TIN NÓNG
1. Cần điều chỉnh tuyến xe buýt Phong Điền-Huế hợp lý
Nằm trong các tuyến xe buýt nội tỉnh không trợ giá của Công ty CP Xe khách Phương Trang Futabuslines (Công ty Phương Trang) vừa đi vào hoạt động ở Thừa Thiên Huế, người dân nhận thấy tuyến Huế-Phong Điền có những bất cập cần sớm điều chỉnh.
Đổi mới nhưng chưa hợp lý
Mới, đủ tiện nghi và có đội ngũ nhân viên phục vụ thân thiện là cảm nhận của nhiều người dân khi sử dụng xe buýt của Công ty Phương Trang đi vào hoạt động hơn 4 tháng nay. Tuy nhiên, tuyến Huế-Phong Điền, một tuyến có lộ trình dài nhất trong tỉnh của xe buýt Phương Trang chạy không dừng đỗ tại các trạm không theo nếp cũ của xe buýt trước đây làm xáo trộn công việc, học tập của nhiều người dân sử dụng phương tiện này.
Chị Nguyễn Khoa Xuân Thủy, cán bộ khách sạn Modian (đường Nguyễn Huệ) chia sẻ: Nhà chị ở thị trấn Phong Điền, hàng ngày thường đi xe buýt vào TP. Huế làm việc. Trước đây, xe buýt cũ tuyến Phong Điền- Huế chạy theo lộ trình Phong Điền vào đường Lê Duẩn- chợ Đông Ba- cầu Phú Xuân, đường Lê Lợi -Nguyễn Huệ- Đống Đa-Lê Quý Đôn. Bây giờ, tuyến này do xe buýt Công ty Phương Trang đảm nhiệm lại thay đổi, cụ thể khi qua cầu Phú Xuân lại theo đường Hà Nội- Lê Quý Đôn-Bà Triệu-Hùng Vương.Với lộ trình này đã gây nhiều bất tiện, trở ngại công việc không riêng chị Thủy mà nhiều người từ Phong Điền vào làm việc ở các cơ quan, đơn vị có trụ sở tại đường Nguyễn Huệ, Đống Đa...
Theo chị Thủy, hiện nay để từ nhà đến nơi làm việc, trên hành trình xe buýt Phương Trang từ Phong Điền vào Huế, chị phải xuống trạm cầu Dã Viên, hoặc chợ Đông Ba, đường Hà Nội (trước cổng Bệnh viện Trung ương Huế) rồi bắt xe thồ, taxi hay đón thêm một lượt xe buýt tuyến từ Bến xe phía Bắc vào Bến xe phía Nam TP. Huế. Bất tiện và mất thêm chi phí cho một chuyến đi là vấn đề mà chị Thủy cũng như một số người phiền lòng suốt mấy tháng nay.
“Trước đây, đi xe buýt cũ từ nhà vào nơi làm việc chỉ mất 7 nghìn đồng/lượt, mỗi tháng chi phí khoảng 160 nghìn đồng, nhưng hiện nay tôi đi xe buýt Phương Trang 20 nghìn đồng/lượt (nếu Phong Điền-bến xe phía Bắc TP. Huế là 15 nghìn đồng) thì chi phí lên gần 1,5 triệu đồng/tháng (gồm cả phí xe ôm, bắt xe dọc đường, taxi...). Vẫn biết xe buýt Phương Trang mới, sạch đẹp nhưng giá vé tăng gần 3 lần so với trước là quá cao đối với công nhân lao động hiện nay. Không riêng tôi mà hầu hết người dân ở huyện Phong Điền đều nhận định như thế”, chị Thủy nói.
Người bạn của tôi ở Tứ Hạ, TX. Hương Trà và rất nhiều người khác ở thị xã này thường ngày đi xe buýt vào làm việc, học tập có cơ quan, trường học ở đường Nguyễn Huệ, Đống Đa, Lê Lợi cũng thấy bất tiện trong lộ trình này. Với họ, mong muốn lớn nhất khi thay đổi phương thức hoạt động xe công cộng trên địa bàn, ngoài vấn đề văn minh, lịch sự rất cần sự tiện ích không mất nhiều thời gian, chi phí phát sinh thêm như hiện nay đi xe buýt Phương Trang.
Chủ doanh nghiệp nói gì?
Ông Trần Thiện Thanh Toàn, Giám đốc Chi nhánh Công ty Phương Trang Huế cho rằng, tuyến buýt Huế-Phong Điền nằm trong quyết định phê duyệt của UBND tỉnh lựa chọn dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt không trợ giá trên địa bàn giai đoạn 2020-2030 mà đơn vị đã trúng thầu. Điều kiện xe buýt này hoạt động đảm bảo tiêu chí mới 100%, có lắp đặp hệ thống camera, wifi... Giá vé do ban, ngành chức năng liên quan tỉnh xây dựng theo tuyến, từng chặn trên cơ sở đúng khung giá cước xe buýt công cộng của Nhà nước và điều kiện thu nhập của người dân ở địa phương. Vấn đề dừng, đỗ, trạm tuyến cũng theo quy hoạch mạng lưới xe công cộng của ngành chức năng địa phương, đơn vị không thể hoạt động trái quy định.
“Nhiều lần người dân phản ánh sự bất cập của tuyến Phong Điền- Huế và chúng tôi kiến nghị ngành chức năng khắc phục tháo gỡ, đảm bảo sự thuận tiện cho người dân có nhu cầu nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm”, ông Toàn nói.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Việc đưa hệ thống xe buýt Phương Trang vào hoạt động không ngoài mục tiêu tạo sự tiện ích cho người dân và diện mạo giao thông văn minh ở vùng đất Cố đô Huế. Những đề xuất kiến nghị của người dân và doanh nghiệp các ban, ngành chức năng liên quan sẽ trao đổi, tháo gỡ để điều chỉnh hợp lý và hoàn thiện hơn về tuyến xe buýt Huế-Phong Điền.
Công ty Phương Trang cho biết, giá vé xe buýt tính theo lộ trình: dưới 10km là 5-7 nghìn đồng; từ 10-20km là 10 nghìn đồng; từ 20-30 km là 15 nghìn đồng và trên 30 km đến suốt tuyến là 20 nghìn đồng. Ngoài giá cước trên, công ty có hỗ trợ ưu đãi cho những trường hợp gia đình chính sách nghèo, sinh viên, học sinh...(baothuathienhue.vn 21/1)
2. Xung quanh việc nhượng quyền taxi tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài
Trong bối cảnh nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng cao nhất là vào dịp nghỉ lễ, tết, thì sân bay được ví như “miếng bánh ngon” không thể bỏ lỡ của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách như taxi, xe hợp đồng... Và để cạnh tranh các hãng taxi đều phải đấu thầu từng vị trí đậu xe và chi hàng tỷ đồng mỗi năm theo hợp đồng nhượng quyền khai thác. Tuy nhiên, chính cách triển khai còn nhiều bất cập nên đã phát sinh tình trạng độc quyền, gây bức xúc cho các đơn vị khác và ảnh hưởng quyền lợi của người sử dụng dịch vụ. (phóng sự ngắn TRT Huế 20/1)
3. Đường bê tông 3 tỷ đồng tại Thừa Thiên Huế nứt toác sau vài tháng sử dụng
Dự án đường giao thông nội đồng tại xã Phú Thanh - Thừa Thiên Huế có vốn đầu tư lên tới 3 tỷ đồng nhưng đã hư hỏng, nứt toác nghiêm trọng chỉ sau vài tháng hoàn thành trong khi đơn vị thi công cho rằng bão lũ là nguyên nhân chính làm hỏng công trình.
Đường tiền tỷ hư hỏng, bể toác sau gần nữa năm hoàn thành
Công trình đường bà Nghè còn lại và tuyến đường từ ngã ba Tây Sáo đến Đạt Ngắn thuộc địa phận xã Phú Thanh (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực huyện Phú Vang làm chủ đầu tư với tổng số vốn 3 tỷ đồng, trong đó xã Phú Thanh có vốn đối ứng 450 triệu đồng. Công trình này được thực hiện trong năm 2019 – 2020 và do Công ty Trách nhiệm Hữu hạng (TNHH) Giang Sơn (địa chỉ tại số 1A Sóng Hồng, thị trấn Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) làm đơn vị thi công.
Sau một thời gian tiến hành thi công, công trình này đã hoàn thành và được nghiệm thu đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu sản xuất và phát triển kinh tế cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, điều đáng nói, một tuyến đường được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng mới đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn chỉ gần 6 tháng đã xuất hiện hàng loạt vết nứt, gãy, sạt lở xuống cấp nghiêm trọng. Sự việc khiến dư luận hoài nghi về trách nhiệm và sự cẩu thả của chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công là Công ty TNHH Giang Sơn.
Theo ghi nhận của PV, gần điểm đầu của tuyến đường này đã xuất hiện những vết nứt ngang đường kéo dài, bong tróc lộ rõ những khe hở giữa các mảng bê tông. Những vết nứt nằm lộ thiên hoặc ẩn dưới những vết xi-măng sữa tráng được đơn vị thi công dùng để khắc phục tạm thời.
Nghiêm trọng hơn, trên tuyến đường này còn có những tấm bê tông bị bể toác, nứt nẻ kinh hoàng, taluy sạt lở, gây ảnh hưởng đến kết cấu và gây mất mỹ quan của toàn bộ tuyến đường. Theo người dân lưu thông qua đoạn đường này, hiện tượng hư hỏng nói trên xuất hiện sau mưa lớn thời gian qua, trong khi cạnh đó cũng có đoạn đường nhánh mới thi công xong không có vấn đề gì.
"Trách nhiệm là của bão lũ, thiên tai"
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Gia đình Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Giang Sơn (đơn vị thi công) cho biết, sau khi nhận được thông tin, nhà thầu đã về kiểm tra và báo chủ đầu tư là BQLDA Đầu tư Xây dựng huyện Phú Vang.
Ông Sơn cho rằng, dự án này của nông thôn, thiết kế rất kém, vốn ít lại giữa đồng không mông quạnh mà nước lụt như thế thành ra mái taluy chống bão lụt không có.
Cũng theo ông Sơn lũ lụt đã đánh lồng vào trong nên ảnh hưởng kết cấu bê tông, bên bảo hiểm cũng không chịu trách nhiệm vì do thiên tai gây ra. Sau khi có báo cáo, Ban quản lý đã động viện doanh nghiệp mang máy mang móc về để đắp lại nhưng vẫn không bền vững được.
“Nguyên nhân chủ yếu gây nứt vỡ bê tông là do đợt mưa lũ lớn vừa qua. Quá trình sóng vỗ vào taluy đã làm hở hàm ếch, đến khi xe chạy qua thì bể. Dù còn thời gian bảo hành nhưng trách nhiệm thuộc về bão lũ”, ông Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phan Văn Ngọc – Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực huyện Phú Vang - chủ đầu tư dự án thì cho biết, đơn vị thi công là Công ty Giang Sơn nói trách nhiệm thuộc về bão lũ thiên tai là không phù hợp. Ông Ngọc cũng cho rằng, sau khi kiểm tra đánh giá lại nguyên nhân nếu dự án đang trong giai đoạn hư hỏng thì phải có trách nhiệm gắn kết để xử lý. Cái nào thuộc về nhà thầu thì nhà thầu xử lý, chủ đầu tư sẽ phối hợp với họ để cùng khắc phục những hư hỏng nói trên.
Chủ đầu tư dự án nói như vậy còn thực tế một dự án đang được người dân kỳ vọng nay đang gây thất vọng.
Sự thật xin giành câu trả lời cho cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế. (giadinhvietnam.com 21/1)
4. TT-Huế vận động cán bộ, người dân không đi "xe ké", xe trá hình tuyến Huế- Đà Nẵng
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi người dân không tham gia, không sử dụng dịch vụ “xe dù”, “xe ké” khi đi công tác, học tập, du lịch từ Huế đi Đà Nẵng và ngược lại.
Chiều 20/1, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa ban hành chỉ thị về việc lập lại trật tự vận tải hành khách tuyến Huế - Đà nẵng và ngược lại.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tiến hành tuyên truyền, vận động sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị và mọi người dân trên địa bàn tỉnh không tham gia, không sử dụng dịch vụ "xe dù", "xe ké", xe hoạt động trái quy định khi đi công tác, học tập, du lịch từ Huế đi Đà Nẵng và ngược lại. Người dân được vận động chỉ đi lại bằng các phương tiện của các đơn vị vận tải hợp pháp tại các bến xe.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT, công an các địa phương phối hợp các lực lượng liên quan đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các phương tiện vận tải hành khách trá hình như "xe dù, bến cóc", xe chở khách núp bóng xe hợp đồng, xe du lịch, xe đặt chỗ qua mạng hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật.
Sở GTVT tỉnh được yêu cầu chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông vận tải tăng cường thanh tra, kiểm tra các điều kiện kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe và các phương tiện tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi xe.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã và thành phố ở tỉnh tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, nắm rõ các tổ chức, cá nhân có phương tiện chở khách núp bóng xe hợp đồng, xe công nghệ đặt chỗ qua mạng hoạt động đón, trả khách trái quy định tại địa phương…
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, tình trạng xe ô tô trá hình vận chuyển hành khách tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số lượng phương tiện, tần suất chạy xe.
Những nhà xe này sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với các lực lượng chức năng như: Bố trí nhiều đối tượng theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng tại các chốt kiểm tra, kiểm soát để thông tin cho các lái xe trốn tránh; tổ chức trung chuyển khách bằng xe taxi khi qua điểm kiểm tra của đoàn liên ngành; nhờ hành khách đi xe đứng tên làm giả hợp đồng.
Tình trạng xe chở khách núp bóng xe hợp đồng và xe du lịch, tổ chức bán vé đặt chỗ qua mạng và đón, trả khách trái quy định làm mất trật tự trong hoạt động vận tải hành khách của tuyến buýt liên tỉnh Huế - Đà nẵng và ngược lại. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, quyền lợi của hành khách đi xe bị xâm phạm vì không có bảo hiểm khi xảy ra sự cố.
Đặc biệt, hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang có nguy cơ lây lan trở lại ở một số địa phương, các phương tiện kinh doanh vận tải trái pháp luật trên tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 do các phương tiện này không được quản lý, giám sát hành trình, không có đăng ký với cơ quan chức năng…(danviet.vn 20/1)
5. Cá nuôi chết thiệt hại trên 20 tỷ đồng
Thời tiết diễn biến phức tạp khiến một lượng thủy sản nuôi tại xã Phú Xuân (Phú Vang) bị chết, ước thiệt hại trên 20 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Nam ở xã Phú Xuân than thở, cá được thả nuôi hơn ba tháng nay, đang phát triển tốt thì gặp mưa rét kéo dài, sinh trưởng kém. Từ khi xảy ra rét, ông Nam triển khai các biện pháp tích trữ nước trong hồ, kèm theo các biện pháp tạo ôxy, làm tổ trú ngụ, tăng cường thức ăn dinh dưỡng, vitamin theo quy định nhưng tình hình không cải thiện mấy. Cá chết lai rai cả tháng nay, sau đó chết đại trà trong những ngày gần đây. Hàng vạn con cá nuôi cao triều của ông Nam bị chết, ước thiệt hại trên 50 triệu đồng.
Ông Đỗ Công Khiêm, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân thông tin, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã 675,6ha; trong đó, nuôi cao triều 245,2ha; hạ triều 95,8 ha và chắn sáo 334,6ha. Các đợt lũ cuối năm vừa qua, môi trường bị ô nhiễm, mới đây xảy ra rét đậm rét hại khiến nhiều diện tích nuôi tôm, cua, cá bị thất thoát, chết trên 90%, ước thiệt hại trên 20 tỷ đồng. Các hộ thiệt hại nặng chủ yếu nuôi cao triều, hộ thiệt hại nhiều nhất trên 200 triệu đồng.
Riêng các đợt rét đậm rét hại mới đây, trên địa bàn xã có 49 hộ nuôi có cá chết, ước thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến cá chết do nhiệt độ xuống thấp kết hợp với độ mặn thấp, môi trường ao nuôi ô nhiễm, người dân không thể thay nước do kênh mương hư hỏng trong các đợt lũ. Điều kiện môi trường không đảm bảo khiến cá nuôi yếu, bị nhiễm khuẩn dẫn đến chết hàng loạt và chết nhanh gây thiệt hại lớn.
Theo kinh nghiệm của ông Phan Tuấn ở xã Vinh Thanh (Phú Vang), trong điều kiện giá rét như hiện nay, ngoài việc triển khai các biệp pháp giữ ấm môi trường ao theo hướng dẫn, quy định của cán bộ thủy sản, khuyến nông, cần nâng cao mực nước trong ao và duy trì mực nước tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 1,5m trong suốt mùa đông. Với những ao hồ khó nâng cao mực nước, ông Tuấn cho đào hố trong ao để cá trú rét, mỗi ao đào 2 - 4 hố tùy theo diện tích ao, hố sâu từ 2- 2,5m tính từ mặt nước, rộng 2 - 3m2.
Theo ông Tuấn, tạo hang cho cá trú đông cũng là một trong những phương pháp khả quan đối với các loài thủy sản sống tầng đáy như cá chép, cá chạch... Có thể tạo hang bằng cách xếp các bó tre nứa, xếp gạch, đặt ống nhựa ở các góc đáy ao cho cá trú. Quản lý tốt môi trường nuôi nhằm duy trì các yếu tố thủy lý, thủy hóa, thủy sinh ổn định, thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản...
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông Châu Ngọc Phi khuyến cáo, người dân chủ động, tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống rét và bảo vệ cá theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Ngoài các biện pháp đang được người dân thực hiện cần thả thêm bèo tây 1/3 - 2/3 diện tích mặt ao, hoặc che chắn bằng lưới bạt, giàn cây trên mặt ao để giảm tác động của giá rét. Bà con cần dùng máy sục khí, tạo dòng chảy để lưu thông nước, làm tăng lượng oxy trong ao; có thể thả thêm một số đối tượng sống tầng đáy, có khả năng chịu rét như cá chép để khuấy động đáy ao, tránh hiện tượng cá chết ở tầng đáy.
Ngoài theo dõi, chăm sóc, phải bổ sung thức ăn đủ chất dinh dưỡng, hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao có chứa vitamin C và khoáng chất để thủy sản có đủ sức đề kháng dịch bệnh cũng như khả năng chịu rét. Đối với những đối tượng nuôi thương phẩm đạt kích cỡ, khi nhiệt độ xuống quá thấp cần thu hoạch ngay, tránh gây thiệt hại… (baothuathienhue.vn 20/1)
6. Nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 vì sao khó thu hồi?
Trong các bản tin thời sự trước, chúng tôi đã thông tin sự việc tàu vỏ thép lớn nhất tỉnh TT Huế được đóng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ của ngư dân Trần Dành, ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang bị khởi kiện ra tòa. Con tàu này đã bị kê biên tài sản để xử lý theo quy định của pháp luật khi chủ tàu không thực hiện nghĩa vụ đối với hợp đồng tín dụng đã ký kết, dẫn đến tình trạng nợ xấu.
Và theo thông tin mới đây được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TT Huế công bố, hiện vẫn còn 17 chủ tàu trên địa bàn tỉnh nằm trong nhóm nợ xấu sẽ bị khởi kiện nếu tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn không được cải thiện. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, mời quý vị cùng phóng viên thời sự tìm hiểu sự việc qua phóng sự sau. (trt.com.vn 19/1)
7. Khu xử lý rác thải triệu đô “mắc cạn”
Tại tỉnh TT-Huế, lượng rác thải sinh hoạt cần xử lý mỗi ngày lên đến khoảng 600 tấn. Tuy nhiên, hiện các khu xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh đang rơi vào tình trạng quá tải; trong khi đó, khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy khác có trị giá đầu tư hơn 3 triệu USD lại “chết yểu” từ 3 năm nay, gây lãng phí về đầu tư.
Hơn 10 năm về trước, Khu xử lý chất thải rắn (KXLCTR) Lộc Thủy do Dự án Cải thiện Môi trường đô thị miền Trung đầu tư tại thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy (H. Phú Lộc, TT-Huế) được triển khai xây dựng trên diện tích mặt bằng rộng gần 27 ha. Theo thiết kế, công trình bảo đảm xử lý rác sinh hoạt cho Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô và tất cả 18 xã, thị trấn của H. Phú Lộc, công suất 150 tấn mỗi ngày, trong thời gian 20 năm. Sau khi giao cho Công ty Môi trường & Công trình Đô thị Huế tiếp nhận, vận hành vào năm 2012, đến năm 2017, do bị người dân kịch liệt phản ứng vì không khí hôi hám, nguy cơ bệnh tật, không thể sản xuất nông nghiệp do đất đai, nguồn nước ô nhiễm... Đỉnh điểm là tháng 2-2017, người dân thôn Nam Phước đã rất nhiều lần cùng nhau ra đường ngăn cản không cho xe chở rác vào bãi đổ. Lý do mà người dân đưa ra là bãi rác này nhập thêm một lượng rác lớn từ các huyện lân cận khiến rác cứ dồn đống theo thời gian dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng. Trước phản ứng quyết liệt của người dân, gần 3 năm nay, khu xử lý rác thải “triệu đô” xã Lộc Thủy phải buộc dừng hoạt động và “trùm mền” gây lãng phí.
Trong khi đó, qua thống kê gần nhất, mỗi ngày toàn tỉnh TT-Huế phát sinh khoảng 600 tấn rác thải sinh hoạt chưa qua phân loại. Riêng khu vực TP Huế phát sinh mỗi ngày 200 tấn rác sinh hoạt thì có đến 6% là rác nhựa và túi ni-lông. Đó là chưa nói lượng chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn y tế, chất thải rắn công nghiệp thải ra hàng ngày... Tuy nhiên, các cơ sở xử lý rác thải ở phường Thủy Phương và xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy, TT-Huế) hiện rơi vào tình trạng quá tải, hoặc chưa hoàn thiện xây dựng.
Điều đáng nói, sau khi KXLCTR Lộc Thủy bất đắc dĩ phải đóng cửa do dân kịch liệt phản đối, chặn xe chở rác vào nhà máy, vào tháng 11-2017, UBND tỉnh TT- Huế đã thống nhất, phê duyệt chủ trương Dự án (DA) đầu tư xây lắp hệ thống lò đốt rác công suất dự kiến 1 tấn/giờ (24 tấn/ngày), thời hạn thực hiện 2 năm. Mục đích DA này nhằm thay thế việc xử lý rác bằng chôn lấp cũng tại khu nhà máy cũ. Hiện, DA đã Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã lấy ý kiến dân cư thuộc khu vực và đã được phê duyệt. Theo quy định, việc đầu tư lò đốt rác sinh hoạt phải đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam (QCVN61-MT:2016/BTNMT). Khi thực hiện đầu tư xây dựng lò đốt, nhà đầu tư đã lập ĐTM, có hội đồng thẩm định (bao gồm các chuyên gia và đại diện các cơ quan có thẩm quyền) và đã có cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Quá trình đầu tư DA cũng qua nhiều khâu thẩm tra, thẩm định theo quy định của pháp luật. Theo UBND tỉnh TT- Huế, về mặt kỹ thuật, lò đốt tuân thủ Quy chuẩn QCVN61, khí thải ra môi trường đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam; đặc biệt loại bỏ khí độc dioxin và furan. Việc xây dựng hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt tại Lộc Thủy được nghiên cứu, đưa vào quy hoạch trên cơ sở những phân tích khoa học về nhiều vấn đề như đặc điểm môi trường, phương án thu gom, phương án tài chính khi đầu tư, vận hành… để đảm bảo tính khả thi, làm cơ sở triển khai. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần 3 năm, công trình này chỉ tồn tại trên giấy.
Theo ghi nhận của P.V, vào một ngày trung tuần tháng 1-2021, KXLCTR Lộc Thủy vẫn trong tình trạng “cửa đóng then gài”. Phía bên trong cơ sở vật chất xuống cấp, hoang tàn, cây dại mọc tràn lan bao phủ kín cả vùng DA “triệu đô” trước đây. Theo chính quyền địa phương, sau phản ứng kịch liệt của người dân từ 3 năm trước, nhiều hộ gia đình sinh sống cách nhà máy rác 300 mét cũng đã được chính quyền di dời đến nơi ở mới. “Người dân ở đây cứ ngỡ rằng, sau khi các hộ dân di chuyển ra khỏi khu vực ô nhiễm thì nhà máy rác này sẽ tiếp tục hoạt động. Nhưng không ngờ mấy năm qua vẫn luôn trong tình trạng “trùm mền”, trong khi đó nhiều hạng mục bên trong công trình theo năm tháng đã bỉ gỉ sét, hư hỏng gây lãng phí rất lớn”, một người dân ở xã Lộc Thủy (H.Phú Lộc) tỏ ra tiếc nuối. (cadn.com.vn 20/1)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Huế: Áp dụng biện pháp xử lý mới đối với ô tô đỗ trái quy định
Đây là hình thức xử lý mới được CSGT ở Huế lần đầu triển khai thực hiện.
Ngày 20/1, Công an TP.Huế cho biết lực lượng CSGT của cơ quan này đã chính thức áp dụng biện pháp xử lý các ô tô đỗ trái quy định bằng việc ghi hình ảnh và dán thông báo phạt nguội trên kính xe. Đây là hình thức xử lý mới được CSGT Công an TP.Huế lần đầu triển khai.
Theo đó, các tổ tuần tra kiểm soát trên đường của CSGT Công an TP.Huế khi phát hiện ô tô đỗ không đúng nơi quy định, tài xế không có trên xe, lực lượng CSGT sẽ ghi lại hình ảnh và dán thông báo vi phạm trên kính xe. Sau đó, CSGT sẽ xác minh thông tin chủ phương tiện và xử lý theo quy định của pháp luật.
Các phiếu thông báo sẽ có đầy đủ nội dung, thời gian, địa điểm vi phạm kèm địa chỉ nơi tiếp nhận giải quyết vi phạm. Phiếu thông báo được cài vào những vị trí chắc chắn như cần gạt nước để tránh thất lạc.
Nếu quá thời hạn mà tài xế không đến giải quyết, CSGT sẽ gửi thông tin tới cơ quan đăng kiểm để có biện pháp ngăn chặn kiểm định.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, nhiều tài xế ô tô sau khi đỗ xe trái quy định ở Huế đã bất ngờ khi nhận được thông báo vi phạm dán trên kính xe. (danviet.vn 20/1)
2. Thừa Thiên – Huế: Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa có Công văn chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản; các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong bán ra trong dịp Tết Nguyên đán 2021 để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm.
Theo Công văn số 400/UBND-NN, nhằm tăng cường công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương triển khai đầy đủ các nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản dịp Tết Nguyên đán.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ đầy đủ các quy định đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm…, đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm, địa chỉ bán sản phẩm chất lượng, an toàn để người tiêu dùng biết, lựa chọn.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản; các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp này như thịt, giò chả, thủy sản, rau, quả… để kịp thời phát hiện, xử lý, áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và công bố công khai thông tin về các cơ sở vi phạm.
Tổ chức tiếp nhận, xử lý nghiêm túc, đầy đủ theo quy định và thông tin kịp thời về các sự cố sản phẩm nông lâm thủy sản mất an toàn thực phẩm. (baoxaydung.com.vn 20/1)
3. Phối hợp, giải quyết tốt hơn những vấn đề phát sinh ở cơ sở
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Quốc Đoàn đã chỉ đạo như vậy tại hội nghị giao ban các cơ quan nội chính tổ chức vào ngày 20/1.
Bên cạnh ghi nhận những kết quả đã đạt được của các cơ quan nội chính, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn yêu cầu các đơn vị cần có sự phối hợp nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác giữ vững an ninh biên giới, an ninh chính trị, thông tin, an ninh mạng, công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
“Lưu ý ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép dịp tết kể cả đường bộ và đường biển; tăng cường vận động quần chúng; giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở, nhất là những vụ việc nổi cộm; phối hợp sâu sát, thường xuyên trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, cần xử lý nghiêm những đối tượng cố tình gây bất ổn về trật tự an toàn xã hội”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Quốc Đoàn chỉ đạo.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác nội chính, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn yêu cầu các đơn vị nắm chắc tình hình trong dân; chủ động ngăn ngừa, xử lý các vấn đề từ gốc rễ. Tham mưu chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, ma túy; nắm chắc thông tin, tình hình ngoại biên; triển khai các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng; nâng cao hoạt động thanh, kiểm tra; phối hợp giữa các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực...
Từ tháng 6/2020 đến nay, các cơ quan nội chính trong tỉnh thường xuyên phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự và nhiệm vụ quốc phòng. Theo đó, các lực lượng quan sự, công an, biên phòng đã phối hợp trao đổi 416 tin, xác minh xử lý 174 tin; vô hiệu hóa, không để xảy ra “điểm nóng”. Các cơ quan tư pháp hai cấp đã thụ lý, điều tra 582/952 bị can. Cục Thi hành án dân sự thi hành án 5.193 việc; ngành thanh tra đã thanh tra 58 cuộc thanh tra hành chính… (baothuathienhue.vn 20/1)
4. Xây dựng Huế trở thành trung tâm Khoa học và Công nghệ của cả nước
Theo Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành KH&CN cần xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng tỉnh trở thành trung tâm KH&CN của miền Trung và cả nước, là ngành then chốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, gắn với đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm đến.
Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tiến hành Hội nghị tổng kết hoạt động ngành khoa học công nghệ năm 2020 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2021.
Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế Hồ Thắng cho biết, năm 2020, ngành KH&CN thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao với các nhiệm vụ chuyên môn như tham mưu, lập kế hoạch KH&CN; quản lý tiêu chuẩn đo lường, chất lượng; quản lý công nghệ và thị trường công nghệ; công tác hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Trọng tâm là công tác quản lý chuyên ngành KH&CN đạt được nhiều kết quả quan trọng, xét tuyển tổ chức 11 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; triển khai 2 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia; đồng thời, tham mưu đề xuất Bộ KH&CN phê duyệt hơn 13 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, tài sản trí tuệ, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều chuyển biến tích cực, chú trọng chuyển giao, ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến, phục vụ cho sự phát triển các sản phẩm chủ lực ở địa phương, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, hình thành mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị...
Trong năm, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gặt hái được kết quả cao; trong đó tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có 56 hồ sơ đăng ký (cao nhất qua các năm); trong đó có 31 dự án đã tạo ra được sản phẩm, với tính sáng tạo, thiết thực góp phần xây dựng tinh thần khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, tổng kinh phí toàn xã hội đầu tư cho KH&CN thông qua các nhiệm vụ KH&CN gần 66 tỷ đồng, đạt 0,54% chi ngân sách địa phương...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đánh giá cao hoạt động ngành KH&CN đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 với mục tiêu nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển mạnh mẽ KH&CN, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên, ngành KH&CN cần nhìn nhận bất cập thời gian qua để có giải pháp khắc phục, tháo gỡ.
Theo ông Thọ, trọng tâm là xác định xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN của miền Trung và cả nước, là ngành then chốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, gắn tinh thần Nghị quyết 54 của Chính phủ đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm đến.
“Ngành KH&CN phải quyết tâm đổi mới hoạt động, thích nghi ở trạng thái mới, cải cách thủ tục, chuyển đổi số; kiện toàn hoàn chỉnh bộ máy quản lý, hợp tác chặt chẽ các ban ngành, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động, nhiệm vụ như nghiên cứu, ứng dụng giải pháp, đề tài KH&CN mang đặc thù bản địa có ý nghĩa thiết thực đi vào cuộc sống”, ông Phan Ngọc Thọ, nhấn mạnh.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Sở KH&CN; nhiều tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen và Giấy khen vì có nhiều thành tích trong công tác ngành KH&CN. (doanhnghiepvn.vn 20/1)
VĂN HÓA
1. Huế miễn phí tham quan các điểm di tích trong 3 ngày Tết Tân Sửu
Các điểm di tích Huế sẽ mở cửa miễn phí tham quan đối với du khách là người Việt Nam trong 3 ngày Tết.
Ngày 20/1, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, sẽ miễn vé tham quan các điểm di tích Huế trong 3 ngày Tết.
Theo đó, 3 ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 từ mùng 1 đến mùng 3 (tức ngày 16/2-18/2), các điểm di tích Huế sẽ mở cửa miễn phí tham quan đối với du khách là người Việt Nam.
Đặc biệt cả trong 3 ngày này, tại Đại Nội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa cung đình xưa đặc sắc như Lễ đổi gác ở Ngọ Môn vào 9h sáng; múa Lân sư rồng ở sân trước điện Thái Hòa vào 9h30; các trò chơi cung đình như xăm hường, bài vụ, đầu hồ… ở sân sau điện Thái Hòa vào 10h; trình tấu Đại nhạc ở Thế Miếu vào 10h30 sáng…
Trước đó, một hoạt động điểm nhấn rất hoành tráng sẽ tái hiện lại Lễ thiết triều của vua Nguyễn xưa vào 8h30 sáng 21 tháng Chạp (nhằm 2/2) tại sân điện Thái Hòa, Đại Nội. Vào 15h chiều cùng ngày tại lăng Minh Mạng sẽ có triển lãm nhân 200 năm Ngày vua Minh Mạng lên ngôi.
Riêng vào 8h sáng 23 tháng Chạp (nhằm 4/2) tại Triệu Miếu, Thế Miếu (Đại Nội) và điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) sẽ diễn ra lễ Thướng tiêu (dựng Nêu) báo hiệu Tết đến.
Tiếp theo vào 8h30 sáng 24 tháng Chạp (nhằm 5/2) tại Đại Nội sẽ khai mạc triển lãm Thơ Xuân trên kiến trúc cung đình Huế.
Chương trình “Hương xưa bánh Tết” sẽ diễn ra vào 8h sáng 25 tháng Chạp (nhằm 6/2) tại sân điện Cần Chánh, Đại Nội. Lễ Hạ nêu diễn ra vào sáng mùng 7 Tết tại Triệu Miếu, Thế Miếu, điện Long An.
Được biết do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19, lượng khách đến với di tích Huế trong năm 2020 giảm mạnh, chỉ đạt 1 triệu lượt khách với doanh thu bán vé tham quan đạt hơn 106 tỷ đồng, giảm 72,62%.
Tuy nhiên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vẫn nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn góp phần thực hiện thành công một số nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2020 như: Kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn do đơn vị quản lý; Phối hợp chặt chẽ với UBND TP.Huế và các sở ban ngành liên quan thực hiện việc di dời dân cư lịch sử trên khu vực Thượng thành thuộc di tích Kinh thành Huế- Quần thể Di tích Cố đô Huế, tu bổ tôn tạo nhiều dự án, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực di tích... (baotainguyenmoitruong.vn 21/1)
XÃ HỘI
1. Thúc đẩy năng lực, quyền trẻ em và bình đẳng giới thông qua đối thoại, tiếp cận dịch vụ
Sáng 20/1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết đề án "Đẩy mạnh bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2016-2020" (gọi tắt Đề án) và "Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020".
Thực hiện Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh về "Đẩy mạnh công tác BVCSTE tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020", UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án để triển khai Nghị quyết 08. Đến nay, có 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt; 2 chỉ tiêu chưa đạt, gồm: tỷ lệ đăng ký khai sinh cho trẻ đúng hạn và xã, phường, thị trấn được công nhận phù hợp với trẻ em. Số tiền thực hiện Đề án là 96,245 tỷ đồng, đạt 275% so với kế hoạch (35 tỷ đồng)...
Trong 5 năm thực hiện Đề án đã đạt được nhiều kết quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật... huy động các nguồn lực xây dựng quỹ bảo trợ trẻ em với trên 35 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 66.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Mục tiêu công tác BVCSTE giai đoạn 2021-2025 là xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ em. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, hạn chế tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn hại bởi các hành động xâm hại, bóc lột và sao nhãng. Trợ giúp phục hồi kịp thời cho trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ bị tổn hại... Trong năm tới, Sở LĐTB&XH tăng cường năng lực, quyền của trẻ em thông qua đối thoại với lãnh đạo tỉnh.
Về kết quả thực hiện "Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020" trên địa bàn tỉnh mặc dù còn nhiều chỉ tiêu không đạt, nhưng đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của hệ thống chính trị, xã hội, gia đình, bản thân người phụ nữ về vai trò, vị trí của phụ nữ và công tác phụ nữ trong thời kỳ mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí cán bộ nữ nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số được quan tâm...
Để công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung và thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đạt được nhiều kết quả trong giai đoạn 2021-2030, các địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng và số lượng cán bộ nữ trong diện quy hoạch của đơn vị; đưa các chỉ tiêu về phát triển phụ nữ và bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, bằng nhiều hình thức và bằng nhiều cơ chế, các cấp, ngành, tổ chức tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực trong việc BVCSTE và bình đẳng giới. Toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 trẻ em sống trong hộ nghèo, hơn 4.300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo trợ xã hội và 400 trẻ lao động sớm, nên cần giảm thiểu đến mức tối đa những tổn hại đối với trẻ em bằng cách tác động đến những người có liên quan từ gia đình, nhà trường, xã hội. Xây dựng cơ chế phối hợp; phân công, phân nhiệm rõ ràng, phân công nguồn lực... để giải quyết những trường hợp cụ thể, điển hình để thực hiện tốt nhiệm vụ BVCSTE và bình đẳng giới. (baothuathienhue.vn 20/1)
2. Trao 3 Cờ thi đua, 8 Bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho các tập thể
Sáng 20/1, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV Công đoàn tỉnh, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và tổng kết hoạt động công đoàn năm 2020, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
Tham dự có ông Nguyễn Nam Tiến, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; ông Nguyễn Chí Tài, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Nửa đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo, triển khai nghiêm túc Nghị quyết Đại hội, cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình hành động toàn khóa và đạt được nhiều thành tích. Nổi bật, tiến hành ký kết Thỏa ước lao động tập thể với 3 nhóm ngành nghề; 73,28% công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước tổ chức đối thoại; đa dạng các chương trình chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động (Tết Sum vầy, Lễ cưới tập thể, Điều ước đoàn viên, Địa chỉ xanh); có hơn 8.900 lượt đoàn viên thụ hưởng ưu đãi từ Chương trình Phúc lợi đoàn viên với số tiền hơn 5,1 tỷ đồng; thành lập mới 80 công đoàn cơ sở, đạt 42,99% chỉ tiêu đề ra.
Riêng năm 2020, LĐLĐ tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai. Qua đó, hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng từ ngân sách Công đoàn và huy động xã các nguồn xã hội hóa cho người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh; hơn 10 tỷ đồng cho các hoàn cảnh bị ảnh hưởng thiên tai.
Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tập trung thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp như: Đẩy mạnh công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động và cách thức tập hợp đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh…
Riêng năm 2021, với chủ đề “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở”, LĐLĐ tỉnh tập trung công tác đào tạo nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn chủ chốt cơ sở, nhất là năng lực đối thoại và thương lượng tập thể, ưu tiên tiền lương tại khu vực doanh nghiệp, việc thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Dịp này, LĐLĐ tỉnh trao 3 Cờ thi đua, 8 Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam và 7 cờ thi đua của LĐLĐ tỉnh cho các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. (baothuathienhue.vn 20/1)
3. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tặng quà cán bộ, chiến sĩ biên phòng tại Huế
Chiều 20-1, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu đoàn công tác, đã đến thăm, làm việc với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thiếu tướng Hà Thọ Bình đánh giá cao các đơn vị đã triển khai nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu hiệu quả; công tác đảm bảo chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cũng được triển khai chu đáo, chặt chẽ. Đồng thời yêu cầu các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, chủ động trong công tác nắm tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh, không để bị động bất ngờ; đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Bên cạnh đó, tiếp tục tham gia giúp dân phát triển kinh tế - xã hội và tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương địa bàn biên giới tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, có công với cách mạng, gia đình khó khăn và đảm bảo tốt cho bộ đội được đón tết vui tươi, phấn khởi trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Dịp này, Thiếu tướng Hà Thọ Bình đã tặng quà tết cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế. (sggp.org.vn 21/1)
4. Thừa Thiên - Huế: Hơn 12,3 tỉ đồng hỗ trợ đoàn viên khó khăn
Ngày 20-1, LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã sơ kết nửa nhiệm kỳ (2018-2023) hoạt động.
Theo đó, nửa đầu nhiệm kỳ 2018-2023, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình hành động toàn khóa và đạt được nhiều thành tích. Hoạt động nổi bật của LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế trong hơn 3 năm qua là ký kết thỏa ước lao động tập thể với 3 nhóm ngành nghề, giúp hàng ngàn lao động được hưởng quyền lợi cao hơn luật định. Qua triển khai chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên", đã có hơn 8.900 lượt lao động được thụ hưởng ưu đãi với số tiền hơn 5,1 tỉ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2020, từ ngân sách Công đoàn và huy động từ các nguồn xã hội hóa, LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hỗ trợ hơn 2,3 tỉ đồng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hơn 10 tỉ đồng cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi thiên tai. (nld.com.vn 20/1)
5. Triển khai sâu rộng phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công chức, viên chức
Đó là một trong những nhiệm vụ nửa cuối nhiệm kỳ được đề ra tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Viên chức tỉnh khóa IV, nhiệm kỳ 2017 - 2022 và tổng kết hoạt động công đoàn năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, diễn ra chiều 20/1.
Nửa nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Đã trợ cấp kịp thời cho 750 trường hợp cán bộ, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh hiểm nghèo với số tiền 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 8 “Mái ấm công đoàn”. Các công đoàn cơ sở cũng xây dựng được "Quỹ tương trợ" trên 1,9 tỷ đồng, giải quyết cho 430 lượt cán bộ, đoàn viên mượn giải quyết khó khăn, làm kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua yêu nước được phát động, triển khai sâu rộng trong đoàn viên, CBCCVC đạt kết quả thiết thực, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nửa cuối nhiệm kỳ, Công đoàn Viên chức tỉnh tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ công đoàn và đề ra một số nhiệm vụ chính: Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBCCVC; triển khai sâu rộng phong trào thi đua yêu nước; phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh…(baothuathienhue.vn 20/1)
6. “Hồi sinh” những vườn hoa Tết xứ Huế
Bão lũ liên tiếp vào tháng 10 và 11/2020 khiến nhiều vườn hoa tại các làng hoa truyền thống ở tỉnh Thừa Thiên-Huế bị thối rễ, hư hại và chết trên diện rộng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cần mẫn cùng kỹ thuật trồng hoa của người nông dân nên nhiều vườn hoa đã được “hồi sinh”, kịp phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Tết Tân Sửu đã cận kề, chúng tôi về xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, một trong những địa phương của tỉnh Thừa Thiên-Huế có rất nhiều người dân trồng hoa vụ Tết. Tranh thủ tiết trời nắng ráo, ông Nguyễn Văn Hạnh (50 tuổi, ở làng Xuân Hòa, xã Thủy Vân) ra vườn hoa để tỉa cành, chăm bón cho những chậu cúc vàng kịp nở đúng Tết cổ truyền.
Ông Hạnh trải lòng, trồng hoa Tết hơn 20 năm qua nhưng chưa bao giờ ông thấy thời tiết thất thường, mưa bão liên miên như năm nay. Từ tháng 9 dương lịch, vợ chồng ông bắt đầu làm đất, xuống giống để ươm cây trồng 500 chậu hoa cúc vàng và các loại hoa khác. Tuy nhiên, khi hoa đang phát triển thì xảy ra mưa bão liên miên khiến số chậu hoa không được kê cao tránh lũ đều bị chết, riêng hoa trồng ở vườn cũng bị lũ cuốn trôi.
Thiệt hại sau lũ khá lớn, tuy nhiên việc trồng hoa Tết đối với gia đình ông không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là một “thú chơi” nên ông đã bắt tay trồng lại số hoa bị hư hỏng. Ngoài ra, ông còn đầu tư mái che, thắp sáng bóng đèn điện vào ban đêm khi thời tiết mưa rét kéo dài. Nhờ thế nên đến nay, phần lớn số hoa cúc vàng của gia đình phát triển tốt và sẽ kịp nở đúng dịp Tết.
Rời làng Xuân Hòa, chúng tôi đến làng Dạ Lê Chánh, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy. Những ngày này, trên các vườn hoa nơi đây bà con nông dân đang tất bật chuẩn bị cho vụ thu hoạch hoa Tết.
Vụ hoa Tết năm nay, ông Nguyễn Đắc Lộc ở làng Dạ Lê Chánh trồng hơn 1.000 chậu hoa cúc. Mưa lũ khiến công việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn, nhưng với kinh nghiệm trồng hoa lâu năm, số hoa Tết của gia đình ông Lộc vẫn phát triển và đang trong giai đoạn cho nụ để xuất bán vào dịp 20 tháng Chạp.
Hiện vườn hoa của gia đình ông Lộc thương lái đã đặt mua 80% số chậu, số còn lại dự định sẽ bán lẻ cho người dân ở địa phương mua về chơi Tết. Năm nay do thời tiết bão lũ nên dự đoán giá hoa sẽ cao hơn năm trước.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Thủy Vân cho biết, vụ hoa Tết năm nay, người dân toàn xã trồng hơn 60 nghìn chậu hoa Tết các loại. Vừa qua, sau đợt bão lũ, địa phương đã kịp thời thống kê thiệt hại và có hỗ trợ một phần kinh phí để giúp các hộ dân trồng hoa tái sản xuất. Đối với các hộ chịu thiệt hại nặng, địa phương khuyến cáo nên trồng các loại hoa ngắn ngày để kịp cung ứng cho thị trường Tết.
Sau thiệt hại do bão lũ gây ra, người dân ở xã Thủy Vân và các làng hoa truyền thống thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế đã nhanh chóng ổn định sản xuất, nhiều diện tích hoa được khôi phục, “hồi sinh” trở lại nhờ sự nỗ lực, cần mẫn của người trồng hoa.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện toàn tỉnh có 46ha hoa trồng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu, tập trung các làng hoa truyền thống thuộc huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy và TP Huế. Ngoài các loài hoa truyền thống như cúc, hồng, vạn thọ, người dân còn trồng số lượng lớn hoa đồng tiền, ly, cẩm chướng, lay ơn để phục vụ thị trường Tết cổ truyền.
Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, dịp cuối năm, dù thời tiết mưa rét kéo dài nhưng nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng, đúng phương pháp kỹ thuật nên hoa trên địa bàn phát triển tốt, đảm bảo được hoa phục vụ dịp Tết. Ngoài các loại hoa truyền thống, người dân ở miền núi A Lưới, Nam Đông còn mở rộng diện tích trồng các loài hoa ly, cẩm chướng. Những loại hoa này được trồng trong nhà lưới, nhà màng nên bảo đảm phát triển tốt và hoa đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phục vụ thị trường Tết ở địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành miền Trung. (cand.com.vn 21/1)
7. Cần tạo sự chuyển biến về nhận thức nhằm đẩy lùi tệ nạn xã hội
Đó là ý kiến chỉ đạo của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống tệ nạn xã hội (TNXH) giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ 2021-2025 vào ngày 20/1.
Thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp, hình thức đẩy mạnh truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng chống TNXH trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm thiểu, đẩy lùi TNXH, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Công tác cai nghiện ma túy; phòng chống mại dâm; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không tệ nạn ma túy, mại dâm và xây dựng mô hình thí điểm phòng ngừa, trợ giúp làm giảm tổn thương, phòng chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng; tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán... đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các địa phương đã cụ thể hóa và chủ động trong việc đưa công tác phòng chống TNXH vào cuộc vận động xây dựng "gia đình văn hóa", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"..., góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa TNXH.
Tuy nhiên, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, con người. Nhận thức về những tác hại của mại dâm tại cộng đồng ở một số địa phương chưa cao, còn chủ quan và dễ bị lợi dụng đan xen hoạt động mại dâm với sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình, nơi nào có sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền, tổ chức đoàn thể và người dân thì ở đó sẽ ít xảy ra TNXH. Vì thế, thời gian tới, để thực hiện tốt công tác phòng chống TNXH cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy, tham gia tuyên truyền, vận động các đối tượng để giảm thiểu tác hại của TNXH đối với đời sống xã hội... (baothuathienhue.vn 20/1)
8. Bắt đầu chi trả trợ giúp xã hội qua ATM
Từ tháng 1-2021, các tỉnh Lạng Sơn, Thừa Thiên-Huế và TP.HCM triển khai thí điểm chi trả tiền trợ giúp xã hội qua ngân hàng (thẻ ATM).
Bộ LĐ-TB&XH vừa lựa chọn tỉnh Lạng Sơn, Thừa Thiên-Huế và TP.HCM làm nơi thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt. Thời gian bắt đầu triển khai từ tháng 1 đến tháng 12-2021.
Theo đó, các địa phương trên được yêu cầu xây dựng phương án chi trả. Trong đó, chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH chuyển danh sách người hưởng chính sách trợ giúp xã hội đến tổ chức cung cấp dịch vụ. Đồng thời, lập ủy nhiệm chi gửi kho bạc huyện để chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của tổ chức cung cấp dịch vụ.
Sau đó, tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm thực hiện chi trả vào tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản ngân hàng số cho các đối tượng hưởng. Trường hợp đối tượng không thể giao dịch bằng phương thức thanh toán qua ngân hàng... thì thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho đối tượng.
Theo ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thanh toán điện tử trong thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội là xu thế mà nhiều quốc gia hiện nay đang áp dụng.
Hiện cả nước cũng có khoảng 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, hơn 1 triệu người tham gia bảo hiểm tự nguyện, khoảng 13,1 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trên 85 triệu người tham gia BHYT.
“Như vậy, các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng được mở rộng với mức trợ giúp ngày càng cao hơn. Vì thế đòi hỏi cần phải có công cụ hiện đại hơn trong việc quản lý chính sách và đối tượng tốt hơn” - ông Dũng cho hay.
Được biết sau một năm triển khai các địa phương trên, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đánh giá, tổng kết và triển khai trên cả nước. (plo.vn 21/1)
KIỂM LÂM
1. Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp: Hạ tầng cần đi trước
Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN), tạo động lực trong thu hút đầu tư là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình trọng điểm năm 2021 về phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp tỉnh.
Hạ tầng thiếu đồng bộ
Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN, Thừa Thiên Huế dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Từ đó, thu hút được nhiều dự án lớn, góp phần giải quyết việc làm, đóng góp vào ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi để chọn lọc đầu tư.
Theo quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, trên địa bàn phát triển 6 KCN với diện tích khoảng 2.393 ha gồm KCN Phú Bài; Phong Điền; Tứ Hạ; La Sơn; Phú Đa; Quảng Vinh. Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã cấp phép đầu tư dự án cho 8 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN chưa đồng bộ, trong đó, việc thiếu hệ thống xử lý nước thải đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Đến nay, mới chỉ có KCN Phú Bài GĐ 1 và 2 có hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 6.500m3 ngày/đêm (đang hoạt động đạt 40% công suất thiết kế); Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có hệ thống xử lý nước thải công suất 4.700m3 ngày/đêm. KCN Phong Điền cũng đang đầu tư trạm xử lý nước thải 4.000m3 ngày/đêm tại khu C và Viglacera giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành trong quý I và quý II/2021. Các KCN khác hầu như chưa được đầu tư.
Không riêng gì hệ thống xử lý nước thải, hạ tầng giao thông kết nối và các hạ tầng thiết yếu khác tại các KCN chưa thực sự hoàn chỉnh, trong đó, các khu đều vướng công tác giải phóng mặt bằng khiến tiến độ thực hiện đầu tư hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn.
Khó thu hút đầu tư
Hạ tầng chưa đồng bộ chính là điểm nghẽn trong thu hút đầu tư tại các KCN trên địa bàn. Ngoài KCN Phú Bài giai đoạn 1, 2 thì các KCN khác tỷ lệ lấp đầy rất thấp.
Thống kê từ Ban Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cho thấy, tại KCN Phong Điền tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt từ 25 đến 29%, riêng khu C mới chỉ đạt 8,5%. Các KCN còn lại tỷ lệ lấp đầy cũng ở mức thấp như: KCN La Sơn 26,7%; KCN Phú Đa 22%; KCN Tứ Hạ: 2,8%. Cá biệt KCN Quảng Vinh sau hơn 7 năm thành lập cũng chỉ là bãi đất trống giữa vùng gió cát..., chưa có nhà đầu tư hạ tầng cũng chưa có dự án đầu tư nào.
Theo ông Phan Gia Phú, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quảng Điền, dù có 4-5 nhà đầu tư tìm về địa phương để tìm hiểu nhưng rồi vẫn “quay lưng”, dù địa phương đã nỗ lực trong việc “trải thảm”. Nguyên nhân chính vẫn do hạ tầng chưa đồng bộ, hạ tầng giao thông kết nối chưa đảm bảo, chưa nói vị trí không thuận lợi.
Đó cũng là lý do được Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ ra khi bàn về hiệu quả trong thu hút đầu tư vào KCN tại hội nghị tổng kết ngành kế hoạch và đầu tư vừa qua.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, hạ tầng chính là động lực thu hút đầu tư, muốn thu hút được các nhà đầu tư lớn có tiềm lực, trước tiên hạ tầng phải cơ bản đảm bảo, nhất là hệ thống giao thông kết nối, hệ thống xử lý nước thải…Vì thế, phải tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư đồng bộ, từng bước hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, KCN để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn trong tỉnh gắn với bảo vệ môi trường.
Theo đó, năm 2021 các sở, ban, ngành phải tập trung đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN. Trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng các KCN Phú Bài giai đoạn III, IV; hạ tầng khung khu công nghệ cao tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Phong Điền. Chú trọng xử lý nước thải tuần hoàn phục vụ công nghiệp hỗ trợ dệt nhuộm, hoàn thành tuyến đường phân luồng công nhân ra vào KCN Phú Bài và tuyến đường trục chính trong KCN Phong Điền vào khu chức năng chế biến cát…(baothuathienhue.vn 20/1)
NÔNG NGHIỆP
1. Các nhóm đối tượng câu kết cho vay với lãi suất “cắt cổ”
Chiều 20/1, Công an thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, qua công tác điều tra, đơn vị vừa thực hiện bắt giữ nhóm đối tượng để điều tra làm rõ hành vi cho vay lãi nặng.
Qua công tác nghiệp vụ, Công an thị xã Hương Thủy phát hiện đối tượng Trần Thị Sang (SN 1989, trú tổ 5, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) cấu kết với nhóm đối tượng ngoại tỉnh, gồm: Phạm Văn Tú (SN 1999, trú xã Hoàng Tân, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương); Lê Quốc Lãm (SN 1997, trú xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An); Trần Văn Hậu (SN 2002, trú xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) hoạt động cho vay với lãi suất cao.
Nhiều trường hợp, nhóm đối tượng này gây áp lực đe dọa, đòi nợ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Quá trình xác minh, lực lượng Công an đã làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng trên. Ngoài ra, còn phát hiện thêm các đối tượng khác từ miền Bắc vào ở tại TP Huế; thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) để hoạt động cho vay lãi nặng.
Ngay sau đó, Công an thị xã Hương Thủy xác lập chuyên án, phối hợp với phòng Cảnh sát hình sự; phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh.
Qua đó, tiến hành bắt giữ Trần Thị Sang; Phạm Văn Tú; Lê Quốc Lãm; Trần Văn Hậu và 4 đối tượng gồm: Đào Văn Linh (SN 1987, trú quận Tây Hồ, TP Hà Nội); Trương Ngọc Hà (SN 1973, trú phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, hiện cùng ở chung cư Aranya, phường Xuân Phú, TP Huế); Nguyễn Hữu Thành (SN 1993, trú xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) và Lưu Văn Khánh (SN 1994, trú xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội; hiện cùng ở tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Qua điều tra ban đầu, cơ quan Công an có căn cứ xác định 6 đối tượng có hoạt động cho vay lãi nặng gồm: Sang, Tú, Lãm, Hậu, Linh, Thành.
6 đối tượng này khai nhận đã cho vay khoảng 1,5 tỷ đồng với lãi suất từ 146% đến 365%/năm, qua đó thu lợi bất chính 340 triệu đồng.
Hiện Công an thị xã Hương Thủy đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị điều tra mở rộng, củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.
(cand.com.vn 20/1; toquoc.vn 20/1; baodansinh.vn 20/1; baovephapluat.vn 20/1; plo.vn 20/1; baogiaothong.vn 20/1; tienphong.vn 20/1)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Nữ quái buôn bán ma túy lĩnh án 19 năm tù
Ngày 20/1, TAND tỉnh TT-Huế mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Lê Phương Thảo (SN 1997), trú tại đường Lê Duẩn, phường Phú Thuận, Tp.Huế, tỉnh TT-Huế về tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Theo cáo trạng, do có mối quan hệ quen biết với một người phụ nữ tên Chuột (ở Quảng Trị, không biết họ tên, địa chỉ cụ thể) và biết Chuột có bán ma túy nên Thảo đã tham gia bán ma túy cho Chuột.
Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 28/4/2020, Thảo đón taxi từ Huế ra tỉnh Quảng Trị để nhận ma túy từ Chuột.
Khoảng 19h cùng ngày, Chuột và một thanh niên (Thảo không quen biết) đến tại đường Quốc lộ 9, tỉnh Quảng Trị (không xác định địa chỉ cụ thể) giao cho Thảo 04 gói ma túy đem vào Huế giao cho nhiều đối tượng theo sự hướng dẫn của Chuột.
Trong đó, Chuột đưa cho Thảo số điện thoại và dặn Thảo liên lạc với người này để giao một gói ma túy khay rồi lấy số tiền 102.000.000 đồng. Ba gói ma túy còn lại Chuột hẹn khi nào thực hiện xong việc giao gói thứ nhất sẽ đưa tiếp số điện thoại. Đồng thời Chuột hứa sau khi Thảo giao xong ma túy, Chuột cho Thảo 10.000.000 đồng. Khoảng 20 giờ cùng ngày, Thảo đón xe taxi vào Huế, đến Huế Thảo về nhà cất dấu số ma túy trên trong tủ áo quần ở phòng ngủ của Thảo.
Vào lúc 20h ngày 29/4/2020, trước số nhà 160 đường Lý Thái Tổ, phường An Hòa, thành phố Huế, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Huế, kiểm tra phát hiện trên xe taxi Thảo gọi để di chuyển thu giữ 2 gói nilong màu trắng có chứa ma túy. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Thảo thu giữ trong tủ áo quần 01 túi nilong màu trắng có chứa ma túy.
Ngày 19/4/2020 Cơ quan điều tra trưng cầu giám định chất ma túy đối với các chất tinh thể rắn và các viên nén thu giữ của Thảo.
Ngày 05 tháng 5 năm 2020 Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế kết luận giám định số 244/GĐ kết luận: có 314,203 gam ma túy loại Kentamine; và 8,4357 gam hỗn hợp chất ma túy loại Methamphetamine, Ketamine, MDMA. Tổng khối lượng ma túy đã thu giữ là 322,6387 gam.
Tại cơ quan điều tra Thảo khai nhận, tất cả số ma túy trên đều do Thảo nhận từ một đối tượng nữ tên Chuột ở tỉnh Quảng Trị đem về Huế bán theo sự dặn dò của Chuột, xong việc Chuột sẽ trả tiền công, nhưng chưa giao được cho người mua thì bị bắt quả tang. Trước đó, vào giữa tháng 4 năm 2020, Thảo đã bán ma túy cho Nguyễn Văn Quang (SN: 2000, Nơi cư trú: 25A/161 Bùi Thị Xuân, thành phố Huế) một “chấm” ma túy khay với giá tiền 1.000.000 đồng.
Bị cáo có nhân thân xấu, ngày 26/8/2015 bị Công an phường Thuận Hòa, thành phố Huế ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bằng hình thức phạt tiền, mức phạt 1.500.000 đồng về hành vi trộm cắp tài sản. Ngày 30/01/2019 bị Công an thành phố Huế ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bằng hình thức phạt tiền, mức phạt 750.000 đồng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (chưa chấp hành).
Tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận, xin được hưởng mức án nhẹ nhất để sớm trở về với gia đình và xã hội.
HĐXX xét thấy, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, cần một mức án nghiêm khắc để răn đe. Vì vậy, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Phương Thảo 19 năm tù giam. (congly.vn 20/1; zingnews.vn 20/1)
2. Đối tượng vận chuyển gần 1,3 kg ma túy bị sa lưới
Chiếc xe ô-tô 4 chỗ đang vận chuyển ma túy từ Quảng Trị vào Huế bán, khi di chuyển trên QL1A qua đoạn đường Lý Thái Tổ (TP Huế, TT-Huế) thì bị lực lượng CSĐTTP về ma túy CA tỉnh TT-Huế bắt giữ vào chiều tối 18-1.
Qua nắm tình hình và nguồn tin trinh sát, lực lượng Cảnh sát ma túy (CSMT) CA tỉnh TT-Huế phát hiện, sau một thời gian tạm lắng; thời gian gần đây, tình trạng “mở tiệc” ma túy trong giới trẻ ở các khách sạn, nhà nghỉ, karaoke... trên địa bàn TT-Huế đang diễn biến phức tạp. Điều đáng nói, các buổi “tiệc” ma túy bị lực lượng CA TT-Huế bắt giữ thời gian gần đây có rất đông đối tượng tham gia, trong đó, có nhiều đối tượng chỉ mới 19, 20 tuổi. Chỉ cách đây khoảng 2 tuần, có “tiệc” ma túy với 30 đối tượng tham gia.
Qua test nhanh tại hiện trường, CA phát hiện, có đến 29 đối tượng dương tính với ma túy. Theo một trinh sát ma túy, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng ma túy tập thể rất tinh vi, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, khi vào khách sạn, nhà nghỉ; nhóm đối tượng cùng lúc thuê rất nhiều phòng (mỗi phòng khoảng 4-5 đối tượng)... Sau khi thuê phòng ổn định thì chúng bắt đầu “nhập cuộc” chơi. Nhận định, dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, người lao động, người đi học xa quê trở về địa bàn rất đông... Và không loại trừ nhu cầu sử dụng ma túy trong giới trẻ sẽ tăng vào thời điểm này. Trước tình hình đó, Ban Giám đốc CA tỉnh TT-Huế đã chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung đấu tranh mạnh với các loại tội phạm ma túy.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng CSMT CA tỉnh TT-Huế phát hiện, thời gian gần đây, một số đối tượng ở Huế mua ma túy từ tỉnh Quảng Trị. Hình thức mua “hàng” được các đối tượng giao bán trực tiếp hoặc từng “ngụy trang” trong các gói quà rồi gửi theo nhà xe... Trước tình hình này, Phòng CSMT CA tỉnh TT-Huế đã lập án để đấu tranh. Sau nhiều ngày theo dõi, bám sát các đối tượng, chiều tối 18-1, trước số nhà 227- Lý Thái Tổ (P. An Hòa, TP Huế), lực lượng Phòng CSMT CA tỉnh TT-Huế bắt quả tang đối tượng Vũ Văn Đức (trú P. 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đi trên ô-tô BKS 74A-118.27 do Nguyễn Hùng (trú TP Đông Hà) có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Qua kiểm tra người các đối tượng và khám xét xe, CA thu giữ hơn 995 gam ma túy loại Ketamine; 2.688 viên hồng phiến có khối lượng hơn 271 gam; tổng khối lượng thu giữ gần 1,3 kg ma túy tổng hợp.
Qua đấu tranh khai thác ban đầu, đối tượng Vũ Văn Đức khai nhận đã thuê xe của Hùng để vận chuyển ma túy loại Ketamine từ Quảng Trị vào Huế giao bán giúp cho một người đàn ông tên Nô ở H. Hướng Hóa (Quảng Trị) với số tiền công là 20 triệu đồng. Đối với gần 2.700 viên hồng phiến thì Vũ Văn Đức khai nhận, được Nô tặng. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu, số hồng phiến này đã được đối tượng Đức mua từ Quảng Trị, sau đó vận chuyển vào Huế để bán cho các “đầu nậu” nhằm mục đích kiếm lời...
CA cũng đã xác định, đối tượng Nguyễn Hùng làm nghề kinh doanh vận chuyển hành khách và được Vũ Văn Đức thuê làm tài xế chở ma túy vào Huế. Hiện, Phòng CSMT CA tỉnh TT-Huế đang phối hợp với Phòng CSMT CA tỉnh Quảng Trị khám xét nơi ở của Đức tại tỉnh Quảng Trị. (cadn.com.vn 20/1)
3. Thừa Thiên – Huế: Yêu cầu đảm bảo an toàn sử dụng vận thăng trong quá trình thi công
- Ông Hoàng Tiến Minh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế vừa ký văn bản đề nghị các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, đơn vị thi công, quản lý, vận hành vận thăng trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm về an toàn lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng nhằm đảm bảo an toàn cho lao động, trên các công trường xây dựng.
Theo đó, vận thăng được sử dụng trong thi công xây dựng thuộc danh mục máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động ban hành kèm theo Thông tư số 53/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Theo đó, vận thăng chở hàng có người đi kèm và vận thăng chở hàng không có người đi kèm. Tất cả vận thăng trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng và kiểm định bất thường theo quy định tại QTKĐ 02/2016/BXD của Bộ Xây dựng. Thực hiện các kiến nghị của tổ chức kiểm định trong việc đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng; không được tiếp tục sử dụng vận thăng nếu kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc quá thời hạn kiểm định.
Chỉ sử dụng vận thăng có tình trạng kỹ thuật tốt, đã được kiểm định kỹ thuật an toàn đạt yêu cầu. Không sử dụng vận thăng đã bị hư hỏng các chi tiết, bộ phận quan trọng. Bố trí vận thăng làm việc theo đúng đặc tính kỹ thuật và tải trọng mà nhà chế tạo đã quy định (hoặc tải trọng do đơn vị quản lý sử dụng mới quy định lại sau khi cải tạo, sửa chữa…).
Tổ chức khắc phục kịp thời các hư hỏng đã được phát hiện. Có nội quy, hướng dẫn sử dụng an toàn vận thăng; bảng hướng dẫn được lắp đặt gần vận thăng, nơi dễ nhìn thấy. Đảm bảo đủ ánh sáng và các yêu cầu an toàn khác cho chỗ nâng hạ, di chuyển tải. Phải có các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người, vật tư và công trình trong khu vực hoạt động của vận thăng: Có rào chắn ngăn cách an toàn, có các biển báo…
Phải bố trí đủ người để vận hành, tùy theo điều kiện làm việc cụ thể nhưng không ít hơn 2 người cho một vận thăng. Người vận hành phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ sức khỏe và được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận huấn luyện an toàn theo quy định; việc bố trí người vận hành vận thăng phải có quyết định bằng văn bản của người sử dụng lao động.
Không được chở người đối với loại vận thăng không có người đi kèm. Mỗi vận thăng phải có sổ theo dõi bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, thay thế các bộ phận nội dung hạng mục công việc theo quy định của nhà chế tạo. Mỗi vận thăng phải có sổ giao ca để ghi kết quả kiểm tra đầu ca và tình trạng thiết bị trong suốt quá trình làm việc. Phải khai báo với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong khoảng thời gian 30 ngày trước hoặc sau khi đưa vận thăng vào sử dụng.
Nhà thầu xây dựng phải tổ chức bộ phận quản lý an toàn lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Nghị định 39/2016/NĐ-CP và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện. Chủ đầu tư hoặc tư vấn giám sát phải phân công và thông báo nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý an toàn lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 115 Luật Xây dựng tới các nhà thầu thi công xây dựng công trình.
Sở Xây dựng đề nghị các chủ đầu tư thông báo kết quả kiểm tra thực hiện hướng dẫn này đối với việc sử dụng vận thăng trong công trình xây dựng về Sở Xây dựng trước ngày 31/01/2021. (baoxaydung.com.vn 20/1)
4. Công an khám xét nhiều giờ tại quán bar lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế
Hàng chục cán bộ, chiến sĩ công an thuộc nhiều đơn vị phối hợp làm nhiệm vụ tại quán bar Vegas (Thừa Thiên - Huế) suốt nhiều giờ đồng hồ.
Đến 11h ngày 20/1, hàng chục cán bộ, chiến sĩ công an vẫn đang làm nhiệm vụ tại quán bar vegas (79 Bà Triệu, phường Xuân Phú, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ghi nhận của PV VTC News, lực lượng công an có mặt tại quán bar trên từ sáng cùng ngày.
Trả lời PV VTC News, một cán bộ Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận, lực lượng thuộc đơn vị nhận được lệnh phối hợp làm nhiệm vụ tại quán bar này liên quan đến một chuyên án của Bộ Công an.
Lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện công an vẫn làm việc nên vẫn chưa thể cung cấp thông tin cụ thể cho báo chí.
Nguồn tin của PV VTC News tại Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc khám xét tại quán bar Vegas có liên quan đến chuyên án phá đường dây cá độ bóng đá mà Cục An ninh mạng (Bộ Công an); Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công nghệ cao; Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp điều tra.
Liên quan đến quán bar Vesgas, trước đó, lúc 0h ngày 26/1/2019, Đại tá Nguyễn Quốc Đoàn – Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế (hiện là Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế) và Đại tá Đặng Ngọc Sơn – Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế trực tiếp chỉ đạo phá đường dây mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy tại quán bar Vegas.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện một số kẻ mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhất là ở quán bar gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự nên đích thân Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lập chuyên án đấu tranh.
Sau một tháng xác lập chuyên án, vào lúc 0h ngày 26/1, các lực lượng nghiệp vụ của Công an Thừa Thiên - Huế chủ động phối hợp Cục nghiệp vụ, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 (Bộ Công an) phá án.
Tại quán bar Vegas (81 đường Bà Triệu, phường Xuân Phú, TP Huế), lực lượng công an đã bắt giữ Trần Văn Vinh (SN 1999, trú tại đường Bờ Sông Hương, phường Phú Cát, TP Huế); Trần Văn Nam (SN 1999, trú tại đường Đào Duy Anh, phường Phú Bình, TP Huế) và Dương Thị Hương (SN 1989, ở Quảng Thành, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) do tàng trữ ma túy tổng hợp.
Cùng thời điểm này, các tổ công tác đồng loạt khám xét khẩn cấp nhà của La Châu Tuấn Cường (SN 2000, ở phòng 906 chung cư Aranya, phường Xuân Phú, TP Huế) và bắt giữ Bùi Văn Xuân An (trú tại đường Triệu Quang Phục,TP Huế) thu giữ 19 viên ma túy tổng hợp và 5 gói ma túy hạng “hàng khay”.
Theo 2 quản lý quán bar Vegas là Dương Dũng (SN 1985, trú tại Phú Thượng, Phú Vang) và Bùi Phước Danh (chồng Lan) bước đầu khai nhận: Quán bar Vegas do Dương Hoàng Thanh Lan (SN 1977, trú 81 đường Bà Triệu), Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Bùi Xuân Lan – Trung tâm văn hóa Vegas đăng ký kinh doanh.
Tại thời điểm phá án, quán bar nói trên có khoảng 280 khách và nhân viên. Đại diện quản lý chỉ xuất trình bản sao giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế PCCC, số nhân viên chưa xuất trình được hợp đồng lao động.
Tại đây, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế phát hiện 18 điểm có chất ma túy , thu giữ trên 80 viên ma túy tổng hợp, 7 gói ma túy hạng “hàng khay”.
Qua test nhanh, lực lượng chức năng phát hiện 100/262 khách hàng và nhân viên dương tính với chất ma túy (trong đó có 92 khách và 8 nhân viên; 98 nam, 11 nữ). Ngoài ra, lực lượng công an tạm giữ một số lượng lớn, thuốc lá, rượu nhập ngoại các loại và các sổ sách, giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh của quán bar Vegas. (vtc.vn 20/1; tienphong.vn 20/1; vietnamnet.vn 20/1; thanhnien.vn 20/1)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Phong Điền: Hơn 4.000 hộ tiếp cận vốn tín dụng chính sách
- Ông Lê Xuân Trung, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phong Điền thông tin: Năm 2020, tăng trưởng tín dụng đạt gần 23 tỷ đồng, thực hiện tốt thu nợ với doanh số hơn 140 tỷ đồng, cho vay mới khoảng 164 tỷ đồng, giúp hơn 4.000 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh (SXKD)...
Năm 2012, anh Nguyễn Hữu Nghĩa ở thôn Đại Phú, xã Phong Chương được Xã đoàn bình xét, tín chấp vay vốn NHCSXH huyện Phong Điền thông qua kênh Thanh niên lập nghiệp với số tiền 20 triệu đồng. Từ số tiền này và nguồn tích góp, anh Nghĩa đầu tư chăn nuôi gà. Được cán bộ tín dụng ngân hàng phối hợp với Xã đoàn quan tâm hướng dẫn, mô hình chăn nuôi của anh Nghĩa phát triển thuận lợi, đồng vốn phát huy hiệu quả.
Đến năm 2017, sau khi trả hết nợ ngân hàng, anh Nghĩa mạnh dạn đăng ký vay vốn theo dự án nhóm hộ với số tiền 195 triệu đồng để tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi gà, lợn, cá...Sau mỗi năm anh Nghĩa lại thu về hàng trăm triệu đồng. Chí thú làm ăn, trừ mọi chi phí, mỗi năm anh Nghĩa lãi khoảng 100 -150 triệu đồng. Từ đó, anh Nghĩa có nguồn vốn để đầu tư mở rộng thêm chuồng trại phát triển quy mô chăn nuôi.
Anh Nghĩa cho biết: Từ khi tiếp cận được nguồn vốn vay, bản thân đã mạnh dạn đầu tư mở trang trại gà với diện tích 120m2 với số lượng nuôi 1.000 con gà thịt, sau khi nhận thấy làm ăn có hiệu quả nên đã tiếp tục vay qua kênh Trung ương đoàn để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, gia đình có 2 trang trại gà với số lượng 15.000 con gà giống và gà thịt, 3 bể nuôi cá lóc và 1 bể nuôi cá chình với tổng diện tích 2.520m2.
Mô hình chăn nuôi dê của gia đình anh Nguyễn Đức Hưng ở xã Phong Chương cũng ấn tượng không kém. Ban đầu, gia đình anh Hưng được NHCSXH huyện Phong Điền cho vay vốn 20 triệu đồng để chăn nuôi. Từ nguồn vốn vay cộng thêm kinh phí của gia đình, anh Hưng đầu tư nuôi 10 con dê từ năm 2010. Đến nay, đàn dê của gia đình anh Hưng phát triển gần 40 con, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.
“Sau khi tiếp cận được nguồn vốn vay từ NHCSXH, tôi đã làm hồ sơ vay vốn và đã được các anh chị ở NHCSXH huyện Phong Điền đến tận nhà khảo sát, nắm tình hình để cho vay vốn. Từ đó, gia đình tôi có thêm động lực để đầu tư chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình”, anh Hưng chia sẻ.
Nhờ được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách…trên địa bàn Phong Điền có điều kiện SXKD. Từ phòng giao dịch đến từng cán bộ tín dụng đều theo sát tình hình của người dân, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để rà soát khách hàng vay vốn; từ đó, thực hiện các biện pháp như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để sản xuất.
Ông Lê Xuân Trung, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phong Điền cho hay: Hiện nay NHCSXH huyện triển khai 18 chương trình vay vốn trên địa bàn 16 xã, thị trấn với tổng dư nợ hơn 405 tỷ đồng, hiện gần 11.000 hộ còn dư nợ. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Phong Điền đạt 469 tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2019 là 34 tỷ đồng, góp phần giúp hơn 1.100 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo được vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất. Đồng thời, góp phần giải quyết và tạo việc làm cho 245 lao động; giúp 8 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ 78 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng mới, sửa chữa cho 23 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP; xây dựng, sửa chữa và nâng cấp hơn 3.300 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... (baothuathienhue.vn 20/1)
2. Giảm lãi suất: Đón dòng vốn mùa cao điểm
Giảm lãi suất không chỉ là cách ngân hàng hỗ trợ khách hàng vượt qua thời gian khó khăn, mà còn là giải pháp giúp ngân hàng tăng trưởng.
Lãi suất tiết kiệm giảm sâu
Thời gian cuối năm âm lịch cận kề, nhu cầu tiền gửi cũng như vay vốn có xu hướng tăng mạnh. Vì thế, các tổ chức tín dụng (TCTD) đều chủ động tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cả huy động lẫn cho vay. Ðây là tín hiệu khả quan, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế sau những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, thiên tai cực đoan.
Theo đó, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tại các TCTD ngay những ngày đầu năm 2021 tiếp tục giảm so với những tháng trước. Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)- chi nhánh Huế điều chỉnh giảm từ 0,1-0,3% tại nhiều kỳ hạn. Với kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng, ngân hàng này đang niêm yết mức lãi suất tiết kiệm lần lượt là 3,3%/năm và 3,9%/năm, giảm 0,1%; kỳ hạn 12 tháng là 5,6%/năm, giảm 0,2%; kỳ hạn 24 tháng là 5,4%/năm, giảm 0,3 điểm %.
Tiền gửi tiết kiệm online cũng được áp dụng tương tự biểu lãi suất tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân tại các kỳ hạn tương ứng. Khách hàng có nhu cầu tất toán trước kỳ hạn (đối với kỳ hạn 14 ngày) hưởng lãi suất 0%/năm; đối với các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên, lãi suất tất toán trước kỳ hạn là 0,1%/năm.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)-chi nhánh tỉnh cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động xuống 0,2% so với đầu tháng 12/2020 ở kỳ hạn từ 1 tháng đến 24 tháng. Theo đó, kỳ hạn 1 và 2 tháng được niêm yết ở mức 3,1%/năm; kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng có cùng lãi suất 3,4%/năm; các kỳ hạn 6 đến 11 tháng được ấn định ở mức lãi 4%/năm; kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 24 tháng là 5,8%/năm.
Giảm lãi suất huy động cũng là xu hướng của hầu hết các TCTD trên địa bàn. Dù lãi suất tiết kiệm đang duy trì ở mức thấp, tuy nhiên đây vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn cho những khách hàng ngại mạo hiểm, nhất là trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Đồng hành cùng khách hàng
Ðại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-chi nhánh tỉnh cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện phục hồi nhanh nền kinh tế, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm ba lần các mức lãi suất, tổng mức giảm 1,5 - 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành. NHNN cũng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, các TCTD đã thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ cho 795 khách hàng với dư nợ 1.127 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay hạ lãi suất cho 2.164 khách hàng với dư nợ 2.488 tỷ đồng và số tiền lãi được miễn 5,8 tỷ đồng. Cho vay mới khôi phục sản xuất 1.905 khách hàng, với doanh số cho vay từ khi công bố dịch là 10.774 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 0,5 đến 2,5% so với trước dịch. Các TCTD trên địa bàn cũng thực hiện giảm, miễn phí đối với một số giao dịch thanh toán qua liên ngân hàng 24/7 qua Napas.
Theo đại diện Vietcombank Huế, ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng. Để tiếp tục chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp (DN), Vietcombank quyết định triển khai giảm tới 1%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng DN trong thời gian ba tháng kể từ ngày 15/12/2020 đến hết ngày 15/3/2021. Ðối tượng giảm lãi suất không bao gồm các khoản vay đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của Vietcombank. Việc giảm lãi suất đợt này sẽ là hành động thiết thực, thể hiện cam kết cùng khách hàng vượt qua khó khăn và mong muốn khách hàng tiếp tục đồng hành cùng ngân hàng trong thời gian tới.
Ngoài Vietcombank, các ngân hàng khác cũng giảm lãi vay và phí dịch vụ để chia sẻ với khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19 và thiên tai.
Dù mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, thanh khoản dồi dào, nhưng tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống vẫn không cao khi nhu cầu vay vốn của DN hạn chế. Bằng chứng là trong năm 2020, dự nợ tại các TCTD trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 51.873 tỷ đồng, tăng 4.304 tỷ đồng, tương ứng tăng 9,05% so với cuối năm 2019 nhưng chỉ đạt 75,4% kế hoạch đề ra. Điều này cho thấy, tăng trưởng ngành ngân hàng chưa được như kỳ vọng và “sức khỏe” của nền kinh tế vẫn chưa thật sự phục hồi.
Theo đại diện NHNN tỉnh, ngoài việc hạ lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, năm 2021 các ngân hàng đều sẽ tập trung vốn vào những lĩnh vực ưu tiên như DN nhỏ và vừa, xuất nhập khẩu... nhằm góp phần phục hồi nền kinh tế. Phấn đấu trong năm 2021, nguồn vốn huy động sẽ tăng 12%; đầu tư tín dụng tăng 12% và tỷ lệ nợ xấu đảm bảo ở mức an toàn dưới 3%. (baothuathienhue.vn 21/1)
3. Trao giấy khen cho 26 doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho thành phố
Hoạt động này được UBND TP. Huế tổ chức tối 20/1 nhằm trao đổi thông tin về sản xuất kinh doanh, biểu dương những đóng góp của các doanh nghiệp (DN) với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tham dự có UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế - Phan Thiên Định.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, TUV, Chủ tịch UBND TP. Huế - Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, năm 2020 mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID - 19 và bão lũ liên tiếp, song các DN, các tổ chức quốc tế đã đóng góp vào doanh thu dịch vụ, bán lẻ của thành phố gần 35.500 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2019; giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên 9.600 tỷ đồng, tăng 5%; giải quyết việc làm cho 9.000 lao động và nộp thuế trên 1.200 tỷ đồng. Cùng với sản xuất kinh doanh, các DN đã tài trợ, viện trợ hơn 7,5 tỷ đồng giúp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, trường học, cứu trợ lũ lụt và giải quyết chính sách xã hội.
Năm 2021, thành phố cam kết tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhằm huy động cao nhất các nguồn lực xã hội. Trong đó, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế, đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.
Dịp này, TP. Huế đã trao giấy khen cho 26 DN có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp cho thành phố năm 2020. (baothuathienhue.vn 20/1)
4. Thừa Thiên - Huế trao chứng nhận cho 25 sản phẩm OCOP
Ngày 20/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế trao giấy chứng nhận 25 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020.
Ngày 20/1, tại thành phố Huế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức công bố quyết định, trao giấy chứng nhận sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020 và triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2021.
Tại hội nghị, có 25 sản phẩm được trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2020; trong đó, có 6 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 19 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
Chương trình OCOP được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế từ năm 2018, với trọng tâm “phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp,dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương”, là hướng phù hợp phát triển các sản phẩm nông đặc sản có “quy mô”, mang tính đặc trưng và có dư địa phát triển của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Để triển khai hiệu quả chương trình, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã rà soát, thống kê danh mục với hơn 100 sản phẩm có tiềm năng của các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP. Đây là những sản phẩm chủ lực của trục sản phẩm địa phương cấp xã, mang đặc trưng khác biệt, có tính truyền thống tại địa phương và có khả năng phát triển thành hàng hóa.
Giai đoạn 2019 - 2020, có 34 chủ thể đăng ký tham gia chương trình với 36 sản phẩm, hầu hết là các sản phẩm đã có, được hỗ trợ các dự án chuẩn hóa và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP. Các nhóm sản phẩm thuộc các ngành: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải, may mặc.
Tất cả sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng tại cấp huyện, tỉnh. Thừa Thiên - Huế cũng là 1/12 tỉnh chỉ đạo điểm của Trung ương về Chương trình OCOP, theo đó có 4/26 sản phẩm được Trung ương lựa chọn phát triển thành sản phẩm 5 sao.
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, với 25 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, chương trình đã vượt kế hoạch về cả sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và sản phẩm phấn đấu 4-5 sao.
Hiện, còn 8 sản phẩm cơ bản hoàn thiện hồ sơ tiếp tục đánh giá phân hạng. Chương trình đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết.
Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác. Chương trình là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành công.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu ít nhất 100 sản phẩm được hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa theo tiêu chí sản phẩm OCOP (20 sản phẩm/năm); phát triển từ 2 - 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia chương trình OCOP.
Cùng đó, 100% sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa tham gia chu trình OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cấp huyện, tỉnh.
Tỉnh cũng phấn đấu ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu; chu trình chuẩn OCOP được duy trì liên tục tại cấp tỉnh và cấp huyện.
Ngoài ra, tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP và lãnh đạo các doanh nghiệp/hợp tác xã tham gia OCOP; nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ nhân lực tham gia vào hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP./. (bnews.vn 20/1)