Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 22/01/2021
Ngày cập nhật 22/01/2021
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Hành trang từ quân ngũ

Bản lĩnh, định hướng tương lai nghề nghiệp rõ ràng là hành trang của những thanh niên trẻ khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường.

Trưởng thành trong quân ngũ

 “Về quê ăn tết xong, tôi sẽ đi học thêm nghề cắt tóc, sau đó mở một tiệm salon làm tóc”. Đó là tâm sự của Nguyễn Quyết Chiến, chiến sĩ nghĩa vụ Tiểu đoàn Bộ binh 1, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh (quê Vinh Thanh, Phú Vang) trong những ngày chuẩn bị rời quân ngũ.

Hơn 1 năm trước chúng tôi gặp Chiến, lúc đó anh thanh niên trẻ rụt rè bao nhiêu thì giờ đây hóm hỉnh, chững chạc, tự tin bấy nhiêu. “Với số tiền được hỗ trợ hơn 20 triệu đồng, em sẽ để dành để đi học nghề. Từ những kiến thức, kỹ năng được tôi rèn trong quân ngũ, em có thể tự tin mình sẽ chọn đúng nghề để lập nghiệp, có một tương lai thật ổn định”, Chiến bộc bạch.

Nguyễn Nhật Trường, chiến sĩ nghĩa vụ tại Phòng Tham mưu (Bộ CHQS tỉnh) tình nguyện nhập ngũ khi đang làm việc tại một gara ô tô. Khi nhập ngũ, Trường luôn phấn đấu rèn luyện, bất cứ nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, được đồng đội và cấp trên đánh giá cao. “Trong thời gian ở quân ngũ, em đã trưởng thành lên rất nhiều. Không những có nếp sống kỷ luật, suy nghĩ chín chắn hơn, sống có trách nhiệm với bản thân, mọi người, em còn biết lo tính cho tương lai. Sau khi rời quân ngũ, em sẽ tiếp tục học nghề sửa chữa ô tô. Khi tay nghề ổn định, tích lũy được ít vốn, em sẽ tự đứng ra làm riêng. Điều này, khi còn ở nhà em chưa bao giờ nghĩ tới”, Nhật Trường tâm sự.

Vất vả, khó nhọc, cường độ huấn luyện cao, kỷ luật nghiêm ngặt… là những gì mà những người lính trẻ đã trải qua trong thời gian quân ngũ. Nhưng hành trang mà họ mang theo khi rời quân ngũ chính là bản lĩnh, sự trưởng thành, là những kiến thức quý báu để họ vững tin khi bước vào đời.

Mới hôm nào, chiến sĩ Huỳnh Hữu Tiến, Trung đội vệ binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh (sinh năm 2000, quê xã Bao Vinh, thị xã Hương Trà) còn là chiến sĩ mới với biết bao bỡ ngỡ.

Ấn tượng của Tiến khi vào đơn vị là tất cả mọi thứ đều ngăn nắp, gọn gàng, giờ giấc nghiêm túc. Nhờ vậy mà “bệnh ngủ nướng” của Tiến được “chữa trị” dứt điểm.

 “Trong thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, em còn được tham gia giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt, xây dựng nông thôn mới…Em thấy thời gian đi lính của mình thật ý nghĩa. Ở đây, em cũng được cấp trên định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp với khả năng bản thân. Sau khi rời quân ngũ, em sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, sống có mục tiêu, lý tưởng. Những kiến thức, kỹ năng mà em đã học được trong thời gian tại ngũ, em tin rằng mình sẽ áp dụng hiệu quả và làm giàu trên quê hương mình”, Tiến tâm sự.

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Trưởng thành từ môi trường quân ngũ, anh Nguyễn Hữu Hoàng (phường An Đông, TP. Huế), khi trở về địa phương công tác, bằng năng lực bản thân, phát huy phẩm chất người lính, anh được giao các vị trí quan trọng như Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường An Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Trường An.

Anh Nguyễn Việt Hùng (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang), sau khi xuất ngũ đã theo học tại Trường cao đẳng Nghề số 23. Sau một thời gian đi làm, khi đã “chắc tay”, anh tự đứng ra mở gara ô tô. Hiện nay, gara ô tô của anh Hùng không những ăn nên làm ra mà còn dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều thanh niên trẻ.

Được biết, các quân nhân khi xuất ngũ sẽ được cấp thẻ học nghề trị giá tương đương 12 tháng tiền lương cơ sở (gần 16 triệu đồng). Khi các quân nhân tham gia học nghề bằng thẻ này, các cơ sở dạy nghề thanh toán chi phí học nghề của quân nhân từ Nhà nước.

Trước khi quân nhân xuất ngũ, Bộ CHQS tỉnh đều phối hợp với các doanh nghiệp, trường nghề để định hướng, giới thiệu việc làm, các ngành nghề đào tạo phù hợp cho quân nhân sau khi xuất ngũ. Theo thống kê của Bộ CHQS tỉnh, hằng năm có trên 85% quân nhân xuất ngũ có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoặc tham gia học nghề tại các trường nghề.

Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Để định hướng và giúp các quân nhân ổn định cuộc sống sau khi rời quân ngũ, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường dạy nghề, doanh nghiệp lớn để tư vấn nghề nghiệp, kết nối hỗ trợ các quân nhân tìm việc làm sau khi xuất ngũ.

Điều đáng mừng là các công ty, doanh nghiệp sẵn sàng nhận bộ đội xuất ngũ vào làm việc, bởi họ là những người được rèn luyện tốt trong môi trường quân ngũ, có ý thức kỷ luật tốt, có kiến thức, tác phong làm việc nhanh nhẹn, cầu tiến… (baothuathienhue.vn 21/01)

 
 
 

2.  Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thăm, chúc Tết BĐBP Thừa Thiên Huế

Ngày 20-1, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 do Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 làm trưởng đoàn thăm, chúc Tết tại Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế.

Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng BĐBP Thừa Thiên Huế báo cáo với đoàn công tác kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trong thời gian qua.

Sau khi nghe báo cáo, Thiếu tướng Hà Thọ Bình ghi nhận và đánh giá cao BĐBP Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu hiệu quả; công tác chuẩn bị đón tết Nguyên đán cũng được triển khai chu đáo, chặt chẽ. Thiếu tướng Hà Thọ Bình mong muốn thời gian tới BĐBP Thừa Thiên Huế cần duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, chủ động trong công tác nắm tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh, không để bị động bất ngờ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, BĐBP Thừa Thiên Huế cần tiếp tục tham gia giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội; tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, có công với cách mạng, gia đình khó khăn và đảm bảo tốt chế độ cho bộ đội đón Tết vui tươi, phấn khởi. (bienphong.com.vn 21/01)

 
 
 

3.  Khen thưởng nhiều đơn vị phá thành công các chuyên án

Chiều 21/1, Công an tỉnh cho biết đã kịp thời khen thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh biểu dương, khen thưởng các đơn vị: Công an TX. Hương Thủy, Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh phá thành công chuyên án cho vay nặng lãi liên tỉnh, bắt giữ 6 đối tượng.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh cũng được khen vì đã phá vụ án, bắt giữ Vũ Văn Đức, trú tại phường 5, TP. Đông Hà (Quảng Trị), vận chuyển trái phép: 995,29g ma túy Ketamin và 2688 viên hồng phiến có khối lượng 271,5488g từ Quảng Trị vào TP. Huế tiêu thụ.

Tại Công an huyện Phong Điền, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng thành tích của đơn vị trong công tác đấu tranh, triệt phá nhóm đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê trên địa bàn. (baothuathienhue.vn 21/01)

 
 
 

4.  Khai mạc Đại hội Đại biểu phụ nữ cấp cơ sở đầu tiên

Ngày 21/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc tổ chức Đại hội Đại biểu Phụ nữ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đây là đơn vị được Hội LHPN tỉnh chọn thực hiện đại hội điểm cấp cơ sở đầu tiên để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung cho các đơn vị cơ sở khác trong toàn tỉnh. Đến dự có bà Trần Thị Kim Loan, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.

Nhiệm kỳ 2016 – 2021, công tác hội và phong trào phụ nữ xã Lộc Trì đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thông qua các mô hình “Heo đất tiết kiệm”, “Biến rác thành tiền”, "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”... Hội LHPN xã đã giúp 118 chị phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hàng chục triệu đồng; kết nối với các doanh nghiệp tại địa phương giới thiệu việc làm cho gần 600 lao động nữ; xây dựng và sửa chữa 2 “Mái ấm tình thương”… Qua đó, giúp 26 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững. Đến nay, đã có 750/923 hộ đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, đạt 81%.

Nhiệm kỳ 2021 – 2026, Hội LHPN xã Lộc Trì đề ra 9 chỉ tiêu phấn đấu và 3 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện, trong đó phấn đấu giúp đỡ ít nhất 5 phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng ít nhất một mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ. Đại hội đã bầu 15 người vào BCH Hội LHPN xã Lộc Trì khoá XII, nhiệm kỳ 2021-2026. (baothuathienhue.vn 21/01)

 
 
 

5.  Thừa Thiên - Huế: Tuyên truyền chính sách thuế qua zalo, facebook

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về chính sách thuế, bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan báo, đài, Cục Thuế Thừa Thiên - Huế còn tuyên truyền qua mạng xã hội như zalo, facebook...

Bà Âu Thị Nguyệt Liên - Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, cục thuế đã thành lập các kênh tuyên truyền qua mạng xã hội như zalo, facebook với tên gọi “Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế”.

 “Thông qua các kênh tuyên truyền này, người nộp thuế có thể cập nhật được những tin tức, bài viết mới nhất, cũng như tra cứu những thông tin về chính sách thuế mới một cách kịp thời. Cũng thông qua các kênh tuyên truyền này, người nộp thuế có thể đặt câu hỏi và nhận được giải đáp vướng mắc của cán bộ thuế, nhờ đó, những vướng mắc về chính sách thuế của người nộp thuế đều được giải đáp kịp thời” - bà Liên nói.

Ngoài việc đa dạng hóa các kênh tuyên truyền thông qua mạng xã hội, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền về chính sách thuế. Hàng tháng, bộ phận tuyên truyền hỗ trợ của cục thuế sẽ tổng hợp các nội dung liên quan đến tình hình thu thuế, chính sách thuế mới để gửi cho các cơ quan báo chí.

Nhờ sự chủ động này, nên các hoạt động của cục thuế đều được tuyên truyền nhanh chóng, kịp thời. Tất cả những chính sách thuế mới ban hành cũng được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, do đó sự lan tỏa ngày càng được mở rộng đến đông đảo người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

“Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2021 này Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền qua trang thông tin điện tử, qua website hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cục thuế cũng đẩy mạnh hỗ trợ qua điện thoại, fanpage của cục thuế và qua hộp thư điện tử. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các video hướng dẫn chính sách thuế để đăng tải trên các kênh tuyên truyền, đảm bảo cập nhật thông tin kịp thời đến người nộp thuế” - bà Liên cho biết./. (thoibaotaichinhvietnam.vn 21/01)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Bản tin Văn hóa - Du lịch ngày 21/1

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tái hiện lễ Nguyên đán thời Nguyễn vào ngày sáng 2/2 tới (tức 21 tháng Chạp) tại sân Đại Triều Nghi, điện Thái Hòa, Đại Nội. (baothuathienhue.vn 21/01)

 
 
 

2.  Ai Là Triệu Phú lại gây tranh cãi vì đáp án: "Đường vô xứ... quanh quanh" là Nghệ hay Huế?

Câu hỏi đầu tiên trong bộ câu hỏi dành cho người chơi Ai Là Triệu Phú đã gây ra cuộc tranh cãi lớn về đáp án.

Ai Là Triệu Phú hiện đang là chương trình nhận được sự quan tâm của khán giả kể từ sau khi thay đổi MC và kỷ lục trả lời tới câu 15 của phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa được thiết lập. Nhưng ở tập phát sóng mới nhất ngày 19/1/2021, chương trình lại gây ra 1 cuộc tranh cãi trên mạng xã hội về nội dung và đáp án của 1 câu hỏi.

Theo đó, ở lượt thi của thí sinh Vũ Thị Phương, một chuyên viên y khoa, MC Đinh Tiến Dũng đã đọc câu hỏi thứ 1 trị giá 100.000 đồng có nội dung: Từ nào còn thiếu trong câu ca dao "Đường vô xứ ... quanh quanh / Non xanh nước biếc như tranh họa đồ."

4 đáp án mà chương trình đưa ra cho người chơi lựa chọn là Thanh/Nghệ/Huế/Đoài. Ngay lập tức. thí sinh đã đưa ra câu trả lời là Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, sau đó "giáo sư" Xoay đã thông báo kết quả chính xác, qua đó người chơi được quyền đi tiếp các câu hỏi sau.

Thế nhưng sau khi phát sóng, câu hỏi này đã gây ra luồng tranh cãi khá lớn trên nhiều diễn đàn. Theo ghi nhận, một số ý kiến cho rằng, câu hỏi trên tồn tại cả 2 đáp án có thể chấp nhận là Nghệ và Huế.

Nội dung câu hỏi trích lược 2 câu ca dao, nói đến ca dao tức là nói đến các sáng tác dân gian được cha ông lưu giữ cho thế hệ sau bằng cách truyền miệng. Dù là Huế hay là Nghệ thì câu ca dao cũng có ý nghĩa ca ngợi vẻ hữu tình non nước của địa danh được nhắc đến. Nhưng rõ ràng, khi trở thành 1 câu hỏi của Ai Là Triệu Phú thì phải đảm bảo được yếu tố chỉ có 1 đáp án đúng duy nhất, vậy đâu mới là câu trả lời chính xác?

Theo nhiều tài liệu ghi chép, nghiên cứu của các nhà chuyên môn cho thấy câu ca dao nguyên bản sẽ là:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ

Ai vô xứ Nghệ thì vô…

Vì tính chất của các tác phẩm văn học dân gian, mang tính truyền miệng do đó có nhiều bản khảo dị được biến tấu để phù hợp với từng địa phương. Trong đó 2 bản khảo dị phổ biến nhất vẫn là:

Đường vô xứ Huế quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ

Ai vô xứ Huế thì vô…

Và:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ

Yêu em anh cũng muốn vô,

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

Như vậy, ở câu hỏi này của Ai Là Triệu Phú, nếu không tính các dị bản thì Nghệ chính là từ còn thiếu duy nhất cần điền vào chỗ trống.

Đây không phải là lần đầu tiên Ai Là Triệu Phú gây thắc mắc về câu hỏi và đáp án. Dù mới trải qua 3 số của năm 2021 nhưng ngay ở tập ghi hình phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa, chương trình cũng gây tranh cãi ở câu hỏi số 3. Câu hỏi có nội dung: Loài chim nào sau đây có thể bắt chước được tiếng người? 4 đáp án để Đăng Khoa lựa chọn là chích bông, họa mi, quạ và vẹt.

Người chơi nhanh chóng đưa ra câu trả lời là vẹt và được MC chấp nhận, qua đó giúp anh tiến xa hơn ở 12 câu hỏi còn lại. Nhưng với kiến thức thực tế được chứng minh trong nhiều tài liệu thì trong 4 đáp án của chương trình, có nhiều hơn 1 loài chim có thể biết bắt chước tiếng người, đó là quạ và vẹt. (toquoc.vn 21/01)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Sacombank trao gần 900 triệu đồng sửa chữa trường học tại Thừa Thiên Huế

Trong đợt bão lũ vừa qua, Sacombank đã dành số tiền hơn 6,3 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ngân hàng này vừa trao thêm số tiền gần 900 triệu đồng để sửa chữa lại 4 trường học bị thiệt hại nặng do các trận bão lụt liên tiếp vừa qua gây ra.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trao tặng 894 triệu đồng hỗ trợ cho 4 trường học trên địa bàn thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền sửa chữa, mua sắm trang thiết bị trường học.

Tại Trường tiểu học số 2 Hương Xuân (thị xã Hương Trà), Sacombank cùng các cơ quan liên qua đã tiến hành khởi công công trình sửa chữa trường học và mua sắm thiết bị cho trường với số tiền 200 triệu đồng, gồm 161 triệu đồng tiền mặt và 390 chiếc áo ấm cho học sinh.

Được biết, trong đợt lụt bão vừa qua, Sacombank đã dành số tiền hơn 6,3 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ngân hàng này quyết định trao thêm số tiền 894 triệu đồng để sửa chữa lại 4 trường học bị thiệt hại nặng do các trận bão lụt liên tiếp vừa qua gây ra.

4 trường học này, gồm: Trường tiểu học số 2 Hương Xuân; Trường mầm non Hương Phong; Trường mầm non Quảng Thọ (cơ sở 2); Trường mầm non Kim Thành (Quảng Điền). Đồng thời trao hơn 1.300 chiếc áo ấm cho học sinh 4 trường nói trên. (doanhnghiepvn.vn 21/01)

 
 
 

2.  Ước mơ được đến trường của Thật

Mùa đông năm nay kéo dài, căn nhà tuềnh toàng của 5 anh em Trần Văn Thật, học sinh lớp 5/3, Trường tiểu học Hồng Vân ở thôn Kêr, xã Hồng Vân, huyện A Lưới càng lạnh lẽo hơn khi bếp lửa hôm có hôm không vì thiếu lương thực.

Cha mẹ đều là người dân tộc Pa Cô, cách đây 5 năm, mẹ các em bị bệnh hiểm nghèo đã qua đời. Nghề vác tràm hôm có hôm không, khó để nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn nên anh Trần Văn Vin, bố các em phải đi làm xa với hy vọng kiếm đủ tiền về nuôi các con nhưng chẳng được là bao. Anh trai đầu của Thật là Trần Văn Lẽ năm đó mới 12 tuổi phải bỏ học để đi vác tràm thuê, chị gái Thật nhỏ hơn anh 2 tuổi thì đã phải nghỉ học từ khi mẹ ốm để chăm mẹ, mẹ mất lại thay mẹ lo việc nhà để các em đến trường.

Nhà cách trường 5km, mới vài tháng trước, một người tốt bụng vừa tặng Thật và em trai kế là Trần Văn Thuận, hiện là học sinh lớp 4/1 của trường chiếc xe đạp cũ để giảm bớt gánh nặng đường xa. Khi hỏi học xong lớp 5 có tính chuyện nghỉ học để theo anh trai đi vác tràm không, Thật lắc đầu thật nhanh, rồi trả lời: “Con sẽ cố gắng để được đi học. Vì con thích đi học với bạn bè”.

Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm của Thật cho biết, anh em của Thật ai cũng sáng dạ và rất thích đi học. Cô Thủy từng là giáo viên chủ nhiệm của Lẽ, khi còn đi học, kết quả học tập của em luôn đạt loại khá, giỏi, nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc nên em mới phải nghỉ học. Vì thế mà em luôn cố gắng để các em của mình được đi học.

Cái lạnh đến cắt da cắt thịt của mùa đông năm nay đã khiến tôi thấy lo, không biết trong căn nhà tạm vừa dột nát, bốn vách tường các em sẽ ra sao khi vừa thiếu ăn vừa không đủ ấm?

Nhớ lại khuôn mặt ngây thơ, đôi mắt vẫn vô tư như sinh ra đã phải chấp nhận cuộc sống nghèo khổ của Thật trả lời hôm gặp chúng tôi, rằng cháu chỉ có một ước mơ duy nhất là được tiếp tục đi học. Nhưng, vẫn chưa có tin vui từ ba, tiền công vác tràm mỗi ngày hơn trăm ngàn đồng của anh trai và sự quán xuyến gia đình của chị gái vừa hết tuổi thiếu niên có giúp các em đạt được ước mơ rất đỗi bình thường ấy không?

Thầy giáo Lê Minh Bằng, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Vân trả lời về điều đó, rằng nhà trường cố gắng lắm cũng chỉ hỗ trợ được phần nào khi các em còn là học sinh của trường. Nhưng Thật đã là học sinh cuối cấp, Thuận nhỏ hơn anh 1 tuổi, nên việc các em có học được hết phổ thông hay không quả là khó có câu trả lời.

Để những em nhỏ tiếp tục được đến trường, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.

Mọi sự hỗ trợ xin gửi về: Thầy giáo Lê Minh Bằng, Trường tiểu học Hồng Vân, điện thoại: 0914782019. Hoặc: Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế; điện thoại: 0378060314; số tài khoản Báo Thừa Thiên Huế: 4011201000840 - Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Trường An, tỉnh Thừa Thiên Huế (ghi hỗ trợ em Trần Văn Thật, huyện A Lưới). (baothuathienhue.vn 21/01)

 
 
 

3.  Vietjet đồng hành cùng chương trình ‘Tết ấm cho em’

Tròn 04 năm sát cánh, năm 2021 Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet tiếp tục đồng hành cùng Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam mang đến cho hơn 1000 trẻ em nghèo những suất học bổng và quà tặng ý nghĩa.

Chỉ trong tháng 11 và tháng 12, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các cơ quan thường trực các tỉnh và các nhà hảo tâm đã trao hơn 1.000 suất quà cho trẻ em và các gia đình bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở một số tỉnh Miền trung với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, đoàn đã trao 150 suất quà bao gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 01 phần quà cho 150 trẻ em thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại hai tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Tiếp sau hoạt động trao quà tập trung, Đoàn đến thăm 02 gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tặng mỗi gia đình 5 triệu đồng và 01 phần quà.

Kết thúc chuỗi các hoạt động trao quà, ngày 16/11/2021, lễ tổng kết chương trình “Tết ấm cho em” tại Thành phố Ninh Bình được diễn ra, khép lại một hành trình đầy nhân văn ý nghĩa với mong muốn động viên, khích lệ tinh thần, mang Tết cổ truyền đầy tình thương tới trẻ em nghèo. Tại chương trình, Ban tổ chức trao tặng 100 suất quà và học bổng mỗi suất gồm 1 triệu đồng và 1 phần quà cho 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Tới dự buổi lễ có Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Nguyên Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó Cục trưởng Cục Quân y – Bộ Quốc phòng; Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Vietjet.

Trong buổi tổng kết, được nhận được những phần quà đầy ắp yêu thương, nhiều em học sinh không giấu nổi sự xúc động. Cầm phần quà trên tay, em Nguyễn Khánh Linh học sinh Trường THCS Phú Lộc huyện Nho Quan nghẹn ngào: “Bản thân em đang mang bệnh, mẹ phải đi làm ăn xa để lấy tiền chữa bệnh cho em. Khi nhận được quà từ Ban tổ chức trong dịp cận tết em cảm thấy rất vui và hạnh phúc em sẽ cố gắng học tập thật tốt và sống cuộc sống ý nghĩa hơn. Em cũng không quên gửi lời cảm ơn các cô chú, các nhà hảo tâm đã quan tâm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn như em”.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 cùng với thiên tai, bão lũ đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế đất nước nói chung và đời sống của từng người dân nói riêng. Nhằm chung tay giúp đỡ người dân vượt qua đại dịch, khắc phục hậu quả sau thiên tai, chuẩn bị đón Tết cổ truyền, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet rất vui mừng được đóng góp một phần quà nhỏ bé cho các em nhân dịp xuân mới.

Ông Nguyễn Đức Thịnh – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet chia sẻ: “Qua các chuyến đi, chúng tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều trường hợp khó khăn cần nhận được sự trợ giúp của cộng đồng. Chúng tôi cũng đọc được niềm vui trong ánh mắt các em và hiểu rằng hoạt động thiện nguyện mà Vietjet thực hiện đã góp phần tạo động lực cho các em vươn lên trong cuộc sống”.

Cũng theo ông: “Hiện nay, hằng năm, Vietjet đều trích một phần từ doanh thu để xây dựng quỹ sử dụng cho hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy những đóng góp của mình và của các tổ chức, cá nhân là nền tảng để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Vietjet đã sát cánh bên chương trình “Tết ấm cho em” trong 04 năm liên tiếp vừa qua. Tại chương trình tổng kết hôm nay, chúng tôi tiếp tục hy vọng rằng mỗi phần quà sẽ là một đốm lửa nhỏ thắp lên những ngọn lửa ấm cho các em và gia đình trong ngày Xuân sắp tới. Chúng tôi cũng mong muốn chương trình sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn để có thêm những tấm lòng nhân ái gửi đến những người dân còn thiệt thòi trên cả nước”.

Với phương châm hành động “CHUNG TÂM, CHUNG TRÍ, CHUNG SỨC BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM”, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Hãng hàng không Vietjet đã tạo nên một chương trình nhân văn, khích lệ kịp thời trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên trong cuộc sống, tạo nên giá trị tốt đẹp về sự sẻ chia, nâng đỡ bước trưởng thành đầy gian khó của thế hệ tương lai đất nước. (tienphong.vn 22/01)

 
 
PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
 

1.  Bảo vệ người già, trẻ em ngày lạnh

Khi nhiệt độ xuống thấp, người già, trẻ em và người có bệnh huyết áp là những đối tượng nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết và dễ gặp nhiều rủi ro khi nhiệt độ xuống quá thấp, rét đậm, rét hại. Người dân cần biết cách giữ ấm và phòng, chống rét cho bản thân và gia đình.

Chăm con đúng cách

Hơn một tháng Huế chìm trong những đợt gió Đông lạnh giá, cũng là quãng thời gian chị Hoàng Minh Thiên (TP. Huế) phải xoay xở với đứa con trai nhỏ 7 tuổi như chiếc máy dự báo thời tiết bị lỗi. Bé con vốn có hệ hô hấp yếu nên rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Nhiều khi, đài khí tượng thủy văn báo không khí lạnh mới ngấp nghé biên giới phía Bắc, ở Huế cu cậu đã khục khặc ho. Mùa đông năm nay, mới qua hai ngày ho trong đợt lạnh sâu, cậu nhỏ đã bị viêm phổi, tiếng ho cũng khàn kẹt như có chèn cái còi trong cổ họng. Bác sĩ xác định bé bị viêm phổi chứ không phải chỉ viêm họng đơn giản, chị Thiên vẫn chưa hiểu mình đã “sai bài” chỗ nào khi chăm sóc con trong những ngày lạnh. “Mình giữ ấm cho con cẩn thận lắm, ăn uống cũng chú ý nữa, vậy mà cũng không tránh được con đau ốm. Sợ là trong thời gian không có mình bên cạnh, con hiếu động, chạy nhảy ra mồ hôi nhiều bị thấm ngược mà không biết cách xử lý”, người mẹ trẻ chia sẻ.

Không chỉ lo lắng cho con, chị Diệu Nhi (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) còn tự trách mình vì chăm con chưa đúng cách. Bé con sau mấy ngày uống thuốc mà không đỡ ho, tiếng ho còn dần trở nên khàn đặc, chị đưa con đi khám. Nhìn túi vỏ thuốc con dùng 3 ngày qua, bác sĩ mắng luôn cả mẹ: “Tôi sợ cái “bệnh” của mấy chị quá. Con ho, sốt không đưa đi khám mà cứ tự ý mua kháng sinh nặng cho con uống. Chính đây là nguyên nhân khiến con trở thành nạn nhân kháng thuốc chứ không phải đâu xa xôi”. Chị Nhi im thin thít, không dám bày tỏ vì quá lo cho con mà nóng vội.

Do sức đề kháng con non trẻ khi thời tiết chuyển rét lạnh, trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp rất cao. Để phòng tránh các bệnh cho trẻ nói chung, cũng như các bệnh về đường hô hấp, cha mẹ phải giữ ấm đúng cách cho trẻ. Đồng thời, bổ sung cho con đầy đủ dinh dưỡng uống đủ nước có tác dụng tăng sức đề kháng cho trẻ. Theo khuyến cáo của ngành y tế, khi trẻ có các triệu chứng ho kéo dài từ 3-5 ngày, kèm theo các triệu chứng sốt, đau ngực, khó thở cần đi khám để được phát hiện và điều trị kịp thời. Với các bệnh trẻ hay mắc như sổ mũi thì có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý ấm, hoặc pha nước muối ấm để súc họng giúp thông thoáng đường hô hấp trên, tránh viêm mũi, họng và đường hô hấp trên; thực hiện tiêm phòng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Khi trẻ có các dấu hiệu ho, khò khè, sốt cao, uống hạ sốt không đáp ứng, thở nhanh, quấy khóc, bỏ ăn…, cha mẹ cần đưa ngày trẻ đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Phòng hạ thân nhiệt ở người già

Trước tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài, thời tiết khắc nghiệt, Bộ Y tế đã có hướng dẫn những việc cần làm để người dân chủ động ứng phó. Bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị trực thuộc chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để kịp thời tham mưu, tuyên truyền cảnh báo và hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, chống rét và khuyến cáo người dân che chắn nhà cửa, giữ ấm cơ thể, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Do khả năng kiểm soát và điều chỉnh thân nhiệt của người cao tuổi giảm, nên trong thời tiết lạnh kéo dài người cao tuổi dễ bị tổn thương về sức khỏe. Những tổn thương dễ gặp là cảm lạnh, nhiễm cúm, viêm phổi, tăng huyết áp gây đột quỵ, cũng như dễ tái phát và tiến triển nặng các bệnh mãn tính, như: hen suyễn, viêm khớp, viêm loét dạ dày… Do đó, người cao tuổi cần được lưu ý chăm sóc các vấn đề về ăn uống, ngủ nghỉ, vận động và đặc biệt là việc giữ ấm cơ thể.

Chia sẻ giải pháp bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi ngày lạnh, TS. BS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế gợi ý phòng ngủ nghỉ, sinh hoạt của người cao tuổi nên duy trì ở mức nhiệt khoảng 24 độ C và giữ đủ độ ẩm. Người cao tuổi tránh ra ngoài và không cố tập thể dục trong thời tiết lạnh. Khi cần thiết rời khỏi nhà, cần mặc ấm, có áo khoác, đội mũ len và đeo găng tay. “Người cao tuổi cần uống 6-8 ly nước ấm một ngày, ngay cả khi không cảm thấy khát nước. Tránh uống rượu và đồ uống có chứa caffeine. Ăn thường xuyên, các bữa ăn tương đối nhẹ 5-6 lần một ngày, tránh ăn các bữa ăn thức ăn nặng và nhiều. Dùng thức uống và thực phẩm nóng giúp bảo vệ thân nhiệt. Khi ở nhà, chủ động vận động thích hợp để tăng lưu lượng máu và tăng nhiệt độ cơ thể. Trong trường hợp nghi ngờ người cao tuổi bị hạ thân nhiệ, xuất hiện lạnh, kém đáp ứng hay lú lẫn thì người thân phải gọi trợ giúp y tế ngay lập tức”, TS. BS. Lê Thanh Hải nhấn mạnh.(baothuathienhue.vn 22/01)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Bánh ép Huế - Đặc sản đường phố

Ẩm thực Huế không chỉ nổi tiếng với các món ăn cung đình, và các loại bánh dân dã đã có tiếng như bánh lọc, bánh nậm thì có một loại bánh vừa rẻ, vừa ngon được gọi là đặc sản đường phố, thì không thể bỏ qua là món bánh ép.

Bánh ép bán “nhan nhản” trên mọi ngóc ngách của Huế, nhưng mùi vị bánh không quán nào giống quán nào. Chiếc bánh nhỏ xíu nhưng chứa nhiều điều đặc biệt: vị béo ngậy, dai của bánh, chua giòn đu đủ ngâm, mùi thơm của hành lá, thịt, trứng...

Bánh ép thực chất là một món bánh lọc cải tiến, không cầu kì trong cách chế biến. Nguyên liệu chính gồm bột lọc và nhiều loại nhân khác nhau như trứng, thịt bò khô, ba tê, thịt,… tùy theo phong cách mỗi quán. Tất cả các nguyên liệu được sơ chế riêng lẻ.

Bánh được ép chín giữa hai miếng gang trên lò than hồng. Lần lượt bỏ bột lọc vào ép mỏng rồi cho tiếp nhân vào ép thêm lần nữa. Tên gọi của nó cũng bắt nguồn từ cách chế biến này - ép bột trong tấm gang. Mùi hương thơm phức và tiếng bột xèo xèo vui tai khiến thực khách đang đợi bánh ai cũng muốn ăn.

Bánh được ép dẻo hay giòn tùy thực khách yêu cầu. Trong lúc đợi bánh, các thực khách có thể tự pha nước mắm, điều chỉnh lượng cay phù hợp. Có lẽ nhờ thời gian đợi bánh chín thêm nước chấm tự pha càng khiến cho món ăn trở nên ngon tuyệt vời. Bánh càng ngon khi ăn nóng và phải được ăn kèm với chua ngọt, rau răm , dưa leo,… Vị dai của bột lọc, vị béo của nhân cùng sự tươi mát của rau, của dưa khiến thực khách ăn mãi mãi cho đến khi no bụng nhưng vẫn không ngán.

Ngoài ra, bánh ép còn có phiên bản “bánh ép khô” để khách có thể mua về làm quà. Bánh ép khô mới nhìn, bạn sẽ thấy nó trông giống bánh tráng trứng nhưng thành phần và hương vị hoàn toàn khác. Thịt mỡ được rải đều, thêm chút hành lá và ép giòn, ăn kèm tương ớt rất dậy vị.

Có một cách ăn bánh ép khô rất thú vị đó là phết một chút pate và tương ớt lên miếng bánh và kẹp đôi lại với nhau. Khi ăn, bạn sẽ cảm thấy vị giòn của bánh, vị béo của pate, vị cay của tương ớt vô cùng ngon miệng. (dulich.petrotimes.vn 21/01)

 
 
 

2.  Việt Nam đẹp bất tận trên nền tảng số Google

Google Arts & Culture ra mắt dự án “Kỳ quan Việt Nam”, giới thiệu các vẻ đẹp văn hóa và tự nhiên nổi bật của Việt Nam trên nền tảng trực tuyến, bao gồm di sản vật thể, phi vật thể, các thắng cảnh tự nhiên đặc sắc, có giá trị nổi bật.

Dự án trực tuyến "Kỳ quan Việt Nam" (Wonders of Vietnam) có 35 triển lãm với 1.369 bức ảnh tuyệt đẹp, mang đến những góc nhìn phong phú về Việt Nam để mọi người kết nối, cảm nhận, thưởng thức. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng các triển lãm trực tuyến về hang Sơn Đoòng, lễ hội đèn lồng Hội An và Nhã nhạc cung đình Huế cũng như các tính năng tương tác cho phép du khách trải nghiệm các kỳ quan của Việt Nam theo một cách mới.

Ông Amit Sood - Giám đốc Google Arts & Culture cho biết: “Trong bối cảnh ngành du lịch trên toàn thế giới và tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, chúng tôi cho rằng điều quan trọng là làm cho các kỳ quan của Việt Nam có thể tiếp cận với thế giới để thêm nhiều người có thể trải nghiệm về vẻ đẹp của Việt Nam”. Đại diện Google cũng cho rằng, việc tham quan Việt Nam trên nền tảng số có ý nghĩa lớn với du khách, giúp duy trì niềm tin, sự hứng khởi của họ để đi du lịch Việt Nam khi điều kiện cho phép.

Đánh giá cao sáng kiến của Google, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Google Arts and Culture” là một sáng kiến tuyệt vời, có thể xem như một cửa sổ khoe sắc của các nền văn hóa, giúp người xem có thể tiếp cận được văn hóa nghệ thuật theo cách thức mới mẻ và thú vị.

Với “Kỳ quan Việt Nam”, những điểm đến của Việt Nam sẽ tiếp tục tỏa sáng, được đón nhận bởi đông đảo bạn bè trên mạng lưới của Google. Sự đồng hành và hợp tác chặt chẽ của Google sẽ rất hữu ích cho ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp, cộng đồng du lịch để nâng cao năng lực, chuẩn bị lực lượng phục hồi sau đại dịch.

Phát biểu tại lễ công bố sự kiện, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam – Ngài Daniel J. Kritenbrink cho rằng, khó có tim thấy điểm đến nào thích hợp hơn để quảng bá trên Google Arts & Culture như Việt Nam – một quốc gia sở hữu rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa. “Với dự án 'Kỳ quan Việt Nam', tôi tin rằng sẽ có nhiều du khách quốc tế biết đến Việt Nam và đến du lịch Việt Nam trong thời gian tới” - ông Daniel Krittenbrink cho biết.

Du khách có thể trải nghiệm vẻ đẹp Việt Nam và các kỳ quan tại đường link: https://artsandculture.google.com/project/wonders-of-vietnam./. (vov.vn 21/01)

 
 
 

3.  Thừa Thiên Huế: Phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng

Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tại Thừa Thiên Huế đã và đang thu hút được nhiều lao động vùng nông thôn, các thôn bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động và chuyển dịch thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch; nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bền vững...

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, những năm gần đây, công tác phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân trên địa bàn. Việc kết hợp phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng ngày càng chặt chẽ, bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của Huế, từ đó tạo đà cho du lịch Thừa Thiên Huế từng bước phát triển, ngày càng thu hút du khách thập phương đến tham gia dã ngoại.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có một số tour tuyến kết hợp du lịch cộng đồng trải nghiệm sản xuất nông nghiệp như: trải nghiệm vườn thanh trà Thủy Biều (TP. Huế), mô hình trồng rau thủy canh, dưa lưới nhà kính hay các vườn hoa hướng dương trong lòng thành phố hoặc ở vùng Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), vườn rau sạch ở huyện A Lưới cũng thu hút đông đảo du khách...

Trung bình hàng năm, Thừa Thiên Huế đón được khoảng 300.000 lượt khách đến với loại hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; doanh thu, thu nhập từ dịch vụ và du lịch nông nghiệp nông thôn ước đạt 50 tỷ đồng/năm; thu hút được nhiều lao động của vùng nông thôn, các thôn bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động và chuyển dịch thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch; nâng cao bước đầu nhận thức về du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bền vững cho người lao động trong vùng có phát triển du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, Farmstay, homestay, du lịch trang trại, du lịch cộng đồng là các loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới xuất hiện trên địa bàn từ năm 2017. Các mô hình này là điểm nhấn cho sự trải nghiệm của khách du lịch về vùng đất nông nghiệp nông thôn hoang sơ cũng như các loại hình văn hóa cộng đồng, ẩm thực của các vùng khác nhau và của người dân bản địa.

Các loại hình du lịch này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ cộng đồng trong việc khai thác và bán các sản phẩm từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho khách du lịch và thị trường.

Ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định rằng, các Farmstay, homestay, du lịch trang trại, du lịch cộng đồng đang là mô hình phát triển du lịch khá bền vững với phương châm bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cư dân bản địa, phát huy giá trị cảnh quan tự nhiên, sinh thái, giá trị nông, lâm nghiệp sẵn có trên địa bàn kết hợp phát triển sản xuất và phục vụ du lịch.

 “Tuy nhiên, cơ chế về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trong khai thác và phục vụ loại hình du lịch này còn lúng túng, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể; nguồn lực địa phương vẫn còn hạn chế, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức như hệ thống đường xá, cầu gỗ tạm bợ...; mô hình trang trại nghỉ dưỡng hoạt động chủ yếu dựa vào thời tiết và mùa vụ, lao động hoạt động theo thời vụ nên công tác quản lý mô hình vẫn còn gặp nhiều khó khăn; mô hình trang trại chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ, tự phát và chưa thực sự được đầu tư bài bản...”, ông Phương nói.

Để hoạt động của loại hình này được phát triển hơn nữa, ông Nguyễn Văn Phương cho hay đề xuất với Bộ NN&PTNT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan xem xét hướng dẫn về cơ chế quản lý đất đai trong khai thác phục vụ phát triển du lịch; hướng dẫn các địa phương trong công tác lập quy hoạch và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ đối với từng loại hình du lịch; Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại hình trang trại, HTX nông nghiệp kết hợp du lịch...

Mới đây tại buổi làm việc với Thừa Thiên Huế, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đánh giá cao hoạt động của các loại hình du lịch kết hợp với phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua.

Ông Lê Đức Thịnh khẳng định Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tiềm năng để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn; tuy nhiên, để mô hình nói trên đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, đồng chí Lê Đức Thịnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Củng cố, xây dựng một số mô hình điểm nhấn về du lịch nông nghiệp nông thôn; rà soát lại các cơ chế, chính sách của địa phương nhằm đảo bảo việc quản lý đất đai, đào tạo nguồn lao động nông thôn, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm... (baotainguyenmoitruong.vn 2101)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Phá đường dây cho vay lãi suất 365% năm

Lực lượng Công an Thừa Thiên - Huế vừa bắt giữ 6 nam, nữ cho vay tiền tỉ với lãi suất từ 146% đến 365%/năm.

Ngày 21/1, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa phá thành công chuyên án cho vay lãi nặng, bắt giữ 6 người có liên quan.

Theo đó, những người bị bắt giữ gồm Trần Thị Sang, Phạm Văn Tú, Đào Văn Linh, Nguyễn Hữu Thành (cùng trú ở Thừa Thiên - Huế); Lê Quốc Lãm và Trần Văn Hậu (cùng trú tại tỉnh Nghệ An).

Theo cơ quan công an, nhóm người này đã cho nhiều người dân trên địa bàn vay tiền với lãi suất từ 146-365%/năm. Năm 2020, nhóm này đã cho vay khoảng 1,5 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 340 triệu đồng.

Hiện, cơ quan công an đang tiếp tục đấu tranh khai thác mở rộng vụ án, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật. (nongnghiep.vn 21/01)

 
 
 

2.  Chặn đứng đường dây đưa người xuất cảnh trái phép qua biên giới

Ngày 21-1, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu (BĐBP Tây Ninh) cho biết, đơn vị vừa hoàn tất hồ sơ và ra quyết định xử phạt hành chính đối với Tẩn Mỹ Linh (SN 1994), Tẩn Mí Chiêu (SN 1997), cùng trú tại xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu và Lê Thị Lan (SN 1989), trú tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế về hành vi "Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh theo quy định". Theo đó, mức phạt mỗi người là 4 triệu đồng.

Trước đó, vào lúc 19 giờ 25 phút, ngày 19-1, tổ công tác phối hợp của Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu và Công an huyện Châu Thành tiến hành tuần tra, kiểm soát cơ động tại các đường mòn gần khu vực cột mốc 141, nằm trên địa bàn ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã phát hiện Tẩn Mỹ Linh, Tẩn Mí Chiêu và Lê Thị Lan đang trên đường di chuyển ra biên giới.

Khai thác nhanh, Linh, Chiêu và Lan khai nhận, vào khoảng cuối năm 2020 cả ba quen biết một số người bạn trên mạng xã hội và nhờ họ giới thiệu sang Campuchia để làm việc trong các casino.

Một thời gian sau, một người đàn ông chủ động liên lạc với cả ba người để hướng dẫn đường đi và đưa, đón sang tận casino với tiền công đưa, đón mỗi người là 600 đô la Mỹ.

Tuy nhiên khi nhóm Linh, Chiêu và Lan vừa đến biên giới thì bị lực lượng phối hợp nói trên. Riêng các đối tượng tổ chức xuất cảnh trái phép khi phát hiện chức năng đã nhanh chân tẩu thoát.

Hiện vụ việc đang được Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu và Công an huyện Châu Thành tiếp tục phối hợp điều tra làm rõ. (bienphong.com.vn 22/01)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Tập trung hỗ trợ các sản phẩm làng nghề và OCOP

Giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn khuyến công (KC) không đầu tư dàn trải mà tập trung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, các sản phẩm gắn với làng nghề và các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu nhằm đưa sản phẩm “made in Huế” vươn xa.

Năm 2020 đề án khuyến công hỗ trợ kinh phí cho Công ty TNHH MTV Viết Bảo BQ đầu tư công nghệ in vải áo dài nhằm phát triển sản phẩm áo dài Huế

Cuối năm 2020, Trung tâm KC và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương vừa nghiệm thu đề án hỗ trợ đầu tư hệ thống máy sấy mây tre cho HTX Mây tre đan Bao La (Quảng Điền). Máy có chức năng sấy các loại sản phẩm mây tre đan có kích cỡ lớn, số lượng nhiều nên tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở sản xuất các đơn hàng lớn.

Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La, ông Võ Văn Dinh cho rằng, để phục vụ sản xuất, năm 2010 HTX đã đầu tư lò sấy mây tre, song máy có công suất nhỏ và chỉ sấy được các sản phẩm có kích cỡ nhỏ, trong khi đơn hàng ngày càng nhiều, mẫu mã đa dạng nên máy không đáp ứng được. Nhận được hỗ trợ của nguồn vốn KC 71 triệu đồng, HTX đầu tư 156 triệu đồng trang bị hệ thống sấy công suất lớn, sấy được các loại mây tre cỡ lớn nên tiết giảm nhiên liệu và nhân công, đồng thời nâng công suất sấy lên gấp 5 lần so với trước.

Theo ông Dinh, từ khi thành lập đến nay, nguồn vốn KC đã hỗ trợ kinh phí đầu tư 3 thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, đó là máy cắt khắc lazes, máy sấy và máy tiện, góp phần giúp HTX mở rộng quy mô, phát triển sản xuất và tạo ra nhiều mẫu mã mới để hoàn thiện bộ sưu tập hàng lưu niệm - quà tặng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Năm 2020, Sở Công thương triển khai chương trình KC theo hướng tập trung hỗ trợ phát triển CNNT gắn với đề án phát triển CNNT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Trong đó, tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đặc sản Huế phát triển các sản phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật phục vụ thị trường, góp phần tạo sức lan tỏa đến với cộng đồng.

Trong năm, nguồn KC quốc gia có 2 đề án với tổng kinh phí thực hiện gần 1,4 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách là 500 triệu đồng. Đối với nguồn vốn KC địa phương, có 20 đề án được triển khai với tổng kinh phí thực hiện trên 4,2 tỷ đồng, trong đó vốn KC địa phương (ngân sách tỉnh) hỗ trợ trên 1,2 tỷ đồng. Các đề án hỗ trợ tập trung vào lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đặc sản Huế, quà tặng - lưu niệm, như đầu tư máy móc phát triển nghề thêu áo dài, công nghệ in áo dài, sản xuất tinh dầu tràm, đệm bàng, đàn ghi ta…

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh cho rằng, để nguồn vốn KC phát huy giá trị và theo định hướng phát triển sản phẩm CNNT của tỉnh, năm 2021 sẽ tập trung hỗ trợ các sản phẩm gắn với làng nghề truyền thống, gắn với nghệ nhân và ưu tiên các đề án phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp. Năm 2021, Sở triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch KC, xúc tiến thương mại, triển khai đề án phát triển CNNT nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Cùng với chương trình KC, Sở triển khai xây dựng giải pháp phát triển thương mại điện tử, trong đó chú trọng hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dựng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng cường quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử như Amazon, Ebay... để quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường. (baothuathienhue.vn 21/01)

 
 
 

2.  KOIKA ký kết hỗ trợ xây dựng TP. Huế văn hoá và du lịch thông minh

Chiều 21/1, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ có buổi tiếp, làm việc và ký kết Biên bản Trao đổi dự án “Xây dựng TP. Huế văn hoá và du lịch thông minh” giữa UBND tỉnh và KOICA Việt Nam.

Dự án “Xây dựng TP. Huế văn hóa và du lịch thông minh” có tổng mức đầu tư 14,8 triệu USD, trong đó nguồn vốn tài trợ của KOIKA 13 triệu USD, ngân sách tỉnh đối ứng 1,8 triệu USD được thực hiện 5 năm 2021-2025. KOIKA hỗ trợ xây dựng dự án nhằm nâng cao năng lực quản lý công trong lĩnh vực du lịch liên quan đến việc chuyển biến và chuyển đổi ngành du lịch theo định hướng phát triển kinh tế, đảm bảo môi trường và xã hội bền vững.

Mục tiêu cụ thể của dự án nhằm phát triển du lịch TP. Huế và xây dựng hệ thống thông tin du lịch thông minh. Phát triển trung tâm du lịch văn hóa đô thị và mở rộng mạng lưới đi bộ đô thị ở Huế. Các hợp phần được thực hiện gồm: lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh và camera giám sát dọc theo bờ sông Hương. Đồng thời, xây dựng năng lực hành chính công trong phát triển du lịch và quản lý đô thị. Phạm vi của dự án là khu vực công viên hai bên bờ sông Hương từ cầu Dã Viên đến cầu Trường Tiền.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Quốc gia Văn phòng KOICA tại Việt Nam - Cho Han Deog cho biết sẽ cử các chuyên gia Hàn Quốc có kinh nghiệm đến Việt Nam nhằm cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho việc thực hiện các mục tiêu và các kết quả dự kiến của dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ghi nhận, đánh giá cao và bày tỏ lòng biết ơn đối với những dự án đã được KOIKA tài trợ. Cam kết sẽ có giải pháp quản lý tổng thể dự án mới; vận hành và quản lý dữ liệu đảm bảo hiệu quả trung tâm dữ liệu và và dịch vụ thành phố du lịch thông minh bằng cách đảm bảo các hệ thống vận hành bởi các kỹ sư và chuyên gia có kinh nghiệm và năng lực. 

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tặng Bằng khen kèm Huy hiệu người tốt, việc tốt cho bà Lee So Young – Phó Giám đốc Quốc gia Văn phòng KOICA tại Việt Nam. (baothuathienhue.vn 21/01, sggp.org.vn 21/01, baovanhoa.vn 21/01)

 
 
 

3.  Cơ hội thực hiện “Giấc mơ Huế”

Để xứng tầm đô thị động lực và thực hiện “Giấc mơ Huế”, giai đoạn 2021- 2025, TP. Huế đẩy nhanh tiến độ các dự án (DA) đầu tư, chỉnh trang hạ tầng đô thị kết hợp phương án, tầm nhìn phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, văn minh, thân thiện với môi trường khi mở rộng địa giới hành chính thành phố.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm kết thúc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2015 - 2020), năm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các cấp ủy, chính quyền, địa phương trên địa bàn thành phố nỗ lực, tập trung chỉ đạo điều hành, triển khai các giải pháp quyết liệt vừa phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, vừa triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong năm, đã thực hiện đạt và vượt 6/14 chỉ tiêu, trong đó nổi bật là thu ngân sách, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt 100%, tỷ lệ giảm hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, mật độ cây xanh và thu gom xử lý chất thải rắn, rác thải y tế... góp phần hoàn thành kế hoạch của cả nhiệm kỳ.

Điểm nhấn trong đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị thời gian qua là công viên 2 bờ sông Hương, hoàn thành hạ tầng khu tái định cư Hương Sơ, bảo đảm tiến độ di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế… Công tác quy hoạch, quản lý, xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường được tăng cường thông qua việc ra quân lập lại trật tự đô thị, thực hiện nếp sống văn minh đô thị gắn với phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” góp phần làm cho môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Để kích cầu và thu hút khách, thời gian qua, thành phố đã triển khai xây dựng các đề án phát triển du lịch như triển khai mô hình thí điểm chợ đêm Đông Ba, nghiên cứu triển khai phố đi bộ đường Lê Huân, khai thác không gian cảnh quan đường đi bộ bờ Bắc sông Hương kết hợp với tuyến đi bộ bờ Nam Sông Hương để tạo thành không gian đi bộ hoàn chỉnh cùng với chương trình phát triển du lịch, dịch vụ về đêm nhằm hấp dẫn và thu hút khách.

Phát triển du lịch, dịch vụ

Theo TUV, Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh, năm 2021, TP. Huế tiếp tục khai thác hiệu quả dịch vụ du lịch, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và hoạt động khởi nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ các DA đầu tư, chỉnh trang hạ tầng đô thị kết hợp phương án, tầm nhìn phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn minh, thân thiện với môi trường khi mở rộng địa giới hành chính thành phố.

Ứng dụng công nghệ thông tin và các lĩnh vực đời sống, phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh cũng được chú trọng nhằm quyết tâm xây dựng TP. Huế đến năm 2025 trở thành đô thị “không có ma túy, trộm cướp và trẻ em thất học”; con người Huế sống văn hóa, nhân ái và thân thiện trong một đô thị xanh, sạch, văn minh với chính quyền gần gũi, thương yêu nhân dân, phát triển kinh tế đột phá trên nền tảng kết hợp giá trị di sản, tri thức và hội nhập phát triển.

Thực hiện mục tiêu trên, thành phố triển khai 5 chương trình và 7 DA trọng điểm, gồm chương trình mở rộng địa giới TP. Huế gắn với chỉnh trang, xây dựng kết cấu hạ tầng, đô thị đồng bộ; phát triển du lịch, dịch vụ, trọng tâm là phát triển, hình thành, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế; di dời các hộ dân trong khu vực I thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế; cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, bản sắc văn hóa Huế gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Các DA trọng điểm, gồm: tiếp tục hoàn thành DA Cải thiện môi trường nước; di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống Kinh thành Huế; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư Bắc Hương Sơ; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Hổ Quyền - Voi Ré; nâng cấp mở rộng đường Hà Nội; tuyến đường đi bộ dọc sông Hương (phía Nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa; chỉnh trang công viên, điện chiếu sáng 2 bờ sông Hương, các khu vực trung tâm, cảnh quan và DA vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh, dải phân cách các tuyến đường trung tâm thành phố.

Cơ hội cho sự bứt phá

Theo UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định, định hướng phát triển thành phố di sản, văn hóa, du lịch đặc sắc là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển đô thị Huế. Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai chỉnh trang đô thị Huế trên các lĩnh vực hạ tầng, cảnh quan đô thị theo hướng bảo vệ các giá trị di sản, phát huy, khai thác các tiềm năng cảnh quan vốn có, góp phần thu hút khách du lịch.

Trong đó, tiếp tục chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương đoạn qua trung tâm thành phố với hệ thống đường dạo, không gian công cộng, điện chiếu sáng, các tiện ích đô thị công viên như bãi để xe, camera giám sát, Wifi, nhà vệ sinh công cộng…; chỉnh trang công viên vườn mai khu vực Hộ Thành hào từ cửa Quảng Đức đến cửa Nhà Đồ; công viên Kim Long từ cầu Kim long đến chùa Thiên Mụ, tuyến đường dọc sông Hương phía bờ Nam từ cầu Bạch Hổ đến đường Huyền Trân Công Chúa….

Định hướng phát triển đô thị Huế trong giai đoạn trước mắt là tập trung nguồn lực tiếp tục khai thác lợi thế của văn hóa di sản, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Chú trọng cải thiện môi trường du lịch, chất lượng dịch vụ, đa dạng các sản phẩm du lịch để phát triển kinh tế đêm. Khai thác tuyến đường đi bộ bờ Nam sông Hương kết hợp tuyến đường đi bộ bờ bắc sông Hương, trong đó, tạo điểm nhấn phục vụ du khách và người dân. Nghiên cứu hình thành phố đi bộ khu vực xung quanh Đại Nội đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí về đêm phục vụ khách du lịch… ; đồng thời, xây dựng và triển khai đề án phát triển kinh tế TP. Huế đến năm 2025 với mục tiêu tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế trên nền tảng kết hợp giá trị di sản, tri thức và hội nhập. (baothuathienhue.vn 22/01)

 
 
 

4.  Huế muốn xây thêm nhà ga hàng hóa tại sân bay Phú Bài

Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ vừa có văn bản đề nghị đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ vừa có văn bản gửi Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN về việc đầu tư xây dựng Dự án đầu tư Nhà ga hàng hóa tại cảng hàng không quốc tế (HKQT) Phú Bài.

Văn bản nêu rõ: Cảng HKQT Phú Bài được Bộ GTVT, Cục Hàng không VN cho nâng cấp mở rộng đưa vào khai thác năm 2013 với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh 2700 x 45m và nhà ga có tổng diện tích 6.500 m2, đảm bảo tiếp nhận được các loại máy bay tầm gần, tầm trung hạn chế (A320/A321 và tương đương), phục vụ 1,5 triệu hành khách/năm.

Đến nay, sau gần 9 năm đưa vào sử dụng, hạ tầng sân bay không còn phù hợp với nhu cầu thực tế; sản lượng hành khách qua cảng năm 2019 đạt gần 2 triệu, vượt 30% so với công suất thiết kế là 1,5 triệu hành khách/năm.

Chiều dài đường cất hạ cánh hạn chế, hệ thống đường lăn chưa đồng bộ, làm giảm năng lực khai thác và an toàn bay.

Theo Quy hoạch cảng HKQT Phú Bài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 kéo dài đường cất hạ cánh số 1 hiện có đạt kích thước chuẩn 3.048 m x 45 m; hoàn thiện đường lăn song song dài 3.048 m và 6 đường lăn nối; bảo đảm tiếp nhận các loại máy bay B767, B777. Sau năm 2020 kéo dài đường lăn song song lên 3.800 m và xây dựng thêm 1 đường lăn nối.

Năm 2019, Bộ GTVT đã cho phép TCT Cảng hàng không VN (ACV) triển khai đầu tư Nhà ga hành khách T2, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021, đảm bảo phục vụ 5 triệu hành khách/năm.

Để tiếp tục đầu tư hạ tầng cảng HKQT Phú Bài đồng bộ theo quy hoạch, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hàng hóa; giao Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN tham mưu Thủ tướng xem xét, quyết định.

Từ đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN chỉ đạo, triển khai hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng Dự án đầu tư Nhà ga hàng hóa, sớm đưa cảng HKQT Phú Bài đạt chuẩn, là bước chuẩn bị cần thiết để đón đầu cơ hội, phục vụ tốt các chuyến bay trong nước và quốc tế đến Huế và khu vực Miền Trung - Tây nguyên.

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cam kết sẽ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đảm bảo bàn giao đúng tiến độ theo nhu cầu sử dụng đất của Dự án đầu tư được phê duyệt; đồng hành cùng Chủ đầu tư dự án giải quyết các vướng mắc phát sinh liên quan thuộc thẩm quyền để dự án triển khai thuận lợi, hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra. (baogiaothong.vn 21/01)

 
 
 

5.  Thừa Thiên Huế: Chính quyền tạo điều kiện để doanh nghiệp tự tin đầu tư, phát triển

Để doanh nghiệp (DN) tự tin đầu tư và phát triển, chính quyền phải tạo điều kiện, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến DN các chủ trương, chính sách mới về hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

Đó là nhấn mạnh của ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - tại Hội nghị tuyên dương, khen thưởng doanh nghiệp có thành tích xuất sắc năm 2020 và công bố kết quả khảo sát chỉ số DDCI năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức.

Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách của tỉnh về hỗ trợ DN

Theo ông Phan Ngọc Thọ, để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tỉnh cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó, hỗ trợ, đồng hành giữa chính quyền với DN, nhà đầu tư. Sự phát triển của tỉnh gắn chặt với sự đi lên của DN, do đó tỉnh luôn mong muốn cộng đồng DN phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Để làm được điều này, đòi hỏi các DN đẩy mạnh chuyển đổi số, tỉnh phải xây dựng một chính quyền thân thiện, phục vụ, hiện đại nhằm tạo niềm tin cho DN phát triển vững chắc.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương tiếp tục tham mưu thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách của tỉnh về hỗ trợ DN, trong đó tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, rút gọn các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân sớm được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ. Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến DN các chủ trương, chính sách mới về hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

Phó Tổng giám đốc Vietravel Airline - ông Võ Quang Liên Kha - chia sẻ: Sở dĩ Vietravel Airline là DN duy nhất được cấp phép đầu tư và lập căn cứ ở Huế là do lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến thu hút đầu tư, kết nối và hoàn thiện nhanh các thủ tục pháp lý mở đường bay. Là một người con của Huế, ông Kha còn đau đáu một điều là phải làm sao đưa du lịch Huế phát triển, kêu gọi cộng đồng DN cùng nhau là đối tác để du lịch Huế vươn tầm.

Tổng giám đốc Công ty Scavi Huế - ông Trần Văn Mỹ - khẳng định, trong thời đại của nền công nghiệp 4.0 thì chỉ có chuyển đổi số mới làm DN khỏi tụt hậu. DN của ông đã đón đầu, tổ chức chuyển đổi số từ đầu năm 2019. Do vậy, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng Scavi vẫn sản xuất kinh doanh vượt kế hoạch. Đồng thời cho biết sẵn sàng chia sẻ về những kinh nghiệm của chuyển đổi số cho các DN khác muốn học hỏi. Công ty ông cũng sẽ đứng ra phát triển công nghiệp phụ trợ dệt may, liên kết các DN để tạo thành chuỗi cung ứng giúp DN vươn xa.

Doanh nghiệp phải có khát vọng và ý chí vươn lên mạnh mẽ

Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy - chia sẻ những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN gặp phải năm 2020 khi thiên tai, dịch bệnh liên tiếp hoành hành. Đồng thời, ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, chủ động vươn lên, tìm kiếm, tiếp cận các thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho rằng, cộng đồng DN tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn, thách thức, huy động mọi nguồn lực, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chủ động nghiên cứu để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

 “Năm mới sẽ có đường hướng phát triển tốt hơn, do đó đề nghị cộng đồng DN quyết liệt hơn, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, có khát vọng và ý chí vươn lên mạnh mẽ. Cộng đồng DN hãy cùng kết nối, gắn kết cùng nhau phát triển, chung tay xây dựng văn hóa Huế, phát huy bản sắc văn hóa Huế phục vụ cho phát triển. Đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho DN, hỗ trợ DN phát triển. Tỉnh sẽ thành lập tổ công tác trực tiếp hỗ trợ DN, giải quyết nhanh nhất các thủ tục để DN sớm đầu tư vào tỉnh”, ông Lưu nhấn mạnh. (congthuong.vn 21/01)

 
 
 

6.  Thừa Thiên Huế: Có 25 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP

Trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động hơn 32,3 tỷ đồng thực hiện chương trình OCOP. Đến nay, tỉnh đã có quyết định công nhận cho 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 6 sản phẩm 4 sao và 19 sản phẩm 3 sao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội nghị công bố kết quả, trao giấy chứng nhận mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020 và triển khai chương trình OCOP năm 2021.

Chương trình OCOP được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2018. Để triển khai hiệu quả, tỉnh đã rà soát, thống kê danh mục với hơn 100 sản phẩm có tiềm năng của các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 là hơn 32,3 tỷ đồng.

Qua đó, triển khai chu trình OCOP các cấp, từ năm 2019 đến 2020, có 34 chủ thể đăng ký tham gia chương trình với 36 sản phẩm, hầu hết là các sản phẩm đã có, được hỗ trợ các dự án chuẩn hóa và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP.

Đến thời điểm hiện tại, Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt, công nhận cho 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 6 sản phẩm 4 sao và 19 sản phẩm 3 sao. Hiện còn 8 sản phẩm đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ tiếp tục đánh giá phân hạng.

So với mục tiêu tỉnh đề ra trong giai đoạn 2019-2020 đã vượt kế hoạch, cả về sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và sản phẩm phấn đấu 4-5 sao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế, mục tiêu thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, phấn đấu ít nhất 100 sản phẩm được hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa theo tiêu chí sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, sẽ phát triển từ 2 - 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia chương trình OCOP.

100% sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa tham gia chu trình OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cấp huyện, tỉnh và phấn đấu ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Ngoài ra, cần phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu. (doanhnghiepvn.vn 21/01)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.448.368
Truy cập hiện tại 1.060