TIN NÓNG
1. Kè chống sạt lở sông Hương: Gói thầu hơn 74 tỷ chỉ tiết kiệm ‘sốc’ 25 triệu đồng
Gói thầu kè chống sạt lở bờ sông Hương có giá hơn 74 tỷ đồng, liên danh 3 nhà thầu trúng thầu tiết kiệm cực thấp chỉ 25 triệu đồng (giảm 0,03% so với giá gói thầu).
Hồ sơ PV An ninh Tiền tệ có được, gói thầu “Toàn bộ phần xây lắp thuộc Dự án Kè chống sạt lở các đoạn xung yếu thuộc hệ thống sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế, hạng mục thực hiện giai đoạn 1 đoạn từ cầu Kim Long đến chùa Thiên Mụ” có giá dự toán 74.607.255.000 đồng
Gói thầu này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Huế làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu với hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước, không qua mạng.
Có 3 nhà thầu tham dự thầu, gồm liên danh Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế - Công ty TNHH Anh Quốc - Công ty CP 1-5; Công ty TNHH Giang Sơn và Công ty TNHH Anh Quân.
Qúa trình chấm thầu, 2 nhà thầu là Công ty TNHH Giang Sơn và Công ty TNHH Anh Quân bị loại vì lí do không đạt năng lực, kinh nghiệm.
Liên danh Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên - Huế - Công ty TNHH Anh Quốc - Công ty CP 1-5 được công bố trúng với giá 74.582.290.000 đồng, tiết kiệm cực thấp 25 triệu đồng (giảm 0,03%). Hiện liên danh 3 nhà thầu đã hoàn tất các thủ tục pháp lý, tiến hành thi công trên thực địa.
Tìm hiểu của PV được biết, cả 3 nhà thầu trong liên danh đều là những đơn vị "ẵm" nhiều gói thầu có giá trị lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trong đó, Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên - Huế ẵm liên tiếp các gói thầu đạt tỷ lệ tiết kiệm cực thấp. (antt.nguoiduatin.vn 11/1)
2. Huế: Xử lý công ty bắn pháo hoa nổ không phép như thế nào?
Theo luật sư Minh, việc công ty TNHH Gia Bảo Event – Media tự ý tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp khi chưa được cấp phép là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Thông tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị này đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ hành vi bắn pháo hoa nổ tầm thấp không phép của công ty TNHH Gia Bảo Event - Media (đóng tại phường Xuân Phú,TP.Huế), đơn vị tổ chức chương trình Huế - Countdown 2021.
Theo cơ quan chức năng, trước đó, vào khoảng 0h01 ngày 1/1, tại chương trình "Huế - Countdown 2021 - Thắp sáng niềm tự hào" được tổ chức tại ngã 6 Hùng Vương, TP.Huế. Công ty TNHH Gia Bảo Event - Media đã có hành vi bắn gần 100 quả pháo hoa nổ tầm thấp, điều đáng nói, việc công ty này bắn pháo hoa nổ tầm thấp không có trong nội dung chương trình sự kiện.
Bước đầu, qua kiểm tra, xác minh, cơ quan chức năng xác định nguồn gốc số pháo trên do đơn vị tổ chức sự kiện mua lại của một công ty có trụ sở đóng tại TP.HCM, nhưng chưa có hợp đồng chính thức. Công ty TNHH Gia Bảo Event - Media thực hiện không đúng nội dung giấy phép số 2764/GP-SVHTT do sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp khi trong nội dung chương trình được cấp phép hoàn toàn không có phần bắn pháo hoa. Bên cạnh đó, tại thời điểm làm việc với cơ quan chức năng, công ty TNHH Gia Bảo Event - Media không xuất trình được giấy phép sử dụng pháo hoa nổ trong chương trình kể trên.
Trả lời báo chí, ông Đoàn Quốc Duy, Tổng đạo diễn chương trình, đại diện cho đơn vị tổ chức thừa nhận rằng, việc bắn pháo hoa nổ tại chương trình trên là chưa được phép và đã bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm ngay sau đó. Đơn vị tổ chức là công ty TNHH Gia Bảo Event - Media sẽ chấp hành các biện pháp xử phạt của cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi đó, trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc công ty luật An Doanh tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, theo quy định của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP thì các tổ chức, cá nhân không được phép sử dụng pháo nổ, thuốc pháo nổ; chỉ các tổ chức, địa phương mới được phép tổ chức bắn pháo hoa theo các trường hợp quy định tại Điều 7 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.
Theo luật sư Minh, việc tổ chức bắn pháo hoa chỉ được tiến hành trong ngày hội văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế và trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đối với trường hợp bắn pháo hoa tầm thấp của công ty TNHH Gia Bảo Event – Media lại không thuộc một trong các trường hợp được phép bắn pháo hoa nêu trên, không xuất trình được quyết định cho phép bắn pháo hoa tầm thấp. Như vậy, việc công ty này tự ý tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp khi chưa được cấp phép bắn pháo hoa là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
"Đồng thời, khoản 1 Điều 7 Thông tư số 08/2010/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có quy định những đối tượng được mua pháo hoa phải là "các đơn vị, địa phương được phép tổ chức bắn pháo hoa quy định tại Điều 7 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP". Nếu công ty TNHH Gia Bảo Event – Media chưa được cấp phép tổ chức bắn pháo hoa thì sẽ không mua được pháo hoa theo quy định của pháp luật. Như vậy, có thể công ty TNHH Gia Bảo Event – Media đã có hành vi mua bán, nhập khẩu trái phép pháo hoa, đây là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP", luật sư Minh nhấn mạnh.
Luật sư Minh cho biết thêm, như vậy, với những hành vi nêu trên, công ty TNHH Gia Bảo Event – Media có thể bị xử phạt hành chính về hành vi mua, bán pháo trái phép theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. (nguoiduatin.vn 10/1)
3. Hầm Hải Vân 2 chỉ hoạt động 20 ngày rồi đóng cửa
Do nhiều vướng mắc chưa được giải quyết nên hầm Hải Vân 2 chỉ hoạt động 20 ngày trước và sau Tết Nguyên đán.
Chiều 10/1, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả cho hay, để kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, đơn vị đã đề xuất và thống nhất với bộ GTVT tổ chức vận hành cho các phương tiện lưu thông qua 2 ống hầm trong 20 ngày, từ ngày 1/2 đến hết ngày 21/2, tức ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu.
Sau thời gian trên, đơn vị sẽ đóng hầm Hải Vân 2 và hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường để giải quyết xong các vướng mắc còn tồn tại.
Theo đại diện Đèo Cả, dự án này vẫn còn nhiều vướng mắc về tài chính vẫn chưa được giải quyết. Hiện nay, hầm Hải Vân 1 mỗi năm tổng số tiền chi phí hoạt động khoảng 100 tỉ đồng.
“Các vấn đề về tài chính chưa được giải quyết, nếu đưa hầm Hải Vân 2 vào hoạt động thì không đủ chi phí vận hành. Nguyên nhân hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành để chờ cơ quan nhà nước có chức năng giải quyết các tồn tại và vướng mắc mà dự án đang gặp phải”, vị này nói thêm.
Trước đó, ngày 20/11/2020, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng sau khi kiểm tra đã đánh giá công trình đủ điều kiện đưa vào vận hành, khai thác nhưng chủ đầu tư vẫn kiên quyết đóng cửa và kiến nghị được bố trí khoản kinh phí 1.180 tỷ đồng thuộc phần vốn nhà nước mới tiến hành cho vận hành, khai thác.
Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được bộ GTVT phê duyệt năm 2016 gồm 2 giai đoạn, với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại, hầm Hải Vân 1, và cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân.
Giai đoạn 2 mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông, hầm Hải Vân 2, với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe, dự kiến khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2020.
Hải Vân 2 được thiết kế hai ống hầm rộng 9,7 m cho phương tiện chạy một chiều, trong mỗi ống đảm bảo 2 làn xe rộng 7 m, đường bộ hành và bảo dưỡng rộng 1 m, hai dải an toàn 1,5 m... Ngoài ra, dự án còn có các hạng mục trung tâm cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, trạm thu phí; trạm dừng đỗ kỹ thuật. Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất cả nước, trong đó, đường dẫn phía bắc dài khoảng 1,7 km, trong hầm dài 6,2 km, đường dẫn phía nam 4 km. (nguoiduatin.vn 10/1)
4. Nguyên nhân nào khiến nạn “xe ké” ở Huế khó xử lý dứt điểm?
Ngoài những thủ đoạn ngày càng tinh vi thì việc chưa đáp ứng về chất lượng phục vụ của tuyến xe khách Huế - Đà Nẵng là một trong những nguyên nhân của việc này.
Dù lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế ra quân xử lý nhiều lần nhưng tình trạng “xe dù, xe ké” vận chuyển hành khách trái phép ở Huế vẫn không giảm. Tình trạng này không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp vận tải hợp pháp.
Theo thống kê từ Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên-Huế, thời gian qua, tình trạng xe ô tô trá hình vận chuyển hành khách tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số lượng phương tiện, tần suất chạy xe.
Đặc biệt các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với các lực lượng chức năng như: Bố trí nhiều đối tượng theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng tại các chốt kiểm tra, kiểm soát để thông tin cho các lái xe trốn tránh; tổ chức trung chuyển khách bằng xe taxi khi qua điểm kiểm tra của đoàn liên ngành, nhờ hành khách đi xe đứng tên làm giả hợp đồng…
Vậy nguyên nhân nào khiến tình trạng này dù lực lượng chức năng xử lý quyết liệt nhưng vẫn không thuyên giảm và dứt điểm?
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng: “Chúng ta phải nhìn nhận được thực tế là chất lượng dịch vụ của các hợp tác xã vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, có sự chênh lệch giữa cung và cầu, “cung” chưa đáp ứng được “cầu” về chất lượng, phục vụ, giá cả, thời gian... Nên vấn đề nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên tuyến Huế - Đà Nẵng hiện nay phải được đặt lên hàng đầu”.
Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô; Công ty Cổ phần Bến xe Huế phối hợp các đơn vị kinh doanh vận tải, Hiệp hội vận tải ô tô đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ hành khách, nhân viên bến xe nâng cao chất lượng phục vụ hành khách khi đi trên xe hay tại bến xe; thực hiện phục vụ chu đáo, tận tình, văn minh, lịch sự, an toàn, thuận tiện cho mọi hành khách đi xe.
Bên cạnh đó, ông Phan Ngọc Thọ cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát bằng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp các lực lượng để phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi xuất phát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các phương tiện chở khách như: xe dù, xe ké, xe dịch vụ qua mạng, xe núp bóng các loại hình vận tải khác hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật. (nguoiduatin.vn 10/1)
5. Bắn pháo hoa trong resort cao cấp: Ai thuê?
Ông Hải bắn pháo hoa theo đơn đặt hàng của một giám đốc công ty thuê địa điểm khu nghỉ dưỡng tổ chức tất niên công ty.
Ngày 10/1, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 2 triệu đồng đối với ông Phạm Minh Hải (36 tuổi; ngụ tại xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) do có hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép.
Trước đó, lúc 20h30 phút tối 9/1, tại bãi biển Thuận An thuộc khuôn viên khu nghỉ dưỡng Lapochine Beach Resot (thị trấn thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), ông Hải đã có hành vi bắn pháo hoa nổ tầm thấp (cao dưới 120 mét) trái phép.
Theo lời khai ban đầu, Hải bắn pháo hoa theo đơn đặt hàng của ông B.A.Q (trú tại TP. HCM) nhân dịp tất niên công ty do ông Q. làm giám đốc.
Trao đổi với Đất Việt, việc cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hải mà chưa đưa ra hình thức xử lý đối ông B.A.Q khiến luật sư Nguyễn Văn Thành - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội băn khoăn.
Theo vị luật sư này, trong vụ việc thì người thuê ông Hải bắn pháo hoa đóng vai trò chủ mưu. "Việc bắn pháo hoa được thực hiện theo đơn đặt hàng, ý chí bắn pháo hoa ban đầu là do ông Q. đưa ra nên ông Q. mới là người đóng vai trò chính trong vụ việc.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần làm rõ số lượng pháo hoa mà ông Hải đã sử dụng từ đâu mà có. Nếu do ông Q. cung cấp thì sai phạm của vị giám đốc này còn nghiêm trọng hơn hành vi mà ông Hải đã làm. Chính vì thế, cơ quan chức năng cần làm rõ người chủ mưu trong vụ việc để xử phạt đúng người, đúng tội" - ông Thành cho biết.
Ngoài ra, ông Thành cho biết, hiện nay nhiều người dân Việt Nam đang hiểu nhầm Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo do Chính phủ ban hành.
Theo Nghị định này, pháo hoa được phép đốt là loại pháo phát ra ánh sáng, có tiếng xì xì, không có thuốc nổ, chứ không phải quả pháo hoa phóng lên trời phát nổ.
Nghị định tách hẳn khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ. Bình thường tổ chức đám cưới người dân hay đốt loại pháo hoa không có tiếng nổ, chỉ phát ra ánh sáng, màu sắc, đây chính là loại pháo hoa người dân được phép sử dụng.
Còn pháo hoa nổ bây giờ vẫn cấm tuyệt đối vì loại pháo này có thuốc nổ, gây nguy hiểm và nếu người dân sử dụng vẫn bị quy trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính...
""Người dân chỉ được mua loại pháo hoa này của các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Loại pháo này chỉ Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, không bán tràn lan" - ông Thành cho biết. (datviet.trithuccuocsong.vn 11/1) Về đầu trang
6. Huế: Gần 500 hộ dân ở 'xã nông thôn mới' vẫn phải dùng nước giếng nhiễm phèn
Mặc dù xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới hơn 1 năm nhưng đến nay hàng trăm hộ dân với 1.985 nhân khẩu vẫn phải dùng nước giếng, mỏi mòn chờ nước sạch vào nhà.
Theo quy định, để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới thì tiêu chí các hộ được sử dụng “nước hợp vệ sinh và nước sạch” phải đạt tỷ lệ 70% (trong đó 50% nước sạch) trở lên. Tuy nhiên, ở xã Phú Sơn (cách trung tâm thị xã Hương Thủy chưa đến 10km), người dân vẫn chưa có nước hợp vệ sinh để sử dụng dù xã này đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ tháng 9/2019.
Theo quan sát của PV, các hộ dân trên địa bàn xã Phú Sơn vẫn phải dùng nước lấy từ giếng khoan, giếng đào, rồi bơm vào bồn chứa nước lắp đặt trên mái nhà. Đặc biệt, các trường học và công sở trên địa bàn cũng phải dùng nước giếng.
Gia đình anh Trần Văn Dũng (thôn 2 xã Phú Sơn) vẫn dùng nước từ giếng đào sâu 15m trong nhà nhiều năm qua. Anh Dũng cho biết: "Không chỉ người dân như chúng tôi mà các trường học đều phải dùng nước giếng; khi thì đục, lúc thì cạn nước… Chúng tôi đã từng vui mừng khi thấy công nhân kéo, lắp đặt ống nước trên các tuyến đường, nhưng chờ mãi vẫn không có nước sạch".
“Điều chúng tôi thấy bất ngờ và khó hiểu là xã đạt chuẩn nông thôn mới hơn 1 năm nay mà vẫn không có nước sạch cho người dân sử dụng. Nước giếng bị nhiễm phèn, mùa khô thì cạn, mùa mưa thì đục. Rất mong các ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế đấu nối, cấp nước sớm để người dân chúng tôi có nước sạch sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán này”, anh Nguyễn Duy Tuấn (thôn 4 xã Phú Sơn) bày tỏ mong muốn.
Trao đổi với phóng viên về thông tin người dân phản ánh, bà Nhâm Thị Hiên, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho hay, xã có 488 hộ/1.985 nhân khẩu đang sử dụng nước giếng đào hoặc giếng khoan; tình trạng thiếu nước vào mùa hè, nước đục đỏ vào mùa mưa bão thường xuyên xảy ra.
“Trước khi chúng tôi đề xuất để xã "về đích" nông thôn mới thì tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có chủ trương đầu tư dự án nước sạch về xã nên cho nợ về tiêu chí “nước hợp vệ sinh và nước sạch”. Tuy nhiên, do chờ lâu nên trong các cuộc tiếp xúc cử tri thì người dân vẫn hay kiến nghị về vấn đề nước sạch”, bà Nhâm Thị Hiên thông tin thêm.
Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cũng xác nhận tình trạng thiếu nước sạch ở xã Phú Sơn. Ông Tập cho biết, trước khi xã Phú Sơn đạt chuẩn nông thôn mới thì dự án nước sạch đã được tỉnh Thừa Thiên – Huế khảo sát, phê duyệt và thi công, dự kiến hoàn thành giữa năm 2020, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh mưa lũ nên dự án chậm tiến độ.
"Chúng tôi sẽ làm báo cáo trình UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế để đẩy nhanh tiến độ và sớm có nước sạch cung cấp cho người cho người dân xã Phú Sơn”, ông Nguyễn Đắc Tập khẳng định. (infonet.vietnamnet.vn 10/1) Về đầu trang
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Đảng bộ TP. Huế triển khai công tác xây dựng Đảng năm 2021
Hoạt động này được Đảng bộ cơ quan chính quyền TP. Huế tổ chức ngày 9/1. Tham dự có UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định.
Năm 2020, Đảng bộ cơ quan chính quyền TP. Huế đã triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các giải pháp vừa phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội và an ninh chính trị.
Trong đó, kịp thời tổ chức quán triệt Chuyên đề về Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020 và Nghị quyết 54 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong đảng bộ… Trong năm, có 3 chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 10 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, 25 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 134 đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm 2021, Đảng bộ cơ quan chính quyền TP. Huế đề ra các nhiệm vụ như, thường xuyên phát động các phong trào thi đua thực hiện và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình dự án trọng điểm của thành phố, giải quyết kịp thời, hiệu quả các chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo...
Phát biểu tại hội nghị, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định nhấn mạnh, Đảng bộ cơ quan chính quyền TP. Huế là đảng bộ lớn nên sắp tới, cần đáp ứng xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới và khi mở rộng TP. Huế. Áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo), công nghệ thông tin vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tham mưu các quyết sách quan trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nêu gương, phát huy trách nhiệm, mỗi người là một thành tố để đưa Huế ngày càng phát triển toàn diện, bền vững… (baothuathienhue.vn 09/1) Về đầu trang
2. Tầm vóc của Thừa Thiên Huế vô cùng lớn
Năm 2020 khép lại với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thời tiết. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm sáng, tạo động lực cho chính quyền và người dân thực hiện các mục tiêu trong năm 2021. Trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho biết:
Dù chưa đạt được kết quả như mong muốn do thiên tai, dịch bệnh, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2020 đạt 2,06%, thu ngân sách địa phương vượt dự toán giao 11,2 %, tăng 0,7% so với năm 2019. Đây là mức tăng cao trong khu vực miền Trung nói chung. Bình quân tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 của tỉnh ước đạt 6,09%/năm.
Tỉnh đã cơ bản thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch, vừa duy trì được phát triển kinh tế, bảo đảm các yếu tố hoạt động sản xuất kinh doanh; các mặt văn hóa - xã hội, an ninh chính trị; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; chưa có trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng trong năm 2020. Những con số này nói lên sự cố gắng vượt bậc của Nhân dân toàn tỉnh trong quá trình sản xuất kinh doanh sau đại dịch và sau lụt bão.
Công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử có nhiều tiến bộ, cải thiện. Tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, nâng cao chất lượng điều hành bằng những việc làm cụ thể để hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiện đại và có hiệu quả, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số...
Năm 2021 là năm đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, tỉnh sẽ đổi mới như thế nào trong tư duy phát triển, tạo nguồn lực để huy động sức mạnh toàn dân thực hiện tốt hơn các phong trào, chương trình trọng điểm?
Năm 2021 là năm khởi động đầu nhiệm kỳ với nhiều khó khăn, cần tập trung nguồn lực cho đầu tư khôi phục và phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh. Tỉnh vừa triển khai các nội dung quan trọng của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xuyên suốt là đưa tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành phải năng động, sáng tạo và sẵn sàng với "trạng thái mới" trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện để phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất các mục tiêu đề ra.
Ngoài việc dành nhiều nguồn lực để khôi phục lại cơ sở vật chất, hạ tầng, tỉnh còn tranh thủ nguồn lực của Trung ương để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; hạ tầng sân bay Phú Bài gồm các hạng mục nhà ga và sân đỗ. Tiếp đó, đầu tư cho các dự án tầm cỡ chiến lược trong thời gian tới là tuyến đường ven biển đã được Chính phủ định hướng và tỉnh đang triển khai. Nhiều dự án phức hợp nghỉ dưỡng ven biển cũng đã và đang được khởi động ở Phú Vang, Phú Lộc, Chân Mây - Lăng Cô… sẽ tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch biển có thương hiệu, tầm cỡ lớn để đón tàu du lịch lớn trên thế giới đến Huế.
Thời điểm hiện nay, phục hồi kinh tế, đón đầu cơ hội là nhiệm vụ cấp bách của đất nước. Đây là thời điểm để chúng ta đánh giá sự thích nghi, chủ động của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và quy mô toàn cầu. Tỉnh sẽ có lộ trình chuyển đổi, hình thành chuỗi sản xuất tin cậy, đa dạng, chủ động, có năng lực phản ứng nhanh, linh hoạt, thích ứng với biến động của nền kinh tế để tạo nền tảng phát triển bền vững trong bối cảnh hòa nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thưa ông, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trong đó, mục tiêu xuyên suốt là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với những đặc thù riêng, những vấn đề gì sẽ được tỉnh ưu tiên?
Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đầu tư và chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; y tế là ngành kinh tế quan trọng; giáo dục đào tạo cơ bản, công nghệ thông tin sẽ là đột phá. Như vậy, rõ ràng mục tiêu, lộ trình để phát triển tỉnh trong 5 năm, 10 năm tới rất rõ, cụ thể được thể hiện tại Nghị quyết 54.
Những gì cần tập trung triển khai là Đề án điều chỉnh, mở rộng TP. Huế để đảm bảo TP. Huế trong tương lai sẽ là thành phố trung tâm, thành phố hạt nhân cho TP của Thừa Thiên Huế tương lai. Đồng thời, xây dựng các tiêu chí, cơ chế đặc thù để phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đảm bảo vượt qua những rào cản, khó khăn do chính sách và cơ chế mà hơn 10 năm qua khi triển khai không có đủ điều kiện để vượt qua.
Hình thành và phát huy hiệu quả 4 trung tâm lớn đã định hình: Trung tâm của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học - công nghệ; y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Có chính sách riêng, đầu tư riêng để tạo nên sức mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, từng bước xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Với cương vị là người đứng đầu chính quyền tỉnh, điều gì khiến ông còn trăn trở nhất?
Nhiệm vụ xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là nhiệm vụ lâu dài. Nói về kinh tế, tỉnh ta có nền kinh tế không lớn. Tuy nhiên, tầm vóc của Thừa Thiên Huế thì vô cùng lớn. Đặc biệt với vai trò là kinh đô xưa, những nét đẹp, giá trị về văn hóa của Huế là vô giá mà chúng ta phải tự hào và là thế mạnh để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế. Nhưng làm sao để phát triển được những nét văn hoá này nhằm đảm bảo phát triển nhanh trên nền tảng kinh tế tri thức nhưng phải bảo tồn và duy trì được bền vững đó là dựa trên nền tảng văn hóa.
Như vậy, quá trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế với vai trò là đô thị di sản, đô thị văn hóa thì quan điểm phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế là quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế. Để làm được điều này cần sự đồng lòng, đồng thuận của người dân, có chiến lược phát triển và huy động nguồn lực phù hợp, đặc biệt là sự đầu tư đồng bộ của Trung ương trong quá trình phát triển, bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có của Huế, để Huế xứng đáng có được những gì vốn có. Bên cạnh giữ gìn, bảo tồn thì chúng ta có một Huế năng động, Huế luôn luôn mới, hòa nhập vào xã hội hiện đại.
Ông có mong muốn gì trong dịp đầu năm mới và có lời chúc nào đến toàn thể người dân Thừa Thiên Huế?
Tôi muốn nói rất nhiều lời chúc đến đồng bào Thừa Thiên Huế, những người bạn Huế xa quê, những đồng bào Huế không còn ở trên đất Huế và mong muốn của tôi là mọi người luôn luôn hướng về Huế, luôn luôn khát khao cống hiến. Cùng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế, để trong mỗi một chúng ta mỗi lần nghĩ về Huế có quyền tự hào về xã hội mà người dân có cuộc sống sung túc, xã hội bình yên và hệ thống chính quyền thân thiện trong lòng người dân. (baothuathienhue.vn 10/1)
VĂN HÓA
1. Khám phá hai ngôi nhà 'di tích quốc gia đặc biệt’ tại Huế
Từ lâu, hai ngôi nhà tại số 112 (số mới 158) Mai Thúc Loan - Huế và tại làng Dương Nỗ (Phú Dương, huyện Phú Vang, TT-Huế) là những địa chỉ hết sức đặc biệt, đó là nơi gắn bó thời thơ ấu của Bác Hồ và gia đình của Người. Hai công trình này vừa trở thành di tích quốc gia đặc biệt.
Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 11, năm 2020) đối với 7 di tích. Một trong 7 di tích đặc biệt là Di tích lịch sử Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Huế và huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế.
Trước khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích đặc biệt, ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan – Huế đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 74/VH-QĐ ngày 02/02/1993.
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại 112 Mai Thúc Loan là một ngôi nhà gỗ rộng ba gian, gồm 4 vài cột, kiến trúc theo kiểu nhà rường truyền thống của Huế, với mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, mặt trước là hệ thống cửa bản khoa “thượng song, hạ đố”; nối với nhà chính là nhà bếp, vách trát đất, mái lợp tranh. Ngôi nhà nằm trong một tổng thể nhà - sân - vườn hoàn chỉnh.
Theo Cổng Thông tin Điện tử TT-Huế, đây là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ I từ 1895 - 1901.
Năm 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) thi đỗ Cử nhân ở trường thi Hương Nghệ An. Năm 1895 vào Huế thi Hội nhưng không đỗ.
Để chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo, ông xin vào học trường Quốc Tử Giám - Huế và được chấp nhận. Tuy nhiên học bổng của trường rất ít, không đủ để ông sinh sống tại đất kinh đô, vì vậy, ông về quê bàn với gia đình đưa vợ con cùng vào Huế để gia đình có điều kiện giúp đỡ ông học hành, và ông cũng có thời gian chăm sóc và nuôi dạy các con. Đến Huế nhờ người quen giới thiệu ông đã thuê được một gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba (là ngôi nhà di tích hiện nay).
Ngôi nhà đã lưu giữ nhiều kỷ niệm thủa thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứng kiến những năm tháng miệt mài đèn sách, khổ công học hành của ông Nguyễn Sinh Sắc; sự trung hậu, đảm đang của bà Hoàng Thị Loan, chứng khiến sự lớn lên và trưởng thành của hai anh em Khiêm, Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Đặc biệt, ngôi nhà này là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư là cậu bé Nguyễn Sinh Xin và cũng là nơi bà trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33 vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10/2/1901).
Còn nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế, là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống từ năm 1898 đến 1900, khi Người cùng anh theo cha về đây dạy học.
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ là một ngôi nhà tranh ba gian hai chái, vách ghép ván. Đồ đạc trong nhà đơn sơ giản dị, ở giữa kê bộ phản gỗ gõ để ông Sắc ngồi dạy học, hai bộ phản khác kê hai bên để cho học trò ngồi học, ở góc trong, gian bên trái có kê giường gỗ, dát tre, là nơi Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung thường nằm, góc trong gian bên phải kê một chiếc rương để đựng đồ đạc.
Hai chái hai đầu là nơi sinh hoạt và cất trữ thực phẩm của ba cha con. Nối với nhà chính là ngôi nhà ngang ba gian, mái lợp tranh, vách trát đất được sử dụng làm bếp sinh hoạt của gia đình.
Ngôi nhà tại Dương Nỗ đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định 296/VH-QĐ ngày 26/3/1990. (tienphong.vn 10/1)
XÃ HỘI
1. Giảm 50% lệ phí làm căn cước công dân có gắn chip
Theo Thông tư 112/2020/TT-BTC, lệ phí cấp căn cước công dân được giảm 50% trong thời gian 6 tháng, từ 1/2021 đến hết tháng 6/2021.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC hướng dẫn mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, ứng phó dịch bệnh COVID-19. Trong đó, lệ phí cấp căn cước công dân được giảm 50% so với mức thu quy định tại Thông tư 59/2019/TT-BTC. Mức giảm này thực hiện từ 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021. Từ ngày 1/7/2021 trở đi, mức lệ phí cấp thẻ căn cước gắn chip cho công dân được thu theo mức thông thường quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC.
Cụ thể, khi công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: mức thu lệ phí từ 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân giảm xuống còn 15.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: Mức lệ phí từ 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân giảm còn 25.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Trường hợp cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: Mức lệ phí 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân giảm còn 35.000 đồng/thẻ.
Theo Bộ Công an, dự kiến từ nay đến 1/7/2021 sẽ cấp 50 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân.
Bộ Công an khuyến nghị các trường hợp là công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CMND/CCCD hoặc đã được cấp nhưng bị hỏng, mất, hết thời hạn thì nên thực hiện ngay việc cấp mới, cấp đổi sang sử dụng CCCD gắn chip.
Cũng theo Bộ Công an, so với thẻ CCCD mã vạch hiện nay, thẻ CCCD gắn chip có độ bảo mật, dung lượng lưu trữ cao hơn. Thẻ CCCD mẫu mới sẽ tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như chữ ký số, khóa bảo mật …(baothuathienhue.vn 10/1)
2. Huế phải luôn luôn mới!
Chương trình Huế Countdown 2021 - lễ hội âm nhạc và đếm ngược chào đón năm mới 2021 - vẫn diễn ra sôi động dưới mưa và giá lạnh của đêm giao thừa.
Vẫn sân khấu đặt ở ngã sáu trung tâm và các con đường dẫn về giao lộ này đều phải tạm cắt đường từ đầu buổi tối 31/12, nhưng không nghe ai than vãn hay phản đối gì như hồi Countdown 2020 - lần đầu tiên một sân khấu lễ hội bày ra giữa đường phố.
Vậy là người Huế đã quen với những lễ hội tổ chức trên đường phố. Lễ hội đường phố thì không thể tổ chức trong nhà hát hay sân vận động như một chương trình ca nhạc. Họ đã hiểu, để có lễ hội thì phải có không gian cho lễ hội, nên vui vẻ nhường đường. Và thực tế, đêm chào đón năm mới 2021, thành phố Huế không hề bị kẹt xe hay ùn tắc giao thông, chỉ là đi vòng thì xa hơn một chút, nhưng cũng chưa đến mức phiền hà.
Dân gian nói “chật nhà chứ chật chi bụng”, trong trường hợp này thì “chật bụng chứ chật chi đường”. Nhường nhau một chút mà có được một lễ hội vui tươi giữa đêm mùa đông lạnh giá, cũng đáng nhường lắm chứ! Sắp tới, khi Festival Huế sẽ tổ chức suốt bốn mùa, nghệ sĩ và du khách thập phương kéo về hội hè, thì người dân của thành phố lễ hội này còn phải nhường nhiều hơn nữa.
Huế phải luôn luôn mới để đón nhận cái mới. Đó cũng là điều lắng lại sau những tranh cãi gay gắt từ việc mặc áo dài chạy marathon diễn ra ngày 27/12 vừa qua. Vì tranh cãi, không phải để chứng tỏ ai đúng, ai sai, mà để cho cả người tranh luận lẫn người lắng nghe, nhận ra điều gì cần làm cho Huế. Mà một điều bức bách là phải làm cho Huế tươi mới hơn, trẻ trung hơn, để hội nhập với thế giới hiện đại.
Cũng nhờ cuộc tranh cãi gay gắt “mặc áo dài mà chạy marathon”, nhiều người trong đó có tôi, mới hay rằng áo dài đã từng chạy trên đường đua marathon ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác. Mới biết rằng đó là màn cosplay, một từ tiếng Anh do người Nhật sáng tạo, kết hợp của hai từ “costume” (trang phục) và “role play” (hóa thân). Cosplay được hiểu là hóa trang nhập vai, để truyền đi thông điệp mà người chạy (runners) muốn gửi đến cộng đồng. Chẳng hạn, người chạy mặc trang phục hình cây cối, thú rừng để truyền đi thông điệp bảo vệ rừng. Cuộc đua marathon hằng năm ở Tokyo (Nhật Bản) không thể thiếu vận động viên mặc bộ trang phục truyền thống kimono của Nhật Bản; có người còn mặc cả bộ comple, cavat, xách cặp da như một nhân viên văn phòng trên đường chạy...
Cosplay là màn hóa trang sôi động thường diễn ra trong các sân chơi thể thao đại chúng của thế giới và nhiều nơi ở Việt Nam, nhưng mới xuất hiện lần đầu tiên ở Huế. Cho nên màn “cosplay áo dài ngũ thân” trên đường chạy marathon đã gây bất ngờ cho không ít người Huế, trong đó có tôi. Bởi vì, chiếc áo dài đối với người Huế thường gắn liền với những lễ nghi cung kính, với phong thái trang trọng. Dù rằng áo dài không chỉ là lễ phục mà đã là thường phục của người Việt trong suốt cả mấy thế kỷ qua, trước khi được thay thế bằng bộ Âu phục. Cho đến thập niên 1970, người Huế vẫn mặc áo dài để đi làm thợ, đi chợ, bán hàng rong, nhưng để chạy nhảy trên sân chơi thể thao thì chưa. Vì vậy, có ý kiến trái chiều là khó tránh khỏi. Song cũng cần phải tiếp thu cái mới một cách chọn lọc. Đồng thời, cần phải linh hoạt khi đưa truyền thống hội nhập với hiện đại.
“Huế luôn luôn mới”! Câu nói đó cũng cần được hiểu rằng: Huế phải luôn luôn đổi thay mới mẻ, để sống với thời đại mới của nhân loại. (baothuathienhue.vn 10/1)
3. Tuổi trẻ lực lượng vũ trang xung kích nơi tuyến đầu
Là lực lượng nòng cốt, xung kích trong thực hiện nhiệm vụ, đoàn viên thanh niên thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã có một năm 2020 với nhiều dấu ấn đậm nét. Bên cạnh việc duy trì các phong trào thi đua trong thanh niên quân đội, đoàn viên thanh niên Bộ chỉ huyquân sự tỉnh đã không quản ngại khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặc biệt nơi tuyến đầu thiên tai và phòng chống dịch bệnh Covid-19. (trt.com.vn 10/1)
4. Bắc Bộ đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục rét hại, vùng núi khả năng xảy ra băng giá
- Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, trong ngày và đêm nay (11/1), ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế trời tiếp tục rét hại với nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ, vùng núi 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ và có khả năng xảy ra băng giá.
Sáng sớm nay (11/1), ở vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Dự báo, trong ngày và đêm nay, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế 9-12 độ; các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-18 độ; Tây Nguyên đêm và sáng trời rét; Nam Trung Bộ và Nam Bộ trời lạnh vào đêm và sáng sớm.
Ở vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2,0-3,0m. Vùng biển Trung Bộ, Nam Bộ và vùng biển phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3,0-5,0m.
Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và giữa Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh, sóng biển cao từ 4,0-6,0m. Trên đất liền ở Bắc Bộ và Trung Bộ gió đông bắc mạnh dần lên cấp 3-4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6.
Dự báo thời tiết ngày và đêm 11/1:
Hà Nội nhiều mây, không mưa. Gió đông bắc mạnh dần lên cấp 3-4. Trời rét hại.
Nhiệt độ thấp nhất 8-10 độ. Nhiệt độ cao nhất 11-13 độ.
Phía Tây Bắc Bộ, nhiều mây, sáng có mưa, mưa nhỏ rải rác sau có mưa vài nơi. Gió nhẹ. Trời rét hại. Vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá.
Nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ, có nơi dưới 5 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ. Nhiệt độ cao nhất 10-13 độ, có nơi trên 13 độ.
Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa nhỏ vài nơi. Gió đông bắc mạnh dần lên cấp 3-4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6. Trời rét hại. Vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá.
Nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ; vùng núi 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ. Nhiệt độ cao nhất 10-13 độ.
Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế nhiều mây, phía Bắc có mưa vài nơi; phía Nam có mưa, mưa rào. Gió bắc đến tây bắc mạnh dần lên cấp 3-4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6. Trời rét hại.
Nhiệt độ thấp nhất 8-11 độ, phía Nam có nơi trên 12 độ. Nhiệt độ cao nhất 11-14 độ, phía Nam có nơi trên 14 độ.
Đà Nẵng đến Bình Thuận, nhiều mây, có mưa, mưa rào và có nơi có dông; riêng Ninh Thuận-Bình Thuận ngày nắng, đêm không mưa. Gió đông bắc cấp 3-4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6. Phía Bắc trời rét, phía Nam sáng và đêm trời lạnh.
Nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ, có nơi trên 18 độ; phía Nam 19-22 độ. Nhiệt độ cao nhất 20-23 độ; phía Nam 24-27 độ, có nơi trên 27 độ.
Tây Nguyên có mây, có mưa rào vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3. Sáng và đêm trời rét.
Nhiệt độ thấp nhất 14-17 độ. Nhiệt độ cao nhất 21-24 độ, có nơi trên 24 độ.
Nam Bộ có mây, ngày nắng, đêm không mưa. Gió đông bắc cấp 2-3. Sáng sớm và đêm trời lạnh.
Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ, miền Tây 20-23 độ. Nhiệt độ cao nhất 28-31 độ, có nơi trên 31 độ. (baotainguyenmoitruong.vn 11/1)
5. Tỉnh Đoàn TT-Huế tuyên dương 'sinh viên 5 tốt, học sinh 3 rèn luyện'
Tối 9/1, Tỉnh Đoàn TT-Huế tổ chức lễ tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” và “Học sinh 3 rèn luyện” năm học 2019 - 2020, nhân Ngày truyền thống Học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam.
Tại buổi lễ, Tỉnh Đoàn TT-Huế đã tuyên dương 37 “sinh viên 5 tốt” và 3 điển hình “học sinh 3 rèn luyện”.
Đây là những gương điển hình học sinh, sinh viên Đại học Huế năng động, nhiệt huyết và sáng tạo, vượt khó học giỏi, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic trong nước và quốc tế, cũng như các hoạt động tình nguyện, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…
Họ là những gương sáng học sinh, sinh viên đến từ các trường: Cao đẳng Công nghiệp Huế, Đại học Ngoại ngữ, Sư phạm, Nông lâm, Khoa học, Luật, Kinh tế - thuộc Đại học Huế...
Nhiều tấm gương học sinh, sinh viên thu hút sự chú ý của các đại biểu và hơn 500 đoàn viên, thanh niên có mặt tại lễ tuyên dương, bởi bề dày thành tích của họ, như: Phan Đình Thắng - sinh viên Trường Đại học Kinh tế xuất sắc đạt giải thưởng “Sao tháng Giêng” cấp Trung ương năm học 2019 - 2020; Trần Thị Minh Tâm - sinh viên Đại học Sư phạm Huế; Nguyễn Đức Minh Hoàng - sinh viên Đại học Ngoại ngữ; Nguyễn Vũ Bảo Châu - sinh viên Đại học Nông Lâm… là những điển hình trong học tập, khi đạt thành tích là 4.0/4.0 năm học vừa qua.
Họ còn là những cá nhân tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học, đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic trong nước và quốc tế, cũng như các hoạt động tình nguyện, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…
Hay như tấm gương Trần Văn Hoàng - sinh viên Đại học Luật đạt danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” toàn quốc lần thứ VI năm 2020 do Trung ương Đoàn trao tặng; Phan Thị Thảo Nguyên - sinh viên Đại học Khoa học Huế đạt học bổng Odon Vallet 2019 - 2020, học bổng KOVA hạng mục triển vọng năm 2020 và nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật toàn quốc…
Phát biểu tại lễ tuyên dương, chị Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn TT-Huế, kỳ vọng: Ngày hôm qua, các thế hệ học sinh, sinh viên đã hy sinh xương máu để làm nên lịch sử vẻ vang của đất nước, thì thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay với hành trang tri thức, công nghệ, khả năng sáng tạo, tinh thần học hỏi không ngừng... sẽ trở thành những công dân tốt, có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, đất nước trong tương lai. (tienphong.vn 10/1)
6. Đọc sách vui vẻ
Sáng 10/1, Thư viện Tổng hợp tỉnh phối hợp với CLB Đọc sách vui vẻ tổ chức chương trình tổng kết giới thiệu sách năm 2020.
Với chủ đề phương pháp học tập suốt đời, chương trình thu hút sự tham gia của các độc giả từ 7 đến 14 tuổi. Các bạn học sinh tham gia chương trình với hình thức làm bảng tổng kết “Lâu đài tri thức 2020 của em”; trong đó liệt kê tên sách, tên tác giả đã đọc trong năm 2020 và giới thiệu nội dung một cuốn sách các em yêu thích nhất.
Các bạn nhỏ đã rất hào hứng khi chia sẻ về những cuốn sách mình yêu thích, như: Triết học cho trẻ em, Nhật ký Anna Frank, Tuyển tập Ngô Tất Tố, Bố tốt bố xấu, Cậu bé đưa thư, Búp sen xanh… và tham gia các trò chơi nhỏ, biểu diễn văn nghệ.
Đây là hoạt động tổng kết chương trình giới thiệu sách sau một năm các em học sinh tham gia đọc sách ở phòng đọc thiếu nhi của Thư viện Tổng hợp và CLB Đọc sách vui vẻ. Qua đó, giúp các em học sinh tìm ra phương pháp đọc sách và lan tỏa phong trào đọc sách trong học sinh. (baothuathienhue.vn 10/1) Về đầu trang
7. Các trường học chủ động phòng chống rét cho học sinh
Không khí lạnh tăng cường mạnh và dự kiến sẽ còn kéo dài đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách trong bảo vệ sức khỏe cho học sinh, nhất là các bậc mầm non, tiểu học trên địa bàn. Dưới sự hướng dẫn của sở Giáo dục và đào tạo, trong những ngày qua, các trường học trên địa bàn đã chủ động áp dụng các biện pháp tăng cường chống rét cho học sinh. (trt.com.video 10/1)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và ngày truyền thống học sinh, sinh viên, tối qua, Tỉnh đoàn TT Huế tổ chức Tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” và “Học sinh 3 rèn luyện” năm học 2019 - 2020. (trt.com.vn 10/1)
THỂ THAO
1. Hai niềm tự hào của Huế
Không chỉ góp mặt mà Hữu Thắng, thường gọi là Thắng Huế, còn có 2 trận đấu giao hữu xuất sắc trong đội hình đội tuyển U22 gặp tuyển Quốc gia vừa qua.
Trong trận đấu trên sân Cẩm Phả, Thắng đã tung ra cú phất bóng đầy cảm giác giúp cho đồng đội Văn Đạt dứt điểm tung lưới thủ thành Tấn Trường. Một pha xử lý cực kỳ chất lượng mà không phải tiền vệ nào cũng có thể làm được như “số 10” của U22 Việt Nam. Cũng chính Thắng, với một pha chọc khe một chạm tinh tế, một tình huống che người khôn ngoan đã khiến đàn anh Văn Việt mắc sai lầm. Và rồi, tự tin trên chấm penalty để đánh bại Bùi Tấn Trường.
Trong đội hình xuất phát ở Phú Thọ sau đó không có Hữu Thắng, U22 Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi không thể lên bóng do tuyến giữa của đội tuyển Quốc gia quá mạnh. Tuy nhiên, sự có mặt của Hữu Thắng ở hiệp 2 sau đó đã giúp U22 phần nào cải thiện khả năng luân chuyển bóng. Hữu Thắng xử lý bóng rất mượt mà để vượt qua lớp pressing dày đặc. Đặc biệt, Hữu Thắng đã có tình huống tuyệt vời khi cầm bóng vượt qua Tuấn Anh, khiến đàn anh buộc phải kéo áo. Hữu Thắng cũng rất chịu khó lùi về hỗ trợ phòng ngự. Dù đối mặt với những cầu thủ cao lớn như Hồ Tấn Tài, Hữu Thắng cũng chẳng ngại ngần theo kèm thật rát. Hữu Thắng đang chứng tỏ giá trị của mình.
Cùng có mặt trong trong đội hình U22 trong 2 trận đấu giao hữu với tuyển Quốc gia còn có một cầu thủ Huế nữa là Hồ Thanh Minh cũng kịp thời ghi dấu ấn trên sân Phú Thọ. Đã đến ở phút 83, khi mà trận đấu tưởng rằng sẽ khép lại với chiến thắng cho đội tuyển Việt Nam thì bất ngờ Việt Cường xử lý khéo léo tung cú sút khiến thủ môn Văn Hoàng không thể bắt dính và Thanh Minh đã xuất hiện kịp thời đệm bóng gỡ hòa 2 - 2 cho U22 Việt Nam.
Lâu lắm rồi trong màu áo các đội tuyển Quốc gia mới cùng lúc xuất cặp đôi cầu thủ Huế thi đấu và cùng lập công. Hồ Thanh Minh đang khoác áo CLB Huế. Cầu thủ đến từ A Lưới bắt đầu sự nghiệp chơi bóng năm 17 tuổi và chỉ mất có 3 năm để có mặt trong màu áo U22 Việt Nam. Còn Hữu Thắng, quê ở Phú Vang, trưởng thành từ lò đào tạo Viettel vừa có mùa giải 2020 tỏa sáng, đưa Bình Định thăng hạng V. League. Hữu Thắng tiếp tục là đầu tàu trong hành trình đến chức vô địch U21 Quốc gia của Viettel. Mùa giải 2021, Thắng sẽ góp mặt trong đội hình Viettel trong hành trình bảo vệ ngôi vương vừa giành được.
Trong đội hình U22 vừa thi đấu giao hữu với đội tuyển quốc gia còn có Cao Trần Hoàng Hùng. Còn nữa là một gương mặt sáng giá cùng lò với Hữu Thắng đáng tiếc không được thầy Park Hang - seo gọi tập trung lần này là Trần Danh Trung. Khi mà đội bóng quê hương không có nhiều thực lực và tham vọng thì sự có mặt của các cầu thủ CLB Huế và cầu thủ gốc Huế được xem là niềm vui, đáng để người dân Huế mê bóng đá tự hào và hy vọng. (baothuathienhue.vn 10/1)
2. Thủ môn xứ Huế
Sau thủ môn Rớt với câu chuyện bay lên ngồi trên vai đối phương để bắt bóng, bóng đá Huế có nhiều thế hệ thủ môn, mỗi người một vẻ…
Từ bộ đôi Bí - Bốn
Mùa bóng năm 1995, lần đầu tiên bóng đá Huế tham dự giải hạng mạnh quốc gia - sân chơi lớn nhất của bóng đá Việt Nam thời đó. Hai thủ môn của đội Huế năm đó là Quý Tâm Anh và Lê Quốc Dân. Quý Tâm Anh có tên cúng cơm là Bí và người hâm mộ Huế chủ yếu lấy tên cúng cơm của thủ môn này mà gọi.
Quý Tâm Anh là một thủ môn phản xạ tốt, ra vào hợp lý và luôn miệng “la hét” để các hậu vệ phía trên chơi tập trung hơn, được HLV Ninh Văn Bảo tin cậy ở vị trí thủ môn số 1 của đội Huế năm đó. Một điều đặc biệt nữa là Quý Tâm Anh luôn chú trọng hình ảnh của mình mỗi khi ra sân. Hồi đó, trang phục của cầu thủ chưa phải đẹp như bây giờ. Nhưng với riêng Quý Tâm Anh, mỗi lần ra sân anh đều có những bộ đồ sặc sỡ, lạ mắt và rất thích màu lá chuối non mà có lần anh nói vui: “Cho tiền đạo đối phương nhìn vô lóa mắt để sút không trúng đích”.
Dự bị cho Quý Tâm Anh là Lê Quốc Dân mà anh em trong đội bóng và cả CĐV gọi thân mật là Bốn. Mùa giải năm đó có thể thức hai đội hòa thì phải bước vào loạt luân lưu 11m để phân thắng bại. Quốc Dân là một thủ môn bắt penalty tốt nên anh thường được thay vào cuối trận đấu để đối đầu với các chân sút đối phương trên chấm 11m. Anh đã nhiều lần thành công góp phần đưa đội Huế tiến sâu vào giải.
Sau khi Quý Tâm Anh bị kỷ luật nghỉ chơi bóng thì Quốc Dân trở thành thủ môn số 1 ở mùa bóng năm 1996. Nhưng ngoài tài cản 11m thì thủ môn Bốn vẫn còn nhiều hạn chế ở khả năng ra vào và bắt bóng dính. Thỉnh thoảng anh cũng có những pha phản xạ xuất thần cứu thua cho đội nhà, nhưng điều đó chưa đủ để HLV tin tưởng anh ở vị trí chốt chặn số 1 của đội bóng. Cũng vì thế mà Quốc Dân chỉ bắt chính một mùa bóng rồi thôi...
... đến Hoàng “nhái”
Sau bộ đôi Bốn-Bí, phải đến hai mươi năm sau bóng đá Huế mới đào tạo được một thủ môn có chuyên môn tốt đó là Trần Đình Minh Hoàng. Minh Hoàng được phát hiện ở giải bóng đá học sinh và sau đó đưa vào huấn luyện cho Hội khỏe Phù Đổng 2004. Đội bóng Tiểu học của Huế hồi đó đã giành chức vô địch HKPĐ quốc gia rất thuyết phục với những cái tên như Minh Hoàng, Công Nhật, Văn Chiến, Võ Lý, Trần Bảy…
Được đào tạo bài bản từ nhỏ nên Trần Đình Minh Hoàng là một thủ môn khá toàn diện từ kỹ năng bắt bóng đến khả năng chỉ huy hàng phòng ngự và cả khả năng chơi bóng bằng chân.
Hoàng “nhái” cùng lứa cầu thủ Phù Đổng năm nào đã mang về cho bóng đá Huế nhiều danh hiệu ở các giải đấu trẻ và sau đó anh trở thành thủ môn số 1 của bóng đá Huế ở giải hạng Nhất quốc gia mấy mùa giải liền. Có thể nói, với Trần Đình Minh Hoàng trong khung gỗ, CLB Bóng đá Huế khá yên tâm ở chốt chặn cuối cùng. Không những thế, Minh Hoàng còn là đội trưởng của đội bóng Cố đô với tiếng nói rất có trọng lượng. Tiếc là sân chơi hạng Nhất không thể giữ chân được Hoàng “nhái”, anh đã đầu quân cho Quảng Nam, Bình Định và đang tạo được dấu ấn rất tốt ở đội bóng đất võ.
... và những thủ môn đến Huế
Suốt một thời gian dài không đào tạo được thủ môn chất lượng nên bóng đá Huế phải đi tìm nguồn thủ môn từ khắp nơi. Từ năm 1996 đến nay, sân Tự Do đón trên dưới 10 thủ môn, từ Ngô Việt Trung của Lâm Đồng, Nguyễn Hoài Nam của Nam Định đến những cái tên đến rồi đi như Nguyễn Anh Tuấn của Quân khu 5, Trần Trường Chinh của Tiền Giang, Trần Quốc Việt của Bình Định hay Nguyễn Đức Anh đến từ Sông Lam Nghệ An. Có mùa bóng Huế còn sử dụng một thủ môn người châu Phi là Urlich... Mới đây nhất là thủ môn Nguyễn Tiến Tạo đến từ Nam Định...
Trong những thủ môn này thì Ngô Việt Trung và Nguyễn Tiến Tạo để lại nhiều dấu ấn nhất. Nếu như cựu thủ môn quốc gia Ngô Việt Trung cho thấy tài hoa của mình trong những trận đấu của Huế với những pha phản xạ đẳng cấp thì thủ môn Nguyễn Tiến Tạo lại tạo được sự chắc chắn trong khung gỗ và cả sự tin tưởng từ BHL cũng như các cầu thủ. Chính điều đó mà thủ môn người Nam Định đã được BHL đội bóng Huế tin tưởng trao cho chiếc băng thủ quân, điều mà bóng đá Huế chưa có tiền lệ với một cầu thủ ngoại tỉnh.
Có lẽ, Nguyễn Tiến Tạo sẽ tiếp tục khoác áo CLB Huế vài mùa bóng nữa. Trong khi đó, dự bị cho Tiến Tạo là thủ thành Lê Văn Tấn – cầu thủ người Huế cùng lứa Võ Lý, Trần Thành… đã và đang cho thấy sự trưởng thành của mình sau một vài lần trấn giữ khung thành ở mùa bóng 2020. Tuy nhiên, câu chuyện đào tạo ra thủ môn gốc Huế có chuyên môn tốt là điều cần thiết cần đặt ra cho Đoàn bóng đá Huế... (baothuathienhue.vn 10/1)
MÔI TRƯỜNG
1. Huế & khát vọng tư tưởng xanh
Sông Hương - núi Ngự: Trục huyết mạch tư tưởng
Núi sông là hằng số địa lý chia cắt, cũng là điểm kết nối, gắn liền. Lưu vực sông là điểm tụ cư thuận lợi và là không gian thiêng của con người. Người Việt Nam tiến, đặc biệt là chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã tiếp cận, chuyển hóa linh địa Hóa Châu ven sông Hương một cách hài hòa khi định vị chùa Thiên Mụ (1601) và dịch chuyển thủ phủ đến Kim Long, rồi Phú Xuân (từ 1636).
Thế ứng xử độc đáo với tinh thần thái hòa đó, sông Hương trở thành minh đường theo chiều Đông - Tây, trục Long Thọ - Hà Khê đến Vọng Cảnh - Hòn Chén làm Thiên quan Địa trục. Chiều Nam - Bắc từ Ngọ Môn - Ngự Bình - sông Hương trở thành trục chính cho Kinh thành hướng về phương Nam với hành hỏa đầy năng lượng sống, khát vọng canh tân. Xứ Huế xưa nay luôn nâng niu, nuôi dưỡng những “lá phổi” đặc trưng, như Dã Viên, cồn Hến, Long Thọ, Hà Khê, Nam Giao, Xã Tắc, nhất là linh địa Ngự Bình, sông Hương, sông An Cựu, phá Tam Giang và hệ thống Kinh thành, phủ đệ, nhà vườn, chùa chiền, chốn sơn lăng..., với những lệ định chi tiết, nghiêm cẩn: chọn - trồng - chăm sóc cây, cấm đào đất, đốt lửa, chống sạt lở khe suối, bảo vệ nguồn nước.
Người Pháp đặc biệt tôn trọng di sản truyền thống Đại Nam, cùng Nam triều đô thị hóa vùng ruộng đồng làng Dương Xuân ở bờ nam sông Hương thành khu phố Tây, từ nhà máy vôi thủy Long Thọ - ga Huế - đập Đá đến sông An Cựu. Đông Tây hội ngộ trên tinh thần hài hòa xuyên suốt đó thực sự tôn trọng tự nhiên và văn hóa, làm nên hồn cốt đặc trưng của một thành phố vườn, thành phố di sản, một tuyệt tác đô thị.
Sông Hương minh đường được bảo vệ nghiêm ngặt từ thượng nguồn về hạ lưu, tối quan trọng đoạn Tuần - Kinh thành qua hai điểm thiêng Hải Cát, Thiên Mụ. Đoạn sông hiền hòa cồn Dã Viên - cồn Hến được coi là cửa ngõ miền Thủy phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Huế, từ thời Minh Mệnh, triều đình thường tổ chức nhiều Thủy Lục trai đàn quy mô lớn để mong hóa giải bớt những miền u khuất, đem lại sinh khí cho kinh đô đầy an lạc, cũng là động thái nhân văn tri ân tiền nhân. Dòng sông càng thêm giá trị cho chức năng thư giãn nghỉ dưỡng của một đô thị sinh thái đặc trưng gắn liền đường đi bộ, xe đạp, thể dục, trong không gian công viên tinh tế của cỏ cây, hoa lá sạch sẽ, chỉnh chu.
Ngự Bình đúng nghĩa bức bình phong của Kinh thành, trong nghệ thuật cảnh quan truyền thống, mang nhiều ý nghĩa khoa học địa lý và dịch lý. Bình phong trong quan hệ theo chiều ngang bảo đảm chức năng chế ngự những luồng gió độc; đồng thời theo thẳng đứng, là điểm tiếp nhận năng lượng quý giá từ thiên nhiên Trời - Đất để chuyển hóa, mang lại sinh lực cho khu trung tâm. Theo nguyên tắc thông linh Trời - Người - Đất (Tam tài) thì cây, đá và đất là chất xúc tác tối ưu để quá trình đó được linh nghiệm, giúp con người tiếp nhận sinh khí trọn vẹn nhất trong mối quan hệ Thiên Nhân cảm ứng. Hệ cây tín ngưỡng, như sanh, bồ đề, hay thông, tùng, với đặc tính sinh học, đặc điểm lịch sử văn hóa và ý nghĩa biểu tượng của tôn giáo tín ngưỡng, được chọn lựa, giúp tiếp xúc - tiếp dẫn để thu nhận, chuyển hóa năng lượng thiên nhiên đầy đủ, trọn vẹn nhất.
Xã hội Việt Nam truyền thống chú trọng xu hướng điển chế hóa để xác lập nên những bộ quy tắc ứng xử, cấm kỵ nghiêm khắc nhằm nhấn mạnh sự tôn nghiêm, linh thiêng để bảo vệ di sản văn hóa, không gian, môi trường sống trước mọi nguy cơ. Cấm địa Ngự Bình được nhà Nguyễn xây dựng thành một không gian văn hóa độc đáo, rất sang trọng và điển chế đỉnh cao của nghệ thuật thưởng lãm thiên nhiên kỳ thú và hội đàm, nghị luận, sáng tác văn chương thi phú. Nhờ chức năng tiền án thiêng liêng của kinh sư mà ngọn đồi - hòn Bằng ở An Cựu được ban tên Ngự Bình, là danh sơn thắng tích của đất nước, lưu danh Cửu Đỉnh, trở thành trường thi ca độc đáo từ năm 1838 khi vua Minh Mạng du sơn, tổ chức đãi yến quan viên nhân tiết Trùng cửu (9/9), có đề thơ kỷ niệm, định lệ đăng lâm (lên núi ngắm cảnh) hàng năm. Vua Thiệu Trị ghi nhận Bình lĩnh đăng cao (lên đỉnh Ngự Bình) trong 20 thắng cảnh đất Thần kinh.
Sông Hương, sông An Cựu được nối kết Ngự Bình, sửa sang cảnh quan, kiến tạo đường sá, trồng cây trồng hoa, cắt chỗ rậm rạp, san phẳng nơi gập ghềnh, xây bậc đá ở bến sông, bắc cầu ván khe nhỏ. Hai bên đường từ chân đến đỉnh núi cho trồng hoa cỏ xứng danh. Nhà nước đầu tư đắp lại đường Kỳ Đài - Nam Giao - Ngự Bình; nghiêm lệnh giữ gìn thông tùng ở Cấm địa (Ngoại cấm, Nội cấm): cấm ngặt việc đào đất, khai thác đá, đốt lửa, đào giếng, chặt thông...
Trong quy hoạch phát triển đô thị Huế hiện nay, những trục và không gian tư tưởng đó của Huế được kế thừa xuyên suốt. Miền Hương Bình mãi xanh hiền hòa, sâu lắng, với cảnh quan độc đáo, những hoạt động độc đáo, quy chế đặc biệt, mang lại hiệu quả thiết thực. Đường đi bộ và cảnh quan, hoạt động sinh thái - văn hóa đặc hữu sẽ thổi thêm sức sống Huế. Nhà nước điều hành có hiệu quả là chỉ dấu tích cực thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa theo hướng xã hội hóa, thích nghi dần với công nghiệp văn hóa, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân trên nền tảng tích hợp, chuyển hóa các giá trị truyền thống vào trong từng hoạt động, sản phẩm đậm chất Huế.
Sông Hương được giữ gìn, nâng niu với những lối đi bộ, công viên sinh thái và hoạt động thể dục, thể thao, nghỉ dưỡng phù hợp. Thượng thành đi vào lịch sử với đợt di dân vĩ đại, là nền tảng để Huế mạnh dạn chuẩn bị cho cuộc “di dân tâm linh” với hàng vạn ngôi mộ ở Ngự Bình. Đầu thế kỷ XX, nơi đây “vỡ trận” khi triều đình suy yếu, mọc lên hàng chục nghĩa địa. Gió mát thông reo, trăng lên khói tỏa đầy chất thơ, lại bị bao bọc bởi sự u sầu lạnh lẽo của cõi chết với nhiều mồ mả.
Đưa vào quy củ, từ cảnh quan, đường sá cho tới công vụ hành chính, sản xuất, kinh doanh, văn hóa nghệ thuật, sẽ giúp xác lập lại một tinh thần Huế “lạc trú” đầy an nhiên tự tại, tầm vóc Huế hòa quyện truyền thống - hiện đại đúng nghĩa bền vững. Một trục xanh tư tưởng, sẽ càng mang lại môi trường và sức sống cho một trục xanh kinh tế - văn hóa, thiết thực phát triển bền vững của đô thị sinh thái và di sản đặc trưng theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. (baothuathienhue.vn 10/1)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Ngang nhiên bắn pháo hoa nổ trái phép trong khu nghỉ dưỡng
Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa ra quyết định xử phạt 1 người đàn ông vì hành vi bắn pháo hoa nổ trái phép trong khu nghỉ dưỡng.
Ngày 10/1, thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng đối với ông Phạm Minh Hải vì hành vi bắn pháo hoa nổ.
Trước đó, lúc 20h30 phút ngày 9/1, tại bãi biển Thuận An thuộc khuôn viên khu nghỉ dưỡng Lapochine Beach Resot (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), ông Phạm Minh Hải (SN 1985), trú tại tỉnh Đồng Nai đã có hành vi bắn pháo hoa nổ tầm thấp (cao dưới 120 mét).
Theo lời khai ban đầu, ông Hải bắn pháo hoa nổ theo đơn đặt hàng của ông Bùi Anh Quân (trú tại TP.Hồ Chí Minh) nhân dịp tất niên của công ty do ông Quân làm giám đốc.
Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An cử lực lượng kiểm tra hành chính, thu giữ tại chỗ 310 vỏ ống pháo hoa nổ (đã bắn hết), lập biên bản vi phạm hành chính và lập hồ sơ vi phạm. Ông Hải đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và cam kết không tái phạm.
Đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân ông Phạm Minh Hải bằng hình thức phạt tiền, mức phạt 2 triệu đồng. (nguoiduatin.vn 10/1; baovephapluat.vn 10/1; bienphong.com.vn 10/1)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Phát triển làng nghề xứ Huế: Khó khăn đan xen cơ hội
Không chỉ đóng góp cho nền kinh tế, nghề và làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần xây dựng bản sắc văn hóa Huế độc đáo, không lẫn với bất cứ địa phương nào. Trải qua thăng trầm của lịch sử, sự xâm nhập của văn hóa tiêu dùng mới, nhiều làng nghề truyền thống của tỉnh Thừa Thiên Huế đã qua thời hoàng kim và đang bị mai một. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực để bảo tồn cũng như phát triển làng nghề truyền thống như thời hoàng kim trước đây, tuy nhiên việc này không hề dễ dàng.
Lịch sử hình thành và phát triển của xứ Huế kinh kỳ với sự hội tụ của nhiều nghệ nhân đã hình thành nhiều làng nghề, phố nghề với ngành nghề đa dạng, nổi tiếng như nghề mộc, kim hoàn, may áo dài... Chính sản phẩm thủ công truyền thống gắn với sự hình thành các làng nghề là một trong những nét văn hóa đặc sắc của Huế, góp phần sáng tạo nên những di sản văn hóa Huế cả về phương diện vật thể và phi vật thể.
Hiện, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 86 làng nghề, trong đó có 57 nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống đều có bề dày lịch sử lâu đời với lớp nghệ nhân có tay nghề điêu luyện. Nổi tiếng là các làng nghề: Đúc đồng Phường Đúc, nón lá Phú Cam, mây tre đan Bao La, cẩn khảm xà cừ Địa Linh, điêu khắc Mỹ Xuyên, kim hoàn Kế Môn, gốm Phước Tích... Các làng nghề truyền thống đã tạo nên những sản phẩm đặc trưng, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa của vùng đất cố đô Huế.
Từ năm 2013, đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công nhận cho 2 nghề truyền thống, 10 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, ước tính giá trị sản xuất của các cơ sở sản xuất kinh doanh năm 2019 của 30 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận khoảng 380 tỷ đồng.
Giá trị sản xuất cao nhất là nhóm các làng nghề điêu khắc gỗ, mộc An Bình, đúc đồng Huế, mè xửng Huế; chiếm hơn 30% giá trị sản xuất của 30 đơn vị, địa phương có nghề và làng nghề được công nhận. Thu nhập bình quân của người lao động của các cơ sở, hộ gia đình trong những đơn vị nghề, làng nghề khoảng 3,3 triệu đồng/lao động/tháng.
Có một thực tế là, trước sự phát triển của xã hội hiện đại, một số làng nghề truyền thống từ lâu đời của tỉnh Thừa Thiên Huế không tránh khỏi tác động tiêu cực, đứng trước nguy cơ mai một. Từ năm 2015, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, có kế hoạch khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống đang có nguy cơ thất truyền, bao gồm nghề truyền thống tranh giấy làng Sình, nghề làm diều Huế, gốm Phước Tích, nghề rèn Hiền Lương, rèn Cầu Vực.
Đồng thời, khôi phục để phát triển một số làng nghề sản xuất cầm chừng, không ổn định như nghề chế biến tương măng Phong Mỹ, nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên, nghề làm đệm bàng Phò Trạch, nghề nón lá, sơn mài, khảm trai, khảm xương, các nhóm nghề đan lưới, chổi đót... Bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc tại 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới.
Qua 5 năm thực hiện, chỉ có một số làng nghề hoạt động tốt như: Làng nghề đúc đồng Phường Đúc, Thủy Xuân; mộc mỹ nghệ điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, mộc An Bình; bún tươi Vần Cù; bún bánh Ô Sa; nón lá Đốc Sơ, Mỹ Lam, Truyền Nam, Thanh Tân, mây tre đan Bao La, Thủy Lập... Nhiều làng nghề hoạt động trung bình, nhiều làng nghề hoạt động khó khăn do hạn chế về thị trường, trong đó, có một số làng nghề có nguy cơ mai một như gốm Phước Tích, rèn Hiền Lương, tranh giấy tranh dân gian làng Sình, làng dệt thổ cẩm A Lưới.
Nhìn nhận một cách toàn diện, việc phát triển làng nghề ở Huế đang có những khó khăn, thách thức và cả cơ hội, thuận lợi đan xen nhau. Nếu biết cách tận dụng tốt các cơ hội, Thừa Thiên Huế sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề.
Cách làm đã được chứng minh hiệu quả trong thực tế tại một số địa phương là phát triển du lịch làng nghề - Một hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn và bảo tồn được nghề, làng nghề. Trong khi đó, lợi thế của Thừa Thiên Huế là có rất nhiều làng nghề. Sản phẩm thủ công nghiệp truyền thống Huế tạo nên tính hấp dẫn và ấn tượng đối với khách du lịch đến Thừa Thiên Huế. Địa phương này lại là trung tâm du lịch của quốc gia, là “thành phố Festival”, lượng du khách tăng lên mỗi năm. Năm 2015, tổng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế là hơn 3 triệu người, trong đó, có hơn 1 triệu khách quốc tế. Con số này năm 2019 là gần 5 triệu người (gần một nửa là khách quốc tế).
Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh du lịch gắn với làng nghề vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, tính bền vững chưa cao. Nguyên nhân là hầu hết các tour du lịch gắn với các làng nghề truyền thống của Thừa Thiên Huế vẫn chưa mang tính tập trung và chưa có kế hoạch lâu dài, thiếu sự gắn kết du lịch của một số làng nghề và sản phẩm của một số nghệ nhân. Người dân chưa quan tâm nhiều về tiếp thị, cách tiếp cận khách du lịch.
Một hạn chế nữa là các sản phẩm phục vụ du lịch tại các làng nghề còn đơn điệu, chưa mang tính chất cạnh tranh và cũng chưa có nhiều mặt hàng lưu niệm mang nét đặc trưng văn hóa Huế. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư và trang thiết bị phục vụ du lịch tại các làng nghề còn hạn chế; điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông đến làng nghề còn thiếu đồng bộ. Trong khi đó, mặt bằng sản xuất dành cho các làng nghề còn hạn chế nên việc hình thành các điểm tham quan cho du khách rất khó khăn.
Để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, một mặt các làng nghề phải tự đổi mới, phát triển thêm các sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu tiêu dùng hiện đại. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền cho sản phẩm của làng nghề. Khi các làng nghề đã có thương hiệu thì việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các làng nghề có hiệu quả, dễ dàng hơn. (bienphong.com.vn 10/1)
2. Không quá lạc quan nhưng nhiều kỳ vọng
Yếu tố đầu tiên cần đề cập, đó là hiệu ứng tích cực của vaccine phòng chống COVID-19. Khi dịch bệnh được khống chế, sẽ khơi thông các dòng chảy kinh tế xuyên biên giới. Kinh tế Thừa Thiên Huế cũng nằm trong xu hướng như vậy. Xét về nhiều yếu tố, dòng chảy kinh tế này rất quan trọng đối với Thừa Thiên Huế.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Thừa Thiên Huế những năm qua ở vào khoảng 1 tỷ USD. Trong 1 tỷ USD đó, đóng góp của ngành dệt may là nhiều nhất, chiếm khoảng 80%. Và dự tính kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ nâng cao hơn trong những năm tới, khi một số dự án lớn ở các lĩnh vực lắp ráp ô tô, năng lượng, khí hóa lỏng… được đầu tư và đi vào hoạt động. Chỉ tính riêng lĩnh vực dệt may (nhập nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc và xuất khẩu chủ yếu qua Mỹ và các nước EU) đã có 22 dự án với vốn đăng ký khoảng 4.000 tỷ đồng. Ngoài các dự án đã đi vào hoạt động, còn một số dự án lớn khác đang triển khai đúng tiến độ, nghĩa là sắp tới sẽ góp phần tích cực vào kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh.
Một dòng kinh tế “xuyên biên giới” khác được tạo ra là từ du lịch. Doanh thu du lịch của tỉnh mỗi năm tạo ra cả chục ngàn tỷ đồng. Năm 2020, do dịch bệnh, dòng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế bị đứt gãy, nguồn thu từ du lịch ước tính mất đi khoảng hơn 60%. Khi khách du lịch phục hồi, ít nhất sẽ tạo nên được nguồn thu như trước dịch, tức là hàng ngàn tỷ đồng doanh thu. Kịch bản tốt nhất mà tỉnh xây dựng có thể tạo ra khoảng 8.000 tỷ đồng doanh thu (năm 2020 chỉ từ 3.500 – 4.000 tỷ đồng), tức là gấp đôi năm 2020.
Chúng ta sẽ thấy, chỉ hai dòng thương mại này thôi khi phục hồi sẽ tạo ra một động lực lớn cho tạo việc làm và tăng thu nhập. Qua đó, góp phần kích thích dùng, tạo cầu phía nội địa mạnh hơn và từ đó tạo ra sự lan tỏa cho phát triển kinh tế của nhiều ngành khác.
Một nhân tố lớn khác bổ sung cho động lực phát triển đó là các dự án lớn tiếp tục đầu tư. Dự kiến một số dự án lớn đến năm 2023 mới đi vào hoạt động, lúc này sẽ tạo ra một động lực lớn cho phát triển kinh tế, song ngay khi nó đang triển khai cũng sẽ có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế, như casino phát sinh tại Khu du lịch Laguna Lăng Cô; Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế (Công ty CP Kim Long Motors Huế); Tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô (Công ty CP Chế tạo ô tô Bách Việt); Nhà máy sản xuất vật liệu Cristobalite (Công ty TNHH MTV Đầu tư và Chế biến khoáng sản PHENIKAA Huế); Nhà máy Kanglongda Huế (Công ty Kanglongda International Holdings Limited); dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn Minh Viễn… Ngoài ra sẽ có một số dự án du lịch lớn dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý I và quý II năm 2021, đó là dự án Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải đang hoàn thiện nội thất 40 căn biệt thự, 12 biệt thự biển và 6 khối khách sạn; dự án Khu nghỉ dưỡng nước khoáng Mỹ An …
Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến trong năm 2021 được thực hiện khoảng 24.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng vốn đầu tư công của địa phương đã hơn 3.600 tỷ đồng cũng sẽ tạo ra một cú hích quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội. Vốn đầu tư của doanh nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm trực tiếp, còn vốn đầu tư công sẽ tạo ra hạ tầng hỗ trợ phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Một yếu tố khác chúng ta cũng hy vọng đó là các yếu tố tự nhiên của thiên nhiên sẽ trở nên thuận lợi hơn. Thường thì các yếu tố cực đoan của thiên nhiên ít khi nào kéo dài trong nhiều năm, mà năm 2020 đã tập trung quá nhiều bất lợi của thiên nhiên. Nếu các điều kiện tự nhiên trở nên thuận lợi hơn thì cũng là một yếu tố để hỗ trợ cho các lĩnh vực khác phát triển, chẳng hạn như nông nghiệp.
Không quá lạc quan nhưng xem xét kỹ các yếu tố, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng. (baothuathienhue.vn 10/1)
3. Thông xe Hầm Hải Vân 2 nối Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng vào ngày 11/1
Từ ngày 11/1, hầm Hải Vân 2 nối Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng sẽ chính thức được thông xe và đưa vào khai thác.
Hầm đường bộ Hải Vân thuộc dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả (hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân với tổng chiều dài toàn tuyến là 31,95 km).
Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư ban đầu là 26.154 tỷ đồng do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư.
Hạng mục hầm Hải Vân được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tiến hành nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 để giải quyết tình trạng xuống cấp cần trùng tu, sửa chữa, đã hoàn thành từ tháng 8/2017.
Hải Vân 2 được thiết kế hai ống hầm rộng 9,7 m cho phương tiện chạy một chiều, trong mỗi ống đảm bảo 2 làn xe rộng 7 m, đường bộ hành và bảo dưỡng rộng 1 m, hai dải an toàn 1,5 m... Ngoài ra, dự án còn có các hạng mục trung tâm cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, trạm thu phí; trạm dừng đỗ kỹ thuật. Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất cả nước, trong đó, đường dẫn phía bắc dài khoảng 1,7 km, trong hầm dài 6,2 km, đường dẫn phía nam 4 km.
Công trình hầm Hải Vân 2 đã hoàn thành và đảm bảo đầy đủ các điều kiện để đưa vào vận hành từ 11/1/2021 khi đã được Bộ Công an nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chấp thuận kết quả nghiệm thu đưa vào khai thác và Bộ GTVT thống nhất tổ chức thông xe.
Khi đưa vào khai thác, Hải Vân 2 sẽ giải quyết tình trạng quá tải ở hầm Hải Vân 1, đáp ứng nhu cầu di chuyển của phương tiện khi lưu thông một chiều mỗi ống hầm, góp phần đảm bảo an toàn giao thông giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng".
Chiều 10/1, thông tin với Báo CAND, ông Ngọ Trường Nam Tổng Giám đốc, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (Chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng dự án hầm Hải Vân, bao gồm cả ống hầm số 1 và số 2) cho biết thêm: Ngay khi khánh thành và đưa vào khai thác hầm Hải Vân 2, sẽ chỉ mở cửa ống hầm Hải Vân 2 trong 20 ngày trước và sau Tết Nguyên đán phục vụ lưu thông. Với mục đích để giảm thời gian đi lại cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, giảm tải lưu lượng phương tiện sẽ tăng vọt, lưu thông qua ống hầm Hải Vân số 1, Chủ đầu tư sẽ quyết định mở cửa, vận hành ống hầm Hải Vân 2 đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào khai thác thời gian qua do vướng tài chính. (cand.com.vn 10/1) Về đầu trang
4. Thừa Thiên Huế: Phát huy tiềm năng, vị trí chiến lược của cảng nước sâu Chân Mây
Khu bến Chân Mây là một khu chức năng quan trọng trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, là khu bến chính của cảng biển Thừa Thiên Huế. Cảng nước sâu Chân Mây ở đây có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội địa phương hiện tại và tương lai.
Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cảng biển Thừa Thiên Huế là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội liên vùng (loại I). Trong đó, Khu bến Chân Mây có phạm vi bao gồm vùng đất ven biển và vùng nước Vịnh Chân Mây (trong Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô). Chức năng phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, kết hợp tiếp chuyển quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan. Khu bến Chân Mây có quy mô gồm các bến cảng tổng hợp, công ten nơ, kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế, phục vụ hàng hóa trong khu vực, bến xăng dầu.
Những năm qua, lượng hàng qua cảng trung bình hàng năm đạt khoảng 2,2 triệu tấn/năm; hàng hóa qua cảng chủ yếu là dăm gỗ, than, clinker,… xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…; số lượt tàu du lịch qua cảng bình quân hàng năm khoảng 45-50 lượt với lượng khách và thủy thủ khoảng 130.000 lượt khách. Hiện tại, công suất hoạt động của Bến số 1 đã vượt 120% so với công suất thiết kế; đồng thời, cảng nước sâu Chân Mây tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 DWT và tàu du lịch biển quốc tế lớn nhất thế giới cập cảng.
Bên cạnh đó, Dự án Đê chắn sóng Chân Mây - giai đoạn 1 với chiều dài là 450m đến nay đã hoàn thiện khoảng 90% khối lượng. Theo thống kê sơ bộ từ Công ty CP Cảng Chân Mây, trước khi xây dựng đê chắn sóng, tổng thời gian bến không khai thác được do điều kiện thời tiết khoảng 50 ÷ 60 ngày/năm, trong đó thời gian không làm hàng do tàu không vào cầu hoặc đang khai thác nhưng phải di chuyển khỏi cầu tàu do có sóng lớn là 20 đến 30 ngày.
Sau khi xây dựng đê chắn sóng, thống kê năm 2019 tổng thời gian cầu tàu dừng khai thác do yếu tố thời tiết là 9,34 ngày và không có ngày nào tàu đang bốc xếp tại bến mà phải dừng lại (nhưng không rời khỏi bến) do sóng. Trong đó, thời gian bến dừng khai thác do sóng khoảng 6 ngày và do mưa lớn và gió khoảng 3,34 ngày. Có thể thấy, sau khi xây dựng đê chắn sóng, thời gian bến có thể khai thác đạt trên 97,5% tổng thời gian khai thác trong năm.
Dự báo đến năm 2025, có nhiều dự án lớn đi vào hoạt động (Nhà máy sản xuất găng tay y tế 10 tỷ chiếc/năm, sợi 800 tấn/năm; 2 dự án sản xuất ô tô với công suất khoảng 220.000 xe/năm, dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi Billion Max với công suất 20 triệu sản phẩm/năm,...), dự kiến nhu cầu xuất hàng qua cảng Chân Mây là rất lớn với tổng lựợng hàng qua cảng ước khoảng 7 triệu tấn.
Mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đã thực địa Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và nhấn mạnh, Cảng Chân Mây có vị trí xây dựng chiến lược, rất thuận lợi để phát triển thành cảng đầu mối hàng hải quan trọng của khu vực, dễ dàng tiếp cận với tuyến Quốc lộ 1A, nằm giữa hai sân bay quốc tế Phú Bài và Đà Nẵng. Vì vậy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải xây dựng một kế hoạch phát triển đồng bộ, hiện đại; trong đó định hướng xây dựng cảng công ten nơ là trọng tâm, kết hợp phục vụ tàu khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời yêu cầu Cục Hải Quan Thừa Thiên Huế tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển cảng nước sâu Chân Mây nhằm phát huy tiềm năng, vị trí chiến lược của cảng.
Dự báo tương lai, khu vực cảng Chân Mây sẽ phát triển, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong kinh tế xã hội địa phương cũng như khu vực Trung Bộ
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Công cho rằng, Cảng biển Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược rất quan trọng không chỉ với riêng tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ; trong đó có Cảng Chân Mây là cảng đầu tiên tiếp nhận tàu quốc khách quốc tế có trọng tải lớn.
Thứ trưởng Công cũng đề nghị quy hoạch Cảng biển Thừa Thiên Huế trong đó Cảng Chân Mây là cảng tổng hợp, công ten nơ, cỡ tàu quy hoạch và các tàu lớn hơn phù hợp với cơ cấu hạ tầng cầu cảng hiện hữu; thống nhất bổ sung các cảng chuyên dụng… Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ GTVT và Bộ VHTT&DL cùng với các cơ quan, ban ngành liên quan sớm đầu tư cảng quốc tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu du khách, an toàn hàng hải trong thời gian sắp tới... (baotainguyenmoitruong.vn 09/1)