Tìm kiếm tin tức
Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã
Ngày cập nhật 20/10/2021
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị và doanh nghiệp có liên quan tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, phát triển hợp tác xã sẽ tạo ra sức mạnh đa chiều. Chính phủ Việt Nam đã bàn đến câu chuyện phục hồi kinh tế sau đại dịch, nâng cao sự tự chủ của nền kinh tế trong nước, giảm phụ thuộc nước ngoài. Trong bối cảnh hiện nay ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài thì cũng tăng cường sức mạnh nội tại. Cùng với sức mạnh của doanh nghiệp thì cũng cần chú ý đến kinh tế tập thể và hợp tác xã.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Không có tinh thần hợp tác thì không có hợp tác xã, mà muốn làm được thì phải có tư duy, tinh thần hợp tác”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương quan tâm thực sự đến sự phát triển của hợp tác xã, coi hợp tác xã là một phần của kinh tế nông thôn. Hợp tác xã là sự hợp tác để cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp, là trụ đỡ của nền kinh tế trong những lúc khó khăn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Sắp tới sẽ thu hút đầu tư công về hạ tầng logictics cho hợp tác xã để các hợp tác xã nâng cao năng lực và kích hoạt để bà con nông dân kết nối với nhau. Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị trình Chính phủ chương trình logictics cho ngành nông nghiệp để hạn chế ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng qua những đại dịch, thiên tai, trong đó hợp tác xã sẽ là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng. Từng địa phương phải quan tâm tới hợp tác xã để thúc đẩy nông dân liên kết sản xuất, tạo sức mạnh cho nông nghiệp”.

Theo Bộ NN&PTNT, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thực hiện Luật HTX 2012, Bộ đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt, đạt mục tiêu, yêu cầu đặt ra, thu nhập bình quân người lao động trong hợp tác xã ngày càng tăng (năm 2001 là 4,5 triệu đồng/năm, đến năm 2021 là 36,7 triệu đồng/năm). Hoạt động khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX nông nghiệp phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước vượt qua tình trạng yếu kém kéo dài.

Năm 2020, tổng vốn hoạt động của HTX 28.225 tỷ đồng (tăng 22.950 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2011). Tổng giá trị tài sản của hợp tác xã 12.712 tỷ đồng (tăng 7.881 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2011). Doanh thu bình quân 2,44 tỷ đồng/năm/HTX (tăng 1,7 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2011). Lợi nhuận bình quân đạt 383 triệu đồng/năm (tăng 287 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2011).

Dự kiến đến 31/12/2021, cả nước có tổng số 18.327 HTX (tăng 12.569 HTX so với thời điểm 31/12/2001), tổng số 3,2 triệu thành viên. Số HTX hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012 là 7.924 HTX (tăng 6.527 hợp tác xã so với năm 2001).

Tuy nhiên, dù đã có Luật nhưng các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung, tích tụ ruộng đất. Số HTX được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp (chiếm tỷ lệ 19% tổng số hợp tác xã).

Các chính sách hỗ trợ đối với KTTT, HTX được ban hành nhiều nhưng còn dàn trải, phân tán, đặc biệt là thiếu nguồn lực thực hiện nên ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn vốn thực hiện ưu tiên cho lĩnh vực KTTT, HTX. Mặc khác, một số chính sách ban hành khi triển khai thực hiện thì HTX khó tiếp cận, tổng mức hỗ trợ tối đa thấp nên HTX ngại đầu tư, nguyên nhân do HTX không đáp ứng được điều kiện hỗ trợ; không có vốn đối ứng...


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế

Tại Thừa Thiên Huế, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật HTX, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến rõ nét, hiện có 310 HTX, 43 tổ hợp tác với trên 172.000 thành viên, tổng vốn góp của các thành viên trên 280 tỷ đồng. Trong đó HTXNN có 218 HTX với hơn 101.090 thành viên, năm 2020 doanh thu bình quân của 1 HTX là 1,94 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho rằng, việc thành lập HTX Lâm nghiệp bền vững của từng thôn, xã; tiến đến hình thành liên hiệp các HTX lâm nghiệp là hướng đi rất phù hợp. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ bà con nông dân giai đoạn 2016-2020 ngoài mục tiêu mở rộng quy mô rừng trồng gỗ lớn khu vực nông hộ, có chứng chỉ rừng tối thiểu là 5.000 ha với ít nhất 1.250 hộ nông dân và 5.000 người dân được hưởng lợi gắn với phát triển 30 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững, hoạt động theo chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ rừng; có doanh nghiệp đầu mối bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ lớn. Và tiến độ đến nay, tỉnh đã có 1.028 lâm hộ dân với diện tích trên 5.100 ha rừng trồng có chứng chỉ rừng; thành lập được 25/30 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững; cho thấy chiến lược đề ra của tỉnh là đúng đắn, phù hợp thực tiễn và hợp lòng dân. Các HTX lâm nghiệp đã từng bước đi vào hoạt động theo loại hình dịch vụ đã được đăng ký, sau 3 năm hoạt động đã có khoảng 35-40% HTX lâm nghiệp bền vững hoạt động có hiệu quả. HTXL Lâm nghiệp trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ và liên kết sản xuất theo chuổi với Doanh nghiệp thì vai trò hoạt động của HTX có tác động to lớn, tích cực đến hoạt động sản xuất bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường trồng rừng của lâm hộ. Hoạt động của HTX sẽ giúp đưa sản xuất của hộ nông dân được thực hiện theo hướng tập trung, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên môn hoá, vùng nguyên liệu đủ lớn để liên kết sản xuất theo chuổi với cac Doanh nghiệp, hiệu quả sản xuất của hộ nông dân sẽ được nâng lên, nâng cao sức cạnh tranh trước những tác động của kinh tế thị trường.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN &PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 13-NQ/TW về đổi mới, phát triển và nâng cao KTTT, HTX. Các HTX phát huy kinh nghiệm, vai trò quản lý của Ban Quản lý HTX. Tiếp tục tích tụ, chuyển đổi đất đai tạo điều kiện cho HTX mở rộng quy mô sản xuất. Chính sách tài chính, tín dụng của HTX hiện đang khó khăn, cần được phân tích, giải quyết trong giai đoạn tới. Các địa phương xem phát triển KTTT, HTX là nhiệm vụ tất yếu; thu hút nhiều thành viên vào HTX.

 

https://thuathienhue.gov.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.527.243
Truy cập hiện tại 953