Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 20/01/2021
Ngày cập nhật 21/01/2021
TIN NÓNG
 

1.  Vì sao khu xử lý triệu đô 'trùm mền'?

Với lượng rác thải sinh hoạt thu gom hàng ngày từ 450 đến 500 tấn, việc xử lý rác tại TT-Huế hiện trở nên quá tải. Trong khi, một khu xử lý rác sinh hoạt có trị giá đầu tư hơn 3,4 triệu USD ở tỉnh này lại “chết yểu” từ 3 năm nay.

Do người dân kịch liệt phản đối

Hơn 10 năm về trước, Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy do Dự án Cải thiện Môi trường đô thị miền Trung đầu tư tại thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, TT-Huế) được triển khai xây dựng trên diện tích mặt bằng rộng  gần 27 ha. Theo thiết kế, công trình bảo đảm xử lý rác sinh hoạt cho Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và tất cả 18 xã, thị trấn của huyện Phú Lộc, công suất 150 tấn mỗi ngày, trong thời gian 20 năm.

Sau khi giao cho Công ty Môi trường & Công trình Đô thị Huế tiếp nhận, vận hành vào năm 2012, đến năm 2017, do bị người dân kịch liệt phản ứng vì mùi hôi và các tác động tiêu cực liên quan việc chôn lấp rác thải gây ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt thường nhật của bà con, khu xử lý rác thải “triệu đô” xã Lộc Thủy phải buộc dừng hoạt động và “trùm mền” gây lãng phí về đầu tư kể từ đó đến nay. Trong khi, lượng rác thải sinh hoạt tại TT-Huế cần xử lý hiện rất lớn, từ 450 đến 500 tấn mỗi ngày. Còn các cơ sở xử lý rác thải ở phường Thủy Phương và xã Phú Sơn rơi vào tình trạng quá tải, hoặc chưa hoàn thiện xây dựng.

Điều đáng nói, sau khi Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy bất đắc dĩ phải đóng cửa do dân phản đối, chặn xe chở rác vào nhà máy, vào tháng 11/2017, UBND tỉnh TT-Huế đã thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư xây lắp hệ thống lò đốt rác công suất dự kiến 1 tấn/giờ (24 tấn/ngày), thời hạn thực hiện 2 năm, để thay thế việc xử lý rác bằng chôn lấp cũng tại khu nhà máy cũ.

Năm 2019, khi trao đổi với báo chí, một lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế cho biết, về mặt kỹ thuật, lò đốt tuân thủ Quy chuẩn QCVN61, khí thải ra môi trường đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam; đặc biệt loại bỏ khí độc dioxin và furan. Việc xây dựng hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt tại Lộc Thủy được nghiên cứu, đưa vào quy hoạch trên cơ sở những phân tích khoa học về nhiều vấn đề như đặc điểm môi trường, phương án thu gom, phương án tài chính khi đầu tư, vận hành… để đảm bảo tính khả thi, làm cơ sở triển khai.

Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 2 năm, công trình này chỉ tồn tại trên giấy. Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy hiện trong tình trạng “kín cổng cao tường”, cơ sở vật chất xuống cấp, hoang tàn, cây dại mọc tràn lan bao phủ kín cả vùng dự án “triệu đô” trước đây.

Sẽ khởi động lại

Mới đây, khi đề cập về Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy “trùm mền” nhiều năm, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, cho biết, sau phản ứng của người dân từ hơn 3 năm trước, nhiều hộ gia đình sinh sống cách nhà máy rác 300 mét đã được di dời. Theo ông Thọ, nếu có điều kiện kinh phí, tỉnh sẽ di dời dân ở cự ly rộng hơn, với khoảng cách 500 mét so với nhà máy và đầu tư nâng quy mô công suất xử lý rác thải theo công nghệ đốt tại Lộc Thủy. Việc mở cửa khu xử lý sẽ sớm được triển khai trở lại. “Thời gian tới, tỉnh sẽ khởi động lại Nhà máy rác Lộc Thủy, nhưng vì điều kiện đầu tư nên quy mô nhỏ hơn, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân và môi trường”, ông Phan Ngọc Thọ cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đây không phải lần đầu Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy rơi vào cảnh “trùm mền” dài ngày. Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2012, dự án “triệu đô” này sau khi hoàn thành xây dựng từng không thể hoạt động thời gian dài do thiếu… nguyên liệu, giữa lúc nhiều địa phương lân cận lại quá tải về xử lý rác thải sinh hoạt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đây không phải lần đầu Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy rơi vào cảnh “trùm mền” dài ngày. Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2012, dự án “triệu đô” này sau khi hoàn thành xây dựng từng không thể hoạt động thời gian dài do thiếu… nguyên liệu, giữa lúc nhiều địa phương lân cận lại quá tải về xử lý rác thải sinh hoạt. (tienphong.vn 19/01)

 
 
 

2.  Sẽ truy thu số tiền từ việc cho thuê nhà trái phép ở Huế

Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế đang phối hợp với các đơn vị liên quan để truy thu số tiền từ việc cho thuê nhà trái phép tại số 93, đường An Dương Vương (TP.Huế).

Liên quan đến việc công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên-Huế cho công ty TNHH Thương mại Đại Nam thuê làm cửa hàng kinh doanh xe máy ở số 93, đường An Dương Vương (TP.Huế) không đúng quy định pháp luật, một lãnh đạo sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hiện Thanh tra sở đang lập thủ tục để xử phạt hành chính vi phạm này.

Ngoài xử phạt hành chính, sở cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan để truy thu số tiền mà công ty này đã thu từ việc cho công ty TNHH Thương mại Đại Nam thuê tài sản nhiều năm qua.

Trước đó, Người Đưa Tin Pháp luật đã đưa, công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên-Huế đã cho công ty TNHH Thương mại Đại Nam thuê một ngôi nhà trệt với diện tích khoảng 161m2 cùng 2 đường luồng bên hông và phía sau với tổng diện tích khoảng 260m2 từ ngày 1/6/2015. Thời hạn cho thuê là 5 năm.

Tuy nhiên, việc cho thuê này là không đúng quy định pháp luật vì đã vi phạm quy định tại Điều 24 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của chính phủ.

Vi phạm này đã được đoàn thanh tra của sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ ra trong Kết luận số 164/KL-STNMT ngày 16/12/2020 mới công bố gần đây.

Kết luận nêu rõ,  ngôi nhà trệt mà công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên-Huế  đã cho công ty TNHH Thương mại Đại Nam thuê không nằm trong số tài sản mà công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên-Huế đã đăng ký sở hữu trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Từ tài liệu PV có được, số tiền mà công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên-Huế  thu được từ việc cho công ty TNHH Thương mại Đại Nam thuê kinh doanh cửa hàng nói trên  từ năm 2015 đến này là hơn 3 tỷ đồng.

Cụ thể, từ ngày 1/6/2015 đến ngày 31/5/2016 : 528.000.000 đồng; Từ ngày 1/6/2016 đến ngày 31/5/2017: 580.800.000 đồng; Từ ngày 1/6/2017 đến ngày 31/5/2018: 638.880.000 đồng; Từ ngày 1/6/2018 đến ngày 31/5/2019: 702.768.000 đồng; Từ ngày 1/6/2019 đến 31/5/2020: 773.044.000 đồng. (nguoiduatin.vn 19/01)

 
 
TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG
 

1.  Thừa Thiên Huế: Cấp phép 2 mỏ đất phục vụ các dự án lớn

Các mỏ được cấp nhằm phục vụ thi công các dự án có sử dụng vốn ngân sách, trong đó có Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ- La Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa có thông báo về kết quả lựa chọn tổ chức cấp phép thăm dò khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà, nhằm phục vụ thi công các dự án có sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, kết quả lựa chọn tổ chức cấp phép thăm dò khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực núi Ghích Dương 2 là Công ty TNHH MTV Tuấn Nhân và tại khu vực Vũng Chòi là Liên danh Công ty CP Thành An- Công ty TNHH MTV Hải Quốc Toàn.

Vị trí thăm dò loại khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực núi Gích Dương 2 (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) có diện tích 18,0ha và tại khu vực Vũng Chòi (phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà) có diện tích 10,0ha.

Đây là những tổ chức được cấp phép thăm dò khoáng sản tại khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh nhằm phục vụ thi công các dự án có sử dụng vốn ngân sách gồm: Dự án Chương trình Phát triển các Đô thị loại II (Đô thị Xanh); Dự án mở rộng Nhà ga hành khách T2- Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ- La Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước đó, để đảm bảo nguồn cung khối lượng đất đắp theo tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất chủ trương cho nâng công suất khai thác tối đa khối lượng tại các mỏ đáp ứng các điều kiện, thủ tục quy định; đảm bảo nhu cầu, khối lượng đất đắp (bao gồm cả đất san lấp và đất đắp nền đường) phục vụ cho các dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, giao Sở TN&MT khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu, có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các chủ trương nêu trên theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Hoàn chỉnh thủ tục và tổ chức lựa chọn theo tiêu chí để cấp giấy phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản phục vụ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Khẩn trương bổ sung khu vực đấu giá và khu vực không đấu giá vào quy hoạch, hoàn chỉnh thủ tục và đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ đảm bảo công suất, khối lượng khai thác phục vụ nhu cầu cho các dự án trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2020 và kỳ kế hoạch tiếp theo 2021-2025.

Dự báo thời gian đến, tổng nhu cầu các công trình ở Huế dự kiến cần khoảng 10 triệu m3 đất san lấp. Riêng dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần khoảng 4 triệu m3 giai đoạn 2020 - 2021; dự án mở rộng nhà ga T2 sân bay Phú Bài khoảng 1 triệu m3... (baotainguyenmoitruong.vn 19/01)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Ra mắt trung tâm Hòa giải thương mại

Ngày 18/1, tại khách sạn Saigon – Morin, Trung tâm Hòa giải thương mại Công Minh đã tổ chức lễ ra mắt trung tâm. Đây là đơn vị hòa giải về lĩnh vực thương mại đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cùng với quá trình phát triển thương mại nội địa cũng như quốc tế đa dạng thì việc tranh chấp trong lĩnh vực thương mại ngày càng nhiều hơn. Có nhiều cách thức để giải quyết những tranh chấp thương mại nhưng hòa giải được cho là giải pháp hiệu quả và tiết kiệm. Mục tiêu của trung tâm đặt ra chẳng những hoạt động hiệu quả tại địa bàn Thừa Thiên Huế mà còn vươn ra xứng tầm là một trung tâm hòa giải thương mại ở khu vực miền Trung.

Trung tâm quy tụ đội ngũ nhân sự gồm nhiều luật sư, trong đó có những luật sư đã và đang hoạt động ở lĩnh vực tòa án và các văn phòng luật sư. Văn phòng Trung tâm hòa giải Thương mại Công Minh đóng tại 33 đường Trường Chinh – TP. Huế. (baothuathienhue.vn 19/01)

 
 
 

2.  Phóng viên Báo CAND được Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tặng giấy khen

Chiều 19/1, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí dịp Xuân Tân Sửu 2021.

Dự buổi gặp mặt có đồng chí Nguyễn Chí Quang, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; lãnh đạo Sở TT&TT; Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong năm 2020, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng Công an tỉnh đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Công an tỉnh đã bảo đảm an toàn trật tự Đại hội Đảng các cấp; Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI; đảm bảo an ninh, an toàn cho các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn, đảm bảo an ninh quốc gia; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp đấu tranh với các loại đối tượng trọng điểm, nắm và kiểm soát tình hình, góp phần giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống. Đặc biệt lực lượng Công an tỉnh đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19; giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ.

Trong năm 2020, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành chủ trương bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, đảm bảo mỗi xã có ít nhất 5 CBCS; cơ sở vật chất, trang thiết bị được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra… Với những kết quả đạt được như trên, trong năm 2020, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Công an và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Cờ thi đua Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc.

Tại buổi gặp mặt, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận sự đóng góp hết sức quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí; đánh giá cao sự giúp đỡ, chia sẻ của lực lượng phóng viên, CTV trên địa bàn. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã tuyên truyền giúp nhân lên những mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân Bảo vệ An ninh Tổ quốc; những cá nhân, gương chiến sĩ Công an dũng cảm, tạo sự đồng thuận trong xã hội, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Dịp này, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tặng giấy khen cho 5 tập thể, 13 phóng viên, BTV của các cơ quan thông tấn, báo chí đóng trên địa bàn tỉnh, trong đó có phóng viên Lê Anh Khoa, thường trú Báo CAND tại Thừa Thiên Huế về thành tích trong công tác phối hợp tuyên truyền năm 2020. (cand.com.vn 19/01)

 
 
 

3.  Sở Thông tin và Truyền thông, TX. Hương Trà dẫn đầu bảng chỉ số DDCI năm 2020

Sáng 19/1, UBND tỉnh tổ chức công bố kết quả khảo sát chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện (DDCI) của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị dẫn đầu nhóm các sở, ban ngành với 65,33 điểm (tăng 12 bậc so với năm 2019); UBND thị xã Hương Trà dẫn đầu nhóm các địa phương với 63,10 điểm (tăng 3 bậc so với năm 2019).

Nằm trong top 5 các đơn vị dẫn đầu nhóm các sở, ban ngành, xếp sau Sở Thông tin và Truyền thông lần lượt là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Xây dựng và Cục Hải quan. Đối với nhóm các địa phương xếp sau UBND TX. Hương Trà lần lượt là UBND huyện Phú Vang, UBND thị xã Hương Thủy, UBND thành phố Huế và UBND huyện Quảng Điền.

Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, năm 2020, UBND tỉnh đã giao Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh phối hợp với các đơn vị tíến hành đánh giá 34 sở, ban, ngành, địa phường, số lượng tham gia khảo sát đạt 3.126 doanh nghiệp. DDCI 2020 tiếp tục có những điều chỉnh nhằm khắc phục các hạn chế, đồng thời bám sát các mục tiêu đặt ra của năm như điều chỉnh đơn vị được đánh giá, điều chỉnh chỉ số thành phần, đánh giá xếp hạng được chia thành hai nhóm...

Thống kê và phân tích kết quả năm 2020 cho thấy, có đến 31 đơn vị giảm điểm so với năm 2019, đơn vị duy nhất tăng điểm là sở Thông tin và Truyền thông. Dưới tác động của dịch COVID-19 và hậu quả của thiên tai bão lũ, với nguồn ngân sách hạn chế và quy định giãn cách xã hội, công tác hỗ trợ doanh nghiệp của các đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhiều chương trình quan trọng buộc phải hoãn là nguyên nhân cản trở hoạt động của các sở, ban ngành, địa phương.

Do đó, đa phần các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số DDCI 2020 nhận được đánh giá chưa cao từ cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên trong khó khăn, nhiều đơn vị vẫn thể hiện nhiều sáng kiến hay hỗ trợ doanh nghiệp và được đánh giá rất cao trong cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhận xét, kết quả khảo sát DDCI 2020 đã cho thấy một góc nhìn về khả năng điều hành và hỗ trợ doanh nghiệp của các sở, ban, ngành, địa phương trong bối cảnh khó khăn chung của Thừa Thiên Huế dưới tác động của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai bão lũ. Với thực trạng các doanh nghiệp đều gặp khó khăn thì sự đồng hành và hỗ trợ của các đơn vị quản lý nhà nước là cần thiết và được doanh nghiệp ghi nhận trong khảo sát này.

Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các sở, ban, ngành và địa phương xem kết quả DDCI năm 2020 là “tấm gương phản chiếu” để nhìn nhận lại mình dưới con mắt đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời mong muốn Viện Nghiên cứu và phát triển không ngừng đổi mới trong việc tiếp cận, đánh gia khách quan, thực chất chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương trong những năm tiếp theo. (baothuathienhue.vn 19/01)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Kết nối di sản văn hóa phi vật thể với du lịch

Việt Nam tự hào là quốc gia có 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và hàng nghìn di sản trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc kết nối các di sản phi vật thể với ngành du lịch lại đang xảy ra những xung đột.

Các sản phẩm du lịch hấp dẫn

Trong những năm qua, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành các sản phẩm du lịch nổi tiếng. Có thể kể đến như tour du lịch “Về miền đất Tổ Hùng Vương” được tỉnh Phú Thọ khai thác. Ðáng chú ý, sản phẩm du lịch “Hát xoan làng cổ” được đưa vào hành trình của tour đã giúp du khách được hòa mình vào các điệu hát xoan. Hay như Thừa Thiên - Huế, hiện tại nhã nhạc cung đình Huế được biểu diễn hằng ngày, có bán vé ở Duyệt Thị đường. Nhã nhạc cũng được phối hợp biểu diễn tại các dạ tiệc hoàng cung như một hình thức dịch vụ. Ðồng thời, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế còn tổ chức biểu diễn nhã nhạc phi lợi nhuận tại sân điện Thái Hòa và Thế Miếu. Ðây cũng là một trong những cách làm để nhã nhạc cùng với quần thể di tích cố đô Huế trở thành sản phẩm du lịch cốt lõi và có giá trị của địa phương này…

Với những chương trình trên, có thể nói ngành du lịch đã và sẽ góp phần đặc biệt quan trọng trong việc khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát triển di sản văn hóa dân tộc; nâng văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới. Cũng nhờ sự liên kết với du lịch nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã làm sống dậy và được đề cao trên thị trường nghệ thuật quốc tế như múa Rối nước, hát dân ca Quan họ, hát Ả đào, hát Chầu văn, dân ca các miền, nghệ thuật múa dân gian các dân tộc thiểu số như múa Sạp Mường, múa Xòe Thái...

Tuy nhiên, đó cũng chỉ có một vài “điểm sáng” triển khai được sự kết nối mang tính bền vững di sản văn hóa phi vật thể với du lịch. Thực tế, hiện nay nhiều địa phương cũng còn dè dặt với việc xây dựng sản phẩm du lịch từ di sản phi vật thể. Lý do được đưa ra như thiếu kinh phí, ít nghệ nhân, thiếu người duy trì hoạt động thường xuyên… Không những vậy, theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang được khai thác để phục vụ du lịch một cách khá manh mún, không có lộ trình, kế hoạch cụ thể. Ở đó, du lịch đã biến một số loại hình di sản phi vật thể thành hàng hóa đơn thuần vì mục đích kinh tế. Cũng vì mục đích này đã gây nên những tác động khiến di sản ngày càng méo mó.

Cần phát huy thế mạnh của di sản

Có thể nói, vẫn còn không ít di sản tồn tại việc khai thác theo kiểu bán vé thu tiền, khách đến một lần rồi không quay lại vì năm này qua năm khác vẫn chỉ đơn điệu những cảnh ấy, bài hát, điệu múa ấy...

Cách làm không tạo ra được các sản phẩm có tính đột phá, hấp dẫn khách du lịch, thậm chí đôi khi còn làm méo mó, biến dạng di sản, khiến khách du lịch có thể hiểu biết thiếu chính xác về di sản văn hóa phi vật thể mà họ tiếp xúc. Thậm chí có nơi, cả hai bên kết hợp trên tinh thần nhanh nhạy, nhưng cách làm “ăn xổi”, muốn có lợi nhuận ngay, dẫn đến làm hỏng văn hóa.

Đơn cử như nghệ thuật ca trù Hà Nội, đến nay chưa có một điểm biểu diễn ca trù nào thường xuyên, quen thuộc để khách tham quan đến xem. Quan họ thì cũng vẫn chỉ tập trung giới thiệu công chúng vào ngày Hội Lim 13 Tết hàng năm. Ví giặm cũng chưa được đưa vào sản phẩm du lịch nào…

Còn nhớ, cách đây 4 năm một vở diễn mang tên “Tứ phủ” của đạo diễn trẻ Việt Tú, lấy cảm hứng từ nghi lễ thờ Mẫu của người Việt đã gây được một tiếng vang lớn. Vở diễn được đưa vào kết hợp trong một chương trình du lịch. Sau hơn 400 buổi diễn liên tiếp, vở diễn nằm trong top 3 show diễn văn hóa phải xem khi đến Hà Nội. Thành công của vở diễn cho thấy danh hiệu di sản tầm quốc tế là rất quan trọng trong việc quảng bá văn hóa dân tộc. Các nhà sản xuất sản phẩm du lịch, các nghệ sĩ cần nhanh nhạy nắm bắt để không bỏ phí cơ hội quảng bá tuyệt vời này. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, những sản phẩm du lịch liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận chưa có nhiều. Thực tế hiện nay chưa có được nhiều hơn những chương trình nghệ thuật đặc sắc được đầu tư bài bản như “Tứ phủ”.

Theo PGS.TS Dương Văn Sáu- Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, để tạo sự gắn kết cần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Tức là cho di sản “sống” cùng đời sống xã hội đặc biệt là gắn di sản với hoạt động của du lịch.

Hoạt động này nhằm tận dụng và phát huy tốt nhất các sức mạnh nội và ngoại lực của các di sản văn hóa; đem lại những lợi ích khác nhau cho các đối tượng công chúng trong vai trò của du khách tham gia hoạt động trong môi trường di sản cũng như các cộng đồng cư dân bản địa và cơ quan quản lý di sản. Khi đó, di sản thực sự trở thành tài sản theo đúng nghĩa của từ này.

Những lợi ích thu được từ các hoạt động du lịch sẽ chi phối trở lại các hoạt động của các di sản, tạo điều kiện cho di sản tồn tại và phát triển bền vững. Nhân đó mà tài sản văn hóa được tăng thêm không ngừng, mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng cư dân - chủ nhân của các di sản văn hóa cũng như lợi ích thông qua thu nhập tăng thêm cho cán bộ - nhân viên trong các cơ quan quản lý di sản. Khi đảm bảo lợi ích, người ta sẽ gắn bó với di sản chặt chẽ hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn… điều đó giúp di sản được bảo tồn và phát triển bền vững hơn. (daidoanket.vn 19/01)

 
 
 

2.  Sắc xuân tại làng hoa giấy hơn 300 năm tuổi ở Thừa Thiên Huế

Những ngày cuối năm là thời điểm các nghệ nhân làng hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) tất bật, chuẩn bị sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán đang đến gần.

Nằm cách trung tâm TP Huế chừng 7km, làng hoa giấy Thanh Tiên nổi tiếng về nghề làm hoa giấy với tuyền thống hơn 300 năm tuổi. Các sản phẩm tại đây được làm ra chủ yếu nhằm phục vụ việc thờ cúng, cũng như trang trí vào mỗi dịp Tết đến xuân về.

Cứ mỗi dịp cuối năm, các nghệ nhân tại làng hoa giấy Thanh Tiên lại tất bật chuẩn bị những nguyên liệu để làm ra những bông hoa, chòm hoa để cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng dịp Tết.

Để làm nên một sản phẩm hoa giấy, đòi hỏi người nghệ nhân phải chuẩn bị nguyên vật liệu từ nhiều tháng trước. Mỗi nghệ nhân đều là những người có nhiều kinh nghiệm và sự tỉ mỉ, chịu khó.

Một sản phẩm hoa giấy được tạo nên phải trải qua các công đoạn khác nhau như chọn giấy, vót tre, phơi tre, cắt cánh, tạo nhụy hoa, rồi thực hiện ghép cành và gắn vào chông để thực hiện bán. Quá trình để tạo nên một sản phẩm là không hề dễ dàng.

Những bông hoa giấy được tạo nên từ những đôi bàn tay đầy nghệ thuật của những nghệ nhân làng hoa giấy Thanh Tiên với những khuôn hình đẹp, với màu sắc rất bắt mắt.

Hoa giấy sau khi được ghép cành sẽ được gắn vào từng chòm lớn, mỗi chòm lớn thường có mức giá giao động từ 800 đến 1 triệu đồng.

Những ngày cuối năm là dịp để những nghệ nhân cùng tất bật tạo nên những sản phẩm cung ứng cho người tiêu dùng, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập để chuẩn bị đón Tết. (giadinh.net.vn 19/01)

 
 
 

3.  Những trang viết đượm tình miền Trung

Diễn ra trong 4 tháng, từ ngày 21-6 đến 31-10, cuộc thi viết Thương nhớ miền Trung (do báo Thanh Niên tổ chức) đã nhận được 1.102 bài tham gia từ các tác giả trong và ngoài nước.

Chiếm gần 1/4 bài dự thi là tác phẩm đến từ các tác giả đã từng sinh sống, gắn bó với miền Trung nhưng hiện đã ở TP.HCM (269 bài). Kế đến, lần lượt là bài viết dành tình yêu thương cho hồn quê, tình người miền Trung đến từ các tác giả ở Đà Nẵng (176), Huế (69), Hà Nội (61), Quảng Nam (51 bài)...

Đặc biệt, cuộc thi đã nhận được những bài viết bày tỏ nỗi mong nhớ quê nhà của các tác giả đang sinh sống, học tập, làm việc ở: Mỹ, Nga, Anh, Canada, Úc, Nhật Bản, Thái Lan.

Trải qua vòng sơ khảo, ban tổ chức đã chọn 46 tác phẩm vào vòng chung khảo với sự tham gia đánh giá của nhiều nhà văn, nhà thơ: nhà thơ Thanh Thảo, nhà văn Trần Thùy Mai, nhà văn Anh Khang…

Kết quả, ban tổ chức đã trao 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng cho tác phẩm Bóng râm giữa “sa mạc” (tác giả Văn Hiến), 1 giải nhì tác phẩm Một đời lá nén muối rang (Ny An). 3 tác phẩm đạt giải ba gồm: Nơi miền đất khát (Khánh Liên); Ai về Phan Thiết (Hoàng Mai); Mẹ gánh con đi (Trần Thị Tú Ngọc). Bên cạnh đó còn có 10 giải khuyến khích và giải bài viết được bạn đọc yêu thích nhất thông qua bình chọn trên mạng xã hội.

Sau cuộc thi, ban tổ chức lựa chọn 100 bài viết tập hợp trong cuốn sách Thương nhớ miền Trung.

Mỗi bài viết như một lát cắt mang đến cho bạn đọc một khoảng lặng xúc động, để từ đó thấy rưng rưng chia sẻ, dù bạn có là người con của miền Trung hay không, có đang sống ở mảnh đất này hay không.

Trong cuốn sách, có hai chủ đề được những người viết chú trọng nhắc đến: địa hình khó khăn hiểm trở, thiên tai khí hậu khắc nghiệt và hình ảnh mẹ. Những “gió Lào cát trắng”, mùa “gió nam cồ”, lũ lụt… là tính chất khí hậu thường niên của dải đất miền Trung, vốn cũng là nguyên do hình thành nên chất giọng “khó nghe” nhưng là “đặc sản” riêng mà nhiều tác giả nói đến (Giọng Nghệ yêu thương - Cao Văn Quyền, Nhớ “xóm Quảng Ngãi” giữa Sài Gòn - Nguyễn Xuân Phương, Ngôn ngữ đất - Trần Quốc Toàn, Giọng nói - Trương Quốc Toàn…).

Nhưng trong chính những vất vả gian truân, những kỷ niệm, ký ức đượm buồn ấy, điều ta dễ dàng nhận thấy, bật lên là khí chất, sự can trường, nghị lực vượt khó của người dân dải đất này, và những bài học từ gian khó luôn gắn liền với hình ảnh người mẹ.

Đó là những người phụ nữ trong Ngóng biển (Lê Ngọc), là người mẹ tảo tần trong Những chuyến nguồn của mẹ (Phan Đình Dũng).

Sách do nhà xuất bản Hồng Đức phát hành. (sggp.org.vn 19/01)

 
 
 

4.  Thừa Thiên – Huế: Tổ chức bắn pháo hoa tầm cao mừng Tết Nguyên đán Tân Sửu

Nhằm chào Xuân Tân Sửu 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021. Các hoạt động sẽ được tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp cơ sở.

Theo kế hoạch, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều điểm, nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021.

Với điểm nhấn về hoạt động chào đón năm mới với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng công cuộc đổi mới, hội nhập của quê hương, đất nước” gồm: Chương trình chào đón năm mới tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa - Điện Ảnh tỉnh, số 41 Hùng Vương, thành phố Huế; Các hoạt động đón năm mới tại Nghênh Lương Đình, Phu Văn Lâu; Chương trình nghệ thuật tổng hợp chào Xuân mới tại Bia Quốc học.

Tổ chức một số hoạt động tại đường đi bộ và công viên từ Bia Quốc học đến Công viên 3/2 do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức.

Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, UBND tỉnh sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại thành phố Huế và huyện Phong Điền. Tổ chức các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian, thể dục thể thao tại thành phố Huế và các huyện và thị xã để phục vụ nhân dân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.

Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức cho nhân dân vào tham quan di tích không thu tiền trong các ngày 12-14/2/2021 (từ mồng 1-3 Tết Nguyên đán). (baoxaydung.com.vn 19/01)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  “Tết ấm” cho người dân vùng cao

Không để người dân thiếu đói là quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện Nam Đông trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Sẻ chia hơi ấm

Năm vừa qua, Nam Đông liên tiếp hứng chịu nhiều cơn bão và các đợt mưa lớn, đặc biệt là bão số 9 gây thiệt hại cho hơn 2.500 ha rừng trồng (khoảng 1.500 ha cao su; gần 30 ha rau màu các loại; hơn 25 ha cây hàng năm và khoảng 10 ha cây ăn quả…) khiến đời sống của nhiều hộ dân lâm vào cảnh khó khăn.

Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị huyện Nam Đông đã chung tay vào cuộc, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình, đặc biệt là các xã đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Theo thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Nam Đông, toàn huyện đã cấp phát kịp thời 140 tấn gạo từ gói hỗ trợ của Chính phủ cho bà con chịu ảnh hưởng thiên tai và 10 tấn gạo do các nhà hảo tâm hỗ trợ. Ngoài ra, nhờ làm tốt công tác kết nối, thông qua UBMTTQVN huyện đã tiếp nhận và phân phối hơn 16.250 lượt quà với tổng trị giá 7,5 tỷ đồng do các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện quyên góp (tính đến tháng 12/2020).

Bà Vương Thị Lin, một hoàn cảnh khó khăn tại xã Hương Hữu chia sẻ, dịch bệnh cộng thêm bão lụt liên tiếp khiến gia đình bà lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phải chạy từng bữa ăn. Những phần quà từ chính quyền và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ nhiều hoàn cảnh như gia đình bà vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống.

Ông Võ Phước Hóa, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Nam Đông cho biết, hiện toàn huyện có 325 hộ nghèo/1224 khẩu và 309 hộ cận nghèo/1227 khẩu. Nhiệm vụ đặt ra cho địa phương là đảm bảo đời sống cho các đối tượng trên trong dịp Tết Nguyên đán, không xảy ra tình trạng thiếu đói.

Huy động cả hệ thống chính trị

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Dương Thanh Phước cho biết, trước mắt, địa phương đã lập danh sách và hỗ trợ 76 suất quà, mỗi suất 500 nghìn đồng cho các gia đình chính sách và hộ nghèo trên địa bàn trong dịp cận tết. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo Phòng LĐTB&XH huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ, không để xảy ra tình trạng không có gạo ăn trong những ngày tết.

Đến thời điểm hiện tại, qua báo cáo từ các địa phương, chưa có trường hợp người dân nào thiếu đói. Tuy nhiên vẫn phải tiếp tục sâu sát với cơ sở, nắm tình hình, đối tượng cần hỗ trợ và đảm bảo hoàn thành cấp gạo chậm nhất trước ngày 9/2 nếu có. Ngoài quà của huyện, UBND các xã, thị trấn chủ động sử dụng nguồn dự phòng để trợ cấp kịp thời cho những hộ khó khăn, nếu vượt quá khả năng, kịp thời báo UBND huyện để chỉ đạo xử lý.

Bên cạnh nguồn lực của địa phương, cả hệ thống chính trị huyện Nam Đông cũng chung tay vào cuộc chăm lo đời sống cho người dân dịp tết. Trong đó, tập trung phát huy vai trò của Mặt trận huyện và các hội, đoàn thể trong việc kết nối với các tổ chức, cá nhân kịp thời chuyển các phần quà đến đúng người, đúng tối tượng.

Ông Trần Văn Hát, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Nam Đông cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương tăng cường bám cơ sở, nắm tình hình đời sống của người dân để phối hợp với chính quyền kịp thời hỗ trợ các địa chỉ cần giúp đỡ. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò chủ động trong việc tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, nhất là tận dụng các nguồn xã hội hóa.

Bà Hồ Thị Hằng, Bí thư Huyện đoàn Nam Đông thông tin, chương trình tình nguyện mùa xuân của đơn vị tập trung vào các hoạt động chăm lo đời sống cho các hoàn cảnh khó khăn vào dịp tết. Hiện, các tổ chức sở đoàn đang tập trung phối hợp, kết nối với các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện ở các xã đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh các hoạt động an sinh xã hội, huyện Nam Đông còn tập trung chăm lo đời sống tinh thần cho bà con Nhân dân với các hoạt động như: đêm văn hóa nghệ thuật giao thừa đón năm mới; tổ chức một đến hai điểm vui chơi giao lưu văn hóa, trò chơi dân gian ở mỗi xã, thị trấn và triển khai chiếu phim lưu động phục vụ các xã xa trung tâm huyện. (baothuathienhue.vn 19/01)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Nhập, xóa điểm trường để nâng cao chất lượng giáo dục

Kết quả bước đầu trong xóa điểm trường lẻ và sáp nhập trường phù hợp cho thấy, ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Sáp nhập trường học

Cách đây hơn 1 tháng , vào ngày 7/12/2020, UBND huyện A Lưới tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trường mầm non (MN)  Hoa Ta Vai trên cơ sở sáp nhập Trường MN Hoa Ta Vai và Trường MN Hoa Đỗ Quyên. Trường MN Hoa Ta Vai được thành lập từ năm 1986, với tên ban đầu là Trường MN Liên Cơ Km91, năm 1997 đổi tên thành Trường MN Hoa Ban; đến tháng 10/2007, trường được xây dựng mới tại tổ dân phố số 5, thị trấn A Lưới và đổi tên thành Trường MN Hoa Ta Vai. Trong khi đó, Trường MN Hoa Đỗ Quyên được thành lập năm 1994.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD & ĐT,  thực hiện Nghị quyết số 19 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở GD &ĐT và các địa phương chủ động rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường, lớp phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục địa phương. Việc sắp xếp tổ chức, sáp nhập nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy tổ chức, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn.

Sở GD &ĐT sắp xếp giảm 4 đơn vị, trong đó có Trường THPT Hương Giang sáp nhập vào Trường THPT Nam Đông vào tháng 11/2019. Các huyện, thị xã và thành phố Huế cũng đã rà soát, sắp xếp một số trường MN, tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) theo hướng tăng quy mô, liên cấp, tinh gọn bộ máy quản lý, đặc biệt qua sáp nhập đã hình thành một số trường học nhiều cấp. Huyện Nam Đông sáp nhập Trường TH Thượng Nhật với Trường THCS Thượng Nhật thành Trường TH và THCS Kim Đồng có 2 điểm trường. Tính chung, năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 573 trường MN và phổ thông (giảm 8 trường so với năm học 2018 - 2019); 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh.

Xóa các điểm trường lẻ

Cùng với sáp nhập một số trường, trên địa bàn toàn tỉnh cũng diễn ra quá trình sắp xếp lại nhiều điểm trường lẻ, nhất là các trường MN và TH phù hợp với điều kiện phát triển giáo dục địa phương và quy định về tiêu chuẩn đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia.

Phú Lộc là huyện có nhiều điểm trường nhất và cũng là địa phương làm tốt công tác xóa điểm trường lẻ. Bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2014, toàn huyện 210 điểm trường, đến cuối năm 2020 giảm xuất còn 141 điểm trường; phấn đấu đến năm 2025, xuống còn 115 điểm trường. Số trường học trong toàn huyện, cũng giảm từ 69 trường (năm 2014) xuống 63 trường (năm 2020) và dự kiến 55 trường (năm 2025).

Đáng nói như Trường MN Đại Thành (xã Lộc An) từ 8 điểm trường giảm xuống còn 2 điểm trường, Trường TH vàTHCS Lộc Bình từ 5 cơ sở xuống còn 3 điểm trường. Trường MN xã Lộc Thủy có 17 lớp học nhưng có đến 13 điểm trường. Năm 2019, nhà trường quyết định làm một cuộc cách mạng, gom toàn bộ về điểm trường trung tâm ở thôn An Bàng. Trước năm 2004, Trường TH Nước Ngọt 1 (xã Lộc Thủy) có 5 điểm trường. Năm 2017 và 2018, trường lần lượt xóa các điểm lẻ Thủy Yên Thượng và Nam Phước Tượng, nay chỉ còn lại 3 điểm trường.

Năm 2021, số điểm trường ở huyện A Lưới cũng giảm từ 34 xuống 32 ở ngành học MN, 24 xuống 22 ở bậc TH và có 13 điểm trường ở bậcTHCS. Huyện Nam Đông cũng chỉ còn 5 điểm lẻ MN (Hương Phú 2, Hương Hữu 1 và Thượng Quảng 1).

Không xóa, nhập một cách cơ học

Dễ dàng nhận thấy ở các cơ sở giáo dục trong tỉnh là sau khi sáp nhập là đã giảm được đội ngũ quản lý và nhân viên, đồng nghĩa với việc tiết kiệm được ngân sách cho Nhà nước. Cơ sở vật chất có sự bù trừ cho nhau, hoàn chỉnh hơn. Nhiều trường sau sáp nhập đã khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên bộ môn kéo dài nhiều năm.

Đối với việc xóa các điểm trường lẻ còn bảo đảm được an toàn cho giáo viên và học sinh khi các cơ sở giáo dục này thường ở xa trung tâm, địa hình chia cắt và việc đi lại khó khăn. Ông Nguyễn Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường TH Nước Ngọt 1 (Phú Lộc) chia sẻ, việc sáp nhập điểm lẻ vào trường đã tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thiết bị dạy và học, nâng cao chất lượng học tập, đặc biệt là đối những bộ môn đặc thù như tin học, âm nhạc… Trường TH Nước Ngọt 1 hiện nằm trong top 5 bậc tiểu học tiêu biểu của huyện Phú Lộc.

Thực tế cũng đặt ra nhiều vấn đề. Ví như trước khi được sáp nhập thành Trường MN Hoa Ta Vai, một trong hai trường là Hoa Đỗ Quyên vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Bà Văn Thị Diều, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Ta Vai, thừa nhận: “Điều kiện cơ sở vật chất Hoa Đỗ Quyên trước đó vẫn còn hạn chế nên sau khi sáp nhập vẫn còn thiếu cơ sở vật chất, thiếu phòng học, phòng chức năng xuống cấp. Đến năm 2023, sẽ đến giai đoạn công nhận lại của Trường MN Hoa Ta Vai, vì vậy sẽ cần phải đầu tư”.

Mới đây, Quốc hội đã có chất vấn về việc nhập trường cấp 1, cấp 2 vào thành trường phổ thông cơ sở, nhưng sau 10 năm thực hiện không có hiệu quả nên phải tách ra, liệu lần này có lặp lại tình trạng đó? Bộ trưởng Bộ GD &ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện triển khai Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; trong đó, có hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp các trường học, các điểm trường nhỏ lẻ, các trường phổ thông có nhiều cấp học…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, mỗi một cấp học có đặc thù khác nhau, tâm sinh lý của học sinh khác nhau. Do vậy, khi sắp xếp, phải đảm bảo được những yêu cầu về mặt chuyên môn sư phạm, khoa học. Trong hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 04 của Chính phủ thì các địa phương có thẩm quyền sắp xếp các trường học trên nhu cầu và điều kiện cụ thể chứ không phải sắp xếp một cách cơ học.

Thiết nghĩ, đó là vấn đề đặt ra trong việc nhập trường và xóa điểm trường lẻ, một nội dung cốt yếu  trong sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nhằm thực hiện nhiệm “dạy tốt và học tốt” của ngành giáo dục và đào tạo địa phương. (baothuathienhue.vn 20/01)

 
 
 

2.  Kiểm định chất lượng, khẳng định vị thế

Luôn chú trọng công tác kiểm định giáo dục, trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế đang không ngừng nâng cao chất lượng, xứng tầm với giá trị “Nhân văn – Khai phóng – Hội nhập”.

Công bố tại hội thảo quốc tế về Đối sánh chất lượng giáo dục ĐH và giới thiệu hệ thống xếp hạng đối sánh do Việt Nam phát triển UPM (University Performance Metrics), Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế vinh dự là 1 trong 30 cơ sở giáo dục đầu tiên được xếp hạng, gắn sao.

UPM tiếp cận theo xu hướng đối sánh và gắn từ 1 – 5 sao cho nhóm các trường ĐH có thành tích gần nhau, giúp các cơ sở giáo dục ĐH xác định, quản trị mục tiêu, chiến lược, hướng tới đạt chuẩn top 100 của đại học châu Á.

TS. Nguyễn Đăng Độ, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho biết: “Hệ thống đánh giá 8 nhóm lĩnh vực và 54 tiêu chí với tổng cộng 1.000 điểm như quản trị chiến lược; đào tạo; nghiên cứu; hệ sinh thái đổi mới sáng tạo... Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đạt chuẩn 4 sao, tương đương cấp có uy tín trong nước và khu vực”.

Trước đó, trường đã trải qua kiểm định chất lượng do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện. 3 chương trình sư phạm ngữ văn, sư phạm hóa học và sư phạm địa lý được đánh giá và đạt chuẩn theo Thông tư 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua đánh giá, những tồn tại về phương pháp dạy học được đổi mới. “Việc cập nhật, đa dạng hóa tài liệu, giáo trình chuyển biến tích cực hơn. Những phản hồi của sinh viên trong khâu đánh giá được quan tâm kịp thời, phục vụ sinh viên học tập và rèn luyện hiệu quả”, đại diện nhà trường thông tin.

Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đang từng bước tiếp cận, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của chương trình ETEP (Enhancing Teacher Education Program). Trong đó, việc đảm bảo 7 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí và 63 chỉ số TEIDI, bộ chỉ số phát triển năng lực Trường ĐH Sư phạm đã được triển khai một cách mới mẻ.

Kế thừa những tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ số từ Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam, bộ tiêu chuẩn AUN (kiểm định chất lượng giáo dục ĐH các nước ASEAN) và bộ chỉ số TEIDI (Ấn Độ), bộ chỉ số TEIDI (ETEP) giúp Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cũng như các trường ĐH sư phạm nhận diện điểm mạnh, điểm yếu. Tập trung vào các lĩnh vực quản lý, đảm bảo chất lượng, chương trình đào tạo, nghiên cứu,…TEIDI giúp đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường một cách toàn diện.

TS. Nguyễn Đăng Độ cho biết, nhà trường đã vận hành phần mềm quản lý đảm bảo chất lượng, phục vụ cho công tác đánh giá bộ tiêu chuẩn TEIDI. Hướng đến sử dụng cho các chỉ số còn lại của đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục. “Bước đầu thử nghiệm cho thấy phần mềm đã mang lại hiệu quả rất lớn trong công tác quản lý các hoạt động kiểm định chất lượng. Đây là điểm mới và tiên phong của trường trong thực hiện tin học hóa hoạt động khảo thí, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục”, TS. Độ khẳng định.

Trong năm 2021, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế tiếp tục thực hiện kiểm định chất lượng thêm 4 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó là giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non, giáo dục chính trị và toán học. Với tầm nhìn chiến lược trở thành một trong ba trường sư phạm trọng điểm quốc gia, công tác đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu thông qua kiểm định giúp nhà trường phát huy ưu thế, hạn chế điểm yếu. Việc phát triển chất lượng sẽ đảm bảo cho người học có đủ năng lực cạnh tranh và thích ứng trong xã hội phát triển. (baothuathienhue.vn 19/01)

 
 
Y TẾ
 

1.  Cả nước có 94 đơn vị được xét nghiệm COVID-19

Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 19/01/2021, đã có 94 đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19.

Cụ thể:

MIỀN BẮC: 41 đơn vị

1. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

2. Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng

3. Trường Đại học Y tế công cộng

4. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội

5. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh

6. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang

7. Trung tâm y tế dự phòng Hải Phòng

8. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa

9. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh

10. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái

11. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai

12. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương

13. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên

14. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An

15. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình

16. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình

17. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh

18. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định

19. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hưng Yên

20. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng

21. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam

22. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

23. Bệnh viện Nhi Trung ương

24. Bệnh viện Bạch Mai

25. Bệnh viện Phổi Trung ương

26. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên

27. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

28. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình

29. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

30. Bệnh viện Thanh Nhàn

31. Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

32. Bệnh viện Medlatec

33. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

34. Bệnh viện 103

35. Bệnh viện 108

36. Bệnh viện Quân y 110

37. Viện Y học dự phòng Quân đội

38. Trung tâm chẩn đoán Thú y trung ương

39. Chi cục Thú y vùng II

40. Chi Cục Thú Y vùng III

41. Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga

 MIỀN TRUNG: 12 đơn vị

1. Viện Pasteur Nha Trang.

2. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng

3. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam

4. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận

5. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa

6. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình

7. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế

8. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam

9. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi

10. Bệnh viện C Đà Nẵng

11. Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng

12. Bệnh viện 199 – Bộ Công an

TÂY NGUYÊN: 3 đơn vị

1. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên

2. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai

3. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắc Nông

 MIỀN NAM: 38 đơn vị

1. Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh

2. Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh

3. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cần Thơ

4. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang

5. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai

6. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh

7. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng

8. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

9. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh

10. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang

11. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu

12. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

13. Trung tâm Y tế Phú Quốc

14. Bệnh viện Chợ Rẫy

15. Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM

16. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ

17. Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh thuộc Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh

18. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh

19. Bệnh viện Nhi Đồng 1

20. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai

21. Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai

22. Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

23. Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh

24. Bệnh viện FV– TP. Hồ Chí Minh

25. Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang

26. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An

27. Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu

28. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

29. Bệnh viện Quận Thủ Đức

30. Bệnh viện Gia An 115

31. Bệnh viện Quận 2

32. Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học

33. Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn

34. Bệnh viện Quân y 175

35. Chi cục Thú y vùng VI

36. Chi cục Thú y vùng VII

37. Trung tâm Y tế dự phòng Quân đội phía Nam

38. Bệnh viện Quân y 7A./. (vov.vn 19/01)

 
 
 

2.  Tiếp nhận gần 300 đơn vị máu từ cán bộ, người dân A Lưới

Ngày 19/1, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện A Lưới phối hợp Trung tâm Huyết học truyền máu – Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện đợt 1 – năm 2021.

Đợt này, cán bộ, người dân huyện A Lưới đã tham gia hiến 292 đơn vị máu, bổ sung vào nguồn máu dự trữ để cứu chữa các bệnh nhân cần máu.

Theo đại diện Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện A Lưới, điểm đặc biệt trong đợt hiến máu lần này là mặc dù trời rét nhưng người dân từ các địa phương vẫn về trung tâm của huyện để tham gia hiến máu. Cùng với người dân thì cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên đang làm việc ở các cơ quan, ban ngành của huyện A Lưới và các xã, thị trấn cũng tham gia hiến máu tình nguyện. (baothuathienhue.vn 19/01)

 
 
 

3.  Thừa Thiên Huế: Bệnh nhân gia tăng do rét kéo dài

Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài hơn 1 tháng qua đã khiến số lượng bệnh nhân nhập viện tại tỉnh Thừa Thiên - Huế gia tăng rõ rệt. Trong đó, lượng bệnh nhân về các bệnh hô hấp, tim mạch đột quỵ tăng đột biến, tăng từ 25-35%.(vnews.gov.vn 19/01)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Di tích Huế miễn vé 3 ngày Tết cho du khách

Ngày 18-1, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết sẽ miễn vé tham quan các điểm di tích Huế trong 3 ngày Tết.

Theo đó, 3 ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 từ mùng 1 đến mùng 3 (tức ngày 16/2-18/2), các điểm di tích Huế sẽ mở cửa miễn phí tham quan đối với du khách là người Việt Nam.

Đặc biệt cả trong 3 ngày này, tại Đại Nội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa cung đình xưa đặc sắc như Lễ đổi gác ở Ngọ Môn vào 9h sáng; múa Lân sư rồng ở sân trước điện Thái Hòa vào 9h30; các trò chơi cung đình như xăm hường, bài vụ, đầu hồ… ở sân sau điện Thái Hòa vào 10h; trình tấu Đại nhạc ở Thế Miếu vào 10h30' sáng…

Trước đó, một hoạt động điểm nhấn rất hoành tráng sẽ tái hiện lại Lễ thiết triều của vua Nguyễn xưa vào 8h30 sáng 21 tháng Chạp (nhằm 2/2) tại sân điện Thái Hòa, Đại Nội. Vào 15h chiều cùng ngày tại lăng Minh Mạng sẽ có triển lãm nhân 200 năm Ngày vua Minh Mạng lên ngôi.

Riêng vào 8h sáng 23 tháng Chạp (nhằm 4/2) tại Triệu Miếu, Thế Miếu (Đại Nội) và điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) sẽ diễn ra lễ Thướng tiêu (dựng Nêu) báo hiệu Tết đến.

Tiếp theo vào 8h30 sáng 24 tháng Chạp (nhằm 5/2) tại Đại Nội sẽ khai mạc triển lãm Thơ Xuân trên kiến trúc cung đình Huế. Chương trình "Hương xưa bánh Tết" sẽ diễn ra sau đó vào 8h sáng 25 tháng Chạp (nhằm 6/2) tại sân điện Cần Chánh, Đại Nội. (baoangiang.com.vn 19/01)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Thừa Thiên Huế cảnh báo mô hình kinh doanh đa cấp, “Crowd1” trái phép

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến cáo người dân không tham gia “Crowd1” và các hình thức có dấu hiệu kinh doanh đa cấp khác…

Sáng 19/1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn về việc phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động kinh doanh đa cấp.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh nổi lên hình thức hoạt động có dấu hiệu kinh doanh đa cấp với tên gọi dự án “Crowd1” do một số doanh nghiệp tư nhân thuộc lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện trong và ngoài tỉnh thực hiện, thông qua nhiều phương thức.

Để tránh rủi ro về mặt vật chất và pháp lý, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cảnh báo người dân không tham gia đầu tư, hay phát triển hệ thống kinh doanh vào dự án nêu trên.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh khẩn trương thông tin, khuyến cáo rộng rãi về nguy cơ, rủi ro, hậu quả tác hại của các hình thức hoạt động mua bán, giao dịch, đầu tư kinh doanh tiền ảo bất hợp pháp, kêu gọi các tầng lớp nhân dân không tham gia “Crowd1” và các hình thức có dấu hiệu kinh doanh đa cấp khác (Wefinex, RaidenBo, Bitono...); kịp thời tố giác với cơ quan công an, chính quyền địa phương khi phát hiện dấu hiệu lôi kéo, tụ tập tham gia.

 “Quán triệt, yêu cầu cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật liên quan dấu hiệu, phương thức kinh doanh đa cấp, có trách nhiệm phổ biến, vận động gia đình, xã hội nâng cao ý thức cảnh giác bảo vệ tài sản, tránh bị lôi kéo tham gia hoặc bị phần tử xấu lợi dụng hoạt động phạm tội; rà soát, phát hiện, có biện pháp xử lý đối với cán bộ, nhân viên vi phạm.

Đặc biệt thận trọng, chủ động tham khảo cơ quan chức năng khi kêu gọi, tiếp nhận tài trợ, hỗ trợ từ các tổ chức tài chính có dấu hiệu kinh doanh đa cấp; từ chối tiếp nhận của “Crowd1” dưới mọi hình thức, không để các tổ chức này lợi dụng quảng bá hình ảnh, lôi kéo người dân tham gia”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu Sở TT&TT phối hợp Công an tỉnh nghiên cứu, áp dụng các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế việc quảng bá, lan truyền “Crowd1” và các hình thức có dấu hiệu kinh doanh đa cấp (Wefinex, RaidenBo, Bitono...) trên internet, mạng xã hội; kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Sở Du lịch thông báo, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn nâng cao cảnh giác, thông báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn thuê mượn địa điểm, tụ tập đông người, đặt tiêu đề tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu, lôi kéo người tham gia “Crowd1”.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, được giới thiệu là hình thức kinh doanh thu nhập cao, là sân chơi khởi nghiệp cho giới trẻ, chia sẻ 80% doanh thu cho người tham gia, “Crowd1” cho phép người tham gia sử dụng các thiết bị điện tử kết nối Internet để mua cổ phiếu ảo của Affilgo và Miggster (là công ty con của “Crowd1”, hoạt động game online và casino), được hứa hẹn sở hữu lượng cổ phiếu giá trị lớn khi các công ty này lên sàn giao dịch chứng khoán và nhận phí “hoa hồng”; để thu lại số tiền đầu tư mua cổ phiếu, người tham gia phải mời thêm 4 người khác cùng chơi.

"Thực tế, “Crowd1” chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, từng bị Đài Truyền hình Việt Nam cảnh báo và khuyến cáo người dân không nên tham gia, bản chất là huy động và sử dụng tiền của người sau chi trả cho người trước, tiềm ẩn rủi ro cao về mặt giá trị và pháp lý", UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay. (baogiaothong.vn 19/01)

 
 
 

2.  Triển khai giải pháp ngăn chặn tình trạng “xe dù", "xe ké"

Những ngày qua, Công an tỉnh đã ra quân, tăng cường thêm các tổ công tác, thường xuyên tổ chức chốt chặn, tuần tra kiểm soát trên các tuyến để phát hiện và xử lý tình trạng xe dù, xe vận chuyển khách trá hình (xe ké), núp bóng xe hợp đồng tour, tuyến để vận chuyển hành khách.

Ngang nhiên hoạt động

Truy cập vào trang Fanpage “Xe ké miền Trung”, trong vai hành khách, chúng tôi liên hệ vào số điện thoại 0788.75.xxxx của một người chạy “xe ké” để liên hệ đi Đà Nẵng. Đến giờ hẹn, chiếc xe 7 chỗ BKS 75A… đã dừng đợi sẵn trên đường Hoàng Thị Loan. Lúc này, trên xe đã có 3 khách. Giá tiền ấn định cho mỗi hành khách từ Huế vào Đà Nẵng là 100.000 đồng/người. Ngay khi vừa bước lên xe, tài xế đã dặn chúng tôi: “Đợt này lực lượng công an xử lý ráo riết, nên nếu có gặp Cảnh sát Giao thông (CSGT) thì mọi người nói là xe người nhà chở đi ăn cưới”.

Trò chuyện với chị Nguyễn Thị N. (một hành khách ngồi cùng), chúng tôi được biết, mỗi lần đi Đà Nẵng, chị N. vào Facebook tìm số điện thoại rồi gọi, đến ngày hẹn họ tới tận nhà chở đi, đi xe kiểu này tiện hơn.

Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Huế cho biết: Sự xuất hiện, hoạt động của loại hình “xe dù", "xe ké” ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải chân chính. Trong khi “xe dù", "xe ké” hoạt động kinh doanh “chui”, không đóng thuế cho Nhà nước thì nhiều doanh nghiệp, nhà xe truyền thống phải nộp nhiều khoản phí như: chi phí tài xế, bến bãi, thuế…

Đầu năm 2020, Công ty cổ phần Bến xe Huế đã khai trương tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng với mong muốn nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại cho người dân. Tuy nhiên qua 1 năm, hoạt động kinh doanh của tuyến xe buýt không khả quan. Trước đây, bình quân mỗi xe buýt xuất bến có trên 15 khách thì nay do loại hình “xe dù", "xe ké” ngày càng nhiều nên các xe buýt mỗi chuyến chỉ lèo tèo 1, 2 hành khách. Thậm chí, xe buýt chỉ nhận 1 hành khách ở bến và đón thêm vài ba hành khách dọc tuyến nên các tài xế phải bỏ tiền túi để bù lỗ, chi phí bến bãi, nhiên liệu…

Tăng cường ra quân xử lý

Sáng 13/1, lực lượng chức năng bắt quả tang xe ô tô con loại 8 chỗ BKS 75A-13.xxx do tài xế Lê Mậu H. (trú tại tỉnh Quảng Trị điều khiển) có hành vi vi phạm: vận chuyển hành khách theo hợp đồng, thực hiện việc xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe.

Trước đó, ngày 9/1, tại Km 859 + 100 QL1, thuộc địa phận xã Lộc Điền (Phú Lộc), tổ công tác của Trạm CSGT Phú Lộc thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh phát hiện, lập biên bản xử lý xe ô tô BKS 75A-16.xxx do tài xế Lê Văn T. (trú tại TX. Hương Thủy điều khiển) về hành vi “điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng gom khách”...

Đại tá Phan Văn Minh, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Nhằm lập lại trật tự ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, nhất là thời điểm cuối năm, giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, lực lượng CSGT Công an tỉnh phối hợp với Thanh tra giao thông thành lập các tổ công tác để kiểm tra, kiểm soát bằng nhiều hình thức đột xuất, bất ngờ đối với các phương tiện cơ giới hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến giao thông. Trong đó, sẽ tăng cường kiểm tra xe dù, xe trá hình, núp bóng hoạt động tour, tuyến để vận chuyển khách, để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”.

Cùng với lực lượng CSGT Công an tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo công an nhiều đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng “xe dù", "xe trá hình” hoạt động. Trong đó, tập trung nắm tình hình, xác minh quản trị các trang web, mạng xã hội, các thông tin liên quan hoạt động vận tải trá hình, núp bóng: số điện thoại giao dịch, số xe… được trao đổi, giao dịch trên mạng; buộc các chủ xe có dấu hiệu liên quan đến hoạt động “xe dù", "xe ké” phải cam đoan, cam kết không tham gia hoạt động này.

Lực lượng CSGT cũng tăng cường tuần tra kiểm soát theo tuyến, địa bàn, kiên quyết xử lý vi phạm các xe trá hình, núp bóng xe hợp đồng tour, tuyến để vận chuyển khách; kiểm tra, xử lý các “xe dù”, “bến cóc”, xe dừng đỗ, đón, trả khách không đúng quy định trên tuyến QL1A, địa bàn TP. Huế, khu vực bến xe phía Bắc, phía Nam…; phối hợp với Thanh tra giao thông kiểm tra liên ngành bảo đảm TTATGT và vận tải hành khách bằng ô tô trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội xuân sắp tới…

Sau 15 ngày ra quân tăng cường kiểm tra, xác minh, xử lý xe dù, xe ké, Công an tỉnh đã xác minh, phát hiện có khoảng 323 phương tiện nghi vấn hoạt động xe trá hình, xe ké (riêng tuyến Huế - Đà Nẵng có khoảng 200 phương tiện hoạt động); phát hiện có 64 group trên địa bàn tỉnh đăng tin bài liên quan đến hoạt động “xe đi ké”. CSGT toàn tỉnh đã phát hiện 883 ô tô vi phạm quy định pháp luật về giao thông (trong đó, đã phát hiện, xử lý 24 trường hợp vi phạm liên quan xe ké…). Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành, phát hiện 15 trường hợp vi phạm (không có giấy phép kinh doanh vận tải, không có hợp đồng vận chuyển…). (baothuathienhue.vn 19/01)

 
 
 

3.  Triệt phá đường dây vận chuyển ma túy quy mô từ Quảng Trị vào TP. Huế

Chiều 19/1, Phòng CSĐT phòng chóng tội phạm ma túy Công an tỉnh cho biết, đơn vị vừa triệt phá thành công đường dây vận chuyển ma túy từ tỉnh Quảng Trị vào TP. Huế tiêu thụ với quy mô lớn.

Trước đó, chiều 18/1, tại trước số nhà 227 Lý Thái Tổ, phường An Hòa (TP. Huế), lực lượng Phòng CSĐT phòng chống tội phạm ma túy bắt quả tang Vũ Văn Đức (trú khu phố 11, phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đi xe ô tô 74A-118.27 do Nguyễn Hùng (trú phường 2, TP. Đông Hà) điều khiển vận chuyển trái phép chất ma túy.

Tại đây, lực lượng công an thu giữ hơn 995 gam ma túy loại Ketamine; 2.688 viên hồng phiến có khối lượng hơn 271 gam; tổng khối lượng thu giữ gần 1,3kg ma túy tổng hợp.

Đức khai nhận, thuê xe của Hùng để vận chuyển ma túy loại Ketamine vào TP. Huế giao bán giúp cho một người đàn ông tên Nô ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) với số tiền công là 20 triệu đồng.

Số hồng phiến là do Nô cho Đức. Riêng đối tượng Nguyễn Hùng làm nghề kinh doanh vận chuyển hành khách và được Đức thuê làm tài xế chở vào TP. Huế.

Hiện, Phòng CSĐT phòng chống tội phạm ma túy Công an tỉnh đã và đang phối hợp với Phòng CSĐT phòng chống tội phạm ma túy Công an tỉnh Quảng Trị khám xét nơi ở của Đức; đồng thời, tiếp tục đấu tranh làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan. (baothuathienhue.vn 19/01, cand.com.vn 19/01, toquoc.vn 19/01)

 
 
 

4.  Phát hiện một người dân trồng cây cần sa tại nhà

Lực lượng chức năng phát hiện trong nhà ông Nguyễn Trường Giang trồng cây cần sa, có 4 cây đang xanh tốt.

Trung tá Phùng Thế Anh, Phó trưởng phòng Phòng chống Ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh cho biết: Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp cùng Công an xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), bất ngờ kiểm tra nơi ở của ông Nguyễn Trường Giang (sinh ngày 11/6/2005, Trú tại Thôn An Dương 2 xã Phú Thuận).

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhà ông Giang đang trồng 4 cây cần sa đang xanh tốt, mỗi cây cao từ 10 - 20cm. Mở rộng khám xét, lực lượng chức năng phát hiện tại nhà còn 9 hạt cần sa chưa trồng.

Qua khai thác nhanh, đối tượng khai mua hạt cần sa trên mạng xã hội facebook, mục đích trồng để thử.

Hiện, vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra làm rõ. (baothuathienhue.vn 19/01)

 
 
 

5.  Mua hạt cần sa từ trên mạng về... trồng thử

Qua khai thác nhanh, G. (16 tuổi) khai nhận đã đặt mua cần sa trên mạng Facebook về nhà trồng thử và đã mọc lên được 4 cây.

Sáng 19-1, trung tá Phùng Thế Anh, phó trưởng phòng phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp cùng Công an xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) vừa bắt quả tang một người trồng cần sa trái phép.

Theo đó, qua kiểm tra đột xuất nhà của Nguyễn Trường G. (16 tuổi, trú xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) đã phát hiện 4 cây cần sa đang xanh tốt, mỗi cây cao từ 10-20cm. Mở rộng khám xét, lực lượng chức năng phát hiện tại nhà 9 hạt cần sa chưa trồng.

Qua khai thác nhanh, G. khai nhận đã đặt mua hạt cần sa trên mạng Facebook về nhà trồng thử.

Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ. (tuoitre.vn 19/01)

 
 
 

6.  Bắt đối tượng vận chuyển gần 1,3 kg ma túy

Đức được thuê vận chuyển ma túy từ Quảng Trị vào Huế để bán giúp cho một người đàn ông với tiền công 20 triệu đồng, rồi cho thêm hàng ngàn viên ma túy.

Ngày 19/1, Phòng CSĐT phòng chống tội phạm ma túy Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị vừa phá một đường dây vận chuyển ma túy từ Quảng Trị đưa vào Huế tiêu thụ, bắt giữ đối tượng liên quan cùng lượng lớn ma túy tổng hợp.

Trước đó, vào lúc 16h20 ngày 18/1, tại đường Lý Thái Tổ (phường An Hòa, TP Huế), lực lượng chức năng thuộc Phòng CSĐT phòng chống tội phạm ma túy Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã bắt quả tang Vũ Văn Đức (trú khu phố 11, phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đi trên xe ô tô 74A-118.27 do tài xế Nguyễn Hùng (trú phường 2, TP Đông Hà) điều khiển có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Qua kiểm tra, lực lượng công an thu giữ hơn 995 gam ma túy loại Ketamine, 2.688 viên hồng phiến; tổng khối lượng thu giữ gần 1,3 kg ma túy tổng hợp.

Qua khai thác ban đầu, đối tượng Đức khai nhận đã thuê xe của Hùng để vận chuyển ma túy loại Ketamine vào Huế giao bán giúp cho một người đàn ông tên Nô ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) với số tiền công là 20 triệu đồng. Còn số hồng phiến là do Nô cho Vũ Văn Đức.

Hiện, Phòng Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm ma túy, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đang phối hợp với Công an tỉnh Quảng Trị khám xét nơi ở của Đức. Đồng thời tiếp tục đấu tranh làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan. (baovephapluat.vn 20/01)

 
 
 

7.  Cần có quy định quản lý thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử (TLĐT) đang được nhiều người lựa chọn, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, tác hại của TLĐT không thua kém thuốc lá truyền thống.

Dễ mua

Đến các quán cà phê ở TP. Huế hiện không khó bắt gặp các thanh niên, nhóm bạn trẻ hút TLĐT và “vô tư” nhả khói khiến nhiều người xung quanh khó chịu.

 Anh LVT. (đường Bà Triệu, TP. Huế) thường sử dụng TLĐT cho biết, TLĐT sử dụng tinh dầu. TLĐT khá nhỏ gọn, có thể thêm vào các hợp chất để tạo hương vị mới. Ngoài ra, chỉ cần sạc đầy là có thể tiếp tục sử dụng, vì vậy TLĐT là sản phẩm đang được nhiều người trẻ đem theo và sử dụng tại các địa điểm công cộng, quán cà phê...

Hiện nay, TLĐT có những dạng phổ biến, như vape (thường là những loại máy to, hút ra rất nhiều khói và có nồng độ nicotin trong tinh dầu rất thấp) và Pod System (ra ít khói, có nồng độ nicotin cao và có cảm giác giống với hút thuốc lá hơn). Ngoài ra, có dạng IQOS thiết kế như cây bút, hoặc điếu thuốc xì - gà (cơ chế sử dụng nung nóng nhưng không tạo khói), với giá từ vài trăm ngàn đến 7-8 triệu đồng. Việc mua các sản phẩm TLĐT cũng dễ dàng vì có nhiều người kinh doanh online mặt hàng này (trên cả mạng xã hội hoặc lập các website riêng), người có nhu cầu chỉ cần qua mạng đặt mua là có hàng đến tận tay.

Anh PTT. (P. Phú Bài, TX. Hương Thủy) từng hút qua nhiều loại TLĐT cho biết, người bán hàng luôn quảng cáo hút TLĐT ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống. Thế nhưng, làm sao biết chính xác trong tinh dầu thơm có những chất gì, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không. Thực tế đã có nhiều bạn bè anh không an tâm khi dùng TLĐT nên đã từ bỏ.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BV Trung ương Huế, hiện nay giới trẻ có xu hướng chuyển từ sử dụng thuốc lá truyền thống sang TLĐT do suy nghĩ không độc hại và bị hấp dẫn bởi nhiều mùi hương khác nhau từ các loại tinh dầu. Trong khi đó, nhiều công trình nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy các chất acrolein, fomandehit và chất methylglyoxal trong tinh dầu trên là những thành phần cơ bản gây tổn hại đến DNA - tăng lên một cách toàn diện so với những người không hút. Sự thoái hóa tế bào liên tục do sự tương tác giữa các thành phần này và DNA của con người là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư.

Nên cấm

Tại hội thảo Cung cấp thông tin về TLĐT và thuốc lá nung nóng được Tổng hội Y học Việt Nam cùng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào dịp cuối năm 2020, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định, nicotin có trong thuốc lá nói chung, TLĐT nói riêng đều gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người hút và người hít phải khói.

Theo Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), các nghiên cứu đã chứng minh, TLĐT có tác hại không thua kém thuốc lá truyền thống nên cần nghiêm cấm.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, năm 2015 chỉ có 0,2% dân số sử dụng TLĐT thì đến năm 2020, riêng lứa tuổi từ 13-17 sử dụng TLĐT đã chiếm 2,6%. Bên cạnh đó, theo Quỹ  Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 40 nghìn trường hợp tử vong do các nguyên nhân từ thuốc lá.

Anh NVT. ở thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc chia sẻ, anh đồng tình với đề xuất cấm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới của Bộ Y tế. Thế nhưng hiện nay các sản phẩm TLĐT còn nằm ngoài các quy định của Luật PCTH của thuốc lá năm 2012 nên nhiều người đã dùng thoải mái ở nơi công cộng, bất chấp ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên...

Tại khoản 1, điều 2, Luật PCTH của thuốc lá năm 2012 nêu, thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì-gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Vì vậy, các quy định cấm hút thuốc lá không chế tài được TLĐT vốn chỉ sử dụng các loại tinh dầu. Với khoản và điều của Luật PCTHTL năm 2012 nói trên và tính nguy hại của TLĐT các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu xây dựng ban hành khung pháp lý phù hợp để quản lý và có mức xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm liên quan đến TLĐT. (baothuathienhue.vn 20/01)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Dịch vụ và du lịch nông nghiệp mang lại 50 tỷ đồng/năm cho Thừa Thiên Huế

Trung bình hàng năm, Thừa Thiên Huế đón khoảng 300.000 lượt khách đến với loại hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Doanh thu từ dịch vụ và du lịch nông nghiệp nông thôn ước đạt 50 tỷ đồng/năm.

Ngày 19/1, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 245 trang trại nông nghiệp thuộc hộ gia đình, trong đó có 95 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ NNPTNT. Trong số này, có 13 trang trại trồng trọt, 89 trang trại chăn nuôi, 9 trang trại lâm nghiệp, 16 trang trại nuôi trồng thủy sản, 118 trang trại tổng hợp.

Hiện ở tỉnh có 14 doanh nghiệp hoạt động trang trại với tổng cộng 20 trang trại, tập trung ở các huyện, thị xã Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền, loại hỉnh chủ yếu là chăn nuôi.

Những năm gần đây, công tác phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng ở tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Việc kết hợp phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng ngày càng chặt chẽ, bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của Huế, từ đó tạo đà cho du lịch Thừa Thiên Huế từng bước phát triển, ngày càng thu hút du khách thập phương đến tham gia dã ngoại.

Ở tỉnh đã có một số tour tuyến kết hợp du lịch cộng đồng trải nghiệm sản xuất nông nghiệp như vườn thanh trà Thủy Biều (TP.Huế), mô hình trồng rau thủy canh, dưa lưới nhà kính hay các vườn hoa hướng dương ở TP.Huế và thị xã Hương Thủy, vườn rau sạch A Lưới… 

Trung bình hàng năm, Thừa Thiên Huế đón khoảng 300.000 lượt khách đến với loại hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Doanh thu từ dịch vụ và du lịch nông nghiệp nông thôn ước đạt 50 tỷ đồng/năm. Mô hình du lịch này giải quyết việc làm cho nhiều lao động của vùng nông thôn, nâng cao bước đầu nhận thức về du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bến vững cho người lao động trong vùng có phát triển du lịch cộng đồng.

Farmstay, homestay, du lịch trang trại, du lịch cộng đồng là các loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2017. Các mô hình này là điểm nhấn cho sự trải nghiệm của khách du lịch về vùng đất nông nghiệp nông thôn hoang sơ cũng như các loại hình văn hóa cộng đồng, ẩm thực của các vùng khác nhau và của người dân bản địa. Các loại hình du lịch này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ cộng đồng trong việc khai thác và bán các sản phẩm từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho khách du lịch và thị trường.

Tuy nhiên, hiện cơ chế về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trong khai thác và phục vụ loại hình du lịch này còn lúng túng, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, nguồn lực địa phương vẫn còn hạn chế, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức như hệ thống đường xá, cầu gỗ tạm bợ...; mô hình trang trại nghỉ dưỡng hoạt động chủ yếu dựa vào thời tiết và mùa vụ…

Để hoạt động của loại hình này được phát triển hơn nữa, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất với Bộ NNPTNT và các cơ quan liên quan xem xét hướng dẫn về cơ chế quản lý đất đai trong khai thác phục vụ phát triển du lịch; hướng dẫn các địa phương trong công tác lập quy hoạch và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ đối với từng loại hình du lịch; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp du lịch ... (etime.danviet.vn 19/01)

 
 
 

2.  Cao điểm Tết Nguyên đán có 1.200 chuyến bay mỗi ngày

Trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu tới, các hãng hàng không nội địa đều tăng cường khai thác đường bay trong nước, với trung bình 1.000 chuyến bay/ngày, có ngày cao điểm lên tới 1.200 chuyến bay/ngày. Số lượng chuyến bay tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.

Theo tin từ Cục Hàng không, trong giai đoạn Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới, các hãng đã lập kế hoạch khai thác trung bình hơn 1.000 chuyến bay nội địa/ngày (tăng 28% so với cùng kỳ Tết năm trước); thậm chí ngày cao điểm nhất đạt 1.200 chuyến bay/ngày (tăng 25,3% so với cùng kỳ).

Tết năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các hãng hàng không Việt dừng khai thác đường bay quốc tế, nên tập trung cho khai thác nội địa. Tới nay, vé may bay dịp cao điểm Tết vẫn còn nhiều, với mức giá không quá cao, không xảy ra tình trạng khan hiếm vé hay đẩy giá như Tết các năm trước.

Khai thác nhiều nhất dịp Tết Nguyên đán tới là Vietnam Airlines và Vasco, trung bình 379 chuyến/ngày (tăng hơn 35% so với Tết năm trước), ngày cao nhất 504 chuyến/ngày (tăng 31%).

Vietjet khai thác trung bình 371 chuyến/ngày (tăng 17%), ngày cao điểm nhất đạt 375 chuyến/ngày (tăng 28%).

Bamboo Airways khai thác trung bình 180 chuyến/ngày (tăng 27%), ngày cao điểm đạt 190 chuyến/ngày (tăng 34%).

Pacific Airlines khai thác trung bình 124 chuyến/ngày (tăng 25%), ngày cao điểm khai thác 130 chuyến/ngày (tăng 28%).

Đặc biệt, trong một số ngày cao điểm Tết Nguyên đán năm nay, các hãng cũng đẩy mạnh khai thác khung giờ bay đêm (từ 22h hôm trước tới 7h sáng hôm sau) trên một số chặng khách có nhu cầu đi lại lớn. Tổng số chuyến khai thác tăng cường vào khung giờ này khoảng 140-150 chuyến/ngày.

Ngoài các hãng trên, ngày 19/1, tân binh Vietravel Airlines cũng chính thức mở bán vé cho 1 số chặng bay thường lệ bắt đầu khai thác từ ngày 25/1 tới. Trước mắt, hãng này sẽ khai thác các đường bay từ TPHCM đi Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang; từ Hà Nội đi Phú Quốc, Đà Nẵng, Huế. Với tần suất từ 1-2 chuyến/ngày/đường bay. Dịp này, Vietravel Airlines cũng tung 50.000 vé với giá 0 đồng/chiều (chưa gồm thuế, phí) để khách trải nghiệm. (tienphong.vn 19/01)

 
 
 

3.  Đòn bẩy giúp phụ nữ phát triển kinh tế

Đa dạng hóa các nguồn vốn vay, giúp nhiều đối tượng hội viên được tiếp cận để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống... đã và đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp áp dụng thực hiện.

Đa dạng nguồn vốn

Thực hiện mục tiêu là mọi đối tượng hội viên phụ nữ đều được tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh đã đa dạng hóa nhiều nguồn vốn vay, truyền thống nhất là nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).

Qua nhiều năm áp dụng, số dư nợ được Ngân hàng CSXH tin tưởng ủy thác cho các cấp hội phụ nữ trong tỉnh ngày càng tăng. Hiện các cấp hội phụ nữ đang quản lý hơn 1.673 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng dư nợ vốn Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo điều kiện cho hơn 53.000 hộ tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế.

Chị Huỳnh Thị Lượm ở tổ 6, phường Thủy Xuân, TP. Huế kể, tiếp cận được 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH qua kênh phụ nữ phường, chị đầu tư mua máy sản xuất hương. Chủ động được việc làm, thu nhập của chị đã ổn định, cuộc sống gia đình ngày càng cải thiện.

Để những hội viên không nằm trong đối tượng được vay vốn của Ngân hàng CSXH vẫn có vốn để phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh đã mạnh dạn phối hợp với các ngân hàng khác nhận ủy thác vốn vay. Thông qua các ngân hàng như: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đông Á, Liên Việt..., các cấp hội trong tỉnh đang nhận ủy thác trên 200 tỷ đồng.

Các cấp hội còn vận động hội viên tham gia tiết kiệm tự nguyện tại chỗ để chủ động nguồn vốn cho hội viên vay. Trung bình mỗi tháng 1 hội viên tiết kiệm 10 ngàn đồng, đến nay các cấp hội trong tỉnh đã xây dựng được nguồn vốn hơn 54 tỷ đồng, tạo điều kiện cho nhiều hội viên có vốn quay vòng. “Nhờ nguồn vốn tiết kiệm tự nguyện tại chỗ, tôi có tiền mua thêm cây, con giống. Đến khi thu hoạch, tôi lại trả vốn cho hội để chị em khác vay. Việc tiết kiệm này rất hay, mỗi tháng đóng một ít nhưng đến khi cần lại có số tiền lớn để làm ăn”, chị Hồ Thị Xuyến ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc tâm sự.

Năm 2017, khi đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”  được UBND tỉnh phê duyệt, Hội LHPN tỉnh lại xây dựng Quỹ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”. Với số vốn 4 tỷ đồng ban đầu, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ cho các chị có ý tưởng khởi nghiệp khả thi và mạnh dạn khởi nghiệp bằng ý tưởng đó.

Theo chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, từ vốn vay ưu đãi, các hội viên phụ nữ đầu tư phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kinh doanh dịch vụ… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng hành

Để quản lý các nguồn vốn hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các cơ sở hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình, khả năng phát triển kinh tế tại hộ để có sự hỗ trợ, động viên, khuyến khích kịp thời, do đó tỷ lệ nợ quá hạn thấp, chỉ 0,1%.

Ngoài ra, các cấp hội còn đồng loạt triển khai nhiều giải pháp giúp hội viên sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đầu tiên, giới thiệu các thành viên vay vốn tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi theo hướng hiện đại, an toàn gắn với bảo vệ môi trường. Tiếp đó, hướng dẫn hội viên thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, tạo sức mạnh tổng hợp vừa phát huy thế mạnh địa phương vừa giúp nhau phát triển kinh tế. Đến nay, các cấp hội trong toàn tỉnh thành lập được 4 hợp tác xã, 76 tổ liên kết hợp tác phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực.

Công tác tìm thị trường bao tiêu sản phẩm cho hội viên cũng được các cấp hội quan tâm. Tiêu biểu Hội LHPN TP. Huế, Hội LHPN huyện A Lưới, Phú Lộc đã thành lập cửa hàng tiêu thụ sản phẩm, nông sản cho hội viên. Các đơn vị phụ nữ thị xã Hương Thủy, Nam Đông... ký kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm cho các tổ liên kết, hợp tác do hội viên mình làm chủ.

Chị Ngô Thị Lý, Chủ nhiệm tổ liên kết “Sản xuất gà sạch” của Hội LHPN thị trấn Phú Lộc thông tin: “Tổ liên kết sản xuất gà sạch của thị trấn được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ thành lập cách đây 4 năm. Tuy nhiên, do chưa có thị trường ổn định nên tổ chỉ chăn nuôi cầm chừng. Từ khi cửa hàng giới thiệu cung cấp thực phẩm an toàn của Hội LHPN huyện được thành lập, sản phẩm của tổ đã có đầu ra ổn định. Tổ đang có ý định đầu tư để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên”.

Hội LHPN tỉnh cũng đã và đang phối hợp với các chuyên gia tổ chức các diễn đàn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành về tiếp thị, bán hàng trên nền tảng số trong thời đại công nghệ 4.0, giúp phụ nữ áp dụng hiệu quả. Đồng thời, tập trung xây dựng “Chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, truyền thống giữa các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ với doanh nghiệp trong tỉnh”  nhằm liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng với các mô hình sản xuất kinh tế do phụ nữ làm chủ, tạo thị trường ổn định. (baothuathienhue.vn 20/01)

 
 
 

4.  LÀNG HOA XỨ HUẾ VƯỢT KHÓ SAU THIÊN TAI

(Video quochoitv.vn 19/01)

 
 
 

5.  Ông chủ tuổi 30

Đam mê, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm anh Dương Ngọc Anh ở xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) trở thành ông chủ của xưởng mộc với quy mô bề thế khi chưa đầy 30 tuổi.

Do điều kiện gia đình khó khăn, học hết lớp 9, Dương Ngọc Anh quyết định nghỉ học, đi học nghề. Sau thời gian học và làm nhiều nghề như: Nhôm kính, thợ hàn, thợ mộc…, Ngọc Anh quyết định đến với nghề mộc. “Làm ra những sản phẩm mộc dân dụng, thấy thành quả của mình được mọi người trân trọng, ưa chuộng, tôi càng thấy mình đã chọn đúng nghề và muốn gắn bó lâu dài với nghề mộc”, Ngọc Anh chia sẻ.

Năm 2015, sau khi cưới vợ, quyết định chọn Thủy Phù làm nơi lập nghiệp, phát triển nghề mộc dân dụng của mình, Ngọc Anh bàn với vợ bán hết của hồi môn của hai vợ chồng, vay mượn thêm người thân để mở xưởng mộc. Ngọc Anh mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng mua máy móc, từ máy xẻ gỗ, máy bào…cho đến máy chà, máy cắt, có thể làm cho các công trình lớn nhỏ tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Nghe tin ông chủ trẻ xưởng mộc không những chắc tay nghề, các sản phẩm làm ra luôn được khách hàng hài lòng mà tính tình hiền lành, cởi mở nên khách hàng tìm đến cơ sở của anh ngày càng nhiều. Không những ham học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ những người đi trước, Ngọc Anh còn say mê tìm hiểu, sáng tạo ra những mẫu mã mộc dân dụng như giường, tủ, cửa, bàn ghế… hiện đại, đẹp mắt. Ngoài những công trình trong huyện, trong tỉnh, Ngọc Anh thường được khách hàng hài lòng, truyền tai, giới thiệu ở Đà Nẵng, Quảng Trị…

Xưởng mộc của Ngọc Anh là một địa chỉ tin cậy cho các thanh niên trong vùng tới học nghề. Bất cứ ai tới học nghề, Ngọc Anh cũng đều tận tâm dạy hết những kiến thức, kỹ năng mình có. Học viên không phải mất tiền mà còn được trả công khi chập chững làm thợ phụ cho xưởng. Rất nhiều thanh niên “hư” trong vùng cũng tìm đến Ngọc Anh để học nghề và xin phụ làm.

Gần 3 năm gắn bó với ông chủ trẻ, thanh niên Lê Quý Thịnh (20 tuổi, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy), chia sẻ: “Học và làm nghề mộc không hề đơn giản, đã không ít lần em định bỏ nghề, nhưng chính anh Ngọc Anh đã truyền cảm hứng, động viên em cố gắng học để có một cái nghề ổn định, lo cho tương lai. Trước đây, em học làm cái gì cũng nhanh nản, không tới nơi tới chốn”.

Không ít thanh niên sau khi học nghề từ xưởng mộc của Ngọc Anh đã có thể đứng ra làm ông chủ; cũng có những thanh niên trở thành thợ chính, tiếp tục gắn bó cùng với ông chủ trẻ với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng.

Xưởng mộc của Ngọc Anh luôn có thu nhập ổn định, trên dưới 30 triệu đồng/tháng (trừ chi phí thuê nhân công) và tạo việc làm ổn định cho 4 thanh niên.

“Xưởng mộc của tôi chủ yếu sản xuất các sản phẩm mộc từ gỗ rừng trồng kinh tế như keo, tràm. Đây là những loại gỗ còn khá xa lạ với nhiều người, nhưng chất lượng gỗ không thua gì gỗ rừng tự nhiên, nếu chúng ta biết xử lý, bảo quản. Khi mọi người thay thế gỗ rừng tự nhiên lâu năm bằng gỗ rừng trồng kinh tế sẽ giảm được nạn phá rừng và thay đổi tư duy của mọi người về sử dụng các sản phẩm đồ mộc. Các loại gỗ kinh tế được sử dụng rộng rãi thì người dân trồng rừng cũng sẽ có nhiều lợi thế hơn để phát triển rừng trồng”, Ngọc Anh khẳng định.

Anh Phan Tuấn Vũ, Bí thư Xã đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Thủy Phù nhận xét: Dương Ngọc Anh là một thanh niên trẻ rất tích cực tham gia các hoạt động của đoàn địa phương và là tấm gương đoàn viên thanh niên vượt khó, nỗ lực phát triển kinh tế để các thanh niên khác học tập, noi theo. Cơ sở sản xuất mộc của anh Ngọc Anh cũng là địa chỉ tin cậy, được nhiều thanh niên trong vùng theo học nghề và làm việc. (baothuathienhue.vn 19/01)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.448.924
Truy cập hiện tại 1.186