Sáng ngày 8/11, hội nghị trực tuyến về cập nhật, xác minh thông tin tiêm chủng đã được Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT), Bộ Công an tổ chức nhằm thống nhất quy trình phối hợp xác minh thông tin công dân được tiêm vắc xin phòng COVID-19 và quy trình xử lý phản ánh thông tin tiêm chủng COVID-19. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng tham dự.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đến nay đã đạt được 90 triệu số mũi tiêm trên cả nước. Những kết quả đã đạt được là rất đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vướng mắc và bất cập trong quá trình tổ chức tiêm, tính chính xác của dữ liệu tiêm, việc trả kết quả tiêm cho người dân.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để công tác phối hợp giữa các Bộ được chặt chẽ, hiệu quả và thực hiện tốt các nội dung kế hoạch đã đặt ra, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến trên 11.000 điểm cầu với các địa phương quán triệt quy trình phối hợp ngành y tế, ngành công an xác minh thông tin công dân của người dân được tiêm vắc xin phòng COVID-19 và quy trình xử lý phản ánh thông tin tiêm chủng COVID-19
Tại Hội nghị, Ông Đỗ Trường Duy, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế khẳng định, để đạt được mục tiêu 11/11 hoàn thành xác minh thông tin và cập nhật dữ liệu tiêm chủng Vắcxin Covid -19, các đơn vị thực hiện phải nắm rõ nội dung cơ bản của Công văn 8938/BYT-DP và đưa vào kế hoạch triển khai cụ thể của từng địa phương.
Đối với việc tổ chức tiêm, cần phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế cơ sở và lực lượng công an khu vực trong điều tra thông tin, đảm bảo danh sách đăng ký tiêm có đủ các trường thông tin công dân bắt buộc như Họ và Tên; Ngày sinh; Giới tính, Số CCCD, đặc biệt đảm bảo trên phiếu tiêm của người đi tiêm có thông tin mã số công dân.
Đối với dữ liệu kết quả đã tiêm, phần lớn chưa có đủ và còn thiếu chính xác các thông tin công dân bắt buộc. Trên Nền tảng tiêm chủng hiện nay đã cho phép cấp xã, phường truy xuất danh sách cần điều tra, xác minh và có thể cập nhật lại thông tin công dân trên nền tảng. Bước xác minh đầu tiên do Trạm Y tế xã/Cơ sở tiêm chủng đối chiếu hồ sơ, bổ sung; liên hệ với người dân đã được tiêm để phối hợp với công an khu vực xác minh, bổ sung thông tin công dân. Đối với trường hợp không liên hệ được người dân, lực lượng công an sẽ hỗ trợ thực hiện điều tra xác minh.
Công tác xử lý phản ánh, yêu cầu cập nhật kết quả đã tiêm của người dân cần chú ý các nội dung:
Đối với nội dung phản ánh: Đối tượng đã tiêm nhưng thiếu ngày tháng, chưa được cập nhật thông tin đối tượng và lịch sử tiêm lên hệ thống; Đối tượng đã tiêm nhưng chưa cập nhật thông tin lên hệ thống (thông tin đối tượng và lịch sử tiêm); Đối tượng đã tiêm và có thông tin đối tượng nhưng chưa cập nhật lịch sử mũi tiêm lên hệ thống; Đối tượng đã tiêm nhưng thông tin cá nhân chưa chính xác, không có kết quả mũi tiêm trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử; Đối tượng đã tiêm và có thông tin trên hệ thống nhưng thông tin cá nhân hoặc thông tin mũi tiêm chưa chính xác (sai thông tin cá nhân hoặc sai thông tin kết quả tiêm hoặc cả hai).
Đối với công tác xử lý phản ánh, yêu cầu cập nhật kết quả đã tiêm của người dân. Công tác xử lý phản ánh được thực hiện theo nguyên tắc người dân tiêm ở đâu, nơi đó xử lý phản ánh; Sở Y tế, Y tế các cấp, các cơ sở tiêm chủng phải thực hiện xử lý phản ánh của người dân chậm nhất sau 48h sau khi nhận được phản ánh.