Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 08/11/2020
Ngày cập nhật 09/11/2020
TIN NÓNG
 

1.  Cưỡng chế, buộc tháo dỡ khách sạn “xin 5, xây 7”

Cơ quan chức năng TT-Huế vừa ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với chủ đầu tư công trình xây dựng không phép, nhiều lần bị lập biên bản nhưng vẫn ngang nhiên thi công.

Sáng 6-11, UBND TP Huế cho biết, cơ quan này vừa ban hành Quyết định số 7296/QĐCCXP cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình xây dựng không phép tại số 15- Phạm Văn Đồng - khách sạn Hạnh Đạt. Công trình này do ông Trương Đình Đạt làm chủ đầu tư. Quyết định nêu rõ, ông Trương Đình Đạt phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điểm c, Khoản 12, Điều 15 quy định tại Nghị định số 139/2017/ NĐ-CP ngày 27-11-2017 của Chính phủ về xử phạm vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.

Theo quyết định của UBND TP Huế, hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra cần được khắc phục gồm: Tháo dỡ phần công trình xây dựng không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt tại địa chỉ 15 Phạm Văn Đồng để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả tại Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 1784/QĐ-XPVPHC ngày 3-4-2020 và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2239/QĐ-XPVPHC ngày 4-5-2020 của Phó Chủ tịch UBND TP Huế. Biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện gồm: Tháo dỡ phần công trình xây dựng không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt với diện tích xây dựng vi phạm tầng 6: 82,5m; tầng 7: 82,5m + 93,0m (phần xây dựng trên tầng 6 hiện trạng phía trước). Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân vi phạm chi trả. Người vi phạm phải hoàn trả số kinh phí về việc tổ chức thực hiện cưỡng chế cho Đội Quản lý đô thị là cơ quan đã thực hiện cưỡng chế biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Thời gian thực hiện quyết định là 30 ngày kể từ ngày ký. Nếu quá thời hạn 30 ngày mà ông Trương Đình Đạt không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh, công trình số 15 Phạm Văn Đồng - khách sạn Hạnh Đạt nằm trong khu vực bị khống chế về chiều cao do liên quan đến cầu Vỹ Dạ. Ngày 27-3-2020,Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh TT-Huế phối hợp với UBND P.Vỹ Dạ tiến hành kiểm tra công trình sửa chữa, cải tạo tại số 15 đường Phạm Văn Đồng do ông Trương Đình Đạt làm chủ đầu tư. Công trình của ông Trương Đình Đạt theo hiện trạng cũ trước đây gồm có 1 tầng hầm, 5 tầng nổi và phần tum thang sân thượng. Qua kiểm tra, chủ đầu tư đang thi công xây dựng sửa chữa, cải tạo thêm tầng 6, tầng 7 với diện tích mỗi tầng 82,5m và phần tum thang sân thượng thuộc tầng 7. Việc thi công này không có giấy phép xây dựng theo quy định. Vào ngày 3-4-2020, UBND TP Huế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trương Đình Đạt về việc xây dựng cải tạo thêm tầng 6 không có giấy phép xây dựng với số tiền 25 triệu đồng. Quyết định này áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dừng thi công xây dựng công trình vi phạm, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính phải lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

Thế nhưng, trong khi chưa có giấy phép tầng 6 thì công trình trên vẫn tiếp tục thi công tầng 7. Tiếp đó, ngày 4-5-2020, UBND TP Huế tiếp tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trương Đình Đạt về hành vi xây dựng cải tạo thêm tầng 7 và tum thang sân thượng thuộc tầng 7 không có giấy phép xây dựng. Quyết định này áp dụng tình tiết tăng nặng vì tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm và phạt tiền 37,5 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc dừng thi công xây dựng công trình vi phạm, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính phải lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Vậy nhưng, nhiều tháng sau đó, Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện chủ đầu tư vẫn tiếp tục triển khai thi công xây dựng các phần vi phạm. Dư luận cho rằng, khách sạn Hạnh Đạt tọa lạc ở khu đất vàng nằm trên đường Phạm Văn Đồng, TP Huế liên tục sai phạm là có sự buông lỏng từ cơ quan chức năng khi chỉ xử phạt chủ đầu tư công trình mà không triển khai các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm. (cadn.com.vn 07/11)

 
 
 

2.  Phớt lờ chỉ đạo của tỉnh, thủy điện Thượng Nhật ngang nhiên tích nước, phát điện

Sở Công Thương TT Huế đã có công văn đề nghị không mua điện của nhà máy Thủy điện Thượng Nhật sau khi nhà máy này cố tình không thực hiện chỉ đạo của Chính quyền địa phương điều tiết nước phòng tránh bão số 9. Đây là biện pháp cứng rắn, kịp thời của tỉnh TT Huế khi mà mùa mưa bão vẫn còn rất phức tạp. Điều đáng nói hơn là mặc dù chưa được phép vận hành cho chưa hoàn thiện các thủ tục nhưng đơn vị này vẫn cố tình tích nước, phát điện từ cuối tháng 3 năm 2020 gây bức xúc trong nhân dân. Việc đặt lợi ích kinh tế lên trên lợi ích cộng đồng là điều cần phải lên án và xử lý nghiêm. (phóng sự ngắn TRT Huế 07/11)

 
 
 

3.  A Lưới: nguy cơ trễ vụ do các công trình thủy lợi hư hỏng

Chỉ còn 1 tháng nữa là đi vào sản xuất vụ Đông Xuân 2020 - 2021, tuy nhiên do ảnh hưởng của các đợt bão lũ, nhiều công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bị hư hỏng nghiêm trọng.Trong đó, huyện miền núi A Lưới là địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất và có nguy cơ trễ vụ sản xuất Đông Xuân bởi khung lịch thời vụ đã đến rất gần (phóng sự ngắn TRT Huế 06/11)

 
 
 

4.  TT - Huế: Người dân mất mùa… rơm

Rơm khô là nguồn nguyên liệu để người dân tại xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế sản xuất nấm rơm. Tuy nhiên, đợt bão lụt vừa qua đã khiến rất nhiều rơm khô ở đây bị ngập nước và không thể sử dụng được nữa.

Xã Phú Lương được xem là “vựa nấm rơm” của tỉnh Thừa Thiên - Huế bởi hầu hết các gia đình đều trồng nấm suốt hàng chục năm qua. Cũng vì thế, sau mỗi vụ thu hoạch lúa người dân lại tích trữ rất nhiều rơm khô để trồng nấm giúp tăng thêm thu nhập và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, đợt bão lụt vừa qua đã khiến một lượng lớn rơm khô bị ngập nước và không thể sử dụng được nữa. Việc rơm khô bị ngập nước khiến hàng trăm hộ dân thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất nấm. Cùng với đó là những thiệt hại về kinh tế mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu.

Chị Phan Thị Thúy (45 tuổi, trú tại xã Phú Lương) cho biết, gia đình chị trồng 4 mẫu lúa, toàn bộ rơm khô đều được đưa về tích trữ để trồng nấm. Đợt bão lụt vừa qua đã khiến cho khoảng 200 cục rơm khô là nguyên liệu làm nấm của gia đình bị ngập nước và không thể sử dụng được nữa.

 “Rơm khô tại ruộng nhà mình và tôi đi mua thêm ở những nơi khác về tích trữ giờ bị ngập nước quá nửa rồi. Nếu rơm trong ruộng nhà mình thì công thuê họ cuộn và chở về đến nhà là khoảng 18 - 20 nghìn đồng/01 cuộn”, chị Thúy nói.

Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Thúy, gia đình ông Ngô Văn Thi (54 tuổi, trú tại xã Phú Lương) có khoảng 300 cục rơm khô đã bị ngập nước. “Sau vụ hè thu vừa rồi, gia đình tôi đã bỏ ra khoảng 10 triệu đồng để thuê người ta cuộn rơm, chở về nhà và mua thêm rơm khô nữa. Nhưng sau đợt lụt vừa rồi giờ tôi chỉ còn đủ rơm để trồng nấm trong khoảng 1 tháng nữa thôi”, ông Thi cho biết.

Anh Ngô Văn Khôi (42 tuổi, trú tại xã Phú Lương) cho hay, gia đình vừa buôn bán, vừa làm ruộng và trồng nấm rơm. Nếu thuận lợi, 03 vòm trồng nấm rơm có thể mang lại cho gia đình nguồn thu nhập từ 3 - 4,5 triệu/tháng.

Trong lúc tích góp phần rơm khô có thể sử dụng để trồng lứa nấm mới anh Khôi cho biết, đợt bão lụt vừa qua nước dâng cao nên hầu hết rơm khô của các hộ dân trồng nấm đều bị ngập nước và không thể sử dụng được nữa.

Trao đổi với Kinh tế nông thôn, Chủ tịch UBND xã Phú Lương Hồ Viết Thuyên cho biết, đợt bão lụt vừa qua đã khiến khoảng 80% nhà của người dân ở địa phương bị ngập. Hiện, UBND xã đã thống kê các thiệt hại do bão lụt tại địa phương và báo cáo với huyện Phú Vang. (kinhtenongthon.vn 07/11)

 
 
 

5.  Bắt nguyên Trưởng phòng TNMT TP. Huế liên quan sai phạm đất đai

Cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam nguyên trưởng phòng TNMT TP. Huế để điều tra hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 7/11, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hoàng Khánh Huy (SN 1972), trú 27/52 đường Thánh Gióng, phường Thuận Lộc, TP. Huế) - nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Huế liên quan đến vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Thừa Thiên Huế) vào năm 2015, UBND phường Thủy Xuân, TP. Huế nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của bà Nguyễn Thị Cẩn (SN 1934), trú huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng tại hai thửa đất số 51 và 52, tờ bản đồ số 12, địa chỉ tổ 19, khu vực 5, phường Thủy Xuân, TP. Huế với diện tích lần lượt là 2.259,1m2 và 1.613,3m2, loại đất ở tại đô thị, không thu tiền sử dụng đất.

Ông Huy cùng với 5 cán bộ, nhân viên khác sau khi tiếp nhận hồ sơ của bà Cẩn đã không xác minh, thẩm định độ chính xác, tính pháp lý, chưa làm đầy đủ, hết trách nhiệm của mình đã duyệt hồ sơ và trình lên UBND TP. Huế ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho bà Cẩn tại hai thửa đất kể trên.

Tuy nhiên, bà Cẩn không có nhà ở, không trực tiếp sử dụng đất trên thửa số 51 và 52 tính từ năm 1968 đến nay, không nộp thuế, không kê khai đăng ký qua các lần đo đạc, không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, không làm ăn sinh sống tại địa phương.

Căn cứ theo khoản 1, Điều 100 luật Đất đai năm 2013 và khoản 1, Điều 21 Nghị định 43/CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Đất đai thì việc cấp giấy chứng nhận cho bà Cẩn là không đủ điều kiện và không đúng đối tượng theo quy định của pháp luât. Sự thiếu trách nhiệm trong công tác của nhóm đối tượng trên đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước bước đầu xác định gần 4 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 3/11, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng để điều tra, làm rõ hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Danh tính các đối tượng được xác định gồm: Nguyễn Văn Hòa (SN 1970), trú phường Thủy Xuân, TP.Huế nguyên là Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân; Dương Văn Quỳnh (SN 1984), trú phường An Tây, TP.Huế, nguyên là nhân viên hợp đồng phụ trách địa chính phường Thủy Xuân; Nguyễn Lê Mạnh Hiền (SN 1983), trú phường Thủy Xuân, TP. Huế là nhân viên chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Huế; Hà Xuân Dẫn (SN 1964), trú phường Hương Chữ, TX.Hương Trà, nhân viên chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Huế và Hoàng Thiện Tín (SN 1987), trú phường Hương An, TX. Hương Trà, chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Huế. (giadinhvietnam.com 07/11; kinhtenongthon.vn 07/11; nguoiduatin.vn 07/11; conglyxahoi.net.vn 07/11; vietnamnet.vn 07/11; toquoc.vn 06/11; baodansinh.vn 06/11; tienphong.vn 06/11; baotintuc.vn 06/11; baogiaothong.vn 06/11; plo.vn 06/11; sggp.org.vn 06/11; baophapluat.vn 06/11; daidoanket.vn 06/11; zingnews.vn 06/11; nld.com.vn 06/11; cand.com.vn 06/11; giadinh.net.vn 06/11)

 
 
 

6.  Vì sao nguyên Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường TP Huế bị bắt?

Ông Hoàng Khánh Huy, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường TP Huế vừa bị bắt về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 6/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can Hoàng Khánh Huy (48 tuổi, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường TP Huế, trú tại 27/52, đường Thánh Gióng, phường Thuận Lộc, TP Huế) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo hồ sơ, vào năm 2015, UBND phường Thủy Xuân (TP Huế) có nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác liền với đất của bà Nguyễn Thị Cẩn (85 tuổi, trú tỉnh Lâm Đồng) tại 2 thửa đất số 51 và 52 ở địa chỉ tổ 19, khu vực 5, phường Thủy Xuân vớicó diện tích hơn 3.800 m2.

Thời điểm này ông Huy giữ chức Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường TP Huế cùng 5 cán bộ khác không xác minh, thẩm định tính pháp lý của hồ sơ mà trình lên UBND TP Huế ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất cho bà Cẩn tại 2 thửa đất trên.

Tuy nhiên, trên thực tế, bà Cẩn không có nhà ở, không trực tiếp sử dụng đất từ năm 1968 đến nay, không nộp thuế, không kê khai đăng ký qua các lần đo đạc, không có hộ khẩu thường trú tại địa phương; không làm ăn sinh sống tại địa phương....Căn cứ theo quy định pháp luật, việc cấp giấy chứng nhận cho bà Cẩn là không đủ điều kiện và không đúng đối tượng.

Sự thiếu trách nhiệm trong công tác của những cán bộ có trách nhiệm đã gây thiệt hại cho ngân sách gần 4 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ việc, trước đó, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Hòa, nguyện Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân và bốn người khác đều là nhân viên tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Huế. (doisongphapluat.com 06/11; vtc.vn 06/11; infonet.vietnamnet.vn 06/11)

 
 
 

7.  Chỉ có trời sai?!

- Đó là cảm thán của ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm 5/11. Rằng “mọi thứ chúng ta đều đúng, chỉ có trời là sai vì mưa nhiều quá!”. Khi lãnh đạo bộ, ngành liên quan trả lời, cho rằng mọi quy trình, tiêu chí liên quan đến thủy điện, đến rừng đều “chặt chẽ, bài bản”.

Và có lẽ hiếm khi có cuộc chấn vấn nào mang tính “sát sạt” giữa nghị trường, như đối đáp giữa nữ ĐBQH Ksor H’Bơ Khắp (Gia Lai) với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà một ngày sau đó. Cũng về thủy điện nhỏ, việc mất rừng, và vấn đề trách nhiệm.

Nhưng rồi, cuối cùng thủy điện lợi hay hại, rừng tăng hay giảm, còn bao nhiêu, thế nào mới được gọi là rừng, thì giữa đại biểu dân cử với nhà quản lý vẫn chưa thể cùng quan điểm. Ngoài việc quản lý ngành thừa nhận, đó là “nếu có sai phạm…, thì đều là do con người”!

Đồng ý rằng, quy trình và tiêu chí nói chung về thủy điện và rừng cần được đánh giá môt cách khách quan, khoa học, không nên phê phán kiểu “vơ đũa cả nắm”. Nhưng đáng nói là có những “đứt gãy” trong chuỗi quy trình, thủ tục ấy, khiến cả chuỗi bị lung lay, thậm chí gãy đổ, thì ứng xử ra sao? Như ý kiến của đại biểu Trần Thanh Vân, đó là “khi chọn địa điểm và lạm dụng quy trình, thủ tục để trục lợi thì điều đó đáng lên án”. Mà thực tế ấy đã xảy ra ở nhiều nơi.

Thủy điện Rào Trăng 3 vừa bị tỉnh Thừa Thiên Huế đình chỉ xây dựng, sau khi nhận thấy dự án này “có nguy cơ mất an toàn rất cao, đặc biệt trong mùa mưa lũ”. Đáng lẽ ngay khi người dân và báo chí phản biện từ 3-4 năm trước, khi thủy điện này được quyết định cấp phép xây dựng, nếu địa phương cầu thị tiếp thu thì đâu đến nỗi xảy ra những thảm nạn liên hoàn như vừa qua?

Phê duyệt của tỉnh Thừa Thiên – Huế cho loạt dự án thủy điện này ở Rào Trăng đương nhiên là nằm trong quy hoạch, và rất “đúng quy trình”, đúng “tiêu chí”. Nhưng sao đến giờ tỉnh mới phát hiện rằng nó nguy hiểm? Và rồi “quả bóng” được đá ngược lên Bộ Công thương, với kiến nghị nhờ “đánh giá mức độ an toàn” đối với dự án thủy điện này! Bộ quyết được điều này không? Và nếu dự án bị hủy bỏ, ai sẽ đền bù cho doanh nghiệp?

Chính quyền huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) vừa buộc thủy điện Đăk Mi 4 phải đền bù thiệt hại cho dân sau đợt xả lũ kinh hoàng chiều ngày 28/10 vừa qua. Với nhân chứng, vật chứng thu thập cụ thể. Trong khi quan điểm của thủy điện lẫn các cơ quan quản lý vẫn là “thủy điện điều tiết lũ giúp dân”. Thử hỏi có khi nào nước mưa đổ ập xuống cả chục ngàn mét khối nước mỗi giây, cấp tập vào một khu vực dân cư, như kiểu “điều tiết” của thủy điện không?

Thực tiễn luôn là phép thử công minh của mọi thứ lý thuyết. Luật pháp và các quy định cũng không đứng ngoài nguyên lý ấy. Người dân cảm kích và ghi nhận những tranh luận thẳng thắn, công khai giữa nghị trường, liên quan trước hết đến sự sống còn của mình. Nhưng cần hơn, đó là sự cầu thị, và thay đổi thực sự. (tienphong.vn 08/11)

 
 
 

8.  Thừa Thiên - Huế gia tăng tình trạng sạt lở bờ sông

Do ảnh ưởng của các đợt bão và mưa lũ kéo dài, tại bờ sông Hương, Sông Bồ tỉnh Thừa Thiên - Huế, tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng gia tăng, ảnh hưởng rất lớn đến đất sản xuất và nhiều khu vực dân cư. (video vnews.gov.vn 07/11)

 
 
 

9.  Thuyền có vật in chữ Trung Quốc dạt vùng biển Thừa Thiên-Huế

Trên thuyền có một số vật là bao bì và chai nhựa in chữ Trung Quốc, trôi dạt vào bờ biển ở Thừa Thiên - Huế.

Liên quan đến thông tin thuyền lạ có vật in chữ Trung Quốc dạt vào bờ biển Thừa Thiên - Huế, sáng ngày 7/11, trao đổi với báo Đất Việt, lãnh đạo thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) xác nhận và cho biết, hiện tại chiếc thuyền lạ này đang ở bờ biển Lăng Cô chờ cơ quan chức năng xử lý.

Theo đó, chiếc thuyền lạ này có chiều dài khoảng 13m, chiều rộng khoảng 4m, được làm bằng chất liệu nhựa, không có số hiệu. Tại thời điểm phát hiện, trên phương tiện không có người, không có máy móc, có một số vật là bao bì và chai nhựa in chữ Trung Quốc.

Trước đó, vào khoảng 12h ngày 6/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế nhận được thông tin từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Chân Mây báo cáo về chiếc thuyền lạ này.

Sau khi nhận thông tin, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức neo buộc phương tiện, đề phòng trôi dạt.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ở tuyến biển theo dõi, nắm tình hình trên biển, đồng thời thông báo cho Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế biết để phối hợp xử lý.

Đây là lần thứ hai trong thời gian gần một tháng trở lại đây, tại vùng bờ biển thị trấn Lăng Cô xuất hiện phương tiện trôi dạt vào bờ biển.

Trước đó, tàu hàng mang nhãn hiệu Jakarta, quốc tịch Indonesia, treo cờ Đài Loan (Trung Quốc), trên tàu không có người, bị sóng biển đánh dạt vào khu vực Bãi Chuối, thuộc thị trấn Lăng Cô. Sau một thời gian trôi dạt vào bờ, con tàu đã bị sóng đánh gãy đôi, gây ra hiện tượng tràn dầu trên biển. (baodatviet.vn 07/11; congly.vn 06/11; toquoc.vn 06/11)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Bộ CHQS tỉnh Salavan (Lào) tặng quà cho các đơn vị Quân sự, Biên phòng Thừa Thiên Huế, Quảng Trị

Hôm nay (6/11), tại cửa khẩu Quốc tế La Lay (Quảng Trị), Bộ CHQS tỉnh Salavan đã tổ chức buổi trao quà hỗ trợ khắc phục hậu quả bão, lụt cho 4 đơn vị gồm: Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị.

Tại đây, thay mặt Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Salavan, Đại tá Sam Ly Keo Vong Say (Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Salavan) gửi lời thăm hỏi, động viên và chia sẻ đến lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, LLVT và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Đồng thời trao quà hỗ trợ khắc phục hậu quả bão, lụt.

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Salavan cho biết, món quà hỗ trợ cho 4 đơn vị hôm nay tuy nhỏ nhưng đây là tình cảm, sự sẻ chia của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Salavan gửi đến cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị để cùng chung tay khắc phục hậu quả bão, lụt; mong các đơn vị vượt qua khó khăn để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Lần trao quà này có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tình đoàn kết bền chặt giữa Quân đội hai nước, qua đó góp phần tô thắm thêm truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào. (baophapluat.vn 06/11)

 
 
 

2.  Nguyên nhân vụ sạt lở tại khu vực Rào Trăng 3

Liên quan đến vụ sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam vừa có báo cáo chi tiết gửi Bộ TN&MT phân tích, nhận định nguyên nhân của hiện tượng trượt lở. (phóng sự ngắn TRT Huế 07/11)

 
 
 

3.  “Chúng ta đang kiểm soát tốt các loại dịch bệnh”

Triển khai triệt để phương châm “4 tại chỗ” và “nước rút đến đâu vệ sinh đến đó”, những loại bệnh dễ bùng phát thành dịch sau mưa lũ đang được Thừa Thiên Huế chủ động kiểm soát. Bác sĩ Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ nhiều hơn về công tác này.

Ngay sau khi xảy ra tình trạng mưa lũ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát tình hình vệ sinh phòng bệnh, nhận thấy hầu hết các hộ gia đình đều đã rất chủ động trong việc dọn dẹp vệ sinh nhà ở, vườn tược. Ngành y tế tiếp tục tuyên truyền, vận động và phối hợp thực hiện việc phun khử trùng và xử lý vệ sinh môi trường tại các khu vực công cộng và nơi tập trung đông người.

Mưa, bão và lũ lụt thường kéo theo những nguy cơ về dịch bệnh. Theo ông, những loại bệnh nào dễ phát thành dịch ở những địa phương bị mưa lũ dài ngày?

Trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật lẫn vào bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và vật trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là các bệnh tiêu chảy do vi khuẩn E.coli, lỵ, thương hàn, tả, viên gan A; ngoài ra những bệnh về đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ của dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai vẫn đang tiềm ẩn.

Tuy nhiên, đây chỉ là những bệnh thông thường, đều đã lưu hành tại địa phương trước đó. Hằng năm, những loại bệnh này đều có tồn tại tuy không bùng phát thành dịch. Những bệnh này đều rất dễ phòng bệnh và điều trị, nếu phòng bệnh tốt, phát hiện và điều trị kịp thời sẽ không gây thành dịch lớn. Hiện nay, nguồn thuốc, vật tư y tế dự trữ phục vụ cho công tác điều trị đã được đảm bảo.

Ông có những lưu ý như thế nào để hỗ trợ người dân chủ động được các loại dịch bệnh này?

Bộ Y tế đã kịp thời đưa ra nhiều khuyến cáo để người dân chủ động phòng chống các loại dịch bệnh sau mưa lụt. Mỗi loại bệnh khác nhau đều có những khuyến cáo cụ thể. Để phòng các bệnh tiêu hóa thường gặp, như tiêu chảy do vi khuẩn E. coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A…, người dân cần đảm bảo xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Đặc biệt, thực hiện triệt để nguyên tắc “ăn chín, uống sôi" và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo đủ nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải, xác động vật chết; uống hoặc tiêm vaccine phòng bệnh khi có chỉ định đối với các bệnh đã có vaccine.

Các bệnh về mắt thường gặp là đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ… người dân có thể dự phòng bằng cách không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn, không để trẻ em tắm, chơi đùa với nước bẩn, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, không dùng chung khăn lau, chậu rửa với người bị đau mắt đỏ và chú ý diệt ruồi; tra thuốc nhỏ mắt cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn. Với các bệnh ngoài da, như: Nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt… người dân hạn chế tối thiểu việc phải tiếp xúc da trực tiếp với nước tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

Hiện nay, vấn đề chúng tôi lo lắng nhất là việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ngoài việc vệ sinh môi trường, người dân nên chủ động dự phòng bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày. Nếu bị sốt, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe. Không nên tự ý điều trị tại nhà.

Ông có thể nói rõ hơn những hoạt động đang được ngành y tế triển khai để phòng chống bệnh sốt xuất huyết?

Mặc dù sốt xuất huyết là bệnh thông thường nhưng nếu xử ý không khéo thì dễ hình thành những ổ dịch nhỏ, rồi thành ổ dịch lớn... Do vậy, ngay từ đầu mùa mưa bão, chúng tôi đã chủ động tuyên truyền, vận động và khuyến cáo người dân thau vét bọ gậy, phun khử chủ động những vùng có nguy cơ.

Sau những ngày lũ lụt vừa qua, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các địa phương vận động người dân vệ sinh môi trường quanh vườn nhà, thau vét các vật chứa để muỗi không có nơi đẻ trứng. Đồng thời, đánh giá chỉ số muỗi để có quyết định phun khử chủ động phù hợp. Những nơi ổ dịch cũ và nơi đang có bệnh nhân chưa qua 14 ngày và có lũ lụt thì tiếp tục chỉ định phun chủ động. Nhờ đó, những ngày trở lại đây, sốt xuất huyết cũng cầm chừng chứ không có tăng biến động so với trước bão lụt.

 “4 tại chỗ” có ý nghĩa như thế nào trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh, thưa ông?

Trong công tác phòng chống dịch bệnh, nếu chỉ dựa vào nhân lực của ngành y tế không thì không bao giờ đủ và không bao giờ đạt được hiệu quả triệt để, mà phải dựa vào cộng đồng người dân, chính quyền và đoàn thể. Thực tế cho thấy, địa phương nào chính quyền vào cuộc thì huy động được nguồn lực dồi dào, nơi đó các vấn đề về xử lý môi trường được thực hiện nhanh và hiệu quả.

Tuy nhiên, điều chúng tôi nhận thấy là phần lớn người dân mới chủ động vệ sinh làm sạch không gian nhà ở của mình sau lũ lụt, còn rác và xác súc vật chết vẫn còn để vương vãi ở các điểm công cộng. Vấn đề này nếu được người dân chú ý hơn ngày từ khi thu gom ban đầu thì chính quyền sẽ đỡ vất vả hơn trong việc thu gom, xử lý tiếp theo.

Nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, vậy tình hình thuốc điều trị và vật tư phục vụ công tác dự phòng các loại dịch bệnh của Thừa Thiên Huế có đảm bảo không, thưa ông?

Trước đây, tình trạng hay gặp phải sau lũ lụt là sự khó khăn về hóa chất xử lý môi trường. Nhưng nay nguồn hóa chất khử khuẩn được dự trữ, dự phòng cho mùa sau lũ lụt khá dồi dào. Các đơn vị có nhu cầu đến đâu, ngành y tế đều đáp ứng được đến đó. Chưa kể trước, trong và sau lũ lụt, các nguồn hỗ trợ các bộ ngành cũng đã tăng thêm nên riêng với Thừa Thiên Huế, nguồn lực về thuốc điều trị và vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ không phải lo lắng.

Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường được Bộ Y tế giao hỗ trợ Thừa Thiên Huế phòng, chống dịch bệnh. Với tình hình hiện nay, chúng ta cần Viện hỗ trợ như thế nào?

Hiện, đoàn công tác của Bộ Y tế mà đại diện là Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường y tế đang phối hợp cùng Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đánh giá cụ thể về tác động của lũ lụt đối với môi trường trước mắt cũng như lâu dài để có kế hoạch hỗ trợ. Đặc biệt là việc hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật xử lý môi trường sau lụt tại thực địa đối với những hộ gia đình đang và đã từng bị ngập lụt như ở huyện Quảng Điền.

COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại do thời tiết. Ông có thể chia sẻ những nỗ lực phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Thừa Thiên Huế đến thời điểm này?

Đã tròn 2 tháng (3/11) Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, nhưng các hoạt động giám sát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 vẫn được chúng tôi tiếp tục triển khai. Các yêu cầu, khuyến cáo về phòng dịch về căn bản vẫn chưa thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên, hiện nay những trường hợp chuyên gia kỹ thuật cao vào nhập cảnh chỉ còn phải cách ly tập trung 7 ngày, sau đó tự cách ly tại nơi làm việc/nơi ở, phần nào đó cũng khiến công tác kiểm soát dịch bệnh càng phải được thực hiện chặt chẽ hơn. Để chung sống an toàn với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới, người dân cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.

Xin cảm ơn ông! (baothuathienhue.vn 07/11)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Triển lãm 170 tác phẩm hội họa của thiếu nhi

“Cảm xúc – sáng tạo” là chủ đề cuộc thi vẽ và triển lãm tranh dành cho thiếu nhi do Thư viện Tổng hợp tỉnh phối hợp với CLB Ami art.com tổ chức chiều 7/11.

Triển lãm giới thiệu 170 tác phẩm của 61 học sinh vẽ về các chủ đề xung quanh thế giới tuổi thơ, như: gia đình, mái trường, bạn bè, động vật, môi trường… Các tác phẩm được thể hiện bằng màu sắc tươi sáng trên các chất liệu: acrylic trên vải, màu nước trên giấy, vẽ trên gốm Phước Tích và túi cói đệm bàng.

Triển lãm là sân chơi thú vị khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo; đồng thời tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu hội họa cho các em. Đây cũng là hoạt động góp phần đổi mới nội dung hoạt động, phương thức phục vụ của thư viện, tạo không gian văn hóa cho học sinh.

Sau khi khai mạc triển lãm, học sinh tiếp tục tham gia cuộc thi vẽ tranh với chủ đề trên. (baothuathienhue.vn 07/11)

 
 
 

2.  Di sản văn hóa triều Nguyễn: Còn mãi với thời gian

Di sản văn hóa triều Nguyễn, trong đó có đồ dùng, vật dụng trong cung đình triều Nguyễn hay còn gọi là đồ ngự dụng được chế tác dành riêng cho hoàng đế và hoàng tộc sử dụng, là một bộ phận của kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Nguồn gốc đồ ngự dụng triều Nguyễn

Một trong những đồ ngự dụng khoảng đầu thế kỷ XIX được ưa chuộng đó là đồ gốm sứ có xuất xứ từ Anh quốc, thông qua con đường ngoại giao hoặc nhập khẩu trực tiếp, được thực hiện bởi Công ty Đông Ấn Anh.

Đồ ngự dụng ngoài được sản xuất trong nước còn được nhập từ rất nhiều nơi trên thế giới. Trong giai đoạn đầu của triều Nguyễn, đồ dùng, vật dụng đa phần nhập khẩu từ Trung Hoa do 2 nước có cùng tập quán, đồ phục sức và thói quen sinh hoạt, sở thích tiêu dùng. Đồ dùng, vật dụng nhập khẩu từ các nước châu Á láng giềng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Lào...) cũng là nguồn hàng quen thuộc. Càng về sau, các hoàng đế triều Nguyễn lại ưa chuộng hơn đồ dùng, vật dụng nhập khẩu từ các nước phương Tây (Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha và đặc biệt ưa chuộng hàng nhập khẩu từ Pháp)... Giai đoạn 1835-1839, nhà Nguyễn đã xuất khẩu rất nhiều nông sản (gạo, dầu, muối, đường) và đặc sản địa phương như: yến sào, vi cá mập, sơn, ngà voi, sừng tê giác, gỗ quý các loại... Với nguồn tiền kiếm được từ xuất khẩu, triều Nguyễn có đủ khả năng để nhập khẩu những đồ dùng, vật dụng đắt tiền của nước ngoài đem về sử dụng trong hoàng cung.

Phân loại theo công năng sử dụng

Hệ thống lăng miếu ở triều Nguyễn rất phát triển, xuất phát từ việc nhà nước quan tâm đến tế tự trời đất và tổ tiên với đức tin: các vị thần linh đã phò trợ họ Nguyễn gây dựng cơ nghiệp. Đồ dùng, vật dụng trong các đền, miếu phải có như: đỉnh, lư, chân đèn, bàn thờ, ngai thờ, bài vị, hoành phi, câu đối, đồ dựng nước, đựng rượu, đựng thức ăn, trái cây... đa số được làm từ đồng, pháp lam, gốm, thủy tinh. Khi tổ chức những nghi lễ quan trọng, Hoàng đế trực tiếp cử hành sẽ sử dụng một số đồ vật phục vụ nghi lễ bằng vàng bạc, ngọc. Trong khi thực hiện nghi lễ tế hoặc nghi lễ triều hội sẽ có thêm các nhạc cụ, như chuông, khánh, kèn, chiêng, bạt... Tiêu biểu là chiếc đài thờ bằng vàng, pha lê, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 4. Mô típ trang trí rồng, phượng, long mã, mây, sóng nước, bát bửu, hoa mai.

Các vật dụng thuộc văn phòng tứ bảo được sử dụng trong hoàng cung triều Nguyễn do các “ngự xưởng” chế tác bằng các chất liệu quý hiếm: vàng, bạc, ngọc, ngà voi… Các đồ dùng thuộc bộ văn phòng tứ bảo bao gồm: quản bút, gác bút, nghiên mực, hộp son, thủy trì, ống bút, trấn chỉ (chặn giấy)… Ngoài ra, còn có thêm một số vật dụng như: ngọc tỷ, kim ấn, đỉnh trầm vàng, bức trấn phong.

Những vật dụng thông thường trong sinh hoạt của triều đình nhà Nguyễn, gồm: đồ gia dụng như bộ đồ uống trà, uống rượu, đồ trầu, ống nhổ... Hiện, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang lưu giữ nhiều đồ gia dụng bằng các chất liệu quý dành cho hoàng đế ngự dụng: bộ đồ trầu bằng vàng chạm hình phượng bay, lọ đựng trà, bộ khay trà vàng, ống nhỏ ngọc...

Những đồ nội thất bằng gỗ được sử dụng tại tất cả các công trình kiến trúc: đền, miếu, chùa, lăng tẩm và nội cung triều Nguyễn thường thấy nhất là bàn thờ, gồm 2 phần: bàn thờ (thường được trang trí một bức hoành có hình thức như 1 tấm vải che), bàn bày lễ có hình dạng phong phú hơn bàn thờ. Cấu trúc chung là hình chữ nhưng tùy loại có cấu tạo mép bàn thẳng, cũng có loại mép bàn cong hình triện hoặc cuốn thư và khéo léo nối vào chân bàn. Các chân bàn thường được gia công chạm khắc uốn lượn và có khuynh hướng khi lồi ra ngoài, khi lại uốn cong vào phía trong. Henri Gourdon miêu tả về những chiếc bàn thế kỷ 18 của triều Nguyễn như sau: “… vẫn còn vài mẫu rất đẹp trong Hoàng cung thường có hình dạng dài và trông không chắc chắn, chân bàn thẳng giống như con tiện lan can, hình dáng rất kiểu cách; chúng gợi nhớ đến những món đồ gỗ theo phong cách Louis 16”.

Những chiếc sập cũng là một sản phẩm đáng lưu ý của đồ nội thất triều Nguyễn, sập được cấu tạo từ một hoặc nhiều tấm gỗ lớn đặt trên một khung đỡ có bốn chân thấp. Chân sập được trang trí chủ yếu bằng kỹ thuật chạm nổi kết hợp sơn son thếp vàng, với họa tiết phổ biến: mặt hổ phù, chân sư tử, đầu rồng. Phần thanh giằng giữa các chân sập cũng được trang trí cầu kỳ bằng kỹ thuật như trên các họa tiết: dây lá, tứ linh, rồng ổ, thủy ba …

Ngoài ra, nội thất hoàng cung triều Nguyễn còn có rất nhiều phụ kiện bằng gỗ để điểm tô cho không gian trang trọng nhưng vẫn toát lên vẻ quyền quý, thanh nhã.

Đối với triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, các đồ ngự dụng vô cùng đa dạng, phong phú về kiểu thức, chức năng, chất liệu, giá trị nghệ thuật… Khác rất nhiều với thời đại chúng ta ngày nay, khi mà mỗi đồ dùng, vật dụng được chú trọng các chức năng chủ yếu là tiện dụng, mẫu mã đẹp, thì đồ dùng vật dụng thời Nguyễn ngoài tiện ích, chức năng tâm linh hay biểu tượng tinh thần của con người thời kỳ này, thì bên cạnh cái đẹp mang màu sắc riêng của thời đại, còn có những thuộc tính không thể bỏ qua đó là các ý nghĩa biểu tượng của chúng trong đời sống của xã hội phong kiến thời Nguyễn. Những ý nghĩa biểu tượng này đã làm cho mỗi đồ dùng vật dụng có thêm được chiều sâu tâm linh, nhân văn và trong đó ẩn chứa những thông điệp văn hóa quý giá của thời đại, tạo nên sự thuần khiết của hồn Việt, phẩm chất Việt trong mỗi vật dụng đó. (baothuathienhue.vn 06/11)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Báo TN&MT cùng Chùa Linh Sơn – Thanh Nhàn (Hà Nội) trao 500 suất quà cho người dân vùng lũ Thừa Thiên Huế

Ngày 7/11, Báo TN&MT cùng Chùa Linh Sơn - Thanh Nhàn (Hà Nội) đã đến trao tặng quà cho các hộ nghèo và gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, bão tại thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Mưa lũ và bão trong suốt tháng 10 vừa qua đã khiến nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế thiệt hại nặng nề, hàng chục người chết và mất tích, hàng chục ngàn ngôi nhà chìm trong biển nước. Trong đó, xã Hương Toàn và xã Bình Tiến (thị xã Hương Trà) là hai trong số những địa phương ngập sâu trong nhiều ngày, nhà cửa hư hỏng cũng như có nhiều hộ dân rất khó khăn...

Trước những mất mát to lớn và với tinh thần “tương thân tương ái”, Báo TN&MT phối hợp cùng Chùa Linh Sơn – Thanh Nhàn (Hà Nội) đã phát động, chung tay quyên góp, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai bão lũ.

Đoàn từ thiện trong ngày 7/11 đã đến Thừa Thiên Huế trao tổng cộng 500 suất quà cho 2 xã Hương Toàn và Bình Tiến thuộc Thị xã Hương Trà. Mỗi suất gồm 10kg gạo, chăn, màn và chiếu mới, 1 thùng mì tôm, quần áo, thuốc uống, bột canh... Tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng.

Khuôn mặt rạng rỡ sau khi nhận được quà, ông Nguyễn Văn Rô (73 tuổi, thôn Vân Cù, xã Hương Toàn) chia sẻ, nhà chỉ ở hai vợ chồng già, mưa bão hay lũ lụt đều nhờ chính quyền phải di tản.

“Bão số 5 đã khiến nhà tôi bay hết 2 mái. Sau đó gia đình phải vay ngân hàng 20 triệu đồng để mua tôn lợp tạm. Mưa lũ vừa rồi cũng ngập nước, cuộc sống khó khăn. Hôm nay nhận được rất nhiều quà của quý mạnh thường quân thật sự tôi cũng như bà con nơi đây rất vui và hạnh phúc...”, ông Rô thổ lộ.

Sư thầy Thích Nữ Như Hiền – trụ trì chùa Linh Sơn – Thanh Nhàn cho hay, hành trình đến với Thừa Thiên Huế khá vất vả vì trời mưa to trên đường đi, nhưng điều đó không làm trở ngại các thành viên trong đoàn vì tinh thần hướng về người dân.

 “Những phần quà tuy giá trị không lớn những cũng là tấm lòng của đoàn, nhằm động viên, chia sẻ và hỗ trợ một phần nào đó cho các hộ nghèo, gia đình bị thiệt hại do thiên tai ở Huế sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống...”, sư thầy Thích Nữ Như Hiền nói.

Cũng trong dịp này, đoàn đã trao thêm nhiều sách vở, quần áo, cặp sách và lương khô cho thầy trò trường tiểu học số 1 Hương Văn (thị xã Hương Trà). (baotainguyenmoitruong.vn 07/11)

 
 
 

2.  Khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân bị thiệt hại do bão lũ

Ngày 7/11, Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên – Huế) cùng Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và trao quà cho người dân bị thiệt hại do bão lũ tại các xã thấp trũng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trên 100 bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên tham gia khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho khoảng 2.500 người dân tại Trạm y tế của các xã: Thủy Thanh (huyện Hương Thủy), Giang Hải (huyện Phú Lộc), Phú Lương (huyện Phú Vang), Phong Bình (huyện Phong Điền) và Quảng An (huyện Quảng Điền).

Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa II Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, hoạt động này nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và kêu gọi sự đóng góp từ các cá nhân, tổ chức có tấm lòng hảo tâm kịp thời chia sẻ, động viên, giúp đỡ đồng bào vùng bị thiệt hại do bão lũ. Tổng kinh phí cho hoạt động này ước tính trên 500 triệu đồng.

Dự kiến, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho 500 người dân tại xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) vào ngày 14/11 tới.

Hằng năm, Bệnh viện Trung ương Huế thường triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe hướng đến người dân vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện giúp bà con tiếp cận với các dịch vụ y tế. Qua đó, phát hiện, điều trị kịp thời các trường hợp bệnh nặng cũng như tư vấn, giáo dục cho người dân về cách phòng, tránh các bệnh dịch thông thường.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tiếp xảy ra các đợt bão lụt, gây ra thiệt hại nặng nề cho nhân dân, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng thấp trũng. Đến nay, thời tiết đã tạnh ráo trở lại. Đây là thời điểm dịch bệnh sau lũ lụt dễ dàng bùng phát. Vì vậy, Bệnh viện Trung ương Huế cùng Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát và tuyên truyền người dân phòng, chống dịch bệnh; đồng thời phun hóa chất tại nhiều địa phương để tiêu diệt các mầm bệnh.

Ngoài ra, hai đội cơ động tuyến huyện cùng 5 đội cơ động tuyến tỉnh được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên - Huế thành lập cũng sẵn sàng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ với đầy đủ thuốc men, hóa chất được trang bị.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa xuất hiện sự gia tăng đột biến nào về bệnh tật liên quan đến mưa lũ. (baotintuc.vn 07/11; toquoc.vn 07/11)

 
 
 

3.  Báo Kinh tế và Đô thị hỗ trợ 200 suất quà cho người dân huyện Nam Đông

Sáng 7/11, Báo Kinh tế và Đô thị, Công ty CP May 10 và các nhà tài trợ đã phối hợp cùng Báo Thừa Thiên Huế trao quà hỗ trợ cho người dân vùng cao huyện Nam Đông gặp khó khăn do bão lụt gây ra.

Tham dự, có ông Lại Bá Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị; ông Hoàng Minh Giang, Phó Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận thành phố Hà Nội với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước” giúp đồng bào miền Trung khắc phục khó khăn trước mắt, dần ổn định cuộc sống, Ban Biên tập báo Kinh tế và Đô thị triển khai chương trình “Chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung vượt qua bão lũ” nhằm chia sẻ hỗ trợ đồng bào các tỉnh Miền Trung.

Sau tuần lễ phát động, đến nay Báo Kinh tế & Đô thị đã tập hợp xong số lượng và thực hiện công tác trao quà đến tận tay bà con vùng lũ. Với Thừa Thiên Huế, Báo Kinh tế & Đô thị chọn 4 xã vùng cao: Hương Hữu, Thượng Long, Thượng Nhật, Thượng Quảng thuộc huyện Nam Đông để trao quà hỗ trợ cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Dịp này, đoàn đã trao 200 suất quà, trị giá 1 triệu đồng/suất, bao gồm 500 nghìn đồng tiền mặt và nhiều loại nhu yếu phẩm khác.

Trao quà đến từng hoàn cảnh, đại diện Báo Kinh tế và Đô thị và Báo Thừa Thiên Huế đã động viên bà con cố gắng vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống. (baothuathienhue.vn 07/11)

 
 
 

4.  TT - Huế: 3.000 người dân được khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí

Ngày 7/11, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức hoạt động “Khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho bà con nhân dân các xã bị thiệt hại nặng do bão lụt”.

Ngày 7/11, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị đã cùng cùng các nhà hảo tâm đã tổ chức hoạt động “Khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho bà con nhân dân các xã bị thiệt hại nặng do bão lụt” tại 5 xã vùng thấp trũng của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cụ thể, hơn 100 bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên chia thành 3 đoàn để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho 2.500 người dân tại các trạm y tế: xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), xã Phú Lương (huyện Phú Vang), xã Phong Bình (huyện Phong Điền), xã Quảng An (huyện Quảng Điền). Tổng kinh phí cho hoạt động này ước tính trên 500 triệu đồng.

Tiếp tục chương trình này, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ triển khai đoàn khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho 500 người dân tại xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) vào ngày 14/11.

Trước đó, ngày 26/10, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức lễ phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do thiên tai bão lụt gây ra. Số tiền được quyên góp từ tập thể cán bộ, viên chức của bệnh viện sẽ được chuyển đến cho các hộ dân, gia đình chịu thiệt hại nặng nề trong các đợt bão lụt vừa qua. (kinhtenongthon.vn 07/11)

 
 
 

5.  Nguy cơ dịch bệnh sau lũ, hơn 100 y bác sĩ lên đường giúp người dân

Trước nguy cơ dịch bệnh sau khi nước lũ rút, bệnh viện Trung ương Huế đã khẩn trương cử hơn 100 y bác sĩ về tận vùng thấp trũng giúp bà con.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tiếp xảy ra bão lụt gây thiệt hại nặng nề cho bà con nhân dân, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa.

Sau khi nước lũ rút đi, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: Sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…

Trước nguy cơ này, ngày 7/11, bệnh viện Trung ương Huế đã cử hơn 100 bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên chia thành 3 đoàn để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, hỗ trợ phòng dịch cho nhiều người dân trên địa bàn.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho bà con nhân dân các xã bị thiệt hại nặng do bão lụt”  tại 5 xã vùng thấp trũng của tỉnh Thừa Thiên-Huế của bệnh viện này.

Sáng cùng ngày, đoàn đã khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, hỗ trợ phòng dịch và tặng quà cho 2.500 người dân tại trạm y tế các xã Thủy Thanh (huyện Hương Thủy), xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), xã Phú Lương ( huyện Phú Vang),  xã Phong Bình (huyện Phong Điền), xã Quảng An (huyện Quảng Điền).

Hoạt động này sẽ được tiếp tục tại xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) vào ngày 14/11 tới đây.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ, đây là một trong các chương trình chăm sóc sức khỏe có ý nghĩa được bệnh viện thường xuyên triển khai hằng năm để giúp đỡ cho người dân ở vùng sâu vùng xa, khó có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế. Đồng thời tư vấn, giáo dục sức khỏe để bà con có thể tự phòng tránh được các bệnh thường gặp.

“Hy vọng, thời gian sắp tới, với sự chung tay của cả nước, miền Trung ruột thịt sẽ vượt qua được khó khăn, người dân nơi đây ổn định cuộc sống”, Thạc sĩ Lan Hương nói. (nguoiduatin.vn 07/11; nld.com.vn 07/11)

 
 
 

6.  Trao tặng thẻ BHYT cho bà con bị thiệt hại nặng do bão, mưa lũ tại tỉnh Thừa - Thiên Huế

Sáng ngày 5/11, đoàn công tác BHXH Việt Nam do ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn và trao tặng thẻ BHYT cho bà con bị thiệt hại nặng nề do bão, mưa lũ trong thời gian vừa qua tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa - Thiên Huế.

Phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Chủ tịch Nước, cả nước hướng về miền Trung ruột thịt, BHXH Việt Nam đã quyết định việc trích kinh phí để mua và tặng thẻ BHYT cho người dân bị thiệt hại nặng do mưa lũ nhưng không có thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh, gồm 10 tỉnh khu vực miền Trung, mỗi tỉnh được trao tặng 250 thẻ BHYT, với tổng số tiền là 2 tỷ đồng.

Tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã gặp gỡ, thăm hỏi bà con và trao tặng 85 thẻ BHYT cho Huyện Phong Điền, trong đó trao trực tiếp 19 thẻ BHYT cho người dân bị thiệt hại nặng nề do bão, lũ tại xã Phong Hòa. Số thẻ BHYT còn lại BHXH Việt Nam đã ủy quyền cho BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trao tặng.

Đây là hoạt động hết sức thiết thực, giảm bớt phần nào gánh nặng, thiệt hại do bão lũ của đồng bào miền Trung. Trước đó, BHXH Việt Nam đã tổ chức phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bão lũ, đồng thời có văn bản gửi cơ quan BHXH các tỉnh thành trong vùng chịu ảnh hưởng bão, lũ chủ động khắc phục sự cố, đảm bảo quyền lợi của đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Mới đây, toàn bộ số tiền quyên góp và trích từ quỹ hoạt động tình nghĩa của Ngành được 2 tỉ đồng đã được BHXH Việt Nam chuyển thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để kịp thời hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả, vượt qua khó khăn này. (phapluatplus.vn 07/11)

 
 
 

7.  Nhiều nghĩa cử tiếp tục hướng đến nạn nhân thủy điện Rào Trăng 3

Qua bài viết: “Rào Trăng, nỗi đau còn lại…” trên báo Thừa Thiên Huế số 8505 ngày 3/11, sáng 7/11, bác sĩ Nguyễn Thanh Minh, giảng viên Trường ĐH Y Dược Huế cùng đại diện quỹ Sen xanh của báo đã đến thăm hỏi, động viên 2 gia đình nạn nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3.

Anh Ngô Viết Huy (tổ 4, P. Thuỷ Châu, TX. Hương Thủy) và anh Huỳnh Ngọc Quý (thôn Khe Sòng, xã Dương Hòa, TX. Hương Thủy) là 2 nạn nhân trong nhóm 17 công nhân mất tích sau vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 hiện vẫn chưa tìm được thi thể, có gia cảnh khó khăn.

Sau khi chia buồn, động viên gia đình của hai nạn nhân, cá nhân bác sĩ Nguyễn Thanh Minh đã gửi tặng mỗi gia đình nạn nhân 4 triệu đồng nhằm góp phần hỗ trợ thân nhân các anh vượt qua khó khăn, đau thương để sớm ổn định cuộc sống.

Cũng trong đợt lũ lụt vừa qua, gia đình bác sĩ Nguyễn Thanh Minh và thân hữu đã ủng hộ người dân bị thiên tai 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị tiền mặt, áo quần và cơ số thuốc thiết yếu với tổng trị giá 400 triệu đồng.

Sáng cùng ngày, Trung ương hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng với Tỉnh hội Thừa Thiên Huế và Thị hội Hương Thủy đã đến thăm, hỗ trợ gia đình anh Huỳnh Ngọc Quý và gia đình anh Ngô Viết Huy mỗi gia đình 3 triệu đồng.

Qua Báo Thừa Thiên Huế, rất mong các mạnh thường quân tiếp tục chung tay giúp cha mẹ già yếu của hai anh Huỳnh Ngọc Quý và Ngô Viết Huy, để họ vượt qua khó khăn, có cuộc sống ổn định. (baothuathienhue.vn 07/11)

 
 
 

8.  Ổn định cuộc sống, sản xuất sau lũ

Gần 1 tháng sau lũ, những thiệt hại nặng nề đang được người dân phường Hương Vân (TX. Hương Trà) tập trung khắc phục.

Dọc tuyến đường vào Hương Vân, hàng loạt cánh đồng chuối tiêu ngã đổ. Những vườn thanh trà tươi tốt nay chỉ còn trơ cành. Dấu tích của trận lũ lịch sử cao hơn mức lũ 1999 vẫn in hằn khắp các ngôi nhà của người dân.

Nằm bên dòng sông Bồ, trang trại tổng hợp của ông Hồ Cử và bà Châu Thị Loan ở tổ dân phố Lại Bằng 1 từng xanh mướt cây ăn quả rộng lớn. Nhưng 2 đợt lũ trong tháng 10 đã đã làm 600 cây thanh trà (trồng từ 2017) cùng hàng trăm cây ổi, chuối tiêu chết sạch. Gà vịt cũng trôi theo dòng nước. Chỉ còn ít cây cau lơ thơ và mấy hàng thanh trà 13 năm tuổi sống sót.

Hàng trăm triệu đồng và công sức đầu tư vào trang trại giờ tay trắng. Giờ đây, bà Loan mong được hỗ trợ cây, con giống để phục hồi sản xuất. “Mong thì vậy nhưng vẫn lo dọn dẹp để bắt tay làm lại. Trước mắt là chăm đàn vịt còn sót sau lũ, chiết cành thanh trà để lấy giống thay thế”, bà Loan nói.

Gia đình bà Nguyễn Thị Mai (TDP Lại Bằng 1) cũng mất sạch 5 sào thanh trà, chuối tiêu vì lũ ngâm dài ngày. Nguồn thu từ bán chuối gần trăm ngàn đồng mỗi ngày đã không còn. Mất thu nhập, bà Mai đi làm thuê tước vỏ cây cho các chủ rừng và chờ trời tạnh sẽ mỗi người một tay thu dọn lại vườn chuối để trỉa bắp cho kịp tết.

Sau các đợt bão lũ tháng 9,10 vừa qua, Hương Vân là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề nhất của Hương Trà. Trên 1.200 nhà bị tốc mái, 85% nhà dân bị ngập lụt từ 0,5- 3m. 25 ngàn con gia cầm bị cuốn trôi, 77ha chuối bị gãy đỗ hoàn toàn, 50 ha đu đủ, 20 ha chuối và đặc biệt, hơn 100 ha thanh trà - cây ăn quả đặc sản của địa phương bị chết.

Ngay sau bão lũ, địa phương huy động tất cả lực lượng chung tay khắc phục thiệt hại do thiên tai, tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh và sức khoẻ cộng đồng. Quan tâm các vấn đề về chính sách xã hội, hỗ trợ người dân khó khăn, phân bổ nguồn hàng cứu trợ đến tận tay người dân, đảm bảo kịp thời, công khai, đúng đối tượng, từng bước giúp người dân khôi phục cuộc sống. Đồng thời, phường cũng tiến hành rà soát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân nhằm định hướng quy hoạch hợp lý để tập trung khôi phục các vườn thanh trà vị thiệt hại, số lượng gia cầm bị chết do lũ cuốn trôi.

Chủ tịch UBND phường Hương Vân, ông Hoàng Anh Tuấn bày tỏ, hiện bà con Hương Vân đang rất cần công cụ sản xuất, cây giống vật nuôi để khôi phục cuộc sống, vực dậy nền kinh tế sau lũ.

“Chúng tôi đã đề xuất thị xã hỗ trợ giống cây đặc sản thanh trà, hỗ trợ giống lúa, lạc, đu đủ và một số loại rau màu cho người dân phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Điều đáng mừng là sau thiên tai, bà con đều “đứng dậy” để bắt tay tái thiết sản xuất, tận dụng sự hỗ trợ của cộng đồng để cố gắng khôi phục lại cuộc sống”, ông Tuấn nói.

Ngày 4/11, CLB CEO Huế và các thành viên đến Hương Vân khảo sát thiệt hại của bà con, bước đầu, CLB sẽ trao tặng 10 ngàn con gà giống cho người dân địa phương để giúp tái sản xuất. “Chúng tôi sẽ trao tặng mỗi hộ thiệt hại chăn nuôi 50-100 con gà giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà con với mong muốn giúp người dân nhanh chóng ổn định sinh kế, có thêm nguồn thu nhập trong dịp tết sắp tới”, Chủ nhiệm CLB CEO Huế Trương Phước Thành thông tin. (baothuathienhue.vn 07/11)

 
 
 

9.  NHCSXH Thừa Thiên Huế triển khai gói cho vay trả lương ngừng việc đối với người lao động bởi dịch Covid-19

Ngày 6/11, thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh TT- Huế cho biết, đơn vị đang triển khai gói cho vay vốn lãi suất 0%, hỗ trợ trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết 154/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020, Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg; ngày 20/10/2020 Tổng Giám đốc NHCSXH đã ban hành văn bản hướng dẫn Nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh TT- Huế đã tổ chức tập huấn triển khai nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Tham mưu UBND tỉnh TT- Huế, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành liên quan phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện; hỗ trợ cung cấp kịp thời thông tin, dữ liệu liên quan đến người sử dụng lao động và lao động bị ngừng việc để làm cơ sở cho việc rà soát, kiểm tra, xác định đối tượng và tổ chức thực hiện cho vay theo quy trình.

NHCSXH phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh TT- Huế, Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến chủ trương cho vay trả lương ngừng việc; phổ biến quy trình nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn trả lương ngừng việc…

Chỉ đạo phòng giao dịch NHCSXH huyện tham mưu cho UBND cấp huyện phối hợp với các ngành chức năng liên quan trên địa bàn nắm bắt nhu cầu vay vốn của người sử dụng lao động, chủ động phân công cán bộ tiếp xúc người sử dụng lao động (doanh nghiệp) để tuyên truyền, tư vấn và nắm bắt kịp thời nhu cầu đảm bảo xét duyệt cho vay đúng đối tượng, đúng chính sách.

Ông Văn Đức Thọ - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh TT- Huế cho biết, Chi nhánh NHCSXH tỉnh TT- Huế dự kiến nguồn vốn để cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động là 13,439 tỷ đồng.  Đến nay, đơn vị đã tiếp cận được 264 người sử dụng lao động (Doanh nghiệp) để tuyên truyền và tư vấn, hướng dẫn về điều kiện, hồ sơ thủ tục cho vay.

Về điều kiện vay vốn, khách hàng được xét duyệt cho vay khi đáp ứng đủ 03 điều kiện sau: Thứ nhất, có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 01 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 01/04/2020 đến hết ngày 31/12/2020; Thứ hai, có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; Thứ ba là không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.

Mức cho vay tối đa một tháng của một khách hàng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng (x) số người lao động bị ngừng việc; mỗi khách hàng được vay vốn không quá 03 tháng trong khoảng thời gian từ ngày 01/04/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Lãi suất cho vay 0%/năm. Lãi suất nợ quá hạn 12%/năm. Thời hạn cho vay không quá 12 tháng. NHCSXH cho vay trực tiếp đến khách hàng.

Chậm nhất ngày 5 hằng tháng, khách hàng gửi hồ sơ vay vốn đến ngân hàng nơi cho vay. Trong năm ngày làm việc, ngân hàng phê duyệt cho vay và thông báo kết quả phê duyệt cho khách hàng. Ngân hàng giải ngân cho khách hàng, thay vì giải ngân trực tiếp cho người lao động như trước đây. Một điểm mới nữa là việc giải ngân của ngân hàng được thực hiện đến hết ngày 31/01/2021. Ngoài ra, khách hàng tự kê khai, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay theo Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg. (baophapluat.vn 06/11)

 
 
 

10.  Vụ Rào Trăng 3: Chủ đầu tư hỗ trợ gia đình 17 nạn nhân chết, mất tích ra sao?

- Theo báo cáo mới đây của chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3, doanh nghiệp này đã đưa ra những “biện pháp khắc phục” đối với 17 gia đình có người tử vong, mất tích do sự cố sạt lở đất xảy ra tại khu vực dự án thủy điện Rào Trăng 3 hồi giữa tháng 10 vừa qua.

Nguồn tin của Tiền Phong chiều 7/11 cho biết, Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3 vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh TT-Huế liên quan sự cố sạt lở đất làm nhiều người chết, mất tích tại khu vực dự án thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, TT-Huế).

Tại báo cáo, bên cạnh thông tin chi tiết về thời gian xảy ra sự cố sạt lở, thống kê những thiệt hại về người, tài sản xảy ra trên công trình dự án, doanh nghiệp đã phối hợp với các tổ chức, cơ quan thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân mất tích; đưa ra những “biện pháp khắc phục” đối với 17 gia đình có người chết, mất tích tại dự án.

Theo đó, về hỗ trợ người bị nạn, công ty chi trả toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại cho người nhà, tiền quan tài, xe vận chuyển thi thể công nhân về quê mai táng và hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi gia đình có người bị nạn. Hỗ trợ gia đình bị nạn có con nhỏ dưới 18 tuổi số tiền 1,5 triệu đồng/tháng/người cho đến 18 tuổi. Hỗ trợ cho gia đình bị nạn có bố, mẹ trên 60 tuổi, với mức 1,5 triệu đồng/người/tháng, cho đến hết đời.

Trước đó, liên quan công tác khắc phục hậu quả, kiểm tra, đánh giá sự cố sạt lở; cũng như căn cứ đánh giá nguy cơ mất an toàn rất cao tại công trình dự án thủy điện Rào Trăng 3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Thiên Định đã ký ban hành Công văn 9845/UBND-CT chỉ đạo chủ đầu tư dừng xây dựng tại công trình này.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế đã có ý kiến, yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 triển khai thực hiện ngưng toàn bộ hoạt động xây dựng tại công trình; phối hợp với các đơn vị chức năng để tìm kiếm người bị mất tích; thực hiện chế độ hỗ trợ, giải quyết chế độ chính sách cho người bị nạn.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh còn yêu cầu các Sở, ngành: Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai các công việc kiểm tra, giám định sự cố.

Mặt khác, giao Sở Công thương có văn bản đề nghị Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp - Bộ Công thương hỗ trợ việc kiểm tra, đánh giá cụ thể về sự cố vừa qua.

Để có giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trước và trong mùa mưa bão năm 2020, Sở Công thương TT-Huế đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương sớm có đánh giá mức độ an toàn đối với nhà máy nói riêng và toàn bộ dự án thủy điện Rào Trăng 3 theo đúng quy định hiện hành.

Liên quan thiệt hại về người do sạt lở đất tại Rào Trăng 3, đến ngày 7/11, do thời tiết và địa hình gây khó khăn về công tác cứu hộ cứu nạn, lực lượng chức năng mới tìm được 5 thi thể nạn nhân. Hiện còn 12 người mất tích chưa được tìm thấy. (tienphong.vn 07/11)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Trường Cao đẳng Du lịch Huế khai giảng năm học 2020-2021

Ngày 7.11, Trường Cao đẳng Du lịch Huế (Bộ VHTTDL) đã tổ chức khai giảng năm học 2020-2021. Năm nay, nhà trường đã đón gần 600 tân học sinh sinh viên đến từ 15 tỉnh, thành phố trong cả nước đến nhập học.

Trong năm 2019- 2020, Trường Cao đẳng Du lịch Huế đã thực hiện rà soát và cải tiến 7 chương trình đào tạo theo hướng tích lũy tín chỉ và năng lực thực hiện. Trong đó, 5 chương trình đào tạo được xây dựng theo khung trình độ quốc gia; nội dung chương trình tiếp cận hơn 70% các năng lực theo Bộ tiêu chuẩn năng lực ASEAN để hội nhập lao động trong lĩnh vực Du lịch (MRA-TP) và theo xu thế hội nhập với các nước tiên tiến như Úc, Đức, Canada.... Đối với các trình độ sơ cấp nghề và ngắn hạn, chương trình được xây dựng trên cơ sở khảo sát nhu cầu năng lực và yêu cầu của các vị trí việc làm được tuyển dụng tại doanh nghiệp.

Nhà trường cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyển sinh, đào tạo và quản trị nhà trường. Triển khai đào tạo trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và chuẩn hóa chương trình, nội dung đào tạo và cách thức kiểm tra đánh giá trong đào tạo trực tuyến nhằm tăng cường tính tự chủ của người học và ứng dụng công nghệ trong đào tạo.

Năm qua, Trường Cao đẳng Du lịch Huế đã có 577 sinh viên, học sinh và học viên tốt nghiệp. Nhà trường đã định kỳ tổ chức ngày hội học sinh sinh viên gắn với ký kết hợp tác với doanh nghiệp. Tổ chức ngày hội tuyển dụng việc làm ngay sau Lễ trao bằng tốt nghiệp, có 28 doanh nghiệp cả nước tham gia với 1138 vị trí công việc, giúp cho học sinh sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm. Qua đó, đã có hơn 80% tổng số học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp đều có việc làm sau khi hoàn thành chương trình đào tạo của nhà trường.

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế nhấn mạnh: Mục tiêu trong năm 2020-2021, Trường sẽ thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm Bộ VHTTDL đã đề ra cho các cơ sở đào tạo. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo gắn với phát triển thương hiệu. Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, mở rộng địa bàn đào tạo tại Nghệ An, Quảng Nam và khu vực Tây nguyên nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch tại các địa phương...

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VHTTDL đến dự và gửi lời chúc mừng đến tập thể thầy và trò của Trường Cao đẳng Du lịch Huế nhân lễ khai giảng năm học 2020-2021. Hai đợt dịch bệnh Covid-19 và đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã ảnh hưởng đến ngành giáo dục nói chung và Trường Cao đẳng Du lịch Huế nói riêng; nhưng với nhiều cố gắng của lãnh đạo nhà trường đã có những phương pháp đào tạo thích hợp trong bối cảnh dịch bệnh, cũng như triển khai các chương trình vì cộng đồng.

Vụ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị trong năm học này, nhà trường tiếp triển khai tốt các thành tích đã đạt được. Đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo phù hợp trong tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục xây dựng và phát triển thành các chương trình đào tạo chất lượng cao...

Dịp này, đại diện các doanh nghiệp và các mạnh thường quân đã hỗ trợ trao hơn 70 suất học bổng và quà tặng đến các học sinh sinh viên của trường. Nhà trường cũng trao hỗ trợ giảm 50% học phí đối với 10 tân sinh viên, học sinh trong năm học 2020-2021. (baovanhoa.vn 07/11)

 
 
 

2.  Đồng hành với thanh niên trong học tập

Chiều tối ngày 7/11, tại Trung tâm Văn hóa thị xã Hương Thủy tổ chức Ngày hội "Học sinh 3 tốt" với sự tham gia của hàng trăm đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) học sinh trên địa bàn thị xã Hương Thủy.

Điểm nhấn của ngày hội là hội thi “Khi tôi 18” và Liên hoan các câu lạc bộ, đội nhóm. Với hội thi “Khi tôi 18”, các đội thi trải qua các phần thi: “Tôi 18 tuổi”, “Thông điệp tuổi 18”, “18 tuổi chung sức” và “18 tuổi tài năng”.

Nội dung các phần thi xoanh quanh tình bạn, tình yêu, quyền và nghĩa vụ công dân khi đủ 18 tuổi, quan điểm sống tuổi 18, ý tưởng ước mơ hoài bão của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Đó còn là các kiến thức về pháp luật, kỹ năng thực hành xã hội và hướng nghiệp, những suy nghĩ, trăn trở, góc nhìn đóng góp cho xã hội khi bước vào tuổi 18.

Mang tính văn nghệ nhiều hơn, tham gia liên hoan câu lạc bộ đội nhóm, các đội thi phải trải qua một tiết mục nhảy nghệ thuật với thời gian tối đa không quá 10 phút. Ban giám khảo sẽ chấm dựa vào các tiêu chí mức độ kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác, tính sáng tạo, quy mô dàn dựng và hiệu ứng sân khấu.

Kết quả, giải Nhất hội thi “Khi tôi 18” thuộc về Trường THPT Phú Bài và giải Nhất liên hoan các câu lạc bộ đội, nhóm thuộc về Trường THPT Hương Thủy. 

Tối cùng ngày, Tỉnh Đoàn tổ chức tuyên dương 24 học sinh đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt” năm học 2019 – 2020 trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là những em học sinh ưu tú có trong học tập và rèn luyện, nỗ lực vượt lên, vượt qua khó khăn để đạt thành tích học tập xuất sắc.   (baothuathienhue.vn 07/11)

 
 
 

3.  Trường đại học Nông Lâm, Sư phạm khai giảng năm học mới

- Sáng 7/11, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế tổ chức lễ khai giảng năm học 2020 - 2021 và chào đón tân sinh viên khóa 54. Tham dự lễ khai giảng có ông Nguyễn Văn Phương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Hiện Trường ĐH Nông Lâm có quy mô đào tạo 5.000 sinh viên, trong đó có 4.500 sinh viên ĐH và 500 học viên sau ĐH.

Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 765 tân sinh viên khóa 54 nhập học. Trường ĐH Nông Lâm sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ, trong đó sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, coi chất lượng đào tạo là yếu tố quyết định sự phát triển của nhà trường. Nội dung, phương pháp đào tạo trong từng môn học, từng chuyên ngành phải gắn liền với nhu cầu của thực tiễn sản xuất và xã hội. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Coi trọng ươm mầm các kết quả khoa học để trong thời gian tới, trường có các sản phẩm khoa học công nghệ thương mại, có giá trị trong sản xuất và chuyển giao…

*Trong sáng 7/11, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế tổ chức lễ khai giảng năm học 2020 - 2021. Đến dự buổi lễ có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, giỏi tăng cao so với năm học trước ( hơn 33,2% so với 29,6% năm học 2018 - 2019). Trường đã thực hiện chủ trương ưu tiên đào tạo và bồi dưỡng giảng viên. Năm học qua đã có 2 nhà giáo được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư; 29 nhà giáo được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giảng viên chính; 2 cán bộ giảng viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ sau ĐH lên 97,3%, trong đó tiến sĩ trở lên đạt 57,8%...

Đặc biệt, năm học này, trường đã đón nhận Giấy chứng nhận trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục đối với 3 chương trình đào tạo cử nhân sư phạm hóa học, ngữ văn và địa lý do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội chứng nhận, hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đánh giá đồng cấp theo bộ chỉ số phát triển năng lực các trường sư phạm năm 2020.

Năm học mới, Trường ĐH Sư phạm đón 1.116 tân sinh viên chính thức nhập học, 20 sinh viên đào tạo theo chương trình Kỹ sư INSA Val de Loire, Viện khoa học ứng dụng quốc gia - Pháp.

Nhà trường phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm với chủ đề của năm học là: “Nêu cao trách nhiệm của cá nhân, vượt qua gian khó hướng tới phát triển bền vững, khẳng đinh vị thế của nhà trường với tư cách người dẫn đầu trong tất cả các hoạt động giáo dục, xây dựng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế trở thành một trong ba trường ĐH sư phạm trọng điểm quốc gia”. (baothuathienhue.vn 07/11)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr: Hướng đi bền vững

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành Quyết định về việc công nhận điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr thuộc Thôn Đút 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Theo quy định của Luật Du lịch năm 2017, điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr đạt 3/3 điều kiện công nhận điểm du lịch gồm: Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực; Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch; Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.

Điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr cách thành phố Huế hơn 60km và cách trung tâm huyện A Lưới 3km về phía Đông Bắc. Làng A Nôr là loại hình du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cùng với trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc. Nằm cách ngôi làng không xa là thác A Nôr với ba dòng thác có độ cao khác nhau, còn giữ nguyên nét hoang sơ thích hợp cho du khách đến tắm suối, khám phá núi rừng và nghỉ mát dịp cuối tuần.

Để phục vụ cho hoạt động du lịch, làng A Nôr đã có 4 hộ kinh doanh homestay, quy mô đón hơn 30 khách lưu trú qua đêm. Tại những homestay này, du khách được phục vụ các món ăn truyền thống của địa phương, nghe biểu diễn múa hát... Tại khu vực xung quanh thác cũng có 24 sạp phục vụ ăn uống cho khách tham quan, tắm suối. Có đường truyền cung cấp wifi miễn phí cho khách du lịch tại các homestay.

Đến với làng A Nôr, du khách sẽ được tận hưởng không khí mát mẻ miền sơn cước.  Có thể đi thác và tắm suối mát lành, nghỉ homestay không cần điều hòa và ăn các món đặc sản địa phương... Ngoài thay mới con đường bê tông vào thẳng đến thác, làng du lịch cộng đồng A Nôr từ đầu năm 2020 đến nay có nhiều trải nghiệm mới. Du khách có thể trải nghiệm 1 ngày làm người Pa Cô, gội đầu với dược liệu của bà con Pa Cô, chăm sóc răng miệng bằng thảo dược, trải nghiệm cùng nghệ nhân làm thủ công mỹ nghệ, trải nghiệm chế biến và thưởng thức ẩm thực trong không gian yên bình hòa quyện những lời ca tiếng hát. Và đặc biệt hơn cả, là khoảng thời gian yên bình các bạn có thể thong dong đi bằng xe đạp từ làng đến thác A Nôr.

Bắt nguồn từ kinh nghiệm dân gian và tục xưa của đồng bào người Pa Cô, những người làm du lịch tại A Nôr đã vận dụng vào làm du lịch. Từ ngày xưa, một số người Pa Cô đã có thói quen hái quả bồ kết rừng, mọc ở những đồi xa rồi lấy búa đập vỏ nấu nước gội đầu. Hương bồ kết rừng thơm, gội đầu lại mượt và đen tóc. Còn hễ đau răng, họ lại đi rừng hái lá K Cher (một loại lá có lông), nấu nước xông răng, vừa diệt sâu răng, vừa làm sạch miệng.

Người dân giờ đây chẳng mấy ai dùng cách xưa, vì mất công trong khi dầu gội đều có bán sẵn với nhiều loại, hương liệu khác nhau. Nhưng khi đưa vào du lịch, cả khách tây lẫn ta đều rất ưa thích dịch vụ này. Các du khách khi trải nghiệm dịch vụ gội đầu, xông răng… đều cảm thấy tinh thần thoải mái. Trải nghiệm “tắm thác - gội đầu - xông răng” ở A Nôr như một combo mà khách có thể tùy ý lựa chọn thử nghiệm. Dưới con thác hùng vĩ, khách dễ dàng cảm nhận được “hơi thở” trong veo của đại ngàn khi đắm mình dưới dòng thác, sau đó tựa đầu bên bờ suối và được chính các sơn nữ - những người làm du lịch cộng đồng nơi đây gội đầu bằng nước quả bồ kết rừng. Hoặc nếu đang có những khó chịu răng miệng, có thể thử cách chữa bệnh bằng dân gian mà ngày xưa các già làng đã truyền lại kinh nghiệm.

Nhiều người từng tới đây du lịch tâm sự rằng, làng A Nôr hiện vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, bản tính người dân tộc luôn hiện hữu bằng sự chân chất, thật thà. Dù phải băng rừng, tìm những đồi xa để hái lá, quả làm nguyên liệu gội đầu - xông răng, nhưng giá dịch vụ lại không quá cao. Được biết, nếu du khách không đi theo tour tuyến của các công ty lữ hành du lịch, thì khi sử dụng giá dịch vụ xông răng chỉ 20.000 đồng/người và gội đầu 30.000 đồng/người.

A Lưới đang thúc đẩy phát triển du lịch, mà làng du lịch cộng đồng A Nôr như một điểm đến hàng đầu được đầu tư. Ấn tượng là hướng phát triển du lịch lại dựa vào cộng đồng trên nền tảng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số và bảo vệ môi trường bền vững. Cũng như cách mà họ hái lá, quả rừng để làm một sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng. Tất cả dựa vào tính truyền thống và kinh nghiệm dân gian được người xưa đúc kết.

Được biết, mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã trực tiếp khảo sát làng du lịch cộng đồng A Nôr. Với những kết quả phát triển du lịch cộng đồng, làng A Nôr được Hội đồng thi đua của Hiệp hội Du lịch Việt Nam lựa chọn là làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam. Thành quả trên nhờ những nỗ lực của huyện trong thời gian qua về việc đầu tư một mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả.

Để mô hình tiếp tục hoạt động tốt, trong văn bản ban hành Quyết định về việc công nhận điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giao cho đơn vị quản lý điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr có trách nhiệm thực hiện việc tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật có liên quan. Các Sở, ngành Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Giao thông Vận tải, UBND huyện A Lưới có trách nhiệm hướng dẫn UBND xã Hồng Kim tổ chức quản lý, khai thác, phát triển đối với điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững.    (daidoanket.vn 08/11)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Lĩnh án 8 năm tù vì vận chuyển 73 kg thuốc nổ

Ngày 06/11 TAND tỉnh TT-Huế mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án “Tàng trữ, vận chuyển trái phép vật liệu nổ” đối với bị cáo Phạm Thị Thu (SN 1963, trú tại phường Thủy Xuân, TP. Huế).

Trước đó, vào khoảng giữa tháng 4/2020, Thu tàng trữ khoảng 73 kg thuốc nổ trong hai bao tải màu xanh để tại nhà của mình ở (Tổ 10, khu vực 4, phường Thủy Xuân, TP.Huế). Sáng ngày 15/4/2020, Thu đưa số thuốc nổ này lên xe ô tô của mình. Sau đó Thu gọi cho anh Hoàng Thoại Linh (SN 1974) và thuê Linh làm lái xe chở Thu từ nhà của mình đến bến xe Phía Nam, TP.Huế với giá thuê là 300.000 đồng. Khi thuê, Thu không cho Linh biết trên xe có chứa thuốc nổ.

Khi đang đi trên đường Bùi Thị Xuân, TP.Huế thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Huế phát hiện bắt quả tang Thu cùng với tang vật là 73Kg thuốc nổ. Quá trình kiểm tra phương tiện, ngoài số thuốc nổ trên, còn phát hiện tạm giữ 01 dùi cui điện, 01 bình xịt hơi cay.

Qua đấu tranh, Thu khai nguồn gốc số thuốc nổ là do một người phụ nữ tên Gái không rõ nhân thân, địa chỉ đã thuê Thu chở 02 bao hàng trọng lượng khoảng 73 kg đến bến xe Phía Nam, TP.Huế, với giá thuê là 500.000 đồng.

Tại bản kết luận giám định số 218/GĐ ngày 20/4/2020 Phòng kỹ thuật Công an tỉnh TT- Huế kết luận các mẫu vật giám định trong hai bao hàng mà Thu vận chuyển là thuốc nổ loại hỗn hợp có thành phần TNT (Trinitrotoluen) và bột nhôm (Al).

Tại phiên toà, bị cáo Thu đã thành thật khai báo hành vi vận chuyển thuốc nổ. Thu cũng mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, xét thất  hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây mất trật tự trị an trên địa bàn, bị cáo cần một mức án nghiêm khắc. Vì vậy HĐXX tuyên phạt, bị cáo Phạm Thị Thu 8 năm tù giam về tội danh "Tàng trữ, vận chuyển trái phép vật liệu nổ".

Trước đó, vào năm 1996, Phạm Thị Thu bị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng tuyên phạt 12 tháng tù giam về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Đến ngày 30/3/1997 được ra tù trở về địa phương. Năm 2012 Thu tiếp tục bị bắt vì phạm tội vận chuyển thuốc nổ trái phép và bị Tòa án nhân dân thị xã Hương Thủy, tỉnh TT- Huế tuyên phạt 03 năm 6 tháng tù giam. Năm 2015 được ra tù sau đó trở về sinh sống, làm ăn cho đến ngày gây án.(baophapluat.vn 06/11)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Chạm giấc mơ “Huế - Thành phố thông minh” - kỳ 2: Động lực từ nền tảng hạ tầng kỹ thuật

Những tiện ích đem lại từ dịch vụ ĐTTM đến nay đã đạt được những bước tiến lớn. Khởi đầu lạc quan này phải kể đến hạ tầng kỹ thuật CNTT của tỉnh được tập trung đầu tư tốt, thậm chí có thể nói là vượt trội.

Hạ tầng đảm bảo

Không chỉ thông tin liên lạc thông suốt, ngay cả cập nhật internet hay tiếp cận các dịch vụ thông minh, mỗi người chỉ cần một cái chạm tay vào ứng dụng trên smartphone hay một cú nhấp chuột trên máy tính là có thể thỏa sức gia nhập vào thế giới mạng mọi lúc mọi nơi. Tiện ích này không phải ngẫu nhiên mà nhờ Thừa Thiên Huế đang có một hạ tầng viễn thông và thông tin phát triển, phủ kín và phù hợp với không gian phát triển đô thị của tỉnh.

Theo đánh giá của ông Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh (HueCIT), hạ tầng kiến trúc về CNTT và truyền thông (ICT) của Huế hiện đang xếp trong tốp 20 tỉnh, thành phố tốt nhất của Việt Nam. Thứ nhất là hạ tầng ngầm về viễn thông được đầu tư rất tốt, trong đó điển hình có DN VNPT và Viettel. Thứ hai là hệ thống cáp quang đã đưa về tận xã, phường từ năm 2012, nên dịch vụ internet và các dịch vụ về hạ tầng quang có thể 5 năm tới, tất cả các DN viễn thông đảm bảo 100%. Thứ ba là hạ tầng IoT (internet vạn vật) rất dễ triển khai để phát triển dựa trên hạ tầng viễn thông hiện có được phủ quang về tận xã. Đối với các khu CNTT và khu công nghệ cao của tỉnh được quy hoạch nằm ở vùng đồng bằng lại càng thuận lợi khi hệ thống cáp quang được phủ tận nơi và đường cáp của hệ thống mặt trục quốc gia đi qua.

Một thuận tiện cho Huế trong phát triển hạ tầng ICT là cổng cáp biển, cáp bờ nằm ở Đà Nẵng, rất gần Huế. Sau này khi Thừa Thiên Huế triển khai các đường cáp quang đi quốc tế sẽ rất thuận lợi, kể cả chiến lược tiếp cận với các thành phố thông minh trên thế giới về các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch... rất khả thi.

Đại diện ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khẳng định, kiến trúc ICT của Thừa Thiên Huế cơ bản hoàn thiện và phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh. Trên cơ sở nghiên cứu kiến trúc 2.0 của Chính phủ, đánh giá thực tiễn tình hình ở Thừa Thiên Huế và tổng kết công tác phát triển CNTT, tỉnh đã xây dựng và ban hành kiến trúc chính quyền điện tử 2.0 của Huế.

Hạ tầng kiến trúc ICT tốt giúp địa phương điều chỉnh việc triển khai ứng dụng CNTT; cơ sở để triển khai các dự án CNTT đảm bảo đúng định hướng và hiệu quả, giảm lãng phí, hao phí về nguồn lực, vật lực, sức lực bằng việc xác định được các mối quan hệ trong các ứng dụng, nhất là trong các quan hệ chuỗi cơ sở dữ liệu, tránh phân tán và khắc phục được tình trạng mỗi ngành đều phải xây dựng cơ sở dữ liệu khi đã có một ngành đủ điều kiện dùng chung cho tất cả các ngành.

Hệ sinh thái thông minh

Thừa Thiên Huế đang sở hữu nhiều trung tâm ứng dụng, sản xuất trong lĩnh vực CNTT tiềm năng cũng như những DN CNTT mạnh về kinh nghiệm và nguồn lực, vừa tạo sản phẩm kết hợp là những vườn ươm công nghệ cho tỉnh. Trung tâm Học liệu thuộc Đại học Huế là một trong những thư viện điện tử hiện đại nhất ở Việt Nam. Thư viện Tổng hợp tỉnh là một trong những thư viện có nguồn lực thông tin lớn nhất trong các thư viện cấp tỉnh trong cả nước. Những trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNTT vào sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả cao, như các viện nghiên cứu và các trường đại học trên địa bàn. HueCIT với những sản phẩm chiến lược phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và ĐTTM.

Sản phẩm của ĐTTM rất nhiều. Trong đó nổi bật là sự vận hành hiệu quả của HueIOC. Nhưng tham vọng xa hơn của chính quyền là đến năm 2025, Thừa Thiên Huế tiếp cận với các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và trên thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch. Để làm được điều này, nhiều hệ sinh thái thông minh trong các ngành, các lĩnh vực đang được xây dựng và kết nối.

Đối với ngành y tế, mục tiêu hướng đến trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước, nâng cao chất lượng phục vụ khám chữa bệnh cho toàn dân đang thúc đẩy ngành triển khai hệ sinh thái y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Đến nay, việc triển khai tạo lập và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân trên địa bàn tỉnh đạt trên 99% người dân có mã số hồ sơ sức khỏe điện tử. Sắp tới sẽ có thêm nhiều dịch vụ tiện ích hơn nhằm đơn giản hóa, hiện đại hóa việc thanh toán viện phí, khám chữa bệnh... tích hợp để phục vụ người dân.

Một số dịch vụ cơ bản về giao thông thông minh, như: giám sát vi phạm an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, tổng hợp thống kê số liệu phục vụ việc quy hoạch và phát triển ngành giao thông đang được triển khai và dần được tích hợp vào ĐTTM.

Lĩnh vực môi trường cũng có một số dịch vụ cơ bản về môi trường thông minh, như: giám sát chất lượng nước, không khí tại các điểm đông dân cư, khu công nghiệp; giám sát hệ thống hồ thủy điện, các điểm ngập lụt hỗ trợ trong việc phòng chống bão lụt, các kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu...

Theo Giám đốc Sở TT&TT, việc xây dựng trung tâm điều hành thông minh từng ngành, lĩnh vực theo cấp hợp lý là rất cần thiết. Mô hình điều hành của HueIOC sẽ hỗ trợ đắc lực cho các ngành khi xây dựng trung tâm này. Mỗi ngành chỉ cần đầu tư thêm trang thiết bị vật chất đủ đáp ứng cho công tác điều hành trên nền tảng sử dụng lại các ứng dụng của HueIOC, cơ sở dữ liệu đã được kết nối tích hợp và nghiệp vụ của HueIOC để hỗ trợ cho ngành. Khi mỗi ngành xây dựng trung tâm điều hành thông minh không cần đầu tư hạ tầng lõi, phần mềm, nghiệp vụ (đã được chuẩn hoá), cơ sở dữ liệu (đã được kết nối) mà chỉ cần đầu tư hệ thống màn hình, thiết bị máy, phương thức kết nối nhận dữ liệu từ HueIOC về để điều hành. (baothuathienhue.vn 07/11)

 
 
 

2.  Quảng Điền cần 200 tấn lúa giống cho vụ đông xuân

- Là vùng ven đầm phá, thấp trũngchịu hậu quả nặng nề trong các trận lũ đặc biệt lớn vừa qua, huyện Quảng Điền kiến nghị tỉnh hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng khắc phục thiệt hại, 200 tấn lúa giống, 1 tấn giống hoa, rau màu cho sản xuất vụ đông - xuân.

Ước thiệt hại hơn 54 tỷ đồng

Ông Phạm Đồng ở thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú chia sẻ, lâu rồi mới có trận lũ lớn mang phù sa về cho đồng rộng, tẩy rửa môi trường, bèo tây trên các dòng sông, kênh rạch. Nhưng các trận bão và lũ chồng lũ cũng để lại hậu quả nặng nề đối với người dân. Giống lúa, rau màu cho vụ đông và đông-xuân sắp đến và lúa thịt đều bị ẩm ướt, nảy mầm.

 “Giá lúa giống hiện nay dao động từ 12-18 ngàn đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng từng loại. Mỗi sào sạ khoảng 6kg lúa giống, chi phí khoảng 90 ngàn đồng, như vậy gieo cấy 5 sào chi phí khoảng 450 ngàn đồng. Mỗi sào còn chi phí 150-200 ngàn đồng phân bón/vụ. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp vụ tới”, ông Đồng nhẩm tính.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, ông Phạm Văn Lợi thông tin, các đợt bão, lũ kéo dài trong thời gian qua làm hàng chục tấn lúa thịt, lúa giống và rau màu của người dân và các hợp tác xã bị ẩm ướt, nảy mầm, thiệt hại hoàn toàn. Hơn 20 ngày nay, hầu như người dân không có nguồn thu nhập, lại bị thiệt hại do bão, lũ nên sẽ gặp khó khăn trong sản xuất.

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, dù không thiệt hại lớn về người (1 người chết), không hộ nào thiếu đói, sống cảnh “màn trời chiếu đất”, nhưng bão, lũ gây thiệt hại lớn về sản xuất, kinh doanh, kết cấu hạ tầng trên địa bàn.

Cần khoảng 50 tỷ đồng khắc phục hậu quả

Ông Ngô Văn Đức, Chánh Văn phòng UBND huyện Quảng Điền thông tin, từ sau cơn bão số 5 đến nay, người dân Quảng Điền tiếp nhận nguồn cứu trợ của tỉnh phân bổ với hơn 10 ngàn thùng mì ăn liền, 100 thùng bánh gạo. Công an tỉnh hỗ trợ các địa phương 400 thùng mì ăn liền, 60 thùng nước suối. Huyện cũng đã tiếp nhận, phân bổ 200 tấn gạo (từ nguồn dự trữ quốc gia), 700 kg lương khô (do Quân khu 4 hỗ trợ).

Tất cả số hàng cứu trợ đã chuyển đến các xã, thị trấn cứu trợ kịp thời cho người dân bị ngập lũ kéo dài. Hơn 21 ngàn suất quà với tổng trị giá khoảng 9,5 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng đã trao tận tay người dân vùng ngập lũ. Tính đến thời điểm này, các địa phương, ban ngành chưa phát hiện hộ nào thiếu lương thực, thực phẩm và chưa để xảy ra ra tình trạng khiếu kiện trong quá trình cấp phát hàng cứu trợ bão, lũ.

Các địa phương, ban ngành huy động lực lượng đoàn thể, Nhân dân khẩn trương dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng trên các tuyến đường, khu dân cư, sửa chữa nhà cửa, lợp lại nhà tốc mái, sớm ổn định cuộc sống. Đến ngày 4/11, hầu hết các tuyến đường ngập lụt trên địa bàn huyện Quảng Điền đã rút, các sự cố hư hỏng đã được gia cố tạm thời, đảm bảo giao thông đi lại an toàn; 100% trường học đã tổ chức dạy học trở lại; sự cố lưới điện, nước sạch hư hỏng được khắc phục, 100% hộ dân có điện, nước sinh hoạt ổn định.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền nhấn mạnh, khó khăn lớn của huyện hiện nay là diện tích đồng ruộng, hệ thống kênh mương bị bồi lấp khá lớn. Nhiều công trình đê bao, kênh mương thủy lợi bị hư hỏng nặng, trong khi vụ đông và đông-xuân đang cận kề, nếu không khắc phục kịp thời sẽ khó đảm bảo khung lịch thời vụ.

Giải pháp trước mắt, huyện yêu cầu các địa phương, hợp tác xã tự trích kinh phí nạo vét đồng ruộng, sửa chữa, gia cố tạm thời đê bao, kênh mương bị hư hỏng, kịp thời sản xuất vụ tới. Về lâu dài, huyện tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại, đề xuất các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí khắc phục, kiên cố các công trình.

Thống kê sơ bộ, Quảng Điền có hơn 400 ha rau màu, cây thực phẩm, cây ăn quả (bưởi thanh trà, bưởi da xanh, chuối, đu đủ, ổi, mía...), hơn 50 ha cỏ trồng bị thiệt hại hoàn toàn; khoảng 50 ngàn con gia cầm (vịt, gà), 200 con lợn bị trôi, chết; 13 bè cá diêu hồng tại xã Quảng Phú bị chết hoàn toàn; 30 ha cá nâu, cá trắm giống cho vụ mới và nhiều lồng nuôi cá trên sông bị cuốn trôi, chết...Toàn huyện có hơn 400 tấn lúa thịt, lúa giống bị ẩm ướt, nảy mầm, thiệt hại gần như hoàn toàn. Nhiều công trình giao thông, kênh mương thủy lợi, trạm bơm bị hư hỏng nặng. Bước đầu xác định tổng thiệt hại về hạ tầng, sản xuất và dân sinh toàn huyện khoảng 54 tỷ đồng. (baothuathienhue.vn 07/11)

 
 
 

3.  Huế sắp có nhà máy nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng trị giá 6 tỉ USD

Nhà máy nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng dự kiến đặt tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) có tổng công suất thiết kế 4.000MW, với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỉ USD.

Tối 7-11, tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh, vừa có buổi làm việc với nhà đầu tư dự án Nhà máy điện khí Chân Mây LNG và các đối tác về tiến độ triển khai dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) do Công ty CP Chân Mây LNG đầu tư và phát triển, dự kiến đặt tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, có tổng công suất thiết kế 4.000MW. Hình thức đầu tư tư nhân (IPP) với vốn sở hữu 60% Hoa Kỳ, 40% Việt Nam.

Theo dự kiến, nhà máy sẽ được xây dựng vào quý 1-2021 và vận hành thương mại giai đoạn 1 vào năm 2024 với kinh phí xây dựng khoảng 6 tỉ USD. Khi đi vào hoạt động, hằng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 - 25 tỉ kWh.

Nhà máy dự kiến được đặt giữa bến cảng nước sâu và các mạch đường dây 500kV. Các chuyên gia cho rằng đây là một trong những dự án có hiệu quả kinh tế, tính khả thi rất cao khi được phép triển khai.

Tại buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ đánh giá cao công ty và các đối tác trong quá trình tham gia dự án. Ông Thọ cho biết tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực môi trường, nên các dự án thân thiện với môi trường luôn được ưu tiên.

Ngoài việc đầu tư vào dự án nhiệt điện khí, ông Thọ mong muốn các đối tác nước ngoài, trong đó có Công ty Mitsubishi nghiên cứu, đầu tư vào Thừa Thiên Huế trên các lĩnh vực thế mạnh khác như cảng biển, logistics trong bối cảnh chuyển dịch đầu tư nhằm giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội. (tuoitre.vn 07/11)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.774.364
Truy cập hiện tại 263