Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 08/09/2020
Ngày cập nhật 08/09/2020

Điểm tin báo chí liên quan đến tỉnh Thừa Thiên Huế

TIN NÓNG
 

1.  Thừa Thiên Huế : Lắp đặt hàng trăm tấm chống lóa trên QL1A do bị tháo dỡ

Hàng loạt lưới chống lóa trên tuyến QL1A đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị người dân tự ý tháo dỡ, di dời. Cơ quan chức năng đã tuyên truyền và lắp đặt lại nhằm hạn chế rủi ro...

Gần đây, tại huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã mất nhiều tấm lưới chống lóa nằm trên dải phân cách tại QL1A do người dân tự ý tháo dỡ để băng qua đường gây mất an toàn giao thông và nguy cơ tai nạn rất cao. Điều này ngày càng gia tăng và là hành vi vi phạm pháp luật.

UBND huyện Phú Lộc thông tin, từ ngày 17/8 đến nay, các ban ngành chức năng huyện đã kiểm tra; đồng thời phối hợp với Chi cục Quản lý đường bộ II.6 (Bộ GTVT) đặt mua để lắp đặt gần 140 tấm lưới chống lóa trở lại nguyên trạng.

Ngoài ra, hiện UBND huyện Phú Lộc đã yêu cầu các xã, thị trấn có QL1A đi qua cùng phối hợp với các ban, ngành chức năng địa phương và Chi cục Quản lý đường bộ II.6 tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân không được tự ý tháo dỡ, di dời các biển báo hiệu giao thông, các tấm lưới chống chói. Nếu cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trong đó vi phạm quy định Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Công an huyện tăng cường công tác tuần lưu, tuần tra, xử lý nghiêm việc vi phạm liên quan đến hạ tầng đường bộ dọc tuyến QL1A trên địa bàn để răn đe vi phạm trong thời gian tới.

Chi cục Quản lý đường bộ II.6 cũng đã có văn bản đề nghị UBND huyện Phú Lộc chỉ đạo, điều tra, xử lý tình trạng người dân tự ý tháo dỡ biển báo đường bộ, lưới chống lóa trên tuyến quốc lộ địa qua địa bàn. (baotainguyenmoitruong.vn 07/9)

 
 
 

2.  Khai thác - tập kết đất lậu tràn lan, chính quyền vẫn khẳng định đúng

 

Một vụ khai thác, tập kết đất lậu quy mô lớn diễn ra công khai cạnh đường phố Nguyễn Lộ Trạch (TP Huế). Tuy nhiên, khi nhận tin báo, lực lượng chức năng đến hiện trường lại cho rằng, việc lập bãi chứa đất khai thác không phép này là không sai vì chủ đất có "sổ đỏ" (đất nông nghiệp).

Tối 6/9, tại khu đất trống vốn là đất ruộng gần lò mổ Xuân Phú (khu vực 4 phường Xuân Phú, TP Huế) diễn ra hoạt động tập kết, vận chuyển đất không rõ nguồn gốc rầm rộ. Xe máy hoạt động ầm ĩ cả một vùng, sát đường Nguyễn Lộ Trạch, nhưng không hề bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.

Chỉ đến khi PV nhận tin báo của bạn đọc, sau đó thông tin đến Chủ tịch UBND phường Xuân Phú, thì lực lượng chức năng địa phương mới có mặt. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch phường cũng có mặt để chỉ đạo lực lượng chức năng xác minh vụ việc.

Cách bãi tập kết đất chưa được cấp phép làm vật liệu san lấp này không xa là công trường đào múc đất ruộng; với 5 hố, rãnh có chiều dài hàng chục mét, sâu gần 2 mét so với mặt đất ruộng nguyên thủy.

Từ hiện trường tập kết đất trái quy định (bãi chứa là mặt bằng đất nông nghiệp, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm bãi chứa vật thải công trình, hoặc cấp phép làm bãi tập kết đất làm vật liệu san lấp), một cán bộ thuộc lực lượng chức năng phường Xuân Phú cho rằng, việc tập kết, khai thác đất như vậy chưa đủ cơ sở để kết luận có sai phạm!

Chưa hết, vị này cho rằng, mặt bằng nơi đối tượng đào lòng ruộng "gửi" cả "núi" đất kể trên là đất đã có "giấy đỏ" (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất nông nghiệp), nên người dân có quyền cho mượn mặt bằng để làm nơi chứa đất từ vị trí khác chở tới. Trước cách giải thích mơ hồ nêu trên, PV gọi điện cho Trưởng Công an TP Huế đề nghị cử lực lượng chức năng về kiểm tra, xử lý.

Cùng lúc đó, một người đàn ông tên là Tài (ngụ xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) xuất hiện, nhận là người đã khai thác đất từ thửa ruộng khác về tập kết cạnh đường Nguyễn Lộ Trạch để đem bán cho những ai có nhu cầu san nền công trình.

Người này thừa nhận đã tổ chức khai thác đất ruộng gần đó từ một hộ dân tên Ng (khu vực 4 phường Xuân Phú, TP Huế) mà không có giấy phép tận thu, tận dụng và vận chuyển đất dôi dư do lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế cấp theo quy định.

Khu vực ông Tài "mượn" mặt bằng để tập kết đất sau đó chở đi cũng không được cấp có thẩm quyền cấp phép làm nơi tập kết đất thải công trình, hoặc mặt bằng tập kết vật liệu san lấp. Theo tìm hiểu của PV, đây là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng và nằm trong mặt bằng quy hoạch xây dựng chợ Cống (mới).

Đến 20h21 tối 6/9, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND phường Xuân Phú thông tin cho PV việc lực lượng thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và môi trường Công an TP Huế ngay trong đêm đã về hiện trường kiểm tra, sau đó quyết liệt yêu cầu các đối tượng liên quan về cơ quan công an để làm việc, lập biên bản.

Đến sáng 7/9, khi trao đổi với PV, lãnh đạo Công an phường Xuân Phú lại cho rằng, việc ông Tài có vi phạm về khai thác, tập kết, tiêu thụ đất chưa được cấp phép làm đất san lấp hay không, cơ quan chức năng vẫn chưa thể kết luận(?). PV đề nghị Chủ tịch UBND phường Xuân Phú cung cấp biên bản ghi nhận hiện trường khai thác, tập kết đất không có trong quy hoạch mỏ, bãi thải, bãi chứa vật liệu, biên bản xử lý vụ việc…; tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Hương không cung cấp.

Dư luận hiện đặt ra nghi vấn, việc ông Tài tổ chức khai thác đất lòng ruộng chưa có giấy phép cải tạo đất nông nghiệp, chưa được cấp phép tận thu tận dụng, vận chuyển đất dôi dư làm đất san lấp, tổ chức bãi chứa nằm ngoài quy hoạch... đã quá rõ ràng; nhưng liệu có gì khuất tất đằng sau, dẫn đến cách giải quyết của lực lượng chức năng phường Xuân Phú thiếu quyết liệt như vậy?. (tienphong.vn 07/9)

 
 
 

3.  Tập kết đất “lậu” giữa phố

Cạnh đường phố Nguyễn Lộ Trạch (thành phố Huế), việc khai thác, tập kết bãi chứa đất lậu quy mô lớn diễn ra công khai, nhưng không được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời.

Đến chiều 7/9, hiện trường "rút ruột" đất ruộng và tổ chức bãi chứa đất trái phép với khối lượng lớn, cạnh đường Nguyễn Lộ Trạch (phường Xuân Phú, thành phố Huế), nguy cơ ảnh hưởng việc học tập của cơ sở 3 trường Mầm non Xuân Phú nằm sát đó, vẫn chưa được các bên liên quan khắc phục, trả về hiện trạng ban đầu theo quy định.

Trước đó, vào tối 6/9, tại khu đất trống vốn là đất ruộng gần lò mổ Xuân Phú (phường Xuân Phú) diễn ra hoạt động tập kết, vận chuyển đất không rõ nguồn gốc rầm rộ. Xe máy hoạt động ầm ĩ cả một vùng, tuy nhiên, lực lượng chức năng lại không hề phát hiện, xử lý. Chỉ đến khi PV nhận tin báo của bạn đọc, sau đó thông tin đến Chủ tịch UBND phường Xuân Phú, lực lượng chức năng địa phương mới có mặt. Cách bãi tập kết đất chưa được cấp phép làm vật liệu san lấp này không xa là công trường đào múc đất ruộng, với 5 hố, rãnh có chiều dài hàng chục mét, sâu gần 2 mét so với mặt đất ruộng nguyên thủy.

Từ hiện trường tập kết đất trái quy định, một cán bộ thuộc lực lượng chức năng phường Xuân Phú cho rằng, việc tập kết, khai thác đất như vậy là chưa đủ cơ sở để kết luận có sai phạm! Chưa hết, vị này cho rằng, mặt bằng nơi đối tượng đào lòng ruộng "gửi" cả "núi" đất kể trên là đất đã có "giấy đỏ", nên người dân có quyền cho mượn mặt bằng để làm nơi chứa đất từ vị trí khác chở tới. Trước cách giải thích mơ hồ nêu trên, PV gọi điện cho Trưởng Công an thành phố Huế đề nghị cử lực lượng chức năng về kiểm tra, xử lý.

Cùng lúc đó, một người đàn ông trung niên tên là Tài (ngụ xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) xuất hiện, nhận là người đã khai thác đất từ nơi khác về tập kết cạnh đường Nguyễn Lộ Trạch để bán cho những ai có nhu cầu san nền công trình. Người này thừa nhận đã tổ chức khai thác đất ruộng gần đó từ một hộ dân tên Ng (khu vực 4 phường Xuân Phú, thành phố Huế) mà không có giấy phép tận thu, tận dụng và vận chuyển đất dôi dư do lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế cấp theo quy định.

Đến tối muộn 6/9, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND phường Xuân Phú, báo cho PV về việc lực lượng thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và môi trường Công an thành phố Huế ngay trong đêm đã về hiện trường kiểm tra, sau đó quyết liệt yêu cầu các đối tượng liên quan về cơ quan công an để làm việc, lập biên bản.

Đến sáng 7/9, khi trao đổi với PV, lãnh đạo Công an phường Xuân Phú lại cho rằng, việc ông Tài có vi phạm về khai thác, tập kết, tiêu thụ đất chưa được cấp phép làm đất san lấp hay không, cơ quan chức năng vẫn chưa thể kết luận. PV yêu cầu Chủ tịch UBND phường Xuân Phú cung cấp biên bản ghi nhận hiện trường khai thác, tập kết đất không có trong quy hoạch mỏ, bãi thải, bãi chứa vật liệu, biên bản xử lý vụ việc…; tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Hương không đáp ứng.

Dư luận hiện đặt nghi vấn, điều gì khiến cách giải quyết của lực lượng chức năng phường Xuân Phú thiếu quyết liệt và vòng vo như vậy trong khi việc ông Tài tổ chức khai thác đất lòng ruộng chưa có giấy phép cải tạo đất nông nghiệp, chưa được cấp phép tận thu tận dụng, vận chuyển đất dôi dư làm đất san lấp, không có giấy phép thành lập bãi chứa vật liệu xây dựng... đã quá rõ ràng.

Khu vực ông Tài "mượn" mặt bằng để tập kết đất sau đó chở đi bán cũng không được cấp có thẩm quyền cấp phép làm nơi tập kết đất thải công trình, hoặc mặt bằng tập kết vật liệu san lấp. Theo tìm hiểu của PV, đây là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng và nằm trong quy hoạch xây dựng chợ Cống (mới). (tienphong.vn 08/9)

 
 
 

4.  Miền Trung ngổn ngang trước mùa mưa bão - Bài 1: Làng trôi

Trong khi dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành thì mùa mưa bão năm nay dự báo đến sớm sẽ thêm gánh nặng cho các tỉnh miền Trung. Tình thế buộc các địa phương phải một lúc làm nhiều nhiệm vụ hết sức nặng nề. Trong đó, nhiệm vụ cần làm ngay là lên kịch bản đối phó mùa mưa bão sắp đến. Nhóm phóng viên Báo SGGP ghi nhận thực tế tại các vùng xung yếu ở miền Trung nhằm cảnh báo về hàng loạt vấn đề tồn tại trước mùa mưa bão.

Nhiều ngôi làng dọc dải miền Trung đã treo bên họng hà bá hàng chục năm qua. Mỗi khi mưa lũ đổ về, người dân ngày qua ngày sống thấp thỏm, phó mặc cho sự may rủi của trời đất.

Hút cát - nát làng

Cứ nghe đài báo có bão lũ là hàng trăm hộ dân sống dọc theo sông Bồ thuộc địa bàn thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) lại đứng ngồi không yên vì sợ nhà cửa bị xô sạt xuống sông. Dọc sông Bồ, thời gian này xuất hiện hàng chục đoạn sạt lở mới nghiêm trọng, có nơi sạt lở sâu 5-7m, tấn công vào sát vách nhà dân.

Sông Bồ bị sạt lở ngày càng nặng là do nạn hút cát lòng sông. Đứng cạnh ngôi nhà của gia đình đang bị dòng sông Bồ ngoạm sâu, bà Nguyễn Thị Thanh (thị xã Hương Trà) hoang mang nói: “Chỉ cần nghe đài báo bão hoặc lũ lên là cả nhà tôi lại tay xách nách mang vào giữa làng tìm nhà kiên cố xin trú ẩn. Sạt lở như ri diễn ra hơn 6 năm rồi, năm sau nặng hơn năm trước, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa quan tâm, khắc phục”.

Ngược ra Hà Tĩnh, chúng tôi được người dân thôn Quyết Tiến và thôn Đông Đoài (xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ) đưa đi thực tế tại một số điểm sạt lở nặng nề bên sông La. Đến cánh đồng giáp thôn Quyết Tiến và thôn Đông Đoài, nhiều diện tích đất sản xuất sát bờ sông bị sụp lún, sạt lở đổ sập hẳn xuống lòng sông. Phía trên, những vách đất bị ngoạm sâu khoét hàm ếch đang chờ đổ sập bất cứ lúc nào. Sụp lún, sạt lở đất lan rộng, đe dọa đến hệ thống kênh mương, trạm bơm thủy lợi ở gần đó đang phục vụ tưới tiêu cho gần 100ha lúa của xã Bùi La Nhân.

Từ xã này chạy dọc khoảng 20km đến hai bên bờ sông Ngàn Sâu, đoạn qua địa phận xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ), dân làng cũng đang kêu cứu về tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Điểm sạt lở tại thôn Vĩnh Yên không những gây nguy hiểm cho mố cầu treo Chợ Bộng nối liền huyện Đức Thọ và huyện Vũ Quang mà còn đe dọa an toàn tính mạng cho người dân và phương tiện tham gia giao thông qua cầu hàng ngày.

“Sạt lở nặng ở sông Ngàn Sâu có nguyên nhân chính là nạn hút cát lòng sông. Nhiều năm qua, người dân khiếu kiện khắp nơi nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Bây giờ, mong chính quyền sớm can thiệp ngăn chặn cát tặc, chứ không vài năm nữa đất đai sản xuất, nhà cửa của chúng tôi sẽ bị cuốn trôi hết xuống sông”, cụ bà Bùi Thị Tâm, 73 tuổi, thôn Quyết Tiến, lo lắng.

Cùng cảnh ngộ, ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…, những ngôi làng bên bờ sông đang kêu trời vì nạn khai thác cát gây sạt lở. Dọc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam), hàng chục điểm bị sạt lở rất nghiêm trọng. Riêng sông Thu Bồn đoạn từ huyện Duy Xuyên đến Cửa Đại (Hội An) dài khoảng 46km có hơn 20 vị trí xói lở khoảng trên 20km… Tại sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn), những bờ tre và nhiều ngôi làng đang ngả dần ra sông.

Ông Lê Hoa (60 tuổi, thôn Tân Mỹ, xã Điện Minh, Điện Bàn) lo lắng: “Đất vườn nhà tôi đều bị sông ngoạm gần hết rồi. Bây giờ dù mùa nắng hay mưa, tôi cấm con cái ra vườn sau nhà hoặc ra bờ sông vì lo sông sạt bất cứ lúc nào. Cứ đà này, e rằng mùa mưa lũ tới, chắc nhà chúng tôi cũng không còn”.

Đôi bờ các dòng sông Côn, La Tinh (Bình Định), sông Cái (Phú Yên), tình trạng sạt lở cũng tàn phá nghiêm trọng. Tại cánh đồng Soi Xum (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định), người dân phản ánh việc thủy điện Tiên Thuận hàng chục năm tạo lũ gây sạt lở, cuốn trôi nhiều diện tích đất của người dân đang canh tác. Tương tự, tại nhiều cánh đồng, ngôi làng ở xã Cát Hanh, Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định) người dân cũng đang nín thở mỗi khi lũ đổ về cuốn xé sông La Tinh…

Nửa thế kỷ sống treo

Giữa ngày nắng rát cuối tháng 8-2020, ông Nguyễn Văn Hòa, Hội trưởng Hội Nông dân thôn Hòa An (xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), dẫn chúng tôi đi ghi nhận hàng trăm mét sạt lở bờ biển ở địa phương. Ngồi lên chiếc thúng câu úp trên bãi cát, ông Hòa kể: “Ngày nắng, làng biển này rất bình yên nhưng đến mùa mưa bão, khủng khiếp lắm. Triều cường mỗi ngày đêm dội như bom tấn rầm rầm, không ngừng lấy đất, lấy nhà của các hộ dân dọc bờ biển. Cứ nghe đài báo mưa bão là làng lại phải di dời, sơ tán khắp nơi, khốn khổ không kém chạy giặc!”.

Bãi biển Hòa An kéo dài trên 500m đều nghiêng về phía biển. Trước biển, hàng loạt ngôi nhà bị sóng đánh vỡ nát chỉ trơ lại vách, nền nhà hoang hóa. Những cao niên ở làng biển kể rằng, tình trạng này đã xảy ra hơn nửa thế kỷ nay, đã có 5 lớp nhà (gần 100m) bị biển lấy đi. Trước biển dữ, những lớp nhà kế cận lại hồi hộp mỗi khi nghe đài báo bão.

Bà Nguyễn Thị Điệp (41 tuổi, thôn Hòa An) chỉ tay vào những xác nhà bị sóng đánh, nói: “Những hộ giàu có mới sống được trước biển, còn nghèo khó thì phải bỏ đất bỏ nhà đi hết. Riêng nhà tôi bị sóng đánh sập cách nay 2 năm. Được nhà nước hỗ trợ, chúng tôi xây lại nhà tạm. Giờ không có kè nên cứ mỗi khi mưa bão đến, lo sợ lắm…”.

Ông Lê Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), cho biết, toàn thôn Hòa An có 700 hộ dân, khu vực bị ảnh hưởng là trên 100 hộ, có 32 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp. Từ nhiều năm trước, người dân và chính quyền địa phương đã kiến nghị cấp trên nhưng do kinh phí đầu tư kè biển này quá lớn nên nguyện vọng của người dân vẫn chưa được đáp ứng. Trước mắt, cứ mỗi mùa mưa lũ, địa phương cùng người dân chủ động gia cố kè tạm, bao cát để giữ đất giữ làng…

Ở xã biển Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), ông Trần Văn Hùng chỉ tay giữa lớp sóng cách ngôi nhà mình hàng trăm mét, nói: “Trước kia làng tôi kéo dài ra ngoài đó, nhưng bây giờ triều cường đã xóa sổ đất đai, nhà cửa, cây cối của làng. Tình trạng sạt lở đang rất phức tạp, khu rừng phòng hộ trước làng bây giờ cũng bị sóng đánh tan hoang rồi!”.

Cùng cảnh ngộ với xã Xuân Phổ, các xã ven biển của tỉnh Hà Tĩnh như: Xuân Hội, Đan Trường… (huyện Nghi Xuân); xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) đều chung nỗi ám ảnh về triều cường khi mưa bão đổ về. Riêng xã Kỳ Ninh, hiện có hơn 10km bờ biển qua các địa bàn thôn Bàn Hải, Tân Tiến, Tiến Thắng, Hải Hà, Tam Hải 1, Tam Hải 2 bị sạt lở uy hiếp trên 7.000 người dân.

Hàng ngàn hécta đất biến mất

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, trên địa bàn đã có hơn 100ha đất bị biến mất do biển xâm thực trong những năm qua. Có những điểm tái xâm thực sau khi khắc phục tạm thời như ở Vinh Hải (huyện Phú Lộc). Ngoài ra, toàn tỉnh có 65/1.056km bờ sông chính bị sạt lở nặng, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, từ năm 2010 tới nay, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở tỉnh này diễn biến gia tăng cả về phạm vi lẫn mức độ nguy hiểm. Trung bình mỗi năm, xói lở làm mất hàng chục đến hàng trăm hécta đất ven sông, ven biển. Trong đó, sạt lở bờ sông có 17 điểm với chiều dài 46,9km, sạt lở bờ biển có 19 điểm với chiều dài 39,4km. Đáng ngại nhất, hiện địa phương có 14 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển (dài 24,8km) được liệt vào danh mục đặc biệt nguy hiểm. (sggp.org.vn 07/9)

 
 
TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG
 

1.  Thả cá thể mèo quý hiếm về môi trường tự nhiên

Hạt Kiểm lâm TP. Huế vừa phối hợp với Khu Bảo tồn Sao La thả cá thể mèo rừng về môi trường tự nhiên.

Trước đó, ngày 3/9, nhận được thông tin phản ánh về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã từ Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh tỉnh (Hue-S), Hạt Kiểm lâm TP. Huế phối hợp Công an TP. Huế, Công an phường Phú Hậu (TP. Huế) tổ chức trinh sát, nắm thông tin, tiếp cận đối tượng và giải cứu thành công 1 cá thể mèo rừng.

Đây là cá thể mèo quý hiếm có tên khoa học Prionailurus bengalensis, thuộc nhóm IIB- theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Sau khi được chăm sóc, Hạt Kiểm lâm TP. Huế đã phối hợp với Khu Bảo tồn Sao La thả cá thể mèo rừng về môi trường tự nhiên. (baothuathienhue.vn 07/9)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Gắn công tác Mặt trận với học và làm theo Bác

Với chuyên đề năm 2020 về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, đưa việc học tập Bác vào cuộc sống, gắn với mọi mặt công tác của Mặt trận.

Từ những mô hình cụ thể

Năm 2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) phường Thủy Châu được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu của thị xã Hương Thủy trong việc triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các mô hình cụ thể, thiết thực.

Ông Võ Sơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Thủy Châu cho biết, Mặt trận phường đã hướng dẫn các ban công tác Mặt trận (CTMT) đăng ký mô hình dân vận cụ thể phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở như: nâng cao chất lượng hoạt động của ban CTMT và đoàn thể trong thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội (tổ dân phố 1, 2); nâng cao vai trò của Mặt trận trong công tác vận động Nhân dân theo đạo thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết (tổ dân phố 7, 8); phát huy vai trò của ban công tác Mặt trận trong công tác vận động Nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng chi bộ tổ dân phố ngày càng trong sạch vững mạnh (tổ dân phố 4)…

Qua quá trình triển khai, mô hình dân vận theo chuyên đề học Bác năm 2020 do các ban CTMT phường Thủy Châu xây dựng đã thu được hiệu quả nhờ gắn liền với thực tiễn và nhu cầu của người dân. Đơn cử như mô hình Nhân dân tự quản về trật tự của tổ dân phố 5 đã góp phần cải thiện đáng kể tình hình an ninh trật tự.

Tại thôn Phương Diên, xã Phú Diên (huyện Phú Vang), việc học Bác được ban CTMT thôn áp dụng vào công tác vận động người dân đoàn kết, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Phú Diên chia sẻ, sau khi lễ hội đua thuyền kết thúc cũng là lúc dịch COVID - 19 đợt 2 diễn ra, ban CTMT thôn đã tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ giãn cách xã hội, không tụ tập tiệc tùng và mọi người đã thống nhất dùng số tiền liên hoan ăn mừng vào những việc làm ý nghĩa. Ngoài việc chi trả toàn bộ kinh phí sửa chữa lại hệ thống giao thông trong thôn, người dân Phương Diên còn ủng hộ tiền mặt, gạo và khẩu trang cho Mặt trận xã để hỗ trợ những trường hợp khó khăn.

Mở rộng toàn tỉnh, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị được Mặt trận các cấp triển khai đồng bộ và gắn liền với công tác của Mặt trận. Nổi bật, Ủy ban MTTQVN huyện Phú Vang triển khai nhiều hoạt động tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc gắn với việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp, không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, khiếu kiện; phát động phong trào toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID - 19 với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng và lồng ghép vận động, tuyên truyền người dân chung tay đẩy lùi đại dịch. Tại Mặt trận TP. Huế, chuyên đề học Bác năm 2020 được quán triệt gắn liền với việc cán bộ Mặt trận gương mẫu thực hiện tốt việc gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để phản ảnh với ban ngành chức năng, nhất là việc thực hiện dự án di dời, tái định cư người dân vùng Thượng Thành…

Phát huy

Theo đánh giá của Ủy ban MTTQVN tỉnh, chuyên đề học Bác năm 2020 được thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa việc thực hiện Chỉ thị số 05 trở thành nề nếp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ Mặt trận, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Mặt trận đã tích cực vận động và nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân; tham mưu cấp ủy, phối hợp chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh từ cơ sở; phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội.

Sáu tháng đầu năm 2020, đối mặt với đại dịch COVID - 19, hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên đã từng bước đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, địa bàn dân cư, tập trung tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấpvà Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị… Công tác vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và giám sát phòng, chống dịch bệnh, chi trả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch COVID - 19 được triển khai sâu rộng, đồng bộ và hiệu quả.

“Từ nay đến cuối năm, Mặt trận các cấp tiếp tục lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị 05 với các hoạt động chương trình phối hợp và thống nhất hành động đã đề ra. Trong đó, quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tiến đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chung tay xây dựng tỉnh nhà phát triển theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị”, ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh nhấn mạnh. (baothuathienhue.vn 08/9)

 
 
 

2.  Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm 8 thẩm phán

Chiều 7/9, căn cứ Quyết định số 1478 và Quyết định số 1479 ngày 21/8/2020 của Chủ tịch nước về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh đã tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp cho 8 đồng chí thuộc các đơn vị trong TAND 2 cấp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Giao nhiệm vụ cho các thẩm phán trung cấp, nhất là các thẩm phán sơ cấp, ông Nguyễn Văn Bường, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh nhấn mạnh: Với nhiệm vụ hoàn toàn mới, vinh dự nhưng nặng nề hơn, các thẩm phán phải nỗ lực hơn nữa, tiếp tục học tập, trau dồi nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử; luôn tuân thủ bộ quy tắc ứng xử của thẩm phán Việt Nam, giữ gìn chuẩn mực, bảo vệ công lý.

Dịp này, TAND tỉnh cũng tổ chức buổi tọa đàm kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2020), nhằm ôn lại lịch sử vẻ vang 75 năm “Phụng công thủ pháp” của hệ thống TAND Việt Nam. Đồng thời, ôn lại chặng đường phát triển của TAND 2 cấp tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng nhau quyết tâm sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. (baothuathienhue.vn 07/9, conglyxahoi.net.vn 07/9)

 
 
CÔNG THƯƠNG
 

1.  Thừa Thiên Huế: Đảm bảo cấp điện tại Khu công nghiệp Phú Bài

Vừa qua, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) tăng cường nhân lực, trang thiết bị… xử lý tồn tại trên lưới tại Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài (TX. Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhằm đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục phục vụ cho công tác sản xuất của các doanh nghiệp.

KCN Phú Bài một trong những KCN trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế, là khu vực tập trung nhiều khách hàng trọng điểm của điện lực Hương Thủy nói riêng và PC Thừa Thiên Huế nói chung.

Bên cạnh các doanh nghiệp hiện có, hàng năm KCN này thu hút rất nhiều nhà đầu tư mới, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là các nhà máy sợi, dệt may với hệ thống dây chuyền sản xuất hoạt động liên tục. Do vậy, các khách hàng sử dụng điện tại đây luôn đòi hỏi yêu cầu rất cao trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy, liên tục và ổn định nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm đầu ra.

Trong đợt ra quân lần này, PC Thừa Thiên Huế đã huy động hơn 50 nhân lực chia thành 18 nhóm công tác, 3 xe gàu, phương tiện chuyên dụng vệ sinh các thiết bị điện để thực hiện các hạng mục công tác trên lưới điện tại KCN Phú Bài, bao gồm: xử lý tồn tại trên đường dây 22kV, đường dây 35kV, thực hiện sửa chữa lớn tụ bù và máy cắt tụ bù, kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các TBA cấp điện cho khách hàng và vệ sinh các thiết bị điện bằng nước cách điện áp lực cao.

Ông Nguyễn Đại Phúc - Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế - cho biết, đây là hoạt động thường niên của PC Thừa Thiên Huế tại KCN Phú Bài, đặc biệt là những dịp nghỉ lễ, bởi thời điểm này các doanh nghiệp, nhà máy đều cho công nhân nghỉ lễ. “Công tác trên lưới điện vào các thời điểm này sẽ ít ảnh hưởng nhất đến nhu cầu sử dụng điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần tạo dựng và củng cố niềm tin của khách hàng đối với ngành điện”, ông Phúc cho biết thêm. (congthuong.vn 07/9)

 
 
PHÁP LUẬT
 

1.  Quy định mới nhất về lương, thưởng người lao động nên biết

Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động 2019, thay thế cho Bộ luật Lao động 2012. Theo Bộ luật mới, nhiều quy định thay đổi về lương thưởng của người lao động.

Dưới đây là 5 quy định mới nhất mà người sử dụng lao động và người lao động cần biết.

Người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương

Tại Điều 94 về nguyên tắc trả lương đã bổ sung quy định:"Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp".

Trước đó nội dung này không được quy định tại Bộ luật Lao động 2012. Việc cho phép người lao động ủy quyền cho người khác nhận lương được cho là hợp lý, nhất là trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn không thể trực tiếp nhận lương...

Cấm ép người lao động dùng lương để mua hàng hóa, dịch vụ của công ty

Đây cũng là một quy định mới được nêu tại Điều 94 của Bộ luật Lao động 2019. Theo đó:

- Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động;

- Không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Khi trả lương phải gửi bảng kê cho người lao động

Bộ luật Lao động mới yêu cầu mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương người lao động, trong đó ghi rõ:

- Tiền lương;

- Tiền lương làm thêm giờ;

- Tiền lương làm việc vào ban đêm;

- Nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)…

Quy định mới này nhằm đảm bảo tính minh bạch khi trả lương cho người lao động, nhưng đồng thời thêm một phần việc cho bộ phận Nhân sự - Kế toán của doanh nghiệp khi đến mỗi kỳ trả lương.

Cũng liên quan đến vấn đề trả lương, Bộ luật này cũng bổ sung quy định trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể trả lương bằng ngoại tệ.

Trả lương qua ngân hàng, công ty phải trả phí mở tài khoản

Nếu như trước đây, Bộ luật Lao động 2012 quy định khi trả lương qua tài khoản, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về các loại phí liên quan đến việc mở và duy trì tài khoản (khoản 2 Điều 94).

Thì nay, tại khoản 2 Điều 96, Bộ luật mới bắt buộc người sử dụng lao động phải trả các phí liên quan đến mở và chuyển lương.

Có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật hoặc hình thức khác

Tại Điều 104, Bộ luật mới quy định về “Thưởng” thay vì “Tiền thưởng” như Bộ luật cũ.

Theo đó, thưởng có thể là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Như vậy, Bộ luật mới đã mở rộng khái niệm “thưởng”, không chỉ bằng tiền mà bằng tài sản, hiện vật, các hình thức khác như chuyến du lịch, phiếu mua hàng… Điều này là phù hợp với thực tế tại các doanh nghiệp hiện nay. (thuonghieucongluan.com.vn 08/9)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Ẩm thực Việt Nam lập 5 kỷ lục thế giới

Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) vừa thông báo xác lập 5 danh hiệu cho ẩm thực Việt Nam. Hiện WorldKings đang hoàn thiện thông tin, hình ảnh để quảng bá ra thế giới.

Kỷ lục đầu tiên là quốc gia sở hữu nhiều món ăn từ nước dùng và sợi nhất với 164 món và tiếp tục được cập nhật. Một số món tiêu biểu là phở bò, bún ốc, bún thang, bánh canh chả cá, bún bò Huế, hủ tíu Nam Vang, bún cua thối Pleiku...

Kỷ lục thứ 2 là quốc gia sở hữu nhiều món mắm và món ăn từ mắm nhất thế giới với 100 món. Các món mắm nổi tiếng phải kể đến là nước mắm, mắm tôm, mắm tôm chua, mắm ba khía, mắm cá...

Kỷ lục thứ 3 là quốc gia có nhiều món ăn từ hoa nhất thế giới với 272 món. Một số món tiêu biểu từ hoa như cơm lá sen, hoa thiên lý xào thịt bò, nộm hoa chuối, bông bí xào tỏi, lẩu bông điên điển... Các loại hoa này đều có vị tươi giòn, ngọt hoặc chua, nấu canh hay xào đều rất ngon.

Kỷ lục thứ 4 là quốc gia có nhiều món cuốn nhất thế giới. Con số được thống kê là 103 món và tiếp tục được cập nhật.

Kỷ lục cuối cùng là quốc gia có nhiều món bánh làm từ bột gạo nhất. 143 món được ghi nhận với đủ hương vị mặn ngọt, phong cách chế biến khác nhau, độc đáo, mang đậm dấu ấn địa phương.

WorldKings là Liên minh Kỷ lục đầu tiên trên thế giới do các Tổ chức Kỷ lục quốc gia cùng hợp lực lại để tạo thành. WorldKings thành lập từ năm 2013 có trụ sở chính tại New Delhi (Ấn Độ) và San Diego (Mỹ), với văn phòng liên lạc đặt tại 5 châu lục trên thế giới, trong đó Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings là một thành viên chính thức. Hiện tại WorldKings có 22 tổ chức thành viên. (thuonghieucongluan.com.vn 07/9)

 
 
 

2.  Trong ngõ Huế

Ngõ Huế! Như một thanh âm huyền bí. Như vùng đất kỳ ảo nơi người khách phương xa luôn muốn hướng về. Bạn đi du lịch ư? Thật khó để bạn nghĩ ra nơi chốn chật hẹp này là nơi để khám phá.

Tường vàng, tường đen, nhìn qua toàn rêu phong. Đến gần nữa, bức tường như người bạn vong niên mời gọi. Không hiểu sao tôi liên tưởng đến hình ảnh cánh hải âu giữa đại dương gọi nhau cùng đến chân trời nào đó. Huế trong tôi như phương Nam trong tâm tưởng bao đời của loài chim ấy. Những thứ cũ xưa bỗng thật lung linh. Đơn giản vì mình thích. Thế là đủ, dù là kẻ lạc lõng với giọng Bắc đặc sệt. Dù là kẻ mang cái mác lãng du chỉ để cảm nhận thứ cảm xúc vị kỉ. Cũng phải thôi, đâu cũng thế, người lạ được chào đón trong con ngõ xa xôi. Tôi lạ lẫm, tôi cười, tôi nói, đáp lại là thanh âm vang vọng.

Cái kiệt quá nhỏ. Đủ để người đứng từ cuối biết hết những việc tôi làm. Đôi mắt tròn xoe, ngước lên nhìn lạ lẫm. Miệng xinh xẻo thốt lên tiếng bập bẹ mà tôi phải nghe kỹ mấy lần mới rõ. Sau bức tường rêu phong là một gia đình nhỏ. Cửa nhỏ, bàn xinh, chỉ có ấm lòng là bao la, rộng lớn. Cô bé kia nhìn chán, chạy chơi với đám bạn. Vài gia đình là đủ để tạo nên một cộng đồng nhỏ. Hớn hở và vui tươi. Chẳng mong gì hơn thế.

Ngõ vấn vương cảm xúc diệu kỳ. Cuộc sống vốn chỉ bình dị thế thôi nhưng cho ta khám phá, trải nghiệm. Mỗi nơi có một cộng đồng, một cuộc sống. Thế chưa đủ để đi, đế đến? Tôi chỉ là một người đi qua, không cách nào cảm thụ hết nếu không hòa vào nơi ấy.

Kiệt Huế. Đơn giản thế thôi. Nhà nhỏ, quán cũng nhỏ. Gánh bún bò trong ngõ cũng ngon chẳng kém gì quán hàng ngoài đường lớn. Ăn xong, ngồi chiếc ghế nhựa, nghe nhạc Trịnh trong lòng Huế, cảm giác đó có lẽ là duy nhất, là độc nhất trong cuộc đời. Nhạc Trịnh đủ sâu sắc để đếm dần từng tiếng tích tắc của thời gian. Nhạc do một nhạc sĩ tài hoa viết nên, đủ để cảm hòa tâm tưởng cùng bước chân mệt mỏi.

Kiệt quen, ngõ lạ. Nhỏ mà chứa đựng thứ gì đó còn to lớn hơn nhiều. Tôi không thể cảm nhận hết độ sâu ấy. Chỉ có thể ngồi viết ra những dòng tượng trưng cho thương nhớ. Đâu cũng thế. Đâu cũng vậy. Cuộc sống bình lặng, nó bình thường nhất cho cảm xúc một con người. Huế là thành phố nổi tiếng ở miền Trung, cũng vì để lại thứ xúc cảm tuyệt vời như vậy.

Bỗng chốc, thanh âm trong trẻo kia biến mất. Trời mây xám, ngõ xầm xì. Rêu phong như muốn phô trương màu đen chiến thắng. Ghi, xám rồi đen, ánh vàng vọt nhạt dần theo năm tháng. Đâu có, chỉ là một buổi thế thôi. Huế mưa. Người đi vào nhà hết, không quên đánh lại một hai tiếng mời tôi vào trú mưa. Người Huế đó. Người Huế không ngại. Nhà có mấy góc xưa. Tháng năm trôi qua chỉ làm con người già đi. Xưa và nay vẫn thế, tình cảm là thứ có thể tạm lánh đi trong thoáng chốc nhưng đời đời vĩnh cửu. Chiếc radio cũ kỹ tỏa ra âm thanh quen thuộc. Đúng nhỉ, người Huế mê nhạc Trịnh, ca từ huyền bí y như Huế. Mười năm xưa đứng, mười năm xa Huế. Rồi gặp lại nhau trong ảo mộng giữa cuộc đời.

Ngõ sâu hun hút, để lại một vệt gợn dài nếu ta ghi lại và mở ra xem sau vài năm. Lúc đó ta lớn hơn, cảm giác cũng chẳng giống bây giờ. Khi ta trưởng thành, ta có nhiều thứ phải lo. Nhưng trưởng thành về thăm Huế, lại thấy tiếc nuối tuổi trẻ. Liệu ta có thể làm tốt hơn không nếu thời gian quay lại? Liệu ta có sống bình lặng như không khi ở đây, hay cuồng quay trong bánh xe hoa lệ như cuộc sống Sài Gòn?

Tôi không có câu trả lời, bởi ngược thời gian là điều không thể. Chỉ biết rằng, các cụ ở trong ngõ nhỏ này sống từng ngày như họ muốn sống. Cách sống của họ quá đỗi bình dị và an yên, như cái cuộc sống tách bạch với bên ngoài đường lớn. Không thay đổi dẫu trầm luân. Cứ đều đều như năm tháng. Trong con kiệt, nhiều người đến rồi đi. Nụ cười tiễn biệt. Nụ cười chào đón. (thanhnien.vn 08/9)

 
 
 

3.  Thủy Lương – nơi lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa Champa

Bên cạnh là một trong những địa phương có vị trí chiến lược trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, P. Thủy Lương (TX. Hương Thủy) còn được biết đến là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa Champa qua những miếu thờ, giếng nước, phù điêu... cho đến nay.

Miếu Bà Giàng ở làng Lương Văn (nay là tổ dân phố 2 – P. Thủy Lương) là một trong những di tích mang đậm dấu ấn kiến trúc Champa, có giá trị tiêu biểu độc đáo về mặt văn hóa nghệ thuật.

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu Bảo tàng lịch sử tỉnh, đây là dấu tích của một công trình kiến trúc đền tháp người Champa, thờ mẹ xứ sở Poh Yang Inư Nagar (Poh Nagar) tức Thánh mẫu Thiên Y A Na. Qua khảo sát, quanh khu vực miếu Bà Giàng còn nhiều dấu tích Champa như phù điêu thần Shiva bằng đá sa thạch, gạch, ngói... cùng 1 giếng đá cổ cách đó chừng 1km.

Mẫu Thiên Y A Na là Mẫu của gốc Champa, vì vậy, để trở thành Mẫu của người Việt, tên gọi này lại tiếp tục được Việt hóa một lần nữa thành “Bà Giàng”. Giàng được phiên âm từ “Yang” trong tên gọi Poh Yang Inư Nagar có nghĩa là bà trời, như truyền thuyết về Bà chúa Ngọc, Bà Đá, Thiên Mụ... Điều này cũng để giải thích, miếu thờ mà dân làng Lương Văn quen gọi là miếu Bà Giàng chính là miếu thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na.

Không chỉ mang biểu tượng người mẹ được Việt hóa qua tên gọi, “Bà Giàng” còn Việt hóa qua hình tượng khi bức tượng bằng đá sa thạch cũng được người Việt cho đắp bên ngoài lớp xi măng, vôi vữa có gương mặt thanh tú, mang dáng vóc một phụ nữ ngồi trên ngai sơn son thếp vàng, mặc áo đỏ kim sa, đầu đội mũ chóp, chân mang hài... Và qua nghiên cứu, đối chiếu, bức tượng Bà Giàng ở Lương Văn có những nét tương đồng với bức tượng thánh mẫu Thiên Y A Na ở điện Hòn Chén (Hương Thọ - Hương Trà).

Các bậc cao niên làng Lương Văn cho biết, tương truyền Thai Dương phu nhân (còn được gọi là Kỳ thạch phu nhân, Bà Giàng) ở làng Thai Dương (Thuận An – Phú Vang) chính là con gái của Bà Giàng ở miếu Lương Văn. Vì vậy, hằng năm vào dịp tế lễ ở miếu Bà Giàng, làng Lương Văn đều có mo cơm bên trong có cơm, cá, thịt, rau… gửi về cúng Thai Dương phu nhân, gọi là “cơm của mẹ”.

Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin TX. Hương Thủy, trước đây, miếu Bà Giàng từng được sắc phong nhưng vào năm 1947, do nghi ngờ là nơi hoạt động của các chiến sĩ cách mạng, thực dân Pháp đã phá hủy miếu Bà Giàng và đốt toàn bộ sắc phong lưu giữ trong miếu. Đến kháng chiến chống Mỹ, nhờ những lùm cây um tùm bao quanh, người dân địa phương đã làm hầm bí mật cách miếu Bà Giàng chừng 30m để làm nơi nuôi giấu bộ đội. “Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, bên cạnh đã phục dựng hầm bí mật, hiện, TX. Hương Thủy đang lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh đối với địa điểm miếu Bà Giàng”, ông Toàn thông tin.

Ngoài miếu Bà Giàng, tại Lương Văn còn có miếu thờ Bà Chuẩn Đề. “Trong quá trình dọn dẹp, người dân phát hiện bức phù điêu có chạm khắc hình người nhiều tay giống Chuẩn Đề Bồ Tát nên cho xây miếu thờ bức phù điêu, gọi là miếu Bà Chuẩn Đề. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, thực chất đây là bức phù điêu thần Shiva đang múa”, ông Trần Quang Vệ, cán bộ văn hóa phường Thủy Lương thông tin.

Qua so sánh với một số phù điêu của người Chăm trên địa bàn tỉnh, phù điêu thần Shiva ở miếu Bà Chuẩn Đề có đường nét điêu khắc mềm mại, uyển chuyển, tương đồng với bức phù điêu quỷ vương Ravanda ở Thanh Phước (Hương Phong - Hương Trà) đã được các vua triều Nguyễn ban sắc phong là “Kỳ thạch phu nhân”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Kiên, chuyên viên Phòng Bảo tồn di tích – Bảo tàng Lịch sử tỉnh, căn cứ vào các họa tiết trang trí, phù điêu ở miếu Bà Chuẩn Đề có niên đại vào khoảng thế kỷ IX – X, thuộc phong cách Đồng Dương. Đây là một cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, góp phần quan trọng cho công tác nghiên cứu văn hóa Champa. Ngoài ra, từ các vết tích xây dựng ở Lương Văn, có thể khẳng định, trước đây, ở vị trí này đã có một công trình đền tháp Champa”. (baothuathienhue.vn 07/9)

 
 
 

4.  Sở Văn hóa và Thể thao mặc áo dài truyền thống chào cờ đầu tuần

Sáng 7/9, toàn thể cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao mặc trang phục áo dài truyền thống dự lễ chào cờ tháng 9. Lễ chào cờ diễn ra trang nghiêm, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Sau khi may đồng phục áo dài ngũ thân cho cán bộ công chức, từ ngày 7/9, Sở Văn hóa và Thể thao triển khai cho toàn thể cán bộ mặc áo dài truyền thống khi đi làm việc, áp dụng vào ngày thứ hai đầu mỗi tháng, cũng là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung. Đây là hoạt động nhằm nâng cao vị thế và lan tỏa nét đẹp của chiếc áo dài truyền thống, góp phần khẳng định “Huế - Kinh đô áo dài” của Việt Nam.

Là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, Sở Văn hóa và Thể thao đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động, trong đó điểm nhấn là Ngày hội Áo dài, dự kiến sẽ được tổ chức sau khi Việt Nam khống chế thành công đại dịch COVID-19.

Cùng với Sở Văn hóa và Thể thao, hiện nay đã có một số đơn vị, ngành triển khai phục hồi phong trào mặc áo dài truyền thống đối với toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Đây là những tín hiệu đáng mừng đánh dấu sự trở lại của chiếc áo dài truyền thống, đặc biệt là áo ngũ thân, chiếc áo sản sinh ra từ Huế và đã trở thành quốc phục của người Việt trong hàng trăm năm qua. (baothuathienhue.vn 07/9, baovanhoa.vn 07/9, tienphong.vn 07/9, vov.vn 07/9)

 
 
 

5.  Đầu tư thiết chế văn hóa tương xứng vị thế vùng đất

Là vùng đất văn hóa nhưng hệ thống thiết chế văn hóa của Thừa Thiên Huế khá cũ kỹ, lạc hậu. Để phát triển dựa trên nền tảng văn hóa di sản, các thiết chế văn hóa cần được đầu tư tương xứng với vị thế vùng đất.

Bức tranh buồn

Cách đây gần 10 năm, Huế là một trong 4 thành phố được chọn là điểm lưu diễn của chương trình hòa nhạc Toyota xuyên Việt, được trình diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng danh tiếng người Nhật Honna Tetsuji. Thế nhưng, loại hình âm nhạc bác học với những yêu cầu cao về không gian biểu diễn khiến cho Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh) không tương xứng để biểu diễn giao hưởng thính phòng.

Được xây dựng từ năm 1977, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh nay đã cũ kỹ và lạc hậu. Mỗi khi tổ chức các sự kiện lớn, trung tâm phải đầu tư sửa sang không ít, nhưng… cũ vẫn hoàn cũ. Những tính năng hiện đại cơ bản nhất của một trung tâm văn hóa hầu như chưa thể đáp ứng. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế cũng được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nhiều hạng mục nay xuống cấp, hư hỏng, phải chống thấm dột, chống mối nhiều lần. Dẫu đã được chỉnh trang, nâng cấp, sửa chữa nhưng sự đầu tư ấy không thấm vào đâu.

Cũng vì thiếu thiết chế, Huế đành bỏ qua nhiều cơ hội. Năm 2016, dự kiến nơi diễn ra Hội nghị Di sản thế giới của UNESCO sẽ là Huế, nhưng vì không thể có địa điểm tổ chức hội thảo cho trên 1.000 người nên đành bỏ qua cơ hội lớn. Trong khi đó, Huế xác định là một trong những điểm đến phát triển du lịch MICE nhưng lại không có thiết chế để khai thác. Một nhà hát để tổ chức các sự kiện âm nhạc đẳng cấp cũng gần như không thể. May mắn là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đầu tư xây dựng Nhà hát Sông Hương, nhưng nó là nhà hát chuyên ngành thuộc Học viện Âm nhạc Huế.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, từ sau ngày giải phóng, Thừa Thiên Huế gần như chưa có đầu tư lớn cho các thiết chế văn hóa ngoài Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Là một vùng đất văn hóa nhưng Huế quá thiếu thiết chế văn hóa: hệ thống nhà hát, thư viện, bảo tàng chưa tương xứng với vị thế của vùng đất.

Ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh, các bảo tàng công lập khác đều ở tạm trong các công trình. Trong khi đó, Thừa Thiên Huế đang lưu giữ số lượng lớn hiện vật, cổ vật quý giá nhưng chưa có cơ hội để khai thác, phát huy giá trị. Thư viện Tổng hợp tỉnh được xây dựng cách đây 15 năm nhưng quy mô rất nhỏ, giờ cũng lạc hậu và cũ kỹ... Ca Huế vốn là di sản rất quý nhưng ngoài ca Huế trên sông Hương, vẫn chưa có không gian để khai thác ca Huế thính phòng quý tộc đúng môi trường như ngày xưa. Một vùng đất nổi tiếng về văn hóa mà không có các thiết chế văn hóa tiêu biểu thì không thể nào khai thác tốt các giá trị văn hóa.

Ưu tiên đầu tư

Huế là vùng đất di sản, thế mạnh để phát triển cũng dựa trên nền tảng di sản văn hóa. Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Để làm được điều đó, phải có các thiết chế văn hóa để khai thác, phát huy giá trị. Vì thế, cấp thiết phải có chiến lược đầu tư cho văn hóa, đầu tư xứng đáng để có hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại; đưa Huế trở thành nơi khai thác tốt các giá trị di sản, tiềm năng văn hóa, nơi tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, nghệ thuật. Có như vậy, Huế mới trở thành một trung tâm văn hóa xứng tầm với vị thế vùng đất.

TS. Phan Thanh Hải cho rằng: “10 năm tới là khoảng thời gian chúng ta phải đầu tư rất nhiều thiết chế văn hóa. Một trung tâm văn hóa, trung tâm hội nghị quốc tế tương xứng; nhà hát cũng phải thật đẹp; bảo tàng, thư viện cũng là những nơi hấp dẫn có thể thu hút khách tham quan. Chúng ta muốn tổ chức các sự kiện văn hóa mang tầm thế giới thì phải có thiết chế văn hóa tương xứng”.

Có các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng thật đẹp, trang trọng là tâm tư, nguyện vọng của nhiều thế hệ trí thức, văn nghệ sĩ. Nhiều người tỏ ra lo lắng khi trong quy hoạch sắp tới, cả Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Thư viện Tổng hợp sẽ dời đi địa điểm khác. Nhà thơ Võ Quê bày tỏ: “Các thiết chế văn hóa quan trọng như trung tâm văn hóa, thư viện cần phải được đặt ở vị trí trung tâm, được đầu tư xây dựng thật quy mô, xứng tầm”.

TS. Phan Thanh Hải đề xuất: “Chúng tôi mong trong quy hoạch tương lai, tỉnh ưu tiên đầu tư cho các thiết chế văn hóa. Những công trình này phải được đặt ở những vị trí đẹp nhất, có thể đầu tư từng bước nhưng quy mô đầu tư xây dựng phải hướng đến tầm nhìn lâu dài 50-100 năm, khi Huế sẽ là một trung tâm văn hóa lớn, không chỉ ở khu vực mà cả châu Á và thế giới. Điều này cũng tương đồng với cách làm của những thành phố văn minh lớn trên thế giới: trân trọng dành cho các thiết chế văn hóa những vị trí đẹp nhất và công trình kiến trúc, cảnh quan phải là một tác phẩm nghệ thuật”. (baothuathienhue.vn 08/9)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Trao hàng trăm suất quà cho trẻ em nghèo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Trong hai ngày 5/9 và 6/9, Câu lạc bộ IQ Club và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức trao hàng trăm suất quà đến trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo, khuyết tật đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm trên địa bàn tỉnh.

Trong hai ngày, đoàn đã đến thăm và trao tặng quà tại các điểm: Mái ấm Hy vọng Nguyệt Biều (phường Thủy Biều, TP Huế); Trung tâm Bảo trợ Trẻ em An Tây (phường An Tây, TP Huế) và trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi chùa Đức Sơn (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Đây là các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, trẻ bị bỏ rơi dưới sự yêu thương, đầy trách nhiệm của các sư cô, các sơ cùng các nhà hảo tâm.

Hàng trăm suất quà đã được đại diện Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và Hoa hậu Giáng My đã trao tặng cho 3 cơ sở.

Với tấm lòng chia sẻ, kết nối yêu thương, tương thân tương ái, Câu lạc bộ IQ Club do hoa hậu Giáng My làm Chủ tịch cùng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao hàng trăm suất quà gồm 1,5 tấn gạo, 100 thùng mì tôm, 15 thùng sữa tươi, 30 kg đường và nhiều suất quà bằng tiền mặt (tổng trị giá 150 triệu đồng) cho 3 cơ sở nói trên.

Được biết, đây là lần thứ 3 liên tiếp Câu lạc bộ IQ Club và phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tặng quà đến trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh, người nghèo ở tỉnh.

“Những suất quà trên tuy nhỏ nhưng hy vọng sẽ góp sức cùng với các trung tâm, mái ấm và các nhà hảo tâm chung tay chăm sóc, nuôi dưỡng, động viên các em đang được nuôi dạy tại đây vơi bớt khó khăn, bất hạnh, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên học tập, trở thành những người có ích cho xã hội” - Thiếu tá Nguyễn Thị Xuân Huệ, Trưởng phòng QLXNC Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.(baophapluat.vn 07/9)

 
 
 

2.  Truyền động lực cho người khuyết tật

Ông Phạm Dũng (59 tuổi) - chủ tiệm may Việt Dũng (tại thị trấn Sịa, tỉnh Thừa Thiên Huế) - bước đi trên đôi chân bên cao bên thấp về cuối nhà, pha vội bình nước để tiếp khách.

Suốt nhiều năm qua, ông lặng lẽ gieo niềm tin cho những ai có chung cảnh ngộ khuyết tật, "tàn nhưng không phế".

Ký ức tuổi thơ gian khó

Ngược về tuổi 13, cơ thể ông vốn bình thường như bao đứa trẻ khác, rất thông minh, lanh lợi. Cho đến khuya mùng 4 tết năm 1975, người anh trai của ông là một cán bộ đang hoạt động cách mạng, bí mật ghé về thăm nhà sau chuỗi ngày nằm hầm biền biệt.

"Vô chưa được một phút, tiếng bom bi nổ đoàng, "khai màn" làn đạn xả ào ạt như "bắp rang" nhắm vô nhà. 32 tên lính nghĩa quân núp sẵn sau vườn từ khi mô không hay biết. Tui lúc nớ còn đang ngủ say, chỉ giật mình rồi chẳng kịp chạy" - ông Dũng thuật lại.

Nghiệt ngã, mảnh bom bi găm chặt, phá nát phần xương ống lẫn đùi chân trái của ông. Trong tích tắc, những bác sĩ ở Bệnh viện huyện Quảng Điền lúc ấy chỉ định cắt bỏ gần hết phần chân ông. Đứa trẻ tuổi 13 năm ấy chỉ biết khóc xỉu mỗi lần nhìn xuống đôi chân nay chỉ còn có một đầy đáng thương.

Hơn 3 tháng sau, ngày đất nước thống nhất (30-4-1975) cũng là lúc vết thương nơi đầu chân của Dũng khi đó khô lành hẳn. Ham học, cậu bắt đầu chập chững tập đi. Ngặt nỗi, loanh quanh trong nhà thì chẳng sao, nhưng hễ cứ đi xa là lại ngã. Thương tật không cho Dũng chịu nổi con đường lúc trời mưa thì lầy lội, ngập nặng, lúc trời nắng lại hanh hao, mịt mù bụi. Hết lớp 9, Dũng đành phải bỏ cuộc giữa chừng sau gần 1 năm trời cố gắng.

Thương số phận lận đận, gia đình hướng ông theo nghề may. Và rồi, ở cái tuổi 17, mất một chân, ông bắt đầu "cơm đùm gạo bới" vào tiệm may Đồng Tân trên đường Trần Hưng Đạo (tỉnh Bình Trị Thiên xưa, nay là TP Huế) học may.

Sau hơn 3 năm nỗ lực, ông được thầy cho "ra nghề" sớm. Tay nghề khá, tính lại siêng năng giúp ông được nhiều nhà may biết tiếng, mời về làm. Từ thợ may áo sơmi, quần tây, áo vest, ông Dũng tiếp cận rồi học thêm cách may đồng phục trong ngành công an, biên phòng, y tế... Ông nói rằng trời "triệt" đi một chân của mình, nhưng bù lại cho ông đôi tay khéo hơn người.

Vượt lên và truyền động lực

Bươn chải, làm thuê từ đời chủ này sang đời chủ nọ suốt 20 năm, ông Dũng tự tin ra làm riêng và có được tiệm may Việt Dũng ngày nay. Mặt bằng mà ông thuê lại hiện không quá lớn, chỉ đủ kê một sạp vải, tủ đồ cùng vài ba chiếc bàn may. Thấu hiểu với người đồng cảnh, từ nhiều năm trước ông đã tự đứng ra nhận dạy kèm, truyền nghề cho nhiều người khuyết tật. "Họ cũng như mình thôi, muốn kiếm cái nghề, trước có cơm nuôi thân, sau quay lại phụ giúp gia đình. Đừng là gánh nặng, có tàn nhưng không phế là được" - ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng nói, để học may rồi đứng được trong nghề này không phải dễ. Chuyện đang học rồi nghỉ ngang giữa chừng vì không đủ kiên nhẫn xảy ra "như cơm bữa", cả người bình thường lẫn khuyết tật.

Thông thường khi chân trái mỏi, người may có thể chuyển sang chân phải để đạp, hai chân thay đổi, hỗ trợ nhịp nhàng. Nhưng với người khuyết tật thì lại không. Chưa kể những ai bị khuyết tật ở tay thì việc đưa vải theo ý đồ đường may để lên hình cho áo quần lại rất khó.

"Người ta hai chân làm xong về sớm, mình một chân làm chậm thì về muộn, mai lại tới sớm. Chỉ cần nhìn người khác tươi vui mặc đồ mình may, kiếm ra tiền bằng chính mồ hôi nước mắt mới càng quý. Tôi luôn răn học trò như thế" - ông Dũng nói.

Mỗi học trò khi đến học thì đóng 5 triệu đồng tiền học phí. Đến khi họ học xong, ông Dũng tặng lại số tiền đó. "Số tiền để "cầm chân" sự kiên nhẫn của người học, tránh việc học được vài ba đường kim đã muốn bỏ đi làm chỗ khác" - ông Dũng cho biết.

Đến nay, học trò của ông Dũng khoảng 200 người, phần lớn là người khuyết tật. Có nhiều học trò từ nghèo khó, tật nguyền nay đã mở được tiệm may ở quê, có người còn mở cả công ty may với nhiều công nhân ở TP lớn như Hà Nội, TP.HCM... Ở thị trấn Sịa, tỉnh Thừa Thiên Huế, danh tiếng của tiệm may Việt Dũng cùng những điều tử tế mà ông làm trước nay đã trở thành câu chuyện đẹp lan truyền.

Anh Phạm Sơn - một người khuyết tật từng học nghề ở ông Dũng nhiều năm trước, nay đã thành chủ một tiệm may cũng ở huyện Quảng Điền - xúc động: "Hai chân bị bại liệt nên tôi không thể đi đứng, làm việc bình thường. Cũng nhờ thầy mà tôi có được cái nghề trong tay, giờ vất vả nhưng vẫn có thể nuôi bản thân và gia đình".

Giúp trò tự tin

Dịch bệnh COVID-19 xảy đến khiến tiệm may Việt Dũng cũng có phần ảnh hưởng. Ông Dũng nói vì hàng hóa ít đi, thu nhập giảm nên ông cho một số học trò tạm nghỉ ở nhà. Hiện lớp chỉ có Nguyễn Văn Tuyển, 22 tuổi, bị tật ở tay do hỏa hoạn vừa mới theo học. Mỗi trưa, Tuyển và thầy đi chợ, thổi cơm ăn chung luôn tại tiệm. Ông nói những lúc đi chợ, ngồi ăn chung, ông vừa truyền nghề, truyền tinh thần giúp học trò tự tin hơn.

"Tưởng chừng đôi tay cong queo này sẽ chẳng làm được gì, thế mà nhờ thầy tận tình chỉ bảo, nay mình cũng bắt đầu biết nhiều thứ hơn" - Tuyển chia sẻ.

Vợ ông Dũng, bà Nguyễn Thị Thương (55 tuổi), nói: "Ông dạy miễn phí, đó là việc tốt nên tui đồng tình ủng hộ". (tuoitre.vn 07/9)

 
 
 

3.  Cây ATM gạo và "Phiên chợ 0 đồng" hỗ trợ người lao động trong mùa dịch

Sáng 7/9, cây ATM gạo và "Phiên chợ 0 đồng" do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế tổ chức tiếp tục hỗ trợ đợt 2 cho đoàn viên, người lao động khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ngoài gạo và một số nhu yếu phẩm đã hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động trong đợt 1, các mặt hàng 0 đồng lần này lại phong phú hơn với nhiều loại rau, củ, trứng gà, bột bánh canh, dưa muối…, được các tập thể, cá nhân gửi đến hỗ trợ.

Nhiều hoàn cảnh khó khăn tại phiên chợ cho biết, số gạo và nhu yếu phẩm được nhận từ lần trước đã dùng hết nên lần này đến sớm hơn để kịp nhận về dùng trong ngày.

Trước đó, LĐLĐ thành phố đã chuyển 1.000 phiếu nhận quà đến các đoàn viên, người lao động khó khăn cần giúp đỡ. Với mỗi phiếu nhận quà, người nhận sử dụng 3 lần, mỗi lần nhận được 2kg gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm, đồ dùng khác tùy theo số lượng hàng hóa được đóng góp.

Bà Hoàng Thị Như Thanh, Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế cho biết, cây ATM gạo và "Phiên chợ 0 đồng" đợt 2 được sự quan tâm, hỗ trợ từ các đơn vị như Công an tỉnh, LĐLĐ thị xã Hương Thủy và một số cán bộ, công nhân, viên chức, nhà hảo tâm. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục kêu gọi và mong nhận được sự góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân hơn nữa để duy trì hoạt động trên. (baothuathienhue.vn 07/9)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Cánh diều tuổi thơ

Mặc dù cuộc sống ngày càng bận rộn, với bộn bề lo toan nhưng các bậc cha mẹ cũng không quên dành thời gian cho con bằng những chuyến dã ngoại, du lịch hay đơn giản là cùng con tham gia những trò chơi tuổi thơ như thả diều.

Không chỉ trẻ em nông thôn mới biết đến cánh diều no gió vào những chiều hè, trên những cánh đồng lộng gió mà tại Quảng trường Ngọ Môn, với không gian thoáng đãng trẻ em có thể tự tay thả những cánh diều đầy màu sắc, hình thù vui nhộn. Đây thực sự là thú vui lành mạnh, giúp trẻ có thêm nhiều trải nghiệm và hơn hết là gắn kết tình cảm với cha mẹ.

Tỉ mẩn chỉ cho cậu con trai 5 tuổi cách thả, giật dây cho diều bay cao, anh Nguyễn Văn (phường Phú Hội) chia sẻ: Chiều nào làm về sớm là tôi chở con qua đây thả diều, cu cậu thích lắm. Ở đây không khí vừa trong lành, mát mẻ lại giúp con tiếp xúc được với nhiều bạn bè, nhất là những bạn có chung sở thích thả diều nên cháu vui lắm.

Cầm trên tay cánh diều hình con chim đại bàng, em Nguyễn Mạnh Tín 12 tuổi (phường Thuận Hòa) cho biết, ngày nào trời đẹp em đều cùng anh trai đạp xe ra Ngọ Môn thả diều. Thả diều rất dễ, chỉ cần học qua là biết ngay. Khi những cánh diều no gió, ngồi trên bãi cỏ xanh ngắm chúng tung bay trên bầu trời rất thú vị. Ra đây thả diều, em còn gặp được những người bạn có cùng sở thích rồi còn thi xem diều ai bay cao, bay xa hơn.

Cũng sắm cho mình một con diều xinh xắn để thả cùng con trai mỗi buổi chiều, anh Trần Đình Trọng (phường Thuận Lộc) vui vẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, cánh diều gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ. Nhưng ngày trước làm gì có những con diều to, đẹp được bán sẵn như thế này. Tôi còn nhớ lũ trẻ con trong xóm cùng nhau làm diều từ những vật liệu đơn giản như giấy báo, tập giấy cũ nan tre... Gặp gió to, có khi diều bị rách lại phải kéo xuống để vá, để sửa. Tuổi thơ thiếu thốn vậy đó nhưng rất vui. Vì thế, sau những giờ làm việc, hay những ngày nghỉ, tôi tranh thủ chơi cùng con, để tuổi thơ con có được những niềm vui, những trò chơi lành mạnh.

Thế nên, sẽ không khó để bắt gặp những cánh diều bay lượn trên bầu trời vào thời điểm cuối ngày không chỉ ở Quảng trường Ngọ Môn, mà cả những khu đất trống, khu dân cư ven đô... Ở đó luôn có những tiếng cười, niềm vui không chỉ ở con trẻ, phụ huynh mà cả những ánh nhìn như muốn níu lại ký ức tuổi thơ từ những chiếc xe lướt vội trên đường...

“Trên bãi cỏ xanh

Chúng em chạy nhanh

Cánh diều lộng gió

Bay vào trời xanh…”. (baothuathienhue.vn 07/9)

 
 
 

2.  Thứ trưởng Lê Quốc Hùng dự khai giảng ở huyện miền núi TT-Huế

Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ CA cùng Giám đốc CA tỉnh TT-Huế Nguyễn Thanh Tuấn dự lễ khai giảng năm học mới 2020-2021 tại điểm Trường Trung học cơ sở - Dân tộc nội trú (THCS-DTNT) Nam Đông và Trường THPT Nam Đông (H. Nam Đông, TT-Huế) trong ngày 5-9.

 Tại lễ khai giảng, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng hỏi thăm, động viên và chúc các thầy cô giáo, các em học sinh năm học mới đạt nhiều thành tích trong công tác, học tập. Dịp này, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng trao tặng 60 chiếc xe đạp cho các em học sinh nghèo, hiếu học của 2 trường để động viên, cổ vũ các em học sinh nghèo bước vào năm học mới. Giám đốc CA tỉnh TT-Huế cũng trao tặng quỹ khuyến học cho 2 trường 40 triệu đồng.(cadn.com.vn 07/9)  

 
 
 

3.  Đại học Huế tổ chức kỳ thi năng khiếu lần 2 vào ngày 15/9

Chiều 7/9, Hội đồng Tuyển sinh Đại học (ĐH) Huế cho biết vừa có thông báo về việc tổ chức thi tuyển sinh các môn năng khiếu vào ĐH Huế lần 2-năm 2020.

Theo Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều thí sinh ở các vùng dịch không thể tham dự kỳ thi tuyển sinh các môn năng khiếu vào ĐH Huế năm 2020 được tổ chức vào tháng 8/2020 (lần 1). Để tạo điều kiện cho những thí sinh thuộc vùng dịch (đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi lần 1 nhưng  không thể tham dự kỳ thi) cũng như những thí sinh chưa đăng ký dự thi lần 1 có điểm các môn năng khiếu để xét tuyển vào các ngành năng khiếu thuộc ĐH Huế, Hội đồng Tuyển sinh ĐH hệ chính quy ĐH Huế năm 2020 đã có thông báo về kế hoạch tổ chức kỳ thi lần 2.

Theo đó, thời gian thi dự kiến vào ngày 15/9. Thí sinh thi vào các ngành: Sư phạm Mỹ thuật, Hội họa, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất thuộc Trường ĐH Nghệ thuật (khối H) sẽ thi nội dung Hình họa; Trang trí. Riêng ngành Điêu khắc thi nội dung Tượng tròn; Phù điêu.

Đối với Trường ĐH Sư phạm, thí sinh thi vào ngành Giáo dục Mầm non (khối M) sẽ thi nội dung hát (tự chọn) và đọc diễn cảm. Ngành Sư phạm âm nhạc (khối N) có 2 nội dung thi năng khiếu, trong đó năng khiếu 1 là cao độ; tiết tấu và năng khiếu 2 là hát/nhạc cụ.

Tại Khoa Giáo dục thể chất, thí sinh đăng ký dự thi ngành Giáo dục thể chất (khối T) sẽ thi hai nội dung bật xa tại chỗ và chạy 100m. Trường ĐH Khoa học cũng có 2 ngành thuộc khoa Kiến trúc tổ chức thi năng khiếu đợt 2 (khối V) là ngành Kiến trúc; Quy hoạch vùng và đô thị. Cả hai ngành trên đều có nội dung thi Vẽ mỹ thuật (vẽ tĩnh vật). (baothuathienhue.vn 07/9)

 
 
XÂY DỰNG
 

1.  Hỗ trợ kinh phí kiên cố hóa các chốt kiểm soát phòng, chống dịch

Ngày 7/9, đoàn lãnh đạo huyện A Lưới đã đến thăm, tặng quà hỗ trợ các đồn biên phòng (ĐBP) xây dựng bán kiên cố và kiên cố hóa các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới.

Huyện A Lưới hiện có 19 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 thuộc 4 ĐBP, gồm: Hương Nguyên (4 chốt), cửa khẩu A Đớt (6 chốt), Nhâm (5 chốt) và cửa khẩu Hồng Vân (4 chốt).

Mỗi chốt kiểm soát được trao tặng, hỗ trợ 5 triệu đồng. Tổng kinh phí trao tặng, hỗ trợ là 95 triệu đồng. Kinh phí trao tặng từ nguồn đóng góp tự nguyện của cán bộ, công chức, viên chức, các cá nhân, đơn vị, người dân trên địa bàn huyện thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam huyện A Lưới.

Cùng với các nguồn hỗ trợ khác, nguồn kinh phí được trao tặng lần này sẽ được sử dụng cho mục đích xây dựng bán kiên cố và kiên cố hóa các chốt kiểm soát để làm tốt hơn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đại diện các ĐBP, đây không chỉ là nguồn hỗ trợ về mặt vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn, giúp các chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch; ngặn chặn các đối tượng trốn tránh dịch qua đường mòn, lối mở. (baothuathienhue.vn 07/9)

 
 
Y TẾ
 

1.  Thừa Thiên - Huế ra công văn hỏa tốc: 'Mở cửa' với người có xét nghiệm PCR âm tính

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công văn hỏa tốc cho phép người từ vùng dịch được đến địa bàn Thừa Thiên - Huế, trong thời gian 72 giờ nếu có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2.

Chiều 7.9, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công văn hỏa tốc hướng dẫn các biện pháp phòng dịch và thủ tục cần thiết dành cho người từ vùng dịch có nhu cầu giải quyết công việc cá nhân được đến địa bàn Thừa Thiên - Huế, trong thời gian 72 giờ nếu có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với virus SARS-CoV-2. Thời gian áp dụng kể từ thời điểm phát hành văn bản.

Theo đó, điều kiện để công dân đến từ các vùng dịch Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương được đến Thừa Thiên - Huế phải có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2, thời gian lưu trú tối đa là 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.

Nếu có công việc cấp thiết muốn tiếp tục ở Thừa Thiên- Huế thì phải lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, trước 12 giờ trước khi kết thúc thời hạn 72 giờ của lần xét nghiệm trước đó.

Để đăng ký đến Thừa Thiên - Huế, công dân từ vùng dịch của các địa phương trên phải khai báo y tế tại địa chỉ: tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được xem xét, phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, người đến Thừa Thiên - Huế phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 phương pháp RT-PCR âm tính tại chốt kiểm tra liên ngành để vào Thừa Thiên - Huế.

Đối với phương tiện vận tải đến địa bàn Thừa Thiên - Huế, sau khi đăng ký và được phê duyệt vào địa bàn phải được phun thuốc khử khuẩn tại chốt kiểm dịch, đi thằng đến điểm đã đăng ký không được dừng, quá trình sử dụng phương tiện cá nhân không đươc chở hoặc để người lên xe, không được sử dụng xe vào mục đích khác.

Sau khi vào địa bàn, người từ vùng dịch điều khiển phương tiện phải tuân thủ nghiêm "5K": Khai báo, khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người và quy định phòng chống dịch trong suốt thời gian lưu trú tại Thừa Thiên - Huế (thanhnien.vn 07/9)

 
 
 

2.  Thừa Thiên Huế: Thực hiện giãn cách phù hợp, đảm bảo phát triển KT-XH

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế cho rằng, hiện tại các địa phương có dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam đã nới lỏng các biện pháp giãn cách, nhiều lĩnh vực được hoạt động trở lại, các hoạt động vận tải đến và đi tại Đà Nẵng cũng đã được mở cửa, điều này đòi hỏi tỉnh cũng phải tính toán các phương án phòng chống dịch bệnh phù hợp, đặc biệt là việc đón công dân đến từ vùng dịch. Các phương án phải được tính toán kỹ, vừa đảm bảo thuận tiện cho dân nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch...

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID - 19 tỉnh tham mưu, đề xuất các biện pháp giãn cách phù hợp để sống chung với dịch an toàn và đảm bảo cho việc phát triển KT- XH.

“Thừa Thiên Huế không chỉ chống dịch cho tỉnh mà phải có trách nhiệm chống dịch cho cả quốc gia, góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Các sở, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng bộ tiêu chí cho tất cả các đơn vị trên địa bàn, xem đây là việc cấp bách và mang tính lâu dài. Bên cạnh đó, tiếp tục bám sát phương châm “4 tại chỗ”, không chỉ các địa phương mà các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty cũng phải “4 tại chỗ” để tăng cường tính chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống xấu của dịch bệnh có thể xảy ra. Phải xác định dịch bệnh sẽ tồn tại trong thời gian dài. Công tác phòng chống dịch cũng sẽ có nhiều diễn biến, thay đổi theo tình hình. Toàn hệ thống phải nỗ lực thêm nhiều hơn nữa để mọi người dân được sống an toàn, kinh tế xã hội phát triển ổn định”, ông Thọ nói.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền vận động người dân duy trì việc khai báo y tế, thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe. Tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại từng hộ gia đình, từng khu phố, từng địa bàn quản lý; phối hợp với các lực lượng công an, y tế nắm chắc địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, truy vết khi có dịch bệnh xảy ra.

Tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động các chốt kiểm tra y tế liên ngành, giám sát chặt chẽ người và phương tiện vào tỉnh Thừa Thiên Huế, quyết tâm ngăn chặn không để nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh. Các địa phương tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện thực thi công vụ và sinh hoạt của lực lượng chức năng đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.

Công dân vùng dịch vào Huế phải có kết quả PCR âm tính trong vòng 72 giờ

Để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu đến Huế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thừa Thiên Huế thống nhất: Đối với công dân từ vùng dịch như Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Nam đến Huế, phải đăng ký khai báo y tế người, phương tiện tại địa chỉ http://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được xem xét, phê duyệt (qua mạng).

Sau khi được phê duyệt vào Huế, các công dân khi đến các chốt kiếm tra liên ngành phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR với kết quả âm tính trong vòng 72 giờ. Thời gian lưu trú lại Huế tối đa đến thời điểm hết hạn 72 giờ tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR.

Trường hợp công dân có nhu cầu cấp thiết muốn tiếp tục ở lại Thừa Thiên Huế thì phải lấy mẫu mới để xét nghiệm, chậm nhất 12 giờ trước khi kết thúc thời hạn 72 giờ của lần xét nghiệm PCR trước đó. Chi phí lấy mẫu và xét nghiệm, công dân phải trả. Đồng thời công dân phải đăng ký lại tại địa chỉ http://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khai bao.

Đối với những phương tiện vận chuyển khi đến Huế, thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 6830/UBND-CT. Cụ thể công dân phải chủ động phương tiện cá nhân, được phun khử khuẩn tại chốt kiểm tra, đi thẳng, không được dừng đỗ để đến điểm đến đã đăng ký và đã được phê duyệt. Sau khi vào địa bàn tỉnh, yêu cầu tuân thủ nghiêm “5K: Khai báo, khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người”.

Đến tối 7/9, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa phát hiện trường hợp dương tính COVID-19. Hiện còn 1 trường hợp dương tính COVID-19 từ Quảng Nam chuyển đến đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2.

Tính đến nay, Thừa Thiên Huế đã hoàn thành cách ly y tế tập trung cho 4.780 trường hợp. Đang tổ chức cách ly y tế tập trung 1.074 trường hợp. Đã hoàn hành cách ly bắt buộc tại nhà và nơi lưu trú gần 15.000 trường hợp. Đang cách ly bắt buộc tại nhà và nơi lưu trú 23 trường hợp; khuyến cáo cách ly tại nhà 2.571 trường hợp. Đến nay đã lấy 43.215 mẫu xét nghiệm và đều âm tính.

Tổng số người từ vùng dịch đến và trở về địa phương từ ngày 10/7 đến nay là 37.757 người; trong đó người Thừa Thiên Huế trở về 28.215 người. Trong ngày 7/9, các chốt kiểm tra y tế liên ngành đã kiểm tra 4.625 phương tiện ô tô và xe máy, kiểm tra y tế 6.826 người; cấp 5.705 phù hiệu cho các phương tiện vào, đi qua địa bàn tỉnh.

Các mặt hàng tại Huế hiện đang rất dồi dào, mọi hoạt động mua bán diễn ra bình thường, giá cả được niêm yết theo quy định, không có tình trạng găm hàng để đầu cơ tích trữ. Các loại rau củ và hải sản, thịt gia súc, gia cầm vẫn ổn định và không có dấu hiệu đầu cơ tăng giá. Hàng hóa các chợ, siêu thị vẫn bảo đảm cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân trên địa bàn. Các loại khẩu trang và nước sát khuẩn tại một số chợ, trung tâm...vẫn cung cấp kịp thời hàng phục vụ cho người dân khi có nhu cầu sử dụng. (baotainguyenmoitruong.vn 07/9)

 
 
 

3.  Vì sao người từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương vẫn phải cách ly khi đến Thừa Thiên - Huế?

Thừa Thiên- Huế đã dỡ bỏ hạn chế công dân về từ vùng dịch đối với một số địa phương, nhưng vẫn áp dụng biện pháp cách ly 14 ngày đối với người đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương

Sáng 7.9, ông Nguyễn Đình Bách, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết tỉnh này vẫn duy trì các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào Thừa Thiên - Huế, đồng thời vẫn áp dụng biện pháp cách ly 14 ngày đối với người đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương.

Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Đình Bách cho biết theo quy định của Chính phủ về điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, thì chưa qua 28 ngày phát hiện trường hợp mới nhiễm SARS-CoV-2, nên hiện Thừa Thiên - Huế vẫn áp dụng biện pháp cách ly đối với những người đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Đính Bách, hiện Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nghiên cứu nới lỏng thêm một số biện pháp giám sát người từ vùng dịch về, trong đó có Đà Nẵng.

Tính đến ngày 7.9, Thừa Thiên - Huế đang tiến hành cách ly tập trung 1.074 người đến từ các địa phương có dịch. (thanhnien.vn 07/9)

 
 
 

4.  Xây dựng phương án phù hợp để sống chung với dịch an toàn

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 sáng 7/9, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, các địa phương có dịch đã nới lỏng biện pháp giãn cách, nhiều lĩnh vực được hoạt động trở lại, vận tải đến và đi tại Đà Nẵng cũng đã được mở cửa, điều này đòi hỏi tỉnh ta phải tính toán các phương án phòng chống dịch bệnh phù hợp, đặc biệt là việc đón công dân đến từ vùng dịch.

“Các phương án phải được tính toán kỹ, vừa đảm bảo thuận tiện cho người dân nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch". Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo tham mưu, đề xuất các biện pháp giãn cách phù hợp để sống chung với dịch an toàn, đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Thừa Thiên Huế không chỉ chống dịch cho tỉnh mà phải có trách nhiệm chống dịch cho cả quốc gia, góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng bộ tiêu chí cho tất cả các đơn vị trên địa bàn, xem đây là việc cấp bách và mang tính lâu dài. Bên cạnh đó, tiếp tục bám sát phương châm "4 tại chỗ", không chỉ các địa phương mà các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty cũng phải "4 tại chỗ" để tăng cường tính chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống xấu của dịch bệnh có thể xay ra.

"Phải xác định dịch bệnh còn tồn tại trong thời gian dài. Công tác phòng chống dịch cũng sẽ có nhiều diễn biến, thay đổi theo tình hình nên cũng sẵn sàng các kịch bản “chuyển trạng thái”. Toàn hệ thống phải nỗ lực thêm nhiều hơn nữa để mọi người dân được sống an toàn, kinh tế, xã hội phát triển ổn định, thích nghi với an toàn phòng chống dịch trong trạng thái mới”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền vận động người dân duy trì việc khai báo y tế, thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe. Tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại từng hộ gia đình, từng khu phố, từng địa bàn quản lý; phối hợp với các lực lượng công an, y tế nắm chắc địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, truy vết khi có dịch bệnh xảy ra. (baothuathienhue.vn 07/9)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Bình yên Lăng Cô

"Đẹp hơn tranh thủy mặc" là cảm nhận của nhiều du khách khi đến với Lăng Cô. Lăng Cô đẹp quyến rũ mê hoặc du khách bởi những bãi cát trắng dài và làn nước biển trong xanh. (Video baothuathienhue.vn 07/9)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Kịp thời ngăn chặn 2 nhóm thanh, thiếu niên dùng hung khí giải quyết mâu thuẫn

Chiều 7/9, Cơ quan Cánh sát điều tra Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để xử lý 2 nhóm đối tượng gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Trước đó, do xảy ra mâu thuẫn nên nhóm 6 đối tượng do Hồ Anh Tuấn (SN 1992), trú tại 40/6 Phan Chu Trinh, phường Trường An (TP. Huế) cầm đầu kéo đến địa chỉ 14/54/131 Trần Phú, phường Phước Vĩnh (TP. Huế) gặp nhóm gồm 4 đối tượng do Hồ Phú Cường (SN 1993), trú tại 14/54/131 Trần Phú, phường Phước Vĩnh cầm đầu để giải quyết mâu thuẫn.

Khi đi nhóm của Tuấn mang theo 3 dao tự chế, 1 roi điện, 1 bình xịt hơi cay và nhiều hung khí nguy hiểm khác.

Ngay sau khi nhận được tin báo của quần chúng Nhân dân về việc có 2 nhóm chuẩn bị giải quyết mâu thuẫn, Công an phường Phước Vĩnh đã nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ kịp thời tới hiện trường để khống chế và đưa tất cả các đối tượng về trụ sở để làm việc.

Hiện Công an TP. Huế đang tiếp tục điều tra mở rộng, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật. (baothuathienhue.vn 07/9, vov.vn 07/9)

 
 
DOANH NGHIỆP
 

1.  Doanh nghiệp dệt may tăng doanh thu từ chuỗi cung ứng

Sau khi chuyển dịch các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm truyền thống sang khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế đáp ứng nhu cầu khách hàng trong bối cảnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may có cơ hội phát triển chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường và tăng doanh thu.

Doanh thu tăng gấp đôi

Những ngày này, 18 chuyền may của Công ty CP Dệt may Phú Hòa An hoạt động ở Khu công nghiệp Phú Bài luôn hoạt động hết công suất, 900 CBCNV-LĐ luân phiên sản xuất để kịp hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế sang thị trường Mỹ. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, DN vẫn duy trì sản xuất và xem đây là cơ hội tốt trong quá trình sản xuất kinh doanh khi doanh thu tăng, lợi nhuận cao và đời sống CBCNV-LĐ ổn định.

Tổng Giám đốc công ty, ông Lê Hồng Long khẳng định, 5 năm trở lại đây, thời điểm từ đầu tháng 4/2020 đến nay được xem là “cơ hội vàng” cho DN khi quyết định chuyển dịch các đơn hàng áo quần sang khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế. Sau 5 tháng sản xuất, đến nay, công ty đã xuất 25 triệu sản phẩm khẩu trang vải.

So với các đơn hàng truyền thống thì may sản phẩm khẩu trang cho năng suất cao, doanh thu cao gấp đôi và nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất luôn đảm bảo vì chủ yếu nhập từ các nhà máy dệt vải trong nước. Doanh thu 8 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 150 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2020; thu nhập bình quân của lao động từ 6,6 triệu đồng/người/tháng tăng lên 7,9 triệu đồng. Hiện, DN đã nhận đơn hàng đến hết năm 2020 và đang tiếp tục đàm phán để ký kết các đơn hàng khẩu trang cho năm 2021.

Ông Long cho biết, nhờ tăng trưởng khá nên đầu quý III/2020, công ty đầu tư 130 tỷ đồng khởi công thêm nhà máy may 2 với công suất 24 chuyền may. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong quý I/2021, giải quyết việc làm cho thêm 1.000 lao động và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm khẩu trang và đồ bảo hộ y tế cho các đối tác Mỹ.

Hiện, toàn tỉnh có khoảng 10 DN dệt may chuyển dịch các đơn hàng truyền thống sang may khẩu trang và đồ bảo hộ y tế, góp phần duy trì sản xuất và giải quyết việc làm cho người lao động. Cùng với việc duy trì sản xuất, các DN liên kết, hỗ trợ nhau trong việc chia sẻ đơn hàng nhằm thực hiện đúng thời gian giao - nhận hàng theo hợp đồng ký kết.

Theo Giám đốc điều hành Công ty CP Dệt may Huế Nguyễn Hồng Liên, sau 3 tháng tập trung sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn phục vụ thị trường nội địa, góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, tháng 6/2020, công ty đã ký kết các đơn hàng xuất khẩu khẩu trang sang Mỹ, đến nay đã xuất đi 500 ngàn sản phẩm, đồng thời gia công 9 triệu sản phẩm cho các DN trong nước xuất đi các thị trường Mỹ, châu Âu. Quý II/2020, khi các sản phẩm truyền thống gặp khó khăn thì may khẩu trang cho doanh thu cao, xuất khẩu dễ dàng và tạo điều kiện cho DN giữ chân lao động.

Tại Công ty Scavi Huế, thời điểm nửa cuối tháng 3/2020 là giai đoạn DN gặp khá nhiều khó khăn khi các đơn hàng xuất sang Mỹ, châu Âu không xuất khẩu được do ảnh hưởng COVID-19.

Sang đầu tháng 4/2020, sau khi đàm phán với khách hàng truyền thống, công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn số lượng lớn (trên 250 triệu sản phẩm). So với các đơn hàng may trang phục lót thì năng suất may khẩu trang cao hơn do các công đoạn may đơn giản, nguyên liệu sản xuất dồi dào do nhập vải từ các nhà máy trong nước.

Rút ngắn thời gian cấp CO

Theo Sở Công thương, 8 tháng đầu năm 2020, các DN dệt may trên địa bàn sản xuất hơn 520 triệu sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 2.200 tỷ đồng.

Dù sản lượng sản phẩm truyền thống của ngành dệt may giảm mạnh, trong đó trang phục lót giảm 15%, sợi các loại giảm 2%, song chỉ số ngành sản xuất trang phục vẫn tăng trưởng khá, tăng 13% so với cùng kỳ, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.

Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hùng Sơn thông tin, ngoài việc thông báo, hướng dẫn các DN thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các nhà máy, cơ sở sản xuất đảm bảo bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn theo quy định, sở phối hợp với Cục Hải quan hỗ trợ DN trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ các dự án đầu tư và hoạt động sản xuất, đồng thời đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành dệt may.

Ông Sơn cho biết, sắp tới, sở tổ chức kết nối các DN và nhà cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu để sản xuất sản phẩm khẩu trang vải, kết nối các DN dệt may có nhu cầu thuê gia công lại trong hoạt động sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế để đảm bảo tiến độ hợp đồng. Đồng thời, thông báo các DN may mặc sản xuất khẩu trang đăng thông tin trên website của Bộ Công thương, hỗ trợ DN cung ứng sản phẩm khẩu trang vải cho các địa phương trong nước nhằm mở rộng thị trường, ổn định sản xuất. (baothuathienhue.vn 08/9)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Đẩy mạnh hỗ trợ trực tuyến cho người nộp thuế

Tuần lễ "Đồng hành cùng người nộp thuế" do Cục Thuế tổ chức nhằm tuyên truyền kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Thuế và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế. Tuần lễ diễn ra từ ngày 7 đến 11/9/2020 tại trụ sở Văn phòng Cục Thuế và các chi cục thuế.

Chương trình nhằm lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến của người nộp thuế (NNT) đang gặp khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.  Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ cho NNT bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn nhanh chóng cho NNT thực hiện các thủ tục về khoanh nợ, xóa nợ, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các thủ tục hành chính về thuế khác theo quy định.

Để đạt hiệu quả cao trong Tuần lễ đồng hành cùng NNT, Cục Thuế tỉnh bố trí hợp lý cán bộ, chuyên viên trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ giải đáp thắc mắc của NNT tại Cục Thuế và các chi cục thuế. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, công tác hỗ trợ trực tuyến qua điện thoại, email, trang thông tin điện tử, facebook được Cục Thuế tỉnh tập trung thực hiện. (baothuathienhue.vn 07/9)

 
 
 

2.  Thừa Thiên Huế: Trồng rừng thay thế hơn 1.200 hecta

Đến nay Thừa Thiên Huế đã bố trí trồng 1.253,7 hecta, gồm 1.119,5 ha rừng phòng hộ và 134,2 ha rừng đặc dụng.

Trồng rừng thay thế là việc trồng lại rừng với diện tích tối thiểu bằng diện tích rừng đã thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp, nhằm bảo đảm diện tích đất có rừng không giảm, góp phần chống biến đổi khí hậu, giảm lũ lụt và xói mòn đất, điều tiết nguồn nước; đồng thời để các chủ dự án chuyển mục đích sử dụng rừng thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định.

Hoạt động trồng rừng thay thế tại tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu thực hiện trong những năm vừa qua, đến nay đã bố trí trồng 1.253,7 hecta, gồm 1.119,5 hecta rừng phòng hộ và 134,2 hecta rừng đặc dụng. Rừng thay thế chủ yếu được bố trí trồng tại các vị trí xung yếu, có yêu cầu phòng hộ cao như khu vực xung quanh lòng hồ thủy lợi Tả Trạch, lòng hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, núi Kim Phụng, tuyến đường 71…

Ghi nhận của PV ở công trình rừng trồng thay thế xung quanh lòng hồ thủy lợi Tả Trạch cho thấy, hiện nay chủ đầu tư đã trồng được hơn 240 hecta rừng với các loài cây chính là Lim xanh, Sao đen, Dầu rái. Mặc dù mới trồng hơn 1 năm, nhưng cây trồng phát triển rất tốt, chiều cao cây bình quân gần 2 m, chất lượng rừng rất tốt. Ngoài ra, việc hình thành các khu rừng sẽ góp phần hạn chế xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất xung quanh lòng hồ. Đồng thời hình thành nên các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong thời gian tới.

Để nâng cao chất lượng và diện tích rừng trồng thay thế trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương đề nghị các đơn vị tiến hành theo dõi, giám sát, bảo vệ tốt diện tích trồng rừng thay thế, bảo đảm thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về trồng, chăm sóc rừng để diện tích đã trồng rừng thay thế thành rừng. Đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện, hoàn thành trồng tất cả diện tích rừng còn lại trong năm 2020. Từ đó, từng bước phục hồi lại những khu rừng bản địa rộng lớn. (baotainguyenmoitruong.vn 08/9)

 
 
 

3.  Thi công hoàn thành dự án thí điểm tu bổ bờ kè Kinh thành Huế

Dự án tu bổ, tôn tạo hệ thống kè Hộ Thành Hào mặt nam Kinh thành Huế, đoạn từ cửa Thể Nhơn đến 11N (Nam Xương Đài) hoàn thành sau 90 ngày thi công, bóc dỡ bằng tay. Dự kiến trong tháng 9/2020, chủ đầu tư sẽ tổ chức hội thảo khoa học, lấy ý kiến của chuyên gia để tiếp tục triển khai trùng tu những đoạn còn lại.

Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Tiếp thu ý kiến của dư luận và các cơ quan chức năng về những sai sót trong quá trình thi công đoạn từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài, Kinh thành Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã yêu cầu Phân viện Khoa học và Công nghệ xây dựng miền Trung - đơn vị thi công dự án chọn một đoạn kè để tu bổ thí điểm theo đúng yêu cầu kỹ thuật về bảo tồn di tích. Phía đơn vị thi công đã chọn đoạn từ cửa Thể Nhơn đến 11N (Nam Xương Đài), với chiều dài hơn 200m để triển khai thi công thí điểm.

Trước khi triển khai thi công, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã thành lập hội đồng đánh giá hiện trạng di tích xem đoạn kè nào cần tháo dỡ tu bổ, đoạn nào sẽ bảo tồn nguyên trạng. Phương án thi công, nhà thầu đã cho hút hết nước, đóng cừ tre và đắp đê quay bao quanh trước khi đào bóc đá gan gà lên bờ đề phân loại và tái sử dụng đều bằng phương pháp thủ công. Thí điểm đổ bê tông phần đáy móng, xếp đá khan theo kỹ thuật truyền thống, có vữa kết dính ở bên trong. Tất cả đá cũ được xếp ở mặt ngoài không vữa kết dính. Đoạn bờ kè sát cửa Thể Nhơn (thường gọi cửa Ngăn) dài khoảng gần 100m đang còn nguyên trạng, đơn vị đã yêu cầu giữ lại nguyên gốc và tu bổ bề mặt.

Ông Phan Văn Tuấn cho biết thêm: Dự án thi công thí điểm đoạn từ cửa Thể Nhơn đến 11N (Nam Xương Đài) đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số hạng mục nhỏ, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2020. Khi hoàn tất, chủ đầu tư sẽ tổ chức hội thảo khoa học, lấy ý kiến của chuyên gia, cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa… để tiếp tục triển khai trùng tu những đoạn kè cổ còn lại, có chiều dài khoảng 24km, cả phía trong và ngoài.

Như Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh, dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế, được UBND tỉnh phê duyệt năm 2011, với tổng mức đầu tư 1.282 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục tu bổ tôn tạo Hộ Thành Hào có tổng mức đầu tư 497 tỷ đồng. Dự án có quy mô lớn nên UBND tỉnh đã điều chỉnh dự án đến năm 2020. Công trình do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế làm chủ đầu tư và Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung thiết kế và thi công.

Mục tiêu của dự án là tu bổ toàn bộ hệ thống kè, hào đã bị hư hỏng sạt lở, nạo vét lòng hào đã bị bồi lắp, tu bổ tường thành, chỉnh trang hệ thống cầu… Phần tu bổ và tôn tạo di tích Hộ Thành Hào nằm trong tổng dự án trên, với các hạng mục: Kè đá, lòng hào, tuyến phòng lộ và các bến cổng. Trong đó, sẽ tu bổ 10.443m kè phía trong, tiếp giáp với tuyến phòng lộ, riêng mặt phía Nam sẽ tu bổ với chiều dài gần 2.500m.

Phương án tu bổ Hộ Thành Hào được bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ và phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ... Thế nhưng, khi triển khai thi công đoạn từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài nhà thầu đã cho tháo dỡ toàn bộ phần bờ kè đá cũ và xây dựng một bờ kè mới bằng đá granit, vữa xi măng, phần chân móng đúc bê tông cốt thép... với chiều dài khoảng 1.000m, chiếm gần 10% so với tổng chiều dài kè sẽ được tu bổ ở Hộ Thành Hào. (baoxaydung.com.vn 07/9)

 
 
 

4.  Lạc quan trước khó khăn

Dù rất bận với công tác tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương, song 5 thành viên tổ hợp tác “Nuôi cá lồng thanh niên xã Phú Thượng”, huyện Phú Vang do anh Nguyễn Lương Thọ, Bí thư Xã đoàn làm tổ trưởng, vẫn tranh thủ thay nhau mỗi người 10 ngày chăm sóc cá.

Anh Nguyễn Lương Thọ cho biết, năm ngoái, 4 lồng cá hồng, cá trắm, cá trê của tổ hợp tác cho thu hoạch 2 lứa, mỗi lứa hơn 1 tấn, bán được giá nên thu về được gần 200 triệu đồng. Các thành viên thống nhất dùng toàn bộ số tiền thu được để đầu tư hoàn thiện hơn mô hình, hy vọng thu nhập cao hơn trong năm nay.

Thế nhưng, dịch COVID-19 xuất hiện, mối tiêu thụ lớn là những nhà hàng, khách sạn đều ngừng thu mua, cá đến kỳ thu hoạch đành phải bán hạ gần 10 giá so với năm ngoái, nhưng số lượng cá đến kỳ thu hoạch vẫn chưa bán hết. Xót tiền của và công sức bỏ ra, song các thành viên tự động viên nhau đó là khó khăn chung, họ chung tay tìm đầu ra cho cá tại các chợ truyền thống, bán lẻ qua các mối quen biết và bán hàng online…Đồng thời, tiếp tục đầu tư thả thêm con giống để duy trì sản phẩm đầu ra trong thời gian tới. “Chúng tôi rất mong được giải ngân vốn vay khởi nghiệp mà chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ trước đó để giải quyết những khó khăn trước mắt”, anh Thọ chia sẻ.

Tinh thần lạc quan, vượt khó do dịch của các thành viên tổ hợp tác “Thanh niên nuôi cá lồng xã Phú Thượng” cũng là tinh thần chung của nhiều ông chủ trẻ trên địa bàn tỉnh mà chúng tôi gặp. Anh Nguyễn Hiệp, chủ xưởng cơ khí Hiệp Thành Phát ở tổ dân phố Vĩnh Nguyên, thị trấn Phong Điền cho biết, không dám chắc thời gian tới sẽ như thế nào, nhưng cho đến nay anh vẫn duy trì việc làm thường xuyên cho 5 nhân công với mức thu nhập trung bình từ 300 đến 350 nghìn đồng/ngày.

Xưởng anh Hiệp chuyên lắp ráp, sản xuất các loại cửa sắt, cầu thang, lan can… ở các công trình dân dụng. Dịch diễn biến phức tạp, nhiều đơn hàng đã nhận nhưng khách hàng hoãn lại. Ngoài ra, một số công trình ngoại tỉnh anh nhận trước đó cũng do dịch nên chưa thể thi công.“Khi dịch bùng phát, điều tôi lo lắng, trăn trở nhất là làm sao duy trì được việc làm cho những người thợ đã gắn bó, đồng cam cộng khổ với tôi từ nhiều năm nay”, Hiệp chia sẻ.

Vì vậy, anh luôn động viên, nhắc nhở anh em trong xưởng tuân thủ thực hiện tốt mọi biện pháp phòng chống dịch theo quy định, đồng thời phải thi công đảm bảo chất lượng, uy tín để duy trì việc làm trước mắt, hết dịch sẽ tăng tốc để tăng thu nhập.

 Còn với Nguyễn Văn Trung ở xã Phú Diên (Phú Vang) - ông chủ trẻ của mô hình “Sản xuất sữa từ các loại hạt”, do không tăng doanh thu được như kế hoạch năm đề ra, anh chuyển hướng duy trì kết quả sản xuất.

Trung kể, 3 năm qua, mô hình “Sản xuất sữa từ các loại hạt” từng bước đi vào ổn định. Năm 2020, anh dự định đầu tư xe đông lạnh, mở rộng thị trường ra một số tỉnh lân cận mà anh đã khai thác được trước đó. Dịch COVID-19 xuất hiện, buộc Trung phải chuyển mục tiêu tăng doanh thu sang cố gắng duy trì. Ngoài thị trường tiêu thụ cố định tại căng tin của các doanh trại quân đội, hầu hết thị trường tại các chợ, các đại lý đều giảm. Để bù lại, Trung chuyển mạnh qua kênh bán hàng online. Đắp đổi qua về, Trung vẫn duy trì được lợi nhuận như năm trước. Hiện Trung dành thời gian tìm hiểu các kiến thức, nghiên cứu sản xuất thêm các loại sữa từ nhiều loại hạt khác nhau; đồng thời, cải tiến mẫu mã cho sản phẩm để tạo tính cạnh tranh sau khi dịch được kiềm chế.

Ngoài ra, nhiều mô hình khác như: mô hình “Du lịch sinh thái cộng đồng" của thanh niên Dương Thị Thúy Hằng (TP. Huế), “Cửa hàng dịch vụ công nghệ thông tin” của anh Lê Minh Tám (huyện Phú Lộc)… đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, thay vì lo lắng, bỏ cuộc, họ luôn lạc quan, tự tìm giải pháp duy trì mô hình của mình.

Chị Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần lạc quan, nỗ lực vượt khó của các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thiện 15 hồ sơ để sắp tới giải ngân vốn vay “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của Tỉnh đoàn. Đồng thời, hướng dẫn, giới thiệu để những thanh niên có mô hình kinh tế khả thi tiếp cận nguồn vốn vay 120 của Trung ương Đoàn nhằm duy trì phát triển kinh tế, tạo việc làm cho thanh niên trong bối cảnh khó khăn chung do dịch COVID-19”. (baothuathienhue.vn 07/9)

 
 
 

5.  Thừa Thiên Huế: Bảo tồn và phát triển các làng nghề và nghề truyền thống

Cùng với việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đổi mới công nghệ, thiết bị, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, thị xã Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát triển các ngành, nghề TTCN, trong đó có các làng nghề truyền thống… qua đó, góp phần duy trì và phát huy giá trị các làng nghề, tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. ( Video congthuong.vn 08/9)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.777.044
Truy cập hiện tại 114