Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 18/01/2021
Ngày cập nhật 21/01/2021
TIN NÓNG
 

1.  Bão 13 qua lâu, đường du lịch nát như băm tại Lăng Cô bị ‘bỏ quên’ sửa chữa?

Đường du lịch Tây đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) hư hỏng nghiêm trọng do trải qua thời gian dài sử dụng và chịu ảnh hưởng bão 13 (tháng 11/2020). Việc lưu thông qua lại cung đường “nát” hết sức nguy hiểm từ nhiều tháng nay, nhưng đơn vị quản lý vẫn chưa khắc phục, sửa chữa công trình.

Đường Tây đầm Lập An (đường Trịnh Tố Tâm, thị trấn Lăng Cô) được đầu tư xây dựng từ 10 năm trước, với tổng trị giá 108 tỷ đồng, từ nguồn vốn dư của Dự án hầm đường bộ Hải Vân. Công trình nằm trong hệ thống giao thông thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, do Trung tâm Quản lý, khai thác hạ tầng Khu kinh tế, công nghiệp TT-Huế quản lý.

Với chiều dài hơn 10km chạy men theo bờ đầm Lập An ở phía Tây, đường Trịnh Tố Tâm nối thông ra 2 đoạn Quốc lộ 1, từ điểm đầu thuộc nam chân đèo Phú Gia kéo đến điểm cuối là cầu Lăng Cô, bắc chân đèo Hải Vân.

Tuyến đường có vai trò, vị trí, ý nghĩa hết sức quan trọng, xóa bỏ triệt để tình trạng chia cắt, cô lập như ốc đảo bao đời của vùng dân cư phía Tây thị trấn Lăng Cô như An Cư Tây, Hói Mít, Hói Dừa; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch và phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, quốc phòng an ninh...

Công trình cũ hư hỏng do thiên tai chẳng những chậm được khắc phục, mà các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông qua đây được tổ chức sơ sài.

Với vai trò, vị trí quan trọng là vậy, tuy nhiên sau khi gặp sự cố hư hỏng do bão số 13 đến nay, công trình vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa kịp thời, khiến việc lưu thông đi lại trên tuyến đường vốn có nhiều cua lượn tiềm ẩn những nguy hiểm tai nạn chết người.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh TT-Huế, trong cơn bão số 13, dưới tác động kép của gió bão kết hợp thủy triều dâng cao bất thường đã gây thiệt hại cho tuyến đường Trịnh Tố Tâm.

Cụ thể, một số đoạn của tuyến đường bị gãy vỡ, sụp mái taluy bê tông xi măng, xói lở ăn sâu vào mặt đường bê tông nhựa. Nhiều đoạn tường hộ lan bằng tôn lượn sóng bị nghiêng, sụp đổ… Giá trị thiệt hại ước khoảng 3,5 tỷ đồng.

Tuyến đường hiện dù thuộc Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh TT-Huế quản lý. Tuy nhiên, việc sửa chữa, khắc phục những đoạn hư hỏng nặng vẫn chưa thể triển khai, do còn phải chờ tỉnh bố trí kinh phí. (tienphong.vn 17/1)

 
 
 

2.  Nhếch nhác khu quy hoạch Bàu Vá

Khu quy hoạch Bàu Vá 3, TP Huế hiện nay đã được hoàn thiện về hạ tầng và đang phát triển nhanh thành một khu đô thị mới. Tuy nhiên, người dân ở đây rất bức xúc về tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt và thiếu điện chiếu sáng Dù đã nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên, tình trạng trên không những không được cải thiện mà ngày càng có xu hướng trầm trọng hơn. (phóng sự ngắn TRT Huế 17/1)

 
 
 

3.  Gia súc chết rét ở Huế: Truy trách nhiệm lãnh đạo chính quyền cơ sở

UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) vừa chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp xã nơi để xảy ra thiệt hại về chăn nuôi gia súc do chủ quan, thiếu sâu sát, trách nhiệm.

Liên quan đến sự việc gia súc chết hàng loạt do thời tiết giá rét, UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) vừa chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp xã nơi để xảy ra thiệt hại về chăn nuôi gia súc do chủ quan, thiếu sâu sát, trách nhiệm.

UBND huyện A Lưới yêu cầu UBND các xã, thị trấn trên địa bàn liên tục cập nhật tình hình diễn biến thời tiết khí hậu; chỉ đạo cán bộ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thông tin, hướng dẫn kịp thời và thường xuyên để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc ứng phó, phòng, chống.

Chủ động bố trí ngân sách của địa phương để phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc. Các địa phương này phải phân công cán bộ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn gia cố chuồng trại để chống rét.

UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng vật nuôi bị chết nhiều do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng, chống đói, rét; báo cáo tình hình gia súc chết rét cho huyện định kỳ vào sáng thứ sáu hàng tuần và đột xuất khi có tình hình đột biến xảy ra.

Giao Phòng NN&PTNT huyện A Lưới thành lập đoàn kiểm tra, tham mưu đề xuất UBND huyện xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cơ sở nơi để xảy ra thiệt hại do chủ quan, khiến gia súc chết rét.

Như An ninh Tiền tệ đã đưa tin, tính đến ngày 14/1, tại Thừa Thiên – Huế có 948 con gia súc chết do mưa rét (chủ yếu giữa tháng 12/2020 đến nay). Trong đó, huyện A Lưới 909 con, gồm: 62 con trâu, 469 con bò và 378 con dê. Huyện Nam Đông có 39 con gia súc bị chết, trong đó nhiều nhất là xã Thượng Long 19 con và Hương Sơn 13 con.

Trước thông tin trên, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã có công văn gửi tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu lập các đoàn công tác để đánh giá hiện trạng, tìm nguyên nhân việc huyện A Lưới có hơn 900 con gia súc chết rét. (antt.nguoiduatin.vn 16/1)

 
 
 

4.  Thừa Thiên-Huế: Cho thuê nhà trái phép thu tiền tỷ nhiều năm

Trên diện tích đất Nhà nước cho thuê, một công ty ở Thừa Thiên-Huế nhiều năm nay vẫn cho một đơn vị khác thuê tài sản không đăng ký sở hữu thu hơn 3 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên-Huế tiền thân là công ty xuất nhập khẩu Thừa Thiên-Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thành lập từ năm 1993.

Hiện đơn vị này đang hợp đồng thuê 10.386m2 đất với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế để làm cơ sở gia công hàng xuất khẩu, thời hạn sử dụng đến hết năm 2022.

Vị trí đất cho thuê nằm trên trục đường đường An Dương Vương (TP.Huế), là khu vực đắc địa rất thuận lợi trong giao thông đi lại và cả kinh doanh buôn bán.

Dù được Nhà nước cho thuê đất với mục đích để gia công hàng xuất khẩu, thế nhưng nhiều năm trở lại đây, tại khu vực hàng rào phía mặt tiền đường An Dương Vương của công ty này lại “mọc” lên một cửa hàng kinh doanh xe máy. Chủ thể thương mại kinh doanh tại cửa hàng này  là Công ty TNHH Thương mại Đại Nam.

Tìm hiểu của PV, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên-Huế  đã cho Công ty TNHH Thương mại Đại Nam thuê một ngôi nhà trệt với diện tích khoảng 161m2 cùng 2 đường luồng bên hông và phía sau với tổng diện tích khoảng 260 m2 từ ngày 1/6/2015. Thời hạn cho thuê là 5 năm.

Tuy nhiên, việc cho thuê này là không đúng quy định pháp luật vì đã vi phạm quy định tại Điều 24 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của chính phủ.

Vi phạm này đã được đoàn thanh tra cúa sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ ra trong Kết luận số 164/KL-STNMT ngày 16/12/2020 vừa được công bố gần đây.

Kết luận chỉ rõ, ngôi nhà trệt mà  Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên-Huế  đã cho Công ty TNHH Thương mại Đại Nam thuê không nằm trong số tài sản mà Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên-Huế đã đăng ký sở hữu trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Từ tài liệu PV có được, số tiền mà Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên-Huế  thu được từ việc cho Công ty TNHH Thương mại Đại Nam thuê kinh doanh cửa hàng nói trên từ năm 2015 đến này là hơn 3 tỷ đồng.

Cụ thể, từ ngày 1/6/2015 đến ngày 31/5/2016: 528.000.000 đồng; Từ ngày 1/6/2016 đến ngày 31/5/2017: 580.800.000 đồng; Từ ngày 1/6/2017 đến ngày 31/5/2018: 638.880.000 đồng; Từ ngày 1/6/2018 đến ngày 31/5/2019: 702.768.000 đồng; Từ ngày 1/6/2019 đến 31/5/2020: 773.044.000 đồng.

Liên quan đến hành vi này, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu Thanh tra sở này lập thủ tục vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

Song song đó là yêu cầu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên-Huế chấm dứt việc cho thuê tài sản trên đất này với Công ty TNHH Thương mại Đại Nam.

Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, cả khi hợp đồng việc cho thuê này đã kết thúc từ tháng 5/2020, theo ghi nhận của PV, cửa hàng kinh doanh xe máy này vẫn đang hoạt động bình thường. (nguoiduatin.vn 17/1)

 
 
 

5.  Cần giải pháp căn cơ

Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp được đưa ra nhưng tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè làm nơi buôn bán; lợi dụng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để bán hàng rong, ăn xin… vẫn diễn ra tràn lan. Vào dịp cuối năm, tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng.

Điều này không khó để bắt gặp ở các tuyến đường ven các chợ, các khu dân cư đông đúc; các nhà hàng, quán ăn, cà phê, giải khát…

Việc đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè vẫn luôn là vấn đề thời sự. Điều trăn trở nhất là những người lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bán hàng rong hầu hết là những người nghèo. Đằng sau gánh hàng rong là cuộc sống của một gia đình; trong đó, có không ít những đứa trẻ ở nhà trong ngóng “thành quả” từ gánh hàng rong của mẹ đi chợ về. Cho nên, những hình ảnh của một vài trường hợp người thực thi công vụ tịch thu hay làm hư hỏng hàng hóa của người bán hàng rong bị đưa lên mạng xã hội thường bị phản ứng gay gắt từ dư luận. Có cán bộ phải chấp nhận bỏ việc vì không thể mạnh tay với hàng rong.

Tại buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Tân Sửu do UBND TP. Huế tổ chức mới đây, ông Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế cũng thừa nhận, những người thực thi công vụ trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bán hàng rong, ai có cảm xúc thì không thể làm được; ngược lại những ai quyết tâm để thực thi công vụ, hành động một cách vô cảm cũng không ổn… Điều này cho thấy sự trăn trở của lãnh đạo địa phương trong lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, nhất là xử lý tình trạng buôn bán hàng rong.

Tại các nhà hàng, quán ăn, cà phê, giải khát…, tình trạng trẻ em được người lớn chở đến dừng ở đầu xa, để các em vào quán bán hàng; hay một số người trẻ lành lặn đẩy theo một người già, người khuyết tật vào bán vé số, đậu lạc, xoài, kẹo, tăm… đang diễn ra phổ biến. Lực lượng này khá hùng hậu, đi khắp nơi, đến các bàn của khách mời chào, năn nỉ, hết lượt này đến lượt khác… khiến khách hàng rất khó chịu.

Ngày 16/9/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã ban hành Công văn số 12871 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn, bán hàng rong trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Huế, các thị xã và các huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng, các địa phương rà soát, nắm tình hình đưa các đối tượng lang thang, ăn xin, không có nơi ở ổn định vào chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Đồng thời, các địa phương cần điều tra, xử lý các đối tượng trục lợi người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em và đối tượng yếu thế bán hàng rong, xin ăn theo quy định hiện hành. Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 127 về việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, tình trạng lợi dụng trẻ em, người già, người khuyết tật để bán hàng rong vẫn chưa giảm…

Trong nhiều giải pháp đưa ra thì việc hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bán hàng rong cũng như ba mẹ của các em buôn bán hàng rong là giải pháp bền vững hơn cả. Bên cạnh đó, cần điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng trẻ em, người già, người khuyết tật để trục lợi, góp phần xây dựng một xã hội văn minh và lành mạnh. (baothuathienhue.vn 18/1)

 
 
 

6.  “Không dễ ăn của mạ!”

- Có thể, chuyện núp bóng làm nông nghiệp để thực hiện các mục tiêu khác đã loan đến Thừa Thiên Huế. Ví dụ như làm nông nghiệp kết hợp với năng lượng điện mặt trời. Chuyện này đã xảy ra ở nhiều tỉnh, đặc biệt là những tỉnh có lợi thế về mùa nắng nóng kéo dài, như các tỉnh Trung bộ, Tây Nguyên.

Với một nước nhiệt đới như nước ta, mùa nắng kéo dài, khai thác tốt nguồn năng lượng này sẽ đưa lại một nguồn lợi rất lớn. Tuy nhiên việc khai thác như thế nào hợp lý lại là chuyện khác.

Bộ Công thương đã có hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Chúng ta hiểu có các dạng sau: 1. ĐMTMN lắp trên mái nhà của các công trình có sẵn hoặc xây mới (như nhà ở, nhà làm việc của đơn vị, công xưởng…); 2. ĐMTMN ở các trang trại (áp các tấm năng lượng trên các công trình xây dựng ở trang trại) trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Tất cả hai dạng trên đều được khuyến khích phát triển.

Ví dụ như một hộ gia đình lắp các tấm năng lượng trên mái nhà của mình thì sẽ được đấu nối với lưới điện do điện lực tỉnh quản lý. Khi thiếu điện sẽ được điện lực tỉnh cấp để sử dụng. Khi hệ thống năng lượng điện này sản xuất mà sử dụng thừa sẽ điện điện lực mua (theo giá thỏa thuận từ trước). Đây là chuyện bình thường, khuyến khích phát triển.

Chuyện núp bóng thường xảy ra ở ĐMTMN ở các trang trại.

Vì sao chủ đầu tư phải núp? Là vì ĐMTMN được khuyến khích phát triển để một mặt nâng cao hiệu quả kinh tế (của sản xuất nông nghiệp), một mặt khai thác tốt nguồn năng lượng sạch tự nhiên. Chính vì được khuyến khích cho nên có sự ưu đãi (giá mua, được ưu tiên cấp đất). Nhưng “sự đời” không đơn giản vậy: đã có khuyến khích thì phải có mục đích rõ ràng. Đã ưu đãi thì phải có điều kiện. Điều kiện mà Nhà nước quy định ở đây là phải làm nông nghiệp kết hợp sản xuất ĐMTMN.

Để làm trang trại phải được chính quyền cấp quyền sử dụng đất. Muốn được cấp đất chủ đầu tư phải lập dự án (ví dụ như trồng trọt hay chăn nuôi). Rồi muốn làm ĐMTMN thì cũng phải xây dựng dự án (mô tả công suất – công suất bao nhiêu thì được cấp nào có thẩm quyền cấp theo theo quy định).

Thế là nhiều chủ đầu tư bắt đầu lách luật, núp bóng. Không muốn làm nông nghiệp nhưng vẽ ra dự án nông nghiệp. Khi được cấp đất rồi thì chỉ làm năng lượng mặt trời, không làm nông nghiệp. Để che mắt thì trồng vài cái cây, nuôi vài con gia súc gia cầm (theo dự án). Thật tình mà nói, cách núp bóng này hết sức thô thiển và “ngây ngô”, làm sao qua mắt được nhà quản lý, nếu như nhà quản lý không làm ngơ? Thế là nhiều nhà đầu tư bị “dính chấu”, bị chỉ mặt đặt tên. Vừa rồi một số trang trại ở Phong Điền, Quảng Điền bị phát hiện thực hiện không đúng mục đích. Như trang trại của ông Hòa (Nguyễn Đăng Hòa ở xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) theo mô tả của dự án là làm đến 86 nhà trại (không biết nuôi gì) và trồng 25.000 cây đinh lăng. Nhưng thực tế đến nay trang trại này mới chỉ làm điện mặt trời (không phải chính ông làm mà cho người khác thuê làm). Còn đinh lăng thì chưa thấy trồng cây nào!

Có lẽ cần nhắc lại mệnh đề này, các chủ đầu tư nên nhớ rằng, muốn được hưởng ưu đãi thì phải làm ăn nghiêm túc. Không làm nghiêm túc sẽ mất vốn như chơi, có khi còn vướng đến chuyện pháp lý. Không kết hợp với nông nghiệp thật sự thì làm gì có chuyện được hưởng ưu đãi. Hơn nữa, đã có quy định ràng buộc – ngành điện sẽ không đấu nối điện (nhiều trang trại ở Ninh Thuận, Đắc Lắc… đã vướng phải chuyện này rồi). Chủ trang trại không làm đúng mục đích sẽ bị thu hồi đất… Cái chuyện núp bóng làm trang trại để khai thác đất cũng đã từng xảy ra và cũng đã từng bị phát hiện.

Việc còn lại là cần sự quản lý chặt chẽ của chính quyền và ngành chức năng.

Ở Huế có một câu thành ngữ, nếu “ứng vào” xem ra phù hợp với tình trạng này – “Không dễ ăn của mạ”. Có thể hiểu, “mạ” yêu thương hết mực và giúp đỡ  hết sức cho con cái đấy. Nhưng nếu lợi dụng để lấy của “mạ”, là không xong! (baothuathienhue.vn 18/1)

 
 
 

7.  Vụ mỏ đá Tam Lộc (Thừa Thiên Huế) tuồn đất trái phép ra ngoài: Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm

Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoảng sản đối với mỏ đá Tam Lộc, do liên danh Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô và công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ Sông Lô làm chủ đầu tư.

Liên quan đến vụ việc “Mỏ đá Tam Lộc ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế tuồn đất trái phép ra bên ngoài” mà PV Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần điều tra, phản ánh; Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào cuộc thanh tra và vừa có kết quả.

Nhiều sai phạm

Theo Sở TN&MT, mỏ đá Tam Lộc được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép số 30/GP - UBND ngày 26/4/2019 cho liên danh Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô - Công ty CP Đầu tư xây dựng Thương mại dịch vụ Sông Lô khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại thôn Tam Vị, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, đây là địa bàn nằm trong Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác là 1.081.000m3. Trữ lượng khai thác 812.068 m3. Thời hạn cấp phép khai thác 6 năm. Diện tích khu vực khai thác 6,4 ha. Công suất khai thác: 150.000m3 /năm. Mức sâu khai thác +4m.

Ngày 8/3/2020, Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường có bài điều tra đầu tiên việc vận chuyển đất trái phép ra khỏi mỏ đá. Năm ngày sau (13/3), nhận được phản ánh, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với UBND huyện Phú Lộc và UBND xã Lộc Tiến tiến hành kiểm tra việc vận chuyển đất ra ngoài dự án, lập biên bản yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt hoạt động trái phép nói trên. Tuy nhiên, việc khai thác sau đó vẫn còn diễn ra và Báo đã đăng tải các bài viết khác để cơ quan chức năng “mạnh tay” hơn.

Theo kết luận thanh tra được công bố ngày 25/12/2020, việc khai thác vận chuyển đất ra khỏi khu vực mỏ là 21.138 m3 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, vi phạm Điểm e Khoản 1 Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ. Tính đến thời điểm thanh tra, liên danh 2 công ty vẫn còn thiếu 116.119.000 đồng tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.

Chủ đầu tư không lắp đặt trạm cân tại các kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 40, Nghị định 36/2020/NĐCP ngày 24/3/2020 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (Nghị định 36/2020/NĐ-CP).

Lập bản đồ hiện trạng mỏ, mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản nhưng thông tin, số liệu trên bản đồ, mặt cắt thể hiện không đầy đủ theo quy định và sai so với thực tế hiện trạng khai thác khoáng sản đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 40, Nghị định 36/2020/NĐ-CP.

Thiết kế mỏ chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 56 Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 của Chính phủ. Ngoài ra, liên danh 2 công ty chưa lập thủ tục thuê đất để khai thác khoáng sản theo quy định...

Yêu cầu khắc phục những tồn tại

Với những sai phạm trên, Sở TN&MT Thừa Thiên Huế yêu cầu chủ đầu tư lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Lập thủ tục thuê đất theo quy định.

Trong quá trình khai thác lưu ý về độ dốc, sườn tầng, đảm bảo an toàn, thực hiện khai thác đúng các quy chuẩn kỹ thuật; cắm các biển cảnh báo về an toàn tại khu vực mỏ. Lập thủ tục trình Sở Xây dựng thẩm định thiết kế mỏ theo quy định. Lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt đảm bảo đầy đủ thông tin, đúng hiện trạng thực tế theo quy định.

Không được phép vận chuyển đất tầng phủ ra khỏi khu vực mỏ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, thực hiện đổ thải đúng quy định. Trường hợp liên danh 2 công ty có nhu cầu vận chuyển đất tầng phủ ra khỏi khu vực mỏ phải lập thủ tục để xin cấp phép theo quy định.

Trong quá trình hoạt động phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về khoáng sản, khai thác đúng khu vực được cấp phép, công suất và độ sâu khai thác; cắm các biển cảnh báo về an toàn tại khu vực mỏ; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, thống kê, kiểm kê trữ lượng chính xác, trung thực; bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường; thực hiện đúng hạn và đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Nhiều sai phạm tại mỏ đá, trong đó mỏ đá còn thiếu 116.119.000 đồng tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường

Ngoài ra, kết luận cũng yêu cầu thanh tra Sở TN&MT lập thủ tục xử lý vi phạm đối với liên danh 2 công ty theo quy định. Theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra, phối hợp Phòng Quản lý Tài nguyên tham mưu kiến nghị UBND tỉnh đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản nếu công ty không thực hiện thuê đất theo quy định. Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an tỉnh, UBND huyện Phú Lộc phối hợp cùng Sở TN&MT kiểm tra, giám sát liên danh 2 công ty trong việc thực hiện kết luận thanh tra; giám sát, xử lý triệt để nếu liên danh tiếp tục vận chuyển đất tầng phủ ra khỏi khu vực mỏ mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định...

Trao đổi thêm với PV, ông Lê Bá Phúc – Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi có kết luận thanh tra như trên thì Sở sẽ xử phạt nghiêm minh mỏ đá này, khi có kết luận xử phạt sẽ báo cáo đến Báo...

Như đã phản ánh, người dân nhiều lần thông tin đến PV về việc nhiều xe tải “nối đuôi” nhau chở đất đi bán trái phép tại mỏ đá Tam Lộc. Đất được lấy từ lớp đất tầng phủ bên trong mỏ đá. Việc khai thác, vận chuyển gây nên tình trạng hư hỏng đường sá, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Mỏ đá này sẽ bị xử phạt

Để rõ thực hư, PV đã trực tiếp về hiện trường và theo dõi trong một thời gian dài qua đó đăng tải nhiều bài viết, trong đó có 2 bài viết cụ thể nhất là “Phú Lộc (Thừa Thiên Huế): Núp bóng mỏ đá để tuồn đất trái phép ra bên ngoài” (đăng tải ngày 8/3/2020) và bài viết “Ai bảo kê cho mỏ đá Tam Lộc đưa đất trái phép ra ngoài” (đăng tải ngày 10/7/2020).

Theo đó, qua những lần điều tra quan sát, khu vực mỏ bị khai thác rất lớn, cả quả đồi đã bị đào xẻ tan hoang. Máy múc hoạt động tại khu vực có đất. Từ sáng đến trưa, nhiều xe tải cỡ lớn liên tục vào ra tại khu vực mỏ đá để “ăn hàng”. Máy múc cứ múc đầy đất lên xe rồi cho xe tải chạy ra khỏi mỏ.

PV đã men theo các xe tải thì nhận thấy, đất “lậu” được chở cho các dự án tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Ngoài ra, đất cũng được các xe tải nhỏ mang ra khỏi khu vực mỏ đá để đổ cho các nhà dân trên địa bàn. Các xe tải luôn trong tình trạng đầy đất và che bạt sơ sài, đất vương vãi khắp nơi. Việc khai thác đất tại mỏ diễn ra rầm rộ, ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật...

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế sau đó ghi nhận sự tích cực vào cuộc tìm hiểu những tồn tại trên địa bàn của PV và đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành vào cuộc. Hiện tại theo ghi nhận của PV, mỏ đá đã không còn vận chuyển đất trái phép ra khỏi khu vực mỏ...(baotainguyenmoitruong.vn 16/1)

 
 
 

8.  Sạt lở tại Nam Đông: Cần phương án lâu dài

Mùa mưa bão năm 2020, Nam Đông liên tục hứng chịu các đợt mưa to, gây lũ lụt lớn, khiến tình trạng sạt lở đất ven sông, suối và đồi núi thêm nghiêm trọng.

Nhiều điểm sạt lở

Mỗi khi mưa lớn dài ngày hay bão đổ bộ, gia đình chị Hoàng Thị Thanh Thủy (trú tại tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre) lại phải thực hiện sơ tán theo vận động của chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn. Đây cũng là tình trạng chung của 13 hộ/55 khẩu sinh sống trên tuyến Tỉnh lộ 14B, bởi sau lưng nhà là một vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở đất đá.

Ông Nguyễn Văn Hán, Tổ trưởng tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre cho biết, mùa mưa bão vừa qua đã có 1 hộ dân bị đất đá sạt lở tràn vào sau lưng nhà, gây nứt một khoảng tường.

Tuy sống chung với nguy hiểm, nhưng thực tế nhiều hộ tại đây vẫn chần chừ trong công tác di dời, bởi nguồn lợi kinh tế mang lại từ mặt tiền kinh doanh tại khu vực trung tâm sầm uất của huyện.

Chị Hoàng Thị Thanh Thủy chia sẻ, hiện gia đình đang kinh doanh vật liệu xây dựng, là nguồn sinh kế chính nên nếu di dời cần đảm bảo phải có một khu đất “tương xứng” với khu vực hiện tại.

Ồng Trần Đình Vĩnh Lộc, Chủ tịch UBND thị trấn Khe Tre cho biết, trước mắt đã thực hiện sơ tán 100% hộ dân thuộc vùng nguy hiểm mỗi khi mưa bão để đảm bảo an toàn cho tính mạng. Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương mong muốn huyện có phương án di dời, hỗ trợ người dân tái định cư để ổn định cuộc sống.

Không riêng thị trấn Khe Tre, nhiều vùng xung yếu trên địa bàn huyện cũng đối mặt với tình trạng sạt lở, tập trung ở các xã: Hương Sơn, Thượng Lộ, Thượng Quảng, Hương Lộc… Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là gần 80 hộ dân tại thôn Lập, xã Thượng Nhật thuộc vùng nguy hiểm của Thủy điện Thượng Nhật. Tình trạng sạt lở bờ sông tiến sát vào nhà ở, có nơi lên đến 10 - 15m khiến người dân thôn Lập sống trong thấp thỏm.

Ông Hồ Văn Vườn, một hộ dân sống tại thôn Lập kể, chưa cần bão lụt, chỉ cần mưa lớn kéo dài là toàn bộ thôn đã phải di tản đến nơi an toàn do tình trạng sạt lở. Nghiêm trọng hơn là quả núi sau lưng thôn cũng bắt đầu xuất hiện điểm sạt lở, chỉ chực chờ đổ ập xuống hàng loạt hộ dân sống dưới chân núi.

Xây dựng phương án lâu dài

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông thông tin, riêng 13hộ/55 khẩu ở khu vực sạt lở chân đồi tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre đã có phương án di dời đến nơi tái định cư. Huyện đã triển khai nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và vận động 13 hộ trên tự nguyện di dời; tuy nhiên cần đa số người dân đồng tình mới có thể triển khai, bởi phụ thuộc nhiều vào vấn đề kinh phí đền bù.

Với các hộ dân thôn Lập, xã Thượng Nhật, UBND huyện đã có định hướng quy hoạch vùng tái định cư tập trung tại thôn A Xách, xã Thượng Nhật với quy mô 2,6 ha và đã đề xuất bổ sung chương trình đầu tư công về bố trí, sắp xếp dân cư nhằm ổn định cuộc sống cho các hộ ở những vùng có nguy cơ cao bị thiên tai.

Được biết, thời gian tới, UBND huyện Nam Đông có kế hoạch thuê các đơn vị tư vấn để khảo sát, đánh giá tình hình địa chất tại các vùng xung yếu, có nguy cơ sạt lở trên địa bàn huyện. Sau khi có kết quả sẽ lập sơ đồ để xây dựng kế hoạch di dời, tái định cư về lâu dài, đảm bảo phù hợp, tránh lãng phí.

 “Khi hoàn tất khảo sát và đánh giá, UBND huyện tiến hành khoanh vùng những vùng đặc biệt nguy hiểm để ưu tiên di dời trước, những nơi khác có ít nguy cơ hơn sẽ được đánh dấu để thực hiện di tản mỗi khi có mưa lớn, bão lụt”, ông Lê Thanh Hồ thông tin thêm. (baothuathienhue.vn 18/1)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức

- A Lưới là một trong những địa phương được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy đánh giá cao việc kiện toàn các tổ chức của hệ thống chính trị và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố thời gian qua.

Linh hoạt trong sáp nhập

 “Đa số người dân là người đồng bào dân tộc thiểu số nên khi tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính, chúng tôi không ngừng giải thích, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu. Với những đơn vị hành chính cấp xã không đạt 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số và các thôn có quy mô dân số dưới 50 hộ đều phải tiến hành sáp nhập. Huyện cũng đã xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã vừa đảm bảo tính khoa học vừa phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán. Điều quan trọng là không ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương, nên người dân rất đồng tình, ủng hộ”, ông Lê Tiến Sáu, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy A Lưới chia sẻ.

Qua rà soát lại đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã, thị trấn trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy A Lưới nhận thấy, về cơ bản cần bố trí đảm bảo theo Nghị quyết 06/2020/NQ – HĐND tỉnh, nhưng vẫn có sự linh hoạt để phù hợp hơn với tình hình thực tế địa phương.

Huyện ủy A Lưới cũng đã kịp thời bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và điều động công chức, viên chức lãnh đạo sau Đại hội Đảng các cấp, hoàn thành phê chuẩn bổ sung 11 chức danh chủ tịch, 13 phó chủ tịch UBND xã. Điều động, thuyên chuyển, biệt phái và tiếp nhận 187 cán bộ, công chức, viên chức.

Trong quá trình triển khai thực hiện việc sáp nhập xã ở A Lưới, số cán bộ, công chức dôi dư rất lớn, gần 70 người; số người hoạt động không chuyên trách cấp xã cũng dôi dư trên 50 người. Để tập trung tháo gỡ khó khăn, Ban Thường vụ Huyện ủy A Lưới tập trung chỉ đạo giải quyết thật tốt chế độ chính sách đối với số người dôi dư này.

Từ khi thực hiện việc sáp nhập xã, thôn, tổ dân phố (năm 2019) đến nay, bộ máy ở tất cả những đơn vị được sáp nhập đều dần ổn định và từng bước hoạt động mang lại hiệu quả. Bộ máy các xã sáp nhập như Quảng Nhâm, Trung Sơn, Lâm Đớt đã và đang từng bước khẳng định.

"Ðội ngũ cán bộ ở xã mới sáp nhập ngày càng thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành sản xuất nông nghiệp, kết hợp giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính cho người dân; phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bộ máy thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập tuy còn những khó khăn, nhưng đã có những bước chuyển quan trọng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng tăng lên; tinh thần tự quản của người dân ở cộng đồng luôn được giữ vững", Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới Hồ Đàm Giang khẳng định.

Bài học gần dân, bám cơ sở

Tuy còn những khó khăn nhất định, nhưng nhiều bài học được các cấp ủy Đảng ở A Lưới đúc rút trong quá trình triển khai việc sáp nhập xã, giải quyết số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư. Bài học xuyên suốt là bám cơ sở để tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, người dân hiểu tường tận về chủ trương sáp nhập xã, sắp xếp, kiện toàn cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Ngoài tăng cường bám cơ sở của đội ngũ cán bộ, đảng viên cốt cán thì lực lượng già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cũng luôn được phát huy.

Một bài học khác cũng được Đảng bộ huyện A Lưới xác định, chính là làm thật tốt việc giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng dôi dư sau khi sáp nhập xã, thôn, tổ dân phố. Bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy A Lưới chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm triển khai giải quyết chế độ cho những cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, cán bộ trong diện tinh giản biên chế và trợ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. “Chính sự linh động, giải quyết kịp thời tất cả các chế độ chính sách kết hợp với tuyên truyền, vận động đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong ý thức, hành động của đội ngũ cán bộ, người không chuyên trách cấp xã dôi dư. Vì vậy, hầu hết số người dôi dư được giải quyết chế độ, chính sách đều thoải mái về tư tưởng, chấp hành theo chủ trương chung”, Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu khẳng định. 

Hiện nay, Ban Tổ chức Huyện ủy A Lưới đã và đang tham mưu, kiến nghị với Ban Tổ chức Tỉnh ủy xem xét, bàn giải pháp để giãn lộ trình giải quyết số biên chế dôi dư đối với 55 biên chế là cán bộ, công chức cấp xã khi thực hiện chủ trương đưa công an chính quy đảm nhận chức danh trưởng công an xã, nhưng tuổi đời trẻ và đạt chuẩn theo quy định. Bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư tại các xã, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách cấp thôn.

Mới đây, tại buổi làm việc với Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy A Lưới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn chỉ đạo Đảng bộ huyện A Lưới tiếp tục sắp xếp đội ngũ cán bộ đúng theo quy định; quan tâm, chia sẻ, động viên đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, ưu tiên cán bộ thôn, bản, xã biên giới. Điều quan trọng nhất là Đảng bộ huyện A Lưới phải luôn giữ vững được sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ. Hy vọng, với những cách làm linh động, sát cơ sở, A Lưới tiếp tục thực hiện tốt việc sắp xếp cán bộ thời gian tới. (baothuathienhue.vn 18/1)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Cổ tự Từ Hiếu sau ngày trùng tu

Sau gần hai năm trùng tu, Tổ đình Từ Hiếu - một ngôi danh lam cổ tự nổi tiếng bậc nhất xứ Huế cơ bản hoàn thành. Chánh điện của chùa đã mở cửa để đón du khách, người dân đến tham quan, dâng hương lễ Phật.

Chánh điện Tổ đình Từ Hiếu mở cửa đón người dân, du khách đến tham quan, dâng hương sau một thời gian dài trùng tu

Trước đó, Thừa Thiên Huế Online có đưa tin, đầu năm 2019, với lý do xuống cấp không thể giữ lại, Tổ đình Từ Hiếu - nằm trên ngọn đồi Dương Xuân thuộc phường Thủy Xuân, TP. Huế phải tháo dỡ toàn bộ chánh điện để làm mới. Cùng với đó, rất nhiều hạng mục khác trong khuôn viên chùa cũng được trùng tu, làm mới do bị hư hỏng vì mối mọt, thời tiết…

Tổ đình Từ Hiếu từ lâu đã trở thành một biểu tượng của lòng hiếu thảo trong lòng người dân Việt với tên gọi nguyên sơ Am An Dưỡng do hòa thượng Tánh Thiên - Nhất Định lập nên vào năm 1843. Đến năm 1848 chùa được hòa thượng Hải Thượng - Cương Kỷ xây dựng quy mô hơn dưới sự hỗ trợ của triều đình, quan thái giám và Phật tử.

Cũng chính năm này vua Dực Tông phong hiệu chùa là Từ Hiếu với ý nghĩa “Từ là đức lớn của Phật, nếu không Từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại. Hiếu là hạnh đầu của Phật, nếu không Hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời”.

Trước đó, chùa cũng trải qua các đợt trùng tu vào các năm 1885, 1894 và 1962. Ngoài yếu tố lịch sử, giá trị kiến trúc độc đáo, chùa Từ Hiếu còn nổi tiếng bởi nơi đây có lưu giữ phần mộ các quan thái giám triều Nguyễn. Bên cạnh việc thờ tự, sinh hoạt tôn giáo, chùa từng đón những văn nhân chí sĩ như cụ Nguyễn Đăng Giai, Tôn Thất Hân, Nguyễn Thượng Hiền… đến đây luận đạo, đàm kinh, tham vấn lý thiền. (baothuathienhue.vn 17/1)

 
 
 

2.  Nói đi, nói lại

- Dư luận của giới nghệ sĩ và khán giả thời gian gần đây bàn tán khá rộn ràng sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Trong đó, không còn quy định cấm đối với hành vi “hát nhép”, “đàn nhái” nữa.

Nghị định bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1/2/2021, nhưng gần như ngay lập tức, trong dư luận, trên truyền thông đã nhận được rất nhiều phản ứng trái ngược nhau. Người thì cho đó là một bước tiến, tạo được sự tự do, thông thoáng trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Ca sĩ, nhạc công không còn quá bị chi phối với âm thanh cho chương trình nào đó mà có thể tập trung cho hình thức, hiệu ứng biểu diễn. Ngược lại, cũng có không ít ý kiến cho rằng đó là một sự thụt lùi, tạo cơ hội hợp pháp cho kiểu biểu diễn, làm ăn không nghiêm túc, không đàng hoàng bùng nổ…

Quan điểm nào cũng đều có lý lẽ của riêng nó. Tuy vậy, xem chừng ở góc độ khán giả, rất nhiều người tỏ ra không chịu nổi khi “ông Nhà nước” thả ràng buộc này. Họ cho rằng, trước đây khi hành vi này bị cấm, giới showbizt, ca sĩ vẫn còn chưa ngán, không ít người vẫn lòn lách “nhép”, “nhái” búi xua. Rất nhiều vụ do trục trặc “âm thanh ánh sáng” đã ngẫu nhiên lộ tẩy hát nhép một cách đầy bi hài như trường hợp các ca sĩ S.T, A.T, Q.Ng, T.T… khiến khán giả hết sức phẫn nộ. Bây giờ chính thức được tháo khoán, không cấm, có nước mà… loạn.

Tranh luận, bày tỏ nhiều, tuy nhiên bình tĩnh mà nói thì văn bản pháp luật đã ban hành và chuẩn bị có hiệu lực, không thể không thực thi. Sau này, khi đã áp dụng vào thực tiễn, một thời gian có thể sẽ xuất hiện những vấn đề bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế cuộc sống, nghị định sẽ được bổ sung, sửa đổi. Đó là điều bình thường. Còn trước mắt, luật pháp là tối thượng, mọi công dân đều có trách nhiệm phải chấp hành những gì pháp luật quy định, đồng thời được làm những gì mà pháp luật không cấm. Có nghĩa là giới showbizt, họ có quyền “hát nhép”, “đàn nhái” thoải mái, bởi điều này đã không còn bị luật pháp điều chỉnh.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, pháp luật dẫu không còn cấm nhưng không phải trong giới showbizt ai cũng đều hào hứng với chuyện “nhái, nhép”. Chia sẻ công khai với truyền thông, không ít ca sĩ, nhạc sĩ vẫn bày tỏ sự dị ứng với hành vi mà theo họ là không mấy “fairplay” này. Họ vẫn rất muốn, rất chung thủy với lối biểu diễn truyền thống, bởi theo họ, như vậy mới có cảm xúc và mới buộc họ thường xuyên luyện giọng, luyện ngón, phải lao động một cách có trách nhiệm và nghiêm túc với bản thân mình nếu không muốn bị đào thải. Hay nói như ca sĩ Mỹ Ngọc, phải hát live mới có thể “chạm tới trái tim khán giả”- điều mà một nghệ sĩ chân chính nào cũng mong hướng đến.

Về phía khán giả, người ta có quyền “hát nhép”, “đàn nhái” song không có nghĩa là khán giả cũng buộc phải nghe “đàn nhái”, “hát nhép”. Khán giả sẽ rất cảm thông với một tiết mục mà ở đó ca sĩ, nhạc công sẽ quá khó, quá phức tạp để chơi “live”. Tuy nhiên, họ cũng sẽ thừa thông minh để thấy rằng nghệ sĩ quá dễ dãi, quá “lười biếng” quá xem thường khán giả khi buộc họ phải nghe “nhái”, “nhép” với những chương trình/tiết mục không cần phải “nhái”, “nhép” như thế. Nhất là với những tấm vé cho những chương trình vốn được quảng cáo là “liveshow” nhưng đến khi vào xem lại toàn được “thưởng thức” bản ghi âm sẵn. Những món hàng dỏm và những người bán hàng dỏm như thế tự nó sẽ bị thị trường, bị người tiêu dùng quay lưng, tẩy chay, dù sớm hay muộn. (baothuathienhue.vn 18/1)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Không gian công viên Lý Tự Trọng ấn tượng hơn với đài phun nước

Công viên Lý Tự Trọng, đoạn trước mặt UBND tỉnh trên đường Lê Lợi, TP. Huế sau một thời gian chỉnh trang đã trở thành một điểm nhấn giữa lòng phố thị, thu hút rất đông người dân đến tham quan, vui chơi. Điểm nhấn của khu vực này đó là đài phun nước nghệ thuật kèm chiếu sáng tạo nên sự ấn tượng, mới lạ trong mắt mọi người.

Những ngày qua, khi công trình cơ bản hoàn tất, đơn vị thi công đã tháo dỡ hàng rào để người dân đến vui chơi tham quan. Theo ghi nhận, không gian này được làm mới như một quảng trường, được ốp gạch đá và trang trí tiểu cảnh hoa rất đẹp mặt.

Mặt tiếp giáp với bờ sông Hương cũng được làm một con đường bằng gỗ lim kéo dài tương đương với quảng trường phía trên và tiếp nối bằng hệ thống bậc thang để mọi người dễ dàng di chuyển. Rất nhiều cây xanh cùng hệ thống đèn điện cũng đã được thiết kế hài hoà, tạo nên không gian mở vô cùng thông thoáng.

Ngay vị trí trung tâm của quảng trường là đài phun nước nghệ thuật. Những ngày gần đây, vào chiều tối, đơn vị thi công đã bật hệ thống đài phun nước nên người dân tìm đến vui chơi và chụp ảnh khá nhiều. Khi chính thức đưa vào sử dụng, đài phun nước này sẽ được hoạt động vào các buổi tối, cũng như các ngày lễ, sự kiện…

 “Hy vọng rồi đây nhiều công viên khác của Huế sẽ được chỉnh trang, làm mới những không gian như thế để người dân đến vui chơi, tận hưởng được không khí trong lành, thoải mái. Đó cũng là nơi tổ chức các sự kiện giải trí, lễ hội sôi động”, ông Nguyễn Anh Vũ (50 tuổi, TP. Huế) chia sẻ sau khi đến đây dạo bộ. (baothuathienhue.vn 17/1)

 
 
 

2.  Tặng quà 100 bệnh nhân ung thư

Chiều 16-1, tại TP Huế, Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức Hội nghị Công tác thanh niên ngành y tế 2021 và phát động phong trào “Tuổi trẻ ngành y chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Dịp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và các đại biểu tham gia dự hội nghị đã đến thăm và tặng quà cho 100 bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Câu lạc bộ Bí thư Đoàn ngành y tế và Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 200 người dân khó khăn tại Trạm Y tế xã Điền Hương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế...(sggp.org.vn 17/1)

 
 
 

3.  Thừa Thiên - Huế: Các điểm bắn pháo hoa tầm cao mừng Tết Nguyên đán Tân Sửu

Ngày 16/1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021. Các hoạt động sẽ được tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp cơ sở.

Với tinh thần chung là sẽ tạo ra nhiều điểm vui chơi, giải trí cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán, Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, chợ hoa, bắn pháo hoa, hoạt động đường phố... với quy mô được trải rộng nhiều điểm trên địa bàn thành phố Huế và các vùng phụ cận. Đặc biệt là sẽ khai thác các không gian đi bộ dọc hai bên bờ sông Hương để tạo các điểm nhấn cho không gian Tết.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các hoạt động chào đón năm mới với chủ đề "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng công cuộc đổi mới, hội nhập của quê hương, đất nước", từ 20h ngày 11/2/2021 (30 Tết) đến 00h15 phút, ngày 12/2/2021 (Mùng 1 Tết). Địa điểm tổ chức chương trình chào đón năm mới tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa - Điện Ảnh tỉnh, số 41 Hùng Vương, TP. Huế.

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động đón năm mới tại Nghênh Lương Đình, Phu Văn Lâu do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức; Chương trình nghệ thuật tổng hợp chào Xuân mới tại Bia Quốc học do UBND TP. Huế tổ chức.

Bên cạnh đó, còn có một số hoạt động tại đường đi bộ dọc sông Hương và công viên từ Bia Quốc học đến Công viên 3/2 do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với UBND TP. Huế, Liên hiệp các Hội Văn hoá nghệ thuật tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức.

Thừa Thiên - Huế cũng sẽ tổ chức các hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian, thể dục thể thao tại TP. Huế và các huyện và thị xã để phục vụ nhân dân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp năm mới.

Đặc biệt, theo kế hoạch ban hành, Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại TP. Huế và huyện Phong Điền để chào đón xuấn mới.

Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng sẽ tổ chức cho nhân dân vào tham quan di tích không thu tiền trong các ngày 12 đến ngày 14/2/2021 (Mùng 1 - 3 Tết Nguyên đán). (baodansinh.vn 17/1)

 
 
 

4.  Tưng bừng Chủ Nhật Đỏ giữa mưa lạnh xứ Huế

Hơn 800 đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên không ngại thời tiết mưa lạnh đã nhiệt tình tham gia ngày hội Chủ Nhật Đỏ diễn ra tưng bừng trên đất Cố đô.

Sáng 17/1, tại Trường cao đẳng Y tỉnh TT-Huế, ngày hội Chủ Nhật Đỏ do báo Tiền Phong phối hợp Tỉnh Đoàn TT-Huế, Trung tâm Huyết học truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Huế đã diễn ra tưng bừng giữa tiết trời mưa lạnh.

Cùng đồng hành với chương trình có hơn 800 đoàn viên, thanh niên và đông đảo người dân, công chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thuộc các địa phương, cơ quan, đơn vị của TP Huế tham gia.

Bất chấp thời tiết đột ngột chuyển rét, kèm theo mưa sau vài ngày ngắn ngủi nắng ráo, ngay từ sáng sớm, hàng trăm oàn viên, thanh niên, tình nguyện viên đã có mặt tại Trường cao đẳng Y TT-Huế để làm các thủ tục hiến máu. Họ đăng ký và thực hiện hiến máu ngay trước khi lễ khai mạc ngày hội Chủ Nhật Đỏ tại Huế diễn ra.

Phát biểu tại lễ khai mạc, chị Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn TT-Huế, cho biết, phong trào hiến máu tình nguyện trong những năm qua được triển khai sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng đông đảo của Đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân tỉnh TT-Huế.

Tiêu biểu trong phong trào này là ngày hội Chủ Nhật Đỏ được tổ chức thường xuyên mỗi dịp đầu năm mới. Hiện nay, TT-Huế cũng là một trong những địa phương nằm trong top đầu của 10 tỉnh, thành cả nước về hiến máu tình nguyện.

Phong trào này được duy trì, phát triển bền vững với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã đóng góp một phần không nhỏ trong ngân hàng máu của tỉnh, thông qua nhiều mô hình như “Ngân hàng máu sống", câu lạc bộ “Sinh nhật Hồng”, Đội thanh niên tuyên truyền hiền máu tình nguyện…

Từ sự lan tỏa của Chủ Nhật Đỏ, trong năm 2020, các cấp bộ Đoàn tại TT-Huế đã tổ chức 30 đợt hiến máu, với 15.313 đoàn viên, thanh niên tham gia, tiếp nhận 5.680 đơn vị máu.

Chủ Nhật Đỏ năm 2021 tại Huế không giới hạn về thành phần tham gia chỉ là lực lượng Đoàn viên, thanh niên, mà còn thu hút nhiều tầng lớp nhân dân. Chị Huyền Tôn Nữ Thị Hậu (56 tuổi, làm nghề buôn bán, ngụ đường Trần Huy Liệu, TP Huế) chia sẻ, đây là lần thứ 40 chị tham gia hiến máu tình nguyện. Đặc biệt, khi hay tin Chủ Nhật Đỏ diễn ra tại Huế, chị Hậu đã tích cực vận động thêm 3 người thân trong gia đình cùng tham gia hưởng ứng và trực tiếp hiến máu.

Cũng tại ngày hội Chủ Nhật Đỏ, ngay sau khi điều hành lễ khai mạc, chị Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn TT-Huế, cũng trực tiếp hiến máu tình nguyện, trở thành động lực khích lệ, động viên đối với nhiều đoàn viên, thanh niên cùng tham gia ngày hội và hiến máu.

Theo ghi nhận của PV, mới 8 giờ sáng 17/1, gần 500 bộ hồ sơ hiến máu đã được các Đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên tiếp nhận để làm thủ tục. Theo ban tổ chức, dự kiến số lượng máu tiếp nhận thông qua ngày hội Chủ Nhật Đỏ 2021 tại Huế là 500 đơn vị. (tienphong.vn 17/1)

 
 
 

5.  Tỉnh Ninh Bình ủng hộ Thừa Thiên Huế 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Chiều 17/1, đoàn công tác do ông Đỗ Việt Anh, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh Ninh Bình làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao số tiền hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Nguyễn Chí Tài, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Nam Tiến, UVTV tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh.

Cuối năm 2020, tỉnh Ninh Bình đã ủng hộ 500 triệu đồng cho người dân Thừa Thiên Huế khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống. Tiếp tục nghĩa cử cao đẹp đó, lần này tỉnh Ninh Bình tiếp tục ủng hộ đợt 2 với số tiền 1 tỷ đồng.

Thay mặt người dân tỉnh nhà, Chủ tịch Ủy MTTQVN tỉnh Nguyễn Nam Tiến cảm ơn sự hỗ trợ, sẻ chia lúc khó khăn của tỉnh Ninh Bình và cam kết sẽ phân bổ tiền ủng hộ đến những hoàn cảnh cần giúp đỡ, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất. (baothuathienhue.vn 17/1)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Di sản vào học đường: Nuôi dưỡng niềm tự hào

Theo chương trình hợp tác đưa di sản vào học đường giữa Sở Giáo dục & Đào tạo và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các em học sinh được tham quan, trải nghiệm, tiếp cận với các giá trị di sản văn hóa. Hiểu rõ hơn văn hóa, lịch sử quê hương là cách để các em nuôi dưỡng niềm tự hào về truyền thống, có ý thức bảo vệ, giữ gìn văn hóa di sản.

Trải nghiệm di sản

Về Huế học tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 năm ngoái, A Vô Chun, học sinh lớp 10 được cùng bạn bè đi tham quan Đại Nội. Chiêm ngưỡng những công trình cung điện, đền đài, A Vô Chun luôn trầm trồ trước vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc cung điện đặc sắc. Vẻ uy nghiêm của Điện Thái Hòa, biểu trưng quyền lực của Hoàng triều nhà Nguyễn hay vẻ xưa cũ của cung Diên Thọ, cung Trường Sanh… cuốn hút bước chân em khám phá hoàng cung.

Chuyến trải nghiệm của cậu học sinh miền núi càng thêm hấp dẫn khi em được nghe cô thuyết minh viên kể những câu chuyện lịch sử về các vị vua, về nội cung triều Nguyễn. A Vô Chun chia sẻ: “Đây là lần thứ hai em được đến Đại Nội, nhưng lần trước chỉ đơn thuần là tham quan, lần này em được nghe giới thiệu chi tiết về lịch sử xây dựng Hoàng thành, lịch sử các vị vua triều Nguyễn, những chi tiết về Hiển Lâm Các, Cửu đỉnh… rất thú vị và hấp dẫn. Trải nghiệm này giúp em hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, kiến trúc cung đình triều Nguyễn để lại”.

Hôm ấy, Đại Nội thâm nghiêm im ắng sau thời gian dài vắng khách bởi dịch bệnh, thiên tai rộn ràng hẳn lên khi đón hơn 500 học sinh đến từ các trường: THCS Huỳnh Thúc Kháng, THCS Nguyễn Chí Diểu, THPT Đặng Trần Côn, THPT Dân tộc Nội trú… Với nhiều em học sinh, đây là lần đầu tiên được tìm hiểu di sản quê hương sâu đến vậy nên ai cũng tỏ ra hào hứng. Trong không gian thiên nhiên đẹp hài hòa của những hồ nước, vườn hoa, cây cối xanh tươi tỏa bóng mát, các em háo hức tham gia các trò chơi cung đình: Bài vụ, thả thơ, đổ xăm hường, đầu hồ… Không gian cung cấm rộn vang tiếng cười trẻ thơ.

Tại Nhà hát Duyệt Thị Đường sang trọng và cổ kính, các em được thưởng thức Nhã nhạc, múa hát cung đình, tương tác, trò chuyện với các nghệ nhân, nghệ sĩ về cách thể hiện các bài bản Nhã Nhạc và làm quen một số nhạc cụ. Những tiết mục: hòa tấu đại nhạc “Song tấu trống kèn”, bản tiểu nhạc “Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ”, điệu múa “Lục cúng hoa đăng”… đưa các em trải qua những cung bậc cảm xúc trong tiếng trống, kèn rộn ràng, dồn dập, trong âm thanh dìu dặt của đàn tỳ bà, đàn nhị và nhịp phách tiền.

Theo cô giáo Phạm Thị Thu Thảo, giáo viên Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, những tiết học ngoại khóa theo hình thức trải nghiệm này mở rộng tầm hiểu biết cho các em học sinh. Từ đó, giúp các em hiểu biết, tự hào với vùng đất mình sinh ra và lớn lên bằng những kiến thức về văn hóa, lịch sử, để thêm yêu di sản văn hóa, tự hào về truyền thống của dân tộc và có ý thức hơn trong bảo vệ, giữ gìn di sản mà các thế hệ cha ông đã để lại. Từ các thế hệ này sẽ hình thành nên những lớp người đóng góp cho di sản trong tương lai.

Hình thành thế hệ bảo tồn di sản trong tương lai

Chương trình hợp tác giáo dục di sản văn hóa Huế tại các trường học trên địa bàn tỉnh giữa Sở Giáo dục & Đào tạo và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được ký kết cuối năm 2019. Hai đơn vị đã xây dựng chương trình tìm hiểu, khám phá, tương tác các loại hình di sản phù hợp với học sinh các cấp: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; phối hợp biên soạn tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa Huế dùng cho học sinh, xây dựng các chuyên đề học tập lịch sử tại khu di sản, tổ chức các cuộc thi học sinh tìm hiểu di sản văn hóa Huế.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, việc phối hợp đưa chương trình giáo dục di sản vào trường học giúp học sinh được tiếp cận và hiểu được những giá trị di sản vật thể, phi vật thể cha ông để lại, giáo dục học sinh hiểu rõ lịch sử địa phương mình. Từ ý thức về giá trị di sản sẽ hình thành nên tình yêu với di sản, sự hiểu biết và ý thức quý trọng khi tiếp cận với những giá trị truyền thống.

Nhiều năm qua, ngành giáo dục cũng rất nỗ lực trong việc đưa di sản vào học đường thông qua việc tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm ở các trường học. Sử dụng di sản văn hóa để dạy học mang lại những kết quả tích cực; vừa giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, để các em chủ động khám phá, tìm hiểu về di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm, góp phần hoàn thiện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, tìm hiểu; vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với di sản văn hóa.

Theo ông Hải Trung, chương trình hợp tác giữa Sở Giáo dục & Đào tạo và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được ký kết trong 5 năm nhưng đây là hoạt động cần được duy trì thường xuyên và liên tục. (baothuathienhue.vn 17/1)

 
 
PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
 

1.  Bàn giao xuồng cứu hộ, cứu nạn cho Ban Chỉ huy quân sự huyện Phong Điền

Ngày 17/1, Thừa ủy quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã tổ chức bào giao 1 xuồng cứu hộ, cứu nạn ST-660 cho Ban CHQS huyện Phong Điền. Đây là đơn vị đầu tiên của LLVT tỉnh được Bộ Quốc phòng trang bị phương tiện thủy phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Xuồng ST-660 được Công ty TNHH MTV đóng tàu Sơn Hải, Bộ Quốc phòng đóng mới năm 2020 đạt tiêu chuẩn chất lượng; xuồng dùng máy do hãng YAMAHA Nhật Bản sản xuất và có các tính năng nổi trội trong công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai.

Xuồng có kích thước dài 7,23m, rộng 2,20m, chiều cao mạn nước 0,95m; thân vỏ làm bằng hợp kim nhôm; vận tốc thiết kế 22,5 hải lý/giờ; tổng công suất 115,0 mã lực; sức chở tối đa 12 người; đặc biệt xuồng có khả năng đi biển cấp sóng cho phép cấp 3.

Tại lễ bàn giao, Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh yêu cầu Ban CHQS huyện Phong Điền tiếp nhận, bảo quản và sử dụng xuồng đúng mục đích. Đồng thời nhấn mạnh, xuồng ST-660 là xuồng mới, do đó trước khi đưa vào sử dụng phải kiểm tra chặt chẽ các thông số kỹ thuật, tránh để xảy ra sai sót.

Ngoài ra, đơn vị cần tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên môn nắm chắc quy trình vận hành xuồng để khai thác tối đa tính năng hiệu quả của xuồng; quá trình sử dụng tổ chức bảo quản, bảo dưỡng theo đúng quy trình nhà sản xuất đã hướng dẫn để nâng cao hiệu quả, chất lượng của xuồng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại địa phương khi có thiên tai, bão, lụt. (baothuathienhue.vn 17/1)

 
 
Y TẾ
 

1.  Tuổi trẻ Ngành Y chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Chiều ngày 16/01/2021 tại Bệnh viện TW Huế, Đoàn Thanh niên Cộng sản Ngành Y tế tổ chức Hội nghị công tác thanh niên Ngành Y tế và Phát động phong trào “Tuổi trẻ Ngành Y chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

 

Tham dự hội nghị, có nhiều cán bộ Lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế; lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế và các đơn vị trực thuộc Bộ; các Bí thư, Phó Bí thư đoàn, thầy thuốc trẻ, các đoàn viên, thanh niên trong Ngành Y tế.

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban chỉ đạo công tác thanh niên Ngành Y tế cho biết, Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một xu thế lớn, hội tụ nhiều công nghệ trên nền tảng số hóa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba với sự phát triển đột phá của công nghệ Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các công nghệ số khác để thực hiện siêu kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa - vật lý - sinh học, giữa thế giới thực và không gian số tạo ra lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới, chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp xã hội, thậm chí thay đổi chính bản thân con người. Hội nghị lần này là nơi để lực lượng Thanh niên ngành Y tế có cơ hội giao lưu, chia sẽ các mô hình và cách làm hay trong công tác thanh niên, với chủ đề “Tuổi trẻ ngành y chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Đặc biệt, tại hội nghị đã phát động phong trào cán bộ, đoàn viên y tế tham gia “Mạng kết nối y tế Việt Nam”, đây là mạng có đặc điểm như một mạng xã hội, nhưng chỉ kết nối nội bộ giữa các cán bộ, thầy thuốc và nhân viên y tế trong ngành y tế Việt Nam.

Được biết, ngành Y tế triển khai “Mạng kết nối y tế Việt Nam” nhằm đạt được 3 mục tiêu chính là: (1) Triển khai ứng dụng mạng kết nối y tế Việt Nam đến 100% cán bộ, thầy thuốc và nhân viên y tế đang làm việc tại các đơn vị y tế  công lập và y tế tư nhân thông qua nền tảng web-base và các ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động, thiết bị thông minh và máy tính có kết nối internet; (2) Trên nền tảng “Mạng kết nối y tế Việt Nam” sẽ thực hiện việc truyền đạt, trao đổi và chia sẻ thông tin trong ngành y tế được nhanh chóng, chính xác; (3) Tăng cường đào tạo trực tuyến từ tuyến trên cho tuyến dưới giúp nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, thầy thuốc và nhân viên y tế tuyến dưới.

Cũng trong dịp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và các đại biểu đã tham gia tặng quà cho 100 bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn hiện đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế (mỗi bệnh nhân được tặng 01 túi quà và 1.000.000đ tiền mặt từ Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng).

Trước đó, sáng ngày 16/01/2021, Câu lạc bộ Bí thư Đoàn ngành y tế đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Bệnh viện TW Huế tổ chức họat động khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 200 người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Trạm Y tế xã Điền Hương, Huyện Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế; phát động Ngày hội “Sẽ chia giọt máu hồng” vận động được hơn 200 người tham gia hiến máu tình nguyện. (thuonghieucongluan.com.vn 17/1)

 
 
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
 

1.  Cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật học sinh trung học toàn quốc sẽ được tổ chức tại Huế

- Chiều 17/1, Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 đã trao giải cho 62/120 dự án đã xuất sắc đạt thứ hạng cao. Trong đó, có 7 giải nhất, 12 giải nhì, 18 giải ba và 25 giải tư.

Nhiều đề tài được đánh giá cao, như thiết bị kiểm tra và giám sát sức khỏe thông minh phòng chống COVID-19 theo công nghệ IOT và diệt khuẩn nano (Trường THCS Nguyễn Tri Phương); phát triển kỹ năng đồng cảm nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho học sinh THPT (Trường THPT Cao Thắng); bộ thiết bị chuyển đổi màn hình thường thành màn hình cảm ứng (THPT Hai Bà Trưng); đặc trưng của nhóm vi khuẩn phân hủy nilon phân lập từ môi trường chứa rác, nghiên cứu hoạt tính sinh học dịch chiết ốc kèn láng Hemifusus colosseus phân bổ ở vùng biển Thừa Thiên Huế (THPT chuyên Quốc Học Huế)…

Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao các đơn vị đã đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các trường học.

Ban tổ chức đã chọn 4 dự án xuất sắc, có tính thực tiễn cao tham gia vòng Chung kết Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật toàn quốc năm học 2020 – 2021 được tổ chức tại Huế vào tháng 3/2021. (baothuathienhue.vn 18/1)

 
 
THỂ THAO
 

1.  Khởi tranh giải cờ vua thanh thiếu nhi toàn tỉnh

Giải cờ vua thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên Huế lần IV - 2021 khởi tranh sáng 17/1 tại Trường THCS Thủy Dương (P. Thủy Dương – TX. Hương Thủy). Giải do Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp Thị đoàn Hương Thủy tổ chức.

Thu hút gần 100 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 8 trường THCS trên địa bàn TX. Hương Thủy, tại giải, các VĐV tranh tài nội dung cá nhân cờ tiêu chuẩn ở 2 khối lớp với 4 nhóm: nhóm 1, 2 dành cho các VĐV nam, nữ lớp 6, 7; nhóm 3, 4 dành cho các VĐV nam, nữ lớp 8, 9.

Giải là cơ sở nhằm phát triển phong trào tập luyện cờ vua trong trường học, qua đó phát hiện, chọn lọc các tài năng bổ sung cho tuyển cờ vua tỉnh.

Theo BTC, nhằm phát triển và nhân rộng phong trào cờ vua trong trường học toàn tỉnh, giải được tổ chức luân phiên mỗi năm một địa phương. Năm 2020, giải diễn ra ở Phú Vang. Dự kiến năm 2022, giải sẽ tổ chức ở TX. Hương Trà.

Giải sẽ kết thúc chiều cùng ngày. (baothuathienhue.vn 17/1)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Nâng chuẩn chất lượng dịch vụ lưu trú

Thời gian qua, nhiều khách sạn cũ được sửa chữa, nâng cấp, cùng với đó một số khách sạn mới được xây dựng, đã góp phần không nhỏ vào quá trình nâng chuẩn chất lượng dịch vụ lưu trú ở Huế.

Cạnh tranh bằng chất lượng

Gần đây, nếu ai đã đi qua đầu đường Lê Lợi, chắc chắn sẽ dành lời khen cho Khách sạn Silk Path Grand Huế Hotel & Spa, bởi sự kết hợp hài hòa giữa sự sang trọng, cùng với kiến trúc đậm nét châu Âu. Khách sạn này được nâng cấp và đổi tên mới từ Khách sạn Xanh trước đó. Ngày 8/1 vừa qua, khách sạn đã khai trương và được gắn bảng công nhận của Tổng cục Du lịch là khách sạn 5 sao. Đây đã là khách sạn 5 sao thứ 7 của Huế.

Đối diện với Khách sạn Silk Path Grand Huế Hotel & Spa là Khách Sạn Azerai La Residence Huế, luôn được biết đến là nơi đón tiếp những chính khách, nguyên thủ quốc gia hàng đầu khi đến Huế cũng đã hoàn tất việc nâng cấp chất lượng từ năm 2018 – 2020. Khách sạn thay đổi lại toàn bộ nội thất, khu vực sân vườn cũng được mở rộng, tạo không gian thoáng, rộng rãi… Giá dịch vụ tại khách sạn này tăng từ 30 – 50%. Khách sạn cho biết, định hướng phân khúc là những dòng khách cao cấp thật sự, với mức chi tiêu cao khi đến Huế.

Khi qua các tuyến phố trung tâm như Hùng Vương, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, Nguyễn Tri Phương… cũng sẽ bắt gặp nhiều khách sạn 4 sao mới đưa vào khai thác trong năm 2020. Đối diện với Bưu điện tỉnh là Khách sạn White Lotus. Khách sạn này có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc tân cổ điển và nghệ thuật sắp đặt tinh tế theo phong cách cung đình Huế. Cách đó không xa là Khách sạn Sena ở đường Nguyễn Tri Phương, cũng mang đậm phong cách Pháp kết hợp với văn hóa kiến trúc và nghệ thuật Huế.

Không dừng ở đó, các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng đang tiếp tục triển khai và trong quá trình gấp rút hoàn thành như, Khách sạn Thuận Hóa (2 Hùng Vương); Khách sạn tại ngã 5 Hà Nội, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Hoàng Hoa Thám và Nguyễn Tri Phương; Khu dịch vụ tổng hợp của Vietravel tại đường Nguyễn Huệ; xa hơn có Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Mỹ An, cách TP. Huế khoảng 7km....

Theo Phòng Quản lý Lưu trú, Sở Du lịch, tính đến đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 806 cơ sở lưu trú, với 13.043 phòng và 21.327 giường; trong đó, số khách sạn từ 1 - 5 sao là 66 cơ sở với 4.399 phòng và 7.305 giường. Riêng khách sạn từ 3 – 5 sao có 26 cơ sở với 3.321 phòng, 5.497 giường. Hiện, trong tổng số 421 khách sạn trên địa bàn có 144 khách sạn đã được công nhận hạng từ 1 sao đến 5 sao.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, không kể năm 2020, khách du lịch đến Huế giảm sâu vì dịch COVID-19, từ giai đoạn 2017 - 2019, tình trạng thiếu phòng chất lượng ở Huế (từ 3 - 5 sao) liên tục xảy ra. Với nhiều cơ sở được hình thành mới và nâng cấp chất lượng, lượng phòng chất lượng từ 3 - 5 sao ở Huế đã tăng gần 30%, góp phần giải quyết được nhu cầu phòng chất lượng của thị trường khi du lịch bình thường trở lại.

Tạo dựng thương hiệu du lịch đẳng cấp

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh phân tích, du lịch Huế hình thành và phát triển từ lâu, có những khách sạn lịch sử hơn 100 năm, tính truyền thống, thương hiệu vẫn phát huy, song xét về chất lượng, dịch vụ, cơ sở vật chất sẽ không bằng những khách sạn mới xây dựng. Với những thay đổi khá đậm nét về dịch vụ lưu trú thời gian qua, sự xuất hiện các cơ sở mới, các cơ sở cũ “thay áo” mới, hấp dẫn hơn đang từng bước tăng tính cạnh tranh và xây dựng lại thương hiệu về dịch vụ lưu trú cho Huế. Việc nâng chất lượng cũng là tiền đề quan trọng nhất để tăng giá dịch vụ lưu trú ở Huế.

Còn nhớ năm 2018, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch vào kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú ở Huế và có đánh giá rằng mặt chung về chất lượng lưu trú ở Huế đang ở mức trung bình. Thậm chí, tại đợt kiểm tra đó, có khách sạn đã bị tước sao và buộc phải nâng cấp cơ sở mới được gắn sao trở lại. Còn mới đây, cuối năm 2020, một đoàn công tác khác của Tổng cục Du lịch vào Huế thẩm định sao cho các cơ sở đã tỏ ra bất ngờ vì sự “chuyển động” theo hướng chất lượng của dịch vụ lưu trú ở Huế, trong khi nhiều địa phương khác đang tạm ngưng xây dựng, sửa chữa.

Ông Lê Hữu Minh cho biết, xu hướng du lịch hiện nay là chất lượng, du khách thường lựa chọn khách sạn cao sao, nên định hướng trong thời gian đến của ngành là khuyến khích các cơ sở nâng cấp cơ sở vật chất. Khách sạn có thể 3 sao, nhưng chất lượng cần được 4 sao. Một hạn chế của Huế là thiếu các cơ sở để tổ chức du lịch MICE có thể lên đến 1.000 khách, hay lớn hơn. Do đó, ngành du lịch sẽ tham mưu tỉnh để thu hút thêm các nhà đầu tư ở lĩnh vực lưu trú.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành du lịch 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, du lịch là động lực phát triển của Huế trong tương lai nên phải hướng đến chất lượng, đẳng cấp dựa trên văn hóa - di sản và một yếu tố không kém cạnh chính là hệ thống các khách sạn cao cấp, chất lượng, xứng tầm để xây dựng chuỗi dịch vụ cao cấp. Điều đáng mừng là hiện đang có một số nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu các dự án lưu trú cao cấp để có thể giúp Huế cụ thể hóa mục tiêu trên. (baothuathienhue.vn 18/1)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Cảnh giác với các trò chơi cảm giác mạnh

Trò chơi cảm giác mạnh luôn là điểm nhấn thu hút giới trẻ mỗi khi đến với các khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, đây cũng là những trò chơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Sự việc mới nhất khi 3 học sinh bị tai nạn, trong đó 1 em tử vong khu chơi trò chơi tàu lượn siêu tốc tại tỉnh Phú Thọ một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính an toàn của loại hình vui chơi, giải trí này. Tại TP Huế, các khu vui chơi chơi có trò cảm giác mạnh không nhiều, tuy nhiên, không phải vì thế mà chủ quan trong công tác quản lý, giám sát bởi sẽ là quá muộn nếu như tai nạn ập đến. (phóng sự ngắn TRT Huế 17/1)

 
 
 

2.  Huế: Bắt quả tang 7 đối tượng đang tổ chức đánh bạc

Một nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tổ chức đánh bạc thắng thua bằng tiền thì bị lực lượng chức năng tỉnh này phát hiện, bắt quả tang.

 Ngày 16/1, thông tin từ Công an xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị này vừa bắt quả tang một nhóm đối tượng trên địa bàn đang tổ chức đánh bạc thắng thua bằng tiền.

Theo cơ quan công an, thực hiện kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lực lượng Công an xã Phong Mỹ đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn xã.

 Trước đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an xã Phong Mỹ đã phát hiện và bắt quả tang 7 đối tượng đang tổ chức đánh bạc thắng thua bằng tiền tại nhà ông Nguyễn Hữu T., (SN 1977), trú thôn Lưu Hiền Hoà, xã Phong Mỹ.

 Tại thời điểm bắt quả tang, lực lượng công an thu giữ một số tang vật liên quan đến việc tổ chức đánh bạc.

 Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật. (nguoiduatin.vn 17/1)

 
 
 

3.  Truy tìm tung tích tử thi nổi trên sông Hương

Chiều 17/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế cho biết, đã phát đi thông báo truy tìm tung tích một tử thi chết nổi trên sông Hương.

Trước đó, người dân phát hiện tử thi nam nổi trên sông Hương đoạn số 588 đường Bùi Thị Xuân, phường Thủy Biều (TP. Huế). Ngay sau đó, Công an TP. Huế cùng các đơn vị chức năng phối hợp trục vớt và khám nghiệm tử thi để điều tra làm rõ.

Đặc điểm của tử thi khoảng từ 30 đến 35 tuổi, cao khoảng hơn 1,6 mét, nặng khoảng 65 kg, không mặc áo, mang quần Jean dài màu xanh.

Điều đặc biệt là, trên cơ thể bên ngực trái tử thi có hình xăm Đường Tam Tạng, ngực phải xăm hình Diêm Vương, hông trái xăm ký tự: Love never ends.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế thông báo mà mong muốn ai biết thông tin về tử thi này thì liên hệ Đội Điều tra tổng hợp - Công an TP. Huế (địa chỉ số 1 Võ Văn Tần, phường Phú Nhuận, điện thoại 0234. 3823279) để phối hợp sớm tìm ra tung tích nạn nhân. (baothuathienhue.vn 17/1)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Xây dựng “kịch bản” thu ngân sách

- Dự báo trong năm 2021, tình hình kinh tế sẽ chưa thực sự khả quan. Ngoài tìm kiếm các giải pháp tăng nguồn thu cố định, Cục Thuế tỉnh đang tăng cường rà soát các khoản thu phát sinh nhằm đảm bảo vượt dự toán thu ngân sách năm 2021.

Phấn đấu vượt 5-7% dự toán thu

Năm 2020, Cục Thuế tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Bão lụt xảy ra liên tục gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của người nộp thuế (NNT). Dù vậy trong năm, Cục Thuế tỉnh vẫn hoàn thành xuất sắc dự toán thu được giao với tổng thu 8.609 tỷ đồng, đạt 121,6% so với dự toán Bộ Tài chính, 121,5% so với dự toán HĐND tỉnh, tăng 8,8% so với thực hiện năm 2019, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành thuế cả nước.

Những con số trên là nỗ lực rất lớn của ngành thuế tỉnh khi ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm, Cục Thuế  tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thu NSNN, phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN được giao. Từ kinh nghiệm thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo công tác thu ngân sách năm 2020, Cục Thuế tinh đã quyết liệt ngay từ đầu năm nhằm thực hiện nhiệm vu thu năm 2021.

Theo ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, ngành thuế tỉnh đã xây dựng dự toán thu NSNN năm 2021 từ rất sớm. Theo đó, dự toán giao thu ngân sách năm 2021 là 6.065 tỷ đồng, giảm 28,3% so với thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh vẫn phấn đấu đảm bảo tăng tối thiểu từ 5-7% so với đánh giá thực hiện năm 2020, sau khi loại trừ giảm thu do chính sách và nguồn thu tăng đột biến.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chia sẻ, dự toán trên được hình thành trên cơ bản đảm bảo yêu cầu về tính tích cực, sát thực tế phát sinh, tổng hợp đầy đủ các khoản thu ngân sách mới trên địa bàn, rà soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế thu nhập DN, thuế nhà thầu. Đồng thời, phân tích, đánh giá cụ thể những tác động ảnh hưởng đến dự toán thu NSNN năm 2021 theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, từng khoản thu, sắc thuế. Dự toán cũng tập trung đánh giá ảnh hưởng nguồn thu do dịch bệnh, thiên tai, thực hiện các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế...

Giảm thất thu thuế

Trên cơ sở phân tích về những khả năng, kịch bản thu ngân sách diễn ra trong năm 2021 nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp với từng tình huống, đảm bảo nguồn thu.

Theo ông Khoa, để đảm bảo công tác thu ngân sách, Cục và các chi cục thuế đang triển khai dự toán thu ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2021. Hàng quý giao dự toán thu cho các đơn vị có dự toán thu đảm bảo tính khả thi, tích cực, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn. Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, chú trọng nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo tình hình, những tác động ảnh hưởng đến thu ngân sách trên địa bàn. Qua đó xác định nguồn thu còn tiềm năng, lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý có hiệu quá, kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp cùng phối hợp với cơ quan thuế tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán thu năm 2021.

Công tác thanh tra, kiểm tra thuế cũng đóng vai trò quan trọng, tác động lớn đến hiệu quả trong quản lý thuế, là một trong những giải pháp cơ bản phấn đấu quyết liệt hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao của toàn ngành.

Đại diện Phòng Thanh tra kiểm tra 3, Cục Thuế tỉnh thông tin, ngay từ đầu năm, phòng đã tham mưu kịp thời công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế toàn Cục thuế tỉnh để các đơn vị tập trung triển khai thực hiện. Theo đó, tập trung thanh kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro thất thu thuế cao, các doanh nghiệp trọng điểm, các doanh nghiệp có số thuế hoàn thuế lớn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết... nhằm giảm thất thu thuế.

Đồng thời phối hợp với Thanh tra tỉnh, rà soát điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp và giảm lượt thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “mỗi doanh nghiệp thanh kiểm tra không quá 1 lần trong 1 năm”.

“Ngoài tăng cường công tác thu, chống thất thu, Cục thuế tỉnh và các chi cục thuế huyện, thị, TP. Huế cũng sẽ bám sát tình hình “sức khỏe” DN thực hiện đầy đủ toàn diện các giải pháp hỗ trợ người NNT giúp NNT vượt qua khó khăn, khôi phục và duy trì sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ổn định bền vững cho NSNN”, ông Khoa khẳng định. (baothuathienhue.vn 17/1)

 
 
 

2.  Huế: Cấp phép thăm dò, giải bài toán khan hiếm vật liệu san lấp thi công

Sở TN&MT Thừa Thiên Huế vừa thông báo kết quả lựa chọn tổ chức cấp phép thăm dò khoáng sản đất làm vật liệu san lấp phục vụ thi công các dự án.

Cấp phép thăm dò khoáng sản đất làm vật liệu san lấp, giải quyết bài toán khan hiếm vật liệu đất đắp các dự án có sử dụng vốn ngân sách đang triển khai trên địa bàn Thừa Thiên Huế - Ảnh minh họa

Ngày 17/1, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa có thông báo về kết quả lựa chọn tổ chức cấp phép thăm dò khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà, nhằm phục vụ thi công các dự án có sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Theo đó, kết quả lựa chọn tổ chức cấp phép thăm dò khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực núi Ghích Dương 2 là Công ty TNHH MTV Tuấn Nhân và tại khu vực Vũng Chòi là Liên danh Công ty CP Thành An- Công ty TNHH MTV Hải Quốc Toàn.

Đây là những tổ chức được cấp phép thăm dò khoáng sản tại khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh nhằm phục vụ thi công các dự án có sử dụng vốn ngân sách gồm: Dự án Chương trình Phát triển các Đô thị loại II (Đô thị Xanh); Dự án mở rộng Nhà ga hành khách T2- Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ- La Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế, vị trí thăm dò loại khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực núi Gích Dương 2 (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) có diện tích 18,0ha và tại khu vực Vũng Chòi (phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà) diện tích 10,0ha.

Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, để đảm bảo nguồn cung khối lượng đất đắp theo tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn, trong đó có dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn… UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã họp, thống nhất chủ trương giải quyết và chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành thực hiện.

Cụ thể, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thống nhất chủ trương cho nâng công suất khai thác tối đa khối lượng tại các mỏ đáp ứng các điều kiện, thủ tục quy định; đảm bảo nhu cầu, khối lượng đất đắp (bao gồm cả đất san lấp và đất đắp nền đường) phục vụ cho các dự án trọng điểm trong năm 2020.

Tỉnh cũng yêu cầu doanh nghiệp đã được cấp phép thăm dò, khai thác khẩn trương có văn bản đề xuất phương án mở rộng, nâng công suất, khối lượng khai thác phù hợp với nhu cầu thực tế, gửi về Sở TN&MT trước ngày 25/5/2020.

Bên cạnh đó, giao Sở TN&MT khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu, có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các chủ trương nêu trên theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Hoàn chỉnh thủ tục và tổ chức lựa chọn theo tiêu chí để cấp giấy phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản phục vụ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Khẩn trương bổ sung khu vực đấu giá và khu vực không đấu giá vào quy hoạch, hoàn chỉnh thủ tục và đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ đảm bảo công suất, khối lượng khai thác phục vụ nhu cầu cho các dự án trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2020 và kỳ kế hoạch tiếp theo 2021-2025. (baogiaothong.vn 17/1)

 
 
 

3.  Thừa Thiên Huế: Cần có cơ chế để thúc đẩy mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng

Du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng ở Huế không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ cộng đồng trong việc khai thác và bán các sản phẩm từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, loại hình du lịch mới này đang cần có cơ chế, quy định cụ thể để phát triển bền vững.

14 doanh nghiệp hoạt động trang trại

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh làm trưởng đoàn, vừa có buổi làm việc và khảo sát thực trạng phát triển trang trại nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 245 trang trại nông nghiệp thuộc hộ gia đình, trong đó có 95 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020 của Bộ. Trong đó, có 13 trang trại trồng trọt, chiếm 5,33%; 89 trang trại chăn nuôi chiếm 36,3%; 9 trang trại lâm nghiệp chiếm 3,67%, 16 trang trại nuôi trồng thủy sản chiếm 6,5%; 118 trang trại tổng hợp chiếm 48,16%.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 14 doanh nghiệp hoạt động trang trại với tổng cộng 20 trang trại, tập trung ở 4 huyện: Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền, loại hình chủ yếu là chăn nuôi.

Triển vọng từ loại hình du lịch nông nghiệp

Cũng theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, những năm gần đây, công tác phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Qua đó việc kết hợp phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng ngày càng chặt chẽ, bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của Huế, từ đó tạo đà cho du lịch Thừa Thiên Huế từng bước phát triển, ngày càng thu hút du khách thập phương đến tham gia dã ngoại.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số tour, tuyến kết hợp du lịch cộng đồng trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, như: Trải nghiệm vườn Thanh trà Thủy Biều (TP. Huế); Mô hình trồng rau thủy canh, dưa lưới nhà kính hay các vườn hoa hướng dương trong lòng thành phố hoặc ở vùng Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy); vườn rau sạch A Lưới cũng thu hút đông đảo du khách.

Trung bình hàng năm, Thừa Thiên Huế đón khoảng 300.000 lượt khách đến với loại hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; doanh thu, thu nhập từ dịch vụ và du lịch nông nghiệp nông thôn ước đạt 50 tỷ đồng/năm.

Loại hình du lịch này cũng thu hút được nhiều lao động vùng nông thôn, các thôn bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động và chuyển dịch thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch; nâng cao bước đầu nhận thức về du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bến vững cho người lao động trong vùng có phát triển du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, Farmstay, Homestay, du lịch trang trại, du lịch cộng đồng là các loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới xuất hiện trên địa bàn từ năm 2017. Các mô hình này là điểm nhấn cho sự trải nghiệm của khách du lịch về vùng đất nông nghiệp, nông thôn hoang sơ cũng như các loại hình văn hóa cộng đồng, ẩm thực của các vùng khác nhau và của người dân bản địa.

Các loại hình du lịch này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ cộng đồng trong việc khai thác và bán các sản phẩm từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho khách du lịch và thị trường.

Cần sớm có cơ chế quản lý mô hình du lịch nông nghiệp

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, loại hình Farmstay, Homestay, du lịch trang trại, du lịch cộng đồng đang là mô hình phát triển du lịch khá bền vững với phương châm bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cư dân bản địa, phát huy giá trị cảnh quan tự nhiên, sinh thái, giá trị nông, lâm nghiệp sẵn có trên địa bàn kết hợp phát triển sản xuất và phục vụ du lịch.

Tuy nhiên, cơ chế về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trong khai thác và phục vụ loại hình du lịch này còn lúng túng, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể; nguồn lực địa phương vẫn còn hạn chế, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức như hệ thống đường xá, cầu gỗ tạm bợ.

Cạnh đó, mô hình trang trại nghỉ dưỡng hoạt động chủ yếu dựa vào thời tiết và mùa vụ, lao động hoạt động theo thời vụ nên công tác quản lý mô hình vẫn còn gặp nhiều khó khăn; mô hình trang trại chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ, tự phát và chưa thực sự được đầu tư bài bản.

“Để hoạt động của loại hình này được phát triển, Bộ NN&PTNT, Bộ VH-TT&DL và các ngành liên quan, cần sớm xem xét hướng dẫn về cơ chế quản lý đất đai trong khai thác phục vụ phát triển du lịch; hướng dẫn các địa phương trong công tác lập quy hoạch và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ đối với từng loại hình du lịch. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại hình trang trại, HTX nông nghiệp kết hợp du lịch”, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh đánh giá cao hoạt động của các loại hình du lịch kết hợp với phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua.

Ông Thịnh khẳng định, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tiềm năng để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, để mô hình này đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt Nghị định số 52/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

“Thừa Thiên Huế cũng cần củng cố, xây dựng một số mô hình điểm nhấn về du lịch nông nghiệp, nông thôn; rà soát lại các cơ chế, chính sách của địa phương nhằm đảm bảo việc quản lý đất đai, đào tạo nguồn lao động nông thôn”, Cục trưởng Lê Đức Thịnh đề nghị. (doanhnghiepvn.vn 17/1)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.448.908
Truy cập hiện tại 1.174