Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 14/01/2021
Ngày cập nhật 14/01/2021
TIN NÓNG
 

1.  Sau khánh thành, hầm Hải Vân lại bị “bắt làm con tin” dừng vận hành

Sau khi tổ chức khánh thành và thông xe rầm rộ, với các kỳ vọng về phát triển kinh tế, giảm ùn tắc giao thông… nhưng nhà đầu tư hầm Hải Vân 2 chỉ mở cửa khai thác trong 20 ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, sau đó sẽ đóng cửa hầm. Theo nhà đầu tư, họ đã thực hiện đúng cam kết, nhưng nhà nước chưa thực hiện đủ nghĩa vụ về tài chính của mình, gây khó khăn về tài chính cho nhà đầu tư.

Trước đó, ngày 11/1/2020, Bộ GTVT đã tổ chức lễ khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2 nối Huế và Đà Nẵng, dự án do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư theo hình thức BOT. Hầm Hải Vân 2 đưa vào sử dụng được kỳ vọng sẽ giảm tải cho hầm Hải Vân 1 đã 15 năm hoạt động, đảm bảo lưu thông thông suốt trên tuyến Quốc lộ 1A, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng…

Tuy nhiên, phía nhà đầu tư cho biết, sau khánh thành, hầm Hải Vân 2 chỉ hoạt động 20 ngày từ ngày 1 – 21/2/2021 (tức từ ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý tới ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu). Sau đó, hầm Hải Vân 2 tạm dừng vận hành (hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động).

Lý giải cho vấn đề trên, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hầm Hải Vân 2 là một trong 4 dự án thành phần thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, hầm Cù Mông và Hải Vân 2 (gồm cả cải tạo nâng cấp hầm Hải Vân 1). Tổng vốn đầu tư dự án là 21.612 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 5.048 tỷ đồng.

Theo nhà đầu tư, tới nay nhà đầu đã hoàn thành nghĩa vụ của mình theo hợp đồng là đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án, nhưng Nhà nước (cụ thể là Bộ GTVT) vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Cụ thể, tới nay nhà nước mới giải ngân 1 phần tiền hỗ trợ từ ngân sách cho dự án, vẫn còn 1.180 tỷ đồng chưa giải ngân cho nhà đầu tư theo cam kết.

Chưa kể, hiện Bộ GTVT cũng chưa phê duyệt phương án thu phí để nhà đầu tư thu hồi vốn cho dự án hầm Hải Vân 2, nên nếu khai thác hầm nhà đầu tư sẽ phải tự bỏ tiền để vận hành. Còn trạm thu phí Bắc Hải Vân hiện chỉ thu phí để thu hồi vốn và chi phí vận hành hầm Hải Vân 1.

Do đó, nhà đầu tư chưa có nguồn kinh phí để thực hiện vận hành hầm Hải Vân 2. Việc mở cửa hầm Hải Vân 2 để khai thác trong 20 ngày Tết Nguyên đán là tự nguyện từ phía nhà đầu tư, nhà đầu tư tự bỏ chi phí vận hành, còn khi nào các vấn đề được giải quyết mới mở cửa khai thác hầm Hải Vân 2.

Trước đó, cuối năm 2020, Bộ GTVT cũng có văn bản báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý dứt điểm vướng mắc theo cam kết thực hiện dự án trên, đặc biệt là khoản tiền 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho dự án và cơ chế trạm thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan (trả bằng quyền thu phí, nhưng dự án này không được thu phí). Do đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chấp thuận bố trí 1.180 tỷ đồng vốn nhà nước theo kế hoạch để hỗ trợ dự án theo chủ trương đã được chấp thuận và hợp đồng đã ký kết.

Điều đáng nói, đây không phải dự án đầu tiên nhà đầu tư Đèo Cả chỉ mở cửa khai thác vài ngày sau khi thông xe, khánh thành, sau đó lại đóng cửa để chờ cơ quan nhà nước giải quyết các vướng mắc với phía doanh nghiệp.

Trước đó, dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn cũng do Tập đoàn Đèo Cả đầu tư theo hình thức BOT, dù tổ chức thông xe kỹ thuật từ ngày 29/9/2019, nhưng sau đó đóng lại. Tới Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, nhà đầu tư mở cửa cho phương tiện lưu thông miễn phí trong 30 ngày, sau đó lại tiếp tục đóng. Tới tháng 2/2020, khi UBND tỉnh Lạng Sơn có quyết định cho thu phí, nhà đầu tư mới mở cửa khai thác trở lại dự án này.

Ngay với hầm Hải Vân 1 (phần nâng cấp) và hầm Đèo Cả, cũng do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư theo hình thức BOT, cuối năm 2018, nhà đầu tư này cũng có văn bản đề nghị dừng vận hành hầm, trả dự án cho Bộ GTVT nếu không giải quyết được các vướng mắc liên quan tới phần tiền ngân sách hỗ trợ dự án và thu phí.

Ở một dự án khác, là tuyến BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, cũng vì Bộ GTVT chưa thực hiện đầy đủ cam kết về thu phí, nên nhà đầu tư của dự án này cũng có văn bản kêu cứu cả lên Quốc hội và đề nghị trả dự án.

Việc chưa thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng BOT không chỉ có ở các dự án trên, nhưng cách hành xử của các nhà đầu tư lại khác nhau. Điển hình là cao tốc Hà Nội – Hải Phòng,  sau nhiều năm đưa vào sử dụng, tới nay các khoản hỗ trợ vẫn chưa được thanh toán hết cho nhà đầu tư, toàn bộ chi phí nhà đầu tư vẫn phải gánh. Tuy nhiên, nhà đầu tư dự án là Tổng Cty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) vẫn vận hành dự án, thay vì “doạ” trả nhà nước hay đóng đường.

Thậm chí dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang), tới nay vẫn chưa được thu phí, nhưng nhà đầu tư vẫn tiếp tục vận hành tuyến đường.

Theo các chuyên gia giao thông, không thể lấy dự án giao thông ra làm “con tin”, vì theo quy định hiện hành đây là tài sản quốc gia, còn các cam kết từ phía nhà nước theo hợp đồng nếu chưa thực hiện phải được xử lý theo các điều khoản về giải quyết tranh chấp của hợp đồng.(tienphong.vn 13/01)

 
 
 

2.  Tổng Công ty Thủy điện Bình điền còn nợ hơn 10 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế

(congluan.vn 13/01)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  “Xuân tình nguyện - Vì hạnh phúc trẻ thơ” ở Phong Điền

Ngày 13/1, Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và Huyện đoàn Phong Điền tổ chức Chương trình “Xuân tình nguyện - Vì hạnh phúc trẻ thơ năm 2021”.

Với tinh thần nhân ái, chia sẻ khó khăn và mong muốn mang đến một mùa xuân ấm áp, thật ý nghĩa, chương trình trao tặng 20 xe đạp cho 20 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Phong Điền, trị giá mỗi chiếc xe đạp hơn 1,4 triệu đồng; trao 500 phần quà gồm cặp sách, vở, bút cho 500 học sinh trường tiểu học và trung học cơ sở xã Phong Bình, mỗi phần quà trị giá hơn 300 nghìn đồng. Tổng giá trị chương trình trên 190 triệu đồng.

Anh Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Huyện đoàn Phong Điền chia sẻ: "Chương trình nhằm động viên tinh thần và mong muốn các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên để học tập tốt, trở thành con ngoan trò giỏi, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng, các tổ chức trong công tác an sinh xã hội, vì hạnh phúc trẻ thơ”. (baothuathienhue.vn 13/01)

 
 
 

2.  Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm

Chiều 12/1, Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2021.

Năm 2020, VKSND 2 cấp kiểm sát 1.199 tin báo, giải quyết 1.096 tin đúng thời hạn. Toàn ngành thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 914 vụ/1510 bị can, đã ra quyết định truy tố 682 vụ/1154 bị can đúng thời hạn, đình chỉ 2 vụ/4 bị can, tỷ lệ giải quyết đạt 99,6% (vượt chỉ tiêu 4,6%); Thụ lý kiểm sát xét xử sơ thẩm 721 vụ/1247 bị cáo. Đã thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 565 vụ/1003 bị cáo, kiểm sát xét xử phúc thẩm 202 vụ/256 bị cáo.

Các mức án tòa tuyên cơ bản phù hợp với đề nghị của viện kiểm sát. Việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không có trường hợp nào đình chỉ vì không cấu thành tội phạm hay tòa án xét xử tuyên không có tội. Không có vụ án nào kiểm sát viên phải rút quyết định truy tố. Không có trường hợp nào tòa án xử khác tội danh, điều khoản viện kiểm sát truy tố…

Với những thành tích nổi bật trong năm 2020, Đảng bộ VKSND tỉnh được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, VKSND tỉnh được xếp loại “Tập thể lao động xuất sắc và vinh dự được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Cờ thi đua ngành Kiểm sát Nhân dân.

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm được triển khai tại hội nghị. Trong đó nhấn mạnh: VKSND 2 cấp tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, xem đây là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu; nâng cao trách nhiệm và vai trò, chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp. Tiếp tục thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong đấu tranh, phòng chống tham những, lãng phí. (baothuathienhue.vn 12/01)

 
 
 

3.  Thúc đẩy hiệu năng

Khi mọi cơ quan công quyền đều vận hành trên nền tảng số, lợi ích sẽ được chia đến tất cả các đối tượng điều hành, được điều hành và chi phối bởi những thành quả hữu hiệu của chính phủ điện tử.

Tiết kiệm cho quốc gia hơn 15.000 tỷ đồng/năm là con số được đưa ra tại hội thảo trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số” vào ngày 8/1 vừa qua.

Phát biểu tại hội thảo này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, thành quả này đã đến từ việc tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai vận hành liên thông các trục liên thông văn bản quốc gia, Trung tâm Báo cáo quốc gia và Trung tâm Điều hành thông tin của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ thống thông tin phục vụ họp, hội nghị của Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia… Quan trọng hơn, những điều này đã làm thay đổi mạnh mẽ phương thức hoạt động trong các cơ quan Nhà nước, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Khi mọi cơ quan công quyền đều vận hành trên nền tảng số, lợi ích sẽ được chia đến tất cả các đối tượng điều hành, được điều hành và chi phối bởi những thành quả hữu hiệu của chính phủ điện tử. Chi phí sẽ ít đi, rủi ro được hạn chế và kiểm soát tốt hơn trên cơ sở của sự chính xác hơn, nhanh hơn, gọn hơn, dễ tiếp cận trên nền tảng công khai và minh bạch.

Đặt trong xu hướng tất yếu, việc phát triển chính phủ điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là dư địa để phát triển kinh tế, cũng như là nền tảng để hội nhập quốc tế. Đây cũng là mục tiêu xuyên suốt của Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 mà Thủ tướng vừa ban hành vào ngày 31/12/2020.

Trên đường “chạy” này, Chính phủ đã xác định đến 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm cũng với những mục tiêu cơ bản khác như đến năm 2030 duy trì xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên hiệp Viễn thông quốc tế (ITU) thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; chỉ số Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 50 nước đứng đầu… và vấn đề cốt lõi nhất, vẫn là mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và sức khỏe của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và gắn kết chặt chẽ quá trình ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công tác bảo vệ an ninh mạng.

Trong “đường chạy” này, Thừa Thiên Huế cũng đã trở thành một địa phương với những sức bật được kiến tạo, định hình và xây dựng thành công kiến trúc chính quyền điện tử Thừa Thiên Huế với các hệ thống hạ tầng thiết yếu. Các cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã đều đã triển khai cổng dịch vụ công, với sự tích hợp các dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ thanh toán trực tuyến và các dịch vụ thành phố thông minh khác… Việc luôn đứng ở top dẫn đầu bảng Chỉ số phát triển chính phủ điện tử cấp tỉnh trong những năm gần đây đã cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm cao của tỉnh ở lĩnh vực này. Điều ấy cũng có nghĩa là, hiệu năng của một chính quyền điện tử đã và vẫn tiếp tục được thúc đẩy, và Thừa Thiên Huế vẫn hướng về phía trước để gây dựng vị thế ở dư địa này. (baothuathienhue.vn 13/01)

 
 
 

4.  Kiểm soát chặt vùng biên dịp giáp tết

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trong khi nhu cầu thăm thân, về quê dịp tết tăng cao, lực lượng bộ đội biên phòng và các ngành chức năng tại A Lưới đang triển khai nhiều biện pháp kiểm soát chặt vùng biên, nhất là khu vực đường mòn, lối mở.

Trực kiểm soát 24/24h

Giữa cái mưa rét chỉ 13 - 14 độ ở vùng biên giới, các cán bộ, chiến sĩ chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân vẫn nghiêm túc trực làm nhiệm vụ dưới rừng giăng sương lạnh. Mỗi ngày 3 ca, kéo dài từ 7 giờ sáng đến ngày hôm sau, các cán bộ, chiến sĩ vừa luân phiên trực, vừa tự phân công lo những bữa ăn cho nhau. Thiếu tá Mai Quốc Trung, chốt trưởng một chốt kiểm soát tại đây, khẳng định: “Diễn biến dịch vẫn còn phức tạp, trong khi tình hình nhập cảnh trái phép ở một số địa phương xuất hiện. Nhu cầu thăm thân dịp tết rất lớn nên càng không thể lơ là”.

Gần giáp Tết Tân Sửu, tại vùng biên giới giáp Lào, 4 đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn huyện A Lưới vẫn đang duy trì hoạt động của 18 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 cùng các tổ tuần tra. So với những ngày thường, giai đoạn giáp tết người dân khu vực giáp biên có nhu cầu qua lại cao do có người thân đang sinh sống và mong muốn về ăn tết, chúc tết. Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới phân tích, bình quân mỗi năm có khoảng 150 – 200 người dân ở Lào về quê ăn tết cổ truyền và thăm thân. Năm nay, do tình hình dịch nên các cửa khẩu vẫn tạm thời “đóng cửa”. Lo ngại người dân sẽ tìm đường mòn, lối mở để trở về là không tránh khỏi, vì vậy phải thắt chặt phòng chống dịch trên tuyến biên giới.

Thượng tá Nguyễn Trung Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cho biết, tại khu vực do đồn quản lý có 4 chốt kiểm soát để ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép, trốn tránh dịch qua đường mòn, lối mở cùng một tổ tuần tra cơ động dọc tuyến quốc lộ, dọc các nhánh cửa khẩu trên địa bàn quản lý thuộc các xã Hồng Vân, Hồng Thủy và Trung Sơn. “Chúng tôi bố trí hơn 30 chiến sĩ làm nhiệm vụ trên. Đặc biệt, càng giáp tết sẽ tăng cường thêm lực lượng phù hợp với tình hình thực tiễn”, thượng tá Nguyễn Trung Sơn nhấn mạnh.

Cùng với việc tổ chức kiểm soát tại các chốt và tuần tra, lực lượng các đồn biên phòng cũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phòng chống dịch. Trung tá Hồ Văn Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhâm cho biết, ngoài tuyên truyền lưu động, hiện nay, cán bộ, chiến sĩ đã triển khai đến nhà các hộ gia đình để nắm số lượng, tình hình người dân làm việc ở nước bạn, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhắc nhở người thân của họ tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch và cảnh báo những vi phạm, nguy cơ gây mất an toàn khi họ trốn tránh dịch qua đường mòn, lối mở.

Dịp gần tết năm nay thời tiết mưa lạnh, để đáp ứng nhiệm vụ lâu dài, các cán bộ, chiến sĩ tại các đồn biên phòng đã thực hiện tăng gia sản xuất ngay tại chốt theo mô hình trồng rau, nuôi gia cầm để tự phục vụ bữa ăn. Các chốt kiểm soát cũng được dựng lại kiên cố hơn dựa trên cách tận dụng cây rừng, tôn thay cho lán trại như trước đây. Theo Thiếu tá Mai Quốc Trung, chốt mới được làm lại có thể tránh ẩm, mưa gió đảm bảo sức khỏe tốt hơn cho cán bộ, chiến sĩ, vì vậy có thể đảm bảo công tác tốt, trực làm nhiệm vụ 24/24h.

Phát huy vai trò lực lượng liên ngành

Cùng với việc kiểm soát kỹ trên tuyến biên giới, những ngày qua tại huyện A Lưới, các lực lượng chức năng cũng đang tiếp tục tiến hành vận động người dân tuân thủ quy định, khuyến cáo 5K (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tập trung – khai báo y tế) nhằm phối hợp tốt hơn để giữ an toàn phòng dịch nơi vùng biên.

Ông Nguyễn Quốc Cường cho biết, theo rà soát có khoảng 2.000 người lao động, học sinh và sinh viên từ các địa phương ngoại tỉnh có thể trở về quê ăn tết, trong đó có một số trường hợp đang sinh sống tại các địa phương có lo ngại liên quan đến những ca nhiễm COVID-19. Song song với công tác nắm chắc các đối tượng, huyện A Lưới đang phát huy vai trò của nhiều lực lượng: y tế, biên phòng, quân sự, công an, thanh niên, dân quân tự vệ, phụ nữ… trong triển khai các giải pháp nắm rõ thông tin, hướng dẫn, tuyên truyền người dân. Ngoài ra, các lực lượng như phụ nữ, thanh niên các địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi, góp sức nấu một số bữa ăn động viên tinh thần lực lượng biên phòng tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch nơi tuyến biên giới.

Huyện A Lưới cũng sẵn sàng kích hoạt lại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 liên ngành trên tuyến quốc lộ qua xã Hồng Vân, A Roàng và Hương Nguyên trong tình hình mới khi có yêu cầu nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong giai đoạn Tết Tân Sửu đang đến gần.

Hiện tại, huyện A Lưới có 18 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19, trong đó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân 4 chốt, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt 6 chốt, Đồn Biên phòng Nhâm 5 chốt và Đồn Biên phòng Hương Nguyên 3 chốt. (baothuathienhue.vn 13/01)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 3: Hồi sinh bộ tạp chí hàng đầu Đông Dương

Một sự kiện làm nức lòng giới nghiên cứu văn hóa - lịch sử vào 24 năm trước, đó là việc Nhà xuất bản (NXB) Thuận Hóa cho ra mắt bộ sách Những người bạn cố đô Huế. Vì sao họ vui mừng?

Vì đó chính là bộ tập san Bulletin des amis du Vieux Hué, thường gọi tắt là BAVH, một tạp chí hàng đầu Đông Dương ra đời từ năm 1914, chuyên nghiên cứu Huế và Việt Nam.

Phải đưa sách quý ra khỏi kho

Vào thời điểm đó, tháng 10-1997, không ai nghĩ bộ tạp chí với quy mô đồ sộ 16.000 trang tiếng Pháp có thể dịch hết sang tiếng Việt. Và nhiều lý do "nhạy cảm" khác, khiến những sách báo như thế rất khó được xuất bản.

Mọi việc đã khởi sự vào cuối thập niên 1980, từ quyết tâm cháy bỏng của ông Vương Hồng, giám đốc kiêm tổng biên tập NXB Thuận Hóa: phải tổ chức dịch thuật và xuất bản cho bằng được những bộ sách sử, thư tịch quan trọng được viết bằng chữ Hán và Pháp văn.

Đến đầu thập niên 1990, các bộ sử triều Nguyễn như Đại Nam nhất thống chí (5 tập), Đại Nam hội điển sự lệ (15 tập), Đại Nam liệt truyện (4 tập) lần lượt ra mắt trong sự vui mừng của giới nghiên cứu và giảng dạy văn sử cả nước.

Sau khi các bộ sử triều Nguyễn được dịch và xuất bản một cách êm thấm thì NXB Thuận Hóa liền bắt tay vào việc hồi sinh cho bộ tập san BAVH lừng danh một thuở vẫn đang nằm "chết lặng" trong kho sách của các thư viện.

Ông Nguyễn Duy Tờ, giám đốc NXB Thuận Hóa hiện nay, bấy giờ là người giúp việc cho giám đốc Vương Hồng, kể rằng lúc đó rất hiếm người đụng đến BAVH vì ít người hậu thế đọc được tiếng Pháp, và vì yếu tố "nhạy cảm" nữa, bộ tạp chí được thành lập bởi các nhà giáo sĩ thừa sai và quan chức Pháp cai trị thuộc địa...

Ông Vương Hồng quyết định phải đưa BAVH ra khỏi kho sách.

Việc đầu tiên là phải tìm cho ra đủ tư liệu gốc của bộ tập san đã ra đời từ đầu thế kỷ 20, với 123 số báo xuất bản trong 30 năm 6 tháng. Qua bao nắng mưa lụt bão, bom đạn chiến tranh, không một tủ sách nào ở Huế còn giữ đủ bộ BAVH.

Thật may mắn, trong kho của thư viện Trường đại học Tổng hợp Huế vốn là thư viện của Viện đại học Huế vẫn còn khá đủ BAVH. Lục tìm thêm thư viện của các nhà nghiên cứu là có đủ bộ tập san nguyên bản tiếng Pháp.

Việc tiếp theo là xây dựng bảng kê tác phẩm và tác giả BAVH nhằm hình dung diện mạo bộ sách và lập kế hoạch xuất bản để mang đi thuyết phục những "cửa" khác: xin phép xuất bản, tìm kinh phí, huy động lực lượng dịch thuật, in ấn, phát hành...

"Cửa" nào cũng hanh thông

Cứ tưởng "cửa" khó nhất là thuyết phục lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (chủ quản của NXB) cho phép xuất bản bộ tập san của các nhà truyền đạo và quan tây, nhưng không ngờ "cửa" này qua rất nhanh.

"Sách do linh mục và quan tây viết, nhưng là viết nghiên cứu về văn hóa - lịch sử, chứ không tuyên truyền chính trị, cần phải in lại để phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập hôm nay". Lập luận của ông Vương Hồng đã thuyết phục được lãnh đạo tỉnh.

Sự hanh thông đó chính là nhờ hậu thuẫn của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Khi NXB lên kế hoạch xuất bản BAVH bằng tiếng Việt thì ông Điềm đang là trưởng Ban tuyên giáo, sau đó là phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, khi bộ sách dịch sắp xong thì ông Điềm đã ra Hà Nội làm thứ trưởng Bộ Văn hóa (11-1994), mà bộ trưởng lại là nhạc sĩ Trần Hoàn, vốn là trưởng Ty Văn hóa - thông tin Bình Trị Thiên kiêm giám đốc đầu tiên của NXB Thuận Hóa.

Không những cấp phép xuất bản rất nhanh mà Bộ Văn hóa còn giúp một khoản kinh phí để sưu tầm tài liệu và tổ chức dịch thuật.

Cánh cửa này mở ra thì những cánh cửa khác cũng hanh thông. Viện Sử học rất ủng hộ và mong chờ sách ra. Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội nghe tin cũng rất vui mừng. Một đội ngũ dịch thuật tiếng Pháp rất hùng hậu của Huế đã có mặt và vô cùng hào hứng với việc làm sống lại BAVH.

Những trang bản dịch đầu tiên lần lượt ra đời, chủ yếu là viết bằng tay, giờ vẫn còn lưu lại trên giá sách ở phòng làm việc của giám đốc Nguyễn Duy Tờ như là hiện vật của một sự kiện xuất bản nhớ đời.

Tạp chí hàng đầu Đông Dương

Vào ngày 16-11-1913, tại Tân Thư Viện nằm bên cạnh Hoàng cung Huế (nay là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), "Hội những người bạn của Huế xưa" (Association des Amis du Vieux Hué, viết tắt là AAVH) chính thức ra mắt với 17 hội viên.

Bản điều lệ hội ghi rõ nhiệm vụ và mục đích của hội là "sưu tầm bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ, liên quan đến Huế và phụ cận".

Để thực hiện mục đích đó, AAVH xuất bản một tập san ba tháng một kỳ để đăng các nghiên cứu của hội viên, có tên là Bulletin des Amis du Vieux Hué (Tập san những người bạn của Huế xưa, viết tắt là BAVH) do linh mục Léopold Cadière làm chủ bút.

Chỉ vài tháng sau khi ra mắt hội, số tập san đầu tiên của quý 1-1914 đã được xuất bản.

Đến năm 1944, hội viên của AAVH tăng lên đến gần 500 người. Cộng tác viên của tạp chí cũng mở rộng ra cả nước, cả Đông Dương, sang tận châu Âu, châu Mỹ, với hơn 140 người. Họ không chỉ là linh mục, quan chức, công chức hay bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, nhà giáo, mà có cả binh lính, nhân viên tài chính, nhà buôn...

Ban đầu họ xác định chỉ nghiên cứu Huế và vùng phụ cận, nhưng trên thực tế đã mở rộng địa bàn nghiên cứu ra cả Đông Dương. Nhiều công trình nghiên cứu đăng trên BAVH về sau được tách ra in riêng thành những cuốn sách giá trị, vẫn còn tái bản hàng chục lần cho đến tận bây giờ, như Nghệ thuật Huế (L’Art à Hué), Những kẻ săn máu (Les Chasseurs de sang), An Tĩnh cổ lục (Le vieux An Tinh)...

Đến tháng 6-1944, vì những biến cố của thời cuộc, AAVH phải ngừng hoạt động và BAVH cũng phải đình bản.

Trong hơn 30 năm hoạt động với một khối lượng nghiên cứu khoa học đồ sộ, cùng các hoạt động thư viện, bảo tàng, bảo tồn di sản, "Hội những người bạn của Huế xưa" đã thực hiện được một trong những nhiệm vụ lớn nhất của nước Pháp ở Viễn Đông, theo đánh giá của báo Le Monde ngày 17-5-1998.

BAVH cùng với tập san BEFEO (của Viện Viễn Đông Bác Cổ) và tuần san INDOCHINE được xem là những tạp chí hàng đầu Đông Dương.

Công trình đồ sộ được "nghiên cứu trong ngày chủ nhật"

Dịch giả Bửu Ý cho hay tất cả hội viên AAVH đều không phải là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, họ làm việc này như là "công việc tay trái" và Cadière thì gọi "chúng tôi là những người nghiên cứu trong ngày chủ nhật".

Vậy mà công trình của họ thì quá đồ sộ, có giá trị cho đến tận bây giờ, và có lẽ mãi mãi về sau. Đúng như sứ mệnh mà họ đã đặt ra từ hơn một thế kỷ trước: "Truyền đến cho các thế hệ mai sau tầm nhìn chân chính về Việt Nam xưa, trước khi nó bị biến mất hẳn".

Cadière được xem là một trong những người đặt nền móng cho việc nghiên cứu Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, và hội AAVH cùng tập san BAVH đã trở thành như một "Hàn lâm viện địa phương".

Điều đó, từ năm 1933 Cadière đã tự nhận thấy: "Những ai muốn nghiên cứu các sự vật ở Huế và cả Việt Nam, đều phải tham khảo tập san, nếu họ muốn làm một việc đến nơi đến chốn".

BAVH xuất bản 3 tháng một kỳ tại Nhà in Viễn Đông (Hà Nội) với số lượng in mỗi tập san là 650 bản (đến cuối 1943).

Tổng cộng BAVH đã xuất bản được 123 số báo (gồm 104 số nội dung và 2 số danh mục, gọi là "bản dẫn"), in thành 106 tập, với 558 bài viết, 16.000 trang viết, 3.200 phụ bản (tranh vẽ, bản đồ...), 800 ảnh đen trắng và màu, với đủ các lĩnh vực: lịch sử, địa lý, dân tộc, khảo cổ, ngôn ngữ, tôn giáo, mỹ thuật, âm nhạc, văn học, kiến trúc...

(Theo BAVH và sách Thân thế và sự nghiệp của L. Cadière, NXB Tri Thức 2011)

Năm đó mà NXB Thuận Hóa dám xuất bản cả bộ BAVH bằng tiếng Việt là "cả gan" lắm. Một bộ sách mà qua ba đời giám đốc mới xuất bản xong, kéo dài hơn 25 năm kể từ khi bắt tay thực hiện đến khi ra tập cuối cùng.

Kỳ tới: Bộ sách để đời (tuoitre.vn 13/01)

 
 
 

2.  Nâng cao vị thế của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Nâng cao vị thế không chỉ trong nước mà vươn tầm quốc tế phải là mục tiêu xuyên suốt của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong quá trình phát triển. Đây là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh - Phan Ngọc Thọ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vào sáng 13/1.

Năm 2020, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiên tai bão lụt. Lượng khách tham quan giảm mạnh, nguồn thu không đảm bảo nên hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế cũng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, tập thể cán bộ, viên chức và người lao động đơn vị đã bám sát các mục tiêu, chương trình công tác, nỗ lực vượt qua khó khăn và hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản.

Trong phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm mới, trung tâm tập trung vào việc nghiên cứu các giải pháp chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan và phát huy giá trị khu vực Thượng thành thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế sau khi di dời dân cư, giải phóng mặt bằng; hoàn thành đề án đổi mới mô hình tổ chức bộ máy và hoạt động của trung tâm; xúc tiến, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng trong công tác tuyên truyền quảng bá, thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ du khách...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, đã vươn lên phát huy vai trò trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Trong nhiệm vụ sắp tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trung tâm cần tập trung đổi mới mô hình tổ chức hoạt động phù hợp với giai đoạn mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo tồn và phát huy giá trị cao nhất những di sản cha ông để lại.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trước hết, trung tâm phải mạnh dạn đổi mới tư duy, nhận thức, xây dựng chiến lược quản lý, phát triển. Bên cạnh đó, đơn vị cũng cần nghiên cứu cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn, khai thác giá trị của di tích, tăng thặng dư dịch vụ thay vì tăng nguồn thu bán vé như hiện nay, đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó có bán vé điện tử để tăng tính minh bạch trong quản lý... (baothuathienhue.vn 13/01)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Tiếp tục hỗ trợ một địa chỉ cần giúp đỡ

Chiều 13/1, Báo Thừa Thiên Huế tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương trao tổng số tiền 3 triệu đồng do bạn đọc hỗ trợ cho hộ gia đình bà Đặng Thị Đáng ở thôn Quảng Xuyên, xã Phú Xuân (huyện Phú Vang).

Trước đó, Báo Thừa Thiên Huế đăng bài về trường hợp mẹ con bà Đặng Thị Đáng cần được giúp đỡ.

Bà Đáng lấy chồng ở tỉnh Khánh Hòa. Chồng bà Đáng không may mắc bệnh hiểm nghèo, qua đời; con trai bị bệnh đao. Cơ cực quá, bà Đáng đưa con về quê, dựng căn nhà tạm bợ vài mét vuông trên đất của người thân, hàng ngày đi rửa chén bát thuê ở chợ. Cuộc sống mẹ con bà Đáng vô cùng khó khăn. Chính quyền địa phương xã Phú Xuân mong muốn hoàn cảnh mẹ con bà Đáng được các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ.

Từ kết nối của Báo Thừa Thiên Huế, một số bạn đọc đã đến tận nơi, chia sẻ phần nào về vật chất, động viên tinh thần đối với mẹ con bà Đáng. Đặc biệt, một nhóm từ thiện đã hỗ trợ cho mẹ con bà đáng căn nhà trị giá 80 triệu đồng. Ngôi nhà hiện đang trong quá trình thi công xây dựng.

Thông qua Báo Thừa Thiên Huế, gia đình bà Đáng gửi đến các mạnh thường quân lòng biết ơn sâu sắc. (baothuathienhue.vn 13/01)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  ĐH Huế được thưởng gần 1 tỷ đồng vì có nhiều bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế

Sáng 14/1, đại diện lãnh đạo Đại học (ĐH) Huế cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định thưởng 34 ĐH với tổng mức thưởng 10,8 tỷ đồng vì có bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc ISI, SCI, SCIE năm 2020, trong đó có ĐH Huế.

Các trường này thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, không tính các ĐH quốc gia và trực thuộc các bộ, ngành khác, trường ngoài công lập. Trong một năm, 34 ĐH có 3.627 bài báo, được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Chỉ xếp sau Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (có 491 bài báo khoa học), ĐH Huế có 321 bài và có mức thưởng là 976 triệu đồng. ĐH Đà Nẵng xếp thứ 3, có 311 bài, mức thưởng là 960 triệu đồng.

Việc đăng bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc ISI, SCI, SCIE là mục tiêu của các đại học, nhất là trường thuộc nhóm nghiên cứu. Các bảng xếp hạng ĐH thế giới uy tín như THE, QS, ARWU đều xem nghiên cứu khoa học là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá. (baothuathienhue.vn 14/01)

 
 
 

2.  Trường cao đẳng du lịch Huế chú trọng đào tạo kỹ năng nghề

Trường cao đẳng du lịch Huế, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là một trong các trường trọng điểm quốc gia, rất chú trọng đào tạo kỹ năng nghề cho nhân lực du lịch; được đoàn đánh giá ngoài của Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực kiểm định chất lượng cơ sở, chương trình đào tạo nghề Kỹ thuật Chế biến món ăn từ ngày 19/12 - 31/12/ 2020.

Trường Cao đẳng du lịch Huế đóng tại kinh đô (cố đô) Huế của nước ta . Hiện nay, thành phố là một trong những trung tâm về văn hoá – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Những địa danh nổi bật là sông Hương và những di sản để lại của triều đại phong kiến, thành phố có năm danh hiệu UNESCO ở Việt Nam: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). Ngoài ra, Huế còn là một trong những địa phương có di sản hát bài chòi đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại . Được biết, trường đã đào tạo được 14.579 HSSV, học viên tốt nghiệp ra trường, trong đó có 8.318 HSSV hệ chính quy và 6.261 học viên trình độ sơ cấp, đào tạo ngắn hạn theo hợp đồng được ký kết với các doanh nghiệp và các tổ chức. Song song với phát triển cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giảng viên luôn được Nhà trường quan tâm đầu tư về mọi mặt. Trong đào tạo đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng nghề , đạo đức nghề nghiệp, ngoại ngữ... cho người học; thường xuyên nâng cao năng lực quản lý đáp ứng được yêu cầu của một trường đào tạo du lịch chất lượng cao, phù hợp với xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế.

Trường đã xây dựng và thực hiện 6 chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, 06 chương trình đào tạo trình độ trung cấp và nhiều chương trình đào tạo sơ cấp; hoàn thành 02 chương trình đào tạo bậc cao đẳng được chuyển giao từ Úc: Quản trị khu nghỉ dưỡng và Hướng dẫn Du lịch, nghề Kỹ thuật chế biến món ăn chuyển giao từ CHLB Đức; thực hiện 5 chương trình đào tạo trình độ cao đẳng đã được cập nhật, hài hòa với tiêu chuẩn năng lực nghề của ASEAN. Trong trường có khách sạn phục vụ du khách trong và ngoài nước đồng thời cũng là nơi rèn luyện kỹ năng nghề cho HSSV. Việc rèn luyện kỹ năng nghề gắn với thực tiễn ,đảm bảo cho sinh viên tốt nghiệp ra trường đủ năng lực hội nhập thị trường lao động của khu vực và quốc tế.

Được biết đoàn đánh giá ngoài đã nghiên cứu tự đánh giá chất lượng của Trường, khảo sát, đánh giá khách quan, trung thực công bằng các tiêu chí như: Hoạt động đào tạo; Nhà giáo, cán bộ quản lý; Chương trình, giáo trình; Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế…, với 100 tiêu chuẩn.

Hiện hội đồng kiểm định đang xem xét, nếu đạt tiêu chuẩn Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực sẽ cấp giấy công nhận theo quy định của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội. (baodansinh.vn 13/01)

 
 
PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
 

1.  Trâu, bò chết nhiều chưa từng thấy tại TT-Huế do thói quen thả rông

Gần 500 con trâu, bò đã bị chết rét tính đến chiều 13/1 tại tỉnh TT-Huế. Đây chủ yếu là số gia súc thả rông, không bảo đảm điều kiện chăm sóc, giữ ấm khi có mưa rét kéo dài diễn ra trên các vùng núi cao.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới (TT-Huế), tính đến ngày 13/1, toàn huyện vùng cao biên giới này đã có gần 500 con trâu, bò bị chết do thời tiết rét đậm kéo dài.

Các địa phương có số lượng trâu, bò chết rét nhiều nhất là xã Hồng Trung, Lâm Đớt, Đông Sơn. Số trâu bò bị chết chủ yếu do người dân duy trì thói quen chăn nuôi thả rông trong rừng, nên khi có rét đậm rét hại kéo dài, người dân thiếu chủ động trong phòng, chống rét cho gia súc.

Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới, nhiệt độ xuống thấp những ngày qua gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và ảnh hưởng đến các sinh hoạt, đời sống của dân địa phương vùng cao này.

UBND huyện A Lưới hiện khuyến cáo người dân không thả rông trâu bò trong rừng vào những ngày mưa rét, đồng thời, phải có biện pháp chăm sóc gia súc, giữ ấm chuồng trại và cung cấp đủ nguồn thức ăn vào mùa đông cho trâu, bò.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn tại tỉnh TT-Huế, trong những ngày vừa qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh này diễn biến xấu, nhiệt độ xuống thấp, trời giá rét với mức nhiệt phổ biến từ 12-14 độ C. Riêng tại vùng núi A Lưới, nhiệt độ về đêm có khi chỉ còn 8 độ C, trở thành huyện có nhiệt độ thấp nhất tại TT-Huế. (tienphong.vn 13/01)

 
 
 

2.  Hơn 900 gia súc ở miền núi A Lưới (TT Huế) bị chết

Rét đậm, rét hại tại huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế làm hơn 900 gia súc bị chết, trong đó, có hơn 500 con trâu bò, gần 378 con dê.

Trâu bò chết nhiều ở các xã Đông Sơn, Lâm Đớt, Hồng Thủy. Từ giữa tháng 12/2020 đến nay, thời tiết tại huyện vùng cao A Lưới rét đậm rét hại liên tục, có ngày nhiệt độ xuống còn 6-7 độ C. Tập quán chăn nuôi nơi đây là thả rông, thiếu thức ăn dự trữ là nguyên nhân khiến gia súc bị chết nhiều.

UBND huyện A Lưới đã hỗ trợ 14 tấn cám gạo cho các hộ chăn nuôi; cử cán bộ nông nghiệp hướng dẫn người chăn nuôi chủ động công tác phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi. Các địa phương hướng dẫn hỗ trợ người dân làm áo chắn gió cho trâu bò, khuyến cáo không chăn thả trong những ngày rét đậm, rét hại.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết, những ngày vừa qua, tại Thừa Thiên Huế thời tiết giá rét phổ biến từ 12-14 độC, về đêm xuống dưới 10 độ C, miền núi A Lưới là khu vực có nhiệt độ thấp nhất.

"Đợt này thời tiết lạnh quá, tại vùng Đông Sơn, A Roàng, Lâm Đắt nhiệt độ xuống thấp. Chênh với Huế 5-6 độ. Trước đã có tập huấn, rồi hỗ trợ thức ăn, nhưng chuồng trại không bảo đảm. Bà con lại có tập quán bán chăn thả"./. (vov.vn 13/01, baotainguyenmoitruong.vn 13/01, antt.vn 13/01)

 
 
 

3.  Thừa Thiên - Huế: Tăng cường nhiều phương án chống rét cho học sinh

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nhiều trường học tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai các biện bảo vệ sức khoẻ cho học sinh, nhất là đối với em khối nầm non và tiểu học.

 Trong điều kiện thời tiết giá rét xảy ra trên diện rộng và được dự báo sẽ còn kéo dài trong những ngày tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản yêu cầu các trường sẵn sàng phương án ứng phó thời tiết cho học sinh, trong điều kiện cần thiết các trường có thể cho học sinh nghỉ học để giữ gìn sức khoẻ.

Theo đó, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu ban Giám hiệu các trường theo dõi tình hình thời tiết để chủ động ứng phó, các trường có thể tự quyết định và thông báo cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ C.

Với 1.400 học sinh, trường Tiểu học Lý Thường Kiệt thành phố Huế đã triển khai nhiều biện pháp để để đảm bảo sức khoẻ cho học sinh. Cụ thể, nhà trường đã trang bị rèm cửa chắn gió, bổ sung thêm chăn mền để giữ ấm cho học sinh.

Ông Dương Tuấn Anh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết: “Ngay từ những ngày đầu mùa Đông, nhà trường đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét kịp thời để giữ ấm cho các em, thường xuyên nhắc nhở phụ huynh quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho các em, các học sinh khi đến trường phải được trang bị áo ấm đầy đủ.

Theo ông Tuấn Anh, đối với những em học sinh bán trú, nhà trường hết sức quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, điều chỉnh khẩu phần ăn, đảm bảo đủ độ nóng cho thức ăn. Hơn nữa, khi nhiệt độ quá lạnh thầy cô chỉ cho học sinh hoạt động nhẹ nhàng trong lớp, chỉ ra ngoài khi thời tiết nắng ấm, đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Bằng những phương án thích hợp để chống rét, ngay trong những ngày nhiệt độ xuống thấp nhất, phụ huynh vẫn tin tưởng cho học sinh đến lớp, trong tuần qua nhà trường duy trì tỷ lệ chuyên cần đạt 100%, triển khai đầy đủ mọi hoạt động, vui chơi cho học sinh.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh: “Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong những ngày rét đậm, rét hại, chúng tôi đã sớm có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Các trường căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và dự báo thời tiết để chủ động cho học sinh nghỉ học tránh rét. Đối với các học sinh không đủ điều kiện về sức khỏe, nhà trường có thể trao đổi với phụ huynh cho học sinh nghỉ học, sau đó có kế hoạch bổ sung bù kiến thức”.

Theo ông Tân, quan trọng nhất là các trường phải tuyên truyền học sinh mặc đủ ấm, giữ gìn sức khỏe, hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời trong thời tiết giá rét. Hiện nay, theo dự báo thời tiết, tình trạng rét đậm, rét hại sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các trường đưa vấn đề đảm bảo sức khoẻ cho học sinh lên hàng đầu. (giaoducthoidai.vn 14/01)

 
 
DU LỊCH
 

1.  Mẫu số văn hóa trong du lịch Huế

Huế là thành phố du lịch, thành phố Festival, Covid-19 đã tác động rất nặng nề đến Huế. Năm 2021, với chủ trương quay lại với thị trường nội địa, du lịch Huế ít nhiều cũng đã có dấu hiệu sáng hơn. Năm nay được coi là năm bản lề để du lịch Huế “tái cấu trúc”, nếu đẩy mạnh liên kết với các di sản thế giới “láng giềng”.

1. Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành kế hoạch triển khai Chương trình Phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ năm 2021. Theo đó, chỉ tiêu của ngành du lịch trong năm nay được dự báo với 3 kịch bản: Một là, phương án thấp, tức là dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát tốt trong nước và quốc tế, khả năng tỉnh sẽ đón khoảng 1,8 đến 2 triệu lượt khách (tương đương với năm 2020), doanh thu ước đạt khoảng 4.000 - 4.400 tỷ đồng.

Hai là, phương án trung bình với việc dịch bệnh được kiểm soát tốt trong cả nước nhưng nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa được an toàn, chưa thể mở các đường bay đến thị trường chính, chỉ kết nối với một số thị trường gần… thì dự kiến tỉnh này sẽ đón khoảng 3 - 3,5 triệu lượt khách (trong đó khách nội địa chiếm khoảng 80%), doanh thu du lịch ước đạt 6.500 - 7.000 tỷ đồng.

Ba là, phương án cao, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt ở trong nước và trên thế giới, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế phấn đấu đón khoảng 4 - 4,5 triệu lượt khách (khách nội địa 70-80%), doanh thu du lịch ước đạt khoảng 8.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù trong bối cảnh nào đi nữa thì tái cấu trúc ngành du lịch để vượt khó, sẵn sàng bật dậy vẫn là việc phải làm.

Được biết, để vượt khó, tỉnh Thùa Thiên-Huế đã kiến nghị Trung ương miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, giảm 50% tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, điều chỉnh giá điện, khoanh vùng giãn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp lĩnh vực du lịch…

Với tỉnh, cũng đang xây dựng chính sách giảm 50% phí tham quan các điểm di tích trong 6 tháng đầu năm 2021; miễn phí tham quan các điểm di tích trong các sự kiện, dịp lễ đặc biệt... Đây được coi là đòn bẩy kích cầu, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Huế.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, Thừa Thiên-Huế xác định tập trung vào khách du lịch nội địa đi theo nhóm nhỏ, ngắn ngày. Việc quảng bá trực tuyến trên các trang mạng xã hội, website du lịch được tăng cường; trong đó các điểm nhấn là Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế - Kinh đô áo dài; tổ chức cuộc thi ảnh “Huế trong tôi” theo từng chủ đề riêng biệt của mỗi tháng…

Đặc biệt trong năm 2021, thành phố Huế dự kiến sẽ triển khai nhiều chương trình dịch vụ du lịch ban đêm nhằm phục vụ cộng đồng địa phương và du khách tham quan; trong đó, hình thành nhiều tuyến phố đi bộ và dịch vụ ở khu vực xung quanh Hoàng thành Huế, phố đi bộ ven 2 bờ sông Hương, chợ đêm Đông Ba, khai thác các dịch vụ ẩm thực Huế và trưng bày, giới thiệu các làng nghề truyền thống ở trục trung tâm thành phố…

Như vậy, có thể thấy, Thừa Thiên-Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng đã chủ động khôi phục du lịch “hậu đại dịch”, trong đó chú trọng du lịch nội địa với thế mạnh văn hóa.

2. Theo ông Phạm Phú Thạnh, một nhà nghiên cứu văn hóa Huế thì cũng cần chú ý đến việc tăng cường liên kết với các điểm du lịch lân cận - những địa danh đã được UNESCO vinh danh, mà cụ thể là với Phong Nha - Kẻ Bàng (thuộc tỉnh Quảng Bình) và Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Ông Thạnh lý giải, cả Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng và Hội An đều có một điểm chung khi quảng bá thế mạnh du lịch, đó là di sản văn hóa, thiên nhiên. Đây sẽ là loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, chiêm nghiệm và khám phá. Nếu như tới Huế, người ta có thể tìm hiểu về quần thể kiến trúc Hoàng thành, các lăng tẩm, hệ thống nhà vườn, ẩm thực…, thì ở Phong Nha - Kẻ Bàng đó là một khu vực thiên nhiên kì vĩ, hoang sơ và cũng là nơi lưu lại ký ức văn hóa của những tộc người cổ. Ở Hội An, đô thị với những mái ngói rêu phong nhắc nhớ một thời người Nhật, người Hoa cùng với người Xứ Quảng tạo dựng nên một đô thị mà sức bền vượt thời gian.

Tuy nhiên, tới nay vẫn không có nhiều tour du lịch gắn kết 3 di sản văn hóa thế giới này.

Nói như bà Phan Thị Thanh Mỹ - người từng thành công với việc làm đồ lưu niệm trên xương lá, nay đang điều hành một tour du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh thì du khách mê văn hóa sẽ tìm đến Huế. Nhưng nếu chỉ chừng đó sẽ là chưa đủ. Họ còn muốn “nạp” vào mình những trầm tích văn hóa khác trong khu vực, trong khi chỉ cần đi lại trong một hai ngày. “Lợi thế ấy chưa được phát huy” - theo bà Mỹ.

Còn theo ông Thạnh, còn một lợi thế nữa mà du lịch Huế cần khai thác, đó là tình yêu với cố đô của chính người Huế nhưng vì nhiều lý do khác nhau nay đã làm ăn sinh sống xa Huế. Huế không phải là nơi “dễ làm giàu” với nhiều người, theo thời gian người Huế đi tứ xứ, nhất là vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Họ đi xa nhưng trong tim vẫn “thổn thức với Huế”- nói như ông Thạnh. Vẫn nhớ tiếng rao của người bán hàng trong những đêm vắng lặng. Nhớ những cơn mưa lê thê vắt từ đêm sang ngày. Nhớ những con đường nhỏ nhiều lá me bay bên bờ Bắc sông Hương…

“Cần quảng bá tốt hơn nữa, nhiều hơn nữa với cộng đồng người Huế làm ăn nơi xa, vì trái tim họ luôn thổn thức mỗi khi nhớ Huế”- ông Thạnh nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thừa Thiên – Huế có những di sản thế giới được du khách quan tâm như: Quần thể di tích cố đô được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới; Nhã nhạc triều Nguyễn được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể… Với Quảng Nam, thu hút bởi các di sản: Cù Lao Chàm - Khu dự trữ sinh quyển thế giới; Đô thị cổ Hội An; Với Quảng Bình có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới. (daidoanket.vn 13/01)

 
 
 

2.  THỪA THIÊN HUẾ: TÌM HƯỚNG PHỤC HỒI DU LỊCH NĂM 2021

(Video quochoitv.vn 14/01)

 
 
 

3.  Du lịch phòng chống dịch mùa cao điểm

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 dự báo lượng khách du lịch đến Huế sẽ tăng, đây lại là giai đoạn mà rất có thể các điểm đến, cơ sở lưu trú chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Không chủ quan

Những bài học về sự chủ quan trong phòng chống dịch COVID-19 vẫn còn giá trị. Nếu chủ quan, lơ là trong các phương án đón và phục vụ khách, nguy cơ về dịch bệnh là rất dễ xảy đến, nhất là ở các cơ sở lưu trú, nếu không kiểm soát chặt chẽ, kê khai đúng, đủ lượng khách lưu trú sẽ là kẽ hở để những người nhập cảnh trái phép đến lưu trú. Hoặc sự chủ quan, không khai báo y tế đầy đủ thì khi có tình huống xấu xảy ra, việc truy vết các bệnh nhân, hay những người tiếp xúc gần cũng rất khó khăn.

Giai đoạn Tết Tân Sửu là cao điểm về phòng chống dịch bệnh. Ở thời điểm này, không chỉ có khách du lịch đến Huế mà lượng người dân về quê ăn tết tăng; tình trạng nhập cảnh trái phép cũng rất dễ xảy ra. Sở Du lịch nhìn nhận, tại các cơ sở lưu trú thấp sao, nhà nghỉ du lịch, homestay là những cơ sở có khả năng mất an toàn trong phòng chống dịch bệnh cao nhất nếu chủ các cơ sở không nhận thức đúng, đủ mức độ nguy hiểm và vì lợi trước mắt mà đánh đổi nhận khách.

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, nhận thấy nguy cơ, trong 2 tháng cuối năm 2020, sở tổ chức 7 lớp tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở lưu trú với hàng trăm cơ sở đã tham gia; giúp các nhân viên có kỹ năng xử lý tốt trong các trường hợp liên quan đến dịch bệnh. Bên cạnh đó, tại các lễ hội, sự kiện văn hóa – du lịch cuối năm như Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực; Ngày hội Lân Huế được tổ chức và được đảm bảo phòng chống dịch, như là bước “chạy đà” trong thẩm định, kiểm tra lại công tác phòng chống dịch bệnh, bởi trong giai đoạn Tết Nguyên đán, sẽ có rất nhiều lễ hội, sự kiện tập trung đông người.

Một giải pháp phòng chống dịch được ngành du lịch triển khai xuyên suốt thời gian qua là kiểm tra các giải pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở lưu trú và thẩm định mức độ an toàn thông qua bộ tiêu chí có các thang điểm cụ thể. Đã có hơn 700 cơ sở lưu trú đã được thẩm định, ký biên bản cam kết đảm bảo các giải pháp phòng chống dịch.

Lãnh đạo Sở Du lịch thẳng thắn, dù đang tiến hành các giải pháp, nhưng đâu đó vẫn còn những cơ sở chủ quan, không khai báo khách lưu trú. Sở sẽ phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra đột xuất, thường xuyên trong giai đoạn trước trong và sau Tết Nguyên đán. Nếu phát hiện những cơ sở không tuân thủ quy định và cam kết trước đó, sẽ không cho hoạt động và tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Khẳng định điểm đến an toàn, thân thiện

Tết Nguyên đán là giai đoạn quan trọng, khởi đầu cho một năm du lịch mới, với nhiều thách thức phía trước. Mới đây, UBND tỉnh ban hành các dự báo phát triển du lịch năm 2021; trong đó phương án khả quan nhất là dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt trong nước nhưng nhiều khu vực trên thế giới chưa mở lại được nhiều đường bay quốc tế đến các thị trường chính; chỉ mở cửa cho một số thị trường gần, đã tương đối an toàn phòng dịch. Dự ước năm 2021, Huế đón khoảng 3 – 3,5 triệu lượt khách, tăng hơn 75% so với cùng kỳ 2020; trong đó, khách nội địa chiếm khoảng 80% tổng lượng khách.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, để đạt được chỉ tiêu trên, giải pháp quan trọng và xuyên suốt là đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch trong quá trình phục vụ, thu hút khách. Thông điệp “Huế - điểm đến an toàn, thân thiện” phải được triển khai tốt hơn nữa. Ngành du lịch rất cần sự phối hợp, đồng hành trong việc thực hiện hiệu quả các bộ tiêu chí phòng chống dịch bệnh ở lĩnh vực văn hóa, giao thông, giáo dục, hàng không…

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Bạch Mã Village cho biết, khu du lịch đã đóng cửa một thời gian dài và dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào đúng dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Việc bảo vệ du khách cũng là bảo vệ doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh khó lường hơn. Giải pháp được áp dụng như giai đoạn dịch bệnh mới bùng phát hồi đầu năm 2020. Chúng tôi sẽ tuân thủ quy định, bố trí nhân viên đo thân nhiệt cho khách lưu trú, phát khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn theo quy định. Tuyên truyền cho du khách thực hiện vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Ngoài ra, bố trí nhân viên thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng để xử lý theo quy định…

Du lịch là ngành đầu tiên ban hành bộ tiêu chí an toàn và kiểm tra, thẩm định gần như 100% cơ sở, doanh nghiệp trong lĩnh vực. Các điểm được thẩm định cũng đã được đưa bản đồ du lịch an toàn do ngành du lịch xây dựng. Với những gì đã, đang và sẽ áp dụng, góp phần quan trọng để Huế phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Ngày 31/12/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch áp dụng chặt chẽ quy trình phòng chống dịch COVID-19 theo nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các cơ sở lưu trú du lịch đăng ký và khai báo an toàn COVID-19 hàng ngày. Yêu cầu bắt buộc đối với người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động du lịch; tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; tham gia lễ hội theo hướng dẫn của ngành y tế… (baothuathienhue.vn 13/01)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Thừa Thiên – Huế: Phạt nguội hàng nghìn trường hợp vi phạm được phát hiện qua các “mắt thần”

Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, thông qua hệ thống camera (mắt thần) đã có 2.425 trường hợp vi phạm giao thông, qua đó xử lý 1.087 trường hợp, phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng.

Ngày 13/1, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện xử phạt vi phạm an toàn giao thông (ATGT) thông qua dữ liệu thu được từ Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh (gọi tắt IOC), lực lượng công an tỉnh đã tiến hành "phạt nguôi" hàng ngàn phương tiện, người tham gia giao thông vi phạm, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, 2.425 trường hợp vi phạm, xử lý 1.087 trường hợp, phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng; chuyển ngăn chặn kiểm định 236 phương tiện ô tô. Đây là những số liệu ghi nhận được sau 1 năm triển khai xử lý vi phạm giao thông thông qua dữ liệu của IOC.

Việc triển khai xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai từ 1/11/2019; từ hình ảnh, video do người dân cung cấp qua phần mềm HueS và những hình ảnh, video ghi nhận trực tiếp từ hệ thống cảm biến camera được lắp đặt trên địa bàn tỉnh, hệ thống máy tính tự động tại IOC sẽ ghi nhận lỗi vi phạm và gửi về Công an tỉnh thông qua Trung tâm thông tin chỉ huy; sau đó Trung tâm thông tin chỉ huy tiến hành phân loại các trường hợp vi phạm và gửi về cho Công an đơn vị, địa phương để xác minh, xử lý theo đúng thẩm quyền.

Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ – Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an TP Huế cho biết: "Trong thời gian qua, việc tiếp nhận xử lý vi phạm, trong đó có vi phạm về trật tự ATGT qua IOC đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Với đặc điểm là địa bàn trọng điểm về ATGT của tỉnh, thông qua IOC, Công an Thành phố. Huế đã phát hiện, xử lý kịp thời, nhanh chóng nhiều vi phạm giao thông của người dân, qua đó ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người dân không ngừng nâng lên, tai nạn giao thông giảm".

Được biết, toàn tỉnh hiện có 250 camera được lắp đặt, kết nối về IOC; hệ thống camera hiện có với các giải pháp kỹ thuật đã phát huy được hiệu quả trong quan sát, thu thập, xử lý đối với các vi phạm đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, tạo lập được cơ chế phối hợp, chia sẻ nay, toàn tỉnh hiện có 250 camera được lắp đặt, kết nối về IOC. Hệ thống camera hiện có với các giải pháp kỹ thuật đã phát huy được hiệu quả trong quan sát, thu thập, xử lý đối với các vi phạm đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, tạo lập được cơ chế phối hợp, chia sẻ hiệu quả dữ liệu với các cơ quan chức năng. (giadinh.net.vn 13/01, atgt.vn 13/01)

 
 
 

2.  Bắt quả tang 9 đối tượng đang sát phạt trong quán cà phê ở Huế

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa bắt quả tang nhóm đối tượng đang có hành vi đánh bạc dưới hình thức đánh bài binh 9 cây.

Ngày 13/1, thông tin từ Công an TX.Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị này vừa phát hiện, bắt quả tang nhiều đối tượng đang thực hiện hành vi đánh bạc.

Theo cơ quan công an, trước đó, vào ngày 5/1, tại quán cà phê Aroma, đóng tại phường Phú Bài, TX.Hương Thủy, lực lượng công an đã tiến hành bắt quả tang 9 đối tượng có độ tuổi từ 24 đến 42, hộ khẩu thường trú tại TX.Hương Thủy và TP.Huế đang tham gia đánh bạc dưới hình thức đánh bài binh 9 cây.

Tại thời điểm bắt quả tang, lực lượng công an thu giữ 3 bộ bài tú lơ khơ, 3 xe mô tô, 6 điện thoại di động và hơn 11 triệu đồng tiền mặt.

Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật. (nguoiduatin.vn 13/01)

 
 
 

3.  Thừa Thiên - Huế: Phạt 8 tỉ đồng về vi phạm nồng độ cồn

Trong 1 năm áp dụng xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính Phủ, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xử phạt 2.851 trường hợp với tổng số tiền hơn 8 tỉ đồng.

Ngày 13-1, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, sau 1 năm triển khai xử phạt vi phạm về nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, xử phạt 2.851 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; trong đó có 47 ô tô, 2.732 mô tô với số tiền xử phạt hơn 8 tỉ đồng.

Công an tỉnh này cho biết, sau khi áp dụng nghị định 100 thì ý thức của người dân tăng lên, tuy nhiên vào thời điểm cuối năm, gần Tết Nguyên đán thì tình trạng sử dụng rượu, bia và vẫn tham gia giao thông đang có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại.

Để giảm bớt tình trạng này, nhất là kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ về tai nạn giao thông, lực lượng CSGT toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết liệt triển khai các biện pháp về kiểm tra, xử lý và xử phạt nặng bảo đảm tính răn đe.

Từ ngày 14-12-2020, lực lượng CSGT đã mở đợt cao điểm ra quân, tăng cường tuần tra kiểm soát, tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an toàn giao thông; bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các hoạt động vui chơi, lễ hội của Nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

"Nhằm tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn, đặc biệt vào thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT sẽ tăng cường thành lập các tổ công tác, huy động phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến, địa bàn phức tạp về TTATGT, tập trung thời gian từ 18 giờ đến 5h sáng hôm sau, nhất là các ngày thứ 7, Chủ nhật, dịp nghỉ Tết và những ngày diễn ra các lễ hội…"-Thượng tá Hồ Quốc Văn, Phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết. (plo.vn 13/01)

 
 
 

4.  Phạt nguội hơn 1.000 trường hợp vi phạm an toàn giao thông qua IOC Huế

Sau hơn 1 năm thực hiện xử phạt vi phạm an toàn giao thông (ATGT) thông qua dữ liệu thu được từ Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC), lực lượng Công an Thừa Thiên Huế đã tiến hành “phạt nguội” hàng ngàn phương tiện, người tham gia giao thông vi phạm, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Theo cơ quan Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, việc triển khai xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera được triển khai từ ngày 1/11/2019. Những hình ảnh, video do người dân cung cấp qua phần mềm HueS và những hình ảnh, video ghi nhận trực tiếp từ hệ thống cảm biến camera được lắp đặt trên địa bàn tỉnh, hệ thống máy tính tự động tại IOC sẽ ghi nhận lỗi vi phạm và gửi về Công an tỉnh thông qua Trung tâm thông tin chỉ huy. Sau đó, Trung tâm thông tin chỉ huy tiến hành phân loại các trường hợp vi phạm và gửi về cho Công an các đơn vị, địa phương để xác minh, xử lý theo đúng thẩm quyền.

Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 250 camera được lắp đặt, kết nối về IOC. Hệ thống camera hiện có với các giải pháp kỹ thuật đã phát huy được hiệu quả trong quan sát, thu thập, xử lý đối với các vi phạm đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, tạo lập được cơ chế phối hợp, chia sẻ.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, hệ thống camera đã ghi nhận 2.425 trường hợp vi phạm; chuyển, xử lý 1.087 trường hợp, qua đó phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng; chuyển ngăn chặn kiểm định 236 phương tiện ô tô. Việc phát hiện xử lý các vi phạm đều đảm bảo tính minh bạch, công khai, khách quan theo đúng quy định pháp luật.

"Trong thời gian qua, việc tiếp nhận xử lý vi phạm, trong đó có vi phạm về trật tự an toàn giao thông qua IOC đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Với đặc điểm là địa bàn trọng điểm về an toàn giao thông của tỉnh, thông qua IOC, Công an TP. Huế đã phát hiện, xử lý kịp thời, nhanh chóng nhiều vi phạm giao thông của người dân, qua đó ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người dân không ngừng nâng lên, tai nạn giao thông giảm", Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ, Đội trưởng CSGT, Công an TP. Huế cho biết. (baodansinh.vn 13/01)

 
 
 

5.  Mới nhất vụ cô gái bị lột đồ, đánh ghen dã man như thời trung cổ

Cơ quan chức năng xác định, chị H.T.N (trú xã Phong Hải, huyện Phong Điền, TT-Huế) có tỷ lệ thương tật chung lên đến 29% do bị đánh. Công an hiện xem xét khởi tố thêm tội danh “Cố ý gây thương tích” đối với 4 đối tượng gây ra vụ đánh ghen kinh hoàng như thời trung cổ tại TT-Huế.

Chiều 13/1, nguồn tin từ Công an thị xã Hương Trà (tỉnh TT-Huế) cho biết, căn cứ kết quả trưng cầu giám định thương tật, Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc đơn vị đang xem xét khởi tố thêm tội danh “Cố ý gây thương tích” đối với 4 đối tượng "đánh ghen" chị H.T.N (trú xã Phong Hải, huyện Phong Điền, TT-Huế) hồi tháng 11/2020 tại bờ biển xã Hải Dương (thị xã Hương Trà).

Theo đó, việc xem xét khởi tố thêm tội danh đối với 4 đối tượng liên quan đến vụ việc sau khi cơ quan chức năng xác định tỷ lệ thương tật chung của nạn nhân N. lên đến 29%.

Bốn đối tượng liên quan vụ việc, gồm Nguyễn Thị Thùy Trâm (SN 1992, trú đường Bùi Thị Xuân, TP Huế), Nguyễn Thị Bé (SN 1983), Đặng Thị Thùy Trang (SN 1979) và Lê Công (SN 1991, cùng trú tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) trước đó đã bị Công an thị xã Hương Trà khởi tố về hành vi “Làm nhục người khác".

Liên quan vụ việc, như tin đã đưa, vào ngày 16/11/2020, một phụ nữ trẻ khi ngồi hóng mát vào ban đêm tại kè đá ven biển thuộc xã Hải Dương (thị xã Hương Trà, TT-Huế) đã bị một nhóm nam, nữ bất ngờ xông tới lột quần áo rồi chửi bới, đánh đập vô cùng tàn nhẫn, đồng thời quay clip tung lên mạng với lý do "đánh ghen".

Hành vi này gây phẫn nộ trong dư luận. Công an sau đó vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án hình sự về tội danh “Làm nhục người khác”.

Nạn nhân vụ đánh ghen được xác định là chị H.T.N. (tienphong.vn 13/01)

 
 
ĐẦU TƯ
 

1.  Khi doanh nghiệp tham gia đánh giá

Môi trường đầu tư dần được cải thiện khi các sở ngành, địa phương đang nỗ lực trong khâu cải cách hành chính. Và doanh nghiệp (DN) chính là người tham gia trực tiếp đánh giá năng lực điều hành thông qua đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).

Nhìn nhận đúng mức độ hài lòng

2018 là năm đầu tiên Thừa Thiên Huế tiến hành đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương. Liên tục những năm sau đó, việc đánh giá DDCI diễn ra hàng năm như một cơ sở đánh giá mức độ hài lòng của DN, người dân với hoạt động của chính quyền hướng đến chính quyền thân thiện. Việc đánh giá này được triển khai trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, DN, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Theo nhận định của Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Cung Trọng Cường, đánh giá DDCI năm 2020 dựa trên thực tế tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Các câu hỏi khảo sát được thay đổi dựa trên ý kiến của DN khảo sát và kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019; từ đó, kết quả đánh giá DDCI 2020 sẽ phản ánh thực tế hơn công tác điều hành kinh tế của sở, ban, ngành và địa phương; nâng cao PCI trong năm 2020.

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, qua lăng kính DDCI, cộng đồng DN mong muốn các đơn vị hành chính cấp cơ sở hiểu rõ những điểm mạnh cũng như điểm còn hạn chế ở hệ thống hành chính. Từ đó khoanh vùng những trở ngại, những điểm nghẽn, xử lý dứt điểm những ý kiến phàn nàn của DN theo phân quyền cấp tỉnh, cấp sở, ban, ngành và địa phương, xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững, tin cậy với DN. Ở chiều ngược lại, DN cũng hỗ trợ tỉnh chỉ ra những điểm cần cải thiện từ phía chính quyền để thu hút thêm đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân trong tỉnh.

Động lực thu hút đầu tư

Theo đại diện UBND TP. Huế, thông qua việc trực tiếp được đánh giá xếp hạng giúp thành phố nhìn nhận những điểm chưa được lòng của DN, người dân từ đó có hướng khắc phục. Theo đó, trong năm qua, thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư thông qua hướng “đột phá” chiến lược trong xây dựng trung tâm hành chính công “kiểu mẫu” hiện đại với đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tâm huyết, trách nhiệm.

Sau thời gian đi vào hoạt động, đến nay, Trung tâm Hành chính công thành phố đã trở thành địa chỉ kết nối tin cậy, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính (TTHC) cho các tổ chức, DN và người dân. Thành phố cũng tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh cải cách TTHC có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của DN nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Trung tâm Hành chính công đã phối hợp với các phòng liên quan tiến hành rà soát TTHC, kiến nghị đề xuất bãi bỏ, chuẩn hóa, ban hành, sửa đổi bổ sung danh mục TTHC thẩm định, phê duyệt tại trung tâm với 294 bộ TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Thành phố cũng nâng cao chất lượng, trách nhiệm, thái độ ứng xử làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp xúc trực tiếp với nhà đầu tư, DN, người dân xứng đáng là đơn vị đi đầu về đô thị thông minh, về chính quyền điện tử, cải cách hành chính của tỉnh.

Đổi mới thực hiện vai trò chủ công trong hoạt động hỗ trợ DN cũng được Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai. Trong đó, việc thực hiện quy trình liên thông giữa sở, cơ quan thuế, địa phương trong việc hỗ trợ chữ ký số, hóa đơn điện tử cho DN; hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN được sở triển khai mạnh mẽ. Các TTHC cũng được cắt giảm, giảm thời gian đi lại, chi phí gia nhập thị trường của DN, góp phần thực hiện thành công chủ trương “4 không 1 có” của tỉnh (làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không dùng tiền mặt và dữ liệu có chuyển đổi số).

Cùng với đó, việc thành lập bộ phận hỗ trợ DN hoàn thiện hồ sơ đăng ký kinh doanh (hoàn toàn miễn phí) cũng góp phần tích cực hỗ trợ người dân, DN trong thực hiện các thủ tục liên quan. Hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư và các lĩnh vực khác, Sở cũng hỗ trợ đắc lực với việc hỗ trợ khởi công thành công 7/12 dự án trọng điểm trong năm 2020 theo đúng chủ trương của UBND tỉnh.

Việc thực hiện tốt công tác cải cách hành chính tại các sở ngành, địa phương là động lực lớn trong nâng cao các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh tạo lòng tin cho nhà đầu tư. Nhờ đó, năm qua dù kinh tế gặp nhiều khó khăn song địa phương vẫn thu hút được dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 10.963 tỷ đồng bao gồm 6 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 427 tỷ đồng và 26 dự án trong nước; tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng, vượt 140% kế hoạch

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  TP. Huế: Hoàn thiện hạ tầng đô thị, triển khai nhiều dự án trọng điểm năm 2021

TP. Huế đã đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị hoàn chỉnh hơn, cùng với đó nhiều dự án trọng điểm đã, đang và sẽ triển khai góp phần thay đổi một Huế toàn diện hơn...

Hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế

UBND TP. Huế cho biết, năm 2020, với chủ đề “Năm chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch, dịch vụ và xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử”, cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố đã đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Trong đó, tổng thu của riêng ngành thuế TP. Huế đạt trên 810 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019. Tình hình an ninh chính trị, KT-XH tiếp tục được giữ vững, công tác cải cách hành chính (CCHC) từng bước đi vào nền nếp, cơ bản đáp ứng và giải quyết tốt các giao dịch hành chính đối với tổ chức, cá nhân.

TP. Huế đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, công viên 2 bờ sông Hương, hoàn thành hạ tầng khu dân cư Bắc Hương Sơ, bảo đảm tiến độ di dời, giải phóng mặt bằng (GPMB) khu vực I Kinh thành Huế.

Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường được tăng cường. Việc ra quân lập lại trật tự đô thị được đẩy mạnh; cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục hưởng ứng thực hiện nếp sống văn minh đô thị gắn với phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” góp phần làm môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Với 4 chương trình trọng điểm được triển khai từ đầu năm 2020, gồm chỉnh trang, chiếu sáng, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị; phát triển du lịch, dịch vụ về đêm; CCHC gắn với phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chương trình di dời dân cư, GPMB khu vực I di tích Kinh thành Huế cùng với các chương trình trọng điểm khác, tạo bước đột phá về hạ tầng và không gian đô thị, ổn định đời sống cho người dân, đặc biệt là dự án (DA) xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ và di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế.

Cùng với việc triển khai các chương trình, DA trọng điểm, TP. Huế tập trung giải quyết kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trước thiên tai và dịch COVID-19 thông qua nhiều hoạt động với sự chung tay của toàn xã hội. Công tác giáo dục-đào tạo tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, sáng tạo, chú trọng kỹ năng sống, giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống đẹp cho học sinh. Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và các đợt bão, lụt liên tiếp nên ảnh hưởng đến tình hình phát triển KT-XH trên địa bàn, các chỉ tiêu về doanh thu du lịch, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người... chưa đạt như kế hoạch. Việc thu hút vốn đầu tư và giải ngân còn gặp nhiều khó khăn; tiến độ và phương án thi công một số công trình chưa đảm bảo; CCHC chưa thực sự chuyển biến tích cực...

Triển khai nhiều chương trình trọng điểm

Chủ tịch UBND TP. Huế - Hoàng Hải Minh cho biết, năm 2021, thành phố tiếp tục khai thác hiệu quả dịch vụ du lịch, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và hoạt động khởi nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ các DA đầu tư, chỉnh trang hạ tầng đô thị kết hợp phương án, tầm nhìn phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn minh, thân thiện với môi trường khi mở rộng địa giới hành chính thành phố. Ứng dụng công nghệ thông tin và các lĩnh vực đời sống, phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh cũng được chú trọng nhằm quyết tâm xây dựng TP. Huế đến năm 2025 trở thành đô thị “không có ma túy, trộm cướp và trẻ em thất học”. Con người Huế sống văn hóa, nhân ái và thân thiện trong một đô thị xanh, sạch, văn minh với chính quyền gần gũi, thương yêu nhân dân, phát triển kinh tế đột phá trên nền tảng kết hợp giá trị di sản, tri thức và hội nhập phát triển.

Trong đó, tập trung triển khai 5 chương trình và 7 DA trọng điểm, trọng tâm là phát triển, hình thành, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế; di dời các hộ dân trong khu vực I thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế; CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, bản sắc văn hóa Huế gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Ngoài ra, nhiều tuyến phố đi bộ cũng sẽ được hình thành ở Huế trong năm 2021 này.

Dư luận đang quan tâm lớn đến Chương trình mở rộng địa giới TP. Huế gắn với chỉnh trang, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ. UBND TP. Huế cho hay sẽ hoàn thành trình phê duyệt Chương trình phát triển đô thị TP. Huế mở rộng trong Quý II/2021 này.

“Mục tiêu năm 2021, Huế tiếp tục thay đổi toàn diện, hướng đến thành phố đẹp và sang trọng, nâng tầm vị thế của Huế trong mắt du khách, bạn bè bốn phương, đóng góp quan trọng vào việc đưa Thừa Thiên Huế trên bước đường trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào trước năm 2025”, ông Minh nói. (baotainguyenmoitruong.vn 13/01)

 
 
 

2.  Thừa Thiên – Huế: Tập trung triển khai chương trình phát triển đô thị

Năm 2021, năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và triển khai chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Ông Nguyễn Đại Viên – Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế cho biết: Năm 2021, năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI với mục tiêu phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, công tác chỉ đạo, điều hành năm 2021.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung hoàn thành các Đề án: Phân loại đô thị Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV, phân loại đô thị thành phố Huế mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I, phân loại đô thị Thừa Thiên - Huế đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Triển khai chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt; Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chương trình phát triển đô thị của các địa phương như: Thành phố Huế mở rộng, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, đô thị Phong Điền, đô thị Chân Mây - Lăng Cô; Tiếp tục nâng cấp các đô thị mới Thanh Hà (huyện Quảng Điền) và Vinh Hiền, (huyện Phú Lộc) đạt tiêu chí đô thị loại V; Hoàn thành thẩm định hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Huế và vùng phụ cận.

Phấn đấu phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị, tỷ lệ 1/2000 và phân khu chức năng, tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, Chân Mây Lăng Cô và đô thị mới; Phấn đấu phủ kín 100% quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ 1/2000 đối với địa bàn các thị xã và huyện (bao gồm các xã); Phấn đấu lấp đầy quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500, khi các quy hoạch phân khu được phê duyệt và ưu tiên triển khai quy hoạch chi tiết trong khu vực đô thị; Rà soát sớm tham mưu ban hành kế hoạch lập quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện các quy hoạch trọng tâm nhằm phục vụ quản lý và kêu gọi đầu tư vào khu quy hoạch phân khu Khu đô thị Thanh Tiên; Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái và đô thị biển Vinh Xuân; Quy hoạch phân khu Khu đô thị cảng hàng không quốc tế Phú Bài; Quy hoạch phân khu Khu đô thị Thanh Toàn; Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương…  (baoxaydung.com.vn 13/01)

 
 
 

3.  Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng chính quyền số

Mục tiêu này được nêu ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ 2021 của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chiều 13/1. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình và lãnh đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Năm 2020, toàn ngành đạt được nhiều kết quả khả quan: hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia tiếp tục được xây dựng hiện đại và rộng khắp. Mạng lưới bưu chính, viễn thông phát triển nhanh chóng. Công nghệ thông tin phát triển với nhiều thành tựu. Các chỉ số xếp hạng ứng dụng CNTT tiếp tục giữ vững vị thứ hạng; Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT xếp vị thứ 2 toàn quốc; Chỉ số chính quyền điện tử xếp thứ nhất toàn quốc. Đặc biệt, năm 2020 là năm cuối thực hiện đề án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh, giai đoạn 2018-2020 với nhiều thành tựu đáng khích lệ, tạo thành mô hình điểm cho toàn quốc.

Đến 2025, lĩnh vực bưu chính có tốc độ tăng trưởng đạt 30%. Lĩnh vực viễn thông có hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 100% hộ gia đình, 100% thôn; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. Về CNTT, hướng đến 2025 hoàn thành xây dựng Chính quyền số, hoàn thiện xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh và mở rộng dịch vụ đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 trên nền tảng kế thừa kết quả triển khai giai đoạn 2018-2020…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Sở TT&TT chủ động, tham mưu và đề xuất UBND tỉnh các giải pháp, các đề án có tính đột phá, tháo gỡ các rào cản pháp lý, phù hợp với thực tiễn địa phương để UBND tỉnh đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh. Có giải pháp nâng cao hệ thống đường truyền của tỉnh phục vụ kết nối hệ thống thông tin thông suốt. Nghiên cứu đề xuất đầu tư, nâng cấp và duy trì, quản lý các hệ thống thông tin dùng chung và hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh.

Tuy vậy, “không triển khai dàn trải mà tập trung triển khai chuyển đổi số trong dịch vụ công, đảm bảo 100 % dịch vụ công được triển khai eform (biểu mẫu điện tử) làm cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành; góp phần tăng tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến, giảm đáng kể giấy tờ, giảm số lần và thời gian đi lại, giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, tăng tính minh bạch và nâng cao mức độ hài lòng”, ông Bình nói. (baothuathienhue.vn 13/01)

 
 
 

4.  Phát triển kinh tế biển

Ổn định khai thác biển, phát triển du lịch, đặc biệt là hạ tầng dịch vụ - du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Vang lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025.

“Giữ vững” khai thác biển

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, kinh tế biển và đầm phá là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Tuy nhiên, khai thác biển hiện gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn lợi thủy, hải sản ngày càng giảm.

Theo đánh giá của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), nguồn lợi cá nổi giảm 10%, cá tầng đáy giảm đến hơn 40%. Hạn ngạch tàu đánh bắt xa bờ phân bổ cho địa bàn đã “cán đích”, không thể phát triển thêm. Lao động biển thiếu. Những khó khăn này khiến sản lượng khai thác biển có nguy cơ giảm.

Huyện ủy Phú Vang đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp và chỉ đạo hệ thống chính trị triển khai đến người dân nỗ lực thực hiện. Chính quyền địa phương các cấp, thông qua các nghiệp đoàn, các chi hội nghề cá, tổ hợp tác vận động, khuyến khích ngư dân đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, chuyển đổi, bổ sung nghề nghiệp để duy trì sản lượng, nâng cao giá trị sản phẩm (sản phẩm có giá trị xuất khẩu).

Nhiều ngư dân cải tiến chiều dài, chiều rộng lưới; đầu tư hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng đầu tư máy dò ngang, dò chụp để phát hiện sớm đàn cá. Đồng thời, phần lớn ngư dân trên địa bàn huyện trước đây chỉ làm nghề truyền thống (lưới vây, lưới cản), nay bổ sung thêm nghề khác, chủ động trong khai thác. Trong đó, tập trung chuyển đổi hoặc bổ sung thêm nghề lưới rê đánh bắt các loại cá có giá trị cao, xuất khẩu như cá lạc, cá chim, thu..., hoặc rê mực khơi đánh bắt quanh năm.

Với truyền thống chịu thương, chịu khó, yêu biển, yêu nghề, ngư dân Phú Vang hưởng ứng vận động, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để bám biển, bám nghề. Đội tàu đánh bắt, dịch vụ xa bờ (hàng trăm tàu xa bờ có chiều dài 15 mét trở lên, có công suất đến 1.000CV) thường xuyên bám biển, vươn khơi. Thị trấn Thuận An, các xã Phú Thuận, Vinh Thanh là những địa phương có nhiều đổi thay mạnh mẽ trong quá trình thực hiện các chủ trương nêu trên, đảm bảo sản xuất quy mô, giữ vững sản lượng khai thác, nâng cao các sản phẩm giá trị, đóng góp tích cực để Phú Vang năm 2020 đạt 100,34% sản lượng đánh bắt so với kế hoạch đề ra.

“Ngư dân Phú Vang sống nhờ biển, phần lớn “cha truyền con nối”. Rất nhiều ngư dân có cuộc sống khấm khá, đi lên, làm giàu từ biển. Gia đình tôi cũng bắt đầu từ chiếc thuyền chèo, quá trình nỗ lực bám biển, tích lũy, nay đã làm chủ chiếc tàu công suất 750 CV”- ngư dân Nguyễn Bằng (xã Vinh Thanh) phấn khởi.

Phát triển hạ tầng dịch vụ - du lịch

“Phát triển kinh tế biển trong giai đoạn hiện nay phải tập trung đầu tư cho hạ tầng du lịch - dịch vụ. Trước mắt, phải quy hoạch, sắp xếp lại, đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng các bãi tắm từ Thuận An đến Vinh An. Trước đây chỉ có 1 đường nhỏ ra bãi tắm biển Phú Diên, nay mới đầu tư thêm, có 2 đường rộng rãi, có dải phân cách ở giữa, khang trang. Những bãi tắm biển khác cũng đã được phân bổ nguồn lực, đang bắt đầu mở rộng đường, mở bãi giữ xe…, đầu tư nâng cấp hạ tầng, để thúc đẩy dịch vụ du lịch biển”, ông Nguyễn Văn Chính cho biết.

Nhiều dự án (DA) lớn đã được xúc tiến triển khai đầu tư tại những xã vùng biển trên địa bàn huyện, như: DA Khu nghỉ dưỡng cao cấp xã Vinh Thanh và Vinh Xuân của Công ty CP Tập đoàn BRG với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng; DA Hue Amusement & Beach Park có tổng vốn đầu tư 1.060 tỷ đồng, quy mô đầu tư 1.000 phòng khách sạn tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao, 93 biệt thự cao cấp và các tổ hợp dịch vụ khác trên diện tích 49,5 ha tại địa bàn 2 xã Vinh An và Vinh Thanh.

Để thực hiện rốt ráo việc phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch biển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, các nghị quyết chuyên đề và chương trình hành động của huyện nhấn mạnh, tập trung chỉ đạo, trong đó tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến đầu tư phát triển các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch biển nói chung, các DA khu nghỉ dưỡng cao cấp Thuận An, khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Cồn Sơn (Phú Thuận), khu du lịch biển Phú Diên (nói riêng), được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng.

Ông Nguyễn Văn Chính cho hay, đã có nhà đầu tư đến đầu tư khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Cồn Sơn. Hiện, đang làm công tác kiểm kê, thỏa thuận với dân, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nằm trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, việc xây dựng các làng nghề, cụm công nghiệp để bổ trợ cho dịch vụ sau khi đánh bắt thủy, hải sản được quan tâm. Theo đó, Phú Vang đang triển khai xây dựng cụm công nghiệp tại Phú Diên, trong tương lai không xa là “thủ phủ” chế biến thủy sản, các loại mắm, ruốc, sửa chữa đóng mới tàu thuyền... (baothuathienhue.vn 13/01)

 
 
 

5.  Thừa Thiên Huế muốn có mạng xã hội riêng

Tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn cùng Viettel xây dựng một mạng xã hội riêng trên nền tảng ứng dụng phản ánh hiện trường Hue-S do Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh quản lý.

Chiều 13-1, ông Nguyễn Xuân Sơn, giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết thông tin trên.

Theo đó, tại buổi làm việc với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã nêu ý tưởng biến ứng dụng Hue-S trở thành một mạng xã hội riêng. Qua đó, trở thành đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn.

Hiện nay rất đông người dân tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng ứng dụng Hue-S để phản ánh các thông tin sai phạm giao thông, xây dựng... đến các cơ quan chức năng của tỉnh.

Theo ông Sơn, khi Hue-S trở thành một mạng xã hội có chức năng trao đổi thông tin giữa người dân và chính quyền thì độ phổ biến sẽ rộng hơn như các ứng dụng mạng xã hội Facebook, Zalo...

Tuy nhiên để biến ý tưởng này trở thành hiện thực, theo ông Sơn, không phải điều đơn giản bởi còn phải đáp ứng những yếu tố bảo mật cá nhân, kiểm soát thông tin, đảm bảo quyền lợi của người dùng. (ongnghe.tuoitre.vn 13/01, etime.danviet.vn 13/01)

 
 
 

6.  Mô hình khuyến nông: Hiệu quả nhưng còn phân tán

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh triển khai các mô hình khuyến nông trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế khá cao ở các địa phương.

Nhiều mô hình hiệu quả

Một trong những “điểm nhấn” hoạt động hiệu quả từ nguồn vốn khuyến nông là mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường và mô hình áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp để xử lý rơm rạ (bằng chế phẩm sinh học hữu cơ vi sinh) sau thu hoạch vụ đông xuân.

Để hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, tận dụng nguồn phụ phẩm này phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa, năm 2019, mô hình máy cuộn rơm đầu tiên được thực hiện tại xã Phong Hiền (Phong Điền); năm 2020 tiếp tục thực hiện với quy mô 3 máy ở các địa phương Phú Vang, Phong Điền. Theo đánh giá của TTKN tỉnh, mô hình máy cuốn rơm đem lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Vụ hè thu năm 2020, các máy này cuốn được gần 20 nghìn cuộn rơm trên diện tích khoảng 95 nghìn ha. Với dịch vụ gom rơm bằng máy cuộn rơm, chủ máy có thu nhập trên 22,5 nghìn đồng/sào, người thuê dịch vụ tiết kiệm được 10 nghìn đồng/sào so với thuê thu gom truyền thống. Giá trị tăng thêm từ rơm khoảng 100 nghìn đồng/sào. Đến nay đã có 14 máy cuốn rơm đang hoạt động trên địa bàn tỉnh (trong đó có 4 máy tự hành), tạo tính cạnh tranh giá dịch vụ giữa các chủ máy, lợi ích thiết thực cho cộng đồng sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Văn Hiến - nông dân xã Phú Lương (Phú Vang) cho biết, từ thành công bước đầu, ngoài thu gom rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương, một số chủ máy đã bán rơm tại tuyến quốc lộ với giá từ 20-22 nghìn đồng/cuộn cho các đối tác ở ngoài tỉnh như Hà Nội, Bình Định, Phú Yên. Với giá thuê cuốn rơm và chở rơm nơi tập kết 10-11 nghìn đồng/cuộn, người nông dân sẽ có thu nhập 90-120 nghìn đồng/sào ruộng.

Những năm tới, việc phát triển máy cuốn rơm không những làm dịch vụ thu gom rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mà còn bán cho các tỉnh khác. Việc đầu tư máy cuốn rơm không còn dừng lại ở hộ tư nhân phục vụ sản xuất cho gia đình mà dần chuyển sang kinh doanh dịch vụ chuyên nghiệp.

Mô hình nuôi gà lai lông màu được thực hiện tại 2 xã Điền Môn và Điền Hương (Phong Điền) với 1.000 con được thả nuôi của 20 hộ dân tham gia. Kết quả đánh giá mô hình cho thấy, sau thời gian nuôi 105 ngày, tỷ lệ nuôi sống đạt 94.8%. Trọng lượng gà xuất bán bình quân đạt 1,88kg/con. Tỷ lệ tiêu tốn thức ăn 2,86kg/kg tăng trọng. Giá bán 70 nghìn đồng/kg, cao hơn 5-10 nghìn đồng so với các giống gà lai nuôi trang trại, thu nhập bình quân đạt 1,6 triệu đồng/hộ, những hộ nuôi tốt đạt 1,9 triệu đồng/hộ.

Theo Hội Nông dân xã Điền Hương, kết quả lớn nhất của mô hình là các hộ nông dân tham gia đã chủ động thực hiện được các kỹ thuật, kỹ năng chăn nuôi và phòng bệnh để tiếp tục phát triển mô hình bền vững và lâu dài. Với kiến thức kỹ năng đã được hướng dẫn và áp dụng thành công, sau khi mô hình kết thúc, các hộ dân vẫn tiếp tục nuôi và xuất bán.

Còn phân tán

Nhiều năm qua, TTKN tỉnh triển khai các mô hình khuyến nông trong tất cả các lĩnh vực sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi đến nuôi trồng thủy sản, đạt hiệu quả kinh tế khá cao ở các địa phương. Trong đó, từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông lâm của tỉnh đã triển khai 7 mô hình; nguồn kinh phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa 6 mô hình; nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) 1 mô hình và từ nguồn kinh phí của các dự án khuyến nông Trung ương 2 mô hình.

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc TTKN tỉnh đánh giá, các mô hình sản xuất nông nghiệp cơ bản bám sát nhu cầu phát triển của từng địa phương, thực sự mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho các hộ nông dân tham gia, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo.Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động khuyến nông làm thị trường tiêu thụ các sản phẩm gặp khó khăn, giá nông sản giảm mạnh. Việc tiếp cận của nông dân với các dịch vụ sản xuất, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại chưa rộng, chưa đầy đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất về lâu dài.

Bên cạnh đó, các mô hình còn phân tán, dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng nông dân khác nhau, chỉ tập trung vào xây dựng mô hình để chuyển giao kỹ thuật, chưa có mô hình tổng hợp, liên kết theo chuỗi giá trị gắn kết với thị trường tiêu thụ và mô hình ứng dụng công nghệ cao.

“Thời gian tới, chương trình khuyến nông tiếp tục bám sát các nội dung giải pháp của đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; chương trình MTQG xây dựng NTM và chương trình khuyên nông tỉnh giai đoạn 2021-2025 (đang trình UBND tỉnh phê duyệt), để xây dựng các mô hình khuyến nông-lâm-ngư trên cơ sở phù hợp, bám sát định hướng của ngành, địa phương và nhu cầu thực tế sản xuất”, ông Phi khẳng định.

Nhiều giống lúa mới có triển vọng

Bình quân mỗi mùa vụ trên địa bàn tỉnh sử dụng 30-40 giống lúa các loại, trong đó giống Khang Dân vẫn là chủ lực. TTKN tỉnh đã thực hiện các mô hình khảo nghiệm sản xuất và áp dụng các giống lúa mới có triển vọng như HC4, HN6, Ma lâm 48, LDA1, KH1, HG12… Đây là các giống lúa mới có ưu thế về năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu với sâu bệnh, phù hợp với điều kiện sản xuất từng địa phương. (baothuathienhue.vn 13/01)

 
 
 

7.  Khấm khá nhờ biển

Nhờ biển, gia đình ngư dân Đỗ Thanh Hùng ở thôn 6, xã Vinh Thanh (Phú Vang) có cuộc sống ấm no, khấm khá.

Nhiệt tình dẫn khách đến ngôi nhà mới xây kiên cố, bề thế, người dân trong thôn giới thiệu: “Nhà anh Đỗ Thanh Hùng mới xây cách đây 3 năm. Lúc trước, nhà tạm bợ lắm”.

Ngày biển động nên anh Hùng ở nhà. Vợ chồng con cái cùng nhau cặm cụi vá lưới, chuẩn bị để khi thời tiết đảm bảo sẽ sẵn sàng cho chuyến đánh bắt tiếp theo. Kể về những nỗi vất vả của những năm tháng bám biển, bám nghề, nhưng lại luôn nở nụ cười thật tươi, vợ chồng anh Hùng “đúc kết”: “Nhờ biển, nhờ chịu thương chịu khó, nên gia đình chúng tôi mới có cuộc sống ngày càng ấm no, khấm khá như ngày hôm nay”.

Trước đây, cũng như hầu hết ngư dân trên địa bàn, cha của anh Hùng có con thuyền chèo tay, chở được hai người, khai thác “loanh quanh” gần bờ, với các loại hải sản giá trị không cao. Cuộc sống khó khăn nên năm 13 tuổi, anh Hùng quyết định trở thành ngư dân thực thụ. Hai cha con, cứ 2-3 giờ sáng là ra biển. Chăm chỉ, cần cù nhưng cũng chỉ đủ nuôi sống gia đình. Nhà cửa mãi vẫn tạm bợ, tuềnh toàng.

Anh Hùng quyết định theo các tàu lớn ở Đà Nẵng vươn khơi xa, câu mực xà. Sau 4 năm tích lũy kinh nghiệm, có phần nào vốn liếng, anh Hùng lại đưa ra một quyết định quan trọng khác, đó là trở về quê, vay thêm tiền, mua chiếc tàu cũ 90 CV.

Mặc dù lần này vẫn đánh bắt gần bờ, nhưng tàu và máy móc, ngư lưới cụ hiện đại hơn, nên khai thác hiệu quả hơn. Ngoài lo cho cuộc sống gia đình, anh cố gắng tích lũy, gom góp. Cách đây 6 năm, anh bán chiếc tàu cũ, cùng 4 ngư dân khác sắm chiếc tàu 750 CV và các thiết bị, ngư lưới cụ tổng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Bây giờ, anh vươn khơi, tập trung khai thác các loại hải sản giá trị kinh tế cao để xuất khẩu.

Người ngư dân mấy chục năm gắn bó, buồn vui với biển, với nghề bộc bạch với niềm tự hào, rằng không có chuyến ra khơi nào là lỗ cả. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi chuyến khai thác từ 3-5 tấn, lãi ròng từ vài chục đến trăm triệu đồng. Không may thời tiết bất lợi, phải cập bờ sớm hơn dự định, thì cũng đủ các chi phí và có cái ăn.

Trong lúc anh Hùng mải miết với những chuyến ra khơi, chị Nguyễn Thị Gái luôn là “hậu phương” vững vàng, hỗ trợ cho chồng. Trước đây chồng đi biển về, người vợ gánh cá oằn vai chạy trên cát nóng về tận chợ An Bằng (xã Vinh An) ngồi bán. Bây giờ hải sản đánh bắt được đã có thương lái thu mua. Chị Gái dành hết thời gian ở nhà vá lưới. “Chuyến biển nào về, lưới cũng rách, phải vá lại, chuẩn bị cho chuyến sau. Ngày nào cũng từ sáng sớm đến 9-10 giờ đêm mới kết thúc. Nếu thuê người thì phải tốn mất khoản tiền bình quân hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. Vậy nên phải chịu thương, chịu khó. Con cái khi rảnh rỗi cũng phụ cha mẹ vá lưới”- chị Gái mộc mạc.

Bám biển, bám nghề, cần cù, gom góp, từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ngư dân Đỗ Thanh Hùng nuôi các con học hành tử tế, phụng dưỡng cha mẹ già, xây được ngôi nhà kiên cố, to đẹp với số tiền gần 1 tỷ đồng. Trong câu chuyện, anh Hùng luôn nói về việc “nhờ biển” bằng rất nhiều biết ơn, trân trọng. Cũng như hộ anh Hùng, rất nhiều hộ ngư dân ở Vinh Thanh làm giàu, đi lên, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn nhờ biển, nhờ sự cần cù chịu thương, chịu khó. (baothuathienhue.vn 13/01)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.449.567
Truy cập hiện tại 1.330