Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 04/10/2020
Ngày cập nhật 05/10/2020
TIN NÓNG
 

1.  Vụ 2 trẻ nhập viện sau tiêm vaccine: chẩn đoán sốt phát ban và virus

Ngày 3-10, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có báo cáo nhanh về trường hợp 2 bé trai phải nhập viện sau tiêm vaccine tại TP Huế.

Theo đó, kết quả kiểm tra của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế tại Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn (VNVC) TP Huế cho thấy, cả hai trường hợp trẻ nói trên đều được tiêm chủng đúng quy trình, kho quản lý vaccine đạt tiêu chuẩn GSP, các nhân viên tham gia khám sàng lọc và tiêm chủng đều được tập huấn về an toàn tiêm chủng.

Trong đó, ngày 29-9, bé trai B.L. (3 tháng tuổi) được tiêm vaccine phế cầu Synflrix (số lô: ASPNB 285AC, HSD: 30-9-2023). Sau khi tiêm, trẻ được theo dõi 30 phút, trẻ bình thường, không có dấu hiệu bất thường nên được cho về nhà tiếp tục theo dõi. Về nhà, trẻ bắt đầu sốt nhẹ, tăng dần, được người nhà lau người, làm mát liên tục nhưng đến chiều tối cùng ngày trẻ sốt 38,7 độ C và được cho uống hạ sốt. Đến 1 giờ ngày 30-9, trẻ bắt đầu sốt cao 39,2 độ C và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Trong ngày tiêm chủng, có 44 trẻ tiêm cùng loại vaccine với trẻ có phản ứng nhưng không ghi nhận bất thường nào.

Trường hợp thứ hai là bé trai tên D.T, sinh năm 2019. Ngày 27-9, bé được tiêm vaccine Sởi (MVVAC, số lô: M-0220, HSD: 12-5-2022) và vaccine viêm não Nhật Bản (Imojev, số lô: 08A1905GA, HSD: 25-3-2022). Sau tiêm chủng, trẻ được theo dõi 30 phút, không có dấu hiệu bất thường nên được cho về theo dõi tại nhà. Về nhà, trẻ bắt đầu sốt nhẹ, tăng dần. Ngày 28-9 bắt đầu sốt cao liên tục và co giật nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Trong ngày tiêm chủng, có 10 trẻ tiêm cùng loại vaccine với bé D.T, nhưng không ghi nhận bất thường nào.

Hiện bé B.L đã hết sốt, linh hoạt, bú tốt, da nổi phát ban, đi cầu phân lỏng và đang tiếp tục được theo dõi. Bé được chẩn đoán sốt sau tiêm chủng/sốt phát ban.

Bé D.T đã được cho ra viện sau khi ổn định sức khỏe, ăn tốt. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, bé được chẩn đoán sốt sau tiêm chủng/bệnh kèm sốt phát ban do virus. (sggp.org.vn 03/10)

 
 
 

2.   Xử lý nghiêm các hộ lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán

Đó là khẳng định của ông Mai Chí Minh, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc. Trước mắt phường sẽ tuyên truyền, vận động và cho các hộ gia đình tại kiệt 100 Lê Thánh Tôn và các hộ đường Ngô Đức Kế (gần chợ Xép) ký cam kết không vi phạm.

Đường kiệt 100 Lê Thánh Tôn và đường Ngô Đức Kế bị người dân lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán

Kiệt rộng thành hẹp

Theo phản ánh của bạn đọc gửi đến Báo Thừa Thiên Huế: Kiệt 100 Lê Thánh Tôn nối từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Ngô Đức Kế rộng 3m, nhưng bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán, khiến kiệt trở nên nhỏ hẹp, giao thông đi lại khó khăn. Đoạn đường Ngô Đức Kế từ đường Mai Thúc Loan đến đường Nhật Lệ, dù đã được kẻ vạch giới hạn lộ giới, nhưng vẫn bị các hộ lấn chiếm để buôn bán, gây tình trạng lộn xộn, mất trật tự, ảnh hưởng đến việc lưu thông, nhất là tầm từ buổi sáng đến trưa.

“Việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và đường kiệt để kinh doanh buôn bán, khiến xe ô tô khi vào đường kiệt 100 không thể ra đường Ngô Đức Kế, phải lùi lại đường Lê Thánh Tôn để đi ra. Hơn nữa, nhiều hộ gia đình sinh sống trên đường kiệt còn xây dựng lấn chiếm. Dù người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên UBND phường nhưng không được giải quyết triệt để”. Một người dân sống tại kiệt 100 Lê Thánh Tôn bức xúc.

Thực tế tại hiện trường chúng tôi nhận thấy, cuối đường kiệt 100 Lê Thánh Tôn, hộ gia đình ông Trần Sĩ Bồi (trú tại 22/100 Lê Thánh Tôn) dựng quán tạm lấn chiếm ra đường kiệt khoảng 1m để buôn bán. Phía đối diện, bà Đỗ Thị Mười lấn chiếm khoảng 2m2 đất của đường kiệt để bày hàng hóa buôn bán. Trên kiệt 100 có khoảng trên 30 hộ gia đình thì nhiều hộ đã xây dựng trên đường cống thoát nước, lấn ra đường kiệt. Riêng đường Ngô Đức Kế (giáp với chợ Xép), tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán cũng diễn ra phổ biến. Người dân dừng xe ngay lòng đường để mua, khiến đường Ngô Đức Kế ở đoạn này lộn xộn, mất trật tự...

Sẽ có chế tài nếu tái phạm

Cuối tháng 9/2020, chúng tôi đã theo chân Tổ trật tự đô thị phường Thuận Lộc kiểm tra thực tế theo đơn thư phản ánh của người dân. Tại buổi kiểm tra, Tổ trật tự đô thị phường lập nhiều biên bản đối với các hộ xây dựng, buôn bán lấn chiếm đường kiệt; yêu cầu tất cả các hộ lấn chiếm phải di chuyển các đồ vật vào khuôn viên nhà mình. Riêng quán tạm và việc xây dựng lấn chiếm đường kiệt phải tháo dỡ sau 2 ngày ký cam kết. Tại buổi kiểm tra, đa số các hộ dân đều thống nhất tháo dỡ và yêu cầu phường phải làm quyết liệt, không để tình trạng hộ tháo dỡ, hộ không.

Ông Trịnh Ngọc Thanh, công chức địa chính - xây dựng, Tổ trưởng Tổ trật tự đô thị phường Thuận Lộc cho biết, tất cả các hộ lấn chiếm đường kiệt 100 đều bị lập biên bản vi phạm và ký cam kết tự tháo dỡ phần lấn chiếm. Trước mắt, phường vận động để các hộ tự giác chấp hành. Sau buổi kiểm tra này, tổ trật tự đô thị phường sẽ tiếp tục kiểm tra việc chấp hành của các hộ, bởi đường kiệt 100 Lê Thánh Tôn nằm trong kế hoạch được nâng cấp sửa chữa trong thời gian tới.

Ông Mai Chí Minh, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc cho biết, trước mắt, phường sẽ tuyên truyền, vận động người dân chấp hành theo quy định pháp luật. Nếu các hộ tái phạm lấn chiếm sẽ có chế tài xử phạt. Về lâu dài, UBND TP. Huế đã có Đề án chuyển các hộ buôn bán rong bạ ra bán tại phố đêm, khu vực Thương Bạc. Hiện tại, phường đang thống kê danh sách những hộ buôn bán rong bạ để chuyển TP. Huế phê duyệt, nhằm ổn định sinh kế lâu dài cho người dân buôn bán có hoàn cảnh khó khăn, tránh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán như hiện nay. (baothuathienhue.vn 02/10)

 
 
 

3.  Thừa Thiên Huế: Tiêm vắc xin tại TT tiêm chủng VNVC nhiều trẻ nhập viện cấp cứu

Sáng ngày 2/10, xác nhận từ phía Bệnh viện Trung ương Huế đã có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị sốc sau khi tiêm vắc xin tại trung tâm tiêm chủng VNVC TP Huế.

Theo hồi sơ bệnh án cháu L. nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao gần 40 độ C, kèm các triệu chứng chân tay lạnh, tím tái có dấu hiệu co giật… buộc phải cho thở Oxi và thực hiện hồi sức tích cực. Sau quá trình khám lâm sàn và xét nghiệm các bác sĩ kết luận cháu L. bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin phế cầu.

Có mặt tại Bệnh viện Trung ương Huế trao đổi với chị Hà Thị H., mẹ cháu L. cho biết, trước đó vào ngày 29/9, gia đình có đưa cháu L. đến tiêm vắc xin phế cầu tại Trung tâm tiêm chủng VNVC TP Huế.

Sau tiêm cháu có xuất hiện tình trạng sốt 38 độ C, nhưng tình trạng sốt không thuyên giảm, có dấu hiện nặng lên.

“Đến tối ngày 30/9, cháu L. xuất hiện dấu hiệu co giật nên gia đình đã đưa cháu vào Bệnh viện cấp cứu. Theo các bác sĩ nếu gia đình đưa cháu vào trễ sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của cháu”, chị H. chia sẻ.

Cùng trường hợp với cháu L. có cháu N.D.T (9 tháng tuổi, trú phường Xuân Phú, TP Huế), cháu T. cũng nhập viện trong tình trạng sốt cao, lên cơn co giật, phải tiến hành hồi sức tích cực trong thời gian dài.

Gia đình cháu T. cho biết, trước khi nhập viện cấp cứu, cháu T. được gia đình đưa đến Trung tâm tiêm chủng VNVC TP Huế tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản và sởi vào sáng ngày 27/9, sau 2 ngày sau thì cháu nhập viện cấp cứu.

Theo người nhà bệnh nhân, vào ngày 1/10, đã có 2 người xưng đại diện Trung tâm tiêm chủng VNVC TP Huế đã đến thăm, gặp gỡ và tặng quà gia đình 2 cháu L. và T.

Tại đây, gia đình các cháu đã đề nghị 2 người này giải thích nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc kể trên.

Theo đó, 2 người đại diện của Trung tâm tiêm chủng VNVC TP Huế giải thích nguyên nhân dẫn đến sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin là do cơ địa của từng cháu và là... không may.

 “Người ta giải thích là không may, chúng tôi khó chấp nhận. Vì vậy, gia đình đã từ chối món quà thăm hỏi cháu của 2 người đại diện Trung tâm tiêm chủng VNVC TP Huế" - người nhà cháu T. cho hay.

Chị H. cũng nói thêm: "Sau khi cháu nhà phải nhập viện cấp cứu, tôi đã rất bức xúc, đợi khi cháu khỏe tôi sẽ làm việc với phía Trung tâm tiêm chủng để tì cụ thể”.

Sáng cùng ngày Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc 2 trẻ sơ sinh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau khi tiêm vắc xin tại Trung tâm tiêm chủng VNVC TP Huế.

Về việc nhiều trẻ sơ sinh nhập viên cấp cứu do sốc phản vệ sau khi tiên vắc xin ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên – Huế cho biết: Việc dẫn đến sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố bảo quản vắc xin, yếu tố thứ 2 là kỹ thuật khi tiêm vắc xin và cơ địa từng trẻ.

Trao đổi với PV về yếu tố bảo quản vắc xin, ông Hoàng Văn Đức chia sẻ: “Các loại vắc xin luôn phải được bảo quản trong nhiệt độ lạnh từ 2-8 độ C tùy vào từng loại. Tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, có hệ thống tủ bảo quản, trong trường hợp điện bị ngắt, điện dự phòng sẽ kích hoạt hệ thống điều hòa nhiệt độ trong vòng chưa tới 30 giây".

Theo ông Đức, yếu tố bảo quản vắc xin là cực kỳ quan trọng, việc trẻ phát sốt sau khi tiêm vắc xin là bình thường nhưng bị sốt đến co giật sau khi tiêm từ 1-2 ngày là vấn đề nghiêm trọng. Thường các trẻ sau khi được tiêm phòng sẽ theo dõi tại chỗ khoảng 30 phút, hiện tượng sốc phản vệ nếu có sẽ xảy ra trong khoảng thời gian này, còn xuất hiện sốc phản vệ sau 1-2 ngày là hiếm gặp.

Sau 2 ngày nhập viện cấp cứu, tình trạng của cháu N.Đ.B.L (3 tháng tuổi, TP Huế) và cháu N.D.T (9 tháng tuổi) đã tạm thời ổn định và có tiến triển tích cực. (giaoducthoidai.vn 02/10)

 
 
 

4.  Bộ Công Thương lên tiếng về chất lượng cột điện ở Huế bị gãy do mưa bão

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kì vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin về chất lượng cột điện tại Huế bị gãy đổ trong đợt mưa bão số 5 vừa qua.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cột điện là một phần của công trình lưới điện, được các đơn vị điện lực xây dựng trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Xây dựng cũng như Nghị định 46 năm 2015 của Chính phủ, quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, tư vấn, kể cả cung cấp vật liệu sản phẩm, kết cấu thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.

Về quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng là đơn vị phụ trách. Bộ cũng ban hành công văn số 4777 ngày 2/10 về tăng cường công tác quản lý chất lượng cột điện bê tông cốt thép ly tâm, sử dụng trong các công trình đường dây truyền tải điện trên không để yêu cầu tất cả công trình liên quan phải lưu ý và có biện pháp kiểm tra, khắc phục thiệt hại do bão gây ra.

Theo Thứ trưởng Hải, Bộ Công Thương là đơn vị quản lý Nhà nước trong lĩnh vực về điện, cùng với chủ sở hữu của Tập đoàn EVN là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ đã yêu cầu ngành điện và EVN trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng công trình, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình này. Bên cạnh đó, Bộ phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an toàn hành lang lưới điện và tăng cường kiểm tra công tác quản lý vận hành, kịp thời xử lý các điểm xung yếu. (vietq.vn 02/10)

 
 
 

5.  Bờ biển, rừng phòng hộ ở TT-Huế bị sóng dữ xé nát

Từ sau bão số 5 đến nay, nạn sạt lở bờ biển ở mức nghiêm trọng xảy ra tại nhiều địa phương tỉnh TT-Huế. Tình trạng nguy hiểm này vẫn vừa chưa có dấu hiệu dừng lại sau khi thiên tai đi qua.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh TT-Huế, sóng lớn do tác động từ bão số 5 xảy ra hồi tháng 9/2020 đã khiến nhiều tuyến bờ biển tỉnh này sạt lở nặng, với chiều dài hơn 6km, nước biển xâm thực sâu vào đất liền, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất, giao thông đi lại của người dân.

Cùng với nhiều xã ven biển hiện xuất hiện tình trạng sạt lở nặng như Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà)…, xã Giang Hải (huyện Phú Lộc) cũng đang là “điểm nóng” về xâm thực. Khoảng cách giữa ruộng đồng, khu nuôi trồng thủy sản phía trong được giới hạn bởi rừng phòng hộ đã bị thu hẹp chỉ còn vài chục mét. Dải cát và rừng phòng hộ ven biển ở Giang Hải hiện trở nên mong manh.

Biển xâm thực mạnh vào đất liền đã “đuổi” những hàng quán phục vụ khách tắm biển như thế này. Khu hàng quán chỉ còn trơ trọi những hàng cột bê tông xiêu vẹo. Công trình đá, bê tông trị giá hàng tỷ đồng chưa đủ độ dài để ngăn chặn nạn sạt lở bờ biển diễn ra ồ ạt nhiều ngày qua tại nhiều cánh rừng phòng hộ, với chiều dài xâm thực hàng cây số.

Theo ông Phan Công Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, với nguồn lực địa phương có hạn, do đó, chính quyền và người dân ở cơ sở mong muốn các cấp có thẩm quyền tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh tuyến kè bảo vệ bờ biển thuộc huyện này, mà cấp bách nhất hiện nay là vùng bờ biển xã Giang Hải.

Ông Mẫn còn cho biết, sạt lở bờ biển hiện đe dọa nghiêm trọng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của nhiều hộ dân tại xã Giang Hải.

Còn theo ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế, đơn vị đã đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh này đầu tư khắc phục, bảo vệ các tuyến bờ biển bị sạt lở nặng bằng những công trình kè chắn kiên cố, quy mô; nhằm bảo đảm an sinh cho người dân. (tienphong.vn 03/10)

 
 
 

6.  Cần sớm khắc phục hạn chế tại các điểm dừng xe buýt

Nhiều tuyến xe buýt đã kết nối đến các huyện, thị xã và được nhiều người dân chọn lựa làm phương tiện đi lại mỗi khi có nhu cầu. Tuy nhiên, hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt tại các khu vực này vẫn đang tồn tại nhiều bất cập khiến người dân chưa yên tâm.

Nhà chờ xe buýt mới xây dựng cạnh cổng BV Trường đại học Y Dược Huế (41 Nguyễn Huệ, TP. Huế) sẽ là mô hình mẫu cho 25 nhà chờ sắp ra đời ở TP. Huế

Theo khảo sát của PV, ngoại trừ khu vực TP. Huế, hầu hết tại tuyến huyện, thị xã, nhà chờ, điểm dừng đỗ xe buýt chưa được quan tâm.

Đơn cử trên tuyến QL1A đoạn đi qua các huyện Phú Lộc, hàng loạt điểm dừng chỉ cắm những cọc sắt gắn biển hiệu “điểm dừng xe buýt” nằm trên vỉa hè, không có mái che. Nhiều “điểm dừng xe buýt” qua địa bàn xã Lộc Bổn, Lộc Sơn (Phú Lộc) được đặt ở vị trí trên vỉa hè hẹp, thiếu an toàn cho khách đợi xe.

Ông Võ Đại Tuấn, xã Lộc Sơn (Phú Lộc) cho biết, hiện nay, xe buýt đã phủ sóng về huyện, xã. Đi xe buýt rẻ hơn rất nhiều so với xe khách; tuy nhiên hầu hết các điểm dừng xe buýt ở ngoại thành không có hệ thống nhà chờ. Ngày nắng, hành khách có thể đứng tạm dưới bóng cây gần đó để tránh nóng trong thời gian chờ đợi xe nhưng ngày mưa thì phải mặc áo mưa khi đợi.

Trên tuyến Tỉnh lộ 4, Quốc lộ 49B thuộc địa bàn Phong Điền, Quảng Điền... nhiều điểm chờ xe buýt đặt cạnh chân ruộng (đường chưa có vỉa hè). Tại các điểm này chưa có hành lang an toàn nên hành khách đi xe buýt chỉ có một lựa chọn duy nhất là đứng ngay trên lòng đường để chờ xe.

Chị Nguyễn Thị Vui, giáo viên mầm non xã Điền Hải, Phong Điền chia sẻ: “Tôi hay thường đứng chờ xe buýt trên tuyến này nên khá lo. Lúc đường vắng còn đỡ chứ vào giờ cao điểm, đường đông, nhiều xe máy, xe tải còn chen vào chỗ khách chờ xe buýt. Mong muốn không riêng cá nhân tôi là ban ngành chức năng cần đầu tư xây dựng các nhà chờ xe buýt có mái che trên các tuyến đường qua khu vực nông thôn để giúp người dân có thêm sự thuận tiện, an toàn hơn.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thông tin, trong đề án nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng ở Thừa Thiên Huế hiện nay và sắp đến sẽ cải tạo nâng cấp toàn bộ hệ thống các điểm dừng xe buýt bảo đảm tính kết nối mạng lưới từ thành thị đến nông thôn theo hướng đồng bộ về hình ảnh, văn minh hiện đại, thân thiện, tiện ích.

Qua khảo sát, toàn tỉnh sẽ đầu tư xây dựng hơn 150 điểm dừng nhà chờ xe buýt, bình quân mỗi huyện, thị xã... có từ 25-30 điểm. Hiện nay, Sở GTVT cùng phối hợp và chuyển giao cho các địa phương chủ động rà soát đầu tư; xây dựng điểm nhà chờ xe buýt đảm bảo an toàn giao thông theo hình thức xã hội hóa hay công tư (PPP)...

Đại diện Phòng Quản lý đô thị TP. Huế cho hay, thông qua sự phối kết hợp với Sở GTVT, hiện nay, Phòng Quản lý đô thị TP. Huế đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng 25 nhà chờ xe buýt khang trang hiện đại, văn minh, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị; khắc phục những hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt lâu nay trên địa bàn. Dự kiến, các nhà chờ xe buýt triển khai trong năm 2020, với kinh phí đầu tư 200-500 triệu đồng/nhà. Quy mô, kích thước nhà chờ tùy theo vị trí là (2m x 6m; 2m x 8m; 2m x 10m), có gắn camera quan sát, bảng thông tin điện tử led và trang bị thêm nhiều dịch vụ tiện ích, như quầy báo, tủ nước, nhà chờ xe đạp, chậu cảnh...

Ông Nguyễn Dương, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kinh tế, huyện Phong Điền cho biết, hiện tại đơn vị tham mưu lãnh đạo huyện có kế hoạch gọi mời các đối tác, tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh để đầu tư đồng bộ hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt trên địa bàn theo hướng văn minh hiện đại. Dự kiến, dự án này sẽ triển khai vào năm 2021 và khi đưa vào hoạt động sẽ tạo một phần diện tích cho các đơn vị, doanh nghiệp thuê trang trí quảng cáo để thu hồi vốn... (baothuathienhue.vn 03/10)

 
 
 

7.  CDC Thừa Thiên Huế nói gì về 2 trường hợp phải nhập viện sau khi tiêm vaccine?

Theo CDC TT - Huế cho biết vào hôm nay, 3/10, các trường hợp trên đều được tiêm phòng theo đúng quy trình; vaccine được bảo quản đúng quy định, nhân viên tiêm chủng đều được tập huấn đầy đủ về an toàn tiêm chủng

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế, trường hợp thứ nhất là bệnh nhi tên N.Đ.B.L (SN 10/7/2020, trú K185 đường Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú, TP Huế). Sáng ngày 29/9, bệnh nhân được tiêm vaccine phế cầu Synflorix (số lô ASPNB 285AC, có HSD 30/9/2030), tại Trung tâm Tiêm chủng trẻ em và người lớn (VNVC) TP Huế vào lúc 9h8. Trong ngày tiêm chủng có 44 trẻ tiêm cùng loại vaccine nhưng không ghi nhận bất thường nào.

Sau khi tiêm, cháu bé được theo dõi 30 phút tại chỗ và khi theo dõi thấy không có dấu hiệu bất thường, nhân viên y tế đã cho bé về để tiếp tục theo dõi tại nhà. Sau khi về nhà, cháu bắt đầu sốt nhẹ, rồi sốt tăng dần, được người nhà lau người và làm mát liên tục. Đến chiều tối ngày 29/9, trẻ bị sốt 38,7 độ C và được cho uống thuốc hạ sốt. Đến 1h ngày 30/9, trẻ bắt đầu sốt cao 39,2 độ C và được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viên TƯ Huế.

Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện TƯ Huế, bệnh nhân được chẩn đoán sốt sau tiêm chủng, theo dõi phản vệ, sau đó chuyển sang Khoa Nhi. Ghi nhận bệnh lúc nhập viện, bệnh nhân sốt 39,3 độ C, tỉnh táo, có quấy khóc, hơi kích thích da nổi vẫn toàn thân, lạnh run, dọa co giật.

Trước tình trạng bệnh, các bác sỹ xử trí cho thở ô xy qua mũi, truyền dịch, sử dụng thuốc hạ sốt TM, uống Vitamin K và xét nghiệm CLS. Đến ngày 2/10, bệnh nhân hết sốt, linh hoạt và tiếp tục được cho theo dõi tại khoa Nhi. Chẩn đoán sơ bộ của bệnh viện là bệnh nhân sốt sau tiêm chủng/TD sốt phát ban.

Bệnh nhi thứ 2 tên N.Đ.T (SN 11/12/2019, trú thôn Ngọc Anh, Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên Huế), sáng ngày 27/9, cháu bé được tiêm vaccine Sởi (MVVAC, số lô M-0220, HSD 12/5/2022) và vaccine Viêm bão Nhật Bản (Imojev, số lô 08A1905GA, HSD 25/3/2022), tại Trung tâm tiêm chủng VNVC TP Huế vào lúc 10h40. Trong ngày tiêm chủng có 10 trẻ tiêm cùng loại vắc xin (11 mũi tiêm cùng 2 loại vaccine trên), nhưng không ghi nhận bất thường nào.

Sau khi tiêm, trẻ được theo dõi 30 phút tại chỗ, và khi thấy trẻ không có dấu hiệu bất thường nên cho về nhà để tiếp tục theo dõi tại nhà. Sau khi về nhà, trẻ bắt đầu sốt nhẹ tăng dần, đến ngày 28/9, bệnh nhân bắt đầu sốt cao liên tục. Đến sáng 29/9, trẻ bắt đầu co giật và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện TƯ Huế lúc 2h52 sàng cùng ngày.

Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện TƯ Huế, bệnh nhân được chẩn đoán sốt sau tiêm chủng, phản ứng co giật sau sốt cao. Ghi nhận tại Khoa Nhi, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt 40 độ C; sốt cao, co giật toàn thân, được xét nghiệm CLS, xử trí bằng Paracetamol và ORS. Đến ngày 2/10, tình trạng trẻ ổn định, ăn bú tốt và được xuất viện vào lúc 9h cùng ngày. Chẩn đoán tại Bệnh viện TƯ Huế, bệnh nhân bị sốt sau tiêm chủng, bệnh kèm sốt phát ban do virus.

“Qua điều tra tại Trung tâm tiêm chủng VNVC TP Huế, trẻ được tiêm chủng theo đúng quy trình, vaccine được bảo quản theo đúng quy định, kho bảo quản vaccine đạt tiêu chuẩn GSP, các nhân viên tham gia khám sàng lọc và tiêm chủng đều được tập huấn về an toàn tiêm chủng” – Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế thông tin.

Trước đó,  Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các phòng chức năng của Sở đã làm việc với Trung tâm Tiêm chủng VNVC TP Huế, Bệnh viện TƯ Huế để làm rõ nguyên nhân khiến 2 cháu bé nhập viện sau khi tiêm vaccine. (viettimes.vn 03/10)

 
 
 

8.  Vậy là rõ rồi nhé, vì sao cột điện gãy!

Có tới 600 cột điện đồng loạt bị “hạ gục” ở khu vực miền Trung trong cơn mưa bão số 5 vừa qua, trong đó, riêng tại Thừa Thiên Huế có 272 cột điện bị gãy.

Vậy là rõ rồi nhé, vì sao cột điện gãy! - 1Nhấn để phóng to ảnh

Đó là những con số thiệt hại rất lớn với ngành điện lực, mà đằng sau đó là thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Tình trạng này cũng được cho biết là chưa từng xảy ra trong vòng 10 năm qua.

Vì bão số 5 quá mạnh?

Vì chất lượng cột điện có vấn đề?

Hay vì nguyên nhân nào khác nữa?

Những câu hỏi, những mối nghi vấn liên tục được công luận đặt ra trong suốt hai tuần qua. Cũng phải thôi, 600 cột điện bị bão “đốn gãy” chỉ trong khoảng thời gian ngắn xảy ra cơn bão (được cho là chỉ 30 phút?), quả là kỷ lục.

Người dân có quyền đặt câu hỏi, bởi EVN là doanh nghiệp Nhà nước, mà liên quan đến tài sản Nhà nước thì cũng là tiền của dân. Doanh nghiệp đầu tư ra sao, xây dựng thế nào, hiệu quả đến đâu… người dân đều quan tâm và có nhu cầu nắm được thông tin.

Và có lẽ, EVN hay bất cứ “ông doanh nghiệp Nhà nước” nào khác cũng đều phải chấp nhận những “áp lực” mang tính chất giám sát như thế như một lẽ đương nhiên.

Câu hỏi này được đưa ra tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 2/10 và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời một cách rành rọt.

Ông Hải nói rằng: Cột điện là 1 phần của công trình lưới điện, được các đơn vị điện lực xây dựng trên cơ sở các quy định của Luật Xây dựng cũng như Nghị định 46 ban hành năm 2015 của Chính phủ, quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và đơn vị thi công, kể cả đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng, kết cấu, thiết bị sử dụng trong công trình xây dựng.

Tóm lại, Bộ Xây dựng là đơn vị phụ trách quản lý Nhà nước về “chất lượng công trình”!

Và không phải chờ đợi lâu, Bộ Xây dựng cũng đã có câu trả lời gửi tới Bộ Công Thương và những đơn vị liên quan.

Tóm tắt thế này:

Về nguyên nhân khách quan, do số lượng cột điện bê tông cốt thép là rất lớn, có nhiều nguồn gốc khác nhau, được xây dựng bởi nhiều chủ thể trong nhiều giai đoạn và do các tác động bất lợi như cây đổ, sạt lở đất.

Nguyên nhân chủ quan là do việc thiết kế, sản xuất, thi công lắp dựng, bảo trì còn những tồn tại, chưa đáp ứng quy định; thiếu tính toán, kiểm tra khả năng chịu lực cột điện bê tông cốt thép theo quy định của tiêu chuẩn thiết kế kết cấu hiện hành.

Vậy là rõ rồi nhé, vì sao cột điện gãy!

Trong văn bản đó, Bộ Xây dựng đã “đề nghị” Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp “chỉ đạo” EVN tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại (….); “lưu ý” EVN quy định các đơn vị thiết kế, sản xuất, thi công (…). Có rất nhiều nội dung trao đổi trong đó!!

Thế nhưng, theo thông tin được ông Hà Thanh Long - Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế khẳng định với PV Dân Trí thì EVN đã có một bộ quy chuẩn về thiết kế cột điện tại các vùng và ở Huế, những cột bị gãy ngang trong bão là loại cột dự ứng lực được dùng từ năm 2016 song song với cột ly tâm dùng trước đó. “Loại cột này sau khi sản xuất xong thì được kiểm nghiệm gắt gao, đóng nhãn mác rồi đưa ra thị trường” - ông Long nói.

Lúc đó, ông Long cũng thông tin thêm, “loại cột dự ứng lực này nôm na là “cột giòn”, khác với loại “cột dẻo” là cột ly tâm truyền thống được sản xuất trước 2016 với giá thành cao hơn, sắt dày hơn”. Vậy nên, người thợ điện khi leo lên cột điện sửa có tâm lý chung là ngại với cột dự ứng lực, nếu có chuyện gì nó sẽ gãy ngang với thời gian tích tắc.

Vị này bày tỏ “đã nhiều lần có ý kiến lên cấp trên về các loại cột này, hy vọng sau cơn bão này sẽ có một sự nhìn nhận khác để sản xuất cột hợp lý”.

Sau tất cả những văn bản và đối thoại, trả lời đó, người dân chưa biết ai đứng ra chịu trách nhiệm. Có điều, dù trách nhiệm có thuộc về ai thì 600 cột kia cũng sẽ phải thay, và thay như thế nào? Chi phí có bổ vào giá điện, vào túi tiền người dân không?

Mùa mưa bão vẫn còn. Rồi bão năm này hết lại sang năm khác. Rủi như cột điện lại đổ, gây thiệt hại chẳng những về của mà còn về người nữa, thì sẽ ra sao? Không lẽ lúc đó chịu trách nhiệm lại là Ông Trời? (dantri.com.vn 04/10)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.690.198
Truy cập hiện tại 44