TIN NÓNG
1. Hai công trình chiếu sáng tiền tỷ xây trên đường cụt 'bỏ hoang' ở Huế
Đường Võ Nguyên Giáp nối dài thuộc phường An Đông, TP Huế, sau nhiều năm đầu tư vẫn chưa có ngõ thông đồng mức. Kỳ lạ hơn, nơi đây liên tiếp được đầu tư 2 hệ thống điện chiếu sáng trị giá tiền tỷ trên đoạn đường tắc cụt hoang hóa giữa đồng không mông quạnh.
Tuyến đường Võ Nguyên Giáp (đoạn nối dài) thuộc khu đô thị mới An Vân Dương qua 2 phường An Đông, Xuân Phú (TP Huế) được đầu tư xây dựng bổ sung từ hơn 5 năm trước. Con đường chạy giữa cánh đồng, xây dựng trên mặt bằng từng là đất nông nghiệp, điểm cuối bị tắc cụt, không có lối thông mức với tuyến đường chính khác, do vướng nhà cửa chưa giải tỏa thuộc Tổ 11 - phường Xuân Phú.
Các năm trước, một đoạn dài của tuyến đường dường như trong tình trạng bỏ hoang đã trở thành nơi đổ “chui” rác thải xây dựng với số lượng rất lớn. Sau khi báo chí phản ánh, nạn đổ trộm rác thải nơi đây đã phần nào được chấn chỉnh.
Thời gian gần đây, người dân sống gần đường Võ Nguyên Giáp nối dài không khỏi băn khoăn khi trên tuyến giao thông này cùng lúc có đến 2 hệ thống chiếu sáng. Trong khi, con đường vẫn chưa thông và hầu như không có người qua lại ở đoạn cuối dài chừng 400 mét.
Hơn 5 năm trước, sau khi hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đường Võ Nguyên Giáp nối dài, chủ đầu tư cho xây dựng thêm hệ thống điện chiếu sáng công cộng chạy dọc theo con phố mới. Do là đường đôi nên hệ thống điện chiếu sáng được lắp đặt trên cả hai đường nhánh chạy song song.
Tại đoạn dẫn vào Tổ 11 - phường Xuân Phú ít người qua lại, hệ thống chiếu sáng thuộc tuyến đường này dường như hoạt động “cho có”, đèn bật - tắt thiếu đồng bộ. Phần cần thép bên trên mỗi trụ đèn vẫn còn một nhánh chiếu ở "chế độ chờ", chưa được lắp đặt hoàn thiện phần bóng đèn còn lại.
Mặc dù hệ thống chiếu sáng đầu tư và vận hành chỉ vài năm, trong tình trạng chưa hoàn thiện là vậy, nhưng mới đây trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp nối dài bất ngờ “mọc” thêm một công trình chiếu sáng mới được đầu tư độc lập.
Một đại diện Ban Quản lý khu vực Phát triển Đô thị mới (KVPTĐTM) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, công trình điện chiếu sáng cũ do Ban này đầu tư mấy năm trước, hiện vẫn hoạt động ổn định. Còn hệ thống điệu chiếu sáng mới do một đơn vị khác làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của PV, hệ thống điện chiếu sáng mới, đầu tư trùng lắp trên đường Võ Nguyên Giáp nối dài thuộc Dự án hạ tầng kỹ thuật “Chương trình phát triển các đô thị loại II” (Dự án Green City) do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng.
Lý do không dùng công trình cũ, phải đầu tư điện chiếu sáng mới là vì mở rộng đường Võ Nguyên Giáp. Trong khi, hệ thống chiếu sáng cũ vẫn hoạt động ổn định, đưa vào sử dụng chưa lâu.
Giải thích về việc đường Võ Nguyên Giáp nối dài đã có công trình điện chiếu sáng đầu tư tiền tỷ từ mấy năm trước, vẫn vận hành ổn định, thậm chí còn chưa hoàn chỉnh, nhưng nay lại “mọc” thêm một hệ thống điện chiếu sáng mới chồng tuyến, gây nguy cơ lãng phí lớn về ngân sách, đại diện Ban quản lý Dự án Green City cho biết, do tuyến đường Võ Nguyên Giáp nằm trong dự án mở rộng, nên một số công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời, trong đó có hạng mục điện chiếu sáng.
Hệ thống chiếu sáng mới trên đường Võ Nguyên Giáp sở dĩ được đầu tư là nhằm để thay thế và tạo sự đồng bộ về kết cấu, thẩm mỹ với các công trình chiếu sáng tương tự ở tuyến khác thuộc phạm vi dự án.
Đại diện Dự án Green City còn cho hay, hệ thống điện chiếu sáng cũ trên đường Võ Nguyên Giáp nối dài sắp tới sẽ bị tháo dỡ, bàn giao về Ban Quản lý KVPTĐTM tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận. Còn việc tận dụng hàng trăm trụ đèn, bóng chiếu sáng như thế nào, tái sử dụng vào công trình gì, khi nào thì không ai rõ. Riêng phần dây dẫn ngầm, móng trụ công trình cũ phải thanh thải, dỡ bỏ. Đây là một sự lãng phí.
Được biết, do hạn chế về nguồn lực đầu tư, nên tại Thừa Thiên Huế hiện còn không ít vùng dân cư gặp khó khăn về điện chiếu sáng. Trên hệ thống quản lý, điều hành đô thị thông minh Hue-S từng có những phản ánh, thắc mắc của người dân về nhu cầu, cũng như chất lượng điện chiếu sáng.
Trong khi, trên đường Võ Nguyên Giáp nối dài - tuyến giao thông ít người qua lại và chưa thông lối ở Huế - có đến 2 hệ thống chiếu sáng liên tục được đầu tư chồng lên nhau.
Cuối đường Võ Nguyên Giáp nối dài là ngõ cụt, làng xóm bên trong chưa thể di dời vì chính quyền chưa bố trí được kinh phí và mặt bằng tái định cư. Trong khi, ngân sách tỉnh vẫn có nguồn để bố trí đầu tư thêm hệ thống điện chiếu sáng trùng lắp lên tuyến chiếu sáng cũ.
Gần đó, thêm một nghịch lý tồn tại, khi có nhiều hộ gia đình thuộc Tổ 11 - phường Xuân Phú vẫn nằm trong diện giải tỏa “treo” cả chục năm nay, với lý do chính quyền chưa bố trí được nguồn ngân sách và quỹ đất để di dời, tạo mặt bằng “sạch” xây dựng đoạn cuối cùng của đường Võ Nguyên Giáp dẫn ra sông Như Ý và ăn thông qua thị xã Hương Thủy. (tienphong.vn 31/12)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
1. Lặng thầm trên những nẻo đường
Dấu chân bền bỉ lặng thầm của lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vẫn hằn trên các nẻo gian nan, hiểm nguy để bản làng được bình yên...
Đi về phía cam go
Ngày 13/10/2020, Thừa Thiên Huế lũ lụt nặng. Đường vào nhà Thiếu tá Nguyễn Thu Hiền, công tác tại phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng nước ngập đến nửa người. Trong nhà, nước ngang đầu gối. Đúng lúc đó, Thiếu tá Nguyễn Thu Hiền nhận chỉ đạo từ cấp trên và lệnh khẩn của Cục trưởng Cục ma túy BĐBP Việt Nam, lên đường theo đoàn chuyên án do Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung xác lập, nhằm triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, do 2 đối tượng nữ sống ở TP. Đà Nẵng điều hành. Các nữ đối tượng này lấy “hàng” số lượng lớn ở tỉnh Nghệ An, đang trên đường di chuyển vào Đà Nẵng.
Chồng của Thiếu tá Nguyễn Thu Hiền đang “ra trận” trên mặt trận phòng chống thiên tai. Thương con nhỏ sẽ phải một mình “sơ tán”, nhưng nhiệm vụ phải được đặt lên hàng đầu. Chị Hiền thuê ghe đưa con sang bên nội, rồi lập tức lấy quân tư trang, đội mưa gió, lội bộ đến Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, để từ đây cùng đoàn chuyên án truy vết, bắt giữ các đối tượng.
Là người lính biên phòng, đặc biệt là lực lượng phòng chống ma túy, tội phạm, nẻo đường nào cũng là đi về phía cam go, hiểm nguy, có những hi sinh không đo đếm.
Thiếu tá Nguyễn Thu Hiền, Thiếu tá Hồ Sỹ Bình, Đại úy Nguyễn Duy Phương (lúc đó là Phó Đội trưởng, nay là Đội trưởng Đội đặc nhiệm, Phòng PCMT&TP) đã từng cùng các đồng đội trắng đêm nằm phục trên đồi (xã biên giới Hồng Vân, huyện A Lưới) trong sương núi giá buốt. Bên ngoài ngôi nhà lúc ấy được bao bọc bằng hàng rào thép gai, gắn điện. Các cán bộ, chiến sĩ phục bắt nữ đối tượng cực kỳ nguy hiểm từng có tiền án, tiền sự về các tội trộm cắp, chứa mại dâm, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.
“9 giờ sáng, khi ập vào nhà bắt quả tang, các đối tượng đang mua bán ma túy chống trả quyết liệt bằng gậy sắt, đùi sắt nhọn, buộc chúng tôi phải nổ súng chỉ thiên”. Nhớ lại thời khắc căng thẳng đối mặt với tội phạm liều lĩnh, nhưng gương mặt những người lính Phòng PCMT&TP lại ánh lên niềm hạnh phúc. Bởi những vất vả, hi sinh lặng thầm của họ là để những bản làng được yên bình.
Các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm nguy hiểm như mua bán trái phép chất ma túy, mua bán người, tiền giả, xuất nhập cảnh trái phép…thường lợi dụng đêm hôm khuya khoắt hoặc thiên tai bão lũ để hoạt động.
Lực lượng biên phòng Phòng PCMT&TP khi có lệnh là lên đường thực hiện nhiệm vụ, bất chấp thời gian, không gian. Phía sau họ là những người vợ, người mẹ lo lắng đến thắt ruột mỗi lúc chồng, con khoác lên người áo chống đạn, thầm lặng trên những nẻo gian nan, nguy hiểm, đối mặt với tội phạm liều lĩnh bởi “không còn gì để mất”. Nhưng để giữ gìn an ninh trật tự các khu vực biên giới, giữ bình yên cuộc sống Nhân dân, các anh vẫn bền bỉ tiến về phía trước bằng tất cả can trường.
Giữ bình yên
Tin báo có 2 tàu hoạt động giã cào trái phép đang thả lưới kéo, đi theo hướng Điền Lộc - Phong Hải (huyện Phong Điền) cách bờ biển gần 1 hải lý. Nhận lệnh từ chỉ huy, Thượng úy Hà Anh Tuấn (lúc đó là Đội trưởng Đội PCMT&TP Đồn Biên phòng Phong Hải, đóng tại huyện Phong Điền) cùng đồng đội lập tức liên hệ với ngư dân địa phương. 8 cán bộ, chiến sĩ cùng 3 ngư dân đi trên 2 ghe xuất phát ra biển.
Công suất 20 CV, hai chiếc ghe của ngư dân thật “mong manh” trước những chiếc tàu giã cào 400 CV. Thế nhưng, với “vũ khí” là trách nhiệm và lòng quả cảm, những người lính vẫn kiên cường hướng về phía trước. “Khi tiếp cận tàu giã cào tầm 20 mét, chúng tôi dùng loa tuyên truyền, yêu cầu chủ phương tiện dừng hành vi vi phạm. Tuy nhiên họ không chấp hành, tăng ga bỏ chạy. Chúng tôi xin ý kiến chỉ huy, nổ súng chỉ thiên cảnh cáo”- Thượng úy Hà Anh Tuấn nhớ lại.
Khi chủ phương tiện vi phạm đánh lái chạy ra biển hòng tẩu thoát, mạn tàu thấp xuống, chiếc ghe “bé nhỏ” lao đến, Thượng úy Tuấn là người đầu tiên nhảy lên tàu giã cào. Những người vi phạm chống đối quyết liệt, giằng co, cản trở. Các đồng đội của anh đã lần lượt tiếp cận, lên tàu, hỗ trợ khống chế người vi phạm, dừng phương tiện. Gần 10 giờ đồng hồ trên biển, đến nửa đêm, với sự hỗ trợ của lực lượng Hải đội 2, các anh lai dắt được 2 tàu vi phạm về phao số 0 Cảng Thuận An (Phú Vang). Người vi phạm được đưa về Hải đội 2 để lực lượng Phòng PCMT&TP thực hiện các thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật.
“Nhiều ngư dân đi cả một mùa biển mới sắm được tay lưới, nhưng tàu giã cào “càn” qua là coi như tan nát. Hoạt động giã cào trái phép còn làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, dẫn đến có thể mất đi một ngành đánh cá gần bờ, ảnh hưởng mưu sinh của ngư dân”- Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng PCMT&TP bộc bạch.
Vì trách nhiệm với Nhân dân, trong chuyến 7 ngày lênh đênh cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển, khi tiếp cận, lên tàu của những đối tượng buôn lậu để thực hiện nhiệm vụ, Đại tá Nguyễn Văn Dũng (lúc đó là Thượng tá, Phó Trưởng phòng PCMT&TP) bị thương, có thời khắc rơi vào lằn ranh sinh tử. Tàu quay về đưa Thượng tá Dũng đến bệnh viện cấp cứu, chữa trị. Thế nhưng trên đường về, gặp tàu giã cào hoạt động trái phép, cán bộ, chiến sĩ xin ý kiến, Thượng tá Dũng không do dự, quyết định “lùi lại” việc bản thân được tiếp cận y tế trong thời gian sớm nhất để triển khai bắt tàu giã cào, bảo vệ lợi ích của ngư dân, của cộng đồng, xã hội. (baothuathienhue.vn 01/01)
2. 10 sự kiện nổi bật của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, song, chính quyền và người dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã chung sức gặt hái được những thành tựu trên nhiều lĩnh vực (Video baothuathienhue.vn 31/12)
3. Kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ có đức, có tài
Năm 2021, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đặc biệt quan tâm đến 2 sự kiện lớn, đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Lựa chọn lãnh đạo có đức, có tài
Theo kế hoạch, đầu năm 2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức. Tiếp đến, ngày 23/5 là bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Trong câu chuyện của những cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lão thành cách mạng ai cũng bày tỏ niềm tin tưởng, sự kỳ vọng lớn lao vào sự phát triển không ngừng của quê hương, đất nước.
“Chúng tôi rất kỳ vọng vào một nhiệm kỳ mới với đội ngũ cán bộ thật sự có đức, có tài. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Đại hội sẽ lựa chọn những người xứng đáng vào bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng. Hội nghị Trung ương lần thứ XII mới đây cũng đã bàn sâu về việc bầu cử Quốc hội khóa tới. Việc này nhằm gắn kết chặt chẽ giữa công tác nhân sự của Đảng với công tác nhân sự của Nhà nước”, ông Võ Nguyên Quảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa IX (1992-1997) bày tỏ.
Chuẩn bị cho công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kiên quyết không để lọt vào Trung ương khóa tới những người có 1 trong 7 biểu hiện khuyết điểm đã quy định như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, có biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, phe cánh…Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ 2020- 2025, bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước sẽ có được một đội ngũ lãnh đạo thật sự có đức, có tài”.
Những chỉ đạo quyết liệt và tâm huyết của người đứng đầu Đảng và Nhà nước khiến cán bộ, đảng viên và Nhân dân càng vững tin vào sự phát triển không ngừng của đất nước. “Cán bộ và Nhân dân trong toàn tỉnh luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Vì vậy, ai cũng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đó cũng là cách để mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Mong rằng, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục có những chủ trương, quyết sách hơn nữa để xây dựng đất nước Việt Nam nói chung, quê hương Thừa Thiên Huế nói riêng ngày càng phát triển”, ông Nguyễn Vĩnh Sinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh chia sẻ.
Không ít ý kiến của cán bộ, đảng viên trong tỉnh cho rằng, bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp vừa qua là bản thông điệp mạnh mẽ gửi đến toàn Ðảng, toàn dân. “Trước thềm Ðại hội XIII của Ðảng, một lần nữa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến vấn đề đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Như vậy, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cấp bách của vấn đề có tính cơ bản, then chốt này trong mọi giai đoạn cách mạng”, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn trao đổi.
Tận tâm
Người dân luôn mong muốn những ứng viên được Nhân dân tín nhiệm bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp sẽ đem hết khả năng và tâm huyết để phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân. Trên cương vị là người đại diện của Nhân dân, mỗi đại biểu phải thể hiện được trách nhiệm của mình đối với người dân, quan tâm đến người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội. “Cử tri trong tỉnh sẽ sáng suốt lựa chọn ra một đội ngũ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Mong rằng, những đại biểu dân cử luôn cố gắng hết mình để nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thượng (Phú Vang) mong muốn.
Năm 2021 cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn nhấn mạnh: “Ngoài tập trung các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tổ chức, sắp xếp, kiện toàn lại đội ngũ cán bộ các cấp; xây dựng lực lượng nòng cốt tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Muốn vậy, phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức gần dân, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, với một quyết tâm chính trị cao để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đưa quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển”. (baothuathienhue.vn 01/01)
4. Xây dựng Huế năng động luôn luôn mới
Trên cơ sở lộ trình đã vạch ra, những thành tựu đạt được sẽ là động lực để chính quyền và người dân chung tay xây dựng, sớm đưaThừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) (Video baothuathienhue.vn 01/01)
VĂN HÓA
1. Bản tin Văn hóa - Du lịch ngày 31/12
Các bạn muốn thưởng thức một bầu không khí đầy sôi động để chia tay năm cũ 2020 và chào đón năm mới 2021 thì chương trình âm nhạc Huế - Countdown 2021 diễn ra từ 21h tối nay tại khu vực Ngã 6, đường Hùng Vương. (Video baothuathienhue.vn 31/12)
2. Người dân miền Trung xem bắn pháo hoa và Countdown ở đâu?
Để chào đón năm mới 2021, các tỉnh thành phố miền Trung sẽ tổ chức bắn pháo hoa và chương trình Countdown vào đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Ngày 31/12, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa ký quyết định tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhằm tạo không khí vui tươi chào đón Tết cổ truyền của dân tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân và tạo ấn tượng tốt đẹp, tạo sức lan tỏa và quảng bá hình ảnh TP Đà Nẵng tươi đẹp và phát triển với nhân dân và du khách.
Theo đó, pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ được bắn theo phương pháp trình diễn nghệ thuật với hệ thống bắn pháo hoa FireOne, sử dụng các loại pháo hoa tầm cao, tầm thấp pháo hiệu ứng đặc biệt.
Thời gian bắn pháo hoa sẽ diễn ra trong 15 phút vào lúc 0 giờ ngày 12//2/2021, tức 0 giờ ngày Mùng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu, tại 3 nơi gồm: Trên cầu Nguyễn Văn Trỗi (giáp ranh giữa các quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn); Khu phức hợp thương mại cao tầng Phương Trang (đối diện về phía Đông Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu); Khu Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang.
Được biết, kinh phí để thực hiện việc bắn pháo hoa được xã hội hóa và do Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời (SunGroup) tài trợ.
Tại Thừa Thiên Huế, chương trình Huế Countdown 2021 - với thông điệp “Thắp sáng tự hào” bắt đầu từ 21h ngày 31/12/2020 và kết thúc lúc 0h30 ngày 1/1/2021 tại khu vực Ngã 6 đường Hà Nội - Đống Đa - Hùng Vương - Lê Quý Đôn - Bến Nghé.
Trong khi đó ở Quảng Bình, chương trình chào đón Tết Dương lịch 2021 gồm: Màn countdown chào đón năm mới 2021 ngày 31/12/2020 tại thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch). Biểu diễn nghệ thuật truyền thống (rối nước, các loại hình nghệ thuật dân gian) xen kẽ văn nghệ đường phố, liên hoan nhóm nhảy phục vụ khách du lịch từ ngày 30 và 31/12/2020 tại Phong Nha. (giadinhvietnam.com 31/12)
3. “Làng giáo viên” Phước Tích
Làng cổ Phước Tích nằm ẩn mình bên dòng Ô Lâu thơ mộng, thuộc xã Phong Hòa (Phong Điền) không chỉ nổi tiếng với nghề làm gốm mà còn được mệnh danh là “Làng giáo viên”, bởi hầu hết các hộ dân ở đây đều có người làm nghề giáo.
Làng Phước Tích chỉ có 117 hộ, 452 nhân khẩu, diện tích 1,2 km2 nhưng có đến 300-400 người làm nghề dạy học và đang công tác ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, có 22 giáo viên nghỉ hưu đang sinh sống tại địa phương, khoảng 40 giáo viên đang giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn xã Phong Hòa. Đa phần các hộ dân ở đây đều có con em là giáo viên hoặc sinh viên đang theo học các Trường đại học Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm ở Huế, TP. Hồ Chí Minh, TP. Vinh (Nghệ An)… Nhiều gia đình ở làng Phước Tích có 4-6 người làm nghề giáo. Điển hình, như gia đình thầy Nguyễn Duy Hòa có 4 người làm nghề giáo, gia đình thầy Lê Trọng Đào có 6 người là giáo viên; gia đình ông Lê Trọng Diễn (71 tuổi) có 3 thế hệ làm nghề giáo...
Trong số đội ngũ giáo viên của làng đang công tác ở nhiều tỉnh thành, có nhiều người đã và đang có sự đóng góp nhất định cho sự nghiệp giáo dục của quê hương, đất nước. Điển hình, NGND.PGS.TS.Trương Thế Kỷ-nguyên giảng viên Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS.Trương Việt Anh-giảng viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh; GS.TS.Trương Thế Chữ - nguyên giảng viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội; PGS.TS.Lê Trọng Khoan-giảng viên Trường đại học Y Dược Huế...
Điều đặc biệt ở làng Phước Tích là có miếu Văn Thánh thờ ngài Khổng Tử tọa lạc ở vị trí trung tâm của làng. Miếu Văn Thánh có ý nghĩa để tôn sùng, cổ súy sự học với mong muốn được duy trì dài lâu cho con cháu trong làng. Làng giao nhiệm vụ cho hội nhà giáo chăm lo hương khói phụng thờ. Thầy giáo Lê Trọng Nam-một vị cao niên của làng cho biết: “Hàng năm, cứ đến ngày 20/11, làng tổ chức dâng hương tưởng nhớ các vị hiền tài của đất nước ở Văn Thánh, đồng thời tổ chức tuyên dương khen thưởng các học sinh ưu tú, cấp phát học bổng cho những học sinh nghèo hiếu học của làng, tổ chức tọa đàm về nghề giáo”.
Ngôi nhà rường hơn 100 tuổi của thầy giáo già Lê Trọng Đào là địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ học trò, nơi gặp gỡ của các đồng nghiệp, là điểm đến tham quan của du khách gần xa. Hễ đến ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc thì ngôi nhà của thầy Đào lại nườm nượp khách vào ra, mà đa phần là các thế hệ thầy cô giáo và sinh viên sư phạm, họ đến đây để “ôn cố, tri tân”, để hàn huyên tâm sự về nghề dạy học. Thầy Đào tâm sự: “Chọn nghề là vốn tự thân, chứ không thể gượng ép. Thuở xưa tôi thích nghề dạy học. Nay mấy đứa con tôi cũng vậy, đều chọn ngành sư phạm. Nghề dạy học tuy không sang giàu nhưng đa phần dân làng quê tôi đều trân quý, quyết tâm theo đuổi đến cùng”. Vì vậy, cả những thời điểm khó khăn nhất của đất nước, cách đây vài chục năm kinh tế eo hẹp, do không sống nổi với nghề nên có nhiều giáo viên ở nhiều nơi bỏ dạy đi làm việc khác, nhưng đội ngũ giáo viên ở làng Phước Tích ngày ấy vẫn bám trụ với nghề.
Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến mỗi ngôi nhà ở Phước Tích là lòng mến khách, sự nói năng nho nhã, nhẹ nhàng của chủ nhân, rồi hình ảnh gây sự chú ý đầu tiên là những chiếc bàn cũ kỹ, những cái giá oằn mình vì những cuốn sách dày cộm. Quan sát thấy có cuốn đã cũ, nhuộm màu thời gian, có quyển đã hỏng bìa nhưng vẫn được chủ nhân nâng niu, cất giữ cẩn thận như là… báu vật. Điều đó thể hiện rất rõ ý thức, thái độ sống của dân làng nơi đây là đặc biệt coi trọng sự học, coi trọng con chữ. (baothuathienhue.vn 31/12)
4. Người trẻ Huế đón năm mới
Một năm nữa đã sắp qua. Mọi người nửa thở dài về một năm “mất mùa”, nửa ngóng trông về năm mới nhiều hy vọng. Những ngày cuối năm, mấy lứa trẻ lắm khi chỉ thích một vài ngày nghỉ dưỡng, sau nhiều bấp bênh của 2020 đầy biến động.
Chớp mắt một cái, cây thông Noel trước trung tâm thương mại đã được dựng lên, sừng sững nhìn mọi người xúng xính váy hoa, hướng mình lên màn mưa mùa đông xứ Huế để ghi lại những khoảnh khắc của hai kỳ lễ cận cuối, lòng đầy xốn xang. Lẫn trong nhiều đoạn trò chuyện, nhận xét về các góc ảnh, mấy bạn trẻ Huế hôm đó hào hứng với người bên cạnh: “Rứa mà sắp hết năm rồi đó. Ở chỗ ni, vài bữa nữa hết Noel, tụi mình lại tới đếm Countdown năm mới, cho xong cái năm ni dùm cái”. Tôi đứng bên cạnh đợi xe, chỉ nhìn dòng người lần lượt tạo dáng nhưng cũng thấy lòng mình khấp khởi để “hết cái năm ni dùm cái”.
Năm ngoái, cũng ở ngã 6 này, ít gì cũng phải ba, bốn chục cặp đôi, cùng hàng trăm nhóm bạn đổ xô đến để đợi cùng nhau bước qua thời khắc của năm mới. Nhớ cũng độ này, tôi và đám bạn cũng đang quẩy tưng bừng trước sân khấu “đại to”, hào hứng chờ đợi idol, lắc lư theo nhạc rồi countdown từng giây để hú hét khi từng tràng pháo hoa bung thẳng lên trời. Năm nay, không biết những đợt pháo nhiều màu ấy có đem bớt những trắc trở của năm 2020 đi mất không nhỉ?
Tôi không rõ, mấy bạn đứng cạnh mà mình không quen biết cũng chẳng chắc chắn gì nhưng chắc hẳn ai cũng lòng đầy mong đợi. Chí ít, chúng tôi vẫn còn rất nhiều hy vọng về các đợt quẩy mới tại sân khấu Countdown lớn của năm nay tại khu vực ngã 6. Những thông tin này từ sớm đã được các “hội bàn tròn” trong nhiều group chat kháo nhau và thảo luận năng nổ dữ lắm. Tôi biết, bởi chính điện thoại của mình cũng rung lên từng hồi bởi những comment cập nhật lịch trình, tranh luận về điểm hẹn này, điểm đến khác. Nghĩ đến đây, bất chợt thấy cái tuổi trẻ này kỳ cục thật. Chưa già mà hay suy tính và chọn lựa. Mới lúc đầu còn tính lên Sky Bar ở tầng 34 của Vinpearl để ngắm cho trọn cảnh, thế mà độ chừng 10 phút sau đã quay ngoắt đi, nằng nặc đòi xuống các cung đường lớn trước bùng binh để hòa vào dòng người mà hò hét. Tôi cũng trẻ, cũng đã từng chắc chắn rồi “nhiều lần bẻ lái” nên hiểu tâm lý này rõ nhất, đặc biệt khi biết rõ tết này, sẽ có nhiều điểm chuẩn bị sẵn sàng đợi tụi trẻ đến “ghẹo lựa, ghẹo lựa”.
Là giới trẻ, vào những ngày này mà ra đường sau 9-10h đêm đã là quá muộn. Chính vì vậy nên từ chập tối, mấy cô cậu đã xúng xính váy hoa, tóc tai vuốt keo, chải mượt gọn gàng để hít hà những đợt gió đang tràn vào người và cùng “zô zô" với bạn bè ở các nhà hàng, quán xá.
Huế, dịp lễ “bự” này, nhộn nhịp trước hết chắc phải là các khu phố tây, phố đi bộ, khu nhà hàng Kiểm Huệ, Tố Hữu nối dài với đầy đủ hàng quán phục vụ các bạn trẻ những bữa no nê trước giờ sang năm mới. Năm ngoái, và nhiều năm về trước nữa chắc có thể sẽ đông đảo hơn với nhiều bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Nhưng năm nay cấn dịch, thế là lại một mình người Huế tự do oanh tạc.
Mấy chủ quán tinh tường dữ lắm. Những món hời này đâu dễ bỏ qua được nên từ sớm đã update đầy đủ các chương trình khuyến mãi tặng phần ăn, thức uống, quay mini game trúng thưởng, hay xập xình ca nhạc để hút dòng khách trẻ.
Đảo quanh mấy cô, cậu trong list bạn bè, các điểm hẹn như DMZ Bar – Restaurant Huế, Lan Quế Phường, Tà Vẹt, Xà Bần... là những cái tên được điểm mặt nhiều nhất. Bởi ở đây ngay từ nhiều năm trước đã rộn ràng các hoạt động âm nhạc, đếm ngược do các chủ quán tổ chức. Trong quán cà phê của những ngày cuối, cô bạn đang chăm chú nhìn điện thoại nghe đến DMZ Bar là ngước lên liền, bảo “thế nào sáng 31/12, Facebook cũng báo kỷ niệm tao hét Happy New Year cùng người thương hồi tết năm ngoái chứ không trật đi đâu được”. Mấy đứa cùng bàn ừ một tiếng rõ to, để biết rõ các hàng quán lâu nay vốn đã nhộn nhịp, nay lại còn được dịp rộn ràng hơn nhiều nữa.
Mà đó là những cô, cậu ham vui say, chứ với nhiều bạn rặt Huế, thích trầm tư, im lặng, nhẹ nhàng thì nhiều quán cà phê ở Huế có hát nhạc acoustic có thể đã nằm sẵn trong “check-list”. Như Nguyễn Quang Long, chủ quán The Time Coffee & Bakery cũng cho biết, có thể sẽ có hoạt động hát nhạc sống đến gần đêm, chỉ đợi thời tiết thuận lợi là chốt chương trình đón năm mới, rồi triển.
Với những người chỉ muốn bên cạnh bạn bè và người thương, thì với các chương trình giảm giá phòng từ 30% - 50% của các khách sạn, resort, homestay như Azerai La Residence, Laguna Lăng Cô, AlbaWellness Valley by Fusion... nhiều nhóm bạn đã book sẵn đêm cuối năm cùng nhau. Người sẽ ngồi bên lò lửa nướng thịt, bạn sẽ khui mở chai champagne để cùng nhau thủ thỉ quanh bếp lò nóng hổi. Thế là hòa trong câu hát “Happy New Year, Happy New Year, May we all have our hopes will to try, If we don’t might as well lay down and die... You and I” sẽ là những câu hy vọng: “Tụi mình năm tới chắc chắn rồi sẽ khá hơn”... (baothuathienhue.vn 01/01)
5. Bạn trẻ chào năm mới 2021
Tối 31/12, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức chương trình Dạ hội Thanh niên Chào năm mới 2021, thu hút đông đảo giới trẻ tham gia.
Chương trình diễn ra với chuỗi các hoạt động sôi nổi, trong đó điểm nhấn là chương trình nghệ thuật đặc sắc chào năm mới với các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng phong phú, nhiều sắc màu theo chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Ngoài ra, con có hội chợ sale 4 share; thời trang áo dài, liên hoan “Vũ điệu tuổi trẻ”, giao lưu âm nhạc điện tử DJ, biểu diễn võ thuật,...
Dịp này, Tỉnh Đoàn đã tuyên dương khen thưởng 6 công trình thanh niên tiêu biểu năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh cho các đơn vị Đoàn Bệnh viện Trung ương Huế, Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Đoàn Đại học Huế, Huyện đoàn Phú Lộc, Huyện đoàn A Lưới và Đoàn Công an tỉnh. Đồng thời, phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021) với chủ đề “Tự hào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”.
Dạ hội kết thúc với hàng trăm đoàn viên thanh niên cùng hòa giọng đếm ngược chào năm mới 2021 trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ 2020 và năm mới 2021. (baothuathienhue.vn 01/01)
6. Cầu siêu cho 35 chiến sĩ gặp nạn ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế
Sáng 31-12, tại tu viện Khánh An (quận 12, TP.HCM) đã diễn ra lễ cầu siêu cho 22 chiến sĩ ở Quảng Trị và 13 chiến sĩ ở Thừa Thiên Huế bị vùi lấp trong lúc cứu dân gặp bão lũ vào tháng 10-2020.
Lễ cầu siêu do Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM và tu viện Khánh An phối hợp tổ chức trong không khí trang nghiêm.
Theo thượng tọa Thích Trí Chơn, trưởng Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, lễ cầu siêu nhằm cầu mong cho các hương linh gặp nạn trong vụ vùi lấp do sạt lở đất đá được sinh về cõi an lành.
Dịp này, Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM đã báo cáo tổng kết Phật sự năm 2020 và thông qua phương hướng hoạt động trong năm 2021.
Thượng tọa Thích Chí Giác Thông, phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, cho biết: "Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến các hoạt động Phật sự, thiện sự trong kế hoạch 2020 dường như bị ngưng trệ.
Tuy nhiên, nhờ sự tin tưởng và hỗ trợ hết lòng từ chư tôn đức tăng ni, phật tử, nhiều hoạt động được diễn ra an toàn và thành công trong thời gian kiểm soát được dịch bệnh.
Điển hình là các hoạt động như thi viết Nguyện làm con thảo nhân mùa Vu lan báo hiếu, lễ thắp nến cầu nguyện Hướng về nỗi đau miền Trung, các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ đồng bào miền Trung, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 6,6 tỉ đồng".
Trong năm 2021, Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức những sự kiện chào mừng các ngày lễ lớn của Phật giáo; thực hiện quyển sách Những ngôi chùa tại TP.HCM; tổ chức các chuyến từ thiện, giúp đỡ bà con tại các tỉnh vùng sâu vùng xa.
Sáng nay, ngày 31-12, Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM đã trao tặng 300 phần quà gồm nhu yếu phẩm, mì gói và gạo cho người dân khó khăn trên địa bàn quận 12, TP.HCM, giúp họ có một cái tết ấm no hơn. (tuoitre.vn 31/12)
7. Tôn vinh 7 tác giả đạt giải thưởng mỹ thuật xuất sắc
Sáng 31/12, Trường đại học (ĐH) Nghệ thuật, ĐH Huế tổ chức chương trình tôn vinh giải thưởng mỹ thuật xuất sắc năm 2020.
Năm 2020, mặc dù có những khó khăn do dịch COVID-19, nhưng sự nuôi dưỡng ý tưởng, sáng tạo cùng với công sức của các tác giả đã chứng minh qua những tác phẩm đạt giải, góp phần thành công trong công tác quản lý, giảng dạy đồng thời có tiếng vang lớn trong các Hiệp hội Mỹ thuật, Hội nghề nghiệp trung ương và địa phương, đem lại niềm vui và sức sáng tạo cho các thế hệ sinh viên noi theo.
Tại buổi lễ, Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế chúc mừng và tôn vinh 7 tác giả tiêu biểu, nổi bật đã có thành tích xuất sắc trong năm 2020, đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, triển lãm mỹ thuật, trong đó có ThS. hoạ sĩ Hoàng Minh Hiếu, giảng viên Khoa Sư phạm Mỹ thuật, đạt giải Nhất tại cuộc thi thiết kế lô gô biểu trưng Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) năm 2021 do Ủy ban Olympic Việt Nam và Bộ Văn hoá - Thể thao tổ chức...
Theo đại diện Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế, đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức chương trình tôn vinh giải thưởng mỹ thuật xuất sắc và hoạt động này sẽ được tổ chức thường niên. (baothuathienhue.vn 31/12)
8. Huế Countdown 2021 "Thắp sáng tự hào"
Huế Countdown 2021 "Thắp sáng tự hào" (Video baothuathienhue.vn 01/01)
GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
1. 3 bí quyết giúp ôn tập hiệu quả
Bước đầu tiên để có một phương pháp ôn tập hiệu quả, bạn cần phải xác định lại “Bạn là kiểu người học như thế nào?”. Ví dụ như bản thân người viết bài này, biết là mình thuộc tuýp người không mấy thông minh và phải lấy cần cù để bù lại.
Thế nên mình đi kham khảo, thử thực hành và lập ra cho chính bản thân 3 bí quyết dưới đây và thấy rất hiệu quả, có thể áp dụng cho bất kỳ trường hợp nào không chỉ việc ôn tập mà cả trong việc học thêm một điều gì mới, trong việc chạy chương trình,…
1. Lên kế hoạch
Khó khăn đầu tiên khi bạn bắt đầu ôn tập đó là phải ôn từ đâu và phân bổ thời gian để ôn cái gì trước. Có hai cách mình thường làm ở đây là phân nhỏ mọi thứ ra và cho mỗi cái một "deadline" riêng. Ví dụ: mình cần ôn thi cuối kỳ và tổng có 12 chương tất cả thì mình sẽ chia nhỏ ra ôn mỗi lần chương 1+2, chương 3+4,…chương 11+12; thêm một số nhiệm vụ như ôn tổng hợp, làm bài thi thử, ôn lại lần hai,… Từng việc này sẽ có một deadline riêng và khung giờ riêng. Việc lên kế hoạch và viết ra rất mất thời gian, nhưng nó giúp bạn kiểm soát tiến độ công việc, bạn biết ngày nào mình cần làm gì và không bị dồn việc lại cùng một lúc.
2. Sử dụng thời gian hiệu quả
Sau khi mình biết mình phải học gì, có bao nhiêu thời gian để làm việc đó thì mình lại gặp một khó khăn khác là “Không biết làm thế nào để sử dụng mốc thời gian đó cho hiệu quả nhất?”.
Một ví dụ rất thân thuộc với chúng ta về sử dụng thời gian không hiệu quả là mới học 5 phút thì lại cầm điện thoại lên lướt 15-20 phút và thậm chí cả tiếng. Tốt nhất nên đưa điện thoại cho ba mẹ giữ hộ. Còn bây giờ khi học đại học thì phương pháp của mình là sử dụng app trên điện thoại thông minh, khi bắt đầu học mình sẽ bật lên, chỉnh mốc thời gian học là 1 hoặc 2 tiếng và tập trung học.
Tính năng của app này là gì? Đó là giúp mình tạo động lực và bằng tính cảm biến của app thì chỉ cần mình cho màn hình điện thoại sáng lên là nó sẽ rung loạn lên để nhắc mình tập trung lại. Một số app mình đã từng thử và thấy dễ dùng: AppBlock, NoxOcean và Forest.
3. Học sao cho hiểu, cho nhớ bài
Mỗi chúng ta luôn có thói quen đọc, đọc và đọc toàn bộ sách giáo khoa cho đến khi nào nhớ thì thôi. Làm như vậy bạn chỉ nhận mặt được kiến thức, và nó chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn.
Cách để mình khắc phục việc này đó là viết các điều quan trọng ra giấy và sử dụng Flashcard. Viết ra giấy ở đây không phải là trong sách như thế nào thì mình viết lại như vậy, mà viết ra giấy ở đây là viết theo những gì bạn hiểu, bằng những từ ngữ đơn giản nhất mà một em học sinh lớp 5 cũng hiểu được.
Còn Flashcard là một bộ thẻ mặt trước có thể là từ, câu hỏi, cụm từ; và mặt sau là kiến thức liên quan đến mặt trước.
Rất nhiều thứ mình có được/đạt được ngày hôm nay đều xuất phát từ việc áp dụng những bí quyết này. Đây chỉ là những thói quen, phương pháp bình thường nhưng nếu thực hành liên tục, đúng chỗ đúng lúc, hiệu quả nó đem lại có thể tốt hơn bạn nghĩ. Hãy cứ kham khảo và thử thực hành, biết đâu 1 trong 3 phương pháp trên lại hợp với bạn. (baothuathienhue.vn 31/12)
PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
1. Sẽ bị xử lý nghiêm
Nhiều đối tượng có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hậu quả nghiêm trọng
Hiện nay, trên mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, những thông tin này thu hút lượng lớn người tương tác.
Điển hình như trên các nhóm, diễn đàn bán hàng, trao đổi thông tin dễ dàng bắt gặp các bài viết có dạng “bóc phốt”, “vạch mặt” một cá nhân cụ thể, như tố cáo quỵt tiền, gian dối trong làm ăn, kể cả những chuyện tế nhị về tình cảm nam nữ, chuyện gia đình, cơ quan...
Có trường hợp chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong xã hội, không thỏa mãn việc giải quyết đôi bên nên đã thực hiện hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của đối phương và gia đình lên mạng xã hội, kéo theo những bình luận mang tính một chiều của người đăng, a dua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, mối quan hệ xã hội, công việc của người khác.
Cách đây không lâu, chị N.T.M.H đã có đơn trình báo cơ quan Công an phản ánh có 01 tài khoản cá nhân thường xuyên đăng tải thông tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của bản thân và gia đình trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Quá trình xác minh, cơ quan chức năng đã làm rõ do không đồng tình với việc thanh toán lương tháng của chủ cơ sở là mẹ chị H. nên N.T.H.T là nhân viên cũ đã đăng tải các bài viết trên để phá hoại việc làm ăn của cơ sở và hạ uy tín của mẹ con chị H.
Đa số các tài khoản vi phạm khi kiểm tra đều là tài khoản ảo, mới được tạo lập và sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân giả. Thậm chí có tài khoản cố tình đăng tải các bài viết có nội dung xúc phạm người khác với các chi tiết giật gân, sử dụng những ngôn từ tục tĩu, thiếu văn hóa nhằm tấn công, hạ uy tín, danh dự của đối phương chỉ để câu like, câu view bán hàng online, thu hút người dùng quan tâm, truy cập để các mặt hàng được tiếp cận đến nhiều người hơn. Có tài khoản để đạt mục đích còn mạnh tay chi số tiền lớn để “chạy” quảng cáo cho bài viết hoặc chia sẻ thông tin xúc phạm người khác lên nhiều trang, nhóm, diễn đàn khác nhau.
Tuyệt đại đa số, ý kiến tham gia bình luận tại các bài viết đều theo chiều hướng của người đăng tải, chia sẻ trong khi nguồn thông tin này chưa được kiểm chứng dẫn đến vô tình hay cố ý “đổ thêm dầu vào lửa” khiến nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý, tình cảm và sinh hoạt bị đảo lộn. Có trường hợp đã phải tự tử chỉ vì không chịu được sức ép dư luận một chiều nói xấu vô căn cứ về mình, khi danh dự, nhân phẩm của bản thân và gia đình bị xúc phạm, bôi nhọ trên mạng xã hội.
Cần tuân thủ pháp luật, chuẩn mực đạo đức
Mới đây, ngày 19/12/2020, Công an tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với T.H.B.T (23 tuổi, trú tại huyện Phú Vang) với số tiền 5.000.000 đồng vì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội.
Trước đó, thông qua mạng xã hội facebook, T. đã chuyển cho nhiều người video clip vụ “đánh ghen” tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, sau đó, video clip này đã được một fanpage và nhiều tài khoản cá nhân đăng tải, tán phát.
Tại buổi làm việc, T.H.B.T cũng đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, cơ quan Công an cũng đã gọi hỏi, đấu tranh và xử lý với nhiều hình thức đối với những trường hợp là quản trị viên các fanpage, chủ tài khoản cá nhân liên quan.
Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã làm việc với ông Q. vì đã có hành vi tạo lập trang mạng xã hội nhằm đăng tải các bài viết, hình ảnh có nội dung không đúng sự thật liên quan đến mâu thuẫn giữa gia đình mình với một nữ giáo viên trên địa bàn trong khi vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh, chưa có kết luận chính thức.
Ông Q. thừa nhận trên fanpage này có nhiều nội dung xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân của giáo viên này. Để thu hút nhiều người ủng hộ quan điểm với mình, ông Q. đã tiến hành chi tiền để “chạy” quảng cáo, nhằm tiếp cận người dùng facebook nhiều hơn. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.
Hiện nay, các quy định pháp luật liên quan đến hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội đã được quy định chặt chẽ, chế tài xử lý rất nghiêm minh.
Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.., hành vi trên có thể bị phạt tiền từ 10.000.000đ đến 20.000.000đ, buộc gỡ bỏ nội dung bài viết đã đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội. Trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự hiện hành.
Mỗi người sử dụng mạng xã hội cần nêu cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật, các chuẩn mực đạo đức, duy trì mối quan hệ xã hội tốt đẹp, tuyệt đối không lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm danh dự, bôi nhọ nhân phẩm người khác. (baothuathienhue.vn 31/12)
Y TẾ
1. Được tham gia “trận chiến” là hạnh phúc
“Vượt qua mọi khó khăn để đảm đương tốt công việc, dù đó là công việc tưởng chừng vượt quá khả năng, hay đó là công việc nặng nhọc, nguy hiểm”, Bác sĩ CKI Văn Dũng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Huế, Cơ sở 2 chia sẻ với tôi khi nói về Điều dưỡng trưởng Hồ Thị Mỹ Duyên (sinh năm 1991).
Hồ Thị Mỹ Duyên là một trong 5 cá nhân của Bệnh viện Trung ương Huế được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có nhiều thành tích trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19.
Duyên cũng là một trong 2 đại biểu của tỉnh vinh dự được Trung ương Đoàn chỉ định tham gia Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2020.
Giữa tháng 12 này, Duyên là 1 trong 3 cá nhân của tỉnh được tuyên dương tại chương trình “Tri ân tuyến đầu chống dịch khu vực miền Trung” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Đà Nẵng.
Tình nguyện vào tuyến đầu
“Khi lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, Cơ sở 2 hỏi điều dưỡng nào tình nguyện làm việc ở khu cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại cuộc họp khẩn giữa các khoa liên quan vào đầu tháng 3, nhiều suy nghĩ giằng xé trong tôi. Thoạt đầu là hình ảnh đứa con 4 tuổi lúc nào cũng cần mẹ, là sự nguy hiểm của loại dịch bệnh này. Nhưng ngay sau đó, tôi nghĩ đây là nhiệm vụ, là công việc, mình lo sợ, mình không nhận và ai cũng như mình thì làm sao. Cuối cùng tinh thần trách nhiệm với nghề chiến thắng, tôi xung phong tình nguyện ở lại, phá vỡ sự im lặng trong giây phút chờ đợi lúc đó tại phòng họp”. Duyên nhớ lại thời điểm cô quyết định gắn với khu cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 cả hai đợt.
Khác với tâm lý sẵn sàng tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân dương tính với COVID-19, thì Duyên lại được phân công nhiệm vụ, điều hành công việc hành chính khu cách ly điều trị, tương tự như một điều dưỡng trưởng. “Nếu là một điều dưỡng, tôi chỉ áp dụng toàn bộ quy trình bảo hộ nghiêm ngặt được tập huấn chặt chẽ trước đó, làm tốt vai trò chăm sóc bệnh nhân thì đây là nhiệm vụ quá sức đối với tôi lúc đó”, Duyên chia sẻ.
Dù trước đó, Duyên đang làm điều dưỡng phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới, nhưng trong vai trò đó, tại một khu cách ly hoàn toàn mới lạ từ vật tư, trang thiết bị đến hệ thống nhân sự thì sức nặng công việc nhân lên nhiều lần. Song tình thế khẩn cấp lúc đó khiến Duyên không thể từ chối. Trên tinh thần chỉ đạo của Ban Giám đốc về thiết lập khu cách ly, Duyên tìm cách sắp xếp, bố trí vừa đúng với sự hướng dẫn nhưng cũng vừa thuận lợi, hợp lý nhất với thực tế.
Từ khi nhận nhiệm vụ, từ 9h sáng Duyên làm việc liên tục đến 10h đêm. Trong đầu Duyên tính toán, sắp đặt như cái máy, cuối cùng công việc bố trí, sắp xếp các phòng ốc, giường, chiếu cho bệnh nhân; hệ thống máy móc phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19; đến khu hành chính dành cho đội ngũ bác sĩ triển khai họp, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân COVID, hệ thống máy móc phục vụ phòng họp đến phòng tắm khử khuẩn, thay áo quần bảo hộ… tại khu cách ly cũng được thiết lập tương đối ổn định.
Căng mình thực hiện nhiệm vụ
Những ngày tiếp theo ở khu điều trị COVID -19, Duyên như một con thoi. Duyên kể, do công việc rất mệt nên hễ nằm xuống rất dễ bị ngủ quên. Vì vậy, máy điện thoại luôn luôn phải để chế độ chuông to nhất để sẵn sàng nhận lệnh bất cứ lúc nào. “Có hôm đúng 2h sáng, nhận được lệnh chuẩn bị đón bệnh nhân dương tính nặng cần thở máy, tôi lập tức có mặt và bố trí sẵn giường bệnh, trang bị đầy đủ các thiết bị từ máy thở, máy chuyền dịch, máy bơm tim điện… Toàn bộ máy móc tôi đều cho chạy thử, sẵn sàng cho đội ngũ y, bác sĩ cấp cứu khi bệnh vào”, Duyên nhớ lại.
Cái khó hơn với nữ điều dưỡng còn là người nhỏ tuổi, lại quản lý, điều hành đội ngũ điều dưỡng chuyên nghiệp đến từ khoa phòng khác nhau của bệnh viện của cả hai cơ sở. Để tạo được sự đồng thuận trong toàn bộ ekip cũng là áp lực không nhỏ với Duyên. May mắn, mỗi người đều ý thức được vai trò nhiệm vụ của mình. Duyên cho biết: “Chúng tôi cùng quan niệm mỗi người trong chúng ta là một mảnh ghép, khi ghép vào nhau mới hoàn thành được công việc”. Tranh thủ những khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi, họ lại kể cho nhau nghe về chuyện gia đình, khoe ảnh các con để quên đi nỗi nhớ nhà.
Sau 2 tháng bình yên, đến tháng 6/2020, khu cách ly tái thiết lập khi phát hiện ca bệnh mới. Khi xung phong tình nguyện được phục vụ bệnh nhân nhưng không được đồng ý, Duyên lại tiếp tục đảm nhận vai trò của một điều dưỡng trưởng lần thứ 2 tại khu cách ly điều trị bệnh COVID-19.
Dù số lượng bệnh nhiều hơn, tình trạng bệnh nhân có bệnh nền nặng, phức tạp nên việc đòi hỏi cung cấp trang thiết bị phục vụ càng vất vả hơn, nhưng có kinh nghiệm từ đợt 1, Hồ Thị Mỹ Duyên đã làm trôi tròn nhiệm vụ được giao.
Căng mình vì nhiệm vụ tại khu cách ly điều trị cho bệnh nhân COVID-19, thời gian dành cho con, cho gia đình của nữ điều dưỡng trẻ là những cuộc điện thoại vội vàng sau những ca trực dài. “May mắn ngay từ khi xuất hiện dịch COVID-19, tôi luôn được ba mẹ động viên tinh thần, chăm sóc con để tôi yên tâm làm nhiệm vụ. Dẫu vất vả, nhưng với tôi được vào tuyến lửa của trận chiến là hạnh phúc”, nữ điều dưỡng chia sẻ.
Ghi nhận sự cống hiến của nữ điều dưỡng trẻ, ngay sau đợt tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tại khu cách ly đợt 1, Hồ Thị Mỹ Duyên được Ban Giám đốc Bệnh viện bổ nhiệm vị trí Điều dưỡng trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới.
Bác sĩ CKI Văn Dũng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Huế, Cơ sở 2 cho biết: Trong chuyên môn cũng như trong công tác quản lý, chị Hồ Thị Mỹ Duyên rất nhiệt tình, năng động. Khi được giao nhiệm vụ, chị không nề hà, ngại khó mà dốc sức, sáng tạo tìm cách thực hiện để mang lại hiệu quả tốt nhất có thể. (baothuathienhue.vn 01/01)
2. Bệnh viện Trung ương Huế triển khai thanh toán dịch vụ y tế trực tuyến
Việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thanh toán sẽ giúp thu tiền phí dịch vụ y tế khách hàng nhanh chóng; thuận lợi cho bệnh nhân và người nhà chủ động thanh toán phí dịch vụ y tế mọi lúc, mọi nơi, trực tuyến 24/7, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại nơi công cộng.
Chiều 31/12, Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Huế phối hợp với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Huế tổ chức lễ ra mắt giải pháp thanh toán dịch vụ y tế trực tuyến tại Bệnh viện T.Ư Huế.
Trong năm 2020, dù đi đầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nhưng ngành y tế, đặc biệt là Bệnh viện T.Ư Huế đã nỗ lực chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế.
Với mong muốn kết nối và đóng góp vào thành công chung của quá trình chuyển đổi số của ngành y tế, Vietcombank Huế và Bệnh viện T.Ư Huế đã tập trung nguồn lực, xây dựng giải pháp, tích cực phối hợp liên thông, kết nối với các bên liên quan triển khai thành công thanh toán dịch vụ y tế trực tuyến tại Bệnh viện T.Ư Huế.
Theo lãnh đạo Bệnh viện T.Ư Huế, người dân khi chi trả viện phí có thể chủ động lựa chọn phương thức thanh toán bằng các hình thức qua QR Code; thanh toán billings và thanh toán qua máy chấp nhận thẻ POS tại các quầy thu ngân.
Việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thanh toán sẽ giúp thu tiền phí dịch vụ y tế khách hàng nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng; tiết kiệm nguồn nhân lực, giảm thiểu rủi ro liên quan đến quản lý tiền mặt; thuận lợi cho bệnh nhân và người nhà chủ động thanh toán phí dịch vụ y tế mọi lúc, mọi nơi, trực tuyến 24/7, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại nơi công cộng.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao sự nỗ lực của Bệnh viện T.Ư Huế và Vietcombank Huế khi đã triển khai thực hiện giải pháp thanh toán dịch vụ y tế trực tuyến tại Bệnh viện T.Ư Huế. Hoạt động này không những góp phần chuyển đổi số trong ngành y tế, thanh toán ko dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi khám, chữa bệnh mà còn góp phần giúp tỉnh nhà đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử và phát triển kinh tế, xã hội địa phương. (cand.com.vn 31/12)
3. Nói cùng người trẻ
Trong số các bệnh nhân dương tính với HIV được Thừa Thiên Huế xác nhận trong năm 2020, có một nữ sinh lớp 12. Cô bé là học sinh giỏi nhưng không may đã bị lây nhiễm HIV từ bạn trai do quan hệ tình dục không an toàn… Cả hội trường im phắc trong ít giây và lặng đi trong suy nghĩ của không biết bao nhiêu người nữa.
Đó là câu chuyện ông Lê Hữu Sơn, Phó Trưởng phụ trách Khoa phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ với sinh viên Đại học Huế về HIV/AIDS nhân ngày Thế giới phòng chống bệnh AISD 1/12. Tôi cứ bị ám ảnh bởi thương cho tương lai con trẻ và nỗi đau dằn vặt mãi của người làm cha mẹ.
Tôi hoàn toàn không biết cô bé ấy là ai, nhưng cảm nhận rõ nỗi đau đớn mà cô bé và bố mẹ em phải đối diện trong chuyện này. Rất nhiều cô cậu tuổi THPT và sinh viên sẵn sàng vì tình yêu mà đi quá giới hạn. Những tưởng hậu quả mà các em gặp phải là mang thai ngoài ý muốn đã là kinh khủng. Nhưng điều thực sự kinh khủng chính là khi các bạn vẫn còn cả một tương lai xán lạn phía trước mà tất cả đều phải dừng lại trước kết quả xét nghiệm dương tính với HIV.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về giới, có một bộ phận thanh niên ngày nay đã xem hành vi quan hệ tình dục trước hôn nhân là sự lựa chọn của cá nhân, không phải là tiêu chuẩn để đánh giá về nhân cách hay đạo đức như quan niệm truyền thống. Ngược với văn hóa truyền thống, nhiều thanh niên hiện nay quan niệm thoáng về quan hệ tình dục trước hôn nhân, thậm chí bắt đầu quan hệ tình dục từ độ tuổi rất sớm. Đây cũng là lý do khiến sức khỏe sinh sản và tình dục của thanh niên trở thành vấn đề thực sự “nóng”.
Ông Lê Hữu Sơn đưa ra những số liệu đáng lo ngại: Trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 89 người nhiễm HIV; trong đó, có 27 người nhiễm thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Đáng nói, rất nhiều người trong nhóm đối tượng này không phải là đồng tính luyến ái, mà là quan hệ dị giới. Nghĩa là phần đông trong số nam quan hệ tình dục đồng giới vẫn có vợ con, bạn gái và quan hệ tình dục bình thường với họ. Điều đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV cho vợ/bạn gái là rất lớn.
Quan hệ tình dục được xác định là một trong 3 con đường lây truyền chính của HIV. Sự lây truyền xảy ra khi các dịch thể (máu, dịch tiết sinh dục) nhiễm HIV của người nhiễm HIV xâm nhập vào cơ thể bạn tình không nhiễm HIV. Tất cả các hình thức quan hệ tình dục với một người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, mức độ nguy cơ là khác nhau; trong đó, nguy cơ cao nhất là qua đường hậu môn – cách mà các nam quan hệ tình dục đồng giới thường thực hiện. Người nhận tinh dịch có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn.
“HIV một khi đã vào trong cơ thể con người thì tồn tại vĩnh viễn. Vậy nên, để không phải sống chung với nó, tất cả chúng ta chỉ còn cách duy nhất là dự phòng và không cho nó có cơ hội xâm nhập vào cơ thể”, ông Lê Hữu Sơn nhấn mạnh với các sinh viên của Đại học Huế - như cách nói của người cha với đàn con nhỏ.
Vậy nên, các bạn trẻ nhé! Quan hệ tình dục là một nhu cầu sinh lý quan trọng của con người và nó là chất xúc tác trong tình yêu giữa nam và nữ. Nhưng, vì sức khỏe của bản thân và năm tháng tương lai còn dài phía trước, hãy luôn tự bảo vệ chính mình bằng cách chỉ quan hệ tình dục an toàn. Điều này không chỉ hạn chế khả năng mang thai ngoài ý muốn mà còn ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm lây qua đường tình dục. (baothuathienhue.vn 31/12)
THỂ THAO
1. Một năm vui
Tuy chịu nhiều ảnh hưởng bởi COVID – 19, nhưng 2020 vẫn là năm mà Sở Văn hoá & Thể thao nói chung, ngành thể thao nói riêng đón nhận nhiều tin vui.
Sau 3 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng HLV Nguyễn Văn Hiền (đá cầu), VĐV Nguyễn Thị Thùy Linh (đá cầu) và VĐV Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (vật) nhờ những cống hiến tại các giải vô địch thế giới và SEA Games, tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, Sở Văn hóa & Thể thao vinh dự được trao thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất từ những thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2015 - 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh, NGƯT Cao Chí Hải - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao và HLV, VĐV Trần Thị Yến Hoa (điền kinh) được vinh danh điển hình tiên tiến trong số 13 tập thể, 295 cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 – 2020, còn VĐV Nguyễn Thị Thùy Linh (đá cầu) được tuyên dương là công dân tiêu biểu năm 2019.
1 – Quê tỉnh Nam Định, Trần Thị Yến Hoa vốn dòng dõi nhà Trần. Với năng khiếu thể thao từ nhỏ, sau thời gian tham gia chạy, nhảy, bơi đến đá bóng nữ, đến năm 14 tuổi, Yến Hoa được chọn vào đội tuyển năng khiếu điền kinh của Quân đội và tập luyện, thi đấu cho đến năm 2010 cùng hàng loạt thành tích ở các giải trong nước.
Đến năm 2014, Yến Hoa đầu quân cho thể thao Huế và chỉ 1 năm sau, tại SEA Games 28, cô gái có cú xuất phát như báo săn đã đem về chiếc HCĐ nội dung 100m rào. “Tuy không giành được HCV như kỳ vọng, nhưng em đã rút ra được bài học là bản thân cần hoàn thiện thêm kỹ thuật, sự phối hợp nhịp nhàng giữa sức mạnh, tốc độ, phản xạ và nhịp điệu. Trong đó, phản xạ ở vạch xuất phát và việc giữ được nhịp điệu là vô cùng quan trọng để tránh chậm hơn đối thủ cũng như vấp rào…”, Yến Hoa chia sẻ.
Đúng như những gì Yến Hoa nhìn nhận, đến kỳ SEA Games 29 – 2017, điền kinh Việt Nam nói chung, điền kinh Huế nói riêng vô cùng phấn khích khi Trần Thị Yến Hoa đã giải toả cơn khát HCV 100m rào sau 22 năm, kể từ khi VĐV Vũ Bích Hường lên ngôi tại Thái Lan năm 1995 bằng HCV 100m rào cá nhân và HCV đồng đội nội dung 4x100m.
Kết thúc SEA Games 29, Yến Hoa tiếp tục là gương mặt chủ lực của điền kinh Huế khi giành hàng loạt huy chương các loại ở các giải quốc gia, khu vực, đồng thời tiếp tục được kỳ vọng đem “vàng” về cho thể thao Huế tại SEA Games 30 – 2019. Đáng tiếc, trong một lần tập luyện trước thềm SEA Games, Yến Hoa bị chấn thương. Và dù tương đối hồi phục nhưng di chứng khiến Hoa không thể phát huy hết thực lực trên đường chạy mà chỉ có thể giành 1 HCB cá nhân nội dung 100m rào và 1 HCĐ đồng đội nội dung 4x100m.
Bước qua nỗi buồn sau thành tích không như mong muốn tại SEA Games 29, Yến Hoa vẫn tiếp tục cho thấy khả năng ở các sân chơi quốc gia khi không ít lần đứng trên bục cao nhất. Và sau khi được đặc cách vào biên chế, Yến Hoa vừa là HLV, vừa là VĐV, mà như Hoa chia sẻ là em càng có nhiều hơn cơ hội cống hiến để trả ơn Huế, trả ơn những người đã phát hiện, bồi dưỡng, tạo điều kiện để em được toả sáng ở những sân chơi lớn cũng như yên tâm trong tương lai.
Và với những đóng góp nổi bật, Trần Thị Yến Hoa được tuyên dương là cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 – 2020 tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh giai đoạn 2020 – 2025; đồng thời, vinh dự là một trong những đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
2 – Trở thành VĐV năng khiếu bộ môn đá cầu tỉnh năm 2012, cô học sinh lớp 6 đến từ phường An Tây (TP. Huế) Nguyễn Thị Thuỳ Linh với hình thể dẻo dai, cổ chân lanh lợi, khéo léo cùng độ phản xạ, sức bật, sức rướn khá tốt nhanh chóng phát huy tài năng sau thời gian được Trưởng bộ môn đá cầu tỉnh Nguyễn Văn Hiền bồi dưỡng.
Sau 2 HCV tại giải vô địch trẻ toàn quốc 2018, một năm sau, Thùy Linh tiếp tục giành 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ tại các giải vô địch đội mạnh, bãi biển và cá nhân, đồng thời trở thành VĐV đầu tiên của đá cầu Huế khoác áo tuyển đá cầu Việt Nam và cũng là VĐV trẻ nhất tuyển đá cầu quốc gia đến thời điểm hiện tại.
Phát huy tài năng cùng phong độ ổn định, năm 2019, tại giải vô địch đá cầu thế giới tổ chức ở Pháp vào tháng 8, Thuỳ Linh đã cùng đồng đội giành HCV nội dung đá 3 nữ, đồng thời cùng Trưởng bộ môn đá cầu tỉnh Nguyễn Văn Hiền (trong vai trò HLV tuyển đá cầu Việt Nam) ghi tên mình vào lịch sử thể thao Thừa Thiên Huế khi là người đầu tiên giành HCV ở đấu trường danh giá nhất thế giới của bộ môn này.
Sau thành công rực rỡ ở đấu trường thế giới cùng một số thành tích ở những giải đấu quốc nội tiếp theo, bên cạnh cũng được đặc cách vào biên chế, Thuỳ Linh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, đồng thời trở thành 1 trong 5 công dân tiêu biểu 2019 được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh giai đoạn 2020 – 2025.
3 – Tuy chịu nhiều ảnh hưởng bởi COVID – 19, nhưng với những danh hiệu trên, có thể nói 2020 là năm khá thành công của Sở Văn hoá & Thể thao nói chung, ngành thể thao nói riêng.
Như chia sẻ của ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá & Thể thao, việc Sở Văn hoá & Thể thao vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất trong quá trình góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2015 – 2019 cùng 2 cá nhân được vinh danh điển hình tiên tiến, 1 cá nhân được vinh danh là công dân tiêu biểu là nhờ những đóng góp, phấn đấu của các thế hệ đi trước cũng như tự thân mỗi cá nhân. Đó vừa là niềm tự hào, cũng vừa là động lực để ngành Văn hoá & Thể thao đặt ra mục tiêu cao hơn, xa hơn trong thời gian tới.
“Riêng về thể thao, bên cạnh phấn đấu đạt thành tích cao tại SEA Games 30, Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, ngành thể thao tiếp tục “rắc” lại để chọn ra những môn thể thao thật sự trọng điểm, hiệu quả để có hướng đầu tư thích hợp. Đi kèm với đó là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trong đó tập trung xây dựng, nâng cấp Nhà thi đấu 87 Nguyễn Huệ và thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng cho VĐV nhằm giúp thể thao đỉnh cao tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bắt kịp với xu thế hiện đại chung”, ông Phan Thanh Hải thông tin. (baothuathienhue.vn 01/01)
GIAO THÔNG - VẬN TẢI
1. Tối nay “đếm ngược đón năm mới”, phương tiện lưu thông vào TP. Huế thế nào?
Chương trình đếm ngược Chào đón năm mới 2021 diễn ra tại ngã 6 Hùng Vương - TP. Huế, CSGT tổ chức phân luồng, hướng dẫn phương tiện lưu thông…
Cấm ô tô tải vào trung tâm thành phố
Chương trình đếm ngược Chào đón năm mới - Huế Countdown 2021 với chủ đề “Thắp sáng niềm tin” được TP. Huế tổ chức chính thức diễn ra từ 21h tối 31/12/2020 đến 0h30 ngày 1/1/2021, tại khu vực ngã 6 đường Hùng Vương - Hà Nội - Đống Đa - Lê Qúy Đôn - Bến Nghé.
Để đảm bảo trật tự ATGT, trong thời gian diễn ra sự kiện trên, lực lượng CSGT ứng trực phân luồng giao thông, hướng dẫn các phương tiện lưu thông theo phương án phân luồng.
Cụ thể, từ 21-24h tối nay (31/12), lực lượng CSGT ứng trực tại ngã 3 phía Bắc QL1 vào TP. Huế và đường tránh QL1 qua TP. Huế (phường Tứ Hạ, TX. Hương Trà), cấm tất cả ô tô tải đi vào trung tâm TP. Huế.
Đồng thời, tại tuyến đường Lý Thái Tổ (ngã 3 Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Linh), cấm phương tiện ô tô tải từ phía Bắc lưu thông vào trung tâm TP. Huế. Tại đây, ô tô tải di chuyển theo đường Nguyễn Văn Linh đi qua cầu Chợ Dinh để về phía Nam.
Tuyến đường Lê Duẩn từ đoạn Bắc cầu Dã Viên, hạn chế ô tô từ các tuyến đường phía Bắc qua cầu Phú Xuân và cầu Trường Tiền; các ô tô có nhu cầu đi qua phía Nam sông Hương đi theo hướng cầu Dã Viên→ Bùi Thị Xuân→ Lê Lợi→ Nguyễn Huệ hoặc Bùi Thị Xuân→ Phan Chu Trinh đi về phía Nam.
Tương tự, tại phía Nam, cấm tất cả ô tô tải đi vào trung tâm TP. Huế tại đường Nguyễn Tất Thành (cầu vượt Thủy Dương). Tại đây, lực lượng chức năng hướng dẫn phương tiện đi theo đường Tỉnh lộ 10 và QL49.
Khu vực ngã 6 đường Hùng Vương, QL1 qua trung tâm TP Huế
Đối với tuyến đường An Dương Vương và Hùng Vương (TP Huế): Đường An Dương Vương (Hồ Đắc Di - An Dương Vương), cấm ô tô tải di chuyển về ngã 4 Hùng Vương - Bà Triệu (BigC Huế); các phương tiện có nhu cầu di chuyển ra phía Bắc sẽ đi theo hướng đường An Dương Vương→ Hồ Đắc Di→ Võ Văn Kiệt→ Minh Mạng→ Điện Biên Phủ→ Phan Chu Trinh→ Bùi Thị Xuân→ cầu Dã Viên.
Đường An Dương Vương - Hùng Vương (tại giao lộ An Dương Vương – Ngự Bình), cấm ô tô tải di chuyển về ngã 4 Hùng Vương – Bà Triệu (BigC Huế); các phương tiện có nhu cầu di chuyển ra phía Bắc đi theo hướng đường Ngự Bình→ Điện Biên Phủ→ Phan Chu Trinh→ Bùi Thị Xuân→ cầu Dã Viên.
Đường Hùng Vương (tại ngã 4 Hùng Vương – Bà Triệu), cấm ô tô từ 24 chỗ trở lên hướng về ngã 6 Hùng Vương; các phương tiện có nhu cầu di chuyển theo hướng đường Hùng Vương→ Nguyễn Huệ hoặc Hùng Vương→ Bà Triệu.
Đối với tuyến đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi: Tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, cấm ô tô từ 24 chỗ trở lên hướng về cầu Phú Xuân, các phương tiện có nhu cầu di chuyển theo hướng đường Nguyễn Huệ. Tại giao lộ Nguyễn Huệ - Điện Biên Phủ, cấm ô tô từ 24 chỗ trở lên hướng về cầu Phú Xuân, các phương tiện có nhu cầu di chuyển theo hướng đường Nguyễn Huệ.
Tuyến đường Bà Triệu, hạn chế phương tiện di chuyển từ cầu Vỹ Dạ hướng về ngã 4 Bà Triệu – Lê Qúy Đôn và hạn chế phương tiện từ đường Tố Hữu - Bà Triệu hướng về ngã 4 Bà Triệu - Lê Qúy Đôn.
Cấm tất cả ô tô hướng về ngã 6 Hùng Vương
Đối với tuyến đường Hùng Vương, cấm tất cả ô tô di chuyển hướng về ngã 6 Hùng Vương từ ngã 3 Trương Định - Hùng Vương và từ ngã 4 Nguyễn Thị Minh Khai - Hùng Vương đến ngã 6 Hùng Vương.
Tuyến đường Bến Nghé (từ ngã 5 Trần Cao Vân - Bến Nghé đến ngã 6 Hùng Vương), cấm tất cả ô tô di chuyển hướng về ngã 6 Hùng Vương, trừ các xe đại biểu.
Tuyến đường Lê Qúy Đôn (từ ngã 4 Bà Triệu - Lê Qúy Đôn đến ngã 3 Tôn Đức Thắng - Lê Qúy Đôn), cấm tất cả ô tô di chuyển về khu vực ngã 6 Hùng Vương; các phương tiện di chuyển theo hướng đường Bà Triệu hoặc đường Dương Văn An.
Tuyến đường Đống Đa (từ ngã 4 Lý Thường Kiệt - Đống Đa đến ngã 6 Hùng Vương), cấm tất cả ô tô hướng về ngã 6 Hùng Vương.
Cấm tất cả phương tiện di chuyển vào khu vực ngã 6 Hùng Vương
Các tuyến đường cấm tất cả phương tiện di chuyển vào khu vực ngã 6 Hùng Vương, gồm: đường Hùng Vương (từ ngã 4 Hùng Vương - Nguyễn Tri Phương đến ngã 6 Hùng Vương); đường Bến Nghé (từ ngã 4 Bến Nghé - Nguyễn Tri Phương đến ngã 6 Hùng Vương); đường Lê Qúy Đôn (từ ngã 3 Tôn Đức Thắng - Lê Qúy Đôn đến ngã 6 Hùng Vương).
Tuyến đường Hà Nội, cấm tất cả phương tiện từ ngã 6 Hà Nội – Lý Thường Kiệt di chuyển vào ngã 6 Hùng Vương.
Về hướng dẫn phương tiện lưu thông tại ngã 6 Hùng Vương, lực lượng chức năng hướng dẫn phương tiện di chuyển 1/2 đường Lê Qúy Đôn (phía Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh) theo hướng ngã 6 Hùng Vương→ Lê Qúy Đôn; hướng dẫn phương tiện di chuyển 1/2 đường Đống Đa (phía Công an TP. Huế từ ngã 6 Hùng Vương đến ngã 4 Lê Hồng Phong→ Đống Đa) theo hướng Đống Đa→ ngã 6 Hùng Vương→ Lê Qúy Đôn hoặc Đống Đa→ Hùng Vương. (atgt.vn 31/12)
DOANH NGHIỆP
1. Cách thương hiệu bia được ưa chuộng tại miền Trung kết nối với đời sống người dân
Nhân dịp Huda nhận được hai huy chương Vàng giải thưởng Monde Selection Award 2020 cho Huda và Huda Ice Blast, ông Nathaniel Moxom, Tổng Giám đốc Carlsberg Việt Nam, tiết lộ những yếu tố tạo nên thương hiệu bia được người miền Trung ưa chuộng.
1. Là một trong những tập đoàn sản xuất bia hàng đầu trên thế giới, chất lượng sản phẩm chắc hẳn là một trụ cột vững chắc trong mô hình kinh doanh của Carlsberg. Carlsberg đã củng cố trụ cột này như thế nào trong hơn 170 năm qua, đặc biệt là tại thị trường miền Trung Việt Nam?
Mong muốn mang đến chất lượng sản phẩm tốt nhất đã được hình thành trong tư duy kinh doanh của chúng tôi ngay từ những ngày đầu tiên. Tập đoàn Carlsberg được thành lập xuất phát từ mong muốn của người sáng lập: J. C. Jacobsen. Khi lập nên nhà máy bia hiện đại trên đồi Valby, ngoại ô Copenhagen, mục tiêu chính của ông là theo đuổi sự hoàn hảo trong nghệ thuật nấu bia. Sớm mang trong mình niềm đam mê dành cho bia và niềm hứng thú với khoa học tự nhiên, J.C. Jacobsen đã dành trọn hành trình cuộc đời để cải thiện chất lượng bia, dành hàng nghìn giờ trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu và cải tiến phương pháp sản xuất bia. Sau đó, năm 1875, ông đã tập hợp một số nhà khoa học vĩ đại nhất thời bấy giờ và thành lập Phòng thí nghiệm Carlsberg chuyên nghiên cứu về lúa mạch, kỹ thuật sản xuất bia và lên men. Một năm sau, Quỹ Carlsberg được thành lập nhằm đảm bảo nhà máy bia vận hành với trọng tâm là sự đổi mới và các sản phẩm chất lượng cao. Kể từ đó, Phòng thí nghiệm Carlsberg và Quỹ Carlsberg luôn là kim chỉ nam của tập đoàn và bền bỉ đóng góp cho lợi ích của ngành công nghiệp sản xuất bia trên toàn thế giới.
Từ khát vọng cả đời của một người nhìn xa trông rộng, “Theo đuổi sự hoàn hảo” đã trở thành tiền đề cho mọi bước tiến của chúng tôi. Triết lý đó đã định hình mục tiêu của Tập đoàn Carlsberg trong suốt hành trình hơn 170 năm. Chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng để cung cấp cho thị trường chất lượng bia tốt nhất, nấu dựa trên kỹ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại.
Huda, một trong những thương hiệu tiêu biểu của chúng tôi vẫn được biết tới như người con miền Trung, đã kế thừa triết lý đó và luôn đặt chất lượng sản phẩm lên làm ưu tiên hàng đầu. Kế thừa những tinh hoa từ nghệ thuật nấu bia Đan Mạch hơn 170 năm tuổi, sử dụng những nguyên liệu được chọn lọc kỹ càng, nhập khẩu từ Châu Âu, Huda mang đến hương vị đậm đà và mùi thơm độc đáo, tinh tế từ lúa mạch trong từng giọt bia, thiết kế để phù hợp với khẩu vị người miền Trung. Tôi tin rằng chất lượng sản phẩm là yếu tố làm nên sự khác biệt của Huda so với các đối thủ cạnh tranh và đã giúp thương hiệu của chúng tôi không chỉ được ưa chuộng bởi người dân miền Trung mà còn được công nhận trên toàn thế giới.
2. Huda và Huda Ice Blast gần đây đã giành được hai huy chương Vàng tại Monde Selection Awards 2020 - giải thưởng quốc tế uy tín đánh giá chất lượng của các sản phẩm tiêu dùng. Huda cảm thấy thế nào về thành tựu này?
Đây không phải là lần đầu tiên Huda được trao tặng giải thưởng quốc tế, nhưng chúng tôi vẫn rất vui mừng và vinh dự khi chất lượng sản phẩm của chúng tôi có được sự công nhận từ các chuyên gia nổi tiếng trên toàn thế giới và thành công giành được hai huy chương Vàng danh giá tại Monde Selection. Ban giám khảo của giải thưởng đều là các kỹ thuật viên, nghệ nhân nấu bia, kỹ sư hóa học được công nhận trên toàn cầu về kiến thức trong lĩnh vực khoa học thực phẩm, công nghệ sinh học, khoa học sản xuất bia và công nghệ lên men. Vì vậy, sự tin tưởng của ban giám khảo chính là sự bảo đảm và đánh giá công bằng nhất cho chất lượng của Huda.
Hơn nữa, giải thưởng danh giá này cũng là minh chứng cho cam kết của chúng tôi trong việc sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, hiện thực hóa triết lý lâu dài của Tập đoàn: theo đuổi sự hoàn hảo để “Sản xuất bia vì một hiện tại tốt đẹp và một tương lai tương sáng hơn”. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không coi đây là thành tích cao nhất có thể đạt được, mà đó là động lực để tiếp tục nâng cao chất lượng bia và mang đến trải nghiệm uống bia tốt hơn nữa cho người dân miền Trung.
Sự ghi nhận mà Huda có được ngày hôm nay không chỉ là công sức của một cá nhân. Đó là kết quả đến từ sự nỗ lực của một tập thể, từ đội ngũ kỹ thuật viên, kỹ sư và nhân viên đã làm ra những chai bia đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đó là sự ủng hộ bền bỉ đến từ cộng đồng địa phương đã thúc đẩy chúng tôi tiến về phía trước trên hành trình theo đuổi chất lượng bia tốt hơn và mang tới trải nghiệm thưởng thức bia đa dạng cho người tiêu dùng. Trân trọng sự gắn bó và đồng hành này, chúng tôi mong muốn dành tặng giải thưởng Monde Selection mà chúng tôi nhận được cho tất cả mọi người.
3. Bên cạnh chất lượng và hương vị độc đáo đã được công nhận rộng rãi qua nhiều giải thưởng quốc tế, còn điều gì khác đã góp phần cho thành công của Huda trong việc chinh phục sự yêu mến của người dân địa phương?
Chúng tôi tin rằng ngoài hương vị nổi bật, một sản phẩm chất lượng cao phải có khả năng kết nối cảm xúc với người dân trong những khoảnh khắc quan trọng. Vì vậy, Huda đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa xã hội và giải trí cho người dân địa phương nhằm nâng cao tinh thần và tăng cường gắn kết giữa cộng đồng miền Trung.
Tôn vinh những giá trị truyền thống của dải đất lịch sử, trong 30 năm qua, Huda đã tài trợ cho nhiều sự kiện văn hóa, tiêu biểu là Festival Huế - Lễ hội tôn vinh những di sản cố đô trường tồn. Bên cạnh đó, Huda đã hợp tác với chính quyền địa phương để mang tới các hoạt động thể thao và giải trí như giải bóng đá tại nhiều tỉnh thành, tạo ra sân chơi cho những người hâm mộ thể thao được sống với đam mê của mình. Trong năm 2020 nhiều khó khăn, Huda vẫn nỗ lực cổ vũ tinh thần của người dân địa phương bằng sự kiện âm nhạc trực tuyến “Cảm ơn miền Trung vì 30 năm gắn kết” với sự tham gia của những nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam. Thông qua những sự kiện này, Huda tái khẳng định cam kết: “Luôn đồng hành cùng miền Trung yêu thương” của mình, thương hiệu luôn hiện hữu trong mọi khía cạnh đời sống và vun đắp mối liên kết toàn diện với người dân địa phương. Đó là cách mà Huda có được lòng tin và sự ủng hộ của người dân và trở thành một biểu tượng của miền Trung.
Là người con của miền Trung trong suốt 3 thập kỷ qua, chúng tôi cảm thấy biết ơn sự ủng hộ và tình cảm của người dân địa phương. Nỗ lực của chúng tôi để mang đến thị trường miền Trung thức bia đạt chuẩn quốc tế, gắn kết mật thiết với đời sống địa phương là minh chứng cho tình cảm, sự trân trọng và cam kết của chúng tôi đối với miền Trung Việt Nam. (tienphong.vn 31/12)
2. Lộ mức thưởng Tết lên đến gần 400 triệu đồng tại Thừa Thiên Huế
Một doanh nghiệp dân doanh tại Huế vừa có báo cáo gửi Sở Lao động-Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình thưởng Tết 2021 cho người lao động, với mức thưởng cao nhất lên đến 395 triệu đồng/người.
Sáng 31/12, thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa có báo cáo nhanh về tình hình lao động, tiền lương, thưởng Tết năm 2021.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2020 nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thiên tai, bão lụt, nên một số doanh nghiệp hiện chưa có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động, việc thực hiện báo cáo chậm hơn, ít hơn so với các năm trước.
Đến nay, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận được báo cáo từ 73/500 doanh nghiệp về tình hình tiền lương 2020 và kế hoạch thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021.
Ở loại hình Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tiền lương cao nhất là 25 triệu đồng/tháng (Công ty Xổ số Kiến thiết Thừa Thiên Huế); tiền lương thấp nhất là 3,43 triệu đồng/tháng thuộc Công ty Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi Thừa Thiên Huế.
Mức thưởng Tết Dương lịch dự kiến cao nhất là 23 triệu đồng/người thuộc Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong; mức thưởng Tết Dương lịch dự kiến thấp nhất là 500 ngàn đồng/người thuộc Công ty Lâm nghiệp Nam Hòa.
Mức thưởng Tết Nguyên đán dự kiến cao nhất 10 triệu đồng/người thuộc Công ty Xổ số Kiến thiết Thừa Thiên Huế; mức thấp nhất là 2 triệu đồng/người thuộc Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong.
Ở loại hình công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, tiền lương cao nhất 50 triệu đồng/tháng thuộc Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên Huế; thấp nhất là 3,67 triệu đồng/tháng thuộc Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài.
Mức thưởng Tết Dương lịch dự kiến cao nhất là 30 triệu đồng/người thuộc Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên Huế; thấp nhất là 50 ngàn đồng/người thuộc Công ty Cổ phần Du lịch Huế.
Mức thưởng Tết Nguyên đán dự kiến cao nhất là 60 triệu đồng/người thuộc Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên Huế; thấp nhất dự kiến 1 triệu đồng/người thuộc Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây.
Ở loại hình doanh nghiệp dân doanh, tiền lương cao nhất là 128,8 triệu đồng/tháng thuộc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Á Đông; thấp nhất là 3,5 triệu đồng/tháng thuộc Công ty TNHH Coxano Hương Thọ.
Mức thưởng Tết Dương lịch dự kiến cao nhất là 17,5 triệu đồng/người thuộc Công ty Cổ phần Long Thọ; thấp nhất dự kiến 200 ngàn đồng/người thuộc Công ty Cổ phần Vinh Phát.
Mức thưởng Tết Nguyên đán dự kiến cao nhất là 395 triệu đồng/người thuộc Công ty Frit Phú Xuân; thấp nhất dự kiến 200 ngàn đồng/người thuộc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Á Đông.
Riêng loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tiền lương cao nhất là 60 triệu đồng/tháng thuộc Công ty TNHH MSV; thấp nhất 3,4 triệu đồng/tháng thuộc Công ty TNHH MTV Làng Du lịch Villa Louise Huế.
Mức thưởng Tết Dương lịch dự kiến cao nhất là 9,7 triệu đồng/người thuộc Công ty TNHH MTV Làng Du lịch Villa Louise Huế; thấp nhất dự kiến 100 ngàn đồng/người thuộc Công ty hữu hạn Xi măng Luks Việt Nam.
Mức thưởng Tết Nguyên đán dự kiến cao nhất là 40,1 triệu đồng/người thuộc Công ty TNHH Hanesbrands Vietnam; thấp nhất dự kiến 3,6 triệu đồng/người thuộc Công ty TNHH MSV… (tienphong.vn 31/12)
KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN
1. Vườn mẫu nâng tầm nông thôn mới ở Thừa Thiên- Huế
Sau khi hoàn thành NTM, nhiều địa phương ở Thừa Thiên- Huế trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM nâng cao bằng việc xây dựng vườn mẫu.
Năm 2014, Quảng Phú là xã đầu tiên ở huyện Quảng Điền được chọn xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau hơn 2 năm, Quảng Phú được công nhận là xã đạt chuẩn NTM với 19/19 tiêu chí.
Điểm sáng nông thôn
Sau khi được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế chọn làm xã điểm thực hiện xã NTM kiểu mẫu vào năm 2018, Quảng Phú bắt tay vào xây dựng thôn kiểu, vườn mẫu, trong đó, thôn Hà Cảng với 15 vườn mẫu, và 5 vườn mẫu đã được huyện chọn. Cùng với đó, xã Quảng Phú cũng đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ nông thôn, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ SX, mở rộng các mô hình đạt hiệu quả cao theo hướng hữu cơ, VietGAP... tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Ngô Văn Hùng, người dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú hồ hởi cho biết, Quảng Phú bây giờ đang khởi sắc từng ngày, đời sống người dân được nâng lên, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nước sạch đều đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhờ xây dựng NTM kiểu mẫu mà nhiều mô hình sản xuất mới ở thôn được triển khai, như mô hình trồng nấm sò, trồng sen, trồng hoa cúc, mía... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bà con ai cũng vui mừng khi xã nhà không chỉ đạt chuẩn NTM, mà còn được chọn làm xã xây dựng NTM kiểu mẫu, vì thế đều tích cực thi đua lao động để giữ vững và phát huy danh hiệu này.
Xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) với việc thực hiện xây dựng NTM nâng cao, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển rộng khắp; nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh có hiệu quả; số hộ vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá giả ngày càng tăng. Nhiều mô hình sản xuất cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó như: mô hình trồng rau má theo tiêu chuẩn VietGap; chăn nuôi lợn thương phẩm của hộ ông Nguyễn Phú Cựu ở thôn Niêm Phò; nuôi lợn, cá kết hợp của hộ ông Văn Công Thoàn ở thôn La Vân Thượng.
Theo bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư huyện ủy A Lưới cho biết, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Những năm qua, huyện A Lưới luôn chú trọng thực hiện, phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả ở địa phương như: 11 hộ trồng hoa và rau an toàn tại các xã Sơn Thủy, A Ngo với thu nhập cho người dân từ 300 - 400 ngàn đồng ngày. Cùng với đó, thành lập 19 HTX lâm nghiệp bền vững với mô hình trồng rừng gỗ lớn và giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý với khoảng 14 ngàn ha mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên- Huế có 64/97 xã đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 66%), trong đó, 6 xã được chọn xây dựng NTM kiểu mẫu. 02 huyện đã hoàn thành việc xây dựng NTM là Quảng Điền và TX. Hương Thủy.
Nhờ đó, nhiều cây trồng xóa nghèo ở A Lưới qua nhiều bước “chuyển mình” đã tìm được chỗ đứng trên thị trường và dần khẳng định thương hiệu; đời sống khu vực nông thôn từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 30 triệu đồng/năm. An ninh lương thực được đảm bảo, nhận thức của người dân trong vai trò chủ thể về xây dựng NTM đã chuyển biến tích cực.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với việc liên kết theo chuỗi giá trị. Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến. Đồng thời, lựa chọn một số mô hình có hiệu quả để phát triển nhân rộng, từng bước hình thành cánh đồng mẫu, thực hiện thành công cơ giới hóa vào nông nghiệp tạo mối liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị. Đó cũng là một trong những mục tiêu đã được đặt ra tại Đại hội Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025” bà Sửu thông tin thêm. (nongnghiep.vn 31/12)
2. Ngư dân thu tiền tỷ từ đánh bắt cá khoai
Những ngày qua, ngư dân đánh bắt gần bờ trên địa bàn tỉnh trúng đậm cá khoai, thu nhập hàng chục tỷ đồng.
Ông Trần Hòa ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải (Phong Điền) phấn khởi: "Trúng cá khoai là chuyện thường, nhưng ngư dân thu nhập cả trăm triệu đồng từ khai thác cá khoai là chuyện hiếm, từ trước đến nay chưa từng có".
Liên tiếp hơn 10 ngày qua, thuyền của ông Hòa trúng đậm, có chuyến vài tạ cá khoai. Giá cá khoai tại bờ có thời điểm trên 100 ngàn đồng/kg, thấp nhất 70kg, như vậy mỗi chuyến thu nhập 15-17 triệu đồng. Chừng 10 ngày qua, thuyền ông Hòa thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.
Ông Hòa cho biết, nhiều ngư dân ở Phong Hải đều trúng đậm cá khoai. Thuyền nào trúng ít nhất cũng 50 triệu đồng, thuyền thu cao đến cả trăm triệu đồng. Gần 50 chiếc thuyền đánh bắt cá khoai tại xã Phong Hải có thể thu gần 5 tỷ đồng.
Theo ông Hòa, thường trước, hoặc sau những ngày biển động, cá khoai trôi dạt vào gần bờ với số lượng lớn. Đây cũng là thời điểm các loại cá khan hiếm nên cá khoại được giá. Hơn nữa, gần đây, cá khoai được xem như một loại đặc sản tại các nhà hàng, khách sạn, quán nhậu… nên giá bán rất cao.
Vùng ven biển ở Ngũ Điền cũng trúng đậm cá khoai. Chủ tịch UBND xã Điền Hòa (Phong Điền), ông Nguyễn Đăng Phúc thông tin, hàng chục thuyền bãi ngang ven biển tại hai thôn 11, 12 liên tục trúng đậm cá khoai. Cá khoai không chỉ tiêu thụ ngay tại địa phương mà còn bán tận các xã Ngũ Điền, các địa phương bên kia phá Tam Giang. Mặc dù trúng đậm nhưng “cung không đáp ứng cầu” nên bán được giá, thậm chí giá cao.
Không chỉ ở Phong Điền, nhiều ngày ngày qua, ngư dân hai xã vùng biển Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) rất vui khi liên tục trúng cá khoai. 160 thuyền đánh bắt trên biển của hai xã đều có nguồn thu lớn từ đánh bắt cá khoai gần bờ.
Ông Nguyễn An, ngư dân thôn Tân Thành, xã Quảng Công hồ hởi: “Ngư dân thôn Tân Thành nói riêng, bà con các vùng biển xã Quảng Công nói chung trúng đậm những mẻ cá khoai. Thuyền của tui sau một ngày đánh bắt được trên 3 tạ cá khoai, giá thấp nhất 60-70 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi bạn thuyền thu nhập trên 4 triệu đồng. Tính trong 10 ngày qua, mỗi bạn thuyền thu nhập trên dưới 50 triệu đồng.
Bình quân mỗi ngày, toàn xã Quảng Công có 96 thuyền tham gia đánh bắt thủy sản trên biển, trong đó tập trung ở thôn An Lộc, Cương Gián, Tân Thành và Hải Thành. Riêng tại thôn An Lộc, bình quân mỗi ngày có 10 ghe đánh bắt. Ông Lê Truyền, Trưởng thôn An Lộc cho biết, ngư dân trong thôn luôn bám biển và sự cần mẫn của người dân đã được đền đáp xứng đáng. Hầu như thuyền nào cũng đánh bắt 1,5 - 3 tạ cá khoai/chuyến.
Theo ông Nguyễn Truyền, Chủ tịch UBND xã Quảng Công, năm nay sản lượng vụ cá khoai nói riêng, các loại hải sản nói chung dự tính tăng gấp 1,5 lần so với sản lượng cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng khai thác đạt hơn 1.900 tấn. Những ngày gần đây lượng cá khoai rất lớn, thuyền nào cũng đầy ắp cá.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm nay sản lượng cá khoai gần bờ lớn đột biến so với nhiều năm. Điều này cho thấy hải sản gần bờ đang hồi sinh nhanh, ngư dân có nhiều cơ hội phát triển kinh tế biển. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng qua kiểm tra một số địa phương đều có thu nhập 4-5 tỷ đồng/xã từ đánh bắt cá khoai. Như vậy, trên địa bàn tỉnh có thể thu nhập hàng chục tỷ đồng từ đánh bắt loại cá “đặc sản” này! (baothuathienhue.vn 01/01)
3. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Phương thăm các đơn vị khóa sổ quyết toán
Tối 31/12, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Phương đến thăm, động viên các đơn vị đang thực hiện khóa sổ quyết toán năm 2020 gồm: Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan tỉnh.
Tại các nơi đến thăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã thông tin khái quát tình hình kinh tế- xã hội trong năm 2020. Theo đó, trước tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 và thiên tai bão lũ, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 đạt mức thấp 2,06%.
Số liệu từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 đạt 9.489 tỷ đồng, bằng 125% dự toán. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 968 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương 8.521 tỷ đồng. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước và phòng chống dịch COVID -19; trợ cấp khó khăn cho các đối tượng xã hội bị ảnh hưởng dịch; trợ cấp do thiệt hại bão lũ với 18.320 tỷ đồng; chi đầu tư xây dựng cơ bản 4.303 tỷ đồng.
Đến thăm hỏi, động viên các đơn vị khóa sổ quyết toán năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan tỉnh đạt được nhằm đảm bảo thu ngân sách trên địa bàn.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 5-7% so với dự toán giao. Tổng chi ngân sách địa phương giảm 10-11% so với dự toán...
Để thực hiện những mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các ngành tiếp tục thực hiện chủ trương của tỉnh là hỗ trợ tối đa, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị giao dịch, nâng cao chất lượng phục vụ... (baothuathienhue.vn 01/01)
4. Ai không quan trọng, miễn là đóng góp nhiều
Một nguồn thu ngân sách quan trọng nữa đó là thu từ quyền sử dụng đất. Nguồn thu này khoảng 3 năm qua có mức tăng trưởng vượt bậc.
Nhìn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh, chúng ta thấy “cán cân” nghiêng hẳn về khối ngoại, tức là nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). Điều này đúng với nền kinh tế Việt Nam và cũng đúng với nền kinh tế Thừa Thiên Huế. Chính vì sự quan trọng của khối ngoại nên lý giải vì sao chúng ta quan trọng kêu gọi thu hút đầu tư.
Năm 2020, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 8.455 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 7.992 tỷ đồng. Phân tích nguồn thu nội địa chúng ta thấy, trong tổng nguồn thu từ hoạt động doanh nghiệp là 3.785 tỷ thì thu từ khối ngoại đã là 2.400 tỷ đồng, tỷ lệ chiếm gần 65%. Nếu chúng ta xem xét tiếp trong tương quan hoạt động của doanh nghiệp với doanh nghiệp ở các khu vực, đặc biệt là doanh nghiệp địa phương, sẽ thấy khối ngoại áp đảo tuyệt đối: 2.400/205 tỷ đồng.
Trong tình cảnh hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn hết sức nhỏ bé, ngay doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn cũng chỉ đóng góp được chừng 160 tỷ đồng thì ngoài sự đóng góp của khối ngoại, nguồn thu ngân sách còn có hai “cứu cánh” – đó là thu ngoài quốc doanh (có thể hiểu là hộ kinh doanh cá thể) và thu từ tài nguyên (tiền sử dụng đất).
Nguồn thu ngoài quốc doanh năm 2020 đóng góp được 1.020 tỷ đồng. Nếu chúng ta nói hình tượng một chút, thì khu vực này, gồm hàng trăm ngàn hộ kinh doanh cá thể như những con ong miệt mài góp mật! Và khu vực này tuy quy mô nhỏ nhưng được ghi nhận là tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất cho người dân.
Một nguồn thu ngân sách quan trọng nữa đó là thu từ quyền sử dụng đất. Nguồn thu này khoảng 3 năm qua có mức tăng trưởng vượt bậc. Năm 2020 là một năm nguồn thu này có sự đột biến, tăng đến 2,6 lần so với so với dự toán, con số tuyệt đối là 2.100 tỷ đồng.
Nhìn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh, cũng có những ý kiến cho rằng nguồn thu thiếu bền vững! Ý kiến này lý giải sự thiếu bền vững chính là ở chỗ - nguồn thu quá phụ thuộc vào một vài khu vực, khi những khu vực này có những biến động, chẳng hạn như biến động tiêu cực thì lập tức “hầu bao” của tỉnh bị ảnh hưởng. Riêng tôi thì muốn có cái nhìn ngược lại, vì theo tôi, nói theo cách nói của một nhà chính trị nào đó, thì “mèo trắng mèo đen, mèo nào cũng là mèo, miễn là bắt được chuột”. Diễn giải tương tự ở đây là ai không quan trọng, miễn là đóng góp được nhiều cho ngân sách.
Nhưng lý do chủ yếu là, khi nội lực chúng ta chưa mạnh, dựa vào những động lực từ bên ngoài cũng là một lựa chọn khôn ngoan. Hàng chục năm qua, chúng ta thấy nguồn thu từ khu vực đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng đều đặn. Họ mang đến cho chúng ta vốn, công nghệ, kiến thức quản lý… và ngân sách. Hiện nay, khi đại dịch đang diễn ra đã tạo ra một sự dịch chuyển nguồn vốn FDI thấy rõ (nhằm cấu trúc lại chuỗi cung ứng) thì Việt Nam là một điểm đến. Và thực tế 11 tháng của năm 2020, Việt Nam đã đón nhận hơn 38 tỷ USD đăng ký đầu tư và phần lớn trong số ấy đã thực hiện. Thừa Thiên Huế nếu đón nhận được cơ hội này sẽ tạo nên một cú hích về thu ngân sách – chẳng những lớn hơn và còn bền vững hơn! Một yếu tố nữa, những tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh (cả trong và ngoài nước) đã “vào” Thừa Thiên Huế, tương lai sẽ tạo nên những đột biến về thu ngân sách.
Về nguồn thu từ sử dụng đất: có thể là trồi trụt, song chúng ta cũng hy vọng sẽ không những biến động lớn vì hiện tại, tỉnh đã định hướng quy hoạch và mở rộng đô thị Huế, tức là đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Đô thị hóa nhanh bao giờ cũng tạo ra nguồn thu lớn từ quyền sử dụng đất. Rồi dịch bệnh sẽ được kiểm soát, du lịch sẽ hồi phục… hướng đến một địa phương tự chủ được về ngân sách cũng là một động lực cho phát triển, trong đó có ngân sách. (baothuathienhue.vn 01/01)
5. Thưởng tết năm 2021: Chênh lệch giữa các doanh nghiệp
Mọi năm, tình hình tiền lương, thưởng tết giữa các doanh nghiệp (DN), ngành nghề cho người lao động đã có sự chênh lệch, thì năm nay với nhiều biến động do dịch bệnh, bão lụt, nên mức thưởng cũng khác biệt. Có DN, mức thưởng Tết Nguyên đán 395 triệu đồng/người, ngược lại vẫn có DN chỉ thưởng tết 50 nghìn đồng/người.
Tiền lương tăng, tiền thưởng giảm
Sau một năm chuyên tâm làm tốt công việc, dịp cuối năm, người lao động rất mong ngóng tiền thưởng tết. Tâm lý chung, ai cũng muốn năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh một số DN "ăn nên làm ra" và thưởng tết cho người lao động mức "khấm khá" thì vẫn có nhiều DN tụt dốc, làm ăn khó khăn chỉ thưởng cho nhân viên với mức "bèo bọt" mang tính động viên tinh thần.
Cập nhật báo cáo nhanh tình hình lao động, tiền lương năm 2020 và thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2021 của một số DN trên địa bàn tỉnh, nhìn chung mức lương bình quân giữa các loại hình DN năm 2020 có tăng hơn so với năm trước, với mức 6,13 triệu đồng/tháng/người. Trong đó, tiền lương thực trả cao nhất đối với công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 25 triệu đồng/tháng/người, thấp nhất 3,43 triệu đồng; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước cao nhất 50 triệu đồng, thấp nhất 3,67 triệu đồng; DN dân doanh cao nhất 128,8 triệu đồng, thấp nhất 3,5 triệu đồng; DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất 60 triệu đồng, thấp nhất 3,4 triệu đồng.
Mặc dù tiền lương thực trả cho người lao động năm 2020 tăng hơn so với các năm trước, song mức tiền thưởng trong DN không vì thế mà tăng theo, nhất là những DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ, vận tải, giáo dục đào tạo...
Một số DN gặp khó khăn trong kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các đợt bão lụt xảy ra trên địa bàn tỉnh, nên mức thưởng tết rất thấp, khiến không ít lao động ngậm ngùi. Chẳng hạn tiền thưởng Tết Dương lịch cho người lao động tại Công ty CP Du lịch Huế có mức thấp nhất chỉ 50 nghìn đồng/người. Mức thưởng Tết Nguyên đán dự kiến thấp nhất là 200 nghìn đồng/người thuộc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại & Thương mại Á Đông.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3.286 DN đang hoạt động, giảm 283 DN so với thời điểm đầu năm 2020, với tổng số lao động trên 91.120 người, giảm hơn 4.900 người so với đầu năm. Sở LĐTB&XH cho biết, đơn vị đã gửi công văn đề nghị báo cáo tình hình lao động, tiền lương năm 2020 và kế hoạch thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2021 đến 500 DN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, năm 2020 nhiều DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thiên tai bão lụt xảy ra, nên nhiều DN phải cân đối lại nguồn tài chính. Do đó, một số DN chưa có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động, việc thực hiện báo cáo chậm hơn, ít hơn so với các năm trước. Đến nay, Sở LĐTB&XH tiếp nhận được 73 DN báo cáo về tình hình tiền lương 2020 và kế hoạch thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021.
Thấp nhất 50 nghìn đồng, cao nhất 395 triệu đồng
Qua báo cáo nhanh tình hình tiền lương năm 2020 và thưởng Tết 2021 từ 73 DN hoạt động trên địa bàn tỉnh cung cấp cho thấy, đối với thưởng Tết Dương lịch 2021, mức thưởng cao nhất của DN chi trả cho người lao động là 30 triệu đồng và thấp nhất là 50 nghìn đồng. Trong đó, công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức thưởng cao nhất 23 triệu đồng/người, thấp nhất 500 nghìn đồng/người. Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước có mức thưởng cao nhất 30 triệu đồng/người, thấp nhất 50 nghìn đồng/người. DN dân doanh có mức thưởng cao nhất 17,5 triệu đồng/người, thấp nhất 200 nghìn đồng/người. DN FDI có mức thưởng cao nhất 9,7 triệu đồng/người, thấp nhất 100 nghìn đồng.
Đối với thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, mức thưởng dự kiến cao nhất của DN chi trả cho người lao động là 395 triệu đồng/người, thấp nhất là 200 nghìn đồng/người.
Cụ thể, đối với công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán Tân Sửu khoảng 4,38 triệu đồng. Mức thưởng dự kiến cao nhất là 10 triệu đồng (Công ty TNHH NN MTV Xổ số kiến thiết Thừa Thiên Huế), thấp nhất 2 triệu đồng (Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong).
Đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, mức thưởng dự kiến cao nhất là 60 triệu đồng (Công ty CP Xăng dầu dầu khí Thừa Thiên Huế), thấp nhất 1 triệu đồng (Công ty CP Cảng Chân Mây), bình quân đạt 6,66 triệu đồng/người.
Đối với DN dân doanh, mức thưởng dự kiến cao nhất là 395 triệu đồng (Công ty Frit Phú Xuân), thấp nhất 200 nghìn đồng (Công ty TNHH Du lịch và Thương mại & Thương mại Á Đông), bình quân 6,54 triệu đồng/người.
Đối với DN FDI, mức thưởng dự kiến cao nhất 40,1 triệu đồng (Công ty TNHH Hanesbrands VietNam, thấp nhất 3,6 triệu đồng (Công ty TNHH MSV), bình quân đạt 8,986 triệu đồng/người.
Chỉ với 73 DN gửi báo cáo thưởng tết về Sở LĐTBXH, nên những con số trên có thể chưa phản ánh đầy đủ bức tranh thưởng tết của người lao động trên toàn tỉnh. Song, để đảm bảo cho người lao động an tâm làm việc và đón một cái tết sum vầy, nhiều DN khẳng định đang cân đối để đảm bảo có tiền thưởng tết cho người lao động, dù có thể thấp hơn so với năm trước. (baothuathienhue.vn 31/12)
6. Trách nhiệm với chất lượng từng con cá, con tôm
Vùng đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất vùng Đông Nam Á, với diện tích 22.000 ha mặt nước, kéo dài hơn 68km dọc bờ biển tỉnh.
Vùng nuôi trồng thủy sản trên đầm phá trải dài qua 5 huyện, thị xã: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc với diện tích khoảng trên 7.300 ha. Mỗi năm, đầm phá cung cấp hàng ngàn tấn thủy sản từ hoạt động khai thác và nuôi trường thủy sản với nhiều loài đặc hữu, cho giá trị kinh tế cao.
Không chỉ có giá trị xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ nguồn cá, tôm và các loại thủy sản vùng đầm phá tập trung ở nội địa chiếm tỷ lệ rất lớn. Theo một điều tra khảo sát trong phạm vi nhỏ tình hình tiêu thụ cá của người dân huyện Phú Lộc của một giảng viên Khoa Hoá, Trường đại học Khoa học-Đại học Huế, 98% số người được hỏi có tiêu thụ cá hoặc sản phẩm làm từ cá. Tần suất tiêu thụ cá của các gia đình hầu hết từ 4- 5 lần/tuần; khoảng 1/6 gia đình tiêu thụ với tần suất 6 lần/tuần. Tần suất tiêu thụ này chứng tỏ cá, tôm và các loài thủy hải sản là nhu cầu thiết yếu trong chế độ ăn hàng ngày của mỗi người dân.
Theo một số nhà chuyên môn, với nguồn nước lợ đặc trưng, hình thức nuôi có sự trao đổi nước thường xuyên, phương thức nuôi bán thâm canh ở dạng thấp, không sử dụng hoá chất... nên tạo được sản phẩm thủy sản có chất lượng tốt, an toàn. Tuy nhiên, một vài ý kiến khác cho rằng, những năm gần đây, môi trường đầm phá có sự biến động khá lớn. Trong đó, chịu những tác động do quá trình dịch chuyển, bồi lấp các cửa biển; các cửa đập, hồ thủy điện làm hạn chế lưu thông trao đổi nước, thay đổi không thuận lợi về đặc điểm thủy lý, thủy hoá nước đầm phá. Ngoài ra, nghề nuôi tôm chắn sáo với việc ngăn mùng dày đặc nhiều tầng nhiều lớp, các nghề khai thác cố định... làm giảm vận tốc dòng chảy, giảm sự trao đổi nước sạch. Mức thủy triều thấp, bùn thải trong quá trình cải tạo ao đều được đưa trực tiếp ra đầm phá gây nên hiện tượng nông hoá đầm phá, làm tăng nguy cơ ô nhiễm hữu cơ. Chưa kể đầm phá đang hứng chịu nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn thải từ nhiều ngành nghề sản xuất như trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề...
Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra sự liên quan giữa phơi nhiễm chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) tới khả năng gây ra các bệnh về gen, sinh sản, thần kinh, miễn dịch, ung thư... đối với một số loài cá, chim và động vật có vú. Cùng với đó, sự tích lũy các kim loại nặng trong trầm tích gây ô nhiễm môi trường trầm tích đáy và thâm nhập vào cơ thể sinh vật, theo chuỗi thức ăn chuyển hoá vào vật nuôi, cây trồng và sau đó trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến sức khỏe con người. Mặc dù, một số kim loại nặng là những nguyên tố vi lượng cần thiết cho con người, nhưng với nồng độ nhỏ, nhưng với nồng độ lớn sẽ gây cản trở một số quá trình sinh hoá trong cơ thể.
Để khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên vùng đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai, đồng thời cung cấp sản phẩm thủy hải sản vừa có năng suất, an toàn về chất lượng, đó là cần hỗ trợ, thúc đẩy chính sách khuyến khích nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP, nuôi theo hướng hữu cơ. Một khi tạo ra được sản phẩm xanh, an toàn về chất lượng, an toàn về dịch bệnh và môi trường sẽ càng nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân và an sinh xã hội. (baothuathienhue.vn 31/12)
7. Hiệu quả từ vốn vay tín dụng chính sách ở vùng ven Thừa Thiên Huế
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế đã không ngừng phát triển, thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ chuyển tải vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương.
Với số tiền vay từ chương trình vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, gia đình anh Đoàn Văn Hiền đầu tư nuôi cá chình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ Ban thường vụ Huyện ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện và các tổ chức chính trị xã hội. Đặc biệt, NHCSXH huyện đã tăng cường các giải pháp đưa nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng thụ hưởng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giúp dân giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Anh Đoàn Văn Hiền (SN 1973, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế) chia sẻ, tháng 11/2019, gia đình anh được vay vốn chương trình vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc, với số tiền vay 50 triệu đồng.
“Từ số tiền vay trên cùng với số tiền tích góp được, gia đình tôi đã đầu tư mở rộng mô hình nuôi cá chình bằng bể xi măng, với diện tích 400 m2 và thả nuôi 600 con cá chình giống. Cá được nuôi khoảng thời gian từ 18-24 tháng; khi cá đạt bình quân từ 1,5-2kg/con sẽ được xuất bán. Sau khi trừ đi chi phí nuôi, bình quân gia đình tôi thu lợi nhuận từ 70-100 triệu đồng/năm” - anh Hiền cho biết thêm.
Không chỉ riêng gia đình anh Hiền, tại xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc) nhiều hộ dân được tiếp cận nguồn vay từ NHCSXH để đầu tư sản xuất, kinh doanh ổn đinh cuộc sống. Anh Đoàn Trọng Tiến (SN 1986, thôn 1 xã Vinh Mỹ) chia sẻ, giữa năm 2017, sau khi tiếp cận được nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc để sản xuất kinh doanh, anh đã mạnh dạn vay thêm anh em, bạn bè để mở một xưởng may tại nhà. Đến nay, xưởng may đã tạo công ăn việc làm cho hơn 50 công nhân, thu nhập bình quân mỗi công nhân từ 3 đến 9 triệu đồng/tháng.
Theo bà Lê Thanh Bình, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc (tỉnh TT- Huế), đến ngày 30/11/2020 tổng nguồn vốn tại đơn vị là 366.169 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương: 353.141 triệu đồng, nguồn vốn địa phương: 12.390 triệu đồng. Tổng dư nợ: 362.301 triệu đồng; tăng 30.564 triệu đồng so đầu năm 2020, với 288 tổ TK&VV, dư nợ bình quân là 1.258 triệu đồng/tổ. Hiện toàn huyện có 11/17 xã không có nợ quá hạn gồm: Lộc An, Lộc Sơn, Lộc Bình, Lộc Tiến, Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Xuân Lộc, Thị trấn Phú Lộc, Lộc Hòa, Lộc Thủy, Giang hải chiếm 64,7% tổng số xã trên địa bàn.
Từ hiệu quả đó, trong thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người dân tiếp cận vốn vay hiệu quả nhất để phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình trên địa bàn các xã, thị trấn. (baophapluat.vn 31/12)