TIN NÓNG
1. Công ty An Bảo thi công nhà hát gần 200 tỷ vừa bàn giao đã hỏng làm ăn ra sao?
Ngoài dự án Nhà hát Sông Hương vừa bàn giao đã hỏng, Công ty An Bảo thường xuyên trúng nhiều gói thầu ở Thừa Thiên - Huế với tỉ lệ tiết kiệm cho ngân sách rất thấp.
Như An ninh Tiền tệ đã đưa tin, Nhà hát Sông Hương nằm ở số 1, đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP Huế (Thừa Thiên - Huế), ngay tại ngã ba sông An Cựu đối diện và sông Hương bao quanh, được khởi công xây dựng từ năm 2017.
Đây là công trình thuộc Học viện Âm nhạc Huế, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung - Tây Nguyên (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm chủ đầu tư, với tổng giá trị xây dựng 198 tỷ đồng. Nhà hát Sông Hương hính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 3/2020.
Mặc dù đưa vào hoạt động chưa đầy 1 năm đưa vào sử dụng, hình ảnh về sự bong tróc ở hạng mục trần mái, ngay bên ngoài của nhà hát đã khiến dư luận địa phương không khỏi bất bình.
Tìm hiểu của PV được biết, dự án nhà hát Sông Hương có vốn đầu tư 193 tỷ đồng, riêng gói thầu Toàn bộ phần xây lắp của công trình được dự toán mời thầu 121,615 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trúng thầu của nhà thầu liên danh Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo -Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) trùng khớp giá mời thầu với tỉ lệ tiết kiệm 0 đồng. Hợp đồng thực hiện theo đơn giá cố định, trong 22 tháng.
Ngoài dự án nhà hát Sông Hương vừa bàn giao đã hỏng, Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo thường xuyên trúng nhiều gói thầu ở Thừa Thiên - Huế với tỉ lệ tiết kiệm cho ngân sách rất thấp.
Cụ thể, ngày 5/7/2019, Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo được công bố trúng gói thầu "Thi công xây lắp công trình hạ tầng kỹ thuật Trường đại học Nghệ thuật" do Đại học Huế làm chủ đầu tư.
Gói thầu này thuộc dự án đầu tư giai đoạn 2 xây dựng Đại học Huế có giá dự toán 8.085.762.000 đồng, Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo trúng thầu với giá 8.075.448.000 đồng, tiết kiệm vỏn vẹn 10.000.000 đồng.
Mới đây, ngày 2/12/2020, Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo được công bố trúng gói thầu xây lắp thuộc dự án trụ sở VKSND thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế).
Dự án này có dự toán chi tiết 14.852.859.000 đồng, Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo dự thầu và trúng với giá 14.840.528.000 đồng, tiết kiệm thấp chỉ hơn 12.000.000 đồng.
Thống kê được biết, Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo từng tham dự 8 gói thầu, trong đó trúng thầu 7 gói, trượt 1 gói thầu. Hầu hết các gói thầu đơn vị này tham gia đều trúng thầu đạt tỉ lệ tiết kiệm cực thấp cho nhân sách.
Việc tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch là để đảm bảo chủ đầu tư tìm được nhà thầu có năng lực song vẫn tiết giảm tối đa cho vốn đầu tư. Tuy nhiên việc Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo liên tục trúng thầu "siêu tiết kiệm" khiến dư luận băn khoăn liệu có hay không sự ưu ái của chủ đầu tư khi có sự góp mặt của nhà thầu này? (antt.nguoiduatin.vn 22/02)
2. Nhà hát trăm tỷ vừa sử dụng đã hư hỏng ở Huế: Đơn vị thi công nói gì?
Đơn vị thi công nhà hát Sông Hương được đầu tư gần 200 tỷ đồng ở Huế vừa lên tiếng về sự hư hỏng phần mái trần của công trình.
Câu chuyện nhà hát Sông Hương nằm ở số 1, đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh (TP.Huế)- niềm tự hào của không ít người dân địa phương về một công trình mang đẳng cấp quốc tế vừa đưa vào sử dụng chưa đầy 1 năm đã xuất hiện sự hư hỏng đang thu hút sự quan tâm của dư luận ở mảnh đất Cố đô.
Không chỉ hư hỏng với nhiều thanh gỗ trần mái phía ngoài nhà hát đã bị bong, để lộ nhiều lỗ hổng, một số điểm khác của hạng mục còn có dấu hiệu nứt, chuẩn bị bung rất nguy hiểm.
Việc nhà hát này nằm ngay cạnh sông Hương, dọc con đường đi bộ nên những hình ảnh bong tróc này đập ngay vào mắt của người dân, du khách trông rất phản cảm khiến không ít người hoài nghi về chất lượng của công trình.
Công trình này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm chủ đầu tư.
Nhà thầu thi công là liên danh Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo -Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO).
Liên quan đến việc phần trần mái của công trình bị bung tróc, trao đổi với PV, ông Phạm Quốc Toản, Giám đốc công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo đã đổ lỗi cho thời tiết khi nói về nguyên nhân của sự việc: "Đợt mưa bão vừa qua đã khiến một tấm tôn của công trình bị thổi bay nên nước mưa ngấm vào dẫn đến hạng mục trần gỗ bị bung tróc".
“Hiện công ty đã có phương án để khắc phục bằng việc thay lại tấm tôn bị thổi bay, đồng thời sẽ cho bắn ốc vít và đưa nẹp vào toàn bộ trần gỗ. Với thời tiết mưa nắng như thế này, nếu không làm vậy thì hạng mục này sẽ không chịu tải nổi…”, ông Toản cho hay.
Tìm hiểu của PV, dự án nhà hát Sông Hương có vốn đầu tư 193 tỷ đồng, riêng gói thầu Toàn bộ phần xây lắp của công trình được dự toán mời thầu 121,615 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trúng thầu của nhà thầu liên danh Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo -Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) trùng khớp giá mời thầu với tỷ lệ tiết kiệm 0 đồng. Hợp đồng thực hiện theo đơn giá cố định, trong 22 tháng.
Không những dự án này, liên quan đến các gói thi công mà công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo trúng thầu ở Thừa Thiên-Huế, tỷ lệ tiết kiệm cũng rất thấp. Đơn cử từ tài liệu PV có được, văn bản phê duyệt số 921/QĐ-ĐHH ngày 05/7/2019, gói thầu thi công xây lắp công trình Hạ tầng kỹ thuật trường đại học Nghệ thuật, thuộc dự án đầu tư giai đoạn II xây dựng đại học Huế, giá dự toán mời thầu là 8.085.762.000 đồng. Đáng nói, công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo trúng thầu với mức giá 8.075.448.000 đồng. Tiết kiệm chỉ hơn 10 triệu đồng, đạt tỷ lệ khoảng 0,1%.
Gần đây nhất, từ văn bản phê duyệt số 2418/QĐ-VKS ngày 02/12/2020, gói thầu Xây lắp, thiết bị PCCC, thiết bị điều hòa trụ sở Viện kiểm sát nhân dân thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên-Huế) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế làm chủ đẩu tư có giá mời thầu là 14.852.859.000 đồng. Tuy nhiên, giá đơn vị trúng thầu cũng là công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo chỉ với mức 14.840.528.000 đồng. Tiết kiệm hơn 12 triệu đồng, đạt tỷ lệ 0,08%.
Ở một diễn biến khác, liên quan đến sự hư hỏng của phần trần mái công trình nhà hát Sông Hương, hiện chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công khắc phục các điểm bị bung tróc, đồng thời căng dây, đặt biển cảnh báo cấm người dân đi lại dưới khu vực này.
Một lãnh đạo Bộ Văn hoá -Thể thao và Du lịch ngay sau khi nhận được phản ánh về tình trạng này, đã gửi lời cám ơn đến PV Người đưa tin Pháp luật vì đã thông tin sự việc.
Người đưa tin Pháp luật sẽ tiếp tục câp nhật. (nguoiduatin.vn 20/2)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Xóa nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc
Xác định công tác giảm nghèo phải gắn liền với phát triển kinh tế, những năm qua, huyện Nam Đông tập trung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập, nhất là với các hộ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hỗ trợ sinh kế
Là một trong những hộ nghèo của xã Thượng Long, gia đình chị Phạm Thị Th. nhiều năm liền vẫn loay hoay với câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì để cải thiện kinh tế.
Cuối năm 2018, khi địa phương có chính sách hỗ trợ lao động học nghề, chị Th. đăng ký tham gia lớp học may do Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Nam Đông chiêu sinh.
Sau khóa học nghề may 3 tháng, có tay nghề cơ bản tốt, chị được giới thiệu việc làm tại Chi nhánh Công ty TNHH Kim Sora đóng trên địa bàn huyện. Sau thời gian học việc, chị Th. chính thức trở thành lao động của công ty với mức lương hơn 3,5 triệu đồng/tháng.
“Làm việc tại công ty thu nhập ổn định, được hưởng các chế độ phúc lợi khá tốt, nếu làm lâu dài tôi có thể tích lũy được một khoản tiền để hỗ trợ thêm gia đình phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo”, chị Th. chia sẻ.
Cùng với hỗ trợ đào tạo nghề, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Nam Đông tiếp tục thông qua các chương trình vay vốn ưu đãi giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt… tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Qua đó, đã có hơn 6.000 lượt hộ được hỗ trợ với số tiền 236.825 triệu đồng.
Đến nay, 100% hộ nghèo, cận nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế… Từ đó, người dân ý thức chủ động trong việc tăng gia sản xuất và chăn nuôi; mạnh dạn xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, có tinh thần vươn lên thoát nghèo bền vững.
Xóa “vùng lõm”
Ông Võ Phước Hóa, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Nam Đông thông tin, tuy công tác giảm nghèo những năm qua đã đạt được những thành quả nhất định; nhưng thực tế cho thấy vấn đề “cốt lõi” của địa phương vẫn là tập trung xóa đói giảm nghèo cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện toàn huyện có 281 hộ dân tộc thiểu số nghèo trên tổng số 325 hộ nghèo; với hộ cận nghèo con số này là 216/309.
Lý giải các nhóm nguyên nhân nghèo của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, ông Hóa chia sẻ, vấn đề lớn nhất vẫn là thiếu kinh nghiệm sản xuất và quản lý, sử dụng đất chưa phù hợp. Các hộ nghèo trồng các loại cây chưa phù hợp thổ nhưỡng, tỷ lệ áp dụng khoa học kỹ thuật chưa cao, năng suất thấp, gây chán nản dẫn đến bán đất hoặc cho thuê nhiều năm. Bên cạnh đó, tính toán chi tiêu chưa phù hợp, thiếu tích lũy để tái sản xuất hay việc trông chờ vào các chính sách của Nhà nước cũng là rào cản lớn.
Ông Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 theo hướng: Dựa trên cách tiếp cận bảo đảm quyền con người, nhất là quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân. Với việc nâng chuẩn nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, ước tính tổng số hộ nghèo trên toàn huyện sẽ tăng lên khoảng 800 hộ và đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là đồng bào dân tộc thiểu số.
Để giải quyết vấn đề trên, điều quan trọng nhất vẫn là tập trung hỗ trợ bà con mở rộng sinh kế, nâng cao thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian qua, huyện Nam Đông tập trung thực hiện Chương trình trọng điểm “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2021” và về lâu dài với giai đoạn 2021 - 2025, 2025 - 2030. Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho đồng bào và chỉ đạo tất cả các cấp ngành cần có sự chung tay vào cuộc.
Với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Nam Đông tập trung xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với lợi thế của từng địa phương; chú trọng phát triển kinh tế vườn gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật và mỗi xã xây dựng thành công một sản phẩm chủ lực (OCOP) để xây dựng chuỗi giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, phát triển sinh kế dưới tán rừng cũng là một hướng đi phù hợp với năng lực, trình độ và nhận thức của đồng bào. Hiện Nam Đông đang kêu gọi một doanh nghiệp đứng ra thu mua các loại nông sản dưới tán rừng, đặc biệt là cây dược liệu của người dân để đảm bảo tính bền vững.
“Không chỉ hỗ trợ sinh kế, địa phương còn tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức của đồng bào với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hiện, việc làm công ăn lương tại các doanh nghiệp trên địa bàn cũng là hướng phát triển mang lại hiệu quả cao. Chỉ tính riêng Chi nhánh Công ty TNHH Kim Sora tại Nam Đông đã có gần 300 con em đồng bào làm việc và cho thu nhập ổn định. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề song song, liên kết với công ty để đảm bảo đầu ra cho học viên”, ông Dương Thanh Phước cho biết thêm. (baothuathienhue.vn 22/2)
2. Thừa Thiên - Huế: Đám cưới phải đăng ký số người để phòng COVID-19
Tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu người dân tổ chức việc hiếu, hỉ... phải đăng ký với UBND xã thời gian cụ thể, số người, thành phần tham dự... để phòng chống dịch.
Ngày 20/2, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, UBND tỉnh này vừa ban hành thông báo kết luận của ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 ngày 19/2.
Trong nội dung bản thông báo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP Huế tiếp tục triển khai ý kiến chỉ đạo tại thông báo số 27/TB-UBND ngày 16/2 về kết luận tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt lưu ý công tác quản lý, giám sát việc tổ chức tiệc cưới, hỏi, liên hoan, tiệc mừng, đám tang... tại địa phương đảm bảo phòng chống dịch.
Theo đó, UBND các huyện, thị xã và TP Huế có trách nhiệm chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn dừng tổ chức các lễ hội tại địa phương, hạn chế tối đa các sự kiện tụ tập đông người, các hoạt động chưa cấp thiết...
Đối với việc tổ chức tiệc cưới, hỏi, liên hoan, tiệc mừng..., người dân phải đăng ký với UBND xã cụ thể thời gian, số lượng, thành phần người tham dự; không mời khách từ tỉnh khác đến dự... đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. UBND xã xem xét, quyết định việc cho phép tổ chức phù hợp với tình hình thực tế phòng chống dịch.
Đối với tổ chức đám tang, UBND xã tuyên truyền vận động, khuyến khích người dân tổ chức đơn giản, gọn nhẹ theo truyền thống, tránh tụ tập đông người.
Tỉnh yêu cầu các nhà hàng dịch vụ nơi tổ chức tiệc cưới, liên hoan... phải đăng ký với UBND cấp xã việc tổ chức và cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở kinh doanh.
Hiện số lượng người về Huế rất đông, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương nắm rõ người đến Huế bằng cách nào, từ đâu đến và đến thì ở đâu. Đối với lượng công nhân trở lại làm việc thì các doanh nghiệp, công ty, Ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh phải nắm được số lượng, thành phần.
Đối với học sinh, sinh viên trở lại học thì các trường học phải chủ động nắm số lượng để phối hợp với địa phương giám sát chặt chẽ. Có kịch bản để đón số người này trở về địa phương an toàn, có giải pháp phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát đi thông điệp kêu gọi nhân dân toàn tỉnh cảnh giác cao độ với dịch bệnh, tự giác và nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với sức khỏe bản thân, của cộng đồng trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi người dân thực hiện đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, ở nơi công cộng; hạn chế tập trung đông người.
Đến thời điểm hiện tại Thừa Thiên - Huế vẫn chưa ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2, địa phương này vẫn lên nhiều phương án, biện pháp phòng chống dịch. Các cơ sở y tế, khu cách ly... được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng sẵn sàng tiếp nhận điều trị các bệnh nhân, người thực hiện cách ly. (vtc.vn 20/2)
3. Không để người dân từ vùng dịch vào địa bàn mà không được kiểm soát
Ngày 20/2, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngoc Thọ có thông báo kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, theo đó yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục triển khai quyết liệt, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng người dân, phương tiện vào địa phương từ vùng dịch mà không được kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là người và phương tiện đã đi/đến/về từ tỉnh Hải Dương và các vùng dịch khác.
Chủ tịch UBND chỉ đạo UBND cấp huyện khẩn trương rà soát, thống kê số lượng, giám sát, hướng dẫn đối với nhân viên và người lao động theo các nhóm đối tượng đến từ vùng dịch có liên quan yếu tố dịch tễ làm việc tại các công trình, dự án thuộc địa phương quản lý.
UBND cấp xã đặc biệt lưu ý công tác quản lý, giám sát việc tổ chức tiệc cưới, hỏi, liên hoan, tiệc mừng, đám tang... tại địa phương đảm bảo phòng chống dịch.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế để có phương án chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, nhân lực phục vụ cho công tác tầm soát, lấy mẫu, xét nghiệm, cách ly y tế... khi có yêu cầu khẩn cấp về phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo COVID-19.
Đảm bảo trang bị bảo hộ cho các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch cho các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch tại các chốt kiểm soát y tế liên ngành, các khu cách ly, đội ngũ nhân viên y tế, công an, quân sự, tình nguyện viên...
Tiếp tục xét nghiệm PCR lần 2 đối với chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Thừa Thiên Huế để đảm bảo phòng dịch; Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh khẩn trương tổ chức triển khai.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền mọi người dân, du khách, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cài đặt Hue-S nhằm giúp cho ngành chức năng giám sát tốt hơn tình hình dịch tễ trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông Vận tải, UBND các địa phương khẩn trương tổ chức rà soát toàn bộ phương tiện giao thông từ tỉnh Hải Dương đến lưu trú tại Thừa Thiên Huế từ ngày 14/1/2021 đến nay. Đồng thời, khẩn trương triển khai đăng ký, kê khai dữ liệu khách lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ, homestay trên địa bàn tỉnh, thống nhất trên một hệ thống đã được Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp, vận hành.
Giám đốc Đại học Huế, hiệu trưởng các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo COVID-19 tỉnh về việc xây dựng phương án giảng dạy, học tập trong tình hình dịch bệnh COVID-19; đảm bảo các điều kiện an toàn phòng dịch tại cơ sở giảng dạy trước khi cho sinh viên, học sinh nhập học trở lại.
Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh; tổng hợp, rà soát số lượng công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp ngoại tỉnh trở lại làm việc, nắm rõ thông tin nơi đi, nơi đến, thời gian, địa điểm lưu trú của người lao động trong khu kinh tế, khu công nghiệp để có phương án tầm soát, xét nghiệm. (baothuathienhue.vn 20/2)
4. THỪA THIÊN-HUẾ: TỪ 22/02, BẮT ĐẦU NHẬN HỒ SƠ ỨNG CỬ ĐBQH VÀ HĐND TỈNH NHIỆM KỲ 2021-2026
Ủy ban bầu cử (UBBC) tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành Thông báo số 10/TB-UBBC về việc nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó, quy định đối với hồ sơ ứng cử: Người ứng cử căn cứ vào Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG ngày 18/01/2021 của Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để chuẩn bị hồ sơ ứng cử và kê khai theo đúng hướng dẫn.
Người ứng cử ĐBQH nộp 2 bộ hồ sơ ứng cử, người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nộp 1 bộ hồ sơ ứng cử, gồm:
Đơn ứng cử: Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện theo mẫu số 01/HĐBC-QH; đối với người ứng cử đại biểu HĐND thực hiện theo mẫu số 06/HĐBC-HĐND;
Sơ yếu lý lịch có đóng dấu giáp lai và xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác hoặc UBND cấp xã nơi người ứng cử cư trú: Đối với người ứng cử ĐBQH thực hiện theo mẫu số 02/HĐBC-QH, đối với người ứng cử đại biểu HĐND thực hiện theo mẫu số 07/HĐBC-HĐND;
Tiểu sử tóm tắt: Đối với người ứng cử ĐBQH thực hiện theo mẫu số 03/HĐBC-QH, đối với người ứng cử đại biểu HĐND thực hiện theo mẫu số 08/HĐBC-HĐND;
Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử: Đối với người ứng cử ĐBQH thực hiện theo mẫu số 04/HĐBC-QH, đối với người ứng cử đại biểu HĐND thực hiện theo mẫu số 09/HĐBC-HĐND;
Mỗi bộ hồ sơ ứng cử của người ứng cử gửi kèm theo 3 ảnh chân dung màu, nền trắng, cỡ 4cm x 6cm được chụp trong thời gian 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ (không kể ảnh dán trên Sơ yếu lý lịch và Tiểu sử tóm tắt).
Địa điểm nộp hồ sơ ứng cử: Văn phòng UBBC tỉnh (Phòng họp tầng 2 - Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế). Địa chỉ: Số 9 đường Đống Đa, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế. Số điện thoại và fax: 0234.38 48 018. Email: ubbc@thuathienhue.gov.vn.
Thời gian nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là trong giờ hành chính các ngày trong tuần, bắt đầu từ 7 giờ 30 ngày 22/02/2021 và kết thúc vào lúc 17 giờ 00 ngày 14/03/2021./. (quochoi.vn 20/2)
VĂN HÓA
1. Lễ Húy kỵ Huyền Trân Công chúa
Sáng 20/02, tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (phường An Tây, TP Huế) đã diễn ra Lễ Húy kỵ Huyền Trân Công chúa. Đến dự có ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo sách sử ghi lại, năm 1301, đời vua Trần Anh Tông, vua Chăm là Chế Mân (Simahavarman III) cho một sứ bộ sang giao hảo. Vua Trần Nhân Tông là Thái Thượng Hoàng đáp lễ, theo sứ bộ ấy đi thăm Chiêm Thành; nhân đó hứa gả một công chúa cho vua Chế Mân. Năm 1306, vua Chăm dâng Châu Ô và Châu Rí (Lý) làm sính lễ để lấy em gái vua Trần Anh Tông là Công chúa Huyền Trân. Vua Trần Anh Tông đặt tên Ô Châu là Thuận Châu, Lý Châu là Hóa Châu. Sau này hai vùng đất này được sáp nhập thành phủ Thuận Hóa. Vùng đất xứ Thuận Hóa – Phú Xuân cũng được khai sinh từ đó, đến ngày nay đã hơn 700 năm.
Lễ Húy kỵ Huyền Trân Công chúa nhằm tri ân, tưởng nhớ đến bậc tiền nhân đã sẵn sàng gác lại tình riêng để mưu đồ sự nghiệp, vì sự tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Đất đai “Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm” có được bởi công lao của Huyền Trân Công chúa đối với đất nước, đặc biệt là vùng Thuận Hóa xưa không gì sánh được. Huyền Trân Công chúa sống mãi trong tâm thức và tình cảm của bao thế hệ người dân Việt Nam nói chung, người dân tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.
Trung tâm Văn hóa Huyền Trân tại Huế là điểm du lịch về văn hoá, tâm linh và cả lịch sử khi đưa khách tham quan trở về với một sự kiện lịch sử trọng đại trong công cuộc bảo vệ và mở mang bờ cõi của đất nước ta vào thời Trần thế kỷ XIV. Năm nay do phòng chống dịch Covid-19, phần hội được BTC giản lược; mọi người dân, du khách đến dâng hương lễ húy kỵ Huyền Trân Công chúa đều mang khẩu trang, sử dụng nước rửa tay sát khuẩn. Theo bà Võ Thị Sáu (xã Phú Thượng, Phú Vang, TT Huế) cho biết: “Chúng tôi rất an tâm khi đến dâng hương vì được chuẩn bị chu đáo phòng chống dịch. Đeo khẩu trang là bảo vệ cho bản thân mình và cho mọi người xung quanh.” (trt.com.vn 20/2)
XÃ HỘI
1. Thừa Thiên - Huế: Người lao động hiến máu đầu Xuân
Công đoàn Bệnh viện Trung ương Huế vừa tổ chức hiến máu tình nguyện hưởng ứng chương trình "Blouse trắng - Trái tim hồng" của Công đoàn Y tế Việt Nam.
Chương trình thu hút hơn 200 cán bộ, viên chức, người lao động của bệnh viện tham gia hiến máu và tiểu cầu. Số lượng máu hiến được đưa vào ngân hàng máu sống Trung tâm Truyền máu khu vực Huế trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế để phục vụ công tác khám chữa bệnh các tỉnh, thành: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.
Mỗi tháng, Trung tâm Truyền máu khu vực Huế cần tối thiểu 4.500 đơn vị máu. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước, đồng thời sau kỳ nghỉ dài ngày dịp Tết Tân Sửu, nguồn máu điều trị thiếu hụt trầm trọng trong các bệnh viện. (nld.com.vn 22/02)
2. Lên đường nhập ngũ
- Với tinh thần hăng hái của thanh niên, sự quan tâm của gia đình, các cấp chính quyền, đoàn thể..., 1.251 thanh niên trên toàn tỉnh đã sẵn sàng cho ngày hội tòng quân vào ngày 27/2 tới.
Tuyển người nào chắc người đó
Những ngày này, không khí gia đình thanh niên Huỳnh Minh Nghĩa (SN 1999, TDP Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) luôn đông vui; khi biết tin Nghĩa trúng tuyển nghĩa vụ quân sự (NVQS) đợt này, hàng xóm, láng giềng, bạn bè và các đoàn thể địa phương đến chia sẻ, động viên.
Nghĩa đang là sinh viên năm 3 Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, nhưng em đã tạm xin nghỉ học để viết đơn xin tham gia NVQS. Trước ngày lên đường nhập ngũ em nhận được sự quan tâm, động viên từ gia đình, người thân, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương. Sự động viên ấy chính là động lực để em tự tin và cố gắng hơn khi bước vào môi trường quân ngũ. Để không phụ lòng tin yêu của mọi người và đạt được ước mơ phục vụ lâu dài trong quân đội, em sẽ cố gắng phấn đấu và chấp hành tốt mọi nhiệm vụ được giao...
Chị Nguyễn Thị Lũy mẹ của Huỳnh Minh Nghĩa vẫn chưa khỏi bất ngờ khi biết tin con trai nghỉ học giữa chừng để đi NVQS: “Lúc mới nghe cháu nói nghỉ học để tham gia NVQS đúng là tôi bất ngờ. Nhưng khi nghe con tâm sự, mới thấy con trai mình đã lớn khôn. Con đã dũng cảm lựa chọn con đường mà con mong muốn và thấy thích hợp. Là công dân thì tham gia NVQS không chỉ là trách nhiệm mà là niềm tự hào, vì vậy gia đình chúng tôi luôn tin tưởng và ủng hộ sự lựa chọn của cháu”.
Năm 2021, huyện Phong Điền được giao chỉ tiêu tuyển chọn và gọi 112 thanh niên nhập ngũ. Để hoàn thành chỉ tiêu cũng như nâng cao chất lượng thanh niên nhập ngũ, với phương châm “tuyển người nào chắc người đó”, Hội đồng NVQS huyện đã chỉ đạo rà soát, làm tốt khâu sơ tuyển công dân trong độ tuổi nhập ngũ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các cấp, đoàn thể cùng vào cuộc; đồng thời, làm tốt công tác hậu phương quân đội, kịp thời thăm hỏi, động viên các thanh niên trúng tuyển để khích lệ tinh thần cho các thanh niên trước lúc lên đường nhập ngũ.
Đã tốt nghiệp đại học và đang có công việc ổn định với mức lương 15 triệu đồng/tháng, nhưng khi được gọi khám và trúng tuyển NVQS đợt này, Trần Thành (SN 1996, phường Hương Văn, TX. Hương Trà) vẫn vui vẻ, háo hức chờ ngày tòng quân. Thành chia sẻ: Em sẵn sàng tạm gác công việc để thực hiện nghĩa vụ của một công dân. Đã là thanh niên thì không ngại khó, ngại khổ mà bất cứ công việc, nhiệm vụ nào cũng đảm nhận và cố gắng hoàn thành. Được tham gia NVQS, bảo vệ Tổ quốc không chỉ là sự vinh dự của bản thân mà là niềm tự hào của cả gia đình.
Trung tá Nguyễn Trọng Tuyến, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS TX. Hương Trà cho biết: Năm nay, Hương Trà được giao tuyển chọn 143 công dân. Thị xã đã gọi 525 thanh niên khám tuyển, trong đó, 311 thanh niên đạt chỉ tiêu tham gia NVQS. Chất lượng quân cũng đạt cao hơn năm 2020. Các tiêu chí về sức khỏe loại I, II và trình độ học vấn đều tăng so với năm ngoái. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hầu hết thanh niên đều nhận thức được trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân, đến thời điểm này tất cả các thanh niên trúng tuyển NVQS đã có mặt tại địa phương, sẵn sàng lên đường nhập ngũ khi được nhận lệnh.
Sức khỏe thanh niên nhập ngũ được chú trọng
Để đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng quân, Bộ CHQS tỉnh đã xác định công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS các cấp đã phối hợp với địa phương, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, các cơ quan, đơn vị để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật NVQS cũng như vận động thanh niên sẵn sàng lên đường làm NVQS.
Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng NVQS tỉnh cho biết: Sức khỏe thanh niên nhập ngũ luôn là vấn đề then chốt và “trăn trở” trong những năm qua, bởi sức khỏe đạt loại I, II các năm qua thực sự không cao (năm 2020 chỉ đạt 40%). Để nâng cao chất lượng quân, thì công tác khám tuyển phải thực sự công tâm, đúng quy trình và minh bạch. Do đó, Hội đồng NVQS tỉnh đã kiện toàn Hội đồng khám sức khỏe NVQS đủ thành phần, tăng cường đội ngũ y, bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho tuyến dưới; nhất là áp dụng quy trình khám cận lâm sàng (điện tim, chụp chiếu, siêu âm… bằng các thiết bị y tế hiện đại) đối với cấp huyện 20-30% thanh niên.
Nhưng thực tế nhiều địa phương đã tiến hành khám cận lâm sàng cho 100% thanh niên, địa phương thấp nhất cũng trên 50% thanh niên. Mặc dù chi phí khám cận lâm sàng khá lớn, song chính quyền địa phương đã tích cực hưởng ứng và hỗ trợ chi phí khám tuyển. Nhờ đó, chất lượng sức khỏe thanh niên tham gia NVQS năm nay đạt cao. Thừa Thiên Huế cũng là địa phương đầu tiên của Quân khu 4 áp dụng khám cận lâm sàng đối với thanh niên tham gia khám tuyển NVQS. Hiện tại các công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đã cơ bản hoàn tất, các địa phương cũng đã chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị nhận quân.
Thượng tá Ngô Nam Cường cho biết thêm: Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên lễ giao, nhận quân ngày 27/2 tới sẽ tiến hành nhanh, gọn (thời gian không quá 20 phút) nhưng vẫn đảm bảo trang trọng, ấm cúng. (baothuathienhue.vn 21/2)
3. Tự giác và trung thực khai báo y tế
Ban đầu còn ngại, nhưng khi đã “trải nghiệm” việc khai báo y tế khi đưa vợ đi khám ở bệnh viện trong ngày làm việc đầu năm mới Tân Sửu, tôi thấy cũng đơn giản, chỉ mất chừng vài phút là hoàn tất.
Tôi càng yên tâm hơn khi được giải thích, nếu có tình hình gì liên quan đến dịch bệnh sẽ được cơ quan chức năng thông tin để kịp thời kiểm tra, phòng tránh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh. Đồng thời, thông tin cá nhân tôi cũng giúp cơ quan chức năng nhanh chóng khoanh vùng dập dịch. Nhất cử lưỡng tiện, lợi mình và lợi cho xã hội sao phải né tránh.
Thực tế, sau thời gian nghỉ tết Nguyên đán, lượng người đến Huế chủ yếu là công nhân các tỉnh làm ở các khu công nghiệp; bệnh nhân và người nhà đến khám bệnh và một lượng lớn sinh viên sẽ quay trở lại học tập vào tuần sau. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, bởi họ đến từ rất nhiều địa phương khác nhau. Để giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thực hiện khai báo y tế là giải pháp cần thiết lúc này.
Hiện nay, tại các bến xe, ga tàu, sân bay trên địa bàn tỉnh đều thành lập các tổ chốt chặn, thực hiện khai báo y tế. Ngày 17/2, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài và các hãng hàng không hướng dẫn hành khách đến Huế cài đặt Hue-S và thực hiện khai báo y tế và sử dụng Hue-S để quyét QR tại các điểm đến trong quá trình di chuyển trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Hue-S còn cập nhật thường xuyên, nhận các thông báo tình hình dịch bệnh của địa phương, các cảnh báo tình hình mới để chủ động và không vi phạm quy định chống dịch tại địa phương.
Hue-S cũng được sử dụng để tra cứu các điểm xuất phát khi đến Thừa Thiên Huế phải cách ly tập trung 14 ngày để du khách chủ động lộ trình di chuyển. Tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều lắp đặt các điểm quét mã QR để quản lý người ra, vào.
Thực tế cho thấy, trong dịp tết ai cũng đi đó đi đây, tiếp xúc với nhiều người nên tâm lý phổ biến là “ngại” kể chi tiết hành trình trong kỳ nghỉ tết nên khai báo y tế không đầy đủ. Nhất là việc tiếp xúc với những người về từ vùng có dịch, bản thân họ không biết, hoặc có biết cũng chủ quan đó là F2, F3 không đáng ngại; hoặc không muốn kê khai, sợ sẽ “phiền phức” vì có thể phải thực hiện cách ly tại nhà hoặc tập trung. Chính tâm lý này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nếu không may có các F2, F3 mắc bệnh, trở thành F0. Thực tế này đã xảy ra ở Hải Dương, khiến tình hình dịch COVID-19 ở đây diễn biến phức tạp, từ 1-2 ổ dịch đến nay lây lan 12/12 huyện, thị, thành phố của tỉnh này.
Khai báo y tế được xem là hàng rào đầu tiên, giúp cơ quan y tế nắm bắt tình hình và vào cuộc truy vết một cách nhanh nhất khi xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Quy định hướng dẫn đã có, thậm chí luật cũng quy định cụ thể các mức độ nguy cơ, hậu quả và các chế tài, do đó việc cần thiết là trung thực khai báo y tế của mỗi người dân. Nếu không tự giác khai báo, để phát sinh dịch bệnh thì ngoài số tiền phạt lên đến 200 triệu đồng, người vi phạm còn có thể bị khởi tố hình hình sự, với mức phạt tù 1-12 năm, tùy theo mức độ hậu quả. (baothuathienhue.vn 21/2)
4. Cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn đã qua đời tại Huế
Lúc 11 giờ hôm qua 21.2, bà Lê Thị Dinh, vị cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, đã từ trần, hưởng thọ 102 tuổi, theo nguồn tin của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.
Bà Lê Thị Dinh là cháu ngoại của Quận công Ưng Quyến (em trai 3 vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh) và là vợ của ông Nguyễn Như Đào, lái xe của vua Bảo Đại. Ông Đào sau đó đã tập kết ra Bắc, bà Dinh ở lại một mình và một lòng nuôi con chờ đợi chồng. Bà Dinh cùng con trai và cháu nội ở và hương khói cho 5 vua triều Nguyễn đang được thờ tại phủ Kiên Thái Vương (số 179 Phan Đình Phùng, TP.Huế).
Năm lên 8 tuổi, bà được gọi vào cung phục vụ bà Thánh cung hoàng hậu, vợ vua Đồng Khánh và bà hoàng thái hậu Từ Cung, vợ của vua Khải Định. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà Dinh theo đức Từ Cung về ở cung An Định, rồi chuyển về nhà số 79B (nay đổi thành 147 Phan Đình Phùng, TP.Huế) chăm lo cho bà Từ Cung đến cuối đời. Sau đó bà Dinh về ở hẳn phủ Kiên Thái Vương cùng con trai cả và gắn mình với việc lo hương khói cho 4 vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Khải Định; năm 1997 thì thêm bàn thờ vua Bảo Đại.
Bà Lê Thị Dinh là một trong số ít những người phục vụ trong cung đình triều Nguyễn, là nhân chứng lịch sử hiếm hoi. (thanhnien.vn 22/2)
5. Dân Thượng thành Huế: Năm Tý đã an cư, năm Sửu mong lập nghiệp
Hàng trăm hộ dân nghèo sống ở khu ổ chuột trên Thượng thành (di tích Kinh thành Huế) đã có mùa xuân thật đặc biệt.
Nhờ chính quyền mà năm Canh Tý những hộ nghèo như tui đã được an cư, thoát cảnh nhà ổ chuột. Trong năm mới Tân Sửu, không gì hơn có việc làm ổn định, mong có chính sách giãn nợ để được an tâm lập nghiệp.
Trong căn nhà mới sau một năm tái định cư, lần đầu tiên nhiều nhà dân ở khu tái định cư phường Hương Sơ (TP Huế) còn sắm hoa kiểng về chưng tết, coi như để mừng an cư.
Mùa xuân đầu tiên
Cách đây một năm, khu vực những ngôi nhà mới này còn là đất ruộng trống trơn. Nay những căn nhà khang trang mọc lên san sát nhau dọc tuyến đường hai làn xe được đổ nhựa phẳng phiu, sạch sẽ.
Cận tết, bà Bạch Nhị Hà tất bật hơn cả. Bà làm nghề phụ nấu cỗ tất niên cho các nhà hàng, quán ăn.
Tranh thủ thời gian rảnh ít ỏi dọn dẹp căn nhà mới, bà khoe: "Căn nhà ni tui được bác Thọ (chủ tịch UBND tỉnh) và bác Lưu (bí thư Tỉnh ủy) đưa chìa khóa và tận tay dẫn vô nhà. Cả đời tui không dám mơ một ngày mình có được mảnh đất, căn nhà như thế này".
Dẫn khách lạ tham quan nhà, rồi bà Hà chỉ tay về phía chậu cây lộc vừng đặt trước hiên vui vẻ khoe: "Cây ni tui mới mua về chưng tết. Mấy chục năm ở trên Thượng thành, có muốn chơi cây tết cũng không được vì lối đi lên quá nhỏ, nhà cửa lại xập xệ".
Ngày đó, bà cùng 4 người con sống ở căn nhà tạm nằm tít sau trên Thượng thành với đủ nỗi khổ sở.
"Nhà nghèo nên không có tiền xây nhà vệ sinh. Mà có tiền cũng đâu xây được vì đó là di tích, chính quyền không cho phép xây. Tết nhất không dám mời bạn bè đến vì nhà xập xệ, ẩm thấp. Nhưng nay khác rồi..." - bà Hà cười nói.
Cách nhà bà Hà một dãy nhà là căn nhà 2 tầng khang trang của bà Lê Thị Cúc (73 tuổi), làm nghề bán bánh mì dạo. Bà Cúc cũng thuộc diện hộ nghèo được cấp đất và hỗ trợ tiền tái định cư. Bà và các con vay mượn thêm để xây nhà, thoát cảnh "ổ chuột".
Cách ăn mừng cuộc sống mới của nhà bà Cúc là đi tìm mua một chậu hoàng mai xứ Huế. Cây mai nhỏ xinh đang đâm chồi nảy lộc được bà đặt ở một góc trang trọng trong nhà.
"Mấy năm đẩy xe bán bánh mì dạo dọc đường hoa tết, thấy người ta mua hoa cảnh mà thèm. Ngõ lên nhà trên Thượng thành nhỏ quá, không chở hoa lên được. Năm nay nhà cửa khang trang, quyết mua hoa tết một lần cho bằng người ta" - bà Cúc nói.
Có thêm khu đô thị, bảo tồn di tích sẽ tốt hơn
Ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, cho biết sau một năm thực hiện cuộc di dân lịch sử ở Huế đã hoàn thành phê duyệt bồi thường cho hơn 2.900 hộ. Hiện 95% người dân sống ở khu vực Thượng thành đã bàn giao mặt bằng đến nơi ở mới.
Ông Tuấn cho biết trong năm 2021, trung tâm sẽ tiếp tục di dời những hộ dân còn lại sống ở khu vực Thượng thành và Eo bầu. Đồng thời sẽ tiếp tục di dời các hộ dân đang sống ở khu vực tuyến phòng lộ và hộ thành hào, trong các di tích như hồ Tịnh Tâm, Trấn Bình đài...
Sau khi các hộ dân di dời đến nơi ở mới, trung tâm sẽ san ủi khu vực di tích, dần trả lại mặt bằng nguyên trạng trên các khu đất này để bàn giao lại cho Trung tâm Di tích cố đô Huế quản lý.
"Chúng tôi đang cố gắng vừa di dân vừa ổn định cuộc sống cho bà con tại nơi ở mới. Vừa qua tỉnh đã kêu gọi hỗ trợ xây nhà cho 25 hộ nghèo Thượng thành với kinh phí hơn 200 triệu đồng mỗi nhà. Một ngôi trường mẫu giáo khang trang, được đánh giá là đẹp nhất tỉnh để phục vụ con em người dân ở đây cũng vừa được khởi công vào tháng 5 vừa rồi" - ông Tuấn nói.
Ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khẳng định việc ổn định đời sống cho bà con di dân khỏi di tích Kinh thành Huế là một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh đặt lên hàng đầu trong năm 2021.
Hằng tuần, lãnh đạo TP Huế đều phải báo cáo tiến độ di dân, xây dựng khu hạ tầng tái định cư cho bà con để thường xuyên nắm bắt những khó khăn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Theo ông Thọ, quá trình di dân khỏi di tích đang dần hình thành một khu đô thị mới khang trang nằm ở phía bắc khu đô thị di sản. Trong quá trình di dời, chính quyền địa phương sẽ quan tâm và tạo điều kiện cho người dân ở đây làm việc tại các khu công nghiệp đang xây dựng.
"Tôi đã có chỉ đạo các cấp phải luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con trong quá trình di dân khỏi di tích để Huế có thêm một khu đô thị mới mà vẫn bảo tồn được nguyên vẹn giá trị di tích Kinh thành Huế" - ông Thọ nói. (tuoitre.vn 21/2)
6. Tiếp bước truyền thống cha anh
Năm 2021, huyện Phú Lộc có 172 thanh niên lên đường nhập ngũ. Đến thời điểm này, 100% thanh niên trên quê hương Đại tướng Lê Đức Anh đang rất háo hức chờ ngày lên đường tòng quân.
Trong tiết trời ấm áp đầu Xuân, những nụ cười, những lời động viên của các cấp chính quyền, đoàn thể và người thân dành cho Bạch Văn Tiến (SN 2002, thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền) trước ngày lên đường nhập ngũ làm em cảm thấy phấn khởi và tự tin. Tiến là con út trong gia đình có 4 anh, chị em, bố mẹ đều làm nông nghiệp. Sau khi được Ban CHQS huyện và Ban CHQS xã đến tuyên truyền về thực hiện Luật NVQS, Tiến hăng hái đi khám tuyển và đã trúng tuyển đợt này.
Bạch Văn Tiến chia sẻ: “Em nghĩ là thanh niên mình phải có trách nhiệm làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ quốc nên em đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ; khi vào đơn vị em sẽ cố gắng, khắc phục khó khăn, nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.
Cùng chung tâm trạng như bao thanh niên khác trên địa bàn huyện Phú Lộc, những ngày này thanh niên Nguyễn Văn Hưng (SN 1998, thôn Cao Đôi Xã, xã Lộc Trì) cũng đang rất tự tin và háo hức chờ ngày lên đường tòng quân.
Hưng tâm sự: Mình còn trẻ, nhiệm vụ đầu tiên là phải cống hiến để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù gia đình vẫn còn gặp không ít khó khăn, trong khi em đã đi làm có một khoản thu nhập để giúp đỡ bố mẹ, nhưng khi có lệnh gọi nhập ngũ thì gia đình hết lòng động viên em lên đường.
Năm 2021, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ trên địa bàn huyện Phú Lộc gặp không ít khó khăn, thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ trên địa bàn huyện phần lớn đi học và đi làm ăn xa quê. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, ngay sau khi có chỉ tiêu giao quân, Ban CHQS huyện Phú Lộc đã tích cực tham mưu Huyện ủy, UBND huyện, Hội đồng NVQS huyện lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ nhiệm vụ tuyển quân. Ban CHQS huyện chủ động xây dựng kế hoạch công tác tuyển quân sát với từng vùng, miền, địa phương.
Trong số 172 thanh niên của địa phương chuẩn bị lên đường nhập ngũ có 138 thanh niên tuổi đời 18 đến 21; sức khỏe loại I, II có 131 thanh niên đạt trên 76,1%, văn hóa từ lớp 10 đến lớp 12 có 99 thanh niên; có 11 thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học, 100% đều là đoàn viên và viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Thiếu tá Lê Đức, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng NVQS huyện Phú Lộc cho biết: “Để đạt kết quả cao trong công tác tuyển quân, Hội đồng NVQS huyện đã chỉ đạo Hội đồng NVQS 17 xã, thị trấn thực hiện chặt chẽ từng bước trong quy trình tuyển quân; tiến hành lập danh sách, đăng ký quản lý nguồn chặt chẽ; chỉ đạo tổ chức sơ tuyển, khám tuyển sức khỏe các cấp nghiêm túc, đúng quy định. Đối với những xã có nhiều thanh niên đi làm ăn xa quê, Ban CHQS huyện cử cán bộ trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền, giải thích cặn kẽ về chế độ, chính sách hậu phương quân đội để gia đình gọi con em họ về. Do đó, hiện tượng thanh niên trốn tránh NVQS ở Phú Lộc ngày càng ít. Bên cạnh đó, chúng tôi phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để công tác tuyển quân năm 2021 bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đạt 100% chỉ tiêu. (baothuathienhue.vn 22/2)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Địa chỉ tốt của giáo dục mầm non Phong Điền
Thuộc “vùng sâu” của Phong Điền, nhưng Trường mầm non Phong Xuân là một địa chỉ tốt với nhiều hoạt động được ngành giáo dục mầm non Phong Điền nhân rộng.
Trường hiện có 6 lớp tại trụ sở chính ở thôn Tân Lập, 4 lớp ở cơ sở lẻ Hiền An, tất cả đều tổ chức bán trú. Ở cả hai cơ sở, trẻ được phân theo cùng độ tuổi nên rất thuận lợi trong việc thực hiện chương trình mầm non.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phong Điền cho biết, Trường mầm non Phong Xuân là một trong những địa chỉ giáo dục tốt nhất của huyện. Các cô ở đây có tinh thần làm việc cao, lại thích sáng tạo… nên trường luôn hưởng ứng hiệu quả các cuộc vận động, các chương trình, phong trào mới, từ đó có nhiều giáo viên dạy giỏi.
Những cô giáo ở Trường mầm non Phong Xuân đa phần còn trẻ, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn họ còn là những “nhà tham mưu” tốt cho chính quyền trong việc đầu tư nâng cấp CSVC, tăng cường trang thiết bị. Nhiệt tình trong các phong trào văn hoá văn nghệ của địa phương, đặc biệt, trong công tác xã hội hoá giáo dục, họ tận dụng các mối quan tâm của xã hội để xây dựng môi trường học tập của các cháu tốt nhất. Hiện, trường đã đạt chuẩn mức độ I, đang phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn mức độ II.
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường được Phòng GD&ĐT Phong Điền chọn làm đơn vị điểm mô hình xây dựng chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. Chương trình này cho phép trường tổ chức các hoạt động “lấy trẻ làm trung tâm” mà thực chất là tạo cho trẻ sự tự tin, mạnh dạn có kỹ năng, nề nếp, trẻ được trải nghiệm trong các hoạt động học tập và vui chơi, nhưng cũng đòi hỏi phải có CSVC tốt.
Theo cô Hạnh, người dân ở đây còn nghèo, công tác xã hội hoá giáo dục gặp nhiều khó khăn, nhưng các cô đã tìm cách khắc phục và biến thành lợi thế trong việc huy động. Trường phối hợp với cha mẹ các cháu cải tạo, quy hoạch, bố trí tận dụng tất cả không gian trong và ngoài lớp theo hướng xanh, sạch thông thoáng và gần gũi thiên nhiên. Phòng học được bố trí góc học, góc chơi hợp lý, cô và phụ huynh đã làm thêm nhiều đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học.
Do địa bàn rộng nên trường có cơ sở lẻ, tuy nhiên khi được đặt câu hỏi về chất các điểm trường, cô Hạnh tự hào: "Do xã rộng nên phải tổ chức hai cơ sở, phụ huynh cơ sở 2 nhìn mặt bằng chung có thể khó hơn một chút. Nhưng vì thế chúng tôi rất quan tâm đến các cháu ở đây, có đơn vị tài trợ nào cũng ưu tiên… Còn việc nuôi, dạy như nhau, cơ sở này có hoạt động gì thì cơ sở kia cũng có, quyền lợi của các cháu đều được đảm bảo. Cách nhau khoảng 1km nên việc đi lại của giáo viên cũng như cán bộ quản lý thuận tiện. Tuy nhiên, nếu có điều kiện chúng tôi sẽ tăng cường thiết bị đồ chơi cho các cháu cơ sở 2, đây cũng là kế hoạch sắp tới của trường…”-Cô Hạnh nói.
Để các cháu phát triển mạnh khỏe và an toàn thì công tác vệ sinh an toàn cũng được nhà trường chú trọng. Cả hai cơ sở luôn đảm bảo nguồn gốc thực phẩm, hợp đồng thực phẩm có địa chỉ rõ ràng, luôn lưu mẫu thực phẩm và có nhân viên y tế thường xuyên kiểm tra việc đó. Trường cũng thường xuyên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cô và trẻ. Đồ dùng đồ chơi được vệ sinh định kỳ để đảm bảo phòng bệnh trong nhà trường và các bệnh xảy ra theo mùa.
Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên dạy giỏi của trường cho rằng, trường luôn tạo điều kiện để giáo viên phát huy khả năng, năng khiếu. Ngoài việc được nhà trường động viên tham gia các hội thi như giáo viên dạy giỏi, liên hoan “Bé với an toàn giao thông”, liên hoan “Nhân viên nuôi dưỡng giỏi”, chúng tôi còn được động viên tham gia cuộc thi “Sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca địa phương” cũng như nhiều hoạt động phong trào của xã, huyện góp phần nâng cao dân trí địa phương.
Sau hành trình đạt trường chuẩn mức độ 1, tập thể cán bộ giáo viên phấn đấu đủ các điều kiện để được công nhận Trường chuẩn quốc gia mức độ II. Để làm, khó nhất là kinh phí nhưng các cô đã vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã chung tay, tiêu biểu là Nhà máy xi măng Đồng Lâm, riêng đơn vị này đã hỗ trợ 50 tấn xi măng, 200 tấn gạch xây dựng khu vui chơi, lối đi nội bộ, tường rào, làm sân vườn… đây là cơ sơ để nhà trường tổ chức tốt hoạt động vận động của trẻ.
Với chất lượng giảng dạy tốt, cơ sở học tập khang trang, sạch đẹp, Trường mầm non Phong Xuân đã xây dựng được thương hiệu và là một địa chỉ được Phòng GD&ĐT huyện giới thiệu cho các đơn vị đến tham quan và học tập. (baothuathienhue.vn 22/2)
2. CẢI THIỆN ĐIỂM TIẾNG ANH: Không thể ngày một, ngày hai
Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 môn tiếng Anh vẫn còn thấp, nhưng đã có sự cải thiện hơn so với năm 2018. Điểm trung bình tiếng Anh ở Thừa Thiên Huế nâng từ mức 3,6 điểm (năm 2018) lên 4,42 điểm (năm 2020).
Đưa đề án ngoại ngữ vào trường học
Trường tiểu học Trần Quốc Toản (TP.Huế) là 1/3 trường trong toàn tỉnh được chọn để xây dựng đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Thế mạnh của trường khi bắt tay vào dự án là có đội ngũ giáo viên mạnh, vững tay nghề. Học sinh lớp 1, 2 được trường tổ chức 2 tiết/tuần môn tiếng Anh tự chọn theo giáo trình Family and friends và tiếng Anh tăng cường do người nước ngoài dạy. Lớp 3, 4, 5 học theo chương trình 5 tiết/tuần của bộ và chương trình tiếng Anh tăng cường do người nước ngoài dạy 2 tiết/tuần. Chương trình tiếng Anh tích hợp của môn toán và tự nhiên thời lượng 2 tiết/tuần.
Sau dự án, Trường tiểu học Trần Quốc Toản nổi lên như một nhân tố điển hình về chất lượng giáo dục tiếng Anh của ngành GD&ĐT TP. Huế. Trường có nhiều học sinh đạt giải cao ở các kỳ thi Olympic tiếng Anh qua mạng internet. Có học sinh tham gia giao lưu học sinh nói giỏi tiếng Anh và hội thi Tài năng tiếng Anh do Bộ GD&ĐT tổ chức, có nhiều học sinh tham gia thi lấy chứng chỉ tiếng Anh Quốc tế Cambridge đạt trình độ KET, Flyers, Movers.
Bắt đầu từ tháng 11/2018, đề án “Tăng cường tiếng Anh giao tiếp cơ bản cho học sinh THCS, giai đoạn 2018 - 2022” do Trung tâm Anh ngữ quốc tế EUC phối hợp chính thức khởi động triển khai tại Huế. Nhiều trường đã thành lập những câu lạc bộ tiếng Anh, Pháp... để các em có môi trường rèn luyện. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn cao theo bậc học tăng mạnh. Nếu như năm 2012 có 15,4% đạt chuẩn cấp học thì đến nay đã có 90% giáo viên đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ theo cấp bậc học.
Theo cô giáo Mai Thị Thúy, Trường THCS Hùng Vương (TP. Huế), Câu lạc bộ tiếng Anh trong trường được tổ chức khá hiệu quả. Các em biết tận dụng lợi thế công nghệ khi kết nối với bạn bè ở các nước qua skype để trò chuyện. Nhiều em tìm những bài báo bằng tiếng nước ngoài trên mạng internet để chia sẻ thông tin cho các bạn. Thậm chí, điện thoại thông minh được tận dụng hiệu quả khi các em sử dụng vào việc nghe nhạc, nghe đài bằng ngoại ngữ...
Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến nay, có 100% trường tiểu học dạy học tiếng Anh và tiếp tục triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm ở cả 3 cấp học. Nhiều học sinh đạt được chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như iELTS, ToEFT đủ điều kiện ngoại ngữ để miễn thi tốt nghiệp theo quy định và nộp đơn xin du học nước ngoài. Đa số học sinh các cấp bậc học nâng cao khả năng nghe nói, giao tiếp tự nhiên, tự tin với người nước ngoài. Từ khi triển khai đề án, sở đã có ba giải Nhất môn tiếng Anh cấp quốc gia.
Vênh giữa học và thi
Năm 2020, điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh tiếp tục đứng vị trí thấp nhất về kết quả so với các môn khác, với điểm trung bình là 4,42, trong khi điểm trung bình quốc gia là 4,57%. Sự khác biệt lớn nhất là thi cử mới giới hạn ở mức kiểm tra từ vựng, ngữ pháp và đọc hiểu nên chưa hấp dẫn người học.
Mới đây, một hội nghị bàn giải pháp để cải thiện điểm số môn tiếng Anh được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Nguyên nhân khiến điểm thi năm nay vẫn thấp do đề thi có những câu hỏi khó nhằm mục tiêu phân loại thí sinh. So với học sinh ở nông thôn và hai huyện A Lưới, Nam Đông yêu cầu của các câu hỏi này là hơi cao.
Nhiều học sinh cho rằng, tiếng Anh là môn học khó, môn học cần có năng khiếu nên nhiều học sinh có tâm lý e ngại và chán nản ngay từ đầu. Một số lượng lớn thí sinh làm bài tiếng Anh chỉ để tránh điểm liệt, không đăng ký thi vào khối D nên các em không cố gắng. Cách dạy và học của học sinh và giáo viên chủ yếu học theo hướng thi trắc nghiệm nên làm cho kỹ năng giao tiếp nghe, nói, phản xạ ngôn ngữ dần mai một. Việc dạy học bộ môn tiếng Anh ở các trường chưa bám chuẩn đầu ra và đang dạy theo sách giáo khoa. Thế nên, động lực đổi mới phương pháp dạy học không cao do sự chưa tương thích giữa việc học và thi.
Cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học ở một vài đơn vị chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng. Một số thiết bị chưa khai thác hết công suất... Năng lực thực tế của một bộ phận không nhỏ giáo viên còn vênh nhiều so với năng lực bằng cấp. Trong đó, có giáo viên chuyển ngạch từ các công việc khác chưa tiếp cận được yêu cầu hiện tại giảng dạy ở trường.
Tại hội nghị bàn giải pháp về cải thiện môn tiếng Anh trong trường học, nhiều giáo viên dạy bộ môn này cho rằng, cho phép giáo viên được bồi dưỡng bằng kinh phí ngân sách và tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học để tạo hứng thú cho học sinh. Đổi mới kiểm tra đánh giá, tuyển sinh phải phù hợp với cách dạy, cách học, sử dụng ma trận chung và định dạng các bài kiểm tra đánh giá. Kết hợp hài hòa giữa trắc nghiệm và tự luận. Dạy học hướng vào năng lực, kỹ năng hơn là kiến thức. Tổ chức tăng tiết đối với môn ngoại ngữ và tiếng Anh cũng như tăng cường công tác kiểm tra dự giờ để có định hướng phù hợp. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với đặc thù và cách học ngoại ngữ hiện tại, tập trung việc đầu tư cơ sở về một đầu mối để tránh chồng chéo.
Tất yếu của vấn đề dạy và học môn ngoại ngữ trong tình hình hiện nay là đừng để việc đầu tư tràn lan, đánh đồng sẽ dẫn đến việc dạy và học ngoại ngữ không được cải thiện. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều, bên cạnh năng lực người học và phương pháp học tập, phải xem học ngoại ngữ là công việc suốt đời, theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu” mới có thể chinh phục được môn học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay. (baothuathienhue.vn 20/2)
3. TT Huế: đẩy mạnh phát triển giáo dục mũi nhọn
Thúc đẩy phát triển giáo dục mũi nhọn là một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành giáo dục TT Huế đang hướng tới, đây cũng được xem là lực đẩy cho chất lượng đại trà. Hiện nay, việc tập trung bồi dưỡng học sinh giỏi, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn được chú trọng từ cơ sở, tạo một phong trào chung sôi nổi, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay. (trt.com.vn 21/2)
Y TẾ
1. Bệnh viện Trung ương Huế- Nơi người bệnh đặt niềm tin
Nằm ở địa bàn miền Trung đầy gian khó, Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW) không những là trung tâm y tế chuyên sâu của cả vùng mà còn là nơi thực hiện nhiều hoạt động nghĩa tình, quan tâm chăm sóc bệnh nhân, nơi người bệnh đặt niềm tin khi tìm đến đây!
Ít ai hiểu rằng, ngoài việc cứu chữa bệnh nhân các thầy thuốc của BVTW Huế còn tham gia hiến máu nhân đạo cứu người. Với thông điệp “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, phong trào hiến máu tình nguyện được BVTW Huế phát động hằng năm. Gần đây nhất, ngày 19/2, trước tình hình lượng máu dự trữ tại Trung tâm Huyết học Truyền máu chỉ còn hơn 200 lít, đủ phục vụ cho cấp cứu từ 3 - 5 ngày trong lúc nhu cầu khám, điều trị sau tết tăng cao, cần có tối thiểu 4.500 đơn vị máu/tháng. Vận động các cơ quan đơn vị thì xa, nên BVTW Huế đã phát động phong trào “Blouse trắng – Trái tim hồng” ngay trong nội bộ. Thông tin mới đưa ra đã có 200 cán bộ, viên chức tình nguyện tham gia trực tiếp hiến máu, hiến tiểu cầu; ngoài ra còn khoảng 100 người đăng ký ngân hàng máu sống, sẵn sàng ứng hiến trong những tình huống khẩn cấp.
Trước đó, nhằm giúp đỡ các bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại BVTW Huế có thể về quê đón Tết sum vầy cùng gia đình, trong 2 ngày 6 và 7/2, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức chương trình “Chuyến xe yêu thương” thực hiện 10 chuyến xe chở gần 300 bệnh nhân và người nhà khởi hành từ BVTW Huế về các địa phương Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng…
Đặc biệt, không chỉ hỗ trợ phương tiện miễn phí cho người bệnh và người nhà bệnh nhân về quê ăn Tết, BVTW Huế còn tặng cho người bệnh mỗi người một phần quà trị giá 1 triệu đồng/suất.
Đến BVTW Huế, người bệnh đã dành nhiều lời khen tặng cho GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế ngoài việc đầu tư các kỹ thuật cao, còn dành nhiều công sức, tâm sức biến BV thường là nơi đầy nổi lo toan trở thành một “công viên” tươi mới phủ màu xanh của cây và hoa, đêm đêm tràn ngập ánh đèn. BS Nguyễn Thanh Xuân, chủ tịch Hội Thầy thuốc Trẻ, Phó giám đốc BV năng nổ với các hoạt động tình nguyện; BS, Thầy thuốc ưu tú Hoàng Thị Lan Hương con chim đầu đàn của Khối nội; BS Phạm Như Vĩnh Tuyên bàn tay vàng trong chữa trị các bệnh về mắt… và hàng trăm y bác sĩ, điều dưỡng khác.
BS Hoàng Thị Lan Hương, Phó giám đốc BVTW Huế cho biết, BVTW Huế là một trong những bệnh viện dẫn đầu cả nước về số lượng dịch vụ kỹ thuật được áp dụng trong khám chữa bệnh. Đến nay bệnh viện đã được công nhận 9 kỹ thuật lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, 2 kỹ thuật triển khai lần đầu tiên trên thế giới. Bệnh viện đã đạt được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực ghép tạng: ghép tim do ekip bác sĩ BVTW Huế thực hiện đã đưa Việt Nam đứng trên bản đồ ghép tim thế giới. Năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bão lụt .. nhưng Bệnh viện đã thực hiện thành công 1 ca ghép tim xuyên Việt. Bệnh viện đã thực hiện thường quy ghép tim, ghép thận, ghép tủy- tế bào gốc, với tỷ lệ thành công 100%; ghép thận với các trường hợp khó như bệnh nhân chỉ có 1 thận, bệnh nhân có hệ mạch máu phức tạp, kỹ thuật rửa thận ngược dòng; ghép tim do êkip bác sĩ thực hiện, ghép tim xuyên Việt thành công 100%; ghép tế bào gốc tạo máu ngoại vi và ghép tế bào gốc tủy xương, ghép tế bào gốc hỗ trợ trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng mang lại kết quả cao. Trong lĩnh vực Hỗ trợ sinh sản: đến nay đã có trên 1.400 cháu bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm; 08 ca mang thai hộ thành công. Trong lĩnh vực điều trị ung thư, triển khai thành công các kỹ thuật xạ trị tiên tiến như xạ trị điều biến liều, xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh, xạ phẫu định vị, v.v…
Được biết, hàng năm, Bệnh viện tiếp nhận gần 165.000 bệnh nhân điều trị nội trú, gần 600.000 lượt bệnh nhân trong nước và quốc tế đến khám và điều trị ngoại trú.
Thực hiện chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2020- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đặc biệt phấn đấu thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, BVTW Huế kiên định mục tiêu: “Xây dựng BVTW Huế trở thành trung tâm y học cao cấp; trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế”. Bên cạnh chú trọng đầu tư nguồn nhân lực có trình độ cao và y đức, hệ thống các trang thiết bị hiện đại, Lãnh đạo BVTW Huế đã đề ra nhiều chỉ tiêu, giải pháp nâng cao hơn thái độ và chất lượng phục vụ nhằm mang đến sự hài lòng cao nhất cho người bệnh; để BVTW Huế trở thành địa chỉ tin cậy trong chăm sóc điều trị chất lượng cao của nhân dân trên toàn quốc (thuonghieucongluan.com.vn 21/2)
NÔNG NGHIỆP
1. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn
Việc trồng cây ngô vốn quen thuộc với người dân nơi đây và bà con đã biết thâm canh, tăng năng suất.
Nông dân hưởng ứng
Mới đây, UBND huyện A Lưới đã ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm), Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho các hộ nông dân tại địa phương này.
Ông Hồ Văn Trình, đại diện cho 70 hộ dân trồng ngô và đậu tương theo chuỗi sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm tại xã Quảng Nhâm (A Lưới) cho biết, thôn Pi Ây 1 thuộc xã Quảng Nhâm nằm dọc theo sông Tà Rinh có đất đai bằng phẳng, màu mỡ. Toàn thôn có 210 hộ dân với 40 ha diện tích đất màu, trong đó có 30 ha chuyên trồng ngô với năng suất bình quân 50 tạ/ha, đem lại thu nhập khoảng 750 triệu đồng/vụ.
Việc trồng cây ngô vốn quen thuộc với người dân nơi đây và bà con đã biết thâm canh, tăng năng suất. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, như sâu keo hại ngô gây thiệt hại năng suất, giảm thu nhập của nông dân.
Do điều kiện thời tiết, khí hậu đặc trưng, miền núi A Lưới thường mùa mưa bão bắt đầu từ tháng 8 hàng năm nên việc trồng ngô 2 vụ rất khó thực hiện vì không có nắng để phơi, người dân lại chưa có máy sấy. Vì vậy, bà con bắt buộc phải trồng cây sắn xen với ngô, nhằm tiết kiện công làm đất, cỏ và phân bón. Tuy nhiên, cách làm này khiến đất bạc màu, khô cứng, nghèo dinh dưỡng, mặc dù được đầu tư nhưng năng suất cây ngô tăng không đáng kể.
Cuối năm 2020, sau khi UBND huyện ký kết hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, các hộ dân được cử tham quan học hỏi phương pháp sản xuất hữu cơ của tập đoàn. Tập đoàn cũng đã ký kết việc chuyển giao, hướng dẫn quy trình trồng ngô hữu cơ và đầu tư đầu vào cho bà con giống, phân bón, chế phẩm sinh học, đồng thời cam kết thu mua giá cao hơn từ 10-20% so với giá thị trường.
Hiện, đã có 70 hộ dân tham gia mô hình chuỗi sản xuất hữu cơ trồng ngô và đậu tương trên diện tích hơn 8 ha tại xã Quảng Nhâm. Đây thực sự là bước đi giúp nông sản hữu cơ A Lưới bước đầu sản xuất tập trung, mang tính hàng hóa và mở ra cơ hội thu nhập khá cao cho bà con nông dân.
“Hiện, Tập đoàn Quế Lâm mới chỉ ký kết thu mua ngô vụ đông xuân, trong khi vụ hè thu mưa nhiều, ẩm độ cao, sản phẩm ngô chưa được phơi khô nên nông dân còn gặp khó khăn. Các hộ dân đề xuất có giải pháp đầu tư máy sấy nông sản và nghiên cứu loại cây xen canh để người dân không mất vụ và tăng thu nhập trên diện tích đất”, ông Hồ Văn Trình đề xuất.
Kinh tế tuần hoàn
Ngoài tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) 4F tại xã Phong Thu (Phong Điền), Tập đoàn Quế Lâm đang triển khai nhiều mô hình chăn nuôi ATSH tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tất cả các sản phẩm nông nghiệp của các hộ nông dân đều được tập đoàn này cam kết bao tiêu.
Mới đây, Tập đoàn Quế Lâm đã hỗ trợ hộ dân Trần Thị Huệ (thôn Bình Sơn, xã A Ngo) xây dựng chuồng trại theo mô hình khép kín với quy mô 200 lợn thịt và 10 lợn nái. Với việc ứng dụng công nghệ chăn nuôi ATSH, khép kín, không sử dụng nước tắm, dội chuồng nên không gây ô nhiễm môi trường. Sau mỗi vụ nuôi, lớp phân vi sinh có thể được sử dụng làm phân bón, bán với giá 25-30 nghìn đồng/bao (loại 25kg).
Chăn nuôi an toàn dịch bệnh bằng việc ứng dụng công nghệ men vi sinh sử dụng trong thức ăn, nước uống, phun sương và nhất là sử dụng đệm lót sinh học khá còn mới mẻ tại địa phương. Tuy nhiên, mô hình chăn nuôi này đã được “kiểm nghiệm” qua đợt dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh với nhiều trang trại, gia trại đã vượt qua dịch bệnh, chăn nuôi thành công.
Chăn nuôi theo phương pháp ATSH bằng chế phẩm vi sinh sẽ giúp an toàn dịch bệnh, đạt hiệu quả cao, chủ động sản xuất, kiểm soát được chất lượng đầu vào đầu ra; cho giá thành phù hợp, chất lượng thịt cao, an toàn cho môi trường và phù hợp với các điều kiện chăn nuôi khác nhau của nông dân.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm đánh giá, hiện trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã đầu tư một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi ATSH và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nông dân.
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến. Đây là xu hướng tất yếu ở các địa phương. Ở đó, nông nghiệp mới tận dụng được hết tài nguyên, tất cả các sản phẩm của từng công đoạn đều có giá trị trong mỗi chuỗi sản xuất.Như Tổ hợp chăn nuôi ATSH 4F tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền là mô hình hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp mà các địa phương trên địa bàn tỉnh đang hướng đến.
Liên quan đến kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, đến thời điểm hiện tại, ngành chăn nuôi ở các địa phương đang trên đà phục hồi sau dịch bệnh. Vấn đề ở chỗ, khu vực chăn nuôi lớn các doanh nghiệp lớn đảm bảo được ATSH, nhưng quan trọng nhất là khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 65%, thì tái đàn rất khó khăn do con giống đắt đỏ và vấn đề an toàn dịch bệnh. Nhiều nơi nông dân vẫn “sợ” khi tái đàn do dịch bệnh rình rập. Mô hình Tổ hợp chăn nuôi ATSH 4F với triết lý kinh tế tuần hoàn đã giải quyết được câu chuyện đó. Dự án này hoàn thành cùng hệ sinh thái sẽ mở rộng ra các tỉnh thành khác để phục vụ cho khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ, HTX, doanh nghiệp nhỏ. Thông qua mô hình này, các địa phương sẽ xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, không thứ gì bỏ đi và không ai bị bỏ lại phía sau! (baothuathienhue.vn 22/2)
MÔI TRƯỜNG
1. Thiếu hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp
Tại KCN Phú Bài, dù tỷ lệ lấp đầy chưa cao, nhưng đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung quy mô lớn với công suất 2 giai đoạn là 6.500m3/ngày đêm.
Toàn tỉnh hiện có 84 làng nghề, 9 cụm công nghiệp (CN), 2 khu kinh tế, 6 khu công nghiệp (KCN) thu hút nhiều dự án đang hoạt động. Việc phát triển KCN, cụm CN, làng nghề bên cạnh các mặt tích cực như, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động… còn nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường.
Dù chưa phát triển mạnh, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường về nước thải, chất thải, khí thải, tiếng ồn đã phát sinh tại một số cơ sở sản xuất của KCN Phú Bài, cụm CN Thuỷ Phương, KCN Phong Điền, KCN Phú Đa…Qua thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) định kỳ hoặc đột xuất tại một số cơ sở như sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may… , Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính và đưa ra các yêu cầu, biện pháp khắc phục hậu quả đối với những đơn vị được thanh tra.
Thời gian qua, hầu hết các cụm CN được hình thành nhằm phục vụ nhu cầu di dời các cơ sở sản xuất xen lẫn trong khu vực dân cư, hay nói đúng hơn nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và các dự án đầu tư sản xuất các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống có quy mô nhỏ gắn với vùng nguyên liệu và nguồn lao động của địa phương. Vì vậy, việc phát triển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch phát triển chung và quy hoạch chi tiết để làm cơ sở đầu tư xây dựng phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Không riêng các cụm CN, ngay cả các KCN, doanh nghiệp (DN) phải tự lo toàn bộ quá trình xây dựng hạ tầng riêng cho đơn vị mình hoặc các chủ đầu tư thực hiện xây dựng hạ tầng theo hình thức cuốn chiếu, đường sá đến đâu, đầu tư đến đó. Tỷ lệ cây xanh, hệ thống xử lý nước thải nội bộ, hệ thống thoát nước mưa… vẫn chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ.
Tuy còn tồn tại những bất cập, nhưng theo đánh giá của cơ quan chức năng, so với các KCN ở các tỉnh, thành khác, tình hình môi trường ở các KCN trên địa bàn tỉnh đều đang nằm trong tầm kiểm soát, có thể giải quyết kịp thời nếu có sự cố xảy ra; hơn nữa, mức độ ô nhiễm chưa đến mức báo động như những nơi khác.
Tại KCN Phú Bài, dù tỷ lệ lấp đầy chưa cao, nhưng đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung quy mô lớn với công suất 2 giai đoạn là 6.500m3/ngày đêm. Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô cũng đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại (CTNH) tại các KCN, khu kinh tế đều được thu gom, xử lý đảm bảo. Tiến bộ rõ nét nhất trong thực hiện quy định về BVMT đối với CTNH của các doanh nghiệp (DN) là khoảng 5 năm trở lại đây, từ khi Chi cục Bảo vệ môi trường hướng dẫn các chủ nguồn phát thải CTNH kê khai, đăng ký cấp sổ chủ nguồn thải và triển khai đề án thu gom và xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý CTNH tại các khu sản xuất đã đi vào nền nếp, đảm bảo đúng quy định, vệ sinh môi trường.
Mối quan tâm hiện nay là tỉnh đang kêu gọi nhà đầu tư tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung phục vụ xử lý tại 5 KCN còn lại: Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa, Quảng Vinh. Bên cạnh đó, đơn vị quản lý cũng chú trọng khuyến khích các DN tiếp cận và ứng dụng những giải pháp kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch hơn vào quá trình sản xuất và nêu cao ý thức BVMT cho người lao động. (baothuathienhue.vn 21/2)
GIAO THÔNG - VẬN TẢI
1. Hầm đường bộ Hải Vân 2: Những ngày Tết tăng đột biến
Ngày 21/2, ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, dịp Tết Tân Sửu vừa qua, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông qua hầm Hải Vân tăng đột biến.
Được biết, do vận hành cả 2 ống hầm nên đã giảm được áp lực giao thông trên toàn tuyến. Tình trạng ùn tắc giao thông không còn, tầm nhìn trong hầm thông thoáng trung bình từ 85% đến hơn 95%, vận tốc trung bình của các xe tăng khoảng từ 45km/h lên 65km/h.
Đặc biệt, thời gian trung bình các phương tiện qua hầm giảm từ khoảng 15 phút xuống còn khoảng 6 phút, giảm tai nạn và không còn xảy ra các tình huống gây ùn tắc kéo dài để lực lượng chức năng phải phân luồng điều tiết giao thông một làn như trước đây.
Đồng thời, việc đưa hầm Hải Vân 2 vào vận hành đã giúp cho dịch vụ vận chuyển người và xe máy lưu thông qua hầm tiện ích và hiệu quả hơn. Số lượng người dân đi xe gắn máy sử dụng dịch vụ trung chuyển qua hầm tăng lên, giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông khi phải điều khiến xe gắn máy đi qua đường đèo.
Theo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, những vướng mắc về việc bố trí vốn cho dự án đã và đang được các cơ quan Nhà nước đưa ra phương án và lộ trình cụ thể.
Tuy vậy, nhà đầu tư đang đề nghị Bộ Giao thông vận tải, cùng các bên liên quan cần xác định rõ thời gian, các bước xử lý cụ thể để làm cơ sở cho việc sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại như đã nêu trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để việc vận hành hầm Hải Vân 2 không bị gián đoạn.
Hầm đường bộ Hải Vân 2 được lắp đặt thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ mới ở các hạng mục như ánh sáng, camera quan sát, thông gió, PCCC&CHCN…
Theo ông Võ Ngọc Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả kiêm Giám đốc xí nghiệp quản lý vận hành hầm Hải Vân, hầm Hải Vân 2 được lắp đặt thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ mới ở các hạng mục như ánh sáng, camera quan sát, thông gió, PCCC&CHCN… Khi đi vào vận hành, công trình sẽ giải quyết tình trạng quá tải ở hầm Hải Vân 1, đáp ứng nhu cầu di chuyển của phương tiện khi lưu thông một chiều mỗi ống hầm, góp phần đảm bảo an toàn giao thông giữa Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng (thuonghieucongluan.com.vn 21/2)
2. Hầm Hải Vân 2 không “đóng cửa”, tiếp tục vận hành
Nhà đầu tư sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn trước mắt, đảm bảo vận hành liên tục 2 ống hầm trong thời gian tới để phục vụ nhu cầu rất lớn của xã hội.
Sáng 21/2, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (thuộc Tập đoàn Đèo Cả) cho biết, hầm đường bộ Hải Vân 2 tiếp tục vận hành để phục vụ nhu cầu rất lớn của xã hội.
Trước đó, tại lễ khánh thành hầm Hải Vân 2 (ngày 11/01/2021), lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đã nêu ý kiến và chủ động đề xuất với các cơ quan chức năng là sẽ đưa Hải Vân 2 vào hoạt động giúp các phương tiện lưu thông qua Hải Vân, mỗi ống hầm lưu thông hai làn một chiều trong vòng 20 ngày trước và sau Tết Tân Sửu (từ ngày 01/02/2021, tức ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý cho đến hết ngày 21/02/2021, tức ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu).
Sau đó, việc tiếp tục vận hành hầm Hải Vân 2 sẽ được xác định trên cơ sở các tồn tại vướng mắc, trách nhiệm của các bên liên quan theo hợp đồng dự án được giải quyết dứt điểm.
Ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết: Qua thời gian vận hành hầm Hải Vân 2 trong dịp đón Tết cổ truyền, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông qua hầm Hải Vân trong dịp tết Tân Sửu tăng đột biến. Bình quân mỗi ngày có khoảng 11.000 đến gần 14.000 lượt xe qua hầm.
"Do vận hành cả 2 ống hầm nên đã giảm được áp lực giao thông trên toàn tuyến. Tình trạng ùn tắc giao thông không còn, tầm nhìn trong hầm thông thoáng trung bình từ 85% đến hơn 95%, vận tốc trung bình của các xe tăng khoảng từ 45km/h lên 65km/h. Đặc biệt, thời gian trung bình các phương tiện qua hầm giảm từ khoảng 15 phút xuống chỉ còn khoảng 6 phút, giảm tai nạn và không còn xảy ra các tình huống gây ùn tắc kéo dài để lực lượng chức năng phải phân luồng điều tiết giao thông một làn như trước đây", ông Ngọ Trường Nam cho biết.
Theo ông Nam, việc đưa hầm Hải Vân 2 vào vận hành cũng đã giúp cho dịch vụ vận chuyển người và xe máy lưu thông qua hầm tiện ích và hiệu quả hơn. Số lượng người dân đi xe gắn máy sử dụng dịch vụ trung chuyển qua hầm tăng lên, giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông khi phải điều khiến xe gắn máy đi qua đường đèo như trước đây.
Được biết, cùng thời gian này, trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xem xét việc bố trí 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước cho dự án.
Tại buổi họp ngày 29/01/2021 của các Bộ, ngành liên quan, các ý kiến đều đánh giá việc bố trí vốn NSNN cho dự án là cần thiết để đảm bảo phương án tài chính và thực hiện đầy đủ cam kết của Nhà nước đối dự án, đồng thời các bên thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí khoản vốn nói trên cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Như vậy, thời gian gần đây, việc giải quyết các vướng mắc về tài chính của Dự án đã và đang được cơ quan Nhà nước đưa ra phương án cụ thể sớm đi đến dứt điểm vướng mắc trong thời gian tới, quan trọng hơn, nhận thấy lợi ích thực tế từ quá trình vận hành hầm hải Vân 2 mang lại cho người dân, Nhà đầu tư sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn trước mắt, đảm bảo vận hành liên tục 2 ống hầm trong thời gian tới để phục vụ nhu cầu rất lớn của xã hội.
Tuy vậy, nhà đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT cùng các bên liên quan cần xác định rõ thời gian, các bước xử lý cụ thể để làm cơ sở cho việc sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại như đã nêu trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Qua đây, từ thực tiễn đầu tư và việc tổ chức vận hành các dự án BOT cũng cần tính đến việc đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo chi phí duy trì hoạt động khai thác công trình, các điều khoản trong hợp đồng BOT đã ký giữa các bên phải được thực hiện nghiêm túc, các cơ quan chức năng cần thể hiện trách nhiệm hơn nữa để tránh tình trạng công trình đã hoàn thành nhưng không có kinh phí để vận hành khai thác làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân tham gia giao thông và lãng phí tài nguyên, tài sản nhà nước. (toquoc.vn 21/2)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Diễn biến mới vụ 3 đối tượng đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép
Với 1 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhóm đối tượng của Chuân, Tuyên và Trọng lấy khoảng hơn 40 triệu đồng.
Liên quan đến vụ "Phá chuyên án đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, bắt 3 đối tượng", ngày 21/2, một nguồn tin của Người Đưa Tin Pháp luật cho biết, cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 3 đối tượng để điều tra, làm rõ hành vi đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Danh tính các đối tượng được xác định gồm, Phan Thị Chuân, (SN 1974), Phan Ngọc Tuyên, (SN 1994) cả 2 cùng trú tại tỉnh Quảng Ninh và Hà Văn Quốc Trọng, (SN 1992), trú tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Theo cơ quan công an, qua đấu tranh khai thác, bước đầu, đối tượng Chuân khai nhận, cùng với người đàn ông có quốc tịch Trung Quốc vừa di chuyển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị. Sau đó, đối tượng chuyển qua taxi khác để đi từ chặng đường Huế - Nha Trang, theo lịch trình, khi 2 đối tượng đến Nha Trang thì sẽ có 2 đối tượng khác đón và sẽ sang qua phương tiện khác.
Đối tượng Chuân khai thêm, từ tháng 11/2020 đến khi bị bắt giữ, bằng phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, y cùng các đối tượng người Việt Nam đã nhận người từ Trung Quốc, rồi tổ chức cho đối tượng nhập cảnh trái phép để di chuyển bằng nhiều phương tiện, nhiều chặng đường qua nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam. Quá trình di chuyển, nhóm đối tượng dùng ô tô đi trước cảnh giới nhằm tìm cách đối phó, qua mặt các lực lượng chức năng trên các tuyến đường.
Đại tá Nguyễn Tuấn, Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, đối tượng người Trung Quốc vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch, sau đó được các đối tượng vận chuyển đi vào phía Nam mà theo nhận định của cơ quan công an, điểm đến của đối tượng là ở Campuchia.
"Các đối tượng thừa nhận, vận chuyển 1 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, chúng lấy khoảng hơn 40 triệu đồng", đại tá Tuấn nói.
Như tin đã đưa, trước đó, vào ngày 9/2, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phá thành công chuyên án tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, bắt giữ 3 đối tượng.
Theo cơ quan điều tra, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát giám sát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Sau một thời gian tiến hành điều tra, ngày 28/1, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Lê Văn Vũ, Phó giám đốc Công an tỉnh, Ban chuyên án triển khai lực lượng song song tại hai địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và Khánh Hòa vây bắt quả tang các đối tượng đang vận chuyển người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, lực lượng chức năng bắt quả tang Phan Thị Chuân, (SN 1974), trú tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đang sử dụng xe ô tô vận chuyển đối tượng Li Zhi Kai, (SN 1984), quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Đồng thời tại tỉnh Khánh Hòa, một mũi công tác khác của lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp Công an tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức bắt giữ, khám xét nơi ở của hai đối tượng là Hà Văn Quốc Trọng, (SN 1992), trú tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và Phan Ngọc Tuyên, (SN 1994), trú tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. (nguoiduatin.vn 21/2)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Thừa Thiên Huế: Ít nhất 5 doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ cải tiến công nghệ trong năm 2021
Theo kế hoạch, trong năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hỗ trợ cho ít nhất là 5 doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị thuộc các lĩnh vực: Dệt may; sản xuất thực phẩm; vật liệu xây dựng; các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, nông nghiệp; các sản phẩm đặc sản của địa phương.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch về việc triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2021.
Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương, các sản phẩm mang thương hiệu Huế, các sản phẩm thuộc các ngành ưu tiên phát triển như dược liệu, sản phẩm đạt giải OCOP cấp tỉnh.
Mục tiêu phấn đấu đạt được là đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 30 chuyên gia năng suất chất lượng tại các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó sẽ có trên 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất các sản phẩm đặc sản của địa phương được phổ biến, tập huấn, tuyên truyền, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.
Có ít nhất 5 doanh nghiệp, cơ sở được hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị thuộc các lĩnh vực: Dệt may; sản xuất thực phẩm; vật liệu xây dựng; các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, nông nghiệp; các sản phẩm đặc sản của địa phương.
Ngoài ra, sẽ có 8 đến 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, các đặc sản của địa phương được hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời, có ít nhất 3 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn tỉnh. (doanhnghiepvn.vn 22/2)
2. Thừa Thiên Huế: Cơ quan hành chính Nhà nước phải đi đầu về chuyển đổi số
Theo Chủ tịch Thừa Thiên Huế, chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước cần phải đi đầu, nhằm tạo ra thay đổi trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, hướng đến chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Hoàn thiện hạ tầng, thể chế để chuyển đổi số
Theo công bố của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin - Truyền thông về báo cáo đánh giá mức độ công nghệ thông tin (CNTT) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019 (ICT Index), Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành trên toàn quốc có chỉ số trên 0,9 điểm (0,9039 điểm), xếp vị trí thứ nhất.
Đây là kết quả của sự nỗ lực trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên tất cả lĩnh vực của tỉnh nhằm hướng đến lộ trình xây dựng thành phố thông minh, Chính quyền điện tử tiến đến chính quyền số trong tương lai.
Nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã có các buổi làm việc với các ngành để quán triệt, triển khai chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của từng ngành, từng lĩnh vực dịch vụ công, giáo dục và đào tạo, du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp và một số chuyên đề có sự phối hợp giữa các ngành để xây dựng kế hoạch chuyển đổi số.
Cùng với đó, để thúc đẩy triển khai xây dựng chính quyền số, hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số, tỉnh đã hoàn thiện các thể chế về chuyển đổi số và nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số; đồng thời từng bước hoàn thiện và tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tiến hành số hóa các dữ liệu tại các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh và hạ tầng kết nối, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an ninh mạng.
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay 100% các thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 1.296 dịch vụ; 976 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giúp người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu quy trình, thủ tục, thành phần hồ sơ... liên quan TTHC cần giao dịch.
Tất cả hồ sơ của người dân, doanh nghiệp nộp được nhập vào hệ thống một cửa điện tử, do vậy người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ trực tuyến qua mạng Internet, SMS, Zalo… Khi người dân nộp hồ sơ liên quan đất đai có cung cấp số di động sử dụng Zalo, trạng thái hồ sơ được thông báo cho người dân. Điều này giảm giấy tờ, thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong giải quyết TTHC.
Cơ quan hành chính Nhà nước phải đi đầu về chuyển đổi số
Ngoài xây dựng, phát triển hạ tầng mạng, hiện tỉnh đang thí điểm Đề án chính quyền số với nhiều nội dung hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, như: Cung cấp tốt hơn các dịch vụ số sử dụng các công nghệ và công cụ hiện đại; nâng cao chất lượng các dịch vụ di động cho người dân, doanh nghiệp; đánh giá hiệu năng, chất lượng của dịch vụ và sự hài lòng của người dân để cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất.
Các nội dung chính trong thí điểm là các dự án xây dựng các hệ thống thông tin, dịch vụ chính quyền số và cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành đảm bảo đồng bộ; tích hợp, chia sẻ các hệ thống thông tin dùng chung; nâng cao chất lượng hạ tầng mạng, đường truyền số liệu chuyên dùng để phục vụ phát triển chính quyền số, có thể chia sẻ, phục vụ tốt hơn trong công tác quản lý và cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, hiện thực hóa lộ trình giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí trong quá trình giải quyết TTHC.
Chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước cần phải đi đầu, là điều kiện quan trọng thúc đẩy và phát huy hiệu quả sự đồng bộ chuyển đổi số các lĩnh vực kinh tế, phục vụ tiến trình “Làm việc không giấy tờ, họp không tập trung, giải quyết thủ tục không gặp, thanh toán không dùng tiền mặt”, và tạo lập gắn với khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.
“Chuyển đổi số và các khái niệm liên quan vẫn còn mới mẻ đối với doanh nghiệp, người dân, cán bộ công chức trong quá trình tiếp cận và áp dụng. Do vậy, thời gian tới tỉnh sẽ cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về yêu cầu chuyển đổi số. Cạnh đó đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, kịp thời giải quyết, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tránh rủi ro về pháp lý do thiếu sự đồng bộ của hệ thống văn bản; công khai, minh bạch, tạo lòng tin cho các doanh nghiệp cũng như sự tự tin của cơ quan chính quyền trong quá trình cấp phép đầu tư và tiếp cận đất đai”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh. (doanhnghiepvn.vn 22/2)
3. Phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng
Trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, Thị xã Hương Trà xác định phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là một trong những định hướng lớn được ưu tiên, khuyến khích phát triển. Định hướng này xuất phát từ thực tiễn nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng xuất hiện trong thời gian gần đây đã minh chứng hiệu quả cao trong phát triển kinh tế của người dân. (trt.com.vn 21/2)
4. Huế: Di dời khu nghĩa địa lớn ở khu vực đường Ngự Bình- Núi Bân để xây dựng công viên văn hóa
Dự án Di dời khu nghĩa địa tại đường Ngự Bình – Núi Bân (TP.Huế) phục vụ xây dựng Công viên văn hóa Ngự Bình có phạm vi rộng, số lượng mồ mả di dời rất lớn.
Ngày 21/2, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa kiểm tra khu vực triển khai dự án Di dời khu nghĩa địa tại đường Ngự Bình - Núi Bân (TP.Huế) phục vụ xây dựng Công viên văn hóa Ngự Bình.
Theo báo cáo của UBND TP.Huế, dự án Di dời khu nghĩa địa tại đường Ngự Bình – Núi Bân phục vụ xây dựng Công viên văn hóa Ngự Bình có phạm vi rộng, số lượng mồ mả di dời rất lớn. Hiện nay phạm vi ranh giới khoanh vùng để thực hiện chưa rõ nên cần phải tổ chức cắm mốc thực địa trước khi tổ chức triển khai thực hiện và phải bố trí nguồn vốn để chi trả cho các đối tượng di dời.
Theo kế hoạch của UBND TP.Huế, sau khi đo vẽ bản đồ thu hồi đất xong, thành phố sẽ triển khai các thủ tục trình thông báo thu hồi đất trong tháng 4/2021. Thành phố sẽ thông báo kế hoạch để người dân kê khai mồ mả trong tháng 3 và tháng 4/2021, tiến hành đo đạc, kiểm kê trong tháng 4 và 5/2021.
Đến tháng 6/2021, sẽ áp giá niêm yết công khai và trình phê duyệt và trong tháng 7/2021 thông báo chi trả tiền đền bù và người dân tiến hành di dời mồ mả bàn giao mặt bằng.
Sau khi trực tiếp thực địa, ông Phan Ngọc Thọ chỉ đạo các ngành chức năng cần khẩn trương vào cuộc để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân. Bên cạnh đó, ông Thọ yêu cầu các cơ quan liên quan quan tâm đến công tác bố trí tái định cư, đảm bảo sự đồng thuận cao của người dân trong quá trình thực hiện dự án.
Hàng chục năm qua, sự thiếu quy hoạch cộng với sự lỏng lẻo trong quản lý đã khiến rất nhiều diện tích đất ở khu vực đường Ngự Bình- Núi Bân bị biến thành khu nghĩa địa rộng lớn, dẫn đến cảnh quan khu vực này bị phá vỡ. (etime.danviet.vn 21/2)
5. Giảm thiểu thời gian chờ đợi cho người dân
Nhận nhiệm vụ tiếp nhận yêu cầu cấp căn cước công dân (CCCD), mỗi ngày, Trung úy Nguyễn Trọng Đức, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (CSQLHCVTTXH), Công an TP. Huế tiếp xúc với hàng chục người dân. Tuy mỗi người một tính cách, nhưng anh luôn giữ thái độ tận tụy, nhiệt tình hướng dẫn người dân hoàn thành các thủ tục, giảm thiểu thời gian chờ đợi, đảm bảo các quy trình đúng pháp luật.
Chị Nguyễn Thị Hoa, trú TP. Huế cho biết: Chị khá lúng túng khi thực hiện các bước lăn tay, đối chiếu thông tin, nhưng đã được Trung úy Nguyễn Trọng Đức hướng dẫn tỉ mỉ, nhiệt tình, giải đáp hầu hết các thắc mắc, nên rất yên tâm và cũng đã hoàn thành các thủ tục cần thiết.
Để giải quyết dứt điểm hồ sơ trong ngày cho người dân, Trung úy Nguyễn Trọng Đức luôn làm thêm giờ, kể cả thứ 7 và chủ nhật. Anh linh động phối hợp với lực lượng cảnh sát khu vực trong việc đối chiếu, xác minh thông tin, kịp thời bổ sung, điều chỉnh những trường hợp sai sót. Sau đó, các hồ sơ chính xác, đảm bảo sẽ được anh mã hóa, bảo mật thông tin cá nhân, trước khi gửi đến Phòng CSQLHCVTTXH Công an tỉnh.
Trung bình mỗi ngày, Trung úy Nguyễn Trọng Đức tiếp nhận, giải quyết dứt điểm từ 30 đến 40 hồ sơ đề nghị cấp CCCD. Trong đó, nhiều trường hợp là người già, ốm đau, thiếu các loại giấy tờ tùy thân. Để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, anh phối hợp với lực lượng cảnh sát khu vực đến tận nhà thu thập thông tin; tra cứu hồ sơ tàng thư, xác minh, đối chiếu các trường thông tin, đảm bảo việc cấp CCCD được tiến hành thuận lợi, chính xác về mọi mặt.
Không chỉ tận tụy với công việc được giao, Trung úy Nguyễn Trọng Đức còn tích cực trong tham mưu, đề xuất lãnh đạo chỉ huy trang cấp thêm các thiết bị kỹ thuật, đảm bảo chất lượng ảnh CCCD đạt chuẩn theo yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO). Anh còn tham mưu xây dựng các kế hoạch, chương trình tuyên truyền việc cấp CCCD vào các buổi họp dân của cảnh sát khu vực để người dân hiểu rõ hơn về quy trình, ý nghĩa của việc cấp CCCD gắn chíp điện tử đối với việc xây dựng chính phủ điện tử.
Chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác, Đức cho biết, anh từng có 6 năm đảm nhận vai trò cảnh sát khu vực tại Công an phường Thuận Hòa. Đây là quãng thời gian quý để tích lũy kinh nghiệm trong quá trình tiếp xúc, giải quyết các thủ tục hành chính với người dân. Từ đó, kịp thời đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn để nảy sinh trong quá trình hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục đề nghị cấp CCCD.
Thượng tá Đoàn Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội CSQLHCVTTXH Công an TP. Huế cho biết: Trung úy Đức là một cán bộ trẻ có phẩm chất, đạo đức tốt, luôn xung kích, nhiệt tình đảm nhận mọi nhiệm vụ, được chỉ huy và đồng đội tin yêu. Trong công tác chuyên môn, Trung úy Nguyễn Trọng Đức còn thực hiện tốt công tác mã hóa thông tin công dân, đảm bảo an toàn, kịp thời, đúng tiến độ trong quá trình truyền dữ liệu.
Với những nỗ lực không ngừng trong công tác, nhiều năm liền, Trung úy Nguyễn Trọng Đức được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua” và được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen về những thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực công tác. (baothuathienhue.vn 21/2)
6. Đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử
Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã và đang nỗ lực, tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ CCCD đúng với kế hoạch.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về triển khai thực hiện dự án sản xuất, cấp và quản lý thẻ căn cước công dân (CCCD), Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã và đang nỗ lực, tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ CCCD đúng với kế hoạch.
Thượng tá Hoàng Thị Mai, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, kế hoạch của đơn vị sẽ hoàn thành cấp CCCD gắn chíp điện tử cho hơn 900.000 người dân trên địa bàn tỉnh trước ngày 1/7/2021.
Do đó, sau 3 ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu, CBCS đơn vị đã khẩn trương bắt tay vào công việc, tiếp tục triển khai công tác tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD cho người dân. Để đảm bảo đúng tiến độ công việc khi số lượng cấp thẻ CCCD rất lớn và trên hết là đảm bảo việc tiếp nhận thông tin của người dân được đầy đủ, chính xác, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, đồng thời triển khai nhiều giải pháp để thu nhận hồ sơ cấp CCCD.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2021, đơn vị đã triển khai cấp CCCD cho đối tượng ưu tiên là đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; lãnh đạo, công chức, viên chức các Sở, ban, ngành của tỉnh và sau đó triển khai tại các địa bàn dân cư. Ngay từ những ngày đầu năm mới, CBCS đơn vị đã chia làm 3 ca làm việc từ sáng đến 22h tối nhằm tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD của người dân.
Qua ghi nhận, vào những ngày đầu năm mới Tân Sửu, có hàng trăm người dân đến Trung tâm tiếp công dân Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tại số 50 Trần Cao Vân, TP Huế để làm thủ tục cấp CCCD.
Ngoài bố trí CBCS túc trực tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm này, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế còn bố trí thêm nhiều tổ công tác lưu động phối hợp với Công an các huyện, thị xã để tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD cho người dân địa phương.
Theo Thiếu tá Văn Viết Hiếu Trung, Đội trưởng Đội Hướng dẫn, đăng ký, quản lý cư trú, cấp CMND, CCCD, ngoài tăng cường lực lượng, Đội còn bố trí thêm máy móc, trang thiết bị, biểu mẫu để phục vụ việc cấp thẻ CCCD.
Dù khối lượng công việc lớn, áp lực nhưng khi tiếp nhận hồ sơ, các CBCS đơn vị đều tận tình hướng dẫn, giúp đỡ người dân làm thủ tục nhanh chóng, thuận tiện. Do giai đoạn đầu dữ liệu đang được làm sạch nên người dân khi đến làm hồ sơ cần mang theo các giấy tờ như CMND, hộ khẩu, giấy khai sinh để đối chiếu, phục vụ việc cấp CCCD chuẩn xác.
Ông Lê Văn Vui (50 tuổi, trú phường Phú Hội, TP Huế) sau khi được các CBCS Công an hướng dẫn làm thủ tục cấp thẻ CCCD, phấn khởi bày tỏ: “Hơn 10 năm qua, tôi vào làm việc tại TP HCM. Mới đây, giấy CMND của tôi hết hạn nên việc giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính đều không thực hiện được. Giờ về quê ăn Tết, tôi được con trai đưa đến Trung tâm tiếp dân của Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế làm thủ tục xin cấp CCCD thay cho CMND cũ. Tại đây, được các đồng chí Công an hướng dẫn tận tình, chu đáo nên hồ sơ của tôi được giải quyết nhanh chóng, không phải mất nhiều thời gian như trước”.
Tính đến ngày 19/2, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiếp nhận, giải quyết hoàn thành cho 10.000 trường hợp làm thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chíp.
“Theo quy định của Luật CCCD năm 2014 và pháp luật hiện hành, ngoài thẻ CCCD gắn chíp, công dân vẫn sử dụng được 3 loại thẻ CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch đến khi hết giá trị sử dụng ghi trên thẻ. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính tiến tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chúng tôi khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử. Việc cấp thẻ CCCD gắn chíp sẽ góp phần nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, phục vụ hiệu quả công tác quản lý hành chính về TTXH trên địa bàn”, Thượng tá Mai cho biết thêm. (cand.com.vn 21/2)