THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. 18 cơ quan đơn vị tham gia Hội Báo xuân Tân Sửu 2021
Hội Báo xuân Tân Sửu 2021 chính thức khai mạc vào chiều 3/2 tại trụ sở Hội Nhà báo tỉnh.
Chủ đề hội báo xuân năm nay là “Báo chí tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đưa Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương” trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Gần 400 tờ báo Xuân, báo tết, chương trình phát thanh, truyền hình…;18 cơ quan, đơn vị tham gia hội báo xuân lần này. Với sự góp mặt của nhiều loại hình báo chính như, báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, các ấn phẩm đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; nội dung lẫn hình thức trình bày có bước đột phá đáng kể….
Hội Báo Xuân sẽ diễn ra trong 2 đợt. Các đơn vị báo in sẽ trưng bày để phục vụ bạn đọc, khách tham quan đến hết ngày 17/2.
Kết thúc Hội Báo xuân, các ấn phẩm báo in cũng sẽ được ban tổ chức tặng lại cho một số đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh và một số đơn vị văn hoá thông tin cơ sở.
Dịp này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban tổ chức Hội Báo Xuân Tân Sửu 2021 đã khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. (baothuathienhue.vn 03/02)
2. Đẩy nhanh tiến độ tái định cư để di dân khu vực 1 Kinh thành Huế
Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Hiện nay, công tác xây dựng hạ tầng các khu tái định cư đang được đẩy nhanh tiến độ để tiến hành thủ tục bàn giao mặt bằng cho các hộ dân nhận đất, làm nhà, sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi của những ngày cuối năm, đơn vị thi công huy động phương tiện cơ giới và công nhân khẩn trương san lấp mặt bằng, lắp đặt và chỉnh trang hệ thống điện, cây xanh tại các khu tái định cư số 5, 6, 7, 8 ở phường Hương Sơ, thành phố Huế. Theo kế hoạch, bốn khu tái định cư này sẽ được hoàn thành trong quý 2/2021 với tổng diện tích khoảng 35,6 ha gồm 1.477 lô đất, phục vụ di dời người dân sống trên đất di tích tại khu vực tuyến Phòng lộ và hộ Thành hào.
Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng 1-5 Nguyễn Văn Nho cho biết: Xác định đây là dự án trọng điểm của tỉnh về di dời dân cư, phía đơn vị thi công luôn huy động tối đa nhân lực và phương tiện làm việc trên công trường để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình cho nhà đầu tư. Đợt mưa lũ lịch sử những tháng cuối năm 2020 gây ngập sâu trên diện rộng đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện san lấp mặt bằng nên hiện nay khi thời tiết thuận lợi, phía công ty đẩy mạnh tăng ca, sớm hoàn thành mặt bằng các khu tái định cư để bàn giao cho thành phố Huế.
Giai đoạn 1 của dự án có 10 khu tái định cư, trong đó, khu 1, 2 với tổng diện tích 9,8 ha đã hoàn thành bố trí cho 516 hộ dân sinh sống trên di tích Thượng Thành di dời đến và đã xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống; khu vực 3, 4 với diện tích 17,4 ha gồm 790 lô đất đã hoàn thành hạ tầng bàn giao cho chủ đầu tư để tiến hành thủ tục phân lô, cắm mốc cho các hộ dân thuộc diện di dời ở khu vực Eo Bầu. Dự kiến các khu tái định cư 9, 10 sẽ được khởi công vào tháng 5/2021. Theo thiết kế một lô đất chính tại đây có diện tích khoảng 100 m2, những lô đất phụ rộng từ 60-70m2.
Giám đốc Ban Quản lý Dự án khu vực thành phố Huế Hoàng Thiện cho biết: Thành phố Huế xác định đây là khu đô thị tái định cư kiểu mẫu nên trong quá trình lập dự án quy hoạch cũng như thiết kế hạ tầng kỹ thuật đều đảm bảo theo tiêu chuẩn. Hệ thống đường giao thông tại các khu tái định cư thoáng rộng, hệ thống điện lưới được ngầm hóa, hai bên vỉa hè đảm bảo mật độ cây xanh. Nhà ở của người dân được xây dựng tuân theo thiết kế mẫu với từng tuyến phố, hướng đến hình thành các khu tái định cư xanh, sạch, sáng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Năm 2021, tỉnh tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án tái định cư phục vụ di dời những hộ dân khu vực 1 Kinh thành Huế giai đoạn 1 và xác định đây là một trong 6 chương trình trọng điểm của tỉnh. Những kết quả bước đầu đạt được trong giai đoạn 1 sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh đẩy nhanh triển khai giai đoạn 2 của dự án di dân lịch sử này.
Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2019-2021) hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho 2.938 hộ dân ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, hộ Thành hào, tuyến Phòng lộ. Giai đoạn 2 (2022-2025) hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho người dân sinh sống ở khu vực hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài với quy mô 1.263 hộ dân sẽ di dời.
Việc thực hiện dự án sẽ góp phần trả lại mặt bằng tại các điểm di tích bị xâm lấn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Qua đó, tạo tiền đề cho công tác trùng tu, bảo tồn Quần thể di tích Cố đô Huế để gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ mai sau. (baotintuc.vn 04/02)
3. Lãnh đạo tỉnh, thành phố dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố
Hoạt động này được UBND TP. Huế tổ chức sáng 3/2 tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng 3/2.
Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh - Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế - Phan Thiên Định cùng lãnh đạo tỉnh và TP. Huế.
Tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Lê Trường Lưu và UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế - Phan Thiên Định thay mặt lãnh đạo tỉnh, thành phố đã thỉnh chuông tại tháp chuông Hòa Bình cầu nguyện quốc thái dân an. Tiếp đó, lần lượt các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm. Sau phút mặc niệm, các đại biểu viếng và thắp hương từng phần mộ liệt sĩ.
Đây là hoạt động thể hiện sự thành kính tri ân sâu sắc đến các thế hệ đi trước đã hiến dâng đời mình vì “Độc lập, tự do của Tổ quốc”, vì “Hạnh phúc của Nhân dân”.
Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, Nhân dân toàn tỉnh, TP. Huế nguyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, cùng nhau đoàn kết, ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. (baothuathienhue.vn 03/02)
4. Văn phòng đại diện Báo PLVN khu vực Bình Trị Thiên nhận giấy khen của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Văn phòng đại diện Báo Pháp luật Việt Nam khu vực Bình Trị Thiên là tập thể duy nhất được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tặng giấy khen vì có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền cho tỉnh trong năm 2020.
Chiều nay (3/2) tại trụ sở Hội Nhà báo tỉnh, ông Hoàng Khánh Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao giấy khen và phần thưởng cho Văn phòng đại diện Báo PLVN khu vực Bình Trị Thiên.
Tại đây, Hội Báo xuân Tân Sửu 2021 với chủ đề “Báo chí tiếp tục đồng hành cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đưa Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương” cũng chính thức khai mạc.
Nhà báo Dương Phước Thu (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế) đánh giá cao Giai phẩm Xuân Tân Sửu của Báo Pháp luật Việt Nam.
Gần 400 tờ báo Xuân, báo tết, chương trình phát thanh, truyền hình từ 18 cơ quan, đơn vị tham gia hội báo xuân lần này với sự góp mặt của nhiều loại hình báo chính như, báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, các ấn phẩm đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước... (baophapluat.vn 03/02)
5. Lãnh đạo tỉnh dâng hoa tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng 3/2, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và TP. Huế tổ chức long trọng tổ chức lễ dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tham dự có các đồng chí: Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Tiến, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và TP. Huế; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh và TP. Huế.
Trong không khí trang nghiêm, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo TP. Huế đã dâng lẵng hoa tươi thắm lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và mặc niệm tưởng nhớ công lao trời biển của vị lãnh tụ tài ba đã hy sinh cả cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Cách đây 91 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng nước ta, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đất nước ta, dân tộc ta đã giành được những thắng lợi vẻ vang.
Phát huy truyền thống, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Đảng, bảo vệ đất nước, nhanh chóng thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. (baothuathienhue.vn 03/02)
6. THỪA THIÊN HUẾ: KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG
(Video quochoitv.vn 04/02)
7. Đoàn kết là nguồn cội đi đến mọi thắng lợi
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là nhân tố, là cội nguồn của sức mạnh để đi đến mọi thắng lợi”. Thực hiện lời căn dặn của Người, các tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thành công từ huy động sức mạnh toàn dân
Nhiều năm liền, Đảng bộ xã Quảng Phú (Quảng Điền) đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh toàn diện”. Có được kết quả đó chính là nhờ sự đoàn kết, thống nhất cao trong từng tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp Nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ xã Quảng Phú lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống người dân.
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú, ông Thái Văn Danh cho biết: “Để tạo sự đồng thuận, giúp người dân phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đầu tàu, gương mẫu trong từng công việc. Ngay như việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nếu cán bộ, đảng viên không làm trước, thì khó huy động được sức mạnh toàn dân cùng đồng tâm, nhất trí để làm theo”.
Đảng ủy xã Quảng Phú và từng chi bộ Đảng cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã vận động người dân chuyển đổi hơn 13 ha đất chuyên trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu các loại cho thu nhập cao hơn. Nuôi gà, lợn bằng đệm lót sinh học, nuôi bồ câu Pháp, nuôi cá diêu hồng... cũng là những mô hình mới không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống người dân mà còn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã.
Ông Trần Thiên Dĩnh, Bí thư Chi bộ thôn Phú Lễ (Quảng Phú) phấn khởi: “Nhiều tuyến đường thôn, xóm đã nối liền với các trục đường chính nhờ vào sự đoàn kết, đồng thuận của người dân. Điều bà con phấn khởi nhất là từ xã đến thôn đều được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Xã hiện đã “xóa” được nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh”.
Thôn 3 là thôn đứng đầu của xã Vinh Thanh (Phú Vang) về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. An ninh trật tự trong thôn luôn được đảm bảo; nhiều tuyến đường liên thôn, xóm cũng được đầu tư xây dựng, tạo bộ mặt nông thôn mới. “Người dân trong thôn tuy còn những khó khăn, nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau nên việc gì khó cũng thành dễ”, Bí thư Chi bộ thôn 3, Đảng bộ xã Vinh Thanh, bà Trần Thị Lành chia sẻ.
Đảng bộ xã Quảng Phú; Chi bộ thôn 3, Đảng bộ xã Vinh Thanh là 2 trong nhiều điển hình trong toàn tỉnh về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng dẫn đến những thành công trên nhiều mặt.
Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh đã và đang nỗ lực cố gắng để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Đảng bộ tỉnh xác định, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bài học mà các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở rút ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chính là nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh càng được tiếp thêm sức mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình để cống hiến cho tập thể và cộng đồng. Đây là điều cần phát huy để từ đó tạo ra nguồn sinh khí, động lực mới trong nhiệm kỳ mới.
“Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh đã và đang thực hiện chương trình hành động, khơi đậy phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục đồng sức, đồng lòng, đoàn kết huy động mọi nguồn lực, nhanh chóng nắm bắt vận hội, thời cơ mới, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2021 và các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ 5 năm 2020 - 2025. Đồng thời, không ngừng đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Qua đó, lập thành tích xây dựng Thừa Thiên Huế vững về chính trị, mạnh về kinh tế, đẹp về văn hóa và bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng thành công thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị”, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, phát huy tinh thần đoàn kết, nhiều tổ chức Đảng và đảng viên đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, nhất là trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị “Trong sạch, vững mạnh”. Nhằm ghi nhận những đóng góp của tổ chức Đảng và đảng viên trong toàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trao Bằng khen cho 3 Đảng bộ cấp trên cơ sở; tặng cờ cho 13 tổ chức cơ sở Đảng; tặng Bằng khen cho 90 đảng viên. (baothuathienhue.vn 03/02)
8. Các tổ chức tôn giáo thăm, chúc mừng Đảng bộ tỉnh nhân Ngày thành lập Đảng
Nhân Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2021) và chào đón Tết cổ truyền Tân Sửu 2021, sáng 3/2, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã đến thăm và chúc Tết Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh.
Đón và tiếp các đoàn: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Tòa Tổng Giám mục Huế, Chi hội Thánh Tin lành Huế và Họ đạo Cao Đài Vĩnh Lợi Huế có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại buổi gặp mặt, đại diện chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã chúc mừng những thành tích nổi bật và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà Đảng bộ tỉnh đã đạt được thời gian qua; đồng thời, bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban ngành của tỉnh đã luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ bà con Nhân dân, các tín đồ trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước và phát triển kinh tế.
Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng và trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, đại diện các đoàn đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới tập thể lãnh đạo tỉnh và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, chúc tỉnh tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng hơn nữa trong thời gian tới, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Trong không khí ấm áp, thân mật, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy - Lê Trường Lưu đã thông tin khái quát tới các thành viên trong đoàn tổ chức tôn giáo về kết quả, thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; những thành tựu đã đạt được của Đảng bộ tỉnh thời gian qua.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, những kết quả đạt được có có sự đóng góp không nhỏ của các dân tộc, tổ chức tôn giáo và từng chức sắc, chức việc trên địa bàn. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hoá chủ trương của Đảng và Nhà nước thành các chính sách, quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện tốt nhất để mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được diễn ra bình thường, đúng pháp luật. (baothuathienhue.vn 03/02)
9. Trao quà tết cho dân bản Salavan, Sê Kông
Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế, do UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình làm trưởng đoàn đã trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho Nhân dân các bản tiếp giáp thuộc các tỉnh Salavan và Sê Kông, nước bạn Lào.
Ấm áp ngày xuân
Xe vượt tuyến biên giới, thẳng tiến cửa khẩu A Đớt - Tà Vàng (A Lưới). Vừa đặt chân đến Trạm kiểm soát liên hợp tại cửa khẩu, công tác chuẩn bị cho buổi trao tặng quà được tiến hành chu đáo. Hàng chục tấn gạo được bốc xếp cùng các nhu yếu phẩm được sắp đặt tươm tất.
Giám đốc Sở Ngoại vụ, ông Trần Công Phú tâm sự, sau đợt mưa bão kéo dài trong thời gian qua, các địa bàn tiếp giáp thuộc 2 tỉnh Salavan và Sê Kông (Lào) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, giao thông tê liệt nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là về lương thực, thực phẩm. Hỗ trợ bà con dân bản tiếp giáp và cán bộ, chiến sĩ lực lượng bảo vệ biên giới của hai tỉnh Sê Kông và Salavan, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác sang thăm, tặng quà.
Công tác chuẩn bị cho lễ trao tặng quà đã sẵn sàng, cũng vừa lúc bà con Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đơn vị bạn có mặt. Từng phần quà được trao tận tay cán bộ, chiến sĩ và dân bản trong tiếng vỗ tay liên hồi, xua đi hơi lạnh mùa đông ở vùng biên giới.
Ông Kê Oi, Trưởng bản Ka Lô xúc động: Bà con trong bản rất cảm ơn sự giúp đỡ của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng và các ban, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng trường học và nhà ở cho Nhân dân bản Ka Lô, giúp dân bản phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt để ổn định cuộc sống...
Cơn mưa chiều biên giới càng làm cho tuyến đường đến Trạm quản lý cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài thêm lầy lội. Hành trình sang thăm, tặng quà cho Nhân dân bản Cô Tài và Đại đội Bảo vệ Biên giới 511, cùng Đồn Công an Cô Tài, thuộc tỉnh Salavan (Lào) thêm khó khăn. Vượt những cung đường gian truân, hàng chục tấn gạo cùng nhu yếu phẩm đã được trao.
Chia sẻ khó khăn, vất vả của Nhân dân, lực lượng bảo vệ biên giới hai tỉnh Sê Kông và Salavan, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình bày tỏ, với tinh thần tương thân tương ái, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế mong rằng bà con Nhân dân và các đơn vị bạn sớm ổn định cuộc sống, công tác. Mối quan hệ hữu nghị thắm thiết thể hiện tình đoàn kết Việt Nam - Lào nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh Sê Kông, Salavan nói riêng, góp phần giữ vững ổn định, an toàn tuyến biên giới của hai quốc gia.
Đáp lại nghĩa tình của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Si Heng Hom Sổm Bắt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Salavan (Lào) khẳng định, Việt Nam và Lào là hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt, nhất là hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Salavan đã đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình lịch sử từ trước đến nay. Tỉnh Salavan đánh giá rất cao và cảm ơn sự giúp đỡ của tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế đã luôn giúp đỡ chí tình chí nghĩa cho Nhân dân bản Cô Tài. Đồng thời, hằng năm đều có sự giúp đỡ tỉnh Salavan trên nhiều lĩnh vực, góp phần vào xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác đặc biệt.
Tăng cường đoàn kết hữu nghị đặc biệt
Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa giữa thôn A Tin, xã A Đớt của huyện A Lưới với bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào); Đồn Biên phòng Nhâm phối hợp tổ chức kết nghĩa giữa thôn A Bả, xã Nhâm, huyện A Lưới với bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào); Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân phối hợp tổ chức kết nghĩa giữa thôn 7, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới với bản Cô Tài, huyện Sá Muội, tỉnh Salavan (Lào).
Từ khi kết nghĩa đến nay, hai bên tiến hành giúp đỡ lẫn nhau xây dựng, củng cố cơ sở chính trị thôn bản, đưa hoạt động của các đoàn thể chính trị xã hội hoạt động thường xuyên, nề nếp và hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong phát triển các mô hình kinh tế, chăm sóc sức khỏe để đảm bảo cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cùng với mô hình kết nghĩa giữa các thôn, bản và giữa các đơn vị chấp pháp hai bên biên giới, nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh và phòng chống dịch cho dân bạn đã góp phần giúp đỡ các cụm bản Lào phát triển mọi mặt. Tình hình đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực dân cư hai bên biên giới từng bước phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới của hai bên được giữ ổn định. Qua đây, đã hiện thực hóa chủ trương của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh Sê Kông và Salavan (Lào) về việc thực hiện hiệu quả Hiệp định, Hiệp nghị biên giới Việt - Lào và tăng cường đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc.
Trong chuyến thăm ngày 28/1, Đoàn công tác Thừa Thiên Huế đã trao tặng hàng chục tấn gạo, cá khô và các nhu yếu phẩm cho Nhân dân bản Ka Lô, bản Sê Sáp và Đại đội Bảo vệ biên giới 531, Đồn Công an Tà Vàng, thuộc huyện Ka Lừm, tỉnh Sê Kông; Nhân dân bản Cô Tài và Đại đội Bảo vệ Biên giới 511, cùng Đồn Công an Cô Tài, thuộc tỉnh Salavan. Tổng giá trị quà tặng đợt này gần 400 triệu đồng. (baothuathienhue.vn 04/02)
10. Tạo điều kiện để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh, bền vững và phát huy giá trị di sản văn hóa
Chiều 3/2, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tạo điều kiện để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh, bền vững và phát huy giá trị di sản văn hóa
Thiên Huế sau 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Với cách tiếp cận, cách nhìn và quan điểm mới để phát triển Thừa Thiên Huế lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của một thành phố có đặc thù về di sản, bề dày lịch sử văn hóa, thành phố xanh, thông minh và hiện đại, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Đây là quyết sách, công cụ quan trọng nhất để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó cho phép áp dụng các tiêu chí đặc thù về quy mô dân số, mật độ dân số, cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người… trong đánh giá phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính đô thị; thí điểm mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương; và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm góp phần giúp Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá; tạo nguồn thu ngân sách bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, thân thiện, hiệu quả, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Do vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế khác so với quy định của luật hiện hành đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế đi đôi với bản tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế; phù hợp với quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội - văn hóa. Mô hình đô thị đối với Thừa Thiên Huế là cần thiết để tạo điều kiện cho tỉnh có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như mục tiêu tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Để đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như đã đặt ra tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Dự thảo tập trung đề xuất 04 chính sách gồm: Phí tham quan di tích; Quỹ bảo tồn di sản Huế; Quy định mức dư nợ vay; Về sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhất trí cao về sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị quyết, từ khía cạnh triển khai để thực hiện nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, đến khía cạnh thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao, nhất là xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn. Thứ trưởng đề nghị cần diễn đạt để làm rõ hơn nội dung của phạm vi điều chỉnh; căn cứ vào đó rà soát kỹ để phù hợp với thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan, Thứ trưởng lưu ý làm rõ một số nội dung liên quan đến đơn vị hành chính gắn với đặc điểm của Thừa Thiên Huế, có yếu tố lịch sử, văn hoá, yếu tố pháp lí… Thứ trưởng đề nghị rà soát kỹ các quy định trong dự thảo Nghị quyết để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác, đặc biệt là với Luật Ngân sách Nhà nước 2015, Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015… Trong đó, làm rõ căn cứ pháp lý về nội dung phân loại đô thị và tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị có tính chất đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; xem xét kỹ lưỡng thí điểm mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương; làm rõ định mức phân bổ chi thường xuyên… (baophapluat.vn 03/02)
11. Báo SGGP tham gia Hội Báo Xuân tỉnh Thừa Thiên – Huế
Chiều 3-2, Hội Báo Xuân Tân Sửu 2021 chủ đề “Báo chí tiếp tục đồng hành cùng cả tỉnh Thừa Thiên – Huế thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị” đã khai mạc tại trụ sở Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên – Huế, 22B Lê Lợi, TP Huế.
Hội Báo Xuân tỉnh Thừa Thiên – Huế với hơn 400 tờ báo xuân, báo tết của các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương; chương trình phát thanh, truyền hình chào năm mới và nhiều ấn phẩm thông tin của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia.
Riêng Báo SGGP giới thiệu ấn phẩm SGGP Xuân Tân Sửu 2021 và ấn phẩm SGGP Đầu tư Tài chính Xuân Tân Sửu.
Ông Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết các ấn phẩm báo xuân năm nay chú trọng về nội dung, hình thức, trình bày đẹp, nội dung chất lượng, bám sát những thay đổi của cuộc sống một cách phong phú, thể hiện rõ sắc thái văn hóa, giàu tính nhân văn các vùng miền của đất nước.
Đặc biệt, các ấn phẩm đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; nội dung lẫn hình thức trình bày có bước đột phá đáng kể… Hội Báo Xuân Tân Sửu diễn ra đến ngày 17-2 (mùng 6 Tết). Kết thúc, các ấn phẩm báo in sẽ được ban tổ chức tặng lại cho một số Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế và một số đơn vị văn hoá thông tin cơ sở.
Tại buổi lễ khai mạc Hội Báo Xuân Tân Sửu tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Hoàng Khánh Hùng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trao giấy khen và phần thưởng cho nhà báo Vũ Văn Thắng, phóng viên Báo SGGP thường trú tại tỉnh Thừa Thiên - Huế vì đã có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền về tỉnh năm 2020.
Cùng với đó, một số cá nhân khác là lãnh đạo các văn phòng thường trú, phóng viên thường trú, cộng tác viên của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương đăng ký hoạt động tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng được khen thưởng vì thành tích nói trên.( sggp.org.vn 03/02)
12. Triển lãm "Thừa Thiên Huế trong sự nghiệp đổi mới của Đảng" (1986-2021)
Đây là chủ đề triển lãm chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử tỉnh tổ chức từ ngày 3 đến 30/2 nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, 35 năm đất nước đổi mới (1986 – 2021) và chào mừng Xuân Tân Sửu 2021.
Triển lãm là hoạt động tuyên truyền nhằm khơi dậy và bồi đắp niềm tin, niềm tự hào đối với Đảng, Bác Hồ và công cuộc đổi mới đất nước
Triển lãm giới thiệu đến người xem hơn 80 bức ảnh thể hiện 2 chủ đề: Đổi thay của đất nước sau 35 năm đổi mới và Thừa Thiên Huế trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, thể hiện trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, an ninh – quốc phòng, ngoại giao… nhằm giới thiệu khái quát công cuộc đổi mới đất nước của Nhân dân ta nói chung, của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế nói riêng.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cho hay, triển lãm là hoạt động tuyên truyền nhằm khơi dậy và bồi đắp niềm tin, niềm tự hào đối với Đảng, Bác Hồ và công cuộc đổi mới đất nước; cổ vũ, động viên cán bộ, Đảng viên và Nhân dân quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tạo không khí phấn khởi, thi đua lập nhiều thành tích mới mừng Đảng, mừng Xuân. (baothuathienhue.vn 03/02)
LAO ĐỘNG
1. Làng đúc tượng ông Công ông Táo độc nhất nơi xứ Huế
Những ngày cận Tết, làng Địa Linh, ngôi làng duy nhất tại Thừa Thiên Huế còn lưu giữ nghề đúc tượng tượng ông Công ông Táo lại tất bật cho việc cung ứng sản phẩm ra ngoài thị trường.
Theo tục lệ cổ truyền của người Việt, Táo Quân- vị thần trong coi bếp núc sẽ cưỡi cá chép bay về trời vào dịp 23 tháng Chạp âm lịch để báo lại mọi việc xảy ra trong trong năm qua. Để bày tỏ lòng thành, các gia đình sẽ làm một mâm cơm đạm bạc tiễn ông Táo về trời. Cùng với việc chuẩn bị mâm cơm, bàn thờ ông Công, ông Táo cũng được các gia đình lau dọn sạch sẽ, tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm may mắn, đủ đầy. Trải qua hàng trăm năm, tục lệ ấy vẫn được người Việt gìn giữ.
Chính vì nhu cầu tín ngưỡng như vậy, người làng Địa Linh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) tiếp tục lưu giữ truyền thống nặn tượng ông Công, ông Táo phục vụ tục cúng đưa ông Táo về trời. (khoe365.nguoiduatin.vn 03/02)
2. Ngôi làng tạo tác '2 ông 1 bà' đặc biệt ở xứ Huế
Rạng sáng, lúc mọi người đang say nồng trong giấc ngủ, ông Nhật thức dậy vệ sinh cá nhân, tiến đến đống đất trước nhà. Ông Nhật cho ít đất vào chiếc khuôn gỗ, gõ cốc cốc. Một ông Táo thành hình.
Nghề “biến đất thành cơm”
Ngôi làng Địa Linh (thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) lâu nay được người dân khắp nơi biết đến là mảnh đất sản sinh ra tượng ông Công, ông Táo phục vụ người dân vào ngày 23 tháng Chạp.
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2021, men theo các con đường đi qua phố cổ Bao Vinh, chúng tôi đến ngôi làng Địa Linh xem người dân đúc tượng ông Táo.
Vào trong làng, liên hồi phát ra tiếng gõ cốc cốc đều tay tạo tượng. Hai bên đường có rất nhiều ông Táo được phơi nắng trước khi nung, những bàn tay tô tượng ông Táo thoăn thoắt cho kịp tiến độ.
Ngồi một góc trong nhà, người đàn ông 64 tuổi chăm chỉ cho đất vào chiếc khuôn gỗ lim có sẵn hình 2 ông, 1 bà Táo. Người này dùng chiếc lưỡi dao bằng dây phanh xe tải gạt đi phần đất thừa trên khuôn.
Chỗ nào lõm, ông cho thêm đất vào. Dùng tay gõ gõ chiếc khuôn trên khúc gỗ, một tượng ông Công ông Táo ra đời. Không nghỉ tay, người này lấy ít tro rắc vào khuôn gỗ để ông Táo tiếp theo không bị dính. Bức tượng rời khỏi khuôn được đặt xuống viên gạch đỏ để rút nước trước khi phơi. Một ngày kết thúc, ông tạo ra được trên dưới 300 tượng.
Người đàn ông U70 này là ông Võ Văn Nhật. Từ một thanh niên 25 tuổi ngày nào bắt đầu làm nghề của bố truyền lại, thấm thoắt đã hàng chục năm trôi qua, giờ người đàn ông này vẫn gắn bó với công việc “biến đất thành cơm”.
Nguyên liệu chính của nghề truyền thống này chính là đất sét. Đất sét được lấy từ cánh đồng màu mỡ phía sau làng hay mua ở nơi khác về.
Các cụ cao niên trong làng cho hay, xưa kia làng nổi tiếng có đất sét dồi dào. Thời nhà Nguyễn, nơi đây được chọn đặt “Nê ngõa tượng cục” chuyên làm gạch, ngói phục vụ xây lăng tẩm cho các vua quan ở xứ Huế. Từ đó, nghề làm tượng ông Táo được hình thành.
Để có đất làm tượng ông Táo, từ tháng 3 Âm lịch, họ chuẩn bị đất sét. Dân làng nhào nặn tạo cho đất dẻo.
Nghề làm ông Táo bận rộn nhất vào những tháng giáp Tết Nguyên đán.
“Để có tượng ông Táo đẹp, khâu quan trọng và vất vả nhất là làm đất và đúc. Phải chọn loại đất sét vàng, ít tạp chất, rồi nhào đất chín. Khi nhồi vào khuôn phải ép chặt, nếu không tượng sau này bị méo. Loại tro phải trắng để tượng đẹp hơn”, ông Nhật chia sẻ.
Một mẻ tượng ông Táo được nung trong thời gian khoảng hai ngày, làm nguội hai ngày nữa.
Gần 40 năm làm nghề này, ông Nhật đếm không xuể số mẻ ông Công, ông Táo ra đời do chính đôi tay mình nhào nặn.
Thu nhập thấp, chỉ còn 4 hộ giữ nghề
Đối diện nhà ông Nhật, các thành viên trong gia đình ông Võ Văn Nam - người có hơn 30 năm làm nghề, người xếp tượng, người tô tượng, người phơi tượng.
“Công đoạn xếp tượng vào lò rất quan trọng. Hơn nghìn tượng sắp xếp thành nhiều hàng nhiều lớp. Giữa các lối có khoảng trống để lửa cháy đều, tránh bị nổ, vỡ nát khi nung”, ông Nam cho hay.
Tượng ông Táo khi được nung xong xuôi sẽ được trang trí bằng màu, rắc bột kim tuyến bắt mắt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Trước đây, tượng ít được trang trí. Gần đây, để hợp thị hiếu người tiêu dùng, ông Táo được tô thêm lớp màu rực rỡ.
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (28 tuổi, con dâu ông Nhật) cho hay, nghề làm ông Táo thu nhập không nhiều, đủ sống qua ngày vì sản phẩm bán với giá thấp từ 500-2.000 đồng/sản phẩm.
“Làm cả ngày được khoảng 100.000 đồng. So với các công việc khác thì cho thu nhập thấp nhưng nhiều gia đình trong làng vẫn làm vì ngọn lửa đam mê với nghề”, chị Linh tâm sự.
Các cụ cao niên trong làng Địa Linh kể rằng, nghề làm tượng ông Táo ở Thừa Thiên - Huế ra đời sớm nhất gồm làng Địa Linh và làng Sình (huyện Phú Vang). Về sau, làng Địa Linh làm tượng, còn làng Sình chỉ làm vàng mã.
Vào thời trước, hầu như nhà nào ở làng này cũng làm tượng ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, công việc này vất vả, thức khuya dậy sớm mà thu nhập thấp nên nhiều nhà bỏ nghề lâu đời này để kiếm nghề khác mưu sinh.
Ông Trương Đắc Giàu - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh - cho biết, trước đây, làng Địa Linh có nhiều hộ dân làm nghề đúc tượng ông Táo. Tuy nhiên, hiện làng này chỉ còn 4 hộ theo nghề. Nguyên nhân của sự giảm sút này, ông Giàu lý giải do thu nhập thấp, nhiều người dân không ham muốn đi theo nghề nữa nên nghề làm ông Táo dần mai một.
“Nghề làm ông Táo mang lại giá trị truyền thống của ngày xưa. Những ngày giáp Tết, nhiều người dân khắp nơi sẽ mua ông Công ông Táo để thay trong ngày tiễn ông Táo về chầu trời. Đây là một nét đẹp văn hóa", ông Giàu nhận xét. (vietnamnet.vn 04/02)
VĂN HÓA
1. Huế vẫn còn là Huế
Giấc mơ Huế của tôi là Huế sẽ vươn lên không ngừng nhưng bao nhiêu năm sau, Huế vẫn còn là Huế.
Thiên nhiên và con người có thể bị cấm cản bao nhiêu điều bởi động lực trái chiều hay hoàn cảnh ngăn sông cách núi nhưng không có trở lực nào, không có ai ngăn cấm được giấc mơ. Có những giấc mơ huy hoàng kỳ vỹ; nhưng cũng có những giấc mơ bình thường và nhỏ bé đến độ không ai nghĩ tới. Những ngày đại dịch COVID-19, người ta mơ một hơi thở tự do không che chắn phòng ngừa hay một cái bắt tay với người thân mà không phải e dè đề phòng lây nhiễm. Thế nhưng dễ gì vô tư hay thoải mái đem niềm ước mơ nhỏ bé này vào hiện thực mà không bị kỳ thị hay khước từ.
Ngày còn đi học trường làng, đêm đêm đứng sau hàng tre nhìn lấp ló ánh đèn điện của thành phố Huế tỏa sáng trong đêm, tôi thường ước mơ làng mình có điện, con đường bùn đất lên Huế trải sỏi để khi trời mưa đi bớt trượt chân.
Ngày tóc bạc muối tiêu, tôi về làng. Đêm có đèn điện, sáng rửa mặt bằng nước máy, bếp nấu bằng gas thay cho rơm và củi, có cả wifi chạy nhanh hơn cả ở Mỹ vì người dùng còn thưa và có cả con đường mới đổ xi măng chạy xe máy thẳng lên thành phố Huế chỉ mất mươi, mười lăm phút.
Nếu giấc mơ của tôi ngày xưa dừng lại trước cổng làng và ngăn được bước tiến của thời gian thì kể như ước mơ đã thành hiện thực. Nhưng sau ba bốn chục năm ở xứ người, có cơ hội du lịch đi đến nhiều xứ sở khác quê hương mình thì giấc mơ một thời cũng theo thời gian mà thay hình đổi dạng, nhất là khi nghĩ về Huế. Giấc mơ quê hương xứ Huế sẽ thành một thành phố xanh, một trung tâm du lịch có tầm cỡ quốc tế có thể nói là một ước mơ có khả năng thực hiện nhất.
Thế giới có khoảng 200 địa điểm du lịch nổi tiếng rải rác khắp hành tinh, kể cả những kỳ quan thiên nhiên và do bàn tay cùng trí tuệ của con người góp phần dựng nên. Trong các tài liệu du lịch uy tín đáng tin cậy, Việt Nam có 3 trung tâm du lịch đã được liệt kê trong danh sách “50 điểm du lịch nổi tiếng toàn cầu”, đó là Hà Nội (thường được kèm luôn với Hạ Long và Sapa), Hội An và Vịnh Hạ Long.
Huế tuy chưa đạt tầm mức “chốn du lịch nổi tiếng thế giới” được biết nhiều và nêu danh, nhưng các tiêu chuẩn cơ bản về thiên nhiên, địa lý cũng như lịch sử nhân văn, xã hội và con người Huế có thế mạnh và tiềm năng tích cực nhất so với các lĩnh vực ở tầm mức quốc kế dân sinh khác.
Thừa Thiên Huế có vị trí rất đặc biệt, nhiều địa điểm du lịch để mở rộng khai thác. Huế còn có thêm “tuyệt chiêu” hấp dẫn nhất với ngành du lịch thế giới và quyến rũ du khách bốn phương còn hơn cả trà đạo và cơm cuộn Sushi Nhật Bản, đó là nghệ thuật ẩm thực độc đáo mà có nơi, có lúc được nâng lên hàng… triết lý! Nhà nghiên cứu ẩm thực thượng thừa thế giới Anthony Bourdain, từng ngồi ăn cơm Hến và bún bò chợ Đông Ba, đã kêu lên “Bún bò Huế là món súp ngon nhất thế giới” và sau đó đã viết cũng như phát biểu trên các hệ thống truyền thông ca tụng nhiệt thành đồ ăn Việt Nam. Tiếc là Bourdain chưa uống nước chè xanh bỏ gừng của Huế để có dịp so sánh với trà Ô Long của Trung Quốc và trà xanh của Nhật.
Thế mạnh vượt trội là những quần thể di tích lịch sử như Hoàng thành, đền đài, lăng tẩm… mang dấu ấn vương quyền nhà Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Từ khi xa Huế và trở về Huế sau những thập niên, những đứa con viễn xứ cảm thấy thật ấm lòng khi Huế vẫn còn là Huế. Huế có những cột mốc thiên nhiên và di tích lịch sử kế thừa qua bao thế hệ: Sông Hương, núi Ngự, Đại Nội, Hoàng thành, lăng tẩm... cột mốc còn thì Huế vẫn còn.
Tôi có dịp trở lại thăm những thành phố nổi tiếng thế giới sau ba mươi năm, nơi nào cũng có những sự thay đổi phù hợp với trào lưu tiến hóa của kinh tế và xã hội. Những Paris, London, Rome, Tokyo… Thậm chí, nơi có nhiều sự thay da đổi thịt nhanh nhất như Thượng Hải, tuy thay đổi nhiều nhưng vẫn còn giữ được lai lịch, cốt cách và những dấu ấn lịch sử, văn hóa trường tồn của nó.
Về lại Huế, thành phố nhỏ nhắn này tuy có những sự thay đổi lớn nhưng nơi đâu cũng còn dấu tích một thời. Thật đáng vui mừng cho người dân Huế khi dọc bên hai bờ sông Hương, từ đồi Vọng Cảnh đến cửa Thuận An, nước vẫn còn trong xanh bình thản xuôi dòng. Hai bên bờ sông Hương vẫn còn không gian khoáng đạt có nơi vẫn còn xanh mướt những cụm lau lách hồn nhiên mượt mà mát mắt.
Tất nhiên không có ai mong rằng, Huế vẫn mãi là “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Người ta mong Huế cùng tiến bước với cả nước qua những công trình xây dựng bề thế mang tính thời đại. Nhưng Huế không thể làm một cuộc “đổi đời” mất hẳn dáng xưa và xóa đi dấu tích lai lịch của chính mình.
Nếu có chăng sự chậm lại của những công trình xây dựng bởi cần có thêm thời gian cho những thăm dò và thực hiện cẩn trọng thì những bước đi sau không có nghĩa là tụt hậu hay kém phát triển. Ngược lại, đó là những bước đi có cơ sở vững vàng để xây dựng thành phố Huế ước mơ. Giấc mơ Huế của tôi là Huế sẽ vươn lên không ngừng nhưng bao nhiêu năm sau, Huế vẫn còn là Huế.
Thời gian và đà tiến hóa có thể làm lu mờ hay chuyển biến lai lịch của cả một xã hội, một triều đại, nhưng không dễ có một sức mạnh nào có thể hủy hoại lịch sử nhân văn. Lịch sử nhân văn đó là những công trình văn hóa vật thể và phi vật thể. Công trình văn hóa mang tính vật thể của Huế là sông núi, đền đài lăng tẩm. Gia tài nhân văn phi vật thể của Huế là những tác phẩm nghệ thuật quý tộc cung đình và câu ca, điệu hát, tiếng hò… bình dị nhân gian.
Huế sẽ cùng với cả nước đi về phía trước theo nhu cầu và nhịp tiến hóa của thời đại.
Nhiều trăm năm sau, những thế hệ tương lai khi nhắc về Huế không phải là nhắc đến những phế tích mà nhắc đến một thành phố du lịch cổ kính, sinh động, phong phú nguồn lịch sử và đậm tính nhân văn. (baothuathienhue.vn 03/02)
2. Gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo
Đến A Lưới, bất cứ ai cũng cảm thấy thú vị với những nét đẹp văn hóa vùng cao của những bản làng trên dãy Trường Sơn. Nét đẹp ấy đến từ cả một quá trình với việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020”.
Hiệu quả từ gìn giữ giá trị văn hóa
Ghé lại xã Trung Sơn dịp cuối năm 2020, vẫn thấy người dân háo hức chuẩn bị cho mùa lễ hội Aza. Năm 2020, xảy ra nhiều biến động do thiên tai, dịch bệnh nên người dân không tổ chức lễ hội quá rình rang, thay vào đó họ chú trọng vào những nghi lễ chính để vừa giữ được truyền thống, giữ được lễ hội quan trọng. Già làng Hồ Văn Hạnh, xã Trung Sơn cho biết: “Aza là lễ hội lớn và quan trọng nhất năm. Cùng với những nghi lễ tâm linh để cầu mùa màng bội thu, dân làng được sống yên vui, sự kết nối tình cảm của người dân đồng bào các dân tộc thiểu số khiến người dân gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa”.
Những năm qua, chuyện giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa được đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới chú trọng. Đặc biệt, từ đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020”, việc lưu giữ những nét đẹp đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân càng mang lại hiệu quả. Dẫn chứng bằng số liệu, bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cho hay, 6 năm qua, huyện A Lưới đã mở 12 lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ thu hút được trên 200 học viên tham gia và trên 57 nghệ nhân truyền dạy. Các làng văn hóa đã thành lập trên 60 đội văn nghệ dân gian. Nhiều bài hát từ lời Việt đã được chuyển thể sang lời Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu và từ lời Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu sang lời Việt.
Không chỉ gìn giữ và phát huy văn hóa phi vật thể, cơ sở vật chất phục vụ đời sống thần của người dân vùng cao cũng được khôi phục. Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, đến nay, đã khôi phục được 15 nhà Roong Tà Ôi, 3 nhà Gươl Cơ Tu, 1 nhà Târ đah Pa Cô, xây dựng 5 nhà văn hóa xã tại các xã: Hồng Bắc, A Ngo, Phú Vinh, Trung Sơn và Lâm Đớt. Đồng thời, khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị không gian làng, bản theo kiến trúc truyền thống kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại các làng A Nôr (xã Hồng Kim), Pa Ris – Ka Vin (xã Lâm Đớt), A Hưa (xã Quảng Nhâm) và Pa Riing (xã Hồng Hạ)…
Khi việc gìn giữ những giá trị văn hóa hiệu quả, người dân A Lưới lại có dịp “khoe” nét đẹp văn hóa của mình với bạn bè muôn phương. Thông qua những ngày hội các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế hay góp mặt trong các Liên hoan nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật dân gian do Trung ương, tỉnh tổ chức, nét đẹp văn hóa của những bản làng từ vùng cao A Lưới đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế. “Từ những nét đẹp văn hóa ấy, lại gắn kết du khách khắp nơi đến với A Lưới”, bà Thêm thông tin.
Góp sức thực hiện Nghị quyết 54
Nói nhiều về thành công từ Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020” không hẳn là không có những hạn chế. Lãnh đạo UBND huyện A Lưới thừa nhận, trên thực tế, các nhà sàn, nhà dài truyền thống, nhà cộng đồng chưa phát huy hết giá trị truyền thống dân tộc. Ngoài ra, vẫn chưa bảo tồn, phục dựng hết các lễ hội truyền thống lớn của các dân tộc như: Lễ hội Ân Ninh của người Cơ Tu, Âr Pục của người Pa Cô...
Huyện A Lưới đang nỗ lực cùng các địa phương trong tỉnh góp sức xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, mục tiêu mà huyện nhà hướng đến là tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới là ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, các cơ quan, ban ngành của huyện tiếp tục xây dựng đề án Phát triển văn hóa, du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021 - 2025. Huyện cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể, trong đó, sẽ phục dựng không gian làng văn hóa các dân tộc huyện A Lưới tại các địa phương. Tập trung đầu tư bảo tồn không gian văn hóa truyền thống, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, sẽ bảo tồn và phục dựng các lễ hội truyền thống, tổ chức định kỳ các hoạt động lễ hội dân tộc đặc sắc, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng cho A Lưới.
Hiện, huyện A Lưới đang tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm và mở các lớp truyền dạy các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống, đồng thời hướng đến tổ chức trình diễn thường xuyên, phục vụ khách du lịch. (baothuathienhue.vn 03/02)
3. 5 đời làm mứt gừng
Mệ Bùi Thị Thảo năm nay 82 tuổi ở đường Tăng Bạt Hổ, TP.Huế. Mệ đã làm mứt gừng từ năm 18 tuổi. (Video baothuathienhue.vn 03/02)
4. Tiếp nối dòng chảy văn học nghệ thuật Cố đô
Năm 2020, dù đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế đã tạo được dấu ấn trong hành trình sáng tạo bằng những tác phẩm được công chúng ghi nhận.
Chụp cảnh đợi khách của những chiếc xích lô trong mưa gió, bức ảnh “Đợi 5” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Ngọc Sơn khắc họa nét đẹp mưu sinh giữa đời thường. Trong làn mưa trắng xóa, thời gian như chậm lại, những chiếc xích lô vắng khách gợi khung cảnh ảm đạm của những ngày xuất hiện dịch COVID-19 và bão lũ đã tác động trực tiếp đến đời sống mưu sinh thường nhật của những người lao động.
Nổi tiếng với những tác phẩm chụp về mưa Huế, nhiều năm nay, những lúc trời mưa, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Ngọc Sơn lại rong ruổi trên các cung đường của thành Huế mộng mơ, để săn những khoảnh khắc đẹp. Không dàn dựng, lắp ghép, anh ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên của con người dưới mưa, nhất là đặc tả nét đẹp mưu sinh giữa đời thường. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Ngọc Sơn chia sẻ: “Mùa mưa đến luôn khiến tôi ước ao ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời của đất trời. Cái lạnh rét luồn vào da thịt, làm tím tái những khuôn mặt, bàn tay, đôi chân trần vật lộn mưu sinh trên đường phố là hình ảnh luôn làm tôi xúc động”.
Những bức ảnh chụp mưa của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Ngọc Sơn đạt nhiều giải thưởng lớn. Năm 2020 là năm thành công của anh khi đạt các giải thưởng quốc tế: Bức ảnh “Đợi 5” đạt HCV cuộc thi quốc tế tại S-Kadar 2020, Montenegro và HCĐ tại cuộc thi Sunflower, Cộng hòa Séc, giải C của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam 2020; “Du lịch Huế” đoạt HCĐ tại cuộc thi Macedonia 2020; “Trên đường về” đoạt HCV tại cuộc thi Beauty, Serbia. Cả ba bức ảnh đều chụp về mưa Huế, thể hiện nét đẹp vượt lên khó khăn giữa đời thường.
Khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân, vở ca kịch “Chuyên án Z1” là tác phẩm xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu trong năm qua khi đoạt 1 HCV và 2 HCB tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân”. Vở kịch do NSƯT La Thanh Hùng làm đạo diễn, kịch bản của tác giả Lê Mai Phương, ca ngợi những chiến công, sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an trong cuộc chiến chống tội phạm, giữ gìn bình yên cho mọi người.
Tác phẩm đề cập đến cuộc chiến chống ma túy của lực lượng công an trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Khi cả nước đang căng mình chống dịch, bọn tội phạm lợi dụng cơ hội để hoành hành. Nhiều trẻ vị thành niên và thanh niên nghiện ma túy, đằng sau đó là cả đường dây buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ ma túy liều lĩnh và nguy hiểm. Vì nhiệm vụ, Trung úy Hằng và Trung úy Kiên đành gác lại đám cưới để cùng tham gia vào chuyên án Z1, triệt phá nhóm tội phạm ma túy. Trong cuộc chiến chống tội phạm, Kiên đã anh dũng hy sinh, dang dở mối duyên chưa trọn với Hằng nhưng họ vẫn luôn tự hào về công việc của mình.
Đoạt HCV khi vào vai Trung úy Hằng, với nghệ sĩ Phạm Thị Lệ là một trải nghiệm đầy mới mẻ và khá mạo hiểm khi chị vốn là diễn viên tuồng lại diễn vai chính trong một vở ca kịch. Chị bộc bạch: “Đây là hai loại hình nghệ thuật sân khấu có đặc trưng khác nhau. Nếu tuồng là sự kết hợp giữa diễn xuất, hát và vũ đạo thì với ca kịch, tôi phải tập thả lỏng toàn bộ cơ thể, từ nét mặt đến động tác, tay chân… Ban đầu cũng rất khó khăn nhưng tôi cố gắng tập luyện để diễn tròn vai. Đây là vai diễn đầu tiên tôi thử sức với loại hình ca kịch nên khá bất ngờ khi đạt HCV”.
Dù bị tác động không nhỏ do dịch bệnh COVID-19 nhưng trong năm 2020, các văn nghệ sĩ vẫn miệt mài sáng tạo. Bám sát dòng thời sự, văn nghệ sĩ đã có nhiều tác phẩm hay, thể hiện tư duy nghệ thuật liên quan đến đời sống nhân sinh. Theo đánh giá của PGS.TS. Hồ Thế Hà, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hiệp các Hội VHNT, văn nghệ sĩ không hẹn mà gặp nhau về tư tưởng và tư duy nghệ thuật mang tính thời sự trước sự biến đổi bất thường của thiên nhiên và xã hội. Tất cả những tác phẩm đạt giải thưởng văn học nghệ thuật năm nay đều mang tính nghệ thuật cao, thể hiện qua thế giới ngôn từ, hình tượng, tư tưởng theo đặc trưng ngôn ngữ của từng thể loại.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT cho rằng, đời sống văn học nghệ thuật trên vùng đất Thừa Thiên Huế đang ngày càng sôi động. Một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo ngày càng phát triển, trở thành nhịp cầu đưa những con tim đồng cảm xích lại gần nhau hơn để cùng chia sẻ những vui buồn, ước mơ, khát vọng qua từng tác phẩm, lay động những góc khuất của cuộc sống để tìm hạt ngọc quý ẩn sâu bên trong tâm hồn mỗi con người. (baothuathienhue.vn 03/02)
XÃ HỘI
1. Thừa Thiên - Huế: Hỗ trợ đoàn viên khó khăn, bệnh hiểm nghèo
Công đoàn (CĐ) Bệnh viện Trung ương Huế vừa họp mặt, động viên đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo và đoàn viên bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2020.
Dịp này, CĐ bệnh viện đã trao 109 phần quà tổng trị giá trên 220 triệu đồng cho đoàn viên; kinh phí chăm lo trích từ nguồn kinh phí CĐ bệnh viện và Quỹ Xã hội của CĐ Y tế Việt Nam.
Trong năm 2020, CĐ Bệnh viện Trung ương Huế đã vận động các nhà hảo tâm tặng 4 đợt quà cho trên 450 lượt đoàn viên tham gia công tác phòng chống và điều trị bệnh nhân Covid-19. Tổng kinh phí chăm lo hơn 1,2 tỉ đồng. (nld.com.vn 03/02)
2. Từ ra chợ đến vô nhà
Không chịu bó tay bởi dịch bệnh COVID-19 và thiên tai bão lũ, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TX. Hương Trà năng động, sáng tạo vận động người dân và đã thu được những kết quả đáng mừng trong công tác BHXH tự nguyện.
Ra chợ vận động
“Cái khó ló cái khôn”. Bình Tiến là một trong những xã đầu tiên ở thị xã Hương Trà có sáng kiến ra chợ vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Đại lý thu của xã là chị Phan Thị Thúy, cán bộ phụ nữ, có nhà ở gần chợ nên gặp nhiều thuận lợi. Trước đó, chị Thúy cũng từng khai thác các đối tượng ở chợ nên có kinh nghiệm. Nhiều người dân rất “khoái” mua BHXH tự nguyện để hy vọng sau này già yếu, ốm đau có “đồng ra trự vào” nên đã hăng hái tham gia. Các đại lý thu bám đối tượng để thu từng ngày rồi tích cóp lại. Kết quả ra quân tại chợ Bình Điền vào ngày 27/6/2020 đầy phấn khích khi vận động được 36 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và đóng tiền ngay.
Từ miền biển lên tới gò đồi ở thị xã Hương Trà đều có chợ. Xác định đây là một thuận lợi, BHXH Hương Trà tổ chức các đoàn công tác ra chợ vận động người dân mua BHXH tự nguyện. Cũng như chợ Bình Điền, ở 7 chợ còn lại ra quân đều thu được kết quả cao với liên tục những tin vui. Chỉ trong 1 ngày, chợ Hương Chữ (phường Hương Chữ) vận động được 25 đối tượng tham gia và đóng tiền ngay, chợ Vân Quật Đông (xã Hương Phong) được 29 đối tượng, chợ Văn Xá (phường Hương Văn) 22 đối tượng, chợ Hương Hồ (phường Hương Hồ)16 đối tượng, chợ Triều Sơn Đông (xã Hương Vinh) 23 đối tượng, chợ Hải Dương (xã Hải Dương) 39 đối tượng và chợ Tứ Hạ (phường Tứ Hạ) 9 đối tượng.
Trực tiếp theo dõi, chị Võ Thị Thảnh, BHXH Hương Trà rất tâm đắc với mô hình "ra chợ" này. Đại lý thu chủ động được thời gian. Đối tượng vận động tham gia là phụ nữ “tay hòm chìa khóa” nên thông hiểu lợi ích là quyết ngay và bản thân nhiều người tham gia cũng đã quen với hình thức tích cóp hằng ngày này khi từng tham gia góp hụi ở chợ nên không cần phải giải thích dông dài.
Vô tận nhà mời gọi
Dịch bệnh COVID-19 cứ mãi đeo bám, rồi bão lũ xảy ra liên miên. Ra chợ vận động cũng gặp ách tắc do người dân không đi chợ bởi có lệnh hạn chế tập trung đông người. Vậy là, từ tháng 11/2019, BHXH Hương Trà nghĩ đến cách khác, tổ chức đến tận nhà vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Toàn thị xã thành lập 3 tổ, do đích thân các thành viên trong ban giám đốc đứng đầu đi về các phường, xã. Ghi nhận tại phường Tứ Hạ, một địa phương làm tốt cho thấy, đã tổ chức thực hiện tốt, kết hợp thành công phương thức “nhiều trong một”. Đặc biệt, do đã thông qua lãnh đạo chính quyền địa phương và cộng tác viên là cán bộ quen với công việc thu lãi các quỹ đoàn thể nên các tổ tiếp cận đối tượng, vận động tham gia BHXH tự nguyện khá dễ dàng.
Toàn phường Tứ Hạ có 9 tổ dân phố, trong đó có các tổ 4, 5 và 7 có dân cư làm nghề buôn bán thường có sẵn tiền bạc, lại sống tập trung được xác định là trọng điểm triển khai vận động. Kết quả, chỉ trong 2 tháng chăm chỉ vô nhà vận động, toàn phường Tứ Hạ đã có 90 người đăng ký mua BHXH tự nguyện.
Phó Giám đốc BHXH thị xã Hương Trà Hồ Khả Dũng, từng trực tiếp điều hành tổ vận động tại nhà thời gian qua, nhận xét: Đây là phương cách vận động tham gia BHXH tự nguyện rất hiệu quả. Các đại lý thu chủ động thời gian và bố trí lịch gặp gỡ. Vào tận nhà nên thường gặp cả gia đình, thế nên khi nhận được cái gật đầu là có thể “bán được” trọn gói BHXH tự nguyện cho cả chồng vợ, con cái và thậm chí cho cả ông bà.
Gấp đôi chỉ tiêu giao
Năm 2020, thị xã Hương Trà có 1.957 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt tỷ lệ 101,45% so với kế hoạch giao; tăng 1.027 người so với năm 2019 với tỷ lệ tăng 110,43%. Cũng trong năm qua, số thu BHXH tự nguyện của thị xã là 4.159 triệu đồng, đạt tỷ lệ 112,38% so với kế hoạch giao, tăng 1.772 triệu đồng so với năm 2019 với tỷ lệ tăng 74,24%. Đây là kết quả vượt mức mong đợi của BHXH thị xã Hương Trà trong bối cảnh kinh tế - xã hội địa phương gặp khó khăn do tác động nặng nề dịch bệnh và thiên tai.
Ông Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc BHXH thị xã Hương Trà khẳng định, chính sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở là nhân tố mang ý nghĩa quyết định thành công trong công tác BHXH tự nguyện. BHXH thị xã Hương Trà năng động và sáng tạo, từ mở các hội nghị tư vấn truyền thông đến tổ chức các tổ, nhóm trực tiếp ra chợ và đến tận hộ gia đình đểvận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Qua các đợt ra quân này giúp cho các đại lý thu BHXH ở cơ sở học tập và làm theo, qua đó nâng cao và phát huy được vai trò. Thủ tục liên quan đến BHXH tự nguyện đảm bảo nhanh gọn và thiết thực. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Phương, Hương Trà đang ở vào “thời điểm vàng” của BHXH tự nguyện. Năm 2020, người tham gia tăng gấp đôi năm 2019 nhưng vẫn còn nhiều cơ hội để tạo nên “kỷ lục mới” khi số lượng đạt được mới chỉ chiếm 4% tổng số đối tượng trong diện tham gia BHXH tự nguyện ở địa phương.
BHXH thị xã Hương Trà đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật BHXH năm 2014. Trước mắt, BHXH Hương Trà tham mưu UBND thị xã ban hành quyết định về việc giao chỉ tiêu thu BHXH tự nguyện cho UBND các xã, phường; trích xuất dữ liệu người tham gia BHXH tự nguyện đến thời hạn đóng gửi các đại lý thu để đôn đốc tiếp tục tham gia. Đặc biệt, BHXH thị xã Hương Trà luôn có sự tìm tòi và sáng tạo trong tuyên truyền và vận động để giúp người dân hiểu rõ lợi ích và hăng hái tham gia BHXH tự nguyện, một chính sách mang đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. (baothuathienhue.vn 04/02)
3. Tạo điều kiện để sinh viên ở lại Huế đón tết
Hàng trăm sinh viên quốc tế hoặc có quê là các địa phương đang có ca nhiễm COVID-19 sẽ ở lại Huế dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu để đảm bảo an toàn. Đại học (ĐH) Huế và các cơ sở đào tạo, Trung tâm Phục vụ Sinh viên triển khai các giải pháp tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên.
Ở lại để đảm bảo an toàn
Có mặt tại ký túc xá Trường Bia vào ngày 3/2, chúng tôi gặp không ít sinh viên vẫn đang ở lại khu nội trú, dù đã đến kỳ nghỉ Tết. Savivan Phetsalat, sinh viên đến từ nước bạn Lào, đang học tại Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết: “Trường của em đã thông báo cho nghỉ tết, nhưng do dịch COVID-19, các cửa khẩu vẫn tạm thời đóng cửa nên em và nhiều bạn vẫn ở lại Huế, lần đầu đón tết cổ truyền của Việt Nam”.
Theo rà soát, thống kê từ ĐH Huế, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, sẽ có khá nhiều sinh viên ở lại Huế, phần đông là sinh viên từ nước bạn Lào, cùng một số địa phương đang có tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế cho biết, theo khảo sát, có khoảng hơn 300 sinh viên dự kiến ở lại Huế qua tết. Dù đa số sinh viên ĐH Huế đến từ các tỉnh, miền Trung – Tây Nguyên, song vẫn có một số sinh viên đến từ các địa phương khá xa như Hải Dương, Hà Nội, Ninh Bình… Đối với một số tỉnh, thành đang có dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều sinh viên đã chủ động đăng ký ở lại để đảm bảo an toàn, thuận lợi hơn cho việc học sau kỳ nghỉ tết.
Trường ĐH Y – Dược, ĐH Huế là một trong những trường có số lượng sinh viên dự kiến không về quê ăn tết do tình hình dịch COVID-19 khá cao. Theo báo cáo từ ĐH Huế, có 103 sinh viên có thể sẽ ở lại Huế trong kỳ nghỉ tết, trong đó có 89 sinh viên Lào, 7 sinh viên quê ở Gia Lai, 2 sinh viên quê ở Đắk Lắk, 2 sinh viên quê Lâm Đồng, 1 sinh viên quê Đồng Nai, 1 sinh viên quê Phú Yên và 1 sinh viên quê Hải Dương.
PGS.TS. Nguyễn Khoa Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y – Dược, ĐH Huế cho biết, nhà trường xác định vấn đề bảo vệ sức khỏe sinh viên là quan trọng và phương châm là tạo điều kiện cho các em trở về nhà sớm trong điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, đối với những trường hợp phải ở lại Huế đón tết để do quê nhà diễn biến dịch bệnh đang phức tạp, nhà trường cũng luôn theo dõi, hỗ trợ.
Đại diện ĐH Huế khẳng định, dù sinh viên về quê hay ở lại Huế, việc khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch cũng đã được các trường triển khai. ĐH Huế đã chỉ đạo các trường theo dõi sát tình hình và triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm báo cáo nhanh về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 của đơn vị trước 18 giờ hằng ngày. Ngoài ra, các đơn vị cũng xây dựng kế hoạch giảng dạy online để chủ động các phương án dạy học sau nghỉ kỳ Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Sẵn sàng đón tiếp, hỗ trợ
Hiện tại, ở ký túc xá Trường Bia đang có khoảng 100 sinh viên Lào ở lại. Riêng ở các sinh viên ngoại tỉnh, vẫn đang chờ các em đăng ký. Vấn đề theo dõi tình hình, kiểm soát sinh viên liên quan đến công tác phòng, chống dịch là điều chắc chắn tuy nhiên theo đại diện Trung tâm Phục vụ Sinh viên ĐH Huế, quan điểm chung là sẵn sàng tiếp đón, hỗ trợ, tạo môi trường ăn, ở cho sinh viên và động viên, nhắc nhở sinh viên là chính, cố gắng không để sinh viên buồn hay quá lo lắng. Trung tâm sẽ bố trí lực lượng trực để hỗ trợ sinh viên, vừa kiểm soát đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Phục vụ Sinh viên ĐH Huế cho biết, các sinh viên ngoại tỉnh ở nội trú lâu nay vẫn có thể ở lại dịp tết. Riêng với các sinh viên ngoại tỉnh chưa từng ở nội trú thì ký túc xá Trường Bia vẫn còn dành khoảng 200 chỗ ở, sẵn sàng tiếp đón sinh viên.
Đối với các sinh viên Lào ở tập trung, ngoài các chính sách hỗ trợ từ ĐH Huế, các trường, Trung tâm Phục vụ sinh viên ĐH Huế còn có các phần quà tết cùng nguồn chi phí hỗ trợ các bữa ăn hằng ngày cho sinh viên.
Điểm đặc biệt là năm nay, các dịch vụ phục vụ sinh viên sẽ mở cửa dịp tết. Anh Nguyễn Ánh, người bán hàng quầy tạp hóa tại Trung tâm Phục vụ Sinh viên ĐH Huế cho biết, năm nay, quầy tạp hóa ở ký túc xá Trường Bia sẽ không đóng cửa bất cứ ngày nào, kể cả mùng 1 tết. “Mọi năm khi sinh viên về quê từ ngày 27 – 28 tháng chạp là đóng cửa nhưng năm nay sẽ mở cửa xuyên tết, mỗi ngày phục vụ từ khoảng 7 giờ sáng đến 10 giờ 30 phút buổi tối. Ngoài các mặt hàng hiện có, dịp tết sẽ nhập thêm các loại bánh, sữa vì đây là các mặt hàng sinh viên có nhu cầu cao”.
PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế cho hay, vừa qua, nhà trường đã tặng quà hỗ trợ, động viên hơn 20 sinh viên Lào đang học tập tại trường ở lại Huế đón tết cổ truyền của Việt Nam. Trong những ngày tết, Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên cùng các đơn vị cũng sẽ có những hoạt động thăm hỏi, chúc tết sinh viên, giúp các em có được niềm vui khi xa nhà. (baothuathienhue.vn 03/02)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Học sinh nghỉ tết từ ngày 8/2
Chiều 3/2, tại Hội nghị sơ kết học kỳ 1 khối THPT, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Học sinh nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 08/02/2021 đến hết ngày 16/02/2021 .
Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid – 19 tại đơn vị, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị y tế như: thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch và xà phòng... và tổ chức vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp đảm bảo an toàn trước khi học sinh trở lại trường sau tết); thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K”: Khẩu trang - Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế; hạn chế hoặc dừng tổ chức các hoạt động tập trung đông người nếu không thực sự cần thiết...
Quản lý nắm chắc tình hình học sinh trước và sau Tết, đặc biệt là học sinh ngoại tỉnh về quê và trở lại sau Tết. Tổ chức vận động người thân và phụ huynh học sinh không nên để học sinh ngoại tỉnh về quê ăn tết. Không ra ngoại tỉnh khi không thực sự cần thiết trong những ngày nghỉ tết để đảm bảo an toàn tốt nhất cho công tác phòng ngừa dịch Covid – 19. (baothuathienhue.vn 03/02)
Y TẾ
1. Thừa Thiên Huế triển khai giải pháp QR trong phòng chống dịch bệnh Covid-19
Sau hơn 7 ngày triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh Covid-19 bằng mã QR, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 900 đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tạo mã QR để người dân khi đến các địa điểm này có thể dùng ứng dụng Hue-S quét xác nhận điểm đến.
Ngày 3/2, ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế thông tin, sau hơn 7 ngày triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh Covid-19 bằng mã QR, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 900 đơn vị trên địa bàn tạo mã QR để người dân khi đến các địa điểm này có thể dùng ứng dụng Hue-S quét xác nhận điểm đến.
Trước đó, nhằm phòng, chống dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai giải pháp QR (mã thông tin phản hồi) trước 5/2/2021 để quản lý tình hình di chuyển, truy vết người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh Covid-19.
Theo hướng dẫn của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tất cả các cơ quan, đơn vị, trung tâm thương mại, chợ, cơ sở khám chữa bệnh, trường học, hộ kinh doanh… đều đặt bảng QR theo quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh. Người dân khi đến các địa điểm trên dùng ứng dụng Hue-S để quét QR nhằm mục đích xác nhận điểm đến.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Y tế chủ trì triển khai giải pháp tại các cơ sở khám chữa bệnh; Sở GD&ĐT chủ trì triển khai giải pháp tại các cơ sở giáo dục; Sở Du lịch chủ trì triển khai giải pháp tại các cơ sở lưu trú; Sở Công thương chủ trì triển khai giải pháp tại các trung tâm thương mại, chợ, các doanh nghiệp, các điểm kinh doanh trên địa bàn; Sở Giao thông vận tải tổ chức triển khai giải pháp tại các điểm bến xe, nhà ga, cảng hàng không.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế có trách nhiệm tổ chức triển khai giải pháp cho những đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; Đại học Huế tổ chức triển khai giải pháp tại các cơ sở đào tạo trực thuộc trên địa bàn. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi tổ chức sự kiện đông người cần chủ động áp dụng giải pháp này để kiểm soát mọi thành phần tham dự; Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho các đơn vị trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, tính đến nay đã có hơn 900 đơn vị triển khai tạo mã và hơn 11.270 lượt quét QR. Việc làm này sẽ giúp cho công tác truy vết khi có dịch xảy ra được nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời.
Được biết, Hue-S là ứng dụng trên nền di động đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tích hợp, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh. Ứng dụng này được kết nối đồng bộ với Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh. Tính đến nay, đã có trên 350.000 người dân trong tỉnh cài ứng dụng Hue-S.
Cùng với các giải pháp của Chính phủ nhằm phòng, chống dịch Covid-19, việc quản lý dịch bệnh bằng mã QR qua ứng dụng Hue-S mà Thừa Thiên Huế đang triển khai hứa hẹn sẽ là một giải pháp giúp tăng tính hiệu quả và phản ứng nhanh với các trường hợp xảy ra trên địa bàn./. (toquoc.vn 03/02)
2. Lần đầu tiên tại Việt Nam xạ phẫu thành công cho bệnh nhân bị động kinh kháng thuốc
Bệnh viện Trung ương Huế vừa xạ phẫu thành công cho bệnh nhân 13 tuổi bị động kinh kháng thuốc.
Ở Việt Nam, phẫu thuật điều trị động kinh đã được triển khai tại một số bệnh viện ở Hà Nội, Huế, TP.HCM, nhưng đây là trường hợp động kinh đầu tiên được xạ phẫu thành công.
Bệnh nhân Đặng Thị Phương T. (13 tuổi), đã được các bác sĩ chuyên khoa thần kinh của Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội điều trị bằng các loại thuốc kháng động kinh nhưng không đáp ứng. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt một phần tổn thương dạng loạn sản vỏ não vùng hồi nắp và thùy đảo bán cầu phải vào tháng 9/2019.
Sau phẫu thuật, tình trạng động kinh giảm một nửa nhưng thời gian gần đây các cơn động kinh lại tăng lên cả về cường độ và tần suất. Đồng thời, bệnh nhân bị yếu nửa người, nói khó do vùng não chi phối vận động và ngôn ngữ bị ảnh hưởng sau phẫu thuật. Cách đây 1 tháng bệnh nhân được chuyển viện từ Hà Nội vào Khoa Xạ trị- Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế, tiếp tục điều trị theo hướng can thiệp không phẫu thuật.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân lựa chọn phương án xạ phẫu vào ổ tổn thương tồn dư vùng hồi nắp và thùy đảo bán cầu phải sau phẫu thuật. Bệnh nhân được theo dõi 2 tuần, đo điện não, chụp cộng hưởng từ não để lập kế hoạch xạ phẫu chi tiết và chính xác nhất. Cuộc xạ phẫu thành công, chính xác vào tổn thương tồn dư gây động kinh, vùng não lành kế cận không bị ảnh hưởng. Ngay sau khi xạ phẫu hoàn tất, bệnh nhi hoàn toàn tỉnh táo, giao tiếp bình thường, chưa có cơn động kinh tái phát.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung Ương Huế cho biết, việc ứng dụng xạ phẫu trong điều trị động kinh mở ra một hướng mới cho bệnh nhân, nhằm đem lại hiệu quả điều trị động kinh tốt nhất cho các trường hợp kháng trị hoặc điều trị phẫu thuật động kinh thất bại.
“Xạ phẫu bằng máy gia tốc được thực hiện lần đầu tiên để điều trị bệnh nhân động kinh. Qua kết quả ban đầu, bệnh nhân đã không còn cơn động kinh nào sau khi xạ phẫu. Qua đo bằng điện não đồ thì không thấy các sóng gây động kinh từ vùng có tác động xạ phẫu của máy gia tốc. Như vậy, có thể nói, kết quả bước đầu của xạ phẫu bằng máy gia tốc rất tốt trên bệnh nhân này. Có thể khẳng định rằng, đây là lần đầu tiên, kỹ thuật xạ phẫu được dùng cho điều trị động kinh tại Việt Nam”./. (vov.vn 03/02)
3. Thừa Thiên Huế xét nghiệm COVID-19 toàn bộ nhân viên sân bay, cảng biển, bến tàu xe
Toàn bộ nhân viên, người lao động ở khu vực bến tàu, cảng biển, sân bay, bến xe... ở Huế sẽ được xét nghiệm COVID-19 nhằm đảm bảo phòng dịch.
Chiều 3-2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phát đi thông báo trên.
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất sẽ cách ly tập trung 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân từ Quảng Ninh, Hải Dương; các quận, huyện thuộc TP Hà Nội đã được Bộ Y tế công bố có điểm dịch và các khu vực, địa điểm do Bộ Y tế cập nhật, thông báo đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 3-2.
Tất cả người dân đến Huế bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định.
Thống nhất tổ chức xét nghiệm PCR COVID-19 cho toàn thể nhân viên và người lao động đang làm việc tại sân bay Phú Bài, cảng Thuận An, cảng Chân Mây, ga Huế, bến xe Phía Bắc, bến xe Phía Nam. Giao Bệnh viện Trung ương Huế chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị, địa phương để triển khai xét nghiệm đảm bảo đúng quy định.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vận động người dân cài đặt ứng dụng Hue-S và đăng ký mã QR khai báo y tế nhằm thuận tiện trong trường hợp cần truy vết. Những người đang cách ly tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn sẽ được tỉnh hỗ trợ bữa ăn trong dịp tết.
Sau khi văn bản này phát ra, nhiều bạn đọc đã gửi thắc mắc đến Tuổi Trẻ Online về việc người ở TP.HCM và các tỉnh đang có dịch (không ở địa phương phát hiện ca nhiễm COVID-19) về Huế có bị cách ly hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Phan Ngọc Thọ - chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết hiện tỉnh chưa có chủ trương cách ly những người dân về Huế từ vùng không có dịch.
"Tôi sẽ chỉ đạo Sở Y tế tỉnh công bố cụ thể danh sách các địa phương đang có dịch, người từ đó về Huế sẽ bị cách ly để bà con được biết trong ngày mai 4-2", ông Thọ nói. (tuoitre.vn 03/02)
4. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch COVID-19
Đó là nội dung quan trọng tại kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh ngày 2/2/2021.
Chủ tịch UBND tỉnh hoan nghênh, biểu dương các lực lượng Y tế, Công an, Quân đội và các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quyết liệt triển khai các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh; đồng thời, thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn trong thời gian qua. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng, đến nay, Thừa Thiên Huế vẫn chưa ghi nhận ca dương tính với COVID-19.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biết phức tạp, Việt Nam đã công bố 10 tỉnh/thành phố có các ca dương tính COVID-19, đặc biệt, tại các tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai...; nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào Thừa Thiên Huế vẫn tiềm ẩn.
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương, các lực lượng tiếp tục triển khai quyết liệt, nắm vững phương châm “4 tại chỗ”, "mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch" thực hiện tốt "5K", thường xuyên bám sát nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo COVID-19 tỉnh để triển khai kịp thời, hiệu quả. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cách ly 21 ngày công dân về từ Quảng Ninh, Hải Dương
Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất tổ chức cách ly tập trung 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân từ Quảng Ninh, Hải Dương; các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội đã được Bộ Y tế công bố có điểm dịch và các khu vực, địa điểm do Bộ Y tế cập nhật, thông báo đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ lúc 12 giờ ngày 3/2/2021.
Tất cả mọi người dân đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả người Huế về địa phương) bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định. Đưa tiêu chí đăng ký triển khai giải pháp QR (mã thông tin phản hồi) là tiêu chí bắt buộc trong đánh giá mức độ đảm bảo an toàn phòng dịch tại các cơ quan, đơn vị và địa phương.
Thống nhất tổ chức xét nghiệm PCR cho toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động đang làm việc tại Cảng hàng Không Quốc tế Phú Bài, Cảng Thuận An, Cảng Chân Mây, Ga Huế, Bến xe Phía Bắc, Bến xe Phía Nam.
Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND cấp huyện tuyên truyền mọi người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cài đặt Hue-S và triển khai giải pháp QR nhằm quản lý lịch trình di chuyển, truy vết người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh.
Thống nhất chủ trương hỗ trợ bữa ăn Tết cho các công dân đang cách ly tại các khung cách ly (T).
Công dân về từ vùng dịch phải được được giám sát
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát công dân trở về địa phương trong dịp Tết cổ truyền dân tộc Tân Sửu, với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"; đảm bảo tất cả các công dân về từ vùng dịch phải được được giám sát, theo dõi...
Chỉ đạo thành lập các Tổ phòng dịch cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố do các lực lượng công an, mặt trận, thôn trưởng, đoàn thanh niên... với nồng cốt là lực lượng công an nhằm phục vụ cho công tác rà soát, truy vết, giám sát, tuyên truyền vận động người dân trong công tác phòng chống dịch.
Rà soát, sẵn sàng để thành lập các T dân sự cấp xã, phường, thị trấn có sự tham gia của lực lượng quân sự nhằm phục vụ cho công tác cách ly các trường hợp tại địa phương.
Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch; vận động người dân có con em đang làm ăn ở các địa phương có dịch tạm thời không về quê ăn Tết, nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch.
Do dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát trong những ngày giáp Tết cổ truyền dân tộc, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là người nghèo, người có công cách mạng, người khuyết tật, lao động tự do... Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần lưu ý và có chính sách đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Y tế triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực... để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh chuẩn bị tất cả các điều kiện để sẵn sàng kích hoạt các Chốt kiểm soát người và phương tiện vào hoạt động, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo COVID-19 tỉnh.
Đối với các hoạt động chào đón năm mới và Tết cổ truyền dân tộc Tân Sửu, hạn chế các hội nghị, hội thảo tổ chức đông người không cần thiết. Các hoạt động ngoài trời, Thủ trưởng các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo COVID-19 tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác đảm bảo phòng COVID-19…(baothuathienhue.vn 03/02)
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
1. Khẳng định vị thế trung tâm khoa học và công nghệ
Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế để xây dựng, trở thành trung tâm khoa học và công nghệ (KH&CN) không thua kém ở các tỉnh, thành phố lớn.
Có "chỗ đứng"
Nằm giữa “khúc ruột” miền Trung, Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược quan trọng bởi ở trên trục giao thông bắc nam và trục hành lang kinh tế đông tây, có cảng biển Chân Mây, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài và Cố đô Huế với nhiều di tích lịch sử, danh thắng cảnh... để khai thác các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, du lịch sinh thái...
Thừa Thiên Huế được biết đến là một trung tâm y tế chuyên sâu với Bệnh viện Trung ương Huế, nguồn lực KH&CN dồi dào, được xếp vào diện chuẩn. Đến nay, Thừa Thiên Huế có 8 trường đại học, 6 trường cao đẳng và nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu trong đó có hơn 275 giáo sư, phó giáo sư, 782 tiến sĩ chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Giai đoạn 2010-2018, nguồn lực đầu tư cho KH&CN khoảng 200 tỷ đồng, trong đó vốn nghiên cứu sự nghiệp hơn 72 tỷ đồng. Với nguồn lực đầu tư này đã có trên 100 công trình nghiên cứu mang tính thực tiễn; trong đó có nhiều công trình, đề tài đạt giải thưởng cao của Bộ KH&CN và tỉnh. Mới đây, các công trình nghiên cứu đã tạo ra 175 sản phẩm KH&CN; trong đó, có hàng chục sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa. Đơn cử có nhiều đề tài thực hiện nhiệm vụ Quỹ gen cấp Nhà nước có tiếng vang lớn, như: “Khai thác và phát triển nguồn gen cá dìa (Siganus guttatus Bloch, 1787), cá vẩu (Caranx ignobilis Forsskal, 1775), cá căng (Terapon jarbua Forsskal, 1775)” do PGS.TS. Nguyễn Quang Linh làm chủ nhiệm; "Ứng Dụng máy bay mô hình Quad-Rotor lấy không ảnh phục vụ công tác quy hoạch đô thị, giám sát an ninh và phòng cháy rừng" của 2 tác giả Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Chiến sẵn sàng chuyển giao công nghệ, giúp các đơn vị quản lý quy hoạch và bảo tồn cảnh quan di tích hiệu quả.
Dõi theo hoạt động KH&CN trên địa bàn gần đây cho thấy, trình độ KH&CN trong lĩnh vực y học, khám chữa bệnh phát triển vượt bậc theo kịp hai trung tâm lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhiều công nghệ y học hiện đại được ứng dụng thành công như ghép tim, gan, thận… Hoạt động về khoa học xã hội và các nghiên cứu điều tra cơ bản đã cung cấp các luận cứ quan trọng cho lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương phục vụ hoạch định chính sách quy hoạch phát triển và xây dựng các dự án đầu tư công - nông nghiệp. Các mô hình sản xuất nông nghiệp từng bước theo hướng xanh và sạch.
Những kết quả đó đã giúp kinh tế địa phương phát triển toàn diện và liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, XV cao hơn mức trung bình của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp tăng nhanh; đặc biệt cơ cấu trong nội bộ các ngành thay đổi đáng kể theo hướng phát huy các lợi thế so sánh của địa phương.
Trung tâm KH&CN
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVI đề ra mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trên nền tảng thành phố di sản, văn hóa, du lịch, cảnh quan thân thiện với môi trường. Điều này, Thừa Thiên Huế đã xác định xây dựng ngành KH&CN cùng với y tế, giáo dục... trở thành những trung tâm lớn của cả nước và khu vực.
Mới đây, qua nhiều hội nghị, hội thảo diễn ra tại TP. Huế, nhiều nhà chuyên môn, khoa học, quản lý trong và ngoài tỉnh đến tham dự đã chia sẻ những kinh nghiệm sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN bởi từ những yếu tố tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN, Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện trở thành một trung tâm KH&CN không chỉ từ những yếu tố tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn có những quyết sách đúng đắn từ lãnh đạo tỉnh. Những năm qua từ các Nghị quyết đến chương trình hành động đã tạo cơ hội cho ngành KH&CN phát triển, trong đó vừa nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, vừa tập trung nghiên cứu ứng dụng, sáng tạo công nghệ đặc thù, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… Bên cạnh đó là hoàn thiện các thiết chế KH&CN cũng như xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích hoạt động KH&CN, mở rộng liên kết, tăng cường hợp tác về KH&CN...
Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng đề án phát triển trung tâm KH&CN từ nay đến năm 2030, trở thành trung tâm KH&CN của cả nước; đề án Khu Công nghệ cao tại Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô... Đây là những nhiệm vụ cần sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và sự ủng hộ vào cuộc của các ngành, các cấp, đội ngũ trí thức cũng như người dân địa phương.
Tại hội nghị tổng kết ngành KH&CN năm 2020, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, KH&CN gần đây dù còn gặp những rào cản, khó khăn nhưng đã phát triển tương đối toàn diện, nhất là nguồn nhân lực, hạ tầng thiết chế KH&CN, hoạt động sáng tạo nghiên cứu, ứng dụng. Để trở thành trung tâm KH&CN của cả nước, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trước hết phải tiếp tục thay đổi toàn diện, cần có sự thống nhất không chỉ là người lãnh đạo mà của cả người dân. Phải hoàn thiện cơ chế chính sách, đào tạo các nhà khoa học và nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng công tác sáng tạo, nghiên cứu nhiều đề tài mang tính đặc thù ứng dụng cao trong thực tế; phải tăng cường xây dựng các chương trình hành động ký kết, hợp tác để có cơ hội hội nhập KH&CN xa hơn. (baothuathienhue.vn 04/02)
DU LỊCH
1. Du lịch A Lưới hấp dẫn bởi có nhiều điều lạ
Hấp dẫn của du lịch A Lưới đến từ những giá trị văn hóa đặc sắc
Tháng 7/2019, Khu du lịch Farmstay Cân Tôm được hình thành ở một cánh đồng lúa thuộc xã Hồng Hạ. Đến đây, khách du lịch được tham gia trải nghiệm các nét văn hóa riêng, như tục Đi Sim của người Pa Cô xưa, những sinh hoạt thường ngày trong sản xuất nương rẫy, bắt cá suối, chế biến ẩm thực truyền thống và các loại hình văn hóa cộng đồng, dân gian… được tái hiện nguyên bản. Farmstay Cân Tôm đã và đang thu hút đông đảo du khách thập phương và được xem là một trong số nhiều mô hình gắn bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch tiêu biểu ở A Lưới.
Là nơi hội tụ của 5 dân tộc anh em Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh, A Lưới được biết đến là một vùng đất còn lưu trữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc. Những năm qua, đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 – 2020” được triển khai. Quá trình thực hiện đề án, A Lưới chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và phát triển du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Ngày càng nhiều chương trình du lịch gắn với văn hóa người bản địa thu hút sự quan tâm của du khách với sản phẩm du lịch truyền thống độc đáo mang đậm đà bản sắc vùng cao. Đó là các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống, như: Lễ hội A za, A Riêu car, tục sinh hoạt dân gian dưới nước; các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ; các trò chơi dân gian; các loại dược liệu quý dùng để xông răng, gội đầu; nhiều loại ẩm thực... của các dân tộc thiểu số đã và đang được người dân bảo tồn và phát huy dưới nhiều hình thức.
Văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số được bảo tồn thông qua các dịp lễ hội, liên hoan ẩm thực cùng với những hoạt động phục vụ khách du lịch tại các làng du lịch cộng đồng ở A Hươr – Pa E (xã Quảng Nhâm), A Ka1 (xã A Roàng), A Nôr (xã Hồng Kim), các nhà hàng và tại một số điểm du lịch sinh thái, như: Suối A Lin, thác A Nôr, suối Pâr le... Không dừng lại ở các lễ hội, huyện A Lưới còn xây dựng nhiều phương án hỗ trợ phát triển các homestay, điểm du lịch sinh thái tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng và một số hộ gia đình tại xã Hồng Kim, Hồng Hạ, A Roàng và Quảng Nhâm. Hiện nay, toàn huyện có 13 điểm du lịch và 4 nhà nghỉ, khách sạn với 74 buồng phòng, 139 giường, 5 homestay, 2 làng văn hóa du lịch cộng đồng và 11 nhà hàng phục vụ khách
Theo UBND huyện A Lưới, giai đoạn 2016 - 2020, tổng lượng khách đến A Lưới đạt 212.945 lượt, trong đó tổng lượng khách quốc tế đạt 54.000 lượt; tổng doanh thu ngành dịch vụ, du lịch ước đạt khoảng 40 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động với mức lương 2,5 - 3,5 triệu/người/tháng. Đó được xem là tín hiệu vui, cho thấy hiệu quả của A Lưới trong việc phát huy và gắn kết các giá trị văn hóa với phát triển du lịch địa phương.
Cứ thử tưởng tượng du khách khi đến núi rừng A Lưới hôm nay. Họ được trải nghiệm homestay trong những ngôi nhà sàn xây dựng theo kiến trúc của đồng bào thiểu số, như nhà gươl của dân tộc Cơ Tu, nhà rông của dân tộc Tà Ôi, nhà dài của dân tộc Pa Cô; tận mắt chứng kiến đôi tay phụ nữ Tà Ôi thoăn thoắt bên những khung dệt thổ cẩm. Du khách cũng được hòa mình vào các lễ hội; được thưởng thức các làn điệu dân ca mang âm hưởng núi rừng Trường Sơn; tìm hiểu những phong tục, tập quán đặc sắc của các dân tộc; thưởng thức các món ăn, thức uống độc đáo, như Ka Lèng, thịt khô gác bếp, rượu cần, súp sắn, đọt mây nướng, cá nướng đùm lá chuối, bánh A Quát, A Chót và cơm lam.
Hấp dẫn của du lịch A Lưới đến từ những giá trị văn hóa đặc sắc. Nó cần được phát huy và nhân rộng.(baothuathienhue.vn 03/02)
2. Làng hương nổi tiếng bậc nhất xứ Huế rực rỡ sắc màu ngày cận Tết
Cận Tết Nguyên đán là thời điểm người làm hương tại làng hương Thủy Xuân (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tất bật với công việc để làm nên những bó hương rực rỡ sắc màu cung ứng cho thị trường. Làng hương Thủy Xuân (Thừa Thiên Huế) rực rỡ sắc màu ngày cận tếtLàng hương Thủy Xuân (Thừa Thiên Huế) rực rỡ sắc màu ngày cận tết
Có mặt tại làng hương Thủy Xuân ngày sát tết, không khí sản xuất của người dân tất bật. Những bó hương với đủ loại màu sắc được sắp sắp xếp 2 bên đường tạo nên một khung cảnh rực rỡ.
Bà Tôn Nữ Ánh Tuyết (71 tuổi) – người có hơn 60 năm làm hương chia sẻ, hoạt động làm hương diễn ra quanh năm, nhưng dịp cuối năm thì hoạt động sản xuất trở nên tất bật hơn, số lượng hương được làm ra cũng nhiều hơn.
Mỗi năm làng hương Thủy Xuân cung cấp ra thị trường nhiều loại hương khác nhau như hương quế, hương sả, hương nhài, hương vòng, nụ trầm…
“Ban đầu hương chỉ có màu nâu và đỏ, nhưng nay với việc pha trộn các màu thì có thể tạo nên những cây hương với nhiều màu sắc như tím, vàng, xanh lục, hồng…Với nhiều màu sắc, khi trưng bày các bó hương được xếp lại sẽ tạo thành những “rừng hương” bắt mắt” – bà Tôn Nữ Ánh Tuyết chia sẻ.
Để làm nên những cây hương phải trải qua nhiều công đoạn. Nguyên liệu thường dùng để làm hương gồm ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi, bạch đàn, quế hòa với nước, trộn lại với nhau tạo nên bột hương.
Lõi hương được làm từ ruột tre chẻ nhỏ đều tăm tắp, phơi nắng nhiều ngày để khô và giòn, tre làm lõi hương là tre già lấy từ rừng. Bột hương sau khi được trộn dẻo với các nguyên liệu sẽ được se quanh các lõi hương, se sao cho vừa đủ mỏng và dính tròn, sau đó đem đi phơi nắng.
Nhờ vào chất lượng và hình thức bắt mắt đã thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Những màu sắc bắt mắt từ những bó hương tại làng hương Thủy Xuân thu hút nhiều bạn trẻ đến tham quan và chụp ảnh.
Ngày nay, sản phẩm hương của làng Thủy Xuân không chỉ phục vụ nhu cầu khách hàng trong tỉnh mà còn có mặt ở các thành phố lớn trong cả nước và nước ngoài. (giaoducthoidai.vn 03/02)
GIAO THÔNG - VẬN TẢI
1. Hầm Hải Vân 2 vận hành dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu
Ngày 3/2, ông Phạm Thanh Hà, Giám đốc Ban Quản lý DA hầm đường bộ Hải Vân, Chủ đầu tư DA hầm Hải Vân 2, thuộc Tập đoàn Đèo Cả thông tin, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đơn vị vận hành cho các phương tiện lưu thông qua cả 2 ống hầm Hải Vân 1 và Hải Vân 2 trong 20 ngày, từ ngày 1/2/2021 đến hết ngày 21/2/2021 (tức từ ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu) .
Theo nhận định của các chủ phương tiện qua lại hầm Hải Vân, tầm nhìn trong cả hầm 1 và hầm 2 cao hơn, lưu thông trong 2 hầm thông thoáng hơn. Tại trạm thu phí, nhiều lái xe cho hay rất hài lòng khi lưu thông một chiều mỗi hầm, việc di chuyển sẽ nhanh hơn, nhất hàng hóa dịp tết không bị ùn tắc, trên tuyến đường dẫn cả 2 hầm thông thoáng hơn.
Tuy nhiên, do có phương tiện vi phạm chạy quá tốc độ quy định (vượt trên 70km/h), đơn vị quản lý vận hành đã cảnh báo thông tin các phương tiện trên bảng báo điện tử để nhắc nhở. (baothuathienhue.vn 03/02)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Thừa Thiên Huế: Khởi tố đối tượng sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan
Với hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, Quang đã bị lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế bắt tạm giam để điều tra.
Ngày 3/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Tấn Quang (47 tuổi, trú tại xã Vinh An, huyện Phú Vang) về hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Trước đó, vào tháng 4/2020, Phạm Tấn Quang nhận tiền đặt cọc bán lô đất cho một người trú tại TP Huế là 70 triệu đồng, sau một tháng sẽ ra văn phòng công chứng để sang tên. Tuy nhiên, Quang lại đưa sổ đỏ đi thế chấp để vay vốn làm ăn với số tiền 600 triệu đồng. Đến ngày hẹn công chứng, đối tượng nảy sinh ý định nhờ người khác làm chứng nhận quyền sử dụng đất giả để đưa cho nạn nhân rồi tiếp tục nhận thêm tiền bán đất là 115 triệu đồng.
Sau đó, ngày 16/11/2020, Quang và người mua đến UBND ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Qua kiểm tra phát hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có dấu hiệu làm giả nên văn phòng đăng ký đất đai đã gửi cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Vang trưng cầu giám định và xác nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giả.
Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Vang đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án. (kinhtedothi.vn 03/02)
2. Thêm một người lan truyền thông tin giả, sai sự thật bị phạt
Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông và Công an tỉnh ngày 3/2 xác minh, xử phạt chủ một chủ tài khoản facebook vì đã thông tin sai sự thật liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID- 19.
Trước đó, trang phản ánh hiện trường Hue - S tiếp nhận thông tin về tài khoản facebook có tên “T. C. P.” (SN 1987, trú phường Phú Hiệp, TP. Huế) đăng tải thông tin thất thiệt về bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Sau khi xác minh, cơ quan chức năng tỉnh mời chủ trang mạng xã hội nói trên đến trụ sở Công an phường Phú Hiệp để làm việc. Tại đây, người này thừa nhận đã sao chép thông tin thất thiệt nói trên từ một trang mạng khác rồi đăng tải lên trang cá nhân.
Nhận thức được việc làm của mình là vội vàng, chưa thấu đáo, làm lan truyền thông tin giả, thông tin không đúng sự thật giữa lúc cả nước đang phòng chống dịch, chủ trang mạng nói trên đã ký vào biên bản vi phạm, nhận mức xử phạt 5 triệu đồng. Đồng thời, người này cũng đã đăng tải lời xin lỗi và khẳng định thông tin đưa trước đó là không đúng sự thật lên facebook cá nhân.
Trước đó, ngày 2/2, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành xử phạt một cá nhân 5 triệu đồng vì đã thông tin sai sự thật liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID- 19. (baothuathienhue.vn 03/02)
3. TT-Huế: Xử phạt người đàn ông đăng thông tin sai sự thật về bệnh nhân Covid-19
Thêm một người dân ở Thừa Thiên Huế bị xử phạt vì đăng tải thông tin thất thiệt liên quan đến dịch Covid-19 trên Facebook.
Ngày 3/2, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một trường hợp đăng tải thông tin thất thiệt trên mạng xã hội Facebook về dịch Covid-19.
Người bị xử phạt là ông T.C.P (SN 1987, trú đường Hồ Xuân Hương, phường Phú Hiệp, thành phố Huế).
Trước đó, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân trên trang tương tác Hue-S về việc tài khoản Facebook cá nhân của ông P đăng tải thông tin sai sự thật về bệnh nhân nhiễm Covid-19, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành làm việc trực tiếp với ông P.
Tại buổi làm việc, ông P thừa nhận đã sử dụng điện thoại của cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội Facebook vào ngày 29/1/2021.
Theo ông P, bản thân ông đọc được thông tin trên qua mạng xã hội Facebook và đã tải về đăng vào Facebook cá nhân.
Ông P cam đoan từ nay về sau không tái diễn việc làm tương tự và xin chịu mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật đối với vi phạm nêu trên.
Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với ông P và buộc ông này gỡ bài viết, đăng thông tin đính chính.
Trước đó, vào ngày 2/2, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xử phạt một trường hợp đăng tải thông tin thất thiệt về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về dịch Covid-19 quay trở lại trên Facebook. Trường hợp bị xử phạt là người phụ nữ trú tại TP.Huế, chủ tài khoản facebook bán tinh dầu tràm Huế. (danviet.vn 03/02)
4. Thừa Thiên - Huế: Phát hiện xe tải chở gần 1 tấn nội tạng không rõ nguồn gốc
Kiểm tra ô tô mang biển số 75H – 00126, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện trên xe chở gần 1 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng kiểm tra thu giữ số nội tạng không rõ nguồn gốcLực lượng chức năng kiểm tra thu giữ số nội tạng không rõ nguồn gốc
Ngày 3/2, thông tin từ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị vừa phát hiện phương tiện chở số lượng lớn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, ngày 30/1, tổ công tác thuộc phòng Cảnh sát môi trường công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với phòng Cảnh sát giao thông kiểm tra xe ô tô mang biển số 75H – 00126 do Nguyễn Đức Quyền (27 tuổi, trú tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển.
Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện trên xe vận chuyển 11 thùng xốp bên trong chứa sản phẩm động vật như tim, gan, lòng, lá sách với tổng trọng lượng 880 kg.
Thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. (giaoducthoidai.vn 03/02)
Được biết số nội tạng này, tài xế Nguyễn Đức Quyền nhận vận chuyển từ Huế đến cửa khẩu La Lay, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để tiêu thụ.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để xử lý số nội tạng trên. (giaoducthoidai.vn 03/02)