Tìm kiếm tin tức
Đảm bảo các quy định phòng, chống dịch và an toàn cho học sinh khi mở cửa trường học trở lại
Ngày cập nhật 18/02/2022
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cùng lãnh đạo các Sở, ngành và các địa phương dự hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cùng lãnh đạo các Sở, ngành và các địa phương dự hội nghị
Sáng ngày 17/2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình mở cửa trường học của các địa phương. Cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ. Tại Thừa Thiên Huế, UVTV Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cùng lãnh đạo các Sở, ngành chuyên môn, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tham dự hội nghị.
 
 

Theo báo cáo về tình hình học sinh trở lại trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 16/2 có 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp; 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp.Với khối trung học cơ sở, trung học phổ thông: 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp. Riêng Hà Nội cho học sinh khối 1 đến 6 của 18 huyện, thị xã ngoại thành, khối 7 đến 12 các quận nội thành đi học trực tiếp; Vĩnh Long, học sinh khối 6, 9 đi học trực tiếp. 100% cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp. Tổng số học sinh học trực tiếp là đạt tỉ lệ 93,71%.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định: Chủ trương kiên quyết mở cửa trường học đưa học sinh tới trường học trực tiếp nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia... ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.Tuy nhiên, qua theo dõi thực tiễn và kết quả kiểm tra thực tế tại một số địa phương cũng cho thấy một số khó khăn, vướng mắc của địa phương.Thách thức đầu tiên là học sinh đi học trở lại đúng lúc dịch bệnh bùng phát, diễn biến phức tạp, số ca mắc ở giáo viên, học sinh tăng mạnh. Bên cạnh đó, một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô đưa trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm thăm dò, đặc biệt là đối với cấp mầm non và tiểu học.

Khi tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong thực hiện việc giãn cách theo quy định. Việc rà soát, phân loại học sinh để củng cố, bổ sung kiến thức khi học sinh trở lại trường gây khó khăn cho các trường trong việc bố trí giờ dạy, có thể phát sinh thêm các yêu cầu về kinh phí kinh phí... Bên cạnh đó, việc thiếu giáo viên (đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học) tạo áp lực rất lớn cho các cơ sở giáo dục trong việc triển khai dạy học trực tiếp.

Chia sẻ một số giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch một cách nhất quán việc đưa trẻ em mầm non, học sinh đến trường bảo đảm an toàn. Quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp.

Đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách li y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1 tại Công văn số 10696/BYT-MT ngày 16/12/2021 và Công văn số 647/MT-VP ngày 16/11/2021 theo hướng rút gọn thời gian cách li y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy mở cửa trường học (kiến nghị từ các địa phương).

Đồng thời, ban hành hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp; test thường xuyên/định kỳ, cụ thể đối tượng nào cần test, ai tổ chức, ai chịu trách nhiệm, hỗ trợ ra sao. Đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong việc điều trị, thuốc chữa bệnh cho trẻ em bị F0 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh, đồng thuận trong dư luận xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến chuyên môn về phòng chống dịch đối với việc cho trẻ em tới trường nhưng chưa được tiêm vắc xin; việc tổ chức ăn bán trú, học hai buổi... để Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành. Bộ Y tế ban hành Sổ tay hướng dẫn cho nhà trường và phụ huynh việc chăm sóc trẻ em F0 tại nhà để tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh.

Với Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị thống nhất chỉ đạo việc tổ chức dạy học trực tiếp trên tinh thần không chủ quan nhưng không quá sợ hãi căng thẳng, dẫn đến chỉ đạo rụt rè, thiếu nhất quán. Với những trường học có điều kiện bán trú đề nghị chỉ đạo tổ chức cho học sinh học bán trú.

Chỉ đạo sở Giáo dục và Đào tạo, sở Y tế, các ban, ngành liên quan tăng cường tổ chức tập huấn, diễn tập cho cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về việc xử trí F0, F1 trong trường học và các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo sự yên tâm, đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường an toàn                        

Tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện tốt công tác y tế trường học, tăng cường nhân lực, bố trí người trực, cơ sở vật chất phòng chống dịch cho các cơ sở giáo dục; xây dựng giải pháp trước mắt và lâu dài cho công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe của trẻ em, học sinh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục và xử trí tình huống F0, F1 trong trường học.

Chia sẻ ý kiến tại cuộc họp, đại diện các địa phương, các bộ ngành khẳng định tầm quan trọng của việc học trực tiếp và thống nhất cao sự cần thiết, phù hợp của chủ trương đưa trẻ đến trường trong thời điểm hiện nay.

Đại diện địa phương đều cho biết đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt các giải pháp pháp thúc đẩy mở cửa trường học một cách an toàn; xác định đây không chỉ là việc của nhà trường, của ngành Giáo dục và Y tế, mà là của cả hệ thống chính trị. Ý kiến phát biểu đều thống nhất với các đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó có việc Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách li y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1; việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp; hướng dẫn các địa phương trong điều trị cho trẻ em là F0; hướng dẫn chăm sóc trẻ em F0 tại nhà; hướng dẫn bảo đảm an toàn khi tổ chức ăn bán trú…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhấn mạnh quan điểm: Việc đi học của trẻ là rất quan trọng, không phải chỉ khi có dịch mà cả khi không có dịch. Trẻ ở nhà trong thời gian dài có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường; không chỉ về văn hóa, kiến thức, mà tác động lâu dài đến sự phát triển của trẻ. Không những thế, việc này còn ảnh hưởng đến các nhân lực lao động (ông bà, cha mẹ chăm nuôi), từ đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. “Tinh thần chung là cố gắng cho trẻ đến trường sớm và an toàn” - Phó Thủ tướng cho hay.

Xác định phòng chống dịch bệnh Covid-19 là lâu dài, Phó Thủ tướng nhắc lại tinh thần phải khôi phục lại các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện bình thường mới, với phương châm thích nghi an toàn, kinh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần có sự chỉ đạo thống nhất trên tòa quốc nhưng không phải cứng nhắc.

Hoan nghênh Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quyết tâm mở cửa trường học an toàn, Phó Thủ tướng đồng thời lưu ý: với trường học cần rất chi tiết, phải liên tục cập nhật, tập huấn, hướng dẫn, truyền thông một cách xuyên suốt và phải làm rất nghiêm túc.

Đưa ra một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng lưu ý đầu tiên đến việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Cùng với đó, chấp nhận thực tế trẻ đi học đồng loạt thì ca nhiễm tăng; quan trọng là kiểm soát được tốc độ lây lan, có phương án xử lý ca nhiễm F0, F1 hợp lý; đặc biệt là hướng dẫn điều trị liên tục cập nhật. Riêng trẻ em chưa sử dụng được thuốc kháng virus, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể các loại thuốc có thể sử dụng trên tinh thần công khai, minh bạch.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế cần sớm có văn bản về việc xét nghiệm trong trong trường học, việc này có bắt buộc không, xét nghiệm trong trường hợp nào, tần suất bao nhiêu. Với trẻ em bị bệnh nền, có vấn đề sức khỏe thì cụ thể thế nào - cần rất chi tiết, không chung chung. Đặc biệt, Bộ Y tế cần có ý kiến chính thức về vấn đề tổ chức học bán trú.

Khi cho trẻ đến trường vẫn cần duy trì hình thức học trực tuyến, học trên truyền hình kết hợp; đây là việc lâu dài cho giáo dục, không phải chỉ trong phòng chống dịch bệnh. Nhấn mạnh điều này, Phó thủ tướng đồng thời lưu ý công tác truyền thông cần thường xuyên, liên tục, tạo đồng thuận trong xã hội.

Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế

 

https://thuathienhue.gov.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.509.810
Truy cập hiện tại 4.105