Ngày 12/01/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 8/KH-UBND đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025 nhằm xây dựng các cụm công nghiệp cơ bản đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phát huy được tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của địa phương, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển công nghiệp nông thôn; đầu tư điều chỉnh, thành lập mới các cụm nằm trong phương án (quy hoạch) phát triển cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên nguồn lực phát triển có chọn lọc một số cụm công nghiệp có nhu cầu đầu tư và di dời các cơ sở sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Đồng thời, huy động các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng từ các chương trình, kế hoạch của các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức trong và ngoài nước; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân cho phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp...
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 03 cụm công nghiệp đã được thành lập trước năm 2021 (gồm: cụm công nghiệp Vinh Hưng, cụm công nghiệp Điền Lộc, cụm công nghiệp Hương Phú), đầu tư mở rộng cụm công nghiệp Tứ Hạ (giai đoạn 3) và tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm đã đi vào hoạt động đảm bảo tuân thủ quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, phấn đấu có 03 cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn theo quy định (gồm: cụm công nghiệp An Hòa, cụm công nghiệp Tứ Hạ, cụm công nghiệp Thủy Phương). Ngoài ra, phấn đấu đầu tư thành lập mới 11 cụm công nghiệp; phấn đấu hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật tối thiểu khoảng 30% diện tích cụm công nghiệp thành lập mới; tỉ lệ lấp đầy đạt 20% diện tích cụm công nghiệp thành lập mới.
Theo đó, về cơ chế, chính sách, sẽ ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút các thành phần kinh tế vào đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp. Xây dựng, ban hành cơ chế hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch vào đầu tư sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp.
Về vốn và đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp: Ưu tiên, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đối với các cụm công nghiệp thành lập mới và các cụm công nghiệp đã thành lập nhưng chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt; hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung theo đúng các quy định hiện hành.
Khuyến khích các cụm công nghiệp do tổ chức đơn vị sự nghiệp nhà nước quản lý và tổ chức đầu tư xây dựng chuyển sang hình thức lựa chọn nhà đầu tư quản lý cụm công nghiệp để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng hoàn thiện theo quy hoạch, phần hạ tầng kỹ thuật đã được ngân sách nhà nước đầu tư xem như là phần nhà nước đã hỗ trợ đầu tư; nhà đầu tư chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp.
Đối với các cụm công nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, không có khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp: nguồn ngân sách tỉnh ưu tiên hỗ trợ đầu tư đường trục chính và hệ thống thoát nước của các cụm công nghiệp tại các huyện A Lưới, Nam Đông; các địa phương chịu trách nhiệm huy động ngân sách cấp huyện, các nguồn hợp pháp khác hoặc nguồn xã hội hóa của các thành phần kinh tế để đầu tư hoàn thiện công trình hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Việc đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp phải bảo đảm phù hợp nhu cầu thực tế của địa phương, khả năng cân đối, huy động nguồn vốn đầu tư và năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, hiệu quả đầu tư và tiến độ thu hút, lấp đầy cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động...
Về thu hút đầu tư: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; tổ chức hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm để thu hút các nguồn vốn trong dân, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài vào đầu tư kinh doanh hạ tầng, sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm công khai, minh bạch cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan thực hiện cơ chế “một cửa”, giảm tối đa thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; tập trung công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án,...
Về chính sách đất đai: Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chính sách đất đai như: bồi thường, giải phóng mặt bằng; lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tạo quỹ đất sạch để giao cho các chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đầu tư, khai thác và sử dụng hiệu quả.
Thực hiện xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu phân bổ đối với phương án (quy hoạch) phát triển cụm công nghiệp phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu mặt bằng phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các địa phương.
Đối với các dự án đầu tư hạ tầng đã có chủ trương đầu tư cần đảm bảo thực hiện đúng tiến độ; trường hợp chủ đầu tư không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt thì phải tổ chức kiểm tra, đánh giá nguyên nhân để xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý thu hồi và giao cho các nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai đầu tư xây dựng, tránh gây lãng phí quỹ đất.
Về công tác bảo vệ môi trường: Quan tâm, vận dụng các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn theo quy định của pháp luật về môi trường, nhất là các cụm công nghiệp tại các địa phương có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như thị xã Hương Trà, Hương Thủy, thành phố Huế,… nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường tại cụm công nghiệp.
Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra trách nhiệm quản lý môi trường cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp, đặc biệt đối với các cụm công nghiệp đang là điểm nóng, bức xúc về môi trường cần có sự giám sát để từng bước đầu tư hoàn thiện công trình bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp. Kiên quyết xử lý, cho dừng hoạt động các cơ sở sản xuất không tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Về công tác quản lý nhà nước: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế tăng cường công tác quản lý cụm công nghiệp, phân công nhiệm vụ cho các phòng ban chuyên môn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo quy định. Kiện toàn mô hình quản lý cụm công nghiệp, bổ sung chức năng kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực cấp huyện hoặc Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành và khai thác cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực lập, thẩm định, phê duyệt thành lập, mở rộng, điều chỉnh phương án phát triển các cụm công nghiệp, quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp đảm bảo phù hợp với quy định và các quy hoạch có liên quan trên cơ sở khai thác lợi thế của địa phương.
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp của các chủ đầu tư nhằm đảm bảo đúng tiến độ, đúng dự án, quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời tập trung hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan trong quá trình triển khai dự án để sớm đưa các dự án vào hoạt động đúng tiến độ.
Về nguồn lao động: Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ chế biến nông lâm thủy sản; công nghiệp công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm; công nghiệp dược liệu và thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Quan tâm, chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực phát triển giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; hình thành đội ngũ lao động lành nghề; phổ cập nghề cho người lao động, qua đó phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp; xây dựng phương thức đào tạo nghề kết hợp “Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp” để gắn kết công tác đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong cụm công nghiệp; phối hợp với các nhà đầu tư, các cơ sở đào tạo nghề xây dựng phương án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án khi đi vào hoạt động...