Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 05/08/2020
Ngày cập nhật 05/08/2020

Điểm tin báo chí liên quan đến tỉnh Thừa Thiên Huế

TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG
 

1.  Vụ khai thác đất lậu, chính quyền ở đâu: Xử phạt 105 triệu đồng

Đây là vụ khai thác đất san lấp trái phép mà phóng viên Báo Người Lao Động phối hợp với lực lượng công an bắt quả tang. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định xử phạt với số tiền 105 triệu đồng. Đối tượng Nguyễn Văn Quang (SN 1991; ngụ tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ra quyết định xử phạt với số tiền 105 triệu đồng do có hành vi vi phạm hành chính khai thác khoáng sản đất san lấp làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thông tin trên được Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế xác nhận vào ngày 5-8. Đây là vụ khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp với khối lượng lớn xảy ra ở khu vực trang trại của ông Nguyễn Dành, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy mà phóng viên Báo Người Lao Động đã phối hợp với lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế bắt quả tang vào tối 8-6. Sau một thời gian điều tra làm rõ, xác định các đối tượng và khối lượng đất khai thác trái phép, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ra quyết định xử phạt.

Cùng ngày, ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cũng cho biết vừa ký quyết định xử phạt số tiền 45 triệu đồng đối với ông Trần Phước Phú (SN 1989; ngụ phường Thủy Phương) với hành vi nêu trên.

Trước đó, vào ngày 27-5, sau khi nhận được tin báo, phóng viên Báo Người Lao Động đã trực tiếp tới hiện trường ghi nhận hàng chục xe tải, xe múc của nhiều đối tượng đang có hành vi khai thác đất san lấp trái phép tại trang trại ông Nguyễn Viết Tố ở khu vực Năm Lăng, phường Thủy Phương. Sau khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh từ chúng tôi, lãnh đạo UBND thị xã Hương Thủy đã chỉ đạo các lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, ghi nhận hiện trường.

Ngoài xử phạt tiền, các quyết định cũng yêu cầu những đối tượng này khắc phục môi trường đã khai thác, đưa khu vực khai thác về hiện trạng ban đầu. (nld.com.vn 5.8)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Xử lý nghiêm tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm

Kịp thời phát hiện, làm rõ, xử lý và đề xuất xử lý nghiêm những tổ chức Đảng (TCĐ), đảng viên vi phạm nguyên tắc Điều lệ Đảng chính là để mỗi cán bộ, đảng viên, TCĐ rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, nỗ lực hơn nữa trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Từ đầu năm đến nay, UBKT Tỉnh ủy đã tiếp nhận và xử lý 65 lượt đơn phản ánh, kiến nghị, tố cáo đối với đảng viên. Qua rà soát, thẩm định, UBKT Tỉnh ủy đã chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý 23 đơn. UBKT Tỉnh ủy cũng đã hướng dẫn, trả lại 4 đơn; tiến hành lưu 30 đơn; đang tiếp tục thẩm định 7 đơn.

Tăng cường kiểm tra

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy thành lập đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy và cá nhân Huyện ủy viên (HUV), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồng Thủy (A Lưới) nhiệm kỳ 2015 - 2020. Nội dung kiểm tra bao gồm: Việc ban hành quy chế làm việc của Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020; tham mưu và tổ chức thực hiện các bước về tổ chức cán bộ; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị, ngày 3/1/2014 và Chỉ thị 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 21/2/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

Đối với cá nhân HUV, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồng Thủy, đoàn kiểm tra của UBKT Tỉnh ủy kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nội dung trên của tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã Hồng Thủy; thực hiện Quy định 101 của Ban Bí thư, ngày 7/6/2012 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tất cả các nội dung mà đoàn kiểm tra của UBKT Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra đối với Ban Thường vụ Đảng ủy, HUV, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồng Thủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 đều có những sai phạm. Đó là, tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã trong xây dựng, bổ sung quy chế làm việc chưa đảm bảo theo quy định của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, vượt thẩm quyền; tổ chức sinh hoạt Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy chưa nghiêm; các bước trong công tác cán bộ và kết nạp đảng viên chưa đảm bảo theo quy định; việc lãnh đạo, chỉ đạo kê khai tài sản chưa đảm bảo.

Cá nhân HUV, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã Hồng Thủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã sai phạm trong tham mưu bổ sung quy chế, tổ chức thực hiện quy chế của Đảng ủy; chấp hành không nghiêm những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương; việc kê khai tài sản của đơn vị và bản thân chưa đảm bảo. Từ những sai phạm đó, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét và thi hành kỷ luật HUV, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã Hồng Thủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 bằng hình thức cảnh cáo. Ban Thường vụ Huyện ủy A Lưới xử lý kỷ luật tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã Hồng Thủy bằng hình thức khiển trách.

Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo

Không chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, UBKT Tỉnh ủy cũng đã làm rõ những vấn đề liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trước đó, một người dân đã có đơn tố cáo UBKT Huyện ủy Phú Vang vi phạm Luật Tố cáo vì để rò rỉ thông tin trong quá trình xử lý đơn tố cáo của họ. Qua xem xét, cũng như các nội dung trong đơn, UBKT Tỉnh ủy đã tiến hành xác minh, làm rõ. Kết quả cho thấy, việc tố cáo UBKT Huyện ủy Phú Vang với những nội dung trên là không đúng.

Người dân này cũng đã tố cáo Phó Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Phú Vang và cho rằng, có sự bao che, giải quyết không trung thực; giúp những người có liên quan đến nội dung tố cáo nhằm đối phó, hợp thức hóa một số vụ việc vi phạm; không cung cấp kết luận cho người tố cáo. Qua làm việc, UBKT Tỉnh ủy chưa phát hiện Phó Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Phú Vang có sự bao che, giải quyết không trung thực…Hơn nữa, do đơn gửi nhiều lần và đã được UBND huyện, UBKT Huyện ủy Phú Vang giải quyết nên căn cứ theo quy định, UBKT Tỉnh ủy chỉ lưu đơn tố cáo của người dân để theo dõi. Đó là những vụ việc điển hình mà các phòng nghiệp vụ của UBKT Tỉnh ủy đã làm rõ; xử lý nghiêm các TCĐ, đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng từ đầu năm 2020 đến nay.

Chủ động nắm tình hình

Thiếu sự chủ động trong việc khảo sát, nắm tình hình để kiểm tra TCĐ và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; tình hình đảng viên vi phạm kỷ luật còn cao, nhất là về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; việc xem xét, xử lý, giải quyết đơn thư còn thiếu kịp thời…là những tồn tại, khó khăn cũng là những bài học kinh nghiệm mà UBKT Tỉnh ủy cũng như UBKT các cấp rút ra trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

“Để phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, UBKT Tỉnh ủy và UBKT các cấp xác định, phải tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời xem xét, kết luận, xử lý và đề nghị xử lý kỷ luật đối với TCĐ và đảng viên vi phạm, nhất là đảng viên liên quan đến đại hội Đảng”, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy Phan Thị Huế khẳng định. Về kiểm tra TCĐ từ đầu năm đến nay cho thấy, UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra 5 TCĐ có dấu hiệu vi phạm; trong đó, kết luận 4 TCĐ có vi phạm (1 TCĐ phải thi hành kỷ luật; 3 TCĐ có vi phạm nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật, đã nghiêm túc rút kinh nghiệm; 1 TCĐ đang tiến hành kiểm tra). Cấp ủy và UBKT các cấp cũng đã thi hành kỷ luật 116 đảng viên (gồm khiển trách 90, cảnh cáo 18, cách chức 2, khai trừ 6). (baothuathienhue.vn 5.8)

 
 
 

2.  Xây dựng Thành phố di sản & những kỳ vọng đột phá - Kỳ 1: “Đánh thức” di sản

Thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 (Nghị quyết 54), một thành phố di sản đầu tiên của Việt Nam sẽ được hình thành với những đặc trưng riêng, trên nền tảng phát huy các giá trị văn hóa Huế cũng như giá trị của Cố đô di sản. Thừa Thiên Huế hứa hẹn sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với bộ tiêu chí riêng, song tiến trình hiện thực hóa “Giấc mơ Huế” chắc hẳn sẽ gặp không ít thách thức…Trên thế giới, nhiều thành phố mặc nhiên được người ta biết đến là những thành phố di sản dẫu họ chẳng có chủ trương xây dựng thành phố di sản. Tại Việt Nam, nhắc đến Huế cũng mặc nhiên được nhiều người xem là Cố đô di sản với nhiều giá trị mang tính lịch sử.

Mài giũa viên ngọc bị khuất lấp

Trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam, Huế là một hiện tượng đặc biệt, Cố đô cuối cùng vẫn bảo lưu được gần như nguyên vẹn. Không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á. Năm 1981, khi đến khảo sát Cố đô Huế, ông Amadou Matar M’Blow, Tổng Giám đốc UNESCO lúc bấy giờ nhận định, Huế là một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị…, Huế không chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động…”. Điều đó chứng minh Huế đã được nhìn nhận là một Thành phố di sản nên một số ý kiến cho rằng, xây dựng danh xưng “Thành phố di sản” cho Huế có thể trở nên… dư thừa?!

“Ý kiến ấy không phải không có lý, nhưng…”, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa bắt đầu câu chuyện. Ông bảo, một thời nhiều người ví Hà Nội là trung tâm chính trị, Sài Gòn là trung tâm kinh tế, còn Huế là trung tâm văn hóa của Việt Nam. Sự chuyển động của thời cuộc khiến Huế không phát huy thế mạnh khi có cả kho tàng tài nguyên về văn hóa lẫn di sản. “Huế cứ ì ạch vì những giá trị bị khuất lấp. Vấn đề đặt ra phải nhìn nhận lại giá trị và tài nguyên văn hóa của Huế, để viên ngọc sáng bị che lấp bị lớp bụi hờ hững, lớp bụi thời gian được lộ rõ. Lau sáng viên ngọc nghĩa phải xác định là thành phố di sản để có sự thừa nhận và trả lại vị thế vốn có của Huế”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.

Thực tế, trên thế giới, nhiều Cố đô cũng có số phận nghiệt ngã, có nơi từng là trung tâm lớn của văn minh nhân loại nhưng lại mất vị thế. Ở Huế, những “lỗ hổng” trong công tác bảo tồn di sản khiến nhiều địa điểm mất đi giá trị đích thực. “Huế là Cố đô bị đánh đổi bởi lịch sử. Giai đoạn sau chiến tranh Huế không có chiến lược phát triển cụ thể. Một thời di sản bị rẻ rúng, người dân bị kìm hãm năng lực. Do vậy, cần đánh thức di sản”, ông Hoa nhìn nhận.

Trong tiến trình xây dựng đô thị theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, công tác bảo tồn cần tạo ra sự hòa quyện giữa cái mới và những “hồi ức”. “Một thành phố giống như một cơ thể sống, luôn thay đổi từng ngày, từng giờ để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Thừa Thiên Huế cũng vậy, không nên “bảo tàng hóa” Huế một cách cực đoan hay “hóa thạch” những giá trị vốn có mà cần chú ý đến nhu cầu phát triển hiện đại hóa, nâng cấp cả về quy mô và chất lượng đô thị. Một đô thị hiện đại, văn minh, đẳng cấp thì phải ứng xử tôn trọng các giá trị di sản văn hóa. Do vậy, Thừa Thiên Huế phải đặc biệt quan tâm đến bảo tồn kiến trúc và cảnh quan đô thị di sản. Xây dựng thành phố di sản cấp quốc gia là con đường phù hợp”, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.

Khẳng định vị thế bằng văn hóa & di sản

Với Huế, theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, môi trường cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa Huế là một trong những hạt nhân quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Thừa Thiên Huế có gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 166 di tích được công nhận ở các cấp, chưa kể đến những di sản thiên nhiên đặc sắc. Bảo tồn di sản văn hóa phải gắn và phục vụ các mục tiêu bền vững, đồng thời tạo lập sự hài hòa và “cân bằng động” giữa bảo tồn di sản đô thị Huế và phát triển du lịch. “Di sản văn hóa là yếu tố cốt lõi để khẳng định vị thế của Thừa Thiên Huế. Do đó, cần nhận diện rõ giá trị các đối tượng thuộc khu di sản Cố đô Huế cần được bảo tồn và phát huy phục vụ phát triển bền vững. Về mặt kinh tế, với Huế bảo tồn bền vững di sản văn hóa sẽ tạo ra nguồn thu lớn về du lịch. Do vậy, tỉnh cần tạo lập các cơ chế quản lý hiệu quả làm cho các yếu tố nguyên gốc cấu thành khu di sản thế giới - Quần thể Di tích Cố đô Huế thấm sâu vào các lĩnh vực hoạt động sáng tạo của con người”, PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nói.

Trong cơ cấu các ngành kinh tế của Thừa Thiên Huế, dịch vụ du lịch luôn đóng vai trò mũi nhọn, dựa trên nền tảng hệ thống di sản không nơi nào có được. Năm 2019, doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt hơn 12.000 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ so với GRDP của cả tỉnh. Trong đó, Khu di sản Huế đạt doanh thu bán vé tham quan 387 tỷ đồng với lượng du khách đạt hơn 3,5 triệu lượt, cao hơn năm 2018, góp phần rất lớn vào doanh thu ngành du lịch Huế nói chung. Điều đó chứng minh, giá trị của di sản quyết định sự thành bại của tỉnh nhà, song những “con số” ấy vẫn quá khiêm tốn.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, lâu nay tỉnh mới khai thác nguồn tài nguyên về di tích, song Cố đô Huế là di sản có giá trị gấp nhiều lần so với di tích. Phát triển di sản mới phát triển hết giá trị. “Cần tạo ra cái mới từ di sản, chứ không nên chú ý quá nhiều đến di tích. Việc không phát huy hết giá trị di sản Huế trong nhiều năm qua bởi bộ máy lãnh đạo chưa có tư duy hội nhập, chưa tìm ra được cái mới. Thu nhập chủ yếu của tỉnh là từ du lịch bởi các ngành khác mang về doanh thu quá yếu. Chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao với nền tảng về văn hóa và di sản đồ sộ như thế, song việc khai thác lại kém xa các tỉnh thành khác có nguồn tài nguyên nghèo nàn. Huế không đủ hấp dẫn níu kéo du khách lưu trú vì chúng ta không tạo ra sản phẩm mới, cứ “ăn” mãi trên các giá trị cũ”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nêu quan điểm.

Di sản và văn hóa là giá trị cốt lõi của Huế, nhưng tạo ra hướng đi mới, vững chắc trên nền tảng này cần có chiến lược và sự định hình rõ ràng. PGS.TS. Đặng Văn Bài góp ý: “Về mặt kinh tế, bảo tồn bền vững di sản có khả năng tạo ra nguồn thu lớn cho Huế, đồng thời kích thích sự tăng trưởng nguồn thu cho GRDP của tỉnh nói chung và ngành du lịch nói riêng. Huế cần quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng. Thông qua các hình thức du lịch cộng đồng, mang lại sinh kế lâu dài và lợi ích vật chất cho cộng đồng cư dân xung quanh di sản văn hóa. Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo ra nguồn lực vật chất đầu tư trở lại cho việc bảo tồn di sản văn hóa…”.

Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế về một số vấn đề quan trọng, trong đó tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Huế là địa phương không những phát triển kinh tế ổn định mà văn hóa còn được giữ gìn, nhất là các di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được trùng tu, tôn tạo và quan tâm đặc biệt - đây là nền tảng quan trọng trong phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh trên lĩnh vực du lịch. (baothuathienhue.vn 5.8)

 
 
 

3.  Quy định mới triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường

Ngày 4/8, UBND tỉnh ban hành quyết định quy định triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường (PAHT) trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/8/2020, thay thế Quyết định số 75 ngày 29/12//2018 của UBND tỉnh ban hành Quy định triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường tỉnh.

Quyết định này quy định việc tiếp nhận, xử lý PAHT của cá nhân, tổ chức thông qua hệ thống thông tin PAHT thuộc phạm vi quản lý của các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích.

Theo đó, các PAHT của cá nhân, tổ chức được thực hiện thông qua các hình thức sau: Ứng dụng di động Hue-S (dịch vụ đô thị thông minh tỉnh); Cổng thông tin tương tác: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn; Tổng đài đô thị thông minh: 0815751575; Trang facebook đô thị thông minh: https://facebook.com/hueioc; Trang zalo đô thị thông minh: 0941260505; Thư điện tử: dttm@thuathienhue.gov.vn. Thời gian tiếp nhận PAHT của cá nhân, tổ chức được thực hiện 24/24 giờ, 7 ngày/tuần.

Quy trình xử lý PAHT sẽ được thực hiện qua 5 bước:

Bước 1: Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) thực hiện tiếp nhận phản ánh và phân phối cho cơ quan có trách nhiệm xử lý.

Bước 2: Nhân sự xử lý thuộc các cơ quan xử lý thực hiện tiếp nhận thông tin phản ánh từ IOC (chậm nhất trong vòng 30 phút).

Bước 3: Nhân sự xử lý thuộc các cơ quan xử lý thực hiện kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh: Trong trường hợp đúng thẩm quyền cơ quan xử lý, nhân sự xử lý thực hiện công tác xác minh và xử lý theo quy trình xử lý phản ánh kiến nghị của đơn vị.

Trong trường hợp xét thấy không đúng thẩm quyền xử lý, nhân sự xử lý kích hoạt chức năng trả bước trước, đồng thời hỗ trợ ghi rõ đơn vị xử lý đúng để Trung tâm IOC phân phối cho các cơ quan, đơn vị có chức năng khác.

Bước 4: Lãnh đạo phê duyệt thuộc các cơ quan xử lý thực hiện phê duyệt kết quả xử lý PAHT: Trong trường hợp nội dung xử lý chưa đảm bảo, lãnh đạo phê duyệt kích hoạt chức năng trả lại nhân sự xử lý để tiến hành lại theo yêu cầu. Trong trường hợp này, lãnh đạo phê duyệt có thể áp dụng hình thức sửa đổi nội dung xử lý để phê duyệt mà không cần trả lại nhân sự xử lý.

Trong trường hợp nội dung xử lý đảm bảo yêu cầu, lãnh đạo phê duyệt thực hiện kích hoạt chức năng phê duyệt để hoàn thành công tác xử lý PAHT của đơn vị.

Bước 5: Trung tâm IOC thực hiện kiểm tra, biên tập lại nội dung theo đúng quy định và công khai kết quả xử lý PAHT. (baothuathienhue.vn 4.8)

 
 
CÔNG THƯƠNG
 

1.  Không để xảy ra tình trạng hàng hóa khan hiếm, gây sốt giá

Lãnh đạo Ban quản lý chợ Đông Ba và các siêu thị cần tập trung cho công tác phòng chống dịch, đồng thời chú ý cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như tình hình thị trường tại chợ Đông Ba và các siêu thị Coop mart; Big C vào chiều ngày 04/8/2020. Cùng tham gia đoàn kiểm tra có Lãnh đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý Thị trường tỉnh; lãnh đạo UBNDTP. Huế.

Kiểm tra tại chợ Đông Ba; các siêu thị Coop mart; Big C và các hộ kinh doanh dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo, TP. Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đã thăm hỏi tình hình buôn bán của các tiểu thương, cũng như hoạt động kinh doanh của các đơn vị, các hộ kinh doanh; đồng thời yêu cầu cần thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi kinh doanh, buôn bán.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nhấn mạnh, hiện nay, dịch bệnh Covid - 19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tinh thần chung là không được lơ là và chủ quan, yêu cầu lãnh đạo các siêu thị và Ban quản lý chợ phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở mình quản lý, nhắc nhở cán bộ, nhân viên cùng chung tay phòng chống dịch. Bên cạnh đó lãnh đạo Ban quản lý Chợ Đông Ba thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở bà con nhân dân ra vào chợ phải thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19.

Để phục vụ nhu cầu của người dân, chủ động ứng phó với dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định yêu cầu Sở Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường; rà soát, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu. Chỉ đạo các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, các Ban quản lý chợ tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá. Sở Công Thương cần xây dựng kế hoạch dự báo các tình huống xảy ra của dịch bệnh Covid -19 làm cơ sở dự tính nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, đảm bảo cung ứng đủ số lượng lương thực, thực phẩm cần thiết.

Các siêu thị và Ban quản lý chợ chủ động kết nối với các kho hàng dự trữ đầu mối để đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng. Có kế hoạch điều tiết hàng hóa giữa các khu vực, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, bảo đảm số lượng, chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu người dân... (baothuathienhue.vn 4.8)

 
 
 

2.  Các doanh nghiệp ở Thừa Thiên - Huế cam kết cung ứng đủ hàng hóa

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan phải bảo đảm khả năng cung ứng và dự trữ hàng hóa phục vụ đời sống của người dân. Nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh đã cam kết đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa và bình ổn giá thị trường.

Tại hệ thống siêu thị Big C, từ khi có dịch bệnh đơn vị đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như mì tôm các loại khoảng 10.000 thùng, đồ hộp các loại khoảng 25.000 hộp, gạo các loại khoảng gần 15 tấn…Siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp về tần suất giao hàng kịp thời, sẵn sàng huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa trong những đợt cao điểm mua sắm của người dân.

Theo Giám đốc Siêu thị Big C Huế Võ Thị Thu Thủy, sức mua hàng hóa tại Big C Huế những ngày qua có sự tăng nhẹ nhưng không ồ ạt như đợt bùng phát dịch COVID- 19 đầu năm. Khách hàng hiện tập trung chủ yếu mua các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, những mặt hàng nhu yếu phẩm khô và rau củ quả các loại. Với sự chủ động và nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa, Siêu thị Big C Huế cam kết không tăng giá hàng hóa và dự kiến có đủ hàng cung cấp, phục vụ nhu cầu khách hàng, do vậy người dân không nên mua tích trữ nhiều hàng hóa.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho khách hàng, Siêu thị Big C Huế đang triển khai dịch vụ gọi đặt hàng qua số điện thoại để giao tới tận nơi; trong đó miễn phí giao hàng với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên, với điều kiện giao hàng trong phạm vi 10 km. Tại các chợ truyền thống lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế như chợ Đông Ba, An Cựu, Trường An... cho thấy nguồn cung hàng hóa về các chợ vẫn dồi dào và sức mua, giá cả dao động trong biên độ ổn định.

Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Thừa Thiên - Huế (Ban chỉ đạo 389 tỉnh) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; đặc biệt là kiểm soát chặt các mặt hàng ảnh hưởng đến an toàn xã hội, hàng tiêu dùng thiết yếu. Ban chỉ đạo 389 của tỉnh cần chủ động tổ chức lực lượng triển khai các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng giao Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Công thương tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thị trường, vận động doanh nghiệp và các đơn vị phối hợp triển khai ngay các biện pháp đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh; kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối xử lý khó khăn vướng mắc trong quá trình cung ứng hàng hóa.

Đồng thời, Ban chỉ đạo 389 của tỉnh tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với các mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 như: khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, định giá bán bất hợp lý; sản xuất hàng giả, kinh doanh những mặt hàng không có nguồn gốc xuất xứ...(baotintuc.vn 4.8)

 
 
PHÁP LUẬT
 

1.  Thừa Thiên Huế “siết chặt” hành vi khai báo gian và cách ly không nghiêm túc

 Lãnh đạo Thừa Thiên Huế cho rằng tỉnh đang tập trung mọi nỗ lực, nhân lực và phương tiện để phòng chống dịch COVID, mỗi một người dân phải có trách nhiệm vì cộng đồng, các hành vi khai báo y tế không trung thực và cách ly không nghiêm túc sẽ phải xử lý nghiêm để đảm bảo cho công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, trong những ngày qua, thành viên Ban chỉ đạo có nhiều đêm không ngủ để chỉ đạo công tác truy vết, phong tỏa, cách ly ngay trong đêm khi có ca nghi nhiễm xuất hiện trên địa bàn. Mặc dù đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa có ca nhiễm COVID - 19 nhưng chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm khi có tình huống xấu xảy ra.“Cơ chế giám sát, cơ chế phối hợp, cơ chế cách ly chúng ta cần làm tốt và siết chặt hơn nữa. Các cấp chính quyền phải phát huy tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là”, ông Thọ cho hay.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực; trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế. Đồng thời, thực hiện thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch để nhân dân yên tâm, đề cao cảnh giác. Tăng cường khuyến cáo người dân nâng cao ý thức tự giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.

Đối với công tác cách ly tại các khu cách ly tập trung và cơ sở y tế, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tỉnh sẽ nâng cao và mở rộng đối tượng cách ly chứ không giảm, tuy nhiên phải thực hiện khoa học, có phương án điều tiết hợp lý việc tiếp nhận, phân loại sàng lọc các trường hợp phải thực hiện cách ly, không để quá tải các cơ sở cách ly tập trung. Yêu cầu các khu cách ly phải đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân. Luôn trong tư thế sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Trang bị phòng hộ đầy đủ cho nhân viên y tế trực tiếp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tốt nhất cho đội ngũ nhân viên y tế.

“Tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; tất cả các kịch bản cho mọi tình huống phải luôn sẵn sàng và được "lên dây cót" với tinh thần cao nhất”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế  yêu cầu lãnh đạo các siêu thị và Ban quản lý chợ phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở mình quản lý, nhắc nhở cán bộ, nhân viên cùng chung tay phòng chống dịch. Bên cạnh đó lãnh đạo Ban quản lý Chợ Đông Ba thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở bà con nhân dân ra vào chợ thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch.

Để phục vụ nhu cầu của người dân, chủ động ứng phó với dịch bệnh, tỉnh yêu cầu Sở Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường; rà soát, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu. Chỉ đạo các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, các Ban quản lý chợ tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu để cung ứng đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý và chất lượng đảm bảo, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cần xây dựng kế hoạch dự báo các tình huống xảy ra của dịch bệnh COVID-19 làm cơ sở dự tính nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, đảm bảo cung ứng đủ số lượng lương thực, thực phẩm cần thiết. Phối hợp với Ban Chỉ đạo 389/TTH, Cục Quản lý thị trường tăng cường theo dõi diễn biến tình hình thị trường; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Tính đến 4/8, tổng số người từ vùng dịch trở địa bàn Thừa Thiên Huế là 22.866 người (tăng 865 người). Trong đó Đà Nẵng về là 17.339 người (tăng 1.032 người do rà soát, phát hiện, bổ sung thêm); Quảng Nam 1.793 người; Quảng Ngãi 546 người; TP. Hồ Chí Minh 1.302; Hà Nội 1.613 người; Đăk Lăk 201 người; Hà Nam 2 người ; Đồng Nai 66 và Thái Bình 4 người.

Đã tổ chức cách ly y tế tập trung 1.514 trường hợp. Cách ly bắt buộc tại nhà và nơi lưu trú hơn 9.800 trường hợp. Khuyến cáo tự cách ly tại nhà và nơi lưu trú hơn gần 10.000 trường hợp. Đã thực hiện xét nghiệm 21.156 mẫu; kết quả 14.732 mẫu âm tính. Trong ngày, các chốt kiểm tra y tế liên ngành đã kiểm tra 3.638 phương tiện ô tô và xe máy với 7.153 lượt người.

Hiện nay cũng có 20 trường hợp dương tính COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện TW Huế cơ sở 2 (bệnh nhân từ Đà Nẵng, Quảng Nam chuyển đến), trong đó có 9 bệnh nhân nặng, 3 ca phải điều trị tích cực và can thiệp ECMO. (baotainguyenmoitruong.vn 4.8)

 
 
 

2.  Thừa Thiên Huế: Xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, khai báo y tế không trung thực

Tại cuộc họp giao ban phòng chống dịch COVID-19 sáng ngày 4/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, mặc dù đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa có ca nhiễm COVID-19 nhưng Thừa Thiên Huế đã có những bài học kinh nghiệm khi có tình huống xấu xảy ra.

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực; trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế. Đồng thời, thực hiện thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch để nhân dân yên tâm, đề cao cảnh giác. Tăng cường khuyến cáo người dân nâng cao ý thức tự giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.

Đối với công tác cách ly tại các khu cách ly tập trung và cơ sở y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định tỉnh sẽ nâng cao và mở rộng đối tượng cách ly chứ không giảm, tuy nhiên phải thực hiện khoa học, có phương án điều tiết hợp lý việc tiếp nhận, phân loại sàng lọc các trường hợp phải thực hiện cách ly, không để quá tải các cơ sở cách ly tập trung. Yêu cầu các khu cách ly phải đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân. Luôn trong tư thế sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Trang bị phòng hộ đầy đủ cho nhân viên y tế trực tiếp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tốt nhất cho đội ngũ nhân viên y tế.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, liên quan đến các bệnh nhân 589, 601, 602 đã từng đi qua những địa điểm tại Huế trong 2 ngày 23/7 và 24/7, theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang huy động tổng lực, nỗ lực tối đa để truy vết các đối tượng liên quan đến 3 bệnh nhân trên. Đến nay, Ban chỉ đạo đã xác định 99 trường hợp F1, 234 trường hợp F2 liên quan đến các bệnh nhân 589, bệnh nhân 601 và bệnh nhân 602 dương tính với COVID-19.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) phối hợp với Công an, chính quyền địa phương cũng đang xử lý dấu vết triệt để, làm đầy đủ và cương quyết, phong tỏa quán cà phê Mắt Biếc, đóng của các hàng quán mà bệnh nhân đã từng đến cũng như cách ly các đối tượng đã tiếp xúc gần với bệnh nhân. Đồng thời trích xuất hệ thống camera an ninh để truy vết những địa điểm mà bệnh nhân đã đến …

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay, tỉnh cũng đã lấy mẫu xét nghiệm 16.002 mẫu, và đã có kết quả với 13.538 mẫu, tất cả đều âm tính.Ngoài ra, có 19 trường hợp mắc COVID-19 từ Đà Nẵng, Quảng Nam chuyển ra cũng đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. (baodautu.vn 4.8)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Phụ nữ Huế tiếp tục xung phong ra tuyến đầu nấu ăn cho người cách ly

Dịch Covid-19 tái bùng phát, người từ vùng dịch trở về khiến các khu cách ly tại Thừa Thiên - Huế ngày một đông nên các chị, các mẹ phụ nữ Huế lại xung phong ra tuyến đầu hỗ trợ cho công tác hậu cần.

Sáng 4.8, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quân chiến dịch tình nguyện hỗ trợ hậu cần, nấu các phục vụ suất ăn cho những người cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung có những bữa "cơm ngon, canh ngọt" , yên tâm phòng dịch Covid-19.

Đội hình tình nguyện ra quân có 40 người, gồm các chị và các mẹ là cán bộ Tỉnh hội, cán bộ, hội viên phụ nữ của các H.Quảng Điền, Phú Vang. Họ xung phong đến khu cách ly tập trung ký túc xá T3 (Phú Thương, Phú Vang).

Họ cùng với các chiến sĩ hậu cần của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh nấu 1.800 suất ăn/ngày cho 900 người dân đang được cách ly tại đây. Trước khi vào khu vực nấu ăn, các tình nguyện viên được đo thân nhiệt, kiểm tra sức khoẻ, đồng thời đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm.

"11 giờ 00 trưa, các suất cơm nóng hổi với 4 món ăn đảm bảo đủ dưỡng chất cho những người cách ly đã sẵn sàng. Cũng lúc này, mồ hôi cũng đã lấm tấm trên trán các chị, ánh mắt hiện lên chút niềm vui vì vừa hoàn thành xong nhiệm vụ nấu ăn trong ngày đầu tiên “xuất quân. Trân quý sự trách nhiệm của các tình nguyện viên - đồng lòng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh trong dịch bệnh", chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPT tỉnh Thừa Thiên - Huế, chia sẻ.

Chị P.T.M.Q (đối tượng F1, MC trong tiệc cưới tại nhà hàng tiệc cưới Hoa Hồng vào thời điểm 17 giờ ngày 23.7, nơi các bệnh nhân  589, 601 và 602 dự tiệc cưới) đang cách ly tại Học viện Ngân hàng, cho biết: "Suất ăn của người cách ly được chuẩn bị rất chu đáo, với 4 món ăn, có đủ rau, thịt trứng, canh và cả sữa chua tráng miệng. Tuy bị cách ly phòng dịch nhưng tinh thần của mọi người rất lạc quan, yên tâm phòng dịch"

 "Khi vào cách ly, mới cảm nhận hết sự tận tâm, trách nhiệm của chính quyền, của nhà nước cùng với sự chung sức chung lòng của toàn xã hội trong phòng chống dịch", chị P.T.M.Q chia sẻ. "Công cuộc chống dịch Covid-19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, rất cần sự tin tưởng đồng lòng, chung sức của toàn dân. Chị em phụ nữ Huế phát huy tinh thần xung kích, sẵn sàng góp công, góp sức để đẩy lùi Covid-19", chị Trần Thị Kim Loan kêu gọi. (thanhnien.vn 4.8)

 
 
 

2.  Công đoàn thành phố Huế tiếp sức tuyến đầu chống dịch

Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế, đơn vị vừa hoàn thành hơn 2.000 mặt nạ chắn giọt bắn sớm hơn dự kiến nhằm kịp thời hỗ trợ tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế Hoàng Thị Như Thanh cho biết, đơn vị đã cung cấp nguyên vật liệu và kêu gọi đoàn viên các công đoàn cơ sở trực thuộc chung sức tham gia. Qua đó, hàng chục đơn vị đã đăng ký tham gia, tập trung nhiều ở khối giáo dục và hành chính sự nghiệp. Số mặt nạ sau khi hoàn thành sẽ được chuyển đến 27 phường trên địa bàn thành phố và khu cách ly tập trung tại Hương Sơ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID - 19.

Trước đó, đại diện LĐLĐ thành phố đã đến thăm hỏi, động viên đoàn viên và người lao động đang làm nhiệm vụ tại 22 điểm phòng, chống dịch thuộc các phường trên địa bàn thành phố. Đây là sự động viên kịp thời, thiết thực đối với các lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch; qua đó nắm bắt những khó khăn còn tồn tại để có hướng hỗ trợ phù hợp tiếp theo.

* Ngày 4/8, UBND huyện Phong Điền tổ chức kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo cơ sở vật chất và các trang thiết bị y tế tại khung quản lý, tiếp nhận, cách ly công dân từ vùng có dịch trở về địa phương tại Phòng khám đa khoa Điền Hải, xã Điền Hải.

Huyện Phong Điền đã kích hoạt trở lại khung tiếp nhận, quản lý và cách ly công dân trở về từ vùng có dịch tại Phòng khám đa khoa Điền Hải và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Phong Điền, cơ sở 3 (thôn 1, xã Điền Hải, huyện Phong Điền). Khu cách ly sẽ bố trí từ 200-300 giường, khi yêu cầu cấp thiết sẽ có 500 giường phục vụ cách ly công dân trở về địa phương.

Theo Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, thời gian tiếp nhận và thực hành cách ly cho mỗi người là 14 ngày. Trong thời gian này, công dân sẽ được theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày. Nếu có biểu hiện về bệnh hô hấp sẽ được nhanh chóng chuyển sang điều trị và chuyển lên tuyến trên để cách ly, theo dõi và điều trị. Trước khi hết 14 ngày cách ly, công dân sẽ được thăm khám cụ thể lại một lần nữa. Sau khi về địa phương, các công dân nằm trong diện cách ly tiếp tục được ngành y tế tại nơi cư trú theo dõi chặt chẽ…

Ông Nguyễn Văn Bình, Quyền Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết, UBND huyện cũng trích kinh phí để đảm bảo cơ sở vật chất y tế, bảo đảm điều kiện ăn uống, sinh hoạt cho công dân về cách ly. Khu vực cách ly được thực hiện chặt chẽ theo quy định về vệ sinh dịch tễ, thành lập các tổ y tế và phân công cán bộ chiến sỹ sẵn sàng nhận nhiệm vụ 24/24h… (baothuathienhue.vn 4.8)

 
 
 

3.  Chung một niềm tin

Bạn chụp ảnh màn hình điện thoại để thông báo cho nhóm chat của lớp là đã nhắn tin với các thầy, cô về sự cố không mong muốn khi Đà Nẵng là địa phương khởi phát trở lại COVID-19.

Đó không chỉ là lời xin lỗi thông thường mà là cảm giác áy náy, như mình là người gieo mầm bệnh với rất nhiều day dứt. Mình hình dung được gương mặt với những giọt nước mắt chực trào ra của Trân khi nói những lời này, vì bạn là người dễ xúc cảm, mủi lòng. Chỉ gặp cảnh cũ, bạn xưa, nhắc lại những kỷ niệm thời sinh viên ở Huế trong ngày họp lớp, hoặc chỉ là bài hát đã hát cùng nhau thôi bạn cũng nước mắt ngắn dài. Giờ lại là chuyện lớn hơn, ảnh hưởng đến từng cá nhân, sinh mạng (nếu không may bị COVID-19) nên mình biết cảm giác có lỗi của bạn lớn đến mức nào. Dù bạn chưa phải là F nào và vẫn đang đi làm bình thường ở một cơ quan Nhà nước. Hàng ngày, hàng giờ vẫn cập nhật tình hình sức khoẻ, tin tức của Đà Nẵng để các bạn trong lớp yên tâm.

 Thật không may buổi họp lớp của chúng tôi sau 15 năm ra trường diễn ra trước thời điểm bùng phát trở lại dịch COVID-19 vài ngày. Trong số những bạn về Huế họp lớp, có ba bạn ở Đà Nẵng. Dù cả 3 bạn đều khoẻ mạnh, không thuộc diện F, phải cách ly, song vẫn có rất nhiều bạn bè khác buộc phải khai báo y tế hoặc ít nhất là khai báo với cơ quan, địa phương nơi mình công tác, sinh sống. Rồi những thầy cô đến dự trong buổi tiệc tri ân cũng vì thế mà có chút phiền hà để phòng trách dịch bệnh. Tuy vậy, khi các bạn ở Đà Nẵng bày tỏ lo lắng, xin lỗi thầy cô và bạn bè ở Huế và các nơi khác, họ luôn nhận được sự chia sẻ động viên. Không một lời trách móc, chỉ là những hình ảnh lạc quan và những kỷ niệm vui, khó quên trong những ngày họp lớp và cả thời sinh viên.

 Tôi biết, ở đâu đó vẫn có một số người chưa thật sự thông cảm, sẻ chia và có thể còn quy kết đổ tội cho Đà Nẵng trong việc khởi phát và lây lan dịch bệnh. Song tôi cũng tin rằng, ngoài những việc làm hành động thái quá, phản cảm đã bị xử lý, lên án, còn lại đa số người dân trên đất nước hình chữ S này đều hướng về Đà Nẵng với những niềm mong họ sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, khống chế được dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình thường.

 Đã có rất nhiều những hỗ trợ, chung tay của Nhà nước, ngành y tế cho Đà Nẵng. Huế không chỉ chia lửa bằng việc điều trị các ca mắc COVID-19, mà còn có rất nhiều bác sĩ, tình nguyện viên là sinh viên ngành y đã và sẽ đến Đà Nẵng để chung tay giúp Đà Nẵng trong cuộc chiến cam go chống virus SARS-CoV-2 này.

Tôi cũng tin rằng, cuộc chiến này cuối cùng chúng ta vẫn là người chiến thắng và con virus "vô hình" kia sẽ sớm diệt vong. Hơn hết là tôi tin vào những nỗ lực dập dịch, điều trị bệnh của hệ thống chính quyền, ngành y tế cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân. Dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn. Quan trọng bây giờ là chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan...

 Và hình ảnh chúng tôi nhận được trong nhóm chat của lớp ngay sau đó là những gương mặt đeo khẩu trang đến nơi làm việc, đi ra đường và thậm chí là ở nhà làm việc online. Dù ở trạng thái nào thì điều chung nhất mà chúng tôi thấy và cảm nhận được, bên cạnh nỗi lo, là niềm tin khi cả nước cùng nhau chống dịch. (baothuathienhue.vn 4.8)

 
 
 

4.  Thừa Thiên – Huế: Hơn 22.000 người trở về từ vùng dịch

Ngày 4/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trên địa bàn tỉnh có 22.866 người trở về từ vùng dịch, chưa qua 14 ngày, tăng 865 người. Ngành Y tế đã tiến hành lấy 21.156 mẫu xét nghiệm và đã có kết quả 14.732 mẫu, tất cả đều âm tính.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế, tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục tiến hành điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp liên quan đến các bệnh nhân mới được công bố. Xử lý môi trường và tập trung lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp F1 liên quan.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 22.866 người chưa qua 14 ngày trở về từ vùng dịch, tăng 865 người. Tổ chức cách ly y tế tập trung 1.514 trường hợp. Cách ly bắt buộc tại nhà và nơi lưu trú hơn 9.800 trường hợp. Khuyến cáo tự cách ly tại nhà và nơi lưu trú hơn gần 10.000 trường hợp. Tất cả các đối tượng cách ly tập trung đều được theo dõi sức khỏe theo quy định. Tại các chốt kiểm tra y tế liên ngành đã kiểm tra 3.638 phương tiện ôtô và xe máy với 7.153 lượt người.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch với phương châm “4 tại chỗ”, với tinh thần “chạy đua với thời gian”, tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm”.

Yêu cầu Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện A Lưới tiếp tục tăng cường kiểm tra tất cả các trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường biên, cảng hàng không; kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở...

Tăng cường lực lượng tại các chốt kiểm soát liên ngành, khẩn trương khắc phục các thiếu sót trong thời gian vừa qua; yêu cầu không để xảy ra tình trạng công dân từ vùng có dịch, công dân các địa phương về địa bàn tỉnh mà không được kiểm soát, chưa khai báo.

Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các địa phương căn cứ thẩm quyền xử lý nghiêm theo pháp luật, kể cả hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực; trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế; găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế - Cơ sở 2 (xã Phong An, huyện Phong Điền) đang điều trị cho 20 trường hợp dương tính Covid-19, các bệnh nhân được chuyển đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam. Trong đó, có 9 bệnh nhân nặng và 3 ca phải điều trị tích cực và can thiệp ECMO.

Bệnh viện Trung ương Huế - Cơ sở 2 (xã Phong An, huyện Phong Điền) đang điều trị cho 20 trường hợp dương tính Covid-19, trong đó có 9 bệnh nhân nặng và 3 ca phải điều trị tích cực và can thiệp ECMO.

Thượng tá Ngô Nam Cường – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Đến ngày 4/8, đơn vị đã tiếp đón, cách ly 1.332 công dân ở các địa phương trở về tránh dịch Covid-19. Qua kiểm tra và theo dõi, tất cả các công dân được cách ly đều có sức khỏe ổn định và chấp hành nghiêm túc các quy định tại điểm cách ly.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự kiến trong những ngày tới sẽ có nhiều công dân từ các tỉnh, thành phố trở về tránh dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho tất cả các công dân, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã mở rộng 4 khung cách ly mới và tổ chức tổng dọn vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng trong, ngoài khu cách ly bảo đảm an toàn cho công dân trong quá trình cách ly tại các cơ sở. (baoxaydung.com.vn 5.8)

 
 
 

5.  Mỗi gia đình là một “pháo đài” chống dịch

Không chỉ tuân theo nhiều biện pháp phòng, chống COVID-19 từ cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế, nhiều gia đình trên địa bàn TP. Huế cũng tự ý thức, chủ động được việc ngăn chặn dịch bệnh ngay tại gia đình mình. Đó như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ: “Mỗi gia đình, thôn bản, xóm làng là một “pháo đài”, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết người dân khắp các nẻo đường, thôn xóm trên địa bàn TP. Huế chủ động chấp hành nghiêm túc, triệt để các yêu cầu, khuyến cáo mà chính quyền đưa ra thông qua các phương tiện trực tiếp cũng như gián tiếp. Không chỉ vậy, mỗi gia đình có đưa ra biện pháp riêng để buộc mọi người xung quanh phải chấp hành. “Nhờ anh kéo khẩu trang lên. Cạnh đó có chai nước khử khuẩn, xịt xong rồi bước vào nhà nhé!”, chị Trương Như Quỳnh ở chung cư Xuân Phú (phường Xuân Phú, TP. Huế) nói tế nhị với khách trước khi mời vào nhà.

Ngay ở hộc tủ cạnh cánh cửa ra vào căn chung cư ở tầng 5 của mình, chị Quỳnh bỏ một lúc 5 chai xịt khử khuẩn loại khô và hộp khẩu trang. Chị nói, để ở vị trí như thế vừa nhắc nhở các thành viên trong gia đình mình phải thường xuyên rửa tay với nước sát khuẩn, vừa để khách ra vào tiện bề thấy mà sử dụng. “Thế mà vẫn có một vài người quên. Nhưng quên thì mình nhắc. Việc này không chỉ bảo vệ cho chính mỗi người, mà còn bảo vệ cho cả cộng đồng”, chị Quỳnh nói.

Hầu hết, thời điểm này đi đến nhà người dân nào cũng dễ dàng thấy chai khử khuẩn bỏ ở vị trí dễ thấy nhất có thể trong trạng thái “sẵn sàng chống dịch”.  Đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chưa ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 nào nhưng những việc tự ứng phó của người dân cho thấy ý thức cao trong phòng chống dịch bệnh.

Cách tòa nhà không xa, cũng tầng 5 chung cư Xuân Phú, gia đình anh Nguyễn Xuân Thọ cũng chuẩn bị các vật dụng tương tự như nước sát khuẩn, khẩu trang để người thân và phòng trường hợp có khách ra vào tiện bề sử dụng. Nhưng chừng đó với anh Thọ vẫn chưa đủ an toàn. Anh tự mua sắm một máy đo nhiệt độ tự động để đo thân nhiệt của người thân và khách. Nhiệt độ ai ở ngưỡng cho phép mới được vào.

“Dù hơi ngại, nhưng vì gia đình có người cao tuổi và con nhỏ nên việc làm như thế là rất cần thiết. Với lại, khu chung cư là nơi đông người, việc ra lại rất khó kiểm soát. Hơn hết mình tự ý thức bảo vệ mình, và gia đình. Mọi người ban đầu cũng hơi khó chịu, nhưng khi biết được ý nghĩa ai cũng cười và đồng ý”, anh Thọ kể.

Không chỉ thế, nhiều người còn nhắc nhở nhau cài đặt ứng dụng Bluezone để ghi nhận sự tiếp xúc gần với các ca nhiễm bệnh COVID-19 nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan của virus. Ngay khi gặp một vài người quen, chị Hải Phương (phường Phú Hội, TP. Huế) đã dò hỏi mọi người đã cài ứng dụng này chưa?  Rất nhiều người dù ngỡ ngàng, dù đã biết nhưng đủ lý do để nói vẫn chưa cài.

Chỉ trong vài phút, chị Phương đã hướng dẫn mọi người cài đặt và sử dụng. “Hệ thống này sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của virus. Cảnh báo người thuộc nhóm F2 (tiếp xúc gần với F1). Ngoài ra, màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp”, chị Phương chia sẻ với mọi người xung quanh sau khi cài đặt giúp. Chị Phương cũng đề nghị mọi người kiểm tra xung quanh người thân của mình xem đã cài đặt chưa, và hỗ trợ nếu chưa biết cách cài đặt để tiện bề phòng chống COVID-19. (baothuathienhue.vn 4.8)

 
 
 

6.  Không mặc cảm, không kỳ thị!

Sau hơn 3 tháng tạm lắng, COVID-19 đã bùng phát trở lại với độc tính và tốc độ lây lan dữ dằn hơn trước. Tại sao COVID-19 tái bùng phát? Mặc dù F0 đang còn được truy vết, nhưng mọi cặp mắt đều đang đổ dồn và tin rằng thủ phạm chính xuất phát từ những kẻ tham tiền, vô ý thức, vô trách nhiệm với cộng đồng khi nhắm mắt đưa người từ bên ngoài “nhập lậu” vào Việt Nam.

Vụ án đã được khởi tố, tất cả thủ phạm rồi đây sẽ ra trước vành móng ngựa và cần phải được xử lý thật nghiêm để làm gương và để trả giá cho lỗi lầm - thậm chí nhiều người còn cho là “tội ác”- mà họ đã gây ra. Điều này các cơ quan chức năng đang vào cuộc. Còn chúng ta, vấn đề trước mắt là làm thế nào để chung tay một cách có trách nhiệm nhất, có hiệu quả nhất để khống chế và dập dịch.

Lẽ dĩ nhiên và trước hết, ấy là mỗi người phải tự ý thức chấp hành nghiêm túc khuyến cáo của chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc thực hiện giãn cách, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, khai báo y tế...; Thực hiện nghiêm đồng thời cũng nhắc nhở, khuyến cáo gia đình, người thân, bạn bè và những người xung quanh cùng thực hiện. Vậy là tự ta đã góp phần tích cực và thiết thực trong trận chiến chống lại giặc COVID-19. Song, như thế có lẽ vẫn chưa đủ. Theo tôi, điều quan trọng và khá căn cốt nữa, ấy là “không mặc cảm”, “không kỳ thị”!

Virus SARS-CoV-2 có thể lây lan cho bất cứ ai, chỉ cần một chút sơ suất, thiếu cảnh giác. Nhưng “cô vit” không giống như “bệnh xã hội”, hoặc là những bệnh thường do “tham ăn tục uống” mà bị/ hoặc vô tình bị lây nhiễm, cho nên (người không may mắc phải “cô vit”) không việc gì phải xấu hổ, phải mặc cảm mà giấu bệnh.

Cộng đồng xã hội cũng phải hiểu như vậy, đồng thời phải hiểu rằng nếu cảnh giác, phòng ngừa nghiêm túc, đúng cách thì hoàn toàn có thể tránh được lây nhiễm. Không việc gì và không nên kỳ thị người nghi/mắc COVID-19. “Mặc cảm” và “kỳ thị”, cả 2 thái độ này đều là “môi trường” cực tốt, cực thuận lợi khiến con virus SARS-CoV-2 ẩn sâu và lây lan lung tung trong cộng đồng - Điều vô cùng nguy hiểm cho mỗi cá nhân và cho cả xã hội!

Không mặc cảm, không kỳ thị! Cả cộng đồng hãy nắm tay đoàn kết, tuyệt đối không cho con virus SARS-CoV-2 bất kỳ cơ hội nào để ẩn núp, tung hoành. Hãy lôi cổ nó phơi ra ánh sáng để khống chế và tiêu diệt! (baothuathienhue.vn 4.8)

 
 
 

7.  Phòng dịch COVID-19 bên cửa Tư Hiền

Xác định không để người từ "tâm dịch" ở Đà Nẵng, Quảng Nam... vào Thừa Thiên Huế, bắt đầu từ sáng 4/8 các chiến sĩ công an, bộ biên phòng tỉnh, huyện và nhân viên y tế các xã Vinh Hiền, Lộc Bình (Phú Lộc) bám chốt làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại phía nam cầu Tư Hiền thuộc thôn Tân An Hải, xã Lộc Bình theo tinh thần 24/24h.

Đây điểm chốt không chỉ kiểm tra giám sát các phương tiện, người đi lại bằng đường bộ qua các xã khu Ba huyện Phú Lộc mà còn giám sát các trường hợp theo đường biển từ Đà Nẵng vào địa bàn Thừa Thiên Huế. 

Ngoài việc kiểm tra y tế, lực lượng chức năng còn tư vấn, khuyến cáo cho 100% người dân khi ra đường phải mang khẩu trang; tiêu độc khử trùng với nước sát khuẩn trước khi qua cầu Tư Hiền vào xã khu 3 huyện Phú Lộc (Vinh Hiền, Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền...). Nếu trường hợp nào có biểu hiện tình trạng sức khỏe bất thường cán bộ y tế khám sàng lọc, phối hợp tuyến trên hỗ trợ, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Theo thống kê sơ bộ chỉ trong ngày đầu ra quân, tại chốt này đã đón kiểm tra hàng trăm trường hợp; trong đó hơn 40 trường hợp người, phương tiện xe máy đến từ các địa phương khác khai báo y tế, lịch trình đi lại.

Ông Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, Phú Lộc cho biết, tại xã Vinh Hiền từ ngày 1/7 đến nay đã có hơn 150 trường hợp thanh niên làm ăn xã quê trở về; trong đó gần 90 trường hợp từ Đà Năng đã được ban, ngành địa phương phối hợp rà soát, thẩm định, theo dõi cách ly tại gia đình. Trong số này đã qua hai lần xét nghiệm đều âm tính. Cùng với việc tuyên truyền vận động người dân đeo khẩu trang khi ra đường lực lượng chức năng tiến hành tiêu độc khử trùng môi trường trong khu vực

Tại xã Lộc Bình đến thời điểm này có hơn 60 trường hợp làm ăn xa quê trở về trong thời gian gần đây đã được các lực lượng chức năng huyện, xã kiểm tra theo dõi cách ly tại nhà; trong đó có một trường hợp trở về từ vùng dịch vào ngày 27/7 đã được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Chân Mây (Phú Lộc)  và hiện tại sức khỏe ổn định. (baothuathienhue.vn 4.8)

 
 
 

8.  6 ngư dân đi bộ theo đường biển từ Đà Nẵng về Huế để trốn cách ly

Ngày 4/8, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã phối hợp với công an bàn giao 6 trường hợp trốn từ vùng dịch Đà Nẵng ra Huế cho chốt kiểm soát số 5 thuộc Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế đóng tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) để kiểm tra y tế và đưa vào khu cách ly tập trung.

Theo đó, vào lúc 20h30 ngày 3/8, tổ tuần tra Đồn Biên phòng Lăng Cô thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên – Huế trong lúc tuần tra tại tổ dân phố An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô, đoạn gần trạm thu phí Bắc hầm đường bộ Hải Vân phát hiện những người này đang đứng đợi đón xe. Tất cả họ đều trú tại xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc và vừa đi bộ từ biển Nam Ô, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) ra Huế.

Qua làm việc, những người này khai nhận họ làm nghề đi biển cho các tàu cá ở Đà Nẵng. Trong thời gian trú bão số 2 không đi biển nên 6 người đi bộ vòng theo đường biển dưới chân núi Hải Vân từ bến Nam Ô để ra Huế. Những người này khai rằng họ phải lựa chọn hành trình như vậy vì trên đường các trục đường giao thông chính, lực lượng chức năng của địa phương đã chốt chặn, không cho người từ vùng dịch đi vào địa phương một cách thiếu kiểm soát. (ncov.moh.gov.vn 4.8), (vietnamnet.vn 4.8, (tuoitre.vn 4.8)

 
 
Y TẾ
 

1.  Tái hoạt động khu cách ly với sức chứa hơn 1.000 người

Chiều 4/8, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã khẩn trương điều động 60 cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị khu cách ly tại Trường Nghiệp vụ Thuế (Khung T4) với sức chứa 1.100 người để kịp thời đón người dân từ các vùng dịch về cách ly tập trung.

Tại Khung T4, các chiến sĩ đang khẩn trương di chuyển các vật dụng cần thiết từ chăn màn, chiếu gối đến một số nhu yếu phẩm, đồ dùng cần thiết cho công dân như: xà phòng, bàn chải đánh răng, sữa, nước uống. Mặc dù thời tiết khá oi bức, lượng công việc lớn, nhân lực hạn chế nhưng các cán bộ, chiến sĩ vẫn rất khẩn trương để hoàn thành công việc sớm nhất.

Chiến sĩ Nguyễn Minh Tiến, Tiểu đoàn Bộ binh 1 chia sẻ: Đây là đợt 2 em được điều động tham gia nhiệm vụ chuẩn bị và phục vụ tại khu cách ly nên công việc cũng đã khá quen, không như đợt trước hơi bỡ ngỡ. Qua thông tin từ phương tiện truyền thông, em được biết đợt dịch này cũng hết sức nguy hiểm nên chúng em ngoài việc “tăng tốc” để hoàn thành khu cách ly cũng phải hết sức cẩn thận, đảm bảo an toàn cho bản thân và đồng đội.

Trung tá Hồ Nam Thắng, Khung trưởng Khung T4 thông tin: Khung T4 sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị trong vòng 3 ngày, sau khi bắt tay vào chuẩn bị một số khu vực đã có thể tiếp nhận công dân và cũng trong chiều 4/8, T4 bắt đầu tiếp nhận những công dân đầu tiên từ Đà Nẵng về, dự kiến số lượng hơn 70 người.

Bộ CHQS tỉnh đã cho vào hoạt động 4 khu cách ly tập trung với sức chứa hàng ngàn người và đã đón hơn 1.200 người về cách ly tập trung đó là: Điểm Trường Quân sự tỉnh (Khung T1 hiện đang có 320 công dân thực hiện cách ly), Trường cao đẳng Nghề số 23 (Khung T2, bệnh viện giã chiến, giành cho những tiếp xúc trực tiếp với FO), Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Khung T3, hiện có  876 công dân thực hiện cách ly) và Trường Nghiệp vụ thuế (Khung T4). (baothuathienhue.vn 4.8)

 
 
 

2.  Nhiều bệnh nhân Covid-19 điều trị ở Huế nguy cơ diễn tiến xấu

Đến trưa 4-8, Bệnh viện Trung ương Huế xác nhận ở cơ sở 2 của bệnh viện này đóng tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) đang tiếp nhận điều trị cho 19 bệnh nhân dương tính với Covid-19 từ Đà Nẵng, Quảng Nam chuyển ra. Trong số này có 5 ca bệnh phải thở máy, 2 ca phải dùng ECMO (tim, phổi nhân tạo), 3 ca lọc máu liên tục, 9 ca chạy thận kèm bệnh lý nền rất nặng như suy tim, thiếu máu, tăng huyết áp, đái tháo đường...; nhiều bệnh nhân cũng bị bệnh ung thư giai đoạn cuối kháng trị mắc SASR-CoV-2. Theo nhận định, nhiều bệnh nhân nặng có nguy cơ diễn tiến xấu và tử vong.

Để điều trị cho các bệnh nhân này, Bệnh viện Trung ương Huế cần tới đội ngũ 120 y, bác sĩ, điều dưỡng. Ngoài ra, tại cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế còn phải thực hiện nhiệm vụ phòng dịch, xét nghiệm, cách ly khoảng trên 65 trường hợp qua test nhanh dương tính với Covid-19, sau khi xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính mới chuyển đến cách ly tại các cơ sở tập trung.

Bên cạnh đó, tại đây cũng đang tiến hành điều trị, cách ly hơn 200 người thuộc các đối tượng F1, F2 của những bệnh nhân dương tính hoặc có yếu tố dịch tễ đang bị các bệnh lý khác kèm theo.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, do các bệnh viện ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng phải phong tỏa phòng dịch nên lượng bệnh nhân đến điều trị tại cơ sở bệnh viện này khá đông. Vì vậy, bệnh viện phải có phương án khoa học để vừa là hậu phương vững chắc nhưng cũng vừa là tiền tuyến trong điều trị các bệnh nhân Covid-19, đảm bảo công tác khám chữa bệnh, tránh lây nhiễm chéo trong môi trường y tế. (nld.com.vn 4.8)

 
 
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
 

1.  Thúc đẩy sức sáng tạo

Tạo dấu ấn trong phong trào “Sáng tạo trẻ” là mục tiêu được tuổi trẻ Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh nỗ lực thực hiện.

Nhiều đề tài sáng kiến được áp dụng

Đề cập đến sáng tạo trẻ, anh Phan Quang Nhật, Bí thư Đoàn Công ty Điện lực tỉnh đã liệt kê danh sách gần chục đề tài sáng kiến của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) công ty. Trong đó, anh Nhật tâm đắc đề tài “Giải pháp số hóa quản lý hạ tầng kỹ thuật lưới điện tỉnh Thừa Thiên Huế” của nhóm tác giả mà anh là thành viên. Đề tài này từng đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh năm 2018 và cho đến thời điểm này vẫn áp dụng rất hiệu quả vào thực tế.

Theo Phan Quang Nhật, đề tài giúp số hoá toàn bộ lưới điện của tỉnh trên nền bản đồ địa lý GIS. Qua đó, giúp ngành điện có công cụ trực quan để quản lý vận hành lưới điện tối ưu hơn, quy hoạch lưới điện, góp phần giảm thời gian mất điện cho khách hàng…Đoàn Công ty Điện lực còn lập đội xung kích gồm 30 người sẵn sàng làm thêm ngoài giờ. Nhật cho biết, do đặc thù sản xuất của công ty có khối lượng công việc lớn, nên các hoạt động Đoàn phải bám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, với phương châm "ở đâu khó có thanh niên".

Gần đây, ĐVTN Cục Thuế tỉnh cũng có nhiều đề tài sáng kiến được lãnh đạo cơ quan đánh giá cao và triển khai áp dụng vào thực tiễn. Tiêu biểu có hai đề tài: “Tăng cường công tác quản lý thuế trong kinh doanh intenet trên địa bàn tỉnh” và “Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động chuyển giá”. Anh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, từ hai đề tài sáng kiến trên, anh và nhóm tác giả đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tránh được tình trạng một số doanh nghiệp kê sai, hoặc cố tình kê sai, kê sót hoặc không kê khai các hạng mục bắt buộc để trốn thuế…

Ngoài ra, còn có nhiều đề tài có tính ứng dụng cao của ĐVTN tại các đoàn vị Đoàn cơ sở khác, như đề tài “Ứng dụng phương pháp phân tích bao dữ liệu (DEA) trong phân tích, đánh giá hoạt động ngân hàng, Quỹ Tín dụng Nhân dân trên địa bàn” của đoàn viên Nguyễn Thị Mão, Chi đoàn Ngân hàng Nhà nước; sáng kiến “Xây dựng file excel để cảnh báo các mặt hàng có một tên hàng nhưng được sử dụng nhiều mã số HS khác nhau để khai báo trên tờ khai hải quan đối với các loại hình có thuế” của đoàn viên Ngô Thái Hà (Đoàn Cục Hải quan).

Hy vọng mới

Ghi nhận kết quả đạt được của ĐVTN, song anh Nguyễn Hữu Trình, Bí thư Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp cho rằng, để tạo được dấu ấn về phong trào “Sáng tạo trẻ”, Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh  cần nỗ lực hơn nữa. Theo anh Trình, một số đề tài của ĐVTN được áp dụng vào thực tế đơn vị, thậm chí được nhân rộng toàn ngành, nhưng số lượng còn ít. Tỷ lệ ĐVTN được xướng tên trao giải tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật các cấp còn khiêm tốn, đa số tham gia các đề tài với vai trò là thành viên.

Anh Trình cho biết, trong các đợt về cơ sở kiểm tra công tác Đoàn và phong trào thanh niên, Đoàn Khối tập trung nhiều vào công tác thực hiện phong trào sáng tạo trẻ của các đơn vị cơ sở. Chỉ tiêu mỗi chi đoàn một đề tài sáng kiến gắn với nhiệm vụ chuyên môn cũng được đưa vào thi đua hàng năm cấp Đoàn Khối nhằm tạo động lực cho ĐVTN.

Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tích cực tham mưu  cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư về vật chất và tinh thần cho hoạt động sáng tạo của ĐVTN; khuyến khích xây dựng các mô hình sáng tạo, câu lạc bộ sáng kiến trẻ, biến các hoạt động lao động sáng tạo đơn lẻ của các cá nhân, đơn vị thành phong trào lớn…

Ông Hoàng Ngọc Hoài Quang, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh cho biết, để khuyến khích người trẻ trong công ty tiên phong trong phong trào sáng tạo, công ty luôn ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN, khen thưởng xứng đáng cho cán bộ, công nhân viên có sáng kiến ứng dụng KHCN vào sản xuất. (baothuathienhue.vn 4.8)

 
 
MÔI TRƯỜNG
 

1.  Kiên quyết xử lý dứt điểm mùi hôi từ trang trại nuôi heo ở Điền Hòa

Ngày 4/8, đoàn kiểm tra của UBND huyện Phong Điền đã có buổi kiểm tra tại trang trại nuôi heo được Hợp tác xã Nông nghiệp (HTX NN) Điền Hòa phối hợp cùng Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam thả nuôi, để xử lý dứt điểm tình trạng chất thải của trang trại nuôi heo bốc mùi hôi, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân theo phản ánh của Báo Thừa Thiên Huế ngày 31/7.

Từ phản ánh của Báo Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND huyện Phong Điền tiến hành kiểm tra, xử lý dứt điểm việc gây ô nhiễm của trại heo như báo chí phản ánh. Chính quyền địa phương phải theo dõi, giám sát chặt chẽ, việc khắc phục ô nhiễm và việc vận hành các công trình, biện pháp xử lý chất thải trong quá trình hoạt động của trang trại heo, đảm bảo tuân thủ đúng các nội dung yêu cầu đánh giá tác động môi trường, giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm và tham mưu các biện pháp chế tài theo quy định, trong đó có việc dừng hoạt động...

Qua kiểm tra, ông Nguyễn Văn Bình, Quyền Chủ tịch UBND huyện Phong Điền yêu cầu trang trại khẩn trương xử lý bùn thải, rắc vôi để khử trùng, xử lý mùi hôi tại các ao chứa nước thải; tăng cường thu gom, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn cho phép và được hoàn tái sử dụng triệt để cho hoạt động chăn nuôi; thực hiện các giải pháp xử lý mùi hôi theo hướng dẫn.

Theo ông Bình, UBND huyện chỉ đạo tăng cường theo dõi, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với trang trại chăn nuôi heo, kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh, không để ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư tăng cường vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn cho phép, trước khi tái sử dụng cho hoạt động chăn nuôi.

“UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài Nguyên và môi trường, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Điền Hòa tiến hành lấy mẫu nước thải để kiểm tra, làm xét nghiệm, đánh giá các tác động môi trường, qua đó xử lý dứt điểm nếu có ảnh hưởng đến môi trường và buộc trại heo phải dừng hoạt động …”, ông Nguyễn Văn Bình, khẳng định.

Trước đó, Báo Thừa Thiên Huế đã có bài phản ánh về tình trạng ô nhiễm diễn ra nhiều năm. Người dân chịu không thấu vì mùi hôi do phân heo thải ra từ trại nuôi hơn 1.000 con tại vùng rú cát xã Điền Hòa (huyện Phong Điền). Trang trại heo do HTX NN Điền Hòa phối hợp Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam thành lập chăn nuôi theo phương thức công ty này cung ứng thức ăn, nguồn giống và bao tiêu sản phẩm. Hiện, lứa heo hơn 1.000 con tại đây có trọng lượng trên 100 kg/con và khoảng 1 tuần nữa sẽ xuất chuồng. (baothuathienhue.vn 4.8)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Thừa Thiên Huế: Xây dựng nhà máy điện khí hơn 6 tỷ USD vào năm 2021

 Dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây có tổng mức đầu tư ước tính 6 tỷ USD, công suất 4.000MW, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào quý I/2021. Dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây do Công ty Cổ phần Chân Mây LNG tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên  Huế) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng công suất thiết kế 4.000MW, dự kiến sẽ khởi công xây dựng quý I/2021 và vận hành thương mại giai đoạn 1 vào năm 2024.

Dự án sẽ được đầu tư dưới hình thức đầu tư tư nhân (IPP) với vốn sở hữu 60% Hoa Kỳ, 40% Việt Nam. Dự tính, khi đi vào hoạt động, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư dự án ước tính 6 tỷ USD được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều đột phát cho ngành năng lượng trong nước, thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm, góp phần tăng trưởng quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ.

Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đề xuất Chính phủ bổ sung quy hoạch sơ đồ VII dự án điện khí Chân Mây, nằm trong Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Theo ông Định, dự án điện khí được triển khai tại khu vực này sẽ tạo ra sự phát triển đột phá cho Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nói riêng, tạo ra động lực tăng trưởng cho cả Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng nói chung.

Dự kiến tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực chính như: du lịch, đô thị, logistics, công nghiệp công nghệ cao, phi thuế quan...

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được thành lập vào năm 2006, có diện tích 27.108ha, nằm trên địa bàn các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô của huyện Phú Lộc, giáp ranh với TP. Đà Nẵng. Đây là nơi có vị trí địa lý đắc địa, kết nối thuận lợi với mạch máu giao thông của đất nước, nằm cách QL 1A và tuyến đường sắt Bắc Nam khoảng 6 - 7 km; đồng thời, nằm giữa sân bay Phú Bài và sân bay Đà Nẵng. Hiện nơi đây đang triển khai rất nhiều dự án lớn như Dự án Khu du lịch quốc tế Minh Viễn - Lăng Cô, Khu du lịch Laguna, Dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty CP Công nghiệp Chế tạo Ô tô Bách Việt, Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế, Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải...(baotainguyenmoitruong.vn 5.8)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.736.138
Truy cập hiện tại 247