Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 12/11/2020
Ngày cập nhật 17/11/2020
TIN NÓNG
 

1.  Thừa Thiên - Huế: Sơ tán 37.000 người, 2 hồ thủy điện nước về bao nhiêu phải xả bấy nhiêu

Khoảng 12.000 hộ dân với hơn 37.000 khẩu tại các vùng nguy hiểm ở tỉnh Thừa Thiên - Huế được sơ tán đến nơi an toàn. 2 hồ thủy điện ở tỉnh đã đạt mực nước dâng bình thường nên lượng nước về hồ bao nhiêu phải xả về hạ du bấy nhiêu.

Đến tối 11.11, nước các sông lên rất nhanh đã gây ngập lũ trên diện rộng tại Thừa Thiên - Huế. Mực nước trên sông Hương tại Kim Long lúc 19h ngày 11.11 đạt 3,32m, dưới báo động III 0,18m, mực nước trên sông Bồ tại Phú Ốc là 4,61, dưới báo động III 0,11m. 

Đến nay, các hồ chứa ở tỉnh đã đạt, xấp xỉ đạt mực nước dâng bình thường. Tại hồ thủy điện Hương Điền, mực nước lúc 19h ngày 11.11 là +58,00m (mực nước dâng bình thường 58m), lưu lượng đến hồ 2.567 m3/s, lưu lượng về hạ du 2.567m3/s.

Tại hồ thủy điện Bình Điền, mực nước +84,64m (mực nước dâng bình thường 85m), lưu lượng đến hồ 2.053m3/s, lưu lượng về hạ du 2.053m3/s.

Tại hồ Tả Trạch mực nước đạt +43,67m (mực nước dâng bình thường 45m), lưu lượng đến hồ 1.154m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du 640m3/s.

Mưa lớn kéo dài ở thượng nguồn cộng với việc các hồ chứa xả lũ đã gây ngập lụt nặng tại nhiều địa phương ở tỉnh. Rất nhiều tuyến đường, khu dân cư vùng thấp trũng, vùng ven sông ở TP.Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc đã bị ngập sâu.

Tại TP.Huế, các tuyến đường Tố Hữu, Dương Văn An, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Bạch Đằng, Mang Cá, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Công Trứ, Võ Thị Sáu, Phan Đình Phùng, Phan Anh, Trịnh Công Sơn, Hải Triều, Tôn Đức Thắng… đã bị ngập rất nặng. Nhiều tuyến đường trong số này ngập sâu từ 0,5-1m, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Tại các huyện, thị xã, nhiều địa phương bị ngập rất sâu, như các xã Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành (huyện Quảng Điền), Phong Bình (huyện Phong Điền), Hương Phong (thị xã Hương Trà) Phú Thanh, Phú Mậu (huyện Phú Vang)… Tuyến quốc lộ 1A bị ngập nhiều đoạn, nhất là đoạn qua xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) bị ngập sâu nhiều điểm, gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.

Mưa lớn kéo dài cũng gây sạt lở một số nơi ở tỉnh. Tuyến quốc lộ 49A Huế - A Lưới bị sạt lở nghiêm trọng tại Km 76+500. Các lực lượng chức năng đã tập trung phương tiện cơ giới để thông tuyến nhưng vẫn chưa thể khắc phục được hoàn toàn. Lực lượng CSGT phải dựng rào chắn cấm người và phương tiện đi qua tại ngã ba Bốt Đỏ và cầu Hồng Hạ (huyện A Lưới) để bảo đảm an toàn.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, mực nước trên sông Hương và trên sông Bồ dự kiến tiếp tục lên trên mức trên báo động III.

Đến 15h ngày 11.11, khoảng 12.000 hộ dân với hơn 37.000 khẩu tại các vùng nguy hiểm ở tỉnh được sơ tán đến nơi an toàn. 1.000 tấn gạo và nhiều tấn lương thực từ nguồn hỗ trợ của tỉnh được chuyển đến các địa phương để cấp phát cho người dân.  (nguoidothi.net.vn 11/11)

 
 
 

2.  Thủy điện nhỏ tiềm ẩn hiểm họa lớn

Thủy điện nhỏ hiện đang được xây dựng tràn lan, bất chấp những tác động được nhà khoa học cảnh báo. PV báo NTNN/Dân Việt đã đi thực tế ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, nhận thấy, ngoài hiệu quả đã nêu còn rất nhiều câu chuyện về hệ lụy liên quan đến thủy điện nhỏ mang lại.

Từ đầu tháng 10/2020 đến nay tình trạng mưa lũ, sạt lở đất đã khiến hàng trăm người chết và tích. Điển hình như vụ việc sạt lở ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế).

Ngoài điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, việc xây dựng thủy điện nhỏ tràn lan cũng được đưa lên bàn nghị sự để xem xét ảnh hưởng đến việc xảy ra lũ lụt, sạt lở.

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có hệ thống sông, suối chằng chịt, có độ dốc lớn, tiềm năng phát triển thủy điện đã mang lại nguồn thu lớn cho một số địa phương, đóng góp một phần sản lượng vào lưới điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng.

Những công trình thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Thác Bà, Tuyên Quang… đã làm tốt chức năng giảm lũ cho vùng hạ lưu trong mùa mưa, điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Những công trình thủy điện nhỏ ở miền núi phía Bắc

Trái ngược với những công trình thủy điện lớn, thủy điện nhỏ hiện đang được xây dựng tràn lan, thậm chí bỏ ngoài tai những tác động được nhà khoa học cảnh báo.

PV Báo NTNN/Dân Việt đã đi thực tế ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, nhận thấy, ngoài hiệu quả đã nêu còn rất nhiều câu chuyện về hệ lụy liên quan đến thủy điện nhỏ mang lại.

Bài 1: Thủy điện nhỏ "mọc" trên núi, "ẩn" dưới hẻm sâu

Những thủy điện nhỏ hay còn gọi là "thủy điện cóc" có công suất vài MW xuất hiện khá nhiều ở các khu vực sông suối có độ dốc lớn ở miền núi phía Bắc.

"Bom đất" treo trên đầu dân

Thủy điện Móng Sến, công suất 6MW, do Công ty thủy điện Tây Bắc đầu tư, xây dựng tại thôn Móng Sến 2, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Đi trên quốc lộ 4D từ TP Lào Cai đến thị xã Sa Pa đến đập thủy điện Cốc San có thể nhìn thấy rõ một vệt đất đỏ kéo dài từ đỉnh núi xuống quốc lộ, cách khoảng 30m là địa điểm đặt nhà máy thủy điện Móng Sến.

Hiện tại, thủy điện Móng Sến có nguy cơ sạt lở đất cao do xây đường ống dẫn nước từ trên cao, nhiều điểm sạt lớn, nhỏ. Khu nhà điều hành đang được xây dựng tại khu vực này.

Địa hình nơi dự án xây dựng có độ dốc cao, bên dưới nhiều hộ dân người Mông và Dao đang sinh sống và đường quốc lộ 4D. Ven quốc lộ là lán trại của công nhân sinh hoạt để thi công cầu Móng Sến, thuộc tuyến cao tốc Lào Cai - Sa Pa.

Trao đổi với PV, ông Lò Dùn Sẻo người dân Bản Móng Sến 2, sinh sống cách nhà máy thủy điện Móng Sến vài chục mét - cho biết: "Dự án thủy điện này đã bắt đầu xây dựng cách đây khoảng hơn 2 năm, đến nay vẫn đang xây dựng, chúng tôi ở gần nơi xây dựng nhà máy thủy điện thấy nhiều điểm sạt lở quanh nhà máy và chỗ họ xây dựng đường ống dẫn nước".

"Ban đầu nghĩ mình ở cách xa mấy chục mét không ảnh hưởng. Nhưng mấy hôm nay nghe thông tin trên tivi thấy có vụ sạt lở thủy điện ở trong miền trung gây chết và mất tích nhiều người. Nên đang rất sợ, nhỡ đâu khi có mưa to, bão lớn thì quả đồi sau nhà chúng tôi nơi mà có đường ống dẫn nước thủy điện đi qua có thể sạt xuống nhà bất cứ lúc nào" - ông Sẻo lo lắng.

Cùng chung nỗi lo với ông Sẻo, bà Lò Mán Mẩy nói: "Đã vài lần chúng tôi có ý kiến lên xã để di dời các hộ dân ở đây đi nơi khác tránh bị ảnh hưởng của thủy điện nhưng đến nay vẫn chưa biết đi đâu. Sống cứ nơm nớp lo sợ bị sạt lở thế này chúng tôi không yên tâm sản xuất được".

"Trước đây, khi thủy điện xây dựng đường ống dẫn nước cũng gây ảnh hưởng làm sạt lở mấy thửa ruộng của gia đình tôi nhưng bên thủy điện cũng chưa đền bù cho gia đình. Chúng tôi rất bức xúc nhưng cũng không có cách nào"- bà Mẩy chia sẻ thêm.

Trao đổi với PV, đại diện UBND xã Trung Chải cho biết: "Chúng tôi không nhận được phản ánh của bà con, việc đền bù thì xã không phải cơ quan giải phóng mặt bằng. Trước đây xây dựng thủy điện vướng gì chúng tôi cũng phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết".

Theo tìm hiểu của PV, năm 2018 khi Sở Công Thương tỉnh Lào Cai kiểm tra tại dự án thủy điện Móng Sến đã phát hiện hàng loạt thiếu sót, đặc biệt là khởi công xây dựng nhiều hạng mục nhưng không thông báo tới cơ quan chức năng, cũng như chưa có giấy phép xây dựng….

Sạt lở ngay phía trên nhà máy và thân đập

Cách thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai 13km là Công trình thủy điện Bắc Cuông, do Công ty CP thủy điện năng lượng Phúc Thái đầu tư, được xây dựng trên địa phận Bản Cuông 3, xã Xuân Hòa.

Dự án thủy điện Bắc Cuông xây dựng trên suối Nậm Luông với tổng vốn đầu tư 197,7 tỷ đồng, công suất lắp máy 5,75MW, khi nước dâng đã ảnh hưởng đến đất lâm nghiệp của bà con dân tộc Dao nơi đây.

Cuối tháng 10/2020 khi PV có mặt tại khu vực xây dựng thủy điện Bắc Cuông. Đập và nhà máy được xây dựng gần quốc lộ 279 nối giữa huyện Bảo Yên (Lào Cai) và Quang Bình (Hà Giang) người dân đi đường rất dễ quan sát thấy công trình thủy điện nằm sâu hun hút dưới lòng sông sâu khoảng 40m so với mặt đường.

PV ghi nhận điểm sạt lở ngay sau nhà máy và thân đập, lượng đất đá vừa bị sụp xuống lên đến hàng chục m3, hiện đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở thêm nhưng không thấy có biến cảnh báo có nguy cơ sạt lở.

Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Lịch, đại diện Ban quản lý dự án thủy điện Bắc Cuông nói: "Chỗ sạt trên thân đập hôm kiểm tra không vấn đề gì cả, chưa ảnh hưởng gì cả".

Còn ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên khi tiếp nhận thông tin từ PV đã chỉ đạo Phòng Kinh tế Hạ tầng kiểm tra để có hướng khắc phục.

"Ở trên này tôi quản rất chặt, thậm chí sạt 4h sáng tôi biết ngay vì xã báo lên mà, chỗ nào sạt tôi yêu cầu khắc phục ngay. Còn chỗ thủy điện Bắc Cuông thì Phòng Kinh tế hạ tầng vào kiểm tra luôn và sẽ có báo cáo" - ông Hà cho hay.

Theo tìm hiểu của PV, khi xây dựng công trình thủy điện này từng xảy ra tai nạn chết người.

Cụ thể, khoảng 7h sáng ngày 2/10/2017 trong quá trình xây dựng thủy điện Bắc Cuông, anh Nguyễn Văn D. ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên là Công nhân của Công ty Cổ phần xây lắp thủy điện và khai thác khoáng sản Việt Trung đã bị lũ cuốn trôi dẫn đến tử vong.

Đến trưa ngày 3/10 gia đình và đội tìm kiếm mới tìm thấy xác anh D. cách nơi bị cuốn trôi hàng chục km. Ông Nguyễn Việt Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Yên xác nhận với PV NTNN/Dân Việt "có sự việc này xảy ra". (danviet.vn 12/11)

 
 
 

3.  Bất chấp cảnh báo, người dân Huế vô tư lội lũ lớn ngang ngực

Mặc dù Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống TT và TKCN tỉnh TT - Huế cảnh báo, chiều 11/11 người dân liều lĩnh vượt nước lũ lớn đến ngực để đi lại

Clip được CTV Báo Giao thông quay lại vào chiều hôm nay (11/11), tại tỉnh lộ 8 qua trung tâm xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, người dân đã tự lội lũ đến ngực vượt gần 1km.

Một người dân có mặt tại địa điểm này cho biết, người dân đã tự lấy dây căng để người dân căn đường đi. Nhiều người nhìn thấy đã ngăn cản nhưng nhóm người này không dừng lại.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cảnh báo, trong chiều và tối 11/11, địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to đến rất to.

Mưa lớn có nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, các công trình đang thi công ở các sườn dốc, ven sông suối tại các huyện A Lưới, Nam Đông, vùng núi của huyện Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy, Hương Trà. Đồng thời, mưa lớn có thể gây sạt lở bờ biển ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà.

Trước diễn biến thời tiết bất thường, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cảnh báo nguy cơ ngập lụt diện rộng, dài ngày xảy ra ở vùng thấp trũng của thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc.

Do mưa lớn kéo dài liên tục, sáng 11/11, quốc lộ 49A từ thành phố Huế đi lên huyện A Lưới đã xảy ra điểm sạt lở núi tại Km 76+500, khiến đất đá tràn xuống lòng đường gây ắc tắc giao thông. Các lực lượng chức năng đang tập trung phương tiện cơ giới để cố gắng hoàn thành thông tuyến trong chiều 11/11 và khuyến cáo người dân hạn chế đi lại qua đoạn đường này để đảm bảo an toàn. (baogiaothong.vn 11/11)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Lạc quan vượt qua gian khó

“Khi hội viên quyết tâm cộng với các cấp hội đồng hành, những khó khăn do bão lũ gây ra nhất định sẽ được đẩy lùi, nhường chỗ cho sự hồi sinh, phát triển...”, chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh khẳng định.

Còn người, còn của

Khu vườn của chị Phan Thị Hiền ở thôn Lại Bằng 2, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà có hàng trăm gốc chuối, đu đủ gãy gục nằm ngổn ngang sau đợt bão lũ vừa qua. Ngôi nhà kiên cố, khang trang của gia đình chị, dấu nước ngập tầm ngang cổ người còn hằn rõ trên các bức tường.

“Ti vi, tủ lạnh, máy giặt... bị ngâm nước nên đang đưa đi sửa”, chị Hiền giải thích về sự trống trải trong ngôi nhà của mình.

Gia đình chị Hiền vốn là hộ khá giả. Ngoài diện tích của gia đình, chị còn thuê đất trồng gần 3 mẫu gồm chuối, đu đủ và hoa màu gồm sắn, lạc. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, vợ chồng chị còn dư dả để nuôi con ăn học và sắm sửa tiện nghi trong nhà. Năm nay, chị mới vay 50 triệu đồng qua kênh phụ nữ để đầu tư trồng thêm thanh trà. Vườn cây đang phát triển tốt bỗng bão, rồi lũ ập đến, toàn bộ cây bị ngã, đổ chết hết. Diện tích sắn được bộ đội, công an giúp thu hoạch vượt lũ, nhưng do không có ai thu mua nên sắn cũng hư thối hết. Không những thế, hàng tấn lúa, lạc cũng bị hư hại do nhà bị ngập nước.

Xót của, song đôi mắt chị Hiền vẫn ánh lên niềm lạc quan. Chị nói: “Xem như trắng tay, song so với nhiều nơi khác, tôi thấy mình còn may mắn, còn người còn của, vợ chồng tôi sẽ làm lại từ đầu”.

Hiện tại, vợ chồng chị đang đi thu hoạch keo, tràm thuê để có thu nhập trước mắt. Khi nước rút hẳn, chị sẽ thuê máy móc cải tạo lại toàn bộ diện tích đất để trồng các giống cây ăn quả. “Sau lũ, đất được bồi phù sa, cây trồng rất dễ cho năng suất”, chị Hiền tin tưởng.

Hôm chúng tôi đến, chị Nguyễn Thị Thỉu ở thôn Trừng Hà, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang đang trộn thức ăn cho đàn gà vịt khoảng 30 - 40 con sau vườn. Thu nhập chính của vợ chồng chị là từ nuôi tôm, cua, cá, nhưng lũ lụt tràn về, một số tôm cá sốc nước ngọt bị chết, số chạy theo nước tràn đi mất nên xem như mất trắng. Để đầu tư hồ và con giống, trước đó vợ chồng chị phải vay mượn khắp nơi. Thu nhập chính không còn, chị Thỉu nhanh chóng chuyển qua chăm sóc gia súc, gia cầm. Ngoài được cứu trợ nhu yếu phẩm, chị Thỉu được hỗ trợ thêm gần 2 triệu đồng tiền mặt. “Tôi dành tiền mua thêm con giống để nuôi. Thiên tai khiến người dân ai cũng khó khăn. Tôi chỉ mất hồ tôm, còn nhà cửa không bị ngập lụt. So với những gia đình có nhà chìm sâu trong nước, họ còn khổ hơn mình. Nghĩ vậy, tôi có thêm động lực làm lại từ đầu. Chỉ cần chăm chỉ, chịu khó, tôi tin sẽ vượt qua”, chị Thỉu tâm sự.

Không bỏ cuộc trước thiệt hại do thiên tai, thành viên các tổ liên kết sản xuất nấm của Hội LHPN huyện Phú Vang đã tự giúp nhau vượt qua. Các chị cho nhau mượn tiền, giúp nhau ngày công để làm lại các vòm nấm bị hư hại do bão lũ. Hiện nay, những vòm nấm đã được làm mới và đang bắt đầu cấy giống.

Đồng hành

“Tỉnh hội vừa được Tổ chức trẻ em Rồng Xanh hỗ trợ 50 ngàn USD để thực hiện gói hỗ trợ sinh kế cho hội viên phụ nữ phát triển bền vững sau bão lũ”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Lê Thị Hồng Thanh phấn khởi trao đổi với chúng tôi khi đề cập đến công tác đồng hành cùng hội viên khắc phục sau bão lũ.

Theo chị Thanh, gói hỗ trợ bao gồm ba nội dung chính: hỗ trợ sinh kế, cụ thể đó là con giống, cây giống, dạy nghề gắn với tạo việc làm cho những phụ nữ đang độ tuổi lao động, có khả năng sử dụng hiệu quả nguồn sinh kế được hỗ trợ. Tiếp đó là giúp hội viên phụ nữ nghèo, yếu thế sửa chữa hoặc xây mới nhà cửa hư hỏng do bão lũ và tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó trước thiên tai. Hiện Hội đang triển khai khảo sát và làm điểm trên địa bàn huyện Phú Lộc. Gói hỗ trợ này dự định sẽ hoàn thành trong vòng 6 tháng.

Ngoài ra, Tỉnh hội đang xét hồ sơ để giải ngân hơn 1 tỷ vốn vay cho phụ nữ khởi nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội linh hoạt, sáng tạo để đồng hành cùng hội viên trong tái tạo sản xuất, phát triển kinh tế.

Hội LHPN các cấp trên toàn tỉnh cũng đang tích cực đồng hành cùng hội viên. Tiêu biểu, Hội LHPN huyện Phú Vang đang đôn đốc 25 hội viên nằm trong danh sách được tặng heo giống; sửa chữa, vệ sinh chuồng trại để nhận heo về nuôi. Mỗi hộ sẽ được tặng 2 con heo giống, khi heo sinh sản, sẽ giao lại cho hội một con để tặng lại cho các hội viên khác. Bên cạnh đó, hội tiếp tục kết nối, vận động cây giống, con giống cũng như tập huấn hỗ trợ kỹ thuật cho hội viên…

Chị Lê Thị Hồng Thanh vẫn khẳng định, cùng với sự đồng hành của các cấp hội, điều quan trọng nhất là tinh thần tự lực, quyết tâm vượt khó của các hội viên mới mang lại hiệu quả bền vững. (baothuathienhue.vn 12/11)

 
 
LAO ĐỘNG
 

1.   “Thừa Thiên - Huế phải là trung tâm phát triển nguồn nhân lực của miền Trung”

Ngày 11/11, tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội của địa phương năm 2020 và kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Tham dự buổi làm việc có: Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Bá Hoan, cùng các đơn vị trong bộ; về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có: Ông Lê Trường Lưu Bí thư tỉnh Ủy; ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh và các Sở, ban, ngành của tỉnh 

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết trong 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho hơn 7.379 lao động (499 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 7.500 lao động bị thôi việc, mất việc, chiếm 12% lực lượng lao động trên địa bàn. Về giáo dục nghề nghiệp, trong 9 tháng, 5.648 lao động đã đăng ký học nghề.

Tỉnh hiện có 2.366 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 58 Mẹ còn sống), 136 nghĩa trang liệt sĩ, đền, nhà bia ghi công liệt sĩ. Hằng năm, ngân sách Trung ương đầu tư sửa chữa và nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, đền, nhà bia ghi công liệt sĩ trong toàn tỉnh khoảng 2 tỷ đồng. Năm 2020 tiếp tục sửa chữa mộ và nâng nền mộ do bị xuống cấp tại các nghĩa trang liệt sĩ và thay 265 bia mộ khắc dòng chữ "liệt sĩ vô danh", thành "liệt sĩ không xác định được danh tính" tại các huyện, thị xã.

Về nhà ở NCC, tỉnh đã hỗ trợ cho 4.954 hộ (hỗ trợ xây mới 1.066 hộ; cải tạo, sửa chữa 3.888 hộ).

Về công tác giảm nghèo, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, tỉnh đã tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 8,36% đầu năm 2016 xuống còn 4,17% vào cuối năm 2019 và dự kiến giảm còn 3,67% vào cuối năm 2020, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân; bình quân giảm 0,94%/năm là vượt chỉ tiêu Chính phủ giao giảm 0,87%/năm.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết thêm, thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên, việc đầu tư phát triển các trường nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cao là hết sức cần thiết. Vì vậy, đề nghị lãnh đạo Bộ quan tâm phê duyệt và đầu tư Đề án Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên - Huế vào danh sách các trường cao đẳng chất lượng cao trong giai đoạn tới với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.

"Tỉnh đang đầu tư phát triển Khu kinh tế Chân Mây, vì vậy mong Bộ hỗ trợ xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực cho Huế và cả khu vực miền Trung. Tỉnh cũng đề nghị Bộ quan tâm hỗ trợ nguồn lực để nâng cấp, xây dựng phần mềm điều tra cung - cầu lao động; đầu tư hạ tầng, công nghệ hiện đại để phát triển thị trường lao động, nhằm giúp các đối tượng thất nghiệp, bị giãn việc; đề xuất Bộ hỗ trợ xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi với diện tích 7.151m2,­, quy mô nuôi dưỡng 200 người cao tuổi. Tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng. Đầu tư bổ sung các hạng mục ở nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Huế...", ông Thọ đề nghị.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ khó khăn, thách thức bão lũ mà nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phải gánh chịu thời gian qua.

Đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề tỉnh Thừa Thiên - Huế thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Trước hết, tỉnh chăm lo cho ngành LĐ-TB&XH, phát triển an sinh xã hội, đặt con người là trung tâm chính sách xã hội và kinh tế, đảm bảo công bằng xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, xã hội hóa các chính sách xã hội. Đặc biệt chú ý đến đối tượng yếu thế, đảm bảo mức sống của NCC phải cao hơn mức sống của người dân trên địa bàn; quân tâm đến giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Pa kô, Vân Kiều…

Về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng đề tỉnh cần tập trung bồi dưỡng phát triển nhân chất lượng cao. "Huế phải là trung tâm phát triển nguồn nhân lực của miền Trung, đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với quy hoạch của địa phương, quy hoạch của các ngành", Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, Huế cần tập tập trung phát triển dịch vụ đa dạng, gắn với hiện đại hóa hệ thống quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Về những đề xuất của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ trưởng đồng  ý tỉnh phải có trường chất lượng cao và giao Tổng cục GDNN hướng dẫn, xây dựng kế hoạch thông qua chương trình mục tiêu, dự án.

Đồng ý xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp nhưng đầu tư trung tâm cai nghiện riêng, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ... Bộ trưởng chỉ đạo Cục NCC ngay tại cuộc họp từ nay đến cuối năm giải quyết dứt điểm 8 hồ sơ tồn đọng của tỉnh...

Tại buổi làm việc, các đơn vị trong Bộ cũng đã tham mưu, góp ý giải quyết khó khăn trong lĩnh vực GDNN, NCC, lao động việc làm, xuất khẩu lao động, xóa đói giảm nghèo... mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất. (baodansinh.vn 12/11)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  “Đại tiệc” văn hóa châu Âu trở lại Huế

“Dù có những thất bại, cô đơn và mất mát, nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng, bởi chúng ta có sự yêu thương và khát vọng hướng tới một tương lai tươi sáng hơn” – đó là thông điệp mà Ban Tổ chức Liên hoan phim châu Âu tại Việt Nam 2020 gửi đến người xem trước bối cảnh thật khó đoán định khi mà cả thế giới đảo lộn bởi dịch bệnh COVID-19.

Liên hoan phim sẽ được khởi chiếu từ ngày 20/11 và một lần nữa Huế vinh dự được chọn là điểm dừng của liên hoan phim danh giá với những bộ phim xuất sắc, chuyển tải được những nét đẹp văn hoá của các nước châu Âu đến với người xem vùng đất Cố đô. Có rất nhiều điều đặc biệt trong liên hoan phim lần này khi được tổ chức vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao EU – Việt Nam.

Từng được tổ chức tại Huế ở các năm trước đó, Liên hoan phim châu Âu để lại những ấn tượng đẹp trong lòng công chúng. Ở đó, người xem được đắm chìm trong những “bữa tiệc” có chất lượng khá đồng đều, trong đó có một số phim được đánh giá rất xuất sắc từng nhận được nhiều giải thưởng, đề cử danh giá. Các nhà làm phim đã chuyển tải đến người xem Huế những câu chuyện, góc nhìn thú vị về văn hoá, đời sống, con người… châu Âu.

Ở liên hoan phim năm nay, được mở cửa miễn phí tại rạp Cinestar (25 Hai Bà Trưng, TP. Huế), khán giả một lần nữa có cơ hội sống trong không khí của điện ảnh châu Âu với 13 bộ phim đặc sắc chọn lọc từ 14 quốc gia châu Âu, như Đức, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Hà Lan…

Cũng như các liên hoan phim trước đó, các phim được chọn trình chiếu với khán giả Việt Nam nói chung và Huế nói riêng từng giành được các giải thưởng trong nước và quốc tế quan trọng. Theo ban tổ chức, thông qua các thước phim, người xem sẽ cảm nhận được hành trình của tuổi trẻ và sự trưởng thành, của lịch sử và cuộc sống hiện tại, của các giá trị gia đình và cái tôi phức tạp trong thế giới đông đúc, của những mâu thuẫn và niềm hy vọng.

Ở đó, người xem sẽ có cơ hội thưởng thức bộ phim ở thể loại phim tài liệu của Tây Ban Nha có tựa “Sự im lặng của đồng loại”. Ở đó, hai nhà làm phim Almudena Carracedo và Robert Bahar sẽ cho người xem thấy được cuộc đấu tranh lịch sử của các nạn nhân chế độ độc tài 40 năm tại Tây Ban Nha dưới thời tướng Franco, những con người vẫn đang tiếp tục tìm kiếm công lý cho đến tận bây giờ.

Được thực hiện trong vòng hơn sáu năm, bộ phim theo chân những người sống sót khi họ tổ chức “Vụ kiện Argentina” chấn động và chống lại sự lãng quên các tội ác chống lại loài người. Xuyên suốt bộ phim cũng là hành trình khám phá một quốc gia vẫn bị chia cắt sau bốn thập kỷ hình thành nền dân chủ. Bộ phim từng được Giải Bình chọn của khán giả và Giải phim vì hòa bình ở Liên hoan Phim quốc tế Berlin.

Cũng góp mặt trong Liên hoan phim Châu Âu 2020 được tổ chức tại Huế và một vài tỉnh thành khác ở Việt Nam, bộ phim “Trước bình minh” của Đức cũng rất được trông chờ. Được sản xuất vào năm 2016 bởi đạo diễn Maria Schrader, “Trước bình minh” kể về những năm tháng lưu vong giữa Buenos Aires, New York và Brazil của Stefan Zweig – một trong những nhà văn nói tiếng Đức được đọc nhiều nhất trong thời đại của ông. Là một trí thức Do Thái, Zweig chật vật để tìm lập trường đúng đắn đối với các sự kiện ở nước Đức Quốc xã, và kiếm tìm một mái nhà ở thế giới mới.

Ngày nay, đặc biệt đối với những người hâm mộ điện ảnh, Zweig được biết đến qua cuốn tiểu thuyết được đạo diễn Max Ophuls chuyển thể thành phim “Bức thư của người phụ nữ không quen” và tác phẩm đã truyền cảm hứng cho “Khách sạn Grand Budapest” của Wes Anderson. Với sự thành công đó, bộ phim đã vinh dự nhận Giải Đạo diễn xuất sắc nhất (Giải thưởng điện ảnh Bavaria) và Giải Nam diễn viên xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất (Hiệp hội Phê bình Phim Đức).

Ông Nguyễn Dung, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, người từng nhiều năm tham dự Liên hoan phim châu Âu tổ chức tại Huế cho biết, ông rất vui khi biết được thông tin năm nay liên hoan phim cũng sẽ trở lại với vùng đất Cố đô. Theo ông Dung, điều đó cho thấy sự kết nối văn hoá giữa các nước châu Âu với Huế rất mật thiết. Vui hơn, khi các đại sứ quán có phim trình chiếu và lãnh đạo tỉnh cũng như người dân luôn đón nhận và dành thời gian để xem. “Các bộ phim được trình chiếu giúp người xem cảm nhận được tính nhân văn. Từ đó tăng cường sự hiểu biết sâu sắc về đất nước, con người thông qua từng bộ phim”, ông Dung chia sẻ.

Lịch chiếu phim Liên hoan phim châu Âu 2020 tại Huế:

 Louise bên bờ biển (20h - 21/11), Dịp này hằng năm (18h - 22/11), Sự im lặng của đồng loại (20h - 22/11), Đất mẹ (20h - 23/11), Kề bên nhau (20h - 24/11), Người lạ hoàn hảo (20h - 25/11), Cuộc đời kỳ diệu của V (20h - 26/11), Thầy giáo Twister trên sân cỏ (20h - 27/11), Hội ngộ (18h - 28/11), Brooklyn (20h - 28/11), Budapest những đêm trường (18h - 29/11), Trước bình minh (20h - 29/11) và Những chàng ruồi mùa đông (20h - 30/11).

 Người hâm mộ có thể nhận vé tại Rạp Cinestar (25 Hai Bà Trưng, TP. Huế) (baothuathienhue.vn 12/11)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Trao 1.000 suất quà cho đoàn viên, công nhân lao động

Sáng 11/11, Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh tổ chức điểm hỗ trợ quà cho đoàn viên, công nhân lao động tại Khu Công nghiệp Phú Bài (Hương Thủy).

Để hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động gặp khó khăn do bị thiệt hại trong các đợt bão lũ, chương trình đã trao 1.000 suất quà gồm nhu yếu phẩm, các mặt hàng cần thiết, như; gạo, mì tôm, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, màn, quần áo, đồ dùng học tập…; tặng 300 phiếu thay nhớt xe máy miễn phí và tư vấn sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho công nhân.

Đại diện Công ty CP đầu tư SGH cũng trao đại diện 100 suất quà trong số 300 suất quà được phân bổ cho công nhân lao động Khu Công nghiệp Phú Bài. Ngoài ra, chương trình cũng tổ chức các "Gian hàng 0 đồng” với nhiều sản phẩm tự chọn, như: sách giáo khoa, quần áo.

Đây là những phần quà từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh, góp phần giúp đoàn viên, công nhân lao động vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống.

Dịp này, các công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp cũng đã quyên góp được 32,5 triệu đồng hỗ trợ gia đình các công nhân gặp nạn tại công trình thủy điện Rào Trăng 3. (baothuathienhue.vn 11/11)

 
 
 

2.  Nghệ sĩ hướng về khúc ruột miền Trung

Khi miền Trung đang oằn mình vì những thiệt hại do bão lũ, các ca sĩ, nghệ sĩ bằng nhiều hoạt động thiết thực đã chia sẻ phần nào khó khăn, mất mát của người dân Huế nói riêng và miền Trung nói chung.

Cuối tháng 10, ngay khi cơn bão số 9 vừa đi qua, đêm nhạc “Thương về miền Trung” do Công ty TNHH Gia Bảo Event-Media tổ chức tại nhà hát Sông Hương mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc lắng đọng. Không chỉ bởi những lời ca, tiếng hát, điệu múa đặc sắc mà còn vì đây là chương trình nghệ thuật thiện nguyện được các nghệ sĩ biểu diễn vì miền Trung thương yêu, nơi đã và đang gánh chịu tổn thất nặng nề sau những cơn bão, lũ vừa qua.

Với sự tham gia của các nghệ sĩ: Quang Linh, Đức Tuấn, Hoàng Bách, Trung Quân Idol, Tịnh Uyên, X2X Band, Xuân Phương…, chương trình thu được trên 400 triệu đồng. Toàn bộ doanh thu bán vé và tiền quyên góp của khán giả, mạnh thường quân đều được trao tận tay đến người dân vùng lũ ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Quảng Nam. Ngày 7/11, chương trình đã trao 125 suất quà cho bà con bị ảnh hưởng bão lũ ở Phong Sơn, Phong Điền và Hương Trà.

Để đêm nhạc diễn ra thành công, Công ty TNHH Gia Bảo Event-Media và các nghệ sĩ đã nỗ lực hết tâm sức khắc phục khó khăn do mưa bão. Tối 28/10 diễn ra chương trình thì ngay hôm đó, Huế mưa to gió lớn do bão số 9, các nghệ sĩ nơm nớp lo chương trình không thể diễn ra, may sao đến 7h tối thì trời tạnh. Tiếc là, nhiều nghệ sĩ, như: danh hài Chí Tài, Quách Ngọc Tuyên, Lân Nhã, Vân Khánh… không thể góp mặt trong chương trình do các chuyến bay hôm đó bị hủy. Chương trình diễn ra thành công dù lượng khán giả đến xem không được như mong đợi.

Đạo diễn Đoàn Quốc Duy, Công ty Gia Bảo Event-Media xúc động: “Sau bão lũ, nhiều gia đình rơi vào cảnh bi thương khi người thân bị lũ cuốn trôi, những ngôi nhà ngập chìm trong biển nước, nhà cửa hư hại, đồ đạc mất hết…thật quá xót xa. Tôi thấy mình cần làm gì đó để chia sẻ phần nào khó khăn của bà con và ý tưởng tổ chức đêm nhạc thiện nguyện ra đời. Đêm nhạc được các nghệ sĩ nhiệt tình tham gia với tinh thần thiện nguyện, không quản ngại đường sá xa xôi, khó khăn để đến ngay vùng thiên tai biểu diễn, quyên góp cho đồng bào quê hương”.

Trước đó, đêm nhạc “Miền Trung ơi!” do Công ty TTHH MTV tổ chức biểu diễn PQ phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Công ty TNHH VKSTAR tổ chức đã quyên góp trên 2 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung. Tham gia chương trình, các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, như: Đàm Vĩnh Hưng, Long Nhật, Vũ Hà, Phương Thanh, Bạch Trà, Quỳnh Hoa, Mai Thu Huyền, Hiếu Hiền… rất xúc động, bày tỏ mong ước chia sẻ một phần khó khăn của Nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng và miền Trung nói chung đang phải gánh chịu nhiều mất mát, tang thương do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.

Chưa bao giờ những ca khúc: Thương lắm miền Trung, Miền Trung ơi, Nhớ quê, Quảng Bình quê ta ơi, Huế tình yêu của tôi, Tình Huế… vang lên da diết, lay động lòng người đến vậy. Nghệ sĩ Mai Thu Huyền kêu gọi sự đóng góp, hỗ trợ và giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và khán giả tham gia chương trình. Điều hành phiên đấu giá tranh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa mang đến cho khán giả tiếng cười dí dỏm vừa nhiệt tình “xin” thêm tiền cho người dân đang oằn mình vì bão lũ.

Ca sĩ Long Nhật bày tỏ: “Tôi rất xúc động khi trở về quê hương vào những ngày bão lũ và muốn góp chút sức nhỏ bé chia sẻ những mất mát, đau thương của bà con. Ngoài tham gia các chương trình âm nhạc từ thiện hướng về miền Trung diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh và Huế, tôi muốn được đi đến những vùng bị thiệt hại nặng nề như Quảng Điền, Phong Điền, vừa trao quà, vừa mang lời ca tiếng hát để phần nào xoa dịu nỗi đau, tiếp thêm nghị lực cho bà con vượt qua khó khăn”.

Họa sĩ Hoàng Thanh Phong ủng hộ 10 bức tranh để các chương trình âm nhạc thiện nguyện bán đấu giá gây quỹ. Trong đó, 5 bức tranh tại đêm nhạc “Miền Trung ơi” bán được 100 triệu đồng, 3 bức trong đêm nhạc “Thương về miền Trung” bán được 53 triệu đồng. Họa sĩ Đỗ Văn Lân cũng tổ chức bán tranh của anh trên mạng xã hội để lấy tiền trao quà cho bà con ở những vùng rốn lũ. “Mỗi người một cách làm riêng nhưng tất cả nghệ sĩ đều một lòng san sẻ với đồng bào trong khó khăn, hoạn nạn. Ca sĩ mang lời ca tiếng hát, nghệ sĩ mang tranh ra đấu giá, giúp bà con được chừng nào hay chừng đó”, họa sĩ Hoàng Thanh Phong chia sẻ.

Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều chương trình nghệ thuật thiện nguyện: âm nhạc, múa, sân khấu kịch đã, đang và sẽ được nghệ sĩ tổ chức nhằm quyên góp tiền cho đồng bào miền Trung. Không chỉ biểu diễn để gây quỹ, các nghệ sĩ cũng lên đường đến với đồng bào. Đoàn làm phim Kiều đã trao 400 phần quà cứu trợ cho người dân xã Phong Hòa, huyện Phong Điền. Ca sĩ Hồng Nhung cũng lặng lẽ đến Huế thăm gia đình nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở ở Rào Trăng…Tất cả những hành động ấy là chiếc cầu nối thiết thực từ trái tim đến trái tim, mang đậm tính nhân văn sâu sắc nhằm lan tỏa thông điệp “Chung tay vì cộng đồng”, tiếp thêm sức mạnh giúp bà con có thêm ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. (baothuathienhue.vn 12/11)

 
 
 

3.  Cô Phúc “phúc hậu”

Cứ về thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, hỏi cô Phúc hay giúp đỡ người nghèo thì ai cũng biết, bởi những hoạt động thiện nguyện từ lâu đã gắn với cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phúc, sinh năm 1980, Trường THCS thị trấn Phúc Lộc.

Kết nối yêu thương

Chị Phúc tâm niệm, giúp người cũng là giúp mình. Từ đó, chị bắt đầu kết nối với những mạnh thường quân để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Đấy cũng là công việc mà chị đăng ký học tập và làm theo lời Bác gần 8 năm nay.

Chị Phúc kể: “Tôi đến với công tác thiện nguyện hoàn toàn là cơ duyên, nhưng đến hiện nay, công việc này đã trở thành niềm đam mê. Khi làm nhiều việc tốt, tôi cảm thấy vui hơn, cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều”.

Xuất phát từ việc đi chăm người nhà nằm viện tại Trung tâm Y tế huyện, chị Phúc thấy hầu hết các bệnh nhân đang điều trị ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng bản thân chưa đủ điều kiện để giúp đỡ họ. Lúc đó, chị đã nêu ý tưởng, chia sẻ và kêu gọi cộng đồng gồm các chị em, bạn bè gần xa, các nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ. Từ đó, chương trình “Nồi cháo tình thương” của chị Phúc ra đời và được sự ủng hộ của rất nhiều người.

Chương trình “Nồi cháo tình thương” của chị Phúc được tổ chức mỗi tuần một lần. Vào thứ tư hàng tuần, dù nắng hay mưa, chị Phúc cùng những người bạn vẫn phát cháo miễn phí đều đặn cho các bệnh nhân tại Khoa Truyền nhiễm tại Trung tâm y tế huyện Phú Lộc. Chương trình được triển khai từ năm 2016 và vẫn duy trì đều đặn đến hiện nay.

 “Nói thiệt, đôi khi mình làm từ thiện nhiều người biết đến nỗi mà buổi trưa hay buổi tối đang nằm ngủ mà cũng có người gọi điện thoại, rồi đến tận nhà để nhờ mình giúp. Nhưng mình thấy vui và trân trọng vì những điều mình làm được lan toả ra cộng đồng”, chị Phúc cười nói.

Sẻ chia, lan toả

Nhiều năm qua, chị Phúc cùng các anh chị em, bạn bè, kết nối với những nhà hảo tâm tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện, đặc biệt hướng đến người già neo đơn và các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Trong các dịp Tết Trung thu, Quốc tế Thiếu nhi, Giáng sinh hằng năm, chị Phúc đã tổ chức trao quà cho trẻ em bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc; con em đồng bào dân tộc thiểu số tại Khe Su, xã Lộc Trì và học sinh cấp 1, cấp 2 trên địa bàn… Đồng thời, hỗ trợ các em học sinh nghèo đến trường bằng việc may áo quần, mua giày dép, sách vở… với tổng số tiền gần 200 triệu đồng.

Ngoài ra, chị Phúc còn kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân xây dựng nhà cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cụ già neo đơn… tại địa phương với số tiền hàng trăm triệu đồng; hỗ trợ kịp thời cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo lên đến hơn 300 triệu đồng.

Hằng năm, chị Phúc còn tích cực vận động học sinh đã bỏ học đi học trở lại bằng việc đóng tiền học phí, mua bảo hiểm y tế cho các em ở vùng khó khăn. Trao học bổng cho các em học sinh vượt khó học giỏi với số tiền 80 triệu đồng. “Tôi luôn nắm bắt tình hình những hoàn cảnh khó khăn đột xuất trên địa bàn để kịp thời thăm hỏi, tặng quà động viện, xoa dịu nỗi đau để giúp họ có động lực vươn lên trong cuộc sống”, chị Phúc hồ hởi.

Chị Cái Thị Diệu Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Lộc cho biết: “Chị Nguyễn Thị Hồng Phúc là người rất có tâm trong công việc. Vừa là một giáo viên tận tụy với học trò, vừa làm tốt các công tác thiện nguyện, luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động của Hội. Nhờ có chị Phúc mà những mảnh đời kém may mắn tại địa phương đã được tiếp thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống”.

Với những điều tốt đẹp mà chị đã lan toả cho xã hội và cộng đồng, năm 2019 vừa qua, chị Phúc đã nhận được giấy khen của Huyện ủy Phú Lộc vì đã có thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. (baothuathienhue.vn 11/11)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Thừa Thiên Huế cho học sinh nghỉ học để ứng phó mưa lũ

Để đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị thuộc vùng hạ du thấp trũng cho học sinh nghỉ học từ chiều 11/11.

   Trưa 11/11, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ đang diễn biến phức tạp.

Theo đó, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu lãnh đạo Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở, Giám đốc các Trung tâm GDNN-GDTX căn cứ tình hình thực tế diễn biến mưa lũ, đặc biệt đối với các vùng hạ du thấp trũng cho học sinh nghỉ học bắt đầu từ chiều nay (11/11) và ngày 12/11. Trong những ngày tới, tùy vào tình hình diễn biến của thời tiết, Sở sẽ có thông báo tiếp theo.

Trong những ngày này, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các đơn vị cần thường xuyên khuyến cáo, nhắc nhở học sinh chấp hành các quy định về phòng chống đuối nước mùa mưa lũ theo các văn bản đã được chỉ đạo.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 24h qua, trên địa bàn tỉnh có mưa to, có nơi mưa rất to. Dự báo từ ngày 11/11 đến ngày 12/11 tiếp tục có mưa to đến rất to, các sông trên địa bàn tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ trên báo động 2 – báo động 3, có sông trên báo động 3.

Do mưa lớn kéo dài liên tục nên đã xảy ra sạt lở tại Km 76+500, tuyến quốc lộ 49A Huế - A Lưới. Hiện các lực lượng đang tập trung phương tiện cơ giới để thông tuyến, dự kiến chiều nay sẽ hoàn thành.

Trong khi đó, tại đoạn đường Km 867 Quốc lộ 1A đi qua xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) hiện nay nước tràn qua đường cao khoảng 40 cm, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông. Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến cáo người dân hạn chế lưu thông qua các tuyến đường nói trên để đảm bảo an toàn./. (toquoc.vn 11/11)

 
 
PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
 

1.  Bão vào Biển Đông sáng nay, hướng về Hà Tĩnh – Quảng Nam

Trong sáng nay, bão VAMCO đi vào Biển Đông, hướng về vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Nam, duy trì cường độ rất mạnh.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vào 1 giờ sáng nay (12/11), tâm bão VAMCO trên khu vực phía Đông Nam đảo Luzon của Philippines với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Trong sáng nay bão đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 13 trong mùa mưa bão năm nay với tốc độ di chuyển khá nhanh từ 20-25km. Dự báo đến 1 giờ ngày 13/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía Đông Đông Nam. Bão vẫn duy được sức mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực từ vĩ tuyến 13,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 113,5 đến 120,0 độ Kinh Đông trên Biển Đông trong ngày và đêm nay có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 1 giờ ngày 14/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Nam. Bão vẫn duy trì sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 1 giờ ngày 15/11, tâm bão ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Khi áp sát bờ, bão số 13 giảm một cấp. Tuy nhiên vẫn là cơn bão rất mạnh với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.  Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, bão số 13 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ với vùng ảnh hưởng có thể rất rộng lớn. Thời gian bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền nước ta khoảng từ 14-15/11 với mưa lớn, gió giật mạnh kèm theo nguy cơ về lũ quét, lũ lụt, sạt lở đất.

Trên đất liền hôm nay, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao hoạt động yếu dần, nên trong sáng nay (12/11), các tỉnh/thành từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 40mm. Sau mưa giảm dần.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lớn nhiều ngày trước đó nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên, đặc biệt tại các huyện:

Thừa Thiên Huế: A Lưới, Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà, Hương Thủy.

Quảng Nam: Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Quế Sơn, Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn, Phú Ninh, Núi Thành, Đại Lộc.

Quảng Ngãi: Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây; Bình Định: An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Vân Canh, Phù Cát.

Tình trạng ngập lụt diện rộng diễn ra ở vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên, đặc biệt các huyện:

Quảng Trị: Đắkrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị.

Thừa Thiên Huế: Phú Lộc, Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang, TP. Huế.

Quảng Nam: Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, TP Hội An, Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, TP Tam Kỳ.

Quảng Ngãi: Bình Sơn, Ba Tơ, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa 3 Hành, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi;

Bình Định: Hoài Nhơn, An Lão.

Phú Yên: Đồng Xuân, Đông Hòa, thị xã Sông Cầu. (tienphong.vn 12/11)

 
 
 

2.  Đảm bảo an toàn tính mạng người dân trong mưa bão

Mưa lớn cộng với các hồ xả nước đón lũ nên nhiều vùng thấp trũng đã bị ngập. Trong khi đó, vùng cao lại cảnh báo ngập cục bộ và sạt lở. Chính quyền các cấp đã chủ động di dời dân đến nơi an toàn và trực ban 24/24 với phương án mưa bão diễn biến dài ngày...

Bảo vệ tính mạng người dân vùng thấp trũng

Chiều 11/11, khu vực thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú và nhiều vùng thấp trũng ở huyện Quảng Điền ngập khá sâu. Nước đã tràn vào nhiều ngôi nhà dân.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, ông Phạm Văn Lợi cho hay, mùa mưa bão, chính quyền địa phương đều tính đến phương án sống chung với lũ một cách an toàn. Bảo vệ tính mạng Nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu.

“Tự quản tại chỗ” được chính quyền địa phương lưu tâm, triển khai một cách quyết liệt, tích cực. Ngay trong sáng 11/11, nước lũ bắt đầu đổ về, dâng cao, các trường trên địa bàn xã chủ động cho học sinh nghỉ học. Cha mẹ quan tâm bảo vệ, quản lý con em, thầy cô quản ý học sinh; các trưởng, phó thôn, đoàn thể có nhiệm vụ quản lý Nhân dân trong suốt mùa lũ. Các hộ nghe thông báo của xã, tiến hành sơ tán đến nơi an toàn theo quy định…

Tại xã Quảng Thành, những hộ vùng xung yếu đều đã được chính quyền địa phương di dời đến nơi cao ráo. UBND xã cũng đã chuẩn bị lương thực thực phẩm dự trữ trong 10 ngày để kịp thời hỗ trợ cho người dân.

Cảnh báo sạt lở, lũ quét vùng cao

Đại diện UBND huyện A Lưới cho biết, do mưa lớn kéo dài liên tục, đã xảy ra điểm sạt lở tại Km 76+500, tuyến quốc lộ 49A Huế - A Lưới. UBND huyện khuyến cáo người dân hạn chế qua đoạn đường này để đảm bảo an toàn.

Điểm sạt lở Km 76+500 trên tuyến Quốc lộ 49A

Hiện, các lực lượng chức năng đang tập trung nhân lực, phương tiện cơ giới để thông tuyến. Dự kiến, khoảng chiều nay sẽ thông tuyến.

Trước tình hình mưa lớn còn diễn ra, vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở trên các tuyến đường, UBND huyện khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển qua các đoạn đường, tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo an toàn.

Tại địa bàn huyện miền núi Nam Đông có mưa to đến rất to. Mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường và nhà dân ở trung tâm huyện lỵ và các xã lân cận bị ngập nặng, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.

Nhiều tuyến đường tại thị trấn Khe Tre ngập cục bộ

Theo đó, lượng mưa đo được tại Trạm thủy văn Thượng Nhật từ 1h ngày 10 đến 10h ngày 11/11 đạt hơn 320mm. Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở huyện Nam Đông, đặc biệt là thị trấn Khe Tre và xã Hương Phú bị ngập cục bộ; nhiều đoạn ngập sâu từ 30 - 50cm, gây cản trở, ách tắc giao thông cục bộ và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nhiều xe bị chết máy khi lưu thông qua đây.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, bố trí trực ban 24/24, sẵn sàng sơ tán người và di dời tài sản đối với các hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối không đi rừng, vớt củi, bắt cá trên sông suối; đôn đốc các nhà thầu kịp thời khơi thông rãnh, cống thoát nước, xử lý tình huống có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản.

Lên phương án mưa lũ dài ngày

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền chia sẻ, gần một tháng qua, người dân vùng thấp trũng gần như dầm mình trong nước lũ. Giờ đây, mưa bão lại tiếp tục, dự báo kéo dài đến một tuần, thậm chí dài hơn. Ngoài phương châm “4 tại chỗ”, huyện Quảng Điền đang triển khai quyết liệt phương châm “tự quản tại chỗ”,  quyết tâm không để thiệt hại về người. Lãnh đạo huyện đến cơ sở ngày đêm túc trực, bám địa bàn, nắm bắt thông tin, tình hình mưa lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhận định, mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài, nhất là cơn bão số 13 với cấp độ cực mạnh có khả năng đổ bộ vào miền Trung,  tâm bão có thể vào Thừa Thiên Huế. Bão kết hợp lũ lớn sẽ gây hâu quả khó lường.

Ngay từ lúc này, các địa phương, ban ngành chủ động triển khai phương án ứng phó bão và sống chung với lũ. Đến 15 giờ, ngày 11/11, khoảng 12 ngàn hộ với hơn 37 ngàn nhân khẩu ở các vùng nguy hiểm, sườn núi, vùng sạt lở, thấp trũng, ven biển, đầm phá… được sơ tán đến nơi an toàn. 1.000 tấn gạo và nhiều tấn lương thực từ nguồn hỗ trợ của tỉnh đã được chuyển đến các xã, thị trấn cấp phát cho người dân  trước tình trạng mưa lũ kéo dài.

Người dân cần tổ chức giằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền cách an toàn. Các chủ công trình thủy lợi, thủy điện, công trình đang thi công tiếp tục triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công nhân, thiết bị, vật tư; điều tiết xả lũ hợp lý, theo lệnh của tỉnh, đúng quy trình vận hành…  (baothuathienhue.vn 11/11)

 
 
 

3.  Khắc phục thiệt hại bão số 12 chưa xong đã lo ứng phó với bão Vamco

Ngày 10-11, bão số 12 vừa đi vào các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, thì cơn bão mới có tên là Vamco tiếp tục hình thành và đang đi vào biển Đông. Tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam có mưa to, nước sông dâng cao, xấp xỉ ở mức báo động 3.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hiện tại khu vực gần Biển Đông có một cơn bão mạnh đang hoạt động, có tên quốc tế là Vamco. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Dự báo, hướng di chuyển của bão là Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 124,0 độ Kinh Đông, cách phía Nam đảo Luzon (Philippines) khoảng 270km về phía Đông. Khi đi vào biển Đông, bão sẽ tăng cấp, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo, từ ngày 10 đến 12-11, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-300mm. Các tỉnh Quảng Ngãi, Hà Tĩnh và Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm. Cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới là cấp 3.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong đêm 10-11, tại Quảng Nam và Quảng Ngãi bắt đầu có mưa to, gió giật. Hiện nay, nhiều gia đình chưa kịp khắc phục thiệt hại sau bão số 9 đã phải tiếp tục gồng mình với cơn bão mới. Một số ngôi nhà bị thiệt hại nặng, người dân phải đi ở nhờ nhà người thân.

Đối với địa phương có 2 tuyến biên giới, tuyến biển và tuyến núi như tỉnh Quảng Nam, công tác phòng, chống lụt bão phải căng ra hết mức. Hiện nay, BĐBP Quảng Nam đã bố trí 30 cán bộ ứng trực, tham gia vận chuyển lương thực, tìm kiếm người mất tích tại địa bàn xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Đồng thời, BĐBP Quảng Nam đã điều động 12 cán bộ, cùng 2 ca nô để tiếp tục tìm kiếm thi thể 13 nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở đất tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. (bienphong.com.vn 11/11)

 
 
 

4.  Thừa Thiên Huế: Mưa lớn kéo dài nhiều nơi tái ngập lụt

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa to cùng việc điều tiết xả lũ của các hồ thuỷ điện làm mực nước trên các con sông lên nhanh, nhiều vùng thấp trũng bị ngập sâu trở lại.

Lực lượng chức năng có mặt tại một số nơi ngập sâu để điều tiết giao thông. Lực lượng chức năng có mặt tại một số nơi ngập sâu để điều tiết giao thông.

Đến tối 11/11, nước các sông lên rất nhanh đã gây ngập lũ trên diện rộng tại Thừa Thiên - Huế. Mực nước trên sông Hương tại Kim Long lúc 19h ngày 11/11 đạt 3,32m, dưới báo động III 0,18m, mực nước trên sông Bồ tại Phú Ốc là 4,61, dưới báo động III 0,11m. 

Tại hồ thủy điện Hương Điền, mực nước lúc 19h ngày 11/11 là +58,00m (mực nước dâng bình thường 58m), lưu lượng đến hồ 2.567 m3/s, lưu lượng về hạ du 2.567m3/s. Tại hồ thủy điện Bình Điền, mực nước +84,64m (mực nước dâng bình thường 85m), lưu lượng đến hồ 2.053m3/s, lưu lượng về hạ du 2.053m3/s. Tại hồ Tả Trạch mực nước đạt +43,67m (mực nước dâng bình thường 45m), lưu lượng đến hồ 1.154m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du 640m3/s.

Mưa lớn kéo dài ở thượng nguồn cộng với việc các hồ chứa xả lũ đã gây ngập lụt nặng tại nhiều địa phương ở tỉnh. Rất nhiều tuyến đường, khu dân cư vùng thấp trũng, vùng ven sông ở TP.Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc đã bị ngập sâu trở lại, nước lên nhanh khiến người dân không kịp trở tay.

Tại TP.Huế, một số tuyến đường như Tố Hữu, Dương Văn An, Hùng Vương, Đống Đa, Lê Hồng Phong, Phan Chu Trinh, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Công Trứ, Võ Thị Sáu, Phan Đình Phùng, Trịnh Công Sơn, Hải Triều, Bùi Thị Xuân… đã bị ngập rất nặng. Nhiều tuyến đường trong số này ngập nước sâu từ 0,5-1m, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Cũng trong sáng cùng ngày, các tuyến đường liên tỉnh nước cũng đang dâng lên, nhiều nơi nước đã lên mặt đường. Lực lượng chức năng đã có mặt ở những nơi trọng yếu để điều tiết giao thông.

Ngoài nhiều tuyến đường bị ngập thì mưa lớn kéo dài liên tục cũng gây ra sạt lở tại Km76+500 tuyến quốc lộ 49A.

Bên cạnh đó, dể ứng phó với đợt mưa lũ mới cũng như cơn bão số 13, huyện Quảng Điền đã lên kế hoạch di dời, sơ tán hơn 1.300 hộ với gần 4.000 nhân khẩu ở vùng thấp trũng, nguy cơ mất an toàn đến nơi trú ẩn.

Tỉnh Thừa Thiên- Huế đã huy động lực lượng cùng phương tiện sẵn sàng để thực hiện việc sơ tán dân và thực hiện cứu hộ, cứu nạn. Yêu cầu các địa phương tiếp tục nắm chắc thông tin, tổ chức di dân vùng xung yếu; đồng thời, cử lực lượng trực để ứng cứu cho người dân khi cần thiết. Tuyệt đối không để người dân bị chia cắt do lũ lụt mà không được ứng cứu. (giaoducthoidai.vn 12/11)

 
 
 

5.  Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo từ 20 đến 45 triệu đồng làm Nhà an toàn

Các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên Huế sẽ được hỗ trợ tối thiểu 20 triệu và tối đa 45 triệu để làm Nhà an toàn, phóng chống bão lũ.

Ngày 11/11, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm việc với đại diện Quỹ Sống (Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống bền vững) về việc triển khai dự án Nhà An toàn trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Phạm Thị Hương Giang, Chủ tịch Quỹ Sống, với mong muốn giúp các gia đình chính sách, hộ khó khăn bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản trước sự biến đổi khí hậu, bão, lũ diễn biến phức tạp như hiện nay, Quỹ Sống sẽ hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai Dự án Nhà an toàn. Đối tượng mà dự án hướng đến là những hộ dân nằm trong vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc biến đổi khí hậu; hộ dân có nhu cầu và động lực về xây nhà an toàn; hộ dân thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Dự án sẽ hỗ trợ kinh phí từ 20 - 35 triệu đồng cho nhà cải tạo và từ 30 – 45 triệu đồng cho nhà xây mới. Các hộ dân được hỗ trợ cần đối ứng phần nhân công và kinh phí còn lại để hoàn thiện toàn bộ căn nhà.

"Ngay trong chiều nay (11/11), đơn vị sẽ về các địa phương để tiến hành khảo sát. Sau khi xác định được hộ gia đình cần hỗ trợ, đơn vị tiến hành triển khai thí điểm từ 20 – 30 nhà, sau đó tiếp tục nghiên cứu, mở rộng ra các địa phương khác", bà Phạm Thị Hương Giang thông tin thêm.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hoan nghênh và đánh giá cao việc triển khai thực hiện Dự án Nhà an toàn trên địa bàn tỉnh. Theo ông Phương, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân sẽ giúp bà con có nơi ở, sinh hoạt an toàn trong mùa mưa bão, lũ lụt trong thời gian tới. Ông Phương đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, cung cấp danh sách các hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo để Quỹ Sống tiến hành rà soát, hỗ trợ; đồng thời hỗ trợ theo dõi, thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án.

Được biết, chương trình Nhà Chống Lũ, thuộc Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống bền vững, được thực hiện từ năm 2013. Đối tượng hỗ trợ của chương trình là các hộ gia đình và cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn và chịu ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc biến đổi khí hậu.

Chương trình có hai hợp phần, gồm: Dự án Nhà an toàn và Dự án Làng Hạnh Phúc. Tính đến năm 2019, Nhà Chống Lũ đã xây 702 căn nhà với 9 mô hình nhà an toàn ứng phó với bối cảnh thiên tai tại các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Bến Tre và Hậu Giang. (baodansinh.vn 12/11)

 
 
 

6.  Vùng trũng Quảng Phước tất tả lo lũ về

Gần 2 tháng nay, mưa lũ liên tiếp làm hàng nghìn hộ dân vùng trũng xã Quảng Phước (Quảng Điền) bị ngập.

 Sáng 11/11, mưa lớn cùng với các thủy điện xả lũ để đón bão, vùng trũng Khuôn Phò, Thủ Lễ 2, Thủ Lễ 3 (Quảng Phước) chìm trong nước lũ. Người dân không biết bao nhiêu lần ra “đếm” chỉ dấu vạch nước nơi vách nhà để “đón” lũ mới.

Chưa có năm nào, nước sông Diên Hồng dâng cao, ngập dai dẳng như năm nay. Từ áp thấp nhiệt đới giữa tháng 9 đến nay, nước lên xuống liên tục.

Từ sáng sớm, nước đã mấp mé ngoài đường nhưng đến trưa, đã tràn vào nhà. Ngoài đường bê tông liên thôn ngập sâu từ 0,4-0,5m. Có nơi như Khuôn Phò Đông ngập sâu gần cả mét. Các hộ dân tranh thủ thời gian kê những vật dụng lên “tra”, vận chuyển gia súc đến các điểm cao phòng khi nước lên...

Theo UBND xã Quảng Phước, ngoài các thôn thuộc khu vực đầm phá như Hà Đồ - Phước Lập, Lâm Lý, Mai Dương thì các thôn còn lại như Khuôn Phò, Thủ Lễ 2, Thủ Lễ 3 thuộc địa bàn xã là vùng trũng, ngập sâu. Trong đó Khuôn Phò có 445 hộ dân (hơn 1.800 nhân khẩu) thường xuyên bị ngập và nước lũ “ngâm” nhiều ngày nay.

Ông Hồ Đăng Minh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phước thông tin, các thôn vùng trũng trong phương án phòng chống lụt bão của địa phương đều sẵn sàng di dời trong điều kiện cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn. Năm nay, mưa lũ liên tiếp làm các thôn ngập nặng, kéo dài nên đời sống người dân rất khó khăn. Địa phương đang tích cực triển khai ứng phó mưa lũ với phương châm “4 tại chỗ”, phát huy phương châm “tự quản tại chỗ”, chủ động con người, vật tư;  tuyên truyền vận động người dân không được chủ quan lơ là trong công tác phòng chống mưa lũ. (baothuathienhue.vn 11/11)

 
 
 

7.  Neo đậu tàu thuyền an toàn trong mùa mưa bão

Ngoài kinh nghiệm, kỹ năng của ngư dân thì việc được hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đúng quy chuẩn kỹ thuật của cơ quan chức năng góp phần quan trọng đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại tài sản cho ngư dân trong mùa mưa bão.

Kinh nghiệm ngư dân

Hiện huyện Phú Vang có tổng tàu thuyền đánh bắt có máy gồm 1.156 chiếc, trong đó tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90CV trở lên gần 300 chiếc. Mỗi mùa mưa bão, nhu cầu tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão rất lớn.

Ông Nguyễn Trung (xã Phú Hải, huyện Phú Vang) cho biết, khi đưa thuyền đi tránh, trú bão, việc đầu tiên là tìm nơi neo đậu an toàn, thuận tiện đi lại để kiểm tra tài sản sau khi bão qua. Tùy điều kiện khu neo đậu mà ngư dân chọn các phương án khác nhau. Đối với ngư dân trên địa bàn tỉnh, các khu neo đậu được đầu tư thường dành cho các tàu công suất lớn, neo đậu tập trung; đối với các khu neo đậu tự nhiên, eo vịnh thường neo đậu các ghe ghọ ven vùng đầm phá.

Trong điều kiện vùng neo đậu diện tích rộng lớn, còn nhiều chỗ cho ngư dân xoay xở tàu thì nên neo đậu một mình để tránh va đập và mặt thuyền phải bám đáy nhưng không mắc cạn. Trong điều kiện vào khu neo đậu tập trung có nhiều tàu, không có đủ các cọc neo cố định trên bờ thì cần neo tàu theo hướng phía lái vào bờ, thả thêm neo phía mũi tàu, dùng các lốp cao su chêm thêm ở mạn tàu hai bên để giảm va đập khi có sóng lớn.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) thông tin, là địa phương có sản xuất ngư nghiệp và khâu hậu cần nghề cá là nền kinh tế mũi nhọn nên hàng năm, công tác neo đậu tàu thuyền tránh trú bão đối với ngư dân rất quan trọng. Các vùng cửa biển, luồng lạch vào âu thuyền nơi tránh trú ngư dân đều “nằm lòng”. Ngoài kinh nghiệm, địa phương có những hướng dẫn để ngư dân thuận lợi neo đậu và giảm thiệt hại trong mùa bão.

Cụ thể, đối với khu neo đậu tập trung như âu thuyền Phú Hải, Phú Thuận tối đa chỉ được neo đậu 3 tàu liền nhau, giữa các tàu phải có đệm chống va đập và dây liên kết; khoảng cách giữa các nhóm 3 tàu với nhau ít nhất từ 15m trở lên (tương đương chiều rộng của 2 thân tàu).

Có thể liên kết mỗi nhóm tàu thành khối  bằng cách sử dụng các thân cây gỗ dài hoặc dây chằng buộc cố định phía mũi và lái tàu. Trong điều kiện các khu neo đậu đã được thiết kế vị trí các phao bù, điểm cột neo cố định thì buộc dây neo mũi, dây neo lái vào các phao bù đảm bảo tàu neo đậu an toàn.

Tại Phú Thuận có 2 điểm neo đậu ghe ghọ ở các vùng vịnh đầm phá tự nhiên, tránh trú bão khá tốt. Xã Phú Thuận hướng dẫn ngư dân chọn những nơi khuất gió, đáy biển là cát, cát pha sét, cách xa các vách đá và chướng ngại vật. Khi neo đậu, ngư dân thả 1-2 neo mũi, chiều dài dây neo bằng 5-7 lần độ sâu nơi thả neo, sau khi neo đã bám đáy, ghe ghọ có thể xoay trở các hướng mà không bị va đập hoặc mắc cạn. Đặc biệt, chọn những điểm eo vịnh khi tàu thuyền ngư dân ra vào không ảnh hưởng đến phao tiêu luồng lạch và đường phân chia giao thông.

Đảm bảo neo đậu an toàn

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, khu neo đậu kết hợp cảng cá như Thuận An, Tư Hiền, Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên phục vụ neo đậu các phương tiện tàu thuyền. Các điểm neo đậu phục vụ tránh trú bão hiện nay cơ bản đáp ứng đủ cho gần 3.000 phương tiện tàu thuyền, ghe ghọ khai thác trên biển và đầm phá.

Trong đó, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Hải do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 12/2010, có nhiệm vụ đảm bảo tránh trú, neo đậu an toàn cho hơn 500 tàu thuyền loại từ 20CV trở lên do Cảng cá Thừa Thiên Huế quản lý. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Cảng cá Thừa Thiên Huế xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Đơn vị này cũng đã ban hành nội quy, phương án bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão.

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định, trong mùa mưa bão, đơn vị thường xuyên phối hợp BĐBP tỉnh, UBND các huyện, xã vùng đầm phá ven biển kiểm tra tàu thuyền, quy định về trang thiết bị đảm bảo an toàn khi ra khơi, số lượng thuyền viên đi biển, ngư trường hoạt động, phối hợp khai thác hệ thống thông tin Duyên hải Huế đảm thông tin liên lạc giữa đất liền- ngoài khơi và hướng dẫn công tác neo đậu, tránh trú bão an toàn.

Năm 2016, Tổng cục Thủy sản ban hành hướng dẫn tàu thuyền tránh, trú, neo đậu an toàn. Theo đó, quyết định đã có hướng dẫn cụ thể từ cách điều khiển tàu thuyền tránh bão, cách ứng phó khi tàu thuyền gặp bão đến cách neo đậu tàu thuyền tránh trú đối với các âu thuyền, điểm neo đậu tập trung đến các eo vịnh tự nhiên. Cơ quan chức năng còn hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật về neo và dây neo đối với tàu thuyền.

“Đối với ngư dân, tàu là nhà, là cả một gia sản lớn. Tuân thủ những hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chức năng về neo đậu không chỉ đảm bảo an toàn mà còn giảm thiệt hại tối đa cho tài sản ngư dân trong mùa mưa bão”,  ông Giang khuyến cáo.

    Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có 717 phương tiện tàu thuyền khai thác biển (trong đó có 420 tàu xa bờ, 228 tàu cỡ trung, 69 tàu cỡ nhỏ) và hơn 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá. (baothuathienhue.vn 12/11)

 
 
 

8.  Nhiều tuyến đường ngập sâu, đời sống người dân bị xáo trộn

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, dự kiến đến tối nay, nước trên sông Hương và sông Bồ sẽ vượt mức báo động III. Mưa to cộng với các hồ điều tiết xả lũ nên một số nơi trong thành phố đã bị ngập, có nơi hạn chế đi lại, thậm chí cấm đường...

“Không biết đây là lần thứ mấy nước lụt gây ngập. Mấy ngày tới lại nghe có mưa lớn, rồi bão to đổ bộ nữa” – nhiều người dân sống trên tuyến đường Bà Triệu, TP. Huế ngán ngẩm khi chứng kiến cảnh nhiều đoạn trên tuyến đường này bị ngập do ảnh hưởng của mưa lũ.

Đoạn ngập nặng nhất đó là điểm giao nhau với Tôn Đức Thắng và Trường Chinh. Tối 11/11, nước lũ lên chậm nhưng khiến nhiều tuyến đường trung tâm TP. Huế ngập lênh láng trong nước như: Dương Văn An, Hà Huy Tập, Tố Hữu, Bà Triệu, Phan Châu Trinh, Phan Đình Phùng, Hải Triều… Nước ngập từ 0,3 – 0,5m, có nơi sâu hơn khiến cuộc sống và việc buôn bán, kinh doanh của người dân bị đảo lộn. Phía bờ bắc, các tuyến đường thấp trũng nước đã tràn đường, có nơi lực lượng chức năng phải chăng dây cấm di chuyển và trực cảnh báo nguy hiểm. Nhiều người có xe ô tô cũng tranh thủ di chuyển xe đến chỗ cao ráo, lo ngại nước sẽ lên nhanh trong đêm, không kịp trở tay.

Để ứng phó với mưa lũ, tỉnh đã điều tiết nước trong hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn. Thủy điện Hương Điền cho điều tiết nước về hạ du với lưu lượng 2.310m3/s; thủy điện Bình Điền cho xả điều tiết về hạ du với lưu lượng 2.502m3/s; hồ Tả Trạch cho xả với lưu lượng 624m3/s. (baothuathienhue.vn 11/11)

 
 
 

9.  Mưa lớn, TP. Huế bị nước lũ “bủa vây”

Mưa lớn tại Thừa Thiên Huế đã khiến nhiều vùng thấp trũng bị ngập lụt, nhiều tuyến đường, khu dân cư tại TP. Huế… bị nước “bủa vây”.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông chiều tối 11/11, một số nơi tại tỉnh Thừa Thiên Huế trời đang mưa to. Nước lũ trên sông Ô Lâu dâng cao khiến nhiều nơi tại vùng rốn lũ Phong Hòa, Phong Bình (huyện Phong Điền) đang bị ngập.

Nhiều nhà dân vùng trũng xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền), đặc biệt các hộ dân bên sông Bồ đoạn cầu Tứ Phú bị ngập sâu. Tỉnh lộ 19 đoạn phía Nam thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) cũng đang bị nước lũ chia cắt.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, lượng mưa từ 19h ngày 10/11 đến 17h41 ngày 11/11 tại thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông) 381,6mm; hồ chứa nước Thủy Yên 371,4mm; hồ Hòa Mỹ 360,8mm; Tà Lương (A Lưới) 351,2mm; Hương Nguyên (A Lưới) 350,6mm; A Đớt (A Lưới) 341,4mm; hồ A Lá 288,8mm; Hồng Vân (A Lưới) 263,0mm.

Tính đến 16h ngày 11/11, mực nước tại hồ thủy điện Hương Điền +58,00m (mực nước dâng bình thương 58m), lưu lượng đến hồ 2310 m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du 2310m3/s.

Hồ thủy điện Bình Điền +84,64m (mực nước dâng bình thường 85m), lưu lượng đến hồ 2502 m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du 2502m3/s.

Hồ Tả Trạch +43,44m (mực nước dâng bình thường 45m), lưu lượng đến hồ 1521 m3/s, lưu lượng điều tiết về hạ du 624m3/s.

Dự kiến, sau 19h ngày 11/11, mực nước sông Hương tại trạm Kim Long lên trên mức báo động III (3,5m); sông Bồ tại trạm Phú Ốc lên mức trên báo động III (4,5m).

Hình ảnh Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S) cập nhật lúc 18h15 cùng ngày cũng cho thấy nhiều tuyến đường tại trung tâm TP. Huế đang bị ngập. (baogiaothong.vn 12/11)

 
 
 

10.  Khảo sát, hỗ trợ xây dựng nhà an toàn cho người nghèo

Ngày 11/11, làm việc với đại diện Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng sống bền vững (gọi tắt là Quỹ) trên địa bàn tỉnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá cao việc triển khai thực hiện Dự án. Sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân sẽ giúp bà con có nơi ở, sinh hoạt an toàn trong mùa mưa bão.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, cung cấp danh sách các hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo để Quỹ sẽ rà soát, hỗ trợ; đồng thời giám sát, thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.

Bà Phạm Thị Hương Giang, Chủ tịch Quỹ, chương trình Nhà chống lũ, thuộc Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững, được thực hiện từ năm 2013, đã xây 702 căn nhà và 9 mô hình nhà an toàn ứng phó với bối cảnh thiên tai tại nhiều tỉnh trên toàn quốc.

Tại Thừa Thiên Huế sẽ lựa chọn những hộ dân thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nằm trong vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc biến đổi khí hậu, có nhu cầu và động lực về xây nhà an toàn. Dự án sẽ hỗ trợ kinh phí từ 20 - 35 triệu đồng cho nhà cải tạo và từ 30 – 45 triệu đồng cho nhà xây mới. Các hộ dân được hỗ trợ cần đối ứng phần nhân công và kinh phí còn lại để hoàn thiện toàn bộ căn nhà.

Trước mắt, Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng sống bền vững về triển khai dự án Nhà an toàn sẽ về các địa phương tiến hành khảo sát và chọn thí điểm từ 20 – 30 nhà, sau đó tiếp tục nghiên cứu, mở rộng. (baothuathienhue.vn 11/11)

 
 
 

11.  Thừa Thiên Huế: Nhà tránh lũ giúp dân nghèo an tâm mùa mưa bão

Nhà chống lũ tương đồng, phù hợp về mặt kiến trúc, cảnh quan của những người dân ở vùng ven biển, ven đầm phá; đặc biệt vận hành rất an toàn.

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt hỗ trợ hơn 3.900 hộ dân ở vùng chịu ảnh hưởng bão, lũ xây dựng nhà ở theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, 2.300 hộ đã hoàn thành xây dựng nhà. Tỉnh này cũng lồng ghép với hợp phần "Xây dựng nhà ở chống chịu thiên tai (GCF)" do Chương trình phát triẻn Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ và triển khai tại khu vực ASEAN. Những ngôi nhà hỗ trợ hộ nghèo nhằm phòng, tránh bão, lụt ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực sự phát huy hiệu quả trong mùa mưa bão.

Bà Phan Thị Hạnh ở thôn Tân An, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc khá yên tâm với ngôi nhà phòng tránh bão, lũ.

Thôn Tân An, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc nằm ven đầm Cầu Hai hằng năm phải hứng chịu nhiều trận bão lũ tàn phá. Trong đợt bão lũ vừa qua, trong khi nhiều người dân trong thôn Tân An phải sơ tán cùng tài sản vì nước lũ dâng cao, thì bà Phan Thị Hạnh cùng con gái trú ẩn an toàn trong ngôi nhà mới xây xong. Bà Hạnh là một trong 26 hộ nghèo tại xã Lộc Bình được hưởng chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà phòng, tránh bão, lũ.

Bà Phan Thị Hạnh cho biết, ngôi nhà mới khang trang, có tầng lửng để tránh lũ vừa đưa vào sử dụng hồi tháng 4 năm nay.

“Trước kia, chưa có nhà ni thì cũng lo thiệt, giờ làm được nhà ni, chuyển ra đây rồi thì coi như lụt bão chi nấy cũng yên tâm cũng không lo nữa.”- bà Hạnh nói.

Trong các đợt bão lũ vừa qua, ở tỉnh Thừa Thiên Huế, hàng chục nhà dân không có chòi chống lũ đã bị trôi hết vật dụng, lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, với các gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh trú bão, lụt lại không quá lo lắng. Nhà được xây với số tiền từ 60 đến 70 triệu đồng, nhưng thực hiện theo giải pháp nhà tránh lũ, bão rất an toàn, hiệu quả cao. Tháng 8/2014, khi Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, huyện Phú Lộc có 262 hộ nghèo đăng ký tham gia. Đến nay, địa phương đã hỗ trợ xây dựng, hoàn thành nhà ở cho 260 hộ.

Ông Phan Bá Chiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, huyện Phú lộc cho biết: Sau khi bão số 5 và bão số 9 đi qua, qua kiểm tra, hầu hết những ngôi nhà đều vững chắc, kết cấu nhà từ móng đến tường, mái đều đảm bảo, không nhà nào hư hỏng.

Ông Chiên nói: “Trước lúc các hộ này chưa xây dựng nhà phòng chống bão lụt, khi có bão lũ tới thì xã sẽ tiến hành di dời các hộ này tới các điểm tập trung như là trụ sở ủy ban, các điểm trường học kiên cố. Sau khi xây dựng rồi thì các hộ này cũng yên tâm trong việc tránh trú bão, đồng thời, xã cũng bớt đi cái lo lắng di dời để tập trung quan tâm hỗ trợ di dời cho các hộ khác.”

Mùa mưa bão năm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế hứng chịu bão số 5 đổ bộ, rồi những đợt mưa lũ liên tiếp, lũ chồng lên lũ... Nhiều nơi đỉnh lũ vượt mức lũ lịch sử, nhấn chìm chục nghìn nhà cửa của người dân. Đối với hàng nghìn hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh trú bão, lụt, người dân được an toàn về tính mạng và tài sản.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung rất hiệu quả.

Ông Phương cho biết: “Trong thời gian vừa qua, đi vào vận hành, chúng tôi thấy hiệu quả chống lũ, thậm chí là lũ lịch sử rồi bão cũng lớn, tất cả các nhà này vận hành rất an toàn. Ngoài ra, nó tương đồng, phù hợp về mặt kiến trúc, cảnh quan của những người dân ở vùng ven biển, ven đầm phá. Đây là một mô hình mà cần phải nhân rộng. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ làm việc với nhiều quỹ, nhiều tổ chức để hỗ trợ thêm, bởi vì, hiện nay nhu cầu của bà con để cứng hóa nhà, phương châm "3 cứng" thì còn rất nhiều”./. (vov.vn 12/11)

 
 
 

12.  Nhiều nơi ở Huế lại chìm trong biển nước

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ở vùng núi, các công trình đang thi công, các sườn dốc, ven sông suối, bờ sông, bờ biển ở các huyện A Lưới, Nam Đông; vùng núi của Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy, Hương Trà.

Chiều 11/11, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với rìa phía Bắc hoàn lưu bão số 12, từ chiều ngày 10 đến sáng 11/11, địa bàn tỉnh có mưa to, mưa rất to, phổ biến 70-180mm, một số nơi cao hơn như Lộc Tiến 190,6mm; Bạch Mã 203,8mm; Hương Nguyên 233,4mm; riêng khu vực hồ chứa nước Thủy Yên 503,6mm.

Nhiều vùng thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên-Huế tái ngập lụt do mưa lớn.

Dự báo đến ngày 12/11, địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm.

Hiện mực nước các sông trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng lên, có khả năng lên trên báo động 2, đến báo động 3. Dự báo từ 6 đến 12h tới, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế tiếp tục lên; trong đó sông Hương tại Kim Long 2,2m, trên báo động 2 là 0,2m; sông Bồ tại Phú Ốc 3,2 m, trên báo động 2 là 0,2m.

Thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) ngập lụt nặng.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ở vùng núi, các công trình đang thi công, các sườn dốc, ven sông suối, bờ sông, bờ biển ở các huyện A Lưới, Nam Đông; vùng núi của Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy, Hương Trà.

Người dân xã Quảng Phú phải dùng ghe, đò để di chuyển do đường giao thông ngập lụt sâu.

Mưa lớn, các hồ thủy điện, hồ chứa điều tiết xả lũ khiến nhiều vùng thấp trũng ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngập lụt cục bộ. Cảnh báo tình trạng ngập lụt sâu diện rộng, kéo dài xảy ra tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị ở thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, đặc biệt ở vùng hạ lưu các sông Ô Lâu, sông Bồ.

Cảnh báo ngập lụt diện rộng, kéo dài xảy ra tại các vùng trũng thấp ở tỉnh Thừa Thiên Huế do mưa lớn.

Chiều cùng ngày, UBND huyện A Lưới cho biết, do mưa lớn khiến tuyến QL49A từ Huế lên A Lưới xảy ra sạt lở ta luy dương Km 76+500 gây ách tắc giao thông. Hiện các lực lượng đang tập trung phương tiện cơ giới để thông tuyến. Dự kiến trong chiều hôm nay sẽ thông tuyến điểm sạt lở. UBND huyện A Lưới khuyến cáo người dân hạn chế đi qua đoạn tuyến đường này để đảm bảo an toàn.

Sạt lở ta luy dương Km 76+500 tuyến QL49A từ Huế lên A Lưới.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở, Giám đốc các Trung tâm GDNN-GDTX căn cứ tình hình thực tế diễn biến mưa lũ, đặc biệt đối với các vùng hạ du thấp trũng cho học sinh nghỉ học bắt đầu từ chiều 11 và ngày 12/11. (cand.com.vn 11/11)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Đưa ca Huế thành sản phẩm du lịch đặc sắc

Để bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị đặc trưng của ca Huế, đề án “Phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc, giai đoạn 2020 đến 2025” đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hướng tới xác lập thương hiệu của ca Huế.

Nhiều bất cập

Qua hơn 3 thế kỷ hình thành và phát triển, ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế. Dẫu vậy, hoạt động biểu diễn ca Huế, nhất là ca Huế trên sông vẫn mang tính tự phát, chưa có mô hình quản lý và tổ chức hoạt động hiệu quả, chất lượng có chiều hướng đi xuống do xu thế thương mại hóa.

Hiện nay, có 11 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh biểu diễn ca Huế, với khoảng 450 diễn viên, nhạc công tham gia biểu diễn. Việc cạnh tranh không lành mạnh vẫn âm ỉ diễn ra lâu nay. Vì chạy theo số lượng, giảm chi phí tổ chức nên một số chương trình bị cắt giảm thời lượng, số lượng diễn viên, nhạc công không đủ theo quy định, thay đổi tiết mục, thay thế nghệ sĩ chưa được thẩm định, lực lượng nghệ sĩ trẻ tham gia biểu diễn chưa được đào tạo bài bản, không gian biểu diễn ca Huế chưa văn minh, lịch sự… dẫn đến chất lượng nghệ thuật không cao, làm giảm giá trị sản phẩm du lịch.

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, công tác bảo tồn, phát huy giá trị ca Huế đang đứng trước nhiều khó khăn. Phần đông nghệ nhân, nghệ sĩ nòng cốt hiện đã lớn tuổi, việc truyền dạy cho lớp trẻ chưa đầy đủ, hình thức tổ chức chưa phù hợp. Hoạt động ca Huế trên sông Hương liên quan đến sự quản lý của nhiều ngành; trong khi đó, quy định của pháp luật vẫn còn mang tính phổ quát, chưa có quy định điều chỉnh cụ thể đối với các loại hình nghệ thuật là di sản mang tính đặc thù, do đó việc áp dụng các quy định và phối hợp trong công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn.

Không gian ca Huế thính phòng chỉ có một số địa chỉ, như: 23-25 Lê Lợi, các nhà vườn, cơ sở dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn... Những không gian này chưa đáp ứng điều kiện, cơ sở vật chất để biểu diễn phục vụ khách du lịch. Hiện nay, vẫn chưa có không gian, thiết chế độc lập được thiết kế xây dựng phù hợp với loại hình nghệ thuật truyền thống chuyên tổ chức biểu diễn ca Huế thính phòng.

Theo nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế, ca Huế vẫn chưa được quan tâm và đầu tư đúng với giá trị vốn có, chưa có các giải pháp hữu hiệu và đồng bộ để nâng cao giá trị, phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Điều này đặt ra yêu cầu cần tăng cường quản lý, có giải pháp để ca Huế phát triển bền vững, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, giàu bản sắc phục vụ du khách.

Xây dựng sản phẩm đặc sắc

Từ thực trạng và yêu cầu của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca Huế, Sở Văn hóa và Thể thao đang hoàn thiện đề án “Phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc, giai đoạn 2020 đến 2025”. Đề án hướng đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu nghệ thuật ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với việc tăng cường các giải pháp quản lý, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị; tạo cơ sở, tiền đề để đưa ca Huế trở thành kiệt tác văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Nguyễn Thiên Bình cho hay, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ xây dựng các chương trình ca Huế mẫu, bao gồm chương trình ca Huế mẫu phục vụ khách du lịch, chương trình ca Huế mẫu biểu diễn trong các không gian thính phòng để phổ biến, tuyên truyền, quảng bá và làm cơ sở cho công tác thẩm định, cấp phép. Trong đó, chú trọng thời lượng biểu diễn, đảm bảo đầy đủ các bài bản ca Huế, số lượng diễn viên, nhạc công, bổ sung một số bài hát mới về Huế để hài hòa với chương trình, đáp ứng thị hiếu của du khách.

Chương trình ca Huế thính phòng cũng được xây dựng đảm bảo phục vụ công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị gốc của di sản, trong đó có các làn điệu, bài bản cổ có nguy cơ mai một, thất truyền. Việc thiết kế quà lưu niệm, chế tác nhạc cụ, tranh, ảnh kết hợp với không gian trưng bày, giới thiệu các trang phục, nhạc cụ biểu diễn ca Huế cũng được tính đến.

Đề án còn hướng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển không gian biểu diễn ca Huế. Với hoạt động ca Huế trên sông, sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, đóng mới thuyền ca Huế theo mẫu được duyệt, dần thay thế thuyền rồng du lịch phục vụ ca Huế như hiện nay; hình thành bến đón, trả khách đảm bảo văn minh, lịch sự, an toàn...

Với không gian ca Huế thính phòng, sẽ hình thành không gian ca Huế thính phòng tại 148 Bùi Thị Xuân, TP. Huế và một số địa chỉ: Châu Hương Viên, các phủ đệ, nhà vườn... Hình thành một số điểm, sân khấu biểu diễn nghệ thuật ca Huế ngoài trời phục vụ cộng đồng, phục vụ khách du lịch: Cầu đi bộ trên sông Hương, Nghênh Lương Đình, công viên Thương Bạc, bia Quốc học, công viên Bùi Thị Xuân...

Quy chế quản lý và tổ chức hoạt động ca Huế cũng được điều chỉnh, hoàn thiện; xây dựng các bộ quy tắc ứng xử của hoạt động biểu diễn ca Huế, bộ quy chuẩn về phương tiện, điều kiện địa điểm, không gian tổ chức biểu diễn. Đồng thời, thành lập Hiệp hội Ca Huế để phát huy vai trò tự quản của các doanh nghiệp tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ diễn viên, nhạc công, đề án cũng xây dựng các chính sách đãi ngộ cụ thể mang tính đặc thù đối với nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều đóng góp trong công tác truyền dạy, bảo tồn, phát huy di sản ca Huế, xây dựng, hình thành không gian biểu diễn ca Huế. (baothuathienhue.vn 11/11)

 
 
 

2.  "Tăng tốc" triển khai xe đạp thông minh tại Huế

Đề án này sẽ là điểm nhấn để cộng đồng người dân và du khách trải nghiệm các điểm danh lam thắng cảnh của TP Huế bằng xe đạp, và cũng là giải pháp bảo vệ môi trường, hướng đến thành phố du lịch xanh-sạch-sáng mà Huế đang xây dựng.

Mặc dù kế hoạch xây dựng đề án xe đạp thông minh đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua từ lâu, nhưng do ảnh hưởng của các đợt dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề liên quan đến tài sản công nên việc triển khai chậm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu.

Vẫn còn vướng mắc

Theo UBND TP Huế, địa phương đã giao các đơn vị chuyên môn lập đề án cho thuê tài sản công để khai thác thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng thông minh tại khu vực trung tâm thành phố. Đến nay, đề án đã hoàn chỉnh lộ trình, hướng tuyến khai thác, các vị trí đầu tư xây dựng và phương án thiết kế trạm xe đạp công cộng.

Trong giai đoạn đầu, UBND TP Huế và các cơ quan chức năng đã khảo sát để chọn 8 vị trí đầu tư xây dựng trạm xe đạp công cộng ở khu vực trung tâm thành phố. Gồm bến thuyền Tòa Khâm, bãi đỗ xe số 5 Bà Huyện Thanh Quan, công viên Bùi Thị Xuân, bến xe chùa Thiên Mụ, 2 điểm kết hợp với trạm xe buýt trên đường Lê Duẩn (đoạn gần cầu Dã Viên và đoạn đối diện bến xe Nguyễn Hoàng), điểm vị trí kết hợp nhà vệ sinh công cộng tại công viên Nguyễn Văn Trỗi - đường Đinh Công Tráng, và điểm phía trước bến xe chợ Đông Ba - đường Trần Hưng Đạo.

Tuy nhiên, trả lời Văn Hóa, đại diện UBND TP Huế cũng nêu ra vướng mắc trong công tác xây dựng đề án này chính là việc cho thuê tài sản công. Các vị trí đầu tư xây dựng trạm xe đạp công cộng phần lớn nằm trong đất công viên, bến xe, bãi đỗ xe, các vị trí này thuộc kết cấu hạ tầng. Luật quản lý và sử dụng tài sản công quy định cụ thể những nguyên tắc trong việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và giao Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý, sử dụng, khai thác từng loại kết cấu hạ tầng, nhưng đến nay Chính phủ chưa có Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác đối với loại tài sản kết cấu hạ tầng là công viên. Theo Sở Tài chính Thừa Thiên Huế, đến nay chưa có cơ sở để lập đề án cho thuê các tài sản hạ tầng công viên, do đó để tháo gỡ vướng mắc này cần có cơ chế cho phép lập đề án cho thuê như những tài sản công khác.

Cơ hội cho những trải nghiệm thú vị

Xe đạp công cộng thông minh đã được nhiều thành phố du lịch nổi tiếng thế giới sử dụng. Tại Việt Nam đã có một số địa phương áp dụng nhưng chỉ mang tính chất “cá nhân” của những đơn vị doanh nghiệp du lịch, chưa phát triển ở quy mô rộng cho cộng đồng. Việc xây dựng đề án này ở thành phố Huế sẽ mở ra nhiều cơ hội trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách, hướng đến một thành phố du lịch xanh, thân thiện mà địa phương này đang xây dựng.

Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietsoftpro, đơn vị chủ đầu tư dự án chia sẻ, việc chọn Huế để triển khai đề án xe đạp thông minh là lựa chọn tối ưu bởi thành phố này có hệ thống địa lý phù hợp, nhất là các trục đường dọc hai bờ sông Hương và khu vực Đại Nội. Việc sử dụng phương tiện xe đạp để trải nghiệm không gian cảnh quan của thành phố và kết nối đến các điểm tham quan là rất lý tưởng… Theo dự kiến, tổng mức đầu tư trong giai đoạn 1 của đề án này khoảng 800.000 USD, với khoảng 2.000 xe đạp thông minh sẽ được vận hành. Tất cả các xe đạp này đều được nhập khẩu và có trang bị, tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích, có mã code, hệ thống định vị… Hiện nay, dịch vụ Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S) cũng đã được nâng cấp và mở rộng mạng lưới camera giám sát nên sẽ góp phần tích cực trong việc theo dõi, quản lý hàng loạt xe đạp thông minh này.

Trước mắt, trong giai đoạn 1 các hướng tuyến sẽ đi qua các tuyến đường ven 2 bờ sông Hương, các đường kết nối với các điểm tham quan di sản tại Huế, gồm: tuyến đường Lê Lợi – Cửa Ngăn - Đoàn Thị Điểm - Đặng Thái Thân - Lê Huân - Nguyễn Trãi - Đinh Công Tráng - Đinh Tiên Hoàng - Trần Hưng Đạo - Lê Duẩn - Kim Long - Nguyễn Phúc Nguyên - Đường đi bộ, xe đạp trong các công viên hai bên bờ Nam - Bắc của sông Hương. Phương án thiết kế các trạm để xe đạp thông minh cũng đã hoàn chỉnh, với nhiều chức năng, dịch vụ đi kèm. Chủ đầu tư cho biết, nguồn lực kinh phí và hạ tầng trang thiết bị cho đề án này đã sẵn sàng. Đơn vị này đang làm việc với các Sở, ngành và UBND TP Huế để nhằm “tăng tốc” sớm hoàn chỉnh và đưa dự án đi vào hoạt động.

Trong thời gian qua, mô hình đạp xe trải nghiệm thành phố Huế và các khu vực phụ cận đã được đông đảo người dân Huế và khách du lịch hưởng ứng, đặc biệt vào những dịp cuối tuần. Nhiều người cũng kỳ vọng đề án xe đạp thông minh lần này sẽ mở ra nhiều trải nghiệm thú vị đối với cộng động, đồng thời nhằm góp phần giảm bớt các khí thải, ô nhiễm môi trường, xây dựng hình ảnh Huế - thành phố du lịch xanh, thông minh. (baovanhoa.vn 11/11)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  A Lưới cần nguồn giống và khắc phục thủy lợi sau lũ

Không chỉ lúa nước, cây lúa cạn trồng theo hướng nông nghiệp hữu cơ tại A Lưới cũng bị thiệt hại do mưa, bão. Ngành nông nghiệp và người dân huyện A Lưới đang tìm giải pháp cho cây lương thực vụ sau.

Gần đến giai đoạn thu hoạch, mưa, bão làm phần lớn diện tích lúa cạn, nhất là lúa Ra dư tại A Lưới bị gãy, đổ. Một phần sạt lở đất vùng đồi làm hư hại lúa. Trên đám ruộng lúa cạn đổ ngổn ngang, chị Trần Thị Loan, Giám đốc HTX NN Hồng Thủy xót xa: “Theo kế hoạch, đến tháng 11 mới có thể thu hoạch lúa cạn nhưng mưa bão trong tháng 10 làm gẫy đổ, hư hại rất nhiều diện tích lúa cạn trong tổng số 100 ha của người dân và khoảng 30 ha của HTX”.

Một trong những nỗi lo tại A Lưới cho vụ đông xuân năm nay, theo ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới là qua thống kê bước đầu, có đến 58 công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại lên đến 8,5 tỷ đồng và khoảng 130 ha ruộng bị bồi lấp sau mưa lũ. Để gieo sạ vụ đông xuân, cần phải giải quyết tình trạng bồi lấp. “Ở những địa phương bị hư hỏng nặng công trình thủy lợi, không thể khắc phục kịp, cũng khó gieo sạ lúa cho vụ tới”, ông Lập khẳng định.

Tìm giải pháp cho cây lương thực vụ tới là một trong những vấn đề quan trọng hiện nay tại A Lưới. Theo đại diện ngành nông nghiệp địa phương, vụ mới của lúa nước sẽ bắt đầu từ khoảng nửa sau tháng 12, trong khi đó lúa cạn sẽ bắt đầu khoảng từ 20/4 – 30/5 năm sau. Vấn đề chuẩn bị lại nguồn giống, hạ tầng thủy lợi phục vụ tưới tiêu, ruộng rẫy và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang được quan tâm khắc phục và chuẩn bị.

Ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới chia sẻ, việc gieo sạ lúa nước tại các địa phương huyện A Lưới chủ yếu sử dụng giống nguyên chủng, hằng năm đều phải mua, trong khi thiệt hại do mưa lũ vừa qua tại A Lưới là rất lớn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Trước tình trạng trên, Phòng NN&PTNT huyện đã có tờ trình gửi Sở NN&PTNT về việc hỗ trợ giống lúa, ngô, rau màu vụ đông xuân 2020 – 2021. Trong đó, ngoài xin hỗ trợ 450kg giống rau thì còn có thêm 100 tấn giống lúa ngắn ngày như HT1, HN6, DV108, TH5, HG12, ML48, DT39, Hà Phát 3… và 15 tấn ngô lai.

Hiện, ngành nông nghiệp đang rà soát để khắc phục các công trình thủy lợi và diện tích ruộng lúa nước bị bồi lấp. Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, đối với các khu vực ruộng lúa bị bồi lấp nhẹ sẽ phối hợp lực lượng các địa phương đào thủ công nhưng với những diện tích ruộng bị bồi lấp lớn, cần tìm phương án hỗ trợ kinh phí, nguồn lực để huy động máy móc, phương tiện đào bới. Đối với các địa phương có công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, chưa thể khắc phục trong vụ này, sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu sang cây ngô.

Chị Trần Thị Loan cho biết, đối với lúa cạn, nhất là giống lúa Ra dư truyền thống, sau đợt mưa, sẽ vận động, cùng người dân thu hoạch theo phương châm tận dụng nhằm thu lại nguồn giống phục vụ gieo trồng cho vụ sau, hạn chế mua giống mới. Sau khi thu hoạch, giai đoạn từ sau tháng 11 đến tháng 4 năm sau sẽ chuyển sang trồng ngô theo hướng hữu cơ. (baothuathienhue.vn 11/11)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.693.507
Truy cập hiện tại 291