TIN NÓNG
1. CLIP: Thuyền rồng "chui" bát nháo trên sông Hương
Các thuyền rồng đậu ở bến tự phát, ngang nhiên đón khách mà không có lệnh xuất bến, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy.
Dịp Tết Tân Sửu 2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vào hoạt động công viên Lý Tự Trọng, đoạn trước mặt UBND tỉnh trên đường Lê Lợi, TP Huế. Điểm nhấn của khu vực này là đài phun nước nghệ thuật kèm chiếu sáng tạo nên sự ấn tượng, mới lạ trong mắt mọi người.
Điểm tham quan này nối với không gian cầu đi bộ gỗ lim trên sông Hương nên trong những ngày Tết có rất nhiều người đến thưởng lãm, ngắm cảnh. Ngay tại khu vực mặt nước trên sông Hương, nhiều thuyền rồng đậu sát bờ tạo thành bến tự phát để mời chào dẫn khách đi tham quan, ngắm cảnh một đoạn sông. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại đây có 2-3 chiếc thuyền đơn thường xuyên đậu để chèo kéo khách đi.
Khu vực này có rất đông du khách đến đạp vịt trên sông để ngắm cảnh nên thuyền chạy ra vào rất nguy hiểm. Mỗi hành khách muốn đi thì phải trả số tiền 20.000 đồng/người. Khi đủ số lượng khách thì các thuyền tự xuất bến đưa họ ngắm sông Hương với chiều dài tầm 1 km rồi quay trở lại điểm này để trả khách.
Bà Dương Thị Ánh, Trưởng ban Quản lý bến thuyền TP Huế, cho biết trên sông Hương hiện có 4 bến thuyền dành cho thuyền rồng chở khách du lịch, trong đó có 3 bến đón trả khách là bến Tòa Khâm, số 5 Lê Lợi, Thiên Mụ cùng bến đậu đỗ Phú Cát. Còn tại khu vực đầu cầu gỗ lim ở công viên Lý Tự Trọng hiện chưa có bến thuyền nào được phép hoạt động. Việc kiểm tra, xử lý, theo bà Ánh thì trách nhiệm của các lực lượng chức năng khác.
Hoạt động thuyền rồng chở khách du lịch tự phát ở Công viên Lý Tự Trọng tạo hình ảnh chèo kéo khách bát nháo. Bến tự phát không có các vị trí, hệ thống hỗ trợ khách lên xuống thuyền nên rất nguy hiểm. Đặc biệt, việc chở khách thiếu kiểm soát của lực lượng chức năng tiềm ẩn rất lớn nguy cơ tai nạn, lây lan dịch bệnh.
Tình trạng thuyền "chui" đón khách trên sông Hương đã được báo chí phản ánh rất nhiều lần nhưng đến nay, không hiểu sao cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn không thể xử lý dứt điểm. (nld.com.vn 17/2)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Không tổ chức các hoạt động lễ hội tập trung đông người sau tết
Chiều 17/2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, ngoài việc tập trung phòng chống dịch, xử phạt nghiêm đối tượng không đeo khẩu trang nơi công cộng, các cấp, các ngành, địa phương không tổ chức các hoạt động lễ hội tập trung đông người sau tết.
Giám sát dịch tễ người đến Huế
Khẳng định dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, sau tết, lượng người đến Huế khá nhiều, các đối tượng đến làm việc tại khu công nghiệp lớn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần phải có phương án giám sát chặt chẽ số người này; số lao động đến từ các công trường xây dựng cũng cần được rà soát, kiểm soát, giám sát dịch tễ chặt chẽ; sinh viên, học sinh trở lại trường, các trường có phương án xét nghiệm tầm soát sinh viên về nghỉ tết ngoài địa bàn tỉnh, nhất là sinh viên về các địa phương có yếu tố dịch tễ.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh có phương án rà soát số lượng công nhân từ ngoại tỉnh về và yêu cầu khai báo y tế để nắm chắc các yếu tố dịch tễ khi công nhân quay lại làm việc tại khu kinh tế, khu công nghiệp sau kỳ nghỉ tết. Đồng ý chủ trương xét nghiệm PCR cho tất cả chuyên gia người nước ngoài và 10% công nhân có yếu tố dịch tễ làm việc trong khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh (trong tổng quy mô 10.000 mẫu tầm soát).
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế chỉ đạo các Khu cách ly tập trung thực hiện phân loại công dân trong khu cách ly tập trung cách biệt theo từng phòng, từng tỉnh/thành, yếu tố dịch tễ và thực hiện nghiêm túc các biện pháp y tế; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.
Các cấp, các ngành, địa phương quán triệt chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19; không tổ chức các hoạt động lễ hội tập trung đông người sau Tết. Tiếp tục vận động người dân không tổ chức cưới hỏi, hiếu hỉ đông người; nếu tổ chức phải đăng ký, phải có đầy đủ các phương án phòng chống dịch, không mời người từ địa phương khác về tham dự.
Cán bộ, công chức hạn chế tối đa ra ngoài tỉnh, ngoại trừ công vụ được lãnh đạo tỉnh giao; người đi từ vùng dịch về phải khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, đồng thời xét nghiệm PCR. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương theo phân cấp quản lý, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc quản lý cán bộ, công chức đi đến các vùng dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Tập trung xử lý công việc ngay từ ngày đầu
Về công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu năm, bám sát cơ sở để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau Tết.
“Tinh thần cái gì làm được thì làm ngay từ đầu năm trong trạng thái mới, cần tích cực, khẩn trương bắt tay vào công việc ngay để xử lý các vấn đề, vướng mắc trên yêu cầu bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng phải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Về công tác xây dựng cơ bản, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương cần triển khai ngay các thủ tục đấu thầu, đấu giá các công trình xây dựng cơ bản, phấn đấu đến tháng 6/2021 giải ngân trên 50%. Công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương có dự án lớn phải tập trung mọi nỗ lực để giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước.
Đồng thời, đề nghị các địa phương tập trung cho vụ đông xuân- xem đây là cứu cánh cho nền kinh tế trong lúc ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, các ngành chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, phải đưa ra kịch bản dự phòng trong tình trạng giản cách xã hội của ngày bầu cử, đảm bảo cuộc bầu cử chất lượng, an toàn tuyệt đối. (baothuathienhue.vn 17/2)
2. Thừa Thiên - Huế bắt buộc khai báo y tế qua Hue-S khi đến Huế
Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa yêu cầu các hãng hàng không, các đơn vị lữ hành và Cảng hàng không quốc tế Phú Bài hỗ trợ hành khách đến Huế phải khai báo qua Hue-S để giám sát dịch Covid-19.
Ngày 17.2, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản yêu cầu Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Cổ phần Hàng không VietJet, Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt, Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam hỗ trợ thông tin cho tất cả hành khách của mình về Thừa Thiên - Huế phải cài đặt Hue-S từ địa chỉ https://huecity.vn và thực hiện khai báo khi đến Thừa Thiên - Huế, để khai báo y tế, kiểm soát, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh Covid-19
Theo đó, hành khách khi đến Huế phải tải và cài đặt Hue-S của Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế để khai báo, thời gian triển khai thực hiện từ 17 giờ ngày 16.2.2021.
Đây là quy định của tỉnh Thừa Thiên - Huế dành cho người đến Huế, không miễn trừ khi đã khai báo trên các ứng dụng khác (thí dụ như đã khai báo ở tokhaiyte.vn vẫn tiếp tục khai báo).
Cụ thể, sau khi cài đặt Hue -S thành công trên smatphone, hành khách vào Hue-S, chọn chức năng “CHỐNG DỊCH BỆNH” và chọn chức năng “KHAI BÁO VỀ HUẾ” rồi thực hiện các bước khai báo trước khi vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, lưu lại mã QR sau khi khai báo (để các chốt tiến hành kiểm tra).
Hành khách xuống Sân bay quốc tế Phú Bài phải xuất trình khai báo y tế trên điện thoại di động hoặc tờ khai giấy trước khi ra khỏi sân bay, sau đó sử dụng Hue-S để quét QR tại các điểm đến trong quá trình di chuyển tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngoài ra, Hue-S còn cập nhật thường xuyên nhận các thông báo tình hình dịch bệnh của địa phương, các cảnh báo tình hình mới để chủ động và không bị vi phạm quy định chống dịch tại địa phương. Hue-S cũng được sử dụng để tra cứu các điểm xuất phát khi đến Thừa Thiên - Huế phải cách ly tập trung 14 ngày để du khách chủ động lộ trình di chuyển. (thanhnien.vn 17/2)
3. Huế: Tầm soát diện rộng các đối tượng, ngăn chặn Covid-19 xâm nhập
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, công tác phòng chống dịch Covid-19 trên điạ bàn không được chủ quan lơ là, vẫn luôn phải đặt trong tình trạng sẵn sàng cao.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 17/2, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến nay, cơ bản UBND tỉnh đã triển khai mọi biện pháp để người dân được đón Tết Nguyên đán an toàn, không để dịch bùng phát trên địa bàn. Tuy nhiên với việc dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước nâng cao mức độ phòng chống dịch, vì vậy Thừa Thiên - Huế phải quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
Theo ông Thọ, sau Tết, người dân đến và đi từ các địa phương vẫn còn phức tạp, mặc dù người đi sẽ nhiều hơn người về nhưng người về lại tiềm ẩn nguy cơ cao hơn đòi hỏi công tác phòng chống dịch không được chủ quan lơ là, vẫn luôn phải đặt trong tình trạng sẵn sàng cao.
"Đề nghị các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp phải nắm được, nhận định được số lượng công nhân, chuyên gia sau Tết về các doanh nghiệp, khu công nghiệp là bao nhiêu, số lượng học sinh, sinh viên trở về các trường học là bao nhiêu để có các phương án kiểm soát cụ thể. Tất cả các địa phương phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn, linh hoạt hơn trên tinh thần đẩy mạnh chiến lược phòng, chống dịch, khoanh vùng nhanh, tầm soát diện rộng, truy vết thần tốc", ông Thọ nhấn mạnh.
Ông Thọ thông tin thêm, Thừa Thiên - Huế vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như các thông báo đã ban hành trước đây, có thể nâng cao mức độ phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh. Việc cách ly người trở về từ vùng dịch vẫn phải thực hiện nghiêm túc và không được bỏ sót đối tượng, tiếp tục thực hiện tầm soát diện rộng các đối tượng có yếu tố dịch tễ để ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập địa bàn, trong đó ưu tiên người trở về từ các địa phương có dịch chưa qua 14 ngày.
Được biết, trong ngày 17/2, tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt đầu trở lại trường học. Một số hoạt động văn hóa, hoạt động lễ hội tập trung đông người trên địa bàn tiếp tục tạm dừng để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. (nguoiduatin.vn 17/2)
4. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid – 19
Chủ trì cuộc họp giao ban công tác phòng chống dịch Covid – 19 của tỉnh diễn ra vào chiều nay, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và tính cấp thiết của việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là thời điểm sau Tết Nguyên đán. (trt.com.vn 17/2)
VĂN HÓA
1. Huế xin giữ lại 100% phí tham quan di tích để bảo tồn, trùng tu di sản
Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa trình Thủ tướng ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo tồn cố đô Huế, trong đó bộ đề xuất cho tỉnh Thừa Thiên Huế giữ lại 100% phí tham quan di tích để bảo tồn, trùng tu di sản.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, nội dung đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù với tỉnh Thừa Thiên Huế những năm tới có 4 chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội, 3 chính sách thuộc thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 2 chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ và 5 chính sách do Thủ tướng quyết định.
Trong đó, đề xuất xin giữ lại 100% phí tham quan di tích trên địa bàn để bảo tồn và trùng tu di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế do Quốc hội quyết định.
Để hình thành cơ chế đặc thù bảo tồn cố đô Huế, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế được lập Quỹ bảo tồn di sản Huế; nâng mức nợ vay đầu tư phát triển của tỉnh tối đa bằng 40% số thu ngân sách địa phương hằng năm; cho tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% nguồn thu trong sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất của Nhà nước trên địa bàn.
Những đề xuất trên nếu được thông qua, trong năm 2021 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được bổ sung một nguồn lực đáng kể để trùng tu, bảo tồn di sản cố đô Huế. Đồng thời, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ nâng mức nợ vay đầu tư phát triển tối đa đến 2.587 tỉ đồng.
Hầu hết các bộ, ngành đều ủng hộ việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên Huế những năm tới. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị tỉnh này phải làm rõ số thu phí tham quan, kinh phí trùng tu, bảo tồn di sản hằng năm.
Về các chính sách thí điểm mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương bao gồm thành phố Huế mở rộng, các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền và 5 huyện trên địa bàn; tăng mức phân bổ chi thường xuyên cho tỉnh, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với chính sách bảo tồn di sản nhà vườn Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị cho thực hiện bố trí tái định cư, hỗ trợ lãi suất mua, xây nhà, bán nhà ở xã hội cho các hộ gia đình có nhu cầu tách thửa, xây nhà ở trong khu vực kinh thành Huế. Nhưng cả 2 bộ Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng đều không đồng ý thông qua chính sách này.
Để bổ sung nguồn lực bảo tồn, trùng tu di sản những năm tới, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị Thủ tướng cho tỉnh được phát hành xổ số kiến thiết di sản 3 kỳ vé/tuần, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. (tuoitre.vn 17/2)
XÃ HỘI
1. Ở nơi đang bình an
Không hề mặc định, nhưng gần như đã trở thành một thói quen khi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên mà tôi làm là khởi động máy, rồi tìm đọc những thông tin mới về tình hình COVID-19. Kể từ đại dịch bùng phát trở lại ở Hải Dương, cho đến suốt những ngày tết, đây là điều được đề cập đến nhiều nhất trong những cuộc gặp gỡ giới hạn.
Thường thì tin tức buổi sáng “trong” hơn, ít ca nhiễm bệnh được công bố. Điều đó chí ít cũng mang đến sự an tâm đầu ngày. Thông tin buổi trưa hoặc đầu giờ chiều có vẻ ít lành hơn, với những ca nhiễm mới mạn Đông bắc. Tin tốt là những ca nhiễm mới đa phần là người ở trong các khu cách ly, phong tỏa, ít có khả năng lây nhiễm cho cộng đồng. Điều tích cực khác là chính quyền các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng và thành phố Hà Nội đã liên tục giám sát, khoanh vùng và truy vết với những biện pháp quyết liệt và nhanh nhất có thể. Cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, giữ được tết an lành trong điều kiện bình thường mới là đánh giá từ cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 tối 13/2 (tức mùng 2 tết). Tình hình này cơ bản được duy trì trong những ngày tiếp theo. Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị và bộ máy y tế các cấp vẫn liên tục vận hành, khi mà nguy cơ lây lan dịch bệnh được xác định là rất cao, nhất là ở các thành phố lớn, có nhiều khu công nghiệp quy mô. Người dân, cán bộ, công nhân viên chức… cũng đã kết thúc kỳ nghỉ và bắt đầu đi làm trở lại.
Chiều tối ngày 15/2, bên cạnh một số tin vui về việc có thêm những trường hợp được công bố đã khỏi COVID-19 ở Hải Dương, trước đó hơn 100 cháu ở một trường mẫu giáo tại Hà Nội đã được cho về nhà sau khi xét nghiệm đã cho kết quả âm tính lần thứ 3 thì kể từ 0h ngày 16/2, ngoài các điểm tiếp tục bị phong tỏa ở Chí Linh, Cẩm Giàng, và thành phố Hải Dương, toàn tỉnh Hải Dương đã tiến hành cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Những người bạn của chúng tôi ở đó cho hay, đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện, nhất là về tinh thần để bước vào những ngày căng thẳng hơn của trạng thái bình thường mới.
Hôm trước, từ một group trên zalo, chúng tôi tiếp tục nhận được những thông tin tích cực về tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. 1.081 mẫu được xét nghiệm trong ngày 14/2, trong đó có 1.041 mẫu CDC đều cho kết quả âm tính là thông tin được phát đi từ Chánh văn phòng UBND tỉnh Trần Thị Hoài Trâm. “Hiện Thừa Thiên Huế vẫn bình an!” – chữ chị như một thông điệp vui trong tin nhắn ngày hôm đó, và có thể là cả những ngày tiếp theo nữa…
Kể từ ngày 28/1/2021 đến 9h00 ngày 16/2/2021 Thừa Thiên Huế đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 7.718 trường hợp, trong đó 3.418 trường hợp đã cho kết quả âm tính; 4.300 trường hợp đang chờ kết quả.
“Huế của các bạn thật an lành” là điều mà các bạn của tôi đã nói, khi chia sẻ cùng nhau trong những ngày trước, trong và vừa qua Tết Tân Sửu. Có lẽ đó cũng là điều may mắn cho những người dân ở Huế, những người đang ở và làm việc tại Huế. Nhưng ngoại trừ yếu tố may mắn, còn là sự vận hành quyết liệt, khẩn trương, trách nhiệm và chu đáo của cả bộ máy, trên tất các các phương diện; là sự tận tụy của những người thâu đêm canh giữ các điểm chốt, đường mòn lối mở và sự hối hả, tất bật của các nhân viên y tế… Đó mới chính là chỗ dựa cho một Huế bình an. (baothuathienhue.vn 17/2)
2. Nhiều nơi phát động Tết trồng cây
Hoạt động được huyện A Lưới, Phong Điền và lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức sáng 17/2.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện và các đơn vị, ban, ngành A Lưới đã trồng 50 cây bản địa, chủ yếu là sao đen, xà cừ… Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc ở huyện A Lưới sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa việc nâng cao nhận thức cho mỗi người dân về lợi ích to lớn, toàn diện, lâu dài và giá trị nhân văn của việc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng; tạo phong trào sâu rộng để "Nhà nhà trồng cây, người người trồng cây, toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng” gắn với phát triển kinh tế xanh, bền vững, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và làm cho cảnh quan thiên nhiên A Lưới tươi đẹp hơn.
Huyện A Lưới phấn đấu năm 2021 trồng mới nhiều ha rừng; đồng thời, gắn việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trồng rừng với bảo vệ tài nguyên rừng hiện có, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; tiếp tục cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng sản xuất và chế biến, nâng cao giá trị kinh tế rừng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển vững chắc.
Tại buổi lễ, huyện A Lưới cũng phát động các tuyến đường mẫu sáng – xanh – sạch – đẹp gắn với xây dựng nông thôn mới.
*Tại Phong Điền, lãnh đạo huyện cùng đông đảo cán bộ, CNVC-LĐ, giáo viên và học sinh đã tham gia trồng 144 cây hoàng yến tại các tuyến đường ở khu vực nội thị thị trấn Phong Điền. Đây là những giống cây phù hợp với cảnh quan và điều kiện thực tế của địa phương. Thông qua “Tết trồng cây” sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ thực hiện tốt phong trào trồng cây xanh bảo vệ môi trường, phòng chống hậu quả thiên tai, lũ lụt, xây dựng huyện Phong Điền ngày càng “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
*Tại lễ phát động Tết trồng cây đầu năm mới Tân Sửu 2021, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã phát động cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị, nhà trường thuộc LLVT tỉnh tích cực trồng cây đầu năm. Trong đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ trồng từ 3 đến 5 cây xanh, 1 đến 2 cây ăn quả; đồng thời thực hiện tốt lời căn dặn của Bác là trồng cây nào phải tốt cây đó.
Các cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị đã ra quân trồng được trên 2.000 cây xanh, cây bóng mát gồm cây nhạc ngựa, cây muối, tràm hoa vàng và trồng được hơn 1.000 cây ăn trái, gồm các loại như: cam, thanh trà, bưởi, xoài,ổi, chanh.
Trong những ngày tới, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tiếp tục tổ chức trồng cây ở các khu vực hậu cứ, trại sản xuất, thao trường huấn luyện và trong khuôn viên doanh trại.
Việc tích cực trồng cây đầu năm sẽ góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo cảnh quan môi trường doanh trại xanh, sạch, đẹp, tạo không gian cho bộ đội học tập, công tác và thực hiện có hiệu quả phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” do tỉnh phát động. (baothuathienhue.vn 17/2)
3. Huế: Trồng cây đầu Xuân Tân Sửu
Ngày 17/2, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP. Huế cùng các cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đã tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - Xuân Tân Sửu 2021”.
“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - Xuân Tân Sửu 2021” được UBND TP. Huế tổ chức tại khu vực Công viên Hoàng Thành dọc tuyến đường Lê Huân, phường Thuận Hòa.
Tại đây, lãnh đạo tỉnh, thành phố cùng các lực lượng đã trồng 50 cây sau sau, đường kính từ 12-15cm, cao 6 mét.
Phó Chủ tịch UBND TP. Huế - Trần Song cho biết, thông qua Tết trồng cây nhằm phát động phong trào trồng cây xanh đô thị, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ trong dịp đón mừng xuân mới, với mục đích tôn tạo cảnh quan thành phố, chỉnh trang đô thị và nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo vệ “lá phổi xanh” của thành phố, qua đó góp phần xây dựng, giữ vững và nâng cao vị thế của Huế theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, mục tiêu xuyên suốt Thừa Thiên Huế hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
“Cùng với đó, TP. Huế mong muốn phong trào trồng cây sẽ được các phường, cơ quan đơn vị, ban ngành đoàn thể, trường học và toàn thể nhân dân thành phố nhiệt tình hưởng ứng, cùng hướng về một mục đích cao cả là làm cho Huế mỗi ngày một xanh tươi hơn, đẹp đẽ hơn, thanh bình và trù phú hơn. Cùng với việc trồng cây mới, phải thường xuyên quan tâm công tác bảo vệ chăm sóc cây xanh, bảo vệ vườn cây, rừng cây hiện có trên toàn địa bàn, giữ gìn thành phố luôn xanh, sạch đẹp và trong lành, mỹ quan đô thị và môi trường sống ngày càng đảm bảo, cuộc sống và sức khỏe Nhân dân ngày một tốt hơn, hướng đến mục tiêu lớn là xây dựng Huế - xứ sở yên bình, hạnh phúc”, ông Song nói.
Được biết, hiện nay, TP. Huế có hơn 65.000 cây xanh đường phố, mật độ 12,97m2/người; đảm bảo tiêu chuẩn về cây xanh đối với đô thị loại I. Qua đó mang lại một môi trường sống xanh - sạch - đẹp, thân thiện môi trường cho người dân Huế, nâng cao hình ảnh Huế với bạn bè bốn phương, xứng đáng với danh hiệu Huế - thành phố Xanh quốc gia.
Kết thúc Tết trồng cây, Chủ tịch UBND tỉnh đi thăm hệ thống cây xanh và 2 vườn mai đối diện 2 bên Đại Nội. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị TP. Huế tiếp tục tập trung chỉnh trang cảnh quan, hệ thống cây xanh khu vực nội thành để trở thành điểm nhấn và tạo ấn tượng với người dân, du khách... (baotainguyenmoitruong.vn 17/2)
4. Không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc tại các cơ quan, đơn vị
Ngày hôm nay 17/2, sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã trở lại làm việc bình thường. Không khí làm việc tại các cơ quan hành chính rất khẩn trương, nghiêm túc, thể hiện tinh thần, trách nhiệm và ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ nhằm hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2021. (trt.com.vn 17/2)
5. Mê mẩn đường Hoàng mai vàng trong kinh thành Huế
Hàng loạt cây Hoàng mai được trồng ở công viên khu vực kinh thành Huế khoe sắc vàng rực, thu hút khách du lịch tham quan và chụp hình.
Theo Trung tâm Công viên Cây xanh Huế, 'con đường Hoàng mai' được tạo ra trong công viên trước Đại nội Huế đầu năm 2020 là sự quy tụ của hơn 130 cây mai Huế có tuổi đời hàng chục năm, đến từ nhiều vùng miền như Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền. Tất cả những cây mai vàng được đưa về trồng tại công viên trước Đại nội trong Kinh thành Huế đều rất có giá trị, cây già nhất khoảng 60 tuổi, có cây 30 tuổi.
Những ngày này, dãy Hoàng mai đua nhau khoe sắc, nở rộ vàng một góc trời kinh thành Huế, thu hút du khách và người dân đã dừng lại vào tham quan, chụp hình. Nhiều người tấm tắc khen vườn mai độc lạ mang đậm nét thanh tao của xứ Huế.
Khác với mai hồng diệp ở miền Nam, hoàng mai xứ Huế khi nở thường có 5 cánh, hương thơm nhẹ, tinh khiết.
Ông Hoàng Hải Minh, Chủ tịch UBND TP. Huế cho hay 'ngoài vườn Hoàng mai trong Kinh thành hiện nay, khu vực công viên hai bên hông và sau lưng Đại nội Huế sẽ tiếp tục được nghiên cứu để tạo nên không gian cây xanh phù hợp nét văn hóa Huế, mang tính điểm nhấn nằm trong quan niệm sống hài hòa với thiên nhiên về 'tứ thời', 'tứ bình' của người xưa như: 'Xuân, hạ, thu, đông', 'Mai, lan, cúc, trúc'… Khi mùa xuân về, đường hoàng mai nở hoa sẽ tạo nên một khung cảnh đậm sắc Xuân, là điểm nhấn cho Huế'. (nongnghiep.vn 17/2)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Dấu ấn từ công tác tuyển sinh
Năm 2021, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học (ĐH) Huế tiếp tục vận hành những giải pháp thu hút mới, tạo lập cho mình điểm nhấn riêng trong công tác tuyển sinh.
Giữa tháng 1/2021, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế đã tạo ấn tượng đặc biệt với các học sinh Trường trung học phổ thông (THPT) Phan Đăng Lưu bởi những màn trình diễn robot. Cuối tháng 1, chương trình “Giao lưu và gặp mặt học sinh đạt giải cuộc thi quốc gia và quốc tế” tiếp tục được Khoa triển khai. 61 học sinh của tỉnh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 – 2021 được trải nghiệm những màn trình diễn với robot gắp đồ vật, nhận diện gương mặt, giọng nói...
Đây đều là những robot do sinh viên năm nhất, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế lập trình và điều khiển. Trong tháng 1 vừa qua, những con robot này đã có hành trình dài hơi ở hai trường: THPT Phan Đăng Lưu và THPT Nguyễn Huệ. Đây là một trong những hoạt động khởi động của khoa cho mùa tuyển sinh năm nay.
TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế cho biết: “Khác với cách tư vấn tuyển sinh thông thường, sinh viên của khoa chính là hạt nhân, mang robot đến sân trường biểu diễn. Chúng tôi tư vấn hướng nghiệp thông qua trải nghiệm thực tế với mong muốn mang đến cho các bạn học sinh cái nhìn trực quan, sinh động về nghề nghiệp”.
Thành lập năm 2019, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế có sứ mạng đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Với ba phương thức tuyển sinh là xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào học bạ THPT và xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, nhà trường đào tạo hai hệ là cử nhân và kỹ sư cho ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; kỹ thuật điện.
Bám sát theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động tuyển sinh của khoa được chú trọng với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Tham gia vào quá trình đào tạo ngay từ đầu, doanh nghiệp với các tiêu chí khắt khe giúp hình thành môi trường học tập chuyên nghiệp, thực tế cho sinh viên khi mới bước chân vào giảng đường. Dự kiến, khoa sẽ tuyển 300 sinh viên hệ đại học chính quy trong năm nay. TS. Nguyễn Quang Lịch thông tin: “Chúng tôi dự kiến sẽ có ngành mới là công nghệ năng lượng và môi trường; hệ thống số. Ngoài ra, khoa đang phát triển đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học cho ngành kỹ thuật điện”.
Công nghệ năng lượng và môi trường là ngành có mô hình đào tạo đặc thù. Doanh nghiệp đưa ra chỉ tiêu, “đặt hàng” những yêu cầu cụ thể với các kỹ sư tương lai. Tùy theo dự án như năng lượng mặt trời, điện khí… Khoa sẽ xây dựng chương trình đào tạo, đón đầu và đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp.
Năm 2020, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ đã tuyển 67 sinh viên trong khóa đầu tiên. Trong đó có nhiều em là học sinh giỏi cấp tỉnh. Thời gian tới, các em sẽ tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân trong hoạt động tư vấn tuyển sinh. Hơn nữa khoa còn biến ngày hội tư vấn thành cuộc đua công nghệ. Đại diện Khoa Kỹ thuật và Công nghệ bật mí: “Không dừng lại ở lập trình, điều khiển, các em sẽ tự tay sản xuất ra những con robot của chính mình. Đây sẽ là bước tiến lớn mà khoa và tất cả sinh viên đều kỳ vọng”.
Bước vào thời đại 4.0, lĩnh vực kỹ thuật và công công nghệ ngày càng nhận được sự quan tâm và là lựa chọn nghề nghiệp của các bạn học sinh. Ngoài công tác tuyển sinh, lợi thế về công nghệ hiện đại, cập nhật xu hướng, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế đã tạo cho mình sức hút riêng. Từ đó, mục tiêu thúc đẩy phát triển kỹ thuật công nghệ, phấn đấu trở thành trường ĐH thành viên của ĐH Huế vào năm 2030 không còn xa. (baothuathienhue.vn 17/2)
2. Đảm bảo an toàn dạy và học sau Tết Nguyên đán
Học kỳ 2 của năm học 2020 - 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp không chỉ đặt ra những thách thức mới về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo mà còn đặt ra nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Trong ngày đầu tiên học sinh quay trở lại trường sau Tết Nguyên đán, các trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh và giảm bớt tâm lý lo ngại của các bậc phụ huynh khi đưa con em đến trường. (trt.com.vn 17/2)
3. Giáo dục Nam Đông & hai mục tiêu phấn đấu
Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông gắn với thực hiện thành công đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2021” là mục tiêu hướng đến của ngành giáo dục và đào tạo huyện vùng cao Nam Đông.
Vừa hồng, vừa chuyên
Đầu năm 2021, có dịp ghé thăm Trường tiểu học (TH) Khe Tre, chúng tôi cảm nhận được một không gian học đường lý tưởng. Các dãy phòng học khang trang, sân trường thoáng mát và những học sinh ngoan hiền, lễ phép. Thầy giáo hiệu trưởng Trần Đức Triển cho biết, ngoài các chương trình lên lớp đảm bảo quy định, nhà trường còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Đây là một trong những cơ sở giáo dục tiểu học đứng đầu toàn huyện Nam Đông trong các hoạt động giao lưu.
Khe Tre là một trong số 12 trường TH, huyện Nam Đông còn có 4 trường trung học cơ sở (THCS) và 2 trường TH & THCS. Năm học 2019 - 2020, toàn huyện huy động được 100% em trong độ tuổi TH và 98% em trong độ tuổi THCS đến trường là một con số đầy khích lệ đối với mảnh đất vùng cao, cò nhiều khó khăn như Nam Đông. Đặc biệt, trong điều kiện vừa dạy học, vừa chống dịch và khắc phục hậu quả dịch bệnh, các trường học phổ thông vẫn triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học.
Năm học qua, huyện Nam Đông có 98,1% học sinh được công nhận hoàn thành chương trình lớp học, 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình TH; trên 65,5% học sinh THCS được xếp loại lực khá giỏi. Tham gia cuộc thi vẽ tranh quốc tế Toyota “Chiếc ô tô mơ ước” lần thứ 9, huyện có 1 học đạt giải nhất cấp quốc gia; tham gia cuộc thi tin học cấp tỉnh, Nam Đông có 3 học sinh đạt giải, trong đó có 1 giải nhì.
Đến nay, huyện Nam Đông có 25/28 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; có 27/28 trường được đánh giá ngoài, trong đó đạt cấp độ 1 có 14 trường, cấp độ 2 có 4 trường và cấp độ 3 có 9 trường; có 15/16 thư viện đạt chuẩn trở lên, trong đó có 6 thư viện tiên tiến.
Thầy giáo Lại Quốc Trình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đông tâm huyết, nhân tố có ý nghĩa quyết định tạo nên chuyển động toàn diện của giáo dục địa phương là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong công tác giáo dục. Ngành giáo dục và đào tạo đã tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; tiếp tục triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực.
Xóa bỏ khoảng cách
Huyện Nam Đông có Trường THCS dân tộc nội trú Nam Đông và 6 trường học vùng định canh định cư dân tộc ít người. So với học sinh vùng kinh tế mới, học sinh dân tộc ít người gặp nhiều khó khăn không chỉ trong việc tiếp thu bài vở mà còn ở nhận thức khi chưa chú trọng đến việc học và điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn.
Năm 2011, UBND Nam Đông có Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2012 - 2016”. Năm 2017, huyện Nam Đông tiếp tục có đề án cho giai đoạn 2017 - 2021 với mục tiêu cụ thể, tạo điều kiện cho học sinh dân tộc ít người trên địa bàn học tập, lĩnh hội tri thức; tạo đột phá trong công tác giáo dục mũi nhọn, coi trong phát triển giáo dục đại trà; giảm tỷ lệ học sinh yếu kém.
Hầu hết học sinh dân tộc thiểu số tiếp thu bài chậm. Cô giáo Lê Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú Nam Đông cho biết, nhà trường vận động và các giáo viên tích cực bám lớp, từ nghiên cứu để tìm ra cách dạy dễ hiểu đến chủ động phụ đạo, ôn tập nhằm đảm bảo yêu cầu học tập. Nhà trường còn chú tâm rèn luyện kỹ năng sống và đạo đức cho học sinh. Trong các đợt lũ bão vừa qua, nhiều giáo viên kiêm luôn cả việc đưa học sinh về nhà, đảm bảo an toàn tính mạnh cho các em.
Được sự đãi ngộ của Nhà nước và tận tâm truyền dạy của những thầy cô giáo, học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú Nam Đông tiến bộ vượt bậc trong rèn luyện và học tập. Tình trạng học bỏ học giảm hẳn và năm học này, không có học sinh bỏ học. Số lượng học sinh giỏi từ 10% cách nay 3 năm đã tăng lên 13,9% trong năm qua. Hằng năm, nhà trường có từ 2 - 3 học sinh giỏi cấp huyện. Thi vào Trường THPT Dân tộc nội trú Thừa Thiên Huế, tỷ lệ đậu của học sinh nhà trường rất cao, lên đến 93%.
Cũng đã có những tín hiệu tích cực trong toàn huyện khi trong những năm qua, tỷ lệ học sinh dân tộc ít người bỏ học chỉ còn dưới 1% ở bậc tiểu học, 3% ở các bậc THCS và THPT. Chất lượng học tập được nâng lên. Kết quả thi tốt nghiệp tiểu học và THCS đạt 100%; THPT gần 90%. Trong 10 năm qua, toàn huyện có hàng trăm học sinh dân tộc thiểu số thi đỗ vào các trường đại học. Khoảng cách giữa học sinh người Kinh và dân tộc ít người đang dần được rút ngắn.
Đổi mới để phát triển
2020 -2021 là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và cũng là năm học đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, được xem là tiền đề và cơ hội thuận lợi và cũng là thách thức của ngành giáo dục Nam Đông, đòi hỏi toàn ngành phải tập trung, quyết tâm chính trị cao để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đối với giáo dục phổ thông, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Lại Quốc Trình khẳng định, quyết tâm đổi mới để phát triển. Toàn ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch năm học 2019 - 2020 trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 tiếp tục hoành hành và phức tạp; thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn và chất lượng học sinh dân tộc thiểu số. (baothuathienhue.vn 18/2)
4. Học sinh trở lại trường đông đủ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán
Sáng 17/2, học sinh các khối từ mẫu giáo đến lớp 12 trên địa bàn đi học trở lại. Các trường dành ngày học đầu tiên cho việc nắm tình hình học sinh; hướng dẫn các em thực hiện đúng quy định về giữ gìn vệ sinh, phòng chống dịch.
Cán bộ, giáo viên được nhắc nhở tránh tình trạng chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Tình trạng sức khỏe, thân nhiệt của học sinh được theo dõi thường xuyên dưới sự giám sát của cán bộ y tế và giáo viên chủ nhiệm... Học sinh đều tự giác mang khẩu trang và tránh tụ tập.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Tân cho biết, ngay trong ngày học đầu tiên, các trường đều tiến hành kiểm tra thân nhiệt học sinh cũng như nắm bắt và theo dõi tình hình sức khỏe của các em. Ngoài ra, trong lớp học bố trí bàn ghế hợp lý bảo đảm khoảng cách tối đa và bảo đảm học sinh, giáo viên luôn mang khẩu trang khi sinh hoạt ở trường. “Nhìn chung, các em đều tự chuẩn bị bình nước cá nhân để uống để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh. Mỗi trường đều có một phòng cách ly để khi phát hiện học sinh, giáo viên có triệu chứng bất thường sẽ tiến hành cách ly. Các trường đều kiểm soát chặt chẽ người ra, vào khuôn viên nhà trường và thực hiện mô hình xếp hàng đón con bảo đảm khoảng cách an toàn".
Ngành Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế cũng yêu các trường học nắm tình hình dịch tể của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và người thân trong thời gian nghỉ tết.
Đồng thời, các trường cũng rà soát, những em có hoàn cảnh khó khăn để ngành giáo dục có phương án giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vì hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh mà phải bỏ học.
Đối với học sinh khối tiểu học và mầm non, nhiều trường tạm thời không tổ chức bán trú. Phụ huynh đưa đón con đến trường đều được yêu cầu đeo khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19. (baothuathienhue.vn 17/2)
Y TẾ
1. Huế xét nghiệm 10% người về từ Hà Nội, TP HCM qua sân bay Phú Bài
Thừa Thiên-Huế lấy mẫu xét nghiệm 10% người về từ Hà Nội, TP HCM qua sân bay Phú Bài; hành khách qua sân bay phải cài đặt Hue-S...
Tối 17/2, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã có văn bản gửi CHK quốc tế Phú Bài, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines về việc khai báo y tế trước khi vào tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cụ thể, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị các đơn vị trên hỗ trợ thông tin cho tất cả hành khách về Thừa Thiên - Huế phải cài đặt Hue-S và cập nhật thông tin y tế, lưu trú trên ứng dụng Hue-S.
Sau khi cài đặt Hue-S từ địa chỉ https://huecity.vn, hành khách chọn chức năng “Chống dịch bệnh” và chọn chức năng “Khai báo về Huế” để tiến hành các khai báo trước khi vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, lưu lại mã QR sau khi khai báo để các chốt kiểm tra.
Theo quy định trên, hành khách xuống sân bay quốc tế Phú Bài phải xuất trình khai báo y tế trên điện thoại di động hoặc tờ khai giấy trước khi ra khỏi sân bay. Sử dụng Hue-S để quét QR tại các điểm đến trong quá trình di chuyển tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sử dụng Hue-S để thường xuyên nhận các thông báo tình hình dịch bệnh của địa phương, các cảnh báo tình hình mới để chủ động và không bị vi phạm quy định chống dịch tại địa phương.
Sử dụng Hue-S để tra cứu các điểm xuất phát khi đến Thừa Thiên - Huế phải cách ly tập trung 14 ngày để chủ động lộ trình di chuyển.
Trong quá trình ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, nếu có vấn đề cần hỗ trợ thì sử dụng Hue-S hoặc gọi đến số đường dây nóng của tỉnh 19001075 để được hỗ trợ.
“Hiện nay tất cả các điểm công cộng, trụ sở cơ quan, bến xe... trên địa bàn tỉnh đều có QR code, check in thì quyét QR, máy có cài Hue-S thì được giám sát chặt chẽ các điểm trên địa bàn, tạo điều kiện truy vết dễ dàng khi có tình huống xảy ra”, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly tập trung đối với tất cả công dân đến từ tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh.
“Đối với những công dân từ tỉnh Hải Dương đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế theo thông tin cung cấp của tỉnh Hải Dương, yêu cầu Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các địa phương khẩn trương tầm soát, truy vết và cách ly tập trung khi đến địa bàn của tỉnh theo yêu cầu trước đây của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh nhấn mạnh.
Tăng cường kiểm soát dịch đối với công dân đến từ TP Hà Nội, theo mức độ phòng chống dịch do UBND TP Hà Nội ban hành, đảm bảo kê khai y tế, biện pháp phòng dịch “5K” và kiểm soát được thông tin cư trú đối với công dân đến từ TP Hà Nội.
Xử phạt nghiêm các trường hợp không tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch (5K). Đối với các trường hợp khai báo y tế không trung thực thì cách ly tập trung để xác minh.
Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu Ban Quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh rà soát số lượng công nhân từ ngoài tỉnh về và yêu cầu khai báo y tế để nắm chắc các yếu tố dịch tễ khi công nhân quay lại làm việc tại khu kinh tế, khu công nghiệp sau kỳ nghỉ Tết.
Đồng ý chủ trương xét nghiệm PCR cho tất cả chuyên gia người nước ngoài và 10% công nhân có yếu tố dịch tễ làm việc trong khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh (trong tổng quy mô 10.000 mẫu tầm soát); đồng ý chủ trương tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm PCR cho 10% người về từ TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh qua sân bay quốc tế Phú Bài. (baogiaothong.vn 17/2)
THỂ THAO
1. Khai mạc giải thi đấu thuộc Đại hội TDTT huyện A Lưới
Chiều 17/2, tại Quảng trường huyện A Lưới, Ban tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) huyện lần thứ IX năm 2021 – 2022 tổ chức lễ khai mạc giải kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy năm 2021.
Giải có 331 vận động viên nam, nữ của 15 đơn vị tham gia, trong đó có 196 vận động viên kéo co, 48 vận động viên bắn nỏ và 87 vận động viên đẩy gậy.
Đây là giải đấu trong chương trình Đại hội TDTT của huyện. Thông qua hoạt động thi đấu thể thao, các vận động viên cũng trao đổi kinh nghiệm, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Giải cũng được tổ chức nhằm phát huy phong trào tập luyện và thi đấu các môn kéo co, bắn nỏ và đẩy gậy trên địa bàn huyện A Lưới. Qua giải đấu này sẽ tuyển chọn các vận động viên tiêu biểu của huyện tham gia thi đấu tại giải của tỉnh trong thời gian tới. (baothuathienhue.vn 17/2)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Thừa Thiên- Huế: Xử phạt nhiều người không đeo khẩu trang nơi công cộng
Lực lượng chức năng TP. Huế đã xử phạt nhiều trường hợp không thực hiện việc phòng, chống dịch Covid-19 bằng việc đeo khẩu trang nơi công cộng.
Ngày 17/2, Công an TP. Huế (Thừa Thiên- Huế) cho biết, để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, những ngày qua lực lượng của đơn vị này đã tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang khi đến các điểm công cộng.
Trong những ngày tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều người dân trên địa bàn TP. Huế cũng như các vùng huyện, thị xã tập trung về các khu vui chơi công cộng. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp thiếu ý thức về phòng chống dịch Covid-19, không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.
Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, ngay từ những ngày đầu năm mới lực lượng Công an các phường TP. Huế đã tổ chức lực lượng truyền truyền lưu động. Nhắc nhở người dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch theo thông điệp 5K "đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo ý tế".
Trong ngày 3 Tết Nguyên đán, Công an TP. Huế đã xử lý 5 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, tổng số tiền phạt là 10 triệu đồng. (nongnghiep.vn 17/2)
2. Chưa phá xong án, lòng chưa yên...
Mỗi khi một vụ án còn dang dở, đối tượng vẫn đang còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì lòng mình không bao giờ yên được…”, trải lòng của Thiếu tá Lưu Thanh Tùng- Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CA tỉnh TTHuế cũng là tâm trạng chung của mỗi CBCS CAND.
Lần giở những bức thư mà người dân gửi trực tiếp đến Thiếu tá Tùng để cảm ơn, có lẽ bức thư với những dòng chữ nguệch ngoạc của một người phụ nữ bán hàng rong khiến tôi không thể nào quên được. Chủ nhân của bức thư này có chồng may mắn thoát “chết” từ một băng nhóm cho vay “tín dụng đen” có nhiều cơ sở hoạt động khắp địa bàn miền Trung. Theo lời của người phụ nữ, khi đọc tờ rơi cho vay tiền, do gia đình cần tiền nộp học cho con nên chồng chị đã liên hệ vay 10 triệu đồng. Sau 4 tháng, số tiền vốn và lãi chồng chị phải trả trên 20 triệu đồng nhưng vẫn nhận được thông báo còn thiếu gần 5 triệu đồng. Lúc này, gia đình chị không còn khả năng trả nợ nên những người cho vay liên tục đe dọa, khủng bố tinh thần. Đúng thời điểm này, băng nhóm cho vay lãi nặng núp bóng Cty TNHH MTV phát triển Tổng hợp Tín Đạt đã bị Phòng CSHS CA TTHuế triệt phá. Trực tiếp tham gia chuyên án, Thiếu tá Tùng nhớ lại, tất cả các dữ liệu cho vay, các đối tượng đều quản lý qua phần mềm máy tính nên việc thu thập các chứng cứ trong quá trình lập án gặp liên tiếp khó khăn. Nhiều lúc, các chiến sĩ cứ nghĩ vụ án sẽ đi vào “ngõ cụt” vì thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, xảo quyệt. Nhưng rồi nhìn những lá thư “kêu cứu” của người dân về thực trạng cho vay lãi nặng ngày một dày lên khiến những chiến sĩ nằm trong ban chuyên án trăn trở, thôi thúc phải sớm đưa đối tượng ra ánh sáng pháp luật. Và, sau 3 tháng ròng rã, bằng kinh nghiệm trong đánh án cộng với nghiệp vụ sắc bén cùng với niềm đam mê nghề nghiệp; tất cả các đối tượng trong đường dây tín dụng đen lớn nhất ở miền Trung này lần lượt sa lưới pháp luật.
Có thể nói, trong suốt thời gian giữ vai trò Đội trưởng và hiện là Phó phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Thiếu tá Tùng đã trực tiếp cùng đồng đội phá hàng chục chuyên án lừa đảo qua mạng, các đường dây tín dụng đen, các ổ nhóm cho vay nặng lãi... Đáng chú ý là các chuyên án lừa đảo qua mạng quốc tế do nhóm đối tượng Nigeria câu kết với các đối tượng Việt Nam, giả vờ kết bạn qua mạng xã hội rồi lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của cả ngàn bị hại từ Bắc vào Nam. Hoặc các nhóm đối tượng ở tỉnh Quảng Trị lập hàng loạt facebook ảo để kết bạn, giả vờ mua hàng để lừa đảo những người bán hàng qua mạng với số tiền lên đến 120 tỷ đồng...
Không chỉ in dấu trong các vụ án hình sự, tội phạm công nghệ cao; một trong những chuyên án ma túy mà Thiếu tá Tùng đã trực tiếp vây bắt các đối tượng khiến nhiều người dân TT- Huế vẫn thầm cảm ơn anh cùng đồng đội. Đó là vụ đánh sập đường dây ma túy ngụy trang trên xe chở hài cốt liệt sĩ từ tỉnh Điện Biên đi vào các tỉnh, thành miền Trung. Thiếu tá Tùng kể, bằng biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện, bar Vegas tọa lạc trên đường Bà Triệu, TP Huế là nơi “ẩn nấp” tinh vi của các đối tượng liên quan đến hoạt động ma túy. Trước tình hình đó, Đại tá Nguyễn Quốc Đoàn- nguyên Giám đốc CA tỉnh TT-Huế (nay là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy TT-Huế) đã chỉ đạo xác lập chuyên án để đấu tranh. Hơn 100 CBCS đã bất ngờ đột kích vào quán bar Vegas và phát hiện 18 điểm có chất ma túy. Qua test nhanh, lực lượng chức năng phát hiện 100/262 khách hàng và nhân viên dương tính với chất ma túy.
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, số ma túy giao dịch trong bar Vegas là do các đối tượng ở phía Bắc cung cấp. Để thâm nhập vào đường dây này, Thiếu tá Tùng “vào vai” lái xe đường dài, cả tháng trời ròng rã ngược xuôi trên cung đường Bắc- Nam. Sau một thời gian tập trung lực lượng điều tra, bằng biện pháp nghiệp vụ sắc bén và sự phối hợp của đồng bộ với các Cục nghiệp vụ của Bộ CA, 14 giờ ngày 2-2-2019 (tức 28 Tết), trước nhà số 30- Lê Lợi (Huế), lực lượng CA đã bắt quả tang 2 đối tượng Quàng Văn Tiến (1996) và Lường Văn Thành (2001, trú tỉnh Điện Biên) thu giữ 14.000 viên hồng phiến. Mới đây, TAND tỉnh TT-Huế đã đưa vụ án ra xét xử, Quàng Văn Tiến bị tuyên án chung thân, các đối tượng liên quan cũng nhận mức án từ 15-20 năm tù.
Thiếu tá Tùng còn “lấn sân” sang tội phạm kinh tế khi anh cùng đồng đội điều tra, bắt giữ hàng loạt doanh nghiệp có tiếng tại tỉnh TT-Huế về tội danh “Mua bán hóa đơn trái phép”, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền lớn. Trong nhiều vụ án, đối mặt với những đối tượng đang nhiễm HIV giai đoạn cuối hay đang “thủ” hàng nóng trong người, vẫn biết rằng ranh giới giữa sự sống và cái chết trong gang tấc nhưng với lòng nhiệt huyết, lòng đam mê nghề khiến cho Thiếu tá Tùng chưa bao giờ chùn bước. (cadn.com.vn 17/2)
3. An ninh trật tự được đảm bảo trong dịp tết
Từ ngày 10 đến 15/2 (29 tháng Chạp đến mồng 3 tết), toàn tỉnh xảy ra 3 vụ va chạm giao thông, làm 6 người bị thương. So với cùng kỳ tết năm ngoái, giảm 2 vụ, giảm 1 người bị thương. Điều đáng mừng là trong những ngày tết không có vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào và cũng không có người tử vong vì tai nạn giao thông.
Thượng tá Dương Văn Thoan, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh cho biết: “Không chỉ tai nạn giao thông giảm mạnh, mà an ninh trật tự được đảm bảo. Trong những ngày nghỉ tết, toàn tỉnh chỉ có 2 vụ liên quan đến an ninh trật tự là cố ý làm hư hỏng tài sản và trộm cắp tài sản. Hiện 2 vụ việc này đã có kết luận điều tra và đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Để bảo đảm an toàn cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, lực lượng công an đã xây dựng và triển khai kế hoạch cao điểm để tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; bảo đảm trực ban, trực chiến, sẵn sàng chiến đấu.
Thượng tá Lê Viết Phương, Phó Trưởng Công an TP. Huế thông tin: Hàng đêm, công an các phường tổ chức tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Công an các phường chia làm 2 ca từ 22 giờ đêm đến 2 giờ sáng hôm sau và từ 2 giờ đến 5 giờ sáng để tổ chức tuần tra. Mỗi ca gồm lực lượng công an phường và bảo vệ dân phố, lực lượng dân phòng.
Công an TP. Huế còn bố trí các tổ công tác “đặc biệt” gồm: Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát giao thông - trật tự... cùng với lực lượng Cảnh sát cơ động thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 2 - Trung đoàn Cảnh sát cơ động Trung bộ - Bộ Công an thường xuyên tuần tra về đêm để tấn công, trấn áp mạnh các loại tội phạm về hình sự, ma túy gây mất trật tự an toàn giao thông...
Theo Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ, Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự Công an TP. Huế, ngoài kế hoạch xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, đội triển khai các chuyên đề để xử lý nghiêm số thanh, thiếu niên sử dụng xe chế, độ chạy thành đoàn, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, rú ga làm mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đảm bảo an toàn cho Nhân dân vui xuân, đón tết. Theo số liệu của Công an TP. Huế, từ ngày 15/12/2020 đến nay, Đội CSGT-Trật tự đã lập biên bản gần 400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 3 tỷ đồng.
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 diễn ra trong thời điểm cả tỉnh bước vào trạng thái mới, vừa chống dịch COVID - 19 vừa tổ chức các hoạt động vui xuân, đón tết cho người dân. Do đó, tại các địa bàn trọng điểm ở Phú Lộc, Phong Điền, Nam Đông, A Lưới…, không kể những ngày tết, các đội nghiệp vụ, công an các xã cũng được triển khai bám sát địa bàn, gần gũi với người dân để đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID - 19. Đồng thời, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức, đảm bảo an ninh trật tự; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là việc đeo khẩu trang khi ra đường hay tiếp xúc với nhiều người, không được đốt pháo gây bất ổn tình hình. Tuy không để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ, nhưng những ngày tết, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 1 vụ cháy nhà dân, song thiệt hại không đáng kể, nguyên nhân được xác định là do chập điện.
“Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều hoạt động vẫn còn diễn ra, nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn giao thông còn những diễn biến phức tạp. Vì vậy, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ từ tỉnh đến cơ sở đều tiếp tục ứng trực, về cơ sở, sẵn sàng trong mọi tình huống để nhắc nhở, xử lý các trường hợp cố tình gây bất ổn về an ninh trật tự và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID - 19. Chúng tôi không khoan nhượng với bất cứ loại tội phạm nào. Đó cũng là chủ trương cũng như mục tiêu đặt ra của lực lượng công an toàn tỉnh”, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định. (baothuathienhue.vn 17/2)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Phú Lộc nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công
- Cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), công khai minh bạch các thủ tục trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất..., huyện Phú Lộc đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn.
Công khai, minh bạch
Lộc Sơn là đô thị loại 5 với lợi thế về tiềm năng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. 3 năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài địa bàn đã tìm đến Lộc Sơn để thành lập doanh nghiệp, mở chi nhánh công ty, cơ sở kinh doanh... Để tạo điều kiện và thu hút các nhà đầu tư, UBND xã đã ban hành nhiều kế hoạch và chỉ đạo các bộ phận thường xuyên cập nhật, kiểm soát việc đơn giản hóa các TTHC; công khai minh bạch các TTHC tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, quy hoạch sử dụng đất; rà soát, bổ sung, điều chỉnh ban hành quy chế làm việc của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Qua đó, quy định cụ thể, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ cán bộ, công chức. Các nội dung trên được công khai rộng rãi đến cán bộ và Nhân dân để giám sát thực hiện.
Anh Trần Duy Việt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Gỗ Duy Việt ở thôn Vinh Sơn đến giao dịch thủ tục liên quan về đăng ký kinh doanh, cho biết: Ngoài cung cấp thông tin về chế độ ưu đãi trong đầu tư kinh doanh, UBND xã còn công khai, minh bạch kết quả giải quyết của cơ quan hành chính trên trang thông tin điện tử của xã, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân trong việc cập nhật, tra cứu thông tin và giám sát việc thực hiện các TTHC.
Với khối lượng công việc khá lớn, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Lộc là đầu mối thực hiện các TTHC về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; thực hiện việc cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...
Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Lộc, ông Trần Xuân Hậu cho biết: Nhu cầu giải quyết TTHC của người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tăng cao, hơn nữa, đơn vị phải tiến hành cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các xã, thị trấn nên khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn. Tất cả số lượng hồ sơ trên phải được thực hiện đúng tiến độ và công khai, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân trên địa bàn huyện.
Trong năm 2020, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Lộc đã tiếp nhận và giải quyết 6.135 hồ sơ. Trong đó, đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho 538 trường hợp; 2.017 trường hợp đăng ký cấp đổi, đăng ký biến động 2.950 trường hợp, đăng ký giao dịch bảo đảm 630 trường hợp, hồ sơ giải quyết trả kết quả đúng hạn đạt 97%.
Nâng cao trách nhiệm phục vụ
Cùng với lĩnh vực đất đai, các cơ quan, ban, ngành huyện Phú Lộc đều triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách TTHC, rút ngắn quy trình xử lý, đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm của từng đơn vị. Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phú Lộc đã rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp xuống còn 3 ngày làm việc, áp dụng trả ngay kết quả cho doanh nghiệp đối với nhiều thủ tục. Đồng thời, bố trí cán bộ thường xuyên hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn và hoàn thiện hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Trung tâm Hành chính công của huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC về đăng ký kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, các ban, ngành cũng đã chú trọng cải cách TTHC trong một số lĩnh vực người dân quan tâm như: xây dựng cơ bản, đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp giấy phép xây dựng... Trong từng lĩnh vực, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành liên quan tập trung cải cách về quy trình giải quyết hồ sơ, thủ tục, thời gian giải quyết, phí và lệ phí; cải tiến quy trình, hình thành quy chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy trình thẩm tra, thẩm định các hồ sơ, dự án theo tinh thần bảo đảm rõ ràng, công khai, kịp thời và hiệu quả.
Theo kết quả đánh giá, xếp loại công tác CCHC cấp huyện năm 2020 của tỉnh, UBND huyện Phú Lộc đạt 84,07 điểm, là một trong 4 đơn vị đạt loại tốt, xếp tốp đầu của tỉnh.
Qua các lĩnh vực, các tiêu chí thành phần đánh giá, xếp loại công tác CCHC của Phú Lộc, cho thấy địa phương đã công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan hành chính, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành. Nhiều đơn vị như Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Tài nguyên Môi trường, Chi cục thuế, Kho bạc Nhà nước... đã xây dựng hệ thống trả lời tự động bằng bảng điện tử; ứng dụng các chương trình phần mềm vi tính để quản lý, theo dõi, giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân, mang lại những chuyển biến tích cực. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công trên địa bàn. (baothuathienhue.vn 18/2)
2. Sẽ nhân rộng mô hình tổ liên kết trồng rau an toàn
Sau hơn 2 năm hoạt động, mô hình “tổ liên kết trồng rau an toàn” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Mậu (Phú Vang) ngày càng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chiều muộn, trên ruộng rau cải, chị Tống Thị Tuyết, chủ nhiệm tổ liên kết sản xuất rau an toàn (gọi tắt là tổ liên kết), cùng nhiều chị em thành viên cẩn thận nhổ, bó rau thành từng bó, để chuẩn bị giao cho người thu mua ngay tại ruộng. Tầm 2- 3 giờ sáng, sản phẩm sẽ được người thu mua đưa đến chợ đầu mối, bỏ cho các mối hàng.
Chị Trần Thị Trang, Nguyễn Thị Phương Hoa chia sẻ, từ khi tham gia tổ liên kết vào năm 2018, hoạt động sản xuất thuận lợi hơn nhiều, thu nhập cũng tăng cao, bền vững. Bởi vì, là thành viên tổ liên kết, các chị được xem xét ưu tiên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua “kênh” hội phụ nữ, được hỗ trợ kỹ thuật, học tập và trao đổi kinh nghiệm với nhau thường xuyên và đặc biệt có người thu mua, đảm bảo về khâu tiêu thụ.
“Các thành viên không còn phải vất vả tự đưa rau đi bán lẻ hàng ngày với nỗi lo ngày đắt ngày ế. Người thu mua cũng là thành viên của tổ liên kết, là “người một nhà” nên rất tin tưởng nhau, không có chuyện ép giá. Thành viên tổ liên kết tập trung tâm trí, sức lực vào việc sản xuất. Trên ruộng rau tập trung diện tích hơn 10 nghìn m2, cải, tần ô, rau dền, đậu cô ve…, mùa nào rau đó phủ xanh đất, không cho đất nghỉ”, chị Tống Thị Tuyết bày tỏ.
Với vai trò là Chủ nhiệm tổ liên kết, Chi hội trưởng phụ nữ cụm 1 thôn Mậu Tài, vừa là một thành viên của tổ, chị Tuyết luôn gương mẫu trong việc sản xuất đúng quy trình, kỹ thuật để đảm bảo chất lượng rau an toàn. “Mình làm gương mới vận động được chị em. Các thành viên luôn nâng cao ý thức, tuân thủ theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt về làm đất, bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước tưới, đặc biệt thời gian cách ly giữa phun thuốc trừ sâu, bón phân với thời điểm thu hoạch và vệ sinh môi trường xung quanh vùng sản xuất. Do đó, sản phẩm của tổ liên kết đảm bảo về chất lượng, được khách hàng tin tưởng. Hàng bán “chạy” hơn. Thu nhập của các thành viên cao hơn, bền vững hơn. Mỗi năm lãi từ 10 đến 63 triệu đồng/1 sào đất”, chị Tuyết nói.
Các chị Trần Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Thị Thu Sương…, là những thành viên tâm huyết trồng rau an toàn. Không chỉ đưa kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, làm giàu nhờ rau, các chị còn đóng góp tích cực trong giữ chữ tín với khách hàng, khiến sản phẩm của tổ liên kết ngày càng có uy tín.
Theo chị Phạm Thị Ngà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Mậu, mô hình tổ liên kết “trồng rau an toàn” (tại chi hội cụm 1 thôn Mậu Tài) được thành lập vào tháng 10/2018, gồm 18 thành viên. Trong đó 15 thành viên chuyên trồng rau các loại và 3 thành viên chuyên đi bỏ các mối ở chợ và các nhà hàng. Qua hơn 2 năm thực hiện, đến nay mô hình tổ liên kết trồng rau an toàn luôn duy trì và hoạt động tốt, không những đem lại lợi nhuận cao mà còn góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Từ kết quả này, Hội Liên Hiệp phụ nữ xã Phú Mậu đang vận động chị em phụ nữ trong các chi hội khác trên địa bàn, nhân rộng mô hình, để cùng nhau phát triển kinh tế một cách bền vững. (baothuathienhue.vn 17/2)
3. Cơ hội vươn lên từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh đang quản lý đã có 86 dự án (DA) với 635 hộ được vay vốn, tổng dư nợ đến nay 21,61 tỷ đồng.
Mỗi hộ lãi 30-40 triệu đồng/năm
Nông dân Lê Văn Tuấn cùng với 6 hội viên, nông dân ở xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) được Quỹ HTND tỉnh cho vay 400 triệu đồng triển khai DA nuôi cá lóc đầu nhím từ đầu năm 2020. Ông Tuấn chia sẻ, trong lúc gặp khó khăn tìm nguồn vốn sản xuất thì ông cùng 6 hộ khác được Quỹ HTND cho vay vốn làm ăn. Mỗi hộ được vay gần 60 triệu đồng, tạo cơ hội phát triển kinh tế gia đình. Cá lóc đầu nhím dù khá mới lạ nhưng đã thích nghi, phù hợp với môi trường địa phương, cho thu hoạch sau 6-7 tháng nuôi, bình quân mỗi hộ lãi 30-40 triệu đồng.
Quỹ HTND tỉnh triển khai cho 5 hộ hội viên, nông dân ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) vay 500 triệu đồng thực hiện DA nuôi cá chình thương phẩm. Cán bộ Quỹ HTND còn hỗ trợ, giúp các hộ vay sáng kiến nuôi ong ruồi làm thức ăn cho cá, góp phần giảm chi phí thức ăn, tăng thu nhập. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Sịa, ông Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, hầu hết hộ nuôi cá chình ở thị trấn Sịa từ nguồn vốn Quỹ HTND đều mang lại hiệu quả, mỗi hộ lãi trên 30 triệu đồng/vụ.
Ngoài các DA, mô hình trên, Quỹ HTND cũng đã giải ngân cho nhiều hộ vay triển khai nhiều DA chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả. Trong đó kể đến DA trồng cam ở xã Hương Phú (Nam Đông) với 3 hộ vay 200 triệu đồng, giải quyết việc làm, tăng cao thu nhập ổn định cho người dân. DA nuôi cá chình thương phẩm ở xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) với 10 hộ vay 500 triệu đồng. DA nuôi cá nước lợ tại xã Vinh Hiền (Phú Lộc) với 10 hộ vay 300 triệu đồng, mỗi hộ đều có thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm từ nuôi cá nước lợ...
Giám đốc Quỹ HTND tỉnh, ông Phan Xuân Nam đánh giá, thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng Quỹ HTND tỉnh có nhiều biện pháp huy động vốn, hỗ trợ tích cực cho các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, phát triển kinh tế. Hầu hết các DA vay vốn từ Quỹ HTND đều hoạt động có hiệu quả, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Trong đó, tập trung đầu tư tăng đàn gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, sửa chữa chuồng trại, lồng bè thủy sản, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, mua sắm thiết bị máy móc, phát triển ngành nghề...
Thông qua nguồn vốn của Quỹ HTND đã giúp đỡ, định hướng việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, tạo điều kiện giúp các thành viên có thêm nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Đến nay, Quỹ HTND đang quản lý 83 DA, trong đó có 1 chi hội, 14 tổ hội, 3 tổ hợp tác được thành lập và hoạt động từ nguồn quỹ này. Một số chi hội, tổ hội hoạt động hiệu quả như tổ hội nuôi cá lóc đầu nhím ở Vinh Mỹ, tổ hội nuôi cá nước lợ ở xã Giang Hải (Phú Lộc), tổ hội nuôi bò ở Thủy Phù, Thủy Phương (TX. Hương Thủy)…
Nhiều hộ xin gia hạn nợ
Ông Trần Lập, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh cho rằng, dù đạt những kết quả khả quan nhưng quá trình triển khai các DA vẫn gặp những khó khăn nhất định. Do tình hình dịch bệnh, nắng hạn, bão lũ thời gian qua rất khắc nghiệt, một số DA buộc tạm dừng nên việc tiếp tục xây dựng DA mới có phần chậm trễ. Chỉ tiêu phát triển nguồn vốn Quỹ HTND hằng năm chỉ đạt 87,6% so với kế hoạch. Đến nay, TX. Hương Trà vẫn chưa được cấp ngân sách cho Quỹ HTND.
Việc sử dụng vốn của các hộ vay tại một số địa phương chưa thật sự phát huy hiệu quả, tính liên kết sản xuất của DA chưa rõ nét. Một số hộ vay chưa trả nợ đúng hạn, chẳng hạn tại DA chăn nuôi lợn nái ở Phú An (Phú Vang) hiện còn hộ ông Phan Khá nợ 8 triệu đồng; hay DA chăn nuôi bò sinh sản tại Bình Thành (TX. Hương Trà) đến nay còn dư nợ 62 triệu đồng. DA nuôi thủy sản xen ghép tại xã Phú Mỹ (Phú Vang) với 10 hộ nuôi không hiệu quả, đang xin gia hạn nợ...
Để nguồn Quỹ HTND phát huy hiệu quả, các cấp hội nông dân (HND) đang tổ chức vận động, xây dựng Quỹ HTND từ các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các hợp tác xã, chủ trang trại, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các nhà hảo tâm. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, nguồn ngân sách địa phương bổ sung vào nguồn quỹ. Chỉ tiêu đặt ra những năm đến, Quỹ HTND bình quân mỗi năm tăng 3 tỷ đồng trở lên. Mỗi cán bộ chuyên trách công tác HND có hưởng lương đóng góp 50 ngàn đồng trở lên/năm. Mỗi hội viên nông dân đóng góp tối thiểu 10 ngàn đồng trở lên/năm nhằm bổ sung vào nguồn Quỹ HTND. (baothuathienhue.vn 17/2)
4. GIAO DỊCH TẠI CÁC NGÂN HÀNG: Đầu năm gửi tiết kiệm online tăng mạnh
Lượng khách đến giao dịch tại quầy ở các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng trong ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ tết không tăng đột biến.
Gửi tiết kiệm online tăng mạnh từ 15-20%
Mùng 6 tết (âm lịch) các ngân hàng đồng loạt mở cửa trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ tết. Dù không tới mức phải bổ sung thêm quầy giao dịch như những ngày giáp tết, song lượng khách tới giao dịch vẫn rất lớn.
Tại phòng giao dịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hội sở chính trên đường Hùng Vương khách nườm nượp vào ra. Chị Thu Hà (Phan Chu Trinh, TP. Huế) phải đợi khá lâu mới đến lượt gửi tiền.
“Tôi có thói quen gửi tiết kiệm “lấy may” trong ngày đầu năm. Vì thế dù bận đến mấy, tôi đều tranh thủ ngay ngày đi làm đầu tiên để gửi tiền tiết kiệm. Rút kinh nghiệm năm trước, tôi đi gửi tiền gần cuối giờ trưa cho đỡ phải chờ đợi nhưng lượng khách vẫn còn khá lớn, phải đợi 5, 6 lượt mới tới phiên giao dịch”, chị Hà chia sẻ.
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, các hoạt động giao dịch, như gửi tiết kiệm, trả lãi, gốc vay, chuyển tiền vào tài khoản diễn ra khá nhộn nhịp. Phần lớn khách hàng gửi tiền vào tài khoản và gửi tiền tiết kiệm.
Các ngân hàng trên địa bàn đều có chung nhận định, lượng khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy ngày đầu làm việc có tăng nhưng không tăng đột biến so với mọi năm, vì thế không xảy ra tình trạng quá tải. Tuy nhiên, lượng khách gửi tiết kiệm online lại tăng mạnh từ 15 đến 20%. Điều này chứng tỏ, người dân bắt đầu quen dần với các giao dịch không dùng tiền mặt vì thế đã góp phần giảm tải cho hoạt động giao dịch tại quầy vừa góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
“Săn” lì xì
Nhu cầu giao dịch vào ngày đầu năm tăng nên ngoài đảm bảo cho hoạt động giao dịch thông suốt các ngân hàng đều đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, lì xì cho khách hàng phát sinh giao dịch nào trong ngày đầu năm.
Sacombank triển khai chương trình “lì xì” cho khách hàng giao dịch đầu năm
Với khách hàng gửi tiết kiệm, sử dụng các kênh trực tuyến của Sacombank sẽ nhận ngay lì xì với tổng số tiền lì xì hơn 1,5 tỷ đồng. Theo đó, từ mùng 1 đến mùng 6 âm lịch (ngày 12/02 - 17/02), 780 khách hàng đầu tiên mỗi ngày nạp tiền điện thoại từ 200 ngàn đồng qua ngân hàng điện tử hoặc Sacombank Pay sẽ được tặng 68 ngàn đồng. Từ mùng 6 đến mùng 10 âm lịch (ngày 17/02 - 21/02), 390 khách hàng đầu tiên mỗi ngày thực hiện chuyển tiền liên ngân hàng 24/7 từ 10 triệu đồng qua ngân hàng điện tử sẽ được tặng 79 ngàn đồng.
Vietcombank cũng triển khai chương trình “đón lộc đầu Xuân Tết Tân Sửu 2021”. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Huế, khách hàng chỉ cần thực hiện một trong các giao dịch, như: gửi sổ tiết kiệm, vay, phát hành thẻ, đăng ký gói tài khoản… tại quầy giao dịch của Vietcombank sẽ được nhận ngay một phần quà lì xì may mắn trị giá 100 ngàn đồng.
Khách hàng còn có cơ hội tham gia chương trình quay số cuối chương trình để nhận sổ tiết kiệm lên đến 50.000.000 đồng cùng nhiều giải thưởng hấp dẫn khác. Chương trình này sẽ diễn ra trong 2 ngày đầu năm mới sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với tổng số tiền lì xì lên đến 3,2 tỷ đồng. Các ngân hàng khác đều triển khai các chương trình lì xì “tiền tươi” hay quay số trúng thưởng với những phần quà khá hấp dẫn.
Lãi suất duy trì mức thấp
Các ngân hàng đều triển khai các chương trình lì xì đầu năm để hút vốn song nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức khá thấp trong những ngày đầu năm. Tuy nhiên theo nhiều khách hàng, dù mặt bằng lãi suất khá thấp song gửi tiết kiệm vẫn được xem là kênh an toàn nhất trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Hiện, lãi suất mới nhất của Vietinbank áp dụng với khách hàng cá nhân dao động trong khoảng từ 3,1%/năm đến 5,6%/năm với thời hạn gửi kéo dài từ 1 tháng đến trên 36 tháng. Tại kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng được niêm yết ở mức 3,1%/năm; kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng được hưởng chung lãi suất 3,4%/năm. Vietinbank ấn định cùng mức lãi suất 4%/năm cho các khoản tiền gửi tại kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 5,6%/năm cũng là mức lãi suất kỳ hạn từ 12-36 tháng của các ngân hàng, như BIDV, Agribank và Vietinbank.
Hiện, Eximbank vẫn là ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất ở mức 8,4%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên ở các kỳ hạn 13 và 24 tháng. (baothuathienhue.vn 18/2)
5. Sự năng động ở một chi bộ thôn ven phá
Với nhiều hình thức tổ chức vận động, Chi bộ thôn 2, xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) trở thành điển hình trong lãnh đạo phát triển mô hình kinh tế hộ và xây dựng tuyến đường xanh - sạch - sáng ở địa phương.
Khu sản xuất rau xanh theo mô hình hữu cơ rộng hơn 1.500m2 của gia đình anh Hoàng Bỉnh ở thôn 2, xã Vinh Mỹ thật ấn tượng với đủ các loại rau quả.
Diện tích khu vườn được chia thành nhiều luống theo loại rau quả dài, ngắn ngày khác nhau. Anh Bỉnh phấn khởi cho biết: Được cấp ủy Đảng trong thôn tuyên truyền vận động, đưa đi học tập các mô hình sản xuất rau hữu cơ ở địa phương khác, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào đây, tổng cộng đến nay gần 120 triệu đồng. Hiện tại, mỗi ngày tôi thu hoạch các loại rau khoảng 300 ngàn đồng, vào mùa bầu, bí, dưa leo thu hoạch tăng lên 350 – 400 ngàn đồng/ngày. Nguồn rau sạch, thị trường ưa chuộng nên giá cả ổn định hơn. Từ hiệu quả mô hình này, nhiều hộ trong thôn đã chuyển đổi đất vườn kém hiệu quả sang sản xuất rau theo mô hình hữu cơ, cho thu nhập khá cao.
Ông Huỳnh Kinh, cùng ở thôn 2, xã Vinh Mỹ chia sẻ: Được sự vận động và hỗ trợ của cấp ủy chi bộ thôn, gia đình tôi đã chuyển đổi sang mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ. Sau vài tháng đầu xuống giống, đã cho thu nhập khá cao, với hơn hai sào, ước tính đem lại tiền lãi gần 20 triệu đồng.
Thôn 2, xã Vinh Mỹ có 6 tổ dân cư, với 285 hộ (815 khẩu), trong đó có 18 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo. Trước đây, nhiều diện tích đất vườn sản xuất của bà con trong thôn hiệu quả kinh tế thấp, nên nhiều gia đình không mặn mà với nghề trồng trọt. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan các cơ sở trồng rau theo hướng hữu cơ cho thu nhập cao, cấp ủy chi bộ thôn đã họp thống nhất và đề ra nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo phát triển mô hình kinh tế hộ. Bí thư Chi bộ thôn 2, ông Lại Văn Hiển thông tin: Cấp ủy chi bộ đã tiến hành khảo sát trong địa bàn, tập trung vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân chuyển đổi những diện tích đất thích hợp sang sản xuất mô hình trồng rau sạch hữu cơ để nâng cao thu nhập cho bà con.
Quá trình triển khai, các đảng viên và chi ủy viên được phân công tìm hiểu, nắm bắt về nguyện vọng, nguồn lực đầu tư, kinh nghiệm trồng trọt, nguồn giống cây trồng, đầu ra sản phẩm… để có giải pháp lãnh đạo phát triển hiệu quả. Với sự thống nhất, quyết tâm cao của toàn chi bộ, đến nay trong thôn đã có hàng chục hộ sản xuất rau an toàn bán sản phẩm ra thị trường với thu nhập bình quân 250 ngàn đồng/ngày, có hộ đạt 500 – 600 ngàn đồng/ngày, góp phần nâng cao thu nhập gấp nhiều lần trên một đơn vị sản xuất cho bà con.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ Phan Như Ý cho biết, Bí thư chi bộ thôn 2 đã năng động, kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nguyện vọng của bà con, nên huy động được nguồn lực trong dân đầu tư phát triển mô hình trồng rau an toàn nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình. Sau hai năm triển khai nghị quyết, Chi bộ thôn 2 đã có hơn 20 hộ sản xuất rau sạch chất lượng cao với quy mô vừa, gần 10 hộ trồng theo hướng hữu cơ với quy mô lớn, hơn 40% số hộ đã chuyển đổi mô hình sản xuất rau sạch an toàn cung ứng cho thị trường.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở thôn 2 đạt 42,5 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 22 triệu đồng so với năm 2015 và cao hơn mức thu nhập bình quân của xã; tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 6,3%.
Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế hộ gia đình, Chi bộ thôn 2 còn tổ chức phong trào vận động hiến đất, giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng; vận động các cụm dân cư đóng góp kinh phí lắp đặt điện chiếu sáng ở 4 tuyến đường trục, chiều dài hơn 8,5km, với số tiền dân đóng góp hơn 500 triệu đồng. Hiện tại, toàn thôn có trên 90% số tuyến đường liên thôn, liên xóm có điện chiếu sáng. (baothuathienhue.vn 17/2)
6. TT-Huế: Lũ cá, tôm từ rừng ngập mặn tràn ra đầm phá, dân thỏa sức vẫy vùng giăng lưới, buông câu
Khi cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên dần xa, phá Tam Giang (TT-Huế) trở lại hiền hòa, êm dịu. Lũ tôm, cá được rừng ngập mặn bao bọc, che chở tràn ra vùng đầm phá, ngư dân thỏa sức vẫy vùng buông lưới, giăng câu.
Đồng lòng ra phá
Màn mưa dày đặc, tiết trời se lạnh những ngày đông vẫn không cản được ngư dân Lê Hùng ở Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Một đời ngư phủ miền sông nước Tam Giang, có lẽ chưa bao giờ ông Hùng được nở một nụ cười thật mãn nguyện giữa vùng sông nước mênh mông trong giá rét.
Khua nhẹ mái chèo, xuồng cứ dập dềnh buông lưới trên sông, ông Hùng cười giòn: “Một thời tìm đỏ mắt không có cá, tôm để bủa, chừ dồi dào không lẽ ngồi khoanh tay”.
Ngư dân Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thu hoạch dừa nước bán cho HTX Thủy Lập sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Khi cả ngàn mét lưới được được thả, ông Hùng cho xuồng tấp vào bờ tranh thủ trò chuyện một thời mưu sinh trên vùng đầm phá được ví “bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á này.
Ông Hùng trải lòng, các thế hệ chôn nhau cắt rốn, lớn lên và trưởng thành của ngư phủ Tam Giang, nhiều người đỗ đạt đại học, thạc sĩ, có người tiến sĩ cũng nương nhờ vào vùng đầm phá Tam Giang, là “bầu sữa” của bao phận người.
“Ấy thế mà, những cái tên tôm rảo, tôm đất, bống thệ, lươn đồng, kình, dìa, chình, cua đầm phá... một thời dồi dào, nổi như cồn bỗng trở nên khan hiếm đến lạ thường. Nói lạ là bởi áp lực cuộc sống mưu sinh bộn bề, chính ngư dân ra tay tàn phá, khai thác nguồn lợi quá mức, trái phép mà họ không hề hay biết. Rồi thuyền neo bến bờ, ngày ngày ngư dân cứ nhìn về phía đằng xa đầm phá chỉ để tiếc nuối, ngẫm một thuở cá, tôm khoang đầy”, ông Hùng tặc lưỡi.
Một ngày khi nhận ra lầm lỗi, một đời ngư phủ như ông Hùng, ông Hạnh, ông Thao...ở Ngư Mỹ Thạnh luôn ấp ủ khát vọng tái sinh nguồn tôm, cá, cũng như tìm lại nguồn tài nguyên quý giá trên vùng đầm phá cho con cháu đời sau.
Ông Hùng nói, nghe có dự án trồng rừng ngập mặn của tỉnh Thừa Thiên Huế “làm tổ” cho cá, tôm trú ngụ, sinh sôi, ngư dân mừng lắm! Khi dự án được triển khai, không ai bảo ai, ngư dân Ngư Mỹ Thạnh đồng lòng ra phá giúp cán bộ kiểm lâm, chính quyền, người vận hỗ trợ chuyển vật dụng, người trồng cây gây rừng...
Qua bao năm tháng, những cây đước, cây bần, dừa nước, mắm... sinh sôi mặc cho trời lắm lúc hanh hao, giông tố, lũ cuồn cuộn đổ về. Rừng 1-2 năm tuổi bắt đầu trưởng thành cho đến nay đã khép tán với diện tích 45,57 ha, trở thành “tổ ấm” lý tưởng cho các loài thủy sản cư ngụ, sinh sôi.
Sau những ngày sông nước giận dữ, các loài thủy sản như tôm, cua, tép và nhiều loài cá từ khu rừng ngập mặn tràn ra vùng đầm phá Tam Giang rất dồi dào. Chỉ vài giờ dong thuyền trên đầm phá quanh rừng ngập mặn với những mẻ cá mú, lươn đồng, kình, bống thệ, dìa tự nhiên, hoặc nơm cua, tôm... dưới những tán rừng, ông Hùng, ông Hạnh, ông Thao... có thể thu nhập 400.000-500.000 đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo cho hay, khi những cây dừa, bần, đước… đã nhú chồi, ngư dân vẫn chưa tin tưởng lợi ích lâu dài. Giờ đây, hiệu quả từ rừng ngập mặn thấy rõ, lãnh đạo và nhân dân địa phương mừng lắm!
Hằng đêm ngư dân địa phương và các xã lân cận ra phá khai thác thủy sản trong và xung quanh rừng ngập mặn, thu nhập bình quân mỗi người từ 200.000-300.000 đồng. Những người từng chê “con tép” thì giờ đã nghĩ lại, bởi hai năm nay, ngư dân Quảng Lợi trúng đậm khai thác tép trong và quanh khu rừng ngập mặn, doanh thu mỗi năm trên dưới 20 tỷ đồng, là điều từ trước đến nay chưa từng có ở địa phương.
Tìm lại những loài chim quý
Trong ký ức những bậc cao niên các xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), xã Điền Hòa (huyện Phong Điền), hơn 40 năm về trước, một khu tràm chim rộng lớn vẫn còn hiện hữu ở phía hạ lưu vùng cửa sông Ô Lâu, nơi giao thoa giữa hai nguồn nước ngọt, lợ đổ về từ đầm phá Tam Giang và sông Ô Lâu.
Những tán nhô trong lùm bụi được tạo nên bởi các loài tre, nứa, keo, tra, mưng hoa đỏ, sến nước, bòng bong, sậy điệp bánh bò, lác... là “ngôi nhà chung”, trú ngụ lý tưởng cho các loài chim. Các thảm thực vật như cỏ chát, cỏ mần trầu, cỏ chỉ sống thành bãi, cói, lục bình trên mặt nước làm bãi đáp cho các loài chim đến tìm kiếm thức ăn.
Chiến tranh đi qua, vấn đề lương thực đảm bảo an sinh xã hội buộc người dân “khai tử” khu rừng quý hiếm này thành những đồng ruộng lúa. Nơi trú ngụ lý tưởng cho các loài chim không còn, trong đó nhiều loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam, thế giới buộc phải di cư.
Ông Nguyễn Tuấn ở xã Quảng Thái tiếc nuối: Hồi trước, vùng cửa sông Ô Lâu, nơi có khu tràm chim đẹp tựa như tranh. Tui không nhớ rõ có bao nhiêu loài chim bản địa, cư trú ở đây, nhưng nhớ những cái tên mà giờ đây khi nhắc đến có vẻ “xa lạ”, thậm chí không còn như sâm cầm, móng két, đầu vàng, chắt chân đỏ, già đẫy, ngỗng trời...
Còn các loài gà nước, vịt nước, đòm đòm, đà lả, ó, cá xám, mặt cắt, cú mèo, cà cưỡng, diều hâu, sột sột, đỏ mồng, đỏ mỏ, quạ đen, quạ khoang… thì vô số. Cò, vạc mỗi lần đến tìm kiếm thức ăn, trú ngụ thường phủ một màu trắng xóa trên những lùm cây.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 1998, các chuyên gia tổ chức khảo sát, đánh giá cho thấy, vùng cửa sông Ô Lâu có khoảng 73 loài chim trong tổng số 103 loài chim phân bố trên toàn vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Tuy nhiên, kết quả khảo sát từ cuối năm 2016 đến giữa năm 2017, tại vùng cửa sông này chỉ còn 31 loài chim.
“Sự ra đi” của các loài chim quý đã đành, đổi lại những đồng ruộng lúa mấy chục năm nay đem lại hiệu quả cũng không như mong muốn của nông dân vì thường xuyên nhiễm mặn, khô hạn. Và rồi…người dân vùng ven phá Tam Giang thuộc hai xã Điền Hòa, Quảng Thái vỡ òa niềm vui khôn xiết khi dự án trồng bản địa, rừng ngập mặn tái sinh tràm chim tại vùng cửa sông Ô Lâu đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt với diện tích ban đầu 40 ha tại xã Quảng Thái và 16 ha tại xã Điền Hòa. Đây sẽ là tràm chim lớn nhất trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, ông Phạm Công Phước rất vui khi dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai. Cư dân vùng đầm phá vui như mở hội, đồng tình ủng hộ chủ trương của tỉnh, quyết bỏ lúa trồng rừng.
Dự án triển khai dựa trên cơ sở trồng rừng ngập mặn tại xã Quảng Lợi và một số địa phương ven phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành công từ mấy năm nay. Sự hồi sinh tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu chỉ còn là thời gian, mở ra cơ hội lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của các địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai đã được thành lập (tháng 2/2020) thì việc hình thành tràm chim là một trong những mục tiêu quan trọng trong bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học tại vùng cửa sông Ô Lâu. Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai và hồi sinh tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu còn đánh dấu hướng đi phù hợp của tỉnh trong xây dựng “đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa, thân thiện với môi trường và thông minh”. (danviet.vn 18/2)
7. Thứ trưởng Bộ GTVT kiểm tra tiến độ cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Ngày 17/2, Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải do ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực địa tiến độ GPMB và thi công Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời động viên cán bộ, công nhân viên trên công trường xây dựng dự án.
Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công vào tháng 9/2019.
Dự án có tổng chiều dài 98,35km, điểm đầu tại Km 0 (Cam Lộ), trùng với Km 10+440 QL9, thuộc địa phận xã Cam Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị). Điểm cuối Km 102+200 (La Sơn), trùng với Km 4 Tỉnh lộ 14B, trùng với điểm đầu dự án La Sơn - Túy Loan (thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế).
Tính đến ngày 15/2/2021, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bàn giao được 65,9 km/66,3Km (đạt 99,25%). Trong khi đó tỉnh Quảng Trị đã bàn giao xong mặt bằng.
Về tái định cư, Tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 Khu/tái định cư cho 178 hộ. Đến nay đã hoàn thành và người dân đã xây nhà, di dời đến các khu tái định cư; Hiện trên tuyến còn 20 ngôi nhà tại thị xã Hương Trà đang xây dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 2/2021. Về xây dựng nghĩa trang, di dời mồ mả đến nay đã hoàn thành, trong đó di dời khoảng 800 ngôi lăng, mộ các loại.
Qua kiểm tra thực tế tại công trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đánh giá cao công tác tổ chức thi công của Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cũng như công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, đây là công trình trọng điểm, mẫu mực quốc gia nên cần hạn chế tối đa những thiếu sót. Sau kỳ nghỉ Tết, các đơn vị phải tập trung lực lượng, ra quân thực hiện Dự án, trong đó tiến độ thi công, chất lượng công trình là hai yếu tố luôn được đặt lên hàng đầu của dự án. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các nhà thầu phải xây dựng tiến độ thi công phù hợp, khoa học để thực hiện thi công công trình đúng tiến độ đặt ra. Đơn vị giám sát công trình cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm.
“Các đơn vị phải kiểm soát tốt phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình thi công, nhất là công nhân viên chức, người lao động trở về làm việc sau kỳ nghỉ tết, đặc biết chú trọng người lao động về từ Quảng Ninh và Hải Dương. Đảm bảo các yếu tố an toàn, góp phần hoàn thành tiến độ theo yêu cầu đã đề ra”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh. (baotainguyenmoitruong.vn 17/2; nhandan.com.vn 17/2)