Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 16/11/2020
Ngày cập nhật 17/11/2020
TIN NÓNG
 

1.  Sạt lở nặng Hộ thành hào bên Kinh thành Huế, nhiều nhà dân bị uy hiếp

Sau những đợt bão lũ triền miên khiến Hộ thành hào bên chân Kinh thành Huế bị sạt lở nặng. Nhiều nhà dân cùng tuyến đường người dân, du khách qua đây bị mất an toàn.

Rạng sáng 15.11, do ảnh hưởng cơn bão số 13, nhiều cây xanh ở bên đường Trần Huy Liệu, P.Phú Hòa, TP.Huế đã bị đổ rạp, nằm bẹp xuống Hộ thành hào bên chân Kinh thành Huế.

Cùng với cây xanh, hệ thống trụ, đèn đường bên tuyến đường này cũng bị ngã xuống Hộ thành hào, hư hỏng nặng. Sau khi nhiều cây xanh ngã đổ, bứng gốc đã kéo theo những mảng kè và đất đá trôi xuống hào gây nên tình trạng sạt, xói lở nặng.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, hiện tình trạng sạt lở, cây xanh ngã đổ xảy ra trên đoạn đường Trần Huy Liệu đoạn cửa Ngăn đến cửa Thượng Tứ (hai trong nhiều cửa vào ra thành nội), trong đó có 2 đoạn chiều dài khoảng 200m bị xói, sạt lở nặng, có khoảng 10 cây bằng lăng trồng 15-20 năm bị ngã đổ. Tình trạng sạt lở đang uy hiếp đến an toàn khoảng 10 hộ dân.

Tuyến đường Trần Huy Liệu hay còn gọi là “Bờ hồ đường Trần Hưng Đạo” nằm mặt sau đường Trần Hưng Đạo, thuộc P.Phú Hòa, được chỉnh trang đã 20 năm, là phần đường chạy dọc theo một phần của Hộ thành hào, ở phía đối diện với chân Kinh thành Huế từ cửa Ngăn đến đường Phan Đăng Lưu, xuyên qua khu dân cư đông đúc. Tuyến đường này được trồng chủ yếu là cây bằng lăng, thường được nhiều du khách đến Huế tản bộ tham quan.

Trao đổi với Thanh Niên, Chủ tịch UBND P.Phú Hòa, ông Tôn Thất Thái, xác nhận tình trạng nói trên và cho biết kể từ sau bão số 5 (giữa tháng 9.2020) lũ bão liên miên, cùng với đó việc nạo vét Hộ thành hào để chỉnh trang, tu bổ di tích cũng tác động đến độ ổn định của chân kè đường Trần Huy Liệu gây nên sụt lở. Điều nguy hiểm nhất hiện nay là việc sạt lở đã sát với nhà người dân, đoạn đường sạt lở đang mất điện đường nên mất an toàn cho người đi lại qua đây. UBND phường đã báo cáo, kiến nghị với UBND TP.Huế bố trí kinh phí để khắc phục, gia cố, xử lý đoạn đường bên Hộ thành hào bị sạt lở; trước mắt chỉ đạo công an phường phối hợp với người dân giăng dây, có biện pháp cảnh báo nguy hiểm. (thanhnien.vn 15/11)

 
 
 

2.  Áp lực bèo tây

Cảm giác như là có sự ngỗ ngược nào đó, rất khó chịu khi nhìn những cánh đồng lúa, ruộng rau bị bèo tây chiếm chỗ. Chúng xanh rì, và có vẻ rất ngang nhiên yên vị ở những nơi vốn dành cho nơi làm ra hạt gạo, bó rau, củ sắn và các loại rau màu khác. Gần tháng đã qua kể từ sau đợt lũ, nhưng chừng như bà con vẫn chưa thể đẩy hết lũ bèo ngang ngạnh kia ra khỏi mảnh ruộng, mảnh vườn của mình.

Những điều đó đã chi phối tôi, trong chuyến công tác về các xã ven đầm phá thuộc hai huyện Phong Điền, Quảng Điền ngày cuối tuần trước. Vẫn biết đó là một trong những hệ quả của mưa lũ và bèo tây theo con nước tràn về, song đôi khi sự nghi ngại về sự xâm lấn, như một vấn nạn vẫn cứ lơ lửng hoài trong ý nghĩ. Không hẳn là bất lực, song ở một góc độ nào đó, việc đổ bộ và chiếm chỗ của bèo tây đã cho thấy giới hạn của con người. Cũng có thể, phần nào đó thể hiện tính thiếu quyết liệt trong việc bảo vệ đất, bảo vệ mùa màng, bảo vệ cơm ăn áo mặc của người dân.

Đã có không ít những đợt ra quân và tuyên chiến với bèo tây (hoặc trước đó nữa là cây mai dương). Hình ảnh các bạn trẻ trong đồng phục áo xanh đồng hành cùng người dân vớt bèo, tìm cách ngăn không cho chúng xâm nhập vào đồng ruộng từ sông, ao hồ, đầm phá… có những ngày tràn ngập trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Nhưng trước khi trở thành một giống loài mang đến hữu ích nếu được khai thác, tận dụng, sơ chế và chuyển hóa thành hàng thủ công mỹ nghệ, bèo tây xem ra vẫn ngoan cố khi cố thủ trên các dòng sông và làm chúng chậm chảy khi cố thủ trong các ao hồ và lì lợm sinh sôi. Có những hôm ngồi ở hàng hiên phía ngoài nhà hàng Cồn Tộc, chúng tôi đã nói với nhau về việc làm thế nào, có cách gì để có thể đẩy lùi được tốc độ lan quá nhanh ở vùng đầm phá. Đó là khi chúng tôi trông thấy người dân vất vả dầm mình dưới nước để dọn bèo. Là khi trông thấy những con thuyền khó nhọc tìm cách lách qua những mảng bèo ken chật…

Phải từ từ và bình tĩnh thôi là cách mà một người dân ở Hóa Châu đã nói về việc xử lý lũ bèo đang chiếm chỗ ruộng rau sau nhà của ông. Qua lũ, mọi người đã tốn rất nhiều công để sắp đặt, dọn dẹp, đẩy bùn ra khỏi nhà cửa, sân vườn, đường sá… và cố gắng vớt vát, khôi phục lại những gì có thể để đưa cuộc sống trở lại nhịp bình thường. Ít nhất thì đó cũng là cách mà nhà cửa, đường sá phong quang trở lại. Tôi cũng đã trả lời nhận xét của các nhân viên đến từ một dự án phi chính phủ khi đi khảo sát để chuẩn bị cho việc cứu trợ, khi họ nhận xét rằng, các khu vực dân cư, xóm làng ở Huế trông có vẻ ổn hơn rất nhiều so với địa phương bạn. “Nhưng  bèo vào cả ruộng vườn và nhiều đến thế kia thì phải làm gì chứ...?” đã trở thành câu hỏi lửng vì tôi không biết cách, cũng không tìm ra được câu trả lời.

“Vớt không nổi, xe cày không xuể” là câu trả lời các comment của bạn Phạm Ngọc Dũng. Tôi đã dừng lại ở trang facebook của Dũng, với hình ảnh một người đang điều khiển xe cày lật bèo trên một cánh đồng rộng đầy bèo. “Lũ, lụt về cuốn trôi hết tài sản, hoa màu, để lại hàng núi bèo hoa dâu; sau lũ bà con phải mất nhiều công sức xử lý bèo để sản xuất, nhưng vụ lúa đông xuân năm nay khả năng mất mùa vẫn cao, vì xác bèo sẽ làm đất xốp, cây lúa dễ ngã, hạt lép.” – Dũng viết.

Những ô ruộng xanh rì một cách bướng bỉnh ấy đã bám theo tôi trên đường về, như một áp lực. (baothuathienhue.vn 15/11)

 
 
 

3.  Tạm thời nhưng cần thiết

Liên tiếp trong 2 ngày 12 và 13/11, khi mực nước lũ không còn cao điểm thì trên địa bàn tỉnh lại xảy ra các sự cố khiến 4 người thiệt mạng.

Đây là những sự cố mà hầu như năm nào cũng xảy ra, trong thời điểm thiên tai tưởng chừng như tạm lắng. Đặc biệt trong năm nay, thời gian bão lũ kéo dài, khiến người dân không khỏi bồn chồn, lo lắng cho đời sống sinh hoạt, mưu sinh và học hành của con em.

Người dân không khỏi xót thương trường hợp em T.T.N.H ở vùng quê nghèo thôn An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền (sinh viên năm 2, Khoa Du lịch) xin nhờ xe công nông vượt lũ để lên TP. Huế trở lại lớp, rồi không may xe bị lật, khiến em thiệt mạng.

Với tính năng gầm cao, 2 cầu, kết cấu đơn giản…, xe công nông được người dân tận dụng để di chuyển trên những tuyến đường ngập lụt. Về các vùng lũ, không khó để bắt gặp những chiếc công nông trung chuyển người, hàng hóa qua những khu dân cư còn mênh mông nước.

Bên cạnh những tiện ích, xe công nông hoạt động trong mùa lũ dễ gặp nhiều rủi ro. Phần lớn người điều khiển phương tiện chủ yếu tự tập lái là chính; đường nông thôn không có trụ tiêu, khi nước ngập rất dễ điều khiển xe xuống vực sâu bên đường.

Trên một số đoạn đường tỉnh, đường huyện ngập sâu, người dân còn dùng đò nhôm để trung chuyển khách; mà theo phản ánh, người điều khiển không chuyên nghiệp, các vật dụng cứu sinh hầu như không có. Đây là vấn đề cũng cần được quan tâm khi lũ lụt vẫn có nguy cơ kéo dài, với nhiều sự cố phát sinh không ngờ tới.

Sự cố còn bất ngờ ập tới với chị Hoàng Thị Thảo ở Khuông Phò Nam, thị trấn Sịa trong lúc dọn dẹp nhà cửa thì bị tường nhà đổ sập đè lên người, khiến chị tử vong; nguyên nhân do nước lũ ngâm kéo dài dẫn đến tường bị mục.

Suốt một tháng nay, nhiều khu dân cư, nhiều tuyến đường hầu như bị ngâm trong nước lụt. Ngoài thiệt hại về sản xuất, nhiều công trình, hạ tầng đang xuống cấp; trong lúc, không ít người dân vẫn phải đi lại, sinh hoạt như một thói quen lâu nay. Cho nên, việc rà soát, đánh giá hiện trạng để cảnh báo ngay từ bây giờ là rất cần thiết; nhất là những ngôi nhà đã xây dựng lâu năm.

Đối với những tuyến giao thông, kể cả giao thông nông thôn, phải tăng cường các trụ tiêu tại các đoạn ngập, có thể tạm thời đóng bằng cọc tre để người và phương tiện dễ nhận biết; có biển cảnh báo đối với đoạn đường nguy hiểm. Ngoài ra, cần bố trí lực lượng kiểm tra việc trung chuyển người bằng xe công nông, bằng đò hay bằng các hình thức khác… để đảm bảo an toàn.

Theo dự báo, tình hình thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ ngập lụt vẫn còn kéo dài. Trong lúc chờ nước rút để khôi phục cơ sở hạ tầng thì những giải pháp tạm thời hiện nay là rất cần thiết, nhằm góp phần hạn chế những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. (baothuathienhue.vn 16/11)

 
 
 

4.  Thủy điện Thượng Nhật không tuân thủ vận hành hồ chứa, gây mất an toàn cho hạ du

Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Thừa Thiên Huế xử lý nghiêm theo quy định vụ thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép, không tuân thủ chỉ đạo vận hành hồ chứa.

Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã có công văn gửi Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)  và các tỉnh miền Trung về việc đảm bảo an toàn công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện.

Theo Ban Chỉ đạo, phần lớn các thủy điện đã hoạt động hiệu quả, tham gia cắt lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng một số thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ do tư nhân quản lý, chưa thực hiện đúng các quy định về tích nước và vận hành, điển hình như trường hợp thủy điện Đắk Kar (Đắc Nông) và gần đây nhất là thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) gây mất an toàn cho hạ du.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện, trước mắt nhằm chủ động ứng phó với bão số 13 và mưa lũ sau bão, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về tích nước, vận hành cũng như các phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa theo quy định, phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đối với trường hợp vi phạm tại thủy điện Thượng Nhật, đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ việc chấp hành của chủ hồ, đồng thời xử lý nghiêm khắc theo quy định, tránh để xảy ra tình trạng tương tự.

Liên quan đến thủy điện Thượng Nhật, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam và Tổng công ty Điện lực Miền Trung, yêu cầu dừng ngay việc tích nước, đồng thời vận hành mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn Dự án thủy điện Thượng Nhật theo quy trình vận hành hồ chứa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt tại Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 01/9/2019 để đưa mực nước hồ chứa về cao trình + 114 m (bằng cao trình ngưỡng tràn).

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương yêu cầu, Chủ đầu tư Dự án thủy điện Thượng Nhật dừng ngay việc tích nước, đồng thời vận hành mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn Dự án thủy điện Thượng Nhật theo quy trình vận hành hồ chứa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt tại Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 01/9/2019 để đưa mực nước hồ chứa về cao trình + 114 m (bằng cao trình ngưỡng tràn). Việc tích nước hồ chứa chỉ được thực hiện khi có văn bản đồng ý của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế;

Đảm bảo chế độ báo cáo, thông tin, liên lạc thường xuyên, thông suốt với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, huyện Nam Đông và xã Thượng Nhật để kịp thời tiếp nhận các chỉ đạo về công tác ứng phó thiên tai cho công trình theo quy định.

Đồng thời, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo yêu cầu, Tổng công ty Điện lực miền Trung Không mua điện của nhà máy thủy điện Thượng Nhật khi chưa đủ điều kiện theo quy định; Khẩn trương báo cáo chi tiết quá trình thực hiện công tác kiểm tra các điều kiện đối với bên bán điện (Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam) theo quy định hiện hành.

Trước đó, thông báo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam, Chủ đầu tư Dự án thủy điện Thượng Nhật không tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc vận hành hồ chứa khi chưa được UBND tỉnh đồng ý cho tích nước vận hành phát điện. (baodautu.vn 15/11; baodatviet.vn 15/11; anninhthudo.vn 15/11; doisongphapluat.com 15/11; nld.com.vn 14/11; antt.nguoiduatin.vn 14/11)

 
 
 

5.  Thừa Thiên Huế: Hàng loạt trường học tan hoang sau bão số 13

Bão số 13 đã gây thiệt hại nặng nề với hàng loạt trường học ở Huế, nhiều trang thiết bị dạy và học của các trường hư hỏng, nhiều địa phương đã cho học sinh nghỉ học vì trường học ngập lụt do bão gây ra.

Bão số 13 đã "đổ bộ" vào các tỉnh miền Trung gây hậu quả nghiêm trọng tại các địa phương như: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… Đối với ngành giáo dục, dù chưa có thống kê cụ thể, song ở các địa phương này đã gây thiệt hại nặng nề đối với các trường học. Nhiều trường học bị bão làm tốc mái, tập tường, ngập lụt…

Tại Thừa Thiên Huế, sơ bộ cho thấy ngành giáo dục bị thiệt hại rất nặng nề. Nhiều trường học bị tốc mái, bay ngói, sập tường rào, cây ngã đổ ngổn ngang sân trường.

Chiều 15/11, có mặt tại trường TH Phú Thuận là một trong những trường thuộc vùng ven biển huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Do ảnh hưởng của cơn bão số 13 (Vamco), ngôi trường này đã bị thiệt hại nặng nề, hư hỏng nhiều cơ sở vật chất.

Ghi nhận của PV GD&TĐ tại trường sau cơn bão số 13, trường có dãy nhà với 4 phòng (1 phòng học, 3 phòng chức năng) bị tốc mái hoàn toàn, nhiều cơ sở vật chất, đồ dùng học tập trong các phòng bị tốc mái, ngấm ướt nước mưa, hư hại. 

Ngoài dãy nhà tốc mái thì ngồi trường cũng bị nhiều như hỏng khác như nhiều viên ngói tại các dãy nhà khác bị đổ vỡ, nhà để xe của trường bị gió mạnh cuốn nằm nghiêng ngả sang một bên.

Cũng trong chiều cùng ngày, nhà trường cũng huy động cán bộ, giáo viên đến làm vệ sinh, dọn dẹp hậu quả mà cơn bão để lại với mục tiêu nhanh chóng khắc phục hậu quả để sớm đưa học sinh trở lại trường.

Ông Đỗ Viết Đề, Hiệu trường Trường Tiểu học Phú Thuận cho biết: Rạng sáng cùng ngày, bão số 13 gây gió to và giật mạnh tại địa phương. Khi hết gió giật mạnh ông đến trường thì thấy cảnh một dãy nhà có bốn phòng học tan hoang. Bên trong các thiết bị dạy học ẩm ướt, hư hỏng.

Ngoài trường tiểu học Phú Thuận (huyện Phú Vang) thì tại huyện Phú Lộc có nhiều trường khác bị ảnh hưởng, hư hỏng về cơ sở vật chất; ở thị xã Hương Trà và các địa phương khác cũng có nhiều ảnh hưởng, hư hỏng nhưng hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể. (giaoducthoidai.vn 15/11; zingnews.vn 15/11; tienphong.vn 15/11; plo.vn 15/11)

 
 
 

6.  Xử nghiêm thủy điện Thượng Nhật tích nước 'chui', vi phạm chống bão

Thủy điện Thượng Nhật ở tỉnh Thừa Thiên Huế không chấp hành nghiêm việc mở 5 cửa van để ứng phó với bão số 13, sau khi tự ý tích nước khi chưa được cấp phép.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (BCĐ) vừa có công văn gửi Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam và các tỉnh miền Trung về việc đảm bảo an toàn công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện.

BCĐ cho biết, phần lớn các thủy điện đã hoạt động hiệu quả, tham gia cắt lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng một số thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ do tư nhân quản lý, chưa thực hiện đúng các quy định về tích nước và vận hành, điển hình như trường hợp thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông) và gần đây nhất là thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) gây mất an toàn cho hạ du.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện, trước mắt nhằm chủ động ứng phó với bão số 13 và mưa lũ sau bão, BCĐ đề nghị các đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về tích nước, vận hành cũng như các phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa theo quy định, phát hiện kịp thời và có các biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đối với trường hợp vi phạm tại thủy điện Thượng Nhật, đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ việc chấp hành của chủ hồ, đồng thời xử lý ngiêm khắc theo quy định, tránh để xảy ra tình trạng tương tự.

Bộ Công Thương tối nay cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam và Tổng công ty Điện lực Miền Trung, yêu cầu dừng ngay việc tích nước, đồng thời vận hành mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn Dự án thủy điện Thượng Nhật theo quy trình vận hành hồ chứa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt để đưa mực nước hồ chứa về cao trình + 114 m (bằng cao trình ngưỡng tràn).

Việc tích nước hồ chứa chỉ được thực hiện khi có văn bản đồng ý của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tổng Công ty Điện lực Miền Trung không mua điện của nhà máy thủy điện Thượng Nhật khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Khẩn trương báo cáo chi tiết quá trình thực hiện công tác kiểm tra các điều kiện đối với bên bán điện (Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam) theo quy định hiện hành. (vietnamnet.vn 14/11; sggp.org.vn 16/11)

 
 
 

7.  Ai là chủ đầu tư nhà máy thủy điện 'chống lệnh' điều tiết lũ tại Huế?

Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) không chấp hành lệnh điều tiết lũ, khiến UBND tỉnh này phải yêu cầu công an tỉnh giám sát việc chấp hành của nhà máy.

Ngày 14/11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công điện khẩn yêu cầu chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, huyện Nam Đông chấp hành lệnh điều tiết lũ, đồng thời yêu cầu Giám đốc công an tỉnh chỉ đạo giám sát việc chấp hành của nhà máy này 24/24h.

Được biết, Nhà máy thủy điện Thượng Nhật có công xuất 11MW, do Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung làm chủ đầu tư, ông Lê Văn Khoa làm đại diện pháp luật.

Dự án được khởi công năm 2008, mới thực hiện thủ tục giải phóng mặt bằng chưa triển khai thi công công trình chính. Do khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2010-2012 nên dự án đã tạm dừng thi công. Dự án tiếp tục triển khai thi công các hạng mục công trình chính năm 2017. Hiện nay, dự án này đang được thi công, chưa được phép tích nước vận hành.

Theo tìm hiểu, đây không phải là lần đầu Nhà máy thủy điện Thượng Nhật không tuân thủ lệnh điều tiết lũ của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trước đó, nhà máy này không chấp hành nghiêm túc công điện khẩn ứng phó bão số 9 của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Liên quan đến sự việc, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã phải có văn bản hỏa tốc gửi Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam yêu cầu 2 việc.

Việc thứ nhất, dừng ngay việc tích nước. Việc thứ hai là mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn dự án thủy điện Thượng Nhật theo quy trình vận hành hồ chứa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt tại Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 1/9/2019 để đưa mực nước hồ chứa về cao trình + 114m (bằng cao trình ngưỡng tràn). Việc tích nước hồ chứa chỉ được thực hiện khi có văn bản đồng ý của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam đảm bảo chế độ báo cáo, thông tin, liên lạc thường xuyên, thông suốt với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, huyện Nam Đông và xã Thượng Nhật để kịp thời tiếp nhận các chỉ đạo về công tác ứng phó thiên tai cho công trình theo quy định.

Song song với đó là khẩn trương báo cáo chi tiết, đầy đủ về Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo các nội dung gồm: công tác quản lý chất lượng công trình; công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, nghiệm thu tích nước hồ chứa và các điều kiện đảm bảo công trình được đưa vào vận hành phát điện, bán điện; kết quả thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, trồng rừng thay thế, tiến độ thực hiện dự án cho đến thời điểm hiện tại.

Đối với Tổng công ty Điện lực miền Trung, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo yêu cầu đơn vị này không được mua điện của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Đồng thời Tổng công ty phải khẩn trương báo cáo chi tiết quá trình thực hiện công tác kiểm tra các điều kiện đối với bên bán điện (Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam) theo quy định hiện hành. (antt.nguoiduatin.vn 15/11)

 
 
 

8.  Quảng Điền: khó khăn chồng chất khó khăn

Trong lúc đó tại huyện Quảng Điền, người dân đang gặp rất nhiều khó khăn bởi nước lũ đợt trước chưa rút nay lại ngập nặng thêm đã khiến mọi hoạt động sản xuất, giáo dục một số nơi tê liệt. Quảng Điền đang rất cần sự trợ giúp về nguồn lực để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. (phóng sự ngắn trt.com.vn 15/11)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Phó chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình kiểm tra khắc phục sau bão số 13 tại Phong Điền

Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại buổi kiểm tra tình hình thiệt hại cơn bão số 13 tại huyện Phong Điền vào ngày 15/11.

Theo báo cáo ban đầu của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Phong Điền, nhờ chủ động trong công tác phòng chống bão số 13, nên trên địa bàn huyện xảy thiệt hại ít.

Bão số 13 đã làm cho 10 phòng học ở tầng 2 tại trường THPT Tam Giang bị bay mái tôn hoàn toàn, 12 cột điện tại xã Điền Hải và Phong Chương bị gãy đổ, hơn 1.200 ngàn cây keo, tràm bị gãy, một số nhà dân các xã Điền Hải, Điền Hương, Phong Hải, Điền Lộc, Phong Sơn bị tốc mái một phần, trong đó có 2 nhà dân ở xã Điền Hải tốc mái hoàn toàn. Nhiều vùng ngập sâu, trong đó thôn Ma Nê xã Phong Chương và đội ngư nghiệp Tân Bình xã Phong Bình bị chia cắt.

Ông Trần Văn Bác - Bí thư Chi bộ thôn Ma Nê, xã Phong Chương cho biết, toàn thôn có 69 hộ với hơn 160 khẩu, các đợt lụt vừa qua đã làm thôn bị chia cắt hoàn toàn và bị ngâm nước lũ ngâm dài ngày. Nay cơn bão số 13 kèm theo mưa to gió lớn làm nước sông Ô Lâu lên nhanh, hiện nay đường vào thôn đã ngập hơn 1,2 m, nhiều nhà dân trong thôn bị ngập hơn 0,5m. Hiện lương thực dự trữ và các nhu yếu phẩm được các đoàn cứu trợ cho bà con chỉ còn đủ dùng trong 7 ngày.

Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, cơn bão số 13 đã làm tốc mái 27 nhà dân. Bên cạnh đó do triều cường kết hợp sóng lớn xâm thực bờ biển đã làm sạt lỡ và cuốn trôi hàng nghìn bao cát gia cố trước đó tại bờ biển xã Phong Hải.

Kiểm tra tình hình thiệt hại do cơn bão số 13 tại trường THPT Tam Giang, huyện Phong Điền, ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Phong Điền huy động lực lượng quân sự, Đồn Biên phòng Phong Hải để cùng với cán bộ, giáo viên nhà trường khắc phục hậu quả do cơn bão số 13 gây ra. Khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên, trường lớp để ngày mai (16/11) các em học sinh đi học lại bình thường. Đồng thời ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị Ban giám hiệu nhà trường tiến hành rà soát, thống kê đầy đủ thiệt hại báo cáo cho Sở GD&ĐT tỉnh, UBND huyện để có phương án hỗ trợ sữa chữa kịp thời đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi đến lớp.

 “Đề nghị huyện Phong Điền và các địa phương giúp dân lợp lại nhà tốc mái sớm ổn định cuộc sống; đồng thời, tiếp tục thống kê thiệt hại do cơn bão số 13 gây ra, báo cáo UBND tỉnh kịp thời để có hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống sau bão”, ông Bình yêu cầu. (baothuathienhue.vn 15/11)

 
 
 

2.  Bám thực tế, cụ thể hóa từng nhiệm vụ

Bám sát nhiệm vụ, chỉ tiêu nghị quyết đại hội; xây dựng chương trình hành động phù hợp, sát thực tế, Đảng bộ Phòng Tham mưu đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tặng Cờ Thi đua Quyết thắng năm 2020.

Thượng tá Đặng Đình Liêu, Bí thư Đảng ủy Phòng Tham mưu, Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh cho biết, ngay sau đại hội, Đảng ủy đã quán triệt và triển khai nghiêm túc Nghị quyết, kế hoạch của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Nghị quyết của Đảng ủy phòng gắn với nội dung, biện pháp, giải pháp cụ thể trên các mặt công tác.

Trong quá trình thực hiện, Đảng ủy luôn chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; tổ chức tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa những biểu hiện sai trái, thực hiện tốt phong trào thi đua, xây dựng điển hình tiên tiến.

Đảng ủy từng bước đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt, chất lượng ra nghị quyết, phát huy trí tuệ tập thể và vai trò trách nhiệm của đảng viên trong xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Phòng Tham mưu lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, sát thực tế. Trong đó, tập trung lãnh đạo tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của cấp ủy, chi bộ và từng cá nhân, nhất là cán bộ chủ chốt; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); nâng cao chất lượng tham mưu các mặt công tác… Phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có từ 15 - 20% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; không có cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức lối sống, kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước.

Trên cơ sở đó, phòng kịp thời tham mưu, đề  xuất Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ vững chắc hệ thống đường biên, cột mốc, vùng biển với 244 lượt/1.724 người tham gia tuần tra; duy trì 100% quân số thực hiện vụ tại các tổ, chốt phòng chống dịch COVID - 19 trên biên giới.

Trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, phòng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tổ chức kêu gọi được 2.062 phương tiện/11.350 lao động vào bờ neo đậu và điều động 1.360 lượt cán bộ, chiến sĩ, 89 phương tiện của các đơn vị phối hợp tổ chức di dời 3.967 hộ/13.338 khẩu từ vùng thấp trũng đến nơi an toàn; điều động 270 lượt cán bộ, chiến sĩ khắc phục sự cố bờ biển…

Theo Thượng tá Đặng Đình Liêu, thời gian tới, Đảng ủy Phòng Tham mưu sẽ tiếp tục bám sát các nghị quyết của cấp trên và căn cứ vào tình hình thực tế, diễn biến của 2 tuyến biên giới để xây dựng nghị quyết của đảng bộ sát thực tế, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tham mưu các mặt công tác; chỉ đạo các đơn vị trên 2 tuyến biên giới tiếp tục làm tốt công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn đóng quân trong các dịp lễ, tết… và duy trì công tác đối ngoại biên phòng với nước bạn Lào. (baothuathienhue.vn 16/11)

 
 
 

3.  Tập trung đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, các cấp ủy Đảng trong lực lượng biên phòng tỉnh tập trung cụ thể hóa chủ trương lãnh đạo, tổ chức thực hiện các mặt công tác sát với tình hình của địa phương, đơn vị và yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đồn mạnh trên cơ sở xã mạnh

Sau 30 phút giao ban, tổ công tác do Trung tá Hồ Văn Hằng, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân làm tổ trưởng bủa về xã Trung Sơn (huyện A Lưới) làm nhiệm vụ kết hợp củng cố cơ sở chính trị và tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tại thôn A Niêng Lê Triêng 1, các anh cùng với chi bộ thôn và cán bộ khuyến nông giúp dân khắc phục diện tích sản xuất bị thiệt hại do bão lũ; đồng thời, triển khai cho bà con quy trình xây dựng mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng. Sau khi tuyên truyền về chủ trương và hướng dẫn bà con các khâu kỹ thuật, cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác cùng cuốc đất, đắp ao với bà con.

Ông Hồ Văn Ngun ở thôn A Niêng Lê Triêng 1 kể: “Về với bà con, ngày thì các anh tuyên truyền mọi người loại bỏ tập tục du canh, xâm canh trên địa bàn biên giới, ngày thì các anh lại tỉ mỉ hướng dẫn đồng bào các khâu chăm sóc cây trồng, vật nuôi…”.

Thượng tá Hồ Văn Hiệp, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Đồn BPCK Hồng Vân cho biết, cùng với việc cụ thể hóa chủ trương lãnh đạo công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới, xây dựng cơ sở biên phòng vững mạnh toàn diện, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh xác định công tác giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Để cụ thể hóa chủ trương này, đơn vị xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác vận động quần chúng về kiến thức khuyến nông, khuyến lâm nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ phục vụ tốt công tác ở địa bàn.

Đảng ủy Đồn BPCK Hồng Vân là một trong các đơn vị được đánh giá sớm chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống với nội dung trọng tâm. Mỗi mặt công tác, Đảng ủy đều có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, đáng chú ý là chủ trương lãnh đạo gắn nhiệm vụ chính trị của đơn vị với tham gia phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương theo phương châm “Đồn mạnh trên cơ sở xã mạnh”.

Phù hợp nhiệm vụ, tình hình thực tế

Xác định công tác bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển thuộc địa bàn thị trấn Thuận An và các xã Phú Thuận, Phú Hải (huyện Phú Vang) là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, xuyên suốt, ngay sau khi có Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Đảng ủy Đồn BPCK cảng Thuận An xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể hóa và tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ học tập nắm vững các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh công tác biên phòng của cấp trên và của đơn vị. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn để đề ra chủ trương lãnh đạo phù hợp với từng thời điểm.

Thiếu tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Đồn BPCK cảng Thuận An cho biết: Từ nghị quyết của cấp ủy các cấp, Đảng ủy đã lãnh đạo đơn vị xây dựng hệ thống văn kiện, kế hoạch chiến đấu đảm bảo đúng quy định. Đối với công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn luôn được đơn vị quan tâm chỉ đạo và có kế hoạch tổ chức huấn luyện, diễn tập cụ thể.

Để triển khai nghị quyết của Đảng ủy BĐBP tỉnh về công tác bảo vệ biên giới vùng biển đảo, cấp ủy, Ban chỉ huy các đồn biên phòng tuyến biển chủ động xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tế, giao trách nhiệm cho đội vận động quần chúng tiếp cận với ngư dân, lắng nghe các ý kiến đề xuất của ngư dân, đồng thời nhân rộng mô hình “Tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển”. Nhờ vậy, lực lượng dân quân biển ở các tổ tàu thuyền ngày càng hùng hậu, họ liên kết hỗ trợ nhau trong đánh bắt và tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, gắn với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển đảo...

Đại tá Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng ủy BĐBP tỉnh, cấp ủy các đơn vị trên hai tuyến biên phòng xây dựng chương trình hành động, tập trung gắn nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia với phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới; phối hợp chặt chẽ và tham mưu đắc lực, có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền các địa phương giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển đảo.

"Với mục tiêu xuyên suốt là hướng về cơ sở xây dựng các xã, thị trấn biên giới vững mạnh toàn diện, ngay sau Đại hội, Đảng ủy BĐBP tỉnh tiến hành đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp trên cơ sở xây dựng, bổ sung quy chế làm việc, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Mặt khác, chú trọng việc gắn bó với Nhân dân, với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị ở địa phương nhằm làm tốt công tác dân vận, chủ động, linh hoạt vận dụng sáng tạo đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, tạo nên sức mạnh quân với dân một ý chí", Đại tá Lê Văn Nguyên nhấn mạnh. (baothuathienhue.vn 16/11)

 
 
 

4.  Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại tại các vùng ven biển

Sáng 15/11, sau khi cơn bão số 13 quét qua địa bàn Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh - Phan Ngọc Thọ và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Thanh Bình đã có chuyến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do bão gây ra tại một số địa bàn xung yếu tuyến ven biển.

Ưu tiên khắc phục nhà dân, trường học, trạm xá

Sau khi thực địa tại các địa phương ven biển và nắm tình hình chung, Chủ tịch UBND tỉnh - Phan Ngọc Thọ cho rằng, do có sự chủ động ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống bão nên mức độ thiệt hại của bão số 13 trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn có những thương vong về người, tài sản, các tuyến hạ tầng đường viễn thông, đường điện bị gián đoạn…

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp huy động tối đa lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang trực tiếp về cơ sở phối hợp với nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão. Đồng thời, yêu cầu chính quyền các cấp cần nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, bảo đảm không người dân nào bị thiếu đói, bệnh tật.

Trước tiên, chỉ đạo các lực lượng ưu tiên chặt tỉa cây xanh gãy đổ, giải phóng các tuyến đường, nhất là tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tạo điều kiện lưu thông. Đối với những nơi có trụ sở, nhà bị tốc mái, bị sập, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng sửa chữa nhà cho người dân, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống. Có phương án đảm bảo phòng học cho học sinh trở lại trường. Cùng với đó, sửa chữa các công trình trường học, bệnh viện, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất trên địa bàn. 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục hướng dẫn, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. Cùng với đó, tiếp tục kiểm tra, thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm an toàn hồ đập; tiếp tục quản lý chặt chẽ, cấm tuyệt đối tàu thuyền ra khơi, hạn chế phương tiện trên các tuyến giao thông xung yếu.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13 sẽ gây mưa lớn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ những khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời người dân đến nơi an toàn. Những nơi chưa thật dự an toàn thì chưa để người dân quay trở lại. Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân ngay cả ở khu vực được di dời.

Khẩn trương gia cố đê kè biển

Chủ tịch UBND tỉnh -Phan Ngọc Thọ cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Phương thị sát tại khu vực sạt lở kè biển xã Giang Hải

Kiểm tra tại tuyến bờ biển xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, do sóng to, gió lớn kết hợp với triều cường đã làm sạt lở khoảng 250m đoạn bờ kè đang thi công. Chủ tịch UBND tỉnh hoan nghênh chính quyền sở tại đã nỗ lực huy động các lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác gia cố đê kè nhằm giảm thiểu sạt lở tại các bờ biển.

 “Trước mắt, xác định khối lượng hư hại để tập trung phương tiện, lực lượng gia cố, sửa chữa ngay các đoạn sạt lở nặng; tăng cường các rọ đá, huy động thêm lực lượng quân đội, biên phòng nhằm tiếp tục gia cố các điểm xâm thực”- Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Những đợt mưa lũ vừa qua, bờ biển qua địa bàn tỉnh tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 10km; đặc biệt bờ biển tại các xã Phú Thuận (Phú Vang), xã Giang Hải (Phú Lộc), xã Hải Dương (T.X Hương Trà) sạt lở nghiêm trọng 4km, cần khắc phục khẩn cấp vì có nhiều đoạn xói lở sâu đến khu vực dân cư. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, do tính cấp thiết của việc phòng chống thiên tai, tỉnh đã đề nghị Chính phủ ưu tiên hỗ trợ khẩn cấp để thực hiện các dự án xử lý khẩn cấp xói lở bờ biển tại xã Phú Thuận, xã Giang Hải, xã Hải Dương. (baothuathienhue.vn 15/11)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Độc đáo tranh gương

Từ nhu cầu trang trí của triều đình, dinh phủ, tầng lớp quan lại, tranh gương xuất hiện, trở thành những tác phẩm mỹ thuật cổ truyền đặc sắc của vùng đất kinh kỳ xưa.

Tranh gương cung đình

Trong kho tàng di sản vật thể và phi vật thể mà triều đình nhà Nguyễn để lại, tranh gương là một dạng di sản khá đặc biệt, vừa mang tính vật thể, vừa mang tính phi vật thể. Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, có thể xem tranh gương cung đình Huế là một loại hình tranh mang bản sắc riêng của Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo của chúng.

Tranh gương được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng, khá cầu kỳ. Về chất liệu, loại tranh này dùng bột màu pha keo, hoặc sơn, được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương (vẽ màu hoặc khảm trực tiếp theo lối “phản họa” lên mặt gương, tức vẽ kiểu âm bản ở mặt sau để nhìn mặt trước thành dương bản).

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang lưu giữ khoảng 100 bức tranh gương, được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, cung Diên Thọ, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh và điện Hòn Chén. Về nguồn gốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, tranh gương cung đình do triều Nguyễn đặt hàng (ký kiểu) từ Trung Quốc, được vẽ theo mẫu do Bộ Công vẽ dưới hình thức mộc bản.

Theo PGS. TS. Phan Thanh Bình, kỹ thuật vẽ ngược chiều đòi hỏi họa sĩ, nghệ nhân phải khéo léo và có trí tưởng tượng phong phú. Người vẽ phải tưởng tượng phía bên kia (mặt trái) để nhìn xuyên từ kính qua (mặt phải). Trong từng đường nét cũng phải tính toán là nét trên hay nét dưới, cách phối hợp từng mảng màu, độ đậm nhạt để tạo ra bố cục, không gian, chiều sâu cho tác phẩm. Tất cả tạo nên nét riêng, sự độc đáo, tinh tế của tranh gương.

Nghiên cứu về tranh gương cung đình, TS. Phan Thanh Hải cho rằng, chủ đề nội dung của tranh gương cung đình Huế cơ bản gồm 3 loại chính. Loại tranh cao cấp “thi họa” hay tranh thơ ngự chế là loại tranh vịnh cảnh, như mô tả và ca ngợi cảnh đẹp của đất Thần kinh, chủ yếu là 20 cảnh đã được vua Thiệu Trị xếp hạng, phù hợp với các bài thơ ngự chế vịnh kèm; tranh minh họa các bài thơ đề vịnh các mùa trong năm, vịnh các cảnh mà vua bất chợt tức cảnh đề thi… Loại tranh thứ 2 không đề thơ, minh họa cho các điển tích trong lịch sử của Trung Hoa. Loại thứ 3 là tranh vẽ tĩnh vật.

“Với người thưởng lãm hay du khách, những bức tranh này có thể chỉ đơn thuần là cảnh đẹp của thiên nhiên, của non nước hữu tình, nhưng với các nhà nghiên cứu, bên cạnh giá trị nghệ thuật, mỗi bức tranh gương chính là cứ liệu lịch sử quan trọng để phục dựng, trùng tu các di tích có liên quan”, TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Tranh gương dân gian

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đang lưu giữ bộ sưu tập tranh gương được xem là quý và độc đáo, gồm hơn 20 bức thuộc dòng tranh dân gian. Đây là những bức tranh gương vốn thuộc sở hữu của giới quý tộc, quan lại, thương gia, được vẽ bởi những thợ vẽ ở Huế. Các tác phẩm thể hiện nhiều đề tài khác nhau, có bức vẽ các tích tuồng, như: Nhị thập tứ hiếu, Tô Vũ chăn dê, Đắc Kỷ tiến Trụ vương…; có những bức vẽ phong cảnh chùa Thiên Mụ, lăng Minh Mạng, phong cảnh đồng quê; có bức vẽ cảnh sinh hoạt hoặc đơn thuần là để trang trí, thờ cúng.

Tranh gương dân gian cũng được vẽ theo lối vẽ tỉ mỉ, độc đáo, có bức vẽ màu, có bức vẽ đen trắng hoặc vẽ trên lớp cẩn xà cừ. Trong bộ sưu tập của NNC Nguyễn Xuân Hoa, bức tranh gương Tứ bình vẽ về đề tài cầm kỳ thi họa, thể hiện hình ảnh một tiểu thư và thị nữ đánh đàn, chơi cờ, đọc thơ, vẽ tranh. Một bức tranh khác có khổ lớn, rất độc đáo khi vẽ phong cảnh theo phong cách hội họa phương Tây. Ông Hoa kể, khi mua bức tranh gương này, ông phát hiện đằng sau có tờ báo thông báo vua Khải Định vừa mất, như vậy bức tranh này được vẽ vào thời điểm trước đó.

Việc sưu tầm tranh gương của NNC Nguyễn Xuân Hoa cũng là cái duyên. Tranh gương đa phần được lưu giữ trong các gia đình quyền quý ở Huế. Tuy nhiên, khi con cháu họ không có điều kiện tiếp tục lưu giữ, họ tìm đến bán cho ông với tâm nguyện, tranh quý của gia đình vẫn luôn được giữ gìn cẩn thận ở Huế. Sưu tập bức tranh gương đầu tiên từ năm 1990, ông thấy được giá trị của tranh gương và sưu tập thêm.

Theo NNC Nguyễn Xuân Hoa, trước đây, ở Bao Vinh có xóm thợ vẽ tranh gương, vốn là người Trung Hoa định cư lâu ngày ở Huế. Người ta cho rằng, những người đầu tiên đến từ thời chúa Nguyễn để phục vụ nhu cầu vẽ tranh trong các dinh phủ của chúa Nguyễn. Sau này, một số người chuyển đến ở đường Mạc Đỉnh Chi và khi nghề vẽ tranh gương không còn thịnh hành, họ chuyển sang làm những công việc liên quan đến hội họa như vẽ diều. Nghề làm tranh gương mai một dần vì không có đầu ra. Bây giờ, không ai vẽ tranh gương như là một tác phẩm nghệ thuật, cũng không vẽ theo lối vẽ cảnh, tích tuồng mà chủ yếu là tranh thờ cúng. (baothuathienhue.vn 15/11)

 
 
 

2.  Triển lãm tranh về bình đẳng giới

Đề cập đến chủ đề bình đẳng giới, triển lãm “Chuyện quả dâu” vừa khai mạc chiều 14/11 tại Be Café, 33 Kiệt 6, thôn Ngọc Anh, Phú Thượng, Phú Vang thu hút sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật.

“Chuyện quả dâu” là triển lãm thị giác giới thiệu đến người xem 30 tác phẩm của hai nghệ sĩ Lê Thị Linh và Lê Quốc Hoàn. Bằng chất liệu acrylic, sơn dầu, các tác phẩm tôn vinh hình ảnh người phụ nữ và lan tỏa nhận thức về bình đẳng giới. Ngoài ra, người xem còn được thưởng thức tác phẩm video art và nghệ thuật trình diễn về chủ đề này.

Tạo hình hình ảnh người phụ nữ mang thai, tác phẩm của nghệ sĩ Lê Quốc Hoàn thể hiện thiên tính nữ cũng như nội tâm căng đầy sự dồn nén, chịu đựng và mong muốn được giải phóng, cần sự sẻ chia của người phụ nữ trong xã hội vẫn còn bất bình đẳng giới.

Tác phẩm của Lê Thị Linh là lời tự sự khách quan của người trong cuộc về giới tính bằng ngôn ngữ hội họa, không phải để tìm kiếm sự thấu hiểu, cảm thông, đối xử công bằng mà là sự giải tỏa tâm lý khi được là chính mình.

Tại lễ khai mạc còn có sự tham gia biểu diễn của ban nhạc nữ Me2 Band đến từ Hà Nội. Với những giai điệu Funky Pop sinh động, sáng tác của Me2 thiên về tình yêu, tuổi trẻ và vẻ đẹp của người phụ nữ.

Triển lãm diễn ra đến ngày 14/12. (baothuathienhue.vn 15/11)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Bão số 13: Thừa Thiên - Huế gió giật cấp 11

Bão số 13 đã bắt đầu đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế từ 20 giờ ngày 14/11 kéo dài đến khoảng 4 giờ ngày 15/11, với sức gió cấp 6, cấp 8, giật cấp 11. Thời gian bão số 13 giật cấp 11 liên tục trong khoảng thời gian từ 0 giờ đến 4 giờ ngày 15/11.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến khoảng 6 giờ ngày 15/11, thành phố Huế đã không còn có gió mạnh, tuy nhiên tại khu vực huyện Phong Điền vẫn đang có gió lớn do ảnh hưởng của bão số 13. Mặc dù bão hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng lượng mưa gây ra không lớn, mực nước lũ trên sông Hương lúc 7 giờ ngày 15/11 hiện chỉ trên báo động 2 là 0,2m, sông Bồ trên báo động 3 là 0,3m. Tuy nhiên triều cường lại ở mức cao, ghi nhận tại khu vực đập Thảo Long triều cường dâng gần 2m.

Thống kê ban đầu, bão số 13 đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa gây thiệt hại về người, một số nhà không kiên cố bị gió bão làm tốc mái, một số cây xanh bị gió quật làm bật gốc, gãy đổ. Trong đêm mưa bão ngày 14/11, lực lượng chức năng đã huy động 2 xe cứu thương kịp thời đưa 2 sản phụ ở phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy và ở phường Tây Lộc, thành phố Huế đến Bệnh viện Trung ương Huế để sinh nở.

Trước đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện việc di dời 21.126 hộ dân với 71.455 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn và người dân được yêu cầu không ra ngoài đường từ 12 giờ ngày 14/11 để chủ động ứng phó với bão số 13. (baotintuc.vn 15/11; nld.com.vn 15/11)

 
 
 

2.  Hưởng ứng Tháng hành động vì Bình đẳng giới năm 2020 (15/11-15/12) :Tôn trọng và đảm bảo bình quyền nữ giới

“Trọng nam khinh nữ”, bạo hành gia đình đã giảm đi rõ rệt. Người phụ nữ trong thời đại mới đang khẳng định vị thế và vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Thay đổi này không chỉ dựa vào nỗ lực bản thân mỗi phụ nữ mà còn là sự chuyển biến về nhận thức và hành động của toàn xã hội.

Cùng chia việc, chăm sóc, nuôi dạy con cái và giữ lửa hạnh phúc gia đình góp phần thúc đẩy bình đẳng giới

Làm chủ về kinh tế, tri thức

Khi hỏi về quan niệm bình đẳng giới, chị Lê Thị Gái, chi hội phụ nữ tổ 11 phường Thủy Xuân, TP. Huế không ngần ngại cho ý kiến: "Một khi người phụ nữ có công việc, thu nhập ổn định, không bị phụ thuộc về tài chính và họ được chia sẻ trong việc giữ lửa hạnh phúc gia đình và cùng chăm sóc, nuôi dạy con cái thì lúc đó người phụ nữ mới được bình đẳng, hạnh phúc và làm chủ cuộc sống. Dĩ nhiên, phụ nữ cũng phải biết tôn trọng bản thân và ứng xử đúng thuần phong mỹ tục".

Tại các buổi tọa đàm và hội nghị, nhiều chị em nêu nguyện vọng được tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, cũng như trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, văn hoá, thông tin...

Là địa phương nằm ven biển và đầm phá Tam Giang, huyện Phú Vang có 88.659 nữ giới, chiếm xấp xỉ 50% dân số. Ông Trần Nhơn Mâng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Phú Vang thông tin, tỷ lệ lao động nữ được tạo việc làm mới, học nghề, tham gia cấp ủy, HĐND, kết nạp đảng viên, tiếp cận các dịch vụ y tế… đều tăng qua từng năm.

Những năm qua, toàn huyện Phú Vang tạo việc làm mới cho hơn 45.124 lao động, trong đó lao động nữ chiếm trên 50%; 100% số phụ nữ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo đang được các cấp Hội Phụ nữ triển khai có hiệu quả. Nhiều điển hình phụ nữ vươn lên thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng, làm chủ các doanh nghiệp, nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tích cực tham gia và làm tốt công tác xã hội.

Không riêng Phú Vang, nhiều địa phương khác cũng thực hiện tốt lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế để giúp đỡ, hướng dẫn phụ nữ tiếp cận kỹ thuật, vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Với dân số toàn tỉnh hiện có 1.129.505 người, riêng nữ giới 570.558 người, chiếm hơn 50,5%. Trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên là 620.957 người, có 298.108 nữ (chiếm 48%) có việc làm, tự chủ về kinh tế, thu nhập. Hầu hết các chị em đang được tạo điều kiện tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề, bảo hiểm xã hội; được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường để tăng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Đảm bảo đủ tố chất cho phụ nữ

Tuy nạn bạo hành gia đình, trẻ em đã giảm nhiều nhờ có sự giám sát của các cấp ngành và nâng cao nhận thức cho mọi người, song tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Đó cũng là lý do mà "Tháng Hành động vì Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực" trên cơ sở giới năm 2020 lấy chủ đề "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" nhằm tuyên truyền, kêu gọi mọi người cùng nhau hành động, thay đổi để phụ nữ và trẻ em được bảo vệ, được sống bình đẳng.

Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức về giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được đẩy mạnh ở các ngành các cấp, được lồng ghép với nhiều hình thức và nội dung khác nhau, song vẫn tồn tại bất bình đẳng giới, bạo hành. Việc thay đổi quan niệm của phụ nữ và số đông về giá trị của sự độc lập, tự chủ về kinh tế, xóa dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực lao động, việc làm nhằm đảm bảo bình đẳng giới, nhất là phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn.

Mặt khác, do nạn nhân bị bạo lực chưa đủ mạnh dạn, tự tin báo cáo với các cơ quan chức năng để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn và xử lý kịp thời, nên bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra. Ngay cả mô hình "Địa chỉ tin cậy- Nhà tạm lánh tại cộng đồng" được triển khai, trang cấp dụng cụ thiết yếu và đi vào hoạt động hơn 2 năm tại xã Lộc Điền (Phú Lộc) và phường Hương Văn (TX. Hương Trà) nhưng chưa có nạn nhân nào đến tạm lánh dù địa phương có xảy ra một số vụ việc bạo lực giới, bạo lực gia đình.

Xác định xây dựng gia đình và xây dựng người phụ nữ là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, góp phần giải quyết một số vấn đề xã hội, các sở ngành liên quan tăng cường xây dựng và triển khai những phong trào, mô hình hoạt động liên quan đến giới nữ, tuyên dương gia đình hạnh phúc, các gương điển hình tiên tiến; tư vấn, hỗ trợ trên lĩnh vực hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, giáo dục giới tính trẻ vị thành niên, phòng chống xâm hại tình dục... Qua đó, nhận thức về giới được nâng lên, góp phần thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ phụ nữ, trẻ em và ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình.

Theo bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới, đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, các ngành, các cấp tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp Nhân dân những nội dung mới về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động năm 2019. Đơn cử các nội dung: giảm khoảng cách giới đối với tuổi nghỉ hưu từ 5 năm xuống còn 2 năm; xóa bỏ các điều khoản phân biệt giới ở nơi làm việc; tăng cường các quy định nghỉ thai sản và chăm sóc trẻ em để nam giới và phụ nữ cân bằng trách nhiệm… (baothuathienhue.vn 16/11)

 
 
 

3.  Xót xa cảnh cả nghìn căn nhà bay mái sau đêm bão số 13 quần thảo ác liệt

Do ảnh hưởng của bão Vamco (bão số 13), khoảng 1.000 ngôi nhà và trường học tại Thừa Thiên-Huế đã bị tốc mái, nhiều cây cối ven đường bị bật gốc.

Bão Vamco (bão số 13) đi qua Thừa Thiên-Huế dù không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến khoảng 1.000 ngôi nhà và trường học trên địa bàn bị tốc mái, nhiều cây cối ven đường bị quật ngã, nhiều tàu thuyền bị mắc cạn, thậm chí bị nhấn chìm.

Theo lời kể của bà Huỳnh Thị Sinh (trú thôn Hà Duân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), gió bão đã quần tháo từ 1h đến hơn 4h ngày 15/11, hất bay mái nhà. Bà Sinh cho biết khi ấy chỉ có thể nhìn chứ không biết làm gì hơn.

Bà chia sẻ: "Gió bão lùa bay mất mái nhà tôi lúc hơn 2h sáng. Lúc đó tôi cùng chồng chỉ biết hùa nhau chạy xin trú nhờ nhà hàng xóm vì sợ nguy hiểm. Đến sáng về đến nhà thì thấy cả phần mái nhà bị bay mất sạch".

Tính riêng tại địa bàn xã Phú Thuận, ít nhất 20 ngôi nhà và trường học đã trở thành "nạn nhân" của cơn bão só 13.  Trong đó nặng nhất là Trường tiểu học Phú Thuận bị tốc mái hoàn toàn 1 dãy phòng học.

Khu vực ven biển thì phải hứng chịu những cơn sóng lớn cho triều cường lên. Tại khu vực xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc), sóng biển dâng cao hơn 1,79m tràn vào cả khu dân cư nằm cách xa bờ biển.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Văn Phương, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là mức sóng dâng cao kỷ lục chưa từng thấy. Sóng biển dâng cao đã nhấm chìm nhiều tàu thuyền neo đậu ven bờ, một số con thuyền còn bị đứt neo, trôi dạt vào bờ.

Trong khi đó, chính quyền huyện Phú Vang ghi nhận 2 tàu bị đứt neo mắc cạn và 9 tàu bị sóng đánh chìm. Hiện người dân cùng lực lượng tại địa phương đang tích cực khắc phục sự cố tàu mắc cạn. Đặc biệt, tại thị trấn An Thuận, một tàu cá đứt neo bị sóng đánh vào bờ đã va vào và làm sập hoàn toàn một nhà dân. (doisongphapluat.com 15/11)

 
 
 

4.  Thừa Thiên-Huế: Khắc phục ngay hậu quả bão số 13

Ngay sau khi bão số 13 đi qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại tại một số địa bàn xung yếu tuyến ven biển.

Do ảnh hưởng của bão, 14 km bờ biển Thừa Thiên-Huế  bị xói lở nặng cùng với hàng chục tàu cá bị sóng đánh chìm.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, đến đầu giờ chiều ngày 15/11, Thừa Thiên-Huế không có thiệt hại về người; có 2 nhà bị sập, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, nhiều tàu cá bị chìm…

Về hệ thống điện, toàn tỉnh có 92/145 phường/xã bị mất điện. Dự kiến đến hết chiều nay (15/11), điện lực tỉnh sẽ khôi phục cấp điện trở lại cho khách hàng.

Ngay sau khi bão số 13 đi qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do bão gây ra tại một số địa bàn xung yếu tuyến ven biển.

Do chủ động với phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống bão nên mức độ thiệt hại của bão số 13 trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp huy động tối đa lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang trực tiếp về cơ sở phối hợp với nhân dân khắc phục hậu quả của mưa bão, giảm thiểu thiệt hại của người dân. Đồng thời, yêu cầu chính quyền các cấp cần nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, bảo đảm không người dân nào bị đói ăn, bệnh tật.

Trước mắt, các lực lượng ưu tiên chặt tỉa cây xanh gãy đổ, giải phóng các tuyến đường, nhất là tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tạo điều kiện lưu thông. Đối với những nơi có trụ sở, nhà bị tốc mái, bị sập, chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng sửa chữa nhà cho người dân, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, sửa chữa trường học, bệnh viện, các công trình hạ tầng trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục hướng dẫn, triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, khẩn trương khắc phục, xử lý vệ sinh môi trường để khôi phục sản xuất, kinh doanh, sớm ổn định cuộc sống cho người dân.

Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương dọn dẹp vệ sinh, môi trường, khắc phục hậu quả bão số 13. (baochinhphu.vn 15/11)

 
 
 

5.  Giúp dân khắc phục hậu quả bão số 13

Rạng sáng ngày 15-11, bão số 13 đi qua vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế gây mưa to, gió lớn khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, tàu bị chìm và gần 20.000 người ở khu vực biên giới biển phải di dời. Ngay sau khi bão tan, BĐBP Thừa Thiên Huế đã tổ chức lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Do ảnh hưởng của bão, 13 tàu cá tại địa bàn huyện Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên Huế bị chìm và sóng đánh dạt lên bờ. Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thận An, Hải đội 2 hỗ trợ ngư dân cứu kéo các tàu mắc cạn và trục vớt các tàu bị chìm.

Đến trưa ngày 15-11, Hải đội 2 tổ chức cứu hộ thành công tàu TTH 92099TS bị sóng đánh rê neo mắc cạn tại đập Hòa Duân, xã Phú Thuận. Hiện, các đơn vị vẫn đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, huy động các tàu cá khác của ngư dân tham gia cứu kéo các tàu còn lại.

Đêm 14-11, Đồn Biên phòng Vinh Xuân phối hợp với chính quyền xã Vinh Xuân di dời và tiếp nhận 21 hộ/56 khẩu là người dân sinh sống trên địa bàn và ngư dân của thị trấn Thuận An, xã Vinh Hà (huyện Phú Vang) đi đánh cá trên đầm phá Tam Giang không kịp trở về nhà, đến tránh trú bão tại đơn vị.

Đơn vị đã sắp xếp nơi ăn, nghỉ cho số dân nói trên trong thời gian xảy ra bão. Trưa ngày 15-11, sau khi bão tan, Đồn Biên phòng Vinh Xuân đã hỗ trợ người dân trở lại nhà an toàn.

Các đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, cửa khẩu cảng Chân Mây, Vinh Xuân, Vinh Hiền, Phong Hải cũng nhanh chóng tổ chức các tổ công tác hỗ trợ địa phương cắt dọn các cây xanh bị đổ trên đường đi, sửa chữa các nhà dân bị tốc mái để người dân sớm ổn định cuộc sống, giúp các trường học dọn dẹp vệ sinh để có thể nhanh chóng đón học sinh trở lại trường học. (bienphong.com.vn 16/11; toquoc.vn 16/11; vnews.gov.vn 16/11)

 
 
 

6.  Nhiều tàu cá ở Thừa Thiên – Huế mắc cạn do bão Vamco

Ảnh hưởng do cơn bão số 13 cùng với triều cường dâng cao trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã làm đứt dây neo và cuốn xô nhiều tàu thuyền của bà con ngư dân ở huyện Phú Vang vào bờ. Hiện lực lượng Biên phòng đang phối hợp, hỗ trợ để cứu kéo những tàu này trở lại biển. (vnews.gov.vn 15/11)

 
 
 

7.  Thừa Thiên-Huế vẫn an toàn sau khi cơn bão số 13 càn quét qua

Cơn bão số 13 đã càn quét qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế từ đêm đến sáng sớm, làm nhiều nhà dân tốc mái, cây xanh gãy đổ nhưng rất may chưa gây thiệt hại về người.

Cơn bão số 13 (tên quốc tế là Vamco) đã quét qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế vào khoảng 1 giờ và "quần thảo" đến hơn 4 giờ sáng 15/11. Bão Vamco khiến một số ngôi nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh bị gió quật làm bật gốc, gãy đổ, song rất may không có thiệt hại về người.

Sau khi đi qua tỉnh Thừa Thiên-Huế, bão di chuyển theo hướng Tây-Tây Bắc và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới./. (vietnamplus.vn 15/11)

 
 
 

8.  TP Huế vắng bóng người sau lệnh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà

Sau khi có yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h ngày 14/11 để đảm bảo an toàn trước bão số 13, người dân tại TP đã chấp hành rất nghiêm túc, đường phố vắng bóng người đi lại.

Để đảm bảo an toàn cho người dân trước bão số 13 đang đổ bộ vào nước ta, vào sáng ngày 14/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h cùng ngày cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Trong khi đó, cán bộ công chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi có gió lớn xảy ra (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt). Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế, các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn trong ngày 14 - 15/11.

Theo ghi nhận, từ 12h trưa nay, sau yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân chấp hành khá nghiêm túc. Trên các tuyến đường của TP Huế, kể cả một số tuyến đường trung tâm vốn đông người dân qua lại vắng thưa người. Hiện tại TP Huế đang có mưa to, gió cũng đang mạnh lên do ảnh hưởng của cơn bão số 13. (toquoc.vn 14/11)

 
 
 

9.  Chiếc mũ người lính gây sốt mạng xã hội

- Những chiếc mũ của người lính đã hy sinh tại Trạm kiểm lâm 67 (vụ việc sạt lở núi đêm 12/10/2020) tại khu vực xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đăng trên báo Tiền Phong (ngày 15/10) đã gây “sốt” cộng đồng mạng. Hình ảnh những chiếc mũ giữa bùn lầy đã chọn đúng “điểm rơi” cảm xúc…

Tuyến đường 71 chạy men giữa 2 khe núi cao. Đoạn đường từ trung tâm xã Phong Xuân vào đến Trạm kiểm lâm 67 là 20 km và đi thêm 10 km nữa thì tới Thủy điện Rào Trăng 3. Sáng 14/10, tuyến đường này đã được đặt hai chốt gác. Cánh báo chí bị giới hạn tác nghiệp, nên chỉ chạy vòng quanh trước trụ sở xã Phong Xuân, gặp vài nhân chứng, chĩa ống kính lên trời chụp ảnh chiếc trực thăng đang bay vào điểm nóng để thả hàng là…chấm hết! Muốn vào khu vực đang tìm kiếm 13 tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, lãnh đạo chính quyền vừa mất tích phải xin phép, nhưng cơ bản là khó mà vào được.

Quên đi cảm giác ẩm ướt của bộ quân phục, tôi gục đầu chào thật nhanh những người trực ở hai chốt gác đầu đường khi phi xe máy mượn của dân để đi vào điểm nóng là Trạm kiểm lâm 67. Hối hả chụp ảnh, hối hả quay phim trên đường đi. Vì đã 15 giờ chiều và màu u ám của núi rừng chẳng mấy chốc sẽ sập xuống, nhất là khi trời trút mưa tầm tã. Đi được gần 10 km trong con đường ngoằn ngoèo trên lưng núi thì đập tràn hiện ra và hàng trăm người lính công binh thuộc Lữ đoàn công binh 414, Quân khu 4 đang lót đá để nâng đường. Mưa lớn trút xuống biến đây chính là điểm cô lập, “nhốt” người vào rừng phải kiếm chỗ ngủ tạm.

Người chỉ huy ngăn tôi lại và nói luôn “ê, đi xe tay ga không trèo dốc nổi đâu, đường còn xa, trơn trượt và nguy hiểm, dừng lại ở đây chờ đón xe của các đoàn”. Cuối cùng, tôi vẫy được chiếc xe cứu thương và bỏ lại chiếc xe máy bên bờ suối.

Hiện trường ở Trạm kiểm lâm 67 tiếp cận đã khó, khi vào tới nơi và đi tìm góc độ chụp ảnh cũng khốn khổ như lúc tìm đường vào. Bởi bùn ngập ngụa khắp nơi, ngập tới đầu gối, thậm chí sâu hơn nữa. Tôi rời xa đám đông đang đào xới phụ họa cùng chiếc xe gàu múc và dõi theo một người lính đang cúi mặt, mắt không rời mặt đất. Gần đó là những tấm tôn bị xé nát, cắm xuống bùn, như những vệt dao lam cứa vào da thịt. Giữa bãi bùn đất có những chiếc mũ cối nằm cạnh nhau…

Người lính này khoát tay chỉ về hướng chiếc mũ cối và phán đoán có ai đó chạy theo hướng này rồi trôi ra vực núi, những chiếc mũ cối có thể xem là vật dẫn đường. Còn tôi thì cố hình dung những góc độ nào khi chụp sẽ lưu lại cảm xúc, chứa đựng nhiều nội dung, thông điệp nhất.

Phải ném thêm hai đoạn cây, vài hòn đá tôi mới tiến lại hơi gần những chiếc mũ cối và chụp. Những tấm ảnh này rõ ràng có tính biểu cảm hơn hẳn hình ảnh những người lính đang ra sức đào xới giữa bãi bùn lầy. Vì nhìn vào chiếc mũ nằm cạnh, những manh quần áo, vài đồ vật sót lại, người đọc có thể hình dung rằng, 13 liệt sĩ đã nằm xuống, nhưng họ mãi mãi là ánh sao, là niềm thương cảm trong tâm trí người ở lại…

Trong xe cứu thương có 3 quân nhân. Chiếc băng ca màu đỏ được đặt cạnh một can đựng cồn dung tích 50 lít. Mùi cồn trên xe cứu thương tạo ra cảm giác ớn lạnh, vì liên quan đến việc ướp, rửa tử thi đã bị chôn vùi 3 ngày trong bùn lầy. (tienphong.vn 16/11)

 
 
 

10.  Sẽ sử dụng thân và gốc cây xà cừ bị gãy làm chất liệu cho cuộc thi điêu khắc tại Festival 2021

Theo thông tin từ UBND TP. Huế, bão số 13 không gây thiệt hại về người do thành phố đã chủ động di dời trên 1.500 hộ/ 5.500 khẩu đến nơi an toàn, song có 127 nhà dân bị tốc mái, trong đó có 11 nhà tốc mái trên 70%, 12 nhà tốc mái từ 50-70%...

Về cây xanh, có một số cây xanh ngã đổ, trong đó có cây xà cừ cổ thụ số 13 ở đường Trần Hưng Đạo, đoạn gần bến xe Nguyễn Hoàng, là một trong những cây xà cừ có tuổi đời lâu năm nhất ở TP.Huế bị bật gốc, đè gãy một trụ đèn.

Theo UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế - Phan Thiên Định, nếu cây xà cừ không thể sống được, thành phố sẽ sử dụng thân và gốc cây làm chất liệu cho một cuộc thi điêu khắc diễn ra trong Festival 2021 và sẽ được trưng bày trong không gian thích hợp để tất cả mọi người tưởng nhớ, nhắc nhở ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống.

Hiện, thành phố đang chỉ đạo UBND các phường, Trung tâm công viên cây xanh, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế triển khai tổng vệ sinh và dọn dẹp cây xanh đổ ngã để thông thoáng các tuyến đường, đảm bảo lưu thông đi lại cho nhân dân. (baothuathienhue.vn 15/11)

 
 
 

11.  Hiệu quả thực tế nhà phòng chống lụt, bão tại Thừa Thiên - Huế

Các trận bão lớn và lũ dữ từ tháng 9/2020 đến nay đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản đối với người dân Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân địa phương đã an toàn vượt qua thiên tai khắc nghiệt nhờ các công trình nhà ở phòng, chống lụt, bão.

Thôn Tân An (xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) nằm ven đầm Cầu Hai, thường xuyên hứng chịu nhiều trận bão, lũ tàn phá hàng năm. Mỗi khi có thông tin về bão, lũ, người dân nơi đây phải kê cao đồ dùng gia đình rồi di dời đến nơi trú tránh tập trung.

Người phụ nữ neo đơn Phan Thị Hạnh (trú tại thôn Tân An) chia sẻ, trước kia ở nhà tạm, khi có bão, lũ, nước ngập bà phải tìm nơi tránh trú an toàn.

Dù khó khăn nhưng con gái bà Hạnh nơi xa vẫn cố gắng góp ít vốn cùng nguồn vốn được hỗ trợ để xây dựng nơi ở mới khang trang hơn cho mẹ. Ngôi nhà bê tông chắc chắn, có gác lửng vững chãi được hoàn thiện sớm so với dự định đã kịp thời giúp bà Hạnh an toàn trong đợt mưa bão vừa qua.

Gia đình ông Văn Đặng Ngưu, xã Lộc Bình chia sẻ: Dù đã nhiều năm làm thợ nề, xây nhiều ngôi nhà nhưng trong mơ ông vẫn chưa thể tin có ngày mình được hỗ trợ tiền xây nhà và sống trong căn nhà kiên cố, đàng hoàng như hôm nay. Căn nhà được xây với số tiền khoảng 110 triệu đồng (bao gồm vốn hỗ trợ khoảng 70 triệu đồng) theo giải pháp nhà phòng, chống lụt, bão nên rất an toàn. Trận bão lụt lịch sử vừa qua, ngôi nhà được xây móng trụ bằng bê tông cốt thép, tường gạch, có sàn vượt lũ... trở thành  “phao cứu sinh” cho gia đình ông.

Ông Văn Đặng Ngưu, bà Phan Thị Hạnh là hai trong số những hộ dân được hỗ trợ xây nhà ở phòng, chống lụt, bão tại xã Lộc Bình.

Ông Phan Bá Chiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết: Nằm dọc ven đầm phá, có 26 hộ nghèo, hộ neo đơn trong xã được hỗ trợ vốn xây nhà ở phòng, chống lụt, bão từ Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, chống lụt, bão khu vực miền Trung và Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (GCF). Các hộ dân này đều được trú ẩn an toàn trong những ngôi nhà mới, vững chãi với nền cứng, khung cứng và mái cứng.

Ông Phan Bá Chiêm cho biết thêm, không chỉ người dân an tâm tránh trú bão, vượt lũ mà chính quyền địa phương cũng bớt đi gánh nặng di dời dân cư mỗi khi thiên tai đến. Vì vậy, xã mong muốn dự án tiếp tục triển khai trong thời gian tới, đồng thời đối tượng thụ hưởng được mở rộng, mức hỗ trợ thay đổi phù hợp với giá vật tư, nhân công xây dựng theo biến động thị trường.

Từ khi Quyết định 48/2014/QĐ-TTg được triển khai (năm 2014), huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) có 262 hộ được phê duyệt hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, chống lụt, bão với tổng kinh phí trên 3,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, Dự án GCF cũng được triển khai lồng ghép để hỗ trợ thêm cho hộ nghèo. Qua các mùa bão lụt, 6 mẫu nhà ở phòng, chống lụt, bão được xây dựng trên địa bàn đã phát huy hiệu quả ngày càng rõ rệt. Qua các năm, số hộ nghèo hưởng ứng, đăng ký tham gia xây dựng nhà ở nói trên càng tăng lên.

Ông Trần Lê Tân Mỹ, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Lộc cho hay, các đợt bão, lũ đặc biệt là bão số 5 và 9 có cường độ mạnh, ảnh hưởng lớn đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các ngôi nhà xây dựng theo mô hình phòng, chống lụt, bão ở địa phương vẫn đảm bảo được chất lượng, không bị ngập sàn vượt lũ cũng như tốc mái, bảo vệ an toàn cho nhiều hộ dân. Ngoài ra, mô hình nhà ở này còn là nơi trú ẩn, chứa tài sản, vật nuôi cho các hộ dân lân cận.

Năm 2020 là năm lịch sử cả nước chứng kiến nỗi đau của đồng bào miền Trung nói chung và người dân Thừa Thiên - Huế nói riêng khi liên tiếp hứng chịu nhiều cơn bão lớn, lũ dữ và sạt lở đất. Nhiều nơi tại Thừa Thiên - Huế vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, nhấn chìm hàng chục ngàn ngôi nhà, hàng chục người bị thiệt mạng và mất tích. Nhờ được hỗ trợ xây nhà phòng, chống lụt bão, 2.280 hộ nghèo địa phương đã an toàn trong đợt mưa, bão vừa qua.

Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt hỗ trợ cho hơn 3.900 hộ dân vùng chịu ảnh hưởng bão, lụt xây dựng nhà ở theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg. Hơn 2.200 căn nhà ở phòng chống lụt bão đã được xây dựng hoàn thành; trong đó, 545 căn được lồng ghép hỗ trợ bởi Dự án GCF. Với kinh phí xây dựng hợp lý, nhà ở phòng, chống lụt, bão có kiến trúc, cảnh quan phù hợp với những hộ dân vùng ven biển, đầm phá đồng thời phát huy được hiệu quả mục đích tối ưu của nó.

Diễn biến bão lũ dọc miền Trung vẫn còn phức tạp trong thời gian tới, nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ vẫn có thể còn tiếp diễn. Vì vậy, việc xây dựng nhà ở phòng, chống lụt, bão tại Thừa Thiên - Huế là vô cùng cấp thiết. Đó chính là chiếc “phao cứu sinh” giúp người dân bảo toàn tính mạng và tài sản trước những cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên. (baotintuc.vn 15/11)

 
 
 

12.  Dư luận cũng lúng túng về thủy điện nhỏ

Có một điều dễ nhận thấy là nhiều người đã nhận ra sự “lợi bất cập hại” của thủy điện nhỏ từ cách đây rất lâu.

Bằng chứng là Nghị quyết 62 của Quốc hội về thủy điện từ năm 2013 đã yêu cầu đưa ra khỏi quy hoạch hơn 420 dự án thủy điện nhỏ và hàng trăm dự án khác dưới các dạng: dừng tạm thời có thời hạn, xem xét không đưa vào quy hoạch, đánh giá lại (theo TS. Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều phối mạng lưới sông ngòi Việt Nam, trả lời Tuổi trẻ online).

Từ đó đến nay đã 7 năm, có vẻ như tình hình xem xét thủy điện nhỏ chưa được quan tâm thấu đáo. Bằng chứng là mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành vừa cho biết, sắp tới sẽ tham mưu cho Chính phủ loại bỏ hơn 470 thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch và hơn 200 cái nữa nếu muốn làm cũng phải được xem xét kỹ lưỡng.

Thủy điện nhỏ được làm bằng vốn của nhà đầu tư tư nhân. Các nhà đầu tư tư nhân “mê” thủy điện nhỏ là do vốn đầu tư ít nhưng sinh lãi lớn - Theo TS. Đào Trọng Tứ. Nhưng cái lời ở đây là chưa tính đúng, tính đủ chi phí và sự đánh đổi thiệt hơn. Ví dụ như đánh đổi về môi trường là như thế nào, tác hại đến dòng chảy của các dòng sông ra sao; tác hại đối với hạ du mỗi khi lũ về nhiều hay ít…

Giả sử như nếu tính đúng, tính đủ tất cả các chi phí, thủy điện nhỏ sẽ không có lời nữa, thì cái lời mà chủ đầu tư thủy điện nhỏ hiện đang nhận được ở đâu ra!? Tất nhiên là từ bên chịu thiệt. Đất đai được cấp làm thủy điện không tính đúng, tình đủ thì nhà nước chịu thiệt. Môi trường bị ảnh hưởng, rừng tự nhiên bị mất là xã hội chịu thiệt. Ở hạ du, nếu có bị ảnh hưởng (ví như việc xả lũ không vận hành tốt, gặp lúc triều cường gây ngập lụt, chẳng hạn) thì người dân ở vùng ngập lụt chịu thiệt…

Nếu như một bài toán kinh tế thông thường thì chúng ta rất dễ tính toán được chi phí đầu vào đầu ra, biên lợi nhuận. Đối với thủy điện, rất nhiều chi phí, tạm gọi là “vô hình”, không dễ tính toán được, chẳng hạn làm sao lượng hóa được mức độ ảnh hưởng đến môi trường là bao nhiêu; các đập thủy điện ngăn dòng chảy thì tác động dòng chảy của các con sông sẽ như thế nào. Tính đa dạng loài thủy sản ra sao, rồi phù sa cung cấp cho các đồng bằng ở vùng hạ lưu… quả là một bài toán không dễ có lời giải!?

Khi bài toán kinh tế không thể giải một cách thấu đáo thì những quyết định có khi cũng dễ dẫn đến những sai lầm! Nhà đầu tư thì mong muốn thu được lợi nhuận, càng nhiều càng tốt; trên bình diện quốc gia thì muốn khai thác tốt tiềm năng thiên nhiên, cung cấp nguồn điện cho phát triển kinh tế… Như vậy, ai sẽ là người đóng vai trò “cầm cân nảy mực”? Có lẽ, lúc này vị trọng tài công minh nhất sẽ trao vào tay một hội đồng khoa học đủ sức gánh vác việc đánh giá chuẩn xác cho việc xây dựng các thủy điện nhỏ, cái nào nên làm và cái nào không. (baothuathienhue.vn 15/11)

 
 
 

13.  Thừa Thiên Huế: Cập nhật nhanh thiệt hại bão Vamco, gần 2000 ngôi nhà sập và tốc mái; hơn 15 tàu thuyền bị đánh chìm, gãy đổ

Báo cáo nhanh của ban PCTT tỉnh TT Huế cập nhật đến trưa ngày 15.11 cho biết, bão số 13 có tên Vamco đã gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân, tổ chức, đơn vị trên địa bàn nhưng chưa có báo cáo thiệt hại về người.

Theo đó, từ 20h ngày 14/11 đến 06h  ngày15/11/2020 do ảnh hưởng của bão số 13 tại thị trấn Thuân An huyện Phú Vang và thành phố Huế đã có gió cấp 6, cấp 8, giật cấp 9, cấp 11. Vùng ven biển có sóng lớn, nước biển dâng do bão tại khu vực xã Lộc Vĩnh và xã Giang Hải huyện Phú Lộc; xã Hải Dương thị xã Hương Trà nước đã tràn vào nhà dân khoảng 0,2m; triều cường kéo dài làm chậm khả năng thoát lũ, mực nước tại Thảo Long là 1,77m.

Tổng lượng mưa đo được phổ biến 100-130mm, một số nơi cao hơn như Khe Tre 229mm, Phú Ốc 165mm. Riêng trạm Huế là 132mm.

Mức nước cao nhất trên sông Hương, tại Kim Long là +2,37m trên báo động II là 0,37m. Trên sông Bồ, tại Phú Ốc là + 3,39m trên báo động II là 0,39m. Trên sông Ô Lâu, tại Phong Bình +2,34m.

Tại các hồ thủy điện như Tả Trạch: +42,9m (mực nước dâng bình thường +45m). (Lưu lượng về lớn nhất 1.240m3/s; lưu lượng xả về hạ du lớn nhất 632m3/s). Hồ thủy điện Bình Điền: +80,66m (mực nước dâng bình thường +85m) (Lưu lượng về lớn nhất 657m3/s; lưu lượng xả về hạ du lớn nhất 885m3/s).

Hồ thủy điện Hương Điền +54.65m (mực nước dâng bình thường +58m). Lưu lượng về lớn nhất 794m3/s lúc; lưu lượng xả về hạ du lớn nhất 815m3/s. Hồ thủy điện A Lưới +552,7m (mực nước dâng bình thường +553m). Lưu lượng về lớn nhất 161m3/s; lưu lượng về hạ du lớn nhất 103m3/s qua tỉnh Sê Kông, CHNCND Lào).

Bão số 13 chưa có báo cáo thiệt hại về người (TX Hương Trà 01 người chết nước, quê huyện Phong Điền, được xác định chết 2,3 ngày trước đây). Trước đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức di dời, sơ tán 22.348hộdân/73.940 khẩu ở các địa phương đến nơi an toàn.

Thiệt hại về nhà cửa, trước mắt có 02 nhà bị sập (Huyện Phú Lộc), 01 nhà ở thị xã Hương Trà. Gần 1300 nhà bị tốc mái; hàng trăm cơ sở trường học, đồn Biên phòng cửa khẩu (Thuận An, Tư Hiền, Chân Mây…), hải đội 2, đại đội Cơ Động... bị tốc mái, hư hỏng. Trên 100ha rừng trồng, cây nông nghiệp bị gãy đổ, hư hỏng…

Đặc biệt, tàu thuyền vùng biển bị thiệt hại nặng dù đã tìm nơi trú ấn. Như tại thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang tàu cá TTH 99911TS do ông Nguyễn Cường làm thuyền trưởng tàu đang neo đậu bị sóng đánh tàu đè lên nhà bà Lê Thị Xuyên làm sập 2/3 nhà. Tại khu vực neo đậu xã Phú Thuận huyện Phú Vang,  Tàu TTH 99999 TS (vỏ sắt) của ông Trần Văn Chiến, tàu TTH 92366TS do ông Phạm Văn Cường làm thuyền trưởng, tàu TTH 92099 TS.. bị sóng đánh mắc cạn

Tại âu thuyền thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang sóng đánh làm chìm 9 tàu, trong đó có tàu của ông Trần Cường bị gãy làm đôi. Tại âu thuyền xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc sóng đánh làm 02 ghe (thuyền) bị chìm.

Hệ thống điện cũng mất trên diện rộng. Trong đó số TBA mất điện là 1526/2445 TBA chiếm 61,2%. Số khách hàng mất điện do sự cố/cắt điện sa thải 191.164/312.416 khách hàng chiếm 41,9%. Thống kê toàn tỉnh có 92/145 phường/xã bị mất điện. Dự kiến chiều ngày 15/11/2020 PCTTH sẽ tiến hành khôi phục cấp điện trở lại cho khách hàng.

Báo cáo cũng cho biết, nhiều cây số đường tỉnh lộ các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, TX Hương Thuỷ… bi hư hỏng; nhiều đoạn đường tuyến quốc lộ 49 nối TP Huế với huyện miền núi A Lưới bị tắc do sạt lở; nhiều cây số đê biển bị xâm thực sâu vào đất liền. (thuonghieucongluan.com.vn 15/11)

 
 
 

14.  Ngư dân Thừa Thiên Huế dồn lực “giải cứu” tàu cá bị chìm sau bão

Sau bão số 13, ngư dân Thừa Thiên Huế dồn lực “giải cứu” hàng loạt tàu cá đã bị sóng lớn đánh đứt dây neo dạt vào bờ mắc cạn, chìm nghỉm...

Chiều 15/11, con đường từ QL49B từ trung tâm thị trấn Thuận An vào làng biển Hải Tiến (thị trấn Thuận A, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn ngập sâu trong nước. Triều cường sau bão đã rút, nhưng người dân nơi đây đang bì bõm lội nước từ đường chính vào nhà.

Tại âu thuyền thôn Hải Tiến, đoạn cuối con đường bê tông thôn Hải Tiến hướng ra của biển Thuận An tiếng máy nổ rền vang. Tuy nhiên, đây không phải là tiếng máy rộn ràng của những chuyến tàu vươn khơi bám biển sau bão số 13, mà là tiếng máy của những chiếc tàu cá đang nối dây “giải cứu” những chiếc tàu cá đã bị sóng đánh chìm nghỉm.

Riêng tại âu thuyền thôn Hải Tiến đã có 6 tàu cá xa bờ bị sóng đánh chìm nghỉm vào rạng sáng 15/11 cùng máy móc thiết bị, ngư lưới cụ... Những ngư dân làng biển cũng đang ngâm mình dưới dòng nước lạnh buốt, đục ngầu đặc quánh mùi dầu máy, vì nước càng rút thì nỗ lực cứu tàu càng khó khăn hơn.

Chị Phan Thị Bé, vợ chủ tàu Mai Văn Rê ứa nước mắt cho biết, vợ chồng chị vay mượn 600 triệu đồng đóng được tàu cá TTH-93456TS hơn 5 năm nay. Trước thông tin bão số 13 đổ bộ, vợ chồng chị đưa tàu vào giằng cột cẩn thận, nhưng không ngờ nước biển đợt này dâng quá cao, gió giật mạnh làm đứt dây rồi bị sóng đánh dạt vào bờ, va đập vỡ mạn rồi chìm nghỉm.

“Năm nay ảnh hưởng dịch Covid-19, tôm cá khó tiêu thụ, rớt giá, rồi bão liên miên. Bây giờ phải chờ cẩu lên mới biết tàu bè có bị gãy không, chứ ngư lưới cụ vừa đưa lên được thì đã rách hết”, chị Bé thẫn thờ nói.

Tại âu thuyền thôn Hải Tiến, ngoài tàu TTH-93456TS của ngư dân Mai Văn Rê, còn có 8 tàu cá xa bờ khác bị chìm, gồm: TTH-99865TS của ngư dân Mai Văn Đê, TTH-94444TS của ngư dân Trần Văn Kiếng, TTH-92116TS của ngư dân Nguyễn Bầu, TTH-91345TS của ngư dân Nguyễn Bí, TTH-96329TS của ngư dân Phan Lũy, TTH-99696TS của ngư dân Lê Văn Bi, TTH-42429TS của ngư dân Phạm Văn Chàng. Riêng chiếc ghe - thuyền đánh cá loại nhỏ của ngư dân Trần Cường bị gãy đôi.

Trong khi đó, tàu cá TTH-99911TS đang neo đậu bị sóng đánh đứt dây neo rồi tiếp tục dạt vào đè lên nhà bà Lê Thị Xuyên làm sập 2/3 nhà và gây hư hại phía sau nhà bên cạnh đã được “giải cứu”. Rất may thời điểm xảy ra vụ việc, bà Xuyên cùng gia đình đã được sơ tán đi đến nơi tránh trú bão an toàn nên khhông có thiệt hại về người.

Cũng tại huyện Phú Vang, chiếc “tàu 67” vỏ sắt TTH 99999TS và tàu vỏ gỗ TTH-92099TS đang neo đậu tránh bão tại khu neo đậu xã Phú Thuận bị sóng đánh đứt dây neo dạt vào bờ mắc cạn bên con đập Hòa Duân - QL49B. Tàu cá TTH-92366TS neo đậu tại âu thuyền xã Phú Thuận cũng bị sóng đánh đứt dây neo dạt vào bờ mắc cạn. 2 ghe đánh cá của ngư dân neo đậu tại âu thuyền xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc), cũng bị sóng đánh chìm.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, từ 20h tối 14/11 đến 6h sáng 15/11, do ảnh hưởng của bão số 13, tại thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) và TP Huế đã có gió cấp 6, cấp 8, giật cấp 9, cấp 11. Vùng ven biển có sóng lớn, nước biển dâng do bão, trong đó tại khu vực xã Lộc Vĩnh và xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) nước đã tràn vào nhà dân khoảng 0,2m; triều cường kéo dài làm chậm khả năng thoát lũ, mực nước tại Thảo Long là 1,77m.

QL49 từ phía Bắc cầu Diên Trường về cầu Tam Giang... chiều 15/11 đang bị nước lũ chia cắt, nhiều xe ô tô tải "tranh thủ" vận chuyển cả người và xe máy (baogiaothong.vn 15/11)

 
 
 

15.  Thừa Thiên Huế: Di dời nhân dân đến nơi an toàn phòng, tránh bão số 13

Trưa 15-11, BĐBP Thừa Thiên Huế cùng chính quyền các địa phương đã hoàn thành việc di dời dân ở các vùng xung yếu, các khu dân cư cạnh bờ biển vào các điểm tránh, trú bão an toàn.

Tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, điểm giáp ranh giữa 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, hàng trăm người dân được Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây và chính quyền địa phương đưa về các điểm trường để tránh trú bão. Việc di dời nhân dân đến nơi an toàn sẽ hoàn thành vào trưa 15-11.

Người dân được di dời chủ yếu là bà con ở làng chài Bình An 2. Đây là thôn giáp biển, với 70% là nhà cửa thô sơ. Vì vậy, bà con đã được sắp xếp ổn định chỗ ở trước khi bão số 13 ập đến.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chính quyền địa phương đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, BĐBP Thừa Thiên Huế hoàn thành di dời 413 hộ, 1.239 khẩu đến các điểm tránh trú bão ở Trường Tiểu học Bình An, Trường Mầm non Lộc Vĩnh an toàn. Hiện, có 2 điểm được chọn làm nơi tránh trú bão dự phòng là nhà khách của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây và Trường Trung học cơ sở Lộc Vĩnh. (bienphong.com.vn 15/11)

 
 
 

16.  Xin đừng chủ quan

Hơn 3 tháng qua, người dân phải nơm nớp lo sợ, thậm chí kiệt sức khi phải sống chung với bão, lũ triền miên. Nhưng cũng không ít người còn chủ quan trước thiên tai.

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau mưa bão.

Chúng tôi về quê đúng lúc cơn bão số 13 đang chuẩn bị vào, mà Thừa Thiên Huế cũng nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão nên cả nhà ai cũng lo lắng. Tiếng loa phát thanh cứ vang lên cả ngày, yêu cầu người dân giằng chống nhà cửa, sơ tán tới nơi an toàn, neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão. Nhà ngay cửa biển nên công tác phòng, chống bão càng khẩn trương hơn. Khi mưa còn chưa nặng hạt, mấy người đàn ông trong nhà kiểm tra lại cửa nẻo một lần nữa trước khi đi sơ tán vì nhà ở quê cũng thuộc dạng nằm trong nguy cơ không trụ nổi với cơn cuồng phong mang tên Vamco.

Ấy vậy mà, nhà hàng xóm lại có vẻ đủng đỉnh, mặc dù nhà không mấy là kiên cố. “Ui dào, dân biển lạ gì sóng to gió lớn mà phải sơ tán. Bão số 9 mạnh mà cũng có bị gì đâu mà giằng chống nhà, đi sơ tán cho cực”, chú hàng xóm thản nhiên nói với sang khi thấy mọi người trong nhà tôi chuẩn bị đi sơ tán.

Không chỉ riêng chú hàng xóm, mấy ngày về quê, tôi liên tục cảnh báo mọi người khi đọc được những thông tin về cơn bão số 13, người thì tỏ ra lo sợ, nhưng cũng không ít người cười trừ vì nghĩ tôi lo quá. Và với lý do, sống ở biển quen với sóng gió nên không sợ bão, lụt.

Ba mẹ chồng tôi cũng vậy, con cái thúc giục lắm mới chịu đi sơ tán, ai cũng bảo phòng hơn tránh, bão có vào người an toàn là trên hết, còn bão không ảnh hưởng thì càng tốt, đi tránh đâu có thừa!

Đợt lũ lớn đầu tháng 10 vừa rồi tôi không ít lần thót tim khi trên bảng tin facebook nhiều người bạn vô tư chia sẻ hình ảnh đưa vợ, con đi lội lụt. Nào là cho biết cảm giác lụt, rồi tìm về ký ức tuổi thơ… mà không nghĩ tới nguy hiểm có thể rình rập bất cứ lúc nào.

Phía dưới là dòng nước sông Hương đục ngầu, chảy xiết, cuồn cuộn dâng, còn trên cầu Phú Xuân là không ít ông bố dẫn con ra ngồi buông cần, đằng xa là những thanh niên “thảnh thơi” buông rớ và họ chia sẻ lên mạng như một thú vui mùa mưa lũ.

Đâu đó những thông tin về những tai nạn thương tâm do thiên tai khi đi bẫy chim, bắt cá trong khi nước lũ đang dâng, chảy xiết… và những người bị nạn hầu như không hề mang áo phao đề phòng rủi ro. Những tai nạn thật đáng tiếc và không đáng có nếu mọi người ai cũng cảnh giác với thiên tai và hạn chế tối đa ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết.

Người gặp tai nạn đã thiệt thòi, người thân chịu biết bao đau khổ mà kéo theo là những hệ lụy khi phải huy động các lực lượng tìm kiếm người bị nạn với biết bao nguy hiểm rình rập.

Khi thiên tai ngày càng khắc nghiệt, khó lường thì mỗi chúng ta cần nêu cao tinh thần phòng ngừa, tự trang bị cho mình và gia đình những kĩ năng sống chung với tai họa. Luôn lên dây cót tinh thần và đặt bản thân vào những tình trạng khẩn cấp để sẵn sàng có các biện pháp phòng, tránh thiên tai hiệu quả. Nhất là tuân thủ các khuyến cáo của chính quyền để không những đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân mà còn giảm bớt gánh nặng cho chính quyền, cơ quan chức năng và các lực lượng khác. (baothuathienhue.vn 14/11)

 
 
 

17.  TT – Huế: Hơn 4.000 ngôi nhà tốc mái, trên 14km bờ biển sạt lở do bão số 13

Ngày 15-11, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, do ảnh hưởng cơn bão số 13 (Vamco) đã gây thiệt hại nặng trên địa bàn tỉnh, khiến hàng nghìn ngôi nhà tốc mái.

Theo thống kê bước đầu có 6 nhà sập, 4.489 nhà tốc mái. Nhiều cơ sở giáo dục, trường học, cơ quan bị hư hại, tốc mái vì bão số 13.

Do ảnh hưởng của bão số 13 tại thị trấn Thuân An, huyện Phú Vang và thành phố Huế đã có gió cấp 6, cấp 8, giật cấp 9, cấp 11. Vùng ven biển có sóng lớn, nước biển dâng do bão tại khu vực xã Lộc Vĩnh và xã Giang Hải, huyện Phú Lộc; xã Hải Dương, thị xã Hương Trà nước đã tràn vào nhà dân. Triều cường, sóng lớn, nước dâng do bão đã làm cho bờ biển Thừa Thiên Huế tiếp tục bị xói lở nặng với chiều dài hơn 14 km tập trung ở các đoạn xung yếu.

Tại huyện Phú Vang 2.150 nhà bị tốc mái, 3 nhà ở thị trấn Thuận An bị sập. Tại huyện này nhiều tàu cá bị sóng đánh mắc cạn; 9 tàu cá ở Thuận An bị chìm, một tàu cá đứt dây neo, sóng đẩy vào bờ tông sập một nhà dân.

Ngoài ra, 04 phòng học, phòng chức năng của trường Tiểu học Phú Thuận 1 cũng bị tốc mái hoàn toàn sau cơn bão số 13. Sau khi bão đi qua, chính quyền các cấp, quân đội, công an, dân quân đã hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lụt.

Vào sáng 15/11, sau khi bão số 13 quét qua địa bàn Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng các lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do bão gây ra tại một số địa bàn xung yếu tuyến ven biển.

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại các địa phương ven biển và nắm tình hình, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, do có sự chủ động với phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống bão nên mức độ thiệt hại của bão số 13 trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể.

Chủ tịch tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp huy động tối đa lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang trực tiếp về cơ sở phối hợp với nhân dân khắc phục hậu quả của mưa bão, giảm thiểu thiệt hại của người dân...(congan.com.vn 16/11; cand.com.vn 15/11)

 
 
 

18.  Thương những ngôi làng hơn 30 ngày còn ngâm trong nước

Nước vừa xuống lại lên. Hết mấy đợt rồi vẫn còn tràn ngập làng xóm. Đó là tình cảnh nhiều làng xóm ở hạ du sông Bồ, Thừa Thiên Huế suốt hơn 30 ngày qua.

Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều nơi thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế ngập chìm trong nước lũ, mọi sinh hoạt của người dân gặp khó khăn, đình trệ. Đến lúc này nước lại có nguy cơ dâng trở lại do bão số 13 đổ vào đất liền.

Dọc theo vùng hạ du sông Bồ, các tuyến đường liên thôn, liên xã đều ngập trong nước lụt hơn tháng nay.

Để tiếp cận các làng bị ngập sâu của xã Quảng Phú như Xuân Tùy, Nghĩa Lộ, Nho Lâm..., chúng tôi phải đi nhờ thuyền của các đoàn cứu trợ qua cánh đồng của làng Bao La ngập trong biển nước mênh mông.

Đây là một trong những vùng bị ngập nặng nhất trong đợt lụt đêm 9 rạng ngày 10-10 vừa qua khi nước sông Bồ vượt đỉnh lũ lịch sử 1999.

Nhiều ngôi nhà, trường học hiện vẫn ngập trong nước gần cả mét. Người dân lội nước và dùng thuyền để nhận quà từ các nhà hảo tâm trong mừng vui, vì cả tháng nay hầu như không làm ăn gì được.

Bà Hoàng Thị Tía (thôn Xuân Tùy) cho biết khu vực này bị nước lụt ngâm đã hơn 30 ngày. Nước ra rồi vào liên tục nên người dân không còn cách nào khác ngoài sống chung với lụt. Cứ thấy nước lên là "ba chân bốn cẳng" chạy đi kê đồ đạc lên cao.

Cùng hoàn cảnh với bà Tía, ông Lê Cư (xóm 5, thôn Xuân Tùy) cho biết nhà ông ngập sâu hơn 1m trong nước lũ đã nhiều ngày nay. Vách tường nhà bị đổ nát do lũ ngâm lâu ngày, mọi vật dụng trong nhà đều bị hư hỏng nặng.

"Hôm qua dâng lên cao gần cả mét, ập vào nhà làm ướt hết đồ. Nước cứ lên lên xuống xuống hoài không làm ăn gì được, chợ đò cũng khó khăn nên chủ yếu sinh sống bằng hỗ trợ của các nhà hảo tâm", ông Cư tâm sự.

Ông Trần Quốc Thắng - chủ tịch UBND huyện Quảng Điền - cho biết đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn khi bị ngập lụt trong nhiều ngày.

Hiện tại các xã vùng hạ du sông Bồ như Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng Phú... nước đang rút nhưng rất chậm, nhiều thôn thấp trũng vẫn còn bị chia cắt trong nước lụt nên người dân vẫn chưa thể làm ăn, sinh sống bình thường.

Cũng theo ông Thắng, để ứng phó với cơn bão số 13 sắp vào, UBND huyện Quảng Điền đã có công điện gửi về các địa phương để kịp thời di dời dân, nhất là dân các làng bị nước lụt ngâm cả tháng nay để tránh các thiệt hại về tài sản và tính mạng con người. (tuoitre.vn 14/11)

 
 
 

19.  Thừa Thiên Huế: Khẩn trương khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống người dân sau bão 13

Bão số 13 đã làm gần 4.500 nhà dân các địa phương ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế tốc mái, hơn 40 cơ sở trường học bị hư hại, hàng loạt cây xanh gãy đổ, nhiều tàu đánh cá bị sóng mạnh đánh chìm và mắc cạn.

Ngay trong ngày 15.11, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và người dân đã nhanh chóng bắt tay dọn dẹp, khắc phục hậu quả của cơn bão số 13. Tại khu vực thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận (thuộc huyện Phú Vang), người dân đã khẩn trương từ các khu vực sơ tán trở về nhà để dọn dẹp, nhiều nhà bị tốc mái cũng được lực lượng thanh niên trên địa bàn hỗ trợ di chuyển đồ đạc, dọn mái tôn để nhanh chóng lợp lại. Tại xã Phú Thuận, dãy phòng học của Trường Tiểu học số 1 đã bị tốc mái hoàn toàn, nhiều đồ dùng, thiết bị dạy và học bị hư hại. UBND xã này đã cắt cử lực lượng hỗ trợ cùng nhà trường đẩy nhanh công tác khắc phục, sửa chữa nhằm sớm đảm bảo an toàn cho việc đến lớp của học sinh.

Xã Phú Thuận và thị trấn Thuận An là hai địa phương “chủ lực” về đánh bắt cá xa bờ của huyện Phú Vang nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Tại đây đã có nhiều tàu thuyền của ngư dân bị sóng đánh chìm, có tàu xa bờ mắc cạn chưa thế “giải cứu”. Ghi nhận tại thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, tàu cá TTH-99911TS do ông Nguyễn Cường làm thuyền trưởng khi neo đậu đá bị đứt neo, tông vào nhà bà Lê Thị Xuyên làm sập 2/3 căn nhà; khu vực này cũng có 9 phương tiện bị sóng lớn đánh chìm. Ngoài ra, một số tàu vỏ sắt, tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân cũng bị sóng lớn đánh dạt vào gần bờ và mắc cạn. Đến chiều cùng ngày, cộng đồng ngư dân xã Phú Thuận đang tiếp tục hỗ trợ “giải cứu” tàu cá TTH-92366TS do ông Phạm Văn Cường làm thuyền trưởng đang bị mắc cạn gần bờ.

Đến chiều ngày 15.11, cộng đồng ngư dân và nhân dân xã Phú Thuận đang hỗ trợ để "giải cứu" tàu cá bị mắc cạn

Có mặt kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do bão số 13, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các lực lượng ưu tiên chặt tỉa cây xanh gãy đổ, giải phóng các tuyến đường, nhất là tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ tạo điều kiện lưu thông. Đối với những nhà bị tốc mái, bị sập, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng sửa chữa nhà cho người dân, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, nhanh chóng sửa chữa các công trình trường học, bệnh viện, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất trên địa bàn.

“Chính quyền các cấp tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, bảo đảm không người dân nào bị đói ăn, bệnh tật”- ông Thọ nhấn mạnh.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, bão 13 đã gây triều cường lớn, nhiều khu vực dân cư ven biển của huyện Phú Lộc (với 909 nhà dân) bị ngập. Do ảnh hưởng của bão số 13, bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục bị xói lở nặng, với chiều dài hơn 14km, tập trung ở các đoạn xung yếu qua xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (huyện Phú Vang), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) và các xã của huyện Phong Điền…Có những vị trí biển xói lở sâu vào đất liền 10m, gây mất rừng phòng hộ và đe dọa đến các khu dân cư, trong đó tại xã Giang Hải có nguy cơ mở cửa biển mới.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thống kê ban đầu đến cuối giờ chiều ngày 15.11, cơn bão số 13 đã khiến 4.489 nhà dân trên toàn tỉnh bị tốc mái, trong đó riêng huyện Phú Vang đã là 2.150 nhà; có 6 nhà dân bị sập và hơn 40 cơ sở trường học bị tốc mái, hư hại nhiều hạng mục. Hiện một số địa phương vẫn chưa có điện trở lại.

Trong khi đó, tại khu di sản Hoàng cung Huế và các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, lực lượng cán bộ nhân viên đã tập trung khắc phục, dọn dẹp vệ sinh sau khi bão 13 đi qua. Công tác phòng chống bão được thực hiện chặt chẽ, nên các điểm di tích không bị thiệt hại nặng, chỉ gãy đổ một số cây xanh và được xử lý nhanh chóng. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã mở cửa đón khách tham quan trở lại ngay trong ngày hôm nay, 15.11. (baovanhoa.vn 15/11; nld.com.vn 15/11)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Học sinh các cấp học ở Thừa Thiên Huế đi học trong ngày mai 16/11

Bão số 13 đã làm gần 10 trường học tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc bị tốc mái, hư hỏng về cơ sở vật chất.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thông báo, học sinh các cấp, từ mầm non đến THPT đi học lại trong ngày mai (16/11); đồng thời, chỉ đạo những trường đang còn ngập lũ có các biện pháp khắc phục. Hiện, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng với người dân các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 13.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau bão, trên địa bàn tỉnh có 6 nhà sập, gần 4.500 nhà tốc mái ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà và Phong Điền. Nhiều cơ sở giáo dục, trường học, cơ quan đơn vị... bị hư hại, tốc mái.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bão số 13 đã làm gần 10 trường học tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc bị tốc mái, hư hỏng về cơ sở vật chất.

“Sở đã có công văn chỉ đạo các đơn vị tranh thủ thời gian dọn dẹp sau bão để đảm bảo những trường không bị tốc mái, không còn bị ngập lũ thì tổ chức cho học sinh học lại bắt đầu từ ngày mai. Còn đối với những trường đang bị tốc mái và vẫn bị ngập lụt thì tiếp tục có giải pháp khắc phục để tổ chức học sinh đi học trở lại”, ông Nguyễn Tân nói”./. (vov.vn 15/11)

 
 
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
 

1.  Bão: Hệ thống Đô thị thông minh Huế kích hoạt chức năng 'SOS'

Tại vùng biển Thừa Thiên - Huế hiện tại có mưa rất ro và gió lớn dồn dập.

22 giờ 20 ngày 14-11, ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, hiện nay tại khu vực này mưa rất to, gió giật mạnh, sóng biển rất cao, điện lưới đã cúp để đảm bảo an toàn.

Ông Tùy cho biết, nước phá Tam Giang đang dâng nhưng các thôn trong hiện tại chưa ngập, chỉ có khu tái định cư thôn Xuân An là nước đã lên đường. Đập Hoà Duân cũng sấp xỉ lên mặt đập.

"Khoảng 1 tiếng nữa với lượng mưa này chắc sẽ tràn qua đập Hoà Duân. Lực lượng chức năng hiện đang tập trung để theo dõi diễn biến mưa bão và sẵn sàng các biện pháp cứu hộ cứu nạn" - ông Tùy nói.

Còn tại TP Huế, gió mạnh và mưa lớn kéo dài suốt buổi chiều kéo dài đến nay. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, vào tối hôm nay, các cung đường tại TP Huế vắng tanh, không có người qua lại.

Hệ thống Đô thị thông minh Huế (Hue-s) liên tục cập nhật thông tin về mưa lũ, đưa ra các khuyến cáo với người dân về sự nguy hiểm của cơn bão.

Chính quyền cũng đã kích hoạt chức năng ứng dụng khẩn cấp "SOS" trên hệ thống Hue-s để ứng cứu khi người dân gặp nạn, cần sự trợ giúp. (plo.vn 14/11)

 
 
THỂ THAO
 

1.  Ngày hội Hiphop Huế 2020 “hâm nóng” Cố đô

Sau nhiều lần dời ngày tổ chức do thiên tai và dịch bệnh, tối 15/11, tại Nhà thi đấu Trung tâm Thể thao tỉnh đã diễn ra Ngày hội Hiphop Huế 2020.

Do ảnh hưởng bởi cơn bão số 13 nên Ngày hội Hiphop Huế 2020 dời khai mạc sang tối 15/11, thay vì tối ngày 14/11 như dự kiến. Dù thế, ngày hội đã nhận được sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ trong cả nước về tham gia. Hàng ngàn khán giả trẻ và du khách yêu thích bộ môn hiphop cũng đã đến để cổ vũ cho các thí sinh và nhún nhảy theo từng điệu nhạc hiphop sôi động.

Ngày hội diễn ra 4 nội dung thi đấu, gồm: đối kháng cá nhân nội dung Hiphop; đối kháng cá nhân nội dung Popping; đối kháng cá nhân dành cho trẻ em và đối kháng tập thể.

Ngày hội còn có các chương trình giao lưu khách mời có tầm ảnh hưởng đến Hiphop Việt Nam và thế giới; ki-ốt trưng bày và bán các sản phẩm liên quan đến chương trình, các kiot của nhà tài trợ; các hoạt động đi kèm như vẽ Graffity, Skateboard, biểu diễn của các nhóm nhảy khách mời…

Ngày hội Hiphop Huế 2020 là lần thứ 2 mà sự kiện liên quan đến hiphop lớn được diễn ra ở Huế. Theo ban tổ chức, các thí sinh tham dự ngày hội Hiphop Huế 2020 và được giải sẽ được công nhận vượt qua vòng sơ loại các cuộc thi hiphop quốc tế.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch, đơn vị tổ chức mong muốn, tạo ra sân chơi lành mạnh, không gian nghệ thuật để các nghệ sĩ phô diễn tài năng của mình; khán giả và du khách tìm hiểu về thể loại âm nhạc độc đáo, mang đầy màu sắc đường phố như hiphop. Ngày hội còn góp phần khẳng định danh hiệu Huế - thành phố Festival của Việt Nam, từng bước xây dựng hình ảnh Huế - kinh đô lễ hội, tạo ra sự kiện có sức hấp dẫn trong việc thu hút du khách, nhất là trong giai đoạn kích cầu khách du lịch nội địa hiện nay. (baothuathienhue.vn 16/11)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Huế: Bắt giữ nam thanh niên chuyên nhận mua hàng ngoại, để chiếm đoạt tiền cọc

Sau khi các bị hại tin tưởng và liên hệ nhờ đặt hàng, đối tượng Dương yêu cầu người mua hàng chuyển tiền đặt cọc và chiếm đoạt tiền đặt cọc của người nhờ mua.

Ngày 13/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trương Hoàng Dương, (sinh năm 1992, trú tại 46/7 Trần Quý Cáp, phường Thuận Thành, TP. Huế) về hành vi sử dụng mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân.

Trước đó, vào khoảng tháng 1/2020, nhận thấy mặt hàng nhiệt kế hồng ngoại, các sản phẩm đồ gia dụng có xuất xứ nước ngoài được nhiều người đặt mua, đối tượng Trương Hoàng Dương đã lập ra tài khoản Facebook có tên “Dương Quang Hải” với mục đích đăng thông tin nhận mua giúp các mặt hàng trên để chiếm đoạt tiền đặt cọc.

Không chỉ vậy, để tạo lòng tin với người mua hàng, đối tượng Dương lập thêm 5 tài khoản Facebook ảo để vào tương tác, bình luận đã mua được các mặt hàng đạt chất lượng.

Khi các bị hại tin tưởng và liên hệ nhờ đặt hàng, đối tượng Dương yêu cầu người mua hàng chuyển tiền đặt cọc dưới 2 hình thức sử dụng ví điện tử Momo hoặc thanh toán qua tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt số tiền trên.

Tại cơ quan Công an, Dương khai nhận với thủ đoạn trên đã chiếm đoạt tiền của 30 nạn nhân với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. (giaoducthoidai.vn 14/11)

 
 
 

2.  Thừa Thiên- Huế: Phát hiện thi thể nam thanh niên sau nhiều ngày mất tích

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế đang làm rõ sự việc, nam thanh niên bị mất tích được phát hiện tử vong trên phá Tam Giang.

Chiều ngày 15/11, UBND xã Phong Hải, huyện Phong Điền (Thừa Thiên- Huế) cho biết, chính quyền địa phương đang phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ một thanh niên là dân địa phương được phát hiện tử vong sau hơn 3 ngày mất liên lạc.

Theo đó, vào sáng 15/11, lực lượng chức năng xã Hương Phong đã phát hiện thi thể anh Nguyễn Văn T. (23 tuổi, trú thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải, huyện Phong Điền) nổi trên phá Tam Giang.

Sau khi tiến hành các thủ tục liên quan, thi thể nam thanh niên nói trên đã được bàn giao cho gia đình đưa về để lo hậu sự.

Theo cơ quan chức năng,  anh Nguyễn Văn T. rời nhà bằng xe máy và đi theo hướng lên xã Phong Chương và thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền), gia đình liên lạc với anh T. không được. Đến nay thì xảy ra sự việc đau lòng.

Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ. (nongnghiep.vn 15/11)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Hỗ trợ trồng 107,8 ha cây lâm sản ngoài gỗ

Đó là kết quả ghi nhận tại hội thảo, sơ kết một năm triển khai quy chế quản lý rừng cộng đồng (RCĐ) trên địa bàn tỉnh, do Chi cục Kiểm lâm tổ chức chiều 14/11.

Chi cục Kiểm lâm đánh giá cao cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là các cộng đồng được hỗ trợ trồng rừng kinh tế đã tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Nhiều hộ đồng bào miền núi Nam Đông, A Lưới chuyên sống dựa vào rừng, nay đã chuyển sang phát triển sản xuất cây lâm sản ngoài gỗ.

Ngành kiểm lâm còn thành lập mới và kiện toàn 82 ban quản lý, 78 ban giám sát và các tổ đội quản lý RCĐ; xây dựng và thông qua quy ước quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các cộng đồng. Các ban quản lý, tổ đội tiến hành tuần tra rừng bình quân 2 lần/tháng tại diện tích rừng được giao…

Năm 2021, dự kiến đầu tư gần 2,5 tỷ đồng hỗ trợ các hoạt động quản lý RCĐ trên địa bàn tỉnh. (baothuathienhue.vn 14/11)

 
 
 

2.  Bão: Hệ thống Đô thị thông minh Huế kích hoạt chức năng 'SOS'

Tại vùng biển Thừa Thiên - Huế hiện tại có mưa rất ro và gió lớn dồn dập.

22 giờ 20 ngày 14-11, ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, hiện nay tại khu vực này mưa rất to, gió giật mạnh, sóng biển rất cao, điện lưới đã cúp để đảm bảo an toàn.

Ông Tùy cho biết, nước phá Tam Giang đang dâng nhưng các thôn trong hiện tại chưa ngập, chỉ có khu tái định cư thôn Xuân An là nước đã lên đường. Đập Hoà Duân cũng sấp xỉ lên mặt đập.

"Khoảng 1 tiếng nữa với lượng mưa này chắc sẽ tràn qua đập Hoà Duân. Lực lượng chức năng hiện đang tập trung để theo dõi diễn biến mưa bão và sẵn sàng các biện pháp cứu hộ cứu nạn" - ông Tùy nói.

Còn tại TP Huế, gió mạnh và mưa lớn kéo dài suốt buổi chiều kéo dài đến nay. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, vào tối hôm nay, các cung đường tại TP Huế vắng tanh, không có người qua lại.

Hệ thống Đô thị thông minh Huế (Hue-s) liên tục cập nhật thông tin về mưa lũ, đưa ra các khuyến cáo với người dân về sự nguy hiểm của cơn bão.

Chính quyền cũng đã kích hoạt chức năng ứng dụng khẩn cấp "SOS" trên hệ thống Hue-s để ứng cứu khi người dân gặp nạn, cần sự trợ giúp. (plo.vn 14/11)

 
 
 

3.  Hỗ trợ trồng 107,8 ha cây lâm sản ngoài gỗ

Đó là kết quả ghi nhận tại hội thảo, sơ kết một năm triển khai quy chế quản lý rừng cộng đồng (RCĐ) trên địa bàn tỉnh, do Chi cục Kiểm lâm tổ chức chiều 14/11.

Chi cục Kiểm lâm đánh giá cao cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là các cộng đồng được hỗ trợ trồng rừng kinh tế đã tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Nhiều hộ đồng bào miền núi Nam Đông, A Lưới chuyên sống dựa vào rừng, nay đã chuyển sang phát triển sản xuất cây lâm sản ngoài gỗ.

Ngành kiểm lâm còn thành lập mới và kiện toàn 82 ban quản lý, 78 ban giám sát và các tổ đội quản lý RCĐ; xây dựng và thông qua quy ước quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các cộng đồng. Các ban quản lý, tổ đội tiến hành tuần tra rừng bình quân 2 lần/tháng tại diện tích rừng được giao…

Năm 2021, dự kiến đầu tư gần 2,5 tỷ đồng hỗ trợ các hoạt động quản lý RCĐ trên địa bàn tỉnh. (baothuathienhue.vn 14/11)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.628.846
Truy cập hiện tại 245