Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, trở thành mối quan tâm của toàn xã hội hiện nay. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khoẻ con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm kém chất lượng gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho chăm sóc sức khoẻ. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do sử dụng nguồn nước, thức ăn không hợp vệ sinh, thực phẩm không đạt chất lượng.
Vì vậy, để chủ động trong công tác phòng chống các bệnh do ngộ độc thực phẩm, mỗi người dân hãy thực hiện tốt một số biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể như sau:
- Rửa tay trước khi ăn, uống nước đã đun sôi để nguội hoặc đã qua thiết bị tinh lọc; thức ăn chín để quá bữa, quá giờ phải được bảo quản lạnh dưới 100C, phải được hâm lại kỹ; che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Thức ăn để sau 3 ngày không nên ăn vì không còn giá trị dinh dưỡng, rất dễ có nguy cơ lên men, tiềm ẩn nguy cơ bị ngộ độc. Các dụng cụ chế biến thực phẩm như: dao, thớt, đũa, thìa, que gắp cần phải được khử trùng trước khi chế biến thực phẩm; rau, củ, quả tươi, đặc biệt là thức ăn sống phải được ngâm kỹ rồi rửa lại vài lần bằng nước sạch hoặc dưới vòi nước chảy.
- Khi đi mua hàng cần chú ý xem hạn sử dụng của thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm đóng chai, hộp như: sữa tươi, nước giải khát…Không mua hàng bao gói sẵn không có địa chỉ nơi sản xuất, đóng gói và hàng hết hạn sử dụng.
- Các bậc phụ huynh thực hiện tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời giáo dục con em mình không nên ăn uống ở các hàng quán ngoài đường không đảm bảo chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm.
* Đối với các cửa hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống, cần thực hiện tốt một số việc sau:
- Cần lựa chọn kỹ càng các loại thực phẩm trước khi chế biến cho khách. Thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không được sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng để chế biến thức ăn. Không sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng. Nghiêm cấm việc sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc, không nằm trong danh mục được phép sử dụng.
- Rửa sạch tay trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kín vết thương nhiễm trùng trước khi chế biến thức ăn.
- Tủ đựng, dụng cụ chế biến thức ăn cần được lau rửa, vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng vào việc chế biên và bảo quản thức ăn. Bàn ghế, các khu vực bên trong quán cần lau dọn thường xuyên đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh.
- Không được sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang, lối đi chung để chế biến, sản xuất kinh doanh thức ăn.
* Đối với các cửa hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống:
- Mua nguồn thực phẩm phải qua chứng nhận kiểm dịch đảm bảo an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm của cơ quan y tế, Thú y; bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp, đảm bảo thực phẩm không bị hỏng, biến đổi chất. Các cơ sở kinh doanh động vật tươi sống không được phép bán các loại động vật chưa được kiểm chứng của cơ quan thú y ra bên ngoài; giữ gìn vệ sinh nơi sơ chế thực phẩm.
Trên đây là một số các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, UBND xã Quảng An đề nghị toàn thể nhân dân thực hiện tốt các biện pháp trên, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, phòng tránh các bệnh ngộ độc thực phẩm nguy hiểm. Khi phát hiện các cơ sở kinh doanh không đảm bảo An toàn thực phẩm đề nghị các tổ chức, công dân thông báo ngay cho Trạm y tế hoặc UBND xã để có biện pháp phối hợp xử lý kịp thời./.