Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 14/11/2020
Ngày cập nhật 17/11/2020
TIN NÓNG
 

1.  Củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm chủ đập thuỷ điện không thực hiện biện pháp ứng phó khẩn cấp bão số 13

Một công trình thuỷ điện tại Thừa Thiên - Huế chưa được phép tích nước nhưng đã bất tuân lệnh ngay trong thời điểm cơn bão số 13 đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải cưỡng chế thuỷ điện này mở hoàn toàn 5 cửa van để đảm bảo an toàn phòng, chống bão, lũ.

Trưa 14/11, đại diện Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh này đã chỉ đạo xử lý nghiêm chủ đập thuỷ điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) theo đúng quy định; đồng thời giao các cơ quan liên quan cũng cố hồ sơ, xử lý sau bão số 13.

Để chủ động ứng phó với bão số 13, mưa lớn diện rộng, lũ quét, sạt lở đất và nhằm đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng của nhân dân khu vực công trình và hạ du nhà máy thủy điện Thượng Nhật, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam (Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật) vận hành mở 5 cửa van của nhà máy thủy điện Thượng Nhật về trạng thái mở hoàn toàn để đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du.

Giao Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo Công an huyện Nam Đông và Công an xã Thượng Nhật giám sát 24/24 giờ việc chấp hành mở hoàn toàn 5 cửa van nhà máy thủy điện Thượng Nhật.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung ngưng mua điện của nhà máy thủy điện Thượng Nhật cho đến khi nhà máy tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý an toàn đập.

Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật phải có phương án đảm bảo an toàn tính mạng con người, tài sản của nhà máy.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao Sở Công Thương, UBND huyện Nam Đông theo dõi việc chấp hành nội dung Công điện ngày 14/11 của Chủ tịch tỉnh về tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 13, kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, chính quyền tỉnh đã phải triển khai biện pháp cưỡng chế Thủy điện Thượng Nhật, buộc chủ đập mở 5 cửa van để ứng phó với bão số 13.

Trước đó, ngày 12/11, Chỉ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Công điện về việc triển khai ứng phó với cơn bão số 13.

Nội dung công điện yêu cầu các công trình thuỷ điện đang thi công dở dang, công trình chưa được phép tích nước, các công trình không đảm bảo điều kiện vận hành an toàn không được vận hành phát điện, duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn; giao sở Công thương kiểm tra các công trình thủy điện đang thi công thực hiện các nội dung phương án đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Cương quyết xử lý các chủ đập không thực hiện đúng pháp luật về Phòng chống thiên tai.

Công trình Thủy điện Thượng Nhật do Công ty Cổ phần đầu tư Thuỷ điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11MW, hiện chưa được các cơ quan chức năng cấp phép để tích nước.

Dù chưa được phép tích nước và đã được yêu cầu duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn để ứng phó cơn bão số 13, nhưng chủ đập thuỷ điện Thượng Nhật đã không chấp hành. Theo đó, vào sáng 13/11, lực lượng Công an xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) phát hiện hồ thủy điện này đang tích nước ở cao trình 115m. Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND huyện Nam Đông đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời đối với chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật.

Điều đáng nói, thuỷ điện Thượng Nhật cùng từng bị Sở Công thương Thừa Thiên - Huế "tuýt còi" do vi phạm quy định ứng phó cơn bão số 9 hồi tháng 10 vừa qua. Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung, đề nghị không mua điện đối với Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, cho đến khi được UBND tỉnh cho phép tích nước.

Không những thế, dự án nhà máy thuỷ điện Thượng Nhật cũng từng gây phẫn nộ dư luận vì tốc độ xây dựng siêu "rùa bò"; đồng thời chậm thanh toán tiền đền bù mặt bằng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương. (baodansinh.vn 14/11)

 
 
 

2.  Thừa Thiên-Huế: Bờ biển thôn Hải Đông bị xâm thực nghiêm trọng

Đoạn bờ biển xâm thực nặng dài khoảng 300 m, ăn sâu vào đất liền khoảng 40 m, uy hiếp tài sản và tính mạng người dân trong vùng.       

Ngày 13/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 13, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, địa phương yêu cầu người dân không ra khỏi nhà dự kiến bắt đầu từ 18h hôm nay, ngày 14/11, cho đến khi có thông báo mới; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi gió lớn xảy ra (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, âu thuyền, bến neo đậu, các lồng bè nuôi trồng thủy sản; tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng kể từ 15h ngày 14/11.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch di dời tập trung và tại chỗ 19.671 hộ dân, với 65.890 nhân khẩu, đến nơi tránh trú an toàn, hoàn thành trước 10h ngày 14/11.

Cũng trong ngày 13/11, Đồn Biên phòng 216 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cử 20 cán bộ chiến sĩ khẩn cấp phối hợp cùng các lực lượng và người dân địa phương tiến hành gia cố bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng tại thôn Hải Đông, xã Phong Hải, huyện Phong Điền.

Đoạn bờ biển xâm thực nặng dài khoảng 300 m, ăn sâu vào đất liền khoảng 40m, uy hiếp tài sản và tính mạng người dân trong vùng. (daidoanket.vn 14/11; sggp.org.vn 13/11)

 
 
 

3.  Thừa Thiên Huế: Xử lý kịp thời vi phạm trong điều hành thủy điện

Trước thông tin Thủy điện Thượng Nhật tiếp tục tích nước trái phép, không chấp hành công điện khẩn chống bão số 13 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo tỉnh này đã xử lý kịp thời, kiên quyết, thể hiện trách nhiệm của địa phương đồng hành với Bộ Công Thương trong công tác phối hợp điều hành thuỷ điện.

Dự án thủy điện Thượng Nhật do Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án đang thi công xây dựng, chưa được phép tích nước vận hành. Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Thượng Nhật được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 2807/QĐ-UBND ngày 01/11/2019.

Theo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, chủ đầu tư đang thực hiện các điều kiện để xin được tích nước vận hành theo quy định. Cụ thể, ngày 16/10/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành văn bản về xử lý việc tích nước và các nội dung tồn tại của công trình Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam triển khai thực hiện đối với việc tích nước hồ chứa thuỷ điện Thượng Nhật: 05 cửa van đập tràn thủy điện Thượng Nhật về trạng thái mở hoàn toàn để lượng nước đến hồ bằng lượng nước qua tràn về hạ du. Việc vận hành cửa van đập tràn để tích nước chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của UBND tỉnh.

Ngày 20/10, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Văn bản về khắc phục hậu quả mưa lũ đặc biệt lớn triển khai ứng phó với mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất chỉ đạo dự án thuỷ điện Thượng Nhật tiếp tục thực hiện vận hành mở tất cả các cửa van đập tràn ở trạng thái mở hoàn toàn và ngày 27/10 Sở Công Thương đã ban hành Văn bản gửi Tổng Công ty điện lực Miền Trung đề nghị chưa mua điện của công trình thủy điện Thượng Nhật cho đến khi được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý cho tích nước vận hành.

Ngày 12/11, ứng phó với bão số 13, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Công điện số 22/CĐ chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn, theo đó chỉ đạo các công trình thủy điện chưa được phép tích nước phải duy trì các cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn.

Ngày 13/11, theo báo cáo của chính quyền địa phương về việc thủy điện Thượng Nhật không thực hiện chỉ đạo của tỉnh về ứng phó với bão số 13, UBND tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các chỉ đạo của tỉnh và chủ đầu tư đã nâng hoàn toàn 05 cửa van duy trì ở trạng thái mở hoàn toàn.

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - sau khi tiếp cận thông tin, tỉnh đã chỉ đạo cử lực lượng công an đến Thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) lập biên bản xử lý hành vi tích nước trái phép, không chấp hành công điện khẩn chống bão số 13 của UBND tỉnh.

“Nếu cần chúng tôi sẽ cho cưỡng chế việc mở 5 cửa xả nước ở thủy điện này" - ông Phương chia sẻ.

Hiện nay, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục chỉ đạo, giám sát chủ đầu tư trong việc khắc phục thực hiện các tồn tại dể đảm bảo điều kiện xin tích nước vận hành theo quy định và thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về ứng phó với bão số 13 đảm bảo an toàn cho công trình.

Sáng ngày 14/11/2020, tại Công điện số 23/CĐ-UBND về việc an toàn công trình và an toàn hạ du Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Thượng Nhật) vận hành mở 05 cửa van của nhà máy thủy điện Thượng Nhật về trạng thái mở hoàn toàn để đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du. Giám đốc công an tỉnh chỉ đạo công an huyện Nam Đông và công an xã Thượng Nhật giám sát 24/24 giờ việc chấp hành mở hoàn toàn 05 cửa van nhà máy thủy điện Thượng Nhật.

Bên cạnh đó, Công điện này cũng đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Trung ngừng mua điện nhà máy thủy điện Thượng Nhật cho đến khi nhà máy tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý an toàn đập. Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật phải có phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà máy. Sở Công Thương, UBND huyện Nam Đông theo dõi việc chấp hành nội dung của công điện này, kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.

Theo đánh giá của ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, trong các đợt lũ vừa qua, chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi chấp hành tốt quy định điều tiết lũ của tỉnh. Từ đầu năm, các chủ công trình đều xây dựng các phương án bảo vệ an toàn hồ đập, kiểm tra địa hình, địa chất nhằm có biện pháp xử lý, ứng phó đảm bảo an toàn công trình, hạ du trong mùa bão, lũ. Các phương án bảo vệ công trình đã trình các cấp, ban ngành phê duyệt.

Thực tế cho thấy, trong các đợt lũ lớn lịch sử vừa qua, các hạng mục trên công trình thủy điện lớn như Hương Điền, Bình Điền, Tả Trạch, A Lưới… vẫn đảm bảo an toàn. Trong những ngày xảy ra mưa lũ lớn, lãnh đạo tỉnh phân công, thường xuyên theo dõi diễn biến mưa lũ, mực nước và quy trình vận hành của các hồ thủy điện thông qua hệ thống camera tại Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Từ đó có sự điều hành, chỉ đạo vận hành điều tiết, xả lũ một cách hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình; đồng thời cảnh báo kịp thời đến các địa phương, ban ngành có phương án bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản nhân dân vùng hạ du. (congthuong.vn 14/11; baotintuc.vn 14/11)

 
 
 

4.  Cưỡng chế thủy điện Thượng Nhật: Giải mối nguy lớn

Thủy điện Thượng Nhật buộc phải xả 5 cửa van để đảm bảo công tác phòng chống bão lũ, giải quyết mối nguy lớn trước cơn bão số 13.

Sáng ngày 14/11/2020, trao đổi với Đất Việt, ông Dương Thanh Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, cơ quan chức năng đã thực hiện cưỡng chế, buộc nhà đầu tư thủy điện Thượng Nhật phải mở 5 cửa van xả nước theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trước tình hình cơn bão số 13 đang gây ảnh hưởng tới các tỉnh miền Trung.

"Phía nhà đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã chấp hành và không đưa ra lý do vì sao lại không làm theo chỉ đạo như công văn về ứng phó cơn bão số 13 mà UBND tỉnh ban hành" - ông Phước cho biết.

Đây là lần thứ 2 trong vòng gần 1 tháng qua thủy điện Thượng Nhật không chấp hành theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trước đó, vào cuối tháng 10/2020, thủy điện Thượng Nhật cũng tích nước khi cơn bão số 12 đang tiến vào các tỉnh miền Trung.

Trước tình hình liên tiếp vi phạm của thủy điện Thượng Nhật, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao cho UBND huyện Nam Đồng và chính quyền xã Thượng Nhật thường xuyên theo dõi quá trình hoạt động của thủy điện này và có báo cáo thường xuyên gửi tới UBND tỉnh.

Hiện tại, cơn bão số 13 đang có nguy cơ gây mưa lũ tại nhiều tỉnh miền Trung, trong đó có Thừa Thiên - Huế. Việc thủy điện Thượng Nhật cố tình tích nước đã gây ra mối nguy lớn, có thể dẫn tới lũ, sạt lở nếu như bão số 13 gây mưa lớn trên địa bàn huyện Nam Đông.

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trước diễn biến mới của bão số 13, địa phương đã thông báo khẩn đổi giờ 'giới nghiêm' cấm người dân ra đường từ 18 giờ lên 12 giờ ngày 14/11 vì bão số 13 đi nhanh hơn dự báo.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương sơ tán dân các khu vực ven biển, ven sông có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng... Việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 9 giờ ngày 14/11.

Đồng thời, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát công điện khẩn yêu cầu thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão, áp thấp nhiệt đới, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại cảng các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi; tạm dừng việc xử lý tràn dầu tàu JAKARTA mắc cạn, bị gãy tại bãi Chuối dưới chân đèo Hải Vân và trục vớt tàu Công Thành 27 bị chìm tại vùng biển xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc.

Tạm dừng việc tìm kiếm các nạn nhân tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, đảm bảo an toàn cho toàn bộ lực lượng, phương tiện cứu nạn khu vực này.

UBND các huyện thị xã và TP. Huế chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 13.

Khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp; cắt tỉa cây xanh; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh; đảm bảo an toàn hệ thống cần cẩu đang thi công; hệ thống thông tin liên lạc, các cột anten trên địa bàn.

Chú ý các điều kiện an toàn, phòng chống tai nạn thương tích khi gia cố nhà ở, các công trình.

Tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm: Các vùng ven biển, cửa sông, ven sông ven sông suối; thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông; khu vực đèo Phú Gia, huyện Phú Lộc, khu vực A Lưới;

Sông Thượng Nhật huyện Nam Đông; sông Tả Trạch đoạn qua xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy; sông Bồ đoạn qua xã Phong An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền; phường Hương Vân, phường Hương Văn thị xã Hương Trà;

Dọc các tuyến đường Quốc lộ 49 lên A Lưới, đường Hồ Chí Minh, đường tỉnh lộ 71 qua Phong Điền, đường tỉnh lộ 14 qua Nam Đông, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; khu vực ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.(baodatviet.vn 14/11; tapchicongthuong.vn 14/11)

 
 
 

5.  Vụ tích 'bom nước' lúc bão sắp đổ bộ: Buộc xả 5 cửa van, chỉ đạo công an giám sát

 Trong công điện khẩn gửi các cơ quan chức năng sáng 14/11, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật mở tất 5 cửa van xả nước hồ chứa, đồng thời, chỉ đạo Công an tỉnh cử lực lượng giám sát 24/24 giờ về việc chấp hành xả nước phòng lũ tại công trình này.

Sáng 14/11, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế phát công điện khẩn về việc đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du nhà máy thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, TT-Huế).

Theo đó, để chủ động ứng phó với bão số 13, mưa lớn diện rộng, lũ quét, sạt lở đất và nhằm đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng của nhân dân khu vực công trình và hạ du nhà máy thủy điện Thượng Nhật, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam (Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật) vận hành mở 5 cửa van của nhà máy thủy điện Thượng Nhật về trạng thái mở hoàn toàn để đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du.

Giao Giám đốc Công an tỉnh TT-Huế chỉ đạo Công an huyện Nam Đông và Công an xã Thượng Nhật giám sát 24/24 giờ việc chấp hành mở hoàn toàn 5 cửa van nhà máy thủy điện Thượng Nhật.

Đề nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Trung ngưng mua điện của nhà máy thủy điện Thượng Nhật cho đến khi nhà máy tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý an toàn đập.

Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật phải có phương án đảm bảo an toàn tính mạng con người, tài sản của nhà máy.

Giao Sở Công thương, UBND huyện Nam Đông theo dõi việc chấp hành nội dung Công điện ngày 14/11 của Chủ tịch tỉnh, kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.

Sáng 14/11, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế, chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã chấp hành mở hoàn toàn 5 cửa van xả nước hồ chứa về hạ du. Hoạt động này đã được kết nối hình ảnh, video trực tiếp về Ban chỉ huy để theo dõi, giám sát liên tục.

Trước đó, như tin đã đưa, nhà máy thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, TT-Huế) dù nhận được yêu cầu tuân thủ xả nước phòng lũ liên quan ứng phó cơn bão bão số 13 nhưng vẫn ngang nhiên tích nước ở cao trình 115 mét. Việc tích nước hồ chứa chưa từng được UBND tỉnh TT-Huế cho phép.

Trước hành vi tích nước trái phép và nguy hiểm này, UBND xã Thượng Nhật đã có văn bản đề nghị UBND huyện Nam Đông xử lý, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hoạt động của nhà máy thủy điện Thượng Nhật.

Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, cho biết, lãnh đạo đơn vị sau khi nhận báo cáo từ xã đã kiểm tra tình hình và có văn bản kiến nghị khẩn lên UBND tỉnh TT-Huế yêu cầu có biện pháp xử lý đối với chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật. (tienphong.vn 14/11; tapchicongthuong.vn 14/11)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Thừa Thiên - Huế thực hiện nghiêm túc các phương án phòng, chống bão số 13

Công tác ứng phó với bão số 13 đang được tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai tích cực, khẩn trương.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc các phương án phòng, chống bão, không được chủ quan, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai.

Hiện nay, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có mưa lớn, trên đất liền có gió mạnh dần lên. Để ứng phó với bão, toàn tỉnh tiến hành di dời hơn 19.000 hộ dân ở các vùng xung yếu nguy đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào neo đậu an toàn là 2.062 chiếc với 11.350 lao động; phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển hướng dẫn tránh trú, neo đậu tại bến.

Công an tỉnh đã chỉ đạo Cảnh sát Giao thông đường thủy hướng dẫn, neo đậu an toàn các tàu thuyền trên sông, đầm phá… UBND tỉnh cũng đã ban hành công điện khẩn yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 12 giờ ngày 14/11/2020 cho đến khi có thông báo mới. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại Học Huế, các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn trong ngày 14-15/11/2020.

Sáng 14/11, kiểm tra công tác di dời dân cư để phòng, chống bão số 13, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, các địa phương khẩn trương triển khai việc sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở, vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng, nhà không kiên cố; người dân phải chấp hành các khuyến cáo của chính quyền địa phương, chủ động sơ tán đến nơi an toàn. Lực lượng Công an phải bảo vệ tài sản người dân, bảo vệ an ninh trật tự để bà con yên tâm. Chính quyền địa phương bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó bão số 13, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng lực lượng, đơn vị có mặt tại địa bàn xung yếu. Các địa phương cần khẩn trương gia cố các khu vực sạt lở nguy hiểm, xung yếu, bảo vệ các cơ sở kinh tế ven biển, nhà cửa, tài sản của người dân.

Thời gian vừa qua, người dân tỉnh Thừa Thiên – Huế phải gồng mình gánh chịu thiệt hại nặng nề khi bão chồng bão, lũ chồng lũ. Hiện tại nhiều vùng trũng của tỉnh như huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà nước vẫn còn ngập, nhiều khu dân cư bị chia cắt. Cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn nay lại càng chật vật hơn.

Tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền hiện có 800 hộ dân ở các thôn Sơn Tùng, Cao Ban, La Vần và Triều Dương bị ngập nặng hơn 1 tháng nay, giao thông bị chia cắt khiến đời sống người dân khó khăn. Ông Hoàng Viết Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết: Hiện nay, địa phương đã hoàn thành di dời 146 hộ với 345 khẩu ở vùng xung yếu đến các địa điểm kiên cố, an toàn. Bão số 13 là một cơn bão rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, vì vậy chính quyền địa phương đã xây dựng các phương án chủ động ứng phó. Ngoài việc tập trung di dời các hộ dân ở vùng xung yếu, thấp trũng, ven sông suối, ven biển, nguy cơ sạt lở đất lũ ống lũ quét, các địa phương triển khai việc hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân yên tâm tránh trú bão.

Tại xã ven biển Phú Thuận, huyện Phú Vang, trước diễn biến phức tạp của bão số 13, địa phương đã triển khai các phương án ứng phó đồng thời khẩn trương di dời người dân ở các nơi xung yếu đến nơi an toàn. Chính quyền xã cũng tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các hộ có nhà cao tầng phát huy tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ chia sẻ nơi ăn cho các hộ ở vùng thấp trũng, bị sạt lở.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, ứng phó với bão số 13, địa phương đã khẩn trương triển khai các phương án theo phương châm "4 tại chỗ", tuyên truyền hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà cửa nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản. Đến thời điểm này, địa phương đã cơ bản hoàn tất việc di dời 114  hộ với 463 nhân khẩu trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng đến nơi an toàn. Các lực lượng chức năng đã chuẩn bị sẵn sàng lương thực, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết khác cho người dân trong suốt thời gian tránh bão. (baotintuc,vn 14/11)

 
 
 

2.  Huế xin thí điểm mô hình đô thị trực thuộc Trung ương

Thừa Thiên - Huế xin để lại 100% phí tham quan di tích, thí điểm mô hình đô thị trực thuộc Trung ương…

Trong văn bản vừa gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, UBND TP Huế xin nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa phương này.

Trong đó, đáng chú ý là chính sách cho phép tỉnh Thừa Thiên – Huế được để lại 100% phí tham quan di tích, sử dụng cho mục đích bảo tồn và trùng tu các giá trị di sản văn hóa.

Cạnh đó, được tiếp nhận ngân sách nhà nước, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân khi thành lập quỹ bảo tồn di sản Huế, để đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo và phục hồi di sản văn hóa Huế.

Ngoài ra, tỉnh này cũng xin thực hiện thí điểm mô hình đô thị Thừa Thiên - Huế trực thuộc Trung ương. Trong đó, bao gồm thành phố Huế mở rộng, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền và năm huyện. Song song đó, được áp dụng định mức phân bổ chi thường xuyên trong các thời kỳ ổn định ngân sách từ năm 2022 trở đi như các thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Đặc biệt, tỉnh này đề xuất thống nhất chủ trương cho phép bố trí tái định cư, hỗ trợ lãi suất mua và xây nhà, bán nhà ở xã hội đối với các hộ gia đình có nhu cầu tách thửa xây dựng nhà ở trong khu vực kinh thành Huế, thuộc đối tượng không được tách thửa theo quy định về cơ chế bảo vệ nhà vườn.

Bởi hiện khu vực kinh thành Huế (vùng lõi) có khoảng 80.000 người đang sinh sống, không kể một số lượng lớn du khách trong và ngoài nước thường xuyên có mặt hằng ngày. Những tác động tiêu cực do hoạt động của con người gây ra trong thời gian gần đây, xuất phát từ áp lực của sự phát triển du lịch… “Nếu có chính sách phù hợp, người dân sẽ di dời, hình thành không gian của phố cổ phục vụ hoạt động du lịch, dịch vụ…”- tỉnh này nhấn mạnh.

Thừa Thiên – Huế cũng đề nghị Chính phủ có chính sách ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án di dời khu vực I kinh thành giai đoạn 2 (khoảng 3.000 tỉ đồng) và trùng tu khẩn cấp các di sản đang xuống cấp nghiêm trọng...

Liên quan đến các đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông vừa có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ, trước khi trình lên Ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét quyết định. (plo.vn 14/11)

 
 
 

3.  Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 13 tại huyện Phú Vang và Phú Lộc

Trước diễn biến phức tạp của bão số 13, sáng 14/11, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh đã kịp thời đến động viên, chia sẻ khó khăn với người dân 2 huyện Phú Vang, Phú Lộc và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa bão.

Đến 10 giờ sáng cùng ngày, lãnh đạo chính quyền địa phương huyện Phú Vang đã chỉ đạo di dời 3.500 hộ, với 12.500 nhân khẩu đến tránh, trú bão tại các nhà cao tầng, trường học, nhà văn hóa thôn.

Loa truyền thanh xã và xe lưu động liên tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan với cơn bão số 13, với phương châm “4 tại chỗ”.

Tại các khu neo đậu tàu, thuyền của xã Phú Hải và Phú Thuận, nhiều tàu thuyền đã được “lệnh” tập kết, chằng buộc chắc chắn phòng gió to, nước lớn khi bão đến.

Trước đó, thực hiện kế hoạch triển khai công tác đối phó với cơn bão số 13 của huyện Phú Vang, UBND các xã, thị trấn ven biển phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, Hải đội 2, Đồn biên phòng Vinh Xuân sử dụng phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn liên lạc, đài trực canh của các đơn vị để kêu gọi tàu thuyền hoạt động đánh bắt trên biển về nơi trú ẩn, lưu ý các phương tiện đánh bắt  vùng ven bờ. Tổ chức sắp xếp neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn, kiên quyết ngăn chặn không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động. Chính quyền địa phương các cấp, các lực lượng trên địa bàn, tiếp tục túc trực 24/24 để ứng phó trong tình huống khẩn cấp.

Huyện Phú Lộc cũng đã và đang tích cực để ứng phó với bão số 13. Nhiều người dân có nhà tạm bợ đều được chính quyền địa phương di dời đến tạm tránh, trú bão tại các nhà cao tầng kiên cố và nhà văn hóa thôn.

Thôn Hiền An 2, xã Vinh Hiền là địa bàn thấp trũng, lại sát biển, nên việc di dời người dân đã được chính quyền địa phương triển khai rất sớm. 217 hộ dân ở gần biển đều được di dời về ở tạm tại các nhà văn hóa thôn để tránh, trú bão.

Qua thực tế tại các điểm đến, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đánh giá cao tinh thần chủ động của các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là tinh thần tự giác của người dân rất cao trong việc phòng, tránh bão.

Ngoài chia sẻ những khó khăn với người dân, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhắc nhở người dân cần nghiêm túc tuân thủ theo những quy định của chính quyền địa phương. Người dân tuyệt đối không được tự ý bỏ về nhà khi bão đến.

Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo chính quyền địa phương 2 huyện Phú Vang và Phú Lộc cần hỗ trợ thêm thức ăn, nước uống cho người dân trong suốt quá trình tránh, trú bão tại các nhà văn hóa thôn, trường học trên địa bàn.

Với những chủ tàu, thuyền sau khi neo đậu chắc chắn cần nhanh chóng lên bờ để tránh, trú bão, không được bất cứ ai ở lại trên tàu, thuyền khi bão đến, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu lưu ý: “Sau bão, cấp ủy, chính quyền địa phương cần kịp thời chia sẻ những khó khăn với người dân, nhất quyết không để ai bị đói, rét trong mưa bão”.   (baothuathienhue.vn 14/11)

 
 
 

4.  Huế cấm người dân ra khỏi nhà, ngưng tìm kiếm ở Rào Trăng 3 để tránh bão số 13

Thừa Thiên - Huế cấm người dân không ra khỏi nhà từ 18h ngày 14/11 và lực lượng cứu hộ tạm dừng tìm kiếm ở Thuỷ điện Rào Trăng 3 để tránh bão số 13.

Chiều 13/11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có công điện hỏa tốc về việc ứng phó với với bão số 13 trong đó có nội dung yêu cầu người dân không ra khỏi nhà dự kiến từ 18h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo lại.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi có gió lớn, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt. Các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh việc cấm ra đường cho phù hợp.

Để ứng phó với bão số 13, Thừa Thiên - Huế xây dựng kế hoạch di dời tập trung và tại chỗ 19.671 hộ dân, với 65.890 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn và sẽ hoàn thành di dân trước 10h00 ngày 14/11.

Các địa phương kiểm tra, rà soát việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, âu thuyền bến neo đậu… tuyệt đối không được để người ở lại trên các lòng bè, chòi canh, trên tàu, các lán trại công trình đang xây dựng từ 15h ngày 15/11. Các đơn vị được yêu cầu hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 13.

Trước đó, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế  cũng có công điện về việc triển khai ứng phó với cơn bão số 13.

Theo đó, do ảnh hưởng của bão số 13 nên từ chiều 14 -16/11 có mưa to đến rất to, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, biển động mạnh. Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng đạt báo động 2 đến báo động 3, biển động dữ dội. Thời tiết trong những ngày đến còn diễn biến phức tạp và có khả năng mưa kéo dài đến ngày 17/11.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 13, mưa lớn diện rộng, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân, nhà nước, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế  yêu cầu địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 13; lực lượng cứu hộ tạm ngừng tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở ở thuỷ điện Rào Trăng 3 vùi lấp 17 công nhân xảy ra rạng sáng 12/10.

Khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp; cắt tỉa cây xanh; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh; đảm bảo an toàn hệ thống cần cẩu đang thi công; hệ thống thông tin liên lạc, các cột anten trên địa bàn. Chú ý các điều kiện an toàn, phòng chống tai nạn thương tích khi gia cố nhà ở, các công trình

Tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm: Các vùng ven biển, cửa sông, ven sông ven sông suối; thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông; khu vực đèo Phú Gia, huyện Phú Lộc, khu vực A Lưới; sông Thượng Nhật huyện Nam Đông; sông Tả Trạch đoạn qua xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy; sông Bồ đoạn qua xã Phong An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền; phường Hương Vân, phường Hương Văn thị xã Hương Trà; dọc các tuyến đường Quốc lộ 49 lên A Lưới, đường Hồ Chí Minh, đường tỉnh lộ 71 qua Phong Điền, đường tỉnh lộ 14 qua Nam Đông, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; khu vực ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.

Chỉ đạo các phòng ban chức năng, các địa phương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn. (vtc.vn 13/11)

 
 
 

5.  HĐND tỉnh TT- Huế khóa VII khai mạc kỳ họp chuyên đề lần thứ 12

- Sáng 13-11, Thường trực HĐND tỉnh TT- Huế tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 12, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 để xem xét, quyết định các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 2020.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh TT- Huế sẽ xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng: tập trung thảo luận và quyết định 55 nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư công; tài chính ngân sách; tài nguyên môi trường; phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giao UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn và một số nội dung quan trọng khác...

Cùng với đó, HĐND tỉnh TT- Huế sẽ lấy ý kiến về miễn nhiệm đại biểu HĐND, miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh và 2 Ủy viên UBND tỉnh do chuyển công tác và đến tuổi nghỉ chờ hưu. (cadn.com.vn 14/11)

 
 
 

6.  Thừa Thiên Huế cấm người dân ra đường, di dời hơn 19.000 hộ dân

Trước những diễn biến phức tạp của bão số 13 (Vamco) tỉnh Thừa Thiên Huế đã đổi thời gian cấm người dân ra đường từ 12 giờ ngày 14/11, khẩn trương di dời hơn 19.000 hộ dân

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, bão số 13 (tên quốc tế là Vamco) tăng lên 1 cấp và ảnh hưởng đến đất liền sớm hơn so với dự báo trước đây.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu triển khai ngay việc tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng, nhà không kiên cố. Việc sơ tán dân hoàn thành trước 9h ngày 14/11.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Huế trước đó dự kiến cấm người dân ra khỏi nhà từ 18h ngày 14/11 nhưng do bão số 13 di chuyển nhanh và mạnh lên nên thời gian này được thay đổi như trên.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu cán bộ công chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi có gió lớn xảy ra (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương hoãn tất cả cuộc họp, hội nghị không cấp thiết để tập trung ứng phó với bão số 13; Kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, âu thuyền, bến neo đậu, các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản. Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng tàu thuyền neo đậu, các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trong các lán trại công trình đang xây dựng kể từ 12h ngày 14/11.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại Học Huế, các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn trong ngày 14-15/11. Yêu cầu các địa phương kích hoạt hệ thống Đài phát thanh xã/phường, thông tin di động tăng cường phát tin cảnh báo bão số 13.

Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh và các địa phương cấp huyện thông báo cho các đơn vị, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn bố trí công việc cho cán bộ, nhân viên, người lao động đảm bảo an toàn theo các yêu cầu nêu trên.

Dự kiến tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ di dời tập trung và tại chỗ 19.671 hộ dân với 65.890 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn.

Hiện nhiều địa phương ven biển, vùng xung yếu của địa phương này đang gấp rút di dời dân đến nơi an toàn. Tại thị trấn ven biển Thuận An, huyện Phú Vang, các cơ sở trường học đã mở cửa để sẵn sàng tiếp đón người dân đến tránh trú bão. (giadinhvietnam.com 14/11; baoxaydung.com.vn 14/11; tienphong.vn 14/11; kinhtedothi.vn 14/11; vtc,vn 14/11; toquoc.vn 14/11; plo.vn 14/11; baotintuc.vn 14/11; cand.com.vn 13/11)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Phát triển đô thị Huế trên nền tảng bảo tồn các tinh hoa văn hóa

 Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Huế nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định. Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với tân Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định xung quanh các vấn đề về phát triển đô thị Huế.

Xin chúc mừng ông trên cương vị mới. Ông có thể chia sẻ cảm tưởng của mình với vai trò mới cũng như những công việc cần làm?

Trước hết, tôi xin cảm ơn những lời chúc và cảm nhận đây là một trọng trách hết sức nặng nề. Với những giá trị to lớn trên nhiều mặt, Huế đã và đang có, làm sao để giữ gìn và phát huy, làm sao để phát triển nhưng vẫn bảo tồn được các tinh hoa văn hóa là những vấn đề hết sức hóc búa, cần phải được xử lý một cách khoa học và tinh tế.

Ở một góc độ khác, Huế có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng chúng ta vẫn chưa chuyển hóa những điều đó thành năng lượng để phát triển kinh tế, tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong việc nâng cao đời sống Nhân dân và giải quyết công ăn việc làm cho con em như kỳ vọng. Nguyên nhân ở đâu, làm thế nào để thay đổi thực tế đó cũng là một bài toán khó bắt buộc phải có lời giải trong giai đoạn này, nếu chúng ta không muốn tụt hậu. Trong bối cảnh toàn tỉnh đang tập trung nỗ lực cao nhất để thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, mở rộng địa giới TP. Huế, đưa tỉnh Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương, các nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng, cấp thiết.

Tất nhiên, cũng chính trong bối cảnh này, với sự tập trung hỗ trợ của tỉnh và Trung ương, Huế đang đứng trước những cơ hội lớn của sự phát triển. Điều đáng mừng là sau rất nhiều nỗ lực có tính chất quyết liệt, hiệu quả của lãnh đạo tỉnh, rất nhiều người Huế, người yêu Huế đang cảm nhận được rằng đây là giai đoạn thể hiện rõ nét nhất sự hòa quyện giữa ý Đảng, lòng dân trong việc hướng đến mục tiêu chung tay xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, TP. Huế nói riêng trở thành một vùng đất xanh, sạch, bình yên, hạnh phúc. Trạng thái tinh thần hứng khởi của người dân chính là cơ hội để chính quyền nắm bắt, thúc đẩy sự phát triển.

Nỗ lực để tranh thủ được tất cả lợi thế của các cơ hội đang tới để đưa Huế phát triển bền vững, đúng hướng là trách nhiệm nặng nề của giai đoạn này. Tôi tin, với sự hỗ trợ, vào cuộc của toàn tỉnh, cộng với sự nỗ lực, cố gắng có tính chất đột phá của hệ thống chính trị, thành phố, Huế sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp như tất cả chúng ta mong đợi.

Là người đứng đầu thành phố - đô thị hạt nhân của tỉnh, ông có thể cho biết kế hoạch sắp tới nhằm tạo chuyển biến về hạ tầng và không gian đô thị?

Định hướng phát triển Thành phố di sản, văn hóa, du lịch đặc sắc là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển đô thị Huế. Thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác chỉnh trang đô thị Huế trên các lĩnh vực hạ tầng, cảnh quan đô thị theo hướng bảo vệ các giá trị di sản, phát huy, khai thác các tiềm năng cảnh quan vốn có, góp phần thu hút khách du lịch.

Để hoàn thiện hạ tầng và không gian đô thị, thành phố tiếp tục chỉnh trang công viên hai bên bờ sông Hương đoạn qua trung tâm thành phố với hệ thống đường dạo, không gian công cộng, điện chiếu sáng, các tiện ích đô thị công viên như bãi để xe, camera giám sát, wifi, nhà vệ sinh công cộng…; chỉnh trang công viên vườn mai phía Hộ thành hào từ cửa Quảng Đức đến cửa Nhà Đồ; công viên Kim Long từ cầu Kim Long đến chùa Thiên Mụ, tuyến đường dọc sông Hương phía bờ Nam từ cầu Bạch Hổ đến đường Huyền Trân Công Chúa….

Cụ thể, thành phố sẽ tập trung những dự án nào, thưa ông?

Sắp tới, sẽ đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư dự án (DA) Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh do KOICA tài trợ giai đoạn 2021-2023 với kinh phí 13 triệu USD. Trong đó, chú trọng tập trung vào việc tạo ra kết nối liên hoàn tuyến đi bộ dọc sông Hương đoạn từ Học viện Âm nhạc đến cồn Dã Viên; tiến hành lập quy hoạch và xây dựng chỉnh trang cồn Dã Viên trở thành không gian công cộng đặc trưng, tiêu biểu phục vụ cộng đồng và du khách.

Tập trung các DA chỉnh trang phát huy giá trị di sản, cảnh quan môi trường thuộc DA giải tỏa di dời Khu vực 1 Kinh thành Huế; năm 2021 triển khai DA chỉnh trang vỉa hè, đường dạo 3 tuyến đường Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân, Lê  Huân xung quanh Đại Nội; DA đầu tư hạ tầng kỹ thuật phát huy giá trị công trình di tích tại Hổ Quyền - Voi Ré, DA mở rộng đường Hà Nội, mở rộng cầu chui đường sắt đường Bùi Thị Xuân...

Với mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, tiếp tục tạo đột phá trong du lịch, dịch vụ và thương mại, vậy thành phố sẽ triển khai các vấn đề đó như thế nào để đáp ứng các yêu cầu đặt ra, thưa ông?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu: “...Xây dựng Huế trở thành đô thị di sản quốc gia theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, là trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á ...”. Để tạo đột phá trong du lịch, dịch vụ, thương mại giai đoạn 2020-2025, thành phố tập trung nguồn lực, triển khai giải pháp nhằm tạo môi trường và cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh các loại hình thương mại, du lịch, dịch vụ cao cấp, khai thác tiềm năng về ẩm thực, văn hóa truyền thống, đầu tư các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp...

Về hạ tầng, sẽ tập trung hoàn thiện các trung tâm thương mại hiện có và kêu gọi đầu tư hình thành các trung tâm thương mại ở khu đô thị mới; sắp xếp các phố thương mại đã có theo hướng văn minh, chú trọng các tuyến đường có lợi thế thương mại như: Trần Hưng Đạo, Mai Thúc Loan, Hùng Vương... Hình thành thêm các tuyến phố đi bộ, phố đêm tại các tuyến đường quanh Đại Nội Huế; kết nối không gian đi bộ bờ Nam sông Hương với bờ Bắc sông qua cầu Trường Tiền gắn với việc phát triển không gian phố đêm chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo, đường Trịnh Công Sơn và các khu vực đường Trương Định, Phạm Hồng Thái, Bà Triệu, Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An.

Vấn đề quy hoạch lại không gian đô thị trung tâm, đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với mở rộng địa giới TP. Huế, sắp tới sẽ có những điều chỉnh nào để phù hợp với yêu cầu mới không, thưa ông?

Trên cơ sở các quy hoạch và Đề án Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, định hướng xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2025 tập trung theo hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương với phạm vi mở rộng TP. Huế từ diện tích 70,67km2 lên thành 267km2. Do vậy, vấn đề nghiên cứu quy hoạch kết nối hạ tầng, không gian kiến trúc cảnh quan đô thị trung tâm đồng bộ với khu vực mở rộng là rất cần thiết.

Trên cơ sở đó cần tập trung quy hoạch lại một số nội dung, về định hướng quy hoạch ở khu vực trung tâm thành phố được định nghĩa có tính chất là đô thị di sản văn hóa. Giảm tải các chức năng về đào tạo, y tế, đầu mối giao thông..., ưu tiên phát triển các chức năng dịch vụ, du lịch và văn hóa để không ảnh hưởng đến di tích. Khu vực mở rộng thành phố được định nghĩa là các cửa ngõ của đô thị trung tâm, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị khác, có tính chất hỗ trợ đô thị di sản Huế về phát triển nhà ở, dịch vụ, công nghiệp đa ngành, đào tạo, y tế và đầu mối giao thông.

Về mô hình quy hoạch, đô thị được xây dựng theo mô hình chuỗi dải; nằm dọc theo các hành lang hạ tầng kỹ thuật quốc gia và tạo nên các dải hành lang xanh, thoát lũ, phân cách các dải không gian đô thị. Mô hình được nghiên cứu và xây dựng theo hướng chú trọng đến mục tiêu bảo tồn di sản Cố đô Huế, bảo vệ đất nông nghiệp, thoát lũ và thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Với trọng tâm xây dựng, phát triển đô thị Huế mở rộng là đô thị hạt nhân hạt nhân khi cả tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố xác định việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch là khâu quan trọng, có tính chất then chốt, cần phải làm tốt, có chất lượng nhằm tạo ra động lực phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế theo đúng tinh thần và định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 54.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! (baothuathienhue.vn 13/11)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Lò đỏ lửa, hợp tác xã mây tre đan chạy hàng Tết sau khi bị ngập hàng mét

Lũ lụt đã khiến hợp tác xã mây tre đan Bao La - Thừa Thiên Huế bị ngập hàng mét nhưng không khí sản xuất đã nhanh chóng được lập lại ngay khi nước vừa kịp rút.

Chủ nhiệm HTX mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã được chuyển sang cơ sở sản xuất mới khang trang hơn và được thiết kế cao hơn cơ sở cũ tuy nhiên vừa qua vẫn bị ngập sâu trong nước.

Đợt mưa lũ vừa rồi đã khiến Hợp tác xã mây tre đán Bao La ngập sâu trong nước hơn 1 mét.

Khi xây dựng cơ sở mới, dù các đơn vị đã tính toán làm nền, móng cao hơn so với mức lũ năm 2017. Tuy nhiên, vừa qua các xưởng sản xuất, phòng làm việc, phòng trưng bày… vẫn bị ngập lụt. Chỗ cao nhất cũng bị ngập đến 60 cm, điều này khiến cho nhiều sản phẩm đã hoàn thành của HTX Bao La bị ẩm mốc.

“Mưa lũ đã nhấn chìm khu vực sản xuất của Hợp tác xã hơn 1 mét,khiến cơ sở vật chất cũng như nguồn nguyên liệu sản xuất bị hư hỏng nghiêm trọng, hàng trăm công nhân tại đây cũng vì thế mà nghỉ việc”, một cán bộ quản lý của HTX Bao La cho biết.

Theo ghi nhận của báo Gia đình Việt Nam, ngay sau khi nước lũ rút, hơn 100 nhân công của Hợp tác xã (HTX) mây tre đan Bao La đã trở lại với công việc của mình. Hoạt động sản xuất ở đây đang diễn ra tập nập để có đủ sản phẩm cung cấp đến khách hàng.

Bên lò hấp sấy sản phẩm, bà Quyên (64 tuổi), một công nhân đã làm việc tại HTX mây tre đan Bao La hơn 12 năm nay cho biết, vừa qua toàn bộ khu vực này bị ngập sâu trong nước nên công nhân phải nghỉ việc hơn 10 ngày. Hiện tại, mọi người ai cũng cảm thấy vui và phấn khởi khi được đi làm trở lại.

Ông No (84 tuổi) một công nhân khác tại đây chia sẻ, ngay sau khi nước lũ rút, cơ sở đã được dọn dẹp và trở lại hoạt động ngay. Hiện tại, các bộ phận của HTX đang phải tăng cường làm việc để có sản phẩm cung cấp đến khách hàng một cách kịp thời.

Nếu không có gì trở ngại, các chuyến hàng từ nay đến tết sẽ được sản xuất và giao đúng hẹn cho khách hàng

Trao đổi với PV, ông Võ Văn Dinh – Chủ nhiệm HTX mây tre đan Bao La cho biết thêm, hiện tại 80% hàng hóa sản xuất tại HTX mây tre đan Bao La được xuất khẩu đi nước ngoài, 20% hàng hóa còn lại được phân bổ đến các thị trường trong nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Đà Lạt…

“Việc ngập lụt đã khiến cho các đơn hàng bị chậm một chút nhưng sẽ được bổ sung một cách kịp thời. Đặc biệt, nếu không có gì trở ngại các chuyến hàng từ nay đến tết sẽ được sản xuất và giao đúng dịp cho khách hàng”, ông Dinh cho biết.

Cũng theo ông Dinh, tính bình quân mỗi lao động ở đây thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Từ khi thành lập đến nay, năm nào đơn vị cũng có cơ chế thưởng Tết cho người lao động. Năm nay, HTX gặp khó vì dịch Covid-19 và lũ lụt, tuy nhiên, từ nay đến cuối năm sẽ tăng cường sản xuất để đảm bảo nguồn hàng cũng như doanh thu và tạo thu nhập ổn định cho người lao động. (giadinhvietnam.com 14/11)

 
 
 

2.  Bảo vệ di sản Huế trước cơn bão số 13

 Chiều ngày 13.11, lực lượng chuyên môn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn tất thực hiện giằng chống các công trình di tích, đảm bảo an toàn trước bão số 13 sắp đổ bộ. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có công điện khẩn yêu cầu người dân không ra đường kể từ 18 giờ ngày 14.11 đồng thời khuyến cáo nhiều nội dung thực hiện việc phòng chống bão.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Văn Hóa, đến cuối giờ chiều ngày 13.11, các công trình di tích như Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Quan Tượng Đài, các nhà bát giác tại khu di tích danh thắng Hồ Tịnh Tâm… đã được đội ngũ cán bộ Phòng Quản lý bảo vệ, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) hoàn tất việc giằng chống. Đây là những công trình di tích ở khu vực bên ngoài khu di sản Hoàng Cung Huế, và có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi gió bão lớn do nằm ở khu vực không gian rộng thoáng.

Tại di tích Phu Văn Lâu, để đảm bảo an toàn mùa mưa bão nên TTBTDTCĐ Huế đã thi công sẵn các điểm đấu nối bằng sắt ở dưới vỉa hè. Mỗi lúc trước cơn bão, lực lượng của Phòng Quản lý bảo vệ thực hiện các thao tác giằng chống các hạng mục trụ chính của di tích Phú Văn Lâu nối với các điểm néo có sẵn đó. Trong khi đó, di tích Nghinh Lương Đình ven sông Hương, lực lượng chức năng chủ yếu sử dụng dây thừng để giằng hệ thống các cột kèo bằng gỗ nối với các hạng mục bằng bê-tông của công trình; giằng néo hệ thống khung mái của di tích. Cạnh di tích Nghinh Lương Đình, nhiều thuyền rồng du lịch của Thành phố Huế đã tập trung neo đậu an toàn, phòng tránh bão số 13.

Ông Dương Ngọc Minh, Phó Phòng Quản lý bảo vệ thông tin: trong ngày 13.11, lực lượng của phòng đã khẩn trương thực hiện và hoàn thành việc giằng chống ở các di tích có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi gió bão. Đơn vị đã cắt cử các nhân viên trong ngày 14.11 tiếp tục kiểm tra tất cả các điểm di tích ở khu vực Đại Nội, các lăng tẩm; qua đó, thực hiện việc đóng chốt và buộc chặt các cửa ở các điểm di tích  bằng dây thừng, thép… để đảm bảo an toàn cho di tích trước cơn bão số 13.

Ngoài ra, nhiều công trình di tích đang xuống cấp cũng đã được TTBTDTCĐ Huế tiến hành gia cố trước cẩn thận và kiểm tra thường xuyên vào trước mùa mưa bão để đảm bảo an toàn.

Theo đại diện lãnh đạo TTBTDTCĐ Huế, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống bão số 13, trung tâm đã yêu cầu tất cả các đơn vị, phòng ban trực thuộc phải giằng néo hệ thống cửa và ngắt toàn bộ thiết bị điện vào cuối giờ làm việc chiều nay, ngày 13.11. Trung tâm cũng yêu cầu các đơn vị và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế, Trung tâm Phát triển dịch vụ phân công lực lượng tăng cường để ứng phó bão từ ngày 14.11 cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, lưu ý trong thời gian bão đổ bộ, cán bộ nhân viên tuyệt đối không được đổi ca trực, không được đi ra ngoài.

TTBTDTCĐ Huế giao Ban Quan lý dự án đôn đốc yêu cầu các đơn vị thi công tổ chức trực công trường, hạ giải nhà bao che, hệ thống giàn giáo công trình, triển khai giằng néo cố định các chi tiết, cấu tạo đang trong quá trình thi công… Hiện nay, có 11 dự án trùng tu, bảo tồn di tích với nhiều hạng mục khác nhau ở các điểm di tích thuộc hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Cũng trong ngày 13.11, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản thông báo khẩn về triển khai công tác ứng phó cơn bão số 13. Trong đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, dự kiến bắt đầu từ 18 giờ ngày 14.11 cho đến khi có thông báo mới của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (căn cứ vào tình hình thực tế, có thể điều chỉnh phù hợp với diễn biến thời tiết). Khẩn trương tổ chức sơ tán dân ở vùng có thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà không kiên cố… đến nơi an toàn trước 10 giờ ngày 14.11. Dự kiến, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ di dời hơn 65.890 người dân phòng tránh bão Vamco.

Tất cả các cuộc họp không cần thiết trong ngày 14.11 buộc phải hoãn để tập trung công tác phòng chống bão. Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có văn bản thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 14.11 để đảm bảo an toàn phòng chống bão. (baovanhoa.vn 14/11)

 
 
 

3.  Di dời hàng ngàn hộ dân đến nơi an toàn

 Trưa 14/11, Hạt quản lý đường bộ huyện A Lưới cho biết, đã bố trí 100% lực lượng, phương tiện trực ở các vùng xung yếu, có nguy cơ sạt lở để kịp thời khắc phục khi có sạt lở, đảm bảo giao thông trước và sau cơn bão số 13.

Đến 11 giờ 30 ngày 14/11, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 13, trên địa bàn huyện đã di dời 890 hộ/3.524 khẩu ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, các căn nhà có nguy cơ mất an toàn do bão.

Hiện, các xã, thị trấn tại huyện A Lưới vẫn đang tiếp tục khẩn trương hỗ trợ người dân tiếp tục di dời đến nơi trú ẩn an toàn.

Các lực lượng chức năng của huyện và lực lượng tại chỗ ở các địa phương cũng trực tiếp đến nhà hỗ trợ người dân giằng chống tại nhà cửa, vận động không ra đường sau 12h trưa nay theo chỉ đạo của UBND tỉnh để đảm bảo an toàn.

*Ứng phó với cơn bão số 13, đến 10h ngày 14/11, các địa phương, ban ngành trên địa bàn TP.Huế đã tổ chức di dời được 1.557 hộ/5.751 khẩu đến nơi an toàn các nhà liền kề, cao tầng, kiên cố.

Sáng 14/11, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Huế đã đi kiểm tra người dân ở các vùng thấp trũng, tiến hành sơ tán người dân đến nơi tạm an toàn, đồng thời hỗ trợ người dân về lương thực, thực phẩm.

Hiện, các đơn vị, công an, Quân đội đã tổ chức hỗ trợ lực lượng UBND các phường, sẵn sàng triển khai ứng cứu người dân ở những vùng thấp trũng, dễ bị chia cắt; UBND các phường tiếp tục triển khai phương châm “ 4 tại chỗ ”, chủ động triển khai các biện pháp ứng cứu, dự trữ lương thực thực phẩm tại đơn vị và tại các nhà dân. Ban quản lý các chợ đã tổ chức thông báo trên các loa đài trong hệ thống các chợ về tình hình diễn biến của cơn bão số 13, kiểm tra, che đậy bảo quản hàng hóa trước khi bão vào; tăng cường công tác giá cả trước và trong và sau thời gian bão lụt.

Công an thành phố đã triển khai phương án, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông tại các tuyến đường bị ngập lụt.

*Đến 13 giờ, ngày 14/11, toàn tỉnh đã hoàn thành sơ tán hơn 20 ngàn hộ, khoảng 67.675 nhân khẩu đến nơi trú tránh bão, lũ an toàn.

Các hộ được sơ tán, di dời tập trung ở những vùng có nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm, vùng ven biển, đầm phá, ven sông, đồi núi…

Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương, người dân trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc giằng chống nhà cửa. Khoảng 2.062 chiếc tàu thuyền, 11.350 lao động được kêu gọi về bờ trú ẩn, đồng thời tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn tại âu thuyền, khu neo đậu Phú Hải, Phú Thuận, Lộc Trì, Vinh Hiền…

Ngư dân vùng đầm phá tổ chức neo đậu thuyền, đò và gia cố 7.586 lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông, đầm phá. Lực lượng phòng chống thiên tại các địa phương tổ chức tuần tra, giám sát, vận động người dân di dời, sơ tán, không ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản.

Dự báo bão số 13 cực mạnh, kết hợp mưa lớn có nguy cơ mất an toàn khi hồ chứa thủy điện, thủy lợi vượt mực nước dâng bình thường (MNDBT). Từ sáng 14/11, chủ hồ chứa tiếp tục vận hành điều tiết nước về hạ du với lưu lượng đi lớn hơn lưu lượng đến nhằm đảm bảo mực nước đón lũ.

Mực nước tại hồ Tả Trạch lúc 13 giờ, ngày 14/11 giảm còn +41,98m, so với MNDBT +45m; lưu lượng đến hồ 246m3/s, trong khi  lưu lượng về hạ du 541m3/s.

Hồ thủy điện Bình Điền +81,99m, so với MNDBT +85m; lưu lượng đến hồ 518m3/s, song lưu lượng về hạ du đến 871m3/s.

Hồ thủy điện Hương Điền +55,46m, so với MNDBT +58m; lưu lượng đến hồ 456m3/s, lưu lượng về hạ du 827m3/s.

Hồ thủy điện A Lưới +552,76m, so với MNDBT +553m; lưu lượng đến hồ 80m3/s, lưu lượng về hạ du 55m3/s; lưu lượng chạy máy 42,9 m3/s.

Các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện đang vận hành đảm bảo đúng quy trình, an toàn, chưa có dấu hiệu xảy ra sự cố.  (baothuathienhue.vn 14/11)

 
 
 

4.  5 người thương vong trước khi bão số 13 đổ bộ

Sáng nay 14-11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi ban hành công văn khẩn cấp về việc triển khai các công tác ứng phó với cơn bão số 13.

Theo đó, tại Thừa Thiên - Hu, việc tổ chức sơ tán tập trung và tại chỗ 19.671 hộ dân, với 65.890 nhân khẩu sinh sống ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng, nhà không kiên cố. Việc sơ tán dân hoàn thành trong sáng 14-11.

Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12 giờ trưa nay (14-11) cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế; cán bộ công chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi có gió lớn xảy ra (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

Kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, âu thuyền, bến neo đậu, các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh, tàu thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng kể từ 12 giờ ngày 14-11.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đại Học Huế, các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn trong 2 ngày 14 và 15-11.

Sáng cùng ngày, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, từ ngày 12 đến chiều 13-11, trên địa bàn tỉnh đã có 3 người tử vong và 2 người bị thương do lật ghe, lật công nông và sập tường nhà tại vùng ngập lụt và mưa lớn tại các huyện Phong Điền và Quảng Điền.

Hiện chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ ban đầu cho các gia đình lo hậu sự cho người thân và người bị thương điều trị tại bệnh viện. (sggp.org.vn 14/11)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Trường đại học Sư phạm đạt giải Nhì toàn đoàn hội thi giảng viên giỏi toàn quốc

 Sau 5 ngày tham gia Hội thi giảng viên giỏi toàn quốc lần thứ 1 năm 2020, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế đã xuất sắc đạt giải Nhì toàn đoàn với 2 giải Nhì (chào hỏi; hùng biện và năng khiếu) và 2 giải Ba (xử lý tình huống và hiểu biết).

Hội thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trường ĐH Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ từ ngày 11 - 14/11.Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đã tham gia các nội dung thi: Chào hỏi, hiểu biết, xử lý tình huống, năng khiếu và hùng biện.

Ở mỗi phần thi, các thầy cô mang đến màu sắc rất riêng, thể hiện một Sư phạm Huế năng động, sáng tạo, đoàn kết và tự tin. Điều đó đã mang lại kết quả  tốt cho Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế với giải Nhì toàn đoàn.

PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng nhà trường, Trưởng đoàn Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho biết: “Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đã để lại ấn tượng mạnh cho ban giám khảo và toàn thể khán giả. Đây là sân chơi bổ ích giúp thầy cô giáo giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn, sự nhạy bén và sáng tạo trong giai đoạn giáo dục nước nhà đang đổi mới mạnh mẽ. Đặc biệt, thông qua hội thi góp phần khẳng định giá trị Nhân văn - Khai phóng - Hội nhập và là nơi “Tri thức trở thành giá trị” của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế với hơn 60 năm xây dựng và phát triển. Nơi đây mãi là cái nôi đào tạo sư phạm uy tín, chất lượng của cả nước, xứng đáng trở thành một trong ba trường sư phạm trọng điểm quốc gia”. (baothuathienhue.vn 14/11)

 
 
 

2.  Học sinh Đà Nẵng, Huế nghỉ học để phòng tránh bão Vamco

Các trường không tổ chức các hoạt động có huy động giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên, sinh viên trong ngày 14 và 15/11 để đảm bảo an toàn.

Ngày 13/11, ngành giáo dục hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã công văn gửi các phòng giáo dục, các trường về việc triển khai ứng phó với bão số 13 (bão Vamco).

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cảnh báo các đơn vị, bão số 13 là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp.

Dự kiến ngày 14/11, bão số 13 ảnh hưởng trực tiếp tới một số tỉnh miền Trung như Huế, Đà Nẵng, gây gió mạnh khu vực ven biển và đất liền, mực nước biển và sóng biển dâng cao.

Do đó, Sở giáo dục Đà Nẵng yêu cầu các trường thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học ngày 14/11/2020 để phòng tránh bão số 13.

Các trường không tổ chức các hoạt động có huy động giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên, sinh viên trong ngày 14 và 15/11 để đảm bảo an toàn (trừ hoạt động phòng, chống và khắc phục hậu quả của bão).

Hoàn thành việc kiểm tra và rà soát phương án phòng chống bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất trước 12 giờ 00 ngày 14/11.

Phân công các bộ phận có liên quan trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó với những tình huống phát sinh. Khi có sự cố hoặc vấn đề phát sinh, kịp thời báo cáo về Sở để được hướng dẫn xử lí.

Tương tự, Sở giáo dục Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các trường dừng tất cả hoạt động liên quan tập trung học sinh vào các ngày 14 và 15/11

Các đơn vị chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống, ứng phó bão, lũ, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản trước ảnh hưởng của bão, lũ (giaoduc.net.vn 14/11)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Người phụ nữ ở Huế bị tường sập đè trúng người, tử vong thương tâm

Trong lúc di chuyển gà đến vị trí cao tránh ngập lụt, người phụ nữ ở Thừa Thiên Huế không may bị tường sập đè trúng, tử vong thương tâm.

Tối 13/11, UBND huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, một người phụ nữ trên địa bàn không may bị tường bất ngờ sập đè lên người, tử vong thương tâm.

Trước đó, khoảng 11h ngày 12/11, chị Hoàng Thị Thảo (SN 1973, trú tại tổ dân phố Khuông Phò Nam, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) di chuyển đàn gà đến vị trí cao để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, trong lúc di chuyển, tường bê tông chuồng gà bất ngờ đổ sập.

Đây là một trong 5 trường hợp thương vong vì mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và là trường hợp thứ 3 tại huyện Quảng Điền. Trong đó, ngoài trường hợp chị Thảo, sáng 13/11 trên địa bàn huyện Quảng Điền xảy ra vụ xe công nông chạy “vượt lũ” bị lật xuống ruộng giữa dòng nước lũ khiến 1 người chết và 1 người bị gãy chân

Trước đó, khoảng 17h ngày 12/11, anh Hoàng Văn Quý (SN 1980) và cháu Hoàng Thanh Bình (SN 2009, cùng trú tại thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) trong lúc chèo ghe đi thả lưới bắt cá trên cánh đồng gần nhà thì bị lật thuyền mất tích, đến 20h tối cùng ngày, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy lần lượt thi thể 2 nạn nhân. (baogiaothong.vn 14/11)

 
 
 

2.  Vượt lũ đến trường, 1 nữ sinh tử vong

)- 1 nữ sinh ở Thừa Thiên- Huế tử vong khi di chuyển bằng công nông vượt lũ để đến trường.

Tin từ UBND xã Quảng An, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ lật xe công nông khiến một nữ sinh viên tử vong.

Theo đó, khoảng 7h30 ngày 13/11 ông Trần Quang Hùng (trú xã Quảng An, huyện Quảng Điền) dùng xe công nông chở 3 người, trong đó, có em Trần Thị Ngọc H. (SN 2001, sinh viên đại học) vượt lũ để lên TP. Huế để học.

Khi đến đoạn đường qua thôn Mỹ Xã, gặp dòng nước lũ chảy xiết và gió to khiến chiếc xe công nông bị lật xuống ruộng. Vụ tai nạn khiến chị H. bị xe đè lên người và tử vong.

Nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để cứu nạn cứu hộ và điều tra vụ việc. Sau khi tiến hành các thủ tục, cơ quan chức năng bàn giao thi thể cho gia đình lo hậu sự. (baovephpluat.vn 14/11; congan.com.vn 13/11; nongnghiep.vn 13/11; vietnamnet.vn 13/11; giaoducthoidi.vn 13/11)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Đẩy nhanh tiến độ các dự án giải ngân vốn đầu tư công

 Đến thời điểm này, các dự án (DA) trọng điểm, chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP. Huế từ nguồn vốn ngân sách tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân trên 90%, thành phố đang đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch đề ra.

Chạy đua với thời gian

Những ngày này, hàng chục công nhân đang gấp rút thi công các hạng mục san nền, xây dựng đường giao thông, mương thoát nước, hệ thống thoát nước mưa… ở khu dân cư Bắc Hương Sơ. Đối với Trường mầm non Hương Sơ, đã đổ bê tông sàn mái cốt, tiến độ đạt trên 40% và tiến độ giải ngân trên 8 tỷ đồng.

Khu dân cư Bắc Hương Sơ là một trong những DA trọng điểm sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Đây là DA xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thoát nước, điện, viễn thông… phục vụ công tác di dời dân cư khu vực I di tích Kinh thành Huế; bao gồm 8 khu vực với tổng mức đầu tư trên 840 tỷ đồng, Trường mầm non Hương Sơ (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư gần 21 tỷ đồng.

Đến nay, các khu vực 1, 2 đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho các hộ dân thuộc diện di dời; khu vực 3 và 4 cơ bản hoàn thành phần hạ tầng kỹ thuật, đang thi công phần san nền, lắp đặt bó vỉa…, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2020. Các khu vực 5, 6 và 7 đang thi công hạ tầng kỹ thuật với tiến độ công trình đạt trên 30%; khu vực 8 vừa khởi công ngày 30/10/2020, dự kiến hoàn thành ngày 27/2/2021.

Dự án chỉnh trang kè chống sạt lở các đoạn xung yếu thuộc hệ thống sông Hương (giai đoạn 1) đoạn từ cầu Kim Long đến chùa Thiên Mụ với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng, hiện đang tập trung lực lượng giải phóng mặt bằng, di dời cây xanh và triển khai thi công. Với chiều dài 2,7km, công trình bao gồm phần xây dựng kè chống sạt lở và đường đi bộ dọc tuyến đường.

Giám đốc Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế Hoàng Thiện thông tin, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đối với các DA trọng điểm, chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP. Huế đến cuối tháng 10/2020 đạt tỷ lệ 90%. Khó khăn lớn nhất dẫn đến một số DA triển khai chậm là do thời tiết mưa, lụt bão kéo dài trong suốt tháng 10/2020 và nửa đầu tháng 11, trong khi đa số các công trình đều thi công ngoài trời nên gặp khá nhiều khó khăn, áp lực về thời gian.

Ông Thiện cho biết, tranh thủ thời tiết nắng ráo, Ban đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để kịp giải ngân vốn theo đúng kế hoạch UBND tỉnh đề ra, song phải đảm bảo an toàn cho công nhân thi công cũng như chất lượng các công trình.

Đốc thúc tiến độ các công trình

Cùng với nguồn vốn ngân sách tỉnh, theo UBND TP. Huế, năm 2020 tổng vốn đầu tư công giao thành phố quản lý trên 260 tỷ đồng. Đến thời điểm hết tháng 10/2020, đã giải ngân 185 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 71%, trong đó tập trung các DA xây mới phòng học và chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương.

Năm 2020, thành phố tập trung đầu tư các DA chỉnh trang hai bờ sông Hương, trong đó hoàn thành chỉnh trang công viên Thương Bạc gồm đường đi bộ, chiếu sáng, sân đình Thương Bạc, hồ nước; hoàn thành chỉnh trang công viên Phú Xuân đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Dã Viên; triển khai DA lắp đặt điện chiếu sáng, camera, wifi công viên Phú Xuân và DA xây dựng quảng trường công viên Lý Tự Trọng, đường đi bộ từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên (phía Bắc)…

Đối với các DA trường học, từ đầu năm đến nay thành phố bố trí vốn để xây dựng các công trình trọng điểm, các điểm trường thiếu phòng học, phòng chức năng nhằm đảm bảo đủ phòng học đáp ứng tiêu chí học sinh được học 2 buổi/ngày. Trong đó, tập trung xây dựng phòng học mới ở Trường mầm non Phú Bình, Phường Đúc, Phú Thuận; Trường tiểu học Ngự Bình, Thủy Xuân… Đến nay, đa số các DA đều đảm bảo tiến độ và đạt tỷ lệ giải ngân; một số DA thi công ngoài trời do ảnh hưởng thời tiết nên triển khai chậm, thành phố đang đôn đốc các nhà thầu tranh thủ thời tiết nắng ráo đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các công trình theo kế hoạch đề ra.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các DA trọng điểm, như DA di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế; chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương và DA chỉnh trang các tuyến đường trung tâm; hoàn thành các DA hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ. Đồng thời hoàn tất các thủ tục đối với các DA chuẩn bị đầu tư, như DA cải tạo, chỉnh trang khu vực đồi Vọng Cảnh; nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội; tuyến đường dọc bờ sông Hương (phía Nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa; cầu chui đường sắt Bắc - Nam tại đường Bùi Thị Xuân và chuẩn bị kế hoạch đầu tư công năm 2021 (baothuathienhue.vn 14/11)

 
 
 

2.  Đổi thay diện mạo đô thị Huế

 HĐND TP. Huế vừa thông qua các Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án (DA) chỉnh trang đô thị, nhóm DA về trường học và các DA dự kiến khởi công mới trong năm 2021 góp phần đổi thay diện mạo đô thị Huế theo hướng khang trang, hiện đại, thông minh và thân thiện với môi trường.

Với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng và không gian đô thị; xây dựng Huế xứng đáng là Thành phố di sản, văn hóa, du lịch đặc sắc; trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng cao..., HĐND TP. Huế nhất trí cao và thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 27 DA. Theo đó, gồm hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Hổ Quyền – Voi Ré với tổng vốn đầu tư khoảng 95 tỷ đồng; phê duyệt chủ trương đầu tư nhóm các DA về trường học với 9 DA như: DA Trường tiểu học Thủy Biều - hạng mục đền bù giải phóng mặt bằng, Trường THCS Duy Tân - hạng mục các phòng chức năng, Trường mầm non I - hạng mục khối nhà 3 tầng 4 phòng học và 5 phòng chức năng, DA Trường mầm non An Tây - hạng mục khối nhà 3 tầng 6 phòng học và 5 phòng chức năng… tổng mức đầu tư khoảng 89 tỷ đồng.

Có 12 DA thuộc nhóm các DA chỉnh trang đô thị cũng được HĐND thành phố thông qua ở kỳ họp ngày 3/11. Đó là DA nâng cấp đường Nguyệt Biều (giai đoạn 2); chỉnh trang dải phân cách, vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (từ cầu Trường Tiền đến cầu Gia Hội); chỉnh trang vỉa hè đường Trần Cao Vân (từ đường Hà Nội đến đường Bến Nghé - Đội Cung); trồng, thay thế cây xanh đường phố năm 2021; cải tạo, nâng cấp kết nối trung tâm hệ thống đèn tín hiệu giao thông; DA chỉnh trang hai bờ sông Hương - hạng mục điện chiếu sáng công viên Phú Xuân (đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Dã Viên - giai đoạn 2)… với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 61 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, giai đoạn 2020- 2025, thành phố tập trung đầu tư các DA góp phần chỉnh trang đô thị, điểm nhấn là các DA nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị; hình thành các tuyến giao thông ven sông tạo đường đi dành riêng cho người đi xe đạp và đi bộ, gắn với bảo tồn, gìn giữ không gian xanh và bảo vệ môi trường hai bờ sông Hương. Ngoài ra, tập trung đầu tư vào các tiêu chuẩn chưa đạt liên quan đến chất lượng đô thị: mật độ đường cống thoát nước chính, cấp điện sinh hoạt, tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng, tỷ lệ đường khu nhà ở, ngõ được chiếu sáng… Vì vậy, những DA chỉnh trang đô thị được thông qua lần này sẽ góp phần tạo bước đột phá, làm thay đổi bộ mặt đô thị trung tâm.

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 9, HĐND TP. Huế nhiệm kỳ 2016- 2021 thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các DA dự kiến khởi công mới năm 2021 gồm 5 DA. Đó là DA Trung tâm Văn hóa phường Thuận Thành, hạ tầng kỹ thuật khu đất xen ghép tổ 4 – khu vực 2 - phường An Đông, hệ thống thu thoát khí và lớp phủ cuối cùng ô số 8 thuộc bãi chôn lấp rác số 2 Thủy Phương, DA cắm mốc giới theo đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu khu Trung tâm Văn hóa phía Tây Nam và DA cắm mốc giới theo đồ án Quy hoạch phân khu phường Kim Long với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng trên 13,5 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐND TP. Huế Huỳnh Cư khẳng định, những DA thông qua để phê duyệt chủ trương đầu tư lần này là những DA có vai trò quan trọng, góp phần tiếp tục đổi thay diện mạo đô thị Huế theo hướng tích cực, khang trang, hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường, giúp Huế phát triển toàn diện, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54/2019 của Bộ Chính trị. (baothuathienhue.vn 14/11)

 
 
 

3.  Thừa Thiên - Huế: Dân điêu đứng vì hàng trăm ha cây thanh trà bị chết do ngập nước

Đợt mưa lũ vừa qua khó có thể nói hết nỗi khổ của người nông dân khi nhà cửa bị ngập, gia sản trôi sông; giờ đến hàng trăm hec-ta (ha) trồng cây thanh trà của người dân tỉnh TT- Huế bị chết Một trong những địa phương có số lượng cây thanh trà bị chết nhiều do ngập nước lâu ngày là xã Hương Vân (thị xã Hương Trà) và xã Phong Thu (huyện Phong Điền), tỉnh TT- Huế. Sau lũ, người dân trồng thanh trà đang đứng ngồi không yên khi cây thanh trà chuẩn bị ra quả thì bị chết.

Ông Phan Đắc (78 tuổi, trú tại xã Hương Vân, thị xã Hương Trà) cho biết, vụ vừa rồi, vườn thanh trà của ông bắt đầu ra quả bói, cứ tưởng sang năm sẽ được thu lứa quả đầu tiên để cải thiện cuộc sống nào ngờ chúng bị chết sạch sau đợt lụt vừa qua.

Cùng chung tình cảnh với ông Đắc, gia đình bà Nguyễn Thị Lưa (65 tuổi, trú tại xã Hương Vân, thị xã Hương Trà) buồn bã cho hay, "sau đợt bão, lụt vừa qua, vườn cây thanh trà của gia đình đã bị chết gần hết. Nước lụt lần này chứa thêm bùn đất sền sệt, đặc quánh bám vào làm thân cây bị hỏng hết. Giá mà nước rút nhanh, cây sẽ được vệ sinh kịp thời, may ra còn có cơ hội sống".

“Những năm trước, việc trồng cây thanh trà mang lại thu nhập ổn định cho người trồng (khoảng 50 - 60 triệu đồng/sào/năm). Thế nhưng, năm nay bao nhiêu công sức chăm bón nay đã mất trắng” - bà Lưa cho biết thêm.

Theo Chủ tịch UBND phường Hương Vân (thị xã Hương Trà, tỉnh TT- Huế), ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, đợt bão lụt vừa qua đã khiến 138 ha trồng cây thanh trà của người dân trên địa bàn bị chết đắm và đa phần là cây đã trồng được khoảng từ 3 - 5 năm.

Còn tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền (tỉnh TT- Huế) có hơn 100 ha trồng cây thanh trà của người dân cũng bị chết. Chủ tịch UBND xã Phong Thu (huyện Phong Điền) ông Nguyễn Hữu Nam cho biết, mọi năm cũng có ngập lụt nhưng chỉ diễn ra trong vòng 1 - 2 ngày nên không sao. Riêng năm nay, cây bị ngập trong nước đến cả nửa tháng nên bị chết. Toàn bộ số thanh trà bị chết nói trên đã trồng được khoảng 3 - 4 năm. Nếu thuận lợi, năm tới người dân có thể thu hoạch được.

Theo ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh TT- Huế thông tin, đợt bão, lụt diễn ra từ tháng 10 đến nay đã khiến 540 ha trồng cây có múi bị thiệt hại với mức độ khác nhau.

Trong đó, chủ yếu là cây thanh trà đã được trồng từ 2 - 4 năm và tập trung tại 2 địa phương là xã Phong Thu (huyện Phong Điền) và phường Hương Vân (thị xã Hương Trà). Tỉnh TT - Huế xác định, phát triển cây ăn quả là một nội dung trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, Sở đã xây dựng đề án và được UBND tỉnh TT- Huế phê duyệt.

"Chúng tôi cũng đã yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở và các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp để khảo sát, rà soát một cách kỹ càng. Sau đó, các nhà khoa học sẽ tư vấn chỗ nào trồng cây gì. Lẽ ra đến nay việc này đã triển khai, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bão, lụt nên khả năng phải chuyển qua năm 2021”, ông Vang cho hay.(phapluatplu.vn 13/11)

 
 
 

4.  Công bố bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh

- Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, được cấu trúc theo 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số (mỗi trụ cột gồm 7 chỉ tiêu chính).

Theo kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các bộ, ngành, địa phương năm 2019 do Bộ TT&TT công bố, Bộ Tài chính, Công Thương và Bộ TT&TT là 3 Bộ đứng đầu về ứng dụng CNTT. Trong khi đó Bộ Xây dựng có chỉ số ứng dụng CNTT thấp nhất trong 17 bộ, cơ quan ngang bộ được xếp loại.

Cũng theo kết quả đánh giá này, về tổng thể, chỉ số mức độ ứng dụng CNTT trung bình của khối Bộ năm 2019 tăng mạnh so với năm 2018 (năm 2018 là 0,69; năm 2019 là 0,82). Trong đó, chỉ số về hạ tầng kỹ thuật CNTT và ứng dụng CNTT trong hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 tăng nhiều nhất so với năm 2018. Điều này chứng tỏ năm 2019, các bộ, cơ quan ngang bộ đã chú trọng hơn trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật và triển khai nhiều ứng dụng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử.

Tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 không thay đổi so với năm ngoái, Bộ Tài chính tiếp tục ở vị trí đứng đầu về ứng dụng CNTT, tiếp theo lần lượt là các Bộ Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội, Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Công an, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc do đặc thù cung cấp thông tin hoặc không cung cấp dịch vụ công trực tuyến nên không nằm trong bảng xếp hạng.

Về tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan thuộc Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ở vị trí đầu bảng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vị trí thứ 2, tiếp đó là Thông Tấn xã Việt Nam.

Về tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, như các năm trước, các vị trí đầu bảng tiếp tục lần lượt là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Năm ngoái, vị trí đầu bảng là Đà Nẵng.

Kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin dựa trên 6 tiêu chí gồm hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, trang/cổng thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cơ chế - chính sách – quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin và nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin.

Tất cả tiêu chí công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, năm 2019 đều tăng, ở mức rất cao, trừ dịch vụ công trực tuyến. Một số đơn vị có thay đổi về vị trí xếp hạng, lý do chính là có sự biến động về mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4, đặc biệt là DVCTT mức độ 4.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng công bố Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh. Bộ chỉ số này được cấu trúc theo 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ tiêu chính là (1) chuyển đổi nhận thức, (2) kiến tạo thể chế, (3) phát triển hạ tầng và nền tảng số, (4) đánh giá về thông tin và dữ liệu số, (5) hoạt động chuyển đổi số, (6) an toàn, an ninh mạng, (7) đào tạo và phát triển nhân lực.

Từ năm sau, Bộ sẽ sử dụng bộ chỉ số chuyển đổi số để theo dõi, đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và cấp bộ, điểm đánh giá theo số liệu báo cáo và điều tra xã hội sẽ chiếm 80%; điểm đánh giá theo sắc thái thông tin trên không gian mạng chiếm 10% và điểm đánh giá qua phỏng vấn chuyên gia chiếm 10%. (thuonghieucongluan.com.vn 14/11)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.692.045
Truy cập hiện tại 160