Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 19/01/2021
Ngày cập nhật 21/01/2021
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Thừa Thiên - Huế: Khôi phục sản xuất tại các doanh trại quân đội sau thiên tai

Khôi phục sản xuất tại các doanh trại quân đội sau thiên tai là một yêu cầu cấp bách hiện nay, để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm sạch phục vụ thường xuyên và đảm bảo nhu cầu tết. Công tác khôi phục, tăng gia sản xuất đã được hầu hết các đơn vị trong Bộ chỉ huy QS tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện thành công. (Video tv.danviet.vn 18/01)

 
 
 

2.  286 quân nhân hoàn thành nhiệm vụ quân sự

Sáng 18/1, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức lễ tiễn 286 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương...

Qua 2 năm thực hiện nhiệm vụ trong quân đội, các quân nhân không ngừng ra sức học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị.

Các quân nhân là một lực lượng quan trọng trong thực hiện các hiệm vụ quan trọng, nhất là nhiệm vụ phòng chống dịch COVID -19, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy rừng, giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới…

286 quân nhân khi trở về địa phương đều là những thanh niên trưởng thành về mọi mặt. Với những thành tích và những cống hiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều quân nhân đã được đơn vị cử đi học tại các trường trong quân đội. Trong số 286 quân nhân ra quân trong đợt này, có 12 chiến sĩ vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, 79 chiến sĩ được khen thưởng. Tất cả quân nhân đều được Bộ Quốc phòng cấp 1 thẻ học nghề trị giá gần 16 triệu đồng.

Phát biểu tại buổi lễ ra quân, Trung tá Phan Thắng  - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh đã biểu dương toàn thể chiến sĩ ra quân đợt này; đồng thời căn dặn các chiến sĩ sau khi trở về địa phương luôn trau dồi phẩm chất đạo đức của người quân nhân cách mạng, phát huy truyền thống của anh Bộ đội Cụ Hồ, tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp. (baothuathienhue.vn 18/01)

 
 
 

3.  Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế tập huấn cán bộ dân quân tự vệ năm 2021

Sáng 18-1, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức khai mạc lớp tập huấn cán bộ dân quân tự vệ năm 2021; tham gia tập huấn có 145 đồng chí là chỉ huy trưởng, phụ trách chỉ huy trưởng của Ban CHQS các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trong thời gian 5 ngày, các đồng chí tham gia tập huấn sẽ được học tập các nội dung, bao gồm: Quy định số 59-QĐ/TW ngày 22-12-2016 của Ban chấp hành Trung ương về tổ chức Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Hướng dẫn số 35-HD/BTCTW ngày 15-10-2009 của Ban Tổ chức Trung ương về tổ chức và hoạt động của chi bộ quân sự; công tác quốc phòng và quản lý nhà nước về quốc phòng ở xã, phường, thị trấn; nội dung cơ bản của Luật Dân quân tự vệ năm 2019 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành; sử dụng bản đồ địa hình quân sự, ống nhòm, địa bàn...

Bên cạnh đó, lớp tập huấn sẽ tham quan thực tế Trung đội dân quân cơ động bổ sung nhiệm vụ triển khai bảo vệ mục tiêu A2; cách tiếp nhận, đăng ký, quản lý hoạt động của khu cách ly công dân cấp xã; học cách liên kết bè, mảng bằng vật liệu sẵn có thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Thông qua tập huấn làm cơ sở tiếp tục tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ trong năm 2021 bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. (qdnd.vn 18/01)

 
 
 

4.  Vai trò già làng, trưởng bản ở cơ sở được phát huy

Vai trò già làng, trưởng bản và người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nhân tố quan trọng trong việc vận động bà con trên tất cả mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, bảo tồn văn hoá và giữ vững an ninh trật tự. Họ đã góp phần tạo nên những bước chuyển tích cực trong đời sống xã hội ở vùng cao.

Nêu gương

Dù bước sang tuổi 75, ông Hồ Văn Lô ở thôn Kleng - A Bung, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới vẫn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình.

Là người có uy tín trong đồng bào DTTS, sau nhiều năm gắn bó và hiểu rõ khó khăn của bà con khi cây cà phê thất bại trên địa bàn, ông Lô tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào hưởng ứng chủ trương của cấp ủy, chính quyền, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để góp phần cải thiện đời sống.

“Để vận động được bà con, bản thân tôi không ngừng tìm tòi, học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung chuyển đổi sang trồng cây chuối theo hướng hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Trước hết, tôi huy động mọi nguồn lực trong gia đình đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình VACR, lấy ngắn nuôi dài, tích lũy để mở rộng sản xuất…”, ông Hồ Văn Lô chia sẻ.

Đến nay, ngoài 10ha rừng tràm đang thời kỳ thu hoạch, gia đình ông Lô đã trồng được gần 2ha chuối già lùn, có gần 1ha hồ cá và đàn gà trên 100 con, đem lại nguồn thu nhập bình quân hằng năm từ 100-125 triệu đồng. Nhiều người trong thôn đã tìm đến gia đình ông học tập. Ông tận tình hướng dẫn, giúp đỡ bà con phát triển thành công vùng sản xuất chuyên canh chuối già lùn với diện tích hàng chục ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, ông cũng giúp đỡ nhiều gia đình phát triển mô hình kinh tế VACR để vươn lên thoát nghèo.

Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm, ông Hồ Trọng Chăn chia sẻ thêm, ông Hồ Văn Lô còn được biết đến là người có nhiều đóng góp cho xã hội như hiến máu nhân đạo, đóng góp quỹ hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, ông đã hiến hơn 500m2 đất trồng các loại cây ăn quả để mở rộng trường tiểu học của xã...

Những “tuyên truyền viên”

“Vai trò của già làng, trưởng bản và người có uy tín trong đồng bào DTTS được phát huy đã góp phần tạo những bước chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội ở khu vực miền núi của tỉnh” - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, ông Hồ Xuân Trăng khẳng định.

Xã Thượng Long, huyện Nam Đông đã có nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS phát huy vai trò trong giáo dục, vận động con cháu và người dân tích cực tham gia gìn giữ an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Các tấm gương người có uy tín đã nhiều lần tham gia cùng các đoàn thể, chính quyền địa phương vận động sức người, sức của trong Nhân dân để xây dựng hạ tầng, góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi.

Nhiều năm qua, già làng Phạm Văn Tâm, người Cơ Tu, ở thôn 4, xã Thượng Long (Nam Đông) là một điển hình. Già đã tự nguyện giúp đỡ chính quyền địa phương trong việc vận động quần chúng, vận động con cháu trong gia đình, dòng họ và người dân trong thôn, bản tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả.

Già Tâm bảo: Xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là việc kết hợp giữa Nhà nước và Nhân dân, phục vụ chính cho người dân địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, tôi đã cùng chính quyền địa phương thông qua mối quan hệ dòng tộc, người thân tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ mình là chủ thể trong việc thực hiện chương trình này. Từ đó, trong công tác giải phóng mặt bằng thi công các công trình, người dân đều tự nguyện hiến đất, hiến cây, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương…

Trưởng ban Dân tộc tỉnh, ông Hồ Xuân Trăng cho biết, đồng bào DTTS của tỉnh có khoảng 11.530 hộ, với gần 55.100 khẩu, sinh sống ở 12 xã biên giới và 33 xã vùng miền núi của các địa phương Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc và Hương Trà, gồm các dân tộc: Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Hy và một bộ phận nhỏ các dân tộc khác, chiếm hơn 5,2% dân số toàn tỉnh.

Thời gian qua, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào các DTTS đối với việc vận động bà con chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, Ban Dân tộc tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả chính sách đối với người có uy tín, phát huy vai trò của người có uy tín đối với từng lĩnh vực, địa bàn, nên đã mang lại những kết quả rất thiết thực. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân trên 4,5%/năm, giảm từ 38,84% vào cuối năm 2015, xuống đến nay còn 29%. Phấn đấu đến năm 2025, vùng DTTS có thu nhập bình quân đầu người đạt 40 – 42 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 15%...

Thực tế, vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS được phát huy là cánh tay nối dài của chính quyền, góp phần đắc lực vào việc ổn định tình hình an ninh nông thôn và phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn miền núi, biên giới. Vùng miền núi của tỉnh tuy vẫn còn hộ nghèo nhưng người dân đã biết phát huy ý thức, loại bỏ hủ tục, không du canh, du cư, bám đất bám rừng và hăng hái tham gia vào phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn chủ quyền an ninh biên giới... (baothuathienhue.vn 19/01)

 
 
 

5.  Canh biên ngày rét

Bất kể lễ tết, đêm khuya hay giá rét, những người lính vẫn bám trụ thực hiện nhiệm vụ ngăn người vượt biên trái phép qua đường mòn, lối mở. (Video baothuathienhue.vn 18/01)

 
 
 

6.  Phong Điền: Bầu bổ sung chức danh phó chủ tịch UBND huyện

Sáng 18/1, HĐND huyện Phong Điền tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 7, khóa VI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 để tiến hành bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện và cho ý kiến một số nội dung quan trọng khác. Đến dự kỳ họp có ông Cái Vĩnh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Tại kỳ họp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền -  Nguyễn Đình Bách đã thông qua Tờ trình giới thiệu nhân sự để đại biểu HĐND huyện bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Hồ Đôn, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện. Căn cứ kết quả bỏ phiếu, ông Hồ Đôn trúng cử chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021 với số phiếu tín nhiệm cao, đạt tỷ lệ 100%.

Cũng tại kỳ họp, các đại biểu HĐND huyện được nghe UBND huyện và Ban Kinh tế -Xã hội của HĐND huyện trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư các công trình, dự án có trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 thuộc nguồn vốn ngân sách huyện.

Kỳ họp đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc xác nhận kết quả bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Hồ Đôn. Đồng thời thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư 9 công trình, dự án về chỉnh trang đường liên xã đoạn qua xã Điền Lộc; chỉnh trang đường trục xã từ cầu Kẽm - Hiền Lương - Sơn Tùng - Cao Ban xã Phong Hiền; chỉnh trang đường từ Tỉnh lộ 11B đi độn Hóc, thôn Phò Ninh, xã Phong An; mở rộng đường trục xã Phong Chương và đường từ QL49B đến thôn Niêm xã Phong Hòa; hạ tầng phát triển quỹ đất khu quy hoạch trung tâm xã Phong Mỹ.... (baothuathienhue.vn 18/01, thoidai.com.vn 18/01)

 
 
LAO ĐỘNG
 

1.  Ngôi làng của những người đúc tượng thủ công

Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người dân làng Địa Linh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) lại tất bật làm tượng ông Công, ông Táo để phục vụ người dân.

Những ngày cận Tết về đây, từ xa đã nghe tiếng gõ lọc cọc phát ra từ những chiếc khuôn đúc, mùi khen khét từ đất sét nung tỏa ra khắp cả một vùng. Để làm ra những bộ ông Công, ông Táo, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn đất sét, nung đất đến tô màu, trang trí...

Bà Hoàng Thị Lượng (54 tuổi, một trong những người đúc tượng ông Táo tại làng Địa Linh) cho biết, nghề đúc tượng ông Táo tại làng Địa Linh không biết có từ khi nào, chỉ biết rằng nghề này được ông cha truyền lại cho con cháu.

Theo bà Lượng, mặc dù chỉ bán vào dịp cúng ông Công, ông Táo vào tháng Chạp hằng năm, thế nhưng việc đúc tượng ông Công, ông Táo thường được người dân trong làng bắt tay vào làm từ khoảng tháng 3 hằng năm.

“Năm nay do mưa bão, lũ lụt triền miên nên việc làm tượng dồn cả vào cuối năm, cả nhà tôi đang tranh thủ thời gian, cố gắng hết sức để kịp đưa hàng ra thị trường”, bà Lượng cho biết.

Theo bà Lượng, để có những bức tượng đúng chuẩn, người làng Địa Linh chọn nguyên liệu làm khuôn từ loại gỗ lim. Khi cho đất vào khuôn đúc phải ép thật chặt để tượng không bị méo. Lấy tượng khỏi khuôn cũng đòi hỏi phải thật khéo.

Sau khi tượng rút bớt nước thì đem phơi. Nếu nắng đẹp, những bức tượng sẽ được phơi khoảng một ngày rồi cho vào lò nung.

Bình quân mỗi lò, người thợ nung được khoảng 1.000 - 2.000 tượng. Sau khi ra lò, tượng sẽ được để nguội rồi trang trí, phân loại. Tùy theo nhu cầu sử dụng của khách hàng mà tượng được tô màu, rắc kim tuyến cho đẹp mắt hoặc đơn giản chỉ quét thêm một lớp sơn. Do việc trang trí, đóng gói từng loại khác nhau mà giá thành mỗi loại vì vậy cũng khác, dao động từ 1.500 đến 7.000 đồng/tượng.

Chị Nguyễn Thị Hòa (38 tuổi, trú tại thôn Địa Linh, xã Hương Vinh) cho biết, cứ vào mỗi dịp Tết đến gia đình chị thường làm khoảng 30.000 – 40.000 tượng ông Táo để cung ứng ra thị trường. Thế nhưng, năm nay thời tiết không ủng hộ nên số lượng tượng làm ra không nhiều như mọi năm.

“Nghề làm tượng ông Công, ông Táo đòi hỏi sự tỉ mỉ và tốn nhiều công sức nhưng kinh tế mang lại không cao nên hiện tại trong làng Địa Linh chỉ còn rất ít gia đình giữ lại nghề truyền thống này”- chị Hòa tâm sự.

Là người có nhiều năm gắn bó với nghề đúc tượng ông Táo, ông Võ Văn Nam (56 tuổi, làng Địa Linh) cũng chia sẻ, việc gia đình ông tiếp tục gắn bó với nghề này chỉ để nối nghiệp của người cha để lại, muốn giữ lại nghề truyền thống của gia đình, của địa phương.

“Rồi đây, không biết nghề truyền thống này có còn được lưu giữ, khi mà lớp trẻ hiện tại không mấy mặn mà với công việc nặng nhọc này, trong khi thu nhập lại không đáng là bao”, ông Nam trăn trở.

Ông Trương Đắc Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết, nghề đúc tượng ông Công, ông Táo tại địa phương đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên hiện nay tại làng Địa Linh chỉ còn 4 hộ theo nghề này.

“Trung bình mỗi tượng họ chỉ lời từ 500 – 700 đồng. Dẫu vậy, nghề đúc tượng ông Công ông Táo phần nào cũng mang lại công ăn việc làm và thu nhập nhất định cho người dân địa phương, đặc biệt là góp phần duy trì nét văn hóa bản sắc của dân tộc”- ông Giàu cho biết thêm. (daidoanket.vn 18/01)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Áo dài “Made in Huế"

Tại Không gian Áo dài Huế số 7 Nguyễn Tri Phương, TP. Huế, những người yêu thích áo dài có thể tìm thấy những chiếc áo dài “Made in Hue” được thiết kế dựa trên cảm hứng văn hóa và hội họa Huế. (Video baothuathienhue.vn 18/01)

 
 
 

2.  Chợ hoa xuân diễn ra cùng lúc ở nhiều địa điểm

Ngày 18/1, ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, năm nay chợ hoa xuân dịp Tết Nguyên đán sẽ được tổ chức cùng lúc ở nhiều địa điểm khác nhau thay vì ở những địa điểm truyền thống như những năm trước.

Địa điểm đầu tiên là công viên Phú Xuân (đoạn từ cửa Quảng Đức về phía cầu Dã Viên). Khu vực này sẽ do Trung tâm Công viên cây xanh Huế tổ chức phân lô với số lượng khoảng 80-100 lô, bắt đầu hoạt động từ ngày 1/2 (20 tháng Chạp).

Địa điểm thứ hai diễn ra chợ hoa xuân là khu đất do Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý đối diện Trung tâm Thể thao tỉnh, sẽ giao cho UBND phường Xuân Phú quản lý với khoảng 50-70 lô, bắt đầu hoạt động từ ngày 1/2 (20 tháng Chạp).

Địa điểm thứ ba đặt tại khu đất của Công ty CP Đầu tư IMG tại khu đô thị An Cựu City và giao cho UBND phường An Đông quản lý với 150 – 200 lô, thời gian bắt đầu 30/1 (18 tháng Chạp).

Cả ba chợ hoa xuân đảm bảo phân thành từng khu vực, với các gian hàng theo chủ đề, thể loại. Chợ hoa sẽ đồng loạt kết thúc vào 17h ngày 11/2 (30 Tết). (baothuathienhue.vn 18/01)

 
 
 

3.  Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Khu Di sản Huế dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Ngày 18/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trong thời gian tới tại Khu Di sản Huế sẽ diễn ra nhiều chương trình văn hóa đặc sắc nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và du khách nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Cụ thể, mở đầu cho các hoạt động đón xuân Tân Sửu 2021 là tái hiện lễ Thiết Triều được tổ chức tại sân Đại Triều Nghi (Đại Nội Huế) vào ngày 2/2 (21 tháng Chạp). Cùng ngày, tại lăng vua Minh Mạng sẽ khai mạc triển lãm "200 năm ngày vua Minh Mạng lên ngôi".

Tiếp đó, ngày 4/2 (23 tháng Chạp), lễ dựng nêu sẽ được tổ chức tại Triệu Miếu, Thế Miếu và điện Long An. Đây là một nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là nghi lễ quan trọng của triều Nguyễn. Ở Thừa Thiên Huế, lễ dựng nêu được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện lần đầu tiên từ năm 2013 và duy trì cho đến nay. Ngoài những quan niệm tâm linh của dân gian, lễ dựng nêu của triều Nguyễn còn báo hiệu ngày Tết đã đến.

Sau lễ dựng nêu, ngày 5/2 (24 tháng Chạp) Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ khai mạc triển lãm "Thơ xuân trên kiến trúc cung đình Huế" tại trường lang Đại Cung Môn. Ngày 6/2 (25 tháng Chạp) sẽ tổ chức chương trình "Hương xưa bánh Tết" tại nền điện Cần Chánh bao gồm trình diễn thư pháp và tặng chữ, đặc biệt là hội thi gói bánh chưng, bánh tét,.. gợi nhớ về Tết cổ truyền của dân tộc.

Trong các ngày từ 12 đến 14/2 (mồng 1 đến mồng 3 Tết Nguyên đán), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa miễn phí tham quan đối với du khách là người Việt Nam đồng thời tổ chức các hoạt động vui xuân tại các điểm di tích mà đơn vị quản lý. Các hoạt động vui xuân đa dạng và trải đều trong những ngày Tết như: tái hiện lễ đổi gác; múa lân sư rồng; các trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp; chương trình nghệ thuật "Âm sắc cung đình"; trình tấu Đại nhạc, Tiểu nhạc…

Đến ngày 18/2 (mồng 7 Tết Nguyên đán), các chương trình vui xuân tại Khu Di sản Huế sẽ kết thúc bằng lễ hạ nêu, khai ấn, cung chúc tân xuân được tổ chức tại Triệu Miếu, Thế Miếu, điện Long An.

Ngoài các hoạt động vui xuân tại Khu Di sản Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Cụ thể, tổ chức chương trình chào đón năm mới tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; Các hoạt động đón năm mới tại Nghênh Lương Đình, Phu Văn Lâu; Chương trình nghệ thuật tổng hợp chào Xuân mới tại Bia Quốc học; Tổ chức một số hoạt động tại đường đi bộ và công viên từ Bia Quốc học đến Công viên 3/2.

Năm nay, địa phương này cũng tổ chức bắn pháo hoa tầm cao đón năm mới tại 2 điểm là TP Huế và huyện Phong Điền./. (toquoc.vn 18/01)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Ninh Bình ủng hộ Thừa Thiên Huế 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Cuối năm 2020, tỉnh Ninh Bình cũng đã ủng hộ 500 triệu đồng cho người dân Thừa Thiên Huế khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống. Tiếp tục nghĩa cử cao đẹp đó, lần này tỉnh tiếp tục ủng hộ đợt 2 với số tiền 1 tỷ đồng.

Đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình do ông Đỗ Việt Anh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh làm trưởng đoàn vừa đến thăm và trao số tiền 1 tỷ đồng hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thay mặt người dân tỉnh nhà, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Nam Tiến cảm ơn sự hỗ trợ, sẻ chia lúc khó khăn của tỉnh Ninh Bình và cam kết sẽ phân bổ tiền ủng hộ đến những hoàn cảnh cần giúp đỡ, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất.

Được biết, cuối năm 2020, tỉnh Ninh Bình cũng đã ủng hộ 500 triệu đồng cho người dân Thừa Thiên Huế khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống. Tiếp tục nghĩa cử cao đẹp đó, lần này tỉnh Ninh Bình tiếp tục ủng hộ đợt 2 với số tiền 1 tỷ đồng. (doanhnghiepvn.vn 18/01)

 
 
 

2.  SV-League trao quà cho những học sinh khó khăn tại Huế trong chuyến thiện nguyện hướng về miền Trung

Ngày 18/1, Ban tổ chức (BTC) của SV-League đã thăm và trao quà tới những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

BTC đã trao tận tay 250 suất quà tới các em học sinh mồ côi và khuyết tật tại các xã Hương Lộc, Thượng Lộ, Thượng Quang, Hương Hữu... Đây là những khu vực miền núi thuộc huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế), nơi đã chịu ảnh hưởng không nhở từ cơn bão số 5 và số 9 hồi năm ngoái. Thiên tai khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm gián đoạn việc học của các em học sinh.

Với mỗi suất quà bao gồm sữa và khoản tiền mặt 1.000.000 đồng, đoàn thiện nguyện của SV-League hy vọng có thể giúp các em và gia đình phần nào ổn định cuộc sống. Được biết, nguồn quà tặng trong chuyến đi lần này đến từ những nhà tài trợ, mạnh thường quân đã hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp của BTC SV-League 2020.

"SV-League 2020 không chỉ là sân chơi bổ ích dành cho sinh viên mà còn là cầu nối giúp các mạnh thường quân đến gần hơn với những hoàn cảnh khó khăn của người dân miền Trung sau các đợt bão lớn cuối năm qua. Chúng tôi hi vọng được san sẻ phần nào nỗi lo của bà con cũng như giúp các cháu học sinh có một cái Tết đủ đầy hơn và sớm ổn định lại việc học", Ông Dương Vũ Lâm, trưởng Ban Tổ chức SV-League 2020, cho biết.

Ông Lại Quốc Trình, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Nam Đông, xúc động chia sẻ: "Sự đồng hành của Ban Tổ chức SV-League và các mạnh thường quân có ý nghĩa rất lớn với các em học sinh dân tộc thiểu số nói riêng và bà con các xã miền núi nói chung. Những món quà thiết thực này không chỉ là nguồn động viên về vật chất, giúp các em có động lực vươn lên trong học tập mà còn là niềm khích lệ lớn cho các em trước tết Nguyên đán".

SV-League 2020 nhận được sự quan tâm của đông đảo sinh viên nói chung và những người đam mê bóng đá nói riêng. Đây là lần đầu tiên một giải bóng đá sinh viên được tổ chức chuyên nghiệp và mỗi trường đại học tham gia giải được bảo trợ bởi một ông bầu là doanh nhân nổi tiếng của bóng đá Việt Nam. Mùa giải 2020, Đại học Cần Thơ đã lên ngôi vô địch sau chiến thắng 1-0 trước Đại học Nông Lâm TP.HCM trong trận chung kết.

Bên cạnh các trận đấu hấp dẫn, giải đấu còn gây ấn tượng bởi những hoạt động bên lề ý nghĩa. Chuyến thiện nguyện vừa qua chính là một trong những điều ý nghĩa như vậy, khép lại mùa giải đầu tiên với nhiều ấn tượng đẹp. (toquoc.vn 18/01)

 
 
 

3.  Hỗ trợ 60 suất quà cho đoàn viên Nghiệp đoàn xích lô, xe thồ TP. Huế

Sáng 18/1, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế tổ chức trao quà tết cho đoàn viên, người lao động Nghiệp đoàn xích lô, xe thồ TP. Huế. Đến dự có ông Lê Minh Nhân, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cùng đại diện Thành ủy, UBND TP. Huế.

Dịp này, LĐLĐ thành phố trao 60 suất quà cho đoàn viên Nghiệp đoàn xích lô, xe thồ Ga Huế và Nghiệp đoàn xe thồ Bệnh viện Trung ương Huế, mỗi suất gồm 500 nghìn đồng tiền mặt và lịch chúc tết.

Hoạt động lần này thuộc chương trình chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thời gian tới, LĐLĐ thành phố sẽ tiếp tục trao gần 1.000 suất quà cho các hoàn cảnh khó khăn và tổ chức “Gian hàng 0 đồng” phục vụ đoàn viên, người lao động trong dịp tết. (baothuathienhue.vn 18/01)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Tất cả các trường có học sinh thi học sinh giỏi Quốc gia đều có giải

Giải Nhất năm nay không chỉ tập trung ở một số tỉnh/thành phố có bề dày truyền thống như Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Đại học Quốc gia Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…. mà đã rải khá đều ở các vùng miền trong cả nước.

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, 93 học sinh đoạt giải Nhất trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2020-2021 được tổ chức từ ngày 25-27/12/2020 với 12 môn thi. Tham gia Kỳ thi có 4.562 thí sinh đến từ 63 tỉnh/thành phố, trường THPT vùng cao Việt Bắc và 5 trường THPT chuyên của các Đại học, trường Đại học.

Kết quả chấm thi cho thấy, đề thi đảm bảo chính xác và có độ phân hóa cao. Theo đó, cả nước có 2.278 thí sinh đoạt giải (gần 50% tổng số thí sinh dự thi) với 93 giải Nhất, 544 giải Nhì, 718 giải Ba và 923 giải Khuyến khích.

Nét nổi bật của Kỳ thi năm nay là tất cả các đơn vị dự thi đều có học sinh đoạt giải. Trong đó, 26 đơn vị có học sinh đoạt giải Nhất, 53 đơn vị có học sinh đoạt giải Nhì, 64 đơn vị có học sinh đạt giải Ba. 36 tỉnh/thành phố có học sinh đoạt giải cao được lựa chọn để tham dự kỳ thi chọn các đội tuyển thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2021.

Giải Nhất năm nay không chỉ tập trung ở một số tỉnh/thành phố có bề dày truyền thống như Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Đại học Quốc gia Hà Nội, TP HCM... mà đã rải khá đều ở các vùng miền trong cả nước. Các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Bình Định… có học sinh đoạt giải Nhất. Các tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Ngãi, An Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang… có nhiều học sinh đoạt giải Nhì.

Bộ GD-ĐT cho rằng, trong điều kiện chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và bão lũ, các địa phương đã quyết tâm khắc phục khó khăn để không những nhanh chóng ổn định dạy học mà còn phấn đấu nâng cao chất lượng dạy học ở cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn và đạt kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Kết quả này này cũng cho thấy, chất lượng giáo dục của các địa phương đã được nâng lên theo hướng ngày càng toàn diện. (baothuathienhue.vn 18/01)

 
 
 

2.  Đại học Huế chú trọng bảo đảm chất lượng giáo dục

Hướng đến đại học (ĐH) Quốc gia theo định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, trọng điểm của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam và xếp hàng đầu khu vực cũng như châu Á, ĐH Huế đang tập trung chiến lược bảo đảm chất lượng giáo dục (BĐCLGD).

Ban hành chiến lược bảo đảm chất lượng giáo dục

Cuối năm 2020, ĐH Huế ban hành chiến lược BĐCLGD giai đoạn 2021 – 2025. ĐH Huế xác định hoàn thiện hệ thống mạng lưới BĐCLGD ĐH bên trong từ cấp ĐH Huế đến các đơn vị thành viên, thuộc và trực thuộc, triển khai tự đánh giá và kiểm định chương trình đào tạo ĐH, sau ĐH và cơ sở giáo dục chu kỳ 2 theo chuẩn quốc gia và quốc tế. Đồng thời, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu xếp hạng ĐH quốc tế hướng đến đạt tốp 300 châu Á, 1.000 thế giới và tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu xếp hạng cho một số ngành học mũi nhọn, trọng điểm theo từng nhóm ngành đào tạo.

Chiến lược BĐCLGD trong giai đoạn mới ra đời phù hợp với định hướng phát triển của ĐH Huế trong bối cảnh ĐH Huế đang xây dựng và phát triển thành ĐH Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế cho biết, việc ban hành chiến lược sẽ làm cơ sở để xây dựng phương hướng nhiệm vụ BĐCLGD hằng năm và từng giai đoạn của ĐH Huế, các đơn vị thành viên, các khoa và phân hiệu thuộc ĐH Huế.

Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, với chiến lược đặt ra, ĐH Huế xây dựng đến 6 nhóm mục tiêu cụ thể, trong đó sẽ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống BĐCLGD bên trong của ĐH Huế và các đơn vị đào tạo thuộc ĐH Huế, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục tại ĐH Huế. ĐH Huế cũng xây dựng kế hoạch tổ chức và đánh giá hiệu quả các hội nghị/hội thảo trao đổi kinh nghiệm về BĐCLGD, phát triển và triển khai các công cụ BĐCLGD; phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ công tác BĐCLGD. Đặc biệt, sẽ hướng đến cải thiện thứ hạng của ĐH Huế trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Mỗi mục tiêu đều gắn với những chỉ tiêu và giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện. Điển hình như mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh hệ thống BĐCLGD bên trong của ĐH Huế và các đơn vị đào tạo thuộc ĐH Huế thì ĐH Huế xác định chỉ tiêu chính đến năm 2025 là thành lập Hội đồng BĐCLGD ĐH Huế để triển khai các hoạt động BĐCLGD trong toàn ĐH Huế; xác định lại nhân sự tham gia vào quá trình BĐCLGD. Trong giai đoạn này, 100% các đơn vị đào tạo thuộc ĐH Huế có bộ phận chuyên trách về BĐCLGD, có đủ đội ngũ và năng lực để chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch BĐCLGD của đơn vị một cách hiệu quả, đồng thời 100% các các đơn vị đào tạo thuộc ĐH Huế ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược BĐCLGD giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch chi tiết hàng năm…

Thúc đẩy khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế

Bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay đang đặt hệ thống giáo dục ĐH trước những cơ hội và thách thức trong lĩnh vực BĐCL. Đặc biệt, chính sách tăng cường tự chủ ĐH ngày càng khuyến khích các trường ĐH cải tiến công tác quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả mọi hoạt động của nhà trường.

ĐH Huế đang xây dựng và phát triển trở thành ĐH Quốc gia theo định hướng nghiên cứu, vì thế điểm mới trong chiến lược BĐCLGD là không chỉ tập trung ĐBCLGD trong hoạt động đào tạo mà còn cho khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, tài chính và cơ sở vật chất. Từ chiến lược BĐCLGD, hướng đến các hoạt động trong hệ thống ĐH phải BĐCL sẽ hỗ trợ tốt cho quản trị ĐH, xây dựng chiến lược phát triển ĐH Huế toàn diện hơn.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế chia sẻ, trong chiến lược BĐCLGD, ĐH Huế cũng xây dựng các nội dung chiến lược BĐCLGD trong khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, nhằm phát huy tiềm lực khoa học công nghệ, tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả hợp tác với địa phương, doanh nghiệp.

Để thúc đẩy lĩnh vực khoa học công nghệ, ĐH Huế sẽ hình thành các viện nghiên cứu chuyên sâu tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; xây dựng và đẩy mạnh nghiên cứu ở các lĩnh vực: Khoa học sức khỏe, nông – lâm – ngư, môi trường, công nghệ sinh học, khoa học cơ bản, nghệ thuật… nhằm nâng cao vị thế của ĐH Huế và đáp ứng nhu cầu phát triển vùng và khu vực. Bên cạnh đó, sẽ chủ động mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển năng lực đội ngũ cán bộ, tăng nguồn thu tài chính và phát triển cơ sở vật chất.

ĐH Huế sẽ xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế cho từng giai đoạn, từ đó xây dựng kế hoạch nhiệm vụ hằng năm và triển khai thực hiện theo kế hoạch; đổi mới các chế tài nhằm phát huy thế mạnh của các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu liên ngành, hướng đến hợp tác nghiên cứu quốc tế và tăng cường công bố quốc tế; xác định các đối tác ưu tiên để xây dựng các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học. (baothuathienhue.vn 19/01)

 
 
 

3.  Dạy song ngữ cho trẻ dân tộc thiểu số

Mỗi lớp mầm non ở các huyện miền núi đều có hai giáo viên. Một trong hai cô phải biết tiếng dân tộc để còn “phiên dịch” khi các em chưa hiểu nghĩa tiếng Việt.

Gắn chữ song ngữ ở các vật dụng

Trong cái lạnh tái tê của những ngày cuối năm, các lớp học Trường mầm non A Ngo (A Lưới) vẫn rộn rã. Trường có gần 200 em, chủ yếu là dân tộc Tà Ôi và Cơ Tu. Các em bắt đầu học tiếng Việt bập bẹ, bởi trước khi đến trường, các em đều sử dụng bằng tiếng mẹ đẻ, ít có môi trường để giao tiếp tiếng Việt. Vốn tiếng Việt ít ỏi nên lắm lúc cô giáo phải dùng cử chỉ, hình ảnh để giúp các em hiểu. Khó nhất là việc giúp trẻ phân biệt các dấu thanh. Rào cản về mặt ngôn ngữ khiến nhiều trẻ nhút nhát, rụt rè, thiếu tự tin để tham gia các hoạt động giáo dục.

Toàn tỉnh có 31 trường mầm non có trẻ dân tộc thiểu số với 225 nhóm lớp. Trẻ em dân tộc trong độ tuổi ra lớp đạt 40,79% ở độ tuổi nhà trẻ, 98,28% độ tuổi mẫu giáo và 100%. 100% trẻ em vùng dân tộc thiểu số đến trường được tổ chức học 2 buổi/ngày bán trú tại trường.

Cách dạy trẻ tiếp cận tiếng Việt nhanh nhất là thông qua các trò chơi, các buổi sinh hoạt lồng ghép với những lễ hội dân tộc. Các cô giáo phải sưu tầm đồ dùng dạy học gần gũi với cuộc sống của trẻ, tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương để làm hình ảnh minh họa. Qua các đợt khảo sát chất lượng cuối năm học, phần lớn các cháu đều rất mạnh dạn, tự tin giao tiếp, có thể nói được đủ câu, kể cả câu dài một cách rõ ràng. Nhiều cháu còn có thể kể chuyện, đọc thơ diễn cảm và thuộc lời bài hát.

Một sáng tạo của các giáo viên mầm non là bất cứ vật dụng, đồ chơi, đồ dùng học tập nào cũng gắn dòng chữ “song ngữ” cho trẻ tiện nắm bắt. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Hiệu trưởng Trường mầm non A Ngo chia sẻ.

Khuyến khích phụ huynh trò chuyện bằng tiếng Việt

Theo cô giáo Võ Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Thượng Lộ (Nam Đông), để dạy tốt tiếng Việt cho trẻ, giáo viên phải biết sử dụng hai thứ tiếng (bên cạnh tiếng Việt các giáo viên phải học tiếng dân tộc). Giáo viên phải thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng và các biện pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, đồng thời phải tích cực tạo môi trường tiếng Việt cho trẻ.

Ở gia đình, trẻ thường giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Cái khó là nhiều phụ huynh người dân tộc vẫn chưa nói lưu loát tiếng Việt. Cô giáo Lê Thị Lân, giáo viên Trường mầm non Hồng Thượng, kể: Ngoài giờ lên lớp, chúng tôi đến nhà các em để "dạy kèm" cho phụ huynh; vận động cha mẹ trẻ thường xuyên dành nhiều thời gian nói chuyện, giao tiếp, chơi với trẻ; khuyến khích bố mẹ đọc sách cùng con mọi lúc mọi nơi. Qua già làng trưởng bản, chúng tôi đưa tiếng Việt vào các buổi sinh hoạt cộng đồng.

Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sau 5 năm thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, toàn tỉnh xây mới 48 phòng học, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy học cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng. 100% các cơ sở giáo dục mầm non đã lồng ghép các nội dung của đề án vào trong chương trình dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng, cần tăng cường nhân rộng mô hình giáo dục song ngữ cho trẻ em dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tài liệu song ngữ cần được lấy ý kiến rộng rãi và thử nghiệm trước khi áp dụng trên diện rộng. Khi thực hiện, cần có đánh giá cẩn thận, đầy đủ, trong đó phải lường hết các khó khăn khi thực hiện chính sách để có những sự điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp. (baothuathienhue.vn 18/01)

 
 
 

4.  61 học sinh đoạt giải học sinh giỏi Quốc gia

Ngày 18/1, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông báo kết quả thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021. Theo đó, Thừa Thiên Huế có 61 trong tổng số 78 học sinh dự thi đã đoạt giải (tăng 9 giải so với năm học 2019 - 2020).

Trong số 61 em đoạt giải năm nay, có 4 giải nhất, 21 giải nhì, 17 giải ba và 19 khuyến khích ở các môn toán, lý, hóa, tin học, sinh, văn, sử, địa, tiếng Anh, tiếng Pháp. Bốn giải nhất thuộc về các môn: tiếng Anh, hóa, sinh và tin học của học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế. Đặc biệt, trong tổng số 78 học sinh dự thi tại kỳ thi quốc gia năm nay, có 2 em của Trường THPT Hai Bà Trưng (TP. Huế) và Trường THPT Hà Trung (huyện Phú Vang) đều đoạt giải.

Với kết quả nói trên, Thừa Thiên Huế là một trong số các địa phương có thành tích tốt nhất ở khu vực miền Trung. Trong tổng số 10 đội tuyển tham gia gia kỳ thi lần này, nhiều đội vẫn giữ vững phong độ với tỷ lệ học sinh đoạt giải 100%. Dự kiến, Thừa Thiên Huế sẽ có từ 7 - 9 em được dự thi vòng 2 quốc gia để tuyển chọn vào Đội tuyển học sinh giỏi dự thi Olympic quốc tế. (baothuathienhue.vn 18/01)

 
 
 

5.  Đối thoại học đường, mô hình cần nhân rộng

Tổ chức “Đối thoại học đường” là hướng mở tích cực để nhà trường, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh học sinh cùng chung sức vun đắp tinh thần dân chủ học đường.

Trường THPT Hai Bà Trưng là một trong những trường trên địa bàn tỉnh sớm áp dụng mô hình này và đã tổ chức thành công “Đối thoại học đường vì một môi trường học đường hạnh phúc”. Năm nay là năm thứ hai nhà trường tổ chức đối thoại với sự tham gia của ban giám hiệu, các đoàn thể, giáo viên, học sinh, nhà tài trợ và phụ huynh học sinh. Với phương châm lắng nghe, thấu hiểu, “nói và làm”, diễn đàn đã tạo ra một không khí đối thoại sôi nổi, thân thiện, tích cực có tính giáo dục cao.

Sau buổi đối thoại, nhiều học sinh chia sẻ: “Qua buổi đối thoại “Vì một môi trường học đường hạnh phúc” chúng em đã có dịp nói lên những tâm tư, nguyện vọng, ý nghĩ của bản thân cũng như tập thể đến với thầy cô giáo. Em chân thành cảm ơn ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức buổi đối thoại, nó rất có ý nghĩa đối với chúng em”; “Chúng em rất vui khi được tham gia đối thoại. Qua buổi đối thoại chúng em được trực tiếp trình bày ý kiến, nguyện vọng của bản thân. Sau đối thoại em nhận thấy nhà trường đã đáp ứng nhiều nguyện vọng của chúng em. Chúng em rất cảm ơn!”. Đây quả là những dòng suy nghĩ, những tình cảm rất chân thành và đáng trân quý của các em học sinh dành cho nhà trường, nó có hiệu ứng rất lớn khi gắn kết tình cảm, trách nhiệm của nhà trường đối với học sinh.

“Đối thoại học đường” là một trong những hoạt động thiết thực để lãnh đạo nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh có cơ hội gần gũi, gắn bó với nhau. Đây cũng là một trong những yêu cầu mới góp phần hình thành trường học thân thiện, học sinh tích cực, trường học hạnh phúc.

Tại diễn đàn này, điều quan trọng nhất là tạo cho các em học sinh có cơ hội để nói lên suy nghĩ, thực hiện “quyền được tham gia”, “quyền được bày tỏ ý kiến”, được chia sẻ, được quan tâm, được thấu cảm, được tôn trọng... Qua buổi đối thoại, học sinh sẽ chỉ ra những tồn tại trong công tác dạy và học mà chính các em là người cảm nhận rõ nhất đồng thời đưa ra những đề xuất, hướng giải quyết cho nhà trường phù hợp với nguyện vọng của các em… Việc lắng nghe trực tiếp ý kiến từ học sinh sẽ mang đến cho lãnh đạo nhà trường, thầy cô không chỉ những bài học thực tiễn mà còn giúp họ có cái nhìn cụ thể, kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác quản lý và giáo dục của mình.

Tại buổi đối thoại, một thành phần khách mời cần phải có đó là Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường để qua buổi đối thoại phụ huynh học sinh có thể nắm bắt được suy nghĩ, mong muốn của con em mình, từ đó phối hợp chặt chẽ với nhà trường giáo dục con em có hiệu quả, để các cháu thực sự hạnh phúc trong ngôi nhà thứ hai của mình.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là một chương trình lớn nhằm hướng tới cải thiện môi trường giáo dục theo hướng tích cực, chuẩn hóa. Thực tế cho thấy, học sinh ở các cấp học đều có tâm tư, nỗi niềm riêng, nhất là áp lực từ việc học tập, thi cử, phương pháp giảng dạy, giáo dục cũng như sự công tâm của thầy cô… Nếu không được đối thoại, được lắng nghe, sẻ chia kịp thời thì học sinh sẽ bị ức chế, phản đối ngầm, nhiều khi dẫn đến phát sinh suy nghĩ tiêu cực.

Qua các hoạt động đối thoại, trao đổi, chuyện trò với học sinh, tổ chức các diễn đàn để các em được trực tiếp nói lên suy nghĩ thật của mình, nhà trường sẽ nắm bắt được tâm tư, tình cảm, diễn biến của học sinh để có sự thay đổi và định hướng, giáo dục phù hợp.

Không khí dân chủ trường học chỉ thực sự có khi mối quan hệ thầy trò, đồng nghiệp được cải thiện tích cực. Do vậy, chúng ta cần phải tạo nên sự cởi mở, hòa đồng, biết lắng nghe, biết quan tâm và chia sẻ trong mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa trò và trò. Thay vì áp đặt, chúng ta nên để các em học sinh được nói, được làm, tự giác thực hiện theo những mong muốn của các em và có sự định hướng của thầy cô... các em cũng có quyền tham gia trao đổi, bàn bạc với nhà trường, đề xuất ý kiến cho nhà trường về những vấn đề liên quan đến công tác dạy và học, bởi các em mới chính là người thụ hưởng đồng thời là chủ nhân thực sự của trường học.

Ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đang đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc. Để biến “giấc mơ” trường học thành trường học hạnh phúc đòi hỏi lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo, học sinh... phải nỗ lực toàn diện, sáng tạo, tìm tòi những hướng đi phù hợp, hiệu quả.

“Đối thoại học đường” là một việc làm thiết thực hưởng ứng phong trào chung đó. Qua những kết quả đạt được, chúng tôi cho rằng: “Đối thoại học đường” là một mô hình mang tính dân chủ và tính giáo dục sâu rộng. Những tiếng nói từ diễn đàn này sẽ lan tỏa đến từng giáo viên, học sinh... khơi gợi sự cởi mở, hòa đồng, sự sẻ chia trong mối quan hệ giữa thầy trò, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.(baothuathienhue.vn 18/01)

 
 
 

6.  Công bố Quyết định công nhận Hội đồng Trường Đại học Sư phạm – ĐH Huế nhiệm kỳ 2020 – 2025

Sáng 18/1 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế tổ chức Lễ Công bố Quyết định công nhận Hội đồng Trường và Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường nhiệm kỳ 2020 – 2025

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh – Giám đốc Đại học Huế chúc mừng GS.TS. Dương Tuấn Quang đã được sự tin tưởng của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, cán bộ, viên chức, lao động Nhà trường; đây là cơ hội để GS.TS. Dương Tuấn Quang cống hiến cho sự phát triển của Trường ĐHSP.

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh cũng khẳng định, việc thành lập Hội đồng Trường là bước đổi mới quan trọng trong thực hiện quyền dân chủ đi đến tự chủ của các trường đại học. Trường ĐHSP có những đặc thù riêng nên Hội đồng Trường cần phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, BGH để thực hiện tốt nhiệm vụ; chia sẻ cùng BGH để huy động tối đa nguồn lực, phấn đấu tích cực để đưa Trường ĐHSP trở thành 1 trong 3 trường trọng điểm quốc gia; từng bước chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần của cán bộ, viên chức, lao động để giữ vững đội ngũ; góp phần đưa Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, GS.TS. Dương Tuấn Quang cảm ơn tập thể lãnh đạo Trường ĐHSP đã tin tưởng, tín nhiệm và giới thiệu để Hội đồng Trường bầu giữ chức vụ Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường nhiệm kỳ 2020 – 2025.

GS.TS. Dương Tuấn Quang chia sẻ: Trong xu thế hội nhập và cạnh tranh ngày càng sâu rộng, việc đổi mới để vừa phù hợp với xu thế, vừa nâng cao vị trí của trường trong hệ thống giáo dục trong nước và quốc tế là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra cho tập thể Trường ĐHSP, trong đó vai trò của HĐ Trường được thể hiện rõ trong Luật 34 và Nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học...

Thay mặt Hội đồng Trường, GS.TS. Dương Tuấn Quang hứa sẽ thực hiện đùng và đủ những trách nhiệm, quyền hạn của HĐ Trường, xây dựng cơ chế hoạt động HĐ Trường minh bách, sáng tạo, có những quyết sách mang tính chiến lược cho sự phát triển của Nhà trường; đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nhà trường đề ra. (giaoducthoidai.vn 19/01)

 
 
NÔNG NGHIỆP
 

1.  Triển khai các giải pháp “cứu” trâu bò ở A Lưới

Ngoài thành lập đoàn kiểm tra đánh giá hiện trạng, nguyên nhân, ngành nông nghiệp A Lưới đang triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm hạn chế tình trạng gia súc chết rét tại địa phương.

Quy trách nhiệm địa phương

UBND huyện A Lưới yêu cầu Phòng NN&PTNT và các địa phương khẩn trương, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện trong điều kiện thời tiết tiếp tục có mưa rét.

Theo đó, huyện A Lưới yêu cầu các địa phương chủ động bố trí ngân sách phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc.

Đặc biệt, UBND huyện A Lưới yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vật nuôi bị chết nhiều do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng, chống đói, rét.

Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tích cực nghiên cứu các bài học kinh nghiệm trong công tác chống rét hiệu quả tại các địa phương khác để hướng dẫn cho bà con nông dân.

Ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho biết, hiện đơn vị đã cử cán bộ chuyên môn về cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn vật nuôi. Đốc thúc việc tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm và tham mưu đề xuất UBND huyện xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cơ sở nơi để xảy ra thiệt hại do chủ quan, thiếu trách nhiệm.

Trước đó ngày 5/1, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ cức đoàn kiểm tra làm việc tại huyện A Lưới kiểm tra công tác phòng chống đói rét, tiêu độc khử trùng và phòng chống dịch bệnh gia súc.

Qua làm việc, huyện A Lưới thống nhất các biện pháp hỗ trợ cám, chuối cho các hộ nghèo, cận nghèo để bổ sung thức ăn; hướng dẫn bà con mặc áo chống rét cho trâu bò. Vận động các hộ che chắn chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm và lùa trâu bò thả rông về nuôi nhốt. Hiện nay các địa phương vẫn đang cử cán bộ tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp trên.

Tích cực hỗ trợ nông dân

Theo ông Trần Ngọc Chinh, các xã đã phân công cán bộ về các thôn, hộ gia đình kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện và áp dụng mọi biện pháp tại chỗ theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp về phòng chống đói, rét cho gia súc gia cầm và hỗ trợ người dân gia cố, che chắn chuồng, áo chăn gió cho trâu bò. Đặc biệt, chú trọng vùng trọng điểm, những nơi có nhiều gia súc nhỏ, yếu dễ chết vì mưa rét.

Trước mắt, UBND huyện A Lưới hỗ trợ thức ăn tinh cho trâu bò (khoảng 40 tấn cám gạo) để phục vụ công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc; đến nay đã cấp số lượng cám gạo trên về cho các hộ chăn nuôi. Về lâu dài, sẽ triển khai hỗ trợ và hướng dẫn người dân cách dự trữ rơm khô (dựng cây rơm); hỗ trợ đầu tư máy cuốn rơm góp phần đảm bảo nguồn dự trữ thức ăn cho gia súc.

Ông Hồ A Lua, Chủ tịch UBND xã A Roàng thông tin, đợt rét đậm vừa qua, trên địa bàn xã có khoảng 90 gia súc (trâu, bò, dê) bị chết rét... Địa phương đã vận động, hỗ trợ bà con dự trữ thức ăn, tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có như chuối, cỏ để phối trộn với thức ăn tinh; đặt đá liếm trong chuồng bổ sung lượng khoáng chất thiếu hụt cho gia súc và hỗ trợ vật liệu, hướng dẫn che chắn chuồng trại cho các hộ nuôi gia súc.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, qua thực tế tại A Lưới, đơn vị nhận thấy ngoài lý do khách quan do thời tiết thì chủ yếu tập quán thả rong trong rừng là nguyên nhân dẫn đến hầu hết số gia súc bị chết.

“Nhiều lần chúng tôi triển khai các chương trình tiêm phòng, chống dịch bệnh trên gia súc tại A Lưới thì số lượng đăng ký tiêm rất ít vì đa số gia súc chăn thả trên các vùng rừng xa. Hiện chúng tôi đang trình báo cáo Sở NN&PTNT cũng như đề xuất những giải pháp về lâu dài nhằm đảm bảo vùng nuôi an toàn dịch bệnh, phòng chống mưa rét cho các địa phương”, ông Hưng khẳng định.

Trước đó, ngày 13/1, Phòng NN&PTNT huyện A Lưới báo cáo tổng số gia súc chết do mưa rét từ đầu mùa đến nay (chủ yếu giữa tháng 12/2020 đến nay) là 909 con (trên tổng số 22.252 con toàn huyện). Trong đó, có 62 con trâu, 469 con bò và 378 con dê. Đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho thấy, thời tiết rét đậm, rét hại (có ngày xuống 6-7 độ C) cùng với tập quán chăn thả rong, một phần thiếu thức ăn dự trữ để bổ sung làm cho gia súc chết nhiều tập trung ở các địa phương như A Roàng, Đông Sơn, Hồng Thủy, Hồng Vân…

Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai có văn bản yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh khẩn trương lập đoàn công tác về cơ sở đánh giá hiện trạng, nguyên nhân gia súc chết tại A  Lưới.

Ngoài thành lập đoàn đánh giá nguyên nhân, do tình hình rét đậm rét hại còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu địa phương chủ động bố trí ngân sách, quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, chú trọng gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo. (baothuathienhue.vn 18/01)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Huế chỉnh trang di tích Hổ Quyền - Voi Ré để khai thác du lịch

Năm 2021, di tích Hổ Quyền - Voi Ré sẽ được UBND thành phố Huế chỉnh trang, cải tạo nhằm khai thác du lịch, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách với kinh phí 93,4 tỉ đồng.

Ngày 18-1, đại diện UBND thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) cho biết HĐND thành phố Huế vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ chỉnh trang di tích Hổ Quyền-Voi Ré nằm ở phường Phường Đúc và phường Thủy Biều nhằm khai thác giá trị văn hóa, lịch sử thành phố nói chung và khu vực di tích Hổ Quyền - Voi Ré nói riêng.

Với diện tích 4,99ha, dự án sẽ triển khai xây dựng 9 tuyến đường nội bộ trong khu vực với tổng chiều dài khoảng 1.367m, bãi đỗ ôtô với tổng mức đầu tư dự kiến gần 94,3 tỉ đồng, thời gian thực hiện 3 năm, từ 2021- 2023.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré là một trong những quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía tây, là một bộ phận cấu thành của quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1993.

Bên cạnh ý nghĩa lịch sử của công trình, Hổ Quyền - Voi Ré còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, tư tưởng thời Nguyễn.

Thời gian qua, cụm di tích này đã được trùng tu và phục hồi với nhiều hạng mục. Việc khai thác có hiệu quả di tích Hổ Quyền - Voi Ré sẽ phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh, góp phần vào việc trùng tu di tích có ý nghĩa về văn hóa, kiến trúc và lịch sử, góp phần làm phong phú thêm cho quần thể di tích cố đô Huế.

Theo các nhà nghiên cứu, Hổ Quyền là một đấu trường được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, dùng để tổ chức những trận tử chiến giữa voi và cọp cho nhà vua, đình thần và dân chúng xem. Đồng thời, đây là nơi luyện tập cho voi quen với không khí chiến đấu lúc lâm trận.

Trường đấu Hổ Quyền được xây dựng năm Canh Dần (1830), vị trí ở gần đồi Long Thọ, cách kinh thành 4km. Trận đấu cuối cùng diễn ra vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái.

Hổ Quyền có cấu trúc khá đơn giản nhưng rất chắc chắn. Vật liệu xây bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt, cho nên ngày nay đấu trường vẫn còn khá nguyên vẹn.

Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn. Kết cấu bởi hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm. Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng nam, xây cao hơn khán đài bình thường chạy quanh đấu trường.

Ở chỗ khán đài vua ngồi, thân của đấu trường được nới rộng ra về bề dày. Cửa voi đi rộng 1,90m, cao gần 4m, con đường trên cửa vòm được thu hẹp bằng một cây cầu, cửa vòm có hai cánh bằng gỗ lớn, bản lề bằng đá. Đối diện với khán đài vua ngồi là 5 chuồng cọp.

Hổ Quyền ở Huế là một di tích đặc biệt và độc đáo của Việt Nam và là di tích quý hiếm của thế giới. (dulich.tuoitre.vn 18/01)

 
 
 

2.  Bún Giấm Nuốc- món ăn đặc biệt chỉ có ở Huế

Nếu có dịp ghé Huế vào mùa hè, bạn nhất định không được bỏ qua món bún giấm nuốc - món ăn đặc biệt chỉ có ở Huế và chỉ được bán vào mùa hè.

Nuốc là tên gọi theo phương ngữ về con nuốc - một loài nhuyễn thể không chân chỉ có nhiều vào mùa hè nơi vùng đầm phá nước lợ ở Huế. Nuốc cùng họ với sứa nhưng nhỏ chỉ bằng khoảng nửa trái chanh. Cứ vào mùi hè, nuốc được ngư dân vớt lên, ngâm vào nước và bán cho các chợ đầu mối. Nuốc được chia làm hai phần gồm tai và chân. Phần tai thích hợp để kẹp với các loại rau sống chấm với ruốc hoặc làm gỏi. Còn chân ruốc giòn giòn, sần sật thường được làm nguyên liệu chính cho món bún giấm nuốc.

Nuốc chân mua về sẽ được ngâm trong nước lạnh và lá ổi để tạo độ giòn. Lúc gần ăn thì vớt ra để ráo, càng ráo con nuốc càng giòn. Linh hồn của món bún giấm nuốc là nước lèo. Tôm được bóc vỏ, để lại gạch tôm, ướp với hành, tiêu, mắm, muối rồi om tôm đã được ướp gia vị với dầu ăn riu riu lửa cho thấm, khoảng ít phút, chêm thêm nước xăm xắp, thêm ruốc cho thấm rồi cho cà chua vào tạo vị chua tự nhiên, đợi sôi rồi tắt bếp. Rau sống ăn kèm gồm một vài loại rau thơm và đặc biệt phải có bắp chuối sứ bào nhuyễn. Ngoài ra, còn phải có thêm đậu phộng, bánh tráng mè nước, mắm ruốc, ớt xanh,.. để tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn.

Khi ăn, ta cho rau sống vào trước tiên, tiếp theo là bún, chan nước lèo vào xăm xắp, thêm hành, ngò, đậu phộng, ruốc... cuối cùng là nuốc và bánh tráng. Nuốc có tính mát vì vậy món ăn này rất hợp với mùa hè, một chút nóng đậm đà từ nước lèo, tươi mát từ bún và rau đặc biệt là vị giòn giòn ngọt ngọt của nuốc hợp khẩu vị với tất cả mọi người. (dulich.petrotimes.vn 18/01)

 
 
 

3.  Khu Di sản Huế thất thu chưa từng thấy

Hệ thống di tích thuộc Quần thể Di sản Cố đô Huế vừa kết thúc một năm hoạt động với khoản thất thu về bán vé, kinh doanh dịch vụ lớn chưa từng thấy; tổng doanh thu giảm lên đến hàng trăm tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Ngày 18/1, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: năm 2020, lượng khách đến với di tích Huế giảm mạnh, chỉ đạt hơn 1 triệu lượt khách, doanh thu bán vé tham quan đạt trên 106 tỷ đồng, giảm hơn 281,6 tỷ đồng (giảm 72,62%) so với cùng kỳ năm trước.

Dịch bệnh COVID-19 cũng gây ảnh hưởng lớn đến khai thác dịch vụ của di tích Huế. Việc kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích bị đình trệ. Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm thời ngừng hoạt động, dẫn đến nguồn thu trong khu vực di tích Huế giảm mạnh. Doanh thu dịch vụ năm 2020 ước đạt 4,9 tỷ đồng, giảm 75% doanh thu so với năm 2019 (giảm hơn 14,5 tỷ đồng).

 “Đầu năm 2020, tỉnh giao nhiệm vụ thu cả năm cho Trung tâm với mức 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau ngày 15/3/2020, hệ thống di tích Huế tạm đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19. Từ đó, lượng khách quốc tế và trong nước đến với di tích Huế giảm hẳn so với những năm trước. Kết thúc năm 2020, doanh thu chỉ bằng 25% dự toán năm. Tuy nhiên, qua đánh giá chung, HĐND và UBND tỉnh đã có điều chỉnh dự toán vào những tháng cuối năm 2020, để hoạt động quản lý, bảo vệ di sản của đơn vị diễn ra bình thường”, ông Võ Lê Nhật thông tin.

Cũng theo ông Nhật, bình quân từ năm 2019 về trước, hệ thống di tích Huế cho doanh thu mỗi ngày hơn 1 tỷ đồng. Sau khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn vị chỉ thu được vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi ngày. Trong khi, ngay cả chi phí về điện, nước tại các điểm di tích hàng ngày là không hề nhỏ, chưa kể tiền lương phải trả cho cán bộ, viên chức, người lao động.

Trung tâm buộc phải cắt giảm các hoạt động đầu tư chưa thực sự cần thiết để dành kinh phí trả lương tối thiểu cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động vào thời điểm nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. (tienphong.vn 18/01)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Lo hoàng mai “lỗi hẹn” tết

Thời tiết thất thường, mùa đông kéo dài kèm các đợt mưa rét dày đặc khiến nhiều vườn hoàng mai đến thời điểm này vẫn chưa nở búp. Người trồng như “ngồi trên lửa” khi khả năng hoàng mai sẽ mất mùa, lỗi hẹn với Tết Nguyên đán năm nay.

Ngồi trầm ngâm bên vườn mai gần 100 chậu, ông Hoàng Văn Thành – chủ một vườn mai trên đường Tam Thai (phường Thuỷ Xuân, TP. Huế) nói dù có tài giỏi kiểu gì cũng thua “ông trời”. Tuy áp dụng rất nhiều kỹ thuật, cũng như những việc cần phải làm, nhưng đến thời điểm này, vườn mai chưa trổ búp là bao. Bên cạnh việc che chắn kỹ, thắp đèn để chiếu sáng kích thích cho mai, nhưng với thời tiết như thời gian vừa qua ông đành… bó tay. “Tới thời điểm này, có khoảng 30% số cây hoàng mai cho búp. Nhưng tất cả còn phụ thuộc vào thời tiết, nếu sắp tới còn thêm các đợt rét đậm, rét hại nữa e chừng mùa mai năm nay sẽ lỗi hẹn với tết”, ông Thành nói.

Còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng nhiều vườn mai khác ở TP. Huế, Hương Thuỷ, Phú Vang… rơi vào cảnh tương tự như vườn mai ông Thành. Với nhiều năm kinh nghiệm, nhưng nhiều chủ vườn bảo rằng thời tiết năm qua quá khắc nghiệt, nhiều đợt bão lụt, mưa kéo dài hơn 2 tháng kèm theo những đợt rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của hoàng mai, nên mai cho hoa muộn, thậm chí không ra hoa.

“Thời điểm này, mai cần nắng để trổ nụ bung hoa, nhưng trời không chiều lòng người”. 2 tháng qua trời chỉ tạnh và hửng nắng chưa đến một tuần. Khả năng đến giáp tết mai mới nở búp, như thế phải ra giêng mai mới nở hoa”, ông Hồ Long, chủ một vườn hoàng mai ở phường An Đông, TP. Huế nhận định.

Chỉ tay vào vườn mai của mình, ông Long dự tính chỉ có khoảng 30-40% số cây trong vườn cho hoa đúng dịp tết, nếu thời tiết từ nay đến tết thuận lợi. Trường hợp ngược lại, số lượng cho hoa sẽ thấp hơn. “Đúng là thời tiết kì lạ thiệt. Chăm sóc cây chuyên nghiệp cỡ mô cũng chịu. Nhiều chậu đến chừ vẫn trơ trơ, có chậu chẳng thèm cho búp”, ông Long nói tiếp.

Nhìn chung năm nay, lượng hoàng mai nở đúng tết sẽ không quá 40%, một con số thấp hơn so với năm trước rất nhiều. Trong khi đó, người trồng hoàng mai Huế cũng nhận định, thay vì mọi năm khi mai Huế mất mùa, thị trường mai nhập ở phía Nam từ Bình Định, Quảng Ngãi ra sẽ được người chơi hoa tết “săn đón”, mua về chưng tết thì khả năng năm nay cũng sẽ ít hơn hẳn. Lý do, là các vùng hoa này cũng bị ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài. Vì thế, khả năng không chỉ giá hoàng mai, mà mai miền Nam nhập ra năm nay cũng sẽ cao hơn so với mọi năm, vì số lượng tung ra thị trường sẽ ít.

Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, những đợt lạnh, rét kéo dài vừa qua là nguyên nhân chính khiến mai không nở kịp tết. Với hoàng mai trồng chậu, nhiều nhà vườn chủ động đưa vào trong nhà và dùng điện thắp sáng, kích thích cây cho hoa. Ngược lại, những cây hoàng mai trồng ngoài vườn thì gần như không có cơ hội. “Tất cả vẫn còn phụ thuộc vào thời tiết gần 3 tuần còn lại. Nếu người trồng hoàng mai chậu cố gắng chăm kĩ may ra còn gỡ gạc được đôi chút, còn không khả năng hoàng mai bán tết sẽ ít hơn hẳn và giá sẽ cao hơn mọi năm”, ông Chinh cho hay. (baothuathienhue.vn 18/01)

 
 
 

2.  BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN VÙNG ĐẦM PHÁ TAM GIANG - CẦU HAI:Còn nhiều gian khó

Dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng tình trạng đánh bắt thủy sản trong khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) vẫn tiếp diễn. Một bộ phận ngư dân thấy lợi trước mắt, chưa ý thức trong quản lý, BVNLTS đã cố tình đánh bắt, khai thác trái phép.

Vẫn còn thách thức

Trong khi nhiều người ý thức bảo vệ ngư trường thì một bộ phận ngư dân vẫn chưa từ bỏ các nghề khai thác thủy sản trái phép, hủy diệt NLTS đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với lực lượng chức năng. Các chi hội nghề cá (CHNC) tổ chức nhiều đợt tuần tra định kỳ, đột xuất, phối hợp xử lý nhiều trường hợp vi phạm khai thác trong khu bảo vệ NLTS. Số vụ vi phạm được bắt giữ chỉ là “phẩn nổi của tảng băng trôi” so với số lượng đối tượng khai thác trái phép bị phát hiện, xua đuổi, bắt giữ nhưng không thành công.

Tính riêng năm 2020, CHNC Thạch Sơn, xã Lộc Điền (Phú Lộc) tổ chức hàng chục lượt tuần tra trên vùng đầm phá, phát hiện, xua đuổi nhiều đối tượng vi phạm. Chi hội bắt giữ 4 trường hợp sử dụng tàu khai thác trong khu BVNLTS, bàn giao UBND huyện Phú Lộc xử lý và 4 trường hợp vi phạm bàn giao UBND xã Lộc Điền xử lý. CHNC Trung Hưng, xã Vinh Hưng (Phú Lộc) tổ chức 40 lượt tuần tra, phối hợp với lực lượng công an phát hiện 5 trường hợp, trong đó 1 trường hợp sử dụng xung điện, 4 trường hợp đánh bắt trong khu bảo vệ; truy bắt 6 trường hợp nhưng không thành công…

Ông Trần Xuân Tám, Chi hội trưởng CHNC Vinh Hiền (Phú Lộc) nan giải: Một trong số những bất cập trong tuần tra, bảo vệ ngư trường là sau khi tuần tra, bắt giữ các đối tượng khai thác vi phạm, cơ quan chức năng chậm xử lý, không công bố rộng rãi hình thức xử phạt, mức xử phạt để răn đe các đối tượng. Ban điều hành CHNC cơ sở hầu hết làm việc tự nguyện, không được hưởng chính sách hay nguồn thu nhập nào từ các hoạt động quản lý, BVNLTS; thiếu nhân lực, thiếu nguồn tài chính hoạt động nên quá trình điều hành, tổ chức các hoạt động chưa tốt.

Ông Hồ Trúc, Chi hội trưởng CHNC thôn Hà Công, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) cho rằng, khó khăn lớn hiện nay đối với CHNC là thiếu trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ, đèn pha, xăng dầu. Thuyền tuần tra công suất nhỏ, khó truy bắt các đối tượng khai thác trộm. Trong khi đó, các đối tượng vi phạm thường sử dụng thuyền công suất lớn, đi theo nhóm khai thác, chống trả quyết liệt khi các CHNC truy bắt.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh đánh giá, một số chính quyền địa phương thiếu quan tâm hỗ trợ quản lý, BVNLTS, xem đây là việc của CHNC, Chi cục Thủy sản. Sự phối hợp trong quá trình quản lý, BVNLTS giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên.

Ông Bình cũng nêu rõ, một trong những khó khăn lớn hiện nay là thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo vệ và phát triển NLTS. Chẳng hạn, việc sản xuất giống có giá trị kinh tế, tái tạo các loài quý hiếm chưa được quan tâm đầu tư.

Hoạt động giám sát, đánh giá biến động môi trường và NLTS tại các khu BVNLTS để xác định sự hiện diện các loài và phát triển thủy sản tại vùng lõi làm cơ sở điều chỉnh, đề xuất các giải pháp quản lý trong giai đoạn mới. Hoạt động này đòi hỏi tiến hành thường xuyên mới có được số liệu mang tính hệ thống, trong khi nguồn kinh phí cho hoạt động này không có nên chưa thể triển khai.

Cần đầu tư đồng bộ

Ông Phan Văn Ty, Trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi cho rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn như hiện nay, cần có giải pháp đầu tư đồng bộ trong công tác quản lý, BVNLTS đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Trước hết, các CHNC phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các quy định, chế tài xử lý vi phạm khai thác thủy sản đến từng hộ ngư dân. Ngành thủy sản, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động giáo dục nâng cao hiểu biết, ý thức BVNLTS cho cộng đồng ngư dân, con em học sinh vùng đầm phá bằng nhiều hình thức như hội thi rung chuông vàng, tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm quản lý khu BVNLTS...

Ông Lê Thiết, hội viên CHNC Vinh Hiền đề xuất, các địa phương triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng quản lý, khai thác và bảo vệ vùng nước được tỉnh giao, đảm bảo năng lực tự quản, phối hợp với hệ thống cơ quan Nhà nước quản lý và phát triển khu BVNLTS. Cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân tự chủ tài chính, sáng tạo, phát triển các lợi thế nhằm cải thiện sinh kế bền vững thông qua các hoạt động du lịch sinh thái, dịch vụ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Thiết, các CHNC cần được hỗ trợ kinh phí, trang cấp các thiết bị, phương tiện như thuyền công suất lớn, đèn pha, áo phao, xăng dầu... phục vụ hoạt động tuần tra, giám sát ngư trường và tự quản lý của cộng đồng. Đồng thời hỗ trợ nguồn giống thả bổ sung một số đối tượng thủy sản phù hợp, loài có giá trị kinh tế trong các hệ thống khu BVNLTS.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình kiến nghị, để quản lý, bảo vệ và phát triển NLTS đầm phá nói chung, các khu BVNLTS nói riêng thuận lợi và hiệu quả, Sở NN&PTNT cần tiếp tục phân bổ kinh phí ngân sách sự nghiệp tăng thêm để triển khai mạng lưới khu BVNLTS phát triển đồng bộ, theo chiều sâu; từng bước hướng dẫn cho các tổ chức cộng đồng mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế dựa trên vùng nước được UBND tỉnh giao quyền quản lý. UBND các huyện, thị xã vùng đầm phá bổ sung thêm ngân sách địa phương và cán bộ chuyên trách nhằm phát huy vai trò quản lý, hỗ trợ điều phối tốt mạng lưới khu BVNLTS nói riêng, quản lý, khai thác và BVNLTS đầm phá nói chung... (baothuathienhue.vn 19/01)

 
 
 

3.  Đầu tư công: Tăng tốc từ đầu năm

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Sở KH&ĐT năm 2021, trong khi ngành đầu tư đặt ra mục tiêu 6 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công trên 50% thì Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ lại cho rằng, mục tiêu này chưa thật sự phù hợp. Các dự án đầu tư công trên địa bàn phải cơ bản hoàn thành giải ngân 60-70% trong 6 tháng đầu năm mới đảm bảo trong tình tình hình mới.

Chạy đua với thời gian

Ngay trong những ngày đầu năm 2021, dưới cái lạnh “cắt da”, những công nhân lái máy cẩu, công nhân vệ sinh, lát gạch…thuộc dự án (DA) kè chống sạt lở và chỉnh trang làm đẹp bờ sông Hương đoạn từ cầu Kim Long đến chùa Thiên Mụ vẫn khoác áo mưa trên mình cặm cụi làm việc.

Những chiếc máy xúc, máy ép cọc hối hả thi công. Hàng nghìn mét khối đất được đào đắp, hàng nghìn bao tải đất được đóng chặt và xếp ngay ngắn theo hàng, tạo đê quai ngăn nước.

Theo thiết kế, tuyến kè có chiều dài hơn 2,7km. DA được chia theo nhiều đoạn thi công với thiết kế xây dựng linh động từ kè mái nghiêng kết cấu kè dạng tường đứng bê tông trọng lực đến kè bằng cọc ván bê tông cốt thép dự ứng lực SW400.

Trên tuyến đường đi bộ dọc sông, để đảm bảo chất lượng công trình, công nhân tiến hành lắp đặt các nhà di động để che mưa trong thời gian thi công. Theo lý giải của công nhân, việc lắp đặt các nhà di động sẽ kéo dài thời gian thi công nhưng đảm bảo được chất lượng và quá trình thi công theo tiến độ đề ra; phấn đấu sớm hoàn thành công trình với mục tiêu trả lại mặt bằng công viên tươm tất, tạo cảnh quan khu vực trong những ngày Tết Nguyên đán.

Ông Hoàng Thiện, Giám đốc Ban quản lý DA Đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế, chủ đầu tư DA chia sẻ, DA này mức đầu tư 90 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương. Theo kế hoạch, DA sẽ thi công trong vòng 5 tháng. Tuy nhiên, Ban phối hợp với các đơn vị thi công quyết tâm hoàn thành trong vòng 3 tháng để hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Ngay từ đầu năm, dù thời tiết mưa, rét, Ban vẫn phối hợp với các nhà thầu huy động tối đa tổng lực với gần 200 lao động, 15 máy xúc và nhiều máy móc thiết bị khác nhằm hỗ trợ quá trình thi công. Những hạng mục nào mưa, lạnh vẫn tiến hành được thì đẩy nhanh, những hạng mục nào cần khô ráo mới thực hiện được thì phải tranh thủ làm ngay khi thời tiết tốt. Các nhà thầu cũng sử dụng các máy trộn bê tông tươi thay cho bê tông thường nhằm tăng hiệu quả làm việc và chất lượng cho công trình. Hiện, công trình đã hoàn thành hơn 70% khối lượng công việc dự kiến sẽ hoàn tất các hạng mục trước tết.

Cùng với DA xây kè chống sạt lở và chỉnh trang làm đẹp bờ sông Hương, đoạn từ cầu Kim Long đến chùa Thiên Mụ, các DA đầu tư trên địa bàn cũng đang chạy đua với thời gian để hoàn thành trước Tết Nguyên đán.

DA chỉnh trang khu vực Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm, Lê Huân với các hạng mục chỉnh trang, cải tạo vỉa hè, lề đường, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh và trồng hoa cũng được tranh thủ triển khai.

Nhiều DA trọng điểm của tỉnh cũng đã hoàn tất các thủ tục đầu tư và dự kiến sẽ khởi công trước thời điểm Tết Nguyên đán, trong đó có các dự án trọng điểm Cầu chui đường sắt Bắc - Nam tại đường Bùi Thị Xuân; DA nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội...

Liên thông, giải quyết nhanh các thủ tục

Một trong những nguyên tắc quan trọng trong phân bổ kế hoạch đầu tư công (ĐTC) năm 2021 chính là vốn ĐTC sẽ tập trung thực hiện chương trình, DA trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội, có tính kết nối lan tỏa nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư sẽ phải đảm bảo theo nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn kế hoạch ĐTC trung hạn còn thiếu của các DA thuộc danh mục của kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025; thu hồi vốn ứng trước. Vốn còn lại ưu tiên bố trí cho các DA, công trình trọng điểm bao gồm: các công trình giao thông kết nối có tính chất quan trọng; hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; hệ thống giao thông chỉnh trang địa phương nâng cấp đô thị; các DA bảo vệ môi trường.

Để giải ngân tốt cần sẵn sàng DA đầu tư, đòi hỏi công tác chuẩn bị đầu tư cần làm sớm, kế hoạch đầu tư chuẩn xác. Ví dụ, DA có kế hoạch vốn vào tháng 1, sau đó mới phê duyệt DA, chủ trương đầu tư, đấu thầu. Các thủ thục này có thể kéo dài đến tháng 10, tháng 11 mới có thể khởi công, mà cuối năm thời tiết thường bất lợi sẽ cản trở quá trình thi công, dẫn đến giải ngân thấp, gây áp lực giải ngân trong những tháng cuối năm, ảnh hưởng tiến độ giải ngân chung. Nếu chuẩn bị sớm DA từ trước sẽ rút ngắn thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan.

Câu chuyện thực hiện nhanh thủ tục cũng được Giám đốc Ban quản lý DA Đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế đưa ra như một phương châm trong triển khai các DA. Theo vị này, muốn thủ tục nhanh cần có sự liên thông, phối hợp thật tốt với các sở, ngành liên quan, có như vậy mới đẩy nhanh được thủ tục thực hiện.

Riêng vấn đề thi công và giám sát quá trình thi công phải đặt mục tiêu thi công nhanh, gọn nhất, thực hiện họp báo cáo công trường hàng ngày, họp tổ, ban quản lý DA hàng tuần để đốc thúc tiến độ, xử lý kịp thời các phát sinh.

Việc thực hiện nghiêm nguyên tắc gắn trách nhiệm triển khai từng DA cho từng lãnh đạo địa phương, ngành, chủ đầu tư… làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm cũng sẽ là đòn bẩy cho công tác triển khai DA ĐTC trong năm.

Trong tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước được giao năm 2021 là 3.613 tỷ đồng, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí vốn thực hiện 142 DA chuyển tiếp trong nước, 10 DA chuyển tiếp vốn nước ngoài; 8 DA quan trọng khởi công mới và một số công trình trọng điểm khác. (baothuathienhue.vn 19/01)

 
 
 

4.  “Đòn bẩy” phát triển kinh tế ở Phú Lộc

Nhiều năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” được Hội Nông dân huyện Phú Lộc triển khai với nhiều giải pháp về chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay, cung ứng vật tư nông nghiệp, xây dựng các mô hình trình diễn, mô hình sản xuất hữu cơ, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Nhiều mô hình hiệu quả

Mô hình trồng dưa lưới hơn 6.000m2 của hội viên nông dân (ND) Hoàng Minh Sang, ở xã Vinh Hưng là một điển hình tiêu biểu ND làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Sau khi được các cấp hội ở địa phương hỗ trợ vay vốn và chuyển giao công nghệ sản xuất, ông Sang đầu tư mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ Nhật Bản, cùng công nghệ nhà vườn của Israel. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng và chăm sóc, nên dưa lưới của nhà vườn ông Sang phát triển tốt được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Theo ông Sang, ưu điểm của giống dưa này rất được ưa chuộng trên thị trường, mỗi năm lại cho thu hoạch 4 vụ nên lợi nhuận đem lại rất cao. Hiện mỗi năm ông Sang thu hơn 2 tỷ đồng nhờ mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ tiên tiến.

Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng trên vùng gò đồi theo chủ trương của tỉnh và huyện cũng được ND xã Xuân Lộc chú trọng phát triển với diện tích khá lớn. Phần lớn cây keo được trồng trên diện tích rừng sản xuất của xã với hơn 1.200 ha. Nhiều giống cây trồng mới có hiệu quả cao được ND ở Xuân Lộc đưa vào sản xuất như mô hình cây hồ tiêu, bưởi da xanh, ổi không hạt, vú sữa, mãng cầu dai... Trong chăn nuôi, mô hình trang trại, gia trại phát triển dần thay thế mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ ở gia đình, nhiều vật nuôi có giá trị kinh tế cao đang được phát triển nuôi như bò sinh sản, dê sinh sản...

Phong trào tạo dấu ấn với Hội ND xã Lộc Bổn trong việc đăng ký danh hiệu hộ ND sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp, trong đó có 3 hộ đạt danh hiệu sản xuất giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2016 - 2020. Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bổn, bà Bạch Thị Bích cho hay, nhiều ND ở địa phương phát triển mạnh các loại hình kinh doanh dịch vụ, mộc mỹ nghệ, trồng rừng gỗ lớn..., góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương giai đoạn 2015-2020.

Cần sự liên kết

Phong trào ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong toàn huyện Phú Lộc phát triển cả về số lượng và chất lượng. Bình quân, mỗi năm toàn huyện bình chọn được hơn 5.610 hộ đạt danh hiệu ND SXKD giỏi các cấp từ Trung ương đến cấp xã, tăng 1.103 hộ so với giai đoạn trước. Nhiều ND trở thành chủ DN có vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng, chủ các trang trại, gia trại, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ và du lịch; có nhiều hộ đạt thu nhập từ 800 triệu – 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng ngàn ND.

Chủ tịch Hội ND huyện Phú Lộc, bà Đặng Hoàng Ái Thụy phấn khởi, bốn năm qua, bình quân hàng năm số lượng hội viên đăng ký danh hiệu ND SXKD giỏi các cấp đều tăng. Riêng năm 2020 có gần 9.000 hộ ND đăng ký, chiếm 59,7% so với hộ nông nghiệp. Trong đó, số hộ được công nhận đạt danh hiệu ND SXKD giỏi các cấp là 5.610 hộ, chiếm 62,3% so với hộ đăng ký (cấp Trung ương 13 hộ, cấp tỉnh 309 hộ, cấp huyện 986 hộ, cấp cơ sở 4.302 hộ)...

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, với thế mạnh biển, đầm phá và rừng, sản phẩm nông - lâm - thủy sản địa phương khá phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, quy mô vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Các cấp hội cần tiến hành tốt công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức cho hội viên thấy rõ tính tất yếu, đòi hỏi của sự phát triển sản xuất với quy mô lớn, liên kết, hợp tác; từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao; từ năng suất, sản lượng chuyển sang chất lượng, giá trị tăng cao và an toàn thực phẩm. Đồng thời, hình thành được mô hình liên kết sản xuất gắn với đầu ra sản phẩm, đưa phong trào này thật sự trở thành “đòn bẩy” phát triển kinh tế cho hội viên trong giai đoạn mới. (baothuathienhue.vn 18/01)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.448.901
Truy cập hiện tại 1.167