Tìm kiếm tin tức
ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 07/01/2021
Ngày cập nhật 07/01/2021
TIN NÓNG
 

1.  Thông tin ban đầu về nguyên nhân rò rỉ đường ống dẫn nước tại Thủy điện A Lưới

Ngày 6/1, Công ty CP thủy điện miền Trung, chủ đầu tư nhà máy Thủy điện A Lưới (đóng tại xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, đã có báo cáo ban đầu về nguyên nhân xảy ra sự cố rò rỉ đường ống dẫn nước tại nhà máy này.

Theo chủ đầu tư, qua kiểm tra đường hầm (có đường kính 3,2 m ) này đã phát hiện vết nứt khoảng 3/4 chu vi đường ống tại vị trí hàn nối ống, khoảng hở lớn nhất giữa hai đốt hầm khoảng 20 mm. Phần đường hầm có bê tông áo và không áo không bất thường.

Về nguyên nhân xảy ra rò rỉ đường ống dẫn nước, Công ty CP thủy điện miền Trung cho biết, đang phối hợp với tư vấn và các nhà thầu thi công để xác định. Nhận định ban đầu cho thấy đoạn hầm áp lực dưới từ chân giếng đứng 2 đến nhà máy đi qua vùng phân bố đá granitdiorit phức hệ Quế Sơn và đá cát bột kết, đá phiến sét hệ tầng Long Đại. Các vị trí bị sự cố đều nằm trong vùng phân bố đá phiến sét hệ tầng Long Đại.

Theo chủ đầu tư nhà máy Thủy điện A Lưới, trong quá trình vận hành từ năm 2012 đến nay trong khu vực công trình đã ghi nhận hơn 60 lần rung chấn và động đất, trong đó trận động lớn nhất vào ngày 15/5/2014 có cường độ 4,7 độ richter, tâm chấn cách nhà máy 4,9 km về hướng Bắc - Đông Bắc.

Một tuần trước khi xảy ra sự cố rò rỉ đường ống dẫn nước, vào ngày 25/12/2020 nhà máy đã ghi nhận một trận rung chấn xảy ra tại khu vực này. Có sự dịch chuyển của các khối đất đá do nhiều lần rung chấn này có ảnh hưởng đến sự ổn định của liên kết hàn đường ống áp lực.

Như Báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin, vào sáng ngày 1/1, nhà máy thủy điện A Lưới đang vận hành phát điện với công suất 20 MW thì xuất hiện sự cố xuất lộ nước từ đường hầm 177 trên mái chính diện nhà máy.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Nhà máy thủy điện A Lưới đã tạm dừng phát điện để kiểm tra, dự kiến mất khoảng một tháng để khắc phục sự cố này.

Nhà máy thủy điện A Lưới có công suất 170 MW, điện lượng bình quân năm 649 triệu kWh. Khởi công từ năm 2007 và vận hành phát điện vào tháng 5/2012. (daidoanket.vn 06/01)

 
 
 

2.  Bi hài chuyện 7 văn bản gửi đi sau khi đã ký nghiệm thu khống ở Huế

Sau khi nghiệm thu xong trên giấy tờ, chủ đầu tư đã 7 lần gửi đi văn bản cho công ty Tây Hồ yêu cầu làm cho xong các hạng mục chưa thi công trên thực tế.

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại cơ sở 2 trường cao đẳng Công nghiệp Huế được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo tiền đề để ngôi trường này tiến những bước xa hơn trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành kỹ thuật có chất lượng cao cho Thừa Thiên-Huế cũng như các tỉnh phía Bắc của khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, mới đây, câu chuyện về những lùm xùm khi thực hiện 2 gói thầu hạ tầng kỹ thuật của công trình này càng là cơ sở để dư luận dấy lên những hoài nghi về hiệu quả của dự án.

Đó là 2 gói thầu: Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải giá trị 24.578.418.000 đồng và gói thầu Xây dựng hệ thống đường giao thông, đường nội bộ với giá trị 22.914.532.000 đồng.

2 gói thầu này đều từ vốn ngân sách Nhà nước do trường cao đẳng Công nghiệp Huế làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Tây Hồ (sau đây viết tắt là công ty Tây Hồ).

Những sai phạm trong việc thực hiện 2 gói thầu kể trên như: Thi công không đúng thiết kế, thiếu khối lượng thiết kế, nghiệm thu khống khối lượng thi công, có dấu hiệu hợp thức hoá chứng từ để thanh quyết toán… đã được đoàn thanh tra bộ Công Thương mạnh dạn chỉ ra trong Kết luận số 4985/KL-BCT ngày 9/7/2020.

Liên quan đến việc nghiệm thu khống, cụ thể, gói thầu Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải được triển khai từ năm 2013 đến ngày 31/12/2015, chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đã cùng ký biên bản nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, đến ngày 20/1/2016, thì ký thanh lý hợp đồng cho đơn vị thi công. Đây chính là cột mốc pháp lý thể hiện công trình đã hoàn thiện.

Nhưng đó chỉ là trên mặt giấy tờ, một thực tế phũ phàng đã được bộ Công Thương chỉ ra là rất nhiều hạng mục của công trình chưa được thi công, nguy hiểm hơn nữa là thi cống thiếu. Đơn cử, 2 máy bơm nước TSURUMI KTZ 21.5, 1 máy ép dầu mỡ, 40m ống thép mạ kẽm D76, 2 van một chiều D76, 1 thang thép lên xuống hố, 2 giá đặt máy bơm trong gói cung cấp và lắp đặt thiết bị đã không được thực hiện. Đặc biệt, tại hạng mục thi công thoát nước mưa, thi công thiếu 3 hố gom nước mưa; tại hạng mục mương kỹ thuật, thi công thiếu 2 hố.

Gói thầu Xây dựng hệ thống đường giao thông, đường nội bộ cũng cùng chung một "kịch bản". Ngày 19/8/2014, chủ đầu tư và nhà thầu đã ký Hợp đồng thi công số 51/HĐKT gói thầu này. Đến ngày 31/12/2016, các bên đã ký nghiệm thu dự án và quyết toán đưa công trình vào sử dụng.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là trên mặt giấy tờ, thực tế  là rất nhiều hạng mục của gói thầu lúc ấy chưa hoàn thành như: Đắp nền đường, thảm base, bê-tông đường, cống, trồng cây, cột đèn chiếu sáng…

Xin được nhắc lại rằng, thời điểm để xảy ra những sai phạm nêu trên, hiệu trường trường Cao đẳng Công nghiệp Huế là ông Cung Trọng Cường. Đến ngày 1/2/2019, ông Cường thôi giữ chức vụ này và được bổ nhiệm vị trí mới là Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tại gói thầu Xây dựng hệ thống đường giao thông, đường nội bộ, sau khi ký hồ sơ nghiệm thu, phía trường cao đẳng Công nghiệp Huế đã nhiều lần phát đi nhiều văn bản gửi cho công ty Tây Hồ để  yêu cầu tiếp tục thi công các hạng mục còn lại nhằm “chữa cháy” vi phạm.

Thống kê từ bộ Công Thương, trong 3 năm (từ 2017-2019), trường cao đẳng Công nghiệp Huế đã gửi đi 7 văn bản đề nghị, yêu cầu cho công ty Tây Hồ. Nhưng đáp lại  từ công ty Tây Hồ là nhiều lý do để chưa thể tiếp tục thi công, có lúc còn không có phản hồi.

Đến đầu năm 2020, khi nguyên hiệu trưởng Cung Trọng Cường đã không còn công tác ở vị trí Hiệu trưởng khoảng 1 năm, các cán bộ giảng viên, sinh viên trường cao đẳng Công nghiệp Huế vẫn chưa thể có một hạ tầng kỹ thuật tốt nhất để phục vụ công tác giảng dạy, học tập tại cơ sở 2.

Và lúc này, trường cao đẳng Công nghiệp Huế cùng các đơn vị liên quan buộc phải thi công các hạng mục còn thiếu ở cơ sở này với giá trị khoảng 400.644.000 đồng. Điều bi hài là, việc thi công này không hề có văn bản xác nhận về khối lượng cũng như chất lượng của cơ quan có thẩm quyền.

Trở lại tổng thể vụ việc, từ đề nghị của bộ Công Thương, hiện Cơ quan Điều tra hình sự thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (bộ Quốc phòng) đã gửi văn bản cho sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc trưng cầu giám định tư pháp xây dựng các hạng mục thuộc công trình dự án Đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông tại trường cao đẳng Công nghiệp Huế cơ sở 2.

Về xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, bộ Công Thương cũng đã chuyển đến UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế xem xét xử lý những hành vi có dấu hiệu sai phạm của ông Cung Trọng Cường, lúc này đang giữ chức vụ Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển Thừa Thiên-Huế.

Thông tin thêm, từ các tài liệu PV thu thập được, thời điểm bộ Công Thương vào cuộc xác minh những nội dung tố cáo, tức vào tháng 3/2020, lúc ấy Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đang thụ lý xem xét, xác minh và giải quyết vụ việc theo thẩm quyền…

Người đưa tin Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin! (nguoiduatin.vn 06/01)

 
 
 

3.  GÓI VAY VỐN TRẢ LƯƠNG LAO ĐỘNG:Chưa chạm “điểm nghẽn” của doanh nghiệp

Dù thời gian ngừng tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thực hiện cho vay gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn với lãi suất 0%/năm để trả lương ngừng việc cho người lao động đã đến rất gần; song trên địa bàn mới chỉ có 1 doanh nghiệp (DN) tiếp cận với gói vay này.

Thời hạn tái cấp vốn chỉ đến 31/1/2021

Sau hơn 2 tháng tiến hành sửa đổi và nới lỏng những điều kiện cho vay gói 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN trả lương cho người lao động, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh và các phòng giao dịch đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp cận với các DN trên địa bàn nhằm nắm tình hình và rà soát các DN đáp ứng điều kiện cho vay. Dù nguồn vốn cho vay khá lớn, nhưng mới chỉ 1 DN vay được vốn từ gói vay này.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Văn Đức Thọ, để đảm bảo không xảy ra tình trạng trục lợi chính sách nên quy định cho vay vốn vẫn chặt chẽ, người sử dụng lao động muốn vay gói tín dụng này phải đáp ứng đủ các điều kiện. Đó là, có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020, có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại thời điểm ngày 31/12/ 2019.

Dù thời hạn tái cấp vốn cho Ngân hàng CSXH theo quy định của Thông tư số 05/2020/TT-NHNN chỉ kéo dài đến hết ngày 31/01/2021 kể từ thời điểm ký khế ước nhận nợ đầu tiên. Theo đó, trong trường hợp đến hết ngày 31/01/2021, Ngân hàng CSXH không giải ngân hết số tiền đã nhận thì trước ngày 10/02/2021, ngân hàng này phải trả lại cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) số tiền không giải ngân hết theo thứ tự từ khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất. Điều này đồng nghĩa, thời gian của DN tiếp cận với gói vay này không còn nhiều.

Theo các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH trên địa bàn, thủ tục vay vốn cho gói vay này khá gọn, khách hàng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay, chỉ cần đảm bảo đúng quy trình, đúng đối tượng là đủ. Tuy nhiên, quy định DN phải đảm bảo có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên khá khó. Chưa kể, DN không hào hứng lắm với gói vay vốn này nên con số giải ngân rất thấp, chỉ 339 triệu đồng trả lương cho 198 lao động.

Cần nhất vẫn là vốn tái sản xuất

Ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch Đại Bàng chia sẻ, hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tỉnh đã nỗ lực trong việc kiểm soát dịch bệnh, triển khai các giải pháp kích cầu du lịch, tuy nhiên do dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch. Lượng khách du lịch đến Huế chỉ đạt 39,2% kế hoạch; thiệt hại về doanh thu du lịch ước khoảng 8.000 tỷ đồng là những con số đủ để chứng minh những vất vả mà DN du lịch đang đối mặt. Thiệt hại nhiều, vì thế ưu tiên nhất của DN là vốn để phục hồi, triển khai các chương trình xúc tiến du lịch tại chỗ… Tuy nhiên, việc tiếp cận với các gói vay thương mại trong điều kiện hiện nay không hề dễ dàng với những ràng buộc về chứng minh năng lực, thế chấp tài sản…

Nhiều DN khác cũng có chung quan điểm như trên. Theo đó, trong thời gian khó khăn như hiện nay, ưu tiên hàng đầu của DN là giữ vững phát triển ổn định trong dịch, điều này vừa góp phần đảm bảo doanh thu vừa đảm bảo cuộc sống của nhân viên. Nếu DN không tạm ngưng hoạt động thì DN đó cũng sẽ duy trì vận hành kiểu 50/50 (ngày làm ngày nghỉ) để đảm bảo nhân viên không mất việc. Do đó, ưu tiên của DN lúc này không phải là vốn vay trả lương lao động nghỉ việc mà là vốn để đầu tư khôi phục kinh tế đảm bảo việc làm cho người lao động. Vì thế, gói vay này chưa thật sự chạm “điểm nghẽn” của DN. Chưa kể, thời hạn cho vay không quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân là quá ngắn, vô hình trung làm khó DN khi chưa kịp khôi phục đã phải gồng mình trả nợ.

Theo thống kê của Hiệp hội DN tỉnh, từ khi bùng phát dịch đến nay có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN trong nhiều lĩnh vực như giá dịch vụ, tiền thuê đất, thuế - phí - lệ phí, vốn - tín dụng, lao động - bảo hiểm xã hội… Nhiều chính sách đã và đang có hiệu quả hỗ trợ tích cực, song đa phần vẫn chỉ dừng lại ở việc gia hạn chứ chưa nhắc nhiều đến việc miễn, giảm và quá nhiều ràng buộc. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, Chính phủ cũng như các ngành cần rà soát nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ để điều chỉnh cho phù hợp, nới lỏng một số điều kiện thụ hưởng, nhất là các thủ tục chứng minh về tài chính. Việc kéo dài thời gian của các gói hỗ trợ để DN có đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh cũng là giải pháp hỗ trợ DN hiệu quả nhất... (baothuathienhue.vn 07/01)

 
 
 

4.  Ước nguyện vào bờ

Giữa ồn ào, nhộn nhịp phố thị, có một ốc đảo mà những người dân ở đó là anh em, trải qua 4 đời với hơn 100 năm sống biệt lập giữa bốn bề sóng nước trên sông Hương, không chợ, không cầu phà, không hàng quán, không có xe máy… Đó là đảo Ông Sắt, thuộc địa phận phường Vỹ Dạ, TP. Huế.

Bên này Đập Đá nhìn qua, bên kia cầu Gia Hội nhìn về, Ông Sắt hiện ra như một hòn đảo nhỏ, hiền hoà nép mình dưới những rặng cây và rất gần với cồn Hến. Tưởng chừng thơ mộng vậy, nhưng mỗi khi Mẹ thiên nhiên nổi giận, cơn nước chảy xiết, họ lại chạy…

Bên kia thành phố tráng lệ…

Những ngày cuối năm, trời Huế bình lặng sau triền mưa lũ. Chúng tôi quyết định tìm về ốc đảo giữa lòng đô thị theo đường bộ, qua ngả cồn Hến. Men theo con kiệt “xương sống” với những quán cơm, bún hến nức tiếng, đi hết cuối đường nhìn qua bên kia, đảo Ông Sắt thấp thoáng ẩn hiện.

Nhiều người dân cồn Hến thấy chúng tôi hỏi đường qua ốc đảo có vẻ ngỡ ngàng, vì chính họ một đời chưa bao giờ đặt chân qua vùng đất đó dù chỉ 10 phút đi đò. “Mấy anh qua bên nớ mần chi. Nếu qua thì gửi xe lại đây, rồi hét thật to để người bên đó đưa thuyền qua chở”, một người dân hướng dẫn.

Nghe tiếng gọi đò, một chị tuổi trung niên thoăn thoắt mái chèo qua đón chúng tôi. Đò tiến về hướng ốc đảo, bên dưới mặt nước sông Hương xanh dịu vợi. Càng đến gần, những mái nhà, hàng tre vàng ẩn hiện trước sự tò mò của chúng tôi dần lộ rõ.

Đò cập bến, một cụ ông râu tóc đượm bạc tỏ ra bất ngờ: “Lâu rồi mới có người lạ tìm tới đây. Tưởng gần mà xa phải không mấy anh”. Ông là Võ Văn Vinh, 70 tuổi, người cao tuổi nhất ốc đảo này. Mời khách lạ ly trà ấm, ông dí dỏm và tự hào nơi mình sống, chỉ cần mở mắt là thấy bên kia những khu phố tráng lệ. Đúng như thế, liếc mắt có thể thấy những dãy phố, khách sạn nhộn nhịp trên đường Lê Lợi, rồi chợ Đông Ba sầm uất, thuyền rồng nối đuôi nhau chầm chậm trên sông Hương…

Nói rồi, cụ ông một đời gắn phận mình với ốc đảo Ông Sắt chậm rãi kể về lịch sử vùng đất. Cái tên Ông Sắt không ai khác chính là cha của ông, xưa kia khốn khó trăm bề đã chọn đảo này làm nơi an cư. “Cha tui sinh ra đàn con. Mấy anh em tui cứ rứa lớn lên. Sau này có người vô đất liền, có người ở lại lấy vợ, sinh con đẻ cái và tiếp tục bám nơi đây. Vì thế, dãy nhà ở đảo ni toàn là anh em chú bác, sống nương tựa, đùm bọc lẫn nhau”’, ông Vinh kể. Sau ông, những người con tiếp nối cuộc sống nơi này, rồi những đứa cháu được xem thế hệ thứ 4 cũng đang lớn lên. Dân số trên ốc đảo với diện tích hơn 1.500m2 đến thời điểm này hơn 30 người.

Nương vào đất trời, thiên nhiên

Cuộc sống, sinh hoạt đều tách biệt với đất liền, vì thế những cư dân ở đảo Ông Sắt cũng gặp rất nhiều trở ngại. Từ phía cầu Gia Hội hay cồn Hến đi qua đây chỉ có một phương tiện duy nhất đó là chèo đò. Người dân dù có mua được xe máy cũng không còn cách nào khác là gửi lại nhà dân ở đất liền. Có đi đâu cũng phải chèo đò vào đất liền, rồi mới đi lấy xe máy đi tiếp. Nhiều đứa trẻ lớn lên, đi học, cũng không thoát khỏi vòng xoay đó. Dân ở đây kể, đã sống ở đảo Ông Sắt không ai là không biết bài học vỡ lòng chèo đò, thậm chí sành sỏi.

Nhưng sành sỏi cỡ nào, mùa bão lũ cũng trở thành nỗi ám ảnh. Chàng trai vạm vỡ Võ Văn Toàn, 33 tuổi, lớn lên ở đảo Ông Sắt khi nghe nhắc đến bão lũ cảm thán: “Ớn như chè!”. Không cần nhẩm, Toàn nói năm ít thì 3-5 cữ, năm nhiều thì cỡ chục cữ chạy lụt, bão. “Nghe nước lên, thuỷ điện xả lũ, hay nghe đài báo bão chúng tôi bỏ hết. Lên đò, chèo qua cồn Hến, hay đường Trịnh Công Sơn rồi theo đó tìm đến nhà bà con để tá túc”, Toàn kể.

Đúng như lời Toàn nói, có những năm lũ lớn, chúng tôi theo những đoàn cứu hộ, cứu nạn đi vào khu vực này và chứng kiến khung cảnh hoang tàn. Dòng nước chảy xiết, lên nhanh, chỉ trong một buổi chiều có thể nhấn chìm toàn bộ những ngôi nhà trên ốc đảo như không có sự hiện diện của nó trước đó. Để rồi, cơn nước xuống, mọi thứ trơ trọi, tất cả trôi ra cửa biển… trước sự bất lực của mọi người.

“Nhưng đó là cuộc sống mà, mưa bão là chuyện bình thường. Ở trong đất liền còn bất lực huống gì ngoài đảo này. Trong cái xui cũng có cái may – Toàn nói, rồi lý giải - Ốc đảo ngày càng được bồi lên, rộng ra. Khi mưa bão đi qua, cuộc sống khá dễ chịu, dù làm việc tay chân nhưng ai cũng kiếm được đồng ra đồng vào, không bệnh tật”. Nói rồi Toàn dẫn chúng tôi đi dọc hết ốc đảo, len lỏi qua các cây thân và những rặng tre dày đặc phủ bóng mát. Tất cả tự tay người dân ở đây trồng lên để ngăn chặn sự xâm lấn, với ý thức phải bảo vệ, gìn giữ từng thước đất nơi mình đang sống mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng.

Ước nguyện vào bờ

Trời về chiều, từ đảo Ông Sắt hướng lên thượng nguồn, cầu Trường Tiền vắt qua sông Hương phủ một màu hoàng hôn thơ mộng. Bên kia dòng xe cộ ngược xuôi tấp nập, cũng là lúc bên này những cư dân tìm về ngôi nhà sau một ngày tất tả mưu sinh. Chiếc đò của chị Mai Thị Niềm vừa cập đảo Ông Sắt đầy ắp tôm cá sau một ngày làm nghề trên sông nước, nhưng cũng trên chiếc đò ấy có người con trai 5 tuổi, được chị đón từ trường mầm non bên kia cồn Hến. Âu yếm con trai lên bờ, chị nở nụ cười tươi: “Mình khổ rồi. Đã đến lúc bọn trẻ phải thay đổi chớ chú hè”.

46 tuổi, về ốc đảo này làm dâu 20 năm, chị Niềm kể chỉ trừ mùa mưa bão, còn lại cuộc sống trôi qua rất bình yên. Ai dù làm nghề gì, nhưng đã sống trên đảo Ông Sắt phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Một ngôi nhà dựng lên tất cả cư dân ốc đảo chúng tay góp sức, một người đau ốm cả ốc đảo ngược xuôi lo toan… “Nói nghèo thì cũng không hẳn, nhưng nói đủ thì cũng chưa tới. Cuộc sống ở đây nó vậy, không bao bọc nhau thì không phải cư dân của đảo Ông Sắt”, chị Niệm chia sẻ.

Vừa dứt lời, đứa con thơ thấp thoáng sau lưng chị thì thầm: “Mẹ ơi, bày tập viết”. Nhìn cách người phụ nữ này nắn nót bày cho con mình từng nét chữ mới hiểu được ước mong thoát kiếp cơ cực, được đến trường học hành tử tế. Với suy nghĩ đó, những bậc làm cha làm mẹ nơi này dù bận rộn với công việc, mưa gió trở trời họ cũng chèo đò đưa con đến trường. Nhờ thế, những năm gần đây ốc đảo đã có em đỗ vào đại học, ra trường có công ăn việc làm ổn định, vào đất liền định cư.

“Dù khó cỡ mô chúng tôi vẫn quyết tâm nuôi con cái ăn học đàng hoàng, đứa mô giỏi thì đầu tư học lên, còn đứa mô đuối quá ít nhất cũng phải biết chữ rồi học nghề để mưu sinh cho tử tế”, chị Niềm trải lòng.

Trước khi rời đò về bên kia “đất liền” chúng tôi hỏi về mong ước của bà con, ông Võ Văn Vinh thay mặt bà con nói rằng, mong được vào bờ. Ông nói đã nghe tin về quy hoạch cồn Hến để phát triển du lịch, kinh tế và rất vui lòng ủng hộ. “Trước là rứa. Nhưng sau nữa, cũng đến lúc chúng tôi muốn thoát khỏi cảnh sống trong âu lo của những mùa bão lũ. Và những đứa trẻ ở ốc đảo này cũng cần tương lai xán lạn hơn cha ông nó”, người đàn ông ở tuổi thất tuần ước mong.

Ưu tiên di dời

Theo thống kê của chính quyền địa phương, hiện tại đảo Ông Sắt có 6 hộ với 36 khẩu. Trải qua nhiều đời, cuộc sống của người dân ở đây gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vào những tháng lụt bão.

Trong một chuyến thực địa, kiểm tra đời sống bà con ở cồn Hến (phường Vỹ Dạ, TP. Huế), UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế - Phan Thiên Định đã có những chỉ đạo quan trọng liên quan đến nhu cầu cấp thiết của người dân sống ở đây. Khi nghe chính quyền địa phương báo cáo về lịch sử cũng như đời sống của người dân trên đảo Ông Sắt, ông Định chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng phương án, ưu tiên di dời và đảm bảo đời sống của người dân trên ốc đảo này. (baothuathienhue.vn 07/01)

 
 
 

5.  Động đất là tác nhân gây xuất lộ nước ở Thủy điện A Lưới

Đó là nhận định của Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung về nguyên nhân ban đầu gây ra sự cố xuất lộ (rò rỉ) nước tại Thủy điện A Lưới.

Nhận định trên được đơn vị này phát đi vào ngày 6/1. Theo đó, Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung cho rằng, đoạn hầm áp lực dưới từ chân giếng đứng 2 đến Nhà máy đi qua vùng phân bố đá granitdiorit phức hệ Quế Sơn và đá cát bột kết, đá phiến sét hệ tầng Long Đại. Các vị trí bị sự cố đều nằm trong vùng phân bố đá phiến sét hệ tầng Long Đại.

Tại vị trí km11+331,8 nằm cách đứt gãy bậc IV về phía hạ lưu là 41m và cách đứt gãy bậc V về phía thượng lưu là 25m.

Ngoài ra, trong quá trình vận hành từ năm 2012 đến nay trong khu vực công trình đã ghi nhận trên 60 lần rung chấn và động đất, trong đó trận động lớn nhất vào ngày 15/5/2014 có cường độ 4,7 độ richter, tâm chấn cách Nhà máy 4,9 km về hướng Bắc - Đông Bắc, tọa độ tâm chấn 16,32 độ vĩ bắc, 107,37 độ kinh đông. Gần đây nhất, xuất hiện trận rung chấn vào ngày 25/12/2020. Các khối đất đá do nhiều lần rung chấn này có sự di chuyển, ảnh hưởng đến sự ổn định của liên kết hàn đường ống áp lực.

Trước mắt, đơn vị này đang tập trung xử lý ứng phó với sự cố và phối hợp, các đơn vị liên quan kiểm tra, đưa ra giải pháp xử lý để đảm bảo an toàn công trình. Dự kiến, sẽ đóng điện đường dây và máy biến áp trước 10/1/2021, phát điện tháng 2/2021.

Trước đó, như Thừa Thiên Huế Online thông tin, vào lúc 8h40’ ngày 1/1/2021, Nhà máy Thủy điện A Lưới đang vận hành phát điện với công suất 20MW (2 tổ máy/mỗi tổ 10MW) thì xuất hiện sự cố xuất lộ nước từ đường hầm tại cơ 177 trên mái chính diện nhà máy, nước chảy tràn xuống nhà máy. Nước ngập sân nhà máy khoảng 30 cm kéo theo bùn đất và đá; lưu lượng nước xuất lộ ra tại cơ 177 khoảng 9m3/s. Ngay khi phát hiện sự cố, Nhà máy đã dừng máy và cắt điện khẩn cấp. (baothuathienhue.vn 06/01)

 
 
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
 

1.  Kịp thời kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm

Thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã không ngừng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) thi hành kỷ luật tổ chức Đảng (TCĐ) và đảng viên.

Phát hiện, ngăn chặn, xử lý

Kết thúc năm 2020, UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra đối với 6 TCĐ và 18 đảng viên. Trong đó, UBKT Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 TCĐ và 2 đảng viên về nội dung liên quan đến việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ; quản lý đất lâm nghiệp, đất rừng; quản lý tài chính, tài sản công; việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy. Qua kiểm tra, UBKT Tỉnh ủy kết luận có 2 TCĐ và 1 đảng viên vi phạm, buộc phải thi hành kỷ luật 1 TCĐ là Ban Thường vụ Đảng ủy và 1 cá nhân Huyện ủy viên (HUV), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồng Thủy (A Lưới) nhiệm kỳ 2015 - 2020. Sai phạm ở tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã Hồng Thủy là xây dựng, bổ sung quy chế làm việc chưa đảm bảo theo quy định của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, vượt thẩm quyền; tổ chức sinh hoạt Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy chưa nghiêm; các bước trong công tác cán bộ và kết nạp đảng viên chưa đảm bảo theo quy định; việc lãnh đạo, chỉ đạo kê khai tài sản chưa đảm bảo.

Cá nhân HUV, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã Hồng Thủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã sai phạm trong tham mưu bổ sung quy chế, tổ chức thực hiện quy chế của Đảng ủy; chấp hành không nghiêm những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương... Từ những sai phạm đó, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét và thi hành kỷ luật HUV, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã Hồng Thủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 bằng hình thức cảnh cáo. Ban Thường vụ Huyện ủy A Lưới xử lý kỷ luật tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã Hồng Thủy bằng hình thức khiển trách.

1 TCĐ có vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật, đó là Chi bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc. UBKT Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBKT Huyện ủy Phú Lộc nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với chi bộ này.

Hiện, UBKT Tỉnh ủy đang tiến hành kiểm tra 1 TCĐ và 1 đảng viên: Đảng ủy Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, nguyên TUV, nguyên Bí thư Đảng ủy LĐLĐ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020.

UBKT cấp dưới và chi bộ cũng đã kiểm tra 3 TCĐ, 16 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Đáng lưu ý, trong số đảng viên được kiểm tra có 11 cấp ủy viên các cấp. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 2 TCĐ và 13 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 1 TCĐ, 9 đảng viên. Số TCĐ và đảng viên còn lại tuy có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật nên đã nghiêm túc rút kinh nghiệm.

“Qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, không chỉ kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm mà còn nâng cao tính giáo dục, răn đe, tính hiệu quả của việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của TCĐ và đảng viên, góp phần ngăn ngừa sai phạm của TCĐ, đảng viên. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng ở một số UBKT cấp huyện và nhiều UBKT cơ sở chưa tiến hành thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này một cách thường xuyên”, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy Hoàng Nhất Đông chia sẻ.

UBKT Tỉnh ủy cũng đã tham gia tổ công tác giúp Ban Thường vụ chỉ đạo, kiểm tra, xem xét xử lý trách nhiệm đối với 5 trường hợp có liên quan đến kết luận của Thanh tra tỉnh về công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền trên đất ven biển ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc); báo cáo việc thực hiện kết luận của UBKT Tỉnh ủy đối với Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và việc xem xét xử lý đối với các cá nhân tại đơn vị này theo kết luận của Thanh tra tỉnh…

Bám sát chức năng, nhiệm vụ

Thiếu chủ động trong việc khảo sát, nắm tình hình để kiểm tra TCĐ và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; tình hình đảng viên vi phạm kỷ luật còn cao, nhất là về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; việc xem xét, xử lý, giải quyết đơn thư còn thiếu kịp thời, còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm… là những tồn tại, khó khăn cũng là những bài học kinh nghiệm mà UBKT Tỉnh ủy cũng như UBKT các cấp rút ra trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và những năm tiếp theo.

“Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cũng là năm bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Vì vậy, UBKT các cấp cần bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị để chủ động xây dựng kế hoạch KTGS. Trong đó, tiếp tục tập trung tăng cường công tác kiểm tra TCĐ, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm; phối hợp giải quyết tốt đơn thư, khiếu nại tố cáo liên quan đến nhân sự bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp; giám sát TCĐ gắn với trách nhiệm người đứng đầu TCĐ, chính quyền, đoàn thể trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương”, UVTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Phạm Thị Minh Huệ khẳng định. (baothuathienhue.vn 07/01)

 
 
 

2.  Tiến sĩ Đinh Văn Dũng Đại học Nông Lâm - Huế được công nhận Phó giáo sư

Hội đồng giáo sư nhà nước vừa ký bàn giao Quyết định và Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh 39 giáo sư và 300 phó giáo sư năm 2020.

Sau khi thẩm định hồ sơ, đánh giá ngoại ngữ, đánh giá báo cáo khoa học,… có 357 ứng viên (40 ứng viên giáo sư, 317 ứng viên phó giáo sư) từ 27 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành được đưa vào danh sách đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2020.

Kết quả, có 339 ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm. Tỷ lệ đạt so với tổng số ứng viên đăng ký nộp hồ sơ tại các Hội đồng Giáo sư cơ sở là 62,55% (tỉ lệ đạt của ứng viên giáo sư là 50,65%, ứng viên phó giáo sư là 64,52%).

Tiến sĩ Đinh Văn Dũng - Phó trưởng khoa Chăn nuôi - Thú y, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế là 1 trong 10 ứng viên đề cử Phó giáo sư và đã được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 2020. (giaoduc.net.vn 06/01)

 
 
VĂN HÓA
 

1.  Báo chí tiếp tục đồng hành để đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, xã hội của Thừa Thiên Huế

Nhân dịp năm mới 2021 và đón Tết Nguyên đán Tân Sửu,UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn.

Chủ trì buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ đã thông tin đến báo chí về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh trong năm 2020 cũng như những sự kiện nổi bật mà tỉnh đạt được và nhấn mạnh, trong những kết quả đạt được của tỉnh trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của các phóng viên, cơ quan báo chí, đặc biệt là trong những lúc gặp khó khăn như phòng chống dịch covid-19; cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Báo chí đã luôn đồng hành và chung sức cùng tỉnh kịp thời thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

Ngoài ra ông Phan Ngọc Thọ còn chia sẻ, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh cũng như các đơn vị có những đổi mới trong công tác cung cấp thông tin cho báo chí trên tinh thần rất cởi mở và công khai, minh bạch nhằm tạo hiệu ứng tích cực đối với các cơ quan báo chí.

Mong muốn trong thời gian tới, "báo chí tiếp tục đồng hành với tỉnh Thừa Thiên Huế, là kênh thông tin quan trọng, đa chiều để giúp tỉnh kịp thời khắc phục những hạn chế và phát huy hơn nữa những mặt tích cực. Lãnh đạo tỉnh sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến thẳng thắn, mang tính xây dựng của báo chí để phục vụ tốt hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành cũng như xây dựng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế" - Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ.

Tại buổi gặp mặt, đại diện một số cơ quan báo chí đã đánh giá cao việc đổi mới công tác cung cấp thông tin cho báo chí của UBND tỉnh trong năm qua. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ mong muốn một số sở ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đối với vấn đề cung cấp thông tin để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí kịp thời tuyên truyền nhanh nhạy và chính xác những lĩnh vực và hoạt động nổi bật trên địa bàn tỉnh. Một số nhà báo cũng đã có những ý kiến tâm huyết góp ý nhằm phát triển đô thị Huế, phát triển du lịch cũng những các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh. (baophapluat.vn 06/01)

 
 
 

2.  Triển lãm ảnh “Ký ức tháng năm”

“Ký ức tháng năm” là chủ đề triển lãm ảnh của tác giả Hà Viết Hải (hiện công tác tại Trường đại học Sư phạm – Đại học Huế), khai mạc tại Viện Pháp tại Huế chiều 6/1.

Triển lãm là tập hợp những bức ảnh được tác giả Hà Viết Hải chụp trong khoảng thời gian làm nghiên cứu sinh tại Évry, ngoại ô Paris, Pháp cách đây 10 năm. Những khung cảnh của châu Âu: cảnh tươi vui của mùa xuân, rực rỡ của mùa hè, u nhã của mùa thu, lạnh lẽo của mùa đông… qua ống kính của tác giả Hà Viết Hải hiện lên sinh động, rực rỡ sắc màu.

Trong những tháng ngày ở xứ người, nhiếp ảnh đến với tác giả Hà Viết Hải như một niềm vui, nguồn năng lượng để cân bằng cảm xúc. Mỗi bức ảnh với anh không chỉ đơn thuần ghi lại khung cảnh và sự vật, mà còn cộng hưởng, chuyển tải những cảm xúc, chiêm nghiệm của bản thân, trở thành những trang nhật ký thấm đẫm một miền ký ức.

Tác giả Hà Viết Hải chia sẻ: “Thời gian làm nghiên cứu sinh đối với tôi là một quãng thời gian đầy thử thách, áp lực và cũng tràn đầy cảm xúc nhất cuộc đời. Trong hoàn cảnh đó, nhiếp ảnh vừa là phương tiện, vừa là người bạn tâm tình, người tiếp thêm sinh lực để hoàn thành công việc nghiên cứu vốn khô khan, vất vả. Nhiếp ảnh dần trở thành niềm đam mê mãnh liệt. Đến nay, đã gần 10 năm rời xa nước Pháp, mỗi khi xem lại những bức ảnh này, tôi vẫn bồi hồi với những cảm xúc vẹn nguyên, như trở về với vùng trời ký ức năm nào”.

Triển lãm diễn ra đến ngày 5/2. (baothuathienhue.vn 06/01)

 
 
 

3.  Nghệ nhân ẩm thực Huế hướng dẫn làm mứt Tết

Hai mẹ con nghệ nhân ẩm thực Huế nổi tiếng Nguyễn Thị Phiên, Đỗ Thị Phương Nhi chia sẻ cách thực hiện những món mứt truyền thống ngày Tết trong cuốn sách “Hoài niệm mứt Tết”.

Hoài niệm mứt Tết của hai nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Phiên và Đỗ Thị Phương Nhi là cuốn sách giới thiệu cách thực hiện những món mứt truyền thống cho ngày Tết của gia đình Việt Nam. Những thứ mứt như mứt gừng, mứt bí, mứt hạt sen, mứt kim quất, mứt mãng cầu… được hướng dẫn một cách chỉn chu từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu sơ chế, thực hiện. Quan trọng hơn cả là những bí quyết được tác giả "mách nhỏ" để có thành phẩm đẹp mắt, ngon miệng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Phiên sinh năm 1945 ở TP Huế, từng học nữ công gia chánh tại trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế với cô Hoàng Thị Kim Cúc. Bà là chuyên gia các món ăn cung đình và món ăn truyền thống Huế. Bà từng là bếp trưởng nhiều nhà hàng, giạng dạy nấu món ăn truyền thống, tham gia nhiều lễ hội ẩm thực lớn. Năm 2014, bà được Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn vinh danh Nghệ nhân ẩm thực. Cũng năm đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cấp giấy chứng nhận danh hiệu Bếp Vàng cho bà.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Phiên chia sẻ những hoài niệm của mình về hương vị mứt trong Tết ngày xưa: "Tôi nhớ những ngày cận Tết ở Huế. Trời vẫn còn lạnh, mưa phùn không ngớt. Mạ đã chuẩn bị cho chúng tôi những hũ mứt gừng, mứt vỏ cam sành, vừa giữ ấm vừa làm món tráng miệng tốt cho tiêu hóa. Lúc ấy, còn một hơi ấm khác luôn tỏa ra từ gian bếp, hơi ấm của những chảo mứt đã bắt đầu đỏ lửa từ đầu tháng Chạp cho kịp Tết.

Tôi vẫn nhớ cái mùi từ những chảo "sên" mứt ấy, có lúc là mùi cay nồng của gừng, có lúc là mùi thơm ngát của trái thơm, có lúc thoang thoảng mùi thanh mát của kim quất, có lúc lại là mùi khói từ những bếp than. Mỗi khi nhớ về những ký ức ấy, tôi bất giác lại cay cay nơi sống mũi, dẫu chẳng có bếp than nào đang nổi lửa lúc này".

Nghệ nhân Đỗ Thị Phương Nhi sinh năm 1967, là con gái của nghệ nhân Nguyễn Thị Phiên. Chị là giảng viên ẩm thực ở nhiều nơi như trường Saigontourist, trường Hướng nghiệp Á Âu, Giảng viên Hội Đầu bếp Sài Gòn, trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức… Năm 2015, chị đoạt giải Ba trong cuộc thi "Xác lập kỷ lục cuộc thi quy tụ nhiều món chay nhất".

Đỗ Thị Phương Nhi chia sẻ kỷ niệm về việc làm mứt Tết: "Tuy đã phụ làm nhiều mẻ mứt nhưng phụ việc vẫn là phụ việc. Khi chính thức làm mới biết để làm được một mẻ mứt rất công phu, từ khâu chọn mua nguyên liệu sao cho ngon, đẹp đến khâu sơ chế phải đúng thời gian, đúng quy cách và cuối cùng khâu khó nhất là hoàn thành một mẻ mứt. Biết bao kỹ thuật ẩn chứa trong đó mà chỉ khi tự tay làm mới hiểu được.

Và điều gì đến cũng sẽ đến: khâu cuối cùng tôi đã không biết làm sao để cho ra thành phẩm mứt được áo một lớp đường trắng như bột, khô ráo giống như bà ngoại tôi làm. Chảo mứt của tôi cứ mãi ướt, tôi lấy tro vùi lại cho lửa chỉ âm ỉ và "xin quyền trợ giúp từ bà ngoại".

Khi thấy mẻ mứt của tôi, bà cứ cười tủm tỉm rồi thủng thẳng trả lời: Đến công đoạn ni cháu phải bưng chảo mứt lên xóc đều, thỉnh thoảng dùng đũa đảo nhẹ nhẹ cho đến khi thấy đường thành bột trắng mới dừng, đó là đối với các loại mứt khoai, mứt bí, mứt củ sen. Còn đối với mứt gừng thì công phu hơn: phải dùng tay gỡ các lát gừng ra cho thẳng, đẹp rồi cho ra mẹt, tuyệt đối không được để các lát mứt gừng bị cong queo, như vậy mới thể hiện được sự khéo léo của mình!".

Trước Hoài niệm mứt Tết, hai mẹ con nghệ nhân Nguyễn Thị Phiên, Đỗ Thị Phương Nhi đã xuất bản 2 cuốn sách Món ngon xứ Huế và Món ngon xứ Huế - Hue Delicacies. Cả 2 cuốn sách này đều do NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành. (phunuvietnam.vn 06/01)

 
 
XÃ HỘI
 

1.  Tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội

Mạng xã hội (MXH) sẽ là một công cụ tốt giúp học sinh (HS) tiếp cận thông tin và tiến xa hơn trong học tập, nhưng MXH đồng thời cũng sẽ là cái bẫy vô cùng nguy hiểm có thể hủy hoại chúng ta nếu như chúng ta không biết chọn lọc, không tỉnh táo…

Xã hội đang ngày càng tiến bộ, nhất là với cuộc cách mạng 4.0, MXH trở thành một thứ “hành trang” không thể thiếu đối với mỗi HS. MXH vừa là công cụ giúp HS học tập, tra cứu thông tin, vừa là nơi để học sinh giao lưu trò chuyện, giải trí sau những giờ học căng thẳng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, MXH còn mang những mặt trái với người lạm dụng quá nhiều hoặc sử dụng MXH thiếu tỉnh táo.

Đối tượng SV, HS thường chỉ sử dụng MXH vì mục đích giải trí nhiều hơn. Nhưng nói như thế không có nghĩa là không có những bạn SV, HS lên MXH vì học tập, tra cứu phục vụ cho những bài làm nhóm, thậm chí có nhiều bạn còn tận dụng MXH vì mục tiêu “săn” học bổng, mơ ước được tung cánh đến những chân trời học tập mới, kiến thức mới…

Tâm lý chung của HS, SV, đa số ai cũng mong muốn có cơ hội được đến học tập tại các quốc gia tiên tiến; nơi chắc chắn môi trường sống và học tập sẽ có nhiều điều kiện tốt hơn. Xa hơn nữa, một số bạn hy vọng sau này có thể có cơ hội tìm được một công việc với mức lương cao. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng có đủ điều kiện về tiền bạc, về các mối quan hệ để có được “một vé” tiến ra nước ngoài? Trong hoàn cảnh ấy thì MXH là một trong những giải pháp có thể giúp HS, SV chạm đến cánh cửa du học ngoại quốc mà chỉ cần trả một khoản học phí vừa phải.

Có nhiều người chưa tin, cho rằng đó là điều khó có thể thực hiện. Nhưng nếu được tận mắt chứng kiến những người bạn của mình đạt được cái mà nhiều người cho là viển vông thì chắc hẳn nhiều người sẽ có cái nhìn khác. Cũng không loại trừ khi đó bạn sẽ thấy trong lòng có chút ghen tị xen chút mừng vui cho bạn của mình. Rồi tự an ủi bản thân (vì chưa thực hiện được giấc mơ như bạn), rằng ít nhất sau này biết đâu mình sẽ được dịp “huênh hoang” với những người chung quanh là ta đây có bạn Việt kiều…

Đó là những chuyện vui vui của lũ học trò bàn tán nhau về những lợi ích của MXH trong những lần đi cà phê, trà sữa… Bàn tán rồi lại tự ngẫm với bản thân: Bạn đi được thì mình cũng cần phải cố gắng sao cho bằng bạn mới “đáng mặt anh hào”, mang niềm vui và bất ngờ cho ba mẹ...

Ấy là mặt tích cực, thế còn về mặt trái của MXH đối với các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường?.

Lẽ dĩ nhiên, cái nào có mặt tốt thì cũng sẽ có mặt xấu, như giới chữ nghĩa hay nói, đó là “tính hai mặt của vấn đề”. Trên MXH hiện nhan nhản những trang nhảm nhí. “Bèo” là giới thiệu, gọi mời đến với games; hoặc các trang kích động “thể hiện bản lĩnh” dạng như “Khá bảnh” một dạo; hay quảng cáo, mời hút thử xixa, thậm chí mời tham gia chơi rồi cùng buôn bán cần sa, bồ đà, cỏ mỹ…

Cạm bẫy rất nhiều và muôn hình vạn trạng, quan trọng là HS, SV chúng ta cần có bản lĩnh, cần tỉnh táo nhận ra được mặt chìm tai hại  của MXH mà tránh. Đừng bao để những lời đường mật của những kẻ xấu, những cám dỗ đại loại “sẽ có được bạc tỷ trong tay trong thời gian rất ngắn”… lao vào con đường sa ngã rồi phạm pháp.

Suy cho cùng, MXH sẽ là một công cụ tốt giúp HS tiếp cận thông tin và tiến xa hơn trong học tập; là chất keo kết dính mọi người lại với nhau để tăng thêm tình tương thân tương ái. Nhưng MXH đồng thời cũng sẽ là cái bẫy vô cùng nguy hiểm có thể hủy hoại chúng ta nếu như chúng ta không biết chọn lọc, không biết tỉnh táo trước cả rừng nội dung xấu tốt lẫn lộn chăng mắc khắp nơi trên MXH. (baothuathienhue.vn 06/01)

 
 
 

2.  Mo cau lên bàn ăn

Ý tưởng độc đáo ấy được thầy trò Trường THPT Phú Bài (TX. Hương Thủy) nghĩ ra, bắt tay vào thực hiện. Bằng say mê nghiên cứu khoa học, cộng với băn khoăn giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, họ đã thành công.

Nhiều ưu điểm

“Qua việc tìm hiểu về các vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, chúng em bắt đầu nghiên cứu các chất hữu cơ có thể thay thế đồ dùng nhựa. Mo cau là một chất liệu như thế: an toàn, có thể phân hủy trong đất sau 3 tháng. Chính vì vậy, em và bạn Võ Tá Thành Minh chọn lựa hướng đi này, đặt tên đề tài là “Nghiên cứu quy trình sản xuất chén, dĩa từ mo cau thay thế chén, dĩa nhựa sử dụng một lần”, gửi tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 - 2020” - Huỳnh Thị Phương Liên, học sinh lớp 10B4, Trường THPT Phú Bài, cho biết.

Đề tài được đánh giá rất cao, vì nhiều ưu điểm. Thứ nhất, đã thay thế được máy ép thủy lực bằng sản phẩm máy ép chén dĩa từ mo cau với hiệu quả tương đương 60-70% máy ép thủy lực, nhưng giá thành rẻ hơn nhiều lần. Thứ hai, thay thế được quá trình chiếu tia UV khử trùng bằng bước ngâm mo cau trong dung dịch H2O2 15% với hiệu quả khử trùng, làm trắng tương đương nhưng vẫn đem lại an toàn cho người sử dụng, đồng thời chi phí xử lý, khử trùng bằng phương pháp ngâm trong dung dịch hydro peoxide 15% cũng rẻ hơn rất nhiều so với phương pháp chiếu tia UV của nhiều nơi hiện nay.

Theo đánh giá, chén dĩa làm từ mo cau có thể thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, có thể sử dụng làm đồ đựng thức ăn tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, đồ uống... đảm bảo các tiêu chí bền, chắc, đẹp, giá rẻ và an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng và quan trọng là không phát hiện độc tố Aflatoxin (một loại độc tố vi nấm, tác nhân gây ung thư) theo kết quả kiểm nghiệm.

Võ Tá Thành Minh chia sẻ: “Đề tài tận dụng được nguồn nguyên liệu phế phẩm thải là mo cau, có thể tiết kiệm được nguyên liệu và hoá chất trong quá trình thực hiện. Từ đó có thể áp dụng vào quy mô sản xuất công nghiệp lớn hoặc ứng dụng để sản xuất trong các hộ gia đình. Giá thành ước tính đưa vào thị trường khoảng 700 đồng/1 sản phẩm, rẻ hơn so với dĩa chén thông thường. Quy trình sản xuất trải qua 4 giai đoạn: rửa sạch mo cau, đem ngâm trong dung dịch H2O2, sấy khô, sau đó đưa vào máy để ép ra thành phẩm. Trong quá trình sản xuất, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào nên sản phẩm sau khi hoàn thiện không chỉ đảm bảo an toàn cho người sử dụng mà còn giữ được mùi thơm nguyên thủy của mo cau. Đối với máy ép, chúng em xây dựng dựa trên nguyên tắc gia công bằng lực, sau đó gia nhiệt để sản phẩm thành hình”.

Triển vọng

Thầy Phan Châu Bình, giáo viên Trường THPT Phú Bài - người sát cánh cùng Liên và Minh trong quá trình sáng tạo cho biết, sản phẩm chén, dĩa sản xuất từ mo cau sau khi đem đi kiểm nghiệm, được cấp chứng nhận đạt các tiêu chí “An toàn đối với bao bì, dụng cụ bằng nhựa tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm” theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

“Trong các công đoạn, khó khăn nhất là tạo khuôn, cần kinh phí nhiều hơn. Lúc đầu, thầy trò mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau, để có thể đưa sản phẩm phong phú cho người sử dụng chọn lựa. Nhưng vì kinh phí hạn hẹp, đề tài chỉ dừng lại ở chén, dĩa. Nếu được quan tâm phát triển đề tài, chắc chắn họ sẽ thành công hơn nữa”, thầy Bình nói.

Mọi công sức đều được đền đáp xứng đáng. Tại lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 - 2020, đề tài được trao giải ba. “Chúng em rất vui, cảm thấy mình may mắn khi đạt giải. Hiện tại, chúng em mong muốn sản phẩm được đưa ra thị trường, góp phần chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn cho người sử dụng”. Phương Liên chia sẻ thêm.

Liên tục từ năm 2015 đến nay, Trường THPT Phú Bài luôn đơn vị nằm trong top đầu tại các cuộc khoa học kỹ thuật, sáng tạo thanh niên nhi đồng cấp thị xã, cấp tỉnh và quốc gia. Kết quả trên cho thấy hướng đi đúng của lãnh đạo nhà trường trong việc ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cho học sinh ngay khi các em bước vào đầu cấp học. Từ đó, góp phần khuyến khích các em mạnh dạn nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn.

Thầy Hà Văn Trí, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài cho biết, sản phẩm đạt giải của trường đã được các doanh nghiệp, công ty kết nối, đặt vấn đề mua lại. Trước mắt, họ đầu tư xây dựng phòng sáng chế với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các em nghiên cứu. Mặt khác, thời gian tới, nhà trường tiếp tục tổ chức các cuộc thi bài bản, hướng đến đạt kết quả cao hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho thầy cô giáo yên tâm nghiên cứu, tạo điều kiện cho học sinh về mặt kinh phí, cơ sở vật chất để đẩy mạnh phong trào sáng tạo của thầy lẫn trò trong trường. (baothuathienhue.vn 06/01)

 
 
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
 

1.  Đại học Huế - vai trò định hướng và nghiên cứu giải pháp vấn đề môi trường

Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng góp phần bảo vệ môi trường, với lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực, Đại học Huế đã và đang nghiên cứu, thử nghiệm và góp phần giảm thiểu tác động rủi ro, cập nhật và nâng cao hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiệm vụ khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu, chương trình, dự án.

Các lĩnh vực nghiên cứu khoa học tại Đại học Huế trải rộng nhiều lĩnh vực từ khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên, với hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên tục có giá trị thống kê liên tục theo dòng thời gian. Bên cạnh các hoạt động được ghi nhận chuyên sâu về khoa học chăm sóc sức khỏe, khoa học giáo dục, khoa học kinh tế, khoa học ngôn ngữ thì lĩnh vực môi trường và quản lý môi trường cũng được tổ chức nghiên cứu và thực nghiệm ứng dụng trên diện rộng với hoạt động giảng dạy và đào tạo về quản lý môi trường và công nghệ môi trường ở trường ĐH Khoa học, ứng dụng khoa học môi trường và quản lý môi trường trong nông nghiệp ở trường ĐH Nông lâm, giáo trình hóa và giảng dạy phân cấp học về khoa học môi trường ở trường ĐH Sư phạm, nghiên cứu hệ thống hóa và tích hợp dữ liệu khoa học môi trường ở các Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Công nghệ sinh học.

Nghiên cứu diễn biến chất lượng nước

Đại học Huế đứng chân trên mảnh đất Cố đô, nơi có hệ thống lưu vực sông Hương ngoài vai trò kinh tế xã hội và văn hóa thì vẫn là nơi được xem như nguồn nước mặt quan trọng, cung cấp nước đồng thời cũng tiếp nhận nước thải thông qua xử lý từ các hoạt động của đô thị Huế. Sự gia tăng dân số, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ theo nhu cầu đô thị hóa dẫn đến nhu cầu nước sạch tăng đi kèm với xu thế biến đổi của khí hậu, sông Hương gánh chịu những tác động bất lợi làm ảnh hưởng chất lượng và số lượng nước. Chính vì vậy, hoạt động giám sát chất lượng nước sông Hương được Đại học Huế tổ chức thực hiện từ năm 2003 đến nay, trực tiếp là Viện Tài nguyên và Môi trường- Đại học Huế; Khoa Môi trường - Trường ĐH Khoa học.

Số liệu thu thập mang tính hệ thống, làm cơ sở dữ liệu nền để thực hiện các nghiên cứu về nước cho các đơn vị thành viên Đại học Huế cũng như các tổ chức khoa học công nghệ liên quan trong cả nước. Hệ thống nước mặt được tiếp cận đồng bộ từ nguồn phát sinh, độ che phủ của thảm thực vật, khả năng bổ sung nước ngầm, cơ chế tạo dòng chảy bề mặt. Từ đó tính toán được lượng nước mặt của trên toàn lưu vực nhằm đóng góp các kết quả nghiên cứu giảm thiệt hại cho các công trình, giảm lũ lụt để từ đó phối hợp với các đơn vị hữu quan để làm cải thiện theo hướng tích cực chất lượng nước trên sông. Công tác này đóng góp tích cực vào việc điều tiết, định hướng lượng nước ngọt cho hệ thống nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá Tam Giang.

Viện Tài nguyên và Môi trường Đại học Huế hợp tác với các tỉnh miền Trung nghiên cứu các lượng nước mặt, định hướng cho việc sử dụng nước mặt, xây dưng kế hoạch để giữ nước cho mục tiêu dân sinh và sản xuất.

Nghiên cứu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất, nâng cao chất lượng nông sản, ngư sản

Với sứ mạng là đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế, nhân lực từ Trường ĐH Nông lâm đóng góp trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng hỗ trợ chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ bảo vệ và giảm thiểu tác động môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị nông nghiệp trên cơ sở bảo vệ môi trường bền vững.

Những kết quả nghiên cứu, chuyển giao, phát triển nông thôn cũng như cả nước có thể kể đến như: Chọn giống lúa, ngô năng suất và chất lượng cao; chọn lọc giống lúa kháng rầy nâu cho địa bàn miền Trung; Ứng dụng công nghệ sinh học trong phục tráng các giống lúa địa phương; Nghiên cứu sản xuất các tác nhân sinh học và thuốc thảo mộc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; Nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây trồng; Các quy trình sản xuất lúa, gạo, rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, IPM/ICM và các dự án phát triễn cộng đồng tại các tỉnh miền Trung…; Nghiên cứu ứng dụng và xây dựng các mô hình sử dụng năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, biogas…).

Đào tạo, giáo dục, truyền thông bảo vệ môi trường

Giáo dục môi trường đã được Trường ĐH Sư phạm đưa vào khung chương trình giảng dạy để sinh viên ra trường có thể truyền tải những kiến thức bảo vệ môi trường, tạo sợi dây xuyên suốt đến các bậc phổ thông.

Tại Khoa Môi trường - Trường ĐH Khoa học đào tạo các ngành học liên quan trực tiếp đến môi trường từ bậc tiến sĩ, thạc sĩ, đại học: Khoa học Môi trường, Kỹ thuật Môi trường, Khoa tiến hành các nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng trong các lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường, đánh giá tác động môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các kỹ thuật xử lý nước, ứng dụng GIS, viễn thám và mô hình hóa môi trường...

Tại Khoa kiến trúc và Khoa Địa lý địa chất của Trường ĐH Khoa học cũng đang đào tạo nhiều học phần liên quan đến môi trường, nghiên cứu khoa học về môi trường như các dự án về bảo tồn di sản trong khung cảnh địa phương, các dự án về hạ tầng xanh đôthị, các đề tài về biến đổi khí hậu, về nhà chống bão, lũ.

Các kết quả nghiên cứu, các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ, các đề tài nghiên cứu khoa học tạo ra các giải pháp về môi trường, chuyển giao cho cộng đồng trên cả nước thông qua các hoạt động truyền thông. Ví dụ như Dự án CFR “Thích ứng dựa vào hệ sinh ở vùng duyên hải Bắc Trung bộ của Việt Nam: Phục hồi và đồng quản lý cồn cát và rừng ngập mặn bị suy thoái” do Viện Viện Tài nguyên và Môi trường – Đại học Huế và Công ty UNIQUE (CHLB Đức) thực hiện từ năm 2018 đến 2020.

Theo TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường, dự án đã đạt những kết quả ngoài mong đợi là trồng được khoảng 450 ha cây bản địa ở cồn cát ven biển ở 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; 50 ha rừng ngập mặn ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; 9 lớp tập huấn, ngoại khóa về kỹ thuật trồng cây bản địa và cây ngập mặn. Dự kiến sẽ mở rộng trồng phục hồi trên dải cát ven biển, nội đồng các tỉnh Nam Trung bộ.

Các kết quả nghiên cứu khoa học đơn lẻ từ nhiều đơn vị khác nhau trong Đại học Huế đã được từng bước ứng dụng và hệ thống hóa để phát triển thử nghiệm và xây dựng quy trình mang tính hệ thống để được giới thiệu và mở rộng phạm vi ứng dụng rộng hơn trên các vùng sinh thái cụ thể.

Đại học Huế là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia và phát triển vùng, phấn đấu trở thành Đại học Quốc gia như Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83 của Chính phủ. Những nét đặc trưng của Đại học Huế :

1. Là đại học duy nhất có trường đại học thành viên là Nghệ thuật với truyền thống lâu đời ở vùng đất Cố Đô.

2. Là đại học duy nhất có Trường đại học Sư phạm chuyên đào tạo giáo viên, trong khi cả nước các trường đại học sư phạm đang đào tạo tổng hợp, đa ngành.

3. Là đại học duy nhất ở Việt Nam có đào tạo ngôn ngữ Tiếng nước ngoài cho người Việt và tiếng Việt cho người nước ngoài, trong khi cả nước đang đào tạo tổng hợp ở nhiều nơi.

4. Là đại học duy nhất ở Việt Nam đào tạo nhóm ngành Du lịch ở các bậc học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển du lịch của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh nền kinh tế du lịch và du lịch công nghiệp, du lịch điện tử.

5. Là đại học có đào tạo các ngành khoa học sức khỏe và là cơ sở giáo dục đại học xếp thứ 3 đào tạo nguồn nhân lực tốt nhất cho Việt Nam về chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho nhân dân.

6. Là đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao các ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp mạng tính đặc thù Việt Nam (sinh thái nông nghiệp: Biển – Rừng – Đồng bằng), Chăn nuôi – Thú y, nuôi trồng và chế biến thủy sản…

7. Là đại học vẫn giữ truyền thống đào tạo các ngành khoa học cơ bản – Toán; Lý, Hóa; Sinh và các ngành khoa học nhân văn.

8. Là đại học đào tạo nhóm ngành Luật với truyền thống hơn 60 năm, đang đào tạo nhiều cử nhân luật cho Lào và các nước Châu Á.

9. Là nơi có ngành công nghệ sinh học tầm quốc gia, với hơn 150 tiến sĩ đang đào tạo nguồn nhân lực cao không chỉ cho Việt Nam mà cho Lào và các nước châu Á (như nhiệm vụ Thủ tướng Chính Phủ giao như Kết luận số 38/VPCP/2018).

10). Là địa chỉ cho sinh viên ngành công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), Block chains, An Ninh mạng được sự hỗ trợ của học bổng Vietseeds – Huế (do Nhà sáng lập Vũ Duy Thức và đồng hành của nhóm kết nối Cố Đô – Do anh Lê Bá Dũng, Ngân hành Techcombank hỗ trợ.

11). Nơi đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vật lý lý thuyết, nơi có truyền thống lâu đời và được GS. Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc (Pháp – Nơi gặp gỡ Khoa học Việt Nam và Thế giới) hỗ trợ và dẫn dắt.

12). Nơi đây cũng đào tạo tinh hoa cho đất nước về Khoa bảng toán học, vật lý và đã có nhiều nhà Toán học nổi tiếng của Thế giới như: Lê Bá Khánh Trình, Phạm Anh Minh, và Lê Quốc Minh Tự. Đang tiếp bước để sản sinh ra sự sáng tạo của nhân loại và những khát vọng về khởi nguồn sáng tạo trên vùng đất nghèo khó trong bối cảnh tự chủ nên thực hiện và phát huy thế nào?... (baotainguyenmoitruong.vn 06/01)

 
 
 

2.  Olympic tiếng Anh & chiếc áo dài làm nên ấn tượng

Từ những câu chuyện về giáo dục, Huế với cách giữ nét đẹp văn hóa áo dài và vốn hiểu biết kiến thức chung, nhóm sinh viên Trường đại học (ĐH) Ngoại ngữ, ĐH Huế xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ, giành giải nhì cuộc thi Olympic tiếng Anh chuyên toàn quốc.

Mang áo dài Huế lên sân khấu

Lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu vòng chung kết toàn quốc Olympic tiếng Anh chuyên –E4US 2020 tại Hà Nội, nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế liên tục nhận được sự vỗ tay của rất nhiều khán giả. Màn nhạc kịch với ý tưởng “Sinh viên trong việc gìn giữ nét đẹp áo dài” vừa mang lại sự thú vị nhưng cũng để lại thông điệp ý nghĩa từ cách bảo tồn, gìn giữ nét đẹp truyền thống mà người Huế đang làm.

Khác với những đội thi từ các trường ĐH, nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế chọn khoác những tà áo dài ngũ thân mang từ Huế để lên sân khấu. Với lối dẫn dắt nhẹ nhàng trong phần thi chào hỏi bằng nhạc kịch, họ đã kể câu chuyện về sự nối tiếp gìn giữ chiếc áo dài truyền thống từ người mẹ sang con. Khi người con trưởng thành và đi du học, chiếc áo dài ấy lại tiếp tục khoe nét đẹp ở tận trời tây với niềm trân quý, gìn giữ truyền thống của người mặc. Hình ảnh bối cảnh được chọn là những nơi gắn liền với Huế: Đại Nội, Trường THPT chuyên Quốc Học, cầu Trường Tiền… càng đưa người xem tưởng như đang ngắm áo dài ở Huế. Nhóm sinh viên còn lồng ghép những câu chuyện thời sự vào phần nhạc kịch kể về Huế không chỉ riêng ngày tết mới mặc áo dài, hình ảnh những người cán bộ, công chức Huế vẫn mặc áo dài đi làm và áo dài dành cho cả nữ lẫn nam và như một cách “khoe khéo” về việc gìn giữ nét đẹp văn hóa của người Cố đô.

Cuộc thi Olympic tiếng Anh chuyên –E4US 2020 có chủ đề “Sinh viên trách nhiệm xã hội” và trên thực tế, đã có rất nhiều ý tưởng được đưa vào phần thi liên quan đến các vấn đề “nóng” như bảo vệ môi trường hay phòng chống, dịch COVID-19, song phần thi của sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế lại là một trong những phần thi hấp dẫn người xem. Lý do là câu chuyện của những người trẻ xuất phát từ chính trăn trở với tình yêu văn hóa Huế của họ.

Nguyễn Hồ Bảo Trân, đội trưởng của đội dự thi Trường ĐH Ngoại ngữ, tiết lộ: “Điểm đặc biệt là cả 5 thành viên chính trong nhóm đều là những người con lớn lên từ Huế và rất yêu văn hóa Huế đã mang lại sự thuận lợi khi xây dựng kịch bản. Áo dài được xem là quốc phục, còn Huế đang có nhiều nỗ lực để gìn giữ trang phục truyền thống này. Những người sinh viên không thể ở ngoài cuộc. Việc bảo tồn, quảng bá nét đẹp áo dài với sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ càng thuận lợi bởi họ có cơ hội đi du học, đi nhiều nơi trên thế giới để giới thiệu và tự hào về trang phục truyền thống ấy. Đó như là một thông điệp nhắc nhở các bạn sinh viên”.

Không “lép vế” trên sân khách

Vòng chung kết toàn quốc Olympic tiếng Anh chuyên –E4US 2020 có đến 3 phần thi là chào hỏi, kiến thức chung và hùng biện, nhưng điểm đáng mừng là trên sân chơi tại Thủ đô, người xem không còn cảm giác về những sinh viên Huế rụt rè, thay vào đó là những phần thi đầy tự tin và diễn đạt tiếng Anh lưu loát.

Anh Đàm Đức Đạt, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho biết, mỗi sinh viên có thế mạnh riêng và họ đã biết cách tận dụng, phát huy thế mạnh từng cá nhân để bố trí các nội dung thi. Cả hai vòng chung kết cuộc thi ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và toàn quốc đều tổ chức trên sân khách (Đà Nẵng và Hà Nội), tuy nhiên nhóm sinh viên đều không đánh mất sự bình tĩnh, ngược lại còn khẳng định được năng lực tiếng Anh và vốn hiểu biết qua giải nhất vòng chung kết khu vực và giải nhì vòng chung kết cuộc thi toàn quốc. Thậm chí, tại cuộc thi ở Hà Nội, đội thi Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế chỉ thua đội đạt giải nhất (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) 1 điểm và đội giành giải đặc biệt (Trường ĐH Y Hà Nội) 3 điểm trên thang điểm 1.000.

Trần Nguyễn Khánh Ngọc, thành viên của đội thi chia sẻ, sự chủ động tập luyện kỹ và phân công nhiệm vụ hợp lý đã giúp đội tự tin sẽ gặt hái được thành tích. Dù bận rộn việc học và thời gian chuẩn bị cho cuộc thi không quá dài, nhưng các thành viên đã liên tục tranh thủ các buổi trưa sau giờ học cùng với nền tảng công nghệ để thảo luận online khi cần nên những vấn đề phát sinh về ý tưởng, những khó khăn đều được tháo gỡ. Và, khi nhập cuộc bằng sự chuẩn bị kỹ, bớt lo toan, cơ hội tự tin để chiến thắng cũng nhiều hơn.

Cuộc thi Olympic tiếng Anh chuyên toàn quốc 2020 thu hút 80 trường ĐH, cao đẳng, học viện trên cả nước tham gia. Sau vòng loại, với 95 sản phẩm dự thi, gần 1 triệu lượt tiếp cận, theo dõi, học tập thông qua các sản phẩm của cuộc thi, 15 đội thi xuất sắc nhất đã có mặt tại Vòng chung kết khu vực tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội. Sau đó, vòng chung kết toàn quốc với sự tranh tài của 5 đội thi: Trường ĐH Y Hà Nội; Học viện Ngoại giao; Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. (baothuathienhue.vn 06/01)

 
 
XÂY DỰNG
 

1.  Ngành xây dựng cần chỉ rõ những hạn chế liên quan đến chất lượng công trình

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ tại hội nghị tổng kết công tác ngành xây dựng năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của vào chiều 6/1.

Năm 2020, nhìn chung các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, công tác chuyên môn thuộc các lĩnh vực quản lý do Sở Xây dựng phụ trách cơ bản được triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra.

Các chỉ tiêu quy hoạch đô thị năm 2020 với tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu (so với diện tích đất xây dựng đô thị) đạt khoảng 62,25%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đạt khoảng 15,4%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt 100%. Đến nay toàn tỉnh có 14 đô thị bao gồm 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại IV và 10 đô thị loại V với tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 54%...

Qua công tác thanh tra của ngành xây dựng, đã chấn chỉnh và xử lý những sai phạm và xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng và thu hồi hơn 166 triệu đồng; thanh tra sở cũng đã thực hiện 5 cuộc kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của UBND tỉnh...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành xây dựng trong năm 2020, đồng thời, yêu cầu, ngành xây dựng phải chỉ rõ những hạn chế, bất cập liên quan đến chất lượng quy hoạch, chất lượng kiến trúc, quản lý quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, chất lượng công trình, đặc biệt là công trình di tích, quản lý nhà chung cư và hạ tầng ngầm…Từ đó, nhìn nhận đúng vấn đề để có những giải pháp hiệu quả khắc phục những hạn chế, bất cập và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm 2021.

“Cần xác định được trạng thái mới của ngành xây dựng trong năm 2021 là gì để đưa vào kế hoạch, giải pháp. Nếu chúng ta không chỉ ra được trạng thái mới của ngành trong năm 2021 thì chúng ta chưa định hướng được, chưa làm đúng chủ trương chung của Chính phủ, của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh. (baothuathienhue.vn 05/01)

 
 
Y TẾ
 

1.  Giữ ấm trong ngày lạnh

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, thời tiết rét đậm, rét hại còn có thể kéo dài đến giữa tháng 1/2021, nền nhiệt thấp. Tình trạng thời tiết này bất lợi cho người già trẻ nhỏ và người có bệnh lý về huyết áp, hô hấp. Điều kiện đảm bảo sức khỏe quan trọng là bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và đặc biệt giữ ấm cho cơ thể.

Mùa của bệnh hô hấp

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, những ngày nhiệt độ xuống sâu, rét lạnh không phải là những ngày có lượng bệnh nhân nhập viện đông. Những trường hợp nhập viện thường đã ở tình trạng bệnh nặng. Tuy vậy, điều kiện thời tiết lạnh bất lợi cho người già, trẻ em và người có bệnh huyết áp nên các khoa bệnh về nội tiết-thần kinh, tim mạch, nhi… lượng bệnh nhân luôn tăng cao. Tại các phòng khám nhi trên địa bàn TP. Huế, lượng bệnh đến khám ngoài giờ cũng rất đông. Phần lớn các bé đều ho và có sốt.

Tại phòng khám của bác sĩ S. ở Vỹ Dạ, chị Kim Đào (thị xã Hương Thủy) thì phiền muộn hơn. Bé trai nhà chị có bệnh hen nên ngay khi trời trở lạnh chị đã rất cẩn thận giữ ấm cho con. Nhưng qua vài ngày, thấy con lẹc khẹc ho, người âm ấm, chị đã đưa con đi khám. Cơn hen không lên, nhưng bé lại bị viêm phổi, phải điều trị. “Mặc ít thì lạnh, mặc nhiều lớp áo thì chạy nhảy, ra nhiều mồ hôi con không biết xử lý. Mình lại không thể theo con cả ngày”, chị Đào lo lắng. Đứng cạnh đó, anh Tuấn vừa phụ vợ bồng bé trai 4 tháng tuổi, vừa vui vẻ bắt chuyện: “Lạnh quá nên ai cũng dễ đau. Bé con đây cả ngày chỉ ở trong nhà thôi, giữ kỹ lắm mà bé cũng ho”.

Thời tiết quá lạnh và lạnh dài ngày không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người già, trẻ nhỏ mà ngay cả thanh niên và người có sức đề kháng tốt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm các bệnh về hô hấp, trong đó có bệnh viêm thanh quản cấp.

Theo các chuyên gia y tế, viêm thanh quản cấp xảy ra quanh năm. Nhưng mùa mưa, ẩm ướt, lạnh, rét, bệnh dễ xuất hiện hơn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của nhiều người. Nguyên nhân của bệnh do thời tiết thay đổi, nhất là khi có những đợt rét đậm, rét đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp nên dễ dẫn đến viêm thanh quản cấp. Để phòng bệnh viêm thanh quản cấp và các bệnh về hô hấp khác trong mùa lạnh, mọi người cần giữ ấm cơ thể, giữ ấm cổ.

BSCKII. Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nhấn mạnh: “Mọi người, nhất là người già và trẻ em cần đặc biệt quan tâm việc giữ ấm cho cơ thể. Nóng một chút không sao, nhưng cơ thể lạnh thì nguy cơ nhiễm nhiều bệnh. Những người có sức đề kháng yếu chỉ ra đường khi cần thiết và cần mặc ấm, giữ ấm và nên đeo khẩu trang”.

Bảo vệ huyết áp

Theo các chuyên gia y tế, trời lạnh là yếu tố bất lợi đối với người mắc bệnh tăng huyết áp. Bởi vì nhiệt độ thấp khiến các mao mạch co lại, huyết áp đột ngột tăng cao, dễ gây các biến chứng, đặc biệt là tim mạch, đột quỵ... Kể cả những người trẻ tuổi, trong những ngày giá rét, nếu không giữ ấm cũng dễ bị tê bì tay chân, đau tức ngực, huyết áp tăng... Do vậy, khi trời lạnh, người mắc bệnh tăng huyết áp cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh.

Trong điều kiện trời mưa lạnh giá, để tránh các biến cố tim mạch, đột quỵ, TS. BS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế gợi ý những người lớn tuổi, những người đang mắc bệnh tim mạch hay đột quỵ cũ tốt nhất không nên vận động ngoài trời giá lạnh và không nên hoạt động quá gắng sức trong thời tiết lạnh. “Nếu bạn ra ngoài trời lạnh và thấy mình đổ mồ hôi, như vậy bạn đang bị quá nóng và không ổn. Nếu bạn bị bệnh tim mạch, hãy coi đây là dấu hiệu nguy hiểm. Hãy dừng việc bạn đang làm và vào ngay trong nhà”, ông nói.

Theo TS. BS. Lê Thanh Hải, mùa thu đông cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm do độ ẩm thấp trong thời tiết lạnh và hệ thống giữ ấm trong nhà không đủ. Đây là điều kiện thuận lợi để bệnh cúm có cơ hội tấn công người có sức đề kháng yếu và với bất kỳ ai đang bị bệnh tim mạch. Do vậy, lời khuyên hữu ích là mọi người cần có thói quen tiêm phòng vắc xin cúm trước khi mùa lạnh tới. Mặt khác, trải qua những ngày giá lạnh, uống nước ấm để giữ ấm cho cơ thể là việc đơn giản mà ai cũng có thể làm.

“Nhiều nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, uống nước nóng có lợi lâu dài cho sức khỏe mỗi chúng ta trong việc cải thiện tiêu hóa, giảm chứng đau co thắt, giảm cân, tăng cường giải độc cơ thể, ngăn chặn sự lão hóa và gây ngủ một tự nhiên. Uống nước ấm mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Sẽ tốt hơn nữa nếu bạn có thể thêm một vài lát chanh, hoặc vài lát gừng để tăng hương vị và mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể”, TS.BS. Lê Thanh Hải gợi ý. (baothuathienhue.vn 07/01)

 
 
 

2.  Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận, điều trị hàng chục bệnh nhân Lào trong đại dịch Covid-19

Ngày 6/1, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, từ tháng 10 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị gần 40 bệnh nhân từ nước bạn Lào.

Tất cả các bệnh nhân này đều được điều trị tại khu cách ly của Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2) theo quy định chống dịch đối với người nước ngoài của Thủ tướng.

Theo Bệnh viện Trung ương Huế, trước khi có đại dịch Covid-19, Bệnh viện Trung ương Huế là cơ sở y tế ở miền trung Việt Nam được nhiều bệnh nhân Lào tin tưởng đến điều trị từ các bệnh lý thông thường cho đến các bệnh lý nặng như tim mạch, suy thận, ung thư…

Tuy nhiên khi dịch Covid-19 xảy ra, để ngăn chặn và hạn chế tối đa việc dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị cấm nhập cảnh đối với các công dân nước ngoài, kể cả bệnh nhân Lào. Điều này vô tình khiến nhu cầu điều trị của các bệnh nhân Lào tại các cơ sở y tế của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết nhu cầu điều trị cấp thiết của các bệnh nhân Lào, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã nhanh chóng có những chỉ đạo mang tính nhân đạo và thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Lào. Cụ thể là tạo điều kiện để các bệnh nhân Lào được đến điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chống dịch của Chính phủ.

Với sự phối hợp của nước bạn Lào, Biên Phòng hai nước và các cơ quan ban ngành liên quan, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện quy trình tiếp nhận bệnh nhân ngay tại cửa khẩu bằng xe cấp cứu chuyên dụng với các trang bị bảo hộ phòng dịch đặc chủng;

 Thực hiện quy trình khử khuẩn một cách chặt chẽ sau đó đưa bệnh nhân từ cửa khẩu về đến bệnh viện với sự giám sát của các cơ quan chức năng. Các bệnh nhân sau khi điều trị ổn định sẽ được xe cấp cứu đưa về cửa khẩu để đảm bảo nguyên tắc phòng dịch, không để nguy cơ lây nhiễm nếu không may có bệnh nhân mang mầm bệnh.

Bệnh nhân nữ KHODSAYAM  K. (SN 1963, Quốc tịch Lào) nhập viện vào lúc 17h50p ngày 03/01 với chẩn đoán theo dõi u gan. Sau khi được tiếp nhận điều trị, bà đã xúc động gửi lời cám ơn đến đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2), đặc biệt là Chính phủ Việt Nam, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã quan tâm và tạo điều cho bà được đến khám chữa bệnh tại Việt Nam. Đồng thời cam kết tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2).

Trao đổi với PV Báo PLVN, GS. TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, “Trong hai đợt dịch tháng 3 và tháng 7 vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế không có ca bệnh dương tính. Tuy nhiên bệnh viện Trung ương Huế đã nhận điều trị các ca bệnh dương tính nặng và phức tạp nhằm chia lửa khó khăn cho các tỉnh lân cận, trong khi đó vẫn đảm bảo không lây nhiễm ra cộng đồng và nhân viên y tế.

Trong giai đoạn hiện nay, Bệnh viện Trung ương Huế vẫn chủ động nâng cao tinh thần cảnh giác với dịch bệnh Covid-19 với tinh thần chống dịch như chống giặc. Song song với đó luôn đảm bảo công tác điều trị chăm sóc y tế cho người dân, kể cả kiều bào và công dân Lào với phương châm điều trị bệnh, không lơ là công tác phòng chống dịch.” (baophapluat.vn 06/01)

 
 
THỂ THAO
 

1.  CLB Bóng đá Huế bổ sung 4 cầu thủ vô địch U21 quốc gia

Ngày 6/1, 4 chân sút khoác áo U21 Viettel vừa vô địch giải U21 quốc gia 2020 có buổi tập đầu tiên ở mùa giải mới trên sân Tự Do. Đây là những gương mặt trẻ vừa được CLB Bóng đá Huế bổ sung nhằm chuẩn bị cho giải hạng Nhất quốc gia 2021.

Trong số 4 cái tên nói trên, ngoài Lê Quốc Nhật Nam (tiền vệ, SN 2001) là “mới toanh”, 3 cái tên còn lại cùng sinh năm 1999: Vũ Văn Quyết (trung vệ), Đinh Tuấn Tài (tiền vệ) và Nguyễn Sỹ Chiến (tiền vệ) là những gương mặt “mới mà cũ” khi từng thi đấu cho đội bóng Cố đô mùa giải 2020.

Việc tiếp tục gắn bó với đội chủ sân Tự Do đã cho thấy khả năng và sự ổn định của những chân sút này, nhất là sau khi họ đã góp công và cùng U21 Viettel đăng quang vô địch giải U21 quốc gia.

Thông tin liên quan, tại giải vô địch U21 quốc gia 2020, tuy không tham dự do không đủ quân số, nhưng CLB Bóng đá Huế có 6 cầu thủ thi đấu theo hình thức cho mượn, gồm: Nguyễn Văn Trọng (á địch cùng U21 SLNA); Hồ Thanh Minh (U21 Phố Hiến); Võ Đức Bảo (U21 Đắk Lắk); Lê Võ Đình Hoàng Văn và Huỳnh Hiếu (U21 Khánh Hoà).

Sau khi bổ sung 4 cầu thủ đồng thời đôn một số gương mặt ở U19 lên đội 1 học việc, CLB Bóng đá Huế cũng nói lời chia tay với trung vệ Cao Trần Hoàng Hùng sau 2 năm gắn bó khi chân sút này được CLB chủ quản Viettel gọi lên đội 1.

Tại mùa giải 2021, đội bóng Cố đô tiếp tục tham dự 2 đấu trường: giải hạng Nhất và Cúp quốc gia. Dự kiến, vòng sơ loại cúp Quốc gia diễn ra vào ngày 14/5, trong khi giải hạng Nhất khai mạc ngày 3/4, kết thúc ngày 18/9. Giải tiếp tục giữ nguyên thể thức chia làm 2 giai đoạn như mùa bóng 2020 (tốp 6 giai đoạn 1 lên nhóm A, tốp 8 xuống nhóm B). (baothuathienhue.vn 06/01)

 
 
DU LỊCH
 

1.  100% điểm tham quan, di tích tại Thừa Thiên Huế sẽ có vé điện tử

Một mục tiêu của Kế hoạch triển khai nền tảng Hue-S liên thông với các hệ thống phổ biến trong thanh toán không dùng tiền mặt năm 2021 là 100% các điểm tham quan, di tích tại tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai hệ thống vé điện tử.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Du lịch phối hợp với Sở TT&TT và các đơn vị liên quan triển khai mạng lưới cấp phát thẻ điện tử cho khách du lịch (Ảnh minh họa: dulich24.com.vn).

Kế hoạch triển khai nền tảng Hue-S liên thông với các hệ thống phổ biến trong thanh toán không dùng tiền mặt năm 2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm xây dựng và hình thành thói quen, văn hóa trong giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số hướng đến xã hội số của tỉnh.

Bên cạnh mục tiêu 100% cơ sở giáo dục triển khai thu nộp học phí và các khoản thu, nộp khác trên nền tảng Hue-S, kế hoạch mới của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề ra hàng loạt mục tiêu đầy tham vọng khác như: 100% cán bộ, công chức, viên chức triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Hue-S trong các dịch vụ phổ biến như: thanh toán tiền điện, nước, dịch vụ viễn thông, đóng nộp các quỹ của đơn vị.

Cùng với đó, 100% đơn vị khám, chữa bệnh tuyến tỉnh chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và khuyến khích các đơn vị còn lại; 100% Trung tâm Hành chính công cấp huyện, bộ phận Một cửa hiện đại cấp xã đảm bảo điều kiện hạ tầng phục vụ thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công không dùng tiền mặt.

Kế hoạch cũng kỳ vọng trong năm 2021 tối thiểu 50% giao dịch thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công thực hiện qua Hue-S hoặc dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các Trung tâm Hành chính công cấp huyện, bộ phận một cửa hiện đại cấp xã; 100% các điểm tham quan, di tích tại tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai hệ thống vé điện tử.

Đồng thời, phấn đấu 100% dịch vụ taxi, xe bus triển khai hệ thống thanh toán vé, phí qua hình thức QR hoặc quẹt thẻ điện tử; 100% các cơ sở lưu trú triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt; tổ chức phổ biến triển khai thẻ du lịch điện tử.

Cũng theo kế hoạch, năm nay, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% cơ sở kinh doanh và phấn đấu 45% các cơ sở kinh doanh trên địa bàn triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trong việc cung cấp dịch vụ hàng hóa; hỗ trợ công cụ cho các cơ sở kinh doanh bán lẻ, tiểu thương tại chợ tiếp cận nền tảng thanh toán QR và chủ động trong việc ứng dụng...

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp với các tổ chức ngân hàng, tài chính, các doanh nghiệp ví điện tử tích hợp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên Hue-S. Hình thành công cụ thanh toán trung gian có khả năng liên kết với dịch vụ trực tuyến của các tổ chức ngân hàng và liên kết tài khoản đảm bảo thuận tiện trong việc sử dụng.

Bên cạnh đó, sẽ tích hợp hệ thống EKYC trong việc đăng ký mở tài khoản ngân hàng trực tuyến tạo thuận lợi cho việc đăng ký của người dân. Xây dựng công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các tiểu thương chủ động quản lý dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua hình thức QR.

Việc xây dựng công cụ thanh toán dịch vụ giao thông qua hình thức quét QR hoặc chạm thẻ, tích hợp trên Hue-S và hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông triển khai hệ thống cũng là nhiệm vụ sẽ được tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện thời gian tới.

Các nhiệm vụ khác cũng được Thừa Thiên Huế thực hiện thời gian tới như cấp phát thẻ điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước để triển khai nền tảng thanh toán trên Hue-S; triển khai hệ thống vé điện tử liên thông với các hệ thống của các ngân hàng, tổ chức tài chính áp dụng thống nhất tại các cơ sở tham quan, du lịch có bán vé của tỉnh...

Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì kết nối với các ngành thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch và định kỳ báo cáo kết quả.

Hue-S hiện là ứng dụng trên nền di động đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tích hợp, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh. Ứng dụng được kết nối đồng bộ với Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh. Đến nay, các dịch vụ đô thị thông minh cho người dân đã được tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa vào vận hành gồm có: phản ánh hiện trường, thông tin cảnh báo, giám sát đô thị qua cảm biến camera, giám sát hồ đập và môi trường, giám sát tàu cá. (ictnews.vietnamnet.vn 06/01)

 
 
 

2.  Săn mây trên đèo Hải Vân

Một trải nghiệm mà bạn không thể bỏ lỡ khi đến đèo Hải Vân là săn mây, ngắm bình minh. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng.

Nằm trên tuyến đường Quốc lộ 1A nối dài giữa thành phố Đà Nẵng và Huế mộng mơ, đèo Hải Vân có độ dài khoảng 23km và  sở hữu độ cao hơn 500m so với mực nước biển. Đèo Hải Vân được mệnh danh là “chốn bồng lai tiên cảnh” đẹp hút hồn với độ cao lý tưởng, du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh đẹp nên thơ của Đà Nẵng.

Để chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp nên thơ của đèo Hải Vân, du khách có thể chọn khung thời gian 5 giờ sáng ngắm bình minh đẹp rạng ngời và ngắm hoàng hôn vào tầm 5 giờ chiều để cảm nhận hết vẻ đẹp nên thơ của nơi đây, cảnh sắc đẹp tuyệt trần.

Ngoài ra, du khách có thể check in đèo từ khoảng thời gian bất cứ trong ngày để cảm nhận những cung đường đèo hùng vĩ và không khí trong lành của núi rừng.

Vào dịp đầu năm, không khí lạnh đang bao trùm ở Đà Nẵng và Huế, khi check in đèo Hải Vân, du khách sẽ cảm nhận hơi lạnh rõ rệt và làn sương bao phủ từ chân đèo lên tới đỉnh đèo. Những cung đường đèo được ví như hình dáng con rồng uốn lượn mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ và thiêng liêng.

Sở hữu vị trí địa lý cao, từ đèo Hải Vân, du khách có thể dễ dàng chiêm ngưỡng được toàn bộ khung cảnh thành phố Đà Nẵng bên dưới và là nơi tuyệt vời để tận hưởng khoảnh khắc mây bềnh bồng trôi mỗi sớm. Khoảnh khắc ban mai đèo Hải Vân thường bắt đầu vào khoảng 5h đến 6h.

Đèo Hải Vân dù cảnh sắc đẹp tuyệt vời cỡ nào nhưng vẫn được mệnh danh là một trong những cung đèo hiểm trở nhất Việt Nam, vì thế săn mây quan trọng là một lẽ, nhưng trên hết vẫn là an toàn. (tienphong.vn 07/01)

 
 
 

3.  Vẻ đẹp Huế dưới ống kính Oppo Reno5

Hoàng thành Huế, chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền... hiện lên sắc nét dưới ống kính Oppo Reno5.

Ống kính Oppo Reno5 cùng chế độ siêu HD giúp bắt trọn khoảnh khắc uy nghi, cổ kính của chùa Thiên Mụ lúc 6h. Công trình nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, khởi lập năm Tân Sửu (1601). Nổi bật nhất là tháp Phước Duyên với chiều cao 21 m, gồm 7 tầng. Hiện chùa lưu giữ những cổ vật vua chúa Nguyễn như: tượng Phật bằng đồng, Hoành phi sơn son thiếp vàng, cổ xe của bồ tát Thích Quảng Đức...

Cách chùa Thiên Mụ khoảng hai cây số là quần thể di tích Văn Miếu (đường Văn Thánh), được xây dựng năm 1808, dưới thời vua Gia Long. Trong ảnh là Linh Tinh Môn - nằm bên dòng Hương, dẫn từ bến sông lên Văn Miếu Môn.

Huế những ngày này mưa phùn, rét lạnh, những công trình triều Nguyễn càng toát lên vẻ trầm mặc. Vẻ uy nghi phủ rêu phong tại Văn Miếu thích hợp với những người yêu lịch sử và chuộng chụp ảnh phong cách hoài cổ.

Trường THPT Quốc Học Huế thu hút nhiều người đến check-in, chụp ảnh lúc 7h. Reno5 giúp chất lượng ảnh chụp siêu rõ nét, cùng tính năng nhận dạng cảnh AI được cải tiến.

Quốc Học tọa lạc bên dòng sông Hương thơ mộng, được xây dựng dưới thời vua Thành Thái (1896), với diện tích 4.237 m2. Đây là trường Pháp - Việt của toàn xứ Đông Dương và trường trung học đệ nhất đầu tiên ở Huế. Nhiều thế hệ học trò tài giỏi như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Tổng bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập… từng theo học tại đây. Qua 124 năm, nhiều dãy phòng học vẫn mang đậm kiến trúc đặc trưng Pháp với màu sắc, các hoa văn, họa tiết trang trí, cửa chính cũng như những ô cửa phụ.

Bia Quốc Học (còn gọi là Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, nằm ở đường Lê Lợi). Mặt trước bia đối diện trường chuyên Quốc Học, sau lưng là sông Hương. Công trình được xây dựng vào năm 1920, có giá trị kiến trúc nghệ thuật. Ngày nay bia Quốc Học là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật tầm cỡ, trong đó có các chương trình thuộc lễ hội Festival Huế.

Với Oppo Reno5, người dùng có nhiều tùy chọn để sáng tạo ảnh theo phong cách mình thích như: ngọt ngào, phong cách Paris, Tokyo... Khung cảnh chùa Diệu Đế - công trình tọa lạc trên đường Bạch Đằng - trầm mặc, cổ xưa dưới chế độ chụp đen trắng. Chùa có vị trí quan trọng trong lịch sử Phật giáo ở Huế, từng là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi, nổi tiếng với cảnh quan đẹp, vườn tược rộng rãi, cây cối xanh tươi. Năm 1844, vua đã tôn tạo và sắc phong làm Quốc tự. Nhiều người dân cố đô vẫn thuộc lòng câu ca: "Đông Ba, Gia Hội hai cầu. Ngó lên Diệu Đế, bốn lầu hai chuông".

Chế độ chụp pano giúp tín đồ du lịch ghi toàn bộ cảnh sắc cầu Trường Tiền, sông Hương, phố đi bộ và gốc phượng "Quốc dân". Nhờ khung cảnh đẹp, nên thơ, nơi đây thu hút nhiều du khách check-in, thưởng ngoạn.

Nhờ thuật toán thông minh, dòng máy mới của Oppo có thể ghi lại những bức ảnh đẹp dù phương tiện đang chuyển động. Chợ Đông Ba nằm trên đường Trần Hưng Đạo (TP Huế), là chợ thương mại lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế, ra đời dưới thời vua Đồng Khánh (1887). Xưa chợ nằm gần cửa Đông Ba, sau đó vua Thành Thái cho di dời về vị trí như hiện nay.

Chế độ Siêu chụp đêm giúp Hoàng thành Huế sáng bừng lúc 21h. Thời điểm này, các thiết bị chiếu sáng ở Đại nội đều tắt.

Cửa Hiển Nhơn (hay Miếu môn) - cổng vào khu vực các miếu thờ - lúc 21h30 dưới chế độ Siêu chụp đêm. Công trình tọa lạc ở phía Đông của Hoàng Thành, trên đường "Phượng bay" Đoàn Thị Điểm, được xây dựng vào năm 1805, dưới thời vua Gia Long. Năm 1833, vua Minh Mạng cho đắp ghép thêm các mảnh sành, phía trước có cặp nghê đá. Chỉ quan lại và nam giới hoàng tộc mới được ra vào Hoàng Thành qua cổng này.

Dòng máy mới của Oppo ghi lại vẻ lung linh trước Giáng sinh của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế - một trong những nhà thờ công giáo nổi tiếng ở Huế, được xây dựng từ năm 1959 đến 1962.

Ngoài ra, tín đồ công nghệ còn có thể tìm hiểu nhiều trải nghiệm hình ảnh khác trên Reno5 như video siêu chậm 960fps, chân dung màu AI, chân dung đêm, video đơn sắc... (vnexpress.net 06/01)

 
 
GIAO THÔNG - VẬN TẢI
 

1.  Bàn giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách

Đó là nội dung chính tại hội nghị do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ dự và chủ trì vào sáng 6/1 tại Văn phòng UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng liên quan.

Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, thời gian qua, tình trạng xe ô tô trá hình du lịch hợp đồng, "xé ké" vận chuyển hành khách tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại diễn biến rất phức tạp. Thống kê sơ bộ số xe này trên địa bàn gần 200 phương tiện. Tần suất chạy xe hàng ngày khá lớn và sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với các lực lượng chức năng, như bố trí nhiều đối tượng theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng tại các chốt kiểm tra, kiểm soát để thông tin cho các lái xe trốn tránh; tổ chức trung chuyển khách bằng xe taxi khi qua điểm kiểm tra của đoàn liên ngành, nhờ hành khách đi xe đứng tên làm giả hợp đồng...

Hình thức hoạt động này đã làm mất trật tự trong hoạt động vận tải hành khách; nhất là tuyến buýt liên tỉnh Huế - Đà nẵng và ngược lại, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT, gây bức xúc dư luận xã hội.

Sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời phối hợp ngành chức năng tuần tra, xử lý. Trong đó đã mở các đợt tuần tra kiểm soát cao điểm trong năm, đặc biệt vào dịp tháng 6 vừa qua, đoàn chức năng liên ngành ra quân tuần tra kiểm soát xử lý 74 lượt phương tiện với 76 lỗi vi phạm; trong đó thanh tra giao thông lập 44 biên bản, cảnh sát giao thông lập 32 biên bản với số tiền xử phạt gần 196 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 57 trường hợp.

Mới đây, theo kế hoạch 161-KH/BATGT ngày 21/12/2020, đoàn chức năng liên ngành ra quân từ ngày 25 đến 31/12/2020 đã xử lý 18 trường hợp với 20 lỗi vi phạm, số tiền xử phạt hơn 90 triệu đồng.

Tại hội nghị, các ban ngành đơn vị chức năng địa phương nêu thực trạng, những phức tạp và thuận lợi của các trường hợp "xe ké", xe trá hình, xe hợp đồng. Nhiều ý kiến đề xuất kiến nghị lãnh đạo tỉnh có quyết sách đề ra những giải pháp tạo sự bình đẳng, văn minh trong hoạt động kinh doanh vận tải ô tô không vi phạm pháp luật và gây thất thu ngân sách Nhà nước...

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những cố gắng và chia sẻ những khó khăn của các ngành chức năng trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách xe ô tô thời gian qua. Để có giải pháp căn cơ bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ban ngành phải có phương án tối ưu, phối hợp đồng bộ quản lý kinh doanh vận tải hành khách bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin; rà soát nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ đưa đón khách tại các bến xe; kết nối tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đúng luật trên các tuyến; tổ chức phối hợp với các tỉnh bạn rà soát, quản lý khai thác hiệu quả các tuyến đã cấp phép... nhằm mục tiêu xây dựng nếp sống văn hóa giao thông trên địa bàn tỉnh. (baothuathienhue.vn 06/01)

 
 
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
 

1.  Khởi tố đối tượng vận chuyển hàng trăm bao thuốc lá nhập lậu

Trước khi bị công an TP. Huế khởi tố, Đoàn Chơn Mẫn đã bị lực lượng chức năng xử phạt 70 triệu đồng về hành vi vận chuyển thuốc lá nhập lậu.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Huế cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đoàn Chơn Mẫn (sinh năm 1976, trú tại phường Phú Hậu, TP. Huế) về hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu.

Trước đó, Công an TP. Huế phát hiện xe ô tô khách BKS 75H- 6976 do đối tượng Mẫn điều khiển vận chuyển 250 bao thuốc Jet. Quá trình làm việc, bước đầu đối tượng khai nhận, số thuốc Jet trên đối tượng nhận vận chuyển giúp cho một người lạ mặt từ Đông Hà vào TP. Huế.

Nhưng khi đến địa phận phường An Hòa, TP. Huế thì bị lực lượng Cảnh sát Kinh tế phát hiện và bắt giữ.

Trước đó, đối tượng Mẫn đã bị Công an TX. Hương Trà xử phạt 70 triệu đồng về hành vi vận chuyển thuốc lá nhập lậu. (nongnghiep.vn 06/01)

 
 
 

2.  Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm về trật tự xã hội đạt trên 95%

Sáng 6/1, Công an tỉnh cho biết, sau 15 ngày (14/12 đến nay) ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết ổn định các vụ việc nổi lên ngay từ cơ sở.

Theo đó, tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm về trật tự xã hội đạt trên 95%; trong đó, đã phá các chuyên án: "Đấu tranh chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet" có liên quan đến người nước ngoài, xác định các đối tượng chiếm đoạt số tiền hơn 370 tỷ đồng.

Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh chống tội phạm đánh bạc dưới hình thức tổ chức cá độ bóng đá với số tiền giao dịch từ đánh bạc hơn 25 tỷ đồng; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm ma túy, kinh tế, tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường...

Biểu dương những thành tích đã đạt được, UBND tỉnh đã tặng Bằng cho 1 tập thể, 6 cá nhân; Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen cho 4 tập thể, 20 cá nhân.

Thời gian tới, công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đạt hiệu quả cao nhất. (baothuathienhue.vn 06/01)

 
 
 

3.  Phạt bị cáo Hồ Sỹ Hưng 3 năm tù về tội “giết người”

Ngày 6/1, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tuyên phạt bị cáo Hồ Sỹ Hưng (sinh năm 1983, trú tại phường Phú Nhuận, TP.Huế) 3 năm tù về tội “giết người”.

Tối 27/8/2018, sau khi xem đá bóng tại một nhà hàng trên đường Võ Nguyên Giáp (TP. Huế), Hưng điều khiển xe ô tô chở chị T., đến dừng ở đoạn đường vắng thuộc khu quy hoạch tái định cư xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) để nói chuyện.

Lúc đó, anh Lê Trọng Thanh Phước (là người quen của vợ bị cáo Hưng) đi bộ đến, dùng tay đập vào cửa xe và nói “anh ra đi, vợ anh đến rồi tề”. Thấy có người xuất hiện nên Hưng điều khiển xe bỏ đi.

Khi xe chạy, anh Phước đu bám vào kính chiếu hậu và nằm lên trên nắp ca pô xe. Hưng thấy vậy, nhưng vẫn tiếp tục điều khiển xe nên va chạm mạnh vào gốc cây bên đường. Hưng đánh lái qua hai bên đường để anh Phước rơi khỏi xe.

Khi chạy đến ngã tư giao nhau giữa đường Hoàng Quốc Việt và đường Tỉnh lộ 28, xe rẽ trái chạy về hướng xã Thủy Vân. Được một đoạn thì anh Phước rơi xuống nằm bất động trên mặt đường. Hưng nhìn thấy, nhưng không dừng xe mà tiếp tục cho xe chạy khỏi hiện trường. Anh Phước ngay sau đó bị xe ô tô do anh Trương Tuấn Anh cán qua người nên tử vong. (baothuathienhue.vn 06/01)

 
 
 

4.  Thừa Thiên - Huế: Phát hiện xâm hại chim trời, bấm khẽ trên ứng dụng, kiểm lâm và công an đến ngay!

Với tinh thần kiên quyết bảo vệ các loài chim thú quý, coi cảnh quan, sinh thái là chìa khóa phát triển du lịch, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiên phong trong cả nước khi ban hành quy định cấm ăn thịt chim trời, cũng như áp dụng công nghệ để xử lý các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, khi phát hiện các địa điểm săn bắt, bẫy giết chim tự nhiên; hay các tụ điểm nhà hàng khách sạn có tình trạng buôn bán chim trời - bất kì ai và ở bất cứ đâu chỉ cấn lướt ngón tay trên ứng dụng và bấm nhẹ, cơ quan chức năng sẽ có mặt xử lý.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn nhấn mạnh:

"Huế là một trong những điểm dừng chân của các loài chim từ phương Bắc di cư về. Tuy nhiên, quá trình mở mang, khai hoang đất nông nghiệp làm mất sinh cảnh, nạn săn, bẫy tràn lan… đã khiến số loài chim di cư không coi Huế là bến đỗ an toàn nữa, một số loài bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng.

Từ ngày 1/1/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản yêu cầu chính quyền tất cả các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy các loài chim, thú sống trong các khu dân cư, công viên, các ao, hồ, đầm phá. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát, bảo tồn động vật hoang dã, trong đó có các loài chim trời.

Thêm nữa, Nghị Quyết 54 của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, bảo tồn các di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, sinh thái một cách thông minh. Cho nên việc bảo vệ cảnh quan tự nhiên, phục hồi sinh thái, thu hút các loài chim hoang dã cũng nằm trong mục tiêu như vậy.

Chúng tôi ý thức được rằng: việc bảo tồn các cái loài chim, các cái loài thú ở trong rừng Huế là hết sức quan trọng. Việc ngăn chặn, chấm dứt việc săn bắt, bẫy lưới các loài chim trời là hết sức cấp thiết.

Chúng tôi đang làm đề án phục hồi các đầm chim vùng sông Lâu. Chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản cụ thể về vấn đề này; rồi yêu cầu lực lượng hữu trách ra quân ngăn chặn, xử phạt nghiêm khắc. Các nhà hàng, khách sạn buôn bán, giết thịt chim trời sẽ bị xử lý. Các hành vi bắt chim bằng bẫy lưới cần bị tịch thu, xử phạt".

Thưa ông, đâu là bài học mà tỉnh Thừa Thiên Huế rút ra từ cuộc "đi tiên phong" này?

Thái độ kiên quyết của người đứng đầu rất quan trọng. Chủ tịch UBND tỉnh có cách tiếp cận mới; rồi "đổi mới nhiệm vụ" trong lĩnh vực này. Từ đó chúng tôi tham mưu sâu sát để có biện pháp xử lý thiết thực, hiệu quả nhất. Chúng tôi cũng đề cao việc ứng dụng công nghệ số trong việc quản lý và phát hiện tình trạng trên.

Ứng dụng Hue-S cung cấp chức năng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, khách du lịch phản ánh toàn diện các hoạt động trên địa bàn tỉnh khi nhận thấy các vấn đề bất cập bằng cách gửi phản ánh về Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh kèm theo hình ảnh chụp hoặc quay video clip. Thông tin phản ánh được các cơ quan liên quan tiếp nhận, xử lý và thông báo lại với người cung cấp.

Trong phần mềm Huế - S (quản lý thành phố một cách thông minh) đã kịp thời bổ sung "đề mục"/ phần ứng dụng/ "dữ liệu quản lý chuyên sâu" để bất kì ai cũng có thể cung cấp thông tin tố cáo tình trạng săn bắt, buôn bán, giết thịt chim trời (và muông thú nói chung).

Bà con chỉ cần chụp ảnh hoặc điền thông tin vào đó, ngay lập tức thông tin đó sẽ được mặc định chuyển về cho chính quyền để xử lý.

Ví dụ như ở địa phương nào, do UBND huyện xã nào quản lý, thì kiểm lâm (và cơ quan liên ngành phối hợp) ở đó phải có trách nhiệm ra quân xử lý trong 7 đến 10 ngày. Chúng tôi có quy định: cơ quan xử lý có trách nhiệm phải phản hồi lại cho người thông báo tin tức, qua chính phần mềm đó luôn.

Theo ông, với quy định của luật hiện hành đã đủ để xử lý tất cả những hành vi bắt, bẫy, buôn bán và giết mổ mọi loài chim trời hay chưa?

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn: Thật ra, quy định về lĩnh vực này vẫn có nhiều cái không rõ ràng. Việc bắt bẫy, giết chim hoang dã trong các hệ sinh thái rừng dễ xử lý hơn. Còn với các hành vi như săn bắt, bắn chim sẻ trên phố chẳng hạn, ai sẽ xử lý và theo quy định nào?

Khi đó, Kiểm lâm và Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn chúng tôi phải vận dụng các quy định liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh, rằng: có thể phân quyền, ví dụ như Ủy ban phường hay Công an phường có thể xử lý được.

“Đột kích” các tổng kho “hành quyết” chim trời! (Bài 2): Vi phạm công khai trên diện rộng, sao không bị xử lý?

Cụ thể, trước khi ban hành văn bản, chúng tôi phải lấy ý kiến của tất cả các địa phương, các cơ quan liên quan. Đặc biệt tất cả các cái văn bản này đều phải qua Sở Tư pháp – đơn vị có vai trò rà soát các văn bản vi phạm pháp luật, xem có đúng hay không. Quan trọng nhất là sự giám sát, chỉ đạo sau khi ban hành văn bản, để có công cụ quản lý mới này thật sư phát huy hiệu quả.

Ông có thể phân tích cụ thể ưu điểm của việc sử dụng công nghệ cao trong tố giác, xử lý các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã mà Thừa Thiên Huế đang triển khai?

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn: Ví dụ một người dân họ phát hiện và đến trình báo hoặc gọi điện thoại cho chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm hay cơ quan quản lý môi trường về các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã không dễ chút nào. Với ứng dụng "smart", sử dụng smartphone rất dễ. Có rất nhiều thông tin từ người dân báo, rằng: đoạn đường đây, khu vực đây, đang có bẫy, lưới, súng săn, đi bắn bẫy chim… - ngay lập tức công an phường nhận được.

Thật sự biện pháp trên rất có hiệu quả. Nhà hàng khách sạn bị tố cáo sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã phục vụ thực khách thì mức xử phạt rất cao. Bất cứ ai cũng có thể vào cuộc được, quan trọng là người dân có ý thức và thực hiện quyền giám sát quan trọng của mình.

Cầm cái smartphone, bà con cập nhật tình hình, ấn "ok" một cái là xong. Lực lượng chức năng tới liền, bắt buộc họ phải tới, cái "app" (ứng dụng) còn có vai trò giám sát xem lực lượng chức năng có làm việc không. Nếu họ thờ ơ sẽ bị xử lý từ cơ quan thẩm quyền cấp trên, UBND tỉnh chẳng hạn.

Việc giám sát với sự tham gia của người dân sẽ đảm bảo tính hiệu quả trong thực thi công vụ. Qua thời gian triển khai, tình trạng vi phạm liên quan đến chim hoang dã đã giảm rất rõ rệt. (danviet.vn 06/01)

 
 
 

5.  Quyết xử nghiêm xe khách trá hình, Thừa Thiên Huế có những giải pháp gì?

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu triển khai quyết liệt đồng bộ giải pháp để nâng cao chất lượng vận tải, xử lý nghiêm xe chở khách trá hình.

Xe trá hình tuyến Huế - Đà Nẵng vẫn hoạt động rầm rộ

Ngày 6/1, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban ATGT tỉnh chủ trì cuộc họp với các Sở ngành, địa phương và các đơn vị liên quan để nghe báo cáo đề xuất giải pháp xử lý hoạt động xe dù, xe ứng dụng công nghệ kinh doanh vận tải (KDVT) khách trái phép tuyến Huế - Đà Nẵng.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, thời gian qua, tình trạng ô tô trá hình vận chuyển hành khách tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số lượng phương tiện, tần suất chạy xe gây bức xúc trong dư luận.

 Tháng 6/2020, lực lượng liên ngành tỉnh đã triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra, lập biên bản vi phạm 74 lượt phương tiện với 76 lỗi vi phạm, xử phạt gần 196 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 1-3 tháng 57 trường hợp. Hiện nay, lực lược liên ngành đang tiếp tục triển khai, tính đến ngày 31/12 đã xử lý 18 trường hợp với 20 lỗi vi phạm, xử phạt hơn 90 triệu đồng.

Tuy nhiên, tình trạng xe ké, đặt chỗ qua mạng, xe núp bóng các loại hình KDVT khác (chủ yếu xe dưới 9 chỗ ngồi) hoạt động như xe tuyến cố định trái quy định pháp luật gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải hành khách của các đơn vị vận tải tuyến Huế - Đà Nẵng.

Đáng chú ý, ngoài sử dụng xe cá nhân (không phải BKS đăng ký xe kinh doanh vận tải), các xe hoạt động chở khách trá hình thời gian qua thường đăng ký vào HTX để xin cấp phù hiệu xe hợp đồng và cũng được HTX cấp các hợp đồng khống có đóng dấu trước rồi giao cho chủ phương tiện để tự ghi tên hành khách đi xe sau khi đã đón được và nhờ hành khách đi xe đứng tên để đối phó. Khi tổ liên ngành kiểm tra xử lý thì trình bày là chở bạn bè hoặc người thân đi chơi, công việc…

Các xe này còn bố trí nhiều đối tượng theo dõi hoạt động của lực lượng liên ngành để thông tin cho các lái xe “né” chốt, tổ chức trung chuyển khách qua điểm kiểm tra của đoàn liên ngành bằng xe taxi, chờ tổ liên ngành nghỉ làm việc là hoạt động rầm rộ. Mặc dù tổ liên ngành đã bố trí ngoài giờ làm việc theo lịch nhưng chỉ xử lý một số ít trường hợp vì số lượng xe quá nhiều, để xử lý được một trường hợp rất mất thời gian.

Đặc biệt, theo lực lượng chức năng, hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang có nguy cơ lây lan trở lại ở một số địa phương, các phương tiện KDVT trái pháp luật trên tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 do các phương tiện này không được quản lý, giám sát hành trình, không có đăng ký với cơ quan chức năng.

Theo Sở GTVT Thừa Thiên Huế, cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm xe trá hình, cần đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh không tham gia, sử dụng dịch vụ xe dù, xe ké, xe đặt chỗ qua mạng hoạt động trái quy định pháp luật khi đi công tác, học tập, du lịch từ Huế đi Đà Nẵng và ngược lại… Đồng thời, rà soát các quy định của pháp luật để kiến nghị tăng chế tài xử phạt đủ sức răn đe, góp phần hạn chế tình trạng xe dù, xe ké, xe dịch vụ vận tải bất hợp pháp.

Các đơn vị KDVT hành khách bằng xe ô tô, Công ty CP Bến xe Huế cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, nhân viên bến xe nâng cao chất lượng phục vụ hành khách; trang bị xe trung chuyển để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân...

Đồng bộ giải pháp, quyết liệt xử lý xe trá hình

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu việc xử lý tình trạng xe dù, xe ké, xe dịch vụ qua mạng, xe núp bóng các loại hình vận tải khác hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật cần phải có giải pháp căn cơ và phải được triển khai thường xuyên, liên tục.

Các cơ quan chức năng cần rà soát lại hoạt động của các HTX, doanh nghiệp KDVT, xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện đúng theo giấy phép đăng ký kinh doanh. Vận động các xe kinh doanh vận tải sớm chuyển đổi biển vàng để thuận tiện trong việc quản lý hoạt động.

"Tiếp tục tăng cường TTKS bằng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp các lực lượng để phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi xuất phát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các phương tiện chở khách như: xe dù, xe ké, xe dịch vụ qua mạng, xe núp bóng các loại hình vận tải khác hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ô tô, có giải pháp ngăn chặn các địa chỉ quảng cáo liên quan đến xe dù, xe ké, xe dịch vụ qua mạng trên website; cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng khi phát hiện trên hệ thống đô thị thông minh; phát huy hệ thống Hue-S trong phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm", ông Phan Ngọc Thọ nói.

Cũng theo ông Thọ, cần phải nhìn nhận được thực tế là chất lượng dịch vụ của các HTX vận tải, đơn vị KDVT chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, có sự chênh lệch giữa cung và cầu, cung chưa đáp ứng được cầu về chất lượng, phục vụ, giá cả, thời gian... Do đó, việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên tuyến Huế - Đà Nẵng hiện nay phải được đặt lên hàng đầu.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu năm 2021, Sở GTVT phải lấy chủ đề “Văn hóa giao thông” làm mục tiêu xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, điều hành để tình hình ATGT trên địa bàn được đảm bảo, doanh nghiệp KDVT hợp pháp được hưởng những bảo hộ chính đáng của nhà nước, người dân được phục vụ tốt hơn và an toàn hơn khi tham gia giao thông. (baogiaothong.vn 06/01)

 
 
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
 

1.  Thừa Thiên Huế tập trung hỗ trợ nông dân sản xuất vụ Đông Xuân

Vụ sản xuất Đông Xuân 2020-2021, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các đợt bão lũ. Tỉnh đang tập trung hỗ trợ bà con nông dân đảm bảo tiến độ sản xuất theo khung thời vụ.

Những ngày này, người dân xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền tất bật cải tạo đồng ruộng, làm đất để chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông Xuân. Ông Hoàng Dương, ở xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền cho biết, sau các đợt bão lũ, cát bồi lấp dày đến hơn nửa mét ở gần 3 sào ruộng của gia đình ông. Gần 10 ngày qua, gia đình ông bám ruộng thu dọn cát bồi lấp, chuẩn bị làm đất gieo sạ vụ mới.

Ông Hoàng Dương cho biết, dù vất vả nhưng phải cố gắng xử lý sạch cát, nếu không đất sẽ bạc màu, ảnh hưởng đến năng suất lúa: “Xã Quảng Phước gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ruộng bị bồi lấp nhiều. Hiện tại, nhà tôi có 3 sào ruộng bị bồi lấp quá nặng, phải thuê ủi, thuê múc hết gần 2 triệu nhưng phải bỏ công ra rất nhiều nữa mới sản xuất được. Nói chung, làm tay là không nổi, phải thuê máy về mà làm thôi”.

Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Quảng Điền gieo sạ 4.200ha lúa, trong đó có phần lớn là giống ngắn ngày. Để đảm bảo sản xuất đúng lịch thời vụ, huyện chỉ đạo các địa phuơng, hợp tác xã nhanh chóng xử lý diện tích bị bồi lấp, bón vôi xử lý đất. Đến nay, 150ha đất bị bồi lấp cơ bản được thu dọn. Hiện, các xã huy động nguồn lực để khắc phục hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu, đấu úng; chuẩn bị cơ cấu giống, hoàn thành gieo cấy theo lịch thời vụ.

Ông Phan Văn Lự, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, địa phương đã dự phòng nguồn giống sẵn sàng gieo sạ lại nếu bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi.

“Huyện đã tích cực chỉ đạo các địa phương, hợp tác xã xử lý diện tích đất sạch nông nghiệp bị bèo và đất cát bồi lấp. Đối với diện tích này, bà con đã bón vôi để xử lí đất. Ngoài ra, tập trung chỉ đạo các hợp tác xã huy động nguồn lực khắc phục thủy lợi, kênh mương bị thiệt hại để đảm bảo tưới tiêu”.

Bão lũ dồn dập những tháng cuối năm ngoái khiến hàng trăm ha ruộng ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị sa bồi, thủy phá, bèo tây bồi lấp. Hệ thống kênh mương, trạm bơm, đập dâng... ở nhiều nơi bị hư hỏng nặng. Nhằm sớm khôi phục sản xuất sau lũ bão, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại, kịp thời sản xuất hơn 28.000ha lúa vụ Đông Xuân. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và các địa phương cũng đã phân bổ hơn 2 tấn giống rau, hơn 1.000 tấn giống lúa, 5 tấn hạt giống ngô từ nguồn hỗ trợ của Bộ NN&PTNT đến người dân.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Sở chỉ đạo các vùng thấp trũng cần chủ động vật tư nông nghiệp, máy bơm, tiến hành tiêu úng, làm đất ngay khi thời tiết thuận lợi.

“Hiện nay, chỉ còn vùng ở dưới thấp mà nước thì chưa ra thì còn lại một số tuyến đê, tuyến kênh nội đồng vẫn chưa khắc phục được. Trong trường hợp, nếu mưa kéo dài, không tiêu úng được thì những diện tích giống dài ngày phải chuyển cơ cấu sang giống ngắn ngày để đảm bảo thời vụ”./. (vov.vn 07/01)

 
 
 

2.  Thừa Thiên Huế: Đầu tư hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp trong năm 2021

Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn trong tỉnh gắn với bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm năm 2021 về phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp nhằm tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nhằm phát triển đô thị, nông thôn theo hướng bền vững và từng bước hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT – KCN).

Theo đó, xây dựng và triển khai Chương trình phát triển đô thị TP Huế mở rộng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Hoàn thành việc xây dựng các Đề án: Đề án Điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP Huế, sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP Huế; Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; Đề án phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; Đề án thành lập thị xã Phong Điền; Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế.

Đối với nhiệm vụ giao thông, phối hợp với các cơ quan Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm: Quốc lộ 49, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài,... Tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông đối ngoại do địa phương quản lý, tập trung các tuyến giao thông quan trọng trong khu vực đô thị trung tâm, giữa khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh nhằm liên kết các vùng, tạo động lực và có tính chất lan tỏa phát triển kinh tế xã hội: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An; đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội; tuyến đường dọc sông Hương (phía Nam), Cầu chui đường sắt Bắc Nam tại đường Bùi Thị Xuân; đường Đào Tấn nối dài; đường Phong Điền - Điền Lộc; đường Thủy Phù - Vinh Thanh; đường Phú Mỹ - Thuận An; đường Chợ Mai - Tân Mỹ,...

Khởi công các gói thầu xây lắp dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh), dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2, dự án thành phần tỉnh Thừa Thiên Huế. Tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch: Hoàn thiện đường Tự Đức - Thuận An (đoạn từ xã Phú Mỹ đến Thuận An); đường kết nối đường phía Tây thành phố Huế đi điện Hòn Chén; nâng cấp, mở rộng tuyến đường tiếp cận điểm du lịch Thiền Viện Trúc Lâm - Bạch Mã; hỗ trợ triển khai dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airline).

Đối với nội dung cấp nước và xử lý nước thải, tập trung triển khai các dự án cấp nước sạch; nâng tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 94%. Tiếp tục thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế. Ưu tiên đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho các KCN. Sớm đưa vào vận hành Nhà máy xử lý rác ở Phú Sơn. Xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm tại các bãi chôn lấp rác thải. Triển khai thí điểm phân loại rác tại hộ gia đình địa bàn TP Huế.

Về cấp điện, đảm bảo việc hỗ trợ cung cấp điện thi công đến hàng rào công trình theo quy hoạch. Về hạ tầng công nghệ thông tin, cần tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ triển khai xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh, tiến tới hình thành đô thị thông minh, thực hiện mục tiêu phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi số... Chuyển đổi số trong một số lĩnh vực ưu tiên như: y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp; hình hình các mạng lưới để người dân, doanh nghiệp tham gia và sử dụng thông qua Hue-S. Tập trung chuyển đổi số trong cơ quan hành chính nhà nước: Hoàn thiện tích hợp hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc với các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hoàn thiện liên thông Cổng dịch công từ cấp tỉnh đến cấp xã, chuyển đổi số tại Trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa hiện đại cấp xã...

Đối với nội dung hạ tầng kỹ thuật khác, tiếp tục đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn ở các huyện. Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành dự án bãi chôn lấp rác Phú Sơn, dự án cải tạo bãi chôn lấp số 2 Thủy Phương. Đầu tư xây dựng Nghĩa trang nhân dân xã Phú Diên, Nghĩa trang nhân dân phía Nam mới (xã Thủy Phù, Hương Thuỷ) và Hạ tầng mở rộng nghĩa trang nhân dân Trường Đồng, thị trấn Lăng Cô (giai đoạn 1).

Đối với nội dung hạ tầng KCN, đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN: Ưu tiên đầu tư hạ tầng các KCN Phú Bài giai đoạn III, IV; hạ tầng khung Khu Công nghệ cao tại KKT Chân Mây - Lăng Cô; hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Phong Điền, trong đó chú trọng xử lý nước thải tuần hoàn phục vụ công nghiệp hỗ trợ dệt nhuộm,…Hoàn thành tuyến đường phân luồng công nhân ra vào KCN Phú Bài, thị xã Hương thủy và tuyến đường trục chính trong KCN Phong Điền vào khu chức năng chế biến cát. Kêu gọi đầu tư nhà ở, hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ công nhân gắn với phát triển khu công nghiệp.

Đối với nội dung KKT Chân Mây - Lăng Cô, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: đường trục chính Khu đô thị Chân Mây, khởi công Đường nối khu phi thuế quan với khu cảng Chân Mây. Tiếp tục kêu gọi đầu tư khu phi thuế quan, hạ tầng cảng và dịch vụ cảng Chân Mây. (baotainguyenmoitruong.vn 06/01)

 
 
 

3.  2021: Phục hồi – phát triển – phòng chống dịch

Trong cuộc gặp mặt báo chí đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, chúng ta bước vào năm 2021 với đầy thách thức nhưng cũng không ít cơ hội. Mục tiêu của tỉnh bây giờ không phải là mục tiêu kép mà là thực hiện đồng thời ba nhiệm vụ: Phục hồi – phát triển và phòng chống dịch.

Đúng là, Thừa Thiên Huế đã trải qua một năm đầy những biến động. Những gì đã trải qua của năm 2020: hậu quả của thiên tai; tìm kiếm cơ hội phát triển trong những điều kiện và hoàn cảnh mới; rồi cũng phải “canh chừng” dịch bệnh... toàn là những nhiệm vụ khó khăn. Những nhiệm vụ này sẽ dồn “lên vai” của năm 2021. Một nhiệm vụ quá lớn cho nên Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở rằng “cần một sự nỗ lực lớn hơn nữa của chúng ta”. Từ những gì Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, xem ra năm 2021, Thừa Thiên Huế đang đứng trước rất nhiều cơ hội. Vì thế, chúng ta có quyền đặt niềm tin vào sự phát triển. Có phát triển tốt sẽ tạo ra những điều kiện tốt để thực hiện hai nhiệm vụ kia -  là phục hồi (kinh tế) và phòng chống dịch.

Nói gì thì nói, hai chỉ số phản ánh rõ nhất bức tranh kinh tế đó là tăng trưởng và thu ngân sách. Có hoạt động kinh tế mới tạo ra tăng trưởng. Có tăng trưởng mới tạo ra nguồn thu cho ngân sách. Nếu nhìn như vậy, chúng ta thấy năm 2020 là một năm Thừa Thiên Huế nỗ lực vượt bậc. Con số thu ngân sách tính chính xác đến thời điểm này là 8.900 tỷ đồng (con số tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm ước chừng 8.455 tỷ đồng); tăng trưởng kinh tế đạt 2,06% .

Năm 2021 được bổ sung những điều kiện mới. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, đề án mở rộng đô thị Huế gấp 5 lần so với hiện tại đã trình lên Chính phủ. Dự án đường ven biển dài 127km đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất (trong đó vốn của Trung ương hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng để làm cầu cửa biển nối Hải Dương – Thuận An) để tạo động lực phát triển một vùng rộng lớn ven biển. Dự án xây dựng khu công nghiệp Phú Bài rộng 450 ha cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất; Nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài công suất 5 triệu hành khách đã “trồi lên mặt đất” và Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương làm nhà ga hàng hóa để hoàn thiện tính chất của một nhà ga quốc tế; Kêu gọi các dự án công nghiệp sạch, ít ảnh hưởng môi trường vào Chân Mây – Lăng Cô; đại dự án di dân Thượng Thành – Eo Bầu tiếp tục thực hiện… Chừng ấy dự án lớn đồng thời thực hiện, chúng ta sẽ thấy được rất rõ cho động lực bổ sung để phát triển kinh tế. Như trên đã nêu, đã phát triển được kinh tế thì sẽ dễ dàng hơn cho nhiệm vụ phục hồi kinh tế và phòng chống dịch.

Ông Phan Ngọc Thọ bảo, mọi danh hiệu đều trở nên vô nghĩa (khi ông đang nhắc đến Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương) nếu không có một chất lượng đô thị phát triển. Chất lượng của đô thị Huế thì Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng tồn và phát huy di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”. (baothuathienhue.vn 07/01)

 
 

4.  Nông dân Thừa Thiên - Huế khó khăn trong vụ Đông Xuân

Bước vào vụ sản xuất Đông Xuân 2020 – 2021, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các đợt bão lũ, khiến đồng ruộng bồi lấp, hệ thống thủy lợi bị hư hỏng, nhiều diện tích không thể tiêu thoát nước. Hiện địa phương đang tập trung hỗ trợ tối đa cho bà con nông dân khắc phục hậu quả thiên tai. (vnews.gov.vn 07/01)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.450.022
Truy cập hiện tại 1.402