Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 06/04/2021
Ngày cập nhật 06/04/2021
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Chủ tịch Phan Ngọc Thọ kêu gọi cùng nhau hiện thực hoá Giấc mơ Huế!

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, giấc mơ Huế không có gì xa vời, đó là hướng đến một xã hội người dân sung túc, một xã hội bình yên và một chính quyền thân thiện. Với trí tuệ Huế, cốt cách Huế, khát vọng Huế thì giấc mơ Huế sẽ sớm trở thành hiện thực. Qua đó ông kêu gọi hãy về với Huế để cùng nhau đắp xây giấc mơ Huế.

Hiện thực hoá Giấc mơ Huế bằng trái tim và trí tuệ

Ngày 4/4, tại Dinh Độc lập, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã có buổi gặp mặt trò chuyện với hơn 500 người Huế xa quê và những người yêu Huế tại TP.HCM.

Với chủ đề “Gặp gỡ Huế - Hành trình xây đắp Giấc mơ Huế”, buổi gặp mặt đã để lại cho những người tham gia chương trình nhiều cảm xúc với một tình yêu quê hương thiết tha, một mong muốn, khát khao cống hiến để xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển, con người Huế được sống trong một xã hội bình an và hạnh phúc.

Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, thời gian gần đây, với quá trình thay đổi tư duy trong phát triển, tư duy trong huy động nguồn lực, tư duy về truyền thông và sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, Thừa Thiên Huế có nhiều khởi sắc và từng bước phát triển trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ thông tin... được bạn bè, được lãnh đạo Đảng, Chính phủ đánh giá cao.

Cũng theo ông Thọ, Thừa Thiên Huế đang khát vọng vươn lên để phát triển hài hòa, hội nhập với bản sắc riêng có của mình. Thế mạnh của Huế là người Huế. Từ thuở là Kinh đô, Huế đã tụ hiền tài, do biến thiên lịch sử, người Huế đi khắp nơi. Ngày nay, Huế muốn cường thịnh không cách nào khác phải tụ trở lại. Phát triển Huế không thể thiếu những người con Huế xa quê. “Gặp gỡ Huế - Hành trình xây đắp giấc mơ Huế” hôm nay không ngoài mong muốn như vậy.

Kêu gọi mọi người hướng về Huế, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ mong muốn những người xa Huế, những người yêu Huế, những người trẻ hãy hướng về Huế, hãy về với Huế; Hãy cùng nhau xây đắp Giấc mơ Huế bằng cả trái tim và trí tuệ của mình.

“Giấc mơ Huế không có gì xa vời, đó là hướng đến một xã hội người dân sung túc, một xã hội bình yên và một chính quyền thân thiện. Tôi tin tưởng rằng với trí tuệ Huế, với cốt cách Huế, với khát vọng Huế thì Giấc mơ Huế sẽ sớm trở thành hiện thực. Chúng ta có cơ sở, niềm tin Huế sẽ phát triển với những gì vốn có của nó, một Huế trầm mặc nhưng vẫn hiện đại và luôn luôn mới. Để có được điều này đòi hỏi mỗi người yêu Huế chúng ta phải hành động, cụ thể hóa những ý tưởng thành các việc làm cụ thể, nếu không làm, không hành động thì Giấc mơ chỉ mãi mãi là Giấc mơ", ông Thọ chia sẻ.

Người Huế xa quê trăn trở cùng Huế

Tại buổi gặp mặt, nhiều ý kiến của những người yêu Huế, người Huế xa quê thuộc nhiều thành phần từ những nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, các nghệ sĩ và cả sinh viên Thừa Thiên Huế đang học tại TP.HCM đã được đưa ra với mong muốn Huế phát triển nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí theo định hướng đã chọn.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chia sẻ, phải quan tâm xuyên suốt một thông điệp thật rõ, mạnh mẽ, tạo được cảm hứng. Thông điệp trước tiên là khi đã đánh thức được “cô gái đẹp Huế” rồi thì hãy làm cho di sản sống động bằng sáng tạo và khoa học công nghệ thì lúc đó mới có thể nối tiếp di sản để đi vào tương lai.

 “Tư duy, tầm nhìn của Thừa Thiên Huế phải đưa sự liên hoàn của khu vực. Tức là phải nghĩ đến những tỉnh kế cận cần phải làm gì cho nhau, phải có sự tương hỗ, kết nối với các tỉnh trên các lĩnh vực, nhất là du lịch. Đồng thời, quan tâm xây dựng thành phố đại học ở Huế; đẩy mạnh thế mạnh y học để làm du lịch chữa bệnh; quan tâm tổng thể đến bài toán nguồn nhân lực”, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh.

Còn theo GS. Hà Tôn Vinh, Cố vấn cao cấp của Chính phủ nêu quan điểm, Huế cần có chiến lược gia tăng cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với đó, quan tâm đến kế hoạch chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực vì chuyển đổi số là căn bản, là mục tiêu quan trọng của sự phát triển.

Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty L&A cho rằng, chính quyền Thừa Thiên Huế cần trang bị kỹ năng, kiến thức, trải nghiệm sống cho bạn trẻ khởi nghiệp.

 “Cần có chiến lược, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực cho tương lai. Cần phải an cư để lập nghiệp. An cư lập nghiệp ở đây không chỉ cho người Huế mà cho người từ nơi khác đến nhằm thu hút nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho đội ngũ trí thức, người có kinh nghiệm, tay nghề cao về Huế”, Chủ tịch L&A trao đổi.

Còn ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thì hiến kế, cần khai thác ưu thế, sự độc đáo của di sản Cố đô với sự độc đáo của địa hình núi, biển, đầm phá, cảnh quan, sinh thái để phát triển kinh tế, nhất là du lịch. Nghiên cứu xây dựng nhà máy điện thủy triều trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai…

Hãy về với Huế!

Phát biểu kết luận tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định, các đóng góp ý kiến, hiến kế tâm huyết của những người con Huế xa quê, những người yêu Huế chia sẻ tại buổi gặp mặt hôm nay cũng chính là trăn trở, tâm tư của lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua.

Các ý kiến này sẽ được ghi nhận để xây dựng chính quyền ngày càng thân thiện hơn, nâng cao vị thế Huế, phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc, sung túc hơn của người dân. Các cuộc “Gặp gỡ Huế” hàng năm sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp, để Huế ngày càng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

 “Huế đã từng sang trọng trong quá khứ và mọi người đều mong muốn Huế phải đẹp đẽ, lộng lẫy, giàu có trong hiện tại và tương lai - đó cũng là mong muốn của những người dân Huế, người xa Huế, những người quan tâm và yêu Huế, giấc mơ đó không có gì xa vời. Hãy về với Huế để cùng nhau đắp xây giấc mơ Huế. Một hành trình ước mơ đang mở ra với khát vọng Huế, tâm hồn Huế, trí tuệ Huế đang chờ đón mọi người”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định. (doanhnghiepvn.vn 05/4)

 
 
 

2.  Thắp sáng đường quê

Đành rằng “đây là sự chung tay của cả tập thể” như khẳng định của Phan Tuấn Vũ, Bí thư Xã đoàn Thủy Phù (TX. Hương Thủy), nhưng nếu anh không tâm huyết với mô hình “Ánh sáng nông thôn mới” thì có lẽ nhiều tuyến đường quê ở TX. Hương Thủy vẫn chưa nhanh chóng được thắp sáng như hiện tại.

Tâm huyết

Trong quá trình triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”; “Tuyến đường sáng – xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an” cùng các đoàn viên xã Thủy Phù, Phan Tuấn Vũ nhận thấy nhu cầu thắp sáng những tuyến đường ở các thôn xa trung tâm xã hết sức cần thiết.

Nhưng với điều kiện trước mắt, để xây dựng được một tuyến đường điện chiếu sáng hoàn chỉnh là cả vấn đề chứ đừng nói là nhiều tuyến. Để giải quyết trở ngại này, Tuấn Vũ đã cùng các đoàn viên và một số thanh niên biết nghề điện chủ động bàn bạc, tìm tòi, nghiên cứu một số mô hình, từ đó thiết kế ra một hệ thống chiếu sáng hoàn chỉnh, đảm bảo đủ sáng, bền, rẻ và hoàn toàn tự động.

Xong phần “lý thuyết”, Tuấn Vũ cùng các thành viên tiếp tục xây dựng một đề án hoàn chỉnh với tên gọi “Ánh sáng nông thôn mới”, đồng thời chọn 1 tuyến đường làm điểm. Sau thời gian ngắn thi công, thôn 10 với 30 trụ đèn đường dẫn vào nhà sinh hoạt cộng đồng thôn có chiều dài 500m đã sáng điện trong niềm vui sướng của người dân trong thôn khi lần đầu tiên được đi trên con đường quê sáng rực trong đêm.

Mô hình này do Xã đoàn chủ trì xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí và huy động lực lượng thi công, phần còn lại do Nhân dân đóng góp; sau khi khánh thành sẽ bàn giao lại cho khu dân cư quản lý, sử dụng và chi trả tiền điện, bảo trì, bảo dưỡng. Mô hình đã nhanh chóng lan tỏa trên toàn xã. Đến nay, Thủy Phù đã lắp đặt được 4,4km đường điện với 139 bộ bóng đèn led 40w, có tổng kinh phí 182 triệu đồng, trong đó, Xã đoàn vận động mạnh thường quân hỗ trợ 10 triệu đồng, chi đoàn thôn 10 ủng hộ 5 triệu đồng và ngày công, người dân tự nguyện đóng góp 167 triệu đồng.

 “Nhận thấy tính hiệu quả thiết thực, từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, Thị đoàn Hương Thủy đã chọn làm điểm để nhân rộng. Hiện, mô hình này đã lan tỏa trên toàn thị xã với chiều dài hơn 23 km. Điển hình là 5/5 thôn của xã Dương Hòa cũng vừa hoàn thành xong công trình chiếu sáng có chiều dài 12,15km với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng”, anh Nguyễn Nguyên – Phó Bí thư Thị đoàn Hương Thủy thông tin.

Thể hiện tốt vai trò "đầu tàu"

Tuấn Vũ tốt nghiệp Khoa Luật – ĐH Khoa học Huế, trở về quê nhà tham gia các hoạt động phong trào, sau đó được tín nhiệm bầu vào chức danh Phó Bí thư và trở thành Bí thư Xã đoàn Thủy Phù năm 2016. Tuy thời gian không quá dài, nhưng ngoài mô hình “Ánh sáng nông thôn mới” đã giúp Vũ trở thành 1 trong 99 cán bộ đoàn tiêu biểu toàn quốc nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2021, từ sự năng nổ, sáng tạo trong các hoạt động phong trào, vì cộng đồng, trước đó, chàng trai sinh năm 1991 còn được nhận nhiều bằng khen của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam.  

Ngoài ra, với khả năng kết nối giữa các cá nhân, tập thể để tìm được tiếng nói chung, tăng hiệu quả công việc của “đầu tàu” Tuấn Vũ, nhiều năm qua, Xã đoàn Thủy Phù được đánh giá là một tập thể có nhiều hoạt động thiết thực, tiêu biểu như: giáo dục truyền thống thông qua các đợt ra quân làm sạch đẹp nơi công cộng, các điểm di tích; triển khai đến tận chi đoàn và thanh niên trong toàn xã cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, qua đó, trở thành 1 trong những đơn vị đi đầu trong công tác hiến máu tình nguyện; tham gia phòng chống dịch COVID-19; phối hợp khắc phục hậu quả lụt bão; phối hợp với các đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn thanh niên vay vốn làm ăn...Và minh chứng cho điều này là năm 2019, tập thể Xã đoàn Thủy Phù được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam trong công tác Hội và phong trào thanh niên. Hiện đơn vị đang được đề nghị Trung ương Đoàn và UBND tỉnh tặng Bằng khen trong công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi năm 2020. (baothuathienhue.vn 05/4)

 
 
 

3.  Hiến kế để xây đắp “Giấc mơ Huế”

Nhiều ý kiến của những người yêu Huế, người Huế xa quê thuộc nhiều thành phần từ những nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, các nghệ sĩ và cả sinh viên đang học tại TP. Hồ Chí Minh đã được đưa ra với mong muốn Huế phát triển nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí theo định hướng đã chọn.

Với chủ đề Gặp gỡ Huế - Hành trình xây đắp Giấc mơ Huế, buổi gặp mặt giữa ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - với hơn 500 người tham dự là những người Huế xa quê và những người yêu Huế tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 4/4.

Xây đắp giấc mơ Huế bằng trái tim và trí tuệ

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Thời gian gần đây, với quá trình thay đổi tư duy trong phát triển, tư duy trong huy động nguồn lực, tư duy về truyền thông và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Thừa Thiên Huế có nhiều khởi sắc và từng bước phát triển trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ thông tin... được bạn bè, được lãnh đạo Đảng, Chính phủ đánh giá cao.

Thừa Thiên Huế đang khát vọng vươn lên để phát triển hài hòa, hội nhập với bản sắc riêng có của mình. Thế mạnh của Huế là người Huế. Từ thuở là Kinh đô, Huế đã tụ hiền tài, do biến thiên lịch sử, người Huế đi khắp nơi. Ngày nay, Huế muốn cường thịnh không cách nào khác phải tụ trở lại. Phát triển Huế không thể thiếu những người con Huế xa quê. “Gặp gỡ Huế - Hành trình xây đắp giấc mơ Huế” hôm nay không ngoài mong muốn như vậy.

“Tôi mong muốn những người xa Huế, những người yêu Huế, những người trẻ hãy hướng về Huế, hãy về với Huế; Hãy cùng nhau xây đắp Giấc mơ Huế bằng cả trái tim và trí tuệ của mình”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng: Giấc mơ Huế không có gì xa vời, đó là hướng đến một xã hội người dân sung túc, một xã hội bình yên và một chính quyền thân thiện. Tôi tin tưởng rằng với trí tuệ Huế, với cốt cách Huế, với khát vọng Huế thì Giấc mơ Huế sẽ sớm trở thành hiện thực. Chúng ta có cơ sở, niềm tin Huế sẽ phát triển với những gì vốn có của nó, một Huế trầm mặc nhưng vẫn hiện đại và luôn luôn mới. Để có được điều này đòi hỏi mỗi người yêu Huế chúng ta phải hành động, cụ thể hóa những ý tưởng thành các việc làm cụ thể, nếu không làm, không hành động thì giấc mơ chỉ mãi mãi là giấc mơ.

Hành động để hiện thực hóa giấc mơ

Tại buổi gặp mặt, nhiều ý kiến của những người yêu Huế, người Huế xa quê đã được đưa ra với mong muốn Huế phát triển nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí theo định hướng đã chọn.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - chia sẻ, phải quan tâm xuyên suốt một thông điệp thật rõ, mạnh mẽ, tạo được cảm hứng. Thông điệp trước tiên là khi đã đánh thức được “cô gái đẹp Huế” rồi thì hãy làm cho di sản sống động bằng sáng tạo và khoa học công nghệ thì lúc đó mới có thể nối tiếp di sản để đi vào tương lai. Tư duy, tầm nhìn của Thừa Thiên Huế phải đưa sự liên hoàn khu vực vào. Tức là phải nghĩ đến những tỉnh kế cận cần phải làm gì cho nhau, phải có sự tương hỗ, kết nối với các tỉnh trên các lĩnh vực, nhất là du lịch. Đồng thời, quan tâm xây dựng thành phố đại học ở Huế; đẩy mạnh thế mạnh y học để làm du lịch chữa bệnh; quan tâm tổng thể đến bài toán nguồn nhân lực.

Giáo sư Hà Tôn Vinh, cố vấn cao cấp của Chính phủ nêu quan điểm: Huế cần có chiến lược gia tăng cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với đó, quan tâm đến kế hoạch chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực vì chuyển đổi số là căn bản, là mục tiêu quan trọng của sự phát triển.

Cùng suy nghĩ, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT công ty L&A cho rằng, chính quyền Thừa Thiên Huế cần trang bị kỹ năng, kiến thức, trải nghiệm sống cho bạn trẻ khởi nghiệp. Cần có chiến lược, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực cho tương lai. Cần phải an cư để lập nghiệp. An cư lập nghiệp ở đây không chỉ cho người Huế mà cho người từ nơi khác đến nhằm thu hút nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho đội ngũ trí thức, người có kinh nghiệm, tay nghề cao về Huế.

Ông Lê Viết Hải, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình hiến kế, cần khai thác ưu thế, sự độc đáo của di sản Cố đô với sự độc đáo của địa hình núi, biển, đầm phá, cảnh quan, sinh thái để phát triển kinh tế, nhất là du lịch. Nghiên cứu xây dựng nhà máy điện thủy triều trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai…

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, các đóng góp ý kiến, hiến kế tâm huyết của những người con Huế xã quê, những người yêu Huế chia sẻ tại buổi gặp mặt hôm nay cũng chính là trăn trở, tâm tư của lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua. Từ những ý kiến này, chúng tôi ghi nhận để xây dựng chính quyền ngày càng thân thiện hơn, nâng cao vị thế Huế, phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc, sung túc hơn của người dân. Các cuộc “Gặp gỡ Huế” hàng năm sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp, để Huế ngày càng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: Huế đã từng sang trọng trong quá khứ và mọi người đều mong muốn Huế phải đẹp đẽ, lộng lẫy, giàu có trong hiện tại và tương lai - đó cũng là mong muốn của những người dân Huế, người xa Huế, những người quan tâm và yêu Huế, giấc mơ đó không có gì xa vời. Hãy về với Huế để cùng nhau đắp xây giấc mơ Huế. Một hành trình ước mơ đang mở ra với khát vọng Huế, tâm hồn Huế, trí tuệ Huế đang chờ đón mọi người. (congthuong.vn 05/4)

 
 
 

4.  Thừa Thiên - Huế cần gì để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?

Các chuyên gia, doanh nhân kiến nghị Thừa Thiên - Huế cần liên kết vùng chặt chẽ hơn với các địa phương lân cận, chú trọng phát huy lợi thế về du lịch biển, kinh tế biển.

“Huế từng có thời kỳ vàng son là kinh đô Việt Nam. Ngày nay, chúng tôi có niềm tin Huế sẽ phát triển như những gì vốn có của nó”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ mở đầu buổi gặp gỡ cộng đồng trí thức, doanh nhân người Huế tại TP.HCM ngày 4/4 với chủ đề tiếp thu ý kiến đóng góp để phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tháo gỡ nút thắt hạ tầng

Ông Thọ thông tin Thủ tướng đã cấp phép cho tập đoàn Gilimex đầu tư Khu công nghiệp Phú Bài 4. Tỉnh kỳ đây sẽ là một khu công nghiệp hiện đại để đón đầu những doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, dù đã thúc đẩy hoạt động các khu công nghiệp, khu kinh tế, chủ tịch Thừa Thiên - Huế thừa nhận hạ tầng của tỉnh còn yếu và là điểm nghẽn lớn để thu hút nhà đầu tư. Tỉnh đang nỗ lực tháo gỡ vấn đề này.

Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đang xây dựng thêm một nhà ga hành khách và và Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương mở thêm một nhà ga hàng hóa, kéo dài đường băng sân bay này. Dự án mở rộng, nâng cấp sân bay Phú Bài khi hoàn thành được kỳ vọng tháo gỡ nút thắt về vận tải của Thừa Thiên - Huế.

Về đường bộ, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang được xây dựng và đoạn La Sơn - Túy Loan đã cơ bản hoàn thành. Hầm đường bộ Hải Vân 2 cũng đã được khơi thông.

Song song đó, dự án 127 km đường ven biển đã được đưa vào kế hoạch xây dựng trong 5 năm tới. Theo ông Thọ, đây là con đường chiến lược để phát triển kinh tế biển, khai thác tiềm năng của vùng đầm phá ở Thừa Thiên - Huế.

Ông nhấn mạnh kinh tế biển, du lịch biển sẽ là trọng tâm được tỉnh tập trung phát triển thời gian tới. Nhiều dự án du lịch ven biển tại Thừa Thiên - Huế đã được khởi công. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cũng đang thu hút nhiều nhà đầu tư.

Ngoài việc phát triển kinh tế, ông Thọ cho rằng việc xây dựng những thương hiệu riêng của Huế như “kinh đô ẩm thực”, “kinh đô áo dài”, “xứ sở mai vàng” cũng là mục tiêu quan trọng. Theo ông, nhiều tài nguyên du lịch đang bị lãng phí khi công tác quảng bá, truyền thông chưa hiệu quả. “Người ta biến không thành có, còn Huế có cũng như không”, ông Thọ nói đùa.

Đề xuất phát triển đô thị đôi, điện thủy triều

Hiến kế cho lãnh đạo tỉnh, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đề xuất Thừa Thiên - Huế cần đưa tư duy liên kết vùng, khu vực vào tầm nhìn phát triển. Đơn cử như Huế cùng với Đà Nẵng, Hội An có thể cùng nhau kết nối tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút khách du lịch.

Cùng chung nhận định với bà Ninh, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng Thừa Thiên - Huế nên liên kết với Đà Nẵng để hình thành một cụm đô thị đôi, trở thành trung tâm của vùng kinh tế miền Trung. Chuyên gia quy hoạch này kiến nghị hướng phát triển của tỉnh nên là Đông và Đông Nam, hình thành các khu đô thị sân bay Phú Bài, đô thị cảng biển Chân Mây.

Song song đó, KTS Nam Sơn nhận xét dù tốc độ phát triển thời gian qua chưa nhanh nhưng chính nhờ đó, Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương bảo tồn di sản tốt nhất trên cả nước. Công tác bảo tồn cần được tiếp tục chú trọng để tỉnh có thể phát triển bền vững, phát huy giá trị các di sản quý giá.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải nêu đề xuất Thừa Thiên - Huế nên nghiên cứu phát triển điện thủy triều trên vùng đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Giải pháp này không những đem lại lợi ích về năng lượng mà có thể làm nước biển ở khu vực này trong xanh hơn, gián tiếp thúc đẩy du lịch biển.

Chỉ ra hạn chế về kinh tế của Thừa Thiên - Huế như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) còn thấp so với các địa phương xung quanh, GS Hà Tôn Vinh kiến nghị tỉnh cần gia tăng cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong quá trình đó, tỉnh cần quan tâm đặc biệt đến giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số toàn diện.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐQT L&A Holding Phạm Thị Mỹ Lệ nhận định nhiều học sinh, sinh viên Huế học tốt tiếng Nhật và văn hóa Huế cũng có những nét tương đồng với Nhật Bản. Bà Lệ đánh giá đây là lợi thế để tỉnh thu hút nhà đầu tư Nhật Bản.

Lắng nghe các ý kiến đóng góp, chủ tịch Thừa Thiên - Huế thừa nhận xuất phát điểm về kinh tế của tỉnh rất thấp. “Muốn phát triển phải cần cả thế và lực nhưng chúng ta chưa có lực. Quá trình đưa Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo thế để thu hút lực”, ông Thọ khẳng định. (zingnews.vn 05/4)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Vì sao bún bò Huế ở Hà Nội sợi to?

Mọi quán bún bò Huế tại Hà Nội tôi từng ăn đều dùng sợi bún to, nhưng hàng quán ở Huế chỉ bán bún sợi nhỏ. Mong được giải đáp. (Thanh Hiền) (vnexpress.net 05/4)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Chị em song sinh Huế gây sốt vì quá xinh đẹp: Giống tới mức chồng cũng nhầm, nhưng chụp ảnh lại có điểm khác biệt

2 chị xem song sinh xinh đẹp này từng không ít lần rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" khi chồng, hay người yêu cũng bị nhầm lẫn.

2 chị em song sinh Nết- Na, tên thật là Minh Anh và Nhật Anh (25 tuổi, quê ở Thừa Thiên- Huế). Hai chị em nhà Nết- Na khiến nhiều người vô cùng thích thú khi thường xuyên đăng tải những bức ảnh đi du lịch cùng nhau.

Cô chị Minh Anh tiết lộ cả hai đã đi nhiều nơi nhưng thời gian gần đây họ mới thường xuyên chụp ảnh cùng nhau ở 1 số địa điểm như Đà Lạt, Hội An, Huế...

"Bọn mình thường mặc đồ đôi và mình chọn gì thì em mặc đồ đó. Hơn nữa dù lập gia đình nhưng mình vẫn ở nhà ba mẹ, cùng nhà với Nhật Anh nên tình cảm của chị em vô cùng gắn bó. Bọn mình cũng gặp những tình huống dở khóc dở cười khi chồng mình nhận nhầm vợ hay người yêu em nhận nhầm bạn gái", Minh Anh hào hứng.

Cô nàng kể thêm: "Vì bọn mình sinh đôi, suy nghĩ lại tương thông nên những câu nói phát ra đôi khi giống nhau đến người nghe phải ngạc nhiên. Nhà chỉ có 2 chị em gái mà lại sinh đôi nữa nên thân nhau lắm, vui buồn gì cũng tâm sự cho nhau nghe, không có bí mật giấu nhau".

Những bộ ảnh gần đây được hai chị em chụp lại khi bên nhau được Minh Anh tiết lộ bởi em gái mình sắp lấy chồng và theo chồng định cư ở nước ngoài. Cả hai xem đây là những khoảnh khắc kỉ niệm đặc biệt để mang theo trong cuộc đời mình.

Thỉnh thoảng trong chuyến đi du lịch còn có 2 cô con gái của Minh Anh cùng tham gia. Dì Minh Nhật sẽ là người giúp mẹ Minh Anh chăm sóc một bé. Mỗi bộ ảnh mà gia đình Minh Anh thực hiện được dân tình nhận xét là "hai đời biết sống ảo".

Đặc biệt, khi ngắm nhìn những bức ảnh vi vu của hai cô gái, dân mạng nhận ra dù ăn mặc hay ngoại hình giống nhau thì cặp đôi này luôn có 1 điểm để nhận dạng. Đó là khi cô chị thì luôn cười khi chụp hình còn cô em thì ngược lại, luôn giữ biểu cảm "nghiêm túc". Nhật Anh theo phong cách lạnh lùng, cá tính, vì vậy cô nàng hầu như không cười trong các bức ảnh. Minh Anh lại trái ngược, là người theo phong cách vui tươi.

Hai chị em tiết lộ, sắp tới cả hai sẽ tranh thủ thực hiện thêm nhiều chuyến đi du lịch và những bộ ảnh cùng nhau. (nhipsongviet.toquoc.vn 06/4)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Học sinh giỏi lớp 11, 12 sẽ được ĐH Luật Huế xét tuyển thẳng

Trường Đại học Luật (Huế) tuyển sinh 500 chỉ tiêu cho ngành Luật và 400 chỉ tiêu cho ngành Luật Kinh tế.

Ngày 5-4, Trường Đại học Luật (Đại học Huế) cho biết, năm nay nhà trường sẽ tuyển sinh 900 chỉ tiêu hệ đại học chính quy. Đặc biệt, trường bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển và đối tượng xét tuyển thẳng cho kỳ tuyển sinh năm 2021.

PGS.TS Đoàn Đức Lương (Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế) cho biết : "Những điểm mới trong đề án tuyển sinh năm nay sẽ là cơ sở quan trọng để trường chúng tôi tiếp nhận được một đội ngũ sinh viên chất lượng, giữ vững uy tín của nhà trường cũng như thích ứng với bối cảnh chung của đào tạo luật hiện nay".

Theo đó, sẽ có bốn phương thức tuyển sinh, bao gồm: xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT; xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế hiện hành và xét tuyển thẳng theo phương thức riêng của Trường Đại học Luật (Huế).

Đồng thời, trường bổ sung thêm các tổ hợp môn xét tuyển mới là D66 (Ngữ văn, GDCD, Tiếng Anh) cho ngành Luật và C20 (Ngữ văn, Địa lý, GDCD) cho ngành Luật Kinh tế.

Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT, trường sử dụng kết quả học tập các môn trong tổ hợp môn xét tuyển ở cấp THPT của 3 học kỳ: Học kỳ 1 lớp 11, học kỳ 2 lớp 11, học kỳ 1 lớp 12 để tính điểm xét tuyển. Điều kiện xét tuyển là điểm trung bình chung (làm tròn đến 1 chữ số thập phân) các môn trong tổ hợp xét tuyển phải >=18.

Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học hệ chính quy năm 2021 và số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trường Đại học Luật (Huế) sẽ quyết định điểm trúng tuyển cho các ngành học.

Đối với quy chế tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển gồm : thí sinh đã tốt nghiệp THPT và là thành viên chính thức đội tuyển dự kỳ thi Olympic quốc tế; thành viên chính thức đội tuyển quốc gia dự cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế; thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp và thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.

Theo đề án tuyển sinh, nhà trường xét tuyển thẳng thí sinh thuộc các trường THPT chuyên đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 12; thí sinh thuộc các trường THPT đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 11 và năm học lớp 12 và thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các năm 2019, 2020, 2021 ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp.

Ngoài ra, các thí sinh có học lực khá trong cả 3 năm học THPT trở lên, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng sẽ được tuyển thẳng nếu đáp ứng đủ điều kiện: IELTS đạt điểm từ 5,0 trở lên, TOEFL iBT đạt từ 64 điểm trở lên hoặc TOEIC đạt từ 600 điểm trở lên đối với tiếng Anh; là học sinh lớp 12 chuyên Pháp của các trường THPT chuyên hoặc là học sinh lớp song ngữ có học tiếng Pháp của các trường THPT và điểm trung bình tiếng Pháp năm lớp 12 từ 7,5 điểm trở lên đối với tiếng Pháp.

Được biết, các thí sinh có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 còn được nhà trường trao tặng 30 triệu đồng cho thủ khoa; 20 triệu đồng cho á khoa và cấp học bổng tương đương 30 triệu đồng cho thí sinh đạt số điểm >=26; cấp học bổng tương đương 15 triệu đồng cho thí sinh đạt số điểm >=24.

Đặc biệt, thí sinh trúng tuyển thuộc diện ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của trường sẽ được nhận các mức học bổng từ 5 đến 20 triệu đồng.

Được biết thời gian nhận hồ sơ bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT và xét tuyển thẳng đến hết ngày 30-5-2021. Kết quả xét tuyển sẽ được thông báo vào tháng 6-2021. (plo.vn 05/4)

 
 
 

2.  Chung kết cuộc thi “Đại sứ Quốc Học Huế” 2021

Tối 4/4, Trường THPT chuyên Quốc Học Huế tổ chức đêm Chung kết cuộc thi “Đại sứ Quốc Học Huế” với chủ đề “Nét thơ gửi lại” tại Nhà hát Sông Hương.

Tại đêm chung kết, 14 chàng trai và 14 cô gái đã tham gia các phần thi: Trình diễn áo dài ngũ thân truyền thống, trình diễn áo dài cách tân, trình diễn trang phục học đường và phần thi ứng xử. Trong quá trình 4 tháng tham dự chương trình, các thí sinh còn được tham gia nhiều hoạt động hưởng ứng bên lề cuộc thi, như: Bình chọn online, tìm hiểu về văn hóa Huế, lên kế hoạch cho dự án tình nguyện vì trẻ em…

Qua các vòng thi, Ban tổ chức chọn ra được những thí sinh xuất sắc nhất và trao các giải: Đại sứ Quốc Học Huế cho hai thí sinh Trần Duy Tài, lớp 12 Sinh và Nguyễn Tịnh Nhi, lớp 11 Văn; Công sứ 1 cho hai thí sinh Đặng Tuấn Anh, lớp 11 Sinh và Phạm Thị Kiều Oanh, lớp 12 Văn; Công sứ 2 cho hai thí sinh Phạm Nguyên Phú, lớp 12 Sinh và Dương Bảo Uyên, lớp 12 Sử Địa.

Ngoài ra, chương trình còn trao các giải thưởng phụ: “Đại sứ thiện chí”, “Đại sứ áo dài”, “Đại sứ nhân ái”, “Đại sứ văn hóa”. Đặc biệt, hai thí sinh đạt giải “Đại sứ Quốc Học Huế” được ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hai bộ áo dài ngũ thân.

Với chủ đề “Nét thơ gửi lại”, cuộc thi là sân chơi để các thí sinh thể hiện tài năng, nét đẹp học đường, góp phần gìn giữ và hướng đến thương hiệu “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam” cũng như mang bản sắc Huế, văn hóa Huế tiến xa hơn nữa. (baothuathienhue.vn 05/4)

 
 
Y TẾ
 

1.  Bệnh viện Trung ương Huế cấy ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho bệnh nhân ung thư máu

Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị cho bệnh nhân U lympho không Hodgkin đầu tiên tại miền Trung. Đây là bệnh viện đầu tiên tại miền Trung thực hiện được điều này.

Ngày 3/4, Bệnh viện Trung ương Huế đã làm lễ xuất viện cho bệnh nhân Ngô Hoàng N. (24 tuổi, nhà ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) sau khi ghép tế bào gốc tạo máu tự thân để điều trị ung thư.

Theo đó, U lympho ác tính là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó U lympho không Hodgkin chiếm trên 70%. Hiện nay, U lympho không Hodgkin là bệnh ác tính thuộc nhóm có chỉ định ghép tế bào gốc tạo máu tự thân trong một số trường hợp, đặc biệt là khi bệnh tái phát nhằm mang lại cơ hội kéo dài thời gian lui bệnh cũng như thời gian sống thêm cho bệnh nhân.

Bệnh nhân Ngô Hoàng N., không may mắc bệnh U lympho không Hodgkin giai đoạn IIA từ tháng 2/2010. Sau khi được hóa trị 8 chu kỳ theo phác đồ CHOP (Cyclophosphamide, Doxorubicin, Vincristin, Prednisolon), bệnh nhân đạt được lui bệnh hoàn toàn và tái khám đều đặn tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Đến tháng 9/2020, sau hơn 10 năm theo dõi, bệnh tái phát trở lại với tình trạng xuất hiện nhiều hạch vùng cổ phải nên đã được hội chẩn giữa Trung tâm Ung bướu và Trung tâm Huyết học truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế quyết định phối hợp điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Sau 2 đợt điều trị tái tấn công theo phác đồ ICE (Ifosfamid, Etoposid, Carboplatin), đánh giá lại bệnh nhân đạt lui bệnh hoàn toàn nên đã được huy động và thu tế bào gốc tạo máu tự thân đủ liều để ghép, bảo quản tế bào gốc ở nhiệt độ -196 độ C.

Ngày 11/3/2021 bệnh nhân bắt đầu được điều kiện hóa bằng phác đồ LEED (Melphalan, Etoposide, Cyclophosphamide, Dexamethasone) sau đó tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu tự thân vào ngày 15/3/2021. Đến nay bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục sức khỏe và có thể cho xuất viện về với gia đình.

Được biết đây là bệnh nhân U lympho không Hodgkin đầu tiên tại miền Trung được điều trị theo phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Thành công này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các bệnh nhân khác trong tương lai.

Theo GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, tại bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân để điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh ác tính như lơ-xê-mi cấp dòng tủy, đa u tủy xương, ung thư vú, ung thư buồng trứng, u nguyên bào thần kinh và trong tương lai các trung tâm trong bệnh viện như Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Huyết học truyền máu và Trung tâm Nhi sẽ đẩy mạnh phối hợp phát triển kỹ thuật cao trong đó sẽ triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính. (congthuong.vn 05/4)

 
 
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
 

1.  Dấu ấn sáng tạo khoa học kỹ thuật trong trường học ở Thừa Thiên Huế

Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học toàn quốc năm 2020 - 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế có bốn dự án dự thi; trong đó, có một giải nhất, hai giải ba và một giải tư. Thành quả này đánh dấu sự trưởng thành, ngày càng lớn mạnh của học sinh vùng đất Cố đô Huế trong hoạt động nghiên cứu KHKT ở trường học.

Dự án “Kích thích tư duy toán học thông qua hệ thống bài tập hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch” của hai em Huỳnh Đăng Khoa và Lê Anh Châu, học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP Huế) đã đoạt Giải nhất tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức. Đây là một trong bảy dự án được ban tổ chức chọn tham dự cuộc thi KHKT quốc tế thời gian tới.

Dành bảy tháng lên ý tưởng, tìm kiếm các bài toán, thiết kế một số trò chơi vận dụng kiến thức môn toán…, hai em Khoa và Châu đã thiết kế một hệ thống bài tập hình học (lớp 8 và 9) bằng Scratch. Các bài toán được thiết kế dưới dạng câu chuyện trực quan sinh động, khơi gợi sự hứng thú của học sinh với phân môn hình học, giúp củng cố kiến thức môn học, nhất là hình học, vận dụng kiến thức để giải quyết các bài toán nhanh, chính xác… Huỳnh Đăng Khoa chia sẻ: “Em thấy nhiều bạn tỏ ra chán nản môn toán, thấy nó tẻ nhạt, vì thế em và Châu đã nghĩ ra ý tưởng làm gì đó để toán học “mềm mại” hơn”.

Trong khi đó, dự án “Thiết bị kiểm tra và giám sát sức khỏe thông minh phòng chống Covid-19 theo công nghệ IOT và diệt khuẩn NANO” của em Lê Ngọc Thanh Mai, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã giành giải cao tại cuộc thi sáng tạo KHKT cấp quốc gia. Sản phẩm giúp phát hiện, nhắc nhở người không đeo khẩu trang, rửa tay, kiểm tra nhiệt độ cơ thể, đo nồng độ ô-xy trong máu mà không cần tiếp xúc trực tiếp với người kiểm tra sức khỏe. Cô giáo Nguyễn Thị Thương Huyền (Trường THCS Nguyễn Tri Phương), cùng nghiên cứu với học sinh Thanh Mai chia sẻ: “Mai rất chịu khó học hỏi, biết lắng nghe lại có khả năng thẩm thấu vấn đề nhanh, đó chính là tố chất của người làm khoa học”.

Đánh giá về bốn dự án tham gia của học sinh Thừa Thiên Huế, Giám đốc Sở GD và ĐT Nguyễn Tân cho rằng, các sản phẩm thể hiện ý tưởng mới mẻ của học sinh, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện tăng cường các hoạt động về giáo dục môi trường, phòng, chống Covid-19 và ứng dụng công nghệ thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số. Các đề tài gắn đến đời sống hằng ngày nếu được đưa vào thực tiễn sẽ rất khả thi, giúp các doanh nghiệp có hướng đi, đổi mới phương thức trong cách quản lý.

  Hưởng ứng cuộc thi quốc gia, ngay từ năm học 2009 - 2010, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc thi KHKT cấp tỉnh. Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ kỹ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Không chỉ các trường ở TP Huế mà các địa phương vùng sâu, miền núi điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn cũng hưởng ứng tích cực, rộng khắp của học sinh toàn tỉnh.

“Câu lạc bộ nhà khoa học trẻ” tại Trường THCS Phong Hòa (huyện Phong Điền) được thành lập cách đây vài năm, là một trong số những nhân tố nổi bật qua phong trào hưởng ứng cuộc thi KHKT. Thầy giáo Nguyễn Văn Khuyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Các em đăng ký tham gia khá đông, đơn giản là đam mê nghiên cứu khoa học, muốn khám phá những gì đang diễn ra chung quanh bởi phòng thực hành thường thiếu trang thiết bị. Từ những cô cậu khá rụt rè, các em chủ động đề xuất đề tài, xây dựng định hướng nghiên cứu, thu thập, xử lý dữ liệu… gắn với thực tiễn và phù hợp điều kiện nghiên cứu trong trường học.

Giám đốc Sở GD và ĐT Nguyễn Tân cho biết thêm: Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học thật sự là một sân chơi khoa học, trí tuệ hết sức bổ ích, hấp dẫn, thu hút sự chú ý của đông đảo học sinh và giáo viên đam mê khoa học. Đối với học sinh, sản phẩm dự thi KHKT là sự cụ thể hóa xu hướng “học đi đôi với hành”, là năng lực vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhân rộng các mô hình, giải pháp khoa học, công nghệ tiên tiến có tính ứng dụng cao phục vụ nhu cầu thiết thực trong học tập và đời sống. Đáng nói, sản phẩm của các em có thể ứng dụng với giá thành thấp, phù hợp túi tiền khách hàng. Từ các đề tài nghiên cứu khoa học trong nhà trường, nhiều nhóm học sinh ở Thừa Thiên Huế đã tập làm dự án khởi nghiệp. (nhandan.com.vn 06/4)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Tiến gần với mô hình du lịch sinh thái hồ Tả Trạch

Khu vực hồ Tả Trạch (xã Dương Hòa TX. Hương Thủy) được các nhà quản lý, chuyên môn đánh giá cao khi hội tụ nhiều yếu tố để có thể trở thành một điểm du lịch sinh thái quy mô với đa dạng các hoạt động.

Có thể thiết kế nhiều dịch vụ hấp dẫn

Trong chuyến khảo sát của lãnh đạo tỉnh, TX. Hương Thủy và Sở Du lịch ngày 31/3 tại hồ Tả Trạch (xã Dương Hòa – TX. Hương Thủy), qua thực địa, đoàn khảo sát đánh giá, ở lòng hồ có khu vực đồi Rường, rộng hơn 160ha, trong đó có hơn 60ha cùng 1 vịnh nước có thể trở thành một điểm du lịch sinh thái đặc sắc.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, ở khu vực này, ngoài rừng cây sẵn có, đồng thời có thể trồng thêm đỗ quyên Bạch Mã, dược liệu…, nơi đây còn có một suối nước khoáng nóng có thể “kích hoạt” lại để phục vụ du khách. Tiếp đó, chúng ta có thể làm bè nổi để khai thác dịch vụ đánh golf mặt nước cùng một số hoạt động “thời thượng” đang được ưa chuộng gần đây, như: chèo thuyền SUP, thuyền Kayak, mô tô nước…, trong đó, với cung đường khá thuận lợi, dịch vụ mô tô nước chỉ mất hơn 40 phút là có thể chạy đến sát chân núi Bạch Mã.

Không chỉ vậy, từ điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng này, du khách có thể tỏa ra các hướng để khám phá, trải nghiệm, cắm trại ở các điểm vệ tinh gần đó, như: thác Khe De, chàn đá Dăm… với thời gian từ 15-20 phút ngồi thuyền máy cho mỗi điểm đến. Và khi địa điểm này đi vào khai thác, những sản vật của TX. Hương Thủy nói chung, xã Dương Hòa nói riêng, như: thanh trà, bưởi da xanh, tăm hương, gà đồi… cùng một số nông sản đặc trưng khác sẽ được kích cầu nhiều hơn.

Hài hòa lợi ích

Khai thác những lợi thế của hồ Tả Trạch để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái là một trong những nhiệm vụ trọng tâm TX. Hương Thủy hướng đến từ lâu. Tuy nhiên, do hồ Tả Trạch được Chính phủ xếp là một trong những công trình trọng điểm quốc gia nên thời gian qua, việc này đang gặp một số khó khăn nhất định.

Mừng là, trong chuỗi khảo sát, đánh giá lại toàn bộ các điểm du lịch sinh thái đã khai thác trong toàn tỉnh và các suối thác chưa được khai thác, từ đó quy hoạch lại toàn bộ du lịch sinh thái trong toàn tỉnh của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và các địa phương, sở, ngành liên quan, câu chuyện làm thế nào khai thác du lịch sinh thái ở hồ Tả Trạch đã được gợi mở.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, nếu mời gọi nhà đầu tư lớn thì đầu tiên, nhà đầu tư sẽ tài trợ phần lập quy hoạch để làm căn cứ trình lên Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương. Còn nếu chưa có nhà đầu tư lớn, chúng ta có thể mời gọi nhà đầu tư vừa và nhỏ, hoặc có thể giao người dân khai thác theo hướng du lịch sinh thái cộng đồng.

 “Phương án giao cho người dân làm du lịch cộng đồng hoặc giao cho nhà đầu tư vừa và nhỏ là khả thi hơn cả. Trước khi quyết định giao cho ai, chúng ta cần phải cân nhắc thấu đáo để làm thế nào góp phần đem lại lợi ích chung cho toàn tỉnh song song với việc giải quyết sinh kế cho người dân địa phương”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Việc xây dựng điểm du lịch sinh thái ở hồ Tả Trạch đang được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan họp bàn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Qua trao đổi, Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy Nguyễn Thanh Minh đề xuất, ở khu vực hơn 60ha (đã nêu ở trên - PV), chúng ta có thể mời gọi các nhà đầu tư vừa và nhỏ, còn các điểm vệ tinh: thác khe De, chàn đá Dăm… cùng một số dịch vụ liên quan sẽ giao cho người dân khai thác. Điều này một mặt giúp mô hình du lịch sinh thái quy mô hơn, mặt khác giải quyết được bài toán sinh kế cho người dân. (baothuathienhue.vn 06/4)

 
 
 

2.  Khám phá vẻ đẹp nhà vườn An Hiên ở thành phố Huế

Nhà vườn An Hiên tại số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, thành phố Huế, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, vốn là phủ công chúa được xem là một trong những nhà vườn truyền thống đẹp nhất xứ Huế. (Ảnh doanhnghiepvn.vn 05/4)

 
 
 

3.  Cung An Định – tòa lâu đài cổ kính thơ mộng trong lòng xứ Huế

Cung An Định là sự kết hợp kiến trúc Á - Âu độc đáo và tinh tế. Đây là công trình kiến trúc khác biệt giữa hàng trăm di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế hiện nay. Với tổng diện tích gần 24.000m2, cung điện cổ là một tổ hợp nhiều công trình khác nhau.

Cung An Định tọa lạc tại số 97 đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế, xưa được vua Đồng Khánh xây cho con trưởng của mình - tức vua Khải Định - làm cung điện riêng sinh sống từ khi vua Khải Định còn là Thái tử đến ngày lên ngôi hoàng đế.

Thuở ban đầu khi còn nguyên vẹn, cung có khoảng 10 công trình lớn nhỏ: Bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, hồ nước… Trải qua hơn 100 năm và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay, cung chỉ còn lại ba công trình khá nguyên vẹn, đó là: Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Dù không mới mẻ, song giá trị kiến trúc của An Định vẫn chưa bao giờ khiến du khách hết trầm trồ.

Cung An Định nằm trên một vùng đất bằng phẳng, ngay bên cạnh là dòng sông An Thịnh chảy hiền hòa quanh năm. Được xây dựng vào năm 1917, đây là công trình kiến trúc độc đáo của triều Nguyễn, mang phong cách châu Âu kết hợp với kiến trúc truyền thống cung đình, nơi ghi dấu một giai đoạn gia đình cựu hoàng Bảo Đại sinh sống, sau khi nhà vùa thoái vị, là nơi gắn bó nhiều kỉ niệm với Đức Từ Cung – vị hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Đây là một trong số những công trình kiến trúc đánh dấu sự giao thoa Đông – Tây đầu thế kỷ 20.

Không chỉ sở hữu lối kiến trúc độc đáo, cung An Định còn được coi là nơi ẩn chứa nhiều câu chuyện ly kỳ về cuộc đời của hoàng hậu Nam Phương cùng những giai thoại lịch sử. Nhiều người mong muốn tìm đến để tận mắt chứng kiến nét đẹp của cung điện cổ từ trong từng thước phim ra đến đời thật.

Tổng thể bên ngoài cung An Định mang dáng dấp của một cung điện nguy nga hoành tráng, chất cổ kính trầm mặc hòa cùng thiên nhiên yên bình, đưa nơi đây trở thành điểm check in mới mẻ, mang hơi hướng Đông – Tây khiến các bạn trẻ thích thú. dành cho du khách bốn phương. Lầu Khải Tường chính là địa điểm sống ảo được nhiều người lựa chọn.

Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, cung An Định là đại diện tiêu biểu cho trường phái kiến trúc tân - cổ điển ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Từ năm 2002, cung An Định được chuyển giao cho Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý và trùng tu tôn tạo để trả lại vẻ đẹp vốn có của tòa lâu đài tráng lệ. Chị Thu Phấn, du khách từ Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: Đến Huế, tôi không chỉ cảm thấy ấn tượng về vẻ đẹp của những thắng cảnh thiên nhiên, lăng tẩm, đền đài.. mà còn bị cuốn hút bởi con người Huế với tính cách ân tình, mộc mạc, dễ thương… Nếu có dịp đặt chân tới xứ Huế mộng mơ, du khách đừng quên ghé thăm cung An Định. Nơi đây sẽ giúp mỗi người có thể tìm về cội nguồn lịch sử. Bên khung cảnh cổ kính, du khách còn có thể bắt trọn được những khoảnh khắc lắng đọng tuyệt đẹp. Hãy lên kế hoạch cho một chuyến đi trọn vẹn trong thời gian gần nhất. (baoxaydung.com.vn 05/4)

 
 
MÔI TRƯỜNG
 

1.  Đầu tư hạ tầng, di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường trong khu dân cư

Là cụm công nghiệp (CCN) duy nhất nằm trên địa bàn TP. Huế, năm 2021, Trung tâm Phát triển CCN TP. Huế đầu tư hạ tầng CCN An Hoà, đón các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. (Video baothuathienhue.vn 05/4)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Giữ con bạc đòi tiền, nhóm thanh niên ở Huế bị khởi tố

Do đánh bạc thua không có tiền trả, Thành bị một nhóm đối tượng bắt giữ, đánh đập, đồng thời yêu cầu người nhà đến trả nợ rồi mới cho về.

Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thành Long (27 tuổi), Võ Đình Sơn (27 tuổi), Lê Nhật Hoàng (24 tuổi, cả 3 đều trú tại TP Huế) và Nguyễn Thiện Đạt (23 tuổi, trú tại huyện Phú Lộc) để điều tra về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, Công an TP Huế nhận được tin báo vào rạng sáng 28/3, Phan Nhật Thành (34 tuổi, trú tại phường An Tây, TP Huế) đến quán cà phê (trên đường Cao Xuân Dục, phường Vỹ Dạ, TP Huế) do Long làm chủ để đánh bạc bằng hình thức tài xỉu qua mạng.

Tại đây, Thành đánh thua hơn 12 triệu đồng nhưng không có tiền trả nên xin đi mượn để trả, thì được Đạt và Sơn là nhân viên của quán dẫn đi. Thành đi mượn nhiều nơi nhưng không có nên Long yêu cầu chở Thành về lại.

Lúc này, Thành bỏ chạy thì bị Đạt và Sơn bắt lại đánh đập. Đạt gọi thêm Hoàng đến giúp sức để đưa Thành về. Tại quán cà phê, Long yêu cầu Thành gọi người nhà mang tiền đến trả nợ, đồng thời tiếp tục đánh đập Thành.

Sau đó, khoảng 6h sáng ngày 28/3, người nhà của Thành đã mang 4,5 triệu đồng và một xe mô tô Exciter đến giao nộp cho Long thì Thành được cho về. Sau đó, Thành được người nhà đưa đi cấp cứu, đồng thời trình báo lên cơ quan Công an.  

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Huế đang tiếp tục củng cố hồ sơ để khởi tố những người liên quan thêm tội “Cố ý gây thương tích” và “Đánh bạc”. (daidoanket.vn 05/4, baogiaothong.vn 05/4, tienphong.vn 05/4, vietnamnet.vn 05/4, baovephapluat.vn 05/4, baothuathienhue.vn 05/4)

 
 
 

2.  Xử phạt người đăng thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức

Sáng 5/4, Công an huyện Phong Điền đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hoàng Thị Phương (sinh năm 1985) trú tại thôn Hải Phú, xã Phong Hải (Phong Điền) về hành vi đăng thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức.

Trước đó, tài khoản Facebook có tên "Phương Ph" đã chia sẻ bài viết từ tài khoản Facebook  "Pháp Pháp" đăng trong nhóm "Garage Sale in Hue" với nội dung "Công an xã Phong Hải tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông không đúng chức năng nhiệm vu, có sai phạm tiêu cực".

Không những thế, Facebook này còn chia sẻ bài viết kèm theo nội dung bôi nhọ, lăng mạ lực lượng công an xã đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông.

Sau khi chia sẻ bài viết, có một số tài khoản Facebook khác đã vào tương tác và bình luận, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Do sợ bị phát hiện, ngày 12/3/2021 bà Phương đã xóa bài viết nói trên.

Công an huyện Phong Điền xác định, chủ tài khoản Facebook "Phương Ph" là của đối tượng Hoàng Thị Phương đã đăng tải nội dung bịa đặt, sai sự thật, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng Công an xã Phong Hải nói riêng và Công an huyện Phong Điền nói chung.

Quá trình làm việc, bà Phương đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật, có thái độ hợp tác, thành khẩn khai báo và thừa nhận hành vi vi phạm, tháo gỡ bài viết kịp thời.

Công an huyện Phong Điền đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với bà Phương về hành vi lợi dụng mạng xã hội “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. (baothuathienhue.vn 05/4, tienphong.vn 05/4, antt.nguoiduatin.vn 05/4)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Dự án sen Huế của Trường đại học Nông Lâm được Bộ Ngoại giao Bulgaria tài trợ

Thông tin trên được đại diện Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế chia sẻ vào sáng 5/4. Đặc biệt, Bộ Ngoại giao Bulgaria và Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế đã có thỏa thuận tài trợ này nhằm thực hiện dự án “Đa dạng hóa sản phẩm hoa sen bản địa kết hợp phát triển du lịch sinh thái: Mô hình xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Theo đại diện Trường ĐH Nông Lâm, dự án “Đa dạng hóa sản phẩm hoa sen bản địa kết hợp phát triển du lịch sinh thái: Mô hình xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế” được thực hiện tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền. Tổng giá trị dự án là hơn 35 ngàn Euro, trong đó hơn 30 ngàn Euro (86%) được tài trợ theo nguồn vốn ODA của Bulgaria. Thời gian thực hiện là 24 tháng, bắt đầu từ tháng 4/2021.

Mục tiêu của dự án là giúp phụ nữ nông thôn nâng cao năng lực trong sản xuất và tiếp thị các sản phẩm từ sen địa phương, được thực hiện thông qua một chuỗi hoạt động, các khóa đào tạo, tập huấn và hội thảo thực địa, xây dựng nhà kho và địa điểm dự án cố định, mua sắm thiết bị…

Dự án tiếp tục tìm cách áp dụng và giáo dục về thực hành nông nghiệp thân thiện với khí hậu và tiến bộ công nghệ liên quan đến sản xuất sen đại trà; hướng đến một kết quả bền vững hơn nữa bằng cách giới thiệu các công cụ thực hành để phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào hoa sen. (baothuathienhue.vn 05/4)

 
 
 

2.  Phong Điền mở rộng diện tích trồng sen

Phong Điền tập trung quy hoạch lại diện tích vùng trồng sen trên địa bàn, đến năm 2025, diện tích trồng sen lấy hạt đạt 500ha.

Thu nhập gấp 5-7 lần trồng lúa

Cây sen đang là sản phẩm được huyện Phong Điền quan tâm để xây dựng thành sản phẩm chủ lực. Việc phát triển và xây dựng thương hiệu sen được các địa phương và bà con nông dân hưởng ứng.

Hiện nay, diện tích trồng sen trên địa bàn huyện Phong Điền hơn 346ha, tập trung ở các xã Phong Hiền, Phong An, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Chương, thị trấn Phong Điền...Các giống sen được trồng chủ yếu là sen cao sản, sen trắng, sen đỏ và sen hồng. Trung bình 1ha sen cho thu nhập gần 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao gấp 5-7 lần so với trồng lúa.

Ông Hoàng Đô, một trong những người tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trồng sen ở thôn Sơn Tùng (Phong Hiền) cho biết, cây sen rất dễ trồng, nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn nước, bởi đây là loại cây khá nhạy cảm với điều kiện khí hậu. Giống sen đưa vào trồng trên địa bàn lâu nay chủ yếu là sen truyền thống của Huế (sen trắng Tịnh Tâm) và sen hồng cao sản. Trung bình 1 sào cho thu hoạch khoảng 1,5 tạ hạt sen tươi, với giá hạt sen tươi chưa bóc vỏ dao động ở mức từ 25.000 - 30.000 đồng/1kg, sau khi trừ các khoản chi phí, với hơn 1ha sen, gia đình ông Đô có thu nhập trên 100 triệu đồng.

Với 4,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả, gia đình ông Hồ Văn Thăng, thôn Phò Ninh (Phong An) chuyển đổi sang trồng sen kết hợp nuôi cá từ năm 2006 đến nay. Hàng năm, thu nhập của gia đình ông Thăng bình quân trên 200 triệu đồng từ mô hình này.

 “Phong An hiện có 22 hộ gia đình trồng sen kết hợp nuôi cá với diện tích 41ha. Bước đầu thành công của mô hình trồng sen kết hợp cá, tạo tín hiệu tích cực cho bà con nông dân trên địa bàn xã khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

UBND xã Phong An đang tiếp tục khuyến khích bà con nông dân tận dụng ao, hồ, bàu và những diện tích trồng lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng sen kết hợp nuôi cá", ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An thông tin.

Mở rộng diện tích

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết: Những năm gần đây, mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá ở huyện Phong Điền phát triển mạnh, không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp cải thiện môi trường, mở ra triển vọng cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng đa canh.

UBND huyện Phong Điền khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các đơn vị để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ sen; phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường, làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thông qua các chương trình, lễ hội đối với các sản phẩm từ cây sen; hướng đến xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các địa phương vùng trồng có diện tích đủ lớn.

Phòng NN&PTNT đã tham mưu UBND huyện xây dựng đề án phát triển cây sen trên địa bàn và định hướng đến năm 2025. Trong đó, giải quyết vấn đề trước mắt như: tổ chức lại sản xuất, thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã... để liên kết lại; quy hoạch lại vùng trồng sen; hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo sự ổn định, giúp các nhóm hộ, tổ hợp tác yên tâm sản xuất lâu dài.

Với ngân sách thực hiện khoảng 1,5 tỷ đồng, trước mắt, UBND huyện triển khai rà soát diện tích lúa vùng thấp trũng hiệu quả thấp và một số diện tích khác (các trằm, bàu, ao, hồ...), vận động người dân chuyển đổi trồng sen kết hợp với nuôi cá để tăng thu nhập; xây dựng quy trình nhân giống sen quý hiếm đặc trưng của Huế, giống sen chất lượng cao. Đồng thời, tiến tới thành lập trung tâm sản xuất giống sen tại huyện Phong Điền, phục vụ nhu cầu sản xuất trên địa bàn và cung ứng ở các thị trường khác. (baothuathienhue.vn 05/4)

 
 
 

3.  Bình Tiến gỡ khó để phát triển

Xã Bình Tiến (TX.Hương Trà) có hơn 5.900 nhân khẩu, sinh sống tại 10 thôn, diện tích trải rộng trên 140km2. Sau hơn một năm sáp nhập, hiện Bình Tiến không còn nhà tạm, hộ nghèo giảm còn 3,2% và đời sống người dân đang từng bước đi lên.

Nắm bắt tâm tư

Xã Bình Tiến được sáp nhập từ xã Hồng Tiến và xã Bình Điền. Trước khi sáp nhập, về kinh tế, xã Hồng Tiến phần lớn dựa vào trồng rừng, chăn nuôi nhỏ lẻ; Bình Điền lại có mô hình phát triển đa dạng: dịch vụ - du lịch, ngành nghề, vận tải, chăn nuôi… Khác biệt về cơ cấu kinh tế, văn hoá - xã hội và các tập quán truyền thống phần nào ảnh hưởng đến quá trình xây dựng xã mới.

Một cái khó khác là vấn đề sắp xếp bộ máy địa phương sau sáp nhập. Chủ tịch UBND xã Bình Tiến, ông Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: Trước đây, cán bộ dôi dư khá nhiều. Sau sáp nhập, xã có 8 lãnh đạo, cán bộ phải tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước thời hạn; chuyển công tác 3 người. Hiện, địa phương còn dư 3 cán bộ và đang tìm cách sắp xếp công việc phù hợp. Chúng tôi động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho anh em trên tinh thần bàn bạc tập thể để tháo gỡ cũng như tính toán phương án sắp xếp, sớm ổn định công tác, đảm bảo an sinh xã hội.

 “Thực tế, khi hai đơn vị nhập một, bà con Hồng Tiến được quan tâm nhiều hơn, từ các chế độ chính sách đến hỗ trợ của các chương trình. Quan điểm của Đảng uỷ, chính quyền địa phương là ưu tiên bà con đồng bào dân tộc thiểu số trước, chủ yếu tập trung ở xã Hồng Tiến cũ”, Bí thư Đảng uỷ xã Bình Tiến Hoàng Trọng Chiến cho hay.

Không chỉ tuyên truyền, vận động, lãnh đạo xã tăng cường tiếp xúc, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Thôn nào có vấn đề “tư tưởng”, Bí thư Đảng ủy xã đều đến giải quyết ngay; nhờ đó, đã đáp ứng phần lớn mong đợi của bà con. Đến nay, ý thức trách nhiệm, sự đồng thuận của người dân rất cao. Người dân chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách, tham gia hội họp đông đủ.

Ông Nguyễn Văn Cao, cán bộ hưu trí xã Hồng Tiến nhìn nhận: Trước đây, nghe tin xã sáp nhập, bà con mừng nhưng vẫn lo. Lo vì Hồng Tiến là xã đặc thù, khi nhập với Bình Điền, có giữ được truyền thống của xã Anh hùng. Lo các phong tục tập quán, yếu tố lịch sử của mỗi địa phương có mai một? Nhưng nay, chúng tôi yên tâm, tin tưởng Hồng Tiến sẽ có điều kiện vươn mình.

Đến thời điểm này, còn một số bà con chưa thoả mãn, xã tiếp tục làm công tác tuyên truyền. “Chúng tôi xác định, thay đổi tư tưởng không thể trong ngày một ngày hai, nhất là một số cá nhân lớn tuổi. Điều này cần sự thể hiện trong mỗi việc làm của lãnh đạo xã, nói là làm, có vậy, bà con mới tin tưởng”, người đứng đầu UBND xã khẳng định.

Động lực mới cho phát triển

Địa phương phấn đấu giúp đỡ những hộ thoát nghèo không để tái nghèo bằng cách ưu tiên các chương trình, dự án hỗ trợ cho những đối tượng này. Cụ thể, xã xây dựng phương án cho thuê đất với giá 0 đồng cho những hộ nghèo, khó khăn, bà con dân tộc thiểu số nhằm giúp họ phát triển kinh tế.

 “Trước đó, các tổ chức như lâm trường, Ban quản lý rừng đầu nguồn sông Hương, Ban quản lý rừng đầu nguồn sông Bồ đã giao một số diện tích đất cho xã (một số có quyết định, một số chưa) nên chúng tôi đang chờ tỉnh có quyết định thu hồi, giao đất cho thị xã, thị xã mới giao về địa phương. Dự kiến, tổng diện tích đất từ các lâm trường giao cho Bình Tiến quản lý khoảng hơn 410 ha”, ông Kiên thông tin.

Hiện, địa phương triển khai xây dựng đề án, thuê đơn vị tư vấn để đo đạc, kiểm tra diện tích đất thực tế, thành lập đoàn công tác làm việc với các đơn vị có đất rừng liên quan. Xã cũng tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội, các công trình hạ tầng thiết yếu, nâng cấp hệ thống giao thông, nâng chất về chợ, thuỷ lợi, trạm y tế, điện, nước sạch. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích xây dựng các trang trại nuôi trồng quy mô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

Thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền xã tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo để phát huy hiệu qủa bộ máy. Tuyên truyền đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

 “Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin tưởng đời sống kinh tế của Bình Tiến sẽ có những bước phát triển xứng với vai trò, vị thế là trung tâm của vùng gò đồi Hương Trà”, Bí thư Đảng uỷ xã Bình Tiến nói. (baothuathienhue.vn 06/4)

 
 
 

4.  Không để thủ tục hành chính làm chậm tiến độ

Với sự hỗ trợ từ các ban ngành Trung ương, địa phương, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án (DA) mở rộng Cảng hàng không Quốc tế (HKQT) Phú Bài, trong đó DA xây dựng Nhà ga T2, hạ tầng tường rào, sân đỗ máy bay đồng bộ...

Cuối năm 2021 hoàn thành sân đỗ

Thời tiết thuận lợi, cùng dịch COVID-19 tạm lắng, những ngày này, việc thi công tại Cảng HKQT Phú Bài được triển khai khẩn trương.

Đại diện lãnh đạo Cảng HKQT Phú Bài thông tin, nằm trong DA mở rộng sân bay Phú Bài, DA “Mở rộng sân đỗ máy bay” có diện tích hơn 13,5 ha (giai đoạn 1) với kinh phí đầu tư hơn 329.855 triệu đồng do Liên danh Công ty CP Tập đoàn CIENCO4-Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn thi công.

Trong giai đoạn này sẽ nâng tổng vị trí đỗ máy bay của Cảng HKQT Phú Bài từ 8 vị trí đỗ hiện nay lên 13 vị trí đỗ, trong đó 12 vị trí đỗ máy bay code C và 1 vị trí đỗ máy bay code E, đáp ứng công suất 5 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục thực hiện và khi hoàn thành sẽ đáp ứng 14 vị trí đỗ, trong đó có 10 vị trí đỗ máy bay code C và 4 vị trí đỗ máy bay code E, đáp ứng công suất 9 triệu hành khách/năm.

Cuối năm 2020, DA trên khởi công lại gặp mưa bão và dịch COVID-19 nên tiến độ chững lại. Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay, không khí thi công sân đỗ máy bay khẩn trương. Các nhà thầu Công ty CP Tập đoàn CIENCO4-Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn tranh thủ thời tiết thuận lợi, phân bố phương tiện, công nhân làm việc 3 ca trong ngày và vào dịp cuối tuần.

Ông Nguyễn Đức Tùng, Chỉ huy trưởng công trình, thuộc Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 cho biết, hiện nay, DA được thực hiện nhiều hạng mục, như giải phóng mặt bằng cũ, san lấp, lu nén, xử lý hệ thống giếng cát để ổn định mặt bằng sân đỗ... Sau đó sẽ tiếp tục bê tông mặt sân bãi, lắp đặt các thiết bị phụ trợ, điện, nước, hàng rào an ninh, hệ thống neo đậu máy bay...

 “Với sự hỗ trợ từ chính quyền sở tại và ACV cùng thời tiết thuận lợi như hiện nay, theo kế hoạch đề ra, DA sân đỗ máy bay giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021 là khả thi”, ông Nguyễn Đức Tùng nói.

Hoàn thành nhà ga vào quý 2/2022

Cùng với DA “Mở rộng sân đỗ máy bay” tại Cảng HKQT Phú Bài là DA “Xây dựng nhà ga hành khách T2” do ACV làm chủ đầu tư với kinh phí xây dựng 2.250 tỷ đồng, khởi công vào cuối năm 2019, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.

Ông Đỗ Chí Thành, Giám đốc Cảng HKQT Phú Bài, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý DA xây dựng Nhà ga T2 cho biết, thời gian qua, tiến độ thi công DA có chậm hơn so với dự kiến vì tình hình thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đến nay, phần thi công nền đất và móng cọc nhà ga T2 đã hoàn thành; ACV đang tiến hành thẩm định, phê duyệt, thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp phần thân nhà ga và các hạng mục phụ trợ, dự kiến hoàn thành công trình đưa vào sử dụng trong quý I/2022. Đối với DA xây dựng hàng rào ranh giới khu vực nhà ga hành khách T2 Cảng HKQT Phú Bài với tổng chiều dài 2.220m, chiều cao 2,45m, ACV đang hoàn tất các thủ tục để tiến hành thi công vào tháng 4/2021...

Những DA mở rộng sân bay Phú Bài hiện nay có quy mô lớn và trọng điểm ở Thừa Thiên Huế, khi hoàn thiện sẽ tạo đột phá giao thông kết nối liên vùng, khu vực, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm, trước khi khởi động DA đã chú trọng việc thẩm định, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cũng như kết nối theo dõi tiến độ xây dựng...

Giữa tháng 3/2021, kiểm tra tiến độ xây dựng DA mở rộng sân bay Quốc tế Phú Bài, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị ACV phối hợp với các ban ngành tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ DA nhà ga T2.

Ngoài lý do khách quan ảnh hưởng thời tiết và dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường, như tăng cường thiết bị, máy móc, con người, làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ đã đề ra. Nếu có những vướng mắc phát sinh, liên quan đến chính quyền địa phương cần sớm phối hợp tốt, kịp thời tháo gỡ, không để vì các thủ tục hành chính làm chậm tiến độ DA.

Cơ sở hạ tầng tại Cảng HKQT Phú Bài hiện nay đã quá tải. Giai đoạn 2016 - 2020,  mức tăng trưởng hành khách qua cảng đạt từ 13 - 17%/năm; năm 2020, lượng khách qua cảng đạt 3-3,5 triệu và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt 6,5-7 triệu hành khách/năm. Hiện DA đang xây dựng nhà ga T2 trên diện tích khoảng 10.118m2, công suất 5 triệu hành khách/năm (trong đó nội địa 4 triệu hành khách/năm và quốc tế 1 triệu hành khách/năm); được đầu tư trang thiết bị hiện đại, cung cấp nhiều tiện ích chất lượng cao phục vụ hành khách. (baothuathienhue.vn 06/4)

 
 
 

5.  Thừa Thiên - Huế: Mở rộng diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC

Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên - Huế (TTH-FOSDA) tổ chức Đại hội lần thứ 2, nhiệm kỳ 2021-2025.

Báo cáo tại đại hội cho thấy, sau 5 năm thành lập, TTH-FOSDA đã có 1.028 hội viên là chủ rừng với gần 5.200ha rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), tăng gần 9 lần so với năm 2016.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề nghị TTH-FOSDA củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Công ty Scancia Pacific trong việc phát triển chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn FSC. Liên kết chuỗi với các doanh nghiệp kinh doanh gỗ nhỏ, viên nén để toàn bộ gỗ rừng trồng FSC được bao tiêu sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn có 12.000ha rừng trồng có chứng chỉ FSC. Đồng thời, chú trọng vận động hội viên là chủ rừng tích cực phát triển trồng cây bản địa gỗ lớn ở các vùng sinh cảnh phù hợp, nhằm góp phần tăng cường bảo vệ môi trường, kinh doanh bền vững và hiệu quả với giá trị gia tăng ngày càng cao. Bên cạnh đó, gắn việc phát triển rừng trồng FSC với việc thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động trong giai đoạn 2021-2025. (sggp.org.vn 05/4)

 
 
 

6.  Không để bệnh khảm lá sắn lây lan trên diện rộng

Tại buổi đi kiểm tra tình hình nhiễm bệnh khảm lá ở cây sắn tại xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) và phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà) vào chiều 5/4, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn...

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bệnh khảm lá sắn đang gây hại khoảng 1.003,78ha trên trên các giống sắn KM94, KM140.

Kiểm tra thực địa các diện tích trồng sắn tại xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) và phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các các đơn vị khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn. Trước mắt tiến hành nhổ bỏ cây sắn nhiễm bệnh để tiêu hủy, hạn chế thiệt hại và tránh lây lan trên diện rộng….

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, các đơn vị phải thực hiện tốt công tác kiểm dịch nội địa để ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển mua bán giống sắn từ vùng bị bệnh sang vùng khác chưa nhiễm bệnh hoặc từ các tỉnh khác về trên địa bàn. Đồng thời tăng cường công tác điều tra, giám sát đồng ruộng để phát hiện sớm và chỉ đạo biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời.

Năm 2021, diện tích kế hoạch trồng sắn trên địa bàn tỉnh khoảng 4.198ha. Hiện nay, các địa phương đã trồng được khoảng 3.072ha, sắn đang giai đoạn mọc mầm, ra lá. (baothuathienhue.vn 06/4)

 
 
 

7.  Thừa Thiên Huế: Đại hội Hội chủ rừng phát triển bền vững tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025

Hội chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH-FOSDA) vừa tổ chức Đại hội Hội chủ rừng phát triển bền vững tỉnh lần thứ II, nhiệm kỳ 2021-2025.

Được thành lập từ ngày 30/9/2016, TTH-FOSDA có 14 Chi hội, với 241 thành viên, diện tích tham chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC hơn 950 ha.

Sau 5 năm hoạt động, đến nay TTH-FOSDA đã có 1.028 hội viên là chủ rừng với gần 5.200 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Hội đã chủ động chủ trì và phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các Hội viên thành lập được 24 HTX lâm nghiệp bền vững và xây dựng Đề án phát triển hợp tác xã lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2023 và đã được UBND tỉnh phê duyệt.

TTH-FOSDA đã thực hiện tốt vai trò đại diện các chủ rừng tham gia FSC liên kết chuỗi giá trị rừng trồng gỗ keo với đối tác chính là Công ty Scancia Pacific cũng như một số công ty gỗ dăm, viên nén trên địa bàn. Nhờ vậy, góp phần nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng rừng trồng keo cho các chủ rừng tham gia hội.

Bên cạnh đó, TTH-FOSDA còn thực hiện tốt vai trò phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các chính quyền địa phương tham mưu cho UBND ban hành Quy chế quản lý rừng cộng đồng cũng như kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC nhằm góp phần bảo vệ tốt tài nguyên rừng tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.

Triển khai phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ lần thứ II (2021-2025), TTH-FOSDA tiếp tục hướng đến hành động dựa trên nguyên lý hài hòa giữa kinh tế - xã hội – môi trường phục vụ cho các lâm hộ trồng rừng quy mô nhỏ tích cực tham gia chứng chỉ rừng FSC; ưu tiên các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học; sử dụng đất phát thải thấp. Vận động ngày càng nhiều hội viên tham gia vào các HTX lâm nghiệp bền vững nhằm hợp tác, cùng có lợi; góp phần ổn định sinh kế; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương đề nghị TTH-FOSDA tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Công ty Scancia Pacific trong việc phát triển chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn FSC; đồng thời liên kết chuỗi với các công ty kinh doanh gỗ nhỏ, viên nén để bảo đảm toàn bộ gỗ rừng trồng FSC được bao tiêu sản phẩm theo hướng hài hòa lợi ích giữa chủ rừng và các công ty. Cần chủ động và phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, phấn đấu đến năm 2025, có tối thiểu 2.400 chủ rừng tham gia để mở rộng quy mô tối thiểu đạt 12.000 ha rừng trồng có chứng chỉ FSC. Đồng thời chú trọng vận động chủ rừng hội viên từng bước tích cực phát triển trồng cây bản địa gỗ lớn ở các vùng sinh cảnh phù hợp, nhằm góp phần tăng cường bảo vệ môi trường, kinh doanh bền vững và hiệu quả với giá trị gia tăng ngày càng cao; gắn việc phát triển rừng trồng FSC với việc thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động trong giai đoạn 2021-2025.

Ông Phương cũng nhấn mạnh rằng, trên cơ sở Đề án phát triển hợp tác xã lâm nghiệp bền vững đã được UBND tỉnh phê duyệt, TTH-FOSDA cần vận động chủ rừng tham gia thành lập mới 16 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững. Đồng thời củng cố, định hình phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ cơ bản ở các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững đã được thành lập. Đến năm 2025, có 38 Hợp tác xã lâm nghiệp bền vững với tối thiểu 60% chủ rừng có chứng chỉ FSC tham gia thành viên.

 “TTH-FOSDA cần đặc biệt chú trọng xây dựng cơ cấu Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ II, cũng như đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ phẩm chất, tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ phát triển rừng và vì lợi ích của chủ rừng; đồng thời có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Muốn vậy, cần chú trọng đến thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và hoạt động dịch vụ công xem đó là một trong những biện pháp xây dựng cơ chế tài chính bền vững để đáp ứng yêu cầu hoạt động”, ông Phương nói. (baotainguyenmoitruong.vn 05/4)

 
 
 

8.  Thừa Thiên – Huế: Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ký ban hành Quyết định về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương, với phạm vi lập quy hoạch bao gồm khu vực dọc sông Hương đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, chiều dài khoảng 15km.

Theo quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương đã được phê duyệt, phạm vi lập quy hoạch bao gồm khu vực dọc sông Hương đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, chiều dài khoảng 15km, chiều rộng mỗi bên sông tiếp cận đến các tuyến đường dọc hai bờ sông hoặc cách mép bờ sông mỗi bên trung bình khoảng 100m (bao gồm cồn Hến và cồn Dã Viên).

Phía Bắc giáp đường Nguyễn Phúc Nguyên, Kim Long, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo; Phía Nam giáp đường Bùi Thị Xuân, Lê Lợi; Phía Đông giáp đường Huyền Trân Công Chúa, đường Lương Quán, đường Bùi Thị Xuân, Nguyễn Sinh Cung, đất ven sông; Phía Tây giáp đường Chi Lăng, đất ven sông. Quy mô quy hoạch khoảng 855.08ha, trong đó, mặt nước 503.84ha. Quy mô dân số hiện trạng khoảng 14.462 người (3.386 hộ); Dân số quy hoạch khoảng 10.300 người (2.372 hộ).

Quy hoạch sẽ tổ chức 5 Cụm trung tâm gồm: Khu vực trung tâm thành phố Huế và 4 khu vực phụ trợ như: Phường Đúc, Thủy Biều, Vọng Cảnh, Tiên Nộn. Khu văn hóa du lịch gồm: Dịch vụ du lịch thành phố, du lịch văn hóa truyền thống - lịch sử, du lịch lưu trú nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, chương trình trọng điểm văn hóa...; Chức năng hỗ trợ cư trú như: Các công trình dịch vụ thương mại, các không gian hoạt động ngoài trời...

Hệ thống giao thông đô thị liên quan với tuyến dịch vụ du lịch chủ yếu và khu vực lân cận. Bố trí công trình giao thông các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe... và nâng cấp đường kết nối các Khu du lịch. Phát triển hệ thống giao thông đường thủy trên sông Hương và phương tiện giao thông mới. Thiết lập hệ thống không gian xanh mang tính liên tục và tăng cường khả năng tiếp cận với tuyến phố đi bộ.

Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan phân theo 3 vùng, cụ thể: Vùng thượng lưu từ đồi Vọng Cảnh đến cồn Dã Viên để bảo tồn cảnh quan và quản lý tài nguyên văn hóa lịch sử; Vùng trung tâm đô thị từ cồn Dã Viên đến cồn Hến là Trung tâm du lịch văn hóa và các không gian mở; Vùng hạ lưu từ cồn Hến đến phố cổ Bao Vinh để bảo tồn và khai thác cảnh quan tự nhiên sinh thái.

Khu vực quản lý cảnh quan trên nền tảng văn hóa truyền thống: Làng thủ công mỹ nghệ Thủy Xuân, Phường Đúc, phố cổ Gia Hội, phố cổ Bao Vinh. Khu vực quản lý cảnh quan phát triển mới khu vực chợ Đông Ba, cồn Hến, phía Nam khu trung tâm Huế. Khống chế chiều cao, mật độ xây dựng hạn chế che chắn tầm nhìn ra sông Hương và khu vực lân cận. Thiết lập phương án quản lý có cân nhắc đến tính tiếp cận bờ sông.

Tổ chức cảnh quan theo trục sông Hương, An Cựu, Như Ý; Trục đường phố chính như: đường Lê Lợi, Nguyễn Sinh Cung, Kim Long… hình thành cảnh quan đường phố đặc trưng. Khu vực cảnh quan tự nhiên như: Đồi Vọng Cảnh, cồn Dã Viên, cồn Hến; Khu vực cảnh quan văn hóa lịch sử như: Chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, Văn Thánh, Võ Thánh; Khu vực cảnh quan nhân tạo gồm: Các quảng trường, công viên, công trình biểu tượng...

Phát triển các điểm nhìn chính theo các yếu tố cảnh quan của sông Hương đảm bảo tầm nhìn theo độ cao của đối tượng quy hoạch, khoảng cách tầm nhìn, vị trí điểm nhìn tới tầm nhìn, đa hướng. Bố trí thêm các điểm ngắm cảnh ban đêm để tạo nhiều không gian ngắm cảnh tự nhiên. Tuyến phố đi bộ kết nối với công viên; Đường Chi Lăng, đường Bao Vinh bố trí cảnh quan đường phố truyền thống; Các tuyến đường thượng lưu sông Hương bố trí cảnh quan đường phố tách biệt để mở rộng tầm nhìn, không che lấp môi trường tự nhiên xung quanh, duy trì khoảng cách phù hợp giữa các cây xanh.

Bố trí các tuyến đường cảnh quan phản ánh hoạt động đặc trưng của khu vực như: Tuyến đường kinh doanh, tuyến tham quan, tuyến văn hóa...; Hình thành môi trường cảnh quan đường phố để nâng cao tính biểu tượng của tuyến đường thông qua hệ thống cây xanh, công trình kiến trúc đặc trưng, công trình tiện ích đô thị...

Hình thành các tuyến phố đi bộ trong các khu quy hoạch và tháo dỡ tường bao hàng rào tiếp giáp với tuyến phố đi bộ để tăng cường sự tiếp xúc bên trong với bên ngoài. Ưu tiên trồng các loại cây tán rộng, bố trí các công trình tiện ích như: Quảng trường, ghế dài, gian hàng bán nước giải khát, nhà vệ sinh công cộng,

Trên cơ sở đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng, UBND thành phố Huế, UBND thị xã Hương Trà, UBND huyện Phú Vang và các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng công trình theo phân công, phân cấp. UBND thành phố Huế hoàn chỉnh hồ sơ, tổ chức công bố quy hoạch để các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan biết, thực hiện; đồng thời chuyển giao các bản vẽ quy hoạch được duyệt để các cơ quan liên quan thực hiện chức năng quản lý theo quy định. Nghiêm cấm việc thay đổi đồ án quy hoạch đã được phê duyệt. Các nội dung điều chỉnh, thay đổi so với quy hoạch đã được phê duyệt. (baoxaydung.com.vn 05/4)

 
 
 

9.  Nơi cò trắng bay về

(Video baothuathienhue.vn 05/4)

 
 
 

10.  Giảm nghèo bền vững: Trao cần câu hơn trao con cá - Bài 1: Câu chuyện từ nhận thức

Thiếu vốn, thiếu đất, thiếu tích lũy khoa học trong sản xuất là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa đã khó lại thêm khó. Góp phần khắc phục tình trạng này, nguồn vốn chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã triển khai kịp thời, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, tạo cơ hội cho sự ra đời nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Trao cần câu

Từ nguồn vốn ưu đãi cùng các hướng dẫn về tăng gia sản xuất, người dân, nhất là các hộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo.

Gia đình chị Phạm Thị Thiếp ở thôn Ta Ay Ta, xã Trung Sơn, huyện A Lưới là một điển hình. Vốn không được học hành cũng không có công ăn việc làm ổn định nên sau khi lập gia đình, cái nghèo mãi bám đuổi hai vợ chồng chị. Năm 2013, trong lần nghe đài truyền thanh huyện phát thông tin chia sẻ về nguồn vốn vay của NHCSXH, chị mới biết mình thuộc đối tượng vay vốn làm ăn phát triển kinh tế mà không cần thế chấp tài sản. Chị bàn với chồng vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện A Lưới đầu tư mua cặp bò làm giống, đầu tư thêm lợn nái để phát triển kinh tế gia đình.

Từ hai con bò ban đầu và con lợn nái mua từ vốn vay NHCSXH, năm đầu tiên chị có thêm cặp bò con và đàn lợn nuôi lấy thịt. Một số khoản chi trong gia đình nhờ đó cũng được cải thiện. Hàng tháng, chị dành dụm tiền gửi tiết kiệm để trả dần gốc, lãi; sau này nhờ đó giảm gánh nặng nợ cuối kỳ.

 “Lúc trả hết vốn cho NHCSXH, gia đình tiếp tục vay vốn để tái đầu tư phát triển thêm diện tích chuối, rừng, cải thiện sinh kế. Với sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đến năm 2016, gia đình tôi đã thoát nghèo, trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục vay vốn giải quyết việc làm để đầu tư mở rộng chăn nuôi", chị Thiếp kể.

Hiện, “gia tài” của chị Thiếp không còn là mái tranh tạm bợ mà là ngôi nhà cấp 4 khang trang và đàn bò 13 con, 6 ha rừng. Không chỉ thoát nghèo, chị Thiếp còn trở thành hộ khá giả của thôn, với thu nhập trung bình đạt gần 250 triệu đồng/năm và có tiền để chu cấp cho hai con ăn học đầy đủ để mang cái chữ về phục vụ thôn, bản trong tương lai.

Theo bà Hồ Thị Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn A Lưới, người từng gắn bó với các hoạt động tín dụng chính sách từ khi còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn A Lưới, người dân vùng cao trước đây có thói quen du canh, du cư nên ít khi nghĩ đến chuyện ổn định sản xuất để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thức trong ổn định sản xuất được định hình, các nguồn vốn cũng chuyển dần từ phương thức hỗ trợ cho không sang hỗ trợ sinh kế như: đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ về thị trường tiêu thụ sản phẩm; cho vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế hộ. Sự thay đổi đó đã tác động tích cực đến người dân, thúc đẩy họ chủ động, nỗ lực, tạo sự chuyển biến về chất trong công tác giảm nghèo.

Đến hành động

Việc định hình nhiều sản phẩm OCOP với sự đóng góp của nguồn vốn tín dụng chính sách mà điển hình là cây cam Nam Đông. Từ chỗ chỉ trồng tự phát và tùy hứng ở vườn nhà, nhờ chính sách cho vay, hỗ trợ của NHCSXH và các tổ chức tín dụng khác, sự hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ mà người dân nghèo nơi đây đã mở rộng diện tích phát triển cây cam thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu…

Đến nay, Nam Đông đã có hơn 210 ha cam, năng suất bình quân đạt 170 tạ/ha, sản lượng từ 70.000 - 100.000 tấn/năm. Phương pháp chăm sóc lạc hậu cũng nhường chỗ cho quy trình trồng cam tiên tiến, bảo đảm thương hiệu. Nhiều hộ đổi đời từ cây cam, với thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của huyện nhờ đó cũng giảm mạnh xuống còn 4,6%.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, ông Dương Thanh Phước khẳng định, nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo sự chuyển dịch trong kinh tế. Huyện cũng đầu tư một nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để bổ sung thêm kinh phí cho người dân vay, định hình các sản phẩm chủ lực địa phương như cam Nam Đông, chuối đặc sản…

Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% số xã, phường, thị trấn. Trong đó, tập trung ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số từ mặc cảm, tự ti, sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn và tập sự làm ăn có hiệu quả. Nguồn vốn này cũng giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giúp đồng bào dân tộc thiểu số dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội...

Hiện, tổng nguồn vốn tín dụng tại NHCSXH tỉnh đạt hơn 3 ngàn tỷ đồng; doanh số cho vay trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay là 5.400 tỷ đồng, với hơn 175 ngàn lượt khách hàng được vay vốn. (baothuathienhue.vn 05/4)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.784.078
Truy cập hiện tại 181