(CTTĐT) - Sáng ngày 12/04, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam do đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, khảo sát công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2013-2021 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Nam Tiến; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Chí Tài.
Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu, đề xuất và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý để tổ chức các hội nghị phổ biến, quán triệt Quyết định 217, 218-QĐ/TW đến đội ngũ cán bộ chủ chốt ; hướng dẫn MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam cùng cấp triển khai tuyên truyền rộng rãi các văn bản về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đến toàn thể cán bộ đảng viên và Nhân dân địa phương …, đồng thời tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Định kỳ tổng hợp các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân, dư luận xã hội để báo cáo Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh. Đã phối hợp với chính quyền trong công tác giám sát việc huy động các nguồn lực trong nhân dân tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà đại đoàn kết, phòng, tránh bão, lụt, chương trình phối hợp vận động và bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh,… Ngoài ra, các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tiến hành giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân ở cơ sở,…
Từ năm 2013 - 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì thành lập 29 đoàn; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện đã chủ trì thành lập 238 đoàn giám sát. Mặt trận tỉnh đã tiến hành giám sát 13 nội dung, cấp huyện giám sát 127 nội dung và cấp xã giám sát 1.503 nội dung bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản liên quan đến nhiều lĩnh vực. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp tham gia 177 đoàn giám sát do các Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp tỉnh, Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp và các hoạt động giám sát khác theo quy định của pháp luật. Cấp huyện đã phối hợp tham gia 881 đoàn giám sát với các cơ quan, ban ngành chức năng và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp theo các chương trình, kế hoạch phối hợp giám sát đã ký kết. Cấp xã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tham gia 2.333 đoàn giám sát. Các nội dung giám sát liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND xã, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, môi trường,... Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên; giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các đại biểu trong đoàn công tác trao đổi tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận nhiều nội dung như: những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị những nội dung cần thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương; sự phối hợp của chính quyền trong tổ chức thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội...
Phát biểu tại buổi làm việc, UVTV Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cho rằng để hoạt động giám sát, phản biện xã hội thực sự có hiệu quả đòi hỏi phải được thực hiện tốt từ các bên. Trước hết, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải làm hết vai trò, trách nhiệm, tham gia đóng góp ý kiến một cách cụ thể. Cần lựa chọn cụ thể nội dung, vấn đề, cái gì để phản biện, qua đó phản biện xã hội cần có chuyên đề, nội dung và cách thức tổ chức cụ thể để nâng cao hiệu quả, vai trò phản biện xã hội. Cần tiếp thu, phản hồi ý kiến của người dân, cần có sự phối hợp với các Sở, ngành địa phương để kịp thời giải quyết những kiến nghị của người dân. Cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp để thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, về việc nâng cao, đổi mới trong công tác giám sát, phản biện xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý nhanh các vấn đề mà người dân kiến nghị, phản ánh. Do vậy, giám sát, phản biện xã hội giúp cho chính quyền thực thi những điều nhân dân mong muốn tốt hơn, an dân hơn.
UVTV Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, khẳng định, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung thúc đẩy, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên các ngành, lĩnh vực. MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham gia tích cực vận động, hỗ trợ và chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, đề nghị hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Phát huy hơn nữa vai trò tập hợp quần chúng Nhân dân và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội. Qua đó phải có những phương thức, cách thức triển khai giám sát, phản biện xã hội một cách có chiều sâu, có lĩnh vực cụ thể, tiến hành đặt hàng các chuyên đề, nội dung về giám sát và phản biện, lắng nghe, nắm bắt tư tưởng của Nhân dân để kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị -xã hội tỉnh cần có nhận xét, đánh giá, rà soát các văn bản triển khai thực hiện, cần chủ động trong xây dựng kế hoạch, nội dung giám sát và phản biện xã hội. Việc giám sát, phản biện phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, lành mạnh để góp phần xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền tốt hơn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, nhấn mạnh, trong giám sát và phản biện xã hội cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt các quy định liên quan đến giám sát và phản biện xã hội, thống nhất về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp thu và phản hồi nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát, sau phản biện; hoạt động giám sát và phản biện xã hội phải chọn những nội dung có trọng tâm trọng điểm, là vấn đề bức xúc được chính quyền và nhân dân quan tâm. Đồng thời quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ của MTTQ và các tổ chức thành viên, đặc biệt là kinh phí hoạt động cho hoạt động giám sát.