Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 11/09/2020
Ngày cập nhật 11/09/2020

Điểm tin báo chí liên quan đến tỉnh Thừa Thiên Huế

TIN NÓNG
 

1.  Hàng trăm héc-ta đất bị xâm lấn trong thời gian dài

Hàng trăm héc-ta đất rừng bị người dân xâm lấn trong thời gian dài là thực trạng đang diễn ra tại xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy kiểm tra diện tích đất rừng bị người dân xâm lấn tại tiểu khu 165, xã Dương Hòa.

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy, tổng diện tích đất rừng bị người dân xâm lấn là 380,2 ha, thuộc tiểu khu 168 (diện tích khoanh nuôi rừng) và tiểu khu 165 (diện tích trồng rừng), đây là đất rừng do xã Dương Hòa quản lý.

Sự việc bắt đầu từ năm 2000, khi Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy triển khai chương trình trồng rừng và khoanh nuôi rừng tái sinh với tổng diện tích khoảng hơn 1.000 ha từ nguồn vốn thuộc Dự án 661 của Chính phủ (Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng). Trong đó, bao gồm diện tích đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy và diện tích đất rừng do Ủy ban nhân dân xã Dương Hòa quản lý. Thời gian thực hiện dự án này là khoảng 10 năm, từ năm 2000-2010; thời gian xảy ra tình trạng lấn chiếm rừng liên tục kéo dài từ năm 2003- 2013.

Chúng tôi đến tìm hiểu thực trạng đất rừng bị người dân xâm lấn tại tiểu khu 165, với tổng diện tích đất rừng bị xâm lấn tại đây theo thống kê là 181,3 ha. Nếu nhìn bằng mắt thường trên thực địa sẽ rất khó để phân biệt chính xác đâu là vị trí đất rừng người dân đã xâm lấn bởi địa hình ở đây được bao phủ bởi màu xanh của những cánh rừng keo được trồng từ 2-3 năm tuổi. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bản đồ thu hồi diện tích đất lấn chiếm do Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy cung cấp, có thể thấy được hàng chục vị trí xâm lấn loang lổ như "da báo", trong đó có vị trí bị xâm lấn nhiều nhất lên tới 37,7 ha.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy, đối với phần diện tích khoanh nuôi tái sinh nằm ở tiểu khu 168 được Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy trồng bổ sung các loại cây như: ươi, trám, trâm, sao đen, nhội. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trước đây nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện chăm sóc khó khăn nên sau nhiều năm không thành rừng, trong khi người dân địa phương bị thiếu đất sản xuất đã dẫn tới tình trạng xâm lấn 198,9ha.

Tại diện tích rừng trồng từ nguồn vốn của Dự án 661 nằm tiếp giáp, xen kẽ với đất được xã Dương Hòa giao đất sản xuất cho các hộ gia đình, trong bối cảnh khi đó một số hộ dân ven rừng thiếu đất sản xuất cục bộ, thường xuyên phát lấn chiếm những diện tích giáp ranh đất trồng rừng của dự án ở khu vực băng chừa, băng chặt, đai xanh, đường lô và ở những khu vực rừng trồng của dự án bị chết do mưa bão hoặc thiếu kinh phí chăm sóc.

Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy Trần Phúc Châu thừa nhận, để xảy ra tình trạng xâm lấn đất rừng của người dân trong một thời gian dài là do công tác quản lý rừng bị buông lỏng, sự phối hợp giữa đơn vị và UBND xã Dương Hòa không chặt chẽ, rạch ròi về trách nhiệm quản lý đất lâm nghiệp và tài sản trên đất. Sau khi kết thúc chương trình trồng rừng và khoanh nuôi rừng tái sinh từ nguồn vốn thuộc Dự án 661 của Chính phủ, Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy có bàn giao lại một số diện tích đất do xã Dương Hòa quản lý. Những diện tích người dân xâm lấn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo thống kê ban đầu, có khoảng 100 hộ dân lấn chiếm với tổng diện tích 380,2 ha đất rừng.

Sau khi có Chỉ thị 65/2015/CTUBND của tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp, từ năm 2018 đến nay, vấn đề lấn chiếm đất rừng trên địa bàn xã Dương Hòa mới được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tích cực vào cuộc tháo gỡ, tìm hướng giải quyết.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dương Hòa Lê Văn Thức cho hay, thời gian qua thông qua công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, UBND xã đã xác định ban đầu được 30 hộ dân có diện tích lấn chiếm và đã lập biên bản theo quy định. Xã đang tiếp tục gửi thông báo đến người dân trong xã và ở các xã lân cận để tìm những chủ hộ lấn chiếm còn lại. Đây là vấn đề do lịch sử để lại. Trước đây có nhiều hộ dân không có đất sản xuất đã vào rừng lấn chiếm nên sau khi thu hồi lại toàn bộ diện tích trên, xét từng trường hợp cụ thể xã sẽ kiến nghị với cấp trên để cấp diện tích hợp lý đất rừng sản xuất cho người dân.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay chính là sự hợp tác, tự giác của những hộ dân có diện tích đất lấn chiếm. Theo các cơ quan chức năng, phương án cuối cùng là đợi một vài năm tới khi người dân tiến hành thu hoạch cây keo mới xác định được đích danh những chủ hộ lấn chiếm để có hướng xử lý thu hồi. Qua vụ việc này cũng cho thấy bài học về công tác quản lý đất rừng cũng như triển khai các dự án trồng rừng còn nhiều bất cập. (cadn.com.vn 10/9)

 
 
 

2.  Không có chuyện sinh viên từ vùng dịch đến Huế đóng phí 6,5 triệu đồng

Trước những thông tin về việc sinh viên từ vùng dịch Quảng Nam, Đà Nẵng khi trở lại nhập học tại ĐH Huế phải cách ly 14 ngày và phải trả các chi phí xét nghiệm, ăn uống, lưu trú với số tiền 6,5 triệu đồng/sinh viên, TS Huỳnh Văn Chương khẳng định, ĐH Huế hoàn toàn không có chủ trương này.

Chiều 10/9, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học (ĐH) Huế cho biết, ĐH Huế sẽ triển khai học trực tuyến cho tất cả sinh viên đang theo học tại 11 khoa, trường trực thuộc đến hết ngày 30/9 để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo TS Huỳnh Văn Chương, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng như công tác học tập, giảng dạy, ĐH Huế đã lập kế hoạch chung về việc triển khai giảng dạy từ đầu năm học mới 2020-2021.

Hiện ĐH Huế đang triển khai theo chỉ thị về phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Thừa Thiên Huế nên sinh viên từ năm 2 trở lên vẫn tiếp tục học trực tuyến cho đến khi tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép đón tất cả các công dân từ vùng dịch đến Huế.

Trước những thông tin về việc sinh viên từ vùng dịch Quảng Nam, Đà Nẵng khi trở lại nhập học tại ĐH Huế phải cách ly 14 ngày và phải trả các chi phí xét nghiệm, ăn uống, lưu trú với số tiền 6,5 triệu đồng/sinh viên, TS Huỳnh Văn Chương khẳng định, ĐH Huế hoàn toàn không có chủ trương này. Ngoài ra, các sinh viên vừa có kết quả trúng tuyển vào các khoa trường thành viên thuộc ĐH Huế sẽ bắt đầu học vào đầu tháng 10/2020.

Công tác kiểm tra, khai báo y tế người từ vùng dịch đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang được lực lượng các chốt kiểm soát y tế thực hiện tốt.

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học khoa học Huế cho biết, hiện tại trường đã triển khai dạy học trực tuyến từ đầu tháng 9/2020 cho tất cả gần 4.000 sinh viên toàn trường, trong đó có khoảng 300 sinh viên đến từ hai tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đang theo học tại trường.

Qua thống kê, hiện có khoảng 5.000 sinh viên quê ở TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang theo học tại ĐH Huế. Nếu sau ngày 15/9 tình hình được nới lỏng thì các trường của ĐH Huế sẽ đón sinh viên đến trường học trở lại, còn không sẽ áp dụng học trực tuyến đến hết tháng 9/2020 tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19. (cand.com.vn 10/9)

 
 
 

3.  Dự án "trùm mền", dang dở

Hàng loạt dự án khu nghỉ dưỡng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế được cấp phép nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai

Trục tuyến Quốc lộ 49B kéo dài từ thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang đến xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, men theo bờ biển là phá Tam Giang. Nơi đây có lợi thế rất lớn để thu hút nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng.

Bỏ hoang, nhếch nhác

Cách đây 8 năm, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Mạc Lê thực hiện dự án khu nhà ở, văn phòng và dịch vụ tắm biển Thuận An.

Dự án nằm ven biển với quy mô xây dựng tòa nhà 5 tầng, gồm văn phòng cho thuê, siêu thị mini, khu thương mại - dịch vụ, bãi tắm biển cao cấp, tổng vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng. Người dân thị trấn Thuận An đã rất kỳ vọng vì nghĩ rằng dự án sẽ sớm triển khai, giúp địa phương phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến năm 2015, tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành quyết định chấm dứt dự án sau khi nhà đầu tư không muốn triển khai.

Cũng tại thị trấn ven biển này, năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty CP Điện tử Tin học Viễn thông thực hiện dự án Khu dịch vụ cao cấp Tam Giang ngay gần biển. Dự án nằm trên tuyến đường Lê Sĩ, tổ dân phố Hải Thành, thị trấn Thuận An; có tổng vốn đầu tư 36 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2016. Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sau khi được cho thuê đất, nhà đầu tư đã hoàn chỉnh các thủ tục.

Thế nhưng, khi xây dựng hoàn tất các căn nhà riêng biệt thì bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Do dự án chậm tiến độ nên vào năm 2018, Thanh tra Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế cách đó không xa, nằm ngay trục Quốc lộ 49B được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2008 cho Công ty CP Xây dựng và Phát triển công nghệ Việt Nam (Vinconstec; trụ sở ở TP Hà Nội) với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỉ đồng. Theo phê duyệt, giai đoạn 1 dự án từ năm 2012-2015 và giai đoạn 2 kết thúc vào năm 2017. "Nhà đầu tư đã thực hiện một phần hạ tầng kỹ thuật ven phá Tam Giang, đường giao thông ven biển và triển khai 10 công trình mẫu, bao gồm 2 ven biển và 8 ven phá nhưng đang dở dang, chưa tô trát" - ông Vui nói.

Chậm xử lý dứt điểm các dự án

Theo ông Vui, dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế chậm tiến độ khoảng 3 năm do vướng mắc trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và nhà đầu tư kiến nghị được điều chỉnh giảm quy mô dự án từ 72,09 ha xuống còn 30,4 ha và đã được UBND tỉnh thống nhất vào năm 2015.

Đến cuối năm 2019, qua nhiều lần báo cáo phương án điều chỉnh quy hoạch tại Sở Xây dựng, nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Nguyên nhân là hồ sơ báo cáo đều chỉ mang tính phác thảo, chưa có sự đầu tư, nghiên cứu sâu về nội dung điều chỉnh, chất lượng không bảo đảm yêu cầu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư chưa phối hợp với đơn vị tư vấn có đủ năng lực tư vấn lập quy hoạch theo quy định.

Đáng chú ý, tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiều lần đưa dự án này vào diện giám sát đặc biệt. Năm 2017, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết đưa dự án này thuộc danh mục các dự án có chế độ giám sát đặc biệt. Tiếp đó, vào năm 2018, các sở, ngành của tỉnh này thống nhất kiến nghị UBND tỉnh chấm dứt hoạt động đầu tư và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án này. Tiếp đó, vào ngày 14-1-2019, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu thu hồi dự án trên. Thế nhưng, trả lời Báo Người Lao Động mới đây, đại diện Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết Vinconstec vừa có văn bản mong muốn được tiếp tục thực hiện dự án và đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Vì vậy, UBND tỉnh đang giao cho các ngành nghiên cứu báo cáo để có phương án xử lý dứt điểm dự án.

Trong khi đó, đối với dự án Khu dịch vụ cao cấp Tam Giang, ông Nguyễn Đại Vui khẳng định vào cuối năm 2018, nhà đầu tư đề xuất mở rộng dự án lên khoảng 12 ha, bao gồm 0,85 ha cũ và khoảng 11 ha phần diện tích rừng phòng hộ để thuê dịch vụ môi trường rừng. Nhưng đề xuất này ngay lập tức bị bác bỏ vì không phù hợp với các quy hoạch liên quan. Năm 2019, nhà đầu tư đề xuất bổ sung chức năng lưu trú cho dự án và UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng, UBND huyện Phú Vang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch chung điều chỉnh thị trấn Thuận An mở rộng, trong đó nghiên cứu bổ sung chức năng lưu trú.

"Trường hợp được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất điều chỉnh quy hoạch bổ sung chức năng lưu trú, các sở, ngành sẽ tham mưu điều chỉnh mục tiêu của dự án" - ông Nguyễn Đại Vui nói.

Vướng giải phóng mặt bằng

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển thể chất kết hợp vui chơi, thể thao Lộc Bình (tại xã Vinh Hiền và Lộc Bình, huyện Phú Lộc) được tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Văn Phú Resort - Lộc Bình vào tháng 2-2019. Dự án có diện tích lên đến 248 ha, dự kiến khởi công trong quý III/2020 và hoàn thành vào quý IV/2023.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc như áp giá bồi thường, bố trí tái định cư vì đây là thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện dự án còn gặp một số quy trình thủ tục kéo dài như thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (phải do Thủ tướng quyết định), làm ảnh hưởng đến các thủ tục liên quan tiếp theo. (nld.com.vn 10/9)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  TT-Huế: Cách ly có thu phí người đến từ vùng dịch không thực hiện quy định của tỉnh

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu thực hiện cách ly có thu phí đối với các các trường hợp đến từ vùng dịch cố tình không thực hiện các quy định phòng dịch của tỉnh.

Vì sao Huế quy định người từ vùng dịch không được lưu trú quá 72h từ khi lấy mẫu XN âm tính?

Ngày 10/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho  biết, Ban đã yêu cầu thực hiện cách ly có thu phí đối với các trường hợp đến từ vùng dịch Covid-19 cố tình không thực hiện các quy định phòng dịch của tỉnh.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện tỉnh đã nới lỏng dần các biện pháp giãn cách cũng như nới lỏng đối với người trở về từ vùng dịch. Tỉnh cũng đã chỉ đạo những bộ phận liên quan nghiên cứu, tham mưu các biện pháp giãn cách trong thời gian tới tùy theo diễn biến của dịch bệnh, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, kinh doanh, buôn bán, lao động và học tập.

Đối với các địa phương có dịch mà chưa hết 28 ngày kể từ ngày ca nhiễm cuối, theo ông Nguyễn Văn Phương, tỉnh vẫn áp dụng các biện pháp phòng chống dịch an toàn, có kiểm soát.

Ông Phương yêu cầu đưa đến cách ly tại các khu cách ly tập trung và thu phí cách ly đối với  các trường hợp đi từ vùng dịch cố tình không thực hiện các quy định phòng dịch của tỉnh để vào địa phương. 

Trước đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng dịch Covid-19 khi công dân từ các vùng có dịch gồm Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương đến Thừa Thiên Huế với mục đích cá nhân.

Theo đó, công dân từ vùng có dịch Covid-19 vào tỉnh Thừa Thiên Huế phải đăng ký khai báo y tế người, phương tiện ra/vào tỉnh Thừa Thiên Huế để được xem xét, phê duyệt; trường hợp vướng mắc thì liên lạc về tổng đài 19001075 để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Sau khi được phê duyệt vào Thừa Thiên Huế, các công dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV- 2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính trong vòng 72 giờ khi đến các chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh.

Thời gian lưu trú tại Thừa Thiên Huế tối đa là đến thời điểm hết hạn 72h tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Trường hợp nếu công dân có nhu cầu cấp thiết muốn tiếp tục ở lại tỉnh Thừa Thiên Huế thì phải tiếp tục lấy lại mẫu để xét nghiệm chậm nhất 12h trước khi kết thúc thời hạn 72h của lần xét nghiệm PCR trước đó. Kinh phí lấy mẫu và xét nghiệm công dân chịu trách nhiệm chi trả và phải đăng ký lại.

Đối với phương tiện vận chuyển khi đến Huế thì thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 6830/UBND - CT ngày 1/8/2020 và Công văn số 7186/ UBND-GT ngày 11/8/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về phương án vận chuyển, cung ứng hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch Covid–19, hoặc công dân phải chủ động phương tiện cá nhân, được phun khử khuẩn tại chốt kiểm tra. Phương tiện phải đi thẳng không được dừng đỗ để đến điểm đến đã đăng ký và đã được phê duyệt. Quá trình sử dụng phương tiện cá nhân nêu trên trong thời gian lưu trú tại Thừa Thiên Huế không được chở hoặc để người khác lên xe, không được sử dụng xe vào mục đích khác.

Sau khi vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, các công dân đến từ vùng dịch phải tuân thủ nghiêm "5K": Khai báo, khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người" và quy định phòng, chống dịch của tỉnh trong suốt thời gian lưu trú tại tỉnh. (danviet.vn 10/9)

 
 
 

2.  Kinh nghiệm từ đại hội các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy

16/16 Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Tỉnh ủy đã hoàn thành công tác tổ chức đại hội. Nhiều bài học kinh nghiệm được đúc rút từ các khâu của đại hội là cơ sở quan trọng để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020–2025, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đảng bộ các huyện Phú Vang, Nam Đông, Phong Điền, Đảng bộ Bệnh viện Trung ương Huế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh…là những đơn vị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tổ chức tốt đại hội. Thể hiện rõ nhất là các đại biểu tham dự đại hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ thảo luận, đóng góp ý kiến có chất lượng vào báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành, văn kiện cấp trên và thực hiện đầy đủ nguyên tắc, thủ tục quy định, quy trình, hướng dẫn của cấp trên. Hầu hết các đại hội chỉ bầu một lần là đủ số lượng cấp ủy.

“Đảng bộ huyện Phong Điền được Tỉnh ủy chọn thí điểm bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội. Với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về nhân sự, đại hội đã bầu trực tiếp chức danh Bí thư Huyện ủy tại đại hội. Theo đó, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIV, gồm 39 đồng chí và bầu 19 đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Ông Võ Văn Vui, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phong Điền được Đại hội bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy Phong Điền khóa XIV, nhiệm kỳ 2020-2025”, ông Đoàn Kỳ Côi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền thông tin.

Từ thực tế đại hội ở các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy cho thấy, công tác bầu cử trong đại hội được tiến hành nghiêm túc, đúng Điều lệ Đảng, quy chế bầu cử. Nắm chắc, đánh giá đúng đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy dân chủ trong Đảng, nêu cao ý thức trách nhiệm của mỗi đại biểu dự đại hội, hầu hết cấp ủy được bầu đều đảm bảo.

 “Có 484 đồng chí tham gia cấp ủy viên khóa mới. Trong đó, 136 đồng chí tham gia cấp ủy viên lần đầu; có 73 nữ; 26 đồng chí là người dân tộc thiểu số. Có 146 đồng chí tham gia ủy viên ban thường vụ cấp ủy khóa mới. Nhìn chung, cán bộ chủ chốt trúng cử với số phiếu tín nhiệm cao, bình quân hơn 95%”, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn cho biết.

Những bài học kinh nghiệm

Tuy vậy, tại đại hội một số Đảng bộ cấp trên cơ sở, báo cáo chính trị còn dài; việc xác định một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội chưa sát đúng với tiềm năng, điều kiện của địa phương. Nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020 - 2025 chưa nhiều, nhất là các nhiệm vụ tại dự thảo chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội. Cá biệt, có đảng bộ cán bộ chủ chốt trúng cử cấp ủy tỷ lệ phiếu thấp, cấp ủy tái cử không trúng với dự kiến; đại biểu không nắm chắc quy định bầu cử nên còn tình trạng phiếu bầu không hợp lệ.

“Đây không chỉ là những hạn chế mà còn là bài học để các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đúc rút nhằm tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo điều hành không chỉ trong bầu cử mà trong định hướng phát triển nhiệm kỳ mới 2020 – 2025”, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thái Sơn trao đổi.

Nhiều bài học kinh nghiệm được đúc rút từ Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Tuy nhiên, bài học xuyên suốt được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thấy đó là, cấp ủy các cấp phải thực hiện nghiêm trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong việc chuẩn bị nhân sự, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong tổ chức, triển khai thực hiện.

Không những thế, cấp ủy, người đứng đầu phải chú trọng lãnh đạo công tác nắm tình hình, dư luận xã hội, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh đảm bảo sự ổn định, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Chú trọng phát huy vai trò các lực lượng của hệ thống chính trị để nắm tình hình, tuyên truyền sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của các tầng lớp Nhân dân hoạt động hướng về đại hội đảng bộ.

 “Chủ động nắm tình hình, kịp thời có biện pháp xử lý, tháo gỡ đối với tổ chức Đảng có khó khăn hoặc có vấn đề phức tạp nảy sinh. Quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị. Từ thực tế cho thấy, các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương, Tỉnh ủy; phát huy truyền thống đoàn kết, làm tốt công tác chuẩn bị với tinh thần nghiêm túc, kỹ lưỡng và tổ chức đại hội thành công tốt đẹp. Đây là những kinh nghiệm quý, tạo tiền đề vững chắc để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà khẳng định. (baothuathienhue.vn 11/9)

 
 
 

3.  Sức khỏe của người dân vẫn là mục tiêu cao nhất

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 chiều 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, hiện các địa phương trong cả nước có nhiều biện pháp phòng dịch và giãn cách khác nhau, tuy nhiên mỗi tỉnh có một đặc thù riêng. Quan điểm của tỉnh vẫn phải ưu tiên hàng đầu cho việc phòng chống dịch, "dẫu biết có nhiều bất tiện nhưng đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân vẫn là mục tiêu cao nhất".

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chốt kiểm soát thực hiện nghiêm công tác kiểm tra nhằm không để người từ vùng dịch vào địa bàn mà không được kiểm soát

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, những biện pháp tỉnh triển khai áp dụng trong thời gian qua cho thấy những kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh, Ban chỉ đạo vẫn đang nghiên cứu để tiếp tục nới lỏng giản cách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân. Cho rằng, trước việc nhiều địa phương nới lỏng giãn cách đã tạo tâm lý chủ quan, lơ là trong người dân.

"Tôi khẳng định, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương (chưa qua 28 ngày không có bệnh nhân mắc Covid-19), nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài vào Thừa Thiên Huế luôn tiềm ẩn rất cao. Vì vậy, yêu cầu các đơn vị, địa phương, các lực lượng tiếp tục triển khai quyết liệt, nắm vững phương châm “4 tại chỗ”, "5K", bám sát nội dung các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo COVID-19 tỉnh để triển khai kịp thời, hiệu quả".

Việc quản lý chặt chẽ vòng ngoài là điều kiện để chúng ta nới lỏng vòng trong. "Trong thực tế vẫn còn tình trạng nhiều đối tượng từ vùng dịch trốn trạm kiểm soát y tế trở về, không khai báo y tế đây là lý do mà chúng ta còn dè chừng trong việc nới lỏng, vì nếu để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng thì hậu quả sẽ khôn lường".

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng tại Chốt kiểm tra liên ngành thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, ban Chỉ đạo COVID-19 tỉnh; đồng thời, nâng cao cảnh giác, không được chủ quan lơ là kịp thời phát hiện, ngăn chặn và cách ly tất cả những người từ vùng dịch vào Thừa Thiên Huế.

Trước các nhu cầu thiết yếu của người dân, tỉnh sẻ xem xét và thông báo để cho hoạt động trở lại tiệc cưới, sự kiện... nhưng phải đảm bảo các tiêu chí về phòng chống dịch và có sự quản lý giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. (baothuathienhue.vn 10/9)

 
 
 

4.  Đẩy mạnh hiến máu an toàn trong tình hình mới

Dịch COVID-19 được kiểm soát, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang dần nới lỏng việc giãn cách xã hội là lúc nhiều bệnh nhân nhập viện trở lại điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Để đáp ứng nhu cầu tăng cao về máu, Trung tâm Huyết học truyền máu (Bệnh viện Trung ương Huế, Thừa Thiên - Huế) vừa có kế hoạch kêu gọi, tiếp nhận hiến máu trong tình hình mới để bổ sung kịp thời nguồn máu, tiểu cầu cho nhu cầu hiện tại.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày Trung tâm Huyết học truyền máu cần 150 đơn vị khối hồng cầu và 18 khối tiểu cầu để điều trị, cấp cứu cho các bệnh viện khu vực miền Trung. Trong đó, riêng Bệnh viện Trung ương Huế cần khoảng 80 đơn vị khối hồng cầu/ngày do nhu cầu bệnh nhân nhập viện trở lại cao.

Theo Thạc sỹ, Bác sỹ Chuyên khoa II Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, song song việc đẩy mạnh hiến máu tình nguyện, Ban Giám đốc Bệnh viện chú trọng đến công tác tiếp nhận máu theo đúng quy định giãn cách xã hội, tránh lây nhiễm và mắc COVID-19 cho người hiến cũng như nhân viên Trung tâm Huyết học truyền máu. Người hiến máu được sàng lọc kỹ theo chỉ dẫn của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn nguồn máu. Các chế phẩm máu tiếp nhận được đơn vị hỗ trợ tối đa cho các bệnh nhân nặng trong khu vực.

Sau sự kêu gọi hiến máu nhân đạo trong tình hình mới, sáng 9/9, Trung tâm Huyết học truyền máu, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận gần 150 đơn vị máu từ lực lượng đoàn viên, thanh niên Đại học Y dược Huế, Cục Thuế và Công đoàn viên chức tỉnh Thừa Thiên - Huế. Công tác phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giãn cách vẫn được đảm bảo trong suốt buổi hiến máu. Nếu tình hình dịch ổn định, dự kiến đơn vị sẽ tiếp nhận khoảng 4.000 đơn vị máu trong tháng 9/2020.

Hiện nay, lượng máu đang dự trữ tại Trung tâm Huyết học truyền máu là trên 700 đơn vị, dự kiến sử dụng đủ trong 5 - 6 ngày tới. Trung tâm cũng đã đáp ứng cấp máu bình thường trở lại theo nhu cầu cho các bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, với năng lực thực hiện kỹ thuật cao, Trung tâm có thể cung cấp được các chế phẩm máu như hồng cầu khối, bạch cầu, tiểu cầu đậm đặc, huyết tương... Đây là các chế phẩm cần thiết dùng trong các trường hợp đặc biệt như cấp cứu bệnh nhân thiếu máu nặng; bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu, tan máu bẩm sinh…

Khi dịch COVID-19 xảy ra cuối tháng 7 vừa qua, những khó khăn về việc tiếp nhận, cung cấp máu cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện trong khu vực là bài toán lớn đặt ra cho Trung tâm Huyết học truyền máu. Tuy nhiên, đơn vị vẫn đáp ứng tốt nhu cầu về máu, chế phẩm máu cho các địa phương (điển hình như thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam) và điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, cấp cứu từ các tỉnh, thành lân cận. Cụ thể, đơn vị đã cấp gần 500 đơn vị máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện tại thành phố Đà Nẵng trong mùa dịch.

Bệnh viện Trung ương Huế nói chung và Trung tâm Huyết học truyền máu nói riêng đã sàng lọc, xét nghiệm Real time-PCR đối với những trường hợp ngoại tỉnh đến điều trị từ trước 24/7/2020, cũng như kiểm soát kỹ việc hiến máu tình nguyện. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo quyết liệt, kêu gọi nguồn lực hiến máu an toàn ngay từ địa phương. Nhiều đơn vị sẵn sàng, tích cực hưởng ứng, tham gia hoạt động nhân đạo này; tiêu biểu như lực lượng sinh viên Đại học Y dược Huế, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế… Tính đến hết tháng 8/2020, Trung tâm Huyết học truyền máu đã tiếp nhận được gần 2.200 đơn vị máu và chế phẩm máu. (baotintuc.vn 11/9)

 
 
 

5.  Thừa Thiên Huế: Đề xuất những cơ chế đặc thù, “cú hích” để trở thành thành phố trực thuộc trung ương

Thông tin từ VP UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chiều ngày 09/9, tại Hà Nội, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện một số bộ ngành liên quan đã có buổi làm việc, góp ý “Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ chế, chính sách sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.”

Tại buổi làm việc, Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng việc  “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”  theo nghị quyết 54 của Bộ Chính trị,hướng mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cần có những cơ chế, chính sách đặc thù

Được biết, khác với các đô thị trực thuộc Trung ương như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh, thì Thừa Thiên Huế xây dựng đề án trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Trước những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý cho phép Thừa Thiên Huế vận dụng, điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí đặc thù và thống nhất mô hình đô thị Thừa Thiên Huế là chùm đô thị có lõi trung tâm, hạt nhân là thành phố Huế và bao quanh là vùng ngoại ô, nông thôn được kết nối bằng hệ thống giao thông đồng bộ (theo hướng mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương).

Tại hội nghị lần này, Thừa Thiên Huế tiếp tục đề xuất: Cho phép bổ sung tiêu chí về đô thị có tính chất đặc thù về di sản đối với Thừa Thiên Huế vào nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN cho từng giai đoạn 5 năm; Cho phép tỉnh được quyết định hình thức và phương án lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư tôn tạo, quản lý và khai thác di sản; Được phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế;  Được để lại 100% phí tham quan di tích sử dụng cho mục đích bảo tồn các giá trị di sản văn hóa,...

Đây là các cơ chế, chính sách đặc thù góp phần giúp tỉnh Thừa Thiên Huế tăng nguồn thu ngân sách, được nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, huy động được các nguồn lực xã hội hóa nhằm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy được các giá trị di sản, di tích cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Kết luận tại hội nghị, Thứ Trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng cơ chế, chính sách đặc thù có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ KH&ĐT sẽ cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu, trình Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế về mặt tài chính, cơ chế, chính sách, trong khuôn khổ pháp luật cho phép để  giúpThừa Thiên Huế: Xây dựng và phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. (thuonghieucongluan.com.vn 10/9)

 
 
 

6.  KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG TÒA ÁN NHÂN DÂN 13/9/1945-13/9/2020: Bảo vệ công lý, phục vụ Nhân dân

Nhiều cá nhân, tập thể các đơn vị đã vinh dự được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Chánh án TAND tối cao, Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và những danh hiệu cao quý khác, khẳng định chặng đường phát triển lớn mạnh của Tòa án Nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chất lượng xét xử được đảm bảo

TS. Nguyễn Văn Bường, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Năm 2019, TAND hai cấp tỉnh thụ lý 3.933 vụ án các loại, đã giải quyết 3.591 vụ, đạt tỷ lệ 91,3%. Những năm qua, chất lượng xét xử án hình sự được đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Không có trường hợp nào bị oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Các vụ án hình sự trọng điểm được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Chất lượng xét xử các loại án tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, đảm bảo đúng chính sách, pháp luật, quyền lợi chính đáng của đương sự. Những vụ phức tạp được đầu tư thời gian thu thập chứng cứ, kiên trì hòa giải. Nhiều trường hợp hòa giải thành công, góp phần không nhỏ hàn gắn mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, ổn định trật tự xã hội.

Để đạt được những thành quả đó là nhờ lãnh đạo TAND 2 cấp đã quyết liệt chỉ đạo, động viên thẩm phán, cán bộ, công chức vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh đã ra các nghị quyết lãnh đạo toàn diện công tác của TAND 2 cấp, xác định các mục tiêu và đề ra các giải pháp công tác cụ thể, sát hợp với đặc điểm tình hình của các TAND địa phương, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình cải cách tư pháp gắn với mục tiêu xây dựng hệ thống TAND trong sạch vững mạnh, bảo vệ công lý, phục vụ Nhân dân.

“Chúng tôi phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ, công chức, phải xác định cải cách tư pháp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của hệ thống TAND. Qua đó, đã từng bước nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án. Các bản án, quyết định của tòa án bảo đảm tính khách quan, nghiêm minh và được công khai hóa trên cổng thông tin điện tử. Mô hình hành chính tư pháp - “một cửa” ngày càng phát huy hiệu quả, hạn chế những vi phạm về thời hạn, thời hiệu, tránh làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân. Người dân được hướng dẫn, giải thích pháp luật ngay từ khi nộp đơn khởi kiện, tham khảo văn bản pháp luật có liên quan, giảm tải được nhiều khâu trung gian, tiết kiệm cho người dân lẫn tòa án” - ông Nguyễn Văn Bường nói.

Tốt chuyên môn trong thời kỳ mới

Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh nỗ lực trong nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, công chức TAND 2 cấp còn chú trọng công tác xã hội, xây dựng gần 10 nhà tình thương cho người dân nghèo huyện A Lưới; thăm hỏi, tặng quà cho nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, TAND tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở huyện Phong Điền.

Xác định, đoàn kết là “chìa khóa” của mọi thành công, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và lãnh đạo TAND tỉnh chú trọng kiện toàn công tác tổ chức cán bộ. Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Văn Bường nhấn mạnh: “Chúng tôi xây dựng bộ máy lãnh đạo và nội bộ TAND 2 cấp thật sự đoàn kết, dân chủ, khách quan; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh, chỉ đạo mọi mặt công tác. Việc kiện toàn công tác cán bộ gắn với việc xây dựng khối đoàn kết vững mạnh trong toàn thể cán bộ, công chức và người lao động, nhằm động viên cán bộ công chức TAND 2 cấp nỗ lực hết mình”.

Lãnh đạo TAND tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng cá nhân, đơn vị để bổ sung, điều chỉnh kịp thời trong lãnh chỉ đạo; nhanh chóng báo cáo với cấp ủy địa phương và lãnh đạo TAND tối cao để xem xét, bổ nhiệm bổ sung kịp thời cán bộ quản lý, lãnh đạo của tòa án 2 cấp. Công tác cán bộ được thực hiện công khai dân chủ. Các trường hợp điều động, luân chuyển, bổ nhiệm trước khi thực hiện đều lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cá nhân và đơn vị nơi cá nhân đó công tác. Do vậy đã tạo sự đồng thuận, đoàn kết, dân chủ, tin tưởng giữa lãnh đạo TAND 2 cấp và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động.

Đến nay, TAND 2 cấp tỉnh đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Hệ thống TAND được thành lập đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của TAND 2 cấp đã được bổ sung, kiện toàn tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Đồng thời, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh đã xây dựng kế hoạch về công tác cán bộ TAND 2 cấp, với tầm nhìn chiến lược. Đội ngũ chánh án, phó chánh án, thẩm phán trung cấp, sơ cấp, lãnh đạo các tòa, phòng… đã được kiện toàn, cơ bản đáp ứng công việc đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

 “Chúng tôi luôn chú trọng công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức TAND có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn giỏi. Hiện, TAND 2 cấp có 3 cán bộ có trình độ lý luận chính trị cử nhân, 15 cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp và 20 cán bộ có trình độ lý luận chính trị trung cấp; có 1 cán bộ có học vị Tiến sĩ Luật, 13 cán bộ có học vị Thạc sĩ Luật. Hầu hết cán bộ, công chức đều đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học và ngoại ngữ theo quy định của TAND tối cao. Nhiều thẩm phán được vinh danh là thẩm phán giỏi, thẩm phán tiêu biểu, đảm bảo thực hiện tốt công tác chuyên môn trong thời kỳ đổi mới” - ông Hoàng Trọng Điệp, Phó Chánh án TAND tỉnh chia sẻ. (baothuathienhue.vn 10/9)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Áo dài đấy, thì sao?

Nam công chức Huế sẽ mặc áo dài truyền thống đi làm, bất ngờ quá, Kính cận và Kính viễn không thể không tranh luận về chuyện này.

- Nhìn quá bản sắc, tôi ủng hộ. Đó chính là nét riêng của Huế, tự hào là người Huế, thì người ta sẽ ý thức để làm việc tốt hơn, Kính viễn hồ hởi.

- Ông ủng hộ thế thì chết tôi, lan rộng ra cả nước là tôi cũng phải mặc đấy ông ạ, Kính cận lo lắng.

- Thì sao, một tháng có 1 ngày, tôi chả thấy làm sao. Có nước đàn ông mặc váy, có nước phụ nữ mặc đồ kín mít từ đầu đến chân chỉ hở mỗi mắt. Quan trọng là bất kỳ ai nhìn thấy cũng biết họ là người nước nào, bản sắc qua trang phục dân tộc là ở chỗ đấy.

- Thôi thôi, thế rồi nam công chức Huế mặc áo dài ngũ thân, nam công chức Bắc Ninh mặc áo dài khăn quấn, vân vân mây mây, rồi mỗi địa phương mặc một kiểu mệt lắm ông ơi.

- Ừ nhỉ, rồi lại phát sinh các cuộc thi thiết kế, rồi đấu thầu tìm nhà may, cũng mệt phết đấy, tôi chưa nghĩ tới.

- Thôi, tôi nghĩ làm công chức cứ tập trung làm tốt việc của mình. Áo xống bản sắc dân tộc để dành cho dịp lễ Tết, có ai cấm đâu. Mặc đẹp cũng tốt nhưng phải tiện lợi. Mà vẻ đẹp công sở, nó toát lên từ tinh thần phục vụ người dân ông ạ, không phải cứ mặc đẹp là đẹp hết đâu. (baogiaothong.vn 10/9)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Hai show diễn mới phục vụ du lịch trong tương lai

Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với đạo diễn, nhà văn Nguyễn Quang Vinh để hiểu hơn về chương trình và những thông điệp mà hai chương trình “Ai đã đặt tên cho dòng sông” và “Huế Show” muốn gửi đến công chúng. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết:

Cả hai chương trình được xây dựng dựa trên chất liệu văn hóa “nền”, để xây dựng một chương trình đậm chất dân dã, thể hiện được hồn cốt của văn hóa Huế.

Về chương trình “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, sẽ được dàn dựng, biểu diễn trên sông Hương, đoạn Công viên Trịnh Công Sơn. Lấy sông Hương làm chủ thể nội dung trong thiết kế kịch bản, chúng tôi muốn gửi đến khán giả và khách du lịch về “cuộc đời” dòng sông Hương. Câu chuyện kể của sông Hương trong suốt quá trình lịch sử của mình, là nhân chứng sinh động nhất, ấm áp nhất, tình cảm nhất, dữ dội nhất với lịch sử hình thành vùng đất Thuận Hóa, kinh đô Phú Xuân cho tới hôm nay.

Có lẽ đây là lần đầu tiên có một chương trình khắc họa lịch sử Huế từ dưới đáy sông Hương. Dưới đáy sông ấy là cổ vật, là những tầng văn hoá mà khi gọi tên, nó thể hiện đầy đủ chiều dài lịch sử của sông Hương, của người Việt cổ, của kinh thành Huế, như một thế giới thứ 2 của dòng sông Hương mộng mơ và bí ẩn.

Điểm nhấn nữa, chúng tôi sẽ cố gắng biến hình thái thiên nhiên bất khả kháng là “mưa Huế” thành biểu tượng nghệ thuật. Mưa Huế trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông” có 4 cấp độ: mưa bay bay, dàn dựng cảnh nữ sinh đi học, hạt mưa đủ thấm bờ vai; mưa nặng hơn dành cho cảnh đoàn xích lô chở khách; mưa dày hạt nữa dành cho những cảnh gánh hàng rong và mưa dồn dập là cảnh người dân chài lưới, lao động trên sông nước. Dù ở cấp độ mưa nào Huế cũng phải đồng hành và sống.

Chúng tôi quyết định không thực hiện bất cứ biện pháp thi công cứng nào trên dòng sông mà sân khấu chỉ là dòng sông Hương mềm mại tinh khiết, tĩnh lặng và dần dần sau mỗi tiết mục nghệ thuật trình diễn, sân khấu mới hình thành dần, đắp bồi dần.

Với “Huế Show”, chương trình sẽ được diễn ra tại cung An Định, với kế hoạch 100 show diễn để kể tất cả những câu chuyện về 9 chúa 13 vua. Chương trình sẽ phân chia thành hai nội dung. Gồm những câu chuyện hiếu thảo, các vị vua yêu nước… để giáo dục tình yêu nước, lễ nghi, lễ tiết trên dưới cho học sinh, sinh viên. Nội dung thứ 2 là những câu chuyện gây tò mò về chốn thâm cung để phục vụ du khách.

Hai chương trình sẽ có kết cấu, thời lượng phù hợp để trở thành sản phẩm du lịch hoạt động lâu dài. Nhưng như thế nào đi chăng nữa, hướng đi của chương trình cũng sẽ giản dị, mộc mạc. Trước hết, chương trình sẽ hướng đến khán giả là các em học sinh. Giữa các phân đoạn, chương trình mời các nhà nghiên cứu để trao đổi với học sinh, như là một lớp học ngoài trời.

“Ai đã đặt tên cho dòng sông” là chương trình tiếp nối của “Âm vọng sông Hương” tại Festival Huế 2018

Vì sao ông lựa chọn văn hóa “nền” để nói về lịch sử Huế?

Tiếp nối chương trình “Âm vọng sông Hương” tại Festival Huế 2018 dựa trên văn hóa dân gian, đời sống dân dã, văn hóa “nền” của Huế mà tôi may mắn làm đạo diễn, “Ai đã đặt tên cho dòng sông” và “Huế Show” tiếp tục để làm nổi bật dòng văn hóa gắn với đời sống người dân của Huế. Đó là cuộc sống lao động, tần tảo hướng tới sự mộc mạc, đơn sơ. Tôi nghĩ khai thác văn hóa “nền” là con đường đi bền bỉ hơn, hướng đến nhiều thành phần khán giả hơn.

Tôi lấy ví dụ một phân cảnh. Khi nghệ sĩ trên sân khấu rút hết, không gian vắng tanh. Xuất hiện một tiếng đi bộ lép bép trên đường rồi rao lên một tiếng “ai…lộn…”. Nghe ra thì bình thường, nhưng khắc vào tâm can của những người đến Huế và xa Huế, có thể khóc với tiếng rao ấy. Với một người yêu thương Huế và có nhiều ân tình với Huế thì tiếng đó đẹp vô cùng. Để có tiếng rao rất Huế ấy, ê kíp đã ghi âm lại từ những người đi bán trứng lộn dạo và chọn lọc tiếng rao đúng chất Huế nhất. Tôi nghĩ rằng, văn hóa bắt nguồn từ những điều nhỏ bé hàng ngày, chứ không phải những gì quá lớn lao.

Mục tiêu chính của hai chương trình là phục vụ Festival Huế 2020, sau đó mới đưa vào khai thác khách du lịch lâu dài, nhưng festival đã bị hoãn, vậy có nhiều thay đổi về kế hoạch này, thưa ông?

Thật buồn và tiếc khi Festival Huế 2020 bị hoãn vì dịch bệnh và không biết sẽ trở lại lúc nào. Tuy nhiên, với hai chương trình nói trên, chúng tôi vẫn xin phép UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho làm sau khi những biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch kết thúc. Nếu may mắn hết tháng 8/2020 này dịch hết, các biện pháp giãn cách xã hội chấm dứt, thì chúng tôi bắt đầu cho thi công 2 sân khấu và sau khi xong sân khấu, chúng tôi sẽ tập trung diễn viên để tập dượt.

Vì sao vẫn làm. Bởi vì cả hai chương trình đều phục vụ khán giả bất cứ lúc nào nếu họ tới Huế, nó không hệ luỵ vào khuôn khổ festival như các chương trình khác. Nếu bắt đầu từ festival, rõ ràng thuận lợi cho quảng bá. Còn giờ, khi tiến hành làm chương trình, buộc chúng tôi sẽ có phương án để quảng bá khác.

Chúng tôi không bị sức ép về thời gian nữa, khi Festival Huế 2020 tạm dừng, nên có thêm điều kiện tập luyện kỹ càng. Và tôi cũng sẽ lựa chọn những nghệ sĩ tên tuổi của các nước về tham gia hai chương trình này để khởi đầu thật ấn tượng, sau đó, những vai diễn của các nghệ sĩ ở xa sẽ bàn giao cho các diễn viên tại Huế để tiếp tục phục vụ khán giả.

Nếu mọi việc thuận lợi, tôi hy vọng hai chương trình hoàn thành và đón lớp khán giả đầu tiên là học sinh, sinh viên Huế vào năm học mới. (baothuathienhue.vn 11/9)

 
 
 

2.  Đàn ông Scotland còn mặc váy, sao đàn ông Việt phải ngại mặc áo dài?

Có người chê nam giới mặc áo dài đi làm như cán bộ Sở VHTT Thừa Thiên - Huế sẽ kém nam tính, nhưng đàn ông Scotland mặc váy trông vẫn mạnh mẽ, phong trần đó thôi.

Mấy hôm nay, hình ảnh các cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Thừa Thiên - Huế mặc áo dài truyền thống đến cơ quan trong ngày thứ hai đầu tháng gây nhiều cảm xúc cho cộng đồng mạng, trong đó có tôi. Điều đặc biệt là không chỉ chị em, cả anh em cũng mặc áo dài, loại áo ngũ thân, trên áo có tấm thẻ bài với 4 chữ "nguyên phong chấp sự", nghĩa là giữ gìn nếp xưa.

Mặc dù Sở chỉ yêu cầu mặc trang phục này một ngày mỗi tháng chứ không coi đó là đồng phục công sở nhưng trên mạng xã hội vẫn nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi về việc có nên yêu cầu các cán bộ, công chức Nhà nước mặc áo dài đi làm. Hình ảnh các nam cán bộ ở Huế mặc áo dài quá đẹp khiến rất nhiều cư dân mạng đề xuất nên áp dụng cho cả nước, ít nhất cũng là cho ngành Văn hóa. Có người cho rằng thay vì chỉ mặc vào ngày thứ hai đầu tiên trong tháng, nên khuyến khích các quý ông diện nó mỗi đầu tuần.

Rất nhiều ý kiến “phản biện” đề xuất này, cho rằng áo dài nam đẹp thì rất đẹp nhưng chỉ nên mặc lúc hội hè, trên sân khẩu hay các sự kiện văn hóa, không nên áp dụng ở công sở. Một trong các lý do họ đưa ra là chiếc áo với tà dài sẽ khiến các anh trở nên quá dịu dàng, giảm đi sự mạnh mẽ, nam tính.

Về chuyện có biến áo dài thành trang phục công sở của cán bộ Nhà nước hay không, cần có sự nghiên cứu chứ không thể làm theo cảm tính; phải tính đến nhiều yếu tố, bao gồm cả sự tiện lợi. Tuy nhiên, thật không đúng nếu cho rằng chiếc áo dài khiến nam giới mất đi nam tính. Tôi đoán rằng nhiều quý ông yêu áo dài, thích mặc áo dài nhưng ngần ngại không dám chính vì định kiến này.

Bây giờ mọi người mặc định đàn ông phải mặc đồ Âu – sơ mi, vest và quần tây - trông mới “menly”, nhưng nếu xem tivi, phim ảnh, hẳn bạn sẽ thấy tại nhiều nước, đàn ông vẫn mặc trang phục truyền thống của họ với tà áo dài, rộng tại nơi làm việc hay các sự kiện chính thức (không chỉ là sự kiện văn hóa). Người Hồi giáo chẳng hạn. Nhìn những quý ông mang phong cách “chiến binh của sa mạc” đó, chẳng ai dám nói họ ẻo lả, kém mạnh mẽ.

Chắc chắn nhiều người cũng không xạ lạ với cái váy của đàn ông Scotland. Váy hẳn hoi nhé, chứ không phải quần. Các quý ông nước này vẫn luôn sung sướng, tự hào mặc thứ trang phục gần như được mặc định là dành riêng cho phụ nữ này mỗi khi có thể. Trông họ vẫn thật cường tráng, ngời ngời khí chất nam nhi.

Đó là bởi chất đàn ông không toát ra từ tấm áo manh quần mà từ phong thái, dáng vẻ, cử chỉ, lời ăn tiếng nói và hành động. Vì thế, các đấng mày râu Việt nếu thích áo dài, thấy nó đẹp thì cứ mặc. Đàn ông Scotland còn mặc váy cơ mà, vậy cớ gì đàn ông Việt phải ngại khi mặc bộ đồ truyền thống của dân tộc mình? (vtc.vn 11/9)

 
 
 

3.  Vườn ngự uyển bên Đại Nội Huế hút khách sau khi được chỉnh trang

Sau khi được chỉnh trang, di tích hồ Tịnh Tâm - vườn ngự uyển bên Đại Nội Huế đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và du khách khi tìm đến đây tham quan, chụp hình.

Hồ Tịnh Tâm thuộc địa phận phường Thuận Thành, TP Huế (Thừa Thiên Huế). Đây là di tích cảnh quan được hình thành dưới triều Nguyễn và từng được xem là một trong 20 thắng cảnh của đất Thần Kinh. Theo Đại Nam thực lục, hồ Tịnh Tâm nguyên trước đây là ao Ký Tế. Đến thời Vua Minh Mạng thì ao được cải tạo, tái thiết thành chốn tiêu dao và đổi tên thành Hồ Tịnh Tâm. Hồ Tịnh Tâm trở thành một trong những vườn ngự uyển đẹp bật nhất của Kinh thành Huế lúc bấy giờ.

Hồ Tịnh Tâm là một tổng thể kiến trúc cung đình gồm nhiều công trình kiến trúc cảnh vật khác nhau được phân bố giữa một cảnh quan thiên nhiên sẵn có và được bàn tay con người cải tạo, bồi đắp thêm tạo nên một công trình kiến trúc cầu kỳ, tinh mỹ và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Với bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1500, hồ Tịnh Tâm có 3 hòn đảo: Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, hồ được ngăn cách với bên ngoài bằng 1 vòng tường thành bằng gạch, 4 mặt có 4 cửa ra vào.

Qua thời gian, do sự tàn phá của chiến tranh và thời tiết khắc nghiệt khiến một số kiến trúc trong hồ hư hỏng dần. Một thời gian dài, hồ Tịnh Tâm ở trong trạng thái hoang phế. Gần đây với sự nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế, trực tiếp là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng với người dân sống xung quanh, di tích hồ Tịnh Tâm đã được chỉnh trang và dần hồi sinh trở lại.

Quá trình chỉnh trang, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tập trung vào hai đảo Bồng Lai, Phương Trượng, mặt nước và đê Kim Oanh. Một cây cầu (bằng tre và gỗ) bắc qua đảo Phương Trượng đã được dựng lên để du khách có thể đi ra giữa hồ chụp ảnh, tham quan.

Đảo Bồng Lai sau khi được chỉnh trang, hiện đang có nhà bát giác mô phỏng theo nguyên bản, có hòn non bộ, trồng nhiều hoa cỏ, cây cảnh... đã tạo thành điểm nhấn, hấp dẫn cho hồ Tịnh Tâm. Từ khi được chỉnh trang, di tích hồ Tịnh Tâm - vườn ngự uyển bên Đại Nội Huế đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và du khách.

Nhiều người thích thú mặc áo dài, đến tham quan, chụp hình với hoa hướng dương tại hồ Tịnh Tâm. Được biết, di tích này hiện đang mở cửa miễn phí. Trong thời gian tới, đây sẽ là địa điểm đưa vào phục vụ các hoạt động văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế. (toquoc.vn 10/9)

 
 
 

4.   Ý kiến trái chiều khi nam công chức mặc áo dài đi làm

"Bên cạnh sự ủng hộ thì cũng có những ý kiến trái chiều. Điều đó cho thấy cộng đồng rất quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống", ông Phan Thanh Hải nêu quan điểm.

Trao đổi với Zing, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Thừa Thiên - Huế, cho biết ông rất bất ngờ về phản ứng của dư luận trước việc cơ quan này vận động nam công chức mặc áo dài ngũ thân đi làm.

Theo ông Hải, điều đó cho thấy cộng đồng rất quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống.

 “Bên cạnh sự ủng hộ thì cũng có những ý kiến trái chiều, tất cả đều đáng trân trọng. Việc này giúp chúng tôi thêm tin tưởng vào việc tái hiện lại phần nào những giá trị văn hóa truyền thống", ông Hải nói.

Cũng theo vị giám đốc sở, đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc. Qua đó, góp phần khẳng định thương hiệu "Huế - Kinh đô áo dài" của Việt Nam.

Những ngày qua, anh Đỗ Hữu Lân, cán bộ Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế, đã tự nguyện thực hiện việc mặc áo dài ngũ thân đến cơ quan. Nam cán bộ nói anh cảm thấy tự hào khi khoác lên mình bộ áo truyền thống này.

"Việc mặc áo dài vào đầu tuần mỗi tháng không có gì bất tiện và cản trở công việc", anh Lân chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Thái Bình, giáo viên ở TP Huế, cho rằng việc làm này rất ý nghĩa. Tuy nhiên, nam giáo viên cũng bày tỏ quan điểm, việc này chỉ nên áp dụng đối với công chức văn hóa, còn các ngành khác thì không phù hợp.

"Tại sao nhiều quốc gia như Ấn Độ, Indonesia... đàn ông mang áo truyền thống mà Việt Nam thì không", ông đặt câu hỏi.

Trước đó, từ ngày 7/9, Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế khuyến khích nam công chức của cơ quan này mặc áo dài ngũ thân đi làm việc vào ngày đầu tuần mỗi tháng. Đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung, kết hợp giao ban.

Những hình ảnh nam công chức mặc áo dài đi làm xuất hiện trên mạng xã hội đã gây tranh cãi.

Ngoài những quan điểm ủng hộ thì cũng không ít ý kiến cho rằng việc này không phù hợp, bất tiện, mang tính hình thức... (zingnews.vn 11/9)

 
 
 

5.  Nam cán bộ, công chức Sở VH-TT Huế mặc áo dài đi làm vẫn chưa có sự đồng thuận

Sau khi Sở Văn hóa - Thế thao tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai cho nam cán bộ, công chức mặc áo dài truyền thống đến công sở vào thứ Hai đầu tháng, dư luận đặc biệt quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều.

Ngày 7/9 vừa qua, toàn thể cán bộ, công chức khối Văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài truyền thống đến công sở dự lễ chào cờ, giao ban đơn vị và làm việc. Một cán bộ làm việc ở tỉnh Thừa Thiên - Huế ngỡ ngàng khi biết thông tin này. Anh cho rằng, việc mặc áo dài ngũ thân trong các nghi lễ, khánh tiết, đón khách nước ngoài, lễ hội, khi cúng kính ở họ tộc gia đình là hoàn toàn phù hợp. Nhưng yêu cầu công chức mặc cả ngày trong giờ làm việc thì không dễ ai chấp nhận. Bởi áo dài ngũ thân có nhiều tà, bất tiện trong thi hành công vụ, nhất là khi mà công việc ngày càng nhiều lên, người thì ít đi do giảm biên chế.

Nam công chức này ở Huế nêu quan điểm: "Chắc có lẽ Hội quảng cáo chứ không có chuyện đàn ông mặc áo dài đi làm. Ai đời đàn ông mà mặc áo dài đi làm việc. Tưởng phụ nữ thì được, áo tứ thân nó quá bất tiện. Lễ lạt thì rõ ràng là nên mặc, áo rất đẹp. Nhưng mặc áo dài đi làm lại là chuyện khác. Vào ngày lễ thì quy định mặc áo dài rất được hoan nghênh".

Ông Ngô Hòa, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là người từng có nhiều năm phụ trách mảng văn hóa xã hội của tỉnh, có 10 năm làm Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế rất băn khoăn về cách làm này. Ông Hòa cho rằng, việc vận động khôi phục áo dài ngũ thân là đúng. Tuy nhiên, việc biến áo dài thành trang phục công sở là không nên. Theo ông Ngô Hòa, Huế đang có Đề án Xây dựng kinh đô áo dài nên có các hoạt động khôi phục truyền thống áo dài nhưng chỉ nên khôi phục trong hoạt động lễ hội hoặc trong các nghi lễ thôi chứ không thể mặc đi làm cả ngày.

Cũng theo ông Ngô Hòa, chỉ nên vận động cán bộ, công chức và người lao động mặc áo dài khoảng 30 phút mỗi sáng thứ hai đầu tuần hoặc đầu tháng hoặc trong các dịp Lễ; sau đó mặc trang phục trở lại bình thường: "Ví dụ như một tuần hoặc trong các nghi lễ hoặc trong số các ngành nghề, như ở Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, ngành du lịch... thì có thể trang phục áo dài. Nhưng mà đối với cán bộ, công chức chỉ mặc khi có dịp lễ hội hoặc là 30 phút đầu tuần hoặc đầu tháng để mà biểu thị một nét đẹp văn hóa truyền thống áo dài. Quan điểm của tôi là ủng hộ hoàn toàn khôi phục áo dài nhưng phải sử dụng đúng mục đích, đúng ý nghĩa, đúng về

Trước đó, vào ngày 8/9, trả lời phóng viên VOV, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định Sở đã nghiên cứu và trang bị cho cán bộ, cả nam và nữ khối văn phòng trang phục áo dài truyền thống. Đặc biệt, đối với người nam, khi tạo nên hình ảnh với chiếc áo dài ngũ thân cũng sẽ rất đẹp, lịch lãm, trang nhã và rất truyền thống. Ông Hải cho biết áo dài ngũ thân đẹp, rất tiện dụng, mặc mùa hè và mùa đông đều rất phù hợp bởi đây là trang phục đã được thử thách qua hàng trăm năm.

Thế nhưng đến chiều hôm nay (10/9), sau khi dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, ông Phan Thanh Hải cho biết Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ khuyến khích chứ chưa có văn bản nào quy định phải mặc trong suốt cả ngày thứ hai đầu tháng: “Chúng tôi chỉ kêu gọi mọi người mặc vào ngày thứ hai đầu tháng, tức là khi có Lễ Chào cờ giao ban đầu tháng, sau Lễ chào cờ,  Sở cũng có giao ban ngắn như: quán triệt tình hình trong tháng, nhiệm vụ trong tháng, thời gian này kéo dài khoảng 30 phút. Sau này thì ai trở về việc nấy. Và tùy theo từng người, người nào thích thì tiếp tục mặc áo dài, người nào không thích thì cởi áo dài treo một bên đó để trở lại làm việc bình thường. Tôi khẳng định rằng, không có văn bản cấm hay quy định, hay bắt buộc cán bộ, công chức của ngành văn hóa phải mặc áo dài, mà đây hoàn toàn là sự khuyến khích”.

Việc cán bộ ở Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài khăn đóng vào thứ hai đầu tuần hàng tháng đang gây ra nhiều thắc mắc trong người dân. Những cán bộ, công chức ấy khi xuống dân vào ngày đầu tuần thì ăn mặc như thế nào? Tiền may trang phục ấy lấy từ đâu? Liệu mặc như vậy có tiện cho công việc?...

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Việt Nam cho rằng, nam giới rất cần có trách nhiệm bảo tồn áo dài truyền thống Việt Nam: "Một tháng mặc một tuần đầu thôi, mà trong tuần đầu đó mặc sáng thứ hai thôi đã là tốt lắm rồi hoặc là trong những dịp lễ. Thay vì mặc vest thì mặc áo dài. Bởi mặc vest có khi còn nóng hơn áo dài. Bởi áo dài rộng hơn, chứ còn mặc vest thì phải mặc sơ mi, mặc có lót còn nóng hơn. Trong những dịp lễ long trọng thì mặc áo dài, nhất là dịp đón khách quốc tế"./. (vov.vn 10/9)

 
 
 

6.  Giám đốc sở VH&TT Thừa Thiên - Huế: Áo dài ngũ thân che được khuyết điểm của người đàn ông

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, mặc áo dài ngũ thân không chỉ tiện lợi mà còn tạo phong thái đĩnh đạc, đàng hoàng cho người đàn ông.

Mới đây, sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Thừa Thiên - Huế đã áp dụng quy định nam công chức mặc áo dài ngũ thân truyền thống đến công sở vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng, bắt đầu từ ngày 7/9.

Sáng 7/9, cán bộ, công chức sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc trang phục áo dài truyền thống dự lễ chào cờ hàng tháng. Không chỉ nữ giới, cả nam giới từ nhân viên đến lãnh đạo tham gia buổi lễ đều mặc áo dài ngũ thân, khăn đóng và đi giày Tây.

Hình ảnh trên đã thu hút sự quan tâm và gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận. Trả lời PV Đời sống & Pháp luật, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những chia sẻ khá chi tiết về quy định này nhằm rộng đường dư luận.

PV: Hình ảnh nam cán bộ, công chức của ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài ngũ thân truyền thống đến công sở được lan truyền khá rộng rãi trong những ngày gần đây và gây ra nhiều ý kiến trái chiều, có cả ủng hộ lẫn phản đối, ông có nắm bắt được những ý kiến đó không và nghĩ sao về sự việc này?

Ông Phan Thanh Hải: Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn theo dõi dư luận để nghiên cứu và bổ sung, điều chỉnh kịp thời. Chúng tôi rất cầu thị và trân trọng tất cả các ý kiến đóng góp của dư luận, nhất là những ý kiến mang tinh thần xây dựng.

Một hiện tượng mới xuất hiện trong đời sống xã hội mà nhận được nhiều ý kiến đóng góp là điều bình thường. Càng nhiều ý kiến góp ý chững tỏ vấn đề ấy càng nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Chúng tôi thấy vui mừng về điều này.

Chúng tôi cho rằng, như việc phục hồi chiếc áo dài nữ và đưa áo dài nữ vào trường học, công sở trước đây, chắc chắn sự việc này sẽ gây ra nhiều ý kiến. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta đang thực hiện việc phục hồi một truyền thống tốt đẹp, một di sản quý của dân tộc nên cần mạnh dạn thực hiện.

Hy vọng cộng đồng sẽ ủng hộ chiếc áo dài nam ngũ thân - chiếc áo từng được xem là Quốc phục của người Việt trong hàng trăm năm, và từ đó tự nguyện cùng thực hiện việc phục hưng di sản này, để có sự thành công ngoạn mục như đối với áo dài nữ.

PV: Ông có thể cho biết, ý tưởng cho việc nam công chức mặc áo dài được bắt nguồn từ đâu?

Ông Phan Thanh Hải: Thực ra, sở VH&TT đang được tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam". Đây là một đề án dài hơi, không chỉ nhằm phục hưng một truyền thống văn hóa, một di sản của cố đô Huế mà còn góp phần thiết thực để hỗ trợ ngành du lịch dịch vụ phát triển.

Chúng tôi xem đây là một hành động đúng đắn và thiết thực để triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà mục tiêu là xây dựng Cố đô Huế thành một đô thị di sản đặc thù, thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng của văn hóa, di sản và bản sắc vùng đất Huế.

Sau khi tổ chức hội thảo khoa học vào tháng 7 vừa qua để tranh thủ ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà thiết kế, nghệ nhân may áo dài và đông đảo cộng đồng, Sở mới bắt đầu thực hiện thí điểm việc mặc áo dài trong khối văn phòng (áp dụng vào ngày thứ Hai đầu tháng, kết hợp lễ chào cờ, giao ban).

Chúng tôi hy vọng từ đây sẽ có sự lan tỏa rộng rãi sang các ngành, đơn vị khác và ra cộng đồng, và cũng như đối với việc mặc áo dài nữ trước đây, sẽ có sự lan tỏa ra toàn xã hội, dần dần được cộng đồng chấp nhận và tự nguyện thực hiện.

PV: Khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng trên, sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế có gặp vướng mắc gì không?

Ông Phan Thanh Hải: Chúng tôi rất thuận lợi vì nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh, anh em trong khối văn phòng sở lại rất hào hứng khi thực hiện.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng trang phục này không tiện để di chuyển và gặp khó khăn trong công việc, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Phan Thanh Hải: Đó là những người chưa hiểu, chưa từng mặc áo ngũ thân thôi. Thực ra mặc bộ ngũ thân rất tiện lợi và che được nhiều khuyết điểm của người đàn ông, hơn thế còn tạo nên tác phong đĩnh đạc, đàng hoàng.

Mặt khác, bộ trang phục này chỉ mặc trong nghi lễ, mọi người có thể thay ra khi làm việc bình thường. Sở chỉ khuyến khích chứ không quy định bắt buộc cán bộ công chức mặc. Lưu ý răgf, chúng tôi chỉ sử dụng mỗi tháng 1 lần vào thứ Hai đầu tháng và các nghi lễ truyền thống.

PV: Ngoài việc diện áo dài thì sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên- Huế còn muốn triển khai những hoạt động nào để góp phần tôn vinh trang phục truyền thống này?

Ông Phan Thanh Hải: Như đã nói trước đó, chúng tôi đang thực hiện đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam", vì vậy nên vẫn còn nhiều việc phải làm.

Sắp tới là việc tuyên truyền quảng bá để cộng đồng hiểu đầy đủ và đúng về chiếc áo dài truyền thống, nhất là áo ngũ thân của nam giới. Chúng tôi sẽ sớm tổ chức "Ngày hội áo dài Huế" với rất nhiều hoạt động liên quan đến chiếc áo dài Huế. (doisongphapluat.com 10/9)

 
 
 

7.  Khen thưởng Công an Hương Thủy phá thành công nhiều tụ điểm ma túy

Sáng 10/9, UBND TX. Hương Thủy tổ chức biểu dương, khen thưởng tập thể Công an TX. Hương Thủy từ những thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Theo đó, UBND TX. Hương Thủy thưởng nóng tập thể Công an thị xã 5 triệu đồng khi đã đấu tranh, triệt xóa thành công 2 tụ điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn 2 xã: Thủy Vân và Thủy Bằng. Đồng thời, trao tặng giấy khen cho 8 cán bộ, chiến sỹ về thành tích đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy.

Thời gian qua, tội phạm ma túy trên địa bàn diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tinh vi, xảo quyệt. Một số đối tượng còn lợi dụng dịch vụ giao hàng để giao dịch mua bán trái phép chất ma túy, hoạt động theo đường dây khép kín, có tổ chức chặt chẽ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an TX. Hương Thủy đã liên tiếp phá nhiều chuyên án về vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.

Gần đây nhất, khoảng 2h sáng 3/9, Công an thị xã bất ngờ kiểm tra nhà nghỉ Tuổi Hồng (thôn Cư Chánh 1, xã Thủy Bằng), phát hiện và bắt quả tang 23 đối tượng nam, nữ đang có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ gần 4,9g ma túy dạng Ketamine và hơn 0,7g ma túy dạng thuốc lắc. Tiến hành test nhanh, tất cả 23 đối tượng đều dương tính với ma túy.

Trước đó, ngày 29/8, Công an thị xã Hương Thủy phát hiện, bắt giữ 25 đối tượng đang tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy tại căn hộ cao cấp ở khu đô thị Royal Park (xã Thủy Vân). Căn hộ này được đối tượng Nguyễn Viết Sang (SN 1990, trú ở P. Trường An - TP. Huế) thuê lại, sau đó cải tạo các phòng, trang bị công cụ, phương tiện cho các đối tượng thuê sử dụng ma túy.

Hiện, Công an TX. Hương Thủy đang củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng trên về những tội danh đã nêu. (baothuathienhue.vn 10/9)

 
 
 

8.  Đồng hành, sẻ chia với người lao động

Kết nối đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID - 19 với các nhà hảo tâm, tổ chức và doanh nghiệp thông qua các hoạt động từ thiện, sẻ chia khó khăn là mục tiêu Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế hướng đến thời gian qua.

Thiết thực

Đầu tháng 9 vừa qua, trụ sở cơ quan LĐLĐ TP. Huế thêm phần nhộn nhịp với sự xuất hiện của cây ATM gạo dành cho đoàn viên, người lao động khó khăn.

Theo đó, 1.000 phiếu nhận quà đã được LĐLĐ thành phố chuyển đến các đoàn viên, người lao động khó khăn cần giúp đỡ. Với mỗi phiếu nhận quà, người nhận sử dụng 3 lần, mỗi lần nhận được 2kg gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm, đồ dùng khác như: dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, khẩu trang, sách vở...

Trên tay cầm suất quà vừa nhận được, ông Lê Như Thông, đoàn viên Nghiệp đoàn xích lô-  xe thồ Đông Ba chia sẻ, từ đầu năm đến nay, thu nhập của anh em trong nghề giảm nặng do ảnh hưởng COVID- 19. Khách du lịch rất ít cộng thêm người thuê chở hàng hóa vơi dần nên ai nấy đều lâm vào tình trạng khó khăn. Những phần quà do công đoàn hỗ trợ giúp những người hành nghề xích lô, xe thồ như ông vơi bớt gánh nặng kinh tế.

Bà Hoàng Thị Như Thanh, Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế cho biết, riêng với cây MTM gạo, đơn vị đã vận động, quyên góp từ các doanh nghiệp và nhà hảo tâm gần 10 tấn gạo và sẽ tiếp tục vận động thêm trong thời gian tới. Cây ATM gạo hoạt động tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ) nhằm phục vụ kịp thời cho các hoàn cảnh khó khăn và tránh tình trạng ùn tắc xảy ra, đảm bảo tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch.

Được biết, vừa qua, LĐLĐ thành phố còn phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh hỗ trợ 1 tấn gạo và 100 thùng mì tôm cho 100 đoàn viên các nghiệp đoàn trực thuộc.

Đồng hành

Không chỉ lực lượng người lao động hành nghề xích lô, xe thồ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, theo số liệu thống kê của LĐLĐ thành phố, tính riêng khối doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trực thuộc đã có 36/123 doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động, trong đó 2 doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ giải thể. Đoàn viên công đoàn trong khối doanh nghiệp toàn thành phố đã giảm gần 30% so với thời gian trước dịch (riêng khối du lịch, dịch vụ giảm trên 50%).

Trước tình hình đó, LĐLĐ thành phố đã đứng ra kêu gọi, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức và nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ người lao động khó khăn. Từ khi dịch COVID - 19 tái bùng phát vào cuối tháng 7, đơn vị đã tiếp nhận số tiền gần 100 triệu đồng, hơn 10 tấn gạo, 4.800 khẩu trang, 43 thùng sữa, 110 thùng mì tôm, 400 kg rau củ quả, thực phẩm khô các loại và hơn 4.000 quyển vở; 4.000 cây bút, 200 bộ sách, 250 áo quần đồng phục, 100 dụng cụ học tập khác do cán bộ, đoàn viên, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ.

Việc vận động các doanh nghiệp và cá nhân chung tay hỗ trợ trong bối cảnh hoạt động kinh doanh sản xuất khó khăn không mấy dễ dàng, quan trọng nhất là phải tổ chức được các hoạt động ý nghĩa giúp đỡ đoàn viên, người lao động, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng mới có thể tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, các nhà hảo tâm. “Bên cạnh hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm và các đồ dùng khác cho các hoàn cảnh khó khăn, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở trực thuộc chủ động phối hợp cùng chủ doanh nghiệp tìm phương án hỗ trợ đời sống cho đoàn viên, người lao động tại đơn vị với các hình thức phù hợp, nhằm cùng với cả hệ thống chính trị chung tay vượt qua đại dịch”, bà Hoàng Thị Như Thanh cho biết thêm. (baothuathienhue.vn 10/9)

 
 
 

9.  Nam giới mặc áo dài đến công sở: Tại sao lại khó vừa mắt?

  Nam nhân viên của tỉnh Thừa Thiên Huế đến công sở với bộ trang phục áo dài ngũ thân truyền thống, đầu đội khăn đóng, chân đi giầy Tây vào buổi chào cờ đầu tháng đang nhận được sự quan tâm của dư luận với những ý kiến cả khen lẫn chê

Bắt đầu từ ngày 7-9, các nhân viên đang làm việc tại Sở VH-TT Thừa Thiên Huế, cả nam và nữ đều mặc áo dài truyền thống. Nữ mặc áo dài màu tím đặc trưng có họa tiết hoa sen. Nam mặc áo dài ngũ thân có màu xanh đậm, quần trắng. Thậm chí, họ còn mang tấm thẻ bài mô phỏng theo kiểu xưa với 4 chữ nho là "Nguyên Phong Chấp Sự", tức là giữ gìn phong tục xưa.

Phụ nữ đi làm mặc áo dài đã không còn là chuyện hiếm nhưng nam mặc áo dài đến công sở thì có lẽ Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng. Tất nhiên, với một việc mới mẻ nơi công sở như thế đã nhận được không ít lời bàn ra tán vào.

Xôn xao cũng phải, vì mọi người thường quen với hình ảnh nam công sở mặc sơ mi, quần tây hoặc vest, chứ lâu lắm, không thấy cánh đàn ông mặc áo dài đi làm. Và vì thế, người ta mặc định cho rằng, áo dài thuộc về phái đẹp với vẻ thướt tha, dịu dàng.

Nam giới diện áo dài đi làm xem ra còn lạ lẫm, khó vừa mắt trong thời đại 4.0. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, áo dài nam bất tiện, chỉ mặc một chốc một nhát lúc làm lễ, chứ mặc cả ngày nơi công sở sẽ bức bối, khó chịu. Đặc biệt, cảm giác ấy sẽ tăng lên nếu phòng làm việc không có điều hòa hoặc những công việc phải ra đi lại vận động nhiều.

Tuy nhiên, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế lại khẳng định, mặc áo dài nam ngũ thân hoàn toàn thoải mái và dễ chịu. Bản thân ông cũng thường xuyên mặc áo dài nam trong suốt nhiều năm qua với các buổi ngoại giao tiếp Nhật hoàng Akihito, Đại sứ quán Mỹ... Các chính khách đều rất thích thú với trang phục truyền thống của người Việt và tôn trọng văn hóa lâu đời của Việt Nam. Hơn thế, chiếc áo này không phải một sáng kiến mới mẻ của Huế mà thế hệ ngày nay chỉ việc lấy từ kho tàng của cha ông đem ra sử dụng.

Theo ông Phan Thanh Hải, chiếc áo dài nam ngũ thân được sinh ra ở Huế với cuộc cải cách trang phục vào năm 1744 của chúa Nguyễn Khoát. Chiếc áo dài ngũ thân dành cho mọi tầng lớp trong xã hội bên cạnh lễ phục. Đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng đã đưa áo dài ngũ thân dành cho nam thành quốc phục và từ đó, nam giới từ Bắc tới Nam đều mặc, không phân biệt tuổi tác, chức sắc.

Việc khởi động lại mặc áo dài ngũ thân đối với nam giới ở nơi công sở, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế không phải hành động ngẫu nhiên mà là một hoạt động nằm trong đề án "Huế-kinh đô áo dài" nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bộ "quốc phục" từ bao đời nay. Đơn vị này sẽ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng nhưng không áp dụng đối với những người thường đi ra ngoài làm việc. Đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị.

"Huế sẽ phục hồi áo dài nam và áo dài nữ, không chỉ có áo dài ngũ thân mà còn có áo dài truyền thống, áo dài cách tân. Phụ nữ mặc áo dài được thì không có lý gì đàn ông không làm được. Cứ đi rồi sẽ đến, đến một lúc nào đó, người ta sẽ nhìn về Huế rất hấp dẫn và đó là mục tiêu sâu xa để phát triển du lịch, kinh tế xã hội của tỉnh nhà", ông Phan Thanh Hải nói.

Trước những ý kiến trái chiều về áo dài nam nơi công sở, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt cho rằng, những người cho rằng, mặc áo dài nam nơi công sở sẽ bất tiện đều chỉ là võ đoán. Vì họ chưa mặc áo dài ngũ thân bao giờ và bị ám thị với áo dài sân khấu (áo dài khăn xếp của nghệ thuật chèo). Áo dài ngũ thân may theo đúng truyền thống rất gọn gàng, không bó chặt vào người hay lại rộng lùng thùng.

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam muốn nhìn nhận câu chuyện mặc áo dài nam ở Huế theo góc độ tích cực hơn. Tức là, việc nam công chức Huế mặc áo dài ngũ thân sẽ làm cho mọi người nhìn về vùng đất này tò mò và thú vị, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và mang về nguồn lợi cho người dân nơi đây bằng cách tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập.

Đỗ Trịnh Hoài Nam còn chia sẻ, bản thân anh khi nhìn thấy nam giới mặc áo dài nơi công sở cũng cảm thấy không quen mắt. Trước đây, mặc áo dài trong một không gian khác. Ngày nay nếu muốn đem áo dài thành đồng phục công sở thì cần sự cải tiến, cách tân để phù hợp với bối cảnh, công việc hiện nay. Người Nhật mặc Kimono cũng có sự cách tân về mặt chất liệu, kiểu dáng phù hợp với thời hiện đại.

"Tuy nhiên, ý tưởng về việc xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài rất tuyệt vời. Cả nam và nữ cả Huế mặc áo dài vào mọt ngày nhất định tạo sự thú vị với khách du lịch. Cả nước sẽ nhìn vào Huế như một nơi gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của cha ông", nhà thiết kế này nói.

Trong khi việc nam công chức mặc áo dài đi làm tiếp tục nhận được những đóng góp, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, tỉnh chỉ khuyến khích các nhân viên diện áo dài vào một ngày nhất định trong tháng. Đây chưa trở thành quy định mang tính bắt buộc với người lao động. (anninhthudo.vn 10/9)

 
 
 

10.  Liên đoàn Lao động huyện Phú Vang: Nhiều hoạt động hỗ trợ, ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19

Chiều 10/9, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phú Vang tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng vật tự y tế, nhu yếu phẩm cho cán bộ, đoàn viên thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, Khu cách ly T3 và T4 tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang.

Dịp này, đại diện công đoàn và lãnh đạo huyện đã thăm hỏi và động viên cán bộ, đoàn viên ở các nơi và trao tặng 12.000 khẩu trang, 1.400 găng tay, 20 mũ chống giọt bắn, 30 thùng sữa, 120 thùng mì tôm, 60 kg gạo và 40 lít dầu ăn với tổng trị giá gần 90 triệu đồng, nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch.

Được biết, đây là hoạt động hưởng ứng kế hoạch của LĐLĐ tỉnh về việc chăm lo cho đoàn viên, người lao động và phối hợp thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19. Sau 2 tuần LĐLĐ huyện Phú Vang đã triển khai vận động đoàn viên, công nhân lao động ủng hộ phòng chống dịch, đã có 74 CĐCS trực thuộc tham gia ủng hộ.

LĐLĐ huyện còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện chuyển số tiền 50 triệu đồng từ nguồn vận động phòng chống dịch cho LĐLĐ tỉnh để hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngoài số vật tư y tế, nhu yếu phẩm ủng hộ đợt này, LĐLĐ huyện sẽ tiếp tục phân bổ số hàng hóa còn lại cho các trường hợp khó khăn khác. (baothuathienhue.vn 11/9)

 
 
 

11.  Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam: Công chức Huế mặc áo dài là hình ảnh đẹp, sao lại phản ứng?

Trước những tranh cãi về việc cán bộ, công chức của Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên- Huế mặc áo dài truyền thống đến cơ quan làm việc vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng, trong đó, các nam công chức mặc áo dài ngũ thân, đội khăn đóng, nhà thiết kế (NTK) Đỗ Trịnh Hoài Nam, Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam đã lên tiếng ủng hộ việc làm này. NTK cho biết rất ấn tượng khi nhìn thấy những hình ảnh nam công chức mặc áo dài đến công sở, nhất là tại Huế, chiếc nôi văn hóa truyền thống, nơi tà áo dài đã tạo nên những lát cắt đặc trưng.

. Anh cảm nhận thế nào khi nhìn thấy hình ảnh đàn ông Huế mặc áo dài tới công sở?

Đó là những hình ảnh rất đẹp và lạ. Tôi hoàn toàn ủng hộ Sở VHTT của Huế khi họ đã tiên phong triển khai việc đưa áo dài, đặc biệt là áo dài nam vào hoạt động công sở. Huế là địa danh nổi tiếng với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, và đặc biệt hình ảnh áo dài Huế đã trở thành một thương hiệu có sức thu hút. Cứ hình dung buổi sáng mọi người đi làm trong những tà áo dài, dù nam hay nữ đều tạo nên hiệu ứng thú vị. Huế là vùng đất có nguồn thu lớn từ du lịch, việc làm này nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo sức lan tỏa để thu hút du khách.

Tất nhiên đã là tiên phong thì sẽ tạo sự tò mò và cả những tranh luận.  Nhưng như tôi đã nói, hình ảnh đẹp, vì sao lại phản đối?

. Trong nhiều tranh cãi, không ít ý kiến cho rằng, áo dài ngũ thân của nam giới không hiện đại, bất tiện và không phù hợp với môi trường công sở. Anh nghĩ sao?

Thực tế luôn có nhiều quan điểm khác nhau. Nam giới mặc áo dài hiện nay là số ít, nhất là áo dài ngũ thân. Khi chưa quen với những thay đổi khác biệt thì sẽ có nhiều tranh cãi, về hình ảnh, chất liệu và bối cảnh xuất hiện. Tôi nghĩ rằng những lý do vướng víu hay bất tiện... đều chỉ vì người ta chưa quen. Ví như việc đội mũ bảo hiểm hay đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19..., dần dần cũng đã trở thành thói quen, nhưng mới đầu không phải không có phản ứng. Thế nên, chuyện đàn ông không muốn mặc áo dài  thì cũng sẽ có nhiều lý do đưa ra.

Nhưng điều chúng ta cần nhìn nhận ở đây là việc công chức Huế mặc áo dài sẽ tạo nên những hiệu ứng gì tích cực. Nhìn ở góc độ người quản lý, đây là việc làm để quảng bá rộng rãi áo dài, một lần nữa khẳng định thương hiệu áo dài xứ Huế vốn đã đi vào thơ ca nhạc họa. Câu chuyện văn hóa Huế sẽ được kể đa  dạng hơn, thu hút hơn,  giúp  du lịch Huế đi lên, thu hút du khách và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân.

Nhiều kỳ cuộc tôn vinh áo dài chỉ chủ yếu đề cập đến áo dài nữ. Rườm rà, tốn kém, ẻo lả..., có phải cách nhìn nhận đó khiến áo dài nam cho đến nay chưa được mặn mà đón nhận?

Nghệ sĩ sân khấu và  các NTK có thể sẽ thiết kế những trang phục màu mè, cầu kỳ, tạo sự chú ý. Nhưng với những trang phục mang tính ứng dụng cao, chất liệu mát mẻ, dễ chịu, họa tiết hoa văn trang nhã, vừa phải... như những bộ trang phục áo dài ngũ thân nam giới, khi mặc sẽ cảm nhận được sự trang nghiêm và không hề bó buộc.

Tất nhiên vì chưa quen nên nhiều người mới áp cho áo dài nam những thứ bất tiện ấy. Bên Ấn Độ, nam giới vẫn thường xuyên mặc áo dài. Tôi tin nếu Huế làm được dự án này thành công thì sẽ tạo nên những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, ấn tượng. Áo dài nữ đã trở thành trang phục không thể thiếu trong văn hóa Việt thì áo dài nam cũng vậy. Khi tôi mang áo dài ra nước ngoài, khách quốc tế luôn gọi tên áo dài Việt Nam. Đó là thương hiệu của người Việt mà chúng ta đều phải chung tay gìn giữ.

Cá nhân tôi suy nghĩ đây là hướng đi đúng, tuy nhiên cũng có thể cân nhắc sử dụng những bộ áo dài có cải tiến cho phù hợp với bối cảnh hiện đại. Tôi sẵn sàng đưa ra những thiết kế lấy ý tưởng từ áo dài ngũ thân nhưng có thay đổi, hiện đại hơn để tặng TP Huế.

Đây là hành động tiên phong trong công tác bảo tồn, quảng  bá cho áo dài truyền thống xứ Huế, hướng đến xây dựng “Kinh đô áo dài Việt Nam”. Anh có suy nghĩ gì về hướng đi này?

Điều đó rất tuyệt vời. Từ hướng đi này sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo thêm công ăn việc làm,  giúp kinh tế phát triển. Huế là cái nôi về văn hóa, có nhiều lễ hội trình diễn áo dài, vì thế đây sẽ là dự án để những nét truyền thống đó tiếp tục lan tỏa. Với bản sắc đặc thù, đây là hướng đi riêng để Huế vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa tạo thêm sức thu hút để phát triển du lịch. Tôi cho rằng đó là một hướng đi có tầm nhìn, tạo động lực phát triển trên nền tảng văn hóa truyền thống, đặc biệt khi Huế và cả nước vừa trải qua nhiều khó khăn do đại dịch Covid- 19. (baovanhoa.vn 10/9)

 
 
 

12.  Công sở không phải nơi trình diễn thời trang

Nam, nữ công chức, viên chức, người lao động mặc áo dài đến công sở làm việc vào sáng thứ Hai đầu tuần, đầu tháng đúng hay sai? Câu hỏi này nảy sinh khi mới đây Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai cho cán bộ công chức mặc áo dài truyền thống vào ngày 7/9.

Việc mặc áo dài nữ trước nay đã rất “thuận mắt”. Không chỉ trong những dịp lễ, đại hội, hội nghị, muốn thể hiện sự tôn nghiêm, mà ở những cơ quan, công ty, khách sạn muốn thể hiện sự trang trọng, nữ nhân viên đều mặc áo dài. Còn với nam, có lẽ việc mặc áo dài thường bắt gặp khi vào ngày lễ, ở nơi đình chùa, miếu mạo hay là dịp trình diễn thời trang.

Câu chuyện mặc áo dài với nam, nữ cán bộ, nhân viên của ngành văn hóa thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế vào ngày 7/9 không phải việc ngẫu hứng. Trước đó, vào ngày 8/7, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”.

Hội thảo là một trong chuỗi sự kiện kỷ niệm tri ân các vị tiền nhân, tôn vinh nét đẹp truyền thống của áo dài Huế. Tham dự Hội thảo có Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ; Đại diện Bộ VHTTDL, Hội LHPN Việt Nam; các nhân sĩ, trí thức, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nhà thiết kế - may mặc trong và ngoài tỉnh. Tại Hội thảo này, ông Phan Ngọc Thọ và nhiều đại biểu đều mặc áo dài ngũ thân truyền thống.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng: Áo dài ngũ thân cho nam giới không phải là áo lễ mà là thường phục truyền thống của đàn ông Việt Nam có từ thời cải cách trang phục chúa Nguyễn Phúc Khoát (năm 1744). Vì lẽ đó, sáng ngày 9/7, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Hệ 9 Tiền biên tổ chức húy kỵ và tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát tại lăng Trường Thái và Triệu Tổ Miếu. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ mặc áo dài ngũ thân tới dự buổi lễ.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo ngày 8/7, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những trao đổi, thảo luận, góp ý mang tính xây dựng, có tính khoa học cao nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”.

Và cho biết: Trong thời gian tới tỉnh sẽ triển khai các giải pháp để khích lệ, cổ vũ người dân mặc áo dài truyền thống không chỉ trong các dịp lễ nghi mà có thể mở rộng trong các sinh hoạt cộng đồng, để tôn thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên, phong cảnh và con người Huế; làm cho Huế đẹp hơn, nên thơ hơn, khẳng định áo dài là quốc phục Việt Nam.

Ông Phan Ngọc Thọ nói: “Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, phát động nhiều chương trình để lan tỏa nét đẹp văn hóa Huế qua trang phục áo dài truyền thống. Tôi đã có thư ngỏ vận động cán bộ công sở, giáo viên, học sinh, sinh viên trên toàn tỉnh cùng mặc áo dài ít nhất 2 ngày/tuần; miễn phí vé tham quan di sản Huế đối với phụ nữ mặc áo dài truyền thống trong các ngày lễ, Tết.

Tới đây, bản thân tôi sẽ mặc áo dài trong các cuộc tiếp đại sứ nước ngoài đến thăm và làm việc tại Huế nhằm quảng bá giá trị văn hóa áo dài truyền thống Huế cũng như làm gương để cán bộ, công viên chức noi theo”.

Trái với quan điểm chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát là người quy định về trang phục áo dài, hay là “ông tổ áo dài ngũ thân”, tại Hội thảo ngày 8/7, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan cho rằng: Cần xem lại có đúng chúa Nguyễn Phúc Khoát đã định ra việc mặc áo dài không? Bởi vì sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn lại chép rằng chúa đã khiến phụ nữ mặc áo ngắn, hẹp tay như áo đàn ông, chứ không nói về áo dài hay áo năm thân - tiền thân của áo dài.

Từ sự khích lệ của Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên-Huế Phan Thanh Hải đã “thử nghiệm” việc mặc áo dài với cán bộ nam nữ của Sở. Ông Hải cho phóng viên báo chí biết: “Thực tế, Sở VHTT hoàn toàn không biến nó thành trang phục công sở mà chỉ mong muốn khuyến khích mọi người nhớ đến di sản văn hóa và phục hồi di sản văn hóa đó của dân tộc”.

Về khía cạnh mặc áo dài ngũ thân có gây trở ngại gì đến công việc tại công sở hay không, ông Phan Thanh Hải cho rằng vào ngày thứ Hai và thứ Sáu, phụ nữ đều mặc áo dài đi làm nên việc nam công chức mặc áo dài ngũ thân đến công sở vào ngày thứ Hai đầu tuần mỗi tháng cũng không bất tiện. Ông Hải nói: “Áo ngũ thân có thể mặc bất cứ lúc nào vì tà ngắn, quần hai ống, cho phép đi giày tây cũng rất trang nghiêm, kín đáo, tiện lợi và năng động”.

Nếu như nam cán bộ nhân viên ngành văn hóa thể thao của tỉnh Thừa Thiên-Huế thấy mặc áo dài ngũ thân truyền thống không hề bất tiện, và họ thích mặc khi đến công sở thì sao? Có phạm quy định gì không? Câu trả lời nằm tại Điều 5, Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước (Ban hành kèm theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 2/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ): “1. Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự. 2. Cán bộ, công chức, viên chức có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều 6. Lễ phục. Lễ phục của cán bộ, công chức, viên chức là trang phục chính thức được sử dụng trong những buổi lễ, cuộc họp trọng thể, các cuộc tiếp khách nước ngoài. 1. Lễ phục của nam cán bộ, công chức, viên chức: bộ comple, áo sơ mi, cravat. 2. Lễ phục của nữ cán bộ, công chức, viên chức: áo dài truyền thống, bộ comple nữ. 3. Đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, trang phục ngày hội dân tộc cũng coi là lễ phục”.

Còn tại Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND ban hành Quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày 31/8/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, có hiệu lực kể từ ngày 10/9/2018 thì: “Về trang phục làm việc, khi thực hiện nhiệm vụ, công chức phải mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục được quy định như sau: Đối với nam: Mặc quần tây, áo sơmi; bộ com-lê nam.

Đối với nữ: Bộ áo dài truyền thống; váy dài; bộ com-lê nữ; quần tây và áo sơ mi. Cán bộ, công chức, viên chức nữ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh mặc Bộ áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai hàng tuần (Đối với những ngành có quy định riêng về đồng phục thì thực hiện theo quy định của ngành đó)”.

Như vậy, nếu các cơ quan hành chính của tỉnh Thừa Thiên-Huế muốn cán bộ, nhân viên, người lao động mặc áo dài nơi công sở thì cần có những điều chỉnh trong quy định nội bộ.

Áo dài là đỉnh cao trang phục truyền thống một thời. Tất nhiên ý nghĩa mặc áo dài để tri ân và nhớ về văn hóa truyền thống là tốt (không cứ là của chúa Nguyễn Phúc Khoát hay không, mà nó đã là truyền thống một thời), và chắc chắn là hơn phục trang truyền thống kiểu “cởi trần đóng khố, xăm mình” xa xưa. Tuy nhiên, những người quản lý Nhà nước, quản lý ngành nên lưu ý: Đến thế kỷ 20, phong trào cổ vũ âu phục lên ngôi không phải không có lý do.

Trong các lý do nổi bật là sự tiện lợi và hình thức của âu phục hơn hẳn. Vì vậy, việc ăn mặc áo dài truyền thống với nam, nữ cán bộ, nhân viên chỉ nên áp dụng với ngành văn hóa, du lịch trong những ngày, dịp cần thiết chứ không nên đại trà, rộng khắp.

Bởi vì, công dân đến các cơ quan công sở là để giải quyết các công việc, chứ không phải là đến để xem trình diễn áo dài, hay giáo dục về văn hóa truyền thống. (daidoanket.vn 10/9)

 
 
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
 

1.  Thừa Thiên Huế: Ứng dụng CNTT để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Theo Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, ứng dụng CNTT để phát triển chính quyền điện tử, hiện đại hoá nền hành chính không chỉ giúp cho công việc được vận hành tốt hơn, mà còn góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; tạo sự công bằng, minh bạch và hiệu quả trong công việc, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Thừa Thiên Huế: Ưu tiên xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp 4.0 / Sao Khuê 2020: Giải pháp của Trung tâm IOC Thừa Thiên Huế được vinh danh

Đổi mới từ những cuộc họp không giấy

Xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước là một trong những giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính và là công cụ quan trọng trong việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC), thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng CNTT, xem đây là nền tảng cơ bản để phát triển chính quyền điện tử.

Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đi đầu trong việc thực hiện tin học hoá gắn liền với CCHC và chuẩn hoá các quy trình giải quyết công việc.

Hiện tất cả hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức được quản lý bằng các phần mềm ứng dụng. 100% công việc được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng theo quy trình khép kín từ khâu tiếp nhận, xử lý, trình xin ý kiến, ký và phát hành văn bản, sử dụng chữ ký điện tử để giảm tỷ lệ phát hành văn bản giấy.

Đầu năm 2020, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu UBND tỉnh triển khai áp dụng “Phòng họp không giấy - eCabinet”. Với eCabinet, trước các cuộc họp của UBND tỉnh, nội dung chương trình và các tài liệu số của cuộc họp được chuẩn bị, xem xét, phê duyệt và được chuyển đến các đại biểu nghiên cứu trước. Các câu hỏi, ý kiến của đại biểu sẽ được tổng hợp để thảo luận trong cuộc họp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng thảo luận và rút ngắn thời gian cuộc họp. Đây là phương thức làm việc mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND tỉnh.

Theo bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, để có được một mô hình ứng dụng CNTT mang tính toàn diện này, đơn vị đã phải trải qua một quá trình dài từ đổi mới tư duy, nhận thức đến phương thức điều hành, quản lý công việc của lãnh đạo cũng như cán bộ, công chức cơ quan. Quá trình này tương ứng với từng giai đoạn cụ thể mà trước hết là hình thành và nâng cao nhận thức “Tin học hoá phải gắn liền với CCHC và chuẩn hoá các quy trình giải quyết công việc”.

 “Xây dựng nhận thức tin học hoá không có nghĩa là cán bộ tin học sẽ làm thay cho cán bộ hành chính và lãnh đạo cơ quan không chỉ là chủ thể kiểm tra, giám sát mà phải là đối tượng thực hiện tin học hóa; tạo thói quen sử dụng máy tính; ứng dụng các phần mềm phải được xem như là một cuộc cách mạng thật sự trong đổi mới phong cách hành chính. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính là những người đi đầu trong ứng dụng CNTT vào xử lý công việc. Nếu lãnh đạo làm được, nhất định cấp dưới phải làm được và làm nghiêm túc, hiệu quả”, bà Hoài Trâm chia sẻ thêm.

Từ đó, những công việc thuộc thẩm quyền của lãnh đạo Văn phòng, trưởng các phòng, của mỗi cá nhân đều được chuẩn hóa bằng các quy trình nghiệp vụ theo hướng áp dụng các chuẩn mực của hệ thống quản lý chất lượng ISO; đảm bảo mỗi công việc có 3 chế tài: Người thực hiện, thời gian thực hiện và sản phẩm.

 “Thông qua những công đoạn được quy định cụ thể trong mỗi quy trình giải quyết công việc, công cụ tin học sẽ giúp cho người lãnh đạo cũng như cán bộ công chức quản lý nắm bắt được thông tin xử lý công việc được giao, việc cập nhật các thông tin này được xử lý nhanh, đồng bộ và chính xác”, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Trần Thị Hoài Trâm khẳng định.

Đến nay, việc tổ chức triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến dùng chung của tỉnh Thừa Thiên Huế có sự tham gia của 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% bộ phận một cửa của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã đưa vào sử dụng hệ thống xử lý một cửa tập trung; 100% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được nộp qua mạng; 100% hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và thực hiện một cửa liên thông trên môi trường mạng...

Theo kết quả đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa được công bố, năm 2019, Thừa Thiên Huế là địa phương dẫn đầu toàn quốc về ứng dụng CNTT, trong đó chỉ số thành phần về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, đây là kết quả này nằm trong kế hoạch, định hướng, và là sự cố gắng nổ lực của tỉnh trong một thời gian dài. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng để phát triển chính quyền điện tử, nó không chỉ giúp cho công việc được vận hành tốt hơn, mà còn góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn; tạo nên sự công bằng, minh bạch và hiệu quả trong công việc, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

 “Thông qua đây tỉnh Thừa Thiên Huế muốn xây dựng môi trường đầu tư cạnh tranh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua ứng dụng CNTT, hướng tới môi trường “Làm việc không giấy tờ; họp hành không tập trung; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc; thanh toán không dùng tiền mặt””, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.

Được biết, hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng dùng chung và đảm bảo an toàn thông tin phục vụ xây dựng phát triển Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh; triển khai hệ thống hạ tầng mạng công cộng (Wifi công cộng) phục vụ cho người dân, doanh nghiệp kết nối thông tin trên môi trường Internet. Tích hợp các dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp toàn bộ trong 3 hệ thống thông tin bao gồm: Cổng dịch vụ công trực tuyến, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng thông tin tương tác.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh phù hợp khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển công nghiệp CNTT của tỉnh. Tập trung triển khai hạ tầng và các dịch vụ Đô thị thông minh tại Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị thông minh của tỉnh và xây dựng Hệ sinh thái trong 5 lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, Du lịch, Giao thông, Môi trường. (doanhnghiepvn.vn 10/9)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Phấn đấu hoàn thành nền đường cao tốc Cam Lộ -La Sơn trước mùa mưa bão

Đó là mục tiêu mà ông Nguyễn Văn Phương, UVTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị nhà thầu thi công xây dựng đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế trong chuyến kiểm tra ngày 10/9. Cùng kiểm tra dịp này còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng liên quan ở địa phương.

Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam qua địa bàn Thừa Thiên Huế. Tính đến ngày 31/8/2020, công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng cho tuyến cao tốc đi qua địa bàn đạt 97,0% (64,4km/66,35km).

Thị sát kiểm tra tiến độ tại gói thầu số 4 (Km37+000-Km46+200) thuộc dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn đi qua địa bàn huyện Phong Điền, đại diện Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh (đơn vị chủ đầu tư) cho biết, hiện nay gói thầu này được ban, ngành địa phương tạo điều kiện thuận lợi bàn giao mặt bằng 9,2 km, đạt 100%. Vì vậy, mặc dù ảnh hưởng thời tiết và dịch COVID-19 nhưng các đơn vị thi công có các giải pháp vừa giãn cách phòng dịch vừa khẩn trương triển khai thi công nền đường và các hạng mục liên quan khác để đảm bảm tiến độ đề ra và kết nối toàn tuyến.

Ghi nhận sự nỗ lực triển khai thực hiện dự án của Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, đây là dự án có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Vì vậy chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần tích cực phối hợp chặt chẽ để kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng cũng như triển khai thi công thực hiện dự án; đồng thời yêu cầu các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện, máy móc, có phương án phòng dịch COVID-19 hiệu quả và tranh thủ thời tiết nắng ráo đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành việc thi công nền đường trước mùa mưa bão năm nay. (baothuathienhue.vn 10/9)

 
 
 

2.  Thừa Thiên Huế: Làng mây tre đan Bao La “lột xác”, vươn tầm thế giới

Ngày nay, làng mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã và đang tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hữu ích, thẫm mỹ… phục vụ cuộc sống hàng ngày, không chỉ cho người dân trong nước mà đã vươn rộng ra thị trường thế giới. Đây được xem là bước “lột xác” ngoạn mục bởi ít ai biết rằng, Bao La từng khởi nguồn là một làng nghề sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu và có nguy cơ mai một...

Đã từng có nguy cơ “xóa sổ”

Cách TP. Huế 15km về phía Bắc, đoạn trung lưu bờ Bắc con sông Bồ, làng Bao La là một làng nghề đan lát truyền thống nổi tiếng được hình thành và phát triển trên 600 năm.

Người dân Bao La chia sẻ rằng trước đây người dân trong làng chỉ làm những vật dụng để phục vụ cuộc sống và sản xuất hàng ngày như rổ, rá, thúng, mủng... Cuộc sống hiện đại, các vật dụng này từ chất liệu mây, tre đã dần bị thay thế bằng chất liệu nhựa. Vì thế, người dân trong thôn chẳng mấy ai còn mặn mà với việc đan lát, với nghề truyền thống này nữa. Nguy cơ mai một ngày càng cao và việc sản xuất chỉ mang tính cầm chừng.

Đến khoảng giữa năm 2007, cùng với kế hoạch khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cộng với niềm đam mê và tâm huyết muốn vực dậy làng nghề truyền thống “cha truyền con nối” của những người con làng Bao La; Hợp tác xã mây tre đan Bao La chính thức thành lập.

Thời điểm ban đầu, Hợp tác xã gặp muôn vàn khó khăn. Với vốn liếng hạn hẹp, nhân công rải rác, đầu ra cho sản phẩm rất bấp bênh. Hợp tác xã chỉ sản xuất những sản phẩm phục vụ nông nghiệp; dù tinh xảo, mẫu mã đẹp đến đâu cũng chỉ loanh quanh bên gánh hàng rong và các chợ làng…

Ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã mây tre đan Bao La cho hay gần 2 năm ròng rã kể từ thành lập Hợp tác xã, ông cố gắng làm mà không thu về được một đồng lương riêng cho bản thân.

 “Giai đoạn ấy, thu nhập từ việc bán các mặt hàng thu về không nhiều, lương trả cho công nhân ít nên nhiều người nghỉ việc. Cộng thêm áp lực về kinh tế của gia đình nên có những lúc chỉ muốn bỏ cuộc...”, ông Dinh nhớ lại.

Hợp tác xã mây tre đan Bao La thiết kế và sản xuất hàng nghìn mẫu mã tinh xảo

“Lột xác”, đảm bảo môi trường

Bằng sự quyết tâm và lòng yêu nghề, ông Dinh đã cùng những người phụ trách của Hợp tác xã mày mò, tìm hiểu mở rộng, phát triển thêm nhiều mặt hàng đa dạng từ mây, tre. Đến năm 2009, làng nghề chuyển sang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Được chính quyền tỉnh tạo điều kiện nên những lần có Hội chợ Thương mại hoặc các buổi triển lãm thì hàng hóa từ cơ sở đều có mặt để trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng ở khắp gần xa, và những mối đặt hàng bắt đầu từ đó. Dần dần, sản phẩm của của làng nghề được nhiều người biết đến.

Sau gần 15 năm hình thành và phát triển, Hợp tác xã Mây tre đan Bao La thiết kế và sản xuất hàng nghìn mẫu mã, tinh xảo, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Trung bình, mỗi năm Hợp tác xã thiết kế và cho ra lò từ 7-10 mẫu mới. Ngoài những sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân, Hợp tác xã đã sản xuất các loại lồng đèn, túi xách, bình hoa, nan quạt, lồng chim, bàn ghế sôpa và các vật dụng phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng. Nhiều làng nghề về mây tre đan trong nước cũng đã đến Hợp tác xã để học hỏi kinh nghiệm, “mục sở thị” các sản phẩm độc đáo, tinh xảo.

Hiện nay, không khí tại làng tre Bao La luôn sôi động, nhất là những ngày cận Tết. Đến nay, cơ sở trung bình mỗi tháng 2 lần xuất hàng đi, giá trị đơn hàng từ 80 - 100 triệu đồng. Ngoài ra còn có một số “mối” ở Hà Nội tháng nào cũng thu gom hàng để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Thái Lan, Mỹ, các nước Châu Âu. Công nhân thường trực ở Hợp tác xã dao động từ 110 đến 120 người. Bình quân thu nhập 110- 150 ngàn đồng một người/ ngày và được đóng đầy đủ các loại BHXH, BHYT cũng như thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội.

Được biết những năm qua, Hợp tác xã đã đẩy mạnh công nghệ mới vào sản xuất, nhằm tạo ra những sản phẩm vừa đẹp, vừa bền, vừa đảm bảo an toàn. Đơn cử, Hợp tác xã không dùng hóa chất độc hại để tẩy trắng nguyên liệu, mà dùng công nghệ mới, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm, vừa bảo đảm sức khỏe cho người lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hiện tại làng nghề truyền thống mây tre đan Bao La được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp vốn để đầu tư, xây dựng một nhà truyền thống phục vụ việc trưng bày, triển lãm các mặt hàng của cơ sở trong khuôn viên rộng gần 1 hecta trong địa bàn của thôn. Mới đây, làng nghề truyền thống mây tre đan Bao La vinh dự được Sở Công Thương trao giấy chứng nhận quyền sử dụng “Con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế”.

 “Ngoài việc giữ vững hoạt động của Hợp tác xã, tôi có dự định tận dụng khuôn viên của nhà truyền thống để làm nơi sản xuất, đào ao cá, trồng thêm cây xanh. Liên kết với các Công ty lữ hành để phát triển mô hình du lịch cộng đồng cho du khách trong và ngoài nước. Không chỉ duy trì, quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống của tỉnh nhà, tôi hi vọng đây là hướng đi mới có hiệu quả, có thể tạo thêm nhiều công ăn việc làm cũng như tăng mức thu nhập cho nhiều người”, ông Dinh thổ lộ.

Thành công của làng nghề đến từ sự kết hợp của hai yếu tố đó là sự thích ứng với xu thế phát triển của thời đại nhưng vẫn coi trọng những giá trị truyền thống. Đây có thể là kinh nghiệm quý giá mà các làng nghề truyền thống khác tham khảo và vận dụng trên hành trình khôi phục và làm sống lại những làng nghề đặc trưng của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. (baotainguyenmoitruong.vn 10/9)

 
 
 

3.  11 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

Ngày 10/9, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt II năm 2020.

Đợt II năm 2020 có 11 sản phẩm của 11 chủ thể kinh tế thuộc 6 huyện, thị xã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 11 bộ hồ sơ và sản phẩm tham gia dự thi. Các nhóm và phân nhóm sản phẩm gồm ngành thực phẩm 7 sản phẩm, ngành đồ uống 2 sản phẩm, ngành dược thảo 1 sản phẩm và ngành rau củ quả 1 sản phẩm.

Qua 3 ngày làm việc, căn cứ vào hồ sơ và sản phẩm mẫu, các Bộ tiêu chí phù hợp với sản phẩm và các quy định có liên quan, Tổ giúp việc đã hoàn thành công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP đợt II, năm 2020 với 11 sản phẩm đã được đánh giá báo cáo trước Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh vào ngày 10/9.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá từng sản phẩm theo các nội dung chấm điểm của Bộ tiêu chí Quốc gia. Các thiếu sót có thể chỉnh sửa đã được Tổ giúp việc hướng dẫn các địa phương, chủ thể bổ sung, hoàn thiện, khắc phục. Đồng thời, tổ giúp việc cũng đã góp ý, hướng dẫn, khuyến cáo cho các chủ thể trong việc ghi nhãn sản phẩm. Kết quả, có 11 sản phẩm đã được đánh giá, trong đó có 1 sản phẩm đạt mức điểm 4 sao và 10 sản phẩm đạt mức điểm 3 sao.

UBND tỉnh yêu cầu đối với các sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng cấp tỉnh, các chủ thể cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, nhãn hiệu để thể hiện được tiêu chuẩn vừa được Hội đồng cấp tỉnh công nhận. (baothuathienhue.vn 10/9)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.666.597
Truy cập hiện tại 266