Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 09/11/2020
Ngày cập nhật 09/11/2020
TIN NÓNG
 

1.  Vực dậy kinh tế sau lũ đối mặt với nhiều khó khăn

Những đợt mưa lũ đặc biệt lớn vừa qua không chỉ gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản mà còn tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của nhân dân. Vực dậy kinh tế sau lũ là nhiệm vụ quan trọng tại nhiều địa phương khi người dân đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi cây trồng, vật nuôi đã bị nước lũ cuốn trôi và thiếu nguồn lực để tái đầu tư cho sản xuất. Phóng sự ghi nhận tại một địa phương của thị xã Hương Trà. (phóng sự ngắn TRT Huế 08/11)

 
 
 

2.  Thừa Thiên Huế: Khẩn cấp chống sạt lở bờ sông Bồ

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ vừa qua đã làm nhiều ngôi nhà của các hộ dân sinh sống cạnh sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên Huế) bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ ảnh đến tính mạng và tài sản...

Mưa lũ nhiều đợt trong tháng 10 khiến mực nước sông Bồ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, gây nhiều thiệt hại trong đó có sạt lở sông.

Trực tiếp khảo sát hiện trường, PV nhận thấy sạt lở ở bờ sông Bồ đoạn qua thôn Bồ Điền (xã Phong An, huyện Phong Điền) xảy ra khá nghiêm trọng, lấn sâu vào đất liền gần 20m, tiến vào sát nhà người dân. Những bụi tre người dân trồng dọc sông bị bật gốc trôi ra sông.

Bà Phan Thị Tuyết (trú tại thôn Bồ Điền) thông tin, từ ngày 14/10 đến nay, mưa lũ và bão đã làm đoạn bờ sông Bồ tại thôn sạt lở nặng nề. Tại nhà bà, nước sông đã cuốn trôi công trình phụ nhà bà và nguy cơ đe dọa đến ngôi nhà bà đang sinh sống.

Gần 100 người thuộc lực lượng công an, quân đội huyện Phong Điền, Công an PCCC Công an tỉnh và cán bộ, lực lượng dân quân tự vệ xã Phong An và người dân thôn Bồ Điền đã giúp người dân sinh sống nơi đây đóng cọc tre, rải bạt và chất hàng ngàn bao cát để chống sạt lở bờ sông.

Ông Trương Minh Thanh, sống cạnh sông Bồ cho hay, bờ kè bằng đá ông xây dựng dọc bờ sông dài 25m, rộng 1m, cao 1,5m để bảo vệ đất đai trước đây với kinh phí 50 triệu đồng bị lũ cuốn trôi, xâm nhập sâu vào đất liền hơn 10m, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ông và những hộ lân cận.

“Mấy năm trước mưa lũ không bao giờ ảnh hưởng đến vùng này, nay mưa lớn cộng với việc xả lũ của thủy điện đã gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân nơi đây… May nhờ lực lượng gia cố bờ sông, không thì nhiều hộ không dám ở tại ngôi nhà mình nữa, bởi sợ sập bất cứ lúc nào. Tôi mong nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng kè đoạn này để chống sói lở”, ông Thanh chia sẻ.

Ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An cho biết, mưa lũ đã làm sạt lở bờ sông Bồ với chiều dài 500m, lấn sâu vào đất liền gần 20m, ảnh hưởng trực tiếp đến 32 hộ dân với 143 nhân khẩu. Không chỉ đoạn thôn Bồ Điền, tại đoạn thôn Phò Ninh cũng có nguy cơ sạt lở. Huyện, xã đã huy động lực lượng khắc phục tạm thời, nhắm phòng chống mưa bão. Về lâu dài, xã mong muốn huyện, tỉnh, trung ương cần xây kè để chống sạt lở, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn đã chỉ đạo huyện, xã huy động thêm lực lượng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ gia cố bờ sông; đồng thời kiên quyết xử lý những hộ gia đình xây dựng lấn chiếm ra bờ sông. Ngoài ra, sơ tán dân vùng sạt lở, vận động các hộ dân giằng chống nhà cửa để phòng tránh mưa bão sắp tới.

Được biết, tại khu vực sông Bồ thuộc xóm Cầu – Cửa Khâu, TDP Giáp Tư (phường Hương Văn, thị xã Hương Trà) cũng bị sạt lở từ bờ vào gần 50m, ảnh hưởng 5 hộ dân trong đợt mưa lũ vừa rồi.

Bí thư Thị uỷ Hương Trà Nguyễn Tài Tuệ cho biết, về lâu dài, thị xã sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương thống kê để hỗ trợ những hộ ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sạt lở. “Chắc chắn những hộ này sẽ cho di dời vào một khu tái định cư nào đó phù hợp để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống”, ông Tuệ nói. (baotainguyenmoitruong.vn 09/11)

 
 
 

3.  Video: Sạt lở bờ sông Hương, người dân Huế thấp thỏm sống bên miệng 'hà bá'

Do ảnh hưởng của các đợt bão và mưa lũ kéo dài, tình trạng sạt lở bờ sông Hương, sông Bồ (Thừa Thiên - Huế), ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống của người dân. (vtc.vn video 08/11)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ

Ngày 8/11, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã thống nhất phân công nhiệm vụ 15 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Cụ thể, dẫn thông tin từ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Dangcongsan.vn cho biết, căn cứ Quyết định 2469-QĐNS/TW ngày 31/10/2020 của Bộ Chính trị về việc chuẩn y Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2020 - 2025; căn cứ Quy định 04-QĐi/TU ngày 01/11/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, tại phiên họp ngày 06/11/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã thống nhất phân công nhiệm vụ 15 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế như sau:

Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, phụ trách chung, trực tiếp phụ trách công tác tổ chức cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, công tác đối ngoại của Đảng bộ, các vấn đề cơ mật; Bí thư Đảng đoàn HĐND tỉnh, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh và tham gia Đảng ủy Quân khu 4.

Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, phụ trách công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trực tiếp phụ trách Văn phòng Tỉnh ủy, ngân sách Đảng, phụ trách chỉ đạo Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Báo Thừa Thiên Huế

Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng ủy viên Quân sự tỉnh; phụ trách công tác nhà nước và công tác nội chính, Công an, Biên phòng

Đồng chí Phạm Thị Minh Huệ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ thị xã Hương Trà.

Đồng chí Phan Xuân Toàn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ huyện Phú Vang.

Đồng chí Đặng Ngọc Trân, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ huyện Phú Lộc.

Đồng chí Hoàng Khánh Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo khối Tư tưởng - Văn hóa và Khoa giáo, Đảng bộ huyện Quảng Điền.

Đồng chí Nguyễn Chí Tài, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ huyện Phong Điền.

Đồng chí Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ thị xã Hương Thủy.

Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ huyện Nam Đông.

Đồng chí Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ huyện A Lưới.

Đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng chí Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế./. (baochinhphu.vn 09/11; dangcongsan.vn 08/11)

 
 
 

2.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giữ chức Bí thư Thành uỷ Huế

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được Ban Thường vụ tỉnh này phân công giữ chức Bí thư Thành uỷ TP. Huế nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Viettel và Công ty xây dựng Lũng Lô hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng giúp Thừa Thiên - Huế khắc phục...

Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI ủng hộ đồng bào chịu ảnh...

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI sẽ mặc niệm các liệt sĩ hy sinh khi làm...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giữ chức Bí thư Thành uỷ Huế - Ảnh 1.

Ông Phan Thiên Định (người chỉ tay) trong những ngày cùng lực lượng công an tỉnh tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3 sau vụ sạt lở đất kinh hoàng đêm 11/10

Ngày 6/11, Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã có thông báo phân công Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo đó, căn cứ quyết định của Bộ Chính trị về việc chuẩn y Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2020 – 2025; tại phiên họp Ban Thuờng vụ Tỉnh ủy ngày 6/11/2020, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã thống nhất phân công ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giữ chức vụ Bí thư Thành uỷ Huế.

Trước đó, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ông Phan Thiên Định đã được các uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ khoá mới tín nhiệm bầu giữ vai trò uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ với tỷ lệ 100%.

Trước đó nữa, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Huế lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 (tháng 8/2020) Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới đã tổ chức phiên họp thứ nhất bầu Ban Thường vụ Thành ủy gồm 12 uỷ viên (khuyết 1 uỷ viên). Ông Huỳnh Cư, Bí thư Thành uỷ Huế nhiệm kỳ 2015 - 2020 không đủ tuổi để tiếp tục tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ khoá mới. Từ khi đại hội kết thúc đến nay, TP. Huế khuyết chức danh Bí thư Thành uỷ. Như vậy, với việc ông Phan Thiên Định được phân công nhiệm vụ như nêu trên, TP. Huế đã có tân bí thư thay cho ông Huỳnh Cư.

Được biết, ông Phan Thiên Định sinh ngày 10/12/1971, tại Xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông có trình độ học vấn: Thạc sĩ Quản lý Hành chính công; Cử nhân Kinh tế; Cử nhân Luật; Cao cấp Chính trị. Trước khi được phân công đảm nhận vai trò Bí thư Thành uỷ Huế, ông Định từng kinh qua các chức vụ Phó giám đốc rồi Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo thông báo của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, các uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khác cũng đã được phân công nhiệm vụ cụ thể.

Ông Lê Trường Lưu - ủy viên Trung uơng Đảng, Bí thu Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phụ trách chung, trực tiếp phụ trách công tác tổ chức cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, công tác đối ngoại của Đảng bộ tỉnh, các vấn đề cơ mật; Bí thu Đảng đoàn HĐND tỉnh, Bí thu Đảng ủy Quân sự tỉnh và tham gia Đảng ủy Quân khu 4.

Ông Nguyễn Quốc Đoàn - Phó Bí thu Thuờng trực Tỉnh ủy, phụ trách công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trực tiếp phụ trách Văn phòng Tỉnh ủy, ngân sách Đảng; phụ trách chỉ đạo Truờng Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Báo Thừa Thiên Huế.

Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thu Tỉnh ủy, Chủ tịch ƯBND tỉnh, Truởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng ủy viên Quân sự tỉnh; phụ trách công tác nhà nuớc và công tác nội chính, Công an, Biên phòng.

Bà Phạm Thị Minh Huệ - Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ thị xã Huơng Trà.

Ông Phan Xuân Toàn giữ chức vụ Truởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ huyện Phú Vang.

Ông Đặng Ngọc Trân giữ chức vụ Truởng Ban Nội chính Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ huyện Phú Lộc. Trước đó, ông đảm nhận chức vụ Phó Truởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Ông Hoàng Khánh Hùng giữ chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; theo dõi, chỉ đạo khối Tư tưởng - Văn hoá và Khoa giáo, Đảng bộ huyện Quảng Điền. Trước đó, ông Hùng giữ chức vụ Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế.

Ông Nguyễn Chí Tài giữ chức vụ Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ huyện Phong Điền.

Ông Nguyễn Nam Tiến - Chủ tịch ủy ban Mặt ừận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ thị xã Hương Thủy.

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.

Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh; theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ huyện Nam Đông.

Đại tá Ngô Nam Cường - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ huyện A Lưới.

Ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy Huế. (baodansinh.vn 08/11; zingnews.vn 08/11)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Xây dựng hồ sơ di sản tư liệu ẩm thực cung đình Huế

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai xây dựng hồ sơ di sản tư liệu ẩm thực cung đình Huế qua tài liệu “Thực phổ bách thiên”. Đây là bước quan trọng góp phần xây dựng bộ hồ sơ di sản Ẩm thực Huế trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.

Ẩm thực cung đình Huế là phần tinh túy của ẩm thực Việt Nam cần được tôn vinh, bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, nguồn tư liệu viết về cách chế biến món ăn cung đình hầu như chưa được tìm thấy. Tài liệu “Thực phổ bách thiên” là nghệ thuật chế biến món ăn ở trong cung và phủ chúa được viết thành thơ. Đây là cách chế biến món ăn được lưu truyền với thể thức đặc biệt và riêng có, còn lại duy nhất ở Việt Nam và trên thế giới.

Tập sách gồm 100 bài thơ, dạy cách chế biến 100 món ăn đặc trưng của Huế từ dân dã đến sang trọng hoàng cung. Trong đó, có 34 món được coi là cao lương mỹ vị trong yến tiệc cung đình, như: yến sào, hải sâm, bào ngư hầm, đuôi cừu nướng, cửu khổng hầm... 66 món còn lại là các món ăn dân dã phổ biến trong đời sống hằng ngày, như: chả bông bí, nấm mối nướng ống nứa, mắm cua gạch, canh hoa lý, dưa môn, mắm nêm cá nục, tôm chua, tôm chấy, tré, nem…

“Thực phổ bách thiên” không chỉ là tài liệu quý để nghiên cứu về ẩm thực cung đình mà còn ẩn chứa quan niệm sống, triết lý tư tưởng và cách thể hiện tính cách của người Huế. Mở đầu là bài thơ tổng luận dạy phép tắc nấu ăn, cũng là triết lý hàng đầu của nghệ thuật chế biến: “Có khi cá thịt, có khi rau/Nấu nướng chiên xào phải đủ màu/ Trong sạch là gương, tùy mặn lạt/Dẻo dai cơm chín chủ làm đầu”.

Theo đánh giá của TS. Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ẩm thực cung đình Huế qua “Thực phổ bách thiên” là sự giao thoa và tích lũy tri thức, kinh nghiệm thực tiễn về chế biến ẩm thực của cung đình và dân gian triều Nguyễn, được ghi chép cụ thể, rõ ràng bằng những bài thơ chỉn chu, hợp luật. Đây là công trình có giá trị nhiều mặt về ngôn ngữ, văn hóa, văn học, nghệ thuật, vừa là một sản phẩm giảng dạy, hướng dẫn cách thức chế biến món ăn độc đáo riêng có của xứ Huế, của triều Nguyễn.

Bộ hồ sơ di sản tư liệu về ẩm thực cung đình sẽ đi sâu vào phân tích về tính xác thực, quý hiếm, tính toàn vẹn, ý nghĩa quốc tế, nguy cơ, kế hoạch bảo vệ và quản lý tiếp cận… của nguồn tài liệu. Đây là hồ sơ đầu tiên nghiên cứu về di sản tư liệu ẩm thực cung đình qua “Thực phổ bách thiên”.

Tùy theo từng dịp lễ hội và kinh phí cho phép, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dự định sẽ phục dựng 100 món ăn có hình thức nghệ thuật trang nhã, đẹp mắt và ngon miệng, tốt cho sức khỏe trong “Thực phổ bách thiên”. Trước đây, trong dịp Festival Huế 2018, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tái hiện dạ tiệc Hoàng cung với 6 món ăn cung đình: Gắp tư - đồ chua, hải sâm nấu với tôm ba oản và rau củ, bánh khoai tía, gỏi gà Huế, gà lọng - xôi hông và bánh màu pháp lam.

Bà An Hòa cho hay, hiện nay, các nguồn tư liệu về chế biến món ăn cung đình hầu như không tìm thấy. “Thực phổ bách thiên” được xem như là nguồn tài liệu thư tịch quan trọng nhất hiện nay, thể hiện được sự giao thoa, hòa quyện giữa dân gian với cung đình, dưới kinh nghiệm và “con mắt” ẩm thực tinh tường của những người phụ nữ hoàng gia. Đây còn là nguồn tài liệu rất quý giá để nghiên cứu về cách chế biến món ăn trong cung đình Huế, là cầu nối quan trọng giúp mọi người dần thực hành, thực nghiệm các món ăn độc đáo từ dân gian đến cung đình ở tầm nghệ thuật về ẩm thực.

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhấn mạnh, việc xây dựng hồ sơ di sản tư liệu ẩm thực cung đình qua tài liệu “Thực phổ bách thiên” là cần thiết trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045. “Thực phổ bách thiên” thực sự là một di sản tư liệu văn hóa độc đáo và giá trị, thể hiện cụ thể về truyền thống chế biến món ăn của người Huế nói chung và của ẩm thực cung đình Huế nói riêng. Nếu “Thực phổ bách thiên” được thế giới công nhận di sản tư liệu sẽ có giá trị hữu ích cho toàn xã hội. (baothuathienhue.vn 08/11)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Tỉnh Đoàn TT-Huế tuyên dương 24 điển hình 'Học sinh 3 tốt'

24 học sinh nhận danh hiệu “Học sinh 3 tốt” lần này tại TT-Huế đều là những tấm gương sáng trong nỗ lực vượt khó, không ngừng vươn lên để đạt nhiều thành tích học tập xuất sắc, tham gia tích cực, hiệu quả vào các hoạt động Đoàn, Hội và phong trào thanh niên của các trường học.

Tối 7/11, tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Hương Thủy (TT-Huế), Tỉnh Đoàn TT-Huế tổ chức chương trình tuyên dương “Học sinh 3 tốt” năm học 2019 - 2020.

Theo Tỉnh Đoàn TT-Huế, phong trào “Học sinh 3 tốt” là một trong những nội dung quan trọng trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học; là môi trường tốt để học sinh trải nghiệm, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành trong học tập và cuộc sống.

Qua xét chọn, danh hiệu “ Học sinh 3 tốt ” cấp tỉnh tại TT-Huế năm nay đã được dành trao cho 24 học sinh ưu tú. Đây là những gương mặt tiêu biểu được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn TT-Huế chọn lọc từ gần 40.000 đoàn viên, thanh niên, học sinh khối THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trong toàn tỉnh.

Theo Tỉnh Đoàn TT-Huế, 24 học sinh nhận danh hiệu “Học sinh 3 tốt” lần này đều là những tấm gương sáng nỗ lực vượt khó, không ngừng vươn lên để đạt nhiều thành tích học tập xuất sắc, tham gia tích cực, hiệu quả vào các hoạt động Đoàn, Hội và phong trào thanh niên của các trường học.

 “Danh hiệu “Học sinh 3 tốt” mà các em nhận được sẽ là một kỷ niệm đẹp trong hành trang của những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng sẽ là sự động lực để các bạn tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, gặt hái thêm nhiều thành công, trở thành những người tiên phong trong phong trào thi đua học tập, rèn luyện của trường, của lớp”, chị Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn TT-Huế chia sẻ.

Trong khuôn khổ chương trình, Tỉnh Đoàn TT-Huế còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thu hút hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên, học sinh trong toàn tỉnh tham gia như: Ngày hội “Học sinh 3 tốt”, Hội thi “Khi tôi 18”, Liên hoan các Câu lạc bộ đội nhóm… (tienphong.vn 08/11)

 
 
 

2.  Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế tuyển dụng 22 chỉ tiêu viên chức năm 2020

Theo thông báo mới được ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế ký ban hành, Sở có nhu cầu tuyển dụng 22 chỉ tiêu viên chức vào công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc năm 2020.

Theo nội dung thông báo, Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức thi tuyển 22 chỉ tiêu viên chức vào công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở, gồm: Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công, Trung tâm Nuôi dưỡng và Công tác xã hội.

Những người có nhu cầu vào làm việc tại các đơn vị nói trên và đáp ứng đủ điều kiện có thể nộp Phiếu đăng ký dự tuyển tại Văn phòng Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế (số 18 Nguyễn Sinh Sắc, TP. Huế) hoặc gửi theo đường bưu chính.

Thời hạn nhận Phiếu dự tuyển từ ngày 5/11/2020 đến ngày 5/12/2020.

Ngoài ra, để biết thêm thông tin chi tiết, người có nhu cầu đăng ký dự tuyển có thể liên lạc trực tiếp Văn phòng Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế theo số điện thoại 02343. 897.088 gặp ông Nguyễn Hữu Trí hoặc truy cập website: https://sldtbxh.thuathienhue.gov.vn. (baodansinh.vn 08/11)

 
 
 

3.  Cờ tướng Cố đô giành 24 huy chương tại giải vô địch trẻ toàn quốc

Các kỳ thủ Thừa Thiên Huế vừa kết thúc tranh tài tại giải vô địch cờ tướng trẻ toàn quốc 2020 vào trưa 8/11 cùng nhiều thành tích đáng chú ý.

Khởi tranh từ 2/11 tại Bắc Giang, giải vô địch cờ tướng trẻ toàn quốc 2020 quy tụ 230 VĐV đến từ 11 tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bình Định, Bình Phước, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa và TP. Hồ Chí Minh.

Tại giải, các kỳ thủ tranh tài cờ nhanh, cờ chớp nhoáng, cờ tiêu chuẩn và cờ truyền thống qua các nội dung cá nhân nam, cá nhân nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ với 7 nhóm tuổi, gồm: U7, 9, 11, 13, 15, 18 và 20 theo hệ Thụy Sĩ từ 7 đến 9 ván. Kết thúc giải, tùy theo thành tích, các kỳ thủ sẽ được xét phong cấp theo tiêu chuẩn quốc gia hiện hành.

Góp mặt với 14 VĐV, sau gần 10 ngày đua tranh, các kỳ thủ Thừa Thiên Huế đã giành 2 HCV, 6 HCB,16 HCĐ, trong đó, 2 HCV thuộc về Tôn Nữ Yến Ngọc (nội dung cá nhân cờ tiêu chuẩn) và Võ Nguyễn Quỳnh Như - Tôn Nữ Yến Ngọc (nội dung đồng đội nữ cờ tiêu chuẩn).

Bên cạnh những bước tiến đáng ghi nhận, thành tích trên cho thấy tuy mới thành lập, nhưng cờ tướng Thừa Thiên Huế đã xuất hiện một số tiềm năng cho những giải đấu lớn sắp tới. (baothuathienhue.vn 08/11)

 
 
 

4.  Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thăm hỏi thân nhân liệt sĩ, phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão lụt ở Thừa Thiên - Huế

Ngày 8/11, Đoàn công tác TƯ Hội LHPN Việt Nam do Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga làm Trưởng đoàn đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ gia đình chiến sĩ hy sinh; cán bộ, hội viên phụ nữ của tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lụt.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thăm hỏi thân nhân liệt sĩ, phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão lụt ở Quảng Trị

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhằm hỗ trợ người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do thiên tai lũ lụt, Hội LHPN Việt Nam đã trao hỗ trợ gồm tiền mặt và hiện vật trị giá 1,4 tỉ đồng cho Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên - Huế để góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga chia sẻ: Mưa lũ thời gian qua đã làm cho tất cả mất hết, nguồn lương thực dự trữ tại chỗ đã hết, sức khỏe cũng đã cạn kiệt khi phải gồng mình chống lũ, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em trong điều kiện thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu chăn màn, quần áo ủ ấm. Lúc này nước sạch, vệ sinh và thực phẩm dinh dưỡng để không bị bệnh hoặc lây nhiễm bệnh là điều ai cũng cần. Những chai dầu gió, thuốc cảm sốt, nước sát khuẩn, khăn, giấy, băng vệ sinh, sữa, đường... đều rất cần cho người già, phụ nữ, trẻ em.

"Lũ chồng lũ, người dân miền Trung những ngày qua đã phải trải qua bao đau thương, mất mát. Mưa trắng trời, đâu đâu cũng mênh mang nước. Nước dâng lên tận mái nhà, nước biến đường thành sông, nước quét đi tất cả của cải, hoa màu, trâu, bò, lợn, gà. Là những tiếng khóc xé ruột của các em bé khát sữa, đói ăn, những tiếng gào khóc ai oán của những gia đình mất đi người thân do chìm trong lũ dữ hay vùi sâu trong bùn đất. Là chấp chới những cánh tay kêu cứu qua mái ngói, những thân người nửa chìm nửa nổi, những gương mặt hoảng sợ, thất thần của những cụ già, em nhỏ… Là nỗi quặn lòng khi nhìn những đám tang tập thể của cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đi cứu nạn, những vành khăn trắng không thể nhiều hơn ở bất cứ đám tang nào với những tiếng khóc lặng, nấc nghẹn của người thân ngất lả đi vì đau thương quá sức chịu đựng... "Khúc ruột miền Trung" đau đã làm đau cả nước", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga xúc động bày tỏ.

Tại chuyến công tác, Đoàn đã đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng; thăm nhà và thắp hương liệt sĩ Nguyễn Văn Bình - nguyên Chủ tịch UBND huyện Phong Điền - hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu trợ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3; hỗ trợ gia đình chiến sĩ hy sinh, cán bộ, hội viên phụ nữ tại dân xã Phong Chương, huyện Phong Điền và xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà.

Đoàn đã đến thăm và và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Nguyệt tại xã Phong Chương, huyện Phong Điền; Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Dặng tại phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà; trao 30 sinh kế cho cán bộ, hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn tại xã Phong Chương, huyện Phong Điền và xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà (mỗi mô hình sinh kế trị giá 5 triệu đồng); Trao 50 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" (mỗi suất 1 triệu đồng) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 xã Phong Chương (huyện Phong Điền) và xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà).

"Tôi mong các cấp Hội phụ nữ cần chung tay, kịp thời động viên chị em phụ nữ khắc phục khó khăn để sớm ổn định sản xuất và cuộc sống. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các cấp Hội cần cố gắng kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ chị em phụ nữ và người dân tạo sinh kế, ổn định lại sản xuất và vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh. (phunuvietnam.vn 08/11)

 
 
 

5.  Sóng gầm vang, làng thấp thỏm

Bão này chưa tan, bão khác hình thành. Và khi mọi ánh mắt hướng về phía núi với thảm họa kinh hoàng xảy ra thì ở phía đông, con người cũng thấp thỏm, giáp mặt sóng dữ chầu chực ngoạm lấy đất liền.

Những vết thương trên hình hài làng biển

Gió mùa rào rạt từng cơn, lâu lắm rồi những làng biển mới hứng chịu nhiều giông tố, cuồng phong đến thế…

Hình dung về những làng quê ven chân sóng, nơi có hơn 30% dân cư toàn tỉnh sinh sống đẹp tựa bức tranh. Dọc dài vùng ven biển từ Phong Điền đến Phú Lộc, nhiều ngôi làng đã ghi dấu lịch sử. Có thể không giống nhau nhưng ở đó có hàng phi lao nghiêng mình trước gió, sấp mặt vào bãi cát dài trắng xóa; cồn chông chông, hoa muống biển đợi chờ, “chứng nhân” cho những chuyến đi về của ngư dân. Khe Long vắt mình qua làng cung cấp nguồn nước ngọt quý giá cho sinh hoạt hàng ngày. Phía tây, cồn cát trắng xóa tạo nên tuyến đê tự nhiên chắn gió cát mỗi khi “trái gió trở trời”. Làng biển đã tựa lưng vào cồn cát như thế sau dặm dài năm tháng.

Trong lịch sử các cuộc thiên di năm nào của cư dân miệt biển, không phải ngẫu nhiên mà họ chọn vùng đất đẹp như tranh ấy để định cư. Trò chuyện với nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, ông bảo, “quần thể” các làng biển tạo nên từ những nhóm người. Họ chọn vùng đất thuận lợi cho việc mưu sinh để rồi lập làng, lập xã, “truyền giọng điệu cho con tập nói”, hình thành một nét văn hóa đặc trưng không nơi nào có được…

Bây giờ, dấu tích xưa còn đó nhưng làng biển đã không ung dung trước tự nhiên ngày càng hà khắc. Và đâu chỉ có tự nhiên, chính con người cũng góp phần tạo nên sự hà khắc ấy. Cồn cát – đê chắn gió tự nhiên đang mang trên mình những vết thương khó lành; dấu chân của mẹ, của chị không còn in hằn trên cát, con trẻ cũng không còn nô đùa dưới cồn cát trắng xóa mỗi khi hè về. Chân cồn đã bị đục khoét vì con người muốn lấy thứ gì đó dưới lòng đất; hàng dương liễu cũng tỏ ra “sợ hãi” trước gió bão.

Anh bạn tên Trung (huyện Phong Điền) hơn 35 năm chưa rời làng biển quê nói giọng nghèn nghẹn trong điện thoại. Trung bất ngờ bởi những ngày qua, ngọn sóng cuồng nộ ngoạm lấy đất liền. Dẫu ngôi nhà kiên cố của anh cách bờ biển hơn nửa cây số nhưng thiên nhiên vẫn uy hiếp, điều từ trước đến nay anh chưa hề nghĩ đến. Tôi cắc cớ Trung rằng, sóng có vỗ đến đâu thì vẫn khó qua được những cồn chông chông, rặng dương liễu án ngữ trước làng. Trung thở dài bảo, chân cồn đã bị sụt lún, chảy theo dòng nước xiết, rặng dương liễu trơ mình, bật gốc. “Những con khe dẫn nước từ hồ tôm đổ ra biển gặp mưa lớn, triều dâng tạo điều kiện cho nước biển xâm thực. Hàng dứa, cồn chông chông bị xóa sổ. Nếu bão vào, mưa to thì chắc có lẽ gia đình tôi phải di dời”, Trung nói.

Nước mặn xâm thực, sạt lở bờ biển chưa bao giờ là nỗi kinh hoàng như lúc này, đã quá nhiều lần ngư dân căng mình chống chọi. Điệp khúc này lặp đi lặp lại qua nhiều mùa bão lũ, như là nỗi thống khổ muôn kiếp.

Rọ đá bảo vệ bờ biển

Bờ biển nhìn ở đâu cũng thấy sạt lở. Mùa này ở đâu trên các làng biển cũng có bóng dáng của người dân, biên phòng, dân quân cùng chung lưng đấu cật vác từng bao tải cát để gia cố bãi bờ mỏng manh. Sức người sao địch lại thiên nhiên!

Thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trong 90km dải cồn cát ven biển thuộc địa phận 5 huyện, thị hiện đang có 10 điểm sạt lở nặng. Nước biển cũng đang xâm thực với tổng chiều dài khoảng 30km nằm ở các xã Phong Hải (Phong Điền); Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Hải Dương (Hương Trà); Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (Phú Vang); Giang Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc). Chủ tịch UBND xã Phong Hải Hoàng Văn Sửu cho biết, với tình hình sạt lở nặng nề, những ngày qua địa phương này phải huy động Nhân dân cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành để gia cố. Và hình ảnh đang tồn tại ở xã Phong Hải cũng là mẫu số chung ở các địa phương ven biển khác.

Dù chúng ta đã có một vài dự án lớn như, chỉnh trị cửa biển Thuận An giai đoạn 1, xây kè biển ở Phú Thuận… nhưng hiện tại, kinh phí cho việc kiên cố hóa bờ biển lên cả ngàn tỷ đồng. Những giải pháp bây giờ chỉ là tạm thời, người dân vẫn phải chờ đợi…

Khôi phục tự nhiên tốt hơn khắc phục hậu quả

Mỗi mùa bão đến, trên báo cáo về thiệt hại do thiên tai, sạt lở bờ biển không bao giờ thiếu và không hề thuyên giảm. Rất nhiều cuộc họp, hàng trăm tỷ đồng được đầu tư vẫn không thấm vào đâu với so với sự nổi giận của thiên nhiên.

Đã có những ngôi nhà trôi theo dòng nước, những vuông tôm, hồ cá hư hại, mất trắng, đê tự nhiên gọt dần theo năm tháng… Và nhiều lớp người di cư bởi bị sóng đuổi phía đằng sau. Song, những ngôi làng đâu chỉ có con người mà ở đó có văn hóa, trầm tích qua nhiều thế hệ. Đường bờ biển xâm lấn làng mạc không chỉ hiển hiện trước mắt mà còn gây nhiều hệ lụy trong tương lai.

Liên hợp quốc đã đưa ra thuật ngữ BBB, nghĩa là “Đầu tư trước thiên tai, thảm họa” và “Xây dựng lại tốt hơn”. Với một quốc gia mà thiên tai luôn thường trực như Việt Nam, thuật ngữ này giúp người ta nhìn nhận lại thực tế nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai...

Tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển không phải xuất hiện bây giờ mà tồn tại qua nhiều năm. Và khi chúng ta chưa tìm ra giải pháp phòng ngừa hữu hiệu thì chi phí cho việc khắc phục đã lớn gấp nhiều lần, thiếu kinh phí vẫn là khó khăn muôn thuở. Bà Megumi Muto, Vụ trưởng Vụ Môi trường Toàn cầu của JICA Nhật Bản từng khuyến nghị: “Đầu tư trước thiên tai sẽ rẻ hơn rất nhiều so với chi phí để khắc phục hậu quả. Nếu chúng ta đầu tư 1USD cho các hoạt động phòng ngừa trước thiên tai, chúng ta sẽ tiết kiệm được 7USD chi phí cho các hoạt động ứng phó và khôi phục lại”.

Phòng ngừa hay khôi phục người dân cũng phải chờ, sóng biển cứ cuồng nộ qua mỗi mùa mưa bão. Dân quân, biên phòng vẫn phải giúp dân khiêng từng bao tải cát đổ dài dọc chân sóng để giữ đất, giữ bờ. Nhắc đến sạt lở bờ biển, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TTCN tỉnh Phan Thành Hùng nói gọn rằng: “Nghiêm trọng nhưng khó khăn nhất vẫn là kinh phí”. Ông Hùng dẫn chứng, biến đổi khí hậu khiến những giếng làng bị xóa sổ; nhiều làng biển mất đường bờ tận 300m; hệ thống điện cao thế, mồ mả phải di dời và nhiều lớp người đã di cư tránh thảm họa…

Ông Hùng nói, bảo tồn cồn cát, trồng những loại cây bản địa để giữ đất, chống xói lở; quy hoạch dân cư được xem là giải pháp dài hơi giúp chống chọi lại với sóng giữ. “Cồn cát ven biển không chỉ là đê tự nhiên bảo vệ làng biển mà còn tạo ra hệ đầm phá rộng lớn ở phía tây. Biến đổi khí hậu khiến cồn cát nhỏ dần. Bây giờ nhất quyết không được khai thác cát trái phép, cần trồng rừng phòng hộ, khôi phục lại tự nhiên. Những công trình cũng không nên mọc tại những nơi “hiểm nguy” thế này. Những đoạn sạt lở nặng thì bắt buộc phải kiên cố hóa, nhưng với kinh phí như hiện nay mới kè được khoảng 4km, chiều dài sạt lở còn lại vẫn còn rất lớn”, ông Hùng cho hay. (baothuathienhue.vn 08/11)

 
 
 

6.  TPHCM hỗ trợ Thừa Thiên - Huế hơn 5,7 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão lũ

Sáng 8-11, đồng chí Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM dẫn đầu đoàn công tác thành phố đã đến thăm hỏi, động viên và trao hơn 5,7 tỷ đồng hỗ trợ người dân Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả bão lũ.

Đây là số tiền do cán bộ, chiến sĩ và nhân dân TPHCM đóng góp, chia sẻ nhằm giúp người dân Thừa Thiên - Huế khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế Cái Vĩnh Tuấn cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của TPHCM và cam kết phân bổ tiền ủng hộ đến những hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất.

Dịp này, đoàn công tác TPHCM còn đến thăm, trao tiền hỗ trợ cho gia đình 5 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3 và 3 hộ gia đình có người chết, bị thương, hư hỏng nhà cửa tại TP Huế. Tại xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), đoàn hỗ trợ 1 triệu đồng/trường hợp cho 50 gia đình khó khăn và 3 triệu đồng/trường hợp cho 3 em học sinh nghèo vượt khó thuộc Trường Tiểu học số 3 Hương Vinh. Ngoài ra, 3 hộ gia đình đặc biệt khó khăn cũng được giúp đỡ phương tiện sản xuất với tổng trị giá 60 triệu đồng.

Ngày 8-11, Văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin, đoàn công tác do Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang dẫn đầu, vừa hoàn thành chuyến đi trao quà cứu trợ của Công đoàn Việt Nam cho nhân dân và người lao động tại vùng lũ lụt miền Trung. Đoàn đã trao tổng số tiền 6,3 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân, công nhân, viên chức và người lao động tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Ngày 8-11, đại diện Ban quản lý đường sách Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với nghệ sĩ Văn Đức tổ chức buổi đấu giá 4 bức tranh, thư pháp với tổng số tiền thu về 15 triệu đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. (sggp.org.vn 09/11; daidoanket.vn 08/11)

 
 
 

7.  Chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3 đã hỗ trợ gia đình 17 nạn nhân chết và mất tích

Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3 vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế liên quan sự cố sạt lở đất làm 17 người chết, mất tích tại khu vực dự án thủy điện Rào Trăng 3.

Đến nay, Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3 đã phối hợp với các tổ chức, cơ quan, thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân mất tích; đưa ra biện pháp khắc phục đối với 17 gia đình có người chết, mất tích tại dự án.

Theo đó, Công ty này chi trả toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại cho người nhà, xe vận chuyển thi thể công nhân về quê mai táng và hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi gia đình có người bị nạn. Hỗ trợ gia đình bị nạn có con nhỏ dưới 18 tuổi số tiền 1,5 triệu đồng/tháng/người cho đến 18 tuổi. Hỗ trợ cho gia đình bị nạn có bố, mẹ trên 60 tuổi, với mức 1,5 triệu đồng/người hàng tháng cho đến hết đời.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định hỗ trợ các liệt sĩ, công nhân bị thương tại thủy điện Rào Trăng 3. Theo đó, hỗ trợ gia đình 13 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Rào Trăng 3 mỗi trường hợp 20 triệu đồng. Hỗ trợ 17 công nhân thiệt mạng, 20 triệu đồng/trường hợp. Riêng 3 công nhân bị thương được hỗ trợ mỗi trường hợp 3 triệu đồng.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 ngưng toàn bộ hoạt động xây dựng tại công trình,phối hợp với các đơn vị chức năng tìm kiếm người bị mất tích, thực hiện chế độ hỗ trợ, giải quyết chế độ chính sách cho người bị nạn. Liên quan đến công tác cứu hộ cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3, đến nay lực lượng chức năng mới tìm được 5 thi thể nạn nhân, hiện còn 12 người mất tích.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Hiện nay sau sự cố xảy ra, tỉnh đã chỉ đạo dừng việc thi công thủy điện Rào Trăng 3 và cũng đã đề nghị Sở Công thương phối hợp với các ngành để tổ chức kiểm tra và cũng nhờ Bộ Công thương hỗ trợ về mặt kỹ thuật để kiểm tra, đánh giá lại mức độ an toàn, trước khi xem xét cho việc triển khai thi công tiếp theo"./. (VOV.VN 08/11)

 
 
 

8.  Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam: mỗi địa phương phải là điểm đến không trùng lặp

- Sau nhiều tháng sụt giảm sâu do ảnh hưởng COVID-19, các tỉnh miền Trung đang tìm biện pháp thiết lập lại cơ sở hạ tầng du lịch, cơ cấu sản phẩm mới, định hướng lại khai thác thị trường trong tương lai, đợi đến ngày du lịch phục hồi.

Theo thống kê của các sở Du Lịch, trong năm 2019, lượng khách nội địa đến Thừa Thiên Huế là 2,63 triệu lượt, Đà Nẵng 5,16 triệu lượt, Quảng Nam 3,12 triệu lượt. Lượng khách quốc tế lần lượt là 2,19 triệu - 3,52 triệu và 4,66 triệu lượt.

Thời gian tới, bệnh dịch còn diễn biến phức tạp trên thế giới và nhu cầu du lịch sẽ thay đổi nhanh chóng. Thái độ người tiêu dùng du lịch cũng sẽ khác xa trước đây. Chiến lược phát triển các dịch vụ du lịch tại từng điểm đến cần phải điều chỉnh thích ứng với tình hình trạng thái mới.

Sau 30 năm (1990-2020) phát triển du lịch tăng trưởng liên tục, hầu như các điểm đến Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam chỉ dựa vào tài nguyên du lịch tự nhiên sẵn có để hình thành thương hiệu của mình.

Ba điểm đến hầu như đều có tài nguyên thiên nhiêu ưu đãi giống nhau, như di sản thế giới, bờ biển đẹp, sông, núi. Tuy nhiên, để tạo ra một bức tranh du lịch đủ phong phú cho toàn vùng thì chưa rõ nét.

Gần đây, Huế đang xây dựng và định vị chiến lược thương hiệu điểm đến Kinh đô áo dài và thủ phủ ẩm thực thế giới.

Quảng Nam loay hoay định hình Điểm đến xanh, du lịch bền vững.

Đà Nẵng vẫn duy trì thành phố du lịch năng động và dịch vụ "thượng vàng hạ cám".

Tôi quan sát, các địa phương luôn có sự kết nối tương tác với nhau trong rất nhiều hoạt động ngoại giao, nhưng để thực sự cùng nhau xây dựng chiến lược phát triển điểm đến cho cả vùng, cùng nhau thống nhất các mục tiêu xây dựng điểm đến vùng thì chưa có tầm nhìn chiến lược và chương trình hành động cụ thể.

Tổ chức các chuỗi sự kiện hàng năm

Với điều kiện nằm trên trục đường quốc lộ 1 liền kề, dài khoảng cách 150km, Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam luôn nằm trên trục đường du lịch của du khách. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để xây dựng chuỗi sự kiện liên tục chạy qua từng địa phương, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, làm sao mỗi du khách phải chuẩn bị kỳ nghỉ 4 ngày và lưu trú ít nhất một đêm tại mỗi tỉnh thành.

Các sự kiện nên tổ chức vào mùa thấp điểm du lịch, tạo điều kiện thu hút khách và khắc phục tình trạng thiếu khách trong các giai đoạn này. Festival Di sản Huế hằng năm diễn ra giai đoạn nghỉ lễ 30-4 - 1-5, đây là thời điểm cao điểm du lịch nội địa. Tổ chức festival làm tăng sự phức tạp cho dịch vụ tại điểm đến, thiếu dịch vụ, không hiệu quả cho toàn ngành.

Cần tăng thêm sự phong phú lễ hội, các nguồn khách khác nhau bằng việc nâng cấp và tổ chức các lễ hội theo giai đoạn cao điểm của từng nguồn khách. Ví dụ, bên cạnh khách nội địa tập trung vào dịp hè, kỳ nghỉ của học sinh, các kỳ nghỉ quốc gia thì nên khai thác giai đoạn cao điểm của nguồn khách khác nhau.

Khách Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Macau, Malaysia, Singapore thường đi du lịch cao điểm từ tết Âm lịch đến hết tháng 1.

Lễ hội té nước vào tháng 4 là giai đoạn cao điểm của các nước Thái Lan, Lào, Camphuchia, Myanamr. Tuần Lễ Vàng là giai đoạn cao điểm của người Nhật vào tháng 5, hoặc lễ hội Việt - Nhật vào tháng 8.

Khách châu Âu ưa chuộng mùa du lịch dịp Noel, Tết Tây.

Sau này, nếu khai thác thêm các nước Trung Đông hay Ấn Độ, chúng ta sẽ có nhiều giai đoạn cao điểm khác.

Nâng cấp và hoàn thiện các phương tiện giao thông vận chuyển chủ lực

Cần nâng cấp sân bay và điều tiết các hãng bay phân bổ hợp lý cho 3 địa phương. Trước đây, sân bay Đà Nẵng từng quá tải, và tôi tin chắc rằng nếu du lịch phục hồi thì sân bay Đà Nẵng sẽ tiếp tục quá tải, trong khi sân bay quốc tế Nội Bài, Huế thì rất ít chuyến bay, và Chu Lai, Quảng Nam cũng tình trạng như vậy.

Huế và Quảng Nam cần chủ động quảng bá tiếp thị sân bay, hoặc tạo cơ chế tốt cho các chuyến bay nội địa và quốc tế đến thường xuyên hơn với các chính sách đặc biệt thu hút. Theo tôi biết, trong các giai đoạn cao điểm, nhiều hãng bay thuê chuyến (charter) không cấp phép đến sân bay Đà Nẵng, hoặc thời gian thuận lợi để khai thác chuyến bay cũng không có.

Đường sắt là phương tiện rất thuận lợi. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của tàu Thống Nhất còn nhiều hạn chế để khai thác du lịch, vì vậy Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam nên tạo cơ chế thông thoáng để kêu gọi tư nhân vào đầu tư khai thác du lịch, tạo ra các toa riêng phục vụ khách du lịch về miền Trung từ hai đầu đất nước.

Phải tạo ra tàu dịch vụ 5 sao, giống như khách sạn Victoria Sapa đã từng làm trước đây nhiều năm thành công.

Kết nối mạnh mẽ với hai thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM

Gần đây, các địa phương miền Trung ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ khách nội địa từ phía Bắc và phía Nam, và mạnh nhất vẫn là khách đến từ TP.HCM và Hà Nội. Đây là lượng khách nội địa đầy tiềm năng cho du lịch mùa hè, cũng như trong các kỳ nghỉ lễ quốc gia dài ngày.

Vì vậy, bên cạnh việc quảng bá truyền thống cần duy trì, nên có chính sách kích cầu đặc biệt cho khách từ 2 địa phương này trong từng thời điểm cụ thể.

Chính lượng khách này tạo động lực lôi kéo khách khác cho các vùng miền Bắc và miền Nam. Ba địa phương nên tổ chức thường xuyên hằng năm các lễ hội văn hoá - du lịch Những ngày miền Trung tại Hà Nội và TP.HCM, nhằm giới thiệu văn hóa ẩm thực, du lịch .iền Trung tại hai thành phố lớn nhất cả nước.

Khai thác công nghệ số và dữ liệu lớn vào khai thác du lịch

Trong tương lai rất gần, sự phát triển công nghệ số và khoa học dữ liệu sẽ nhanh chóng được ứng dụng vào đời sống con người, đặc biệt lĩnh vực du lịch sẽ là nơi tiếp nhận cộng nghệ này nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi kinh doanh cho doanh nghiệp và trải nghiệm của du khách.

Vì vậy, 3 địa phương hãy nhanh chóng liên kết khai thác dữ liệu lớn, nắm bắt công nghệ AI mới, đầu tư con người, phát triển hệ thống số để khai thác nhu cầu du lịch trong thời kỳ mới.

Nghiên cứu nhu cầu du lịch con người sẽ cần sự tích hợp dữ liệu số và đủ lớn để tham mưu cho các địa phương định hướng phát triển sản phẩm du lịch, nhu cầu du khách, thị hiếu du lịch mới. (dulich.tuoitre.vn 08/11) 

 
 
 

9.  Hàng tỷ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão lụt

Ngày 8/11, Đoàn công tác Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam do bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà cho người dân trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng do bão lũ gây ra. Tổng trị giá quà tặng là 1,4 tỷ đồng.

Đoàn đã trực tiếp về thăm và tặng quà cho người dân huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà. Cụ thể, thăm và tặng quà cho 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng, mỗi suất quà trị giá 5 triệu đồng; trao tặng kinh phí hỗ trợ sinh kế cho 20 phụ nữ nghèo, khó khăn, mỗi người 5 triệu đồng; tặng 40 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các em học sinh.

Dịp này, đoàn cũng đến chia sẻ, động viên gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Bình, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phong Điền và liệt sĩ Trương Anh Quốc, 2 trong số 13 liệt sĩ hy sinh tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67, xã Phong Xuân (Phong Điền); thăm một số gia đình có người thân tử nạn tại thủy điện Rào Trăng 3. Số tiền và quà còn lại sẽ được gửi trao đến người dân thông qua Hội LHPN tỉnh.

Chia sẻ những khó khăn với chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga mong muốn thông qua những món quà ý nghĩa này, sẽ góp phần tạo thêm động lực giúp người dân vượt qua những khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống.

Bà Nga tin tưởng, với truyền thống cách mạng kiên cường, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh sẽ nhanh chóng triển khai các phương án để sớm khôi phục lại cuộc sống cho người dân. Về phía Hội LHPN, bà Nga mong muốn các cấp Hội LHPN trong tỉnh tích cực đồng hành giúp đỡ hội viên, nhất là những hội viên bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai để thực hiện tốt vai trò chăm lo của các cấp hội tới hội viên, phụ nữ.

* Cùng ngày, tại TP. Huế, Công ty TNHH BHNT Prudential Việt Nam (Prudential) triển khai chương trình Tri ân khách hàng “Khi tình yêu đủ lớn - Cùng chung tay tiếp sức mạnh vì miền Trung thân yêu” nhằm hỗ trợ những khách hàng, người dân đang gặp khó khăn tại đây.

Chủ tịch HĐND tỉnh Cái Vĩnh Tuấn cho rằng, cùng với các tổ chức, đơn vị, đồng bào trong cả nước hướng về miền Trung với những hoạt động, hỗ trợ tích cực, kịp thời, Prudential Việt Nam đã có những hoạt động thiện nguyện, ý nghĩa trong thời gian qua để hỗ trợ bà con nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… “Chúng tôi xin tri ân những hoạt động mà Prudential tổ chức với cả nước nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng và cam kết những hỗ trợ từ Prudential sẽ được trao đúng địa chỉ, đúng đối tượng tới người dân thiệt hại do thiên tai”, ông Tuấn nói.

Tập thể nhân viên và tư vấn viên của Prudential đã quyên góp được 600 triệu đồng, cùng với nguồn hỗ trợ của công ty, tổng số tiền tài trợ là 1,7 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm và chăm sóc sức khoẻ cho người dân 4 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề là Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Quảng Nam. Chương trình được triển khai với sự phối hợp của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Bên cạnh hoạt động hỗ trợ cộng đồng, Prudential cũng quan tâm hỗ trợ khách hàng trong khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ và đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Cụ thể, công ty đã trao tặng 1.000 phần quà thiết yếu cho khách hàng tại miền Trung.

Dịp này, Prudential cũng dành tặng 4 hợp đồng bảo hiểm cho các con nhỏ của gia đình khách hàng là 2 cán bộ và chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại thuỷ điện Rào Trăng 3. Các hợp đồng bảo hiểm góp phần đảm bảo tương lai cho các em khi hoàn thành trung học phổ thông.

Đại diện đoàn công tác trao quà hỗ trợ thân nhân gia đình liệt sĩ

*Đoàn Học viện Lục Quân, Bộ Quốc phòng cùng các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng  đến thăm hỏi, động viên, chia buồn và trao quà hỗ trợ cho gia đình 5 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Tại các gia đình đến thăm, đoàn thành kính dâng hương, tri ân lên các liệt sĩ và trao quà hỗ trợ cho thân nhân 5 gia đình liệt sĩ, mỗi gia đình 2 triệu đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm.

Dịp này, thông qua Bộ CHQS tỉnh, đoàn công tác Học viện Lục Quân cùng các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã trao số tiền 45 triệu đồng hỗ trợ huyện A Lưới khắc phục hậu quả sau bão, lụt. (baothuathienhue.vn 08/11)

 
 
 

10.  Tiếp tục lan tỏa phong trào việt dã

Sáng 8/11, giải việt dã TP. Huế 2020 khởi tranh tại quảng trường Ngọ Môn, thu hút đông đảo VĐV và khán giả tham gia, cổ vũ.

Quy tụ hơn 200 VĐV đến từ 30 đơn vị, trong đó, khối phường 13 đơn vị, khối CNVC - LĐ 5 đơn vị và khối ĐVTN 12 đơn vị, tại giải, VĐV tranh tài ở các nội dung: cá nhân nam, cá nhân nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ với cự ly 4.000m dành cho nam và 3.000m dành cho nữ.

Tại giải năm nay, ngoài số lượng VĐV tham gia đông đảo, trên đường chạy, có nhiều đơn vị đã thể hiện sự xuất sắc của mình, điển hình như Phòng Giáo dục & Đào tạo có 5 VĐV đoạt 5 vị trí cao nhất nội dung cá nhân nữ khối CNVC – LĐ, hay phường Xuân Phú có 4 VĐV đứng trên bục cao nhất khối phường…

Sau một buổi đua tranh trên đường chạy, kết quả, Phòng Giáo dục & Đào tạo nhất khối CNVC - LĐ, phường Xuân Phú nhất khối phường và Trường Dân tộc nội trú tỉnh nhất khối ĐVTN. (baothuathienhue.vn 08/11)

 
 
 

11.  Trường Đại học Sư phạm Huế khai giảng, đón 1.116 tân sinh viên

Sáng 7/11, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2020 – 2021 và chào đón 1.116 tân sinh viên.

Phát biểu chào mừng, PGS.TS Lê Anh Phương – Hiệu trưởng Nhà trường điểm lại những thành tựu của Nhà trường đạt được trong năm học 2019 – 2020 trên các mặt đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, quản lý hành chính...  Theo đó, năm học 2019 – 2020, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, giỏi tăng hơn 4% so với năm học 2018 – 2019. 2 nhà giáo được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư. 29 nhà giáo được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giảng viên chính. 2 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học lên 97,3%.

Nghiên cứu khoa học đạt được những kết quả tốt đẹp với sự gia tăng về số lượng và nâng cao về mặt chất lượng của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ của cán bộ, sinh viên từ cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Đại học Huế, cấp Trường và cấp Khoa; nhiều bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế có uy tín.

Trường đã tiến hành tái cấu trúc, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu của thị trường lao động, hướng đến tự chủ đại học và phát triển tiềm lực của đội ngũ để phát triển Nhà trường. Đặc biệt, Trường đã đón nhận Giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục đối với 3 chương trình đào tạo cử nhân: Sư phạm Hóa học, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Địa lý do Trung tâm Kiểm định chất lượng – Đại học Quốc gia Hà Nội chứng nhận.

Để giữ vững uy tín và vị thế của Trường, vượt qua khó khăn, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới sự hội nhập với các trường đại học trong khu vực và thế giới, năm học 2020 – 2021, toàn trường phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm với chủ đề “Nêu cao trách nhiệm của cá nhân, vượt qua gian khó hướng tới phát triển bền vững, khẳng định vị thế của nhà trường với tư cách người dẫn đầu trong tất cả các hoạt động giáo dục, xây dựng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế trở thành một trong ba trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia”.

Nhân dịp khai giảng, Nhà trường tuyên dương, khen thưởng 21 tân thủ khoa trường và các ngành học. Trong đó, sinh viên Đoàn Thị Thanh Thủy – Thủ khoa Trường ngành Sư phạm Ngữ văn với tổng 28 điểm.

Đặc biệt, để chia sẻ với sinh viên bị nhiều mất mát về gia đình và tài sản trong trận lũ lụt tại miền Trung vừa qua, Nhà trường tiến hành trao hơn 92 triệu đồng quyên góp được từ tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên Trường và các nhà hảo tâm cho em Hồ Văn Trí – Khoa Giáo dục Chính trị có bố mẹ bị mất do lũ cuốn tại xã Trà Lèng, tỉnh Quảng Nam. (giaoducthoidai.vn 08/11)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Thừa Thiên Huế: Tạo điều kiện triển khai nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng

Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) dự kiến đặt tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, công suất thiết kế 4.000MW, cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh/năm.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ vừa có buổi tiếp và làm việc với Công ty CP Chân Mây LNG và các đối tác về tiến độ triển khai dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Tại buổi làm việc, Công ty CP Chân Mây LNG cho biết, Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) do Công ty CP Chân Mây LNG đầu tư và phát triển dự kiến đặt tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, có tổng công suất thiết kế 4.000MW. Hình thức đầu tư tư nhân (IPP) với vốn sở hữu 60% Hoa Kỳ, 40% Việt Nam. Dự tính, khi đi vào hoạt động, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh.

Nhà máy điện khí LNG Chân Mây được đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: xây dựng 3 tổ máy với tổng công suất 2.400MW, dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2024-2026; giai đoạn 2 xây dựng 2 tổ máy với tổng công suất 1.600MW, dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2026-2028. Sản lượng điện trung bình hằng năm cho 1 tổ máy 4.800 triệu kWh.

Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá của đơn vị tư vấn, dự án dự kiến được đặt ở vị trí hết sức thuận lợi về mặt hạ tầng. Có cảng biển nước sâu Chân Mây được đầu tư 3 bến cảng với độ sâu khoảng 15m và đê chắn sóng dài 450m, kết cấu nền móng vùng nước cảng biển đảm bảo cập tàu 100.000 tấn; nhà máy dự kiến được đặt giữa bến cảng nước sâu và các mạch đường dây 500kV, trong tổng khoảng cách dưới dưới 10km. Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những dự án có hiệu quả kinh tế, tính khả thi rất cao khi được phép triển khai.

Ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chân Mây LNG nhấn mạnh, qua các buổi làm việc, các bộ ngành đánh giá dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây là một dự án đặc thù, tiêu biểu của miền Trung, dự án không những phát triển điện miền Trung mà còn mở đường xây dựng khung chính sách cho đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào các công trình hạ tầng, năng lượng ở Việt Nam.

“Hiện công ty đã huy động đủ tài chính, công nghệ, khí và các nguồn lực cần thiết để sẵn sàng đầu tư vào việc thiết kế xây dựng nhà máy. Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của tỉnh, các đối tác để tiếp tục triển khai một số công việc trong thời gian tới nhằm sớm xây dựng nhà máy tại Huế”, ông Chương cho biết.

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đánh giá cao nhà đầu tư và các đối tác trong quá trình tham gia dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây. Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến lĩnh vực môi trường nên các dự án thân thiện với môi trường luôn được ưu tiên. Đồng thời đánh giá cao tính khả thi của dự án, nhất là các đối tác của dự án máy điện khí LNG Chân Mây, đây là những đối tác rất mạnh, có kinh nghiệm trong thực hiện các dự án điện khí. Và có sự nghiên cứu, đầu tư nghiêm túc ngay trong giai đoạn khởi đầu.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn các đối tác nước ngoài của dự án, trong đó có Công ty Mitsubishi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư vào Thừa Thiên Huế trên các lĩnh vực thế mạnh khác như cảng biển, logistics trong bối cảnh chuyển dịch đầu tư, nhằm giúp tỉnh phát triển kinh tế xã hội. (baodautu.vn 09/11)

 
 
 

2.  Lo giống thủy sản cho vụ nuôi mới

Thiệt hại lớn trong các trận bão, lũ đặc biệt lớn vừa qua khiến nguồn giống thủy sản, nhất là giống cá nước ngọt, lợ, mặn tại chỗ cho vụ nuôi mới bị thiếu khoảng 50% nhu cầu nuôi.

Thiếu khoảng 50% giống cá

Trung tâm Giống thủy sản tỉnh là nơi cung ứng các loại giống thủy sản lớn nhất trong các cơ sở giống trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nguồn giống cá nước ngọt tại đây có thể cung ứng hơn 50% diện tích nuôi tại các địa phương.

Ông Ngô Trung Nhật Quang, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh xác nhận, trong các đợt lũ lớn vừa qua, trại giống bị ngập nặng, cuốn trôi 20kg (tương ứng 50%) tổng đàn. Một số loại cá giống đạt kích cỡ 2-3cm/con đang chờ nghiệm thu bị cuốn trôi khoảng 10 ngàn con. Với nguồn giống bị thiệt hại tại đơn vị, dự báo các loại giống cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh sẽ thiếu trong vụ nuôi mới sắp đến.

Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Tân Mỹ, thị trấn Thuận An (Phú Vang), ông Đặng Đình Dũng thông tin, các đợt lũ lớn khiến đàn cá giống tại Tân Mỹ bị trôi, ước tính khoảng 15kg, tương đương 50% tổng đàn. Đàn ngao giống bố mẹ tại bãi ngang xã Phú Hải (Phú Vang) cũng bị trôi, ước tính khoảng 70kg (70% tổng đàn).

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Trương Văn Giang thông tin, những thiệt hại lớn tại các cơ sở sản xuất trong các đợt bão, lũ lớn vừa qua khiến nguồn giống cho vụ nuôi mới sắp đến sẽ thiếu hụt, nhất là các loại cá nước ngọt như trắm, chép, trê, lóc, rô phi đơn tính... Một lượng khá lớn giống cá ương nuôi trong dân cũng bị thiệt hại, khiến nguồn giống cho vụ nuôi mới bị thiếu khoảng 50% nhu cầu nuôi cá nước ngọt, mặn, lợ và ngao thương phẩm trên địa bàn tỉnh.

Ngoài thiệt hại về giống, các đợt lũ đặc biệt lớn còn gây thiệt hại lớn về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ước khoảng 30 tỷ đồng. Thiệt hại nặng nhất là huyện Phú Vang có đến 1.465 ha thủy sản cao triều, hạ triều bị ngập hoàn toàn. Một lượng lớn cá nước ngọt tại 34 ha ao hồ ở TX. Hương Thủy bị lũ cuốn trôi. Khoảng 223 ha nuôi xen ghép tại xã Giang Hải (Phú Lộc) bị ngập, ước thiệt hại 25-30%. Tại huyện A Lưới có 14 ha ao hồ nuôi cá bị ngập, thiệt hại nặng…

Chọn giống chất lượng, an toàn

Ông Lê Văn Luyến ở xã Thủy Tân (TX. Hương Thủy) cho biết, rất may mắn khi 4 lồng cá nuôi trên sông Đại Giang của gia đình đã thu hoạch sớm nên không thiệt hại trong các đợt lũ lớn vừa qua. Tuy nhiên hiện nay, ông Luyến đang lo thiếu nguồn giống cho vụ nuôi mới đang cận kề. Thường nguồn giống nuôi được ông Luyến và các hộ nuôi trên sông Đại Giang mua tại Trung tâm Giống thủy sản tỉnh và một số cơ sở giống trên địa bàn tỉnh, nhưng nay các đơn vị này bị thiệt hại lớn.

Ông Ngô Phước Hảo, cán bộ Phòng Kinh tế - TX. Hương Thủy nhận thấy, Hương Thủy là một trong những địa phương có số lượng lồng cá và diện tích ao hồ nuôi cá nước ngọt lớn nhất, hiệu quả nhất toàn tỉnh. Kinh nghiệm nuôi cá “vượt lũ” trên sông Đại Giang của người dân là một trong những yếu tố thành công. Lo nhất đối với người dân các địa phương hiện nay là thiếu nguồn giống, có thể dẫn đến nguy cơ chậm trễ thời vụ, không thể thu hoạch trước lũ.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Ngô Văn Dinh cho rằng, khó khăn lớn nhất trong vụ nuôi mới này là thiếu nguồn giống cá tại chỗ. Không còn cách nào khác buộc phải mua giống từ ngoại tỉnh về nuôi. Những ngày sau lũ, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt nhu cầu số lượng giống; đồng thời hướng dẫn các hộ cách ương dưỡng, nhận biết con giống chất lượng và biện pháp bảo vệ an toàn trong quá trình vận chuyển từ các tỉnh xa về.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông Châu Ngọc Phi khẳng định, sẽ thiếu một lượng giống thủy sản, đặc biệt các loại cá nước ngọt, lợ, mặn trong vụ nuôi mới. Ngoài nguồn giống hiện có tại các cơ sở giống trên địa bàn tỉnh, đơn vị đang phối hợp với các địa phương, tuyên truyền đến các hộ dân biện pháp chọn giống an toàn, chất lượng khi mua tại các cơ sở ngoại tỉnh.

Trung tâm Khuyến nông khuyến cáo người dân thả giống đảm bảo khung lịch thời vụ, tránh thiệt hại do nắng hạn và lũ lụt. Tuy nhiên, bà con cũng không nên quá vội vàng mà cần phải triển khai các biện pháp cải tạo, xử lý môi trường ao nuôi, khu vực nuôi thủy sản một cách kỹ lưỡng… đảm bảo vụ mùa thắng lợi.

Theo các chủ cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh, họ sẽ sớm khôi phục sản xuất, nhập nguồn giống từ ngoại tỉnh về ương dưỡng, đảm bảo chất lượng nhằm cung ứng nhu cầu sản xuất vụ mới cho người dân trên địa bàn tỉnh. (baothuathienhue.vn 09/11)

 
 
 

3.  “Thừa tiền”!

Có nhiều chỉ dấu cho thấy, nguồn cung tiền trên thị trường đang “thừa tiền”. Lãi xuất cả hai chiều huy động và cho vay hạ. Thanh khoản dồi dào. Điều này phù hợp với những diễn biến của nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều định chế tài chính dự đoán kinh tế Việt Nam trong năm nay có thể là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng khá trong khu vực nhưng cũng chỉ đạt vào khoảng 2 -3%.

Đối với nền kinh tế Thừa Thiên Huế cũng có những diễn biến tương tự. Mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,38% do ảnh hưởng dịch bệnh. Những tháng cuối năm hy vọng sẽ có mức tăng khá hơn nhưng cũng khó “bứt phá” để bù đắp vì ảnh hưởng do bão lụt. Dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, lượng khách đến Huế giảm đến 77% tính trong 3 quý đầu năm. Riêng 9 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 68% kế hoạch, và nguồn vốn này cũng chỉ chủ yếu tập trung vào các dự án chuyển tiếp, tức là những dự án này chưa tạo ra sản phẩm cho nền kinh tế. Xuất khẩu của Thừa Thiên Huế kim ngạch đã không cao mà còn phụ thuộc 70-80% vào ngành hàng dệt may, nhưng những thông tin phản ánh từ các

doanh nghiệp dệt may trên địa bàn đang gặp những khó khăn về đơn hàng những tháng cuối năm…

Nhìn ở khía cạnh tín dụng, tính nội trên địa bàn Thừa Thiên Huế, nguồn vốn từ xã hội chảy vào ngân hàng nhiều hơn nguồn vốn từ ngân hàng chảy ra nền kinh tế. Con số thống kê cụ thể cho biết, 3 quý đầu năm 2020, các tổ chức tín dụng trên địa bàn huy động được 51.150 tỷ đồng, trong khi đó nguồn vốn cho vay chỉ đạt 48.850 tỷ đồng. Con số tăng trưởng tương ứng so với đầu năm lần lượt là 5,9% và 2,7%. Điều này cho thấy sự hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Nền kinh tế hấp thu nguồn vốn yếu, với rất nhiều khó khăn do khách quan gây ra như nêu trên, nhưng có một diễn biến “rất lạ” là ở mảng bất động sản vẫn cứ sôi động.

Điều này chúng ta có thể nhận biết qua nguồn thu ngân sách của tỉnh 9 tháng đầu năm. Theo số liệu thống kê, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn mà hai tác nhân tác động mạnh nhất là dịch bệnh và thiên tai thì thu ngân sách vẫn tăng 3% so cùng kỳ năm trước. Nguồn tăng này được góp sức một phần rất lớn là thu tiền sử dụng đất. Cụ thể là: tổng thu ngân sách, từ khu vực thu nội địa là hơn 5.870 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020 thì, số thu từ tiền sử dụng đất là gần 1.500 tỷ đồng. Nếu tính về tỷ lệ đã chiếm đến hơn 25%.

Tình trạng “thừa tiền” cho thấy, sự hấp thu vốn của nền kinh tế còn yếu. Đó chỉ là một yếu tố. Yếu tố thứ hai, những khó khăn trong hoạt động kinh tế như năm 2020 này có khả năng chất lượng tín dụng sẽ gia tăng yếu tố không tốt. Hay nói cách khác là nợ xấu có khả năng tăng lên. Nếu điều này xảy ra nó sẽ có tác động lâu dài đến hoạt động của doanh nghiệp.  (baothuathienhue.vn 08/11)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.768.207
Truy cập hiện tại 266