TIN NÓNG
1. Nhà hát trăm tỉ vừa đưa vào sử dụng, gỗ ép trên mái đã rơi xuống
Nhà hát Sông Hương (Thừa Thiên Huế) vừa được đưa vào sử dụng chỉ vài tháng đã xuất hiện hư hỏng ở bộ phận trần mái. Nhiều đoạn gỗ ép trần từ trên cao rơi xuống đất gây nguy hiểm cho người đi bên dưới.
Công trình này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 178 tỉ đồng, khởi công từ năm 2017 và hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng vào tháng 8-2020.
Dù chỉ mới đưa vào sử dụng vài tháng nhưng phần trần mái bên ngoài nhà hát này đã xuất hiện hư hỏng. Nhiều tấm gỗ ép bên dưới mái nhà hát bị bong tróc, rơi xuống bên dưới để lộ nhiều lỗ trống lỗ chỗ bên trên.
Để đảm bảo an toàn cho người đi bên dưới, chủ đầu tư nhà hát đã cắm biển báo nguy hiểm, cấm không cho người dân đi lại bên dưới phần mái nhà để tránh bị mái gỗ ép bên trên rơi trúng đầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Quang - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên - cho biết nguyên nhân xảy ra hư hỏng là do phần mái lợp tôn klip-lok đặc dụng với diện tích hơn 300m2 của nhà hát bị gió bão số 5 thổi bay hồi tháng 9-2020.
Sau đó do chưa thể đặt mua kịp loại tôn lợp trên từ Hà Nội vào Huế, chủ đầu tư đã phải cho lợp tạm loại tôn thường để che mưa nắng.
Tuy nhiên do việc lợp tôn thường không được kín kẽ và Huế xảy ra mưa liên tiếp trong thời gian sau đó khiến nước từ phần mái nhà hát thấm xuống bên dưới, làm gỉ sét bộ phận đinh ốc đóng gỗ phần trần mái nên mới dẫn đến việc mái gỗ bị rơi xuống bên dưới.
Ông Quang cho biết ngay sau khi xảy ra vụ việc đã lắp biển cảnh báo người dân không đi lại bên dưới và đặt hàng loại tôn lợp klip-lok đặc dụng trên từ Hà Nội về Huế để lợp.
Dự kiến ngày 21-2 tới sẽ lợp lại mái, tu sửa toàn bộ và gia cố những chỗ hư hỏng của nhà hát.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc trước khi xây dựng nhà hát, chủ đầu tư liệu đã tính toán đến việc chống chọi với bão tố, thời tiết khắc nghiệt ở Huế hay chưa thì ông Quang nói rằng chỉ làm theo thiết kế được phê duyệt.
"Không ngờ trận bão số 5 vừa rồi có những cơn xoáy lốc cục bộ mạnh đến vậy. Lần sửa chữa này chúng tôi cũng yêu cầu phía tư vấn thiết kế nghiên cứu, gia cố phần trần và phần mái nhằm đảm bảo công trình có thể sử dụng lâu dài" - ông Quang nói. (tuoitre.vn 19/2)
2. TT-Huế: Ai đứng sau vụ giả mạo hồ sơ thay đổi chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?
Nhiều bất thường trong vụ hồ sơ đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của một công ty kinh doanh dược phẩm ở Thừa Thiên Huế bị giả mạo.
Ông Lê Công Diệp (SN 1967, trú phường Trường An, TP.Huế) đã gửi đơn phản ánh đến Sở Kế hoạch và đầu tư (KHĐT) tỉnh Thừa Thiên Huế việc ông bị người khác giả mạo chữ ký để hợp thức đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH Dược phẩm LC Pharma (Công ty LC Pharma).
Theo trình bày của ông Diệp trong đơn gửi Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, vào năm 2000, ông và bà Hồ Thị Tý, ông Nguyễn Ngọc Mạnh cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Mạnh Tý- Việt Mỹ (Công ty Mạnh Tý- Việt Mỹ). Tỷ lệ góp vốn của ông Diệp từ năm 2000 đến 20215 là 35% và từ năm 2015 đến năm 2018 là 7%. Ông Diệp giữ chức Giám đốc Công ty từ năm 2011 đến năm 2015.
Văn bản của Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Công an tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, xác minh hành vi giả mạo hồ sơ đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 8 của Công ty LC Pharma.
Năm 2011, ông Diệp tham gia góp vốn trị giá 5.990.000.000 đồng, chiếm tỷ lệ góp vốn 99,83% trong Công ty LC Pharma. Cùng góp vốn với ông Diệp có ông Phan Văn Hóa. Do ông Diệp làm Giám đốc Công ty Mạnh Tý- Việt Mỹ nên ông Hóa là Giám đốc Công ty LC Pharma.
Đến năm 2017, ông Hóa không tham gia thành viên Công ty LC Pharma và ông Nguyễn Khịa tham gia góp vốn vào Công ty LC Pharma 1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 16,667%, phần vốn của ông Diệp tại Công ty LC Pharma chỉ còn trị giá 5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 83,333%. Người đại diện theo pháp luật của Công ty LC Pharma lúc này là ông Diệp với chức danh Giám đốc Công ty.
Ông Diệp cho hay, quá trình hoạt động kinh doanh, Công ty LC Pharma đã thuê được 3.728m2 đất tại Cụm công nghiệp An Hòa (TP.Huế), thời hạn thuê đất 50 năm. Trên đất thuê, Công ty đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015 hệ thống nhà kho có diện tích 626m2, giá trị xây dựng gần 4 tỷ đồng. Công ty cũng mua 1 xe ô tô Toyota Camry năm 2011 và nhiều tài sản, thiết bị y tế chuyên dùng khác.
Theo ông Diệp, do cùng lúc vừa là thành viên góp vốn tham gia quản lý ở Công ty Mạnh Tý- Việt Mỹ và Công ty LC Pharma nên ông gặp nhiều khó khăn trong điều hành kinh doanh cả hai công ty. Vì vậy, ngày 21/12/2017, giữa ông và bà Hồ Thị Tý đã có sự thỏa thuận các nội dung liên quan đến phần sở hữu vốn góp của ông tại Công ty LC Pharma và Công ty Mạnh Tý- Việt Mỹ.
Theo thỏa thuận, ông Diệp sẽ chuyển giao sở hữu vốn tại Công ty LC Pharma và Công ty Mạnh Tý- Việt Mỹ cho bà Hồ Thị Tý với giá 0 đồng. Bà Tý phải tiếp tục trả nợ cho Ngân hàng Đông Á số tiền do Công ty LC Pharma vay theo dự án xây dựng hệ thống nhà kho được thực hiện đang dư nợ trong hạn tại ngân hàng này. Bà Tý phải trả cho ông Diệp số tiền mà ông Diệp đã trả trước đó cho Ngân hàng Đông Á là 554.160.263 đồng. Bà Tý cũng phải trả tiền xây dựng nhà kho còn nợ chưa trả cho người xây dựng là Công ty Cổ phần Xây dựng An Thành (Công ty An Thành) số tiền 664.130.676 đồng.
Hiệu lực của các nội dung đã thỏa thuận từ ngày 20/12/2017 đến 10/1/2018, nếu trong thời hạn này các bên không thực hiện thì biên bản thỏa thuận vô hiệu. Sau đó, bà Hồ Thị Tý không thực hiện nghĩa vụ cam kết trả nợ cho ông Diệp số tiền theo giấy nhận nợ và cũng không trả nợ cho Công ty An Thành. Công ty An Thành đã khởi kiện vụ án dân sự tại TAND TP.Huế. Bản án sơ thẩm buộc Công ty LC Pharma phải trả cho Công ty An Thành số tiền 758.871.809 đồng. Sau đó, Công ty LC Pharma kháng cáo.
"Qua tham gia tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18/6/2020, luật sư của tôi thu thập thông tin tại Phòng Đăng ký kinh doanh- Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên Huế mới biết bà Hồ Thị Tý và bà Nguyễn Ngọc Tường Vy (con gái bà Tý) đã giả mạo chữ ký của tôi lập 2 hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp của tôi là 5 tỷ đồng để chuyển sở hữu vốn tỷ lệ 83,333% của tôi tại Công ty LC Pharma sang tên bà Tý (tỷ lệ 60%), tên bà Vy (tỷ lệ 23,333%) và lập thủ tục, hồ sơ điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp lần thứ 8 do Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cấp ngày 13/2/2018"- ông Diệp trình bày.
Ông Diệp khẳng định, toàn bộ thủ tục hồ sơ Phòng Đăng ký kinh doanh lưu giữ bản gốc đều là các văn bản, tài liệu không phải do ông ký và chữ ký của ông bị người khác giả mạo. Trên cơ sở hồ sơ giả mạo này, bà Tý đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 8 ngày 13/2/2018. Theo giấy chứng nhận này, bà Tý là người đại diện theo pháp luật của Công ty LC Pharma với chức danh Giám đốc Công ty. Sau đó, bà Tý cùng bà Vy tiếp tục lập hồ sơ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của ông Diệp là 5 tỷ đồng và chuyển giao Công ty LC Pharma cho bà Nguyễn Thị Hồng Loan và bà Trương Thị Diệu An. Hiện bà Loan đang sở hữu phần vốn góp của ông Diệp và giữ vai trò Giám đốc Công ty LC Pharma theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 9 do Phòng Đăng ký kinh doanh cấp ngày 26/3/2018.
Sau khi nhận được đơn của ông Diệp, Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, xác minh hành vi giả mạo hồ sơ đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 8 của Công ty LC Pharma. Trên cơ sở công văn yêu cầu giám định của Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành giám định.
Kết quả giám định cho thấy chữ ký mang tên Lê Công Diệp tại các văn bản thuộc hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên góp vốn của Công ty LC Pharma lần thứ 8 so với chữ ký của ông Lê Công Diệp trên các văn bản, tài liệu từ các năm 2017 đến năm 2020 mà ông Diệp trực tiếp ký và tự nguyện cung cấp cho cơ quan công an không phải do cùng một người ký ra.
Công an TP. Huế đề nghị tạm thời chưa ra quyết định hủy bỏ nội dung đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung doanh nghiệp đối với Công ty LC Pharma.
Trên cơ sở đó, ngày 31/12/2020, Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với Công ty LC Pharma. Theo thông báo này, sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày 31/12/2020, nếu không nhận được hồ sơ đăng ký thay đổi của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra quyết định hủy bỏ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp được cấp trên cơ sở các thông tin giả mạo.
Vậy nhưng, đến ngày 14/1/2021, với lý do đang thụ lý đơn tố cáo ông Lê Công Diệp "có hành vi sử dụng tiền của Công ty Mạnh Tý- Việt Mỹ không đúng mục đích kinh doanh trong thời gian làm Giám đốc Công ty từ năm 2012 đến năm 2016 và ông Diệp không thực hiện đúng cam kết trong việc làm thủ tục chuyển đổi pháp nhân đối với Công ty LC Pharma", Cơ quan CSĐT Công an TP. Huế ban hành văn bản đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh tạm thời chưa ra quyết định hủy bỏ nội dung đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung doanh nghiệp đối với Công ty LC Pharma. Sau khi nhận được đề nghị từ cơ quan công an, Phòng Đăng ký kinh doanh đã quyết định tạm ngừng thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đối với Công ty LC Pharma.
Theo ông Lê Công Diệp, nội dung tố cáo ông như trên hoàn toàn không có cơ sở và đây là chiêu bài nhằm mục đích khiến cơ quan chức năng trì hoãn việc hủy bỏ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đã được cấp trên cơ sở thông tin giả mạo. Việc này có thể gây ra những hậu quả bất lợi cho doanh nghiệp cũng như quyền lợi của bản thân ông.
PV Dân Việt đã liên hệ với bà Hồ Thị Tý- người bị ông Diệp cho là đã giả mạo chữ ký của ông để hợp thức đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty LC Pharma. Theo bà Hồ Thị Tý, bà không giả chữ ký của ông Diệp và bà cũng không việc gì phải giả chữ ký. Bà Tý nói rằng ông Diệp chính là người mang hồ sơ đi nộp cho Sở KHĐT.
Về việc kết quả giám định cho thấy chữ ký mang tên Lê Công Diệp tại các văn bản thuộc hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên góp vốn của Công ty LC Pharma lần thứ 8 không phải là chữ ký của ông Diệp, bà Tý nói người nào đã giả chữ ký của ông Diệp thì cơ quan công an cần làm rõ.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này. (danviet.vn 19/2)
3. Vì sao Nhà hát gần 200 tỷ đồng ở Huế mới dùng đã hỏng?
Đại diện lãnh đạo đơn vị thi công thừa nhận Nhà hát Sông Hương (Thừa Thiên - Huế) bị hỏng hóc và đang được cho khắc phục dù mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu.
Nhiều người dân đến thăm quan Nhà hát Sông Hương tỏ ra bức xúc và lo lắng khi công trình này mới được đưa vào sử dụng nhưng xuất hiện nhiều chỗ bị hư hỏng. Đáng chú ý, vị trí của nhà hát nằm ngay cạnh sông Hương, dọc con đường đi bộ nên những hình ảnh bong tróc này đập ngay vào mắt của người dân, du khách trông rất phản cảm.
Ghi nhận của PV VTC News, rất nhiều thanh gỗ trần mái phía ngoài nhà hát đã bị bong, bung để lộ nhiều lỗ hổng ở hạng mục này. Không những vậy, nhiều điểm khác bắt đầu xuất hiện vết nứt, có dấu hiệu chuẩn bị bong tróc rất nguy hiểm.
Ngày 19/2, trả lời PV VTC News, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo thừa nhận tình trạng hư hỏng tại Nhà hát Sông Hương (nằm trong khuôn viên Học viện Âm nhạc Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) do công ty này làm chủ thi công.
Vị lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hư hỏng là do ảnh hưởng của một cơn bão xảy ra trong năm 2020 khiến một tấm mái tôn bị cuốn bay khiến nước mưa thấm xuống nhiều miếng trần gỗ ốp trên phần rìa mái ngoài của nhà hát "rụng" xuống.
"Tấm tôn dùng để lợp mái là tôn đặc chủng nhưng vừa rồi bị gió cuốn mất một tấm khiến nước mưa thấm xuống. Hiện đơn vị cho lực lượng bắc giàn giáo để khắc phục phần trần gỗ bị hư hỏng. Riêng tôn đặc dụng đang được đặt ở TP.HCM và khoảng 15 - 20 ngày nữa sẽ tới Huế thì mới khắc phục được", lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây lắp và Xây dựng An Bảo nói.
Được biết, vị trí xây dựng Nhà hát Sông Hương được đánh giá là ấn tượng do nằm trong khuôn viên Học viện Âm nhạc Huế (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) ngay ngã ba sông An Cựu đối diện và sông Hương bao quanh. Công trình thiết kế quy mô 1.000 chỗ ngồi (tầng một: 700 chỗ và tầng hai: 300 chỗ) và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2020. Nhà hát được kỳ vọng là địa điểm phục vụ các hoạt động văn hoá không chỉ của Huế, mà còn của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cũng như các hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật mang tầm quốc tế.
Không chỉ vậy, với kiến trúc được thiết kế độc đáo, thời điểm đưa vào hoạt động, nhà hát này là điểm nhấn của không gian ven sông Hương thơ mộng và trở thành niềm tự hào của người dân TP.Huế về một công trình mang đẳng cấp quốc tế.
Bên cạnh Nhà hát có một quán cà phê tập trung khá nhiều khách hàng, trong đó có nhiều trẻ em vô tình đi vào khu vực xảy ra hỏng hóc tiềm ẩn rủi ro cao.
Công trình này được khởi công vào năm 2017 với tổng vốn 198 tỷ đồng và do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm chủ đầu tư.
Ông Trần Ngọc Quang - quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên cho biết đã nắm tình trạng hư hỏng tại công trình Nhà hát Sông Hương và nguyên nhân là do ảnh hưởng của mưa bão vừa qua nên mái nhà hát bị nước mưa chảy vào phần trần gỗ dẫn đến hiện tượng bong tróc. (vtc.vn 19/02)
4. Nhà hát 200 tỷ vừa hoạt động đã hỏng: Do thời tiết
Các bên liên quan đến công trình nhà hát sông Hương cho rằng, nguyên nhân khiến phần gỗ trần bị thổi bay là do cơ bão khiến đinh bít bung ra.
Ngày 19/2/2021, ông Nguyễn Ngọc Quang - quyền Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên (Bộ VHTT-DL) xác nhận, công trình nhà hát sông Hương nằm trong khu vực Học viện Âm nhạc Huế ở số 1, đường Lê Lợi (TP Huế) với vốn đầu tư 200 tỷ đồng đang xuất hiện tình trạng hư hỏng, các tấm gỗ phần mái nhà có hiện tượng bong tróc rơi xuống sau một năm công trình đi vào hoạt đông.
Nguyên nhân được ông Quang đưa ra là do ảnh hưởng của mưa bão năm 2020 khiến phần mái nhà hát bị nước mưa chảy vào phần trần gỗ dẫn đến hiện tượng bong tróc.
Được biết, công trình này do Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo và Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) thi công từ năm 2017 đến năm 2020 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Thi ghi nhận vào quãng thời gian giữa tháng 2/2021, tại nhà hát sông Hương, phần trần la phông nằm ở độ cao hơn 10 m và được thiết kế bằng các tấm gỗ có chiều dài chừng 2 m, rộng 20 cm và dày tầm 2 cm.
Tại công trình có gần 20 tấm gỗ bị rớt, trong đó nặng nhất ở hướng sông Hương. Nhiều tấm la phông bị rơi để lại những lỗ trống hoác bên trên trần tạo hình ảnh rất nhếch nhác. Ngoài ra, một số vị trí la phông có hiện tượng bung ra, chực chờ rơi xuống đất.
Đơn vị quản lý nhà hát đã dựng bảng cảnh báo nguy cơ vật rơi phía trên, cấm người ra vào khu vực này. Đồng thời dựng dàn giáo để chuẩn bị thi công, sửa chữa.
Ông Phạm Quốc Toản, Giám đốc Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo, cho biết hệ thống gỗ la phông ở dự án này được cố định bằng đinh vít và kết nối với mái tôn lợp trên cùng bằng giàn sắt.
Cũng theo ông Toàn, nguyên nhân một số tấm bị bung ra và rơi xuống đất là do mái tôn che phía trên bị bão thổi bay, khiến cho nước tràn vào làm lỏng đinh vít.
"Tôn lợp ở trên cùng là loạt đặc chủng, chúng tôi mới đặt được hàng đưa về và đang tiến hành sửa chữa" - ông Toản cho biết. (danviet.trithuccuocsong.vn 20/2)
5. Tuần tới kiểm định mức độ an toàn công trình nhà máy thủy điện Rào Trăng 3
Dự kiến ngày 24/2 tới, đoàn cán bộ Trung tâm Kiểm định thuộc Trường Đại học Thủy lợi (Hà Nội) sẽ vào hiện trường Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế để đánh giá mức độ an toàn của công trình này.
Các bước kiểm định sẽ được thực hiện trong vòng 45 ngày. Sau đó, đơn vị kiểm định sẽ gửi kết quả lên Bộ Công thương để xem xét, quyết định cho phép chủ đầu tư tiếp tục xây dựng những hạng mục tại đây nữa hay không.
Theo ông Lê Văn Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3, đơn vị kiểm định sẽ ưu tiên kiểm tra trước công trình đập dâng để phục vụ cho công tác tìm kiếm (giai đoạn 4) thi thể 11 công nhân đang mất tích.
Theo thiết kế, đập dâng thuỷ điện dài khoảng 150m, cao 30m, hiện đã thi công khoảng 28m. Nếu được cơ quan chức năng cho phép tiếp tục xây dựng, khối lượng thi công còn lại của đập khoảng 4.000m3 bê tông, thời gian hoàn thành khoảng 2 tháng. Đến đầu tháng 7 năm nay sẽ tiến hành ngăn nước phục vụ cho công tác tìm kiếm thi thể các nạn nhân còn mất tích.
Ông Lê Văn Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3 cho biết: “Kiểm định thì đánh giá chất lượng, khoan kiểm tra chất lượng bê tông, chất lượng địa chất. Bộ Công Thương yêu cầu chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn độc lập để kiểm định lại chất lượng công trình để sau này mưa gió có sạt lở nữa không, có đảm bảo trong tương lai không.”
Trước đó, ngày 12/10 năm ngoái, tại khu vực nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 đang trong quá trình xây dựng đã xảy ra sạt lở núi kinh hoàng, vùi lấp toàn bộ khu nhà điều hành, làm 17 công nhân mất tích. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến nay lực lượng chức năng mới tìm thấy 6 thi thể nạn nhân.
Giai đoạn 4 của quá trình tìm kiếm phụ thuộc vào việc hoàn thiện đập dâng ngăn nước phía thượng nguồn của sông Rào Trăng, từ đó làm khô đoạn sông để các lực lượng cứu nạn tìm kiếm nạn nhân./. (vov.vn 19/2)
6. Phải làm rõ và xử lý nghiêm khắc
Không nên chỉ dừng lại ở ý kiến phản ánh nữa, mà công luận khẩn thiết đề nghị chính quyền, công an phải vào cuộc, phải điều tra làm rõ và xử lý nghiêm khắc các đối tượng đã thực hiện hành vi đầy phản cảm kia...
Thể dục…khai trương đầu năm, tôi chọn con đường quen ven sông Hương, từ giáp đường Lê Lợi ở đầu cầu Ga, vòng sau Nhà hát sông Hương của Học viện Âm nhạc Huế rồi tuốt lên cầu đi bộ gỗ lim. Tôi thường chọn tuyến đường ấy đơn giản là vì nó quá đẹp, quá trong lành, nay lại thêm đang còn rực rỡ muôn hồng ngàn tía của các sắc hoa tết, dập dìu các chị các em xúng xính xiêm y đến check-in rộn ràng. Tội gì gì không chọn mà đi thể dục để nạp đầy năng lượng đầu năm…
Nhưng rồi, ngay từ đầu đường, cảnh xót lòng đã đập vào mắt. Đó là cảnh những chiếc bàn tròn bằng đá granito gắn đều theo tuyến lan can mềm mại dọc con đường dạo phía sau Nhà hát sông Hương đã bị những kẻ vô lương nào đó phá vỡ, băm nát, có đoạn dài mấy chục mét, những chiếc bàn tròn xinh xẻo kia đã mất vết đồng loạt; là những chiếc ghế đá công viên bằng đá granit tự nhiên, đen nhánh, sang trọng để mọi người có thể đến đấy ngồi nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng cảnh đẹp của sông Hương, của Huế cũng cùng chung số phận(!??)
Trước đây chưa lâu, đi bộ ngang qua tôi cũng từng chứng kiến hiện tượng này. Nhưng đấy chỉ là một vài chỗ vỡ cạnh mép bàn; một thanh tựa lưng của chiếc ghế đá bị rơi gãy. Lúc đó, cứ nghĩ rằng do chất lượng công trình không đảm bảo, do chiếc ghế kia được vô mộng, dán keo/xi măng bị lỗi sao đó, nên mới ra cơ sự. Có lẽ đơn vị thi công sẽ sớm sửa chữa (nếu còn bảo hành), hoặc nữa thì cơ quan quản lý cũng sẽ sớm khắc phục.
Nhưng chỉ không lâu sau đó, một ý kiến của bạn đọc Bùi Ngọc Quỳnh gửi về Tòa soạn ngay trước tết, đọc nội dung và hình ảnh đính kèm, mới thấy đó là sự cố tình của những kẻ vô ý thức. Thế nên tết xong, “khai trương” đi bộ thể dục, tôi chọn tuyến đường trên cũng nhằm chủ đích để xem sự thể nó đến thế nào? Và cảnh tượng đập phá phải nói là hết sức đau lòng, hết sức hệ thống.
Không nâng quan điểm, nhưng không thể nói khác hơn rằng đó là một sự phá hoại có chủ đích!
Và cũng không nên chỉ dừng lại ở ý kiến phản ánh nữa, mà công luận khẩn thiết đề nghị chính quyền, công an phải vào cuộc, phải điều tra làm rõ và xử lý nghiêm khắc các đối tượng đã thực hiện hành vi đầy phản cảm kia. Những hành vi không còn chỉ là phá hoại của công, mà còn làm thương tổn hình ảnh đô thị Huế, thương tổn hình ảnh con người Huế- những hình ảnh mà cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng vốn dĩ lâu nay vẫn chăm chút, vun đắp với tất cả trách nhiệm và lòng tự trọng, tự hào của con người và vùng đất! (baothuathienhue.vn 19/2)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Thắt chặt vòng ngoài, khóa kỹ vòng trong, kiểm soát vòng giữa
Chiều 19/2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt phương châm thắt chặt từ vòng ngoài (các vùng có dịch), khóa kỹ vòng trong (khu cách ly), kiểm soát vòng giữa (khu vực dân cư, cơ sở sản xuất kinh doanh) là “trạng thái mới” trong quản lý hoạt động xã hội.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã phát đi thông điệp kêu gọi nhân dân toàn tỉnh cảnh giác cao độ với dịch bệnh, tự giác và nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với sức khỏe bản thân và cộng đồng trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt phương châm thắt chặt từ vòng ngoài (các vùng có dịch), khóa kỹ vòng trong (khu cách ly), kiểm soát vòng giữa (khu vực dân cư, cơ sở sản xuất kinh doanh) là “trạng thái mới” trong quản lý hoạt động xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi người dân thực hiện đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, ở nơi công cộng; hạn chế tập trung đông người; các tiệc cưới hỏi, hiếu hỉ nếu tổ chức cần có số lượng hạn chế; không mời khách đi qua, hoặc về từ các địa phương có dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng kêu gọi mọi người tự giác khai báo và cung cấp thông tin phát hiện người đi qua hoặc về từ các địa phương có dịch tại cơ sở y tế địa phương theo thông báo của UBND tỉnh để được xét nghiệm và hỗ trợ y tế cần thiết. Tất cả công dân trên địa bàn cần cài đặt Hue-S và quét QR điểm đến để giám sát dịch tễ cộng đồng.
Hiện số lượng người về Huế rất đông, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương nắm rõ lượng công nhân trở lại làm việc, học sinh - sinh viên trở lại học tập. Có kịch bản để đón số người này trở về địa phương an toàn và giải pháp phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch; nơi cách ly tập trung phải tuyệt đối nghiêm ngặt, tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Sở y tế tổ chức phương án dự phòng, rà soát lại cơ sở vật chất y tế, lực lượng, phương tiện, trang bị, hậu cần có thể tầm soát trên diện rộng, quy mô lớn để sẵn sàng khi xảy ra tình huống. (baothuathienhue.vn 19/2)
2. Cảnh giác trước những thông tin sai sự thật về dịch Covid – 19
Vừa qua trên cả nước, liên tiếp xảy ra các vụ việc tung tin giả, làm giả mạo văn bản của nhà nước, thông tin sai sự thật về dịch Covid – 19. Những thông tin này không chỉ gây hoang mang trong cộng đồng, xáo trộn các hoạt động xã hội mà còn ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống dịch của cả nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng. Cùng với việc xử lý nghiêm các đối tượng thông tin thất thiệt của các cơ quan chức năng thì bản thân mỗi người dân cũng cần hết sức cảnh giác trước những thông tin chưa được kiểm chứng. (trt.com.vn 19/2)
3. Thừa Thiên Huế kích hoạt lại đồng bộ hệ thống khai báo y tế
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý khai báo y tế và giám sát người dân ngoài tỉnh về lại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo thuận lợi cho người dân và đảm bảo công tác phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Công văn số 1346 yêu cầu kích hoạt đồng bộ hệ thống khai báo y tế trên địa bàn tỉnh. (trt.com.vn 19/2)
4. Giám sát chặt chẽ những người đến TT Huế sau Tết Nguyên đán
Chủ trì cuộc họp giao ban công tác phòng chống dịch Covid – 19 của tỉnh diễn ra vào chiều nay, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ, tổ chức khai báo y tế cho những người đến TT Huế sau Tết nguyên đán, nhất là những người làm việc tại các nhà mày, xí nghiệp, công trình xây dựng, sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn. (trt.vn 19/2)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư
- Để đáp ứng các tiêu chí kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) theo quy định của Chính phủ, Ban Quản lý KKT, công nghiệp tỉnh và các nhà đầu tư (NĐT) hạ tầng đã và đang triển khai xây dựng các nhà máy xử lý nước thải (XLNT) quy mô lớn.
Đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp
KCN Tứ Hạ (giai đoạn 1) do Công ty CP Hello Quốc tế Việt Nam làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật (HTKT) KCN. Hiện HTKT đã hoàn thành và đảm bảo các tiêu chí xúc tiến kêu gọi các NĐT thứ cấp vào sản xuất kinh doanh. Đến nay, đã có 2 dự án (DA) vào đầu tư sản xuất, đó là nhà máy sản xuất mũ và túi sách du lịch của Công ty TNHH JOINTWELL Việt Nam và Công ty Dược phẩm Hera.
Theo Giám đốc DA hạ tầng KCN Tứ Hạ, Công ty CP Hello Quốc tế Việt Nam Võ Anh Tuấn, sau khi hoàn thiện hạ tầng, DN tiếp tục đầu tư hệ thống XLNT tập trung nhằm đảm bảo các tiêu chí kêu gọi NĐT thứ cấp.
Theo quy hoạch, nhà máy XLNT KCN Tứ Hạ có công suất 3.500m3/ngày đêm, diện tích 2,44ha. Năm 2020, công ty đầu tư giai đoạn 1 với MODUN 1, công suất 1.000m3/ngày đêm, kinh phí trên 17 tỷ đồng. DA đã hoàn thành công suất 500m3/ngày đêm và đang triển khai xây dựng thêm công suất 500m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trước 30/6/2021, đáp ứng nhu cầu xả thải cho các DN trong KCN.
KCN Phong Điền - Viglacera có tổng diện tích hơn 284ha, đây là KCN thứ 3 được khởi công vào năm 2015 tại huyện Phong Điền, với tổng mức đầu tư 681 tỷ đồng. Theo quy hoạch, KCN Viglacera là KCN hỗn hợp đa ngành, công nghệ cao, hướng tới các ngành công nghiệp ít gây ô nhiễm như công nghiệp điện, thủy sản, dệt may, vật liệu xây dựng…
Cùng với việc đầu tư xây dựng HTKT trong KCN, đầu năm 2021, Tổng Công ty Viglacera đã hoàn tất các thủ tục chuẩn bị xây dựng nhà máy XLNT tập trung công suất 2.000m3/ngày đêm, kinh phí 32 tỷ đồng. Dự kiến, các hạng mục sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành vào tháng 6/2021, đáp ứng nhu cầu xả thải cho các DN sản xuất kinh doanh tại KCN Phong Điền.
Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng tài nguyên môi trường, Ban Quản lý KKT, công nghiệp tỉnh - ông Trần Xuân Học cho rằng, hiện KCN Phú Bài 1,2 đã có nhà máy XLNT tập trung công suất 6.500m3/ngày đêm, đang nâng cấp từ cột B (tiêu chuẩn nước thải KCN) lên cột A; KCN Phú Bài 3,4 (đợt 1) giai đoạn 1 đấu nối vào nhà máy XLNT của KCN giai đoạn 1,2; KCN Phú Bài 4 (đợt 2) sẽ triển khai xây dựng nhà máy XLNT mới để xả thải cho các DN hoạt động tại đây.
Tại KKT Chân Mây - Lăng Cô, hiện đã hoàn thành DA nhà máy XLNT tập trung công suất 4.900m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng. Hiện, các DN chỉ mới xả thải khoảng 300- 500m3/ngày đêm.
Theo ông Học, trong số 6 KCN, 4 KCN có nhà đầu tư hạ tầng đã và đang triển khai đầu tư xây dựng nhà máy XLNT, 2 KCN còn lại là Quảng Vinh và Phú Đa do chưa kêu gọi được NĐT hạ tầng nên chưa đầu tư xây dựng nhà máy XLNT, song đa số các DN sản xuất tự đầu tư hệ thống XLNT riêng. Giai đoạn trước mắt, hệ thống XLNT tại các KKT, KCN cơ bản đáp ứng được nhu cầu thoát nước thải cho các DN, đồng thời đáp ứng quy định của Chính phủ về thu hút đầu tư.
Nỗ lực hoàn thiện hạ tầng
Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 KCN và KKT Chân Mây - Lăng Cô với tổng diện tích quy hoạch đến năm 2020 là 3.050ha. Đến nay, đã thu hút được 9 DA đầu tư hạ tầng tại 4 KCN Phú Bài, Phong Điền, La Sơn, Tứ Hạ, và KKT Chân Mây - Lăng Cô, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 5.185 tỷ đồng.
Hiện, các NĐT hạ tầng KCN đã triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các hạng mục HTKT phục vụ kêu gọi thu hút các DA đầu tư thứ cấp. Trong đó, KCN Phú Bài đã đầu tư xây dựng hoàn thiện HTKT giai đoạn 1, 2 diện tích 185 ha; KCN Phong Điền đã giải phóng mặt bằng hơn 302 ha, triển khai đầu tư hạ tầng khoảng 175 ha; KCN Tứ Hạ đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 35 ha; KCN La Sơn đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 78,8 ha, xây dựng HTKT khoảng 34,8 ha; KKT Chân Mây - Lăng Cô đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng 119 ha và triển khai đầu tư HTKT khoảng 68 ha.
Trưởng Ban Quản lý KKT, công nghiệp tỉnh Lê Văn Tuệ cho rằng, năm 2021 Ban tập trung thu hút các DA công nghiệp quy mô lớn, tạo sức lan tỏa, thu hút các dịch vụ hỗ trợ du lịch, DA công nghiệp hỗ trợ; trong lĩnh vực dệt may, sản xuất lắp ráp ô tô, đẩy nhanh công tác hoàn thiện hạ tầng. Tiếp tục hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả các NĐT đang triển khai DA, các DN sản xuất kinh doanh nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách, đồng thời hình thành hệ thống các KCN gắn với phát triển các đô thị, có vai trò dẫn dắt sự phát triển công nghiệp của tỉnh.
Đối với KKT Chân Mây - Lăng Cô, phát triển theo hướng nhanh và bền vững, tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư. Năm 2021, phấn đấu thu hút từ 10 - 12 DA thuộc lĩnh vực công nghiệp, du lịch, hạ tầng KCN, khu phi thuế quan và khu đô thị, công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực dệt may, điện tử, ô tô... với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch năm 2020. Trong đó, phấn đấu nâng tỷ lệ lấp đầy các KCN Phú Bài, Phong Điền bình quân đạt trên 45%, các KCN còn lại trên 25%; tập trung kêu gọi các NĐT hạ tầng cho KCN Phú Đa, Quảng Vinh, La Sơn và Khu A KCN Phong Điền. (baothuathienhue.vn 20/2)
2. Điều chỉnh lộ trình xe buýt Phương Trang hợp lý
Sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh lựa chọn dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt không trợ giá trên địa bàn giai đoạn 2020-2030, Công ty CP Xe khách Phương Trang Futabuslines (Công ty Phương Trang) đã trúng thầu đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt nội tỉnh vào đầu tháng 9/2020.
Tuy nhiên khi đưa vào hoạt động lộ trình các tuyến trên đã bộc lộ những bất cập, trong đó tuyến Huế - Phong Điền (BX phía nam TP. Huế - Phong Điền) - một tuyến có lộ trình dài nhất trong tỉnh của xe buýt Phương Trang chạy không dừng đỗ tại các trạm không theo nếp cũ của xe buýt trước đây làm xáo trộn công việc, học tập của nhiều người dân sử dụng phương tiện này.
Thực trạng này Báo Thừa Thiên Huế đã phản ánh trong số 8118 ra ngày 20/1/2020 và Thừa Thiên Huế Online ngày 21/1/2020. Đáng mừng là sau khi Báo Thừa Thiên Huế phản ánh thực trạng trên, các sở, ban, ngành đơn vị liên quan đã khảo sát thực tế và kịp thời đề xuất UBND tỉnh ra quyết định thống nhất điều chỉnh.
Cụ thể tuyến BX phía nam TP. Huế-Phong Điền với lộ trình trước đây là: BX phía nam TP. Huế - An Dương Vương - Hùng Vương - Bà Triệu - Lê Quý Đôn - Hà Nội - cầu Phú Xuân - chợ Đông Ba - Trần Hưng Đạo - Lê Duẩn - Lý Thái Tổ - BX phía bắc TP. Huế - QL1A - chợ An Lỗ - BV Trung ương Huế (cơ sở 2) - Phong Điền và ngược lại.
Nay tuyến này đã điều chỉnh thành: BX phía nam TP. Huế - An Dương Vương - Hùng Vương - Bà Triệu - Lê Quý Đôn - Đống Đa - Nguyễn Huệ - Lê Lợi - cầu Phú Xuân - chợ Đông Ba - Trần Hưng Đạo - Lê Duẩn - Lý Thái Tổ - BX phía bắc TP. Huế - QL1A - chợ An Lỗ - BV Trung ương Huế (cơ sở 2) - Phong Điền và ngược lại.
Ngoài ra, tuyến xe buýt BX phía nam TP. Huế - BX phía bắc TP. Huế trước đây chạy theo lộ trình: BX phía nam TP. Huế - An Dương Vương - Hùng Vương - Lê Lợi - Ga Huế - Bùi Thị Xuân - cầu Dã Viên - Lý Thái Tổ - BX phía bắc và ngược lại. Nay được điều chỉnh: BX phía nam TP. Huế - An Dương Vương - Hùng Vương - Bà Triệu - Lê Quý Đôn - Đống Đa - Nguyễn Huệ - Lê Lợi, cầu Phú Xuân - chợ Đông Ba (Trần Hưng Đạo) - Lê Duẩn - Lý Thái Tổ - BX phía bắc TP. Huế và ngược lại.
Tuyến Huế - Vinh Thanh trước đây chạy theo lộ trình: BX phía nam TP. Huế - An Dương Vương - Hùng Vương - Nguyễn Huệ - Lê Hồng Phong - Đống Đa - Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Nguyễn Sinh Cung - QL49B - Thuận An - An Dương - Phú Hải - Phú Diên - Vinh Xuân - Vinh Thanh và ngược lại. Nay đã điều chỉnh là: BX phía nam TP. Huế - An Dương Vương - Hùng Vương - Nguyễn Huệ - Lê Lợi - cầu Phú Xuân - chợ Đông Ba (Trần Hưng Đạo) - cầu Phú Xuân - Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Nguyễn Sinh Cung - QL49B - Thuận An - An Dương - Phú Hải - Phú Diên - Vinh Xuân - Vinh Thanh và ngược lại.
Việc điều chỉnh lộ trình các tuyến nói trên hiện nay được người dân đồng tình, hưởng ứng vì chấm dứt trình trạng lộn xộn, chồng chéo giữa các tuyến và giảm thêm một chi phí đi lại khi chọn loại hình xe buýt công cộng này. (baothuathienhue.vn 19/2)
3. Tập trung khắc phục đường Tây đầm Lập An
Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trước mắt cũng như đề xuất đầu tư sửa chữa tuyến đường Tây đầm Lập An (Lăng Cô, Phú Lộc) nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Đưa vào sử dụng hơn 10 năm, đường Tây đầm Lập An (đường Trịnh Tố Tâm) sau trận bão cuối năm 2020 xuống cấp nghiêm trọng nhiều đoạn trên tuyến. Đường Tây đầm Lập An nằm trên địa bàn thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) dài hơn 10km. Đây là tuyến đường được sử dụng nguồn vốn dư từ dự án hầm đường bộ Hải Vân để đầu tư xây dựng, với tổng trị giá 108 tỷ đồng, sau khi hoàn thiện công trình được giao cho Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh quản lý và vận hành.
Tuyến đường xây dựng đã kết nối giao thông, giải quyết nhu cầu đi lại của bộ phận dân cư phía tây thị trấn Lăng Cô (thôn Hói Mít, Hói Dừa) cũng như tạo cảnh quan phát triển du lịch khu vực đầm Lập An. Tuy nhiên, sau các trận mưa bão liên tiếp vào cuối năm 2020, nhiều đoạn nền đường, mái ta luy, lan can bị đánh sập, gây mất an toàn giao thông.
Ghi nhận của phóng viên, tuyến đường chạy men theo bờ đầm phá khoảng 10km xuất hiện khoảng chục điểm sạt trượt taluy, nứt nẻ nền đường. Nhiều đoạn xuất hiện hố sâu sụt xuống kéo theo dãy lan can đường trôi tuột xuống bờ phá. Đặc biệt, tại cầu Hói Dừa (KM12+351) xuất hiện tình trạng xói lở mố cầu bên phải, tạo hố sâu. Ngay cạnh mố cầu xói lở, hoạt động tập kết, khai thác cát gần đó cũng ảnh hưởng, gây hư hỏng nặng thêm cho mố cầu này.
Ông N.Đ.H, một hộ dân sống gần khu vực cầu cho biết, nhiều năm nay, tuyến đường Tây đầm Lập An không chỉ phục vụ nhu cầu dân sinh cho hàng trăm hộ dân khu vực Hói Mít, Hói Dừa, phục vụ nhiều hộ kinh doanh khu vực ven đầm mà con góp phần quan trọng vào phát triển du lịch tại địa phương, tạo cảnh quan cho khu vực này.
“Trước đây, tuyến đường chỉ bị mất cắp lặt vặt vài thiết bị trên tuyến. Các trận bão cuối năm 2020 với sóng cao đã đánh sập nhiều đoạn ta luy, lan can, gây sạt lở nền đường. Đến nay, công tác khắc phục dứt điểm vẫn chưa được triển khai khiến nhiều hộ dân như chúng tôi đi lại khó khăn, nguy hiểm nhất là vào ban đêm”, ông N.Đ.H, cho biết thêm.
Theo Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng Khu kinh tế, công nghiệp (Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh), nguyên nhân tuyến đường hư hỏng là do các trận bão, lụt liên tiếp vào cuối năm 2020, nhất là cơn bão số 13 vừa rồi dưới tác động kép của gió trên đất liền vùng ven biển, kéo dài liên tục trong khoảng 20 giờ kết hợp thủy triều cao bất thường gây thiệt hại cho tuyến đường.
Ngay sau khi xuất hiện tình trạng xuống cấp, đơn vị quản lý triển khai công tác khắc phục nhằm đảm bảo an toàn giao thông tạm thời. Cụ thể, Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng Khu kinh tế, công nghiệp này đã cho giăng dây phản quang, đặt các điểm cảnh báo, báo hiệu, rào chắn tại những điểm hư hỏng, sạt trượt và tiến hành đổ đá dăm, vá tạm những điểm hư hỏng, sụt lún.
Ông Đặng Phúc Hiền, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh khẳng định, đến nay đơn vị này đã hoàn thiện thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư sửa chữa tuyến đường Tây đầm Lập An với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn khắc phục lụt bão.
Trong thời gian chờ UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tiến hành đổ đá nhiều điểm, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến. Dự kiến, sau khi được phê duyệt, công tác nâng cấp khắc phục tuyến đường sẽ được triển khai và hoàn thành trong 1 tháng. (baothuathienhue.vn 20/2)
4. Thừa Thiên Huế đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số
Những năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế được xem là điểm sáng trong xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử, đây là những nền tảng cơ bản để tỉnh triển khai chương trình chuyển đổi số nhằm tạo ra thay đổi trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, hướng đến chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.Chiều nay, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ đã có buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông về chuyển đổi số. (trt.vn 19/2)