TIN NÓNG
1. Công an vào cuộc vụ sai phạm ở dự án trường cao đẳng Công nghiệp Huế
Vụ việc được Bộ Công Thương đề nghị điều tra. Dự án đầu tư xây dựng ở Trường cao đẳng Công nghiệp Huế có dấu hiệu làm khống hồ sơ.
Ngày 5/1, cùng với Cơ quan Điều tra hình sự thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng), Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã vào cuộc làm rõ vụ nghiệm thu khống tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (Bộ Công thương).
Trước đó, Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ về những dấu hiệu sai phạm của cá nhân đến UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, để cơ quan này xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Kết luận thanh tra 4985/KL-BCT ngày 9/7/2020 của Bộ Công Thương, ông Cung Trọng Cường khi còn giữ chức Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã để xảy ra nhiều sai phạm khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng tại cơ sở 2 của trường này.
Theo đó, sai phạm cụ thể tại 2 gói thầu xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải (giá trị 24.578.418.000 đồng) và gói thầu Xây dựng hệ thống đường giao thông, đường nội bộ với (giá trị 22.914.532.000 đồng). Cả 2 gói thầu này được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, do Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) là đơn vị thi công.
Cụ thể: Công ty Tây Hồ khi thi công 2 gói thầu theo Hợp đồng số 43/HĐKT ngày 19/7/2013 và Hợp đồng số 51/HĐKT ngày 19/8/2014 tại trường cao đẳng Công nghiệp Huế cơ sở 2 có nhiều sai phạm như: Thi công không đúng thiết kế, nghiệm thu khống khối lượng thi công, có dấu hiệu hợp thức hóa chứng từ để thanh quyết toán…
Trong đó như: Qua xác minh việc thực hiện hợp đồng số 43/HĐKT: Thi công thiếu so với bản vẽ hoàn công 03 hố gom nước mưa, 03 hố ga. Hồ sơ dự toán của cá hạng mục điều chỉnh và bổ sung gói thầu số 11 thiếu chữ kí của chủ đầu tư. Đến 29/12/2016, nhiều hạng mục thuộc hợp đồng số 43/HĐKT chưa được thi công nhưng Chủ đầu tư, các đơn vị liên quan đã kí biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng hoàn thành khối lượng và đưa vào sử dụng.
Cùng với đó, hồ sơ nghiệm thu thanh toán chưa đầy đủ theo quy định tại khoản 3, điều 8 của hợp đồng 51/HĐKT. Theo đó, biên bản nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành, bảng tính giá trị đề nghị thanh toán khối lượng, bảng xác nhận khối lượng hoàn thành và bảng chiết tính khối lượng hoàn thành các đợt không ghi ngày tháng. Ngoài ra, một số chứng từ thanh toán của kho bạc nhà nước tỉnh Thừa Thiên- Huế không đóng dấu của cơ quan và ghi họ tên đầy đủ của cán bộ kho bạc theo quy định.
Bộ Công Thương khẳng định, những sai phạm nói trên là do chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị tư vấn quản lý dự án và đơn vị tư vấn thiết kế.
Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan Điều tra hình sự thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) cũng đã ban hành quyết định trưng cầu Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên- Huế tiến hành giám định tư pháp xây dựng.
Theo đó, yêu cầu xác định khối lượng các hạng mục chưa hoàn thành của công trình hợp đồng 51/HĐKT theo văn bản 713/TH ngày 29/12/2016 của Công ty Tây Hồ; giám định các hạng mục công trình được thi công hoàn thiện đã nêu trên có đúng theo thiết kế, kỹ thuật trong hồ sơ thiết kế. (nongnghiep.vn 06/01)
2. Công an TT-Huế vào cuộc vụ nghiệm thu khống tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế
Ngoài Cơ quan Điều tra hình sự thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng), Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vào cuộc làm rõ vụ nghiệm thu khống tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế.
Bộ Công Thương đề nghị điều tra nghiệm thu khống tại dự án Trường CĐ Công nghiệp Huế
Về vụ "Bộ Công Thương đề nghị điều tra nghiệm thu khống tại dự án Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế" mà Dân Việt thông tin, theo nguồn tin của PV, ngoài Cơ quan Điều tra hình sự thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng), Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vào cuộc làm rõ. Cụ thể, lực lượng của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đang thụ lý xem xét, xác minh và giải quyết vụ việc theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xử lý một cá nhân liên quan trong vụ việc này. Theo đó, Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ về những dấu hiệu sai phạm của một cá nhân đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để cơ quan này xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị kiến nghị xử lý là ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế.
Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế là đơn vị sự nghiệp công lập có thu trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Viện này được thành lập ngày 15/6/2018 theo Quyết định số 1132/QĐ-UBND ngày 28/5/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Viện có chức năng nghiên cứu, tham mưu, tư vấn cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
Vào ngày 31/1/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Cung Trọng Cường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế trực thuộc Bộ Công Thương được tiếp nhận và bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời hạn giữ chức vụ 5 năm kể từ ngày 1/2/2019.
Theo Kết luận số 4985/KL-BCT ngày 9/7/2020 của Bộ Công Thương, ông Cung Trọng Cường khi còn giữ chức Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã để xảy ra nhiều sai phạm khi thực hiện dự án cơ sở 2 của trường này.
Đó là sai phạm tại 2 gói thầu: Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải giá trị 24.578.418.000 đồng và gói thầu Xây dựng hệ thống đường giao thông, đường nội bộ với giá trị 22.914.532.000 đồng. Các gói thầu này do Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế làm chủ đầu tư, được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp Tây Hồ.
Trong quá trình xây dựng 2 gói thầu này, phía chủ đầu tư và đơn vị thi công đã để xảy ra nhiều sai phạm như: Thi công không đúng thiết kế, thiếu khối lượng thiết kế, nghiệm thu khống khối lượng thi công, có dấu hiệu hợp thức hoá chứng từ để thanh quyết toán…
Cụ thể, tại gói thầu Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chủ đầu tư tạm ứng cho Công ty Cổ phần Đầu tư và xây lắp Tây Hồ theo hợp đồng khi chưa có chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước của ngân hàng. Nhiều chứng từ thanh toán của Kho bạc Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế không đóng dấu cơ quan và ghi họ tên đầy đủ của cán bộ Kho bạc theo quy định. Kiểm tra hồ sơ thanh toán đợt cuối, Hiệu trưởng chưa ký xác nhận tại bảng dự toán nhưng vẫn ký hồ sơ thực hiện chuyển tiền cho đơn vị thi công số tiền 3.912.640.000 đồng…
Đặc biệt, nhiều hạng mục dù chưa được thi công nhưng chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị liên quan đã ký biên bản nghiệm thu, hoàn thành khối lượng công trình đưa vào sử dụng và ký thanh lý hợp đồng. Trong đó, hồ sơ thanh toán theo hợp đồng số 43/HĐKT đã được các đơn vị xác nhận, bao gồm: Chủ đầu tư (Hiệu trưởng, Kế toán trưởng, Trưởng phòng Quản trị đời sống và kỹ sư xây dựng Trường cao đẳng Công nghiệp Huế), đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát (Công ty Cổ phần Tư vấn quản lý dự án ACMEC), đơn vị tư vấn quản lý dự án (Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đồng Tiến).
Tại gói thầu Xây dựng hệ thống đường giao thông, đường nội bộ theo hợp đồng số 51/HĐKT giữa Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế và Công ty Tây Hồ cũng xảy ra những sai phạm tương tự. Tại gói thầu này, dù một số hạng mục chưa thi công hoặc thiếu nhưng tại phía chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn ký hồ sơ nghiệm thu như đắp nền đường, cống, trồng cây, cột đèn chiếu sáng…
Bộ Công Thương khẳng định, những sai phạm này là do chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị tư vấn quản lý dự án và đơn vị tư vấn thiết kế.
Nhằm nắm thông tin nhiều chiều về vụ việc, PV Dân Việt đã trực tiếp gặp đại diện Trưởng Cao đẳng Công nghiệp Huế, nhưng phía nhà trường cho rằng hiện trường không có thẩm quyền phát ngôn.
Như tin đã đưa, Cơ quan Điều tra hình sự thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng vừa ban hành quyết định trưng cầu giám định các hạng mục của công trình dự án Đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông tại cơ sở 2 Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (thuộc Bộ Công Thương).
Quyết định trưng cầu giám định này căn cứ yêu cầu điều tra xác minh vụ việc Bộ Công Thương chuyển, kiến nghị theo kết luận thanh tra về sai phạm của Công ty Tây Hồ khi thực hiện 2 gói thầu tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế và căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự. Cơ quan Điều tra hình sự thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trưng cầu Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành giám định tư pháp xây dựng.
Theo nội dung yêu cầu giám định, Cơ quan Điều tra hình sự thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng yêu cầu xác định các hạng mục chưa hoàn thành của công trình hợp đồng 51/HĐKT theo văn bản 713/TH ngày 29/12/2016 của Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp Tây Hồ có giá trị khối lượng bao nhiêu; giám định các hạng mục công trình được thi công hoàn thiện đã nêu trên có đúng theo thiết kế, kỹ thuật trong hồ sơ thiết kế thi công hay không.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc. (danviet.vn 05/01)
3. Bệnh viên TW Huế có mập mờ trong liên danh liên kết khai thác thiết bị y tế?
Máy nội soi tại Trung tâm Quốc tế (BV TW Huế): Chưa đến 3 năm đầu triển khai nhưng lại liên danh liên kết 10 năm gấp 2 lần giá trị tài sản và thu với giá cao hơn quy định, làm tăng chi phí KCB của người bệnh và phải phân chia doanh thu/lợi nhuận cho đối tác.
Theo báo cáo kết quả của kiểm toán giai đoạn 2016 -2018 tại Bệnh viên TW Huế đã ban hành quy chế chi tiêu nội bộ để làm căn cứ để thực hiện và kiểm soát các hoạt động chi tiêu. Tuy nhiên, Bệnh viện chưa quy định trích lập quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh; Quy chế chi tiêu nội bộ còn chưa quy định đầy đủ các khoản thanh toán cho cá nhân vẫn đang thực hiện theo tờ trình riêng lẻ.
Đối với các trang thiết bị y tế thực hiện theo hình thức liên doanh liên kết (LDLK) thì giá dịch vụ y tế theo máy LDLK thu cao, thời gian thu hồi vốn nhanh (ngắn hơn thời gian ký hợp đồng LDLK) làm ảnh hưởng đến lợi ích người bệnh. Một số máy LDLK xác định tỷ lệ phân chia thu nhập không đầy đủ theo tính toán, hợp đồng không quy định việc điều chỉnh tỷ lệ và không thực hiện đàm phán lại với các đối tác khi số ca dịch vụ y tế đi kèm tăng cao so với dự kiến, chưa tính đủ chi phí thực tế phát sinh dẫn đến phần lớn có đối tác đã thu hồn tiền đầu tư sau 01 - 04 năm thực hiện nhưng thời gian hợp tác là 6-10 năm.
Trong LDLK tại BV TW Huế máy nội soi ở Trung tâm Quốc tế thời gian thu hồi chưa đến 3 năm đầu triển khai nhưng thời gian liên doanh liên kết 10 năm (15.083 triệu đồng) gần gấp 2 lần giá trị tài sản. Bệnh viên TW Huế cơ sở 2 chưa đầy đủ chi phí phát sinh của máy LDLK.
Bệnh viên TW Huế chưa chủ động sử dụng nguồn quỹ hiện có để trang thiết bị các TTBYT có giá trị nhỏ, sử dụng công nghệ, kỹ thuật thông thường để phục vụ cho công tác KCB mà vẫn thực hiện dưới hình thức xã hội hóa, LDLK với thời gian từ 5-10 năm và thu với giá cao hơn quy định, làm tăng chi phí KCB của người bệnh và phải phân chia doanh thu/ lợi nhuận cho đối tác.
Nhiều máy LDLK đã hết khấu hao nhưng vẫn thực hiện LDLK, chưa thực hiện kiểm định lại chất lượng máy và chưa đàm phán phân lại tỷ lệ phân chia (Máy CT Sennar M2).
Một số thiết bị chậm đưa vào sử dụng và mua về nhiều năm không đưa vào sử dụng nhưng chưa có biệm pháp xử lý, số lượng thiêt bị thời gian sử dụng quá tuổi thọ kỹ thuật, lạc hậu về công nghệ còn lớn nhưng chưa thay thế. Thiết bị kiểm định kỳ còn ít so với tổng số trang thiết bị thuộc danh mực sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn.
Bệnh viện đa khoa TW Huế đưa kết cấu chi phí khấu hao, sửa chữa nhà cửa, chi phí tuyên truyền, công nghệ thông tin tạo thêm gánh nặng cho bệnh nhân.
Trong công tác nghiệm thu, thanh quyết toán còn tình trạng vượt khối lượng thực tế thi công (BV TW Huế 83 triệu đồng), hồ sơ quản lý chất lượng chưa đầy đủ 148 triệu đồng.
Bộ Y tế giao kinh phí tiền lương chưa căn cứ vào số thực hiện và dự kiến thu năm 2018, chưa căn cứ vào nguyên tắc phân bổ đã thống nhất với Bộ tài chính do vậy chưa tiết kiệm cho nhà nước.
Riêng tại bệnh viên TW Huế (cơ sở 2) KTNN xác định lại chênh lệch 2.903 triệu đồng, giao dự toán kinh phí mua sắm còn giàn trải, phân bổ bình quân trên đầu giường bệnh cho bệnh viện TW Huế là chưa mang tính tích cực để giảm gánh nặng cho NSNN; chưa căn cứ dự toán các đơn vị lập và còn phê duyệt mua sắm trang thiết bị thông thường và sửa chữa nhỏ, chưa phải là trang thiết bị có tính đặc thù, cấp thiết (Như danh mực dưới 100 triệu đồng phục vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT và không BHYT).
Bệnh viện TW Huế chưa mở đầy đủ thẻ kho, phiếu kiểm nhập hoặc nhập vật tư hóa chất ghi thiếu tiêu chí trên sổ kiểm nhập; không ghi hạn sử dùng, không ghi hãng sản xuất, kiểm kê giữa kho chính và các kho tủ lẻ, tủ trực thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên.
Để có thông tin đa chiều, phóng viên đã liên hệ với GS.TS.BS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện qua điện thoại và tin nhắn nhiều lần nhưng vẫn không nhận được sự phản hồi nào.
Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin. (taichinhdoanhnghiep.net.vn 05/01)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Các vấn đề thủy điện đều đưa vào diện quản lý nghiêm ngặt
Sau các sự cố tại các thủy điện (TĐ) Rào Trăng 3, Hương Điền, Thượng Nhật, đặt ra yêu cầu cần tăng cường công tác quản lý, giám sát thi công, vận hành các công trình.
Về các dự án (DA) TĐ trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương thông tin:
Trong số 22 DA TĐ được quy hoạch, đến nay tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư 13 DA nằm trong quy hoạch được phê duyệt. Sau khi rà soát, xem xét mức độ an toàn trong mưa lũ, ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường và nhiều khả năng không phát huy tác dụng, hiệu quả, Bộ Công thương đưa ra khỏi quy hoạch 7 DA. Toàn tỉnh hiện có 9 DA TĐ đã vận hành và 4 DA đang thi công.
Để đầu tư DA TĐ đảm bảo đúng quy định cần phải tuân thủ những điều kiện, quy trình quản lý, giám sát quá trình xây dựng như thế nào, thưa ông?
DA TĐ đó phải có trong quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Ngoại trừ các DA đa mục tiêu, các DA được đề xuất quy hoạch phải đảm bảo không chiếm dụng quá 10 ha đất các loại, hoặc không di dời quá 1 hộ dân/1 MW công suất lắp máy.
Các DA TĐ phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và các quy định có liên quan; tuân thủ quy hoạch TĐ và phù hợp quy hoạch phát triển điện lực được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các DA đang trong giai đoạn thi công được quản lý theo quy định của Luật Xây dựng, các nghị định, thông tư của Chính phủ, Bộ Xây dựng... về quy định chi tiết một số nội dung quản lý chất lượng và bảo trì công trình. Công tác ứng phó thiên tai tại các công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công được quản lý chặt chẽ theo quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
Ông có thể thông tin về các DA TĐ đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư, thi công?
Trên địa bàn có 4 DA đang trong giai đoạn thi công (Sông Bồ: 23,6 MW; ALin B1: 46 MW; Rào Trăng 3: 13 MW; Thượng Nhật: 11 MW). Các công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện một số hạng mục phụ trợ, dự kiến đưa vào vận hành từ quý I năm 2021.
Mới đây, TĐ Thượng Nhật không chấp hành lệnh, quy định của tỉnh trong vận hành?
Đối với các DA đã đưa vào vận hành được quản lý theo quy định của Chính phủ, Bộ Công thương về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hương; quy trình vận hành đơn hồ...
Các DA đang trong giai đoạn thi công nên chưa có hệ thống giám sát vận hành. Vì vậy, công việc giám sát thường gặp nhiều khó khăn.
Các DA TĐ nhỏ, công trình mới hoàn thành, hoặc đang trong thời gian xây dựng, hàng năm đều phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai; lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Các DA đã đưa vào vận hành cũng phải xây dựng quy chế phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh và cấp địa phương trong công tác vận hành phát điện, điều tiết lũ.
Tuy nhiên, một số chủ đầu tư (CĐT), chủ đập chưa làm hết trách nhiệm trong việc tổ chức vận hành đúng quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ, công tác PCTT đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát chặt chẽ và công khai quy trình vận hành xả lũ của các hồ TĐ nhằm bảo đảm an toàn, ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực vùng hạ du công trình.
Sau sự cố tại TĐ Rào Trăng 3, hay TĐ Thượng Nhật không chấp hành lệnh của tỉnh vừa qua, dư luận đặt câu hỏi liệu các DA còn được phép tiếp tục triển khai, hoạt động nữa hay không?
Sạt lở tại Rào Trăng 3 là sự cố đáng tiếc, chưa thể khẳng định hoàn toàn do thủy điện, mà có thể do địa chất, mưa lớn kéo dài... Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo và Cục Kỹ thuật an toàn & Môi trường công nghiệp – Bộ Công thương đang phối hợp với CĐT tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể nguyên nhân, mức độ an toàn của toàn bộ các hạng mục công trình TĐ Rào Trăng 3 theo quy định.
Đối với vi phạm của TĐ Thượng Nhật tuy chưa thiệt hại đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng đến an ninh, đảm bảo đời sống Nhân dân là vấn đề nguy hiểm. TĐ Thượng Nhật cũng đã nhận ra sai phạm và đang khắc phục tồn tại, đảm bảo theo quy định của Nhà nước. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương, Sở TN&MT, UBND huyện Nam Đông, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ rà soát, xử lý các vấn đề tồn tại vừa qua. Đồng thời, phối hợp đoàn công tác Bộ Công thương kiểm tra kết quả triển khai xử lý, khắc phục đảm bảo an toàn vận hành công trình TĐ Thượng Nhật theo quy định.
Trên cơ sở kết quả đánh giá tổng thể mức độ an toàn của toàn bộ các hạng mục công trình Rào Trăng 3 và kết quả khắc phục tồn tại của TĐ Thượng Nhật, UBND tỉnh sẽ xem xét việc tiếp tục triển khai các DA nữa hay không.
Sở Công thương cũng đã tham mưu tỉnh, Bộ Công thương cần chỉnh sửa các văn bản quy định mà hiện nay được cho là chưa đầy đủ, dẫn đến vai trò phối hợp, chỉ đạo của địa phương còn hạn chế. Yêu cầu đặt ra là sự phối hợp cần phải chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, chấp hành tốt hơn quy định của tỉnh, bởi công trình TĐ là công trình sản xuất, kinh doanh có điều kiện, có ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự, nhất là trong mùa mưa bão.
Qua các sự cố tại các TĐ, ông đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn tại các công trình thủy điện đang thi công, cũng như đã vận hành?
Đối với các công trình đang thi công, các mái taluy chưa được thực hiện gia cố, đất đá đào đắp có thể co hẹp lòng sông, suối làm ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ. Trong trường hợp mưa lũ kéo dài có thể xảy ra nguy cơ sạt lở đe dọa đến tính mạng con người và an toàn của các thiết bị.
Đối với các nhà máy đang vận hành, công tác kiểm tra duy tu, bảo dưỡng các hạng mục công trình chưa quan tâm đúng mức, có thể gây mất an toàn, xảy ra sự cố trên công trình như kẹt cửa van do mất nguồn điện dự phòng.
Những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, giám sát các công trình đang thi công và đang vận hành?
Văn bản, hành lang pháp lý, qua hành vi vi phạm của TĐ Thượng Nhật cho thấy quy định về công trình TĐ hiện nay có những văn bản chế định, chế tài đối với các CĐT chưa nhịp nhàng, sơ hở để các CĐT khai thác, vận dụng dẫn đến vi phạm như vừa qua. Việc đầu tiên cần tham mưu tỉnh có văn bản gửi Bộ Công thương phải đưa công trình TĐ đang xây dựng vào diện quản lý nghiêm ngặt, trong quá trình đầu tư cũng như triển khai DA. Đối với công trình đã vận hành, hiện nay quy định của Bộ Công thương rất chặt chẽ, đã có chế tài.
Cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát các công trình đang thi công cũng như công trình đang vận hành?
Trước mắt, tập trung vào 4 công trình đang xây dựng. Cần rà soát lại các quy trình, quy định, phải có sự chỉ đạo đối với các CĐT đánh giá mức độ an toàn trong thi công các hạng mục của công trình; đặc biệt không chỉ lưu ý đến các hạng mục chính như tổ máy, đập dâng, lòng hồ mà còn chú ý đến các phương tiện, công trình phụ trợ, nhà điều hành, công nhân, tuyến đường thi công. Các công trình này trước đây không có quy định về chế tài, thì nay chúng tôi kiến nghị đưa vào quy định chế tài xử lý. Như vậy, tất cả các vấn đề liên quan đến TĐ đều đưa vào diện quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt, có chế định, chế tài xử lý.
Các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình TĐ một cách chặt chẽ, liên tục, hiệu quả từ khâu quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, tổ chức thi công và quản lý khai thác; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ vận hành, quản lý thủy điện. Đồng thời nâng cao năng lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ quan PCTT&TKCN tại các nhà máy, các địa phương để tăng hiệu quả trong phối hợp, vận hành các công trình TĐ. Các DA trước khi đưa vào vận hành đều phải lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, hệ thống cảnh báo, phát điện, vận hành xả lũ. (baothuathienhue.vn 06/01)
2. Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng”
Ngày 5/1, Đồn Biên phòng Vinh Hiền tổ chức khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng”.
Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy BĐBP tỉnh, cùng lãnh đạo chính quyền địa phương dâng hoa tại tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng.
Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 8/2020. Tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” được phỏng theo nguyên mẫu tác phẩm “Nghe lời non nước” của tác giả Vũ Trọng Khôi, thể hiện hình tượng Bác Hồ đang ân cần căn dặn một chiến sĩ biên phòng.
Công trình có kết cấu bê tông giả đá, tượng sơn màu đồng có trọng lượng khoảng 500kg, cao 1,5m; đặt trên bệ khối hộp tam cấp ốp gạch men. Quá trình xây dựng, đơn vị đã nhận được sự ủng hộ giúp đỡ từ cấp ủy, chính quyền địa phương 4 xã; các Công ty, doanh nghiệp và mạnh thường quân đứng chân trên địa bàn. (baothuathienhue.vn 05/01)
3. Thắm tình quân dân
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai mô hình “Phân công đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”.
Những năm gần đây, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên - Huế còn triển khai mô hình “Phân công đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, từng bước giúp người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU ngày 8/10/2018 của Đảng ủy BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế “Về việc phân công đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, công tác vận động quần chúng nhân dân của BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế có những chuyển biến tích cực, lực lượng Biên phòng còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận các cấp đã làm tốt công tác dân vận, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trên địa bàn.
Vốn là hộ nghèo nhất ở bản A Niêng Lê, xã Trung Sơn, huyện A Lưới, chị Hồ Thị Trế hàng ngày phải làm lụng vất vả mọi việc để nuôi 3 con nhỏ. Khó khăn càng thêm chồng chất khi người chồng của chị không may qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Cuộc sống khốn khó đủ bề, những đứa con của chị lần lượt nghỉ học theo mẹ lên nương rẫy làm việc để kiếm thêm thu nhập.
Nhận thấy gia cảnh vô cùng éo le của gia đình chị Trế, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng (cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn) đã đề xuất với cấp trên và nhận giúp đỡ mẹ con chị Trế.
Từ tiền lương của mình, anh Dũng đã mua xe đạp, sách vở, đồng thời hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng tạo điều kiện cho cháu Kăn Bảo Úc (con út chị Trế) quay trở lại trường học. Ngoài ra, anh Dũng cùng các đồng đội trong đơn vị đã cải tạo vườn rau xanh, chăn nuôi gà vịt để gia đình chị Trế có nguồn thu nhập mỗi ngày.
“Nhờ sự giúp đỡ tận tình của cán bộ Biên phòng, nhất là cán bộ Dũng mà gia đình tôi đã phần nào vượt qua khó khăn, vất vả, con cái cũng được quay trở lại trường” - chị Trế xúc động.
Là một trong những hộ dân được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân tận tình hướng dẫn, giúp đỡ trong phát triển sản xuất, anh Hồ Xuân Bảy (trú tại xã Trung Sơn, huyện A Lưới) cho biết, trước đây gia đình anh là một trong những hộ nghèo của xã, đời sống của gia đình gặp nhiều khó khăn.
Năm 2017, được cán bộ Biên phòng tuyên truyền, vận động, gia đình anh đã mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 20 triệu đồng để mua dê, bò, heo về chăn nuôi kết hợp với trồng chuối để tăng thu nhập. Sau nhiều năm miệt mài làm ăn, cuộc sống của gia đình dần được cải thiện, nhà cửa cũng khang trang hơn trước, kinh tế gia đình khấm khá hơn, cái nghèo giờ không còn đeo bám.
“Để có cuộc sống như hôm nay, gia đình tôi rất biết ơn các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã giúp đỡ và hướng dẫn tận tình các kỹ thuật chăm sóc cho cây trồng và vật nuôi, nhờ đó năng suất và chất lượng được nâng lên” - anh Bảy nói.
Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến nay đơn vị đã phân công 224 đảng viên phụ trách 1.096 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Hầu hết các cán bộ, chiến sĩ phân công phụ trách các hộ gia đình luôn bám sát địa bàn, nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để tìm cách hỗ trợ với phương châm “cầm tay chỉ việc”, nhất là trong phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sĩ còn tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi người dân nhằm nâng cao nhận thức trước các âm mưu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; tích cực củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc, góp phần thắt chặt tình quân dân, sát cánh cùng lực lượng biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên- Huế) cho biết, mô hình phân công đảng viên Biên phòng phụ trách các hộ dân khu vực biên giới dù triển khai tại địa phương chưa lâu, song đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của các cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh, nhiều hộ dân đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. (daidoanket.vn 05/01)
VĂN HÓA
1. Nguồn gốc quan niệm 'cây đa có thần' của người Việt xưa
Trong kho tàng tục ngữ, thành ngữ của người Việt có nhiều câu nói về sự huyền bí của cây đa như "cây gạo có đa, cây đa có thần", "cậy thần phải nể cây đa"... Phải hiểu về điều này như thế nào?
Cây đa cổ thụ cạnh đền Bà Kiệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trên phương diện khoa học, đa là một loài cây thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), có thể phát triển thành cây cổ thụ khổng lồ. Ở Việt Nam loài cây này được trồng phổ biến ở nhiều đền, chùa, đình, miếu...
Cây đa cổ thụ bên đường Lý Tự Trọng, TP HCM. Trong kho tàng tục ngữ, thành ngữ của người Việt có nhiều câu nói về sự huyền bí của cây đa như "cây gạo có đa, cây đa có thần", "cậy thần phải nể cây đa"... Phải hiểu về điều này như thế nào?
Dấu ấn thời gian trên cây Di sản Việt Nam - cây đa 800 tuổi ở Sơn Trà, Đà Nẵng. Theo đức tin của người Việt xưa, quỷ thần, ma quái là những linh hồn phiêu bạt vô định nên thường lấy thân cây to làm chỗ nương tựa. Và những cây đa to lớn là lựa chọn lý tưởng, trở thành "cây đa có thần".
Cây đa 13 gốc ở quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Do cây đa "có thần" mà trong dân gian lưu truyền những lời khuyên về việc phải có thái độ dè chừng, kính cẩn với những cây đa cổ thụ, đặc biệt là không được làm ô uế, bẻ cành hay chặt phá tùy tiện.
Cây đa Đá Bạc, cây Di sản Việt Nam ở Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Có nhiều giai thoại được kể về việc con người bị trừng phạt khi xâm hại cây đa cổ thụ. Nếu phải chặt một cây đa, người xưa thường mời thầy về xem xét cẩn thận, cúng tế chu đáo để "mời" quỷ thần đi nơi khác.
Cây đa cổ thụ ở Cố đô Lam Kinh, Thanh Hóa. Cũng do quan niệm "cây đa có thần" này mà người xưa chủ ý trồng cây đa ở các địa điểm tâm linh, vừa để tạo cảnh quan, vừa để quỷ thần ngụ trong cây được chế ngự trong một không gian thiêng liêng.
Phần gốc khổng lồ của cây đa đình làng Lâm Sơn, Quảng Ngãi - cây Di sản Việt Nam. Không chỉ phổ biến ở Việt Nam, quan niệm cây cổ thụ là nơi trú ngụ của các linh hồn cũng xuất hiện trong rất nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây.
Cây đa búp đỏ trong vườn bách thảo Hà Nội. Thiết nghĩ, trong thời hiện đại, thái độ kính trọng của người Việt dành cho cây đa là một nét văn hóa đẹp cần được giữ gìn, và nó nên được mở rộng ra cho cây xanh nói chung để phù hợp với xu thế bảo vệ môi sinh đang được cổ vũ trên toàn cầu... (vietnamngaynay.net.vn 06/01)
2. Văn minh trong đốt, rải vàng mã
Kiên trì vận động, tập trung nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của người dân, đến nay, 100% tuyến phố chính ở phường Phú Hòa (TP. Huế) không xảy ra tình trạng đốt, rải vàng mã bừa bãi.
Tập trung vận động các hộ kinh doanh
Có dịp trở lại tuyến phố Trần Hưng Đạo (phường Phú Hòa) vào ngày rằm Âm lịch tháng 11, tôi chứng kiến việc đốt vàng mã của người dân đã “bài bản” hơn. Mỗi gia đình đều tự trang bị một thùng kim loại để đốt vàng mã và tự giác dọn dẹp đồ cúng rải ra đường.
Ông Lê Công Thành, chủ một cửa hàng kinh doanh tại đây chia sẻ, việc đốt vàng mã là thói quen của nhiều hộ kinh doanh. Lúc trước, bà con thường đốt trực tiếp bên lề đường nên bụi tro bay khắp nơi, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Nhiều lần chính quyền phường về vận động, nhắc nhở nên mọi người có ý thức hơn.
“Tuy đốt trong thùng không nhanh và tiện bằng cách cũ, nhưng cũng là giữ gìn vệ sinh chung cho cả khu phố. Trước đây, nhiều hộ kinh doanh đốt vàng mã với số lượng lớn, nhưng giờ giảm hẳn”, ông Thành chia sẻ.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) phường Phú Hòa, năm 2016, đơn vị đã chọn đường Trần Hưng Đạo làm tuyến phố điểm thực hiện đốt, rải vàng mã đúng nơi quy định. Trong đó, Ban Công tác Mặt trận (CTMT) tổ dân phố đóng vai trò nòng cốt, phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai thực hiện.
Với đặc thù tuyến phố buôn bán, nhiều hộ kinh doanh từ nơi khác đến thuê nhà nên công tác vận động gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên, Mặt trận phường đã tổ chức cho 100% hộ dân, hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện về trật tự đô thị và quy định về đốt và rải vàng mã; kết hợp đôn đốc, nhắc nhở và phát tờ rơi về mức phạt đối với những hành vi vi phạm.
Vào các ngày rằm, cuối tháng, tổ tự quản nếp sống văn minh đô thị của khu dân cư thường xuyên ra quân nhắc nhở những hộ gia đình không hợp tác. Khởi đầu chỉ khoảng 30% hộ dân chấp hành, đến nay, 100% hộ dân trên tuyến phố Trần Hưng Đạo đều có thùng đốt vàng mã và tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường.
Sâu sát cơ sở
Bà Trần Thị Ngọc Quyên, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Phú Hòa cho biết, từ năm 2015, Mặt trận phường đã xây dựng kế hoạch triển khai vận động người dân thực hiện đốt vàng mã không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Năm 2016, sau khi Nghị quyết 05 của Thành ủy “Về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị” và Quyết định 6113 của UBND thành phố “Về đốt, rải vàng mã trên địa bàn thành phố” được ban hành, công tác trên được triển khai đồng bộ.
Từ điểm sáng tuyến phố Trần Hưng Đạo, năm 2018, Ủy ban MTTQVN phường Phú Hòa đã nhân rộng mô hình đốt vàng mã trong thùng tại tất cả các tuyến đường, điển hình là tuyến đường Phan Đăng Lưu đã nhận được sự hưởng ứng của 100% hộ dân. Trên địa bàn phường đã có hơn 85% số hộ chấp hành nghiêm.
Bà Quyên chia sẻ, trong quá trình triển khai, có hộ kinh doanh tại tuyến phố Phan Đăng Lưu “nói lý” đã đóng phí vệ sinh môi trường và chỉ có lực lượng chức năng mới có thẩm quyền xử lý vi phạm, chứ không phải việc của Mặt trận.Với những trường hợp này, cán bộ Mặt trận vừa tuyên truyền theo hình thức “mưa dầm thấm lâu”, vừa kết hợp với các lực lượng chức năng nhắc nhở, tạo tính răn đe.
Hay tại tuyến đường Trần Huy Liệu, việc vận động người dân mua sắm thùng đốt vàng mã gặp trở ngại do đời sống người dân còn khó khăn. Ban CTMT đã vận động các mạnh thường quân quyên góp tiền hỗ trợ thùng đốt cho hộ nghèo, cận nghèo và 50% giá tiền với hộ khó khăn.
Khi có đám tang, Ban CTMT đến viếng chia buồn và kết hợp thuyết phục gia đình hạn chế rải vàng mã. Thời gian đầu, việc tuyên truyền, vận động chủ yếu trong cán bộ, đảng viên, hội viên và gia đình chính sách. Sau đó, dần tỏa rộng, thấm sâu trong các tầng lớp Nhân dân.
“Thời gian tới, Mặt trận phường phấn đấu đạt tỷ lệ 100% người dân chấp hành việc đốt, rải vàng mã đúng nơi quy định”, bà Trần Thị Ngọc Quyên cho hay.
Bà Lê Thị Hương Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Huế nhận xét, Mặt trận phường Phú Hòa là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thực hiện tốt việc đốt, rải vàng mã đúng nơi quy định. Đây là “điểm sáng” để những đơn vị khác học tập. (baothuathienhue.vn 05/01)
3. Vẫn mong chờ một đường sách
Sau một thời gian dài đường sách Hai Bà Trưng đóng cửa vì những sai phạm trong quá trình triển khai, nhiều người vẫn trông chờ Huế sẽ có một không gian đường sách mới. Ở đó, không chỉ có không gian văn hoá đọc mà còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện liên quan, trở thành điểm đến của người dân, gia đình, trường học…
Ngày đường sách Hai Bà Trưng – đường sách đầu tiên của Huế ra đời, nhiều người đã tỏ ra không hài lòng về cách triển khai cũng như địa điểm được chọn và những dự cảm không thành công. Đúng như thế, chỉ hơn một năm đường sách ấy đã lộ rõ những sai phạm buộc phải chấm dứt hoạt động. Nhiều ý kiến cho rằng, thất bại đó như một bài học để những cơ quan liên quan phải nhìn lại và làm tốt hơn.
Nhắc đến việc tạo mới không gian đường sách cho Huế, người ta nghĩ những con đường thơ mộng, rợp bóng cây xanh và nằm ngay trung tâm thành phố. Việc cần làm đó là nghiên cứu cách thức tổ chức sao cho phù hợp. Đường sách Nguyễn Văn Bình ở TP. Hồ Chí Minh là một điển hình thành công, tạo sự lan toả cho các đường sách khác trên cả nước. Những người tạo nên không gian đường sách này đã đúc kết kinh nghiệm thành công với rất nhiều yếu tố hoà quyện lại. Trong đó, xác định được mục tiêu là yếu tố đầu tiên. Ngoài ra, sự hỗ trợ và chủ trương của các cấp lãnh đạo, xây dựng cơ chế xã hội hoá, chọn đơn vị tham gia đủ điều kiện, có đội ngũ quản lý có năng lực, địa điểm thích hợp, truyền thông và quảng bá… cũng vô cùng quan trọng.
Một vài nhà nghiên cứu Huế thời gian qua tỏ ra hài lòng, khi những hiện vật trưng bày của Bảo tàng Lịch sử tỉnh được chuyển đi nơi khác, để trả lại không gian đúng nghĩa cho di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn trên đường 23/8, TP. Huế. Không gian này được các đơn vị chuyên môn xây dựng thành một bảo tàng giáo dục khoa cử. Từ đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng, cần tính toán và xây dựng một đường sách ở gần khu vực di tích Quốc Tử Giám, bởi quanh đó có rất nhiều con đường đẹp, có hệ thống cây xanh thoáng mát và quan trọng tạo nên sự kết nối giữa các không gian văn hoá, giáo dục.
Ở đó, còn là “cửa ngõ” ra vào của du khách khi đến Huế tham quan Kinh thành Huế, tạo nên một không gian cho khách du lịch vừa tham quan, vừa nghỉ chân thư giãn, vừa tìm cho mình những cuốn sách ưng ý. Trong đó, cần tính toán trưng bày những không gian sách chuyên giới thiệu, bày bán sách về Huế. “Tất nhiên đó là ý kiến của cá nhân, ở Huế vẫn còn nhiều con đường với không gian đẹp, chẳng hạn có thể có một đường sách trên tuyến đường đi bộ cạnh sông Hương. Để làm được việc này, cần có những khảo sát cụ thể, lấy ý kiến của nhiều giới chuyên môn”, một nhà nghiên cứu, nói.
GS.TS. Triết học Thái Kim Lan kể rằng, từng đi nhiều nơi trên thế giới và khá ấn tượng với những con đường sách của những nước bạn. Nghĩ về Huế, bà Lan nói rằng Huế thừa sức và có thể tạo nên một không gian đường sách như thế. Chẳng hạn như thủ đô Paris của Pháp, người ta làm một con đường sách dọc theo bờ sông với rất nhiều ki ốt sách rất đẹp, ai đi qua cũng nán lại để tham quan, mua sách và đọc. “Tôi thấy đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc sông Hương rất lý tưởng để tạo nên đường sách. Đó là con đường đẹp, nằm ngay trung tâm và có rất nhiều người dân, du khách dạo bộ, vui chơi”, bà Lan nêu ý tưởng.
Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin TP. Huế cho biết, gần đây có hai đơn vị có mong muốn mở không gian đường sách ở Huế. Hiện tại, hai đơn vị này đang đi khảo sát vị trí, địa điểm để triển khai. Tiếp đó, sẽ lên ý tưởng, mô hình cho đường sách. “Thành phố cũng mong họ mạnh dạn tìm hiểu địa điểm, mô hình. Sau đó báo cáo lên thành phố, nếu hợp lý thành phố xem xét, bố trí để triển khai”, bà Dao cho hay.
Quảng bá hình ảnh Huế qua sách
Đó là mục tiêu của đề án thiết lập và phát triển tủ sách Huế giai đoạn 2020-2025 vừa được UBND tỉnh phê duyệt. Đề án này chỉ rõ, trong năm 2021, sẽ thành lập hội đồng tuyển chọn, tổ chuyên gia thẩm định và tổ giúp việc. Song song đó, xây dựng quy định tiêu chí, chọn ấn phẩm, quy định quản lý khai thác tủ sách Huế; ra mắt “Địa chí Văn hoá Huế” - tác phẩm đặt hàng đầu tiên vào Tủ sách Huế; thiết kế logo nhận diện đặc trưng cho tủ sách Huế…
Ở giai đoạn 2021-2025, hội đồng và tổ giúp việc sẽ họp bàn để chọn ấn phẩm vào tủ sách Huế, xây dựng quỹ phát triển tủ sách, xây dựng app tủ sách Huế, nghiên cứu xây dựng tổ chức tủ sách Huế trong cộng đồng và trường học. Đề án cũng xác định, việc hình thành tủ sách Huế chính là phát triển văn hóa đọc. Tủ sách Huế còn hướng đến giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực…(baothuathienhue.vn 05/01)
XÃ HỘI
1. Cùng Vietjet mang ‘Tết ấm cho em’ đến với trẻ em nghèo
Ngày 28/12/2020, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Hãng hàng không Vietjet trao 100 suất quà cho 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã Hương Trà và thành phố Huế, mỗi em nhận 01 triệu đồng tiền mặt và 01 suất quà tết
Chương trình “Tết ấm cho em” năm 2021 nhằm kịp thời quan tâm chia sẻ tình yêu thương của cộng đồng xã hội với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được hưởng niềm vui đón Tết Tân Sửu đủ đầy và ấm áp.
Tại buổi trao quà, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, năm 2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội và tình hình mưa lũ gây ngập lụt và sạt lở đất nặng nề ở một số tỉnh miền Trung tác động trực tiếp đến kinh tế của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với mong muốn giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được hưởng niềm vui đón Tết Tân Sửu đủ đầy và ấm áp, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Hãng hàng không Vietjet tổ chức Chương trình “Tết ấm cho em” năm 2021.
Tiếp sau hoạt động trao quà tập trung, Đoàn đến thăm 02 gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tặng mỗi gia đình 05 triệu đồng và 01 phần quà.
Em Nguyễn Thị Gia Bảo – Học sinh trường Tiểu Học Hương Khê bày tỏ cảm xúc “Hôm nay con nhận được rất nhiều quà con thấy rất vui con sẽ cố gắng học tập thật giỏi để không phụ lòng bố mẹ thầy cô và các cô chú”
“Từ ngày thành lập đến nay Vietjet luôn xác định rằng một trong những trách nhiệm xã hội của Vietjet đó là cùng cộng đồng để xây dựng đất nước tốt đẹp hơn, mỗi một thành viên của Vietjet chúng tôi sẽ phải cố gắng đóng góp một phẩn công sức của mình để góp phần xây dựng đất nước, hoạt động thiện nguyện là một phần trong cuộc sống của cán bộ nhân viên của chúng tổi, mỗi một hoạt động thiện nguyện nhỏ mỗi ngày thanh một chương trinh lớn góp phần xây dựng môi trường kinh doanh đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn.” Ông Dương Hoài Nam chia sẻ.
Thông qua chương trình “Tết ấm cho em” Vietjet muốn gửi thông điệp đến công đồng: “Trẻ em là tương lai của đất nước, việc vun đắp tương tai của trẻ em đó không phải là trách nhiệm của Chính phủ, hay của gia đình mà là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi một người trong xã hội. Chúng ta hãy chung sức và vì một tương lai của đất nước”.
Trên tinh thần đó, Vietjet đã đang và mong muốn sẽ luôn đồng hành cùng các chương trình của Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam mang “Tết ấm cho em” đến với trẻ em nghèo trên cả nước. (tienphong.vn 06/01)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. Lưu giữ trải nghiệm để dạy & học tốt hơn
Qua hoạt động trải nghiệm thường xuyên ở những di tích lịch sử, danh thắng, địa chỉ đỏ… trên địa bàn TX. Hương Thủy do nhà trường tổ chức, học sinh Trường THCS Thủy Dương đã ra mắt “Tập san văn học địa phương”, đồng thời trở thành ngôi trường đầu tiên của tỉnh “xuất bản” một tác phẩm có giá trị tham khảo và có thể áp dụng để nâng cao hiệu quả trong việc dạy và học môn ngữ văn ở khối THCS.
Từ ý tưởng của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khi mong muốn người dân Huế, nhất là học sinh càng phải hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử truyền thống, các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị – xã hội, môi trường, con người của Thừa Thiên Huế, với sự phối hợp của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô, 2 năm trở lại đây, ngành giáo dục TX. Hương Thủy nói chung, Trường THCS Thủy Dương nói riêng là đơn vị đi đầu toàn tỉnh trong việc tạo điều kiện để học sinh có nhiều hơn những trải nghiệm về các danh thắng, địa chỉ đỏ… trên địa bàn.
Sau một vài lần tổ chức dạy học trải nghiệm sáng tạo, dạy học thực địa cho học sinh, thầy Phùng Hữu Kim Quân - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thủy Dương đã suy nghĩ làm thế nào để những trải nghiệm của các em không bị quên lãng theo thời gian, đồng thời, trở thành tư liệu quý giúp các thế hệ học sinh, giáo viên kế cận tham khảo, áp dụng trong dạy và học.
Từ trăn trở này cộng với việc được đi trải nghiệm thực tế nhóm, học sinh Trường THCS Thủy Dương, trong đó 2 học sinh “chủ lực” là Ngô Thị Diễm Phúc (lớp 9/2) và Phùng Thị Thu Sương (lớp 9/1) đã tập hợp, sưu tầm, ghi chép lại những gì đã trải nghiệm ở các danh thắng, di tích văn hóa, địa chỉ đỏ…, đồng thời, thông qua nguồn tư liệu của thầy Quân và hướng dẫn của cô Võ Thị Thảnh (giáo viên Ngữ văn, chủ nhiệm lớp 7/4) và một số giáo viên, các em đã cho ra đời “Tập san văn học địa phương”.
Là tác phẩm tổng hợp chương trình văn học địa phương cấp THCS cho cả 3 phân môn: Văn, tiếng Việt và tập làm văn, “Tập san văn học địa phương” đã góp phần giúp giáo viên và học sinh có thêm nhiều kiến thức, tư liệu về chương trình địa phương để phát huy tối đa hiệu quả trong dạy và học chương trình ngữ văn địa phương cùng các văn bản nhật dụng, văn bản thuyết minh trong nhà trường.
Theo cô Võ Thị Thảnh, môn văn học địa phương trong chương trình THCS nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương, từ đó, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, ý thức tìm hiểu và vận dụng những kiến thức đã học để góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa lịch sử cộng đồng.
Tại mỗi một buổi trải nghiệm, các giáo viên được phân công sẽ chuẩn bị kiến thức liên quan, tìm cách thuyết minh súc tích, đầy đủ và dễ hiểu nhất. Ở chiều ngược lại, một mặt nghe giáo viên thuyết minh, mặt khác, học sinh tham gia phải tìm hiểu trước về địa điểm, sử dụng máy ảnh để ghi lại các hình ảnh, cẩn thận ghi chép và đem ra thảo luận, chọn lọc, nhóm trưởng tập hợp nội dung trải nghiệm của các bạn sau đó nhờ giáo viên xác minh lại để điều chỉnh, bổ sung. Với cách làm này, học sinh vừa thu nạp được kiến thức cho bản thân, đồng thời, lưu giữ được những trải nghiệm thông qua câu chữ, hình ảnh, từ đó giúp giáo viên, học sinh các thế hệ tiếp theo có được tư liệu bổ ích trong quá trình dạy và học.
“Tập san văn học địa phương” đã mở ra một cơ hội để những giá trị truyền thống tốt đẹp được giới thiệu rộng rãi, góp phần giáo dục lòng tự hào về truyền thống, lịch sử, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước và là chất xúc tác để giữ gìn, phát huy tài sản tinh thần vô giá mà ông cha ta đã để lại. Sắp tới, mô hình này sẽ được ngành Giáo dục & Đào tạo thị xã áp dụng ở các trường học trên địa bàn”, bà Ngô Thị Ái Hương – Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy chia sẻ. (baothuathienhue.vn 06/01)
2. Tinh gọn bộ máy, đảm bảo hiệu quả hoạt động
Trên cơ sở xây dựng, phát triển Đại học (ĐH) Huế thành ĐH Quốc gia, ĐH Huế tập trung cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đội ngũ viên chức, lao động theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, hướng đến thực hiện cơ sở giáo dục ĐH tự chủ.
Tinh gọn bộ máy
Sau quá trình ổn định cơ cấu tổ chức, đến nay bộ máy hoạt động của Văn phòng Đảng – Đoàn thể ĐH Huế đã hoạt động ổn định, cán bộ - người lao động cùng lo những công việc chung. Bà Võ Trần Ngọc Minh, Phó Chánh Văn phòng Đảng – Đoàn thể ĐH Huế cho biết: “So với trước, hiện nay Văn phòng giảm khá nhiều đầu mối. Với 10 cán bộ, viên chức, bộ máy tổ chức đã được sắp xếp khá ổn định và mọi người đều tập trung tốt cho công việc”.
Việc sáp nhập giữa văn phòng Công đoàn, văn phòng Đoàn Thanh niên ĐH Huế vào văn phòng Đảng ủy ĐH Huế và đổi tên thành Văn phòng Đảng - Đoàn thể ĐH Huế (theo Quyết định số 489/QĐ-ĐHH ngày 27/4/2018) là đơn vị khối hành chính đầu tiên của ĐH Huế được tái cơ cấu tổ chức, trở thành nền tảng, cũng là bài học kinh nghiệm cho các đơn vị. Đến nay, tại ĐH Huế đã giảm 2 văn phòng và 7 ban chức năng. Tương tự, khối phòng chức năng các trường cũng giảm xuống còn 5 – 7 phòng, bộ máy hoạt động của ĐH Huế và các đơn vị giảm rất nhiều đầu mối.
PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho biết, cấp khoa chuyên môn cũng bắt đầu được tổ chức lại để đảm bảo hiệu quả. Hiện Trường ĐH Khoa học đã sáp nhập, hợp nhất 4 đơn vị thành hai khoa, gồm Khoa Xã hội học và Công tác xã hội (từ hai khoa Công tác xã hội và Xã hội học); Điện, điện tử và công nghệ vật liệu (từ hai Khoa Vật lý và Điện tử Viễn thông).
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế, việc tái cấu trúc để có bộ máy quản lý tinh gọn, năng động và hiệu quả hướng đến thay đổi một cách toàn diện về công tác quản lý, phát huy nguồn lực tối ưu, thu hút nguồn lực và sự đóng góp của nguồn nhân lực chất lượng cao vào các hoạt động chuyên môn hiệu quả và hướng đến thay đổi cấu trúc nguồn thu, theo hướng ĐH nghiên cứu có thứ hạng cao trên thế giới. “Hiện ĐH Huế đang phấn đấu xây dựng và phát triển thành ĐH Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Trên thực tế, vấn đề tái cấu trúc bộ máy, bố trí nhân sự được ĐH Huế rà soát, triển khai rất kỹ đáp ứng những yêu cầu trong các nhiệm vụ thực tiễn”, lãnh đạo ĐH Huế khẳng định.
Đại diện Ban Tổ chức cán bộ ĐH Huế cho biết, với việc giảm các đơn vị thuộc và trực thuộc ĐH Huế, hằng năm cũng đã giảm được gần 20% kinh phí chi cho công tác hành chính. Việc giảm số lượng viên chức quản lý hằng năm đã tiết kiệm được khoảng 15% từ việc chi trả phụ cấp chức vụ và các khoản đóng góp theo lương.
Hoàn thiện bộ máy, hướng đến tự chủ
ĐH Huế đang tập trung xây dựng bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để xây dựng ĐH Huế đa ngành, đa lĩnh vực, trở thành ĐH Quốc gia. Tuy đã có những thành công về công tác xây dựng lại bộ máy, đặc biết là khối Cơ quan ĐH Huế và khối các đơn vị hành chính tại các trường, đơn vị thuộc ĐH Huế nhưng để phát huy hiệu quả hoạt động, đặc biệt là hướng đến tự chủ vẫn cần tiếp tục quan tâm công tác tái cấu trúc, nhất là các đơn vị chuyên môn.
Hiện, các đơn vị truyền thống gặp khá nhiều khó khăn trong tuyển sinh, nhưng việc sáp nhập, hợp nhất tại các khoa này lại không dễ dàng. Đơn cử, tại Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Sư phạm… một số khoa chuyên môn khá khó khăn trong việc thu hút người học những năm gần đây, tuy nhiên bài toán tái cấu trúc hay những phương án liên quan để giải quyết vẫn còn bỏ ngỏ. Trong một cuộc trao đổi, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh từng trăn trở: “Có một nghịch lý là nơi tuyển sinh được thì nhân lực chất lượng cao chưa thực sự đáp ứng. Trái lại, những nơi có nguồn nhân lực mạnh thì tuyển sinh khó khăn, việc tái cấu trúc vẫn chưa được mạnh mẽ, quyết liệt”.
Cái khó trong vấn đề tái cấu trúc là chuyện sắp xếp lại vị trí việc làm của cán bộ, viên chức và tâm tư của cán bộ khi những đơn vị có bề dày truyền thống bị đổi tên. Tuy nhiên, không thể vì khó mà không thực hiện. Nguồn thu chính của các trường vẫn là học phí, vì vậy nếu không có phương án hợp lý sẽ không dễ “gỡ khó” trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn và đang phải cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, mức độ thu hút người học cũng là một trong những thước đo khẳng định uy tín thương hiệu.
Đại diện ĐH Huế và các trường cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu các phương án hoàn thiện bộ máy, tái cấu trúc với những đơn vị hoạt động chưa hiệu quả, đồng thời tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ, qua đó phát huy sức mạnh đưa ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia. (baothuathienhue.vn 05/01)
Y TẾ
1. Đồng bào dân tộc sẽ mua thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Bắt đầu từ tháng 1/2021, người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Đông sẽ không còn được cấp miễn phí bảo hiểm y tế (BHYT). Trên 5.000 người dân phải chuyển sang mua thẻ BHYT hộ gia đình với nhiều khó khăn, trở ngại.
Khó khăn
Những ngày cuối năm, chị Trần Thị Miên, thôn Ta Rung (Hương Sơn) hối hả mua thẻ BHYT vì chị bị bệnh mãn tính, trong khi, thẻ BHYT của chị đã hết hạn. Chị bảo, cán bộ đến vận động nên mình phải mua thẻ BHYT, chứ tháng nào cũng đi khám không có thẻ sẽ rất gay go.
Xã Hương Sơn có 100% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, lâu nay đa số người dân được Nhà nước hỗ trợ BHYT theo diện người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, người sống tại vùng đặc biệt khó khăn.
Có thẻ BHYT, người dân đã biết quan tâm đến sức khỏe mình hơn. Như trường hợp của chị Miên, mỗi khi đổ bệnh đều đến trạm y tế xã khám bệnh. Khoản tiền chi trả lên đến vài chục triệu đồng/năm đối với gia đình chị là rất lớn, nếu không có BHYT. Thế nên, thẻ BHYT được nhiều gia đình xem là bùa hộ mệnh mỗi khi đau ốm.
Bắt đầu từ tháng 1/2021, thẻ BHYT của người dân ở vùng đặc biệt khó khăn đã hết hạn sử dụng, nhưng lại không được Nhà nước cấp như trước đây. Bởi, việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng trên chỉ áp dụng đến hết năm 2020, từ năm 2021,Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa ban hành quyết định phê duyệt danh sách thôn, xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, UBND các xã, thị trấn không có căn cứ để lập danh sách đối tượng tham gia BHYT cho người dân đang sinh sống tại các thôn, xã nói trên.
Ông Hồ Thanh Nghi, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho hay: Trước đây, khi chưa được Nhà nước cấp thẻ BHYT, toàn xã chỉ có khoảng 75% người dân mua thẻ BHYT, đến khi Nhà nước cấp thì 100% người dân có thẻ BHYT. Vẫn biết vận động hơn 1.500 người dân bỏ tiền túi ra mua thẻ BHYT sẽ rất khó khăn, nhưng chúng tôi đặt ra chỉ tiêu vận động khoảng 95% người dân tham gia BHYT trong năm 2021.
Sẽ trả lại tiền nếu được Nhà nước cấp thẻ
Toàn huyện Nam Đông có 6 xã khó khăn, gồm: Hương Sơn, Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Quảng, Thượng Long, Hương Hữu. Theo đó, từ năm 2021, khi đồng bào dân tộc không được cấp thẻ BHYT miễn phí thì có trên 5.000 người, trong đó, có trên 2.000 thẻ của đối tượng học sinh, phải chuyển sang tham gia BHYT hộ gia đình. Tuy nhiên, đến thời điểm này số hộ tham gia BHYT mới đếm trên đầu ngón tay do mức sống thấp, gia đình lại đông người nên bỏ ra cùng một lúc bạc triệu quả không dễ. Hơn nữa, nhiều người có thói quen được bao cấp nên vẫn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Khi hàng ngàn thẻ BHYT hết hạn cũng là nỗi lo của các cấp, các ngành ở Nam Đông. Các ban chỉ đạo họp liên tục cũng chỉ để giải quyết rốt ráo vấn đề vận động người dân mua thẻ cũng như kêu gọi các nguồn để hỗ trợ họ có thẻ BHYT kịp thời. Theo cách nhẩm tính của ông Nghi, chỉ cần vài chục người dân trong số 1.500 người không có thẻ BHYT chẳng may đau ốm thì nguy cơ tái nghèo là hiện rõ.
BHXH huyện Nam Đông cũng như các tổ chức đoàn thể trên địa bàn đến từng hộ gia đình để vận động người dân tham gia BHYT, hạn chế tình trạng “lủng” thẻ để quyền lợi được đảm bảo liên tục. Ông Nguyễn Định, Giám đốc BHXH huyện Nam Đông, cho hay: “Bất cứ giờ nào, hễ có người dân ở nhà là chúng tôi đến vận động, nhà ở cách nhau rất xa nên nhiều đại lý phải tranh thủ buổi tối đến tận nhà để tuyên truyền. Thậm chí, có nhiều đại lý thu đã cho người dân mượn tiền hoặc cho trả góp để kịp thời nối thẻ, nhất là những người mắc bệnh mãn tính”.
Đảm bảo cho người dân có thẻ BHYT trong thời gian chờ phê duyệt các thôn, xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025, Bảo hiểm xã hội huyện triển khai thu BHYT hộ gia đình với thời hạn sử dụng thẻ BHYT là 3 tháng (từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/3/2021). Nếu sau này họ thuộc đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng, BHXH sẽ hoàn trả lại tiền đóng BHYT cho người dân, ông Định cho biết thêm. (baothuathienhue.vn 05/01)
KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
1. Ứng dụng công nghệ trong quản lý trật tự xây dựng
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những công trình xây dựng không phép và sai phép, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý trật tự xây dựng (QLTTXD) là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2021 của UBND TP. Huế nhằm thực hiện hiệu quả công tác QLTTXD trên địa bàn.
Sau nhiều lần kiểm tra và xử phạt, ngày 5/11/2020, UBND TP. Huế ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình số 15 Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ do ông Trương Đình Đạt làm chủ đầu tư, vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Đồng thời, buộc chủ đầu tư tháo dỡ phần công trình xây dựng không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt tại địa chỉ 15 Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ.
Được biết, công trình của ông Đạt theo hiện trạng cũ đã có sẵn trước đây gồm 1 tầng hầm, 5 tầng nổi và phần tum thang sân thượng. Tuy nhiên, dù không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn cho đơn vị thi công sửa chữa, cải tạo thêm tầng 6, tầng 7 với diện tích mỗi tầng 82,5m2 và phần tum thang sân thượng thuộc tầng 7. Đây là một trong những công trình xây dựng vi phạm được TP. Huế kiến quyết xử lý và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả.
Theo thống kê, năm 2020 TP. Huế đã cấp trên 2.000 giấy phép xây dựng (GPXD) và thực hiện kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực TTXD gần 1.400 trường hợp, trong đó có GPXD 1.200 trường hợp, sai giấy phép và sai thiết kế 47 trường hợp, không có GPXD 137 trường hợp. Thông qua việc kiểm tra và xử lý vi phạm, công tác QLTTXD từng bước đi vào nề nếp, ý thức trách nhiệm của người dân và các tổ chức đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế Phan Lương Bằng, cùng với những kết quả đạt được, công tác QLTTXD thời gian qua vẫn tồn tại những bất cập, tình trạng xây dựng trái phép (xây dựng vượt chỉ giới xây dựng, không có GPXD, xây dựng kiốt tại các trục đường chính đô thị, xây dựng công trình không đúng với chức năng sử dụng đất,...) vẫn còn nhiều do tốc độ đô thị hóa nhanh; tình hình kiểm tra, xử lý vi phạm, cưỡng chế xây dựng công trình gặp nhiều khó khăn.
Công tác quy hoạch trên địa bàn chưa phù hợp thực tế như quy hoạch sử dụng đất cây xanh, thương mại dịch vụ, quy hoạch khu vực bảo vệ di tích… theo Luật Đất đai, Luật di sản. Trong khi kế hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng chưa xác định cụ thể, tập trung các khu vực như Thủy Xuân, Hương Sơ, An Hòa, An Đông nên người dân không chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đủ điều kiện xin phép xây dựng hoặc không được cấp phép xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích.
Năm 2021, thành phố tăng cường QLTTXD, mỹ quan đô thị, tập trung kiểm tra và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm TTXD đô thị. Trong đó, chú trọng các công trình xây dựng không phù hợp GPXD, không có giấy phép; xây dựng kiốt tại các trục đường chính đô thị, công trình xây dựng vi phạm chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng, xây dựng công trình không đúng với chức năng sử dụng đất…
Ông Phan Lương Bằng cho rằng, cùng với các giải pháp kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các công trình xây dựng sai phạm, thành phố triển khai giải pháp về thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ trong việc phát hiện sai phạm. Trong đó, ứng dụng hệ thống giám sát đô thị thông minh Hue-S, triển khai sử dụng các ứng dụng nhóm Viber, Zalo để kịp thời chỉ đạo, phối hợp xử lý vi phạm kịp thời giữa phòng ban và UBND các phường; nghiên cứu kinh nghiệm của một số đô thị đã ứng dụng phần mềm Google Earth để kịp thời kiểm tra giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn.
Tại các điểm nóng về TTXD với tốc độ phát triển đô thị nhanh như An Tây, Thủy Xuân, Thủy Biều, Hương Sơ, Vỹ Dạ…, để chấn chỉnh TTXD, thành phố tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ địa chính và TTXD; thành lập tổ công tác kiểm tra liên ngành và kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác QLTTXD nhằm mục đích lập lại TTXD đảm bảo quyền lợi cho người dân. (baothuathienhue.vn 05/01)
DU LỊCH
1. Huế mở nhiều tuyến phố đi bộ trong năm 2021
Việc triển khai mở các phố đi bộ quanh các điểm tham quan nổi tiếng được TP Huế coi là trọng tâm để triển khai đề án “Kinh tế đêm”.
Ngành du lịch ở Thừa Thiên - Huế nói chung và TP Huế nói riêng năm 2020 đi xuống rõ rệt do ảnh hường của đại dịch COVID-19. Do đó, mục tiêu của TP Huế trong năm 2021 là bằng mọi cách kéo ngành du lịch và dịch vụ trở lại với quỹ đạo và phát triển hơn.
Theo ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy TP Huế cho biết: “Năm 2020 người dân chịu quá nhiều tổn thất do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành du lịch và dịch vụ gần như đóng băng. Nhiệm vụ tiên quyết của TP Huế trong năm 2021 là bằng mọi cách phải tái phát triển 2 ngành kinh tế trọng điểm này, qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương”.
Để thực hiện việc phục hồi ngành du lịch, đề án “Kinh tế đêm” được lãnh đạo TP Huế đưa ra bàn bạc và tìm phương án tối ưu để thực hiện. Theo lãnh đạo TP Huế, đề án “Kinh tế đêm” có thể hiểu đơn giản là kinh doanh dịch vụ buổi tối một cách có hiệu quả và khoa học. Từ những ngày đầu tiên của năm 2021, TP Huế bắt tay ngay vào công cuộc thực hiện đề án này, hệ thống cơ sở hạ tầng ở những điểm du lịch nổi tiếng đã được triển khai đấu thầu thực hiện.
Chiến lược phát triển du lịch và dịch vụ của TP Huế sẽ xoay quanh các điểm du lịch nổi tiếng như Đại nội kinh thành Huế, khu vực chợ Đông Ba, các ngôi chùa cổ trên đường Bạch Đằng và không gian 2 bờ sông Hương… song song với việc duy trì sự phát triển vốn có ở khu phố Tây (Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu).
Ông Hoàng Hải Minh - Chủ tịch UBND TP Huế cho rằng, địa phương sẽ tập trung quy hoạch các tuyến đường xung quanh những điểm du lịch trọng điểm thành các khu phố đi bộ vào ban đêm, qua đó tạo điều kiện cho ngành dịch vụ phát triển.
“Ví dụ như tại khu vực Đại nội Huế, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng các tuyến đường quanh đó như Đoàn Thị Điểm, Lê Huân… thành các tuyến phố đi bộ vào buổi tối 3 ngày cuối tuần. Tại đây, các cửa hàng phục vụ điểm tâm theo phong cách phương Tây như bò bít tết, nước cocktail… sẽ được hình thành, du khách sau khi tham quan Đại nội có thể dạo quanh phố đi bộ, hoặc vào tham quan Đại nội vào buổi tối. Đến nay phương án mở cửa Đại nội vào buổi tối chúng tôi cũng đã bàn bạc và thống nhất với Trung tâm bảo tồn di tích”, Chủ tịch UBND TP Huế lý giải.
Ngoài ra, khu vực chợ Đông Ba và bến xe Đông Ba sẽ được quy hoạch tạo thành khu phố ẩm thực ban đêm, khách du lịch đến Huế sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống của Huế. Hiện tại, khu vực bến xe Đông Ba được cho đấu thầu các gói xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà giữ xe, nhà vệ sinh … qua đó hứa hẹn sẽ khang trang sạch sẽ hơn rất nhiều.
Khu vực đường Bạch Đằng – Huỳnh Thúc Kháng cũng được TP Huế lên kế hoạch triển khai tạo dựng phố đi bộ. Tuy nhiên, kế hoạch tạo dựng phố đi bộ ở khu vực này sẽ chậm lại so với khu vực Đại nội Kinh thành Huế và chợ Đông Ba để thăm dò hiệu quả. Tại khu vực đường Bạch Đằng có những ngôi chùa cổ như chùa Diệu Đế, cùng một số điểm tham quan nổi tiếng khác.
Riêng khu vực không gian dọc 2 bờ sông Hương, theo kế hoạch dự kiến sẽ được sử dụng phục vụ cho du lịch ngắm cảnh, các loại hình dịch vụ sẽ được hạn chế tối đa để tạo điểm nhấn cho du khách khi đến với Huế. Sau thời gian dài triển khai, công tác chỉnh trang 2 bờ sông Hương sắp sửa được hoàn thành, tại đây cầu gỗ Lim sẽ được lấy làm điểm nhấn chính thu hút du khách.
Người đứng đầu chính quyền TP Huế cho biết: “Dự kiến vào tháng 6 thời điểm diễn ra kỳ Festival Huế năm 2021 không gian đi bộ quanh Đại nội kinh thành Huế và có thể là khu phố ẩm thực chợ Đông Ba sẽ được khai trương. Dựa vào hiệu quả đem lại từ 2 khu phố đi bộ này, TP Huế sẽ sớm cho triển khai tạo dựng phố đi bộ ở khu vực đường Bạch Đằng – Huỳnh Thúc Kháng trong thời gian sớm nhất”.
Để thực hiện đề án “Kinh tế đêm” có hiệu quả, ngoài công tác đầu tư hạ tầng hoàn chính, TP Huế cũng đã nghiên cứu các phương án phân luồng giao thông đảm bảo sự thuận tiện cho người dân sống trong và gần khu vực phố đi bộ. Trước mắt, những tuyến phố đi bộ mới của TP Huế sẽ được mở trong 3 ngày cuối tuần, trường hợp đạt hiệu quả cao sẽ nghiên cứu phương án cho thực hiện dài ngày. (vtc.vn 05/01)
2. Huế: Ngọ Môn mở cửa đón khách sau thời gian dài trùng tu
Ngọ Môn – Công trình kiến trúc tiểu biểu thuộc Hoàng cung được xem là biểu tượng của Huế đã mở cửa đón du khách tham quan vào đầu năm mới 2021 sau một thời gian dài trùng tu.
Ngọ Môn được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành.
Trùng tu từ năm 2012, công trình này được chia thành hai giai đoạn 2012-2015 và 2016-2019 với số vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2, công trình được đầu tư với khoản kinh phí 44 tỷ đồng.
Các hạng mục được trùng tu ở giai đoạn này bao gồm: sơn thếp toàn bộ cấu kiện gỗ lầu Ngũ Phụng (hai tầng nhà chính và Tả, Hữu Dực Lâu) bằng kỹ thuật sơn truyền thống gồm sơn son thếp vàng, sơn son không thếp, sơn quang tùy vào từng không gian khác nhau; hạ tầng xung quanh khu vực Ngọ Môn và gắn kết với công trình về mặt giao thông cũng như cảnh quan từ mọi góc nhìn; hệ thống sân, mặt cầu, lan can, cây xanh; hệ thống chiếu sáng nội thất, chống cháy theo kỹ thuật hiện đại và tiêu chuẩn Việt Nam…
Thời điểm Ngọ Môn mở cửa đón khách tham quan trở lại đúng vào dịp nghỉ năm mới 2021, rất nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu. (dulich.petrotimes.vn 06/01)
PHÁP LUẬT - AN NINH - QUỐC PHÒNG
1. Công an tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai cấp Căn cước công dân
Sáng 5/1, phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân (CCCD) cho cán bộ, công chức đang làm việc tại Tỉnh ủy.
Thượng tá Hoàng Thị Mai, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và từ ngày 1/1/2021 thực hiện triển khai cấp CCCD cho các đối tượng ưu tiên là các đồng chí đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; lãnh đạo, công chức, viên chức các Sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lực lượng vũ trang; người có công trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, lực lượng đơn vị sẽ triển khai cấp CCCD tại các địa bàn dân cư.
Đặc biệt, để đảm bảo tiến độ thực hiện, trong dịp Tết Dương lịch 2021, CBCS phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chia làm 3 ca từ sáng đến 22h tối để phục vụ tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD.
Do trong giai đoạn đầu dữ liệu đang được làm sạch nên cơ quan Công an khuyến nghị công dân khi đến làm hồ sơ cấp CCCD cần mang theo các giấy tờ như CMND, hộ khẩu, giấy khai sinh để đối chiếu, phục vụ việc cấp CCCD được chuẩn xác.
Tại buổi thu nhận hồ sơ cấp CCCD, Thiếu tá Văn Viết Hiếu Trung, Đội trưởng Đội Hướng dẫn, đăng ký, quản lý cư trú, cấp CMND/CCCD và các CBCS thuộc Đội đã thực hiện các bước, gồm tra cứu thông tin công dân trên hệ thống, lấy vân tay, chụp ảnh chân dung để hoàn thiện hồ sơ. Các CBCS đã tận tình hướng dẫn người làm thủ tục nhanh chóng, thuận tiện.
Dự kiến từ tháng 2/2021, phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đồng loạt triển khai nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD cho toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh và sẽ hoàn thành trước ngày 1/7/2021 với hơn 900.000 CCCD. (cand.com.vn 05/01)
2. Tuân thủ luật, giảm ùn tắc giao thông
Hiện nay, tại TP.Huế, tình trạng ùn tắc giao thông tại một số trục đường chính xảy ra khá phổ biến giờ cao điểm và đang có chiều hướng gia tăng, ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo khảo sát, đánh giá của các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện, nhất là ô tô con đã dẫn đến sự gia tăng tình trạng ùn tắc.
Giờ tan tầm vào buổi chiều, tại nhiều tuyến đường và các giao lộ chính trên địa bàn thành phố, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ xảy ra thường xuyên. Do tâm lý vào cuối ngày, ai nấy đều vội vàng, tất bật, muốn trở về nhà thật sớm nên cố gắng đi thật nhanh, một số người cố vượt qua đám đông bằng cách lấn sang làn đường của chiều ngược lại khiến tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng hơn.
Chị Trần Thị Cát Tường, phường An Cựu, TP. Huế cho biết: Vào giờ cao điểm buổi chiều mỗi ngày, thành phố xảy ra ùn tắc giao thông ở nhiều nơi. Xe cộ rất đông mà nhiều người chạy xe rất ẩu, lấn làn, lấn đường, nhiều người còn đi lên cả trên lề đường khiến tình trạng giao thông hỗn loạn.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 6.000 phương tiện ô tô các loại đang hoạt động. Trong đó, riêng năm 2020 đã có hơn 2.800 ô tô đăng ký mới. Việc ùn tắc giao thông xảy ra, bên cạnh những nguyên nhân do hệ thống cầu, đường chưa tương xứng với tốc độ phát triển đô thị và lượng người tham gia giao thông; những bất cập về hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, việc phân luồng giao thông,… thì nguyên nhân quan trọng dẫn đến ùn tắc là do ý thức chấp hành luật lệ của người tham gia giao thông.
Thực tế cho thấy, khi đường đông, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn thì việc chấp hành luật giao thông đường bộ, tuyệt đối tuân thủ việc lưu thông theo đúng luồng, tuyến rất quan trọng, nếu xảy ra tình trạng lấn, vượt làn đường sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng hơn.
Theo Trung tá Lại Thế Linh, Phó Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông-trật tự Công an TP. Huế: Thời gian qua, lực lượng CSGT đã triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông. Đội CSGT - trật tự đều bố trí nhiều tổ làm nhiệm vụ điều hòa, hướng dẫn giao thông tại những nơi thường xảy ra ùn tắc; tăng cường tuyên truyền luật giao thông đường bộ và kiến nghị đến các cơ quan chức năng để giải quyết những bất cập về hạ tầng giao thông... Lực lượng CSGT còn tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm các lỗi đi không đúng làn đường, phần đường; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ. Tuy nhiên, để góp phần hiệu quả giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm mỗi ngày, nhất là vào mùa mưa, việc người tham gia giao thông lưu hành đúng phần đường, làn đường là rất quan trọng. (baothuathienhue.vn 05/01)
3. Bị xử phạt 70 triệu đồng vẫn tiếp tục vận chuyển thuốc lá lậu
Từng bị lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế xử phạt 70 triệu đồng vì vận chuyển thuốc lá lậu, một người đàn ông trên địa bàn tiếp tục vận chuyển 250 bao thuốc Jet từ Quảng Trị vào Huế tiêu thụ.
Ngày 5/1, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Huế cho biết, đơn vị vừa phát hiện và bắt giữ một xe ô tô vận chuyển hàng trăm bao thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 25/12/2020, lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô khách nhãn hiệu Mercedes Benz mang BKS 75H - 6976 do ông Đoàn Chơn Mẫn (SN 1976, trú tại phường Phú Hậu, thành phố Huế) điều khiển đang vận chuyển 250 bao thuốc Jet.
Quá trình làm việc, bước đầu ông Mẫn khai nhận, số thuốc Jet trên ông nhận vận chuyển giúp cho một người chưa rõ từ TP. Đông Hà (Quảng Trị) vào bến xe phía Bắc thành phố Huế. Khi đến địa phận phường An Hòa, thành phố Huế thì bị lực lượng Cảnh sát Kinh tế phát hiện.
Được biết, vào tháng 6/2020, ông Mẫn từng có hành vi vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu bị Công an thị xã Hương Trà - Thừa Thiên Huế phát hiện và bị xử phạt vi phạm hành chính 70.000.000 đồng.
Theo Trung tá Phan Nguyễn Nhân Hạnh - Đội trưởng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Huế, trước thực trạng các hoạt động mua bán, vận chuyển hàng lậu và các hoạt động gian lận thương mại có xu hướng gia tăng trong dịp tết đến, xuân về, đơn vị tiến hành tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm.
Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú, xuất nhập cảnh đối với ông Đoàn Chơn Mẫn. (giadinhvietnam.com 05/01)
4. THỪA THIÊN HUẾ: TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ XE KÉ, XE KHÁCH TRÁ HÌNH
(Video quochoitv.vn 05/01)
5. Phát hiện 30 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy
Chiều 5/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để xử lý nhóm đối tượng có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.
Trước đó, lúc 1 giờ 20 phút sáng cùng ngày, tại nhà nghỉ K. A (đường Lê Hồng Phong, phường Phú Nhuận, TP. Huế), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an phường Phú Nhuận tiến hành kiểm tra hành chính nhà nghỉ này.
Tại thời điểm kiểm tra, nhà nghỉ K. A có 34 người, trong đó có 30 khách thuê phòng, 4 người quản lý, điều hành. Kiểm tra các phòng 201, 202, 301,402 của nhà nghỉ này lực lượng công an phát hiện có 30 đối tượng (23 nam, 7 nữ) sử dụng trái phép chất ma túy.
Tiến hành test nhanh, có 29 đối tượng dương tính với chất ma túy. Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ nhiều túi nilon chứa các loại viên nén và tinh thể rắn màu trắng nghi là ma túy. (baothuathienhue.vn 05/01, daidoanket.vn 05/01, tienphong.vn 06/01, thanhnien.vn 05/01)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Thủ tướng phê duyệt dự án sân golf quốc tế hơn 3.000 tỷ đồng tại Thừa Thiên Huế
Thủ tướng vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng tại xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dự án sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng có tổng nguồn vốn đầu tư là 3.164 tỷ đồng. Quy mô của dự án khoảng 127,68 ha.
Dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào quý I/2021 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào quý I/2024.
Theo quyết định, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án, các nội dung giải trình, tiếp thu của nhà đầu tư và các nội dung đã thẩm định; chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phải chịu trách nhiệm chuyển đổi 37,32 ha rừng sản xuất là rừng trồng để thực hiện dự án sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng theo đúng quy định của pháp luật trước khi nhà đầu tư thực hiện dự án.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, lâm nghiệp, tài nguyên môi trường, các pháp luật liên quan khác và tiến độ đã cam kết (tiến độ thực hiện dự án, tiến độ huy động vốn);
Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc khai thác nguồn tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước (nếu có) theo quy định của pháp luật trong quá trình triển khai Dự án.
Về phía nhà đầu tư, Thủ tướng cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Sân gôn BRG chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung hồ sơ dự án.
Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Sân gôn BRG phải bảo đảm tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, lâm nghiệp, tài nguyên môi trường, tài nguyên nước và các quy định của pháp luật liên quan khác; bảo đảm thực hiện đủ vốn chủ sở hữu và vốn huy động theo đúng quy định của pháp luật để thực hiện dự án theo tiến độ đã cam kết; chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư.
Được biết, Công ty Cổ phần Sân gôn BRG được thành lập ngày 31/12/2009, có địa chỉ tại số 18, đường Lý Thường Kiệt, phường Phan Chu trinh, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật của Công ty Sân gôn BRG là ông Trần Trung Tuân. (vietnamfinance.vn 05/01, zingnews.vn 05/01, baoxaydung.com.vn 05/01)
2. Đầu tư dự án Sân golf quốc tế tại Thừa Thiên Huế
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng tại xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dự án trên được thực hiện với tổng nguồn vốn 3.164 tỷ đồng. Quy mô dự án là 127,68 ha.
Dự án khởi công từ Quý I năm 2021 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào Quý I năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ Dự án, các nội dung giải trình, tiếp thu của Nhà đầu tư và các nội dung đã thẩm định; chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm chuyển đổi 37,32 ha rừng sản xuất là rừng trồng để thực hiện dự án Sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng theo đúng quy định của pháp luật trước khi Nhà đầu tư thực hiện Dự án.
Đồng thời, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, lâm nghiệp, tài nguyên môi trường, các pháp luật liên quan khác và tiến độ đã cam kết (tiến độ thực hiện dự án, tiến độ huy động vốn); kiểm tra, giám sát việc khai thác nguồn tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước (nếu có) theo quy định của pháp luật trong quá trình triển khai Dự án.
Công ty cổ phần sân gôn BRG chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung hồ sơ Dự án.
Trong quá trình thực hiện Dự án phải bảo đảm tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, lâm nghiệp, tài nguyên môi trường, tài nguyên nước và các quy định của pháp luật liên quan khác; bảo đảm thực hiện đủ vốn chủ sở hữu và vốn huy động theo đúng quy định của pháp luật để thực hiện Dự án theo tiến độ đã cam kết; chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư. (baotainguyenmoitruong.vn 05/01, baoxaydung.com.vn 05/01)
3. Hương Trà tìm giải pháp tăng trưởng
6/15 xã, phường của Hương Trà sẽ sáp nhập vào TP. Huế theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, với 9 đơn vị hành chính còn lại, thị xã sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung phát triển các loại cây trồng có lợi thế, tiềm năng, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương để thúc đẩy tăng trưởng.
Chưa bền vững
Những năm qua, sản xuất (SX) nông nghiệp (NN) ở Hương Trà có nhiều chuyển biến tích cực, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khá kịp thời, đáp ứng tình hình thực tiễn SX và tiêu dùng.
Địa phương đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, một số sản phẩm mang tính hàng hoá, có thương hiệu. Các mô hình liên kết trong SX bước đầu đem lại hiệu quả, đóng góp một phần trong cơ cấu kinh tế thị xã; nhờ vậy, giảm bớt các tầng nấc và chi phí trung gian, tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con. Như mô hình liên kết với Công ty Vật tư NN tỉnh, Công ty Quế Lâm SX giống lúa tại Hương Toàn, Hương Vinh, Hương Văn. Ứng dụng công nghệ cao trong SX NN với việc các doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng nhà lưới để trồng các loại rau và tưới bằng hệ thống van tự động cho rau màu và cây ăn quả ở Tứ Hạ, Hương Bình, Hương Vân, Hương Hồ.
Năm 2019, tổng giá trị SX NN toàn thị xã đạt 837 tỷ đồng. Theo đánh giá của UBND thị xã, tăng trưởng NN ở Hương Trà mới phát triển theo chiều rộng nên chưa thật sự ổn định, bền vững trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách như chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ở Hải Dương, chuyển đổi một số diện tích đất lâm nghiệp sang trồng cây ăn quả ở các vùng gò đồi. Giá trị SX trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chăn nuôi phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, khai thác hải sản chủ yếu ven bờ, nuôi trồng thủy sản phát triển tự phát, nhất là nuôi cá lồng trên sông Bồ gây ô nhiễm môi trường...
Trưởng phòng Kinh tế TX. Hương Trà - Trần Xuân Anh đánh giá: SX vẫn còn dựa trên kinh tế hộ nên manh mún, không gắn kết với thị trường tiêu thụ; sản phẩm làm ra chưa có tính cạnh tranh, hiệu quả thấp; điều hành SX chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, thiếu tính đột phá. Sự quan tâm của một số chính quyền địa phương trong chỉ đạo SX chưa đúng mức và chưa thu hút được DN đầu tư vào lĩnh vực NN.
Chú trọng cây trồng chủ lực
Chủ tịch UBND TX. Hương Trà, ông Hà Văn Tuấn cho hay, ngoài hình thành các vùng SX lúa hàng hoá, chất lượng theo hướng cánh đồng lớn (khoảng 3.300/6.000ha tổng diện tích gieo trồng lúa), các vùng lúa hữu cơ (90ha), thị xã sẽ tập trung phát triển các loại nông sản chủ lực là thế mạnh của từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển các vùng SXNN sạch, NN hữu cơ, các biện pháp thâm canh bền vững.
Đồng thời, tập trung phát triển cây ăn quả với 1.000ha, trong đó, riêng cây có múi khoảng 644/1.000ha ở các xã vùng gò đồi phía Tây (Hương Bình, Bình Thành, Bình Tiến), phường Hương Vân, xã Hương Toàn. Phấn đấu xây dựng thương hiệu cho các vùng chuyên canh hành, kiệu, rau màu ở Hương An, Hương Chữ, Hương Xuân.
Việc kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao đang được thị xã tính tới với hình thức liên kết SX giữa DN và nông dân. Theo tính toán, cây dược liệu, tràm gió sẽ từng bước thay thế, giảm dần diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp. 5 năm tới, diện tích cây dược liệu, tràm gió đạt khoảng 100-150ha ở các vùng SX NN kém hiệu quả, dưới tán rừng...
Để khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của thị xã, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế NN theo hướng bền vững, cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ vào SX, khuyến nông; gắn tái cơ cấu ngành NN với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP.
“Địa phương tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và liên kết trong SX và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển mô hình hợp tác liên kết trong SX, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NN, nông thôn, tạo điều kiện để nông dân, DN tiếp cận thuận lợi về đất đai, vốn và thị trường để mở rộng SX”, ông Xuân Anh cho biết. (baothuathienhue.vn 05/01)
4. DỰ ÁN ĐƯỜNG NGUYỄN HOÀNG VÀ CẦU VƯỢT SÔNG HƯƠNG:Động lực cho Huế phát triển
Sau nhiều năm chờ đợi, người dân Huế vui mừng khi tỉnh có chủ trương đầu tư dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương - công trình quan trọng không chỉ góp phần làm đẹp cho đô thị Huế mà còn tạo bước ngoặt mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Mong đợi
Không chỉ là công trình giao thông đơn thuần, DA đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương còn mang khát vọng của người dân Cố đô Huế.
Lâu nay, đôi bờ sông Hương có nhiều cây cầu nổi tiếng, như Trường Tiền, Phú Xuân, Dã Viên...nhưng mới đây, thông tin từ cuộc họp HĐND tỉnh cuối năm 2020 có chủ trương xây dựng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương để lại nhiều cảm xúc cho người dân Huế. Cảm xúc bởi ước muốn, chờ đợi từ nhiều năm ở phía thượng nguồn sông Hương thơ mộng có cây cầu vắt qua giờ thành hiện thực. DA là “chìa khóa” tháo gỡ “nút thắt” giao thông và cơ hội phát triển kinh tế - xã hội lâu nay ở vùng tây nam TP. Huế.
Anh Lê Văn Hùng, người dân phường Thủy Biều bày tỏ, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương hoàn thành, tạo cơ hội cho bà con miệt vườn trao đổi hàng hóa nhanh hơn, thuận lợi hơn. Khách du lịch cũng thuận lợi trong việc thăm thú cảnh quan và trải nghiệm các nhà vườn từ Kim Long, Phú Mộng, Hương Long, Hương Hồ, Thủy Biều.
Một chủ nhà vườn ở phường Kim Long khẳng định, khi DA trên hoàn thành, chắc chắn sẽ thu hút thêm lượng khách đáng kể đến Huế thăm thú các miệt vườn ở phía tây nam TP. Huế như Kim Long, Hương Hồ, Thủy Biều và hoạt động kinh doanh trải nghiệm về ẩm thực, sinh thái, cảnh quan ở đây sẽ sôi động hơn.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (BQL ĐTXDGT) tỉnh - đơn vị chủ đầu tư DA, chia sẻ, khi DA hoàn thành nằm trên tuyến vành đai 3 kết nối các huyện, thị xã như Hương Trà, Hương Thuỷ là trục đường chính kết nối khu vực tây bắc với khu vực tây nam, TP. Huế vốn bị ngăn cách bởi sông Hương. Tuyến đường sẽ giảm áp lực giao thông lên các trục đường trung tâm TP. Huế và QL1A bởi lưu lượng giao thông qua lại đây hàng ngày hiện nay rất cao, thường bị ùn tắc, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan đô thị; đồng thời tạo điều kiện triển khai quy hoạch mở rộng TP. Huế đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do tính bức thiết trên nên DA được người dân mong đợi và ủng hộ cao.
Đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ
Theo quy mô, DA đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương xây dựng tại phường Kim Long, Hương Long và Phường Đúc thuộc tuyến Vành đai 3, dài khoảng 1,67km. Riêng công trình cầu dài khoảng 590m, đoạn vượt sông khoảng 380m. Khổ cầu rộng 43m, có 4 làn xe cơ giới và các dải an toàn trên mỗi hướng xe chạy; khổ thông thuyền đảm bảo kích thước tối thiểu với chiều rộng 30m, chiều cao 6m. Tĩnh không đường chui dưới cầu 4,75m...
Theo chủ đầu tư DA, qua kiểm đếm sơ bộ số lượng hộ dân phải di dời và tái định cư (TĐC) để nhường đất cho việc xây dựng DA khoảng 160 hộ; trong đó phía bờ bắc sông Hương và đường Nguyễn Hoàng 94 hộ; phía bờ Nam sông Hương 66 hộ. Công việc này sẽ được họp bàn giữa các ban ngành, đơn vị chức năng và địa phương dân chủ, công khai với phương châm hợp lòng dân. Các hộ dân bị ảnh hưởng sẽ được đền bù theo quy định về chế độ chính sách, giá hiện hành của Nhà nước.
Đối với các hộ phải giải tỏa, di dời sẽ được hỗ trợ và bố trí TĐC xen ghép vào các khu TĐC lân cận của DA hoặc thông qua việc đầu tư xây dựng mới các khu TĐC phù hợp nhu cầu, như khu TĐC Lịch Đợi, Bàu Vá hoặc Kim Long...
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó BQL ĐTXDGT tỉnh thông tin, tổng giá trị đầu tư dự kiến là 2.050.492 triệu đồng, bằng nguồn ngân sách Nhà nước; trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng 269.722 triệu đồng. Thời gian xây dựng bắt đầu từ năm 2021 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Do DA chủ yếu nâng cấp, mở rộng theo các tuyến đường nội thị hiện trạng và vượt qua sông Hương nên quá trình thi công sẽ xây dựng phương án giám sát tối ưu sạch gọn, hợp lý để đảm bảo chất lượng công trình và mỹ quan đô thị TP. Huế, hy vọng hoàn thành đúng tiến độ.
Để chuẩn bị thi công DA, nhiều lần tỉnh tổ chức các cuộc thi và lấy ý kiến cộng đồng để bình chọn phương án kiến trúc công trình cầu vượt qua sông Hương không chỉ theo thiết kế cầu của Việt Nam (TCVN 11823-9-2017) mà phải tối ưu - đẹp hài hòa với cảnh quan của thành phố văn hóa di sản và mang dấu ấn, có tính biểu tượng của Huế.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, DA đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương nằm trong hệ thống đường Vành đai 3. Khi hoàn thành sẽ kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông tỉnh, như đường Tự Đức-QL1A; đường Thủy Dương-Thuận An, QL49A và thuận tiện với các tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn, La Sơn-Túy Loan đã, đang mở ra tại địa phương kết nối với khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đây cũng là DA mang tính chiến lược thúc đẩy hình thành các đô thị vệ tinh lân cận. (baothuathienhue.vn 05/01)
5. TT- Huế: Thu ngân sách vượt 11,2% dự toán
Thu ngân sách nhà nước năm 2020 của tỉnh Thừa Thiên Huế vượt 11,2% so với dự toán. Trong năm qua, tỉnh có hơn 900 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thành lập mới.
Chiều ngày 5/1, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ chủ trì buổi gặp mặt báo chí để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2020.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2020, dịch Covid-19 và thiên tai đã tác động đến nhiều mặt trên các ngành, lĩnh vực ở tỉnh, trong đó chịu ảnh hưởng trực tiếp là ngành du lịch, thương mại vận tải, xuất nhập khẩu, nông nghiệp. Thiệt hại do dịch Covid-19 và thiên tai ở tỉnh ước khoảng 13.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 của tỉnh ước đạt 2,06%, không đạt kế hoạch đề ra.
Mặc dù tăng trưởng GRDP đạt thấp nhưng tỉnh đã cơ bản thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch thành công, vừa duy trì được phát triển kinh tế, bảo đảm các yếu tố hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lĩnh vực dịch vụ giảm 0,79% do hầu hết các hoạt động du lịch trên địa bàn đều bị ngừng, đóng cửa trong thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Lượng khách du lịch đến Huể giảm sâu, cả năm 2020 chỉ đạt 1,8 - 2 triệu lượt, chiếm 39,2% kế hoạch, giảm 60%. Trong đó khách quốc tế giảm mạnh, chỉ đạt 25% kế hoạch, giảm 70%; khách lưu trú ước đạt 1 - 1,2 triệu lượt, bằng 50% kế hoạch và giảm 45%.
Doanh thu du lịch ước đạt 3.800 – 4.000 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch và giảm 64%, trong đó doanh thu các cơ sở lưu trú khoảng 800 tỷ đồng, chiếm 20%. Thiệt hại về doanh thu du lịch ước khoảng 8.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng của tỉnh tăng 6,2%. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số sản phẩm chủ lực như sợi, may mặc giảm, không đạt kế hoạch, nhưng một số sản phẩm duy trì mức sản xuất khá, vượt kế hoạch, như bia và sản phẩm mới là khẩu trang y tế.
Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của các trận mưa lớn, bão, lụt liên tiếp vào cuối năm, dẫn đến thiệt hại về thuỷ sản, chăn nuôi, hoa màu...
Về tài chính ngân sách, tỉnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý thu, chi ngân sách phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 8.455 tỷ đồng, vượt 11,2% so với dự toán, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 7.992 tỷ đồng (chiếm 94,59% tổng thu ngân sách), tăng 12,8% so với dự toán, tăng 1,3% so cùng kỳ. Nguồn tăng thu ngân sách chủ yếu là nguồn từ năm 2019 chuyển sang và tiền sử dụng đất tăng 34%. Chi ngân sách năm 2020 ước đạt 11.428 tỷ đồng, bằng 95,5% dự toán.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai nhưng tình hình phát triển doanh nghiệp ở tỉnh có tín hiệu khả quan. Tính đến ngày 27/11/2020, có 640 doanh nghiệp và 279 đơn vị trực thuộc thành lập mới với tổng vốn đăng ký 10.300 tỷ đồng. Có 234 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 6,8%, lũy kế doanh nghiệp đang hoạt động đạt 6.345 doanh nghiệp.
Về thu hút đầu tư, tính đến 31/10/2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hút 25 dự án đầu tư mới và 8 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn đăng ký và tăng thêm 10.830 tỷ đồng, vượt kế hoạch. Trong đó có 5 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 18,4 triệu USD, chiếm 5,5%. Lũy kế đến nay trên địa bàn có 577 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 177.000 tỷ đồng, trong đó 468 dự án trong nước với số vốn 92.000 tỷ đồng chiếm 52%. Tỉnh đã thu hồi 7 dự án chậm tiến độ, không có khả năng thực hiện theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, những kết quả đạt được của tỉnh trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của các phóng viên, cơ quan báo chí. Đặc biệt, trong những lúc tỉnh nhà gặp khó khăn như phòng chống dịch Covid-19 và cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, báo chí đã luôn đồng hành và chung sức cùng tỉnh, kịp thời thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh cũng như các đơn vị có những đổi mới trong công tác cung cấp thông tin cho báo chí trên tinh thần rất cởi mở và công khai, minh bạch nhằm tạo hiệu ứng tích cực đối với các cơ quan báo chí. Ông Thọ mong muốn trong thời gian tới báo chí tiếp tục đồng hành với tỉnh, là kênh thông tin quan trọng, đa chiều để giúp tỉnh kịp thời khắc phục những hạn chế và phát huy hơn nữa những mặt tích cực. (etime.danviet.vn 06/01)
6. Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Hue-S
Theo kế hoạch của UBND tỉnh về thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Hue-S, năm 2021 phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức thanh toán không dùng tiền mặt ở các dịch vụ phổ biến.
Theo đó, việc tích hợp các dịch vụ không dùng tiền mặt trên Hue-S trên cơ sở tích hợp liên thông với các hệ thống ứng dụng ngân hàng, tổ chức tài chính tạo sự thống nhất, thuận lợi cho việc hình thành thói quen của người dân trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, phấn đấu đạt 100% cán bộ, công chức, viên chức triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Hue-S trong các dịch vụ phổ biến như: thanh toán tiền điện, nước, dịch vụ viễn thông, đóng nộp các quỹ của đơn vị;
100% cơ sở giáo dục triển khai thu nộp học phí, các khoản thu, nộp hợp pháp khác trên nền tảng Hue-S; 100% đơn vị khám, chữa bệnh tuyến tỉnh chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và khuyến khích các đơn vị còn lại;
100% Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận Một cửa hiện đại cấp xã đảm bảo điều kiện hạ tầng phục vụ thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công không dùng tiền mặt; 100% các điểm tham quan, di tích tại tỉnh triển khai hệ thống vé điện tử; 100% dịch vụ taxi, xe bus triển khai hệ thống thanh toán vé, phí qua hình thức QR hoặc quẹt thẻ điện tử;...
UBND tỉnh phối hợp với các tổ chức ngân hàng, tài chính, các doanh nghiệp ví điện tử tích hợp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên Hue-S. Hình thành công cụ thanh toán trung gian có khả năng liên kết với các dịch vụ trực tuyến của các tổ chức ngân hàng và liên kết tài khoản đảm bảo thuận tiện trong việc sử dụng.
Kế hoạch này nhằm xây dựng và hình thành thói quen, văn hóa trong giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, với mục tiêu thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số hướng đến xã hội số của tỉnh. (baothuathienhue.vn 05/01)