Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện Kế hoạch số: 263/KH-UBND ngày 08/12/2023 của UBND huyện Quảng Điền về việc Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn huyện Quảng Điền năm 2024. Uỷ ban nhân dân xã Quảng An ban hành Kế hoạch kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật của văn bản để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.
b) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
2. Yêu cầu
a) Bảo đảm tính toàn diện, kịp thời khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền trình tự, thủ tục.
b) Các bộ phận có liên quan đảm bảo phối hợp, chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
c) Không được lợi dụng việc kiểm tra, xử lý văn bản vì mục đích vụ lợi gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và can thiệp vào quá trình xử lý văn bản trái pháp luật.
II. ĐỐI TƯỢNG KIỂM TRA, XỬ LÝ
1. Đối tượng tự kiểm tra
a) Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã ban hành.
b) Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã ban hành; văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức như văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành khi được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức cá nhân.
2. Văn bản được xử lý
a) Văn bản trái pháp luật gồm văn bản ban hành không đúng thẩm quyền; văn bản có nội dung trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn; văn bản quy định thời điểm có hiệu lực trái với quy định tại khoản 48 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020; văn bản vi phạm quy định của pháp luật về đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra dự thảo.
b) Văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày.
c) Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã ban hành; văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức như văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
III. NỘI DUNG KIỂM TRA
1. Kiểm tra về thẩm quyền ban hành văn bản, gồm kiểm tra thẩm quyền về hình thức và kiểm tra thẩm quyền về nội dung.
2. Kiểm tra nội dung của văn bản.
3. Kiểm tra về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bảy, trình tự, thủ tục xây dựng ban hành văn bản.
IV. PHƯƠNG THỨC KIỂM TRA
Tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã ban hành.
V. KINH PHÍ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
Công chức Tài chính - Kế toán xã tham mưu Ủy ban nhân dân xã đảm bảo kinh phí cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo quy định của pháp luật.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công chức Tư pháp- Hộ tịch chủ trì, phối hợp Công chức Văn phòng- Thống kê xã tổ chức triển khai kế hoạch này.
2. Công chức Tư pháp- Hộ tịch thực hiện chế độ báo cáo về công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.
Trên đây là Kế hoạch kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật năm 2024, Ủy ban nhân dân xã đề nghị các ban ngành có liên quan triển khai thực hiện./.