Tìm kiếm tin tức
Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 04/03/2021

Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc đang có chiều hướng gia tăng về quy mô, mức độ, nhất là các thành phố lớn; ttriển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 08/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; để phát triển nền kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như giữ vững danh hiệu “Thành phố xanh”, tỉnh Thừa Thiên Huế cần có giải pháp, chế tài nhằm kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường không khí phát sinh do các nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Để tăng cường công tác giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; ngày 02/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND, theo đó yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vận động, hướng dẫn người dân không đốt rơm rạ trên đồng ruộng nhằm bảo vệ môi trường. Tổ chức nông dân ký cam kết không đốt rơm rạ, không xả rơm rạ bừa bãi xuống kênh tưới, tiêu thủy lợi; không phơi thóc, rơm rạ, tuốt lúa, đốt rơm rạ trên đường giao thông. Xử lý nghiêm các trường hợp đốt chất thải không đúng quy định, gây ảnh hưởng cảnh quan và ô nhiễm môi trường.

- Tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, thành phố để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh, khô. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông.

- Chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, Trưởng Công an các huyện, thị xã, thành phố Huế thường xuyên kiểm tra, giám sát việc nông dân đốt rơm rạ trên đồng ruộng.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập đường dây nóng và triển khai ứng dụng Hue-S để tiếp nhận phản ánh của các cá nhân, tổ chức khi phát hiện tình trạng các địa phương, nông dân đốt rơm rạ trên đồng ruộng để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp.

- Tăng cường công tác trồng cây xanh tại các khu vực đô thị, các tuyến đường chính, các tuyến đường, công viên các khu tái định cư, khu dân cư mới; vận động, huy động từ các nguồn xã hội hóa (bằng nhiều hình thức: tiền, cây xanh, ngày công,...) để trồng cây xanh dọc các tuyến đường, công viên thuộc phạm vi quản lý; khuyến khích trồng cây xanh tại các tuyến đường theo quy hoạch nhằm tạo cảnh quan, thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát và hạn chế việc lấn chiếm mặt bằng.

- Xây dựng kế hoạch chuyên đề thực hiện công tác kiểm tra, hậu kiểm, giám sát việc chấp hành các quy định về môi trường, tiến độ, mật độ trồng cây xanh tại các công trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép xây dựng. Trong đó cần lưu ý đến các khu dân cư, khu tái định cư do cơ quan nhà nước đầu tư; các công trình, dự án do nhà đầu tư thực hiện trên địa bàn quản lý; định kỳ hàng quý, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc để nông dân đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trong đó trọng tâm tuyên truyền liên quan đến việc bảo vệ môi trường không khí đã được nêu tại Điều 62, Điều 63, Điều 64 của Luật Bảo vệ môi trường 2014.

- Tiếp tục triển khai tốt công tác quan trắc hiện trạng môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ đã được phê duyệt. Quản lý và thường xuyên giám sát các nguồn thải thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục.

- Căn cứ quy hoạch mạng lưới quan trắc và tình hình thực hiện để đề xuất việc đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc tự động liên tục để đảm bảo việc giám sát chất lượng môi trường không khí đồng bộ trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông. Trường hợp có diễn biến xấu về môi trường không khí cần kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, người dân được biết để có biện pháp ứng phó phù hợp.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thường xuyên kiểm tra các nguồn phát sinh khí thải trên địa bàn; hướng dẫn các chủ nguồn thải thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động theo đúng pháp luật về bảo vệ môi trường; kịp thời răn đe, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí theo quy định. Công khai thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Đôn đốc, kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình…).

- Đôn đốc, kiểm tra các chủ mỏ khai thác, vận chuyển khoáng sản (đặc biệt là mỏ đất san lấp, mỏ đá) thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát tán bụi trong quá trình khai thác, vận chuyển nguyên liệu ra vào khu vực mỏ (bố trí khu vực rửa xe, tưới nước tuyến đường ra vào mỏ…).

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tuyên truyền, vận động nông dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn quy trình thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng theo Thông tư số 19/2019/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học ngay trên đồng ruộng nhằm hạn chế đốt rơm rạ, bảo vệ môi trường.

- Chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong việc thu gom vận chuyển rơm rạ và làm đất bằng máy cày lớn để phay, cày lật đất vùi hết rơm rạ vào trong đất, không để rơm rạ trôi nổi ảnh hưởng đến sản xuất và môi trường.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Nghiên cứu công nghệ phù hợp để xử lý, tận dụng rơm rạ tái chế thành các sản phẩm hữu ích phục vụ xã hội hay nguyên liệu của các ngành sản xuất khác. Nghiên cứu khuyến cáo ứng dụng các chế phẩm sinh học cho các địa phương để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

5. Sở Xây dựng

- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi (che chắn công trình, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình,...)

- Xây dựng kế hoạch chuyên đề thực hiện công tác kiểm tra, hậu kiểm, giám sát việc chấp hành các quy định về tiến độ, mật độ trồng cây xanh tại các công trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép xây dựng. Trong đó cần lưu ý đến các khu dân cư, khu tái định cư do cơ quan nhà nước đầu tư; các công trình, dự án do nhà đầu tư thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh; định kỳ hàng quý, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

6.  Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế kiểm tra, xử lý các trường hợp đốt rơm rạ trên đồng ruộng, phơi thóc, rơm rạ, đốt rơm rạ trên đường giao thông gây cản trở và làm mất an toàn giao thông theo thẩm quyền; đôn đốc và phối hợp với các địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ trên đồng ruộng.

- Theo dõi chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nhất là các giải pháp hiệu quả đảm bảo ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, khí thải trong hoạt động xây dựng công trình giao thông.

- Thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chất lượng không khí, các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm không khí. Trong đó, đặc biệt lưu ý, nguồn thông tin, số liệu phải được cung cấp từ các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sau khi đã được tính toán theo Quyết định số 1495/QĐ-TCMT ngày 12/11/2019 của Tổng cục Môi trường về việc ban hành Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI)

- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về tác hại đốt rơm rạ trên đồng ruộng và hành vi vi phạm về môi trường do đốt rơm rạ để nông dân biết và tự giác chấp hành.

8.  UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội

Phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp cùng các tổ chức chính trị xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân, cơ sở sản xuất – kinh doanh, nông dân chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc bảo vệ môi trường không khí.

9.  Chủ đầu tư xây dựng các công trình

Thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng các công trình; triển khai các phương án giảm thiểu bụi, khí thải phát sinh trong quá trình thi công xây dựng (che chắn công trình, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình,…).

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các đơn vị liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì theo dõi việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương; định kỳ 06 tháng tổ chức sơ kết, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh./.

 
 
 
 
 
 
https://thuathienhue.gov.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.513.409
Truy cập hiện tại 22