Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 03/04/2021
Ngày cập nhật 06/04/2021
TIN NÓNG
 

1.  Cảnh báo tình trạng nghiện game trong giới trẻ

Mỗi ngày dành 8 - 10 tiếng chơi game, có khi còn thức đêm để “chiến”, “làm nhiệm vụ”, dẫn đến kiệt quệ về cơ thể và tinh thần, mất ngủ kéo dài, không kiểm soát được hành vi. Đó là thực trạng đáng buồn mà nhiều bạn trẻ nghiện game đang nếm trải.

Bước chân vào một tiệm internet tại đường Điện Biên Phủ, tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn học sinh đang ngồi trước màn hình máy tính. Cũng từng trải qua thời học sinh, việc các bạn vào tiệm net để giải trí sau giờ học là một điều thật dễ hiểu. Tuy vậy, không chỉ là một, hai giờ chơi để giải trí, có những bạn còn ngồi cả ngày ở tiệm net, bên cạnh chiếc máy tính. “Có nhiều em còn ở tuổi học sinh, từ sáng đã xách cặp ra tiệm chơi game, đến chiều mới về nhà”, anh Nguyễn Quốc Đạt, chủ tiệm internet cho biết. Nhiều lần anh Đạt cũng thắc mắc, hỏi han về việc học tập của các bạn. Nhưng nhận lại là sự khó chịu, đi kèm với câu nói quen thuộc “kệ em”.

Không chỉ tại các tiệm internet, khi công nghệ ngày càng phát triển, những chiếc điện thoại trở thành phương tiện “chiến game” tiện lợi cho các bạn học sinh. Cô N.H.T có con đang học lớp 12 chia sẻ: “Năm nay lớp 12 rồi, nhưng cháu sa đà vào game quá. Nhiều đêm 1, 2 giờ sáng rồi vẫn hò hét “combat” cùng bạn bè, đến sáng thì lại thiếu ngủ, mệt mỏi, không chịu đi học. Tình trạng này kéo dài, bố mẹ đã nhắc nhở khuyên nhủ nhiều nhưng cũng không có kết quả”. Ngày ngủ, đêm thức đã trở thành một thói quen xấu, tác động không nhỏ đến một bộ phận các bạn trẻ hiện nay.

Theo bác sĩ Bùi Minh Bảo, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, “nghiện” game sẽ dẫn đến nhiều bệnh, trong đó các tác hại về mặt tinh thần là vô cùng lớn. “Do sinh hoạt không điều độ, người chơi dễ bị giảm trí nhớ, cận thị, cảm xúc bị biến đổi, thậm chí dần thay đổi cả nhân cách. Điều này gây hại rất lớn đến trẻ em, độ tuổi chưa trưởng thành, suy nghĩ chưa chín chắn và vẫn đang trong quá trình hình thành nhân cách. Mặt khác, game online tạo cho người chơi cảm giác chiến thắng ảo, đến khi quay về cuộc sống thật phần lớn rất dễ cảm thấy cô đơn và buộc họ tiếp tục “lao đầu” vào game. Hiện nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cũng tiếp nhận một số ca tư vấn tâm lý do “nghiện” game. Tùy từng trường hợp khác nhau mà áp dụng biện pháp trị liệu khác nhau”, bác sĩ Bảo chia sẻ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nghiện” game ở giới trẻ có phần không nhỏ từ phía gia đình. Bác sĩ Bảo cho rằng, muốn thay đổi thực trạng đáng buồn liên quan đến “nghiện” game online, từ khi con cái còn nhỏ, các bậc cha mẹ cần có cách giáo dục khoa học, kiểm soát hợp lý cách con sử dụng máy tính, điện thoại cũng như trải nghiệm trò chơi trực tuyến. Quan trọng nhất là phải giới hạn thời gian. Việc giáo dục kiểu “người thật việc thật”, cho con thấy được những hệ lụy xấu, những tấm gương xấu do “nghiện” game thông qua các phương tiện truyền thông cũng là phương pháp mà phụ huynh có thể áp dụng để cảnh tỉnh con cái.

Tại diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” năm 2021 do Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức, các em cũng có những thắc mắc về vấn đề “cai nghiện” game online cũng như mạng xã hội. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Hiển, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, việc “cai nghiện” trò chơi này không hề đơn giản. Khi đứa con “nghiện” trò chơi trực tuyến thì ông bà, cha mẹ dù có nói gì cũng như “nước đổ lá môn”; còn tại trường, các thầy, cô giáo dùng hình phạt nặng để xử lý học sinh “nghiện” game thì chỉ càng làm các em chán nản, dễ dẫn tới bỏ học. “Một người “nghiện” game online nếu gia đình, nhà trường không quan tâm, không sớm tìm ra phương pháp chữa trị thì rất khó xử lý. Mỗi nhà, mỗi gia đình cần phải nhấn mạnh để con trẻ hiểu đó là những trò chơi vô bổ và tổn hao sức khỏe nên cần phải tuyệt đối tránh xa. Tôi mong các em học sinh nếu có thời gian lướt web chỉ nên giải trí trong khoảng thời gian tối đa 30 phút với những trò chơi nhẹ nhàng, vui nhộn, khai thông trí lực. Đặc biệt, cần phải tránh xa những game bạo lực”, ông Hiển nhấn mạnh.

Game online thực chất là một công cụ đem lại sự giải trí và rèn luyện phản xạ cũng như tư duy sáng tạo cho người dùng. Tuy vậy, cái gì quá liều cũng không tốt, kể cả thuốc bổ. Do đó, cha mẹ nên xem chơi game là nhu cầu phát triển của con cái, để nghiêm túc cùng con giải quyết nhu cầu đó một cách khoa học và bài bản. (baothuathienhue.vn 02/4)

 
 
 

2.  Kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí do bụi

Mùa xây dựng, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao cộng thêm thời tiết nắng nóng đang khiến môi trường không khí càng ngột ngạt, oi bức và tình trạng ô nhiễm khói, bụi gia tăng.

Chỉ cần ngang qua những khu vực đang thi công các công trình giao thông, khu đô thị, khu hành chính, công sở vùng ven TP. Huế, Phú Mỹ Thượng, Đông Nam Thủy An, Tỉnh lộ 10..., nhiều người đi đường không tránh khỏi chuyện hít phải bụi đất do xe vận chuyển đất cát làm rơi vãi trên đường giao thông hay trực tiếp trong quá trình vận chuyển gây ra khói bụi... Chưa kể một số công trình lớn thi công nhưng không che chắn đảm bảo xung quanh công trường, gây phát tán bụi, đất ra xung quanh.

Dù qua kết quả đo được tại một số điểm trên địa bàn tỉnh, TP. Huế, các thông số bụi mịn PM-2.5 (hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống) đang dao động ở giới hạn cho phép, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nồng độ bụi vượt ngưỡng an toàn, nhất là bụi từ các công trình xây dựng, từ quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng đất cát của các phương tiện...

Không tránh khỏi tình trạng phát sinh bụi, tiếng ồn, chất thải... trong quá trình thi công công trình, tuy nhiên, mức độ gây ô nhiễm một số công trình vẫn vượt điều kiện cho phép, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Quá trình thi công, một số dự án chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT) theo kế hoạch BVMT được duyệt, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường tại các công trình, bến, bãi và còn hiện tượng ô nhiễm bụi, vật liệu xây dựng và chất thải chưa được thu gom...

Nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình, góp phần duy trì chất lượng môi trường không khí trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu trước khi triển khai thi công xây dựng phải lập kế hoạch quản lý chất thải và BVMT đúng quy định, bao gồm vừa nước thải sinh hoạt, nước thải thi công xây dựng, chất thải rắn xây dựng, rác thải nguy hại, bụi, tiếng ồn.

Đối với nhiệm vụ quản lý bụi đảm bảo không gây ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, trong quá trình xe vận chuyển nguyên vật liệu cần được che phủ bạt, tránh rơi vãi trên đường giao thông. Thường xuyên phun nước để chống bụi trên công trường xây dựng; che chắn xung quanh công trường để hạn chế bụi ảnh hưởng đến các công trình lân cận; bố trí công nhân dọn dẹp vệ sinh vào cuối ngày làm việc. Đối với công trình nhà cao tầng (từ tầng 3 trở lên), khuyến khích thiết kế đường ống đổ vật liệu để hạn chế tối đa bụi bẩn và tiếng ồn phát sinh trong công trường và môi trường xung quanh.

Công tác quản lý, giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về BVMT tuy được phân công, phân cấp cụ thể, song trên thực tế, một số tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư, nhà thầu vẫn chưa tuân thủ, chấp hành nghiêm túc. Nhiều phản ánh của người dân qua kênh Hue-S, qua tiếp nhận của các đơn vị chức năng, địa phương về tình trạng thi công xây dựng công trình gây ô nhiễm không khí do để phát tán bụi, khí thải vẫn xảy ra.

Nguyên nhân là do chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công công trình xây dựng, giao thông không thực hiện việc che chắn công trình, phương tiện vận chuyển kỹ lưỡng, không phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình...

Do chưa có khái niệm rõ ràng về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, về sức chịu tải của môi trường không khí và do môi trường không khí mang tính khuếch tán, lan truyền nên khó xác định chính xác thiệt hại đối với môi trường không khí để xử phạt, xử lý dứt điểm. (baothuathienhue.vn 02/4)

 
 
 

3.  Đê bao hư hỏng, nuôi trồng thủy sản gặp khó

 Nhiều tuyến kênh mương, đê bao hư hỏng, xuống cấp do bão lũ chưa được khắc phục khiến nuôi trồng thủy sản (NTTS) vụ mới đang gặp nhiều khó khăn.

Nguy cơ bỏ hoang

Ông Hoàng Ngọc ở xã Phú Xuân (Phú Vang) chia sẻ, nhiều tuyến kênh mương chính trên địa bàn xã bị hư hỏng nặng vẫn chưa được sửa chữa, người dân không thể sản xuất. Một số hồ đã đưa vào nuôi nhưng chậm trễ so với lịch thời vụ. Hộ ông Ngọc nuôi bốn hồ, nhưng mới chỉ thả nuôi một hồ do thiếu nguồn nước cấp. Khó khăn nguồn nước nên dù chỉ nuôi một hồ nhưng mật độ thả cá, tôm cũng thưa vì lo ô nhiễm, thiệt hại.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Phú Xuân, chưa năm nào bão, lũ gây thiệt hại nặng về hạ tầng thủy sản như năm vừa rồi, hơn 70% công trình trên địa bàn xã bị hư hỏng. Người dân không chỉ khó khăn về nguồn nước cấp mà cả thoát nước do kênh mương bị hư hỏng, bồi lấp chưa được sửa chữa, nạo vét. Có đến 70% diện tích trong số hơn 600ha ao hồ toàn xã đến nay vẫn chưa thả nuôi, có khả năng bỏ hoang.

Ông Đỗ Công Khiêm, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho hay, qua khảo sát hệ thống kênh mương, đê bao NTTS trên địa bàn xã bị hư hỏng ước thiệt hại gần 10 tỷ đồng, nằm ngoài khả năng đầu tư khắc phục của địa phương. Địa phương cũng đã thống kê, đánh giá thiệt hại, đồng thời có tờ trình kiến nghị các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí khắc phục, sửa chữa các công trình.

Trong khi các công trình hư hỏng chưa thể khắc phục, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên nuôi, tránh nguy cơ dịch bệnh. Thực tế một số vụ gần đây, do người dân cố nuôi trong điều kiện nguồn nước, kênh mương, đê bao không đảm bảo dẫn đến dịch bệnh, thủy sản chết gây thiệt hại nặng. Khó khăn về nguồn nước nên đến nay trên địa bàn xã mới chỉ thả nuôi khoảng 30% diện tích.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, ông Nguyễn Đương thông tin, các đợt bão, lũ cuối năm vừa qua khiến hệ thống đê bao, kênh mương, ao hồ NTTS trên địa bàn huyện bị sạt lở, hư hỏng nặng. Triều cường dâng cao cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến toàn bộ ao hồ cao triều, hạ triều ngập hoàn toàn với diện tích 1.465 ha. Phần lớn diện tích ao hồ này đều bị hư hỏng, sạt lở, bồi lấp ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Cần sớm đầu tư khắc phục

Các trận bão, lũ cuối năm vừa qua cũng làm nhiều hệ thống đê bao, kênh mương NTTS tại các huyện Quảng Điền, Phong Điền... bị hư hỏng nặng đến nay chưa được khắc phục.

Tại xã Quảng Phước, thị trấn Sịa (Quảng Điền) vẫn còn nhiều ao hồ chưa thể thả nuôi vụ mới do khó khăn về hệ thống cấp, thoát nước. Các ao hồ đã thả trong điều kiện nguồn nước chưa thật sự đảm bảo, nguy cơ dịch bệnh thủy sản nuôi rất cao.

Ông Nguyễn Đương cho biết, quan điểm của huyện trong khắc phục các công trình theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Với các công trình nhỏ, hư hỏng nhẹ, trước mắt các địa phương cùng với người dân tự huy động kinh phí đầu tư sửa chữa, khắc phục nhằm kịp thời phục vụ sản xuất. Về lâu dài, huyện kiến nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí khắc phục và nâng cấp các công trình lớn, hư hỏng nặng, đảm bảo yêu cầu phát triển NTTS trong điều kiện ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Sịa, ông Nguyễn Ngọc Tiến thông tin, trên địa bàn thị trấn có khoảng 65 ha nuôi tôm sú, thủy sản xen ghép đều bị lũ lụt gây sạt lở đê bao, bồi lấp. Trước mắt, thị trấn Sịa vận động người dân tự đầu tư kinh phí sửa chữa các công trình, kịp thời cho vụ nuôi mới. Chính quyền địa phương rà soát, nắm bắt cụ thể mức độ hư hỏng các công trình, đồng thời đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành hỗ trợ khắc phục.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Trần Quốc Thắng xác nhận, thiệt hại các công trình kênh mương thủy lợi, NTTS trên địa bàn huyện rất lớn, cần đến hơn 40 tỷ đồng khắc phục. Trong khi ngân sách huyện có hạn, khó có khả năng đầu tư khắc phục. Lâu dài, huyện rà soát, nghiên cứu và đề xuất tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng kiên cố hóa bền vững các công trình thủy lợi, NTTS theo hướng đa mục tiêu, vừa phục vụ sản xuất, NTTS vừa ứng phó lũ lụt, hạn hán đang diễn biến bất thường.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, qua khảo sát, đánh giá của các địa phương cho thấy, có đến hàng ngàn ha ao hồ bị bồi lấp, nhiều công trình đê bao, kênh mương NTTS bị hư hỏng nặng đến nay chưa được sửa chữa, khắc phục. Trong đó, nặng nhất là các địa phương như Phú Xuân (Phú Vang), thi trấn Sịa, xã Quảng An, Quảng Công (Quảng Điền)... Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương đánh giá các công trình, mức độ thiệt hại nhằm đề xuất các cấp, ngành đầu tư, hỗ trợ khắc phục đảm bảo yêu cầu NTTS trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu. (baothuathienhue.vn 03/4)

 
 
 

4.  TT-Huế: Lối sống lệch lạc của giới trẻ hiện nay

Chưa bao giờ, tình trạng sử dụng ma túy tập thể trong giới trẻ ở TT-Huế lại “nóng” như thời gian gần đây. Núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau từ karaoke, quán bar, vũ trường, nhà nghỉ, ma túy đang từng bước len lỏi đi sâu vào giới trẻ... Dù không phức tạp như một số địa phương trọng điểm khác nhưng xem ra tội phạm ma túy ở TT-Huế cũng đang ở mức báo động và càng ngày diễn biến càng phức tạp.

Mặc dù, thời gian gần đây, CA các địa phương trên toàn tỉnh TT-Huế đã liên tục đột kích hàng chục khách sạn, nhà nghỉ, karaoke giữa đêm khuya, bắt giữ hàng trăm nam, nữ thanh niên đang trong tình trạng “phê” ma túy. Không những nhiều nhà nghỉ, karaoke ở trung tâm TP Huế sau khi vào “tầm ngắm” của lực lượng CA mà các các nhà nghỉ, kara oke “làng”, giáp ranh TP Huế cũng được các cơ quan chú trọng kỹ càng.               

Vào 1h 20 sáng ngày 5/1/2021,tại nhà nghỉ K.A (đường Lê Hồng Phong, phường Phú Nhuận, TP Huế), phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH và Công an phường Phú Nhuận tiến hành kiểm tra hành chính nhà nghỉ này.Tại thời điểm kiểm tra, nhà nghỉ có 34 người, trong đó có 30 khách thuê phòng, 4 người quản lý, điều hành. Kiểm tra các phòng Vip, 201, 202, 301,402 của nhà nghỉ, lực lượng Công an phát hiện có 30 đối tượng (23 nam, 7 nữ) sử dụng trái phép chất ma túy. Test nhanh, có 29 đối tượng dương tính với chất ma túy.Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ nhiều túi nilon chứa các loại viên nén và tinh thể rắn màu trắng nghi là ma túy.

Sau đó, lúc 3 giờ ngày 22/1/2021, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TP. Huế và Công an phường Xuân Phú – TP. Huế kiểm tra hành chính đột xuất tại khách sạn Victory, đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Xuân Phú.

Tại đây, công an bắt quả tang Nguyễn Văn Thắng (SN 1983), Phan Thị Quỳnh Anh (SN 1989), Hồ Thị Diệu Hồng (SN 1981, cùng trú TP. Huế); Nguyễn Thảo Hương (SN 1984, trú tại thị xã Hương Thủy) có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Tang vật thu giữ 1 gói nilon có chứa tinh thể rắn màu trắng nghi vấn là ma túy cùng với nhiều dụng cụ dùng để sử dụng ma túy. Qua text nhanh, các đối tượng đều dương tính với ma túy.Vào lúc 1h ngày cùng ngày, một tổ công tác khác của Công an TP. Huế phát hiện quán Karaoke Royal, đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ hoạt động quá giờ quy định. Tiến hành kiểm tra, tổ công tác phát hiện có 4 đối tượng dương tính với ma túy.

       Tiếp đến, vào lúc 23 giờ ngày 27/3/2021 tại cơ sở kinh doanh karaoke Quỳnh Hương đường Lê Thánh Tôn phường Thuận Thành,TP Huế lực lượng công an đã phát hiện 26 đối tượng. Qua kiểm tra, phát hiện 3 nhân viên quán karaoke Q.H. tàng trữ trái phép chất ma túy, 12 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, 9 đối tượng đánh bạc ăn tiền. Test nhanh có 17 đối tượng dương tính với ma túy. Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ hơn 5,7 gam ma túy; 2,1 triệu đồng cùng một số tang vật có liên quan.

      Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh cho biết, đơn vị phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh triệt xóa thành công tụ điểm sử dụng trái phép chất ma túy tại 1 nhà nghỉ ở địa bàn TP Huế, bắt giữ 47 đối tượng có liên quan. Đây là tụ điểm có đông đối tượng tụ tập sử dụng ma túy nhất từ đầu năm 2021 đến nay.

Cách đó không lâu, ngày 13/12/2020, xảy ra vụ việc gây bàng hoàng giới trẻ và người dân TP Huế, một thanh niên nghi bị đột quỵ khi đang vui chơi cùng các bạn tại phòng “ Bay” tại Karaoke Win Win 86A đường Lê Lợi,phường Phú Hội giữa trung tâm TP Huế.

Theo thông tin tìm hiểu của phóng viên, một thanh niên tên B. 22 tuổi trú tại UBND phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bị ngã quỵ khi đang vui chơi cùng các bạn tại phòng “ Bay” tại Karaoke Win Win 86A đường Lê Lợi, phường Phú Hội giữa trung tâm TP Huế.Sau đó thanh niên này đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng thanh niên tên B. đã chết trước đó.

Bệnh viện Tâm thần (BVTT) Huế cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, số bệnh nhân (BN) mắc rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng ma túy, chất gây ảo giác điều trị tại BV này tăng đột biến. Năm 2017, số lượt BN bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất ma túy, chất gây ảo giác (F16, F19) điều trị nội trú và ngoại trú tại BVTT Huế là 343 người. Đến năm 2018, tăng lên 728 người và từ đầu năm 2019 đến nay, số BN thuộc diện này điều trị lên tới gần 1.000 người. Theo thống kê, trong số BN rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng ma túy thì số BN chơi ma túy “đá” chiếm đến 1/3 và đa phần là giới trẻ, chủ yếu từ 18 đến 22 tuổi.

Một bác sĩ ở BVTT Huế cho hay, ma túy đá là chất kích thích mạnh, có chứa chất dạng Methamphetamine hoặc Amphetamine được tổng hợp từ các hóa chất. “Ngáo đá” xảy ra khi cá nhân sử dụng ma túy đá xuất hiện các hoang tưởng ảo giác như ảo thị, ảo thanh, ám ảnh bị hại, bị giết. Tình trạng này khá nguy hiểm, nó có thể khiến người bị “ngáo đá” có hành vi tự sát hoặc giết người.

Thượng tá Hoàng Ngọc Thạch, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “ Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo đôn đốc kiểm tra rà soát nắm rõ tình hình kịp thời hơn nữa bên cạnh đó tiến hành song song công tác tuyên truyền cho người dân nắm rõ tác hại của ma túy nhất là đối với tầng lớp giới trẻ, để các cháu các em không đi sai đường hay có suy nghĩ lệch lạc về ma túy”. (nguoiduatin.vn 02/4)

 
 
 

5.  Người dân lại chặn xe chở vật liệu thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Ngày 2/4, nhiều người dân sống dọc tuyến Tỉnh lộ 9 thuộc địa phận thôn Xuân Điền Lộc, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền lại ra đường chặn không cho phương tiện chở vật liệu thi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn vì ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông.

Đây là lần thứ 3 kể từ đầu tháng 3/2021 đến nay, người dân sống dọc tuyến Tỉnh lộ 9 và 11B ra đường chặn xe để phản đối xe tải gây ô nhiễm môi trường, phá nát đường và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Theo người dân sinh sống tại đây cho biết, tình trạng xe tải chở đất đá phục vụ cho dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn lũ lượt ra vào liên tục mà không chịu tưới nước khiến môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng, tình trạng tai nạn giao thông cũng luôn rình rập và chưa có hồi kết.

Ông Trần Văn Xứng, thôn Xuân Điền Lộc, xã Phong Xuân cho biết: “Mới sáng sớm mà đã có hàng chục xe tải ra vào Tỉnh lộ 9, khiến bụi bặm tấp thẳng vào nhà, gây đảo lộn sinh hoạt của gia đình. Xe tải chạy như vậy  khiến mặt đường bị băm nát nhiều đoạn”.

“Mặt đường bong tróc và hư hỏng thêm từng ngày, trong khi đó các đơn vị vận tải lại liên tục cho xe tải chạy hết công suất. Xe càng chạy nhiều bao nhiêu thì người dân chúng tôi càng khổ bấy nhiêu”, ông Thái Văn Kia bức xúc nói.

Để giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông do việc thi công Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn huyện, ngày 31/3, lãnh đạo huyện Phong Điền đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) và chính quyền các xã liên quan. Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Phong Điền đã yêu cầu Ban Quản lý dự án phải chịu trách nhiệm nếu tiếp tục xảy ra tình trạng xe chở đất đá phục vụ thi công dự án gây ô nhiễm môi trường và làm mất an toàn giao thông. Nội dung buổi làm việc cũng đã được ghi lại biên bản và các bên liên quan phải thực hiện nghiêm túc.

Trước đó, vào ngày 11/3, Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Phong Điền đã phối hợp với Công an xã Phong Xuân và Công an xã Phong Mỹ mời đại diện các đơn vị nhà thầu thi công tuyến Cam Lộ - La Sơn làm việc, đưa ra các phương án, giải pháp để khắc phục tình trạng bụi và đảm bảo an toàn giao thông.

Tại buổi làm việc, Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Phong Điền  yêu cầu các đơn vị nhà thầu thi công phải cùng phối hợp đảm bảo tốt an toàn cho người dân tham gia giao thông và có phương án khắc phục tình trạng bụi. Sau đó, các đơn vị nhà thầu thi công cũng đã ký cam kết và đưa ra các phương án, giải pháp để khắc phục tình trạng bụi và giảm tốc độ các phương tiện khi di chuyển trên các tuyến đường để đảm bảo an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, đến nay đơn vị thi công vẫn chưa chấp hành nghiêm việc cam kết, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, dẫn đến việc người dân bức xúc chặn xe chở đất đá.

“Xe tải chở đất, đá đầy thùng nhưng che chắn, phủ bạt sơ sài làm vật liệu rơi vãi xuống mặt đường. Đã vậy các tài xế còn cho xe chạy tốc độ cao, mặt đường không được tưới nước dẫn đến bụi bay mù mịt vào nhà dân. Bức xúc quá nên chúng tôi mới ra chặn xe”, ông Xứng cho hay.

Trước đó, Báo Thừa Thiên Huế đã có bài “Xe chở đất đá phục vụ công trình cao tốc Cam Lộ-La Sơn gây bụi, không đảm bảo an toàn” phản ánh về việc người dân ở thôn Đông Thái, xã Phong Mỹ đã chặn xe ở tuyến Tỉnh lộ 9 vì lý do xe chở đất, đá đầy thùng, chạy tốc độ cao, gây bụi và không an toàn cho người tham gia giao thông.

Đến ngày 19/3, tiếp tục xảy ra tình trạng người dân ở thôn Sơn Quả, xã Phong Sơn chặn xe tải chở vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Sau khi sự việc xảy ra, người của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã trực tiếp đến khu vực xe bị chặn để xin lỗi người dân và yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành tưới nước trên đường nhằm hạn chế ô nhiễm, đồng thời có các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông.

Để khắc phục những tồn tại trên, cơ quan chức năng cần thường xuyên nhắc nhở các đơn vị thi công thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường và mạnh tay xử lý các nhà thầu cố tình vi phạm; đồng thời,lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. (baothuathienhue.vn 02/4)

 
 
TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG
 

1.  Cây xà cừ trăm tuổi bị bão quật ngã được nuôi dưỡng, giờ ra sao?

Giữa tháng 11/2020, cơn bão mạnh đổ bộ khiến hàng trăm cây xanh ở TP.Huế bị bật gốc và đổ la liệt, trong đó có cây xà cừ cổ thụ số 13 trước bến xe Nguyễn Hoàng, đường Lê Duẩn, TP.Huế, có tuổi thọ cả trăm năm khiến nhiều người dân Huế tiếc nuối.

Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy TP.Huế, cũng đã đăng trên trang Facebook cá nhân của mình bày tỏ tiếc nuối về sự cố, đồng thời xin tiếp thu ý kiến của người dân và chuyên gia đưa ra hướng xử lý để nỗ lực cứu cây trong khả năng có thể.

Sau nhiều lần tiếp thu, nhận được chỉ đạo, Trung tâm công viên cây xanh cử công nhân cùng thiết bị di chuyển cây xà cừ số 13 đến gần khu vực chân cầu Phú Xuân, TP.Huế để trồng lại và chăm sóc.

Qua hơn 4 tháng chăm sóc, theo ghi nhận của chúng tôi, cây cổ thụ đã ra lá non, đâm chồi nảy nở, có nhiều hy vọng hồi phục, điều này khiến người dân cố đô hết sức vui mừng. (congan.com.vn 02/4)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Một khoảng lặng tiếc nuối...

Những ngày qua, việc một Chủ tịch tỉnh sắp miễn nhiệm như ông Phan Ngọc Thọ tạo sự quan tâm, chú ý của rất nhiều người. Người ta gọi đó là “hiện tượng” Phan Ngọc Thọ.

Khát khao “Giấc mơ Huế”

Ông Phan Ngọc Thọ đảm nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế từ tháng 6/2018. Trong gần 3 năm đó, người ta luôn thấy ông rất bận rộn, tất bật với rất nhiều loại công việc và là vị lãnh đạo thường xuyên có những ý tưởng lạ gây ngạc nhiên, "gây sốc", tạo sự tương tác lan tỏa trong xã hội, thổi nên luồng sinh khí mới cho vùng đất Cố đô vốn trầm mặc.

Nhớ dịp 20/11/2019, ông Thọ chủ động gặp mặt hơn 400 cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trên địa bàn, khiến rất nhiều giáo viên hết sức bất ngờ. Cuộc ấy, bao tâm tư của những cô nuôi dạy trẻ vốn tự cho mình là “thấp cổ bé họng” dồn nén lâu nay được bày trải, bộc bạch. Có những giáo viên không cầm được nước mắt. Nhớ nhất là cô giáo Trần Thị Lanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Phong Sơn (huyện Phong Điền) mạnh dạn “kêu” cho học trò và giáo viên trường mình về việc các cháu nhỏ phải học dưới gầm cầu thang vì trường chật, lớp gộp. Những phản ánh đó được ông Thọ đặc biệt lưu ý, yêu cầu địa phương kịp thời khắc phục ngay.

Rồi chuyện ông Thọ trọng việc học. Hôm đó, một ngày đầu tháng 10/2019. Trong vai người học với giấy bút ghi chép trên tay, ông Thọ lặng lẽ “vi hành”, bước vào một lớp học thuộc Trường THCS Trần Cao Vân, TP Huế để nghe giáo viên dạy về bài học giáo dục công dân có tên “Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc”. Vị Chủ tịch tỉnh nói thẳng, ông đến lớp để nghe giảng chứ không phải tới kiểm tra, dự giờ. Tiết học hôm đó giáo viên, học sinh cùng vị chủ tịch tỉnh cởi mở, sôi nổi trao đổi những vấn đề về giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông mình.

Một dịp khai trường đầu năm học mới, ông Thọ gửi thư cho thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh trên địa bàn Thừa Thiên-Huế, kêu gọi cùng xây dựng “Giấc mơ Huế”: “Hãy cùng các em dựng xây, vun đắp vườn ươm Giấc mơ Huế để nâng cánh ước mơ với tình yêu và khát vọng mãnh liệt vì một Huế yên bình, hạnh phúc và phát triển”. Trước đó hay sau này, trong những lần tuyên dương, trao thưởng học sinh trong tỉnh đỗ đạt hoặc gặt hái thành tích học tập cao, ông đều có mặt. Ông cũng là người đầu tiên ban hành và trực tiếp tận tay trao thưởng danh hiệu “Học sinh danh dự toàn trường” cho 367 học sinh tại Thừa Thiên-Huế, giờ đây đã trở thành thông lệ hàng năm.

Dấu ấn

Nhớ năm 2019, tại Huế bất ngờ diễn ra cuộc gặp mặt của vị Chủ tịch tỉnh với các nữ công nhân, nhân viên vệ sinh môi trường . Một chị nhân viên công ty môi trường đã bật khóc: “Hơn 20 năm làm công việc vệ sinh môi trường, đây là lần đầu tiên tôi được gặp gỡ và trao đổi thẳng thắn với Chủ tịch tỉnh nên rất xúc động. Trong công việc thu phí, tôi và đồng nghiệp không ít lần bị chủ nhà chửi mắng, xúc phạm, xua chó cắn”. Bữa ấy, ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu đơn vị liên quan tăng cường phương tiện, thiết bị và bảo đảm chế độ chính sách cho nữ lao động, đồng thời thông qua hình ảnh, dữ liệu giám sát, điều hành đô thị thông minh Huế để hỗ trợ nữ công nhân làm việc thuận tiện, an toàn và đạt hiệu quả hơn.

Đầu năm 2021, ông Phan Ngọc Thọ tổ chức gặp mặt các trưởng họ tộc, già làng trên địa bàn, một hoạt động “xưa nay hiếm”. Không biết do vô tình hay hữu ý, tại buổi gặp mặt đó tất cả “khách” lẫn “chủ” đều chỉn chu, trang trọng trong trang phục áo dài truyền thống. Trong khi, Huế lại đang trên đà xây dựng là “Kinh đô áo dài của Việt Nam”, mà ông Thọ là người rất tâm huyết. Tâm huyết đến mức, lần tiếp xã giao bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Thọ không vận com-lê như mọi khi, mà lại trang trọng trong trang phục áo dài truyền thống. Đây là lần đầu tiên tại Huế, một vị Chủ tịch vận áo dài truyền thống tiếp khách nước ngoài tại công sở. Cũng nhân việc này, ông cho biết luôn khích lệ toàn dân (cả nam lẫn nữ) Huế mặc trang phục áo dài nghênh đón quý khách trong nước và quốc tế, tạo ra một hình ảnh đậm chất Huế.

Bây giờ, Huế đã từng bước sạch, đẹp, xanh, sáng hơn, để rồi được đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen. Năm 2020 vừa qua, Huế tiếp tục đạt giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN”, với ghi nhận là một trong những thành phố có môi trường “đáng sống” nhất của Việt Nam.

Cuộc di dân lịch sử vùng Thượng thành Huế ghi đậm dấu ấn của “ông Thọ” - danh xưng thân mật mà người dân Huế dành cho ông. Trong cuộc đại di dân này, ông Thọ được xem là “thuyền trưởng”. Miệt mài từ 3 năm nay, khu vực Kinh thành Huế đã có hơn 500 hộ dân di dời đến phường Hương Sơ, TP Huế xây dựng nhà cửa an cư lâu dài. Sắp tới, thêm hàng nghìn hộ dân sẽ di dời khỏi Kinh thành Huế để trả lại diện mạo vốn có cho khu vực di sản thế giới. “Chúng tôi chờ đợi di dời khỏi Thượng thành đã hàng chục năm rồi. Nay nhờ có “ông Thọ”, người dân nghèo mới toại nguyện, có nhà cửa đàng hoàng và như được đổi đời”, cụ Hồ Văn Cư (83 tuổi) cảm kích.

Ông Thọ yêu cầu mọi cơ quan chức năng, đơn vị địa phương trên địa bàn phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, không né tránh, đùn đẩy, bất hợp tác. Tháng 6/2018, ngay khi vừa đảm nhận chức Chủ tịch, ông Thọ đề ra ngay các “chính sách” hỗ trợ báo chí.

Năm 2020, lần đầu tiên giải báo chí tại Thừa Thiên-Huế được mang tên mới là giải Hải Triều. Trước đó, ông Thọ là người dành nhiều tâm huyết để hình thành nên giải báo chí có những thay đổi về chất lượng cũng như cơ chế giải thưởng này. Ông cũng là người chỉ đạo xây dựng ứng dụng phản ánh hiện trường (Hue-S), để mọi người dân cùng “làm báo”, để những tắc trách trong xử lý các vấn đề tồn tại của xã hội được giải quyết rốt ráo, xác định rõ đầu mối để quy trách nhiệm triệt để. Cùng với Trung tâm Phục vụ hành chính công Thừa Thiên-Huế, “Hue-S” từng nhận giải thưởng Vietnam Digital Awards năm 2019…

Trải lòng

Trước việc những ngày qua nhiều người dân tiếc nuối và không ngần ngại bày tỏ mong muốn ông Thọ tiếp tục đảm đương cương vị đứng đầu chính quyền tỉnh, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ đã lên tiếng. Theo ông, căn cứ các quy định pháp luật, cũng như của Ban Tổ chức Trung ương, tất cả các cán bộ đủ điều kiện tái cử, ứng cử vào trong các chức vụ của Đảng, chính quyền phải đảm bảo nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chuẩn về độ tuổi. Bản thân ông không đảm bảo độ tuổi theo quy định để tham gia HĐND tỉnh TT-Huế khóa mới. Cụ thể, ông Phan Ngọc Thọ sinh ngày 18/6/1963. Căn cứ quy định hiện hành, ông thiếu khoảng 1,5 tháng về độ tuổi để đủ điều kiện tham gia HĐND tỉnh và tái cử chức Chủ tịch tỉnh.

Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, dù không tái cử chức Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng ông vẫn là Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế. Ở cương vị nào, ông cũng sẽ luôn cố gắng cống hiến, đóng góp, hướng tới những lợi ích chung. Ông vẫn tiếp tục đồng hành với khát vọng hiện thực hóa “Giấc mơ Huế”! (tienphong.vn 02/4)

 
 
 

2.  CỬ TRI ĐÁNH GIÁ CAO HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐBQH THỪA THIÊN HUẾ

Quốc hội khóa 14 đang dần khép lại hoạt động của nhiệm kỳ với nhiều dấu ấn rõ nét trên nhiều phương diện. Đối với cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế, sự nỗ lực trong việc giải quyết kiến nghị cử tri hay tham gia công tác xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh là một điểm sáng trong thời gian qua. (quochoitv.vn 02/4)

 
 
 

3.  Chuẩn bị kỹ lưỡng công tác bầu cử

 Xác định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, công tác chuẩn bị cho sự kiện này được huyện A Lưới chuẩn bị kỹ.

Chuẩn bị kỹ

Tham dự hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm nơi cư trú tại thôn A Tia 2, xã Hồng Kim đối với những người ứng cử HĐND tỉnh và HĐND huyện nhiệm kỳ 2021 – 2026, chúng tôi thấy được sự đồng tình cao từ người dân.

Ông Hồ Văn Ngọc, người dân địa phương chia sẻ: “Chúng tôi được nghe thông báo các tiêu chuẩn về những trường hợp ứng cử đại biểu HĐND; tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên. Mọi thông tin được công khai, minh bạch, ai cũng nhất trí”.

Ngay sau khi thành lập, Ban chỉ đạo bầu cử huyện A Lưới đã tổ chức hội nghị triển khai công tác bầu cử. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, Thường trực HĐND huyện đã dự kiến về số lượng, thành phần, cơ cấu để Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất nhằm thỏa thuận về số lượng, thành phần đại biểu HĐND huyện khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đúng theo luật định.

“Sau 2 lần điều chỉnh của Thường trực HĐND huyện và căn cứ các biên bản giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026 kèm danh sách trích ngang của 32 cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện A Lưới đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để giới thiệu và lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND huyện khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 57 người. Cơ cấu thành phần có 29 đại biểu nữ (50,8%); đại biểu dưới 40 tuổi 26 người (45,61%); đại biểu người dân tộc thiểu số 35 người; (61,40%); đại biểu tái cử 18 người (31,57%); đại biểu ngoài Đảng là 4 người (7,01%)”, bà Lê Thị Mai Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện A Lưới chia sẻ.

Thường trực HĐND huyện và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra giám sát chuyên đề về thực hiện công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

A Lưới là địa phương có người ứng cử ở cả 4 cấp (ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026). Đến đầu tháng 4/2020, các địa phương, các cấp ở huyện đã cơ bản tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Theo bà Lê Thị Mai Loan, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đang được các cấp ở huyện A Lưới chuẩn bị kỹ. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND huyện đã triển khai thực hiện đầy đủ ba nội dung của bước 2 quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu HĐND huyện theo đúng nội dung, thủ tục và trình tự, thực sự dân chủ và đảm bảo đúng luật. Các hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác đảm bảo thành phần, số lượng cử tri nhiều nơi được mở rộng.

Đến nay, toàn huyện A Lưới được ấn định 10 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND huyện, trong đó có 9 đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu, 1 đơn vị bầu cử được bầu 4 đại biểu. Cấp xã, thị trấn có 90 đơn vị bầu cử.

Tuyên truyền sâu rộng

Để công tác bầu cử diễn ra dân chủ và đạt kết quả tốt, Ban Tuyên giáo Huyện ủy A Lưới và các đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền. Ông Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết, yêu cầu công tác tuyên truyền bầu cử phải đúng sự chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và Hội đồng Bầu cử quốc gia, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức. Đồng thời, tạo được không khí phấn khởi trong Nhân dân gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ của đất nước, địa phương và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hiện, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cũng đã ban hành hướng dẫn tuyên truyền về cuộc bầu cử. Theo ông Hồ Văn Ngoan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, bên cạnh việc tăng cường số lượng các tin, bài và tổ chức các chương trình phát thanh tuyên truyền bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, trung tâm còn lồng ghép tổ chức tuyên truyền trong các sự kiện, hoạt động văn hóa, tuyên truyền lưu động, trưng bày, triển lãm...

UBND các xã, thị trấn cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội của địa phương thường xuyên lồng ghép việc thực hiện tuyên truyền bầu cử vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ… có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; vận động, hướng dẫn Nhân dân treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc đúng quy định và trang trọng, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, long trọng chào mừng ngày hội của toàn dân. (baothuathienhue.vn 03/4)

 
 
 

4.  Tổ chức tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp

Chiều 2/4, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến ngành tổ chức xây dựng Đảng, nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác quý I và triển khai những nhiệm vụ trọng tâm quý II/2021.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương - Nguyễn Thanh Bình chủ trì tại điểm cầu Ban Tổ chức Trung ương. UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy - Phan Xuân Toàn chủ trì tại điểm cầu của tỉnh.

Quý 1/2021, toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng đã nỗ lực vừa tham mưu triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19. Toàn ngành cũng đã triển khai toàn diện, đồng bộ công tác tổ chức xây dựng Đảng; trong đó, nổi bật là phối hợp tham mưu chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021 -2026 theo đúng nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương. Ngành cũng đã kịp thời tham mưu kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt và các chức danh lãnh đạo Nhà nước chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao.

Bên cạnh đó, toàn ngành tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đã ban hành và tổ chức thực hiện chương trình công tác toàn khóa, chương trình công tác năm 2021 về tổ chức xây dựng Đảng với những nội dung quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Quý II/2021, ngành tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bám sát 6 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tham mưu cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, phối hợp chuẩn bị, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, quy định của Trung ương về tổ chức xây dựng Đảng… (baothuathienhue.vn 02/4)

 
 
 

5.  Thư của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ gửi người Huế xa quê và người yêu Huế

Chuẩn bị cho cuộc gặp mặt năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã có thư gửi những người con Huế xa quê và những người yêu Huế; Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư. (trt.com.vn 03/4)

 
 
PHÁP LUẬT
 

1.  Thừa Thiên Huế: Phát hiện xe tải vận chuyển nhiều loại hàng hóa nhập lậu

Ngày 3/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa phát hiện một xe tải vận chuyển với hơn 5500 đơn vị hàng hóa gồm: Mỹ phẩm, Linh kiện điện thoại, Đồng hồ, Túi xách, Giày dép,… do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo, có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.

Theo đó, nhận dược tin báo của cơ sở; vào lúc 11h30, ngày 26/3 tại đường tránh thành phố Huế thuộc địa phận xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên Huế, Đội Quản lý thị trường số 1 ( thuộc Cục quản lý thị trường tỉnh) phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đón dừng xe ô tô tải Biển kiểm soát số: 36C-099.20 do ông Bằng Cao Nguyên sinh năm 1983, trú tại xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa điều khiển đang lưu thông từ hướng Bắc vào Nam qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế để kiểm tra theo thủ tục hành chính.

Qua kiểm tra, phát hiện trên xe vận chuyển 78 loại Hàng hóa với hơn 5500 đơn vị hàng hóa gồm: Mỹ phẩm, Linh kiện điện thoại, Đồng hồ, Túi xách, Giày dép,… do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo, có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Một số hàng hóa có dấu hiệu giả nhãn hiệu: NIKE, Chanel, Louis Vuitton, Calvin Klein; Hermes, Gucci, Saint Laurent, Versace đang được bảo hộ tại Việt Nam. Trị giá hàng hóa ước tính gần 400 triệu đồng.

Theo Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế, trong đợt thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các lực lượng chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện 592 vụ vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính 552 vụ với số tiền xử phạt và truy thu thuế 3.269,83 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm tịch thu ước tính khoảng 2.015,648 triệu đồng; đã khởi tố 04 vụ/04 đối tượng vi phạm. (congthuong.vn 03/4)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Khánh thành công trình phục dựng di tích Nhà Đại chúng

Sáng 2/4, UBND huyện Phong Điền tổ chức chức lễ khánh thành công trình phục dựng di tích Nhà Đại Chúng thuộc di tích Chiến khu Hòa Mỹ (Phong Mỹ, Phong Điền).

Công trình phục dựng di tích Nhà Đại Chúng có kiến trúc 2 tầng mái (có cổ lầu), với hình thức nhà 5 gian 2 chái và bố trí lưới cột đảm bảo không gian rộng bên trong và hành lang giao thông bên ngoài. Công trình được xây dựng với vật liệu kiên cố bê tông cốt thép và đắp giả vật liệu truyền thống tranh, tre, nứa lá, gỗ, giả đất... Dự án với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng, sau 1 năm thi công đến nay đã hoàn thành.

Đây là công trình phục dựng theo miêu tả, lấy ý kiến tham gia, đóng góp qua các kỳ Hội thảo của các nhà chuyên môn cùng lão thành cách mạng từng tham gia sinh hoạt, chiến đấu nơi đây và người dân địa phương.

Nhà Đại chúng thuộc Chiến Khu Hòa Mỹ trong kháng chiến chống Pháp là nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu văn nghệ giữa cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quanh vùng chiến khu cũng là nơi hội họp của Bộ chỉ huy bộ đội ta trong kháng chiến. (baothuathienhue.vn 02/4)

 
 
 

2.  Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII diễn ra tại Huế

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII sẽ diễn ra từ ngày 12-16/9/2021 tại thành phố Huế. Lễ khai mạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI.Lễ khai mạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI.

Năm nay, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII với khẩu hiệu "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn" sẽ diễn ra từ ngày 12-16/9 tại thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế).

Đây là sự kiện điện ảnh quan trọng được tổ chức 2 năm một lần nhằm tổng kết, tôn vinh các tác phẩm điện ảnh, các nghệ sĩ điện ảnh trong hoạt động sáng tác, phát triển nền điện ảnh Việt Nam.

Đây cũng là sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước năm 2021, đặc biệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời là dịp để các nghệ sĩ và những người làm công tác điện ảnh tiếp tục triển khai đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt.

Sự kiện sẽ được tổ chức với tiêu chí đề cao tính sáng tạo của nghệ thuật điện ảnh, tính chuyên nghiệp và giá trị nhân văn, hướng thiện, bản sắc văn hóa Việt Nam, hướng đến khán giả, thúc đẩy phát triển thị trường điện ảnh và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, hội nhập quốc tế.

Các sự kiện chính diễn ra trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII gồm: Chương trình phim dự thi; Chương trình toàn cảnh; hội thảo; khai mạc; bế mạc, trao giải thưởng.

Ngoài ra, nhiều sự kiện được tổ chức bên lề như: Tuần phim chào mừng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; chương trình giao lưu; triển lãm "Thừa Thiên-Huế - Điểm đến của các nhà làm phim"; chương trình chiếu phim ngoài trời kết hợp trình diễn thời trang áo dài và giao lưu nghệ sỹ… (giaoducthoidai.vn 03/4)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Đẹp cũng phải đúng chỗ

Áo dài truyền thống đẹp và ý nghĩa thế nào, hầu như người Việt nào cũng rõ và từ áo dài, người ta nói chuyện di sản, chuyện văn hóa ngàn đời của đất nước cũng đã nhiều. Nhưng cái đẹp, muốn phát huy được cũng cần phải đặt đúng chỗ.

Mỗi dịp lễ tết, không hẹn mà gặp, chị em áo dài xúng xính, bởi áo dài không chỉ đẹp mà còn là lựa chọn an toàn để viếng thăm, chúc tết người lớn. Nhưng nam giới lại ít có dịp diện áo dài hơn nữ. Thỉnh thoảng áo dài nam xuất hiện trong lễ hỏi, lễ cưới hay dễ thấy nhất là các vị chức sắc, chức việc trong đình chùa diện áo dài mỗi dịp cúng bái. Mới đây, một đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến về chuyện lễ phục khi nữ giới mặc áo dài còn nam giới thì comple. Đại biểu này đề nghị Bộ VH-TT-DL báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để xây dựng dần Luật nghi lễ, nghi thức, quốc phục, quốc hoa. Mục đích là để nam giới và nữ giới đều mặc áo ngũ thân truyền thống, kế thừa truyền thống của ông cha vì những trang phục này rất đẹp và kín đáo.

Câu chuyện mặc áo dài để góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong nhịp sống hiện đại là cần thiết nhưng phải cân nhắc nhiều yếu tố. Không ít hội nhóm do các bạn trẻ hiện nay lập ra trên mạng xã hội để bàn luận về những dáng áo dài xưa, chia sẻ câu chuyện văn hóa của tiền nhân và cùng nhau mặc áo dài ngũ thân để chụp hình hay tổ chức các buổi giao lưu ngoại khóa để lan tỏa nét đẹp truyền thống. Hiệu quả mang lại rất tốt, bởi các hội nhóm này thu hút vài chục ngàn tài khoản người trẻ tham gia; nhưng để áo dài trở thành trang phục thường ngày có lẽ phải “cân đo” lại, nhất là với nam giới.

Nam công chức ngành văn hóa ở Huế từng mặc áo dài đến công sở. Ở một cuộc thi marathon, hình ảnh vài vận động viên mặc áo dài chạy bộ mồ hôi nhễ nhại, chiếc áo nhàu nhĩ từng tốn nhiều “công sức” tranh luận của hai luồng ý kiến trên mạng xã hội. Rõ ràng, áo dài đẹp nhưng trang phục này không thích hợp để diện hàng ngày dù là môi trường công sở, nhân viên văn phòng không phải di chuyển nhiều bên ngoài, thậm chí là công chức trong lĩnh vực văn hóa. Bởi hơn hết, văn phòng, công sở là nơi để làm việc, cần ưu tiên những trang phục lịch sự, gọn nhẹ.

Giữ giá trị văn hóa truyền thống trong nhịp sống hiện đại không nhất thiết lúc nào cũng phải thể hiện ra mồn một như diện áo dài ngồi công sở với nam giới, hay hô hào khắp nơi. Quan trọng hơn hết trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chính là việc để giá trị truyền thống đó hài hòa và phù hợp với nhịp sống ngày nay. Hơn hết, để người trẻ biết yêu văn hóa dân tộc, phải giáo dục và định hướng họ để tình yêu đó thấm vào tiềm thức, chứ không phải bằng hình thức bên ngoài. (sggp.org.vn 03/4)

 
 
Y TẾ
 

1.  Ghép tế bào gốc cho bệnh nhân U lympho không Hodgkin

 Sáng 3/4/2021, Bệnh viện Trung ương Huế đã công bố thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị cho bệnh nhân U lympho không Hodgkin đầu tiên tại miền Trung.

Chị Ngô Hoàng Ny, 25 tuổi, quê huyện Thăng Bình, Quảng Nam không may mắc bệnh U lympho không Hodgkin giai đoạn IIA từ tháng 2/2010.

Sau khi được hóa trị 8 chu kỳ theo phác đồ CHOP (Cyclophosphamide, Doxorubicin, Vincristin, Prednisolon), chị Ny đạt được lui bệnh hoàn toàn và tái khám đều đặn tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Đến tháng 9/2020, sau hơn 10 năm theo dõi, bệnh tái phát trở lại với tình trạng xuất hiện nhiều hạch vùng cổ phải nên đã được hội chẩn giữa Trung tâm Ung Bướu và Trung tâm Huyết học Truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế quyết định phối hợp điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân.

Sau 2 đợt điều trị tái tấn công theo phác đồ ICE (Ifosfamid, Etoposid, Carboplatin), đánh giá lại bệnh nhân đạt lui bệnh hoàn toàn nên đã được huy động và thu tế bào gốc tạo máu tự thân đủ liều để ghép, bảo quản tế bào gốc ở nhiệt độ -196 độ C.

Ngày 11/3/2021 bệnh nhân bắt đầu được điều kiện hóa bằng phác đồ LEED (Melphalan, Etoposide, Cyclophosphamide, Dexamethasone) sau đó tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu tự thân vào ngày 15/3/2021.

Đến nay bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục sức khỏe và có thể cho xuất viện về với gia đình.

Được biết, đây là bệnh nhân U lympho không Hodgkin đầu tiên tại miền Trung được điều trị theo phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Thành công này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các bệnh nhân khác trong tương lai.

Theo GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, tại bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân để điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh ác tính như lơ-xê-mi cấp dòng tủy, đa u tủy xương, ung thư vú, ung thư buồng trứng, u nguyên bào thần kinh.

Trong tương lai các trung tâm trong bệnh viện như Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Huyết học Truyền máu và Trung tâm Nhi sẽ đẩy mạnh phối hợp phát triển kỹ thuật cao trong đó sẽ triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính. (suckhoedoisong.vn 3/4)

 
 
THỂ THAO
 

1.  Cuộc đua xe đạp “Non sông liền một dải” 2021 sẽ đến Huế ngày 16/4

Chiều 2/4, Sở Văn hóa & Thể thao, BTC Cuộc đua xe đạp tranh cúp truyền hình TP. Hồ Chí Minh lần thứ 33 – 2021 “Non sông liền một dải - Niềm tin chiến thắng” tổ chức họp, công bố thông tin liên quan đến giải.

Khởi tranh từ ngày 6 - 30/4, Cuộc đua xe đạp tranh cúp truyền hình TP. Hồ Chí Minh lần thứ 33 – 2021 “Non sông liền một dải - Niềm tin chiến thắng” thu hút hơn 100 tay đua đến từ đội tuyển trẻ Việt Nam và 14 CLB xe đạp mạnh nhất trên cả nước sẽ chinh phục 22 chặng đua với tổng lộ trình 2.450 km, đi qua các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh.

Tại Huế, sau khi kết thúc chặng 10: Quảng Bình – Quảng Trị - Thừa Thiên Huế có lộ trình 162km với đích đến tại Phu Văn Lâu (đường Lê Duẫn – TP. Huế) trưa 16/4, đến sáng 17/4, các tay đua bước vào tranh tài chặng 11: Trường Tiền – Phú Xuân (20 vòng, 42km).

Tiếp đó, sáng 18/4, đoàn đua tiếp tục tranh tài chặng 12: TP. Huế - TP. Đà Nẵng với cự ly 100km. Đây là một trong những chặng đua khốc liệt nhất của giải khi các VĐV phải vượt qua 3 ngọn đèo: Phước Tượng, Phú Gia và Hải Vân.

Bên cạnh nhằm tích lũy kinh nghiệm cho tuyển trẻ xe đạp Việt Nam để chuẩn bị cho SEA Games 31 sắp tới, nét mới của giải năm nay chính là mỗi đội được đăng ký tăng cường 1 VĐV nước ngoài trong đội hình, đồng thời, lộ trình cuộc đua có thêm nội dung đồng đội tính giờ tại TX. Cửa Lò (Nghệ An) và đua nội dung cá nhân tính giờ tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam).

Theo BTC, tại những nơi đoàn đua ngang qua, BTC và nhà tài trợ sẽ dành hơn 1,5 tỉ đồng cho các hoạt động thiện nguyện, hướng về cộng đồng. Tại Huế, BTC và nhà tài trợ sẽ trao 70 suất học bổng có tổng trị giá 70 triệu đồng cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh. (baothuathienhue.vn 02/4)

 
 
MÔI TRƯỜNG
 

1.  TT Huế - Tiếp tục duy trì và phát huy Phong trào Chủ nhật xanh ngày càng mở rộng hơn nữa đến cơ quan đoàn thể

Từ cuối tháng 1/2019, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, qua đó huy động hàng triệu lượt người xuống đường vào mỗi sáng Chủ nhật để thu dọn vệ sinh, nhặt rác, trồng cây xanh bảo đảm môi trường cảnh quan đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn. Cụm từ “Ngày Chủ nhật xanh” giờ đây đã lan tỏa khắp tỉnh Thừa Thiên Huế, từng bước phát huy và đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen, động viên chính quyền và nhân dân tỉnh.

Ngày 18/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 593 /QĐ-UBND phê duyệt Công nhận kết quả xếp loại thực hiện phong trào Chủ nhật Xanh năm 2020 theo Bộ Tiêu chí Xanh – Sạch – Sáng của Ủy ban nhân dân tỉnh cho 133 phường, xã và thị trấn.

Với thông điệp “Nhặt một cọng rác bạn đã làm cho thành phố sạch hơn”, sau lễ phát động hơn 200 đoàn viên các nghiệp đoàn xích lô, xe thồ đã tiến hành tổng dọn vệ sinh, thu gom rác khu vực công viên 3/2 (phía trước trường Đại học Sư phạm Huế).

Ngoài ra, các bạn Đoàn viên Thanh niên & Khối Văn phòng đồng hành cùng phong trào Chủ Nhật Xanh bao gồm Toàn án Nhân Dân Tỉnh cùng Uỷ Ban Thành phố Huế cũng tích cực góp phần thu gom rác trên sông Hương.

Ra quân hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh" là hoạt động ý nghĩa thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng. Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên nghiệp đoàn tích cực, tự giác tham gia các hoạt động bảo vệ và giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp.

Đồng thời, vận động người dân không vứt rác bừa bãi, qua đó góp phần chung tay xây dựng đô thị Huế văn minh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kết thúc phong trào Chủ Nhật Xanh kết quả có 23 đơn vị thực hiện tốt, 95 đơn vị thực hiện khá và 15 đơn vị thực hiện trung bình. (nguoiduatin.vn 02/4)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  TP Huế: Cưỡng chế, buộc khôi phục hậu quả chiếm đất

 UBND TP. Huế vừa tổ chức triển khai các biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp chiếm đất của bà Khương Thị Thìn tại số 101 Bà Triệu, phường Xuân Phú.

Theo UBND TP. Huế, khu đất 101 đường Bà Triệu thuộc dự án Trung tâm Thi đấu Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 22/8/2001.

Để thực hiện dự án này, tổng diện tích đất phải thu hồi là 105.100m2 đất tại phường Xuân Phú để giao cho Sở Thể dục Thể thao (nay là Sở Văn hóa & Thể thao Thừa Thiên Huế) xây dựng Trung tâm Thi đấu Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có khu đất tại 101 đường Bà Triệu.

Trao đổi với PV, ông Trương Đình Hạnh – Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư căn cứ vào các quy định của pháp luật.

Theo đó, gia đình ông bà Khương Công Xê - Trần Thị Tuất (bố mẹ bà Khương Thị Thìn) bị thu hồi toàn bộ thửa đất với diện tích 525,0m2. Đối chiếu với những quy định bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhà nước đã bố trí tái định cư cho hộ gia đình ông bà Khương Công Xê - Trần Thị Tuất là 544,8 m2 (04 lô đất). Trong đó bố trí 2 lô tại đường Tố Hữu, 1 lô tại đường Huỳnh Tấn Phát và 1 lô tại đường Trần Văn Ơn; tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ 720.877.000 đồng.

Hộ ông bà Khương Công Xê - Trần Thị Tuất và hai người con trai là Khương Công Mạnh và Khương Công Thạnh đã nhận đầy đủ các khoản tiền bồi thường, hỗ trợ, đất tái định cư. Ngày 29/12/2011, họ đã viết giấy cam kết tự tháo dỡ, di chuyển các vật liệu trên khu đất để bàn giao mặt bằng và đã sử dụng ổn định tại các khu đất đã giao.

Như vậy, việc bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư đối với gia đình ông, bà Khương Công Xê - Trần Thị Tuất đã đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Dù cha mẹ bà Khương Thị Thìn đã bàn giao đất cho Nhà nước nhưng riêng bà Thìn vẫn không chấp hành và vẫn ăn ở trên thửa đất nói trên của Trung tâm thể thao Thừa Thiên Huế. Sở Văn hóa & Thể thao đã nhiều lần thông báo bàn giao mặt bằng nhưng bà Thìn vẫn không chấp hành.

Tỉnh, TP. Huế và phường Xuân Phú đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại, giải thích cụ thể và trả lời bằng văn bản, Thanh tra Chính phủ cũng đã có Kết luận tại Công văn số 751/TTCP-CII ngày 09/4/2010 về việc rà soát vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài trên địa bàn tỉnh. Nhưng bà Khương Thị Thìn vẫn không chấp hành, cố tình không hợp tác kéo dài thời gian.

Việc bà Khương Thị Thìn cố tình chiếm dụng, xây trái phép trên đất của Trung tâm Thể thao tỉnh (đất nhà nước) để ở trong thời gian qua là trái quy định của pháp luật, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án tại khu đất nói trên...

Tại buổi cưỡng chế, với sự có mặt của bà Thìn, cơ quan chức năng đã đọc quyết định của UBND TP. Huế về việc cưỡng chế, buộc phải khắc phục hậu quả tình trạng chiếm đất trái phép.

Theo đó, yêu cầu hộ bà Thìn có biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của phần đất trước khi lấn chiếm. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do người vi phạm chi trả. Thời gian thực hiện trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được quyết định, bà Thìn có trách nhiệm thi hành; nếu quá thời hạn trên, bà Thìn không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Bà Khương Thị Thìn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định này theo quy định của pháp luật.

“Công tác cưỡng chế hoàn tất, được nhân dân đồng tình. UBND TP. Huế đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà Khương Thị Thìn được thuê nhà tạm cư tại chung cư Hương Sơ, phường Hương Sơ để ở”, ông Trương Đình Hạnh thông tin. (baotainguyenmoitruong.vn 02/4)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Cần chiến lược phục hồi du lịch theo từng giai đoạn

Dịch bệnh khiến nhu cầu đi du lịch thay đổi. Những gì Huế đang có xét về năng lực cạnh tranh là vượt trội, nhưng xét về những nhu cầu thực tại đôi lúc lại chưa. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, Huế cần nắm bắt được các trào lưu và có những giải pháp phục hồi tương ứng, theo từng giai đoạn.

Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting:

Có chiến lược phục hồi thị trường từng giai đoạn

Qua dịch bệnh COVID-19, nhiều xu hướng, trào lưu du lịch hoàn toàn khác được hình thành, đó là làm quen những trải nghiệm mới, lấy công nghệ làm cảm hứng, đặt an toàn trong chuyến đi trên cả chi phí…

Xét về nguyên lý phát triển trong mọi hoàn cảnh, thời điểm, Huế cần xem xét hai yếu tố cung và cầu. Khi tối ưu hóa khả năng cung ứng và đáp ứng tối đa nhu cầu, sẽ giúp Huế thành công bước đầu trong kế hoạch kích cầu du lịch thời dịch bệnh và chiến lược phát triển dài hạn.

Trong các nghiên cứu của chúng tôi về Huế, có một điều được chỉ ra, mục tiêu của Huế là mong muốn đa dạng hóa sản phẩm. Trong đa dạng hóa, thường phát triển theo hàng ngang, về địa lý. Điều này dễ làm Huế mất đi tính cốt lõi. Vì vậy, dù đa dạng hóa gì đi chăng nữa, Huế cũng nên tập trung vào bốn cốt lõi chính: văn hóa, di sản, ẩm thực, tự nhiên.

Một thông tin quan trọng cho Huế nữa trong xây dựng chiến lược kích cầu khách nội địa, là hiện đang hình thành 3 nhóm tìm kiếm của khách nội địa về Huế: di sản - văn hóa, ẩm thực và đối với khách trẻ xu hướng tìm các điểm đến “check-in” mới trong các bộ phim mới được đóng gần đây ở Huế. Xét về lâu dài, sẽ có những thay đổi theo từng giai đoạn cho phù hợp, nhưng trước mắt để kích thích khách nội địa, đây là 3 xu hướng mà Huế cần ưu tiên tập trung.

Về bức tranh thị trường quốc tế ở Huế rất khác so với các điểm đến trong cả nước là có cấu trúc thị trường bền vững, không phụ thuộc vào một thị trường nào. Đây là thuận lợi, giúp Huế có khả năng phục hồi khách quốc tế sớm khi mở cửa trở lại. Dù thế, một nhiệm vụ được chỉ ra cho Huế phải có nhiều giải pháp cho nhiều thị trường khác nhau. Vì vậy, Huế có một kế hoạch dài hạn, xây dưng kịch bản, chiến lược phục hồi thị trường từng giai đoạn với những mục tiêu cụ thể.

Theo các chuyên gia, Huế cần xây dựng chiến lược kích cầu du lịch theo từng giai đoạn cụ thể, hướng đến nhu cầu thật sự

Một yếu tố khác trong chiến lược phát triển, đa dạng hóa thị trường quốc tế là cần thiết, tuy nhiên, để bền vững hơn, thay vì chỉ thu hút khách theo quốc tịch, Huế cần thu hút khách theo đặc tính, nhu cầu và xây dựng chiến lược cung ứng dịch vụ dài hạn bằng những đặc tính đó.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), CEO Tập đoàn Thiên Minh (TMG):

“An toàn - vệ sinh - xanh” là thương hiệu của Huế

TAB vừa phối hợp với nhiều đối tác độc lập nghiên cứu, đánh giá năng lực cạnh tranh của 5 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Xét tổng thể các yếu tố, Huế xếp vị trí thứ 2 (sau Quảng Nam) với những thế mạnh: Lực lượng lao động, cạnh tranh về giá, y tế và vệ sinh, môi trường bền vững, nguồn tài nguyên tự nhiên và sự sẵn sàng về công nghệ thông tin.

Một nghiên cứu mới hơn trong giai đoạn dịch bệnh xảy ra, 80% khách du lịch đến Huế đi theo gia đình, nhóm nhỏ, không thông qua lữ hành. Đối với khách Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh luôn nhận định Huế là điểm đến 1 ngày. Thời điểm này, Huế phải tăng cường quảng bá, truyền thông mạnh mẽ hơn để du khách biết đến điểm đến trọn vẹn, có đủ mọi thành tố: văn hóa - di sản, biển, thiên nhiên, ẩm thực… là điểm đến 2 - 3 đêm.

Một ngày trung tuần tháng 3 vừa rồi, tôi vào Huế và trải nghiệm chạy một vòng tại các tuyến đường hai bên bờ sông Hương. Nhiều năm rồi, tôi mới có trải nghiệm chạy bộ trong một không gian xanh mát, sạch sẽ và an toàn đến như thế. Tôi sống ở Hà Nội, khó có thể trải nghiệm tương tự. Huế hiện tại không khác gì những thành phố tiên tiến hàng đầu trên thế giới. Xu hướng xây dựng những sản phẩm xanh, thân thiện môi trường và tác động tích cực cộng đồng địa phương là xu thế tất yếu và được thể hiện rõ trong COVID-19. “An toàn - vệ sinh - xanh” là thương hiệu mà Huế cần tập trung mạnh hơn nữa.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương:

Du lịch MICE của Huế phải đẳng cấp, gắn với giá trị văn hóa - di sản

Du lịch MICE (hội nghị, hội thảo) là loại hình ngày càng phát triển và có nhiều hình thức khai thác. MICE ở Huế chủ yếu thu hút những đoàn khách lớn, tổ chức ở các khách sạn 4 - 5 sao. Xét về tính cạnh tranh ở hình thức này sẽ khó để Huế thu hút so với một số điểm đến khác.

Sản phẩm MICE ở Huế không phải dừng lại ở sự hiện đại mà là sự gắn kết giữa hội nghị, hội thảo với sự đẳng cấp, sự sâu sắc của văn hóa - di sản. Hiện nay, xu hướng mới của MICE là những nhóm nhỏ, chuyên biệt và đẳng cấp thật sự; lựa chọn những không gian văn hóa truyền thống sang trọng, với những tiệc từ vài trăm đến hàng ngàn USD. Đây là dòng khách mà Huế cần hướng đến, bởi Huế có những không gian cổ kính, đẳng cấp, đặc trưng riêng có gắn với văn hóa - di sản.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

Kích cầu bằng tặng“tình cảm” cho khách

Hiện nay, địa phương nào cũng đưa ra những chương trình kích cầu du lịch rất mạnh mẽ. Vì vậy, mỗi địa phương có những chương trình, cách làm riêng, đặc biệt để kích thích nhu cầu là rất cần thiết. Giảm vé tham quan các điểm di sản là một hình thức kích cầu quan trọng, nhưng cần giảm toàn bộ cho du khách, không thể giảm cho khách đi đoàn, vì xu hướng hiện tại khách đi theo đi nhóm nhỏ, gia đình là chính.

Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú không nên giảm giá và thực tế tại các khách sạn đã giảm kịch sàn, không thể giảm hơn được nữa. Cách làm hay hiện tại là tặng thêm dịch vụ, qùa tặng gì đó như tri ân khách. Với khách du lịch, khi đã đến Huế họ không cần tiền mà tình cảm nhiều hơn, đây là điều quý giá tạo ấn tượng của khách lâu dài hơn. (baothuathienhue.vn 03/4)

 
 
 

2.  Tập trung tháo gỡ khó khăn dự án hạ tầng KCN tại Chân Mây – Lăng Cô

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu chỉ đạo tại buổi làm việc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Huế (đơn vị thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp và Khu phi Thuế quan Sài Gòn - Chân Mây) cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2021, công ty đã thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp thuê nhà xưởng, thuê đất và ký kết hợp đồng thuê nhà xưởng, thuê đất với tổng vốn đăng ký đầu tư 48 triệu USD và 63 tỷ đồng Việt Nam, diện tích đất thuê là 27,10 ha. Đến nay, công ty đã triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp và Khu phi Thuế quan Sài Gòn - Chân Mây với diện tích hơn 118 ha và tổng tiền đã chi trả là 90,27 tỷ đồng.

Theo ông Hưng, mặc dù công ty đã tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc bàn giao mặt bằng kéo dài; ảnh hưởng đến tiến độ.

Để thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng hạ tầng tại Khu Công nghiệp và Khu Phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây; đồng thời sớm có quỹ đất sạch cho nhà đầu tư thứ cấp và nâng cao công tác thu hút đầu tư nước ngoài vào, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Huế kiến nghị với Bí thư Tỉnh ủy và các sở ban, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng; giải quyết những phản hồi của nhà đầu tư thứ cấp. Mong muốn của các nhà đầu tư là làm sao được nhận mặt bằng đúng tiến độ.

Trước những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu chỉ đạo, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan tập trung để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối đa nhất cho các nhà đầu tư. Nếu khó khăn, cần tổ chức thêm lực lượng tham gia giải phóng mặt bằng; cần thiết thì triệu tập thêm nhân lực có chuyên môn để cùng phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, cần huy động tổ công tác tác dân vận, có thể là Mặt trận, Ban Dân vận Huyện ủy cùng với lực lượng khác gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, giải quyết những thắc mắc của người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu khẳng định, ngoài giải quyết những khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì vấn đề thủ tục hành chính cũng phải được quan tâm triển khai nhanh nhất, thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, kể cả vấn đề thuế, cần rút ngắn thời gian. Phát huy hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông để tránh mất thời gian của chủ đầu tư.

“Tất cả các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương phải thực hiện đúng cam kết với chủ đầu tư trong giải phóng, bàn giao mặt bằng và có báo cáo tiến độ theo quy định. Tinh thần đặt ra là luôn đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư tối đa”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh. (baodautu.vn 03/4)

 
 
 

3.  200 doanh nghiệp, diễn giả tham gia diễn đàn phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

 Ngày 2/4, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cùng với Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh tổ chức “diễn đàn phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững 2021”. Diễn đàn thu hút hơn 200 doanh nghiệp, diễn giả tham dự.

Diễn đàn được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 2 đến 4/4. Bên cạnh triển lãm giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, diễn đàn còn tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn miễn phí với sự tham gia dẫn dắt của các chuyên gia với chủ đề: truyền thông số; thực hành các công cụ truyền thông cho doanh nghiệp; phân tích và quản trị tài chính.

Diễn đàn góp phần kết nối doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp với thị trường, xúc tiến hoạt động giao thương, kí kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh và cả nước; kết nối các nền tảng công nghệ số hỗ trợ phát triển bán hàng, quản trị doanh nghiệp; cung cấp kiến thức và công cụ huy động và quản trị tài chính thực hành cho các doanh nghiệp. (baothuathienhue.vn 02/4)

 
 
 

4.  Xây dựng thương hiệu "Rau hữu cơ Vinh Mỹ"

 Đó là nội dung của dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh "Phát triển chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu Rau hữu cơ Vinh Mỹ" được Sở KH&CN tổ chức hội nghị vào chiều 2/4, giao trực tiếp cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc thực hiện tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc.

Dự án do ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện 24 tháng, bắt đầu từ tháng 3/2021, với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng; trong đó, ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh gần 1,4 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án hướng đến là xây dựng thành công vùng chuyên canh rau đạt chuẩn hữu cơ có quy mô từ 3 - 5 ha, sản lượng đạt 30-50 tấn/năm, với 10 hộ gia đình tham gia; xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể "Rau hữu cơ Vinh Mỹ" được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận, cấp bằng bảo hộ; xây dựng hệ thống văn bản quy định về quản lý nhãn hiệu tập thể nói trên.

Bên cạnh đó xây dựng mô hình thực tế để tổ chức quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể và có phương án cụ thể thương mại hóa sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể "Rau hữu cơ Vinh Mỹ"; trong đó, xây dựng hệ thống giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị cho sản phẩm rau mang nhãn hiệu này. (baothuathienhue.vn 02/4)

 
 
 

5.  Thừa Thiên Huế: Tăng cường công tác chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả

"Ban Chỉ Đạo 389 tỉnh Thừa Thiên Huế cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Văn phòng thường trực, làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật". Đó là nhấn mạnh của ông Trịnh Mạnh Cường – Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại buổi làm việc với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thực hiện Kế hoạch số 540/KH-BCĐ ngày 18/12/2020 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 286/KH-BCĐ389 ngày 28/12/2020 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Các lực lượng chức năng đã theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, hàng hóa và chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; phòng, chống hành vi sản xuất, buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Áo quần, giày dép, bánh kẹo, lương thực, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, điện tử, điện lạnh, nước giải khát, xăng dầu… các lực lượng chức năng cũng đã lồng ghép công tác tuyên truyền trực tiếp cho từng cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Đoàn Công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia do đồng chí Trịnh Mạnh Cường – Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia làm Trưởng đoàn làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thừa Thiên Huế

Các hoạt động được triển khai đồng đều trên các tuyến, tập trung vào những địa bàn trọng điểm, quá trình kiểm tra đã xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm, góp phần đảm bảo ổn định thị trường, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong đợt thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 592 vụ vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính 552 vụ với số tiền xử phạt và truy thu thuế 3.269,83 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm tịch thu ước tính khoảng 2.015,648 triệu đồng; đã khởi tố 04 vụ/04 đối tượng vi phạm.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trịnh Mạnh Cường - Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá cao và biểu dương kết quả đạt được của lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc tăng cường quản lý địa bàn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết Nguyên đán năm 2021 và các nhiệm vụ chuyên đề.

Ông Cường đề nghị Ban Chỉ Đạo 389 của tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Văn phòng thường trực, làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật. Kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan liên quan kịp thời đưa tin công khai các vụ việc phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm. (congthuong,vn 03/4)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.783.886
Truy cập hiện tại 174