện cho sản phẩm thanh trà trên địa bàn tỉnh nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho nông dân, hộ thành viên.

Trên 5 tỷ đồng cho các mô hình

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn đánh giá, những năm qua, ngành KHCN đã triển khai 10 nhiệm vụ KHCN, giao trực tiếp cho các HTX triển khai thực hiện và 5 nhiệm vụ KHCN thông qua các đơn vị khác. Các nhiệm vụ KHCN triển khai tại các HTX huy động nguồn lực từ các tổ chức KHCN, chính quyền và người dân tham gia với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.

Thông qua các nhiệm vụ KHCN đã xây dựng nhiều mô hình thí điểm; các HTX trực tiếp tham gia mô hình, hoặc phối hợp, tạo cơ hội cho nông dân, cán bộ kỹ thuật HTX tiếp nhận, nắm bắt khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới và hình thành ngành nghề mới.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ, nhiều HTX thật sự tạo “điểm sáng” trong hoạt động sản xuất kinh doanh với các mô hình mới, hiệu quả. Có thể kể đến các HTX: Phú Lương 1 (Phú Vang), Quảng Thọ 2 (Quảng Điền), La Chữ (Hương Trà), Tây An, Thủy Biều (Huế)…

Ông Doãn thông tin, HTX Tây An ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất hoa lan Hồ Điệp chất lượng cao trong nhà lưới với các quy trình chăm sóc, bón phân, xử lý phân hóa mầm hoa, thu hái, bảo quản, vận chuyển hoa thương phẩm… Ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra nhiều chủng loại hoa lan Hồ Điệp có giá trị kinh tế cao, như Tiểu Kiều tím LVR2, LVR4, Ban Mai, đỏ, vàng, tím chấm, trắng, trắng phát…

HTX La Chữ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, KHCN, xây dựng mô hình chế biến, bảo quản kiệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang được nhân rộng trên địa bàn Hương Chữ và toàn TX. Hương Trà. Thông qua công nghệ sấy lạnh, đóng gói chân không kiệu, dưa kiệu muối chua đóng gói, giúp HTX nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, được thị trường tiêu thụ ổn định.

Mới đây, HTX Tây Xuân (Hương Trà) được ngành KHCN hỗ trợ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, đưa các giống sắn mới chất lượng cao, triển vọng vào sản xuất, như KM444, KM21-12, KM419, Km98-5; tạo ra sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Các HTX: Kim Thành, Quảng Thọ 2, Quảng Thọ 1 (Quảng Điền)… triển khai thành công mô hình ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học trong tổ chức sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP...

Sở KHCN còn hỗ trợ các HTX trong tạo lập, quảng bá và phát triển “tài sản trí tuệ”. Trong hơn 10 năm trở lại đây, có 22 NHTT sản phẩm của các HTX trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ xây dựng, nộp đơn đăng ký bảo hộ; đến nay hầu hết các nhãn hiệu được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận đăng ký NHTT. Đã có nhiều nhãn hiệu được các HTX quản lý tốt, đưa sản phẩm ra thị trường. (baothuathienhue.vn 16/9)

 
 
NÔNG NGHIỆP
 

1.  Động lực phát triển nông nghiệp sạch

Các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020 tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch.

Bà đỡ cho nông nghiệp sạch

Chỉ tính riêng hoạt động hỗ trợ xây dựng các mô hình hỗ trợ ứng dụng phương pháp thực hành nông nghiệp tốt đã tạo dấu ấn quan trọng. Từ những mô hình đơn lẻ, giá trị thấp đến nay trên địa bàn đã có hơn 1.200 ha lúa, 114 ha rau sản xuất theo hướng VietGAP. Nhiều mô hình sản xuất lúa hữu cơ được triển khai thực hiện với quy mô diện tích 386 ha, trong đó lúa 214 ha, rau 172 ha. Các mô hình thủy canh, trồng rau nhà lưới, nhà kính cũng đã bắt đầu phát triển với 36 nhà lưới với tổng diện tích hơn 52.000 m2 tạo dấu ấn quan trọng trong nâng cao chất lượng sản phẩm hướng đến giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Chỉ tính riêng nguồn hỗ trợ qua kênh Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLTS) đã giúp định hình nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm, thủy sản lớn với khâu sản xuất ban đầu được chứng nhận VietGAP. Có thể kể như: 40 ha sản xuất rau má tại xã Quảng Thọ, 35 ha sản xuất 8 loại rau tại xã Quảng Thành, 17 ha hành lá tại phường Hương An, 2,4 ha trồng khổ qua tại TX. Hương Thủy, 8,7 ha thanh trà tại Thủy Biều… được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 2 cơ sở chế biến thủy sản áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP…

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLTS thông tin, Chi cục triển khai thí điểm ứng dụng Tem điện tử QR code vào 22 sản phẩm nông sản (gạo, rau, thịt) bày bán có truy xuất nguồn gốc từ khâu sản xuất ban đầu đến khâu bày bán. Hỗ trợ các chủ cửa hàng bày bán và các đầu mối liên quan để chứng nhận cho 15 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 21 sản phẩm được công nhận.

Các mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ bắt đầu định hình tạo nên chuỗi cung ứng thực phẩm có giá trị gia tăng cao. Với sự hỗ trợ từ các nguồn vốn khác nhau, nhiều mô hình đã hoàn thành xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với yêu cầu sạch từ sản xuất đến tận bàn ăn.

Mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Vũ Văn Tú, phường Thủy Phương (Hương Thủy) là một ví dụ. Từ mô hình chăn nuôi gà khép kín, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi và tạo chuỗi cung ứng với sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Thủy, anh Tú đầu tư xây dựng cửa hàng bày bán sản phẩm gà tươi được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Hiện anh Tú đã mở rộng chuỗi cửa hàng bày bán và hơn 10 quầy gà nướng nhờ đó, đầu ra của hệ thống 3 trang trại với hơn 200.000 con gà thương phẩm mỗi năm duy trì ổn định với doanh thu thu gần 6 tỷ đồng/năm.

Phát triển chuỗi liên kết

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện đề án, Sở NN&PTNT hỗ trợ cho 24 cơ sở, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng và đang thẩm định hồ sơ cho 5 cơ sở, hướng dẫn cho 10 cơ sở khác; dự kiến năm 2020 có khoảng 20 dự án (DA) đề nghị hỗ trợ với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương, UBND tỉnh giai đoạn này cũng đã hỗ trợ nhiều mô hình, DA, phát triển sản xuất, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 38 tỷ đồng thực hiện 400 mô hình sản xuất (riêng năm 2019 có 42 DA liên kết theo chuỗi giá trị). Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng hỗ trợ 51 tỷ đồng thực hiện 191 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh về thông qua đề án “Xây dựng một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016 – 2020” đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế ngành nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời, mở ra hướng đi mới trong công tác quy hoạch, phát triển sản xuất và thúc đẩy các ngành kinh tế, góp phần cải thiện môi trường thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.

Việc triển khai các chính sách thông qua các mô hình, DA góp phần tăng trưởng sản xuất nông nghiệp cải thiện năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; hạ tầng cơ sở phát triển sản xuất được quan tâm đầu tư đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất của người dân. Hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo khối lượng sản phẩm hàng hoá cung cấp cho thị trường, bước đầu thu hút được sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp và phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, tạo việc làm ổn định cho người lao động, Nhân dân tham gia tích cực vào xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Theo ông Hồ Đăng Khoa, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần như về kỹ thuật, cơ sở vật chất ban đầu sau đó các HTX, người dân phải linh động và có hướng đi phù hợp để nâng chất, khẳng định thương hiệu sản phẩm nhất là phát triển thị trường.

Để mở rộng kênh phân phối, trước hết phải chú ý đến xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm, Nhà nước cũng đang có nhiều chính sách ưu đãi về địa điểm bày bán nên các HTX cần tận dụng chính sách này để mở rộng kênh quảng bá. Bản thân HTX, người làm ra sản phẩm phải chú trọng đến chất lượng, nâng giá trị thương hiệu hướng đến xây dựng thành công sản phẩm OCOP làm “bàn đạp” đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa. (baothuathienhue.vn 15/9)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Phục hồi du lịch Huế hậu Covid-19: Phải biến 'nguy' thành 'cơ'

Muốn phục hồi thị trường vốn ảm đạm do dịch Covid-19, du lịch Huế phải vượt qua thách thức, biến 'nguy' thành 'cơ' và khẳng định thông điệp: 'Huế, điểm đến an toàn, thân thiện'.

Báo Thế giới & Việt Nam xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình và các biện pháp khôi phục du lịch của Tỉnh trong thời gian dịch Covid-19.

Du lịch là một trong những ngành chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19. Xin ông đánh giá mức độ ảnh hưởng do dịch tác động đến du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian qua?

Tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước theo chiều hướng tiêu cực đã ảnh hưởng lớn đến du lịch Thừa Thiên Huế. Trong 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt từ tháng 2-4/2020, mọi chỉ tiêu về du lịch giảm nhanh chóng; mọi kế hoạch quảng bá, xây dựng sản phẩm mới trong thời gian này đều bị ngưng trệ.

Chỉ trong thời gian ngắn, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đóng băng, sụt giảm mạnh về lượng khách và doanh thu; nhiều công ty du lịch, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm du lịch... tạm dừng hoạt động, một số đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản; hàng ngàn lao động trong ngành du lịch bị cắt giảm, không có thu nhập...

Doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch giảm mạnh, không đủ chi phí để vận hành bộ máy hoạt động kinh doanh. Hầu hết các công ty buộc phải thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương đối với nhân viên hoặc cho nghỉ không hưởng lương đến hết dịch Covid-19.

Trong giai đoạn này, có gần 8.000 người lao động cơ hữu bị ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên nếu tính cả lực lượng lao động ở một số đơn vị chưa lấy được thông tin, hướng dẫn viên, lao động theo thời vụ, hợp đồng ngắn hạn… thì con số này khoảng trên 13.000 người.

Tổng thiệt hại về doanh thu từ du lịch 6 tháng đầu năm 2020 khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trực tiếp từ doanh nghiệp du lịch khoảng 1.000 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại của nhà đầu tư như khấu hao tài sản, trả lãi ngân hàng…).

Sáu tháng đầu năm 2020 về lượng khách đạt 1,1 triệu lượt, giảm 54,61% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó khách quốc tế giảm 51,51%; khách nội địa đạt giảm 57,08%. Doanh thu từ du lịch 6 tháng đạt hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, giảm 57,69 % so với cùng kỳ 2019.

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Thừa Thiên Huế đã bị ảnh hưởng khá nặng nề. Các chỉ tiêu tăng trưởng đều giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2019; nhiều nhiệm vụ, hoạt động của ngành bị ngưng trệ, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai, hoàn thành nhiệm vụ của ngành trong năm 2020.

Sau khi các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng được kiểm soát, Thừa Thiên Huế đã mở lại các hoạt động đón khách tham quan phù hợp với tình hình mới. Với tâm lý lo ngại Covid-19, người làm dịch vụ vẫn dè chừng, khách du lịch e ngại về vấn đề an toàn, Tỉnh đã có những hành động gì để “trấn an” và khuyến khích các đối tượng trên?

Để thu hút, trấn an khách du lịch đến Huế khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất đó là Tỉnh đã chủ động đưa ra thông điệp “Huế, điểm đến an toàn, thân thiện”.

Ngoài ra, để cụ thể hóa điểm đến an toàn và kiểm soát đảm bảo an toàn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, Tỉnh đã triển khai áp dụng bộ tiêu chí an toàn đối với dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực du lịch đến các cơ sở lưu trú; các khu/điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, biểu diễn nghệ thuật, giải trí trên địa bàn tỉnh để các đơn vị đảm bảo an toàn trong khai thác, kinh doanh.

Đặc biệt, việc các cơ sở lưu trú đăng ký và khai báo y tế cho du khách đến Thừa Thiên Huế qua mạng theo phần mềm đã được xây dựng, thực hiện. Tỉnh đề nghị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho khách du lịch và cộng đồng dân cư. Ngăn ngừa sự tái phát của dịch bệnh.

Người ta vẫn hay nói biến “nguy” thành “cơ”, liệu Thừa Thiên Huế đã tận dụng tối đa?

 

Mặc dù dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch trong thời gian qua, tuy nhiên qua đợt dịch vừa rồi phải khẳng định sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp trong việc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch - rất nhạy cảm trong việc lây lan từ khách du lịch đối với cộng đồng dân cư trên địa bàn Tỉnh.

Với tinh thần chống dịch như chống giặc, du lịch Thừa Thiên Huế đã tiếp tục triển khai các giải pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, coi thách thức này là cơ hội để tiếp tục chứng minh cho thế giới biết rằng Thừa Thiên Huế vẫn là một điểm đến an toàn và thân thiện. Con người Huế luôn gần gũi, mến khách với tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, không kỳ thị, xa lánh, luôn hỗ trợ và giúp đỡ bạn bè quốc tế.

Qua đợt dịch vừa rồi, ngành du lịch cũng đã sáng tạo, nỗ lực để vượt qua thách thức và phát huy nhiều cái mới để thích ứng trong tình hình mới. Nhiều loại hình sản phẩm được xây dựng và triển khai đáp ứng, tức thời thị trường khách trong tình hình hiện nay.

Bên cạnh đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới hoặc được “làm mới” được đưa vào khai thác, đáp ứng và thu hút khách du lịch trong tình hình mới, tập trung ở các điểm du lịch suối thác, biển, đầm phá như: Yes Huế (Nam Đông), sinh thái và phòng chữa bệnh ở Thanh Tân, thuyền (đầm phá), tour xe Jeep, sản phẩm du lịch “bình an”,…

Công tác quảng bá có nhiều thay đổi, hiệu quả, thích ứng và phù hợp với tình hình mới như các hệ thống cổng Visit, Fanpage Visit Hue, Tiktok, Instagram, youtube... Thương hiệu du lịch, sản phẩm và dịch vụ mới đã đưa đến tận tay các đơn vị lữ hành để quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch.

Trong thời gian đang diễn ra dịch bệnh, phần lớn các doanh nghiệp du lịch cũng tranh thủ tái cơ cấu tình hình hoạt động của đơn vị từ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, cơ cấu thị trường để nâng cao năng lực của doanh nghiệp, thích ứng với tình hình mới, hướng tới phục vụ khách du lịch ngày một tốt hơn, chất lượng dịch vụ được nâng cao hơn.

Đây cũng là cơ hội, thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp du lịch rà soát, đánh giá kỹ hơn chất lượng hoạt động doanh nghiệp từ nguồn nhân lực đến hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật các dịch vụ phục vụ để xem xét đào thải hoặc tuyển dụng nhân sự cho phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Qua đợt dịch này cũng là lý do khách quan để các đơn vị, doanh nghiệp yếu tự động giải thể hoặc tái đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp để kinh doanh hiệu quả trong thời gian tới.

Để giới thiệu ngắn gọn về thế mạnh du lịch của Tỉnh, ông sẽ nói gì nếu có khách nước ngoài đặt câu hỏi: “Tại sao tôi chọn Thừa Thiên Huế?”, “Điều gì khiến tôi trở lại Thừa Thiên Huế?”, “Vì sao tôi nên giới thiệu Thừa Thiên Huế cho bạn bè, người thân?”

Sự khác biệt lớn nhất giữa Thừa Thiên Huế với những nơi khác đó là vùng đất, là con người Huế, nơi đây từng là kinh đô của Việt Nam trong thời gian dài của lịch sử đất nước, với Quần thể di tích cố đô Huế còn nguyên vẹn, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc cả về giá trị vật thể và phi vật thể.

Là nơi hội tụ tổng thể kiến trúc cố đô cổ với hệ thống lăng tẩm, thành quách, cung điện, chùa chiền…. hài hoà với khung cảnh thiên nhiên được coi là một kiệt tác kiến trúc đô thị cổ của thế giới.

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế còn có kho tàng các giá trị văn hoá độc đáo, đặc sắc như ca múa cung đình, nghệ thuật ẩm thực, lễ hội truyền thống, nhã nhạc cung đình,… đặc biệt nổi bật và đặc trưng nhất là thủ phủ về ẩm thực, là kinh đô áo dài đặc sắc còn lưu giữ cho đến ngày nay.

Cảnh quan thiên nhiên hài hòa cũng là lợi thế, điểm khác biệt của vùng đất xứ Huế là nơi tổng hòa hệ thống thiên nhiên đa dạng, phong cảnh tuyệt sắc trải khắp trên địa bàn tỉnh, từ sông hồ suối thác đến hệ thống núi, biển và đầm phá.

Tất cả được kết hợp một cách hài hoà trong một khung cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, nổi bật nhất là hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai với 22.000 ha, là bãi biển trong xanh trải dài 127km, một dòng sông Hương êm đềm, trong xanh chảy dài xuyên qua thành phố Huế xinh đẹp,…

Một khác biệt nữa là sự bình yên, an toàn, thân thiện, môi trường trong lành, con người bình dị, nhẹ nhàng, đây là sự khác biệt lớn. Đó cũng có thể là sự yên bình, cuộc sống chậm rãi, trầm mặc, sự thật thà, chân chất là sự khác biệt giữa Huế và những nơi khác.

Là thành phố du lịch nổi tiếng cả nước nhưng Huế không xô bồ, vội vã như nhiều nơi khác. Những ngôi nhà xưa cũ, con đường rợp bóng cây xanh, dòng sông Hương êm đềm, trong xanh, hiền hòa cùng hình ảnh những chiếc xe đạp, xe xích lô gắn với cầu Trường Tiền cổ kính tạo nên hình ảnh riêng của Huế.

Xin cảm ơn ông. (baoquocte.vn 15/9)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Hàn gắn tình cảm “không giống ai”

Hàn gắn tình cảm với người yêu cũ theo cách côn đồ, trái pháp luật, không chỉ bản thân mà bị cáo còn kéo theo 2 đồng phạm khác vào vòng tù tội. Đây là “cảnh tỉnh” đắt giá cho giới trẻ trong yêu đương.

Vụ việc đáng tiếc “bắt nguồn” từ một tình yêu đã kết thúc. Trước đó, Vương (22 tuổi) và chị Y. (23 tuổi, là nhân viên trong một quán ăn trên địa bàn TP. Huế) yêu nhau. Nhưng sau thời gian tìm hiểu thấy không phù hợp, chị Y. đã nói lời chia tay.

Do muốn hàn gắn lại với người yêu cũ, Vương rủ Phước (19 tuổi) và Thái (lúc phạm tội còn ở tuổi chưa thành niên), đi bắt chị Y. về để nói chuyện. Phước và Thái đồng ý. Vương chuẩn bị 1 cây dao dạng mã tấu và 1 khẩu súng nhựa bắn đạn bi, với mục đích để hù dọa nhân viên quán, nhằm tạo điều kiện thuận lợi bắt, giữ Y, nếu có người chống đối thì sẽ dùng dao để đánh trả.

Khoảng 10 giờ đêm hôm đó, cả 3 chở nhau trên 1 chiếc xe máy, đến nơi chị Y. làm việc. Chị Y. thấy Vương đến, vội ẩn nấp dưới quầy lễ tân để tránh mặt. Gây gổ, cãi vã với quản lý quán, Vương cầm súng, Phước cầm mã tấu xông vào đe dọa, nên quản lý quán bỏ chạy.

Phát hiện chỗ chị Y. ẩn nấp, Vương khống chế, bắt chị Y. lôi ra ngoài, yêu cầu lên xe. Phước cầm dao đi ra sau tiếp tục đe dọa, khống chế nhân viên của quán. Thấy nhân viên của quán mình bị bắt nên anh Tuấn (chủ quán) đuổi theo, giữ các đối tượng lại, nhưng bị Phước dùng mã tấu chém 1 nhát vào cổ tay. Cả 3 bị cáo tẩu thoát. Anh Tuấn được đưa đi cấp cứu, tỷ lệ thương tích là 20%.

Về phần chị Y., bị các đối tượng đưa về khu vực cầu vượt thuộc thôn Chầm (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà) để nói chuyện. Đến khoảng 4 giờ ngày hôm sau, Vương mới đồng ý cho chị Y., về.

Cả 3 bị cáo bị truy tố, xét xử về các tội “cố ý gây thương tích”, “bắt, giữ người trái pháp luật”. Trong đó Vương là người chủ mưu, trực tiếp chuẩn bị hung khí, nên chịu trách nhiệm chính. Thời điểm phạm tội, Thái còn ở tuổi chưa thành niên nên được tại ngoại. Vương và Phước bị bắt tạm giam.

Trước tòa, bị cáo Vương không thể trả lời được câu hỏi, muốn “hàn gắn” với người yêu cũ, tại sao lại lựa chọn cách hành xử vi phạm pháp luật? Bởi hành vi mang tính côn đồ như vậy, chỉ có thể hủy hoại tình cảm, hủy hoại mọi thứ. Hậu quả nhãn tiền, Vương phải ra trước “vành móng ngựa”, kéo theo 2 đồng phạm đối mặt với tù tội, gây nỗi đau về tinh thần, gánh nặng về vật chất cho người thân, gia đình.

Anh Tuấn (chủ quán), là 1 trong 2 bị hại, yêu cầu các bị cáo phải bồi thường chi phí thuốc men, tổn thất tinh thần khá lớn. Tuy nhiên, người thân các bị cáo, mỗi gia đình mới bồi thường cho anh Tuấn 10 triệu đồng đã “hụt hơi”. Bởi họ đều làm ruộng, làm thuê, cuộc sống vất vả, khó khăn.

Các bên đã đưa ra ý kiến tại phiên tòa, đồng thời hội đồng xét xử cũng phân tích rõ các quy định của pháp luật về căn cứ bồi thường, mức bồi thường. Do đó, con số về bồi thường dân sự “điều đình” ở mức hơn 100 triệu đồng. Phiên xét xử đã kéo dài nguyên cả ngày, nhưng hội đồng xét xử vẫn chưa tuyên án, cho thêm thời gian để các bên suy nghĩ và đạt được sự thỏa thuận trong bồi thường dân sự, trước khi tòa đưa ra phán quyết.

Dù đã muộn với các bị cáo, nhưng vụ án này là “cảnh tỉnh” đắt giá cho giới trẻ. Trong yêu đương tuyệt đối không được dùng tình cảm tiêu cực, có cách hành xử trái pháp luật, để tránh hệ lụy đau lòng. (baothuathienhue.vn 15/9)

 
 
 

2.  Vụ ‘vợ chết, chồng nguy kịch sau cưới 14 ngày’: Người chồng lĩnh án 15 năm tù

Vì ghen tuông, không làm chủ bản thân, Nguyễn Công Sáu đã siết cổ vợ mới cưới đến chết. Với tội giết người, Sáu bị tuyên phạt 15 năm tù giam.

Ngày 15/9, TAND tỉnh TT-Huế mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Công Sáu (SN 1997, trú tại xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) về tội giết người.

Đầu năm 2020, Nguyễn Công Sáu kết hôn với vợ là chị HTTN (SN 1993, người cùng xã). Vợ chồng Sáu sau đó sống tại nhà bố mẹ của Sáu cũng tại xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế).

Nửa tháng sau, vào ngày 28/1/2020, xuất phát từ câu chuyện qua lại giữa hai vợ chồng, Sáu nảy sinh ghen tuông với người đàn ông đã có tình cảm trước đây với vợ mình, nên đã kéo chị HTTN vào phòng ngủ để nói chuyện.

Tại đây, hai bên xảy ra cãi nhau. Sáu tức giận dùng hai tay đẩy chị HTTN nằm ngửa xuống nệm rồi dùng tay đè, siết cổ vợ làm chị HTTN ngạt thở. Sáu dùng tay đưa lên mũi vợ phát hiện chị HTTN đã tử vong.

Sáu sau đó đi ra nhà bếp lấy một con dao thái, đâm mạnh vào ngực trái của mình. Bà Trần Thị X (SN 1959, mẹ của Sáu) phát hiện, hô hoán mọi người trong nhà đưa Sáu và chị HTTN đến Bệnh viện T.Ư Huế cấp cứu, nhưng chị HTTN đã tử vong trước đó.

Ngày 28/1/2020, qua trưng cầu giám định pháp y, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh TT-Huế xác định, nguyên nhân cái chết của chị N. là do ngạt cơ học vì bị siết cổ.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Sáu đã thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối hận và xin được nhận mức án nhẹ nhất có thể để làm lại cuộc đời. HĐXX xét thấy, bị cáo Nguyễn Công Sáu vì một phút ghen tuông không làm chủ bản thân đã siết cổ vợ đến chết. Hành vi của bị cáo Sáu rất nguy hiểm, cần cách ly với xã hội một thời gian dài để giáo dục, răn đe. Kết thúc phiên sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Công Sáu 15 năm tù về tội giết người.

Liên quan vụ án này, trước đó, Tiền Phong từng liên tục thông tin, tại vùng quê ven biển Vinh Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) ngay trong dịp Tết nguyên đán Canh Tý 2020 đã xảy ra một vụ án đau lòng, đó là vợ chết, chồng thương tích nặng đầy người ngay tại nhà bố mẹ người chồng chỉ sau lễ cưới 14 ngày, gây xôn xao dư luận.

Cụ thể, vào chiều mùng 4 Tết Canh Tý, đôi vợ chồng trẻ ngụ ở xã Vinh Thanh vừa cưới nhau trước đó chưa đầy nửa tháng bỗng cùng gặp nạn. Trong đó, người vợ được phát hiện chết tại nhà chồng, còn người chồng trẻ bị nhiều vết thương trên cơ thể, gần nơi vợ gặp nạn, nghi do dùng dao tự đâm vào cơ thể... (tienphong.vn 15/9)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Thừa Thiên Huế: Chuẩn bị diễn ra diễn đàn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”

Bên cạnh công bố đề án “Cố đô Huế khởi nghiệp”, diễn đàn "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” Thừa Thiên Huế năm 2020 còn là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia về khởi nghiệp cùng các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi, hiến kế cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

Tỉnh Thừa Thiên Huế công bố hàng loạt hỗ trợ cho doanh nghiệp / Thừa Thiên Huế: Tập trung hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp phát triển

Ngày 15/9, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để chuẩn bị tổ chức diễn đàn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2020, dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ, ngày 19/9, tại Hội trường Đại học Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ (ngoài cùng bên trái) thăm mô hình khởi nghiệp thành công từ cây Atiso đỏ của Startup Nguyễn Thị Thu Hiền (huyện Phong Điền).

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ (ngoài cùng bên trái) thăm mô hình khởi nghiệp thành công từ cây Atiso đỏ của Startup Nguyễn Thị Thu Hiền (huyện Phong Điền).

Tại diễn đàn, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ công bố đề án “Cố đô Khởi nghiệp”, nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; góp phần hình thành và phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Huế.

Diễn đàn cũng sẽ là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các chuyên gia về khởi nghiệp cùng các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi, hiến kế cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

Đồng thời, thảo luận, trao đổi các nội dung, giải pháp liên quan đến hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tham gia diễn đàn có khoảng 400 đại biểu, với sự chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, các sở, ban, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia, doanh nghiệp, Startup...

Diễn đàn sẽ có nhiều nội dung hữu ích, như: Báo cáo tình hình triển khai hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và công bố Đề án “Cố đô Huế khởi nghiệp”; Phát biểu nêu lên những thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp hỗ trợ phát triển khởi nghiệp của đại diện doanh nghiệp Startup, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Đại học Huế, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Viện Nghiên cứu phát triển; Mời chuyên gia truyền đạt một số kinh nghiệm về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... (doanhnghiepvn.vn 15/9)

 
 
 

2.  Miền Trung “sửa soạn” đón nhà đầu tư

Bên cạnh việc rà soát tiến độ triển khai các dự án đầu tư hiện hữu, các tỉnh thành miền Trung đang gấp rút xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thay đổi các hình thức xúc tiến, sẵn sàng đón nguồn vốn đầu tư mới trong và ngoài nước khi dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát.

Thêm nhiều dự án ngàn tỷ đồng

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhưng thu hút đầu tư vào miền Trung vẫn có nhiều khởi sắc. Tại Đà Nẵng, trong 7 tháng đầu năm 2020, đã thu hút được gần 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 120 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời cấp quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án trong nước (ngoài khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng).

Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết, thành phố hiện có 867 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 3,518 tỷ USD; 31.661 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 216.920 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án hoàn thành công tác đầu tư xây dựng là: Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine; mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Mabuchi Motor; Nhà máy xản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử Key Tronic… Các dự án sản xuất và lắp ráp ôtô các loại GAZ TD, tháp ven sông, nhà máy chế tạo gia công các loại ống xả, chuẩn bị triển khai xây dựng.

Tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc, khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai (Quảng Nam) tiếp tục là điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Ấn tượng nhất là KKT mở Chu Lai có thêm 7 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 5.000 tỷ đồng. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, địa phương đang triển khai các chương trình hợp tác với các đơn vị, viện nghiên cứu, các công ty tư vấn đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, xu hướng đầu tư của đối tác đầu nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu...; đồng thời, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư theo các chuyên đề, ngành nghề làm cơ sở xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các nhóm dự án động lực.

Từ đầu năm đến nay, nhiều dự án lớn tại Thừa Thiên - Huế cũng được triển khai đúng tiến độ. Dự án Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam được xem là điểm sáng, đã đưa vào vận hành giai đoạn 1 và đẩy mạnh thi công hoàn thành toàn bộ nhà xưởng; đang lắp đặt máy móc, thiết bị giai đoạn 2 theo đúng tiến độ cam kết. Dự án Hue Amusement & Beach Park dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ giải ngân thêm 100 tỷ đồng… Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, phương án xúc tiến đầu tư trong năm 2020 đã được địa phương thay đổi cho phù hợp với thực tế và đón đầu cơ hội. Trong đó, chú trọng các dự án lớn, tạo giá trị gia tăng, nguồn thu ngân sách… tác động lớn đến tình hình KT-XH của tỉnh thời gian tới.

Động lực phát triển kinh tế biển

Dù ảnh hưởng dịch Covid-19, Bình Định vẫn chủ động triển khai đoạn tuyến giao thông ven biển giai đoạn 1 từ Cát Tiến - Đề Gi (trên 1.260 tỷ đồng). Đây được xem như “xương sống” kết nối TP Quy Nhơn với KKT Nhơn Hội và khu siêu đô thị du lịch biển Nam Đề Gi với quy mô rộng 1.770ha. Trên công trường tuyến đường ven biển Cát Tiến - Đề Gi những ngày cuối tháng 9-2020, không khí thi công khẩn trương với hàng chục mũi thi công và các phương tiện cơ giới để hoàn thiện tuyến đường. Đường mở đến đâu, hạ tầng, cầu cống thoát lũ được triển khai đồng bộ gấp rút để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ. UBND tỉnh Bình Định còn có văn bản gửi Bộ KH-ĐT, trình Chính phủ xem xét, bố trí hỗ trợ từ ngân sách hoặc vốn đầu tư nước ngoài gần 7.600 tỷ đồng để hoàn chỉnh đầu tư xây dựng dự án đường ven biển trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự án kỳ vọng tạo cho địa phương một quỹ đất mới rộng lớn ven biển, là động lực phát triển kinh tế biển kết hợp du lịch, đô thị biển trên địa bàn.

Bên cạnh việc triển khai đầu tư trên 5.116 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 để phát triển hạ tầng kỹ thuật các KCN, KKT từ nay đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế còn khởi động triển khai tuyến dự án đường ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc dài 127km. Trong đó, có một số đoạn trùng tuyến quốc lộ 49B nên tổng chiều dài toàn tuyến hiện còn 85km, tổng mức đầu tư dự kiến 6.480 tỷ đồng. Đây sẽ là tuyến đường chiến lược và động lực để phát triển kinh tế biển và đầm phá trong thời gian tới, kết nối tuyến miền Trung và quốc gia. Đại diện Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, những đoạn đi trùng với quốc lộ 49B cơ bản được Bộ GTVT đầu tư phù hợp theo quy hoạch. Các tuyến đi trùng với tỉnh lộ, UBND tỉnh đang phối hợp các bộ, ngành để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn để làm cơ sở triển khai.

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn qua Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế phấn đấu cơ bản xong phần nền, mố trụ của các cầu vào cuối năm 2020, và năm 2021 sẽ thi công phần móng, mặt và hoàn thiện. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này kết nối liên hoàn với cao tốc La Sơn - Túy Loan, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tạo trục động lực xuyên miền Trung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội liên vùng miền Trung. Dự án Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2020 sẽ góp phần xóa bỏ tình trạng ùn ứ cục bộ khu vực hầm Hải Vân, tăng lưu lượng phương tiện, kết nối hạ tầng giao thông cửa ngõ phía Bắc TP Đà Nẵng và liên khu vực miền Trung. (sggp.org.vn 16/9)

 
 
 

3.  Nghịch lý…rơm

Cứ sau mỗi mùa thu hoạch lúa, một vấn nạn mà năm nào cũng nghe xã hội than phiền ấy là chuyện đốt đồng.

Trước kia, khi đời sống còn nhiều khó khăn, nhu cầu cho chất đốt, cho chăn nuôi, cho phân bón… thì không chỉ rơm mà kể cả rạ - bà con nhiều nơi quen gọi là “tót”- được tận thu sát gốc. Ở các vùng nông thôn, hầu như không nhà nào là không có đụn/cây rơm. Đến mức nó trở thành hình ảnh mặc định, thân thương, gần gũi với đời sống mọi nhà.

Sau này đời sống khá lên, lúa được gặt máy và tuốt luôn tại ruộng, chất đốt không thiếu, không ai hơi đâu cứ phải ngồi dán vào bếp để đun rơm nấu cho xong bữa ăn. Vậy là rơm trở nên rất… “thân phận”. Bị vứt, bị đốt bỏ luôn ngoài ruộng để cho “sạch đồng” còn làm vụ sau. Mỗi lần như thế, khói cứ mù mịt đất trời khiến nhiều người kêu trời van đất vì ô nhiễm. Khốn khổ cho những tuyến đường có đồng ruộng 2 bên, khói do đốt đồng có lúc che hết tầm nhìn khiến xe cộ vừa đi vừa mò mẫm. Hết sức nguy hiểm!

Nghịch lý là trong lúc đó, nhiều nơi lại cần rơm cho sản xuất mà tìm mua lại không dễ. Rơm để sản xuất nấm, rơm để “tủ” cho gốc cây ăn quả, cho các loại hoa màu… Muốn có rơm, phải đi chỗ này gom ít, chỗ kia gom ít, rất mất công.

Mới đây, lên Nam Đông ghé vườn cam hơn 2.000 gốc của ông Năm, thấy một đống gì to đùng, được phủ bạt giữa vườn. Hỏi thì được biết đó là rơm dự trữ để ủ gốc cam. Chủ vườn phải về dưới xuôi mua gom, một xe mấy chục ngàn mà nhiều khi không có. Mà Nam Đông không chỉ có mỗi vườn cam của ông Năm. Cam “ông Xê” cũng “ghê gớm” không kém. Rồi còn bao nhiêu vườn, bao nhiêu trang trại khác không chỉ của Nam Đông mà cả A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc… cần rơm để ủ gốc, để làm phân, để trồng nấm cũng phải đi tìm, đi gom như thế.

Trong lúc đó ở đồng bằng, như đã nói, cứ sau mỗi mùa thu hoạch là lại mịt mù khói. Đốt rơm không làm cho ruộng tốt lên mà ngược lại còn làm “hỏng” ruộng. Cái này các nhà khoa học giải thích rồi. Chủ ruộng có lẽ cũng chẳng thích thú gì cái chuyện đốt rơm vì biết bị than phiền, thậm chí có khi còn bị phạt, bị pháp luật sờ nếu vì đốt rơm mà gây tai nạn…

Người có rơm không biết làm sao bán, thậm chí không biết phải cho ai. Còn người cần rơm thì lại phải đi tìm, đi gom khá mệt mỏi. Làm sao để “2 người” này gặp nhau? Bài toán này, theo thiển ý của chúng tôi không quá khó, chỉ cần hội nông dân tích cực ra tay là có thể giải quyết được.

Chưa tính những “nền tảng” khác, chỉ cần tạo một group trên những nền tảng phổ biến như FB, Zalo hay Viber, trong đó kết nối tất cả các hội cơ sở với nhau. Một câu hỏi đưa lên: “Chỗ tôi đang cần chừng này chừng kia rơm, ai có?”; nơi kia sẽ lập tức: “Đây, cần bao nhiêu?”… Hội đã phủ sóng rộng khắp; smartphone với nhiều cán bộ hội và hội viên cũng không còn xa lạ. Thiết nghĩ, thao tác trên là cực kỳ đơn giản. Chỉ cần kết nối, liên thông ổn thôi, còn những việc khác xa hơn như trợ cước, trợ giá, hỗ trợ phương tiện (nếu cần thiết)…chắc hẳn cũng sẽ có cách gỡ.

Nguồn rơm cứ đều đặn phát sinh mỗi năm 1-2 vụ, tìm giải pháp để giải bài toán “nghịch lý rơm” là rất cần thiết. Đó sẽ là một việc làm đạt nhiều mục tiêu: Tránh lãng phí nguồn rơm; chống ô nhiễm mỗi trường; người nông dân có thêm thu nhập; các chủ vườn, chủ trang trại, chủ trại nấm…được cung ứng nguồn rơm theo nhu cầu mà không cần phải quá mất công tìm kiếm, thu gom như lâu nay vẫn phải như vậy. Không quá phức tạp, việc gì mà không khởi động? (baothuathienhue.vn 15/9)

 
 
 

4.  Thừa Thiên Huế muốn làm cầu vượt cửa biển Thuận An

Tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến làm cầu vượt cửa biển Thuận An, thuộc dự án đường bộ ven biển dài 127 km, tổng mức đầu tư 6.480 tỷ đồng.

Ngày 14/9, Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên Huế cho biết, dự án tuyến đường bộ ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc có một số đoạn trùng với quốc lộ 49B nên tổng chiều dài phải làm giảm còn 85 km. Trong đó, cầu vượt cửa biển Thuận An nối xã Hải Dương với thị trấn Thuận An dài 1,5 km, kinh phí dự kiến 1.200 tỷ đồng.

Việc bố trí nguồn vốn đầu tư tuyến đường ven biển đi trùng với quốc lộ thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường ven biển đi trùng với tỉnh lộ thuộc thẩm quyền của địa phương. Đến nay, tuyến đường ven biển qua Thừa Thiên Huế đi trùng với quốc lộ 49B đã cơ bản được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư phù hợp theo quy hoạch.

Trước đó ngày 11/9, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế và lãnh đạo các sở đã đi kiểm tra thực địa dự án. Ông Thọ đánh giá tuyến đường ven biển sẽ là động động lực phát triển kinh tế biển và đầm phá trong thời gian tới.

Ông đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An, tạo quỹ đất hai bên tuyến đường ven biển; khẩn trương lập quy hoạch mở rộng không gian hai bên đường; lên phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư. (vnexpress.net 15/9)

 
 
 

5.  Thừa Thiên - Huế: Tổ chức đấu giá thành công 18 khu vực mỏ khoáng sản

Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên - Huế vừa phối hợp với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh tổ chức đấu giá quyền khai thác 23 khu vực mỏ khoáng sản. Kết quả có 18 khu vực mỏ được đấu giá thành công, với tổng số tiền đấu giá hơn 99 tỷ đồng.

Theo kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2020, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 37 khu vực mỏ khoáng sản được đưa ra đấu giá gồm: Đất sét làm gạch ngói 10 khu vực; đất làm vật liệu san lấp 13 khu vực; cát, sỏi làm vật liệu xây dựng 7 khu vực; cát nội đồng 1 khu vực; đá làm vật liệu xây dựng thông thường 5 khu vực; than bùn 1 khu vực.

Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2020, với 23 khu vực. Kết quả có 18 khu vực mỏ được đấu giá thành công, với tổng số tiền đấu giá hơn 99 tỷ đồng.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về đất làm vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm, như: Dự án Chương trình Phát triển các Đô thị loại II (Green City); Dự án mở rộng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; Dự án khu định cư Bắc Hương Sơ thuộc đề án di dời dân cư khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế; các dự án trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn tỉnh… Việc tổ chức đấu giá để cấp quyền khai thác các mỏ khoáng sản mới tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đất san lấp và vật liệu xây dựng cho các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh.( baoxaydung.com.vn 15/9)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.681.848
Truy cập hiện tại 97