TIN NÓNG
1. Công viên, tài sản cần chung tay gìn giữ
Thời gian gần đây, người dân Huế và khách du lịch phần đông đều phấn khởi trước diện mạo đô thị Huế, nhất là khu trung tâm thành phố, các công viên đôi bờ sông Hương được chỉnh trang, nâng cấp… Tiếc thay, vẫn còn nhiều hình ảnh phản cảm cần được quan tâm, khắc phục.
Sáng sớm, có dịp đi dọc bờ Nam sông Hương, đoạn công viên Lê Lợi và đường ven sông Hương, phía sau Nhạc viện Huế, khách sạn La Residence, 5 Lê Lợi sẽ bắt gặp rất nhiều cảnh “nhức mắt”: nhiều rác thải, vỏ đồ ăn thức uống, đồ nhậu dư thừa từ đêm trước để lại… Chưa biết đích xác những ai đã xả rác một cách vô lối như vậy, nhưng có thể hiểu không phải do khách du lịch từ phương xa mang tới.
Thỉnh thoảng lại thấy những thùng rác trong công viên, dọc đường đi bộ bên sông Hương bị ai đó xô đổ, rác vãi tứ tung, bốc mùi khó chịu lúc ban mai vừa rạng; không ít thùng rác còn mới nhưng đã bị cạy lấy nắp, làm biến dạng thân thùng.
“Xót” hơn nữa, một vài ghế đá granit đen thuộc dạng “sang” dọc công viên đã bị ai đó đang tâm làm cho “chẹp bẹp”; khung “bàn tròn” được đúc bằng bê-tông trang trí dọc lan can đường đi dạo thật đẹp dọc bờ Nam sông Hương, đoạn phía sau Nhạc viện Huế, cũng bị phá hỏng một cách không thương tiếc. Làm những việc này, ai đó đã cố ý và phải dùng đến phương tiện khá “nặng tay” mới thực hiện được. Giả sử chất lượng công trình có kém, cũng không dễ xập xệ dễ dàng, nhanh chóng đến vậy?
Việc xả bậy rác thải trong công viên là điều không đẹp, không nên. Nó thuộc về ý thức công dân, nhưng việc làm hư hại ghế đá công viên và lan can dọc đường đi dạo ven sông Hương là có dấu hiệu phá hoại tài sản công. Những hành vi gây hại như vậy cần sớm làm rõ đối tượng, xử lý thích đáng để bảo vệ tài sản chung, nhất là cảnh quan đôi bờ sông Hương. Công viên, tài sản trong công viên là tài sản công, mọi người cần có trách nhiệm, chung tay, chung ý thức gìn giữ để cùng hưởng lợi.
Mờ sáng, đèn công viên chưa tắt, gặp một nữ công nhân thuộc Trung tâm Công viên cây xanh Huế đang dựng sửa lại vị trí thùng rác bị hất đổ trước đó và lượm lại rác cho vào thùng, tôi làm quen, hỏi : “Vì sao, ai lại thường lật đổ các thùng rác?”.“Thanh niên choai choai!”, chị trả lời trong khi vẫn làm việc.
“Biết đâu, có thể, cả một số người “ve chai” đi làm sớm, trước các chị?”. Chị gật đầu, tỏ ý đồng tình và “tố” thêm: “ Có người đi bộ thể dục sớm, lợi dụng nhổ trộm hoa công viên về trồng ở nhà mình”. Vâng. Có thể cả những người đi bộ thể dục buổi sáng qua đây cũng “góp phần” để lại rác không đúng quy định.
“Vậy, những ai làm hư hại lan can, ghế đá công viên kia?”. Chị lặng lẽ làm việc. Còn tôi, không biết sẽ hỏi ai.
Vậy, tổ chức Đoàn thanh niên, chính quyền các phường, và các lực lượng chức năng khác trên địa bàn nên cùng vào cuộc để sớm chấm dứt những cảnh “nhức mắt”, “đau lòng” đã và đang diễn ra ở công viên bờ Nam sông Hương; để sông Hương, để Huế thực sự là thành phố di sản đẹp cảnh, đẹp người. (baothuathienhue.vn 18/02)
2. Huế: Nhà hát gần 200 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng
Phần trần mái của nhà hát lớn nhất Huế vừa đưa vào sử dụng chưa đầy 1 năm đã xuất hiện sự bong tróc.
Nhà hát Sông Hương nằm ở số 1, đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh (TP.Huế), ngay tại ngã ba sông An Cựu đối diện và sông Hương bao quanh, chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 3/2020. Với thiết kế quy mô 1.000 chỗ ngồi (tầng một: 700 chỗ và tầng hai: 300 chỗ), nơi đây được kỳ vọng là địa điểm phục vụ các hoạt động văn hoá không chỉ của Huế, mà còn của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên, cũng như các hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật mang tầm quốc tế.
Nhà hát Sông Hương được đầu tư gần 200 tỷ đồng, chính thức đưa vào hoạt động vào cuối tháng 3/2020.
Không chỉ vậy, với kiến trúc được thiết kế độc đáo, thời điểm đưa vào hoạt động, nhà hát này là điểm nhấn của không gian ven sông Hương thơ mộng và trở thành niềm tự hào của người dân TP.Huế về một công trình mang đẳng cấp quốc tế.
Thế nhưng, chưa đầy một năm đưa vào sử dụng, hình ảnh về sự bong tróc ở hạng mục trần mái, ngay bên ngoài của nhà hát đã khiến không ít người hoài nghi về chất lượng của công trình.
PV Người đưa tin Pháp luật nhận được phản ánh về sự bong tróc, xuống cấp này ngay trong những ngày Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021. Người phản ánh cho hay, nhà hát nằm ngay cạnh sông Hương, dọc con đường đi bộ nên những hình ảnh bong tróc này đập ngay vào mắt của người dân, du khách trông rất phản cảm.
Ghi nhận của PV, rất nhiều thanh gỗ trần mái phía ngoài nhà hát đã bị bong, bung để lộ nhiều lỗ hổng ở hạng mục này. Không những vậy, nhiều điểm khác bắt đầu xuất hiện vết nứt, có dấu hiệu chuẩn bị bung tróc rất nguy hiểm.
Theo tìm hiểu, nhà hát Sông Hương là công trình thuộc Học viện Âm nhạc Huế được khởi công vào năm 2017 với tổng vốn 198 tỷ đồng. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm chủ đầu tư.
Ngay sau khi ghi nhận thực tế, PV đã đưa tình trạng trên phản ánh đến ông Trần Ngọc Quang, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên. Ông Quang thông tin, đã nắm tình trạng này và cho biết nguyên nhân là do ảnh hưởng của mưa bão vừa qua nên mái nhà hát bị nước mưa chảy vào phần trần gỗ dẫn đến hiện tượng bong tróc.
Đại diện chủ đầu tư cũng cho hay, hiện vật liệu “đặc chủng” phần mái đã được đưa về Huế, công trình vẫn trong thời gian bảo hành nên ra Tết đơn vị thi công sẽ tiến hành khắc phục. (nguoiduatin.vn 19/02)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Thừa Thiên Huế: Đón Xuân Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn
Với sự chuẩn bị chu đáo, Thừa Thiên Huế đã thực hiện đúng chủ trương phục vụ nhân dân đón năm mới và Tết cổ truyền Tân Sửu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm gắn với chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, người có công và các đối tượng xã hội,... qua đó tạo không khí phấn khởi trong toàn thể nhân dân.
Thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về việc tặng quà cho các đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước, của tỉnh và tại địa phương. Từ 16/2 đến mồng 5 Tết, Thừa Thiên Huế đã tổ chức triển khai thực hiện chế độ chính sách và trao 182.211 suất quà với tổng số tiền 63,066 tỷ đồng để hỗ trợ cho người có công và các đối tượng xã hội khác.
UBND tỉnh cũng thực hiện các biện pháp bảo đảm cung - cầu hàng hóa; thực hiện các biện pháp điều hành giá cả, kiểm tra, kiểm soát và bình ổn giá cả thị trường. Trong đó đã chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng cường công tác dự trữ hàng hóa; chủ động, tích cực tìm thêm nhiều nguồn cung cấp hàng hoá phong phú, đa dạng, chú trọng đến việc phát triển sản xuất hàng hóa địa phương, tạo ra mối liên kết bền vững, kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định giữa các nhà phân phối lớn (Big C, Co-op Mart,Vin Mart…) với các nhà sản xuất, doanh nghiệp địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, phân phối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia sản xuất, kinh doanh hàng hoá, tham gia bình ổn thị trường, tổ chức các hoạt động khuyến mại, đưa hàng Việt về nông thôn đảm bảo về số lượng, chất lượng, chủng loại và vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Ngay từ giữa tháng 12/2020, các doanh nghiệp, các chợ, các cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn xây dựng kế hoạch tăng cường dự trữ hàng hóa, tích cực tìm kiếm thêm nguồn cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng được tăng cường trong dịp Tết với sự chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường của các địa phương và lực lượng chức năng đã góp phần duy trì sự ổn định của thị trường trên địa bàn tỉnh...
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng xuân Tân Sửu 2021 tại TP. Huế và các địa phương được tổ chức phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo dừng một số hoạt động tập trung đông người trong dịp tết như bắn pháo hoa đêm Giao thừa tại TP.Huế và huyện Phú Lộc; chương trình nghệ thuật đón năm mới tại Huế và các địa phương...; chỉ đạo các đơn vị, địa phương không tổ chức các hoạt động lễ hội tập trung đồng người sau Tết (bắt đầu từ ngày 16/2 – mồng 5 Tết); tăng cường thời lượng tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhất là thực hiện các biện pháp trong phòng chống lây lan của dịch bệnh tại các cơ quan, các điểm di tích, bảo tàng, các đơn vị thể thao; hạn chế mức tối đa việc tập trung nhiều người, thực hiện thông điệp “5K” trong tổ chức phòng chống dịch.
Một số hoạt động đã được tổ chức trước và trong Tết nổi bật đó là Hội Báo Xuân Tân Sửu 2021 với chủ đề “Báo chí tiếp tục đồng hành cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị” vào ngày 3/2. Trưng bày triển lãm chủ đề “Chào Tân Sửu 2021” tại 15 Lê Lợi, TP. Huế (do Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp với Nhóm Họa sĩ trẻ Huế thực hiện). Triển lãm “Phòng tranh mùa Xuân và con giáp” ngày 23 tháng Chạp tại Tạp chí Sông Hương. Hội Vui Xuân cùng với các hoạt động trưng bày, triển lãm các loại hoa, cây kiểng, đá nghệ thuật, đá quý; các tác phẩm thư pháp và sản phẩm thủ công mỹ nghệ diễn ra từ ngày 8/2 đến 16/2 (27 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) tại Bia Quốc học; công viên Lý Tự Trọng; công viên Thương Bạc, đường đi bộ hai bên sông Hương.
Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức các đợt triển lãm tại Đại Nội Huế và tổ chức chương trình Hương xưa bánh Tết tại sân điện Cần Chánh, Đại Nội, Huế phục vụ khách tham quan. Tổ chức lễ dựng Nêu, tặng chữ chúc Xuân tại khu vực Triệu Miếu, Thế Miếu và điện Long An... Đồng thời mở cửa miễn phí cho người dân tham quan di tích trong các ngày mồng 1-3 Tết. Các huyện, thị xã và TP. Huế đã chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19; căn cứ các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, các địa phương xem xét việc tổ chức các hoạt động văn hóa và thể thao phù hợp, đảm bảo quy định... (baotainguyenmoitruong.vn 18/02)
2. Cấp thẻ căn cước công dân: Mục tiêu hoàn thành trong quý II
Toàn tỉnh có hơn 900.000 người dân cần được cấp thẻ căn cước công dân (CCCD). Ngoài đồng loạt triển khai nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD cho người dân, Phòng Cảnh sát quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (CSQLHCVTTXH) Công an tỉnh nỗ lực cố gắng, đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu đặt ra sẽ hoàn thành việc cấp thẻ CCCD cho người dân trên địa bàn tỉnh trước ngày 1/7/2021.
Đẩy nhanh tiến độ
Thượng tá Hoàng Thị Mai, Trưởng phòng CSQLHCVTTXH Công an tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và từ ngày 1/1/2021 đã triển khai cấp CCCD cho các đối tượng ưu tiên là đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; lãnh đạo, công chức, viên chức các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lực lượng vũ trang; người có công trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện cấp thẻ CCCD, ngay trong những ngày đầu năm mới 2021, cán bộ, chiến sĩ Phòng CSQLHCVTTXH Công an tỉnh đã chia làm 3 ca từ sáng đến 22 giờ tối để phục vụ tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD. Thiếu tá Văn Viết Hiếu Trung, Đội trưởng Đội hướng dẫn, đăng ký, quản lý cư trú, cấp CMND/CCCD và các cán bộ, chiến sĩ thuộc đội đã thực hiện các bước, gồm: tra cứu thông tin công dân trên hệ thống, lấy vân tay, chụp ảnh chân dung để hoàn thiện hồ sơ.
“Dù rất bận rộn với công việc, nhưng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD luôn tận tình hướng dẫn người làm thủ tục nhanh chóng, thuận tiện. Do trong giai đoạn đầu dữ liệu đang được làm sạch nên mỗi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ vừa khuyến nghị, vừa nhắc nhở người dân khi đến làm hồ sơ cấp CCCD cần mang theo các giấy tờ như CMND, hộ khẩu, giấy khai sinh để đối chiếu, phục vụ việc cấp CCCD được chuẩn xác”, Thiếu tá Văn Viết Hiếu Trung chia sẻ.
Ngay từ khi triển khai thực hiện, quy trình này đã nhận được sự ủng hộ đồng tình của đông đảo người dân. Các tổ lưu động cấp thẻ CCCD thực hiện thu nhận thông tin cả trong và ngoài giờ hành chính, đảm bảo với tình hình của từng khu vực, địa bàn dân cư.
Ông Nguyễn Văn Nhàn, trú phường Vỹ Dạ, TP. Huế - một người dân làm thủ tục cấp thể CCCD chia sẻ: “Có nhiều loại giấy tờ cần thiết để được cấp thẻ CCCD chúng tôi không am hiểu hết. Tuy nhiên, được cán bộ công an hướng dẫn kỹ càng, nhiệt tình, nên chỉ sau một thời gian ngắn, tôi cũng đã hoàn thành xong các bước. Khó nhất là bước lăn tay, nhưng rồi cũng xong. Có thẻ CCCD tôi cũng như biết bao người dân yên tâm hơn trong giao dịch hành chính”.
Nhiều tiện ích
Thẻ CCCD gắn chíp có nhiều ưu điểm so với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay. Thẻ CCCD mới sẽ có 12 số với độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều thông tin của công dân hơn, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… Do đó, công dân chỉ cần mang theo CCCD gắp chíp mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính. Đồng thời, công dân cũng không còn tốn kém thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây do thẻ có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công và tư nhân.
“Việc tích hợp chíp điện tử trên thẻ CCCD đem lại sự tiện ích mỗi khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ. Dữ liệu trên chíp được truy cập ngay mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp. Vì thế, sẽ giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính”, Thượng tá Hoàng Thị Mai, Trưởng phòng CSQLHCVTTXH Công an tỉnh cho biết thêm.
Trước những thắc mắc của người dân, khi đã được cấp thẻ CCCD mới có gắn chíp thì giấy Chứng minh Nhân dân (CMND) còn giá trị sử dụng nữa không, Thượng tá Hoàng Thị Mai khẳng định: Thẻ CCCD gắn chíp được đưa vào sử dụng thì sẽ song song tồn tại với các loại giấy tờ tùy thân sau: CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch. Theo quy định của Luật CCCD năm 2014 và pháp luật hiện hành, công dân vẫn sử dụng được 3 loại thẻ nêu trên đến khi hết giá trị sử dụng ghi trên thẻ. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính tiến tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chúng tôi khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử.
Việc cấp thẻ CCCD mới được tiến hành theo 4 bước: Bước 1, điền vào tờ khai CCCD. Bước 2, xuất trình sổ hộ khẩu. Bước 3, chụp ảnh, lấy dấu vân tay. Bước 4, nhận giấy hẹn trả thẻ và đến lấy thẻ CCCD. Thời gian tới, người dân sẽ dùng thẻ CCCD có gắn chíp thay cho CMND. (baothuathienhue.vn 18/02)
3. Phong Hiền phấn đấu “lên” phường
Chung sức, chung lòng nâng cao chuẩn các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng đến xây dựng lên phường là nhiệm vụ quan trọng được các cấp ủy Đảng xã Phong Hiền (Phong Điền) chỉ đạo thực hiện.
Phát huy lợi thế
Thôn Sơn Tùng có 297 hộ dân với hơn 1.400 nhân khẩu chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Những năm qua, người dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển những vùng có chân ruộng thấp sang trồng sen, nuôi cá. Tính đến nay, thôn Sơn Tùng đã phát triển diện tích sen kết hợp nuôi cá lên 80ha.
Ông Hoàng Đô, người tiên phong đi đầu và có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng sen cho biết, so với cây lúa, cây sen cho thu hoạch gấp từ 5 đến 6 lần. Nhờ đó, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nâng cao thu nhập hộ gia đình.
Ông Phan Toàn, Trưởng thôn Sơn Tùng cho rằng, ngoài vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, xã, thôn cũng tạo điều kiện để người dân đi làm ăn xa. Tính đến nay, toàn thôn có 600 lao động đi làm ăn xa, trong đó có 5 lao động đi lao động tại Nhật Bản. Khi kinh tế gia đình các hộ dân khá giả, việc vận động người dân đóng góp xây dựng NTM càng thuận lợi hơn. Đến nay, thôn Sơn Tùng đã lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng 100% tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại. Từ năm 2015 đến nay, người dân cũng đã hiến 20.000m2 đất, nhiều ngày công để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn. Nhờ đó, bộ mặt thôn ngày càng khởi sắc.
Với lợi thế gần Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 11A, 11C, có chợ, nhiều hộ dân thôn An Lỗ (Phong Hiền) đã mạnh dạn đầu tư các ngành nghề như: mộc, cơ khí, gò hàn, vật liệu xây dựng….; đồng thời kinh doanh các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống. Đến thôn An Lỗ, dễ dàng nhận thấy bộ mặt đô thị đang dần hình thành.
“Nhờ phát huy lợi thế trong làm nghề, kinh doanh, buôn bán, đời sống người dân ngày càng đi lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người thôn An Lỗ đã đạt 40 triệu đồng/người/năm”, ông Nguyễn Quang Truyền, Bí thư Chi bộ thôn An Lỗ thông tin.
Hướng đến xây dựng lên phường
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phong Hiền nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 6 chương trình, dự án trọng điểm, đó là: Chương trình xây dựng đô thị; phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch; cải cách hành chính gắn với đào tạo nguồn nhân lực; dự án nâng cấp mở rộng chợ An Lỗ; xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đô thị; đầu tư xây dựng phát triển sản xuất, phát triển dân cư và kinh tế vùng cát.
Ông Trịnh Hữu Phước, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phong Hiền cho biết, để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chủ trương của Đảng ủy, chính quyền xã là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, thương mại - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp. Theo đó, sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng chợ An Lỗ, phát triển các hoạt động dịch vụ dọc Tỉnh lộ 9, 11A, 11C; đồng thời khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại, quán ăn, nhà nghỉ… ở khu vực Bắc Hiền, ngoài hàng rào khu công nghiệp Phong Điền. Mở rộng khu dân cư và dịch vụ ở khu vực Hưng Long-Thượng Hòa…; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, TTCN, nông nghiệp, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Bí thư Đảng ủy Phòng Hiền khẳng định: Phong Hiền đã và đang tập trung quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh phát triển đô thị gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. “Xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thương mại, dịch vụ-TTCN-nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp; đồng thời thực hiện tốt công tác chính sách bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Xây dựng xã Phong Hiền đạt đô thị loại V, phấn đấu trở thành phường trước năm 2025, góp phần xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã”, bà Quỳnh khẳng định. (baothuathienhue.vn 18/02)
4. Thừa Thiên Huế hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh
Sáng 18/2, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành hữu quan tham gia lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm (P. An Tây – TP. Huế) và hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025”; “Ngày Chủ nhật xanh”, nói không với rác thải nhựa.
Các ông: Lê Trường Lưu – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Quốc Đoàn - UVTW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Nam Tiến – UVTV, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Văn Phương – UVTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự và tham gia trồng cây.
Vượt qua tác động của thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tục, kéo dài, năm 2020, ngành lâm nghiệp tỉnh đã đạt được một số thành tựu nhất định khi trồng hơn 5.822 ha rừng (trong đó, 39 ha cây bản địa, 32,3 ha rừng ngập nước) và gần 0,8 triệu cây phân tán.
Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 9.925 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC và đã thành lập 24 Hợp tác xã lâm nghiệp bền vững. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ năm 2020 ước đạt khoảng 70 triệu USD; quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, ổn định độ che phủ rừng của tỉnh đạt 57,37%..., đồng thời, là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên cả nước.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh biểu dương những kết quả đạt được trong năm qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Phương cho biết, chính quyền và người dân toàn tỉnh đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Do đó, việc phục hồi và các giá trị cảnh quan thiên nhiên thông qua các hoạt động trồng cây gây rừng là rất cần thiết.
“Hưởng ứng mạnh mẽ phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động và “Ngày Chủ nhật xanh”, nói không với rác thải nhựa do UBND tỉnh phát động, mọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức quốc tế hãy chung tay, chung sức, đồng lòng, đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong việc trồng cây gây rừng; các địa phương phấn đấu trồng cây phân tán trong năm 2021 gấp 1,5 lần so với năm 2020; nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường, cây xanh và phát triển rừng tập trung; tăng cường ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép, chặt phá cây xanh ven đường…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Phương kêu gọi.
Sau lễ phát động, lãnh đạo tỉnh và các đại biểu đã trồng 100 cây thông Caribe tại Khu di tích Lịch sử Chín Hầm với mục tiêu góp phần xây dựng môi trường “Xanh - sạch – sáng”, xứng tầm với thành phố du lịch của cả nước, thành phố văn hóa ASEAN, đồng thời thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ… (baoxaydung.com.vn 18/02, baothuathienhue.vn 18/02, cand.com.vn 18/02)
VĂN HÓA
1. Cơm hến - Món ăn dân dã đặc trưng xứ Huế
Có một món ăn, chẳng phải cao lương mĩ vị, chẳng sang trọng bề thế, mà khiến bao trái tim hướng về. Cơm hến ngon nhất chỉ có ở Huế. Cơm hến tuy là món ăn dân dã có khắp mọi nơi dù ở thôn xóm hay đường quê, nghèo mà vẫn sang, đậm đà hương vị.
Nguyên liệu
Cơm hến - Món ăn dân dã đặc trưng xứ Huế
Nguyên liệu chính gồm: Hến tươi, mỡ heo tươi, mè, đậu phộng, cơm.
Rau thập cẩm, bao gồm: dọc mùng, rau thơm, bạc hà, ngò, khế, bắp chuối và thân cây chuối sứ còn non.
Gia vị: Ớt, ruốc, muối, gừng, dầu, bột ngọt, tiêu, hành, nước mắm.
Chế biến
Cơm hến - Món ăn dân dã đặc trưng xứ Huế
Bước 1: Hến tươi đem rửa sạch, cho vào luộc với nước sôi chừng 30 phút, thêm chút muối và vài lát gừng cho đậm vị và giữ mùi thơm của con hến. Xong vớt hến ra và giữ lại nồi nước luộc hến.
Bước 2: Hến được tách ra khỏi vỏ, đem xào với gia vị (tiêu, hành, nước mắm) và bún tàu (miến dong) cắt ngắn chừng vài ba phân.
Bước 3: Nấu cơm chín, bới ra, để nguội.
Bước 4: Chế biến gia vị ăn kèm: Mỡ heo xắt mỏng và nhỏ, đem lên rán cho vàng và chỉ lấy phần xác để dùng, gọi là tóp mỡ; Mè, đậu phộng rang chín và để nguội; Nấu vài ba muỗng dầu cho sôi, rồi bỏ ớt bột vào để làm thành ớt tương dầu; Xắt nhỏ và trộn tất cả các loại rau lại với nhau; Trộn ruốc tươi với một phần tư chén nước lọc hay nước sôi để nguội, khuấy đều.
Bước 5: Bày biện và thưởng thức
Thưởng thức
Cơm hến - Món ăn dân dã đặc trưng xứ Huế
Món ăn tuy đơn giản, nên hình thức trình bày cũng không tốn nhiều thời gian. Người ta cho rau thập cẩm vào tô, trộn với vài ba muỗng canh đầy hến xào. Chan nước luộc hến nóng vào tô. Nêm các loại gia vị chuẩn bị sẵn như tóp mỡ, muối, ruốc, mè, ớt và trộn đều. Cho cơm để nguội vào tô nước hến có đủ rau và gia vị. Bước này, có thể nêm nếm lại lượng gia vị cần thêm bớt cho hợp với khẩu vị của từng người.
Hít một hơi thật nồng nàn để cảm nhận hết cái hương vị "liêu trai" của cơm hến, với một chút... hít hà, và... ăn! Cơm hến cay nồng, vị cay xộc lên mũi, kích thích vị giác, đã ăn rồi lại muốn ăn nữa.
Dân Huế và những người yêu Huế xa quê, có tô cơm hến nằm ở một góc nào đó trong mớ hành trang của ký ức. Trên quê hương xứ người, với những món ăn tinh hoa truyền thống lừng lẫy của nhiều nước trên thế giới, cơm hến trở thành khiêm tốn và đơn sơ như là ngõ sau để ngó về Quê Mẹ. Cơm hến cũng như bà mẹ quê Việt Nam: chất phác và đơn sơ, nhưng không có một kỳ quan nào của vũ trụ này sánh được với trái tim của Mẹ. (dulich.petrotimes.vn 19/02)
2. Kho cổ vật có một không hai của 'ông trùm' xứ Huế
Có duyên với cổ vật, nhất là trang phục cung đình triều Nguyễn, anh Hoàng dành cả đời để đi tìm những giá trị xưa cũ.
Căn nhà ở số 10 (đường Nguyễn Sinh Cung, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) chứa hàng nghìn cổ vật. Để có tài sản vô giá này, anh Nguyễn Hữu Hoàng (47 tuổi, quê huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đã mất 30 năm để sưu tầm.
Anh Hoàng bắt đầu đam mê cổ vật từ khi mới 15, 16 tuổi.
“Đó là những năm tháng tôi chập chững bước vào con đường tìm hiểu cổ vật. Ban đầu, do tầm hiểu biết còn hạn hẹp nên tôi cũng chưa biết được cái nào là đồ cổ, tôi chỉ thấy thích chúng”, anh nói.
Nghỉ học phổ thông, anh Hoàng học nghề thợ khảm. Làm nghề độ 2-3 năm, anh thành thạo và kiếm ra tiền. Anh dốc tiền kiếm được mua những món đồ xưa cũ về chơi.
Anh mê đồ cổ đến mức, lúc khoảng 20 tuổi, bỏ xe đạp lên xe đò, anh ra TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) rồi đạp xe đến các huyện huyện Gio Linh, Cam Lộ… lên núi, xuống biển, từ làng này qua làng nọ để săn tìm. Thành quả sau mỗi chuyến đi, anh Hoàng thu được cả ba lô đồ cổ.
“Mua về, tôi ngồi phân loại. Cái gì bán được, tôi bán lấy tiền tái đầu tư và kinh phí đi lại. Một số đồ tôi giữ lại.
Mỗi vùng có một kiểu cổ vật khác nhau. Thời đó, đồ trong dân còn nhiều, đặc biệt các làng có người làm quan trong triều đình, còn lưu lại những đồ vật của cung đình xưa ban thưởng…”, anh Hoàng nói.
Sang Lào tìm mua đồ cổ
30 năm, anh Hoàng ngược xuôi đi tìm giá trị xưa, có cái mua được, có cái không mua được nhưng cũng tăng thêm kiến thức cho bản thân.
Đi quanh miền núi Khe Sanh, Lao Bảo… anh Hoàng tìm được những món đồ mà không nghĩ ở đó có như: Trang phục cung đình triều Nguyễn, gồm áo vua, áo quan đại thần, áo vị tướng…
"Chiếc hoàng bào này có liên quan đến câu chuyện lịch sử như cuộc bôn tẩu của vua Hàm Nghi cùng đoàn quần thần. Bây giờ chưa có gì chứng minh rõ ràng nên tôi chưa dám nói đó là áo của vua Hàm Nghi”, anh Hoàng chia sẻ.
Anh Hoàng kể tiếp, chiếc áo quý giá đó mua được từ già làng 92 tuổi ở bản Ka Túc, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị).
"Già làng nói rằng, những hiện vật này được thế hệ trước mua ở dưới làng Cùa (huyện Cam Lộ, Quảng Trị). Thông tin này phù hợp với sự kiện vua Hàm Nghi ra đóng quân đầu tiên ở Tân Sở. Khi bị lộ phải chạy đi, tôi nghĩ vua và các quan đại thần chỉ mặc thường phục, chứ không mặc áo rồng phụng để tránh bị lộ”, anh Hoàng cho hay.
Phát hiện được chiếc áo quý này, anh Hoàng nhờ những người trong làng thuyết phục, già mới bán.
Không giữ làm của riêng, anh chuyển nhượng 41 cổ vật cho Bảo tàng TP.HCM. Ngoài ra anh còn tặng thêm 9 đồ vật - là những trang phục vua, quan, cung nữ thời nhà Nguyễn… cho bảo tàng.
"Bảo tàng bảo quản lâu dài, có cách quảng bá tốt hơn và để công chúng thưởng ngoạn", anh nói.
Trong số hàng trăm câu chuyện quanh việc tìm kiếm, sưu tầm đổ cổ, hành trình qua nước bạn Lào để mua chiếc áo của một võ tướng triều Nguyễn cũng khiến anh Hoàng không thể quên.
Khoảng năm 2006, nghe thông tin tại bản người Lào sinh sống bên kia sông Sê Pôn lưu giữ chiếc áo cổ này, anh mang theo 40 triệu đồng, vượt sông Sê Pôn qua Lào để tìm mua. Tuy nhiên, khi gặp, chủ nhân chỉ cho xem chứ không muốn bán.
“Phải dùng nhiều cách thức, đi lại mấy lần, thuyết phục, cuối cùng họ mới đồng ý bán. Đến khi trả tiền xong, ôm áo lội sông về. Tối đó tôi rất sung sướng, đem áo ra xem cả đêm không ngủ được”, anh Hoàng kể.
Chuyện chờ cả gần chục năm trời để mua được một món đồ cổ không phải là câu chuyện hy hữu với anh Hoàng.
“Trong nghề này, tôi thấy cái cơ bản nhất vẫn là chữ "duyên" với cổ vật. Nếu không có duyên, đồ vật sẽ không tới", anh Hoàng nói. (vietnamnet.vn 19/02)
3. Bản tin Văn hóa - Du lịch ngày 18/2
Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa trình Thủ tướng ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo tồn cố đô Huế. (Video baothuathienhue.vn 18/02)
4. Đầu xuân thăm ngôi nhà vườn đặc sắc nhất xứ Huế
Ở Huế có hàng trăm ngôi nhà vườn độc đáo, nhưng nhà vườn An Hiên được xem là một trong những ngôi nhà vườn mẫu mực và đặc sắc nhất.
Bước vào nhà vườn An Hiên, nhiều người sẽ ngỡ ngàng bởi giá trị nghệ thuật kiến trúc, cũng như lịch sử các đời chủ nhân trong đó, có một phụ nữ từng là đại biểu Quốc hội và đã những năm tháng đấu tranh cho hòa bình, thống nhất ở Huế.
Men theo sông Hương, hướng lên phía Kim Long, nhà vườn An Hiên nằm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên (TP. Huế). Tổng thể ngôi nhà vườn nổi tiếng với diện tích hơn 6.000 m2 này hướng ra sông Hương, cách danh thắng cổ tự Thiên Mụ không xa.
Bước qua khỏi cánh cổng rêu phong cổ kính với vườn cây trái rợp lối đi, tiếp đó là bức bình phong, du khách sẽ gặp ngay ngôi nhà rường bằng gỗ nằm chính giữa theo thiết kế phong thuỷ tả-hữu, tiền-hậu đều có vật che chắn.
Được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 bởi chủ nhân Phạm Đăng Thập - vị quan dưới triều Nguyễn, đến năm 1934, nhà vườn An Hiên được Tuần phủ Nguyễn Đình Chi mua lại làm nơi sinh sống của gia đình mình. Khi ông qua đời, vợ ông là bà Đào Thị Xuân Yến vẫn tiếp tục sống và dày công kiến tạo khu vườn mang đặc trưng xứ Huế.
Bà Đào Thị Xuân Yến còn là một nhân vật lịch sử gắn liền với những năm tháng đấu tranh cho hòa bình, thống nhất ở Huế. Bà vốn người Bình Định, ra Huế học ở Trường nữ trung học Đồng Khánh, bị đuổi học vì tham gia bãi khóa, nhưng sau đó lại trở thành hiệu trưởng của chính ngôi trường này (1952-1955). Bà là người phụ nữ đầu tiên ở miền Trung đậu tú tài Tây, giỏi tiếng Pháp, biết tiếng Anh và chữ Hán. Bà từng là Phó Chủ tịch Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình TP. Huế, Ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên sau ngày thống nhất năm 1976.
Năm 1997, bà Đào Thị Xuân Yến qua đời. Những người thừa kế ở xa, không có cơ hội chăm sóc, nên ngôi nhà vườn cứ thế xuống cấp, hư hỏng, những hiện vật quý trong ngôi nhà cũng thất lạc.
Năm 2018, người thân trong gia đình đã quyết định “nhượng” lại ngôi nhà vườn đặc sắc ấy cho một công ty có trụ sở ở Hà Nội. Khi đó, nhiều người quan tâm lĩnh vực văn hoá đã không khỏi lo lắng rằng ngôi nhà vườn An Hiên sẽ bị chuyển đổi công năng, thương mại hoá, hoặc dùng cho một mục đích khác. Thế nhưng chủ nhân mới đã quyết định giữ nguyên và phục hồi giá trị ngôi nhà. Những hiện vật thất lạc bên trong ngôi nhà được chủ nhân cất công tìm lại, đưa về đặt ở vị trí cũ. Bên ngoài vườn, những gốc cây ngô đồng, bạch mai, hải đường, trà mi, thanh trà, xoài, măng cụt, hồng… cũng được chăm nom, tạo nên một ngôi vườn mộng mơ.
Chủ nhân mới của nhà vườn An Hiên cho biết không đặt nặng doanh thu, mà mong muốn sẽ bảo tồn giá trị lịch sử hiếm có của ngôi nhà vườn. Hiện nay, bên cạnh thu hút rất đông du khách tham quan, nhà vườn An Hiên cũng trở thành bối cảnh của nhiều nhà làm phim, các chương trình nghệ thuật… (baochinhphu.vn 18/02)
5. Giải mã những địa danh kỳ lạ - Kỳ 2: Cự Lại mà hiền khô
Khi dùng đất làng để xây dựng kinh thành Huế, nhà vua thế lại dải đất phía đông và đặt tên Thế Lại. Làng không chịu, vua giao thêm khu đất bờ nam sông Hương cách xa hơn và đặt tên Lại Thế.
"Người làng tui hiền lắm, có bằng khen của tỉnh là làng không tệ nạn xã hội, không gây gổ, không xã hội đen, không ma túy chi hết, êm lắm. Cái tiếng Cự Lại là từ hồi xưa hắn rứa đó.
Cụ Phan Thiệp
Làng cũng cự lại, vua bực, "đẩy" về dải cát ven biển cách xa kinh thành gắn cho cái tên: Cự Lại.
Đó là cách giải thích "tếu táo" về tên gọi làng Cự Lại, thuộc xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhưng, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh khẳng định ba làng này không liên quan với nhau, và Cự Lại có nguyên do đặc biệt của nó.
Tên nghe thất kinh mà làng êm ấm
Từ cầu Thuận An theo quốc lộ 49 đi men dải cát giữa biển và đầm phá về phía nam chừng sáu cây số là đến làng xưa Cự Lại. Điểm đầu làng rất dễ nhận ra, bởi "tiếp đón" là dãy lăng mộ nguy nga, chen chúc, vây phủ lên cả ngọn đồi cát cao kéo dài suốt mấy trăm mét.
Tôi đứng ngẩn ngơ trước những khu lăng khảm sành sứ dày đặc, một người đàn ông trong làng đang chăn trâu gần đó bảo: "Lăng mộ làng tui có nghĩa lý chi mô so với An Bằng. Nhưng cũng có cái ở đây xây tốn bạc tỉ đó!".
Ông chăn trâu có thể khiêm tốn nhưng phần nào cũng có lý khi so sánh với "thành phố lăng" cách đó 20 cây số của làng An Bằng vốn mang "tầm quốc tế". Nhưng trông thật kỹ từng khu, nghệ thuật khảm nạm sành sứ có lẽ đã đạt trình độ thượng thừa, tuyệt đẹp khó bề kém cạnh bất cứ kiến trúc cung đình có khảm nạm nào.
Đồ sộ và tuyệt đẹp hơn cả là hệ thống nhà thờ họ và đình, miếu nằm khắp nơi trong làng, rất xứng đáng dành thời gian khám phá, chiêm ngưỡng.
Với nhiều nhà nghiên cứu, làng Cự Lại quý giá nhất vẫn là hệ thống giếng cổ dưới vuông trên tròn vô cùng độc đáo. Ông Trần Văn Kiệt, người làng, kể những giếng đó từ xa xưa lắm, hồi chưa có nước máy chúng gần như là "trung tâm" sinh hoạt của làng.
Nay, người ta ít dùng, và trở thành những di tích cổ xưa quý giá. Ông Kiệt tỏ vẻ tiếc nuối về cái giếng xóm Chùa nước trong mát tuyệt vời đã bị lấp đi...
Có người cho giếng cổ Cự Lại mang biểu tượng âm dương, trời tròn đất vuông rồi lắm kiểu giảng giải... Nhưng ý kiến thuyết phục hơn cả chính là sự kế thừa rồi phát triển tiếp nối. Khi những lưu dân người Việt đến đây chọn đất lập làng, những giếng vuông truyền thống của người tiền trú Champa đã có sẵn, có thể phần nào hư hỏng do đất cát bồi lấp.
Thế rồi, truyền thống gạch đá xếp theo hình tròn nghìn năm của người Việt cứ thế đặt lên những phiến đá xếp vuông phía dưới, tiếp dùng những mạch nước tốt đã được chọn lựa kỹ càng.
Cụ Phan Thiệp, 92 tuổi, trưởng làng Cự Lại, cho biết nhiều thế kỷ trước, ngài Phan Đại Lang từ Bắc vào Huế, chọn dải đất bên kia đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, vị trí làng Quảng Xuyên (xã Phú Xuân, cùng huyện Phú Vang ngày nay) lập nghiệp.
Để tiện cho nghề đi biển vốn có, ngài đã đưa con cháu vượt phá sang đất ven biển lập ấp và trở thành tổ khai canh của làng. Lăng mộ ngài hiện nằm giữa làng, được xây dựng rất bề thế.
Cụ Thiệp nói: "Mà chú thấy tên làng Cự Lại tui có đặc biệt không? Đi mô nghe hai tiếng Cự Lại là người ta thất kinh rồi". "Thế người làng dữ lắm hay sao để người ta thất kinh vậy thưa cụ?" - tôi hỏi.
Cụ nói ngay: "Không, người làng tui hiền lắm. Làng tui có bằng khen của tỉnh là làng không tệ nạn xã hội, không gây gổ, không xã hội đen, không ma túy chi hết, êm lắm (được công nhận Làng văn hóa Cự Lại - PV). Cái tiếng Cự Lại là từ hồi xưa hắn rứa đó".
Ba làng chẳng "dây mơ rễ má"
Cụ trưởng làng cho biết Trài là tên gốc của làng, sau đó mới gọi Cự Lại. "Khi ngài tổ đưa con cháu qua đất ven biển đây lập làng Trài. Sau có vụ kiện, cự lại chi đó rồi thắng, từ đó gọi là làng Cự Lại. Còn chống cự chuyện chi thì ngày nay không biết, có người truyền lại mới biết chứ không có người truyền lại thì mần răng mà nhớ nổi" - cụ nói.
Ông Nguyễn Minh Hải, chủ tịch UBND xã Phú Hải, kể lại chuyện xưa: "Nghe mấy cụ xưa kể thời vua chúa cho thả diều. Con diều rớt xuống làng mô thì phải thế này thế kia. Diều rớt xuống làng tui, làng đứng lên đấu tranh trước những đòi hỏi nên gọi là làng Cự Lại".
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh cho rằng chuyện thế đất xây dựng kinh thành với tên Thế Lại (phường Phú Hiệp, TP Huế), Lại Thế (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) rồi đến Cự Lại quả thật "hoàn toàn tào lao" vì ba làng này "không có liên quan gì đến nhau".
Tên làng Thế Lại nghĩa là "đời đời nhớ ơn" vốn có từ lúc lập làng dưới thời Trần, chứ không phải do thế đất mà mang tên. Theo lịch sử nhà Nguyễn, khi xây dựng kinh thành, triều đình đã lấy phần đất thuộc tám làng, trong đó có làng Thế Lại. Vị trí phía đông bắc kinh thành của Thế Lại hiện nay chứng tỏ triều đình chỉ lấy một phần đất của làng.
Theo ông Vinh, làng này thành lập năm 1380, tổ khai canh là Hồ Long, người được vua Trần ban chức đại tri châu của Châu Hóa đương thời. Chính khu đất trong thành Hóa Châu được triều đình "đền" cho làng Thế Lại và mộ phần tổ khai canh đang nằm ở đó. Theo ông, "người khai canh Hồ Long xứng đáng là một thành hoàng đầu tiên của Thừa Thiên Huế".
Còn làng Lại Thế thành lập năm 1471, dưới thời Lê Thánh Tông, tên gọi cũng có nghĩa "muôn đời được nhờ ơn", và cũng không hề liên quan đến việc thế đất nào cả. Theo diễn giải của ông Vinh, khi đến mở đất lập làng, người xưa thường hướng đến khái niệm ghi khắc ơn sâu của trời đất, tổ tiên. Cùng với Lại Thế, ở Thừa Thiên Huế còn một số làng như Lại Ân, Triêm Ân (xã Phú Mậu, cùng huyện Phú Vang)... cũng nằm trong mạch nghĩa ấy.
Làng Cự Lại được thành lập nửa cuối thế kỷ 16, thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Tra trong tư liệu, nhất là sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19 (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh xác định nguồn gốc từ làng Cự Lại, thuộc tổng Vạn Phần, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, trấn Nghệ An xưa. Làng ở ven biển Nghệ An cũng có tên Nôm là làng Trài, cái tên theo chân vị tổ khai canh Phan Đại Lang vào duyên hải Thừa Thiên Huế mở đất sau này.
Như vậy, cả ba làng đúng là không có mối liên quan, nhất là thời điểm thành lập: làng Thế Lại thời Trần nửa cuối thế kỷ 14, làng Lại Thế thời Lê nửa cuối thế kỷ 15, còn làng Cự Lại thì thời đầu chúa Nguyễn nửa cuối thế kỷ 16.
Và tên chữ Cự Lại do đâu mà có? Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh giải thích: tên Trài khi khai chữ (Hán) thì thấy không hay. Đương thời còn tồn tại phụ âm kép cl, làng Trài thường được gọi Clài, về sau có thể biến âm và được người ta viết thành tên chữ Cự Lại.
Làng Cự Lại nổi tiếng với nghề biển truyền thống từ lâu đời. Sản phẩm nổi tiếng nhất của làng chính là nước mắm cá, nước mắm ruốc, ruốc, mắm dưa, các loại mắm cá biển lẫn đầm phá. Trong đó, nước mắm làng Trài của làng được OCOP công nhận 3 sao. (tuoitre.vn 18/02)
6. Đoàn Vị Thượng: Gieo vào hạt chữ chút tình
Sinh ra ở Huế, thời học sinh ở Quảng Ngãi, Đoàn Vị Thượng bắt đầu sự nghiệp văn học của mình từ TPHCM.
Ban đầu từ việc trải tấm ni lông xuống lề đường Lê Lợi, trước nhà sách Khai Trí, nay là FAHASA vào những năm đất nước vừa thống nhất, bày bán sách cũ kiếm tiền học ngành sư phạm, ra trường, anh theo học trò về ngoại thành, để khi: Các em mở ra những trang sách ruộng đồng/Tôi cúi xuống gieo vào hạt chữ.
Muốn được gieo nhiều hơn những “hạt chữ” mình có, thay “trang sách ruộng đồng” bằng trang báo, thầy giáo trở thành nhà báo chuyên nghiệp Đoàn Vị Thượng ở Báo Yêu trẻ, rồi Báo Giáo dục và Thời đại, cho tới ngày nghỉ hưu. Ở đâu, anh cũng đủ bút lực để vừa viết liên tục các bút ký chân dung nhân vật, vừa giữ chuyên mục giao lưu với bạn đọc kiểu “gỡ rối tơ lòng”.
Thơ Đoàn Vị Thượng đa thanh, có thơ chính luận, đọc hùng hồn, dõng dạc trên sân khấu: Đất nước trở trăn trong thiếu thốn và nghèo/Chúng tôi nhiều khi phải tự góp thêm công để các em có đủ ghế ngồi và tự sớt đồng lương cho những lần thiếu phấn/Có thể nào khác hơn? Khi tôi đưa ngón tay mình lên môi và cắn/Biết rằng viên phấn cũng đau…; có thơ trữ tình, da diết, trang trọng, trong ca từ như một bài hát xung trận: Nắm đất Bác hôn nơi miền biên giới/Nắm đất Bác hôn ươm mùa xuân vui cho cuộc đời/Nay dẫu bầm máu đỏ hoa kim anh vẫn nở/Ôi mảnh đất Bác hôn là Tổ quốc hôm nay/Có giặc nào cướp được một tấc đất biên cương/Có giặc nào cướp được mảnh đất yêu thương.
Thơ viết về chiến tranh của Đoàn Vị Thượng mà không tiếng súng, chỉ có một tiết điệu âm nhạc được dùng như liên thanh điệp từ. Chọn thể lục bát để thơ này nhiều nhạc, nhưng vang vọng của bài lại nằm ở những “nốt lặng’’ ngoài bài, trong lòng người nghe: Bolero của chúng ta/Đẫm bao máu lệ quê nhà long đong/... Biết đề tài hình và bóng đã có những thi bá thời thịnh Đường nước người, thời tiền chiến nước ta từng làm, Đoàn Vị Thượng vẫn làm, và để lại cho chúng ta một bài thơ hay: Khi anh quay nhìn thì bóng quay đi/Khi anh quay đi thì bóng quay nhìn/Bóng là người yêu không có chuyện tình/Khi mặt trời tắt ai cũng đêm đen/Anh không thấy anh vẫn nghe hơi bóng/Bóng là người thù không có oán ghen/Bóng ở mặt trời bóng ở ngọn đèn/Ở đâu có sáng thì bóng mới ra/Bóng mới là người anh chỉ là ma.
Hay thơ, làm báo giỏi, viết chân dung rất nghề, Đoàn Vị Thượng có nhiều độc giả, nhiều cộng tác viên, nhiều bạn. Anh ra đi để lại nhiều tiếc thương. Nhưng với tài ấy, tình ấy, dù sớm rời cõi tạm, Đoàn Vị Thượng đã làm được điều anh muốn: Khi vùi mình xuống đất đen/Mộ phần tôi sẽ đắp thêm đường dài…(sggp.org.vn 18/02)
XÃ HỘI
1. Vươn lên khẳng định mình
Ngoài vai trò “giữ lửa” gia đình, nhiều phụ nữ Thừa Thiên Huế còn chủ động tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách để khẳng định mình trên các lĩnh vực.
Năng động, chịu khó
Là Đội trưởng Đội Quản lý nhập cảnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh từ năm 2016, Trung tá Bạch Nữ Thanh Hương luôn nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Chị đã phát huy vai trò trách nhiệm trong quản lý và điều hành công tác đội, thực hiện tốt vai trò nêu gương, thường xuyên đổi mới phương pháp làm việc, phong cách lãnh đạo một cách hiệu quả; đôn đốc cán bộ phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc. Chị đứng ra đảm nhận công trình “Tuyên truyền và tiếp nhận hồ sơ xuất nhập cảnh”. Theo đó, phòng đã tuyên truyền cho người dân vùng biên giới, ven biển hiểu rõ về pháp luật xuất nhập cảnh; hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thị thực, gia hạn tạm trú; cấp giấy phép vào khu vực biên giới, cấp thẻ tạm trú, thường trú cho dân. Năm 2020, Trung tá Bạch Nữ Thanh Hương vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” và được Hội Phụ nữ Công an tỉnh tuyên dương về điển hình trong phong trào thi đua “Phụ nữ CAND học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chủ động, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo vì an ninh Tổ quốc; xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững” giai đoạn 2015 – 2020.
Là một trong hai nữ giáo sư đầu tiên của Đại học Huế, GS.TS. Giảng viên cao cấp Hoàng Thị Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và chất thải nông nghiệp, Trưởng bộ môn Nông hóa thổ nhưỡng, Khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm Huế cho biết, so với nam giới, phụ nữ làm nghiên cứu khoa học khó gấp nhiều lần, nhưng người phụ nữ có tính chịu khó, chịu đựng tốt hơn nên họ rất thành công. “Lúc con tôi còn nhỏ, hàng đêm thường khóc và đòi mẹ nên việc tôi vừa bế con vừa viết báo cáo nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học là chuyện thường”- chị nhớ lại.
Câu chuyện khởi nghiệp của chị Dương Thị Thu Hằng, chủ nhân dự án “Phát triển du lịch Sen Huế (Huế Lotus)” có sức truyền lửa cho nhiều phụ nữ khác. Chị Hằng kể, mong ước được giới thiệu những cái đẹp, cái riêng chỉ Huế mới có cho du khách thập phương, đầu năm 2017, dù bận rộn công việc ở một công ty, chị vẫn tranh thủ thời gian học ngoại ngữ và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa cũng như phương pháp làm hướng dẫn viên du lịch. Kết quả, người phụ nữ Huế đã cho ra đời dự án “Phát triển du lịch Sen Huế (Huế Lotus)”. Đây là dự án đoạt giải Nhất cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do Tỉnh hội tổ chức và giải Ba cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do UBND tỉnh tổ chức năm 2019. Hiện dự án đã thu hút hàng trăm lượt đoàn du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Theo bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc gìn giữ, phát huy vai trò “giữ lửa” trong mỗi gia đình, phụ nữ Huế còn tích cực học tập, lao động, sản xuất, tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động xã hội và ngày càng có những đóng góp xứng đáng. Nhiều chị đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước; có chị trở thành nhà khoa học giỏi, nhà lãnh đạo, quản lý năng động, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm và rất nhiều những điển hình phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi...
Không ngừng nỗ lực
Sự kết hợp hài hoà giữa phẩm chất đạo đức truyền thống và tính cách văn minh, hiện đại tạo nên giá trị đích thực của người phụ nữ trong thời kỳ mới là tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. Để đạt được điều đó, hơn ai hết bản thân người phụ nữ phải ý thức được đầy đủ vai trò của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Họ tự tích lũy cho mình những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống cơ bản, sẵn sàng vượt qua những định kiến của xã hội, vượt lên chính mình, dám nghĩ, dám làm.
Bà Trần Thị Kim Loan nhấn mạnh: “Có tri thức, phụ nữ sẽ có bản lĩnh hơn và có nhiều cơ hội lựa chọn hơn trong cuộc sống. Cùng với đó, việc tự tạo lập cho mình ý thức cầu tiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động, tự tin, sáng tạo, biết chăm sóc bản thân cũng là những đức tính cần thiết mà người phụ nữ hiện đại cần phải có”.
Với vai trò của mình, Hội LHPN tỉnh luôn tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để chỉ đạo thực hiện phong trào phù hợp với thực tiễn và mong muốn của chị em. Tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy truyền thống và vai trò chủ thể của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội.
Cụ thể, các cấp hội hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức về giới; thành lập các mô hình câu lạc bộ giúp chị em phát huy tính tự trọng, tự chủ, làm tốt vai trò chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình và quan tâm đến cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, tập trung hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế. Bởi khi phụ nữ tự chủ được kinh tế, làm chủ cuộc sống, họ sẽ tự tin hơn, không chỉ làm tốt hơn thiên chức của mình, mà còn có cơ hội chăm sóc bản thân và tham gia vào hoạt động cộng đồng nhiều hơn. (baothuathienhue.vn 18/02)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Khu vườn lịch sử
Đưa những mẩu chuyện, nhân vật đến gần hơn với học sinh theo một cách khác, Trường THCS Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) đã gắn kết học sinh với hoạt động trải nghiệm lịch sử.
Tháng 1/2020, “Khu vườn lịch sử” thành hình. Đây là ý tưởng, và là công trình măng non của Liên đội Trường THCS Thủy Phương. Thầy Nguyễn Cao Mạnh, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thủy Phương cho biết: “Công trình có diện tích 50m2, với không gian thông thoáng, men theo cầu thang. Đó cũng là mong muốn của chúng tôi khi mỗi bước chân lên cầu thang để đến thư viện, các em sẽ được sống trong không khí gần gũi, sống động và rực rỡ sắc màu của lịch sử nước nhà”.
Bản phác thảo các bức tranh do một cựu học sinh của trường tự tay thực hiện. Còn lại, toàn bộ 50m2 tranh vẽ đều do các em học sinh nhà trường sơn màu. Các em tranh thủ giờ ra chơi, lúc rỗi đến các tác phẩm tranh chibi, tranh lịch sử, quét lên tường những sắc màu rực rỡ và tha hồ ngắm nhìn nhân vật mà mình yêu thích.
Em Dương Văn Thừa, học sinh lớp 9 Trường THCS Thủy Phương hào hứng: “Khi tô vẽ, nhìn những nhân vật lịch sử cứ dần dần thành hình, em thật sự rất vui. Em ngưỡng mộ hình ảnh anh hùng Lê Văn Tám, bản thân đã trở thành bó đuốc sáng rực. Rồi cả chị Võ Thị Sáu và anh Kim Đồng nữa. Mỗi bước chân của chúng em đều là những hình ảnh ấy”.
Sự thích thú của Lê Văn Thừa hòa chung với niềm thích thú của các em học sinh Trường THCS Thủy Phương. Việc tự tay tô vẽ giúp các em thể hiện những sắc màu của mình một cách đầy sáng tạo. Đó là hình ảnh chibi dễ thương nhưng lưu giữ kiến thức lịch sử về các anh hùng thanh thiếu niên. Là chị Võ Thị Sáu với song sắt nhà tù và cảnh biển Côn Đảo. Là lá cờ Tổ quốc tung bay trên hầm Đờ Cát. Đó là chiếc xe tăng xuất hiện trước dinh Độc lập… truyền cảm hứng cho các em học tập, rèn luyện. Biến những điều tưởng như khô khan trở nên thú vị và giản dị trong mắt học trò.
Ngoài khu vườn lịch sử, nhiều kiến thức hay về lịch sử đã được Liên đội Trường THCS Thủy Phương lồng ghép vào chương trình “Khởi động đầu tuần”. Thầy Nguyễn Cao Mạnh thông tin: “Khởi động đầu tuần là chương trình giải ô chữ tìm hiểu về kiến thức theo chủ đề. Sức hấp dẫn của chương trình đến từ các em học sinh, bởi chính các em là người đưa ra câu hỏi cũng như dẫn chương trình. Giáo viên chỉ có vai trò hỗ trợ và định hướng. Vì thế, thông qua “Khởi động đầu tuần”, nhiều kiến thức hay, bổ ích từ lịch sử, địa lý đến văn học… sẽ được các em tiếp nhận một cách thiết thực, sáng tạo”.
Tăng tính tương tác trong tổ chức các mô hình trải nghiệm, Liên đội còn tổ chức hành trình “Đến với các địa chỉ đỏ”. Các em học sinh được học tập, trải nghiệm về lịch sử địa phương. Song hành với chương trình này, các kỹ năng mềm, những hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử còn được Liên đội rèn luyện, bồi dưỡng cho các em thông qua hoạt động “Học tập trải nghiệm sáng tạo”.
Năm 2021, không dừng lại ở Khu vườn lịch sử, các học sinh Trường THCS Thủy Phương tiếp tục sáng tạo với những bức tranh sinh động về thiên nhiên, những nhân vật hoạt hình. Tranh vẽ đã trở thành người bạn không thể thiếu, vun bồi cho các em sự sáng tạo, tình yêu với mái trường, văn hóa và lịch sử. Với những hoạt động thiết thực, Liên đội Trường THCS Thủy Phương vinh dự được Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen vì Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2019 – 2020. (baothuathienhue.vn 18/02)
2. Chọn dữ liệu phù hợp với học sinh lớp 1
Hàng loạt ý kiến phản ánh về lỗi trong sách giáo khoa lớp 1 mới bộ sách Cánh diều khiến phụ huynh âu lo, bởi không biết các nội dung trong sách sẽ được chỉnh sửa cụ thể ra sao?
Ngay trong đầu năm học, đội ngũ giáo viên có năng lực, kinh nghiệm đã được các trường chọn dạy lớp 1 nên giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp để tổ chức dạy học cho học sinh. Khắc phục những sai sót trong sách giáo khoa, giáo viên đứng lớp được tự chủ để có thể sắp xếp nội dung dạy, thời lượng (số tiết) dạy học cụ thể từng môn trong năm học, các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục. Vì vậy, giáo viên khá chủ động trong việc lựa chọn kiến thức nào dạy trước hay sau, thậm chí có thể kết hợp với sách giáo khoa của các bộ khác để chắt lọc những từ ngữ, bài đọc hay để đưa vào dạy học sinh.
Cô Huỳnh Ái Nhi, giáo viên Trường tiểu học Thuận Thành (TP. Huế) cho rằng, cái khó ở đây là giáo viên phải tìm ra những từ phù hợp với bài học và vần các em đang học. Giáo viên đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tích cực, cộng với sự quan tâm phối hợp của phụ huynh nên học sinh đã nắm kiến thức một cách chủ động. Đối với học sinh lớp 1, do vốn từ của các em chưa nhiều nên một số “sạn” ở môn tiếng Việt bộ sách Cánh diều, giáo viên không tập trung vào ý nghĩa ở một số câu chuyện ngụ ngôn trong sách nên không ảnh hưởng nhiều đến nhận thức của các em.
Với kỹ năng đọc đoạn, những học sinh đọc chưa tốt, giáo viên chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn và có thể vừa đánh vần vừa đọc. Với kỹ năng viết, những học sinh viết chưa tốt, giáo viên chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ.
Chương trình lớp 1 mới có nhiều ưu điểm, học sinh được phát triển kỹ năng nói tốt, các em mạnh dạn, tự tin hơn. Sách giáo khoa có nhiều hình ảnh đẹp, bắt mắt, kích thích sự hứng khởi, tư duy tò mò sáng tạo của học sinh. Đặc biệt, môn tiếng Việt được xây dựng một cách cụ thể hơn theo hướng từ các vật để trẻ bật được ra các tiếng và các âm cần học, chứ không trừu tượng. Tuy cách tiếp cận của chương trình mới hơi gấp gáp trong phần xuất hiện âm ở môn tiếng Việt, nhưng số đông học sinh theo được.
Trước mắt, các trường tiểu học xác định chương trình mới cần vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm, tăng cường dự giờ, tổ chức các tiết sinh hoạt, giao lưu chuyên môn để định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học có hiệu quả nhất. Dù nhiều phụ huynh, kể cả giáo viên cho rằng, chương trình và sách giáo khoa lớp 1 mới quá nặng nhưng theo lãnh đạo một số trường tiểu học, qua các lần dự giờ, thăm lớp, học sinh không gặp nhiều khó khăn khi học theo chương trình mới. Học sinh biết tham gia đánh giá và nhận xét bản thân cũng như các bạn một cách trung thực. Các em nói được nhiều hơn, nói thành câu, dạn dĩ, biết hợp tác khi làm việc nhóm.
Theo ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo, Thừa Thiên Huế chọn 42/46 sách giáo khoa đã được bộ thẩm định để đưa vào giảng dạy. Tất nhiên, mỗi sách có một ưu điểm, khuyết điểm. Thế nên, sở đã ban hành các văn bản điều chỉnh sách giáo khoa. Theo đó, tất cả các dữ liệu giáo viên chọn phù hợp với đặc điểm địa phương cũng như tâm sinh lý học sinh ở bất kỳ bộ sách nào. Song, phải được hiệu trưởng phê duyệt mới đưa vào giảng dạy. (baothuathienhue.vn 18/02)
3. 16 đơn vị được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc
Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vừa công bố danh sách các đơn vị được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Theo đó, cả nước có 16 đơn vị được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Khu vực phía Bắc gồm: Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân.
Khu vực phía Nam gồm: Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Văn Lang.
Khu vực miền Trung gồm: Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế), Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn và Trường Đại học Tây Nguyên.
Đồng thời, Cục Quản lý chất lượng công bố danh sách các trung tâm sát hạch, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin gồm 182 đơn vị, trong đó có 135 trường đại học, học viện; 46 Sở Giáo dục và Đào tạo; Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cục Quản lý chất lượng giáo dục cũng công bố danh sách các đơn vị được cấp chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ ra đề thi ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ chấm thi nói và viết ngoại ngữ, bao gồm: Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế; Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Thái Nguyên.
Các đơn vị được cấp chứng chỉ tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, gồm: Trường Đại học Cửu Long, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, Trường Hữu nghị T78 và Trường Hữu nghị 80. (baothuathienhue.vn 18/02)
4. Đại học Huế công bố 5 phương thức tuyển sinh đại học năm 2021
Trong phương thức thứ năm thì các đơn vị đào tạo trực tiếp có những quy định xét tuyển sinh riêng.
Ngày 18/2, Đại học Huế cho hay, năm 2021 Đại học Huế tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy theo 5 phương thức.
Cụ thể, phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông (học bạ). Điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển là điểm trung bình chung mỗi môn học (làm tròn đến 1 chữ số thập phân) của 2 học kỳ năm học lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12;
Điều kiện xét tuyển là tổng điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển (chưa nhân hệ số) phải ≥ 18,0.
Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. Điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển là điểm thi của các môn đó trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021;
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ được Đại học Huế công bố sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.
Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 hoặc dựa vào điểm học bạ kết hợp với thi tuyển năng khiếu (đối với các ngành năng khiếu).
Phương thức 4: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh hiện hành.
Phương thức 5: Xét tuyển theo phương thức riêng của các đơn vị đào tạo trong Đại học Huế. Đối với phương thức tuyển sinh này, các đơn vị có những quy định cụ thể.
Trong đó, Trường Đại học Luật ưu tiên xét tuyển đối với những thí sinh đạt một trong các tiêu chí sau đây:
Là học sinh các trường trung học phổ thông chuyên và đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 12;
Là học sinh các trường trung học phổ thông đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 11 và năm học lớp 12; Có học lực loại khá trong cả 3 năm học trung học phổ thông trở lên và có chứng chỉ ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp) đáp ứng điều kiện sau:
- Tiếng Anh: IELTS đạt điểm từ 5,0 trở lên, TOEFL iBT đạt từ 64 điểm trở lên hoặc TOEIC đạt từ 600 điểm trở lên.
- Tiếng Pháp, là học sinh lớp 12 chuyên Pháp của các trường trung học phổ thông chuyên hoặc là học sinh lớp song ngữ có học tiếng Pháp của các trường trung học phổ thông và điểm trung bình tiếng Pháp năm lớp 12 từ 7,5 điểm trở lên.
Đối với Khoa Giáo dục Thể chất ưu tiên xét tuyển đối với các thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông đoạt huy chương vàng, huy chương bạc; Hoặc huy chương đồng các giải thể dục thể thao do cấp tỉnh trở lên tổ chức 1 lần trong năm (thời gian được tính để hưởng ưu tiên là không quá 4 năm tính đến ngày dự thi hoặc xét tuyển vào Khoa).
Trường Đại học Kinh tế xét tuyển thẳng đối với các thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
Có kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông năm học lớp 12 đạt loại giỏi trở lên; Đạt giải nhất, giải nhì hoặc giải ba trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các năm 2020, 2021 (môn đoạt giải phải thuộc tổ hợp môn xét tuyển).
Có chứng chỉ Tiếng Anh (còn thời hạn đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển) IELTS ≥ 5.0 hoặc TOEFL iBT ≥ 60 hoặc TOEFL ITP ≥ 500.
Đối với Trường Đại học Nông Lâm xét tuyển thẳng đối với các thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông có tổng điểm 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển ≥ 24,0 điểm;
Và không có môn nào trong tổ hợp môn xét tuyển < 6,5 điểm (điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển là điểm trung bình chung mỗi môn học (làm tròn đến 1 chữ số thập phân) của 2 học kỳ năm học lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12, căn cứ theo học bạ).
Đối với Trường Đại học Sư phạm xét tuyển thẳng đối với các thí sinh thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
Học sinh chuyên của các tỉnh, thành phố có học lực lớp 12 đạt loại giỏi đã tốt nghiệp trung học phổ thông được xét tuyển thẳng vào các ngành phù hợp.
Học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố đã tốt nghiệp trung học phổ thông và có học lực lớp 12 đạt loại giỏi trở lên được xét tuyển thẳng vào các ngành phù hợp.
Thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi nghệ thuật từ cấp tỉnh, thành phố trở lên, đã tốt nghiệp trung học phổ thông và có học lực lớp 12 đạt từ loại giỏi trở lên được xét tuyển thẳng vào ngành Giáo dục mầm non.
Thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi nghệ thuật từ cấp tỉnh, thành phố trở lên, đã tốt nghiệp trung học phổ thông và có học lực lớp 12 đạt từ loại khá trở lên được xét tuyển thẳng vào ngành Sư phạm Âm nhạc…( giaoduc.net.vn 19/02)
Y TẾ
1. Huế xét nghiệm ngẫu nhiên người về từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh qua sân bay Phú Bài
Thông tin từ Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản gửi đơn vị cùng các hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines về việc khai báo y tế trước khi vào tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cụ thể, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị các đơn vị trên hỗ trợ thông tin cho tất cả hành khách về Thừa Thiên - Huế phải cài đặt Hue-S và cập nhật thông tin y tế, lưu trú trên ứng dụng Hue-S.
Sau khi cài đặt Hue-S từ địa chỉ https://huecity.vn, hành khách chọn chức năng “Chống dịch bệnh” và chọn chức năng “Khai báo về Huế” để tiến hành các khai báo trước khi vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, lưu lại mã QR sau khi khai báo để các chốt kiểm tra.
Theo quy định trên, hành khách xuống sân bay quốc tế Phú Bài phải xuất trình khai báo y tế trên điện thoại di động hoặc tờ khai giấy trước khi ra khỏi sân bay. Sử dụng Hue-S để quét QR tại các điểm đến trong quá trình di chuyển tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sử dụng Hue-S để thường xuyên nhận các thông báo tình hình dịch bệnh của địa phương, các cảnh báo tình hình mới để chủ động và không bị vi phạm quy định chống dịch tại địa phương. Sử dụng Hue-S để tra cứu các điểm xuất phát khi đến Thừa Thiên - Huế phải cách ly tập trung 14 ngày để chủ động lộ trình di chuyển.
Trong quá trình ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, nếu có vấn đề cần hỗ trợ thì sử dụng Hue-S hoặc gọi đến số đường dây nóng của tỉnh 19001075 để được hỗ trợ. (cand.com.vn 19/02)
2. Thừa Thiên-Huế: 4 nhóm ưu tiên lấy mẫu sàng lọc Covid-19 gồm đối tượng nào?
Ngày 18/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thừa Thiên Huế cho biết vừa có văn bản về việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành xét nghiệm sàng lọc cộng đồng virus SARS-CoV-2 cho các đối tượng (4 nhóm ưu tiên), nhằm đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo kết luận của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh ngày 16/2/2021.
Cụ thể, nhóm ưu tiên 1 là những người thuộc diện cách ly tập trung theo hướng dẫn tại Công văn số 606 ngày 9/2 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh về việc ban hành sơ đồ hướng dẫn cách ly phòng chống dịch Covid-19, gồm: Người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định (F1).
Người đã đi/đến/về từ các tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương, các xã/phường/thị trấn được Bộ Y tế công bố có điểm dịch của TP. Hà Nội đến tỉnh Thừa Thiên Huế từ 15h ngày 6/2.
Người đã đi/đến/về từ các các xã/phường/thị trấn được Bộ Y tế công bố có điểm dịch của TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Gia Lai đến tỉnh Thừa Thiên Huế từ 6h ngày 9/2. Người đã đi/đến/về từ các điểm có dịch được Bộ Y tế công bố, cập nhật hàng ngày.
Số lần xét nghiệm 3 lần vào các ngày 1, 6, 14.
Hành khách xuống tàu tại Ga Huế khai báo y tế tại chốt kiểm tra trước Tết Nguyên đán Tân Sửu
Nhóm ưu tiên 2 là những người từng đi/đến/về từ các quận/huyện/thị xã có điểm dịch được Bộ Y tế công bố, đặc biệt là các quận/huyện của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nhưng không thuộc diện cách ly tập trung về địa phương.
Về số lần xét nghiệm nhóm ưu tiên 2 này, đối với người chưa qua 14 ngày kể từ ngày rời vùng dịch: 1 lần ngay khi phát hiện. Đối với người đã qua 14 ngày kể từ ngày rời vùng dịch: 1 lần khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc khi có chỉ định địa danh cụ thể do Bộ Y tế xác định, ví dụ như huyện Cẩm Giàng, TP. Hải Dương…
Tỉnh cũng quy định về số lượng lấy mẫu và giao đơn vị tổ chức thực hiện. Cụ thể, tại cộng đồng (bao gồm cả nhân viên, người lao động trong các dự án, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu kinh tế, công nghiệp): 15% số công dân về địa phương. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện/thị xã/thành phố tổ chức thực hiện.
Tại sân bay Phú Bài, lấy ngẫu nhiên 10% số công dân về địa phương ngay tại sân bay. Sở Y tế chỉ đạo TTYT TX. Hương Thuỷ tổ chức lấy mẫu. Tại Ga Huế, lấy ngẫu nhiên 10% số công dân về địa phương ngay tại sân ga. Sở Y tế chỉ đạo TTYT TP. Huế tổ chức lấy mẫu.
Nhóm ưu tiên 3, là những người có triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm đường hô hấp (ho, sốt…) tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Số lần xét nghiệm: 1 lần ngay khi phát hiện.
Nhóm ưu tiên 4 gồm các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ tại các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở cách ly y tế, các chốt kiểm dịch. Nhân viên y tế và bệnh nhân tại các khoa có nguy cơ cao của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (theo hướng dẫn của Bộ Y tế). Rà soát cán bộ, nhân viên, người lao động đang làm việc tại các cảng biển, sân bay, nhà ga, bến xe.
Nhân viên làm việc tại các quán ở các địa phương phục vụ hành khách đi xe liên tỉnh dọc QL1, đặc biệt tại huyện Phú Lộc, huyện Phong Điền. Tất cả chuyên gia người nước ngoài đang làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và 10% công nhân có yếu tố dịch tễ làm việc trong các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh.
Giao Ban Quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Sở Y tế rà soát và lập danh sách để lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Mẫu xét nghiệm gửi về CDC Thừa Thiên Huế từ 17-24/2/2021
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ ngày 28/1/2021 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 717 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 13 tỉnh/thành phố trên cả nước, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài luôn hiện hữu.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương, TTYT các huyện/thị xã/thành phố khẩn trương tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế (CDC) kể từ ngày 17- 24/2. (baogiaothong.vn 18/02)
DU LỊCH
1. Rực rỡ hoa cải vàng
Hoa cải thường nở vào cuối đông và đầu mùa xuân. Dưới bầu trời trong xanh và những làn mây trắng, những bông cải vàng bé xíu đung đưa theo làn gió, tạo nên một khung cảnh lãng mạn như trong chuyện cổ tích. (Video baothuathienhue.vn 18/02)
2. Về xứ Huế thưởng trà sen
Người ta nói, ở xứ Huế cố đô, bất cứ thứ gì cũng được nâng lên thành nghệ thuật. Trà do đó không phải là một ngoại lệ. Người Huế không uống trà, họ thưởng trà. Trà đạo của người Huế thanh tao nhưng cầu kỳ, bình dị nhưng lại rất đỗi cao sang.
Người ta nói, ở xứ Huế cố đô, bất cứ thứ gì cũng được nâng lên thành nghệ thuật. Trà do đó không phải là một ngoại lệ. Người Huế không uống trà, họ thưởng trà. Trà đạo của người Huế thanh tao nhưng cầu kỳ, bình dị nhưng lại rất đỗi cao sang. Chịu ảnh hưởng từ cách uống trà đế vương, việc uống trà của người Huế được chuẩn bị công phu từ trà, trà cụ cho đến nước, tới pha và cuối cùng là thưởng.
"Xưa nay dân Huế uống trà
Cung cách điệu nghệ chỉ là phái sinh
Từ lối "nói kiểu" cung đình
Lễ nghĩa trang trọng- đậm tình nét riêng"
(Nhà thơ Phạm Văn Sau)
Người Huế pha trà giống như cử hành một nghi thức trong nghi lễ tôn giáo. Trà cụ của người Huế không quá phức tạp, bởi quan niệm trà và tâm hồn trà mới chính là trung tâm, nhưng không vì thế mà giản đơn, thường gồm: khay trà, kháo trà, ấm trà, chén tống, lọc trà, chén quân. Điểm đặc biệt trong trà đạo của người Huế là ấm có tay cầm, hướng tâm, khi rót trà, vòi ấm hướng về phía người đối diện, tay cầm hướng vào tim mình, thể hiện sự thành tâm, mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ tới với người đối diện. Nước pha trà được duy trì ở nhiệt độ 70-85 độ, tùy thuộc vào loại trà, lá non hay lá già mà điều chỉnh, nhằm giúp trà không “cháy”, cho ra nước trà xanh và đẹp. Khi mời trà, người ta rót trà từ chén tống ra chén quân, nâng chén bằng cả hai tay, một lòng bàn tay ôm hờ lấy chén, tay kia đỡ dưới đáy chén, thành tâm mời khách. Khách trà đặt chén vào giữa hai lòng bàn tay úp vào nhau, các ngón tay đưa về phía trước, tạo thành hình một búp sen vô cùng đẹp. Khi uống trà, cổ tay xoay vào để mu bàn tay và tách trà che miệng thể hiện sự lịch sự, tôn trọng người đối diện.
Sen gắn bó với người dân xứ Huế, thể hiện qua phong cảnh, kiến trúc, văn hóa cũng như ẩm thực nơi đây.
Ngày nay, Huế vẫn lưu giữ được nghệ thuật trà cung đình này với một số trà thất tiêu biểu.
Văn hóa uống trà hiện nay đã phổ biến trong đời sống phần đông người dân Huế. Trà giống như là sự giao hòa với thời gian, sự tiếp cận đầy nhân tính với không gian, môi trường với con người khiến người uống thấy mình như được giải tỏa khỏi áp lực cuộc sống, tìm thấy bản thể trong sự tĩnh lặng và sâu sắc của hương trà. Đó cũng là lí do vì sao người Huế, trải qua bao thăng trầm của thời đại, vẫn giữ lấy cho mình nghệ thuật trà giản dị mà an nhiên này. (khoe365.nguoiduatin.vn 18/02)
3. Thêm cơ hội để hình ảnh Huế vươn ra thế giới
Tổng cục Du lịch vừa mới “bắt tay” với Google Arts & Culture (bảo tàng trực tuyến của Google), nền tảng quảng bá du lịch hàng đầu thế giới để quảng bá các điểm đến của Việt Nam; trong đó, Huế là điểm nhấn quan trọng trong dự án quảng bá lần này.
Cơ hội cho du lịch Huế
Nằm trong chương trình hỗ trợ tổng thể của Google đối với ngành du lịch Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, ngày 21/1 vừa qua, Google Arts & Culture lần đầu tiên công bố dự án “Kỳ quan Việt Nam” (Wonders of Vietnam) trên nền tảng trực tuyến này nhằm tôn vinh các thắng cảnh tự nhiên, di sản vật thể và phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận. Dự án trực tuyến này bao gồm 35 triển lãm với 1.369 bức ảnh tuyệt đẹp, mang đến những góc nhìn phong phú để mọi người kết nối, cảm nhận, thưởng thức. Tại đây, du khách trực tuyến có thể chiêm ngưỡng các vẻ đẹp của 4 địa phương miền Trung: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Theo đó, du khách trên khắp thế giới có thể khám phá trực tuyến bằng các triển lãm theo chủ đề màu sắc, tận hưởng video các địa danh cùng âm nhạc truyền thống Việt Nam hoặc đắm mình trong các danh lam thắng cảnh qua các bức ảnh định dạng panorama (toàn cảnh).
Ông Amit Sood, Giám đốc cấp cao Google Arts & Culture mong muốn, trong bối cảnh ngành du lịch trên toàn thế giới và tại Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, điều quan trọng là làm sao để các kỳ quan của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đa dạng sắc màu về phong cảnh và văn hóa để có thêm nhiều người trải nghiệm.
Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt, người thực hiện bộ ảnh về “Kỳ quan Việt Nam” chia sẻ, quãng thời gian dài đến miền Trung đã giúp anh hiểu nhiều các điểm đến nổi tiếng ở Huế… Từ đó, anh muốn giới thiệu ra công chúngđể lan tỏa hình ảnh Huế.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, đây là lần đầu tiên du lịch Huế quảng bá trên nền tảng trực tuyến nổi tiếng Google Arts & Culture, nơi đặt các bộ sưu tập của trên 2.000 bảo tàng trên thế giới. Thông qua nền tảng này, Thừa Thiên Huế có cơ hội tuyệt vời để trình diễn, giới thiệu hình ảnh sống động, thông tin hấp dẫn về Hoàng cung, lăng tẩm, Nhã nhạc cung đình, cổ vật của triều Nguyễn cũng như cảnh quan đầm phá Tam Giang, sông Hương và sản phẩm thủ công trúc chỉ đến công chúng trong và ngoài nước, khơi gợi sự tò mò háo hức đối với du khách.
“Với dự án “Kỳ quan Việt Nam”, du khách có thể khám phá những điểm đến nổi tiếng của Huế, từ đó khơi gợi cảm hứng đi du lịch ngay khi các hoạt động du lịch quốc tế được phục hồi. Ngoài ra, việc bá chung cho 4 địa phương miền Trung cũng phù hợp và tăng hiệu quả với sự liên kết phát triển tour tuyến chung được các địa phương đẩy mạnh thời gian qua”, ông Phúc kỳ vọng.
Song song hai nhiệm vụ
Dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực du lịch, nhưng cũng mở ra những xu hướng mới trong hoạt động của ngành. Với làn sóng công nghệ số đang phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới, cũng như bối cảnh tình hình mới do ảnh hưởng của COVID-19, việc tìm kiếm thông tin trên các nền tảng trực tuyến sẽ là xu hướng chủ đạo. Việc ứng dụng công nghệ số trở thành tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.
Thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ trong xúc tiến quảng bá là một định hướng quan trọng của ngành du lịch Huế nhằm chủ động tiếp cận và tham gia hiệu quả vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Những kênh quảng bá mới hứa hẹn trở thành cầu nối giúp quảng bá vẻ đẹp của Huế rộng rãi hơn, tiếp cận với mọi khán giả, du khách trên toàn thế giới.
Ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định, trong đợt hỗ trợ quảng bá này, Huế là một trong ít địa phương được lựa chọn từ các yếu tố về cảnh quan, văn hóa và đặc biệt là khả năng phòng chống dịch một cách hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian đến, du lịch Huế phải phối hợp với Google Arts & Culture tốt hơn, để họ tiếp tục chọn Huế xây dựng kho dữ liệu bởi còn rất nhiều điểm đến, sự khác biệt về văn hóa, ẩm thực… của Huế chưa thể truyền tải hết trong đợt này.
Song song đó, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả để khẳng định điểm đến an toàn và thân thiện. Huế đang xây dựng công cụ bản đồ du lịch an toàn (Hue Blue Map) để tổng hợp, chỉ dẫn các điểm đến, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo các yếu tố an toàn theo đúng nội dung các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh và các bộ, ngành liên quan. Hy vọng, thông qua sự hỗ trợ của Google sẽ giúp du khách đến Huế và cộng đồng địa phương nhận diện được dễ dàng những điểm nên đến, nên sử dụng và trải nghiệm đáp ứng các tiêu chí phục vụ an toàn đã được ngành du lịch và các ban ngành liên quan kiểm tra, đánh giá và xác nhận.
Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Vừa qua, ngành du lịch Huế tiếp tục được trang website chuyên sâu về ngành du lịch “Travel Insights with Google” hỗ trợ quảng bá các điểm đến, các sản phẩm, tour tuyến. Trang website này còn hỗ trợ Huế tìm kiếm giải pháp phục hồi ngành du lịch, định hình những sản phẩm mới, dịch vụ mới thích ứng với thị hiếu, nhu cầu, sự quan tâm của du khách. Họ còn tư vấn, góp ý khách quan để giúp du khách yên tâm hơn khi lên kế hoạch đến Huế du lịch”. (baothuathienhue.vn 19/02)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. HUẾ: PHẠT NHIỀU TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐEO KHẨU TRANG NƠI CỘNG CỘNG
(Video quochoitv.vn 18/02)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. THỪA THIÊN HUẾ: PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY
(Video quochoitv.vn 18/02)
2. TT-Huế: Lũ cá, tôm từ rừng ngập mặn tràn ra đầm phá, dân thỏa sức vẫy vùng giăng lưới, buông câu
Khi cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên dần xa, phá Tam Giang (TT-Huế) trở lại hiền hòa, êm dịu. Lũ tôm, cá được rừng ngập mặn bao bọc, che chở tràn ra vùng đầm phá, ngư dân thỏa sức vẫy vùng buông lưới, giăng câu.
Đồng lòng ra phá
Màn mưa dày đặc, tiết trời se lạnh những ngày đông vẫn không cản được ngư dân Lê Hùng ở Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Một đời ngư phủ miền sông nước Tam Giang, có lẽ chưa bao giờ ông Hùng được nở một nụ cười thật mãn nguyện giữa vùng sông nước mênh mông trong giá rét.
Khua nhẹ mái chèo, xuồng cứ dập dềnh buông lưới trên sông, ông Hùng cười giòn: “Một thời tìm đỏ mắt không có cá, tôm để bủa, chừ dồi dào không lẽ ngồi khoanh tay”.
Khi cả ngàn mét lưới được được thả, ông Hùng cho xuồng tấp vào bờ tranh thủ trò chuyện một thời mưu sinh trên vùng đầm phá được ví “bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á này.
Ông Hùng trải lòng, các thế hệ chôn nhau cắt rốn, lớn lên và trưởng thành của ngư phủ Tam Giang, nhiều người đỗ đạt đại học, thạc sĩ, có người tiến sĩ cũng nương nhờ vào vùng đầm phá Tam Giang, là “bầu sữa” của bao phận người.
“Ấy thế mà, những cái tên tôm rảo, tôm đất, bống thệ, lươn đồng, kình, dìa, chình, cua đầm phá... một thời dồi dào, nổi như cồn bỗng trở nên khan hiếm đến lạ thường. Nói lạ là bởi áp lực cuộc sống mưu sinh bộn bề, chính ngư dân ra tay tàn phá, khai thác nguồn lợi quá mức, trái phép mà họ không hề hay biết. Rồi thuyền neo bến bờ, ngày ngày ngư dân cứ nhìn về phía đằng xa đầm phá chỉ để tiếc nuối, ngẫm một thuở cá, tôm khoang đầy”, ông Hùng tặc lưỡi.
Một ngày khi nhận ra lầm lỗi, một đời ngư phủ như ông Hùng, ông Hạnh, ông Thao...ở Ngư Mỹ Thạnh luôn ấp ủ khát vọng tái sinh nguồn tôm, cá, cũng như tìm lại nguồn tài nguyên quý giá trên vùng đầm phá cho con cháu đời sau.
Ông Hùng nói, nghe có dự án trồng rừng ngập mặn của tỉnh Thừa Thiên Huế “làm tổ” cho cá, tôm trú ngụ, sinh sôi, ngư dân mừng lắm! Khi dự án được triển khai, không ai bảo ai, ngư dân Ngư Mỹ Thạnh đồng lòng ra phá giúp cán bộ kiểm lâm, chính quyền, người vận hỗ trợ chuyển vật dụng, người trồng cây gây rừng...
Qua bao năm tháng, những cây đước, cây bần, dừa nước, mắm... sinh sôi mặc cho trời lắm lúc hanh hao, giông tố, lũ cuồn cuộn đổ về. Rừng 1-2 năm tuổi bắt đầu trưởng thành cho đến nay đã khép tán với diện tích 45,57 ha, trở thành “tổ ấm” lý tưởng cho các loài thủy sản cư ngụ, sinh sôi.
Sau những ngày sông nước giận dữ, các loài thủy sản như tôm, cua, tép và nhiều loài cá từ khu rừng ngập mặn tràn ra vùng đầm phá Tam Giang rất dồi dào. Chỉ vài giờ dong thuyền trên đầm phá quanh rừng ngập mặn với những mẻ cá mú, lươn đồng, kình, bống thệ, dìa tự nhiên, hoặc nơm cua, tôm... dưới những tán rừng, ông Hùng, ông Hạnh, ông Thao... có thể thu nhập 400.000-500.000 đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo cho hay, khi những cây dừa, bần, đước… đã nhú chồi, ngư dân vẫn chưa tin tưởng lợi ích lâu dài. Giờ đây, hiệu quả từ rừng ngập mặn thấy rõ, lãnh đạo và nhân dân địa phương mừng lắm!
Hằng đêm ngư dân địa phương và các xã lân cận ra phá khai thác thủy sản trong và xung quanh rừng ngập mặn, thu nhập bình quân mỗi người từ 200.000-300.000 đồng. Những người từng chê “con tép” thì giờ đã nghĩ lại, bởi hai năm nay, ngư dân Quảng Lợi trúng đậm khai thác tép trong và quanh khu rừng ngập mặn, doanh thu mỗi năm trên dưới 20 tỷ đồng, là điều từ trước đến nay chưa từng có ở địa phương.
Tìm lại những loài chim quý
Trong ký ức những bậc cao niên các xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), xã Điền Hòa (huyện Phong Điền), hơn 40 năm về trước, một khu tràm chim rộng lớn vẫn còn hiện hữu ở phía hạ lưu vùng cửa sông Ô Lâu, nơi giao thoa giữa hai nguồn nước ngọt, lợ đổ về từ đầm phá Tam Giang và sông Ô Lâu.
Những tán nhô trong lùm bụi được tạo nên bởi các loài tre, nứa, keo, tra, mưng hoa đỏ, sến nước, bòng bong, sậy điệp bánh bò, lác... là “ngôi nhà chung”, trú ngụ lý tưởng cho các loài chim. Các thảm thực vật như cỏ chát, cỏ mần trầu, cỏ chỉ sống thành bãi, cói, lục bình trên mặt nước làm bãi đáp cho các loài chim đến tìm kiếm thức ăn.
Chiến tranh đi qua, vấn đề lương thực đảm bảo an sinh xã hội buộc người dân “khai tử” khu rừng quý hiếm này thành những đồng ruộng lúa. Nơi trú ngụ lý tưởng cho các loài chim không còn, trong đó nhiều loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam, thế giới buộc phải di cư.
Ông Nguyễn Tuấn ở xã Quảng Thái tiếc nuối: Hồi trước, vùng cửa sông Ô Lâu, nơi có khu tràm chim đẹp tựa như tranh. Tui không nhớ rõ có bao nhiêu loài chim bản địa, cư trú ở đây, nhưng nhớ những cái tên mà giờ đây khi nhắc đến có vẻ “xa lạ”, thậm chí không còn như sâm cầm, móng két, đầu vàng, chắt chân đỏ, già đẫy, ngỗng trời...
Còn các loài gà nước, vịt nước, đòm đòm, đà lả, ó, cá xám, mặt cắt, cú mèo, cà cưỡng, diều hâu, sột sột, đỏ mồng, đỏ mỏ, quạ đen, quạ khoang… thì vô số. Cò, vạc mỗi lần đến tìm kiếm thức ăn, trú ngụ thường phủ một màu trắng xóa trên những lùm cây.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 1998, các chuyên gia tổ chức khảo sát, đánh giá cho thấy, vùng cửa sông Ô Lâu có khoảng 73 loài chim trong tổng số 103 loài chim phân bố trên toàn vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Tuy nhiên, kết quả khảo sát từ cuối năm 2016 đến giữa năm 2017, tại vùng cửa sông này chỉ còn 31 loài chim.
“Sự ra đi” của các loài chim quý đã đành, đổi lại những đồng ruộng lúa mấy chục năm nay đem lại hiệu quả cũng không như mong muốn của nông dân vì thường xuyên nhiễm mặn, khô hạn. Và rồi…người dân vùng ven phá Tam Giang thuộc hai xã Điền Hòa, Quảng Thái vỡ òa niềm vui khôn xiết khi dự án trồng bản địa, rừng ngập mặn tái sinh tràm chim tại vùng cửa sông Ô Lâu đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt với diện tích ban đầu 40 ha tại xã Quảng Thái và 16 ha tại xã Điền Hòa. Đây sẽ là tràm chim lớn nhất trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, ông Phạm Công Phước rất vui khi dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai. Cư dân vùng đầm phá vui như mở hội, đồng tình ủng hộ chủ trương của tỉnh, quyết bỏ lúa trồng rừng.
Dự án triển khai dựa trên cơ sở trồng rừng ngập mặn tại xã Quảng Lợi và một số địa phương ven phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành công từ mấy năm nay. Sự hồi sinh tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu chỉ còn là thời gian, mở ra cơ hội lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của các địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai đã được thành lập (tháng 2/2020) thì việc hình thành tràm chim là một trong những mục tiêu quan trọng trong bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học tại vùng cửa sông Ô Lâu. Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai và hồi sinh tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu còn đánh dấu hướng đi phù hợp của tỉnh trong xây dựng “đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa, thân thiện với môi trường và thông minh”. (danviet.vn 18/02)
3. Kinh tế hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu
Bước đầu xuất hiện nhiều hợp tác xã (HTX) theo chuỗi giá trị (CGT), lâm nghiệp bền vững; nhưng nhìn chung, hệ thống kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX vẫn còn nhiều khó khăn.
Hạn chế lưu cữu
Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTXNN Đông Phú (Quảng Điền) thừa nhận, lâu nay, HTX vẫn loay hoay các dịch vụ cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, thủy lợi, thu hoạch. Trong khi các khâu được cho là thế mạnh thúc đẩy cơ giới hóa như khâu làm đất, thu hoạch phát triển chưa mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong khi HTX nỗ lực hướng đến mô hình HTX theo CGT thì ý thức của một bộ phận người dân, thành viên còn thấp, chưa có sự hỗ trợ tích cực cho HTX thực hiện mô hình mới này. Nhiều hộ vẫn gieo cấy các giống lúa truyền thống, chưa tuân thủ quy định, hướng dẫn của HTX trong việc chọn giống mới, chất lượng cao đưa vào gieo cấy. Người dân chưa thật sự tin tưởng trong việc tham gia mô hình cánh đồng lớn nhằm tạo sản phẩm hàng hóa, tạo điều kiện cho HTX triển khai mô hình CGT.
Việc người dân chưa tự tin, tuân thủ quy định của HTX, chính quyền địa phương, một phần do khâu tuyên truyền, vận động, thuyết phục chưa đến nơi đến chốn. Một khó khăn lớn được ông Thứ nêu rõ, là tiềm lực tài chính của HTX chưa mạnh, trong khi tài sản đất đai, nhà làm việc, phương tiện sản xuất giá trị thấp, không thể thế chấp vay ngân hàng đầu tư phát triển mô hình CGT. Công nghệ, dây chuyền chế biến lúa gạo chất lượng có vốn đầu tư gần chục tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ điều hành hầu hết trình độ thấp, già hóa, không đảm bảo năng lực, thiếu năng động trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ, chưa mạnh dạn đầu tư, tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc HTXNN Thủy Thanh 2 (TX. Hương Thủy), ông Phùng Hữu Thạnh nhận thấy, không chỉ HTXNN Thủy Thanh 2 mà phần lớn HTX trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ, thiếu tư duy trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), chưa thích ứng với cơ chế thị trường. Nhiều HTX chưa đáp ứng với yêu cầu mô hình HTX kiểu mới, năng lực cạnh tranh còn yếu, sản xuất hạn chế do thiếu vốn, công nghệ, kỹ thuật, các thiết bị, phương tiện canh tác lạc hậu. Đội ngũ cán bộ điều hành thiếu kiến thức, kỹ năng tiếp thị, thông tin thị trường còn thiếu và yếu; phần lớn tuổi cao, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản...
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn đánh giá, năng lực cạnh tranh của HTX so với các thành phần kinh tế khác còn yếu, do quy mô nhỏ, năng lực sản xuất cũng như nguồn vốn kinh doanh còn thiếu, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng hạn chế. Hoạt động liên doanh, liên kết trong nội bộ HTX, giữa các HTX với nhau và các đơn vị kinh tế khác chưa thực sự tích cực và hiệu quả.
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lao động làm việc trong HTX chưa cụ thể. Lao động chủ yếu là thành viên HTX, không có hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận thông qua hợp đồng dịch vụ giữa HTX với thành viên. Cơ chế đóng BHXH của HTX lâu nay còn nhiều vướng mắc, chỉ thực hiện đối với cán bộ quản lý trẻ. Lương của lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, dẫn đến việc tham gia BHXH của lao động trong HTX còn hạn chế...
Cần sự đầu tư thỏa đáng
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTXNN Thuận Hòa (TX. Hương Trà) cho rằng, thiếu năng lực, trình độ, thiếu vốn, công nghệ… là vấn đề lưu cữu, kìm hãm sự phát triển của kinh tế tập thể. HTX đã từng xây dựng phương án SXKD lúa chất lượng, nuôi trồng thủy sản theo CGT nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Dù Nhà nước có chính sách thu hút cán bộ trẻ, sinh viên đại học công tác tại HTX nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của lực lượng này. Ban lãnh đạo HTX Thuận Hòa thường xuyên kết nối với các sinh viên là con em địa phương đang học tại các trường đại học, mời về làm việc tại HTX nhưng đều bị từ chối. Yêu cầu của các sinh viên, cán bộ trẻ có trình độ đại học nếu làm việc tại HTX phải được biên chế Nhà nước, cơ chế tiền lương hợp lý, đảm bảo đời sống bản thân và gia đình nhằm yên tâm công tác, phát huy năng lực.
Ông Trần Lưu Quốc Doãn thông tin, hiện nay, phần lớn các HTX đang cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong quá trình thúc đẩy hoạt động SXKD, theo mô hình CGT. Liên minh HTX tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững để đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của HTX. Các cấp, ngành tranh thủ nguồn lực, kinh phí hỗ trợ của tỉnh, Trung ương, các chương trình, dự án đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX. Trong đó, tập trung các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, điều hành, kiểm soát, kế toán, kỹ thuật sản xuất, phát triển thị trường.
Liên minh HTX hỗ trợ các HTX tham gia các hoạt động hội chợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, HTX sản xuất gắn với CGT sản phẩm… Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy tiến trình thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh phù hợp với chính sách hỗ trợ tín dụng theo quy định của Nhà nước… (baothuathienhue.vn 19/02)