TIN NÓNG
1. KHÔNG CÓ VÙNG CẤM TRONG XỬ LÝ XE KÉ HUẾ - ĐÀ NẴNG
Video quochoitv.vn 07/1
2. Vỡ đường ống dẫn nước thủy điện A Lưới: Do động đất...
Vỡ đường ống thủy điện A Lưới được xác định do ảnh hưởng của động đất, đây là điều cảnh báo về nguy cơ có thể xảy ra.
Ngày 6/1, Công ty CP thủy điện Miền Trung (EVNCHP), chủ đầu tư nhà máy thủy điện A Lưới (xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết, đã tiến hành kiểm tra thực trạng sự cố vỡ đường hầm áp lực tại nhà máy này.
EVNCHP cho rằng khu vực sự cố vỡ đường ống nằm trong vùng phân bố đá phiến sét hệ tầng Long Đại. Từ khi vận hành năm 2012 đến nay, khu vực công trình đã ghi nhận hơn 60 lần rung chấn và động đất, trong đó trận lớn nhất 4,7 độ richter, tâm chấn cách nhà máy 4,9 km.
"Trước một tuần xảy ra sự cố, nhà máy ghi nhận một trận rung chấn. Nhiều lần rung chấn đã gây dịch chuyển các khối đất đá, ảnh hưởng đến sự ổn định của liên kết hàn đường ống áp lực", báo cáo nêu.
Trước nguyên nhân ban đầu về sự cố vỡ đường ống dẫn nước mà EVNCHP đưa ra, TS Nguyễn Hữu Hưng - Viện nghiên cứu Công trình Thủy lợi cho rằng, sự cố tại nhà máy thủy điện A Lưới do động đất là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
"Động đất gây dư chấn rung lắc, ảnh hưởng tới kết cấu của công trình, việc nứt vỡ đường ống dẫn nước còn có thể coi là ảnh hưởng nhẹ từ thiên tai và có thể khắc phục dễ dàng. Mối hàn đường ống dẫn nước thủy điện có thể không đảm bảo hoặc xuống cấp sau thời gian dài hoạt động thì có thể vị nứt hoặc vỡ khiến liên kết đường ống không còn bền vững khi có tác động mạnh" - ông Hưng cho biết.
Tuy nhiên, điều khiến ông Hưng quan tâm là việc kiểm tra công trình sau mỗi trận động đất tại các nhà máy thủy điện.
"Động đất luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây hậu quả lớn cho các công trình. Sau mỗi trận động đất, đơn vị quản lý thủy điện phải kiểm tra tổng thể một loạt các hạng mục để xem có bị ảnh hưởng hay không, tác động tới sự an toàn của công trình như thế nào... Để từ đó có phương án khắc phục, tránh những hệ quả đáng tiếc. Không rõ, tại thủy điện A Lưới lực lượng chuyên môn đã thực hiện việc kiểm tra này như thế nào?" - ông Hưng đặt ra câu hỏi.
Theo vị chuyên gia này, sự cố tại thủy điện A Lưới cũng là điều cảnh báo cho nhiều thủy điện khác đang hoạt động tại Việt Nam.
"Khu vực xây dựng thủy điện do bị tác động tới môi trường nên thường xảy ra những sự cố thiên nhiên. Nếu không đảm bảo đúng quy trình nghiên cứu, khảo sát đánh giá tác động và không kiểm tra kỹ sau mỗi lần sự cố không được kiểm tra kỹ thì có thể dẫn tới hậu quả khó lường.
Ở đây là vấn đề trách nhiệm của đơn vị quản lý thủy điện và chính quyền nơi thủy điện xây dựng. Cần phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tác động để có phương án cảnh báo tới người dân" - ông Hưng cho biết. (datviet.trithuccuocsong.vn 07/1)
3. Tăng cường các biện pháp xử lý "xe dù, bến cóc"
Theo báo cáo từ Ban ATGT tỉnh thì thời gian qua, tình trạng xe ô tô trá hình vận chuyển hành khách tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, trong buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các đơn vị tăng cường các giải pháp xử lý tình trạng này với mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp, hình thành nếp sống văn hóa giao thông trên địa bàn tỉnh. (trt.com.vn 07/1)
4. Nỗi lo bên ống điếu
Diện tích nhỏ, lại chẳng chuông vuông, dù vị trí ở cạnh Trường đại học Phú Xuân (trên đường Trần Phú-TP.Huế), dân cư ở khu vực cũng khá đông, nhưng chủ nhà mở cơm bụi thất bại, cà phê cũng không thành; một vài người thuê làm văn phòng, mở tiệm làm tóc… rồi cũng chào thua. Thế mà, một quán cà phê đã thành công, nhưng kèm với đó là sự lo lắng của những ai đang có con ở tuổi vị thành niên.
Nhìn thấy việc đầu tư có vẻ cầu kỳ, tốn kém, hàng xóm lo lắng thay cho chủ quán. Người thì lắc đầu “Ở cái xóm nhỏ này, lấy đâu ra khách”; người thì “Diện tích nhỏ bằng cái “lỗ mũi”, mỗi ngày bán được mấy ly cà phê. Lời lãi liệu có đủ tiền thuê quán không?”; hay, “Thuê mặt bằng mà chẳng tìm hiểu, đã ai buôn bán ở đây mà thành công đâu”…
Ngược với lo lắng của bà con, quán vừa mở đã rất đông khách. Mọi người vẫn võ đoán “Khai trương, người quen đến ủng hộ ấy mà”. Thế nhưng, dù mặt bằng sắp xếp khéo léo thế nào cũng đặt chưa đến 10 chiếc ghế, nhưng số lượng xe máy, xe đạp điện cứ kéo dài bên vệ đường đến hàng mấy chục mét là câu trả lời cho sự thành công của quán.
Điều đáng nói, không biết nguồn khách từ đâu, nhưng đa số đều ở độ tuổi thanh thiếu niên, có những học sinh thậm chí vừa qua khỏi cấp tiểu học chưa lâu vẫn ngồi trong quán với một phong cách khá sành điệu. Nhiều cô cậu quần rách, tóc nhuộm nhiều màu; một tay cầm thuốc lá, một tay vung xuống… nói năng thì hùng hồn, cố gây sự chú ý, bất chấp những lời dị nghị và ánh mắt lo lắng của người qua đường và những người sống xung quanh. Bản thân tôi cũng đã giật mình khi tận mắt chứng kiến một cô bé mặt mày, dáng dấp rất xinh, nhưng ngang nhiên cầm ống điếu rít một cách sành điệu.
Đem những điều nhìn thấy tâm sự với một chị trong xóm, chị thở dài: “Đáng lo hơn là sợ rằng những thứ bọn trẻ đang hút chắc chi đã là thuốc lào! Con mình cũng đang độ tuổi này, môi trường gần nhà như thế việc giữ con lại càng khó hơn”.
Cứ thế, “tài” kinh doanh của chủ quán dần hé mở, chừng hơn tháng sau, chủ quán liên hệ thuê phần đất kế bên để mở rộng diện tích. Một vài người có con đang độ tuổi muốn học đòi “trải nghiệm” theo xu thế thời đại đem lo lắng của mình tâm sự với người cho chủ quán thuê diện tích để nới rộng thì được trả lời: “Tui cũng thấy khó ngó lắm, nhưng họ không thuê ở đây thì cũng thuê ở chỗ khác, không người ni làm thì người khác làm. Mình quản chi được”.
Được biết, nhiều năm nay, ngành giáo dục tích cực triển khai nhiều hoạt động về công tác giáo dục sức khỏe cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là các hoạt động nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ và có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, trong đó có thuốc lá.
Thế nhưng, chỉ vì lợi ích của một nhóm người, chủ quán và chủ nhà đã cố tình phớt lờ những khuyến cáo về tác hại của thuốc lá. Để tránh những hệ lụy về sau cho thế hệ trẻ và xã hội, mong rằng các tổ chức, cơ quan ban ngành có sự nhắc nhở, biện pháp ngăn chặn kịp thời, giảm bớt nỗi lo cho phụ huynh. (baothuathienhue.vn 07/1)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Đổi mới nhận thức, tư duy để nâng cao vai trò, chất lượng thanh tra
Chiều 7/1, Thanh tra tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đến dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Về thanh tra hành chính, năm 2020, các đơn vị đã tiến hành 64 cuộc thanh tra tại 263 đơn vị; kết thúc thanh tra trực tiếp 55 cuộc và ban hành kết luận 43 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm với số tiền 12.218,23 triệu đồng và sai phạm trong quản lý, sử dụng 2.707,86 ha đất; xử lý khác số tiền 5,293,27 triệu đồng. Đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 3.208,86 triệu đồng.
Đã triển khai 823 cuộc thanh tra, kiển tra chuyên ngành đối với 6.864 tổ chức, cá nhân. Qua kiểm tra đã phát hiện 1.214 tổ chức, cá nhân có vi phạm. Đã kiến nghị thu hồi số tiền 2.287,63 triệu đồng, xử lý khác 418,73 triệu đồng; ban hành 799 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 5.822,58 triệu đồng; đã thu nộp ngân sách được 5.334,83 triệu đồng. Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự được Thanh tra Chính phủ tặng Cờ thi đua. Nhiều tập thể, cá nhân được Chánh Thanh tra tỉnh tặng giấy khen.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 được triển khai. Toàn ngành Thanh tra của tỉnh bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh để tham mưu Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, góp phần tích cực vào việc giữ vững sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó nhấn mạnh, chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, bảo đảm thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đúng tiến độ đề ra và kết luận chính xác, khách quan, đúng pháp luật, có tính khả thi cao
Chủ tịch UBND tỉnh, Phan Ngọc Thọ biểu dương những kết quả ngành thanh tra đã đạt được. Đồng thời chỉ đạo, toàn ngành phải đổi mới nhận thức, tư duy để nâng cao vai trò, chất lượng công tác; thực hiện tốt vai trò dự báo, ngăn chặn khiếu nại, tố cáo thông qua hòa giải, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Phải kiện toàn tổ chức bộ máy của Thanh tra, đẩy mạnh luân chuyển cán bộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực của toàn ngành, góp phần cùng tỉnh nhà thực hiện tốt Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị... (baothuathienhue.vn 07/1)
2. Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 triển khai nhiệm vụ năm 2021
Sáng nay, Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Hội nghị dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Tại điểm cầu tỉnh TT Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì tham dự hội nghị. (trt.com.vn 07/1)
3. Bắt tay triển khai các chương trình hành động
Bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng chương trình hành động, nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tất cả các cấp ủy, chính quyền địa phương trong toàn tỉnh đồng loạt đẩy mạnh công tác tuyên truyền những nội dung, Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.
Để việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội có chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương.
“Nghị quyết đại hội là sự hội tụ, chắt lọc, kết tinh, tiếp nối công sức, trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh nhà, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm tạo nên bước phát triển của tỉnh. Vì vậy, việc học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết là khâu đầu tiên và rất quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân, là tiền đề vững chắc bảo đảm sự thành công trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh”, Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu chia sẻ.
Quá trình triển khai tuyên truyền, học tập nghị quyết tại nhiều địa phương, đơn vị đã linh hoạt gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ở Đảng bộ huyện Phong Điền, cùng với triển khai quán triệt, học tập những nội dung cốt lõi của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện thì vấn đề được các cấp ủy đảng ở đây xác định là sớm đưa Phong Điền trở thành thị xã, nhằm chung sức với tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
“Muốn vậy, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư đến khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Để thực hiện được mục tiêu này, Đảng bộ huyện chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ then chốt, có vai trò quyết định thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra”, Bí thư Huyện ủy Phong Điền Võ Văn Vui cho biết.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Chí Quang, việc học tập, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Hầu hết các hội nghị triển khai được tổ chức khá sớm; tỷ lệ cán bộ, đảng viên học tập đạt tỷ lệ cao. Đó là lý do để các cấp ủy nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành tổ chức quán triệt ở cấp mình và cấp dưới.
Cụ thể hóa bằng những chương trình hành động
“Trong 6 chương trình trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, chúng tôi xây dựng chương trình hành động tập trung vào chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp. Đây cũng là một trong những thế mạnh của địa phương, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ du lịch biển và đầm phá. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy đã chú trọng lãnh, chỉ đạo tập trung đầu tư chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng các bãi biển Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh, mở rộng phát triển đa dạng ngành nghề; kêu gọi đầu tư, có chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển dịch vụ, du lịch nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh”, Bí thư Huyện ủy Phú Vang La Phúc Thành cho biết.
Mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2020 - 2025 được Đảng bộ huyện A Lưới xác định là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, theo Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu, để thực hiện mục tiêu và chỉ tiêu đề ra, Đảng bộ huyện A Lưới huy động nguồn lực cho 2 chương trình trọng điểm là chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Đây là những nội dung mà Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Đảng bộ huyện xác định 4 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, “đột phá về công tác cán bộ” và “đột phá về nội lực người dân” đóng vai trò quan trọng, làm động lực cho các đột phá còn lại cũng như hoàn thành thắng lợi mục tiêu, các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện đề ra trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.
“Hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã và đang tiến hành nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các văn kiện của Đại hội. Đồng thời, khẩn trương triển khai chương trình hành động nhằm sớm đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Kỳ vọng, với những chương trình hành động cụ thể thiết thực, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh. (baothuathienhue.vn 08/1)
VĂN HÓA
1. Kỷ niệm 232 năm Hoàng đế Quang Trung xuất binh đại phá quân Thanh
Ngày 7-1, tại Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung, UBND TP Huế (Thừa Thiên - Huế) long trọng tổ chức lễ dâng hương và kỷ niệm 232 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và xuất binh đại phá quân Thanh.
Vào năm 1788, nghe tin 29 vạn quân Thanh xâm lược nước ta, đánh chiếm Thăng Long, Nguyễn Huệ khẩn cấp hội bàn với các tướng sĩ và quyết định lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung để quy tụ lòng dân. Ngọn núi Bân lập tức được san lấp làm đàn tế cáo trời đất khi Nguyễn Huệ lên ngôi, điều binh thần tốc ra trận tuyến đánh giặc.
Bằng lối đánh chủ động, liên tục tấn công, thần tốc, bất ngờ, táo bạo và mãnh liệt, từ đêm 30 Tết đến mờ sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30-1-1789), đại quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Hoàng đế Quang Trung đã tấn công vào các vị trí cốt yếu, tổng công kích vào đồn Ngọc Hồi - Đống Đa, giải phóng Thăng Long, đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Thanh. Đây là một trong những chiến thắng hiển hách, vang dội đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Buổi lễ tổ chức thể hiện sự biết ơn, lòng tôn kính và tri ân của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thừa Thiên - Huế đối với công lao hiển hách của người anh hùng dân tộc “áo vải cờ đào”; khơi dậy niềm tự hào, giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc đối với thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời, hướng đến xây dựng và giới thiệu địa chỉ giáo dục truyền thống, lịch sử; địa chỉ du lịch, văn hóa hấp dẫn tại Cố đô Huế. (sggp.org.vn 08/1)
XÃ HỘI
1. Làng nghề Táo quân vào vụ Tết
Hai Ông một Bà được dân gian thờ phụng chính là bộ ba Táo quân (Thần bếp). Những năm gần đây, làng nghề Địa Linh, xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên- Huế đã thay đổi mẫu mã Táo quân để phù hợp với nhu cầu thực tế. Từ ba ông Táo đất nung rất to (gọi là ông Đầu Rau) có thể thay cái kiềng ba chân, thành ba ông Táo nhỏ xíu chỉ để thờ.
Làng nghề đất tốt
Nhiều người khi đến Thừa Thiên - Huế hẳn không quên phố cổ Bao Vinh, khu phố nhỏ một thời phồn thịnh nay đã suy tàn, nhưng vẫn còn nét đài các xa xưa giống như Hội An. Phía tây phố cổ là một cánh đồng làng Địa Linh (thuộc xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên- Huế), đất đai phì nhiêu, đặc biệt đất sét rất tốt để làm gạch, ngói và một món hàng không thể thiếu trong ngày Tết: ông Táo đất. Thời các vua Nguyễn cho đặt tại đây một công xưởng để lấy đất tốt làm gạch, tên gọi là “Nê ngoã tượng cục”. Hầu hết các công trình của di tích Huế ngày nay đều làm từ đất (gạch) nơi đây. Theo sách “Ô châu cận lục”, cái tên làng “Địa Linh” là do vua thấy đất tốt mà ban cho.
Về làng nghề Địa Linh còn cách 1 cây số nữa mới đến cổng làng nhưng thoảng trong gió lộng đã ngửi thấy mùi trấu và củi cháy khét, mùi đất nung. Đi qua những hàng dậu thưa, sẽ thấy những sân phơi tầng tầng lớp lớp ông Táo đất. Mặc cho thị trường biến động, ba anh em “nhà ông Táo” ở làng Địa Linh (Võ Văn Đức) vẫn cần cù đốt những mẻ lò trong năm cũ; sẵn sàng để đưa những ông Táo thơm mùi đất mới đến với mọi bếp lửa gia đình đón Tết truyền thống.
Ông Võ Văn Đức, chủ lò ông Táo Địa Linh vừa xắn đất, vừa nói chuyện: “Do quan niệm coi trọng bộ tượng thờ ba ông Táo đất nung, hết một năm cũ, cần phải mua lại bộ mới nên nghề làm ông Táo của làng Địa Linh vẫn tồn tại. Dù biết nếu chỉ mưu sinh bằng nghề này thì chưa lo được cái Tết đủ đầy nhưng một số hộ dân vẫn ham làm”.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh “phong tục tập quán lâu đời của người Huế là coi trọng giá trị phong thủy của cái bếp, không kém gì bàn thờ tổ tiên và cửa ngõ. Cả ba yếu tố này nếu tốt đẹp, tổng hợp lại sẽ cấu thành sự hưng thịnh, may mắn, hạnh phúc cho mọi người trong gia đình”. Bởi vậy xưa nay, dù khá giả hay nghèo khó, 23 tháng Chạp hằng năm, nhà nhà đều làm lễ cúng đưa ông Táo về trời. Với những gia đình kinh doanh, buôn bán phát đạt thường tổ chức lễ cúng ông Táo linh đình, cỗ bàn thịnh soạn.
Mâm cỗ cúng ông Táo của người Huế đơn giản, chỉ có một đĩa xôi trắng lớn, một miếng thịt nọng heo luộc, ít hoa quả, cau và trầu, rượu; nếu trong nhà có trẻ con thì cúng thêm một con gà trống luộc nữa. Người Huế không bao giờ cúng cá chép vì “kiêng” (đa số đi chùa và thờ Phật). Còn những người thờ cúng tổ tiên thì lại tin sự tích cá chép hoá rồng, mà rồng là con vật linh thiêng, không được ăn.
Đỏ lửa đón Tết
Khoảng 20 tháng Chạp âm lịch trở đi, các bà nội trợ đi chợ hàng mã mua một bộ đồ giấy cúng Táo quân, gồm có hai cái mũ “cánh chuồn” đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà không có cánh chuồn. Lại thêm ba cái áo thụng màu sắc sặc sỡ và ba đôi hia. Sau khi lễ cúng hoàn tất, ba ông bà Táo cũ được chủ nhà đem bỏ ở một góc đình, miếu hoặc cây cổ thụ nào đó.
Chị Hoàng Thị Gái làm thợ đốt lò nung ông Táo cho biết “Sản phẩm ông Táo làng Địa Linh theo truyền thống có hai hình thức. Thứ nhất là ba ông Táo rời, kích cỡ lớn và tầm trung bình. Bộ cao lớn có thể dùng thay kiềng bắc xoong, nồi nấu nướng hàng ngày. Nông dân ưa chuộng loại này, tiện dụng để đun thổi bằng củi hay rơm rạ. Thứ hai là bộ ba ông Táo liền nhau, nhỏ cỡ bàn tay, để thờ mà thôi”.
Để hoàn thành được một bức tượng ông Táo, đòi hỏi thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ. Thông thường, công đoạn nhồi đất sét cho mịn là nặng nhọc nhất. Phải có đến ba người trai tráng khoẻ mạnh làm công việc này. Ông Đức bảo: “Một xe đất sét tốt như vầy khoảng 4 tấn, mua hết 700 ngàn đồng”. Khối đất trộn với nước, chia thành từng khối nhỏ, nhồi đến khi nào mềm nhão và lấy hai ngón tay vê vê thấy mịn là được”.
Sau khi cho đất vào khuôn, nén chặt và gạt bỏ đi phần đất thừa bên ngoài, bộ ông Táo hoàn thành, đất còn mềm sẽ đem ra sân phơi, đợi khô sẽ quét sơn lên ông Táo màu cánh gián nhạt. Những người thợ sơn hay vẽ ông Táo lành nghề mỗi ngày có thể quét khoảng một ngàn ông Táo, tiền công khoảng 250 ngàn đồng/ngày. Bộ ông Táo chỉ bán được trong tháng Chạp, nhưng phải làm từ mùa hè, để phơi nắng tốt. “Mỗi bộ tượng bán với giá hơn 5.000đ, trừ tất cả chi phí từ đất, màu sơn, bao bì… thì lãi 2.000đ/bộ”, cậu bé Võ Văn Quang, cháu nội ông Đức cho biết như vậy.
Nghề làm ông Táo ở Địa Linh đã có từ thời Chúa Nguyễn vào kinh đô Phú Xuân. Nhưng hiện nay, do tục lệ thờ ông Táo trong bếp đã không còn được chú trọng, nên nghề truyền thống này cũng đang có nguy cơ mai một. Hiện, trong làng Địa Linh chỉ còn vài hộ bám trụ với nghề. (baodantoc.vn 07/1)
2. Thừa Thiên Huế: Nhiều điểm vui chơi đón Xuân Tân Sửu 2021 cho người dân và du khách
TP. Huế sẽ khai thác không gian đi bộ dọc hai bờ sông Hương tạo các điểm nhấn cho không gian Tết và tổ chức nhiều hoạt động tại công viên Thương Bạc, bờ Bắc sông Hương với quy mô lớn.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các cấp, ngành đang nỗ lực chuẩn bị thực hiện các sự kiện, hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021. Được biết, tỉnh sẽ tạo ra nhiều điểm vui chơi, giải trí cho nhân dân trong dịp Tết đến, Xuân về cũng như đảm bảo các điều kiện an toàn, an sinh xã hội, mọi nhà được đón Tết vui tươi, an toàn.
Cụ thể, Thừa Thiên Huế sẽ diễn ra các hoạt động sôi nổi như: văn nghệ, thể thao, chợ hoa, bắn pháo hoa, hoạt động đường phố trải rộng thành nhiều điểm; Tổ chức các hội thi như gói bánh chưng, bánh Tét, thi làm mứt và bánh truyền thống ngày Tết; Có cả không gian triển lãm, trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống cho du khách, người dân và thiếu nhi; Không gian trưng bày và bán đặc sản, sản phẩm tiêu biểu địa phương;… Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức các hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho các đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Đặc biệt, thành phố Huế sẽ khai thác không gian đi bộ dọc hai bên bờ sông Hương để tạo các điểm nhấn cho không gian Tết và tổ chức nhiều hoạt động tại Công viên Thương Bạc, bờ Bắc sông Hương với quy mô lớn hơn các năm trước.
Để tạo nên diện mạo đô thị Huế đẹp, xanh - sạch - sáng, phát huy giá trị di sản, đảm bảo cảnh quan, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu UBND thành phố Huế phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế chỉnh trang các hạng mục có liên quan. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ các dự án, tập trung chỉnh trang đường phố Huế, di tích, trồng hoa...
Theo Chủ tịch UBND thành phố Huế Hoàng Hải Minh, hiện nay, ngoài các tuyến đường khác, thành phố Huế đang khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang 3 tuyến đường quanh Đại Nội Huế, gồm: Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm, Lê Huân. Thành phố đang triển khai để hình thành 4 tuyến đường quanh Đại Nội Huế là Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm, Lê Huân và Hai mươi ba tháng Tám, mỗi tuyến đường sẽ tương ứng với Mai - Lan - Cúc - Trúc và Long - Lân - Quy - Phụng, tạo nên tuyến đường đi bộ mới khang trang cho người dân và du khách, gắn liền với Đề án phát triển kinh tế, dịch vụ về đêm của thành phố Huế, phát triển bờ Bắc sông Hương.
Với những nỗ lực ấy, hứa hẹn sẽ mang đến diện mạo mới, tạo khí thế vui tươi, không khí rộn ràng trên đất Cố đô Huế để người dân, du khách đón Xuân an lành, hạnh phúc và xua đi những khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh để bắt đầu năm mới đầy hứng khởi. (enternews.vn 07/1)
3. Nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm mùa rét
Sau bão lũ, số lượng gia súc, gia cầm (GSGC) được khôi phục tăng nhanh, các loại dịch bệnh còn tiềm ẩn trong môi trường, đàn vật nuôi, cộng với mưa rét kéo dài khiến nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh cao.
Chủ động
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Thông ở xã Phong Hải (Phong Điền) cho biết, khi nghe thông báo mưa lạnh, nhiệt độ thấp thì lùa ngay trâu, bò về chuồng. Chuồng trại phải che chắn, gia cố kỹ lưỡng, tránh mưa dột, gió lùa. Quá trình nuôi, ông Thông tự mua vắc xin tiêm đầy đủ, tiêu độc khử trùng chuồng trại, bổ sung thêm thức ăn tinh bột như cám, rau xanh, đường… để tăng đề kháng, đảm bảo sức khỏe cho gia súc.
Chủ trang trại gà trên rú cát Quảng Vinh, ông Trần Thiện Chương chia sẻ, tiêm vắc xin đầy đủ phòng dịch bệnh cho GC là điều bắt buộc. Trong thời gian mưa rét, hằng tuần ông bổ sung thức ăn dinh dưỡng như trứng gà trộn với cám, thức ăn công nghiệp. Ngoài tiêm vắc xin, một số thuốc phòng trừ dịch bệnh trong mùa rét, ông Chương còn sử dụng tỏi ép lấy nước trộn với thức ăn nhằm tăng đề kháng cho gà. Đến thời điểm này, dù mưa rét kéo dài, có thời điểm nhiệt độ rất thấp nhưng đàn gà hơn 6.000 con vẫn đảm bảo an toàn.
Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho rằng, mưa rét, nhiệt độ thấp làm đàn GSGC sức khỏe không tốt, rất dễ tái bùng phát các loại bệnh. Ngoài che chắn, gia cố chuồng trại chống rét, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với lực lượng thú y huyện, cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát, vận động, bắt buộc các hộ chăn nuôi tiêm vắc xin đầy đủ cho GSGC. Người chăn nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nhiệt độ xuống thấp phải lùa GS về nhà nhằm đảm bảo sức khỏe, tránh dịch bệnh.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh, TS. Nguyễn Văn Hưng cảnh báo, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và các loại bệnh GSGC đang tồn tại, tiềm ần trong môi trường, có nguy cơ tái bùng phát bất cứ lúc nào.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh vẫn ngăn chặn, khống chế khá tốt DTLCP và một số bệnh nguy hiểm, chưa có dấu hiệu tái bùng phát, song nguy cơ vẫn rất cao.
Điều lo ngại, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang nhập một lượng lớn con giống, sản phẩm GSGC từ các tỉnh, thành về tiêu thụ. Trong khi đó, nhiều nơi, dịch bệnh trên GSGC đang diễn biến phức tạp nên nguy cơ lây nhiễm vào địa bàn tỉnh rất cao.
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh
Theo ông Hưng, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên trên đàn vật nuôi vụ đông xuân năm 2020-2021 là rất cao, ngoài các nguyên nhân trên còn do một số nguyên nhân như tổng đàn vật nuôi, mật độ chăn nuôi tăng cao. Trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh tại nhiều địa phương còn hạn chế. Các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tăng mạnh nhằm phục vụ nhu cầu trong thời gian trước, trong và sau Tết Tân Sửu, trong khi đó giết mổ nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn (trên 80%). Tại nhiều địa phương, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho GSGC còn thấp, thiếu sự chủ động giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh; việc xử lý các ổ dịch cũ chưa triệt để, chưa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật…
Chi cục CN&TY tỉnh phối hợp với các ban ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên GSGC. Ngành thú y phấn đấu tiêm vắc xin vụ đông xuân 2020-2021 đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn GSGC trong diện tiêm; xây dựng phương án, bố trí kinh phí mua vắc xin VDNC để tiêm phòng cho trâu, bò trong thời gian đến.
Các địa phương tập trung rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn, đồng thời hướng dẫn giám sát, kịp thời phát hiện GS bị bệnh, nghi bị bệnh VDNC báo cáo với chính quyền, cơ quan thú y triển khai các biện pháp chống dịch. Chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp ứng phó, ngăn chặn các loai dịch bệnh hiệu quả đang được hướng dẫn nhân rộng. Hằng ngày, các hộ dân tổ chức vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và xung quanh có nguy cơ cao.
Ngành thú y và các địa phương đang triển khai tháng hành động tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng (từ ngày 30/12/2020 đến 30/01/2021) nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh tiềm ẩn trong môi trường; nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Tại các chốt kiểm dịch, lực lượng thú y, liên ngành tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép… (baothuathienhue.vn 08/1)
4. Vinh danh doanh nghiệp an toàn tiêu biểu ngành Dệt may năm 2020
Ngày 7/1, tại thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế), Công đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động cùng Tạp chí Lao động và Công đoàn (cùng trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức Lễ vinh danh “Doanh nghiệp an toàn tiêu biểu” ngành Dệt may Việt Nam năm 2020.
Ông Lê Nho Thướng, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết chương trình góp phần lan tỏa và nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp đối với vấn đề an toàn vệ sinh lao động, là cơ sở để khách hàng đánh giá về doanh nghiệp. Từ đó, có những tác động tích cực tới việc làm, môi trường và quyền lợi của người lao động.
Chương trình “Doanh nghiệp an toàn tiêu biểu” ngành Dệt may năm 2020 đã trải qua 5 tháng bình chọn với các vòng: Sơ khảo hồ sơ, khảo sát và chấm điểm thực tế. Theo đó, trên tinh thần nghiêm túc, công bằng và minh bạch, 40 đơn vị, doanh nghiệp ngành Dệt may toàn quốc tham gia được đánh giá kết quả đảm bảo, thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động. Hội đồng thẩm định đã lựa chọn 20 doanh nghiệp dệt may trên toàn quốc tiêu biểu để vinh danh.
Từ thực tế triển khai chương trình, các chuyên gia đã có nhiều đề xuất nhằm điều chỉnh, hoàn thiện chính sách về an toàn vệ sinh lao động; thử nghiệm để tiến tới xây dựng một hệ thống đánh giá độc lập của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác an toàn vệ sinh lao động.
Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Anh Thơ, thành viên Hội đồng thẩm định chia sẻ: Hiện nay, doanh nghiệp không chỉ quan niệm công tác an toàn vệ sinh lao động là thực hiện trách nhiệm bắt buộc theo yêu cầu của pháp luật mà còn xác định vấn đề này là sự đầu tư cho phát triển, xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp. Vì vậy, công tác an toàn trong doanh nghiệp ngày càng được chú trọng, tạo nên sự khác biệt, được khách hàng nhìn nhận với những sản phẩm “sạch” (sản phẩm được làm nên bởi công nhân lao động có điều kiện làm việc tốt, chế độ, chính sách lao động đảm bảo).
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, trong nửa nhiệm kỳ qua, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã nỗ lực cao, chủ động, sáng tạo đưa Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII vào thực tiễn. Công đoàn ngành Dệt may đã đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời có chủ trương giải quyết việc làm, đảm bảo an toàn cho người lao động, góp phần phát triển ngành May mặc quốc gia bền vững trước những khó khăn, thách thức của dịch bệnh...
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị, thời gian tới, Công đoàn Dệt may Việt Nam bám sát chủ đề hoạt động, thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động năm 2021. Cụ thể: Nâng cao nhận thức cho người lao động về kỷ luật lao động, an toàn vệ sinh lao động…; chăm lo hiệu quả đời sống người lao động về phúc lợi; động viên, giúp đoàn viên, người lao động nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh và đẩy mạnh các phong trào thi đua, kịp thời khen thưởng, tạo động lực cho người lao động làm việc.
Nhân dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao Cờ thi đua xuất sắc tặng Công đoàn Dệt may Việt Nam và Cờ thi đua cho 7 tập thể trực thuộc Công đoàn Dệt may Việt Nam vì những thành tích trong công tác xây dựng tổ chức Công đoàn. (baotintuc.vn 07/1)
5. Tiếng kèn đồng lại âm vang sau 75 năm vắng bóng
Dàn nhạc Kèn Huế chính thức làm lễ ra mắt tại Nhà kèn Huế trên đường Lê Lợi, TP. Huế vào một ngày đầu năm mới 2021.
Lịch sử nhiều dấu ấn
Vào những năm đầu thế kỷ XX, âm nhạc phương Tây bắt đầu phổ biến ở Việt Nam; tại Huế, bấy giờ đã xuất hiện các chương trình biểu diễn âm nhạc phương Tây với các nhạc cụ, như mandolin, violon, harmonica, flute… Rồi một sự kiện âm nhạc xuất hiện vào ngày 11/11/1918, dàn nhạc kèn hơi nhà binh Pháp được thành lập tại Huế, trực thuộc Tòa Khâm sứ Trung Kỳ (đây là dàn nhạc kèn hơi đầu tiên của Việt Nam). Tiếp đó, năm 1919, vua Khải Định cho thành lập riêng một dàn nhạc kèn hơi theo kiểu Pháp gọi là Dàn nhạc kèn hơi Nam triều, phục vụ cho các nghi lễ do triều đình tổ chức. Năm 1920, đội kèn đồng của lính Khố xanh Huế ra đời.
Từ đó, dàn nhạc kèn hơi thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc vào các chiều chủ nhật trong vườn hoa trước Tòa Khâm sứ Huế (Nhà Kèn hiện nay) với các tác phẩm của các nhạc sĩ lừng danh, như: Mozart, Beethoven, Tchaikovsky, Chopin… Dàn nhạc kèn hơi cũng thường xuyên được mời đi biểu diễn trong và ngoài nước, như: biểu diễn tại Hội chợ Đấu xảo ở Hà Nội (1922); biểu diễn ở Sài Gòn nhân dịp khánh thành đường sắt (1930). Dàn nhạc kèn hơi của Huế cũng đã đại diện cho Việt Nam biểu diễn tại Hội chợ Quốc tế Paris (1931)… Đây là lần đầu tiên Huế và Việt Nam có dàn nhạc kèn đi biểu diễn quốc tế.
Tiếng nhạc kèn hơi xuất hiện ở Huế đã đóng góp lớn vào việc hình thành nền tân nhạc Huế, nền tân nhạc Việt Nam. Dàn nhạc kèn Huế đã cất tiếng kèn tại lễ trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng ở Ngọ Môn tháng Tám 1945. Với nhiều lý do khác nhau, các dàn nhạc kèn Huế lần lượt giải thể từ năm 1945.
Khát vọng phục hồi
Những năm sau 1975, TP. Huế có đầu tư cho Nhà Thiếu nhi Huế thành lập đội kèn thiếu nhi, song chỉ cầm chừng. Năm 2012, Học viện Âm nhạc Huế cũng tổ chức biểu diễn hoà tấu có sự tham gia của một số nghệ sĩ kèn tại Nhà Kèn và Công viên Thương Bạc, song đến 2014 thì không duy trì được nữa. Năm 2018, nhạc sĩ Lê Quang Vũ (nay là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc tỉnh) trở về Huế và thành lập Câu lạc bộ Kèn Huế với khoảng 25 thành viên. Tuy nhiên, Câu lạc bộ Kèn Huế cũng hoạt động không sôi nổi.
Ngày 23/1/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã có buổi làm việc và giao nhiệm vụ cho Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh lập “Đề án phục hồi Câu lạc bộ Kèn Huế và tổ chức biểu diễn”, và triển khai thực hiện với kinh phí xã hội hóa. Ông nói: “Kèn Huế đã từng ghi dấu ấn trong ký ức văn hóa Huế, nó phải được phục hồi để tiếp tục góp sức trong việc xây dựng Huế - thành phố di sản”.
Liên hiệp Hội hình thành Ban vận động thành lập do nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh làm Trưởng ban, thống nhất tên gọi là Dàn nhạc Kèn Huế. Liên hiệp Hội đã tập hợp Câu lạc bộ Dàn nhạc Kèn Huế bước đầu có 50 thành viên, trong đó có 40 nghệ sĩ chơi kèn.
Gần một năm qua, Ban vận động thành lập Dàn nhạc Kèn Huế đã xúc tiến nhiều công việc để ra mắt. Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex nhận tài trợ cho Dàn nhạc Kèn Huế trên 1,9 tỷ đồng để mua nhạc cụ (kèn, trống) và tổ chức tập luyện, biểu diễn trong thời gian tới; Công ty Scavi đã tài trợ 40 bộ trang phục biểu diễn kèn tây và 40 bộ trang phục biểu diễn truyền thống. Học viện Âm nhạc Huế bố trí phòng cho Dàn nhạc Kèn Huế tập luyện. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã hào hứng tài trợ bước đầu cho Dàn nhạc Kèn Huế ra mắt.
Tận mắt chứng kiến cảnh tập luyện của các thành viên Dàn nhạc Kèn Huế, mới thấy họ khao khát được chơi kèn trong dàn nhạc, được cống hiến cho âm nhạc, cho văn hoá Huế. Nguyễn Gia Thịnh, một thành viên nói: “Câu lạc bộ là nơi để tôi và các nghệ sĩ, nhạc công khác sống cùng với đam mê. Ai nấy đều vui khi được tham gia Dàn nhạc kèn Huế, vì cảm thấy mình được chơi kèn trong đội hình và qua đó cống hiến cho quê hương”.
Vang lên sau 75 năm
Sáng 1/1/2021, ngay ngày đầu năm mới, dàn kèn hơi lại đồng thanh vang lên bên bờ sông Hương sau 80 năm vắng bóng dàn nhạc kèn. Dàn nhạc Kèn Huế xuất hiện với trang phục hiện đại khiến nhiều người bất ngờ, thú vị.
Có 9 tác phẩm được trình tấu. Ngày xưa, các tác phẩm âm nhạc của các nhà soạn nhạc châu Âu, như Mozart, Beethoven, Schubert, Bizet, Weber, Tchaikovsky, Chopin… đã vang lên nơi đây; thì nay, công chúng lại được nghe các tác phẩm như “Happy New Year” của ABBA, “La Paloma” của Tây Ban Nha, “Top Of The Word” của nhóm Imagine Dragons… Có một số tác phẩm Việt Nam được trình bày như “Thương về xứ Huế” của Minh Kỳ, “Huế - Sài Gòn - Hà Nội” của Trịnh Công Sơn. Đặc biệt, liên khúc Nhã nhạc Cung đình (Đăng đàn cung, Xuân Phong, Long Hổ, Tẩu Mã) được trình tấu đã khơi gợi ký ức rộn ràng xuân sang. Khi giai điệu truyền thống “Đăng đàn cung” cất lên, nhiều người chứng kiến đã hết sức vui mừng
Phát biểu chúc mừng, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ niềm vui, niềm tự hào khi một truyền thống văn hóa quý báu của quê hương Thừa Thiên Huế được phục hồi, đồng thời gửi lời cảm ơn đến các nhà tài trợ và sự quan tâm của các sở, ban, ngành. Ông nói: “Tôi được biết nhà kèn Huế là nhà kèn duy nhất trên cả nước được gìn giữ nguyên vẹn. Nơi này trong những năm tháng của dòng chảy lịch sử từng chứng kiến những đội kèn Huế xưa tổ chức biểu diễn. Hy vọng rằng trong thời gian sắp tới, đội kèn Huế sẽ là điểm sáng về văn hóa nói chung và âm nhạc của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, góp mặt trong những lễ hội văn hóa quan trọng của tỉnh nhà” (baothuathienhue.vn 08/1)
6. Đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học xanh – sạch – sáng
Phong trào xây dựng trường học xanh – sạch - đẹp – an toàn đã được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh triển khai trong những năm trở lại đây và đạt được những kết quả rất tích cực. Không gian các trường học ngày càng khang trang, sạch, đẹp, tạo môi trường học đường thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là hiệu quả thiết thực từ việc đẩy mạnh thực hiện phong trào. Phóng sự ghi nhận trên địa bàn thị xã Hương Thủy. (trt.com.vn 07/1)
7. Một sinh viên đạt giải thưởng “Sao tháng Giêng” cấp Trung ương
- Tối 7/1, tại Hà Nội, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức chương trình tuyên dương danh hiệu Sinh viên 5 tốt và trao giải thưởng Sao Tháng Giêng năm 2020.
Trong gần 600 hồ sơ dự xét Giải thưởng “Sinh viên 5 tốt” và “Sao Tháng Giêng” từ các cơ sở Hội Sinh viên trong và ngoài nước, Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam quyết định trao tặng giải thưởng “ Sinh viên 5 tốt” và “Sao Tháng Giêng” năm 2020 cho 198 cán bộ Đoàn, Hội xuất sắc.
Đại học Huế vinh dự có 1 sinh viên là Phan Đình Thắng, sinh viên năm 4, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế. Ba năm liên tục Phan Đình Thắng vinh dự được nhận giấy khen của Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế về thành tích học tập giỏi và rèn luyện xuất sắc; đạt nhiều học bổng giá trị. Đồng thời, tiên phong xung kích trong hoạt động tình nguyện như: “Tình nguyện mùa hè xanh”, “Tiếp sức mùa thi”, “Chủ nhật Xanh”…
Giải thưởng Sao Tháng Giêng là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam được trao cho sinh viên Việt Nam là cán bộ Hội Sinh viên, cán bộ Đoàn Thanh niên đang học tập trong các học viện, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước; có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện, trong công tác Hội và phong trào sinh viên, công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học. (baothuathienhue.vn 08/1)
Y TẾ
1. Lo nhất vẫn là tâm lý
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), từ ngày 1/1/2021, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc. Đây là bước cải cách tiếp theo, hướng đến tạo thuận lợi cho người dân điều trị bệnh và thanh toán BHYT, khi từ năm 2016 đã bắt đầu thực hiện thông tuyến BHYT tại cơ sở y tế tuyến huyện và cấp tương đương.
Trước đây, trên thẻ BHYT người bệnh đăng ký khám chữa bệnh ở đâu thì chỉ được khám chữa bệnh ở đó; muốn lên tuyến trên hay đi các tỉnh, thành khác thì phải có giấy chuyển tuyến. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, gây phiền hà cho người dân; nhất là những trường hợp đang phải ở xa nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Đã có trường hợp xảy ra mâu thuẫn giữa người nhà bệnh nhân và y tế cơ sở khi họ muốn chuyển người thân đến tuyến khác để điều trị nội trú. Từ nay, những vướng mắc trên đã được khắc phục, dù không có giấy chuyển tuyến theo trình tự, người bệnh vẫn được coi là điều trị nội trú đúng tuyến…
Đây cũng là động lực thu hút người dân tích cực tham gia BHYT tự nguyện; đồng thời, để các cở sở y tế không ngừng đầu tư, nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh, nhằm giữ bệnh nhân, góp phần chăm sóc, nâng cao sức khỏe toàn dân. Tuy nhiên, cũng không ít người tỏ ra lo lắng dễ xảy ra tình trạng quá tải, cũng như tình trạng bội chi BHYT ở tuyến trên và các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao.
Thực tế, lâu nay tuy có ràng buộc bởi giấy chuyển tuyến nhưng bệnh nhân vẫn đổ đến các bệnh viện tuyến trên rất lớn, sẵn sàng chịu thiệt khi thanh toán BHYT vì quan điểm, dịch vụ y tế tuyến trên tốt hơn, chất lượng hơn tuyến dưới. Tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên vẫn thường xảy ra; hình ảnh bệnh nhân nằm chung giường, thêm giường phụ, nằm ngoài hành lang… đã không còn xa lạ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là tâm lý của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không yên tâm với điều kiện khám chữa bệnh ở cơ sở, dù thực tế có những bệnh thông thường hoàn toàn có thể đảm bảo thăm khám, điều trị ở tuyến cơ sở, dẫn đến vượt tuyến, quá tải tuyến trên và vượt chi BHYT. Riêng năm 2020, cả nước có hơn 1 triệu lượt bệnh nhân điều trị nội trú vượt tuyến; nếu quỹ BHYT chi trả 100% theo quy định mới thì số tiền này sẽ rất lớn.
Tuy nhiên, với cơ chế mới này không có nghĩa bệnh nhân từ tuyến dưới muốn lên điều trị nội trú ở tuyến trên là được thanh toán 100% BHYT mà phải có sự chỉ định của bác sĩ trong khám sàng lọc ban đầu, có cần thiết phải điều trị nội trú ở tuyến trên hay không. Tại Chỉ thị số 25/CT-BYT ngày 21 - 12 - 2020 của Bộ Y tế về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT cũng đã yêu cầu không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thực sự cần thiết...
Việc điều trị vượt tuyến khi bệnh chưa đến mức cần thiết không chỉ ảnh hưởng đến nguồn quỹ BHYT và sự tốn kém, khó khăn điều kiện chăm sóc, sinh hoạt của người nhà bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến chất lượng khám và chữa bệnh ở các tuyến trên, khi nhân lực và thiết bị y tế chưa đáp ứng đủ một lượng lớn bệnh nhân. Cho nên, ngoài những trường hợp cấp cứu, việc khám, sàng lọc, chỉ định điều trị bước đầu, kết hợp với tuyên truyền vận động là rất quan trọng.
Mặt khác, các bệnh viện ở tuyến dưới phải không ngừng đầu tư nhân lực, vật lực, nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh để giữ bệnh nhân; đồng thời, có thể làm vệ tinh của bệnh viện tuyến trên; trong đó, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân chuyển từ tuyến trên về để điều trị, chăm sóc, khi bệnh viện tuyến trên quá tải. Được như vậy, sẽ giảm tải được áp lực cho tuyến trên; đồng thời, khai thác có hiệu quả đội ngũ y tế cũng như cơ sở vật chất của ngành y tế. (baothuathienhue.vn 07/1)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Thừa Thiên Huế: 15 ngày ra quân tấn công, trấn áp tội phạm phát hiện lừa đảo, chiếm đoạt gần 400 tỉ đồng
Sau 15 ngày ra quân tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021, ngày 5/1, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội nghị sơ kết cho biết đã phá thành công nhiều chuyên án lớn.
Cụ thể, sau 15 ngày ra quân, Công an các đơn vị đã làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết ổn định các vụ việc nổi lên ngay từ cơ sở, tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm về trật tự xã hội đạt trên 95%.
Trong đó đã phá các chuyên án: "Đấu tranh chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet" có liên quan đến người nước ngoài, xác định các đối tượng chiếm đoạt số tiền hơn 370 tỷ đồng
Đấu tranh chống tội phạm đánh bạc dưới hình thức tổ chức cá độ bóng đá với số tiền giao dịch từ đánh bạc hơn 25 tỉ đồng, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm ma túy, kinh tế, tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường...
Trong đó, nổi lên là Nguyễn Viết Hải, sinh năm 1978, trú tại 92 đường Chi Lăng, TP Huế là người cầm đầu, điều hành quản lý tài khoản, tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua trang mạng www. Wabi88.com trên mạng internet. Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2020 đến ngày 26/12, sau khi nhận tài khoản cá độ bóng đá từ đại lý cấp trên, Hải thuê 3 đối tượng là Hoàng Bảo Nhật, sinh năm 1985, Hà Trọng Hiếu sinh năm 1983 và Trần Phú sinh năm 1994 cùng trú tại phường Phú Hậu, TP Huế để điều hành mạng cá độ bóng đá và ghi cá độ cho người đánh bạc tại quán cà phê 92 Chi Lăng, TP Huế.
Vào tối 26/12, khi các đối tượng đang ghi cá độ bóng đá cho 11 đối tượng thì bị cơ quan công an kiểm tra bắt quả tang. Căn cứ vào tài liệu và chứng cứ thu thập được, lực lượng Công an xác định tổng tang số mà đối tượng Hải thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc thông qua mạng internet là hơn 21 tỷ đồng. Lực lượng công an thu giữ tang vật gần 50 triệu đồng, 3 bộ máy vi tính, 1 laptop và nhiều tang vật có liên quan.
Hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục đấu tranh mở rộng án, truy bắt các đối tượng liên quan đến đường dây cá độ này.
Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với thành công bước đầu, thời gian tới, lực lượng Công an trên địa bàn quyết tâm tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 đạt hiệu quả cao hơn nữa. (thuonghieucongluan.com.vn 07/1)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Nâng cao hiệu quả quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19 và các đợt thiên tai liên tiếp, tuy nhiên TT Huế là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thành lập và tái cơ cấu sau khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực. Kết quả quan trọng này tạo tiền đề để ngành thủy sản tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý mạng lưới Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong những năm tiếp theo. (trt.com.vn 07/1)
2. Gắn kết bất động sản với phát triển kinh tế
Phát triển thị trường bất động sản (BĐS) theo hướng mở rộng được xem là hướng đi mới nhằm thực hiện định hướng từ Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Chuyển dịch đầu tư
Trước những năm 2015, Thừa Thiên Huế “thiếu vắng” những dự án (DA) đầu tư BĐS có quy mô lớn. Ngay cả khu vực các đô thị mới cũng chỉ mới manh nha xuất hiện những DA đầu tư nhỏ. Hạ tầng chưa gắn kết được với đô thị trung tâm như một tổng thể nên chưa thể hấp dẫn nhà đầu tư. Thị trường BĐS lúc bấy giờ gần như bị đóng băng, hay có cũng chỉ là những DA với quy mô nhỏ.
Khi có sự thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư, tâm lý bảo tồn và ngại thay đổi dần được cởi trói, thay vào đó là định hướng dung hòa giữa bảo tồn và phát triển, tạo cú hích mới trong thu hút đầu tư nói chung và thị trường BĐS nói riêng.
Xây dựng tòa nhà Vincom như một minh chứng cho những thay đổi từ chủ trương đến quan điểm trong thu hút đầu tư. Hẳn ai cũng sẽ nhớ, những ngày đầu mới triển khai những công trình cao tầng như: khách sạn Indochine, tòa nhà Vincom đã nhận không ít luồng ý kiến trái chiều của dư luận. Và có lẽ, nếu không đủ cởi mở sẽ không thể có được tòa nhà Vincom 39 tầng được xem như điểm nhấn trong đô thị Huế.
Cùng với sự thay đổi trong quan điểm thu hút đầu tư, những DA lớn bắt đầu xuất hiện đánh dấu bước chuyển mình của thị trường BĐS. Trong đó, việc hình thành khu đô thị mới An Vân Dương với các DA khu đô thị và nhà ở cao cấp với diện tích 1.700 ha như một dấu mốc.
Từ một khu đất ruộng, đến nay, Khu đô thị mới An Vân Dương đã có 48 DA đang triển khai với tổng vốn đăng ký hơn 13.000 tỷ đồng, diện tích 300 ha. Trong đó, có 10 DA phát triển nhà ở thương mại, DA phát triển đô thị với diện tích đất quy hoạch 230,1 ha, dự kiến xây dựng 7.146 căn; 4 DA nhà ở xã hội với diện tích đất quy hoạch trên 4,1ha và 1.840 căn hộ giai đoạn 2021 - 2023.
Ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin, theo định hướng Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mở rộng địa giới hành chính đô thị để hình thành đô thị trung tâm với hai trục phát triển và các đô thị động lực gồm: thị xã Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, đô thị Chân Mây.
Thừa Thiên Huế cũng xây dựng bộ tiêu chí cho đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đồng thời, xây dựng chương trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đề án phân loại đô thị tỉnh trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa Huế cũng như đề án công nhận thành phố Huế mở rộng đạt tiêu chí loại I.
Tỉnh cũng chủ trương kêu gọi đầu tư một số các DA phát triển khu đô thị, khu dân cư, các DA khu du lịch, nghỉ dưỡng, chủ yếu tập trung tại thành phố Huế và vùng phụ cận. Trong đó, Khu đô thị An Vân Dương 10 DA với diện tích đất khoảng 163,12ha; khu kinh tế, công nghiệp tỉnh 8 DA khoảng 387,57ha; khu nhà ở xã hội ở Huế gồm 5 DA với tổng căn hộ dự kiến 6.880 căn hộ; thị xã Hương Trà có 3 DA khoảng 39,77ha; huyện Phong Điền 2 DA với khu đô thị Cama Lakeside Eco Town và khu dân cư 104 ha phục vụ khu công nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đang kêu gọi đầu tư 21 DA BĐS du lịch.
Hạ tầng là yếu tố cốt lõi
Thị trường BĐS đang chuyển biến khả quan, nhưng chuyển động này chỉ thu hẹp trong những DA rời, chưa tạo thành một liên kết gắn BĐS với chiến lược phát triển kinh tế.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định, xu hướng phát triển DA địa ốc trên cả nước đang dần thay đổi theo nhu cầu thị trường. Không thể tiếp tục “bán” nhà ở với các tiện ích đô thị đi kèm là đủ, mà phải “bán” một không gian sống mới “an cư lạc nghiệp” cho người dân. Trong đó, việc thu hút cư dân mới không chỉ tập trung vào môi trường sống hiện đại, xanh và sạch mà phải đầy đủ hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, không gian xanh, thể dục thể thao, dịch vụ thương mại...) và hạ tầng kỹ thuật tốt.
Để thực hiện được điều này trong điều kiện tỉnh đang còn khó khăn, việc xây dựng chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tự ứng vốn đầu tư hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh cả trong và ngoài DA, các tuyến đường kết nối bao quanh đổi lại những ưu đãi đầu tư và vận hành DA sẽ là giải pháp hiệu quả vừa giảm áp lực đầu tư công vừa nâng cao uy tín nhà đầu tư.
Theo vị kiến trúc sư này, việc khuyến khích phát triển các khu đô thị mới văn minh, cao tầng, với hạ tầng hiện đại tại các vùng đất mới, không những đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai của Thừa Thiên Huế, mà còn giúp giảm mạnh áp lực phát triển lên khu đô thị hiện hữu; nhờ đó sẽ gián tiếp góp phần cho việc bảo tồn di sản. Ngoài ra, nên khuyến khích và thu hút những DA đem lại các cơ hội việc làm thu nhập cao cho các khu đô thị mới tiềm năng trong tương lai. Đây sẽ là những nền tảng quan trọng để thu hút nhân tài khắp nơi đưa gia đình về đây an cư lạc nghiệp và tạo thành mối gắn kết giữa bất động sản với chiến lược phát triển kinh tế địa phương. (baothuathienhue.vn 08/1)