Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 20/11/2020
Ngày cập nhật 23/11/2020
TIN NÓNG
 

1.  Nhà vườn thanh trà Thủy Biều điêu đứng vì lũ dài ngày

Tại tỉnh TT Huế, các đợt mưa lũ liên tiếp từ tháng 10 đến nay đã khiến hơn 500 ha cây trồng có múi bị thiệt hại nặng, trong đó chủ yếu là cây thanh trà đang và sắp cho thu hoạch. Thiệt hại quá lớn khiến nhiều hộ nông dân điêu đứng và không biết phải xoay sở như thế nào đề có thể khôi phục sản xuất. Ghi nhận tại phường Thủy Biều, thành phố Huế, nơi được mệnh danh là thủ phủ của cây thanh trà. (phóng sự ngắn TRT Huế 19/11)

 
 
 

2.  Mệnh lệnh từ sinh mạng của dân

Từ sáng 14-11-2020, Công an huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã phải cử tổ công tác gồm 3 cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24 giờ tại nhà máy thủy điện Thượng Nhật ở xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) để theo dõi việc chấp hành mở hoàn toàn 5 cửa van.

Chuyện xảy ra ngay trong thời điểm tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và các tỉnh miền Trung đang đứng trước những khó khăn do ảnh hưởng của bão số 13.

Dự án Thủy điện Thượng Nhật có công suất 11MW, do Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư. Trước đó, ngày 6-1-2020, thủy điện này được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép tích nước đợt 1 đến cao trình 116 m trong thời hạn 90 ngày để chạy thử, kiểm tra thấm, thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị cũng như hoàn thiện các hạng mục hạ lưu.

Ngày 2-10, trước những dự báo về bão lũ, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng huyện Nam Đông đã có buổi làm việc với chủ đầu tư dự án và yêu cầu phải đưa mực nước hồ chứa về ngưỡng tràn ở cao trình 104m từ ngày 2-10 đến ngày 7-10, sau đó tiến hành mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục tích nước hồ chứa mới được phép vận hành. Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế sau đó cũng đã có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung, đề nghị không mua điện của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật vì không chấp hành nghiêm túc công điện khẩn ứng phó bão số 9 của tỉnh này.

Vậy nhưng, kể cả khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có công điện khẩn chống bão số 13, thủy điện Thượng Nhật vẫn tiếp tục tích nước trái phép, không chấp hành việc mở hoàn toàn 5 cửa van, bất chấp việc đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du.

Khi phát hiện ra việc này, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành công điện khẩn về việc đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du nhà máy thủy điện Thượng Nhật, đồng thời giao Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phải chỉ đạo Công an huyện Nam Đông, Công an xã Thượng Nhật bố trí lực lượng giám sát thủy điện trên.

Liên quan đến việc này, ngay trong chiều 14-11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng đã phải có công văn gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tỉnh miền Trung, nêu rõ trong khi phần lớn các thủy điện đã hoạt động hiệu quả, tham gia cắt lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du thì có tình trạng một số thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ do tư nhân quản lý, chưa thực hiện đúng các quy định về tích nước và vận hành, điển hình như trường hợp thủy điện Đắk Kar (Đắc Nông) và gần đây nhất là thủy điện Thượng Nhật, gây mất an toàn cho hạ du, cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tối 14-11, Bộ Công Thương cho biết Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu thủy điện Thượng Nhật dừng ngay việc tích nước, đồng thời vận hành mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn theo quy trình vận hành hồ chứa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt để đưa mực nước hồ chứa về cao trình +114m (bằng cao trình ngưỡng tràn).

Chuyện của thủy điện Thượng Nhật một lần nữa là tiếng chuông cảnh báo về các thủy điện nhỏ do tư nhân quản lý. Đó không chỉ là vấn đề qui hoạch, là chuyện tái tạo rừng thượng nguồn khi phải mất đi nhường cho dự án, mà còn là việc bất chấp an toàn cho dân sinh hạ du, bất chấp mệnh lệnh của chính quyền trong phòng chống bão lũ.

Phải xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, dù đó là thủy điện Thượng Nhật hay của bất cứ chủ đầu tư nào. Vì đó không chỉ là việc phải làm để đảm bảo trật tự kỷ cương trong công tác quản lý của chính quyền, mà còn là mệnh lệnh từ sinh mạng của người dân. (cand.com.vn 20/11)

 
 
 

3.  Cử tri phường Hương Vân (Hương Trà) bức xúc tình trạng mất an toàn lưới điện

Các ý kiến kiến nghị của cử tri trong các cuộc tiếp xúc cử tri là kênh thông tin quan trọng để các ngành, các cấp ngành có giải pháp xử lý các vấn đề bức xúc ở cơ sở. Tại phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, kiến nghị của cử tri liên quan đến mất an toàn lưới điện đã liên tục được nhắc đến trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm. (phóng sự ngắn TRT Huế)

 
 
 

4.  Đừng liều lĩnh

Mặc cho nước ngập sâu, chảy xiết, nhiều người dân vẫn bấp chấp cảnh báo, liều mình di chuyển qua nhiều đoạn đường vô cùng nguy hiểm trong mùa mưa lũ.

Bất chấp biển cấm, một chiếc xe tải chở nhiều người và xe máy vượt qua dòng nước sâu và mưa lớn trên Quốc lộ 49B trong đợt bão số 13

Trong đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, nhiều tuyến đường ở các vùng thấp trũng như Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang… ngập sâu.  Có những vùng bị cô lập nhiều ngày, vì thế việc di chuyển vô cùng khó khăn. Chỉ có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tiếp tế nhu yếu phẩm cho bà con.

Khi mưa lũ, nước dâng cao, ngập các tuyến đường, chính quyền điều có cảnh báo và đề nghị người dân hạn chế di chuyển, tránh rủi ro đáng tiếc. Thậm chí, có lúc còn đưa hàng rào cùng biển cấm các phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn tính mạng.

Nhiều người chấp hành rất tốt cảnh báo nhưng thực tế cũng có nhiều người không chấp hành khuyến nghị, liều lĩnh chạy xe qua dòng nước lớn, chảy xiết. Có người còn giao tính mạng mình trên những chiếc xe công nông, xe tải trung chuyển.

Có mặt tại Quốc lộ 49B vào một ngày ngập lụt, chúng tôi không khỏi sửng sốt, lạnh người khi chứng kiến sự liều mình của không ít người.

Trưa 14/11, do ảnh hưởng bão số 13, mưa khá lớn, nước lên rất nhanh và ngập sâu đoạn dài hàng cây số ở Quốc lộ 49B đi qua xã Hương Phong (TX. Hương Trà). Một hàng rào cùng với biển cảnh báo “đường ngập lụt cấm ô tô, xe máy và người qua lại”.

Mặc cho hàng rào và biển cảnh báo ấy, nhiều người trả tiền để được đưa xe máy và người lên một chiếc xe tải để đi qua. Một vài người khác liều mình chạy băng qua tuyến đường ngập sâu nước, giữa mưa gió bão bùng. Bất chấp lời khuyên ngăn của chúng tôi, họ vẫn đi và nói có lý do riêng, bằng mọi giá phải về nhà trước giờ bão đổ bộ.

Một vài người di chuyển được một đoạn vì lo sợ đã quay ngược đầu xe. “Nước ngập sâu quá, gió to nữa. Không xác định đường được. Thôi đi lui cho an toàn” – một người quay xe trở lại đã nói với chúng tôi như thế. Họ giật mình và thấy ái ngại trước lời khuyên của chúng tôi trước đó.

Còn với những chiếc xe tải nhận tiền rồi trung chuyển xe máy và người qua về, họ nói mình không chỉ kiếm tiền mà còn cho rằng đó là “giúp đỡ” người khác. Mưa càng lúc càng to, gió càng lúc càng lớn, trên chiếc xe tải vẫn còn một vài chỗ trống, tài xế nói chờ thêm tí, thêm một vài xe máy và người nữa sẽ cho xe nổ máy và gọi đó là chuyến cuối.

Không biết khái niệm “giúp đỡ” này sẽ ra sao nếu chuyện xui rủi xảy ra. Dù đã khuyên ngăn, nhưng tài xế vẫn bất chấp. Khi xe tải vừa nổ máy, chúng tôi không còn cách nào, ngoài nguyện cầu mọi chuyện bình an cho đến khi chiếc xe chở nhiều xe máy và người trên thùng cập điểm bên kia an toàn.

Rồi đây không biết sẽ có bao nhiêu trận mưa bão, nước ngập sẽ diễn ra bởi những sự kiện thiên tai như thế là một phần không thể thiếu với người dân xứ Huế. Có một khái niệm “sống chung” đã được đưa ra và nhắc lại nhiều từ các diễn đàn lớn nhỏ cho đến những xóm làng của miền quê. Nhưng “sống chung” ở hoàn cảnh này không đồng nghĩa phải là bất chấp, liều mình. “Sống chung” ở đây nhắc nhở cho chúng ta phải biết hài hoà với hoàn cảnh, không “liều mạng” trước sự dữ tợn của mưa lũ để bảo toàn tính mạng. (baothuathienhue.vn 19/11)

 
 
 

5.  "Thủy điện làm bất chấp, thật nhanh để kiếm tiền là vô đạo đức"

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, cách hoạt động của thuỷ điện Thượng Nhật không chỉ coi thường chính quyền, coi thường tính mạng người dân mà còn là kinh doanh vô đạo đức.

Thời gian vừa qua, miền Trung đã trải qua nhiều thiệt hại, mất mát về người và tài sản do thiên tai khi bão chồng bão, lũ chồng lũ. Việc thuỷ điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bất chấp quy định, phớt lờ các chỉ đạo từ địa phương cho tới Trung ương được dư luận đặc biệt quan tâm.

Khi bão số 13 đổ bộ, thủy điện Thượng Nhật liên tiếp có hành vi tích nước trái phép, không chấp hành công điện khẩn chống bão của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như các công điện, văn bản chỉ đạo sau đó của các cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh này.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trung tâm tư vấn Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu - cho rằng: Hành vi tích nước trái phép của doanh nghiệp này không chỉ là hành vi vi phạm hành chính mà còn là hành vi có thể gây nguy hiểm cho vùng hạ du. Đó là an toàn tài sản tính mạng của hàng nghìn người dân, là sự yên ổn đời sống xã hội.

 “Việc tước giấy phép hoạt động thuỷ điện của Nhà máy thuỷ điện Thượng Nhật là bắt buộc phải làm. Chúng ta phải làm nghiêm, làm mạnh tay thì mới nêu gương được cho hoạt động của những thuỷ điện có nguy cơ khác”, ông Tứ nhấn mạnh.

Theo ông Tứ, những thuỷ điện nhỏ mà hoạt động một cách bất chất, không có sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực sự rất nguy hiểm. Ông Tứ nói và ví những thuỷ điện nhỏ như thuỷ điện Thượng Nhật giống những quả bom nổ chậm, hoạt động kinh doanh nhưng lại đặt lợi nhuận lên trên tính mạng của người dân là kinh doanh vô đạo đức, không thể chấp nhận.

 “Việc xử lý nghiêm là không bàn cãi. Nhưng điều tôi quan tâm hơn cả là việc xử lý thuỷ điện Thượng Nhật nằm trong tầm tay của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có đủ thẩm quyền để xử lý với các hành vi sai phạm của thủy điện này.

Công trình đã được chỉ đạo quyết liệt mà còn để xảy ra tình trạng như thế, xử lý thuỷ điện nhỏ như thuỷ điện Thượng Nhật mà có bao nhiêu văn bản, bao nhiêu cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải vào cuộc. Nếu thực sự việc xử lý hành vi vi phạm của thủy điện này có gặp khó khăn thì cần phải làm rõ có hay không sự bắt tay, bao che cho các nhà đầu tư, để khi làm sai mà không xử lý được”, ông Tứ nói.

Nói về việc xây dựng những thuỷ điện nhỏ thời gian qua, PGS.TS Đào Trọng Tứ đã nhấn mạnh rằng: "Thuỷ điện nhỏ như thuỷ điện Thượng Nhật được xây dựng tràn lan một cách lạ lùng, các doanh nghiệp say sưa làm một cách bất chấp, làm thật nhanh, để phát điện và kiếm tiền".

Trước đó, thông tin với phóng viên, ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (bộ Công Thương) – Trưởng đoàn kiểm tra công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình thủy điện Thượng Nhật cho biết, việc đoàn kiểm tra đề xuất rút giấy phép hoạt động của thuỷ điện này bởi quá trình kiểm tra tại công trình, chủ đầu tư đã vi phạm 2 lỗi là “không thực hiện quan trắc” và “vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Với 2 vi phạm kể trên, đoàn kiểm tra của bộ Công Thương đã lập 2 biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Trong quá trình kiểm tra, sau 5 ngày, nếu chủ đầu tư không có bất kỳ kiến nghị giải trình nào, thì sẽ ra quyết định xử phạt và buộc chủ đầu tư phải thực hiện.

Theo đó, mức xử phạt được quy định tại khoản 3, Điều 16, Nghị định 134/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Mức xử phạt đối với cá nhân từ 30 - 65 triệu đồng. Tuy nhiên, vi phạm của thuỷ điện Thượng Nhật là vi phạm theo pháp nhân, tổ chức, mức xử phạt gấp đôi là 130 triệu đồng/2 hành vi. (nguoiduatin.vn 20/11)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Đại úy Trần Trọng Bằng cứu hộ ở Rào Trăng 3

Đại úy Trần Trọng Bằng, Đội trưởng Đội công tác Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (CC và CNCH) - Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) Công an tỉnh có rất nhiều kỷ niệm buồn, vui trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Tuy nhiên, chuyến đi CNCH tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân (Phong Điền) là một kỷ niệm khó phai.

Sau khi xảy ra sự cố sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3, Đại úy Trần Trọng Bằng nhận lệnh tiền trạm, trinh sát địa bàn tại khu vực sạt lở thuộc Tiểu khu 67, phục vụ công tác CNCH.

Lúc này, trời mưa lớn, tuyến đường bộ bị sạt lở, tắc nghẽn không lưu thông được, anh cùng đồng đội triển khai di chuyển theo đường thủy. Từ bến thuyền xã Hương Bình (TX. Hương Trà), Đại úy Bằng cùng các lực lượng theo tuyến đường thủy vượt qua mặt hồ thủy điện Hương Điền, tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4 để vào Rào Trăng 3.

Đây là nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách mà các anh phải căng sức để vượt qua. Đại úy Trần Trọng Bằng chia sẻ: “Để vào được Rào Trăng 3, sau khi chèo xuồng khoảng 1,5 km, anh em chúng tôi phải vượt tiếp khoảng 3km đoạn đường sạt lún. Mỗi bước chân đặt xuống cần phải cân nhắc để đảm bảo an toàn cho bản thân và phương tiện CNCH mang theo.

Đến hiện trường, chúng tôi cung cấp nhu yếu phẩm, ổn định tư tưởng, tinh thần cho các công nhân, đồng thời sử dụng Flycam để nắm toàn bộ thực địa Rào Trăng 3, trinh sát thủy điện ALin B2, báo cáo tình hình để UBND tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh đưa ra các giải pháp nắm tình hình, kịp thời triển khai công tác CNCH.

Khoảng thời gian từ ngày 13/10 đến 4/11, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp. Mưa lớn khiến đất đá tiếp tục sạt lở. Bùn đất dày khoảng 0,5m khiến việc tìm kiếm CNCH hết sức khó khăn. Tuy nhiên, Đại úy Bằng cùng đồng đội kiên nhẫn bám hiện trường, linh động triển khai thực hiện tìm kiếm CNCH.

Lực lượng CNCH đã phối hợp với các lực lượng khác đã đưa những nạn nhân bị thương ra khỏi thủy điện Rào Trăng để cấp cứu, tiếp tế thức ăn, nước uống, tìm kiếm; đồng thời việc tìm kiếm các thi thể nạn nhân mất tích khác vẫn tiếp tục bằng các phương án: Sử dụng thiết bị bay cảm biến nhiệt của Công ty công nghệ AGS (TP. Hồ Chí Minh) để phân tích chi tiết địa hình, phục vụ công tác tìm kiếm CNCH.

Hiện, 5/17 nạn nhân chết và mất tích do sạt lở đất đá ở thủy điện Rào Trăng 3 đã được tìm thấy. Phương án tiếp tục được triển khai là, nắn dòng ở vị trí thượng nguồn khu vực sạt lở, đào tạm con sông để thay đổi dòng chảy nhằm tìm kiếm 12 nạn nhân còn mất tích ở khu vực lòng sông…

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ cần một sơ suất nhỏ thì người lính CNCH có thể trở thành nạn nhân. Tuy nhiên, trong mỗi trái tim người lính là một tình yêu, sự hy sinh thầm lặng dành cho nghề. Ngay khi trở về từ Rào Trăng 3 trong đêm, Đại úy Trần Trọng Bằng chỉ kịp dành hơn 10 tiếng đồng hồ để chuẩn bị cho hôn lễ vào sáng hôm sau. Xong việc, anh lại khẩn trương trở lại hiện trường để tiếp tục nhiệm vụ.

Thượng tá Trần Văn Lâu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh cho biết: Đại úy Bằng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia và tổ chức công tác huấn luyện. Mỗi khi xảy ra các vụ hỏa hoạn hoặc những tai nạn cần sự vào cuộc của lực lượng CNCH, Đại úy Bằng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không quản ngại nguy hiểm, khó khăn để cứu người, cứu tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Với những nỗ lực đó, đồng chí Bằng nhiều lần được các cấp tặng giấy khen. Năm 2019, Đại úy Bằng vinh dự được công nhận “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. (baothuathienhue.vn 19/11)

 
 
 

2.  Nắm bắt cơ hội khôi phục sản xuất

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 37 mà Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết (15/11), được kỳ vọng giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội định vị lại và khai thác tốt hơn vị thế mới trong chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020 tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Đợt dịch thứ nhất vừa tạm  lắng thì đợt dịch thứ 2 lại tái bùng phát khiến các doanh nghiệp khó gượng dậy. Sản xuất đình đốn, giao thông ngưng trệ, xuất nhập khẩu hàng hóa bị thắt chặt, người lao động mất việc làm… là những gì hiện hữu, thách thức nền kinh tế toàn cầu nói chung, từng doanh nghiệp nói riêng. Trong đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ là điều các doanh nghiệp đều đối diện, bất kể quy mô lớn hay nhỏ.

Chưa hết, thiên tai, bão lụt dồn dập những tháng cuối năm như một đòn bồi tiếp khiến quá trình khôi phục kinh tế của nước ta vốn khó càng thêm khó.

Trong bối cảnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết như CPTPP, EVFTA bắt đầu có hiệu lực và nay là RCEP… đã góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, kinh tế của Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, bất chấp những ảnh hưởng khó khăn từ dịch bệnh. Việt Nam là điểm sáng khi là nước duy nhất của khối ASEAN có mức tăng trưởng kinh tế dương.

Riêng với RCEP gồm 10 nước ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN có hiệp định thương mại tự do, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand và Australia đã tạo ra khu vực tự do có quy mô lớn nhất về GDP, tương đương gần 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng GDP toàn cầu và thị trường tiêu dùng với 2,2 tỷ người. Hiệp định là cơ hội lớn giúp doanh nghiệp định hình lại và khai thác tốt hơn vị thế mới, xây dựng vị trí của Việt Nam trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, tạo sự bứt phá cho nước ta trong thời gian tới.

Cơ hội là vậy, nhưng để tận dụng được cơ hội, biến nó thành lợi thế phát triển, bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Nhà nước và từng địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng cần chủ động vào cuộc. Trước tiên là chủ động tìm hiểu thông tin về hiệp định, các thị trường đối tác quan tâm và xác định những lợi thế doanh nghiệp có thể tận dụng được.

Với Thừa Thiên Huế, một số ngành hàng có nhiều lợi thế, tiềm năng trong xuất khẩu lẫn thu hút đầu tư, như ngành dệt may với việc thúc đẩy đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ dệt may; ngành chế biến gỗ xuất khẩu với việc nâng cao giá trị sản phẩm đồ gỗ và sản phẩm gỗ rừng trồng; dịch vụ logistics, công nghệ thông tin…Nếu tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận các nguồn vốn đầu tư lớn mà còn được chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Từ đó giúp các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nước ta nói chung tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao giá trị và chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh.

Để đón đầu cơ hội, điều không kém phần quan trọng là việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn và tư duy sáng tạo. Đây là việc cần đi trước một bước chứ không đợi “nước đến chân mới nhảy”, nếu không chính người lao động sẽ bị mất cơ hội việc làm ngay trên sân nhà. (baothuathienhue.vn 20/11)

 
 
 

3.  Thừa Thiên – Huế: Nắn dòng tìm kiếm nạn nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3

Do ảnh hưởng của bão số 13 nên công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) tạm thời gián đoạn. Từ ngày 18/11, trên 200 cán bộ, chiến sĩ lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã trở lại thủy điện Rào Trăng 3 để tìm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại.

Ngày 19/11, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn chia thành 4 bộ phận, mỗi bộ phận được bố trí 6 xe cơ giới để đào đắp, khơi thông dòng chảy; tập kết vật liệu rọ đá, thu gom đá; Tổ chức tìm kiếm các nạn nhân và bộ phận cảnh giới, cắm mốc bảo đảm an toàn…

Ông Nguyễn Xuân Thành - Trưởng Ban điều hành Thủy điện Rào Trăng 3 cho biết: Kế hoạch triển khai đắp đập nắn dòng chảy gặp khó khăn do suối sâu, rộng, nước chảy xiết và khối lượng đất đào đắp tương đối lớn. Phía Công ty phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm cả ngày lẫn đêm làm sao để tìm kiếm được anh em càng sớm, càng tốt. Các lực lượng tìm kiếm đang tập trung, tập kết toàn bộ rọ đá xuống dòng suối để đắp đập nắn dòng khu vực được cho là có khả năng cao nhất các nạn nhân bị vùi lấp. Lực lượng tìm kiếm phấn đấu một trong hai ngày tới việc ngăn đập nắn dòng sẽ hoàn tất và chuyển qua giai đoạn tìm kiếm các nạn nhân dưới lòng suối.

Trung tá Phan Thắng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Hiện nay, các lực lượng tổ chức tìm kiếm khó khăn nhất là lưu tốc của dòng chảy trên sông Rào Trăng 3 hiện tại rất lớn khoảng 15 đến 20m3 nước/giây. Trước khi bão 13 chuẩn bị đổ bộ vào khu vực miền Trung, lực lượng tìm kiếm về Sở chỉ huy tiền phương để trú tránh cơn bão đã đào và nắn được dòng chảy khoảng 60% khối lượng công việc. Tuy nhiên, khi trở lại hiện trường khối lượng đất đá đã bồi lấp tương đối lớn. Hiện, chúng tôi đã tập trung tất cả phương tiện máy móc, vật liệu và kể cả nhân lực để bảo đảm cho đắp đê nắn dòng về phía thượng lưu đạt kết quả tốt”.

Như Báo điện tử Xây dựng đưa tin, ngày 12/10, tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) đã xảy ra một vụ sạt lở núi nghiêm trọng làm vùi lấp 17 công nhân. Ngay sau đó, các lực lượng chức năng đã tổ chức tìm kiếm được 5 nạn nhân, hiện còn 12 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy. (baoxaydung.com.vn 19/11; infonet.vietnamnet.vn 19/11)

 
 
 

4.  Tăng nhiều máy múc chuyên dụng, đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm tại Rào Trăng

Tối 19/11, tỉnh TT- Huế cho biết đang huy động thêm 2 máy múc loại 250-350PC để đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm công nhân còn mất tích tại Rào Trăng.

Trong ngày 19/11, lực lượng tìm kiếm đã đào nắn dòng chảy của sông Rào Trăng được khoảng 80%, vận chuyển xong 150 rọ đá tại từ xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) lên và tập kết đá vào gần khu vực đê quai.

Theo Sở GTVT Thừa Thiên- Huế, ngày 20/10, đơn vị chức năng sẽ hoàn chỉnh nắn dòng chảy sông Rào Trăng và bắt đầu phân thủy. Đồng thời, tập kết đủ đá để ngày 21/11 bắt đầu đắp đê quai.

Để đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm 12/17 công nhân còn mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đang huy động thêm 2 máy múc loại 250-350PC lên hiện trường.

Trực tiếp đến thăm hỏi, động viên lực lượng tìm kiếm và chỉ đạo công tác tìm kiếm tại hiện trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị lực lượng tiếp tục nỗ lực thi công, quyết tâm, cố gắng đến cùng để tìm thấy các nạn nhân về với người thân.

Theo đó, ngành chức năng phải chuẩn bị tốt về mọi mặt, từ công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men… đến công tác huy động xe cơ giới và các trang thiết bị thi công. Ông Phương cũng yêu cầu chuẩn bị phương án dự phòng để hộ đê ngăn dòng chảy, phòng tránh lượng nước chảy về quá lớn có thể ảnh hưởng đến kết cấu của đập.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, theo báo cáo của Công ty CP Thuỷ Điện Rào Trăng 3, do thời tiết mưa kéo dài, vào lúc 0h30 ngày 12/10 tại khu nhà điều hành thuộc Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) xảy ra tai nạn sạt lở đất. Trong 17 người mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3, đến nay lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 5 nạn nhân.

Ngày 19/11, lực lượng tìm kiếm gần 200 người cùng máy móc thiết bị được chia thành 4 bộ phận: đào đắp, khơi thông dòng chảy - tập kết vật liệu rọ đá, thu gom đá - tổ chức tìm kiếm các nạn nhân - cảnh giới, cắm mốc bảo đảm an toàn. Ngày mai (20/11), lực lượng tìm kiếm sẽ hoàn chỉnh nắn dòng chảy và bắt đầu phân thủy (baogiaothong.vn 19/11)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Triển lãm 150 tác phẩm ký họa di sản Huế

“Ký họa di sản Cố đô Huế 2020” là triển lãm nghệ thuật do Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp với Hội Mỹ thuật tỉnh và nhóm ký họa đô thị Hà Nội tổ chức, vừa khai mạc chiều 19/11 tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị.

Đây là hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế và góp phần lan tỏa thông điệp cùng nhau giữ gìn, bảo vệ và tôn vinh giá trị di sản văn hóa vùng đất Cố đô.

Triển lãm giới thiệu đến người xem 150 tác phẩm của 77 tác giả thuộc nhóm Ký họa đô thị Việt Nam, được sáng tác trong chương trình “Hành trình ký họa di sản Cố đô Huế 2020”. Các tác phẩm thể hiện vẻ đẹp của những công trình kiến trúc, công trình văn hóa, cảnh quan, con người, ẩm thực xứ Huế.

Bằng cảm nhận và phong cách sáng tác riêng, các tác phẩm ký họa đã vượt qua việc ghi chép những công trình di sản thông thường mà trở nên sống động, tinh tế qua nét chấm phá, chắt lọc của nghệ thuật ký họa.

Ngoài trưng bày tác phẩm ký họa, triển lãm còn giới thiệu các tác phẩm vẽ trực họa của nhóm nghệ sĩ Huế, tổ chức hoạt động ký họa trên áo dài, nón lá...

Chương trình còn trình diễn bộ sưu tập “Áo dài với hội họa Huế” của nhà thiết kế Viết Bảo, được lấy cảm hứng từ tác phẩm của họa sĩ Trương Bé, họa sĩ Nguyễn Thị Huệ và các tác phẩm ký họa trong “Ký họa di sản Cố đô Huế 2020”.

Dịp này, các nghệ sĩ đã tặng 40 tác phẩm, nhà thiết kế Viết Bảo tặng 15 bộ áo dài để Ban tổ chức bán gây quỹ ủng hộ cho học sinh ở một số trường học bị thiệt hại nặng nề do bão lụt. (baothuathienhue.vn 19/11)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Chiến sĩ vượt núi đá cheo leo, khuân đá, nắn dòng Rào Trăng tìm kiếm 12 người mất tích

Sáng 19-11, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế tập kết khoảng 300 rọ đá xuống dòng sông Rào Trăng để đắp đập nắn dòng, phục vụ công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại. Đây là một trong những vị trí được xem có khả năng cao nhất các nạn nhân bị vùi lấp. (video - sggp.org.vn 19/11)

 
 
 

2.  Công bố quyết định công nhận Hội đồng trường Học viện Âm nhạc Huế

Chiều 19/11, Học viện Âm nhạc Huế tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Âm nhạc Huế, nhiệm kỳ 2020-2025. Đến dự buổi lễ có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ.

Theo đó, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 2981/QĐ-BVHTTDL công nhận ông Đoàn Phương Hải, Đảng ủy viên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Biểu diễn âm nhạc, Học viện Âm nhạc Huế giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Âm nhạc Huế, nhiệm kỳ 2020-2025.

Hội đồng trường Học viện Âm nhạc Huế, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm có 15 thành viên, có chức năng quyết định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế về tổ chức, hoạt động; quyết định phương hướng hoạt động đào tạo, bảo đảm chất lượng giáo dục; giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của trường…

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã trao quyết định công nhận Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường cho Học viện Âm nhạc Huế. (baothuathienhue.vn 20/11)

 
 
 

3.  Áo dài truyền thống trong lễ khai giảng ở Trường trung cấp Thể dục Thể thao

- Chiều 19/11, Trường trung cấp TDTT tỉnh khai giảng năm học mới 2020 - 2021. Lãnh đạo Sở Văn hoá & Thể thao, Ban giám hiệu nhà trường và toàn thể giáo viên, HLV tham dự đều mặc áo dài tại lễ khai giảng.

Năm học 2020 - 2021, Trường trung cấp TDTT tỉnh tiến hành tuyển sinh hệ trung cấp khóa 10 niên khóa 2020 - 2023, với kết quả tuyển sinh đợt 1 có 25 học sinh nhập học, đưa tổng số học sinh hệ trung cấp trong toàn trường lên hơn 65 học sinh.

Hiện, trường tuyển chọn và đang đào tạo 220 VĐV của 9 bộ môn, bao gồm các tuyến năng khiếu, tuyến trẻ, tuyển tỉnh. Có 10 VĐV ưu tú được Tổng cục TDTT (Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch) triệu tập vào các đội tuyển quốc gia (điền kinh 1; vật 3; Karate 2; Judo 1; bắn cung 1, cầu lông 2). Có 49 lượt VĐV đạt danh hiệu Kiện tướng quốc gia; 122 lượt VĐV đạt danh hiệu cấp I quốc gia.

Về thể thao đỉnh cao, đến thời điểm này, các đội tuyển đạt được 281 huy chương các loại (65 HCV, 89 HCB, 127 HCĐ). Về TDTT quần chúng, đã tổ chức hoạt động hơn 30 CLB và hơn 1.500 học sinh tham gia tập luyện, đồng thời, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các giải thể thao, huấn luyện chuyên môn đạt hiệu quả cao.

Trong năm 2020, các HLV, VĐV vinh dự được tặng thưởng nhiều bằng khen, tiêu biểu như: HLV Nguyễn Văn Hiền, VĐV Nguyễn Thị Thuỳ Linh (đá cầu) và VĐV Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (vật) được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; HLV Nguyễn Văn Ngãi, VĐV Dương Thị Quỳnh Như (Judo) và VĐV Trần Thị Yến Hoa (điền kinh) được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tặng bằng khen, cùng nhiều HLV, VĐV được Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao khen thưởng.

Bước vào năm mới, bên cạnh tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo toàn diện, nhà trường phấn đấu đạt 1 - 2 HCV tại SEA Games 2021; kết hợp với các trường học trên địa bàn TP. Huế để mở khoảng 50 lớp nghiệp dư của các bộ môn, tập trung từ 1.400 đến 2.000 học sinh tập luyện TDTT thường xuyên để làm cơ sở cho công tác tuyển chọn năng khiếu…

Biểu dương những kết quả đạt được thời gian qua, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hoá & Thể thao mong muốn, bên cạnh làm tốt công tác đào tạo, huấn luyện, cùng HLV, VĐV phấn đấu giành nhiều thành tích cao tại các đấu trường quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới, tập thể nhà trường tiếp tục song hành trong việc tôn vinh, phục hồi, khai thác và phát huy giá trị của di sản áo dài truyền thống, từ đó lan tỏa tình yêu áo dài đến người dân và du khách - một hành động thiết thực góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, Cố đô Huế nói riêng. (baothuathienhue.vn 19/11)

 
 
 

4.  Thăm các trường học trên địa bàn thành phố nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Hoạt động này được Thành ủy, UBND TP. Huế triển khai trong ngày 19/11 do UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định; TUV, Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Hùng Nam làm trưởng đoàn nhân Kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Năm học 2019 - 2020 là một năm học đặc biệt với nhiều thử thách, khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như bão, lũ liên tiếp xảy ra. Song, với sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ các nhà giáo, công tác giáo dục và đào tạo của thành phố vẫn giữ được ổn định và phát triển. Hệ thống mạng lưới trường lớp ở mầm non, tiểu học và THCS ngày càng hoàn chỉnh. Năm học 2020 - 2021, ngành giáo dục thành phố tăng cường công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên đảm bảo chuẩn hóa, đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo vị trí việc làm.

Dịp này, các đoàn đã đến thăm một số trường học trên địa bàn, như Học viện Hành chính khu vực miền Trung, Trường cao đẳng Giao thông Huế, Trường mầm non Phú Hậu, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, Trường THCS Thống Nhất…

Tại các điểm đến thăm, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Huế gửi lời chúc mừng đến các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đại diện Thành ủy, Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định mong muốn các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục suy nghĩ và hành động hết tâm, hết sức mình. "Hãy dạy con trẻ thành người trước khi thành tài, hãy giúp các em cảm nhận được sự cao quý bởi những giá trị đạo đức và văn hóa mà mình học tập và có được nhằm giúp các em có đủ tự tin và hành trang để hội nhập toàn cầu, xây dựng thành phố Huế vươn lên cùng thế giới…”, Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định nói. (baothuathienhue.vn 19/11)

 
 
 

5.  Đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng

Chiều 19/11, BHXH tỉnh và Ngân hàng Vietcombank Huế tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp chi trả lương hưu và các khoản trợ cấp BHXH qua thẻ Vietcombank connect 24 trên địa bàn.

Theo quy chế phối hợp, BHXH tỉnh cung cấp danh sách người hưởng chế độ BHXH đang nhận tiền mặt, biểu mẫu đề nghị chuyển hưởng chế độ BHXH từ tiền mặt sang tài khoản cá nhân, tạo điều kiện cho ngân hàng Vietcombank tiếp xúc tư vấn trực tiếp đến từng đối tượng. Phía ngân hàng sẽ đẩy mạnh truyền thông, vận động người hưởng chế độ BHXH mở tài khoản thanh toán, chi trả lương hưu và các chế độ BHXH hàng tháng qua thẻ Vietcombanh connect 24; đồng thời, cung cấp các chính sách, dịch vụ ngân hàng tốt nhất cho khách hàng nhận chế độ BHXH qua thẻ ATM.

Tính đến tháng 11/2020, cơ quan BHXH tỉnh đã phối hợp với các ngân hàng chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho 10.461 người hưởng với số tiền xấp xỉ 60 tỷ đồng. Với phương thức chi trả không dùng tiền mặt, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN không phải mất thời gian đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, việc chi trả qua tài khoản thẻ ATM giúp người hưởng hạn chế đi lại, tiếp xúc, bảo đảm được an toàn trong công tác phòng, chống bệnh. Về phía cơ quan BHXH, việc tổ chức thực hiện phương thức này bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển và lưu trữ, tránh được sai sót, giảm bớt áp lực, thời gian trong tổ chức chi trả. (baothuathienhue.vn 19/11)

 
 
 

6.  Hỗ trợ gia đình nạn nhân tại Thủy điện Rào Trăng 3

Sau sự cố sạt lở đất hồi giữa tháng 10 làm nhiều người chết, mất tích tại khu vực dự án Thuỷ điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), chính quyền, đoàn thể của tỉnh đã cùng chung tay, kịp thời động viên, hỗ trợ các gia đình có con em là công nhân bị chết, mất tích tại đây.

Sau hơn 1 tháng kể từ ngày xảy ra sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3, lực lượng chức năng mới chỉ tìm thấy 5 thi thể, 12 công nhân còn mất tích.

Ngày 26/10, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ đột xuất các liệt sĩ, công nhân bị thiệt mạng và bị thương tại Thủy điện Rào Trăng 3. Theo đó, hỗ trợ gia đình 13 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Rào Trăng 3 mỗi trường hợp 20 triệu đồng; hỗ trợ 17 công nhân thiệt mạng, mất tích 20 triệu đồng/trường hợp; riêng 3 công nhân bị thương được hỗ trợ 3 triệu đồng/trường hợp.

Theo ông Lê Văn Hoa - một cổ đông sáng lập Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3, chủ đầu tư Thủy điện Rào Trăng 3, kể từ khi xảy ra sự cố sạt lở đất khiến 17 công nhân tại công trình này mất tích, công ty tích cực phối hợp với lực lượng chức năng tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân mất tích.

Trước mắt, về hỗ trợ người bị nạn, doanh nghiệp chi trả toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại cho người nhà, tiền quan tài, xe vận chuyển thi thể công nhân về quê mai táng và hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi gia đình có người bị nạn. Hỗ trợ cho gia đình có con nhỏ dưới 18 tuổi số tiền 1,5 triệu đồng/tháng/người cho đến 18 tuổi; hỗ trợ cho gia đình bị nạn có bố, mẹ trên 60 tuổi, với mức 1,5 triệu đồng/người/tháng, cho đến hết đời.

Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&HX) tỉnh bà Phan Minh Nguyệt cho biết, ngay khi nắm được thông tin về sự việc, đại diện lãnh đạo địa phương, Sở LĐTB & XH đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân vượt qua nỗi đau mất mát, ổn định cuộc sống. Ngoài mức bồi thường, hỗ trợ của doanh nghiệp, UBND tỉnh cũng có hỗ trợ 20 triệu đồng/trường hợp. “Đây là mức hỗ trợ thiên tai đặc biệt của tỉnh theo quy định tại QĐ 46 của UBND tỉnh về “Một số chính sách trợ giúp hỗ trợ đột xuất đối với thiên tai, hỏa hoạn”.

Hiện, 7/17 nạn nhân là người Huế, trong đó, có 2 trường hợp có con nhỏ (3 cháu), qua đó, “Sở cũng là “cầu nối” trong việc giới thiệu các trường hợp, hoàn cảnh khó khăn của công nhân bị chết, mất tích ở Rào Trăng với doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Họ hiện rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để các gia đình sớm vượt qua nỗi đau mất mát”, bà Nguyệt nói.

Chị Võ Thị Ny - mẹ của công nhân Nguyễn Vũ Đăng Khoa (1/5 trường hợp đã tìm được thi thể tại Rào Trăng 3) bùi ngùi: Cháu mới đi làm 13 tháng, vừa ký hợp đồng chính thức 2 tháng thì xảy ra vụ việc. Sau sự cố, công ty đã đến trao hỗ trợ cho gia đình 100 triệu đồng. Trước đó, công ty có hỗ trợ 3 triệu đồng chi phí ăn uống, nghỉ ngơi cho gia đình trong thời gian chờ tin thân nhân.

Khi được hỏi, công ty có đóng BHXH cho công nhân? Chị Ny chia sẻ: “Trong thời gian đi làm cháu kể là công ty có đóng BHXH một phần cho công nhân, cháu đóng thêm 400-500 ngàn đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn các gia đình công nhân chưa tìm thấy thi thể người thân nên chúng tôi có bàn sau này sẽ cùng đến hỏi về thủ tục, chế độ nhận bảo hiểm xã hội cho con em mình”.

Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nguyễn Viết Dũng cho biết: “Đến thời điểm này, Bảo hiểm Xã hội tỉnh chưa nhận được hồ sơ nào về xử lý chế độ (để được hưởng tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần) từ phía thân nhân gia đình các công nhân bị chết, mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3. Nếu có, chúng tôi sẽ giải quyết ngay”, ông Dũng nói. (baothuathienhue.vn 19/11)

 
 
 

7.  THỪA THIÊN HUẾ: DÀNH TÌNH YÊU THƯƠNG CHO HỌC SINH VÙNG LŨ

Video (quochoitv.vn 19/11)

 
 
 

8.   Tuyên dương 18 giảng viên trẻ tiêu biểu đại học Huế năm 2020

Lễ tuyên dương 18 gương mặt giảng viên trẻ tiêu biểu Đại học Huế năm 2020 diễn ra trong không khí cả nước có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Theo Đoàn Đại học Huế, 18 gương mặt giảng viên trẻ được tuyên dương đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, học tập nghiên cứu khoa học, đạt thành tích cao trong công tác và hoạt động đoàn thể.

Đây là những gương mặt trẻ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, học tập nghiên cứu khoa học, đạt thành tích cao trong công tác giảng dạy và hoạt động đoàn thể.

Đây cũng là những gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, gương điển hình trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các giảng viên luôn có ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; tận tụy, gương mẫu về đạo đức, tác phong, lối sống để đồng nghiệp và học sinh, sinh viên noi theo.

Mặt khác, tuy là những gương mặt trẻ, nhưng nhiều giảng viên đã có những thành tích cao trong nghiên cứu khoa học, bài báo quốc tế, sáng kiến kinh nghiệm, giải thưởng sáng tạo; là những tấm gương trong cải tiến phương pháp giảng dạy; những cán bộ Đoàn tiên phong trong phong trào thanh niên trường học.

Tiến sĩ Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế, bày tỏ mong muốn đội ngũ giảng viên trẻ tiếp tục phát huy năng lực, sở trường và có nhiều cống hiến cho phát triển của Đại học Huế

Phát biểu chúc mừng 18 gương mặt giảng viên tiêu biểu được tuyên dương trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tiến sĩ Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế, bày tỏ mong muốn đội ngũ giảng viên trẻ tiếp tục phát huy năng lực, sở trường và có nhiều cống hiến cho phát triển của Đại học Huế và các đơn vị thành viên; tích cực tham gia phát triển tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh; tiếp tục giúp đỡ, dìu dắt các thế hệ tiếp theo và đặc biệt là truyền ngọn lửa thành công, trở thành những hình tượng mẫu mực, tấm gương tự học và sáng tạo, lan tỏa đến toàn thể đoàn viên, thanh niên, sinh viên Đại học Huế. (tienphong.vn 19/11)

 
 
 

9.  Thừa Thiên Huế: Tri ân những người làm “nghề đặc biệt”

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ có buổi gặp mặt thân mật hơn 200 người làm công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.

Mở đầu buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến những tấm lòng, đôi bàn tay, trái tim nhân hậu của những người làm công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; gửi đến những nữ tu, bảo mẫu, nhân viên, giáo viên, những người làm “nghề đặc biệt”, lời tri ân sâu sắc, chúc mọi người vui tươi, tràn đầy nghị lực để tiếp tục công việc cao cả đã chọn.

“Buổi gặp mặt hôm nay là để lãnh đạo tỉnh và các sở ngành lắng nghe và chia sẻ những khó khăn trong công tác nuôi dạy trẻ em yếu thế của các cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội, đưa ra những định hướng trong thời gian tới nhằm hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương nuôi dạy trẻ em khuyết tật lớn nhất Việt Nam”, ông Thọ nhấn mạnh.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế gặp mặt những người làm công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn

Thương các em như thương con của chính mình

Ông Phạm Văn Tú, Giám đốc Trung tâm bảo trợ người khuyết tật Tịnh Trúc Gia chia sẻ, đội ngũ làm công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn rất xúc động khi nhận được giấy mời của Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt, tri ân. Buổi gặp mặt là cơ hội để những người làm công tác xã hội có thể bày tỏ những tâm tư nguyện vọng và thêm động lực trong công tác. Tịnh Trúc Gia đã và đang xây dựng Trường học hạnh phúc- mang các bài học về giáo dục cảm xúc- xã hội đến 9 trường công lập tại Huế.

 “Khi mới vào nghề chúng tôi nghĩ rằng mình làm việc để giúp đỡ các em. Nhưng càng về sau, chúng tôi càng nhận ra chính các em cũng là những người thầy của mình. Các em đã dạy cho chúng tôi những bài học vô giá về khả năng khác biệt, về khả năng nhìn thấy những tiềm năng tốt đẹp ở bất cứ ai. Về việc xây dựng một cộng đồng cùng chung sống trong sự thấu hiểu và yêu thương. Nhờ các em mà tình yêu nghề và tình yêu cuộc sống của chúng tôi luôn được bồi đắp và nhân sinh quan trở nên sâu sắc và rộng mở hơn”- ông Tú nhấn mạnh.

Chia sẻ của những người làm “nghề đặc biệt”

Bà Văn Thị Cháu- bảo mẫu ở Làng SOS chia sẻ, công việc của chúng tôi không phải người phụ nữ nào cũng làm được. Chúng tôi không chỉ đơn thuần là một nhân viên mà là người bảo trợ, người đỡ đầu, thậm chí còn đóng vai trò là cha, là mẹ khi cần thiết. Mặc dầu gặp phải muôn vàn khó khăn khi trái gió trở trời, nhiều đêm thức trắng chăm sóc khi các em đau sốt, nhưng với tấm lòng của mình, với tình thương yêu vô bờ bến, chúng tôi nuôi dạy các em về kiến thức, kỹ năng sống để hoàn thiện bản thân, sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Cô Bùi Thị Minh Tâm, giáo viên dạy âm nhạc lớp khuyết tật tại Trướng tiểu học số 1 phường An Đông (TP. Huế) sau nhiều năm tiếp xúc với trẻ khuyết tật cô đúc rút được kinh nghiệm rằng, đến với các em không cần nhiều kỹ năng, kỹ thuật giảng dạy mà chỉ cần đến với các em bằng tình thương và tấm lòng, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều...

Xây dựng môi trường nuôi dạy trẻ hạnh phúc

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, buổi gặp mặt hôm nay là ngày vui, tuy nhiên qua những câu chuyện kể của “các thầy - các cô”, có những lúc hội trường lặng im, bản thân tôi nhiều lần kìm nén xúc động trước những câu chuyện, những vấn đề phát sinh trong thực tế nuôi dạy trẻ, những khó khăn của đội ngũ làm công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn. Một lần nữa tôi xin được nói lời cám ơn và tri ân...

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội cùng các tầng lớp nhân dân đã thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, quan tâm đến các chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục. Các chính sách đó đã góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn; các đối tượng này ngày càng có được môi trường pháp lý, môi trường xã hội thuận lợi để hòa nhập cộng đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, những người có mặt tại đây là những người có một nghề hết sức đặc biệt, những “nhà giáo nhân dân” đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho trẻ em khó khăn, những người yếu thế. Tuy không bà con thân thuộc nhưng hằng ngày, hằng đêm không biết mệt mõi để gần gũi, cận kề, dìu dắt, dạy dỗ các em như ông, bà, cha, mẹ, anh chị em ruột thịt. Nếu không có tấm lòng vị tha, thương con thì khó lòng “trụ" nổi. Đây là những người có nhiều đóng góp thầm lặng, cùng chung tay với xã hội chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Trước các đề xuất của các trung tâm bảo trợ xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, sắp tới UBND tỉnh sẽ hỗ trợ mở các lớp tập huấn, huấn luyện về kỹ năng xã hội cho đội ngũ làm công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức khám sàng lọc cho trẻ yếu thế. Thành lập mạng lưới phối hợp giữa các trung tâm. Xây dựng mô hình nhằm chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, khẳng định tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ, không phân biệt công lập hay dân lập để nâng cao vai trò của các các cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội.

 “Các thầy các cô sẽ góp phần cùng tỉnh xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc, học sinh chăm ngoan, học giỏi, biết tri ân và biết ơn thầy cô, tự hào về quê hương đất nước để cống hiến và xây dựng cho Thừa Thiên Huế tương lai, ông Thọ chia sẻ thêm.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hữu Phúc, trên địa bàn tỉnh có 23 cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. Tổng số cán bộ, nhân viên tại là 359 người (257 nữ), đang làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy học cho 1.495 đối tượng, trong đó có 38 (baotainguyenmoitruong.vn 19/11)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Trao quà cho các em học sinh Hồng Tiến

Các em học sinh đã được nhận 60 phần quà, trong đó 50 phần gồm 8 cuốn vở, khẩu trang và bánh kẹo, 10 phần quà còn lại là áo ấm dành tặng những em học sinh đặc biệt khó khăn.

Ngày 19/11, tại Trường Tiểu học Hồng Tiến (xã Bình Tiến, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế) Quỹ Sen Xanh Báo Thừa Thiên Huế trao tặng quà hỗ trợ bão lũ cho các em học sinh ở đây. Những phần quà nhằm hỗ trợ tới trường cho một số học sinh khó khăn do gia đình bị ảnh hưởng bão lụt vừa qua.

Các em học sinh đã được nhận 60 phần quà, trong đó 50 phần gồm 8 cuốn vở, khẩu trang và bánh kẹo, 10 phần quà còn lại là áo ấm dành tặng những em học sinh đặc biệt khó khăn. Những món quà nhỏ của Quỹ Sen Xanh và những người bạn trao tặng nhằm động viên các em trong học tập. (baothuathienhue.vn 19/11)

 
 
 

2.  Chất lượng tạo ra sự khác biệt

Đó là khẳng định được lãnh đạo Trường Du lịch, Đại học Huế khi nói về chất lượng đào tạo tại buổi lễ khai giảng năm học mới 2020-2021 được tổ chức chiều 19/11.

Năm học này trường có hơn 3.500 sinh viên, trong đó có gần 1.000 tân sinh viên vừa mới nhập học. Trường xác định với tầm nhìn trở thành địa chỉ đào tạo, nghiên cứu và cung ứng dịch vụ khoa học công nghệ có chất lượng và uy tín trong lĩnh vực du lịch, đáng ứng nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch cao và từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế.

Tỷ lệ sinh viên khá, giỏi, xuất sắc các khoá đạt trên 45%. Trong quá trình đào tạo trường nhận được nhiều ý kiến tốt từ phía doanh nghiệp về thực tập cũng như những phản hồi từ các nhà tuyển dụng sinh viên trường. Đa số thể hiện sự hài lòng.

Năm học mới, trường phải đối mặt rất nhiều khó khăn do nhu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng. Tuy nhiên trường xác định sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo để tạo ra sức mạnh thực hiện tốt nhiệm vụ. (baothuathienhue.vn 19/11)

 
 
 

3.  Vinh danh những người thầy trong phong trào "Đổi mới, sáng tạo dạy và học"

- Nhân kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2020), sáng 20/11, Sở GD&ĐT tổ chức tọa đàm, gặp mặt ôn lại truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam; biểu dương, tri ân các thầy cô giáo có nhiều công lao đóng góp, cống hiến vì sự nghiệp giáo dục - đào tạo tỉnh nhà.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến dự và chúc mừng, chia vui cùng các thầy cô.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu, thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục cùng nhau ôn lại truyền thống, những kỷ niệm, thành quả tốt đẹp mà ngành giáo dục đạt được trong thời gian qua.

Trong năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở các cấp học, tạo nền tảng quan trọng cho giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện, vững chắc. Chất lượng giáo dục của các cấp, bậc học được nâng lên; học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng; nhiều học sinh đạt thủ khoa, á khoa, đạt giải cao trong các kỳ thi THPT Quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển nhanh về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ và năng lực ngày càng cao. 100% giáo viên đạt chuẩn theo quy định;...

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ những khó khăn trong năm vừa qua; đồng thời, biểu dương những cố gắng, nỗ lực của các tập thể, thầy cô giáo, cán bộ quản lý, những gương mặt tiêu biểu cho phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt" của tỉnh nhà trong thời gian vừa qua. Ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm là dịp để những người làm công tác giáo dục và đào tạo thấy rõ hơn nữa vị trí, nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang, từ đó tiếp tục tự rèn luyện và hoàn thiện mình để trở thành những tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân đã được nhận Cờ thi đua, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các danh hiệu khen thưởng của UBND tỉnh vì đã có nhiều thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học". (baothuathienhue.vn 19/11)

 
 
Y TẾ
 

1.  Bệnh viện T.Ư Huế nhận giải thưởng danh giá về cấp cứu, điều trị đột quỵ

Đây là một giải thưởng danh giá của Hội Đột quỵ thế giới dành cho các đơn vị thỏa mãn các tiêu chí khắt khe về rút ngắn thời gian cấp cứu tái thông mạch máu não và đồng thời thực hiện tầm soát nguyên nhân và điều trị dự phòng đột quỵ phù hợp.

Chiều 19/11, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Huế đã được chính thức được trao tặng giải thưởng Platinum của Hội Đột quỵ thế giới WSO trong tổ chức cấp cứu và điều trị đột quỵ.

Platinum là một giải thưởng danh giá của Hội Đột quỵ thế giới dành cho các đơn vị đột quỵ và trung tâm đột quỵ thỏa mãn các tiêu chí khắt khe về rút ngắn thời gian cấp cứu tái thông mạch máu não và đồng thời thực hiện tầm soát nguyên nhân và điều trị dự phòng đột quỵ phù hợp. Để làm được điều này các trung tâm yêu cầu cần phải có đầy đủ các yếu tố bao gồm nguồn nhân lực có trình độ, thiết bị chẩn đoán chuẩn xác và phối hợp nhuần nhuyễn với các khoa phòng có liên quan. Quy trình xét duyệt sẽ được thực hiện bởi một cơ quan kiểm định quốc gia và 2 cơ quan kiểm định quốc tế. Ủy ban về đơn vị đột quỵ sẽ ra quyết định cuối cùng.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai và là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, mỗi năm ước tính có hơn 200.000 ca đột quỵ mới, với hậu quả hơn 11.000 người tử vong và trên 100.000 người bị tàn phế.

Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp. Vì vậy khi phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ não, cần chuyển ngay tới các cơ sở điều trị chuyên sâu sớm, để tận dụng được thời gian vàng trong điều trị, góp phần hạn chế tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân.

Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 - 4,5 giờ đầu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong cửa sổ 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cao cũng như hạn chế được các di chứng nặng nề về vận động, nhận thức, ngôn ngữ....

Tính đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế là một trong 4 bệnh viện tại Việt Nam có trung tâm đột quỵ đạt giải thưởng Platinum của Hội đột quỵ thế giới.

Khi có càng nhiều trung tâm, đơn vị đột quỵ ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn này, có nghĩa là càng có nhiều bệnh nhân đột quỵ Việt Nam được cấp cứu nhanh chóng và kịp thời, được áp dụng các kỹ thuật điều trị tiên tiến, ngang bằng với chuẩn của các trung tâm đột quỵ trên thế giới.

Đây là được xem là chìa khóa để điều trị thành công các bệnh nhân đột quỵ cấp, giảm tỉ lệ tử vong, giúp đưa bệnh nhân sớm trở lại với cuộc sống bình thường. 

Trung tâm Đột Quỵ Bệnh viện Trung ương Huế có quyết định thành lập ngày 1/10/2017, chính thức đi vào hoạt động ngày 9/6/2018. Trung tâm được xây dựng với cơ sở vật chất khang trang, máy móc, trang thiết bị hiện đại và đặc biệt là đội ngũ nhân lực trình độ cao, được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế. Mỗi năm, trung tâm tiếp nhận điều trị hơn 2.500 bệnh nhân đột quỵ, thực hiện tiêu sợi huyết gần 100 trường hợp và can thiệp mạch não gần 250 trường hợp. Ngoài ra, trung tâm đã điều trị hồi sức thành công cho rất nhiều trường hợp đột quỵ nặng qua khỏi cơn nguy kịch, giúp bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Từ lúc thành lập đến nay, được sự hỗ trợ của Ban Giám đốc, Trung tâm đột quỵ đã  triển khai và thành thạo hầu hết các kỹ thuật can thiệp đột quỵ khó và phức tạp được thực hiện tại Việt Nam và trên thế giới như can thiệp đường tĩnh mạch tắc dò xoang hang và dị dạng thông động tĩnh mạch não, can thiệp dị dạng mạch máu tủy; áp dụng các kỹ thuật mới để có thể xử lý tối đa các loại phình mạch bao gồm thả coil với sự hỗ trợ của stent, bóng và đặt stent chuyển dòng.

Bên cạnh đó, đội ngũ can thiệp còn phối hợp với các khoa phòng trong bệnh viện để hỗ trợ điều trị các trường hợp phức tạp như tắc dị dạng mạch máu vùng chi và đầu mạch cổ, tắc u tiền phẫu, nút mạch cầm máu, tiêm xơ u máu và tắc dò, phình động tĩnh mạch phổi bằng phương pháp can thiệp đường mạch máu ít xâm lấn.

Ngoài hoạt động công tác khám và điều trị bệnh nhân đột quỵ, trung tâm cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo về đột quỵ để nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên y tế đồng thời phối hợp với Sở Y tế Thừa Thiên Huế xây dựng mạng lưới đột quỵ trên toàn tỉnh, tuyên truyền người dân để tăng thêm nhận thức giúp nhận diện sớm về đột quỵ và cấp cứu kịp thời các trường hợp đột quỵ.

Giáo sư Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: "Trong thời gian tới, Trung tâm Đột quỵ quyết tâm phấn đấu đạt giải thưởng Diamond của Hội Đột quỵ thế giới trong cấp cứu và điều trị đột quỵ với mục đích duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị bệnh nhân đột quỵ; góp phần xây dựng và phát triển Bệnh viện Trung ương Huế thành Trung tâm Y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế về y tế theo như Nghị quyết 54/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". (danviet.vn 20/11)

 
 
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
 

1.  Vinh danh những đề tài xuất sắc cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ X

Tối qua, Liên hiệp các hội KHKT tỉnh tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 10. Trải qua 10 lần tổ chức, hội thi đã góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh theo hướng ngày càng quy mô và hiệu quả hơn. Dự và phát biểu tại lễ tổng kết có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh. (phóng sự ngắn TRT Huế 19/11)

 
 
MÔI TRƯỜNG
 

1.  TT-Huế: Hãi hùng hàng loạt xác lợn đang phân hủy nổi ven sông gần lò mổ

Hàng loạt xác lợn đang phân hủy nổi ven sông Hương đoạn qua gần một lò mổ ở TP.Huế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Những ngày qua, người dân phường ở Phú Hậu, TP.Huế (Thừa Thiên Huế) hết sức bức xúc trước tình trạng hàng loạt con lợn chết nổi ven sông Hương gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, PV Dân Việt đã trực tiếp đến ghi nhận thực tế. Theo ghi nhận của PV, nơi những xác lợn bị vứt bừa bãi là ven sông Hương đoạn gần sau lưng lò mổ Bãi Dâu, đường Nguyễn Gia Thiều, phường Phú Hậu.

Lúc PV có mặt, ít nhất có hơn 10 con lợn chết nổi trên mặt sông ven bờ. Nhiều con lợn chết trong số này nổi lềnh bềnh trên mặt nước bên cạnh một sà lan, nhiều con lợn chết khác mắc vào những cành cây ven sông.

Ngoài những con lợn chết, tại đoạn sông này còn xuất hiện nhiều nội tạng động vật, nghi là nội tạng của lợn, nổi trên mặt nước ven bờ.

Những con lợn chết và nội tạng động vật này hiện đang trong quá trình phân hủy, gây ra mùi hôi thối nồng nặc. Mùi hôi thối lan cả một vùng khiến người dân sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn dẫn đến nguy cơ làm lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Theo người dân, những con lợn chết và nội tạng động vật bị vứt ra sông khoảng 1 tuần nay. Trước đây số lợn chết và nội tạng bị vứt ra sông lớn hơn con số hiện tại, do một phần lợn chết và nội tạng đã bị cuốn trôi theo nước sông.

Lúc PV Dân Việt đến liên hệ nắm thông tin, ông Đặng Huỳnh Quốc- Chủ tịch UBND phường Phú Hậu cho biết ông chưa nắm vụ việc. Ông Quốc cho hay, lò mổ Bãi Dâu thuộc quản lý của Công ty Cổ phần phát triển Thủy sản Huế. Từ thông tin PV cung cấp, ông Quốc gọi điện chỉ đạo cán bộ cấp dưới đến hiện trường làm rõ.

PV Dân Việt đã liên hệ qua điện thoại với ông Hồ Đức Bình- người được Công ty Cổ phần phát triển thủy sản Huế giao quản lý lò mổ Bãi Dâu. Lúc đầu, khi PV liên hệ, ông Bình khẳng định không có chuyện lợn chết và nội tạng động vật xuất hiện trên sông đoạn gần sau lò mổ. Tuy nhiên, sau đó, ông Bình gọi điện cho PV thừa nhận số lợn chết có nguồn gốc từ lò mổ Bãi Dâu.

Ông Bình cho rằng, số lợn chết nổi ven sông Hương đoạn gần sau lò mổ là những con lợn chết từng được tiêu hủy. Ông Bình nói, sau khi đơn vị của ông đào hố chôn những con lợn chết này trong khuôn viên lò mổ, mưa lũ đã khiến xác lợn bị trồi lên và trôi ra sông Hương. (danviet.vn 19/11)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Thừa Thiên Huế: Điều tra làm rõ vụ một phụ nữ bị lột đồ, hành hung man rợ

Những ngày qua, một đoạn video clip dài gần 3 phút được người sử dụng mạng xã hội tại Thừa Thiên Huế lan truyền, gây ra nhiều làn sóng phẫn nộ. Trong đoạn video, một người phụ nữ khoảng hơn 30 tuổi bị một nhóm người lột hết áo quần và hành hung man rợ, quay phim làm nhục, nghi đánh ghen tập thể.

Trong video clip, nạn nhân trong tình trạng bị lột hết áo quần và bị một người phụ nữ thân hình vạm vỡ hơn đè chặt xuống mặt đường bê tông; còn người khác giật tóc, cầm vật giống chiếc dép đánh liên tiếp vào vùng nhạy cảm của nạn nhân.

Dù nạn nhân cố giãy dụa, van xin nhưng nhóm người kia vẫn không buông tha mà tiếp tục xịt nước, dùng tay đánh liên tiếp vào vùng mặt người phụ nữ tội nghiệp.

Trong đoạn video được ghi lại, có cả tiếng một người đàn ông. Những người trong nhóm hành hung cho rằng nạn nhân đã đi phá vỡ hạnh phúc của gia đình người khác. Những người này không chỉ đánh đập mà còn liên tục chửi mắng, chì chiết và đe doạ, bắt cô gái cam kết không được về làng của họ.

Sau khi xem đoạn video, nhiều người đã lên mạng xã hội kêu gọi không nên tiếp tục chia sẻ và thể hiện sự bức xúc trước lối hành xử côn đồ, vi phạm pháp luật của nhóm người kia, đồng thời kêu gọi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ.

Theo những âm thanh trong đoạn video clip, vụ việc được cho là xảy ra tại một địa bàn thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đến chiều 19/11, trao đổi với cơ quan báo chí, lãnh đạo Công an thị xã Hương Trà xác nhận đang thụ lý điều tra vụ việc một người phụ nữ bị hành hung tập thể xảy ra trên địa bàn. Lãnh đạo Công an thị xã Hương Trà nói rằng họ đã thu thập các tài liệu, chứng cứ, tạm giữ phương tiện, máy móc (điện thoại) liên quan, mời các đối tượng đến làm việc để phục vụ công tác điều tra.

Lực lượng chức năng cũng đang làm rõ người phát tán đoạn clip này trên mạng xã hội. (baodansinh.vn 20/11; nguoiduatin.vn 20/11; vietnamnet.vn 20/11; doisongphapluat.com 19/11; toquoc.vn 19/11)

 
 
 

2.  Lập lại trật tự đô thị chợ An Cựu, TP Huế

Sáng ngày 19-11, lực lượng chức năng đã tổ chức ra quân, tuyên truyền cho các hộ dân buôn bán ở khu vực chợ An Cựu, thành phố Huế nhằm lập lại trật tự đô thị nơi đây. (tv.plo.vn 19/11)

 
 
 

3.  Huế: Nhiều đối tượng dương tính với ma túy tại quán karaoke

Ngày 19.11.2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Huế cho biết qua kiểm tra tại cơ sở Karaoke Ising, địa chỉ tại đường Lê Thánh Tôn (phường Thuận Thành, thành phố Huế) phát hiện 9/14 đối tượng dương tính với chất ma túy. (laodong.vn 19/11 - video)

 
 
 

4.  Bắt đối tượng cướp giật tài sản từng 'cõng' 4 tiền án

Ngày 19/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết, đơn vị đã bắt giữ đối tượng Trần Đức Nhật Anh (27 tuổi, trú tại phường Phú Hiệp, thành phố Huế) về hành vi cướp giật tài sản trên địa bàn.

Theo đó, do thiếu tiền tiêu xài, khoảng 12h30 ngày 13/11, Trần Đức Nhật Anh điều khiển xe mô tô mang biển kiểm soát: 75F9-9411 lưu thông trên các tuyến đường ở thành phố Huế.

Khi đến đoạn đường Nguyễn Huệ, đối tượng Nhật Anh phát hiện chị Nguyễn Thị K.T. (18 tuổi, trú tại thành phố Huế) đang đi trên xe đạp trên tay có cầm điện thoại OPPO A5S màu xanh nên Anh đã giả vờ mượn điện thoại để gọi cho người thân.

Khi đã mượn được điện thoại, lợi dụng sơ hở của nạn nhân, đối tượng Nhật Anh nhanh chóng điều khiển xe máy tẩu thoát.

Cũng với thủ đoạn tương tự, khoảng 16h00 cùng ngày, Anh đã cướp giật 1 điện thoại Iphone 6S của chị Trần Thị B.N. (18 tuổi, trú tại thành phố Huế).

Sau khi trộm được những tài sản trên, Nhật Anh đã đem bán với số tiền hơn 2,1 triệu đồng để tiêu xài cá nhân.

Nhận được tin báo, Cơ quan Công an thành phố Huế đã nhanh chóng vào cuộc điều tra truy xét và bắt giữ được đối tượng Trần Đức Nhật Anh.

Tại cơ quan Công an, Anh đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Được biết, đối tượng Nhật Anh đã có 4 tiền án về tội trộm cắp tài sản, lạm dụng chiếm đoạt tài sản. (daidoanket.vn 19/11)

 
 
 

5.  Vụ đánh ghen kinh hoàng ở Huế: Những người lột đồ, đánh hội đồng cô gái có thể đối diện hình phạt nào?

- Theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), con người luôn được pháp luật bảo vệ dù nạn nhân bị đánh có đúng là “tiểu tam” hay không. Đánh người, lột đồ và làm nhục người khác là hành vi trái pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tối 18/11, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại sự việc một cô gái trẻ bị lột đồ, đánh hội đồng hết sức dã man tại TP Huế. Theo nội dung đoạn clip, cô gái trẻ bị lột sạch quần áo, trên người chỉ còn đồ nội y xộc xệch.

Nạn nhân bị một nhóm 4 người phụ nữ túm tóc, giữ chặt chân tay dưới đất để 1 gã đàn ông ra sức đánh, tát rất mạnh vào đầu và mặt. Thậm chí, gã đàn ông này còn dùng 1 vật lạ (được cho là giày dép) đánh vào vùng kín của cô gái khiến nạn nhân đau đớn, khóc lóc.

Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo công an thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết qua quá trình xác minh, làm rõ vụ việc, cơ quan CSĐT nhận định vụ việc có dấu hiệu của tội "làm nhục người khác" nên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Trao đổi với chúng tôi liên quan đến vụ đánh ghen trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hành vi đánh ghen và đăng tải clip trên mạng xã hội hiện nay là khá phổ biển.

"Sức khỏe, danh dự nhân phẩm của con người luôn được pháp luật tôn trọng, bảo vệ dù nạn nhân có đúng là "tiểu tam" hay không. Đó là hành vi trái pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ.

Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, hành vi cố gắng lột đồ nạn nhân rồi quay clip của những người trong đoạn video nói trên có thể cấu thành tội "Làm nhục người khác". Hành vi này không chỉ đáng lên án mà còn bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về "Tội làm nhục người khác" quy định hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có mức phạt tù lên tới 2 năm với tình tiết định khung tăng nặng là "sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội".

Ngoài ra, nhóm đối tượng đánh ghen có hành vi gây thương tích cho cô gái như trong đoạn video clip có thể bị xử lý về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác".

Với tội danh này, mức xử phạt tùy thuộc vào thương tích và các tình tiết định khung theo Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, mức hình phạt cao nhất lên đến 03 năm tù giam.

Trao đổi thêm, Luật sư Tiền cho rằng, cơ quan chức năng cần xử lý nhanh chóng, nghiêm khắc đối với hành vi kể trên để tạo sức răn đe trước tình trạng đánh ghen, quay clip diễn ra liên tục trong thời gian gần đây.

Hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của những người có liên quan mà còn tạo dư luận xấu trong xã hội. Để hạn chế điều này, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức trong việc tuân thủ pháp luật, chỉ được ứng xử trong phạm vi pháp luật không cấm, tránh phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi cho mình và lên án những hành vi trái pháp luật tương tự. (toquoc.vn 20/11)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Quản lý rừng cộng đồng bền vững

Xây dựng quy ước, phương án quản lý rừng bền vững là một trong những biện pháp bảo vệ rừng hiệu quả trước thực trạng chặt phá, lấn chiếm rừng trái phép.

Nhìn từ A Tin

Ông Hồ Đức Kiệu, Trưởng Ban Quản lý Rừng cộng đồng (RCĐ) thôn A Tin, xã Thượng Nhật (Nam Đông) lo lắng trước nạn chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Đây chính là nguyên nhân mất dần tài nguyên rừng tự nhiên quý giá với vai trò quan trọng bảo vệ môi trường sống cho muôn loài.

Thôn A Tin có 103 hộ với 404 nhân khẩu, có đến 98,87% đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Chăn nuôi, trồng trọt không đủ sống, người dân phải lấn chiếm rừng, vào rừng đốn cây lấy củi bán, săn bắt động vật hoang dã.

Một thời gian dài hầu như người dân “đứng ngoài cuộc”, mặc cho nạn phá rừng hiển hiện ngay trước mắt họ. Năm 2013, huyện Nam Đông giao cho cộng đồng thôn A Tin quản lý, bảo vệ gần 286ha rừng tự nhiên, tại khoảnh 6 và 7 thuộc tiểu khu 423 với ba loại rừng giàu, trung bình và nghèo. Công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) từ đó từng bước được người dân quan tâm.

Phát huy hiệu quả BVR từ cộng đồng, cách đây một năm, thôn A Tin tiên phong, tự nguyện đăng ký mô hình điểm (toàn tỉnh) về xây dựng phương án QLR bền vững và quy ước QLBVR. Đây cũng là chủ trương của tỉnh trong QLBVR, phát triển rừng bền vững.

Từ các cuộc họp dân, thông tin tuyên truyền vai trò của rừng đối với sự sống con người, cộng đồng thôn A Tin từng bước ý thức, nâng cao trách nhiệm trong QLBVR. Nhiều hộ tự nguyện bỏ nghề khai thác lâm sản trái phép, chuyển sang chăn nuôi, trồng trọt, nuôi cá...

Quy ước bảo vệ RCĐ thôn A Tin nêu rõ, người dân có trách nhiệm quản lý, giám sát lẫn nhau, khi phát hiện các đối tượng trong thôn và lâm tặc chặt phá rừng phải báo lên thôn, xã, ngành kiểm lâm.

Tùy theo mức độ vi phạm của các đối tượng làm tổn hại đến rừng tự nhiên, thôn có hình phạt thích đáng theo quy ước của cộng đồng và báo lên các cấp có biện pháp xử lý.

Những người khỏe mạnh của thôn có nhiệm vụ tuần tra, phối hợp và tư vấn cho các dự án, cơ quan chức năng BVR phục hồi, các loài cây tái sinh quý như kiền kiền, lim, chò, gõ…; các loài cây lâm sản ngoài gỗ mà người dân đang thu hoạch.

Các già làng có uy tín, người có kinh nghiệm có trách nhiệm giới thiệu các cây dược liệu quý làm thuốc chữa bệnh; những nơi được cộng đồng chọn rừng thiêng, rừng tâm linh của đồng bào, các điểm nóng có nguy cơ chặt phá, lấn chiếm rừng…; từ đó, đề xuất cấp trên có biện pháp QLBVR phù hợp.

Cộng đồng thôn A Tin cũng như nhiều cộng đồng trên địa bàn huyện Nam Đông được hỗ trợ mô hình trồng mây nước dưới tán rừng tự nhiên và một số cây lâm sản ngoài gỗ. Từ nguồn thu nhập mỗi tháng 4-5 triệu đồng/hộ từ thu hoạch mây nước, từng bước ổn định cuộc sống, người dân bỏ hẳn tập quán sinh sống dựa vào rừng, ý thức cao hơn trong QLBVR.

Trồng hơn 100 ha cây lâm sản ngoài gỗ

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, ông Lê Thanh Hồ thông tin, qua 4 năm thực hiện chủ trương của tỉnh, Nam Đông đã giao hơn 6,5 ngàn ha rừng tự nhiên cho 30 cộng đồng, 30 nhóm hộ và 81 hộ cá nhân QLBVR. Phần lớn diện tích rừng tự nhiên được giao cho cộng đồng, nhóm hộ, cá nhân chủ yếu là người dân tộc Cơ Tu sinh sống cạnh rừng, ven rừng.

Người dân gắn bó với rừng qua bao thế hệ, rừng được xem một phần quan trọng trong đời sống nên ý thức, trách nhiệm BVR ngày càng cao. Chính sách giao đất, giao rừng thật sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, nông thôn; huy động nguồn lực, nhân lực của cộng đồng dân cư, các tổ chức đoàn thể, cơ quan Nhà nước… phối hợp tham gia QLBVR một cách hiệu quả.

Trên địa bàn Nam Đông có 4 cộng đồng được hỗ trợ sinh kế từ dự án, mô hình trồng mây nước với diện tích gần 70ha; chủ yếu tập trung tại các xã Thượng Quảng, Thượng Lộ, Thượng Nhật. Các địa phương còn được hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động QLBVR từ các dự án, dịch vụ môi trường rừng. Từ đó phát huy hiệu quả, trách nhiệm QLBVR tự nhiên.

Theo ông Lê Thanh Hồ, sau một năm triển khai quy quy ước quản lý RCĐ, hầu hết các hộ bỏ hẳn nghề khai thác lâm sản tự nhiên. Số vụ vi phạm khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã tại khu rừng do các cộng đồng trên địa bàn huyện quản lý giảm đáng kể (giảm 5-6 vụ so với cùng kỳ năm trước). Đây không chỉ là biện pháp QLBVR hiệu quả mà còn tạo cơ hội cho rừng tự nhiên tái sinh, động vật hoang dã sinh sôi.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá, giao rừng cho cộng đồng QLBV kết hợp xây dựng quy ước, phương án quản quản lý bền vững là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả trong QLBVR, phát triển rừng bền vững. Sau một năm triển khai quy chế quản lý RCĐ trên địa bàn tỉnh, các dự án hỗ trợ trồng 107,8 ha cây lâm sản ngoài gỗ, gồm mây nước, ba kích tím, thiên niên kiện, tập trung ở các huyện Nam Đông, Phong Điền, A Lưới, TX. Hương Trà…(baothuathienhue.vn 20/11)

 
 
 

2.  TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM: Vốn ít, nhu cầu nhiều

Nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho chương trình tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay rất lớn của người lao động.

Bà đỡ

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế loại giỏi, sau một thời gian lăn lộn vẫn không thể tìm kiếm được công việc phù hợp với mức lương mong muốn, chị Trần Thị Phụng quyết định “treo bằng” và vay vốn làm “nông dân”. Số vốn 100 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thông qua tổ tiết kiệm vay vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hương Vân (TX. Hương Trà), tận dụng diện tích sân vườn, chị đầu tư phát triển mô hình nuôi gà lấy trứng.

 “Trong phát triển kinh tế nông thôn, vốn ưu đãi là quan trọng nhất nên khi tiếp cận được chương trình vay vốn này tôi thấy rất an tâm. Lãi suất vay không cao, lại có thể tiết kiệm hàng tháng để trả nên không mấy áp lực. Cán bộ tín dụng chính sách, hội phụ nữ cũng thường xuyên theo dõi quá trình chăn nuôi để khi gặp khó khăn có thể hỗ trợ ngay. Thậm chí, các đơn vị còn giới thiệu các điểm bán hàng để đưa trứng gà ra thị trường, nên kinh tế gia đình nhờ đó cũng ổn định”, chị Phụng cho hay.

Cũng từ nguồn vốn vay này, anh Nguyễn Văn Lam, xã Hương Phú, huyện Nam Đông có cơ hội đầu tư mở rộng xưởng sản xuất pallet gỗ (kệ kê hàng), rồi thành lập doanh nghiệp sản xuất pallet cung cấp sản phẩm cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.

Năm 2017, xưởng pallet của anh Lam chỉ có 1 máy cưa, cắt gỗ trong khi nhu cầu trên địa bàn khá lớn nên anh đăng ký vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện để mở rộng sản xuất. Với nguồn vốn vay ban đầu 50 triệu đồng, anh đầu tư thêm máy móc, nhờ đó, tăng khối lượng hàng hóa sản xuất, thị trường rộng mở, anh Lam có thêm nguồn vốn quay vòng. Trả hết gốc, lãi, anh tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng đầu tư 5 máy cưa, cắt gỗ. Quá trình sản xuất được tự động, thị trường lớn, mỗi năm đạt doanh thu trên 7 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với mức lương từ 4 -5 triệu đồng/tháng.

Số liệu từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho thấy, kế hoạch vốn tín dụng giải quyết việc làm năm 2020 đạt gần 39 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn NHCSXH huy động 22 tỷ đồng, nguồn vốn ủy thác địa phương gần 17 tỷ đồng. Đến cuối tháng 10/2020, tăng trưởng tín dụng của chương trình này thực hiện đạt trên 98% so với kế hoạch, với dư nợ trên 209 tỷ đồng và hơn 6.000 hộ còn dư nợ.

Thiếu vốn

Là một trong những chương trình tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, từ nguồn vốn này mỗi năm trên địa bàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên một nghìn lao động với thu nhập ổn định.

Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH TX. Hương Trà- Trương Công Huy, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đến nay vẫn còn khá hạn chế, chưa đáp ứng được cầu.

 “Không phải hộ nào có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm đều có thể vay được ngay, vì nguồn cho vay thường rất hạn chế, trong khi số hộ có nhu cầu vay vốn lại đông. Do đó các tổ tiết kiệm vay vốn phải cho các hộ đăng ký trước, khi nào NHCSXH thông báo kế hoạch phân bổ vốn vay cho từng chương trình thì các tổ mới tiến hành bình xét, chọn lựa theo thứ tự ưu tiên. Nhiều hộ phải chờ đợi một vài tháng mới có thể vay vốn”.

Ông Huy dẫn chứng, năm 2020, trên địa bàn TX. Hương Trà được NHCSXH tỉnh bổ sung 4,5 tỷ đồng, UBND TX. Hương Trà bổ sung 700 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách thị xã để cho vay giải quyết việc làm. Trong khi nhu cầu vốn thực tế của các hộ vay trên địa bàn phải gấp đôi con số trên, vì thế rất khó cho người vay lẫn phòng giao dịch và các tổ khi thực hiện cho vay.

Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Văn Đức Thọ lý giải, nguồn vốn từ Trung ương chuyển về bổ sung cho vay giải quyết việc làm không nhiều. Nguồn vốn cho vay chủ yếu từ nguồn vốn NHCSXH Việt Nam huy động và nguồn vốn nhận ủy thác tại các địa phương chuyển sang để cho vay. Thực tế, nguồn vốn ủy thác của các địa phương rất thấp, trong khi có rất nhiều chương trình cho vay đang triển khai. Tỷ trọng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm trong tổng nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn thấp, chỉ chiếm 7,14% trên tổng dư nợ các chương trình cho vay của Chi nhánh NHCSXH tỉnh (tính đến 31/10). Do vậy, nguồn vốn này hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động, nhất là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp.

 “Trước mắt, để giải quyết vấn đề này, NHCSXH tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí vốn cho vay một cách hợp lý theo từng chương trình, theo từng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công bằng, phát huy hiệu quả sử dụng vốn. Tăng cường đôn đốc thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng từ nguồn vốn thu hồi, tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng chính sách. Về lâu dài, chúng tôi rất mong Trung ương, tỉnh và các huyện, thị xã, TP. Huế quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn vay, vốn ủy thác nhằm đáp ứng nhiều hơn nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn”, ông Thọ chia sẻ. (baothuathienhue.vn 19/11)

 
 
 

3.  Phong An: Đẩy nhanh phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường

Ngày 4/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã ban hành Quyết định số 891/QĐ-UBND công nhận xã Phong An (Phong Điền) đạt tiêu chí đô thị loại V. Đó là điều kiện, tiền đề quan trọng để Phong An vững bước trên con đường xây dựng lên phường.

Chung sức, đồng lòng

Bồ Điền (Phong An) là một trong những thôn đi đầu trong công tác hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng đường giao thông nông thôn.

Ông Phan Hải Phong, Trưởng thôn Bồ Điền cho biết, những năm qua, người dân đã hiến gần 9.000m2 đất và tài sản trên đất như cây cối, tường rào… với tổng kinh phí khoảng hơn 2,3 tỷ đồng để mở rộng đường giao thông nông thôn lên 6,5m. Điển hình trong phong trào này có gia đình bà Phan Thị Gái hiến hơn 100m2 đất và 80m tường rào cứng; ông Đỗ Ngôn hiến 60m2 đất và 50m tường rào cứng… Người dân cũng đóng góp kinh phí khoảng gần 600 triệu đồng để thắp sáng 100% đường làng quê...

Hiện nay, thôn đang tiếp tục vận động bà con mở rộng thêm 4 tuyến đường còn lại với chiều dài 2.100m từ 3m lên 6,5m. Phấn đấu hoàn thành trong thời gian tới để cùng với Đảng ủy, UBND xã xây dựng Phong An lên phường”, ông Phong nói.

Cũng như thôn Bồ Điền, thôn Thượng An 1 tích cực vận động Nhân dân hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng đường lên 6,5m; vận động người dân lắp đặt điện chiếu sáng tại 100% tuyến đường làng quê. Các hộ dân sống dọc Tỉnh lộ 11B phát triển mạnh các loại hình dịch vụ như: ăn uống, gò hàn, vật liệu xây dựng… Về nông nghiệp, người dân tích cực cải tạo vườn tạp; chuyển đổi một số diện tích nông nghiệp kém hiệu quả sang một số cây trồng mang lại giá trị cao như: cây dược liệu, sen kết hợp nuôi cá, nuôi cá lồng trên sông Bồ, phát triển rau hữu cơ…

Nhiệm kỳ 2015-2020, Phong An có 14/16 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XII đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, ổn định tỷ trọng nông nghiệp. Riêng lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn tiếp tục có chiều hướng phát triển với 82 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, tăng 182% so với nhiệm kỳ trước… Tổng thu ngân sách 5 năm qua đạt gần 90 tỷ đồng; tổng đầu tư toàn xã hội đạt gần 219 tỷ đồng. Trong đó, xã đã đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế trên 33 tỷ đồng, góp phần từng bước chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt khang trang dọc các tuyến giao thông liên xã, giao thông nông thôn và khu vực ngã tư An Lỗ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 43,3 triệu đồng…

Phấn đấu lên phường

Mục tiêu trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Phong An trong nhiệm kỳ 2020-2025 là xây dựng xã trở thành phường. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra 4 chương trình, đề án trọng điểm, đó là: Chương trình xây dựng và phát triển đô thị; cải cách hành chính gắn với phát triển nguồn nhân lực; phát triển thương mại dịch vụ và dự án chỉnh trang khu trung tâm xã.

Ông Trần Công Phước, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong An cho biết, đến nay, xã đã hoàn thành quy hoạch khu trung tâm đô thị mới Phong An, khu dân cư dọc đường tránh chợ An Lỗ, khu đất ở thôn Bồ Điền, khu dịch vụ Thượng An 2 (giai đoạn 2). Đồng thời, chỉnh trang và đưa vào sử dụng khu thương mại dịch vụ An Lỗ (phía Phong An), chỉnh trang khu dân cư xóm Điện, thôn Bồ Điền...

Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Phong An khẳng định: Phong An đã và đang tập trung quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh phát triển đô thị gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. Xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thương mại, dịch vụ và nông nghiệp; thực hiện tốt công tác chính sách bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, hướng đến xây dựng xã Phong An trở thành phường, góp phần xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã trước năm 2025. (baothuathienhue.vn 19/11)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.643.576
Truy cập hiện tại 957