Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 13/11/2020
Ngày cập nhật 17/11/2020
TIN NÓNG
 

1.  Du lịch Thừa Thiên - Huế: Nguy cơ thiếu nguồn nhân lực

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực để phục hồi. Tuy nhiên, trước những khó khăn do dịch bệnh và thiên tai (bão, lũ lụt) gây ra, ngành du lịch tỉnh này dự báo sẽ phục hồi chậm hơn so với dự kiến và sẽ thiếu nguồn lao động.

Doanh thu từ du lịch ước giảm 65%

Theo thống kê cho thấy, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đã có lượng lao động nhất định trong ngành quay trở lại làm việc so với thời điểm dịch bệnh xảy ra. Song đang có khoảng trên dưới 8 ngàn lao động trực tiếp bị thất nghiệp.

Ngoài những lý do hậu Covid-19, đang mùa thấp điểm khách nội địa, mưa bão, lũ lụt thời gian qua cũng khiến nhiều khách hủy chuyến đi đến Huế, làm cho khả năng phục hồi vì thế chậm hơn so với kế hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Thanh Tâm (Thanh Tâm Resort, Lăng Cô, Phú Lộc) cho biết, thời gian qua, do không có khách đến Lăng Cô nên resort chỉ còn giữ đúng 3 nhân viên để trông coi và bảo trì bảo dưỡng cơ sở vật chất.

Doanh nghiệp đã nghĩ phương án tạm thời chuyển sang một loại hình kinh doanh khác để phần nào giữ được đội ngũ lao động, nhưng qua tính toán, chi phí đầu tư là khá lớn, rủi ro lại cao vì Thừa Thiên - Huế không phải là thị trường lớn. Hay như tại Khách sạn Mondial (TP. Huế), thời điểm trước bão số 9 ảnh hưởng đến miền Trung, công suất đạt khoảng 30%, từ đó đến nay, hầu hết khách đã hủy phòng.

Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong 9 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên - Huế giảm hơn 61% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế giảm trên 65%. Doanh thu từ du lịch ước giảm từ 63% - 65% so với cùng kỳ; có 89% tổng số lao động tại các cơ sở lưu trú bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải nghỉ việc.

Tại các đơn vị kinh doanh du lịch, tình hình doanh thu giảm mạnh, không đủ chi phí để vận hành bộ máy. Chỉ có 50 - 60 trên tổng số 800 cơ sở lưu trú mở cửa hoạt động cầm chừng…

Thách thức chuyển nghề, bỏ nghề

Thống kê mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cho biết, tại Việt Nam hiện có khoảng 20% doanh nghiệp du lịch Việt Nam tạm ngừng hoạt động, 10% doanh nghiệp giải thể; các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ làm đại lý tour, bán vé… sa thải gần như 100% lao động; doanh nghiệp lữ hành quốc tế sa thải 80% lao động; doanh nghiệp lớn sa thải 40 - 50% lao động.

Theo ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, sau đợt dịch đầu tiên, sự lo lắng về nguồn nhân lực không lớn bằng ở thời điểm hiện tại. Thời gian “đóng băng” quá dài khiến lao động trong ngành chuyển sang ngành nghề khác. Thời gian dài cũng tạo ra tính ổn định của lao động ở các nghề khác. Điều này khiến các lao động khó quay trở lại với ngành du lịch.

Trước mắt, các doanh nghiệp cần có những tính toán, hướng đi mới sẵn sàng cho việc đón khách thời gian tới, nhất là trong việc chuẩn bị lực lượng lao động. Bởi, nếu quy trình cơ cấu không được xây dựng đủ tốt sẽ dẫn tới một số vấn đề như không đủ số người lao động có kỹ năng để duy trì hoạt động doanh nghiệp.

“Về phía đơn vị quản lý ngành, Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế đang trong quá trình xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách tỉnh, cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, nhất là sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn”, ông Minh nhấn mạnh.

Cũng theo Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh liên kết với các trường đào tạo chuyên ngành du lịch tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ chuyên ngành du lịch có chất lượng cao.

Đó là giải pháp mang tính lâu dài, còn trên thực tế xã hội vẫn phải vận động, cuộc sống của những người làm trong ngành du lịch phải tiếp diễn và cần có  thu nhập để tồn tại. Chuyển nghề, bỏ nghề là thách thức không hề nhỏ đối với ngành du lịch. (baophapluat.vn 12/11)

 
 
 

2.  Nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

Việc tăng số lượng người nhiễm HIV là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trong những năm gần đây xảy ra ở nhiều tỉnh thành, nhưng tốc độ tăng đột biến như ở Thừa Thiên Huế thì thực sự đáng quan tâm.

Nam có quan hệ tình dục với nam hay MSM (tiếng Anh: Men who have sex with men hoặc males who have sex with males) chỉ những người nam có hành vi quan hệ tình dục với người nam khác cho dù họ có là đồng tính luyến ái hay không. Ngày nay, ánh nhìn của xã hội đã khác, cộng đồng bắt đầu đồng cảm, thấu hiểu, văn minh và dần chấp nhận những người nam có quan hệ tình dục với nam một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều MSM che giấu, không dám công khai giới tính thật của mình vì sợ bị xa lánh, kỳ thị. Điều này cùng với cách quan hệ tình dục là yếu tố khiến MSM trở thành đối tượng rất dễ mắc các bệnh lây qua đường tình dục và HIV do bản thân chủ quan, không chịu tìm hiểu và thiếu thông tin về sức khỏe tình dục đồng giới.

Những năm trước đây, tình trạng nhiễm HIV trong nhóm MSM tại Thừa Thiên Huế không đáng kể, mỗi năm chỉ phát hiện từ 1 đến 2 trường hợp. Trong 2 năm 2019 và 2020, số lượng người nhiễm HIV mới phát hiện tăng cao đột biến. Năm 2019 phát hiện  21 trường hợp MSM nhiễm HIV. Chín tháng tháng đầu năm 2020, phát hiện 55 người nhiễm HIV là người Thừa Thiên Huế, trong đó có 27 người là MSM chiếm 50% trong số nhiễm HIV nói chung. Số MSM nhiễm HIV mới này hầu hết là sinh viên, học sinh. Như vậy dịch đã liên tục chuyển hướng theo từng nhóm. Những năm đầu, dịch tập trung ở nhóm người nghiện chích ma túy. 10 năm gần đây chủ yếu nhiễm HIV qua quan hệ tình dục khác giới và hiện tại đang chuyển hướng dần sang nhóm MSM.

Trên thực tế, việc tăng số lượng người nhiễm HIV là MSM trong những năm gần đây không phải chỉ xảy ra ở Thừa Thiên Huế mà còn xảy ra ở nhiều địa phương trong nước. Nhưng tốc độ tăng đột biến như ở Thừa Thiên Huế thì thực sự đáng quan tâm. Một cuộc đánh giá ước tính nhanh bằng cách đếm số lượng người tham gia trang mạng blued (1 trong 3 ứng dụng mạng xã hội dành cho nhóm đồng tính phổ biến nhất) khoanh vùng Thừa Thiên Huế, cho thấy: Tại thời điểm cao nhất có đến 1.600 người tham gia. Ngoài ra chưa kể số người tham gia các ứng dụng khác dành cho MSM.

Qua khảo sát nhanh ở nhóm này, chúng tôi thấy phần lớn nhóm này ở lứa tuổi từ 18-25, tập trung ở các trường đại học, cao đẳng, có kiến thức cao và hiểu biết cách dự phòng lây nhiễm HIV. Nhưng tỷ lệ sử dụng bao cao su và chất bôi trơn khi quan hệ tình dục của họ rất thấp, nên dễ lây nhiễm trong nhóm hơn. Ngoài ra, nhóm này có tỷ lệ khá cao người có quan hệ dị giới (vừa có quan hệ với nam và vừa có quan hệ với nữ) nên việc lây nhiễm ra cộng đồng là điều không thể tránh khỏi.

Cách thức quan hệ tình dục của nhóm này thường bằng miệng và qua hậu môn. Quan hệ tình dục qua đường hậu môn mang đến nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất. Do niêm mạc hậu môn mỏng, niêm mạc trực tràng có nhiều mao mạch, dễ bị tổn thương, dễ chảy máu, hậu môn cũng không có các tuyến tiết chất nhờn để bôi trơn nên dễ bị trầy xước. Thông qua những vết thương đó, virus HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, sùi mào gà sẽ xâm nhập từ người bị nhiễm HIV sang người lành.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có những định hướng can thiệp cho nhóm này, nhưng việc tiếp cận nhóm đang gặp nhiều khó khăn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập nhóm giáo dục viên đồng đẳng MSM để tiếp cận các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, truyền thông, tư vấn xét nghiệm HIV, cấp phát bao cao su và chất bôi trơn. Nhưng đến nay, chỉ còn 4 người tham gia, phần lớn họ bỏ làm sau một thời gian được đào tạo bài bản với lý do phụ cấp rất thấp chỉ 500.000đồng/người/tháng, không đủ tiền điện thoại và tiền đi lại để tiếp cận. Với số lượng đồng đẳng viên ít ỏi như vậy, việc tiếp cận truyền thông, tư vấn xét nghiệm không đảm bảo bao phủ nên khó ngăn chặn được việc lây lan nhiễm HIV và các bệnh liên quan đến quan hệ tình dục.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh cần chủ động nâng mức kinh phí phụ cấp cho các nhóm đồng đẳng viên để khuyến khích động viên họ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình đồng nghĩa với việc ngăn chặn được dịch bệnh đang nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng, góp phần thành công mục tiêu kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. (baothuathienhue.vn 12/11)

 
 
 

3.  “Đạo tranh” người này, kí tên người khác

Không chỉ ngang nhiên chép tranh của họa sĩ để rao bán, thời gian gần đây vấn nạn bản quyền hội họa còn phải đối mặt với vấn đề mới trong chuyện chép tranh: chép tranh họa sĩ này, nhưng ký giả chữ ký của họa sĩ khác. Từ đó, dẫn đến hiểu nhầm giữa họa sĩ bị chép tranh và họa sĩ bị mạo danh chữ ký. Người sưu tập tác phẩm rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Trong khi vẫn có một lớp khách hàng thích tranh giá rẻ, ngược lại nhiều họa sĩ, nhà sưu tập kịch liệt lên án nạn chép tranh “mượn râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Vấn nạn này được xem như là sự vi phạm bản quyền một cách trắng trợn, ảnh hưởng đến nghệ thuật và những họa sĩ hoạt động chân chính.

Không chỉ ở những thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội  nơi có lượng người chơi tranh rầm rộ và thị trường phải đối mặt thường xuyên với vấn nạn đạo tranh, lâu nay vấn nạn ấy cũng đã xảy ra ở Huế.

Gần đây nhất, một nhà sưu tập tranh có tiếng ở Huế rất bức xúc khi bị hiểu nhầm bởi vấn nạn đạo tranh. Đó là một tác phẩm vẽ về chủ đề thiếu nữ được người trong nghề ở TP. Hồ Chí Minh giới thiệu cho anh. Vì có mối thâm tình trong quan hệ làm ăn, anh đồng ý mua lại bức tranh này. “Tôi nghĩ đó là một bức tranh đẹp, giá cả vừa phải. Một phần mình cũng thích bức tranh đó nên tôi quyết định mua chơi chứ không để ý ai là người vẽ tác phẩm đó”, nhà sưu tập kể lại.

Bức tranh ấy được treo rất lâu và không có vấn đề gì xảy ra, cho đến một ngày, bức tranh ấy được nhà sưu tập này tặng cho một người bạn. Bức tranh ấy được chụp ảnh đăng tải lên mạng xã hội. Khi hình  tranh vừa được đăng lên, một họa sĩ liền có ý kiến “đó là tranh của tôi và tôi đã bán rất lâu, không có mức giá đó” thì nhà sưu tập mới giật mình.

Người họa sĩ này còn cung cấp thêm một vài thông tin rằng bức tranh ấy được vẽ muộn hơn chứ không như năm viết lên tranh. Không dừng lại đó, sau khi kiểm chứng, bức tranh ấy được chép của chính người họa sĩ có ý kiến nhưng lại ký tên một tác giả có tiếng khác.

Người viết đã liên hệ con của tác giả bị ký tên trên bức tranh ấy ở TP. Huế và được khẳng định: “Đó không phải là chữ ký của ba tôi”! Từ đó có thể khẳng định rằng, bức tranh thiếu nữ đó đã bị chép của một họa sĩ và ký tên... một họa sĩ khác.

“Tôi đã cảm ơn người họa sĩ đó vì đã cung cấp thông tin và giúp mình có kinh nghiệm hơn trong việc sưu tập bởi thị trường tranh thật – giả vô cùng phức tạp”, nhà sưu tập kể lại và khẳng định rằng, chính bản thân anh cũng là nạn nhân trong quá trình sưu tập bức tranh này.

Từ câu chuyện trên cho thấy, thị trường chép, đạo tranh hiện nay không chỉ tinh vi, kỹ xảo ở mặt kỹ thuật mà còn tạo ra sự rối ren, gây hiểu nhầm giữa các họa sĩ với nhau. Thay vì chép tranh và không cần ký tên rồi rao bán, bây giờ người ta chép tranh của người này rồi ký tên người khác, như thế không thể chấp nhận được. “Bên cạnh vi phạm bản quyền nghiêm trọng, nó còn dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường khác, gây tranh cãi và hiểu nhầm, thậm chí đặt ra thách thức trong thị trường sưu tập”, nhà sưu tập nói thêm.

Tranh của hoạ sĩ Lê Minh Phong vào năm 2018 cũng bị một xưởng tranh ở Hà Nội chép lại y nguyên và rao bán với giá tranh chép trước sự ngỡ ngàng của chính tác giả. Hoạ sĩ Lê Minh Phong ngay sau đó đã phản ứng và xưởng tranh đã nhận lỗi, hạ xuống. Nhưng đó cũng là cách đối phó tạm thời, thực tế nạn đạo tranh vẫn diễn ra không có hồi kết.

Một họa sĩ ở Huế (xin được giấu tên) nói rằng, thực trạng “đạo tranh” rồi ký tên của chính tác giả hoặc “đạo” của người này để tên người khác thực chất suy cho cùng cũng là một vấn nạn. Nó không chỉ sai phạm về mặt bản quyền mà còn liên quan đến câu chuyện đạo đức nghề nghiệp. Lâu nay vấn nạn này đã được truyền thông và những cơ quan liên quan, các họa sĩ lên án rất nhiều nhưng rồi đâu cũng vào đấy. “Cần có một hình thức xử phạt thích đáng, có như thế nền hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung mới có thể phát triển”, vị họa sĩ này nói.

PGS.TS. Phan Thanh Bình, Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, trước đó đã trao đổi với chúng tôi rất nhiều về vấn nạn này. Theo ông Bình, việc chép, đạo tranh xuất hiện từ trước năm 2000 và về sau càng nghiêm trọng hơn. Cá nhân ông cũng như nhiều đồng nghiệp đã từng bị “đạo tranh” gây thiệt hại nặng nề về uy tín và kinh tế. Ông Bình đề nghị, đã đến lúc phải xử lý mạnh tay, nêu rõ tội danh một cách rõ ràng để đảm bảo tính nghiêm minh. (baothuathienhue.vn 12/11)

 
 
 

4.  Nỗi lo bên chân sóng

Hàng nghìn mét bờ biển ở Thừa Thiên Huế tiếp tục sạt lở. Tuyến Tỉnh lộ (TL)21A bằng bê tông vững chãi nối từ xã Giang Hải đến Vinh Hiền (Phú Lộc) cũng bị sóng “nuốt”. Những hàng phi lao, bờ đê từng che chở những ngôi nhà, vườn cây, ao cá của bà con địa phương nơi đây bị tàn phá bởi bão, lũ.

Hàng chục điểm sạt lở

Người dân xã Vinh Hải (nay là Giang Hải, Phú Lộc) phải căng mình đối phó với nạn sạt lở bờ biển, lặp đi lặp lại khi mùa mưa bão về. Tiếp cận hiện trường bờ biển xã Giang Hải, chúng tôi được anh Lê Văn Tương, cán bộ địa chính xã chia sẻ, suốt mấy ngày qua anh luôn sát cánh cùng lực lượng chức năng khiêng cát, đá, rọ thép đắp kè chắn sạt lở bờ biển...nhằm bảo vệ ô tôm, ao cá, vườn màu khỏi bị biển “nuốt”.

TL21A nối từ làng ra biển xã Giang Hải gần như mất dấu do cát bồi. Gần 1 km bờ biển đoạn nối từ thôn Mỹ Cảnh đến xã Vinh Hiền đã bị sóng nuốt chửng, trơ những gốc phi lao xác xơ trước gió.

Anh Tương cho biết, bão số 9 vừa tan, nhiều ngôi nhà, hàng quán của người dân bị đánh sụp, sóng đập tan các bờ kè tạm bằng đá và bao cát của người dân đắp lên trước đó. Một thanh niên đang cùng bà con thu dọn cây dương gãy đổ lùng nhùng trong tấm áo mưa không giấu nổi sự mệt mỏi: “Thời gian gần đây, nhất là những tháng cuối năm 2018, triều cường dâng cao có lúc khiến nước biển tràn qua TL21A, cát vùi lấp dày gần cả mét, bà con ở đây căng

Ông Mai Văn Quế, thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải cho biết, tình trạng sạt lở bắt đầu cách đây cũng hơn 10 năm nay. Mỗi năm bờ biển tại địa phương bị sóng ngoạm từng mảng lớn. Tốc độ sạt lở ngày càng nhanh, ăn vào đất sản xuất, hoa màu... Riêng quán của ông nền xi măng vỡ theo sóng biển, một số điểm tạo thành hàm ếch lớn chui lọt cả người, cột trụ nghiêng ngã. “Năm nào cũng thế. Hồi trước bờ biển ở ngoài xa 200-300m, nay đã vào đây. Nhà cửa, quán sá phải di chuyển nhiều lần...”, ông Quế nói.

Bờ biển dài gần nửa cây số ở thôn 4, cạnh xã Vinh Mỹ cũng bị khoét sâu. Những “cánh rừng” phi lao được bà con địa phương trồng 20-30 năm trước để phòng hộ tại đây đang dần bị xóa, nhiều cây dương liễu cổ thụ nằm trơ gốc, đe dọa đời sống hàng trăm hộ dân.

Chị Lê Thị Lệ, thôn 4 lo lắng: “Cách đây mấy năm nhà tôi cách bờ biển hơn 200m, nhưng giờ nó đã tiến gần sát hông nhà. Xung quanh nhà tôi đã di dời gần hết, chắc cũng đến lượt mình thôi”.

Bão số 9 vừa tan, dọc bờ biển trên địa bàn tỉnh có 10 điểm bị sạt lở với chiều dài gần 14 km. Xung yếu nhất ngoài khu vực xã Giang Hải (Phú Lộc), nhiều đoạn sạt lở nặng, như xã Phú Thuận (Phú Vang) hơn 3 km bị xói lở sâu vào 7-10m, phá tan rừng phòng hộ và ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân thôn Tân An, Trung An, An Dương 1; xã Phong Hải (Phong Điền) tiếp tục bị sạt lở khoảng 3 km với chiều sâu từ 5-10m, uy hiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở đây; xã Hải Dương (Hương Trà) tiếp tục bị xói lở khoảng 1 km....

Chống chọi và chờ đợi

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận thông tin, với tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng ở địa phương, những ngày qua huyện Phú Vang huy động khá đông bộ đội, công an, người dân sở tại để gia cố đê bao với hàng nghìn bao cát, đá ở các vị trí xung yếu dài hơn 300 mét. Đây chỉ giải pháp tạm thời, nếu căn cơ bền vững về lâu dài rất mong ban ngành chức năng tỉnh, Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng đê kè chống sạt lở tại địa phương.

Giữa năm 2019, người dân các xã vùng biển đón tin vui khi tuyến đê kè chống sạt lở khẩn cấp từ Thuận An (Phú Vang) đến Vinh Hiền (Phú Lộc) với kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Theo đó, tuyến kè được đầu tư xây dựng tại khu vực xung yếu tại bờ biển xã Vinh Thanh (Phú Vang) dài 570 mét và hơn 2.500 mét tại xã Giang Hải (Phú Lộc). Hệ thống kè được xây kiên cố bằng bê tông, trên đỉnh kè kết hợp đường giao thông, tường chắn sóng. Ngoài ra, trồng bổ sung thêm rừng phi lao bị gãy đổ, khôi phục lại rừng phi lao phòng hộ phía sau đỉnh kè trong chương trình phòng chống biến đổi khí hậu ven biển...

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Phan Công Mẫn thông tin, đến thời điểm này tuyến kè trên đang vào giai đoạn hoàn thiện và đã phát huy hiệu quả phòng chống sạt lở biển tại Giang Hải. Tuy nhiên hiện tại, bờ biển xã Giang Hải còn nhiều đoạn xung yếu nằm ở địa bàn thôn 4 và thôn Mỹ Cảnh đến xã Vinh Hiền dài hơn 1,5 km. Nguy cơ sạt lở bờ biển ở khu vực này không chỉ xuất hiện trong điều kiện gió bão mà còn ngay cả trong thời tiết bình thường. Giang Hải đang rơi vào tình trạng “biển tiến dân lùi” quá bất thường nhưng nội lực địa phương thì hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Phương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, gần đây, địa phương đầu tư xây dựng kiên cố tuyến kè biển dài gần 4 km đã phát huy tác dụng rất tốt cho các đoạn xung yếu ở Phú Vang, Phú Lộc...

Sau những đợt bão lũ lớn mới đây, tình trạng sạt lở bờ biển vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn; riêng khu vực Phú Vang, Phú Lộc có khoảng 2,5 km bị sạt lở nặng cần xử lý khẩn cấp và tỉnh đang có kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư kiên cố nhằm hạn chế tình trạng biển xâm thực. (baothuathienhue.vn 13/11)

 
 
 

5.  TT - Huế: Hàng trăm héc-ta cây thanh trà bị “chết đuối”

Hàng trăm hec-ta trồng cây thanh trà được 2 - 4 năm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bị chết do ngập nước lâu ngày. Thực trạng này khiến người trồng trắng tay. Đau lòng hơn nữa, nhiều nơi cây thanh trà đã ra quả bói.

Thanh trà Huế là một trong những loài cây ăn quả có múi nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cụ thể, loài cây ăn quả này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác nhận Top các đặc sản nổi tiếng của Việt Nam năm 2013.

Cùng với đó, việc trồng cây thanh trà có thể mang lại thu nhập ổn định cho người trồng (khoảng 50 - 60 triệu đồng/sào/năm). Tuy nhiên, sau đợt bão lụt vừa qua, hàng nghìn người trồng thanh trà bỗng trắng tay vì cây bị chết do ngập nước.

Bà Nguyễn Thị Lưa (65 tuổi, trú tại xã Hương Vân, thị xã Hương Trà) cho biết, sau đợt bão lụt vừa qua, vườn cây thanh trà của bà cũng như 5 người con trong gia đình đã bị chết trơ trụi.

Bà Lưa ngậm ngùi cho biết: Cây thanh trà cứ bị ngập lụt lâu ngày là bị chết. Đặc biệt là những cây ít năm tuổi. Năm 2017, vườn thanh trà 3 năm tuổi của tôi cũng bị chết do lụt. Sau đó tôi trồng lại và đến nay cây chuẩn bị ra trái thì chúng lại bị chết vì đợt lụt vừa qua.

 “Cây bị ngâm trong nước quá lâu, mà nước lụt lần này chứa thêm bùn đất sền sệt, đặc quánh bám vào làm da của cây bị hỏng hết. Giá mà nước rút nhanh, chúng tôi sẽ mang vòi nước ra chùi rửa, vệ sinh cho cây kịp thời thì may ra cứu được chúng”, ông Trần Công Văn (70 tuổi) - chồng bà Lưa tiếp lời.

Ông Phan Đắc (78 tuổi, trú tại xã Hương Vân, thị xã Hương Trà) cho biết, vụ vừa rồi, vườn thanh trà của ông bắt đầu ra quả bói, cứ tưởng sang năm sẽ được thu lứa quả đầu tiên để cải thiện cuộc sống nào ngờ chúng bị chết sạch sau đợt lụt vừa qua.

Có vườn thanh trà hơn 10 năm tuổi may mắn còn sống sót, ông Trần Văn Anh (47 tuổi, trú tại xã Hương Vân, thị xã Hương Trà) vừa vệ sinh cho cây vừa nói: “Giờ mình phải vệ sinh cây, phát hiện chỗ nào đã bị hỏng thì phải đục, đẽo hết chỗ đó, rồi bôi thuốc vào. Sau khi bị ngập nước, nếu chăm sóc tốt và cây khỏe mạnh thì mong là chúng sẽ sống tiếp được vài năm. Cây không khỏe khoảng nửa năm sau gặp nắng thì cũng bị chết”.

Chủ tịch UBND phường Hương Vân Hoàng Anh Tuấn cho biết, đợt bão lụt vừa qua đã khiến 138 ha trồng cây thanh trà của người dân trên địa bàn bị chết đắm và đa phần là cây đã trồng được khoảng 3 - 5 năm.

Trao đổi nhanh với Kinh tế nông thôn, Chủ tịch UBND xã Phong Thu (huyện Phong Điền) Nguyễn Hữu Nam cho biết, hơn 100 ha trồng cây thanh trà của người dân trên địa bàn cũng bị chết 100%.

 “Mọi năm cũng có ngập lụt nhưng chỉ diễn ra trong vòng 1 - 2 ngày nên không sao, riêng năm nay cây bị ngập trong nước đến cả nửa tháng nên bị chết. Toàn bộ số thanh trà bị chết nói trên đã trồng được khoảng 3 - 4 năm. Nếu thuận lợi năm tới người dân có thể thu hoạch được rồi”, ông Nam chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên - Huế Hồ Vang cho biết, theo báo cáo sơ bộ, đợt bão lụt diễn ra từ tháng 10 đến nay đã khiến 540 ha trồng cây có múi bị thiệt hại với mức độ khác nhau. Trong đó, chủ yếu là cây thanh trà đã được trồng từ 2 - 4 năm và tập trung tại 2 địa phương là xã Phong Thu (huyện Phong Điền) và phường Hương Vân (thị xã Hương Trà).

Tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định, phát triển cây ăn quả là một nội dung trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng đề án và được UBND tỉnh phê duyệt.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã liên hệ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để được hỗ trợ trong việc xây dựng đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn hợp lý, khoa học.

 “Chúng tôi cũng đã yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở và các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp để khảo sát, rà soát một cách kỹ càng. Sau đó, các nhà khoa học sẽ tư vấn chỗ nào trồng cây gì. Lẽ ra đến nay việc này đã triển khai, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bão lụt nên khả năng phải chuyển qua năm 2021”, ông Vang cho hay. (kinhtenongthon.vn 12/11)

 
 
 

6.  Nhiều công trình thủy lợi ở Thừa Thiên - Huế bị hư hỏng nặng do mưa lũ

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ lịch sử trong tháng 10 vừa qua, nhiều công trình hạ tầng thủy lợi trên địa bàn huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến việc vận hành tưới, tiêu trong vụ sản xuất Đông Xuân dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 12/2020.

Cụm thủy lợi đầu nguồn cầu máng cung cấp nước tưới cho hơn 20 ha diện tích sản xuất lúa của người dân xã Hồng Thượng, huyện A Lưới đã bị nước lũ phá hủy làm hư hỏng nặng.

Từ ngày 6 - 22/10, tổng lượng mưa trên địa bàn huyện A Lưới lên tới 2.900 mm khiến cho nhiều hệ thống kênh mương thủy lợi bị cuốn trôi, hư hỏng, bồi lắng. Ước tính tổng thiệt hại về thủy lợi do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện A Lưới lên đến nhiều tỷ đồng.

 Trong đợt mưa lũ lớn lịch sử vừa qua, cụm thủy lợi đầu nguồn cầu máng ở xã Hồng Thượng, huyện A Lưới đã bị nước lũ phá hủy làm hư hỏng hoàn toàn. Những khung cột bê tông nâng đỡ ống nước dài 68m đã bị nước lũ quật ngã, gãy đổ nằm la liệt bên bờ suối. Đây là công trình đường ống thủy lợi đảm bảo cung cấp nước tưới cho hơn 20 ha diện tích sản xuất lúa của người dân xã Hồng Thượng. Hiện nay, công trình này vẫn đang đợi nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư mới nhằm đảm bảo nguồn nước tưới, sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân nơi đây.

Đây chỉ là một trong rất nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng thủy lợi do đợt mưa lũ kéo dài trong tháng 10/2020 gây ra trên địa bàn huyện miền núi A Lưới.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới Văn Lập cho biết, trên địa bàn huyện có 85 công trình thủy lợi lớn nhỏ; trong đó, đa phần là những đập dâng và kênh mương đường ống. Đợt mưa lũ vừa qua đã làm hư hại 58 công trình, chính quyền và người dân địa phương đã chủ động khắc phục một số công trình hư hỏng nhẹ. Tuy nhiên, còn 22 công trình bị hư hỏng nặng đòi hỏi phải có kinh phí để khôi phục sửa chữa, xây mới, ước tính khoảng 4 tỷ đồng.

Cụm thủy lợi đầu nguồn cầu máng cung cấp nước tưới cho hơn 20 ha diện tích sản xuất lúa của người dân xã Hồng Thượng, huyện A Lưới đã bị nước lũ phá hủy làm hư hỏng nặng.

Huyện A Lưới có 770 ha đất trồng lúa và theo dự kiến, cuối tháng 11, đầu tháng 12/2020, người dân trên địa bàn huyện sẽ ra đồng làm đất và đến ngày 20/12 vào sẽ bắt đầu gieo sạ lúa vụ mùa Đông Xuân. Do vậy, thời gian còn lại để khắc phục hệ thống thủy lợi của huyện để đảm bảo tưới tiêu không còn nhiều.

Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên - Huế cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, hệ thống thủy lợi ở  huyện vùng cao A Lưới chịu thiệt hại nặng nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện do phía công ty quản lý.

Để phục vụ cho mùa vụ Đông Xuân đang cận kề, trước mắt, đơn vị sẽ tiến hành tu sửa tạm thời các công trình nhằm đảm bảo bơm tiêu cho những vùng trũng, đồng thời cố gắng thông dòng đáp ứng kịp thời việc cấp nước cho mùa vụ gieo trồng. Đối với cụm thủy lợi đầu nguồn cầu máng ở xã Hồng Thượng gần như bị nước lũ phá hủy hư hỏng hoàn toàn, do vậy đơn vị sẽ cho lập một trạm bơm mới dã chiến để kịp thời đưa nguồn nước về phục vụ cho sản xuất của người dân. Về lâu dài, cần nhiều nguồn lực để tái thiết sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi trên địa bàn huyện miền núi biên giới A Lưới. (baotintuc.vn 12/11)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Thừa Thiên Huế: Chủ động ứng phó bão, sẵn sàng ứng cứu cho người dân

Trước diễn biến phức tạp của bão VAMCO (bão số 13), lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có cuộc họp trực tuyến với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai giải pháp ứng phó.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - yêu cầu các địa phương tiếp tục nắm chắc thông tin, tổ chức di dân vùng xung yếu; đồng thời, cử lực lượng trực để ứng cứu cho người dân khi cần thiết. Tuyệt đối không để người dân bị chia cắt do lũ lụt mà không được ứng cứu.

Theo Ban chỉ hủy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, vào lúc 17h00 ngày 11/11, mực nước các sông Hương tại Kim Long là 3,23m dưới báo động III 0,27m; sông Bồ tại Phú Ốc 4,46m dưới báo động III 0,04m; sông Ô Lâu: 2,72m.

Mực nước dự kiến sông Hương tại trạm Kim Long sau 19h ngày 11/11/2020 lên trên mức báo động III (3,5m); sông Bồ tại trạm Phú Ốc dự kiến sau 19h ngày 11/11/2020 lên mức trên báo động III (4,5m).

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Phương thông tin, do mưa lớn nên mực nước các sông lớn tiếp tục lên và sẽ giảm vào ngày 12/11. Yêu cầu các địa phương tiếp tục nắm chắc thông tin, tổ chức di dân vùng xung yếu; đồng thời, cử lực lượng trực để ứng cứu cho người dân khi cần thiết. Tuyệt đối không để người dân bị chia cắt do lũ lụt mà không được ứng cứu.

Phó Chủ tịch Thừa Thiên Huế cho biết, trong vài ngày tới, bão VAMCO được dự báo sẽ lại tiếp tục đi vào Biển Đông, sau đó ảnh hưởng đến vùng biển và đất liền khu vực miền Trung. Vì vậy, các cấp, các ngành phải tiếp tục tập trung chỉ đạo ứng phó với mưa lũ sau bão, cũng như chuẩn bị ứng phó với những diễn biến thiên tai phức tạp trong thời gian tới. Lưu ý đến các khu vực xung yếu có thể xảy ra sạt lở, lũ quét để lên phương án di dời hợp lý.

Ông Phương cũng yêu cầu các lực lượng cần theo dõi sát diễn biến của bão VAMCO để chủ động chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Trong đó, chú trọng đến dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân chủ động phòng tránh. “Bão VAMCO được dự báo là cơn bão mạnh khi vào Biển Đông, do vậy công tác ứng phó cần được triển khai sớm, kịp thời, quyết liệt, tránh tâm lý chủ quan có thể gây thiệt hại đáng tiếc” - ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành, nhất là lực lượng quân đội, công an chủ động triển khai lực lượng, phương tiện để sẵn sàng cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố trên biển, trên đất liền, cũng như hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do bão, lũ. Các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và phương tiện để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương. (congthuong.vn 13/11)

 
 
 

2.  Khai mạc kỳ họp chuyên đề lần thứ 12, HĐND tỉnh khóa VII

Sáng nay (13/11), Thường trực HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 12, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 để xem xét, quyết định các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 2020.

Tham dự kỳ họp có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Cái Vĩnh Tuấn…

Phát biểu khai mạc kỳ họp, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh, kỳ họp chuyên đề lần thứ 12 HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng. Đó là tập trung thảo luận và quyết định 55 nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư công; tài chính ngân sách; tài nguyên môi trường; phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giao UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn và một số nội dung quan trọng khác...

Cùng với đó, HĐND tỉnh sẽ lấy ý kiến về miễn nhiệm đại biểu HĐND, miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh và 2 Ủy viên UBND tỉnh do chuyển công tác và đến tuổi nghỉ chờ hưu.

Để chuẩn bị nội dung trình tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan hoàn chỉnh các tờ trình, đề án để trình HĐND tỉnh. Các ban của HĐND tỉnh đã chủ động tổ chức làm việc với các đơn vị liên quan để có thêm thông tin cung cấp cho đại biểu HĐND tỉnh xem xét quyết định.

Kỳ họp chuyên đề lần này có nhiều nội dung rất quan trọng, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, dân chủ thảo luận, góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Tiếp theo chương trình, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Đại Vui trình bày các tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư; trong đó, 14 dự án công trình giao thông, 6 dự án công trình hạ tầng kỹ thuật, 6 dự án công trình dân dụng và 14 dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn…

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cũng sẽ quyết định 4 nội dung về bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công về ngân sách tỉnh từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020; điều chỉnh số vốn không giải ngân hết thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư năm 2020 các chương trình mục tiêu quốc gia... (baothuathienhue.vn 13/11)

 
 
 

3.  Bão số 13 đi vào đất liền Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế ngày 15/11, gió giật cấp 15

Bão số 13 với cường độ gió giật cấp 15 đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Nam, sẽ đi vào đất liền Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế ngày 15/11.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hồi 4h ngày 13/11, tâm bão số 13 (Vamco) cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 4h ngày 14/11, tâm bão ở trên vùng biển phía Nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) và phía Bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao từ 4-6m, vùng gần tâm bão 8-10m; biển động dữ dội.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 118,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 4h ngày 15/11, tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 4h ngày 16/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). 

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3. (vtc.vn 13/11; sggp.org.vn 13/11; vietnamplus.vn 13/11; giaoducthoidai.vn 13/11; cand.com.vn 13/11; baophapluat.vn 13/11)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  TT-Huế đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân cho 15 cá nhân

Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) cấp tỉnh TT- Huế vừa thông qua danh sách các cá nhân đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT lần thứ ba - năm 2021 trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Theo đó, 2 cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu NNND là nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà và nghệ nhân Lê Văn Ngộ. 13 cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT gồm: Phan Tôn Tịnh Hải, Tôn Nữ Lệ Hoa, Trương Thị Quỳnh Hoa, Nguyễn Thị Kim Hồng, Trần Mạnh Hùng, Lê Văn Hùng, Lê Hữu Mạch, Phan Tôn Tuệ Minh, Dương Văn Na, Đặng Thị Nữ, Lê Quý Ngưu, Hồ Quan và Mai Thị Trà. Đây là những nghệ nhân đang nắm giữ, truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể, như: nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Xét thành tích và những đóng góp của các nghệ nhân, Hội đồng cấp tỉnh TT- Huế đã tổ chức lấy ý kiến và bỏ phiếu kín để đề nghị Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT cho 15 cá nhân trên. (cadn.com.vn 12/11)

 
 
 

2.  Giới thiệu tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình”

- Chiều 12/11, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tổ chức chương trình giới thiệu tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” của nhà thơ Trần Vàng Sao, nhân dịp tập thơ vừa được NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phát hành.

Tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” gồm 32 bài thơ, trong đó có những bài thơ đã in trên một số báo và tạp chí cùng nhiều bài thơ chưa được công bố do gia đình lưu giữ, như: Đồng chí, Những ngày tôi còn nhỏ ở Vỹ Dạ, Nhớ Ức Trai, Khoảng trống ngoài sân khấu, Mạ ơi, Gọi tìm xác đồng đội, Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình…

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong lời tựa tập thơ đã khái quát những nét khác biệt của thơ Trần Vàng Sao: “Thơ Trần Vàng Sao chính là cuộc đời ông. Tôi luôn mang cảm giác ông không theo bất cứ một trường phái nào, không dùng bất cứ một kỹ thuật hay phép tu từ nào… Thơ ông hiện ra như chính áo quần ông, tóc tai ông, hơi thở ông, giọng nói ông và nhịp đập trái tim ông là thứ kỳ diệu nhất gắn kết toàn bộ những gì thuộc về ông để vang lên thành thi ca. Bởi thế, thơ ông chân thực và mãnh liệt như máu chảy trong huyết quản ông”.

Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính (1941 – 2018). Ông lớn lên và sinh trưởng tại Huế. Đầu những năm 60, đi theo tiếng gọi đấu tranh phong trào của sinh viên, học sinh Huế, ông tham gia phong trào với nhiệt huyết yêu nước nồng nàn. Những năm tháng đó đã để lại cho ông một “gia tài” thi ca nho nhỏ. Trần Vàng Sao từng được người đọc biết đến với “Bài thơ của một người yêu nước” và được chọn là một trong 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XX. (baothuathienhue.vn 12/11)

 
 
 

3.  Ba nhà văn gốc Huế vinh dự đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam

Hội Nhà văn Việt Nam vừa chính thức công bố kết quả cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V (2016-2019) giải thưởng Hội Nhà văn 2020.

“ Từ Dụ Thái Hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai không chỉ đoạt giải Nhất mà còn đoạt giải Sánh hay năm 2020

Trong 20 tác phẩm đoạt giải lần này (gồm 1 giải nhất, 5 giải nhì,7 giải ba và 7 giải tư), xứ Huế có 2 vinh dự:

-Giải Nhất thuộc về nhà văn Trần Thùy Mai với tiểu thuyết “Từ Dụ Thái Hậu”.

-Giải Nhì thuộc về nhà văn Vĩnh Quyền với tiểu thuyết “Trong vô tận”.

Ngoài 2 nhà văn đoạt giải cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V, xứ Huế vinh dự có thêm nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng với tập hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” được trao Giải thưởng văn học Hội nhà văn Việt Nam 2020.

Đây là lần đầu tiên, cùng lúc có đến 3 nhà văn người Huế được xướng danh trên văn đàn Việt Nam. (baothuathienhue.vn 12/11)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Người dân Huế tất tả đưa gia súc chạy lũ

Trong ngày 12.11.2020, nhiều vùng hạ du, thấp trũng ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập lụt nặng do mưa lớn kéo dài ở thượng nguồn khiến các hồ chứa nước, hồ thủy điện điều tiết xả lũ. Người dân di chuyển tài sản, tất tả gia súc chạy lũ. (video thanhnien.vn 12/11)

 
 
 

2.  Nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế ngập nặng, chia cắt

Hơn một tháng qua, người dân ở vùng rốn lũ huyện Quảng Điền phải chống chọi với 5 đợt lũ liên tiếp. Lũ chồng lũ, hầu hết diện tích rau màu, ao hồ, lồng nuôi cá, tôm của bà con đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.

Mưa lớn cộng với các hồ thủy lợi, thủy điện xả nước đón lũ nên nhiều vùng thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên Huế lại bị ngập. Trong lúc này, vùng cao cũng bị ngập cục bộ và sạt lở. Người dân tỉnh Thừa Thiên Huế không còn nhớ đây là lần thứ mấy trong mùa mưa bão năm nay phải chạy lũ. Có nơi như vùng trũng huyện Quảng Điền, suốt hơn 1 tháng qua, giao thông vẫn bị chia cắt, người dân phải đi lại bằng ghe thuyền.

Nhiều trường học ở vùng lũ huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế bị ngập lũ học sinh phải nghỉ học cả tháng nay.

Bà Ngô Thị Kim Thành ở thôn Phước Lý, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền than thở, đã hơn một tháng qua, nước tràn vào nhà hơn 1 mét, cả gia đình phải di chuyển lên cao. Hôm nay, nước lại dâng lên, lương thực dự trữ trong nhà đã cạn. Tại xã Quảng Phước hiện vẫn còn nhiều vùng bị ngập sâu, các thôn vùng đầm phá có 700 hộ dân bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài, chính quyền địa phương đang nỗ lực giúp dân vượt qua khó khăn. Bà Ngô Thị Kim Thành lo lắng, mưa lũ kéo dài hơn 1 tháng qua khiến đời sống của người dân vô cùng cơ cực: "Học sinh đi học cũng khó khăn, mấy ngày trước thì đi ghe đò. Với lại, người lao động thì không đi làm được. Nói chung, cả tháng ni, trong gia đình không có thu nhập luôn. Đợt ni có hàng cứu trợ thì cũng nhờ hàng cứu trợ thôi chứ cũng không có chi hết. Tiền bạc thì nhà ai cũng không có".

Tại xã Quảng Phước, chính quyền địa phương phải dùng thuyền và ca nô đi cứu trợ mì tôm cho bà con. Ông Nguyễn Chi, một người dân ở thôn Mai Dương, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền cho biết: mưa lũ kéo dài, bà con ai cũng dự trữ được một ít lương thực, thực phẩm. Những hộ không chủ động dự trữ thì bà con giúp nhau qua cơn lũ, người dân đối mặt với thiếu đói: "Người dân thì cũng khó khăn, cũng cô lập, chừ ở thì ở trong thôn đi quanh trong thôn thôi, chừ không đi mô được hết vì chừ nước lũ lớn. Làm ăn thì không làm được chi hết, làm ruộng với làm hồ tôm. Hồ tôm chừ thì thất thu hết rồi. Rau màu giờ chừ ở trong thôn đây, nhà rau màu mất trắng luôn vì lũ ngâm nhiều ngày quá".

Hơn một tháng qua, người dân ở vùng rốn lũ huyện Quảng Điền phải chống chọi với 5 đợt lũ liên tiếp. Lũ chồng lũ, hầu hết diện tích rau màu, ao hồ, lồng nuôi cá, tôm của bà con đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Ở nông thôn nhưng cộng rau cũng không còn, quả chuối nay tìm đỏ mắt cũng không thấy. Riêng những vùng dân cư bị chia cắt bà con đang thiếu lương thực dự trữ. Sáng nay, ở huyện Quảng Điền, nước lũ lại lên nhanh; các hồ thủy điện tiếp tục xã lũ để đón bão số 13. Các hồ thủy điện xả lũ làm cho các xã Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng Phước, Quảng Phú, thị trấn Sịa… bị ngập sâu, nhiều nơi chia cắt, người dân chủ yếu di chuyển bằng ghe thuyền.

Bà Phan Thị Châu, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền cho biết, chính quyền địa phương phải tập trung cứu trợ lương thực đến từng hộ dân: "Sáng hôm nay có 30% gia đình bị ngập lụt, khoảng 700 hộ và 3 hộ đã di dời đến nhà văn hóa để ở. Còn các hộ khác thì di dời từ nhà thấp đến nhà cao. Hiện tại, học sinh trên địa bàn thời gian qua, ở địa bàn Quảng Phước, một tháng rồi học sinh mới đi học trong vòng một tuần trở lại đây hiện nay đã ngập lũ và tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Ở xã có ba thôn thuộc vùng đầm phá bị cô lập, đó là: thôn Hà Đồ, Phước Lập, thôn Lâm Lý và thôn Mai Dương. Phải đi lại bằng ghe thuyền là chủ yếu."

Mấy hôm nay, mưa to trên diện rộng cộng với thủy điện xã lũ khiến mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế dâng cao, riêng sông Bồ lên trên mức báo động 3. Hơn 6.500 ngôi nhà bị ngập từ 0,5 đến 1,7m. Nhiều tuyến đường ở trung tâm TP. Huế cũng ngập sâu trong nước gần 0,5m, có nơi sâu hơn khiến cuộc sống và việc buôn bán, kinh doanh của người dân bị đảo lộn.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Hiện nay, tỉnh đã ban hành các lệnh vận hành các hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới và Tả Trạch yêu cầu các chủ hồ đập vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa.

"Mực nước các thủy điện hiện nay ở mức rất cao, cả 3 hồ lớn Hương Điền, Bình Điền và Tả Trạch thì phải giảm mực nước hồ để đón lũ cho đợt sau, bây giờ rất có thế lưu lượng đi sẽ lớn hơn lưu lượng đến mới giảm được mực nước hồ. Giờ chỉ hy vọng là mưa giảm. Theo quy trình thì bắt buộc ở mực nước dâng bình thường mà ở dưới này có báo động đến cấp 2 thì chúng ta phải duy trì đến bằng đi"./. (vov.vn 12/11)

 
 
 

3.  TT-Huế: Hơn 6.500 ngôi nhà còn bị ngập

Tính đến chiều 12/11, tại TT-Huế vẫn còn hơn 6.500 ngôi nhà bị ngập do mưa lớn từ hoàn lưu bão số 12. Trong khi đó, nhiều nơi trong tỉnh lại tiếp tục căng mình ứng phó với bão số 13.

Đến chiều 12/11, nhiều người dân sống ở vùng ven biển, cửa sông, vùng thấp trũng, vùng núi tỉnh TT-Huế đã được yêu cầu sơ tán. Toàn tỉnh đã triển khai di dời hơn 2.100 hộ dân, với hơn 6.400 nhân khẩu để phòng tránh nguy hiểm do cơn bão số 13 có thể gây ra.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ có công điện yêu cầu tạm dừng xử lý tràn dầu tàu biển JAKARTA mắc cạn, bị gãy; dừng trục vớt tàu biển Công Thành 27 và tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3… do thời tiết rất nguy hiểm.

Ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu chủ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm vận hành đưa lượng nước hồ về mức thấp nhất để đón lũ theo quy trình đã phê duyệt; rút toàn bộ người, phương tiện ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất, vùng ngập úng khi xảy ra mưa bão... (tienphong.vn 13/11)

 
 
 

4.  Người thầy đam mê sáng chế thiết bị thí nghiệm

Sau 3 năm vinh dự được vinh danh tại cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017 do Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, thầy giáo trẻ Nguyễn Trường Vũ (Trường TH&THCS Phượng Hoàng, phường Kim Long, TP. Huế) một lần nữa gây bất ngờ khi có sáng chế được chọn 1 trong 15 công trình, sáng kiến vì giáo dục xuất sắc nhất sẽ tham gia tranh tài tại vòng chung khảo năm 2020.

Theo đuổi đam mê vật lý thực hành

Cũng như đề tài của 3 năm về trước, đề tài được chọn và vừa được công bố vào đầu tháng 11 vừa qua cũng liên quan đến lĩnh vực đam mê của thầy Vũ, đó là vật lý thực hành. “Mình rất bất ngờ và sung sướng khi một lần nữa đề tài lại được xướng tên ở cuộc thi danh giá, với sự góp mặt và tất nhiên cạnh tranh của rất nhiều đề tài, sáng kiến khác của giáo viên trên cả nước”, thầy giáo Vũ tâm sự.

Công trình, sáng kiến “Sáng chế thiết bị thí nghiệm vật lý phổ thông mới” ở lĩnh vực sáng tạo dụng cụ của thầy giáo Nguyễn Trường Vũ cùng 14 công trình, sáng kiến khác được hội đồng sơ khảo đánh giá tiêu biểu trên sự lựa chọn từ hơn 1.100 công trình, sáng kiến vì giáo dục gửi về.

Với kinh nghiệm nhiều năm dạy bộ môn vật lý, cũng như sáng chế các thiết bị thực hành, thầy giáo Nguyễn Trường Vũ chưa khi nào thôi thao thức và đau đáu về những vật dụng, thiết bị để học sinh có thể thực hành, tiếp cận vấn đề một cách dễ hiểu nhất. Đặc biệt, khi mà với chương trình giáo dục ngày càng thay đổi, điều đó cũng đòi hỏi người dạy cũng phải tiếp cận, và có những cách hướng dẫn phù hợp. Từ suy nghĩ đó, thầy Vũ bắt tay nghiên cứu đề tài sáng chế thiết bị thí nghiệm vật lý phổ thông mới.

 “Hiện nay, nhiều học sinh ở Việt Nam vẫn học “chay” môn vật lý. Vì nhiều lý do nên các em mất đi hứng thú với môn học. Với mong muốn có nhiều học sinh được học vật lý thực nghiệm với chi phí phù hợp, mình đã đầu tư và sáng tạo nhiều bộ thí nghiệm chất lượng nhưng có giá rẻ, dựa vào điện thoại thông minh để phục vụ giảng dạy”, thầy Vũ trăn trở.

Đề tài sáng chế của người thầy tuổi 32 bao gồm 14 thiết bị: Đồng hồ đo mili giây, bộ thí nghiệm đo gia tốc rơi tự do, bộ thí nghiệm khảo sát chuyển động thẳng, máy phát dao động âm tần, bộ thí nghiệm tạo sóng dừng trên dây, thiết bị đo vận tốc quay của động cơ, Việt hoá phần mềm vật lý phyphox, bộ thí nghiệm mô hình sóng, bút thử điện tích âm dương, bộ thí nghiệm tác dụng sinh lý của dòng điện, bộ thí nghiệm tác dụng nhiệt của dòng điện, bộ thí nghiệm tác dụng hoá của dòng điện, tác dụng quang của dòng điện – kiểm tra vật dẫn điện hay cách điện, hộp đối lưu. Điểm đặc biệt, đó là 8 thiết bị đầu tiên được sử dụng phần mềm miễn phí bằng điện thoại thông minh.

Nhiều đồng nghiệp hỏi mua

Trong nhiều thiết bị đó, có thể kể đến thiết bị “Việt hoá phần mềm vật lý phyphox”. Theo thầy Vũ, phần mềm này sử dụng các cảm biến có sẵn trong điện thoại để đo các thông số của thí nghiệm vật lý. Cũng chính thầy Vũ là người cung cấp bản dịch tiếng Việt cho nhóm viết phần mềm ở một trường đại học của Đức. Phần mềm này có thể làm được rất nhiều thí nghiệm khác nhau và là công cụ phục vụ hiệu quả cho việc dạy và học.

 “Các thí nghiệm có thể làm với phyphox trên điện thoại mà không cần thiết bị hỗ trợ khác: đo tốc độ lăn của một ống lăn, đo gia tốc, đo từ trường, lấy vị trí GPS, đo cường độ ánh sáng, đo áp suất khí quyển, đo tốc độ thang máy, đo độ to và thời gian của tràng pháo tay và gán điểm, đo góc nghiêng, đo tần số và chu kỳ con lắc, đo gia tốc hướng tâm, tạo tín hiệu âm tần, đo hiệu ứng Doppler, đo phổ âm thanh, đo khoảng cách bằng sóng âm, các loại đồng hồ bấm giờ… Đặc biệt, phần mềm này cho phép chiếu màn hình không dây lên máy tính và cho phép xuất dữ liệu thô để xử lý”, thầy Vũ lý giải về sáng chế và khẳng định người sử dụng có thể sáng tạo nên nhiều thí nghiệm hay với phần mềm này.

Hay như thiết bị “bút thử điện âm dương” được thầy Vũ mày mò thử nghiệm và hoàn thành trong 3 năm. Thiết bị được làm từ các transitor, đèn led, điện trở và pin. Khi đặt một vật nhiễm điện dương gần bút thì đèn màu xanh sẽ tắt, khi đặt một vật nhiễm điện âm gần bút thì đèn màu đỏ sẽ tắt.

Nói về tất cả những thiết bị tự tay mình sáng chế, thầy Vũ một lần nữa khẳng định, đó là sự sáng tạo kết hợp với điện thoại thông minh, hợp với xu thế vận dụng tài nguyên 4.0 vào dạy học. Sự kết hợp này còn làm giảm giá thành thiết bị rất nhiều so với các sản phẩm tương tự trên thị trường. Ngoài ra, các thiết bị được ban giám khảo đánh giá cao còn nhờ vào thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng.

“Sau khi hoàn thành các sản phẩm thí nghiệm mình làm video đưa lên các trang mạng xã hội để phổ biến cách làm. Nhiều thầy cô trong nước đã hỏi cách làm và một số thầy cô hỏi mua sản phẩm”, thầy Vũ chia sẻ.

Nói về những sáng chế cũng như đề tài mới nhất lọt vào chung khảo cuộc thi công trình, sáng kiến vì giáo dục năm 2020 của thầy Vũ, thầy giáo Nguyễn Cao - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Phượng Hoàng cho biết, đó là một vinh dự của trường và sự cố gắng không ngừng nghỉ trong hành trình theo đuổi đam mê của người thầy trẻ.

“Những đề tài, sáng chế của thầy Vũ ngay khi thành công đều được đưa vào trình diễn trong các giờ học hoặc các giờ ra chơi. Rất vui là học sinh rất thích thú tìm hiểu và tạo được không khí học tập hăng say cũng như thôi thúc các em tìm tòi nghiên cứu khoa học”, thầy Cao chia sẻ. (baothuathienhue.vn 13/11)

 
 
 

5.  Người dân Huế khóc ròng: Chưa làm được đồng mô… thì lụt lại

Từ ngày 10-12.11.2020, mưa lớn cùng với việc các hồ thủy điện xả lũ lưu lượng lớn đã khiến người dân Huế tiếp tục sống trong cảnh ngập ngụa, làm ăn khốn khó. (thanhnien.vn 12/11)

 
 
 

6.  Cô hiệu trưởng miệng nói, tay làm

- Luôn hết lòng với nghề, “nói đi đôi với làm” là tâm niệm đã giúp cô Trần Thị Hiếu, Hiệu trưởng Trường tiểu học (TH) Hương Lâm (Phong Điền) luôn đạt được những kết quả tốt trong công việc.

Sau ngày đất nước giải phóng, Hiếu cùng gia đình trở về quê nội ở xã Phong An, huyện Phong Điền. Nhận được nhiều tình thương yêu của bà con, chòm xóm và sự chở che của thầy cô giáo giúp cô học trò TH ngày đó nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Vì thế, Hiếu chỉ có một ước mơ duy nhất là trở thành giáo viên để tiếp bước thầy cô che chở cho các thế hệ học sinh trên quê hương mình.

Học hết phổ thông, Hiếu thi đỗ Khoa văn Trường đại học Sư phạm Huế, nhưng ước mơ vụt tắt vì ba cô trở bệnh nặng rồi qua đời không lâu sau đó. Như một cơ duyên, năm 1992, huyện Phong Điền tổ chức thi tuyển giáo viên TH cấp tốc, Hiếu trúng tuyển và nhận công tác tại Trường TH Phò Ninh. Đạt được ước mơ, nhưng áp lực cũng rất lớn, học sinh hầu hết là con nhà nghèo, cha mẹ không có thời gian để quan tâm nhiều đến việc học của con cái, nhiều em đến trường bụng còn đói, áo quần không đủ ấm, chân tay lấm lem… Cô giáo Hiếu ngoài cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học còn dành thời gian nghỉ ngơi để tự cắt tóc, móng tay, khâu lại nút áo và trò chuyện với học sinh... nên luôn được học sinh và phụ huynh tin yêu.

Năm học sau đó, cô Hiếu được chuyển về Trường TH Hương Lâm và nhiều trường học khác, trải qua nhiều cương vị khác nhau. Đến năm 2013, cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường TH Điền An và trở lại Hương Lâm cũng với cương vị hiệu trưởng năm 2018, khi Hương Lâm đã đạt chuẩn mức 2 được 6 năm. Cô giáo không còn lo chuyện học sinh thiếu thốn vật chất mà cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, vừa đồng hành cùng gia đình để giúp các em có kỹ năng sống tốt.

Để duy trì kết quả đã khó, đưa chất lượng dạy và học của trường ngày một đi lên đòi hỏi người đứng đầu đơn vị phải không ngừng tư duy để chèo lái con thuyền một cách tốt nhất. Cùng với hội đồng sư phạm nhà trường, cô Hiếu không ngừng tìm phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội; nâng cao kỹ năng sống, phát huy được tính chủ động trong học tập cho học sinh; hướng dẫn học sinh tổ chức học theo nhóm, phát huy đều đặn hoạt động: “Ngày Chủ nhật xanh” và xây dựng nhiều sân chơi bổ ích như thi đấu bóng đá cộng đồng, đố vui để học, tìm hiểu an toàn giao thông...

Cô hiệu trưởng còn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được hoàn cảnh, tâm tư của từng học sinh để bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho học sinh khá giỏi; phụ đạo cho học sinh yếu kém và tìm cách hướng giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn duy trì việc học tốt hơn; dành sự quan tâm đặc biệt đối với học sinh khó tiếp cận được với chương trình, có biểu hiện khác thường do sức khỏe.

Trường hợp em Huy Hoàng, bị tự kỷ, ở lớp khi thì tự đập đầu vào tường, lúc nhìn bạn bè, thầy cô bằng ánh mắt vừa xa lạ vừa sợ sệt… cô hiệu trưởng cùng giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nói chuyện với em, đưa em đến tham gia các hoạt động ngoại khóa. Dần dần, Hoàng cởi mở với bạn bè, tham gia vào đội trống của trường; năm học 2019-2020 em đạt giải khuyến khích cấp huyện cuộc thi vẽ tranh “Thiếu nhi với Bác Hồ, Bác Hồ với thiếu nhi”. Giờ Hoàng đã là học sinh trung học cơ sở, nhưng mẹ em vẫn thường gọi điện thoại đến cô hiệu trưởng báo tình hình của Hoàng ở môi trường mới và hết lời cảm ơn nhà trường đã giúp đỡ để em vượt qua được bệnh tật.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Điền cho biết, ngoài duy trì được những thành tích trước đây, hai năm học gần đây, Trường TH Hương Lâm liên tục có học sinh đạt thành tích xuất sắc trong các đợt giao lưu năng khiếu cấp huyện, 1 em đạt xuất sắc cấp tỉnh. Thành tích mà đơn vị đạt được phải kể đến sự nỗ lực hết mình trong công việc của cô Hiếu. (baothuathienhue.vn 12/11)

 
 
 

7.  Khi người dân là chủ thể

Phát huy tối đa vai trò người dân, Mặt trận và các tổ chức thành viên xã Phú Thượng (huyện Phú Vang) không ngừng giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được.

Chung sức

Thôn Tây Trì Nhơn (xã Phú Thượng) được ví như một “ốc đảo”, với cầu Cảm Thông là tuyến chính nối Quốc lộ 49B. Vừa qua, cây cầu được mở rộng sau 10 năm đưa vào sử dụng với kinh phí 600 triệu đồng, hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa.

Thời điểm từ năm 2010 - 2012, thông qua sự kết nối của Ban công tác Mặt trận thôn và những người có uy tín trong cộng đồng, ông Phan Độ, một kiều bào xa quê đã đồng ý hỗ trợ địa phương 800 triệu đồng xây dựng Trường mầm non Phú Thượng và 300 triệu đồng xây dựng cầu Cảm Thông. Từ “cú hích” đó, phong trào góp sức xây dựng NTM tại Tây Trì Nhơn lan tỏa đến đông đảo bà con sống tại đây.

Nhiều người dân tại thôn Tây Trì Nhơn hồ hởi kể, đời sống bà con giờ đây ngày càng cải thiện. Đường sá thông thoáng, rộng rãi nên việc làm ăn, buôn bán cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Ông Huỳnh Thái, Trưởng thôn Tây Trì Nhơn chia sẻ, với sự tuyên truyền, vận động của Ban công tác Mặt trận, người dân trong thôn đồng thuận hiến đất mở đường, góp tiền của, ngày công xây dựng NTM. Giờ đây 100% các tuyến đường của thôn đều được bê tông hóa, cùng với hệ thống điện chiếu sáng được xã hội hóa.

 “Tiếp tục giữ vững các tiêu chí xây dựng NTM, Ban công tác Mặt trận thôn đã phối hợp cùng các đoàn thể và người dân phát động Ngày Chủ nhật xanh mỗi tháng 1 lần để tổng dọn vệ sinh, làm đẹp cảnh quan môi trường sống. Việc giữ gìn vệ sinh tại mỗi hộ gia đình được chú trọng, người dân đổ rác đúng nơi quy định, góp phần đảm bảo môi trường sống cho cộng đồng”, ông Huỳnh Thái kể.

Không riêng thôn Tây Trì Nhơn, thực hiện chủ trương của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền về xây dựng NTM, Mặt trận và các tổ chức thành viên xã đã vận động Nhân dân trên địa bàn đóng góp hàng ngàn ngày công lao động và hơn 15 tỷ đồng trong 10 năm qua để xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo các tiêu chí về NTM.

Người dân thụ hưởng

Theo bà Trương Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phú Thượng, với phương châm “Lấy người dân làm chủ thể”, đơn vị tập trung tuyên truyền, vận động nhằm khơi gợi và phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần giúp đỡ lẫn nhau của người dân trong xây dựng NTM, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội với người dân ngày càng gần gũi, gắn bó.

Nổi bật, năm 2018, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp ủng hộ với số tiền trên 190 triệu đồng, lắp đặt 16 camera /36 mắt tại 9 khu dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nhiều hộ gia đình còn bỏ kinh phí lắp thêm camera tại nhà để xóa các điểm mù. Hệ thống camera đã phát huy, giúp các cơ quan chức năng đấu tranh hiệu quả với các đối tượng vi phạm pháp luật.

Trong quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp ở Phú Thượng giảm dần do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trước tình hình trên, Mặt trận và các đoàn thể đã vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật cho mô hình trồng hoa, cây cảnh để tạo việc làm, tăng thêm thu nhập. Đến nay, trên địa bàn xã có 45 hộ trồng hoa, cây cảnh, góp phần giải quyết việc làm cho 210 lao động. Trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm, các hộ trồng hoa thu nhập bình quân từ 40 đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, trên địa xã có trên 900 cơ sở sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho 480 lao động.

Bà Trương Thị Thanh Thủy cho biết, Phú Thượng đang trong hóa trình đô thị hóa mạnh mẽ, điều này đòi hỏi Mặt trận cần tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đưa các tiêu chí trên vào chương trình thi đua và tổ chức ký kết thực hiện tại “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” hằng năm để tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân. (baothuathienhue.vn 13/11)

 
 
 

8.  Người cao tuổi vùng cao sống vui, sống khỏe

- Với nhiều phương cách tổ chức hay, sáng tạo, trên 2.400 hội viên người cao tuổi (NCT) tại Nam Đông đã và đang sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Bà Võ Thị Yến, Trưởng Ban đại diện Hội NCT huyện Nam Đông cho biết: Hàng năm, ngoài phong trào thi đua Tuổi cao - gương sáng, Hội NCT địa phương còn thành lập và duy trì các câu lạc bộ để NCT có môi trường giao lưu, sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Trong đó, hoạt động sôi nổi và hiệu quả nhất là  CLB Chăm sóc sức khỏe, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh...”.

Gắn bó và thiết thực với hội viên, các CLB Chăm sóc sức khỏe ra đời. Hoạt động của CLB hướng đến đảm bảo sức khỏe cho NCT, chú trọng vào các bệnh thường gặp. Trong đó, ngoài kiểm tra sức khỏe định kỳ, đo huyết áp hàng tháng, các cụ còn được nghe truyền thông về sức khỏe NCT.

Đến với CLB để được tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, các thành viên CLB cũng xem đây là ngôi nhà thứ 2, nơi họ được chăm sóc, giúp đỡ. Vì tính thiết thực, nhân ái, chỉ 9 tháng trở lại đây, huyện Nam Đông đã thành lập mới thêm 5 CLB, tăng số lượng CLB lên 10 và nâng tổng số hội viên tham gia đạt xấp xỉ 400.

Tại xã Hương Phú, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã chứng minh hiệu quả hoạt động. Ông Trần Đình Hưng, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Dù mới thành lập từ năm 2019 nhưng CLB đã có những hoạt động quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên. Trong đó thiết thực nhất là quỹ cho vay xoay vòng vốn”. Đến nay, CLB Liên thế hệ xã Hương Phú đã tổ chức cho vay hai lượt (tổng cộng 5 hộ). Mỗi hộ được vay từ 2 – 7 triệu đồng. Nguồn vốn trên phù hợp với mặt bằng chung của các hội viên làm kinh tế nhỏ. Do được xoay vòng mỗi năm, số lượng hội viên được vay để phát triển kinh tế, ổn định sinh kế sẽ ngày càng tăng.

Ngoài hỗ trợ vay vốn làm ăn, 60 thành viên CLB còn giúp nhau những lúc ốm đau, bệnh tật. Không chỉ thăm hỏi, tặng quà, các thành viên CLB còn hỗ trợ việc chăm sóc, nâng đỡ tinh thần đối với hộ neo đơn, khó khăn, dìu dắt nhau vượt qua gian khó.

Cũng tại Hương Phú, được sự quan tâm sát sao của địa phương và sự chung sức, đồng lòng, 4 Chi hội NCT thôn Đa Phú, Phú Hòa, Thanh An và K4 đã huy động hội viên trồng rừng gây quỹ. Ông Trần Văn Chánh, Chủ tịch Hội NCT xã thông tin: “Với trên 1 hecta diện tích, trung bình 4 năm mỗi chi hội có thêm trên 10 triệu đồng. Đặc biệt có giai đoạn Chi hội thôn K4 thu gần 20 triệu đồng”. Đây là hình thức gây quỹ sáng tạo, hiệu quả và bền vững, phát huy thế mạnh trồng rừng tại địa phương.

Ngoài phát triển kinh tế gia đình, nhiều hội viên đã chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho mọi người, cùng giúp nhau làm kinh tế, xây dựng đời sống ổn định. Nhiều mô hình sản xuất có thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi năm được nhiều hội viên tìm tòi, học hỏi như phương cách trồng trọt, chăn nuôi của ông Nguyễn Dực (Hương Phú); ông Đoàn Trọng Tuyến (Hương Lộc); ông Trần Chúc; ông Diệp Minh Khanh…

Ngoài ra, các hội viên tại Nam Đông còn áp dụng phương thức cho vay giống cây trồng, vật nuôi không lãi để thúc đẩy nuôi trồng. Cùng nhau tham gia các lớp tập huấn về ươm giống, phòng trừ sâu bệnh, thay đổi tập quán canh tác để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Với nhiều chương trình hiệu quả, đời sống tinh thần và vật chất của hội viên Hội NCT Nam Đông ngày càng cải thiện. Trong 9 tháng đầu năm nay, Hội đã kết nạp thêm 245 thành viên. Ông Hồ Viết Lễ, Trưởng ban Ban đại diện Hội NCT tỉnh cho biết: “Nam Đông là một trong những địa phương đạt hiệu quả cao trong công tác chăm lo cho NCT. Trong đó, hoạt động có hiệu quả của các CLB là điểm sáng, góp phần thu hút nhiều NCT tham gia phong trào hội. Từ đó không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mà còn phát huy uy tín của NCT trong gia đình, cộng đồng và xã hội”. (baothuathienhue.vn 13/11)

 
 
 

9.  Hồ thủy lợi, thủy điện xả nước, nhiều nơi ở Huế ngập nặng dù trời không mưa

Ba hồ thủy điện, thủy lợi lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế điều tiết lũ với lưu lượng xả về hạ du bằng lưu lượng nước tới hồ, nhiều vùng ngập nặng dù trời không mưa.

 Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết tổng lượng mưa từ 19 giờ ngày 9-11 đến 7 giờ ngày 12-11 ở vùng núi phổ biến 350-640 mm, vùng đồng bằng phổ biến 200-250mm. Dự báo ngày hôm nay 12-11, tại Thừa Thiên - Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 50mm. Trưa chiều nay mưa giảm.

Hồ thủy lợi Tả Trạch và hồ thủy điện Bình Điền nằm ở thượng nguồn sông Hương sau một thời gian cắt lũ thì từ chiều qua, 11-11, đến nay đã xả về hạ du lượng nước tương đương về hồ. Trong đó, Tả Trạch xả 662m3/s, Bình Điền là 1.062m3/s.

Tương tự, thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ cũng xả về hạ du lưu lượng 2.275 m3/s, sau khi đạt mực nước dâng bình thường là +58 m.

Ghi nhận trong sáng 12-11, tại nhiều khu vực hạ du ở Thừa Thiên – Huế đang ngập nặng dù trời không mưa.

Tại thành phố Huế, hơn 30% tuyến đường của 27 phường đã bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương như Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Tôn Đức Thắng, Bến Nghé, Hoàng Văn Thụ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ....ngập bình quân 0,2-0,3m.

Tại huyện Phong Điền, Quốc lộ 49B, TL17, TL11B, TL6, hệ thống đường liên thôn bị ngập từ 0,4-1,0m với tổng chiều dài khoảng 12km, thuộc địa bàn các xã Phong Hòa, Phong Bình, Điền Hương, Điền Môn, Phong An, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Chương và thị trấn Phong Điền.

Tại thị xã Hương Thủy, ngập diện rộng với tổng diện tích ngập ước tính hơn 20%, độ sâu ngập trung bình từ 0,4 – 0,8m, có nơi ngập sâu từ 0,8 – 1,2m, bao gồm các phường Thủy Thanh, Thủy Vân, Thủy Phương, Thủy Phù, Thủy Tân; hơn 20 km đường giao thông bị ngập với độ sâu ngập trung bình từ 0,2-0,7m.

Còn tại huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, Quảng Điền... nhiều tuyến đường cũng ngập sâu. (nld.com.vn 12/11)

 
 
 

10.  Những chàng trai mê hoa hồng

- Với đam mê không ngơi nghỉ, những chàng trai mê hoa đã tạo ra những vườn hồng đa dạng, khoe sắc.

Khoe sắc

Có công việc ổn định, nhưng niềm đam mê đã thôi thúc Nguyễn Trường Tùng, chàng trai ngụ tại đường Nguyễn Tuân (TP. Huế) lập vườn hồng từ cách đây sáu năm. Anh chia sẻ: “Khi tôi lập gia đình và có con, niềm đam mê lại càng bùng lên vì muốn gia đình được chiêm ngưỡng hoa hồng. Lúc ấy giá hoa cao lắm, những thử thách lại liên tục xuất hiện, đã nhiều lần tôi muốn buông tay…”.

Đến vườn hồng của Nguyễn Trường Tùng bây giờ mới thấy hết vẻ đẹp rực rỡ của hoa hồng. Chỉ 400m2 nhưng có cả trăm loại đang khoe sắc. Sắc trắng thanh cao, sắc đỏ quý phái, màu hồng êm dịu ngát hương.

Trên diện tích 1.300m2, khu vườn tại con hẻm nhỏ ở phường An Hòa, TP. Huế có 300 loài hoa hồng. Đó là cơ ngơi của Hà Mạnh Quân và những người bạn. Chàng trai 8X hồ hởi: “Tôi mong muốn mọi người có cơ hội được chiêm ngưỡng, đắm mình trong màu sắc, hương thơm, vẻ đẹp của hoa. Đây cũng là sự ủng hộ của nhóm nhằm góp phần hiện thực hóa chủ trương xây dựng “Huế - thành phố 4 mùa hoa”. Đam mê hoa hồng từ lâu, chàng trai gốc Hà Nội cùng các bạn của mình đã lập vườn hồng Rose Paradise (tạm dịch là Thiên đường Hoa hồng).

Hết mình với đam mê

Nguyễn Trường Tùng thử nghiệm những dung dịch trừ sâu, rệp, bệnh trên hoa hồng bằng nguyên liệu hữu cơ. Anh chia sẻ: “Mình muốn hoa hồng sinh trưởng trong môi trường vừa đảm bảo sức khỏe, vừa không gây ô nhiễm môi trường”. Truyền lửa đam mê cho những người yêu hoa, anh mạnh dạn chia sẻ những thông tin về dịch bệnh, cách phòng chống bằng nguyên liệu hữu cơ để ai cũng có thể hiểu và chăm sóc hoa đúng cách.

Chàng trai 8X cho hay: “Như hoa hồng ngoại chẳng hạn, rất hay bị nấm, trĩ, nhện dẫn đến việc phải phun thuốc hóa học. Với sâu bệnh, có thể dùng tinh dầu neem (loài cây cùng họ với xoan) trị trĩ, neem cake ngừa bệnh tuyến trùng, tinh dầu cam ngừa nhện, nano bạc chiết xuất từ nghệ, lá bang ngừa nấm”.

Hà Mạnh Quân nói: “Hoa hồng là loài rất dễ bị tổn thương khi thời tiết thay đổi đột ngột. Trời nắng liên tục phải che chắn bằng lưới, tránh nhiệt độ cao và cung cấp nước đầy đủ. Vào mùa mưa cần lưu ý tránh hoa bị úng ngập”. Có lẽ vì thế, những chàng trai mê hoa rất coi trọng việc chọn lọc giá thể.

Trường Tùng phân tích: “Đối với hoa hồng trồng chậu, vật liệu trộn giá thể phải sạch, không mang mầm bệnh, chất gây chát (như xơ dừa chưa được sơ chế kĩ). Giá thể phải vừa giữ ẩm, giữ nhiệt tốt, vừa có khả năng thoát nước cao, thoáng khí”. Như ở Huế, nếu nhập cây từ miền Bắc vào mà không thay giá thể, sau chỉ một mùa mưa xứ Huế thì có đến 80% số cây bị chết hoặc chết 1-2 cành lớn vì lượng mưa nhiều.

Trung bình mỗi tháng, Hà Mạnh Quân cung cấp từ 300 – 500 sản phẩm hồng, giá dao động từ 70 – 700 nghìn đồng/cây. Để tăng thêm kiến thức cho người tham quan, “minh bạch” giá bán và giống loài, anh đã đánh dấu tên loại, số tiền trên từng chậu hoa hồng. Riêng với Nguyễn Trường Tùng, vườn hồng của anh đã tạo công ăn việc làm cho ba nhân công với mức lương ổn định. “Quan trọng nhất là chúng tôi giữ được niềm đam mê, có điều kiện chăm sóc, chiêm ngưỡng nhiều giống, loài hoa hồng khác nhau”, những chàng trai chia sẻ.

Từ đam mê của mình, những chàng trai mê hoa đã biến thú chơi hoa hồng thành một hoạt động giao lưu, sẻ chia. Đây cũng là sự ủng hộ nhiệt thành, góp phần hiện thực hóa chủ trương xây dựng “Huế - thành phố 4 mùa hoa” của tỉnh. (baothuathienhue.vn 12/11)

 
 
 

11.  Tập đoàn Hải Phát trao tặng gần 1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào vùng lũ tỉnh Thừa Thiên Huế

Với mong muốn san sẻ một phần khó khăn, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai, Tập đoàn Hải Phát đã quyên góp và trao tặng gần 1 tỷ đồng tiền mặt cho đồng bào vùng lũ tỉnh Thừa Thiên Huế.

Những ngày vừa qua, mưa lũ tại Thừa Thiên Huế đã gây ra thiệt hại lớn cả về tính mạng và tài sản. Tính đến 20/10, đợt mưa lũ này đã cướp đi sinh mạng 9 người dân của tỉnh Thừa Thiên Huế và khiến 8 người bị thương. Tại một số nơi của Huế vẫn còn bị ngập úng, không chỉ gây khó khăn về đời sống, học hành, đi lại mà còn trực tiếp đe dọa đến sinh kế của người dân. Toàn tỉnh có gần 85 ngàn ngôi nhà bị ngập từ 1,2 - 2,5m, trong đó ngập nặng nhất là tại 2 huyện hạ nguồn sông Bồ là Quảng Điền (16.228 nhà) và Phong Điền (13.003 nhà). Về nông nghiệp, hàng trăm ha rau màu, hoa quả bị tàn phá; nhiều trại cá, hải sản bị cuốn trôi, gây thiệt hại lớn.

Thấu hiểu những khó khăn của người dân vùng lũ, ngày 24/10 tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện Tập đoàn Hải Phát đã thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng 500 triệu đồng để ủng hộ đồng bào tỉnh Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả bão lũ.

Trước đó ngày 23/10, đại diện Tập đoàn Hải Phát đã trực tiếp thăm hỏi và ủng hộ bằng tiền mặt với tổng số tiền gần 500 triệu đồng cho người dân các huyện Phú Lộc, huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền.

Đoàn cũng tới thăm và chia buồn tới gia đình cố Chủ tịch huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình - người đã hy sinh trong khi tham gia tìm kiếm cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng.

Đại diện Tập đoàn Hải Phát cũng đã ủng hộ 20 triệu đồng vào chương trình xây nhà mới cho gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Bình do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế phát động.

Với mong muốn chia sẻ khó khăn cùng người dân và chính quyền các tỉnh miền Trung, Tập đoàn Hải Phát đã phát động lời kêu gọi toàn thể cán bộ nhân viên Tập đoàn và các công ty thành viên chung tay ủng hộ mỗi người ít nhất 1 ngày lương để chuyển tới đồng bào vũng lũ miền Trung.

Suốt chặng đường 17 năm phát triển, dù thuận lợi hay khó khăn, Tập đoàn Hải Phát vẫn luôn hướng về cộng đồng, đóng góp tích cực cho xã hội, nhân rộng các chương trình thiện nguyện với tinh thần sẻ chia, đùm bọc những mảnh đời kém may mắn, vinh danh học trò nghèo đạt thành tích tốt trong học tập để tiếp thêm động lực cho họ vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. (baoxaydung.com.vn 12/11)

 
 
 

12.  Nhiều nơi tại Thừa Thiên Huế tái ngập lụt, có nơi ngập hơn 1 tháng

Mưa lớn khiến nhiều nơi tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập trở lại, đặc biệt có những vùng thấp trũng, người dân phải sống chung với nước lũ hơn 1 tháng nay.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên ở Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa từ 19h ngày 9/11 đến 7h ngày 12/11 vùng núi phổ biến 350-640mm, vùng đồng bằng phổ biến 200-250mm.

Theo ghi nhận, tại TP Huế, hơn 30% tuyến đường của 27 phường đã bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương (Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan....) ngập bình quân 0,2-0,3m; các tuyến đường khu vực Nam sông Hương (Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Tôn Đức Thắng, Bến Nghé, Hoàng Văn Thụ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ...) ngập bình quân 0,2-0,3m.

Tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy... tình trạng ngập lụt cũng đã tái diễn trở lại. Riêng tại TX. Hương Trà, các tuyến đường trục chính, tuyến đường liên thôn, xóm tại hầu hết các xã, phường vùng đồng bằng Hải Dương, Hương Phong, Hương Vinh, Hương Toàn, Hương Xuân, Hương Văn… bị ngập sâu từ 1,2 – 1,5 m làm chia cắt nhiều vùng.

Đặc biệt, tại một số thôn, xã vùng trũng của huyện Quảng Điền, tình trạng "lũ chồng lũ" buộc người dân phải chung sống với ngập lụt hơn 1 tháng nay.

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày hôm nay (12/11), trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 50mm. Từ trưa chiều cùng ngày, mưa sẽ giảm. (toquoc.vn 12/11; vnews.gov.vn 12/11)

 
 
 

13.  TT - Huế: Nước lụt rút, HTX mây tre đan Bao La sản xuất tấp nập trở lại

Ngay sau khi nước lụt rút, gần 100 nhân công của Hợp tác xã (HTX) mây tre đan Bao La đã trở lại với công việc của mình. Hoạt động sản xuất ở đây đang diễn ra tập nập để có đủ sản phẩm cung cấp đến khách hàng.

Có mặt tại HTX mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) những ngày này chắc nhiều người sẽ không nghĩ rằng trước đó ít lâu nơi đây đã bị ngập sâu trong nước lũ. Theo ghi nhận của phóng viên, gần 100 cán bộ quản lý và công nhân của HTX mây tre đan Bao La đang làm việc rất tấp nập.

Các cán bộ quản lý của HTX hối hả đi lại để kiểm tra tiến độ công việc cũng như chất lượng nguyên liệu trong xưởng... Gần 100 công nhân được chia theo từng xưởng nhỏ đang làm việc luôn tay.

Vừa canh lò sấy, bà Quyên (64 tuổi) - một công nhân đã làm việc tại HTX mây tre đan Bao La 12 năm cho biết, vừa qua toàn bộ khu vực này bị ngập sâu trong nước nên công nhân phải nghỉ việc hơn 10 ngày.

Cụ No (84 tuổi) - một công nhân khác của HTX mây tre đan Bao La chia sẻ, ngay sau khi nước lụt rút, cơ sở đã được dọn dẹp và trở lại hoạt động ngay. Hiện tại, các bộ phận của HTX đang phải tăng cường làm việc để có sản phẩm cung cấp đến khách hàng một cách kịp thời.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, Chủ nhiệm HTX mây tre đan Bao La Võ Văn Dinh cho hay, đơn vị đã được chuyển sang cơ sở sản xuất mới khang trang hơn và được thiết kế cao hơn cơ sở cũ tuy nhiên vừa qua vẫn bị ngập trong nước.

 “Khi xây dựng cơ sở mới này các đơn vị đã tính toán làm móng cao hơn so với mức lụt năm 2017. Tuy nhiên, vừa qua các xưởng sản xuất, phòng làm việc, phòng trưng bày… vẫn bị ngập lụt. Chỗ cao nhất cũng bị ngập đến 60 cm”, ông Dinh trao đổi.

 “Đợt ngập lụt vừa qua cũng khiến cho nhiều sản phẩm đã hoàn thành của chúng tôi bị ẩm mốc. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục dọn dẹp, mặt khác đưa các sản phẩm bị ẩm mốc ra xử lý làm sạch lại và đặc biệt là phải tăng cường sản xuất để kịp các đơn hàng đã đặt với khách”, ông Dinh nói tiếp.

Ông Dinh cho biết thêm, hiện tại 80% hàng hóa sản xuất tại HTX mây tre đan Bao La được xuất khẩu đi nước ngoài, 20% hàng hóa còn lại được phân bổ đến các thị trường trong nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Đà Lạt… Ông Dinh nói: “Chúng tôi đã liên kết với đơn vị trung gian tại Hà Nội, họ gom hàng lại và xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó chủ yếu là Trung Quốc”.

Chủ nhiệm HTX mây tre đan Bao La nhận định, quãng thời gian bị ngập lụt đã khiến cho các đơn hàng bị chậm một chút nhưng sẽ được bổ sung một cách kịp thời. Đặc biệt, nếu không có gì trở ngại các chuyến hàng từ nay đến tết sẽ được sản xuất và giao đúng dịp cho khách hàng.

 “Tính bình quân mỗi lao động ở đây thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Từ khi thành lập đến nay, năm nào chúng tôi cũng có quà và thưởng Tết cho người lao động. Năm nay, có nhiều khó khăn vì dịch Covid-19 và lũ lụt, tuy nhiên, từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ tăng cường sản xuất để đảm bảo nguồn hàng cũng như doanh thu và tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Chúng tôi có cơ sở để thực hiện được điều này vì nguồn nguyên liệu rất dồi dào và đội ngũ công nhân có tay nghề cao”, ông Dinh chia sẻ. (kinhtenongthon.vn 13/11)

 
 
 

14.  Người kinh doanh lao đao theo mưa lũ

Mưa lớn, nước lũ lên rồi rút, cứ thế lập lại nhiều lần trong thời gian qua khiến việc buôn bán, kinh doanh của người dân ở một số tuyến đường trung tâm TP. Huế rơi vào tình cảnh khó khăn. Tình hình mưa lũ còn kéo dài, trước mắt họ là những nỗi lo thấp thỏm chưa biết rồi “ông trời” có thương tình mà chiều lòng người.

Điệp khúc nước lũ lên - xuống

 “Chưa khi mô việc buôn bán gặp khó khăn như thế. Vừa trải qua dịch COVID-19 thì mưa lũ kéo dài triền miên. Bán buôn vốn đã khó khăn thì nay càng khó khăn hơn”, chị Vui, chủ cửa hàng thời trang trên đường Bà Triệu, TP. Huế nói với giọng ngán ngẩm. Chị kể, gần đây, nhất là đêm 11/11, nước lũ tràn sông, lên nhanh. Lo sẽ ngập sâu, chị vội dọn dẹp, kê cao những đống hàng thời trang thu đông mới đưa về, kéo quán khá sớm để về nhà và phó mặc cho mưa lũ. “Nếu có ngập thì cũng đành chịu. May là nước vào mấp mé rồi lại rút”, chị nói với giọng rầu rầu.

Không phải đây là lần “chạy lũ” duy nhất trong năm, chị Vui cũng đã hai lần hối hả dọn dẹp hàng quán khi nước lũ lên nhanh, gây ngập úng kéo dài trong tháng 10. Nước lên ai ai cũng lo tìm đường về nhà càng sớm càng tốt. Vì thế việc buôn bán gần như đình trệ. “Nước lên nhanh, nhà nào lo về nhà đó. Hàng quán cũng tương tự, ai cũng lo thu gom, đóng thành từng bao lớn rồi kiếm các vật dụng để kê lên cao, sợ nước lên nhanh trong đêm sẽ hư hỏng”, chị Vui nói tiếp và chỉ tay ra những dãy cửa hàng lân cận, ai cũng chung cảnh ngộ dọn dẹp sau khi nước lũ rút xuống.

Đường Bà Triệu ngập sâu nhất từ đoạn giao nhau với Tố Hữu kéo dài đến đoạn giao nhau với đường Trường Chinh - Tôn Đức Thắng. Chỉ một đoạn đường này nhưng có hàng chục cửa hàng kinh doanh đủ loại từ thời trang, mỹ phẩm, nội thất và cửa hàng ăn uống… Chỉ trong vòng một tháng, nước lũ đã lờn vờn qua khu vực này hơn 3 lần, sâu nhất nước ngập tầm 0,5m tràn vào trong các cửa hàng, quán sá. Nhiều người may mắn dọn dẹp sớm nên không thất thoát nhiều, những người không may thì một khối lượng lớn hàng hoá chìm trong nước, hư hỏng nặng.

Chị Hoài, chủ một cửa hàng chuyên bán giày dép gần đó than chưa khi nào vất vả như năm nay. Khác với mọi năm, nước lũ ít khi ngập lên đường, nếu có lên thì cũng chỉ một lần, rồi rút nhanh. “Đằng ni trong vòng chưa đầy 1 tháng nước lũ lên rồi rút, rút rồi lại lên. Đã rứa nước thường lên vào ban đêm, việc dọn dẹp quá cực. Rồi chưa kể việc buôn bán bị đình trệ hoàn toàn, thất thu trong thời gian dài”, chị Hoài ngao ngán và dự báo tình hình khó khăn sẽ chưa dừng lại đây khi từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều trận bão kèm mưa lớn.

Một năm buôn bán… buồn

Cách đường Bà Triệu không xa là đoạn đường Hùng Vương, từ ngã 6 kéo dài đến cầu Trường Tiền sầm uất, nổi tiếng với nhiều cửa tiệm chuyên doanh thời trang sang trọng. Nhiều đoạn ở tuyến đường cũng rơi vào tình cảnh tương tự, ngập rồi lại rút, rút rồi lại ngập nhiều lần do ảnh hưởng của mưa bão triền miên. Việc buôn bán khu vực này ế ẩm, khó khăn không thể diễn tả hết.

Chủ một cửa hàng kinh doanh mặt hàng áo quần xuất nhập khẩu trên tuyến đường này cho biết, thấy nước lên ngay lập tức phải huy động nhân viên thu dọn kê đồ lên cao, rồi đóng quán để nhân viên về sớm. “Người di chuyển qua lại còn khó khăn huống chi là nói chuyện mua bán”, người này nói. Có những đêm nước bủa vây, cả tuyến đường này kéo cửa sớm, tối om chưa từng có.

Theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh, ngày trước đoạn đường này cũng có ngập cục bộ mỗi khi mưa lớn. Nhưng từ khi hệ thống thoát nước đô thị đưa vào hoạt động, ngập úng gần như không xảy ra, việc buôn bán nhờ thế mà năng động, thuận tiện. Nhưng nay mưa lụt thì không tài nào… chống đỡ được.

Khó khăn chồng chất khó khăn, người buôn bán ở khu phố sầm uất này cho hay, chưa khi nào việc kinh doanh lại trầy trật như năm nay. Sau hai đợt ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chưa kịp hồi phục thì hứng ngay liên tiếp các trận bão lũ khiến họ gần như kiệt sức. Đổ dồn bao nhiều vốn liếng vào để đầu tư, làm ăn thì nay họ lại như ngồi trên đống lửa trước nỗi lo chưa biết sẽ thu hồi vốn như thế nào khi tình hình dự báo sẽ còn khó khăn nhưng vẫn phải trang trải các loại chi phí, tiền thuê mặt bằng, nhân công… cứ thế dồn dập.

Không riêng gì người buôn bán, kinh doanh trên một số tuyến đường thường xuyên ngập lụt, việc ngập lụt còn ảnh hưởng “dây chuyền”, khiến nhiều người khác cũng chung cảnh ngộ. Từ làm ăn lớn cho đến những người buôn bán nhỏ lẻ, tình hình mưa lũ kéo dài trong gần một tháng qua gần như làm kiệt sức tất cả, và dự báo người kinh doanh sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ở phía trước khi tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến bất ổn, bất thường… (baothuathienhue.vn 13/11)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  21 tân sinh viên Đại học Huế nhận học bổng VietSeeds

21 tân sinh viên đến từ Đại học Y dược, Đại học Kinh tế, Đại học Khoa học, Đại học Ngoại ngữ, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ… của Đại học Huế được nhận học bổng VietSeeds gồm 1.200 USD/năm đến hết 4 năm hoặc 6 năm học.

Ngày 12/11, tại Đại học Huế đã diễn ra lễ trao học bổng cho tân sinh viên từ Quỹ học bổng VietSeeds lần thứ 10.

Đây là thế hệ sinh viên thứ hai tại Huế nhận học bổng Vietseeds, một học bổng toàn diện bao gồm sự hỗ trợ tài chính, chương trình cố vấn, đào tạo và hướng nghiệp, trang bị cho sinh viên những năng lực thiết yếu để thay đổi cuộc sống của mình với các cơ hội khác nhau trong khả năng của Vietseeds.

Bà Huyền Tôn Nữ Cát Tường, Sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành quỹ học bổng VietSeeds, nhấn mạnh, được thành lập năm 2011 với phương châm “Grow A Seed - Change A Life - Transform A Nation”, VietSeeds mong muốn mang lại sự tiếp cận giáo dục bình đẳng cho sinh viên Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thừa Thiên Huế, dù ở trong hoàn cảnh nào. VietSeeds tin tưởng rằng những sự tử tế dù có nhỏ bé thì cũng sẽ lan tỏa theo cách này hay cách khác.

Hoạt động với tinh thần cốt lõi “Pay It Forward - Đền đáp tiếp nối”, VietSeeds tin rằng những điều nhỏ bé đó sẽ ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và xã hội.

Thay mặt Ban Tổ chức, Phó Giám đốc Đại học Huế, TS Đỗ Thị Xuân Dung cảm ơn Quỹ học bổng giúp các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên toàn diện để học tập tốt hơn, đồng thời, bày tỏ mong muốn các em cần nỗ lực học tập và hướng nghiệp, đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước./. (dangcongsan.vn 13/11)

 
 
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
 

1.  Thúc đẩy công nghệ thông tin cho người mù

- Sáng 12/11, Hội Người mù tỉnh tổ chức lễ tổng kết và trao giải Hội thi tin học năm 2020.

Hội thi nhằm động viên, khích lệ phong trào học tập và ứng dụng công nghệ thông tin tại các cấp hội. Trước đó, 30 thí sinh được chia thành hai nhóm đã so tài trong 2 phần thi lý thuyết và thực hành.

Kết quả 2 giải nhất đã thuộc về anh Nguyễn Văn Duy (nhóm cán bộ, hội viên) và em Nguyễn Hoàng Tú (nhóm học sinh, sinh viên). Đây sẽ là 2 trong số 3 ứng cử viên được lựa chọn tham gia Hội thi tin học dành cho người mù toàn quốc lần thứ II.

Cũng trong sáng nay, Hội Người mù tỉnh đã tổ chức bế giảng lớp tin học dành cho người mù năm 2020. Tại lễ bế giảng, đại diện Trung tâm hỗ trợ và phát triển công nghệ cho người mù đã trao tặng tổng cộng 14 chiếc máy tính cho 12 học viên và 2 học sinh đạt thành tích cao trong học tập. (baothuathienhue.vn 12/11)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Huế: Phát hiện thi thể người đàn ông bên bờ sông Lợi Nông

Một người dân tổ 6, phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) khi ra khu vực ruộng gần nhà thì phát hiện thi thể một người đàn ông nằm cạnh bờ sông Lợi Nông.

Ngày 12/11, lãnh đạo UBND phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) thông tin, người dân trên địa bàn vừa phát hiện thi thể một nam thanh niên tại khu vực bờ sông Lợi Nông.

Theo đó, khoảng 6h sáng cùng ngày, người dân tổ 6, phường Thủy Phương khi ra khu vực ruộng ở gần nhà thì phát hiện thi thể một người đàn ông nằm cạnh bờ sông Lợi Nông. Nhận định ban đầu, nạn nhân là nam, cao khoảng 1,6m, tóc cắt ngắn, mang quần đùi, áo vàng nhạt, độ tuổi khoảng 25-30.

Nhận được thông tin, Công an TX. Hương Thủy và Công an phường Thủy Phương đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để đưa thi thể nạn nhân lên bờ, sau đó tiến hành khám nghiệm tử thi.

Cơ quan Công an xác định nạn nhân là anh C.V.V. (SN 1996, trú phường An Cựu, TP Huế). Anh V. đi khỏi nhà từ ngày 10/11.

Hiện thi thể của nạn nhân đang được cơ quan Công an làm thủ tục để bàn giao cho gia đình lo hậu sự./. (toquoc.vn 12/11; vietnamnet.vn 12/11; tienphong.vn 12/11; giaoducthoidai.vn 12/11)

 
 
 

2.  Xác định danh tính nạn nhân trôi dạt vào bờ sông ở Huế

Trưa 12/11, lực lượng chức năng Thừa Thiên-Huế cho biết đã xác định danh tính thi thể nạn nhân trôi dạt vào bờ sông Lợi Nông, thị xã Hương Thủy.

Thông tin ban đầu, khoảng 6h50 sáng cùng ngày (12/11), người dân đi ra đồng ruộng bất ngờ phát hiện một thi thể trôi dạt vào bờ sông Lợi Nông, đoạn qua tổ 6 (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy).

Nhận tin báo, Công an thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã có mặt tại hiện trường để điều tra, làm rõ vụ việc.

Thi thể nạn nhân được phát hiện là nam giới, khoảng 30 tuổi, tóc cắt ngắn, cao khoảng 1m6, mặc áo vàng nhạt, quần đùi.

Qua xác định, nạn nhân là Châu Viết Vinh (SN 1996, trú tại đường Nguyễn Khoa Chiêm, phường An Cựu, TP Huế). Nạn nhân có biểu hiện tâm thần nhẹ, bỏ nhà đi từ ngày 10/11.

Hiện, lực lượng chức năng đã liên hệ với gia đình nạn nhân và tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định. (baogiaothong.vn 12/11)

 
 
 

3.  Hàng loạt ngư dân sập bẫy lừa vay vốn đóng tàu “67”

Ngày 11-11, Phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh TTHuế cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Phan Văn Chinh (1969, trú TT Thuận An, H. Phú Vang, TT-Huế)- Chủ tịch Chi hội nghề cá biển thị trấn Thuận An, để điều tra về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan điều tra, cuối năm 2018, nhiều ngư dân ở H. Phú Vang gửi đơn tố giác Phan Văn Chinh có dấu hiệu lừa đảo trong quá trình giúp họ xin vay vốn ưu đãi đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Nhiều ngư dân ở vùng biển TT- Huế cho biết, Phan Văn Chinh là ngư dân đầu tiên ở TTHuế được vay vốn đóng tàu “67”. Sau khi đăng ký vay vốn đóng mới tàu với chính quyền địa phương, Chinh chuẩn bị được 2,7 tỷ đồng và vay thêm ngân hàng 5,3 tỷ đồng đóng mới tàu vỏ gỗ với công suất 685CV. Thời điểm năm 2015, khi con tàu vỏ gỗ của Chinh hạ thủy chính là tàu “67” đầu tiên của tỉnh TT-Huế và cũng là “tàu 67” công suất lớn bằng vỏ gỗ đầu tiên của cả nước. Những chuyến biển thử nghiệm đầu tiên, Chinh trúng đậm khiến bao ngư dân ở vùng biển cũng khao khát được xin vay vốn đóng tàu 67 để vươn khơi. Từ đó, cũng có nhiều ngư dân tìm đến Phan Văn Chinh để nhờ lo thủ tục xin vay vốn đóng tàu dự án.

Các ngư dân gồm: P.V. Đ, H.V. Đ, N.K, N.T.B. (đều trú H. Phú Vang) có đơn tố giác hành vi lừa đảo của Chinh, cho hay: Biết Chinh là Chủ tịch Chi hội nghề cá biển TT Thuận An, đồng thời cũng là người đang sở hữu tàu “67” đầu tiên ở TT-Huế nên họ tìm đến nhờ Chinh làm giúp thủ tục để được vay vốn đóng tàu “67”. Sau khi trao đổi, Chinh đồng ý đứng ra giúp 4 ngư dân này làm thủ tục. Sau khi thống nhất, Chinh yêu cầu 4 ngư dân phải đưa trước cho Chinh hàng trăm triệu đồng để lo chi phí đi lại, “chạy” thủ tục và được các ngư dân đồng ý.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài Chinh nhận tiền nhưng 4 ngư dân này cũng không được vay vốn đóng tàu dự án như lời hứa của Chinh trước đó. Lúc này, nhằm kéo dài thời gian, Chinh đưa ra lý do, thủ tục ở ngoài Hà Nội đang gặp trở ngại, khó khăn nên phải chịu khó chờ đợi. Đồng thời, Chinh còn nhiều lần yêu cầu 4 ngư dân đưa thêm tiền để “gỡ rối” các thủ tục. 4 ngư dân này thấy Chinh nhiều lần thất hẹn nên mỗi khi đưa thêm tiền đều lo sợ nhưng nghĩ đến việc bấy lâu nay bỏ ra quá nhiều tiền để lo thủ tục nên họ không thể rút lui... “Mỗi lần nóng lòng, tôi tìm gặp anh Chinh để hỏi, vì sao thủ tục kéo dài gần 2 năm mà vẫn chưa xong thì anh Chinh đưa ra nhiều lý do khác nhau. Anh Chinh nói, thủ tục vay vốn ưu đãi đóng tàu sẽ sớm được duyệt, lời nói của anh chắc như “đinh đóng cột” nên tôi rất yên tâm”, một ngư dân trình bày.

Từ những tố giác của các bị hại, Phòng CSKT CA tỉnh TT-Huế đã vào cuộc điều tra, xác minh những phản ánh của các bị hại là có căn cứ. Theo cơ quan CA, từ năm 2016 đến năm 2018, lợi dụng chức vụ là Chủ tịch Chi hội nghề cá biển TT Thuận An (H. Phú Vang), đối tượng Phan Văn Chinh đã đưa ra nhiều thông tin gian dối là bản thân có khả năng giúp các ngư dân xin được vốn vay ưu đãi đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 để ngư dân tin tưởng và đưa tiền cho đối tượng thực hiện các thủ tục. Ngoài ra, lợi dụng sự kém hiểu biết của 4 ngư dân và tạo lòng tin cho 4 ngư dân, Chinh đã đưa ra những thông tin gian dối như: lấy tiền để đi làm hồ sơ, bổ sung hồ sơ, đi làm thiết kế tàu, làm lại thiết kế, làm lại bằng lái, đi Hà Nội làm hồ sơ, xoay tiền gấp để mua quà cho các “sếp”, sắp có quyết định rồi, sắp đặt ki (tức là bắt đầu đóng tàu)... nhằm thể hiện Chinh có khả năng và đang giúp 4 ngư dân tin và tiếp tục đưa tiền cho Chinh.

Cơ quan CA xác định, số tiền Chinh chiếm đoạt của 4 ngư dân là hơn 1,5 tỷ đồng. Qua điều tra, thực tế sau khi chiếm đoạt tiền của 4 ngư dân Chinh đã không thực hiện những gì mà đối tượng đã nói với ngư dân. Cơ quan điều tra cũng khẳng định, Chinh không có chức năng nhiệm vụ xét duyệt đóng tàu dự án. Tại cơ quan điều tra, Chinh thừa nhận, số tiền chiếm đoạt của các ngư dân đã được đối tượng sử dụng để tiêu xài cá nhân.

Hiện, cơ quan CSĐT CA TTHuế đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam Phan Văn Chinh để tiếp tục điều tra làm rõ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. (cadn.com.vn 12/11)

 
 
 

4.  Lật ghe khi đi bủa lưới trên đồng, hai người chết đuối

Hai người dân, trong đó có 1 trẻ em, đã bị chết đuối do lật ghe khi đang bủa lưới bắt cá trên cánh đồng gần nhà. Vụ việc đau lòng xảy ra vào ngày 12-11 tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tối 12-11, ông Nguyễn Bá Nam, bí thư Đảng ủy xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), cho biết lực lượng chức năng đang triển khai lực lượng tìm kiếm 2 người mất tích do lật ghe (thuyền nhỏ) khi đi bắt cá.

Trước đó, sáng cùng ngày (12-11), anh Hoàng Q. (trú thôn Hiền An, xã Phong Sơn) cùng một người cháu trai (10 tuổi) đi bủa lưới bắt cá trên cánh đồng gần nhà đang ngập nước do mưa lũ.

Đến tối thì người dân phát hiện chiếc ghe của anh Q. bị lật, 2 người trên ghe mất tích. Được biết, khu vực xảy ra vụ việc nước chảy không mạnh.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn và đã tìm được hai thi thể. (tuoitre.vn 12/11)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Công bố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 4 đợt 2

Hoạt động này được Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tổ chức chiều 12/11 nhằm công bố quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Theo quyết định phê duyệt, Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài giai đoạn 4 đợt 2 phía Bắc giáp KCN Phú Bài giai đoạn 4 đợt 1, phía Nam giáp đồi núi, hồ Khe Lời, đường dân sinh và sông Ông Giá; phía đông giáp khu dân cư xã Thủy Phù, phía Tây giáp đồi núi và Tỉnh lộ 15. Khu công nghiệp này có quy mô khoảng 411 ha, đây là KCN tổng hợp xanh, sạch, công nghệ tiên tiến để bố trí các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sạch.

Mục tiêu của việc điều chỉnh là cụ thể hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KCN Phú Bài giai đoạn 4, TX. Hương Thủy và định hướng phát triển kinh tế xã hội tại địa phương đã được phê duyệt nhằm phục vụ kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp với các lĩnh vực ngành nghề phù hợp nhằm đảm bảo các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải và môi trường phát triển bền vững. Mặt khác, quy hoạch được phê duyệt làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý sử dụng đất đai và xây dựng theo quy hoạch, triển khai lập các quy hoạch chi tiết 1/500 và lập các dự án đầu tư xây dựng các hạng mục công trình. (baothuathienhue.vn 12/11)

 
 
 

2.  Huế: Phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao lợi nhuận tăng thêm 10-15%

Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế ổn định diện tích vùng sản xuất lúa chất lượng cao đạt khoảng 24.900ha, trong đó có khoảng 50% diện tích có liên kết, hợp đồng các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Ngày 12/1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cơ quan này vừa ban hành kế hoạch số 238/KH-UBND phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2020-2025 ở tỉnh. Kế hoạch nhằm ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây lúa, thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân, tạo sự dịch chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới có áp dụng khoa học công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường thương mại hóa và tính bền vững của chuổi giá trị.

Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 ổn định diện tích vùng sản xuất lúa chất lượng cao đạt khoảng 24.900ha, năng suất ước đạt trên 60 tạ/ha, trong đó có khoảng 50% diện tích có liên kết, hợp đồng các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Lợi nhuận tăng thêm khoảng 10-15% so với sản xuất thông thường.

Bên cạnh đó, kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương; đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm như Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang nhằm chuyển nhanh sang sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, sẽ đào tạo, tập huấn cho hơn 2.000 hộ nông dân trồng lúa áp dụng các biện pháp kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp và xử lý rơm rạ sau thu hoạch… nhằm nâng cao trình độ về kỹ thuật thâm canh, tăng hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác lúa.

Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch là 2.125.000.000 đồng. Kinh phí thực hiện kế hoạch do người dân đầu tư là chính, ngân sách nhà nước hỗ trợ theo các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025. (etime.danviet.vn 12/11)

 
 
 

3.  Lợi ích kép về bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu

Chiều 12/11, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì buổi họp Ban Chỉ đạo dự án Trường Sơn Xanh tỉnh Thừa Thiên Huế về việc báo cáo kết quả thực hiện năm tài khóa 2020.

Trong năm tài khóa 2020, Dự án Trường Sơn Xanh tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ cụ thể về truyền thông, bình đẳng giới, giám sát và đánh giá và quản lý tri thức. Có tổng số 36 nhóm hoạt động được lập kế hoạch, trong đó có 32 nhóm hoạt động được thực hiện đạt kết quả 100% so với kế hoạch.

Đáng chú ý là việc hỗ trợ các mô hình sinh kế mới, tập trung vào các hoạt động nông nghiệp, lâm sản ngoài gỗ và thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn trồng rừng gỗ lớn (FSC) trong trồng keo; hỗ trợ thực hiện công cụ SMART nhằm cải thiện công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên của 2 Khu bảo tồn thiên nhiên; thành lập và vận hành các nhóm tuần tra thôn bản hỗ trợ quản lý các khu bảo tồn; thí điểm một mô hình du lịch sinh thái... Thông qua dự án, đã có 28 cơ quan được nâng cao năng lực về cảnh quan bền vững, 4.000 người được hưởng lợi về sinh kế liên quan đến các hoạt động cảnh quan bền vững.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cảm ơn USAID đã hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc giúp đỡ địa phương thực hiện các chính sách bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên rừng và tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu cho cộng đồng. Những kết quả mà dự án mang lại đã giúp cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, nâng cao năng lực quản lý rừng và tăng cường năng lực bảo tồn đa dạng sinh học.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban ngành tiếp tục nghiên cứu, duy trì, nhân rộng những mô hình dự án đã thực hiện tại cộng đồng, từ đó nâng cao khả năng thích ứng và năng lực quản lý, ứng phó cho các cộng đồng dễ bị tổn thương, mang lại lợi ích kép về bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu. (baothuathienhue.vn 12/11)

 
 
 

4.  Rừng nghèo

Chúng ta nghe triệu ha rừng này, triệu ha rừng khác; độ che phủ của rừng đạt thế này thế kia có phần an tâm như thế là ổn. Bởi rừng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cuộc sống. Rừng cung cấp không khí, điều hòa nhiệt độ; giữ đất giữ nước; tạo ra một phần sinh kế (nếu biết nuôi dưỡng và khai thác đúng mức); thậm chí, rừng còn làm đẹp cho con mắt nhìn (chức năng tham quan, giải trí chẳng hạn)…

Nhìn vào phương thức hình thành các loại rừng sẽ thấy, rừng tự nhiên có ý nghĩa to lớn nhất đối với việc tạo nên hệ sinh thái cho cuộc sống, nhất là chức năng cân bằng sinh thái. Loại rừng này theo quy định thường là phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Rừng phòng hộ, do đặc điểm trạng thái và cách thức hình thành có một phần rừng tự nhiên (chủ yếu) và rừng trồng. Và rừng sản xuất chủ yếu là rừng trồng. Chính vì tỷ lệ khác nhau này cho nên chức năng cần bằng hệ sinh thái, tham gia bảo vệ môi trường của từng loại rừng có mức độ rất khác nhau.

Đã là rừng sản xuất, dù có dưới dạng gì đi nữa thì tuổi đời cũng không dài được. Đã sản xuất thì chức năng kinh tế được ưu tiên hàng đầu nên đến một lúc nào đó sẽ được (bị) khai thác. Chính vì vậy mà sự tồn tại của rừng tự nhiên, hay phòng hộ, hay rừng trồng là sự bổ sung cho nhau để hài hòa hai mục tiêu (cần bằng hệ sinh thái và chức năng kinh tế để đảm bảo sinh kế cho người dân).

Nhưng bây giờ, rừng tự nhiên cũng bị “nghèo”. Điều này có nghĩa chức năng quan trọng nhất của rừng tự nhiên là cân bằng hệ sinh thái cũng bị suy giảm. Số lượng mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thì trong hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên chỉ có 15% được liệt vào loại rừng giàu trữ lượng, 50% rừng trung bình, 35% rừng nghèo.

Để làm cho rừng tự nhiên giàu lên không phải là dễ. Bởi những tác nhân làm cho rừng nghèo đi vẫn chưa được kiểm soát và có vẻ như nó được bổ sung thêm. Xin được kể một câu chuyện mà tôi đã từng được biết và trải nghiệm. Quê tôi có tên gọi là Cát Sơn (chỉ nghe tên gọi đã biết một vùng núi, nó giống như ở Thừa Thiên Huế có các xã: Phong Sơn của huyện Phong Điền, Phú Sơn của thị xã Hương Thủy vậy). Đây là một vùng tranh chấp khốc liệt trong chiến tranh nên buộc người dân phải sơ tán. Sau ngày đất nước thống nhất về lại quê hương, cái nơi mà gia đình tôi dựng nhà là sát gần rừng. Chỉ đi vài cây số đã gặp rừng tự nhiên bạt ngàn kéo từ chân đồi lên đỉnh núi. Làm nhà cũng lên đó lấy gỗ. Giờ sau mấy mươi năm về lại, trong tầm mắt chỉ thấy toàn rừng trồng. Theo một cách nói của người dân quê tôi: “Có ai đời bây giờ gỗ trắc mà mua bằng ký”. Hết làm được những vật dụng to thì họ đi tiện chân lồng chim, ly uống nước…

Ở Thừa Thiên Huế, cách đây gần 30 năm, khi mới đi làm, tôi có chuyến công tác lên xã Bình Điền (Hương Trà) vẫn còn nghe những câu chuyện khi hình thành vùng kinh tế mới, đây vẫn là nơi rừng thiêng nước độc, sốt rét kinh hồn…Giờ lên Bình Điền đã là một thị tứ. Nơi nào có đất người ta đã trồng rừng tràm, cao su… hết rồi.

Rừng tự nhiên đã nghèo đi thì nó giữ cho chính bản thân nó không nghèo thêm cũng khó. Trên truyền hình mấy ngày qua chúng ta từng chứng kiến những thước phim trên lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4 (Quảng Nam) gỗ trôi về chật mặt nước. Chưa biết nguyên nhân vì đâu, nhưng không loại trừ nguyên nhân rừng đã thưa cây, khả năng chống chọi với nước lũ, sạt lở của chính bản thân rừng đã giảm!?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đề cập đến chuyện rừng tự nhiên nghèo, ông đã nói: “Điều này chúng ta phải có trách nhiệm…”. Không biết trách nhiệm cụ thể là như thế nào!? (baothuathienhue.vn 12/11)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.694.038
Truy cập hiện tại 372