Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 11/11/2020
Ngày cập nhật 17/11/2020
TIN NÓNG
 

1.  Vụ 17 người chết, mất tích tại Rào Trăng: Chủ đầu tư ‘khoanh’ thêm vị trí tìm kiếm

Theo ông Lê Văn Hoa, đại diện chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3, vị trí bãi cát và đoạn sông Rào Trăng phía dưới hiện trường sạt lở, gần ngã 3 sông Tam Dần... là khu vực nghi ngờ cần khoanh vùng và đề nghị lực lượng chức năng hỗ trợ tìm kiếm 12 người còn mất tích.

Tại cuộc họp mới đây giữa lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh và các sở, ngành chức năng, các phương án tổ chức tìm kiếm 12 nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở đất thảm khốc diễn ra rạng sáng 12/10 tại khu vực dự án thủy điện Rào Trăng 3 đã được đặt ra.

 Bên cạnh phương án được chốt và sẽ tiến hành sau khi cơn bão số 13 đi qua, đó là đắp đập tạm, ngăn đoạn sông Rào Trăng cạnh hiện trường sạt lở, hút kiệt nước để đào tìm; chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3 cũng đặt vấn đề tìm kiếm trong giai đoạn tiếp theo, nếu giai đoạn 3 kết thúc mà không đạt kết quả như mong muốn.

Theo ông Lê Văn Hoa, đại diện chủ đầu tư thuỷ điện Rào Trăng 3, khi xảy ra sạt lở, dòng sông Rào Trăng ngay cạnh hiện trường đã bị chặn một thời gian ngắn. Đất đá sạt lở đã tạo nên một con đập ngăn sông Rào Trăng trong vòng 10 phút. Nhà tạm, vật dụng và cả con người từ trên cao đã bị cuốn lộn nhào xuống bên dưới. Con đập tạo nên do sạt lở đất sau đó bị nước lớn cuốn trôi hết, tạo thành hiện trạng như hiện nay.

Ông Hoa cho rằng, rất có thể các nạn nhân đã bị nước cuốn trôi theo dòng lũ trên sông Rào Trăng xa về bên dưới hiện trường. Trong đó, có một khu vực đáng nghi ngờ, cần được xác định, khoanh vùng và đề nghị lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm, sau khi kết thúc giai đoạn 3 mà không đạt kết quả.

Vị trí ông Hoa đề xuất là vùng bãi cát sỏi tại một đoạn sông có hình thế khá cong của dòng Rào Trăng mà doanh nghiệp của ông khi thi công thủy điện từng khai thác làm vật liệu xây dựng tại đây. Đoạn sông này nằm ở hạ lưu sông Rào Trăng, gần ngã ba sông Tam Dần, cách hiện trường sạt lở khoảng 2km.

Theo ông Hoa, khu vực này là đoạn sông rộng, bên cạnh bãi bồi cát sỏi còn có vũng nước sâu, các nạn nhân vụ sạt lở đất có thể đang bị vùi lấp ở đây. Nước chảy về đây rất mạnh, đặc biệt trong mùa mưa, nếu không tìm kiếm kịp thời, các thi thể có thể vùi lấp tại đây tiếp tục bị cuốn trôi, sẽ gây khó khăn cho công tác tìm kiếm.

. Họp bàn phương án với các cơ quan, ban ngành trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, cũng đề nghị lực lượng chức năng trong thời gian tới cần lưu ý tìm kiếm, lặn tìm ở những đoạn sông hạ lưu Rào Trăng, phía dưới vị trí hiện trường sạt lở; đặc biệt là những vực sông, đoạn sông gấp khúc hình tay áo.

Đoạn sông này được xác định bắt đầu từ vị trí giáp ranh khu vực tìm kiếm giai đoạn 3 kéo dài về đến ngã 3 Tam Dần phía hạ lưu. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ diễn ra trong trường hợp hoạt động tìm kiếm tại khu vực thuộc giai đoạn 3 không đạt kết quả như mong muốn.

Vụ 17 người chết, mất tích tại Rào Trăng: Chủ đầu tư ‘khoanh’ thêm vị trí tìm kiếm - ảnh 4 Trước đó, lãnh đạo tỉnh TT-Huế và cơ quan chức năng thống nhất đắp đập ngăn sông Rào Trăng đoạn cạnh hiện trường sạt lở, chỉnh chuyển dòng chảy đi vòng, để tìm kiếm nạn nhân mất tích trong giai đoạn 3.

Trước đó, tại buổi họp triển khai công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn người mất tích tại dự án Rào Trăng 3 trong giai đoạn 3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đưa ra đề xuất chỉnh chuyển dòng chảy sông Rào Trăng, tạo một con đập tạm ngăn nước phía thượng lưu, khoanh vùng tìm kiếm trên đoạn sông ngay cạnh chân hiện trường sạt lở để tổ chức thi công, đào tìm, cứu hộ cứu nạn trong giai đoạn tiếp theo. Phương án này đã được thông qua.

Hiện tại, do yếu tố thời tiết tại TT-Huế diễn biến xấu, nên công tác tìm kiếm tại Rào Trăng 3 phải tạm dừng. Sau bão số 13, công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tại khu vực này sẽ được khôi phục trở lại. (tienphong.vn 10/11)

 
 
 

2.  Nhân tai' làm gia tăng sạt lở đất

Theo báo cáo của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, bên cạnh yếu tố tự nhiên, các sự cố sạt lở đất nghiêm trọng vừa qua có nguyên nhân từ tác động của con người.

 

Mới đây, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam báo cáo Bộ TN&MT về nguyên nhân dẫn đến các sự cố sạt lở đất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người trong đợt mưa lũ thời gian qua. Cụ thể, tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), nơi xảy ra 2 đợt sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người chết, mất tích, các nhà khoa học nhận định, nhóm nguyên nhân rõ ràng nhất là mưa và cắt xẻ taluy cao và dốc để làm công trình, đường giao thông, lấy mặt bằng xây dựng nhà ở làm mất cân bằng sườn dốc, dẫn đến nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá. Khu vực này trước đó đã được cảnh báo có nguy cơ trượt lở đất đá cao và đề xuất điều tra hiện trạng trượt lở chi tiết ở tỷ lệ 1:25.000.

Sự cố trượt lở tại Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 (bản Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có một điều khá đặc biệt. Năm 2018, khi điều tra hiện trạng sạt lở đất ở đây, các nhà khoa học chưa thấy dấu hiệu nào của hoạt động trượt lở, chỉ xác định được 1 điểm trượt lở quy mô nhỏ cách đó khoảng 650m về phía đông nam.

Nhóm chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến sự cố thương tâm tại Đoàn 337 liên quan mưa lớn kéo dài làm cho vật liệu vỏ phong hóa chảy nhão, mất liên kết. Phần thấp của sườn núi bị xói mòn (do dòng nước ở khe suối tác động) làm mất chân của sườn núi dẫn đến sạt lở ở phía trên. Đồng thời, dòng nước ở khe suối cũng làm cho vật liệu trượt lở di chuyển xa hơn, phạm vi ảnh hưởng rộng hơn.

Trước khi xảy ra hàng loạt sự cố sạt lở đất do bão số 9, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã nhận định Quảng Nam là điểm đen về sạt lở đất. Năm 2019, khi điều tra hiện trạng trượt lở đất đá ở đây, các nhà khoa học ghi nhận tới 1.286 vị trí đã xảy ra trượt lở đất đá, trong đó có 353 vị trí có quy mô nhỏ, 531 vị trí có quy mô trung bình, 389 vị trí có quy mô lớn, 12 vị trí có quy mô rất lớn và một vị trí có quy mô đặc biệt lớn. Các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn có nguy cơ rất cao về trượt lở đất đá. Các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang có nguy cơ cao.

Trượt lở đất đá ở Quảng Nam được ghi nhận thường xảy ra tại khu vực dọc các tuyến giao thông chính và khu vực dân cư, tập trung dọc đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, Quốc lộ 40B. Ngoài ra, còn xảy ra trên các sườn tự nhiên trồng cây lâm nghiệp, dọc các đường liên xã, liên thôn và đường lâm nghiệp. “Mức độ trượt lở đất đá nói chung trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Nam rất cao, cả về số lượng và mật độ, quy mô chủ yếu trung bình đến rất lớn”, báo cáo nêu.

Về tất cả các sự cố sạt lở đất vừa qua tại Quảng Nam cũng như các tỉnh khác, TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, nhận định, đó là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng. “Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày đã đủ khiến đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó, khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài”, ông Hòa nói.

Khu vực miền núi các tỉnh Trung bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình (đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, tạo ra các sườn có độ dốc lớn), địa chất (nhiều loại đất đá cổ, bị dập vỡ, nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dày, giàu vật chất sét), thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều.

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tự nhiên, theo TS Hòa, các hoạt động nhân sinh như xây dựng đường sá, thủy điện, hạ tầng, trong nhiều trường hợp tạo taluy, làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại. TS Hòa nhấn mạnh, mất rừng tự nhiên cũng là nguyên nhân quan trọng. Nhiều nơi tỷ lệ che phủ của rừng lên tới 70-80%, nhưng là rừng tái sinh hoặc rừng trồng. “Rừng trồng đa phần là keo, sau một vài năm thu hoạch sẽ trồng lại, khiến liên kết đất yếu, hệ thống rễ cây trồng không phát triển để giữ lại nước”, TS Hòa nói.

Bão số 12 đã đổ bộ đất liền tỉnh Khánh Hòa hôm qua, gây mưa lớn diện rộng từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên. Dự báo, ngay sau bão 12, Biển Đông sẽ đón bão số 13, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Trung và Nam Trung bộ trong hai ngày 14-15/11, tiếp tục gây mưa lớn kèm nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất. (tienphong.vn 11/11)

 
 
 

3.  Khi “tấm khiên” chống bão miền Trung tơi tả - Bài 1: Nơm nớp lo biển nuốt nhà

Rừng phòng hộ ven biển miền Trung được xem như tấm khiên chống gió bão, triều cường. Vì thế, khi tấm khiên này bị tàn phá, thiệt hại do gió bão gây ra cho dải đất miền Trung cũng tăng lên.

Những đợt mưa, bão lớn vừa qua đã khiến những rừng dương - được xem là tấm khiên cản gió bão cho các xã biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế bị triều cường cuốn đi khá nhiều, mở đường cho sóng biển chạm tới thềm nhà. Biết nguy hiểm nhưng người dân ven biển vẫn phải bám đất, giữ làng.

Động cát không còn, rừng dương biến mất

Dẫn tôi đi dọc bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang sau những ngày mưa lũ, ánh mắt lão ngư Ngô Đức Trật - ở thôn An Dương 1, xã Phú Thuận - đượm buồn khi nhìn rừng dương liễu được bà con dân làng An Dương chăm chút hai mươi năm qua giờ chỉ còn lác đác những gốc cây to, nằm lấp ló trên thảm cát.

Ông Trật kể, người dân làng An Dương vẫn an toàn qua mỗi trận bão tố và có được cuộc sống ấm no như hôm nay cũng nhờ rừng dương ven biển chắn gió. Nhưng rồi, cứ sau mỗi trận bão, rừng dương càng thưa thớt, triều cường được dịp lấn sâu thêm vào đất liền.

“Không biết răng (sao) nữa chú nờ. Xưa giờ có khi mô (nào) như năm ni (nay), thời tiết khắc nghiệt quá. Sau đợt bão, lụt vừa rồi, triều cường dâng cao làm rừng dương sạt lở cách bờ biển hơn 10m, bà con thôn An Dương rất lo lắng, nhất là những hộ ở gần miếu thờ cá ngài” - ông Trật thở dài.

Xã biển Phú Thuận có biển hở, phía ngoài không có vịnh bao quanh. Người dân nơi đây sống bằng nghề chài lưới, buôn bán nước mắm. Dù đã xây bờ kè chắn sóng nhưng những ngày gần đây, tình trạng biển nuốt đất đang diễn ra nghiêm trọng, kéo dài hơn 5km qua các thôn An Dương 1, An Dương 2, An Dương 3 của xã Phú Thuận.

Tại thôn An Dương 1 nằm ở đầu múi kè chống sạt lở Phú Thuận, tình trạng sạt lở diễn ra mạnh nhất, nước biển lấn sâu vào đất liền hơn 5m với tổng chiều dài 400m, ảnh hưởng trực tiếp 30 hộ dân và làm hàng trăm cây dương nhiều năm tuổi trên bờ bị bứng gốc, bị kéo xuống biển.

Ở đầu múi kè, liên tục có sóng lớn và triều cường làm nhiều động cát bị sạt. Theo báo cáo của UBND xã Phú Thuận, có gần 4.300 hộ dân sinh sống gần bờ biển bị sạt lở, trong đó, có 600 hộ bị ảnh hưởng. “Lo lắng đến mất ăn mất ngủ chú ơi. Mưa bão càng lúc càng nhiều và nặng hơn, sạt lở gần tới nhà rồi. Chắc ít bữa nữa, nhà sập thôi” - chị T., ở thôn An Dương 2, lo lắng.

Đang thu gom những gốc dương bị sóng đánh bật, trôi xuống mép nước biển, ông Nguyễn Văn Nhân - Trưởng thôn Tân An, xã Phú Thuận - cho biết những năm trước, nhà dân núp sau hàng dương nên khá an toàn.

Bây giờ, mỗi khi có bão, người dân không có chỗ để ghe, thuyền bởi rừng dương ngày càng thưa thớt, trong khi đê chắn sóng bị biển lấn ngày một sâu. Điển hình, các mái chòi kinh doanh của gia đình anh Trần Quốc Huy vừa rồi bị bão số 9 quật ngã, thiệt hại ước tính hơn 10 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập chính của gia đình anh là từ việc kinh doanh dịch vụ trên bãi biển.

“Tui nhớ rất rõ, 15 năm trước, bờ biển ở ngoài xa, cách nơi dân sống hiện nay khoảng 100-150m. Sạt lở khiến đồi cát cao nằm cách bờ biển 150-200m bị xóa sổ. Bà con mong sớm có một bờ kè ven biển để ổn định nơi ăn chốn ở, bảo đảm tính mạng trong mùa mưa bão” - anh Huy nói.

Trước tình trạng sạt lở bờ biển, từ cuối năm 2014, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng công trình kè chống xâm thực bờ biển ở xã Phú Thuận với tổng chiều dài 830m, chia làm hai giai đoạn. Tuy nhiên, công trình chưa hoàn thành đã bị tình trạng xâm thực mạnh phá hỏng.

Biển tiếp tục nuốt đất làng

Có mặt tại vùng biển thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải, huyện Phú Lộc những ngày sau bão số 9, chúng tôi ghi nhận, sóng biển làm sạt lở, ăn sâu vào đất liền, chỉ còn cách Tỉnh lộ 21 khoảng 15-20m.

Lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc cho biết, đang chỉ đạo các lực lượng theo dõi chặt diễn biến của tình trạng biển xâm thực tại xã Giang Hải. Trong khi đó, người dân xã Giang Hải luôn lo biển sẽ nuốt đất và nhà, bởi cứ đến mùa mưa bão, sóng biển lại nuốt chửng nhiều đất đai ven bờ.

Trước thực tế sạt lở xảy ra dọc bờ biển, nhiều năm qua, chính quyền hai xã Phú Thuận và Giang Hải đã cho trồng thí điểm cây đước, cây bần nhưng các loại cây này không sống được do không hợp thổ nhưỡng. Hai địa phương này đã tăng cường trồng dương, nhưng giải pháp căn cơ là phải đầu tư thêm bờ kè để chống sạt lở.

Ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận - cho biết, tốc độ sạt lở bờ biển diễn ra rất nhanh: “Lực lượng chức năng xã vừa lên phương án di dời khẩn cấp 12 hộ với hơn 40 nhân khẩu ra khỏi nơi nguy hiểm do bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng. Với tốc độ xâm thực như hiện nay, khoảng 500 cây dương liễu phòng hộ có khả năng bị sóng xô ngã, cuốn trôi. Sau khi khảo sát thực địa, chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể lên các cấp để có phương án ứng phó trước mắt cũng như lâu dài”.

 Mấy cơn bão kèm mưa lớn vừa qua đã làm đường bờ biển ở nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục sạt lở nặng, ăn sâu vào đất liền từ 5-10m, dài hơn 6,2km. “Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 127km bờ biển thì 30km bị sạt lở, trong đó, 10km bờ biển các xã Hải Dương, Phú Thuận, Vinh Hải bị sạt nghiêm trọng và kéo dài. Một số bờ biển bị sạt lở nặng như xã Vinh Hải, Quảng Công đang được làm bờ đê. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu thêm phương án khắc phục, hạn chế sạt lở bờ biển để trình lên cấp trên phê duyệt” - ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết. (phunuonline.com.vn 11/11)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Sớm công nhận người Pa Kô là một trong các dân tộc Việt Nam

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 10/11, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa đã chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến về việc sớm công nhận dân tộc Pa Kô là một trong các dân tộc Việt Nam.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa nêu câu hỏi chất vấn: Nguyện vọng của cử tri A Lưới kiến nghị qua hai khóa Quốc hội (khóa XIII, XIV) đề nghị Ủy ban Dân tộc trình cấp có thẩm quyền sớm công nhận dân tộc Pa Kô là một trong các dân tộc Việt Nam. Xin Bộ trưởng cho biết nguyện vọng nêu trên có được hay không được công nhận. Nếu được công nhận thì thời gian nào?

Đại biểu cũng báo cáo với Quốc hội một số tiêu chí đặc biệt của Pa Kô: Đây là dân tộc tự nguyện mang dòng họ Bác Hồ sau khi Bác mất năm 1969 và có nhiều thành tích trong chống Mỹ cứu nước; là dân tộc có 8 Anh hùng lực lượng vũ trang. Có những anh hùng đã đi vào huyền thoại như Hồ Vai, Kan Lịch, Hồ A Đum và có những địa danh gắn liền những chiến công nổi tiếng như là sân bay A So, đồi A Bia, có đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua địa bàn. Rất mong Chính phủ và Bộ trưởng quan tâm.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, để trực diện trả lời câu hỏi của ngắn gọn của đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa rất khó. Bởi vì nó cũng có một phần ngoài thẩm quyền, trách nhiệm Bộ trưởng Chủ nhiệm theo Điều 42 của Bộ luật Thống kê. Nhưng với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng sẽ gặp đại biểu Ngọc Nghĩa để trao đổi trực tiếp và trả lời bằng văn bản.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Ủy ban Dân tộc xây dựng đề tài, lập đề án xác định thành phần tên gọi một số dân tộc và lập bảng danh mục các dân tộc Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã mở đề tài khoa học và mời các nhà khoa học có kinh nghiệm tham gia nghiên cứu, thành lập Ban soạn thảo đề án và thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, xin ý kiến của các bộ, ngành và 20 tỉnh, thành liên quan. "Trực tiếp, tôi cũng đã tiếp xúc với 5 nhóm đồng bào dân tộc thiểu số có ý kiến về xác định lại tộc danh của mình. Đại diện các nhóm dân tộc đó cũng đã có rất nhiều ý kiến phản ánh", Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nói.

Chúng tôi đã hoàn thành đề án này báo cáo với Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tổ chức một cuộc họp và lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan và đã có thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ số 102 về nội dung xác định thành phần tên gọi của một số dân tộc, xây dựng danh mục các dân tộc Việt Nam. Phó Thủ tướng đồng ý về 3 nội dung.

Nội dung thứ nhất, đồng ý về sự cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng đề án này. Bởi vì, bảng danh mục thành phần dân tộc Việt Nam đã được xác định từ năm 1979, quyết định 121 của Tổng cục Thống kê và thể theo pháp luật hiện nay thì thẩm quyền đó sẽ thuộc của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai là đánh giá cao quá trình chuẩn bị khẩn trương, trách nhiệm, thận trọng và đã có những đề xuất bước đầu có căn cứ, sức thuyết phục.

Thứ ba, giao cho Ủy ban Dân tộc tiếp thu ý kiến của Hội nghị, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng cục Thống kê và các địa phương, các bộ, ngành liên quan hoàn thiện đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Không phải chỉ có dân tộc Pa Kô mà có 21 nhóm dân tộc đề nghị xác định lại thành phần, tên gọi của mình. Đây là những vấn đề rất lớn liên quan đến lịch sử, văn hóa, tác động sâu rộng đến tâm tư, tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta phải đảm bảo một nguyên tắc cao nhất trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Qua tham khảo, nghiên cứu các nước xung quanh thì Lào có 49 dân tộc, Myanmar có 135 sắc tộc, Trung Quốc thì có 56 dân tộc. Căn cứ vào tất cả những nội dung đó, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện để báo cáo lại lần thứ hai.

“Với tinh thần là trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, tôi đã cố gắng để hoàn thành nội dung này. Nhưng tôi nghĩ rằng việc lớn, liên quan đến nhiều bộ, ngành và như tôi đã nói. Do vậy, cần có thời gian, chúng tôi sẽ tiếp tục với tinh thần cao nhất, cũng chia sẻ và đồng cảm với những đề xuất của bà con”- Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến khẳng định tại phiên trả lời chất vấn... (baothuathienhue.vn 10/11)

 
 
 

2.  Thừa Thiên-Huế: Hội thảo vai trò của MTTQ trong xây dựng Nông thôn mới

Sáng ngày 10/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Nông thôn mới”.

Nội dung gồm 15 tham luận của Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã: Quảng Phú (huyện Quảng Điền), Lộc An (huyện Phú Lộc), Phú Diên (huyện Phú Vang), A Ngo (huyện A Lưới), Hương Bình (thị xã Hương Trà), thôn 10, xã Hương Xuân (huyện Nam Đông) và của Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Hương Thủy, các huyện: Quảng Điền, Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phú Vang và của Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên - Huế trong quá trình vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Nông thôn mới.

Qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, tìm giải pháp thiết thực để thực hiện trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thị Ái Nhi, sau 10 năm triển khai, Mặt trận các cấp ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vận động nhân dân hiến đất, tháo dỡ tường rào, đóng góp tiền mặt và ngày công (tổng trị giá trên 745 tỷ đồng) để xây dựng Nông thôn mới.

Tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh đã có 63/97 xã hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 65%. (daidoanket.vn 10/11)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Đâu chỉ hào nhoáng vương giả, “Gái Già Lắm Chiêu V” còn giúp bạn hiểu hơn về văn hóa Việt

Bên cạnh việc khắc họa lối sống vương giả và xa hoa ở giới thượng lưu xứ Huế, bộ phim “Gái Già Lắm Chiêu V” còn khéo léo cài cắm hàng loạt hình ảnh, chi tiết mang đậm bản sắc Việt.

Đoạn first look hoàn chỉnh dài gần 6 phút của Gái Già Lắm Chiêu V - Những Cuộc Đời Vương Giả không chỉ tràn ngập không khí xa hoa lộng lẫy mà còn giúp chúng ta biết nhiều hơn về lịch sử Việt Nam.

Kiến trúc Cung Đình Huế cổ kính mà độc đáo

Luôn muốn đem tới góc nhìn mới mẻ về xứ Huế nên bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito quyết định sẽ khai thác Huế qua lăng kính lộng lẫy, uy quyền khác hẳn màu sắc thượng lưu, trưởng giả phô trương trong Gái Già Lắm Chiêu 3. Dẫu thường mang không khí trầm mặc uy nghiêm, nhưng cảnh Kaity Nguyễn và Khương Lê cưỡi ngựa dạo quanh Hoàng thành đã thổi vào địa điểm trên “hơi thở” hiện đại rất độc đáo.

Cung An Định cũng xuất hiện trong clip dưới tên gọi Bạch Trà Viên, căn biệt thự mà 3 chị em Lý Gia sinh sống. Đây vốn là chỗ ở của gia đình vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu.

Điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) gây ấn tượng mạnh bởi phần nội, ngoại thất lộng lẫy nhưng trang nhã, giàu tính nghệ thuật chính là nơi diễn ra màn khiêu vũ của bộ ba Lý Lệ Hà (NSND Lê Khanh), Lý Linh (Kaity Nguyễn) và Jonathan Vĩnh Thụy (Khương Lê).

Đưa truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy vào phim

Chưa dừng lại ở đây, bản first look đầy đủ tiếp tục làm khán giả bất ngờ khi khéo léo lồng ghép truyền thuyết Trọng Thủy - Mỵ Châu vào mối quan hệ giữa chị em Lý Lệ Hà và Lý Linh. Cụ thể, một đêm nọ, Lý Linh bỗng giật bắn mình khi nghe Lý Lệ Hà bảo rằng: “Mỵ Châu lén lấy nỏ thần trao cho Trọng Thủy”. Nhận ra mình đã đánh trúng tim đen đối phương, cô chị liền mỉm cười đắc thắng rồi giả vờ như đang đọc truyện Nỏ Thần.

Song hành cùng loài hoa bạch trà - biểu tượng cho sự sang trọng, quý phái ở cả phương Đông lẫn phương Tây, phân cảnh chim Phượng Hoàng bay lên khỏi chiếc rương báu, tỏa ánh hào quang ngũ sắc rực rỡ khắp phòng cũng là tình tiết mang tính biểu tượng, gửi gắm nhiều ẩn ý của ê-kíp Gái Già Lắm Chiêu V.

Đạo diễn Bảo Nhân chia sẻ: “Hình ảnh chim Phượng tại đoạn first look vốn lấy cảm hứng từ họa tiết xưa, thường xuất hiện trên các món đồ sang trọng hay công trình kiến trúc của vua chúa Hoàng triều. Phượng Hoàng được chúng tôi sử dụng trong phim để truyền tải thông điệp nữ quyền chị em nhà họ Lý”. (.tienphong.vn 10/11)

 
 
 

2.  Sau “Sài Gòn trong cơn mưa”, Avin Lu lại được chọn vào vai cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nghệ sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi xem clip diễn xuất của Avin Lu đã rơi nước mắt. Những giọt nước mắt này hơn cả lời thuyết phục để nam ca sĩ 9x nhận được cơ hội hóa thân thành “chàng Trịnh” tài hoa, linh hồn thanh xuân của bộ phim.

Theo đó, trước khi công bố dự án Em và Trịnh vào tháng 3/2019, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cùng ê-kíp sản xuất đã dành hai năm trời thu thập, nghiên cứu nguồn tư liệu khổng lồ do gia đình, bạn bè cố nghệ sĩ cung cấp.

Đạo diễn đến những nơi ông từng đặt chân đến, gặp gỡ phỏng vấn những người thân thiết nhất của ông để có một hình dung sống động, tỉ mỉ nhất về Trịnh Công Sơn. Người có thể vượt qua cửa ải của tất cả những ký ức đó, thuyết phục được đạo diễn và gia đình của cố nhạc sĩ sẽ trở thành nam chính khắc họa hình ảnh của “chàng Trịnh” trên màn ảnh.

“Em và Trịnh” hé lộ danh tính nam diễn viên vào vai cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - ảnh 1 Ê-kíp Em và Trịnh trải qua hành trình gian nan tìm kiếm diễn viên phù hợp nhất với vai diễn Trịnh Công Sơn lúc trẻ

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu việc tìm kiếm từ cuối năm 2019, tìm kiếm trên cả nước, đi ra Huế tìm cả những diễn viên chưa bao giờ đóng phim, qua rất nhiều vòng tuyển chọn. Đã có lúc tôi khá bế tắc và nghĩ rằng mình sẽ không thể tìm được một diễn viên như mong muốn”.

Giữa lúc đó, nam diễn Avin Lu đã tham gia buổi casting của Em và Trịnh với phong thái khá lúng túng và rụt rè. Sau đó, anh chàng bộc bạch vì ở phòng chờ đã chạm mặt các ngôi sao đến tranh tài nên bị "khớp". Dù vậy, khi Avin Lu cầm đàn guitar lên và hát, toát lên thần thái nghệ sĩ, anh đã thu hút được ánh nhìn của đạo diễn.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhớ lại: “Thật sự, tôi chưa từng biết Avin Lu trước khi bạn bước vào phòng casting. Đó là một may mắn cho Avin Lu, vì khi tôi thử Google tên của Avin Lu, tôi thấy một cậu thanh niên… rất Hàn Quốc, và chắc chắn tôi sẽ không chọn Avin Lu nếu chỉ dựa vào những hình ảnh đó. Thế nhưng, khi thử vai, Avin Lu là một người khác - có sự nhút nhát hồn nhiên, có chút lãng mạn nghệ sĩ, có cả một kiểu gì đó gợi nhớ đến nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh - người từng đóng vai Trịnh Công Sơn trong phim “Em còn nhớ hay em đã quên”.

Để hiểu được thế giới nội tâm của Trịnh Công Sơn, Avin Lu đã chuyển lên Đà Lạt sống một mình hai tháng. Ở đó, chàng trai 9x sống chậm lại, trải nghiệm cảm giác cô đơn, chuyên tâm nghiên cứu vai diễn, tập đàn, tập hát, viết nhạc, tập nói giọng Huế, tập viết thư và ký cho bằng được chữ ký của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Trở lại với định trang và ngoại hình giống “chàng Trịnh” trẻ tuổi, Avin Lu bước vào vòng thử thách cuối cùng. So với sự rụt rè ở buổi casting, Avin Lu “lột xác” thành một người khác.

Nghệ sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, người em gái thân thiết của Trịnh Công Sơn khi xem clip diễn xuất của Avin Lu đã rơi nước mắt. Những giọt nước mắt này hơn cả lời thuyết phục để nam ca sĩ 9x nhận được cơ hội hóa thân thành “chàng Trịnh” tài hoa, linh hồn thanh xuân của bộ phim.

Phim Em và Trịnh dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 12/2021. (tienphong.vn 11/11)

 
 
 

3.  Đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú cho 15 cá nhân

Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú cấp tỉnh vừa thông qua danh sách các cá nhân đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú lần thứ ba - năm 2021 trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Theo đó, 2 cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân là nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà và nghệ nhân Lê Văn Ngộ.

13 cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú gồm: Phan Tôn Tịnh Hải, Tôn Nữ Lệ Hoa, Trương Thị Quỳnh Hoa, Nguyễn Thị Kim Hồng, Trần Mạnh Hùng, Lê Văn Hùng, Lê Hữu Mạch, Phan Tôn Tuệ Minh, Dương Văn Na, Đặng Thị Nữ, Lê Quý Ngưu, Hồ Quan và Mai Thị Trà. Đây là những nghệ nhân đang nắm giữ, truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể, như: nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Xét thành tích và những đóng góp của các nghệ nhân, Hội đồng cấp tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến và bỏ phiếu kín để đề nghị Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú cho 15 cá nhân trên. (baothuathienhue.vn 10/11)

 
 
 

4.  "Gái già lắm chiêu V" đưa truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thuỷ vào phim

Bên cạnh việc khắc họa lối sống vương giả và xa hoa ở giới thượng lưu xứ Huế, first look hoàn chỉnh của “Gái Già Lắm Chiêu V” còn khéo léo cài cắm hàng loạt hình ảnh, chi tiết mang đậm bản sắc Việt.

Mới đây, bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân & Nam Cito vừa cho đăng tải đoạn first look hoàn chỉnh, có thời lượng lên đến gần 6 phút của dự án "Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả". Không chỉ tiếp tục khiến khán giả choáng ngợp bởi những thước phim xa hoa hoành tráng, đội ngũ sản xuất còn khéo léo lồng ghép vào đó nhiều hình ảnh, chi tiết ý nghĩa gắn liền với đời sống tinh thần, tâm linh người Việt.

Kiến trúc Cung Đình Huế cổ kính mà độc đáo

Luôn muốn đem tới góc nhìn mới mẻ về xứ Huế, nên tại tác phẩm lần này, bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân & Nam Cito quyết định sẽ khai thác vùng đất thần kinh ấy qua lăng kính lộng lẫy, uy quyền khác hẳn màu sắc thượng lưu, trưởng giả phô trương trong "Gái già lắm chiêu 3". Vì vậy, cả hai đã lựa chọn quần thể cố đô Huế - khu di tích hội tụ biết bao tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc - làm bối cảnh quay.

Tiêu tốn gần 3 thập kỷ (1804 - 1833) để xây dựng, cộng thêm việc huy động hàng vạn nhân công lành nghề, Đại Nội Huế vốn sở hữu quy mô đồ sộ nhất nhì lịch sử nước ta, đồng thời được UNESCO xác nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Dẫu thường mang không khí trầm mặc uy nghiêm, nhưng tại first look "Gái già lắm chiêu V", cảnh Kaity Nguyễn và Khương Lê cưỡi ngựa dạo quanh Hoàng thành đã thổi vào địa điểm trên “hơi thở” hiện đại xen lẫn cảm giác huyền ảo, hoài niệm khó tả.

 

Kế tiếp, chiếm thời lượng lên hình nhiều nhất phim, Cung An Định xuất hiện trong clip dưới tên gọi Bạch Trà Viên – căn biệt thự mà 3 chị em Lý Gia sinh sống. Được mệnh danh là “hòn ngọc trăm năm”, chỗ ở của gia đình vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu nổi tiếng bởi kiến trúc hết sức đặc sắc, pha trộn giữa kiểu đền đài Âu Châu cùng loạt họa tiết chạm trổ, hoa văn trang trí của Châu Á. Qua đó, chúng ta có thể cảm nhận rõ gu thẩm mỹ tinh tế, cũng như phong cách sống sang trọng, quyền quý nơi ba chị em nhà họ Lý.

Giúp màn khiêu vũ của bộ ba Lý Lệ Hà (NSND Lê Khanh), Lý Linh (Kaity Nguyễn) và Jonathan Vĩnh Thụy (Khương Lê) thêm gay cấn, Điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) gây ấn tượng mạnh bởi phần nội, ngoạt thất lộng lẫy nhưng trang nhã, giàu tính nghệ thuật. Được thi công theo lối kiến trúc nhà kép 2 mái truyền thống "trùng thiềm điệp ốc", Điện Long An hiện đang cất giữ, trưng bày khoảng 300 cổ vật, sành, sứ, ngự y, trang phục… hiếm quý khó tìm, có niên đại cách nay hàng trăm năm.

Ngoài mấy di tích kể trên, những ai yêu thích lịch sử cũng nhận thấy sự góp mặt của nhiều danh thắng khác xuyên suốt first look "Gái già lắm chiêu V", đơn cử như Điện Thái Hòa, cầu Trung Đạo hay Thái Bình Lâu, Nhật Thành Lâu… Bằng sức mạnh diệu kì từ ngôn ngữ điện ảnh, các công trình cổ kính này giờ đây sẽ hiện lên với màu sắc hiện đại, sinh động hơn lẫn đóng vai trò quan trọng trong khâu khắc họa, xây dựng nên một thế giới vương giả chân thực và thuyết phục.

Đưa truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy vào phim

Chưa dừng lại ở đấy, bản first look đầy đủ tiếp tục làm khán giả bất ngờ khi khéo léo lồng ghép truyền thuyết Trọng Thủy – Mỵ Châu vào mối quan hệ “thân thiết” giữa Lý Lệ Hà và Lý Linh. Cụ thể, một đêm nọ, lúc đang uống rượu vui vẻ cùng chị cả, Lý Linh bỗng giật bắn mình khi nghe Lý Lệ Hà bảo rằng: “Mỵ Châu lén lấy nỏ thần trao cho Trọng Thủy”. Nhận ra mình đã đánh trúng tim đen đối phương, cô chị liền mỉm cười đắc thắng rồi giả vờ như đang đọc truyện Nỏ Thần.

Sử dụng chuyện xưa tích cũ vốn gần gũi với hầu hết người xem, nên dù bộ đôi đạo diễn chẳng hề hé lộ cốt truyện, tuy nhiên, họ vẫn thành công trong việc kích thích trí tò mò nơi các fan Gái Già Lắm Chiêu. Hơn nữa, tình tiết này còn giúp khơi gợi không ít cuộc tranh luận sôi nổi về hướng đi, nội dung thực sự của tác phẩm. Liệu Lý Lệ Hà đã phỏng đoán đúng, rằng nàng tiểu thư Lý Linh là kẻ phản bội, vì mỹ nam Jonathan Vĩnh Thụy mà cam tâm bán đứng 2 cô chị ruột thịt?

Họa tiết chim Phượng Hoàng từ Phượng Bào triều Nguyễn 

Song hành cùng loài hoa bạch trà - biểu tượng cho sự sang trọng, quý phái ở cả phương Đông lẫn phương Tây, phân cảnh chim Phượng Hoàng bay lên khỏi chiếc rương báu, tỏa ánh hào quang ngũ sắc rực rỡ khắp phòng cũng là tình tiết mang tính biểu tượng, gửi gắm nhiều ẩn ý của ekip "Gái già lắm chiêu V". Dẫu sở hữu vẻ ngoài khá lạ lẫm, khác biệt so với loài chim Phượng Hoàng phương Tây, nhưng tạo hình ấy thực chất được dựa trên họa tiết trang trí Long – Phượng nổi tiếng thời nhà Nguyễn.

Đạo diễn Bảo Nhân chia sẻ: “Hình ảnh chim Phượng tại đoạn first look vốn lấy cảm hứng từ họa tiết xưa, thường xuất hiện trên các món đồ sang trọng hay công trình kiến trúc của vua chúa Hoàng triều. Đại diện cho bậc mẫu nghi thiên hạ, Phượng Hoàng được chúng tôi sử dụng trong phim để truyền tải thông điệp nữ quyền, đồng thời lột tả tham vọng của chị em nhà họ Lý”. Đặc biệt, anh cũng chính thức xác nhận rằng, bảo vật trị giá 30 triệu USD bị đánh cắp, khiến cả 3 nhân vật chính nghi kị và chia rẽ lẫn nhau có liên quan không nhỏ đến loài linh thú này.

“Làm sống lại” biết bao di tích cổ kính bằng một tác phẩm điện ảnh lấy bối cảnh hiện đại, đội ngũ sản xuất "Gái già lắm chiêu V" không chỉ muốn tôn vinh những giá trị, bản sắc của dân tộc Việt Nam, mà còn đem tới cái nhìn mới mẻ cho giới trẻ ngày nay về lịch sử nước nhà. Bộ đôi đạo diễn Nam Cito & Bảo Nhân tin tưởng, với lăng kính điện ảnh đầy cuốn hút, đứa con tinh thần do họ cầm trịch sẽ khiến khán giả phải trầm trồ trước nhiều công trình kiến trúc kì vĩ, những vật dụng được người xưa chạm trổ cực kì tinh xảo./. (vov.vn 11/11)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Cùng báo Thanh Niên trao hơn 600 phần quà cho người nghèo tại Thừa Thiên-Huế

Ngày 8.11, qua Báo Thanh Niên, Quỹ từ thiện Kim Oanh đã tổ chức trao 550 phần quà cho các gia đình khó khăn, người già neo đơn ở xã Phú Gia, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế (ảnh). Mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng.

Bà Võ Thị Lệ có gia cảnh vô cùng khốn khó, không có gia đình, không chồng con, cha mẹ mất sớm, sống một mình ở thôn Mông B, mang trong mình nhiều căn bệnh trầm trọng, không có việc làm, ai thuê gì làm nấy để được bữa cơm qua ngày, lại bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ nên đời sống càng khó khăn hơn. Nhận quà, bà vui mừng cho biết, có tiền có gạo nên những ngày tới bà không còn lo cái ăn nữa, sẽ cố gắng đi làm để nuôi sống bản thân.

Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch Quỹ từ thiện Kim Oanh, cho biết những phần quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng nhiều tình cảm, là tấm lòng của cán bộ, nhân viên của Kim Oanh, mong muốn giúp bà con vượt qua khốn khó.

Trước đó, ngày 7.11, cũng qua Báo Thanh Niên, Quỹ từ thiện Kim Oanh đã trao 110 phần quà cho các hộ gia đình khó khăn ở xã Phong Chương, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế (mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng). Tổng giá trị của đợt trao quà này hơn 300 triệu đồng.

Hơn 29 tỉ đồng giúp đồng bào miền Trung

Tính đến 17 giờ ngày 9.11, bạn đọc đã đóng góp hơn 29 tỉ đồng cứu trợ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ bằng nhiều hình thức, phối hợp với Báo Thanh Niên trực tiếp đến hiện trường, chuyển khoản hoặc đến tòa soạn trao tiền mặt.

Trong đó, tiền mặt đóng tại tòa soạn là: 4.823.594.078 đồng. (thanhnien.vn 10/11)

 
 
 

2.  Toyota Việt Nam ủng hộ hơn 300 triệu đồng khắc phục lũ lụt

Chiều 10/11, tại Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã diễn ra buổi lễ tiếp nhận số tiền ủng hộ từ Toyota Việt Nam hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn khăn trên địa bàn phục sau lũ lụt.

Theo đó, Toyota Việt Nam, Công đoàn Công ty cùng các đại lý Toyota đã trao tặng số tiền 313 triệu đồng cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nhằm hỗ trợ 460 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, cũng tại buổi lễ, Toyota Huế cũng đã ủng hộ 20 triệu đồng giúp đồng bào trên địa bàn tỉnh khắc phục lũ lụt.

Ngoài Thừa Thiên Huế, Toyota Việt Nam đã chung tay ủng hộ tổng cộng hơn 1,2 tỷ đồng cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, từ ngày 01/11 đến 31/12/2020, Toyota Việt Nam phối hợp với các đại lý triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng Toyota bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt ở 6 tỉnh thành.

Đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh gửi lời cảm ơn chân thành đến Toyota Việt Nam trong việc ủng hộ, chia sẻ đồng bào Thừa Thiên Huế nói riêng và miền Trung nói chung để khắc phục khó khăn do lũ lụt, mưa bão gây ra trong thời gian vừa qua. Cùng với đó, cam kết sẽ chuyển toàn bộ số tiền đến với người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ. (baothuathienhue.vn 10/11)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Trao học bổng hỗ trợ sinh viên Đại học Huế

Chiều 10/11, tại thành phố Huế, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã trao 20 suất học bổng, trị giá 300 USD/suất cho sinh viên vượt khó, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học.

Đây là năm thứ 20 liên tiếp, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trao học bổng cho sinh viên Đại học Huế. Các sinh viên sẽ được tiếp tục nhận học bổng cho đến khi tốt nghiệp nếu đạt kết quả học tập và rèn luyện tốt hoặc xuất sắc qua các năm học.

Từ năm 2002 đến nay, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản hợp tác cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã trao học bổng cho khoảng 1.800 sinh viên, nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Kinoshita Tadahiro, đại diện Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại nặng nề mà các tỉnh miền Trung Việt Nam trong đó có tỉnh Thừa Thiên – Huế phải gánh chịu trong các đợt mưa bão vừa qua. Ông Kinoshita Tadahiro nhấn mạnh, hai nước Nhật Bản và Việt Nam đã thúc đẩy giao lưu trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, nguồn nhân lực… và xây dựng mối quan hệ mật thiết hai bên cùng có lợi.

Tính đến nay, đã có hơn 70.000 du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Đặc biệt, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài sau khi nhậm chức. Tại Việt Nam, hiện có hơn 1.900 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh. Việt Nam là đối tác kinh doanh quan trọng và gắn bó mật thiết đối với Nhật Bản.

Ông Kinoshita Tadahiro hy vọng, học bổng lần này là cơ duyên để các bạn sinh viên quan tâm đến Nhật Bản, cũng như hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời, các sinh viên sẽ hoạt động tích cực với vai trò là cầu nối giữa hai nước, để góp phần thực hiện một xã hội Việt Nam thịnh vượng cũng như phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản. (baotintuc.vn 10/11)

 
 
 

2.  Nỗ lực để trường học sạch đẹp sau lũ

Ngoài kết nối những tấm lòng để học trò có thêm dụng cụ thiết bị học tập, sách vở, thầy cô giáo cùng phụ huynh, các đoàn thể đã không ngừng nỗ lực để các trường học trở lại bình thường, sạch đẹp sau lũ…

Đảm bảo môi trường sạch sẽ

Các đợt bão lũ vừa qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Dù đã chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai nhưng do mực nước lũ quá cao kèm theo mưa bão nên nhiều trường phòng học bị tốc mái, sập nhà xe, hư hỏng trang thiết bị dạy học, sân vườn… Với phương châm “Nước rút đến đâu khắc phục nhanh, hiệu quả đến đó”, nhanh chóng ổn định hoạt động dạy và học, các trường đã huy động cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh và các hội đoàn thể chung tay dọn bùn non, vệ sinh lớp học.

Nhiều trường ở vùng thấp trũng, lượng bùn non dày đặc, nhà trường phải thuê máy về nạo vét. Cô giáo Lê Thị Loan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Phú (Quảng Điền) bộc bạch, giáo viên có tinh thần chủ động khi kịp thời đem tài liệu, sách vở học sinh đến nơi cao ráo. Sau khi nước rút, nhiều phụ huynh đã tình nguyện đến dọn dẹp giúp nhà trường, đóng lại bàn ghế do nước lụt ngâm lâu ngày và lau chùi bùn non bám từng lớp.

Thầy giáo Nguyễn Đình Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Đa 3 (Phú Vang) cho biết, đội ngũ cán bộ giáo viên ở đây đã chủ động vệ sinh môi trường, phòng học, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh vẫn được nhà trường tiến hành sau lụt, đồng thời trường tìm các nguồn hỗ trợ để nhanh chóng ổn định việc học của học sinh

Dù đã có sự chuẩn bị trước, nhưng do sức tàn phá của các đợt thiên tai quá nặng, nhiều phòng học bị ngập khiến hệ thống bàn ghế bằng chất liệu gỗ ép hư hỏng hoàn toàn. Trên tinh thần vận dụng lực lượng tại chỗ, sau nhiều ngày lao động cật lực của toàn thể CBGV, NV, trường đã đảm bảo an toàn, sạch sẽ trước ngày đón học sinh trở lại trường. Cô Trương Thị Thiên Lý, Hiệu trưởng Trường TH Đông Hiền, xã Phong Hiền (Phong Điền) thông tin.

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Phong Điền, toàn huyện có 47/61 trường bị thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học… (trong đó: mầm non 25/26 trường, tiểu học 11/20 trường, TH&THCS, THCS 11/15 trường); 3.417/13.493 học sinh các cấp bị ướt sách vở, hư hỏng dụng cụ học tập. Ước tính thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Nằm ở vùng thấp trũng nên Quảng Điền là địa phương chịu thiệt hại nặng do lũ lụt. Dù vậy, ngành GD&ĐT nơi đây vẫn cố gắng từng bước khắc phục khó khăn để các em học sinh có thể đến lớp sớm nhất. Thầy giáo Nguyễn Thái Hiệp, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Điền nói.

Ngành GD&ĐT thị xã Hương Thủy, Phú Lộc… cũng huy động sự vào cuộc, chung tay của các đoàn thể, phụ huynh, CB-GVNV để khắc phục khó khăn, ổn định trường lớp nhằm đảm bảo môi trường an toàn, sạch sẽ trước khi đón học sinh trở lại sau lũ.

Tuy vậy, sau những trận lụt liên tiếp, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, con số này có nơi lên đến 90%, chưa kể nhiều vùng nông nghiệp phụ huynh không có tích trữ, cây trái rau màu lương thực hư hỏng, đời sống kinh tế rơi vào khó khăn dẫn đến việc đến trường của con em nhọc nhằn hơn.

Kết nối những tấm lòng

Không để học sinh nào phải bỏ học do thiếu dụng cụ học tập, sách vở sau lũ, Sở GD &ĐT đã kêu gọi các "mạnh thường quân", tổ chức từ thiện chung tay góp sức giúp các trường học khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm đưa hoạt động dạy học trở lại bình thường. Theo đó, ngành GD &ĐT thành lập ban tiếp nhận để sớm chuyển các sự hỗ trợ về những trường, học sinh chịu thiệt hại nặng. Nhờ thế, đã có rất nhiều tấm lòng được kết nối đến với các trường vùng ngập lụt.

Phòng GD &ĐT Phong Điền cũng kết nối, kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, áo quần và cả nhu yếu phẩm… giúp các em đủ điều kiện đến trường. Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phong Điền cho biết, đến nay 100% học sinh trên địa bàn được nhận quà hỗ trợ. Riêng với những học sinh nghèo, cận nghèo và học sinh có gia đình bị ảnh hưởng nặng do lũ được quan tâm đặc biệt… nên không có học sinh nào phải nghỉ học do lũ.

Bên cạnh các giải pháp cứu trợ nhu yếu phẩm và vật để giúp đỡ khẩn cấp cho phụ huynh và học sinh, ngành đã đặt ra nhiều giải pháp để khắc phục hệ thống trường lớp, khi thời tiết thuận lợi tổ chức dạy bù để đảm bảo kế hoạch dạy học đúng tiến độ. Với những trường bị thiệt hại nặng, cần kinh phí lớn, phòng sẽ tham mưu cấp trên để có phương án giải quyết. Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Điền chia sẻ.

Tại Hương Trà đã có gần 1.400 bộ sách giáo khoa, 10.000 quyển vở của học sinh bị nước lũ làm hư hỏng đã và đang được các nhà hảo tâm hỗ trợ để các em kịp đến trường. Cô giáo Nguyễn Thị Huy, Trưởng phòng GD&ĐT Hương Trà thông tin.

Không ít cán bộ giáo viên ở các trường đồng hành cùng các em khi kêu gọi giúp đỡ cho học sinh, và họ đã được cộng đồng chung tay. Những chuyến xe tình nghĩa mang áo quần, sách vở, lương thực, học bổng đã đến với các trường. Toàn xã hội đã “hong khô” niềm tin cho học sinh vùng lũ, giúp các em thêm nghị lực để vượt qua năm học khó khăn này. Cô Trương Thị Thiên Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Hiền (Phong Điền) cho biết, ngoài sách vở, 100% học sinh nhà trường đã được "mạnh thường quân" tặng mỗi em hai áo ấm.

Theo lãnh đạo Sở GD & ĐT, sau lũ, ngoài tập trung hỗ trợ khắc phục thiệt hại, ngành cũng chỉ đạo các trường bố trí thời gian hợp lý để có kế hoạch dạy bù cho những học sinh nghỉ học dài ngày để các em theo kịp chương trình, đảm bảo chất lượng dạy học... (baothuathienhue.vn 11/11)

 
 
PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
 

1.  Bão Vamco khả năng mạnh thêm, Trung Bộ còn mưa rất to

Dự báo, từ 1 giờ ngày 11-11 đến 1 giờ ngày 12-11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 1 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 125,8 độ Kinh Đông, cách phía Nam đảo Luzon (Philippines) khoảng 480km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.

Dự báo, từ 1 giờ ngày 11-11 đến 1 giờ ngày 12-11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 1 giờ ngày 12-11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 121,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông Nam đảo Luzon (Philippines).

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 16.

Từ 1 giờ ngày 12-11 đến 1 giờ ngày 13-11, bão đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 1 giờ ngày 13-11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14.

Từ 1 giờ ngày 13-11 đến 1 giờ ngày 14-11, bão giữ hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 1 giờ ngày 14-11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Từ 1 giờ ngày 14-11 đến 1 giờ ngày 15-11, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.

Ngày và đêm 11-11, Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 2-4m.

Khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-5m, có mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Từ ngày 11-12/11, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 250mm. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 100mm.

Các chuyên gia khuyến cáo, ngư dân chưa nên ra khơi đánh bắt hải sản, cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết.

Nếu đang hoạt động trên biển, khi nhận được tin bão tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, ngư dân và thuyền viên kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng, luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão một khoảng tối thiểu từ 350-400 km (khoảng 200 hải lý).

Dự báo thời tiết các khu vực từ ngày 11-20/11: Khu vực Bắc Bộ từ 11-15/11, đêm không mưa, ngày nắng, từ đêm 15-17/11, có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ ngày 18-20/11, có mưa vài nơi, trưa chiều trời nắng. Đêm và sáng sớm trời lạnh.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên- Huế ngày 11-12/11 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; riêng Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vài nơi. Ngày 13-11 có mưa rào và dông vài nơi. Ngày 14-15/11, phía Bắc có mưa vài nơi; phía Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Ngày 15-11 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Ngày 16-11, phía Bắc có mưa, mưa vừa và dông; phía Nam có mưa rải rác. Từ ngày 17-20/11, có mưa rào và dông vài nơi, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận ngày 11-12/11 phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; phía Nam có mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Ngày 13-11, có mưa rào và dông vài nơi. Ngày 14-15/11, phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; phía Nam có mưa rào và dông vài nơi, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ ngày 16-20/11, có mưa rào và dông vài nơi.

Tây Nguyên ngày 11-11 đêm có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, ngày có mưa rải rác và có nơi có dông.

Từ ngày 12-20/11 có mưa rào và dông vài nơi; riêng ngày 14-15/11 phía Bắc có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Nam Bộ từ ngày 11-20/11 có mưa rào và dông vài nơi; riêng từ ngày 16-19/11 chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Theo TTXVN (bienphong.com.vn 11/11)

 
 
 

2.  Mưa lớn, Huế di dời hàng ngàn hộ dân

Trước tình mưa mưa lớn, hiện toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã sơ tán, di dời hơn 5.000 hộ dân đến nơi an toàn.

Tối 10/11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện toàn tỉnh đã sơ tán, di dời hơn 5.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất, sạt lở núi, bờ biển, vẹ sông, ven phá, vùng thấp trũng... đến nơi an toàn.

Các công trình thủy điện, thủy lợi đang chấp hành đúng quy định, quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Chủ công trình thủy điện đã hoạt động, vận hành và đang thi công triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công nhân, thiết bị, vật tư.

Nhiều địa phương đang tích cực triển khai ứng phó mưa lũ với phương châm “4 tại chỗ”, phát huy phương châm “tự quản tại chỗ”, quyết tâm không để thiệt hại về người.

Ông Ngô Thông, Giám đốc Ban Đầu tư -Xây dựng thủy lợi 5 thông tin, đến thời điểm này, mực nước hồ Tả Trạch xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Đơn vị đang tổ chức vận hành điều tiết, xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Theo đó, tiếp tục duy trì điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng từ 400-500m3/s để đưa dần mực nước hồ về mực nước đón lũ theo quy định; thường xuyên theo dõi mực nước tại trạm Kim Long để điều chỉnh lưu lượng khống chế mực nước sông Hương dưới 1,7m.

Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hương Điền, ông Trịnh Xuân Khoa xác nhận, nhà máy đang tiếp tục duy trì điều tiết qua tràn và tuabin tăng dần, tránh gây đột biến với lưu lượng từ 530-560m3/s; thường xuyên theo dõi mực nước tại trạm Phú Ốc để điều chỉnh lưu lượng khống chế mực nước sông Bồ dưới 2,7m.

Hiện tại Thừa Thiên Huế đang có mưa vừa, mưa to toàn tỉnh. Nhiều địa phương vốn còn ngập nước trong các đợt lũ trước đứng trước nguy cơ ngập nặng trở lại. (baotainguyenmoitruong.vn 10/11)

 
 
 

3.  Hơn 5.000 hộ dân được sơ tán, di dời

Mưa lớn, kết hợp thủy điện tiều tiết khiến vùng thấp trũng bị ngập khá nặng. Tính đến 16 giờ ngày 10/11, toàn tỉnh sơ tán, di dời hơn 5.000 hộ dân đến nơi an toàn.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thành (Quảng Điền), ông Nguyễn Văn Khoa cho biết, nhận thông tin cảnh báo của huyện, chủ công trình thủy điện, thủy lợi, chính quyền địa phương đã chủ động, sơ tán người dân ở vùng thấp trũng, ven phá, nguy cơ sạt lở bờ sông đến nơi an toàn.

Đích thân Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền, ông Ngô Văn Dinh trực tiếp về xã, thị trấn, những vùng ngập sâu chỉ đạo phương án ứng phó lũ lụt, với phương châm không để thiệt hại về người, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản. Đến 16 giờ, ngày 10/11, toàn huyện Quảng Điền sơ tán khoảng 1.000 hộ dân đến nơi an toàn. Huyện đang theo dõi diễn biến mưa lũ, có thể tiếp tục sơ tán thêm khoảng 1.000 hộ trước 19 giờ tối nay.

Ông Ngô Thông, Giám đốc Ban Đầu tư-Xây dựng thủy lợi 5 thông tin, đến thời điểm này, mực nước hồ Tả Trạch xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Đơn vị đang tổ chức vận hành điều tiết, xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Theo đó, tiếp tục duy trì điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng từ 400-500m3/s để đưa dần mực nước hồ về mực nước đón lũ theo quy định; thường xuyên theo dõi mực nước tại trạm Kim Long để điều chỉnh lưu lượng khống chế mực nước sông Hương dưới 1,7m.

Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hương Điền, ông Trịnh Xuân Khoa xác nhận, nhà máy đang tiếp tục duy trì điều tiết qua tràn và tuabin tăng dần, tránh gây đột biến với lưu lượng từ 530-560m3/s; thường xuyên theo dõi mực nước tại trạm Phú Ốc để điều chỉnh lưu lượng khống chế mực nước sông Bồ dưới 2,7m.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đánh giá, các công trình thủy điện, thủy lợi đang chấp hành đúng quy định, quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Chủ công trình thủy điện đã hoạt động, vận hành và đang thi công triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công nhân, thiết bị, vật tư.

Nhiều địa phương đang tích cực triển khai ứng phó mưa lũ với phương châm “4 tại chỗ”, phát huy phương châm “tự quản tại chỗ”, quyết tâm không để thiệt hại về người. Tính đến 16 giờ, ngày 10/11, toàn tỉnh sơ tán, di dời hơn 5.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất, sạt lở núi, bờ biển, vẹ sông, ven phá, vùng thấp trũng... đến nơi an toàn. (baothuathienhue.vn 10/11)

 
 
 

4.  Bão số 12 vừa suy yếu, lại lo chống bão số 13 đang tăng tốc

Sáng nay (10/11), BCĐ TƯ về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 12 và cơn bão số 13 sắp vào Biển Đông dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.

Bão số 12 vừa suy yếu, bão số 13 đang tiến vào Biển Đông. Nguồn: Himawari

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết sáng nay, khu vực Khánh Hòa đã có gió mạnh và mưa to, trên đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Khánh Hòa có gió mạnh. Chiều nay, bão số 12 đi sâu vào đất liền và tương tác với các địa hình nên đề phòng có gió giật mạnh, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và người.

Hôm nay và ngày mai (11/11), các tỉnh từ Quảng Trị đến phía Bắc Khánh Hòa vẫn có thể mưa từ 150-300mm. Đặc biệt khu vực Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam có nơi sẽ mưa đến 400mm....

Ông Khiêm lưu ý, với lượng mưa như vậy nên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa khả năng sẽ xuất hiện đợt lũ mới, có nơi trên báo động 3. Ngoài ra, khu vực miền Trung trong 12 giờ qua đã có mưa lớn, ngày hôm nay vẫn có thể tiếp tục mưa rất to tới 150-300mm nên có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Về nhận định cơn bão số 13 sắp vào Biển Đông, ông Khiêm cho biết, khi vào Biển Đông bão số 13 di chuyển khá nhanh, cường độ ít suy giảm. Do đó, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tới an toàn cho hoạt động tàu thuyền của khu vực này.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, hơn 1 tháng nhiều tỉnh miền Trung hứng chịu nhiều đợt thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Phó Thủ tướng lưu ý, bão số 12 đang vào đất liền các tỉnh miền Trung, trọng tâm là khu vực Nam Trung Bộ - đây là khu vực cũng vừa hứng chịu nhiều đợt thiên tai nên tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại rất lớn. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương lên phương án thật cụ thể để ứng phó với bão số 12, nhất là hoàn lưu mưa sau bão.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp.

Đối với tuyến biển, Phó Thủ tướng lưu ý, các cơ quan liên quan cần phối hợp với các địa phương rà soát để đảm bảo an toàn cho các đối tượng, bao gồm: tàu, thuyền hoạt động trên biển cần di chuyển khỏi vùng nguy hiểm của bão, vào nơi tránh trú an toàn; khu vực nuôi trồng thủy hải sản, kiên quyết không để người dân nào ở lại chòi canh khi bão vào; khu vực các đảo phải đảm an toàn cho người và tài sản, kể cả khách du lịch.

Với tuyến trên bờ, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải rà soát, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm; đề phòng lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nhà cửa và tính mạng người dân.

Dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 sẽ gây mưa lớn cho nhiều tỉnh miền Trung, do đó, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các địa phương rà soát để đảm bảo an toàn cho các hồ thủy lợi và thủy điện.

"Bão số 13 dự báo sẽ vào Biển Đông vào sáng 12/11 và khoảng ngày 15/11 sẽ đe dọa nhiều tỉnh ở khu vực miền Trung. Theo đánh giá cơn bão 13 có sức gió rất lớn, có thể giật cấp 15 nếu như không suy giảm.

Nếu bão 13 vào khu vực miền Trung có thể sẽ gây thiệt hại nặng nề nếu chúng ta chủ quan. Do đó, tôi đề nghị các địa phương cần gấp rút ứng phó với bão 12, mưa sau bão số 12 nhưng cũng cần sớm lên phương án ứng phó với cơn bão số 13", Phó Thủ tướng lưu ý.

Bão số 12 suy yếu thành áp thấp

Khoảng 10 giờ sáng nay, vùng tâm bão số 12 đã đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Vị trí tâm ATNĐ ngay trên đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 10/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp trên khu vực Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). (baothuathienhue.vn 10/11)

 
 
 

5.  Vì dân, gác niềm riêng

Trong lũ dữ, mặc dù nhà cửa, tài sản ở quê nhà đang ngập chìm trong nước, nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 vẫn xung phong đến tâm lũ, dũng cảm quên mình xông pha giữa biển nước mênh mông để ứng cứu đồng bào miền Trung.

Phía trước là nhân dân

Đợt mưa lũ lịch sử trong tháng 10, Quảng Bình được coi là rốn lũ, là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mưa lớn làm nước lên nhanh khiến nhiều huyện bị chia cắt, cô lập. Hàng nghìn ngôi nhà của bà con bị ngập sâu trong nước, hàng chục nghìn hộ dân không kịp trở tay… Nhiều ngày liền không ngủ, thậm chí có ngày bỏ cả cơm, đại úy Hà Minh Giang (Trợ lý phòng không, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân  sự (CHQS) tỉnh Quảng Bình) liên tục lái ca nô vượt biển nước, cùng đồng đội giúp hàng trăm người dân đến nơi an toàn. Trong khi đó, nhà anh cách khu vực này 50km cũng bị ngập sâu trong nước. 

Đại úy Giang kể rằng, anh đi làm nhiệm vụ, vợ anh ở nhà phải vất vả một mình chống lũ. Cũng nhờ bà con lối xóm đến vận chuyển đồ đạc, gửi con đến nơi an toàn nên anh mới yên tâm phần nào. Vợ anh, chị Cao Trà Thục Phương tâm sự: “Mặc dù gia đình cũng bị thiệt hại do mưa lũ, nhưng vì công việc, nhiệm vụ của chồng, tôi luôn xác định động viên để anh và đồng đội yên tâm công tác. Ở nhà, mẹ con tôi đã có hàng xóm láng giềng và đơn vị bộ đội khác đến giúp đỡ”.

 

Cũng như đại úy Giang, khi trung tá Trần Hải Bằng (Trợ lý tuyên huấn, Ban CHQS thị xã Quảng Trị) đang cùng đồng đội giúp đồng bào chạy lũ thì nhà anh cũng bị ngập sâu. Cửa hàng buôn bán của vợ anh bị nước lũ cuốn trôi hàng hóa, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trung tá Bằng còn không may bị thương trong quá trình giúp dân. Lũ rút, đồng đội cùng làng xóm mới có điều kiện về giúp gia đình anh khắc phục hậu quả.

Khi đang tác nghiệp tại rốn lũ Quảng Bình, đại úy quân nhân chuyên nghiệp Hồ Quốc Việt (phóng viên Báo Quân khu 4) nhận được tin nhà anh ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An bị ngập do nước dâng cao. Vợ anh và con gái út bị mắc kẹt do mưa lớn, chưa thể về nhà, may mắn có hàng xóm chạy qua hỗ trợ con gái lớn của anh kê đồ đạc, tài sản lên cao. “Đây là lần thứ hai lũ đến khi anh Việt không có ở nhà. May nhờ có hàng xóm ứng cứu, giúp đỡ kịp thời. Có sự chia sẻ của xóm giềng, những người vợ lính như chúng tôi thấy ấm lòng hơn khi chồng và đồng đội đi giúp bà con khắc phục hậu quả thiên tai”, chị Dương Thị Hoài Giang, vợ đại úy Việt nói. 

Không ngại hiểm nguy

Không chỉ có trung tá Bằng, đại úy Việt và đại úy Giang, trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị của Quân khu 4 đều có nhà cửa bị ngập, trong khi ở nhà chỉ có bố mẹ già yếu, vợ và con thơ. Nhưng họ luôn có mặt tại những nơi hiểm nguy nhất cùng nhân dân phòng chống và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Hơn một tháng qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế phải hứng chịu nhiều cơn bão gây nhiều thiệt hại về tài sản, tính mạng. Suốt thời gian đó, trung tá Phan Thắng (Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế) luôn có mặt ở những nơi ngập lụt, hiểm nguy để chỉ huy đơn vị tìm kiếm cứu nạn và ứng cứu nhân dân. Những ngày đầu khi xảy ra sạt lở khiến nhiều công nhân và đồng đội mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3, trung tá Thắng được giao nhiệm vụ tiên phong mở đường tiếp cận các khu vực xảy ra sạt lở để chỉ huy bộ đội. Trung tá Thắng trở thành điểm tựa và động lực cho các lực lượng tìm kiếm.

Gần một tháng bám trụ tham gia cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3, từ sáng sớm đến chiều tối, trung tá Thắng luôn ở hiện trường để chỉ huy các lực lượng và nghiên cứu phương án tìm kiếm sao cho hiệu quả. Anh tâm sự: “Nhiều lúc người thân, bạn bè gọi điện, nhắn tin hỏi thăm sao lâu không thấy về thăm nhà. Khi đó tôi chỉ trả lời: Người dân, đồng đội đang gặp nguy hiểm, họ chưa về nhà, sao mình về được. Mình phải đặt vào vị trí của người dân đang có người thân mất tích, họ ngóng trông từng ngày, nhen nhóm tia hy vọng dù là nhỏ nhất để thấy người thân trở về”.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, các đơn vị thuộc Quân khu đã điều động 24.000 cán bộ, chiến sĩ cùng 500 phương tiện kỹ thuật giúp đỡ nhân dân vùng ngập lụt. Tổ chức vận chuyển 13 tấn lương khô, 8 tấn gạo, 3.000 thùng mỳ tôm cùng 4.000 áo phao tiếp tế cho người dân. Sau lũ Quân khu 4 điều động gần 14.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, 421 phương tiện giúp nhân dân sửa chữa nhà bị hư hỏng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh để khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.

 Trong đợt mưa lũ vừa qua, có hàng nghìn gia đình cán bộ, chiến sĩ bị ngập sâu trong nước, thiệt hại lớn về tài sản, nhà cửa. Trong đó có 2 nhà bị sập, 12 nhà bị tốc mái hoàn toàn; 105 gia đình bị thiệt hại trên 50 triệu đồng; 34 gia đình bị thiệt hại từ 30 đến 50 triệu đồng…  (tienphong.vn 11/11)

 
 
GIAO THÔNG - VẬN TẢI
 

1.  Nâng cấp tuyến đường phục vụ dân sinh

Hơn 110 hộ dân ở thôn Mỹ An (Phú Dương, Phú Vang) phải “lụy đò” khi trận lũ vào tháng 10 vừa qua đánh sập, cuốn trôi cầu Mỹ An bắc qua sông Phổ Lợi.

Trận lũ ngày 11 và 12 tháng 10 vừa qua với lượng bèo lục bình đổ từ các hói nhỏ về sông Phổ Lợi gây áp lực lớn lên các cầu nhỏ bắc ngang sông nối từ Quốc lộ 49A. Dòng nước chảy mạnh cuốn trôi cầu Mỹ An đoạn qua thôn Mỹ An, xã Phú Dương.

Các hộ dân sinh sống bên kia sông phải “lụy đò” do đoạn đường liên thôn có đoạn ngập sâu hơn 1m. Sau khi nước rút thì đường đất bùn lầy, phải đi qua khu vực cồn mồ không có đèn đường dẫn đến giao thông đi lại khó khăn.

Bà Trần Thị Trang (thôn Mỹ An, xã Phú Dương), một hộ dân sống ven sông Phổ Lợi cho biết, cầu Mỹ An trước đây chỉ xây dựng thô sơ, bắc ngang 3 ống sắt dẫn qua sông. Sau này được chính quyền địa phương xây dựng kiên cố, xe máy, xe thô sơ có thể di chuyển qua lại được. Tuy nhiên, qua thời gian, cầu đã xuống cấp. Trận lũ lớn vừa qua, lượng bèo lục bình tập trung rất nhiều, nước lớn chảy xiết, địa phương tập trung lực lượng giải phóng bèo để thông dòng không kịp, dẫn đến cầu bị sập, cuốn trôi.

“Không có cầu, người dân đi lại rất khó khăn. Đường sình lầy, khi ngập lụt thì không phân biệt được đâu là đường, đâu là sông. Bà con đang kiến nghị lên cấp trên để giải quyết”, bà Trang cho biết.

Không có cầu đi lại, người dân phải đi vòng lên cầu Phò An cách khoảng 1,5km, quãng đường xa, bùn sình lầy, thiếu hệ thống điện chiếu sáng. Để giải quyết việc đi lại trước mắt, người dân đã tự đóng góp mỗi hộ 250 nghìn đồng để làm phà (kết cấu bằng khung sắt, có thùng phuy nổi, trang bị áo phao) để qua sông tạm thời.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Phú Dương thông tin, trong các trận lụt liên tiếp vừa qua, địa phương chịu thiệt hại khá nặng về sản xuất nông nghiệp cũng như hạ tầng giao thông, trong đó có cầu Mỹ An. Xã đã nhận được phản ánh của các hộ dân và đã cử cán bộ khảo sát tuyến đường bê tông từ cầu Dương Nổ Đông - Phò An đến trạm bơm Bắc.

Hiện trạng đoạn đường có nhiều điểm xuống cấp, trong đó có 1km đường đất rất sình lầy, gây khó khăn trong đi lại cho người dân. Địa phương đã trích kinh phí sửa chữa tạm các đoạn hư hỏng trên tuyến, kè lại một số đoạn sạt lở, bắt thêm hệ thống chiếu sáng tạm thời cho các hộ dân đi lại.

Hiện, điểm cầu Mỹ An bị sập, địa phương đã rào lại nhằm đảm bảo an toàn giao thông và Ban ATGT, Công an huyện Phú Vang cũng nghiêm cấm người dân đi lại bằng phà tự chế do đoạn sông này sâu, không đảm bảo an toàn.

Về lâu dài, địa phương đã cho đấu thầu dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường bê tông từ cầu Dương Nổ Đông - Phò An đến trạm bơm Bắc với kinh phí khoảng 2,6 tỷ đồng từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020 của xã. Chính quyền cũng đang tính toán khi triển khai nâng cấp tuyến đường này phải làm sao không trùng với hạng mục thuộc dự án chỉnh trang sông Phổ Lợi-hói Mộc Hàn để tránh gây lãng phí về sau.

“Hiện, xã đang kiến nghị Ban ATGT huyện Phú Vang và các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án đảm bảo an toàn đi lại cho các hộ dân phía bên kia sông trong giai đoạn triển khai nâng cấp tuyến đường (đây là đường độc đạo) và xin ý kiến cấp trên về việc có xây lại cầu Mỹ An hay không”,  bà Hằng thông tin. (baothuathienhue.vn 10/11)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  “MyAladdinz”, nhiều rủi ro tiềm ẩn

Thời gian gần đây, hoạt động của ứng dụng MyAladdinz có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật do hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đưa ra những lợi ích phi lý khi sử dụng ứng dụng.

Thực tế hoạt động này đã huy động số lượng lớn người tham gia trên phạm vi cả nước cũng như tại địa bàn tỉnh và những người tham gia đang đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Hoạt động theo mô hình đa cấp

Những người phát triển ứng dụng MyAladdinz tại Việt Nam giới thiệu đây là sản phẩm của tập đoàn Success Resources (Singapore). Ứng dụng (app) MyAladdinz được xây dựng và phát triển như một sàn thương mại điện tử với tiện ích mua sắm hoàn tiền lên tới 80%. Những người tham gia MyAladdinz dùng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để lôi kéo, huy động số đông người tham gia đăng ký mở tài khoản, nộp tiền vào ứng dụng MyAladdinz.

Người tham gia nếu giới thiệu được nhiều người khác cùng sử dụng ứng dụng sẽ được hưởng hoa hồng theo các cấp trong bậc thang 15 tầng (từ F1 đến F15). Cụ thể, ứng dụng MyAladdinz, có thể dùng trên các thiết bị di động chạy hệ điều hành Android hoặc iOS, cung cấp một nền tảng cho phép các chủ gian hàng (người bán) và khách hàng (người mua) kết nối với nhau, để đổi lấy các sản phẩm và dịch vụ bằng hệ thống Gem (viên Ngọc) và điểm thưởng (Point). Đồng Gem và điểm thưởng trên hệ thống App này chủ yếu được sử dụng để mua các sản phẩm và dịch vụ từ các thương nhân trên hệ thống của MyAladdinz.

Sau khi tạo tài khoản và xác thực tài khoản, khách hàng có thể nạp Gem (1 Gem = 1 USD) vào tài khoản (tối thiểu lần đầu phải nạp là 100 USD, tương đương với 100 Gem). Các đối tượng quảng bá người dùng còn có thể sử dụng đồng Gem để thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe... Trong tương lai (quy đổi bằng điểm Point trên hệ thống) khi thực hiện 1 giao dịch; thanh toán càng nhiều dịch vụ trên App thì càng được hoàn trả nhiều điểm Point. Dựa trên số điểm tích lũy của mỗi khách hàng, hệ thống hứa hẹn mỗi ngày, người tham gia đăng nhập app sẽ được cộng quy đổi 0,2% điểm Point thành đồng Gem, để từ đó tiếp tục mua sắm, giao dịch sản phẩm trên App.

Ngoài ra, App này còn kêu gọi người tham gia giới thiệu người khác tham gia vào hệ thống để được hưởng hoa hồng. Cụ thể, nếu kêu gọi được 1 người tham gia vào app MyAladdinz, thì App sẽ trả cho người giới thiệu (gọi là F1) 80% số Gem người sau đóng tham gia hệ thống. Người tham gia cũng có thể giới thiệu cửa hàng vào bán hàng trên hệ thống.

Vi phạm pháp luật và nhiều rủi ro

Từ những biểu biệu trên, Công an tỉnh khuyến cáo người tham gia  ứng dụng MyAladdinz sẽ gặp phải rất nhiều nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn: Ứng dụng MyAladdinz chỉ là một sản phẩm được phát hành cho điện thoại thông minh, không có pháp nhân, đại diện thương mại, người đại diện pháp luật tại Việt Nam.

Bản chất của các tổ chức, cá nhân phát triển ứng dụng MyAladdinz tại Việt Nam thực hiện việc huy động vốn, trả lãi theo ngày (0,2%/ ngày) bằng điểm trên ứng dụng, rút được tiền mặt ra hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các đối tượng; hoạt động kinh doanh, phát triển mạng lưới người tham gia theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người sau trả cho người trước. Khi không thu hút được nhà đầu tư mới, có thể bị đối tượng đánh sập ứng dụng, nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền đã nạp.

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công thương đã xác định: Hiện chưa có đơn vị, tổ chức nào có tên MyAladdinz gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đến Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; chưa có đơn vị, tổ chức nào có tên MyAladdinz được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp.

Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin: Đối với hoạt động của ứng dụng MyAladdinz, lực lượng Công an toàn tỉnh sẽ căn cứ quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP, ngày 12/3/2018 của Chính phủ về “Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”; Nghị định 141/2018/NĐ-CP, ngày 08/10/208 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp” và quy định tại điều 217a, 290, Bộ luật Hình sự, để có phương án xử lý vi phạm của các trường hợp có liên quan. (baothuathienhue.vn 10/11)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Điểm danh hàng loạt nhà máy điện khí LNG "khủng" ở Huế, Bạc Liêu, Quảng Ninh...

Những nhà máy điện khí LNG với số vốn đầu tư hàng tỷ USD đang mọc lên ở Việt Nam.

Nhà máy điện này do Công ty cổ phần Chân Mây LNG đầu tư và phát triển. Đây là dự án điện độc lập, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, khai thác và bán điện theo quy định của pháp luật về điện lực. Dự án có vốn sở hữu 60% của Mỹ và 40% của Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, dự tính hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh.

Nhà máy điện khí LNG Chân Mây được đầu tư 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 nhà đầu tư sẽ xây dựng 3 tổ máy với tổng công suất 2.400MW, và dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2024-2026. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng 2 tổ máy với tổng công suất 1.600MW, vận hành thương mại giai đoạn 2026-2028. Sản lượng điện trung bình hằng năm cho 1 tổ máy 4.800 triệu kWh.

Nhà máy dự kiến được đặt giữa bến cảng nước sâu và các mạch đường dây 500kV, trong tổng khoảng cách dưới 10km. Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những dự án có hiệu quả kinh tế, tính khả thi rất cao khi được phép triển khai.

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, một Biên bản ghi nhớ về việc phát triển Dự án nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh đã được ký kết. Công suất dự kiến là 1.500 MW và là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của Miền Bắc. Tổ hợp nhà đầu tư bao gồm Tổng Công ty Điện lực Dầu Khí Việt Nam (PV Power), Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi), Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Marubeni.

Như vậy, nói về công suất dự kiến, nhà máy Chân Mây ở Huế có tổng công suất là 4.000 MW, gấp gần 3 lần so với nhà máy ở Quảng Ninh.

Hồi giữa tháng 9, dự án Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu (Dự án điện khí Bạc Liêu) cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Dự án có tổng mức đầu tư 93.600 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD), với tổng công suất 3.200 MW, là dự án đầu tư FDI được đánh giá lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) từ trước tới nay.

Đây là dự án tích hợp tổng thể gồm nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200 MW, trên khu vực rộng hơn 40 ha tại vùng ven biển xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình. Ngoài ra, dự án còn có trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu diện tích nổi FSU; trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU rộng khoảng 100 ha mặt biển, có công suất lưu trữ từ 150 nghìn đến 174 nghìn m3 LNG; trạm tái hóa khí và 35 km đường ống dẫn khí áp suất cao… Theo đại điện nhà đầu tư, dự án sẽ được triển khai xây dựng trong năm 2021 và chính thức đưa vào vận hành trong năm 2024.

So với dự án ở Huế, số tiền đầu tư của dự án ở Bạc Liêu bằng 2/3. Về công suất dự kiến, dự án ở Bạc Liêu bằng 80% dự án tại Huế.

Trước đó, hồi cuối tháng 7, cổng thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa cho biết lãnh đạo tỉnh đã gặp ông Sam Chan, Chủ tịch Công ty Millennium Việt Nam (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millennium), doanh nghiệp muốn đầu tư nhà máy điện và trung tâm LNG.

Trung tâm LNG, theo giới thiệu, có sức chứa trên 10 triệu m3 và nhà máy điện có công suất 4.800 MW. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 8 tỷ USD. Trong tương lai, Millennium sẽ nâng công suất nhà máy điện lên 9.600 MW và kho chứa lên 15 triệu m3. Tổng vốn đầu tư vào khoảng 15 tỷ USD.

Công ty đề nghị tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ thủ tục để triển khai dự án. Trong đó, Millennium nhấn mạnh đến việc hỗ trợ quy hoạch địa điểm thực hiện dự án, đưa dự án vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Địa điểm Millennium đề xuất là thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước hoặc ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa. (toquoc.vn 11/11)

 
 
 

2.  Phát triển công nghệ thông tin để hội nhập

Từ năm 2000 đến nay, Thừa Thiên Huế xác định, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) là ngành kinh tế mũi nhọn và đã đạt được những thành quả đặc biệt.

Khẳng định thế mạnh công nghệ

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh được chia làm 2 nhóm, nhóm thuộc cơ quan Nhà nước phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của bộ máy chính quyền, tổ chức xã hội và nhóm còn lại là các doanh nghiệp (DN) phát triển công nghiệp CNTT. Đến nay, các cơ quan Nhà nước đã cung cấp cho người dân và DN 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 1.425 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Với những kết quả này, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cấp tỉnh của Thừa Thiên Huế luôn nằm trong top dẫn đầu toàn quốc (năm 2017 xếp thứ nhất, năm 2018 xếp thứ 2 và năm 2019 xếp thứ nhất).

Ở lĩnh vực công nghiệp CNTT, hiện Thừa Thiên Huế có gần 200 DN CNTT. Theo đánh giá của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Xuân Sơn, công nghiệp CNTT đã có những bước tiến, nhất là trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ CNTT. Hoạt động xuất khẩu phần mềm cũng được các DN chú trọng triển khai. Công nghiệp nội dung số có sự phát triển khá tốt.

Thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM), tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ ĐTTM Hue-S với sự điều hành của Trung tâm IOC, tạo sự “khác biệt, đột phá” của tỉnh trong lĩnh vực ứng dụng CNTT.

Đến nay, Trung tâm IOC đã triển khai đồng thời hơn 10 dịch vụ ĐTTM và có 150 cơ quan chức năng của tỉnh tham gia các dịch vụ này. Với những hiệu quả thực tế, năm 2019, Giải pháp phát triển dịch vụ ĐTTM tỉnh Thừa Thiên Huế được Ban tổ chức giải thưởng Viễn thông châu Á vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á và đoạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ở hạng mục cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.

Tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ thông tin

Tháng 12/2019, Trung tâm CNTT tỉnh được kết nạp là thành viên chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Đây là bước đệm để Thừa Thiên Huế hình thành Khu CNTT tập trung, góp phần trong việc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó xác định “Công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá”. Mới đây nhất, trên bảng xếp hạng chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT khối các tỉnh, thành phố năm 2019, Thừa Thiên Huế dẫn đầu cả nước và là tỉnh duy nhất có chỉ số vượt 0,9 điểm.

Dự án thành phố truyền thông thông minh – Hue smart media city ở khu B An Vân Dương (diện tích hơn 39ha), do nhà đầu tư Hàn Quốc xin đầu tư. Tỉnh đang giao Trung tâm CNTT – HueCIT và Sở TT&TT phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình định hình xây dựng các lĩnh vực.

Hỗ trợ nhà đầu tư

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, tỉnh đang tạo môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Các chính sách ưu đãi trong CNTT sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho DN CNTT có điều kiện phát triển mạnh mẽ.

Ngoài ra, tỉnh đang tổ chức phát triển các chương trình liên kết, liên doanh để đào tạo, hướng tới các chương trình chuyển đổi nghề nghiệp, đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách, rõ ràng, minh bạch, thông thoáng để thu hút và kêu gọi đầu tư về lĩnh vực CNTT một cách toàn diện.

CEO PI Software Tống Phước Minh thông tin, thời gian qua, Huế đón hàng chục DN phần mềm từ Nhật về tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các công ty Nhật đánh giá rất cao môi trường cũng như những chính sách, chiến lược phát triển của tỉnh trong lĩnh vực CNTT. Như tập đoàn Mitani, Công ty Brycen (Nhật Bản). Đặc biệt, Brycen đang có kế hoạch phát triển một trung tâm mới, hiện đại về công nghệ “8K và 5G” tại Huế. Iglu Network cũng quyết định chọn Huế làm địa điểm mở công ty. Tổng giám đốc Công ty Hahalolo đã cam kết với Đại học Huế về hợp tác xây dựng mô hình đào tạo thực nghiệm theo cơ chế đặc thù lĩnh vực CNTT và du lịch giai đoạn 2020-2030.

Theo đại diện Tập đoàn Mitani Sangyo, Huế là địa phương tốt nhất để lựa chọn phát triển lĩnh vực CNTT. Vì vậy, Mitani Sangyo mở văn phòng tại Huế nhằm đào tạo và tuyển dụng sinh viên làm việc trong lĩnh vực thiết kế 3D, thiết kế phần mềm.

“Một yếu tố quan trọng nữa là lãnh đạo tỉnh tạo rất nhiều cơ chế thuận lợi, nhất là tạo điều kiện hỗ trợ về nhân lực CNTT cho DN… Những yếu tố trên tạo cho DN sự an tâm, tin tưởng khi đến tìm hiểu đầu tư tại Huế và hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều DN CNTT lớn đầu tư trong thời gian tới”, Giám đốc điều hành của PI Software nhận định.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp CNTT trong quá trình tìm hiểu cơ hội đầu tư khi đến Thừa Thiên Huế được xác định là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, với tinh thần chính quyền sẵn sàng, chính quyền phục vụ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, giới thiệu mặt bằng, đào tạo nhân lực nhằm thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp CNTT. Qua đó, “tạo điều kiện cho doanh nghiệp CNTT phát triển mạnh mẽ ở Thừa Thiên Huế”, ông Sơn cho hay.

Trong Đề án Phát triển công nghiệp CNTT tỉnh đến 2025 xác định phát triển công nghiệp CNTT là nội dung quan trọng để phát triển kinh tế số tại địa phương. Với quan điểm và tư duy đổi mới của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đó là lấy DN là hạt nhân, lấy thị trường chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm bàn đạp vươn ra cả nước và quốc tế, lấy tư duy hỗ trợ DN, đồng hành cùng DN làm chủ đạo, thay cho tư duy quản lý DN nhằm thu hút mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển những sản phẩm, dịch công nghệ số tiên tiến hàng đầu trên thế giới. (baothuathienhue.vn 10/11)

 
 
 

3.  Phục hồi kinh tế sau thiên tai: Ngân hàng nhập cuộc

Thống kê thiệt hại sau bão, lụt, xây dựng kế hoạch hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại là những việc đang được hệ thống ngân hàng trên địa bàn đồng loạt triển khai.

Hỗ trợ bước đầu

Hơn 2.000 tỷ đồng là con số thiệt hại được thống kê trong các đợt lụt, bão vừa qua. Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, toàn tỉnh có gần 500 ha hoa màu thiệt hại trên 70%; gần 900 ha cao su; 1.300 ha rừng, cây ăn quả thiệt hại từ 50 -70%... Thiệt hại về nông, lâm nghiệp đến nay gần 353 tỷ đồng, nhà ở 660 tỷ đồng; chăn nuôi, thủy sản hơn 53 tỷ đồng…

Trước khó khăn của người dân, các ngân hàng trên địa bàn vận động cán bộ, nhân viên, người lao động hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại; nhất là các gia đình có thiệt hại về người, hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Giám đốc Vietcombank Huế, đơn vị đã trao 5 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào vùng lũ Thừa Thiên Huế thông qua Ủy ban MTTQVN tỉnh; thăm hỏi động viên một số gia đình bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, các cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại xã Phong Xuân huyện Phong Điền.

Vietcombank Huế đã rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại đối với khoản cho vay hiện đang còn dư nợ, đề xuất kịp thời hướng xử lý, tháo gỡ khó khăn giúp khách hàng sớm ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Thừa Thiên Huế, đến 30/10, ngành ngân hàng trên địa bàn đã ủng hộ 12,25 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn do thiên tai.

Giảm lãi suất cho vay đang được các ngân hàng triển khai nhằm hỗ trợ khách hàng

Giải pháp dài hơi

Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Thừa Thiên Huế thông tin, NHNN đã có chỉ đạo, điều hành các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động nắm sát tình hình mưa, khẩn trương rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại do mưa lũ để kịp thời triển khai việc hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại.

NHNN yêu cầu các TCTD, chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch khẩn trương chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, căn cứ khả năng tài chính xem xét miễn, giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ.

Các TCTD hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định 55, Nghị định 116 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đó, các ngân hàng đã đồng loạt triển khai khảo sát sơ bộ thiệt hại ban đầu của khách hàng. Qua rà soát bước đầu của các chi nhánh, TCTD trên địa bàn, dư nợ bị thiệt hại do ảnh hưởng bão lụt của khách hàng là 208,9 tỷ đồng với 1.826 khách hàng bị ảnh hưởng, trong đó có 35 doanh nghiệp. Các chi nhánh, TCTD đã cho vay mới khôi phục sản xuất 1 khách hàng, với số tiền là 590 triệu đồng để khôi phục sản xuất; cơ cấu lại nợ cho 178 khách hàng, dư nợ được cơ cấu là 2,84 tỷ đồng.

Là một trong những ngân hàng tập trung cho vay vốn phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Agribank Thừa Thiên Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm đánh giá thiệt hại ban đầu của khách hàng để có hướng hỗ trợ khắc phục.

Theo đại diện ngân hàng này, đơn vị đang triển khai đánh giá thiệt hại sơ bộ theo từng địa bàn làm cơ sở đánh giá thiệt hại từng khách hàng, tùy vào các chương trình vay vốn triển khai sẽ có những đề xuất cụ thể với Agribank có những hướng hỗ trợ như gia hạn nợ, khoanh nợ, cho vay bổ sung để khắc phục thiệt hại, khôi phục kinh tế.

Các ngân hàng còn lại cũng đã triển khai rà soát, bám sát khách hàng để cập nhật tình hình thiệt hại, từ đây có giải pháp hỗ trợ cho người dân.

Ông Văn Đức Thọ, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Thừa Thiên Huế thông tin, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tổng hợp nhu cầu vốn trình Trung ương xem xét bổ sung thêm 90 tỷ đồng và mới được bổ sung được 10 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo các NHCSXH cấp huyện trước mắt tập trung nguốn vốn thu hồi được (nguồn vốn quay vòng) cộng với số vốn Trung ương mới bổ sung (10 tỷ) ưu tiên triển khai cho vay các hộ bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lụt vừa qua để khôi phục sản xuất kinh doanh. (baothuathienhue.vn 11/11)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.693.700
Truy cập hiện tại 327