TIN NÓNG
1. UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu tăng kiểm tra các trang trại điện mặt trời
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ vừa chỉ đạo các sở và Công ty Điện lực tăng cường quản lý điện mặt trời mái nhà trang trại đang phát triển ồ ạt tại địa phương này.
Thông tin từ văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, để đảm bảo việc phát triển điện mặt trời mái nhà tại các trang trại đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn 695/UBND-CT yêu cầu tăng cường quản lý việc xây dựng trang trại kết hợp phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương là cơ quan đầu mối tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo đúng quy định tại Thông tư 18/2020 của Bộ Công thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời; Công văn 7088 của Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động điện lực trên địa bàn, yêu cầu việc phát triển hoạt động điện lực phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch liên quan. Đặc biệt, giao cho Sở Công thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành khẩn trương nghiên cứu giải pháp quản lý việc trang trại nông nghiệp kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31.1.2021.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT tổ chức kiểm tra hoạt động các trang trại đã thực hiện ký hợp đồng bán điện với Công ty Điện lực Thừa Thiên-Huế; Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao, cho thuê và quản lý, sử dụng đất của các trang trại. Hai sở có báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 28.2.2021.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố Huế tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng trang trại trên địa bàn theo thẩm quyền nhằm đảm bảo các công trình xây dựng và hệ thống điện mặt trời mái nhà tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về xây dựng. Định kỳ kiểm tra các chủ trang trại có lắp đặt hệ thống điện mặt trời về việc tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định Thông tư 02/2020 của Bộ NN-PTNT.
Đặc biệt, công văn của UBND tỉnh cũng đề nghị Công ty Điện lực Thừa Thiên-Huế chỉ thực hiện ký kết mua điện đối với các đơn vị lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo các điều kiện kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Thực hiện công khai khả năng giải tỏa công suất các tuyến đường dây, trạm biến áp; giải quyết thủ tục đăng ký, thỏa thuận đấu nối một cách công khai, minh bạch, theo trình tự thời gian đăng ký và đúng quy định.
Trước đó, một số phản ánh từ người dân cho thấy, nhiều dự án điện mặt trời tại các huyện ven biển ở địa phương này không tuân thủ quy định của Bộ Công thương tại công văn 7088 là các tấm pin điện mặt trời phải được áp trên mái nhà của các trang trại chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản... Một số dự án không có hoạt động sản xuất nông nghiệp ở bên trong, chỉ gắn trên các bộ khung sắt, không có mái, bên trên lắp các tấm pin năng lượng thay tấm lợp, dựng trơ trọi giữa các bãi cát thuộc huyện Quảng Điền, Phong Điền... (thanhnien.vn 27/01)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Rà soát, giải quyết dứt điểm các ý kiến của người dân
Chiều 27/1, ông Nguyễn Chí Tài, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và bà Lê Thị Thu Hương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nam Đông cùng đại diện lãnh đạo HĐND, UBND huyện có buổi tiếp công dân định kỳ tại xã Hương Phú (Nam Đông).
Tại buổi tiếp, ông Nguyễn Chí Tài và lãnh đạo huyện Nam Đông đã tiếp nhận các ý kiến, phản ánh, kiến nghị tập trung một số nội dung như: Diện tích rừng trồng bị rào chắn Cao tốc La Sơn – Túy Loan nên không thể sản xuất và khai thác được; đề nghị làm đường giao thông nông thôn mới từ thôn Hà An qua thôn Đa Phú; do ảnh hưởng của bão lụt đã làm sạt lở nhiều đoạn đường gần khe suối, nếu chưa khắc phục được thì cần làm biển báo để tránh nguy hiểm cho người tham gia giao thông; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm….
Sau khi nghe báo cáo, giải trình từng vụ việc cụ thể của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Nam Đông và lãnh đạo UBND xã Hương Phú, ông Nguyễn Chí Tài đã trực tiếp trả lời, giải thích rõ các nội dung công dân trình bày. Đồng thời, ghi nhận một số ý kiến khiếu nại, phản ánh, kiến nghị và chỉ đạo huyện Nam Đông, Chủ tịch UBND xã Hương Phú cần sớm tiến hành rà soát giải quyết dứt điểm và có ý kiến trả lời cụ thể đối với từng trường hợp theo thẩm quyền pháp luật quy định. (baothuathienhue.vn 27/01)
2. Thăm, tặng quà tết gia đình tiệt sĩ và gia đình cán bộ, chiến sĩ
Ngày 27/01, Bộ CHQS tỉnh đã đến thăm và tặng quà tết các gia đình liệt sĩ, gia đình các đồng chí cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu và gia đình các đồng chí chiến sĩ đang học tập công tác tại các đơn vị Bộ CHQS tỉnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo đó, Bộ CHQS tỉnh đã đến thăm, tặng quà Tết người thân 5 gia đình liệt sĩ hy sinh khi đi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn công dân tại thủy điện Rào Trăng 3; gia đình các đồng chí cán bộ cao cấp Quân đội nguyên là Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 nghỉ hưu trên địa bàn; gia đình các đồng chí chiến sĩ đang học tập, công tác tại các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh có điều kiện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Tại các nơi đến thăm, lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh đã gửi lời động viên, thăm hỏi, chia sẻ với người thân gia đình các liệt sĩ, người thân các đồng chí cán bộ, chiến sĩ quân đội đã nghỉ hưu, đang công tác. Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh mong muốn các gia đình vượt qua khó khăn, tiếp tục phát huy truyền thống, chung tay đóng góp nhiều hơn nữa để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển. Nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc xuân Tân Sửu 2021, lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh đã trao quà tết và gửi lời chúc mừng năm mới an khang, hạnh phúc, bình an đến các gia đình. (baothuathienhue.vn 27/01)
3. Nhớ mãi giọng anh cười
(Tưởng nhớ anh Đoàn Ngọc Phú, nguyên Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế)
Quê nội anh nơi vùng sơn cước là xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Quê ngoại ở thôn Bình An (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc), một vùng quê nghèo bên chân sóng…
Năm 1953, một năm trước ngày Hiệp định Genève được ký kết, Đoàn Ngọc Phú lúc đó đã là một thiếu niên 14 tuổi, được tổ chức chính thức cho tập kết ra Bắc theo tiêu chuẩn con em cơ sở cách mạng. Anh thuộc thế hệ con em miền Nam đầu tiên được học tập, rèn luyện và trưởng thành trên đất Bắc. Nơi đây, được sự chăm sóc của Đảng và Nhà nước, anh Phú vừa học, vừa làm. Năm 1961, Đoàn Ngọc Phú là sinh viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội 1.
Học nghề dạy học nhưng anh lại đam mê và lựa chọn nghề báo, hay nói đúng hơn nghề báo đã chọn anh. Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội 1 vào năm 1964, anh vào công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, rồi chỉ 2 năm sau đó (tháng 8/1966) cho đến ngày quê hương giải phóng (1975), là phóng viên của Báo Hà Nội Mới, tờ báo của Đảng bộ Thủ đô. Làm báo trong lửa đạn chiến tranh là chấp nhận gian khó và hy sinh. Thế nhưng đối với anh Đoàn Ngọc Phú, đó là những tháng ngày tuyệt vời mà mỗi khi có dịp nhắc lại với bạn bè và đồng nghiệp, anh rất đỗi tự hào.
Mùa xuân năm 1975, niềm vui dâng trào và vỡ òa khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Là người con quê hương, đang là phóng viên của một tờ báo lớn, anh không chút đắn đo, đã có ngay trong đoàn cán bộ là con em miền Nam sinh sống và làm việc ở miền Bắc trở về quê hương để góp phần xây dựng sự nghiệp báo chí địa phương. Anh lần lượt là phóng viên của Báo Thừa Thiên Huế và từ năm 1976 khi sáp nhập tỉnh là Báo Dân, Báo Bình Trị Thiên, anh nhanh chóng được đề bạt giữ chức Thư ký Tòa soạn Báo Dân và Phó Tổng biên tập Báo Bình Trị Thiên (tháng 7/1985), sau đó là Báo Huế ngày nay, Báo Thừa Thiên Huế. Giữa tháng 8/1993, anh được chỉ định làm Quyền Tổng Biên tập và sau đó làm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế cho đến ngày nghỉ hưu vào tháng 7/2000.
Không chỉ giỏi quản lý, anh Đoàn Ngọc Phú còn được biết đến với bút danh Trúc Thanh ngay từ thời kỳ Báo Dân với những mẩu chuyện ngắn trong chuyên mục “Câu chuyện hôm nay”. Đây là chuyên mục được bố trí không cố định ở các trang, gồm những bài viết ngắn chỉ khoảng 200 - 300 chữ dưới hình thức mẩu chuyện về những điều “chướng tai gai mắt” mà người viết bắt gặp, quan sát được hay được nghe kể lại; qua đó, bày tỏ khen - chê và có những đề nghị xử lý rõ ràng, dứt khoát. Tính chất luận bàn rõ nét, hành văn ngắn gọn, giọng văn châm biếm, thu hút được sự quan tâm của bạn đọc. Truyền thống “viết mẩu” như một đặc sản của Báo Thừa Thiên Huế, có thể xem đã bắt đầu từ đây.
Một trong những bài viết gây ấn tượng của Trúc Thanh mà nhiều bạn đọc lớn tuổi bây chừ vẫn còn nhớ là bài “Từ chiếc xe đến cái giường”. Nội dung bài viết nêu lên thực tế điển hình dưới thời bao cấp là việc mua hàng phân phối theo tiêu chuẩn quy định dành cho cán bộ, công nhân viên chức. Hàng phân phối bên cạnh các loại lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu còn có các loại phụ tùng xe đạp và cả giường nằm. Oái ăm thay là không ít trường hợp đã phải “cười ra nước mắt”, khi mua phụ tùng xe đạp đã “chọn rất kỹ rồi vẫn khó tìm cái có thể sử dụng được ngay”, hay mua giường nằm thì khổ nỗi, “có cái không có cọc màn, đinh vít”. Vậy là phải tìm mọi cách để chắp vá. Từ thực tế này, tác giả kết luận, đã đến lúc cần “phải có sự quản lý từ khâu sản xuất đến phân phối lưu thông”.
Hàng chục năm gắn bó với tờ báo Đảng bộ địa phương, Tổng Biên tập Đoàn Ngọc Phú là người đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Không chỉ am tường công việc quản lý, đáng ghi nhận ở anh là tinh thần trách nhiệm và sự kỹ lưỡng đến lạ kỳ. Không bao giờ quên được lời anh bảo, làm biên tập viên hay tòa soạn như một lính canh, phải biết “mài đũng quần”. Mà anh làm thiệt. Căn phòng làm việc của anh bao giờ cũng sáng đèn và sẵn sàng để cửa dành cho mọi người. Hằng ngày, anh chăm chút từng số báo hay bài viết và cả những giấy tờ, công văn. Sợ sai sót, khi biên tập bài anh cứ hay dí bút rà kỹ và đọc thầm từng chữ một. Ngay cả thư cộng tác viên gửi đến, thấy viết sai chính tả hay câu cú què cụt, anh cũng biên tập lại (!).
Những cuộc họp giao ban do anh chủ trì thường không “vòng vo tam quốc” mà đi thẳng vào vấn đề và bao giờ anh cũng có kết luận, chính kiến rõ ràng đối với từng vấn đề cụ thể. Không thể quên được ở anh cái khoát tay dứt khoát và câu nói quen thuộc, “cứ rứa mà làm”.
Nhớ nhất là sau đại hồng thủy 1999, cơ quan bị ngập nặng. Ngày anh em tập trung trở lại, phòng làm việc ngổn ngang và ướt át, điện cũng không có. Với sự chỉ đạo kiên quyết của Tổng Biên tập Đoàn Ngọc Phú, các phóng viên nhanh chóng tỏa về các địa phương trong tỉnh. Bài vở về bão lụt tới tấp được gửi về tòa soạn không đăng tải kịp, anh chỉ đạo liên lạc để fax cho nhiều tờ báo Trung ương và địa phương. Thông tin về bão lụt ở Thừa Thiên Huế ngập tràn sóng truyền hình quốc gia và trên các báo. Không chỉ uy tín được nâng lên mà Báo Thừa Thiên Huế cũng đã qua đó có thêm nhiều đồng nghiệp đáng quý.
Tận tâm, trách nhiệm và cũng sẵn sàng “nổi nóng” với công việc, nhưng Tổng Biên tập Đoàn Ngọc Phú lại sống rất gần gũi và đầy tình yêu thương đồng nghiệp, nhất là đối với những người trẻ. Bài viết hay biên tập vô ý để sai sót bị anh la, chúng tôi chỉ buồn mà không hề giận. Có những bài viết đụng vào vấn đề “nhạy cảm” có tiếng xì xào và cả những lời nhắn gửi này nọ từ một ai đó có chức quyền. Phải trái rõ ràng, anh thận trọng tìm hiểu kỹ càng và nhiều trường hợp đã kiên quyết bảo vệ phóng viên tới cùng.
Cách nay hơn 20 năm, buổi chiều hôm trước ngày anh Phú chuẩn bị nghỉ hưu, tôi lúc đó là Thư ký Tòa soạn băn khoăn không biết xử lý công việc ra sao thì bất ngờ nhận được cú điện thoại của anh, bảo đem bài lên duyệt. Mở cửa phòng, tôi ngạc nhiên thấy vẫn y nguyên, như không hề chuẩn bị có sự chia ly nào cả. Anh vẫn cặm cụi làm việc bên chiếc bàn ngổn ngang các loại giấy tờ. Tôi bảo sao anh không nghỉ. Anh nhẹ nhàng: “Không có chi mô, cứ để anh làm cho vui”. Ít ai biết rằng, buổi chiều hôm đó, anh đã làm việc như bao ngày bình thường khác. Tận tâm và say mê công việc đến thế là cùng…
Tôi đã nhớ lại phút giây của buổi chiều khi đến thăm anh lần cuối cùng. Nhìn anh nằm, bình thường như đang trong một giấc ngủ say mà tôi như muốn khóc. Vẫn mái tóc bồng bềnh mang dáng dấp của một nghệ sĩ, vẫn khuôn mặt hiền từ và cả dáng người thân quen…
Bỗng như chợt nhớ, còn thiếu nụ cười sang sảng, khó tả thành lời của anh. Nó gần gũi và hào phóng, mạnh mẽ và độ lượng, nghiêm khắc và cũng rất đỗi yêu thương.
Tất cả giờ đây chỉ còn hoài niệm và với tôi cũng như nhiều đồng nghiệp ở Báo Thừa Thiên Huế, anh mãi mãi là vị sếp đáng kính, người anh yêu thương và là người bạn chân tình! (baothuathienhue.vn 28/01)
4. Lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế tuyệt đối tin tưởng và kỳ vọng vào Đại hội Đảng lần thứ XIII
Cùng với đồng bào, chiến sĩ và Đảng viên cả nước, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên-- Huế tràn đầy niềm tin và kỳ vọng hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.
Hiện nay, các hoạt động thi đua sôi nổi hướng về Đại hội được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai đồng bộ, thống nhất. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội; ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đẩy mạnh tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của trung ương và địa phương; tăng cường triển khai các phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an ninh, an toàn cho Đại hội Đảng, đồng thời tăng cường hoạt động của Lực lượng 47, tích cực đấu tranh, phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trên không gian mạng; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Thiếu úy Phan Thị Ngọc Anh, Nhân viên Thư viện, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh tâm sự: “Những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong năm 2020 đã chứng minh được vị thể ưu việt của thể chế chính trị mà nước ta đang xây dựng.
Là một Quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, tôi tự hào được sống trong một đất nước yên bình. Đồng thời hy vọng Đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới sẽ tiếp tục chèo lái con thuyền của nước ta phát triển nhanh và bền vững, vị thế của Việt Nam sẽ ngày càng cao trên trường quốc tế.
Binh nhất Lê Kim Bin, Trung đội Vệ binh, Phòng Tham Mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa thiên Huế cho hay:"Hướng về Đại hội thì đảng viên, cán bộ, chiến sĩ đơn vị chúng tôi đang ra sức đẩy mạnh các hoạt động với phương châm "Xung kích huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao", nâng cao chất lượng các công trình, phần việc thanh niên để dâng lên Đại hội XIII của Đảng những thành quả ý nghĩa nhất.".
Đại tá Hoàng Văn Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế tâm sự: “Tôi tin tưởng rằng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ sáng suốt lựa chọn những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược lãnh đạo đất nước hoàn thành nhiệm vụ và trọng trách của mình trên cương vị mới”. (baophapluat.vn 27/01)
5. Đầu tư cho văn hóa di sản
Cùng với những nỗ lực “hồi sinh” di sản, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa để phát triển đô thị dựa trên nền tảng văn hóa di sản theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
“Hồi sinh” di sản
Ngày đầu năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khai trương không gian Ngọ Môn sau khi được phục hồi toàn diện từ dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn giai đoạn 2. Dự án được đầu tư tổng kinh phí khoảng 44 tỷ đồng, thực hiện tu bổ các hạng mục: Sơn thếp toàn bộ cấu kiện gỗ lầu Ngũ Phụng (hai tầng nhà chính và Tả, Hữu Dực Lâu) bằng kỹ thuật sơn truyền thống; tu bổ hạ tầng xung quanh khu vực Ngọ Môn, như: sân, mặt cầu qua hồ Kim Thủy, cầu Trung Đạo, hệ thống lan can hồ Kim Thủy, hồ Thái Dịch, bia “Khuynh cái hạ mã”, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, nội thất...
Ngoài chức năng là cổng chính ra vào Hoàng Cung, Ngọ Môn còn là lễ đài trong nhiều sự kiện trọng đại của triều đình nên luôn được quan tâm trùng tu, sửa chữa. Sau ngày đất nước thống nhất, với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế, Ngọ Môn trải qua nhiều đợt trùng tu. Đặc biệt, năm 2012, dự án trùng tu tổng thể Ngọ Môn chính thức được triển khai với số vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Đến thời điểm hiện tại, Ngọ Môn đã được phục hồi toàn diện, mang lại diện mạo khang trang cho Hoàng cung.
Điện Thái Hòa, công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn cũng sắp được bảo tồn, tu bổ tổng thể. Dự án có tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng, trong đó Chính phủ bố trí nguồn vốn 100 tỷ đồng. Theo phương án phục hồi, tu bổ và tôn tạo điện Thái Hòa, sẽ hạ giải toàn bộ mái lợp, phục hồi mái hạ, mái thượng lợp bằng ngói ống hoàng lưu ly; hạ giải toàn phần hệ khung và các kết cấu gỗ để đánh giá chất lượng từng cấu kiện và đề xuất phương án tu bổ phục hồi chi tiết; phục hồi sơn son thếp vàng toàn bộ các cấu kiện gỗ; đồng thời, tôn tạo lại hệ thống sân đường, lan can.
Sau chiến tranh, Quần thể Di tích Cố đô Huế bị tàn phá nghiêm trọng nhưng dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đạt kết quả to lớn. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, từ khi được công nhận là di sản thế giới đến nay, di tích Huế được phục hồi khá tốt. Hệ thống kiến trúc, di sản văn hóa phi vật thể tưởng như mai một đã được khôi phục lại, trở thành tài nguyên phát triển văn hóa, du lịch, xây dựng thành phố Festival.
Khoảng 130 công trình di tích lớn nhỏ được đầu tư trùng tu, bảo tồn, tiêu biểu là Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh… Hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết, bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa… đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn.
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho rằng, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ. Di sản văn hóa không chỉ là phương tiện đưa Huế hội nhập sớm với thế giới mà đã thực sự trở thành nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội. Với vị thế đã được khẳng định, Quần thể Di tích Cố đô Huế cần được tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị, phục hồi, làm sống lại các không gian di sản, tạo sinh lực mới để góp phần đưa Huế trở lại vị trí đã từng có trong lịch sử; chuyển hóa quần thể thành hạt nhân, động lực chủ yếu trong chiến lược phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng trở thành đô thị di sản.
Sẽ đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Huế gần như không có các thiết chế văn hóa trọng điểm, trong khi một đô thị di sản, thành phố văn hóa đòi hỏi rất nhiều thiết chế văn hóa. Hệ thống nhà hát, thư viện, bảo tàng chưa tương xứng với vị thế của vùng đất. Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã thành lập cách đây 2 năm, nhưng vẫn chưa có trụ sở chính. Điều này khiến bảo tàng lỡ mất những cơ hội được đầu tư hợp tác khi làm việc với các đối tác trong nước và quốc tế. Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh xây dựng đã quá lâu, chưa đáp ứng những yêu cầu hiện đại của một trung tâm tổ chức sự kiện...
Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Để hiện thực hóa chủ trương này, phải có các thiết chế văn hóa để khai thác, phát huy giá trị. Vì thế, cấp thiết phải có chiến lược đầu tư xứng đáng để có hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại; đưa Huế trở thành nơi khai thác tốt các giá trị di sản, tiềm năng văn hóa, nơi tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, nghệ thuật.
TS. Phan Thanh Hải cho rằng: “10 năm tới là khoảng thời gian chúng ta phải đầu tư rất nhiều thiết chế văn hóa. Một trung tâm văn hóa, trung tâm hội nghị quốc tế tương xứng; nhà hát cũng phải thật đẹp; bảo tàng, thư viện cũng là những nơi hấp dẫn có thể thu hút khách tham quan. Những công trình này phải được đặt ở những vị trí đẹp nhất, có thể đầu tư từng bước nhưng quy mô đầu tư xây dựng phải hướng đến tầm nhìn lâu dài 50-100 năm, khi Huế sẽ là một trung tâm văn hóa lớn, không chỉ ở khu vực mà cả châu Á và thế giới”. (baothuathienhue.vn 28/01)
VĂN HÓA
1. Cư dân mạng “choáng” khi lần đầu thấy NSND Hồng Vân ăn mặc hở và dữ dằn “nhiều” đến thế!
Có lẽ chưa bao giờ NSND Hồng Vân lại ăn mặc hở nhiều và dữ dằn nhiều đến vậy trong phim Tết “Gái già lắm chiêu V”.
Nhân vật Lý Lệ Hồng của NSND Hồng Vân là mảnh ghép quan trọng tạo nên bộ ba chị em tài sắc vẹn toàn nức danh xứ Huế. Đạo diễn Namcito tiết lộ: ”Để thuyết phục chị Hồng Vân quay trở lại với Gái già lắm chiêu V lần này, bên cạnh phải có một vai diễn hay, nhiều uẩn khúc thì chúng tôi đã phải trả thù lao cho chị rất cao, cho nên vai diễn Lý Lệ Hồng không thể đơn giản và chỉ xuất hiện vài phân đoạn với vai trò gây hài trong phim đơn thuần”.
Đây là vai diễn 3 trong 1 của NSND Hồng Vân, là nhân vật mang nhiều bộ mặt nhất phim. Bên cạnh là cây hài chính của phim thì đến những đoạn buồn bã, cũng chính Lý Lệ Hồng cân tuyến bi để lấy nước mắt khán giả. Chưa hết, Lý Lệ Hồng còn là “ác nữ” chuyên đâm bị thóc, chọc bị gạo, gây nên những cuộc xáo trộn trong Lý gia.
NSND Hồng Vân cũng thừa nhận cô đã dồn rất nhiều tâm huyết và thời gian cho đoàn phim. Hồng Vân tiết lộ: “Tôi đã 3 lần chết hụt nên tôi rất sợ nước. Trước đây, mỗi khi nhận phim điều đầu tiên tôi hỏi là có cảnh tắm không, có rớt xuống nước không mới dám nhận. Vậy mà với Gái già lắm chiêu V, tôi chấp nhận tất cả, thậm chí tôi phải dầm mưa suốt đêm dưới 3 cái vòi rồng xịt nước làm giả mưa trong cảnh quay trên cầu Dã Viên, đến mức ngã bệnh ngay sau đó. Nhưng tôi không nề hà, bởi đây là vai diễn mà từ khi đọc kịch bản tôi đã muốn có được nó ngay!”.
Đạo diễn Bảo Nhân cho biết: “Cũng chính vì rất tâm đắc với vai diễn này mà chị Hồng Vân đã quyết định dừng hết công việc để dành suốt 1 tháng trời ăn dầm ở dề ngoài Huế cho thấm nhân vật chứ không chạy show giống như trước. Dù không nói ra nhưng tôi rất cảm kích vì tinh thần làm việc của các nghệ sĩ lớn. Cách lao động nghệ thuật của họ rất đáng để chúng tôi cũng như các đàn em học tập”. (svvn.tienphong.vn 27/01)
2. Vương triều Nguyễn với những dấu ấn lịch sử và di sản văn hóa
Ngày 27/1, tại hội trường Sở Văn hóa & Thể thao đã diễn ra tọa đàm khoa học với chủ đề “Vương triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX (1802-1840) với những dấu ấn lịch sử và di sản văn hóa”. Buổi tọa đàm do Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam và Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế phối hợp tổ chức.
Triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng tại Việt Nam, với gần 150 năm tồn tại (1802-1945). Vương triều Nguyễn, đặc biệt là giai đoạn vua Gia Long, vua Minh Mạng trị vì đã để lại cho dân tộc những di sản văn hóa vô cùng phong phú và có giá trị đặc biệt. Huế là kinh đô của vương triều Nguyễn nên đã thừa hưởng được nhiều di sản văn hóa quan trọng.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, những di sản lịch sử và văn hóa do hoàng đế Gia Long nói riêng và triều Nguyễn nói chung để lại rất lớn. Trong đó, nhiều di sản đã được các thế hệ ngày nay tôn vinh, khai thác và phát huy giá trị hiệu quả trong phạm vi quốc gia, khu vực và trên thế giới, như các bảo vật quốc gia triều Nguyễn, Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc, Mộc bản, Châu bản, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, nhà sử học, nhà nghiên cứu ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc; chia sẻ những nghiên cứu, hiểu biết về giá trị lịch sử của vương triều Nguyễn đã để lại trên nhiều mặt, như: thể chế, tổ chức bộ máy, chế độ quan lại, thi cử, địa giới hành chính; kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, hàm chứa nhiều giá trị nổi bật về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, giáo dục… dưới triều Nguyễn.
Tọa đàm là tiền đề quan trọng để tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về “Vương triều Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX (1802 - 1840)” dự kiến diễn ra vào tháng 6 năm nay. (baothuathienhue.vn 27/01)
3. Cách nấu bún bò Huế thơm ngon, chuẩn hương vị cố đô
Để nấu được món bún bò Huế chuẩn vị cố đô, chị em nội trợ cần phải tỉ mỉ ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu. Nhưng không phải quá khó, nếu chị em làm theo công thức dưới đây.
Bún bò Huế được xếp vào 1 trong 50 món ăn ngon nhất thế giới. Món bún bò Huế là món ăn được mọi gia đình Việt yêu thích vì hương vị đặc trưng của thịt bò, lá sả và mùi ớt sa tế cay cay nồng nồng đậm đà. Cách nấu bún bò Huế ngon cần phải có bí quyết riêng.
Dưới đây là hướng dẫn nấu bún bò Huế ngon nhất từ chuyên gia ẩm thực giúp bạn nấu được những tô bún bò Huế chuẩn ngon khiến ai cũng phải khen...
- Bắp bò: 500gam, Gân bò: 3 lạng.
- Móng giò: 1 chiếc (chọn giò trước).
- Xương ống (lợn hoặc bò): 500gam.
- Mắm ruốc Huế.
- Gia vị: sả, gừng, hành tím khô, tỏi, ớt bột, bột nêm, đường, dầu điều.
- Bún: 400 gam.
- Rau sống (rau ngổ, rau mùi, rau giá, hành tươi, hoa chuối thái).
- Ngoài ra có thể chuẩn bị thêm giò lụa, chả thịt, chả cua, tiết lợn...
Cách làm:
Bước 1:
Sả, gừng rửa sạch, đập dập.
Giò heo lóc xương. Phần bắp heo cuộn lại, dùng chỉ hoặc sợi lát buộc chắc.
Cuộn tròn tấm thịt nạm bò cho chắc tay, buộc chắc lại. Bắp bò cũng dùng dây bó cho chặt (Việc bó thịt lại giúp thịt khi nấu chín ít bị co lại). Sả, gừng rửa sạch, đập dập.
Bước 2:
Bắc nồi nước sôi cho xương và bắp bò, nạm bò, gân bò, giò heo vào trần qua (vớt hết bọt đi để món ăn được đẹp mắt nhé)
Sau đó cắt gân thành miếng vừa ăn.
Pha 3 thìa canh mắm ruốc Huế với ½ chén nước, rồi quấy đều.
Bước 3: Ướp thịt
Ướp tất cả thịt với 2 thìa canh đường, 1 thìa canh muối, ½ thìa canh bột ngọt, 1 thìa canh mắm ruốt (đã pha loãng), 2 thìa canh hành tím băm, 2 thìa canh tỏi băm, 2 thìa canh sả băm.
Bước 4: Hầm thịt và xương:
- Lót 3 cây sả và ½ lượng gừng ở đáy nối áp suất, cho xương heo và thịt giò heo vào, cho nước sâm sấp mặt thịt, đậy kín, đun sôi (nghe tiếng reo) thì hạ nhỏ lửa đun thêm 5 phút. Vớt bắp giò heo ra thau nước lạnh (làm như thế thịt sẽ chắc, không bị bở).
- Lại lót phần sả và gừng còn lại ở đáy nồi áp suất, cho thịt bắp bò, nạm bò và gân bò vào, cho nước sâm sấp mặt thịt. Sau đó đậy kín nắp, đun sôi (nghe tiếng reo) thì hạ nhỏ lửa đun thêm 20 phút là được. Khi đó, chúng ta vớt bắp bò và nạm bò vào thau nước lạnh cho thịt được chắc.
Bước 5: Nấu nước dùng
- Phần nước hầm thịt bò và nước hầm xương đổ chung vào 1 nồi, sau đó thêm nước lạnh cho vừa 5 lít nước.
- Bắc nồi nước lên bếp đun sôi, nêm gia vị: 3 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh muối, 2 muỗng canh đường, 2 muỗng café bột ngọt, chén mắm ruốt Huế đã pha loãng. Nếm thử và điều chỉnh gia vị cho vừa khẩu vị.
* Lưu ý: Để nước dùng thơm và có màu đẹp: Làm nóng 2 muỗng canh dầu, phi thơm 1,5 muỗng canh sả băm, 1 muỗng canh tỏi băm. Khi sả và tỏi săn lại, thơm thì cho 2-3 muỗng canh dầu màu điều vào và tắt bếp.
Bây giờ chỉ cần đổ hỗn hợp này vào nồi nước xương ninh là được.
Bước 6: Trình bày:
- Chuẩn bị rau mùi: Cắt nhuyễn ít rau răm, hành, ngò và cắt lát mỏng hành tây.
- Thịt lợn cắt lát mòng, bún trần qua nước sôi để tạo độ mềm cho sợi bún.
- Xếp thịt, gân, chả, rắc ít rau mùi, chan nước dùng. Dọn kèm rau muống chẻ, bắp chuối bào, giá, rau thơm, chanh ớt...
Hướng dẫn làm sa tế ăn bún bò
Nguyên liệu bao gồm:
Ớt tươi (ớt sừng hoặc ớt chỉ thiên): 1 lạng
Tỏi: 1 củ
Dứa: 1 quả
Sả tươi: 5 nhánh
Gia vị khác: Đường, muối, dầu ăn
Cách làm:
– Trước lên, bạn làm nóng chảo, thêm 2 muỗng dầu ăn.
– Dầu sôi, bạn cho tỏi cùng sả đã băm nhuyễn vào phi thơm.
– Tiếp đó, bạn cho dứa đã cắt nhỏ vào, đảo đều tay cùng hành xả. Nêm vào hỗn hợp 1 thìa nhỏ muối, 2 thìa đường rồ tiếp tục đảo đều tay.– Xác ớt bột sau khi đã vắt bỏ bớt nước bạn băm nhuyễn và cho vào chảo xào cùng dứa, tỏi, sả. Đảo đều tay đến khi hỗn hợp sánh keo lại thì tắt bếp, để nguội có thể dùng được ngay.
Chúc các bạn thành công! (giaoducthoidai.vn 28/01)
XÃ HỘI
1. Lo tết cho sinh viên khó khăn
Năm nay, hàng ngàn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai sẽ được hỗ trợ tàu, xe về quê và nhiều món quà.
Đưa sinh viên về quê
Ngay từ đầu tháng 1/2021, nhiều trường đại học (ĐH) tại Huế đã khởi động các hoạt động kêu gọi để hỗ trợ quà, vé tàu xe tết cho sinh viên. ThS. Lê Chí Hùng Cường, Bí thư Đoàn Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế cho biết, cùng với việc kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ, Đoàn trường cũng tổ chức chương trình xổ số vui xuân 2021, gây quỹ hỗ trợ chương trình “Xe đưa sinh viên về tết” và trao quà tết cho sinh viên nghèo.
Năm nay, Trường ĐH Nông Lâm dự kiến tổ chức 7 chuyến xe đưa sinh viên về quê đón Tết Tân Sửu, phạm vi ở khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, hỗ trợ cho khoảng 230 lượt sinh viên theo nhu cầu đăng ký của người học và bình bầu từ các lớp.
ThS. Hoàng Phi Hải, Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế chia sẻ, năm nay, khả năng sẽ có 5 – 6 chuyến xe đưa khoảng 300 sinh viên từ Nghệ An đến Quảng Ngãi về quê, nhiều hơn khoảng 1 – 2 xe so với năm 2020. Đối tượng sinh viên được hỗ trợ sẽ được khảo sát kỹ nhằm giải quyết những khó khăn của sinh viên để chuyến xe tết về quê sẽ là chuyến xe nhiều niềm vui.
Một số trường không tổ chức trực tiếp đưa sinh viên về quê dịp tết cũng sẽ tặng vé tàu, xe hoặc chi phí tương đương vé tàu, xe theo từng địa phương để hỗ trợ sinh viên. Trong khi Trường ĐH Kinh tế huy động khoảng 60 triệu đồng hỗ trợ vé tàu, xe cho sinh viên về quê và tặng quà cho các sinh viên không về quê đón tết thì tại Trường ĐH Khoa học, ngoài hỗ trợ các suất học bổng cho sinh viên đặc biệt khó khăn, sẽ có 100 – 130 sinh viên khó khăn được hỗ trợ một phần kinh phí về quê đón tết. Anh Nguyễn Tường Du, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Khoa học cho biết: “Mỗi suất quà năm nay trị giá 250 – 450 nghìn đồng, tương đương với vé tàu, xe của từng địa phương”.
Quà tết sẽ nhiều hơn
Anh Võ Đức Toàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Y – Dược, ĐH Huế chia sẻ, qua kênh hỗ trợ sinh viên, năm ngoái đã trao 236 suất quà tết với tổng số tiền lên đến 85 triệu đồng. Năm 2020 xảy ra nhiều biến động do dịch bệnh, thiên tai, kênh hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Y – Dược đẩy mạnh vận động, tổ chức chương trình “Tết ấm sinh viên” dịp gần tết Âm lịch với số lượng suất quà và lượng quà nhiều hơn để động viên sinh viên. Để phù hợp với nhu cầu khác nhau của sinh viên, chương trình chủ yếu tặng tiền mặt.
Theo đại diện Trường ĐH Nông Lâm, bên cạnh huy động các nguồn lực của nhà trường, các nguồn vận động từ cán bộ, giảng viên và sinh viên, sẽ có nhiều doanh nghiệp đồng hành tặng quà tết cho sinh viên, hỗ bữa ăn sáng, quà khi sinh viên về quê. Hiện nay, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cũng đã tặng 5.000 quả trứng làm quà cho sinh viên. Trước lúc sinh viên về quê đón tết, cũng có những phần quà hỗ trợ sinh viên ảnh hưởng do thiên tai.
Đại diện một số trường còn tiết lộ, với các trường hợp sinh viên Lào đang theo học tại Việt Nam nhưng không về nước do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sẽ có các phần quà tết để động viên, giúp họ vui tết đón xuân trên đất Cố đô. (baothuathienhue.vn 27/01)
DU LỊCH
1. Đừng để đường bích họa thành… tai họa
Nhiều tuyến đường bích hoạ được hình thành, tạo không gian mới lạ thu hút nhiều người tìm đến dạo chơi, chụp hình. Tuy nhiên, một số con đường bích họa không có vỉa hè, dẫn tới tình trạng mất an toàn, gây nguy hiểm cho người chụp hình.
Một số bạn trẻ chụp ảnh ở đường bích họa dưới chân cầu Chợ Dinh trong khi các phương tiện đi lại qua đoạn đường này rất đông, vô cùng nguy hiểm
Ngoài đường bích họa dọc tường thành trên đường Huyền Trân Công Chúa (P. Thuỷ Biều, TP. Huế), gần đây có hai con đường bích họa khác thu hút rất đông người dân, du khách chụp hình nằm ở địa phận xã Phú Thượng, huyện Phú Vang. Đó là đường bích họa ở cuối tuyến đường Nguyễn Sinh Cung thuộc thôn Tây Thượng, và đường bích họa nằm ở phía Nam dưới chân cầu Chợ Dinh.
Dù mới hình thành hoặc được vẽ từ trước đó, những con đường bích họa nói trên đã góp phần tái hiện những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Huế để quảng bá du lịch, tạo điểm nhấn cho các tuyến đường. Ở đó, người dân, du khách có thể bắt gặp một Huế thu nhỏ với những danh thắng như cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, sông Hương, cầu ngói Thanh Toàn, cung An Định, biển Thuận An… được vẽ trên mảng tường lớn dọc theo các tuyến đường.
Không ai là không tỏ ra thích thú khi đứng trước những bức bích họa được vẽ như thật, với màu sắc vô cùng ấn tượng nên hầu hết muốn dừng lại để chụp hình. Thế nhưng, ngay chính những con đường ấy không có vỉa hè, vì quá ham thích chụp hình nhiều người vô tư đứng tràn ra giữa lòng đường trong khi các phương tiện di chuyển qua lại rất nhanh, vô cùng nguy hiểm.
Tại đoạn đường bích họa hình thành mới đây dưới chân cầu Chợ Dinh, những ngày cuối tuần, rất đông các bạn trẻ tìm đến vui chơi, chụp ảnh. Nhiều người trong số đó chỉ vì muốn có một tấm hình ảnh đẹp mà bất chấp nguy hiểm. Người được chụp lẫn người cầm máy chụp vô tư đứng tràn ra mặt đường, trong khi đoạn đường này là đường một chiều, phương tiện di chuyển qua lại rất đông với tốc độ nhanh nên nguy cơ dẫn tới tai nạn rất cao.
Nhiều người chạy xe từ đường Nguyễn Sinh Cung khi rẽ vào tuyến đường này không khỏi giật mình khi bất ngờ gặp rất nhiều người tràn xuống đường để vui chơi, chụp ảnh. Vì thế, họ phải bóp còi và hét lên để cảnh báo. Thế nhưng mọi chuyện rồi đâu cũng vào đấy.
“Từ ngày có tuyến đường bích hoạ này, không gian ở đây trở nên đẹp hơn. Nhưng nó cũng vô cùng nguy hiểm, vì không có vỉa hè. Ai tới đây cũng xúng xính áo, hoa để chụp hình mà quên rằng sát các tấm bích họa là đường giao thông, xe cộ chạy rất nhanh. Vì thế, theo tôi cần có những biển cảnh báo, vạch chỉ đường để mọi người biết. Chứ chỉ vì một tấm hình đẹp mà gặp chuyện không may xảy ra thì rất tiếc”, anh Phan Trung, người dân sống gần đó nói.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo UBND xã Phú Thượng cho biết, sau khi nắm thông tin sẽ cho các bộ phận liên quan gắn biển cảnh báo để người dân, du khách cảnh giác trong quá trình tham quan, chụp hình ở đường bích họa. Ngoài ra, có kế hoạch sắp xếp, bố trí chỗ gửi xe một cách hợp lý, thuận tiện nhất có thế; đồng thời, yêu cầu mọi người thận trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân và người đi đường. (baothuathienhue.vn 27/01)
2. Tua tết: Khách tăng, giá giảm
Các doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng ở sự tăng trưởng khách nội địa so với năm trước, nhất là sau thời gian hiu hắt bởi COVID-19. Du khách mua tua Tết còn được hưởng giá ưu đãi, ít chịu phụ thu dịp lễ tết.
Khách nội nhiều hơn
“Chúng tôi kỳ vọng khách du lịch Tết năm nay tăng hơn năm ngoái, do dồn toàn bộ lượng khách đi nước ngoài sang du lịch trong nước. Cụ thể Tết 2020, chúng tôi phục vụ khoảng 10.000 lượt khách trong đó khách quốc tế là 6.000, khách nội địa 4.000. Còn năm nay, dự kiến lượng khách trong nước sẽ tăng, ước tính khoảng 8.000 lượt”, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours nói. Thị trường sôi động hơn thời điểm trước, lượng tua bán ra đạt hơn 60% kế hoạch.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội cho biết, dự kiến mùa Tết này công ty phục vụ khoảng 35.000 lượt khách, tăng 135% so với 2020. Hiện tỷ lệ bán tua Tết của Vietravel khoảng trên 65%. “Các năm trước, thị trường du lịch Tết bao gồm du lịch nước ngoài và trong nước để khách lựa chọn, nay chỉ còn du lịch trong nước. Do đó dự báo nhu cầu du lịch trong nước sẽ cao”, ông Bảy cho hay.
Cũng theo ông Bảy, bên cạnh tua trọn gói gồm dịch vụ ăn ở, đi lại, hướng dẫn viên và tham quan theo lịch trình có sẵn, đơn vị mở bán thêm riêng vé máy bay hoặc combo vé máy bay và khách sạn cho du khách có nhu cầu du lịch tự túc. Các gói tua được chia theo dịch vụ 3 sao, 4 sao, 5 sao để khách chọn phù hợp với kinh phí du lịch khám phá hay nghỉ dưỡng, trải nghiệm khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Ưu đãi lớn
Năm nay, do không đón được khách quốc tế, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn không hề căng. “Giá tua cũng không bị phụ thu cao như những Tết trước, thậm chí nhiều nhà cung cấp dịch vụ còn triển khai nhiều chương trình ưu đãi như giảm giá hoặc tặng các dịch vụ gia tăng”, ông Nguyễn Công Hoan nói. Các khu nghỉ dưỡng sang trọng của Vingroup, Sungroup và nhiều thương hiệu lớn đều có gói ưu đãi về lưu trú theo hướng “chất lượng cao cấp giá bình dân”.
Trong lúc thị trường chỉ gói gọn ở tua nội địa thì các sản phẩm du lịch sẽ cạnh tranh nhiều hơn, khách hàng cũng sẽ trở nên khắt khe hơn. Theo ông Hoan, giảm giá đôi khi không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm mới, tính cá biệt hóa cao đem lại nhiều trải nghiệm khác biệt cho khách. Về sản phẩm tua Tết năm nay, ngoài các sản phẩm truyền thống thì để tăng sức hấp dẫn, Flamingo Redtours làm mới các hành trình bằng cách lồng ghép thêm nhiều trải nghiệm (chào cờ, hát quốc ca tại các điểm linh thiêng như Cột cờ Lũng Pô, Mũi Cà Mau).
Ông Phạm Văn Bảy phân tích, mặc dù Tết nhưng giá tua nội địa tiết kiệm 15 - 30% so với Tết năm ngoái. Đây là do doanh nghiệp lữ hành sớm lên kế hoạch phối hợp cùng các đơn vị cung ứng dịch vụ cho tua Tết, từ điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn và hàng không đều liên kết để kích cầu du lịch nội địa. Các chuỗi nghỉ dưỡng, điểm vui chơi giải trí lớn đều áp dụng gói ưu đãi hút khách. Chẳng hạn Vinpearl Festive là chương trình ưu đãi đến 49% đặt phòng tại Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng-Hội An. Gói Tết Sang dành riêng cho Tết Nguyên đán với giá ưu đãi từ gần 5 triệu đồng/người từ Hà Nội, hoặc gần 4 triệu đồng/người từ TPHCM để tận hưởng kỳ nghỉ 3 ngày 2 đêm đã bao gồm vé máy bay khứ hồi và phòng nghỉ tại Vinpearl.
Khách có xu hướng lựa chọn các điểm đến an toàn, thuận tiện cho việc di chuyển, gần gũi với thiên nhiên, nhiều hoạt động trải nghiệm nên các khu nghỉ dưỡng cao cấp gần Hà Nội như Đại Lải, Cát Bà, Hòa Bình, Ba Vì...luôn có tỉ lệ lấp đầy khá cao. Với khách chọn đường bay, thì Phú Quốc, Quy Nhơn, Phú Yên, Buôn Mê Thuột - Pleiku, Huế - Đà Nẵng, Cần Thơ - Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng vẫn được săn đón nhất. Cung đường bộ có các điểm hấp dẫn như Sapa, Mộc Châu, Mộc Châu - Sơn La, Hà Giang, Hạ Long, vịnh Lan Hạ- du thuyền 5 sao hoặc tắm Onsen, bay thủy phi cơ. Saingontourist là đơn vị đưa khách phía Nam ra Bắc cũng tổ chức nhiều tua Tết tới Sapa, Lạng Sơn, Cao Bằng-Bản Giốc-Ba Bể, Ninh Bình-Hạ Long-Yên Tử.
Làn gió mới năm nay chính là sản phẩm xuyên Việt kéo dài 18 ngày qua các điểm Hà Nội - Quảng Bình - Huế - Đà Nẵng - Hội An - Quy Nhơn - Tuy Hòa - Nha Trang - Vĩnh Hy - Ninh Thuận - Đà Lạt - Mũi Né- Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Ông Phạm Văn Bảy phân tích, tua xuyên Việt này có nhiều ưu điểm vượt trội: du khách tùy chọn tuyến hành trình muốn ghép, tua ghép có lịch trình linh hoạt từ 4 đến 9 ngày, không bắt buộc đi toàn bộ hành trình. Giá tua tiết kiệm chỉ từ 900 nghìn đến 1,2 triệu đồng/ngày. Khách được tự do khám phá, tham quan điểm đến, thưởng thức ẩm thực, đặc sản địa phương.
Bộ VHTTDL ban hành văn bản số 5050 về triển khai các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Cụ thể, bộ đề nghị các sở chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch, các cơ sở hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, bảo tàng, ban quản lý di tích danh lam thắng cảnh và nhiều cơ sở khác áp dụng quy trình phòng chống COVID-19. Các cơ sở lưu trú du lịch đăng ký và khai báo an toàn COVID-19 hàng ngày. (tienphong.vn 27/01)
MÔI TRƯỜNG
1. Đảm bảo vệ sinh môi trường dịp Tết Nguyên đán
Ngày 27/1, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế cho biết, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, đơn vị này đã có thông báo về công tác thu gom rác thải dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Theo đó, từ 14h ngày 9-10/2 (nhằm ngày 28-29 tháng Chạp, Âm lịch), Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế sẽ tăng ca thu gom rác trên tất cả các tuyến đường, kiệt trên địa bàn thành phố. Riêng ngày 11/2 (nhằm ngày 30 tháng Chạp, Âm lịch) đơn vị này sẽ tổ chức thu gom cả ngày đến 21h, đồng thời đề nghị sau 21h đề nghị các tổ chức, đơn vị, hộ gia đình không đưa rác ra đường.
Vào ngày và đêm 12-13/2 (nhằm ngày mùng 1 và mùng 2 tết), Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế cũng nghỉ thu gom rác. Đến 14/2 (mùng 3 tết), các hoat động vệ sinh trở lại bình thường. (baothuathienhue.vn 27/01)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Khai thác khoáng sản trái phép, 2 doanh nghiệp bị phạt hơn 700 triệu đồng
Tổng số tiền phạt 2 doanh nghiệp phải nộp trên 732,7 triệu đồng, trong đó tiền xử phạt 310 triệu đồng và tiền xử phạt bổ sung tịch thu toàn bộ khoáng sản quy đổi bằng tiền trên 422,7 triệu đồng.
Sáng 27/1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ đối với Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (gọi tắt Công ty Lũng Lô, trụ sở chính tại 162 Trường Chinh, quận Đống Đa, TP Hà Nội) và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Dịch vụ Sông Lô (gọi tắt Công ty Sông Lô, trụ sở chính tại phường 6, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) do nhiều vi phạm tại mỏ đá Tam Lộc (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc).
Theo đó, tổng số tiền phạt 2 doanh nghiệp này phải nộp trên 732,7 triệu đồng, trong đó tiền xử phạt 310 triệu đồng và tiền xử phạt bổ sung tịch thu toàn bộ khoáng sản quy đổi bằng tiền trên 422,7 triệu đồng.
Cụ thể, Công ty Lũng Lô bị xử phạt với tổng số tiền phạt 220 triệu đồng. Trong đó, vi phạm do không lắp đặt trạm cân tại các kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp bị phạt 50 triệu đồng; vi phạm lập bản đồ hiện trạng mỏ, mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản nhưng thông tin, số liệu trên bản đồ, mặt cắt thể hiện không đầy đủ theo quy định và sai so với thực tế hiện trạng khai thác khoáng sản đối với khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp bị xử phạt 50 triệu đồng.
Ngoài ra, vi phạm về thiết kế mỏ của Công ty này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bị xử phạt 30 triệu đồng và khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường (đất san lấp) không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, không có giấy phép khai thác tại mỏ đá Tam Lộc với khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm 10.569m3 bị xử phạt 90 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty Lũng Lô còn phải nộp số tiền hơn 211 triệu đồng được quy đổi từ 10.569m3 đất làm vật liệu san lấp do khai thác trái phép.
Đối với Công ty Sông Lô, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt 90 triệu đồng do khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường (đất san lấp) không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, không có giấy phép khai thác tại mỏ đá Tam Lộc, với khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm 10.569m3. Công ty này cũng buộc phải nộp số tiền hơn 211 triệu đồng được quy đổi từ 10.569m3 đất làm vật liệu san lấp do khai thác trái phép. (cand.com.vn 27/01)
2. Thừa Thiên- Huế: Phát hiện số lượng lớn rượu ngoại không nguồn gốc
Lực lượng chức năng Thừa Thiên- Huế đang tiến hành xử lý một người phụ nữ vận chuyển, tàng trữ số lượng lớn rượu ngoại không rõ nguồn gốc.
Chiều 27/1, Công an huyện Phú Vang (Thừa Thiên- Huế) cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để xử lý đối với Châu Thị Thanh Hoa (SN 1967, trú tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) về hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, công an huyện Phú Vang phát hiện bà Hoa điều khiển xe máy đang vận chuyển 60 chai rượu có nhãn mác nước ngoài.
Bà Hoa đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất, xứ số hàng trên tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra.
Quá trình làm việc với cơ quan Công an, bà Hoa tự nguyện giao nộp thêm 60 chai rượu nhãn mác nước ngoài đang cất giấu tại nhà. Đồng thời khai nhận, 120 chai rượu có trị giá 70 triệu đồng được bà này mua từ một người ở tỉnh Quảng Trị sau đó đưa vào Thừa Thiên- Huế tiêu thụ.
Bạn đang đọc bài viết Thừa Thiên- Huế: Phát hiện số lượng lớn rượu ngoại không nguồn gốc tại chuyên mục Pháp luật của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447. (nongnghiep.vn 27/01, daidoanket.vn 27/01, giaoducthoidai.vn 27/01)
3. Sau tiền án "giao cấu với trẻ em" lại tiếp tục mang dao đi cướp tài sản
Thuê xe ôm chở lên phố, đối tượng ghé chợ mua 1 con dao bấm thủ sẵn rồi uy hiếp tài xế cướp lấy số tiền 4 triệu đồng.
Ngày 27/01, Công an TX Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Chuyên (31 tuổi) trú tại xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế để điều tra về hành vi cướp tài sản.
Trước đó, ngày 23/1, Chuyên thuê xe ôm của một người đàn ông 74 tuổi, trú cùng xã, chở lên TP Huế. Lúc này, do cần tiền tiêu xài, nên đã nảy sinh ý định cướp tài sản người lái xe ôm. Sau khi mưu tính, Chuyên ghé chợ Vinh Thanh, mua một con dao bấm, giấu trong người làm hung khí, rồi yêu cầu chở đến chợ Đông Ba để tìm bạn mượn tiền nhưng không được.
Sau đó, Chuyên đề nghị chở đến khu vực vắng người tại đường Trưng Nữ Vương, TX Hương Thủy để khống chế và cướp ví tiền của người lái xe ôm, bên trong có 4 triệu đồng.
Trước khi thủ dao đi cướp tài sản, Hoàng Văn Chuyên đã từng có tiền án về tội "giao cấu với trẻ em".
Gây án xong, Chuyên đón taxi, vứt hung khí xuống sông Trường Hà, huyện Phú Lộc và lẩn trốn tại tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu. Được biết, Chuyên là đối tượng đã có tiền án về tội "Giao cấu với trẻ em".
Hiện, lực lượng Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật. (baovephapluat.vn 27/01)
4. TT-Huế: Khởi tố nam thanh niên cướp 4 triệu đồng của cụ ông chạy xe ôm
Cụ ông 74 tuổi chạy xe ôm ở Thừa Thiên - Huế bị nam thanh niên khống chế cướp 4 triệu đồng.
Ngày 27/1, Công an thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Chuyên (31 tuổi, trú tại xã Vinh Hiền, Phú Lộc) để điều tra về hành vi cướp tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, vào ngày 23/1, Chuyên thuê cụ ông 74 tuổi (cùng trú xã Vinh Hiền) chở lên TP.Huế. Do cần tiền tiêu xài, Chuyên nảy sinh ý định cướp tài sản của cụ ông chạy xe ôm.
Đến chợ Vinh Thanh (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), Chuyên mua một con dao bấm, giấu vào trong người làm hung khí. Sau khi mua dao, Chuyên yêu cầu cụ ông chở đến chợ Đông Ba (TP.Huế).
Tiếp đó, Chuyên đề nghị cụ ông chở đến khu vực vắng người tại đường Trưng Nữ Vương (thị xã Hương Thủy). Tại đây, Chuyên dùng dao khống chế và cướp ví tiền của người lái xe ôm, bên trong ví có 4 triệu đồng.
Gây án xong, Chuyên đón taxi, vứt hung khí xuống sông Trường Hà (huyện Phú Lộc) và vào lẩn trốn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước khi thực hiện vụ cướp tài sản, Chuyên từng có tiền án về tội Giao cấu với trẻ em. (danviet.vn 27/01, daidoanket.vn 27/01, baogiaothong.vn 27/01)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Làm giàu từ trồng rừng kinh tế
Rừng trồng kinh tế không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn góp phần nâng cao độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái.
“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Cách đây chừng 20 năm, gia đình bà Nguyễn Cữu Thị Thương ở thôn Hạ, xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) có dịp tham gia buổi sinh hoạt, nghe một doanh nghiệp (DN) giới thiệu hiệu quả trồng rừng kinh tế. Quyết định trồng rừng sản xuất với bà Thương lúc này là sáng suốt nhưng phải bắt đầu từ đâu, trong khi hai bàn tay trắng. Thấy được nguyện vọng chính đáng, chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất cho vợ chồng bà khai hoang trồng rừng; các kênh phụ nữ, WB3 cho vay vốn mua giống, vật tư, phân bón, chăm sóc.
Rừng hoang, lau sậy mọc um tùm không dễ gì canh tác, phục hóa, đào hố, phải mất cả năm ròng rã, vợ chồng bà mới trồng những cây giống đầu tiên. Khi những diện tích ban đầu sinh trưởng, xanh tốt, bà Thương tiếp tục khai hoang trồng rừng lên 6ha. Cứ thế, 8 năm ròng rã với bao mồ hôi, công sức, tiền của đầu tư khai hoang trồng rừng, đến nay gia đình bà có 38 ha rừng kinh tế.
Bà Thương bảo, bây giờ kể ra cho hết những gian khó những năm tháng đầu khai hoang trồng rừng thì không xuể. Chỉ nhớ rằng, phải gửi con nhỏ nhờ hàng xóm chăm, hai vợ chồng lặn lội, cơm đùm gạo bới vào rừng che bạt, làm lán trại ăn ở cả mấy năm trong rừng. Thiếu lương thực, sốt rét, thiếu vốn… có lúc khiến vợ chồng túng quẩn.
Sau bao mồ hôi, công sức, diện tích rừng lần lượt cho thu hoạch mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình, bình quân mỗi năm vài trăm triệu đồng. Tính cả tài sản 38 ha rừng hiện nay có giá trị đến 5 tỷ đồng. 20 năm tuy dài với bao gian khổ, nhưng giờ nhìn lại cũng như “một giấc mơ”, bà Thương nhớ lại.
Sau giải phóng, gia đình ông Nguyễn Thế Hòa từ Thủy Châu lên xã Phú Sơn (TX. Hương Thủy) lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Sau nhiều năm khai hoang trồng trọt, chăn nuôi, ông Hòa nghĩ, chỉ trồng rừng mới có cơ hội vươn lên. Hồ sơ xin cấp đất trồng rừng kinh tế của gia đình ông được chính quyền địa phương chấp thuận. Từ vài ha ban đầu, đến nay, gia đình ông khai hoang, mở rộng lên 10 ha rừng kinh tế.
“Có được diện tích rừng hôm nay phải kể đến sự trợ giúp của dự án (DA) WB3. Trong lúc gia đình tui cũng như nhiều hộ thiếu vốn mở rộng diện tích đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ DA, cho vay vốn chăm sóc, tư vấn mua giống chất lượng. Các diện tích rừng có độ tuổi khác nhau, cứ mỗi năm gia đình thu hoạch 2-3 ha, mỗi ha thu nhập trên dưới 100 triệu đồng...”, ông Hòa phấn khởi.
Hướng đến rừng gỗ lớn
Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh, ông Võ Văn Dự chia sẻ, thành công và bài học kinh nghiệm hôm nay về trồng rừng kinh tế của tỉnh phải kể đến DA Phát triển ngành Lâm nghiệp – WB3. Đây là DA trồng rừng kinh tế theo hộ gia đình bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) giai đoạn 2005-2015. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi, động lực cho các hộ mạnh dạn khai hoang, mở rộng diện tích rừng keo tràm. Đến cuối kỳ DA, cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 12.690,49ha của 8.290 hộ tham gia DA. DA đã giải ngân cho các hộ vay trồng rừng với hơn 100 tỷ đồng.
Diện tích rừng sản xuất toàn tỉnh đến nay gần 100 ngàn ha. Diện tích đang được các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng gần 26 ngàn ha, còn lại các tổ chức Nhà nước, DN quản lý, sử dụng. Thị trường tiêu thụ, đầu ra sản phẩm thuận lợi là cơ hội lớn trong phát triển trồng rừng kinh tế, rừng gỗ lớn (RGL), chứng chỉ FSC.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, gỗ rừng trồng được khai thác, tiêu thụ bình quân hằng năm khoảng trên 500 ngàn m3, chủ yếu sản lượng của hộ gia đình, cá nhân khai thác và tiêu thụ. Đơn vị tiêu thụ là các nhà máy sản xuất dăm gỗ, ván bóc, gỗ thanh, hàng mộc phục vụ chế biến xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản, hằng năm sử dụng khoảng trên 1 triệu tấn nguyên liệu gỗ; tổng doanh thu hằng năm khoảng 1.344.575 triệu đồng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn đánh giá, dù có những thành quả tốt nhưng trồng rừng kinh tế trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất nhỏ, phân tán, tự phát vẫn còn phổ biến trong nông dân. Phương thức sản xuất chủ yếu thủ công, lạc hậu, trình độ thâm canh thấp, năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng còn hạn chế. Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, thương mại lâm sản trong Nhân dân thiếu bền vững...
Tận dụng lợi thế, tiềm năng đất đai, cơ hội đầu ra cho sản phẩm thuận lợi, ngành lâm nghiệp đang thúc đẩy đầu tư phát triển RGL. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 10 ngàn ha RGL, có chứng chỉ FSC của các tổ chức, DN, hộ cá nhân. Phấn đấu một vài năm đến, từng bước mở rộng diện tích RGL toàn tỉnh lên 16-20 ngàn ha. Theo tính toán của các hộ dân và cơ quan chức năng, nếu khai thác rừng trồng 4 tuổi, tuy giải quyết thu nhập trước mắt nhưng làm giảm 2/3 giá trị thu nhập so với trồng RGL 7-8 năm tuổi (thu nhập 250-300 triệu đồng/ha).
Cùng với kế hoạch phát triển RGL, Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh đang tập trung phát triển mô hình liên kết giữa các hợp tác xã (HTX) lâm nghiệp bền vững với Công ty Scansia Pacific thông qua các công ty vệ tinh Minh An và Hòa Nga trên địa bàn. Các HTX được đầu tư, hỗ trợ nâng cao năng lực chế biến sâu nhằm đảm bảo điều kiện hợp đồng liên kết trực tiếp với Công ty Scansia Pacific; đồng thời thu hút các công ty có tiềm lực khác đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến phục vụ chế biến sâu, đa dạng sản phẩm...
Dự kiến giai đoạn 2020-2025, toàn tỉnh huy động vốn đầu tư khoảng 331,310 tỷ đồng cho mục tiêu phát triển RGL, chứng chỉ FSC. Phấn đấu tăng trưởng GRDP lâm nghiệp ít nhất gấp đôi so với năm 2020, lên trên 1.000 tỷ đồng/năm; tăng tỷ trọng lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; tăng thu nhập cho lao động làm nghề rừng... (baothuathienhue.vn 28/01)
2. Thừa Thiên Huế: Giá đất nông nghiệp chênh nhau cả chục triệu đồng/m2
Theo khảo sát của PV Dân Việt, giá đất nông nghiệp tại Thừa Thiên Huế chênh nhau khá lớn, có nơi bán chỉ hơn 100.000 đồng/m2 nhưng cũng có nơi rao hơn 13 triệu đồng/m2.
Giá đất Huế tăng 2 lần, giá đất nông nghiệp có nơi hơn 13 triệu đồng/m2
Với lợi thế quỹ đất rộng, biên độ tăng – giảm giá ổn định, dễ nắm bắt. Đất nền thành phố Huế đang dần được “mắt xanh” của các nhà đầu tư lớn để ý tới.
Chỉ trong chưa đến một năm, từ cuối 2019 đến đầu 2020. Các “ông lớn” đã liên tục đầu tư vào Huế. Đáng kể nhất phải nhắc đến là VinGroup với dự án Vincom Tứ Hạ. Sau đó là Apec Group, Minh Linh. Và Vneco Thừa Thiên Huế, Bitexco với khu nghỉ dưỡng Mỹ An…
Ghi nhận giá đất nền khu quy hoạch Xuân Phú, Thanh Thuỷ, Thuỷ Vân, Phú Vang,… tại Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến mạnh, thậm chí giá đã tăng gấp 2 lần so với trước.
Đại diện Sở xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, nếu như trước đây giá đất nền tại trục đường chính của khu quy hoạch Xuân Phú chỉ 16 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 35 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại khu quy hoạch Thuỷ Thanh, Thuỷ Vân từ 7-8 triệu đồng/m2 đã lên 12-16 triệu đồng/m2 hay đất khu quy hoạch Vinh Vệ, Phú Vang từ 3 triệu đồng/m2 lên 5,5 triệu dồng/m2.... Điều này cho thấy không chỉ giá trị bất động sản đã tăng lên đáng kể mà còn thể hiện cơ hội đầu tư cho thị trường.
Trong khi đó, giá đất nông nghiệp tại Thừa Thiên Huế ghi nhận sự chênh lệch khá cao, tại các khu quy hoạch giá đất nông nghiệp khá cao, trong khi đó một số nơi giá chỉ gần 200.000 đồng/m2.
Trên trang Chợ tốt, mảnh đất trang trại có diện tích 5.000 m2 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế được rao với giá chỉ 180.000 đồng/m2. Theo chủ sở hữu, đất có sổ 3.000 m2, trong đó có 400 m2 là đất ở gồm nhà, hồ sen, vườn, có mương nước bao quanh, điện nước đầy đủ...
Cũng trên trang này, mảnh đất trồng cây có diện tích 1.257 m2 nằm trên đường Trưng Nữ Vương, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy được rao với 1 tỷ 950 triệu, tương đương với 1,55 triệu đồng/m2. Mảnh đất được quảng cáo là đất vuông vắn đẹp, có sổ đỏ chính chủ và giá bán có thương lượng.
Trong khi đó, trên trang muaban, một mảnh đất trồng cây có diện tích 612 m2 ở xã Lộc Vĩnh, Lăng Cô, Thừa Thiên Huế được rao với giá 13,2 triệu đồng/m2. Mảnh đất được quảng cáo là nằm trong khu dân cư, nằm trong khu quy hoạch có sổ đỏ, cách đường lớn 60 m.
Hay trên trang alonhadat, một mảnh đất trồng cây lâu năm có diện tích 1.299 m2 nằm trên đường Đường Khải Định, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Huế được rao với giá 3 triệu đồng/m2.
Trên báo chí, nhận định về thị trường bất động sản tại Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Ân Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thừa Thiên Huế cho rằng, thị trường bất động sản tại Thừa Thiên Huế hiện vẫn khá ổn định. Du lịch phát triển, cộng thêm những chính sách cởi mở của tỉnh đã kích thích một làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực bất động sản.
"Thị trường Huế rất khó gây sốt vì tính cách người Huế “không ưa” mạo hiểm, tính thụ động rất cao nên sẽ nhớ rất lâu. Vì thế, nếu ai bắt tay làm “sốt” hay tạo sóng ở Huế sẽ “khó” hơn nhiều so với các địa phương khác và không ai khác người “làm sốt” sẽ chịu kết quả không tốt đầu tiên", ông Châu nói.
Bảng giá đất Thừa Thiên Huế tăng bình quân 30%
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024. Cụ thể giá đất cơ bản tăng 30%.
Theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về bảng giá các loại đất trên địa bàn áp dụng từ 1/1/2020, bảng giá đất 5 năm (2020-2024) của tỉnh này tăng thêm bình quân 30% so với giá đất tại bảng giá đất 5 năm (2015-2019), với mức giá đất ở đô thị cao nhất là 65 triệu đồng/m2 (vị trí 1, loại đường 1A thuộc địa bàn TP. Huế). Các địa phương lân cận có giá đất từ 200 ngàn đồng đến 9,2 triệu đồng/m2.
Riêng giá đất nông nghiệp ở đồng bằng cao nhất (vị trí 1) là 30 ngàn đồng/m2. Giá đất này cơ bản tiệm cận 80-85% so với giá thị trường. Chênh lệch giá giữa các vùng không quá 30%.
Theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2016, thị trường bất động sản tại Huế ghi nhận những bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt giai đoạn năm 2018 và 2019, thị trường bước vào giai đoạn bùng nổ cả về số lượng dự án lẫn sản phẩm.
Hiện tại, toàn tỉnh đã có 10 dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị đã được chấp thuận đầu tư, đã và đang triển khai xây dựng với diện tích đất khoảng 230,1 ha, cùng khoảng 7.146 căn hộ, tương ứng khoảng 2,032 triệu m2 sàn.
Một số dự án bất động sản lớn thu hút nhu cầu như: khu đô thị Phú Mỹ Thượng, khu đô thị Phú Mỹ An, khu phức hợp Manor Crown, dự án Joyal Park, dự án Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2,… đã thúc đẩy thị trường tại đây phát triển. (danviet.vn 27/01)
3. Hoàn thiện diện mạo đô thị vùng cao
Xây dựng huyện trở thành vùng kinh tế động lực, năng động phía tây của tỉnh, huyện A Lưới đang phát huy nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển đô thị vùng cao với không gian xanh – sạch – sáng.
Diện mạo mới
Đứng từ góc cao ở đồi thông A Lưới, phóng tầm mắt về phía thị trấn, cơ sở hạ tầng nơi đây hiện hữu khá khang trang.
Đi dọc các xã A Ngo, Sơn Thuỷ, Hồng Thượng và một phần của xã Phú Vinh, không gian đô thị A Lưới mở rộng từ thị trấn A Lưới đến thị tứ Bốt Đỏ – khu vực được xác định là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của huyện trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua từng năm có sự đổi khác.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới tiết lộ, đã có 28 tuyến đường giao thông nội thị thuộc khu vực đô thị A Lưới được mở rộng, nâng cấp. Một số tuyến đường, như: Trường Sơn, Kim Đồng, Konh Khoai, Nguyễn Văn Quảng, Kăn Tréc... được thảm bê tông, nhựa và lát gạch vỉa hè. Có trên 3.500 nhà ở khu vực đô thị đạt chuẩn theo quy định; hình thành các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao trong khu vực đô thị. Thị trấn A Lưới được công nhận là thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. “Điều đáng mừng không kém là 100% hộ dân cư đô thị sử dụng nước sạch; hệ thống thoát nước thải khu vực đô thị A Lưới mở rộng đảm bảo theo yêu cầu. Hệ thống điện sáng đạt trên 90% tuyến đường nội thị”, một lãnh đạo huyện A Lưới thông tin.
Trong hành lang kinh tế Đông – Tây và trục phát triển xanh, sinh thái, du lịch Đông – Tây (phía Đông – hình thành các đô thị ven biển, công viên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và phía Tây gồm hai huyện Nam Đông, A Lưới với không gian xanh, không gian văn hóa đồng bào dân tộc, lịch sử cách mạng) đã được xác định trong quyết định về việc phê duyệt đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 của UBND tỉnh (Quyết định số 3342/QĐ-UBND ngày 27/12/2019), A Lưới nằm trong mối gắn kết diện mạo đô thị chung của tỉnh.
A Lưới đang dần hoàn thiện diện mạo, bộ mặt cảnh quan khi không chỉ tranh thủ các chương trình 135 cùng những chính sách hỗ trợ mà từ nguồn lực của người dân, đường làng ngõ xóm trên đẹp hơn với nhiều tuyến đường “thay rác bằng hoa” từ phong trào "Ngày Chủ nhật xanh". Dẫn số liệu để minh chứng, anh Trần Toàn, Bí thư Huyện đoàn A Lưới khẳng định: “Sau 1 năm triển khai thực hiện, đã trồng được 5.510 cây xanh các loại; lắp đặt điện chiếu sáng dài 3,85 km; chăm sóc gần 30km và trồng mới hơn 5.2km hàng rào xanh; xây dựng hơn 3.1km đường bê tông nông thôn; trồng mới gần 11.500m2 hoa các loại”.
Đầu tư đồng bộ
Bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới cho biết, xây dựng và phát triển đô thị được Đảng bộ huyện đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong cả giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, hướng đến nâng cấp, chỉnh trang đô thị A Lưới mở rộng theo hướng đồng bộ. Chỉnh trang hệ thống giao thông, vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị. Đầu tư phát triển đô thị theo hướng phát triển bền vững, lâu dài hướng tới đô thị thông minh “sáng, xanh, sạch, đẹp”; đẩy mạnh phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, các công trình phúc lợi, an sinh xã hội cho Nhân dân.
Huyện A Lưới sẽ phát triển cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong đô thị A Lưới mở rộng. Xây dựng và thực hiện chương trình chỉnh trang, phát triển hạ tầng đô thị A Lưới mở rộng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, sẽ kêu gọi đầu tư, xã hội hóa các thiết chế về thể thao khu vực nội thị như xây dựng bể bơi, khu vui chơi trẻ em.
Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các xã, cũng sẽ chú trọng đầu tư vào các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn chưa đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông, hạ tầng thương mại, nhà ở. Huyện A Lưới cũng tiếp tục kiến nghị Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm về giao thông như mở rộng Quốc lộ 49A, hoàn thành xây dựng đường 74 kết nối với Nam Đông; đường 71 kết nối với Phong Điền; hoàn thành các đường vành đai biên giới; xây dựng đường đến các khu du lịch, cụm công nghiệp, đến vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, khu tái định cư. Bên cạnh đó, sẽ khai thác và phát huy các thành tựu đã đạt được nhằm hướng tới phát triển bền vững. (baothuathienhue.vn 27/01)
4. Muốn trồng rau chất lượng cao, nông dân phải làm chủ phương pháp
Với Thừa Thiên Huế, xuất khẩu rau xanh dường như là một giấc mơ xa vời, song tiềm năng để hình thành nên những vùng rau chất lượng cao sẽ trong tầm tay nếu đầu tư đúng hướng.
Tư duy cũ
Hiện nay, thị trường mở cửa, luống rau, cọng ngò mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.
“Trồng rau là nghề phù hợp nhất đối với sản xuất kinh tế hộ gia đình, tận dụng hiệu quả lao động nhàn rỗi. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa”, TS. Nhà Nông học Lê Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế nói.
Thừa Thiên Huế có nền tảng ngay chính ở con người và tiềm năng đất đai, song ngọn rau của nông dân vẫn cứ “chìm, nổi”. “Được mùa mất giá, mất mùa được giá” là điệp khúc lặp đi lặp lại nhiều lần đối với các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có rau xanh. Nếu bão lũ không dồn dập, rau của nông dân sản lượng cao, nhưng chất lượng đảm bảo hay không lại là câu chuyện khác. Tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh, rau của địa phương rất ít xuất hiện trên kệ. Bởi thế, câu chuyện đầu ra cho rau của nông dân phụ thuộc lớn vào thương lái.
Thực trạng đó xuất phát từ việc sản xuất rau của nông dân phân tán, manh mún. Chất lượng chưa được theo dõi kiểm định đánh giá theo các tiêu chuẩn quy định. Thiếu cơ sở chế biến, thông tin thị trường còn thiếu và yếu, chưa hình thành được hệ thống tiêu thụ sản phẩm ổn định phục vụ sản xuất. Việc sơ chế, bảo quản rau để cung cấp cho thị trường chưa được quan tâm nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi tiêu thụ…
Vấn đề trên được các địa phương nhận diện khá tốt trong những năm qua, bằng chứng là vùng chuyên canh trồng rau an toàn xuất hiện ở nhiều nơi như, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, A Lưới…Cùng với đó là sự liên kết doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị. Dù vậy, tư duy sản xuất của nông dân lẫn trình độ của lực lượng quản lý sản xuất nông nghiệp còn hạn chế đang là rào cản. Sự khắt khe của thị trường khiến rau xanh của nông dân dù được trồng theo hướng an toàn nhưng vẫn không thể chen chân vào các hệ thống phân phối lớn.
“Nông dân trồng rau đang có tâm lý “ăn xổi” và thiếu kiến thức về kỹ thuật lẫn phương pháp trồng. Nhiều nơi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến chất lượng không đảm bảo”, bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV hữu cơ Huế Việt chia sẻ.
Thừa Thiên Huế đã có một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như, hỗ trợ dự án đầu tư cơ sở sản xuất nông nghiệp quy mô từ 500m2 trở lên; hay nếu chuyển đổi đất lúa thiếu nước, hiệu quả thấp sang trồng các cây khác phù hợp, hiệu quả hơn được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống và 30% kinh phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình… Song, những chính sách này dù nằm trong giai đoạn 2016 – 2020 nhưng đến nay, rau xanh của hầu như nông dân vẫn chưa đảm bảo chất lượng, ít nhất là “đứng chân” ở siêu thị.
“Thói quen trồng rau rồi bán ở chợ hoặc thương lái hình thành từ lâu. Bây giờ không chỉ tôi mà nhiều người khác vẫn trồng rau theo cách cũ, không nghĩ đến việc trồng hữu cơ và càng không để ý rau có vào được siêu thị hay không”, bà Trần Thị Lan (phường Hương Chữ, TX. Hương Trà) chia sẻ.
Số hóa từng hộ nông dân
Để hình thành nên những vựa rau chất lượng, người ta đang nói nhiều đến nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, song chi phí đầu tư về hạ tầng lẫn kỹ thuật khá lớn khiến nông dân trên địa bàn tỉnh khó để tiếp cận.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, tỉnh nên quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất theo hướng hữu cơ. Bởi quy hoạch vùng có các ưu điểm như dễ dàng đồng bộ hạ tầng, tiết giảm chi phí sản xuất, thuận tiện cung ứng dịch vụ. Quy hoạch vùng sẽ thuận tiện canh tác hữu cơ, nâng cao giá trị. Nông dân hoặc doanh nghiệp nông nghiệp nên tìm hiểu về liên kết chuỗi để cân đối, tạo hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ tốt sẽ góp phần tạo ra hiệu quả.
Trong một buổi hiến kế cho tỉnh, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Công ty Bagico, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp là rất quan trọng và cần bắt đầu từ việc số hóa từng hộ nông dân. Chỉ khi xác định: “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao” thì mới nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, toàn tỉnh đang có hơn 120ha rau xanh được chứng nhận VietGAP, cùng với đó là nhiều diện tích rau trồng theo hướng hữu cơ và mô hình lưới nhà kính. Song, con số này không lớn so với tiềm năng của tỉnh.
“Rõ ràng khi xuất hiện các mô hình trồng rau an toàn, rau sạch thì ý thức của người dân có sự chuyển biến. Song để nhân rộng, hướng tới rau chất lượng cao cần nhiều hơn thế, khi mà thị trường đang thay đổi, hướng đến sản phẩm chất lượng nhiều hơn. Hướng sản xuất rau ở các địa phương sắp tới sẽ chú trọng nhiều hơn mô hình hữu cơ, sản xuất sạch. Thông qua các chương trình khuyến nông, chúng tôi sẽ hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình, đặc biệt sẽ từng bước nâng cao kiến thức cho họ”, ông Thọ nói. (baothuathienhue.vn 27/01)
5. Trong tương lai, bay từ Huế, Quảng Bình ra Quảng Trị
Bộ GTVT vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030 tại xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh.
Theo phê duyệt, cảng hàng không Quảng Trị là cảng nội địa có tính chất sử dụng chung dân sự và quân sự, có tổng diện tích hơn 316ha. Cụ thể, diện tích khu hàng không dân dụng hơn 87ha, diện tích đất quân sự hơn 51ha, diện tích dùng chung hơn 177ha. Cấp sân bay thuộc loại 4C theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm.
Loại tàu bay khai thác là code C hoặc tương đương. Sân bay có năm vị trí đỗ tàu bay code C (có khả năng đỗ tàu bay code E). Hệ thống đường cất hạ cánh gồm một đường cất hạ cánh theo hướng 04-22; kích thước 2.400m x 45m, lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5m. Hệ thống đường lăn gồm một đường lăn song song, chiều dài khoảng 711,5m. Còn có hai đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song; hai đường lăn nối từ đường lăn song song vào sân đỗ máy bay.
Các đường lăn có chiều rộng 23m, lề vật liệu đường lăn mỗi bên rộng 5m. Cùng với đó là hệ thống tự động cảnh báo xâm nhập đường cất hạ cánh (ARIWS), hệ thống giám sát đa điểm (MLAT), hệ thống ra đa thời tiết, hệ thống giám sát bề mặt đường cất hạ cánh, hệ thống thiết bị phát hiện và xua đuổi chim khi có nhu cầu.
Các công trình quản lý, điều hành bay gồm: đài kiểm soát không lưu; đài dẫn đường VOR/DME; hệ thống thiết bị hạ cánh, hệ thống đèn tiếp cận, hệ thống quan trắc khí tượng tự động AWOS đồng bộ với đường cất hạ cánh. Quy hoạch khu phục vụ mặt đất gồm có nhà ga hành khách 2 cao trình với tổng công suất thiết kế đạt 1 triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hóa.
Quy hoạch giao thông gồm đường trục vào cảng mỗi bên rộng ba làn xe chạy, có giải phân cách giữa. Bố trí trạm thu phí tại vị trí thích hợp để bảo đảm quản lý, khai thác xe ra vào cảng hàng không. Ngoài ra còn có cầu cạn, đường nội bộ, đường công vụ. Hệ thống sân đỗ ô tô được xây dựng phía trước nhà ga hành khách có khả năng mở rộng đồng bộ với việc mở rộng nhà ga hành khách. Các công trình phụ trợ cảng hàng không gồm nhà điều hành Cảng hàng không, nhà làm việc của Cảng vụ hàng không, văn phòng các cơ quan Nhà nước, khu văn phòng làm việc các hãng hàng không.
Ngoài ra còn có trạm sửa chữa, bảo dưỡng và đăng kiểm xe cơ giới, khu cấp nhiên liệu, khu dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng máy bay, trung tâm dịch vụ thương mại, khu hàng không chung, hệ thống cấp điện, nước, trạm trung chuyển chất thải rắn và chất thải nguy hại, hệ thống tường rào bảo vệ cảng...
Về thông tin này, hôm 26/1, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không Quảng Trị.
Hiện Tập đoàn T&T đã được UBND tỉnh Quảng Trị cho chủ trương khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
"Bộ đã phê duyệt thì hành lang pháp lý đã thông. Chúng tôi sẽ chờ đến tháng 6/2021, nếu có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia sẽ tổ chức đấu thầu. Nhưng sẽ quyết tâm khởi công trong năm nay", ông Tiến khẳng định.
Trước đó, thông tin về sân bay Quảng Trị đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận bởi Quảng Trị chỉ cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) chưa đầy 100km, nếu đi cao tốc chỉ mất chừng hơn 1 tiếng đồng hồ.
Từng trao đổi với Đất Việt, chuyên gia logistics Lê Văn Bảy bày tỏ lo ngại, việc quy hoạch cảng hàng không quá dày đặc sẽ gây lãng phí nguồn lực. Đặc biệt, khi các sân bay quá gần nhau, vùng không lưu để điều phối máy bay lên xuống rất phức tạp.
Trong khi đó, đề cập đến quy hoạch phát triển sân bay, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, cần có một quy hoạch chặt chẽ, không thể làm ồ ạt, tỉnh nào cũng đua nhau làm sân bay để rồi lại hoạt động èo uột, không đủ khách đi. Lãnh đạo địa phương có thể không muốn tỉnh mình thua kém tỉnh bạn, nhưng đó là tiền của người dân chứ không phải tiền của một số người nào đó, do đó phải biết chắt chiu, dùng đồng tiền phải tính kỹ.
Hiện nay, ngành hàng không Việt Nam đang quản lý, khai thác hệ thống 22 cảng hàng không gồm 13 cảng hàng không quốc nội và 9 cảng hàng không quốc tế, trong đó 4 cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh là cửa ngõ quốc tế. Các cảng hàng không được chia theo 3 khu vực: Bắc-Trung-Nam, ở mỗi khu vực có các cảng hàng không quốc tế đóng vai trò trung tâm và các cảng hàng không nội địa vây quanh tạo thành một cảng càng không.
Cụ thể, khu vực miền Bắc có 7 cảng hàng không gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi) và 4 cảng hàng không quốc nội (Điện Biên, Vinh, Thọ Xuân, Đồng Hới).
Khu vực miền Trung có 7 cảng hàng không gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh) và 4 cảng hàng không quốc nội (Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tùy Hòa).
Khu vực miền Nam gồm 8 cảng hàng không, gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc) và 5 cảng hàng không quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).
Còn tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030, khu vực miền Trung có 8 cảng hàng không, trong đó bổ sung thêm cảng hàng không nội địa Quảng Trị. (datviet.trithuccuocsong.vn 27/01)