TIN NÓNG
1. Sẽ đình chỉ hoạt động nếu trạm cân, thu mua gỗ không đảm bảo môi trường
Báo Thừa Thiên Huế nhận được ý kiến phản ánh của người dân xã Phong Mỹ (Phong Điền) về tình trạng các trạm cân, thu mua gỗ hoạt động không đảm bảo môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực…
Bà Võ Thị Hợp và bà Võ Thị Hiển, chủ nhà hàng “Tấm ơi” nằm bên Tỉnh lộ 9, thôn Đông Thái, xã Phong Mỹ cho biết, hàng ngày có hàng chục lượt xe tải lưu thông ngang qua, gây cảnh bụi mù khi trời nắng và lầy lội vào mùa mưa. Sở dĩ xảy ra hiện tượng trên là do xe tải từ 2 trạm cân, thu mua gỗ đem đất bùn từ trạm cân lên đường. Mỗi ngày, các bà phải tưới nước trước khu vực quán 5 lần, nhưng không ăn thua, bởi lượng bùn đọng lại trên đường quá lớn. Vì là người dân địa phương, “quen biết nhau cả” nên cũng không dám phản ánh, kiến nghị gì. Mong tình trạng này sớm được giải quyết để chúng tôi yên tâm buôn bán.
Khoảng gần 2km trên Tỉnh lộ 9, đoạn từ ngã ba Tỉnh lộ 11 và Tỉnh lộ 9 đến khu vực trung tâm xã Phong Mỹ, chúng tôi ghi nhận tình trạng xe chạy gây bụi nhiều. Trên đoạn này có Trường THCS Phong Mỹ và Trường TH Hòa Mỹ. Nhiều em học sinh khi đi trên đoạn đường này phải dùng tay bịt mũi, miệng, rất dễ xảy ra tai nạn khi chỉ dùng 1 tay lái xe.
Nhiều người dân sống trong khu vực này cho biết, trời mưa thì không bụi, nhưng lầy lội, trơn trượt, rất dễ ngã xe. Trời nắng thì bụi suốt ngày đêm, không thể chịu nổi. Trong khi đó, xã Phong Mỹ vừa công bố đạt chuẩn xây dựng NTM. Thương nhất là các em học sinh, hàng ngày vẫn phải hứng chịu cảnh bụi mù. Người dân mong muốn ngành chức năng cần ra quân quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên Tỉnh lộ 9 thuộc xã Phong Mỹ có 3 trạm cân, thu mua gỗ, gồm: trạm cân của ông Đặng Vân Hải (thôn Hòa Bắc), Nguyễn Quang Mỹ, Nguyễn Văn Trang (thôn Đông Thái). Trong đó, có 2 trạm cân mới đưa vào hoạt động trong năm 2020 nhằm thu mua gỗ cây gãy đổ trong cơn bão số 5. Tuy nhiên, do các trạm cân này đặt tại vị trí nền đất nên xảy ra sình lầy vào mùa mưa. Mỗi lần xe từ trạm cân ra đều đem theo một lượng lớn đất bùn và rải ra trên đường; khi thời tiết nắng gây bụi mù mỗi khi có gió to hoặc các phương tiện khác chạy qua. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết, sau bão số 5, có 1.600 ha cây trồng ở Phong Mỹ bị gãy đổ (900ha cao su và 700ha tràm). Do lượng cây gãy đổ nhiều nên có 2 trạm cân, thu mua gỗ cho bà con đi vào hoạt động trong năm 2020 nhằm giải quyết vấn đề trước mắt. Sau khi đi vào hoạt động, nhận thấy không đảm bảo môi trường, các trạm cân đã thuê xe gạt; đồng thời đổ đất, đá, thuê người dọn đất và xịt nước khu vực trước trạm. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời...
“UBND xã cũng đã yêu cầu các chủ trạm cân cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, nhưng bụi vẫn nhiều. Hiện, UBND xã đã yêu cầu các trạm hoạt động đến 25/12 (Âm lịch) phải dừng hoạt động; đồng thời dọn dẹp sạch sẽ, trả lại nguyên trạng ban đầu để người dân đón tết. Nếu các trạm cân, thu mua gỗ đảm bảo môi trường sẽ cho hoạt động trở lại, còn không sẽ đình chỉ hoạt động”. Ông Chung khẳng định. (baothuathienhue.vn 03/2)
2. Xe "ké" lộng hành
Xe hợp đồng trá hình hoạt động công khai làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh vận tải nhưng vẫn khó dẹp
"Ngày 2-2, xe 7 chỗ Huế đi Đà Nẵng lúc 4 giờ 30 phút - 5 giờ. Liên hệ số điện thoại 0935.46...". Đó là nội dùng một chủ xe "ké" Doan Nguyen đăng tải trong tối 1-2 trên nhóm Xe đi ké Huế - Đà Nẵng để mời chào khách. Cũng trong nhóm này, hàng loạt chủ xe "ké" đăng tải nội dung tương tự. Đây là loại hình dịch vụ vận tải hành khách trá hình, hoạt động rầm rộ trong nhiều năm qua ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng.
Hơn 300 xe hoạt động rầm rộ
Khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng xe "ké" tuyến Huế - Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện. Lúc đầu, chỉ có một số xe hoạt động nhưng do ăn nên làm ra nên nhiều người mua xe tham gia "đội quân" này rất lớn.
Truy cập vào trang nhóm Xe ké miền Trung, trong vai hành khách, chúng tôi liên hệ số điện thoại 0788.75xxxx của một người chạy xe "ké" đi Đà Nẵng.Đến giờ hẹn, chiếc xe 7 chỗ BKS 75A… đã đợi sẵn trên đường Hoàng Thị Loan (TP Huế). Lúc này, trên xe có 3 khách. Mỗi hành khách từ Huế vào Đà Nẵng, nhà xe thu 120.000 đồng. Vừa bước lên xe, tôi được tài xế "bỏ nhỏ": "Gặp CSGT, thanh tra giao thông (TTGT), anh cứ nói là xe người nhà chở đi ăn cưới". Tại TP Đà Nẵng, dịch vụ xe "ké" cũng hoạt động thường xuyên ở tuyến Đà Nẵng - Huế. Khách có nhu cầu đi "ké" chỉ cần vào nhóm riêng tư "Xe đi ké Đà Nẵng - Huế" để lấy số điện thoại của tài xế hoặc đăng tin tìm xe sẽ dễ dàng "book" được chuyến. Sau khi thống nhất giờ đi và địa điểm, tài xế sẽ đón tại địa điểm khách yêu cầu trong các khu vực nội thành Đà Nẵng và trả tận địa điểm khách yêu cầu tại TP Huế. Để qua mắt lực lượng chức năng, tài xế xe "ké" chọn đường qua đèo Hải Vân mà không đi đường hầm vì khu vực này thường xuyên có chốt CSGT kiểm tra.
Theo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong những ngày đầu năm ra quân, đơn vị đã phát hiện 323 phương tiện nghi vấn hoạt động xe trá hình, xe "ké". Trong đó, riêng tuyến Huế - Đà Nẵng có khoảng 200 phương tiện hoạt động. Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty CP Xe khách Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng mỗi ngày có hơn 80 xe hoạt động, hằng năm đóng cho ngân sách nhà nước hơn 10 tỉ đồng. Trong khi dịch vụ xe "ké" thì chẳng mất khoản chi phí nào hoặc quá ít.
Loại hình dịch vụ vận tải hành khách trái phép này cạnh tranh không lành mạnh với xe truyền thống, gây rất nhiều khó khăn cho các đơn vị vận tải. Lượng khách đi lại trên tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng giảm 60%-70%" - ông Long bức xúc.
Khó dẹp do tiện lợi?
Trong những ngày đầu năm 2021, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng lập biên bản xử phạt 16 trường hợp với số tiền gần 120 triệu đồng, tước 28 giấy phép lái xe. Các lỗi vi phạm chủ yếu là xe chở khách không có phù hiệu, phù hiệu đã hết hạn sử dụng, vận chuyển khách theo hợp đồng nhưng không có hợp đồng vận chuyển...
Nhiều hành khách khi được hỏi đều nói rằng đi xe "ké" rất tiện lợi bởi giờ nào cũng có, xe chất lượng, giá rẻ và đón tận nơi, trả tận nhà. "Đi xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng giá 70.000 đồng/người/lượt nhưng thường xuyên dừng đón trả khách và phải mất thêm khoản tiền thuê xe từ nhà đến bến xe rất bất tiện. Chất lượng xe buýt dù nâng lên nhưng không thể so được với xe "ké", những ngày cao điểm còn bị nhồi nhét" - một hành khách nhận xét. Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Đà Nẵng, cho biết loại hình xe "ké" tuyến Đà Nẵng - Huế và ngược lại đã tồn tại từ năm 2014 đến nay và chưa thể xử lý dứt điểm. Việc chứng minh vi phạm của các xe "ké" không hề đơn giản vì đa số chủ xe đều gia nhập các HTX vận tải, được cấp phù hiệu vận tải theo quy định để đối phó lực lượng chức năng. Vì vậy, để xử lý các xe này, lực lượng chức năng phải chứng minh được các chủ xe hoạt động giống tuyến cố định như bán vé lẻ, gom khách lẻ, 1 tháng có hơn 30% chuyến có điểm đầu và điểm cuối giống nhau... Vừa qua, ngành giao thông TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với ngành giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế và thống nhất một số biện pháp để ngăn chặn và xử lý tình trạng xe "ké". Hiện các tổ liên ngành gồm CSGT, Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng tổ chức chốt trực thường xuyên ở khu vực đường dẫn vào hầm Hải Vân để tăng cường kiểm tra tình trạng xe "ké". Theo ông Cường, 2 địa phương đã thống nhất sẽ tiếp tục xử phạt nặng, đồng thời nâng chất lượng tuyến xe buýt để hành khách lựa chọn đi xe buýt thay vì đi xe "ké". Bên cạnh đó, đối với hành khách, việc đi xe "ké" liên tục bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt sẽ khiến dân dần không lựa chọn loại hình này.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho hay thời gian gần đây, các lực lượng kiểm tra liên ngành trên địa bàn vẫn thường xuyên ra quân, chốt chặn để kiểm tra, xử lý tình trạng xe "ké". Mức phạt cao nhất đối với các trường hợp vi phạm có thể lên đến 13 triệu đồng. Thời gian đầu ra quân, nhiều tài xế tìm mọi cách để qua mắt nhưng lực lượng chức năng vẫn kiên quyết xử lý. "Gần đây, tình trạng xe "ké" giảm đáng kể, nhất là trong dịp Tết này" - ông Nghĩa thông tin.
Nguy cơ lây lan dịch Covid-19
Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định loại hình xe "ké" tiềm ẩn rất lớn mối lây lan dịch Covid-19 do các phương tiện này không được giám sát, không có camera hành trình, không đăng ký với cơ quan chức năng. Đoàn liên ngành gồm lực lượng Công an, TTGT, Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thực hiện đợt 2 từ nay đến ngày 26-2 nhằm kiểm tra xử lý xe dù, xe "ké" hoạt động trá hình, đặc biệt là tuyến Huế - Đà Nẵng. (nld.com.vn 03/2)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. TT-Huế: Kêu gọi dân hạn chế đi lại dịp Tết, xử phạt người đăng tin thất thiệt về dịch Covid-19
Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế xử phạt chủ tài khoản Facebook đăng tải thông tin thất thiệt về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam liên quan đến dịch Covid-19 quay trở lại.
Ngày 2/2, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông và Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xác minh, xử phạt chủ một tài khoản Fecbook đăng thông tin sai sự thật về dịch Covid-19.
Trường hợp bị xử phạt là người phụ nữ trú tại TP.Huế, chủ tài khoản Facebook bán tinh dầu tràm Huế. Người này đã đăng tải thông tin thất thiệt về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam liên quan đến việc dịch Covid-19 quay trở lại.
Làm việc với cơ quan chức năng, người phụ nữ thừa nhận, vào ngày 1/2 đã sao chép thông tin thất thiệt nói trên từ một trang mạng khác rồi đăng tải lên trang bán hàng của mình.
Trong ngày 2/2, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, dịp cuối năm người dân về quê thăm thân, thăm Tết rất đông, đây là nguy cơ để dịch Covid-19 có thể xâm nhập vào địa bàn. Ông Thọ đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung cao độ công tác phòng chống dịch theo phương châm "thắt chặt từ vòng ngoài và kiểm soát chặt chẽ vòng trong". Theo ông Thọ, các lực lượng chức năng, đặc biệt là những người đứng đầu xác định sẽ "không ăn Tết" để phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân đón Tết, vui xuân.
Ông Phan Ngọc Thọ chỉ đạo ngành y tế tiếp tục phát huy tinh thần thần tốc của 23 đội phản ứng nhanh, ứng dụng công nghệ thông tin để truy vết. Ông Thọ yêu cầu, mỗi công dân đến Huế cơ quan chức năng phải biết được đi từ đâu đến, ở đâu và được khai báo y tế như thế nào để quản lý. Ngành y tế cũng được yêu cầu chuẩn bị hệ thống hậu cần y tế, trang bị thêm test kit để sẵn sàng khi có tình huống xảy ra. Lực lượng công an được chỉ đạo rà soát, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để sẵn sàng tái kích hoạt các chốt kiểm soát y tế trên tuyến quốc lộ 1A.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng chỉ đạo hoãn tổ chức các cuộc gặp mặt các lão thành cách mạng và cán bộ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, gặp mặt đại diện nhân sĩ, trí thức, tiếp tân khách quốc tế theo kế hoạch của UBND tỉnh trong dịp Tết.
"Tết đến xuân về ai cũng muốn về quê, ai cũng muốn sum vầy bên gia đình và người thân, tuy nhiên dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp, vì vậy mọi người dân nên hạn chế đi lại trong dịp Tết. Tại các khu cách ly, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có phương án để người dân và cán bộ chiến sĩ được đón Tết an toàn, được cảm nhận không khí Tết cổ truyền của dân tộc" - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh. (danviet.vn 02/2)
2. Lực lượng chức năng Huế xác định không "ăn Tết" để phòng chống dịch
Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các lực lượng chức năng, đặc biệt là những người đứng đầu sẽ không "ăn Tết" để tham gia phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho người dân đón Tết, vui Xuân.
Hôm nay (2/2), tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt dịp cuối năm bà con về quê ăn Tết rất đông, nguy cơ để dịch bệnh có thể xâm nhập vào địa bàn.
Các lực lượng chức năng, đặc biệt là những người đứng đầu sẽ không "ăn Tết" để tham gia phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho người dân đón Tết, vui Xuân.
Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, quan điểm của tỉnh là không quá cực đoan, nhưng không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, triển khai đồng bộ các giải pháp, khóa chặt nguồn lây nhiễm từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu, từng địa phương, cơ quan, đơn vị phải có phương án cụ thể phòng chống dịch bệnh trong trạng thái mới để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, bà con được vui Xuân, đón Tết. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quán triệt thực hiện phương châm phù hợp trong tình hình mới là “phòng dịch sớm - phát hiện kịp thời - cách ly triệt để”. Phát huy nhận thức phòng chống dịch, mỗi người dân tự giác bảo vệ bản thân và gia đình trước nguy cơ dịch bệnh.
Các địa phương phải thành lập tổ công tác phòng chống dịch cộng đồng tại thôn, khu vực để thực hiện các công việc: truyền thông, tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin phòng chống dịch./. (vov.vn 02/2)
3. Thừa Thiên-Huế quyết ngăn chặn nguồn lây nhiễm COVID-19 từ bên ngoài
Mặc dù tại tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa xuất hiện ca mắc COVID-19, song tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khóa chặt nguồn lây nhiễm từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh.
Ngày 2/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức hội nghị trực tuyến với các ban, ngành, địa phương về kích hoạt, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, dịch COVID-19 với chủng virus mới đang diễn biến hết sức phức tạp.
Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện ca mắc, song không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch; triển khai đồng bộ các giải pháp, khóa chặt nguồn lây nhiễm từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh.
Các lực lượng chức năng, đặc biệt là những người đứng đầu sẽ không "ăn Tết" để phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân vui Xuân, đón Tết.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quán triệt thực hiện phương châm phù hợp trong tình hình mới là “phòng dịch sớm-phát hiện kịp thời-cách ly triệt để.”
Ông Phan Ngọc Thọ lưu ý các địa phương phải thành lập tổ công tác phòng, chống dịch cộng đồng tại thôn, khu vực để tăng cường truyền thông, tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin phòng, chống dịch.
Ngành Y tế tiếp tục phát huy tinh thần thần tốc của 23 đội phản ứng nhanh, ứng dụng công nghệ thông tin để truy vết; sẵn sàng hệ thống hậu cần y tế, trang bị thêm test-kit để sẵn sàng khi có tình huống xảy ra.
Lực lượng Công an rà soát, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tái kích hoạt các chốt kiểm soát y tế trên Quốc lộ 1A.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh kêu gọi người dân trong tỉnh cài đặt ứng dụng Hue-S, công cụ hữu hiệu để theo dõi và giám sát dịch bệnh trong cộng đồng.
Trong dịp Tết Nguyên đán, người dân nên hạn chế đi lại. Tại các khu cách ly, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có phương án để người dân và cán bộ chiến sỹ được đón Tết an toàn.
Để đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản thông báo hoãn tổ chức các cuộc gặp mặt của Lãnh đạo tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu-2021.
Theo đó, tỉnh sẽ hoãn tổ chức các cuộc gặp mặt các đồng chí lão thành cách mạng và cán bộ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; gặp mặt đại diện nhân sỹ, trí thức; tiếp tân khách quốc tế theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu.
Cùng ngày, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông và Công an tỉnh đã xác minh, xử phạt chủ một trang bán hàng online, vì đã thông tin sai sự thật về dịch COVID-19.
Trước đó, trang phản ánh hiện trường Hue-S của tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp nhận thông tin về tài khoản facebook “Tinh dầu tràm Huế” là P.T.M.H (sinh năm 1985, trú phường Thuận Hòa, thành phố Huế) đăng tải thông tin thất thiệt về dịch COVID-19.
Sau khi xác minh, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã mời chủ tài khoản facebook trên đến trụ sở Công an phường Thuận Hòa để làm việc.
Tại đây, người này thừa nhận ngày 1/2 đã sao chép thông tin thất thiệt trên từ một trang mạng khác rồi đăng tải lên trang bán hàng của mình; lực lượng chức năng đã xử phạt P.T.M.H 5 triệu đồng./. (vietnamplus.vn 02/2)
4. Huế chưa quy định cách ly người dân từ TP.HCM về quê đón tết
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu người dân từ TP.HCM về quê đón Tết Tân Sửu phải khai báo y tế, chủ động theo dõi sức khỏe. Hiện tỉnh vẫn chưa có quy định cách ly đối với người dân trở về địa phương từ TP.HCM.
Trong hai ngày 1 và 2-2, nhiều UBND xã, thị trấn ở huyện Quảng Điền, Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế có thông báo về việc cách ly tại nhà và cách ly y tế tập trung người dân từ TP.HCM trở về quê đón tết.
Các quy định, thông báo này khiến nhiều sinh viên, người lao động đang làm việc tại TP.HCM chuẩn bị về quê đón Tết Tân Sửu lo lắng vì hiện Bộ Y tế vẫn chưa công bố TP.HCM là vùng dịch.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 2-2, ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết hiện nay tỉnh vẫn chưa có quy định cách ly tại nhà và cách ly y tế tập trung đối với người dân từ TP.HCM trở về. Người dân từ TP.HCM về quê phải khai báo y tế và tự theo dõi sức khoẻ.
Cũng trong ngày 2-2, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo việc dừng tổ chức các cuộc họp mặt mừng xuân của lãnh đạo tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 để phòng chống dịch bệnh COVID-19 .
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định hoãn tổ chức gặp mặt các đồng chí lão thành cách mạng và cán bộ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; gặp mặt nhân sĩ, trí thức; các cuộc tiếp khách quốc tế theo kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 14-1-2021 của UBND tỉnh tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021. (tuoitre.vn 02/2)
5. Lãnh đạo Huế dừng các cuộc gặp mặt để phòng dịch Covid-19
-Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định hoãn các buổi gặp mặt để đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch.
Ngày 2-2, tỉnh Thừa Thiên – Huế có công văn về việc hoãn tổ chức các cuộc gặp mặt của lãnh đạo tỉnh này trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế quyết định hoãn tổ chức gặp mặt các đồng chí lão thành cách mạng và cán bộ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; gặp mặt nhân sĩ, trí thức; các cuộc tiếp khách quốc tế theo kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 14-1-2021 của UBND tỉnh tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021.
Một chốt kiểm soát người và phương tiện vào tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19 xâm nhập vào địa phương này hồi tháng 8-2020
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt ở Hải Dương, Quảng Ninh, nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất cao, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống.
Tỉnh này yêu cầu các cấp, các ngành đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan phòng chống dịch; tiếp tục thực hiện chiến lược lấy phòng dịch làm ưu tiên, khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, tất cả các kịch bản về phòng chống dịch và 23 đội phản ứng nhanh phải được kích hoạt.
Trong đó triển khai công tác giám sát các phương tiện đi vào tỉnh, tổ chức khai báo y tế ở nhà ga, bến xe, sân bay, sẵn sàng kích hoạt các chốt trên Quốc lộ 1A, khi kích hoạt.
Tỉnh này cũng đề nghị Trường ĐH Y dược Huế sẵn sàng lực lượng tình nguyện viên về hỗ trợ tại các chốt khai báo y tế. (nld.com.vn 02/2)
6. Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2021): Đoàn kết là nguồn cội đi đến mọi thắng lợi
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là nhân tố, là cội nguồn của sức mạnh để đi đến mọi thắng lợi”. Thực hiện lời căn dặn của Người, các tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thành công từ huy động sức mạnh toàn dân
Nhiều năm liền, Đảng bộ xã Quảng Phú (Quảng Điền) đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh toàn diện”. Có được kết quả đó chính là nhờ sự đoàn kết, thống nhất cao trong từng tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp Nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ xã Quảng Phú lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống người dân.
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú, ông Thái Văn Danh cho biết: “Để tạo sự đồng thuận, giúp người dân phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đầu tàu, gương mẫu trong từng công việc. Ngay như việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nếu cán bộ, đảng viên không làm trước, thì khó huy động được sức mạnh toàn dân cùng đồng tâm, nhất trí để làm theo”.
Đảng ủy xã Quảng Phú và từng chi bộ Đảng cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã vận động người dân chuyển đổi hơn 13 ha đất chuyên trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu các loại cho thu nhập cao hơn. Nuôi gà, lợn bằng đệm lót sinh học, nuôi bồ câu Pháp, nuôi cá diêu hồng... cũng là những mô hình mới không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống người dân mà còn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã.
Ông Trần Thiên Dĩnh, Bí thư Chi bộ thôn Phú Lễ (Quảng Phú) phấn khởi: “Nhiều tuyến đường thôn, xóm đã nối liền với các trục đường chính nhờ vào sự đoàn kết, đồng thuận của người dân. Điều bà con phấn khởi nhất là từ xã đến thôn đều được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Xã hiện đã “xóa” được nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh”.
Thôn 3 là thôn đứng đầu của xã Vinh Thanh (Phú Vang) về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. An ninh trật tự trong thôn luôn được đảm bảo; nhiều tuyến đường liên thôn, xóm cũng được đầu tư xây dựng, tạo bộ mặt nông thôn mới. “Người dân trong thôn tuy còn những khó khăn, nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau nên việc gì khó cũng thành dễ”, Bí thư Chi bộ thôn 3, Đảng bộ xã Vinh Thanh, bà Trần Thị Lành chia sẻ.
Đảng bộ xã Quảng Phú; Chi bộ thôn 3, Đảng bộ xã Vinh Thanh là 2 trong nhiều điển hình trong toàn tỉnh về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng dẫn đến những thành công trên nhiều mặt.
Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh đã và đang nỗ lực cố gắng để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Đảng bộ tỉnh xác định, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bài học mà các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở rút ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chính là nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh càng được tiếp thêm sức mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình để cống hiến cho tập thể và cộng đồng. Đây là điều cần phát huy để từ đó tạo ra nguồn sinh khí, động lực mới trong nhiệm kỳ mới.
“Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh đã và đang thực hiện chương trình hành động, khơi đậy phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục đồng sức, đồng lòng, đoàn kết huy động mọi nguồn lực, nhanh chóng nắm bắt vận hội, thời cơ mới, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2021 và các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ 5 năm 2020 - 2025. Đồng thời, không ngừng đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Qua đó, lập thành tích xây dựng Thừa Thiên Huế vững về chính trị, mạnh về kinh tế, đẹp về văn hóa và bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng thành công thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị”, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định. (baothuathienhue.vn 03/2)
7. Hầm Hải Vân chính thức lưu thông một chiều trong mỗi đường hầm
Ngày 2-2, đơn vị quản lý vận hành hầm đường bộ Hải Vân (nối giữa Đà Nẵng và Huế) chính thức cho lưu thông hầm số 2 song song với hầm số 1. Việc đưa vào sử dụng hầm số 2 sẽ giúp giao thông thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán.
Khi đưa vào khai thác, đơn vị vận hành tổ chức lưu thông một chiều trong mỗi đường hầm. Theo đó hầm số 1 sẽ lưu thông hướng Bắc- Nam, hầm số 2 sẽ lưu thông hướng Nam - Bắc.
Hầm Hải Vân 2 thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả, với chiều dài 6,2km (chiều dài tuyến 12,4km bao gồm cả đường dẫn), là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á. Chiều dài toàn tuyến là hơn 12km, chiều dài hầm là 6km. Công trình này vừa khánh thành vào tháng 1-2021.
Tuy nhiên, nhà thầu dự kiến tổ chức vận hành cho các phương tiện lưu thông qua hầm trong 20 ngày, trong dịp Tết Nguyên đán, do cho rằng một số vướng mắc về cơ chế chưa được giải quyết.
Tại buổi lễ khánh thành mới đây, trước lãnh đạo ngành giao thông vận tải, lãnh đạo công ty này thừa nhận việc đóng hầm Hải Vân 2 sau tết sẽ ảnh hưởng người dân, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhưng đơn vị này "không còn cách nào khác", vì việc đưa dự án vào khai thác, vận hành phát sinh rất nhiều chi phí ,trong khi các vướng mắc về tài chính chưa được giải quyết.
"Những bất cập được chúng tôi kiến nghị nhưng luôn trong tình trạng "được xem xét" và "tiếp tục xem xét" - ông Hồ Minh Hoàng, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, nói. (tuoitre.vn 02/2)
8. Thừa Thiên Huế triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh Covid-19 bằng mã QR
Chiều ngày 2/2, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Thừa Thiên Huế đã kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tiếp tục tạo mã QR.
Cùng với đó, ông kêu gọi mọi người dân Thừa Thiên Huế cài và sử dụng ứng dụng Hue-S để quét QR các điểm đến nhằm hỗ trợ công tác truy vết dịch bệnh Covid-19 trong trường hợp phát hiện ca nhiễm trên địa bàn: “Mỗi người dân là chiến sĩ, mỗi cơ quan, đơn vị là một pháo đài, với Hue-S và mã QR nơi đến là vũ khí phòng chống dịch”.
Hue-S là ứng dụng trên nền di động đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tích hợp, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh. Ứng dụng được kết nối đồng bộ với Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh. Tính đến nay, đã có trên 350.000 người dân trong tỉnh cài ứng dụng Hue-S.
Để phát huy hiệu quả của ứng dụng Hue-S vốn đã được nhiều người dân Thừa Thiên Huế quen sử dụng, từ ngày 27/1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi động triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh Covid-19 bằng mã QR. Giải pháp hướng tới mục tiêu góp phần phòng chống dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng và bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai giải pháp QR (mã thông tin phản hồi) trước 5/2/2021 để quản lý tình hình di chuyển, truy vết người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh Covid-19.
Theo hướng dẫn của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tất cả các cơ quan, đơn vị, trung tâm thương mại, chợ, cơ sở khám chữa bệnh, trường học, hộ kinh doanh… đều đặt bảng QR theo quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh.
Trong văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn về việc triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh bằng mã QR, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng giao rõ đầu mối chủ trì thực hiện.
Cụ thể, Sở Y tế chủ trì triển khai giải pháp tại các cơ sở khám chữa bệnh, Sở GD&ĐT chủ trì triển khai giải pháp tại các cơ sở giáo dục; Sở Du lịch chủ trì triển khai giải pháp tại các cơ sở lưu trú; Sở Công thương chủ trì triển khai giải pháp tại các trung tâm thương mại, chợ, các doanh nghiệp, các điểm kinh doanh trên địa bàn; Sở Giao thông vận tải tổ chức triển khai giải pháp tại các điểm bến xe, nhà ga, cảng hàng không.
UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế có trách nhiệm tổ chức triển khai giải pháp cho những đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đại học Huế tổ chức triển khai giải pháp tại các cơ sở đào tạo trực thuộc trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi tổ chức sự kiện đông người cần chủ động áp dụng giải pháp này để kiểm soát mọi thành phần tham dự.
Đến nay, có hơn 700 đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo mã QR phục vụ việc triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh.
Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho các đơn vị trong quá trình triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh Covid-19 bằng mã QR.
Trao đổi với ICTnews vào chiều ngày 2/2, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay đã có hơn 700 đơn vị triển khai tạo mã và hơn 8.600 lượt quét QR. Việc này sẽ giúp cho công tác truy vết khi có dịch xảy ra được nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời. Chúng tôi mong muốn cùng với các giải pháp của Chính phủ, đây cũng sẽ là một giải pháp để tăng tính hiệu quả và phản ứng nhanh với các trường hợp xảy ra”.
Trên thực tế, từ khi bắt đầu có dịch Covid-19 hồi đầu năm ngoái cho đến nay, các giải pháp công nghệ đã hỗ trợ đắc lực công tác phòng chống dịch, góp phần vào thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế sự lây lan dịch, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Có thể kể đến một số ứng dụng tiêu biểu đã và đang hỗ trợ tích cực công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), phần mềm khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), ứng dụng Bluezone phát hiện tiếp xúc gần người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19, bản đồ chung sống an toàn với Covid (AntoanCovid.vn)...(vietnamnet 03/2)
VĂN HÓA
1. Vì sao không phục dựng nguyên bản lễ Nguyên đán triều Nguyễn?
Chương trình tái hiện lễ Nguyên đán triều Nguyễn thực hiện ở một địa điểm do điện Cần Chánh đã không còn. Việc tái hiện lễ này không phục dựng, phục hồi một cách nguyên bản vì nhiều điều kiện không cho phép.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, sáng 2-2, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức tái hiện sân khấu hóa lễ Nguyên đán thời Nguyễn.
Nguyên đán là một nghi lễ triều hội của triều Nguyễn, tổ chức vào ngày mồng một Tết với nghi thức thiết Đại triều ở điện Thái Hòa và thiết Thường triều ở điện Cần Chánh.
Đầu tiên là những nghi thức Đại triều ở sân Đại triều và điện Thái Hòa. Nhà vua xa giá từ điện Cần Chánh, ra Đại Cung Môn và lên điện Thái Hòa để thân hành chứng lễ…Trong buổi lễ, các quan sẽ dâng biểu chúc mừng nhà vua. Các quan truyền chỉ ban ân của vua trong dịp Nguyên đán với các nghi thức trang nghiêm…gắn với các tiết mục Đại nhạc, Tiểu nhạc.
Sau đó, vua rời khỏi điện Thái Hòa về lại điện Cần Chánh để tiếp tục các nghi thức Nguyên đán. Tại đây, các hoàng đệ và hoàng tử nhỏ tuổi, các thân công, hoàng tử sẽ lạy mừng vua. Tiếp đó là phần tuyên chỉ ban yến tiệc và thưởng xuân của nhà vua…
Cuối cùng là các cuộc yến tiệc do vua ban sẽ diễn ra ở điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu, Tả Đãi Lậu Viện, Hữu Đãi Lậu Viện.
Lễ Nguyên đán thời Nguyễn được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa thực cảnh bằng thủ pháp đồng hiện. Có nghĩa là toàn bộ 2 nội dung của cả 2 lễ đều được dàn dựng tại 1 địa điểm là điện Thái Hòa, vừa phù hợp với thực tế vì không còn điện Cần Chánh vừa phù hợp với việc phục vụ du lịch.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, tái hiện này không phục dựng, phục hồi lễ Nguyên đán một cách nguyên bản vì nhiều điều kiện không cho phép cũng như không phù hợp yêu cầu thực tế. Vì vậy, yếu tố dẫn chuyện có ý nghĩa vừa nối kết, vừa thuyết minh, diễn giải và dẫn dắt nội dung để định hướng cho người thưởng lãm.
Dưới hình thức sân khấu hóa thực cảnh, nghi lễ này được tái hiện nhằm phát huy cả di sản vật thể và phi vật thể, đồng thời giới thiệu về những nét đẹp truyền thống gắn với Tết cung đình thuở xưa, trên hết là tinh thần nhân văn của tiền nhân.
Cần Chánh là ngôi điện dùng làm nơi thường triều của nhà vua trong Tử Cấm Thành. Tại đây, nhà vua tổ chức các buổi lễ thiết triều vào ngày 5,10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng. Ngoài ra, Điện còn là nơi vua tiếp các sứ bộ quan trọng, nơi tổ chức các buổi yến tiệc trong dịp khánh hỷ.
Điện Cần Chánh xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804). Đây là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm Thành.
Điện đặt trên nền đài cao gần 1m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh. Diện tích gần 1000m2. Chính điện 5 gian, 2 chái kép, tiền điện 7 gian, 2 chái đơn. Toàn bộ khung gồm 80 chiếc cột bằng gỗ lim. Phần lớn kết cấu gỗ đều được chạm trổ tinh xảo, công phu, thể hiện trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao của kiến trúc truyền thống Việt Nam thế kỷ XIX. Trong Điện, ở gian giữa của nhà chính đặt ngự tọa, hai bên treo hai bức tranh gương thể hiện cảnh đẹp của Kinh đô và bản đồ các tỉnh trong nước. Điện còn là nơi trưng bày nhiều báu vật của triều Nguyễn .
Điện được tu sửa vào các năm 1827, 1850, 1899, vua Khải Định cho sơn thếp mới vào đầu thế kỷ XX.
Điện Cần Chánh bị cháy năm 1947, đến nay kế hoạch phục hồi Điện Cần Chánh đang được thực hiện. (nld.com.vn 02/2)
2. Trưng bày tư liệu, hiện vật liên quan đến hoàng đế Minh Mạng
Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân sửu 2021 và kỷ niệm 200 năm ngày hoàng đế Minh Mạng lên ngôi, chiều 2/2, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khai mạc triển lãm về hoàng đế Minh Mạng tại Ngọ Môn (Hoàng thành Huế) nhằm tôn vinh và khẳng định những đóng góp to lớn của vị hoàng đế anh minh đối với lịch sử dân tộc.
Triển lãm giới thiệu đến du khách một số cổ vật đời Minh Mạng được lựa chọn từ các sưu tập của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, như: đồ tự khí, vật dụng sinh hoạt hàng ngày hoặc trong công việc triều chính, các hình ảnh tư liệu mộc bản, châu bản phản ánh rõ nét công cuộc cải cách đất nước, giữ vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Hoàng đế Minh Mạng (1791 –1841) húy Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ 4 của hoàng đế Gia Long. Là người thông minh, quyết đoán, tinh thông Nho học, hoàng đế Minh Mạng đã đưa nước ta trở thành một quốc gia hùng mạnh với lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử dân tộc nửa đầu thế kỷ XIX.
Trong 20 năm tại vị, hoàng đế Minh Mạng đã thực thi nhiều chính sách cải cách quan trọng từ nội trị đến ngoại giao, giúp cho đất nước trong giai đoạn ông trị vì trở thành thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến nhà Nguyễn.
Hoàng đế Minh Mạng đã để lại một di sản vật chất và tinh thần to lớn mà nhiều bộ phận trong đó đã trở thành di sản của dân tộc và nhân loại, như: các công trình kiến trúc, âm nhạc cung đình, các loại tài liệu mộc bản, châu bản, thơ văn chạm khắc trên kiến trúc cung đình Huế... Ngoài ra, hoàng đế Minh Mạng là người có công rất lớn trong việc hoàn thiện quy hoạch tổng thể Hoàng thành Huế, trong đó có công trình Ngọ Môn và điện Thái Hòa. (baothuathienhue.vn 02/2)
3. Tái hiện buổi chầu ngày Mùng 1 Tết trong cung vua
Sáng 2/2 ( tức ngày 21 tháng Chạp), Trung tâm bảo tồn di tích Huế đã tái hiện sân khấu hóa Lễ nguyên đán thời nhà Nguyễn.
Nguyên đán là một nghi lễ triều hội của triều Nguyễn, tổ chức vào ngày mồng một Tết với nghi thức thiết Đại triều ở điện Thái Hòa và thiết Thường triều ở điện Cần Chánh.
Đầu tiên là những nghi thức Đại triều ở sân Đại triều và điện Thái Hòa. Nhà vua xa giá từ điện Cần Chánh, ra Đại Cung Môn và lên điện Thái Hòa để thân hành chứng lễ…
Trong buổi lễ, các quan sẽ dâng biểu chúc mừng nhà vua. Các quan truyền chỉ ban ân của vua trong dịp Nguyên đán với các nghi thức trang nghiêm…gắn với các tiết mục Đại nhạc, Tiệu nhạc. Sau đó, vua đã rời khỏi điện Thái Hòa về lại điện Cần Chánh để tiếp tục các nghi thức Nguyên đán.
Tại đây, các hoàng đệ và hoàng tử nhỏ tuổi, các thân công, hoàng tử sẽ lạy mừng vua. Tiếp đó là phần tuyên chỉ ban yến tiệc và thưởng xuân của nhà vua…
Cuối cùng là các cuộc yến tiệc do vua ban sẽ diễn ra ở điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu, Tả Đãi Lậu Viện, Hữu Đãi Lậu Viện.
Lễ Nguyên đán thời Nguyễn sẽ được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa thực cảnh bằng thủ pháp đồng hiện.
Có nghĩa là toàn bộ 2 nội dung của cả 02 lễ đều được dàn dựng tại 01 địa điểm là điện Thái Hòa, vừa phù hợp với thực tế (vì không còn điện Cần Chánh); vừa phù hợp với việc phục vụ du lịch (tái hiện này không phục dựng, phục hồi lễ Nguyên đán một cách nguyên bản vì nhiều điều kiện không cho phép cũng như không phù hợp yêu cầu thực tế).
Vì vậy, yếu tố dẫn chuyện có ý nghĩa vừa nối kết, vừa thuyết minh, diễn giải và dẫn dắt nội dung để định hướng cho người thưởng lãm.
Dưới hình thức sân khấu hóa thực cảnh, nghi lễ này được tái hiện nhằm phát huy cả di sản vật thể và phi vật thể, đồng thời giới thiệu về những nét đẹp truyền thống gắn với Tết cung đình thuở xưa, trên hết là tinh thần nhân văn của tiền nhân. (vov.vn 02/2/2021)
XÃ HỘI
1. Tất bật làng nghề Địa Linh nặn tượng Táo quân vụ Tết
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, làng nghề Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại tất bật vào mùa nặn tượng Táo quân, cho ra lò những sản phẩm mới để kịp cung ứng cho thị trường.
Giữa tháng Chạp là thời điểm các gia đình làm nghề bận rộn nhất, không khí làng nghề cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Những người thợ tất bật vận chuyển đất, đúc tượng Táo quân, đưa đi phơi, đốt lò nung tượng. Đến đầu làng đã nghe tiếng gõ lọc cọc phát ra từ những chiếc khuôn đúc, mùi trấu cháy khét, mùi đất mới nung thoảng trong gió.
Theo người dân làng nghề, nghề làm tượng Táo quân khá tốn công. Để chuẩn bị cho mùa làm tượng dịp Tết, từ tháng 3-4 âm lịch, người làm tượng đã đi các vùng chọn mua đất sét vàng, ít lẫn tạp chất về dự trữ. Đến tháng 10 âm lịch, cả làng bắt tay vào vụ chính. Khoảng 20 tháng Chạp, các gia đình làm nghề sẽ cho ra lò mẻ tượng cuối cùng, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Để làm một tượng Táo quân hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua một quá trình chọn đất, nhồi nặn công phu mới ra được sản phẩm đúng chuẩn. Khuôn đúc làm từ gỗ lim, được đục chạm hình tượng hai ông, một bà Táo đứng cạnh nhau. Khi làm, người thợ cho đất sét vàng đã nhào mịn nhuyễn vào khuôn và ép thật chặt, rồi dùng lưỡi dao gạt bỏ phần đất thừa. Tượng Táo sau khi lấy ra khỏi khuôn sẽ mang đi phơi khô rồi mới cho vào lò nung.
Gia đình ông Võ Văn Nhật có thâm niên làm tượng Táo quân đã hơn 40 năm ở làng Địa Linh. Mỗi năm, gia đình ông cung cấp ra thị trường khoảng 60.000 tượng. Để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng mùa Tết, các thành viên trong gia đình, mỗi người một việc, người lớn đảm nhiệm những công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và sức khỏe, trẻ con thì tham gia đóng gói. Ông Nhật chia sẻ: “Tượng Táo quân sau khi được phơi khô ráo sẽ đưa vào lò nung. Mỗi lần nung được khoảng 3.000 tượng, thời gian kéo dài trong gần 1 tuần. Đây là công đoạn quan trọng nhất nên thường giao cho người có kinh nghiệm đảm nhiệm. Lò nung sau khi được nhóm lửa sẽ dùng vỏ trấu ủ. Vì thời gian nung tượng kéo dài nhiều ngày đêm nên mọi người trong nhà phải thay phiên nhau canh lò, để giữ nhiệt độ phù hợp và ổn định nhằm đảm bảo tượng Táo không bị nứt nẻ, màu sắc đẹp.
Bàn tay thoăn thoát lấy đất cho vào khuôn gỗ, bà Lê Thị Vân cho biết, năm nay do thời tiết bất lợi, lũ lụt và mưa rét kéo dài nên người làm nghề nặn tượng cũng khá vất vả. Những ngày lũ lụt công việc bị gián đoạn, sau đó lại mưa rét nên việc phơi tượng khó khăn. Vì vậy, công việc dồn cả vào những tháng cuối năm. Để kịp trả hàng cho thương lái, nhiều lúc cả nhà phải làm việc xuyên đêm.
Những năm gần đây, làng nghề Địa Linh đã thay đổi mẫu mã tượng Táo quân để phù hợp với nhu cầu thực tế. Trước đây, tượng Táo được nung rồi phơi khô là đưa ra thị trường, nay tượng được tô thêm lớp sơn màu hồng hoặc đỏ, rồi thêm bột kim tuyến óng ánh bắt mắt để phù hợp với thị hiếu của người mua. Bà Lê Thị Bé cho biết: “Giá mỗi sản phẩm bán ra chỉ chưa đầy 2.000 đồng. Công việc rất vất vả, tay lấm chân bùn suốt mấy tháng trời, lời lãi tính ra không được nhiều nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm để giữ gìn nghề truyền thống cha ông để lại”.
Tượng ông bà Táo của làng Địa Linh không những phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh mà còn cung ứng cho thị trường các địa phương lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng… Mặc dù chỉ lấy công làm lãi nhưng nhiều gia đình ở Địa Linh vẫn gìn giữ nghề làm tượng Táo quân truyền thống của tổ tiên và phục vụ tục thờ cúng ông Công ông Táo của người Việt.
Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày đưa tiễn Táo quân về trời. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất dịp cuối năm của người dân Việt. Để bày tỏ lòng thành kính, các gia đình sẽ làm một mâm cơm tiễn các Táo về trời. Cùng với việc chuẩn bị mâm cơm, bàn thờ cũng được các gia đình lau dọn sạch sẽ, tượng Táo được thay mới để cầu một năm may mắn, đủ đầy.
Tại Thừa Thiên – Huế, bắt đầu từ rạng sáng cho đến 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường làm một mâm cỗ để đưa các Táo về chầu trời. Mâm cỗ cúng của người Huế đơn giản, chỉ có một đĩa xôi trắng, một miếng thịt lợn luộc, ít hoa quả, cau, trầu, rượu. Trước lễ, lư hương được thay cát mới, bàn thờ Táo quân được lau dọn tinh tươm. Sau lễ, tượng Táo cũ bằng đất nung được tiễn khỏi bàn thờ bếp, đưa đến đặt cạnh các am miếu ở đầu xóm, hay ở dưới gốc cổ thụ cạnh ngã ba đường. Tượng Táo mới được rước lên bàn thờ, bắt đầu một năm coi sóc bếp núc cho gia chủ. (baotintuc.vn 02/2)
2. Tặng quà tết cho đoàn viên, người lao động
Chiều 2/2, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế tổ chức trao quà tết cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đến dự có ông Lê Minh Nhân, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cùng đại diện Thành ủy.
Dịp này, LĐLĐ thành phố trao 50 suất quà cho đoàn viên, người lao động đến từ các nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở trực thuộc. Mỗi suất quà trị giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, gồm tiền mặt và một số loại nhu yếu phẩm.
Hoạt động trao quà nằm trong chuỗi hoạt động của Chương trình “Tết Sum vầy 2021 - Kết nối yêu thương” do LĐLĐ thành phố tổ chức nhằm hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế Hoàng Thị Như Thanh cho biết, đơn vị dự kiến trao 1.500 suất quà cho đoàn viên, người lao động với tổng trị giá khoảng 600 triệu đồng.
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phú Vang cũng tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy - Kết nối yêu thương”, trao 70 suất quà cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, có 50 suất quà từ nguồn hỗ trợ của LĐLĐ tỉnh với trị giá 1 triệu đồng/ suất; 20 suất quà từ nguồn hỗ trợ của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Phú Vang Châu Đức Hoàng cho biết, đơn vị đã chỉ đạo 100% các công đoàn cơ sở phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động chăm lo tết cho đoàn viên, công nhân lao động; đặc biệt quan tâm hỗ trợ quà động viên cho những hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động, phần quà ý nghĩa của các cấp Công đoàn trong huyện đã góp phần chia sẻ, động viên đoàn viên, công nhân lao động có một cái Tết đầm ấm hơn.
Cùng ngày, lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh và LĐLĐ tỉnh đã đến chúc tết, tặng quà Công an TX. Hương Thủy, UBND xã Thủy Phù và đoàn viên, CNVC-LĐ TX. Hương Thủy
Tại Công an TX. Hương Thủy, ông Nguyễn Nam Tiến - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh ghi nhận các đơn vị đã chủ động thực hiện, bố trí lực lượng, trực chiến đảm bảo quân số, phối hợp tổ chức tuần tra kiểm soát, giữ gìn ANTT trên địa bàn trong thời gian qua. Ông Tiến cũng đề nghị các lực lượng luôn chủ động, nắm chắc tình hình, sẵn sàng chiến đấu cao, kịp thời xử lý, ứng phó trước những tình huống đặt ra, nhất là trong dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán…
Tại UBND xã Thủy Phù, ông Nguyễn Nam Tiến đã biểu dương, động viên chính quyền, người dân tiếp tục nỗ lực để vươn lên cải thiện cuộc sống, đồng thời mong muốn chính quyền tiếp tục bám sát cơ sở, triển khai công tác ANTT song song với phòng, chống COVID – 19.
Chiều cùng ngày, LĐLĐ TX. Hương Thủy tổ chức chương trình “Tết sum vầy – Kết nối yêu thương” 2021. Tại chương trình, LĐLĐ tỉnh đã trao 50 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh trao 20 suất, mỗi suất 500 ngàn đồng đến đoàn viên, CNVC-LĐ trên địa bàn thị xã nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. (baothuathienhue.vn 02/2)
3. An sinh xã hội cho người yếu thế
Nhiều chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và chính sách đặc thù của tỉnh dành cho đối tượng yếu thế, người có công với cách mạng và sự sẻ chia của cộng đồng xã hội đã phát huy kịp thời, hiệu quả, từng bước nâng chất lượng cuộc sống cho hàng trăm nghìn cảnh đời éo le, khó khăn. Đây là nhiệm vụ thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chế độ và toàn xã hội trong quá trình phát triển.
Nâng chất lượng cuộc sống
Minh chứng rõ nét nhất trong công cuộc thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế chính là tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh sau 5 năm từ 8,36% xuống còn 3,43% cuối năm 2020. Đối tượng yếu thế luôn được quan tâm, chăm lo về sức khỏe, cải thiện điều kiện sống, cứu trợ xã hội để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Những đối tượng yếu thế từ người già đến trẻ em không nơi nương tựa, khuyết tật, tâm thần hay có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nếu không được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 24 cơ sở trợ giúp xã hội (TGXH) tập trung trên địa bàn thì vẫn đang được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của Nhà nước, đảm bảo được hưởng phúc lợi xã hội và an sinh xã hội.
Hiện nay, toàn tỉnh có 58.848 người đang hưởng chế độ TGXH tại cộng đồng, chiếm khoảng 5,2% dân số toàn tỉnh; hơn 1.470 đối tượng TGXH đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở TGXH trên địa bàn tỉnh; khoảng 24.300 hộ nghèo, cận nghèo và gần 18.500 người có công.
Hàng tháng, Nhà nước chi trợ cấp xã hội cho hơn 58.800 đối tượng TGXH với kinh phí khoảng 21,5 tỷ đồng/tháng; trợ cấp cho gần 18.500 người có công khoảng 29,6 tỷ đồng/tháng. Hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 16.000 lao động; đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho hơn 500.000 người và tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ dân thuộc các đối tượng quy định được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, trong năm 2020, chính quyền địa phương đã hỗ trợ kịp thời cho 167.645 đối tượng yếu thế với tổng kinh phí 173,8 tỷ đồng để khắc phục một phần khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19.
Ngoài nguồn tài chính phục vụ cho công tác an sinh xã hội được trích từ ngân sách Nhà nước, tỉnh luôn đẩy mạnh và phát huy sự tham gia đóng góp, hỗ trợ của doanh nghiệp, người dân, cộng đồng xã hội cũng như các nguồn từ tổ chức ngoài nước... thông qua các kênh lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và dùng để trực tiếp hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo đều đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống của người yếu thế. Trong đó phải kể đến nhiều chương trình, lĩnh vực về đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tín dụng, dạy nghề, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cải thiện cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục... Qua đó góp phần giải quyết toàn diện trên các lĩnh vực để cải thiện các chỉ số thiếu hụt về thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao mức sống cho người yếu thế trên địa bàn tỉnh.
Phát huy nội lực và ngoại lực
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Trong tất cả trách nhiệm của chúng ta đối với Nhân dân, giảm nghèo và đảm bảo an sinh là nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất. Đây là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa phương luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với những đối tượng yếu thế. Ngoài thực hiện các giải pháp tăng hiệu quả công tác TGXH, nhiều chương trình trợ giúp từ các doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm đối với người yếu thế được thực hiện, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Kể cả những khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh..., cộng đồng xã hội đã cùng tham gia hỗ trợ đột xuất, kịp thời cho người dân.
Để đảm bảo an sinh bền vững, ngay chính nội lực mỗi người cũng phải có ý thức tự thân vận động, ý chí tự lực vươn lên. Tất nhiên, đối với những người đã gọi là đối tượng yếu thế, muốn phát huy nội lực còn cần sự tác động, hỗ trợ về chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc giáo dục, định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất... Với người yếu thế, ngoài hạn chế về trình độ học vấn, sức khỏe, họ còn thiếu vốn sản xuất kinh doanh, thiếu thông tin, kiến thức... Vì thế việc xây dựng một số chính sách đặc thù của địa phương trong hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ là cơ hội để người yếu thế đang sinh sống ở những "vùng yếu thế", nơi khó khăn tham gia phát triển kinh tế, hoà nhập, giảm gánh nặng cho xã hội.
Điều đáng mừng là, nhiều người nghèo, người yếu thế có khả năng lao động hay đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng đầm phá, ven biển... đã biết tận dụng các chương trình hưởng lợi để phát triển kinh tế, biết sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để tăng gia, đổi mới sản xuất kinh doanh, vươn lên ổn định thu nhập, chủ động trong cuộc sống.
Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh bình quân đạt 7,3%/năm, đời sống người dân trên địa bàn tăng trưởng khá, thu nhập bình quân người/tháng năm sau cao hơn năm trước; trong đó, nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo có mức thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 1,3-1,5 lần so với đầu giai đoạn. (baothuathienhue.vn 03/2)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Khởi động tuyển sinh cao học năm 2021
Đến tháng 4/2021, kỳ thi cao học đợt 1 năm 2021 mới diễn ra, song ngay từ tháng 1/2021, Đại học (ĐH) Huế và các cơ sở giáo dục ĐH thành viên, trực thuộc đã triển khai các hoạt động thu hút người học và nhận hồ sơ đăng ký.
Cơ bản giữ phương án tuyển sinh
Đến nửa cuối tháng 1/2021, thông tin tuyển sinh cao học đợt 1 – năm 2021 đã được các trường quảng bá trên hầu khắp các kênh tuyển sinh qua website và mạng xã hội. Theo TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế, năm nay, cơ bản giữ phương án tuyển sinh giống năm 2020 với 2 đợt vào khoảng tháng 4 và sau tháng 10 (hoặc tháng 11), chỉ điều chỉnh một số nội dung để phù hợp thực tiễn tuyển sinh.
Năm nay, ĐH Huế tuyển sinh cao học với 84 ngành, tuy nhiên đối với ngành Giáo dục học, sẽ mở rộng thêm các chuyên ngành trên cơ sở ngành theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, ngành Giáo dục học sẽ có các chuyên ngành: Giáo dục học, giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non, giáo dục chính trị. “Giáo dục học là ngành về phương pháp giảng dạy, việc mở ra các chuyên ngành với mục đích đào tạo sát với từng chuyên ngành cho học viên hơn. Nhu cầu người học trên thực tế rất lớn”, PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế phân tích.
Theo TS. Nguyễn Công Hào, tuy tuyển sinh 2 đợt với dự kiến chỉ tiêu khoảng 2.500 học viên, cao hơn khoảng 10% so với năm 2020, song cũng sẽ có một số ngành chỉ tuyển sinh trong 1 đợt. Chỉ tiêu linh động và không giới hạn trong đợt 1, vì vậy đối với một số ngành đã đủ chỉ tiêu trong đợt tuyển sinh đầu tiên sẽ không tiếp tục tuyển sinh đợt 2. Riêng đối với ngành Điện quang và Y học hạt nhân (Trường ĐH Y – Dược), năm nay nhà trường chỉ tuyển sinh vào đợt 2 với mục đích tập trung sàng lọc thí sinh tốt hơn. “Theo thống kê qua các năm, nhu cầu người học lớn. Việc không tổ chức trong đợt 1 mà tổ chức đợt 2 vì số lượng sinh viên tốt nghiệp học lên cao học thường vào đợt 2. Tuy nhiên, chỉ tổ chức 1 đợt để sàng lọc thí sinh tốt hơn, nâng cao chất lượng đào tạo và đầu ra”, TS. Nguyễn Công Hào khẳng định.
Hiện, có một số ngành đang triển khai đề án để đưa vào tuyển sinh ngành mới, đơn cử như ngành Sức khỏe môi trường (Trường ĐH Khoa học), Quản lý An toàn thực phẩm (Trường ĐH Nông Lâm), Giáo dục thể chất trình độ thạc sĩ (Khoa Giáo dục thể chất). Theo đại diện ĐH Huế, nếu đề án triển khai kịp tiến độ, có thể sẽ đưa vào quảng bá tuyển sinh trong năm nay.
Linh hoạt tiếp nhận hồ sơ
Theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, phạm vi tuyển sinh cả nước và thông thường, học viên cao học của ĐH Huế đến từ khắp các tỉnh, thành của khắp các vùng miền. Vì vậy, năm nay ĐH Huế cùng các trường tiếp tục đề ra những giải pháp linh hoạt để phù hợp nhu cầu thí sinh. Đặc biệt, thông qua mối quan hệ, các trường sẽ kết nối để tổ chức các điểm nhận hồ sơ tại chỗ, hạn chế tình trạng thí sinh phải đi xa, mất thời gian để nộp hồ sơ. “Các trường bố trí các điểm nộp hồ sơ ở các tỉnh, thành. Chẳng hạn khu vực Tây Nguyên cũng có các điểm nhận hồ sơ, tiện cho việc thí sinh đến nộp”, TS. Nguyễn Công Hào chia sẻ.
TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế cho biết, thí sinh có thể tải hồ sơ theo mẫu được đăng tải trên các trang, kênh thông tin của trường để chuẩn bị thông tin hồ sơ trước, sau đó có thể nộp ở các đơn vị mà nhà trường đã kết nối ở địa phương. Việc tiếp nhận hồ sơ được tổ chức linh hoạt, tuy nhiên, thí sinh cũng cần đảm bảo hồ sơ theo đúng yêu cầu.
Hiện, từ thông báo của ĐH Huế, các trường đã tổ chức các phương án quảng bá tuyển sinh. Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, thông qua kết nối với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông tại các tỉnh, thành, nhà trường đã chuyển thông tin tuyển sinh mới nhất đến những người có nhu cầu đăng ký dự thi và học các ngành trình độ thạc sĩ.
Đến nay, các trường cũng sẵn sàng kênh tiếp nhận, tư vấn thông tin liên quan đến đợt tuyển sinh cao học đầu tiên năm 2021 và cách tiếp nhận hồ sơ, tư vấn ôn luyện cho thí sinh… (baothuathienhue.vn 02/2)
2. Đại học Huế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 2/2, thông tin từ Đại học (ĐH) Huế cho biết trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của ĐH Huế đã họp triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch.
Theo đại diện ĐH Huế, tại buổi họp trên, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế, Trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 ĐH Huế đề nghị các đơn vị triển khai nghiêm túc Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các công văn của UBND tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị, kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ quan và giải pháp quản lý dịch bệnh bằng QR. Tiếp tục đôn đốc viên chức, người lao động và sinh viên thực hiện khai báo y tế qua địa chỉ: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/yttd; Cài đặt và kích hoạt ứng dụng Bluezone.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của ĐH Huế cũng chỉ đạo các đơn vị kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tất niên, liên hoan cuối năm có đông người tham gia. Thực hiện nghiêm công tác trực tự vệ, trực phòng chống dịch trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu. Tiếp tục rà soát, khai báo y tế đối với viên chức, người lao động và người học trở về Huế từ các vùng dịch từ ngày 14/1/2021. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch giảng dạy online để chủ động các phương án dạy học sau nghỉ kỳ Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021; Triển khai hỗ trợ sinh viên Lào, sinh viên quốc tế và sinh viên có hộ khẩu ngoại tỉnh Thừa Thiên Huế ở lại trong dịp Tết Nguyên đán; Trung tâm Phục vụ sinh viên triển khai các biện pháp hỗ trợ sinh viên nội trú; Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh chủ động phương án địa điểm cách ly tập trung của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hiện, các trường cũng đã và đang yêu cầu sinh viên khai báo đầy đủ thông tin liên quan đến kế hoạch về quê đón tết; tình hình sức khỏe, lộ trình di chuyển trước khi sinh viên trở lại trường để học tập… (baothuathienhue.vn 02/2)
3. Nhìn lại hành trình thi chọn học sinh giỏi Quốc gia
Lần đầu tiên, tỉnh Thừa Thiên Huế lọt vào top 10 cả nước trong các kỳ thi chọn HSG Quốc gia từ trước đến nay.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) Quốc gia năm nay, đoàn học sinh giỏi Thừa Thiên Huế gồm 78 thí sinh tham dự ở 10 môn trên tổng số 12 môn thi. Kết quả có 61 em đạt giải, gồm: 4 giải nhất, 21 giải nhì, 17 giải ba và 19 giải Khuyến khích. Đây là lần đầu tiên học sinh Thừa Thiên Huế đạt số lượng giải nhiều nhất và chất lượng giải cao nhất (giải nhất và giải nhì) trong các lần tham dự kỳ thi chọn HSG Quốc gia từ trước đến nay.
Thừa Thiên Huế xếp thứ 9 trên 69 đoàn tham dự kỳ thi, tỷ lệ học sinh đạt giải trên số thí sinh dự thi đạt 78,2%, cao hơn bình quân các đoàn trong cả nước (49,9%). Với 4 giải nhất về hóa học, sinh học, tin học và tiếng Anh, Thừa Thiên Huế xếp thứ 6 toàn quốc về số học sinh đạt giải nhất, sau Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nghệ An và Thanh Hóa. Cả 4 em đoạt giải nhất đều là học sinh của Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, gồm các em: Phan Tại Tính Trí (hóa học), Lê Đình Xuân Mai (sinh học), Hồ Ngọc Vĩnh Phát (tin học) và Đặng Thu Thảo (tiếng Anh).
Phân tích dữ liệu kết quả của các đoàn học sinh giỏi của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư, Trường THPT vùng cao Việt Bắc và 5 trường THPT chuyên của các trường đại học, trong 6 năm (2016 – 2021), thành tích của đoàn học sinh tỉnh Thừa Thiên Huế luôn thuộc nhóm các địa phương, đơn vị dẫn đầu cả nước. Về cơ bản số lượng giải có xu thế tăng lên, chất lượng giải ngày càng tốt hơn. Nếu như kỳ thi năm 2016, tỷ lệ học sinh đạt giải chỉ đạt 55,1% thì các năm sau đó: 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 67,5%, 66,2%, 69,3%, 69,3% và 78,2%.
Tổng số học sinh Thừa Thiên Huế đạt giải HSG Quốc gia trong 6 năm qua là 309 em, trong đó có 14 giải nhất, 86 giải nhì, 100 giải ba và 109 giải khuyến khích. Tỷ lệ thí sinh đạt giải trên tổng số thí sinh dự thi đạt 67,6%, cao hơn trung bình của các địa phương, đơn vị trên cả nước (49,9%). Nếu xét theo số lượng giải thì thứ hạng của đoàn học sinh tỉnh ta so với cả nước cũng dần được nâng lên. Nếu như năm 2016, Thừa Thiên Huế chỉ xếp vị trí thứ 23 toàn quốc thì kỳ thi các năm 2017, 2018, 2019, 2020 lần lượt xếp thứ hạng 15, 19, 14, 15 trên toàn quốc. Và đặc biệt, kỳ thi năm 2021 vừa qua, với số lượng 61 giải, đoàn học sinh tỉnh ta đã vươn lên xếp thứ 9 toàn quốc. Đây cũng là lần đầu tiên, tỉnh Thừa Thiên Huế lọt vào top 10 cả nước trong các kỳ thi chọn HSG Quốc gia từ trước đến nay.
Không chỉ nổi trội về số lượng, chất lượng thành tích học sinh giỏi tỉnh Thừa Thiên Huế cũng luôn được giữ vững. Dựa trên số liệu công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả kỳ thi HSG Quốc gia hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2021. Tỷ lệ học sinh đạt giải nhất trên tổng số thí sinh dự thi của tỉnh Thừa Thiên Huế bình quân giai đoạn (2016-2021) đạt 3,1%, cao hơn bình quân các địa phương, đơn vị cả nước (1,7%), giải nhì đạt 18,8% (cả nước 11,3%). Số lượng thí sinh dự thi không đạt giải của tỉnh chiếm tỷ lệ 32,4% trên tổng số thí sinh dự thi, thấp hơn trung bình cả nước (50,1%). Trong tổng số giải thưởng, tỷ lệ học sinh đạt giải nhất của tỉnh đạt 4,5% cao hơn bình quân cả nước (xấp xỉ 3,5%), bình quân giải nhì của tỉnh đạt 27,8% so với bình quân cả nước đạt 22,7%.
Theo đó, số lượng giải nhất của học sinh Thừa Thiên Huế bình quân giai đoạn gấp 1,3 lần bình quân giải nhất của cả nước; tương tự, số lượng giải nhì của tỉnh đạt hơn 1,2 lần so với bình quân giải nhì của cả nước.
Những thành tích của tỉnh ta trong thời gian vừa qua là rất đáng tự hào, đó là kết quả của những chủ trương, giải pháp đúng đắn của tỉnh, của ngành giáo dục nhất là sự quan tâm ngày càng tốt hơn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh chuyên. Nhờ đó, thế mạnh của học sinh Thừa Thiên Huế trong các môn vật lý, sinh học, tiếng Anh, hóa học, tin học, tiếng Pháp luôn được duy trì, giữ vững.
Trong giai đoạn 2016-2021, nổi bật nhất là đội tuyển vật lý đã giành được 5 giải nhất, sinh học 3 giải nhất, các đội tuyển hóa học, tin học và tiếng Anh cùng giành được 2 giải nhất. Bên cạnh đó, một số môn thi không phải là thế mạnh của học sinh Thừa Thiên Huế như ngữ văn, lịch sử, địa lý cũng đang dần được cải thiện và có bước chuyển biến mạnh; chẳng hạn môn địa lý, năm 2016- 2017 chỉ có 3-4 em đạt giải, thì từ năm 2018 đến nay, số lượng bình quân đạt giải hàng năm đã tăng lên 6 em. Tuy nhiên, vẫn còn một số môn thi thành tích chưa được ổn định như môn toán chưa có giải nhất, 2 giải nhì năm 2018; hay môn lịch sử đạt 1 giải nhì, từ năm 2016 đến nay chưa đạt thành tích cao hơn (baothuathienhue.vn 02/2)
4. Khởi động tuyển sinh cao học năm 2021
Đến tháng 4/2021, kỳ thi cao học đợt 1 năm 2021 mới diễn ra, song ngay từ tháng 1/2021, Đại học (ĐH) Huế và các cơ sở giáo dục ĐH thành viên, trực thuộc đã triển khai các hoạt động thu hút người học và nhận hồ sơ đăng ký.
Cơ bản giữ phương án tuyển sinh
Đến nửa cuối tháng 1/2021, thông tin tuyển sinh cao học đợt 1 – năm 2021 đã được các trường quảng bá trên hầu khắp các kênh tuyển sinh qua website và mạng xã hội. Theo TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế, năm nay, cơ bản giữ phương án tuyển sinh giống năm 2020 với 2 đợt vào khoảng tháng 4 và sau tháng 10 (hoặc tháng 11), chỉ điều chỉnh một số nội dung để phù hợp thực tiễn tuyển sinh.
Năm nay, ĐH Huế tuyển sinh cao học với 84 ngành, tuy nhiên đối với ngành Giáo dục học, sẽ mở rộng thêm các chuyên ngành trên cơ sở ngành theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, ngành Giáo dục học sẽ có các chuyên ngành: Giáo dục học, giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non, giáo dục chính trị. “Giáo dục học là ngành về phương pháp giảng dạy, việc mở ra các chuyên ngành với mục đích đào tạo sát với từng chuyên ngành cho học viên hơn. Nhu cầu người học trên thực tế rất lớn”, PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế phân tích.
Theo TS. Nguyễn Công Hào, tuy tuyển sinh 2 đợt với dự kiến chỉ tiêu khoảng 2.500 học viên, cao hơn khoảng 10% so với năm 2020, song cũng sẽ có một số ngành chỉ tuyển sinh trong 1 đợt. Chỉ tiêu linh động và không giới hạn trong đợt 1, vì vậy đối với một số ngành đã đủ chỉ tiêu trong đợt tuyển sinh đầu tiên sẽ không tiếp tục tuyển sinh đợt 2. Riêng đối với ngành Điện quang và Y học hạt nhân (Trường ĐH Y – Dược), năm nay nhà trường chỉ tuyển sinh vào đợt 2 với mục đích tập trung sàng lọc thí sinh tốt hơn. “Theo thống kê qua các năm, nhu cầu người học lớn. Việc không tổ chức trong đợt 1 mà tổ chức đợt 2 vì số lượng sinh viên tốt nghiệp học lên cao học thường vào đợt 2. Tuy nhiên, chỉ tổ chức 1 đợt để sàng lọc thí sinh tốt hơn, nâng cao chất lượng đào tạo và đầu ra”, TS. Nguyễn Công Hào khẳng định.
Hiện, có một số ngành đang triển khai đề án để đưa vào tuyển sinh ngành mới, đơn cử như ngành Sức khỏe môi trường (Trường ĐH Khoa học), Quản lý An toàn thực phẩm (Trường ĐH Nông Lâm), Giáo dục thể chất trình độ thạc sĩ (Khoa Giáo dục thể chất). Theo đại diện ĐH Huế, nếu đề án triển khai kịp tiến độ, có thể sẽ đưa vào quảng bá tuyển sinh trong năm nay.
Linh hoạt tiếp nhận hồ sơ
Theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, phạm vi tuyển sinh cả nước và thông thường, học viên cao học của ĐH Huế đến từ khắp các tỉnh, thành của khắp các vùng miền. Vì vậy, năm nay ĐH Huế cùng các trường tiếp tục đề ra những giải pháp linh hoạt để phù hợp nhu cầu thí sinh. Đặc biệt, thông qua mối quan hệ, các trường sẽ kết nối để tổ chức các điểm nhận hồ sơ tại chỗ, hạn chế tình trạng thí sinh phải đi xa, mất thời gian để nộp hồ sơ. “Các trường bố trí các điểm nộp hồ sơ ở các tỉnh, thành. Chẳng hạn khu vực Tây Nguyên cũng có các điểm nhận hồ sơ, tiện cho việc thí sinh đến nộp”, TS. Nguyễn Công Hào chia sẻ.
TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế cho biết, thí sinh có thể tải hồ sơ theo mẫu được đăng tải trên các trang, kênh thông tin của trường để chuẩn bị thông tin hồ sơ trước, sau đó có thể nộp ở các đơn vị mà nhà trường đã kết nối ở địa phương. Việc tiếp nhận hồ sơ được tổ chức linh hoạt, tuy nhiên, thí sinh cũng cần đảm bảo hồ sơ theo đúng yêu cầu.
Hiện, từ thông báo của ĐH Huế, các trường đã tổ chức các phương án quảng bá tuyển sinh. Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, thông qua kết nối với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông tại các tỉnh, thành, nhà trường đã chuyển thông tin tuyển sinh mới nhất đến những người có nhu cầu đăng ký dự thi và học các ngành trình độ thạc sĩ.
Đến nay, các trường cũng sẵn sàng kênh tiếp nhận, tư vấn thông tin liên quan đến đợt tuyển sinh cao học đầu tiên năm 2021 và cách tiếp nhận hồ sơ, tư vấn ôn luyện cho thí sinh… (baothuathienhue.vn 02/2)
Y TẾ
1. Chuyển giao kỹ thuật nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng laser cho Bệnh viện Phú Vang
Sáng 2/2, tại Bệnh viện Phú Vang, thông qua ca mổ cho bệnh nhân N. B (44 tuổi, thị xã Hương Thủy), TS.BS Phạm Ngọc Hùng, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu (Bệnh viện Trung ương Huế) đã hỗ trợ ekip bác sĩ của Bệnh viện Phú Vang lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng laser.
Kỹ thuật nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng laser đã được Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện trên 30 năm qua. Tuy nhiên, đây là ca mổ đầu tiên về kỹ thuật này được triển khai thực hiện tại bệnh viện tuyến huyện của Thừa Thiên Huế. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, hỗ trợ y tế cơ sở cho bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại địa phương.
Sỏi niệu quản là một bệnh lý thường gặp, chiếm tỉ lệ cao, khoảng 40 – 60% bệnh lý tiết niệu. Hiện nay, điều trị phẫu thuật mở lấy sỏi đã được thay thế bằng các phương pháp khác ít xâm hại hơn, như: tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi và lấy sỏi qua nội soi sau phúc mạc.
Nhằm nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở, Bệnh viện Trung ương Huế triển khai kỹ thuật này cho Bệnh viện Phú Vang với sự hỗ trợ trang thiết bị từ công ty Thăng Long Quốc tế.
Bệnh nhân N. B. đau hông phải đã hơn tháng nay kèm tiểu máu. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Phú Vang với kết quả siêu âm và Xquang ghi nhận sỏi niệu quản đoạn một phần ba dưới, kích thước sỏi 10 mm, thận phải ứ nước độ một.
Sau khi được bệnh viện hội chẩn cùng Khoa Ngoại Tiết niệu (Bệnh viện Trung ương Huế), Ban Giám đốc Bệnh viện cử chuyên gia về hỗ trợ cho Bệnh viện Phú Vang, thực hiện ca mổ tại địa phương với kỹ thuật nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng laser. Ca mổ chỉ thực hiện nội soi theo đường tự nhiên qua niệu đạo lên niệu quản và tán vụn sỏi bằng laser, kết thúc sau 20 phút. Bệnh nhân có thể ra viện vào ngày hôm sau và hoạt động lại bình thường.
Làm chủ được kỹ thuật này, Bệnh viện Phú Vang có thể giúp nhân dân địa phương trong khu vực và các vùng lân cận hưởng lợi được hiệu quả điều trị kỹ thuật cao mà không cần lên tuyến trung ương. (baothuathienhue.vn 02/2)
THỂ THAO
1. CLB Bóng đá Huế mở màn mùa giải 2021 bằng 2 trận sân khách
Chiều 2/2 ông Trần Quang Sang – Trưởng đoàn Đoàn Bóng đá Huế thông tin, mùa giải 2021, CLB Bóng đá Huế tham gia 2 “mặt trận”: giải hạng Nhất quốc gia và Cúp quốc gia.
Kết quả sau lễ bốc thăm bằng hình thức trực tuyến vào chiều nay, CLB Bóng đá Huế sẽ mở màn mùa giải hạng Nhất 2021 bằng trận sân khách khi gặp CLB Đắk Lắk trên sân Buôn Mê Thuột (dự kiến kiến ra vào 20 hoặc 21/3).
Giải hạng Nhất quốc gia 2021 dự kiến khởi tranh vào ngày 20/3. Như mùa giải năm ngoái, giải năm nay cũng chia làm 2 nhóm A và B. Các trận nhóm A kết thúc vào ngày 18/9, trong khi của nhóm B là 17/9.
Do CLB Tây Ninh xin rút nên giải năm nay chỉ có 13 CLB tranh tài cùng 1,5 suất lên hạng V – League và 1 suất xuống hạng Nhì (thay vì 2 suất xuống hạng như dự thảo có 14 đội bóng tham dự ban đầu)
Tại sân chơi Cúp quốc gia, CLB Bóng đá Huế sẽ làm khách trên sân CLB Phù Đổng ở vòng sơ loại (dự kiến diễn ra từ 9/4 đến 30/9). Nếu vượt qua Phù Đổng ở vòng sơ loại, CLB Bóng đá Huế sẽ trở về sân Tự Do để tiếp đón đội thắng ở cặp đấu giữa Cần Thơ - Becamex Bình Dương.
Liên quan đến công tác chuẩn bị cho mùa giải 2021, theo lịch trình, CLB Bóng đá Huế sẽ tham dự giải tập huấn Phố Hiến diễn ra từ 30/1 đến 5/2 tại Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF. Tuy nhiên, do ảnh hưởng COVID – 19, đội chủ sân Tự Do đã xin rút lui khỏi giải.
Đây thật sự là điều đáng tiếc với toàn đội nói chung, các chân sút trẻ của CLB Bóng đá Huế nói riêng khi mà họ đang rất cần những giải tập huấn chất lượng để lắp ráp, thử nghiệm đội hình cũng như tăng cường khả năng cọ xát, tích lũy kinh nghiệm trước mùa giải 2021. (baothuathienhue.vn 02/2)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Hàng trăm người vay tiền qua mạng bị lừa nhiều tỷ đồng
Các đối tượng câu kết, lập ra nhiều trang Facebook giả mạo là công ty tài chính cho vay tiền qua mạng. Nhiều người có nhu cầu vay tiền khi thấy thông tin này đã làm theo hướng dẫn của các đối tượng. Bước đầu, cơ quan CA TT-Huế xác định, có hàng trăm nạn nhân bị các đối tượng chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Thời gian gần đây, nhiều người dân ở tỉnh TT-Huế đến cơ quan CA trình báo, bị một số đối tượng giả danh công ty tài chính cho vay tiền qua mạng rồi lừa đảo chiếm đoạt số tiền của họ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Một nạn nhân trú TX Hương Trà (TT-Huế) kể: Do có nhu cầu vay tiền nên tôi được một người bạn giới thiệu vào trang Facebook được quảng bá là công ty tài chính cho vay tiền. Thủ tục vay tiền qua mạng ở trang này rất đơn giản, tiết kiệm thời gian hơn so với hình thức cho vay trực tiếp. Theo lời quảng bá trên trang này, chỉ cần người vay tiền gửi CMND, sổ hộ khẩu, số điện thoại thì thủ tục vay tiền đã hoàn tất. Số tiền cho vay được chuyển trực tiếp vào tài khoản của người vay. Tuy nhiên, theo công ty tài chính này để vay được tiền thì người vay phải chuyển trước một khoản tiền để làm các lệ phí ban đầu và số tiền chuyển được quy định tương ứng với mức cho vay…
Rất nhiều người dân có nhu cầu vay tiền tin tưởng đây là công ty tài chính cho vay tiền uy tín nên đã làm theo các bước nhưng không ngờ, sau bao ngày chờ đợi, họ đã không hề nhận được số tiền vay. Cho rằng, các đối tượng này đã giả mạo cho vay tiền để lừa đảo, nhiều công dân đã viết đơn tố cáo đến cơ quan CA. “Do gia đình có nhu cầu sửa chữa lại nhà cửa mà thiếu tiền nên có liên hệ để vay 10 triệu đồng. Không ngờ, sau khi chuyển số tiền gần 6 triệu đồng trước cho họ để lo thủ tục, chi phí ban đầu thì vợ chồng tôi không hề nhận được số tiền vay”- một phụ nữ tên H. cho biết.
Ngay sau khi liên tiếp nhận được phản ánh của nhiều người dân, CATX Hương Trà đã vào cuộc điều tra làm rõ và bước đầu xác định không hề có công ty tài chính cho vay tiền như phản ánh của người dân. Quá trình mở rộng điều tra, CATX Hương Trà phối hợp với lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ CA tỉnh phát hiện, các trang Facebook mà người dân liên hệ để vay tiền đều là trang “ảo”… Trước tình hình đó, CATX Hương Trà lập Chuyên án 121L để đấu tranh, truy bắt các đối tượng.
Sau một thời gian điều tra, ngày 1-2, CATX Hương Trà phối hợp các lực lượng nghiệp vụ CA tỉnh TT-Huế đã bắt quả tang 5 đối tượng có liên can, gồm: Nguyễn Thế Trung, Châu Văn Mùi, Nguyễn Khoa Đăng Quang (đều 2003); Nguyễn Thái Duy Anh (2001) và Nguyễn Nghĩa (1999, cùng trú TX Hương Trà) tại quán Internet Liên Minh ở xã Hương Vinh (TX Hương Trà). Tại đây, CA đã thu thập được các chứng cứ, tài liệu về việc nhóm đối tượng này giả danh là công ty tài chính cho vay tiền.
Quá trình mở rộng đấu tranh, CA xác định, để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, nhóm đối tượng này sử dụng Facebook ảo vào các nhóm vay tiền trên Facebook giả mạo là công ty tài chính để liên tục đăng bài cho vay tiền. Sau khi những người có nhu cầu vay liên hệ cho các đối tượng qua ứng dụng messenger, chúng yêu cầu bị hại cung cấp CMND và sổ hộ khẩu và số điện thoại. Sau khi lấy được thông tin, nhóm đối tượng này giả giọng miền Bắc gọi điện và yêu cầu bị hại chuyển trước tiền để thực hiện các thủ tục cho vay. Số tiền này, nhóm đối tượng rút trực tiếp hoặc thông qua tài khoản của đại lý Game Bum86.com để nhận tiền trong game rồi quy đổi thành tiền mặt.
Mở rộng điều tra, cơ quan CA tiếp tục bắt giữ thêm 10 đối tượng khác có liên quan. Tại cơ quan CA, bước đầu, 15 đối tượng khai nhận đã lừa đảo hàng trăm người dân trên toàn quốc với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Toàn bộ tài sản chiếm đoạt được, các đối tượng chia nhau tiêu xài cá nhân. Hiện, Cơ quan CSĐT CATX Hương Trà tiếp tục tiến hành điều tra, xử lý các đối về hành vi sử dụng mạng máy tính viễn thông để chiếm đoạt tài sản. (cadn.com.vn 02/2)
2. Khởi tố thêm tội trong vụ đánh ghen ở Thừa Thiên - Huế
Khởi tố tội danh mới 4 bị can trong vụ đánh ghen kinh hoàng ở Thừa Thiên - Huế.
Ngày 2-2 Công an thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết đã ra quyết định khởi tố bốn bị can thêm tội cố ý gây thương tích.
Các bị can bị khởi tố gồm Nguyễn Thị Thùy Trâm (29 tuổi, trú đường Bùi Thị Xuân, TP Huế), Nguyễn Thị Bé (38 tuổi), Đặng Thị Thùy Trang (43 tuổi) và Lê Công (30 tuổi) cùng trú tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà.
Việc khởi tố thêm tội danh này căn cứ theo kết quả trưng cầu giám định pháp y, cho thấy nạn nhân trong vụ đánh ghen này có tỉ lệ về thương tật lên đến 29%.
Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hương Trà đã trình hồ sơ lên VKSND thị xã Hương Trà xem xét, phê chuẩn để khởi tố thêm các bị can khác với vai trò đồng phạm trong vụ án này.
Như PLO đã đưa tin, vụ đánh ghen xảy ra ngày 16-11-2020 tại khu vực bờ kè ven biển xã Hải Dương, thị xã Hương Trà. Nạn nhân là cô gái ngụ ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), được cho là có quan hệ bất chính với chồng của một phụ nữ trong nhóm.
Sau khi vụ án xảy ra, Công an thị xã Hương Trà đã vào cuộc điều tra, ra quyết định khởi tố vụ án. Sau đó, cơ quan điều tra đã khởi tố 4 người trên cùng tội làm nhục người khác. (plo.vn 2/2)
3. Gần 900kg nội tang không rõ nguồn gốc trên ô tô
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phát hiện và bắt giữ lượng lớn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 2-2, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị vừa phát hiện phương tiện chở số lượng lớn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, tổ công tác thuộc phòng Cảnh sát môi trường công an tỉnh phối hợp với phòng CSGT kiểm tra xe ô tô mang biển số 75H - 00126 do Nguyễn Đức Quyền (27 tuổi, trú tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) điều khiển.
Qua kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện trên xe đang vận chuyển 11 thùng xốp bên trong chứa sản phẩm động vật như tim, gan, lòng, lá sách với tổng trọng lượng 880kg.
Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Được biết số nội tạng này, tài xế Quyền nhận vận chuyển từ Huế đến cửa khẩu La Lay, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để tiêu thụ. (plo.vn 02/2; nhandan.com.vn 02/2; toquoc.vn 02/2; nguoiduatin.vn 02/2)
4. Tăng cường tuần tra đêm, đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết
Để đảm bảo an ninh chính trị và TTATXH địa bàn dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Công an TP Huế (Thừa Thiên-Huế) đã huy động lực lượng, phương tiện, đồng loạt triển khai các biện pháp nghiệp vụ tấn công, trấn áp các loại tội phạm; đặc biệt, tập trung công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát địa bàn vào ban đêm...
Hơn 22h tối trung tuần tháng Chạp, khi đường phố dần vắng người qua lại thì trên một số tuyến đường trung tâm TP Huế thỉnh thoảng lại xuất hiện từng tốp nam nữ thanh, thiếu niên đi xe gắn máy phóng nhanh, rồ ga lạng lách. “Bãi đáp” của những nhóm này là các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện như quán bar, karaoke, khách sạn để bay lắc, hoặc “phê” ma túy sau chầu nhậu.
Khi một nhóm thanh thiếu niên vừa phóng xe ra khỏi quán nhậu trên đường Tố Hữu thì liền bị tổ CSGT thuộc Đội CSGT - Trật tự Công an TP Huế ra tín hiệu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Ngay sau đó, nhóm thanh niên được mời về trụ sở Công an để làm việc. Đây chỉ là một trong số những buổi tối tuần tra kiểm soát làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT, ATGT dịp cuối năm của lực lượng Công an TP Huế.
Thượng tá Nguyễn Viết Hoàng, Trưởng Công an TP Huế cho biết, thực hiện kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, Công an TP Huế đã thực hiện nhiều giải pháp, tăng cường bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát các tuyến địa bàn trọng điểm về ANTT. Hằng đêm, Công an 27 phường của TP Huế chia làm 2 ca tuần tra. Ca đầu từ 22h tối đến 2h sáng hôm sau và ca hai từ 2h đến 5h sáng.
Mỗi ca gồm có CBCS Công an phường, bảo vệ dân phố, lực lượng dân phòng được trang bị các công cụ hỗ trợ làm nhiệm vụ tuần tra từng khu phố, ngõ xóm. Ngoài ra, Công an TP Huế còn bố trí một tổ công tác đặc biệt gồm Cảnh sát hình sự, CSĐT tội phạm về ma túy, CSGT - trật tự phối hợp tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn, trấn áp mạnh các loại tội phạm về hình sự, ma túy, số thanh thiếu niên điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, nẹt bô gây mất trật tự ATGT…
Theo Trung tá Trương Văn Nguyên, Trưởng Công an phường Phước Vĩnh, TP Huế, thực hiện kế hoạch tuần tra đêm, Công an phường đã huy động CBCS kiểm tra từng địa bàn khu dân cư, nhất là các điểm vui chơi, giải trí, quán karaoke, khách sạn, tiệm Internet để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Qua công tác tuần tra đêm, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an TP Huế đã triệt xóa nhiều băng nhóm, đối tượng hình sự, kịp thời ngăn chặn các nhóm thanh niên sử dụng hung khí đánh nhau và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế, môi trường. Công an TP Huế đã phối hợp với Công an các phường liên tiếp triệt xóa nhiều tụ điểm tàng trữ, sử dụng ma túy trong khách sạn, quán bar, karaoke.
Điển hình như mới đây, vào lúc 3h sáng 22/1, Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Huế và Công an phường Xuân Phú kiểm tra hành chính đột xuất tại khách sạn Victory (địa chỉ số 08 đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Xuân Phú, TP Huế), bắt quả tang Nguyễn Văn Thắng (38 tuổi); Phan Thị Quỳnh Anh (32 tuổi); Hồ Thị Diệu Hồng (40 tuổi, cùng trú trên địa bàn TP Huế) và Nguyễn Thảo Hương (37 tuổi, trú tại thị xã Hương Thủy) có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ một lượng ma túy cùng nhiều dụng cụ sử dụng ma túy. Test nhanh, các đối tượng đều dương tính với ma túy. Cùng thời điểm này, một tổ công tác khác của Công an TP Huế phát hiện quán karaoke Royal (số 277 đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ, TP Huế) hoạt động quá giờ quy định. Tiến hành kiểm tra và test nhanh, tổ công tác phát hiện có 4 đối tượng dương tính với chất ma túy.
Cùng với đó, thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Bộ Công an và Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế về đảm bảo ANTT, 66 CBCS Tiểu đoàn CSCĐ số 2 thuộc Trung đoàn CSCĐ Trung Bộ đã được tăng cường phối hợp với lực lượng Công an TP Huế đảm bảo ANTT địa bàn vào dịp này. Đây được xem là lực lượng phản ứng nhanh, sẵn sàng ứng phó các vụ việc liên quan đến ANTT xảy ra trong mọi tình huống.
Theo thống kê của Công an TP Huế, từ ngày 15/12/2020 đến nay, địa bàn xảy ra 40 vụ phạm pháp hình sự, gây thiệt hại tài sản gần 2,5 tỷ đồng. Qua điều tra, Công an TP Huế kết luận 36/40 vụ, đạt 90%; án truy xét kết luận 33/37 vụ đạt 89,2%; thu hồi tài sản trao trả lại cho nhân dân và người bị hại gần 950 triệu đồng. Đi đôi với công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, Công an TP Huế còn ra quân xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, trật tự đô thị. Trong đó tập trung vào các lỗi là nguyên nhân chính gây ra TNGT, qua đó lập biên bản hơn 1.200 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, xử phạt hành chính gần 1,5 tỷ đồng. (m.cand.com.vn 03/2)
5. Tình tiết mới vụ cô gái bị lột đồ, đánh ghen kinh hoàng ở Thừa Thiên Huế
Liên quan vụ cô gái bị đánh ghen kinh hoàng ở Thừa Thiên Huế, kết quả trưng cầu giám định pháp y cho thấy nạn nhân bị thương tật đến 29%. Vì vậy, cơ quan chức năng vừa khởi tố các bị can về hành vi "Cố ý gây thương tích".
Sáng 2/2, Công an thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, liên quan đến vụ đánh ghen một phụ nữ xảy ra trên địa bàn, đơn vị đã ra quyết định khởi tố 4 bị can về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Việc khởi tố các đối tượng về hành vi “Cố ý gây thương tích” được quy định tại Khoản 2, Điều 134 Bộ Luật hình sự sau khi có kết quả trưng cầu giám định pháp y của cơ quan chức năng về thương tật cơ thể của nạn nhân với tỷ lệ chung lên đến 29%.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hương Trà đã trình hồ sơ lên Viện KSND thị xã Hương Trà xem xét, phê chuẩn để khởi tố thêm các bị can khác với vai trò đồng phạm trong vụ án này.
Được biết, vụ đánh ghen xảy ra vào ngày 16/11/2020 tại xã Hải Dương (thị xã Hương Trà).
Nhóm 4 đối tượng, gồm: Nguyễn Thị Thùy Trâm (SN 1992, trú tại 30/3/73 Bùi Thị Xuân, TP Huế); Nguyễn Thị Bé (SN 1983), Đặng Thị Thùy Trang (SN 1979) và Lê Công (SN 1991, cùng trú tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) đã lao vào đánh một cô gái trẻ ngụ ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cô gái này được cho là có quan hệ bất chính với chồng của một phụ nữ trong nhóm.
Cụ thể, lợi dụng lúc đêm tối, tại nơi vắng người, 4 đối tượng này phát hiện một cô gái đang ngồi cùng chồng của người trong nhóm nên đã xông vào khống chế, lột hết quần áo, đánh đập rồi quay lại clip và sau đó đăng tải lên mạng internet, gây xôn xao, bức xúc trong dư luận.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công an thị xã Hương Trà đã vào cuộc điều tra và ra quyết định khởi tố bị can đối với 4 đối tượng Trâm, Bé, Trang và Công về hành vi “Làm nhục người khác”.
Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng xử lý. (doisongphapluat.com 03/2)
6. Xử phạt người lan truyền thông tin giả, sai sự thật
Ngày 2-2, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông và Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác minh, xử phạt chủ một trang bán hàng online vì thông tin sai sự thật liên quan phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về dịch Covid-19.
Trước đó, trang phản ánh hiện trường Hue-S của tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận thông tin về tài khoản facebook bán “tinh dầu tràm Huế” đăng tải thông tin thất thiệt về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về dịch Covid-19 quay trở lại.
Sau khi xác minh, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã mời chủ trang mạng xã hội nói trên đến trụ sở Công an phường Thuận Hòa, làm việc. Tại đây, người này thừa nhận, ngày 1-2, đã sao chép thông tin thất thiệt nói trên từ một trang mạng khác rồi đăng tải lên trang bán hàng của mình.
Sau khi đăng, nội dung này đã nhận được 53 lượt chia sẻ và nhiều comment. Nhận thức được việc làm của mình là vội vàng, làm lan truyền thông tin giả, thông tin không đúng sự thật giữa lúc cả nước đang phòng, chống dịch, chủ trang mạng nói trên đã ký vào biên bản vi phạm, nhận mức xử phạt 5 triệu đồng.
Đồng thời, người này đã đăng tải lời xin lỗi và khẳng định trên facebook bán hàng và facebook cá nhân rằng, thông tin đã đưa trước đó không đúng sự thật. (nhandan.com.vn 02/2; tienphong.vn 02/2; vtc.vn 02/2)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai nhiệm vụ năm 2021
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức thành công hội nghị người lao động và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Trong năm 2020, dưới sự lãnh chỉ đạo của Ban Tổng Giám đốc, Ban Đại diện HĐQT các cấp, sự điều hành quyết liệt của Ban Giám đốc Chi nhánh, sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn vươn lên của tập thể cán bộ viên chức và người lao động trong toàn Chi nhánh, Hoạt động của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu kế hoạch đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc, chất lượng tín dụng tiếp tục được ổn định theo hướng bền vững. Hoạt động giao dịch tại xã được quan tâm, chất lượng giao dịch được nâng lên, thời gian giao dịch được rút ngắn; Tổ TK&VV thường xuyên được kiện toàn.
Theo báo cáo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế, dư nợ đến 31/12/2020 là 2.988.780 triệu đồng, tăng 215.787 triệu đồng so với năm 2019, tăng trưởng 7,78%, trong đó nguồn vốn trung ương tăng 190.984 triệu đồng. Thực hiện kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn trung ương năm 2020 đạt 99,7%. Qua 18 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai cho vay trên địa bàn đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội năm 2020. Doanh số cho vay năm 2020 là 1.285.439 triệu đồng, tăng 13.212 triệu đồng so với năm 2019, đáp ứng cho 34.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Để tiếp tục hoàn thành toàn diện các mục tiêu nhiệm vụ chính trị năm 2021, Hội nghị đã tập trung thảo luận những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế trong năm 2020, từ đó đề ra các giải pháp trọng tâm năm 2021. Cụ thể là: tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách nhằm đảm bảo nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng; Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm giao dịch xã; Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm duy trì chất lượng tín dụng theo hướng ổn định, bền vững; Nâng cao chất lượng hoạt động của kiểm tra kiểm soát nội bộ. Đa dạng hóa việc phát động các phong trào thi đua khen thưởng, thực hiện khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thường xuyên quan tâm tới tâm tư, nguyện vọng và đời sống vật chất cũng như tinh thần của người lao động...
Dịp này, các Phòng giao dịch trực thuộc ký kết giao ước thi đua năm 2021 và đã biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020. Đồng thời, bầu các thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại định kỳ, đại diện các phòng chuyên môn nghiệp vụ. (baophapluat.vn 02/2)
2. Không để ATM thiếu tiền dịp tết
Vào dịp tết, chuyện ATM hết tiền hoặc trục trặc là mối lo lớn của ngân hàng và khách hàng, bởi đây là thời điểm nhu cầu rút tiền mặt của người dân tăng cao.
Giao dịch tăng mạnh
Nhu cầu giao dịch tại quầy, ATM, giao dịch điện tử tăng đột biến từ 50 đến 150% trong những ngày giáp tết khiến việc đảm bảo giao dịch thông suốt trong những ngày này trở thành mối lo của các ngân hàng và cả người dân.
Thay vì đợi cận tết mới rút tiền phục vụ chi tiêu như mọi năm, chị Nguyễn Thị Lành chọn giải pháp rút tiền khá sớm ngay sau khi tiền về tài khoản và chỉ để lại một phần trong tài khoản dùng cho các giao dịch điện tử.
Chị Lành lý giải, càng gần thời điểm tết, nhu cầu rút tiền càng cao nên dù rút tiền tại quầy hay ATM đều rất đông người. Hiện nay, dịch bệnh lại bùng phát nên việc rút tiền sớm sẽ giảm quá tải tại quầy, ATM và cũng là cách đảm bảo an toàn trong dịp tết.
Thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến nên vào dịp tết nhu cầu rút tiền mặt qua các máy ATM tăng mạnh. Để bảo đảm hệ thống ATM hoạt động thông suốt, các ngân hàng thường xuyên tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời; xây dựng kế hoạch tiếp quỹ cho ATM, bố trí tổ tiếp quỹ dự phòng; tổ chức bảo trì, nâng cấp và thay thiết bị cho các ATM từ rất sớm; trang bị phần mềm giám sát an ninh giao dịch trên ATM nhằm phát hiện kịp thời những giao dịch bất thường… cũng được các ngân hàng triển khai.
Ông Lý Minh Cương, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - chi nhánh Thừa Thiên Huế thông tin, để đảm bảo cung ứng tiền mặt, chi nhánh dự trù nguồn tiền lương, thưởng tết của khách hàng mở tài khoản, lượng tiền khả năng phát sinh…, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn tiền mặt lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Với hệ thống ATM, chi nhánh đã tổ chức bảo trì, bảo dưỡng, thay mới trước đó nhằm đảm bảo an toàn và hoạt động thông suốt. Ngoài lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp trực 24/24 giờ, chi nhánh còn thành lập đội phản ứng nhanh, phân công cán bộ, nhân viên trực tại trụ sở chính và phòng giao dịch tất cả các ngày để kịp thời tiếp quỹ, xử lý kỹ thuật.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để giảm tải cho việc rút tiền mặt tại ATM. Tăng cường tần suất kiểm tra mức tồn quỹ tại các ATM có kế hoạch tiếp quỹ kịp thời, chuẩn bị lượng tiền mặt đầy đủ đảm bảo tiếp cho các máy ATM; bố trí nhân sự trực kiểm tra giám sát tình trạng hoạt động của các máy ATM… đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn và thông suốt liên tục trong dịp tết cũng là giải pháp mà các ngân hàng đang đồng loạt triển khai.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)-chi nhánh tỉnh đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ATM, bảo đảm mạng lưới ATM hoạt động an toàn và thông suốt; có biện pháp phù hợp giảm tải cho ATM tại các địa bàn thường xảy ra hiện tượng ATM quá tải…
Đảm bảo an toàn giao dịch
Không chỉ đảm bảo lượng cung tiền, các ngân hàng còn triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn trong giao dịch. Theo đó, một số các ngân hàng thương mại đã gửi email, thông báo đến từng khách hàng cảnh báo việc giao dịch online trong dịp tết; niêm yết các cảnh báo cũng như thủ đoạn và hành vi lừa đảo thường xảy ra để khách hàng đề phòng.
Đại diện VietcomBank Thừa Thiên Huế thông tin, chúng tôi đã gửi thông báo đến hầu hết khách hàng của VietcomBank cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng, từ đó truy cập và chiếm đoạt tiền từ tài khoản. Một số hình thức lấy cắp thông tin phổ biến như: đối tượng lừa đảo mạo danh là người thân và thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng; gửi cho khách hàng đường link giả mạo và yêu cầu xác nhận thông tin, khi khách hàng truy cập vào link giả mạo và cung cấp cho đối tượng các thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc các thông tin về thẻ. Vì thế, khách hàng cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch, nhất là trong những ngày tết, không nên rút tiền hộ người khác ở các cây ATM, không nên đổi tiền trong cabin ATM…
Ông Châu Khắc Thái, Phó Giám đốc NHNN - chi nhánh tỉnh khẳng định, từ ngày 14 đến 18/12/2020, NHNN - chi nhánh tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất công tác an toàn kho quỹ của các ngân hàng trên địa bàn. Theo đó, các ngân hàng đã và đang chấp hành nghiêm túc các quy định của NHNN trong giao dịch tiền mặt, đảm bảo tuyệt đối an toàn. NHNN -chi nhánh tỉnh đang phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn và đốn đốc thực hiện công tác an toàn trong giao dịch tiền mặt với 25 trụ sở chi nhánh cấp 1 và các phòng giao dịch trực thuộc các chi nhánh cấp 1 trên địa bàn. NHNN chỉ đạo các NH trên địa bàn triển khai các biện pháp đẩy mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, vừa đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm tải cho máy ATM vừa phòng chống dịch COVID-19. (baothuathienhue.vn 03/2)
3. Xây dựng Phong Điền trở thành thị xã: Thời cơ và thách thức
"Phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực cùng những giải pháp đồng bộ sớm đưa Phong Điền trở thành thị xã trước năm 2025 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra...", ông Nguyễn Đình Bách, Tân Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Thưa ông, tình hình bão, lũ liên tiếp vào cuối năm 2020 đã gây thiệt hại rất lớn cho huyện Phong Điền. Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch phát triển KT-XH trong năm 2021?
Cơn bão số 5, số 9 và các đợt mưa lũ liên tiếp tháng 9, 10 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân, trong đó Phong Điền là một trong những địa phương chịu nhiều tổn thất nhất về tính mạng và tài sản.
Việc khôi phục sản xuất sau bão, lũ đã được UBND huyện tập trung thực hiện. Tuy nhiên, một số hạng mục công trình phục vụ sản xuất vẫn chưa thực hiện được do điều kiện thời tiết mưa rét kéo dài; nguồn lực trong dân khó khăn trong khi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có hạn, nhất là việc khôi phục phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển cây ăn quả, trồng rừng… Trong nông nghiệp, nhiều cây trồng bị thiệt hại phải khôi phục nhưng phải có thời gian vài năm mới đem lại thu nhập cho người dân (cây cao su, cây ăn quả,…). Do vậy, chúng tôi xác định, năm 2021 là năm thật sự khó khăn để khôi phục phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế, huyện phải tập trung thực hiện các giải pháp hiệu quả mới hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện đã đề ra.
Ông có thể cho biết, kế hoạch, giải pháp mà ông hướng đến để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới?
Mục tiêu mà Phong Điền đề ra là: Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Phát huy dân chủ, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân… Huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, phấn đấu xây dựng Phong Điền đạt các tiêu chí đô thị loại IV… Theo đó, UBND huyện tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đó là:
Tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các loại hình dịch vụ. Ưu tiên thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, các làng nghề. Làm tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và sản phẩm du lịch trên địa bàn.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện bền vững theo hướng an toàn, chất lượng cao gắn với chuỗi giá trị hàng hóa. Tập trung nguồn lực để khôi phục sản xuất. Hình thành điểm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của huyện. Ưu tiên nguồn lực để xây dựng 2 xã Điền Hương và Phong Bình đạt chuẩn nông thôn mới.
Tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng Đề án sắp xếp lại, tinh giản biên chế khi tiến hành sáp nhập các xã gắn với đề án thành lập thị xã Phong Điền...
Phát triển đô thị Phong Điền cũng như các đô thị vệ tinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc đưa Phong Điền trở thành thị xã trước năm 2025. Huyện sẽ làm gì để đạt kế hoạch này thưa ông?
Phương hướng và mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 là hoàn thành chương trình xây dựng NTM và trở thành thị xã trước năm 2025. Đến nay, toàn huyện có 9/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến hết năm 2021 có thêm 3 xã và đến năm 2022 hoàn thành nội dung này. Song song phải xây dựng Phong Điền đạt chuẩn đô thị loại IV; xây dựng đề án thành lập thị xã Phong Điền và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường thuộc thị xã Phong Điền.
Hiện nay, UBND huyện đã hoàn thành Quy hoạch chung đô thị Phong Điền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự kiến hoàn thành các nội dung để trình thẩm định, phê duyệt trong quý I/2021. Xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; dự kiến hoàn thành vào đầu quý II/2021.
Qua rà soát và đối chiếu theo tiêu chí của đô thị loại IV, huyện Phong Điền có một số tiêu chí chưa đạt, nhất là các tiêu chuẩn trong tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị, đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư lớn, có thời gian để triển khai. Vì vậy, chúng tôi sẽ có đánh giá, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để hoàn thành nội dung này.
Những nhiệm vụ trên tuy có thứ tự về thời gian, song huyện đang triển khai song song để cùng về đích trong thời gian sớm nhất. UBND huyện đã ban hành các kế hoạch, trong đó mỗi nhiệm vụ, mục tiêu đều được phân công, phân nhiệm vụ cụ thể cho mỗi cá nhân, đơn vị trong quá trình thực hiện.
Theo ông, Phong Điền có những thế mạnh gì có thể khai thác và phát huy, kêu gọi đầu tư, từ đó tạo sức bật cho đô thị cửa ngõ phía Bắc của tỉnh?
Phong Điền có lợi thế về địa lý - kinh tế cùng tài nguyên thiên nhiên phong phú. Trong đó, mỏ đá vôi Phong Xuân có trữ lượng 240 triệu m3; mỏ than bùn Phong Chương với trữ lượng trên 5 triệu m3; mỏ cát trắng chất lượng cao với 3.800 ha, trữ lượng cấp C2 với tổng số là 41,5 triệu m3; các loại đá có lẫn quặng sắt và phụ gia hoạt tính cho sản xuất xi măng; vật liệu xây dựng như cát, sỏi, trữ lượng khai thác hàng năm hơn 10 nghìn m3; mỏ nước khoáng nóng Thanh Tân… Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Công nghiệp & TTCN là ngành kinh tế trọng tâm: Khu công nghiệp có diện tích 700 ha (tỷ lệ lấp đầy đạt 35%) và đang định hướng mở rộng thêm 300ha. Đang có 3 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp để thu hút đầu tư. Hiện đã thu hút 14 dự án đầu tư, trong đó 13 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động. Nhiều nhà máy đang hoạt động, sản xuất có hiệu quả như Công ty SCAVI Huế, Xi măng Đồng Lâm, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đang được quan tâm đầu tư, phát triển…
Du lịch, dịch vụ được xem là ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Nhiều địa điểm du lịch đã hình thành: Suối khoáng nóng Thanh Tân, Làng cổ Phước Tích, bãi biển Điền Lộc. Nhiều địa điểm du lịch đang bước đầu đưa vào khai thác như: khu du lịch Đông Bắc, khu vực Ngũ Hồ, khu vực thượng nguồn sông Ô Lâu. Bước đầu hình thành hệ thống thương mại, tín dụng tại trung tâm An Lỗ và thị trấn Phong Điền. Ngoài ra, huyện có nguồn lao động dồi dào, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%...
Đây là những thế mạnh có thể khai thác, phát huy và kêu gọi đầu tư, tạo sức bật cho đô thị cửa ngõ phía Bắc của tỉnh. (baothuathienhue.vn 02/2)